24/6/09

NGUYỄN KHẢI : ĐI TÌM CÁI TÔI ĐÃ MẤT

ĐI TÌM CÁI TÔI ĐÃ MẤT



(Tuỳ bút chính trị - 2006)


Nguyễn Khải

1.



Năm 70 tuổi tôi bắt đầu chán viết, người rã ra, đọc sách cũng nằm, đọc được mười lăm phút chữ nghĩa đã loè nhoè, chả rõ mình đang đọc cái gì. Rồi ngủ. Ngủ như chim, một chớp mắt đã tỉnh, tiếp tục đọc nốt cái nửa trang đọc dở vẫn cứ lờ mờ vì chả còn nhớ họ viết cái gì trong cái nửa trang vừa đọc. Cũng năm ấy tôi được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2. Mừng thì rất mừng nhưng tôi đã nhận ra ngay đây là tấm bia mộ sang trọng cắm lên một đời văn đã tới hồi phải kết thúc. Thế là lại buồn, ra vào ngẩn ngơ cả tháng. Rồi quyết định ra chơi ngoài Bắc, trở lại quê ngoại là nơi tôi đăng ký tòng quân năm 1946, cũng là nơi tôi tập tọng viết những bài báo kháng chiến đầu tiên in litô vào năm 1949. Nó mở đầu cho nhiều chục năm tiếp theo, vừa là anh bộ đội vừa là nhà báo nhà văn. Cái thị xã quạnh quẽ, tơi tớp, tối tăm, toàn một màu xanh và đen những năm nào, giờ đã biến hoá thành một quận của Hà Nội hay Sài Gòn hôm nay. Lại nhớ tới những dãy phố ngắn ngủi, nhà thấp, hè hẹp, rợp bóng nhãn, mặt người hiền lành, dáng đi thong thả, thị xã như cái làng lớn, đi một đoạn đường phải chào hỏi không biết bao nhiêu là người vì toàn người quen cả. Năm chục năm sau, trở lại cái thị xã của tuổi mới trưởng thành, mà là trở về lần thứ ba (hai lần trước cách đây đã hơn hai chục năm) , cái mảnh đất thân thuộc đã hoá ra xa lạ. Đạp xe cả ngày chả gặp người quen nào, hoặc có gặp nhưng đã là hai ông già ở tuổi bảy mươi làm sao nhớ lại gương mặt của nhau cái thời mới mười tám đôi mươi. Lần về thứ hai vẫn còn ba người quen cũ, một người là Thuận, đại tá về hưu, một người là Tùng, trung đội phó, một người là Mễ, tiểu đội trưởng là những cấp chỉ huy đầu tiên của tôi trong cuộc sống quân ngũ. Lần này về gặp anh Thuận, cũng là ông chủ báo đầu tiên của tôi, anh hơn tôi vài tuổi. Còn hai người kia đều mới mất ở tuổi ngoài bảy mươi cả. Đường phố không quen, mặt người không quen, còn lại một ông bạn thân tối ngày đi họp, đủ các thứ hội hè để ông đến họp, vẫn là cái khát khao của người đã già, đã nghỉ hưu có dịp gặp lại bạn cũ, trò chuyện là chính, nhắc lại chuyện ngày xưa là chính, rồi than thở, đủ thứ than thở, chuyện nhà chuyện nước. Cũng buồn nhỉ? Chuyện người già có vui bao giờ, người đã xong một việc có làm gì cũng không thể vui. Vì tôi là người có gốc địa phương nên tỉnh uỷ có gặp và mời ăn một lần cho phải phép. Nhưng nhìn những gương mặt quan chức của tỉnh hôm nay mà kinh ngạc. Mặt người nào cũng đầy những múi thịt, sần sùi, nói nhiều, cười to, lời lẽ nhạt nhẽo, dung tục, và không bao giờ nhìn thẳng vào mặt mình để nói, cứ như là đang nói với một ai khác ngồi cạnh mình hoặc ngồi sau mình. Bữa sắp về Hà Nội, bí thư tỉnh uỷ lại mời gặp, không phải là gặp chính thức mà là cùng ngồi ăn sáng với ông vì ông cũng đang bận. Buổi gặp vừa hình thức vừa khó chịu vì chỉ có người lãnh đạo của tỉnh nói, nói như người rao hàng, mắt nhìn đâu đâu, bụng nghĩ đâu đâu. Tôi chỉ còn nhớ một chuyện, có một ông tướng, là danh tướng, người địa phương, có đem một giống hoa lạ từ Hà Nội về, tự tay ông trồng ở vườn hoa của tỉnh uỷ vì phải chọn đúng ngày, đúng giờ, cả đúng hướng nữa mới đem lại thịnh vượng, hạnh phúc cho dân trong tỉnh. Thật vậy sao?

Trong mấy ngày xuống xã vừa vui vừa buồn. Ai cũng giàu có hơn trước, nấu cơm bằng nồi cơm điện, tối xem tivi mầu, giờ rảnh thì xem phim bộ. Mỗi xóm đều có cửa hàng cho thuê băng vidéo, có gái điếm cho ngủ chịu đến mùa trả bằng thóc, có cờ bạc, có hút thuốc phiện và chích heroin, thành phố có gì ở làng quê đều có, cả hay lẫn dở, dở nhiều hơn hay. Tôi về một xã, xã cho tôi ở nhà một anh bưu tá, lúc rảnh rỗi hỏi chuyện gì anh cũng bảo không biết. Ở xã ba ngày, đảng uỷ, uỷ ban không ai tiếp cả. Có một buổi tối có một anh chàng to béo đến chơi với gia đình, cả vợ lẫn chồng nhà chủ ăn nói thưa gửi, bộ điệu khúm núm. Anh ta ngồi ưỡn người trên ghế tựa, hai chân xoạc rộng, hai bàn tay đặt lên bụng, nói hỏi trống không, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn tôi nhưng không hỏi gì, chào cũng không, mắt nhìn cứ lừ lừ, mà hắn chỉ đáng tuổi con tuổi cháu. Tôi cứ nghĩ tay này hẳn là dân buôn bán ở tỉnh có họ hàng gì với anh chủ nhà, tạt qua chốc lác rồi đi. Nhưng anh bưu tá lại bảo đó là ông chủ tịch xã. Lại một ngạc nhiên nữa! Mấy ngày sau lại về một xã thuộc phía Bắc tỉnh. Cách đây đã ba chục năm tôi đã đi đi về về xã đó khoảng một năm để viết về một anh chủ tịch xã chưa tới ba mươi tuổi trong cái thời có cao trào lập hợp tác xã nông nghiệp. Ngồi chơi ở phố huyện kề liền xã bất ngờ lại gặp người quen cũ của mấy chục năm trước. Hiện giờ ông ấy đã ngoài sáu chục tuổi, có cửa hiệu chụp ảnh ở ngay phố, to béo, rềnh ràng, chuyện gì cũng biết, lại biết cách thuật lại về mọi cái biết của mình một cách sống động, tươi rói, nghe chuyện mà tưởng như chính mình cũng được chứng kiến. Nhà văn mà gặp được một người như thế là có thể nghĩ ngay một cuốn sách sẽ viết, viết cũng nhanh thôi, vì mọi vật liệu đã sẵn sàng. Bao nhiêu chuyện sui sẻo, buồn bã của chuyến đi bất thần được đền bù quá hậu hĩ nhân một lần gặp lại người quen cũ. Đang mừng khấp khởi liền bị mấy ông xã nhảy vô phá đám, đi một bước có trưởng công an xã theo một bước, vừa là người hướng dẫn vừa là người bảo vệ. Chỉ được trò chuyện với người đã được xã giới thiệu và ăn ngủ tại nhà ông bí thư xã. Nhưng tôi đâu có chịu thua hoàn toàn. Xuống cái xã bị ghẻ lạnh thì tôi chơi với dân, viết về một ông nông dân bị giời hành, được bạn bè khen là rất khá. Về cái xã được chiều chuộng quá mức tôi viết được cái bút ký “Mất toi một cuốn sách”. Sang tuổi 70, mọi hoạt động của con người đều chậm, đều kém, riêng cái chuyện viết lách của tôi vẫn giữ được phong độ gần như xưa, vẫn viết rất nhanh, riêng cái nhìn thì trào lộng nhiều hơn, ngậm ngùi nhiều hơn. Nó là thứ hương vị thơm ngát chắt ra từ hơn bảy mươi năm được làm người.


2.



Tôi là một đứa trẻ khi bước vào đời có nhiều điều thua thiệt nhưng tôi đã biết níu chặt lấy thời thế mà leo dần lên. Tôi nói thế chả phải vì cái thói cơ hội, thời này có mấy ai thích nói mình thành tài là nhờ cách mạng. Nhưng có nhiều người được cách mạng ôm hẳn vào lòng nâng niu, vỗ về mà vẫn không nên người thì sao? Là vì họ còn thiếu một yếu tố nữa, thiếu cái đó dầu họ có được bước trên thảm đỏ, kẻ nâng người dắt một đời vẫn không ra con người tử tế. Mà tôi thì có, có dư thừa. Ấy là cái tính hài hước bẩm sinh, trước hết là biết giễu mình, theo dõi từng bước đi, từng câu nói của chính mình bằng cái nhìn của người khác vừa nghiêm khắc vừa bỡn cợt. Sau mình đến người, tôi cũng hay nhìn ra cái khía cạnh buồn cười ở người khác dầu họ xuất hiện dưới cái vỏ trang trọng đến thế nào. Cái buồn cười là cái trái nghịch trong cùng một người, kẻ vô luân nói chuyện đạo đức, tên ăn cắp dạy dỗ phải bảo vệ của công, người hống hách lại là tên nịnh bợ bậc nhất. Nếu tán rộng ra thì còn vô vàn chuyện buồn cười mà ta bắt gặp ở mọi nơi, trong mọi thời gian của cuộc sống. Anh dốt thường làm ra vẻ thông thái, thằng nhát rất thích xuất hiện như người anh hùng, một chính khách đầu óc rỗng tuếch luôn tỏ ra uyên bác bằng những lời nói vô nghĩa. Nếu những người đó có được một chút hài hước, có khả năng tự ngắm mình trong khi diễn trò thì họ sẽ biết cách tự kiềm chế trong một giới hạn nào đó.

Muốn có cái mình không thể có không chỉ là chuyện buồn cười mà còn là căn bệnh không thể cứu chữa của nhân loại. Các triết gia, giáo chủ cũng không thoát khỏi cái trò cười ấy. Họ muốn cho nhân loại cái họ không thể có, muốn cứu nhân loại bằng những phương tiện nhiều lắm chỉ đem lại mê say tự huyễn hoặc mà thôi. Học thuyết xã hội hay tôn giáo khôn ngoan phải là học thuyết mở, có thể là thế này mà cũng có thể là thế khác, luôn luôn biến hoá, lấy sự biến hoá của thời thế và con người làm mục tiêu tối thượng để tự điều chỉnh. Học thuyết là do con người làm ra, một trí tuệ sáng láng nhất vẫn cứ bị ràng buộc bởi nhiều vòng tự giác và không tự giác của thời thế, của cuộc đời. Bởi vì họ không thể là Thượng Đế để biết hết vô vàn nguyên nhân những tác động qua lại, uốn éo, bất ngờ của nó đưa đẩy mọi sự vật tới những thay đổi rất nhỏ, không mấy ai chú ý, cuối cùng là những biến thiên cực lớn. Chả có học thuyết nào dự đoán đúng những gì sẽ xảy ra trong tương lai và cũng chẳng thể dự đoán được cái kết cuộc của nhiều sự việc đang xảy ra trong hiện tại. Mọi lời tiên tri đều có tính mê sảng, đồng cốt. Dành cả một thời thanh xuân để tin vào những lời tiên tri ấy, về già nhìn lại cái tài sản tinh thần thâu góp một đời chỉ là một cái kho chứa đủ tạp nham chẳng có một chút giá trị gì.


3.



Tính hài hước là cái thứ mà người cộng sản ghét nhất vì nó có thể biến mọi chuyện thiêng liêng thành trò cười. Một học thuyết không thể chứng minh sự đúng đắn của nó trong thực tiễn thì trước sau sẽ biến thành tôn giáo. Vì tôn giáo là niềm tin, là thói quen, là tập quán, là vâng phục, là ở thế giới này chỉ có một chân lý, ngờ vực nó, đặt quá nhiều câu hỏi về nó chỉ là kẻ phản đồ, phải bị trục xuất khỏi cộng đồng, phải bị cách ly, bị ngồi tù để tránh mọi sự truyền nhiễm có thể. Học thuyết xã hội đã phải đội lốt tôn giáo để tồn tại thì mọi thứ thuộc về nó đều là thiêng liêng. Lãnh tụ thành thần thánh, lời nói bài viết của họ thành kinh bổn, cuộc sống cá nhân và xã hội của họ đầy ắp những chuyện phi thường. Hình ảnh của Lenin và Stalin, của Mao Trạch Đông và Kim Nhật Thành và lời nói của các vị ấy bao trùm lên toàn bộ cuộc sống tinh thần của các quốc gia họ cầm quyền, làm gì, nói gì, nghĩ gì đều không thoát ra khỏi cái bóng che ấy. Bài hát về lãnh tụ trang nghiêm như thánh ca, người hát có dáng điệu sùng bái như tín đồ. Cái thế giới cá nhân của các công dân đã bị đốt cháy, đã thành tro bụi và tan biến trong hương khói của đền đài. Trong không khí ngùn ngụt lửa cháy cùng với tiếng sóng hoan hô khi gần khi xa không lúc nào dứt, vậy những người làm việc bằng trí tuệ sẽ tìm đâu ra một khoảng trời yên tĩnh và tự do để suy nghĩ về những công trình một đời của riêng mình. Người cộng sản sẽ không bao giờ hiểu được cách làm việc cá nhân, đơn độc, xa rời quần chúng, xa rời các phong trào cách mạng có tính địa phương của các nhà trí thức thấm đẫm “tư tưởng tư sản” ấy. Phải cải tạo họ bằng các chuyến đi thực tế, bằng các lớp học chính trị ngắn hoặc dài ngày, và bằng cả những lần được gặp gỡ thân mật với lãnh tụ để có thêm lòng tin vào những lý do phải tự phủ định, để khẳng định sự nghiệp vĩ đại của quần chúng. Phải bỏ hẳn những tư tưởng triết học và thế giới quan phù hợp với cách nghĩ, cách nhìn, cách đánh giá của riêng mình, đã được chứng minh qua những trải nghiệp của bản thân để nhập vào dòng tư tưởng chính thống, cái triết học chính thống, cách nhìn nhận và đánh giá chính thống, xét cho cùng chả liên quan bao nhiêu tới cái tâm sự đang ấp ủ, tới những điều cần phải viết, và trên hết, máu thịt hơn hết là những phát hiện độc đáo của riêng mình trong lịch sử, trong văn hoá, trong nhân sinh. Mất những cái đó thì còn sống tiếp làm gì, còn viết tiếp làm gì nên một số đã phải đổi nghề, bỏ nghề sáng tạo sang nghề cạo giấy, làm một anh công chức hiền lành, mẫu mực, vừa có quyền vừa có lợi. Cái danh cái lợi cũng có sức quyến rũ người ta lắm, qua nhiều năm tháng nó đã trở thành ý nghĩa quan trọng nhất để sống, sống với vợ con, với bạn bè, với xóm làng, với xã hội. Còn một số nhỏ vì không làm nghề gì khác ngoài cái nghề văn chương nên đã đầu quân về các nhà xuất bản, tuần báo, tạp chí tiếp tục làm nghề nhưng phải viết trong khuôn phép đã quy định, cũng có đôi lúc đã tự buông thả theo những cảm xúc tự nhiên hoặc bất chợt bị mê hoặc bởi những hình tượng nghệ thuật quá đẹp đã trở thành những nạn nhân oan uổng của nhiều vụ án văn tự, nghĩ lại mà tiếc cho nhiều người, mộng mơ nhiều thì tài năng cũng nhiều đều bị thui chột ngay từ những năm còn trẻ.


4.



Trong suốt ba chục năm chiến tranh, mỗi người Việt Nam đã quên hẳn những nhu cầu vật chất và tinh thần của riêng mình để được cùng sống như mọi người, cùng cảm nghĩ như mọi người, sống cùng sống chết cùng chết. Học thuyết Mác và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản được tôn vinh đến tuyệt đối. Vì số phận cá nhân gắn liền với tập thể với dân tộc, trùng hợp khít khao với các mục tiêu chính trị của đảng cầm quyền và những tham vọng của người lãnh đạo. Nhưng cả mấy thế hệ cùng tham gia chiến tranh, sống trong một môi trường xã hội, chính trị của một đất nước đang có chiến tranh cũng là một tai hoạ khôn lường. Trong chiến tranh tập thể gạt phắt cá thể sang một bên, có thể giẫm đạp lên nó cũng chả mất mát gì, vì chiến tranh đòi hỏi sự nhất trí, cần sự ra lệnh đúng lúc của nhiều cái đầu chứ không có thời gian bàn luận, sai đúng có sự tham gia của nhiều cái đầu. Vả lại nếu người lãnh đạo tính toán sai lập tức sẽ bị đối phương trừng phạt ngay, không sớm tỉnh ngộ thì cả sự nghiệp có thể bị đổ vỡ. Đến thời hoà bình thì chỉ còn dân chúng đối mặt với chính quyền, quyền lợi khác nhau, nguyện vọng khác nhau, có trăm ngàn thứ khác nhau trong một cộng đồng: dân tộc, tôn giáo, văn hoá, điều kiện sống… trong một thời gian dài tạm quên đi, tạm gác lại để lo việc lớn, lúc này nhất loạt trỗi dậy, đòi hỏi và mỗi cá nhân đều thấy cái mình đòi là quan trọng nhất, bức thiết nhất. Độc lập có rồi, tự do có rồi, vậy cái hạnh phúc của mỗi chúng tôi nhà nước định quên sao? Nhưng người dân phải tìm ra cơ hội nào để nói, đến chỗ nào để nói, dùng phương tiện gì để nói. Nói với tổ chức, với các đoàn thể mình là một hội viên, không ai nghe cả. Nói trên báo chí không báo nào dám đăng. Viết kế sách, thỉnh nguyện gửi lên các cấp có thẩm quyền thì chả bao giờ nhận được trả lời. Vậy phải làm gì nhỉ? Làm loạn không dám, biểu tình đúng pháp luật cũng chưa có tiền lệ. Người đứng đắn bộc lộ sự không bằng lòng của mình tại các cuộc họp lập tức bị những kẻ cơ hội trấn áp tức thì, bị cơ quan an ninh ghi vào sổ đen, thăng chức nên lương từ nay không thể, chỉ còn đợi ngày về hưu thôi. Nhưng dân chúng vẫn có cách xả nỗi bất bình của họ bằng cách sáng tạo ra nhiều chuyện tiếu lâm chính trị. Trong cả nước không đâu có nhiều chuyện tiếu lâm bằng Hà Nội vì nó là thủ đô hành chính, mọi chuyện cung đình vừa thật vừa giả tràn gập các quán cà phê mỗi ngày. Không ra được báo viết thì làm báo mồm vậy, lời nói bay đi lấy đâu làm bằng, tưởng như vô hại mà hại vô kể. Vì nó sẽ thành dư luận, không ai bắt giam được dư luận, giết được dư luận, cái dư luận hỗn tạp, vô sở cứ mở rộng mãi ra, bao trùm mọi việc mọi người trở thành mặt bằng mới để đặt ra các tiêu chuẩn sống cho một thời. Cái tiêu chuẩn mới có tên gọi là “mặc kệ nó”. Nó là người khác, là nhà nước, là bất cứ ai, bất cứ việc gì không có quan hệ trực tiếp tới các lợi ích cá nhân mình. Cái cá thể sau một thời gian dài nhập vào cái tập thể đã tự tách ra khỏi nó để tìm lại mình. Nhưng cách tìm lại ấy thường thuộc về phía tiêu cực của con người, lấy lợi ích bản thân làm mục tiêu nên không tạo ra được sự thăng hoa, sự tự do chân chính, là môi trường cho mọi sáng tạo độc đáo, vừa thấm đẫm tính cá nhân vừa thấm đẫm tính thời đại ở yếu tố tiền phong của nó. Ở đây tôi muốn nói thêm, tự do được nuôi dưỡng tự nhiên trong môi trường dân chủ là tự do của cống hiến, còn tự do vừa thoát ách chuyên chế thường có tính phá hoại, trả thù, để bù lại những năm tháng bị tước đoạt. Cứ so sánh về tự do của một xã hội dân chủ nhiều trăm năm như Hoa Kỳ và tự do vừa giành được của nước Nga Xô Viết là đủ rõ. Vì nó không được chuẩn bị, không được giáo dục, mọi bản năng của con người được xổng ra nhất loạt sẽ gây hỗn loạn cho cộng đồng, nhiều hơn là xây dựng. Dân chủ và tự do phải có thời gian để làm quen, để học cách sử dụng và bảo vệ, phân được ranh giới giữa cá nhân và cộng đồng. thành pháp luật, thành tập quán mới có thể đơm hoa kết trái được.


5.



Một đất nước bị xâm lược, rồi bị nô dịch, dân chúng thành nô lệ không được pháp luật che chở, làm người cũng khó nói gì tới ý thức cá nhân trong mỗi con người. Ý thức cá nhân là ý thức về cái riêng biệt của mình, về cái có thể cống hiến của mình cho cộng đồng không giống với một ai do có một cách cảm nhận riêng, một cách suy nghĩ riêng, từ đó… Những cái giá trị cá nhân chỉ được nhìn nhận, được tôn vinh ở những xã hội tương đối tự do, các mối quan hệ giữa người với người tương đối tốt đẹp. Ở xã hội tư bản mà chúng ta vốn có thành kiến là rất xấu xa lại thường hay cho những tiếng kêu cứu, bảo vệ những giá trị truyền thống của cá nhân, vì đồng tiền đang làm mất phẩm giá của con người, phá vỡ nền tảng đạo đức, làm rối loạn các mối quan hệ xã hội. Con người được sống no đủ, trong tiện nghi mà vẫn đối địch với nó, muốn thoát ly khỏi nó vì không được thoả mãn những nhu cầu về tinh thần. Ta hay lấy những chuyện đó để làm chứng một cách hả hê cho sự tha hoá của con người sống dưới chế độ tư bản. Vậy các công dân của chế độ xã hội chủ nghĩa thì sao? Chả có ai kêu ca gì. Nhà văn là người có trách nhiệm chăm lo cuộc sống tinh thần của đồng loại cũng không kêu. Có một nhà văn Nga [Vladimir Dudinzev / Владимир Дудинцев - chú thích của Diễn Đàn] viết cuốn sách Người ta không chỉ sống bằng bánh mì [Не хлебом единым - chú thích của Diễn Đàn] bị cả giới văn nghệ Liên Xô phê phán. Ông đã viết sai vì các nước xã hội chủ nghĩa rất coi trọng cuộc sống tinh thần của các công dân. Họ đọc sách rất nhiều, trên xe điện, xe buýt, trong công viên, đứng xếp hàng từng dãy dài mua thực phẩm, mua vé xem vũ kịch, nghe âm nhạc họ đều mở sách đọc rất chăm chú, tưởng đâu như cuộc sống đích thực của họ là ở các trang sách. Chỉ có những giây phút chìm đắm trong sự đọc họ mới có cơ hội ngẫm nghĩ về thân phận của mình, của đồng loại, tìm lại cái bản gốc cá nhận đang lưu lạc ở một góc khuất nào đó của riêng mình. Rời khỏi trang sách là rơi ngay vào vòng quay của trăm ngàn công việc chả có nghĩa lý gì ngoài sự mưu sinh để tồn tại. Những ngày nghỉ, những giờ tạm gọi là rảnh rỗi họ cũng không được ngồi một mình, ngẫm nghĩ một mình, có bao nhiêu buổi lễ kỷ niệm lớn nhỏ, những phong trao cam kết thi đua và vô vàn cuộc họp của ngành của giới đã choán hết phần thời gian còn sót lại… Cuộc sống tập thể đã nhấn chìm cuộc sống cá nhân, cuộc sống trong chiến tranh đã xoá nhoà mọi thói quen của cuộc sống thời bình. Lúc nào cũng có kẻ thù rình rập đâu đó để tìm cớ lật đổ chế dộ bằng vũ trang, hay bằng diễn biến hoà bình. Lúc nào cũng được đồng chí trong chi bộ, bàn bè cơ quan giám sát mọi tư tưởng và hành vi để ngăn chặn mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân của mỗi thành viên. Lúc nào cũng phải đề phòng, phải đề cao cảnh giác cách mạng, không tin cậy bất cứ ai, kể cả bạn bè. Chỉ có một điều lạ, là trong hoàn cảnh sống không có một tí tự do nào cho cá nhân mà chúng tôi vẫn sống được, lại còn viết văn làm thơ được!


6.



Suốt 80 năm sống dưới ách đô hộ của Pháp, chúng ta vẫn đặt được những viên gạch đầu tiên cho nền văn xuôi Việt Nam. Những truyện ngắn, tiểu thuyết, phóng sự, tuỳ bút của thời ấy được in trên các tuần báo hoặc xuất bản thành sách nay đọc lại vẫn thích thú, vẫn làm ta cảm động. Nhiều truyện được đọc từ tuổi niên thiếu vẫn ám ảnh ta tới tận lúc tuổi già, và một loạt các nhà thơ, nhà phê bình văn học của cái thời gọi là thuộc địa đã trở thành những tên tuổi lớn tồn tại mãi mãi trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc. Làm thân nô lệ mà vẫn trỗi lên thành những tài năng lớn là sao? Không chỉ trong văn chương mà còn cả trong mỹ thuật, trong kịch nghệ. Không chỉ trong văn nghệ mà trong cả khoa học, giáo dục, trong kinh doanh theo kiểu tư bản và trong nhiều nghề truyền thống. Tất cả đều được bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ, được phát sáng, được bộc lộ mạnh mẽ các tài năng cá nhân và họ đã trở thành người khai sáng, người mở đường, thành tổ nghề, không chỉ có tài lớn mà còn có đức lớn, là những nhân cách kiểu mẫu cho con cháu, cho giống nòi, đều là chuyện có thật cả, không thể bóp méo hoặc bác bỏ. Mà giải thích về nó cũng rất đơn giản. Chế độ tư bản của Pháp và Châu Âu tiến bộ hơn, văn minh hơn chế độ phong kiến tập quyền của Châu Á tới vài thế kỷ, là khoảng cách giữa hai thời đại, nói như cụ Phan Chu Trinh. Thời Pháp thuộc bọn thực dân chỉ cấm, bỏ tù, xử bắn những người dám chống đối nó, trước hết là những người cộng sản. Cuộc sống của dân chúng vẫn lầm than như thời xưa, như thời phong kiến, khổ nhất vẫn là nông dân, nhưng xã hội có thêm nhiều nghề mới do công cuộc khai thác tài nguyên ở thuộc địa, hình thành dần nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, có đô thị và các trung tâm buôn bán, có các đường lớn xuyên quốc gia và liên tỉnh, có cầu cống và đường sắt, có báo hàng ngày, có tuần báo và tạp chí. Tiếng nói của công chúng sau nhiều thế kỷ câm bặt đã được cất lên bày tỏ thân phận và nguyện vọng của mình, dẫu còn yếu ớt nhưng đã gây được tiếng vang trong cả nước. Dầu xã hội phát triển một cách nhem nhuốc, đau đớn nhưng vẫn hơn cái thời tù mù, tối tăm của thời phong kiến. Thời thế là vị tư lệnh tối cao, không có học thuyết nào, một thiên tài chính trị nào dám chống lại những mệnh lệnh của nó. Dám chống lại nó học thuyết sẽ tiêu tan, các chính khách thì thân bại danh liệt. Chế độ thực dân tuy tàn bạo nhưng nó là sản phẩm của thời đại này nên nó vẫn có khả năng ươm cấy nhiều nhân tố tích cực, có giá trị bền vững cho những xứ sở nó đô hộ. Còn những vương triều phong kiến dẫu được cai trị bởi các bậc minh quân thánh trí vẫn là những xã hội hủ lậu và thuộc về quá khứ. Tài giỏi như Khang Hy, Càn Long nếu còn trị vì Trung Quốc tới cuối thế kỷ 19 mà không chịu thay đổi thể chế đã quá cũ kỹ thì vẫn cứ thua, có khi còn thảm bại hơn vì lòng kiêu hãnh bệnh tật của họ. Cách tổ chức xã hội của giai cấp tư sản dẫu có xấu xa tới tận đâu cũng vẫn tạo được những môi trường tự do và dân chủ hơn, mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển tài năng của mọi cá nhân và của cả cộng động. Lại lấy thêm một ví dụ về nước Nga trong non một thế kỷ qua. Dưới chế độ Xô Viết, người dân Nga được nhà nước chăm lo hoàn toàn từ khi sinh đến khi chết, nhưng họ vẫn không thích, vẫn thấy ngột ngạt vì đó là cuộc sống không phải lo nghĩ của một trại tập trung, con người bị đánh số, bị xếp theo khuôn, theo hàng, chỉ nhìn thấy đám đông chứ không thể nhìn ra từng con người riêng biệt, kể cả trong triết học và văn chương. Còn thời bây giờ là một xã hội mạnh ai nấy lo, người người lấn chen nhau, tranh cướp nhau vì những tham vọng không được kìm nén, kỷ cương cũ bị xoá bỏ, kỷ cương mới chưa kịp hình thành, mọi sự đều phải làm lại từ đầu từ quốc kỳ, quốc ca, quân kỳ… Nhưng xem ra chả có mấy ai than thở về hiện trang hỗn loại, họ cảm thấy thoải mái, bằng lòng với cuộc sống đầy bất trắc của hiện tại vì lần đầu tiên họ được lựa chọn cách sống của mình, thắng thua tự mình gánh chịu, cũng là lần đầu họ biết nhận ra cái “bản lai diện mục” của chính họ.


7.



Bất cứ nhà nước nào lấy học thuyết xã hội hoặc tôn giáo thay cho hiến pháp thì trước sau sẽ chuyển đổi thành nhà nước chuyên chế. Vì trong hàng triệu công dân sẽ có nhiều nhóm người không cùng lòng tin, không cùng tín ngưỡng với nhà cầm quyền. Họ trở thành những cộng đồng đáng ngờ, sẽ bị phân biệt đối xử, trước hết là mất quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do xuất bản. Đó là nói về tầng lớp trí thức. Còn những người làm các nghề khác, chả dính dáng gì đến sách vở cũng sẽ cảm thấy bị tước đoạt nhiều quyền tự do, như quyền tự do lựa chọn cách sống của riêng mình chẳng hạn. Đã độc quyền về tư tưởng tất nhiên sẽ độc quyền cả về cách sống, vì mỗi học thuyết đều có phần đạo lý của nó, nó cần tiêu chuẩn làm người đã được lý tưởng hoá của nó để làm khuôn mẫu cho tu sĩ và tín đồ. Tôi có một bà cô sống ở Hà Nội suốt thời Pháp tạm chiếm, là dân cũ của Hà Nội, sau này giải phóng được một năm, bà than thở với tôi, nghĩ rằng sống với cách mạng thì dễ mà hoá ra rất khó. Bà bảo chính phủ gì việc lớn không lo toàn lo việc vặt, từ cách ăn mặc, cách yêu đương, cách nuôi dạy con cái là những việc người dân tự biết cách lo, tự biết cách học, lo không nổi thì đã có dư luận xã hội lo giùm, từ cổ tới nay vẫn thế mà. Lại nói về những tín đồ trung thành của chủ nghĩa Mác, những chiến sỹ theo cách mạng từ thuở mới lập nước là đám văn nghệ sỹ chúng tôi cũng “sống không dễ” trong sự viết lách. Viết đúng luật lệ thì chỉ có hai chủ đề: căm thù và hy sinh. Cũng chỉ có ba loại người được tôn vinh: công, nông, binh. Cái thế giới mênh mông, nhiều màu sắc ngày một thu hẹp và chỉ có hai màu: đỏ là quân ta, đen là quân địch. Văn chương cách mạng thoạt đầu cũng lạ so với văn chương thời trước nên được bạn đọc trẻ hoan nghênh. Nhưng cứ phải đọc mãi một vài đề tài quen thuộc, một vài loại người quen thuộc và những tâm trạng rất quen thuộc ngay những bạn đọc trung thành cũng phải chán. Chính chúng tôi cũng tự chán mình. Tài đã kém lại bị bó chặt từ đầu tới chân, xoay tới xoay lui cũng chỉ có một vòng quay, ú ớ một cách nói, càng viết càng nhảm cũng là phải. Một nền văn nghệ phải phục vụ chính trị (mà chính trị thì sớm nắng chiều mưa) là đã mất một nửa tự do rồi, lại phải phục chính trị theo nghĩa các chủ trương, chính sách của từng thời kỳ thì còn gì là tự do nữa. Ấy là chưa nói mỗi cấp cầm quyền lại có những yêu cầu riêng, những cách đối xử riêng, lúc nhu lúc cương, cái thằng nghệ sĩ chả còn biết lối nào mà lần. Văn chương đã đến nông nỗi ấy mà vẫn có giải thưởng quốc gia, nhưng những tác phẩm được giải thưởng Lenin, Stalin liệu có còn cuốn nào được người Nga hôm nay muốn đọc lại. Tôi cũng được giải thưởng văn chương cao nhất cấp quốc gia, nhưng tôi biết chỉ mươi năm nữa, thời thế đổi thay chắc chả còn ai nhớ tới mình nữa. Tôi là nhà văn của một thời, thời hết thì văn phải chết, tuyển tập, toàn tập thành giấy lộn cho con cháu bán cân. Buồn nhỉ? Nghĩ lại cũng chả có gì phải buồn, con người vốn sống trong những chiều kích hữu hạn lại mơ tưởng những gì do con người làm ra sẽ thuộc về vĩnh viễn, có hoạ rồ! Tất nhiên vẫn có nhiều công trình của trí tuệ thuộc về cõi bất tử nhưng là của các thiên tài. Với bộ não con sâu cái kiến, ngước nhìn những cái đầu khổng lồ ấy làm gì cho thêm buồn ra. Hãy viết những gì trong cái tầm nhìn tầm nghĩ của con sâu cái kiến vậy. Một cách nghĩ thiếu “tự hào dân tộc” nhưng chắc chắn là một cách nghĩ đúng. Đã từng có những quốc gia từng nghĩ từng viết rất tự hào, rất kiêu hãnh rằng dân tộc họ đã sải bước trước nhân loại cả trăm năm, sắp chạm tay vào cánh cửa thiên đàng rồi! Mà rồi sao nhỉ? Là như mỗi chúng ta đều đã được chứng kiến trong suốt mấy chục năm nay đấy!


8.



Nhà văn Dư Hoa [Yu Hua, 余华, chú thích của DĐ], một cây bút đang nổi của văn đàn Trung Quốc, trong lời cuối sách của tiểu thuyết Huynh đệ (Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 2006), ông có viết đại ý, trong lịch sử thế giới từ thời Trung Cổ đến thời hiện đại phải trải qua 400 năm. Còn ở Trung Quốc từ thời cách mạng văn hoá, cả đất nước chìm sâu trong bóng đêm trung cổ với thời bấy giờ với bao nhiên thay đổi đến chóng mặt để đất nước Trung Hoa nhanh chóng bước vào đội ngũ các đại gia của G8. Cái khoảng cách vời vợi giữa hai thời đại ấy đã được rút gọn trong có 40 năm. Rằng hay thì thật là hay nếu chỉ nhìn vào toàn cục, vào cả dân tộc. Nhưng nếu nhìn vào từng cá nhân, những cá nhân không được chuẩn bị từ căn cơ trong lịch sử, trong văn hoá, trong truyền thống và nhất là trong nhân cách làm người thì cái rút gọn trong mỗi cá nhân sẽ dẫn tới đâu? Theo ý tôi (N. K.) là các cá nhân ấy sẽ rất dễ bị GÃY khi gặp phải sóng to gió lớn. Vì cái lõi của nó chưa đủ cứng, chưa đủ bền, chưa đủ những tố chất về di truyền, về giáo dục (rất cần có thời gian) để ứng phó hữu hiệu với những thay đổi quá nhanh của môi trường sống. Các nhà cách mạng thường chỉ nghĩ tới mục tiêu và những con đường ngắn nhất nhanh nhất để đạt được mục tiêu, bất chấp các công dân của họ bằng lòng hay không bằng lòng. Và họ lại tin một cách ngây thơ, một cách tệ hại rằng cứ ép là được, cứ đẩy tới bằng các phong trào cách mạng của quần chúng là được, trước lạ sau sẽ quen dần. Nhưng các cá nhân cũng là lòng người không thuận thì mọi chủ trương dẫu hay đến mấy sớm muộn cũng bị đào thải, chả để lại một dấu vết tích cực nào. Và càng lạ hơn là những tổ chức kinh tế được xem là lạc hậu, là phản động của một thời vẫn có muôn vàn cơ hội để tái sinh và xem ra còn tồn tại rất lâu dài.

Trong những năm 90 của thế kỷ 20 nhiều vị lão thành cách mạng Việt Nam lấy làm kinh ngạc và đau đớn trước sự tiêu vong quá nhanh của một siêu cường mà chân móng của nó đã ăn sâu trong mảnh đất Nga non một thế kỷ. Thật ra toà lâu đài kiểu mẫu của tương lai ấy không hề có chân móng. Nó được xây trên cát. Mọi thay đổi lớn đều dựa vào phong trào quần chúng được hình thành, được vận động chỉ bằng có tuyên truyền chứ không từ nguồn lực tự thân. Tất cả đều phải ép buộc, đều phải dàn dựng, và phải có các diễn viên chuyên nghiệp trình diễn theo một kịch bản độc nhất. Có hai nhà văn lớn của Châu Âu đều được mời xem màn diễn về một xã hội lý tưởng do người cộng sản lãnh đạo. Ông Romain Rolland thì khen không hết lời, còn ông André Gide thì chê từ đầu đến cuối. Vì một ông chỉ nhìn có cái mặt tiền, cái tổng thể, đến đâu cũng thấy dân chúng ca hát, nhảy múa và vẫy cờ, vẫy hoa. Còn một ông lại chỉ quan sát cái sân sau của chế độ và thân phận của nhiều cá nhân ông có dịp tiếp xúc. Đám đông thường cho ta cái cảm giác sai vì họ không thể giữ được tính độc lập trong tình cảm và phán xét. Còn cá nhân thì cái thân phận riêng tư của họ bao giờ cũng thuộc về nhân loại hôm nay và mai sau.

Một xã hội mà công dân không được quyền sống thật, nói thật, nhà văn cũng không được quyền bộc bạch tâm sự riêng tư của mình trên trang giấy là một xã hội không có chân móng. Các quốc gia cùng sống với nhau trong một liên bang, gọi nhau là anh em là đồng chí, nhìn ngoài thấy họ sống cũng yên ấm vui vẻ. Vậy mà khi họ chia tay nhau cũng dửng dưng. Và ngay lập tức họ nhận ra nhiều mối lợi trên đất nước mình đã bị người anh em ruột thịt chia sẻ trong một cuộc đổi chác không công bằng. Thế là bắt đầu những cuộc tranh chấp các đường biên giới, đã có lúc phải dùng đến xe tăng, đại bác để nói chuyện. Rồi tranh chấp đường ống dẫn dầu và các mỏ dầu, các căn cứ quân sự và các vùng biển có hạm đội. Khi Mỹ và NATO muốn đặt căn cứ quân sự trên đất nước họ, nhân danh chống khủng bố họ gật đầu liền đâu biết Mỹ là đối thủ của nước Nga anh em. Yêu Mỹ là tất nhiên vì Mỹ sẽ rót tiền vào những cái két rỗng của họ. Ghét Nga cũng là lẽ đương nhiên vì xưa kia anh bắt nạt tôi, lấn át tôi, xem tôi như chư hầu, như thuộc địa, bây giờ chính là lúc tôi có quyền trả thù. Lúc giận nhau thì nghĩ nông cạn thế, còn bình tĩnh lại thì giữa các nước cộng hoà trong liên bang Xô Viết (cũ) vẫn có sự ràng buộc tự nhiên và máu thịt trong lịch sử vì họ đã là người một nhà non một thế kỷ, đã cùng nhau sống chết chống hiểm hoạ phát xít để bảo vệ sự tồn tại của Liên bang cũng như của các nước cộng hoà. Lại đã cùng nhau sinh con đẻ cái, đã pha trộn ngôn ngữ, văn hoá và kỷ niệm. Bây giờ mỗi quốc gia vừa được trở lại là chính mình, vừa có phần đóng góp thêm của các nền văn hoá lân cận, bạn bè, giàu có hơn trước, văn minh hơn trước. Rồi họ cũng sẽ sống với nhau như một cồng đồng của khu vực, nhưng lần này là tự nguyện, là do họ tự chọn một hình thức liên minh bình đẳng, dân chủ và hoàn toàn tự do. Bất cứ một thiết chế xã hội nào nhắm tới dân chủ và tự do, xây một xã hội mở, một liên minh mở sẽ có may mắn tồn tại được lâu dài với sự đồng thuận của mọi người và sự hài lòng của mỗi cá nhân.


9.



Gần đây tôi có được đọc hai cuốn sách hay. Một cuốn là Bàn về tự do của Stuart Mill, một triết gia người Anh viết từ năm 1859, cách ta một thế kỷ rưỡi. Một cuốn là Tư duy tự do của Phan Huy Đường, một nhà nghiên cứu học thuyết Mác có tên tuổi ở Pháp viết vừa mới đây. Khoảng mươi năm nay tôi đọc tiểu thuyết không vào, cả của ta, của Tàu lẫn Tây, cả sách mới dịch, mới xuất bản, cả sách của các đại gia của những thế kỷ trước. Năm còn trẻ đọc thấy hay, bây giờ già rồi nhìn trang sách cứ dửng dưng vì nó không chịu ăn nhập vào những trải nghiệm cá nhân của tôi, không mở ra trong tôi một cách tiếp cận mới với hiện thực, không làm bùng cháy một điều gì đang còn ẩn sâu trong đáy tiềm thức khiến tôi phải choàng thức chợt nhận ra một vỉa sáng tạo mới vừa thoáng xuất hiện. Hai cuốn sách trên, một cuốn do bạn cho mượn, một cuốn tình cờ mua được ở nhà sách vì cái tên của một tác giả tôi vốn quan tâm. Tôi đọc say mê cả hai cuốn như thời trẻ được đọc một cuốn tiểu thuyết hay, tất nhiên là khó đọc hơn tiểu thuyết nhưng đã thích lại có trải nghiệm bản thân hướng dẫn, không hiểu được đầy đủ thì cũng hiểu được cái đại thể. Nhiều ý của bài viết này là được cảm hứng từ hai tác giả đó.

Năm tôi 60 tuổi, khi viết về một bà cô đã ngoài tám chục mà còn rất minh mẫn trong cách đối nhân xử thế, bà vẫn giữ được tính cách riêng mà không làm mất lòng một ai, từ con cháu trong nhà đến các mối quan hệ ngoài xã hội. Tôi đã viết nếu bà cụ được trời cho chứng sống đến trăm tuổi mà vẫn còn sáng suốt ắt hẳn bà sẽ biết mọi bí mật của then máy tạo hoá. Thật ra là tôi nói về tôi đấy, có hơi bốc đồng nhưng tôi tin là tôi sẽ biết được con người nhiều hơn nếu tôi được sống lâu hơn, không cần trăm tuổi, chỉ cần 90 là đủ, miễn là vẫn giữ được một cái đầu bén nhạy như bây giờ, sẵn sàng tiếp nhận mọi sự khác lạ như bây giờ, kể cả sự phủ định chính mình. Năm ấy tôi đã hiểu ra mọi sự rút gọn ở đời đều trái tự nhiên, đều dẫn đến thất bại. Các cuộc cách mạng xã hội ở nước ta trong suốt ba chục năm đều hỏng cả, đều phải làm lại từ đầu, tất nhiên là theo hướng khác, mà kết quả vẫn vừa chậm vừa dây dưa. Nguyên do là các nhà lãnh đạo muốn rút gọn những công việc của trăm năm thành chuyện chỉ làm trong mấy năm. Vì họ chưa hiểu đầy đủ con người Việt Nam trong cuộc sống đời thường, cái cuộc sống không có chiến tranh, không có cách mạng xen vô, cái cuộc sống trôi đi lặng lẽ của muôn đời. Nghĩ rằng người Việt Nam của hôm nay đã khác nhiều với người Việt Nam trước năm 1945 là một cách nghĩ rất thiển cận, tự gây cho mình nhiều ảo tưởng trong việc trù liệu những việc phải làm để kiến tạo một xã hội dân chủ và văn minh. Mọi phong trào thi đua chả có ích lợi gì trong những việc cần nhiều chăm sóc nhẫn nại, bền bỉ, bắt đầu từ các cá nhân chứ không phải từ các đám đông với những khẩu hiệu, cờ quạt, kèn trống, diễn văn và đáp từ, vỗ tay và tặng hoa. Đám đông không thể đứng mãi dưới nắng để nghe lãnh tụ diễn thuyết. Họ luôn mong đợi được giải tán để về nhà. Con người ở nhà vẫn cũ kỹ nhưng là người thật chứ không phải là sự nhập đồng chốc lát khi đứng trong đám đông. Tôi thật lòng yêu mến, ngưỡng mộ Fidel, một nhà yêu nước kiên cường, một nhân vật đã thuộc về lịch sử của Cuba. Ông là một trí thức lớn, bạn tâm giao của Marquez, nghe nói trong túi lúc nào cũng có một cuốn tiểu thuyết đang đọc dở. Bởi vậy tôi mới lấy làm lạ khi ông buộc dân chúng phải đứng hàng nửa ngày dưới nắng để nghe ông cao đàm khoát luận về đủ mọi vấn đề. Lúc cách mạng mới thành công nói dài thế vì người dân còn đang háo hức với cuộc sống mới và các ngôn từ cách mạng cũng rất mới. Như một cặp tình nhân đang yêu nhau, đang cần nhau, nói với nhau đủ thứ chuyện vớ vẩn nhưng chả ai thấy thời gian là dài. Còn đã thành vợ thành chồng thì chỉ cần nói ít thôi, chỉ nói những việc cần làm thôi, chứ cần gì những thuyết lý dông dài. Mao Trạch Đông cũng thế, ông là một nhà chính trị thông kim bác cổ, quanh nơi ông làm việc và cả nơi ông nghỉ ngơi sách đang đọc xếp từng chồng, nhưng xem ra cũng chả hiểu đồng bào ông bao nhiêu. Người dân ở đâu cũng thế, đều muốn có một cuộc sống bình yên, được tính việc cá nhân và gia đình trong một khoảng thời gian dài, một trăm năm chẳng hạn, không có những thay đổi lớn trong lối sống, trong công ăn việc làm, trong các giá trị, đặt biệt là giá trị của đồng tiền. Chứ cứ phải sống mãi từ năm này qua năm khác trong các phong trào cách mạng, lúc chống tả lúc chống hữu, những hội nghị toàn quốc và địa phương nối nhau không dứt, những hô hào la hét từ trong nhà ra ngoài đường như một lũ hoá rồ, các quan hệ xã hội và các giá trị thay đổi soành soạch thì còn biết đằng nào mà sống. Vả lại các cuộc cách mạng ấy chả đem lại bất cứ lợi lộc nào, cho bất cứ giai cấp nào. Chỉ có những mất mát thôi, người giàu thì mất cơ nghiệp được kiến tạo từ nhiều đời, người nghèo thì mất những chỗ dựa cạy, có thể mất cả công việc kiếm sống mỗi ngày để được làm chủ một cái rỗng không. Có thực mới vực được đạo, đã đói ăn thì ngay đến cái tư cách làm người cũng không thế có nói gì đến đạo. Thành thử cái chủ trương rất quyến rũ, rất “văn nghệ”, nhất là với giới tri thức, của chủ nghĩa Mác “cải tạo thế giới, cải tạo con người” hoá ra chuyện không đâu, nói cho vui, bây giờ người ta cũng hay nhắc đến để chế giễu một học thuyết xã hội chứa đầy những hoang tưởng.


10.



Do không hiểu con người cá nhân, hoặc chỉ hiểu theo những phân tích máy móc, nông cạn của chủ nghĩa duy vật cơ giới của thế kỷ 19, nên các nước xã hội chủ nghĩa mới dám đặt ra những mục tiêu huênh hoang nhằm cải tạo con người trong vài thập kỷ nếu môi trường xã hội thay đổi. Nên mới gọi nhà văn là “kỹ sư tâm hồn”! Văn chương do con người làm ra để trao tặng cho con người một cách tự do nhất, ít bị ép buộc nhất. Chỉ có văn chương mới tôn trọng mọi giá trị của cá nhân, tôn trọng mọi lựa chọn của cá nhân kể cả những thành kiến phi lý của họ. Họ có quyền yêu mình hoặc ghét mình , tôn vinh mình hoặc nguyền rủa mình, chả sao cả. Người viết cứ viết người ghét cứ ghét kể cả cái quyền ném sách vào lửa. Cái mục đích “tải đạo”, “giáo dục” của văn chương không bao giờ lộ liễu, lộ liễu là văn chương tồi. Vả lại chính người viết cũng không có ý định ấy, họ viết bằng tâm sự thành thật của mình, những trải nghiệm đau đớn của mình, họ viết cho họ trước rồi cho độc giả sau, có khi họ cũng chả nghĩ đến những người sẽ đọc họ, viết mà chơi thôi, viết để giải sầu rồi tự mình ngậm ngùi với mình, ứa lệ với riêng mình. Chả trách ai cả, chả giận ai cả, cũng chả lên án một ai. Vì không có vật cản nào nảy sinh trong ta khi đọc nên chữ nghĩa của tác phẩm cứ mặc nhiên trôi vào tận những kẽ ngách trong cái tâm sự u uẩn, những khát vọng thầm kín của riêng ta, đọng lại trong ấy, rồi cứ thẩm thấu dần dần vào cái thế giới tinh thần của ta một cách vô thức, giúp ta nhận ra một vùng sáng mới lạ nào đó, gột rửa một vài thành kiến, thay đổi một vài quan niệm, và ta vẫn nghĩ một cách khoan khoái là chính tự ta đã chủ động thay đổi, tuyệt nhiên không theo lời chỉ bảo của một ai cả, của một học thuyết nào cả, hoặc nhập vào một cách bất chợt một phong trào thời thượng nào cả. Bất cứ cái gì xa lạ với bản tính của mình, với thói quen của mình, nói một câu, với những gì làm nên lai lịch của mình, chả sớm thì muộn đều bị đào thải để mình lại được trở về với cái nguyên gốc. Tôi được biết có một cụ linh mục yêu nước và cấp tiến được cách mạng tín nhiệm mời lên khu làm việc cho kháng chiến thời đánh Pháp. Những khi ngồi một mình cụ vẫn rất buồn vì ở trong rừng không có nhà thờ để cụ đi lễ và làm lễ. Cụ nhớ Chúa, nhớ bày chiên và nhớ cả những lời nói của đấng chăn chiên với bày chiên trong công việc của mỗi ngày. Khi cụ sắp mất cụ thiết tha yêu cầu được một linh mục đang coi sóc một xứ đạo nào đó tới rửa tội và xức dầu Thánh cho cụ. Lại một chuyện khác, khi tôi được tiếp xúc với một vị lãnh đạo cấp cao của Đảng khi ông đang còn làm việc, quả thật tôi đã từng nghĩ ông là con người kiểu mẫu của một xã hội tương lai, chả nói gì, nghĩ gì về mình, tất cả cho tổ quốc, cho sự nghiệp, cho nhân dân. Nhưng rồi ông bị mất chức vì không được bầu lại vào uỷ ban trung ương của Đảng, một chuyện rất bất ngờ với nhiều người. Khi đại hội công bố kết quả bầu cử, nghe nói ông đã oà khóc, rồi khóc thầm lén tới mấy năm, không đi đâu cả, không gặp ai cả vì tự cho mình đã bị sỉ nhục, đã mất hết danh dự. Lại là một con người khác, tầm thường hơn cái lúc còn đeo tấm bài ngà rất nhiều. Con người mặc nhiều lớp áo là con người giả, con người đã bị lột truồng mới là con người thật. Con người đã bong một lớp sơn phủ kín chỉ còn trần lại cái lõi của nó mới là thật. Cái vỏ có thể luôn luôn thay đổi nhưng cái lõi muốn thay đổi phải mất có khi gần một đời người. Ấy là chỉ dám nói là có thể thay đổi chứ không dám nói chắc là sẽ thay đổi. Chỉ vì con người ta không chịu thay đổi theo những tiêu chuẩn đã được quy định hoặc theo mức tăng trưởng thu nhập tính theo đầu người. Sự phát triển của con người theo chiều hướng tích cực phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sống tự do và dân chủ để tự nó khẳng định chính nó, tự nó đánh thức mọi tiềm năng sáng tạo đang nhen nhóm ở trong nó. Về cái thế giới tinh thần của mỗi cá nhân hãy để cho mỗi cá nhân tự lo liệu lấy, nó không thích người khác can thiệp bằng bất cứ cách nào. Nó sẽ biết cách tự điều chỉnh để thích ứng dần với mối quan hệ mới một cách có lợi nhất.


11.



Trong nửa thế kỷ sống dưới sự lãnh đạo của một Đảng theo học thuyết Mác Lê, tôi luôn luôn được nhắc nhở phải tôn trọng quần chúng, sức mạnh của quần chúng có thể thay đổi dòng chảy của lịch sử và số phận của nhiều cá nhân. Nhưng cũng thật trớ trêu, không có một chế độ cộng hoà nào ở thế kỷ 20 lại dám coi thường quần chúng như tại các nước xã hội chủ nghĩa. Sống trong thể chế này suốt mấy mươi năm không có một cuộc biểu tình nào được tổ chức để phản đối một chính sách nào đó của nhà nước. Như thời làm cải cách ruộng đất hay thời huy động nông dân vào các hợp tác xã nông nghiệp. Giám đốc xí nghiệp nhà nước tham ô, mức sống của công nhân giảm sút cũng không có đình công. Nông dân bị kẻ cường quyền đàn áp, làm nhiều việc trái pháp luật, vừa mới nhen nhóm bày tỏ sự bất bình liền bị giập tắt ngay. Vì người lãnh đạo đã nhận định rất đúng rằng, nhân dân ta rất tốt, rất dễ bảo, bỗng dưng họ dám nói xược, dám đòi hỏi này nọ là do có mấy thằng cán bộ về hưu bất mãn cầm đầu. Cứ nhắm mấy thằng đó mà đe, nếu cần thì bắt là đâu vào đấy ngay. Quả nhiên thế thật. Tức là người cầm quyền chả coi dân chúng vào đâu. Họ chỉ sợ các cá nhân hiểu nhiều biết rộng, rất khó bắt nạt, là hay bày trò xúi giục thôi. Giống hệt cái thời còn vua còn Tây, kẻ cai trị rất sợ người cộng sản vì họ là kẻ hay gây rối. Đã là người cầm quyền với nước ta thì xưa là thế nay vẫn là thế, người dân vẫn sống dưới chế độ chuyên chế chứ chưa bao giờ được biết chế độ dân chủ là gì, đâu là dân chủ tư sản. Đã chuyên chế là chuyên chế làm gì có sự phân biệt chuyên chế tư bản với chuyên chế vô sản.

Người cộng sản rất kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, nhưng lại chính từ các nước xã hội chủ nghĩa mà cái tệ sùng bái cá nhân đã nảy sinh. Vì lãnh tụ của học thuyết cũng là lãnh tụ của quốc gia. Họ lên cầm quyền không do phiếu bầu mà do tín nhiệm sẵn có của các tín đồ với giáo chủ. Giáo chủ là nhân vật tối linh, thuộc về thiêng liêng nên những gì của thế gian không thể ràng buộc ông ta được. Ông ta cầm quyền không có niên hạn vì ông phải phục vụ nhân dân cho tới lúc chết. Ông không phải tự phê bình và cũng không ai dám phê bình ông vì ông là biểu tượng của quốc gia, của Đảng cầm quyền, đứng trên hiến pháp và mọi luật pháp. Ông là người tự do hoàn toàn so với nguyên thủ các quốc gia dân chủ khác. Các cấp dưới từ trung ương tới địa phương cũng là những người có nhiều tự do nhất ở các ngành, các bộ và các địa phương họ cầm quyền. Là các lãnh chúa trong các lãnh địa của họ. Chả ai dám xâm phạm nếu còn muốn giữ cho mình một chút tự do cỏn con. Một xã hội có hàng triệu cá nhân không được đếm xỉa, không được tôn trọng nhưng một nhúm cá nhân lại được tôn vinh hết mức và được được hoàn toàn thoả mãn trong mọi nhu cầu là cái xã hội gì đây, là xã hội kiểu mẫu cho nhân loài tương lai ư?! Nói miệng mấy chuyện kỳ cục này đã khó nghe, lại còn viết thành văn mà các nhà văn không thấy ngượng sao? Ngượng thì vẫn ngượng nhưng chả lẻ lại gác bút, gác bút thì nuôi vợ con bằng gì? Nghĩ tới miếng ăn lại phải quên hết để sự bán mình cho quyền lực được hoàn toàn. Năm đất nước mới thống nhất vào Sài Gòn được gặp gỡ các nhà văn nhà báo, các nghệ sỹ của chế độ cũ mà thèm. Họ sống thoải mái quá, nói năng hoạt bát, cử chỉ khoáng đạt, như chưa từng biết sợ ai. Còn mình thì đủ thứ sợ, sợ gặp người thân vì chưa rõ họ có liên quan gì với Mỹ nguỵ? Nói cũng sợ vì nói thế là đúng hay sai? Đến vẻ mặt của mình cũng phải canh chừng, vui quá sợ mất cảnh giác, khen quá có thể đã ăn phải bả của nền kinh tế tư bản. Người lúc nào cũng căng cứng, nói năng gióng một nên bị bà con trong này chê là quê, nhà văn nhà báo gì mà “quê một cục”. Giải thích chuyện này cũng chả khó, họ là sản phẩm của nền kinh tế công nghiệp tư bản, dẫu là thuộc địa cũng vẫn thuộc hệ thống tư bản, vẫn là những người đã được giải phóng khỏi nhiều ràng buộc từ quá khứ trong cách nghĩ, trong cách làm. Còn mình là sản phẩm của nền kinh tế nông nghiệp phong kiến, đâu đã được làm chủ nhân ông nhưng cũng chưa từng được hưởng cái mùi vị tự do và dân chủ là thế nào! Cái khoảng cách ấy có tính thời đại không thể bỏ qua mà cũng không thể rẽ tắt. Mình cũng đã đi tắt suốt mấy chục năm, rất tiếc là lịch sử không công nhận cái lối đi ấy. Tôi còn sợ rồi sẽ có ngày lịch sử sẽ trừng phạt mình vì cái tội muốn khôn hơn lịch sử, muốn đánh lừa lịch sử!


12.



Các đảng cộng sản đều coi phê bình và tự phê bình là cách giải quyết mâu thuẫn nội bộ hữu hiệu nhất. Sự vật vận động sẽ sinh mâu thuẫn, giải quyết được mâu thuẫn sự vật mới có cơ hội phát triển, tiến lên. Phủ định và phủ định của phủ định, nghe vừa khoa học vừa huyền bí, như câu thần chú: “Vừng ơi, mở cửa ra!”, cứ đọc to lên là cánh cửa vào tương lai sẽ mở toang. Các nước xã hội chủ nghĩa vẫn đọc to câu thần chú ấy trong nửa thế kỷ mà cánh cửa vào tương lai vẫn đóng chặt. Mất thiêng rồi chăng? Quả là đã mất thiêng vì người hô không hề tin một chút nào vào cái khả năng kỳ diệu của nó. Nếu tin vào phê bình và tự phê bình thì Stalin đã không chế ra các vụ án chính trị man rợ để tiêu diệt các đối thủ vốn là tay trái tay phải của mình trong những năm đó. Nếu tin vào câu thần chú ấy thì Mao Trạch Đông đã không bày ra tấn tuồng “cách mạng văn hoá” để tiêu diệt mọi kẻ dám can ngăn những chủ trương đầy tính phiêu lưu của ông. Ấy là nói về những người nắm quyền lực cao nhất, còn những người nắm những cơ quan quyền lực thấp hơn cũng chả bao giờ họ tin vào cái phương pháp lãng mạn đó cả. Trong các cấp uỷ họ vẫn tự phê bình và phê bình nhau một cách sốt sắng giả dối. Và ai nấy đều tự bằng lòng hơn sau những lễ xưng tội giải tội hết sức vui vẻ này. Và mọi thói xấu, kể cả tội ác nữa, vẫn nghiễm nhiên tồn tại như trước đây, vẫn là những vùng cấm chỉ những kẻ quá chán đời mới dám đơn độc xông vào. Bởi vậy khi ông tổng bí thư của Đảng mới được bầu, trong cơn phấn khích đổi mới sinh hoạt đảng, đã phát động một phong trào tự phê bình và phê bình rộng khắp toàn đảng, các đảng bộ trong cả nước đều nhiệt liệt hưởng ứng, đều nhắc lại với lòng nhiệt thành hiếm có trong các bài diễn văn có đảng tính cao của họ. Đó là một màn diễn khổng lồ, rất tốn kém, chả đem lại bất cứ kết quả nào. Vì chỉ là diễn thôi, người cũ kẻ mới đều vào vai rất thành thạo. Rút cuộc kẻ có tội vẫn ngày càng hung hãn, càng tự tin, còn người tố tội càng lúc càng dè dặt, hãi sợ. Kỳ quái nhỉ?

Các tín đồ của học thuyết Mác đều rất tin môi trường xã hội và hoàn cảnh cá nhân có ý nghĩa quyết định tới sự hình thành tính cách con người. Một địa phương có nhiều phong trào cách mạng tích cực ắt phải sản sinh ra nhiều tập thể tốt, một tập thể tốt sẽ sinh ra nhiều cá nhân tốt. Con người là một thực thể vật chất nên không thể thoát ly những điều kiện vật chất đã cho phép nó tồn tại. Nhưng nó còn là một thực thể sinh học, một thực thể tinh thần, tâm linh, văn hoá bao gồm lịch sử cá nhân và dòng họ ở trong nó. Nó cũng không thể biết hết nó, không thể biết hết những phản ứng bất thần trong chính nó khi vấp phải những đối nghịch trong cuộc sống. Nên cái thế giới tinh thần, tâm lý của con người là rất đa dạng, phức tạp, có muôn vàn lối đi ngoắt ngoéo. Từ thời con người có ngôn ngữ để giao tiếp, có chữ viết để lưu lại, có văn chương để bày tỏ những bí mật của riêng rình, nó vẫn không ngớt than thở là chả biết được bao nhiêu về mình và đồng loại. Con người vẫn nguyên vẹn là một bí mật mênh mông, sâu thẳm như từ thủa nguyên sơ vậy. Người cộng sản phải kiêu ngạo lắm mới dám bày cái trò chỉnh huấn phê bình để lãnh đạo một cách chuẩn xác cái phần khó nắm bắt nhất trong con người. Vì nó biến hoá, nó phù du như mây như gió vậy.


13.



Con người có 2 mắt đều hướng ra cái thế giới vật chất bên ngoài, không có con mắt nào hướng vào trong để ngắm nghía, kiểm soát cái thế giới tinh thần của nó nên nó bị mù một nửa, cũng như nó không có cái tai bên trong nên không thể nghe được những tiếng thì thầm rất nhỏ mỗi đêm trong chính mình. Hai cái khuyết tật bẩm sinh ấy đã làm con người thiếu hoàn chỉnh, là nguyên do mọi đổ vỡ của nhiều danh nhân dũng tướng vào những năm cuối đời. Nhưng cũng có một số ít người có khả năng nhìn được sự vận động cả trong lẫn ngoài, nghe được những tiếng động rất nhỏ cả ngoài lẫn trong. Họ không có cấu tạo vật chất đặc biệt nào mà chỉ bằng cái năng lực tinh thần rất mạnh đã bù đắp được những khiếm khuyết bẩm sinh. Nhiều tập hồi ký của các danh nhân cả chính trị lẫn văn hoá đều thiếu cái phần còn nhày nhụa của họ, cái phần thú vật của con người nơi sản sinh ra những tội ác chưa hình thành, cái què quặt, cái buồn cười đã được kiềm chế đúng lúc, đã được giấu nhẹm, cái phần họ muốn quên đi và rất dễ trở thành lang sói với đồng loại nếu trong đồng chí, đồng nghiệp còn có người biết đến và nhớ tới. Cuộc chiến đấu lớn, có tính bi kịch giữa mình với mình bao giờ cũng hoành tráng, cũng đẹp, rực rỡ những màu sắc đối nghịch vì nó đã bộc lộ đầy đủ nhất cái phẩm chất LÀM NGƯỜI trong mỗi CON NGƯỜI. Không phải bất cứ ai cũng tạo ra được trận chiến thần thánh ấy, vì chiến trường ở ngay trong lòng mình, mình vừa là kẻ thách đấu vừa là kẻ dám nhận đấu, dẫu thua cũng là cái thua của thần thánh. Một công việc trang trọng đến thế, hùng tráng đến thế mà lại dám nghĩ là công việc của số đông, của những người chưa hề chuẩn bị một cái nhìn bên trong, một cái nghe bên trong cho riêng mình, cả đời họ sống trong tự mãn, trong u mê, bất thần mời gọi hãy nhìn lại mình, hãy nhìn lại người để có được những phán xét và điều chỉnh chuẩn xác! Ông tổng bí thư đã mở một cuộc chiến ảo nên ông cũng chỉ nhận được những kết quả ảo.

Một Đảng, một thể chế chính trị lấy phê bình và tự phê bình làm vũ khí sắc bén để giải quyết mọi mâu thuẫn nội bộ, giả thử nó lại không còn dùng được nữa thì các mâu thUẫn sẽ được hoá giải bằng cách nào? Đảng đối lập không có, dư luận đối lập qua báo chí và các cuộc biểu tình quần chúng cũng không có, vậy làm cách nào để biết và điều chỉnh mọi sự rắc rối, thậm chí cả bạo loạn nữa nếu nó xảy ra? Vẫn có cách, là phải tạo ra một tình hình chính trị luôn căng thẳng (một cuộc chiến tranh có thể xảy ra, một cuộc bạo loạn có thể xảy ra) để buộc các công dân phải sống trong những quy chế nghiêm ngặt của thời chiến, ở các chế độ toàn trị chỉ có hai cơ quan mà quyền uy bao trùm cả xã hội. Đó là cơ quan tư tưởng, tuyên truyền và cơ quan công an. Một để chặn, một để chống. Còn khi đã có chuyện bất thường xảy ra thì chỉ có một biện pháp: đàn áp, bắt giữ, lập toà án xét xử những kẻ cầm đầu. Cách giải quyết vừa nhanh gọn lại mau ổn định, không dây dưa, phiền toái vì có quá nhiều luật lệ, qua nhiều lý lẽ như ở các nước tư bản. Những rối loạn vặt vãnh thật ra là nước là không khí của các nhà cầm quyền độc tài. Họ đâu có sợ loạn. Họ còn bày ra những cuộc chiến cung đình như ở Liên Xô và các nước Đông Âu, hay một cuộc chiến giữa nhân dân với nhau như đã làm ở Trung Quốc. Không có mùi vị của thuốc súng, của máu người và những tiếng la hét cuồng nộ của đám đông thì người cầm quyền biết thở bằng gì!


14.



Tập thể không làm ra văn chương vì nó không có cảm nghĩ riêng, tâm sự riêng, tính cách riêng. Nó là vô danh. Một tâm sự mãn nguyện, những tiếng cười hoan lạc, một kiếp người quá đầy đủ cũng không thể có chỗ đứng trong văn chương. Vì văn chương bao giờ cũng thuộc về những tiêng kêu của con người để đòi lại những gì còn thiếu: thiếu tự do, thiếu công bằng, thiếu hạnh phúc… Đời người là bể khổ, những khao khát về tinh thần của con người là vô cùng nên mới cần có văn chương và nghệ thuật để bù lại. Còn mọi thứ đều được biết, đều đầy đủ, đều mãn nguyện thì tôn giáo không còn, triết học không còn, và tất nhiên văn chương cũng không thể còn. Nó sẽ chết vì bị ngạt, vì không còn những khoảng trống huyền bí để suy nghĩ, để mơ mộng và để thở. Những gì mà chủ nghĩa cộng sản hứa sẽ thành hiện thực trong tương lai thì cái hiện thực ấy sẽ giết chết cả loài người. Vì thượng đế đâu cần những con dòi béo quay lúc nhúc dưới chân Ngài. Cũng may đó chỉ là những lời nói dối, tự dối mình và dối người của những con người đã phải sống nhiều trăm năm trong cùng khổ, trong tuyệt vọng. Còn hướng tới thiên đàng ư? Là thiên đàng trần gian hay thiên đàng thượng giới cũng không một ai có thể sống nổi. Sống không lo nghĩ, không mong muốn, không đấu tranh là kiếp sống con dòi rồi. Chả lẽ những con dòi cũng có thể cất cao những cái đầu múp míp của chúng để làm ra triết học và thơ ca!

Những điều viết trên đây không do tôi tưởng tượng ra mà do những trải nghiệm bản thân mà có. Những năm còn trẻ cả vợ lẫn chồng đều ăn lương quân đội, lại phải nuôi dưỡng những bốn đứa con, nhà ở ven bãi sông năm nào cũng phải chạy lụt, lại quá chật có 15 mét vuông. Ăn thì mì hai phần gạo một phần, gạo phải nhặt sạn cả buổi mới dám nấu thành cơm. Còn thức ăn ư? Chả nói nữa ai cũng ăn như thế, ăn dưa ăn mắm suốt mấy chục năm đã hoá quen. Cả nhà chỉ có hai cái giường, một cái bàn, hai cái ghế, tiếp khách ở đấy, mời cơm khách ở đấy, con học bài cũng ở đấy, và ông bố viết văn cũng chỉ có cái bàn ấy. Đêm đêm nằm cạnh hai thằng con trai lớn đạp ngang, quẫy dọc, rắm đánh thối um, vừa quạt cho hai thằng con ngủ tôi vừa mơ mộng đến một ngày nào đó, các con đã trưởng thành, tôi có được một phòng riêng để viết và tiếp bạn, mỗi bữa cơm đều có cá hoặc thịt, có cả chút rượu nữa càng hay. Tôi không phải lo nuôi con, không phải lo cả trăm thứ vặt vãnh để tồn tại, chỉ có đọc sách, ngẫm nghĩ, đi chơi đây đó với bạn bè và viết, ắt hẳn tôi sẽ viết được một hai cuốn sách để đời. Bây giờ tôi đã ngoài bảy chục tuổi, đã có đầy đủ những gì tôi khao khát, có thể nói còn hơn cả khao khát. Tôi đã sống đầy đủ, sang trọng nữa, hơn nhiều nhà văn tôi được biết ở các nước Đông Âu. Và tôi đã nghĩ nếu chủ nghĩa cộng sản thành công ở Việt Nam thì cũng chỉ cho được tôi đến thế. Khốn nỗi, lúc này tôi đâu còn năng lực làm việc bằng trí tuệ nữa mà cũng chả có nhu cầu nào phải đòi hỏi. Cuộc sống được vỗ béo của một kẻ ăn không ngồi rồi đã giết chết mọi tư tưởng ở trong tôi, rồi giết luôn đến đội quân chữ nghĩa, chúng đã hoá ra rỗng tuếch, vô hồn. Nhà văn mà hết chữ thì chỉ là cái xác chết. Xác chết con người với xác chết con dòi có gì là khác mà phải phân biệt!


15.



Tôi có một tuổi thơ rất buồn, lại sống với những người có số phận buồn nên mới 14, 15 tuổi đã nhìn đời như một ông già. Tức là một cái nhìn không mấy lạc quan. Cái xã hội tôi đang sống không mấy hoàn hảo, những người tôi gặp cũng không được hoàn hảo. Tôi quen thuộc với những gì không hoàn hảo tới mức gặp những gì quá đẹp, quá chu toàn tôi đều ngờ, đều sợ. Người truyền cho tôi cái nỗi sợ bẩm sinh ấy là mẹ tôi. Bà đã qua một đời chồng rồi mới gặp được bố tôi. Đời chồng trước mọi sự đều tốt đẹp, ông ấy còn trẻ, có địa vị trong xã hội, nhà giàu, lấy nhau được một năm lại sinh con trai. Mà rồi chỉ ở với nhau được ba năm phải bỏ. Đời chồng sau thì dở, dở cả mọi đằng. Bố tôi cũng còn trẻ, làm tham biện ở phủ thống sứ, nhưng ông đã có vợ và hai con nên phải làm lẽ và lấy giấu. Mẹ tôi bảo thế là đúng số, là đã an phận, nhưng lại lo bố tôi sẽ bỏ khi cuộc ăn chơi này gây thêm phiền phức cho cái gia đình chính thức của ông. Hai anh em tôi là bản sao nguyên mẫu của bà. Những gì nhận được từ tuổi thơ mãi mãi hằn dấu lên cho đến hết cuộc đời chúng tôi. Nhìn bên ngoài tôi có tướng con nhà phong lưu nhưng cái ruột của tôi lại thuộc về con cái của những gia đình nghèo, lại chả có thế thân gì nên rất biết phận, cho thì nhận, không cho cũng không đòi, chỉ cầu không có ai quấy nhiễu là mừng. Em trai kém tôi năm tuổi, lấy vợ muộn, về hưu sớm, lúc trẻ thì thay anh hầu hạ mẹ, về già thì đi chợ nấu cơm, giặt quần áo thay vợ chăm sóc các con. Cả đời chỉ biết cười, cái cười nhẫn nhục, bằng lòng với những gì mình có. Tôi thì khác, một cuộc sống bên ngoài ai cũng biết là khiêm tốn, nhẫn nại, ít làm phiền người khác và chả dám gây sự với một ai. Nhưng cuộc sống bên trong cũng có nhiều tham vọng, làm quan hay làm anh nhà giàu thì không dám vì tôi không có bản lĩnh tiến thân bằng hoạn lộ hay kinh doanh. Tôi chỉ có một ao ước duy nhất là được viết văn cho đến già. Với cái tài tôi tự biết, tôi phải sống rất lâu và viết rất nhiều may ra mới được một hai cuốn sách hay, mà cũng chỉ hay trong cái thời của nó chứ không thể hay ở mọi thời. Tôi tự nhận tôi là người có một con mắt bên trong và một cái tai bên trong từ nhỏ. Để quan sát, nghe ngóng những người khác họ yêu mình hay ghét mình. Càng lớn tuổi cái khả năng tự xét mình của tôi càng sắc nhọn. Và tôi đã nhận ra cái lợi của phép giấu mình. Trang Tử đã nói: Con chim bay cao thì tránh được tên, được bẫy, con chuột đào hang sâu thì tránh được cái hoạ bị khói hun.


16.



Khi tôi nói, tôi sống và viết cũng thoái mải, vui vẻ trong một chế độ chuyên chế về tư tưởng cứ như là người nói dối, lại nói dối một cách trơ tráo, sống sượng. Nhưng đó là lời nói thật, không thật với nhiều người nhưng với tôi là thật. Tôi được thay đổi số phận từ cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chín năm đánh Pháp với nhiều người là rất dài, với tôi lại rất ngắn vì tôi được sống trong niềm vui, trong những cái khác thường và cả trong nhiều hi vọng. Nhiều anh trong cơ quan tuyên huấn của quân khu đều xuất thân từ các gia đình viên chức nhỏ, địa chủ nhỏ, được ăn học đàng hoàng đến hết bậc cao đẳng tiểu học đã có những thói quen, những nền nếp của cuộc sống thị dân từ nhỏ. Họ rất thích quan sát những phản ứng của tôi khi phải đối mặt với mọi thiếu thốn của cuộc sống kháng chiến. Vì nhìn ngoài tôi như một thư sinh con nhà quý tộc chưa từng biết cái thiếu cái khổ là gì. Những việc làm rất tự nhiên của tôi đều được đánh giá phải có nhiều nghị lực, nhiều quyết tâm mới làm được thế. Tôi vẫn sống như xưa kia, ngày xưa thì bị chê bị chửi, bây giờ lại được khen, được tuyên dương, người cứ lâng lâng như nhập đồng, còn biết cái thiếu là gì cái khổ là gì. Nếu so sánh thì trước kia tôi chỉ là con số không, còn bây giờ tôi đã có một cái tên ký dưới các bài báo, đã được nhiều ông anh trong cơ quan nhờ vả, đòi hỏi, bực tức hoặc khen ngợi. Tôi đã được tách ra khỏi đám đông để tự bằng lòng mình và có cả chút ít “kế hoạch riêng” cho mình nữa. Còn các anh hơn tôi dăm bảy tuổi thì đã có nhiều thứ để so sánh những cái “đã có” trước kia và cái “đang có” bây giờ. Cái “đang có” của dân tộc thì nhiều, còn cái “đang có” của cá nhân như chả còn được bao nhiêu. Những kiến thức lịch sử và xã hội, triết học và văn chương xem ra phải bỏ đi quá nửa. Các quan hệ giao tiếp xã hội được dạy bảo từ thuở còn thơ nếu dùng lại cứ vênh váo, buồn cười thế nào trong hoàn cảnh kháng chiến. Sống tinh tế, tôn trọng người khác là cách sống của anh tiểu tư sản. Lòng thương người không đúng chỗ cũng được xem như biểu hiện của một tính cách nhu nhược, không đáng tin cậy. Còn những câu đùa thông minh, kín đáo ánh lên như một vệt sáng vui trong cuộc sống đơn điệu, tẻ nhạt của mỗi ngày lại dễ bị đồng đội hiểu lầm là một cách chế diễu của người có học với những anh em ít học. Qua mỗi cuộc chỉnh huấn tầm vóc của mấy anh càng như nhỏ lại, mờ nhạt hơn, mất dần những vẻ riêng, cái phần độc đáo riêng để nhập vào cái dòng chảy chung, vào cách nghĩ cách sống của một tập thể bao bọc quanh mình. Đại để cái riêng của mỗi chúng tôi đã bị cái chung nuốt dần như thế. Tôi thì sao? Tôi đã có một may mắn lớn vì tôi thuộc về số đông, một quần thể vô danh tồn tại âm thầm trong nhiều thế kỷ dưới chế độ phong kiến. Cách mạng Tháng Tám đã nhất loạt giải phóng họ ra khỏi thân phận nô lệ, tạo cơ hội cho họ phát triển những tài năng riêng của mình, chủ yếu trong lĩnh vực quân sự để kịp thời phục vụ những nhu cầu của kháng chiến. Số đông trong họ chỉ mới biết đọc biết viết từ ngày vào quân đội nhưng học rất nhanh cách xây dựng một quân đội hiện đại với những cơ quan phục vụ cho công việc tham mưu, tác chiến, hậu cần vì họ đã có được một ông thầy lý tưởng là quân đội hiện đại của đối phương với ông tướng lừng danh trong thế chiến 2 của nó. Trong chín năm đánh Pháp quân đội đã trở thành cái nôi đào tạo, nuôi dưỡng nhiều nhân tài quân sự của thời hiện đại, cả những tài năng văn nghệ phục vụ trong quân đội, nó là tổ chức tiên tiến nhất của xã hội Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 20. Trong chiến tranh người chỉ huy quân sự là hình tượng đẹp nhất, lãng mạn nhất vì họ là con người của hành động, của đảm bảo chiến thắng, luôn ở vị trí thứ nhất, còn con người của học thuyết chỉ ở vị trí đứng sau, trong nhiều trường hợp chỉ là cái anh bàn thêm, nói góp. Còn những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội thì con người lý luận có nhiệm vụ bảo vệ sự trong sáng của học thuyết chính thống ở hàng đầu được tôn trọng và có quyền quyết định sự sống chết của nhiều người. Chính là trong những năm này mới sinh ra nhiều vụ án chính trị và văn chương, nay nghĩ lại vừa vô nghĩa vừa buồn cười nhưng thời ấy nó đã chôn sống nhiều tài năng thực sự ở mọi lĩnh vực vì họ đã tỏ ra ngờ vực sự đúng đắn của tư tưởng chính thống.

Một nửa nước đã được độc lập nhưng lòng người tan nát vì tài sản một đời chắt chiu của họ đã bị nhà nước tịch thu hoặc trưng thu khiến họ trở thành những người vô sản bất đắc dĩ. Tầng lớp trí thức chả có tài sản gì ngoài cái đầu được tư duy tự do, thì cái đầu cũng bị nhà nước trưng thu luôn, vì từ nay họ chỉ được nghĩ được viết theo sự chỉ dẫn của một học thuyết, của một đường lối nếu họ không muốn giẫm vào vết chân của nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm”. Một dân tộc đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ mà mặt người dân nám đen, mắt nhìn ngơ ngác, đi đứng long rom như một kẻ bại trận. Quả thật dân tộc Việt Nam đã thắng lớn trong phong trào chiến tranh giải phóng nhưng lại thua đậm trong công cuộc xây dựng một xã hội tự do và dân chủ. Thoát ách nô lệ của thực dân lại tự nguyện tròng vào cổ cái ách của một học thuyết đã mất hết sức sống. Dân mình sao lại phải chịu một số phận nghiệt ngã đến vậy!

Một xã hội tan nát, lòng người chĩu nặng những phiền muộn ưu tư, mà là những người đã hết lòng hết sức với kháng chiến bằng cách này hay cách khác. Vậy nhà văn phải viết như thế nào, phải viết cái gì để tạo được một hiện thực tràn đầy hy vọng như các nhà lãnh đạo cách mạng yêu cầu.


17.



Những năm 50, 60 của thế kỷ 20, với tôi là những năm tràn đầy niềm vui. Nhìn vào đâu tôi cũng thấy tôi được, dân tộc tôi được. Nhưng cũng những năm ấy với hàng triệu người dân thường lại là những năm đầy lo lắng, hãi sợ và tuyệt vọng. Tôi vui là chuyện có thật, những trang viết của tôi vào những năm ấy là rất thành thật. Nhưng nước mắt của người khác cũng là chuyện có thật, tôi có biết, có được chứng kiến. Tôi nên nghiêng ngòi bút của tôi về phía nào. Về già tôi mới nhận ra nhà văn phải nghe theo tiếng gọi của tình cảm, của trái tim, của cái phần thiện lương trong con người mình. Nó đã bảo sai là sai, không có thứ lý luận nào chống đỡ nổi. Vả lại văn chương bao giờ cũng đồng cảm với nỗi đau của con người, những bất hạnh của con người. Chưa bao giờ vì sự mãn nguyện, sự thành công của con người mà cất lên tiếng hát ca ngợi cả. Ở các thể loại nghệ thuật ngôn từ con người phải chống chọi với mọi cảnh ngộ trái ngược chiếm gần hết các trang viết, các màn diễn, còn khi người nghèo đã thành giàu, người hèn được bước vào thế giới phú quý, trai gái phải chịu nhiều năm chia lìa tới lúc tái hợp là cuốn sách, vở diễn phải chấm hết ngay. Nó đã kết thúc cái phần nghệ thuật để bắt đầu sang phần tụng ca là cái thế giới của mãn nguyện của buồn chán, là cái phần phi nghệ thuật. Nhưng người lãnh đạo lại chỉ thích cái phần không phải là nghệ thuật, tặng giải thưởng, trao huân chương cho các tác giả chỉ để tưởng thưởng cái phần nhạt nhẽo vô vị ấy mà thôi. Cái cách cảm nhận hiện thực đầy tính lãng mạn ấy đã làm lệch lạc cách xem xét, cách ứng xử của nhiều thế hệ bạn đọc, nhất là bạn đọc ở tuổi mới trưởng thành, trước những biến hoá muôn mặt của cuộc sống. Họ chỉ có mỗi khả năng làm người phê bình văn học theo đường lối chính trị chính thống, tại sao cuộc sống đẹp như thế mà nhà văn lại miêu tả nó xấu đến thế. Làm sao dám cãi, hãy để cho những trải nghiệm của chính họ qua năm tháng sẽ âm thầm biện hộ giúp mình thôi.


18.



Một xã hội không tự hiểu mình, mỗi cá nhân cũng không tự hiểu mình, vàng thau, phải trái, cao quý ti tiện lẫn lộn, các giá trị lẫn lộn bắt đầu từ sự không chuẩn xác của ngôn từ. Câu mở đầu kinh thánh Cựu ước “Thoạt Tiên Là Ngôn Ngữ…” (Au conmmencement était le Verbe). Ngôn ngữ làm nên văn minh này, vì nó có thể lưu giữ và truyền lại toàn bộ kinh nghiệm của nhiều đời trước cho nhiều đời sau, càng ngày cái khả năng nhận thức càng gần đúng như nó có, khiến sự lựa chọn của con người khách quan hơn, có hiệu quả tích cực trong quá trình chủ động thích ứng với mọi đổi thay của môi trường sống và môi trường xã hội. Vậy mà ngôn từ lại là cái mặt yếu nhất trong các lãnh vực thuộc thượng tầng kiến trúc ở các nước xã hội chủ nghĩa. Công dân của các nước ấy dùng ngôn từ để che đậy chứ không nhằm giao tiếp, hoặc giao tiếp bằng cách che đậy, “nói vậy mà không phải vậy”! Nó là cái vỏ cứng để bảo vệ mọi sự bất trắc, chống lại thói quen hay xét nét lời ăn tiếng nói của công dân của mọi chính quyền chuyên chế. Cái cách tự bảo vệ ấy lại càng rõ rệt ở cấp lãnh đạo và các viên chức nhà nước làm việc ở các cơ quan quyền lực. Họ nói bằng thứ ngôn ngữ khô cứng đã mất hết sinh khí, một thứ ngôn ngữ chết, ngôn ngữ “gỗ”, nói cả buổi mà người nghe vẫn không thể nhặt ra một chút thông tin mới nào. Các buổi trả lời phỏng vấn báo chí, diễn văn tại các buổi lễ kỷ niệm, báo cáo của Đảng, của chính phủ, của quốc hội, tất cả đều dùng các từ rất mơ hồ, ít cá tính và ít trách nhiệm nhất. Người cầm quyền cấp cao nhất và cấp thấp nhất đều biết cách nói mơ hồ, càng nói mơ hồ càng được đánh giá là chín chắn. Và nói dối, nói dối hiển nhiên, không cần che đậy. Vẫn biết rằng nói dối như thế sẽ không thay đổi được gì vì không một ai tin nhưng vẫn cứ nói. Nói đủ thứ chuyện, nói về dân chủ và tự do, về tập trung và dân chủ, về nhân dân là người chủ của đất nước còn người cầm quyền chỉ là nô bộc của nhân dân. Rồi nói về cần kiện liêm chính, về chí công vô tư, về lý tưởng và cả quyết tâm đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ vì người nghe không có thói quen hỏi lại, không có thói quen lưu giữ các lời giải thích và lời hứa để kiểm tra. Hoặc giả hỏi lại và kiểm tra là không được phép, là tối kỵ, dễ gặp tai hoạ nên không hỏi gì cũng là một phép giữ mình. Người nói nói trong cái trống không, người nghe tuy có mặt đấy nhưng cũng chỉ nghe có những tiếng vang của cái trống không. Nói để giao tiếp đã trở thành nói để không giao tiếp gì hết, nói để mà nói, chả lẽ làm người lại không nói. Thật ra nói thế mà vẫn hiểu nhau cả. Người cầm quyền thì biết là nhân dân đang rất bất bình về nhiều chuyện, nhân dân thì biết người cầm quyền đang nói dối, nhìn vào thực tiễn là biết ngay họ đang nói dối. Nhưng hãy mặc họ với những lời lẽ dối trá của họ, còn mình là dân chả nên hỏi lại nói thế là thật hay không thật. Mình cứ làm theo ý mình và mình cũng sẽ nói dối, nói che đậy nếu như có dịp được người cầm quyền hỏi.

Trong hàng trăm cuốn hồi ký của các nhà văn hoá, của những người hoạt động chính trị, của nhiều tướng lĩnh, ta chả biết được bao nhiêu cái thế giới riêng của họ, cái thế giới cá nhân của họ. Cái phần đóng góp của họ càng nhỏ thì cái ý nghĩa quyết định của tập thể càng lớn, cái có tên thì bé tí xíu, vô nghĩa, cái không tên thì bao trùm rộng khắp nhưng cũng không có hình thù rõ rệt, cứ mờ mờ mịt mịt, có đấy mà cũng không có đấy, cái chung ấy chả phải chịu trách nhiệm với một ai, có biết nó là ai mà truy cứu.


19.



Trong cái bối cảnh xã hội, chính trị như thế, mỗi người đều ít nhiều đánh mất cái cá nhân của mình cũng là lẽ đương nhiên. Nhà văn là chuyên viên nghiên cứu mọi chuyện của cá nhân, những sắc thái tâm lý cùng với những biến hoá vô tận của nó trong những hoàn cảnh khác nhau, những thời thế khác nhau. Nhưng đọc hồi ký của các nhà văn cũng nhạt nhẽo lắm, họ chỉ phô diễn cái tôi trong các cuộc gặp những bậc đàn anh và bạn bè trong nghề, nói toàn chuyện tào lao, vụn vặt, chuyện sinh hoạt và chả đả động chút nào tới thời thế, tới những bức xúc về thời thế và cái nghề của mình trong thời thế. Tính hiện thực và tính lịch sử của một thời rất mờ nhạt, đơn giản, thành thử cái ý nghĩa truyền đạt những giá trị đích thực của một thời tới các thế hệ đến sau hầu như không có. Đó là điều rất đáng tiếc, vì nếu các chứng nhân không nói gì cả thì lịch sử cũng không thể cất lên tiếng nói chân thực của nó, thời gian qua đi, bóng tối phủ lên, quên lãng phủ lên, cái thời mở nước, giữ nước chỉ còn lưu lại những cột mốc của các chiến công, còn cuộc chiến thầm lặng đã làm tan nát nhiều con người để con người được là chính mình, được là một thực thể thiêng liêng, đền đài lưu giữ muôn thuở cái tài sản tinh thần của một dân tộc, một dòng họ mãi mãi được vun xới, được phát triển tương ứng với sự phát triển của dân tộc, của thời đại thì chưa được văn thơ nói đến, triết học nói đến, các ngành khoa học nhân văn nói đến.

Dầu không nói đến, không được phép nói đến thì cái dòng chảy vĩnh cửu ấy vẫn được nhiều triệu người âm thầm khai thông, bồi đắp để các nhân tài Việt Nam không ngừng xuất hiện lúc ở lãnh vực này, lúc ở lãnh vực khác. Một đất nước không có những cá nhân kiệt xuất, tài ba làm chân dung đại diện trong cộng đồng nhân loại thì đó là một bất hạnh cho dân tộc, tạo ra một khoảng trống tiếp nối trong lịch sử sinh tồn của mỗi cá nhân. Rồi các thế hệ đến sau phải nối lại bằng cách nào vì vẫn phải bắt đầu từ môi trường chính trị, xã hội, từ một xã hội vừa truyền thống vừa văn minh, những mục tiêu nhắm tới vừa là phát triển cái riêng biệt, vừa là sự hòa nhập vào nền văn minh của khu vực và thế giới. Một nền văn minh riêng lẻ, với những mục tiêu hoang tưởng, một môi trường xã hội ngột ngạt vì cái bóng quyền lực phủ lên tất cả, quyết định tất cả thì số phận những cá nhân sẽ ra sao?

Hãy nhìn vào nước Nga những năm 90 của thế kỷ 20 là sẽ rõ. Họ vừa thoát khỏi cái bóng che của chủ nghĩa chuyên chế để được nhìn cái ánh sáng thật của dân chủ và tự do. Ai chả nghĩ họ đã có cơ hội sải những bước chân dài khi đã bung phá mọi sự trói buộc. Nước Nga mãi mãi là một siêu cường vì những thử thách lớn nhất của một dân tộc là chiến tranh và cách mạng nước Nga đều đã trải qua mà vẫn tồn tại vì đất đai mênh mông của mình và những tiềm lực vô hạn ẩn giấu trong đó cả vật chất lẫn tinh thần. Phải vài chục năm nữa nước Nga sẽ là như thế nhưng trước mắt thì không thể. Lý do rất đơn giản, kinh tế có thể phục hồi nhanh nhưng con người phải có thời gian dài hơn nhiều nó mới có thể lấy lại những gì đã mất. Tầm vóc cá nhân của người Nga trong non một thế kỷ dưới chế độ Xô Viết đã bị co hẹp lại rất nhiều dầu họ vẫn được sống, được học tập và lao động trong những điều kiện của một xã hội văn minh. Chỉ đáng tiếc cái văn minh của họ là một nền văn minh tự tạo tách khỏi nền văn minh nhân loại, dựa trên những tiêu chuẩn mà tâm hồn Nga không thể chấp nhận, không thể tiến hoá. Lại thêm trong non một thế kỷ người Nga đã mất dần thói quen suy nghĩ độc lập, quyết định độc lập, mất dần cả tính cách phản kháng và bảo vệ chân lý, con người quen sống trong đám đông, trong tập thể, trong bầy đàn, không có cơ hội và sự khích lệ của xã hội để tạo ra những chân dung riêng với những tư tưởng khác nhau, những triết lý khác nhau những cách sống khác nhau. Mọi cái khác với chính thống đều bị lên án, mọi cái giống nhau đều được tuyên dương. Vì những cái khác nhau rất khó tạo ra sự nhất trí, còn những cái giống nhau sẽ dễ nghe theo, làm theo mọi mệnh lệnh. Người cai trị sẽ rất dễ chịu, rất nhàn nhã nếu quốc gia mình cầm quyền được tổ chức giống như trại lính, ông ta sẽ có dư thời gian để làm thơ hoặc viết tiểu thuyết, vừa có cái bây giờ lại có cả cái sau này. Còn phải lãnh đạo một xã hội dân sự của các công dân tự do thì có hàng trăm công việc đòi hỏi phải được giải quyết mỗi ngày, mà cách thức giải quyết cũng rất phức tạp, nó yêu cầu phải đối thoại, phải được tranh luận bình đẳng, phải thương lượng, phải luôn luôn thay đổi những chủ trương mà dân chúng không bằng lòng. Và mọi việc làm đều phải tuân theo hiến pháp và được xã hội kiểm tra thông qua hệ thống thông tấn báo chí. Chẳng những người lãnh đạo phải bị kiểm tra những công việc thuộc về chức năng của họ mà còn bị theo dõi rất nghiêm ngặt mọi sinh hoạt thuộc về đời tư của họ để ngăn chặn kịp thời những vi phạm thuộc về đạo đức. Ở những xã hội văn minh thì người cầm quyền bị rất nhiều luật lệ câu thúc, trói buộc, là người mất tự do nhiều nhất, còn dân chúng thì được pháp luật bảo vệ đủ mọi đàng, càng ít bị trói buộc càng tốt, càng có nhiều tự do càng tốt. Chỉ một xã hội được tổ chức như thế thì vị trí cá nhân mới được tôn trọng, người có giá trị là người có cái TÔI mạnh mẽ, đầy sức sống, đầy sáng tạo. Nên mỗi người đều có ý thức vun trồng những nét đặc sắc của riêng mình, cái vẻ đẹp của riêng mình và con của cháu thành những gia đình nổi tiếng, những dòng họ nổi tiếng làm cột chống cho một quốc gia. Một chế độ độc tài khi phải đối mặt với những biến động lớn thường rễ bị nứt rạn, từ nứt rạn đến tiêu vong, thời gian diễn ra rất nhanh vì nó chỉ có trụ đỡ là quyền lực của một phe đảng, không có trụ đỡ về tinh thần của cả dân tộc. Một chế độ chính trị tồn tại tới non một thế kỷ hay một nửa thế kỷ cũng là lâu lắm, đã tạo ra mấy thế hệ ăn chung ở chung với nó, sinh con đẻ cái với nó mà khi nó chết không ai nhỏ được một giọt nước mắt, có người còn nhẫn tâm đạp lên cái vừa chết đó rồi mới tiếp tục bước đi, đủ biết người ta đã xem nó như vật bất thường, là quái thai, là tai hoạ, thời thế đã bất thần xoá bỏ nó một cách êm dịu, không phải tốn đến máu cũng là một may mắn phi thường. Có thể kết luận, một chế độ chính trị được xem là văn minh hay lạc hậu, là sẽ tồn tại lâu dài hay chỉ có mặt trong khoảng khắc của lịch sử là tuỳ thuộc vào cương lĩnh chính trị của Đảng cầm quyền có thật sự tôn trọng những quyền của con người hay không, các cá nhân với những khác biệt, những phản ứng, những bất tuân của nó có được đặt ở vị trí trang trọng trong hiến pháp hay không? Vì tiềm lực tinh thần của mọi cá nhân được vun xới, được phát triển trong tự do là nền tảng vững chắc nhất của mọi thiết chế chính trị. Vì còn nó ta có thể vững tin sẽ vượt qua mọi sóng gió bất thần của thời thế để mãi mãi tiến về phía trước.



Viết xong tại quận Bốn Thành phố Hồ Chí Minh ngày 27/5/2006
NGUYỄN KHẢI

Những bức thư tình của Napoléon

Những bức thư tình của Napoléon





NHỮNG BỨC THƯ TÌNH CỦA NAPOLÉON BONAPARTE VIẾT CHO JOSÉPHINE


Thư của Napoléon viết cho Joséphine

Lettres de Napoléon à Joséphine~~~~


NGƯỜI TÌNH
I. L'AMANT



Tôi không tưởng tượng được cái có thể gây ra cho tôi bức thư của cô. Tôi xin cô cho tôi niềm vui để tin rằng không có người nào muốn có tình bạn với cô bằng tôi, và không ai sẵn sàng làm cái gì để chứng tỏ điều đó bằng tôi. Nếu những công việc bận rộn cho phép tôi, tôi sẽ tự mình mang đến cho cô bức thư của tôi.

Paris, le 6 brumaire an IV
Je ne conçois pas ce qui a pu donner lieu à votre lettre. Je vous prie de me faire le plaisir de croire que personne ne désire autant votre amitié que moi, et n'est plus prêt que moi à faire quelque chose qui puisse le prouver. Si mes occupations me l'avaient permis, je serais venu moi-même porter ma lettre.


************************************

7 giờ sáng

Anh thức dậy đầy hình bóng em. Chân dung em và kỷ niệm say mê của đêm qua không cho anh cảm giác nghỉ ngơi. Joséphine dịu dàng và vô song, cảm giác lạ lùng nào em đã gây ra nơi trái tim anh? Cô có bực dọc không? Tôi thấy cô buồn phải không? Cô có âu lo không? Tâm hồn tôi tan nát vì đớn đau, và không nghỉ ngơi chút nào nơi bạn của cô... Nhưng vậy thì có phải là hay hơn cho tôi khi, tự trao mình cho tình cảm sâu thẳm đang ngự trị, tôi rút ra từ môi cô, từ tim cô ngọn lửa đốt cháy tôi. A! Chính từ đêm đó mà tôi nhận ra là hình ảnh đó không phải là cô! Em sắp khởi hành trưa nay, trong 3 giờ nữa anh sẽ gặp em. Trong lúc chờ đợi, mio dolce amor, hãy nhận ngàn nụ hôn; nhưng đừng cho lại anh vì chúng đốt cháy máu anh.


7 heures du matin

Je me réveille plein de toi. Ton portrait et le souvenir de l'énivrante soirée d'hier n'ont point laissé de repos à mes sens. Douce et incomparable Joséphine, quel effet bizarre faites-vous sur mon coeur ? Vous fâchez-vous ? Vous vois-je triste ? Êtes-vous inquiète ? Mon âme est brisée de douleur, et elle n'a point de repos pour votre ami... Mais en est-il donc davantage pour moi, lorsque, me livrant au sentiment profond qui me maîtrise, je puise sur vos lèvres, sur votre coeur, une flamme qui me brûle. Ah ! c'est cette nuit que je me suis bien aperçu que votre portrait n'est pas vous ! Tu pars à midi, je te verrai dans 3 heures. En attendant, mio dolce amor, reçois un millier de baisers; mais ne m'en donne pas, car ils brûlent mon sang.




***************************************************


Anh viết cho em từ Châtillon, và anh đã gởi cho em giấy cho phép để em nhận những số tiền khác nhau mà anh được...

Mỗi lúc mỗi xa em, bạn yêu quý, và càng lúc anh càng thấy mất dần sức lực để chịu đựng phải xa em.

Em là đối tượng vĩnh cửu của tâm tưởng anh; trí tưởng tượng anh hao mòn đi tìm những gì em làm. Nếu anh thấy em buồn, tim anh đau xé và nỗi đau đớn tăng lên; nếu em vui, đùa nghịch với bạn bè em, anh sẽ trách em đã quên ngay ba ngày đau đớn cách xa.
Như em thấy, anh không dễ vừa lòng; nhưng bạn tốt của anh ơi, có nhiều chuyện khác nữa, nếu anh sợ rằng sức khoẻ em yếu đi hay em có nhiều lý do để buồn mà anh có thể đoán được; thì anh tiếc vận tốc mà người ta đã xa tim anh. Anh cảm giác thực sự rằng tính tốt tự nhiên của em không còn hiện hữu trong anh, rằng bảo đảm là không xảy ra chuyện gì bực bội cho em để anh có thể bằng lòng.

Nếu ai hỏi anh rằng anh có ngủ ngon không thì trước khi trả lời anh cần nhận thư để bảo đảm rằng em đã được nghỉ ngơi tốt lành. Bệnh tình, cơn phẫn nộ đàn ông chỉ tác động lên anh bởi ý nghĩ chúng xảy ra cho em, bạn hiền của anh.

Xin thần hộ mệnh, thần đã luôn luôn bảo đảm cho anh trong những nguy tai to lớn nhất, và anh tự nguyện thôi được che chở để Thần bao quanh em, bảo bọc em . A! Ðừng nên vui, nhưng hơi buồn, và nhất là xin cho tâm hồn em thoát khỏi sự đau buồn, như thân thể xinh đẹp bệnh hoạn của em; em biết Ossian của chúng ta nói gì ở trên đó.

Hãy viết cho anh, bạn dịu dàng của anh, và thật dài, và hãy nhận một ngàn lẻ một nụ hôn tình yêu, nụ hôn êm ái nhất và thật nhất.


Chanceaux, le 24 ventôse, en route pour l'armée d'Italie
Je t'ai écrit de Châtillon, et je t'ai envoyé une procuration pour que tu touches (les) différentes sommes qui me reviennent... Chaque instant m'éloigne de toi, adorable amie, et à chaque instant je trouve moins de force pour supporter d'être éloigné de toi.

Tu es l'objet perpétuel de ma pensée ; mon imagination s'épuise à chercher ce que tu fais. Si je te vois triste, mon coeur se déchire et ma douleur s'accroît ; si tu es gaie, folâtre avec tes amis, je te reproche d'avoir bientôt oublié la douloureuse séparation de trois jours ; tu es alors légère et, dès lors, tu n'es affectée par aucun sentiment profond.
Comme tu vois, je ne suis pas facile à me contenter ; mais, ma bonne amie, c'est bien autre chose si je crains que ta santé soit altérée ou que tu aies des raisons d'être chagrine que je ne puis deviner ; alors je regrette la vitesse avec laquelle on m'éloigne de mon coeur. Je sens vraiment que ta bonté naturelle n'existe plus pour moi, et que ce n'est que tout assuré qu'il ne t'arrive rien de fâcheux que je puis être content. Si l'on me fait la question si j'ai bien dormi, je sens qu'avant de répondre j'aurais besoin de recevoir un courrier qui m'assurât que tu as bien reposé. Les maladies, la fureur des hommes ne m'affectent que par l'idée qu'elles peuvent te frapper, ma bonne amie.

Que mon génie, qui m'a toujours garanti au milieu des plus grands dangers, t'environne, te couvre, et je me livre découvert. Ah ! ne sois pas gaie, mais un peu mélancolique, et surtout que ton âme soit exempte de chagrin, comme ton beau corps de maladie : tu sais ce que dit là-dessus notre bon Ossian.
Écris-moi, ma tendre amie, et bien longuement, et reçois les mille et un baisers de l'amour le plus tendre et le plus vrai.

Nice, le 10 germinal

Anh không sống ngày nào mà không yêu em; không đêm nào anh không siết em trong cánh tay anh; không khi nào anh uống tách trà mà không nguyền rủa vinh quang và tham vọng đã giữ anh xa linh hồn của cuộc sống anh. Giữa những công việc, đứng đầu những đội quân, đi khắp các doanh trại, Josphine yêu kiều của anh duy nhất trong tim anh, chiếm đóng trí óc anh, thu hút suy tưởng anh. Nếu anh xa em bằng vận tốc của thác lũ sông Rhône, là để gặp lại em nhanh chóng. Nếu giữa đêm anh thức dậy để làm việc, là để bạn dịu dàng của anh đến sớm hơn vài ngày, và tuy vậy, trong bức thư từ 23 đến 26 tháng Sáu, em đối xử với anh là "ông".
"Bà", cho chính em đó ! A!, xấu xa, em có thể viết cho anh bức thư đó sao! Nó lạnh làm sao! Rồi thì, từ ngày 23 đến 26, còn lại 4 ngày; em đã làm gì mà em không viết thư cho chồng của em?... A! bạn của anh ơi, chữ "ông" và bốn ngày này làm cho anh hối tiếc sự lạnh lùng cổ xưa của anh. Tai họa sẽ xảy ra cho ai đã gây ra chuyện đó! Sự trừng phạt và khổ hình có thể chứng tỏ rằng niềm tin và hiển nhiên (nó phục vụ cho bạn em) sẽ chứng tỏ cho anh biết không! Hỏa ngục không có sự hiển nhiên! Cũng không có những cơn thịnh nộ, rắn!
Ông! Ông! A! Cái gì sẽ xảy ra trong 15 ngày sắp tới?... Tâm hồn anh buồn thảm; tim anh nô lệ, và trí tưởng tượng của anh làm anh sợ... Em yêu anh ít hơn; em sẽ được an ủi. Một ngày kia, em sẽ không còn yêu anh nữa; hãy nói cho anh; ít nhất anh cũng xứng đáng với tai họa... Vĩnh biệt, người đàn bà, sóng gió, hạnh phúc, hy vọng và tâm hồn của đời sống anh, mà anh yêu, mà anh sợ, đã gợi cho anh những cảm xúc êm ái, đã gọi anh ra với Thiên nhiên, và những động tác mãnh liệt, vũ bão (của núi lửa) như sấm. Anh không đòi hỏi ở em tình yêu bất diệt, cũng không đòi sự trung thành, nhưng chỉ ... sự thật, lòng thẳng thắn không bờ. Ngày mà em nói "em yêu anh kém trước" sẽ là ngày cuối cùng của đời anh. Nếu tim anh đủ sự đê hèn để yêu mà không cần trả lại, anh sẽ xay nhuyễn nó bằng răng.

Joséphine, Joséphine ! Em có còn nhớ thỉnh thoảng anh nói với em: Thiên nhiên tạo cho anh tâm hồn mạnh và cương quyết. Nó tạo cho em những ren và màng mỏng. Có phải em đã hết yêu anh? Xin lỗi em, linh hồn của sự sống anh, tâm hồn anh trải ra trên những sự phối hợp rộng lớn. Tim anh, hoàn toàn chiếm ngự bởi em, có những lo âu làm anh đau khổ... Anh buồn phiền vì không gọi được tên em. Anh chờ những gì em viết. Chào em! À! nếu em yêu anh ít đi, em sẽ không bao giờ yêu anh nữa cả. Vậy thì anh sẽ tha hồ mà than vãn.

Tái bút: Chiến tranh, năm nay, không còn nhận ra được. Anh bảo cho thịt, bánh mì, da lông thú; kỵ binh của anh sắp tiến hành. Những quân sĩ của anh đánh dấu nơi anh sự tin tưởng không diễn tả được; chỉ có mình em là làm buồn anh; chỉ có em, sự khoái cảm và ray rứt của đời anh. Một nụ hôn cho các con em mà em không nói! Tất nhiên chuyện đó sẽ làm dài thư của em hết một nửa. Những người khách viếng, lúc 10 giờ sáng, sẽ không thích gặp em đâu. Ðàn bà!!!


Je n'ai pas passé un jour sans t'aimer ; je n'ai pas passé une nuit sans te serrer dans mes bras ; je n'ai pas pris une tasse de thé sans maudire la gloire et l'ambition qui me tiennent éloigné de l'âme de ma vie. Au milieu des affaires, à la tête des troupes, en parcourant les camps, mon adorable Joséphine est seule dans mon coeur, occupe mon esprit, absorbe ma pensée. Si je m'éloigne de toi avec la vitesse du torrent du Rhône, c'est pour te revoir plus vite. Si, au milieu de la nuit, je me lève pour travailler, c'est que cela peut avancer de quelques jours l'arrivée de ma douce amie, et cependant, dans ta lettre du 23 au 26 ventôse, tu me traites de vous.
Vous toi-même ! Ah ! mauvaise, comment as-tu pu écrire cette lettre ! Qu'elle est froide ! Et puis, du 23 au 26, restent quatre jours ; qu'as-tu fait, puisque tu n'as pas écrit à ton mari ?... Ah ! mon amie, ce vous et ces quatre jours me font regretter mon antique indifférence. Malheur à qui en serait la cause ! Puisse-t-il, pour peine et pour supplice, éprouver ce que la conviction et l'évidence (qui servit ton ami) me feraient éprouver ! L'Enfer n'a pas de supplice ! Ni les Furies, de serpents ! Vous ! Vous ! Ah ! que sera-ce dans quinze jours ?...
Mon âme est triste ; mon coeur est esclave, et mon imagination m'effraie... Tu m'aimes moins ; tu seras consolée. Un jour, tu ne m'aimeras plus ; dis-le-moi ; je saurai au moins mériter le malheur... Adieu, femme, tourment, bonheur, espérance et âme de ma vie, que j'aime, que je crains, qui m'inspire des sentiments tendres qui m'appellent à la Nature, et des mouvements impétueux aussi volcaniques que le tonnerre. Je ne te demande ni amour éternel, ni fidélité, mais seulement... vérité, franchise sans bornes. Le jour où tu dirais «je t'aime moins» sera le dernier de ma vie. Si mon coeur était assez vil pour aimer sans retour, je le hacherais avec les dents.
Joséphine, Joséphine ! Souviens-toi de ce que je t'ai dit quelquefois : la Nature m'a fait l'âme forte et décidée. Elle t'a bâtie de dentelle et de gaze. As-tu cessé de m'aimer ? Pardon, âme de ma vie, mon âme est tendue sur de vastes combinaisons. Mon coeur, entièrement occupé par toi, a des craintes qui me rendent malheureux... Je suis ennuyé de ne pas t'appeler par ton nom. J'attends que tu me l'écrives. Adieu ! Ah ! si tu m'aimes moins, tu ne m'auras jamais aimé. Je serais alors bien à plaindre.

P.-S. - La guerre, cette année, n'est plus reconnaissable. J'ai fait donner de la viande, du pain, des fourrages ; ma cavalerie armée marchera bientôt. Mes soldats me marquent une confiance qui ne s'exprime pas ; toi seule me chagrine ; toi seule, le plaisir et le tourment de ma vie. Un baiser à tes enfants dont tu ne parles pas ! Pardi ! cela allongerait tes lettres de moitié. Les visiteurs, à dix heures du matin, n'auraient pas le

plaisir de te voir. Femme !!!



Albenga, le 18 germinal


Anh nhận thư em nói là em ngưng chuyện đi về nông thôn; và sau đó em lấy giọng ghen tương anh, người mà, đến đây với công việc và mệt mỏi chồng chất . A! ban hiền của anh!...Quả thiệt là anh sai trái. Mùa Xuân, nông thôn rất đẹp; và rồi thì, người tình 19 tuổi có ở đó dĩ nhiên. Phương tiện để làm mất đi một khoảng thời gian thêm nữa để viết cho người mà, xa em 300 dặm, chỉ sống, chỉ vui hưởng; chỉ hiện hữu cho kỷ niện của em, đọc thư em như người ta ngấu nghiến món ăn ưa thích sau 6 giờ đi săn.Anh không bằng lòng. Thư của em vừa qua lạnh như tình bạn. Anh không tìm thấy chất lửa đốt cháy ánh mắt của em mà anh tưởng là có lần nào đó anh trông thấy. Nhưng thật là những điều kỳ cục! Anh thấy rằng những thư trước của em đè rất nặng tâm hồn anh; sự nổi dậy của chúng đã tấn công sự ngơi nghỉ của anh, và đã chế ngự giác quan anh.Anh muốn những lá thư lạnh hơn; nhưng chúng cho anh sự đông lạch của cái chết. Nỗi sợ hãi không được Josphine yêu, ý nhĩ khi thấy nàng bất định, thấy nàng... Nhưng anh tự rèn luyện những cực hình của anh. Có quá nhiều sự thật rồi! Cần gì phải chế tạo thêm nữa!!! Em chỉ có thể gây cho anh một tình yêu không bờ, không chia xẻ ; và với tâm hồn em, ý tưởng em, lý luận của em, người ta không thể trả lại bằng sự ruồng bỏ và sự hiến dâng, hoặc đổi trả lại bằng cái tang thương của sự chết.
Anh có nhận thư của bà Châteaurenaud. Anh có viết cho tổng trưởng để (không đọc được). Mai nay anh sẽ viết cho người đầu tiên ? mà em thường khen . Tình bạn thật sự cho bà Tallien và bà Barras.
Em không nói cho anh nghe về cái dạ dày xấu xa của em; anh ghét nó. Chào em , hẹn ngày mai; tình yêu êm dịu của anh. Một kỷ niệm của người đàn bà duy nhất của anh, và một chiến thắng của định mệnh: đó là những lời chúc tụng tụng của anh. Một kỷ niệm duy nhất, toàn vẹn, trang nghiêm của người nhớ về em mọi lúc.

Anh của anh ở đây; anh ấy vui nghe tin đám cưới của anh; anh ấy nóng lòng muốn biết em. Anh tìm cách đưa anh ấy về Paris. Vợ anh ấy sinh rồi; chị ấy sinh con gái . Họ gởi cho em hộp kẹo Gênes làm quà. Em sẽ nhận cam, nước hoa và nước hoa cam mà anh gởi.

Junot và Murat tỏ lòng kính trọng em. Một nụ hôn thấp hơn, thấp hơn ngực.




Je reçois une lettre que tu interromps pour aller, dis-tu, à la campagne ; et, après cela, tu te donnes le ton d'être jalouse de moi, qui suis ici accablé d'affaires et de fatigue. Ah ! ma bonne amie !...
Il est vrai que j'ai tort. Dans le printemps, la campagne est belle ; et puis, l'amant de 19 ans s'y trouvait sans doute. Le moyen de perdre un instant de plus à écrire à celui qui, éloigné de 300 lieues de toi, ne vit, ne jouit, n'existe que pour ton souvenir, qui lit tes lettres comme on dévore, après 6 heures de chasse, les mets que l'on aime.
Je ne suis pas content. Ta dernière lettre est froide comme l'amitié. Je n'y ai pas trouvé ce feu qui allume tes regards, et que j'ai cru quelque fois y voir. Mais quelle est ma bizarrerie !
J'ai trouvé que tes lettres précédentes oppressaient trop mon âme ; la révolution qu'elles produisaient attaquait mon repos, et asservissait mes sens.
Je désirais des lettres plus froides ; mais elles me donnent le glacé de la mort. La crainte de ne pas être aimé de Joséphine, l'idée de la voir inconstante, de la... Mais je me forge des peines. Il en est tant de réel ! Faut-il encore s'en fabriquer !!! Tu ne peux m'avoir inspiré un amour sans bornes, sans le partager ; et avec ton âme, ta pensée et ta raison, l'on ne peut pas, en retour de l'abandon et du dévouement, donner en échange le coup de la mort.
J'ai reçu la lettre de madame de Châteaurenaud. J'ai écris au ministre pour (illisible). J'écrirai demain à la première ? à qui tu feras des compliments d'usage. Amitié vraie à madame Tallien et Barras.
Tu ne me parles pas de ton vilain estomac ; je le déteste. Adieu, jusqu'à demain, mio dolce amor. Un souvenir de mon unique femme, et une victoire du destin : voilà mes souhaits. Un souvenir unique, entier, digne de celui qui pense à toi et à tous les instants.
Mon frère est ici ; il a appris mon mariage avec plaisir ; il brûle de l'envie de te connaître. Je cherche à le décider à venir à Paris. Sa femme est accouché ; elle a fait une fille. Ils t'envoient pour présent une boîte de bonbons de Gênes. Tu recevras des oranges, des parfums et de l'eau de fleurs d'oranger que je t'envoye.
Junot, Murat te présentent leur respect.
Un baiser plus bas, plus bas que le sein.


Milan, le 29 floréal, 2 heures ap. midy

Không biết tại sao sáng nay anh hài lòng hơn. Anh có linh cảm rằng em đã đi đến đây, ý nghĩ này làm anh tràn trề vui sướng. Lẽ đương nhiên em sẽ băng qua Piémont, con đường tốt hơn và ngắn hơn nhiều. Ðến Milan em sẽ bằng lòng vì xứ này rất đẹp. Về phần anh, việc này làm anh điên lên được vì hạnh phúc. Anh khát khao đến chết đi được muốn thấy em mang con của em như thế nào . Chuyện này chắc sẽ làm cho em có vẻ uy nghi một ít và đáng kính, còn anh chắc anh có vẻ tức cười; nhất là đừng bệnh. Không, em mến , em sẽ đến đây, em sẽ khoẻ mạnh, em sẽ cho một đứa bé con xinh đẹp như mẹ nó, sẽ yêu em như cha của nó và khi em già thật già, khi em được 100 tuổi, nó sẽ là nguồn an ủi và niềm hạnh phúc của em., nhưng từ nay đến đó hãy giữ sao cho em thương nó hơn anh, anh đã bắt đầu ghen tương rồi đó. Adio mio dolce amor , Chào em yêu mến của anh, đến đây nhanh lên để chờ nhạc hay và thăm xứ Ý xinh đẹp. Chỉ thiếu cái nhìn của em, theo anh, em sẽ làm đẹp nó ít nhất em biết là khi Joséphine của anh ở đâu đó thì anh chỉ thấy có em.

***

Je ne sais pourquoi depuis ce matin je suis plus content. J'ai un présentiment que tu es partie pour ici cette idée me comble de joie. Bien entendu que tu passeras par le Piémont, le chemin est beaucoup meilleur et plus court. Tu viendras à Milan où tu seras très contente ce pays-ci étant très beau. Quant à moi cela me rendra si heureux que j'en serai fou. Je meurs d'envie de voir comment tu portes les enfants. Cela doit te donner un petit air majestueux et respectable qui me paraît devoir être très plaisant ; ne vas pas surtout être malade. Non ma bonne amie tu viendras ici, tu te porteras très bien, tu feras un petit enfant jolie comme sa mère qui t'aimera comme son père et quand tu seras bien vieille bien vieille que tu auras 100 ans il sera ta consolation et ton bonheur, mais d'ici à ce temps là garde toi de l'aimer plus que moi, je commence déjà à en être jaloux. Adio mio dolce amor adio la bien aimée, viens vite attendre la bonne musique et voir la belle Italie. Il ne lui manque que ta vue tu l'embelira à mes yeux du moins tu le sais quand ma Joséphine est quelque part je ne vois plus qu'elle.



***


Milan, le 23 prairial

Joséphine, người ta sẽ trao thư này cho em ở đâu? Nếu ở Paris, thì bất hạnh là chắn chắn, em không còn yêu anh nữa! Anh sẽ chỉ chết mà thôi... Có thể như vậy sao em?... Tất cả những con rắn của của những cơn thịnh nộ ở trong ngục anh và anh chỉ tồn tại chỉ có một nửa...

Ô! Em! nước mắt anh chảy. Không còn sự yên nghỉ, không còn hy vọng. Anh tôn trọng ý muốn và luật bất biến của số mệnh. Nó đè nặng bằng vinh quang để làm anh cảm thấy nỗi bất hạnh càng thêm đắng. Anh sẽ quen tất cả trong tình trạng mới mẻ này: nhưng anh không thể quen không quí mến em nữa; không phải vậy! Không thể được!

Joséphine của anh đang trên đường đi: ít nhất nàng cũng yêu ta một tí; biết bao là tình yêu hứa hẹn không thể nở ra trong hai tháng.Anh ghét Paris, đàn bà và tình yêu... Trạng thái đó dễ sợ... và hạnh kiểm của em... nhưng có phải anh phải buộc tội em không? Không. Hạnh kiểm của em là do số mệnh. Dễ thương như thế, đẹp như thế, dịu dàng như thế, có phải em là dụng cụ của nỗi thất vọng của anh?

Người đưa em thư này là công tước Serbelloni, lãnh chúa lớn nhất của nước này, đại diện đến Paris để tỏ lòng kính trọng với chính quyền. Tạm biệt, Joséphine của anh, sự suy nghĩ của em làm anh hạnh phúc; tất cả đã thay đổi. Hôm các con dễ thương của em. Chúng viết cho anh những bức thư thú vị. Từ khi anh không được yêu em nữa, anh thương chúng nhiều hơn. Mặc dù phần số và danh dự, anh sẽ yêu suốt đời anh. Anh đã đọc lại tất cả những thư của em, ngay cả thư em viết bằng máu của em. Thư em đã làm cho anh cảm kích biết bao!


***

Joséphine, où te remettra-t-on cette lettre ? Si c'est à Paris, mon malheur est donc certain, tu ne m'aimes plus ! Je n'ai plus qu'à mourir... Serait-il possible ?... Tous les serpents des Furies sont dans mon sein et déjà je n'existe qu'à demi... Oh ! toi !... mes larmes coulent. Plus de repos ni d'espérance. Je respecte la volonté et la loi immuable du sort. Il m'accable de gloire pour me faire sentir mon malheur avec plus d'amertume. Je m'accoutumerai à tout dans ce nouvel état de choses ; mais je ne puis m'accoutumer à ne plus t'estimer ; mais non ! Ce n'est pas possible ! Ma Joséphine est en route ; elle m'aime au moins un peu ; tant d'amour promis ne peut pas être évanoui en deux mois.

Je déteste Paris, les femmes et l'amour... Cet état est affreux... et ta conduite... mais dois-je t'accuser ? Non. Ta conduite est celle de ton destin. Si aimable, si belle, si douce, devais-tu être l'instrument de mon désespoir ?

Celui qui te remettra cette lettre est le duc de Serbelloni, le plus grand seigneur de ce pays, qui va, député à Paris, pour présenter ses hommages au gouvernement.

Adieu, ma Joséphine, ta pensée me rendait heureux ; tout a changé. Embrasse tes aimables enfants. Ils m'écrivent des lettres charmantes. Depuis que je ne dois plus t'aimer, je les aime davantage. Malgré les destins et l'honneur, je t'aimerai toute ma vie. J'ai relu, cette nuit, toutes tes lettres, même celle écrite de ton sang. Quels sentiments elles m'ont fait éprouver !

Cùng ngày



Joséphine, em đã phải ra đi, ngày 5, từ Paris; em đã phải đi, ngày 11, em đã không đi, ngày 12... Hồn anh mở rộng đón niềm vui; nó đầy ắp đau khổ. Mọi thư đến mà không mang đến cho anh thư em...

Khi em viết cho anh, quá ít chữ, lối hành văn không bao giờ có tình cảm sâu đậm. Em yêu anh bằng một ý thích nhẹ thất thường. Em đã biết ngay là sẽ buồn cười biết bao khi nó (caprice) bảo tim em dừng chân lại. Hình như em đã chọn lựa và em biết ai thay thế anh. Anh chúc em hạnh phúc. Nếu sự không chung thủy có thể có, anh không nói đến sự phản trắc... Em chưa bao giờ yêu...

Anh vôi vàng làm vài con toán; nếu anh tính cho em: ngày 13, ở Milan, và em hãy còn ở Paris. Anh rút vào tâm hồn anh; anh dập tắt một tình cảm không phẩm cách của anh; và nếu vinh quang không đủ cho hạnh phúc của anh, nó sẽ cung cấp yếu tố của sự chết, của sự bất tử ...

Về phần em, xin em đừng ghê tởm ký ức anh. Nỗi bất hạnh của anh là đã biết ít về em, bất hạnh của em là đã đánh giá anh như những người đàn ông vây quanh em.Tim anh không bao giờ cảm thấy có cái gì tầm thường... nó bảo vệ cho tình yêu; em đã gây cho nó một đam mê không bờ, một say sưa làm hủy hoại nó. Tư tưởng em đã ở trong linh hồn anh hoàn toàn trước tư tưởng của Thiên nhiên; sự bay bướm của em đối với anh là một luật thiêng liêng; được gặp em là một hạnh phúc tối cao; em đẹp, yêu kiều; tâm hồn êm ái và tuyệt vời vẽ trên nét mặt của em. Anh yêu tha thiết tất cả những gì của em; ngây thơ hơn, trẻ hơn, anh sẽ yêu em ít hơn. Anh vừa lòng tất cả, cho tới kỷ niệm của những lỗi lầm của em và cái màn sầu não trước đám cưới chúng ta mười lăm ngày; đức hạnh là những gì em làm; danh dự là những gì làm vừa lòng em; vinh quang chỉ quyến rũ anh vì nó làm em dễ chịu và làm thỏa mãn tự ái của em. Chân dung em lúc nào cũng ở trên tim anh; không một tư tưởng nào không thấy nó và phủ nó bằng những nụ hôn.

Còn em, em đã để chân dung anh sáu tháng không buồn lấy ra; không có gì mà anh không nhận thấy. Nếu anh cứ tiếp tục, anh sẽ yêu em một mình, và trong mọi vai trò, đó là cách duy nhất mà anh có thể nhận được. Joséphine, xin hãy tạo hạnh phúc cho người đàn ông bớt lạ lùng đi. Em đã cho anh nỗi bất hạnh, anh báo cho em biết điều này. Anh cảm giác điều đó vì khi tâm hồn anh dấn thân vào, thì trong khi đó tâm hồn em chiến thắng mỗi ngày một vương quốc không bờ bến và chế ngự tất cả mọi cảm giác của anh. Tàn ác!!!

Tại sao em làm cho anh hy vọng một tình cảm mà em không cảm nhận!!! Nhưng lời trách móc của anh không xứng đáng với anh. Anh không bao giờ tin ở hạnh phúc. Mỗi ngày, cái chết chập chờn quanh anh... Cuộc sống có xứng đáng để gây ra nhiều tiếng động như thế chăng!!!

Tạm biệt, Joséphine, hãy ở lại Paris, đừng viết cho anh nữa, và ít nhất cũng phải tôn trọng nơi yên nghỉ của anh. Ngàn con dao găm xé nát tim anh; đừng ấn sâu thêm nữa. Tạm biệt, hạnh phúc của anh, cuộc đời của anh, tất cả những gì đáng kể còn lại cho anh trên trái đất.




***


Joséphine, tu devais partir, le 5, de Paris ; tu devais partir, le 11, tu n'étais pas partie, le 12... Mon âme s'était ouverte à la joie ; elle est remplie de douleur. Tous les courriers arrivent sans m'apporter de tes lettres...
Quand tu m'écris, le peu de mots, le style n'est jamais d'un sentiment profond. Tu m'as aimé par un léger caprice ; tu sens déjà combien il serait ridicule qu'il arrête ton coeur. Il me paraît que tu as fait ton choix et que tu sais à qui t'adresser pour me remplacer. Je te souhaite bonheur, si l'inconstance peut en obtenir ; je ne dis pas la perfidie... Tu n'as jamais aimé...
J'avais pressé mes opérations ; je te calculais, le 13, à Milan, et tu es encore à Paris. Je rentre dans mon âme ; j'étouffe un sentiment indigne de moi ; et si la gloire ne suffit pas à mon bonheur, elle fournit l'élément de la mort et de l'immortalité...
Quant à toi, que mon souvenir ne te soit pas odieux. Mon malheur est de t'avoir peu connue, le tien, de m'avoir jugé comme les hommes qui t'environnent.
Mon coeur ne sentit jamais rien de médiocre... il s'était défendu de l'amour ; tu lui as inspiré une passion sans bornes, une ivresse qui le dégrade. Ta pensée était dans mon âme avant celle de la Nature entière ; ton caprice était pour moi une loi sacrée ; pouvoir te voir était mon souverain bonheur ; tu es belle, gracieuse ; ton âme douce et céleste se peint sur ta physionomie. J'adorais tout en toi ; plus naïve, plus jeune, je t'eusse aimée moins.
Tout me plaisait, jusqu'au souvenir de tes erreurs et de la scène affligeante qui précéda de quinze jours notre mariage ; la vertu était pour moi ce que tu faisais ; l'honneur, ce qui te plaisait ; la gloire n'avait d'attrait dans mon coeur que parce qu'elle t'était agréable et flattait ton amour-propre. Ton portrait était toujours sur mon coeur ; jamais une pensée sans le voir et le couvrir de baisers.


Toi, tu as laissé mon portrait six mois sans le retirer ; rien ne m'a échappé. Si je continuais, je t'aimerais seul, et de tous les rôles, c'est le seul que je ne puis adopter. Joséphine, tu eusses fait le bonheur d'un homme moins bizarre. Tu as fait mon malheur, je t'en préviens. Je le sentis lorsque mon âme s'engageait, lorsque la tienne gagnait journellement un empire sans bornes et asservissait tous mes sens. Cruelle !!!
Pourquoi m'avoir fait espérer un sentiment que tu n'éprouvais pas !!! Mais le reproche n'est pas digne de moi. Je n'ai jamais cru au bonheur. Tous les jours, la mort voltige autour de moi... La vie vaut-elle la peine de faire tant de bruit !!!

Adieu, Joséphine, reste à Paris, ne m'écris plus, et respecte au moins mon asile. Mille poignards déchirent mon coeur ; ne les enfonce pas davantage. Adieu, mon bonheur, ma vie, tout ce qui existait pour moi sur la terre.



Pistoia, le 8 messidor

Từ một tháng nay, anh chỉ được nhận từ bạn tốt của anh 2 tấm giấy có 3 hàng mỗi tấm. Nàng có công việc chăng? Vậy thì việc viết cho người bạn tốt của nàng không phải là nhu cầu của nàng? Từ đó, việc nghĩ về việc đó... Sống không nghĩ đến Joséphine, theo bạn của em, sẽ là chết, không tồn tại. Hình ảnh em làm đẹp ý tưởng của anh và làm vui cảnh thiên tai và đen đùi của sự u buồn và đau đớn...

Có thể sẽ có một ngày anh sẽ gặp em; bởi vì anh không nghĩ rằng em vẫn còn ở Paris. Vậy thì, ngày đó, anh sẽ đưa cho em thấy những túi anh đầy thư mà anh không gởi cho em vì anh thấy chúng quá ngu ngốc - thì, chỉ là một từ ngữ. Chúa ơi! Xin hãy nói cho anh, em giỏi làm người khác thương yêu mà không cần yêu thương; Em có biết làm thế nào để chữa lành bệnh tình??? Anh sẽ trả giá rất đắt cho phương thuốc cứu chữa này. Em phải ra đi ngày 5 tháng 9 ; anh ngu ngốc thật, anh đợi em hôm 13. Như thể người đàn bà xinh đẹp có thể bỏ thói quen của nàng, các bạn nàng, bà Tallien của nàng, và bữa cơm tối nơi nhà Baras, và giới thiệu một màn kịch mới, và Fortun, vâng, Fortuné!

Em yêu mọi thứ hơn chồng em; em chỉ cho hắn một chút quý mến, và một phần của lòng nhân từ mà tim em có nhiều. Mỗi ngày tổng kết những lỗi lầm, những tội lỗi của em để không thương em nữa, anh đã phí công vô ích. Quái chưa! anh lại càng yêu em hơn nữa. Cuối cùng, mẹ thân yêu không ai có thể so sánh được, anh sắp nói cho em điều bí mật này: hãy chế nhạo anh đi, hãy ở lại Paris, hãy có những tình nhân, mọi người hãy biết điều đó đi, đừng bao giờ viết thư, vậy thì anh yêu em mười lần hơn.

Nếu như đó không phải là sự điên rồ, sự nóng sốt, sự mê sảng! Và anh không khỏi bệnh nhờ những thứ này (ô! nếu chính vì thế thì anh laị khỏi bệnh nhờ nó); nhưng đừng sắp nói với anh là em bệnh, và đừng thuyết phục anh bằng cách tự bào chữa. Chúa ơi! Em đã được tha tội; anh yêu em điên cuồng, vì không bao giờ trái tim đáng thương của anh ngừng cho tình yêu của nó! Nếu em không yêu anh, định mệnh của anh sẽ lạ lùng. Em không viết cho anh, em bệnh, em không đến. Ban chấp chính không muốn, sau cơn bệnh của em, và rồi thì đứa bé này động đây quá mạnh làm cho em đau? nhưng em đã đến Lyon, ngày 10 em sẽ tới Turin. Ngày 12, ở Milan nơi em sẽ đợi anh. Em sẽ ở Ý, và anh sẽ vẫn còn xa em. Tạm biệt em yêu thương, một nụ hôn trên miệng em; nụ hôn khác trên tim em, và một nụ hôn khác trên chỗ ....thân yêu của em.

Chúng anh đã giảng hòa với Rome, họ đưa ta tiền. Chúng anh sẽ tới Livourne ngày mai, và, sớm nhất mà anh có thể có được, trong vòng tay em, dưới chân em, trên ngực em.

Depuis un mois, je n'ai reçu de ma bonne amie que deux billets de trois lignes chacun. A-t-elle des affaires ? Celle d'écrire à son bon ami n'est donc pas un besoin pour elle ? Dès lors celle d'y penser... Vivre sans penser à Joséphine, ce serait pour ton ami être mort et ne pas exister. Ton image embellit ma pensée et égaye le tableau sinistre et noir de la mélancolie et de la douleur...
Un jour peut-être viendra où je te verrai ; car je ne doute pas que tu ne sois encore à Paris. Eh ! bien, ce jour-là, je te montrerai mes poches pleines de lettres que je ne t'ai pas envoyé parce qu'elles étaient trop bêtes - bien, c'est le mot. Bon Dieu ! Dis-moi, toi qui sais si bien faire aimer les autres sans aimer, saurais-tu comment on guérit de l'amour ??? Je paierai ce remède bien chère. Tu devais partir le 5 prairial ; bête que j'étais, je t'attendais le 13. Comme si une jolie femme pouvait abandonner ses habitudes, ses amis, sa madame Tallien, et un dîner chez Baras, et une représentation d'une pièce nouvelle, et Fortuné, oui, Fortuné!
Tu aimes tout plus que ton mari ; tu n'as pour lui qu'un peu d'estime, et une portion de cette bienveillance dont le coeur abonde. Tous les jours récapitulant tes torts, tes fautes, je me bats les flancs pour ne plus t'aimer, bah ! voilà-t-il pas que je t'aime davantage. Enfin, mon incomparable petite mère, je vais te dire mon secret : moque-toi de moi, reste à Paris, aie des amants, que tout le monde le sache, n'écris jamais, eh bien ! je t'en aimerai dix fois davantage.
Si ce n'est pas là folie, fièvre, délire ! Et je ne guérirai pas de cela (oh ! si pardieu, j'en guérirai) ; mais ne va pas me dire que tu es malade, n'entreprends pas de te justifier. Bon Dieu ! Tu es pardonnée ; je t'aime à la folie, et jamais mon pauvre coeur ne cessera de donner son amour. Si tu ne m'aimais pas, mon sort serait bien bizarre. Tu ne m'as pas écrit, tu étais malade, tu n'es pas venue. Le Directoire n'a pas voulu, après ta maladie, et puis ce petit enfant qui se remuait si fort qu'il te faisait mal ? mais tu as passé Lyon, tu seras le 10, à Turin ; le 12, à Milan où tu m'attendras. Tu seras en Italie, et je serai encore loin de toi. Adieu ma bien-aimée, un baiser sur ta bouche ; un autre, sur ton coeur, et un autre sur ton petit absent.
Nous avons fait la paix avec Rome qui nous donne de l'argent. Nous serons demain à Livourne, et, le plus tôt que je pourrai, dans tes bras, à tes pieds, sur ton sein.

Roverbella, le 18 messidor

Anh đã đánh bại kẻ thù. Kilmaine sẽ gởi cho em bản sao của sự quan hệ. Anh mệt chết đi được. Anh xin em hãy ra đi ngay tức thì để đến Vérone; anh cần em, vì anh biết là mình sắp bệnh. Anh tặng em ngàn cái hôn. Anh đang đang ở trong giường.


J'ai battu l'ennemi. Kilmaine t'enverra la copie de la relation. Je suis mort de fatigue. Je te prie de partir tout de suite pour te rendre à Vérone ; j'ai besoin de toi, car je vois que je vais être bien malade. Je te donne mille baisers. Je suis au lit.


________



Vérone, premier jour complémentaire

Anh viết cho em, bạn tốt của anh, rất thường xuyên, còn em thì ít. Em là người độc ác, xấu, rất xấu, cũng như sự nhẹ dạ của em. đó là sự phản trắc, bội nghĩa với người chồng đáng thương, một người tình âu yếm! Nó có phải mất quyền lợi của nó vì nó ở xa, chồng chất công việc, mệt mỏi và khổ nhọc chăng? Không có tình yêu của Joséphine của nó, không có sự bảo đảm tình yêu nó, cái gì còn lại cho nó trên trái đất này? Nó làm gì ở đó?

Hôm qua chúng anh có một công việc đẫm máu; kẻ thù mất nhiều người và đã bị đánh bại hoàn toàn. Chúng anh đã lấy của họ ngoại ô Mantoue.

Tạm biệt, Joséphine đáng mến; một trong những đêm này, cửa sẽ mở mạnh: như một người ghen tương, anh đây, trong vòng tay em.

Ngàn chiếc hôn tình si.



Je t'écris, ma bonne amie, bien souvent, et toi peu. Tu es une méchante et une laide, bien laide, autant que tu es légère. Cela est perfide, tromper un pauvre mari, un tendre amant ! Doit-il perdre ses droits parce qu'il est loin, chargé de besogne, de fatigue et de peine ? Sans sa Joséphine, sans l'assurance de son amour, que lui reste-t-il sur la terre ? Qu'y ferait-il ?
Nous avons eu hier une affaire très sanglante ; l'ennemi a perdu beaucoup de monde et a été complètement battu. Nous lui avons pris le faubourg de Mantoue.
Adieu, adorable Joséphine ; une de ces nuits, les portes s'ouvriront avec fracas : comme un jaloux, et me voilà dans tes bras.
Mille baisers amoureux.


_______________



Vérone, le 1er frimaire, an V

Anh sắp đi ngủ, Joséphine nhỏ bé của anh, tim anh đầy hình ảnh tuyệt vời của em, và đau buồn khi còn xa em quá lâu; nhưng anh hy vọng rằng, trong vài ngày nữa, anh sẽ sung sướng hơn và anh sẽ có thể cho em những bằng chứng của tình yêu nóng bỏng của anh như ý anh muốn mà em đã gợi cho anh. Em không còn viết cho anh nữa; em không nghĩ đến bạn tốt của em nữa, người đàn bà độc ác: Em có biết chăng không có em, không có quả tim của em, không có tình yêu của em, thì chồng em không có niềm hạnh phúc cũng không có sức sống. Chúa ơi! Anh sẽ hạnh phúc biết chừng nào nếu anh được dự cuộc trang điểm dễ thương, vai nhỏ, một cái vú trắng, đàn hồi, rắn chắc; trên cái đó, một gương mặt nhỏ (?) xinh quá . Em biết rõ là anh không quên những cuộc viếng thăm dễ yêu; em biết rõ, mảnh rừng đen yêu kiều. Anh tặng nó ngàn nụ hôn và chờ đợi một cách nôn nóng lúc đến nơi đó. Tất cả là của em, đời sống, hạnh phúc, khoái cảm, chúng chỉ là những cái em đã làm ra.

Sống bên Joséphine là sống trong diện Élysée. Hôn trên miệng, trên mắt, trên vai, trên ngực, mọi nơi, khắp mọi nơi!


Je vais me coucher, ma petite Joséphine, le coeur plein de ton adorable image, et navré de rester tant de temps loin de toi ; mais j'espère que, dans quelques jours, je serai plus heureux et que je pourrai à mon aise te donner des preuves de l'amour ardent que tu m'as inspiré. Tu ne m'écris plus ; tu ne penses plus à ton bon ami, cruelle femme ! Ne sais-tu pas que sans toi, sans ton coeur, sans ton amour, il n'est pour ton mari ni bonheur, ni vie. Bon Dieu ! Que je serais heureux si je pouvais assister à l'aimable toilette, petite épaule, un petit sein blanc, élastique, bien ferme ; par-dessus cela, une petite mine avec le mouchoir à la créole, à croquer. Tu sais bien que je n'oublie pas les petites visites ; tu sais bien, la petite forêt noire. Je lui donne mille baisers et j'attends avec impatience le moment d'y être. Tout à toi, la vie, le bonheur, le plaisir ne sont que ce que tu les fais.
Vivre dans une Joséphine, c'est vivre dans l'Élysée. Baiser à la bouche, aux yeux, sur l'épaule, au sein, partout, partout !