3/7/07

Đặng Tiến -ĐọcTHÂN PHẬN của HOÀI KHANH

ĐọcTHÂN PHẬN của HOÀI KHANH





Nếu Thượng Đế hữu hình người sẽ khóc một câu thơ của Hoài Khanh nghe dường như muốn ràn rụa nước mắt.

Tôi đã đọc nhiều câu thơ thật buồn :

Chao ôi ghê qua trong tư tưởng

Một vũng hoang liêu cũ vạn đời



Nhưng tưởng muốn cảm thấy nỗi buồn ghê rợn, ma quái ấy phải mang trong thân phận một căn bịnh hủi như Hàn Mặc Tử. Nỗi buồn bệnh lý kia vẫn xa xôi.

Tôi đã ngậm ngùi với nỗi xa vắng, mênh mông, đằng đằng của Huy Cận :

Một chiếc linh hồn nhỏ

Mang mang thiên cổ sầu



Nhưng lại là nỗi buồn vạn cổ của thi nhân theo lời Xuân Diệu, làm tâm sự cơn gió nức nở trên rặng phi lao hay bóng mây bay qua cảnh lưng đèo quán chật.

Đọc Hoài Khanh, tôi cảm thấy sống dậy trong lòng nỗi buồn chính mình vừa bắt gặp hôm qua.

Nếu Thượng Đế hữu hình người sẽ khóc. Tôi chạnh nhớ đến Heine qua một câu thơ dịch sang tiếng Pháp :

Ces larmes qui n’ont pas été pleurées

(Những giọt lệ chưa bao giờ được khóc)



Hoài Khanh còn là một nhà thơ trẻ, trưởng thành trong cảnh xô bồ của một xã hội chưa tìm được lối đi. Anh đã làm quen với độc giả, với tập Dâng Rừng xuất bản năm 1957.

Hoài Khanh của Dâng Rừng là một chàng trai, vui tươi, hý hửng với những buổi mai hồng hẹn hò một hoàng hôn ngập nắng :

Thế hệ hai mươi vườn hoa thơm nắng

Nghe diụ hiền thắm thiết với sao trăng

Bước chân đi đường rộng mấy mươi lần

Mơ hay tỉnh hỡi thiên đàng rực rỡ ?

Dâng Rừng tr. 28



Niềm vui dễ dãi ấy đã tìm đến những vần điệu cổ điển, cổ điển đến thành khuôn sáo. Đọc Dâng Rừng sẽ bắt gặp những lời, những ý, những cảm xúc, những vần điệu tiền chế :

Nát từng nếp áo hoàng hoa

Tâm tư lạnh cả bài ca độc hành

Dâng Rừng tr. 30



Tâm hồn dễ dãi như vậy, kỹ thuật làm thơ khuôn sáo như vậy, thi phẩm đã không tạo cho Hoài Khanh một chỗ đứng nào cả.

Sang đến Thân Phận con người thực Hoài Khanh và nhà thơ Hoài Khanh đã đổi khác. Trong khoảng năm năm, nỗi buồn của một thế kỷ đã chồng chất tâm sự Hoài Khanh.

Trong thơ chàng luôn luôn có cái ám ảnh của thời gian; bài thơ đầu là Sau lưng ngày tháng, bài thứ hai là Thời gian, tiếp theo là Ngày tháng trôi qua, Hao mòn…và cứ như thế giòng thời gian liên tục xoáy vào tâm hồn Hoài Khanh những vũng hoang liêu :

Tháng ngày qua hôm nay nữa dần trôi

Rồi như thế tôi biết làm sao được

Tr. 14



Tượng trưng cho thời gian là những giòng sông. Thi nhân vốn yêu giòng nước chảy từ một Apollinaire :

Sous le pont Mirabeau coule la Seine

Et nos amours

Faut-il qu’il m’en souvienne.



(Dưới cầu Mirabeau xuôi chảy nước sông Seine

Và tình ta

Cần chi mà nhớ mãi)



Đến một Nguyên Sa :

Hãy đưa tôi ra bờ sông

Để tôi nhìn cho rõ

Tôi nhìn giòng nước chảy

Tôi nhìn tôi bơ vơ.



Trong Hoài Khanh, giòng nước luân lưu là khung cảng thường xuyên của thi hứng :

Thôi em đời một lần quên

Dòng sông thưở ấy lênh đênh mất rồi.

tr. 70

Nước ơi sông vẫn còn đây

Hồn ơi thơ vẫn lên đầy không trung

tr. 12

Khi Huy Cận viết :

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả



Thì giòng sông và thi nhân vẫn là hai thực thể xa nhau. Con sông của Hoài Khanh là một linh hồn, một tri kỷ :

Con sông nào đã xa nguồn

Thì con sông ấy sẽ buồn với tôi

tr. 24



Những hình ảnh khác trong Thân Phận cũng lại là những sự vật luân chuyển. Những áng mây bay đi sẽ không bao giờ trở lại :

Còn gì nữa với mây trời đang trắng

Đã vô tình trôi mãi bến sông xa

tr. 16



Ánh sáng trong Thân Phận cũng mong manh, ánh nắng hoàng hôn ngả sang bóng tối, với những sợi khói tan mờ trong gió thoảng.

Âm thanh trong Thân Phận là một điệu nhạc mơ hồ, đìu hiu trong lau lách, xa vắng như từ một kiếp nào thổi lại.

Hoài Khanh chỉ mến thương những chiếc lá sắp sửa không còn là lá :

Những ngày xanh những mầm xanh

Tôi nhìn chiếc lá rơi cành mà thương

tr. 68



Rồi đến tà áo của người yêu cũng chỉ xuất hiện để chợt biến trong niềm ly biệt thường xuyên của mây nước :

Màu áo đó phất phơ màu vĩnh biệt

Bay về đâu xin còn lại linh hồn.

tr. 29



Trong sự thay đổi của linh hồn, Hoài Khanh nhìn sang những sự vật bằng hữu chung quanh đều thấy muôn màu đều chợt biến :

Nhưng núi rừng ngày tháng đã là mây

Bay vô định, tôi một loài vô định

tr. 58



Hoài Khanh chấp nhận ngoan ngoãn số phận thoảng qua. Niềm biệt ly thường trực và chua xót trong lòng chàng đã được gói ghém trong một bài thơ thật hay. Tôi xin trích trọn vẹn vì bài thơ này tượng trưng cho hồn thơ và lời thơ của Hoài Khanh. Thiết tưởng viết một trăm trang trình bày không bằng để cho tác giả tự nói trọn vẹn tiếng nói của mình :



Người em gái trở về đây một bận

Con đường câm bỗng sáng ánh diệu kỳ

Tôi lẩn trốn vì thấy mình không thể

Mây của trời rồi gió sẽ mang đi



Em thì vẫn nụ cười xanh mắt biếc

màu cô đơn trên suối tóc la đà

còn gì nữa với mây trời đang trắng

Đã vô tình trôi mãi bến sông xa



Thôi nước mắt đã ghi lời trên đá

Và cô đơn đã ghi dấu trên tay

Chân đã bước trên lối về hoang vắng

Còn chăng em nghĩa sống ngực căng đầy



Quá khứ đó dòng sông em sẽ ngủ

Giấc chiêm bao nguyên vẹn có bao giờ

Ta sẽ gặp trong ý tình vũ bão

Con thuyền hồn trở laị bến hoang sơ



Rồi em lại ra đi như đã đến

Dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù

Tôi ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng

Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu,

(Ngồi lại bên cầu tr. 16)



Tôi tưởng đây là một trong những bài thơ hay của Hoài Khanh và của thi ca hậu chiến. Tình ý rất bình thản và kín đáo gây được những cảm xúc lâu dài và thắm thía. Hình ảnh trực tiếp tạo cho ngôn ngữ một gia tài riêng phong phú, và vượt hẳn những ngôn ngữ không phải là thi ca. Âm điệu nhịp nhàng và uyển chuyển, nhẹ như mây bay, buồn như nước chảy, êm đềm như một cuộc chia ly, trong tâm trạng của kẻ lẩn trốn vì thấy mình không thể…



Thỉnh thoảng người đọc Thân Phận đã bắt gặp nỗi buồn thản nhiên, ngậm ngùi, chua xót của một Verlaine.

Mỗi con người đều bị thời gian cuốn đi. Sở dĩ Hoài Khanh thường nói đến thời gian, vì chàng có một ý thức lưu đày trong thời gian : mỗi ngày mỗi tháng trôi qua, mòn mỏi một ít cô đơn, mà Hoài Khanh thì vẫn còn trơ vơ với số phận.

Sau lưng là một khoảng hư vô, trước mặt là con đường vô định :

Nước xuôi lạnh một giòng sầu

Biết về đâu hỡi mấy màu thời gian

tr. 24



Hoài Khanh tự biết mình đã luân hồi lộn kiếp, kiếp người - nhất là con người đa mang sầu hận - là một sự lưu đày mà chàng vô tình gánh chịu. Chàng tự hỏi kiếp sau sẽ làm gì.

Ta sẽ chết và rồi em cũng sẽ

Đành bỏ đi những luyến nhớ một thời

Những buồn giận cùng tấm lòng ước vọng

Sẽ là gì trong một kiếp xa xôi ?

tr. 36



Có lẽ trong tiềm thức chàng cũng chỉ ước mong như người xưa làm cây thông đứng giữa trời mà reo.

Con người từ chối tương lai ấy luôn luôn có cái thái độ ngoái lại :

Ôi đồi thông những chiều nghiêng nhớ nắng

Lòng ta trôi chiều cũ dưới chân đèo

Gió heo hút dường nghe niềm u hận

Em đi rồi ta vẫn đứng nhìn theo

tr. 29



Hoài Khanh run sợ sự cô độc, phải chăng là trong sự cô độc kia, loài chim mù sẽ tiếc nuối đôi cánh trắng như sương ? Chàng sẽ vui sướng trong gặp gỡ, dù chỉ là gặp gỡ mong manh của sự sống, dù chỉ là sự sống xa lạ :

Tiếng xe đò bỗng gặp giữa rừng mưa

Vui biết mấy một tiếng còi đơn độc

Rồi chuyến xe đi đường dài nối dốc

Biết làm sao tìm lại dẫu qua rồi

Tiếng còi buồn thông cảm đã xa xôi

Thế là hết mỏng manh niềm hạnh ngộ

tr.19



Trong Hoài Khanh là tiếng còi tàu đang tắt ngấm, là chiếc khăn tay đang mờ trong sương khói, là mùi hương trong mái tóc còn vương trong hơi gió, là tiếng ân tình còn thì thầm trong lau lách. Trong Hoài Khanh là sự giã biệt muôn đời của vật đổi sao dời, của người đi kẻ ở. Cuộc sống của người thơ chỉ là một âm thanh lướt nhẹ trên phím tơ, lúc gặp tri kỷ thì đã trở thành dư âm của một thời xưa thiên cổ.

Những câu thơ hay của Hoài Khanh là những cảm giác đong đưa dịu nhẹ :

Em đi lạnh một giòng mưa

Nguồn thanh xuân đó già nua nhánh cành

Bãi tràn phơi nắng chiều hanh

Gió thương cây lá long lanh giọt đàn

tr. 27



Nhưng mối sầu của Hoài Khanh trái lại đôi khi mãnh liệt xô bồ như một tản núi u sầu vĩ đại cuốn theo giòng thời gian âm thầm thác lũ. Tấn thảm kịch bi thiết đó diễn khi Hoài Khanh, con người của một kiếp khác, muôn xưa đã sống trong rực rỡ huy hoàng nay muốn trở về trần gian tìm lại cuộc đời sang chói :

Ta là gió của nghìn năm xưa cũ

Tiếc huy hoàng một thưở trở về đây

Ta là nhạc của luân hồi chín kiếp

Hồn trầm luân thắm máu những bàn tay

tr. 34



Tâm tình của Hoài Khanh còn bi thiết gấp mấy lần của Lưu Thần Nguyễn Triệu lúc đòi trở lại trần gian. Vì loài đà điểu của sa mạc, loài hải âu của đại dương, loài đại thọ ở rừng già đã hồi sinh trong một căn phòng hẹp. Loài đà điểu kia vẫn tiếp tục nuôi trong linh hồn chân trời sa mạc, loài hải âu kia vẫn tương tư muôn trùng sóng gió cũng như loài đại thọ vẫn tìm mãi trong không gian lớp khói rừng bay lên từ những hốc đá của dĩ vãng. Cho đến một ngày kia, đôi chân đà điểu, đôi cánh hải âu, rễ cành đại thọ tàn lụi và mối sầu muôn thế kỷ chồng chất vào một giấc mơ muôn đời tuyệt vọng :

Vai mình mang một quê hương

Còn mang nặng cả nỗi buồn tử sinh.

tr. 86



Nỗi tuyệt vọng của Hoài Khanh bắt nguồn từ một tấm lòng vị tha đọa đày trong một xã hội tăm tối. Ôi đẹp làm sao giấc mơ của tuổi trẻ như đại dương :

Ta từng mơ một con đường dẫn lộ

Kết tình thương giữa tất cả người người

Và hạnh phúc tuôn tràn như thác nước

Trên cuộc đời không ai thét : cho tôi

tr. 36



Hoài Khanh dễ yêu ở mối tình quê hương và nhân loại bàn bạc trong ý thơ. Tâm hồn chàng có lóe lên một tia nắng ấm, tia nắng ấy chàng sẽ trao về cho đồng loại. Tôi nhớ đến thuyết le pessimisme actif của Camus, tôi nhớ đến những thanh niên đi tìm lãng quên trong hạnh phúc của đồng loại.

Bao giờ đem nắng mười phương lại

Rộn rã nhân gian những tiếng cười

tr. 47



Hoài Khanh nuôi dưỡng tình vị tha cao qúy đó trong tình yêu của một người con gái

Em giúp tôi thấy lại hồn mình

Gìn giữ lại những mối tình đã mất

Tình yêu

Tổ quốc

Quê hương

tr. 53



Làm sao đọc những vần thơ tình như thế mà ngăn được ngậm ngùi, cảm động ?

Loài người vốn thường hay nuôi dưỡng những mối tình rộng lớn bằng những niềm mến thương nho nhỏ. Quê hương đâu phải chỉ là một cành hoa cải lung linh trong nắng chiều hay mùi hương hoa cau phảng phất trong hơi gió những lúc nửa đêm về sáng ? Nhưng đó lại là những hương sắc nuôi nấng tình yêu quê hương. Hoài Khanh vùng vẫy để vượt qua nỗi bi quan bằng mãnh lực của một mối tình nhỏ bé.

Rồi em đến một chiều xưa man rợ

Khói sương tan trong vũng máu thiên đường

Ta cúi đầu giữa một trời thê lương

Ôm sự sống trong bàn tay bé nhỏ

Và như thế đóa hoa tình đã nở

tr. 83



Hoài Khanh sẽ bắt chợt đôi niềm vui tình cờ nhưng thành thật, thiết tha

Em đã đến ta mừng ra nước mắt

tr. 81



Qủa thật đây là một lời tâm sự giản dị thật thà đến rớm lệ. Còn giản dị hơn nữa là bài thi ca tình ái :

Buổi em về hai đứa hát yêu thương

tr. 77



Hoài Khanh không thuộc vào hạng thanh niên nổi loạn “chống hư vô” của thời đại. Ngay cái đề “ Thân Phận” đã ngụ một ý chấp nhận. Hoài Khanh chỉ là một loài cỏ hiền lành ngoan ngoãn vâng theo lời gió dạy, theo một ý của Tô Thùy Yên. Hoài Khanh thú nhận điều đó :

Trước cuộc sống cúi đầu yêu định mệnh

tr. 78



Hiền lành ngoan ngoãn như thế, Hoài Khanh vẫn giữ kỹ thuật làm thơ cũ : lục bát thật thà, hay thơ tám chữ chừng mực. Từ nội dung đến hình thức Hoài Khanh không phá phách, thách đố.

Thỉnh thoảng có những ý những lời rất cũ, làm nhớ một Vũ Hoàng Chương.

Rưng rưng ý cũ

Hẹn thắm bình minh trải lối về

Người ơi chừ hẹn ước

Nằm đây ấm lạnh hồn phong vũ

Hơi buồn trong gió cứ lê thê

tr. 47



Cho đến những câu :

Ai ngàn xưa ? ai ngàn sau ?

Tháng năm vàng xuống bờ lau tội tình

tr. 62



làm nhớ đến Trần tử Ngang :

Tiền bất kiến cổ nhân

Hậu bất tri lai giả…



Toàn tập chỉ có một bài thất ngôn, âm điệu trầm buồn, bâng khuâng.

Trong mắt những người tâm sự ấy

Mây ngàn năm cũ bay lênh đênh

tr. 60



Đọc những câu trên chưa ai quên được âm điệu xa xăm của một Quang Dũng :

Nghìn thước lên cao nghìn thước xuống

Nhà ai pha luông mưa xa khơi



Cũ không có nghĩa là sáo ; trái lại đôi khi cố ý làm ra mới lại thành sáo. Trong lúc thi ca Việt Nam chưa tìm ra được một đường lối mới, chưa khai thác được những giá trị của ngôn ngữ, những vần điệu cổ điển của Hoài Khanh còn đủ mãnh lực để quyến rũ người đọc.

Phải tóm tắt thế nào những nhận xét về Thân Phận ?

Hoài Khanh con người giàu lòng vị tha bất mãn trước xã hội, con người cô đơn đi tìm niềm vui trong mối tình nhỏ bé, con người ngoan ngoãn vâng theo lời định mệnh đã bị giòng sông thời gian ám ảnh. Hoài Khanh bám víu vào hiện tại để quay lại nhìn dĩ vãng trung thành với kỷ niệm. Một tâm hồn như thế dễ dàng chấp nhận một kỹ thuật thi ca cổ điển. Thơ Hoài Khanh thuộc loại lời cũ ý mới nếu ta tạm dựa theo cách sắp xếp cũ kỹ của Vũ Ngọc Phan lúc ông xếp Lưu Trọng Lư và Vũ Hoàng Chương vào hàng thi sĩ nửa cũ nửa mới.

Do đó Hoài Khanh có lẽ đáp đúng nhu cầu của đa số độc giả thi ca hiện nay, chưa tách rời ra được truyền thống Thơ Thơ và Lửa Thiêng và bất mãn với loại thơ Nhị thập bát tú.



Và khi tôi phân tích cái hay của Thân Phận không phải tôi đứng trên quan điểm “trẻ chưa qua già chưa tới” nhưng vì trong ngành xuất bản thơ xô bồ hiện nay, một tác phẩm trong sáng, thành thật đáng được khuyến khích.

Nếu loại ra một Đinh Hùng, một Vũ Hoàng Chương cả lời lẫn ý đều rất cũ vì họ thuộc vào một thế hệ khác, thì bây giờ còn nhóm thơ Huế với Thế Viên, Diên Nghi, Tạ Ký còn trung thàng với những rung cảm xa xưa ; lâu nay nhóm này lại im hơi lặng tiếng.

E rằng Thân Phận của Hoài Khanh sẽ ghi dấu thời kỳ tàn tạ của lối thơ cổ điển chăng ?



Nhưng giá trị nghệ thuật của một tác phẩm không phải ở chỗ cực thịnh hay cực suy của một môn phái, cũng không phải ở chỗ được hay không được độc giả tán thưởng.

Trường hợp Thân Phận được nhiều người nhắc nhở đến, điều đó tỏ ra anh được lòng độc giả trung bình chứ không chứng tỏ Thân Phận là một tuyệt tác, hoặc ngược lại là một tác phẩm bình dân hạ cấp.

Trước đây có một người làm thơ khoe rằng tác phẩm mình bán chạy mỗi ngày bốn, năm trăm cuốn, thậm chí có cặp tình nhân nào đó đã rủ nhau xuống suối Lồ ồ tự vận mang theo tập thơ kia. Nếu đó là một sự kiện có thật, thì sự kiện đó không chứng minh được gì cả. Cũng không phải là một sự thật đáng buồn, vì nếu nước mình còn nhiều người thích thơ T.T.KH thì ở Pháp còn khối người ưa Lamartine, và điều đó không ngăn được khúc quành vĩ đại của thi ca Pháp.



Phong trào xuất bản thơ tại Việt Nam hiện nay thật dồi dào đến cái độ hỗn loạn nhất là trong giới tuổi trẻ. Mỗi linh hồn thanh niên là một trời thơ, rồi làm được dăm ba bài là rủ rê dăm ba người bạn cùng nhau xuất bản. Thành ra rất khó nhận định được thực chất của thi ca hôm nay. Vì không thể bỏ qua các tác giả vô danh - biết đâu họ chẳng là thiên tài - mà đọc họ thật không xuể. Hơn nữa, giải thưởng văn chương toàn quốc những năm nay lại tưởng thưởng những tác phẩm thi ca không lấy gì đặc sắc, nên không khuyến khích các tác giả rèn luyện kỹ lưỡng bút pháp, chỉ gia tăng hỗn loạn cho các bạn trẻ quá tự tin.

Trong đám rừng hoang tăm tối này, tập thơ Thân Phận của Hoài Khanh xứng đáng được nhắc nhở giới thiệu.

Trong cái tinh thần gạn lọc đó chúng tôi trình bày Thân Phận và sự bình phẩm của chúng tôi cũng dựa trên tinh thần đó.





Trận bão Lucy thổi tạt qua Sàigòn những ngụm nhớ thương lạnh lẽo. Tôi đã kéo lê nỗi buồn của Hoài Khanh trên các hè phố trong khi viết dở bài này. Tôi thấy gần gũi với Hoài Khanh hơn khi đi dưới những lùm cây ướt đẫm tình yêu, hoặc qua cầu nghe dĩ vãng thổi lọt dưới chân.



Các trường hôm nay đóng cửa, lạy trời cho mưa bão quanh năm, để tuổi trẻ trở về với hè phố. Hãy đóng cửa các học đường, các phòng trà, các tòa đại sứ, hãy đóng cửa các thành phố để trả tuổi trẻ về với rừng xanh, ôi những khu rừng, những giòng sông thân yêu của vũ trụ thi ca !



Hãy trở lại hoang vu để cùng với Hoài Khanh nắm tay tự nhủ nhau rằng :

Tôi lẩn trốn vì thấy mình không thể

Mây của trời rồi gió sẽ mang đi.



Đặng Tiến

10-12-1962





Ghi chú : Đọc lại bài viết tại Sài Gòn cách đây đã 44 năm, không khỏi thấy những chỗ vụng về non nớt. Nhưng được cái ngay thẳng và hồn nhiên của tuổi trẻ, nên xin giữ nguyên văn, hầu lưu lại một giọng nói. Một thời. Một tuổi.





Đ.T. 30-04-2006

Người đẹp ngủ mê (Kawabata) -Quế Sơn dịch

Nam Dao



Giới thiệu bản dịch Quế Sơn của tuyệt tác Người đẹp ngủ mê (Kawabata) :



Dịch khó, đã đành. Dịch Kawabata càng khó. Dịch người đẹp ngủ mê còn khó hơn nữa. Vì sao? Chuyện tình dục một ông già 67 tuổi với những cô gái đồng trinh ngủ mê? Tình dục ư, viết chẳng khó. Hãy đọc cuộc khám phá cũ của nền văn học Việt Nam mới đang khua mõ gióng chuông giải phóng thân xác, tự do (nói về) tình dục không cần vệ sinh (tai mũi họng), và ần dụ (lại ẩn dụ) giải phóng con người (xin lỗi, ở góc độ hiện thực ( giới hạn sinh lý, chẳng hạn) , ông cụ 67 tuổi chắc không kham nhiều trang văn học tả cảnh làm tình đâu). Vậy khó, là vì sao? Dĩ nhiên có tình dục, nhưng đó không phải là thứ tình dục cứ bắt cởi quần, rồi bạo liệt, dâm dật, dữ dằn...3X. Xin mời bạn đọc tìm hiểu qua một bản dịch công phu của Quế Sơn, người phân biệt tinh tế giữa sensualité và sexualité mà tự điển Việt Nam ta đều dịch là sự dâm dục (!). AMVC sẽ lần lượt chuyển làm 4 lần bản dịch này đến các bạn.









LỜI GIỚI THIỆU[1]





Yasunari KAWABATA[2] sinh ngày 11 tháng 6 năm 1899 ở thành phố Osaka(Nhật). Bi kịch bao trùm những ngày thơ ấu, cái chết là chiếc nôi đung đưa tuổi trẻ ông. Giữa bi kịch và cái chết là nỗi cô đơn. Ông mất đột ngột bố mẹ, người em gái duy nhất và bà nội. Chỉ còn ông nội từ nay trông nom đứa cháu - từ bé đã tỏ ra ít nói. Nhưng người ông lại già nua, sắp mù lòa và đau yếu. Rồi đến lượt người ông chết đi. Kawabata chưa đầy mười lăm tuổi! Đó là hành trang chứa đựng những kỷ niệm khốn khổ người thiếu niên sẽ mang vào đời.

Ông tìm đến văn học như nơi ẩn tránh trước thực tế tàn nhẫn. Và với lòng xúc cảm và sự thắm thiết - sau này giống như nhân vật tiểu thuyết của ông chống chọi với những " Người đẹp ngủ mê " (Les belles endormies, 1961) ông đi đi, về về trong hương khói mộ bia của những người yêu dấu đã qua đời. Thực vậy, ông có thể nói gì đây, nếu không là về cái chết - sự thật của cái chết mà ông vừa sống qua một cách mãnh liệt và được ông tái tạo trong "Nhật ký riêng tư ở tuổi mười sáu của tôi "(Le journal de ma seizème année, 1925) ?

Ít lâu sau ông rời thành phố. Sự cô đơn tự chọn dường như là điều duy nhất ông có thể chịu đựng được. Và ông không ngừng viết trong thời gian này, viết để che đậy nỗi buồn rầu, để cho đời mình một ý nghĩa hay chỉ giản dị là để biết được những khoảnh khắc hạnh phúc. Những tiểu thuyết đầu tiên ra đời gặt hái kết quả tốt, như "Cô vũ nữ xứ Izu" (La danseuse d'Izu, 1926). Nhà văn nơi ông đã tìm được giọng điệu của nhà duy mỹ và thoát bỏ được những nỗi đắng cay để thông cảm, hòa điệu với những gì xung quanh một cách tế nhị. Từ thái độ này phát sinh một minh triết đồng hành với ông cho tận cuối đời.

Trong khi chờ đợi, ông hoạt động không mệt mỏi với rất nhiều sáng kiến, công việc khác nhau. Ông sáng lập các tạp chí văn học, phát động phong trào "cảm giác mới", rèn luyện nghệ thuật viết tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, truyện dài đăng nhiều kỳ và ngay cả truyện phim. Ông sáng tạo một thể loại mới lạ: "tiểu thuyết thu nhỏ".

Sách tiếp tục ra đời và ông trở thành tiểu thuyết gia Nhật Bản lớn nhất lúc sinh thời: " Xứ tuyết " (Pays de neige, 1948), "Ngàn cánh hạc" (Nuée d'oiseaux blancs, 1952), "Tiếng núi rền" (Le grondement de la montagne, 1954) hay "Người đẹp ngủ mê"(1961)...Từ truyện này sang truyện kia bao giờ cũng có mặt nỗi cô đơn và cái chết, tình yêu và hoa tình, và bao giờ cũng nằm ở hậu cảnh là những gợi mở tinh tế về những vườn hoa, những phong cảnh, những mùa trong năm. Văn phong tự lột thoát dần theo chiều dài năm tháng đến độ trở thành hoàn toàn giản dị, hầu như trung lập. Ông là nhà văn chỉ quan sát, từ một khoảng cách, mối buồn phiền mỏng manh trong cuộc sống, với một thứ thụ động thanh thản. Ngày 16 tháng 4 năm 1972, có phải Kawabata đã tìm được sự thanh thản cuối cùng? Phải nói sao đây, sự minh triết tuyệt đỉnh hay địa ngục tinh thần khi một nhà văn được hàng triệu người đọc mến mộ, được trao giải Nobel văn học vào năm 1968, lại tìm đến một căn hộ cho thuê nhỏ bé, chật chội và thê thảm, cách nhà riêng không xa, để từ bỏ cõi đời? Cuộc tự sát được sửa soạn tỉ mỉ và cô độc đó có thể đưa ông vào một cảnh giới khác, nhưng cảnh giới nào?

" 'Đâu khó gì đi vào cảnh giới của chư Phật, khó thực sự là vào được cảnh giới của ngạ quỷ'[3] ...Bất cứ người nghệ sĩ nào khao khát cái thật, cái tốt và cái đẹp như là mục tiêu tối thượng trong cuộc hành trình tìm kiếm gian nan của mình tất nhiên đều bị ám ảnh với ước vọng tìm cách phá cái lối vào khó khăn này của cảnh giới ngạ quỷ , và cái ý tưởng này, bí mật hay hiển lộ, nằm chông chênh giữa nỗi sợ hãi và lời nguyện cầu."[4]

Ông già Eguchi đi vào cảnh giới nào khi ông bước chân qua ngưỡng cửa căn phòng "Người đẹp ngủ mê"? Tiểu thuyết này, xuất bản năm 1961, miêu tả cuộc tìm kiếm của những ông già thiếu thốn những niềm vui thân xác. Trong một ngôi nhà đầy bí ẩn, họ trải qua một đêm bên cạnh cô gái trẻ ngủ mê. Nhưng nàng không buông mình vào giấc ngủ tự nhiên đâu. Bị thiếp bằng một loại thuốc mạnh, nàng ngủ thẳng một mạch và không thể biết ai là người khách qua đêm. Những ông già này, tức những "lão khách tin cậy được", bước vào căn phòng bí mật của những người đẹp ngủ mê như vào ngôi đền những nữ tu. Và ở đấy, bên cạnh những búp bê sống này, có lẽ họ tìm lại được những ảo ảnh của thời tuổi trẻ, của sinh lực đã lụi tàn, của cuộc phiêu lưu chắc là cuối cùng, "giống như ngủ với một ông Bụt vô hình" vậy. Không hổ thẹn, không ngượng ngùng, không chút mặc cảm tội lỗi, những ông già đã không còn sức làm đàn ông nữa tìm được nơi đây cơ hội cuối cùng, một tặng phẩm của đời.

Những đêm trong căn phòng lạc thú, ông già Eguchi có dịp nhớ về những người đàn bà đã đi qua đời mình, và đắm chìm trong trầm tư mặc tưởng. Để mà, biết đâu đấy, ở ngưỡng cửa cái chết, tìm được vị dịu ngọt của những ngày thơ ấu và sự tha thứ cho những lỗi lầm.

N.C.

















Yasunari KAWABATA

(Nobel văn học 1968)













NGƯỜI ĐẸP NGỦ MÊ











Người dịch : Quế Sơn





Nguyên tác tiếng Nhật "NEMURERU BIJO" xuất bản ở Nhật vào năm 1961.

Bản tiếng Việt dựa trên bản tiếng Anh, "The house of the sleeping beauties", Nhà xuất bản Sphere Books Limited, London, Anh quốc, 1971, và tham khảo thêm bản tiếng Pháp, "Les belles endormies", Nhà xuất bản Albin Michel, Paris, Pháp, 1970.







MỘT







Ông không được làm điều gì bất nhã, người đàn bà ở quán trọ cảnh giới ông già Eguchi. Không được thọc ngón tay vào miệng cô gái đang ngủ, hay thử làm bất cứ việc gì khác tương tự.

Ở tầng một, chỉ có hai phòng : phòng đầu mà hai người đang đứng nói chuyện rộng chừng tám chiếu[5], và một phòng ngủ bên cạnh; nhưng tầng trên nữa hình như chẳng có phòng nào; và ở tầng trệt thì có vẻ chỉ dành làm phòng khách nên ngôi nhà này không đáng mang danh là một quán trọ. Thực ra chẳng có bảng hiệu nào ở cổng, chắc vì những điều bí ẩn của ngôi nhà không cho phép công khai treo bảng. Không khí im ắng, tĩnh mịch. Ngo i trừ người đàn bà đã mở cái cổng khóa chặt đưa ông vào nhà và bây giờ đang đứng nói chuyện cùng ông, chẳng thấy bóng người nào khác. Đây là lần đầu tiên ông đến chỗ này và ông không thể đoán ra mụ là bà chủ hay người giúp việc. Tốt hơn không nên hỏi.

Mụ có lẽ đã quá xa tuổi bốn mươi tuy giọng nói nghe còn trẻ và bề ngoài cố tạo cho mình một dáng điệu, một cung cách điềm tĩnh và đứng đắn. Đôi môi mỏng dính không hở ra khi nói. Ít khi nhìn thẳng Eguchi. Có cái gì trong đôi mắt đen thẫm ấy làm ông bớt ngờ vực, và mụ lại tỏ ra thoải mái tự nhiên. Mụ pha trà từ cái ấm nước bằng sắt đặt trên lò than bằng đồng. Nhờ chất lượng lá trà và cách pha, trà ngon một cách lạ lùng, nhất là so với nơi chốn và tình cảnh hiện tại, khiến ông già Eguchi cảm thấy dễ chịu. Một bức tranh của Kawai Gyokudo[6] treo ở hốc tường, chắc là tranh in lại, vẽ một làng miền núi với màu ấm của lá thu vàng. Thực ra chẳng có gì trong cái phòng này khiến ta nghĩ nó chứa đựng những chuyện bí ẩn lạ thường.

"Và xin đừng bao giờ tìm cách đánh thức cô gái. Dù ông làm cách gì đi nữa, cô ta không thức dậy được đâu. Cô ta ngủ say li bì và chẳng cảm nhận chi hết." Người đàn bà lập lại : "Cô ta chỉ ngủ và ngủ, chẳng hay biết gì từ đầu đến cuối. Không biết được ai nằm bên cạnh mình suốt đêm đâu. Ông chẳng nên lo ngại."

Eguchi không nói gì, giữ những mối nghi ngờ xuất hiện trong đầu cho riêng mình.

"Cô gái rất xinh. Tôi chỉ chọn những người khách đáng tin cậy thôi."

Ông quay mắt sang chỗ khác, nhìn đồng hồ đeo tay.

"Mấy giờ rồi nhỉ ?"

"Mười một giờ kém mười lăm."

"Tôi cũng đoán thế. Các cụ ông thường đi ngủ sớm và dậy sớm. Tùy ông đấy, khi nào cảm thấy sẵn sàng."

Người đàn bà đứng dậy, mở khóa cửa phòng bên cạnh. Mụ dùng tay trái. Eguchi nhìn mụ, nín thở, dù động tác dùng tay trái mở cửa phòng này tự nó chẳng có gì đáng chú ý. Mụ ghé mắt nhìn vào căn phòng. Chắc chắn là mụ có thói quen nhìn vào phòng từ ngưỡng cửa như thế, và cũng chẳng có gì khác thường việc mụ quay lưng về phía Eguchi. Vậy mà ông thấy nó lạ lùng. Một con chim to và lạ thêu trên cái nút thắt chiếc đai lưng. Ông không biết nó thuộc loài chim nào. Tại sao mắt và chân chim lại hiện thực quá đỗi trong một hình chim cách điệu hóa? Chắc chắn không phải vì con chim này mà ông cảm thấy bất an, đó chỉ là một hình thêu vụng về; nhưng nếu nỗi bất an dính liền với tấm lưng của người đàn bà thì nó lại nằm ngay nơi con chim. Chiếc đai lưng có nền màu vàng nhạt, gần như trắng.

Căn phòng bên cạnh được thắp sáng lờ mờ. Người đàn bà đóng lại cánh cửa nhưng không khóa rồi đặt chiếc chìa khóa lên bàn trước mặt Eguchi. Cung cách cũng như giọng nói của mụ không để lộ ra chút gì là mụ vừa xem xét một căn phòng bí mật.

"Chìa khóa đây. Tôi mong ông ngủ ngon giấc. Nếu ông cảm thấy khó ngủ thì có sẵn thuốc ngủ bên gối."

"Bà có gì uống không?"

"Ở đây không phục vụ rượu."

"Tôi không thể làm một ly trước khi ngủ hay sao?"

"Không."

"Cô gái đang ở phòng bên?"

"Cô đang ngủ và chờ ông."

"Thật à?" Eguchi tỏ vẻ hơi ngạc nhiên. Cô gái vào phòng bên tự hồi nào? Cô ngủ được bao lâu rồi? Có phải người đàn bà mở cửa phòng lúc nãy là để xem cô đã ngủ say chưa? Eguchi đã từng nghe một người bạn thường lui tới chốn này kể rằng các cô gái đợi khách khi đã ngủ say, và không tỉnh giấc; nhưng ngay bây giờ khi đang ở đây, ông lại thấy khó tin chuyện này.

"Ông muốn thay đồ ở đâu?" Mụ có vẻ sẵn sàng giúp ông. Eguchi không trả lời.

"Nghe tiếng sóng kìa. Và tiếng gió."

"Tiếng sóng?"

"Chúc ông ngủ ngon." Mụ rút lui.

Còn lại một mình, ông già Eguchi nhìn quanh căn phòng, trống rỗng và không có sự xếp đặt bí ẩn nào. Rồi ánh mắt ông dừng lại trên cánh cửa dẫn vào phòng bên cạnh. Cánh cửa làm bằng gỗ thông bá hương, rộng gần một thước, có vẻ được đặt thêm vào sau khi ngôi nhà đã xây xong. Ngay cả bức tường khi nhìn kỹ mới thấy nó được bịt kín lại, thay thế cái vách ngăn di động chia đôi hai phòng trước đó, để làm một phòng bí mật cho các người đẹp ngủ mê. Tường được sơn cùng màu như các tường khác nhưng có vẻ tươi mới hơn.

Eguchi đưa tay cầm chìa khóa. Tưởng ông sẽ mở cửa đi vào phòng bên nhưng ông vẫn ngồi yên. Như người đàn bà nói lúc nãy : tiếng sóng nghe dữ dội. Như thể các ngọn sóng đập mạnh vào vách đá cao nhô ra biển, và như thể ngôi nhà nhỏ bé này nằm ngay bên bờ vách. Tiếng gió rít báo hiệu mùa đông sắp về, có lẽ vì ngôi nhà quạnh quẽ, có lẽ vì có cái gì không ổn trong tâm thần ông già Eguchi. Tuy vậy, ông cảm thấy căn phòng khá ấm, dù chỉ sưởi bằng một lò than hồng. Vùng này có khí hậu ấm áp mà. Gió cũng không đủ mạnh để làm lá vàng bay. Eguchi đến nơi này hơi khuya khoắt nên không thể nhìn thấy địa thế ngôi nhà; nhưng ông ngửi được mùi biển mặn. Khu vườn trông rộng so với ngôi nhà với rất nhiều cây thông và cây phong cao lớn. Những cành thông sắc nhọn chĩa mạnh lên nền trời. Ngôi nhà xưa kia chắc là một biệt thự đồng quê.

Eguchi đốt một điếu thuốc, chìa khóa vẫn giữ trong tay. Ông hút một hai hơi rồi dụi tắt; nhưng điếu thứ hai, hút hết. Ông cảm thấy một sự trống rỗng khó chịu hơn là tự nhạo mình về một nỗi lo ngại mù mờ nào đó. Ông có thói quen uống một ly rượu mạnh trước khi đi ngủ nhưng ít khi ông ngủ được ngon giấc và thường gặp ác mộng. Một nhà thơ nữ chết trẻ vì bệnh ung thư đã viết trong một bài thơ về những đêm thức trắng : "đêm dọn ra cho tôi nào cóc, nào chó chết, rồi nào xác người chết trôi." Eguchi chẳng thể nào quên được câu thơ đó. Bây giờ chợt nhớ đến nó, ông tự hỏi cô gái đang ngủ - không, phải nói là bị thiếp cho ngủ - ở phòng bên có giống như một xác chết trôi không; và ông cảm thấy do dự, chưa muốn đi vào chỗ nàng nằm. Ông không biết được cách nào người ta đã làm cho nàng ngủ say. Dù sao đi nữa, nàng đã ở trong một trạng thái mê man giả tạo, chẳng thể hay biết những sự việc xảy ra quanh mình, và như thế có lẽ nàng mang nước da xỉn màu chì như một tên nghiện ngập, đôi mắt quầng thâm, các xương sườn lộ rõ dưới lớp da khô queo quắt. Hay có lẽ nàng thuộc típ người lạnh, da thịt húp híp, mềm nhẽo. Có lẽ nàng đang ngáy nhẹ, cặp môi hé mở để lộ lợi răng đã ngả sang màu tia tía. Ông già Eguchi, sáu mươi bảy năm ở đời, đã từng trải qua những đêm khó chịu, bực tức với đàn bà. Thật tình mà nói, những đêm thất vọng như thế là những đêm khó quên nhất trong đời. Sự thất vọng này ít khi liên quan đến nhan sắc các người đàn bà nhưng dính líu nhiều đến những bi kịch, những lệch lạc trong cuộc đời họ. Ông cảm thấy chẳng hứng thú chút nào, ở cái tuổi gần đất xa trời này, nếu phải trải qua một nỗi thất vọng mới. Những ý tưởng buồn bã này chiếm cứ đầu óc ông, ngay lúc ông sắp bước vào cuộc phiêu lưu. Nhưng thử hỏi có cái gì tồi tệ hơn cảnh một lão già suốt đêm nằm dài bên cạnh một cô gái trẻ bị thiếp ngủ mê, không thể thức tỉnh? Có phải Eguchi đã đến ngôi nhà này đê tìm cho ra, tìm đến mức điểm tận cùng của nỗi ghê sợ tuổi già?

Người đàn bà đã nói về các khách hàng mụ có thể tin cậy. Hầu như ai tới đây đều có thể tin cậy được mà. Người đàn ông kể cho Eguchi về ngôi nhà này đã quá già, già đến độ không còn là đàn ông nữa. Lão ta có lẽ nghĩ rằng Eguchi cũng đã rơi vào tình trạng suy nhược cùng cực như lão. Mụ đàn bà ở ngôi nhà này chắc đã quen chung đụng với đám khách hàng già cả nên đã nhìn Eguchi một cách không ngờ vực và cũng không tỏ ra thương hại. Ông biết mình chưa phải loại sức tàn lực tận nên chưa phải là một khách hàng đáng tin cậy. Nhưng ông có thể chọn mình làm một người đáng tin cậy, tùy tình cảm của ông vào một lúc nào đó, tùy khung cảnh, và tùy người đẹp. Sự ghê sợ tuổi già đè nặng con người ông. Ông biết mình đang tiến gần cái hoàn cảnh ảm đạm, buồn thảm của những khách hàng già nua khác. Nội cái việc ông mò tới đây cũng đã nói lên rõ điều này. Và như thế ông không có ý định vi phạm các ràng buộc thê thảm, các hạn chế xấu xí mà người ta áp đặt lên đám khách lụm khụm. Thực tình ông không muốn vượt qua các hạn chế đó, và ông sẽ không để mình làm thế trong thực tế. Tuy có thể gọi là một câu lạc bộ nhưng số lượng người già làm hội viên rất ít. Eguchi đến đây không phải để tố cáo các tội lỗi hay xoi mói các hành vi bí mật của câu lạc bộ này. Óc tò mò nơi ông chẳng mạnh mẽ gì vì một nỗi buồn rầu chán ngắt của tuổi già đã xâm chiếm cõi lòng ông.

"Vài cụ khách thố lộ ngủ qua đêm ở đây mang đến cho họ những giấc mộng đẹp", mụ đàn bà nói vào một lúc nào đó. "Vài người lại nhớ đến thời trai trẻ."

Eguchi đã không cười gượng được vào lúc đó. Ông đưa cả hai tay chống lên bàn để đứng dậy rồi bước về phía cánh cửa làm bằng gỗ thông bá hương.

"À ra thế!"

Những tấm màn nhung màu đỏ thẫm. Màu đỏ trông thẫm hơn trong cái ánh sáng lờ mờ. Như thể có một vừng sáng mỏng lơ lửng trước các màn, như thể ông bước vào một thế giới ma quái. Màn che cả bốn bức tường. Cánh cửa thông cũng được che màn, viền màn được buộc túm lại. Ông khóa cửa, vén màn, và nhìn xuống cô gái. Nàng đâu có làm bộ ngủ. Ông nghe được tiếng thở của một người đang ngủ say mà. Eguchi nín thở: nàng đẹp quá, đẹp hơn ông tưởng. Nhan sắc của nàng không phải là điều ngạc nhiên duy nhất. Nàng trẻ nữa. Nàng nằm nghiêng phía trái, mặt nàng hướng về ông. Ông chưa thấy thân thể nàng - nhưng ông đoán nàng chưa tới hai mươi tuổi. Chao ôi, như thể có một quả tim khác đang vung cánh trong lồng ngực ông già Eguchi.

Bàn tay mặt và cổ tay nằm lọt ra ngoài tấm chăn mỏng. Cánh tay trái có vẻ trải xéo dưới tấm chăn. Ngón cái tay mặt bị che gần nửa dưới má. Các ngón tay trên gối bên cạnh mặt nàng hơi cong lại trong giấc ngủ êm dịu, không quá cong để làm biến mất những chỗ lõm mềm mại, thanh tú, nơi các ngón tay nối với bàn tay. Màu hồng ấm áp từ mu bàn tay trông càng hồng hơn khi tới các móng tay. Một bàn tay trắng sáng và mịn màng.

"Cô ngủ thật à? Không thức được à?"

Eguchi buột miệng hỏi như thể cho mình cái cớ chạm đến bàn tay cô gái, nắm lấy trong lòng tay mình rồi lay nhẹ. Ông biết rõ nàng sẽ không mở mắt. Vẫn nắm bàn tay cô gái, ông nhìn kỹ khuôn mặt nàng. Thuộc loại gái nào đây? Cặp lông mày chưa bị phấn sáp đụng đến và hàng lông mi đang nhắm lại kia trông đều đặn. Ông ngửi mùi hương từ mái tóc trinh trắng của nàng. Một lúc sau tiếng sóng nghe như mạnh hơn, có phải vì cô gái đã bắt được quả tim thổn thức của Eguchi? Ông mạnh dạn cởi quần áo mình. Eguchi ngước mắt nhìn lên khi chợt nhận ra ánh sáng tỏa từ trên cao. Anh điện đến từ hai cửa sổ ở trần nhà được che bằng giấy bản. Một cách điềm tĩnh, ông tự hỏi có phải ánh sáng được sắp đặt cho hợp với các tấm màn nhung đỏ thẫm, hay là ánh sáng phản chiếu từ các màn nhung đó làm màu da của cô gái trông đẹp như các nàng hồ ly; nhưng màu nhung đỏ chưa đủ mạnh để làm khuôn mặt nàng hồng lên mà. Mắt ông bắt đầu quen dần với cái ánh sáng trong căn phòng, quá sáng đối với ông, một người quen ngủ trong bóng tối, nhưng dường như đèn luôn để sáng, không thể tắt được. Ông biết nhận ra tấm chăn đắp thuộc loại tốt.

Eguchi chui vào chăn một cách nhẹ nhàng vì ngại đánh thức cô gái đang ngủ. Nàng chẳng mặc gì trên người. Cũng chẳng có phản ứng gì, đôi vai không co lại, cặp háng không khép vào, nàng chẳng cảm nhận sự hiện diện của ông bên cạnh nàng. Hơi lạ, vì các cô gái trẻ thường theo phản xạ tự nhiên dù đang ngủ say đến mấy đi nữa. Nhưng đây đâu phải là một giấc ngủ bình thường, ông lại tự nhủ, và ông muốn tránh đụng chạm đến người nàng. Đầu gối nàng đưa về phía trước khiến đôi chân ông trở nên vướng víu, gò bó. Dù không nhìn kỹ ông cũng đoán được nàng không nằm theo thế phòng ngự, đầu gối mặt không nằm ngay trên đầu gối trái. Đầu gối mặt kéo ra sau, chân duỗi thẳng. Nàng nằm nghiêng phía trái, vai và háng không thẳng hàng vì nửa người trên hơi khom lại. Nàng có vẻ không được cao lắm.

Những ngón tay nàng mà Eguchi đã cầm lên cũng ngủ say: cả bàn tay lại nằm y như cũ khi ông thả xuống. Ông kéo cái gối về phía mình và bàn tay rơi ra ngoài. Ông chống cùi chỏ lên gối và ngắm nó. Trông như còn sống, ông nhủ thầm. Nó còn sống mà, có phải bàn tay của một xác chết đâu, ông thầm thì như thế chỉ để muốn nói lên là nó xinh đẹp; nhưng ông cảm thấy mình vừa nói ra một điềm gở. Cô gái ngủ mê man như chết nhưng thời gian sinh tồn của nàng đâu có ngưng chảy, vậy nàng có giữ được thời gian đó không hay là nó chảy tuột vào một vực sâu không đáy? Nàng không phải là một búp bê sống, vì không thể có búp bê sống trên thế gian này; nàng được biến thành một đồ chơi sống, để các cụ già đã mất năng lực đàn ông không bị cảm thấy xấu hổ. Không, không phải một đồ chơi : đối với các cụ, nàng chính là cuộc sống. Một cuộc sống người ta có thể sờ mó được, một cách tự tin. Dưới cặp mắt lão thị của Eguchi, bàn tay nàng gần sát bên trông mịn và đẹp hơn. Thật mịn khi vuốt ve nhưng ông không thể thấy được nét thanh tú trong cách cấu tạo của nó.

Tuy nhiên ông vẫn thấy được dái tai của nàng có cùng màu hồng ấm áp ở bàn tay do máu mang đến, càng hồng hơn ở những đầu ngón tay. Đôi tai lộ ra giữa những sợi tóc. Màu hồng của dái tai nói lên sự tươi mát của cô gái làm tim Eguchi se lại. Ông đã mò mẫm tìm đến ngôi nhà bí ẩn này lần đầu tiên vì tò mò tìm của lạ, nhưng bây giờ ông nghĩ dường như những người đàn ông càng bị lão suy hơn ông càng tìm thấy nơi đây những niềm vui và những nỗi đau mãnh liệt hơn ông. Tóc cô gái thật dài, có lẽ để dài như thế cho các lão già vuốt ve. Ngả người lên gối, Eguchi lùa tóc nàng ra khỏi tai, một mảng da trắng hiện ra sau vành tai. Cổ và vai trông tươi và trẻ, chưa có cái đầy đặn của đàn bà. Ông nhìn quanh phòng. Chỉ có áo quần ông vừa trút bỏ nằm trong giỏ. Không thấy áo quần cô gái đâu cả. Có lẽ mụ đàn bà đã mang ra khỏi phòng nhưng Eguchi thấy nhói với ý nghĩ cô gái đã hoàn toàn khỏa thân khi vào phòng. Nàng sẽ được ngắm nhìn như thế mà. Nàng được thuốc cho ngủ trong mục đích này, có gì lạ đâu. Vậy mà Eguchi lại kéo chăn đắp lên bờ vai nàng rồi nhắm mắt. Mùi hương da thịt nàng tiết ra trong không khí và bất chợt Eguchi ngửi thấy mùi trẻ thơ. Mùi sữa của những đứa bé còn bú, nồng hơn mùi cô gái. Không thể nào tin được - rằng nàng đã có con, rằng vú nàng đã cương lên, rằng sữa đã rỉ ra từ hai núm vú nhỏ xíu này. Ông nhìn chằm chằm lần nữa vầng trán và đôi má, rồi cái đường vạch trông còn vẻ con gái nối cằm với cổ. Dù đã biết đủ nhưng ông vẫn giở nhẹ tấm chăn khỏi vai nàng. Đôi vú không phải là vú đã có sữa cho con bú. Ông dùng một ngón tay rờ nhẹ. Không thấy ướt. Cô gái chưa đến hai mươi tuổi. Khuôn mặt còn mang vẻ trẻ thơ - không phải là hoàn toàn không hợp - nhưng nàng đâu còn mang mùi sữa trẻ con trên người. Thực ra, nàng mang hương thơm đàn bà. Ấy thế mà ông già Eguchi tin chắc mình đang ngửi ngay trong lúc này một mùi trẻ con còn bú. Ông có bị ảo giác lướt qua đầu không? Nhưng tại sao ảo giác lại đến với ông? Ông không hiểu được; nhưng chắc là nó đã đến theo kẻ hở từ quả tim bỗng dưng trống không của ông. Một nỗi cô đơn buồn bã trào lên. Nhưng hơn cả nỗi cô đơn hay nỗi buồn rầu, chính là nỗi cô chiếc tuyệt vọng của tuổi già như thể đông lạnh hẳn trong ông. Rồi từ từ ông thấy cõi lòng mình chùng xuống, cảm thương cô gái mà mùi hương tiết ra đã mang đến chút ấm áp trẻ trung. Hình như có cả tiếng nhạc vang lên từ thân xác cô gái, ông tưởng như thế có lẽ để xua đi cái cảm giác tội lỗi lạnh ngắt. Tiếng nhạc của tình yêu. Ông muốn trốn chạy, nhìn quanh bốn bức tường với những tấm màn nhung che kín như thể không còn lối ra. Những tấm màn đỏ thẫm nhận ánh sáng từ trần nhà trông mềm mại nhưng hoàn toàn bất động. Chúng cầm giữ ông và cô gái đang ngủ.

"Dậy. Dậy đi." Eguchi lắc vai cô gái. Rồi ông nâng đầu nàng. "Dậy đi. Dậy đi."

Cái gì khiến ông làm thế? Một nỗi xúc động hiện lên từ một cõi nào sâu thẳm trong ông. Nàng ngủ, nàng không nói, nàng chẳng thấy khuôn mặt ông, chẳng nghe giọng nói ông, nàng nằm đó, như vậy đó, hoàn toàn không biết đến một con người mang tên Eguchi đang ngồi đây, bên cạnh nàng; ôi tất cả những điều này làm ông không chịu nổi. Và số phận ông, nàng cũng chẳng mảy may biết đến. Nàng ngủ mê, đầu nặng trên tay ông. Ấy vậy mà ông tưởng mình thấy nàng hơi nhíu mày như thể đáp lại một cách sống động tiếng gọi thầm thì của ông. Eguchi không rút tay về. Nếu chỉ cần lay nhẹ mà cô gái đã thức dậy thì ngôi nhà này đâu còn gì bí ẩn nữa, cái bí ẩn mà lão Kiga, người giới thiệu ông tới đây, đã cho rằng "giống như ngủ với một ông Bụt vô hình." Đối với các ông già, loại khách mà mụ đàn bà có thể "tin cậy", ngủ với một người đẹp không khi nào tỉnh thức là một mối cám dỗ, một cuộc phiêu lưu, một niềm vui thú mà họ tin mình còn thực hiện được. Lão Kiga có lần kể cho Eguchi là lão cảm thấy mình sống lại chỉ khi nào nằm bên cạnh một cô gái đã bị thiếp cho ngủ say.

Một ngày kia khi đến nhà thăm Eguchi, lão nhìn ra vườn và thấy cái gì màu đỏ nằm trên đám rêu nâu mùa thu.

"Cái gì vậy cà?"

Lão đi ra vườn để nhìn cho rõ. Những quả mọng màu đỏ của cây lá san hô[7]. Nằm rải rác khắp vườn. Kiga nhặt một quả và vừa vò vừa nói về ngôi nhà bí ẩn. Lão tìm đến đó mỗi khi cảm thấy niềm tuyệt vọng về tuổi già quá não nề.

"Tôi đã mất hy vọng ăn nằm với đàn bà từ lâu lắm rồi. Nhưng giờ đây có một chỗ người ta thuốc các cô gái ngủ mê từ đầu đến cuối không tỉnh dậy được."

Có phải một cô gái ngủ mê, không nói gì, không nghe gì lại nói lên mọi điều, nghe được mọi điều trước một ông già không còn đủ sức làm đàn ông với đàn bà? Nhưng đây là lần đầu tiên Eguchi trải qua kinh nghiệm với đàn bà như thế. Cô gái này chắc hẳn là đã bao lần kinh qua cái kinh nghiệm này với các lão già như ông. Nàng nằm đây, hiến dâng tất cả cho ông nhưng hoàn toàn vô thức, thân xác duỗi dài như trong một giấc đông miên, hơi thở đều và nhẹ, khuôn mặt ngây thơ nghiêng qua một bên. Có lẽ một số lão già đã vuốt ve, rờ mó khắp người nàng, có lẽ một số khác nhìn thân xác nàng mà khóc nức nở về thân phận già nua của mình. Nàng chẳng thể hay biết gì, trong cả hai trường hợp. Tuy nghĩ thế mà Eguchi cảm thấy không đủ sức làm điều gì cả. Rất thận trọng, ông rút nhẹ tay khỏi gáy cô gái như thể giữ gìn một đồ vật dễ vỡ; nhưng cùng lúc nỗi thôi thúc đánh thức nàng dậy một cách hung bạo vẫn không nguôi ngoai trong lòng ông.

Khi ông rút tay về thì đầu và vai cô gái quay nhẹ đến khi nằm ngửa mặt. Tưởng nàng có thể mở mắt, ông lùi người ra xa một chút. Mũi nàng, đôi môi nàng, dưới ánh đèn rọi từ trần nhà, trông sáng rỡ tuổi trẻ. Nàng đưa bàn tay trái lên miệng. Có vẻ như nàng sắp ngậm ngón trỏ, và Eguchi tự hỏi nàng có thói quen làm thế khi ngủ không; nhưng không, nàng chỉ đặt ngón tay lên môi thôi. Đôi môi lại hé ra, để lộ một vài cái răng. Nàng đã thở bằng mũi, bây giờ thì bằng miệng, hơi thở có vẻ nhanh hơn chút. Nàng có bị đau không, Eguchi tự hỏi rồi trả lời, không. Hai môi mở hé khiến ta tưởng một nụ cười hàm tiếu lơ lửng trên đôi má. Một lần nữa tiếng sóng đập vào vách đá cao nhô ra biển vọng về nghe như gần hơn. Chỉ cần nghe tiếng các ngọn sóng khi rút lui người ta biết chắc là có những tảng đá lớn nằm ở chân vách đá. Nước biển bị giữ lại đàng sau các tảng đá thì rút đi chậm hơn. Hơi thở của nàng tỏa ra từ miệng có mùi nồng hơn là từ mũi lúc nãy. Tuy nhiên, đó không phải là mùi sữa. Lạ thật, Eguchi tự hỏi lần nữa, sao ông lại ngửi thấy mùi sữa. Có lẽ đó là một mùi làm ông cảm thấy có chất đàn bà trong cô gái này.

Ông già Eguchi hiện nay có một đứa cháu ngoại miệng còn hôi sữa. Ông thấy hình ảnh nó trước mặt mình ngay tại đây. Cả ba con gái ông đều có chồng và đều có con; và ông nhớ lại không những mùi sữa ở các đứa cháu ngoại mà ngay cả mùi sữa ở các đứa con gái ông khi còn ẵm ngửa. Có phải những kỷ niệm về mùi sữa của các đứa con, đứa cháu ruột thịt hiện ra lúc này như thể để quở trách ông ? Không đâu, đó là mùi hương của lòng thương cảm đối với cô gái đang ngủ xuất ra từ trái tim ông. Đến lượt ông xoay người nằm ngửa, và nằm một cách không đụng chạm đến thân thể nàng, rồi nhắm mắt lại. Tốt hơn uống viên thuốc ngủ có sẵn bên gối. Thuốc này chắc ít mạnh hơn thứ thuốc dành cho cô gái; ông sẽ thức dậy trước nàng mà. Nếu không, sự bí ẩn và quyến rủ của nơi chốn này sẽ tan biến đi. Ông mở gói giấy nhỏ chứa hai viên thuốc màu trắng. Uống một viên thôi, ông sẽ ngủ chập chờn, giữa mê và tỉnh; dùng cả hai, ông sẽ ngủ say như chết. Chết à, tại sao không, ông vừa ngẫm nghĩ vừa nhìn hai viên thuốc; rồi một kỷ niệm khó chịu, một kỷ niệm rối loạn dính líu đến sữa lại trở về trong đầu ông.

"Sữa. Người anh hôi mùi sữa. Mùi trẻ bú sữa." Người đàn bà đang dở tay gấp tấm áo khoác ông vừa cởi ra bỗng đổi sắc mặt, nhìn ông giận dữ. "Chắc là con anh. Anh bế nó ở nhà trước khi đến đây, phải không? Đúng không? Tôi ghét con nít còn bú thậm tệ. Ghét không chịu được!"

Đôi bàn tay run cầm cập, người đàn bà đứng lên và vứt cái áo khoác xuống đất. "Tôi chịu hết nổi. Bế con nít xong lại mò đến đây à?" Giọng nàng nghe chát chúa, tia nhìn đầy oán hờn. Nàng là một cô "geisha"[8], người tình của ông dạo đó. Nàng biết rõ ngay từ đầu ông đã có vợ con, nhưng mùi sữa nơi trẻ sơ sinh đột ngột khích động nàng, đẩy nàng vào một cơn ghen tuông dữ dội. Eguchi và cô "geisha" này từ đó không còn giữ được quan hệ tốt lành như trước nữa.

Mùi sữa mà cô "geisha" oán ghét đến từ đứa con gái út của ông. Trước khi lấy vợ ông có một người yêu. Bố mẹ cô gái nghi ngờ, kiểm soát cô rất kỹ, và những cuộc gặp gỡ hiếm hoi với nàng trở nên cuồng nhiệt. Có một lần khi rút mặt mình ra khỏi ngực nàng ông chợt thấy máu đọng chung quanh núm vú. Ông giật mình nhưng cứ làm ra vẻ tự nhiên như không có gì xảy ra; ông úp mặt lại vào ngực nàng và liếm sạch. Cô gái, mê li, không nhận biết gì cả. Sau đó, khi sự cuồng nhiệt đã qua đi, ông kể lại những gì xảy ra, nàng bảo ông nàng chẳng thấy đau đớn gì cả.

Tại sao hai kỷ niệm này, từ một quá khứ xa xôi, giờ đây lại trở về? Đâu thể nào tin được là hai kỷ niệm từng vùi sâu lại khiến ông ngửi thấy mùi sữa từ cô gái đang nằm bên cạnh. Những năm tháng đó đã mù mịt lắm rồi nhưng ông không nghĩ rằng, tuy chẳng rõ vì sao, người ta có thể phân biệt kỷ niệm gần với kỷ niệm xa mà chỉ dựa trên thời điểm, lâu rồi hay mới đây. Ông có thể nhớ một sự kiện xảy ra vào thời thơ ấu cách đây sáu chục năm trước một cách sống động và rõ ràng hơn là một việc chỉ vừa xảy ra hôm qua. Có phải khuynh hướng này lại rõ nét hơn khi càng về già? Vả lại, phải chăng những biến cố, những sự việc xảy ra hồi còn bé đã tạo nên cá tính và quyết định cả một đời người? Chuyện này có vẻ tầm thường, nhưng người lần đầu tiên đã dạy Eguchi rằng cặp môi đàn ông có thể làm tươm máu gần như bất cứ chỗ nào trên thân xác đàn bà, chính là cô gái có máu đọng chung quanh núm vú; và dù rồi sau đó Eguchi đã tránh đi đến cực điểm như thế, cái kỷ niệm về người đàn bà là một tặng vật mang đến sinh lực cho cả đời người đàn ông, ngay tận bây giờ vẫn chưa bị xóa nhòa, vẫn còn mãi trong ông, một người đã tròn sáu mươi bảy tuổi.

Còn một chuyện tầm thường nữa.

"Trước khi ngủ tôi nhắm mắt lại và đếm những người đàn ông tôi sẵn lòng để cho hôn. Tôi đếm họ trên đầu ngón tay. Thấy khoái trá lắm. Nhưng khi đếm không tới mười người thì tôi buồn lắm." Eguchi hồi trẻ đã nghe lời tâm sự như thế từ một người đàn bà tuổi trung niên, vợ viên giám đốc một công ty lớn, có quan hệ rộng rãi trong giới thượng lưu, và theo lời đồn, thông minh. Khi đó bà đang nhảy điệu luân vũ với Eguchi. Nghe lời tâm sự đột ngột kiểu này chỉ có nghĩa ông là một trong những người đàn ông bà sẵn lòng để cho hôn; Eguchi cầm tay bà bớt chặt lại.

"Tôi chỉ đếm họ thôi," bà nói một cách hờ hững. "Anh còn trẻ, và tôi đoán anh không thấy buồn mỗi khi tìm cách dỗ giấc ngủ. Và nếu anh thấy buồn thì có sẵn vợ anh đó. Nhưng thỉnh thoảng anh nên thử làm như tôi đi.Tôi thấy nó như thuốc bổ đấy."

Giọng bà tỉnh khô và Eguchi không trả lời. Bà nói bà chỉ đếm họ thôi; nhưng ta có thể nghi là bà cũng gọi lên trong đầu những khuôn mặt, những thân thể của họ. Và việc đếm tới mười chắc cần rất nhiều thì giờ và óc tưởng tượng. Eguchi đang nghĩ tới đây thì mùi nước hoa có hơi hướng khích dục từ người đàn bà quá thì này thoảng đến nồng hơn ở mũi ông. Dĩ nhiên, bà có cái tự do thầm kín tưởng tượng trong đầu hình dáng Eguchi giữa những người đàn ông bà sẵn sàng để cho hôn. Chuyện này chẳng dính dáng gì đến ông cả, và thực ra ông chẳng thể chống cự hay than phiền; tuy thế vẫn có cái gì dơ bẩn trong việc ông bị dùng làm đồ chơi trong trí tưởng của một người đàn bà quá thì mà ông chẳng thể hay biết gì. Nhưng tới tận bây giờ ông vẫn không quên lời nói của bà. Sau đó ông thấy mình nửa tin, nửa ngờ, rằng bà ta đã tìm cách quyến rủ ông, hay bà đã bịa ra chuyện đó để đùa cợt ông; cuối cùng chỉ lời nói của bà là còn đọng lại trong trí nhớ ông. Bà đã qua đời từ lâu. Ông già Eguchi không còn những nỗi nghi hoặc như trước nữa. Và một người đàn bà tài tình như thế, chắc bà đã hôn hít, ôm ấp trong trí tưởng đến mấy trăm đàn ông trước khi chết chứ không phải chơi đâu?

Về phần Eguchi, khi tuổi già xáp đến gần, vào những đêm khó ngủ, ông thỉnh thoảng nhớ lại lời bà ấy và đếm đàn bà trên đầu ngón tay, nhưng ông không làm chuyện đơn giản là chỉ đếm những người đàn bà ông không ngại hôn. Ông nhớ đến những người nào để lại trong ông những kỷ niệm một thời yêu thương. Và đêm nay nữa, ông lại nhớ đến một mối tình xưa cũ vì cô gái đẹp đang ngủ kia đã gây cho ông cái ảo tưởng là ông ngửi được mùi sữa đâu đây. Có lẽ mùi máu trên ngực người yêu của một thời xa cũ đã làm cho ông ngửi cái mùi không có thực từ cô gái đang nằm đây. Có lẽ để mình đắm chìm trong hồi tưởng đến những người đàn bà không bao giờ trở lại từ quá khứ xa xăm là niềm an ủi u buồn cho một ông già, ngay khi ông đang vuốt ve, mơn trớn cô gái đẹp không thể nào tỉnh thức. Eguchi thấy cõi lòng mình ấm lên cùng nỗi cô đơn. Ông chỉ sờ qua ngực nàng để xem có bị ướt không, nhưng sau đó không một ý nghĩ méo mó nào hiện ra trong đầu ông, như làm cho cô gái giật mình khi khám phá ra máu trên ngực vào lúc thức dậy, rất lâu sau ông. Đôi vú nàng có vẻ căng tròn một cách đẹp đẽ. Một ý lạ đến với ông : tại sao bộ ngực của giống cái loài người, duy nhất trong các loài vật khác, sau một cuộc tiến hóa lâu dài, lại mang hình dạng đẹp đẽ? Cái đẹp tuyệt vời mà bộ ngực phụ nữ đã đạt tới phải chăng là một vinh quang của nhân loại?

Có lẽ đôi môi đàn bà cũng vậy. Ông già Eguchi nghĩ đến những người đàn bà trang điểm trước khi đi ngủ, những người khác lại lau tẩy son phấn sạch sẽ trước khi vào giường. Cũng có những người mang cặp môi nhợt nhạt sau khi chùi son, những người mang cặp môi xỉn màu thời gian. Khuôn mặt cô gái nằm bên cạnh ông có trang điểm chút ít gì không, ông không thể thấy rõ dưới ánh sáng dịu dàng xuống từ trần nhà và ánh phản chiếu từ các tấm màn nhung che bốn bức tường, nhưng nàng không đi xa tới độ cạo cả lông mày. Đôi môi và những cái răng thấy được trông khỏe mạnh, tươi tắn. Dù không nhai một chất gì làm thơm miệng, hơi thở của nàng có mùi thơm thường tiết ra từ miệng một cô gái trẻ. Eguchi không ưa những núm vú nở rộng và sẫm màu. Khi giở tấm chăn lên hồi nãy, ông thoáng thấy đầu vú nàng còn nhỏ và còn hồng. Nàng ngủ nằm ngửa và ông có thể hôn ngực nàng. Nàng đâu phải là một cô gái có bộ ngực mà ông chẳng thấy hứng hôn lên chút nào. Ở tuổi ông mà còn hứng hôn thế, Eguchi nghĩ, thì huống chi những lão già khú đế khi đến ngôi nhà này; họ phải thấy vui sướng, khoái trá biết bao, nên họ sá gì giá cả, sá gì hiểm nguy. Trong đám họ chắc chắn có những kẻ cuồng nhiệt, tham lam và hình ảnh những kẻ này làm gì với nàng lại lẩn quất trong đầu Eguchi. Cô gái ngủ say và không hay biết gì hết. Có phải vì thế mà khuôn mặt nàng, thân xác nàng vẫn nguyên vẹn, vẫn trong sạch trước mắt ông lúc này? Nếu Eguchi không hạ mình dở trò khỉ với nàng như những kẻ tham lam, ấy chỉ vì ông thấy nàng rất đẹp khi ngủ. Có phải sự khác biệt giữa ông và các lão già khác nằm ở chỗ ông còn nội lực hoạt động như một người đàn ông? Các lão già đó cần cô gái ngủ rất say, một giấc ngủ không đáy. Còn Eguchi, đã hai lần ông tìm cách đánh thức nàng dậy, nhẹ nhàng thôi. Giả dụ bất ngờ cô gái lại mở mắt tỉnh dậy, ông thấy mình thực tình chẳng biết định làm gì với nàng; vậy mà ông vẫn thử làm, xuất phát từ cảm giác yêu mến cô gái này. Không phải đâu, ông đoán là nó xuất phát từ nỗi lo sợ và sự trống rỗng trong ông.

"Có lẽ mình nên ngủ thôi," ông nghe mình lẩm bẩm một cách vô ích, rồi thêm, "đây không phải là giấc ngủ nghìn thu đâu. Không phải thế đâu, cho nàng hay cho cả mình."

