Alexandre Soljenitsyne: Tác phẩm – Con người và Cuộc đời
Lời nói đầu
Giải thưởng Nobel dành cho nhà văn Nga Alexandre Soljenitsyne [1] ?
Vì sao chúng tôi xuất bản cuốn sách ghi lại cuộc tranh luận giữa nhà văn Soljenitsyne với Thư ký đoàn Hội Liên hiệp Các nhà văn Liên Xô?
Giải thưởng Văn chương Nobel 1970 được trao cho một con người, một nhà văn đặc biệt Alexandre Soljenitsyne, người Nga!
Và trao vì những lý do đặc biệt, Hàn lâm Viện Thụy Điển đã nhấn mạnh rằng giải thưởng Nobel được trao tặng cho Soljenitsyne vì toàn bộ tác phẩm của ông và sự im lặng không kém hùng hồn của một nhà văn phải câm nín vì miệng đã bị bịt lại! Lý do trao giải như vậy đã có nhiều ý nghĩa rồi. Phản ứng của nhà văn lại còn nhiều ý nghĩa hơn nữa.
Soljenitsyne tuyên bố rằng ông nhận giải và sẵn sàng đi lãnh giải! Nhận giải xong là ông sẽ trở về Nga để giam mình vào trong một sự cô lập nặng nề do chế độ bố trí xung quanh. Ông đã khước từ tất cả những vinh quang mà chế độ sẽ đem lại cho ông qua đề nghị mà lãnh tụ Kroutchev đã đưa ra khuyến cáo của một nhà văn Nga Cholokhov (giải Nobel 1965); khước từ luôn cái đề nghị “tự động lưu vong” cũng do chế độ đưa ra khi không thuyết phục được ông!
Soljenitsyne quyết đi lãnh giải và sau đó sẽ trở về lại, bất chấp phản ứng của chính quyền Nga là một cái gì thực sự có ý nghĩa khi ta nhớ lại rằng trước đây, nhà văn Boris Pasternak đã phải khước từ giải Nobel theo ý muốn của các lãnh tụ chính phủ Nga chỉ để được ở lại trên quê hương Nga! Soljenitsyne bất chấp phản ứng của chính quyền Nga và cũng quyết ở lại trên đất Nga!
Cái ý nghĩa ấy là văn phong Soljenitsyne, một văn phong quá độc đáo, quá khó có trong khung trời xã hội chủ nghĩa về chính trị và trong khuôn khổ của hiện thực xã hội chủ nghĩa về văn nghệ.
“Hãy nói rằng ở đây có một thiên tài số một của văn giới Nga. Thiên tài ấy là Soljenitsyne.”
Lời tuyên bố của một nhà văn, tác giả một tác phẩm lớn, Trong những chiến hào Stalingrad, giải thưởng Staline, nghĩa là nhà văn được chế độ chiều đãi một thời nhưng bây giờ đã can đảm tự phủ nhận mình bằng cách trốn vào rượu Vodka, nói về một nhà văn nguyên tù biệt xứ, và đang bị cô lập trong một thành phố nhỏ, một nhà văn bị các lãnh tụ văn nghệ của Đảng lên án là “làm hại uy tín chế độ nặng nề hơn Pasternak bi quan yếm thế, vì Soljenitsyne là một con người nhiều đấu tranh tính, tích cực và là người có tài”.
... Đủ cho phép ta nghĩ rằng văn phong Soljenitsyne phải có một cái gì đối đáp.
Hơn ai hết, chỉ có Soljenitsyne nhà văn Nga duy nhất dám trung thực với mình, dám coi bổn phận của nhà văn đối với một người cũng nặng nhưng kém bổn phận đối với xã hội. Soljenitsyne là nhà văn Nga duy nhất cho rằng nhà văn có một thiên chức nặng nề hơn thiên chức của nhà văn chiếu theo chủ nghĩa hiện thực xã hội làm gạch nối giữa hiện tại và thời gian vô thủy vô chung, đi sâu vào tâm duy và tư duy của con người trước cái chết và sự sống – những vấn đề đang đeo đẳng lấy đời sống của nhân loại từ bao giờ đến nay.
Hơn ai hết, Soljenitsyne phủ nhận nguyên tắc phải viết theo hướng đi lên khi đề cập đến đối tượng phục vụ của hiện thực xã hội chủ nghĩa và đòi hỏi nhà văn Nga phải đề cao và nối tiếp tinh thần hiện thực Nga: hướng đến quần chúng đau khổ và coi một ngày trong cuộc đời của một người nông dân Nga bình thường mà thôi cũng đủ là đề tài cho một tác phẩm lớn, chẳng khác gì “mấy chục thế kỷ của lịch sử Âu châu cũng chỉ đủ làm đề tài cho một tác phẩm theo Tolstoi.”
Chúng tôi muốn nói là văn phong Soljenitsyne là một văn phong tạo thành bởi yếu tố chính là sự tự do – Tự do hiểu theo ý nghĩa cao quý của nó, khác với danh từ Tự do, sản phẩm của chiến tranh lạnh giữa hai khối chính trị và kinh tế trên thế giới sau chiến tranh II.
Tự do, nơi con người của Soljenitsyne nhà văn có nghĩa là nhà văn phải giữ cho được một tư thế sáng tạo giữa hiện tại và thời gian vô cùng! Không thể chỉ biết hiện tại để cho tác phẩm thiếu cái giá trị dài hạn của nó, nếu không muốn nói là vĩnh cửu. Và cũng không thể coi nhẹ hiện tại mà chỉ biết thời gian thôi để cho tác phẩm èo ọt thiếu sinh khí, thiếu khả năng tác dụng đối với con người…
Thực vậy, nơi cuốn sách nhỏ này, lập trường, thái độ và tinh thần quả cảm của Soljenitsyne trước những ông tòa quyết định số phận của nhà văn và của tác phẩm là các ông nhà văn lãnh đạo Hội Liên hiệp Các nhà văn Xôviết đã làm nổi bật tinh thần quả cảm của một nhà văn – bắt buộc phải trung thực với mình, không được có cái thái độ gọi là “compromis” với những người tiêu biểu cho quyền uy, không ghép mình vào một tinh thần nguyên tắc cứng nhắc và phản bội lại mình…
*
Nền văn nghệ Việt Nam – trong hiện tại – hình như đang bị lay chuyển bởi những làn sóng băng hoại trong giai đoạn đại khủng hoảng của xã hội.
Ở bên kia sự sa sút của những nhà văn đã từng tạo cho Việt Nam những công trình nghệ thuật sống động, khởi sắc đã nói lên rõ ràng sự bế tắc của văn nghệ “hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Mục tiêu hạn chế, đề tài chật hẹp và nguồn cảm hứng khô cạn: Chỉ có đời sống và cuộc chiến đấu của vô sản dưới sự lãnh đạo của Đảng trong một sinh hoạt xã hội nhất thiết phải là hậu quả của sự đấu tranh giai cấp – đã làm cho nhà văn miền Bắc bị bế tắc trông thấy.
Nhà văn Bắc Việt cũng như nhà văn Nga rất hăng hái và vững vàng trong những cuộc diễn thuyết, trong những công trình biên khảo chứng minh nền văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa nhất định phải đẻ ra những tác phẩm rất giá trị, nhờ ánh sáng của chủ nghĩa chỉ đạo, nhưng lại không có tác phẩm giá trị, không có nhà văn viết nên những tác phẩm giá trị; ngoại trừ một vài tác phẩm viết trong cuộc kháng chiến chống Pháp mà nội dung không phải là lập trường vô sản, tinh thần giai cấp! Thơ Cải cách Ruộng đất của nhà văn đã đồng diễn tả cao trào lòng mến của thanh niên Việt Nam thời tiền chiến – Xuân Diệu – là một cái gì thực thê thảm, buồn bã, chẳng có qua một chút khí thế đấu tranh nào hết.
Soljenitsyne đã trả lời các nhà văn hiện thực xã hội Nga một cách lặng lẽ mà hết sức hùng hồn bằng tác phẩm. Bằng một quan điểm văn nghệ coi nhẹ vấn đề chế độ hay dân chủ nhẹ hơn con người, con người của mọi chế độ đang đau khổ.
Nhà văn miền Nam từ chối hiện thực xã hội chủ nghĩa nhưng lại bế tắc, không tìm đường hướng chỉ đạo cho sự sáng tạo những công trình có một giá trị toàn diện vĩnh cửu. Chẳng những thế mà thôi, giới văn nghệ miền Nam, trong cuộc khủng hoảng xã hội vì chiến cuộc kéo dài, hình như đã đánh mất nguồn cảm hứng – hay nói khác hơn – chưa tìm được vị trí thích đáng để tìm cảm hứng nên chỉ tạo được những nghệ phẩm kích thước quá nhỏ so với thiên chức, những nghệ phẩm phản ảnh tình trạng bế tắc tư tưởng và cô đơn về mặt tình cảm, cô đơn và chán chường…
… Và có thể tìm thấy nơi tập sách mỏng này một vài kinh nghiệm, một ý nghĩ có liên quan đến sứ mạng, đến thiên chức mà nhà văn Soljenitsyne đưa ra với dụng ý trao đổi… với giới cầm bút.
Những người xuất bản tập sách mỏng này quan niệm rằng những kinh nghiệm, những ý nghĩ của một nhà văn như Soljenitsyne, người đã vượt ngoài khuôn khổ của hiện thực xã hội chủ nghĩa không vì lý do chính trị và quyền lợi chính trị mà chỉ vì văn nghệ, vì thiên chức nhà văn mà thôi, người hoàn toàn tin tưởng ở đường hướng sáng tạo của mình và đường hướng này đã được tác phẩm đảm bảo giá trị – cũng đáng được người cầm bút nghiên cứu và suy nghĩ.
Bởi vì nghệ phẩm có giá trị đích thực và vĩnh cửu – nghĩa là có một khả năng truyền cảm mạnh mẽ trong hiện tại và khả năng truyền cảm ấy không phai lạt trong tương lai – chắc chắn phải là sản phẩm của một quan điểm sáng tạo đứng đắn của nhà văn có văn phong vững chãi.
*
Ý nghĩa một giải thưởng
“Giải thưởng văn chương Nobel năm 1970 được dành cho ‘một sức mạnh đạo đức, tinh thần’ trước hết.”
Tuyên ngôn trên đây của Hội Hàn lâm Văn học Nghệ thuật Thụy Điển, cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện di chúc Alfred Nobel đã làm cho Giải thưởng Văn chương Nobel năm nay có một ý nghĩa đặc biệt. Đặc biệt vì Alexandre Soljenitsyne – nhà văn Nga được giải vì toàn bộ tác phẩm, không vì một tác phẩm riêng rẽ nào hết.
Ý nghĩa tưởng thưởng cho “sức mạnh đạo đức và tinh thần” của giải Nobel Văn chương 1970 lại càng nổi bật hơn nữa khi đối chiếu với hai giải Nobel Văn chương cũng được tặng cho hai nhà văn Nga:
- Boris Pasternak, nhà văn Nga bị chế độ Xôviết coi là chống đối sau một thời được đề cao, được thưởng vì tác phẩm Bác sĩ Jivago, một tác phẩm không phải là xuất sắc nhất trong sự nghiệp văn chương của tác giả.
- Mikhail Cholokhov, nhà văn được chế độ đề cao kể cả trong thời kỳ đại thanh trừng trước Thế chiến II được tặng giải thưởng Văn chương Nobel vì tài năng, căn cứ vào cuốn trường thiên tiểu thuyết Sông Don êm đềm.
Giữa ba nhà văn người Nga Boris Pasternak, Mikhail Cholokhov và Alexandre Soljenitsyne, nếu việc tặng giải thưởng cho cả Pasternak và Cholokhov có thể chứng tỏ được rằng vấn đề tư tưởng và lập trường chính trị của nhà văn không có ảnh hưởng gì đến giá trị của tác phẩm trước sự phẩm bình của các ông Hàn Thụy Điển… Thì việc tặng giải cho Pasternak vì cuốn Bác sĩ Jivago có thể nói là vô nghĩa so với quyết định trao giải Nobel cho Alexandre Soljenitsyne.
Nói một cách khác, việc tặng giải cho Soljenitsyne lần này có ý nghĩa như một sự thừa nhận sai lầm của các ông Hàn Thụy Điển khi tưởng thưởng Pasternak chỉ vì cuốn Bác sĩ Jivago!
Bởi nói đến Alexandre Soljenitsyne, không phải là chỉ nói đến cuốn Nhóm thứ nhứt (Le premier Cercle). Victor Hugo, trong những ngày lưu vong ở Guernesey, đâu có phải chỉ là tác giả của cuốn Hermani? Bạch Cư Dị ở bến Tầm Dương đâu có phải là tác giả của bài “Tỳ bà hành” duy nhất?
Cho nên khi nhấn mạnh đến “sức mạnh tinh thần”, quyết định của Hội Hàn lâm Thụy Điển không phải chỉ có ý nghĩa của một tác động văn chương thuần túy? Nó còn là một tác động chính trị, theo ý nghĩa cao đẹp của danh từ.
Tại sao văn chương, rốt cuộc quyết định tự lưu đày? Một khi nhà văn bị thúc đẩy đến chỗ phải im lặng – Các ông Hàn Thụy Điển đã suy nghĩ – tại sao lại không đem hào quang sáng chói khoác lên sự im lặng ấy? Tại sao không?
Giải Nobel Văn chương sôi nổi năm 1970 đã chứng tỏ rằng:
“Không có gì hùng hồn hơn một người bịt miệng”.
*
Soljenitsyne với giải Văn chương Nobel khoác lên tác phẩm là một người hùng hồn hơn ai hết, năm 1970!
Nhưng trong đời sống, Alexandre đã cô độc một cách ghê gớm tưởng như chưa có ai bằng, ở giữa đồng bào ruột thịt của ông tại một thị trấn chỉ cách thủ đô Mạc Tư Khoa khoảng 180 cây số, một khoảng cách vô nghĩa đối với thế giới ngày hôm nay. Lá thư cuối cùng viết cho nhà xuất bản Christian Bourgois viết:
“Không có một lá thư nào trong số những lá thư bạn gởi trước đây đến tay tôi hết! Và tôi cũng chỉ được biết rằng, ở Pháp, người ta có tặng cho tôi một giải thưởng qua các đài phát thanh Tây phương.”
Tiết lộ một sự thực trên, Soljenitsyne đã phải trả bằng một giá như thế nào?
Người ta sẽ tưởng tượng được khi biết rằng Alexandre Soljenitsyne là một người Nga thuần túy, Nga từ chân tơ kẽ tóc. Ông không nói một ngoại ngữ nào hết. Ngôn ngữ của ông là một thế giới mênh mông, tuyệt đối, một toàn thể. Bên cạnh ngành kiểm duyệt và theo dõi kiểm soát đã tạo nên xung quanh ông một khoảng không trống rỗng, chính Alexandre Soljenitsyne cũng đã từ chối thế giới bên ngoài không biến thành con người đúng với ý muốn của kẻ thù.
Soljenitsyne không biết và cũng không muốn biết những gì thiên hạ nói về mình. Trong những lá thư ngắn gửi cho bạn bè, Soljenitsyne chỉ yêu cầu bạn bè giúp cho ông một thứ: giấy viết thư và bút nguyên tử; vậy mà những món quà ấy chưa bao giờ đến tay ông.
Nhưng Soljenitsyne vẫn viết, viết như điên từ sáng đến tối, ngày này qua ngày khác, tại thành phố lưu đày Razian. Viết và chỉ biết có viết mà thôi! Còn các thư bản tác phẩm của ông vì sao mà bay ra ngoại quốc, có nhiều khi nguyên văn còn bị xuyên tạc rồi dịch lén… là một chuyện Soljenitsyne không hề hay biết!
Lý do: Một vài tác phẩm của ông viết ra rồi cho bạn bè coi và được bạn chép lại rồi thiên hạ chép chuyền sau đó và cuối cùng lan ra khắp nước Nga! Cụ thể hơn nữa, người ta được biết ít nhất cũng có một cuốn của Soljenitsyne, bản viết tay bị tịch thu, quê nhà bị mật vụ xét… sau đó ít lâu được ấn hành ở Tây phương… Những sự kiện như vậy cũng là yếu tố làm cho Soljenitsyne, ngày nọ sang ngày kia, tự gian mình vào trong cô độc và nghi ngờ.
Có thể nói rằng, trên thế giới này, chưa ai đơn độc bằng Alexandre Soljenitsyne. Nếu Razian, một thành phố cách Moscon chừng 180 cây số về phía Nam, là ngôi mộ văn chương mà Soljenitsyne đã chọn thì thành phố này là nơi mà dân tộc Nga đã gửi gắm con người mang cả một tâm hồn nó, nó sống trong câm nín, tuy Soljenitsyne là tiếng nói của dân tộc Nga.
Nhà báo Jean Francois Kalm đã kể lại câu chuyện sau:
Hai năm trước đây, tại Ukraine, Kalm đã được gặp Victor Nekrassov, nhà văn được giải thưởng Staline, tác giả một trong những tác phẩm giá trị nhất thời hậu chiến cuốn: Dưới các chiến hào Stalingrad. Ở Nga, được giải thưởng văn chương Staline, với một nhà văn, có nghĩa là được hưởng những ân sủng đặc biệt về vật chất cũng như tinh thần; chính sách của các nước xã hội, nhất là Nga coi các nhà văn có giá trị, các nhà bác học có chân trong Viện Hàn lâm là hai trong năm bộ phận được đãi ngộ đặc biệt, ba thành phần kia là Trung ương Ủy viên Đảng, Tổng Bộ trưởng trong Chính phủ và Thống chế Đại tướng Hồng quân. Nhưng Victor Nekrassov năm 1968 không còn là nhà văn danh tiếng, được chế độ chiều đãi mà là một con người tàn tạ, xơ xác. Nekrassov nói rất nhiều nhưng tiếng nói lè nhè sặc mùi rượu Vodka và đầy chất chán chường rơi đều đều mất hút đi. Từ một câu nói – đúng hơn là một lời kêu gào – rõ rệt gãy gọn nổi bật trên những tiếng nói cười, ồn ào loạn xạ, rất trong trẻo.
“Hãy nói lớn, nói rõ rằng ở đây, chúng tôi có một nhà văn, nhà văn lớn nhất, y tên Soljenitsyne.”
Tại Moscou Kalm cũng gặp tại Câu lạc bộ các Nhà văn một cây bút khác, khuôn mặt còn trẻ trung, chưa già cỗi và chán chường như Nekrassov. Đấy là nhà thơ Andrei Voznessenski, không gào lớn, nhưng lời than nho nhỏ của nhà thơ cũng sâu không kém gì lời kêu gào của nhà tiểu thuyết, Andrei Voznessenski chép miệng:
“Phải, nhà văn lớn nhất của chúng tôi là Soljenitsyne.”
Nếu sự nhận chân giá trị của Soljenitsyne do các nhà văn nghệ vốn phải kiêu hãnh hơn đời chưa đủ để nêu bật tư thế của nhà văn được giải Nobel Văn chương năm nay vì những lý do mà Viện Hàn lâm Văn học Nghệ thuật đã nêu ra thì chúng tôi thiết tưởng việc giới thiệu lại đây ý kiến của lãnh tụ Đảng Cộng sản Nikita Kroutchev cũng không đến nỗi thừa.
Theo lời khuyên của Michail Cholokhov – nhà văn được thưởng giải Nobel Văn chương 1965 chỉ vì tài năng, và là một nhà văn được nhà nước qua mấy lần đổi thay vẫn tín nhiệm, Nikita Kroutchev đã kêu gọi Soljenitsyne: Chỉ cần nói lên một tiếng thôi, anh sẽ có đủ tất cả hào quang danh vọng, đãi ngộ xứng đáng.
Lúc bấy giờ Alexandre Soljenitsyne vừa xong cuốn Một ngày trong đời của Ivan Denissovitch. Trong tác phẩm này, tố cáo – đúng hơn là Soljenitsyne chỉ kể lại mà thôi, nhưng kể mới tai hại hơn – đời sống trong các trại tập trung thời Staline.
Đối với ông Kroutchev – lúc bấy giờ đang tiến hành việc tranh đấu loại trừ nhóm chống Đảng, tác phẩm của Soljenitsyne quả là một món quà bất ngờ giá trị! Chỉ cần Soljenitsyne dừng lại nơi đây để biến thành một thứ phản động phục vụ cho Đảng.
Nhưng Soljenitsyne đã không dừng lại. Ông muốn giữ tư cách là tù nhân số 232. Số hiệu tù nhận được tại “căng” mà Soljenitsyne bị ném vào giữa lúc chiến tranh Nga – Đức đang ở vào thời kỳ gay go, ông đã phải mang trên mũi kết, trước ngực, sau lưng, trên cánh tay và nhất là mang ở một nơi ít lộ liễu nhất nhưng nặng nhất – là tâm hồn. Năm năm sau, Alexandre Soljenitsyne đã gởi cho Hội Liên hiệp các Nhà văn Liên Xô một bản cáo trạng chống lại chế độ kiểm duyệt.
“Một nền văn học nghệ thuật không phải là hơi thở một xã hội đương thời, không dám phản ảnh những nỗi cơ cực và những mối ưu tư của dân chúng; không dám lên tiếng báo động với xã hội cái nguy cơ… sẽ không xứng đáng với danh nghĩa văn học nghệ thuật”
Các ông “bầu” của nền văn hoá Liên Xô đã phản ứng một cách tế nhị. Cùng đồng thanh lên tiếng tuyên bố rằng Alexandre Soljenitsyne không còn là một nhà văn Xôviết nữa. Hồn ma của nhà văn bên kia đáp lại:
“Rằng hãy chùi sạch mặt đồng hồ đi, các anh không ngờ rằng bên ngoài, trời đã sáng.”
Alexandre Soljenitsyne, con người sống sót vĩnh viễn được tạp chí Xôviết Tháng Mười gọi là “kẻ đi kiếm thùng rác”, có phải là một nhà cách mạng”, một người cộng sản lương thiện ghê tởm những lệch lạc xã hội chủ nghĩa hay không?
Hình ảnh của Soljenitsyne, người hùng “nhờ cách mạng, người cộng sản lương thiện ghê tởm những lệch lạc của xã hội chủ nghĩa”, ngự trị trong đầu óc của giới trí thức tả khuynh Âu Tây, ngày nay lại được vị Thư ký Viện Hàn lâm Thụy Điển sử dụng để nói về người được giải!
Nhận định này quả thực là sản phẩm của một ảo ảnh có hai mặt phải trái độc đáo và điển hình: Gustave Flaubert đã không tiến bộ mà còn là một nhà văn cực đoan bảo thủ!
Sự thực là Soljenitsyne “xăng phú” chủ nghĩa xã hội, không chống mà cũng không theo. Đấy không phải là vấn đề của Soljenitsyne!
Vả chăng lại, Alexandre Soljenitsyne đã phủ nhận quyền uy của các nhân danh những giá trị được tàng trữ nơi các Cung Thánh cũ kỹ của nước Nga cổ. Trong một bài thơ viết theo lối văn biền ngẫu sáng tác riêng không phổ biến, Soljenitsyne viết:
“Con người thường gian tham và thường hay chứa chấp trong lòng nhiều hận thù. Nhưng trước kia, họ còn được nghe tiếng chuông chiều, chính tiếng chuông ấy đã ngăn cản con người mềm yếu để thành thú vật.”
Và cuối cùng, Soljenitsyne có phải là người phản động chút xíu hay không? Thực tế trả lời.
Nếu Soljenitsyne chỉ quan tâm đến “những tương quan giữa thời đại này với thời gian không cùng”.
Nếu Soljenitsyne đã tìm thấy con người của ông nơi nhân vật Efrem Podoluev trong tác phẩm Trại [của nhà thương] Ung thư (Pavillon des Caneéreux) con người tìm lại được ý nghĩa của đời sống không nơi tích chất mơ hồ tiêu cực của các lý thuyết mà nơi gánh nặng của sự đau đớn và sự thu hút của cái chết có hiệu năng tẩy xóa đời sống buồn nản và đều được mẫu mực, không dành một chỗ nào hết cho những gì là huyền bí…
Thì các ông có phải là người có phản động chút xíu không?
Và nếu phải đi chăng nữa thì có những thay đổi nào?
Soljenitsyne đã đẩy mạnh ý chủ biến nghịch với lý thuyết Đảng xuyên qua việc phục hồi lại một phần danh dự cho những người Nga đã phục vụ trong binh đoàn Vlassov (tên một Đại tướng Nga có huy chương danh dự đã đầu hàng Đức để lập một đạo quân đánh lại Staline trong một vở kịch. Chính mật vụ K.B.G. đã vớ được kịch bản này và dùng nó làm chứng cớ buộc tội Soljenitsyne).
Nhưng điều này chẳng có gì là quan hệ. Điều đáng nói là ở Nga, với tất cả những ai có công trình sáng tạo và những kẻ muốn có. Alexandre Soljenitsyne là một người tự do. Tự do một cách giản dị và cụ thể.
Nghĩa là một con người ngoài một dũng chí hết sức lớn – còn có thiên tài, một thiên tài nào đó (un “certain génie”).
Thiên tài ấy như thế nào?
Trong cuốn Một ngày trong đời Ivan Denissovitch, tù nhân số M. 854, một nông dân Nga bình dị bị bắt năm 1942, vượt ngục và bị ném vào trại tập trung, vì không biết nói với các “xếp” rằng y chỉ đi vòng vòng trong rừng mà lại đi kể thực về chuyện y đã trốn khỏi một trại quân của Đức – là người như thế nào?
Một tù nhân bình thường sống sót một cách bình thường tại một trại tập trung bình thường. Nhưng đấy từ con người của mọi người chúng ta bị đe dọa, gần như hàng giờ, bởi sự bạo tàn mà ta đã cảm thấy lại, khi bị lưu đày ra khỏi con người của ta.
Đấy cũng là sự đe dọa của Dostoievski trong cuốn Ngôi nhà của những người chết.
Ngày của Choukhov, 24 giờ trong một căn nhà gỗ giữa các hàng rào thép gai và chòi canh theo Soljenitsyne viết trong những dòng cuối cùng của cuốn truyện, là “một ngày gần như sung sướng”. Là thời gian chỉ đủ để thấy một ông già, hàm mất hết răng để trơ lợi ra hiện diện ở đây từ vạn cổ và được tất cả mọi lệnh ân xá tránh né”. Giữa những chiếc lưng cong của trại, Chuokhov thấy lưng đặc biệt thẳng của mình nổi bật. Khi hắn ngồi vào bàn, mọi người có cảm tưởng là có một cái gì kê trên chiếc ghế khiến cho hắn ngồi cao hơn lên…”.
Người già nói trên… chính là người các ông Hàn Thụy Điển đang tìm kiếm.
*
Phần 1: Alexandre Soljenitsyne - Con người và sự nghiệp
Thiên chức của nhà văn
“Phú quý bất năng dâm
Bần tiện bất năng di
Uy vũ bất năng khuất”
Khổng thư
Bước vào nghiệp văn, Alexandre Soljenitsyne như mọi nhà văn nhà thơ – đã gởi tác phẩm cho Hội Liên hiệp các Nhà văn (và các nhà thơ, nói chung các nhà văn nghệ sáng tác, gọi tắt là Hiệp hội các Nhà văn) do Laurenew Ủy viên Thư ký và Fedine, Đệ nhất Thư ký Hiệp hội Trung ương Ủy viên Đảng Cộng sản Nga (sau là Trung ủy) lãnh đạo. Tác phẩm bị xếp lại không ấn hành và sau đó, Soljenitsyne chỉ còn giữ lại được vài cuốn trong toàn bộ tác phẩm, vài cuốn khác còn bị giữ tại ngục thất Lubjanka.
Soljenitsyne cũng đã đi vào kịch nghệ và đã gần thành tài. Vị giáo sư kịch nghệ của ông, đạo diễn Javadsky bị trục xuất khỏi thủ đô phải về thành phố Rostov mở một trường kịch nghệ, cho rằng Alexandre Soljenitsyne có thể trở thành một kịch sĩ có tài. Những bệnh tật đã làm cho giới văn nghệ trình diễn Nga thiếu một kịch sĩ tên tuổi. Bệnh đau cuống họng kinh niên do các bác sĩ khám phá ra đã đẩy Alexandre Soljenitsyne xa kịch trường.
Có thiên tài toán học và đã tốt nghiệp đại học, Alexandre Soljenitsyne khi bước chân vào quân đội hồi Thế chiến, lại dứt khoát tin tưởng và ly khai với các giới chức quân đội hữu trách rằng ông chỉ có năng khiếu văn chương – nghĩa là chỉ có thể viết văn mà thôi. Vì thế, quân đội không biết sử dụng Soljenitsyne vào việc nào cho thích hợp.
1. Từ một quân nhân đẩy xe cút kít…
Kết cuộc, ông binh nhì kiêm toán học gia chỉ có năng khiếu văn chương Alexandre Soljenitsyne được đẩy vào ngành yểm trợ tiếp vận, đã phục vụ trong một đơn vị chuyên đẩy các loại xe cút kít, quân nhân gồm những người có sắc già nua và những con ngựa không lấy gì làm khoẻ mạnh. Bởi vậy tại đơn vị này, Alexandre Soljenitsyne phải lãnh phần chăm sóc lấy sức khoẻ của chính mình.
Tất nhiên, Soljenitsyne phải bực tức trong đời sống của một quân nhân đẩy xe cút kít. Không được làm việc đúng năng khiếu viết văn, Alexandre Soljenitsyne muốn được chuyển sang ngành pháo binh nhưng lúc bấy giờ 1942, chiến tranh đang hồi gay go cùng độ. Nga Sô đang lâm nguy nặng nề nói chung, và Hồng quân ở vào thế kẹt nói riêng, yêu sách của một binh nhì – dầu binh nhì ấy cũng là một nhà trí thức – đâu có được ai lưu ý? Đơn của Alexandre Soljenitsyne bị vất xó mãi mãi.
Nhưng rồi cuối cùng, Soljenitsyne cũng được toại nguyện, một sĩ quan cao cấp đã kéo ông thoát ra khỏi đời sống buồn nản này. Ông được đi học một trường sĩ quan pháo binh rồi được phái đến một căn cứ pháo binh ở thành phố Gorki.
Khi kể đến quãng đời này, giọng nói và nụ cười của ông hết sức hiền hòa êm dịu, vừa nói ánh mắt trang trọng của ông lại di chuyển từ người đối thoại đến chiếc đàn dương cầm đang mở sẵn; trên giá bản “Etudes” của Liszt đã mở rộng.
Soljenitsyne kể:
Mọi chuyện xảy ra và những gì tôi quan sát được trong lần di chuyển này đều được ghi trong truyện Một câu chuyện ở nhà ga Krechetova.
Sau đó, tại trường pháo binh ở Gorki, Soljenitsyne lại bị đưa ra mặt trận chỉ vì ông đưa toán ra đùa với viên tư lệnh nhà trường. Chính tại chiến trường, viên tư lệnh pháo binh của mặt trận hiểu rõ khả năng của Soljenitsyne nên giao cho ông quyền chỉ huy một bộ phận truyền tin thích hợp với trình độ toán học của ông. Dần dần, Soljenitsyne được thăng đại úy, chỉ huy một pháo đội.
Chiến sự mà Soljenitsyne tham dự trực tiếp là trận đánh lừng danh trên trục Orel Kursk gần Léningrad vượt qua xứ Biélorussie và Ba Lan để trực chỉ Bá Linh.
2. Đến nhà toán học tù nhân
Tháng Giêng năm 1945, khi chiến sự còn tiếp diễn quanh vùng Königsberg ở Đông Phổ với Hồng quân trên đường chiến thắng, một cấp lệnh của sư đoàn trưởng tại Bộ Chỉ huy chiến trường.
Tướng Travkine tiếp đại úy Soljenitsyne với một thái độ băn khoăn hết sức. Ông ngập ngừng mãi rồi mới lên tiếng yêu cầu Soljenitsyne trả lại cho sư đoàn khẩu súng lục. Tuy có vẻ bứt rứt muốn giải thích nhưng rốt cuộc Travkine cũng không cho ông hiểu rõ lý do của hình phạt này.
Nhưng hai phút sau, khi Soljenitsyne vừa trả súng song thì hai nhân viên mật vụ quân đội đã ập vào bóc cấp hiệu, lột hết huy chương được thưởng trên chiến trường ngay giữa lúc tiếng súng còn nổ ầm ầm khắp bốn phía xung quanh.
Thế là phạm nhân Alexandre Soljenitsyne đã thành một kẻ tội phạm, sắp phải ném vào ngục. Khi ông sắp bước chân để bước ra ngoài, tướng Travkine vẫn đứng im sau bàn giấy chứng kiến việc lột lon lột áo, bỗng bước ra và đến gần xiết tay người cách đây mấy phút còn là sĩ quan Hồng quân thuộc cấp và chiến hữu của ông.
Về sau, Soljenitsyne đã viết là cử chỉ của tướng Travkine là cử chỉ hào hùng nhất trong chiến tranh!
*
Tại sao Soljenitsyne bị bắt?
Soljenitsyne kể lại:
“Tôi chỉ bị bắt vì quá ngây thơ, đúng hơn là quá đần độn. Cố nhiên tôi ngu đến nỗi không biết rằng luật lệ nhà binh cấm tiết lộ cái bí mật ở chiến trường qua các thư từ gởi về hậu phương.
Nhưng tôi tưởng rằng được phép nghĩ và trao đổi những cảm nghĩ về Staline, có thể chỉ trích Staline và đã viết tất cả những cảm nghĩ ấy trong một lá thư gởi cho một người bạn văn nghệ – nhưng không nên gọi đích danh ông ta trong lá thư kia.
Từ lâu kia và mãi đến nay, tôi vẫn cho rằng mình có quyền chỉ trích người đã phản lại đường lối của Lénine. Cụ thể, Staline phải chịu trách nhiệm về những tổn thất quá lớn trong giai đoạn đầu của chiến sự. Hơn nữa, tôi cũng không thể nào chịu nổi cái ngôn ngữ và lời lẽ bất chấp văn phạm của ông ta.
Tất cả những điều này được tôi viết đầy đủ vào trong lá thư kia, viết một cách ngây thơ.
Tất cả tội trạng của tôi đều nằm trong lá thư kia. Bị thẩm cung xong, người ta đã nhốt tôi tại nhà lao Lubjanka. Tôi bị nhốt mà tôi không phải bị án, vì một lệnh đặc biệt. Tôi thừa nhận rằng tôi bị giam không oan uổng chút nào vì tôi đã có tội nói lên những điều bị cấm đoán thời bấy giờ.”
3. Con số 232 của định mệnh nhà toán học chỉ có năng khiếu viết văn
Tám năm tù ở Lubjanka không làm cho Alexandre Soljenitsyne chết rục như bao người khác chỉ vì ông giỏi toán.
“Tôi không biết làm các công việc bằng chân tay và sức mạnh. Tôi lại kém về khoa giao thiệp, nghĩa là luồn hót o bế các giám thị và nhân viên nhà lao vì những thái độ như vậy hoàn toàn ngược với nhân sinh quan của tôi. Tưởng là chỉ có chết mà thôi nếu tôi không may mắn có một kiến thức toán học kha khá.
Lúc bấy giờ tôi được chuyển về giam ở Moscou và được cho đi làm thợ tại xưởng thợ của tòa nhà lớn được dùng làm trại tù nơi khu Léningradski Prospekt, bốn phía có chòi canh. Như đã nói, tôi không biết làm công việc chân tay nên vất vả và khổ sở khi làm thợ lao dịch hằng ngày.
Đã gần quỵ xuống thì một ngày đẹp trời kia bỗng nhiên Ban Giám đốc nhà lao ra lệnh cho tù nhân làm lý lịch. Về phần tôi, cố nhiên tôi phải khai tên tuổi và nghề nghiệp chính thức của tôi lúc bấy giờ là khoa học và toán học gia. Nhờ bản lý lịch này mà tôi được đưa vào Trung tâm Nghiên cứu Khoa học của nhà tù.
Tuy thuộc nhà tù nhưng Trung tâm Nghiên cứu Khoa học này có đủ mọi yếu tố để cho các khoa học gia ở ngoài có thể tự hào nếu được tham dự vào công cuộc nghiên cứu của Trung tâm. Tư cách toán học gia đã giúp cho tôi dành được những điều kiện sống và làm việc suốt trong bốn năm liền của tám năm tù! Đành rằng đời sống của tôi bị khép giấu trong những gian phòng cửa sổ có gắn thêm chấn song và bao lưới sắt, mỗi ngày chỉ có mấy phút được đi dạo trong sân nhà tù mà thôi. Bù lại, tôi được ăn no nê vào có việc làm hợp với con người của mình.
Sau bốn năm ở Trung tâm Nghiên cứu Khoa học, tôi lại bị đổi lên một trại tù nhân tại vùng mỏ rộng lớn nhất xứ.
Chính tại đây tôi đã viết cuốn Một ngày trong đời Ivan Denissovitch. Đây là một trại tù đặc biệt, nội quy kỹ thuật sinh hoạt của tù nhân rất gắt gao. Mọi tù nhân của trại này đều phải đính số hiệu trên mũ, trước ngực, sau lưng và trên đầu gối. Số tù của tôi ở trại này là S 232.”
Con số này đã hình như vẫn theo đuổi Alexandre Soljenitsyne mãi không chịu buông tha. Ngay bây giờ, Soljenitsyne cũng vẫn bị con số 232 ám ảnh!
Kể ra thì để cho số tù ghi trên thẻ đính bài trong những ngày còn bị giam cầm ám ảnh là một chuyện kỳ cục; nhưng hình như giữa con số 232 và Soljenitsyne có một tương quan nào đó cũng nên. Dù không thích, Soljenitsyne trong một lần đến Moscou đã đi với một người bạn đến hiệu hạng “luých” ở Moscou uống cà phê. Theo mọi người, Soljenitsyne đã đưa mũ nón ra cho người gác và nhận lấy số hiệu ghi số trước khi bước vào. Con số người gác cửa đưa cho Soljenitsyne là 232. Nhìn tấm bảng số, Soljenitsyne đã mỉm cười buồn bã và nói với bạn:
“Anh thấy chưa? Tôi chạy đâu cũng không thoát con số này mà!”
Nơi trại này, Soljenitsyne đã học được nghề trộn xi măng rồi làm thợ hồ cho đến ngày được trả tự do, một tháng sau khi đã mãn hạn (tháng 2 năm 1953).
“Mãi đến ngày 5 tháng 3, mấy ngày sau khi được trả tự do, tôi mới ló ra mặt phố. Bị trả tự do có nghĩa là hết bị giam mà thôi, còn phải sống biệt xứ.
Không thích gì, nhưng hôm ấy tôi ra phố chỉ để chiều ý bà cụ già bị điếc đã đánh thức tôi dậy sớm để nghe nguồn tin do dài Mạc Tư Khoa loan đi Staline đã qua đời.
Vài hôm sau, sở cảnh sát địa phương gọi tôi đến sở để ký tên vào một văn kiện chấp thuận kỹ thuật biệt xứ vĩnh viễn. Biệt xứ vĩnh viễn không phải là biệt xứ suốt đời. Cố nhiên tôi từ chối, không ký các văn kiện này”.
4. Ven biên vùng đại mạc: đất ươm mầm mống của thiên tài
Được trả tự do năm 1953 nhưng đến năm 1956 Alexandre Soljenitsyne vẫn còn phải chịu kỷ luật biệt xứ. Lúc này ông sống trong một vùng hoang dã phía đông nam Balkash. Nơi ông trú ngụ là bản Koh Teren của dân thiểu số Tartares ở ven biên đại mạc Qua Bích, xa hẳn người Nga đồng bào, xa hẳn mọi dấu vết văn minh.
Nhắc đến thời sống chung với người Tartares, Soljenitsyne nói một cách thành thực:
“Hẳn anh không ngờ rằng tôi rất thích ở vùng hoang vu này với người Tartares. Vì tôi với tư cách là công dân tự do nhưng bị án biệt xứ đâu có dễ kiếm ra việc làm.
Ở bản Koh Teren này, đâu có ai giỏi toán, tôi mới được đi dạy.
Hơn nữa, chính bản dân thiểu số Koh Teren đã cung cấp cho tôi cảm hứng để thai nghén cuốn Ngôi nhà của Matriona. Truyện ra đời năm 1956, không phải năm 1953 như đã ghi trong lần xuất bản thứ nhất.
Cũng chính ở Koh Teren, một trận chiến kịch liệt giữa vi trùng bệnh ung thư và thiên tai đã diễn ra một cách kịch liệt bằng những trận đau thừa sống thiếu chết.
Soljenitsyne đã phải chịu một cuộc giải phẫu trong thời gian ở tù. Các y sĩ giải phẫu đã cho rằng Soljenitsyne bị ung thư nhưng giấu không cho nạn nhân biết!
Quả thật vậy, trong thời gian sống ở bản Koh Teren, Soljenitsyne đã đau chết đi sống lại hàng chục lần vì bị hành. Tuy đau gần chết nhưng kiếm đâu ra y sĩ tại bản?
“Đau gần chết nhưng tôi vẫn phải ráng lết ra đến Takhen để chữa bệnh trong một thời gian khá lâu.
Không ai có thể ngờ rằng tôi có thể lành bệnh. Cục bướu ung thư đã không giết tôi chết. Nó còn biến chất. Và biến hình nữa.”
5. Bi kịch của Ivan Denissovitch: bi kịch sâu xa và ý nghĩa nhất của trường kỳ lịch sử nước Nga
Vốn là một nhà toán học nhưng thấy rõ được năng khiếu của mình, Alexandre Soljenitsyne đã đem hết tâm trí ra học hành, nghiên cứu về Nga ngữ và làm thơ. Nhân loại, trong thời gian bị đày biệt xứ, ông lại viết truyện, viết kịch nhưng tất cả các tác phẩm của ông viết trong thời kỳ này đều bị xếp xó, không được xuất bản…
Alexandre Soljenitsyne sau khi mãn tù, vẫn phải kéo dài kiếp sống lưu đày chỉ vì ông chống lại đường lối suy tôn thần thánh hoá lãnh tụ.
“Được đề cao lên đến độ cuối cùng trong những năm Staline đã xuất hiện như vị chúa tể độc tôn của hai trăm triệu người Nga.”
Là một trong những đề tài sáng tác đồng thời cũng là một trong những kỷ luật mà nhà văn nhà thơ phải chấp hành.
Bị lưu đày phải kéo dài đời sống biệt xứ vì quan niệm sáng tác, các lãnh tụ Đảng trong Đại hội coi là lịch sử vì chủ trương hạ bệ Staline, chống lại sự suy tôn cá nhân – cố nhiên phải trả lại cho Soljenitsyne quyền được sống bình thường để trở về miền Trung nước Nga sau khi án biệt xứ đã “bể”.
Mộng viết văn của ông đã thành sau bao nhiêu năm ở tù và bị lưu đày.
Là nhà văn, Alexandre Soljenitsyne đã nói về việc sáng tác của ông:
“Tôi hiểu rằng viết về mình là một việc có thể nói là giản dị. Viết về số phận của nước Nga mới là vấn đề quan hệ và ý nghĩa hơn.
Nhưng khi muốn viết về nước Nga, tôi cho rằng những bi kịch của Ivan Denissovitch là những bi kịch sâu xa nhất và nhiều ý nghĩa nhất trong những bi kịch mà nước Nga đã nếm trải.
Hồi còn sống ở trong tù, chúng tôi đã nhất quyết phải kể lại, vẽ lại đời sống của một kẻ sống trong nhà lao. Chỉ một ngày giản dị thế thôi.
Tôi đã nói rằng tất cả đời sống của toàn thể Âu châu góp lại suốt trong bao thế kỷ, có thể là nội dung, là đại thể cho một cuốn truyện.
Đồng ý, nhưng tôi muốn nói thêm rằng chỉ một ngày trong cuộc đời nào, bất kỳ người dân nào cũng chẳng kém gì.”
Nghe Soljenitsyne nói, tự nhiên người ta sẽ phải nhớ đến tất cả công phu và say mê của ông trong việc vận dụng và chọn lọc từng chữ một, tính toán cẩn thận từng âm tiết một của ngôn ngữ nước Nga, một ngôn ngữ có nhạc tính hòa hợp với ngôn từ để phản ảnh trung thực giàu sang của ngôn ngữ bình dân Nga.
Ngoài ra cảm tình và nhạc tính của ngôn ngữ đặc biệt của tiếng Nga, con người tác giả lại xuất hiện nơi câu nói thao thao trôi chảy theo một nhịp điệu rõ rệt nhưng len lỏi đi thẳng băng, không quanh co trúc trắc.
Lời lẽ của Soljenitsyne luôn luôn có cái chính xác của một luận lý vững chãi dựa trên một kiến trúc toán học. Nói về quan niệm sáng tác hệ thống ý tưởng của Soljenitsyne xuất hiện thứ tự lớp lang và làm ta nghĩ đến một cái máy, một hệ thống. “Hãy coi chừng! Ánh sáng nơi người thích bóng tối.”
“Hãy coi chừng, ánh sáng nơi ngươi sẽ biến thành bóng tối” (Lời của thánh Luca (11, 35) trong Kinh Thánh).
Đấy là nhan đề một kịch bản mà Soljenitsyne đã viết năm 1954, và cho rằng cuốn này là tác phẩm làm ông tương đối thỏa mãn trong thời kỳ đầu của cuộc đời văn nghệ. Nơi tác phẩm này, Alexandre Soljenitsyne đã gửi gắm tất cả ý nguyện.
“Tôi muốn viết một cái gì xa với chính trị và vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Tất cả mọi tác động của truyện đều diễn ra tại một xứ xa lạ với tất cả, trong một thời gian chưa đến với những nhân vật có tên tuổi xa lạ với mọi người.
Xin đừng tưởng tôi muốn giấu giếm gì, tôi có gì phải giấu đâu?
Sở dĩ tôi muốn đặt vấn đề vào một khung và thời gian xa lạ như vậy dựng nên những nhân vật cũng xa lạ nốt, chỉ vì tôi muốn trình bày nhiều vấn đề của xã hội văn minh mà không phải tránh né và bị ràng buộc, không cần chú trọng đến chế độ xã hội hay tư bản…”
Ý muốn trên đây cũng đã được Soljenitsyne trình bày với các phán quan trong Hội đồng Thẩm phán của Tòa án Quân sự Tối cao – những thính giả đầu tiên được nghe tác giả tuyên đọc cuốn Một ngày trong đời Ivan Denissovitch họp lại để xét về việc phục hồi danh dự công dân cho Soljenitsyne. Đấy là những thẩm phán đầu tiên đã hội diện với nhà văn. Một ngày trong đời của Ivan Denissovitch là một trong ba tác phẩm lớn của Soljenitsyne.
Một cuốn truyện lớn nữa Nhóm thứ nhất được hoàn tất sau ngày đại thánh thất tuần của Staline sau chín năm trời thai nghén. Nhưng thời gian của truyện đó chỉ là một ngày thêm vài giờ trong một đêm tháng 12 năm 1949. Nhân vật gồm có Staline, viên giám đốc một đại hí viện và một số gồm mấy nhân vật tiêu biểu cho giới trí thức và đảng viên hoạt động. Không gian rộng của truyện là Mạc Tư Khoa nhưng sân khấu chính của sự việc diễn biến là Trung tâm Nghiên cứu Khoa học của nhà tù.
Tác phẩm lớn khác nữa của ông là cuốn Trại ung thư (Pavillon des cancéreux), cuốn truyện gây nhiều sóng gió nhất trong đời sống văn học nghệ thuật Nga Sô luôn luôn phẳng lặng, kể cả trường hợp Hội các Nhà văn Nga đứng trước một tình thế tế nhị do giải Nobel tạo ra khi nó được dành cho nhà văn Boris Pasternak vì cuốn Bác sĩ Jivago bởi phản ứng của Pasternak thiên về tiêu cực cá nhân và hướng về thiểu số trí thức, nặng chất trí thức với Soljenitsyne và toàn bộ tác phẩm là nước Nga muôn đời người Nga vì tất cả những gì là Nga với tất cả những gì là nhiệt thành, sôi nổi và tích cực!
Ba tác phẩm nói trên, tuy vậy, vẫn chưa đủ để nói lên vấn đề Soljenitsyne.
Vốn có khuynh hướng kịch nghệ, Soljenitsyne có mấy kịch bản khá lớn, từ bi kịch xưa cho đến thoại kịch mới. Ngay một vở kịch thường của ông chưa được viết lại với tất cả thận trọng dành cho một tác phẩm, chưa được coi là thành công – hơn nữa đã được đem trình diễn tại các Hí viện Vacthangov và Léninsky Komsomol nếu Ban Giám đốc hai hí viện này không gặp một lệnh cấm từ trên cao đưa xuống.
Còn nữa. Còn một loạt truyện ngắn mini từ 16 đến 20 dòng.
Truyện viết bằng tiếng Nga nhưng độc giả Nga lại được đọc bản dịch từ Tây phương đem qua ngoài sự hiểu biết của tác giả. Tạp chí Encounter ở Luân Đôn, đã đăng tải những truyện ngắn này với lời ghi chú như sau: “Bằng phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ, tòa soạn đã đi đến chỗ phát giác ra tác giả những chuyện này có lẽ là, chắc là Alexandre Soljenitsyne.” Nói về những tác phẩm “mini” tuy riêng rẽ từng chuyện một nhưng tất cả lại liên hệ chặt chẽ với nhau, Soljenitsyne nói:
“Nơi mấy chuyện nho nhỏ này, mối quan tâm của tôi là tạo ra một văn pháp mới. Một văn pháp mà tôi hy vọng sẽ tìm ra được nơi một truyện phim đã thai nghén… Nhưng chưa có thể đẻ ra được vì tôi chưa có ý định đưa ra trình bày với độc giả.”
6. Nhà văn sứ mạng và thiên tài
Bên cạnh một tủ sách mà ngoại ngữ gồm có toàn bộ tác phẩm của Anatole France (Pháp) và một số tác phẩm cổ điển Anh do các nhà xuất bản Anh ấn hành nguyên bản giữa các tác phẩm Nga Alexandre Soljenitsyne đã trình bày những ý nghĩa của ông về nhà văn và thiên chức của nhà văn.
Khi nhìn trong bằng cặp mắt nghệ sĩ, nhà văn nhờ vào linh tính sẽ thấy sớm hơn thiên hạ và thấy dưới những hình thức mới mẻ, khá nhiều hiện tượng xã hội. Thấy được hay không và thấy tới đâu là thiên tài. Nhưng quên là thiên tài ấy gắn liền với thiên chức.
Phải trình bày những gì mình thấy với xã hội hay ít nhất cũng phải trình bày những gì mình thấy có hiệu quả đem tai ách đến cho xã hội.
Liếc qua mấy cuốn sách ngoại ngữ, ông thú nhận:
“Rất tiếc là đời sống tôi quá bất thường và nhất là vì tôi ra đời, trưởng thành và được đào luyện trong nền văn chương Nga mà thôi, ít biết đến ngoài nên không đủ sức đào sâu vào văn học sử của nhân loại.
Riêng văn chương Nga tôi quả quyết rằng văn chương chân chính Nga luôn hướng tới những người đau khổ. Tuy thế, ngay ở đây có một số người chủ trương tô vẽ thêm, quét thêm một nước sơn màu hồng để làm cho những gì sắp xảy ra đẹp thêm. Theo tôi, quan niệm này sai lầm vì nó biện minh cho những gì là gian dối và ngụy trá; văn chương phản ảnh bằng loại truyện nói trên chỉ là một thứ ngụy trang mà thôi. Do đó phải đánh dấu tự cải hoá một cách trung thực và can đảm mới có thể đưa ra ngoài ánh sáng những sai lầm và chỉ cho thiên hạ thấy những gì đã xảy ra thực sự.
Bởi vậy nhà văn phải hoàn toàn trung thực với ký ức nghệ sĩ của mình. Để mỗi khi viết về một đề tài nào đó là đưa ra được tất cả những gì mình đã thấy về đề tài, đưa luôn cả cách nhìn đề tài của mình nữa. Bằng không thì thôi, đừng dùng văn chương ngụy trang ra, chỉ có hại mà thôi. Tính thú con người: một đơn vị sinh lý và tinh thần trước khi là phần tử của xã hội.
Xin cho phép tôi được nói rằng tôi không bao giờ coi mình là một nhà nghiên cứu văn chương quốc tế. Tôi chỉ muốn trình bày những ý nghĩ khách quan là văn chương Tây Âu càng nghèo nàn. Lý do? Tôi nghĩ rằng văn chương Tây Ây càng ngày càng nghèo thêm chỉ vì mấy chục năm qua, xã hội Tây Âu thiếu những thay đổi quan trọng.
Nền tảng văn chương, theo tôi là những kinh nghiệm quý giá rút từ các tác động tạo thành tiến trình xã hội.
Đông Âu, kể cả nước Nga của tôi, đã có những đổi thay xảy ra. Đấy là lý do khiến cho tôi hy vọng nhiều nơi tương lai của nhà văn không những theo bổn phận đối với xã hội mà còn theo bổn phận của nhà văn đối với từng người một.
Tôi xin nhấn mạnh rằng trách nhiệm của nhà văn đối với từng người một mới quan trọng. Cuộc đời của một cá nhân không phải bao giờ cũng phù hợp với đời sống xã hội; không phải tập thể luôn luôn nâng đỡ nhau.
Mỗi một người là một thế giới riêng, có những vấn đề riêng, những ưu tư riêng ngoài thẩm quyền giải quyết của xã hội, không phải tập thể giải quyết được.
Con người là một đơn vị tinh thần và sinh lý độc lập trước khi là phần tử xã hội. Trách nhiệm của nhà văn đối với cá nhân nặng không kém gì đối với xã hội.
Trong thời đại này, đời sống bị kỹ thuật chi phối hoàn toàn, nhu cầu vật chất trở nên quá quan trọng; ảnh hưởng của tôn giáo bị đẩy lui trên mọi mặt và ở khắp mọi nơi; công việc phải làm của nhà văn có vậy, có một tính chất độc đáo. Nhà văn ngày nay, do đó, phải gánh vác công việc của một người phải giữ luôn một chỗ trống.
Bởi vậy, nhà văn phải giữ cho được chỗ đứng ở chính giữa các mối tương quan giữa thời đại chúng ta và muôn đời, ở chính giữa cách đều cả hai bên.
Nếu tác phẩm chỉ là thời sự, chỉ là những vấn đề thời đại thì tác phẩm chỉ có một đời sống, một giá trị hữu hạn ngắn ngủi.
Ngược lại, một nhà văn coi thường hiện tại và hướng tất cả vào thời gian không cùng, tác phẩm sẽ thiếu sinh khí và màu sắc…
Tóm lại, giữa Charybde và Scylla, nhà văn không được xích sang bất kỳ một bên nào và cũng không được ngoảnh mặt sang phía nọ hoặc phía kia.”
Đây là quan niệm của Alexandre Soljenitsyne đối với sứ mạng nhà văn! Kể ra, quan niệm này không độc đáo cho lắm. Điều đáng nói nơi đây chỉ là thái độ chân thành và lý tưởng của Alexandre Soljenitsyne mà thôi. Chính cái chân thành và lý tưởng của Soljenitsyne làm cho cái quan niệm trên dù sao cũng có một cái gì khác với ngôn ngữ sĩ khí của người cầm bút Việt Nam thời đại 1954-1970!
Vậy thì nơi nhà văn Soljenitsyne có một cái gì mới lạ, độc đáo? Về văn phong? Về kỹ thuật?
Chúng tôi không dám nói rằng là chính văn phong của Soljenitsyne một văn phong quen thuộc và gần gũi nhưng thực là xa cách với chúng ta – có tác dụng gì đối với bút pháp, với kỹ thuật hay không?
Nhưng quả thực Soljenitsyne là một nhà văn có một bút pháp tương đối mới:
“Theo tôi, không có nhân vật chính. Trong một tác phẩm chỉ có một nhân vật của truyện – nhà văn. Dù muốn, dù không, nhân vật ngự trị vẫn chiếm một chỗ đứng quá rộng, vẫn dành được mọi chú tâm của tác giả.
Vậy, tôi quan niệm là không có nhân vật chính. Mọi nhân vật lớn hay nhỏ đều là chính, đều làm chủ mọi tác động trong phạm vi của y là liên quan đến y, bên cạnh nhân vật ngự trị khi tất cả phải chịu trách nhiệm đồng đều về tất cả mọi nhân vật do mình dựng nên, hiểu rõ các tác động của mọi nhân vật do mình sắp đặt sai tử, trong khuôn khổ của một sự liên hệ và một tương quan giữa các nhân vật của truyện. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là đừng bao giờ để cho tưởng tượng kéo cả mình cả nhân vật đi quá xa.
Đấy là phương pháp của tôi áp dụng khi viết mấy cuốn truyện và sẽ áp dụng để viết một cuốn đang hình thành…”
Cái phương pháp này như thế nào? Hay hay dở? Chúng tôi không thể đưa ý kiến nơi đây. Nghĩa là không làm cái việc “khen phò mã tốt áo” vừa thừa vừa quê! Chúng tôi chỉ xin nhắc lại chi tiết sau đây: Là Soljenitsyne đã viết những tác phẩm ấy một cách đặc biệt khi trong tay giấy không bút cũng không. Do đó, ông phải sắp xếp gạn lọc bỏ túi tất cả đâu vào đó, từ ý tưởng câu chuyện và nhân vật thực cẩn thận tỉ mỉ… Rồi học thuộc lòng, thuộc như chảy để chờ ngày đưa nó lên mặt giấy…
Vậy phương pháp này có phải là một phương pháp riêng biệt của nhà văn phái sáng tạo một cách đặc biệt? Hay nó là phương pháp mới, sản phẩm của thời đại cần được phổ biến hoá?
Câu trả lời, chúng tôi xin dành cho các cây bút sáng tạo. Chúng tôi chỉ trình bày thêm sự chú trọng khai thác ngôn ngữ của Soljenitsyne:
“Càng ngày, tôi càng thấy rõ là nền văn chương của chúng tôi (cũng như mọi nước) chưa khai thác được cái kho tàng phong phú của tiếng Nga. Nói chung, ngôn ngữ của mọi nước, trong Thiên đàng đều bị ‘đơn vị hoá’ và ‘thống nhất hoá’ nên làm mất đi rất nhiều giá trị cổ truyền.
Bởi vậy, bắt đầu đi sâu vào ngôn ngữ Nga khi mới ở tù, càng ngày, tôi cũng hiểu rằng tiếng Nga có muôn vàn vẻ đẹp về ngữ vựng mà tôi sẽ gắng vận dụng, trước hết là những từ ngữ và mỹ tự gần với tiếng Nga hiện đại.”
*
Toàn bộ tác phẩm đã trình bày sơ lược trên đây là yếu tố hữu tình của sự nghiệp nhà văn đã được Hội Hàn lâm Thụy Điển dựa vào một phần để quyết định dành cho chủ nhân vinh dự của nhà văn được giải thưởng Nobel về văn chương năm 1970! Giải thưởng Nobel còn được tặng cho Soljenitsyne vì những giá trị đạo đức mà ông là người đã quyết tâm bảo vệ và bảo vệ được với một cái giá khá đắt khi Soljenitsyne nhấn mạnh rằng xã hội này là xã hội của kỹ thuật, của nhu cầu hưởng thụ gia tăng mà loài người đang lao vào tranh thủ điều kiện để thỏa mãn…
Giá trị đạo đức ấy cố nhiên phải rất lớn, nhiều mặt và nhiều khía cạnh trong đó có một chi tiết phải nêu ra đây:
Để cho nhà văn làm trọn thiên chức, xã hội phải cung ứng những gì?
Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng nêu ra chi tiết này ở đây và sau đó trình bày lại những ý kiến của Soljenitsyne như một cách chạy trốn của người viết bài này, đúng hơn là một cách chạy tội.
Xã hội phải cung ứng những gì? Nhà văn đã chồng lên mình một núi Thái Sơn trách nhiệm đã nói một cách giản dị:
“Xã hội chỉ cần phê phán nhà văn một cách khách quan.”
Soljenitsyne chỉ đòi hỏi có thế mà cũng không được nhưng ông vẫn không thay đổi vì cho rằng:
“Tôi nghĩ rằng việc xã hội có bất công với một nhà văn đâu có phải là một sai lầm trọng đại? Sai lầm này đâu có phải là không sửa được?
Xã hội không nên chiều đãi các nhà văn quá!
Nhà văn phải coi bất công là những thử thách cần thiết vì chính nơi những bất công này, nơi những nguy cơ phải sẵn sàng chấp nhận, nhà văn mới làm tròn thiên chức.
Định mệnh của một nhà văn đâu phải là tình yêu bằng phẳng.”
*
Tôi nghĩ rằng giá trị đạo đức để làm cho các ông Hàn Thụy Điển khâm phục chắc chắn là cái quan niệm này cụ thể hoá bằng hành động cụ thể trên mặt văn chương!
Giá trị này, quả thực là xứng đáng rồi!
[1]Trong cuốn sách này, tác giả viết tên Alexandre Soljenitsyne theo cách viết trong tiếng Pháp. Các tên riêng khác trong tập sách này cũng như vậy. (talawas)
Nguồn: Trần Tử. Alexandre Soljenitsyne: Tác phẩm – Con người và Cuộc đời. Tủ sách Nhân Loại Mới, 1971. K.D. số 1001, 15.3.71 btt.
12/6/11
Tạp chí Văn - Hoài niệm Nhất Linh ( 4 )
Tạp chí Văn
Hoài niệm Nhất Linh
Huỳnh Phan Anh
Nhất Linh và Bướm trắng
Tại sao Bướm trắng?
Tại sao không viết về Nhất Linh theo một chủ đề rõ rệt nổi bật từ toàn bộ tác phẩm ông, công việc đã có nhiều người làm trước đây, trong số đó bài “Hạnh phúc trong tác phẩm Nhất Linh” của ông Đặng Tiến (Bán nguyệt san Văn số 37) là một cố gắng đáng kể. Tại sao không viết về Nhất Linh, về tác phẩm Nhất Linh, xem đó như một công trình đã hoàn tất, đã trở thành một định mệnh, đã đầy đủ cho chính nó, đã dừng lại, đã đi đến chỗ tận cùng của nó, đã trở thành lịch sử (một thực tại thuộc lịch sử cũng như một thực tại thuộc văn học sử). Tại sao không viết về Nhất Linh bằng cách đặt ông vào một khuôn khổ, một vị trí chắc chắn, căn cứ vào những tác phẩm ông đã viết, đã để lại đầy đủ: biết rằng cái chết của mỗi nhà văn đương nhiên biến những cuốn sách của hắn thành tác phẩm, biến tác phẩm của hắn thành sự nghiệp: biết rằng cái chết của mỗi nhà văn không là cách chấm dứt một sự nghiệp dở dang, ngược lại đó là một cách hoàn thành tốt đẹp nhất.
Tại sao viết về Nhất Linh chỉ căn cứ vỏn vẹn trên một cuốn sách lẻ loi tách ra từ một toàn thể, sự nghiệp của tác giả. Và tại sao chọn Bướm trắng, Nhất Linh và Bướm trắng. Tại sao Bướm trắng thay vì Đôi bạn, Đoạn tuyệt hay Dòng sông Thanh Thuỷ, một cuốn sách này thay vì một cuốn sách nào khác. Có thể xem đây là việc làm liều lĩnh của kẻ ký tên dưới bài viết này không? Liều lĩnh vì sẽ dễ dàng rơi vào chỗ thiếu sót, chủ quan, phiến diện, độc đoán v.v… Bởi vì quan niệm thông thường vẫn thường có khuynh hướng toàn thể hoá các tác phẩm của nhà văn, biến chúng thành một toàn thể hợp nhất và độc nhất, không thể đập vỡ hay chia cắt ra được.
Tại sao Nhất Linh và Bướm trắng? Sau đây là lý do chính yếu nhằm biện minh cho cái nhan đề của bài viết và người viết có bổn phận trình bày sơ qua:
Tách rời một cuốn sách khỏi toàn bộ tác phẩm của một nhà văn tức là một cách nào đó phủ nhận sự nghiệp tác phẩm của nhà văn như một toàn bộ cứng nhắc. Nói khác đi là phủ nhận sự nghiệp sáng tác của nhà văn như một dòng liên tục, như một định mệnh chờ đợi hoàn tất, an bài. Một cuốn sách không là một chặng đường, mà là một hướng đi, một lối đi bên cạnh những hướng đi, những lối đi của cùng một người. Mỗi một cuốn sách đều có thứ tiếng nói riêng của nó, một giọng nói riêng của nó, một ước muốn riêng của nó. Một cuốn sách có thể nói khác đi, ngược lại nếu cần với những điều mà tác giả đã nói ở những nơi khác, những cuốn sách khác. Tác phẩm là một hình thái bất liên tục. Để hoàn tất (tạm dùng chữ này) tác phẩm của mình, nhà văn không đi trên một con đường thẳng, êm xuôi, thanh bình. Trái lại hắn không ngớt phải vượt qua chính mình, phải nói không với chính mình, phải phủ nhận chính mình. Hắn phải trải qua những kinh nghiệm, những tìm tòi và khủng hoảng luôn luôn đổi mới. Những cuốn sách hắn viết nên có thể mâu thuẫn, chống đối nhau, nhưng chính tác phẩm hắn hứa hẹn làm nên từ những mâu thuẫn và chống đối đó. Tác phẩm của hắn không đứng lại bao giờ, bởi nó còn những xung đột nội tại phải làm nên từ những mâu thuẫn và chống đối đó. Tác phẩm của hắn không đứng lại bao giờ, bởi nó còn những xung đột nội tại phải giải quyết, bởi nó còn phải trò chuyện không ngừng với người đọc. Không có bảo tàng viện cho văn chương bởi tác phẩm vẫn không ngừng sống, lớn lên. Và công việc của các nhà làm văn học sử chỉ là một ảo tưởng bởi tác phẩm văn chương, thực tại văn chương không bao giờ là một món đồ ù lì, bất động để cho các sử gia mặc tình thâu tóm hay phân loại!
Khi Nhất Linh đưa ra những điều mà ông cho là lầm lẫn của chính ông trong đời nhà văn của mình [1] , lời thú thật mang ý nghĩa một tác động kiểm thảo can đảm, ngoài ra còn ngầm nói lên một ý nghĩa cần thiết, cốt cán của tác phẩm cũng như của công việc sáng tạo: người ta viết trong sự thức tỉnh thường trực, người ta viết trong khốn khổ, người ta viết để hy vọng lấp đầy những hao hụt của chính tác phẩm mình, và mỗi cuốn sách là một cơ hội đặt một câu hỏi, nêu một câu trả lời, mở ra một viễn tượng. Ta hãy nghe Nhất Linh nói về “cái lầm lớn nhất” của ông:
“… Luận đề tiểu thuyết của tôi có cuốn Đoạn tuyệt, Hai vẻ đẹp, Lạnh lùng (và ít nhiều truyện ngắn). Sự hoan nghênh của những truyện đó, nhất là Đoạn tuyệt, những lời khen ngợi của các nhà phê bình đã làm tôi sau này khó chịu một cách thành thực (…). Sau hai mươi năm, giở Đoạn tuyệt đọc lại tôi thấy chỉ có một vài đoạn tả mẹ chồng nàng dâu có đôi chút giá trị, còn những cái về xung đột mới cũ (ý định chính của tôi) như việc Loan dọn nhà đi không đem bát hương, Loan đẻ con trai, lời cãi của trạng sư v.v… thì đến nay chẳng còn gì là hay nữa. Về cuốn Lạnh lùng (tuy nghệ thuật cao hơn Đoạn tuyệt) nhưng còn bao nhiêu chi tiết về tâm hồn một người góa trẻ, khao khát yêu đương v.v… tôi đã bỏ qua, không cho tìm kiếm thêm. Độ ấy tôi chỉ coi nhân vật như những quân cờ để đánh một ván bài, họ không phải là cái chính và chỉ dùng những chi tiết nào lợi cho ái ý chứng tỏ của mình không theo sát cuộc đời thực là mục đích chính của tiểu thuyết mà đổi cuộc đời thực đi để lại luận đề của mình” [2] .
Trước khi các nhà phê bình sau này có thể sẽ lên tiếng chỉ trích ông, ông đã nhìn tác phẩm của mình với đôi mắt nghiêm khắc (đã có bao nhiêu nhà văn làm công việc đó?), ông đã là nhà phê bình của chính ông. Điều này chứng tỏ rằng người ta viết không nhất thiết để thoả hiệp với những gì người ta đã viết hay sẽ viết. Mỗi cuốn sách chỉ còn là một giai đoạn không liên tục nằm trong một toàn thể tự nó đã là một mâu thuẫn nội tại.
Biết rằng, như ai kia đã nói, không nhà văn nào giống nhà văn nào, không tác phẩm nào giống tác phẩm nào cho dù là tác phẩm của cùng một con người sáng tạo, tại sao không nhìn ngắm một nhà văn, một tác phẩm như một giá trị nội tại, tự tại, không tuỳ thuộc, không nợ nần gì với những yếu tố bên ngoài. Người ta viết một mình. Và tác phẩm là kết tựu từ một niềm cô đơn tuyệt đối, kết tựu của chính niềm cô đơn tuyệt đối đó. Vấn đề chính yếu của người đọc hay người phê bình có lẽ không phải là tìm xem Nhất Linh đã chịu ảnh hưởng của Tolstoi, của Somerset Maugham, của Jean Eyre, của André Gide v.v… ra sao, không phải đối chiếu từng dòng từng chữ của Nhất Linh với từng dòng từng chữ của một nhà văn nào khác, không phải là cố tình đặt để Nhất Linh bên cạnh một tên tuổi nào khác, gần gũi hay xa lạ…: đó phải chăng là những công việc có phần dễ dãi (mặc dù có thể không dễ dàng) và vô bổ tố cáo sự thất bại trước tiên của người đọc (người phê bình) đã không tìm thấy ý nghĩa và giá trị chân thật nhất, riêng tư nhất, thân mật nhất của một tác giả hay một tác phẩm: và đó cũng chính là công việc thường thấy trong sinh hoạt phê bình xưa nay, ở bất luận nơi nào.
Nhất Linh và Bướm trắng. Sự chọn lựa không tình cờ chút nào. Tôi muốn xem Nhất Linh trước tiên như một tác giả không ngừng sống dưới mắt tôi và đang hoàn tất tác phẩm của ông, bởi vì cái chết (của ông) không là cánh cửa khép lại một lần chót sau tác phẩm, trái lại đặt tác phẩm đó vào tình trạng dang dở đời đời. Tôi muốn đọc Bướm trắng như một cuốn sách đang viết, đang hoàn tất trong toàn bộ một tác phẩm dường như cũng không ngớt tìm kiếm cho nó một định mệnh. Đọc Bướm trắng không là tìm đến một câu trả lời mà là lắng nghe lời hứa hẹn của một tác gia đang lên tiếng. Vâng, một tác giả vẫn không ngừng lên tiếng trong tác phẩm của mình, lên tiếng với từng độc giả một tìm đến, trong từng một lần đọc đang diễn ra, lên tiếng từ những bến bờ xa lạ, nhưng lại thân mật gần gũi bao nhiêu.
Hơn nữa, tôi muốn đọc Bướm trắng như người ta tìm đến một bộ mặt cô đơn nhất của một đời người, xem nó như một hiện hữu biệt lập: một cách quên đi những tác phẩm còn lại của tác giả. Dĩ nhiên ở đây người ta chỉ có thể có được một cái nhìn thiếu sót về Nhất Linh cũng như Bướm trắng chỉ là một cánh cửa của một đền đài. Tại sao không? Ở đây sự thiếu sót của một người đọc, người phê bình lại chính là một dịp may tốt đẹp của tác giả, của tác phẩm mai đây hãy còn là lời kêu gọi. Nếu sáng tạo là một công trình nhất thiết dở dang, thưởng ngoạn và bình phẩm là những tác động còn tiếp tục mãi mãi. Như vậy đọc và phê bình không có nghĩa là “thanh toán” một lần cho xong một tác phẩm, mà là tạo cơ hội cho những lần đọc khác, những lần phê bình khác, đầy đủ và tốt đẹp hơn, và cứ như vậy.
Ta đã nói về những lầm lẫn của Nhất Linh do chính ông tiết lộ. Những lầm lẫn đó, ông đã gom về bốn điểm chính:
“1. Để cái thích riêng của mình nó huyễn hoặc, làm hoa mắt không nghĩ đến sự tìm tòi cái hay thực.
2. Để câu văn trống rỗng du dương, hoặc cầu kỳ nó quyến rũ mình (…).
3. Để cái ý định viết hay xuống dưới cái ý định viết để làm gì, viết về thứ gì (viết về nghị luận, triết lý v.v… thì cố nhiên là mình viết để làm một cái gì rồi nhưng viết tiểu thuyết khác, tiểu thuyết nó có mục đích của nó…).
4. Để nêu một cách giải quyết một vấn đề gì. Sự lầm lẫn tiểu thuyết với cuốn sách giảng giải một tính đố thật là vô lý, nhưng lại có những nhà phê bình vẫn lầm lẫn, và lại có báo đem đăng lên thực là vô lý nữa (đây là đem xếp đặt cốt truyện để giải quyết chứ không phải để đời thật rồi tự nó, nó bày tỏ một cái gì). Tôi nhớ có đọc được một nhà văn (mà tôi quên mất tên) phê bình trên báo Cải tạo (xuất bản ở Hà Nội) cho ngay một cuốn tiểu thuyết là hay, là có giá trị vì câu chuyện đã giải quyết được một vấn đề một cách đẹp đẽ. Truyện một người vương vít vợ con rồi giải quyết nỗi khổ trong gia đình bằng cách đăng lính, phục vụ quốc gia. Truyện ấy viết rất dở nhưng nhà phê bình kia cho nó là hay, là xây dựng, là lành mạnh. Đấy chỉ có thể là một bài tuyên truyền người ta vào quân đội (dùng thể thức tiểu thuyết cũng như các bài dạy người ta tránh nạn xe hơi dùng thể thức thơ lục bát) không thể gọi là một tiểu thuyết hay được” [3] .
Nhất Linh đã viết những điều trên đây vào cuối đời mình ở giai đoạn già dặn và trầm tĩnh nhất của một người đã từng có một quá khứ văn nghệ đáng kể, đã từng biết tới những vinh dự lớn lao của nghề cầm bút. Ông đã không ngần ngại, căn cứ trên chính lời lẽ của ông đã trích dẫn, tố giác chính những hư hỏng của mình trên phương diện sáng tác, và mặc nhiên phủ nhận ít ra là một sự thành công nào đó của mình trong những tác phẩm cũ đã từng được tán thưởng, ca ngợi (chỉ cần tưởng tượng đến Nhất Linh của thời kỳ Đoạn tuyệt với những “tiếng động” mà cuốn sách này gây nên trong văn giới cũng như trong xã hội). Thiết tưởng đó là điều ta không được phép quên. Càng không được phép quên khi nhắc đến Bướm trắng vì mấy lý do sau đây:
Bướm trắng là một cái đỉnh quan trọng của nghệ thuật Nhất Linh. Nó đánh dấu thời kỳ già dặn nhất của tác giả sau những thành công của Đôi bạn, Đoạn tuyệt v.v… Chính tác giả đã hơn một lần bày tỏ sự hài lòng của mình về nó. Trong chủ quan tôi, đó hẳn là cuốn sách xứng đáng nhất để được giữ lại một mai kia nếu có sự đào thải, lựa chọn. (Cho tới bây giờ, khi viết những dòng này, tôi vẫn muốn trung thành với những ấn tượng đầu tiên của mình khi còn là một cậu học trò trung học, mười lăm năm rồi còn gì, khi say mê đọc Bướm trắng, khám phá Bướm trắng, lạc loài trong Bướm trắng…).
Bướm trắng không chỉ là một cuốn sách thêm vào số lượng tác phẩm của Nhất Linh. Nó còn thể hiện một ước muốn tích cực của người viết: viết chống lại những gì mình đã viết, viết không có nghĩa là viết lại một tác phẩm nào đó đã hoàn tất cũng chưa hề bắt đầu chỉ đang hứa hẹn. Nói theo điệu nói thông thường, Nhất Linh đã thực hiện một cuộc thoát xác trong tác phẩm này. Những đề tài đã từng nổi bật trong các tác phẩm trước đã lùi lại hay biến mất: Không còn những xung đột mới cũ, những tranh chấp xã hội, những mưu toan biến đổi hay giáo huấn, những lý tưởng mơ hồ v.v… Có thể quan niệm Bướm trắng là một lời nói không của chính tác giả trước những lối mòn của quá khứ. Nó thể hiện và đồng thời thực hiện một cuộc đoạn tuyệt với chính vũ trụ tiểu thuyết quen thuộc của tác giả. Và tưởng tới lúc phải nói rằng cuộc kiểm thảo thực sự của Nhất Linh không đợi tới cuốn “Viết và đọc tiểu thuyết” mới tìm được cơ hội bộc lộ qua mấy điểm mà ông gọi là sai lầm trong văn nghiệp của mình. Cuộc kiểm thảo đó đã ẩn tàng ngay trong Bướm trắng.
Do đó trong sự nghiệp Nhất Linh, Bướm trắng hầu đã vượt khỏi giới hạn của một cuốn tiểu thuyết. Nó đánh dấu một sự thay đổi ngay trong quan niệm viết văn của tác giả. Nó là một thí nghiệm. Nó mặc nhiên bao gồm trong nó một lý thuyết (về tiểu thuyết) bởi nó thể hiện một chọn lựa, một quyết định của chính tác giả: viết khác đi với những điều đã viết, với những cách thế đã sử dụng để diễn đạt con người, xã hội, vũ trụ…
Tuy vậy, mục đích bài viết này sẽ không nhằm đối chiếu Bướm trắng với những cuốn sách Nhất Linh đã viết trước hay sau nó nhằm đưa ra một tiến trình về phương diện tiểu thuyết của tác giả (xin nhường công việc cho một lần nào khác, cho một người nào khác).
Điều quan trọng vẫn là lắng nghe thứ tiếng nói của Bướm trắng, gia nhập vào vũ trụ của Bướm trắng.
Một giấc mơ
Bướm trắng là một cuốn tiểu thuyết? Là một câu chuyện kể? Là quãng đời kỳ lạ của Trương kể từ khi “tình nghi mắc bệnh lao”? Là cuộc gặp gỡ giữa Trương và Thu, là những gì tiếp theo đó đã làm nên một tình yêu cũng như đã làm nên sự thất bại của một tình yêu? Không, tôi muốn nhìn Bướm trắng trước tiên như một giấc mơ, một vũ trụ làm nên từ ảo tưởng con người (hay ngược lại: một vũ trụ đang nhạt nhoà, đang biến thành một ảo tưởng mơ hồ?). Tôi muốn nhìn Bướm trắng trước tiên như một hình ảnh, một huyền thoại đã nhập thể vào từng dòng, từng chữ lung linh, kỳ ảo trên mấy trăm trang sách không ngừng mời gọi, quyến rũ. Ngay từ câu đầu tiên của tác phẩm:
“Trương chậm bước lại vì chàng vừa nhận thấy mình đi nhanh quá tuy không có việc gì vội vã và cũng không nhất định đi đến đâu.” [4]
người đọc đã tiếp xúc ngay với cái thế giới đặc thù của nhân vật, cái thế giới làm nên từ những trạng thái chùng chình, lưỡng lự, buông thả, cái thế giới của thực tại xóa nhoà và của thời gian xao lãng, cái thế giới không còn bình thường nữa, có thể nó quá thừa thãi hay hãy còn hao hụt, cái thế giới không còn sự phân biệt giữa cái bên trong và cái bên ngoài, chúng trở thành bầu bạn với nhau, ăn khớp với nhau. Màu trời “mờ xám như trong một ngày mùa đông” xuất hiện dưới mắt Trương ngày hôm đó cũng chính là “màu trời” của tâm hồn chàng, quen thuộc và trìu mến, kể từ cơn thức tỉnh đầu tiên của chàng trước bệnh hoạn.
“Từ khi tình nghi mắc bệnh lao, bỏ trường luật về nghỉ dưỡng bệnh, chàng không thấy mình buồn lắm, lúc nào chàng cũng hy vọng sẽ khỏi bệnh và chàng lại thấy mình náo nức muốn sống, yêu đời và vui vẻ” [5] .
Có thể Trương không biết rằng chàng đã lừa dối chính mình để quên đi những ám ảnh của bệnh tật và cái chết (bệnh tật và cái chết của một thanh niên đang tuổi yêu đời như chàng!), để quên đi thực tế đang đè nặng lên tâm hồn chàng. Có thể Trương không biết rằng, để có thể chống lại định mệnh gay gắt của đời mình, chàng đã phải luôn luôn sống trong mộng tưởng, luôn luôn biến vũ trụ thành một hình ảnh vừa đúng kích thước cho những khát vọng của chàng.
Như vậy, đọc Bướm trắng tức là lạc bước vào cơn mộng ảo của một con người tự thấy đời mình chỉ còn là một nỗi thiếu vắng lớn lao.
Trương là hình ảnh của con người mộng tưởng. Dứt bỏ đi phần mộng tưởng, liệu chàng còn có chịu đựng nổi cái vẻ buồn âm u, chết chóc đang trùm phủ lên đời chàng, hay đó là cách cắt đứt phần đời còn lại đang ù lì, đang tuyệt vọng kia? Điều cần nhất của con người mộng tưởng là không biết rằng mình đang sống trong mộng tưởng. Hắn sáng tạo nên vũ trụ riêng biệt cho hắn, hắn là kẻ sáng tạo thơ ngây. Chàng đã sáng tạo nên cái gì? Câu trả lời dàn trải lên khắp cuốn sách. Câu trả lời đó là tình yêu. Chàng đã sáng tạo tình yêu như một nhà nghệ sĩ sáng tạo nên một tác phẩm. Và cũng như người nghệ sĩ, chàng đã sáng tạo nên “tác phẩm của mình” bắt đầu từ mộng tưởng. Chàng đã gặp Thu, người con gái mà “mới nhìn chàng biết rằng có thể yêu mê man” [6] , người con gái mà khi ngồi gần, chàng “đã thấy trong người đổi khác, cuộc đời và cảnh trời lúc đó nhiễm một vẻ khác hẳn lúc thường” [7] : đó là khởi đầu của một chuyến phiêu lưu, một tình yêu, mai đây sẽ đưa đẩy chàng đến những chân trời xa lạ: lạc thú và khốn khổ, đợi chờ và tuyệt vọng, sự cao thượng và lòng ích kỷ, sự bao dung và lòng thù hận v.v…
Tình yêu của Trương khoác lên một vẻ nên thơ tuyệt vời dù trong khí hậu quang đãng, dù trong màu trời ảm đạm của nó, bởi nó trước tiên là một giấc mơ, bởi nó làm nên từ một hình ảnh. Chàng yêu Thu và
“… nhận ra rằng từ trước đến giờ chàng đã sống như một người đi tìm tình yêu mà ngày hôm nay là ngày chàng đã tìm thấy” [8] .
Đó là thứ tình yêu vượt lên trên những trật tự thông thường:
“Yêu một người con gái chỉ đẹp thôi không có linh hồn phong phú, hơi lạ lùng thì tình yêu ấy chỉ là tình yêu vật chất tầm thường…” [9]
để đạt tới một nơi chốn, một giá trị cao siêu, lý tưởng:
“Tôi chỉ cốt cho Thu biết vậy thôi, chứ tôi không dám xin Thu một thứ gì cả. Yêu hay không yêu, Thu cũng không cần cho tôi biết… Thu cứ để mặc cho tôi yên lòng yêu Thu. Vẫn biết đó là quyền của tôi. Thu muốn cấm cũng không được; nhưng tôi cũng xin Thu cái hạnh phúc được yêu Thu mà không dám mong Thu yêu trả lại…” [10]
mặc dù vẫn âm thầm nung nấu tận trong da thịt của mình ước muốn được gần gũi, chiếm hữu:
“Nhìn qua khung cửa sổ ra ngoài không thấy bóng ai, Trương với chiếc áo cánh của Thu rồi úp mặt vào chiếc áo mà chàng âu yếm vò nát trong bàn tay. Lụa áo Trương thấy mềm như da người và mùi thơm hơi cay, không giống hẳn mùi thơm của nước hoa – xông lên ngây ngất. Trương thấy mình khổ sở vô cùng; chàng lấy làm lạ sao mình lại đau khổ như thế, đau khổ như một người sắp chết…” [11]
và sau cùng điều đáng nói là Trương được Thu yêu trả lại, tình yêu của hai người là cả một hứa hẹn hoà hợp tốt đẹp. Nhưng dường như ngay từ lúc đầu trong tình yêu đó đã có sẵn mầm thất bại sẽ cùng với tình yêu mà lớn lên.
“chàng nhận thấy mình tầm thường và cuộc ái tình của chàng với Thu cũng tầm thường” [12]
còn Thu nàng nghĩ gì về Trương ngay khi nàng không chút nghi ngờ tình yêu và lòng tôn trọng chân thật Trương mang đến cho nàng?
“Đối với nàng Trương lạ lắm và ái tình của chàng cũng lạ lùng như tính nết chàng, lạ lùng làm nàng ghê sợ nhưng có một sức quyến rũ rất mạnh.” [13]
Trương tìm lời tình yêu của Thu như tìm đến sự lãng quên chính chàng, một con người mà bệnh hoạn tước đi cả niềm ham sống. Nhưng ngược lại, chàng cũng chỉ yêu Thu trong ước muốn muôn đời của kẻ si tình là được san sẻ, được kề cận, được chiếm hữu, nghĩa là trong những ước muốn vị kỷ, nghĩa là chàng vẫn phải nhớ tới, nghĩ tới mình. Tình yêu Trương vẫn phải quay mãi trong cái vòng luẩn quẩn đó. Tình yêu của chàng vừa là một trò ma thuật vừa là một trò gian dối. Chàng phải lừa đảo chính mình (đúng hơn là chính cái chết của mình) và để được như vậy chàng phải mặc nhiên chấp nhận việc lừa đảo Thu (không cho Thu biết gì về chứng bệnh của chàng). Đây lại là cái vòng luẩn quẩn khác. Tình yêu chàng nhất thiết thất bại vì chàng không thể nào bẻ gãy những cái vòng luẩn quẩn của tình yêu. Tình yêu thay vì mang đến cho chàng những tia sáng chói loà đã chỉ làm cho tâm hồn chàng đã u tối càng u tối hơn:
“Giá đời chàng không có Thu! Giá Thu không yêu chàng hoặc hơn thế nữa, chàng ghét được Thu thì thực là hoàn toàn thoát nợ, thoát khỏi ngục đời. Ái tình của Thu đối với chàng lúc nào cũng chỉ như một sự ăn năn thương tiếc không bao giờ nguôi, thương tiếc một thứ gì có lẽ đẹp lắm mà chàng không bao giờ được biết tới. Ngoài cái mong chết vì chán sống, chàng lại còn mong được chết để thoát được tình yêu Thu. Chính chàng đã thấy sợ chàng, sợ sẽ có những hành vi rất xấu đối với Thu, đối với đời, nếu chàng còn sống ít lâu nữa. Chắc chắn là chàng sẽ quấy rầy đến Thu, không thể khác được…” [14]
Hàm hồ, đó chính là ngôn ngữ tình yêu ở Trương. Lúc đến gần Thu cũng là lúc chàng muốn lẩn tránh Thu để một mình thụ hưởng hết nỗi khốn khổ của sự phân ly, mất mát. Tình yêu không ngừng đặt để chàng vào những khoảnh khắc ngập ngừng khó sống, những khoảnh khắc tan vỡ của mọi ước muốn và chọn lựa. Bởi vậy khi những đòi hỏi nóng bỏng của tình yêu được thực hiện, đó cũng là lúc chàng thấy lòng mình ê chề, nguội lạnh. Như lần đầu tiên chàng tiếp Thu trong phòng, nắm lấy tay nàng, chạm vào người nàng để rồi sau đó:
“… đứng nhìn theo Thu qua bức màn ren rồi ngồi xuống ghế ôm đầu nghĩ ngợi. Thu đi rồi, chàng không thấy sung sướng gì cả; điều mà trước kia chàng không dám ước tới nay đã thành sự thực, sau chàng vẫn không thấy lòng mình thoả mãn. – Chỉ có thế thôi à? Sao mình lại khốn nạn không nói rõ hết cả cho Thu biết và thôi hẳn có hơn không. Mình hãy còn tiếc và mong ở Thu. Mong mỏi thứ gì mới được chứ?
Giá lúc nãy khi định nói, chàng không thấy Thu đợi hay chàng nhìn mặt Thu không thấy yêu lắm thì có lẽ chàng đã nói rồi.” [15]
và như một lần khác, trong buổi đi chơi Chùa Thầy, cơ hội đã mang họ đến gần nhau, và sau khi đã ôm Thu vào lòng, hưởng trọn “cái thú thần tiên, bỡ ngỡ của cái hôn trao yêu thứ nhất trên đời”, trong gặp lại cái tình cảm khốn khổ vẫn đeo đẳng chàng ngay từ những buổi đầu của cuộc phiêu lưu tình cảm của chàng: chàng đã là
“… người của một thế giới khác cách biệt và Thu như đứng bên kia đường nhìn sang, mấp máy môi thầm gọi chàng một cách tuyệt vọng.” [16]
Có lẽ trong tâm hồn Trương, tình yêu của chàng đối với Thu chỉ còn giữ được một ý nghĩa, một vẻ đẹp nào đó khi nào chàng còn giữ được một khoảng cách đối với Thu. Nghĩa là tình yêu chỉ hiện hữu và tồn tại khi nào người ta ước muốn và còn cơ hội để ước muốn. Nhưng điều mà kẻ si tình trong đó có Trương vẫn quên là người ta chỉ ước muốn trong khoảng cách, người ta chỉ ước muốn khi nào đối tượng ước muốn còn ở ngoài, ở xa. Khi đã tóm thâu được đối tượng, khi đã chiếm hữu được đối tượng, con người không còn ước muốn, ước muốn không còn lý do tồn tại, ước muốn đã chết trong sự gãy đổ của khoảng cách. Chính Trương cũng đã nhìn thấy rõ rằng ngay trong mưu toan chiếm hữu của nó, tình yêu đã rơi xuống hàng trần tục và đã tan vỡ trong đó:
“Chàng buồn vì thấy vừa mất đi không lấy lại được nữa một thứ gì đẹp nhất trong đời, chàng thấy tình yêu của hai người lúc ban sáng đã tới một mực cao cực điểm và từ nay trở đi chỉ là lúc tàn dần: ánh sáng rực rỡ đã tắt và buổi chiều buồn bắt đầu về trong lòng chàng, trong đời chàng từ nay.” [17]
Ánh sáng của tình yêu đã tắt, buồn thay!
Trương đã tìm đến tình yêu, đã yêu, đã được đền đáp ngay trong tình yêu, đã thất bại. Sự thất bại không do ở Thu cũng không do một yếu tố nào ở ngoài chàng hay ngoài nàng. Sự thất bại do ở chàng, ở tâm hồn chàng, ở tình yêu chàng mang đến cho Thu.
Đúng hơn đó là sự thất bại của một giấc mơ, cơ hội để tình yêu chàng xuất hiện.
Giấc mơ. Hãy trở lại với nó một lần nữa, trở lại với câu chuyện thật, đề tài thật ẩn giấu trong cuốn sách. Sự thất bại của Trương trong tình yêu quả là một điều cần thiết. Bởi thật sự ra có thể nói rằng chàng đã không hề yêu: yêu đối với chàng chẳng qua chỉ là cơn hốt hoảng của thần trí dưới sức tác động của một kích thích nội tại hay ngoại tại nào đó, cũng như chàng đã không hề yêu Thu: Thu đối với chàng chỉ là một hình ảnh, nàng chỉ là một sản phẩm của mộng tưởng và trí nhớ của chàng. Đây chính là lý do giải thích vững chắc nhất tại sao tình yêu tan vỡ trong chàng, giữa lúc nó đang thăng hoa tốt lành, biến cố mà chàng nhận ra với tất cả sự thản nhiên của mình, “chàng ngờ Thu vì chính chàng đã đổi khác, không yêu Thu như trước nữa”, biến cố xảy đến như một cái gì phải xảy đến, không đủ sức gây nên một tình cảm xao xuyến nào đáng kể ở chàng:
“Chàng không hiểu tại sao tình yêu Thu trước kia lại làm chàng tiếc đời và đau khổ đến như vậy. Giờ thì chàng được sống và mất hẳn tấm ái tình đó, ngh chàng không thấy khổ lắm vì mất hẳn tình yêu của Thu và cũng không thấy vui lắm vì còn được sống ở đời.” [18]
Và điều tệ hại hơn nữa sau đó là tình yêu, cái tình yêu giả dối còn lại trong lòng người, đã không ngần ngại biến thành xấu xa:
“Nghĩ đến mấy lần tìm gặp Thu, đến bức thư rủ thư đi chơi núi, Trương nhận thấy tình yêu đã hết và bao nhiêu hành vi của mình chỉ còn bị xúi giục bởi một ý muốn rất tầm thường: mong được thoả nguyện về vật dục để thoi không nghĩ đến Thu nữa, có thể thoát được một cái nợ chỉ làm chàng bứt rứt.” [19]
Nhưng có thể đó là sự tan vỡ của tình yêu? Đúng ra đó chỉ là một hành vi thức tỉnh của Trương trước chính mình cũng như trước thực tại. Chàng nhận ra sự thật là tình yêu chàng nuôi dưỡng bấy lâu chỉ là một cái gì giả dối, một trò đùa, một cuộc chơi. Tàn một cuộc chơi, cuối một tấn tuồng ảo mộng, khi mỗi người trở về với sự thật của đời mình, đó là lúc tình yêu hiện lên nguyên hình: một trò gian dối.
Cái gọi là tình yêu của Trương chỉ là một giấc mơ. Giấc mơ đó bắt đầu từ một hình ảnh. Đi tìm cái hình ảnh đó, chính là đi tìm cái chìa khoá giải thích mọi sự. Hình ảnh đó đã xuất hiện ngay trên những dòng đầu tiên của Bướm trắng (những dòng đầu tiên của một cuốn sách dường như lúc nào cũng mang tầm quan trọng quyết định của nó, nó khai diễn một khúc hoà âm, một tấn kịch, một vũ trụ):
“Trên đường một cơn gió thổi bay lên mấy chiếc lá khô và một ít bụi trắng, khiến Trương cảm thấy nỗi hiu quạnh của cuộc đời cô độc chàng sống đã mấy năm nay. Chàng thốt nhớ đến Liên, người yêu của chàng đã chết vì bệnh lao ba năm trước. Chàng nghĩ đến những cái thú thần tiên của tình yêu lúc bắt đầu, và nỗi buồn của chàng khi được tin Liên chết.” [20]
Vâng, hình ảnh đó là một người con gái tên Liên chợt hiện lên trong trí nhớ để rồi âm thầm nắm giữ lấy vai trò quan trọng nếu không nói là chủ chốt trong đoạn đời kế tiếp sau đó. Tôi cho rằng chính Liên – cô gái vắng mặt hoàn toàn trong cuốn sách, một nhân vật không lời nói, không cử chỉ, đúng ra là khoảng trống của nhân vật – lại là nhân vật chánh điều động tấn thảm kịch của Trương (và từ đó của tác phẩm Bướm trắng). Nếu trong mỗi tác phẩm đều tàng ẩn một câu trả lời của chính tác giả, Liên chính là câu trả lời của Bướm trắng. Tôi tự hỏi nếu hôm đó Trương đã không “thốt nhớ đến Liên, người yêu của chàng đã chết vì bệnh lao ba năm trước”, câu chuyện của chàng sẽ ra sao, câu chuyện của Bướm trắng sẽ ra sao và nhất là tình yêu giữa chàng và Thu sẽ ra sao (nhưng chắc gì tình yêu đó đã xảy ra?). Chàng gặp Thu, đã tức thì bàng hoàng trước Thu, đã tức thì yêu Thu ngay trong buổi sơ ngộ đó. Nhưng có thật là chàng yêu Thu? Dưới mắt chàng Thu có còn là Thu? Hay đúng ra nàng đã là Liên, hình ảnh mới đây chợt đến với chàng trong tất cả sự tình cờ của nó, và chính sự tình cờ này cũng đã trở thành một định mệnh mù quáng. Dưới mắt chàng, Thu chỉ còn là sự thể nhập, hồi sinh của Liên:
“Sao trông giống Liên thế. Lại có phần đẹp hơn.” [21]
“Sao lại giống Liên thế, mà lại đẹp hơn nhiều.” [22]
Thu đã trở thành một hình ảnh, một giấc mơ và Trương đã yêu nàng qua hình ảnh, qua giấc mơ đó, biến nàng thành một tên tội phạm của chà, và những nhận thức của Trương về nàng, những tình cảm của Trương dành cho nàng, tất cả mai đây chỉ còn tuân theo một thứ luận lý, đó là luận lý (của con người) mộng tưởng.
Tình yêu, giấc mơ kia, đã tìm đến sự tan vỡ, đã tan vỡ ngay từ trong lòng nó: ta biết rằng, ở Trương, con người mộng tưởng không tách rời khỏi con người bệnh hoạn. Chính ý tưởng về bệnh hoạn (ảo tưởng về bệnh hoạn?) đã làm nền cho tất cả những mộng tưởng cũng như những tình cảm ở Trương. Giấc mơ của Trương đã xuất hiện từ đâu nếu không phải từ một cơn bại hoại tinh thần. Chàng đã tạo nên giấc mơ đó trong cơn hốt hoảng trước ám ảnh của cái chết tưởng đã gần kề. Như vậy phải chăng chính chàng cũng là tác giả của sự tan vỡ nói trên một khi đã thoát khỏi những cơn cuồng nộ của bệnh hoạn và cái chết, một khi tâm hồn chàng đã lắng xuống, trở lại bình thường, một khi hình ảnh của Liên sụp đổ, một khi Thu trở lại với Thu, nghĩa là từ một huyền thoại trở lại với con người thật của nàng. Và đây là Trương khi nhìn lại giấc mơ của mình:
“Trương nghĩ lại mới thấy tình chàng yêu Thu không có một lý lẽ gì sâu xa, một căn bản gì chắc chắn cả. Chỉ là một ảo tưởng gây nên bởi một vài sự rủi ro; lần đầu trông thấy Thu là hôm Thu có một vẻ đẹp nào nùng trong bộ quần áo tang, giữa lúc chàng đương mắc bệnh lao có cơ nguy đến tính mạng; Thu lại có một vẻ đẹp giống Liên, người mà trước kia chàng đã yêu. Giá nếu gặp Thu trong một lúc khác, và nếu có thể yêu Thu một cách bình thường như yêu một người khác, không kính trọng Thu quá như thế, có lẽ chàng đã không phải chịu bao nhiêu đau khổ bấy lâu.” [23]
Con người mộng tưởng ở Trương cũng đã chết khi tình yêu gãy đổ, khi giấc mơ tàn lụi, khi ý thức của chàng đã phục hồi địa vị và tiếng nói của nó. Thì ra, chàng cũng chỉ là một con người bình thường như bao nhiêu người khác, chợt rơi vào một kinh nghiệm choáng váng say sưa. Và Bướm trắng chính là khúc ca hùng tráng của một con người trong một bước chân trượt ngã, lao đầu vào một khoảng mênh mông…
Một thế giới về chiều
Bướm trắng là giấc mơ của một tâm hồn đang chới với giữa lòng cuộc đời với những ám ảnh không rời của bệnh tật và cái chết, một giấc mơ điên cuồng, đẹp tuyệt được tạo thành để lắp đầy những khoảng trống vắng hãi hùng của cuộc hiện hữu ngẫu nhiên, không thường tồn. Đó là mưu toan của con người muốn thoát ly, muốn quên lãng cái thực tế buồn nản và gớm ghiếc đang đè nặng lên nó, một cách nào đó, để khỏi bị chà đạp, nghiền nát, một cách nào đó, để được đóng vai kẻ thắng trận. Nhưng giấc mơ nào rồi cũng đến lúc tan vỡ. Cái thảm kịch của Trương là muốn lãng quên thực tế của đời mình nhưng luôn luôn lại phải nhớ đến nó, luôn luôn lại phải trở về với nó. Phải chăng khi đã chọn mộng tưởng làm một cách thế nhìn ngắm cuộc đời, nhìn ngắm chính mình, một cách thế sống, chàng đã chọn sự thất bại. Bởi cuộc đời thật của chàng là cuộc đời thiếu hụt. Bởi thế giới thật của chàng là thế giới về chiều. Chàng tìm cách thoát ly nhưng những bước phiêu lưu lại chỉ là những bước trở về, cho nên chàng tiếp tục là kẻ lạc loài, tuyệt vọng, người tù chung thân của cô đơn và bóng tối. Trong cái thế giới tiêu điều, âm u, buồn bã, nhàm chán của Bướm trắng, Trương xuất hiện như một hình ảnh muộn màng của một nhân loại không ân huệ, không hứa hẹn, chàng là hình ảnh một con người bị tước đoạt, bị xua đuổi. Chàng đang đi đâu? Chàng mong đợi gì ở đời sống? Có lẽ chàng không biết nữa:
“Trương ở vào tình trạng một người không cần gì nữa, chỉ mong xảy đến cho mình một việc, bất cứ việc gì, miễn là khác thường để cho mình quên được sự sống.” [24]
Chờ đợi “bất cứ việc gì” xảy đến tức là không chờ đợi gì nữa. Thế nào là một kẻ không chờ đợi? Một kẻ ở tận cùng mọi sự chờ đợi, ở tận cùng chính đời sống của mình, đời sống như một chuỗi liên tục của những khoảnh khắc chờ đợi. Một kẻ đang sống chính cái chết của đời mình. Cái chết, Trương không xa lạ gì với nó. Từ khi tình nghi mình mắc bệnh lao, cái chết trở thành một ám ảnh thường xuyên của chàng, nó kề cận bên chàng, nó đã có mặt ngay trong đời sống của chàng. Cái thế giới về chiều của Bướm trắng, thật ra chỉ là thế giới chiếu rọi từ một dự phóng nền tảng của Trương, một tâm hồn chạng vạng đang trù trừ giữa sự sống và cái chết. Bướm trắng chính là cái thế giới nhạt nhoà, chết chóc dưới cái nhìn huỷ hoại, man rợ của một con người đang hấp hối. Có một hơi thở bàng bạc, chạy dài suốt mấy trăm trang sách, tạo cho chàng một bầu không khí duy nhất, một đời sống duy nhất, một ngôn ngữ duy nhất. Kỳ lạ thay, có thể thu gọn Bướm trắng về một hơi thở của sự sống, một nhịp đập của trái tim. Trong hơi thở nồng nàn đó đã xen vào cái lạnh của miền đất chết. Trong nhịp đập say sưa kia đã nghe đời thoi thóp. Như vậy, có thể nói rằng đây là một cuốn tiểu thuyết viết về cái chết, đặt vấn đề cái chết? Không. Cuốn sách không nêu lên câu hỏi về cái chết cũng không đề nghị một câu trả lời nào cho cái chết cũng như đời sống. Bướm trắng chỉ mô tả một kinh nghiệm. Chỉ có kinh nghiệm lên tiếng, thay lời cho tác giả ẩn mặt và im lặng sau tác phẩm mình: kinh nghiệm của một người trong cơn giục giã của đời sống đồng thời trong ám ảnh của cái chết đâu đây. Kinh nghiệm của một người tên Trương. Không. Trương chỉ là một cái tên, một cơ hội từ đó kinh nghiệm xuất hiện, cái chết lên tiếng. Vâng, chính cái chết đang lên tiếng ở Trương. Cái chết đang xê dịch trên những bước chân lang thang của chàng. Cái chết đang nghĩ ngợi và mơ tưởng trong đầu óc chàng. Cái chết đang yêu thương hay thù hận trong lòng chàng. Cái chết đang sống trong chàng. Cái chết không hình thù mày mặt, không lai lịch, không tên tuổi. Vẫn là nó, cái chết, trong cái nhìn reo vui gửi lên sự vật:
“Khi ra đến ngoài, chàng thấy cảnh trời đất đẹp rực rỡ xán lạn. Lá cây chàng thấy xanh hơn và màu các bông hoa trong vườn tươi thắm như ướt nước. Chàng tiến về phía nhà ngang chỗ đông người đứng: gió và ánh sáng làm chàng chói mắt và say sưa bàng hoàng như người uống rượu.” [25]
Vẫn là nó, cái chết, trong cuộc mặc khải êm đềm của tình yêu:
“Giữa vẻ đẹp rực rỡ của mùa xuân, cạnh một người đẹp mà chàng yêu, Trương vẫn riêng thấy lẻ loi, chơ vơ với nỗi buồn nản thầm kín của lòng mình.” [26]
“Trương tự nghĩ nếu làm thế nào rủ được Thu cùng tự tử thì cái chết của hai người sẽ êm ái lắm.” [27]
Vẫn là nó, cái chết, trong những phút sáng suốt:
“Trương chợt nhận thấy mình là một người hấp hối cần suy nghĩ bao quát của đời sống của mình trước khi nhắm mắt.” [28]
Vẫn là nó, cái chết, trong những ảo tưởng:
“Hình như nàng mặc áo tang, đội mấn, tóc bỏ xõa, đi theo sau một chiếc áo quan và chính chàng lại nằm trong chiếc áo quan ấy, người chàng liệm toàn vải trắng.” [29]
Vâng, luôn luôn là cái chết, bóng dáng nó ẩn hiện, tiếng nói của nó tiềm tàng trên khắp các trang sách, qua suốt câu chuyện kể, qua suốt lời kể chuyện của tác giả, nó thấm nhập vào chính giọng kể của tác giả: cái chết không còn ở ngoài lời nói về cái chết, cái chết nói.
Hỏi: đâu tiếng nói chân thật nhất của Bướm trắng, đâu là nhân vật chính thật của Bướm trắng? Phải chăng đó là cái chết đã nhập thể vào một lời nói, vào một nhân vật? Phải chăng đó là cái chết không như một đối tượng sở hữu mà là chủ thể sở hữu (cái chết chiếm đoạt lấy Trương, làm chủ tâm hồn chàng, vũ trụ của chàng…)?
Trong thế giới về chiều của Bướm trắng con người luôn phải sống trong mối ám ảnh liên lỉ của cuộc huỷ hoại sau cùng, cái chết. Cái chết trở thành bá chủ. Ta có thể nói rằng tất cả đều đã bắt đầu, bắt nguồn từ cái chết đã nằm sẵn trong ý thức của Trương. Chính cái chết (hay đúng hơn là ảo tưởng về cái chết) đã đưa Trương vào tận những miền sâu thẳm của tâm hồn mình, của sự sống, và nhậm lời của tình yêu với những say sưa và cuồng nộ của nó. Chính nó đã biến cuộc đời Trương thành những chặng đường phiêu lưu mà rất có thể trước kia chàng chưa hề nghĩ tới: bỏ học, yêu, dấn mình vào cuộc trụy lạc, phạm tội v.v…: đối với Trương dường như tất cả đều được phép khi người ta đang sống với cái chết đang kề sát, đốt cháy da thịt mình.
“Vì không cần gì nữa, anh đã tự phá huỷ đời anh. Anh bỏ học và có bao nhiêu tiền anh đem phung phí hết trong các cuộc vui. Anh có thích gì đâu! Nhưng không lẽ cứ ngồi đấy đợi cái chết đến.” [30]
“Sống gấp hay không sống gấp, đằng nào cũng sẽ như đằng nào, cái cách tốt hơn hết là nhồi một viên đạn nhỏ vào trong sọ. Tạch một cái, thế là hết. Ngọt như mía lùi.” [31]
Con người tự do trong cái chết. Con người vô trách nhiệm trong cái chết. Con người được phép làm mọi sự kể cả tự tử, “cõi Niết Bàn của sự bạo động” kia (Cioran) mà chính Trương đã từng nghĩ tới.
Nhưng Trương chưa tự tử mặc dù chàng đã từng thực hiện những hành vi liều mạng đến tột cùng, lòng dửng dưng trước những căn bản của Thiện Ác; chưa tự tử bởi vì trong cái thế giới về chiều đó, cái chết vẫn chưa phải là tiếng nói sau cùng và con người, may mắn thay, vẫn còn một chỗ đứng, một cơ hội, dù cho đó là một chỗ đứng tạm bợ, dù cho đó là một cơ hội sau cùng như Trương, sau những ngày ảo mộng buồn bã, đã:
“… cảm thấy mình trơ trọi trước một cuộc đời không bạn hữu, không cha mẹ anh em và trí chàng tự nhiên nghĩ đến quê hương, tìm một nơi căn bản như người sắp chết đuối tìm một vật gì để bám víu.” [32]
Một chỗ đến cho người sắp chết đuối, một tâm hồn đã mỏi sống? Đó phải chăng là một nơi để trở về:
“Nhìn lịch chàng nhớ ra ngay ngày mồng tám là ngày giỗ mẹ chàng. Cái yêu thương về quê để giỗ mẹ và về quê để gặp được nhau một cách rất tự nhiên, cùng hiện đến trí chàng trong một lúc. Yêu thương đó không có gì mới lạ cả, sao lại khiến chàng sung sướng đến thế. Chàng như thấy một cơn gió nhẹ nhàng thổi ùa vào trong tâm hồn… Chàng cần một thứ rất êm dịu để an ủi lòng mình, thứ đó là tấm tình yêu của Nha, người vẫn dịu dàng yên lặng yêu chàng và đợi chàng ở chốn quê xa xôi và yên tĩnh.” [33]
Trương là điển hình của mẫu người sống trong sự đốt cháy của ý thức. Sống và ý thức về đời sống, về chính mình. Nhưng ý thức về đời sống ở Trương đồng thời cũng là ý thức về cái chết. Trương trước tiên là một cái nhìn thấu suốt căn phần: sống tức là chạm mặt thường xuyên với chính thân phận đầy giới hạn và ngẫu nhiên của chính mình: sống tức là đang đi lần tới, đã tới chỗ tận cùng của đời sống mình. Phải chăng chính trong những phút, chỉ trong những phút gọi là hấp hối của con người, đời sống sẽ chợt hiện lên trong vẻ đẹp não nùng nhất của nó. Cái gì đã làm ngây ngất người đọc ở Bướm trắng nếu không phải là cái vẻ đẹp não nùng của đời sống như sắp sửa vỡ tan thành mây khói kia?
Trong bầu trời ủ dột của một vũ trụ đang tàn úa, điều đáng nói là những bước chân của Trương đã không ngớt kêu gọi tới đời sống, dù cho đó là những tiếng kêu gọi đầy tuyệt vọng. Ở Trương luôn có sự giằng co quyết liệt giữa bóng tối và ánh sáng, giữa sự sống và cái chết, giữa sống và huỷ hoại. Trong những quyến rũ đê mê của cái chết, ý thức chàng vẫn bập bùng lửa sống, và ta có thể nói rằng những bước đường phiêu lưu của chàng sau lần thức tỉnh trước sự thật của đời mình, chúng còn mang một ý nghĩa nào khác: đó là cách khẳng định chính mình như một sự có mặt, như một sự sống, và hơn thế nữa, như một ước muốn về đời sống. Ý thức về cái chết, thay vì dập tắt, đã càng khơi dậy ở chàng những ước muốn say sưa, nồng nàn, nóng bỏng trước cuộc đời như một niềm bí ẩn kỳ diệu với trăm ngàn cánh cửa chờ đợi mở toang. Hãy một lần nữa lần theo những bước chân của Trương, lắng nghe những tiếng nói thầm kín nhất của Trương, ngắm nhìn từng cử chỉ của Trương, xem Trương sống, để thấy rằng chính trong những tình cảm tăm tối nhất của con người, mối đam mê về đời sống của nó lại càng trở nên mù quáng, man rợ hơn bao giờ hết: những hành vi của Trương, dù trong tình yêu, dù trong tội lỗi, cần được quan niệm như những biểu tượng sống động nhất của một con người nổi loạn trước những hoàn-cảnh-giới-hạn của mình. Một biểu tượng khác, đó là hoài niệm, đó là hồi tưởng. Trong tâm hồn cằn cỗi của Trương, quá khứ bao giờ cũng đẹp, nó như một thế giới khác, đầy thần tiên, ở ngay trong chàng, một thế giới mà chàng vẫn tìm đến, quay về, để làm gì nếu không phải để làm ấm lại ngọn lửa tro đang tàn rụi trong chàng: đó phải chăng là thế giới thật của chàng. Tuổi thơ bao giờ cũng rực rỡ trong những dòng hồi tưởng của Trương và chính ở những trang sách của kỷ niệm và trí nhớ đó, người đọc đã khám phá những dòng chữ êm đềm, trong sáng nhất của Bướm trắng:
“Lòng chàng lắng xuống và từ thời quá vãng xa xăm nổi lên một hình ảnh yêu quý của tuổi thơ trong sáng: khu vườn rau của mẹ chàng với những luống rau diếp xanh thẳm, những luống thìa là lá nhỏ như sương mù và hôm nào trời nắng, những mầm đậu hoà lan tươi non nhú lên qua lần rơm ủ. Rồi đến khi luống đậu nở hoa trắng có những con bướm rất xinh ở đâu bay về…” [34]
“Chàng ngẩng nhìn trời qua những cành long não lá non và trong: chàng thấy mình như trở lại hồi còn bé dại, lâng lâng nhẹ nhàng tưởng mình vẫn còn sống một đời thơ ngây trong sạch và bao nhiêu tội lỗi của chàng tiêu tán đi mất hết.
Vòm trời cao lúc đó, Trương nhận thấy thân mật, êm dịu như vòm trời ở phía sau nhà đã bao nhiêu lần chàng nhìn thấy mỗi khi ra thăm vườn rau của mẹ chàng.” [35]
Ước muốn đời sống, hoài niệm tuổi thơ và quá khứ, có thể coi đó như những cách thế điển hình của con người, ở đây thể hiện qua hình ảnh của Trương, trong nỗ lực tìm kiếm cho mình một cơ hội, một dịp may hầu thoát khỏi móng vuốt của định mệnh và cái chết đang chực chờ huỷ hoại. Ước muốn và hoài niệm, đó chính là niềm vui của con người tuyệt vọng đang đi đến tận cùng những giới hạn của mình.
Ở cuối đường phiêu lưu, khi tàn cơn mộng ảo – cũng là lúc Trương thức tỉnh lần này không phải trước bệnh hoạn và cái chết mà trước đời sống thật của mình, một đời sống bình thường, thay vì là một hình ảnh hay một huyền thoại của đời sống – Trương đã tìm được niềm vui mà trước đây đã chỉ đến với chàng trong mơ tưởng và hồi tưởng, niềm vui có thật của một con người thật trong một đời sống thật. Chàng từ chối gặp gỡ Thu một lần chót, cơn dối trá sau cùng của con người mộng tưởng chính là chàng; chàng từ giã luôn cái thế giới mà chàng đã dựng lên từ một hình ảnh, một cơn xúc động làm xây xẩm mặt mày; chàng từ giã luôn những ám ảnh trìu mến của cái chết bởi vì “chốn đó, nơi mà chàng tưởng sẽ quên được hết (…), chốn đó không phải là cõi chết ở thế giới bên kia”. Chàng trở lại quê nhà, tìm lại Nhan, người con gái vẫn đợi chàng từ những năm trước: Nhan như niềm vui thứ nhất đến với chàng, với tất cả đơn sơ và dịu dàng của nó, Nhan như sự thật đầu tiên xuất hiện dưới ý thức của Trương vừa trải qua một cơn say khướt. Chuyến trở về của Trương sau một quãng đời phóng túng trong đó có những hành vi xấu xa không chối cãi vào đâu được (việc chàng thụt két, vào tù), liệu có thể xem đó như cơn phản tỉnh của con người đạo đức ở Trương? Không. Thiết tưởng rằng tìm đến một câu giải thích về Trương cũng như về tác phẩm Bướm trắng mà chỉ căn cứ vào một chủ trương hay một ý hướng đạo đức, điều này có nghĩa là phủ nhận nhân vật (Trương) và tác phẩm (Bướm trắng) ngay từ trong bản chất của chúng. Bởi vì ở đây, khởi điểm của nhân vật và tác phẩm không căn cứ trên một ý tưởng đạo đức mà trên một nhận thức thấm đẫm tính chất siêu hình của con người về đời sống. Vậy thì Trương, hình ảnh một con người mộng tưởng đồng thời là một ý thức khốn khổ đó, hắn đi tìm cái gì? Có thể hắn đi tìm cho hắn một đời sống thật, một khuôn mặt thất, sự thật và niềm vui, tất cả ẩn giấu sau những tấm màn giả ảo.
[1]Viết và đọc tiểu thuyết, Đời nay, Sài Gòn, 1961
[2]Sách đã dẫn, trang 19 và kế tiếp.
[3]Sách đã dẫn, trang 22-23
[4]Bướm trắng, Đời nay, Sài Gòn, 1970, trang 7
[5]Sách đã dẫn, trang 8
[6]Sách đã dẫn, trang 14
[7]Sách đã dẫn, trang 14
[8]Sách đã dẫn, trang 16
[9]Sách đã dẫn, trang 48
[10]Sách đã dẫn, trang 60-61
[11]Sách đã dẫn, trang 59
[12]Sách đã dẫn, trang 45
[13]Sách đã dẫn, trang 109
[14]Sách đã dẫn, trang 138
[15]Sách đã dẫn, trang 123
[16]Sách đã dẫn, trang 149-150
[17]Sách đã dẫn, trang 151
[18]Sách đã dẫn, trang 229
[19]Sách đã dẫn, trang 252
[20]Sách đã dẫn, trang 8
[21]Sách đã dẫn, trang 11
[22]Sách đã dẫn, trang 12
[23]Sách đã dẫn, trang 251-252
[24]Sách đã dẫn, trang 55
[25]Sách đã dẫn, trang 88-89
[26]Sách đã dẫn, trang 67
[27]Sách đã dẫn, trang 68
[28]Sách đã dẫn, trang 137
[29]Sách đã dẫn, trang 80
[30]Sách đã dẫn, trang 236
[31]Sách đã dẫn, trang 155
[32]Sách đã dẫn, trang 84
[33]Sách đã dẫn, trang 256
[34]Sách đã dẫn, trang 141
[35]Sách đã dẫn, trang 197
Nguồn: Văn. Tập san Văn chương – Tư tưởng – Nghệ thuật. Năm thứ Bảy, số 156, ra ngày 15 tháng 6 năm 1970.
Hoài niệm Nhất Linh
Huỳnh Phan Anh
Nhất Linh và Bướm trắng
Tại sao Bướm trắng?
Tại sao không viết về Nhất Linh theo một chủ đề rõ rệt nổi bật từ toàn bộ tác phẩm ông, công việc đã có nhiều người làm trước đây, trong số đó bài “Hạnh phúc trong tác phẩm Nhất Linh” của ông Đặng Tiến (Bán nguyệt san Văn số 37) là một cố gắng đáng kể. Tại sao không viết về Nhất Linh, về tác phẩm Nhất Linh, xem đó như một công trình đã hoàn tất, đã trở thành một định mệnh, đã đầy đủ cho chính nó, đã dừng lại, đã đi đến chỗ tận cùng của nó, đã trở thành lịch sử (một thực tại thuộc lịch sử cũng như một thực tại thuộc văn học sử). Tại sao không viết về Nhất Linh bằng cách đặt ông vào một khuôn khổ, một vị trí chắc chắn, căn cứ vào những tác phẩm ông đã viết, đã để lại đầy đủ: biết rằng cái chết của mỗi nhà văn đương nhiên biến những cuốn sách của hắn thành tác phẩm, biến tác phẩm của hắn thành sự nghiệp: biết rằng cái chết của mỗi nhà văn không là cách chấm dứt một sự nghiệp dở dang, ngược lại đó là một cách hoàn thành tốt đẹp nhất.
Tại sao viết về Nhất Linh chỉ căn cứ vỏn vẹn trên một cuốn sách lẻ loi tách ra từ một toàn thể, sự nghiệp của tác giả. Và tại sao chọn Bướm trắng, Nhất Linh và Bướm trắng. Tại sao Bướm trắng thay vì Đôi bạn, Đoạn tuyệt hay Dòng sông Thanh Thuỷ, một cuốn sách này thay vì một cuốn sách nào khác. Có thể xem đây là việc làm liều lĩnh của kẻ ký tên dưới bài viết này không? Liều lĩnh vì sẽ dễ dàng rơi vào chỗ thiếu sót, chủ quan, phiến diện, độc đoán v.v… Bởi vì quan niệm thông thường vẫn thường có khuynh hướng toàn thể hoá các tác phẩm của nhà văn, biến chúng thành một toàn thể hợp nhất và độc nhất, không thể đập vỡ hay chia cắt ra được.
Tại sao Nhất Linh và Bướm trắng? Sau đây là lý do chính yếu nhằm biện minh cho cái nhan đề của bài viết và người viết có bổn phận trình bày sơ qua:
Tách rời một cuốn sách khỏi toàn bộ tác phẩm của một nhà văn tức là một cách nào đó phủ nhận sự nghiệp tác phẩm của nhà văn như một toàn bộ cứng nhắc. Nói khác đi là phủ nhận sự nghiệp sáng tác của nhà văn như một dòng liên tục, như một định mệnh chờ đợi hoàn tất, an bài. Một cuốn sách không là một chặng đường, mà là một hướng đi, một lối đi bên cạnh những hướng đi, những lối đi của cùng một người. Mỗi một cuốn sách đều có thứ tiếng nói riêng của nó, một giọng nói riêng của nó, một ước muốn riêng của nó. Một cuốn sách có thể nói khác đi, ngược lại nếu cần với những điều mà tác giả đã nói ở những nơi khác, những cuốn sách khác. Tác phẩm là một hình thái bất liên tục. Để hoàn tất (tạm dùng chữ này) tác phẩm của mình, nhà văn không đi trên một con đường thẳng, êm xuôi, thanh bình. Trái lại hắn không ngớt phải vượt qua chính mình, phải nói không với chính mình, phải phủ nhận chính mình. Hắn phải trải qua những kinh nghiệm, những tìm tòi và khủng hoảng luôn luôn đổi mới. Những cuốn sách hắn viết nên có thể mâu thuẫn, chống đối nhau, nhưng chính tác phẩm hắn hứa hẹn làm nên từ những mâu thuẫn và chống đối đó. Tác phẩm của hắn không đứng lại bao giờ, bởi nó còn những xung đột nội tại phải làm nên từ những mâu thuẫn và chống đối đó. Tác phẩm của hắn không đứng lại bao giờ, bởi nó còn những xung đột nội tại phải giải quyết, bởi nó còn phải trò chuyện không ngừng với người đọc. Không có bảo tàng viện cho văn chương bởi tác phẩm vẫn không ngừng sống, lớn lên. Và công việc của các nhà làm văn học sử chỉ là một ảo tưởng bởi tác phẩm văn chương, thực tại văn chương không bao giờ là một món đồ ù lì, bất động để cho các sử gia mặc tình thâu tóm hay phân loại!
Khi Nhất Linh đưa ra những điều mà ông cho là lầm lẫn của chính ông trong đời nhà văn của mình [1] , lời thú thật mang ý nghĩa một tác động kiểm thảo can đảm, ngoài ra còn ngầm nói lên một ý nghĩa cần thiết, cốt cán của tác phẩm cũng như của công việc sáng tạo: người ta viết trong sự thức tỉnh thường trực, người ta viết trong khốn khổ, người ta viết để hy vọng lấp đầy những hao hụt của chính tác phẩm mình, và mỗi cuốn sách là một cơ hội đặt một câu hỏi, nêu một câu trả lời, mở ra một viễn tượng. Ta hãy nghe Nhất Linh nói về “cái lầm lớn nhất” của ông:
“… Luận đề tiểu thuyết của tôi có cuốn Đoạn tuyệt, Hai vẻ đẹp, Lạnh lùng (và ít nhiều truyện ngắn). Sự hoan nghênh của những truyện đó, nhất là Đoạn tuyệt, những lời khen ngợi của các nhà phê bình đã làm tôi sau này khó chịu một cách thành thực (…). Sau hai mươi năm, giở Đoạn tuyệt đọc lại tôi thấy chỉ có một vài đoạn tả mẹ chồng nàng dâu có đôi chút giá trị, còn những cái về xung đột mới cũ (ý định chính của tôi) như việc Loan dọn nhà đi không đem bát hương, Loan đẻ con trai, lời cãi của trạng sư v.v… thì đến nay chẳng còn gì là hay nữa. Về cuốn Lạnh lùng (tuy nghệ thuật cao hơn Đoạn tuyệt) nhưng còn bao nhiêu chi tiết về tâm hồn một người góa trẻ, khao khát yêu đương v.v… tôi đã bỏ qua, không cho tìm kiếm thêm. Độ ấy tôi chỉ coi nhân vật như những quân cờ để đánh một ván bài, họ không phải là cái chính và chỉ dùng những chi tiết nào lợi cho ái ý chứng tỏ của mình không theo sát cuộc đời thực là mục đích chính của tiểu thuyết mà đổi cuộc đời thực đi để lại luận đề của mình” [2] .
Trước khi các nhà phê bình sau này có thể sẽ lên tiếng chỉ trích ông, ông đã nhìn tác phẩm của mình với đôi mắt nghiêm khắc (đã có bao nhiêu nhà văn làm công việc đó?), ông đã là nhà phê bình của chính ông. Điều này chứng tỏ rằng người ta viết không nhất thiết để thoả hiệp với những gì người ta đã viết hay sẽ viết. Mỗi cuốn sách chỉ còn là một giai đoạn không liên tục nằm trong một toàn thể tự nó đã là một mâu thuẫn nội tại.
Biết rằng, như ai kia đã nói, không nhà văn nào giống nhà văn nào, không tác phẩm nào giống tác phẩm nào cho dù là tác phẩm của cùng một con người sáng tạo, tại sao không nhìn ngắm một nhà văn, một tác phẩm như một giá trị nội tại, tự tại, không tuỳ thuộc, không nợ nần gì với những yếu tố bên ngoài. Người ta viết một mình. Và tác phẩm là kết tựu từ một niềm cô đơn tuyệt đối, kết tựu của chính niềm cô đơn tuyệt đối đó. Vấn đề chính yếu của người đọc hay người phê bình có lẽ không phải là tìm xem Nhất Linh đã chịu ảnh hưởng của Tolstoi, của Somerset Maugham, của Jean Eyre, của André Gide v.v… ra sao, không phải đối chiếu từng dòng từng chữ của Nhất Linh với từng dòng từng chữ của một nhà văn nào khác, không phải là cố tình đặt để Nhất Linh bên cạnh một tên tuổi nào khác, gần gũi hay xa lạ…: đó phải chăng là những công việc có phần dễ dãi (mặc dù có thể không dễ dàng) và vô bổ tố cáo sự thất bại trước tiên của người đọc (người phê bình) đã không tìm thấy ý nghĩa và giá trị chân thật nhất, riêng tư nhất, thân mật nhất của một tác giả hay một tác phẩm: và đó cũng chính là công việc thường thấy trong sinh hoạt phê bình xưa nay, ở bất luận nơi nào.
Nhất Linh và Bướm trắng. Sự chọn lựa không tình cờ chút nào. Tôi muốn xem Nhất Linh trước tiên như một tác giả không ngừng sống dưới mắt tôi và đang hoàn tất tác phẩm của ông, bởi vì cái chết (của ông) không là cánh cửa khép lại một lần chót sau tác phẩm, trái lại đặt tác phẩm đó vào tình trạng dang dở đời đời. Tôi muốn đọc Bướm trắng như một cuốn sách đang viết, đang hoàn tất trong toàn bộ một tác phẩm dường như cũng không ngớt tìm kiếm cho nó một định mệnh. Đọc Bướm trắng không là tìm đến một câu trả lời mà là lắng nghe lời hứa hẹn của một tác gia đang lên tiếng. Vâng, một tác giả vẫn không ngừng lên tiếng trong tác phẩm của mình, lên tiếng với từng độc giả một tìm đến, trong từng một lần đọc đang diễn ra, lên tiếng từ những bến bờ xa lạ, nhưng lại thân mật gần gũi bao nhiêu.
Hơn nữa, tôi muốn đọc Bướm trắng như người ta tìm đến một bộ mặt cô đơn nhất của một đời người, xem nó như một hiện hữu biệt lập: một cách quên đi những tác phẩm còn lại của tác giả. Dĩ nhiên ở đây người ta chỉ có thể có được một cái nhìn thiếu sót về Nhất Linh cũng như Bướm trắng chỉ là một cánh cửa của một đền đài. Tại sao không? Ở đây sự thiếu sót của một người đọc, người phê bình lại chính là một dịp may tốt đẹp của tác giả, của tác phẩm mai đây hãy còn là lời kêu gọi. Nếu sáng tạo là một công trình nhất thiết dở dang, thưởng ngoạn và bình phẩm là những tác động còn tiếp tục mãi mãi. Như vậy đọc và phê bình không có nghĩa là “thanh toán” một lần cho xong một tác phẩm, mà là tạo cơ hội cho những lần đọc khác, những lần phê bình khác, đầy đủ và tốt đẹp hơn, và cứ như vậy.
Ta đã nói về những lầm lẫn của Nhất Linh do chính ông tiết lộ. Những lầm lẫn đó, ông đã gom về bốn điểm chính:
“1. Để cái thích riêng của mình nó huyễn hoặc, làm hoa mắt không nghĩ đến sự tìm tòi cái hay thực.
2. Để câu văn trống rỗng du dương, hoặc cầu kỳ nó quyến rũ mình (…).
3. Để cái ý định viết hay xuống dưới cái ý định viết để làm gì, viết về thứ gì (viết về nghị luận, triết lý v.v… thì cố nhiên là mình viết để làm một cái gì rồi nhưng viết tiểu thuyết khác, tiểu thuyết nó có mục đích của nó…).
4. Để nêu một cách giải quyết một vấn đề gì. Sự lầm lẫn tiểu thuyết với cuốn sách giảng giải một tính đố thật là vô lý, nhưng lại có những nhà phê bình vẫn lầm lẫn, và lại có báo đem đăng lên thực là vô lý nữa (đây là đem xếp đặt cốt truyện để giải quyết chứ không phải để đời thật rồi tự nó, nó bày tỏ một cái gì). Tôi nhớ có đọc được một nhà văn (mà tôi quên mất tên) phê bình trên báo Cải tạo (xuất bản ở Hà Nội) cho ngay một cuốn tiểu thuyết là hay, là có giá trị vì câu chuyện đã giải quyết được một vấn đề một cách đẹp đẽ. Truyện một người vương vít vợ con rồi giải quyết nỗi khổ trong gia đình bằng cách đăng lính, phục vụ quốc gia. Truyện ấy viết rất dở nhưng nhà phê bình kia cho nó là hay, là xây dựng, là lành mạnh. Đấy chỉ có thể là một bài tuyên truyền người ta vào quân đội (dùng thể thức tiểu thuyết cũng như các bài dạy người ta tránh nạn xe hơi dùng thể thức thơ lục bát) không thể gọi là một tiểu thuyết hay được” [3] .
Nhất Linh đã viết những điều trên đây vào cuối đời mình ở giai đoạn già dặn và trầm tĩnh nhất của một người đã từng có một quá khứ văn nghệ đáng kể, đã từng biết tới những vinh dự lớn lao của nghề cầm bút. Ông đã không ngần ngại, căn cứ trên chính lời lẽ của ông đã trích dẫn, tố giác chính những hư hỏng của mình trên phương diện sáng tác, và mặc nhiên phủ nhận ít ra là một sự thành công nào đó của mình trong những tác phẩm cũ đã từng được tán thưởng, ca ngợi (chỉ cần tưởng tượng đến Nhất Linh của thời kỳ Đoạn tuyệt với những “tiếng động” mà cuốn sách này gây nên trong văn giới cũng như trong xã hội). Thiết tưởng đó là điều ta không được phép quên. Càng không được phép quên khi nhắc đến Bướm trắng vì mấy lý do sau đây:
Bướm trắng là một cái đỉnh quan trọng của nghệ thuật Nhất Linh. Nó đánh dấu thời kỳ già dặn nhất của tác giả sau những thành công của Đôi bạn, Đoạn tuyệt v.v… Chính tác giả đã hơn một lần bày tỏ sự hài lòng của mình về nó. Trong chủ quan tôi, đó hẳn là cuốn sách xứng đáng nhất để được giữ lại một mai kia nếu có sự đào thải, lựa chọn. (Cho tới bây giờ, khi viết những dòng này, tôi vẫn muốn trung thành với những ấn tượng đầu tiên của mình khi còn là một cậu học trò trung học, mười lăm năm rồi còn gì, khi say mê đọc Bướm trắng, khám phá Bướm trắng, lạc loài trong Bướm trắng…).
Bướm trắng không chỉ là một cuốn sách thêm vào số lượng tác phẩm của Nhất Linh. Nó còn thể hiện một ước muốn tích cực của người viết: viết chống lại những gì mình đã viết, viết không có nghĩa là viết lại một tác phẩm nào đó đã hoàn tất cũng chưa hề bắt đầu chỉ đang hứa hẹn. Nói theo điệu nói thông thường, Nhất Linh đã thực hiện một cuộc thoát xác trong tác phẩm này. Những đề tài đã từng nổi bật trong các tác phẩm trước đã lùi lại hay biến mất: Không còn những xung đột mới cũ, những tranh chấp xã hội, những mưu toan biến đổi hay giáo huấn, những lý tưởng mơ hồ v.v… Có thể quan niệm Bướm trắng là một lời nói không của chính tác giả trước những lối mòn của quá khứ. Nó thể hiện và đồng thời thực hiện một cuộc đoạn tuyệt với chính vũ trụ tiểu thuyết quen thuộc của tác giả. Và tưởng tới lúc phải nói rằng cuộc kiểm thảo thực sự của Nhất Linh không đợi tới cuốn “Viết và đọc tiểu thuyết” mới tìm được cơ hội bộc lộ qua mấy điểm mà ông gọi là sai lầm trong văn nghiệp của mình. Cuộc kiểm thảo đó đã ẩn tàng ngay trong Bướm trắng.
Do đó trong sự nghiệp Nhất Linh, Bướm trắng hầu đã vượt khỏi giới hạn của một cuốn tiểu thuyết. Nó đánh dấu một sự thay đổi ngay trong quan niệm viết văn của tác giả. Nó là một thí nghiệm. Nó mặc nhiên bao gồm trong nó một lý thuyết (về tiểu thuyết) bởi nó thể hiện một chọn lựa, một quyết định của chính tác giả: viết khác đi với những điều đã viết, với những cách thế đã sử dụng để diễn đạt con người, xã hội, vũ trụ…
Tuy vậy, mục đích bài viết này sẽ không nhằm đối chiếu Bướm trắng với những cuốn sách Nhất Linh đã viết trước hay sau nó nhằm đưa ra một tiến trình về phương diện tiểu thuyết của tác giả (xin nhường công việc cho một lần nào khác, cho một người nào khác).
Điều quan trọng vẫn là lắng nghe thứ tiếng nói của Bướm trắng, gia nhập vào vũ trụ của Bướm trắng.
Một giấc mơ
Bướm trắng là một cuốn tiểu thuyết? Là một câu chuyện kể? Là quãng đời kỳ lạ của Trương kể từ khi “tình nghi mắc bệnh lao”? Là cuộc gặp gỡ giữa Trương và Thu, là những gì tiếp theo đó đã làm nên một tình yêu cũng như đã làm nên sự thất bại của một tình yêu? Không, tôi muốn nhìn Bướm trắng trước tiên như một giấc mơ, một vũ trụ làm nên từ ảo tưởng con người (hay ngược lại: một vũ trụ đang nhạt nhoà, đang biến thành một ảo tưởng mơ hồ?). Tôi muốn nhìn Bướm trắng trước tiên như một hình ảnh, một huyền thoại đã nhập thể vào từng dòng, từng chữ lung linh, kỳ ảo trên mấy trăm trang sách không ngừng mời gọi, quyến rũ. Ngay từ câu đầu tiên của tác phẩm:
“Trương chậm bước lại vì chàng vừa nhận thấy mình đi nhanh quá tuy không có việc gì vội vã và cũng không nhất định đi đến đâu.” [4]
người đọc đã tiếp xúc ngay với cái thế giới đặc thù của nhân vật, cái thế giới làm nên từ những trạng thái chùng chình, lưỡng lự, buông thả, cái thế giới của thực tại xóa nhoà và của thời gian xao lãng, cái thế giới không còn bình thường nữa, có thể nó quá thừa thãi hay hãy còn hao hụt, cái thế giới không còn sự phân biệt giữa cái bên trong và cái bên ngoài, chúng trở thành bầu bạn với nhau, ăn khớp với nhau. Màu trời “mờ xám như trong một ngày mùa đông” xuất hiện dưới mắt Trương ngày hôm đó cũng chính là “màu trời” của tâm hồn chàng, quen thuộc và trìu mến, kể từ cơn thức tỉnh đầu tiên của chàng trước bệnh hoạn.
“Từ khi tình nghi mắc bệnh lao, bỏ trường luật về nghỉ dưỡng bệnh, chàng không thấy mình buồn lắm, lúc nào chàng cũng hy vọng sẽ khỏi bệnh và chàng lại thấy mình náo nức muốn sống, yêu đời và vui vẻ” [5] .
Có thể Trương không biết rằng chàng đã lừa dối chính mình để quên đi những ám ảnh của bệnh tật và cái chết (bệnh tật và cái chết của một thanh niên đang tuổi yêu đời như chàng!), để quên đi thực tế đang đè nặng lên tâm hồn chàng. Có thể Trương không biết rằng, để có thể chống lại định mệnh gay gắt của đời mình, chàng đã phải luôn luôn sống trong mộng tưởng, luôn luôn biến vũ trụ thành một hình ảnh vừa đúng kích thước cho những khát vọng của chàng.
Như vậy, đọc Bướm trắng tức là lạc bước vào cơn mộng ảo của một con người tự thấy đời mình chỉ còn là một nỗi thiếu vắng lớn lao.
Trương là hình ảnh của con người mộng tưởng. Dứt bỏ đi phần mộng tưởng, liệu chàng còn có chịu đựng nổi cái vẻ buồn âm u, chết chóc đang trùm phủ lên đời chàng, hay đó là cách cắt đứt phần đời còn lại đang ù lì, đang tuyệt vọng kia? Điều cần nhất của con người mộng tưởng là không biết rằng mình đang sống trong mộng tưởng. Hắn sáng tạo nên vũ trụ riêng biệt cho hắn, hắn là kẻ sáng tạo thơ ngây. Chàng đã sáng tạo nên cái gì? Câu trả lời dàn trải lên khắp cuốn sách. Câu trả lời đó là tình yêu. Chàng đã sáng tạo tình yêu như một nhà nghệ sĩ sáng tạo nên một tác phẩm. Và cũng như người nghệ sĩ, chàng đã sáng tạo nên “tác phẩm của mình” bắt đầu từ mộng tưởng. Chàng đã gặp Thu, người con gái mà “mới nhìn chàng biết rằng có thể yêu mê man” [6] , người con gái mà khi ngồi gần, chàng “đã thấy trong người đổi khác, cuộc đời và cảnh trời lúc đó nhiễm một vẻ khác hẳn lúc thường” [7] : đó là khởi đầu của một chuyến phiêu lưu, một tình yêu, mai đây sẽ đưa đẩy chàng đến những chân trời xa lạ: lạc thú và khốn khổ, đợi chờ và tuyệt vọng, sự cao thượng và lòng ích kỷ, sự bao dung và lòng thù hận v.v…
Tình yêu của Trương khoác lên một vẻ nên thơ tuyệt vời dù trong khí hậu quang đãng, dù trong màu trời ảm đạm của nó, bởi nó trước tiên là một giấc mơ, bởi nó làm nên từ một hình ảnh. Chàng yêu Thu và
“… nhận ra rằng từ trước đến giờ chàng đã sống như một người đi tìm tình yêu mà ngày hôm nay là ngày chàng đã tìm thấy” [8] .
Đó là thứ tình yêu vượt lên trên những trật tự thông thường:
“Yêu một người con gái chỉ đẹp thôi không có linh hồn phong phú, hơi lạ lùng thì tình yêu ấy chỉ là tình yêu vật chất tầm thường…” [9]
để đạt tới một nơi chốn, một giá trị cao siêu, lý tưởng:
“Tôi chỉ cốt cho Thu biết vậy thôi, chứ tôi không dám xin Thu một thứ gì cả. Yêu hay không yêu, Thu cũng không cần cho tôi biết… Thu cứ để mặc cho tôi yên lòng yêu Thu. Vẫn biết đó là quyền của tôi. Thu muốn cấm cũng không được; nhưng tôi cũng xin Thu cái hạnh phúc được yêu Thu mà không dám mong Thu yêu trả lại…” [10]
mặc dù vẫn âm thầm nung nấu tận trong da thịt của mình ước muốn được gần gũi, chiếm hữu:
“Nhìn qua khung cửa sổ ra ngoài không thấy bóng ai, Trương với chiếc áo cánh của Thu rồi úp mặt vào chiếc áo mà chàng âu yếm vò nát trong bàn tay. Lụa áo Trương thấy mềm như da người và mùi thơm hơi cay, không giống hẳn mùi thơm của nước hoa – xông lên ngây ngất. Trương thấy mình khổ sở vô cùng; chàng lấy làm lạ sao mình lại đau khổ như thế, đau khổ như một người sắp chết…” [11]
và sau cùng điều đáng nói là Trương được Thu yêu trả lại, tình yêu của hai người là cả một hứa hẹn hoà hợp tốt đẹp. Nhưng dường như ngay từ lúc đầu trong tình yêu đó đã có sẵn mầm thất bại sẽ cùng với tình yêu mà lớn lên.
“chàng nhận thấy mình tầm thường và cuộc ái tình của chàng với Thu cũng tầm thường” [12]
còn Thu nàng nghĩ gì về Trương ngay khi nàng không chút nghi ngờ tình yêu và lòng tôn trọng chân thật Trương mang đến cho nàng?
“Đối với nàng Trương lạ lắm và ái tình của chàng cũng lạ lùng như tính nết chàng, lạ lùng làm nàng ghê sợ nhưng có một sức quyến rũ rất mạnh.” [13]
Trương tìm lời tình yêu của Thu như tìm đến sự lãng quên chính chàng, một con người mà bệnh hoạn tước đi cả niềm ham sống. Nhưng ngược lại, chàng cũng chỉ yêu Thu trong ước muốn muôn đời của kẻ si tình là được san sẻ, được kề cận, được chiếm hữu, nghĩa là trong những ước muốn vị kỷ, nghĩa là chàng vẫn phải nhớ tới, nghĩ tới mình. Tình yêu Trương vẫn phải quay mãi trong cái vòng luẩn quẩn đó. Tình yêu của chàng vừa là một trò ma thuật vừa là một trò gian dối. Chàng phải lừa đảo chính mình (đúng hơn là chính cái chết của mình) và để được như vậy chàng phải mặc nhiên chấp nhận việc lừa đảo Thu (không cho Thu biết gì về chứng bệnh của chàng). Đây lại là cái vòng luẩn quẩn khác. Tình yêu chàng nhất thiết thất bại vì chàng không thể nào bẻ gãy những cái vòng luẩn quẩn của tình yêu. Tình yêu thay vì mang đến cho chàng những tia sáng chói loà đã chỉ làm cho tâm hồn chàng đã u tối càng u tối hơn:
“Giá đời chàng không có Thu! Giá Thu không yêu chàng hoặc hơn thế nữa, chàng ghét được Thu thì thực là hoàn toàn thoát nợ, thoát khỏi ngục đời. Ái tình của Thu đối với chàng lúc nào cũng chỉ như một sự ăn năn thương tiếc không bao giờ nguôi, thương tiếc một thứ gì có lẽ đẹp lắm mà chàng không bao giờ được biết tới. Ngoài cái mong chết vì chán sống, chàng lại còn mong được chết để thoát được tình yêu Thu. Chính chàng đã thấy sợ chàng, sợ sẽ có những hành vi rất xấu đối với Thu, đối với đời, nếu chàng còn sống ít lâu nữa. Chắc chắn là chàng sẽ quấy rầy đến Thu, không thể khác được…” [14]
Hàm hồ, đó chính là ngôn ngữ tình yêu ở Trương. Lúc đến gần Thu cũng là lúc chàng muốn lẩn tránh Thu để một mình thụ hưởng hết nỗi khốn khổ của sự phân ly, mất mát. Tình yêu không ngừng đặt để chàng vào những khoảnh khắc ngập ngừng khó sống, những khoảnh khắc tan vỡ của mọi ước muốn và chọn lựa. Bởi vậy khi những đòi hỏi nóng bỏng của tình yêu được thực hiện, đó cũng là lúc chàng thấy lòng mình ê chề, nguội lạnh. Như lần đầu tiên chàng tiếp Thu trong phòng, nắm lấy tay nàng, chạm vào người nàng để rồi sau đó:
“… đứng nhìn theo Thu qua bức màn ren rồi ngồi xuống ghế ôm đầu nghĩ ngợi. Thu đi rồi, chàng không thấy sung sướng gì cả; điều mà trước kia chàng không dám ước tới nay đã thành sự thực, sau chàng vẫn không thấy lòng mình thoả mãn. – Chỉ có thế thôi à? Sao mình lại khốn nạn không nói rõ hết cả cho Thu biết và thôi hẳn có hơn không. Mình hãy còn tiếc và mong ở Thu. Mong mỏi thứ gì mới được chứ?
Giá lúc nãy khi định nói, chàng không thấy Thu đợi hay chàng nhìn mặt Thu không thấy yêu lắm thì có lẽ chàng đã nói rồi.” [15]
và như một lần khác, trong buổi đi chơi Chùa Thầy, cơ hội đã mang họ đến gần nhau, và sau khi đã ôm Thu vào lòng, hưởng trọn “cái thú thần tiên, bỡ ngỡ của cái hôn trao yêu thứ nhất trên đời”, trong gặp lại cái tình cảm khốn khổ vẫn đeo đẳng chàng ngay từ những buổi đầu của cuộc phiêu lưu tình cảm của chàng: chàng đã là
“… người của một thế giới khác cách biệt và Thu như đứng bên kia đường nhìn sang, mấp máy môi thầm gọi chàng một cách tuyệt vọng.” [16]
Có lẽ trong tâm hồn Trương, tình yêu của chàng đối với Thu chỉ còn giữ được một ý nghĩa, một vẻ đẹp nào đó khi nào chàng còn giữ được một khoảng cách đối với Thu. Nghĩa là tình yêu chỉ hiện hữu và tồn tại khi nào người ta ước muốn và còn cơ hội để ước muốn. Nhưng điều mà kẻ si tình trong đó có Trương vẫn quên là người ta chỉ ước muốn trong khoảng cách, người ta chỉ ước muốn khi nào đối tượng ước muốn còn ở ngoài, ở xa. Khi đã tóm thâu được đối tượng, khi đã chiếm hữu được đối tượng, con người không còn ước muốn, ước muốn không còn lý do tồn tại, ước muốn đã chết trong sự gãy đổ của khoảng cách. Chính Trương cũng đã nhìn thấy rõ rằng ngay trong mưu toan chiếm hữu của nó, tình yêu đã rơi xuống hàng trần tục và đã tan vỡ trong đó:
“Chàng buồn vì thấy vừa mất đi không lấy lại được nữa một thứ gì đẹp nhất trong đời, chàng thấy tình yêu của hai người lúc ban sáng đã tới một mực cao cực điểm và từ nay trở đi chỉ là lúc tàn dần: ánh sáng rực rỡ đã tắt và buổi chiều buồn bắt đầu về trong lòng chàng, trong đời chàng từ nay.” [17]
Ánh sáng của tình yêu đã tắt, buồn thay!
Trương đã tìm đến tình yêu, đã yêu, đã được đền đáp ngay trong tình yêu, đã thất bại. Sự thất bại không do ở Thu cũng không do một yếu tố nào ở ngoài chàng hay ngoài nàng. Sự thất bại do ở chàng, ở tâm hồn chàng, ở tình yêu chàng mang đến cho Thu.
Đúng hơn đó là sự thất bại của một giấc mơ, cơ hội để tình yêu chàng xuất hiện.
Giấc mơ. Hãy trở lại với nó một lần nữa, trở lại với câu chuyện thật, đề tài thật ẩn giấu trong cuốn sách. Sự thất bại của Trương trong tình yêu quả là một điều cần thiết. Bởi thật sự ra có thể nói rằng chàng đã không hề yêu: yêu đối với chàng chẳng qua chỉ là cơn hốt hoảng của thần trí dưới sức tác động của một kích thích nội tại hay ngoại tại nào đó, cũng như chàng đã không hề yêu Thu: Thu đối với chàng chỉ là một hình ảnh, nàng chỉ là một sản phẩm của mộng tưởng và trí nhớ của chàng. Đây chính là lý do giải thích vững chắc nhất tại sao tình yêu tan vỡ trong chàng, giữa lúc nó đang thăng hoa tốt lành, biến cố mà chàng nhận ra với tất cả sự thản nhiên của mình, “chàng ngờ Thu vì chính chàng đã đổi khác, không yêu Thu như trước nữa”, biến cố xảy đến như một cái gì phải xảy đến, không đủ sức gây nên một tình cảm xao xuyến nào đáng kể ở chàng:
“Chàng không hiểu tại sao tình yêu Thu trước kia lại làm chàng tiếc đời và đau khổ đến như vậy. Giờ thì chàng được sống và mất hẳn tấm ái tình đó, ngh chàng không thấy khổ lắm vì mất hẳn tình yêu của Thu và cũng không thấy vui lắm vì còn được sống ở đời.” [18]
Và điều tệ hại hơn nữa sau đó là tình yêu, cái tình yêu giả dối còn lại trong lòng người, đã không ngần ngại biến thành xấu xa:
“Nghĩ đến mấy lần tìm gặp Thu, đến bức thư rủ thư đi chơi núi, Trương nhận thấy tình yêu đã hết và bao nhiêu hành vi của mình chỉ còn bị xúi giục bởi một ý muốn rất tầm thường: mong được thoả nguyện về vật dục để thoi không nghĩ đến Thu nữa, có thể thoát được một cái nợ chỉ làm chàng bứt rứt.” [19]
Nhưng có thể đó là sự tan vỡ của tình yêu? Đúng ra đó chỉ là một hành vi thức tỉnh của Trương trước chính mình cũng như trước thực tại. Chàng nhận ra sự thật là tình yêu chàng nuôi dưỡng bấy lâu chỉ là một cái gì giả dối, một trò đùa, một cuộc chơi. Tàn một cuộc chơi, cuối một tấn tuồng ảo mộng, khi mỗi người trở về với sự thật của đời mình, đó là lúc tình yêu hiện lên nguyên hình: một trò gian dối.
Cái gọi là tình yêu của Trương chỉ là một giấc mơ. Giấc mơ đó bắt đầu từ một hình ảnh. Đi tìm cái hình ảnh đó, chính là đi tìm cái chìa khoá giải thích mọi sự. Hình ảnh đó đã xuất hiện ngay trên những dòng đầu tiên của Bướm trắng (những dòng đầu tiên của một cuốn sách dường như lúc nào cũng mang tầm quan trọng quyết định của nó, nó khai diễn một khúc hoà âm, một tấn kịch, một vũ trụ):
“Trên đường một cơn gió thổi bay lên mấy chiếc lá khô và một ít bụi trắng, khiến Trương cảm thấy nỗi hiu quạnh của cuộc đời cô độc chàng sống đã mấy năm nay. Chàng thốt nhớ đến Liên, người yêu của chàng đã chết vì bệnh lao ba năm trước. Chàng nghĩ đến những cái thú thần tiên của tình yêu lúc bắt đầu, và nỗi buồn của chàng khi được tin Liên chết.” [20]
Vâng, hình ảnh đó là một người con gái tên Liên chợt hiện lên trong trí nhớ để rồi âm thầm nắm giữ lấy vai trò quan trọng nếu không nói là chủ chốt trong đoạn đời kế tiếp sau đó. Tôi cho rằng chính Liên – cô gái vắng mặt hoàn toàn trong cuốn sách, một nhân vật không lời nói, không cử chỉ, đúng ra là khoảng trống của nhân vật – lại là nhân vật chánh điều động tấn thảm kịch của Trương (và từ đó của tác phẩm Bướm trắng). Nếu trong mỗi tác phẩm đều tàng ẩn một câu trả lời của chính tác giả, Liên chính là câu trả lời của Bướm trắng. Tôi tự hỏi nếu hôm đó Trương đã không “thốt nhớ đến Liên, người yêu của chàng đã chết vì bệnh lao ba năm trước”, câu chuyện của chàng sẽ ra sao, câu chuyện của Bướm trắng sẽ ra sao và nhất là tình yêu giữa chàng và Thu sẽ ra sao (nhưng chắc gì tình yêu đó đã xảy ra?). Chàng gặp Thu, đã tức thì bàng hoàng trước Thu, đã tức thì yêu Thu ngay trong buổi sơ ngộ đó. Nhưng có thật là chàng yêu Thu? Dưới mắt chàng Thu có còn là Thu? Hay đúng ra nàng đã là Liên, hình ảnh mới đây chợt đến với chàng trong tất cả sự tình cờ của nó, và chính sự tình cờ này cũng đã trở thành một định mệnh mù quáng. Dưới mắt chàng, Thu chỉ còn là sự thể nhập, hồi sinh của Liên:
“Sao trông giống Liên thế. Lại có phần đẹp hơn.” [21]
“Sao lại giống Liên thế, mà lại đẹp hơn nhiều.” [22]
Thu đã trở thành một hình ảnh, một giấc mơ và Trương đã yêu nàng qua hình ảnh, qua giấc mơ đó, biến nàng thành một tên tội phạm của chà, và những nhận thức của Trương về nàng, những tình cảm của Trương dành cho nàng, tất cả mai đây chỉ còn tuân theo một thứ luận lý, đó là luận lý (của con người) mộng tưởng.
Tình yêu, giấc mơ kia, đã tìm đến sự tan vỡ, đã tan vỡ ngay từ trong lòng nó: ta biết rằng, ở Trương, con người mộng tưởng không tách rời khỏi con người bệnh hoạn. Chính ý tưởng về bệnh hoạn (ảo tưởng về bệnh hoạn?) đã làm nền cho tất cả những mộng tưởng cũng như những tình cảm ở Trương. Giấc mơ của Trương đã xuất hiện từ đâu nếu không phải từ một cơn bại hoại tinh thần. Chàng đã tạo nên giấc mơ đó trong cơn hốt hoảng trước ám ảnh của cái chết tưởng đã gần kề. Như vậy phải chăng chính chàng cũng là tác giả của sự tan vỡ nói trên một khi đã thoát khỏi những cơn cuồng nộ của bệnh hoạn và cái chết, một khi tâm hồn chàng đã lắng xuống, trở lại bình thường, một khi hình ảnh của Liên sụp đổ, một khi Thu trở lại với Thu, nghĩa là từ một huyền thoại trở lại với con người thật của nàng. Và đây là Trương khi nhìn lại giấc mơ của mình:
“Trương nghĩ lại mới thấy tình chàng yêu Thu không có một lý lẽ gì sâu xa, một căn bản gì chắc chắn cả. Chỉ là một ảo tưởng gây nên bởi một vài sự rủi ro; lần đầu trông thấy Thu là hôm Thu có một vẻ đẹp nào nùng trong bộ quần áo tang, giữa lúc chàng đương mắc bệnh lao có cơ nguy đến tính mạng; Thu lại có một vẻ đẹp giống Liên, người mà trước kia chàng đã yêu. Giá nếu gặp Thu trong một lúc khác, và nếu có thể yêu Thu một cách bình thường như yêu một người khác, không kính trọng Thu quá như thế, có lẽ chàng đã không phải chịu bao nhiêu đau khổ bấy lâu.” [23]
Con người mộng tưởng ở Trương cũng đã chết khi tình yêu gãy đổ, khi giấc mơ tàn lụi, khi ý thức của chàng đã phục hồi địa vị và tiếng nói của nó. Thì ra, chàng cũng chỉ là một con người bình thường như bao nhiêu người khác, chợt rơi vào một kinh nghiệm choáng váng say sưa. Và Bướm trắng chính là khúc ca hùng tráng của một con người trong một bước chân trượt ngã, lao đầu vào một khoảng mênh mông…
Một thế giới về chiều
Bướm trắng là giấc mơ của một tâm hồn đang chới với giữa lòng cuộc đời với những ám ảnh không rời của bệnh tật và cái chết, một giấc mơ điên cuồng, đẹp tuyệt được tạo thành để lắp đầy những khoảng trống vắng hãi hùng của cuộc hiện hữu ngẫu nhiên, không thường tồn. Đó là mưu toan của con người muốn thoát ly, muốn quên lãng cái thực tế buồn nản và gớm ghiếc đang đè nặng lên nó, một cách nào đó, để khỏi bị chà đạp, nghiền nát, một cách nào đó, để được đóng vai kẻ thắng trận. Nhưng giấc mơ nào rồi cũng đến lúc tan vỡ. Cái thảm kịch của Trương là muốn lãng quên thực tế của đời mình nhưng luôn luôn lại phải nhớ đến nó, luôn luôn lại phải trở về với nó. Phải chăng khi đã chọn mộng tưởng làm một cách thế nhìn ngắm cuộc đời, nhìn ngắm chính mình, một cách thế sống, chàng đã chọn sự thất bại. Bởi cuộc đời thật của chàng là cuộc đời thiếu hụt. Bởi thế giới thật của chàng là thế giới về chiều. Chàng tìm cách thoát ly nhưng những bước phiêu lưu lại chỉ là những bước trở về, cho nên chàng tiếp tục là kẻ lạc loài, tuyệt vọng, người tù chung thân của cô đơn và bóng tối. Trong cái thế giới tiêu điều, âm u, buồn bã, nhàm chán của Bướm trắng, Trương xuất hiện như một hình ảnh muộn màng của một nhân loại không ân huệ, không hứa hẹn, chàng là hình ảnh một con người bị tước đoạt, bị xua đuổi. Chàng đang đi đâu? Chàng mong đợi gì ở đời sống? Có lẽ chàng không biết nữa:
“Trương ở vào tình trạng một người không cần gì nữa, chỉ mong xảy đến cho mình một việc, bất cứ việc gì, miễn là khác thường để cho mình quên được sự sống.” [24]
Chờ đợi “bất cứ việc gì” xảy đến tức là không chờ đợi gì nữa. Thế nào là một kẻ không chờ đợi? Một kẻ ở tận cùng mọi sự chờ đợi, ở tận cùng chính đời sống của mình, đời sống như một chuỗi liên tục của những khoảnh khắc chờ đợi. Một kẻ đang sống chính cái chết của đời mình. Cái chết, Trương không xa lạ gì với nó. Từ khi tình nghi mình mắc bệnh lao, cái chết trở thành một ám ảnh thường xuyên của chàng, nó kề cận bên chàng, nó đã có mặt ngay trong đời sống của chàng. Cái thế giới về chiều của Bướm trắng, thật ra chỉ là thế giới chiếu rọi từ một dự phóng nền tảng của Trương, một tâm hồn chạng vạng đang trù trừ giữa sự sống và cái chết. Bướm trắng chính là cái thế giới nhạt nhoà, chết chóc dưới cái nhìn huỷ hoại, man rợ của một con người đang hấp hối. Có một hơi thở bàng bạc, chạy dài suốt mấy trăm trang sách, tạo cho chàng một bầu không khí duy nhất, một đời sống duy nhất, một ngôn ngữ duy nhất. Kỳ lạ thay, có thể thu gọn Bướm trắng về một hơi thở của sự sống, một nhịp đập của trái tim. Trong hơi thở nồng nàn đó đã xen vào cái lạnh của miền đất chết. Trong nhịp đập say sưa kia đã nghe đời thoi thóp. Như vậy, có thể nói rằng đây là một cuốn tiểu thuyết viết về cái chết, đặt vấn đề cái chết? Không. Cuốn sách không nêu lên câu hỏi về cái chết cũng không đề nghị một câu trả lời nào cho cái chết cũng như đời sống. Bướm trắng chỉ mô tả một kinh nghiệm. Chỉ có kinh nghiệm lên tiếng, thay lời cho tác giả ẩn mặt và im lặng sau tác phẩm mình: kinh nghiệm của một người trong cơn giục giã của đời sống đồng thời trong ám ảnh của cái chết đâu đây. Kinh nghiệm của một người tên Trương. Không. Trương chỉ là một cái tên, một cơ hội từ đó kinh nghiệm xuất hiện, cái chết lên tiếng. Vâng, chính cái chết đang lên tiếng ở Trương. Cái chết đang xê dịch trên những bước chân lang thang của chàng. Cái chết đang nghĩ ngợi và mơ tưởng trong đầu óc chàng. Cái chết đang yêu thương hay thù hận trong lòng chàng. Cái chết đang sống trong chàng. Cái chết không hình thù mày mặt, không lai lịch, không tên tuổi. Vẫn là nó, cái chết, trong cái nhìn reo vui gửi lên sự vật:
“Khi ra đến ngoài, chàng thấy cảnh trời đất đẹp rực rỡ xán lạn. Lá cây chàng thấy xanh hơn và màu các bông hoa trong vườn tươi thắm như ướt nước. Chàng tiến về phía nhà ngang chỗ đông người đứng: gió và ánh sáng làm chàng chói mắt và say sưa bàng hoàng như người uống rượu.” [25]
Vẫn là nó, cái chết, trong cuộc mặc khải êm đềm của tình yêu:
“Giữa vẻ đẹp rực rỡ của mùa xuân, cạnh một người đẹp mà chàng yêu, Trương vẫn riêng thấy lẻ loi, chơ vơ với nỗi buồn nản thầm kín của lòng mình.” [26]
“Trương tự nghĩ nếu làm thế nào rủ được Thu cùng tự tử thì cái chết của hai người sẽ êm ái lắm.” [27]
Vẫn là nó, cái chết, trong những phút sáng suốt:
“Trương chợt nhận thấy mình là một người hấp hối cần suy nghĩ bao quát của đời sống của mình trước khi nhắm mắt.” [28]
Vẫn là nó, cái chết, trong những ảo tưởng:
“Hình như nàng mặc áo tang, đội mấn, tóc bỏ xõa, đi theo sau một chiếc áo quan và chính chàng lại nằm trong chiếc áo quan ấy, người chàng liệm toàn vải trắng.” [29]
Vâng, luôn luôn là cái chết, bóng dáng nó ẩn hiện, tiếng nói của nó tiềm tàng trên khắp các trang sách, qua suốt câu chuyện kể, qua suốt lời kể chuyện của tác giả, nó thấm nhập vào chính giọng kể của tác giả: cái chết không còn ở ngoài lời nói về cái chết, cái chết nói.
Hỏi: đâu tiếng nói chân thật nhất của Bướm trắng, đâu là nhân vật chính thật của Bướm trắng? Phải chăng đó là cái chết đã nhập thể vào một lời nói, vào một nhân vật? Phải chăng đó là cái chết không như một đối tượng sở hữu mà là chủ thể sở hữu (cái chết chiếm đoạt lấy Trương, làm chủ tâm hồn chàng, vũ trụ của chàng…)?
Trong thế giới về chiều của Bướm trắng con người luôn phải sống trong mối ám ảnh liên lỉ của cuộc huỷ hoại sau cùng, cái chết. Cái chết trở thành bá chủ. Ta có thể nói rằng tất cả đều đã bắt đầu, bắt nguồn từ cái chết đã nằm sẵn trong ý thức của Trương. Chính cái chết (hay đúng hơn là ảo tưởng về cái chết) đã đưa Trương vào tận những miền sâu thẳm của tâm hồn mình, của sự sống, và nhậm lời của tình yêu với những say sưa và cuồng nộ của nó. Chính nó đã biến cuộc đời Trương thành những chặng đường phiêu lưu mà rất có thể trước kia chàng chưa hề nghĩ tới: bỏ học, yêu, dấn mình vào cuộc trụy lạc, phạm tội v.v…: đối với Trương dường như tất cả đều được phép khi người ta đang sống với cái chết đang kề sát, đốt cháy da thịt mình.
“Vì không cần gì nữa, anh đã tự phá huỷ đời anh. Anh bỏ học và có bao nhiêu tiền anh đem phung phí hết trong các cuộc vui. Anh có thích gì đâu! Nhưng không lẽ cứ ngồi đấy đợi cái chết đến.” [30]
“Sống gấp hay không sống gấp, đằng nào cũng sẽ như đằng nào, cái cách tốt hơn hết là nhồi một viên đạn nhỏ vào trong sọ. Tạch một cái, thế là hết. Ngọt như mía lùi.” [31]
Con người tự do trong cái chết. Con người vô trách nhiệm trong cái chết. Con người được phép làm mọi sự kể cả tự tử, “cõi Niết Bàn của sự bạo động” kia (Cioran) mà chính Trương đã từng nghĩ tới.
Nhưng Trương chưa tự tử mặc dù chàng đã từng thực hiện những hành vi liều mạng đến tột cùng, lòng dửng dưng trước những căn bản của Thiện Ác; chưa tự tử bởi vì trong cái thế giới về chiều đó, cái chết vẫn chưa phải là tiếng nói sau cùng và con người, may mắn thay, vẫn còn một chỗ đứng, một cơ hội, dù cho đó là một chỗ đứng tạm bợ, dù cho đó là một cơ hội sau cùng như Trương, sau những ngày ảo mộng buồn bã, đã:
“… cảm thấy mình trơ trọi trước một cuộc đời không bạn hữu, không cha mẹ anh em và trí chàng tự nhiên nghĩ đến quê hương, tìm một nơi căn bản như người sắp chết đuối tìm một vật gì để bám víu.” [32]
Một chỗ đến cho người sắp chết đuối, một tâm hồn đã mỏi sống? Đó phải chăng là một nơi để trở về:
“Nhìn lịch chàng nhớ ra ngay ngày mồng tám là ngày giỗ mẹ chàng. Cái yêu thương về quê để giỗ mẹ và về quê để gặp được nhau một cách rất tự nhiên, cùng hiện đến trí chàng trong một lúc. Yêu thương đó không có gì mới lạ cả, sao lại khiến chàng sung sướng đến thế. Chàng như thấy một cơn gió nhẹ nhàng thổi ùa vào trong tâm hồn… Chàng cần một thứ rất êm dịu để an ủi lòng mình, thứ đó là tấm tình yêu của Nha, người vẫn dịu dàng yên lặng yêu chàng và đợi chàng ở chốn quê xa xôi và yên tĩnh.” [33]
Trương là điển hình của mẫu người sống trong sự đốt cháy của ý thức. Sống và ý thức về đời sống, về chính mình. Nhưng ý thức về đời sống ở Trương đồng thời cũng là ý thức về cái chết. Trương trước tiên là một cái nhìn thấu suốt căn phần: sống tức là chạm mặt thường xuyên với chính thân phận đầy giới hạn và ngẫu nhiên của chính mình: sống tức là đang đi lần tới, đã tới chỗ tận cùng của đời sống mình. Phải chăng chính trong những phút, chỉ trong những phút gọi là hấp hối của con người, đời sống sẽ chợt hiện lên trong vẻ đẹp não nùng nhất của nó. Cái gì đã làm ngây ngất người đọc ở Bướm trắng nếu không phải là cái vẻ đẹp não nùng của đời sống như sắp sửa vỡ tan thành mây khói kia?
Trong bầu trời ủ dột của một vũ trụ đang tàn úa, điều đáng nói là những bước chân của Trương đã không ngớt kêu gọi tới đời sống, dù cho đó là những tiếng kêu gọi đầy tuyệt vọng. Ở Trương luôn có sự giằng co quyết liệt giữa bóng tối và ánh sáng, giữa sự sống và cái chết, giữa sống và huỷ hoại. Trong những quyến rũ đê mê của cái chết, ý thức chàng vẫn bập bùng lửa sống, và ta có thể nói rằng những bước đường phiêu lưu của chàng sau lần thức tỉnh trước sự thật của đời mình, chúng còn mang một ý nghĩa nào khác: đó là cách khẳng định chính mình như một sự có mặt, như một sự sống, và hơn thế nữa, như một ước muốn về đời sống. Ý thức về cái chết, thay vì dập tắt, đã càng khơi dậy ở chàng những ước muốn say sưa, nồng nàn, nóng bỏng trước cuộc đời như một niềm bí ẩn kỳ diệu với trăm ngàn cánh cửa chờ đợi mở toang. Hãy một lần nữa lần theo những bước chân của Trương, lắng nghe những tiếng nói thầm kín nhất của Trương, ngắm nhìn từng cử chỉ của Trương, xem Trương sống, để thấy rằng chính trong những tình cảm tăm tối nhất của con người, mối đam mê về đời sống của nó lại càng trở nên mù quáng, man rợ hơn bao giờ hết: những hành vi của Trương, dù trong tình yêu, dù trong tội lỗi, cần được quan niệm như những biểu tượng sống động nhất của một con người nổi loạn trước những hoàn-cảnh-giới-hạn của mình. Một biểu tượng khác, đó là hoài niệm, đó là hồi tưởng. Trong tâm hồn cằn cỗi của Trương, quá khứ bao giờ cũng đẹp, nó như một thế giới khác, đầy thần tiên, ở ngay trong chàng, một thế giới mà chàng vẫn tìm đến, quay về, để làm gì nếu không phải để làm ấm lại ngọn lửa tro đang tàn rụi trong chàng: đó phải chăng là thế giới thật của chàng. Tuổi thơ bao giờ cũng rực rỡ trong những dòng hồi tưởng của Trương và chính ở những trang sách của kỷ niệm và trí nhớ đó, người đọc đã khám phá những dòng chữ êm đềm, trong sáng nhất của Bướm trắng:
“Lòng chàng lắng xuống và từ thời quá vãng xa xăm nổi lên một hình ảnh yêu quý của tuổi thơ trong sáng: khu vườn rau của mẹ chàng với những luống rau diếp xanh thẳm, những luống thìa là lá nhỏ như sương mù và hôm nào trời nắng, những mầm đậu hoà lan tươi non nhú lên qua lần rơm ủ. Rồi đến khi luống đậu nở hoa trắng có những con bướm rất xinh ở đâu bay về…” [34]
“Chàng ngẩng nhìn trời qua những cành long não lá non và trong: chàng thấy mình như trở lại hồi còn bé dại, lâng lâng nhẹ nhàng tưởng mình vẫn còn sống một đời thơ ngây trong sạch và bao nhiêu tội lỗi của chàng tiêu tán đi mất hết.
Vòm trời cao lúc đó, Trương nhận thấy thân mật, êm dịu như vòm trời ở phía sau nhà đã bao nhiêu lần chàng nhìn thấy mỗi khi ra thăm vườn rau của mẹ chàng.” [35]
Ước muốn đời sống, hoài niệm tuổi thơ và quá khứ, có thể coi đó như những cách thế điển hình của con người, ở đây thể hiện qua hình ảnh của Trương, trong nỗ lực tìm kiếm cho mình một cơ hội, một dịp may hầu thoát khỏi móng vuốt của định mệnh và cái chết đang chực chờ huỷ hoại. Ước muốn và hoài niệm, đó chính là niềm vui của con người tuyệt vọng đang đi đến tận cùng những giới hạn của mình.
Ở cuối đường phiêu lưu, khi tàn cơn mộng ảo – cũng là lúc Trương thức tỉnh lần này không phải trước bệnh hoạn và cái chết mà trước đời sống thật của mình, một đời sống bình thường, thay vì là một hình ảnh hay một huyền thoại của đời sống – Trương đã tìm được niềm vui mà trước đây đã chỉ đến với chàng trong mơ tưởng và hồi tưởng, niềm vui có thật của một con người thật trong một đời sống thật. Chàng từ chối gặp gỡ Thu một lần chót, cơn dối trá sau cùng của con người mộng tưởng chính là chàng; chàng từ giã luôn cái thế giới mà chàng đã dựng lên từ một hình ảnh, một cơn xúc động làm xây xẩm mặt mày; chàng từ giã luôn những ám ảnh trìu mến của cái chết bởi vì “chốn đó, nơi mà chàng tưởng sẽ quên được hết (…), chốn đó không phải là cõi chết ở thế giới bên kia”. Chàng trở lại quê nhà, tìm lại Nhan, người con gái vẫn đợi chàng từ những năm trước: Nhan như niềm vui thứ nhất đến với chàng, với tất cả đơn sơ và dịu dàng của nó, Nhan như sự thật đầu tiên xuất hiện dưới ý thức của Trương vừa trải qua một cơn say khướt. Chuyến trở về của Trương sau một quãng đời phóng túng trong đó có những hành vi xấu xa không chối cãi vào đâu được (việc chàng thụt két, vào tù), liệu có thể xem đó như cơn phản tỉnh của con người đạo đức ở Trương? Không. Thiết tưởng rằng tìm đến một câu giải thích về Trương cũng như về tác phẩm Bướm trắng mà chỉ căn cứ vào một chủ trương hay một ý hướng đạo đức, điều này có nghĩa là phủ nhận nhân vật (Trương) và tác phẩm (Bướm trắng) ngay từ trong bản chất của chúng. Bởi vì ở đây, khởi điểm của nhân vật và tác phẩm không căn cứ trên một ý tưởng đạo đức mà trên một nhận thức thấm đẫm tính chất siêu hình của con người về đời sống. Vậy thì Trương, hình ảnh một con người mộng tưởng đồng thời là một ý thức khốn khổ đó, hắn đi tìm cái gì? Có thể hắn đi tìm cho hắn một đời sống thật, một khuôn mặt thất, sự thật và niềm vui, tất cả ẩn giấu sau những tấm màn giả ảo.
[1]Viết và đọc tiểu thuyết, Đời nay, Sài Gòn, 1961
[2]Sách đã dẫn, trang 19 và kế tiếp.
[3]Sách đã dẫn, trang 22-23
[4]Bướm trắng, Đời nay, Sài Gòn, 1970, trang 7
[5]Sách đã dẫn, trang 8
[6]Sách đã dẫn, trang 14
[7]Sách đã dẫn, trang 14
[8]Sách đã dẫn, trang 16
[9]Sách đã dẫn, trang 48
[10]Sách đã dẫn, trang 60-61
[11]Sách đã dẫn, trang 59
[12]Sách đã dẫn, trang 45
[13]Sách đã dẫn, trang 109
[14]Sách đã dẫn, trang 138
[15]Sách đã dẫn, trang 123
[16]Sách đã dẫn, trang 149-150
[17]Sách đã dẫn, trang 151
[18]Sách đã dẫn, trang 229
[19]Sách đã dẫn, trang 252
[20]Sách đã dẫn, trang 8
[21]Sách đã dẫn, trang 11
[22]Sách đã dẫn, trang 12
[23]Sách đã dẫn, trang 251-252
[24]Sách đã dẫn, trang 55
[25]Sách đã dẫn, trang 88-89
[26]Sách đã dẫn, trang 67
[27]Sách đã dẫn, trang 68
[28]Sách đã dẫn, trang 137
[29]Sách đã dẫn, trang 80
[30]Sách đã dẫn, trang 236
[31]Sách đã dẫn, trang 155
[32]Sách đã dẫn, trang 84
[33]Sách đã dẫn, trang 256
[34]Sách đã dẫn, trang 141
[35]Sách đã dẫn, trang 197
Nguồn: Văn. Tập san Văn chương – Tư tưởng – Nghệ thuật. Năm thứ Bảy, số 156, ra ngày 15 tháng 6 năm 1970.
Tạp chí Văn - Hoài niệm Nhất Linh ( 3 )
Văn
Hoài niệm Nhất Linh
Vũ Bằng
Nguyễn Tường Tam, một nhà văn “đa bất mãn hoài”
Hình như sự thể đó đã thành ra công lệ. Cái công lệ ấy là phàm viết hồi ký, để tưởng nhớ một người bạn đã khuất, người viết chỉ nhắc đến những cái hay, cái đẹp của bạn chớ ít dám nghĩ đến chuyện phanh phui cái dở hay cái kém của bạn mình ra. Thiết tưởng đó là một lẽ thường. Ngày xưa, có người hỏi Đức Khổng: “Nếu chẳng may người sinh ra ngài phạm tội nặng, phải tố cáo thì ngài có tố cáo cha không?”. Đức Khổng, không cần suy nghĩ, trả lời: “Không. Tôi tố cáo người khác chớ không tố cáo người sinh đẻ ra tôi”.
Tưởng nhớ đến một người bạn thân mà giấu cái dở, cái kém của bạn đi, cũng là một điều hợp tình hợp lý, không nên chê trách. Viết hồi ký các anh em văn bút, hoặc đương ở xa, hoặc là đã mất, tôi vẫn quan niệm như thế; nhưng ở trường hợp Nguyễn Tường Tam, tôi muốn thành thực hơn thường lệ, đối với chính anh Tam và ngay cả chính với tôi, bởi vì một lẽ dễ hiểu: Nguyễn Tường Tam là một người đặt sự thành thật lên trên hết và sinh thời không tha thứ cho bất cứ một cái gì đậy điệm, giấu giếm hay phết sơn ra ngoài để lấy sự hào nhoáng mà làm mờ mắt người ta, cho người ta không lưu ý đến sự thối tha ở bên trong.
Không thể nói đến là trắng, bảo trắng là đen
Thực tình, tôi không phải là bạn thân của Nguyễn Tường Tam. Sinh vào cùng một thời, làm cùng một nghề văn chương báo chí, tôi chỉ có dịp gặp Nguyễn Tường Tam tại báo Ngày nay, Phong hoá và trong những buổi họp mặt lúc phát động phong trào “Nhà ánh sáng”, rồi sau này, tại trụ sở báo Việt Nam của Việt Nam Quốc dân Đảng ở Ngũ Xã và trong các buổi họp với cụ Nguyễn Hải Thần – lúc ấy tôi làm báo cho quân đội Lư Hán sang Việt Nam tiếp thu quân đội Nhật hoàng thua trận… Nếu muốn tỏ ra thành thật với bạn đọc, với chính tôi và với anh hồn của người đã khuất, tôi phải nói thẳng ra rằng tôi không có cảm tình đặc biệt với Nguyễn Tường Tam. Lý do? Tôi không thể nào giải thích được. Mà điều tôi có thể chắc chắn là chính Nguyễn Tường Tam cũng không có cảm tình đặc biệt với tôi.
Nhưng nếu chỉ có như thế thời không có gì đặc biệt. Đặc biệt là mặc dầu biết là người ta không có cảm tình với mình, phần đông chúng ta vẫn thường, vì vấn đề giao tế, làm như không biết và cứ cư xử như thường. Nếu gặp những người “chính trị cao” thì càng như thế lại càng làm ra mặt vồn vã, thân mật để rồi sau này có cơ hội thì lợi dụng được người bạn ấy để hướng vào những mục tiêu của mình đã định. Có lẽ chính vì tiêu chuẩn đó mà những nhà làm chính trị chủ trương không giết kẻ địch của mình, có khi, trái lại, lại nuôi dưỡng nữa.
Nguyễn Tường Tam không thế: anh là một cây thành thật, không thể giả dối, không thể đóng trò, yêu thì yêu ra mặt và ghét ai thì cũng ghét ra mặt, chớ không thể ghét mà bảo là yêu, thấy đen mà nói là trắng, thấy cây trò, cây chẩu mà bảo là vàng tâm. Sau này, tiếp xúc nhiều hơn với Nguyễn Tường Tam – nhất là từ sau khi Nhật tới đây rồi thất trận – và nhân có dịp “khai luận” về Tam, tôi thấy rằng anh thành thật một cách ghê gớm như thế, không phải hoàn toàn vì thiên bẩm, nhưng vì một lẽ khác: anh tự tin quá nơi mình. Nguyễn Tường Tam cho mình có tài, có học mà lại có đạo đức thì “thiên hạ phải dùng đến mình”, chẳng sợ ai hết, chẳng phải lèo lá với ai hết, chẳng phải màu mè gì hết.
Đó là một cái hay hay là cái dở? Tôi không dám tìm một câu kết luận, cũng như đã có một lần ngồi nói chuyện với Tam, anh ngỏ ý rằng cả Nguyễn Hải Thần và Hồ Chí Minh cũng tầm thường như nhau, anh em hỏi tôi nghĩ thế nào, tôi cũng phải tránh né mà không dám đưa ra ý kiến gì về Tam.
Một bức thư không tiền khoáng hậu
Riêng tôi, ngay từ lúc Tam còn dạy học Trường Thăng Long của ông Nguyễn Văn Tòng, ở đầu đường Hàng Cót (Hà Nội), tôi đã có lúc ngờ Tam không có một bộ óc bình thường lắm. Đó là lúc Tam chưa làm báo, mới viết dăm ba truyện ngắn thâu thập vào một cuốn sách in trên giấy bản, bìa bằng giấy “lịnh”, đóng kiểu sách chữ nho bằng lề, lấy tên là Người quay tơ. Bìa cho chính Nguyễn Tường Tam trình bày lấy: ở trên đầu trang bìa, phía tay mặt, trong một khung chữ điền vẽ một cô con gái quay tơ. Văn chương giản dị và trong sáng một cách kỳ lạ. Ai cũng tưởng là một nhà văn viết nên những câu văn như thế thì tâm hồn rất êm ả, bình thản và giản dị; nhưng nếu ai có dịp tiếp xúc với Tam ngay từ hồi đó đều phải nhận “văn của anh không giống như người”. Anh không khiêm nhường như các nhân vật trong truyện, trái lại, nuôi rất nhiều cao vọng – có khi gần như hợm hĩnh và thỉnh thoảng “trong một lúc nổi cơn” anh lại tỏ ra chướng ách, khó chịu và dễ làm cho người ta bực tức.
Tôi còn nhớ một lần có một thiếu phụ, vợ bạn anh, và một người bạn thân khác gặp anh trong một buổi trình bày sách báo ở nhà Khai trí Tiến đức. Vì xã giao, (lúc ấy anh mới ở Pháp về) người bạn trai chạy lại bắt tay anh và nói:
"Tôi nghe thấy anh có nhiều cây thế quý lắm, và có hai ba kiểu phong lan mới ở Nhật gởi về, phải không?"
Nguyễn Tường Tam thản nhiên trả lời bạn thân mà như trả lời một người lạ hỏi thăm đường đi Cẩm Giàng:
"Không biết. Phong lan ở Nhật thì sang Nhật mà hỏi người Nhật xem."
Rồi quay lại chào thiếu phụ, vợ một người bạn khác, một cách rất lạnh lùng “Bác có mạnh khoẻ không?”, thế rồi đi luôn.
Ngay hồi đó, có nhiều người bạn quả quyết là trí óc Tam đã không bình thường rồi, nhưng tôi và mấy người bạn văn của tôi nhất định cho thế là “không được”. Vì thế, sau này, lúc Nguyễn Tường Tam làm Phong hoá, Ngày nay, mà bọn chúng tôi làm Việt nữ, Tương lai, Vịt đực, không một lúc nào hai phe “đi” được với nhau. Vì những chuyện rất không đâu, chúng tôi cũng sanh sự với nhóm Ngày nay, Phong hoá. Đến đây, tôi phải thú thật một điều mà đến tận bây giờ tôi vãn không biết là phải hay trái, là hay hay dở. Lúc ấy, làm báo, chúng tôi nêu một phương châm nhất định là tất cả cái gì của nhóm khác, dù tốt, dù đẹp đến chừng nào, chúng tôi đều thẳng tay phủ nhận, đừng nói là những phe, nhóm chống đối với mình thì nhất định không thể nào thương được, phải đả kích gia rít, cho đối phương không thể cất đầu lên được – kiểu như chủ trương của Cộng sản, bất cứ cái gì của Thế giới Tự do cũng đều phải bác bỏ hết, bất cứ đề nghị gì của Đồng minh cũng đều phải gạt bỏ, không thương tiếc.
Hai nhóm đả kích nhau tơi bời, hết ngày này sang tháng khác. Chúng tôi có một cái lợi là trong bọn chúng tôi có một vài tay nhà báo lão thành, nhiều kinh nghiệm về “nghề chửi” nên dù nhóm Ngày nay có lãnh đạo “chửi” Tứ Ly (tức Hoàng Đạo, tức Nguyễn Tường Long, em ruột Nguyễn Tường Tam), nhóm Nguyễn Tường Tam cũng không thể nào cãi lại. Ấy là chưa nói chúng tôi lại còn nghiên cứu chiến thuật, chiến lược chửi, kéo bè kéo cánh với mấy tờ báo khác (trong đó có tờ Le Travail của Tiến, Phú lúc ấy ra mặt Cộng sản đệ tam quốc tế). Đã vậy, chẳng may cho nhóm Phong hoá lúc ấy lại xảy ra một chuyện không hay, liên quan đến Nguyễn Tường Tam ở Vĩnh Yên, nên chúng tôi càng được thể… Do mấy nguyên nhân đó, một sự kiện ít thấy trong làng báo đã diễn ra: chính Nguyễn Tường Tam đã đích thân viết một bức thư bằng tay đến cho báo Tương lai của chúng tôi, yêu cầu chúng tôi “vì tình đồng nghiệp ngưng mọi cuộc đả kích lại để cùng sống với nhau trong hoà khí”.
Mấy nhà văn mà Nguyễn Tường Tam ghét nhất là ai?
Ngay lúc nhận được thư, có mấy anh em không chịu ngưng bút chiến, muốn tiến tới nữa, nhưng sau nhiều cuộc thảo luận chúng tôi kết luận nên tỏ ra “thông cảm”. Vì thế cuộc bút chiến cắt ngang và từ đó đến khi tan rã báo Ngày nay, Phong hoá chúng tôi không bao giờ trở lại vấn đề chửi nữa.
Riêng tôi, tôi không dám tỏ bày ý kiến gì hết, nhưng trong thâm tâm, tôi quý mến Nguyễn Tường Tam từ đó vì tôi thấy rằng cử chỉ của Tam có vẻ “người lớn” mà “giải quyết vấn đề” như kiểu anh, thật là hay. Nhưng một số bạn hữu khác của tôi không nghĩ thế và chê “Nguyễn Tường Tam hiền lành quá” và tỏ ra rất non tay trong nghề. Theo ý các anh này thì viết một bức thư “cầu hoà” như thế tức là mặc nhiên nhận các tội lỗi mà đối phương đã buộc cho mình, do đó không phải chỉ hại nhất thời mà còn có hại cho cả tương lai nghề báo của mình sau này nữa.
Dẫu sao, việc đó rồi cũng qua đi. Nhưng đối với Nguyễn Tường Tam, việc đó không bao giờ qua đi được. Là vì Nguyễn Tường Tam là một người nguyên tắc: yêu rất yêu, ghét thì rất ghét, khác hẳn Khái Hưng là một anh “xuề xoà”, “thế nào xong thôi”, gần như “ba phải”. Vụ “Tương lai – Phong hoá” còn để lại tàn tích trong đầu óc Nguyễn Tường Tam còn lâu: anh “hoà” với bọn chúng tôi nhưng không bao giờ kết liên lại với tất cả bọn chúng tôi, và nếu có nhà văn, nhà báo nào mà anh ghét nhất có lẽ là Vũ Trọng Phụng và tôi. Không biết anh suy tưởng thế nào mà anh nhìn Vũ Trọng Phụng thấy hoá ra là “một anh chàng nguy hiểm”, còn tôi thì cố nhiên từ lâu anh đã liệt vào hàng “lưu manh” rồi, bởi vì lần đó không phải là lần đầu tiên tôi có chuyện lôi thôi, gây gổ với nhóm Ngày nay, Phong hoá, nhưng ngay từ lúc báo Rạng đông của Nghiêm Xuân Huyến ra đời, do Trúc Đình làm chủ bút và tôi là tổng thư ký, số nào cũng đả kích bọn Nguyễn Tường Tam là “tiểu tư sản” và lôi vụ Thạch Lam, Nguyễn Tường Lân, em ruột của Nguyễn Tường Tam hút thuốc phiện ở nhà Quý xứ Nghệ ra nói “dai như chão rách”.
Nguyễn Tường Tam ghét ai đều có cái đặc điểm đặc biệt là không muốn nói với người ấy, không muốn nhìn người ấy. Bởi vậy có nhiều phen sau này chúng tôi đến toà soạn báo Phong hoá ở đường Hàng Bún, anh có mặt ở nhà mà lẩn mặt đi lên gác, không chịu tiếp. Tôi không bao giờ buồn anh bởi vì tôi cũng tự biết thân mình, không có điểm gì khả dĩ làm cho người ta thương được; lại nữa, tôi cũng tự biết chính mình là một tên lưu manh, tội lỗi ngập trời, bị Nguyễn Tường Tam khinh ghét, cũng là hợp lý, không có cách gì minh xác hay tự bào chữa được. Nhưng tôi nói thực là trong đời tôi, vốn ít ngạc nhiên, tôi đã ngạc nhiên hết sức lúc nghe thấy Nguyễn Tường Tam làm Ngoại trưởng trong chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.
Một phen tiếp xúc với Việt Minh
Tôi ngạc nhiên không phải vì thấy Nguyễn Tường Tam làm chính trị. Từ lúc Nhật thua, Việt Minh xâm nhập Hà Nội để hoạt động chính trị và quân sự, đa số anh em gia nhập hàng ngũ kháng Nhật diệt Pháp, tôi đã biết Nguyễn Tường Tam, sau khi Đặng Văn Hình như và Trương Anh Tự bị giết, đã tiếp xúc mấy lần với Việt Minh nhưng không xong bề nào. Nguyên nhân là vì Nguyễn Tường Tam kiên trì với lý tưởng của mình, không chịu theo cương lĩnh của Mặt trận, tự cho mình là “độc lập”, cứ đòi hoạt động theo ý của mình; thêm nữa lại cho rằng là một nhân vật, một lãnh tụ “không kém Hồ Chí Minh hay Nguyễn Hải Thần”, đòi Việt Minh phải đãi ngộ xứng đáng nên không được anh em kháng chiến chấp nhận vào chính phủ lúc ấy manh nha thành lập.
Đến khi đội quân Lư Hán vào Hà Nội tiếp thu, giải giới quân đội Nhật, tôi làm tờ Trung Việt tân văn, tờ báo chính thức của đoàn Lam Y – cũng như đảng Hắc Long của Nhật – Nguyễn Hải Thần và Lư Hán bàn đưa tôi lên thủ một vai trò trong chính phủ Liên hiệp hay giữ một ghế trong Quốc hội, tôi gặp Nguyễn Tường Tam lần nữa ở Hàng Bông và tôi còn nhớ đó là một buổi chiều, hai đứa chúng tôi cùng xem một bức hình lớn chụp Hồ Chí Minh ôm lấy Nguyễn Hải Thần, nước mắt ròng ròng.
Nguyễn Tường Tam không nói gì với tôi hết, nhưng mấy hôm sau thì các báo loan tin Nguyễn Tường Tam giữ chức Ngoại trưởng trong chính phủ. Tôi ngạc nhiên chính là vì nghe thấy Nguyễn Tường Tam làm Bộ trưởng Ngoại giao. Lúc đó, tôi đặt hai giả thuyết: một là Nguyễn Tường Tam là một nhà ngoại giao lành nghề mà giữ bí mật tuyệt đối nên tôi không biết; hai là Việt Minh giỏi quá, đã đưa Nguyễn Tường Tam vào chức vụ đó để “đốt cháy” Nguyễn Tường Tam. Chỉ một ít lâu sau, thực tế cho tôi thấy hết cả sự thực phũ phàng: không cứ Bộ Ngoại giao chẳng làm được trò trống gì với Việt Minh, mà tất cả các đảng tham gia chính phủ liên hiệp đều bị “đi đoong” hết. Nguyễn Tường Tam, với nguyên tắc sống trắng phải ra trắng, đen phải ra đen, yêu nói là yêu, ghét nói là ghét, đã bị thất vọng vì không được đặt vào đúng chỗ: anh không sinh để làm ngoại giao, hơn thế, anh không phải sinh để làm chính trị, mặc dầu anh yêu nước như ai.
Chỗ đứng của Tam là làng văn
Rất có thể tôi lầm, nhưng cho tới lúc viết những dòng này, tôi vẫn yên trí Nguyễn Tường Tam chỉ là một nhà văn, và chỉ là một nhà văn thôi. Nguyễn Tường Tam là một nhà khoa học, một hoạ sĩ, một nhạc sĩ, một nhà văn, một nhà phóng sự, một nhà báo, nhưng cái “mạnh” của anh vẫn là nghề văn. Cái tài thổi saxophone của anh, cũng như tài đánh đàn thập lục của Thạch Lam, Nguyễn Tường Lân, chỉ là một cái tài hoa phụ và tôi lại nói thêm rằng: Nguyễn Tường Tam, có cái tài làm cho báo Phong hoá chạy một thời không hẳn đã là một nhà báo sành sõi và lão luyện.
Theo tôi – và tôi nhắc lại rằng đây là ý kiến mọn của tôi – cái tài làm cho Phong hoá, Ngày nay chạy một thời, một phần lớn là do Hoàng Đạo, tức Tứ Ly Nguyễn Tường Long. Thêm nữa, Nguyễn Tường Tam, đứng về phương diện nhà báo, không tỏ ra là một người tháo vát, có thể viết được nhiều đề mục. Phải nhận là anh có sáng kiến về các đề tài, về những vấn đề cần viết và nên viết, nhưng theo các cộng tác viên kế cận nhất của anh hiện nay còn sống, như Trọng Lang Trần Tán Cửu, thì chính làm tờ báo hoạt kê trào phúng mà Nguyễn Tường Tam không viết được hoạt kê. Đến lúc ra mặt chống Việt Minh, làm báo Việt Nam ở Ngũ Xã, anh có viết một ít bài tham luận, chính trị, như “Việt Nam phải có một đạo binh mạnh”… nhưng tựu trung không có gì nổi bật lắm về tư tưởng hay chính trị.
Nói như thế, không phải để hạ thấp danh tiếng của Nguyễn Tường Tam, nhưng chính là để đề cao một đức tính căn bản của anh là chân thành yêu nước, thực thà có một, không mưu thuật, không ma đầu, lúc nào cũng tin tưởng là ai cũng tốt và cũng chân thật như mình. Mà làm chính trị và làm báo thì chỉ có đức tính ấy, không thể nào đủ được. Có lẽ một phần lớn vì thế, anh đã bị đau buồn khi nhận một chức vị trong chính phủ liên hiệp đầu tiên của Việt Nam làm cho anh phải trôi nổi sang Tàu, nhai một khối đau buồn uất hận vô tuyệt kỳ và cũng chính vì thế mà bịnh ưu uất của anh nặng thêm lên.
Bịt mũi lại uống rượu
Trong thời kỳ này, tôi ít được tin tức của anh, nhưng theo lời những bạn hữu trong Việt Nam Quốc dân Đảng và Đại Việt Dân chính, tức là đảng do chính anh thành lập, thời kỳ anh ở Tàu không có mấy ngày yên vui, đầy đủ.
Nguyễn Tường Tam người gầy, hơi cao, đi đứng khoan thai, từ tốn; thoạt trông ai cũng tưởng anh là một người nhàn nhã, phong lưu. Thực ra, anh không phải là một người sung sướng, nhàn nhã như người ta vẫn tưởng, nhưng là một người “đa bất mãn hoài”, nuôi cao vọng mà không đạt được phần nào; thêm nữa lại mang một thứ bệnh thần kinh (neurasthénie) luôn luôn ở trong người nên ngày vui tương đối ít. Nhưng anh là một người cương quyết và có ý chí. Trước khi có biến thiên làm đảo lộn nước ta, Nguyễn Tường Tam sống một cuộc đời “chân chỉ” không rượu chè, không thuốc sái, không trai gsai, không cờ bạc, nhưng sau những thất bại chán chường trên trường chính trị, Nguyễn Tường Tam đam mê chè rượu.
Nói là đam mê, có lẽ không đúng. Muốn cho đúng, phải nói rằng đầu óc anh suy yếu đi, ý chí do đó kém sút nên Nguyễn Tường Tam đã phải dùng rượu để giết cái buồn “thiên vạn cổ”. Bây giờ những người bạn từng lưu vong với anh ở đất Tàu, hiện nay còn sống, kể chuyện rằng trong thời kỳ ấy có khi anh nằm lì mười ngày, nửa tháng, không buồn trò chuyện với ai, mà cũng chẳng bước đi đâu hết. Sự đau khổ nhất đời anh là không ngủ được, do đó anh phải dùng rượu để uống cho say, hoạ may say quá thì đỡ nghĩ xa nghĩ gần, mà chính là cũng để mong rằng say quá, say mèm đi thì ngủ được. Vì tính toán như thế, anh mới bắt đầu uống rượu và bắt đầu uống là uống nhiều ngay. Anh em thân của Tam cho biết lúc ở Tàu, trời lạnh, Tam thường mua từng bát ô tô rượu để uống, nhưng vì rượu nhiều quá, mà lại nặng nên anh phải bịt mũi, nhắm mắt lại để uống như đàn bà, con trẻ sợ thuốc Bắc mà cứ phải nhắm mắt, bịt mũi lại để uống cho xong chuyện…
Nguyễn Tường Tam bắt đầu ghiền rượu và hút nhiều thuốc lá đen từ đó, nhưng cũng từ đó bệnh neurasthénie của anh nặng hơn lên. Đến lúc vào Nam, bệnh của anh đã vào thời kỳ nặng, mặc dù anh vẫn đi lại, viết lách như thường. Bởi vì anh có những phút sáng suốt nhưng thường một ngày, có nhiều lúc đã nói năng lẫn lộn một cách nặng gấp mười, gấp hai mươi lần nằm thổi saxophone ở một cái đồn điền nọ tại Vĩnh Yên. Chính trong thời kỳ “tái xuất giang hồ” làng báo ở miền Nam, có người đã thấy Nguyễn Tường Tam lúc như si, như dại. Người ta thuật rằng có một lần có anh bạn rất thân tìm anh để báo cho anh biết một người thân của anh mới qua đời. Nguyễn Tường Tam thản nhiên trả lời: “Chết bỏ!” rồi nằm nhìn lên xà nhà, mở mắt trừng trừng, không nói năng gì thêm nữa.
Truyện “Săn vịt” và chuyện “Le Horla”
Có nhiều người lấy làm lạ sao bệnh Nguyễn Tường Tam kéo dài trong nhiều năm như thế mà anh vẫn viết lách như thường và sản xuất được nhiều tác phẩm văn chương đánh dấu một thời kỳ văn học phồn thịnh ở nước ta. Hỏi như thế, nhiều người không trả lời được. Tôi cũng không hiểu, nhưng có nhiều khi suy nghĩ đến “trường hợp Nguyễn Tường Tam”, tôi lại sực nhớ đến cuốn Le Horla của Guy de Maupassant cực tả lúc nhà văn này lâm vào thời kỳ điên nặng, bất cứ lúc thức hay lúc ngủ, lúc mở mắt hay nhắm mắt, thấy hiện ra những ám ảnh, những hình bóng dị kỳ làm cho ông ta sống trong một thế giới lạ lùng ma quái, mở mắt mà nói chuyện với những người trong thế giới lạ lùng kia nhưng chính tai mình nghe thấy và ngay lúc ấy biết là mình nói mớ – mà không thể nào tự ngăn cản không cho mình nói.
Các nhà viết văn học sử Pháp cho là Maupassant bị một thứ bệnh tình làm hại đến thần kinh, thêm vào đó, Maupassant lại rượu chè bê bối và mất ngủ. Tôi không biết bệnh của Nguyễn Tường Tam có điểm nào và có một vài nguyên nhân nào giống bệnh của Guy de Maupassant không, nhưng tôi thấy có một điểm hai nhà văn này giống nhau: cuốn Le Horla không phải là cuốn truyện chót của Guy de Maupassant. Nói một cách khác, Guy de Maupassant bị si mê rồi, nhưng cứ viết, mà viết không lẫn lộn, trái lại, lại có những phút xuất thần, văn chương biến hoá, hay một cách cực kỳ quái ác.
Đối với Nguyễn Tường Tam, tôi cũng thấy anh lúc vào Nam đã viết một thứ Le Horla, Guy de Maupassant tả nhiều về những ám ảnh của mình, còn trong truyện “Săn vịt” thì Nguyễn Tường Tam đặt nặng vấn đề trạng thái tinh thần của một người nuôi nhiều giấc mơ đẹp, tính nhiều chuyện cao xa, nhưng vì bị dồn ép quá nên lòng khô héo đi, chết dần đi. Thế rồi có một hôm người ấy gặp một người đàn bà đẹp đúng như ước vọng của mình: anh ta liều và tưởng chừng như có thể làm mọi điều càn dỡ… Nhưng nghĩ là một chuyện mà thực hành lại là chuyện khác. Nếu phải Thạch Lam viết chuyện này, ta có thể yên trí là người săn vịt sẽ liều… để cho thoả mộng ước mơ, nhưng Nguyễn Tường Tam thì khác: đến lúc quyết định, anh vẫn cố kìm hãm lòng ước muốn và cứ kìm hãm cả đời như thế thì khỏi phải nói, bệnh ưu uất của anh đưa anh đến đâu không phải là chuyện lạ.
Nguyễn Tường Tam, một nhà văn không may mắn
Bây giờ, đôi khi ngồi nhớ đến Nguyễn Tường Tam, tôi ưa nghĩ rằng anh chiếm được một địa vị cao cả trong văn học sử Việt Nam có lẽ cũng vì những sự kềm ép đó, bệnh hoạn đó, bất mãn đó. Bởi vì, dưới mắt tôi, Nguyễn Tường Tam, dưới cái bề ngoài lịch sự, đàng hoàng, nhàn nhã, chỉ là một người chung thân bất mãn: bất mãn trên cương vị con người, bất mãn trên lĩnh vực chính trị, bất mãn vì yêu, bất mãn vì tình cảm gia đình mà có lúc anh đã than là “ước muốn không có cái nào thành tựu”.
Như trên kia đã nói, anh là một người đa tài, đa cảm, nhưng tựu trung đến lúc hai tay buông xuôi thì xét ra cũng chẳng được đắc ý điểm nào. Duy có một điểm, mặc dù không được anh thừa nhận, nhưng được đa số anh em chịu là đúng, đó là anh đã thành công một cách vẻ vang trong ngành tiểu thuyết. Dù đứng về phía nào cũng vậy, dù mang màu sắc chính trị nào cũng thế, không ai phủ nhận cái tài viết tiểu thuyết của Nguyễn Tường Tam và đều phải nhận, trên lĩnh vực tiểu thuyết, kể cả truyện dài, truyện ngắn, truyện vừa, Nguyễn Tường Tam là một tên tuổi đánh dấu một giai đoạn phồn thịnh của loại tiểu thuyết dành cho giai cấp tiểu tư sản – một giai cấp lưng chừng, bất mãn với chế độ thực dân thống trị nhưng không được nhiều thông cảm của giai cấp vô sản, bần cùng – mặc dầu lãnh tụ của nhóm Phong hoá, Ngày nay là Tứ Ly Nguyễn Tường Long đã tìm các cách để giành lấy tình cảm của những đồng bào sống ở nơi “bùn lầy nước đọng”.
Mặc dù vậy, Nguyễn Tường Tam vẫn được coi là một nhà tiểu thuyết sâu sắc, cảm hoá được nhiều người nhất, bất kể ở giai tầng xã hội nào. Riêng tôi, tôi yêu văn anh và mến phục anh từ lúc đọc Người quay tơ, trong đó có chuyện người nông phu mất đất cho điền chủ, chiều chiều đứng ở dưới này trông lên nói thầm “Ấy chó ông chủ, ấy đèn ông chủ”. Sau này, còn nhiều truyện ngắn kchs của Nguyễn Tường Tam chiếm được cảm tình của tôi, như chuyện cô gái diên muốn tận hưởng cuộc đời..., nhưng sâu sắc và làm cho tôi cảm động thiết tha nhất, ấy là truyện “Nhặt lá bàng” và sau này là truyện “Săn vịt” đăng trên Văn hoá ngày nay.
Đặc biệt của văn Nguyễn Tường Tam, theo tôi, là sự trong sáng (pureté), gọn gàng. Văn của Thạch Lam Nguyễn Tường Lân cũng có đặc điểm ấy, nhưng nếu tôi được phép ví von một chút, tôi sẽ ví văn của Thạc Lam với một trinh nữ trời cho đẹp, còn văn Nguyễn Tường Tam thì như một thiếu phụ đa tình đau khổ nhiều hơn nhưng hiểu biết hơn, mà lòng cũng “lắng” xuống sâu hơn.
Trông thì kiểu cách, nhưng sống đơn giản lạ
Cũng như người thiếu phụ đau khổ nhiều mà lòng “lắng” xuống nhiều, Nguyễn Tường Tam không giới ý nhiều đến ngoại cảnh – kể cả về vật chất lẫn tâm tình. Dưới cái bề ngoài lịch sự, đi đứng đàng hoàng, nhiều người tưởng anh là một người cầu kỳ, khó tính, nhưng theo chỗ biết của riêng tôi, anh sống đơn giản hết sức, gần như không thèm lưu ý đến ngoại cảnh làm gì.
Có nhiều đêm, ngồi vò võ trên gác toà báo Ngày nay ở đầu đường Hàng Bún, người ta thấy anh mặc một cái sơ-mi rách từ vai đến giữa lưng – mà mặc như thế luôn mấy ngày. Riêng Trọng Lang Trần Tán Cửu kể lại rằng anh đi một đôi giày rất tàng, đã bạc cả màu; Cửu hỏi thì anh đáp: “Ba năm rồi không đánh kem! Mà đánh làm gì vì mấy ngày nó lại dơ như thường!”.
Nguyễn Tường Tam sống gần như vô tình với mọi người, nhưng anh mê say nghề một cách kỳ lạ, có lẽ ít nhà văn nhà báo say mê với nghề đến thế. Mỗi khi viết một truyện ngắn, truyện dài, anh suy nghĩ lao tâm khổ trí, nhưng đến lúc truyện thành hình ở trong óc rồi, anh vẫn chưa bằng lòng, anh đem ra trình bày với anh em trong nhà, hội ý rất cẩn thận để suốt đời nhiều lần nữa rồi mới viết. Cũng như tất cả các nhà văn viết tiểu thuyết đăng báo, anh không viết cuốn nào một lúc, nhưng viết từng kỳ để đăng, hết kỳ nào viết tiếp kỳ ấy – nhưng Nguyễn Tường Tam viết mà đã có sẵn dàn bài rồi, chứ không như Vũ Trọng Phụng viết đến đâu lại xoay câu chuyện đến đó, tuỳ theo cảm hứng; hay như Lê Văn Trương viết một hơi hết một truyện dài nhưng viết từng tập, tuỳ theo cảm hứng rồi đem những tập ấy chập lại với nhau thành truyện. Có sẵn dàn bài rồi, Nguyễn Tường Tam viết tương đối dễ dàng hơn Khái Hưng. Có một lần nhìn vào một bản thảo của Khái Hưng, người ta thấy anh viết ở đầu trang một chữ “Gia đình”, ở cuối trang một chữ “người con gái đẹp” và ở giữa trang một dòng: “Trời ơi, biết viết gì đây, hở Trời?”.
Nguyễn Tường Tam không có những phút thất vọng một cách ồn ào như thế. Tương đối anh kín đáo hơn và trầm tĩnh hơn. Chưa biết viết gì thì anh ôm đầu, cắn bút, không nói không năng, nhưng đã mở đầu được rồi thì anh viết quên chết, viết say sưa quên cả trời hửng sáng lúc nào không biết. Lúc bắt đầu làm tờ Ngày nay loại đẹp, chuyên về điều tra phóng sự, do Nguyễn Tường Cẩm làm chủ nhiệm, người ta đã từng thấy Nguyễn Tường Tam thức thâu đêm để ma-két, cắt hình này dán vào hình kia làm “photo montage”. Nhưng báo không mấy chạy, Nguyễn Tường Tam lại một phen lao tâm khố trí tìm kiếm cách cứu tờ báo. Nguyễn Tường Lân thay Nguyễn Tường Cẩm chỉ huy tờ Ngày nay. Nhưng lần này cũng không may mắn hơn lần trước: Ngày nay phải tạm đình bản để sau này ra với một thể tài khác, bình dân hơn và cũng phổ cập hơn. Có thể nói Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long là “linh hồn của nhóm Ngày nay”, nhưng người lèo lái cho các báo Ngày nay, Phong hoá và Tự Lực Văn Đoàn sống và phồn thịnh, người ấy chính là Nguyễn Tường Tam vậy.
Tin ở mình, nhưng cũng tin ở số tử vi
Nguyễn Tường Tam là một người hành động, một người làm việc cần cù, tin ở tài mình, ở khả năng mình, tin ở cố gắng của mình. Chính một phần vì thế mà anh đã thành công trong việc xây dựng Tự Lực Văn Đoàn, nhưng Nguyễn Tường Tam, nhà khoa học, có khi lại không tin hoàn toàn nơi óc khoa học và tổ chức khoa học của anh.
Nhưng không như Nguyễn Tường Long hay Võ Đức Diên đi theo thầy Ngô Hùng Diễn để học về tướng số (Nguyễn Tường Long học tướng số được ngót ba năm thì bị bắt), Nguyễn Tường Tam mỗi khi có công việc gì khó giải quyết, bị thắc mắc trong lòng, thường hay nhờ các anh em tướng số xem giùm “xem ra thế nào”.
Bây giờ các bạn còn sống của anh thường hay nhắc đến một bữa cơm có mặt Võ Đức Diên, Trần Tán Cửu và Nguyễn Tường Tam, cả ba cùng tuổi Bính Ngọ (năm nay 65 tuổi âm lịch) nhờ một người bạn quen xem tướng số. Nhà tướng số nói rằng tuổi đó, mà sinh vào những ngày giờ nói trên, chết không mấy an nhàn, có khi lại gặp những sự hiểm nghèo ghê gớm. Chính vì thế, cần “sửa tướng”, và cũng vì thế nên lúc nào Võ Đức Diên cũng mặc quần áo đen, cạo đầu trọc. Nhà tướng số khuyên Trần Tán Cửu (Trọng Lang) để râu, Trọng Lang cũng theo răm rắp, để râu ria xồm xoàm, che cả mồm cả mũi “để tránh tai nạn”, thêm vào đó lại đeo kính trắng, gọng cũng trắng luôn. Còn Nguyễn Tường Tam thì nhà tướng số khuyên nên để râu và suốt đời một vài thứ khác nữa, nhưng dường như Tam chỉ “nghe theo” có một nửa – nghĩa là để tí ti râu và chỉ để râu thôi – nên về sau này nhà tướng số nghe thấy tin anh dùng độc dược quyên sinh cứ vỗ đùi đen đét than trời “Nếu mà nghe tôi thì đâu đến nông nỗi này!”.
Chẳng biết nhà tướng số đại tài khi tuyên bố như thế thì có thành thật với chính lòng mình không, chớ riêng các bạn thì tuy không nói ra miệng nhưng hầu hết đều có ấn tượng Tam sẽ không được an nhàn, êm ả khi chung cục. Là vì Nguyễn Tường Tam đã bị sai lệch về thần kinh, sau này lại uống rượu nhiều quá độ, ai cũng sợ có một ngày nào đó anh bị trúng phong mà khuỵu xuống một cách bất kỳ, bất đắc. Thêm vào đó, các tay nhậu nhẹt lại có kinh nghiệm này: phàm những người uống rượu nhiều mà nói nhiều, chỉ ba hoa tợn chớ ít khi có những cử chỉ, hành vi đáng tiếc hay ghê gớm; trái lại, những người uống nhiều mà cứ lì ra không nói thường hay có những quyết định khác thường, đáng sợ và vô phương cứu vãn.
Nhưng mà thôi, bây giờ nắp ván thiên đã đậy lại rồi, phân tích gì về cái chết của anh và bàn luận đến mấy đi nữa về cách chết cũng là vô ích. Chỉ biết rằng Nguyễn Tường Tam lúc sống đã làm “nổi đình đám” trong làng báo; đến lúc về già, cái chết của anh đã gây sôi nổi trong làng văn bút một cách rất thấm thía, sâu xa. Nguyễn Tường Tam đã bỏ các bè bạn ra đi một cách khác thường. Ngồi tính đốt ngón tay thì trước anh và cho đến bây giờ, chưa có văn nhân, ký giả nào đã gây một “xúc động tâm lý” gớm ghê như thế trong lúc từ biệt cõi đời đau khổ này, Nguyễn Tường Tam quả là một “cây lì” đã biết nghiên cứu và chọn lọc cách chết để chống lại độc tài áp bức.
Nếu có gặp Stefan Zweig trên Thiên đường…
Tội nghiệp, cả một cuộc đời bất mãn, đến già vẫn bất mãn như thường, Nguyễn Tường Tam tuy vậy cũng đã có một cái may lúc chết: anh đã thi hành được đúng yêu mến của mình và ở dưới suối vàng gặp Stefan Zweig, chắc anh cũng phải vui cười mà bắt tay nhà văn Đức này và cả hai cùng cả cười vì lẽ “anh hùng tương ngộ”.
Stefan Zweig, tác giả nhiều truyện nổi tiếng như Thư cho người không quen biết, Tình thương nguy hiểm, Người bán sách cũ, Hai mươi bốn tiếng đồng hồ trong đời một người đàn bà… là một nhà văn Do Thái sinh đẻ và lớn lên ở Đức. Chẳng may cho ông là lúc văn tính của ông được sáng chói trên trời Âu thì Hitler nổi lên mắc vào cổ nước Đức cái vàm phát-xít, độc tài, tàn sát người Do Thái.
Stefan Zweig và Nguyễn Tường Tam có điểm này giống nhau: trước hành động vô nhân đạo, cả hai cùng đứng lên chống đối. Nhưng Stefan Zweig chống đối mà bỏ đi ra nước ngoài, còn Nguyễn Tường Tam thì nhất định không chịu rời bỏ quê hương đất nước.
Thế rồi cả hai cùng áp dụng một cái chết thụ động nhưng oanh liệt ngang nhau: Stefan Zweig cùng vợ đi một con tàu sang chơi Nam Mỹ và ở ngay trên tàu, hai vợ chồng ông cầm hai cây súng bắn vào đầu tự tử. Nguyễn Tường Tam, đến khi chết, vẫn không quên cá tính dân tộc: lúc sống đã trầm lặng thì lúc chết cũng trầm lặng luôn. Anh đã dùng độc dược pha vào rượu mạnh để uống và đã đi nhẹ nhàng, êm ái như đi ngủ, sau khi viết lại một bức thế lên án chế độ Ngô gia với những câu cũng nhẹ nhàng, êm ái như thế nhưng làm cho cả nước xấu xa anh và uất hận Ngô gia gấp trăm vạn lần.
Nguyễn Tường Tam, nhà văn đa bất mãn hoài, riêng một lần này, có lẽ đã được toại ý vì đã thăng trên một điểm chính trị chống bạo tàn, áp bức.
Không có vụ này, cái tên Nguyễn Tường Tam cũng đã đi vào văn học sử, nhưng có thêm vụ này, văn học sử Việt Nam lại càng nổi bật hơn vì đời nào, thế hệ nào những nhà văn, “những con người bị đời coi là không thực tế, những con người bị bạc đãi, những con người bị xã hội quên lãng, coi thường” cũng biết cách sống cho nhân dân, chết vì nhân dân, mà không hề than thở cho ai biết.
Nguồn: Văn. Tập san Văn chương – Tư tưởng – Nghệ thuật. Năm thứ Bảy, số 156, ra ngày 15 tháng 6 năm 1970.
Hoài niệm Nhất Linh
Vũ Bằng
Nguyễn Tường Tam, một nhà văn “đa bất mãn hoài”
Hình như sự thể đó đã thành ra công lệ. Cái công lệ ấy là phàm viết hồi ký, để tưởng nhớ một người bạn đã khuất, người viết chỉ nhắc đến những cái hay, cái đẹp của bạn chớ ít dám nghĩ đến chuyện phanh phui cái dở hay cái kém của bạn mình ra. Thiết tưởng đó là một lẽ thường. Ngày xưa, có người hỏi Đức Khổng: “Nếu chẳng may người sinh ra ngài phạm tội nặng, phải tố cáo thì ngài có tố cáo cha không?”. Đức Khổng, không cần suy nghĩ, trả lời: “Không. Tôi tố cáo người khác chớ không tố cáo người sinh đẻ ra tôi”.
Tưởng nhớ đến một người bạn thân mà giấu cái dở, cái kém của bạn đi, cũng là một điều hợp tình hợp lý, không nên chê trách. Viết hồi ký các anh em văn bút, hoặc đương ở xa, hoặc là đã mất, tôi vẫn quan niệm như thế; nhưng ở trường hợp Nguyễn Tường Tam, tôi muốn thành thực hơn thường lệ, đối với chính anh Tam và ngay cả chính với tôi, bởi vì một lẽ dễ hiểu: Nguyễn Tường Tam là một người đặt sự thành thật lên trên hết và sinh thời không tha thứ cho bất cứ một cái gì đậy điệm, giấu giếm hay phết sơn ra ngoài để lấy sự hào nhoáng mà làm mờ mắt người ta, cho người ta không lưu ý đến sự thối tha ở bên trong.
Không thể nói đến là trắng, bảo trắng là đen
Thực tình, tôi không phải là bạn thân của Nguyễn Tường Tam. Sinh vào cùng một thời, làm cùng một nghề văn chương báo chí, tôi chỉ có dịp gặp Nguyễn Tường Tam tại báo Ngày nay, Phong hoá và trong những buổi họp mặt lúc phát động phong trào “Nhà ánh sáng”, rồi sau này, tại trụ sở báo Việt Nam của Việt Nam Quốc dân Đảng ở Ngũ Xã và trong các buổi họp với cụ Nguyễn Hải Thần – lúc ấy tôi làm báo cho quân đội Lư Hán sang Việt Nam tiếp thu quân đội Nhật hoàng thua trận… Nếu muốn tỏ ra thành thật với bạn đọc, với chính tôi và với anh hồn của người đã khuất, tôi phải nói thẳng ra rằng tôi không có cảm tình đặc biệt với Nguyễn Tường Tam. Lý do? Tôi không thể nào giải thích được. Mà điều tôi có thể chắc chắn là chính Nguyễn Tường Tam cũng không có cảm tình đặc biệt với tôi.
Nhưng nếu chỉ có như thế thời không có gì đặc biệt. Đặc biệt là mặc dầu biết là người ta không có cảm tình với mình, phần đông chúng ta vẫn thường, vì vấn đề giao tế, làm như không biết và cứ cư xử như thường. Nếu gặp những người “chính trị cao” thì càng như thế lại càng làm ra mặt vồn vã, thân mật để rồi sau này có cơ hội thì lợi dụng được người bạn ấy để hướng vào những mục tiêu của mình đã định. Có lẽ chính vì tiêu chuẩn đó mà những nhà làm chính trị chủ trương không giết kẻ địch của mình, có khi, trái lại, lại nuôi dưỡng nữa.
Nguyễn Tường Tam không thế: anh là một cây thành thật, không thể giả dối, không thể đóng trò, yêu thì yêu ra mặt và ghét ai thì cũng ghét ra mặt, chớ không thể ghét mà bảo là yêu, thấy đen mà nói là trắng, thấy cây trò, cây chẩu mà bảo là vàng tâm. Sau này, tiếp xúc nhiều hơn với Nguyễn Tường Tam – nhất là từ sau khi Nhật tới đây rồi thất trận – và nhân có dịp “khai luận” về Tam, tôi thấy rằng anh thành thật một cách ghê gớm như thế, không phải hoàn toàn vì thiên bẩm, nhưng vì một lẽ khác: anh tự tin quá nơi mình. Nguyễn Tường Tam cho mình có tài, có học mà lại có đạo đức thì “thiên hạ phải dùng đến mình”, chẳng sợ ai hết, chẳng phải lèo lá với ai hết, chẳng phải màu mè gì hết.
Đó là một cái hay hay là cái dở? Tôi không dám tìm một câu kết luận, cũng như đã có một lần ngồi nói chuyện với Tam, anh ngỏ ý rằng cả Nguyễn Hải Thần và Hồ Chí Minh cũng tầm thường như nhau, anh em hỏi tôi nghĩ thế nào, tôi cũng phải tránh né mà không dám đưa ra ý kiến gì về Tam.
Một bức thư không tiền khoáng hậu
Riêng tôi, ngay từ lúc Tam còn dạy học Trường Thăng Long của ông Nguyễn Văn Tòng, ở đầu đường Hàng Cót (Hà Nội), tôi đã có lúc ngờ Tam không có một bộ óc bình thường lắm. Đó là lúc Tam chưa làm báo, mới viết dăm ba truyện ngắn thâu thập vào một cuốn sách in trên giấy bản, bìa bằng giấy “lịnh”, đóng kiểu sách chữ nho bằng lề, lấy tên là Người quay tơ. Bìa cho chính Nguyễn Tường Tam trình bày lấy: ở trên đầu trang bìa, phía tay mặt, trong một khung chữ điền vẽ một cô con gái quay tơ. Văn chương giản dị và trong sáng một cách kỳ lạ. Ai cũng tưởng là một nhà văn viết nên những câu văn như thế thì tâm hồn rất êm ả, bình thản và giản dị; nhưng nếu ai có dịp tiếp xúc với Tam ngay từ hồi đó đều phải nhận “văn của anh không giống như người”. Anh không khiêm nhường như các nhân vật trong truyện, trái lại, nuôi rất nhiều cao vọng – có khi gần như hợm hĩnh và thỉnh thoảng “trong một lúc nổi cơn” anh lại tỏ ra chướng ách, khó chịu và dễ làm cho người ta bực tức.
Tôi còn nhớ một lần có một thiếu phụ, vợ bạn anh, và một người bạn thân khác gặp anh trong một buổi trình bày sách báo ở nhà Khai trí Tiến đức. Vì xã giao, (lúc ấy anh mới ở Pháp về) người bạn trai chạy lại bắt tay anh và nói:
"Tôi nghe thấy anh có nhiều cây thế quý lắm, và có hai ba kiểu phong lan mới ở Nhật gởi về, phải không?"
Nguyễn Tường Tam thản nhiên trả lời bạn thân mà như trả lời một người lạ hỏi thăm đường đi Cẩm Giàng:
"Không biết. Phong lan ở Nhật thì sang Nhật mà hỏi người Nhật xem."
Rồi quay lại chào thiếu phụ, vợ một người bạn khác, một cách rất lạnh lùng “Bác có mạnh khoẻ không?”, thế rồi đi luôn.
Ngay hồi đó, có nhiều người bạn quả quyết là trí óc Tam đã không bình thường rồi, nhưng tôi và mấy người bạn văn của tôi nhất định cho thế là “không được”. Vì thế, sau này, lúc Nguyễn Tường Tam làm Phong hoá, Ngày nay, mà bọn chúng tôi làm Việt nữ, Tương lai, Vịt đực, không một lúc nào hai phe “đi” được với nhau. Vì những chuyện rất không đâu, chúng tôi cũng sanh sự với nhóm Ngày nay, Phong hoá. Đến đây, tôi phải thú thật một điều mà đến tận bây giờ tôi vãn không biết là phải hay trái, là hay hay dở. Lúc ấy, làm báo, chúng tôi nêu một phương châm nhất định là tất cả cái gì của nhóm khác, dù tốt, dù đẹp đến chừng nào, chúng tôi đều thẳng tay phủ nhận, đừng nói là những phe, nhóm chống đối với mình thì nhất định không thể nào thương được, phải đả kích gia rít, cho đối phương không thể cất đầu lên được – kiểu như chủ trương của Cộng sản, bất cứ cái gì của Thế giới Tự do cũng đều phải bác bỏ hết, bất cứ đề nghị gì của Đồng minh cũng đều phải gạt bỏ, không thương tiếc.
Hai nhóm đả kích nhau tơi bời, hết ngày này sang tháng khác. Chúng tôi có một cái lợi là trong bọn chúng tôi có một vài tay nhà báo lão thành, nhiều kinh nghiệm về “nghề chửi” nên dù nhóm Ngày nay có lãnh đạo “chửi” Tứ Ly (tức Hoàng Đạo, tức Nguyễn Tường Long, em ruột Nguyễn Tường Tam), nhóm Nguyễn Tường Tam cũng không thể nào cãi lại. Ấy là chưa nói chúng tôi lại còn nghiên cứu chiến thuật, chiến lược chửi, kéo bè kéo cánh với mấy tờ báo khác (trong đó có tờ Le Travail của Tiến, Phú lúc ấy ra mặt Cộng sản đệ tam quốc tế). Đã vậy, chẳng may cho nhóm Phong hoá lúc ấy lại xảy ra một chuyện không hay, liên quan đến Nguyễn Tường Tam ở Vĩnh Yên, nên chúng tôi càng được thể… Do mấy nguyên nhân đó, một sự kiện ít thấy trong làng báo đã diễn ra: chính Nguyễn Tường Tam đã đích thân viết một bức thư bằng tay đến cho báo Tương lai của chúng tôi, yêu cầu chúng tôi “vì tình đồng nghiệp ngưng mọi cuộc đả kích lại để cùng sống với nhau trong hoà khí”.
Mấy nhà văn mà Nguyễn Tường Tam ghét nhất là ai?
Ngay lúc nhận được thư, có mấy anh em không chịu ngưng bút chiến, muốn tiến tới nữa, nhưng sau nhiều cuộc thảo luận chúng tôi kết luận nên tỏ ra “thông cảm”. Vì thế cuộc bút chiến cắt ngang và từ đó đến khi tan rã báo Ngày nay, Phong hoá chúng tôi không bao giờ trở lại vấn đề chửi nữa.
Riêng tôi, tôi không dám tỏ bày ý kiến gì hết, nhưng trong thâm tâm, tôi quý mến Nguyễn Tường Tam từ đó vì tôi thấy rằng cử chỉ của Tam có vẻ “người lớn” mà “giải quyết vấn đề” như kiểu anh, thật là hay. Nhưng một số bạn hữu khác của tôi không nghĩ thế và chê “Nguyễn Tường Tam hiền lành quá” và tỏ ra rất non tay trong nghề. Theo ý các anh này thì viết một bức thư “cầu hoà” như thế tức là mặc nhiên nhận các tội lỗi mà đối phương đã buộc cho mình, do đó không phải chỉ hại nhất thời mà còn có hại cho cả tương lai nghề báo của mình sau này nữa.
Dẫu sao, việc đó rồi cũng qua đi. Nhưng đối với Nguyễn Tường Tam, việc đó không bao giờ qua đi được. Là vì Nguyễn Tường Tam là một người nguyên tắc: yêu rất yêu, ghét thì rất ghét, khác hẳn Khái Hưng là một anh “xuề xoà”, “thế nào xong thôi”, gần như “ba phải”. Vụ “Tương lai – Phong hoá” còn để lại tàn tích trong đầu óc Nguyễn Tường Tam còn lâu: anh “hoà” với bọn chúng tôi nhưng không bao giờ kết liên lại với tất cả bọn chúng tôi, và nếu có nhà văn, nhà báo nào mà anh ghét nhất có lẽ là Vũ Trọng Phụng và tôi. Không biết anh suy tưởng thế nào mà anh nhìn Vũ Trọng Phụng thấy hoá ra là “một anh chàng nguy hiểm”, còn tôi thì cố nhiên từ lâu anh đã liệt vào hàng “lưu manh” rồi, bởi vì lần đó không phải là lần đầu tiên tôi có chuyện lôi thôi, gây gổ với nhóm Ngày nay, Phong hoá, nhưng ngay từ lúc báo Rạng đông của Nghiêm Xuân Huyến ra đời, do Trúc Đình làm chủ bút và tôi là tổng thư ký, số nào cũng đả kích bọn Nguyễn Tường Tam là “tiểu tư sản” và lôi vụ Thạch Lam, Nguyễn Tường Lân, em ruột của Nguyễn Tường Tam hút thuốc phiện ở nhà Quý xứ Nghệ ra nói “dai như chão rách”.
Nguyễn Tường Tam ghét ai đều có cái đặc điểm đặc biệt là không muốn nói với người ấy, không muốn nhìn người ấy. Bởi vậy có nhiều phen sau này chúng tôi đến toà soạn báo Phong hoá ở đường Hàng Bún, anh có mặt ở nhà mà lẩn mặt đi lên gác, không chịu tiếp. Tôi không bao giờ buồn anh bởi vì tôi cũng tự biết thân mình, không có điểm gì khả dĩ làm cho người ta thương được; lại nữa, tôi cũng tự biết chính mình là một tên lưu manh, tội lỗi ngập trời, bị Nguyễn Tường Tam khinh ghét, cũng là hợp lý, không có cách gì minh xác hay tự bào chữa được. Nhưng tôi nói thực là trong đời tôi, vốn ít ngạc nhiên, tôi đã ngạc nhiên hết sức lúc nghe thấy Nguyễn Tường Tam làm Ngoại trưởng trong chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.
Một phen tiếp xúc với Việt Minh
Tôi ngạc nhiên không phải vì thấy Nguyễn Tường Tam làm chính trị. Từ lúc Nhật thua, Việt Minh xâm nhập Hà Nội để hoạt động chính trị và quân sự, đa số anh em gia nhập hàng ngũ kháng Nhật diệt Pháp, tôi đã biết Nguyễn Tường Tam, sau khi Đặng Văn Hình như và Trương Anh Tự bị giết, đã tiếp xúc mấy lần với Việt Minh nhưng không xong bề nào. Nguyên nhân là vì Nguyễn Tường Tam kiên trì với lý tưởng của mình, không chịu theo cương lĩnh của Mặt trận, tự cho mình là “độc lập”, cứ đòi hoạt động theo ý của mình; thêm nữa lại cho rằng là một nhân vật, một lãnh tụ “không kém Hồ Chí Minh hay Nguyễn Hải Thần”, đòi Việt Minh phải đãi ngộ xứng đáng nên không được anh em kháng chiến chấp nhận vào chính phủ lúc ấy manh nha thành lập.
Đến khi đội quân Lư Hán vào Hà Nội tiếp thu, giải giới quân đội Nhật, tôi làm tờ Trung Việt tân văn, tờ báo chính thức của đoàn Lam Y – cũng như đảng Hắc Long của Nhật – Nguyễn Hải Thần và Lư Hán bàn đưa tôi lên thủ một vai trò trong chính phủ Liên hiệp hay giữ một ghế trong Quốc hội, tôi gặp Nguyễn Tường Tam lần nữa ở Hàng Bông và tôi còn nhớ đó là một buổi chiều, hai đứa chúng tôi cùng xem một bức hình lớn chụp Hồ Chí Minh ôm lấy Nguyễn Hải Thần, nước mắt ròng ròng.
Nguyễn Tường Tam không nói gì với tôi hết, nhưng mấy hôm sau thì các báo loan tin Nguyễn Tường Tam giữ chức Ngoại trưởng trong chính phủ. Tôi ngạc nhiên chính là vì nghe thấy Nguyễn Tường Tam làm Bộ trưởng Ngoại giao. Lúc đó, tôi đặt hai giả thuyết: một là Nguyễn Tường Tam là một nhà ngoại giao lành nghề mà giữ bí mật tuyệt đối nên tôi không biết; hai là Việt Minh giỏi quá, đã đưa Nguyễn Tường Tam vào chức vụ đó để “đốt cháy” Nguyễn Tường Tam. Chỉ một ít lâu sau, thực tế cho tôi thấy hết cả sự thực phũ phàng: không cứ Bộ Ngoại giao chẳng làm được trò trống gì với Việt Minh, mà tất cả các đảng tham gia chính phủ liên hiệp đều bị “đi đoong” hết. Nguyễn Tường Tam, với nguyên tắc sống trắng phải ra trắng, đen phải ra đen, yêu nói là yêu, ghét nói là ghét, đã bị thất vọng vì không được đặt vào đúng chỗ: anh không sinh để làm ngoại giao, hơn thế, anh không phải sinh để làm chính trị, mặc dầu anh yêu nước như ai.
Chỗ đứng của Tam là làng văn
Rất có thể tôi lầm, nhưng cho tới lúc viết những dòng này, tôi vẫn yên trí Nguyễn Tường Tam chỉ là một nhà văn, và chỉ là một nhà văn thôi. Nguyễn Tường Tam là một nhà khoa học, một hoạ sĩ, một nhạc sĩ, một nhà văn, một nhà phóng sự, một nhà báo, nhưng cái “mạnh” của anh vẫn là nghề văn. Cái tài thổi saxophone của anh, cũng như tài đánh đàn thập lục của Thạch Lam, Nguyễn Tường Lân, chỉ là một cái tài hoa phụ và tôi lại nói thêm rằng: Nguyễn Tường Tam, có cái tài làm cho báo Phong hoá chạy một thời không hẳn đã là một nhà báo sành sõi và lão luyện.
Theo tôi – và tôi nhắc lại rằng đây là ý kiến mọn của tôi – cái tài làm cho Phong hoá, Ngày nay chạy một thời, một phần lớn là do Hoàng Đạo, tức Tứ Ly Nguyễn Tường Long. Thêm nữa, Nguyễn Tường Tam, đứng về phương diện nhà báo, không tỏ ra là một người tháo vát, có thể viết được nhiều đề mục. Phải nhận là anh có sáng kiến về các đề tài, về những vấn đề cần viết và nên viết, nhưng theo các cộng tác viên kế cận nhất của anh hiện nay còn sống, như Trọng Lang Trần Tán Cửu, thì chính làm tờ báo hoạt kê trào phúng mà Nguyễn Tường Tam không viết được hoạt kê. Đến lúc ra mặt chống Việt Minh, làm báo Việt Nam ở Ngũ Xã, anh có viết một ít bài tham luận, chính trị, như “Việt Nam phải có một đạo binh mạnh”… nhưng tựu trung không có gì nổi bật lắm về tư tưởng hay chính trị.
Nói như thế, không phải để hạ thấp danh tiếng của Nguyễn Tường Tam, nhưng chính là để đề cao một đức tính căn bản của anh là chân thành yêu nước, thực thà có một, không mưu thuật, không ma đầu, lúc nào cũng tin tưởng là ai cũng tốt và cũng chân thật như mình. Mà làm chính trị và làm báo thì chỉ có đức tính ấy, không thể nào đủ được. Có lẽ một phần lớn vì thế, anh đã bị đau buồn khi nhận một chức vị trong chính phủ liên hiệp đầu tiên của Việt Nam làm cho anh phải trôi nổi sang Tàu, nhai một khối đau buồn uất hận vô tuyệt kỳ và cũng chính vì thế mà bịnh ưu uất của anh nặng thêm lên.
Bịt mũi lại uống rượu
Trong thời kỳ này, tôi ít được tin tức của anh, nhưng theo lời những bạn hữu trong Việt Nam Quốc dân Đảng và Đại Việt Dân chính, tức là đảng do chính anh thành lập, thời kỳ anh ở Tàu không có mấy ngày yên vui, đầy đủ.
Nguyễn Tường Tam người gầy, hơi cao, đi đứng khoan thai, từ tốn; thoạt trông ai cũng tưởng anh là một người nhàn nhã, phong lưu. Thực ra, anh không phải là một người sung sướng, nhàn nhã như người ta vẫn tưởng, nhưng là một người “đa bất mãn hoài”, nuôi cao vọng mà không đạt được phần nào; thêm nữa lại mang một thứ bệnh thần kinh (neurasthénie) luôn luôn ở trong người nên ngày vui tương đối ít. Nhưng anh là một người cương quyết và có ý chí. Trước khi có biến thiên làm đảo lộn nước ta, Nguyễn Tường Tam sống một cuộc đời “chân chỉ” không rượu chè, không thuốc sái, không trai gsai, không cờ bạc, nhưng sau những thất bại chán chường trên trường chính trị, Nguyễn Tường Tam đam mê chè rượu.
Nói là đam mê, có lẽ không đúng. Muốn cho đúng, phải nói rằng đầu óc anh suy yếu đi, ý chí do đó kém sút nên Nguyễn Tường Tam đã phải dùng rượu để giết cái buồn “thiên vạn cổ”. Bây giờ những người bạn từng lưu vong với anh ở đất Tàu, hiện nay còn sống, kể chuyện rằng trong thời kỳ ấy có khi anh nằm lì mười ngày, nửa tháng, không buồn trò chuyện với ai, mà cũng chẳng bước đi đâu hết. Sự đau khổ nhất đời anh là không ngủ được, do đó anh phải dùng rượu để uống cho say, hoạ may say quá thì đỡ nghĩ xa nghĩ gần, mà chính là cũng để mong rằng say quá, say mèm đi thì ngủ được. Vì tính toán như thế, anh mới bắt đầu uống rượu và bắt đầu uống là uống nhiều ngay. Anh em thân của Tam cho biết lúc ở Tàu, trời lạnh, Tam thường mua từng bát ô tô rượu để uống, nhưng vì rượu nhiều quá, mà lại nặng nên anh phải bịt mũi, nhắm mắt lại để uống như đàn bà, con trẻ sợ thuốc Bắc mà cứ phải nhắm mắt, bịt mũi lại để uống cho xong chuyện…
Nguyễn Tường Tam bắt đầu ghiền rượu và hút nhiều thuốc lá đen từ đó, nhưng cũng từ đó bệnh neurasthénie của anh nặng hơn lên. Đến lúc vào Nam, bệnh của anh đã vào thời kỳ nặng, mặc dù anh vẫn đi lại, viết lách như thường. Bởi vì anh có những phút sáng suốt nhưng thường một ngày, có nhiều lúc đã nói năng lẫn lộn một cách nặng gấp mười, gấp hai mươi lần nằm thổi saxophone ở một cái đồn điền nọ tại Vĩnh Yên. Chính trong thời kỳ “tái xuất giang hồ” làng báo ở miền Nam, có người đã thấy Nguyễn Tường Tam lúc như si, như dại. Người ta thuật rằng có một lần có anh bạn rất thân tìm anh để báo cho anh biết một người thân của anh mới qua đời. Nguyễn Tường Tam thản nhiên trả lời: “Chết bỏ!” rồi nằm nhìn lên xà nhà, mở mắt trừng trừng, không nói năng gì thêm nữa.
Truyện “Săn vịt” và chuyện “Le Horla”
Có nhiều người lấy làm lạ sao bệnh Nguyễn Tường Tam kéo dài trong nhiều năm như thế mà anh vẫn viết lách như thường và sản xuất được nhiều tác phẩm văn chương đánh dấu một thời kỳ văn học phồn thịnh ở nước ta. Hỏi như thế, nhiều người không trả lời được. Tôi cũng không hiểu, nhưng có nhiều khi suy nghĩ đến “trường hợp Nguyễn Tường Tam”, tôi lại sực nhớ đến cuốn Le Horla của Guy de Maupassant cực tả lúc nhà văn này lâm vào thời kỳ điên nặng, bất cứ lúc thức hay lúc ngủ, lúc mở mắt hay nhắm mắt, thấy hiện ra những ám ảnh, những hình bóng dị kỳ làm cho ông ta sống trong một thế giới lạ lùng ma quái, mở mắt mà nói chuyện với những người trong thế giới lạ lùng kia nhưng chính tai mình nghe thấy và ngay lúc ấy biết là mình nói mớ – mà không thể nào tự ngăn cản không cho mình nói.
Các nhà viết văn học sử Pháp cho là Maupassant bị một thứ bệnh tình làm hại đến thần kinh, thêm vào đó, Maupassant lại rượu chè bê bối và mất ngủ. Tôi không biết bệnh của Nguyễn Tường Tam có điểm nào và có một vài nguyên nhân nào giống bệnh của Guy de Maupassant không, nhưng tôi thấy có một điểm hai nhà văn này giống nhau: cuốn Le Horla không phải là cuốn truyện chót của Guy de Maupassant. Nói một cách khác, Guy de Maupassant bị si mê rồi, nhưng cứ viết, mà viết không lẫn lộn, trái lại, lại có những phút xuất thần, văn chương biến hoá, hay một cách cực kỳ quái ác.
Đối với Nguyễn Tường Tam, tôi cũng thấy anh lúc vào Nam đã viết một thứ Le Horla, Guy de Maupassant tả nhiều về những ám ảnh của mình, còn trong truyện “Săn vịt” thì Nguyễn Tường Tam đặt nặng vấn đề trạng thái tinh thần của một người nuôi nhiều giấc mơ đẹp, tính nhiều chuyện cao xa, nhưng vì bị dồn ép quá nên lòng khô héo đi, chết dần đi. Thế rồi có một hôm người ấy gặp một người đàn bà đẹp đúng như ước vọng của mình: anh ta liều và tưởng chừng như có thể làm mọi điều càn dỡ… Nhưng nghĩ là một chuyện mà thực hành lại là chuyện khác. Nếu phải Thạch Lam viết chuyện này, ta có thể yên trí là người săn vịt sẽ liều… để cho thoả mộng ước mơ, nhưng Nguyễn Tường Tam thì khác: đến lúc quyết định, anh vẫn cố kìm hãm lòng ước muốn và cứ kìm hãm cả đời như thế thì khỏi phải nói, bệnh ưu uất của anh đưa anh đến đâu không phải là chuyện lạ.
Nguyễn Tường Tam, một nhà văn không may mắn
Bây giờ, đôi khi ngồi nhớ đến Nguyễn Tường Tam, tôi ưa nghĩ rằng anh chiếm được một địa vị cao cả trong văn học sử Việt Nam có lẽ cũng vì những sự kềm ép đó, bệnh hoạn đó, bất mãn đó. Bởi vì, dưới mắt tôi, Nguyễn Tường Tam, dưới cái bề ngoài lịch sự, đàng hoàng, nhàn nhã, chỉ là một người chung thân bất mãn: bất mãn trên cương vị con người, bất mãn trên lĩnh vực chính trị, bất mãn vì yêu, bất mãn vì tình cảm gia đình mà có lúc anh đã than là “ước muốn không có cái nào thành tựu”.
Như trên kia đã nói, anh là một người đa tài, đa cảm, nhưng tựu trung đến lúc hai tay buông xuôi thì xét ra cũng chẳng được đắc ý điểm nào. Duy có một điểm, mặc dù không được anh thừa nhận, nhưng được đa số anh em chịu là đúng, đó là anh đã thành công một cách vẻ vang trong ngành tiểu thuyết. Dù đứng về phía nào cũng vậy, dù mang màu sắc chính trị nào cũng thế, không ai phủ nhận cái tài viết tiểu thuyết của Nguyễn Tường Tam và đều phải nhận, trên lĩnh vực tiểu thuyết, kể cả truyện dài, truyện ngắn, truyện vừa, Nguyễn Tường Tam là một tên tuổi đánh dấu một giai đoạn phồn thịnh của loại tiểu thuyết dành cho giai cấp tiểu tư sản – một giai cấp lưng chừng, bất mãn với chế độ thực dân thống trị nhưng không được nhiều thông cảm của giai cấp vô sản, bần cùng – mặc dầu lãnh tụ của nhóm Phong hoá, Ngày nay là Tứ Ly Nguyễn Tường Long đã tìm các cách để giành lấy tình cảm của những đồng bào sống ở nơi “bùn lầy nước đọng”.
Mặc dù vậy, Nguyễn Tường Tam vẫn được coi là một nhà tiểu thuyết sâu sắc, cảm hoá được nhiều người nhất, bất kể ở giai tầng xã hội nào. Riêng tôi, tôi yêu văn anh và mến phục anh từ lúc đọc Người quay tơ, trong đó có chuyện người nông phu mất đất cho điền chủ, chiều chiều đứng ở dưới này trông lên nói thầm “Ấy chó ông chủ, ấy đèn ông chủ”. Sau này, còn nhiều truyện ngắn kchs của Nguyễn Tường Tam chiếm được cảm tình của tôi, như chuyện cô gái diên muốn tận hưởng cuộc đời..., nhưng sâu sắc và làm cho tôi cảm động thiết tha nhất, ấy là truyện “Nhặt lá bàng” và sau này là truyện “Săn vịt” đăng trên Văn hoá ngày nay.
Đặc biệt của văn Nguyễn Tường Tam, theo tôi, là sự trong sáng (pureté), gọn gàng. Văn của Thạch Lam Nguyễn Tường Lân cũng có đặc điểm ấy, nhưng nếu tôi được phép ví von một chút, tôi sẽ ví văn của Thạc Lam với một trinh nữ trời cho đẹp, còn văn Nguyễn Tường Tam thì như một thiếu phụ đa tình đau khổ nhiều hơn nhưng hiểu biết hơn, mà lòng cũng “lắng” xuống sâu hơn.
Trông thì kiểu cách, nhưng sống đơn giản lạ
Cũng như người thiếu phụ đau khổ nhiều mà lòng “lắng” xuống nhiều, Nguyễn Tường Tam không giới ý nhiều đến ngoại cảnh – kể cả về vật chất lẫn tâm tình. Dưới cái bề ngoài lịch sự, đi đứng đàng hoàng, nhiều người tưởng anh là một người cầu kỳ, khó tính, nhưng theo chỗ biết của riêng tôi, anh sống đơn giản hết sức, gần như không thèm lưu ý đến ngoại cảnh làm gì.
Có nhiều đêm, ngồi vò võ trên gác toà báo Ngày nay ở đầu đường Hàng Bún, người ta thấy anh mặc một cái sơ-mi rách từ vai đến giữa lưng – mà mặc như thế luôn mấy ngày. Riêng Trọng Lang Trần Tán Cửu kể lại rằng anh đi một đôi giày rất tàng, đã bạc cả màu; Cửu hỏi thì anh đáp: “Ba năm rồi không đánh kem! Mà đánh làm gì vì mấy ngày nó lại dơ như thường!”.
Nguyễn Tường Tam sống gần như vô tình với mọi người, nhưng anh mê say nghề một cách kỳ lạ, có lẽ ít nhà văn nhà báo say mê với nghề đến thế. Mỗi khi viết một truyện ngắn, truyện dài, anh suy nghĩ lao tâm khổ trí, nhưng đến lúc truyện thành hình ở trong óc rồi, anh vẫn chưa bằng lòng, anh đem ra trình bày với anh em trong nhà, hội ý rất cẩn thận để suốt đời nhiều lần nữa rồi mới viết. Cũng như tất cả các nhà văn viết tiểu thuyết đăng báo, anh không viết cuốn nào một lúc, nhưng viết từng kỳ để đăng, hết kỳ nào viết tiếp kỳ ấy – nhưng Nguyễn Tường Tam viết mà đã có sẵn dàn bài rồi, chứ không như Vũ Trọng Phụng viết đến đâu lại xoay câu chuyện đến đó, tuỳ theo cảm hứng; hay như Lê Văn Trương viết một hơi hết một truyện dài nhưng viết từng tập, tuỳ theo cảm hứng rồi đem những tập ấy chập lại với nhau thành truyện. Có sẵn dàn bài rồi, Nguyễn Tường Tam viết tương đối dễ dàng hơn Khái Hưng. Có một lần nhìn vào một bản thảo của Khái Hưng, người ta thấy anh viết ở đầu trang một chữ “Gia đình”, ở cuối trang một chữ “người con gái đẹp” và ở giữa trang một dòng: “Trời ơi, biết viết gì đây, hở Trời?”.
Nguyễn Tường Tam không có những phút thất vọng một cách ồn ào như thế. Tương đối anh kín đáo hơn và trầm tĩnh hơn. Chưa biết viết gì thì anh ôm đầu, cắn bút, không nói không năng, nhưng đã mở đầu được rồi thì anh viết quên chết, viết say sưa quên cả trời hửng sáng lúc nào không biết. Lúc bắt đầu làm tờ Ngày nay loại đẹp, chuyên về điều tra phóng sự, do Nguyễn Tường Cẩm làm chủ nhiệm, người ta đã từng thấy Nguyễn Tường Tam thức thâu đêm để ma-két, cắt hình này dán vào hình kia làm “photo montage”. Nhưng báo không mấy chạy, Nguyễn Tường Tam lại một phen lao tâm khố trí tìm kiếm cách cứu tờ báo. Nguyễn Tường Lân thay Nguyễn Tường Cẩm chỉ huy tờ Ngày nay. Nhưng lần này cũng không may mắn hơn lần trước: Ngày nay phải tạm đình bản để sau này ra với một thể tài khác, bình dân hơn và cũng phổ cập hơn. Có thể nói Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long là “linh hồn của nhóm Ngày nay”, nhưng người lèo lái cho các báo Ngày nay, Phong hoá và Tự Lực Văn Đoàn sống và phồn thịnh, người ấy chính là Nguyễn Tường Tam vậy.
Tin ở mình, nhưng cũng tin ở số tử vi
Nguyễn Tường Tam là một người hành động, một người làm việc cần cù, tin ở tài mình, ở khả năng mình, tin ở cố gắng của mình. Chính một phần vì thế mà anh đã thành công trong việc xây dựng Tự Lực Văn Đoàn, nhưng Nguyễn Tường Tam, nhà khoa học, có khi lại không tin hoàn toàn nơi óc khoa học và tổ chức khoa học của anh.
Nhưng không như Nguyễn Tường Long hay Võ Đức Diên đi theo thầy Ngô Hùng Diễn để học về tướng số (Nguyễn Tường Long học tướng số được ngót ba năm thì bị bắt), Nguyễn Tường Tam mỗi khi có công việc gì khó giải quyết, bị thắc mắc trong lòng, thường hay nhờ các anh em tướng số xem giùm “xem ra thế nào”.
Bây giờ các bạn còn sống của anh thường hay nhắc đến một bữa cơm có mặt Võ Đức Diên, Trần Tán Cửu và Nguyễn Tường Tam, cả ba cùng tuổi Bính Ngọ (năm nay 65 tuổi âm lịch) nhờ một người bạn quen xem tướng số. Nhà tướng số nói rằng tuổi đó, mà sinh vào những ngày giờ nói trên, chết không mấy an nhàn, có khi lại gặp những sự hiểm nghèo ghê gớm. Chính vì thế, cần “sửa tướng”, và cũng vì thế nên lúc nào Võ Đức Diên cũng mặc quần áo đen, cạo đầu trọc. Nhà tướng số khuyên Trần Tán Cửu (Trọng Lang) để râu, Trọng Lang cũng theo răm rắp, để râu ria xồm xoàm, che cả mồm cả mũi “để tránh tai nạn”, thêm vào đó lại đeo kính trắng, gọng cũng trắng luôn. Còn Nguyễn Tường Tam thì nhà tướng số khuyên nên để râu và suốt đời một vài thứ khác nữa, nhưng dường như Tam chỉ “nghe theo” có một nửa – nghĩa là để tí ti râu và chỉ để râu thôi – nên về sau này nhà tướng số nghe thấy tin anh dùng độc dược quyên sinh cứ vỗ đùi đen đét than trời “Nếu mà nghe tôi thì đâu đến nông nỗi này!”.
Chẳng biết nhà tướng số đại tài khi tuyên bố như thế thì có thành thật với chính lòng mình không, chớ riêng các bạn thì tuy không nói ra miệng nhưng hầu hết đều có ấn tượng Tam sẽ không được an nhàn, êm ả khi chung cục. Là vì Nguyễn Tường Tam đã bị sai lệch về thần kinh, sau này lại uống rượu nhiều quá độ, ai cũng sợ có một ngày nào đó anh bị trúng phong mà khuỵu xuống một cách bất kỳ, bất đắc. Thêm vào đó, các tay nhậu nhẹt lại có kinh nghiệm này: phàm những người uống rượu nhiều mà nói nhiều, chỉ ba hoa tợn chớ ít khi có những cử chỉ, hành vi đáng tiếc hay ghê gớm; trái lại, những người uống nhiều mà cứ lì ra không nói thường hay có những quyết định khác thường, đáng sợ và vô phương cứu vãn.
Nhưng mà thôi, bây giờ nắp ván thiên đã đậy lại rồi, phân tích gì về cái chết của anh và bàn luận đến mấy đi nữa về cách chết cũng là vô ích. Chỉ biết rằng Nguyễn Tường Tam lúc sống đã làm “nổi đình đám” trong làng báo; đến lúc về già, cái chết của anh đã gây sôi nổi trong làng văn bút một cách rất thấm thía, sâu xa. Nguyễn Tường Tam đã bỏ các bè bạn ra đi một cách khác thường. Ngồi tính đốt ngón tay thì trước anh và cho đến bây giờ, chưa có văn nhân, ký giả nào đã gây một “xúc động tâm lý” gớm ghê như thế trong lúc từ biệt cõi đời đau khổ này, Nguyễn Tường Tam quả là một “cây lì” đã biết nghiên cứu và chọn lọc cách chết để chống lại độc tài áp bức.
Nếu có gặp Stefan Zweig trên Thiên đường…
Tội nghiệp, cả một cuộc đời bất mãn, đến già vẫn bất mãn như thường, Nguyễn Tường Tam tuy vậy cũng đã có một cái may lúc chết: anh đã thi hành được đúng yêu mến của mình và ở dưới suối vàng gặp Stefan Zweig, chắc anh cũng phải vui cười mà bắt tay nhà văn Đức này và cả hai cùng cả cười vì lẽ “anh hùng tương ngộ”.
Stefan Zweig, tác giả nhiều truyện nổi tiếng như Thư cho người không quen biết, Tình thương nguy hiểm, Người bán sách cũ, Hai mươi bốn tiếng đồng hồ trong đời một người đàn bà… là một nhà văn Do Thái sinh đẻ và lớn lên ở Đức. Chẳng may cho ông là lúc văn tính của ông được sáng chói trên trời Âu thì Hitler nổi lên mắc vào cổ nước Đức cái vàm phát-xít, độc tài, tàn sát người Do Thái.
Stefan Zweig và Nguyễn Tường Tam có điểm này giống nhau: trước hành động vô nhân đạo, cả hai cùng đứng lên chống đối. Nhưng Stefan Zweig chống đối mà bỏ đi ra nước ngoài, còn Nguyễn Tường Tam thì nhất định không chịu rời bỏ quê hương đất nước.
Thế rồi cả hai cùng áp dụng một cái chết thụ động nhưng oanh liệt ngang nhau: Stefan Zweig cùng vợ đi một con tàu sang chơi Nam Mỹ và ở ngay trên tàu, hai vợ chồng ông cầm hai cây súng bắn vào đầu tự tử. Nguyễn Tường Tam, đến khi chết, vẫn không quên cá tính dân tộc: lúc sống đã trầm lặng thì lúc chết cũng trầm lặng luôn. Anh đã dùng độc dược pha vào rượu mạnh để uống và đã đi nhẹ nhàng, êm ái như đi ngủ, sau khi viết lại một bức thế lên án chế độ Ngô gia với những câu cũng nhẹ nhàng, êm ái như thế nhưng làm cho cả nước xấu xa anh và uất hận Ngô gia gấp trăm vạn lần.
Nguyễn Tường Tam, nhà văn đa bất mãn hoài, riêng một lần này, có lẽ đã được toại ý vì đã thăng trên một điểm chính trị chống bạo tàn, áp bức.
Không có vụ này, cái tên Nguyễn Tường Tam cũng đã đi vào văn học sử, nhưng có thêm vụ này, văn học sử Việt Nam lại càng nổi bật hơn vì đời nào, thế hệ nào những nhà văn, “những con người bị đời coi là không thực tế, những con người bị bạc đãi, những con người bị xã hội quên lãng, coi thường” cũng biết cách sống cho nhân dân, chết vì nhân dân, mà không hề than thở cho ai biết.
Nguồn: Văn. Tập san Văn chương – Tư tưởng – Nghệ thuật. Năm thứ Bảy, số 156, ra ngày 15 tháng 6 năm 1970.
Tạp chí Văn - Hoài niệm Nhất Linh ( 2 )
Tạp chí Văn
Hoài niệm Nhất Linh
Trần Văn Bang
Bệnh tật và cái chết của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam
Bài dưới đây là một chương trích trong cuốn sách nhan đề Bệnh tật và cái chết của các văn gia thi gia… Sách thuộc loại “lịch sử y học”, một môn học mới được công nhận tại Y khoa Đại học Sài Gòn, mà tác giả là giảng sư.
I. Thân thế và sự nghiệp văn chương
Thân thế: Sinh ngày 25 tháng 7 năm Bính Ngọ (1906) tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, Bắc Việt. Ông bà nội gốc người Cẩm Phổ, Quảng Nam, ông bà ngoại người gốc Huế. Vì làm tri huyện ở Cẩm Giàng, Hải Dương nên dời gia đình ra đấy. Chết ngày 7-7-1963, tại Sài Gòn.
Văn nghiệp: Chúng ta có thể chia các tác phẩm của Nhất Linh ra các loại:
Tiểu thuyết lý tưởng: Nho phong (1924), Quay tơ (1925).
Tiểu thuyết tranh đấu xã hội: Đoạn tuyệt (1935), Lạnh lùng (1937), Đôi bạn (1938).
Tiểu thuyết tâm lý: Bướm trắng (1941), Nắng thu (1942), Dòng sông Thanh Thuỷ, Ba người lữ hành (1960), Chi bộ hai người (1960-1961), Vọng quốc (1961), Sống dở dang, Hai buổi chiều vàng, Đi Tây (du ký vui).
Viết chung với Khái Hưng: Anh phải sống, Gánh hàng hoa (1934), Đời mưa gió (1934); và một số tác phẩm đang soạn chưa xuất bản.
II. Bệnh tật và cái chết của Nhất Linh
Để tìm hiểu bệnh trạng và cái chết của Nhất Linh, chúng tôi đã tiếp xúc với gia đình Nhất Linh: Bà Nguyễn Tường Tam, con trai út của ông là Nguyễn Tường Thiết, cùng Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm vừa là bạn thân vừa là thầy thuốc của Nhất Linh lúc sinh thời, đặc biệt hơn nữa Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm đã theo dõi từng phút cái chết của Nhất Linh và đã giúp chúng tôi những tài liệu y học xác thực.
Nguyễn Tường Tam cao 1th67, nặng 55kg, dáng người mảnh khảnh, mặt sáng, trán rộng, tính tình điềm đạm ít nói, hay suy tư. Ông có tật nghiện thuốc lá hiệu Bastos xanh, mỗi ngày thanh bình phải hai gói, thích uống rượu Tây đủ loại từ Whisky đến Cognac, bia v.v…, nhiều lần ông cố bỏ nhưng sau lại uống. Theo một vài người bạn, có hồi ông hút thuốc phiện sau lại bỏ.
Tuy dáng người không vạm vỡ, nhưng ông không hay đau ốm. Ngày 6-7-1963 ông nhận được giấy đòi phải trình diện tại Tiểu đội Hiến binh số 635 Nguyễn Trãi, Sài Gòn và được biết sáng thứ hai 8-7-1963 phải ra Toà vì tội tham gia cuộc đảo chính 11-11-1960.
Ông đã có ý định tự tử để có tiếng vang trong quần chúng hầu thúc đẩy cuộc cách mạng chống Ngô Đình Diệm; ông đã chuẩn bị cái chết và đã viết di ngôn từ sáng chủ nhật 7-7-1963, theo ý ông, tự tử ngày “song thất” là đem cái nhục cho họ Ngô.
Ông đã có ý định tự tử ít nhất là một tuần lễ trước ngày 7-7-1963. Vì chủ nhật trước ông có tới dự buổi họp của Văn Bút (hình như là để vĩnh biệt các văn hữu) và có chụp ảnh để kỷ niệm, lúc 4 giờ chiều chủ nhật 7-7-1963, Nhất Linh ngồi nói chuyện với các con và uống rượu Whisky Jonnhie Walker, con trai ông là Nguyễn Tường Triệu tỏ vẻ ngạc nhiên tưởng ông uống để quên sự thế, nào ngờ ông vừa uống rượu vừa uống thêm độc dược để đi tìm cái chết để khỏi phải toà án loài người xét xử mình.
Năm giờ chiều, Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm được mời đến thì Nhất Linh đã mê man, hơi thở đã yếu. Đem vào Bệnh viện Grall chạy chữa nhưng đến 1 giờ 15 sáng thì Nhất Linh đã trút hơi thở cuối cùng.
Từ lúc uống thuốc ngủ đến lúc chết thật sự chỉ vỏn vẹn chín giờ. Tất nhiên ông đã uống rất nhiều thuốc ngủ và cách uống cũng thật khoa học nên mới đem lại một cái chết mau chóng như thế.
Theo kết quả phân chất nước tiểu của Nhất Linh có rất nhiều thuốc ngủ (Barbituriques) loại Vénoral.
Nhất Linh mất trong đêm 7-7-1963 rạng ngày 8-7-1963, đúng 1giờ 15 sáng.
Ngay sau khi Nhất Linh mất, chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh làm một cuộc phẫu nghiệm tử thi (autopsie) mặc dầu không có sự ưng thuận của gia đình, để tìm hiểu nguyên nhân chết thực sự của Nhất Linh.
Sau đây là nguyên văn bản phúc trình kết quả thử nghiệm của Viện Pasteur Sài Gòn dịch ra tiếng Việt:
Sài Gòn, ngày 15 tháng 7 năm 1963
Số 562/HA
Thử nghiệm độc dược
Chiếu theo giấy số 13.747, ngày 10-7-1963 của Toà án Sài Gòn, xin khám nghiệm nước tiểu, máu và nước rửa bao tử của Nguyễn Tường Tam.
* Tìm chất độc loại hữu cơ trích ra nhờ hơi nước lôi cuốn:
- Tìm chất lân tinh: kết quả không.
- Tìm chất Cyanure: không không.
* Tìm chất cặn để lại bởi éther alcalin:
- Tìm chất alcaloides:
1. Phản ứng Valser và Mayer: kết quả không.
2. Phản ứng Draggendorf: kết quả không.
* Tìm trong chất cặn để lại bởi éther acide:
- Tìm chất digitaline: kết quả không.
- Tìm chất phénol acide salicylique và antipirine: kết quả không.
* Tìm chất barbiturique (thuốc ngủ): kết quả có.
1. Phản ứng kiểm nhận bằng Nitrat mercureux: cặn trắng, rồi sẩm màu rất lẹ.
2. Phản ứng Dengiès (bằng nước trung cách Sulfate mercurique): kết tủa trắng và keo tan trong acide chlorhydrique.
3. Phản ứng Pari: màu đỏ tím rất đẹp.
4. Kiểm nhận bằng phương pháp microcristallosscopie Dengiès: hiện diện của những mảnh hình chữ nhật riêng rẽ hay chụm lại với nhau.
* Kết luận:
Có hiện diện của chất Barbituriques với một mức độ rất cao trong nước tiểu của Nguyễn Tường Tam.
Sau khi kiểm nhận bằng microcristalloscopie ta có thể kết luận chất barbiturique này là loại Véronal.
Trưởng Phòng Thí nghiệm
Phạm Văn Tất
Nguyên văn bản kết quả thử nghiệm viết bằng tiếng Pháp:
Sài Gòn, le 15 Juillet 1963
Số 562/HA
Examen Toxicologique
Ref: Demande d’examen No.13.747 du 10-7-1963 du Tribunal de Sài Gòn, concernant l’analyse de l’urine, du sang et du liquide de lavage gastrique de Nguyễn Tường Tam.
* Recherche des poisons organiques extraits par entrainement à la vapeur d’eau:
- Recherche du phosphore: résultat négatif.
- Recherche des cyanures: résultat négatif.
* Examen du résidu laissé par l’éther alcalin:
- Recherche des alcaloides:
1. Réatif de Valser et Mayer: recherche négative.
2. Réatif de Draggendorf: recherche négative.
* Examen du résidu laissé par l’éther acide:
- Recherche de la digitaline: recherche négative.
- Recherche du phénol, de l’acide salicylique et de l’antipirine: recherche négative.
* Recherche des barbiturique: Recherche positive.
1. Réaction d’identification avec le nitrate mercureux: précipité blanc, fonçant très rapidement.
2. Réaction de Dengiès (avec la solution neutre de sulfate mercurique): précipité blanc gélatineux, soluble dans l’acide chlorhydrique.
3. Réaction de Pari: belle coloration rouge violacée.
4. Identification par microcristallosscopie (Denigès): lamelles rectangulaires isolées ou groupées.
* Conclusion:
Présence des barbituriques à dose très élevée, dans l’urine de Nguyễn Tường Tam.
Par l’identification par microcristalloscopie, on peut conclure que ce barbiturique est du VERONAL.
Le Directeur du Laboratoire
Singé Phạm Văn Tất
Và sau đây là nguyên văn bản phúc trình pháp lý về cuộc phẩm nghiệm tử thi Nguyễn Tường Tam.
Sài Gòn, ngày 9 tháng 7 năm 1963
Bản phúc trình Pháp y về việc phẫu nghiệm tử thi Nguyễn Tường Tam
Ngày 8-7-1963, hồi 16 giờ tại nhà xác Bệnh viện Grall có sự hiện diện của những vị sau đây:
1. Ông Lưu Đình Việp, Biện lý Toà Sài Gòn.
2. Ông Lý Quốc Sỉnh, Phó Biện lý Toà Sài Gòn.
3. Ông Dương Tấn Hữu, Phó Ty Cảnh sát quận I.
4. Ông Nguyễn Tứ Quý, Sở Giảo nghiệm.
5. Ông Trương Tấn Bảo, Sở Giảo nghiệm.
6. Bs. Nguyễn Văn Bổn, Y sĩ Chẩn y viện quận I, Y sĩ Giám định.
7. Bs. Nguyễn Đăng Phong, Y sĩ Trưởng Đô thành.
8. Bs. Đào Huy Chân, Y sĩ Chẩn y viện quận III, Y sĩ Giám định.
9. Bs. Nguyễn Danh Đàn, Thanh tra Bộ Y tế.
10. Bs. Nguyễn Bỉnh Nghiêm, Đại diện Bộ Y tế.
11. Bs. Nguyễn Huy Can, Giảng viên Trường Đại học Y khoa.
12. Bs. Gourillon, Y sĩ giải phẫu Bệnh viện Grall.
Thời gian Nguyễn Tường Tam nằm Bệnh viện Grall
Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm viết giấy tối khẩn gởi Nguyễn Tường Tam vào Bệnh viện Grall, ngày 7-7-1963, hồi 18 giờ. Có mấy chữ như sau: Toan tự tử (không rõ với chất gì). Khi vào đến bệnh viện thì hơi thở, mạch của bệnh nhân rất yếu cho đến nỗi bác sĩ tưởng đã chết rồi.
Sau khi được chữa trị thì hơi thở và mạch khá hơn chút ít.
Bác sĩ điều trị không thấy triệu chứng của một bệnh nên có nghĩ đến sự tự tử bằng chất độc. Tuy nhiên có tìm chất thuốc ngủ trong nước đái bệnh nhân mà không thấy rõ.
Bệnh nhân tắt thở ngày 8-7-1963 hồi 1 giờ 15 phút.
Giảo nghiệm
Muốn cho chắc rằng tử thi đang khám là của Nguyễn Tường Tam, hội đồng nhờ Sở Giảo nghiệm (hai ông Nguyễn Tứ Quý và Trương Tấn Bảo) chụp hình và lăn ngón tay.
Khám tử thi bề ngoài
Do Bác sĩ Nguyễn Văn Bổn và Đào Huy Chân là hai y sĩ giám định.
Tử thi là một người đàn ông gầy, độ 60 tuổi, râu môi trên và tóc bạc một phần màu muối tiêu.
a. Đầu: Cái mặt không có vết thương nào. Trong miệng không có răng giả, con ngươi mở (mydriase). Tìm kỹ nơi da đầu không thấy thương tích.
b. Cổ: không có thương tích.
c. Tay chân: không có thương tích.
d. Mình mẩy: không có thương tích.
Nơi vùng xương khu (vertébres sacrées) có hai mụn lở (escarres) vì gầy yếu và nằm cấn, ngay những đốt xương D3-D4 có bướu mỡ đo 5cm x 3cm.
Phẫu nghiệm
Bác sĩ Nguyễn Văn Bổn giải phẫu. Bác sĩ Đào Huy Chân phụ tá.
1. Phổi: Không có bệnh, chỉ đen vì bụi (authracose). Màng phổi không có chi lạ.
2. Tim: Không có bệnh Infarctus. Màng tim không có chi lạ.
3. Bao tử: Không có bệnh. Đầy phân nửa thức ăn. Bao tử được cột hai đầu và lấy nguyên ra với thức ăn để tìm chất độc tại Viện Giảo nghiệm.
4. Gan: Phía dưới lá gan có một lằn chai to (bande scléreuse). Ngoài ra không có bệnh chi cả. Gan và túi mật cân nặng 1kg120.
5. Tuỳ tạng (pancréas): không có chi lạ.
6. Lá lách (rate): có vẻ thường.
7. Thận: thận hữu nặng 130gr, thận tả 120gr, không có bệnh.
8. Tuyến thượng thận (glandes surrénales): có vẻ thường.
9. Đầu: da đầu không có thương tích, xương sọ tốt.
10. Óc: không có chảy máu, không có bướu, màng óc (tumeur không có bệnh).
Tìm chất độc. – Có gửi đến Viện Giảo nghiệm:
a. Nguyên cái bao tử với thức ăn.
b. 25cc máu lấy trong tim.
c. 30cc nước tiểu lấy trong bọng đái. Nước tiểu có vẻ thường.
d. 4cc nước đầu và xương sống (liquide céphalorachidien).
Kết luận:
Với những phương pháp khám nghiệm thông thường tại chỗ, không thấy thi hài có triệu chứng nào có thể giải thích cái chết mau chóng của Nguyễn Tường Tam.
Cần chờ xem kết quả việc tìm kiếm do các phòng và Viện Giảo nghiệm.
Bs. Đào Huy Chân và Bs. Nguyễn Văn Bổn (ký tên)
Và cái kết quả tìm chất độc của Viện Pasteur Sài Gòn do Trưởng Phòng Thí nghiệm Bs. Phạm Văn Tất xác nhận có chất thuốc ngủ (barbiturique) rất nhiều trong nước tiểu đã giải thích được cái chết của Nhất Linh. Bất cứ trong các vụ tự tử bằng chất thuốc ngủ nào, nếu ta tìm thấy trong nước tiểu có chất barbiturique thì nhất định nạn nhân đã uống thuốc ngủ. Đây là bằng chứng của các vụ tự tử vậy.
Kết luận
Về phương diện y học, Nhất Linh đã biết cách tìm một cái chết mau chóng bằng thuốc ngủ pha rượu đến nỗi các y sĩ làm phẫu nghiệm cũng không giải thích nỗi cái chết quá mau lẹ của Nhất Linh.
III. Suy luận về cái chết của Nhất Linh
Nguyễn Tường Tam lúc thiếu thời là một người khoẻ mạnh. Tôi có dịp gặp ông ở nhà riêng ông ở phố Hàng Cau Hà Nội hồi ông mới ở Pháp về và tôi còn nhớ hình ảnh và dáng điệu của một người tráng kiện và lanh lợi.
Sau này lúc mới 50 tuổi, sức khoẻ của ông đã bị sút kém. Thế Uyên cũng viết: “Tuần trước tháng 11 năm 1960, Nhất Linh là một ông già đau ốm đầy vẻ suy tư” (Chân dung Nhất Linh, Tập san Văn xuất bản, SPT số 6/66).
Sao mà ông khỏi ốm được. Mười mấy năm làm văn nghệ không nghỉ, mười mấy năm làm cách mạng, mấy năm lưu lạc, vật chất thì thiếu thốn, tinh thần bị lung lạc. Tất cả những cực nhọc, những lo âu, những thất vọng đã chồng chất lên thể xác ông, tâm thần ông. Tất nhiên sức khoẻ ông phải suy yếu.
Hơn nữa, ông cũng như đa số các nhà văn, thích uống rượu, thích hút thuốc, cả thuốc lá lẫn thuốc lào.
Người ta cho hút thuốc lá, uống rượu là thích thú, hút để giải khuây. Văn sĩ thì lại coi những thứ này như kích thích tố và dùng nó để tăng năng suất hay gây thêm cảm hứng. Nhưng đối với y học thì rượu và thuốc lá, cà-phê không làm tăng năng suất, trái lại, làm giảm trí nhớ, làm cho phản xạ chậm trễ, kém nhạy. Khoa sinh lý thực nghiệm đã nghiên cứu những chất này và coi như là những chất độc có hại cho cơ thể, và giảm thọ con người. Thuốc lá và thuốc lào cũng vậy, làm hại tim và gây ra bệnh ung thư phổi. Còn rượu thì bất cứ rượu nào, kể cả rượu bia, sau một thời gian có thể sinh ra chứng héo gan, hay là chứng loạn óc, tuỳ theo phản ứng cơ thể của mỗi người.
Nhiều nhà văn Việt Nam thích uống rượu, nhưng chắc số người nghiện rượu thì ít, hoạ may có Tản Đà, Nguyễn Tuân; Nguyễn Khuyến ca tụng rượu, di ảnh ông để lại tay cầm chén rượu, nhưng vị tất đã là người nghiện rượu. Còn thanh lý thì đa số người trong nghề viết văn đều nghiện.
Nhất Linh nghiện thuốc lá rất nặng, mỗi ngày hai bao Bastos, ông hút luôn miệng, lại hút cả thuốc lào. Còn rượu thì chắc ông không nghiện bằng Tản Đà. Không biết ông bắt đầu uống từ năm nào, và uống mỗi ngày bao nhiêu và loại rượu gì. Hình như mấy năm sau ông chỉ uống bia thôi. Có lẽ ông cũng thích uống Whisky, chứng cớ là ngày ông tự tử ông uống Whisky Johnnie Walker.
Tường Hùng, cháu gọi Nhất Linh bằng chú viết trong Chân dung Nhất Linh (sđd): “Đã có một dạo cứ buổi chiều Nhất Linh lại say rượu. Nhưng ông uống rượu chỉ để ngủ và lúc say ông chỉ ngồi im nghĩ ngợi trong căn phòng không ánh sáng…”. Mấy năm sau theo Bác sĩ Phiếm thì tinh thần ông kém nhiều và tay ông run (tremblement des extrémités). Đây là một triệu chứng của bệnh nghiện rượu.
Thế Uyên, cháu của Nhất Linh, viết trong bài “Người bác” (sđd): “Ông không lên Đà Lạt tu tiên… và bước vào một thời kỳ đau ốm (đau dạ dày) và suy nhược tinh thần. Thỉnh thoảng ông lên cơn loạn trí, đứng trước nhà đường Lý Thái Tổ, móc giấy tờ trong ví đưa cho mọi người, miệng nói lảm nhảm: “Lấy hết đi, xin các ông lấy hết đi. Đừng áp chế tôi!”. Tội nghiệp, các người thân hết sức lo lắng. Chỉ riêng mẹ tôi (mẹ Thế Uyên là em gái Nhất Linh) sau một lần chứng kiến cơn loạn thần kinh về nói riêng với tôi: “Bác điên khôn ghê, chỉ thấy bác đưa vứt giấy tờ lẩm cẩm, chẳng thấy bác vứt tiền cho mẹ con mình nhặt tiêu…”. Rất có thể Nhất Linh giả vờ loạn óc, vì chính quyền Ngô Đình Diệm đang lùng bắt ông. Đây cũng là một lối cải dạng. Ông thích đọc truyện trinh thám và rất quen thuộc với lối cải dạng.
Theo Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm thì Nhất Linh có bệnh thần kinh suy nhược (neurasthénie). Ông đã bị ám ảnh tự sát (obsession par le suicide). Mấy tháng trước, cũng theo Bác sĩ Phiếm, Nhất Linh cũng đã uống thuốc ngủ tự tử khi ông trốn ở đường Lê Thánh Tôn. Chính Bác sĩ Phiếm chữa chạy, rửa dạ dày, chích thuốc Strycnhine. Số lượng thuốc ngủ uống hồi ấy vì ít, nên ông bình phục ngay và vài hôm sau ông lại đi họp Hội Văn Bút.
Nói tóm lại, trước khi tự tử Nhất Linh đã bị tinh thần suy nhược, chúng tôi không dám phê bình tính cách tranh đấu tiêu cực của ông (theo Bác sĩ Phiếm thì ông bị ảnh hưởng sâu xa của cái chết của Thích Quảng Đức). Nhưng đứng về phương diện y học, thì tự tử với tính cách tiêu cực chứng tỏ là Nhất Linh đã bị khủng hoảng tinh thần.
Nguyên do sự khủng hoảng ấy ở đâu mà ra? Vì thế cuộc chăng? Nếu muốn tìm lý do y học thì chỉ có bệnh nghiện rượu mới cắt nghĩa được sự khủng hoảng tinh thần ấy. Bệnh rượu của ông khác bệnh rượu của Tản Đà và ông cũng ít uống, không bằng Tản Đà. Tản Đà sau nhiều năm uống rượu, bị đau gan và chỉ ngông chứ không loạn trí. Còn Nhất Linh tuy thời gian uống rượu ngắn hơn, rượu đã đưa ông đến tình trạng tinh thần suy nhược. Ngoài ra trong tờ trình phẫu nghiệm tử thi, lá gan có một lằn chai (bande de sclérose). Đấy có lẽ là do ảnh hưởng của rượu.
Ta cũng có thể suy luận một cách khác. Nhất Linh đã tự tử không phải tinh thần ông bị suy nhược. Cái chết của ông có thể có một nguyên nhân sâu xa hơn. Bản chất ông là một nghệ sĩ, ông đã sống một cách nghệ sĩ, làm cách mạng như một nghệ sĩ. Rất có thể ông đã mơ ước một cái chết nghệ sĩ.
Người ta đã kể lại nhiều cái chết nghệ sĩ, như cái “chết đẹp”, cái chết “làm dáng” của người đàn bà phấn son xiêm áo chỉnh tề, rồi chất đầy hoa tươi trong phòng ngủ đóng kín cửa lại cho nghẹt hơi mà tự tử. Cái “chết quý phái” của nhà văn Pétrone thời cổ La Mã, trước khi tự tử đã cho đặt một bữa yến tiệc linh đình rồi cắt mạch máu tay mà chết. Gần đây ai cũng bị xúc động vì cái chết cao siêu của Thích Quảng Đức.
Vì Nhất Linh là một nghệ sĩ, nên rất có thể ông mường tượng, ông vuốt về một cái chết đặc biệt, khác thường, một cái “chết đẹp”.
Trong Dòng sông Thanh Thuỷ, năm 1960 ông đã viết:
“Đời sống chỉ là mơ, niềm vui cũng chỉ là mơ. Thanh tự nghĩ nếu có chết ngay lúc này, nàng sẽ không đau khổ. Hồn nàng sẽ hoá thành một giấc mơ vui rồi khi giấc mơ ấy tan đi là chết, là hết. Nàng chắc cả vũ trụ này đến ngày tận thế cũng vậy, cũng biến thành một nguồn vui bao la rồi cứ thế hoà loãng, tan dần đi trong cái mênh mông của hư vô; không có sự chết, không có sự sống, mà ngay cả đến cái hư vô cũng không có nữa”.
Theo giả thuyết trên đây thì cái chết của Nhất Linh không phải là cái chết “tiêu cực” của một tình trạng tinh thần suy nhược, mà cái chết của ông đã được xếp đặt theo sở cầu của ông. Ông muốn cái chết của ông sẽ đạt hai mục đích:
Một là mục đích chính trị, ông định tự tử vào ngày “song thất” [1] để gây một tiếng vang trên thế giới và đánh một đòn nặng vào chính thể Ngô Đình Diệm.
Mục đích thứ hai là để thoả mãn cái sở cầu thiên tính nghệ sĩ của ông. Ông vừa uống rượu Whisky vừa uống thuốc ngủ. Phải chăng ông muốn một cái chết say sưa, êm đềm và cũng vui như một giấc mơ của Thanh trong Dòng sông Thanh Thuỷ vậy.
IV. Kết luận
Trên đây là những nét chính về bệnh tật của Nhất Linh mà chúng tôi suy luận ra, căn cứ vào những tài liệu đã xuất bản, và lời chứng của Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm. Những suy luận này rất có thể có điều thiếu sót và sai lầm. Còn cái chết của Nhất Linh là một sự kiện với tất cả những chi tiết chính xác. Tôi thành kính ghi những chi tiết này để gởi vào lịch sử.
[1]Mồng 7 tháng 7, ngày kỷ niệm nhậm chức của Ngô Đình Diệm.
Nguồn: Văn. Tập san Văn chương – Tư tưởng – Nghệ thuật. Năm thứ Bảy, số 156, ra ngày 15 tháng 6 năm 1970.
Hoài niệm Nhất Linh
Trần Văn Bang
Bệnh tật và cái chết của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam
Bài dưới đây là một chương trích trong cuốn sách nhan đề Bệnh tật và cái chết của các văn gia thi gia… Sách thuộc loại “lịch sử y học”, một môn học mới được công nhận tại Y khoa Đại học Sài Gòn, mà tác giả là giảng sư.
I. Thân thế và sự nghiệp văn chương
Thân thế: Sinh ngày 25 tháng 7 năm Bính Ngọ (1906) tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, Bắc Việt. Ông bà nội gốc người Cẩm Phổ, Quảng Nam, ông bà ngoại người gốc Huế. Vì làm tri huyện ở Cẩm Giàng, Hải Dương nên dời gia đình ra đấy. Chết ngày 7-7-1963, tại Sài Gòn.
Văn nghiệp: Chúng ta có thể chia các tác phẩm của Nhất Linh ra các loại:
Tiểu thuyết lý tưởng: Nho phong (1924), Quay tơ (1925).
Tiểu thuyết tranh đấu xã hội: Đoạn tuyệt (1935), Lạnh lùng (1937), Đôi bạn (1938).
Tiểu thuyết tâm lý: Bướm trắng (1941), Nắng thu (1942), Dòng sông Thanh Thuỷ, Ba người lữ hành (1960), Chi bộ hai người (1960-1961), Vọng quốc (1961), Sống dở dang, Hai buổi chiều vàng, Đi Tây (du ký vui).
Viết chung với Khái Hưng: Anh phải sống, Gánh hàng hoa (1934), Đời mưa gió (1934); và một số tác phẩm đang soạn chưa xuất bản.
II. Bệnh tật và cái chết của Nhất Linh
Để tìm hiểu bệnh trạng và cái chết của Nhất Linh, chúng tôi đã tiếp xúc với gia đình Nhất Linh: Bà Nguyễn Tường Tam, con trai út của ông là Nguyễn Tường Thiết, cùng Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm vừa là bạn thân vừa là thầy thuốc của Nhất Linh lúc sinh thời, đặc biệt hơn nữa Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm đã theo dõi từng phút cái chết của Nhất Linh và đã giúp chúng tôi những tài liệu y học xác thực.
Nguyễn Tường Tam cao 1th67, nặng 55kg, dáng người mảnh khảnh, mặt sáng, trán rộng, tính tình điềm đạm ít nói, hay suy tư. Ông có tật nghiện thuốc lá hiệu Bastos xanh, mỗi ngày thanh bình phải hai gói, thích uống rượu Tây đủ loại từ Whisky đến Cognac, bia v.v…, nhiều lần ông cố bỏ nhưng sau lại uống. Theo một vài người bạn, có hồi ông hút thuốc phiện sau lại bỏ.
Tuy dáng người không vạm vỡ, nhưng ông không hay đau ốm. Ngày 6-7-1963 ông nhận được giấy đòi phải trình diện tại Tiểu đội Hiến binh số 635 Nguyễn Trãi, Sài Gòn và được biết sáng thứ hai 8-7-1963 phải ra Toà vì tội tham gia cuộc đảo chính 11-11-1960.
Ông đã có ý định tự tử để có tiếng vang trong quần chúng hầu thúc đẩy cuộc cách mạng chống Ngô Đình Diệm; ông đã chuẩn bị cái chết và đã viết di ngôn từ sáng chủ nhật 7-7-1963, theo ý ông, tự tử ngày “song thất” là đem cái nhục cho họ Ngô.
Ông đã có ý định tự tử ít nhất là một tuần lễ trước ngày 7-7-1963. Vì chủ nhật trước ông có tới dự buổi họp của Văn Bút (hình như là để vĩnh biệt các văn hữu) và có chụp ảnh để kỷ niệm, lúc 4 giờ chiều chủ nhật 7-7-1963, Nhất Linh ngồi nói chuyện với các con và uống rượu Whisky Jonnhie Walker, con trai ông là Nguyễn Tường Triệu tỏ vẻ ngạc nhiên tưởng ông uống để quên sự thế, nào ngờ ông vừa uống rượu vừa uống thêm độc dược để đi tìm cái chết để khỏi phải toà án loài người xét xử mình.
Năm giờ chiều, Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm được mời đến thì Nhất Linh đã mê man, hơi thở đã yếu. Đem vào Bệnh viện Grall chạy chữa nhưng đến 1 giờ 15 sáng thì Nhất Linh đã trút hơi thở cuối cùng.
Từ lúc uống thuốc ngủ đến lúc chết thật sự chỉ vỏn vẹn chín giờ. Tất nhiên ông đã uống rất nhiều thuốc ngủ và cách uống cũng thật khoa học nên mới đem lại một cái chết mau chóng như thế.
Theo kết quả phân chất nước tiểu của Nhất Linh có rất nhiều thuốc ngủ (Barbituriques) loại Vénoral.
Nhất Linh mất trong đêm 7-7-1963 rạng ngày 8-7-1963, đúng 1giờ 15 sáng.
Ngay sau khi Nhất Linh mất, chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh làm một cuộc phẫu nghiệm tử thi (autopsie) mặc dầu không có sự ưng thuận của gia đình, để tìm hiểu nguyên nhân chết thực sự của Nhất Linh.
Sau đây là nguyên văn bản phúc trình kết quả thử nghiệm của Viện Pasteur Sài Gòn dịch ra tiếng Việt:
Sài Gòn, ngày 15 tháng 7 năm 1963
Số 562/HA
Thử nghiệm độc dược
Chiếu theo giấy số 13.747, ngày 10-7-1963 của Toà án Sài Gòn, xin khám nghiệm nước tiểu, máu và nước rửa bao tử của Nguyễn Tường Tam.
* Tìm chất độc loại hữu cơ trích ra nhờ hơi nước lôi cuốn:
- Tìm chất lân tinh: kết quả không.
- Tìm chất Cyanure: không không.
* Tìm chất cặn để lại bởi éther alcalin:
- Tìm chất alcaloides:
1. Phản ứng Valser và Mayer: kết quả không.
2. Phản ứng Draggendorf: kết quả không.
* Tìm trong chất cặn để lại bởi éther acide:
- Tìm chất digitaline: kết quả không.
- Tìm chất phénol acide salicylique và antipirine: kết quả không.
* Tìm chất barbiturique (thuốc ngủ): kết quả có.
1. Phản ứng kiểm nhận bằng Nitrat mercureux: cặn trắng, rồi sẩm màu rất lẹ.
2. Phản ứng Dengiès (bằng nước trung cách Sulfate mercurique): kết tủa trắng và keo tan trong acide chlorhydrique.
3. Phản ứng Pari: màu đỏ tím rất đẹp.
4. Kiểm nhận bằng phương pháp microcristallosscopie Dengiès: hiện diện của những mảnh hình chữ nhật riêng rẽ hay chụm lại với nhau.
* Kết luận:
Có hiện diện của chất Barbituriques với một mức độ rất cao trong nước tiểu của Nguyễn Tường Tam.
Sau khi kiểm nhận bằng microcristalloscopie ta có thể kết luận chất barbiturique này là loại Véronal.
Trưởng Phòng Thí nghiệm
Phạm Văn Tất
Nguyên văn bản kết quả thử nghiệm viết bằng tiếng Pháp:
Sài Gòn, le 15 Juillet 1963
Số 562/HA
Examen Toxicologique
Ref: Demande d’examen No.13.747 du 10-7-1963 du Tribunal de Sài Gòn, concernant l’analyse de l’urine, du sang et du liquide de lavage gastrique de Nguyễn Tường Tam.
* Recherche des poisons organiques extraits par entrainement à la vapeur d’eau:
- Recherche du phosphore: résultat négatif.
- Recherche des cyanures: résultat négatif.
* Examen du résidu laissé par l’éther alcalin:
- Recherche des alcaloides:
1. Réatif de Valser et Mayer: recherche négative.
2. Réatif de Draggendorf: recherche négative.
* Examen du résidu laissé par l’éther acide:
- Recherche de la digitaline: recherche négative.
- Recherche du phénol, de l’acide salicylique et de l’antipirine: recherche négative.
* Recherche des barbiturique: Recherche positive.
1. Réaction d’identification avec le nitrate mercureux: précipité blanc, fonçant très rapidement.
2. Réaction de Dengiès (avec la solution neutre de sulfate mercurique): précipité blanc gélatineux, soluble dans l’acide chlorhydrique.
3. Réaction de Pari: belle coloration rouge violacée.
4. Identification par microcristallosscopie (Denigès): lamelles rectangulaires isolées ou groupées.
* Conclusion:
Présence des barbituriques à dose très élevée, dans l’urine de Nguyễn Tường Tam.
Par l’identification par microcristalloscopie, on peut conclure que ce barbiturique est du VERONAL.
Le Directeur du Laboratoire
Singé Phạm Văn Tất
Và sau đây là nguyên văn bản phúc trình pháp lý về cuộc phẩm nghiệm tử thi Nguyễn Tường Tam.
Sài Gòn, ngày 9 tháng 7 năm 1963
Bản phúc trình Pháp y về việc phẫu nghiệm tử thi Nguyễn Tường Tam
Ngày 8-7-1963, hồi 16 giờ tại nhà xác Bệnh viện Grall có sự hiện diện của những vị sau đây:
1. Ông Lưu Đình Việp, Biện lý Toà Sài Gòn.
2. Ông Lý Quốc Sỉnh, Phó Biện lý Toà Sài Gòn.
3. Ông Dương Tấn Hữu, Phó Ty Cảnh sát quận I.
4. Ông Nguyễn Tứ Quý, Sở Giảo nghiệm.
5. Ông Trương Tấn Bảo, Sở Giảo nghiệm.
6. Bs. Nguyễn Văn Bổn, Y sĩ Chẩn y viện quận I, Y sĩ Giám định.
7. Bs. Nguyễn Đăng Phong, Y sĩ Trưởng Đô thành.
8. Bs. Đào Huy Chân, Y sĩ Chẩn y viện quận III, Y sĩ Giám định.
9. Bs. Nguyễn Danh Đàn, Thanh tra Bộ Y tế.
10. Bs. Nguyễn Bỉnh Nghiêm, Đại diện Bộ Y tế.
11. Bs. Nguyễn Huy Can, Giảng viên Trường Đại học Y khoa.
12. Bs. Gourillon, Y sĩ giải phẫu Bệnh viện Grall.
Thời gian Nguyễn Tường Tam nằm Bệnh viện Grall
Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm viết giấy tối khẩn gởi Nguyễn Tường Tam vào Bệnh viện Grall, ngày 7-7-1963, hồi 18 giờ. Có mấy chữ như sau: Toan tự tử (không rõ với chất gì). Khi vào đến bệnh viện thì hơi thở, mạch của bệnh nhân rất yếu cho đến nỗi bác sĩ tưởng đã chết rồi.
Sau khi được chữa trị thì hơi thở và mạch khá hơn chút ít.
Bác sĩ điều trị không thấy triệu chứng của một bệnh nên có nghĩ đến sự tự tử bằng chất độc. Tuy nhiên có tìm chất thuốc ngủ trong nước đái bệnh nhân mà không thấy rõ.
Bệnh nhân tắt thở ngày 8-7-1963 hồi 1 giờ 15 phút.
Giảo nghiệm
Muốn cho chắc rằng tử thi đang khám là của Nguyễn Tường Tam, hội đồng nhờ Sở Giảo nghiệm (hai ông Nguyễn Tứ Quý và Trương Tấn Bảo) chụp hình và lăn ngón tay.
Khám tử thi bề ngoài
Do Bác sĩ Nguyễn Văn Bổn và Đào Huy Chân là hai y sĩ giám định.
Tử thi là một người đàn ông gầy, độ 60 tuổi, râu môi trên và tóc bạc một phần màu muối tiêu.
a. Đầu: Cái mặt không có vết thương nào. Trong miệng không có răng giả, con ngươi mở (mydriase). Tìm kỹ nơi da đầu không thấy thương tích.
b. Cổ: không có thương tích.
c. Tay chân: không có thương tích.
d. Mình mẩy: không có thương tích.
Nơi vùng xương khu (vertébres sacrées) có hai mụn lở (escarres) vì gầy yếu và nằm cấn, ngay những đốt xương D3-D4 có bướu mỡ đo 5cm x 3cm.
Phẫu nghiệm
Bác sĩ Nguyễn Văn Bổn giải phẫu. Bác sĩ Đào Huy Chân phụ tá.
1. Phổi: Không có bệnh, chỉ đen vì bụi (authracose). Màng phổi không có chi lạ.
2. Tim: Không có bệnh Infarctus. Màng tim không có chi lạ.
3. Bao tử: Không có bệnh. Đầy phân nửa thức ăn. Bao tử được cột hai đầu và lấy nguyên ra với thức ăn để tìm chất độc tại Viện Giảo nghiệm.
4. Gan: Phía dưới lá gan có một lằn chai to (bande scléreuse). Ngoài ra không có bệnh chi cả. Gan và túi mật cân nặng 1kg120.
5. Tuỳ tạng (pancréas): không có chi lạ.
6. Lá lách (rate): có vẻ thường.
7. Thận: thận hữu nặng 130gr, thận tả 120gr, không có bệnh.
8. Tuyến thượng thận (glandes surrénales): có vẻ thường.
9. Đầu: da đầu không có thương tích, xương sọ tốt.
10. Óc: không có chảy máu, không có bướu, màng óc (tumeur không có bệnh).
Tìm chất độc. – Có gửi đến Viện Giảo nghiệm:
a. Nguyên cái bao tử với thức ăn.
b. 25cc máu lấy trong tim.
c. 30cc nước tiểu lấy trong bọng đái. Nước tiểu có vẻ thường.
d. 4cc nước đầu và xương sống (liquide céphalorachidien).
Kết luận:
Với những phương pháp khám nghiệm thông thường tại chỗ, không thấy thi hài có triệu chứng nào có thể giải thích cái chết mau chóng của Nguyễn Tường Tam.
Cần chờ xem kết quả việc tìm kiếm do các phòng và Viện Giảo nghiệm.
Bs. Đào Huy Chân và Bs. Nguyễn Văn Bổn (ký tên)
Và cái kết quả tìm chất độc của Viện Pasteur Sài Gòn do Trưởng Phòng Thí nghiệm Bs. Phạm Văn Tất xác nhận có chất thuốc ngủ (barbiturique) rất nhiều trong nước tiểu đã giải thích được cái chết của Nhất Linh. Bất cứ trong các vụ tự tử bằng chất thuốc ngủ nào, nếu ta tìm thấy trong nước tiểu có chất barbiturique thì nhất định nạn nhân đã uống thuốc ngủ. Đây là bằng chứng của các vụ tự tử vậy.
Kết luận
Về phương diện y học, Nhất Linh đã biết cách tìm một cái chết mau chóng bằng thuốc ngủ pha rượu đến nỗi các y sĩ làm phẫu nghiệm cũng không giải thích nỗi cái chết quá mau lẹ của Nhất Linh.
III. Suy luận về cái chết của Nhất Linh
Nguyễn Tường Tam lúc thiếu thời là một người khoẻ mạnh. Tôi có dịp gặp ông ở nhà riêng ông ở phố Hàng Cau Hà Nội hồi ông mới ở Pháp về và tôi còn nhớ hình ảnh và dáng điệu của một người tráng kiện và lanh lợi.
Sau này lúc mới 50 tuổi, sức khoẻ của ông đã bị sút kém. Thế Uyên cũng viết: “Tuần trước tháng 11 năm 1960, Nhất Linh là một ông già đau ốm đầy vẻ suy tư” (Chân dung Nhất Linh, Tập san Văn xuất bản, SPT số 6/66).
Sao mà ông khỏi ốm được. Mười mấy năm làm văn nghệ không nghỉ, mười mấy năm làm cách mạng, mấy năm lưu lạc, vật chất thì thiếu thốn, tinh thần bị lung lạc. Tất cả những cực nhọc, những lo âu, những thất vọng đã chồng chất lên thể xác ông, tâm thần ông. Tất nhiên sức khoẻ ông phải suy yếu.
Hơn nữa, ông cũng như đa số các nhà văn, thích uống rượu, thích hút thuốc, cả thuốc lá lẫn thuốc lào.
Người ta cho hút thuốc lá, uống rượu là thích thú, hút để giải khuây. Văn sĩ thì lại coi những thứ này như kích thích tố và dùng nó để tăng năng suất hay gây thêm cảm hứng. Nhưng đối với y học thì rượu và thuốc lá, cà-phê không làm tăng năng suất, trái lại, làm giảm trí nhớ, làm cho phản xạ chậm trễ, kém nhạy. Khoa sinh lý thực nghiệm đã nghiên cứu những chất này và coi như là những chất độc có hại cho cơ thể, và giảm thọ con người. Thuốc lá và thuốc lào cũng vậy, làm hại tim và gây ra bệnh ung thư phổi. Còn rượu thì bất cứ rượu nào, kể cả rượu bia, sau một thời gian có thể sinh ra chứng héo gan, hay là chứng loạn óc, tuỳ theo phản ứng cơ thể của mỗi người.
Nhiều nhà văn Việt Nam thích uống rượu, nhưng chắc số người nghiện rượu thì ít, hoạ may có Tản Đà, Nguyễn Tuân; Nguyễn Khuyến ca tụng rượu, di ảnh ông để lại tay cầm chén rượu, nhưng vị tất đã là người nghiện rượu. Còn thanh lý thì đa số người trong nghề viết văn đều nghiện.
Nhất Linh nghiện thuốc lá rất nặng, mỗi ngày hai bao Bastos, ông hút luôn miệng, lại hút cả thuốc lào. Còn rượu thì chắc ông không nghiện bằng Tản Đà. Không biết ông bắt đầu uống từ năm nào, và uống mỗi ngày bao nhiêu và loại rượu gì. Hình như mấy năm sau ông chỉ uống bia thôi. Có lẽ ông cũng thích uống Whisky, chứng cớ là ngày ông tự tử ông uống Whisky Johnnie Walker.
Tường Hùng, cháu gọi Nhất Linh bằng chú viết trong Chân dung Nhất Linh (sđd): “Đã có một dạo cứ buổi chiều Nhất Linh lại say rượu. Nhưng ông uống rượu chỉ để ngủ và lúc say ông chỉ ngồi im nghĩ ngợi trong căn phòng không ánh sáng…”. Mấy năm sau theo Bác sĩ Phiếm thì tinh thần ông kém nhiều và tay ông run (tremblement des extrémités). Đây là một triệu chứng của bệnh nghiện rượu.
Thế Uyên, cháu của Nhất Linh, viết trong bài “Người bác” (sđd): “Ông không lên Đà Lạt tu tiên… và bước vào một thời kỳ đau ốm (đau dạ dày) và suy nhược tinh thần. Thỉnh thoảng ông lên cơn loạn trí, đứng trước nhà đường Lý Thái Tổ, móc giấy tờ trong ví đưa cho mọi người, miệng nói lảm nhảm: “Lấy hết đi, xin các ông lấy hết đi. Đừng áp chế tôi!”. Tội nghiệp, các người thân hết sức lo lắng. Chỉ riêng mẹ tôi (mẹ Thế Uyên là em gái Nhất Linh) sau một lần chứng kiến cơn loạn thần kinh về nói riêng với tôi: “Bác điên khôn ghê, chỉ thấy bác đưa vứt giấy tờ lẩm cẩm, chẳng thấy bác vứt tiền cho mẹ con mình nhặt tiêu…”. Rất có thể Nhất Linh giả vờ loạn óc, vì chính quyền Ngô Đình Diệm đang lùng bắt ông. Đây cũng là một lối cải dạng. Ông thích đọc truyện trinh thám và rất quen thuộc với lối cải dạng.
Theo Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm thì Nhất Linh có bệnh thần kinh suy nhược (neurasthénie). Ông đã bị ám ảnh tự sát (obsession par le suicide). Mấy tháng trước, cũng theo Bác sĩ Phiếm, Nhất Linh cũng đã uống thuốc ngủ tự tử khi ông trốn ở đường Lê Thánh Tôn. Chính Bác sĩ Phiếm chữa chạy, rửa dạ dày, chích thuốc Strycnhine. Số lượng thuốc ngủ uống hồi ấy vì ít, nên ông bình phục ngay và vài hôm sau ông lại đi họp Hội Văn Bút.
Nói tóm lại, trước khi tự tử Nhất Linh đã bị tinh thần suy nhược, chúng tôi không dám phê bình tính cách tranh đấu tiêu cực của ông (theo Bác sĩ Phiếm thì ông bị ảnh hưởng sâu xa của cái chết của Thích Quảng Đức). Nhưng đứng về phương diện y học, thì tự tử với tính cách tiêu cực chứng tỏ là Nhất Linh đã bị khủng hoảng tinh thần.
Nguyên do sự khủng hoảng ấy ở đâu mà ra? Vì thế cuộc chăng? Nếu muốn tìm lý do y học thì chỉ có bệnh nghiện rượu mới cắt nghĩa được sự khủng hoảng tinh thần ấy. Bệnh rượu của ông khác bệnh rượu của Tản Đà và ông cũng ít uống, không bằng Tản Đà. Tản Đà sau nhiều năm uống rượu, bị đau gan và chỉ ngông chứ không loạn trí. Còn Nhất Linh tuy thời gian uống rượu ngắn hơn, rượu đã đưa ông đến tình trạng tinh thần suy nhược. Ngoài ra trong tờ trình phẫu nghiệm tử thi, lá gan có một lằn chai (bande de sclérose). Đấy có lẽ là do ảnh hưởng của rượu.
Ta cũng có thể suy luận một cách khác. Nhất Linh đã tự tử không phải tinh thần ông bị suy nhược. Cái chết của ông có thể có một nguyên nhân sâu xa hơn. Bản chất ông là một nghệ sĩ, ông đã sống một cách nghệ sĩ, làm cách mạng như một nghệ sĩ. Rất có thể ông đã mơ ước một cái chết nghệ sĩ.
Người ta đã kể lại nhiều cái chết nghệ sĩ, như cái “chết đẹp”, cái chết “làm dáng” của người đàn bà phấn son xiêm áo chỉnh tề, rồi chất đầy hoa tươi trong phòng ngủ đóng kín cửa lại cho nghẹt hơi mà tự tử. Cái “chết quý phái” của nhà văn Pétrone thời cổ La Mã, trước khi tự tử đã cho đặt một bữa yến tiệc linh đình rồi cắt mạch máu tay mà chết. Gần đây ai cũng bị xúc động vì cái chết cao siêu của Thích Quảng Đức.
Vì Nhất Linh là một nghệ sĩ, nên rất có thể ông mường tượng, ông vuốt về một cái chết đặc biệt, khác thường, một cái “chết đẹp”.
Trong Dòng sông Thanh Thuỷ, năm 1960 ông đã viết:
“Đời sống chỉ là mơ, niềm vui cũng chỉ là mơ. Thanh tự nghĩ nếu có chết ngay lúc này, nàng sẽ không đau khổ. Hồn nàng sẽ hoá thành một giấc mơ vui rồi khi giấc mơ ấy tan đi là chết, là hết. Nàng chắc cả vũ trụ này đến ngày tận thế cũng vậy, cũng biến thành một nguồn vui bao la rồi cứ thế hoà loãng, tan dần đi trong cái mênh mông của hư vô; không có sự chết, không có sự sống, mà ngay cả đến cái hư vô cũng không có nữa”.
Theo giả thuyết trên đây thì cái chết của Nhất Linh không phải là cái chết “tiêu cực” của một tình trạng tinh thần suy nhược, mà cái chết của ông đã được xếp đặt theo sở cầu của ông. Ông muốn cái chết của ông sẽ đạt hai mục đích:
Một là mục đích chính trị, ông định tự tử vào ngày “song thất” [1] để gây một tiếng vang trên thế giới và đánh một đòn nặng vào chính thể Ngô Đình Diệm.
Mục đích thứ hai là để thoả mãn cái sở cầu thiên tính nghệ sĩ của ông. Ông vừa uống rượu Whisky vừa uống thuốc ngủ. Phải chăng ông muốn một cái chết say sưa, êm đềm và cũng vui như một giấc mơ của Thanh trong Dòng sông Thanh Thuỷ vậy.
IV. Kết luận
Trên đây là những nét chính về bệnh tật của Nhất Linh mà chúng tôi suy luận ra, căn cứ vào những tài liệu đã xuất bản, và lời chứng của Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm. Những suy luận này rất có thể có điều thiếu sót và sai lầm. Còn cái chết của Nhất Linh là một sự kiện với tất cả những chi tiết chính xác. Tôi thành kính ghi những chi tiết này để gởi vào lịch sử.
[1]Mồng 7 tháng 7, ngày kỷ niệm nhậm chức của Ngô Đình Diệm.
Nguồn: Văn. Tập san Văn chương – Tư tưởng – Nghệ thuật. Năm thứ Bảy, số 156, ra ngày 15 tháng 6 năm 1970.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)