5/6/09

Nguyễn Đức Tùng : Thơ cần thiết cho ai?

Thơ cần thiết cho ai? (2)

30/05/2009 | 6:00 sáng |

Tác giả: Nguyễn Đức Tùng

Chuyên mục: Văn học - Nghệ thuật
Thẻ: Billy Collins

Bài 2 - Billy Collins: Một ngày nữa thôi

Mới đây, có dịp đi qua một bức tượng trong công viên, tôi bất giác nhớ đến bài thơ của Billy Collins. Tôi thầm cảm ơn ông về điều này.

Giữa những khuynh hướng khác nhau của thơ đương đại, hình như ngày càng trở nên khó hiểu đối với đa số người đọc, Billy Collins là một người đi ngược dòng. Thơ ông dễ hiểu. Hơn thế nữa, đó là một nhà thơ của đời sống đương thời, của những chi tiết bình dị hàng ngày. Đọc Collins tôi luôn luôn ngạc nhiên: nhìn quanh mình, ở đâu tôi cũng nhìn thấy những điều mà ông vừa mới chỉ ra, chỉ có điều là trước đó thì tôi không thấy được.

Sinh năm 1941 ở thành phố New York, tốt nghiệp tiến sĩ Anh văn ở Đại học California, Riverside với luận văn về Wordsworth và Coleridge, cặp nhà thơ tri âm tri kỉ, Billy Collins hiện sống ở New York. Hai lần là nhà thơ danh dự (poet laureate) của Hoa Kỳ. Được xem là người được công chúng mến mộ nhất hiện nay (1).

Collins thường trò chuyện với độc giả, không bao giờ quên độc giả trong thơ của ông. Đó là một cuộc trò chuyện không ngớt, bài này qua bài khác, ngày này qua ngày khác, miên man bất tận. Lần nào ông cũng có khả năng làm chúng ta ngạc nhiên.

bạn cảm thấy thế nào đây

nếu bạn biết

tôi viết những dòng này

thay vì bạn

I wonder how you are going to feel

when you find out

that I wrote this instead of you (2)

Hình như từ xưa đến nay, khi sáng tác, trong cơn cảm hứng, khác với các nhà văn, các nhà thơ thường chỉ viết cho mình. Trước hết, họ trò chuyện với chính mình. Billy Collins thì khác, ông đối thoại với người đọc trực tiếp hay kể chuyện cho họ nghe với một ngôn ngữ bình dân như thứ tiếng mà chúng ta vẫn nói mỗi ngày. Có lẽ vì vậy mà ông được nhiều người yêu mến, tìm đọc và đôi khi được gọi là nhà thơ của nhân dân.

Những bức tượng trong công viên

Anh nghĩ về em hôm nay

khi dừng chân trước bức tượng kỵ sĩ này

trong công viên

Em từng chỉ cho anh

những tư thế đẹp ý nghĩa thế nào.

Ngựa chồm hai vó lên cao

là người kỵ sĩ đã chết trên chiến trường

Còn một chân đưa lên:

kẻ ấy đang trúng thương

Nếu cả bốn chân đều chạm đất,

như bức tượng này -

móng đồng bám chặt vào nền đá -

kỵ sĩ vẫn còn trên lưng ngựa

Kẻ đăm đăm nhìn nhà hát đóng cửa bên kia đường

đã chết vì một nguyên nhân nào khác không phải chiến tranh

Trong bóng râm của bức tượng

anh thầm nghĩ về bao người khác

đã giản dị đi qua cuộc đời

không ngựa, không yên, cũng chẳng có gươm

người bộ hành không bao giờ nữa

đặt chân này lên trước chân kia.

Anh hình dung bức tượng

của người bệnh co quắp trên giường đá lạnh,

của kẻ tự tử chạm ngón chân mình lên mép gạch đá vân,

tượng của những nạn nhân

bịt mắt, của kẻ bị giết rồi tay còn che vết thương,

của người chết đuối lặng im trôi nổi trên bầu trời.

Và anh chôn chân ở đó,

trên nền cẩm thạch xám hồng

gần những bụi cây công viên,

tên anh và ngày tháng khắc trên bảng đồng,

Quỳ gối, mắt ngước nhìn lên,

cầu nguyện với mây trời

bay qua, mãi mãi xin thêm một ngày, một ngày nữa thôi.

Statues In The Park (3)

I thought of you today

when I stopped before an equestrian statue

in the middle of a public square.

you who had once instructed me

in the code of these noble poses.

A horse rearing up with two legs raised,

you told me, meant the rider had died in battle.

If only one leg was lifted,

the man had elsewhere succumbed to his wounds;

And if four legs were touching the ground,

as they were in this case -

bronze hooves affixed to a stone base -

It meant that the man on the horse,

this one staring intently

over the closed movie theater across the street,

had died of a cause other than war.

In the shadow of the statue,

I wondered about the others

who had simply walked through life

without a horse, a saddle, or a sword -

pedestrians who could no longer

place one foot in front of the other.

I pictured statues of the sickly

recumbent on their cold stone beds,

the suicides toeing the marble edge,

statues of accident victims covering their eyes,

the murdered covering their wounds,

the drowned silently treading the air.

And there was I,

up on a rosy-gray block of granite

near a cluster of shade trees in the local park,

my name and dates pressed into a plaque,

down on my knees, eyes lifted,

praying to the passing clouds,

forever begging for just one more day.

Hãy xem ông mở đầu như thế nào:

Anh nghĩ về em hôm nay

Cũng có thể là:

Em nghĩ về anh hôm nay

Hay:

Tôi nghĩ về bạn hôm nay

Vân vân.

Đó là điểm thuận lợi của một số ngôn ngữ như tiếng Anh. Điểm thuận lợi nào bao giờ cũng kèm theo nhược điểm. Nhưng đó là chuyện khác.

Câu mở đầu của một bài thơ là câu quan trọng. Vì nó là cánh cửa dành cho người đọc, mở vào thế giới riêng của bài thơ. Nhưng quan trọng hơn cả, cánh cửa ấy hầu như tác giả không tự mình chọn được. Bởi vậy khi lần đầu đọc câu thơ này tôi đã dừng lại một lát: hôm nay có gì lạ? Sao anh lại nghĩ về em hôm nay? Khi mỗi ngày đều nghĩ về em thì hôm nay anh có nghĩ nhiều hơn chăng? Câu mở đầu của Collins là một câu thơ trúng chỗ, không thể di lệch được, nhưng nó lại rất bình thường. Bất cứ một nhà thơ nào cũng có thể làm một câu tương tự.

Vấn đề là vào lúc nào?

Khi dừng chân trước bức tượng kị sỹ này

Chúng ta được dẫn đến trước một bức tượng trong công viên. Tưởng tượng bạn đi dạo chơi một mình, ngẩn ngơ lạc bước, dừng chân trước nó hồi lâu. Rồi bạn làm gì? Đưa máy ảnh lên chụp hình về khoe với bạn chăng? Im lặng thở dài? Hay mua một cây kem vừa mút vừa quay đi?

Ở trên tôi vừa nói thơ Collins dễ hiểu. Đó là nhờ ông dẫn chuyện tài tình. Tôi nhận ra rằng trong hầu hết các bài thơ hay, tiếng Việt hay tiếng nước ngoài, ngôn ngữ của nhà thơ thì dễ hiểu, nhưng chính nhà thơ thì không. Bạn được nghe kể chuyện một cách thong thả, có một khoảng cách giữa người nói và người nghe, nhưng khoảng cách đó không lớn, bao giờ cũng thân mật, nhờ tính hài hước ngấm ngầm bên trong.

Đã chết vì một nguyên nhân nào khác không phải chiến tranh

Té ra một người anh hùng cũng có thể chết vì bệnh viêm phổi chẳng hạn, hay vì một tai nạn xe cộ lãng xẹt, hay vì tuổi giá âm ỉ tới trong nhà dưỡng lão không con không cháu mà trợ cấp hưu trí không đủ sống.

Không ngựa không yên cũng chẳng có gươm

Chúng ta để ý rằng tính hài hước trong thơ Collins nhuốm phong cách u mặc phương Tây, nghĩa là nếu xem nó không phải hài hước thì cũng đúng. Bởi vì đó là sự thật được lật ra một cách thông minh.

Hình ảnh có tính ẩn dụ (metaphors) trong thơ có hai loại: những ẩn dụ mang tính trang trí và những ẩn dụ chức năng. Thơ càng non tay, loại thứ nhất càng nhiều. Thơ già dặn, loại thứ hai nhiều hơn.

Đặt chân này lên trước chân kia

Là một câu thơ chuyển tiếp, là một liên tưởng mạnh mẽ và quyến rũ vì nó liên hệ mật thiết với hình ảnh kỵ sĩ trên lưng ngựa. Nó đưa ta trở về với cuộc đời thường, nơi mà thông điệp của Billy Collins bắt đầu. Đó là một ẩn dụ có tính chức năng.

Chúng ta trở lại với hình ảnh ban đầu. Người kỵ sĩ là biểu hiện của cuộc chiến đấu, nhưng là cuộc chiến đấu nào? Đó là cuộc chiến đấu giữa các quốc gia, giữa con người và thiên nhiên hay giữa con người và con người trong xã hội? Hay là cuộc chiến đấu nội tâm ở mỗi cá nhân?

Kẻ trên yên ngựa đăm đăm nhìn về một nhà hát đóng cửa bên kia đường. Cuộc đời là sân khấu với những trò yêu ghét, say mê, nhầm lẫn, sự thật và giả dối, vinh quang và ảo vọng, như tấm vải nhiều màu dệt nên một đời người, một dân tộc, sự suy tàn của các phẩm chất tưởng như có tính di truyền vĩnh viễn.

Thực ra sự giản dị của Collins là sự giản-dị-hoá. Ông biết chọn những góc nhìn bất ngờ, thậm chí kì quặc, để từ đó tiến đến gần những tính chất quen thuộc hơn của sự vật. Từ một bức tượng đến số phận của người kỵ sĩ, từ người kỵ sĩ đến số phận của con người. Từ kẻ chiến thắng đến người chiến bại, từ anh hùng đến nạn nhân. Đó là đi từ cái riêng đến cái chung, đi từ phía bên này đến phía bên kia của lịch sử.

Kết thúc bài thơ, người kể chuyện bỗng hoá thân vào câu chuyện, biến thành một nhân vật trong bức tranh bao quát. Nhờ sự hoá thân này, anh hùng không đứng cao hơn nạn nhân. Tác giả đã dịu dàng chuyển chúng ta từ tầng sâu suy tư đến hình ảnh gần gũi. Sự dịch chuyển mau lẹ như thế tìm thấy nhiều thí dụ của nó trong thơ Billy Collins. Tuy là thí dụ, chúng không thể bắt chước được.

Tôi nói thí dụ, cũng bởi vì Collins thường dẫn chúng ta quay lại với những hình ảnh cụ thể, hàng ngày, ở cuối mỗi bài thơ của ông. Đọc Collins, không nên dẫn dắt suy luận trừu tượng đi quá xa: ông gần gũi với phương Đông ở điểm này.

Anh thấy gì? Anh thấy mình quỳ xuống, biến thành một bức tượng khác, tên anh và ngày tháng được khắc trên bảng đồng. Sự hi sinh nào đó của anh đã được các nhà viết sử công nhận, đã được một giai đoạn công nhận, thậm chí có hy vọng trở thành vĩnh viễn. Anh bị chôn chặt vào bức tượng của mình, đóng đinh vào cây thập tự thời gian và cây thập tự không gian.

Thì lúc ấy anh ao ước điều gì?

mãi mãi xin thêm một ngày, một ngày nữa thôi

để được sống giữa mọi người, sung sướng một cách tầm thường và phẫn nộ một cách cao cả như chúng ta, chán nản và hi vọng như chúng ta.

© 2009 Nguyễn Đức Tùng

© 2009 talawas blog

________

Chú thích

(1) Tạp chí Poets & Writers, Sep/Oct 2008

(2) Billy Collins, “You, Reader”, The Trouble with Poetry and Other Poems, NXB Random House, 2005

(3) Billy Collins, The Trouble with Poetry and Other Poems, NXB Random House, 2005

Thử đề xuất một dẫn luận về Văn hoá Hiện đại hoá

Thử đề xuất một dẫn luận
về Văn hoá Hiện đại hoá

Phạm Toàn


“ Hiện nay chưa khai thác bô xít ở Tây Nguyên, dành tài nguyên đó cho thế hệ mai sau
và không khai thác bô xít thì chúng ta vẫn tiến hành được công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.”

Võ Nguyên Giáp
(thư ngày 20-5-09 gửi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ và Quốc hội).


Gần như chuyện làm hay không làm bauxite ở Tây Nguyên đang khiến cho không biết bao nhiêu người dân Việt Nam bị lôi cuốn vào một cuộc tranh luận. Còn cao hơn một cuộc tranh luận, đó là một cuộc suy nghĩ tập thể sâu rộng của những con người khó trách được họ thiếu ý thức công dân. Đã có gần ba nghìn người ký tên vào bản Kiến nghị yêu cầu dừng các dự án bauxite Tây Nguyên. Một khối lượng người không thể đếm được đã không ký vào bản Kiến nghị vì nhiều lý do (mà hai lý do chính là một nỗi sợ mơ hồ nào đó và sự thiếu công cụ thông tin (a)) song ngay cả những người không ký cũng vẫn theo dõi hết sức chặt chẽ cuộc vận động dân sự này.

Những ý kiến phản biện đều đã nói gần đủ. Mở màn, có lẽ phải nhắc đến loạt bài viết hết sức đầy đủ của một người trong cuộc, tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, một cán bộ quản lý bậc cao ở ngay trong Tập đoàn Than Khoáng sản Viêt Nam (b). Tiếp theo, những tác giả khác nhau đã phản biện dựa trên những khía cạnh khác nhau của cùng một vấn đề. Có bài nói về kỹ thuật, có bài về môi trường, có bài lo về an ninh - quốc phòng, có bài nói về hiệu quả kinh tế, có bài về nỗi lo phá tan nền văn hoá bản địa (c), và rất gần đây có bài phát biểu có bản lĩnh, nhất là rất đúng lúc, chân tình và dũng cảm, dám nói đến chuyện lách luật (d).

Có một điều rất đáng chú ý, ấy là cả cái bên chủ trương làm bauxite lẫn bên chống lại chủ trương làm bauxite ở Tây Nguyên đều có “ngọn cờ” hiện đại hoá.

Vì cớ gì mà cùng một khái niệm lại có thể sinh ra hai loại hành động đối chọi nhau đến thế ?

Chỉ có thể lý giải như sau thôi : chắc chắn là nội dung của khái niệm hiện đại hoá đã chưa được hiểu một cách đầy đủ.

Vậy nên, trong bài viết ngắn này, tôi xin phép bổ sung một khía cạnh ít được chú ý, khía cạnh văn hoá của công cuộc hiện đại hoá đất nước, cái văn hoá được hiểu như bản thân cuộc hiện đại hoá, nói ra điều này cũng còn nhằm góp phần lý giải điều Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lá thư số 3 mới rồi : “… không khai thác bô xít thì chúng ta vẫn tiến hành được công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” (e)


Hiện đại hoá


Để thống nhất cách hiểu khái niệm, để tránh bị nhiễu vì những quan niệm phóng túng về “hiện đại” (mà “tội lỗi” đáng yêu thì thuộc về các nghệ sĩ cùng các nhà thơ và nhà văn đang có tham vọng trở thành “hiện đại”, mà cũng còn thuộc về “ưu điểm” của các nhà lý luận không chịu quan tâm đến lý thuyết, thường hay vui mồm nói và viết về hiện đại hoá - công nghiệp hoá như một thói quen), tôi xin phép dẫn tóm tắt về “hiện đại hoá” như sau theo nội dung rút trong Đại Bách khoa thư Anh Quốc (Encyclopedia Britannica).

1./ Hiện đại hoá là sự biến cải một xã hội từ hoàn cảnh nông thôn và nông nghiệp sang một xã hội thế tục, đô thị và công nghiệp. (Đây là dấu hiệu căn bản, chung nhất).

2./ Công cuộc biến cải nói trên gắn liền với (chỉ có thể xảy ra cùng với) công cuộc công nghiệp hoá. (Đây là yếu tố căn bản để xã hội tiểu nông trở thành xã hội hiện đại hoá).

3./ Trong công cuộc công nghiệp hoá, ta nhận thấy

a.) vai trò quan trọng của cá nhân, nó càng ngày càng thay thế cho gia đình, cộng đồng hoặc nhóm nghề nghiệp trong tư cách là đơn vị cơ bản của xã hội ;

b.) sự phân công lao động, đặc điểm của công nghiệp hoá, diễn ra đến từng cá nhân, cũng áp dụng cho các thiết chế càng ngày càng chuyên nghịêp hoá cao;

c.) xã hội không còn nằm trong vòng chi phối của phong tục hoặc tập quán cụ thể, mà được chi phối bởi những nguyên lý trừu tượng được hình thành vì mục đích cai quản xã hội. Các niềm tin tôn giáo dần dần bớt quan trọng, và các nét đặc thù văn hoá có nhiều khi biến mất.

4./ Hiện đại hoá là một tiến trình “bỏ ngỏ”, liên tục và không giới hạn. Hệ quả của đặc điểm đó là :

a.) trong lịch sử, tiến trình đó diễn ra trong nhiều thế kỷ với những giai đoạn “tăng tốc” khác nhau

b.) nói chung, tiến trình đó không mang tính chất tĩnh, không là thành tựu “làm một lần cho xong ngay”, mà đó là một tiến trình vừa đi vừa đìều chỉnh để có sự cân bằng.

c.) công cuộc hiện đại hoá do đó không bao giờ ngang nhau ở các trình độ và các vùng miền, và cũng luôn luôn hàm chứa sự phát triển chênh lệch, vì thế mà có xung đột và vì thế mà phải giải quyết xung đột để công cuộc hiện đại hoá tiến bước.

5./ Hiện đại hoá được hình dung như dòng điện hai “pha” : một pha đi lên, thuận lợi nhiều hơn khó khăn, sức chống đối không mạnh, và có chống đối cũng dễ thua ; một pha “đi xuống”, với sự xuất hiện những khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan (do bản thân công cuộc hiện đại hoá gây ra).

6./ Nói cách khác, công cuộc hiện đại hoá là một sự nghiệp biện chứng, tiến hoá nâng cao dần chứ không thành tựu ngay một lúc thông qua xung đột - giải quyết xung đột - xung đột mới, tiến trình được gọi bằng Thách Thức và Đáp Trả thách thức.

Hiện đại hoá như một nền văn hoá


Trong những đặc điểm của “hiện đại hoá” được thử dẫn ra bên trên, có yếu tố này tuy nằm lẫn giữa mọi điều song lại vô cùng quan trọng : tiến trình đó không mang tính chất tĩnh, không là thành tựu “làm một lần cho xong ngay”, và ý nghĩa “văn hoá” nằm trong chính tình tiết ấy.

Cái văn hoá (culture) ấy là một công cuộc vun trồng (culture) ! Nó là những việc làm, nó không nằm trong lời nói suông. Nó là những việc làm liên tiếp nhiều thế hệ, chứ không là việc xây dăm ba khu nhà máy và vài bẩy chục cái sân golf.

Vì vậy mà, xin đừng vội tưởng hễ cứ nói hiện đại hoá là tức khắc có sự nghiệp hiện đại hoá ! Cũng như có một thời (mà hình như tới bây giờ thời đó vẫn nằm y nguyên trong bộ giáo trình dùng đâu đó), ta cứ ngỡ rằng hễ nói to lên rằng “Chủ nghĩa xã hội đi từ không tưởng đến khoa học” thì lập tức cái thực thể ấy bỗng dưng từ không tưởng biến thành khoa học thật ! Cho nên, cũng là hiện đại hoá cả thôi, nhưng rất có thể sẽ có nơi làm đúng và có nơi làm sai, có lúc làm đúng và có lúc làm sai. Và cũng là hiện đại hoá cả thôi, nhưng công cuộc hiện đại hoá ở mỗi nơi lại có thể mang một diện mạo khác nhau, khiến cho có nơi thì công cuộc đó diễn ra như một sự nghiệp đích thực, và có nơi lại diễn ra như trò hề dưới sự nhào nặn của những tác nhân mãi mãi không bao giờ đạt tới trình độ trưởng thành.

Nói một cách khác, những công việc tiến hành để tổ chức công cuộc hiện đại hoá chính là công cuộc vun trồng cho công cuộc hiện đại hoá ấy. Và công cuộc vun trồng đó mang nội dung khái niệm văn hoá hiểu theo nghĩa văn hoá như là “mọi thứ gì con người làm ra để cả con người lẫn môi trường sống đều không còn là cái trạng thái tự nhiên hoang dã nữa” (f).

Theo định nghĩa đó, ta hình dung một con sông, một quả núi, một cánh đồng… khi có bàn tay con người đụng vào, bỗng thành con sông văn hoá, quả núi văn hoá, cánh đồng văn hoá… Và bản thân con người trong khi “cải tạo” cái tự nhiên hoang dã kia cũng tự cải tạo chính mình để trở thành, chẳng hạn như, con người của nền văn hoá sông Hồng, con người của nền văn hoá Lưỡng Hà, con người của nền văn hoá Hoàng Hà - Dương Tử… đó là vài thí dụ. Những dòng sông ấy, những vùng núi ấy, những đồng bằng ấy… sau một quá trình xây dựng lâu dài, vô cùng lâu dài, không khác gì công cuộc vun trồng suốt nhiều triệu năm để có những cánh rừng đại ngàn làm say máu những tên lâm tặc thời “hiện đại”. Và cái thiên nhiên hoang dã đã được con người thuần hoá và vun trồng sẽ cùng trở thành một cơ thể với con người.

Con người nhào nặn cái thiên nhiên hoang dã hàng triệu triệu năm để tự đạt tới trình độ những con người của nông thôn và những nền nông nghiệp nơi con người được tự cải tạo để quên đi những cung cách sống hái lượm và săn bắt. Bẵng đi biết bao năm tháng, và rồi con người nông nghiệp đó cũng tự cải tạo mình khi bước vào giai đoạn hiện đại hoá, biến cải xã hội tiểu nông trước đó thành xã hội hiện đại hoá với dấu hiệu hoàn toàn dễ nhận là công nghịêp hoá. Sự nghiệp này chỉ mới diễn ra rất gần đây thôi. Người ta đã ví von một cách hình ảnh rằng, nếu lịch sử loài người là cái mặt đồng hồ với đủ 12 giờ, thì công cuộc hiện đại hoá chỉ mới diễn ra ở năm phút cuối cùng mà thôi.

Công cuộc hiện đại hoá diễn ra một cách cổ điển ở châu Âu và ở Bắc Mỹ nơi các sản phẩm của công nghiệp hoá không chỉ là những hàng hoá sản xuất theo lối dây chuyền, mà còn là con người thấm nhuần đức tính lao động có kỷ luật cao của công nghịêp hoá. Thế rồi, đến lúc, công cuộc hiện đại hoá ở châu Âu và Bắc Mỹ lại bộc lộ ra những điểm khác nhau : công cuộc công nghiệp hoá thì vẫn diễn ra như nhau, nhưng công cuộc dân chủ hoá thì xảy ra hơi khác nhau, trong khi châu Âu chìm đắm trong những cuộc “cách mạng” liên miên, thì Hoa Kỳ vẫn công nghiệp hoá mà lại thoát được cảnh hỗn loạn không đáng mong muốn đó (g). Công cuộc hiện đại hoá ở Nhật Bản dưới thời Vua Meiji lại được lãnh đạo bởi tầng lớp samourai bậc trung bất mãn với cảnh tham nhũng trong nước, sự nghiệp này của họ lại bắt đầu với học vấn : nếu như công cuộc hiện đại hoá ở các nước châu Âu là tiền đề cho nâng cao học vấn của con người, thì ở Nhật Bản, học vấn lại là tiền đề cho hiện đại hoá (h). Công cuộc hiện đại hoá ở Nhật Bản và ở Nga đều mang màu sắc của học vấn với một chút khác biệt – ở Nga với ông Vua thợ mộc (i) và ở Nhật Bản với phong trào cử sinh viên đi du học để rồi trở về công nghiệp hoá đất nước ; một nơi có một ông thợ mộc vĩ đại trong mênh mông những anh nông dân nát rượu, và một bên là trào lưu có ý thức đông đảo người dân trở thành “thợ mộc”.

