Gặp Lại Phan Nhật Nam Trên Quốc Lộ 1
(Chủ Nhật, 22 Tháng Ba-2009)
Tác giả : PHAN NHẬT NAM - TRẦN VŨ
Những ngày 11, 12 tuổi, vào những năm 73-74, tôi say mê Phan Nhật Nam. Anh trở thành thần tượng của tuổi thơ, với những ngày dài trên quê hương, những ngày bi thảm, những ngày thê lương, những ngày gẫy vụn, trong nỗi sợ khốn cùng. Nỗi sợ trái lựu đạn đã bật kíp. Nỗi đau vô hình của đồng ruộng ẩn chứa triệu trái mìn. Nỗi đau thắt ruột của người cha xếp xác con, trên đoạn đường từ Quảng Trị về Huế. Trong bất mãn của người lính trước một hậu phương vô ơn. Của người lính miền Nam phải tự vệ giữa một thế giới làm ngơ những thảm sát tập thể ở bãi Dâu, ở trường tiểu học Cai Lậy. Khác những nhà văn quân đội khác, tính chất bi tráng của một xã hội dân sự thời chiến phủ trùm lấy bút ký của Phan Nhật Nam, vượt lên trên các trận đánh. Không phải Mùa hè đỏ lửa, mà Tù binh và Hòa bình, Dọc đường số 1, Dấu binh lửa mới thực sự ghi lại suy nghĩ của một quân nhân trong chiến tranh. Bên cạnh, nhật ký của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc chỉ là những tiểu xảo của những sản phẩm được biên tập.
Tôi gặp Phan Nhật Nam lần đầu tiên khi nhà văn từ chiến trường trở về Sàigòn năm 1973. Khi ấy tôi hãy còn là một độc giả thiếu nhi, khám phá anh đội nón đỏ, quân phục huyết dụ. Lần thứ nhì cách đây bốn năm tại Washington DC, Phan Nhật Nam mang giọng nói sôi nổi của một xứ Quảng hãy còn lửa cháy. Lần gặp thứ ba, trên trang giấy này, tôi quyết định hỏi tất cả những gì đã chất chứa trong đầu mình, từ buổi sáng tổng thống Thiệu tuyên bố Hòa Bình trên đài phát thanh, ký kết hiệp định ngừng bắn, cho đến bây giờ gần 34 năm sau bại trận, những câu hỏi vẫn bám lấy, không rời, từ buổi sáng 30 tháng 4 chứng kiến những người lính tháo vội vã nón sắt, áo giáp, vất tung thẻ bài, chạy vào hẻm chật. Buổi sáng của tuyệt vọng.
Buổi sáng 30 tháng 4 tương khắc với Mùa hè đỏ lửa, tương khắc với tính chất bi hùng trong ký Phan Nhật Nam. Lần gặp này, tôi muốn anh trả lời.
Trần Vũ
Trần Vũ: Tôi không còn nhớ rõ ngày tháng, thời gian, nhưng vẫn nhớ buổi sáng theo cha đến khách sạn Continental dự buổi ra mắt sách của Phan Nhật Nam. Dường như là một trong những buổi ra mắt sách đầu tiên ở miền Nam khi ấy. Buổi sáng đó tôi đã trông thấy anh lần đầu tiên. Kể từ hôm đó, những ngày sau, tôi sống với anh cho đến bây giờ. Đúng hơn, tôi sống với những người lính Cộng Hòa trong tác phẩm của anh đến tận bây giờ. Hôm đó, Phan Nhật Nam để lại ấn tượng lớn lao trong lòng thầy tôi, cha tôi đã tin vào anh, vào quân lực miền Nam. Ông chưa biết ông sẽ chết vì niềm tin này. Cha tôi mua bút ký của anh đem về, và tôi khám phá chiến tranh, thứ chiến tranh thực sự ở ngoài chiến trường trên những trang sách của anh. Anh còn nhớ gì ngày hôm ấy? Có phải anh cũng đã tin như vậy, chúng ta không thể bại trận? Tại sao anh ra mắt sách, vì muốn đánh thức Sàigòn ra khỏi giấc mơ hoa lệ phù phiếm, cảnh cáo chiến tranh đã gần kề ngay cửa ngõ thành phố, hay vì vinh quang của văn chương? Hay anh đã muốn ru ngủ chúng tôi, những người dân ở thị thành, hãy tiếp tục tin vào sức mạnh của quân lực đang bảo vệ an nguy của thủ đô?
Phan Nhật Nam: Chúng ta bắt đầu câu chuyện với tư thế bình đẳng, “Người Bạn - Bằng hữu - Ngang bằng nhau qua tất cả mọi khía cạnh”. Tôi không hề là “đàn anh” đối với bất cứ ai, cho dẫu lớn hơn hai-mươi, ba-mươi tuổi so với người đối thoại, giao tiếp. Năm 1965, giữ nhiệm vụ đại đội trưởng một đại đội lính nhảy dù, đứng trước hàng quân, tôi đã có lời thành thật: “Tôi nói gì các ông gắng nghe lời tôi, đừng đi phép về trễ, hành quân mang đủ cấp số đạn, lựu đạn... Còn các ông muốn chưởi tôi trong bụng thì cứ việc...” Vào buổi hành quân, lính trong tổ chỉ huy ăn gì, tôi ăn như họ, đêm đến quấn chiếc poncho ngủ trên ổ rơm bên cạnh mấy người lính mang máy truyền tin đủ là một điều an lành, hạnh phúc.. Mấy ông bạn đại đội trưởng cùng đơn vị đánh giá tôi: “Mầy không biết làm lính sợ, thiếu uy tín, tác phong chỉ huy...” Và quả thật tôi không muốn ai “sợ mình”; “Có uy tín chỉ huy hay không” cũng không là điều đáng quan tâm. Đối với “nghề quân đội” còn như thế, vậy việc văn chương tôi nào dám làm đàn anh, thần tượng “gây lòng tin” cho ai được. Ra mắt sách để dự mưu, tính chuyện nầy nọ làm gì.. Với ai? Chỉ vì người bạn vong niên, nhà văn Chu Tử Chu Văn Bình muốn làm chung một buổi giới thiệu Cơ sở văn hóa Đất Sống do ông và những người bạn cùng chủ trương, lo việc tổ chức. Và cũng là một điềm báo trước, đấy là buổi ra mắt sách đầu tiên và cuối cùng của miền Nam với “Tù Binh và Hòa Bình – Tình trạng (thật) của sau 30/4/1975”, trong đó có những câu khẳng định: “Khẩu hiệu ‘Sinh Bắc-Tử Nam’ không phải là một khẩu hiệu ‘kích động chiến thuật’ nhưng là một ‘chỉ đạo chiến lược’ để hoàn tất cuộc xích hóa Miền Nam... Trận chiến cuối cùng là giữa chúng ta với những sư đoàn bộ binh cộng sản Miền Bắc qua tấm đệm ‘Mặt-trận – Mặt trận giải phóng Miền Nam’… Hình như cả thế giới, một số đông cả thế giới không nhìn được âm mưu ghê tởm độc hại nầy – Nhưng cũng là một âm mưu rất rõ mặt.” (Tù Binh và Hòa Bình, nxb Hiện Đại, Sàigòn 1974; bản photocopy nxb Xuân Thu, Hoa Kỳ 1976, trg 244). Còn nhiều nội dung có tính “tiên tri” rất chính xác (đối với hiện tại) khác nữa, v.v… Nhưng tôi không hề là “nhà văn”, giới văn nghệ, viết văn, làm báo của Sàigòn những năm ấy không xếp tôi vào hàng ngũ của họ. Họ có những sinh hoạt riêng, lính tráng chúng tôi không liên hệ. Ở hải ngoại nầy, hôm nay cũng vậy, dẫu chúng tôi từ lâu không mặc áo lính. Trước sau, tôi chỉ là một “Người Lính-Viết Văn” – Điều nầy, đã giãi bày thật tình trong những cuốn sách đầu tiên Dấu Binh Lửa, Dọc Đường Số 1… Nên chẳng phải hôm nay mà bốn-mươi năm trước (1968) khi bắt đầu cầm bút, tôi đã viết thành lời: “Chẳng có ai là thần tượng của tôi...” Nhưng bản thân không hề là kẻ cực đoan, vô chính phủ, nổi loạn không duyên cớ. Tôi là quân nhân chuyên nghiệp – Biết tuân lệnh và ra lệnh cho người khác – Chỉ số Chuyên nghiệp Quân sự 240.7, tức chỉ huy một đơn vị bộ binh tác chiến.
Ông cụ của bạn và bạn có “lòng tin” đối với chữ nghĩa của tôi như thế là tốt lành rồi. Tôi không đặt cho mình nhiệm vụ gì khác hơn là: Nói về Sự Thật mà không hiểu tại sao nhiều người (rất nhiều người) năng lực tri thức hơn tôi, chức vụ lớn hơn, bằng cấp cao hơn, kể cả lớn tuổi đời hơn nhưng họ không thấy ra… Ví dụ như vấn đề cộng sản – Cộng Sản Việt Nam – Đọc lại những báo Đối Diện, Trình Bày năm 1973, 1974 kia thì sẽ thấy… Lý Chánh Trung, Lý Quý Chung, Nguyễn Văn Trung, các linh mục Nguyễn Viết Khai, Chân Tín, Ngọc Lan (trước 1975) viết, nói những gì… Tại sao có thể nhận định sai lầm và nông cạn như thế đối với cộng sản? Lẽ tất nhiên, tôi cũng chưa một lần viết xuống nửa chữ: Tổng thống anh minh Nguyễn… Tóm lại, tôi không tin vào “sức mạnh” của quân đội và chuyển giao lòng tin nầy cho ai, nhưng tôi tin vào “Lý Chính Nghĩa” cuộc chiến đấu chung của toàn Miền Nam – Dẫu hôm nay là ba-mươi ba năm sau ngày 30/4/1975 – Và khi nguyên lý cao thượng nầy bị chà đạp, vất bỏ, Người Miền Nam nói riêng, cả nước nói chung tiếp hiện thực qua lần vượt biên/ vượt biển/ vượt chết không hề có trong lịch sử cổ kim nhân loại. Có thể do từ tính xã kỷ tự nhiên của người quen chịu đựng Khổ Nạn, không một ai trong tập thể người lính nói về tình thế, cảnh huống của riêng mình (trong chung cuộc chiến đấu của Người Việt), tôi tự nguyện thực hiện phần hành “không được bù trừ nầy...” Đấy là giai đoạn của Dấu binh lửa, Dọc đường số 1, Dựa lưng nỗi chết, Mùa hè đỏ lửa... khi mới qua tuổi hai-mươi với tư thế người lính tác chiến thực thụ sau ngày ra trường Đà Lạt, tháng 11/1963.
Trần Vũ: Ở thời điểm ra mắt sách, tình hình chiến sự miền Nam có thật sáng sủa như đôi mắt tin tưởng của Phan Nhật Nam khi ấy? Tin tưởng vào hòa bình sắp đến, tin tưởng vào những cam kết của Nixon? Hay anh tự đánh lừa mình, đánh lừa chúng tôi, hay Phan Nhật Nam cũng bị Cục Tâm Lý Chiến lường gạt? Các tập bút ký ghi lại nhiều chiến thắng của Quân lực VNCH, mà ngay cả khi thất bại, như trong trận Đồng Xoài hay khi bị tràn ngập trên đồi Charlie, đều được mô tả dưới góc độ bi hùng. Nhưng anh không nhắc đến trận Ấp Bắc và không nói đến Hạ Lào.
Phan Nhật Nam: Bạn nhận định tôi hơi quá đáng và không chính xác. Tôi tin tưởng vào “Hòa bình sắp tới… Lời cam kết của Nixon..” như thế nào, ở đâu? Lẽ tất nhiên, thuở ấy (1973, 1974...) tôi không đủ chín chắn, kinh nghiệm, khôn ngoan (hơn chính mình) của hôm nay (khi đã qua tuổi 60) được đọc hồ sơ giải mật của bộ ngoại giao Mỹ, qua đó Kissinger đã nhân danh tổng thống Nixon, cam kết với Chu Ân Lai từ tháng 7/1971: Mỹ Không bao giờ trở lại Việt Nam. Năm tháng sau, tổng thống Mỹ mới gởi những thư cam kết đến ông Thiệu (!). Nhưng ít ra lúc ấy, tôi đã viết nên lời, đấy là: “Một Hòa Bình ngụy danh… Toàn thế giới đồng hân hoan chúc tụng trên bàn tiệc máu Việt Nam… Không một ai trong chúng ta xác định được Hoà Bình (luôn viết hoa) đã có. Vâng, Hòa Bình (vẫn viết hoa) chỉ tới với một văn kiện, trên bàn giấy an lành ở thủ đô Ba-lê, trong đáy cốc...” Viết như thế, gặp thẳng mặt người Việt Cộng tại bàn hội nghị nơi Tân Sơn Nhất, nghe tận tai những lời “Nếu một vị đại tá Thọ nào đấy của quý vị bị bắt ở mặt trận Nam Lào thì ‘có lẽ’ do quân đội Giải Phóng Lào bắt giữ... Chúng tôi sẽ liên lạc với Quân Giải Phóng Lào để thông báo đến quý vị trong tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc...” trong khi bản thân đã chụp được hình của đại tá Thọ (lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 Dù, bị bắt ở mặt trận Hạ Lào, tháng 2/1971) trên đường giải ra Bắc trong tập báo Ảnh Việt Nam! Biết như thế, viết như thế làm sao mà tin được vào “hòa bình ─ Không đủ ‘gan lì’ để viết hoa được nữa” hở người bạn trẻ?
Còn Cục Tâm Lý Chiến là nơi đâu, tác động gì trong những nội dung tôi đã viết… Nếu có bước vào nơi chốn ấy vì đấy là tòa soạn báo Diều Hâu, nơi những huynh trưởng thân hữu, chiến hữu tập họp… Ít nhất, những người chỉ huy TC/CTCT/QL/VNCH (bao gồm Cục An Ninh Quân Đội) cũng có được sự dễ dàng nầy, chứ ở Hà Nội trước 1975, hay hiện nay nơi Sàigòn (đổi tên thành TP.HCM) thì đừng có hòng, tan thân ngay! Và không ai đem sinh mạng bản thân và gia đình để đánh đổi bởi một “sự (tự) lừa dối trong chữ nghĩa”… Hay bạn đã có ý nghĩ: Tôi “đã chọn lựa” ở lại Sàigòn sau 30/4/75 để (vô tình hay hữu ý) hiện thực “sự tự đánh lừa ‘một cách thành thật’ qua chữ nghĩa của mình” nên lâm vào thế kẹt do tự thân giăng ra? Không đâu. Tôi không đủ sức để liều lĩnh như thế với mạng sống của vợ con. Nhưng quả thật, tối 28 rạng 29/4/75 tôi có mặt và phụ trách việc đưa người lên phi cơ trong cơ quan DAO, nếu quyết tâm ra đi do ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân thì tôi đã lên trực thăng CH46 của TQLC Mỹ ra hạm đội 7... Sáng 29, tôi đứng trước Tử Sĩ Đường Không Quân, phi trường Tân Sơn Nhất, bên hông trại Trần Quý Mại (tiểu đoàn 8 Dù) nhìn lên trời, chụp hình chiếc phi cơ AC-119 Hỏa Long của trung úy Nguyễn Văn Thành (thiếu sinh quân “Thành mọi”) cháy trên trời xanh với chiếc dù của Thành mắc nơi cánh... Tôi vẫn có thể đi theo bộ tư lệnh Sư đoàn Dù ra bến tàu. Nhưng sự việc ở lại có một nguyên cớ quyết định sâu xa, kỳ lạ khác (hoàn toàn không có tính chính trị, giải thích bởi luận lý thông thường). Bạn đọc Crime et Châtiment, đoạn Raskolnikov giết xong mụ cầm đồ Alyona, chạy ra cầu sông Neva, nhớ lại “phút bất ngờ” ngày hôm trước khi anh ta qua Chợ Hàng Rơm nghe ra chi tiết, “cô em Lizaveta ‘sẽ vắng mặt’ ở phút giây ‘định mạng chết người ấy’” thì hiểu ra tình thế, tâm cảnh của tôi với những phản ứng “không thể nào lường, không thể giải thích” tại mỗi giây, phút của trước, sau 30/4/75. Nhưng tôi không hề “ân hận than trách” về quyết định chết người ấy. Cũng bởi bây giờ thì đã “thấm hiểu” ─ Tất cả đã được báo trước từ 1946 tự giấc mơ đầu đời (vẫn luôn nhớ/sống cùng hiện tại); trong Lời dẫn nhập của Dấu Binh Lửa, viết năm 1968: “...Những giấc mơ hôm nay thường dẫn đến chủ đề NƯỚC... Tôi bị ‘mắc kẹt trong nước’ của cống rãnh..’” hoặc hiện thực ngay trong tên họ: Phan Nhật Nam = Phạm Nhân Nan = Phạm Nan Nhất. Trung úy thực thụ từ tháng 6/1965 sau trận Đồng Xoài, đến 1975 mới được cấp bậc đại úy nhiệm chức thì làm gì phải đi tù đến 14 năm, chuyên ở phòng cấm cố tử hình! Giờ lại bị những kẻ bá vơ vô lại nào đó không một ngày chiến trận, không hề chịu một giờ, khắc tù tội, không một chút kinh nghiệm với cộng sản… nơi vùng Nam Cali, nước Mỹ qua những đài phát thanh, báo quảng cáo địa phương, trên hệ thống Net cáo buộc gán cho tiếng “cộng sản nằm vùng”! Như thế là thế nào… Nhưng cũng không hề gì, đã qua khỏi tuổi 60 thì mọi chuyện coi như “thuận nhĩ”. Tôi không theo cách ai khác hơn từ ông niên trưởng – nhà văn rất mực thuần lương – Doãn Quốc Sỹ, điển hình Kẻ Sĩ cuối cùng của thời mạt pháp nầy.
Nhưng nếu cho “làm lại”, thì tôi cũng sẽ sống như thế/viết như thế. Nguyên tắc tình báo có “tính xác xuất” là: Giữa muôn ngàn nguồn tin – hai nguồn tin giống nhau, PHẢI là nguồn tin THẬT – Cũng thế, Chân-Thiện-Mỹ chỉ có MỘT. Tôi cũng sẽ viết lại trận Đồng Xoài (11/6/1965) của tiểu đoàn 7 Dù với hậu quả 14 sĩ quan từ tiểu đoàn trưởng đến trung đội trưởng tử trận, phần còn lại số bị thương, bị bắt làm tù binh. Năm đại đội trưởng còn lại mỗi đại úy Lê Văn Phát, đại đội trưởng 74. Tôi sống được là do “hên”, bị thương trước khi tiểu đoàn vào trận. Trận Tây Nguyên năm 1972 cũng sẽ viết lại chính xác hơn để kể về sức chiến đấu thần kỳ của lính nhảy dù Miền Nam. Tiểu đoàn 2 Nhảy Dù do Trần Công Hạnh (khóa 20 Đà Lạt) chỉ huy, một thân giữ vững cao điểm Delta đánh bật Trung đoàn 52 Sư đoàn 320 (Đại đoàn Đồng Bằng, thành lập từ 1951, đơn vị nổi danh của bộ đội miền Bắc), dẫu trung đoàn nầy đã đánh vào đến bộ chỉ huy tiểu đoàn (30/3/1972), nhưng Hạnh quyết định gọi phi pháo đánh trùm lên căn cứ, cùng các đại đội trưởng tài trí dũng cảm tổ chức lại đội hình phản công. Hạnh cũng đã thực hiện tương tự một lần như thế ở mặt trận Hạ Lào, tháng 2/1971, khi đưa đơn vị rút ra khỏi Đồi 30 dẫu khi ấy chỉ mang cấp đại úy, chức vụ sĩ quan hành quân. Rút kinh nghiệm thất bại về trận đánh căn cứ Delta với tiểu đoàn 2, thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, tư lệnh mặt trận B3 điều động trung đoàn 64, tăng cường hai tiểu đoàn của trung đoàn 48, hiệp đồng đánh chiếm cao điểm Charlie do tiểu đoàn 11 Dù trấn giữ… Hệ thống trận địa quanh căn cứ Charlie mỗi cao độ chỉ do cấp đại đội với quân số cơ hữu dưới 100 người phải chống cự những đợt tấn công cấp trung đoàn cộng gồm 6 tiểu đoàn (mỗi tiểu đoàn có 4 đại đội tác chiến) dưới quyền chỉ huy của Khuất Duy Tiến, trung đoàn trưởng trung đoàn 64 – đơn vị đánh trận Hạ Lào, từng đối mặt với lực lượng nhảy dù. Tương quan quân số trận đánh Charlie như thế là “1 chống 6”. Khi tấn công mỗi cứ điểm, tỷ lệ nầy tăng lên, 1 (đại đội ND) chống 8 (hai tiểu đoàn CS); hoặc 1 chống 12 (ba tiểu đoàn CS). Tất cả chi tiết chiến thuật nầy do thượng tướng Đặng Vũ Hiệp kể lại trong Ký ức Tây Nguyên, nxb Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội 2002, trg 236-244. Trong Từ điển Bách khoa Quân sự, nxb QĐND, Hà Nội 2004, phần chiến sử năm 1972 của Sư đoàn 320 không được kể ra. Sáng 30 tháng 4, 1975 những người chiến đấu cuối cùng trên cầu Sàigòn không ai khác là những người lính của đơn vị đầu đời, tiểu đoàn 7 Nhảy Dù, KBC 4919, do người bạn cùng khóa, trung tá Nguyễn Lô, danh hiệu truyền tin “Sông Lô” chỉ huy. Cùng lúc, khi Dương Văn Minh kêu gọi đầu hàng, tôi đứng ở đường Lê Văn Duyệt trước trại Nguyễn Trung Hiếu, tiểu đoàn 1 Dù với Trần Công Hạnh, tiểu đoàn trưởng đơn vị vừa kể bên trên. Với những người, đơn vị kiên cường như thế, những người bạn dũng lược như thế, những người lính xã kỷ như thế… tôi có thể viết như thế nào khác.
Mùa hè 1965, mặt trận Tây Nguyên bùng vỡ, thiếu tá Schwarzkopf (đại tướng tư lệnh chiến dịch Bão Sa mạc tại Iraq 1991) cố vấn cạnh trung tá Ngô Quang Trưởng, tham mưu trưởng lữ đoàn Dù (đến cuối năm mới nâng cấp thành sư đoàn). Cấp bậc thiếu tá, nhiệm vụ cố vấn không phải phụ trách việc cứu trợ thương binh, nhưng ông đã cùng y tá tiểu đoàn 3 Dù dìu một thương binh ra khỏi trận địa pháo kích nơi trại Lực lượng đặc biệt Đức Cơ – hình do Peter Arnett (Associated Press) chụp. Arnett không phải là người ưu ái hỗ trợ cuộc chiến đấu của QLVNCH, thiếu tá cố vấn Schwarzkopf hẳn không thể căng thân đi cứu một người lính cấp hàng binh của một đơn vị kém cỏi, tầm thường. Phải thấy sức chiến đấu của lính nhảy dù Việt Nam ra sao mới hiểu được mối động lòng cảm phục từ người chiến hữu Đồng Minh trung trực kia vậy. Tôi tiếc đã không viết đầy đủ hơn, chi tiết hơn về những trận đánh nơi Miền Nam trước 1975 của những chiến hữu, đơn vị thiết thân.
Trận Ấp Bắc cuối 1962, đầu 1963 tôi chưa ra trường; trận Hạ Lào (2/1971), tôi chuyển đi làm sĩ quan văn phòng ở tiểu khu Bà Rịa (Phước Tuy). Chiến dịch nầy quá lớn nếu có trình bày cũng không thể viết dưới dạng bút ký – phải viết theo cách nghiên cứu, liệt kê tài liệu quân sự. Bernard Fall không thể viết Un coin d’enfer theo kỹ thuật lịch sử tiểu thuyết như La Quán Trung kể trận Xích Bích với Chu Du, Khổng Minh… nhưng sau nầy, cũng đã có Phan Hội Yên (tiểu đoàn 3 Dù) kể trận đánh Đồi 30, Phạm Văn Tiền (tiểu đoàn 2 TQLC) nói về lần triệt thoái tàn khốc khỏi căn cứ Delta của Lữ đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến VNCH trong trận chiến Hạ Lào. Hai người bạn nầy không phải là cây viết chuyên nghiệp, nhưng diễn tiến chiến trường họ viết ra chính xác và hay hơn bất cứ chuyện kể (về chiến trận) nào của người miền Bắc như Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh; Nguyễn Tri Huân, Tháng Ba 1975 Họ đã sống như thế… Văn phong và cách đặt tiêu đề thôi cũng thấy hơi hám của “Thép đã tôi thế đấy” của Liên-Xô. Tiểu thuyết Nga vĩ đại do đã dựng nên những nhân vật tiểu thuyết đặc trưng bởi Dostoievsky, Tolstoy chứ đâu từ anh trẻ tuổi Pavel làm cách mạng xã hội chủ nghĩa với chân trần đứng xúc tuyết. Tìm đâu ra trong chiến tranh miền Nam một du kích ở Quảng Ngãi chỉ với vũ khí tự chế bắn hạ máy bay trực thăng, đánh tan một đại đội bộ binh Mỹ như trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm? Và tìm đâu trong thực tế mà tiểu thuyết được quảng bá rùm beng của Bảo Ninh đã mô tả về “thằng giặc Mỹ xâm lược bạo tàn” sau hiệp định Paris 1973; “thằng ngụy dù” với chiếc nón đỏ mắc ở cầu vai khi đi hành quân! Người thường trực sống, chết nơi chiến trường (lại là chiến trường Việt Nam với máu xương của chính mình, đồng đội, đồng bào, kể cả đối phương cùng màu da, sắc tộc) đọc những nội dung tuyên truyền tầm phào nầy không khỏi đỏ mặt vì ngượng, thấy mình bị coi thường, đánh lừa bởi những kẻ ngây ngô, thô thiển. Lính biệt kích miền Nam hoạt động nhảy toán phải áp dụng một tiêu lệnh tối thượng: Tuyệt đối tránh đụng độ / Xóa sạch dấu tích, sinh hoạt / hiện diện... Thế thì làm sao lại đi hiếp dâm, cắt đầu vú, vạch nát cửa mình nữ bộ đội trên đường giây giao liên như trong Tiểu thuyết Vô đề Dương Thu Hương đã mô tả? Thế nên, vì không muốn phải mang lỗi viết dối nên tôi không viết về Ấp Bắc, Hạ Lào như đã sống – Chỉ có thể viết về những chiến trận nầy như đã đọc mà thôi nên đã viết tiểu luận quân sự Hạ Lào... Quá xa (2002). Trong tinh thần nầy, tôi cũng đã hoàn tất được một phần của tập Chiến sử (1954-1975) dự trù, nhưng phải bỏ dở...