Ông nhắm mắt lại, tin rằng sau cái đêm lạ lùng này mình sẽ thức dậy buổi sáng, còn thở, có khác chi tất cả những đêm bình thường trước đó. Cô gái ngủ với ngón trỏ đặt trên miệng nhưng cái cùi chỏ lại thọc ngang phía ông làm ông khó chịu. Eguchi dùng ngón trỏ và ngón giữa nắm lấy cổ tay nàng, kéo cánh tay dài ra dọc theo người; cùng lúc ông cảm thấy mạch nàng đập, nhẹ và đều. Hơi thở êm dịu của nàng thì có phần chậm hơn ông. Gió thỉnh thoảng lại thổi qua mái nhà nhưng không còn rít lên những âm thanh báo hiệu mùa đông sắp về. Tiếng sóng ầm ầm đập vào vách đá nhô ra biển nghe dịu bớt khi dội lên cao, và cái tiếng vang đến từ mặt biển này nghe như âm nhạc đến từ thân thể cô gái cùng với nhịp đập của trái tim và mạch đập ở cổ tay nàng. Một con bướm trắng muốt lượn đi lượn lại theo điệu nhạc, dưới đôi mi khép kín của ông. Eguchi buông cổ tay nàng ra. Ông sẽ không chạm vào người nàng bất cứ chỗ nào nữa. Mùi thơm từ hơi thở, từ mái tóc, từ thân thể nàng, đều thoáng dịu.

Những ngày chạy trốn về Kyoto bằng đường tỉnh lộ nhỏ với cô bạn có lần bị máu đọng trên ngực lại trở về trong trí nhớ ông già Eguchi. Cái kỷ niệm này sao sống động thế ngay bây giờ, có lẽ vì ông được bao bọc trong cái ấm nồng tỏa ra từ một thể xác tươi trẻ. Có rất nhiều đường hầm ngắn trên đường xe lửa nối các tỉnh miền Tây với thành phố Kyoto. Mỗi lần tàu chạy vào đường hầm cô gái như thể kinh hãi kéo đầu gối mình sát lại đầu gối ông và nắm chặt tay ông. Và mỗi khi tàu ra khỏi đường hầm thì thấy một khe núi hay một ngọn đồi với dải cầu vồng giăng trên.

"Trông xinh quá!", hay "Thú nhỉ!". Nàng thốt lên lời khen vui vẻ mỗi lần thấy chiếc cầu vồng bé nhỏ, và thực ra nàng cứ đưa mắt hết sang trái rồi sang phải nên lúc nào cũng tìm được một cái cầu vồng mỗi khi tàu ra khỏi đường hầm. Thỉnh thoảng màu sắc hiện ra quá mờ nhạt khiến ta không thể phân biệt và nàng cảm thấy đó là một điềm gở giữa đám cầu vồng xuất hiện nhiều một cách lạ lùng này.

"Anh có tin là người ta đuổi theo mình không? Em lo người ta chặn bắt khi mình tới Kyoto. Và một khi em bị bắt về, người ta sẽ không cho em ra khỏi nhà nữa."

Eguchi hồi đó vừa học xong đại học và mới đi làm nên không thể kiếm sống được ở Kyoto; ông cũng biết rõ là trừ trường hợp hai người cùng tự sát, sớm hay muộn họ phải quay lại Tokyo. Nhưng những chiếc cầu vồng nhỏ nhắn khiến ông liên tưởng đến sự trinh trắng của những bộ phận kín đáo trên thân thể cô gái, và sự liên tưởng này cứ nằm mãi trong đầu ông. Ông đã nhìn thấy sự trinh trắng đó trong một quán trọ nằm bên bờ sông Kanazawa. Đó là vào một đêm tuyết mỏng rơi. Ông bị xúc động mạnh, hơi thở nghẹn lại, nước mắt ứa ra. Từ đó cho đến suốt mấy chục năm sau ông không còn bao giờ nhìn thấy sự trinh trắng như thế nơi những người đàn bà khác; và ông nghĩ rằng ông thấu hiểu mọi sự trinh trắng, rằng sự trinh trắng ở chỗ kín chỉ riêng cô gái này có mà thôi. Ông tìm cách cười xóa cái ý tưởng này đi nhưng nó đã thành một sự việc có thật trong niềm khao khát khôn nguôi của ông và nó vẫn còn là một kỷ niệm mãnh liệt theo ông mãi cho tới tận tuổi già. Gia đình cô gái gửi một người tìm bắt và dẫn nàng về lại Tokyo; ít lâu sau nàng bị gả chồng.

Khi họ tình cờ gặp lại nhau gần hồ Shinobazu, nàng đã có một hài nhi địu trên lưng. Đứa bé che đầu bằng một mũ len trắng. Khi đó vào mùa thu và hoa sen trong hồ đang tàn. Con bướm trắng bay lượn đêm nay sau đôi mi nhắm kín của Eguchi có phải do cái mũ trắng đó gợi lên không?

Khi họ gặp nhau bên hồ, tất cả những gì Eguchi nghĩ ra được là hỏi thăm nàng có được hạnh phúc không.

"Có ạ", nàng trả lời ngay tức khắc. "Em có hạnh phúc". Chắc là nàng không có câu trả lời nào khác.

"Nhưng tại sao em đi bộ một mình ở đây với con nhỏ trên lưng?" Đó là một câu hỏi lạ thường. Cô gái không nói, chỉ nhìn thẳng vào mặt Eguchi.

"Trai hay gái?"

"Gái. Thật mà! Ua, nhìn nó mà anh không biết sao?"

"Có phải con anh không?"

"Không." Cô gái lắc đầu một cách giận dữ. "Không, không."

"Thật sao? Ngay nó là con anh đi nữa, em chẳng cần phải nói ra bây giờ. Em chỉ nói ra khi nào em muốn. Trong bao nhiêu năm nữa cũng được."

"Không phải đâu. Thật vậy mà! Em đâu có quên có một thời em đã yêu anh nhưng anh đừng có bày đặt tưởng tượng này nọ. Anh sẽ gây khổ sở cho con em mà thôi."

"Thật sao?" Eguchi không cố ý nhìn kỹ mặt đứa bé sơ sinh nhưng ông cứ nhìn theo cô gái mãi. Nàng đi được một quãng khá xa rồi ngoái đầu liếc mắt. Thấy Eguchi còn nhìn theo mình, nàng bước nhanh hơn. Ông không gặp lại nàng lần nào nữa. Rồi ông nghe tin nàng chết cách đây hơn mười năm. Eguchi, bây giờ sáu mươi bảy tuổi, đã mất đi nhiều bạn bè và bà con, nhưng kỷ niệm về cô gái ấy vẫn còn tươi rói trong ông. Cái kỷ niệm này, dù bây giờ chỉ còn lại ba chi tiết, cái mũ trắng của đứa bé, sự trinh trắng ở chỗ kín và vết máu trên ngực, luôn còn trong trẻo và sinh động. Rất có thể là không ai trên thế gian, trừ Eguchi, biết được sự trinh trắng vô song đó và cái ký ức này sẽ biến mất khỏi mặt đất cùng với cái chết cận kề của ông. Dù cảm thấy thẹn thùng nàng vẫn để ông ngắm nhìn thỏa thích mà. Có lẽ cô gái nào cũng thế; nhưng chắc chắn là nàng tự mình không biết được sự trinh trắng đó. Nàng đâu thể thấy nó được.

Vào sáng sớm hôm sau khi đến Kyoto, Eguchi và cô gái đi dạo trong một rừng trúc. Lá trúc sáng loáng như bạc trong nắng ban mai. Trong hồi tưởng của Eguchi, lá trúc tươi tốt và mềm mại, trắng sáng như bạc ròng, và cành trúc hình như cũng làm bằng bạc. Dọc theo con đường mòn men theo bìa rừng, các bụi cỏ đầu bạc và cúc gai đang nở hoa. Eguchi không chắc lắm về mùa hoa nở nhưng trong tâm tưởng ông con đường nhỏ đó bồng bềnh trong một cảnh sắc như thế. Đi quá cánh rừng thì hai người trèo ngược theo một dòng suối trong xanh lên tận chỗ thác nước đang đổ xuống rào rào, màn nước long lanh ánh mặt trời. Và trong màn bụi nước, cô gái đứng, khỏa thân. Sự việc xảy ra thì khác hẳn nhưng với thời gian trôi qua, tâm trí Eguchi đã tạo ra một hình ảnh như thế. Khi về già, đôi khi chỉ nhìn những ngọn đồi ở Kyoto và những thân cây thông đỏ đứng thành cụm thoai thoải lại làm sống lại hình ảnh cô gái đó trong ông; nhưng những kỷ niệm sinh động như đêm nay thì thực sự hiếm hoi. Có phải tuổi trẻ của cô gái đang ngủ mê đã gọi chúng về không?

Ông già Eguchi vẫn tỉnh như sáo sậu và không tỏ vẻ gì sắp chìm vào giấc ngủ. Ông không muốn nhớ đến những người đàn bà khác ngoài cô gái đã ngắm nhìn những chiếc cầu vồng nhỏ. Ông cũng chẳng muốn rờ mó, vuốt ve cô gái đang ngủ, chẳng muốn nhìn nàng trần truồng. Ông xoay người nằm sấp, mở lại lần nữa gói thuốc đặt bên gối. Mụ đàn bà đã nói đây là thuốc ngủ nhưng Eguchi còn phân vân. Ông không biết được nó thuộc loại thuốc nào, có giống như thuốc mà người ta đưa cô gái uống không. Ông bỏ một viên vào miệng rồi uống thật nhiều nước để nuốt trôi. Ông thường uống một ly rượu mạnh trước khi ngủ nhưng không có thói quen dùng thuốc; vì thế lần này ông bị kéo vào giấc ngủ nhanh chóng. Và ông nằm mộng. Ông được một người đàn bà ôm hôn nhưng nàng có đến bốn chân. Bốn chân này siết chặt ông. Nàng cũng có tay nữa. Tuy nửa tỉnh, nửa mê, ông cảm thấy bốn chân thật là lạ lùng nhưng không kinh tởm. Bốn chân đó, rất khêu gợi, kích thích hơn hai chân nhiều, vẫn ám ảnh ông. Đúng là cái thuốc ngủ này làm cho người ta nằm mơ như thế, ông nghĩ lơ mơ. Cô gái xoay người quay lưng về phía ông, đôi mông sát người ông. Ông hơi xúc động khi thấy đầu nàng xa ông hơn mông nàng. Nửa tỉnh, nửa mê, ông lùa tay vào mái tóc dài trải rộng bên ông và vuốt ve như thể chải lược rồi thiếp đi.

Ông lại có một cơn mơ khác, cực kỳ khó chịu. Một trong các con gái ông đẻ ra ở nhà thương một hài nhi dị dạng. Và khi tỉnh giấc ông già Eguchi không thể nhớ được bộ phận nào bị biến dạng trên cơ thể đứa bé. Chắc là ông không muốn nhớ đó thôi. Dù sao đi nữa, đó là một sự biến đáng sợ. Đứa trẻ sơ sinh tức khắc bị tách rời người mẹ. Nhưng núp sau tấm màn trắng của phòng hộ sinh người mẹ bắt đầu chặt nó ra từng mảnh để sẵn sàng ném vào thùng rác. Viên bác sĩ, một người bạn của Eguchi, mặc đồ trắng, đứng bên cạnh người mẹ. Eguchi cũng đứng bên cạnh nàng. Ông bây giờ đã tỉnh ngủ hẳn, rên rỉ trước giấc mơ khủng khiếp. Các tấm màn nhung đỏ thẫm trên bốn bức tường làm ông hoảng hốt đến nỗi ông đưa tay che mặt rồi vò trán. Cơn ác mộng ghê sợ làm sao! Viên thuốc ngủ đâu có chứa lén con quái vật nào đâu. Có phải vì ông đến đây để tìm những lạc thú méo mó, biến dạng mà ông gặp phải một giấc mơ biến dạng ? Trong ba cô con gái, ông không biết mình đã gặp đứa nào trong mơ và ông cũng chẳng tìm cách biết rõ hơn. Cả ba cô đều sinh hạ các hài nhi hoàn toàn bình thường.

Eguchi ngay lúc này muốn rời quách nơi đây cho rồi, nếu có thể. Nhưng ông lại uống thêm một viên thuốc nữa để rơi vào giấc ngủ sâu hơn. Ông cảm thấy nước lạnh chạy qua cổ họng. Cô gái vẫn nằm quay lưng về phía ông. A, cái cô gái này, có thể lắm chứ không à, sinh ra một đứa con xấu xí nhất, đần độn nhất, ông nghĩ thầm và đặt tay lên bờ vai nàng.

"Quay lại đây đi!"

Như thể nghe theo lời ông, nàng xoay người về phía ông. Một tay đặt lên ngực ông. Một chân gác lên đùi ông như thể run rẩy vì lạnh. Người nàng rất ấm, không thể bị lạnh đâu. Từ miệng hay từ mũi nàng, ông không chắc lắm, phát ra tiếng rên yếu ớt.

"Cô cũng gặp ác mộng hay sao?" ông hỏi.

Nhưng ông già Eguchi đã rơi tuột vào vực sâu của giấc ngủ.





HAI







Eguchi không nghĩ mình sẽ trở lại "ngôi nhà người đẹp ngủ mê" lần thứ hai. Ngay lần đầu tiên trải qua một đêm ở đó ông đã không cảm thấy có hứng thú quay lại. Và sáng hôm sau khi ngủ dậy ra về ông thấy mình cũng nghĩ thế.

Độ hai tuần sau thì một cú điện thoại gọi đến hỏi ông có thích đến ngôi nhà đó ngay đêm nay không. Giọng nói có vẻ là của mụ đàn bà đã quá tuổi bốn mươi nhưng trong máy ông nghe nó như một tiếng thì thầm lạnh lẽo đến từ một nơi chốn nào bí ẩn và tịch mịch.

"Thưa ông, nếu ông đi ngay bây giờ thì khi nào tôi mới gặp ông?"

"Tôi đoán vào khoảng sau chín giờ một tí."

"Như thế thì sớm quá. Cô gái chưa đến đây, mà ngay cả cô có mặt rồi thì cô cũng chưa ngủ đâu."

Ngạc nhiên quá đỗi, Eguchi không nói gì.

"Tôi sẽ thiếp cho cô ta ngủ trước mười một giờ. Tôi sẽ chờ ông lúc nào cũng được nhưng phải sau giờ đó."

Mụ đàn bà nói chậm rãi và điềm tĩnh nhưng Eguchi thấy tim mình đập nhanh.

"Vậy thì mười một giờ," ông nói, cổ họng khô.

Thực tình ông còn muốn nói thêm, nửa đùa, nửa thật, cô ta ngủ hay thức thì nhằm nhò gì. Nhưng ông vẫn thích gặp mặt trước khi cô ngủ say. Nhưng một cách nào đó cả câu chữ bị dính kẹt trong cổ họng, không phát ra được. Ông đã đụng chạm đến cái điều lệ bí mật của ngôi nhà. Điều lệ thật lạ lùng, có lẽ vì thế mà ta càng phải tuân theo một cách nghiêm chỉnh hơn. Vì nếu nó bị vi phạm, dù chỉ một lần thôi, ngôi nhà sẽ trở thành một nhà chứa gái tầm thường; rồi những đòi hỏi buồn bã và đáng thương của những ông già gần đất xa trời, những mối cám dỗ tối tăm, tất cả sẽ biến mất, mãi mãi. Khi nghe nói trong điện thoại chín giờ là còn sớm quá, cô gái chưa ngủ, và người ta sẽ thuốc cho nàng ngủ trước mười một giờ, Eguchi cảm thấy một nỗi ham mê thình lình bùng lên trong lồng ngực của mình; điều này làm ông ngạc nhiên quá đỗi như thể người ta bất ngờ kéo ông ra khỏi cái thực tế đời thường. Sự kích thích bắt đầu với ý nghĩ cô gái sẽ ngủ mê và sẽ không tỉnh giấc trong bất cứ trường hợp nào.

Chưa đầy nửa tháng mà ông sắp đến lại một nơi chốn ông đã không có ý muốn quay lại, thế là quá nhanh hay quá chậm? Dù sao đi nữa, ông đã không chống cự lại sự cám dỗ bằng ý chí. Ông không có ý để mình buông thả vào cái thứ trò chơi khỉ gió, già nua và xấu xí này vì thực sự ông chưa đến nỗi lọm khọm yếu ớt như những lão già khác để cần một nhà chứa kiểu này. Tuy vậy, cái đêm đó, cái đêm đầu tiên ông ngủ ở ngôi nhà đó, không để lại trong ông một cảm tưởng khó chịu nào. Cái mặc cảm sai trái có đấy chứ không phải không; nhưng ông lại nghĩ trong suốt sáu mươi bảy năm của đời mình ông chưa hề trải qua một đêm với đàn bà một cách trong lành như thế. Ông vẫn nghĩ vậy ngay khi thức giấc vào sáng hôm sau. Thuốc ngủ có vẻ công hiệu vì ông ngủ thẳng giấc đến tám giờ sáng, trễ hơn thường lệ. Thân thể ông không chạm đến thân thể cô gái ở bất cứ điểm nào. Trong mùi hương êm dịu và hơi ấm tuổi trẻ, ông cảm thấy sự tỉnh giấc của mình mang vị dịu ngọt của thời thơ ấu.

Cô gái nằm quay mặt về phía ông, đầu gần ông hơn là ngực, và dưới cái bóng của chiếc cằm, một nếp hằn rất khó thấy rõ chạy ngang cái cổ tươi tắn và thon thả. Mái tóc dài trải ngập gối. Từ đôi môi khép kín của nàng, Eguchi nhìn ngược lên hàng lông mày và lông mi một cách chăm chú và không chút lưỡng lự tin rằng cô gái còn trinh. Cặp mắt già nua của Eguchi không thể phân biệt rõ từng sợi lông mày hay lông mi vì nàng nằm quá gần. Da nàng trắng dịu dù mắt ông không thể nhìn ra các sợi lông tơ. Không có một nốt ruồi nào trên cả mặt lẫn cổ. Ông đã quên cơn ác mộng vừa qua, thấy lòng mình tràn ngập tình cảm yêu mến cô gái rồi ông lại có cái cảm giác trẻ con là ông được nàng yêu lại. Ông tìm vú cô gái và dịu dàng giữ yên trong lòng bàn tay. Một thoáng cảm giác lạ lùng nảy sinh từ sự đụng chạm như thể bộ ngực này là của mẹ ông trước khi bà mang ông trong bụng. Ông rút tay về nhưng cái cảm giác đó đã đi xuyên người ông, từ ngực lên vai.

Ông nghe tiếng cửa mở ở phòng bên cạnh.

"Ông thức dậy chưa?" mụ đàn bà quán trọ hỏi. "Tôi đã sửa soạn bữa ăn sáng cho ông rồi đấy."

"Được rồi." Eguchi nói nhanh. Anh sáng mặt trời len qua khe hở các ván ô lấp lánh trên tấm màn nhung. Nhưng ánh nắng ban mai không lẫn với ánh điện mềm dịu tỏa xuống từ trần nhà.

"Tôi dọn ra đây nhé?"

"Ừ"

Chống một tay ngồi dậy, Eguchi dùng tay kia vuốt nhẹ tóc cô gái.

Ông thừa hiểu là mụ đàn bà muốn khách ra về trước khi cô gái thức dậy nhưng mụ không tỏ ra vội vã khi phục vụ bữa ăn sáng. Không biết cô gái bị thiếp ngủ cho tới khi nào? Nhưng Eguchi tự nhủ không nên hỏi lộ liễu như thế.

"Cô này xinh lắm." ông nói một cách bình thản.

"Vâng. Và ông có được những giấc mơ dễ chịu chứ ?"

"Cô ta đã mang đến cho tôi những giấc mơ rất hứng thú."

"Gió và sóng đã dịu bớt sáng nay." Mụ đàn bà đổi câu chuyện. "Trời chắc có nắng hanh."

Bây giờ đến lại đây lần thứ hai sau nửa tháng, Eguchi không thấy tò mò như lần đầu nhưng lại thấy ngại ngùng, bất an; nhưng cùng lúc sự hứng tình lại mạnh hơn. Và sự bồn chồn vì phải chờ đợi mãi đến mười một giờ đã mang lại một niềm say đắm mơ hồ.

Vẫn là mụ đàn bà đó mở cổng cho ông. Bức tranh in lại vẫn treo ở hốc nhà. Trà vẫn ngon. Ông cảm thấy bồn chồn hơn lần trước nhưng bề ngoài vẫn giữ được phong thái trầm tĩnh của một lão khách từng trải.

"Ở đây ấm thật," ông vừa nói, vừa nhìn quanh đến bức tranh vẽ làng miền núi vàng trong lá mùa thu, "khiến tôi nghĩ lá phong vàng chưa kịp chuyển sang màu đỏ thì đã úa tàn. Nhưng trời tối mịt, tôi thực ra không nhìn được kỹ khu vườn của bà."

Cái lối gợi chuyện kiểu này kể cũng lạ.

"Có lẽ thế," mụ đàn bà nói, giọng hờ hững. "Trời trở lạnh rồi đấy. Tôi đã để sẵn cái chăn điện, loại cho hai người đắp với hai cái công tắc. Và ông tắt, mở tùy ý ở phần ông."

"Tôi chưa bao giờ ngủ mà đắp chăn điện."

"Nếu muốn thì ông có thể tắt điện phía ông nhưng tôi yêu cầu ông đừng tắt phía cô gái."

Ông già hiểu ngay: vì nàng nằm ngủ trần truồng.

"Coi bộ cũng hay dữ a, chỉ một cái chăn mà người đắp chung có thể chọn riêng nhiệt độ hợp cho mình."

"Đồ Mỹ mà. Nhưng mong ông đừng tỏ ra khó tính quá mà tắt điện phía cô gái. Ông hiểu cho, dù bị lạnh đến mấy đi nữa cô ta cũng không thức giấc đâu, tôi đoan thế."

Ông không nói gì.

"Cô gái đêm nay nhiều kinh nghiệm hơn cô gái trước."

"Sao?"

"Rất xinh đẹp nữa. Tôi biết là ông sẽ không làm gì sai trái nên tôi phải chọn các cô gái đẹp; nếu không thì kỳ lắm."

"Vậy không phải là cô gái hôm trước?"

"Thưa ông không. Nhưng tối nay có một cô khác lại không hay hơn sao?"

"Nhưng tôi đâu thích lang chạ."

"Lang chạ? Có gì đâu mà ông lại nói lang chạ?"

Eguchi cảm thấy mụ có vẻ cười cợt, chế giễu ông đằng sau lối ăn nói dễ dàng, lưu loát. "Trong đám khách của tôi không ai làm chuyện lăng nhăng cả. Họ đều tử tế, lịch sự, và tin cậy được." Mụ nói không nhìn ông, đôi môi mỏng dính. Eguchi thấy mình phát cáu trước vẻ châm chọc che giấu trong lời nói, nhưng ông không biết nói sao cả. Mà nghĩ cho cùng, mụ chỉ là một Tú Bà từng trải và lạnh lùng.

"Dù ông có nghĩ đây là một sự lang chạ nhưng cô ta ngủ say mà, và chẳng biết mình đang ngủ với ai. Cô gái lần trước và cô gái đêm nay sẽ không bao giờ biết gì về ông cả, thành ra nói đến lang chạ thì hơi..."

"Tôi hiểu. Đó không phải là một quan hệ giữa người với người."

"Ông muốn nói gì thế?"

Cái quan hệ giữa một lão già không còn là đàn ông nữa với một cô gái trẻ bị thiếp cho ngủ mê không phải là một "quan hệ con người": nói ra dài dòng điều này khi đã đặt chân vào đây có phải kỳ quặc lắm không? Eguchi nghĩ ngợi.

"Chung chạ lăng nhăng một chút thì có gì sai trái đâu." Giọng mụ nghe trẻ ra một cách lạ lùng, mụ vừa nói, vừa cười như thể dỗ dành ông già Eguchi. "Nếu ông 'chịu' em trước thì lần tới tôi sẽ gọi em ấy đến cho ông. Nhưng đêm nay tôi tin rằng ông sẽ vừa lòng với em này hơn."

"Thật à? Khi bà nói cô này kinh nghiệm hơn cô trước, nghĩa là sao? Cô nào cũng ngủ lăn quay hết mà."

"Cái này thì..." Mụ đàn bà đứng lên, mở khóa phòng bên cạnh, đưa mắt nhìn vào trong rồi đặt chiếc chìa khóa trước mặt ông già Eguchi. "Chúc ông ngủ ngon."

Eguchi đổ nước sôi vào bình rồi khoan thai nhâm nhi tách trà. Ông có ý uống trà thật chậm nhưng tách trà lại run run trong tay ông. "Tay run không phải vì có tuổi, sao vậy được. Mình chưa phải là người khách tin cậy được, chưa đâu mà." Ông thầm thì cho riêng ông. Sự thể sẽ ra sao nếu ông xâm phạm các điều lệ cấm đoán của ngôi nhà để trả thù cho những sự chế nhạo và nhục mạ mà những ông già đến đây phải chịu đựng ? Và làm sao 'chung đụng' với cô gái một cách người hơn ? Ông không biết rõ nàng bị thuốc nặng đến mức nào nhưng ông chắc mình còn đủ sức làm nàng tỉnh giấc bằng sự thô bạo. Ông nghĩ như vậy; nhưng tự đáy lòng ông già Eguchi lại không cảm thấy háo hức, hứng khởi gì cả.

Sự lão suy xấu xí của những người đàn ông thảm hại lui tới ngôi nhà này sẽ chụp kịp ông trong vài năm nữa thôi, không lâu lắm đâu. Lòng ham muốn tình dục thì rộng vô hạn và sâu không đáy - và ông đã biết đến đâu trong sáu mươi bảy năm sống ở đời? Thế rồi, chung quanh các ông già, những cô gái trẻ đẹp không ngừng ra đời, thịt mát, da tươi. Nơi các ông già buồn rầu đó, niềm khao khát khôn nguôi về những giấc mộng không thành, nỗi nhớ tiếc xót xa những tháng ngày chưa sống mà đã qua đi, có phải tất cả đã hội tụ trong cái bí ẩn của ngôi nhà? Trước đây có lần Eguchi nghĩ rằng các cô gái ngủ mê và không tỉnh thức, đối với các cụ già, là hiện thân của tự do mà năm tháng không thể nào làm biến dạng. Ngủ say và câm nín, các cô vẫn nói lên được những điều mà các cụ thích nghe.

Eguchi đứng dậy, và khi mở cửa phòng bên cạnh, bắt gặp ngay một mùi thơm nồng. Ông mỉm cười. Tại sao mình lại tự dày vò vớ vẩn thế này? Cô gái nằm đó, hai bàn tay đặt trên tấm chăn. Móng tay hồng. Son ở cặp môi đỏ thẫm. Nàng nằm ngửa.

"Cô này có kinh nghiệm! Thật vậy à?" ông lẩm bẩm khi đến gần nàng. Đôi má nàng ửng đỏ, và ngay cả khuôn mặt cũng ửng đỏ, có lẽ vì hơi nóng từ tấm chăn. Da thịt nàng thơm ngát. Gò má và mi mắt đầy đặn. Cổ trắng, trắng đến độ phản ánh màu đỏ tía của tấm màn nhung. Đôi mắt khép kín nhưng có vẻ chứa đựng một ma lực đang ngủ yên trước mặt ông. Ông cởi áo quần, lưng quay về phía nàng, và cảm thấy mùi hương nồng ấm bao bọc thân thể mình. Căn phòng ngát mùi hương.

Eguchi có vẻ không còn phân vân, dè dặt như lần gặp cô gái trước. Cô gái này, dù ngủ hay thức, có sức lôi cuốn đàn ông mãnh liệt đến độ giá mà ông ra tay vi phạm điều cấm đoán của ngôi nhà này thì ông chỉ việc đổ lên đầu nàng mọi sai trái. Ông nằm xuống, đôi mắt nhắm lại như thể tận hưởng niềm khoái lạc sắp đến, và tự nơi nào sâu thẳm trong người ông toát ra một hơi ấm của thời trai trẻ. Mụ đàn bà đã nói đúng, nàng này hấp dẫn hơn nàng kia nhiều, nhưng tìm ra được một kiều nữ quyến rũ như thế này thì thực là lạ lùng. Eguchi cảm thấy ngôi nhà có cái gì đáng ngại. Ông nằm im, bao bọc trong mùi hương, không dám vuốt ve vì thấy nàng quá gợi cảm. Ông không biết gì nhiều về các mùi hương nhưng hương thơm này có vẻ toát ra từ chính thân thể cô gái. Chẳng có hạnh phúc nào lớn hơn là để mình trôi nhẹ vào giấc ngủ dịu ngọt như thế này. Ông chỉ muốn làm được vậy. Ông nhích gần nàng hơn. Nàng xoay người về phía ông như thể đáp ứng, đôi cánh tay dang rộng ra dưới tấm chăn như thể ôm choàng lấy ông.

"Cô thức rồi à?" ông hỏi, lùi người ra một chút, tay lay cằm nàng. "Cô thức rồi à?", tay lay mạnh hơn. Nàng lại úp mặt xuống gối như thể tránh bàn tay ông, khóe miệng hé mở khiến móng tay của ngón trỏ ông sượt qua một hay hai cái răng nàng. Ông giữ im ngón tay ở đó. Đôi môi nàng vẫn hé mở. Nàng ngủ say, dĩ nhiên, không phải làm bộ ngủ đâu.

Ông đã than phiền với mụ đàn bà khi không ngờ biết được cô gái đêm nay không phải là cô đêm trước; tuy vậy ông cũng hiểu rằng một cô không thể nào uống thuốc ngủ đêm này tiếp đêm kia mà không tàn hại sức khỏe. Thế thì có thể nói các khách già đành phải lang chạ với cô này rồi cô kia chính là để giữ gìn sức khỏe các cô ấy đấy. Hai phòng trên tầng lầu này, ông thấy rõ, chỉ tiếp được một người khách thôi; còn tầng trệt thì ông chẳng biết gì nhiều, nhưng ông đoán, nếu cũng dành tiếp khách thì quá lắm nó chỉ có một phòng là cùng. Vậy ngôi nhà này đâu cần nhiều cô gái cùng lúc cho các cụ già đến đây. Những cô gái đó không biết cũng đẹp như cô đêm nay, như cô đêm trước?

Đầu ngón tay Eguchi đặt trên răng nàng hơi ướt với một chất gì nhờn nhờn, và ông cho nó thọc ra, thọc vào trong miệng nàng, tìm cảm giác tiếp xúc với các răng hai ba lần. Phía ngoài răng thì phần lớn khô ráo nhưng phía trong thì ướt và trơn. Bên mặt có hai chiếc răng khểnh, cái này chồng lên cái kia. Ông dùng ngón cái và ngón trỏ kẹp cặp răng khểnh này rồi muốn thọc ngón trỏ vào phía sau nó nhưng cô gái lại nghiến chặt hàm dù đang ngủ và không chịu mở ra nữa. Khi ông rút ngón trỏ ra thì thấy nó dính đỏ. Ông định chùi màu son này bằng gì bây giờ? Nếu ông chùi lên bao gối thì nhìn vào tưởng như nàng đã trây son khi úp mặt trên gối. Vết đỏ sẽ không đi nếu ông không mút nó nhưng cái ý nghĩ đưa ngón tay bị dơ như thế vào miệng làm ông bực tức lạ lùng. Ông đành chùi nó với đám tóc trên trán nàng, lúc đầu chỉ với ngón trỏ và ngón cái rồi dùng cả năm ngón tay cào sâu vào cả mái tóc nàng, càng lúc càng thô bạo. Chân tóc nàng phát ra các tia lửa điện vào những ngón tay. Hương tóc nàng nồng hơn. Mùi người nàng cũng nồng hơn dưới cái chăn điện ấm áp. Ông vừa vuốt vuốt, vo vo tóc nàng, vừa nhìn kỹ những đường chân tóc, đều đặn như thể được vẽ phác họa, nhất là những đường sau gáy, chỗ tóc cắt ngắn được bới ngược lên. Các món tóc ở trán thì dài có, ngắn có, như thể không được chăm sóc. Ông lùa chúng ngược lên, nhìn chằm chằm lông mày và lông mi nàng. Bàn tay kia thọc sâu vào mái tóc nàng đến độ ông cảm thấy lớp da đầu.

"Không, cô nàng có tỉnh dậy đâu!" ông thầm thì với chính mình rồi nắm mớ tóc ở đỉnh đầu nàng giật mạnh.

Nàng xoay người nằm sấp lại như thể cảm thấy đau lắm, thân nàng lại càng gần người Eguchi. Cả hai cánh tay đều lọt ra ngoài chăn. Cánh tay mặt nằm trên gối và má phía mặt thì tựa lên bàn tay nên ông chỉ thấy các ngón tay. Chúng hơi xòe ra, ngón út phía dưới hàng lông mi, ngón trỏ trên môi. Ngón cái nằm khuất dưới cằm. Đôi môi hơi trề xuống phía dưới nên màu son và màu sơn trên bốn móng tay dài hợp thành một cụm đỏ trên nền gối trắng. Cánh tay trái cũng gập lại chỗ cùi chõ. Bàn tay hầu như nằm ngay dưới mắt Eguchi. Các ngón tay thì thon dài so với đôi má đầy đặn khiến ông nghĩ đến cặp giò của nàng đang duỗi thẳng. Ông dùng lòng bàn chân mình chạm vào chân nàng. Các ngón của bàn tay trái cũng hơi xòe ra. Eguchi đặt đầu lên bàn tay đó và cảm thấy bắp thịt cánh tay nàng co thắt lên tận vai vì sức nặng của cái đầu nhưng không đủ sức rút bàn tay ra. Ông nằm im như thế một lúc lâu. Đôi vai nàng hơi nhô lên, có cái tròn trịa tre trung. Ông kéo tấm chăn lên tận vai và dịu dàng vuốt ve bờ vai tròn trịa đó. Ông hôn bàn tay nàng rồi hôn dọc theo cánh tay, để mình lôi kéo theo mùi thơm da thịt của đôi vai, của gáy nàng. Lưng và vai nàng co giật chút xíu rồi trở lại bình thường. Ông ôm chặt người nàng.

Bây giờ là lúc Eguchi trả thù trên thân xác cô gái nô lệ đang ngủ say này cho tất cả sự nhục mạ và khinh miệt mà những ông già đến đây đã phải cúi đầu chịu đựng. Ông sẽ vi phạm các điều lệ của ngôi nhà này, và như thế ông biết rõ ông sẽ không được phép đặt chân vào đây một lần nào nữa. Ông lay, ông lắc, ông giật người nàng một cách thô bạo để nàng tỉnh giấc. Nhưng chưa đến đâu thì ông đã vội ngừng tay; ông chợt nhận ra các dấu hiệu rõ ràng là nàng vẫn còn trinh.

"À ra thế!" ông kêu lên, lùi người lại, thở hổn hển, tim đập mạnh, vì ngừng tay giữa chừng thì ít mà sửng sốt thì nhiều. Ông nhắm mắt lại, cố gắng tự trấn tĩnh và việc này cũng dễ thôi đối với ông hơn là đối với một người trai trẻ. Tay vẫn vuốt ve tóc nàng, ông lại mở mắt ra. Nàng vẫn nằm sấp. Một cô đĩ ở cái tuổi này mà còn trinh! Nàng không phải đĩ thì là cái gì ở đây? Ông tự nhủ. Nhưng một khi cơn bão lòng dịu đi, ông thấy tình cảm mình đối với cô gái cũng như tình cảm đối với chính ông đã chuyển hóa và không thể trở lại như trước nữa. Ông không thấy mình có lỗi, lắc giật cô gái đang ngủ say, không hay biết gì thì có gì đâu. Nhưng sự sửng sốt nơi ông phải có nghĩa gì đó chớ?

Khuôn mặt phù thủy hấp dẫn của cô gái khiến ông đã làm một việc đụng chạm thẳng những cấm đoán của ngôi nhà; và bây giờ ông hiểu ra rằng những ông già lui tới nơi chốn này với niềm vui thảm hại hơn, sự thèm khát mạnh mẽ hơn và nỗi buồn rầu sâu thẳm hơn ông tưởng nhiều. Dù đây chỉ là một trò chơi lăng nhăng của các ông già, là một cách thế dễ dãi tìm về tuổi trẻ, tận cùng đáy lòng lại giấu kín một cái gì đó mà những niềm hối tiếc không thể làm sống lại, những cố gắng vất vả đến đâu cũng không thể hồi phục, chữa lành. Cái việc cô gái phù thủy "dạn dày kinh nghiệm" này mà lại còn trinh rõ ràng không phải vì các ông già tôn trọng sự cấm đoán của ngôi nhà đâu mà là một dấu hiệu ảm đạm của sự suy sụp lụ khụ nơi họ. Sự trinh trắng của cô gái làm nổi bật sự xấu xí của tuổi già.

Bàn tay đặt dưới má có lẽ bị tê hay sao mà nàng kéo nó lên đầu rồi gấp rất chậm các ngón tay hai ba lần. Tay nàng chạm tay Eguchi đang còn vuốt ve mái tóc nàng. Ông cầm tay nàng. Các ngón tay mềm và hơi lạnh. Ông nắm chặt như thể muốn bóp nát chúng ra. Nàng xoay người nằm nghiêng, vai trái ở trên. Nàng lại đưa cánh tay trái lên cao rồi hạ xuống trên vai Eguchi như thể ôm lấy ông. Nhưng cánh tay quá nhũn nên không quàng được quanh cổ ông. Mặt nàng bây giờ quay về phía ông, cận kề đến nỗi da nàng trắng mờ dưới cặp mắt lão thị của ông; cặp lông mày quá dày, hàng lông mi mang quá nhiều bóng tối, rồi mí mắt, rồi đôi má, rồi cái cổ thon dài, tất cả xác định cái cảm tưởng ông có lúc ban đầu: nàng thật khêu gợi và quyến rủ. Cặp vú hơi xệ nhưng vẫn đầy đặn, và so với gái Nhật thì hai núm vú nở to. Ông đưa tay rờ dọc lưng xuống tận chân nàng. Cặp giò thật thẳng và rắn chắc. Có lẽ vì nàng còn trinh nên thân thể thiếu cái hài hòa giữa phần trên và phần dưới.

Ông già Eguchi, bây giờ lòng đã dịu đi, thong thả ngắm nhìn khuôn mặt và cổ cô gái. Làn da thật hợp với ánh mờ phản chiếu từ những tấm màn nhung đỏ thẫm. Các lão già đến đây đã hành xác nàng đến độ mụ đàn bà trong ngôi nhà này cho nàng "dạn dày kinh nghiệm"; vậy mà nàng vẫn còn trinh! Chắc chắn là vì các lão già bất lực, và vì nàng bị thiếp ngủ mê man. Và đời nàng sẽ ra sao trong những năm tháng tới đây, những thăng, những trầm gì sẽ đến với cô gái cuốn hút như hồ ly này, Eguchi tự hỏi, cảm thấy lòng mình nổi lên cái gì gần như tình cảm cha con; và chính cái tình cảm này khiến Eguchi hiểu rõ hơn là mình đã mang trên người gánh nặng của tuổi già. Chẳng cần thánh cũng biết cô nàng đến đây ngủ chỉ để làm tiền. Vậy mà các lão già chịu chi tiền để nằm dài bên cạnh một cô gái trẻ đẹp như nàng đã tìm được hạnh phúc thần tiên, một nguồn vui không có ở thế gian này. Nội cái chuyện nàng không bao giờ tỉnh giấc cũng đã giúp cho các lão khách thoát được những mặc cảm tự ti, thoát được nỗi hổ thẹn về sự già nua, yếu kém, và có được cái tự do tha hồ mà mơ mộng, mà tưởng tượng, mà nhớ nhung những kỷ niệm với đàn bà. Có phải vì thế mà họ chẳng tiếc tay tỏ ra hào phóng, trả tiền nhiều hơn là cho những cô nàng thức nguyên? và họ lại càng cảm thấy thoải mái hơn khi tin chắc các cô bị thiếp cho ngủ chẳng thể biết gì về họ. Ngay chính họ cũng chẳng hề biết gì về các cô - từ áo quần, cách ăn mặc cho đến lối sống, tính cách con người. Cái lý do thì sâu xa hơn là sự lo ngại thông thường những liên lụy, phiền phức về sau. Đó là cái ánh sáng lạ lùng le lói từ vực thẳm tăm tối của cõi lòng họ.

Tuy nhiên Eguchi thấy mình chưa thể quen được cái thứ quan hệ với một cô gái chẳng mở miệng nói ra một lời, chẳng mở mắt, chẳng thèm biết đến một con người hiện diện trên thế gian này là Eguchi. Ông không thể nào xóa nhòa đi nỗi khao khát không được thỏa mãn, trống rỗng trong lòng. Ông muốn nhìn đôi mắt cô gái phù thủy này. Ông muốn nghe giọng nàng, muốn trò chuyện cùng nàng. Ông thực tình không muốn rờ rẫm, vuốt ve cái thân xác im lặng này lắm đâu, thấy chán ngắt và u ám lắm. Đã sửng sốt khi khám phá ra nàng vẫn còn trinh trắng, đã ngừng tay không muốn động chạm đến nữa những cấm kỵ của ngôi nhà, ông chỉ còn cách là làm theo những lão già khác thôi. Cô gái đêm nay, dù đang ngủ say, trông sinh động hơn cô đêm trước. Rõ ràng là cuộc sống vẫn hiện diện nơi đây, trong mùi thơm da thịt, trong xúc giác và trong cách nàng cử động chân tay và thân người.

Hai viên thuốc ngủ đặt bên gối, như lần trước. Nhưng đêm nay ông không muốn để mình chìm vào giấc ngủ ngay bây giờ. Ông sẽ ngắm nhìn nàng lâu hơn. Nàng cựa quậy nhiều trong cơn say ngủ. Có thể lên đến hai ba chục lần trong một đêm. Nàng xoay người, lưng về phía ông, rồi xoay ngược lại ngay tức khắc và cánh tay nàng quàng lấy ông. Eguchi đưa tay kéo đầu gối nàng về phía mình.

"Đừng!" nàng có vẻ thốt lên, với một giọng khó nhận ra được.

"Cô tỉnh rồi à?" Ông kéo đầu gối nàng mạnh hơn để xem nàng có thức dậy thực không. Đầu gối nhũn, gập lại theo tay ông. Eguchi luồn cánh tay dưới cổ và nâng đầu nàng dậy, lay nhẹ.

"A!" cô gái lên tiếng. "Tôi đi đâu đây?"

"Cô tỉnh rồi à? Dậy đi!"

"Đừng! Đừng!" Nàng ngả đầu lên vai Eguchi như thể để tránh bị lay giật. Trán nàng chạm cổ ông, tóc nàng đâm vào mũi ông, cứng và làm đau. Ông quay mặt tránh mùi huơng quá nồng tỏa ra từ mái tóc.

"Ông làm gì thế? cô gái thốt lên. "Đừng!"

"Tôi có làm gì cô đâu!", ông già trả lời nhưng nàng chỉ nói trong giấc ngủ. Có phải nàng trong cơn mê đã hiểu sai những cử động của Eguchi hay nàng đang sống lại trong chiêm bao những cuộc hành xác mà nàng đã chịu đựng dưới bàn tay một lão khách khác trong một đêm nào ? Dù sao đi nữa, Eguchi thấy tim mình đập nhanh hơn trong tí chút gọi là đối thoại, nàng chỉ thốt lên vài tiếng không đầu không đuôi trong giấc ngủ mà thôi. Có lẽ vào buổi sáng ông có thể đánh thức nàng dậy. Nhưng nàng có thực nghe được ông không? Có phải nàng đã phản ứng nói lên vài lời khi ngủ mê vì ông lay giật người nàng hơn là vì nàng nghe được tiếng ông? Eguchi nghĩ chuyện véo thịt hay thụi nàng một cú; nhưng ông lại dịu dàng ôm nàng vào lòng. Không chống cự, không lên tiếng nhưng nàng thở nặng nhọc. Hơi thở vẫn ngọt ngào đi qua mặt ông. Ông lại thở không đều, bị cô gái này kích thích lần nữa. Nàng là của ta và ta làm gì với nàng cũng được mà. Nếu đêm nay nàng trở thành đàn bà, nỗi buồn nào sẽ choán lòng nàng sáng mai? Cuộc đời nàng có sang một bước ngoặt mới không? Dù xảy ra chuyện gì thì đến sáng mai nàng mới biết mà thôi.

"Mẹ ơí!" cô gái thốt lên nghẹn ngào. "Chờ con với, chờ con với. Mẹ phải đi sao? Con tiếc lắm, con tiếc lắm."

"Cô đang mơ gì thế? Chỉ là chiêm bao, chiêm bao thôi, tôi nói vậy mà." Ông già Eguchi xiết chặt người nàng hơn trong vòng tay như thể muốn đưa nàng ra khỏi cơn mơ. Nỗi đau chứa đựng trong tiếng gọi mẹ của nàng như lưỡi dao đâm thẳng vào người ông. Ngực nàng ép sát ngực ông đến độ dẹt hẳn xuống. Nàng cử động đôi tay. Có phải nàng tìm cách ôm ông không, tưởng ông là mẹ nàng? Không phải đâu, dù đang say ngủ, dù còn trinh, nàng vẫn khêu gợi, vẫn cuốn hút, không thể chối cãi mà. Hình như trong suốt sáu mươi bảy năm ở đời ông già Eguchi chưa bao giờ cảm thấy trọn vẹn da thịt một cô gái tươi trẻ, phù thủy. Nàng như bước ra từ một cõi liêu trai.

Bây giờ ông lại thấy nàng không phải phù thủy mà là người bị bỏ bùa mê. Như thế dù say ngủ, nàng vẫn sống, nói cách khác, ý thức nàng bị vùi sâu trong giấc ngủ đậm đặc nhưng thân xác nàng vẫn sinh động trong nữ tính của mình. Nàng trở thành một thân xác đàn bà nhưng vô thức. Và có phải nàng đã được tập luyện công phu để làm bạn đồng sàng trong đêm tối với các cụ già mà mụ đàn bà trong ngôi nhà cho nàng "dạn dày kinh nghiệm?

Eguchi nới lỏng vòng tay và đặt hai cánh tay trần của nàng quanh người như thể muốn nàng ôm mình; và nàng ôm ông thật, dịu dàng. Ông nằm im, mắt nhắm, tận hưởng cảm giác ngây ngất, nồng ấm lan tỏa trong người. Một sự sung sướng vô ngần, không cần suy nghĩ. Bây giờ Eguchi có vẻ cảm nhận được nỗi vui thú và cái vận may của những lão khách đã chọn ngôi nhà này làm chỗ tới lui. Có phải tại đây họ từ bỏ được nỗi buồn cô chiếc, sự xấu xí và nỗi khốn khổ của tuổi già? Có phải nơi đây họ nhận được ân huệ của tuổi trẻ? Đối với một người già gần đất xa trời, không có giây phút nào tuyệt diệu hơn, giây phút mà ông ta có thể quên hẳn mình đi, khi nằm im để thịt tươi da mát của cô gái trẻ quấn phủ quanh người. Nhưng có phải các lão khách chẳng thấy mặc cảm có lỗi gì khi trả tiền cho các cô gái bị thiếp ngủ mê như vật hy sinh? Hay có phải chính cái mặc cảm có lỗi thầm kín lại làm tăng thêm niềm vui thú nơi họ? Ông già Eguchi đang quên mình đi và như thể quên luôn cô gái đang nằm đây là một vật hy sinh, dùng bàn chân tìm cách tiếp xúc với các ngón chân nàng. Vì cả thân xác nàng, chỉ có chỗ đó là ông chưa đụng đến. Các ngón chân mềm và dài. Các đốt chân gập lại, mở ra dễ dàng giống như những ngón tay và chính cái chi tiết nhỏ nhoi này cuốn hút Eguchi mãnh liệt, sự cuốn hút thường toát ra tự nhiên từ loại người đàn bà làm đàn ông say đắm và đau khổ. Bằng những ngón chân và ngay trong giấc ngủ mê mệt, nàng cũng nói lên được những lời yêu thương. Ông cảm nhận các cử động của các ngón chân nàng như một điệu nhạc, trẻ con và ngập ngừng nhưng nhiều khoái lạc; và ông lắng nghe một lúc.

Nàng đã nằm mơ nhưng giấc mơ đó bây giờ đã xong chưa? Có lẽ đó không phải là một giấc mơ đâu, Eguchi tự nhủ, mà là những tiếng nói vô thức, và thói quen phản đối, chống cự mỗi khi một lão khách ra tay quá mạnh trên thân xác nàng. Phải vậy không? Cả người nàng tràn đầy một sự khêu gợi mãnh liệt khiến nàng có thể đối thoại với ông trong im lặng, bằng chính thân xác mình; nhưng nếu ông thấy mình còn ham muốn nghe giọng nói nàng, dù chỉ qua vài tiếng thầm thì ngắn ngủi thoát ra từ giấc ngủ, ấy là vì ông chưa quen thuộc lắm với mối bí ẩn của ngôi nhà. Eguchi bối rối tự hỏi phải nói gì, phải ấn mạnh chỗ nào trên người nàng để nàng cảm nhận mà phản ứng.

"Cô không còn nằm mơ nữa à? Mơ thấy mẹ cô bỏ đi xa đấy?"

Ông vuốt dọc sống lưng nàng, dừng lại hơi lâu ở các chỗ lõm. Nàng lắc nhẹ vai và xoay người nằm sấp một lần nữa - nàng có vẻ ưa thích thế nằm này. Mặt nàng hướng về phía Eguchi, bàn tay mặt nắm nhẹ viền gối, và cánh tay trái nằm trên mặt ông. Nhưng nàng chẳng nói gì cả. Ông cảm thấy hơi ấm toát ra từ hơi thở êm dịu của nàng. Nàng di chuyển cánh tay trên mặt ông, rõ ràng là để tìm chỗ dựa thoải mái hơn. Ông dùng cả hai bàn tay nâng nó đặt lên mắt mình. Các móng tay dài đâm nhẹ vào dái tai ông. Cổ tay nàng hơi gập lại trên mắt phải của ông, cái phần nhỏ nhất của nó ấn xuống mi mắt. Ông giữ bàn tay nàng trên đôi mắt mình, y như thế. Ông lại cảm thấy mới cái mùi thơm da thịt đang đi vào mắt và mang đến ông nhiều ảo ảnh mới lạ. Ngay vào thời điểm này trong năm, hai hay ba hoa mẫu đơn mùa đông nở dưới mặt trời ấm áp bên chân hàng rào cao bằng đá của một tu viện cổ ở Yamato. Những đóa trà hoa trắng nở trong vườn gần mái hiên ngôi nhà Shisendo[9]. Vào mùa xuân, ra đời những chùm hoa đậu tía, những đóa đỗ quyên trắng[10] ở thành phố Nara[11]; và ở Đền Trà Hoa ở Kyoto, những cánh hoa trà rụng đầy vườn.

"A! Ta đã đến đó rồi!" Những đoá hoa này gợi lên những kỷ niệm với ba cô con gái đã lấy chồng; những đóa hoa ông bắt gặp trong những chuyến đi với cả ba cô hay với một trong ba cô. Bây giờ làm vợ, làm mẹ, chắc họ chẳng còn giữ những kỷ niệm sống động đó. Nhưng Eguchi còn nhớ kỹ lắm, và đôi khi ông nhắc đến các sắc hoa đó với vợ mình. Bà đâu cảm thấy xa cách con cái, bây giờ họ đã lấy chồng, nhiều như ông. Bà vẫn gần gũi họ và không thấy cần thiết gợi nhớ những kỷ niệm cùng họ ngắm những loài hoa đó. Bà chẳng thể thấy chúng, bà không có đi cùng cha con ông.

Tận cùng đôi mắt được bàn tay cô gái đậy kín, Eguchi thấy hình ảnh các đoá hoa hiện lên rồi biến đi, biến đi rồi hiện lên; và thấy sống lại, sau khi gả chồng cho các con gái, sự xúc động của những ngày ông bị những cô gái trẻ khác cuốn hút. Cô gái nằm đây đêm nay có vẻ là một trong những cô gái của những ngày xa xưa ấy. Ông rút tay mình khỏi tay nàng nhưng bàn tay cô gái vẫn nằm trên mắt ông. Chỉ có cô gái út là đã cùng ông đứng ngắm cây trà hoa cao lớn ở Đền Trà Hoa trong một chuyến du hành để giã từ khoảng hai tuần trước ngày cô lên xe hoa. Đóa hoa trà rụng cánh đã để lại trong trí tưởng ông một ấn tượng đặc biệt mạnh mẽ. Cô gái út này đã làm ông khổ tâm và đau buồn khi đi lấy chồng. Hai chàng trai tranh cưới con gái ông và trong cuộc đua tài này, con gái ông mất đi trinh tiết của mình. Eguchi rủ cô làm một chuyến du ngoạn để thay đổi không khí, để thoải mái tâm trí.

Hoa trà thường bị xem là mang đến điềm gở vì hoa rụng cả đóa khi lìa cành trông như những cái đầu bị chặt; nhưng cây trà hoa cao lớn nơi đây có tuổi thọ bốn trăm năm nở hoa song đôi, ngũ sắc và lại rụng từng cánh một. Vì thế người ta gọi nó là "trà hoa rụng cánh".

"Khi hoa rụng nhiều nhất," cô vợ trẻ của người giữ đền nói với Eguchi, "chúng tôi hốt đến năm hay sáu giỏ đầy cánh hoa mỗi ngày."

Những cụm hoa trà trên cây, cô nói tiếp, trông tươi đẹp hơn khi được chiếu sáng từ phía sau hơn là khi được mặt trời rọi thẳng. Eguchi và cô gái út ngồi ở mái hiên phía tây và mặt trời đang xuống dần sau cây trà hoa cao lớn. Họ nhìn mặt trời nhưng đám lá dày và những cụm hoa không để ánh sáng qua lọt, như thể ánh sáng chìm đắm giữa hoa lá và mặt trời phân vân treo mình trên những bờ bóng tối. Đền Trà Hoa nằm giữa một khu phố bình dân huyên náo và trong vườn thì chẳng có gì đáng xem ngoài cây trà hoa to lớn. Đôi mắt Eguchi chứa đầy hình ảnh những đóa hoa trà, và ông không nghe gì các tiếng động ồn ào, náo nhiệt của thành phố.

"Hoa nở thật tuyệt vờí!" ông chắc lưỡi với con gái.

"Đôi khi, buổi sáng ngủ dậy, người ta nhìn không ra mặt đất phủ đầy những cánh hoa rụng trong đêm," cô vợ trẻ của người giữ đền nói rồi bỏ đi, chỉ còn Eguchi và con gái trong vườn.

Có phải chỉ có cây trà hoa này nở ra năm sắc hoa khác nhau? Ông thấy được hoa trà đỏ, hoa trà trắng, rồi hoa trà hai màu nhưng Eguchi để mình đắm chìm trong trầm tư khi lặng ngắm cây hoa hơn là đi đếm các màu hoa. Thật tuyệt diệu một cây hoa bốn trăm năm lại cho ra đời tràn đầy những đóa hoa rực rỡ thế này. Nắng chiều bị hút hẳn vào trong cây khiến những cụm hoa và cành lá ấm hẳn lên. Những đầu cành phía ngoài lay động dịu dàng dù ông không biết có gió hay không.

Con gái út ông không có vẻ đắm mình ngắm cây trà hoa danh tiếng này như ông. Cô chỉ nhìn một cách lơ đãng. Có lẽ cô tự nhìn chính mình hơn là nhìn cây. Cô là đứa con ông cưng nhất trong ba chị em, cứng đầu cứng cổ giống như những đứa con út, càng hơn thế từ khi hai cô chị đi lấy chồng. Hai cô này từng hỏi bà mẹ với ít nhiều ganh tức có phải Eguchi định giữ cô em út ở nhà và tìm chọn một anh chồng ở rể cho cô. Bà mẹ đem chuyện này học lại với ông. Cô lớn lên thành một cô gái thông minh và sắc sảo; nhưng ông nghĩ rằng cô vẫn chưa đủ chín chắn qua việc cô có quá nhiều bạn trai. Cô tỏ ra vui vẻ nhất, hoạt bát nhất khi có đàn ông trai trẻ vây quanh. Bố mẹ cô, nhất là bà mẹ thường tiếp đón các bạn trai cô tại nhà, nhận biết rõ ràng là cô thích hai chàng trong bọn họ. Một trong hai chàng này đã làm cô mất trinh. Trong một thời gian cô trở nên lầm lì ít nói, tính khí thất thường ngay ở trong ngôi nhà êm ấm, và cô thường tỏ ra nôn nóng và gắt gỏng không đâu, ví dụ như khi cô thay quần áo. Mẹ cô cảm thấy có điều gì không ổn. Bà hỏi thăm cô một cách tế nhị và cô đã thú nhận dễ dàng, không do dự quá. Chàng trai đó làm việc trong một cửa hàng bách hóa và ở phòng thuê. Cô hình như đã ngoan ngoãn đi theo anh ta về căn phòng đó.

"Có phải anh ta là người con định lấy không?"

"Không. Không đời nào!" cô gái trả lời mẹ khiến bà chẳng biết đâu mà mò.

Bà mẹ tin rằng chàng trai đó đã dùng sức mạnh cưỡng ép cô. Bà đem việc này bàn đi, bàn lại với Eguchi. Ông có cảm tưởng của quý trong tay ông đã bị làm thương tổn. Ông càng choáng váng hơn khi thấy cô vội vã đính hôn với chàng trai thứ hai theo đuổi cô.

"Mình nghĩ sao?" bà vợ hỏi, nghiêng người về phía ông, căng thẳng. "Để con nó làm vậy được sao?"

"Nó có kể lại việc đó cho anh chàng nó đính hôn chưa?" ông gắt lên."Nó kể ra chưa?"

"Việc này thì...Tôi không hỏi nó. Tôi cũng bị bất ngờ như mình vậy. Tôi có nên hỏi nó không?"

"Thôi, bỏ qua đi."

"Phần đông mọi người cho rằng tốt hơn không nên nói ra cho người đàn ông ta sắp lấy làm chồng. Kín miệng thì bình an nhất. Nhưng ở đời chẳng ai giống ai. Con gái mình có thể đau khổ, dày vò suốt đời nếu không nói ra cho chồng biết."

"Nhưng chúng ta chưa quyết định con nó được phép của ta hay không mà."

Dĩ nhiên Eguchi không thể tưởng tượng được sự việc một cô gái bị quyến rủ bởi một anh chàng lại đính hôn tức khắc với một anh chàng khác là chuyện tự nhiên, bình thường. Ông biết cả hai chàng đều phải lòng con gái ông. Biết rõ cả hai nên có lúc ông nghĩ cậu nào cũng xứng đáng với cô. Nhưng sự đính hôn thình lình này có phải là phản ứng của cú sốc cô đã chịu đựng? Có phải trong niềm cay đắng, oán giận, thất vọng chán chường mà cô tìm đến anh chàng thứ hai? Có phải trong sự rối loạn vì vỡ mộng với anh chàng thứ nhất mà cô để mình rơi vào vòng tay anh chàng thứ hai? Một cô gái như cô út của ông thường bị cuốn hút mãnh liệt bởi một chàng trai nào đó sau khi bị một chàng trai trước ngược đãi. Ông nghĩ vợ chồng ông có lẽ không nên trách cứ cô vì một hành động trả thù và tự hạ phẩm giá một cách không đáng chút nào.

Tuy nhiên, Eguchi chưa hề nghĩ đến là một tình cảnh như thế lại có thể xảy ra ngay cho con gái mình. Các bậc cha mẹ khác cũng thế thôi. Ông có thể đã tin cậy cô con gái sắc sảo quá nhiều khi thấy cô rất cởi mở và linh hoạt giữa đám đàn ông trai trẻ bao quanh. Nhưng bây giờ sự thể đã xảy ra rồi thì ông thấy chẳng có gì lạ lùng cả. Thân xác con gái ông được tạo ra đâu khác gì thân xác những người đàn bà khác. Một người đàn ông có thể dùng sức mạnh để thỏa mãn mình trên thân xác đó. Trong đầu ông bỗng dưng hiện ra hình ảnh khó coi con gái ông đang làm tình với gã trai đó và ông cảm thấy một cách mãnh liệt niềm hổ thẹn và nỗi nhục nhã ê chề xâm chiếm lòng ông. Ông đâu có những cảm giác đau đớn như thế khi tiễn hai cô gái đầu đi hưởng tuần trăng mật. Những gì đã xảy ra có thể chỉ là cơn bộc phát tính dục mạnh mẽ của gã trai và thể xác con gái ông được cấu tạo một cách mà nó không thể chống cự được sự cưỡng ép. Những suy nghĩ thế này có bất bình thường đối với một người cha không?

Eguchi không chấp thuận ngay cuộc đính hôn nhưng ông cũng không từ chối thẳng thừng. Ông và bà vợ được biết sau đó rất lâu là hai chàng trai đã tranh giành con gái họ một cách khá dữ dội. Khi ngày hôn lễ sắp tới gần, Eguchi đưa con đi Kyoto và ngắm nhìn cây trà hoa đang độ nở đầy hoa. Từ bên trong cây phát ra tiếng vo vo, vù vù giống như tiếng một đàn ong mật.

Lấy chồng được hai năm thì cô út sinh hạ một bé trai. Người chồng có vẻ mê say đứa con lắm. Lần cặp vợ chồng trẻ tới nhà ông thăm viếng, có lẽ vào một ngày chủ nhật, cô vợ xuống bếp phụ giúp mẹ làm cơm và người chồng cho con bú một cách khéo léo. Như thế mọi chuyện cuối cùng cũng ổn thỏa cả. Tuy cùng ở Tokyo nhưng cô gái út hiếm khi đến thăm vợ chồng ông sau ngày lên xe hoa.

"Con dạo này ra sao?" Eguchi hỏi cô khi cô đến một mình một ngày kia.

"Con ra sao à? Hạnh phúc, con đoán thế."

Có lẽ người ta chẳng muốn nói nhiều với bố mẹ những gì xảy ra trong quan hệ vợ chồng, nhưng Eguchi cảm thấy không bằng lòng và hơi lo lắng. Biết tính liến thoắng của con gái, ông nghĩ cô nên nói thêm, nói rõ hơn nữa. Nhưng cô bây giờ trông đẹp hơn, thân hình nẩy nở như những người vợ trẻ. Giả dụ đây chỉ là một sự chuyển hóa sinh lý từ con gái sang đàn bà, cô sẽ đâu có được vẻ đẹp tươi sáng như thế này nếu còn cái bóng tối nào đó lẩn quất trong lòng cô. Nước da cô sáng hẳn ra sau khi sinh con như thể cô được tắm rửa đến tận bên trong thân xác, và cô có vẻ đã tìm được sự thanh thản trong tâm hồn.

Có phải vì thế mà bây giờ đang nằm trong "ngôi nhà người đẹp ngủ mê", cánh tay cô gái trẻ đặt trên mắt, ông đã nhớ đến hình ảnh cây trà hoa tuyệt đẹp đang nở rộ hoa và hình ảnh các sắc hoa tươi thắm khác? Dĩ nhiên, con gái ông cũng như cô gái đang ngủ đây đâu có được sự sung mãn của cây trà hoa. Nhưng sự sung mãn của một thân xác cô gái trẻ không phải là cái ta biết được bằng cách ngắm nhìn hay nằm ngoan ngoãn bên mình cô. Không thể nào so sánh được với sự tràn đầy rực rỡ của những đóa hoa trà. Hơi ấm chuyển từ cánh tay cô gái vào sâu sau mi mắt ông là dòng chảy của cuộc sống, là giai điệu của cuộc sống, là vẻ quyến rủ của cuộc sống, và cho một người già, là sự phục hồi trong cuộc sống. Cánh tay cô gái trở nên nặng trên đôi mắt mệt mỏi và ông nhấc nó đi.

Không còn chỗ dựa cho cánh tay trái nữa và nếu sải dọc sát ngực Eguchi thì khó khăn quá, cô gái lại xoay nửa người đối diện ông. Nàng xếp cả hai tay trước ngực, các ngón tay đan nhau, đụng ngực Eguchi. Hai bàn tay không chập lại trong thái độ sùng kính nhưng gợi lên cử chỉ nguyện cầu, cho một lời cầu nguyện dịu dàng. Ông nắm cả hai bàn tay nàng, bao bọc bằng cả hai bàn tay mình. Như thể ông đang cầu nguyện điều gì cho riêng mình và nhắm mắt lại. Đó không phải gì khác hơn là nỗi buồn của một ông già cầm tay một cô gái trẻ đang ngủ mê.

Những giọt mưa đêm đầu tiên rơi trên biển lặng dội đến tai ông. Tiếng ầm ầm cũng vang đến, không phải từ một chiếc xe hơi mà từ tiếng sấm mùa đông, không thể nào chụp bắt. Ông tách hai bàn tay nàng ra, mở thẳng từng ngón tay rồi ngắm nhìn. Ông thèm đưa các ngón tay thon dài vào miệng và cắn. Nàng sẽ nghĩ gì khi sáng mai thức dậy thấy các dấu răng và dấu máu trên ngón út? Eguchi duỗi cánh tay nàng dọc theo người rồi nhìn chằm chằm đôi vú đầy đặn, núm vú to, căng phồng và có màu nâu sẫm. Cặp vú hơi trệ, ông đưa tay nâng lên. Thấy không ấm bằng thân nàng được chiếc chăn điện sưởi ấm từ lâu. Ông định đặt trán mình vào ngay chỗ trũng giữa đôi vú nhưng chưa đến sát thì mùi da thịt cô gái làm ông lùi lại. Ông xoay người nằm sấp và lần này uống cả hai viên thuốc ngủ đặt sẵn bên gối. Đêm đầu tiên nằm ở đây, ông uống một viên rồi khi tỉnh thức sau một cơn ác mộng, uống viên thứ hai và ông nhận ra đây chỉ là loại thuốc ngủ tầm thường. Eguchi rơi vào giấc ngủ nhanh chóng.

Tiếng khóc nức nở của cô gái đánh thức ông. Rồi tiếng khóc ông nghe được lại biến thành tiếng cười vui vẻ. Tiếng cười cứ kéo dài. Ông đặt cánh tay lên ngực nàng, lay mạnh.

"Cô đang nằm mơ, cô đang nằm mơ. Cô mơ cái gì thế?"

Sự im lặng sau tiếng cười dài thật đáng ngại. Nhưng Eguchi, còn ngầy ngật vì thuốc ngủ, sờ soạng tìm cái đồng hồ đeo tay ông để bên gối. Ba giờ rưỡi sáng. Ông kéo cô gái vào sát ngực mình, ôm chặt hông nàng rồi ngủ một giấc ấm nồng.

Sáng hôm sau ông bị mụ đàn bà đánh thức như lần trước.

"Ông dậy chưa?"

Eguchi không trả lời. Không biết mụ này có dán tai vào cửa phòng bí mật này để nghe lóm không? Ông giật mình khi cảm thấy là đúng như thế.

Cô gái còn ngủ nhưng hai vai để lộ ra ngoài, có lẽ vì hơi nóng từ chiếc chăn điện, và một cánh tay gác trên đầu. Eguchi kéo tấm chăn lên.

"Ông dậy chưa?"

Eguchi không lên tiếng, chui đầu vào chăn. Cằm ông đụng đầu vú nàng. Cả người bỗng như bốc lửa, ông dùng cả tay lẫn chân kéo toàn thân nàng vào mình.

"Ông ơi! Ông ơi!" Mụ đàn bà gõ nhẹ cửa ba bốn lần.

"Tôi dậy rồi. Đang mặc áo quần." Nếu ông không lên tiếng thì có lẽ mụ đã mở cửa và xông vào phòng.

Trong phòng bên mụ đã để sẵn thau nuớc, kem đánh răng, khăn mặt.

"Ông thấy sao?" mụ hỏi khi dọn đồ ăn sáng cho ông. "Cô bé này ngoan lắm, phải thế không?"

"Vâng, ngoan lắm," Eguchi gật đầu. "Khi nào cô ta thức dậy?"

"Khi nào à? Cái đó thì..."

"Tôi ở đây cho đến khi cô ta thức dậy, được không?"

"Đây chính là điều chúng tôi không thể cho phép," mụ nói nhanh. "Chúng tôi không cho phép đâu, ngay cả đối với những vị khách trung thành nhất."

"Nhưng cô nàng này ngoan quá mà."

"Tốt hơn ông nên giữ quan hệ với cô ta trong giấc ngủ, không nên để các tình cảm ngớ ngẩn xen vào. Ngay cô ta cũng chẳng hay biết đã ngủ với ông. Ông sẽ không bị phiền phức gì đâu."

"Nhưng tôi nhớ mặt cô ta mà. Tình cờ, nếu tôi gặp lại cô ta ngoài đường?"

"Ông nghĩ ông sẽ đứng lại nói chuyện với cô ta? Đừng làm thế. Ông phạm tội đấy."

"Phạm tội?"

"Đúng vậy."

"Phạm tội!"

"Tôi xin ông đừng tỏ ra khó tính quá. Ông phải xem các cô gái ngủ mê chỉ là những cô gái ngủ mê, không hơn không kém."

Eguchi muốn phản đối, muốn nói là ông chưa đến nỗi lụ khụ bất lực như những lão già khác nhưng ông dằn lại được.

"Hình như đêm qua trời đổ mưa," ông nói.

"Thật sao? Tôi không hay biết gì cả."

"Trời mưa thật, tôi nghe được mà."

Trên mặt biển nhìn từ cửa sổ những con sóng nhỏ gần vách đá lấp lánh nắng mai.



---------------------------------------------













--------------------------------------------------------------------------------

[1] cho bản dịch tiếng Pháp.

[2] Khang thành XUYÊN ĐOAN.

[3] Lời của thiền sư Nhật Ikkyu (Nhất Hưu) (1394-1481).

[4] Trích lời phát biểu của Kawabata khi nhận giải Nobel ở Stockholm,1968.

[5]Ở Nhật, diện tích các căn phòng được tính bằng chiếu (tatami) trải trên sàn. Mỗi chiếu có kích thước 1,8 m x 0,9m, hay 1,62 mét vuông.

[6]Xuyên hợp NGỌC ĐƯỜNG, danh họa Nhật (1873-1957)

[7]Aoki: Aucuba japonica (chú thích của bản tiếng Anh)

[8]"geisha" (nghệ giả) là cô gái mặc y phục cổ truyền "kimônô" chuyên múa, đàn, hát hay trò chuyện mua vui cho các khách hàng đàn ông trong các bữa tiệc.

[9]Shisendo ( Thi tiên đường) là dinh thự ở thành phố Kyoto ( Cố đô) của ông Ishikawa Jòzan (Thạch xuyên TRƯỢNG SƠN) (1583-1672), một học giả và nhà thư pháp.

[10]White rhododendron ( asebi ) : pieris japonica. (Chú thích của bản tiếng Anh)

[11]Nại Lương