28/4/10

Việt Nam quốc tế hóa Biển Đông

BBC Vietnamese
Cập nhật: 11:40 GMT - thứ sáu, 26 tháng 3, 2010
Việt Nam quốc tế hóa Biển Đông

Trần Đông Đức

Ký giả tự do từ Hoa Kỳ

Lần đầu tiên, một hội thảo về Biển Đông bao gồm quan chức Việt Nam cùng giới học giả tại Mỹ được tổ chức tại Đại học Temple, thành phố Philadelphia vào hôm 25/3/2010.

Tuy cuộc hội thảo diễn ra trong phạm vi học thuật nhưng được phái đoàn Việt Nam đánh giá thành công về mặt dư luận.

Theo lời một diễn giả trong phái đoàn Việt Nam, cuộc hội thảo về Biển Đông như thế này dự định diễn ra tại Pháp vào tháng trước nhưng phải huỷ bỏ vào phút cuối do sức ép của tòa đại sứ Trung Quốc.

Ngoài những chủ đề nóng về việc tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa với Trung Quốc, diễn giả Việt Nam còn mang theo những thông điệp gợi ý sự hợp tác vào tuyến hàng hải trên Biển Đông như là vấn đề lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.

Chương trình được khởi xướng bởi một số chuyên gia Mỹ nghiên cứu về Việt Nam lấy vị trí chiến lược Biển Đông làm cơ sở với sự hợp tác của học viện bộ ngoại giao Việt Nam.

Đứng trước những ý đồ và tham vọng của Trung Quốc, Việt Nam nay hầu như đã chọn con đường quốc tế hoá Biển Đông bằng cách vận động các nước Tây Phương, đặc biệt là Hoa Kỳ làm “bạn chiến lược”.

Hoa Kỳ cũng có trách nhiệm lịch sử

Một vị tiến sĩ sử học đến từ Việt Nam, ông Nguyễn Nhã cho biết ông từng khóc khi làm về công tác bản đồ sau năm 1975. Ông đã cảm thấy xót xa khi Mỹ đã không can thiệp giúp Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974.

Việt Nam còn nêu lên những trường hợp “Trung Quốc đã không tôn trọng vành đai đánh cá, bắn giết ngư dân Việt Nam quanh ngư trường Hoàng Sa như là những bằng chứng vi phạm nhân quyền, tiêu diệt môi trường sống của hàng triệu người Việt Nam bên bờ Biển Đông.”

“Trung Quốc còn sử dụng những luận điệu hàm hồ về lịch sử để phủ nhận những tranh chấp về các hải đảo và vùng biển trong vùng Đông Nam Á.”

“Biển Đông vốn là tuyến hàng hải quan trọng tới Nhật Bản và Đại Hàn cho nên Hoa Kỳ không thể bỏ mặc cho Trung Quốc độc quyền thao túng.”

Giáo sư Philip Alperson, giám đốc trung tâm Triết-học, Văn-hóa, và Xã-hội Việt Nam của Temple University cho biết theo quan điểm về mặt chính trị của người Mỹ - không dễ gì chọn bên giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng về mặt tình cảm, ông thiên vị cho Việt Nam vì nhìn thấy những thiệt thòi khách quan về hiện trạng và lịch sử mà nước Mỹ có phần. Ông hy vọng những cuộc hội thảo như thế này được diễn ra thường xuyên, gây ảnh hưởng và có hiệu quả ở cấp độ cao hơn.

Thảo Luận Nóng

Trong suốt một ngày sôi nổi đánh dấu lần đầu quan chức Việt Nam thảo luận với học giả Hoa Kỳ công khai về vấn đề Trung Quốc. Thậm chí nhiều người có cảm tưởng đây là diễn đàn tố cáo Trung Quốc trước Hoa Kỳ với sự có mặt của quan chức Việt Nam.

Tuy vậy, phái đoàn Việt Nam cũng đã đụng phải sự chất vấn nảy lửa của một số nhân vật trong cộng đồng người Việt tại Mỹ.

Cô Nguyễn Ngọc Giao, thuộc cộng đồng Việt Nam tại thủ đô Washington dùng thời lượng của mình để kêu gọi tự do dân chủ nhân quyền, giải thể đảng cộng sản Việt Nam, và chất vấn về công hàm Phạm Văn Đồng 1958.

Học giả Việt Nam giải thích với cô Ngọc Giao rằng công hàm đó chỉ là đối sách chính trị không có giá trị về mặt chủ quyền vì miền Bắc thời đó không quản lý lãnh thổ phía Nam. Phía Việt Nam cũng cố gắng trình bày vấn đề chủ quyền và chính quyền vốn là hai khái niệm.

Một vài ý kiến khác nêu lên những vấn đề tàn phá môi trường, buôn bán phụ nữ, Trung Quốc xâm lăng làm không khí có lúc như nghẹt thở.

Người Mỹ điều hợp chương trình, giáo sư Andrew Scobell nói rằng ông hiểu rõ tâm trạng chia cắt về chính trị của người Việt hải ngoại. “Nhưng như Hoa Kỳ, cho dù thích hay không thì cũng phải thừa nhận sự hiển nhiên của chính quyền hiện nay của Việt Nam.”

Tuy nhiên, sau mọi căng thẳng không khi cũng trở lại hòa nhã nghiêm túc. Phía Việt Nam có người tỏ ra không chịu được nhưng cũng có người ghi nhận đây là những chất vấn bình thường và có phần thú vị.

Người Mỹ năng động

Chương trình còn có cuộc thảo luận bàn tròn do giáo sư Ken MacClean của Clark University chủ trì. Với sự hiểu biết tinh tế về Việt Nam, vị giáo sư này làm cho không khí hòa bình và những ý kiến đóng góp càng trở nên thiết thực.

Người Mỹ vốn không có những thái độ áp đặt và những định kiến cực đoan lịch sử, về lòng yêu nước cho nên đề đạt ra những đường hướng ứng xử với Trung Quốc bao gồm vấn đề môi trường, bảo vệ tài nguyên (như san hô) trên biển rất dễ nghe, có sức thuyết phục lớn trên diễn đàn quốc tế.

Cho dù học giả Mỹ không muốn biểu lộ nhiều định kiến về quan hệ Trung Việt, nhưng thái độ ứng xử và sự nhiệt thành góp ý tưởng làm người Việt Nam nói chung rất yên tâm là họ sẽ có những tiếng nói bênh vực.

Các giáo sư người Mỹ cũng đề nghị bước tiếp theo là đánh động lương tâm về Biển Đông tới những cơ quan hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc ban lịch sử Á Châu của đại học Maine cho rằng vai trò của người Mỹ gốc Việt là rất quan trọng việc tố cáo dã tâm của Trung Quốc trước dư luận quốc tế.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/03/100326_biendong_conference.shtml

© BBC 2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét