14/2/14

Lời Nguyền Rủa Của Thế Vận Hội


Saturday, February 15, 2014

Lời Nguyền Rủa Của Thế Vận Hội

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 140214  

Sau giấc mơ Thế Vận, Vladimir Putin làm gì? 


 * Hai hình bìa mát lạnh của The Economist và The New Yorker - Báo Anh vẫn thâm hơn báo Mỹ! * 



Sau nhiều trục trặc, Thế vận hội mùa Đông tại Sochi đã đi hết nửa đường trong yên bình. Tổng thống Vladimir Putin có thể toại nguyện với giấc mơ tốn kém của ông ta. Nhưng để làm gì?


Từ năm 776 trước Tây lịch, trong 1170 năm, Thế vận hội Olympia là một sinh hoạt tôn giáo cổ Hy Lạp để bốn năm một lần tôn vinh các thần linh Hy Lạp - và để các tỉnh-thành và quốc gia phô trong Đế quốc Hy Lạp trương sức mạnh. Sau khi Hy Lạp bị La Mã khuất phục thì từ năm 394, Hoàng đế Flavius Theodosius Augustus hủy bỏ truyền thống tôn giáo này khi áp đặt Thiên chúa giáo trên cả Đế quốc rộng lớn của La Mã.

Đúng 1500 năm sau, qua thế kỷ 19, truyền thống Thế vận được Nam tước Pierre de Coubertin người Pháp đề nghị tái lập vào năm 1894, và lần đầu được tổ chức tại thủ đô Athens của Hy Lạp vào năm 1896. Mục đích là ngợi ca sức mạnh của các nước khi khái niệm quốc gia đã phát triển mạnh tại Âu Châu. Đấy là cơ hội cho các nước biểu dương sức mạnh và ganh đua một cách hoà bình. Mặt lý tưởng của Thế vận hội là như vậy và quả nhiên là ý tưởng đó được các nước hưởng ứng.

Nhưng kể từ đó, nhiều quốc gia muốn tổ chức Thế vận hội để gây ấn tượng về sự hùng mạnh của mình trước dư luận thế giới.

Năm 1936, Đức quốc xã đã tổ chức cả Thế vận hội mùa Hè tại Berlin lẫn mùa Đông tạiGarmisch-Partenkirchen để phô trương thành tích của Adolf Hitler. Gần đây hơn, năm 2008, Trung Quốc cũng dùng Thế vận Bắc Kinh để chứng minh sự tái xuất hiện của một cường quốc hiện đại, một đế quốc ở trung tâm thế giới. Ở giữa, Nhật Bản đã có Thế vận Tokyo năm 1964 để ra mắt một quốc gia phú cường đã được tái thiết và phát triển theo thể chế dân chủ. Rồi Mexico tổ chức Thế vận hội tại Mexico City vào năm 1968 để cho thấy vai vế "tân hưng" của mình trong khu vực Trung Nam Mỹ. Sau đó là Thế vận Seoul năm 1988 để Nam Hàn tiến vào thành phần các quốc gia tiên tiến....

Đấy là về bối cảnh.

Năm 1980, Liên bang Xô viết đã có dịp biểu dương với Thế vận hội ở Moscow. Mà hụt.

Lần đó, giữa thời Chiến tranh lạnh, nước Nga cụt hứng vì Hoa Kỳ dẫn đầu nhiều quốc gia tẩy chay Thế vận Moscow sau khi Liên Xô tấn công Afghanistan năm 1979. Chưa đầy 10 năm sau thì Liên bang Xô viết tan rã năm 1989 rồi sụp đổ năm 1991. Sau đấy là 10 năm khủng hoảng của Liên bang Nga dưới triều đại Bosis Yeltsin, với cao điểm là vụ vỡ nợ năm 1998 vì hiệu ứng khủng hoảng Đông Á 1997.

Lên lãnh đạo từ năm 1999, Vladimir Putin muốn rửa mối nhục Thế vận 1980 và trang điểm lại diện mạo của Liên bang Nga sau cả chục năm khủng hoảng. Ông nỗ lực tập trung quyền lực bên trong, với tiền tài và bàn tay sắt, và cố gắng chinh phục lại ảnh hưởng đã mất ở bên ngoài.