Đau khổ nhất là những nước chậm phát triển, những địa chỉ ngoi ngóp mãi trong cảnh thuộc địa hoặc nửa thuộc địa, tiếp đó lại bị bắt buộc phải hiện đại hoá (như một thứ quả chín ép) trong điều kiện khá nghịch cảnh : ở bên trong thì phát triển theo một con đường không chính xác nếu không nói là chệch hướng, và ở bên ngoài thì thiếu thuận lợi đến độ ngặt nghèo (chiến tranh, bóc lột, phân biệt đối xử). Đến độ các nhà xã hội học liền phân biệt và thấy được ngay điều này : mặc dù đã có cuộc sống hiện đại ở những quốc gia nào đó nhưng không nhất thiết ở đó đã có công cuộc hiện đại hoá thực thụ theo đúng khái niệm. Nó dẫn đến những cuộc tranh cãi về hiện đại hoá đa tạp (“multiple modernities”) xoay quanh những dẫn chứng là công cuộc hiện đại hoá cổ điển (mẫu mực) và cũng lấy bằng chứng từ những xã hội “hiện đại hoá” giả tạo.

Hiện đại hoá cổ điển (mẫu mực) thì đã đủ rõ rồi. Còn hiện đại hoá giả tạo diễn ra theo những dấu hiệu gì ?

Xin phép tiến cử một số tiêu chuẩn sau để bà con cùng suy nghĩ.

Dấu hiệu thứ nhất : phát triển không bền vững. Ở nơi chỉ bán tài nguyên tự nhiên, chỉ nhăm nhe đào khoáng sản lên và hút dầu thô lên mà bán thì ở đó cũng có thể giàu lên chút đỉnh, cũng thấy kỹ thuật hiện đại, cũng có đời sống “hiện đại”, nhưng vẫn không phải là hiện đại hoá đích thực. Nhờ giá dầu tăng gấp đôi mà có ông tổng thống nào đó được tiếng là “người hùng” vì đã trả được hết nợ của nước mình, nhưng đó vẫn là phát triển không bền vững. Ở nơi không tổ chức trồng rừng mà chỉ phá rừng đi bán thì cũng có thể dư tiền mua máy bay để chơi sang hoặc chạy nhẩy múa may trên sân cỏ, nhưng đó vẫn là phát triển không bền vững.

Dấu hiệu thứ hai : phát triển không có ý thức. Công nghiệp hoá, nội dung cơ bản của hiện đại hoá, có thể diễn ra theo cách có ý thức hoặc theo cách vô ý thức. Công nghiệp hoá có ý thức là sự làm ăn dựa trên một trình độ giáo dục cao : công nghiệp hoá là làm ăn hiệp tác, có kế hoạch, có kỷ luật, và do bản chất công nghiệp hoá mà tiết kiệm tối đa. Công nghịêp hoá có ý thức là nền văn hoá hiện đại hoá của những con người hiện đại tự sinh ra chính mình trong cuộc vun trồng hiện đại hoá kia. Còn công nghiệp hoá vô ý thức chỉ là chụp giật, là hố ngăn cách giàu nghèo càng ngày càng gia tăng. Ta đang thấy một tầng lớp tỷ phú mới mà ở Trung Hoa ngày nay gọi bằng "Đảng Thái tử" (“những ông hoàng bà chúa của Đảng”), còn ở Việt Nam thì gọi bằng lớp COCC (“Con Ông Cháu Cha”) với những “phi vụ” không sao kiểm soát nổi, và bên cạnh đó là đông đảo vô cùng những người dân tuy không còn bị chết đói nữa nhưng vẫn hoàn toàn “đói cho đến chết”, đói cả vật chất lẫn tinh thần. Muốn nhìn thấy điều này, xin tới thăm các chợ lao động ở đầu đường đầu hẻm, và xin đếm những gánh hàng rong nhếch nhác ở các thành phố hoa lệ.

Dấu hiệu thứ ba : kinh tế hiện đại song hành với tư duy trung đại. Do công cuộc hiện đại hoá diễn ra theo lối đánh tráo khái niệm, nên ngay tại những “thiên đường” của nghìn lẻ một đêm xưa, ta vẫn có thể bắt gặp những tập tục Trung cổ tiến hành bằng phương tiện hiện đại như dùng xăng đốt các cô gái vô tội. Dấu hiệu này khó nhận diện do chỗ con người thời “hiện đại” giỏi ngụy biện : ở những xã hội cai trị bằng Tôn giáo với đủ loại đuôi isme thì vẫn thấy có đầy đủ các thiết chế “dân chủ” “bình đẳng” “bình quyền”. Nhưng nếu tinh ý, ta sẽ thấy cái phương diện văn hoá hiện đại hoá kiểu đánh tráo đó đều có đặc điểm chung là lời hay ý đẹp đi song hành với làm xấu nghĩ bẩn. Trong cái nền “văn hoá” này, tất cả đều bị Thánh hoá theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, tất cả đều nhăm nhe lợi dụng thánh thần, những kẻ có học nhất luôn miệng nói đến “kinh tế tri thức” cũng suốt ngày sì sụp cúng bái, bẩn thỉu đến độ có kẻ còn đi mua trinh gái trẻ để sự kinh doanh không gặp vận xấu. Một cơ quan thời hiện đại mà nghi ngút khói hương là chuyện thường thấy ; nhưng như thế vẫn chưa đủ, người ta còn triệu tập hội nghị huấn luyện tâm linh kinh doanh, dạy các đại gia xem “ngày tốt giờ tốt”, dạy cả việc tránh “ra ngõ gặp gái” ở nơi ngay ngõ ra vào vẫn treo khẩu hiệu “nam nữ bình quyền”.

Thiết nghĩ, khái niệm văn hoá hiện đại hoá này cần lắm. Ngày xưa, cụ Hồ Chí Minh dạy “Muốn có chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Lời dạy đó có nghĩa gì ? Nó nhắc nhở ta rằng con người là sinh vật có ý thức, làm việc gì cũng phải được chỉ đạo bởi ý thức. Con người đó muốn hiện đại hoá thì cũng phải có ý thức về cái văn hoá hiện đại hoá đó, chứ không thể nhắm mắt làm liều. Vua Meiji và vua Piôt Đại đế đáng trọng không vì các vị là Vua mà vẫn làm thợ mộc hoặc đi buôn, mà đáng trọng ở cái sự nghiệp hiện đại hoá với ý thức văn hoá hiện đại hoá không chút mập mờ, không thể bị hiểu nhầm.

Lời Đại tướng căn dặn “… không khai thác bô xít thì chúng ta vẫn tiến hành được công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” có ý nghĩa là sự nghiệp hiện đại hoá cần xây dựng dần dần, cần được vun trồng trên cái nền ý thức khoa học và tâm hồn trong sáng, sự nghiệp phát triển đất nước cần tiến lên một cách bền vững chứ không “tiến lên” theo lối chụp giật. Một sự nghiệp văn hoá hiện đại hoá phải đem lại hạnh phúc cho con người chứ không đem lại đất đai và nguồn nước ô nhiễm cho con người, không đem lại những phương tiện tốt đẹp chỉ để thỏa mãn bản năng con vật ở những kẻ giàu nổi.

Những ai có cái ghế ngồi mà trước mặt đề hàng chữ Ủy ban lý luận này nọ cần biết nghĩ hơn là vội vã tung ra những kết luận sặc mùi vị tuyên truyền xa lạ với khẩu vị con người thời toàn cầu hoá mà ngoài những phản ứng cực đoan dễ thấy, ngay thái độ dửng dưng nhất cũng cần được hiểu đó là sự khước từ mang tính chất của những con sóng ngầm.

Mấy lời dẫn luận này là một đề xuất dè dặt mong được góp ý.

Hà Nội, 28 tháng 5 năm 2009
PHẠM TOÀN


(a) Có người vừa mới đây gọi điện cho giáo sư Huệ Chi để ký tên vào bản Kiến nghị, mà lý do chỉ vì ông không có công cụ và do đó không vào được mạng Internet và cả tháng nay ông không biết là có bản Kiến nghị. Mặt khác, tất cả báo chí đều bị buộc đi theo "lề bên phải" khiến người dân bình thường không vào được Internet cũng bị tước nốt mất thông tin. Còn lại, có bao nhiêu triệu người có thể sẽ nằm ngay bên dưới quả bom hàng triệu tấn bùn đỏ mà nào có biết đến nguy cơ đó ?

(b) Loạt bài của Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn được mang chung tiêu đề trên vietnamnet "Đại dự án bô - xít Tây Nguyên: người trong cuộc đề xuất gì?"

(c) Xin coi khoảng ba chục bài trong vòng một vài tháng tập hợp trên vietnamnet " Đại dự án bô-xít Tây Nguyên và ý kiến nhiều chiều"

(d) Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết,"Không đưa dự án bô-xít ra Quốc hội là lách luật" , vietnamnet, ngày 27-5-2009.

(e) Xin coi toàn văn lá thư của Đại tướng trên trang mạng Diễn Đàn hay Bauxitevietnam.info ngày 27-5-2009.

(f) Xin coi Phạm Toàn, Hợp lưu các dòng tâm lý học giáo dục, Tri thức và Trung tâm Văn hoá-Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, Hà Nội, 2008, trang 336.

(g) Có lẽ cuốn sách rất dễ đọc kể khá đầy đủ về câu chuyện hiện đại hoá này là của Alexis de Tocqueville, Nền dân trị Mỹ, Phạm Toàn dịch, nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2007, tái bản 2009.

(h) Ít nhất đây là cảm nhận của người viết sau khi đọc những cuốn sách tổng kết 100 năm hiện đại hoá nước Nhật, như Nhật Bản cường quốc thứ ba, Nước Nhật Bản thần kỳ… Mong rằng cảm nhận này không quá sai lầm!

(i) Đông Kinh nghĩa thục có thơ ca ngợi vua “Bỉ Đắc” tức Piôt hoặc Peter đệ nhất : “Có vua Bỉ Đắc xưa kia / Bỏ ngôi đi học lấy nghề bách công”. (Lấy lại một tư liệu của nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi).
Copyright © 2006 by Dien Dan Forum, BP 50, 92340 Bourg-La-Reine, France
diendan@diendan.org

Vài suy nghĩ về “Nhạc Phạm Duy và những điều cần nói”

Vài suy nghĩ về “Nhạc Phạm Duy và những điều cần nói”


Tác giả: Tuấn Hoàng




1. Nhạc sĩ Phạm Duy hồi hương đã được 4 năm nay. Trong khoảng thời gian ấy, mặc dầu số ca khúc của ông được phép phát hành chính thức không lớn, nhưng nhạc sĩ và Công ty Phương Nam cũng đã có những nỗ lực lớn để tổ chức các show nhạc, ra băng đĩa, in ấn sách… để giới thiệu một số giá trị của kho tàng âm nhạc của Phạm Duy cho khán thính giả ngày nay.

Trên cái nền ấy, và trong khung cảnh nhạc Việt Nam đang bị thương mại hóa, tầm thường hóa về ca từ, đơn giản và nghèo nàn hóa về nhạc điệu, việc nhạc PD - cũng như nhạc của nhiều nhạc sĩ cũ, từng có thời bị cấm đoán, hoặc ít lưu hành - được công luận để tâm lưu ý, là điều dễ hiểu.

Và, khi đã nói đến tác phẩm, dư luận không khỏi không đề cập tới con người tác giả - ấy là trường hợp của Trịnh Công Sơn (qua bài viết của họa sĩ Trịnh Cung mới đây), cũng như, của Phạm Duy qua bài báo “Nhạc Phạm Duy và những điều cần phải nói” của tác giả Khánh Thy, đăng trên Công an Nhân dân Cuối tháng (tháng 4-2009).

2. Tưởng đã qua rồi cái thời câu nói “văn tức là người” (bị quy cho văn hào Nga Maxim Gorky[1]) được diễn giải một cách thô thiển và tùy tiện, theo hướng đánh đồng một cách máy móc giữa tác phẩm và tác giả.

Với cách hiểu ấy, Vũ Trọng Phụng - tác giả những tiểu thuyết trứ danh về cái xấu xa, đen tối, bê tha của kiếp người - thì ắt hẳn phải là một kẻ tệ hại, hút sách và lưu manh. Ngược lại, các vị lãnh tụ được bộ máy tuyên truyền sùng bái và đánh bóng ở mức cao nhất, thì cứ phải là những bậc “đại bút”[2].

Theo quan điểm như thế, sẽ rất khó tin và chấp nhận, nếu chúng ta biết rằng nhà bác học Albert Einstein, cha đẻ của Thuyết Tương đối và của nhiều tư tưởng nhân văn, hay các nhà tư tưởng lớn như Jean-Jacques Rousseau, Karl Marx… đều là những người tệ hại trong đời tư, thiếu trách nhiệm trong các mối quan hệ tình ái, gia đình…

Tuy nhiên, lịch sử đã rất công bằng và họ đã được hậu thế đánh giá thỏa đáng thông qua di sản họ để lại cho đời!

3. Trở lại trường hợp Phạm Duy, rất cần sự sòng phẳng, tránh lập lờ, “đánh tráo khái niệm”, khi cần đánh giá con người và sự nghiệp của ông!

Con người Phạm Duy, bao gồm con người cá nhân và con người chính trị, có thể hay, dở tùy góc nhìn.

Về mặt cá nhân, ông có thể là con người “đào hoa”, lắm nhân tình nhiều nhân ngãi, nhưng đấy là chuyện cá nhân của ông và gia đình ông, người ngoài không ai có quyền tự tiện phán xét. Là một nghệ sĩ nhưng cũng có trách nhiệm đối với gia đình, Phạm Duy đã nhận được sự đồng cảm, chia sẻ (hay chịu đựng) của người vợ hiền Thái Hằng, của các con trên con đường sáng tạo và đó là câu trả lời của gia đình ông đối với những ai muốn mang đời tình ái của Phạm Duy để làm cớ bỉ thử ông.

Về chính trị, trong những trầm luân của đất nước và thời cuộc, Phạm Duy luôn có những lựa chọn riêng cho mình. Đây cũng là điều có thể bàn cãi, tranh luận, nhưng nhất quyết không thể theo kiểu quy chụp cũ kỹ và ấu trĩ, khi cặp phạm trù đối nghịch “ta” - “địch” được coi là quyết định vận mệnh một con người và sự nghiệp của đương sự.

Một điều khó chối cãi: với tất cả những “đường đi nước bước” của mình, có thể đúng, sai xét trên những góc độ khác nhau, nhưng cuộc đời Phạm Duy là một minh chứng về “vận nước nổi trôi” của đất Việt thế kỷ 20 mà ông đã là một chứng nhân tích cực với mọi nỗi “khóc cười” của mình!

Những nói cho cùng, điều để lại của một nghệ sĩ và làm nên giá trị của họ, vẫn là những sáng tác mà nhờ đó, tên tuổi họ còn được “lưu danh thiên cổ”. Xét về dài hạn, công chúng rất công bằng và sáng suốt: không một thứ tuyên truyền nào, cho dù là từ phía chính quyền, từ những toan tính chính trị mà phần nhiều chỉ mang tính thủ đoạn, nhất thời, không một thứ PR nào từ báo chí và thị trường, có thể khiến một tác phẩm (và qua đó, tác giả) trường tồn, nếu bản thân tác phẩm là thứ vô giá trị!

Và, nhạc Phạm Duy là như thế. Việc báo chí “săn đón và tâng bốc thái quá” (lời phàn nàn của nhạc sĩ Phạm Tuyên) các show diễn nhạc Phạm Duy, chỉ là để đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của đông đảo người yêu nhạc, muốn sống lại những năm tháng của đời mình với dòng nhạc vô cùng phong phú về thể loại và đa dạng trong cách thể hiện của Phạm Duy. Hoặc đơn thuần, cho những ai muốn nghe nhạc “chất lượng”. Chấm hết!

Nói gì thì nói, bao nhiêu thế hệ dân Việt đã ý thức được bản sắc Việt, biết yêu “tiếng nước tôi“, người nước tôi, biết thương “mẹ Việt Nam không son không phấn“, yêu “con đường cái quan” tượng trưng cho đất nước để căm ghét chiến tranh tàn phá, hoặc cá nhân hơn, biết yêu thương người tình kể từ khi “ngày đó chúng mình” đi nhẹ vào đời” - đấy là lời đánh giá chính xác nhất và xác đáng nhất về nhạc Phạm Duy!

4. Trong số ba nhạc sĩ được tác giả Khánh Thy nhắc tới trong bài viết kể trên, Phạm Tuyên là một trường hợp đặc biệt.

Nếu không bị những quy chụp về thành phần gia đình, với tài năng của mình (mà đa phần, ông đã chứng tỏ trong những ca khúc mặc dầu mang tính tuyên truyền, cổ động, nhưng ít nhiều cũng có giá trị riêng của nó trong thời chiến và đến giờ vẫn được nhiều người nhớ), Phạm Tuyên đã có thể là một “công thần” trong làng nhạc XHCN, như Trọng Bằng, hoặc một quan chức âm nhạc như Hồng Đăng.

Có điều, cái án oan uổng và tàn độc đối với học giả Phạm Quỳnh (mà chỉ đến thời gian gần đây mới được cởi) cũng đã theo Phạm Tuyên đến già nửa đời. Để rồi, sau biến cố 1975, khi Phạm Tuyên đã có “Như có Bác trong ngày đại thắng”, bài ca để đời trong sự nghiệp phục vụ cách mạng của ông, thì sau đó ông cũng vẫn dễ dàng bị quy chụp khi phổ thơ Bùi Văn Dung thành ca khúc “Gửi nắng cho em”, hiền hậu pha chút lãng mạn “tiểu tư sản”, nhưng chẳng hề mang chút “hậu ý” nào.

Những tưởng, trong cảnh ấy, Phạm Tuyên có thể đồng cảm với những gì mà người nghệ sĩ cùng họ với ông phải chịu, và vui mừng cho những thành công của một đồng nghiệp, một người anh. Người viết những dòng này có dịp chứng kiến Phạm Tuyên vui vẻ, tay bắt mặt mừng bên Phạm Duy trong buổi “Minh họa Kiều” (Kiều ca) đầu năm nay ở Hà Nội.

Mười lăm năm trước, tôi đã từng thâu lại cả loạt cassette của các nhạc sĩ miền Bắc - trong đó có Phạm Tuyên - để giúp Phạm Duy có thêm tư liệu trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu các sáng tác của những đồng nghiệp ở nơi xa, mà ông luôn nhắc tới với sự trọng thị. Đầu xuân 2009, tôi đã vui mừng biết chừng nào trong dịp ấy, khi hai nhạc sĩ có dịp hạnh ngộ, dù chỉ là qua vài câu nói, nụ cười, ánh mắt.

Để đến bây giờ, đọc phát biểu của nhạc sĩ Phạm Tuyên, ánh lên những bất mãn, đố kỵ và cả yếu tố kích động, quy chụp khá lộ liễu, thấy buồn. Cách cư xử ấy không xứng đáng với cả một nghệ sĩ bình thường, nói gì đến một nhạc sĩ thuộc hàng “gạo cội” một thuở của miền Bắc!

Đã có nhiều người lên tiếng phản ứng về ý kiến của các vị Trọng Bằng, Hồng Đăng và Phạm Tuyên. Thực ra, những gì ba vị bày tỏ trong bài báo (giả thiết là các vị không phải nói theo chỉ đạo) không chỉ đã cũ mèm, quá lỗi thời và vì thế, ít được ai để ý, mà chúng còn phản ánh nhiều “ẩn ức” của chính họ, trên cương vị những “công thần” của dòng nhạc cách mạng.

Không thể giải tỏa, các vị buộc phải “trút” lên người khác, thành công hơn và được công chúng yêu thích hơn mà không thông qua bất cứ một mệnh lệnh, một sự “định hướng” nào!

Tiếc lắm thay!

© 2009 Tuấn Hoàng

© 2009 talawas blog

[1] Thực ra, câu của Gorky là: “Văn học là nhân học“.

[2] Ngay như lãnh tụ Liên Xô một thời, Brezhnev, điển hình cho tuýp lãnh đạo dốt nát, khiến cả đất nước trì trệ, bế tắc, cá nhân thì không nói nổi mấy câu chúc mừng sinh nhật đồng sự nếu không có mục kỉnh… và “diễn văn” do thư ký viết sẵn, mà cũng cứ phải là tác giả được giải thưởng văn học nghệ thuật cao quý nhất, cho những hồi tưởng do… người khác viết hộ!
Create PDF

Phản hồi

12 phản hồi (bài “Vài suy nghĩ về “Nhạc Phạm Duy và những điều cần nói””)

1.
Phùng Tường Vân nói:
01/06/2009 lúc 2:16 sáng

Vì “Huynh” đã có lời hạ vấn (01/06/2009,12:58 sáng), nên không thể không có đôi lời thưa lại, nhưng chỉ xin rất vắn tắt: cái mà tôi gọi là “dáng đứng Phạm Duy” nó quái dị lắm Huynh à. Huynh cũng biết nhiều chuyện đấy chứ, nên thiển nghĩ những chuyện chỉ làm rác tai thêm người thức giả thật không dám nói thêm. Tôi tuyệt đối cũng chưa bao giờ là người mà ông Nguyễn Đắc Xuân gọi là dội “gió tanh mưa máu” lên nhân cách Phạm Duy, vả lại chuyện nhân cách thì có dính gì đến nghệ thuật, tuy nhiên thấy một nghệ sĩ mà mình vốn quý trọng có những “dáng đứng” nó quái quá thì cũng buồn, tỉ như gần đây nhất thấy ông ta cầm cái CHỨNG
MINH NHÂN DÂN mới được cấp, cười trước ống kính của một nhiếp ảnh gia, thì phải thưa là cái nham nhở đến như vậy thì bút mực ở cõi nhân gian này thật không thể nào mà tả cho hết được!
2.
Huynh nói:
01/06/2009 lúc 12:58 sáng

Thưa hai độc giả Phùng Tường Vân, Trần Huy Bách:

Độc giả Phùng Tường Vân không muốn dính dáng thêm nữa đến “dáng đứng Phạm Duy”. Nhưng đã lỡ nhắc đến rồi, tôi xin mạn phép làm phiền hai ông thêm một lần nữa thôi. Tôi muốn trao đổi thêm với hai ông về “dáng đứng Phạm Duy”. Không dám lạm bàn về chuyện nghệ thuật gừng thuật ở đây.

Ông Bách nói, nhiều người cho là Phạm Duy trịch thượng và tráo trở. Tôi ở trong nước, thế hệ sau không biết gì nhiều. Nhưng qua bài phỏng vấn gần đây trên vietnamnet:
http://vietnamnet.vn/vanhoa/2009/03/838470/
tôi thấy Phạm tiên sinh rất ư là khiêm tốn, nhún nhường và rất “ngoan” đấy chớ! Tiên sinh có thủ thỉ “ngày xưa tôi là đứa con hư. Giờ tôi ngoan rồi”!

Xin chúc cho Nhạc sĩ yêu quý của chúng ta ở tuổi “cửu thập cổ lai hy” càng ngày càng “ngoan” hơn nũa!
Trong Hồi ký của một thằng hèn, nhạc sĩ Tô Hải có nhận xét Phạm tiên sinh là chuyên gia trở cờ. Giờ đây tôi dám đánh cược rằng Phạm tiên sinh đã tìm thấy được ngọn cờ lý tưởng của mình rồi, và không bao giờ trở nữa!

Xin hai độc giả tha lỗi đã làm phiền.

Tái bút: Lúc còn bên trời Tây, Phạm tiên sinh có nói nhạc của tôi đi vào lòng của triệu triệu dân Việt Nam thì dễ mà sao để lọt tai ông Đỗ Mười khó thế. Nhạc sĩ yên tâm! Tôi nghĩ lúc này nhạc của tiên sinh không những lọt tai Đỗ Mười, còn lọt tai nhiều vị tai to nữa. Chỉ có điều hơi khó lọt tai các vị nhạc sĩ thiên lôi “gác đền” trong nước chỉ vì lòng dạ hẹp hòi, đố kỵ, ganh ăn tức ở thôi.
3.
Giac Van Pham nói:
31/05/2009 lúc 9:41 sáng

Ơn đảng cao dầy tựa thái sơn
Thù nhà con gác lại một bên
Hổ phụ Phạm Quỳnh sinh cẩu tử
Ân oán giang hồ chuốc chi thêm
4.
huynh nói:
31/05/2009 lúc 12:36 sáng

Ý kiến của độc giả Phùng Tường Vân và Trần Huy Bách thật thú vị!
Còn bài viết của Tuấn Hoàng thì hơi bị… gửi nhầm địa chỉ! Bài này nên gửi đến báo Nhân dân hoặc báo An ninh Thế giới vừa đăng “giáo huấn” của ba ông nhạc sĩ “thiên lôi” kia là thích hợp nhất.

Lại lên giọng dạy dỗ cần phải tách tác phẩm và tác giả ở một diễn đàn như talawas này.

Làm gì để “chiêu tuyết” cho Phạm Duy mà ông Tuấn Hoàng phải đao to búa lớn viện dẫn đến Albert Einstein, Jean-Jacques Rousseau…? Thật là dùng “dao mổ trâu để cắt tiết gà”, không đáng!
5.
Hoà Nguyễn nói:
30/05/2009 lúc 11:29 chiều

Bốn năm về nước cũng là dài, đủ lâu để Phạm Duy và nhiều người tưởng ông có thể trở lại, hoà nhập được cuộc sống ở nơi ông sinh ra, lớn lên, thành danh như một nhạc sĩ tài ba, được nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng có thể vì tên tuổi và được ái mộ hơn nhiều người mà Phạm Duy gặp rắc rối hiện nay. Cũng có thể sự kiện ba nhạc sĩ là “trụ cột” nền âm nhạc VN cùng viết trên An Ninh Thế giới báo hiệu một điều gì lớn hơn là ganh tỵ tài năng như vài người nghĩ. Sao không thể là khởi đầu cho sự trù dập, đánh phá, huỷ diệt thanh danh, để đưa vào quên lãng như từng xảy ra trong quá khứ đối với các văn nghệ sĩ khác, như Văn Cao. Nếu thế, bài viết với lời mạnh mẽ của ông Nguyễn Đắc Xuân và ông Tuấn Hoàng không phải chỉ bày tỏ nỗi bất bình, mà còn có thể là sự báo động, cảnh giác, ngăn chặn cho những tệ hại hơn. Nguyễn Đắc Xuân nêu lên, làm như thế là không tôn trọng nghị quyết 36, nhưng có phải chính ông Xuân đang ngây thơ tin nghị quyết này không phải chỉ có giá trị tuyên truyền, lợi dụng. Là người biết rõ chính sách trong nước, còn “vừa là đồng chí vừa là anh em” với ba nhạc sĩ phê phán Phạm Duy, NĐ-Xuân lại có những nhận xét nặng cảm tính, nhưng nhờ thế mà chân thật hơn chăng. Ông ND-Xuân nói thay cho nhiều người ở miền Nam trước đây về con người và về nhạc Phạm Duy, với tuổi thơ, tuổi thanh xuân, trung niên (và cả lão niên) của họ được ru trong những dòng nhạc tươi sáng, lãng mạn, qua lời hát sánh như thơ, đầy tình tự dân tộc của Phạm Duy, mà nhiều người ngoài này và trong nước vẫn chưa quên.
6.
Phùng Tường Vân nói:
30/05/2009 lúc 10:20 chiều

Kính ông Trần Huy Bách,
Tôi không khỏi có đôi điều tâm đắc trong phản hồi của ông vừa được đọc sáng nay (30/05/2009, 8:04 chiều), chính vì thế mà tôi chỉ dám nói là “tam ông” hơi dại, tôi không bênh vực ông Phạm Duy, không băt bẻ gì tình, lý… các vị kia nêu ra, chuyện ấy chẳng hạn như ông Nguyễn Đắc Xuân đã làm một cách “dở ẹc” trong một lá thư tràng giang đại hải trên mạng vietstudies.info mới đây. Tôi mà như các vị “đại thụ” trong làng nhạc trong nước bây giờ, nếu quý vị ấy ra một lời kêu gọi “hỡi những ai có nhạc mà hát không ai còn muốn nghe nữa, đoàn kết lại” v.v… để có được một cái quyền lực là tất cả những sáng tác, tối tác của Phạm Duy cứ “nhốt” chặt vào kho, không cho hát cho hò gì hết thì “ấy mới là mưu kế thật khôn, mà lại suốt xưa nay chưa có” (BNĐC - Nguyễn Trãi), chứ còn cứ nói năng cay cú mãi tỉ như ông Nguyễn Chính (?) trước đây thì đúng là tỏ dại.
Những ai binh, chống ông Phạm Duy (khổ quá, cứ phải nhắc đến ông này mãi về những chuyện chẳng dính dáng gì đến nghệ thuật, gừng thuật gì hết), xin quý vị nhớ cho rằng ông ta dinh tê hay trở về đều vẫn là một nhân cách đó thôi, đừng đội bất cứ vòng nguyệt quế nào cho ông ấy, chỉ tổ để ông ấy cười khẩy cho đấy thôi, cũng chả nên bắt bẻ gì nhân cách của ông ấy: “trịch thượng, tráo trở”…, còn nhiều hơn thế nhiều ông ạ, nhưng thôi không khéo chính tôi cũng lại sắp sa đà vào những chuyện nhảm nhí dính dáng đến cái “dáng đứng Phạm Duy” mất rồi!
7.
Trần Huy Bách nói:
30/05/2009 lúc 8:04 chiều

Tôi không ngạc nhiên và cũng không biết phải “đứng trên cơ sở” nào để đánh giá lời phát biểu của các ông Trọng Bằng, Phạm Tuyên và Hồng Đăng. Lý do thật rõ ràng, dễ hiểu, là ba ông không chỉ là nhạc sĩ (XHCN) mà còn là những đảng viên CS. Nếu chỉ phân tích những lời phát biểu này dưới phạm trù âm nhạc, tôi e rằng chúng ta đã “lội ngược dòng sông”.

Phạm Duy là một nghệ sĩ, là một “cây cổ thụ” trong làng âm nhạc Việt Nam, nhưng cuối cùng đã chọn “bó tay về với triều đình”, tất nhiên ông ta phải chịu ít nhiều hệ lụy từ quyết định đó. Hãy để cho chính ông ta phải trả những cái giá mà ông ta phải trả. Biết đâu đó lại là một cuộc mua bán sòng phẳng để ông thấy lòng được nhẹ nhàng hơn.

Nhiều người mê nhạc Phạm Duy, nhưng không trọng con người Phạm Duy: trịch thượng và tráo trở.

Nhưng thôi, xin hãy để cho một chiếc lá sắp rụng được trở về cội. Con cá hồi nào muốn theo dòng nước ngược để trở về cội nguồn, đều phải trải qua bi thảm, có nhiều khi chưa bơi đến cội đã phải chết giữa dòng.
8.
Nguyễn Hoài Phương nói:
30/05/2009 lúc 7:05 chiều

Có một bác nhạc sĩ
Tên là Phạm (Văn) Tuyên
Từ ngày đi theo Đảng
Trở thành rất chính chuyên (đáng lẽ phải viết chuyên chính)

Ngoài việc sáng tác nhạc
Bác còn đi đánh người
Những việc làm của bác
Đảng ta rất hoan nghênh
9.
Bắc Phong nói:
30/05/2009 lúc 6:10 chiều

phê bình hay đánh người chạy lại
đáng buồn thay các bậc anh tài
đức phật dạy những lời ganh tị
thực ra là những tiếng bi ai
10.
Phùng Tường Vân nói:
30/05/2009 lúc 6:04 chiều

Thôi mờ, ông Phạm!

Ông nặng lời làm chi, chẳng qua như tôi đã thưa, các ông ấy hố quá, các ông ấy không hiểu nổi Ngô Thì Nhậm “… gặp thời thế thế thời phải thế”, này nhé: đối với Phạm Duy và những trường hợp tương tự (còn dài dài), một khi các ông ấy đã không có một cái quyền lực như một ông Tố Hữu thuở nào khi ông ấy phán: “Nhốt chúng nó lại, vứt chìa khoá đi!” thì tốt hơn là im đi.
11.
Phạm Quang Tuấn nói:
30/05/2009 lúc 11:42 sáng

Một điểm nhỏ: theo tôi biết thì câu “văn tức là người” là do câu “le style c’est l’homme même” của Buffon (1707-1788).

Đọc bài phỏng vấn ba vị nhạc sĩ tôi thấy vừa buồn cười vừa tởm. Đóng góp cho kháng chiến, cho dân tộc… để rồi trở thành những con người nhỏ mọn bần tiện như thế sao? Vậy thì việc dinh tê của Phạm Duy rất đúng, đúng cho Phạm Duy, và đúng cho âm nhạc Việt Nam.
12.
Phùng Tường Vân nói:
30/05/2009 lúc 3:28 sáng

Tôi còn nhớ sau buổi trình diễn nhạc Phạm Duy (trở về) lần thứ nhất tại TP Hồ Chí Minh có một nhạc sĩ mà tôi đã quên mất tên, nhưng còn nhớ ông là con của cụ Nguyễn Xiển (một danh sĩ miền Bắc, nguyên Chủ tịch Bắc Bộ sau Tổng Khởi nghĩa) cũng có một bài viết trên talawas (bộ cũ), có vài độc giả đóng góp ý kiến này khác, sau đó thì… êm luôn. Đến bây giờ, gần như bổn cũ lại được soạn lại và ba vị lên tiếng đều là những cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam đương đại. Trừ khi có một động cơ nào mà tôi không được biết, việc lên tiếng lần này của các ông Hồng Đăng, Trọng Bằng, Phạm Tuyên, nhất là hai vị sau, cho thấy là các ông có một cái “lapse” về phán đoán rất lớn, nói nôm na là các ông… dại quá!

1/6/09

Krishnamurti: Chân lý là đất không lối mòn

Krishnamurti: Chân lý là đất không lối mòn


31/05/2009 |

Nguyễn Ước dịch


Lời người dịch
Jiddu Krishnamurti (thường được gọi tắt là K) chào đời tại miền nam Ấn Ðộ năm 1895 trong một gia đình nghèo, thuộc đẳng cấp Bà la môn. Thân phụ của K là nhân viên ban Bí truyền của Hội Thông thiên học (Theosophy Society), một hội được thành lập chủ yếu bởi nữ nhà văn Nga Helena Petrovna Blavatsky (1831-1891), tác giả đại tác phẩm The Secret Doctrine, the Synthesis of Science, Religion and Philosophy (1888, Mật thuyết, một tổng hợp khoa học, tôn giáo và triết học) và cựu đại tá Anh Henry S. Olcott (1832-1907), người trình bày Phật giáo theo lối hiện đại cho phương Tây và vẽ nên lá cờ ngũ sắc của Phật giáo.
Hội TTH là một tổ chức có tính cách tôn giáo và thần bí, mưu tìm sự tổng hợp của Ðông và Tây cho một tình huynh đệ đại đồng và chuẩn bị thế giới cho biến cố được Hội gọi là sự ra đời lần thứ ba của Ðấng Cứu thế, tức Bồ tát Di lặc hoá thân làm Ðạo sư Thế giới (Teacher of the World). Hai lần hoá thân trước, theo Hội, là tại Ấn trong thần Krishna và tại Do Thái trong Ðức Giêsu Kitô. Hội có cơ sở tại hơn 40 quốc gia, đa số hội viên thuộc giới trí thức hoặc quí tộc hay doanh gia thành đạt. Trụ sở quốc tế của Hội đặt tại Madras, nam Ấn. Tại Sài Gòn trước tháng 5.1975, Hội có trụ sở ở Phú Nhuận, với nhiều hội viên khá nổi tiếng trong chính giới và thương giới, sinh hoạt đều đặn và xuất bản một số kinh điển của TTH.
Năm 1909, K 14 tuổi, được Hội TTH “khám phá sẽ là hoá thân của Ðức Di lặc”. Ông được đem sang Luân Ðôn, Anh, để chuẩn bị vào đại học. Nhưng sau đó, K không đủ điểm tuyển sinh, và suốt đời không tiếp nhận một nền giáo dục chính qui nào, cũng như theo K, ông không bao giờ đọc một cuốn sách nào về triết học và tôn giáo.
Song hành với việc giáo dưỡng K, Hội TTH còn chuẩn bị cho vai trò Ðấng Cứu thế của ông bằng cách lập Dòng tu Ngôi sao (Order of the Star) năm 1911 mà có lúc lên tới 40.000 thành viên, với ngân khoản lớn lao và nhiều bất động sản do các hội viên hiến tặng tại châu Âu, châu Úc, Ấn - và đặt K làm Thủ lãnh. Năm 1923, Hội xác nhận sự thành tựu “chuyển biến tâm linh” của K và chuẩn bị thời điểm đăng vị hoá thân của ông.
Thế nhưng đến ngày 2 tháng 8 năm 1929, trước 3.000 thành viên trong một cuộc trại hằng năm tại Ommen, Hà Lan, K tuyên bố giải tán Dòng tu Ngôi sao, có nghĩa từ khước ngôi vị “Giáo chủ”, đồng thời tuyên bố rằng chân lý là “đất không lối mòn, không thể đến với chân lý qua bất cứ thẩm quyền, hệ thống, tổ chức tôn giáo, xã hội, chính trị nào”. Mỗi người phải đích thân khám phá chân lý qua sự tự biết mình, quan sát và lắng nghe cái đang là (what is), với sự chú ý bằng toàn bộ con người mình. Ngay tự thân hành động ấy ẩn chứa sự biến đổi tận gốc bản thân mỗi người, cái làm một với thế giới. Như thế, bước đầu tiên cũng là bước cuối cùng, và cá nhân mỗi người phải là ánh sáng cho chính mình.
Kể từ đó, K đoạn tuyệt với Hội TTH, quyết định cư trú chính thức tại Hoa Kỳ và chia đều thời gian để đi rao giảng khắp thế giới, tại châu Âu, Nam Phi, Ấn Ðộ và Hoa Kỳ, Nam Mỹ, v.v. Tuy không phủ nhận vai trò Ðạo sư Thế giới, nhưng K đến với cử tọa như một người bạn đời đầy minh triết và “cầm tay nhau” cùng khám phá chân lý. Suốt hơn 60 năm, trong hàng chục ngàn cuộc diễn thuyết, thảo luận nhóm, gặp gỡ những cá nhân muốn tâm sự riêng tư, K mời gọi cử tọa cùng với ông, như những người bạn, thăm dò các chủ đề muôn thuở như tư tưởng, đau khổ, cái chết, thời gian, không gian, sự tĩnh lặng, tính thiêng liêng…
Cũng theo K, con người có thể chấm dứt đau khổ ngay lập tức để có tình yêu, lòng từ bi, trí tuệ và đạt tới cái bên kia tư duy, cái được con người gọi là chân lý, Thượng đế, bản ngã tối cao, nguyên lý tối thượng, cái thiêng liêng nhất, cái hằng cửu… Và nhiệm vụ của tôn giáo là đồng hành với con người trong cuộc hành trình khám phá thực tại đó, chứ không phải là thực hiện những cái vô nghĩa như phẩm trật, nghi lễ, mê tín…
Ðược xem là nhà thuyết giảng tôn giáo tuy đứng riêng và hoàn toàn thù nghịch với các tôn giáo có tổ chức, Krishnamurti cung ứng cho tôn giáo một ngôn ngữ thích hợp với thời đại, một lối nói chuyển tải được những sắc thái và những cái nhìn thấu suốt mà lối nói “thần bí, thẩm quyền” thuở trước ngày nay lắm khi không còn thích đáng với các vấn đề và những thao thức của con người thời hiện đại.
Lời giảng, sự từ bỏ thế tục và lòng từ bi của K tác động lên vô số người trên khắp thế giới, thuộc nhiều trình độ và lãnh vực khác nhau, trong đó có những người quen biết ông, thân tình hoặc chỉ mới đọc ông, nghe ông diễn thuyết, như Pablo Casal, Aldous Huxley, Joseph Campbell, Henry Miller, Van Morrison, Lý Tiểu Long…, đặc biệt các trào lưu tư tưởng, nghệ thuật và các phong trào thanh niên.
Sau lần đầu gặp K. tại Ấn năm 1956, Ðức Ðạt lai Lạt ma (1937- ) đã cảm giác ông là “Một Long Thọ,” gọi ông là “Một tâm hồn vĩ đại, một kinh nghiệm vĩ đại”. Gần 40 năm sau, 1995, ngài tuyên bố tại Madras rằng, “Krishnamurti là một trong những triết gia vĩ đại nhất của thời đại”. David Bohm (1917-1992), triết gia và nhà vật lý cơ học lượng tử hàng đầu đã nói, “Tác phẩm của Krishnamurti thẩm thấu cái cốt tủy của lối tiếp cận khoa học trong hình thức cao nhất và thuần khiết nhất”. Sau khi nghe K diễn thuyết, nhà văn Aldous Huxley (1894-1963) dõng dạc tuyên bố, “Như thể nghe huấn từ của Ðức Phật. Quyền năng như thế, thẩm quyền nội tại như thế”.
Radha Rajagopal, nhà văn Mỹ, người từ lúc chào đời sống chung một mái nhà với K cho tới khi tốt nghiệp đại học, trong một cuốn sách đặt nhiều vấn đề gây tranh cãi về cuộc đời của K, cũng phải thừa nhận: “Với Krinsh [tên thân mật bà thường dùng để gọi K], tôi cảm thấy biết ơn vì nhiều việc. Từ những ngày thơ ấu của tôi, ông đã dạy tôi giải thoát khỏi cuộc tìm kiếm và truy lùng vô vọng sự vị vọng và sự an toàn, các đại sư, tôn sư, các ý thức hệ. Từ ông, tôi học được rằng những so sánh và những nhãn hiệu đưa đến thành kiến và bất hạnh, rằng sự qui thuận đưa đến sự bắt chước tầm thường và rằng không thể có tự do khi còn phạm tội và sợ hãi. Ông khiến tôi tự do thoát khỏi ông và dạy tôi chớ sợ khi đi trên vùng đất không có lối mòn nào”. Lives in the Shadow with Krishnamurti (Những cuộc đời trong bóng tối với Krishnamurti), Nxb Bloomsbury Publishing Ltd., London, 1991, t.323.
Thuyết giảng từ thời hoang mang sau Ðệ nhất Thế chiến tới thời cao kỹ và bùng nổ thông tin, phong cách của K gợi cho ta nhớ tới Trang Tử trong Nam hoa kinh và bước nhảy giải thoát của K làm ta nghĩ tới diễn biến đốn ngộ của Phật giáo. Một sự liên tưởng như thế có thể giúp cho người á đông dễ tiếp cận K hơn nhưng không khỏi gượng ép và chắc chắn bị K phản đối quyết liệt.
Krishnamurti qua đời tại Ojai, California, Hoa Kỳ, năm 1986, hưởng thọ 91 tuổi; tro cốt hoả táng được đem rải tại Ấn, Anh và Mỹ. Ông để lại cho đời các Sáng hội Krishnamurti và các trung tâm sinh hoạt, các trường học mang tên Krishnamurti tại Ấn, Anh và Mỹ, cùng một số lượng khổng lồ lời giảng trong hàng chục ngàn cuốn băng ghi âm, ghi hình, cả chục ngàn trang sách, bản viết tay và thư từ. Lời giảng của K được nghiên cứu trong hơn 200 trường đại học và cao đẳng. Sách ghi lại tư tưởng của K hoặc viết về ông lúc nào cũng thuộc danh sách các sách bán chạy nhất, và thường được dành riêng một khoảng trên kệ sách của các nhà sách lớn.
Tại Nam Việt, từ giữa thập niên 1960, có tới cả chục cuốn sách giới thiệu và dịch tác phẩm của Krishnamurti; tư tưởng của ông rất được các sinh viên, trí thức và giới tu học đón nhận rộng rãi, háo hức tìm đọc. Kể từ tháng 5.1975, Hội TTH Việt Nam bị giải tán, toàn bộ sách Krishnamurti bị tịch thu, tiêu hủy, cấm tàng trử và lưu hành, trong lúc tuổi trẻ ở thế giới bên ngoài ngày càng quan tâm đến ông, đặc biệt trong học giới, tôn giáo, nghệ thuật, các phong trào môi sinh và nhân quyền…. Mãi tới hơn 20 năm sau (2000), sách Krishnamurti mới được phép xuất bản trở lại.
Dưới đây là toàn văn bài ứng khẩu Truth is a Pathless Land (Chân lý là đất không lối mòn) của Krishnamurti khi ông tuyên bố giải tán Dòng tu Ngôi sao, lấy từ cuốn Krishnamurti: Total Freedom, The Essential Krishnamurti, (Krishnamurti: Tự do hoàn toàn, Krishnamurti tinh yếu), Nxb The Krishnamurti Foundation of America, 1966, tt. 14-18. Bạn đọc có thể tìm thấy bản tiếng Anh ở www.tphta.ws/TPH_TIPL.HTM
Trước khi đi vào phần chính văn, chúng tôi xin được nhắc lại lời K thường nói, “Hãy cùng nhau thăm dò như những người bạn. Hãy quên vị đạo sư và hãy chỉ để ý tới lời giảng, dùng nó như chiếc gương, soi mình trong đó và đích thân khám phá.” Và trả lời cho một người đặt câu hỏi về ông, K nói rằng “K là ai, không quan trọng, điều quan trọng là bạn nên thắc mắc mình là ai?”
_______________



Chân lý là đất không lối mòn
Krishnamurti
Sáng nay, chúng ta sẽ thảo luận việc giải tán Dòng tu Ngôi Sao. Nhiều người sẽ hài lòng và nhiều người khác sẽ cảm thấy buồn bã. Việc này không mang tính cách hân hoan hoặc buồn bã vì đó là việc không thể tránh, như tôi sắp sửa giải thích.
Có thể các bạn còn nhớ câu chuyện con quỉ và một người bạn của nó cùng đi xuống phố. Cả hai thấy đằng trước họ một người cúi xuống đất, lượm cái gì đó, nhìn cái đó rồi đút nó vào túi mình. Người bạn nói với con quỉ, “Người kia lượm cái gì vậy?” “Anh ta lượm một mảnh của Chân lý”, con quỉ nói. “Thế thì đó là việc rất tệ hại cho ngươi”, người bạn nói. “Ô, không, chẳng tệ hại chút nào”, con quỉ trả lời, “Tôi sắp sửa để cho anh ta tổ chức cái mảnh đó”.
Tôi xác nhận rằng Chân lý là miền đất không có lối mòn, và các bạn không thể tiếp cận nó bằng bất cứ con đường có sẵn nào, bất cứ tôn giáo nào, bất cứ tông phái nào. Ðó là quan điểm của tôi và tôi trung thành với quan điểm đó một cách tuyệt đối và vô điều kiện.
Vốn không giới hạn, không điều kiện, không thể tiếp cận bằng bất cứ lối đi có sẵn nào, Chân lý không thể bị tổ chức, cũng không nên thành lập bất cứ tổ chức nào để dẫn đạo hoặc để thúc ép người ta đi theo bất cứ con đường cá biệt nào. Nếu trước tiên các bạn hiểu điều đó, thì kế tiếp các bạn sẽ thấy việc tổ chức một tín ngưỡng là bất khả thi biết bao. Lòng tin thì thuần khiết và là một việc cá nhân, và các bạn không thể và không được tổ chức nó. Nếu các bạn làm như thế, nó trở nên chết cứng, cô kết; nó trở thành một tín điều, một tông phái, một tôn giáo, áp đặt lên người khác. Ðó là việc mà mọi người trên khắp thế giới này đang ra sức hoàn thành. Chân lý [vì thế] bị thu hẹp và làm đồ chơi cho những kẻ yếu đuối, cho những kẻ chỉ bất mãn thoáng qua. Chân lý không thể bị hạ xuống mà đúng ra, cá nhân phải nỗ lực tiến lên nó.
Các bạn không thể đem đỉnh núi xuống thung lũng. Nếu muốn lên tới đỉnh núi, các bạn phải vượt qua thung lũng, trèo dốc, không sợ hãi các vách dựng đứng nguy hiểm. Các bạn phải leo tới Chân lý, Chân lý không thể “bước xuống” hoặc tổ chức hóa cho các bạn. Phúc lợi bằng ý tưởng được lưu giữ chủ yếu nhờ các tổ chức, thế nhưng các tổ chức lại chỉ nhận thấy phúc lợi từ bên ngoài. Một phúc lợi không phát sinh từ tình yêu Chân lý vì Chân lý mà phát sinh từ một tổ chức thì phúc lợi ấy chẳng có chút giá trị nào. Tổ chức trở thành một bộ khung và các thành viên của nó có thể tùy nghi thích ứng mình vào đó. Không còn phấn đấu đi theo Chân lý hoặc leo lên đỉnh núi, họ chỉ khoét lấy cho mình một lỗ hốc để chính tay mình hoặc phó cho tổ chức đặt mình vào lỗ đó và họ cho rằng qua đó, tổ chức sẽ dẫn dắt họ tới Chân lý.
Vậy đó là lý do đầu tiên, theo quan điểm của tôi, tại sao nên giải tán Dòng tu Ngôi sao. Bất chấp việc này, có lẽ các bạn sẽ thành lập các Dòng tu khác, các bạn sẽ tiếp tục thuộc về các tổ chức khác đang tìm kiếm Chân lý. Tôi không muốn thuộc về bất cứ tổ chức thuộc loại tinh thần nào, xin các bạn hiểu cho điều này. Hẳn tôi sẽ phải dùng đến một tổ chức mang tôi về Luân Ðôn, thí dụ như vậy; nhưng đó là một loại tổ chức hoàn toàn khác, hoàn toàn có tính cách máy móc như nhà bưu tín hoặc bưu điện. Tôi sẽ dùng xe cộ hoặc tàu bè để đi đó đi đây; những cái đó là máy móc vật chất, hoàn toàn không dính dáng tới trạng thái tâm linh. Thêm lần nữa, tôi xác nhận rằng không một tổ chức nào có thể dẫn đường con người tới trạng thái tâm linh.
Nếu một tổ chức được lập ra vì mục đích ấy, nó trở thành một cái nạng, một yếu kém, một câu thúc, và chắc chắn làm cho cá nhân què quặt, ngăn cản khiến cá nhân không trưởng thành, không xây dựng được tính độc đáo của mình, cái vốn nằm sẵn ở đó để bản thân y tự khám phá Chân lý tuyệt đối và vô điều kiện. Như thế, đó là một lý do nữa tại sao tôi, kẻ ngẫu nhiên làm Thủ lãnh của Dòng tu, quyết định giải tán nó. Ðối với quyết định này, không một người nào thuyết phục tôi cả.
Ðây không là một hành động cao cả, [chẳng qua là] vì tôi không muốn có đệ tử, và tôi có ý như thế. Hễ khoảnh khắc nào các bạn đi theo ai thì khoảnh khắc ấy các bạn ngưng đi theo Chân lý. Tôi không quan tâm việc các bạn có chú ý tới điều tôi nói hay không. Tôi muốn làm một điều nhất định trên thế giới này và tôi sắp sửa làm điều đó với sự tập trung kiên định. Bản thân tôi chỉ đang quan tâm tới việc cốt tủy độc nhất đó: là sao cho con người tự do. Tôi khao khát giải phóng con người khỏi mọi chiếc lồng, khỏi mọi sợ hãi và không mưu tìm một tôn giáo, một tông phái mới, cũng không kiến lập các học thuyết mới, các triết thuyết mới.
Thế thì tất nhiên các bạn sẽ hỏi tôi tại sao tôi lại đi khắp thế giới và liên tục phát biểu. Tôi sẽ nói cho các bạn biết lý do nào khiến tôi làm như thế: không phải vì tôi thèm muốn có sự đi theo mình, không phải vì tôi thèm muốn có một nhóm đặc biệt gồm các môn đệ đặc biệt. (Người ta thích biết mấy được khác biệt với đồng môn, tuy sự phân biệt đó của họ có thể là khôi hài, phi lí và tầm thường! Tôi không muốn khích lệ sự phi lí ấy). Tôi không có môn đệ, không có tông đồ, cả ở chốn trần tục lẫn ở cảnh giới tâm linh.
Sức quyến rũ của tiền tài cũng như sự thèm muốn sống đời tiện nghi không thu hút tôi. Nếu muốn theo đuổi cuộc sống tiện nghi tôi đã không đến dự Trại này hoặc sống ở xứ sở ẩm ướt này! Tôi nói một cách thẳng thắn vì tôi muốn việc này được giải quyết dứt khoát một lần rồi thôi. Tôi không muốn những cuộc thảo luận ấu trỉ này kéo dài hết năm này qua năm nọ.
Một phóng viên báo chí phỏng vấn tôi, anh ta đánh giá lớn lao hành động giải tán một tổ chức có hàng ngàn và hàng ngàn thành viên. Ðối với anh ta thì đó là một việc làm cao cả vì anh ta nói:
“Sau đó ông sẽ làm gì, ông sẽ sống như thế nào? Ông sẽ không có ai theo, người ta không còn lắng nghe ông nữa” Nếu chỉ có năm người sẽ lắng nghe, sẽ sống, hướng mặt tới vĩnh cửu, thế là đủ. Lợi ích gì khi có hàng ngàn người không am hiểu, những kẻ hoàn toàn ghi sâu, một cách trang trọng, trong lòng họ các thành kiến, những kẻ không muốn cái mới, nhưng đúng hơn, chỉ muốn thông giải cái mới ấy sao cho phù hợp với cái tôi cằn cỗi, mụ mẩm của họ? Nếu tôi có phát biểu một cách mạnh mẽ thì xin đừng hiểu lầm tôi; tôi làm như thế không phải là thiếu lòng từ bi. Nếu bạn đến với một bác sĩ để được giải phẩu, và trong khi tiến hành mỗ xẻ, vị bác sĩ ấy làm bạn đau đớn thì có phải ông ta không tử tế với bạn? Vậy, bằng cách giống như thế, nếu tôi có nói một cách thẳng thắn thì đó không phải là thiếu lòng thương cảm chân chính, mà ngược lại.
Như đã nói, tôi chỉ có một mục đích: làm cho con người tự do, thúc giục con người hướng tới giải thoát và giúp cho con người phá vỡ hết thảy các giới hạn, vì chỉ riêng hành động đó cũng sẽ cho con người hạnh phúc vĩnh cửu, sẽ cho nó một sự nhận biết không bị điều kiện hóa cái bản ngã của mình.
Vì tôi tự do, không bị điều kiện hóa, toàn bộ - không phải một phần, không phải tương đối, nhưng toàn bộ Chân lý là vĩnh cửu - nên tôi khao khát những ai tìm cách am hiểu tôi đều được tự do, không đi theo tôi, không từ tôi làm ra chiếc lồng, cái sẽ trở thành tôn giáo, tông phái. Mà là họ được giải phóng khỏi mọi sợ hãi - khỏi sự sợ hãi tôn giáo, khỏi sự sợ hãi của tình trạng nô lệ, khỏi sự sợ hãi của trạng thái tinh thần, khỏi sự sợ hãi của tình yêu, khỏi sự sợ hãi của cái chết, khỏi sự sợ hãi của chính cái sống. Như một nghệ sĩ vẽ bức tranh vì người ấy tìm thấy niềm thích thú trong bức tranh, vì nó là sự tự thể hiện mình, là vinh quang của mình và hạnh phúc của mình, thì tôi làm việc này cũng như thế, tôi không muốn bất cứ điều gì từ bất cứ ai.
Các bạn quen với tình trạng có thẩm quyền hoặc với bầu khí thẩm quyền mà các bạn nghĩ rằng nó sẽ dẫn dắt mình tới trạng thái tâm linh. Các bạn nghĩ và hy vọng rằng một người khác có thể, bằng những quyền năng khác thường - bằng phép lạ - mang các bạn tới cảnh giới giải thoát vĩnh cửu, cái là Hạnh phúc. Toàn bộ cách nhìn của các bạn về cuộc đời bị đặt trên tính chất thẩm quyền ấy.
Các bạn đã lắng nghe tôi suốt ba năm nay, bền lòng chẳng chút đổi thay trừ một ít người. Giờ đây các bạn hãy phân tích những gì tôi phát biểu, hãy phê bình, để có thể hiểu trọn vẹn, hiểu tận nền tảng. Khi tìm kiếm một thẩm quyền để dẫn dắt mình tới trạng thái tâm linh, các bạn buộc lòng phải tự động dựng lên một tổ chức chung quanh kẻ thẩm quyền đó. Bằng chính việc tạo ra một tổ chức mà các bạn cho rằng nó sẽ giúp cho kẻ thẩm quyền hướng dẫn các bạn tới trạng thái tâm linh, các bạn lại khiến cho mình bị nhốt vào một chiếc lồng.
Nếu tôi phát biểu một cách thẳng thắn thì xin nhớ cho rằng tôi làm như thế không phải phát xuất từ sự khắc nghiệt, không phải phát xuất từ sự thô bạo, không phải phát xuất từ lòng sôi nổi với cứu cánh của mình, mà chỉ vì tôi muốn các bạn hiểu rõ điều tôi có ý nói. Ðó là lý do tại sao các bạn có mặt nơi đây, và hẳn sẽ mất thì giờ nếu tôi không giải thích quan điểm của mình một cách rõ ràng và dứt khoát.
Mười tám năm nay các bạn đã chuẩn bị cho biến cố này, cho sự Giáng lâm của Ðạo sư Thế giới. Trong suốt 18 năm, các bạn tổ chức, các bạn tìm kiếm ai đó ban cho tâm hồn và tâm trí của các bạn niềm thú vị mới, ai đó làm biến đổi toàn bộ cuộc đời của các bạn, ai đó cho các bạn sự am hiểu mới, ai đó nâng các bạn lên và đưa các bạn vào một tầm mức phát triển mới cho cuộc sống, ai đó cho các bạn sự khích lệ mới, ai đó làm cho các bạn được giải thoát - và giờ đây các bạn hãy nhìn những gì đang xảy ra!
Các bạn hãy cân nhắc, hãy lý luận bằng chính bản thân mình và hãy khám phá bằng cách nào niềm tin làm cho mình khác biệt - không phải là sự khác biệt bề mặt của việc đeo phù hiệu, [vì] cái đó vốn tầm thường và phi lý. Bằng cách nào mà niềm tin quét sạch tất cả những gì không cốt tủy của cuộc sống? Chỉ có một cách thẩm xét thôi: bằng cách nào các bạn tự do hơn, lớn lao hơn, nguy hiểm hơn cho mọi Hiệp hội đang đặt nền tảng trên sự giả trá và trên những gì không cốt tủy? Bằng cách nào mà thành viên của tổ chức Ngôi sao này trở nên khác biệt?
Như tôi đã nói, suốt 18 năm nay các bạn đã chuẩn bị cho tôi. Tôi không màng tới việc các bạn có tin tôi là Ðạo sư Thế giới hay không. Ðiều ấy chỉ quan trọng chút ít thôi. Vì thuộc về tổ chức của Dòng tu Ngôi sao nên các bạn cống hiến thiện cảm của các bạn, năng lực của các bạn, trong việc thừa nhận Krishnamurti là Ðạo sư Thế giới - một cách cục bộ hay toàn bộ: toàn bộ đối với những ai đang thật sự tìm kiếm, cục bộ đối với những ai đang mãn nguyện với một nửa mảnh chân lý của mình.
Các bạn đã và đang chuẩn bị suốt 18 năm nay và hãy nhìn bao nhiêu nỗi khó khăn đang ở trên con đường am hiểu của các bạn, bao nhiêu sự phức tạp, bao nhiêu cái tầm thường. Thành kiến của các bạn, sợ hãi của các bạn, các kẻ thẩm quyền của các bạn, các giáo hội tân và cựu của các bạn - hết thảy những cái đó, tôi quả quyết rằng, đều là hàng rào ngăn cản sự am hiểu. Ðiều này tôi không thể tự mình làm cho rõ ràng hơn. Tôi không muốn các bạn đồng ý với tôi. Tôi không muốn các bạn đi theo tôi. Tôi chỉ muốn các bạn am hiểu điều tôi đang phát biểu.
Sự am hiểu này là thiết yếu vì niềm tin của các bạn chẳng những đã không tạo được sự khác biệt cho các bạn mà chỉ khiến cho các bạn rối rắm, và cũng vì các bạn không có ý muốn đối mặt với mọi sự đúng như chúng đang là. Các bạn muốn có những thần linh của chính mình - những thần linh mới thay thế cho những thần linh cũ, những tôn giáo mới thay thế cho những tôn giáo cũ, những hình thức mới thay thế cho những hình thức cũ - tất cả những cái đó đều vô giá trị như nhau, đều hoàn toàn là những rào cản, những giới hạn và là những chiếc nạng.
Thay thế vào những phân biệt tinh thần cũ, thay thế vào những thờ phượng cũ, các bạn có những thờ phượng mới. Các bạn hoàn toàn để tinh thần của mình lệ thuộc vào người nào khác, để hạnh phúc của mình lệ thuộc vào người nào khác, để sự giác ngộ của mình lệ thuộc vào người nào khác; và mặc dù các bạn đã và đang chuẩn bị cho tôi suốt 18 năm nay nhưng khi tôi nói rằng hết thảy những việc đó không cần thiết, khi tôi nói rằng các bạn phải bỏ hẳn chúng mà nhìn vào nội tâm mình, để giác ngộ, để cho sự vinh quang, sự thuần khiết và sự bất hoại của bản ngã, thì không một người trong các bạn đang có ý muốn làm điều đó. Có thể có một ít, nhưng rất ít, rất ít.
Thế thì tại sao có tổ chức?
Tại sao có người giả dối, giả nhân giả nghĩa đi theo tôi, xem tôi là biểu hiện của Chân lý? Xin các bạn nhớ cho rằng tôi không có ý nói tới điều gì khắc nghiệt hoặc không tử tế nhưng chúng ta đang với tới một tình trạng ở đó có những vấn đề các bạn phải đối mặt. Năm ngoái tôi đã nói rằng tôi sẽ không thỏa hiệp. Lúc ấy chỉ rất ít người lắng nghe tôi. Năm nay tôi nói rõ ra điều ấy, minh bạch một cách tuyệt đối. Tôi không hiểu tại làm sao hàng ngàn người trên khắp thế giới - thành viên của Dòng tu - đã và đang chuẩn bị cho tôi suốt 18 năm qua, nay lại không có ý muốn nghe, một cách vô điều kiện và toàn bộ, những gì tôi nói.
Thế thì tại sao có tổ chức?
Như tôi đã nói trước đây, mục đích của tôi là làm cho con người giải thoát vô điều kiện, vì tôi xác nhận rằng chỉ có tâm linh là trạng thái bất hoại của bản ngã, là vĩnh cửu, là sự hoà hợp giữa lý trí và tình yêu. Ðó là Chân lý tuyệt đối, vô điều kiện, và là chính Sự sống. Bởi thế tôi muốn sao cho con người tự do, hân hoan như chim giữa bầu trời trong trẻo, không nặng gánh, độc lập và ngây ngất trong tự do đó. Và vì các bạn, những người đã chuẩn bị 18 năm nay, lúc này tôi nói rằng các bạn phải được giải thoát khỏi toàn bộ những điều ấy, giải thoát khỏi những rối rắm của mình. Vì sự giải thoát ấy nên các bạn không cần có một tổ chức đặt căn bản trên niềm tin tinh thần. Tại sao có một tổ chức cho năm hoặc mười người trong một thế giới mà họ am hiểu, họ phấn đấu, họ đặt sang một bên tất cả những cái lặt vặt không đáng kể? Còn đối với những kẻ nhu nhược thì không tổ chức nào có thể giúp cho họ nhận ra Chân lý, vì Chân lý ở trong mỗi người; nó không ở xa, nó không ở gần; nó vĩnh viễn ở ngay đó.
Các tổ chức không thể làm cho các bạn tự do. Không ai bên ngoài có thể làm cho các bạn giải thoát: không sự thờ phượng có tổ chức và không sự hãm mình vì một nguyên cớ có thể khiến cho các bạn được giải thoát, không việc lao bản thân mình vào công tác có thể khiến cho các bạn được giải thoát. Các bạn dùng máy đánh chữ để viết thư nhưng các bạn không đặt nó lên bàn thờ mà thờ phượng nó. Thế nhưng đó là điều các bạn hẳn sẽ làm khi các tổ chức trở thành mối quan tâm chính của các bạn.
“Có bao nhiêu trại sinh ở đây nằm trong tổ chức?” Ðó là câu đầu tiên các phóng viên báo chí hỏi tôi.
“Ông có bao nhiêu người theo ông? Bằng vào số lượng người đi theo ấy chúng tôi sẽ phán xét điều ông phát biểu đúng hay sai.” Tôi không biết có bao nhiêu người đang ở đây. Tôi không quan tâm tới điều đó. Như tôi đã nói, thậm chí nếu chỉ có một người muốn sao cho giải thoát thì đối với tôi như thế là đủ.
Thêm nữa, các bạn có ý tưởng rằng nhất định phải có người đang giữ chìa khóa của Vương quốc Hạnh phúc. Không ai giữ chìa khóa ấy. Không ai có quyền giữ nó cả. Chìa khóa ấy chính là bản ngã của bạn, và Vương quốc Vĩnh cửu ấy hiện hữu trong sự triển khai, trong sự thuần khiết và trong sự bất hoại của tự thân bản ngã mà thôi.
Như thế các bạn thấy phi lý biết bao toàn bộ cấu trúc được các bạn dựng lên trong khi các bạn tìm kiếm sự phù trợ vĩnh cửu, trong khi lệ thuộc vào người khác để có ủi an, để có hạnh phúc, để có sức mạnh của mình. Các bạn chỉ có thể tìm kiếm những cái ấy trong chính bản thân mình, trong chính các bạn.
Thế thì tại sao có tổ chức?
Các bạn có thói quen để cho ai đó nói cho biết rằng các bạn đã tiến bộ ngang đâu, trạng thái tâm linh của các bạn tới lúc này ra sao? Thật ấu trỉ! Nếu nội tâm các bạn đẹp đẽ hoặc xấu xa thì ngoài các bạn ra còn ai có thể nói cho các bạn biết? Nếu các bạn bất hoại thì ngoài các bạn ra còn ai có thể nói cho các bạn biết? Trong các việc này, các bạn chẳng nghiêm chỉnh chút nào!
Thế thì tại sao có tổ chức?
Nhưng chính những người thật sự khao khát thông hiểu, những người đang trông mong sẽ tìm thấy cái là vĩnh cửu, không bắt đầu, không kết thúc và cùng nhau bước đi với sự tập trung sâu xa các nỗ lực của mình, họ sẽ là mối nguy cho tất cả những gì không cốt tủy, cho những gì không hiện thực, cho các bóng tối. Và những người ấy sẽ tập họp, họ sẽ trở thành ngọn lửa, vì họ am hiểu. Chúng ta phải tạo ra bộ phận như thế và đó là mục đích của tôi. Do bởi sự am hiểu chân chính mà sẽ có tình bằng hữu chân chính. Do bởi tình bằng hữu chân chính - cái hình như các bạn không biết - sẽ có sự hợp tác thật sự trong phần của mỗi người. Và điều đó không do bởi thẩm quyền, không do bởi sự cứu độ, không do bởi sự hi sinh cho một nguyên cớ, nhưng do bởi các bạn thật sự am hiểu, và từ chỗ đó có các bạn có khả năng sống trong vĩnh cửu. Ðây là cái lớn lao hơn mọi khoái cảm và mọi hy sinh.
Như thế, đó là một số lý do tại sao, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng suốt hai năm qua, tôi lập quyết định này. Nó không xuất phát từ sự bốc đồng trong khoảnh khắc. Tôi không bị bất cứ ai thuyết phục về quyết định này - tôi không để cho mình bị thuyết phục trong những sự việc như thế này. Trong hai năm qua, tôi đã suy nghĩ về vấn đề này, một cách chậm rãi, thận trọng, nhẫn nại, và giờ đây tôi quyết định giải tán Dòng tu như tôi đã ngẫu nhiên là Thủ lãnh của nó. Các bạn có thể hình thành các tổ chức khác và kỳ vọng vào người nào đó khác. Tôi không quan tâm tới việc đó, cũng như tới việc làm ra các chiếc lồng mới cùng những trang trí mới cho chiếc lồng ấy. Quan tâm độc nhất của tôi là sao cho con người tự do một cách tuyệt đối, vô điều kiện.

© 2009 Nguyễn Ước

© 2009 talawas blog

22/5/09

TÌM NHAU - TRẦN HỒ DŨNG

TÌM NHAU

Trần Hồ Dũng


Tìm nhau tự cõi ngàn xưa

Tìm nhau qua ngọn gió đùa nghìn sau

Chợt trong giây phút linh cầu

Thấy nhau cuối giọt sương đầu nụ hoa


THD. Sài Gòn , 19.5.2009

THƠ : TÌM NHAU - TRAN HO DUNG

TÌM NHAU

              Trần Hồ Dũng


   Tìm nhau tự cõi ngàn xưa

Thấy nhau trong ngọn gió đùa nghìn sau


     Tìm trong giây phút linh cầu

Thấy con chim hát trên đầu ngọn cây


      Tìm nhau trong chiếc lá bay

Thấy nhau trong giọt sương lay đá vàng


        Tìm nhau trong giấc mộng tàn

Gặp nhau trong chốn thiên đàng bỏ quên


THD .Sai Gon  2009 - Washington  2012