28/4/10

Việt Nam quốc tế hóa Biển Đông

BBC Vietnamese
Cập nhật: 11:40 GMT - thứ sáu, 26 tháng 3, 2010
Việt Nam quốc tế hóa Biển Đông

Trần Đông Đức

Ký giả tự do từ Hoa Kỳ

Lần đầu tiên, một hội thảo về Biển Đông bao gồm quan chức Việt Nam cùng giới học giả tại Mỹ được tổ chức tại Đại học Temple, thành phố Philadelphia vào hôm 25/3/2010.

Tuy cuộc hội thảo diễn ra trong phạm vi học thuật nhưng được phái đoàn Việt Nam đánh giá thành công về mặt dư luận.

Theo lời một diễn giả trong phái đoàn Việt Nam, cuộc hội thảo về Biển Đông như thế này dự định diễn ra tại Pháp vào tháng trước nhưng phải huỷ bỏ vào phút cuối do sức ép của tòa đại sứ Trung Quốc.

Ngoài những chủ đề nóng về việc tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa với Trung Quốc, diễn giả Việt Nam còn mang theo những thông điệp gợi ý sự hợp tác vào tuyến hàng hải trên Biển Đông như là vấn đề lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.

Chương trình được khởi xướng bởi một số chuyên gia Mỹ nghiên cứu về Việt Nam lấy vị trí chiến lược Biển Đông làm cơ sở với sự hợp tác của học viện bộ ngoại giao Việt Nam.

Đứng trước những ý đồ và tham vọng của Trung Quốc, Việt Nam nay hầu như đã chọn con đường quốc tế hoá Biển Đông bằng cách vận động các nước Tây Phương, đặc biệt là Hoa Kỳ làm “bạn chiến lược”.

Hoa Kỳ cũng có trách nhiệm lịch sử

Một vị tiến sĩ sử học đến từ Việt Nam, ông Nguyễn Nhã cho biết ông từng khóc khi làm về công tác bản đồ sau năm 1975. Ông đã cảm thấy xót xa khi Mỹ đã không can thiệp giúp Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974.

Việt Nam còn nêu lên những trường hợp “Trung Quốc đã không tôn trọng vành đai đánh cá, bắn giết ngư dân Việt Nam quanh ngư trường Hoàng Sa như là những bằng chứng vi phạm nhân quyền, tiêu diệt môi trường sống của hàng triệu người Việt Nam bên bờ Biển Đông.”

“Trung Quốc còn sử dụng những luận điệu hàm hồ về lịch sử để phủ nhận những tranh chấp về các hải đảo và vùng biển trong vùng Đông Nam Á.”

“Biển Đông vốn là tuyến hàng hải quan trọng tới Nhật Bản và Đại Hàn cho nên Hoa Kỳ không thể bỏ mặc cho Trung Quốc độc quyền thao túng.”

Giáo sư Philip Alperson, giám đốc trung tâm Triết-học, Văn-hóa, và Xã-hội Việt Nam của Temple University cho biết theo quan điểm về mặt chính trị của người Mỹ - không dễ gì chọn bên giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng về mặt tình cảm, ông thiên vị cho Việt Nam vì nhìn thấy những thiệt thòi khách quan về hiện trạng và lịch sử mà nước Mỹ có phần. Ông hy vọng những cuộc hội thảo như thế này được diễn ra thường xuyên, gây ảnh hưởng và có hiệu quả ở cấp độ cao hơn.

Thảo Luận Nóng

Trong suốt một ngày sôi nổi đánh dấu lần đầu quan chức Việt Nam thảo luận với học giả Hoa Kỳ công khai về vấn đề Trung Quốc. Thậm chí nhiều người có cảm tưởng đây là diễn đàn tố cáo Trung Quốc trước Hoa Kỳ với sự có mặt của quan chức Việt Nam.

Tuy vậy, phái đoàn Việt Nam cũng đã đụng phải sự chất vấn nảy lửa của một số nhân vật trong cộng đồng người Việt tại Mỹ.

Cô Nguyễn Ngọc Giao, thuộc cộng đồng Việt Nam tại thủ đô Washington dùng thời lượng của mình để kêu gọi tự do dân chủ nhân quyền, giải thể đảng cộng sản Việt Nam, và chất vấn về công hàm Phạm Văn Đồng 1958.

Học giả Việt Nam giải thích với cô Ngọc Giao rằng công hàm đó chỉ là đối sách chính trị không có giá trị về mặt chủ quyền vì miền Bắc thời đó không quản lý lãnh thổ phía Nam. Phía Việt Nam cũng cố gắng trình bày vấn đề chủ quyền và chính quyền vốn là hai khái niệm.

Một vài ý kiến khác nêu lên những vấn đề tàn phá môi trường, buôn bán phụ nữ, Trung Quốc xâm lăng làm không khí có lúc như nghẹt thở.

Người Mỹ điều hợp chương trình, giáo sư Andrew Scobell nói rằng ông hiểu rõ tâm trạng chia cắt về chính trị của người Việt hải ngoại. “Nhưng như Hoa Kỳ, cho dù thích hay không thì cũng phải thừa nhận sự hiển nhiên của chính quyền hiện nay của Việt Nam.”

Tuy nhiên, sau mọi căng thẳng không khi cũng trở lại hòa nhã nghiêm túc. Phía Việt Nam có người tỏ ra không chịu được nhưng cũng có người ghi nhận đây là những chất vấn bình thường và có phần thú vị.

Người Mỹ năng động

Chương trình còn có cuộc thảo luận bàn tròn do giáo sư Ken MacClean của Clark University chủ trì. Với sự hiểu biết tinh tế về Việt Nam, vị giáo sư này làm cho không khí hòa bình và những ý kiến đóng góp càng trở nên thiết thực.

Người Mỹ vốn không có những thái độ áp đặt và những định kiến cực đoan lịch sử, về lòng yêu nước cho nên đề đạt ra những đường hướng ứng xử với Trung Quốc bao gồm vấn đề môi trường, bảo vệ tài nguyên (như san hô) trên biển rất dễ nghe, có sức thuyết phục lớn trên diễn đàn quốc tế.

Cho dù học giả Mỹ không muốn biểu lộ nhiều định kiến về quan hệ Trung Việt, nhưng thái độ ứng xử và sự nhiệt thành góp ý tưởng làm người Việt Nam nói chung rất yên tâm là họ sẽ có những tiếng nói bênh vực.

Các giáo sư người Mỹ cũng đề nghị bước tiếp theo là đánh động lương tâm về Biển Đông tới những cơ quan hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc ban lịch sử Á Châu của đại học Maine cho rằng vai trò của người Mỹ gốc Việt là rất quan trọng việc tố cáo dã tâm của Trung Quốc trước dư luận quốc tế.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/03/100326_biendong_conference.shtml

© BBC 2010

Nỗ lực tìm kiếm hài cốt quân nhân VNCH

BBC Vietnamese
Cập nhật: 17:50 GMT - thứ tư, 28 tháng 4, 2010

Nỗ lực tìm kiếm hài cốt quân nhân VNCH

Hà Mi
BBC Việt Ngữ

Việc tìm kiếm hài cốt của những người chết và mất tích trong và sau cuộc chiến Việt Nam vẫn tốn nhiều công sức của các bên, cho dù chiến tranh kết thúc đã tròn 35 năm.

So với nỗ lực tìm kiếm và truy tập các tử sĩ Mỹ và bộ đội Bắc Việt Nam, có vẻ như những người lính phe Việt Nam Cộng hòa mất tích hoặc chết trong các trại cải tạo sau 75 cho đến gần đây vẫn chịu nhiều thiệt thòi.

Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của một số cá nhân và tổ chức, công việc tìm kiếm hài cốt quân nhân lực lượng Việt Nam Cộng hòa gần đây đã thu hút được sự chú ý và trợ giúp của cả chính quyền Việt Nam lẫn Hoa Kỳ.

Trong chuyến công tác tới Hoa Kỳ mới đây, Hà Mi của BBC Việt ngữ đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đạc Thành, chủ tịch Tổng hội HO (ra đi có trật tự) và Hội Người Việt mất tích, và được ông cho biết về công việc tìm kiếm này:

Nguyễn Đạc Thành: Trước hết, không có sự trợ giúp chính thức của chính phủ Việt Nam thì chúng tôi không làm được gì cả, bởi vì chính phủ Việt Nam họ quản l‎ý đất nước, nếu họ không chấp thuận thì chúng tôi không làm được gì hết.

"Sau 35 năm, tất cả đều đã lo đưa hài cốt tử sĩ của mình trở về. Riêng hài cốt của anh em Việt Nam Cộng hòa của chúng tôi thì ở ngoài rừng sâu. Cái việc đó làm cho chúng tôi rất là đau lòng."

Chính phủ Việt Nam, cũng như chính phủ Mỹ, đã tích cực giúp chúng tôi trong việc này. Khi chúng tôi đến Việt Nam, thì một thời gian sau, chúng tôi đã liên lạc với tòa đại sứ và chúng tôi được tòa đại sứ yểm trợ rất là mạnh mẽ và cũng hậu thuẫn cho chương trình này.

BBC: Ông mong muốn nhận được những trợ giúp gì nữa trong tương lai để tiếp tục công việc mình đang làm?

Nguyễn Đạc Thành: Cái vấn đề mà chúng tôi mong mỏi là hai chính phủ đứng ra trực tiếp giúp chúng tôi tìm và đưa hài cốt của anh em trở về gia đình. Bởi vì sau 35 năm, tất cả đều đã lo đưa hài cốt tử sĩ của mình trở về. Riêng hài cốt của anh em Việt Nam Cộng hòa của chúng tôi thì ở ngoài rừng sâu. Cái việc đó làm cho chúng tôi rất là đau lòng.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng không trách được. Bên phía Việt Nam họ phải lo cho tử sĩ của họ, phía Mỹ phải lo cho tử sĩ của họ, điều đó là đúng. Mà họ không lo gì cho phía miền nam Việt Nam chúng tôi là cũng đúng thôi. Nhưng mà tại sao anh em chúng tôi không lo cho hài cốt của bằng hữu của mình, mà lại phải trông chờ người khác? Thì đó là lý do mà chúng tôi lên tiếng.

Và chúng tôi rất là mong mỏi hai chính phủ giúp đỡ cho chúng tôi hoàn thành công việc nhân đạo này. Sau khi làm việc thì chúng tôi biết là chính phủ Việt Nam đang rất muốn giải quyết giúp chúng tôi và đang có một chương trình ủng hộ chúng tôi để làm công việc nhân đạo này.

Riêng về chính phủ Mỹ thì cũng có dấu hiệu cho tôi thấy rằng chúng tôi sẽ nhận được sự ủng hộ của chính phủ Mỹ. Nhưng mà để có câu trả lời rõ ràng, xin cô hãy chờ chúng tôi đang thực hiện chương trình lấy 22 hài cốt của anh em tù cải tạo ở miền Bắc, tại làng Đá. Sau kết quả này thì sẽ có câu trả lời rất rõ ràng cho cô về bên phía Mỹ.

BBC: Qua kinh nghiệm làm việc trong thời gian vừa qua, ông có thể tiên lượng được những khó khăn gì sẽ xảy ra khi tiếp tục công việc này trong thời gian tới?

"Sự hận thù của hai bên, của hai chiến tuyến nên dẹp bỏ để làm công việc nhân đạo này. Là bởi vì người chết rồi đâu còn thù hận gì, chúng ta nên giúp nhau đưa những người đó về với gia đình. "

Nguyễn Đạc Thành: Công việc này có những khó khăn của nó. Thứ nhất là mộ của tù cải tạo hay là những anh em đã chết trong cuộc chiến là rất lâu rồi, thành ra khi phát giác ra, biết được chỗ đó tìm cũng rất là khó. Nếu mà không có sự giúp đỡ mạnh mẽ từ chính phủ Việt Nam cũng như những người biết thông tin tích cực giúp thì chúng tôi khó có thể làm được. Đó là khó khăn về mộ.

Cái thứ hai là khó khăn mà chúng tôi cho rằng đến nay nên phải giải quyết, đó là cái sự hận thù của hai bên, của hai chiến tuyến nên dẹp bỏ để làm công việc nhân đạo này. Là bởi vì người chết rồi đâu còn thù hận gì, thì chúng ta nên giúp nhau đưa những người đó về với gia đình.

Mà cái người đau khổ nhất là các gia đình còn sống. Mọi người đều biết rằng hài cốt là cái gì thiêng liêng của thân nhân người ta. Hiện tại mình còn sống thì nên giúp cho họ, để mà hoàn thành được cái mong muốn là đưa hài cốt họ về, cho dù là một mảnh xương tàn mà thôi.

Đó là một việc làm nhân đạo rất cần, và nên gạt bỏ sang một bên tất cả những gì không nhân đạo. Đừng có đem chính trị vào vấn đề này. Tôi cho rằng làm sao để đưa hài cốt của những người đã mất trong cuộc chiến về với gia đình. Đó mới là việc làm hết sức cần thiết. Nó đúng với truyền thống nhân đạo của người Việt Nam mình.

BBC: Xuất phát từ đâu mà ông làm việc này, vì cũng có thân nhân mất tích như thế?

Nguyễn Đạc Thành: Tôi không có thân nhân, nhưng đối với tôi đó một vấn đề rất quan trọng, thật sự trong lòng tôi xin kể với cô, là tôi không nghĩ tôi có thể ra khỏi trại tù cải tạo và chính tôi khi đó là người sắp chết. Nên tôi biết được người sắp chết họ muốn gì.

Bởi vì khi ở ngoài Bắc, tôi bị bệnh kiết, tôi sắp chết. Cô biết là ở tù ngoài Bắc mà bị kiết là chết, chứ không thể sống nổi. Ít khi nào sống được lắm, mà có sống được thì đưa lên đến trạm xá cũng chết. Khi tôi nằm đó, tôi vái Phật Bà, Phật tổ, và tôi vái những anh em đã chết, rằng nếu mà cứu tôi được, tôi sống được mà ra khỏi tù và có cơ hội thì tôi sẽ đưa họ về.

Bởi vì khi sắp chết thì tôi tha thiết muốn gặp vợ con tôi lần chót. Tôi muốn nói với vợ con tôi là xin lỗi (khóc), trong thời gian làm việc, tôi có những mistakes (sai sót) với gia đình, hãy tha lỗi cho tôi. Đồng thời, nghĩ rằng khi nằm xuống đây, tôi cũng muốn thân xác tôi về với gia đình, bên vợ con tôi, để tôi yên nghỉ.

Nếu mà chết lúc đó thì đảm bảo với cô là không ai biết được, thân xác tôi sẽ ở ngoài rừng, và đồng thời, linh hồn tôi sẽ không trở về được với vợ con. Cho nên tôi rất mong muốn gặp vợ con tôi lần chót. Tôi rất mong muốn hài cốt mình về với gia đình.

Tôi có vái với anh em như vậy. Khi người bạn tôi chết, là anh Lê Xuân Đèo, chết vì bệnh kiết, mỗi lần đi ngang qua mộ ổng thì tôi bỏ một cục đất xuống, nói rằng: “Đèo ơi, anh ở đây đi, nếu anh phù hộ tôi về được thì tôi sẽ kiếm gia đình anh và tôi sẽ đưa các anh về”.

Sau đó, tôi được ra khỏi tù và tôi được về.

Như cô biết, tôi qua Mỹ, và năm 1995, tôi thành lập Tổng hội HO. Cái mục đích của tôi là tìm hài cốt của anh em. Cho nên trong thời gian từ năm 95 đến 2006-07, tôi cũng phải lo cho gia đình tôi làm sao hồi phục, rồi tôi mới làm được, thì tôi ráng làm việc với người Mỹ, tôi tìm sự ủng hộ của họ.

Cuối cùng, năm 2006, ông luật sư của tôi ông ấy đi về bên Việt Nam trong chuyến thăm của ông Bush, thì tôi nhắn ổng, là thử coi xem phía bên Việt Nam có đáp ứng không, và xin phía VN là tôi muốn lấy hài cốt của bạn tôi từ trại cải tạo như vậy. Khi ông ấy về, ông ấy đem cho tôi kết quả. Cuối cùng là chính phủ Việt Nam cho phép tôi.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/04/100428_nguyendacthanh_mia.shtml

© BBC 2010

TQ nói rõ lập trường về Biển Đông

Cập nhật: 03:35 GMT - thứ tư, 28 tháng 4, 2010
TQ nói rõ lập trường về Biển Đông

Trung Quốc vừa lên tiếng thừa nhận Biển Đông là lĩnh vực Việt-Trung còn nhiều mâu thuẫn nhưng phản đối Việt Nam quốc tế hóa chủ đề này.

Trang tin Chinanews.com.cn vừa có tin tường thuật cuộc gặp giữa Phó Đô đốc Hải quân đồng thời là Phó Tổng thammưu trưởng quân đội nước này - ông Tôn Kiến Quốc, với Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội Việt Nam Lê Quang Bình.

Ông Bình đang ở thăm Trung Quốc một tuần từ 24/04 - 03/05.

Bản tin nói Phó Đô đốc Tôn đã "trình bày quan điểm của Trung Quốc về Nam Hải (Biển Đông)" cho phía Việt Nam.

Ông Tôn Kiến Quốc được trích lời nói Biển Đông là "khác biệt và mâu thuẫn" lớn nhất trong quan hệ Việt-Trung.

"Trung Quốc phản đối các hành động làm quá nóng vấn đề này, phản đối việc quốc tế hóa và sự can thiệp của các nước ngoài (vào vấn đề Biển Đông)".

Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc cũng khuyến cáo: " Trung Quốc và Việt Nam nên bình tĩnh và đối phó với vấn đề này một cách thận trọng, tránh ảnh hưởng đến tình hình chung của quan hệ Trung-Việt".

Về phần mình, ông Lê Quang Bình được trích lời nói hy vọng hai nền quân đội đạt đồng thuận càng sớm càng tốt vì an ninh ổn định, hữu nghị và hợp tác.

Chinanews.com.cn là phiên bản online của một trong hai hãng thông tấn hàng đầu Trung Quốc, chỉ sau Tân Hoa Xã và hướng tới Hoa Kiều ở nước ngoài.
Quan tâm chủ đạo

Gần đây, Bắc Kinh đã không dấu giếm quan điểm đặt chủ đề Biển Đông lên cao nhất trong các mối quan tâm của mình.

Báo New York Times cho hay hồi tháng Ba, giới chức Trung Quốc cảnh báo với hai quan chức cao cấp của chính quyền Barack Obama lúc đó ở thăm Trung Quốc, là Bắc Kinh sẽ "không tha thứ cho bất cứ sự can thiệp nào vào Biển Đông".

"Trung Quốc phản đối các hành động làm quá nóng vấn đề này, phản đối việc quốc tế hóa và sự can thiệp của các nước ngoài (vào vấn đề Biển Đông)."

Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Tôn Kiến Quốc

Hai vị quan chức Mỹ là Jeffrey Bader và James Steinberg được giải thích rằng "Biển Đông nay là một trong các quan tâm chủ đạo về chủ quyền" của Trung Quốc, bên cạnh Tây Tạng và Đài Loan.

Trung Quốc đã nhiều lần phản đối việc quốc tế hóa, đa phương hóa tranh chấp Biển Đông, duy trì chủ trương đàm phán song phương với các nước có liên quan.

Ngược lại, Việt Nam qua các động thái mới nhất cho thấy lập trường kiên trì theo đuổi việc mang tranh chấp Biển Đông ra bàn quốc tế.

Cũng trong tuần này, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vừa bắt đầu 5 ngày thăm một số tỉnh miền đông Trung Quốc và tham dự Triển lãm Thượng Hải Expo.

Hôm thứ Ba 27/04, ông Dũng đã tiếp xúc với lãnh đạo cao cấp nhất của các tỉnh Giang Tô và Chiết Giang. Ông cũng sẽ gặp và hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Thượng Hải.

Ngay trước chuyến thăm của ông Dũng, Trung Quốc loan báo bắt đầu hoạt động tuần tra ngư chính "thường xuyên" tại khu vực Trường Sa.

Việt Nam chưa có ý kiến chính thức về hành động này.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/04/100428_china_stance_biendong.shtml

© BBC 2010

Một kiểu bá đạo “made in China”

Cập nhật: 02:19 GMT - thứ tư, 28 tháng 4, 2010

Một kiểu bá đạo “made in China”

Tâm Việt

gửi cho BBCVietnamese.com từ Hà Nội

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao chính phủ Việt Nam có mặt tại thành phố Nam Kinh, bắt đầu chuyến thăm tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), từ sáng 26/4.

Một ngày trước đó (25/4), Trung Quốc tuyên bố bắt đầu tuần tra thường xuyên ở Biển Đông bằng việc điều động hai tàu mới, thay thế hai tàu khác đang làm nhiệm vụ hộ tống các tàu đánh cá của Trung Quốc trong khu vực biển quần đảo Trường Sa.

Chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam kéo dài đến 1/5 có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh năm 2010 là “năm Hữu nghị Việt - Trung” và hai nước đang kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Chuyến thăm Thượng Hải, Giang Tô và Chiết Giang của ông Dũng khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam tăng cường quan hệ với Trung Quốc, thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương cũng như giữa hai quốc gia, triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai đảng và hai chính phủ.

Trung Quốc cử tàu ngư chính đi tuần tra tại khu vực quần đảo Trường Sa đúng vào lúc ông Nguyễn Tấn Dũng sắp gặp ông Hồ Cẩm Đào tại Thượng Hải.

Hành động này phải chăng là trùng hợp ngẫu nhiên, hay nó có ý nghĩa gì khác?
'Bá đạo'

Hãy nhìn lại vài ba chục lần trong những năm trở lại đây, mỗi khi có tiếp xúc cấp cao giữa hai đảng và hai nước, TQ bao giờ cũng có “động thái” đặt Việt Nam trước việc đã rồi. Trong nước gọi là “há miệng mắc quai”, nhìn từ phía Việt Nam, hoặc “trùm chăn lại đánh”, nhìn từ ý đồ của Trung Quốc..

Một mặt, mời khách đến nhà, mặt khác đánh “vỗ mặt” khách, không để cho khách kịp phản ứng. Hành động trên đây hoàn toàn có thể coi là một kiểu bá đạo “sản xuất tại Trung Quốc”.

Có đốt đuốc tìm cả ngày cũng không thấy đạo “nước lớn ức hiếp nước nhỏ” trong sách Khổng Tử khi ông trùm Nho này quảng bá lấy giáo dục làm phương thức chủ yếu để đạt tới thế giới “đại đồng”. Ông cũng đi khắp nơi dạy thiên hạ: “Việc gì mình không muốn chớ đem cho người”.

Phản đối việc TQ vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, trước đây, Bộ ngoại giao VN thường thì cũng lên tiếng mau lẹ. Nhưng lần này, cho đến tận ngày 28/4, VN chưa hề có bất cứ một phản ứng nào. Phải chăng vì có đoàn cấp cao chính phủ đang ở trên đất Trung Quốc mà Bộ Ngoại giao im hơi lặng tiếng?

Một bài báo khá xúc động về cuộc họp mặt của hơn 300 sinh viên trường đại học Ngoại thương cũng đúng vào chiều 26/4 để nghe nhà ngoại giao lão thành Dương Danh Dy nói về thân phận hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những diễn biến mới nhất xung quanh vấn đề trọng đại này của đất nước đã được đăng trên VietNamnet.

Bài báo trích lời ông Dy xác nhận: "Thời gian qua, với vấn đề Biển Đông, Đảng, Nhà nước ta cũng đã làm được nhiều việc: từ chỗ im lặng đến chỗ lên tiếng, từ chỗ phiếm chỉ, chúng ta đã nêu đích danh thủ phạm".

Dẫn báo chí chính thống Trung Quốc, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy cho hay, "Trung Quốc đã chuẩn bị xong cho dư luận về việc sẵn sàng thu phục Trường Sa của Việt Nam bằng vũ lực. 92% của hơn 300 triệu dân mạng Trung Quốc tán thành chủ trương đó"

Thế mà, không hiểu vì nguyên do gì, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, bài báo trên nghe nói được lệnh phải gỡ xuống!

( Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả, sống tại Hà Nội )

© BBC 2010

Ông Jim Webb nói về quan hệ Mỹ - Việt

BBC Vietnamese
Cập nhật: 16:21 GMT - thứ hai, 26 tháng 4, 2010

Ông Jim Webb nói về quan hệ Mỹ - Việt

Mở đầu loạt bài nhìn lại 35 năm Cuộc chiến Việt Nam và nhìn tới nhân dịp 15 năm Washington và Hà Nội thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 7/1995-2010, BBC Tiếng Việt giới thiệu với quý vị cách nhìn của Thượng nghị sĩ Jim Webb.

Trả lời Phóng viên Hà Mi của BBC có mặt tại Washington DC, ông Jim Webb, người từng có thời gian phục vụ trong lực lượng Thủy quân Lục chiến của Quân đội Mỹ tại Nam Việt Nam trước 1975, nhận định rằng đây là một mối quan hệ có lịch sử phức tạp:

TNS Jim Webb: Quan hệ giữa Hoa Kỳ và đất nước Việt Nam có lịch sử rất phức tạp. Chúng tôi đã làm việc rất tích cực từ năm 1975 để xây dựng một cầu nối mới giữa hai quốc gia và để bảo vệ những người Việt đã cùng chiến đấu với chúng tôi trong thời gian chiến tranh. Tôi đã dùng một thời gian đáng kể của cuộc đời mình để giải quyết những vấn đề này, từ khi tôi còn ở trong lực lượng Thủy quân lục chiến cách đây đã rất lâu và đặc biệt là từ năm 1991 khi tôi lần đầu tiên bắt đầu trở lại Việt Nam. Việc xây dựng đường hướng phát triển quan hệ giữa hai nước là một vấn đề phức tạp. Kể từ năm 1995, tôi cho rằng hai quốc gia đã thực hiện được nhiều việc có tính xây dựng. Việt Nam đã có những bước đi tới, như gia nhập Tổ chức mậu dịch thế giới, rồi hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ có những đối thoại chặt chẽ. Tôi cho rằng quan hệ Hoa Kỳ Việt Nam là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất tại châu Á.

BBC: Theo ông thì cần làm gì để cho mối quan hệ giữa hai nước cải thiện hơn nữa?

Một trong những vấn đề mà tôi đã làm việc từ rất nhiều năm nay, bắt đầu từ cuối những năm 70s, đó là tìm cách thức cho phép những người Việt đã từng kề vai sát cánh với chúng tôi tái lập quan hệ với phía Việt Nam trong nước. Hiện nay có hai triệu người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ và rất nhiều gia đình đã phải trải qua những thời kỳ khó khăn sau năm 1975. Vì thế có tình trạng cay đắng, mất lòng tin từ cả hai phía và vì thế để hai bên đối thoại với nhau là một điều rất khó. Do vậy tôi đã dùng rất nhiều thời gian của mình trong rất nhiều năm qua nói chuyện và làm việc với cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đồng thời bàn bạc với chính phủ Việt Nam và người Việt tại Việt Nam.

BBC: Chính phủ Việt Nam vẫn thường nói tới việc hòa hợp hòa giải và đó cũng là điều ông đã và đang cố gắng làm. Theo ông thì chính phủ Việt Nam đã làm gì để thực hiện được điều đó? Và còn cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ thì đã làm gì trong vấn đề này? ‎

Từ rất nhiều năm nay rất khó khởi sự các cuộc đối thoại như vậy vì cuộc chiến đã diễn ra khốc liệt ra sao và kéo dài như thế nào. Và trong những trường hợp như vậy thì họ cần một cầu nối, cần có khả năng để có thể được đưa tới bàn đối thoại. Và chính đó là điều tôi đã làm việc rất tích cực với cả hai phía, cố gắng khuyến khích đối thoại. Đó là một quá trình tiến triển khá chậm nhưng trong 3-4 năm qua tình hình đã khá hơn rất nhiều.

BBC: Ông nói tới cầu nối, vậy ông hình dung điều gì sẽ là cầu nối tốt nhất từ này trở đi?

Sự tôn trọng lẫn nhau, lòng tin, cả hai bên nhận ra những nguyên do chính đáng khiến có xung đột‎ này. Nhưng giờ đâyvới những ai quan tâm tới vận mệnh của Việt Nam, tới tương lai của Đông Nam Á thì điều quan trọng là phải đến với nhau. Tôi lấy một ví dụ nhỏ vẫn thường nói với bạn bè tại đây về chuyện tình hình đang khá hơn tại Việt Nam. Khi tôi trở lại Việt Nam vào năm 1991, tôi ở Hà Nội và đã đi lễ nhà thờ vào Chủ nhật dự lễ Phục sinh. Tôi thấy chỉ có khỏang 20 người tại Nhà thờ lớn Hà Nội và toàn là người già. Dịp Giáng Sinh vừa rồi tôi cùng vợ tới dự lễ tại Nhà thờ lớn ở Hà Nội và hôm đó có tới hơn 2000 người dự lễ. Điều đó cho thấy chính quyền đã chú ‎ý hơn tới các quyền cá nhân và chúng ta cần nhìn nhận điều đó để tiếp tục có đối thoại.

BBC: Tiếp nối câu trả lời của ông, nếu chính phủ Việt Nam đang cố gắng làm gì đó để cải thiện tình hình, thế phía cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ thì sao, họ vẫn tiếp tục biểu tình mỗi khi các quan chức cao cấp của Việt Nam tới thăm Hoa Kỳ. Liệu theo ông thì có thể làm gì?

Có những người đã bị tổn thương sâu sắc sau năm 1975 khi những người cộng sản nắm quyền kiểm soát tại miền Nam và rất nhiều người bị đi tù cải tạo, 240 ngàn người đã bị tù hơn 4 năm. Nếu một người đã từng làm việc cho Chính quyền Việt Nam Cộng hòa thì người thân trong gia đình họ cũng bị phân biệt đối xử. Vì thế có những người đang sống tại đây vẫn còn những cảm xúc bị tổn thương đó. Và tại Việt Nam cũng có những người vẫn còn giữ những cảm xúc họ đã trải qua. Vì thế điều này cần tới thời gian và đó là thực tế. Nhưng khi tôi nhìn lại 19 năm qua kể từ khi tôi bắt đầu trở lại Việt Nam, tình hình đã khá hơn rất rất nhiều giữa cả hai phía.

BBC: Ông nhắc tới những người Việt đã từng là đồng minh của ông, vậy cũng xin hỏi ông về những người mất tích trong chiến tranh. Bên cạnh những người Mỹ mất tích vốn được chính phủ Mỹ lo tìm kiếm, thế còn những người Việt đã từng chiến đấu hay làm việc cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa, những người hiện vẫn còn bị coi mất tích, liệu họ có được sự trợ giúp nào của chính phủ Mỹ hay không?

Tôi được biết có không chỉ một chương trình thực hiện việc trở lại Việt Nam, mà đây là trở lại các trại cải tạo sau khi chiến tranh kết thúc, để tìm kiếm những thi hài những người mất tích, theo hiểu biết của tôi. Với những người chiến đấu cho chính quyền miền Bắc, bộ đội, hiện vẫn còn hơn 300 ngàn người mất tích. Có các cách thức để tìm kiếm tất cả những người này. Vấn đề tù nhân chiến tranh và người mất tích trong chiến tranh tại Hoa Kỳ đã bị sử dụng vào mục đích chính trị, như một phần của chính cuộc chiến. Không hề có một danh sách những người bị bắt giữ và nhiều gia đình thậm chí cũng không biết người thân còn sống hay đã chết. Vì thế vấn đề này động chạm rất sâu sắc về mặt tình cảm tại Hoa Kỳ. Nhưng chúng tôi luôn sẵn lòng giúp tìm kiếm thi hài những người đã tham gia chiến đấu trong cuộc chiến từ tất cả mọi phía.

BBC: Ông có thể nói rõ hơn về chương trình tìm kiếm người Việt mất tích trong chiến tranh, tìm cả người miền Bắc và miền Nam?

Chương trình tìm kiếm những người Việt mất tích của phía miền Nam là những người bị chết trong các trại tù cải tạo sau khi cuộc chiến kết thúc và rất nhiều đồng đội của họ đang làm việc với chính phủ Việt Nam để tìm kiếm thi hài của họ. Vấn đề tìm kiếm bộ đội của miền Bắc là rất nhiều người bị chết tại chiến trường hay do máy bay bắn phá và không thể tìm được thi hài của họ và con số này là khỏang 300 ngàn người.

BBC: Trở lại quan hệ với Việt Nam và Hoa Kỳ, ông có cho rằng Việt Nam là một đồng minh quan trọng của Mỹ?

Có chứ (cười)

BBC:Trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc, một nước đang trở nên thống lĩnh tại châu Á. Liệu đó có phải là một điều chính phủ Mỹ tính tới?

Tôi vừa mới gặp gỡ các quan chức chính phủ Việt Nam và đã có những thảo luận với họ. Tôi cũng đã gặp họ nhiều lần trong suốt ba năm qua. Điều rất quan trọng là làm sao Việt Nam và Hoa Kỳ cùng làm việc với nhau bất kể khi nào có thể được. Có những vấn đề tại Biển Đông, những vấn đề rất quan trọng về chủ quyền, liên quan tới việc Trung Quốc nhận chủ quyền một số hòn đảo mà Việt Nam cũng nhận chủ quyền. Còn có một vấn đề rất quan trọng nữa theo quan điểm của tôi mà chúng ta cần làm việc với nhau, đó là vấn đề sông Mekong. Rất nhiều nhà máy thủy điện được xây dựng tại Trung Quốc dọc sông Mekong và lượng nước chảy xuống Việt Nam là rất đáng quan ngại. Có khoảng 70 triệu người sẽ bị ảnh hưởng trước tình trạng này. Và Việt Nam sẽ là nước phải chịu nguy cơ. Tự một mình Việt Nam không dám đối mặt với Trung Quốc về vấn đề này và Hoa Kỳ nên cùng các nước khác như Nhật Bản có thể tham gia, tìm cách để bảo đảm dòng sông Mekong được sử dụng công bằng.

BBC:Tục ngữ người Việt có câu “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, liệu Việt Nam có thể làm phật lòng nước láng giềng Trung Quốc khi đi với Mỹ và liệu Việt Nam có nên rút ra bài học từ cuộc chiến tranh Việt Nam khi tới một thời điểm nào đó, người Mỹ đã bỏ rơi đồng minh Nam Việt Nam. Ông có thể nói gì trước lập luận này?

Chúng tôi vẫn chưa bỏ đi. (Cười). Tôi nghĩ rằng Việt Nam từ rất nhiều thế kỷ đã có lòng quả cảm đứng lên bảo vệ lãnh thổ của mình trước nhiều cuộc xâm chiếm của Trung Quốc. Chúng ta không tìm cách tạo xung đột với Trung Quốc mà tìm kiếm sự cân bằng và Hoa Kỳ giúp đem lại sự cân bằng đó tại khu vực.

BBC:Sang vấn đề nhân quyền, có những khác biệt về cách nhìn nhận của Việt Nam và Hoa Kỳ về nhân quyền, liệu có thể thu hẹp những khác biệt giữa hai nước trong lĩnh vực này không, thưa ông?

Có, tôi tin là có thể. Quan tâm chính của tôi ngay từ đầu là việc đối xử công bằng với tất cả mọi người, bất kể người đó đã từng đứng về phía bên nào, hay gia đình họ thuộc phía bên nào trong thời gian chiến tranh. Điều số một là đối xử với mọi người một cách công bằng. Điều này đang diễn ra nhiều hơn, cách đây 20 năm thì đã không được như vậy. Trên phương diện các lĩnh vực khác thì tôi cho rằng chính phủ Việt Nam đã có những tiến bộ về tự do tôn giáo, mặc dù chưa phải là hoàn hảo, nhưng đã khá hơn rất nhiều so với trước đây. Tại châu Á, chúng tôi học được một điều là đón nhận những gì có được và xây dựng từ đó. Cách đó đã rất có hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển sự tin cậy và tôn trọng giữa cả hai phía trong 19 năm qua.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/04/100426_us_viet_senator_webb.shtml

© BBC 2010

24/4/10

MẸ

MẸ
Trần Hồ Dũng

” Tặng những ai đang diễm phúc còn Mẹ
& những ai diễm phúc từng có Mẹ “


Này bạn , nếu đang còn có mẹ
Bạn - người hạnh phúc nhất trên đời
Ta xin tặng bạn hoa hồng thắm
Gắn lên ngực áo , phía tim mình

Này bạn , nếu vẫn còn có mẹ
Hãy nghe nhịp đập trái tim mình
Và nghe nhịp đập trong tim mẹ
hòa cùng một nhịp giữa nhân gian

Từ khi khôn lớn, xa lìa mẹ
Bạn có bao giờ biết ngóng trông
Một vòng tay mẹ ,như trời biển
Che chở con ,từ thuở lọt lòng

Từ khi rời khỏi vòng tay mẹ
Vỗ cánh chim bằng , mơ biển khơi
Nghe sóng xa bờ , ngồi nhớ lại
Tiếng ru hời của mẹ ngày xưa

Mẹ ở quê nhà xa lắc đó
ngày đêm mòn mỏi ngóng con về
Vòng tay mở rộng : bờ đang đợi
Sao chẳng quay về bên tiếng ru ?

Nếu như mai mốt không còn mẹ
Ai nhốt dùm ta những nỗi buồn
Ai người xoa dịu lòng ta xót
Ai đón ta về, nương náu tâm

Bạn hỡi , nếu như không còn mẹ
Ai khuyên ta sống thẳng trên đời
Quê hương : chốn Mẹ chờ ta đó
Hơi ấm bên trời , đâu phải quê

Này bạn , nếu như không còn mẹ
Ta : kiếp lạc lòai, phận : cút côi
Nâng chén rượu buồn như nước mắt
Hiểu mình , chỉ có Mẹ ta thôi !


Mây trắng sẽ là khăn tang trắng
Ta : Kẻ mồ côi đội dưới trời
Dâng chén rượu tràn ,thay nước mắt
Rót gửi càn khôn - tạ lỗi Người

tranhodung-saigon 23/4/2010