Vì vậy, Thế vận hội mùa Đông tại Sochi trở thành một chương trình phô trương tốn đến 51 tỷ đô la, gấp bốn dự tính ban đầu khi Nga xin đăng cai tổ chức.

Nguy cơ khủng bố Hồi giáo từ Chechnya và Dagestan còn khiến Thế vận Sochi tiến hành trong không khí thiết quân luật, khẩn trương chẳng khác gì Thế vận Bắc Kinh vào năm 2008. Cấp số nhân viên an ninh còn cao hơn số lực sĩ tranh tài. Những vụng về luộm thuộm của việc tổ chức hay sự chấm mút của các phe nhóm trong việc thực hiện chỉ là sự nhỏ, rồi sẽ được quên!


***

Nhiều người đã phân tách sự lợi hại kinh tế của Thế vận hội.

Quốc gia tổ chức thường tốn kém rất nhiều để xây dựng một hạ tầng cơ sở lớn lao và nhiều dinh thự nguy nga mà sau đó không được tận dụng hết cho sinh hoạt kinh tế thường nhật. Nhưng lãnh đạo là người nhìn rộng: mối lợi vô hình, là uy tín chính trị của quốc gia, phải được tính trong bảng kế toán kinh tế đó! Khi ấy. người ta mới nói đến chuyện "Thế vận hạn".

Đó là lời nguyền rủa của Thế vận hội, thường xảy ra cho nhiều quốc gia độc tài đã đua đòi đốt pháo để phô trương thành tích và sau đó là vập mặt.

Gần đây nhất là Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Chính quyền Trung Quốc chẳng từ nan một khoản chi nào và ra tay kiểm soát cả thủ đô để bày ra một cuộc vui đắt đỏ cho Thiên triều đỏ.

Chưa nói đến việc bắt giữ những người bất đồng chính kiến, ngay từ Tháng Ba năm đó, Thế vận Bắc Kinh là cơ hội biểu tình và xô xát của dân Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo và của dân Tây Tạng đòi quyền tự trị. Đuốc Thế vận chạy đến đâu cũng bị phong trào tự do và dân chủ dàn chào. Và sau mùa vinh hiển của Thế vận, lãnh đạo Bắc Kinh bắt đầu nhìn vào núi nợ và e ngại trào lưu suy thoái của kinh tế Trung Quốc. Đấy là chuyện thời sự ngày nay.

Trước đó hai thế hệ, Thế vận hội Berlin năm 1936 cũng mở màn cho trận Thế chiến khiến nước Đức bị tàn phá và đồng minh đánh bại.

Một ngoại lệ đáng chú ý trong chuỗi Thế vận gian nan này là Thế vận hội 1988 tại Hán Thành.

Nam Hàn đã mơ Thế vận từ chục năm trước. Sau khi Tổng thống Phác Chính Hy bị ám sát năm 1979, Thiếu tướng Toàn Đẩu Hoan (Chun Doo-hwan) lên làm Tổng thống, ông vẫn theo đuổi giấc mộng và nộp đơn xin tổ chức năm 1981, với hy vọng là Thế vận hội Hán Thành sẽ tỏa sáng lên những thành tựu kinh tế và che bớt những tối ám của ách độc tài.

Đây là điều hợp lý. Chỉ vì một thế hệ sau Thế vận Đông Kinh 1964 của Nhật Bản, Thế vận Hán Thành sẽ cho thấy vai vế của Đại Hàn Dân Quốc tại Đông Á và còn vận động được hậu thuẫn quốc tế trước sự hung hăng của Bắc Hàn Cộng sản.

Nhưng chính là viễn ảnh tổ chức Thế vận lại gây hậu quả bất ngờ.

Từ Tháng Sáu năm 1987, phong trào biểu tình đòi dân chủ đã đe dọa triển vọng tổ chức Thế vận khiến Chính quyền Toàn Đẩu Hoan phải nhượng bộ, cho tổ chức bầu cử Tổng thống theo thể thức trực tiếp vào cuối năm. Ông Lỗ Thái Ngu (Roh Tae-wo) đắc cử Tổng thống vào Tháng 12 năm 1987 và là nhân vật giao thời đưa Nam Hàn qua chế độ dân chủ.