Có một chi tiết về chiến tranh Việt Nam mà không một ai để ý viết ra, nói đến: Phía bộ đội cộng sản không hề bắt được một tù binh Mỹ thuộc quân chủng bộ binh, binh chủng thiết giáp, pháo binh (những đơn vị yểm trợ quân bộ chiến) chứ đừng nói TQLC, Nhảy dù, Lực lượng đặc biệt Mỹ – 519 cộng với 10 người bị bắt ở mặt trận Lào, người trả tại Hà Nội thuần là phi hành đoàn Mỹ và vài nhân viên phi hành các nước ngoài (Thái, Phi Luật Tân…) tháp tùng các phi vụ B52. Phía cộng sản nhận về: 26,508 người (danh sách tiên khởi; bổ túc lên 26,750 cuối tháng 3/1973); VNCH nhận: 5081. Những số liệu nầy do Tiểu ban Tù binh/Ban Liên hợp Quân sự/VNCH (bản thân cá nhân là thành viên trung ương mang danh số #41) đúc kết, thiết lập kế hoạch trao trả, và thực hiện trao trả khắp các địa điểm từ Năm Căn đến Hà Nội. (Tù binh và Hòa bình, trg 166-167)
Số hiệu cụ thể về tù binh mỗi bên đã chỉ cho thấy: Chiến tranh chống Mỹ là gì? Ở đâu? “Ai thắng Ai” trong mặt trận quân sự.
Trần Vũ: Giống hầu hết các thiếu niên thành thị, tôi không biết miền Nam đang chiến tranh. Thủ đô Sàigòn với đường Nguyễn Du êm dịu, đường Duy Tân thơ mộng, đại lộ Nguyễn Huệ thênh thang, đại lộ Lê Lợi sầm uất, đánh lừa tôi là đất nước rất yên bình. Dạo đó tôi đã bắt đầu say mê chiến tranh, những trận đánh của Rommel, Hoth, Kesselring, Guderian, von Kleist, von Manstein của tủ sách Adolf Hitler của nhà xuất bản Sông Kiên, các hồi ký Thái Bình Dương của Saburo Sakai, Tameichi Hara... Phải đến Phan Nhật Nam, phải sau khi đọc Dọc đường số 1, Dấu binh lửa, Mùa hè đỏ lửa, tôi mới bất chợt khám phá chiến tranh ở Long Thành, ở Trảng Bom, ở Dầu Tiếng, ở đồn điền Xa Cam cách nơi mình sinh sống không đầy trăm cây số. Hơn một khám phá chiến tranh, tôi khám phá chân dung của người lính Cộng Hòa mà tôi thực sự tin vào những điều anh viết. Chân dung của người lính miền Nam, cao cả, bình lặng, bi tráng trên một đất nước điêu linh, trầm thống. Và người lính đó với 50 ký lô xương thịt, với tất cả bất công của cuộc chiến, cong oằn xuống dưới sức nặng của 35 ký đạn dược, chăn mùng mền, thực phẩm đã tồn tại như một phép lạ nhiệm mầu. Tôi chỉ lập lại những điều anh viết. Hôm nay, đã bại trận, anh còn tin vào những điều mình đã viết? Có thật nhiệm mầu, khi nhiệm mầu không xảy ra, đã chấm dứt. Anh có cường điệu, đã tô vẽ thái quá hình ảnh của người lính Cộng Hòa hay không? Và phẩm chất tác chiến của người lính Cộng Hòa có thật sự như anh viết trong bút ký? Tôi muốn một câu trả lời thật.
Phan Nhật Nam: Không điều gì phải cường điệu, hoặc nói quá nếu sự thật không phải là như thế, chỉ sợ không đủ tư cách, khả năng, bản lĩnh để nói về Sự Thật (dẫu đau lòng cay nghiệt) ấy mà thôi. Tôi không hề viết về “những anh lính hào hoa, viết thơ cho người yêu trên ba-lô, dưới ánh trăng, gắn hoa lên đầu nòng súng...” như cách mô tả trong văn chương, âm nhạc đại chúng miền Nam; hoặc “đường ra trận mùa nầy đẹp lắm.. Bác cùng chúng cháu hành quân..” của văn công ngoài Bắc. Tôi viết về hạ sĩ Toản mang máy truyền tin đại đội phải đào ngũ vì gia đình ngoài Trung lâm cùng cảnh tan tác; binh nhất Huệ tự tử khi đứng gác do buồn phiền chuyện người vợ… Nhưng chính những người lính gầy gò, khắc khổ, phải tình cảnh tội nghiệp kia của sáu tiểu đoàn nhảy dù đã đánh trận Đồi 1062, tại Thường Đức, Quảng Nam với cách thức cá nhân tác chiến, cắn từng bụi cỏ, bám đá núi để xông lên cận chiến chiếm mục tiêu đối phương cố thủ từ tháng 8/1974. Những mục tiêu được phòng thủ cực độ vững chắc với thân cây rừng đặt sâu trong lòng núi mà bom và pháo binh không thể phá hủy được. Đánh từ tháng 8 đến tháng 11, mất đi, chiếm lại từng thước đất, đã có lúc bị trung đoàn 24 của Sư đoàn 304 CSBV dùng hỏa công thiêu đốt như trận đánh ngày 29/10/74. Chiếm lĩnh, kiểm soát được toàn bộ các cao độ 1235, 1062 quanh quận Thường Đức để rồi tháng 3-1975 được lệnh rời bỏ những vị trí đã đánh đổi bởi mạng sống của bao đồng đội, máu của bản thân... Lính rút ra quận Đại Lộc, cởi đôi giày, chiếc vớ kéo theo lớp da chân từ bao ngày bó chặt! Hãy nhớ, lính và sĩ quan những đơn vị tổng trừ bị (Dù, TQLC, Biệt Động); kể cả những sư đoàn diện địa như Sư đoàn 1 Bộ Binh (Trị-Thiên); các đại đội thám sát tỉnh... phần đông nếu không nói hầu hết là lính tình nguyện. Ở trường Thủ Đức, sĩ quan mãn khóa phải giành nhau chỗ về Nhảy dù, TQLC; sĩ quan thủ khoa các khóa 16, 18, 19, 20 Đà Lạt đồng chọn đơn vị tổng trừ bị. Phải thấy cảnh tượng đoàn xe GMC đậu ở Ngã Sáu Sàigòn (bùng binh tượng Phù Đổng thiên vương) trong suốt năm 1972 thay phiên nhau đưa sinh viên các phân khoa đại học Sàigòn tình nguyện nhập ngũ về Quân vụ Thị trấn (trại Lê Văn Duyệt); gia đình phần đông không được họ thông báo về quyết định tình nguyện nhận nhiệm vụ nguy nan của người lính ─ Nguy nan chết người chứ không như sách báo, thi ca, âm nhạc tô vẽ… Sĩ quan đại đội 94/Tiểu đoàn 9 Dù chỉ trong một đêm giao thừa Mậu Thân 68 đã đồng loạt tử trận tại tuyến chiến đấu nơi khu nhà thờ Tri Bưu Quảng Trị; đơn vị chỉ còn lại một chuẩn úy mới ra trường Thủ Đức do đi phép về tiền trạm đóng ở Huế ăn Tết, và trung úy Tâm đi phép Sàigòn cưới vợ. Chỉ có lính Sư đoàn 1 Bộ Binh mới có khả năng chiếm lại các căn cứ Bastogne, Checkmate mà Thủy Quân Lục Chiến Mỹ trước đây phải rời bỏ vì không chịu nổi áp lực địch trong mùa hè 1972.
Trước 1975, những người lính kể trên không một lời tán thán. Không một lần đòi được đền bù, báo ân. Và những giờ phút đầu tiên của ngày 30/4/1975, họ là những người bị bắn ngay trên giường bệnh viện Đỗ Vinh, bệnh viện 3 Dã Chiến Sàigòn nếu có lời chống cự, không di chuyển được do thương trận từ những ngày chiến trận tàn cuộc... Họ phải sống vì không còn khả năng tay, chân thực hiện lần tự sát; phải sống để chứng kiến con đi nhặt rác, chết vì đạp đinh nhiễm trùng sài uốn ván; vợ mang thân đi khách ở chợ Bà Chiểu bị công an bắt vào trại phục hồi nhân phẩm, chết do lây bệnh phong tình không chữa trị... Chữ “nhiệm mầu” nói sao cho đủ, đúng về trường hợp của mỗi Người Lính nầy (mà không là trường hợp cá biệt/nhưng là trường hợp tổng quát, chung nhất). Tôi cảm nhận, thấy ra rất rõ điều nầy từ ngày mới ra trường, sống cùng những “bác trung sĩ, hạ sĩ...” chung trung đội, đại đội; nhìn những đứa con, những người vợ của họ nơi trại gia binh. Suốt những tháng đầu năm 1968, trong chiến dịch dài hạn bảo vệ vòng đai Sàigòn, ở Nhị Bình, Gò Vấp, Gia Định, mỗi buổi sáng di chuyển ra khỏi chỗ đóng quân là đụng địch, đạp phải mìn bẫy... nhưng những người lính vẫn bước tới sau thoáng chớp mắt ưu tư, tiếng thở dài rất ngắn ghìm giữ lại. Miền Nam có được 21 năm tự do-dân chủ trên lưng những người lính nầy. Sau 30/4/1975, cả dân tộc (không phân biệt Nam-Bắc) đồng lâm cảnh cùng khốn vì không còn người lính Bảo quốc-An dân. Người Việt Nam biến thành loại tiện dân, phiêu bạt khắp cùng thế giới, nơi các trại tỵ nạn, giữa các đảo hoang vây quanh, dày xéo bởi hải tặc Thái, ngư phủ Mã Lai hung hiểm. Thế nên: Chữ “nhiệm mầu” sợ nói không đủ đối với trị giá, phẩm chất của Người Lính Miền Nam. Hơn thế nữa, bản thân họ và gia đình đồng lần lâm cảnh huống, chịu đựng chung thân phận bi thảm của mỗi người Việt. Họ gánh phần nặng nhất, đau thương nhất, trước tiên hơn bất cứ ai. Nhiệm Mầu – Mystère có âm hưởng tương tự với Misère – Cùng Khốn. Nói có đủ đâu hở Vũ!
Trần Vũ: Nhưng ở đâu ngày 30 tháng 4-1975, các “nhân vật” thật của anh, những nhân vật kiêu hùng đã làm chúng tôi say mê? Ở đâu “Mê Linh” Mễ, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 11 Dù? Ở đâu “Lê Lợi tân thời” Lê Quang Lưỡng, con beo gấm của Nhảy dù? Ở đâu trung tá Nguyễn Văn Đỉnh người đã “bắt tay” An Lộc, thiếu tá Phạm Kim Bằng đã giữ Đồi Gió, Đồi Quốc Tuấn, “Robert Lửa” Nguyễn Xuân Phúc, niên trưởng của Khóa 18 Võ bị Quốc gia Đà Lạt? Và ở đâu những trung tá Bùi Quyền đã “đục” thành Quảng Trị, thiếu Tá Lô “Lọ rượu” đã phá chốt đèo Chu Pao... Tại sao tất cả biến mất? Tại sao tất cả tan hàng? Ở đâu những Long Phụng, Tố Quyên, Trọng Nhi, Minh Hiếu, những “Đích Thân”, những tiểu đoàn trưởng xuất sắc Nguyễn Chí Hiếu của tiểu đoàn 5, “Bắc Bình vương” Đoàn Thiện Tuyển của tiểu đoàn 8, những “đường sơn đại huynh” của pháo binh Dù và những chi đoàn chiến xa M-48 “hung nhất miền Trung” từng xuất hiện trong Mùa hè đỏ lửa của anh? Và cá nhân Phan Nhật Nam ở đâu, anh làm gì?
Phan Nhật Nam: Tất cả vẫn còn hiện diện đủ trong ngày 30 tháng 4, 1975 – Tất nhiên chỉ vắng mặt những người đã chết, tránh được sự nhục nhằn của lần sụp vỡ đầu hàng. Vậy chết chưa hẳn đã là điều đau thương, hứng chịu nghiệt ngã. Nhưng những người lính còn sống ấy có thể làm gì khi chính bản thân và đơn vị họ rơi vào chiếc bẫy sập giăng ra từ lần rút bỏ Tây Nguyên (15/3); Huế (24/3); Đà Nẵng (29/3); Nha Trang (30/3)… và cuối cùng, cửa ngỏ Đông-Bắc Sàigòn, Long Khánh (20/4). Chỉ riêng lần rút bỏ Tây Nguyên, chỉ còn 5 ngàn quân trong 20,000 quân nhân thuộc các đơn vị tiếp vận; 900 lính của 5 liên đoàn Biệt Động Quân về đến Tuy Hòa sau 10 ngày tái phối trí lực lượng! 75% lực lượng của Quân đoàn II gồm bộ binh, thiết giáp, chiến xa, truyền tin, công binh.. bị tiêu diệt trên 200 cây số đường di tản (Cao Văn Viên, The Final Collapse, trg 153-155). Riêng bản thân cá nhân khi (28/3) theo nhân viên cứu trợ đến tại trại tạm cư đèo Rù Rì nhận biết được số liệu có 60,000 dân của 200,000 người từ Tây Nguyên di tản về đồng bằng... 140,000 người kia nay sống chết nơi đâu? Dân và lính chết không phân biệt, người dân Huế-Thừa Thiên chết trên “pháp trường cát” Thuận An cùng lúc, cùng cảnh, cùng lần với lính Lữ đoàn 258 TQLC... Những người lính dựng cờ nơi Cổ thành Đinh Công Tráng, Quảng Trị trong ngày hè lẫm liệt 1972 nay trần trụi phơi thân dưới đạn pháo, trên sóng nước bãi biển Thuận An. Cũng tương tự như thế, những chốt nhỏ cấp bán tiểu đội của các tiểu đoàn 2, 5, 6 Dù hoàn toàn bất lực (như một điều tất nhiên) trước đợt tấn công của một quân đoàn gồm ba sư đoàn bộ binh nặng của Mặt Trận B3/CS từ Ban Mê Thuộc cùng ào xuống đồng bằng theo ngả đèo Khánh Dương. Bản thân mỗi người lính chiến đấu ở cấp tiểu đội, đại đội kia có thể làm được gì? Thậm chí cho tập trung được một lữ đoàn, như trường hợp Lữ đoàn 1 Dù dưới quyền chỉ huy của trung tá Nguyễn Văn Đỉnh, với lữ đoàn phó Lê Hồng, giữ được mặt trận Long Khánh vài ba ngày cuối cùng cũng phải rút lui theo lệnh của tổng thống Thiệu theo tỉnh lộ 2 về Phước Tuy... Sự cố ý xé bỏ (các đơn vị tổng trừ bị) nầy rất dễ nhận ra, nên sau nầy tại hải ngoại, tướng Lê Quang Lưỡng, tư lệnh cuối cùng của sư đoàn Dù đã có bài viết “Tại sao Thiệu xé lẻ sư đoàn Dù... Sư đoàn Nhảy Dù, Ai còn. Ai mất...”, dẫu ông luôn là người lính thuần thành chứ không là giới sinh hoạt chính trị. Trận đèo Khánh Dương trong vài ngày ngắn ngủi (cuối tháng 3/75) vỡ tan Lữ đoàn 3 gồm các tiểu đoàn 2, 5, 6; Trận Phan Rang hai ngày 15, 16 tháng 4, Lữ đoàn 2 bị tràn ngập, lữ đoàn trưởng, đại tá Nguyễn Thu Lương bị bắt cùng với bộ tư lệnh tiền phương Quân khu III. Những ngày cuối cùng trước khi từ chức, ra nước ngoài, với chức vụ tổng thống, ông Thiệu quyết định việc điều động đến cấp tiểu đoàn bởi lo sợ một âm mưu đảo chính – Mối lo sợ về một mưu định rất có khả năng thực hiện bởi bất cứ một sĩ quan cấp chỉ huy nào.
Triệu Tử Long có thể phò ấu chúa A Đẩu giữa rừng gươm giáo thời Tam Quốc, nhưng trung tá Nguyễn Lô với một tiểu đội lính còn lại làm sao ngăn cản đợt tấn công cuối cùng của chiến dịch HCM gồm 16 sư đoàn bộ binh cộng sản Bắc Việt, chưa kể lính chủ lực Miền, và du kích địa phương? Cuộc tổng tấn công được cả một khối cộng sản yểm trợ, và quốc hội Hoa Kỳ quyết liệt cắt giảm quân viện.
Nhưng dẫu có nhận được vài trăm triệu đô-la kia tất cả cũng đã là vô ích vì không phải đợi đến những ngày sau di tản triệt thoái cao nguyên (3/75) mới bày ra cơn hấp hối của Miền Nam mà đã nên thành hiện thực từ mặt trận im lặng nơi Dinh Độc Lập với một “ước tính chiến lược” qua phiên họp hai ngày 9, 10 tháng 12/1974: Sẽ không tăng viện cho Vùng II (Cao Nguyên), chỉ củng cố vòng phòng thủ Nam và Tây Sàigòn, hướng Tây Ninh (cách Sài gòn 100 cây số)… Viên gián điệp tình báo chiến lược nơi Dinh Độc Lập (một trong bốn người thân tín của ông Thiệu) khẩn cấp báo về Hà Nội ngày 20 – bản báo cáo tuyệt mật nầy văn phòng CIA ở Sàigòn bắt được nhưng họ “cũng cùng đành im lặng” vì nhân viên tình báo kia cũng làm việc cho họ. Chúng ta có thể suy diễn không sai lầm sau 33 năm mất nước: Chẳng lẽ người Mỹ lại trực tiếp bày vẽ cho cộng sản nên đánh ở đâu? Trận Phước Long sau đó (mở màn 13/12/1974 và kết thúc ngày 28) với sự im lặng “rất có ý nghĩa của người Mỹ” qua thực thi nghiêm chỉnh Tu chính án Case & Chuck “Cấm tất cả hoạt động quân sự của Mỹ vào Đông Dương” được ban thành đạo luật bởi Nixon từ tháng 12/1973. Toàn tỉnh Phước Long đồng loạt bị lấn chiếm dẫu bộ Tổng Tham Mưu đã gởi đến đó Liên đoàn 81 Biệt Cách – đơn vị dựng nên kỳ tích ở mặt trận An Lộc, 4/1972. Năm ấy, 1974 không còn một phi xuất B52 yểm trợ, cùng lần, hạm đội 7 bỏ vùng biển Việt Nam quay mũi hướng về Châu Phi. Hạm đội hùng mạnh nầy cũng đã khóa chặt toàn thể vũ khí, kho máy bay, hệ thống phóng ngư lôi trong lần vỡ trận Hoàng Sa, 1/1974. Người lính, bản thân mỗi người lính Miền Nam làm được điều gì khi đạn bắn đi phải đếm từng viên một.
Sau 30/4/75, 10 tiểu đoàn trưởng nhảy dù của 12 tiểu đoàn tác chiến có mặt tại trại tập trung, ba lữ đoàn trưởng đồng nhận án hơn mười năm tù mỗi người. Năm người vượt trại đầu tiên nơi miền Bắc (7/1976) có ba trung tá và một thiếu tá thuộc Sư đoàn Nhảy Dù – trung tá Nguyễn Lô, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù bình thản nói trước cột xử bắn: Tôi chịu trách nhiệm tất cả về việc trốn trại. Chúng tôi đã trình diện đi tù, chấp nhận cái chết là điều tất nhiên. Toàn trại ngồi chờ chứng kiến lần xử bắn đồng nghe rõ lời Sông Lô.
Tôi không hề cường điệu khi nói về những người bạn lính của mình – Họ vẫn giữ vững phần bền bỉ kiên cường trong phận số khắc nghiệt chung. Lẽ tất nhiên không phải tất cả đều ngang tầm kiệt liệt của Sông Lô – Nhưng có hề gì, ba-mươi ba năm sau 1975, hôm nay Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ vẫn hiện hữu. Ba Sọc Đỏ ấy tượng trưng cho Máu của Người Việt – có phần lớn máu người lính VNCH.
Trần Vũ: Trưa 30 tháng 4, tôi hãy còn nhớ, sau khi tướng Dương Văn Minh đầu hàng, trong lòng tôi giận dỗi các anh vô cùng. Gia đình chúng tôi đã tin vào quân đội đến cùng, thầy tôi nhất quyết không di tản vì muốn sát cánh cùng quân đội. Mà như thầy nói, ai cũng chạy hết thì lấy ai giữ nước, nuôi quân đội? Chúng tôi buồn bã vô hạn. Tại sao các anh đầu hàng? Vì sao các anh tuân lệnh không một phản ứng? Tôi muốn biết vì sao người lính Cộng Hòa đầu hàng dễ dàng như vậy, trong một buổi trưa, trong vài giờ đồng hồ, không một chính biến, không một hành động sau cùng. Các anh đã kháng cự suốt hai mươi năm, mà sao không ai truất quyền Dương Văn Minh phút cuối cùng? Sao không lui về Cần Thơ, Phú Quốc kháng cự như Tưởng Giới Thạch đã lui về Đài Loan? Tôi muốn tin chính ước vọng hòa bình, ý thức nội chiến khiến các anh quyết định chấm dứt tương tàn, chấp nhận tù đày để đất nước thanh bình, nhưng rồi hòa bình không như mong muốn, thống nhất nhưng vẫn phân chia Nam - Bắc, phân chia giai cấp, phân chia Ngụy và Liệt sĩ, khiến các anh căm phẫn. Rất nhiều cựu sĩ quan miền Nam nói với tôi là họ ân hận đã buông súng. Nếu biết trước sau 30 tháng 4 sẽ như vậy, họ sẽ chiến đấu đến cùng, đến chết, không đầu hàng. Còn Phan Nhật Nam? Nếu bây giờ đi lại trên quốc lộ 1, cùng với Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù cũ của anh, đi đầu đại đội 72 mà anh từng làm đại đội trưởng, nhận lệnh buông súng, anh phản ứng ra sao?
Phan Nhật Nam: Bản thân tôi không cố ý làm ra điều văn vẻ, trầm tư để viết nên văn chương chữ nghĩa khi trả lời câu hỏi nầy... Nhưng chẳng cần đợi đến sáng 30 tháng Tư, 1975 mà tôi đã viết đủ trong “Ngày Thật chết với quê hương” – Cái Chết thật ra đã hiện diện với những báo trước rất cụ thể từ trận Đồng Xoài (6/1965); từ Mậu Thân (1968)... Hằng đêm từ đồi Căn Cứ Nguyễn Huệ (hậu cứ Lữ đoàn 2 Dù) nhìn ra Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa... Và gần nhất là đêm tối 15/3/1975 tại Pleiku khi Quân đoàn II bắt đầu lần rút bỏ cao nguyên; chiều 25/3 trên đèo Hải Vân (địa giới Thừa Thiên-Quảng Nam) khi Lữ đoàn 1 Dù bàn giao vị trí cho Tiểu đoàn 8 TQLC; trong ngày 30/3, khi toàn thành phố Nha Trang câm lắng xuống để nghe tiếng sóng đập vào bờ qua dãy xác chết lắt lay trên bãi cát… Toàn xác chết đàn bà con trẻ. Nhiếp ảnh viên Kevin Carter, người đoạt giải Pulitzer về phóng sự nạn đói ở Sudan, đã không thể sống nổi sau khi chụp cảnh đứa trẻ hấp hối trước con kên kên chờ móc ruột! Cũng tương tự như thế, những người lính, cụ thể bản thân với chính xác thân, mỗi giác quan với từng giờ, từng ngày suốt từ 13/3 cho đến 30 tháng 4... thấy ra một điều: Sống là một cái tội! Chết cũng là một sự vô ích... Trở lại sự kiện bản thân ở lại Sàigòn sau 30/4, có nhiều nguyên do khách quan, chủ quan, tích cực và tiêu cực... nhưng bao trùm tất cả là cảm ứng: Đi Mỹ hay ở lại (chết) ở Việt Nam tất cả cũng là vô ích – Hẳn nhiều người cũng có ý nghĩ nầy nhưng không nói ra lời đấy thôi... Cũng cần nói thêm một phản ứng có thật: Mong được chấm dứt chiến tranh với giá sinh mạng là bản thân mình thì cũng là điều đáng chấp nhận... Và tự an ủi khi ngồi trong toa chở súc vật trên chuyến tàu lên Yên Bái đêm 22/6/1976: Coi như đất nước thanh bình (được) đi chuyến tàu lên Miền Bắc! Nhưng tất cả cảm ứng “tự an ủi / tự thúc dục nầy” dần bị đổ nhào như gặp phải tình cảnh sáng mồng hai Tết Mậu Ngọ (1978) khi đi thu hoạch lúa ở ngọn đồi sau lưng Trại 10 (Yên Bái)... Người đàn ông dáng thanh lịch dẫu áo quần rách vá, vẻ hư hao, tiều tụy (cung cách của người Hà Nội trước 1954 rất dễ nhận) đi với cô con gái mặt đẹp như ngọc, đầu trần chân đất, quần rách lai tơi tả, sữa non con so thấm ướt ngực áo mỏng theo đoàn tù mót lúa rớt trong buổi sáng đầu xuân sương mù giá rét miền núi đất Bắc... Người đàn ông trầm giọng nói trong tiếng khóc bị nén: Các ông tội nặng lắm... Con tôi từ năm 1954 đến giờ không có được chén cơm trắng, cháu ngoại tôi từ ngày sinh chỉ uống nước cháo loãng pha muối cầm hơi... Mấy mươi năm chờ đợi các ông từ trong Nam ra với hy vọng được sống cho ra dạng người thế mà cớ sự lại như thế nầy đây! Bạn ta ơi Miền Nam không thể thắng được vì họa chung của cả dân tộc đã nên hình. Tôi không quá mê tín, nhưng ngày 28/3/75 khi đi trên đoạn đường Nha Trang-Cam Ranh dẫm lên cây số đường dài sâu bọ bung lên tự lòng đất nên đã hiểu ra điều: Cơn hấp hối, tận diệt quê hương đã thành sự thật! Bản thân người lính làm gì được? Họ lại là người chết trước tiên.
Trần Vũ: Tất nhiên chúng ta không thể quay ngược quá khứ, nhưng tôi còn nhiều thắc mắc. Trong Tù binh và Hòa bình, Phan Nhật Nam viết về thân phận người tù sau giao tranh: Lồng ngực vạm vỡ, nở nang vì được nuôi dưỡng no đủ của tù binh Bắc Việt theo chính sách giam giữ ở Phú Quốc của VNCH; đối lại, gương mặt thất thần vì sợ hãi, trên thân thể xanh mướt của tù binh Nam Việt trao đổi ở Lộc Ninh. Đã chứng kiến tận mắt ở Ủy ban Liên hợp Quân sự 4 bên như thế, sao anh vẫn quyết định ra trình diện? Chẳng lẽ các sĩ quan miền Nam không tham khảo quân sử, không am tường Hồng quân? 90,000 tù binh Đức tại Stalingrad, duy nhất 5000 tìm lại quê quán. Từ 1946 đến 1954, Việt Minh trao trả 10,754 trên tổng số 36,979 tù binh quân đội Liên hiệp Pháp, chưa đến 29%, số còn lại biến mất, không bao giờ còn tin tức. Đó là những số liệu của Bernard Fall, trang 523 trong chương cuối cùng của tập Un coin d’enfer xuất bản năm 1968, mà bản dịch Điện Biên Phủ, Một góc địa ngục của Vũ Trấn Thủ, nxb Công An Nhân Dân đã cắt đi. Tôi muốn hiểu quyết định chấp nhận tập trung này, mà cho đến bây giờ đã ăn sâu quảng vào trong tâm khảm của khá đông những người tù cải tạo hãy còn uất ức.
Phan Nhật Nam: Câu trả lời câu trên coi như cũng có thể dùng trả lời cho câu hỏi nầy, nhưng thành thật ra thì phải nói như thế nầy: Thôi thì chấp nhận đi ở tù vài ba năm cho xong chuyện. Có gì cũng được ở lại trên đất nước mình, như quyết định có thật của Boris Pasternak. Đã sống, chiến đấu cạnh người Mỹ suốt cuộc chiến (Nhảy Dù VN là đơn vị đầu tiên phối hợp hành quân với các đơn vị Không Kỵ, Nhảy Dù Hoa Kỳ từ 1965), nếu không hiểu biết nhiều thì cũng có được vài nhận định khách quan thế nào là người Mỹ hay quân đội Mỹ. Từ 1973 lại ngồi chung với họ trong bàn hội nghị Ban Liên hợp Quân sự ở Tân Sơn Nhất. Nhưng bao trùm tất cả là “quan niệm”: Là Người Việt với nhau, “hy vọng” sau chiến thắng chung cuộc rồi, người cộng sản “Cộng sản Việt Nam” hẳn cũng không đến nỗi nào? Trời đất! Đã chứng kiến Mậu Thân, 1968 ở Huế nhưng sao lại “vô tư” đến vậy? Cũng như đã tự tay đào hệ thống giao thông hào sâu ba thước nơi những cồn cát lẩn khuất sâu trong trại Long Giao trước ngày chuyển ra Bắc (19/6/1976) với tư thế “hăng say lao động”! Đứng dưới giao thông hào nhìn lên chỉ thấy một khoảng trời thu nhỏ đúng là của mộ huyệt tập thể! Sau tháng 2/1979, cũng đào những giao thông hào như thế ở trại Lam Sơn, Thanh Hóa. Người cộng sản đông-tây có bao giờ gượng tay khi có những quyết định tương tự trong suốt thế kỷ 20. Nhưng người Do Thái không hề sợ khi bước vào lò hơi ngạt ở Auschwitz để chết... Sống trước đó đáng sợ hơn. Đau thương thay, dân tộc Việt hình như tê liệt, vô cảm trong cảnh sống nầy. Ngay hiện tại ở Hà Nội với những cao ốc hiện đại theo mẫu của Mỹ, đồng thời khí trời, sông, suối… đồng bị nhiễm độc. Tàu vỏ sắt của Nhật không dám ghé bến sông Đồng Nai. Không một người cầm bút nào nói nên thành lời cho đủ dẫu đang trong nước; hải ngoại là tất nhiên vì thiếu chất men từ đất, người quê nhà. Họa hoằn lắm mới có một người như Phạm Lưu Vũ ở Hà Nội viết chuyện Chị Cả Bống… Nhưng không đủ, chuyện của Phạm Lưu Vũ viết bằng tiếng Việt, chỉ là một truyện ngắn (quá ngắn so với bi kịch (đúng ra là thảm kịch) của chị Bống), lại bị tịch thu. Ở Sàigòn mấy người đọc.
Nhưng bạn ơi, Thiên Chúa luôn có thật với Người – Tôi ngồi viết những trả lời nầy nơi đất Mỹ. Tại sao có thể như thế? Những ngày dài suốt thời gian từ 7/9/1981 đến 29/5/1988 tôi chỉ ao ước được đưa bàn tay ra khỏi khung cửa sổ nhà giam để xem gió mát như thế nào! Tôi thù hận ai đây? Mơ ước gì khi đã hiểu ra điều đơn giản cuối đời: Sự Thật lớn nhất là Cái Chết. En attendant Godot chăng? Không, con người chỉ chờ Cái Chết. Khác nhau chăng là chúng ta làm gì trong khi chờ lần chung kết kia.
Trần Vũ: 15 năm sau vượt biên tôi đi lại quốc lộ 1. Gần như để đối chất cảnh vật với những gì anh viết. Những địa danh, những thước đất hiện ra, lớp đất vàng khè chen giữa những bãi cát xám bên này dẫy Trường Sơn. Dọc quốc lộ từ Hải Lăng lên đến cầu Hiền Lương là những nghĩa trang liệt sĩ san sát. Vết tích chiến tranh chưa mất. Nhà thờ La Vang tan nát. Phố chính Quảng Trị lỗ chỗ đạn. Khu tập thể tiêu điều ở Thạch Hãn, Cồn Thiên, Cam Lộ… Tất cả ngập dưới cái nóng điên người. Tôi cảm được điều anh đã viết: Nỗi quặn đau dai dẳng không chấm dứt. Rồi tôi tự hỏi: Phan Nhật Nam làm gì trong suốt bao năm ấy, từ lúc ra tù, anh có đi lại quốc lộ 1 lần nào chưa? Trong Tù Binh và Hòa Bình anh đã đặt câu hỏi: Hòa bình nghĩ gì, làm gì? Tôi còn nhớ anh ngao ngán với cảnh áo hoa nón đỏ sẽ phải vào ty cảnh sát lãnh thằng ma cô có mụ tài-pán đỡ đầu… Hòa bình đến không giống như chúng ta chờ đón, nên tôi muốn biết anh nghĩ gì, sinh sống ra sao, trong một miền Nam đổi khác, sau khi đi tù về. Anh có phản cảm với tuổi trẻ không biết đến quá khứ. Trước khi sang Mỹ, anh giao tiếp với xã hội như thế nào. Tôi muốn nghe anh kể về những ngày hậu chiến này.
Phan Nhật Nam: Sau 30 tháng 4, 1975 tôi đi dọc đường số 1 một lần. Lần độc nhất với đôi mắt khép lại để khỏi nhìn. Để đừng thấy. Tôi không nói quá – Lần trở về Nam ngày 29 tháng 5, 1988 sau mười-hai năm lưu đày đất Bắc. Tàu vào địa giới Miền Nam, qua Đông Hà, Ái Tử, Quảng Trị, La Vang... lúc trời mờ sáng. Tôi biết rõ tàu đang chạy qua những chốn nào. Vốn người gốc Quảng Trị, năm 1966-1967 hành quân từ Thừa Thiên ra Quảng Trị, tôi dẫn quân đi dọc Phá Tam Giang không cần xem bản đồ. Tàu đến Huế sáng 30 tháng 5 – ngày Phật đản. Những năm trước 1968, ngày Phật đản ở Huế là một quốc lễ. Chợ Đông Ba không bán thịt; bún bò gánh chỉ nấu bún chay. Và đêm đến, trên sông Hương người Huế làm lễ Phóng đăng. Nhánh sông nhỏ dưới khu Gia Hội bồng bềnh giải ánh sáng lấp lánh trên nước như cảnh thần tiên. Mọi người nói giọng thấp xuống, nhỏ lại, chen tiếng niệm Phật A di đà Phật... Nam mô bổn sư… Những người hung tợn nhất xóm hóa ra hiền từ, nhân ái. Chỉ một đoạn đường mấy trăm thước của đường Trung Bộ (nơi tôi ra đời, sau 1954 đổi thành Tô Hiến Thành) có đến bốn chùa, và nhiều am, miếu. Chùa lớn, Diệu Đế; am Mã Ông Trạng. Sáng 30 tháng 5, 1988 qua ga Huế (nơi lần cuối đưa mẹ đi Sàigòn 1960, em Bé ghìm tiếng khóc, thân người gầy gò rung bần bật vì phải xa mẹ), loáng thoáng những người buôn đồ cũ chạy thất thanh giữa tiếng nạt nộ, xua đuổi của công an… En ơi... mấy en ơi… Có mền tù khôn… (không hiểu tại sao họ biết chúng tôi là đoàn tù cuối cùng trở về Nam). Một thoáng ngắn, tôi nhìn ra cửa sổ toa tàu, hướng núi Ngự Bình, nơi có phần mộ mẹ tôi và những người trong gia tộc. Lòng trống rốc. Mắt ráo hoảnh. Lúc tàu rời ga Nam Định tối hôm trước, tôi muốn được bật nên tiếng khóc nhưng khóc không nổi. Qua đèo Hải Vân, trong đầu loáng thoáng những câu thơ “Tôi về Hải Vân thân áo tù. Mười mấy năm dài nhục thấm dư. Nghe lạ đất trời lạnh vụng biển. Quê nhà còn không cơn mộng du...” Hiện thực rất chính xác, “tiên tri” của Mai Phương (Đỗ Ngọc Yến) viết trên báo Đại Dân Tộc, Sàigòn: “Người Nam Hà đầu tiên đến Miền Bắc, 4 tháng 3, 1973...”. Nay tôi là “một trong nhóm người Nam Hà cuối cùng rời miền Bắc từ trại Nam Hà”. Ngày 25 tháng 3, 1975 tôi đứng trên đèo nầy với trung tá Đỉnh chụp hình người mẹ quê chạy từ Quảng Trị vào Đà Nẵng với xác con nhỏ ủ dưới vạt áo dài (tấm hình về sau đăng báo Độc Lập).
Đến Đà Nẵng vào buổi trưa, tàu đổi toán phục vụ (toán người Nam)… Cán bộ áp tải tù ra lệnh đóng cửa sổ toa tầu vì“sợ dân phẫn nộ ném đá”... Tầu ngừng khá lâu để xoay đầu máy ra hướng Huế (tôi quen sinh hoạt nầy từ đầu năm 50, nhà các bạn thân chung trường, chung lớp đều quanh khu nhà ga nầy). Dưới sân ga có những tiếng hoan hô… “Hoan hô tướng Lê Minh Đảo... Hoan hô lính Việt Nam Cộng Hòa… Hoan hô… hoan hô...” Một người trong toán phục vụ có lẽ do thấy tôi tương đối trẻ so với những người trong đám tù, thấp giọng thân mật: “Chú cấp bậc gì mà giờ nầy mới về? Đại úy! Trời đất, đại úy người ta về từ mười năm trước. Mà đại úy đơn vị chi... Đại úy nhẩy dù... Vậy chú là nhà văn phan... Chú muốn ăn, uống chi... Con đem tới...” Tôi uống hết một két mười hai chai bia cho đến chiều tàu tới ga Hàm Tân. Được tháo cùm tay, bước xuống xiêu ngã trên sân ga, nhìn chung quanh chập chờn… Cây cao su của tiểu đoàn 7 Dù , lối lên Hố Nai, ngã ba Tân Hiệp, Biên Hòa... Rừng cao su đặc thù của miền Nam mà tôi ngắm nhìn mê mải ngây ngất từ toa xe lửa buổi đầu đời vào Sàigòn, 1957. Có người đi tới… Ở đây chúng tôi biết cậu về... Cậu nhớ tôi không... Tôi lắc đầu, phần vì hơi bia, phần mệt mỏi đường đi… Thật sự không còn sức. Tôi Đông đây... phan lạc giang đông. Tôi nhìn người bạn không cảm giác.
Với tâm cảnh như thế, ra tù 1989... Chỉ định cư trú về ở ấp Bình Nhâm, Lái Thiêu, Bình Dương, tôi dựng căn nhà tranh 4x4 thước giữa vườn cây măng cụt, nhà, đất do gia đình, bạn bè ở ngoài gởi về... Bạn lính, Mễ “Mê Linh”, Hải “khều” của tiểu đoàn 7; bạn văn, giới viết báo, Đỗ Ngọc Yến; có cả người chưa quen như vợ chồng bác sĩ Dzĩnh bên Canada... Hàng xóm không biết tôi là ai, do có những chiếc lu đựng nước mưa trước hiên nhà, họ đặt nên tên “Ông Út” hay “Út Lu”. Bạn bè không mấy ai, vì hầu hết đã ra đi, thỉnh thoảng hai người bạn niên trưởng, Như Phong và Doãn Quốc Sỹ (bên kia sông Sàigòn, vùng Thạnh Lộc, Nhị Bình, nơi chiến trường lớn của năm 1968) đi mobilette qua chơi. Tôi thường đi quanh quẩn trong vườn măng cho dù nửa đêm về sáng, nằm võng ngủ trước hiên nhà, chơi với các con trẻ nhà quê, dạy chúng học, đốt lửa trại, nấu chè đêm trung thu. Nếu phải về Sàigòn thì cũng lựa lúc ban chiều, trở lại Lái Thiêu vào buổi tối, qua cầu Ông Đụng, cầu Ba Thôn từ ngả xóm Mới đi lên (không đi ngả quốc lộ 1 qua Thanh Đa, Bình Triệu)… Sự lựa chọn nầy có chủ đích: Nơi nầy, tiểu đoàn 2 bị đụng trận. Nguyễn Ngọc Khiêm oằn người chết trên cán cứu thương do tôi kéo đi một đầu. Lái Thiêu lại là những ngày bình yên, dễ chịu nhất, mọi việc cần ở Sàigòn tôi nhờ gia đình thứ hai, Đằng Giao - Chu Vị Thủy giải quyết hộ… Cũng chỉ thấy vui đôi chút khi ngồi trên gác của căn nhà 104 Công Lý (tên cũ – không thể nào đọc nên tên mới “Nam Kỳ Khởi Nghĩa” mà không khỏi chạnh lòng) trước thương xá Crystal Palace, chung quanh những tranh sơn mài của Đằng Giao. Từ nhà 104 ra Lê Lợi không đầy 100 thước nhưng rất nhiều lần tôi không muốn bước ra chốn kia. Có những thú vui, thói quen sinh hoạt của trước 1975 hoàn toàn bị mất hẳn. Từ những năm 50, tôi đã là khán giả của rạp chớp bóng Morin (Huế và Đà Nẵng); sau nầy, Mini Rex là nơi nghỉ ngơi thú vị mỗi buổi trưa khi ở Sàigòn. Sau 30 tháng 4, thói quen, thú vui nầy mất hẳn. Nay 15 năm ở Mỹ cũng không thể phục hoạt. Cứ nhớ thanh âm rền rĩ bài nhạc đệm… Giải phóng miền Nam... từ những phim ảnh của xưởng phim giải phóng người cứ nổi gai như sắp bị hành hình. Cứ thế, tôi sống từng ngày qua đi không mấy khó khăn so với hơn 8 năm trong bóng tối hầm giam chờ đem đi bắn. Thật ra cán bộ cộng sản chỉ cốt ý dọa, vì bắn cũng vô ích, mà không có cớ gì để bắn! Cho dù kết án tử hình một người tù cũng chẳng gì khó khăn. Lê Đức Thịnh, chung T4, trại Long Giao (1975-1976), chỉ trong một thư gởi lén cho vợ, viết lời khẳng khái “Anh không chịu bó tay” mà phải ra pháp trường do hai ông chấp pháp tên Giáp, tên Dần nào đó ngồi xử trong vòng 10 phút. Vụ xử bắn cốt ý hù dọa... Phải, chỉ để dọa đám tù đã chịu bó tay quy hàng, không hơn, không kém. Còn khi (đã) muốn bắn thì đem bắn ngay xong vất hàng rào bảo rằng trốn trại như lần giết những sĩ quan an ninh quân đội trước khi số tù còn lại của trại Long Giao chuyển ra Bắc (19/6/1976). Hoá ra câu nói sáng 30/4 khi ném giấy tờ tùy thân, thẻ sĩ quan, thẻ lĩnh lương xuống chiếc cống trước nhà sách Khai Trí“Coi như mình đã chết!” là lời xác định đầy đủ, chung kết. Với tâm trạng nầy tôi đi Mỹ… Tôi đi Mỹ cứ như hắt cặn nước. Tôi đi Mỹ nhẹ tênh vất điếu thuốc. Quê hương gầm gừ khinh miệt. Đất xa trọn chốn lưu đầy... Trần Mạnh Hảo khi tiễn ra phi trường (5/11/1993) có lời cảm khích: Thế nào ông cũng khóc khi ra khỏi nước! Thế nhưng tôi đã không biết phi cơ cất cánh lúc nào, ngủ ngay khi vừa ngồi xuống ghế trên máy bay. Nhìn đâu ra Sàigòn của Miền Nam khi toàn phi hành đoàn phát âm giọng Bắc vùng Thanh, Nghệ... Nghe ngang ngang, cứng cứng; thái độ khinh khỉnh, xấc xược (do biết chuyến bay thuần là người tỵ nạn đi diện H.O). Những năm đầu tiên ở Mỹ (1994-1996) tôi luôn ở trên đường xa như nhân vật trong phim Forrest Gump... Cứ nhắm đằng trước mà chạy. Chạy mãi cuối cùng anh ta đứng lại, quay về nhà đã bỏ đi từ khi người vợ lâm tử. Tôi chẳng chạy trốn điều gì, nhưng cũng có lúc tự hỏi: Anh lái được bao lâu? Anh lái đi đến đâu? Cuối cùng dòng hiu quạnh. Exit ra ngả sầu... Khi một mình ngồi nơi một Rest area nào đó trên đường 10 vạn dặm xuyên nước Mỹ, chiều mưa lớn ở Lousiana. Tôi làm thơ như cách người ta tập thể dục, tập khí công mỗi ngày. Làm Thơ bất cứ nơi đâu… Tôi đọc thơ ông... Tự thân trống vơ trống vốc... Nơi phi trường York, vừa rời Houston… Phi trường... Xuống. Không một ai. Chỉ tập thơ ấm trong lồng ngực... Tôi đọc Thơ Tuyển của Tô Thùy Yên trong tình cảnh như thế. Từ đó hiểu ra Bùi Giáng phải điên, Tam Ích phải tự tử (1972). Cũng hiểu ra tại sao Nguyễn Chí Thiện không thể làm thơ được nữa. Trước khi chết, bất cứ ai cũng gặp phải tình trạng “flash back” – nhưng nếu không chết được thì người ta sẽ sống thản nhiên với tất cả mọi hoàn cảnh. Sự Thật lớn nhất là Cái Chết. Không phải triết học như lời của Albert Camus đâu mà đấy là Lý (giản dị) của Nghĩa Sống/Chết, không cần phải lên đến Hy Mã Lạp Sơn tu cách các Đạt Ma mới hiểu ra. Người Việt ai cũng cảm nhận được một lần nhưng không viết và nói ra như bạn với tôi đang vấn đáp với nhau. Cứ như thế tôi ở Mỹ đến năm thứ mười-lăm, đi gần hết các tiểu bang, đất đai trên thế giới... Lên thấu Alaska, xuống tới Nam bán cầu. Bạn còn muốn hỏi gì nữa hay chăng?
Trần Vũ: Câu chuyện đã khá dài, tuy tôi còn muốn hỏi thêm nhiều nữa, nhưng vẫn phải kết thúc. Trước khi chấm dứt, tôi muốn nhắc lại ảnh hưởng mà các tập bút ký chiến trường của anh đã để lại trong tôi. Chúng ám ảnh tôi đến mức tôi nóng ruột khoác lên người sự “nhiệm mầu” của người lính Cộng Hòa mà anh mô tả. Tuổi niên thiếu của tôi tràn ngập những buổi trưa của viên thiếu úy Nam trở về doanh trại, trải tấm nệm lên chiếc giường hai chân chưa dựng, lắng nghe tiếng kèn của người lính gác vang lên giữa xao xác vắng vẻ. Tôi không mê 7 năm ở lính của Nguyên Vũ, Y sĩ tiền tuyến của Trang Châu, Tiền đồn của Thế Uyên, Tử thủ căn cứ hỏa lực 30 Hạ Lào của Trương Duy Hy hay Vỏ đạn cho con trai đầu lòng của Nguyễn Đình Thiều, nhưng tôi ngã xấp mặt vào thế giới của Phan Nhật Nam. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao thời gian này tôi say mê anh như vậy. Thế giới của người lính ngồi trên sườn đồi uống bia không đá nhìn xuống con sông bốc mờ sương lam, của tân khóa sinh trong chuyến xe lửa đêm lên Đà Lạt lướt đi giữa rừng thông đầy mộng mị, của cả những bực dọc về Sàigòn dẹp biểu tình gác đường gác chợ như ăn mày hay tiếng khóc não lòng của người dân ngoài Trung trước mái nhà bị bắn sập… Tôi thuộc từng tên nhân vật, từng cấp bậc, từng thâm niên của từng người, thuộc cả tiếng chửi thề “chay me” thất vọng của viên hạ sĩ Miên đấm vỡ chiếc nón bài thơ khi máy bay rời Phú Bài, thuộc đôi mắt nhẫn nhục vô hình của trung úy Tạo, Tạo đen của 10 năm quân lao... Tôi cảm giác những trang bút ký của anh thời ấy giúp tôi sống với mọi người, cảm giác chúng truyền vào người mình nỗi đau của cả một miền đất nước, từ những tàn phá đến giận dữ. Sau này tôi vẫn đọc đi đọc lại Dọc đường số 1, Dấu binh lửa, Dựa lưng nỗi chết vì cảm giác thật mạnh đang sống với quê hương mình, trên từng thước đất, vào từng ngôi làng, “rờ” từng cái ấp. Có cái gì đó thật con người, cực kỳ cô độc lặng lẽ giữa sắt thép hỗn độn ầm vang trong thế giới của anh mà bây giờ phải đọc lại mới hiểu thấu hết tất cả những oan khiên của cuộc chiến vừa rồi.
Anh rất gần với Cột mốc 125 và Bão thép của Ernst Junger, ở khía cạnh tiếng nổ của bom đạn, nhưng trong tác phẩm của Junger không có dân chúng, không có những làng mạc với xác những đứa bé chết thâm tím, không có tiếng kêu nặng nhọc của dân lành cố sức đi theo người lính xuôi Nam… Trong ký Phan Nhật Nam, ngược lại, xã hội dân sự hiện diện thường trực trong chiến tranh. Sau này, sang Hoa Kỳ, anh mất đi khá nhiều tố chất con người trong các bài viết, chính vì anh nghiêng nhiều về quân sử, số liệu, ngày tháng, đơn vị, khiến phần tập thể lấn át phần cá nhân.
Trước Phan Nhật Nam, tôi nghiêng về phía Cộng Hòa theo truyền thống giáo dục gia đình, sau Dọc đường số 1, Dấu binh lửa, Mùa hè đỏ lửa, Tù binh và hòa bình tôi trở thành người quốc gia vĩnh viễn. Anh mang trách nhiệm này, đã “biến” tôi thành người quốc gia vì đã dẫn tôi đi qua những thước đất của quê hương ngập tràn tai ương. Đáng lẽ tôi không nên đọc anh để dễ dàng thỏa hiệp với thực tại bây giờ, phải không? Muộn mất rồi. Tôi đã theo anh đi dọc đường số 1.
Phan Nhật Nam: Thật cảm động và rất hãnh diện khi biết có một người đọc, nhớ từng lời (do mình viết) như bạn đã tận ân tình đối với chữ nghĩa của tôi… Nhưng cũng có lần bà vợ tôi (yêu thương nhau từ 1964 chứ đâu phải mới chung sống ngày một ngày hai) nói ra lời chân thật (mà hẳn phải sau nhiều suy nghĩ vì bà ấy vốn kín đáo, nghiêm chỉnh): Sao ông cứ viết chuyện chiến tranh, tù tội như thế mãi... Bạn ơi, tôi trả lời sao đây? Tôi đi đâu nữa? Viết cái gì mới nữa? Tất cả đã thành sự. Chẳng cứ riêng tôi mà hầu như đối với tất cả những người cầm bút… Đây, lấy ví dụ, những “anh”, những “em” và những “tôi”… Bạn chỉ cho tôi xem trong ba cái cột trụ “tưởng như là quan trọng ghê gớm” kia có cái nào là “đáng để nói lên”? Bao nhiêu thế kỷ chữ nghĩa, văn chương người ta dùng đến độ đáng sợ cái tam giác (vô phương phá vỡ) ấy. Tuy nhiên, tôi vẫn… học, đọc, viết mỗi ngày. Ở Minnesota, tôi là một trong những sinh viên già nhất trường. Cứ như Sisyphe thôi. Nhưng biết đâu trên đường lăn đá lên đỉnh núi hắn ta (bắt buộc) nhận ra mình (Là ai? Làm gì?) với tất cả hùng vĩ đơn độc riêng. Mở chiếc máy lên, ngồi xuống với bàn gõ là lòng bình an, vui vui... Tôi không hề có nguồn vui lớn. Nói rất thật lòng để chấm dứt. Bạn không muốn hỏi nữa, tôi cũng đã quá mệt. Cám ơn bạn đã đọc kỹ, đã hỏi thật. Thế là đủ vì nhận được phần thúc dục: Ít ra chữ nghĩa (mình viết nên) không đến nỗi vô ích. Một người không cũng đủ. Rất cảm ơn.
Trần Vũ thực hiện qua điện thư
Ngày 8 tháng 10, 2008.
26/2/11
SONG THAO - Cầu
Cầu
(Thứ Hai, 21 Tháng Hai-2011)
Tác giả : SONG THAO
Cầu trong ý nghĩ đầu tiên của mọi người là một dải vắt ngang hai bờ một con sông để bờ bên nọ nối với bờ bên kia. Nếu nghĩ như vậy thì hết phiếm! Cầu nói ở đây chẳng nối niếc gì hết. Không, có nối. Nối từ bên trong với bên ngoài. Đó là một thứ mà ngồi trên đó người ta có thể cho một vật từ trong tăm tối nối với ánh sáng chan hòa một cách văn minh. Nói là “văn minh” vì cái thứ cầu này chỉ mới được sáng chế ra khi con người tiến tới thời kỳ bỏ rơi anh quận công ở ngoài đồng.
Cầu như vậy không có gì là…văn học cả tuy có văn minh. Nếu nó cứ yên phận nép mình trong cái phòng chật chội nhất nhưng cũng cần thiết nhất trong một tòa nhà thì chẳng nói làm chi, nó ngang nhiên xông vào văn học.
Trên trang mạng bán đấu giá eBay vừa xuất hiện cái bồn cầu…văn học. Đó là cái bồn cầu của nhà văn Mỹ Jerome David Salinger. Dân ta biết ông nhà văn này qua cuốn truyện nổi tiếng xuất bản năm 1951 Catcher in the Rye, bản dịch của Phùng Khánh và Phùng Thăng do nhà Lá Bối xuất bản vào khoảng năm 1964-1965 với cái tên rất thơ “ Bắt Trẻ Đồng Xanh”. Bà Joan Littlefield, người rao bán cái bồn cầu đã từng được hân hạnh đỡ cái bàn tọa của nhà văn nổi tiếng này, cho biết cái bàn cầu quý giá này đã được gỡ khi người ta sửa chữa căn nhà mà nhà văn đã trú ngụ. Để chứng thực đây đúng là những cái bàn cầu…danh giá, bà Littlefield quả quyết là bà biết tất cả những người thợ đã lắp đặt chiếc bồn cầu này từ hàng chục năm trước khi nhà văn Salinger vào ở căn nhà đó. Bà cho giá 1 triệu đô!
Lời rao trên eBay nhấn mạnh: “Nó không được chùi rửa và vẫn ở trạng thái nguyên bản. Ai có thể biết được có bao nhiêu tác phẩm đã được thai nghén khi Salinger ngồi trên chiếc bồn cầu này!”. Nhà văn Salinger vừa mất vào tháng giêng năm 2010, thọ 91 tuổi. Đọc xong cái tin quan trọng này, tôi vội điện thoại cho các ông bà bạn văn để xí phần. Thứ nhất, kể từ nay yêu cầu các ông bà không được chùi rửa bàn cầu. Thứ hai, xin cho tôi đặt tiền mua trước để một mai khi quý vị chán đời không muốn sống nữa, cái bàn cầu của quý vị sẽ được tháo gỡ giao cho tôi. Nếu quý vị ký và đóng triện vào cái bàn cầu như ký vào tác phẩm của mình thì quý hóa lắm! Tôi nghĩ cú áp-phe này sẽ mang lại cho tôi bạc tỷ. Chờ cho quý vị tới cửu tuần, tuổi ra đi của ông nhà văn Salinger, chắc cũng không còn bao lâu nữa!
Cái bàn cầu có vai trò gì trong việc sáng tác, tôi nghĩ đây có thể là một đề tài hấp dẫn cho một cuộc hội thảo văn học. Nhiều bạn văn đã tỏ ý muốn tham gia. Riêng tôi, vốn tính giản dị, nên khi ngồi trên bàn cầu thì chỉ làm có một việc, mà việc này khó lòng nối kết với văn học. Tưởng nói khơi khơi như vậy là đúng hóa ra cũng bù trất. Cái thứ không liên quan gì tới văn học nghệ thuật được thả xuống bồn cầu tưởng là…kít hóa ra không kít. Đó là…vàng. Tôi không nói tới màu sắc mà nói tới giá trị. Trong một bài blog, ông Nguyễn Hưng Quốc đã kể lại chuyện của nghệ sĩ người Ý Piero Manzoni. Ông này sinh năm 1933 và mất năm 1963, sống trên đời vỏn vẹn có ba chục năm nhưng đã để lại một gia tài…vàng. Ông Manzoni là họa sĩ, tài vẽ của ông tôi quả tình không biết nhưng đã bị bố ông có lần phê bình: “Mày vẽ như cứt!” (You are an artist of shit!). Đó là vào năm 1961, lúc Manzoni đã 28 tuổi. Từ tháng 5 năm đó, mỗi lần ngồi vào bàn cầu, Manzoni lại hốt kít của mình cho vào một cái hộp, đem đến hãng đóng đồ hộp của ông bố nhờ công nhân khằn kín chiếc hộp lại. Tổng cộng ông đóng được 90 hộp, mỗi hộp nặng đúng 30 gram, đánh số từ 001 đến 090, bên ngoài dán nhãn in bằng bốn thứ tiếng Ý, Anh, Pháp và Đức ghi rõ: “Cứt của Nghệ Sĩ” (Merda d’Artista / Artist’s Shit) . Tôi lại có hai thắc mắc. Thứ nhất, từ năm 1961 đến khi ông Manzoni qua đời vào năm 1963 là hai năm. Trên dưới 700 ngày mà chỉ có 90 hộp, hơi…bón! Không hiểu trong thời gian này việc sáng tác tranh của ông họa sĩ có thong thả không? Thứ hai, kít chứ có phải màu vẽ đâu mà ông họa sĩ này cân đúng y boong mỗi hộp 30 gram được? Chắc cũng như việc sáng tác, phẩm cần hơn lượng, số lượng này chắc cũng văn nghệ có gia giảm chút đỉnh.
Manzoni cho rằng bất cứ thứ gì, kể cả những thứ thông thường trong đời sống, nếu có bàn tay của người nghệ sĩ chạm vào sẽ thành…thánh tích! Trong thư viết cho nghệ sĩ Ben Vautier vào tháng 12 năm 1961, bảy tháng sau khi chế tạo những hộp kít đóng khằn hẳn hoi, Manzoni xác định: “Nếu những người sưu tập (các tác phẩm nghệ thuật) muốn có cái gì thân thiết nhất, thực sự gắn liền với đời tư của người nghệ sĩ, thì đó chính là phân của người nghệ sĩ ấy”. Và ông rao bán những tác phẩm đượm mùi này với cái giá ngang ngửa với giá vàng. Nghĩa là vào thời điểm một nhà sưu tập nào mua…tác phẩm, giá 30 gram vàng bao nhiêu thì giá 30 gram kít nghệ sĩ cũng bấy nhiêu. Thì cũng phải thôi: vàng nào chả là vàng! Tưởng cái ông nghệ sĩ ngông nghênh này múa may cho đã điên thôi, ai ngờ có người mua thiệt. Các nhà nghiên cứu đã tìm được một tờ biên nhận đề ngày 23/8/1962, Manzoni bán cho Alberto Lucia một hộp với giá tương đương với giá 30 gram vàng 18 carat! Ông Alberto Lucia nào đó đã đầu tư đúng cửa. Theo tài liệu sưu tầm được thì vào tháng 11 năm 2005, hộp số 57 bán được với giá 110 ngàn euro. Gần đây, hộp số 18 bán được với giá 124 ngàn euro. Ngày 20/10/2008 một hộp được bán với giá 80 ngàn bảng Anh, ngày 25/11/2008 một hộp được bán với giá 68 ngàn bảng Anh trong các cuộc bán đấu giá tại nước này. Biết bao nhiêu là vàng! Vậy là vàng…nghệ sĩ có giá gấp trăm lần vàng ròng.
Các bạn văn của tôi nghe được tin này đã rất phấn khởi. Từ nay việc sáng tác dễ dàng hẳn ra. Có những vị thuộc loại thông thương dễ dàng còn lo hết số để đánh dấu hộp! Sáng tác như vậy, làm gì cái bàn cầu không ngẩng cao đầu vì công lao góp phần cho văn học của nó. Cái thứ nó thân thương ôm vào lòng đã hiên ngang đi vào văn học. Năm 2008, nhiếp ảnh gia Andres Serrano cho ra đời một loạt 66 tác phẩm tập trung vào một đề tài duy nhất: Shit! Ông cho trưng bày tại phòng triển lãm Yvon Lambert tại Nữu Ước và đã thu hút được nhiều người coi. Tôi sẽ phải mách ông bạn nhiếp ảnh gia Lê Quang Xuân để ông ấy khỏi phải vất vả thức khuya dậy sớm đi chụp hết cảnh mặt trời lên lại tới cảnh mặt trời xuống.
Cái cảnh nghệ sĩ vất vả tạo tác phẩm như vậy xưa rồi. Nghệ thuật tiên tiến bây giờ tiện lợi hơn nhiều. Như cách nhà họa sĩ Marcel Duchamp tạo ra tác phẩm Fountain. Tôi không biết dịch cái tên tác phẩm rất thông thường và dễ dịch này ra làm sao vì nhìn vào hình trên Wikipedia thì đích thị nó là cái bàn cầu. Lần này cái…cầu tự mình đi vào nghệ thuật chẳng cần phải có ông nhà văn Salinger ngồi ở trên. Ông Marcel Duchamp tới Mỹ hai năm trước khi tạo ra tác phẩm Fountain và có liên hệ với trường phái Dada. Trường phái phát sinh ở Nữu Ước này chủ trương chống lại sự hợp lý và cho nghệ thuật là…phi nghệ thuật. Ông Marcel bữa đó đi cùng nghệ sĩ Joseph Stella và nhà sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật Walter Arensberg. Ông mua một cái bàn cầu hiệu Bedfordshire tại tiệm J.L. Mott Iron Works ở số 118 Fifth Avenue, mang về xưởng vẽ của ông ở số 33 West đường 67, đặt nó ở vị trí nghiêng 90 độ so với vị trí thông thường của nó rồi viết lên chữ “R. Mutt 1917”. Vậy là xong một cuộc sáng tạo nghệ thuật. Lúc đó ông Marcel Duchamp là thành viên trong ban quản trị “Hội Các Nghệ Sĩ Độc Lập”. Ông mang tới dự cuộc trưng bày thường niên 1917 của Hội, ký tên R. Mull để không ai biết là tác phẩm này là công trình chớp nhoáng của ông. Thông thường thì tất cả các tác phẩm gửi tới đều được trưng bày. Tuy nhiên, đối với tác phẩm Fountain thì các thành viên trong ban quản trị bàn cãi nhau ỏm tỏi về việc có thể coi đó là một công trình nghệ thuật hay không. Cuối cùng họ không cho trưng bày. Tức khí, hai ông Duchamp và Arensberg đều từ chức sau cuộc triển lãm.
Sau đó, Fountain được mang về trưng bày ở Gallery 291, một phòng trưng bày nhỏ cũng tại Nữu Ước. Chủ nhân của nó, nhiếp ảnh gia Alfred Stieglitz đã chụp hình Fountain tại phòng trưng bày này. Chính tấm hình chụp này là bằng chứng hiện nay cho biết có một tác phẩm như vậy vì sau đó tác phẩm này bị thất lạc. Theo Calvin Tomkins, nhà viết tiểu sử của Marcel Duchamp, thì chính anh chàng nhiếp ảnh gia này đã vứt nó vào thùng rác. Những Fountain được trưng bày tại các bảo tàng viện sau này đều là những bản sao. Bản sao thứ nhất được sự chấp thuận của Marcel Duchamp có vào năm 1950 để trưng bày tại Nữu Ước. Sau đó là các bản sao vào năm 1953 và 1963. Cho tới năm 1964 đã có tất cả tám bản sao!
Con mắt tôi có lẽ không có tí nghệ thuật nào. Nhìn cái bàn cầu nằm ở một vị thế vô dụng trông chẳng ra làm sao cả. Vậy mà thiên hạ tấm tắc khen và bê vào trưng bày tại các bảo tàng viện danh tiếng như Indiana University Art Museum, San Francisco Museum of Modern Art, Philadelphia Museum of Art, Centre Georges Pompidou và Tate Modern. Marcel Duchamp gọi trường phái…bàn cầu của mình là readymades. Tôi tạm dịch theo chữ nghĩa thời thượng là “mì ăn liền”. Cứ vác luôn những cái có sẵn, ký tên vào là thành tác phẩm nghệ thuật dù cái có sẵn là cái bàn cầu. Nhưng các nghệ sĩ có con mắt khác. Họ nhìn thấy nghệ thuật. Họ dạy chúng ta về nghệ thuật như sau: “Ông Mutt có tự làm ra cái bàn cầu hay không chẳng phải là điều quan trọng. Ông đã CHỌN nó. Ông chọn một vật thể bình thường trong cuộc sống, đặt nó theo cách để cái ý nghĩa tiện dụng của nó biến mất dưới một danh hiệu và một cách nhìn mới – tạo ra một ý tưởng mới cho vật thể”. Vậy là cái bàn cầu đã lột xác thành một tác phẩm nghệ thuật! Tôi chưa bao giờ vẽ hay chạm khắc được một tác phẩm nghệ thuật nào nhưng từ nay tôi tin rằng tôi có thể trở nên một nghệ sĩ mì ăn liền một cách dễ dàng!
Ông Nguyễn Hưng Quốc là người rất xục xạo đã lôi ra được những vấn đề văn học độc đáo. Cũng trong một bài viết blog, ông đã phát giác ra là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp rất thích cái thứ chúng ta thường thả vào bồn cầu! Ông viết : “Trong các truyện ngắn, ông (Nguyễn Huy Thiệp) cho chữ (cứt) ấy xuất hiện khá nhiều, một cách trần trụi, hung hãn, đầy bạo động. Nó tuôn ra từ miệng của vua Quang Trung khi quát tháo Ngô Khải: “Ta cho mày ăn cứt, xem có chê lợm không?”. Ngay cả khi Nguyễn Huy Thiệp viết về tình yêu, một thứ tình yêu rất thơ mộng giữa Trương Chi và Mỵ Nương, ông cũng phun chữ “cứt” ra. Không phải một lần mà là nhiều lần. Câu chuyện bắt đầu bằng cảnh Trương Chi đứng đái: “Trương Chi đứng ở đầu mũi thuyền. Chàng trật quần đái vọt xuống dòng sông. Phía xa kia là chân trời rực hồng ráng đỏ. Nhà nàng ở phía ấy. Sương xuống lạnh. Một nỗi buồn da diết choáng ngợp lòng chàng”. Đái xong, chàng hát. “Tiếng hát vút cao. Đêm xuống. Bóng tối mù mịt”. Hát xong, chàng duỗi thân, ngả người vào lòng thuyền. Chàng nói: “Cứt” Rồi chàng nhớ tới Mỵ Nương, nàng công chúa đẹp tuyệt trần. Nguyễn Huy Thiệp tả: “Giờ đây, gặp Mỵ Nương rồi, chàng hiểu chắc chắn rằng cuộc sống của chàng thật là cứt, là cứt chó, không sao ngửi được. Không chỉ riêng chàng mà cả bầy. Tất cả đều thối hoắc. Cứt!” Cứ thế, từ đâu đến cuối truyện, Trương Chi cứ chửi “Cứt” luôn miệng. Trước khi nhảy xuống sông tự trầm, Trương Chi cũng lại chửi “cứt”: “Hình ảnh Mỵ Nương biến mất đâu rồi, trước mặt chàng là sông nước trắng xóa một màu, trời mây trắng xóa một màu. Trương Chi chèo thuyền ra giữa tim sông. Chàng lại nói: “Cứt!”.
Nhà văn có khác. Cứ như ông trời con! Các ông các bà nhà văn sáng tạo ra nhân vật và có toàn quyền sinh sát với các nhân vật của mình. Tội cho các ngài Quang Trung và Trương Chi trong tay Nguyễn Huy Thiệp. Bắt phong trần phải phong trần / Cho thanh cao mới được phần thanh cao. Vậy nên Quang Trung và Trương Chi phong trần hết biết, cứ vung ra bừa bãi!
Kít vung tung tóe trên sông thật không phải chỗ. Chỗ của kít là nơi bồn cầu. Mà bồn cầu là bộ mặt văn hóa của một nước. Ông Nguyễn Xuân Quang, một người cả đời chỉ thích đi lòng vòng khắp thế giới đã có một bài viết về cái bộ mặt này qua một bài có cái tựa rất tình: “Những Nhà Vệ Sinh Tôi Đã Đi Qua”: “Đi qua nhiều nhà vệ sinh trên thế giới, tôi nhận ra một điều là nhìn vào phòng vệ sinh công cộng của dân bản xứ của một nước là ta có thể nhìn thấy rất rõ trình độ dân trí của dân tộc đó. Nhìn vào phòng vệ sinh công cộng của dân bản xứ của một nước là ta có thể nhìn thấy rất rõ bộ mặt thật của giới lãnh đạo nước đó. Nhà vệ sinh càng hôi thối bẩn thỉu, đầy ròi bọ thì bộ mặt thật của giới lãnh đạo nước này cũng vậy”. Lại còn thế nữa! Như vậy mỗi lần bụng óc ách là một lần đi thăm…lãnh đạo đất nước. Nếu bộ mặt của lãnh đạo sạch sẽ, mình sẽ kính cẩn vén khéo để không làm tung tóe thiếu lễ độ. Nếu bộ mặt của lãnh đạo nhơ nhuốc bốc mùi, mình sẽ nín thở vung vẩy cho xong để còn mau mau rút lui cho cặp mắt và lỗ mũi được thơ thới hân hoan. Có lẽ vì sợ lộ mặt nên các bậc vua chúa ngày xưa không dùng nhà cầu. Cứ lấy một nước văn minh lâu đời như Pháp thì rõ. Cho tới thế kỷ thứ XVI, trong cung điện Versaille, vua chúa và hoàng thân quốc thích vẫn dùng những cái vại sành nhỏ để giải quyết vấn đề cá nhân nho nhỏ. Bên phía đông, Trung Hoa được coi như văn minh nhất, cũng rứa. Vào thăm Cấm Thành ở Bắc Kinh, nhà cửa san sát, dinh nọ dinh kia nhưng đố bạn tìm được một cái nhà cầu. Tôi không nói tới cái nhà vệ sinh 4 sao nằm ở một góc trong đường vào Cấm Thành. Cái đó người ta mới xây sau này để phục vụ du khách. Không thấy có bảng chỉ lối vào nơi cần thiết này nhưng cần chi bảng. Cứ ngửi mùi là có thể đến một cách dễ dàng mặc dầu nó đã được gắn tới 4 sao như một thứ hạng sang! Vậy thì ngày xưa bộ vua chúa không có những cái lỗ trên người dành cho việc thực hiện một trong những tứ khoái của con người chăng? Tôi không nghĩ ông xanh lại tạo ra một giống khác người để đè đầu nắm cổ những người khác. Làm gì có thứ người không ra người đó! Thực ra thì vua chúa họ cũng giống nhau thôi. Ở bên Pháp họ dùng những vại sành thì ở bên Tàu họ dùng những thùng gỗ có phủ tro trong đó. Mỗi lần len lén làm xong những việc cần thiết, vua chúa và các cung tần mỹ nữ lại phủ thêm một lớp tro lên trên rồi đậy nắp lại. Buổi sáng, khi mở cửa thành, sẽ có những người tới đổ tro vào những thúng rồi gánh ra đổ ở một khoảng đất rộng sau Cấm Thành. Hết triều này qua triều khác, với thời gian, tro càng ngày càng cao lên thành một ngọn đồi nho nhỏ. Người dân gọi ngọn đồi này là Đồi Hương. Cái tên khéo đặt! Dưới thời cộng sản, bà vợ cưng một thời của Mao Trạch Đông, bà Giang Thanh biến ngọn đồi đầy mùi quan liêu này thành một thắng cảnh dùng làm nơi nghỉ ngơi và giải trí mỗi khi bà muốn relax!
Cái thứ mà ông nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cho vung vãi một cách phí của trong truyện của ông lại có thể làm thành được một thắng cảnh. Câu “hợp quần thành sức mạnh” coi bộ lúc nào cũng đúng. Cái thứ tưởng không ra gì đó đang hợp thành một ngọn gió làm nghiêng ngả xã hội Ấn Độ. Tác giả Nguyễn Bình Nam, trong bài “Câu Chuyện Cái Cầu” đã mô tả ngọn gió đó như sau: “Ấn Độ đang trải qua một cuộc “cách mạng cầu tiêu”. Những năm gần đây Ấn Độ phát triển nhanh và người phụ nữ Ấn Độ có một đòi hỏi. Họ đòi hỏi cái cầu tiêu. Thanh niên Ấn muốn lấy vợ cần phải có một cái nhà có phòng vệ sinh tươm tất. Nếu muốn cưới vợ cho con thì bố mẹ phải có nhà có cầu tiêu. Nếu không thì đừng hòng. Người phụ nữ Ấn Độ đã chán cái thời dùng cẩu tiêu công cộng và tắm ngoài sông hay suối. Trước đây 10 năm, khoảng 665 triệu, tức nửa dân số Ấn Độ không có cầu tiêu trong nhà….Tại Ấn Độ có nạn phá thai nữ vì vậy có tình trạng trai thừa gái thiếu khiến cho phong trào đòi hỏi cầu tiêu của phái nữ có thêm sức mạnh. Thanh niên Ấn Độ không còn tự ái hỏi: “Cô ấy muốn lấy mình hay lấy cái cầu tiêu?”. Nếu muốn có vợ tốt hơn là âm thầm sắm cái cầu tiêu.”
Ở nước ta, thời Pháp thuộc, các cô gái đua nhau kén chồng có bằng cấp làm dấy lên phong trào “phi cao đẳng bất thành phu phụ”. Ở Ấn Độ ngày nay, người phụ nữ không đòi hỏi thứ viển vông như vậy. Họ chỉ đòi cái cầu tiêu như thứ sính lễ duy nhất. Việc này cũng đã thành một phong trào, phong trào No Toilet No Bride (Phi xí sở bất thành phu phụ)! Dĩ nhiên nhắc tới chuyện này tôi không có ý so sánh bằng cấp với cái cầu tiêu.
Khỏi phải nói, cái cầu tiêu vênh mặt phải biết. Vênh mặt lên là phải. Đâu phải lúc nào cũng dễ thoát ra được thân phận nằm dưới!
Song Thao
10/2010
source : HỢP LƯU ( www.hopluu.net)
(Thứ Hai, 21 Tháng Hai-2011)
Tác giả : SONG THAO
Cầu trong ý nghĩ đầu tiên của mọi người là một dải vắt ngang hai bờ một con sông để bờ bên nọ nối với bờ bên kia. Nếu nghĩ như vậy thì hết phiếm! Cầu nói ở đây chẳng nối niếc gì hết. Không, có nối. Nối từ bên trong với bên ngoài. Đó là một thứ mà ngồi trên đó người ta có thể cho một vật từ trong tăm tối nối với ánh sáng chan hòa một cách văn minh. Nói là “văn minh” vì cái thứ cầu này chỉ mới được sáng chế ra khi con người tiến tới thời kỳ bỏ rơi anh quận công ở ngoài đồng.
Cầu như vậy không có gì là…văn học cả tuy có văn minh. Nếu nó cứ yên phận nép mình trong cái phòng chật chội nhất nhưng cũng cần thiết nhất trong một tòa nhà thì chẳng nói làm chi, nó ngang nhiên xông vào văn học.
Trên trang mạng bán đấu giá eBay vừa xuất hiện cái bồn cầu…văn học. Đó là cái bồn cầu của nhà văn Mỹ Jerome David Salinger. Dân ta biết ông nhà văn này qua cuốn truyện nổi tiếng xuất bản năm 1951 Catcher in the Rye, bản dịch của Phùng Khánh và Phùng Thăng do nhà Lá Bối xuất bản vào khoảng năm 1964-1965 với cái tên rất thơ “ Bắt Trẻ Đồng Xanh”. Bà Joan Littlefield, người rao bán cái bồn cầu đã từng được hân hạnh đỡ cái bàn tọa của nhà văn nổi tiếng này, cho biết cái bàn cầu quý giá này đã được gỡ khi người ta sửa chữa căn nhà mà nhà văn đã trú ngụ. Để chứng thực đây đúng là những cái bàn cầu…danh giá, bà Littlefield quả quyết là bà biết tất cả những người thợ đã lắp đặt chiếc bồn cầu này từ hàng chục năm trước khi nhà văn Salinger vào ở căn nhà đó. Bà cho giá 1 triệu đô!
Lời rao trên eBay nhấn mạnh: “Nó không được chùi rửa và vẫn ở trạng thái nguyên bản. Ai có thể biết được có bao nhiêu tác phẩm đã được thai nghén khi Salinger ngồi trên chiếc bồn cầu này!”. Nhà văn Salinger vừa mất vào tháng giêng năm 2010, thọ 91 tuổi. Đọc xong cái tin quan trọng này, tôi vội điện thoại cho các ông bà bạn văn để xí phần. Thứ nhất, kể từ nay yêu cầu các ông bà không được chùi rửa bàn cầu. Thứ hai, xin cho tôi đặt tiền mua trước để một mai khi quý vị chán đời không muốn sống nữa, cái bàn cầu của quý vị sẽ được tháo gỡ giao cho tôi. Nếu quý vị ký và đóng triện vào cái bàn cầu như ký vào tác phẩm của mình thì quý hóa lắm! Tôi nghĩ cú áp-phe này sẽ mang lại cho tôi bạc tỷ. Chờ cho quý vị tới cửu tuần, tuổi ra đi của ông nhà văn Salinger, chắc cũng không còn bao lâu nữa!
Cái bàn cầu có vai trò gì trong việc sáng tác, tôi nghĩ đây có thể là một đề tài hấp dẫn cho một cuộc hội thảo văn học. Nhiều bạn văn đã tỏ ý muốn tham gia. Riêng tôi, vốn tính giản dị, nên khi ngồi trên bàn cầu thì chỉ làm có một việc, mà việc này khó lòng nối kết với văn học. Tưởng nói khơi khơi như vậy là đúng hóa ra cũng bù trất. Cái thứ không liên quan gì tới văn học nghệ thuật được thả xuống bồn cầu tưởng là…kít hóa ra không kít. Đó là…vàng. Tôi không nói tới màu sắc mà nói tới giá trị. Trong một bài blog, ông Nguyễn Hưng Quốc đã kể lại chuyện của nghệ sĩ người Ý Piero Manzoni. Ông này sinh năm 1933 và mất năm 1963, sống trên đời vỏn vẹn có ba chục năm nhưng đã để lại một gia tài…vàng. Ông Manzoni là họa sĩ, tài vẽ của ông tôi quả tình không biết nhưng đã bị bố ông có lần phê bình: “Mày vẽ như cứt!” (You are an artist of shit!). Đó là vào năm 1961, lúc Manzoni đã 28 tuổi. Từ tháng 5 năm đó, mỗi lần ngồi vào bàn cầu, Manzoni lại hốt kít của mình cho vào một cái hộp, đem đến hãng đóng đồ hộp của ông bố nhờ công nhân khằn kín chiếc hộp lại. Tổng cộng ông đóng được 90 hộp, mỗi hộp nặng đúng 30 gram, đánh số từ 001 đến 090, bên ngoài dán nhãn in bằng bốn thứ tiếng Ý, Anh, Pháp và Đức ghi rõ: “Cứt của Nghệ Sĩ” (Merda d’Artista / Artist’s Shit) . Tôi lại có hai thắc mắc. Thứ nhất, từ năm 1961 đến khi ông Manzoni qua đời vào năm 1963 là hai năm. Trên dưới 700 ngày mà chỉ có 90 hộp, hơi…bón! Không hiểu trong thời gian này việc sáng tác tranh của ông họa sĩ có thong thả không? Thứ hai, kít chứ có phải màu vẽ đâu mà ông họa sĩ này cân đúng y boong mỗi hộp 30 gram được? Chắc cũng như việc sáng tác, phẩm cần hơn lượng, số lượng này chắc cũng văn nghệ có gia giảm chút đỉnh.
Manzoni cho rằng bất cứ thứ gì, kể cả những thứ thông thường trong đời sống, nếu có bàn tay của người nghệ sĩ chạm vào sẽ thành…thánh tích! Trong thư viết cho nghệ sĩ Ben Vautier vào tháng 12 năm 1961, bảy tháng sau khi chế tạo những hộp kít đóng khằn hẳn hoi, Manzoni xác định: “Nếu những người sưu tập (các tác phẩm nghệ thuật) muốn có cái gì thân thiết nhất, thực sự gắn liền với đời tư của người nghệ sĩ, thì đó chính là phân của người nghệ sĩ ấy”. Và ông rao bán những tác phẩm đượm mùi này với cái giá ngang ngửa với giá vàng. Nghĩa là vào thời điểm một nhà sưu tập nào mua…tác phẩm, giá 30 gram vàng bao nhiêu thì giá 30 gram kít nghệ sĩ cũng bấy nhiêu. Thì cũng phải thôi: vàng nào chả là vàng! Tưởng cái ông nghệ sĩ ngông nghênh này múa may cho đã điên thôi, ai ngờ có người mua thiệt. Các nhà nghiên cứu đã tìm được một tờ biên nhận đề ngày 23/8/1962, Manzoni bán cho Alberto Lucia một hộp với giá tương đương với giá 30 gram vàng 18 carat! Ông Alberto Lucia nào đó đã đầu tư đúng cửa. Theo tài liệu sưu tầm được thì vào tháng 11 năm 2005, hộp số 57 bán được với giá 110 ngàn euro. Gần đây, hộp số 18 bán được với giá 124 ngàn euro. Ngày 20/10/2008 một hộp được bán với giá 80 ngàn bảng Anh, ngày 25/11/2008 một hộp được bán với giá 68 ngàn bảng Anh trong các cuộc bán đấu giá tại nước này. Biết bao nhiêu là vàng! Vậy là vàng…nghệ sĩ có giá gấp trăm lần vàng ròng.
Các bạn văn của tôi nghe được tin này đã rất phấn khởi. Từ nay việc sáng tác dễ dàng hẳn ra. Có những vị thuộc loại thông thương dễ dàng còn lo hết số để đánh dấu hộp! Sáng tác như vậy, làm gì cái bàn cầu không ngẩng cao đầu vì công lao góp phần cho văn học của nó. Cái thứ nó thân thương ôm vào lòng đã hiên ngang đi vào văn học. Năm 2008, nhiếp ảnh gia Andres Serrano cho ra đời một loạt 66 tác phẩm tập trung vào một đề tài duy nhất: Shit! Ông cho trưng bày tại phòng triển lãm Yvon Lambert tại Nữu Ước và đã thu hút được nhiều người coi. Tôi sẽ phải mách ông bạn nhiếp ảnh gia Lê Quang Xuân để ông ấy khỏi phải vất vả thức khuya dậy sớm đi chụp hết cảnh mặt trời lên lại tới cảnh mặt trời xuống.
Cái cảnh nghệ sĩ vất vả tạo tác phẩm như vậy xưa rồi. Nghệ thuật tiên tiến bây giờ tiện lợi hơn nhiều. Như cách nhà họa sĩ Marcel Duchamp tạo ra tác phẩm Fountain. Tôi không biết dịch cái tên tác phẩm rất thông thường và dễ dịch này ra làm sao vì nhìn vào hình trên Wikipedia thì đích thị nó là cái bàn cầu. Lần này cái…cầu tự mình đi vào nghệ thuật chẳng cần phải có ông nhà văn Salinger ngồi ở trên. Ông Marcel Duchamp tới Mỹ hai năm trước khi tạo ra tác phẩm Fountain và có liên hệ với trường phái Dada. Trường phái phát sinh ở Nữu Ước này chủ trương chống lại sự hợp lý và cho nghệ thuật là…phi nghệ thuật. Ông Marcel bữa đó đi cùng nghệ sĩ Joseph Stella và nhà sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật Walter Arensberg. Ông mua một cái bàn cầu hiệu Bedfordshire tại tiệm J.L. Mott Iron Works ở số 118 Fifth Avenue, mang về xưởng vẽ của ông ở số 33 West đường 67, đặt nó ở vị trí nghiêng 90 độ so với vị trí thông thường của nó rồi viết lên chữ “R. Mutt 1917”. Vậy là xong một cuộc sáng tạo nghệ thuật. Lúc đó ông Marcel Duchamp là thành viên trong ban quản trị “Hội Các Nghệ Sĩ Độc Lập”. Ông mang tới dự cuộc trưng bày thường niên 1917 của Hội, ký tên R. Mull để không ai biết là tác phẩm này là công trình chớp nhoáng của ông. Thông thường thì tất cả các tác phẩm gửi tới đều được trưng bày. Tuy nhiên, đối với tác phẩm Fountain thì các thành viên trong ban quản trị bàn cãi nhau ỏm tỏi về việc có thể coi đó là một công trình nghệ thuật hay không. Cuối cùng họ không cho trưng bày. Tức khí, hai ông Duchamp và Arensberg đều từ chức sau cuộc triển lãm.
Sau đó, Fountain được mang về trưng bày ở Gallery 291, một phòng trưng bày nhỏ cũng tại Nữu Ước. Chủ nhân của nó, nhiếp ảnh gia Alfred Stieglitz đã chụp hình Fountain tại phòng trưng bày này. Chính tấm hình chụp này là bằng chứng hiện nay cho biết có một tác phẩm như vậy vì sau đó tác phẩm này bị thất lạc. Theo Calvin Tomkins, nhà viết tiểu sử của Marcel Duchamp, thì chính anh chàng nhiếp ảnh gia này đã vứt nó vào thùng rác. Những Fountain được trưng bày tại các bảo tàng viện sau này đều là những bản sao. Bản sao thứ nhất được sự chấp thuận của Marcel Duchamp có vào năm 1950 để trưng bày tại Nữu Ước. Sau đó là các bản sao vào năm 1953 và 1963. Cho tới năm 1964 đã có tất cả tám bản sao!
Con mắt tôi có lẽ không có tí nghệ thuật nào. Nhìn cái bàn cầu nằm ở một vị thế vô dụng trông chẳng ra làm sao cả. Vậy mà thiên hạ tấm tắc khen và bê vào trưng bày tại các bảo tàng viện danh tiếng như Indiana University Art Museum, San Francisco Museum of Modern Art, Philadelphia Museum of Art, Centre Georges Pompidou và Tate Modern. Marcel Duchamp gọi trường phái…bàn cầu của mình là readymades. Tôi tạm dịch theo chữ nghĩa thời thượng là “mì ăn liền”. Cứ vác luôn những cái có sẵn, ký tên vào là thành tác phẩm nghệ thuật dù cái có sẵn là cái bàn cầu. Nhưng các nghệ sĩ có con mắt khác. Họ nhìn thấy nghệ thuật. Họ dạy chúng ta về nghệ thuật như sau: “Ông Mutt có tự làm ra cái bàn cầu hay không chẳng phải là điều quan trọng. Ông đã CHỌN nó. Ông chọn một vật thể bình thường trong cuộc sống, đặt nó theo cách để cái ý nghĩa tiện dụng của nó biến mất dưới một danh hiệu và một cách nhìn mới – tạo ra một ý tưởng mới cho vật thể”. Vậy là cái bàn cầu đã lột xác thành một tác phẩm nghệ thuật! Tôi chưa bao giờ vẽ hay chạm khắc được một tác phẩm nghệ thuật nào nhưng từ nay tôi tin rằng tôi có thể trở nên một nghệ sĩ mì ăn liền một cách dễ dàng!
Ông Nguyễn Hưng Quốc là người rất xục xạo đã lôi ra được những vấn đề văn học độc đáo. Cũng trong một bài viết blog, ông đã phát giác ra là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp rất thích cái thứ chúng ta thường thả vào bồn cầu! Ông viết : “Trong các truyện ngắn, ông (Nguyễn Huy Thiệp) cho chữ (cứt) ấy xuất hiện khá nhiều, một cách trần trụi, hung hãn, đầy bạo động. Nó tuôn ra từ miệng của vua Quang Trung khi quát tháo Ngô Khải: “Ta cho mày ăn cứt, xem có chê lợm không?”. Ngay cả khi Nguyễn Huy Thiệp viết về tình yêu, một thứ tình yêu rất thơ mộng giữa Trương Chi và Mỵ Nương, ông cũng phun chữ “cứt” ra. Không phải một lần mà là nhiều lần. Câu chuyện bắt đầu bằng cảnh Trương Chi đứng đái: “Trương Chi đứng ở đầu mũi thuyền. Chàng trật quần đái vọt xuống dòng sông. Phía xa kia là chân trời rực hồng ráng đỏ. Nhà nàng ở phía ấy. Sương xuống lạnh. Một nỗi buồn da diết choáng ngợp lòng chàng”. Đái xong, chàng hát. “Tiếng hát vút cao. Đêm xuống. Bóng tối mù mịt”. Hát xong, chàng duỗi thân, ngả người vào lòng thuyền. Chàng nói: “Cứt” Rồi chàng nhớ tới Mỵ Nương, nàng công chúa đẹp tuyệt trần. Nguyễn Huy Thiệp tả: “Giờ đây, gặp Mỵ Nương rồi, chàng hiểu chắc chắn rằng cuộc sống của chàng thật là cứt, là cứt chó, không sao ngửi được. Không chỉ riêng chàng mà cả bầy. Tất cả đều thối hoắc. Cứt!” Cứ thế, từ đâu đến cuối truyện, Trương Chi cứ chửi “Cứt” luôn miệng. Trước khi nhảy xuống sông tự trầm, Trương Chi cũng lại chửi “cứt”: “Hình ảnh Mỵ Nương biến mất đâu rồi, trước mặt chàng là sông nước trắng xóa một màu, trời mây trắng xóa một màu. Trương Chi chèo thuyền ra giữa tim sông. Chàng lại nói: “Cứt!”.
Nhà văn có khác. Cứ như ông trời con! Các ông các bà nhà văn sáng tạo ra nhân vật và có toàn quyền sinh sát với các nhân vật của mình. Tội cho các ngài Quang Trung và Trương Chi trong tay Nguyễn Huy Thiệp. Bắt phong trần phải phong trần / Cho thanh cao mới được phần thanh cao. Vậy nên Quang Trung và Trương Chi phong trần hết biết, cứ vung ra bừa bãi!
Kít vung tung tóe trên sông thật không phải chỗ. Chỗ của kít là nơi bồn cầu. Mà bồn cầu là bộ mặt văn hóa của một nước. Ông Nguyễn Xuân Quang, một người cả đời chỉ thích đi lòng vòng khắp thế giới đã có một bài viết về cái bộ mặt này qua một bài có cái tựa rất tình: “Những Nhà Vệ Sinh Tôi Đã Đi Qua”: “Đi qua nhiều nhà vệ sinh trên thế giới, tôi nhận ra một điều là nhìn vào phòng vệ sinh công cộng của dân bản xứ của một nước là ta có thể nhìn thấy rất rõ trình độ dân trí của dân tộc đó. Nhìn vào phòng vệ sinh công cộng của dân bản xứ của một nước là ta có thể nhìn thấy rất rõ bộ mặt thật của giới lãnh đạo nước đó. Nhà vệ sinh càng hôi thối bẩn thỉu, đầy ròi bọ thì bộ mặt thật của giới lãnh đạo nước này cũng vậy”. Lại còn thế nữa! Như vậy mỗi lần bụng óc ách là một lần đi thăm…lãnh đạo đất nước. Nếu bộ mặt của lãnh đạo sạch sẽ, mình sẽ kính cẩn vén khéo để không làm tung tóe thiếu lễ độ. Nếu bộ mặt của lãnh đạo nhơ nhuốc bốc mùi, mình sẽ nín thở vung vẩy cho xong để còn mau mau rút lui cho cặp mắt và lỗ mũi được thơ thới hân hoan. Có lẽ vì sợ lộ mặt nên các bậc vua chúa ngày xưa không dùng nhà cầu. Cứ lấy một nước văn minh lâu đời như Pháp thì rõ. Cho tới thế kỷ thứ XVI, trong cung điện Versaille, vua chúa và hoàng thân quốc thích vẫn dùng những cái vại sành nhỏ để giải quyết vấn đề cá nhân nho nhỏ. Bên phía đông, Trung Hoa được coi như văn minh nhất, cũng rứa. Vào thăm Cấm Thành ở Bắc Kinh, nhà cửa san sát, dinh nọ dinh kia nhưng đố bạn tìm được một cái nhà cầu. Tôi không nói tới cái nhà vệ sinh 4 sao nằm ở một góc trong đường vào Cấm Thành. Cái đó người ta mới xây sau này để phục vụ du khách. Không thấy có bảng chỉ lối vào nơi cần thiết này nhưng cần chi bảng. Cứ ngửi mùi là có thể đến một cách dễ dàng mặc dầu nó đã được gắn tới 4 sao như một thứ hạng sang! Vậy thì ngày xưa bộ vua chúa không có những cái lỗ trên người dành cho việc thực hiện một trong những tứ khoái của con người chăng? Tôi không nghĩ ông xanh lại tạo ra một giống khác người để đè đầu nắm cổ những người khác. Làm gì có thứ người không ra người đó! Thực ra thì vua chúa họ cũng giống nhau thôi. Ở bên Pháp họ dùng những vại sành thì ở bên Tàu họ dùng những thùng gỗ có phủ tro trong đó. Mỗi lần len lén làm xong những việc cần thiết, vua chúa và các cung tần mỹ nữ lại phủ thêm một lớp tro lên trên rồi đậy nắp lại. Buổi sáng, khi mở cửa thành, sẽ có những người tới đổ tro vào những thúng rồi gánh ra đổ ở một khoảng đất rộng sau Cấm Thành. Hết triều này qua triều khác, với thời gian, tro càng ngày càng cao lên thành một ngọn đồi nho nhỏ. Người dân gọi ngọn đồi này là Đồi Hương. Cái tên khéo đặt! Dưới thời cộng sản, bà vợ cưng một thời của Mao Trạch Đông, bà Giang Thanh biến ngọn đồi đầy mùi quan liêu này thành một thắng cảnh dùng làm nơi nghỉ ngơi và giải trí mỗi khi bà muốn relax!
Cái thứ mà ông nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cho vung vãi một cách phí của trong truyện của ông lại có thể làm thành được một thắng cảnh. Câu “hợp quần thành sức mạnh” coi bộ lúc nào cũng đúng. Cái thứ tưởng không ra gì đó đang hợp thành một ngọn gió làm nghiêng ngả xã hội Ấn Độ. Tác giả Nguyễn Bình Nam, trong bài “Câu Chuyện Cái Cầu” đã mô tả ngọn gió đó như sau: “Ấn Độ đang trải qua một cuộc “cách mạng cầu tiêu”. Những năm gần đây Ấn Độ phát triển nhanh và người phụ nữ Ấn Độ có một đòi hỏi. Họ đòi hỏi cái cầu tiêu. Thanh niên Ấn muốn lấy vợ cần phải có một cái nhà có phòng vệ sinh tươm tất. Nếu muốn cưới vợ cho con thì bố mẹ phải có nhà có cầu tiêu. Nếu không thì đừng hòng. Người phụ nữ Ấn Độ đã chán cái thời dùng cẩu tiêu công cộng và tắm ngoài sông hay suối. Trước đây 10 năm, khoảng 665 triệu, tức nửa dân số Ấn Độ không có cầu tiêu trong nhà….Tại Ấn Độ có nạn phá thai nữ vì vậy có tình trạng trai thừa gái thiếu khiến cho phong trào đòi hỏi cầu tiêu của phái nữ có thêm sức mạnh. Thanh niên Ấn Độ không còn tự ái hỏi: “Cô ấy muốn lấy mình hay lấy cái cầu tiêu?”. Nếu muốn có vợ tốt hơn là âm thầm sắm cái cầu tiêu.”
Ở nước ta, thời Pháp thuộc, các cô gái đua nhau kén chồng có bằng cấp làm dấy lên phong trào “phi cao đẳng bất thành phu phụ”. Ở Ấn Độ ngày nay, người phụ nữ không đòi hỏi thứ viển vông như vậy. Họ chỉ đòi cái cầu tiêu như thứ sính lễ duy nhất. Việc này cũng đã thành một phong trào, phong trào No Toilet No Bride (Phi xí sở bất thành phu phụ)! Dĩ nhiên nhắc tới chuyện này tôi không có ý so sánh bằng cấp với cái cầu tiêu.
Khỏi phải nói, cái cầu tiêu vênh mặt phải biết. Vênh mặt lên là phải. Đâu phải lúc nào cũng dễ thoát ra được thân phận nằm dưới!
Song Thao
10/2010
source : HỢP LƯU ( www.hopluu.net)
25/2/11
"Một hôm tôi bỗng ra ngoài"
LỜI ỐC MƯỢN HỒN
Trần Hồ Dũng
"Một hôm tôi bỗng ra ngoài"
Ra đi mới biết mình vừa ...vào trong
Vỏ ốc mượn của dòng sông
Nay đem trả lại thấy lòng nhẹ tênh
Từ nay đường rộng thênh thênh
Thân mang hình ốc, lòng là đại dương
Trần Hồ Dũng
"Một hôm tôi bỗng ra ngoài"
Ra đi mới biết mình vừa ...vào trong
Vỏ ốc mượn của dòng sông
Nay đem trả lại thấy lòng nhẹ tênh
Từ nay đường rộng thênh thênh
Thân mang hình ốc, lòng là đại dương
17/12/10
Jorn Rusen : Giải nghĩa lịch sử
Jorn Rusen
Giải nghĩa lịch sử
Lê Hải dịch và chú thích
Giới thiệu: Giáo sư người Đức Jorn Rusen hiện đang là một trong số những lý thuyết gia sử học hàng đầu thế giới, thuộc trào lưu những người viết sử sau giai đoạn mà Francis Fukuyama và nhiều người khác mô tả là lịch sử đã cáo chung. Hiện đang là chủ tịch Viện Nghiên cứu Cao cấp về Các khoa học Nhân văn (Institute for Advanced Studies in the Humanities) ở Essen, ông cũng đồng thời là người khởi xướng và biên tập cho loạt sách [1] nghiên cứu lịch sử thế giới theo nhân sinh quan mới, bắt đầu từ năm 2002, mà đến nay – mùa Thu năm 2008 – tập sách thứ 11 vừa được xuất bản. Bản gốc tiếng Anh của bản dịch này là lời tựa cho tất cả các tập sách được xuất bản trong series này, cũng có thể coi là tuyên ngôn cho một hệ tư tưởng đang ngày càng phổ biến trong làng sử gia phương Tây.
Giai đoạn bắt đầu của thế kỷ 21 cũng là lúc khái niệm “lịch sử” chuyển tải những nội dung trái ngược nhau trong tư duy. Từ một phía, 10–15 năm qua ghi nhận rất nhiều lời tuyên bố là lịch sử đã cáo chung [2] . Khi nói đến những thay đổi về cơ bản của diễn biến chính trị toàn cầu trong hai năm 1989–1990, hay về hậu hiện đại, hoặc thách thức đối với vai trò áp đảo của phương Tây từ phía xu hướng phản thuộc địa và đa văn hóa, “lịch sử”, như chúng ta từng biết theo truyền thống phương Tây, bị tuyên bố đã chết, đã lạc hậu, đã bị vượt qua, và đã đến hồi kết thúc. Từ phía còn lại, có cả một làn sóng toàn cầu của những khám phá về mặt học thuật trong các lĩnh vực có thể coi là “mang tính lịch sử” một cách tự nhiên: quá trình xây dựng bản sắc cá nhân và bản sắc tập thể [3] thông qua ký ức; ứng dụng và chức năng trong văn hóa, xã hội và chính trị của “phép kể quá khứ”; cùng các kết cấu tâm lý của ghi nhớ, ức chế và hồi tưởng [4] . Ngay cả các ngành học có vẻ như kêu gọi “kết thúc lịch sử” (toàn cầu hóa, chủ nghĩa hậu hiện đại, tư tưởng đa văn hóa) cũng nhanh chóng biến thành hiện tượng “lịch sử” rất tự nhiên. Hơn vậy, “lịch sử” và “ký ức lịch sử” còn xâm nhập không gian văn hóa đại chúng (từ các kênh truyền hình chuyên về lịch sử cho đến phim Hollywood). Chúng trở thành những yếu tố quan trọng hơn bao giờ hết trong các cuộc tranh luận đại chúng và đàm phán chính trị (ví dụ các bàn cãi về dư âm của cuộc chiến ở Nam Tư cũ, hay thảo luận về quá trình thống nhất châu Ấu hoặc những di sản từ các chế độ toàn trị). Nói cách khác, hơn bao giờ hết từ sau ngày “lịch sử” bị khai tử, “các vấn đề lịch sử” có vẻ như đang quay lại báo thù.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan này đòi hỏi phải có một hướng đi mới, hoặc ít nhất là một thể hiện mới về mặt lý thuyết. Hơn vậy, nó đòi hỏi phải có một hệ thống lý thuyết mới cho ngành sử học. Lý thuyết này không chỉ dành riêng cho một phân ngành bên trong ngành sử, cũng không phải là một tập hợp có hệ thống các định nghĩa, “qui luật” và luật lệ có giá trị phổ quát. Điều cần thiết là một ngành học đa ngành và liên văn hóa. Ngay tại thời điểm mà lịch sử bị tuyên bố là “đã qua”, cái ngay lập tức kết thúc chính là lý thuyết lịch sử. Phê bình theo phương pháp nhiều chiều (deconstruction) của Hayden White [5] đối với trường phái kể chuyện của các sử gia trong thế kỷ 19 có thể được coi là lời cuối cho lý thuyết lịch sử – khi mà lời phê bình cho tuyên bố của ngành về tính hợp lý đã đặt ra điểm kết thúc cho ý thức hợp lý của ngành; vì phê bình đó không phải là ý thức hợp lý theo luật nhân quả (rational self-reflection). Tuy nhiên, từ cuối thập niên 1980s, “nghiên cứu mang tính phê phán về ký ức lịch sử” bắt đầu nhân rộng bên trong ngành lý thuyết lịch sử [6] . Nhưng mà bên trong phân ngành này người ta bỏ sót vấn đề là bất kỳ khảo sát nào vào ký ức lịch sử trong bối cảnh văn hóa khác nhau đều không chỉ là nghiên cứu mang tính đột phá, mà còn là viên gạch cho cả một lý thuyết bao quát hơn trong lịch sử. Bất kỳ phân tích nào đối với dù ngay cả một tình trạng đơn giản của ký ức lịch sử cũng không thoát khỏi các vấn đề thuộc về về lý thuyết và triết học cho môn lịch sử [7] . Và ngược lại: các tư duy trừu tượng nhất của các triết gia sử học cũng ngay lập tức gặp phải một phản ví dụ tự nhiên nhất trong quá trình ghi nhớ (ví dụ, khi cha mẹ kể lại các trải nghiệm trong quá khứ cho con cái nghe, hay khi một cộng đồng dân gốc Phi châu nhớ lại thời thuộc địa và công cuộc giải phóng). Cho đến khi nào chúng ta không công nhận mối liên hệ tự nhiên giữa lý thuyết lịch sử rắc rối nhất và các vận hành của ký ức lịch sử ẩn thân sâu nhất trong văn hóa và cuộc sống hàng ngày của con người, chúng ta sẽ tiếp tục bị mắc kẹt trong tư duy tuyến tính, vốn coi biến thể văn hóa của ký ức chỉ đơn giản là các đối tượng lý thú cho nghiên cứu hơn là nhận ra đó như là các ví dụ “làm thế nào để giải nghĩa lịch sử”.
Bộ sách Making Sense of History đặt mục tiêu làm cầu nối bắc qua khoảng trống giữa lý thuyết lịch sử và các nghiên cứu về ký ức lịch sử. Đóng góp trong đó là hầu hết các ngành học về văn hóa và xã hội, khai phá một phạm vi rộng lớn các hiện tượng thuộc về một lãnh vực có thể đặt tên là “giải nghĩa lịch sử” (Historische Sinnbildung). Bộ sách không chỉ vượt ranh giới giữa các ngành học, mà còn giữa các nền văn hóa, xã hội, chính trị và lịch sử bao quanh đó. Thay vì giản lược ký ức lịch sử xuống thành một dạng mới nào đó của ngành “cấu trúc thực tế” xã hội hay văn hóa, đóng góp của bộ sách chính là soi sáng các hiện tượng cụ thể trong ký ức lịch sử: tìm cách diễn giải chúng như các ca nghiên cứu trong ngành nghiên cứu cả về lý thuyết lẫn thực nghiệm đang dần hình thành để “giải nghĩa lịch sử”. Theo trục chung đó, các bài luận lý thuyết không chỉ muốn thiết lập một hệ thống lý thuyết và phương pháp mới trong nghiên cứu lịch sử, mà còn đưa ra các cách nhìn so sánh, liên ngành, và liên văn hóa nhằm giúp thông hiểu cái có thể gọi là “công trình toàn cầu về ký ức lịch sử”. Công việc này không đòi hỏi phải loại trừ các đánh giá phê bình đối với chức năng làm công cụ cho hệ tư tưởng của ký ức lịch sử, nhưng mục tiêu chính của bộ sách không phải là đi tìm các hệ tưởng hay định nghĩa chính trị, cũng không phải là phương pháp luận tách rời hệ tư tưởng về “giải nghĩa lịch sử”. Nói cách khác, bộ sách có ý định nghiên cứu các hoạt động văn hóa liên quan tới quá trình tạo ra nghĩa cho lịch sử trong vai trò một thể đặc biệt quan trọng của suy nghĩ và hành động của con người, một ngành học có thể đóng góp vào các loại hình thông hiểu qua lại mới. Trong thời đại toàn cầu hóa nhanh chóng, mà chủ yếu thể hiện trên bình diện kinh tế và chính trị (và rất ít trên bình diện văn hóa) thì việc xây dựng các dạng thức như vậy là nhiệm vụ khẩn cấp.
Sử gia, chuyên gia nhân học, triết gia, các nhà xã hội học, tâm lý học và lý thuyết gia văn chương, cũng như các chuyên gia trong những ngành như truyền thông và nghiên cứu văn hóa [8] , cùng nhau khám phá các vấn đề như sau: Cái gì tạo ra “ý” (sense) và “nghĩa” (meaning) cho lịch sử? Trong những nền văn hóa khác nhau thì các khái niệm về “thời gian” (time) giữ vai trò tiềm ẩn như thế nào? Dạng đặc biệt nào của “nhân sinh quan” (perception) chuyên chở các khái niệm đó và liên quan với những vấn đề chung nào? Đâu là phương pháp thường dùng nhất để diễn tả ý nghĩa lịch sử? Rộng khắp từ các quan điểm chung cho đến lập luận lý thuyết cho các ca nghiên cứu, các bài viết đề cập tới rất nhiều vấn đề liên quan tới câu hỏi về “ý nghĩa lịch sử”, bao gồm các đề tài như bản sắc tập thể, tâm lý và phân tâm học của ký ức lịch sử, hay không gian liên văn hóa của tư duy lịch sử. Nói chung, các bài viết đều thể hiện rằng ký ức lịch sử không phải là chức năng riêng biệt của các hoạt động văn hóa mà con người dùng để thể hiện chính mình trong thế giới họ sinh ra, mà các ký ức đó còn bao gồm những ngành nghiên cứu đặc biệt trong tư duy đương đại của đời sống con người. Các ngành này xét quá trình tâm lý nối kết quá khứ, hiện tại và tương lai từng được phương Tây tổng quát hóa và thể chế hóa, được coi là các phạm trù đặc biệt trong văn hóa mà chúng ta gọi là “lịch sử”. Trong số các khả năng đặc biệt của con người như tư duy, hành động, và đau khổ đòi hỏi phải có “tư duy lịch sử” đặc biệt gồm có (1) quá trình xây dựng và duy trì bản sắc tập thể, (2) quá trình tái xây dựng qui luật tư duy sau thảm họa và các sự kiện hủy diệt hàng loạt, (3) thách thức phải tạo ra qui luật tư duy được thể hiện bởi, và thông qua quá trình đối đầu với các nhóm cực đoan khác, và (4) kinh nghiệm chung về thay đổi và thỏa hiệp.
Theo đúng mục tiêu chung của bộ sách Making Sense of History là mô tả một khu vực nghiên cứu liên ngành mới (chứ không phải đưa ra một lý thuyết riêng), các tập sách được thiết kế không phải nhằm để tạo ra các khu vực chung và chức năng của quá trình ghi nhớ lịch sử như khởi đầu cho một cách tiếp cận mới cho ngành sử ký; thay vào đó, khai phá các khu vực này trong tư cách các nhánh nhỏ của ngành nghiên cứu “các nền văn hóa sử”. Ví dụ như một điểm tập trung là phạm trù bản sắc tập thể (collective identity). Các quan điểm lý thuyết và vấn đề phổ quát được xem xét đặc biệt trong mối quan hệ qua lại với bản sắc, với cái khác (otherness) và tính đại diện. Cùng lúc, các ca nghiên cứu về quá trình hình thành bản sắc giới tính (đặc biệt là với phụ nữ), về bản sắc sắc tộc, và các loại hình khác nhau cùng sân khấu chính trị của bản sắc dân tộc cũng được được đính kèm. Các bài luận về vấn đề này sẽ nhằm mục tiêu chỉ ra rằng bất kỳ khái niệm nào về “bản sắc” như đang bị tách rời khỏi biến đổi lịch sử không chỉ kéo theo các vấn đề về lý thuyết, mà còn bỏ qua thực tế là đa số các dạng hiện đại của bản sắc tập thể bao gồm khả năng tự chuyển đổi theo thời gian. Do vậy, các bài luận sẽ không coi bản sắc là công cụ để phân biệt, mà là một “hoạt động” văn hóa cụ thể đang diễn ra của sự khác biệt. Mục tiêu sẽ là chứng minh khả năng sản sinh của “ý nghĩa” là điểm khởi đầu cho nhận thức luận, cũng như chính nó là một khu vực nghiên cứu lý thuyết và thực hành.
Một số tập sách sẽ tập trung vào quá trình hình thành “thời gian” [9] và “lịch sử” trong tâm lý, phân tích mối liên hệ qua lại giữa ký ức, đạo đức và tính nguyên bản trong các loại hình khác nhau của câu chuyện lịch sử hay hồi ký. Các thành quả từ những nghiên cứu tâm lý thực hành (về sự phát triển của nhận thức hiện tại và lịch sử ở trẻ em, hay cơ chế tâm lý của quá trình tái dựng các kinh nghiệm trong quá khứ) sẽ được thảo luận trong ánh sáng của các nỗ lực muốn phác thảo một lý thuyết tâm lý cho khái niệm nhận thức lịch sử quanh phạm trù “cốt truyện” và “cấu trúc kể chuyện của thời gian lịch sử”. Một tập sách đặc biệt sẽ dành cho các tiếp cận từ môn phân tâm học để nghiên cứu ký ức lịch sử, xét lại các tranh cãi trước đây về mối quan hệ giữa phân tâm học và lịch sử, cũng như giới thiệu các công trình nghiên cứu gần đây. Thay vì chỉ đơn giản đưa ra một số góc nhìn từ ngành phân tâm học, vốn có nhiều khả năng được tiếp nhận và vận dụng trong một số khu vực của ngành nghiên cứu lịch sử, tập sách này cũng sẽ kết hợp các nhân sinh quan lịch sử với phân tâm học, chẳng hạn như khám phá ngay chính lịch sử của ngành phân tâm học, cũng như không gian “nhận thức” tiềm ẩn và chuyển giao các vấn đề khoa học và phi khoa học của ký ức lịch sử. Hơn vậy, tập sách cũng sẽ nhấn mạnh đặc biệt đến các dạng thức tổng quát hóa vượt ranh giới (transgenerational) của trí nhớ, về phạm trù của vết thương lòng như khái niệm then chốt trong ngành này, và về các ca nghiên cứu có thể mở hướng cho nhiều nghiên cứu mới.
Trong kế hoạch sẽ có một tập hợp các bài viết tập trung đặc biệt vào không gian liên văn hóa của tư duy lịch sử, khái quát hóa các nền văn hóa sử học từ Ai Cập cổ đại cho đến Nhật Bản hiện đại. Với quan điểm khuyến khích nghiên cứu so sánh, tập sách sẽ gồm những bài luận tổng hợp và các ca nghiên cứu được soạn thảo nhằm đưa ra các diễn giải so sánh trên cơ sở các tài liệu cụ thể, cũng như khả năng áp dụng hệ thống lý thuyết đó vào các so sánh mới. Dưới ánh sáng của các thành tựu hiện tại của hệ thống quan điểm thế giới xoay quanh vấn đề sắc tộc (ethnocentrism), tập sách này sẽ tập trung vào câu hỏi là các nghiên cứu văn hóa và xã hội sẽ phản ứng như thế nào trước thách thức này. Mục tiêu sẽ là phản biện lại lối tư duy lấy sắc tộc làm trung tâm bằng cách bắc cầu cho khoảng trống hiện nay giữa quá trình toàn cầu hóa nhanh chóng – thể hiện qua tăng trưởng hơn bao giờ hết về mức độ lệ thuộc kinh tế và chính trị giữa các quốc gia và các châu lục – và mức tăng trưởng tương tự theo chiều thiếu hụt mối thông hiểu qua lại giữa các thể chế văn hóa. Các bài luận sẽ cố gắng chỉ ra sự cần thiết phải liên lạc liên văn hóa [10] cả về cơ sở chung của nhiều nền văn hóa sử, lẫn sự khác biệt giữa chúng. Sự liên lạc này có vẻ không chỉ là có thể, mà còn điều kiện cần đầu tiên cho bất kỳ phép thử nào muốn giảm bớt khoảng cách văn hóa trên bình diện chính trị, bất kể là giữa các quốc gia hay bên trong các xã hội ngày càng đa văn hóa mà chúng ta đang sống.
Điểm nhấn đặc biệt của bộ sách về vấn đề khác biệt văn hóa và liên lạc liên văn hóa thể hiện ý đồ của nhóm biên tập muốn vượt khỏi các mối quan tâm nằm trong định chế khoa học. Vấn đề liên lạc liên văn hóa là một thách thức lớn, và cũn là hi vọng lớn cho một công trình nhắm tới một hệ thống lý thuyết chung cho hiện tượng chung về “nhớ lại quá khứ”. Mặc dù trên thực tế “khác biệt văn hóa” từng là cụm từ thường gặp trong thập niên 1990s, đề tài này vẫn còn chứa đựng một mâu thuẫn cũng tương tự như tình hình hiện nay của phạm trù “lịch sử”.
Các nước đã công nghiệp hóa gần đây tăng cường can thiệp chính trị và kinh tế vào nghị trình của phần còn lại của thế giới. Về phía mình, các nước đang phát triển cùng các nước cựu hoặc đang cộng sản phải nhận ngày càng nhiều (có lúc bắt buộc) các cơ cấu chính trị và kinh tế hiện đại. Vậy mà quá trình tạm gọi là hữu nghị qua lại trên bình diện chính trị và kinh tế lại đi kèm với mức độ thiếu kiến thức đáng kể, hay thậm chí thiếu cả sự quan tâm, về bối cảnh lịch sử và văn hóa của các quốc gia liên quan. Cho nên, các dạng chính thức đang tồn tại về liên lạc liên văn hóa, vốn thường bị đòi hỏi trong các bàn cãi của dư luận, lại thiếu đúng cái “văn hóa” trong đó, khiến đề tài và các vấn đề được phân tích trong bộ sách này (bản sắc, ký ức, hoạt động văn hóa, lịch sử, tôn giáo, triết học, văn học) nằm ngoài cái đang được liên lạc một cách rõ ràng – như thể các vấn đề đó không ảnh hưởng đáng kể tới các nghị trình chính trị và kinh tế.
Tuy vậy, nhìn từ phía còn lại, các tiếp cận phổ biến từ phía các lý thuyết gia trong ngành văn hóa và những triết gia thuộc trường phái phê bình ở phương Tây thường cho rằng nói chung không thể liên lạc liên văn hóa trên một mặt bằng chung về “bản sắc văn hóa” – đặt cơ sở trên giả thiết là không tồn tại một mặt bằng chung như vậy (hiện thực hóa khái niệm “khác biệt”) – hoặc chính trị hóa các khác biệt văn hóa theo cách mà chúng bị hạ thấp xuống mức thuần túy vật chất nhằm xây dựng các vị trí cho đối tượng văn hóa. Mặc dù các hiểu biết tự thân được coi là “phê bình”, các tiếp cận khoa học này lộ ra là có tương ứng với quá trình loại trừ “văn hóa” trên bình diện trao đổi chính trị và kinh tế giữa các quốc gia. Do vậy, lý thuyết về văn hóa có lẽ phản ứng lại quá trình loại trừ văn hóa bằng cách loại trừ chính mình.
Bộ sách Making Sense of History này có ý định đối phó với quá trình loại trừ đó bằng cách đưa ra một phương pháp nghiên cứu văn hóa mà trong đó khái niệm “văn hóa” được coi trọng đặc biệt mà không hòa tan nó vào nền chính trị bản sắc hay quá trình hiện thức hóa khái niệm cho rằng không thể bắc cầu cho “các khác biệt”. Cùng lúc công trình cũng nhằm mục tiêu tái giới thiệu phạm trù “lý thuyết lịch sử” không còn tách rời ra khỏi ký ức lịch sử và quá trình ghi nhớ như các hoạt động văn hóa cụ thể nữa, mà tìm cách khám phá các hoạt động đó, diễn giải chúng như các mối nối khác nhau của một nỗ lực toàn diện (nếu đa dạng) để “giải nghĩa lịch sử”. Do đó, bộ sách Making Sense of History cho rằng mỗi đóng góp khoa học cho vấn đề liên lạc liên văn hóa cần mở cửa trở lại với các đối thoại khoa học vào chính bản chất lịch sử (historicity) và bối cảnh văn hóa, cũng như các kiến thức mới về những hoạt động văn hóa khác, nhưng không mang tính hàn lâm, về “hình thành ý nghĩa” như các hình thức cũng quan trọng đối với tư duy của con người (human orientation) và quá trình tự hiểu về bản thân (các hoạt động mà chức năng chung của nó cũng không khác bao nhiêu so với các đóng góp của chính các tư tưởng khoa học). Dạng tuyên ngôn mới cho các thảo luận khoa học hiện đại thể hiện trong nhiều bối cảnh văn hóa, với ý định đặt điểm khởi đầu cho liên lạc liên văn hóa, là một công việc không thể đáp ứng toàn bộ, hay thậm chí chỉ phác thảo, trong một bộ sách vài quyển. Vì vậy, bộ sách Making Sense of History nên được coi là phép thử đầu tiên để vẽ ra lãnh vực nghiên cứu phù hợp với các ý định chung vừa kể: ngành học của “các nền văn hóa lịch sử”.
Ý tưởng cho bộ sách này được hình thành trong quá trình nghiên cứu dự án có tên “Giải nghĩa lịch sử: Nghiên cứu liên ngành trong kết cấu học, logic và chức năng của nhận thức lịch sử – Phép so sánh liên văn hóa”, vốn đã kết thúc thành công. Dự án này được thực hiện ở Trung tâm nghiên cứu liên ngành (Zentrum fur interdisziplinare Forschung; ZiF) của Đại học Bielefeld, Đức, trong hai năm 1994–1995. Công trình được giúp đỡ một phần từ Viện nghiên cứu cao cấp về nhân loại ở Essen, thuộc trung tâm khoa học mang tên Northrhine Westfalia (Kulturwissenschaftliches Institut Essen; KWI). Công trình bao gồm một loạt các hội thảo và nhóm thảo luận. Các luận văn được chọn lọc tạo thành sườn chính cho các tập sách trong bộ sách này. Công việc phân loại, biên tập và hoàn chỉnh các bộ sách mất nhiều thời gian mà tập đầu tiên (bản tiếng Anh) vừa được xuất bản năm 2002. Cuộc tranh luận đang tiếp diễn trong ngành nhân văn về các cơ sở của nó và đặc biệt là về vai trò và chức năng của lịch sử không hề thay đổi đã xác nhận tâm điểm của bộ sách là đã đặt ra những vấn đề cơ bản trong cách giải nghĩa của tư duy lịch sử [11] .
--------------------------------------------------------------------------------
[1]Do NXB Bergahn Books xuất bản, trang bìa và giới thiệu sơ lược được trình bày trên trang mạng http://www.berghahnbooks.com/series.php?pg=maki_sens >
[2]Nổi bật nhất là quan điểm của triết gia Mỹ gốc Nhật Francis Fukuyama, được trình bày đầu tiên qua essay mang tên The End of History? đăng trên tạp chí chính trị quốc tế The National Interest năm 1989 và sau đó xây dựng lên thành tập sách xuất bản năm 1992: The End of History and the Last Man. Hệ thống lý luận của Fukuyama được nối tiếp từ nền tảng triết học Friedrich Hegel.
[3]Mời đọc thêm bài phân tích về mối quan hệ giữa bản sắc cá nhân và bản sắc tập thể từ góc nhìn xã hội học của Jerzy Szacki, Lê Hải dịch: “Bản sắc tập thể hay Bản sắc xã hội của cá nhân”.
[4]Trào lưu này của các sử gia Hoa Kỳ cũng có thể dễ dàng ghi nhận qua làn sóng bùng nổ các tập sách giải nghĩa lại lịch sử Việt Nam, đơn cử như: Mark Bradley và Marilyn Young biên tập (2008) Making Sense of the Vietnam wars: Local, National and Transnational Perspectives NXB ĐH Oxford; Hồ Tài Huệ Tâm biên tập (2001) The Country of Memory: Remaking the Past in Late Socialist Vietnam NXB ĐH California; Trần Tuyết Nhung và Anthony Reid biên tập (2006) Vietnam: Borderless Histories NXB ĐH Wisconsin; Duncan McCargo biên tập (2004) Rethingking Vietnam: State, party and political change in Vietnam NXB Routledge... Có thể coi tuyên bố của Keith Taylor (phần nào được giải thích qua bài phỏng vấn dành cho đài BBC, được lưu ở địa chỉ Internet http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/
2003/09/030912_keithtaylor.shtml) là cột mốc ghi nhận bước ngoặt về lý thuyết sử học khi từ bỏ cách nhìn bản sắc thống nhất mà ông đã từng trình bày trong tập sách (1991) The Birth of Vietnam, NXB ĐH California, hay các sử gia chuyên về Việt Nam cùng thời như David Marr, Emile Durkheim và D.R.Sardesai. Nếu trước kia bản sắc tập thể (bản sắc dân tộc) là một điểm qui chiếu không đổi cho sử gia thì nay bản sắc cũng là một thay đổi mang tính lịch sử theo chiều thời gian, và bản sắc cũng không còn là một khối đơn vị, tự thân tạo thành từ nhiều thành phần khác nhau (ví dụ như phân tích của Amin Maalouf) và mang tính chất khác nhau khi đi từ tầm xã hội xuống từng tập thể và mỗi cá nhân (ví dụ như phân tích của Jerzy Szacki).
[5]Lý thuyết gia sử học chịu nhiều ảnh hưởng của phép duy vật biện chứng lịch sử, hiện là giáo sư của ĐH Stanford và ĐH California ở Santa Cruz. GS Hayden White nhận thấy lịch sử luôn là một kịch bản được dựng lại, ít nhiều theo một trong bốn loại hình: chuyện tình, truyện châm biếm, hài kịch và bi kịch. Sử gia không chỉ là người tìm hiểu quá khứ mà còn phần nào tạo dựng ra lịch sử theo một trong bốn hệ tư tưởng được chấp nhận: bảo thủ, tự do, cực đoan và vô chính phủ.
[6]Ví dụ như công trình của sử gia Mác-xít Eric Hobsbawm, viết theo ký ức cá nhân hoặc từ góc nhìn không lấy phương Tây làm trung tâm – showFile.php?res=12616&rb=0302
[7]Ký ức (memory) là phạm trù đang là tâm điểm tranh cãi và được tìm giải pháp lý thuyết từ nhiều ngành học cùng lúc: triết học, khoa học nhận thức, tâm lý học, nhân học, văn chương, chính trị và xã hội học, cùng các ngành nhỏ và các liên ngành hình thành trong quá trình nghiên cứu một trường hợp cụ thể.
[8]Cultural studies: tên ngành học do lý thuyết gia Mác-xít Stuart Hall thành lập ở Anh trong thập niên 1970s và nhanh chóng phát triển trên thế giới, nghên cứu truyền thông và xã hội qua mô hình ngữ pháp và mối quan hệ ngữ nghĩa cùng cốt truyện: showFile.php?res=12761&rb=0104
[9]Thời gian không đơn giản là một trục tuyến tính mà trong các ngành khoa học xã hội còn được chia ra thành nhiều dạng thức khác nhau. Ví dụ đơn giản có thời gian thực mà mỗi người sống theo nhịp của môi trường tự nhiên như mặt trăng, mặt trời, mùa màng... và thời gian do các nghi lễ qui định, du nhập qua tôn giáo hay từ nền văn hóa khác như lịch Tây, đồng hồ và chuông nhà thờ, rằm, Tết và lễ Phật Đản. Thời gian cũng có thể được ghi nhận hoặc thể hiện qua không gian (ví dụ như các công trình xây dựng nối tiếp nhau qua năm tháng), vật chất (ví dụ như thay đổi về chất và lượng của cùng một mặt hàng) hoặc phức tạp hơn là qua cách sắp xếp trình tự (ví dụ theo cốt truyện, theo nhân vật, sự kiện, hay theo thứ tự nào khác) trong ký ức của mỗi cá nhân, hay trong ký ức tập thể được 'vật thể hóa' qua các hoạt động văn hóa như lễ hội. Ví dụ lịch sử hiện đại và hậu hiện đại của Việt Nam đang được một số trường phái ghi nhận thông qua chiều tâm linh, đơn cử như các công trình của: Kwon Heon-ik (2008) Ghosts of War in Vietnam, NXB ĐH Cambridge; Shaun Malarney (2002) Culture, Ritual and Revolution in Vietnam, NXB ĐN Hawaii; Đỗ Thiện (2003) Vietnam Supernaturalism: Views from the Southern Region, NXB Routledge; Nguyễn Thị Hiền và Karen Fjelstad biên tập (2006) Possessed by the Spirits: Mediumship in Contemporary Vietnamese Communities, SEAP; Philip Taylor (2007) Modernity and Re-enchantment: Religion in Post-revolutionary Vietnam, ISAS...
[10]‘Intercultural communication’ trong nguyên bản tiếng Anh, là tên của một trường phái trong khoa học và cũng là một chuyên ngành nhỏ, có lúc còn được gọi là cross-cultural communication, ghi nhận và nghiên cứu sự thay đổi khi thông tin được dịch chuyển từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác. Có thể lấy ví dụ cụ thể như các hệ giá trị, khái niệm và tư tưởng phương Tây khi du nhập vào Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20 thường rất khác so với bản gốc vì đã qua hai lần chuyển dịch qua trung gian tiếng (văn hóa) Hán hoặc Nhật. Trong phạm vi bài viết này tác giả muốn đề cập đến độ rơ giữa các khái niệm và hệ thống lý luận cơ sở cùng văn hóa làm nền tảng cho nó, khác nhau không chỉ giữa các quốc gia cùng là phương Tây mà còn có lúc giữa các trường đại học nằm ở các vùng khác nhau trong cùng một quốc gia, những cơ sở khiến người ta hiểu khác nhau khi đề cập tới cùng một khái niệm như lịch sử.
[11]Tiếp theo là một paragraph cám ơn những người đã đóng góp vào bộ sách, có chỉnh sửa tùy theo mỗi tập sách. Nội dung trong tập thứ ba cùng biên tập với Jurgen Straub như sau: “Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với các nhân viên của Trung tâm Nghiên cứu Liên ngành tại Đại học Bielefeld, cũng như nhân viên của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Các khoa học Nhân văn ở Essen. Tôi cũng muốn cám ơn các biên tập và đồng biên tập của từng tập sách trong bộ sách này, và tất nhiên là tất cả những ai đã đóng góp nỗ lực cùng kiên nhẫn để hoàn thành nó. Cuối cùng, tôi muốn cám ơn bà Angelika Wulff đã giúp quản lý điều hành, và vợ tôi, Inge, đã ủng hộ nhiệt tình bằng cách giúp biên tập bài viết của tôi.” Tập sách thứ 11 về cách diễn tả quốc gia qua lịch sử, truyền thông và nghệ thuật đang được xuất bản vào mùa thu năm nay.
Nguồn: http://books.google.com/books?id=aN75LNV4SLsC&pg=PA1&dq=making+sense+of+history&ei=kecISb_CM4HYtgP8iPmiAg#PPR7,M1
Giải nghĩa lịch sử
Lê Hải dịch và chú thích
Giới thiệu: Giáo sư người Đức Jorn Rusen hiện đang là một trong số những lý thuyết gia sử học hàng đầu thế giới, thuộc trào lưu những người viết sử sau giai đoạn mà Francis Fukuyama và nhiều người khác mô tả là lịch sử đã cáo chung. Hiện đang là chủ tịch Viện Nghiên cứu Cao cấp về Các khoa học Nhân văn (Institute for Advanced Studies in the Humanities) ở Essen, ông cũng đồng thời là người khởi xướng và biên tập cho loạt sách [1] nghiên cứu lịch sử thế giới theo nhân sinh quan mới, bắt đầu từ năm 2002, mà đến nay – mùa Thu năm 2008 – tập sách thứ 11 vừa được xuất bản. Bản gốc tiếng Anh của bản dịch này là lời tựa cho tất cả các tập sách được xuất bản trong series này, cũng có thể coi là tuyên ngôn cho một hệ tư tưởng đang ngày càng phổ biến trong làng sử gia phương Tây.
Giai đoạn bắt đầu của thế kỷ 21 cũng là lúc khái niệm “lịch sử” chuyển tải những nội dung trái ngược nhau trong tư duy. Từ một phía, 10–15 năm qua ghi nhận rất nhiều lời tuyên bố là lịch sử đã cáo chung [2] . Khi nói đến những thay đổi về cơ bản của diễn biến chính trị toàn cầu trong hai năm 1989–1990, hay về hậu hiện đại, hoặc thách thức đối với vai trò áp đảo của phương Tây từ phía xu hướng phản thuộc địa và đa văn hóa, “lịch sử”, như chúng ta từng biết theo truyền thống phương Tây, bị tuyên bố đã chết, đã lạc hậu, đã bị vượt qua, và đã đến hồi kết thúc. Từ phía còn lại, có cả một làn sóng toàn cầu của những khám phá về mặt học thuật trong các lĩnh vực có thể coi là “mang tính lịch sử” một cách tự nhiên: quá trình xây dựng bản sắc cá nhân và bản sắc tập thể [3] thông qua ký ức; ứng dụng và chức năng trong văn hóa, xã hội và chính trị của “phép kể quá khứ”; cùng các kết cấu tâm lý của ghi nhớ, ức chế và hồi tưởng [4] . Ngay cả các ngành học có vẻ như kêu gọi “kết thúc lịch sử” (toàn cầu hóa, chủ nghĩa hậu hiện đại, tư tưởng đa văn hóa) cũng nhanh chóng biến thành hiện tượng “lịch sử” rất tự nhiên. Hơn vậy, “lịch sử” và “ký ức lịch sử” còn xâm nhập không gian văn hóa đại chúng (từ các kênh truyền hình chuyên về lịch sử cho đến phim Hollywood). Chúng trở thành những yếu tố quan trọng hơn bao giờ hết trong các cuộc tranh luận đại chúng và đàm phán chính trị (ví dụ các bàn cãi về dư âm của cuộc chiến ở Nam Tư cũ, hay thảo luận về quá trình thống nhất châu Ấu hoặc những di sản từ các chế độ toàn trị). Nói cách khác, hơn bao giờ hết từ sau ngày “lịch sử” bị khai tử, “các vấn đề lịch sử” có vẻ như đang quay lại báo thù.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan này đòi hỏi phải có một hướng đi mới, hoặc ít nhất là một thể hiện mới về mặt lý thuyết. Hơn vậy, nó đòi hỏi phải có một hệ thống lý thuyết mới cho ngành sử học. Lý thuyết này không chỉ dành riêng cho một phân ngành bên trong ngành sử, cũng không phải là một tập hợp có hệ thống các định nghĩa, “qui luật” và luật lệ có giá trị phổ quát. Điều cần thiết là một ngành học đa ngành và liên văn hóa. Ngay tại thời điểm mà lịch sử bị tuyên bố là “đã qua”, cái ngay lập tức kết thúc chính là lý thuyết lịch sử. Phê bình theo phương pháp nhiều chiều (deconstruction) của Hayden White [5] đối với trường phái kể chuyện của các sử gia trong thế kỷ 19 có thể được coi là lời cuối cho lý thuyết lịch sử – khi mà lời phê bình cho tuyên bố của ngành về tính hợp lý đã đặt ra điểm kết thúc cho ý thức hợp lý của ngành; vì phê bình đó không phải là ý thức hợp lý theo luật nhân quả (rational self-reflection). Tuy nhiên, từ cuối thập niên 1980s, “nghiên cứu mang tính phê phán về ký ức lịch sử” bắt đầu nhân rộng bên trong ngành lý thuyết lịch sử [6] . Nhưng mà bên trong phân ngành này người ta bỏ sót vấn đề là bất kỳ khảo sát nào vào ký ức lịch sử trong bối cảnh văn hóa khác nhau đều không chỉ là nghiên cứu mang tính đột phá, mà còn là viên gạch cho cả một lý thuyết bao quát hơn trong lịch sử. Bất kỳ phân tích nào đối với dù ngay cả một tình trạng đơn giản của ký ức lịch sử cũng không thoát khỏi các vấn đề thuộc về về lý thuyết và triết học cho môn lịch sử [7] . Và ngược lại: các tư duy trừu tượng nhất của các triết gia sử học cũng ngay lập tức gặp phải một phản ví dụ tự nhiên nhất trong quá trình ghi nhớ (ví dụ, khi cha mẹ kể lại các trải nghiệm trong quá khứ cho con cái nghe, hay khi một cộng đồng dân gốc Phi châu nhớ lại thời thuộc địa và công cuộc giải phóng). Cho đến khi nào chúng ta không công nhận mối liên hệ tự nhiên giữa lý thuyết lịch sử rắc rối nhất và các vận hành của ký ức lịch sử ẩn thân sâu nhất trong văn hóa và cuộc sống hàng ngày của con người, chúng ta sẽ tiếp tục bị mắc kẹt trong tư duy tuyến tính, vốn coi biến thể văn hóa của ký ức chỉ đơn giản là các đối tượng lý thú cho nghiên cứu hơn là nhận ra đó như là các ví dụ “làm thế nào để giải nghĩa lịch sử”.
Bộ sách Making Sense of History đặt mục tiêu làm cầu nối bắc qua khoảng trống giữa lý thuyết lịch sử và các nghiên cứu về ký ức lịch sử. Đóng góp trong đó là hầu hết các ngành học về văn hóa và xã hội, khai phá một phạm vi rộng lớn các hiện tượng thuộc về một lãnh vực có thể đặt tên là “giải nghĩa lịch sử” (Historische Sinnbildung). Bộ sách không chỉ vượt ranh giới giữa các ngành học, mà còn giữa các nền văn hóa, xã hội, chính trị và lịch sử bao quanh đó. Thay vì giản lược ký ức lịch sử xuống thành một dạng mới nào đó của ngành “cấu trúc thực tế” xã hội hay văn hóa, đóng góp của bộ sách chính là soi sáng các hiện tượng cụ thể trong ký ức lịch sử: tìm cách diễn giải chúng như các ca nghiên cứu trong ngành nghiên cứu cả về lý thuyết lẫn thực nghiệm đang dần hình thành để “giải nghĩa lịch sử”. Theo trục chung đó, các bài luận lý thuyết không chỉ muốn thiết lập một hệ thống lý thuyết và phương pháp mới trong nghiên cứu lịch sử, mà còn đưa ra các cách nhìn so sánh, liên ngành, và liên văn hóa nhằm giúp thông hiểu cái có thể gọi là “công trình toàn cầu về ký ức lịch sử”. Công việc này không đòi hỏi phải loại trừ các đánh giá phê bình đối với chức năng làm công cụ cho hệ tư tưởng của ký ức lịch sử, nhưng mục tiêu chính của bộ sách không phải là đi tìm các hệ tưởng hay định nghĩa chính trị, cũng không phải là phương pháp luận tách rời hệ tư tưởng về “giải nghĩa lịch sử”. Nói cách khác, bộ sách có ý định nghiên cứu các hoạt động văn hóa liên quan tới quá trình tạo ra nghĩa cho lịch sử trong vai trò một thể đặc biệt quan trọng của suy nghĩ và hành động của con người, một ngành học có thể đóng góp vào các loại hình thông hiểu qua lại mới. Trong thời đại toàn cầu hóa nhanh chóng, mà chủ yếu thể hiện trên bình diện kinh tế và chính trị (và rất ít trên bình diện văn hóa) thì việc xây dựng các dạng thức như vậy là nhiệm vụ khẩn cấp.
Sử gia, chuyên gia nhân học, triết gia, các nhà xã hội học, tâm lý học và lý thuyết gia văn chương, cũng như các chuyên gia trong những ngành như truyền thông và nghiên cứu văn hóa [8] , cùng nhau khám phá các vấn đề như sau: Cái gì tạo ra “ý” (sense) và “nghĩa” (meaning) cho lịch sử? Trong những nền văn hóa khác nhau thì các khái niệm về “thời gian” (time) giữ vai trò tiềm ẩn như thế nào? Dạng đặc biệt nào của “nhân sinh quan” (perception) chuyên chở các khái niệm đó và liên quan với những vấn đề chung nào? Đâu là phương pháp thường dùng nhất để diễn tả ý nghĩa lịch sử? Rộng khắp từ các quan điểm chung cho đến lập luận lý thuyết cho các ca nghiên cứu, các bài viết đề cập tới rất nhiều vấn đề liên quan tới câu hỏi về “ý nghĩa lịch sử”, bao gồm các đề tài như bản sắc tập thể, tâm lý và phân tâm học của ký ức lịch sử, hay không gian liên văn hóa của tư duy lịch sử. Nói chung, các bài viết đều thể hiện rằng ký ức lịch sử không phải là chức năng riêng biệt của các hoạt động văn hóa mà con người dùng để thể hiện chính mình trong thế giới họ sinh ra, mà các ký ức đó còn bao gồm những ngành nghiên cứu đặc biệt trong tư duy đương đại của đời sống con người. Các ngành này xét quá trình tâm lý nối kết quá khứ, hiện tại và tương lai từng được phương Tây tổng quát hóa và thể chế hóa, được coi là các phạm trù đặc biệt trong văn hóa mà chúng ta gọi là “lịch sử”. Trong số các khả năng đặc biệt của con người như tư duy, hành động, và đau khổ đòi hỏi phải có “tư duy lịch sử” đặc biệt gồm có (1) quá trình xây dựng và duy trì bản sắc tập thể, (2) quá trình tái xây dựng qui luật tư duy sau thảm họa và các sự kiện hủy diệt hàng loạt, (3) thách thức phải tạo ra qui luật tư duy được thể hiện bởi, và thông qua quá trình đối đầu với các nhóm cực đoan khác, và (4) kinh nghiệm chung về thay đổi và thỏa hiệp.
Theo đúng mục tiêu chung của bộ sách Making Sense of History là mô tả một khu vực nghiên cứu liên ngành mới (chứ không phải đưa ra một lý thuyết riêng), các tập sách được thiết kế không phải nhằm để tạo ra các khu vực chung và chức năng của quá trình ghi nhớ lịch sử như khởi đầu cho một cách tiếp cận mới cho ngành sử ký; thay vào đó, khai phá các khu vực này trong tư cách các nhánh nhỏ của ngành nghiên cứu “các nền văn hóa sử”. Ví dụ như một điểm tập trung là phạm trù bản sắc tập thể (collective identity). Các quan điểm lý thuyết và vấn đề phổ quát được xem xét đặc biệt trong mối quan hệ qua lại với bản sắc, với cái khác (otherness) và tính đại diện. Cùng lúc, các ca nghiên cứu về quá trình hình thành bản sắc giới tính (đặc biệt là với phụ nữ), về bản sắc sắc tộc, và các loại hình khác nhau cùng sân khấu chính trị của bản sắc dân tộc cũng được được đính kèm. Các bài luận về vấn đề này sẽ nhằm mục tiêu chỉ ra rằng bất kỳ khái niệm nào về “bản sắc” như đang bị tách rời khỏi biến đổi lịch sử không chỉ kéo theo các vấn đề về lý thuyết, mà còn bỏ qua thực tế là đa số các dạng hiện đại của bản sắc tập thể bao gồm khả năng tự chuyển đổi theo thời gian. Do vậy, các bài luận sẽ không coi bản sắc là công cụ để phân biệt, mà là một “hoạt động” văn hóa cụ thể đang diễn ra của sự khác biệt. Mục tiêu sẽ là chứng minh khả năng sản sinh của “ý nghĩa” là điểm khởi đầu cho nhận thức luận, cũng như chính nó là một khu vực nghiên cứu lý thuyết và thực hành.
Một số tập sách sẽ tập trung vào quá trình hình thành “thời gian” [9] và “lịch sử” trong tâm lý, phân tích mối liên hệ qua lại giữa ký ức, đạo đức và tính nguyên bản trong các loại hình khác nhau của câu chuyện lịch sử hay hồi ký. Các thành quả từ những nghiên cứu tâm lý thực hành (về sự phát triển của nhận thức hiện tại và lịch sử ở trẻ em, hay cơ chế tâm lý của quá trình tái dựng các kinh nghiệm trong quá khứ) sẽ được thảo luận trong ánh sáng của các nỗ lực muốn phác thảo một lý thuyết tâm lý cho khái niệm nhận thức lịch sử quanh phạm trù “cốt truyện” và “cấu trúc kể chuyện của thời gian lịch sử”. Một tập sách đặc biệt sẽ dành cho các tiếp cận từ môn phân tâm học để nghiên cứu ký ức lịch sử, xét lại các tranh cãi trước đây về mối quan hệ giữa phân tâm học và lịch sử, cũng như giới thiệu các công trình nghiên cứu gần đây. Thay vì chỉ đơn giản đưa ra một số góc nhìn từ ngành phân tâm học, vốn có nhiều khả năng được tiếp nhận và vận dụng trong một số khu vực của ngành nghiên cứu lịch sử, tập sách này cũng sẽ kết hợp các nhân sinh quan lịch sử với phân tâm học, chẳng hạn như khám phá ngay chính lịch sử của ngành phân tâm học, cũng như không gian “nhận thức” tiềm ẩn và chuyển giao các vấn đề khoa học và phi khoa học của ký ức lịch sử. Hơn vậy, tập sách cũng sẽ nhấn mạnh đặc biệt đến các dạng thức tổng quát hóa vượt ranh giới (transgenerational) của trí nhớ, về phạm trù của vết thương lòng như khái niệm then chốt trong ngành này, và về các ca nghiên cứu có thể mở hướng cho nhiều nghiên cứu mới.
Trong kế hoạch sẽ có một tập hợp các bài viết tập trung đặc biệt vào không gian liên văn hóa của tư duy lịch sử, khái quát hóa các nền văn hóa sử học từ Ai Cập cổ đại cho đến Nhật Bản hiện đại. Với quan điểm khuyến khích nghiên cứu so sánh, tập sách sẽ gồm những bài luận tổng hợp và các ca nghiên cứu được soạn thảo nhằm đưa ra các diễn giải so sánh trên cơ sở các tài liệu cụ thể, cũng như khả năng áp dụng hệ thống lý thuyết đó vào các so sánh mới. Dưới ánh sáng của các thành tựu hiện tại của hệ thống quan điểm thế giới xoay quanh vấn đề sắc tộc (ethnocentrism), tập sách này sẽ tập trung vào câu hỏi là các nghiên cứu văn hóa và xã hội sẽ phản ứng như thế nào trước thách thức này. Mục tiêu sẽ là phản biện lại lối tư duy lấy sắc tộc làm trung tâm bằng cách bắc cầu cho khoảng trống hiện nay giữa quá trình toàn cầu hóa nhanh chóng – thể hiện qua tăng trưởng hơn bao giờ hết về mức độ lệ thuộc kinh tế và chính trị giữa các quốc gia và các châu lục – và mức tăng trưởng tương tự theo chiều thiếu hụt mối thông hiểu qua lại giữa các thể chế văn hóa. Các bài luận sẽ cố gắng chỉ ra sự cần thiết phải liên lạc liên văn hóa [10] cả về cơ sở chung của nhiều nền văn hóa sử, lẫn sự khác biệt giữa chúng. Sự liên lạc này có vẻ không chỉ là có thể, mà còn điều kiện cần đầu tiên cho bất kỳ phép thử nào muốn giảm bớt khoảng cách văn hóa trên bình diện chính trị, bất kể là giữa các quốc gia hay bên trong các xã hội ngày càng đa văn hóa mà chúng ta đang sống.
Điểm nhấn đặc biệt của bộ sách về vấn đề khác biệt văn hóa và liên lạc liên văn hóa thể hiện ý đồ của nhóm biên tập muốn vượt khỏi các mối quan tâm nằm trong định chế khoa học. Vấn đề liên lạc liên văn hóa là một thách thức lớn, và cũn là hi vọng lớn cho một công trình nhắm tới một hệ thống lý thuyết chung cho hiện tượng chung về “nhớ lại quá khứ”. Mặc dù trên thực tế “khác biệt văn hóa” từng là cụm từ thường gặp trong thập niên 1990s, đề tài này vẫn còn chứa đựng một mâu thuẫn cũng tương tự như tình hình hiện nay của phạm trù “lịch sử”.
Các nước đã công nghiệp hóa gần đây tăng cường can thiệp chính trị và kinh tế vào nghị trình của phần còn lại của thế giới. Về phía mình, các nước đang phát triển cùng các nước cựu hoặc đang cộng sản phải nhận ngày càng nhiều (có lúc bắt buộc) các cơ cấu chính trị và kinh tế hiện đại. Vậy mà quá trình tạm gọi là hữu nghị qua lại trên bình diện chính trị và kinh tế lại đi kèm với mức độ thiếu kiến thức đáng kể, hay thậm chí thiếu cả sự quan tâm, về bối cảnh lịch sử và văn hóa của các quốc gia liên quan. Cho nên, các dạng chính thức đang tồn tại về liên lạc liên văn hóa, vốn thường bị đòi hỏi trong các bàn cãi của dư luận, lại thiếu đúng cái “văn hóa” trong đó, khiến đề tài và các vấn đề được phân tích trong bộ sách này (bản sắc, ký ức, hoạt động văn hóa, lịch sử, tôn giáo, triết học, văn học) nằm ngoài cái đang được liên lạc một cách rõ ràng – như thể các vấn đề đó không ảnh hưởng đáng kể tới các nghị trình chính trị và kinh tế.
Tuy vậy, nhìn từ phía còn lại, các tiếp cận phổ biến từ phía các lý thuyết gia trong ngành văn hóa và những triết gia thuộc trường phái phê bình ở phương Tây thường cho rằng nói chung không thể liên lạc liên văn hóa trên một mặt bằng chung về “bản sắc văn hóa” – đặt cơ sở trên giả thiết là không tồn tại một mặt bằng chung như vậy (hiện thực hóa khái niệm “khác biệt”) – hoặc chính trị hóa các khác biệt văn hóa theo cách mà chúng bị hạ thấp xuống mức thuần túy vật chất nhằm xây dựng các vị trí cho đối tượng văn hóa. Mặc dù các hiểu biết tự thân được coi là “phê bình”, các tiếp cận khoa học này lộ ra là có tương ứng với quá trình loại trừ “văn hóa” trên bình diện trao đổi chính trị và kinh tế giữa các quốc gia. Do vậy, lý thuyết về văn hóa có lẽ phản ứng lại quá trình loại trừ văn hóa bằng cách loại trừ chính mình.
Bộ sách Making Sense of History này có ý định đối phó với quá trình loại trừ đó bằng cách đưa ra một phương pháp nghiên cứu văn hóa mà trong đó khái niệm “văn hóa” được coi trọng đặc biệt mà không hòa tan nó vào nền chính trị bản sắc hay quá trình hiện thức hóa khái niệm cho rằng không thể bắc cầu cho “các khác biệt”. Cùng lúc công trình cũng nhằm mục tiêu tái giới thiệu phạm trù “lý thuyết lịch sử” không còn tách rời ra khỏi ký ức lịch sử và quá trình ghi nhớ như các hoạt động văn hóa cụ thể nữa, mà tìm cách khám phá các hoạt động đó, diễn giải chúng như các mối nối khác nhau của một nỗ lực toàn diện (nếu đa dạng) để “giải nghĩa lịch sử”. Do đó, bộ sách Making Sense of History cho rằng mỗi đóng góp khoa học cho vấn đề liên lạc liên văn hóa cần mở cửa trở lại với các đối thoại khoa học vào chính bản chất lịch sử (historicity) và bối cảnh văn hóa, cũng như các kiến thức mới về những hoạt động văn hóa khác, nhưng không mang tính hàn lâm, về “hình thành ý nghĩa” như các hình thức cũng quan trọng đối với tư duy của con người (human orientation) và quá trình tự hiểu về bản thân (các hoạt động mà chức năng chung của nó cũng không khác bao nhiêu so với các đóng góp của chính các tư tưởng khoa học). Dạng tuyên ngôn mới cho các thảo luận khoa học hiện đại thể hiện trong nhiều bối cảnh văn hóa, với ý định đặt điểm khởi đầu cho liên lạc liên văn hóa, là một công việc không thể đáp ứng toàn bộ, hay thậm chí chỉ phác thảo, trong một bộ sách vài quyển. Vì vậy, bộ sách Making Sense of History nên được coi là phép thử đầu tiên để vẽ ra lãnh vực nghiên cứu phù hợp với các ý định chung vừa kể: ngành học của “các nền văn hóa lịch sử”.
Ý tưởng cho bộ sách này được hình thành trong quá trình nghiên cứu dự án có tên “Giải nghĩa lịch sử: Nghiên cứu liên ngành trong kết cấu học, logic và chức năng của nhận thức lịch sử – Phép so sánh liên văn hóa”, vốn đã kết thúc thành công. Dự án này được thực hiện ở Trung tâm nghiên cứu liên ngành (Zentrum fur interdisziplinare Forschung; ZiF) của Đại học Bielefeld, Đức, trong hai năm 1994–1995. Công trình được giúp đỡ một phần từ Viện nghiên cứu cao cấp về nhân loại ở Essen, thuộc trung tâm khoa học mang tên Northrhine Westfalia (Kulturwissenschaftliches Institut Essen; KWI). Công trình bao gồm một loạt các hội thảo và nhóm thảo luận. Các luận văn được chọn lọc tạo thành sườn chính cho các tập sách trong bộ sách này. Công việc phân loại, biên tập và hoàn chỉnh các bộ sách mất nhiều thời gian mà tập đầu tiên (bản tiếng Anh) vừa được xuất bản năm 2002. Cuộc tranh luận đang tiếp diễn trong ngành nhân văn về các cơ sở của nó và đặc biệt là về vai trò và chức năng của lịch sử không hề thay đổi đã xác nhận tâm điểm của bộ sách là đã đặt ra những vấn đề cơ bản trong cách giải nghĩa của tư duy lịch sử [11] .
--------------------------------------------------------------------------------
[1]Do NXB Bergahn Books xuất bản, trang bìa và giới thiệu sơ lược được trình bày trên trang mạng http://www.berghahnbooks.com/series.php?pg=maki_sens >
[2]Nổi bật nhất là quan điểm của triết gia Mỹ gốc Nhật Francis Fukuyama, được trình bày đầu tiên qua essay mang tên The End of History? đăng trên tạp chí chính trị quốc tế The National Interest năm 1989 và sau đó xây dựng lên thành tập sách xuất bản năm 1992: The End of History and the Last Man. Hệ thống lý luận của Fukuyama được nối tiếp từ nền tảng triết học Friedrich Hegel.
[3]Mời đọc thêm bài phân tích về mối quan hệ giữa bản sắc cá nhân và bản sắc tập thể từ góc nhìn xã hội học của Jerzy Szacki, Lê Hải dịch: “Bản sắc tập thể hay Bản sắc xã hội của cá nhân”.
[4]Trào lưu này của các sử gia Hoa Kỳ cũng có thể dễ dàng ghi nhận qua làn sóng bùng nổ các tập sách giải nghĩa lại lịch sử Việt Nam, đơn cử như: Mark Bradley và Marilyn Young biên tập (2008) Making Sense of the Vietnam wars: Local, National and Transnational Perspectives NXB ĐH Oxford; Hồ Tài Huệ Tâm biên tập (2001) The Country of Memory: Remaking the Past in Late Socialist Vietnam NXB ĐH California; Trần Tuyết Nhung và Anthony Reid biên tập (2006) Vietnam: Borderless Histories NXB ĐH Wisconsin; Duncan McCargo biên tập (2004) Rethingking Vietnam: State, party and political change in Vietnam NXB Routledge... Có thể coi tuyên bố của Keith Taylor (phần nào được giải thích qua bài phỏng vấn dành cho đài BBC, được lưu ở địa chỉ Internet http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/
2003/09/030912_keithtaylor.shtml) là cột mốc ghi nhận bước ngoặt về lý thuyết sử học khi từ bỏ cách nhìn bản sắc thống nhất mà ông đã từng trình bày trong tập sách (1991) The Birth of Vietnam, NXB ĐH California, hay các sử gia chuyên về Việt Nam cùng thời như David Marr, Emile Durkheim và D.R.Sardesai. Nếu trước kia bản sắc tập thể (bản sắc dân tộc) là một điểm qui chiếu không đổi cho sử gia thì nay bản sắc cũng là một thay đổi mang tính lịch sử theo chiều thời gian, và bản sắc cũng không còn là một khối đơn vị, tự thân tạo thành từ nhiều thành phần khác nhau (ví dụ như phân tích của Amin Maalouf) và mang tính chất khác nhau khi đi từ tầm xã hội xuống từng tập thể và mỗi cá nhân (ví dụ như phân tích của Jerzy Szacki).
[5]Lý thuyết gia sử học chịu nhiều ảnh hưởng của phép duy vật biện chứng lịch sử, hiện là giáo sư của ĐH Stanford và ĐH California ở Santa Cruz. GS Hayden White nhận thấy lịch sử luôn là một kịch bản được dựng lại, ít nhiều theo một trong bốn loại hình: chuyện tình, truyện châm biếm, hài kịch và bi kịch. Sử gia không chỉ là người tìm hiểu quá khứ mà còn phần nào tạo dựng ra lịch sử theo một trong bốn hệ tư tưởng được chấp nhận: bảo thủ, tự do, cực đoan và vô chính phủ.
[6]Ví dụ như công trình của sử gia Mác-xít Eric Hobsbawm, viết theo ký ức cá nhân hoặc từ góc nhìn không lấy phương Tây làm trung tâm – showFile.php?res=12616&rb=0302
[7]Ký ức (memory) là phạm trù đang là tâm điểm tranh cãi và được tìm giải pháp lý thuyết từ nhiều ngành học cùng lúc: triết học, khoa học nhận thức, tâm lý học, nhân học, văn chương, chính trị và xã hội học, cùng các ngành nhỏ và các liên ngành hình thành trong quá trình nghiên cứu một trường hợp cụ thể.
[8]Cultural studies: tên ngành học do lý thuyết gia Mác-xít Stuart Hall thành lập ở Anh trong thập niên 1970s và nhanh chóng phát triển trên thế giới, nghên cứu truyền thông và xã hội qua mô hình ngữ pháp và mối quan hệ ngữ nghĩa cùng cốt truyện: showFile.php?res=12761&rb=0104
[9]Thời gian không đơn giản là một trục tuyến tính mà trong các ngành khoa học xã hội còn được chia ra thành nhiều dạng thức khác nhau. Ví dụ đơn giản có thời gian thực mà mỗi người sống theo nhịp của môi trường tự nhiên như mặt trăng, mặt trời, mùa màng... và thời gian do các nghi lễ qui định, du nhập qua tôn giáo hay từ nền văn hóa khác như lịch Tây, đồng hồ và chuông nhà thờ, rằm, Tết và lễ Phật Đản. Thời gian cũng có thể được ghi nhận hoặc thể hiện qua không gian (ví dụ như các công trình xây dựng nối tiếp nhau qua năm tháng), vật chất (ví dụ như thay đổi về chất và lượng của cùng một mặt hàng) hoặc phức tạp hơn là qua cách sắp xếp trình tự (ví dụ theo cốt truyện, theo nhân vật, sự kiện, hay theo thứ tự nào khác) trong ký ức của mỗi cá nhân, hay trong ký ức tập thể được 'vật thể hóa' qua các hoạt động văn hóa như lễ hội. Ví dụ lịch sử hiện đại và hậu hiện đại của Việt Nam đang được một số trường phái ghi nhận thông qua chiều tâm linh, đơn cử như các công trình của: Kwon Heon-ik (2008) Ghosts of War in Vietnam, NXB ĐH Cambridge; Shaun Malarney (2002) Culture, Ritual and Revolution in Vietnam, NXB ĐN Hawaii; Đỗ Thiện (2003) Vietnam Supernaturalism: Views from the Southern Region, NXB Routledge; Nguyễn Thị Hiền và Karen Fjelstad biên tập (2006) Possessed by the Spirits: Mediumship in Contemporary Vietnamese Communities, SEAP; Philip Taylor (2007) Modernity and Re-enchantment: Religion in Post-revolutionary Vietnam, ISAS...
[10]‘Intercultural communication’ trong nguyên bản tiếng Anh, là tên của một trường phái trong khoa học và cũng là một chuyên ngành nhỏ, có lúc còn được gọi là cross-cultural communication, ghi nhận và nghiên cứu sự thay đổi khi thông tin được dịch chuyển từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác. Có thể lấy ví dụ cụ thể như các hệ giá trị, khái niệm và tư tưởng phương Tây khi du nhập vào Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20 thường rất khác so với bản gốc vì đã qua hai lần chuyển dịch qua trung gian tiếng (văn hóa) Hán hoặc Nhật. Trong phạm vi bài viết này tác giả muốn đề cập đến độ rơ giữa các khái niệm và hệ thống lý luận cơ sở cùng văn hóa làm nền tảng cho nó, khác nhau không chỉ giữa các quốc gia cùng là phương Tây mà còn có lúc giữa các trường đại học nằm ở các vùng khác nhau trong cùng một quốc gia, những cơ sở khiến người ta hiểu khác nhau khi đề cập tới cùng một khái niệm như lịch sử.
[11]Tiếp theo là một paragraph cám ơn những người đã đóng góp vào bộ sách, có chỉnh sửa tùy theo mỗi tập sách. Nội dung trong tập thứ ba cùng biên tập với Jurgen Straub như sau: “Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với các nhân viên của Trung tâm Nghiên cứu Liên ngành tại Đại học Bielefeld, cũng như nhân viên của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Các khoa học Nhân văn ở Essen. Tôi cũng muốn cám ơn các biên tập và đồng biên tập của từng tập sách trong bộ sách này, và tất nhiên là tất cả những ai đã đóng góp nỗ lực cùng kiên nhẫn để hoàn thành nó. Cuối cùng, tôi muốn cám ơn bà Angelika Wulff đã giúp quản lý điều hành, và vợ tôi, Inge, đã ủng hộ nhiệt tình bằng cách giúp biên tập bài viết của tôi.” Tập sách thứ 11 về cách diễn tả quốc gia qua lịch sử, truyền thông và nghệ thuật đang được xuất bản vào mùa thu năm nay.
Nguồn: http://books.google.com/books?id=aN75LNV4SLsC&pg=PA1&dq=making+sense+of+history&ei=kecISb_CM4HYtgP8iPmiAg#PPR7,M1
Chaplin, Charlie Bài diễn văn của ông thợ cạo trong vị thế một nhà độc tài vĩ đại bất đắc dĩ
Chaplin, Charlie Bài diễn văn của ông thợ cạo trong vị thế một nhà độc tài vĩ đại bất đắc dĩ
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn
Lời người dịch:
The Great Dictator (Nhà độc tài vĩ đại) là một cuốn phim khôi hài của Charlie Chaplin. Được trình chiếu lần đầu vào tháng 9 năm 1940 tại New York, rồi xuất hiện tại nhiều rạp cinema trên khắp nước Mỹ vào tháng 10, và đến với công chúng của nước Anh vào tháng 11 năm ấy. Sau đó, cuốn phim được trình chiếu ở Pháp vào tháng 4 năm 1945, ngay trước khi Thế Chiến II kết thúc.
Đây là cuốn phim “nói” đầu tiên của Charlie Chaplin và được xem là tác phẩm điện ảnh thành công nhất của ông. Trong phim có rất nhiều đoạn tuyệt vời, nhưng đoạn gây xúc động và để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi là đoạn ông thợ cạo (do chính Chaplin đóng) bị nhận diện nhầm là nhà độc tài vĩ đại (cũng do chính Chaplin đóng), và bị mời lên khán đài để đọc một bài diễn văn được truyền thanh khắp thế giới. Trong vị thế một nhà độc tài vĩ đại bất đắc dĩ, ông thợ cạo bắt đầu bài diễn văn của ông với vẻ do dự, nhưng càng diễn đạt tư tưởng của mình thì ông càng trở nên lưu loát hơn, và giọng nói của ông càng lúc càng mạnh mẽ, quyết liệt, đầy xúc cảm và sức thuyết phục.
Đây là một bài diễn văn tuyệt vời được trình diễn một cách tuyệt vời bởi thiên tài Charlie Chaplin. Ở thế kỷ 21, chúng ta có thể cho rằng một số ý tưởng trong bài diễn văn này không còn mới mẻ. Tuy nhiên, là một người Việt Nam trong thời điểm này, tôi cảm thấy xúc động sâu xa mỗi lần nghe lại những đoạn cuối cùng trong bài diễn văn của ông thợ cạo.
Tôi xin gửi đến các bạn bản dịch Việt ngữ của bài diễn văn, và mời các bạn cùng xem lại đoạn phim này trên Youtube, theo link dưới đây:
http://www.youtube.com/watch?v=QcvjoWOwnn4
BÀI DIỄN VĂN CỦA ÔNG THỢ CẠO
TRONG VỊ THẾ MỘT NHÀ ĐỘC TÀI VĨ ĐẠI BẤT ĐẮC DĨ
Tôi xin lỗi. Tôi không muốn làm một đại đế. Đó không phải là công việc của tôi. Tôi không muốn thống trị hay chinh phạt ai cả. Trong khả năng của mình, tôi muốn giúp đỡ mọi người — Do-thái, không Do-thái, da đen, da trắng.
Tất cả chúng ta đều muốn giúp đỡ nhau. Con người là như thế. Chúng ta muốn sống vì niềm vui của nhau — không phải vì nỗi khốn khổ của nhau. Chúng ta không muốn thù ghét và khinh bỉ nhau. Thế giới này có đủ chỗ cho mọi người và quả đất tốt lành này thì giàu có và có thể nuôi sống mọi người.
Con đường của sự sống có thể là tự do và đẹp đẽ, nhưng chúng ta đã đánh mất con đường ấy. Sự tham lam đã đánh độc tâm hồn con người, đã vây hãm thế giới trong sự oán thù, đã xua chúng ta dấn bước vào sự lầm than và đổ máu. Chúng ta đã phát triển tốc độ, nhưng chúng ta đã giam hãm chính mình. Máy móc đáng lẽ mang đến cho chúng ta sự dư dật, thì lại khiến chúng ta đói rách. Sự hiểu biết của chúng ta đã làm chúng ta trở nên chua cay; sự khôn khéo của chúng ta đã làm chúng ta trở nên khắc nghiệt. Chúng ta suy nghĩ quá nhiều và cảm nhận quá ít. Hơn cả máy móc, chúng ta cần tình người. Hơn cả sự khôn khéo, chúng ta cần sự tử tế và sự dịu dàng. Không có những phẩm tính này, cuộc sống sẽ trở nên cuồng bạo và chúng ta sẽ đánh mất tất cả.
Máy bay và máy truyền thanh đã mang chúng ta đến gần nhau hơn. Bản chất của những phát minh này đòi hỏi thiện tâm của con người, đòi hỏi tình anh em trong nhân loại, đòi hỏi sự hợp quần của tất cả chúng ta. Ngay trong giây phút này tiếng nói của tôi đang đến với hàng triệu người trên khắp thế giới — hàng triệu người đàn ông, đàn bà, và trẻ con đang tuyệt vọng — những nạn nhân của một hệ thống — cái hệ thống đã sai khiến những kẻ hành hạ và giam cầm những người vô tội. Đối với những ai có thể nghe tôi, tôi nói: “Đừng tuyệt vọng.” Sự khốn khổ hôm nay đang đè nặng trên chúng ta chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi của sự tham lam, chỉ là sự cay đắng của những kẻ sợ hãi trước sự tiến bộ của nhân loại. Lòng thù hận của con người sẽ trôi qua, và những tên độc tài sẽ chết, và cái sức mạnh mà họ chiếm đoạt từ con người sẽ trở lại với con người. Và đến khi con người còn phải chết đi, thì khi ấy tự do vẫn không hề tàn lụi.
Các chiến sĩ! Đừng nạp mình cho những con thú — những kẻ khinh bỉ các bạn và bắt các bạn làm nô lệ, những kẻ đặt cuộc sống của các bạn vào hệ thống, điều khiển hành động của các bạn, ý nghĩ của các bạn và cảm xúc của các bạn! Những kẻ trui rèn các bạn, kiểm soát khẩu phần của các bạn, xem các bạn như trâu bò, dùng các bạn như những con cờ thí. Đừng nạp mình cho những kẻ quái đản ấy, những con người máy móc với những đầu óc máy móc và những trái tim máy móc! Các bạn không phải là máy móc! Các bạn không phải là trâu bò! Các bạn là những con người! Các bạn có tình yêu nhân loại trong tim. Các bạn không thù hận. Chỉ những kẻ không được yêu thương thì mới thù hận. Đó là những kẻ không có tình thương và những kẻ quái đản!
Hỡi các chiến sĩ! Đừng chiến đấu cho sự nô lệ! Hãy chiến đấu cho sự tự do! Chương thứ 17 của sách thánh Luca có viết rằng vương quốc của Thượng Đế thì ở trong con người, không chỉ trong một người hay một nhóm người, mà trong mọi con người! Trong các bạn! Các bạn, là nhân dân, các bạn có sức mạnh — cái sức mạnh để sáng tạo ra máy móc. Cái sức mạnh để sáng tạo ra hạnh phúc! Các bạn, là nhân dân, các bạn có sức mạnh để làm cho cuộc sống này tự do và đẹp đẽ, để làm cho cuộc sống này trở thành một cuộc phiêu lưu tuyệt vời. Thế thì, nhân danh dân chủ, chúng ta hãy sử dụng sức mạnh đó. Tất cả chúng ta hãy đoàn kết lại. Chúng ta hãy chiến đấu cho một thế giới mới, một thế giới tốt lành nơi đó con người sẽ có một cơ hội để làm việc, tuổi trẻ sẽ có một tương lai và tuổi già sẽ được an dưỡng.
Bằng lời hứa hẹn về những điều này, những con thú đã nổi lên nắm lấy quyền lực. Nhưng chúng chỉ nói láo! Chúng không giữ lời hứa. Chúng sẽ không bao giờ giữ lời hứa! Những tên độc tài giành lấy tự do cho chính họ nhưng lại bắt nhân dân làm nô lệ. Giờ đây chúng ta hãy chiến đấu để thực hiện lời hứa đó! Chúng ta hãy chiến đấu để làm cho thế giới được tự do, để xoá bỏ những biên cương quốc gia, để xoá bỏ lòng tham lam, hận thù và bất dung. Chúng ta hãy chiến đấu cho một thế giới hữu lý, một thế giới trong đó khoa học và sự tiến bộ sẽ mang hạnh phúc đến cho mọi con người.
Hỡi các chiến sĩ! Nhân danh dân chủ, hãy đoàn kết lại!
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn
Lời người dịch:
The Great Dictator (Nhà độc tài vĩ đại) là một cuốn phim khôi hài của Charlie Chaplin. Được trình chiếu lần đầu vào tháng 9 năm 1940 tại New York, rồi xuất hiện tại nhiều rạp cinema trên khắp nước Mỹ vào tháng 10, và đến với công chúng của nước Anh vào tháng 11 năm ấy. Sau đó, cuốn phim được trình chiếu ở Pháp vào tháng 4 năm 1945, ngay trước khi Thế Chiến II kết thúc.
Đây là cuốn phim “nói” đầu tiên của Charlie Chaplin và được xem là tác phẩm điện ảnh thành công nhất của ông. Trong phim có rất nhiều đoạn tuyệt vời, nhưng đoạn gây xúc động và để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi là đoạn ông thợ cạo (do chính Chaplin đóng) bị nhận diện nhầm là nhà độc tài vĩ đại (cũng do chính Chaplin đóng), và bị mời lên khán đài để đọc một bài diễn văn được truyền thanh khắp thế giới. Trong vị thế một nhà độc tài vĩ đại bất đắc dĩ, ông thợ cạo bắt đầu bài diễn văn của ông với vẻ do dự, nhưng càng diễn đạt tư tưởng của mình thì ông càng trở nên lưu loát hơn, và giọng nói của ông càng lúc càng mạnh mẽ, quyết liệt, đầy xúc cảm và sức thuyết phục.
Đây là một bài diễn văn tuyệt vời được trình diễn một cách tuyệt vời bởi thiên tài Charlie Chaplin. Ở thế kỷ 21, chúng ta có thể cho rằng một số ý tưởng trong bài diễn văn này không còn mới mẻ. Tuy nhiên, là một người Việt Nam trong thời điểm này, tôi cảm thấy xúc động sâu xa mỗi lần nghe lại những đoạn cuối cùng trong bài diễn văn của ông thợ cạo.
Tôi xin gửi đến các bạn bản dịch Việt ngữ của bài diễn văn, và mời các bạn cùng xem lại đoạn phim này trên Youtube, theo link dưới đây:
http://www.youtube.com/watch?v=QcvjoWOwnn4
BÀI DIỄN VĂN CỦA ÔNG THỢ CẠO
TRONG VỊ THẾ MỘT NHÀ ĐỘC TÀI VĨ ĐẠI BẤT ĐẮC DĨ
Tôi xin lỗi. Tôi không muốn làm một đại đế. Đó không phải là công việc của tôi. Tôi không muốn thống trị hay chinh phạt ai cả. Trong khả năng của mình, tôi muốn giúp đỡ mọi người — Do-thái, không Do-thái, da đen, da trắng.
Tất cả chúng ta đều muốn giúp đỡ nhau. Con người là như thế. Chúng ta muốn sống vì niềm vui của nhau — không phải vì nỗi khốn khổ của nhau. Chúng ta không muốn thù ghét và khinh bỉ nhau. Thế giới này có đủ chỗ cho mọi người và quả đất tốt lành này thì giàu có và có thể nuôi sống mọi người.
Con đường của sự sống có thể là tự do và đẹp đẽ, nhưng chúng ta đã đánh mất con đường ấy. Sự tham lam đã đánh độc tâm hồn con người, đã vây hãm thế giới trong sự oán thù, đã xua chúng ta dấn bước vào sự lầm than và đổ máu. Chúng ta đã phát triển tốc độ, nhưng chúng ta đã giam hãm chính mình. Máy móc đáng lẽ mang đến cho chúng ta sự dư dật, thì lại khiến chúng ta đói rách. Sự hiểu biết của chúng ta đã làm chúng ta trở nên chua cay; sự khôn khéo của chúng ta đã làm chúng ta trở nên khắc nghiệt. Chúng ta suy nghĩ quá nhiều và cảm nhận quá ít. Hơn cả máy móc, chúng ta cần tình người. Hơn cả sự khôn khéo, chúng ta cần sự tử tế và sự dịu dàng. Không có những phẩm tính này, cuộc sống sẽ trở nên cuồng bạo và chúng ta sẽ đánh mất tất cả.
Máy bay và máy truyền thanh đã mang chúng ta đến gần nhau hơn. Bản chất của những phát minh này đòi hỏi thiện tâm của con người, đòi hỏi tình anh em trong nhân loại, đòi hỏi sự hợp quần của tất cả chúng ta. Ngay trong giây phút này tiếng nói của tôi đang đến với hàng triệu người trên khắp thế giới — hàng triệu người đàn ông, đàn bà, và trẻ con đang tuyệt vọng — những nạn nhân của một hệ thống — cái hệ thống đã sai khiến những kẻ hành hạ và giam cầm những người vô tội. Đối với những ai có thể nghe tôi, tôi nói: “Đừng tuyệt vọng.” Sự khốn khổ hôm nay đang đè nặng trên chúng ta chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi của sự tham lam, chỉ là sự cay đắng của những kẻ sợ hãi trước sự tiến bộ của nhân loại. Lòng thù hận của con người sẽ trôi qua, và những tên độc tài sẽ chết, và cái sức mạnh mà họ chiếm đoạt từ con người sẽ trở lại với con người. Và đến khi con người còn phải chết đi, thì khi ấy tự do vẫn không hề tàn lụi.
Các chiến sĩ! Đừng nạp mình cho những con thú — những kẻ khinh bỉ các bạn và bắt các bạn làm nô lệ, những kẻ đặt cuộc sống của các bạn vào hệ thống, điều khiển hành động của các bạn, ý nghĩ của các bạn và cảm xúc của các bạn! Những kẻ trui rèn các bạn, kiểm soát khẩu phần của các bạn, xem các bạn như trâu bò, dùng các bạn như những con cờ thí. Đừng nạp mình cho những kẻ quái đản ấy, những con người máy móc với những đầu óc máy móc và những trái tim máy móc! Các bạn không phải là máy móc! Các bạn không phải là trâu bò! Các bạn là những con người! Các bạn có tình yêu nhân loại trong tim. Các bạn không thù hận. Chỉ những kẻ không được yêu thương thì mới thù hận. Đó là những kẻ không có tình thương và những kẻ quái đản!
Hỡi các chiến sĩ! Đừng chiến đấu cho sự nô lệ! Hãy chiến đấu cho sự tự do! Chương thứ 17 của sách thánh Luca có viết rằng vương quốc của Thượng Đế thì ở trong con người, không chỉ trong một người hay một nhóm người, mà trong mọi con người! Trong các bạn! Các bạn, là nhân dân, các bạn có sức mạnh — cái sức mạnh để sáng tạo ra máy móc. Cái sức mạnh để sáng tạo ra hạnh phúc! Các bạn, là nhân dân, các bạn có sức mạnh để làm cho cuộc sống này tự do và đẹp đẽ, để làm cho cuộc sống này trở thành một cuộc phiêu lưu tuyệt vời. Thế thì, nhân danh dân chủ, chúng ta hãy sử dụng sức mạnh đó. Tất cả chúng ta hãy đoàn kết lại. Chúng ta hãy chiến đấu cho một thế giới mới, một thế giới tốt lành nơi đó con người sẽ có một cơ hội để làm việc, tuổi trẻ sẽ có một tương lai và tuổi già sẽ được an dưỡng.
Bằng lời hứa hẹn về những điều này, những con thú đã nổi lên nắm lấy quyền lực. Nhưng chúng chỉ nói láo! Chúng không giữ lời hứa. Chúng sẽ không bao giờ giữ lời hứa! Những tên độc tài giành lấy tự do cho chính họ nhưng lại bắt nhân dân làm nô lệ. Giờ đây chúng ta hãy chiến đấu để thực hiện lời hứa đó! Chúng ta hãy chiến đấu để làm cho thế giới được tự do, để xoá bỏ những biên cương quốc gia, để xoá bỏ lòng tham lam, hận thù và bất dung. Chúng ta hãy chiến đấu cho một thế giới hữu lý, một thế giới trong đó khoa học và sự tiến bộ sẽ mang hạnh phúc đến cho mọi con người.
Hỡi các chiến sĩ! Nhân danh dân chủ, hãy đoàn kết lại!
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)