Nhờ vậy, Thế vận hội Hán Thành có góp phần chuyển hóa Nam Hàn, một nước tân hưng hiếm hoi đã lên tới hàng ngũ công nghiệp hoá với chế độ dân chủ. Các nước độc tài kia thì gặp hoạn nạn sau khi nhạc lắng mây chìm.

Đấy là hoàn cảnh của Liên bang Nga ngày nay.


***


Vladimir Putin đã ra sức củng cố Liên bang Nga và giành lại ảnh hưởng đã có từ thời Liên Xô trên các nước Cộng hoà ở vòng ngoại vi và phô bày thành tựu của mình nhờ Thế vận Sochi.

Nhưng sau hơn chục năm bành trướng thế lực của Nga, Putin đang đứng trước những thách thức mới từ vùng biên tế vào đến ruột gan bên trong.

Nhỏ nhoi không đáng kể - chưa được truyền thông Tây phương nhắc tới – là vụ khủng hoảng tài chánh tại Cộng hòa Kazakhstan. Là những tuần dài biểu tình tại Cộng hòa Ukraina, và là nỗ lực của hai nước Cộng hòa Georgia và Moldovia để hội nhập vào Âu Châu, tức là tách khỏi quỹ đạo Nga.

Khi xứ Kazakh phá giá đồng bạc hôm 11 vừa qua, biến động hối đoái lan rộng tại Trung Á đã gây trở ngại cho kế hoạch xây dựng Liên hiệp Quan thuế Âu Á mà Putin muốn hoàn thành vào năm 2015 để từ Tây sang Đông sẽ có một lực đối trọng với Liên hiệp Âu châu.

Thế vận Sochi còn khiến Putin phải chùn tay trước vụ khủng hoảng Ukraine khi dân chúng miền Tây quyết liệt chống đối kế hoạch hội nhập của Tổng thống Viktor Yanukovich với Liên bang Nga. Việc hai nước ở hướng Tây và hướng Nam là Georgia và Moldovia quyết liệt ngả theo Âu Châu càng làm Putin thấy bị hở lườn và bao vây tứ phía.

Và trong khu vực Caucasus, phong trào ly khai lẫn hành động khủng bố của của dân Hồi giáo tại bảy nước Cộng hoà Hồi giáo nằm ngang từ Hắc hải đến biển Caspian là một mối lo sinh tử về an ninh cho nước Nga. Từ Addigea ở phía Bắc hải cảng Sochi bên bờ Hắc hải cho tới Karachay-Cherkessia, đến Kabardino-Balkaria, Bắc Odessia, Izgushetia, Chechnya và Dagestan ở biển Caspian, mầm bất ổn với các nhóm dân quân và khủng bố tự sát đã hâm nóng mối lo ngàn đời của nước Nga.

Ở vòng ngoại vi thì như vậy, ngay bên trong Putin còn có một bài toán nan giải khác.

Vì thể chế quái đản của mình, nước Nga có 83 vùng địa phương với những quy chế khác biệt của tỉnh, thành phố, hay Cộng hoà trong Liên bang, v.v... Trong số 83 địa phương này, có 63 đang bị nguy cơ vỡ nợ vì bội chi ngân sách và cần trung ương cấp cứu về tài chánh. Mà trung ương của Putin thì chưa hết lo vì tình hình kinh tế suy trầm, với đà tăng trưởng chỉ có 1,5% so với chỉ tiêu 3-4%. Sức bật duy nhất của kinh tế Nga là dầu thô và khí đốt thì đang ở vào cảnh sa sút, bị nguy cơ sụt giá. Đấy là lúc thiên hạ phát giác sự lạ. Hoa Kỳ đã lặng lẽ vượt Nga và đang vượt Saudi Arabia để thành quốc gia sản xuất dầu khí số một của thế giới!

Và nước Mỹ mới chỉ nhấp chân đạp thắng về tiền tệ - giảm bớt đà bơm tiền mỗi tháng 10 tỷ -  là cả thế giới đã chấn động. Các nền kinh tế đang lên đều chới với, kể cả Liên bang Nga.

Cho nên còn vui được thì cứ vui. Sau Thế vận hội Sochi, nước Nga sẽ bước qua trang khác....


Source : Việt Báo  , dainamax tribune

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét