Alexandre Soljenitsyne: Tác phẩm – Con người và Cuộc đời
Lời nói đầu
Giải thưởng Nobel dành cho nhà văn Nga Alexandre Soljenitsyne [1] ?
Vì sao chúng tôi xuất bản cuốn sách ghi lại cuộc tranh luận giữa nhà văn Soljenitsyne với Thư ký đoàn Hội Liên hiệp Các nhà văn Liên Xô?
Giải thưởng Văn chương Nobel 1970 được trao cho một con người, một nhà văn đặc biệt Alexandre Soljenitsyne, người Nga!
Và trao vì những lý do đặc biệt, Hàn lâm Viện Thụy Điển đã nhấn mạnh rằng giải thưởng Nobel được trao tặng cho Soljenitsyne vì toàn bộ tác phẩm của ông và sự im lặng không kém hùng hồn của một nhà văn phải câm nín vì miệng đã bị bịt lại! Lý do trao giải như vậy đã có nhiều ý nghĩa rồi. Phản ứng của nhà văn lại còn nhiều ý nghĩa hơn nữa.
Soljenitsyne tuyên bố rằng ông nhận giải và sẵn sàng đi lãnh giải! Nhận giải xong là ông sẽ trở về Nga để giam mình vào trong một sự cô lập nặng nề do chế độ bố trí xung quanh. Ông đã khước từ tất cả những vinh quang mà chế độ sẽ đem lại cho ông qua đề nghị mà lãnh tụ Kroutchev đã đưa ra khuyến cáo của một nhà văn Nga Cholokhov (giải Nobel 1965); khước từ luôn cái đề nghị “tự động lưu vong” cũng do chế độ đưa ra khi không thuyết phục được ông!
Soljenitsyne quyết đi lãnh giải và sau đó sẽ trở về lại, bất chấp phản ứng của chính quyền Nga là một cái gì thực sự có ý nghĩa khi ta nhớ lại rằng trước đây, nhà văn Boris Pasternak đã phải khước từ giải Nobel theo ý muốn của các lãnh tụ chính phủ Nga chỉ để được ở lại trên quê hương Nga! Soljenitsyne bất chấp phản ứng của chính quyền Nga và cũng quyết ở lại trên đất Nga!
Cái ý nghĩa ấy là văn phong Soljenitsyne, một văn phong quá độc đáo, quá khó có trong khung trời xã hội chủ nghĩa về chính trị và trong khuôn khổ của hiện thực xã hội chủ nghĩa về văn nghệ.
“Hãy nói rằng ở đây có một thiên tài số một của văn giới Nga. Thiên tài ấy là Soljenitsyne.”
Lời tuyên bố của một nhà văn, tác giả một tác phẩm lớn, Trong những chiến hào Stalingrad, giải thưởng Staline, nghĩa là nhà văn được chế độ chiều đãi một thời nhưng bây giờ đã can đảm tự phủ nhận mình bằng cách trốn vào rượu Vodka, nói về một nhà văn nguyên tù biệt xứ, và đang bị cô lập trong một thành phố nhỏ, một nhà văn bị các lãnh tụ văn nghệ của Đảng lên án là “làm hại uy tín chế độ nặng nề hơn Pasternak bi quan yếm thế, vì Soljenitsyne là một con người nhiều đấu tranh tính, tích cực và là người có tài”.
... Đủ cho phép ta nghĩ rằng văn phong Soljenitsyne phải có một cái gì đối đáp.
Hơn ai hết, chỉ có Soljenitsyne nhà văn Nga duy nhất dám trung thực với mình, dám coi bổn phận của nhà văn đối với một người cũng nặng nhưng kém bổn phận đối với xã hội. Soljenitsyne là nhà văn Nga duy nhất cho rằng nhà văn có một thiên chức nặng nề hơn thiên chức của nhà văn chiếu theo chủ nghĩa hiện thực xã hội làm gạch nối giữa hiện tại và thời gian vô thủy vô chung, đi sâu vào tâm duy và tư duy của con người trước cái chết và sự sống – những vấn đề đang đeo đẳng lấy đời sống của nhân loại từ bao giờ đến nay.
Hơn ai hết, Soljenitsyne phủ nhận nguyên tắc phải viết theo hướng đi lên khi đề cập đến đối tượng phục vụ của hiện thực xã hội chủ nghĩa và đòi hỏi nhà văn Nga phải đề cao và nối tiếp tinh thần hiện thực Nga: hướng đến quần chúng đau khổ và coi một ngày trong cuộc đời của một người nông dân Nga bình thường mà thôi cũng đủ là đề tài cho một tác phẩm lớn, chẳng khác gì “mấy chục thế kỷ của lịch sử Âu châu cũng chỉ đủ làm đề tài cho một tác phẩm theo Tolstoi.”
Chúng tôi muốn nói là văn phong Soljenitsyne là một văn phong tạo thành bởi yếu tố chính là sự tự do – Tự do hiểu theo ý nghĩa cao quý của nó, khác với danh từ Tự do, sản phẩm của chiến tranh lạnh giữa hai khối chính trị và kinh tế trên thế giới sau chiến tranh II.
Tự do, nơi con người của Soljenitsyne nhà văn có nghĩa là nhà văn phải giữ cho được một tư thế sáng tạo giữa hiện tại và thời gian vô cùng! Không thể chỉ biết hiện tại để cho tác phẩm thiếu cái giá trị dài hạn của nó, nếu không muốn nói là vĩnh cửu. Và cũng không thể coi nhẹ hiện tại mà chỉ biết thời gian thôi để cho tác phẩm èo ọt thiếu sinh khí, thiếu khả năng tác dụng đối với con người…
Thực vậy, nơi cuốn sách nhỏ này, lập trường, thái độ và tinh thần quả cảm của Soljenitsyne trước những ông tòa quyết định số phận của nhà văn và của tác phẩm là các ông nhà văn lãnh đạo Hội Liên hiệp Các nhà văn Xôviết đã làm nổi bật tinh thần quả cảm của một nhà văn – bắt buộc phải trung thực với mình, không được có cái thái độ gọi là “compromis” với những người tiêu biểu cho quyền uy, không ghép mình vào một tinh thần nguyên tắc cứng nhắc và phản bội lại mình…
*
Nền văn nghệ Việt Nam – trong hiện tại – hình như đang bị lay chuyển bởi những làn sóng băng hoại trong giai đoạn đại khủng hoảng của xã hội.
Ở bên kia sự sa sút của những nhà văn đã từng tạo cho Việt Nam những công trình nghệ thuật sống động, khởi sắc đã nói lên rõ ràng sự bế tắc của văn nghệ “hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Mục tiêu hạn chế, đề tài chật hẹp và nguồn cảm hứng khô cạn: Chỉ có đời sống và cuộc chiến đấu của vô sản dưới sự lãnh đạo của Đảng trong một sinh hoạt xã hội nhất thiết phải là hậu quả của sự đấu tranh giai cấp – đã làm cho nhà văn miền Bắc bị bế tắc trông thấy.
Nhà văn Bắc Việt cũng như nhà văn Nga rất hăng hái và vững vàng trong những cuộc diễn thuyết, trong những công trình biên khảo chứng minh nền văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa nhất định phải đẻ ra những tác phẩm rất giá trị, nhờ ánh sáng của chủ nghĩa chỉ đạo, nhưng lại không có tác phẩm giá trị, không có nhà văn viết nên những tác phẩm giá trị; ngoại trừ một vài tác phẩm viết trong cuộc kháng chiến chống Pháp mà nội dung không phải là lập trường vô sản, tinh thần giai cấp! Thơ Cải cách Ruộng đất của nhà văn đã đồng diễn tả cao trào lòng mến của thanh niên Việt Nam thời tiền chiến – Xuân Diệu – là một cái gì thực thê thảm, buồn bã, chẳng có qua một chút khí thế đấu tranh nào hết.
Soljenitsyne đã trả lời các nhà văn hiện thực xã hội Nga một cách lặng lẽ mà hết sức hùng hồn bằng tác phẩm. Bằng một quan điểm văn nghệ coi nhẹ vấn đề chế độ hay dân chủ nhẹ hơn con người, con người của mọi chế độ đang đau khổ.
Nhà văn miền Nam từ chối hiện thực xã hội chủ nghĩa nhưng lại bế tắc, không tìm đường hướng chỉ đạo cho sự sáng tạo những công trình có một giá trị toàn diện vĩnh cửu. Chẳng những thế mà thôi, giới văn nghệ miền Nam, trong cuộc khủng hoảng xã hội vì chiến cuộc kéo dài, hình như đã đánh mất nguồn cảm hứng – hay nói khác hơn – chưa tìm được vị trí thích đáng để tìm cảm hứng nên chỉ tạo được những nghệ phẩm kích thước quá nhỏ so với thiên chức, những nghệ phẩm phản ảnh tình trạng bế tắc tư tưởng và cô đơn về mặt tình cảm, cô đơn và chán chường…
… Và có thể tìm thấy nơi tập sách mỏng này một vài kinh nghiệm, một ý nghĩ có liên quan đến sứ mạng, đến thiên chức mà nhà văn Soljenitsyne đưa ra với dụng ý trao đổi… với giới cầm bút.
Những người xuất bản tập sách mỏng này quan niệm rằng những kinh nghiệm, những ý nghĩ của một nhà văn như Soljenitsyne, người đã vượt ngoài khuôn khổ của hiện thực xã hội chủ nghĩa không vì lý do chính trị và quyền lợi chính trị mà chỉ vì văn nghệ, vì thiên chức nhà văn mà thôi, người hoàn toàn tin tưởng ở đường hướng sáng tạo của mình và đường hướng này đã được tác phẩm đảm bảo giá trị – cũng đáng được người cầm bút nghiên cứu và suy nghĩ.
Bởi vì nghệ phẩm có giá trị đích thực và vĩnh cửu – nghĩa là có một khả năng truyền cảm mạnh mẽ trong hiện tại và khả năng truyền cảm ấy không phai lạt trong tương lai – chắc chắn phải là sản phẩm của một quan điểm sáng tạo đứng đắn của nhà văn có văn phong vững chãi.
*
Ý nghĩa một giải thưởng
“Giải thưởng văn chương Nobel năm 1970 được dành cho ‘một sức mạnh đạo đức, tinh thần’ trước hết.”
Tuyên ngôn trên đây của Hội Hàn lâm Văn học Nghệ thuật Thụy Điển, cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện di chúc Alfred Nobel đã làm cho Giải thưởng Văn chương Nobel năm nay có một ý nghĩa đặc biệt. Đặc biệt vì Alexandre Soljenitsyne – nhà văn Nga được giải vì toàn bộ tác phẩm, không vì một tác phẩm riêng rẽ nào hết.
Ý nghĩa tưởng thưởng cho “sức mạnh đạo đức và tinh thần” của giải Nobel Văn chương 1970 lại càng nổi bật hơn nữa khi đối chiếu với hai giải Nobel Văn chương cũng được tặng cho hai nhà văn Nga:
- Boris Pasternak, nhà văn Nga bị chế độ Xôviết coi là chống đối sau một thời được đề cao, được thưởng vì tác phẩm Bác sĩ Jivago, một tác phẩm không phải là xuất sắc nhất trong sự nghiệp văn chương của tác giả.
- Mikhail Cholokhov, nhà văn được chế độ đề cao kể cả trong thời kỳ đại thanh trừng trước Thế chiến II được tặng giải thưởng Văn chương Nobel vì tài năng, căn cứ vào cuốn trường thiên tiểu thuyết Sông Don êm đềm.
Giữa ba nhà văn người Nga Boris Pasternak, Mikhail Cholokhov và Alexandre Soljenitsyne, nếu việc tặng giải thưởng cho cả Pasternak và Cholokhov có thể chứng tỏ được rằng vấn đề tư tưởng và lập trường chính trị của nhà văn không có ảnh hưởng gì đến giá trị của tác phẩm trước sự phẩm bình của các ông Hàn Thụy Điển… Thì việc tặng giải cho Pasternak vì cuốn Bác sĩ Jivago có thể nói là vô nghĩa so với quyết định trao giải Nobel cho Alexandre Soljenitsyne.
Nói một cách khác, việc tặng giải cho Soljenitsyne lần này có ý nghĩa như một sự thừa nhận sai lầm của các ông Hàn Thụy Điển khi tưởng thưởng Pasternak chỉ vì cuốn Bác sĩ Jivago!
Bởi nói đến Alexandre Soljenitsyne, không phải là chỉ nói đến cuốn Nhóm thứ nhứt (Le premier Cercle). Victor Hugo, trong những ngày lưu vong ở Guernesey, đâu có phải chỉ là tác giả của cuốn Hermani? Bạch Cư Dị ở bến Tầm Dương đâu có phải là tác giả của bài “Tỳ bà hành” duy nhất?
Cho nên khi nhấn mạnh đến “sức mạnh tinh thần”, quyết định của Hội Hàn lâm Thụy Điển không phải chỉ có ý nghĩa của một tác động văn chương thuần túy? Nó còn là một tác động chính trị, theo ý nghĩa cao đẹp của danh từ.
Tại sao văn chương, rốt cuộc quyết định tự lưu đày? Một khi nhà văn bị thúc đẩy đến chỗ phải im lặng – Các ông Hàn Thụy Điển đã suy nghĩ – tại sao lại không đem hào quang sáng chói khoác lên sự im lặng ấy? Tại sao không?
Giải Nobel Văn chương sôi nổi năm 1970 đã chứng tỏ rằng:
“Không có gì hùng hồn hơn một người bịt miệng”.
*
Soljenitsyne với giải Văn chương Nobel khoác lên tác phẩm là một người hùng hồn hơn ai hết, năm 1970!
Nhưng trong đời sống, Alexandre đã cô độc một cách ghê gớm tưởng như chưa có ai bằng, ở giữa đồng bào ruột thịt của ông tại một thị trấn chỉ cách thủ đô Mạc Tư Khoa khoảng 180 cây số, một khoảng cách vô nghĩa đối với thế giới ngày hôm nay. Lá thư cuối cùng viết cho nhà xuất bản Christian Bourgois viết:
“Không có một lá thư nào trong số những lá thư bạn gởi trước đây đến tay tôi hết! Và tôi cũng chỉ được biết rằng, ở Pháp, người ta có tặng cho tôi một giải thưởng qua các đài phát thanh Tây phương.”
Tiết lộ một sự thực trên, Soljenitsyne đã phải trả bằng một giá như thế nào?
Người ta sẽ tưởng tượng được khi biết rằng Alexandre Soljenitsyne là một người Nga thuần túy, Nga từ chân tơ kẽ tóc. Ông không nói một ngoại ngữ nào hết. Ngôn ngữ của ông là một thế giới mênh mông, tuyệt đối, một toàn thể. Bên cạnh ngành kiểm duyệt và theo dõi kiểm soát đã tạo nên xung quanh ông một khoảng không trống rỗng, chính Alexandre Soljenitsyne cũng đã từ chối thế giới bên ngoài không biến thành con người đúng với ý muốn của kẻ thù.
Soljenitsyne không biết và cũng không muốn biết những gì thiên hạ nói về mình. Trong những lá thư ngắn gửi cho bạn bè, Soljenitsyne chỉ yêu cầu bạn bè giúp cho ông một thứ: giấy viết thư và bút nguyên tử; vậy mà những món quà ấy chưa bao giờ đến tay ông.
Nhưng Soljenitsyne vẫn viết, viết như điên từ sáng đến tối, ngày này qua ngày khác, tại thành phố lưu đày Razian. Viết và chỉ biết có viết mà thôi! Còn các thư bản tác phẩm của ông vì sao mà bay ra ngoại quốc, có nhiều khi nguyên văn còn bị xuyên tạc rồi dịch lén… là một chuyện Soljenitsyne không hề hay biết!
Lý do: Một vài tác phẩm của ông viết ra rồi cho bạn bè coi và được bạn chép lại rồi thiên hạ chép chuyền sau đó và cuối cùng lan ra khắp nước Nga! Cụ thể hơn nữa, người ta được biết ít nhất cũng có một cuốn của Soljenitsyne, bản viết tay bị tịch thu, quê nhà bị mật vụ xét… sau đó ít lâu được ấn hành ở Tây phương… Những sự kiện như vậy cũng là yếu tố làm cho Soljenitsyne, ngày nọ sang ngày kia, tự gian mình vào trong cô độc và nghi ngờ.
Có thể nói rằng, trên thế giới này, chưa ai đơn độc bằng Alexandre Soljenitsyne. Nếu Razian, một thành phố cách Moscon chừng 180 cây số về phía Nam, là ngôi mộ văn chương mà Soljenitsyne đã chọn thì thành phố này là nơi mà dân tộc Nga đã gửi gắm con người mang cả một tâm hồn nó, nó sống trong câm nín, tuy Soljenitsyne là tiếng nói của dân tộc Nga.
Nhà báo Jean Francois Kalm đã kể lại câu chuyện sau:
Hai năm trước đây, tại Ukraine, Kalm đã được gặp Victor Nekrassov, nhà văn được giải thưởng Staline, tác giả một trong những tác phẩm giá trị nhất thời hậu chiến cuốn: Dưới các chiến hào Stalingrad. Ở Nga, được giải thưởng văn chương Staline, với một nhà văn, có nghĩa là được hưởng những ân sủng đặc biệt về vật chất cũng như tinh thần; chính sách của các nước xã hội, nhất là Nga coi các nhà văn có giá trị, các nhà bác học có chân trong Viện Hàn lâm là hai trong năm bộ phận được đãi ngộ đặc biệt, ba thành phần kia là Trung ương Ủy viên Đảng, Tổng Bộ trưởng trong Chính phủ và Thống chế Đại tướng Hồng quân. Nhưng Victor Nekrassov năm 1968 không còn là nhà văn danh tiếng, được chế độ chiều đãi mà là một con người tàn tạ, xơ xác. Nekrassov nói rất nhiều nhưng tiếng nói lè nhè sặc mùi rượu Vodka và đầy chất chán chường rơi đều đều mất hút đi. Từ một câu nói – đúng hơn là một lời kêu gào – rõ rệt gãy gọn nổi bật trên những tiếng nói cười, ồn ào loạn xạ, rất trong trẻo.
“Hãy nói lớn, nói rõ rằng ở đây, chúng tôi có một nhà văn, nhà văn lớn nhất, y tên Soljenitsyne.”
Tại Moscou Kalm cũng gặp tại Câu lạc bộ các Nhà văn một cây bút khác, khuôn mặt còn trẻ trung, chưa già cỗi và chán chường như Nekrassov. Đấy là nhà thơ Andrei Voznessenski, không gào lớn, nhưng lời than nho nhỏ của nhà thơ cũng sâu không kém gì lời kêu gào của nhà tiểu thuyết, Andrei Voznessenski chép miệng:
“Phải, nhà văn lớn nhất của chúng tôi là Soljenitsyne.”
Nếu sự nhận chân giá trị của Soljenitsyne do các nhà văn nghệ vốn phải kiêu hãnh hơn đời chưa đủ để nêu bật tư thế của nhà văn được giải Nobel Văn chương năm nay vì những lý do mà Viện Hàn lâm Văn học Nghệ thuật đã nêu ra thì chúng tôi thiết tưởng việc giới thiệu lại đây ý kiến của lãnh tụ Đảng Cộng sản Nikita Kroutchev cũng không đến nỗi thừa.
Theo lời khuyên của Michail Cholokhov – nhà văn được thưởng giải Nobel Văn chương 1965 chỉ vì tài năng, và là một nhà văn được nhà nước qua mấy lần đổi thay vẫn tín nhiệm, Nikita Kroutchev đã kêu gọi Soljenitsyne: Chỉ cần nói lên một tiếng thôi, anh sẽ có đủ tất cả hào quang danh vọng, đãi ngộ xứng đáng.
Lúc bấy giờ Alexandre Soljenitsyne vừa xong cuốn Một ngày trong đời của Ivan Denissovitch. Trong tác phẩm này, tố cáo – đúng hơn là Soljenitsyne chỉ kể lại mà thôi, nhưng kể mới tai hại hơn – đời sống trong các trại tập trung thời Staline.
Đối với ông Kroutchev – lúc bấy giờ đang tiến hành việc tranh đấu loại trừ nhóm chống Đảng, tác phẩm của Soljenitsyne quả là một món quà bất ngờ giá trị! Chỉ cần Soljenitsyne dừng lại nơi đây để biến thành một thứ phản động phục vụ cho Đảng.
Nhưng Soljenitsyne đã không dừng lại. Ông muốn giữ tư cách là tù nhân số 232. Số hiệu tù nhận được tại “căng” mà Soljenitsyne bị ném vào giữa lúc chiến tranh Nga – Đức đang ở vào thời kỳ gay go, ông đã phải mang trên mũi kết, trước ngực, sau lưng, trên cánh tay và nhất là mang ở một nơi ít lộ liễu nhất nhưng nặng nhất – là tâm hồn. Năm năm sau, Alexandre Soljenitsyne đã gởi cho Hội Liên hiệp các Nhà văn Liên Xô một bản cáo trạng chống lại chế độ kiểm duyệt.
“Một nền văn học nghệ thuật không phải là hơi thở một xã hội đương thời, không dám phản ảnh những nỗi cơ cực và những mối ưu tư của dân chúng; không dám lên tiếng báo động với xã hội cái nguy cơ… sẽ không xứng đáng với danh nghĩa văn học nghệ thuật”
Các ông “bầu” của nền văn hoá Liên Xô đã phản ứng một cách tế nhị. Cùng đồng thanh lên tiếng tuyên bố rằng Alexandre Soljenitsyne không còn là một nhà văn Xôviết nữa. Hồn ma của nhà văn bên kia đáp lại:
“Rằng hãy chùi sạch mặt đồng hồ đi, các anh không ngờ rằng bên ngoài, trời đã sáng.”
Alexandre Soljenitsyne, con người sống sót vĩnh viễn được tạp chí Xôviết Tháng Mười gọi là “kẻ đi kiếm thùng rác”, có phải là một nhà cách mạng”, một người cộng sản lương thiện ghê tởm những lệch lạc xã hội chủ nghĩa hay không?
Hình ảnh của Soljenitsyne, người hùng “nhờ cách mạng, người cộng sản lương thiện ghê tởm những lệch lạc của xã hội chủ nghĩa”, ngự trị trong đầu óc của giới trí thức tả khuynh Âu Tây, ngày nay lại được vị Thư ký Viện Hàn lâm Thụy Điển sử dụng để nói về người được giải!
Nhận định này quả thực là sản phẩm của một ảo ảnh có hai mặt phải trái độc đáo và điển hình: Gustave Flaubert đã không tiến bộ mà còn là một nhà văn cực đoan bảo thủ!
Sự thực là Soljenitsyne “xăng phú” chủ nghĩa xã hội, không chống mà cũng không theo. Đấy không phải là vấn đề của Soljenitsyne!
Vả chăng lại, Alexandre Soljenitsyne đã phủ nhận quyền uy của các nhân danh những giá trị được tàng trữ nơi các Cung Thánh cũ kỹ của nước Nga cổ. Trong một bài thơ viết theo lối văn biền ngẫu sáng tác riêng không phổ biến, Soljenitsyne viết:
“Con người thường gian tham và thường hay chứa chấp trong lòng nhiều hận thù. Nhưng trước kia, họ còn được nghe tiếng chuông chiều, chính tiếng chuông ấy đã ngăn cản con người mềm yếu để thành thú vật.”
Và cuối cùng, Soljenitsyne có phải là người phản động chút xíu hay không? Thực tế trả lời.
Nếu Soljenitsyne chỉ quan tâm đến “những tương quan giữa thời đại này với thời gian không cùng”.
Nếu Soljenitsyne đã tìm thấy con người của ông nơi nhân vật Efrem Podoluev trong tác phẩm Trại [của nhà thương] Ung thư (Pavillon des Caneéreux) con người tìm lại được ý nghĩa của đời sống không nơi tích chất mơ hồ tiêu cực của các lý thuyết mà nơi gánh nặng của sự đau đớn và sự thu hút của cái chết có hiệu năng tẩy xóa đời sống buồn nản và đều được mẫu mực, không dành một chỗ nào hết cho những gì là huyền bí…
Thì các ông có phải là người có phản động chút xíu không?
Và nếu phải đi chăng nữa thì có những thay đổi nào?
Soljenitsyne đã đẩy mạnh ý chủ biến nghịch với lý thuyết Đảng xuyên qua việc phục hồi lại một phần danh dự cho những người Nga đã phục vụ trong binh đoàn Vlassov (tên một Đại tướng Nga có huy chương danh dự đã đầu hàng Đức để lập một đạo quân đánh lại Staline trong một vở kịch. Chính mật vụ K.B.G. đã vớ được kịch bản này và dùng nó làm chứng cớ buộc tội Soljenitsyne).
Nhưng điều này chẳng có gì là quan hệ. Điều đáng nói là ở Nga, với tất cả những ai có công trình sáng tạo và những kẻ muốn có. Alexandre Soljenitsyne là một người tự do. Tự do một cách giản dị và cụ thể.
Nghĩa là một con người ngoài một dũng chí hết sức lớn – còn có thiên tài, một thiên tài nào đó (un “certain génie”).
Thiên tài ấy như thế nào?
Trong cuốn Một ngày trong đời Ivan Denissovitch, tù nhân số M. 854, một nông dân Nga bình dị bị bắt năm 1942, vượt ngục và bị ném vào trại tập trung, vì không biết nói với các “xếp” rằng y chỉ đi vòng vòng trong rừng mà lại đi kể thực về chuyện y đã trốn khỏi một trại quân của Đức – là người như thế nào?
Một tù nhân bình thường sống sót một cách bình thường tại một trại tập trung bình thường. Nhưng đấy từ con người của mọi người chúng ta bị đe dọa, gần như hàng giờ, bởi sự bạo tàn mà ta đã cảm thấy lại, khi bị lưu đày ra khỏi con người của ta.
Đấy cũng là sự đe dọa của Dostoievski trong cuốn Ngôi nhà của những người chết.
Ngày của Choukhov, 24 giờ trong một căn nhà gỗ giữa các hàng rào thép gai và chòi canh theo Soljenitsyne viết trong những dòng cuối cùng của cuốn truyện, là “một ngày gần như sung sướng”. Là thời gian chỉ đủ để thấy một ông già, hàm mất hết răng để trơ lợi ra hiện diện ở đây từ vạn cổ và được tất cả mọi lệnh ân xá tránh né”. Giữa những chiếc lưng cong của trại, Chuokhov thấy lưng đặc biệt thẳng của mình nổi bật. Khi hắn ngồi vào bàn, mọi người có cảm tưởng là có một cái gì kê trên chiếc ghế khiến cho hắn ngồi cao hơn lên…”.
Người già nói trên… chính là người các ông Hàn Thụy Điển đang tìm kiếm.
*
Phần 1: Alexandre Soljenitsyne - Con người và sự nghiệp
Thiên chức của nhà văn
“Phú quý bất năng dâm
Bần tiện bất năng di
Uy vũ bất năng khuất”
Khổng thư
Bước vào nghiệp văn, Alexandre Soljenitsyne như mọi nhà văn nhà thơ – đã gởi tác phẩm cho Hội Liên hiệp các Nhà văn (và các nhà thơ, nói chung các nhà văn nghệ sáng tác, gọi tắt là Hiệp hội các Nhà văn) do Laurenew Ủy viên Thư ký và Fedine, Đệ nhất Thư ký Hiệp hội Trung ương Ủy viên Đảng Cộng sản Nga (sau là Trung ủy) lãnh đạo. Tác phẩm bị xếp lại không ấn hành và sau đó, Soljenitsyne chỉ còn giữ lại được vài cuốn trong toàn bộ tác phẩm, vài cuốn khác còn bị giữ tại ngục thất Lubjanka.
Soljenitsyne cũng đã đi vào kịch nghệ và đã gần thành tài. Vị giáo sư kịch nghệ của ông, đạo diễn Javadsky bị trục xuất khỏi thủ đô phải về thành phố Rostov mở một trường kịch nghệ, cho rằng Alexandre Soljenitsyne có thể trở thành một kịch sĩ có tài. Những bệnh tật đã làm cho giới văn nghệ trình diễn Nga thiếu một kịch sĩ tên tuổi. Bệnh đau cuống họng kinh niên do các bác sĩ khám phá ra đã đẩy Alexandre Soljenitsyne xa kịch trường.
Có thiên tài toán học và đã tốt nghiệp đại học, Alexandre Soljenitsyne khi bước chân vào quân đội hồi Thế chiến, lại dứt khoát tin tưởng và ly khai với các giới chức quân đội hữu trách rằng ông chỉ có năng khiếu văn chương – nghĩa là chỉ có thể viết văn mà thôi. Vì thế, quân đội không biết sử dụng Soljenitsyne vào việc nào cho thích hợp.
1. Từ một quân nhân đẩy xe cút kít…
Kết cuộc, ông binh nhì kiêm toán học gia chỉ có năng khiếu văn chương Alexandre Soljenitsyne được đẩy vào ngành yểm trợ tiếp vận, đã phục vụ trong một đơn vị chuyên đẩy các loại xe cút kít, quân nhân gồm những người có sắc già nua và những con ngựa không lấy gì làm khoẻ mạnh. Bởi vậy tại đơn vị này, Alexandre Soljenitsyne phải lãnh phần chăm sóc lấy sức khoẻ của chính mình.
Tất nhiên, Soljenitsyne phải bực tức trong đời sống của một quân nhân đẩy xe cút kít. Không được làm việc đúng năng khiếu viết văn, Alexandre Soljenitsyne muốn được chuyển sang ngành pháo binh nhưng lúc bấy giờ 1942, chiến tranh đang hồi gay go cùng độ. Nga Sô đang lâm nguy nặng nề nói chung, và Hồng quân ở vào thế kẹt nói riêng, yêu sách của một binh nhì – dầu binh nhì ấy cũng là một nhà trí thức – đâu có được ai lưu ý? Đơn của Alexandre Soljenitsyne bị vất xó mãi mãi.
Nhưng rồi cuối cùng, Soljenitsyne cũng được toại nguyện, một sĩ quan cao cấp đã kéo ông thoát ra khỏi đời sống buồn nản này. Ông được đi học một trường sĩ quan pháo binh rồi được phái đến một căn cứ pháo binh ở thành phố Gorki.
Khi kể đến quãng đời này, giọng nói và nụ cười của ông hết sức hiền hòa êm dịu, vừa nói ánh mắt trang trọng của ông lại di chuyển từ người đối thoại đến chiếc đàn dương cầm đang mở sẵn; trên giá bản “Etudes” của Liszt đã mở rộng.
Soljenitsyne kể:
Mọi chuyện xảy ra và những gì tôi quan sát được trong lần di chuyển này đều được ghi trong truyện Một câu chuyện ở nhà ga Krechetova.
Sau đó, tại trường pháo binh ở Gorki, Soljenitsyne lại bị đưa ra mặt trận chỉ vì ông đưa toán ra đùa với viên tư lệnh nhà trường. Chính tại chiến trường, viên tư lệnh pháo binh của mặt trận hiểu rõ khả năng của Soljenitsyne nên giao cho ông quyền chỉ huy một bộ phận truyền tin thích hợp với trình độ toán học của ông. Dần dần, Soljenitsyne được thăng đại úy, chỉ huy một pháo đội.
Chiến sự mà Soljenitsyne tham dự trực tiếp là trận đánh lừng danh trên trục Orel Kursk gần Léningrad vượt qua xứ Biélorussie và Ba Lan để trực chỉ Bá Linh.
2. Đến nhà toán học tù nhân
Tháng Giêng năm 1945, khi chiến sự còn tiếp diễn quanh vùng Königsberg ở Đông Phổ với Hồng quân trên đường chiến thắng, một cấp lệnh của sư đoàn trưởng tại Bộ Chỉ huy chiến trường.
Tướng Travkine tiếp đại úy Soljenitsyne với một thái độ băn khoăn hết sức. Ông ngập ngừng mãi rồi mới lên tiếng yêu cầu Soljenitsyne trả lại cho sư đoàn khẩu súng lục. Tuy có vẻ bứt rứt muốn giải thích nhưng rốt cuộc Travkine cũng không cho ông hiểu rõ lý do của hình phạt này.
Nhưng hai phút sau, khi Soljenitsyne vừa trả súng song thì hai nhân viên mật vụ quân đội đã ập vào bóc cấp hiệu, lột hết huy chương được thưởng trên chiến trường ngay giữa lúc tiếng súng còn nổ ầm ầm khắp bốn phía xung quanh.
Thế là phạm nhân Alexandre Soljenitsyne đã thành một kẻ tội phạm, sắp phải ném vào ngục. Khi ông sắp bước chân để bước ra ngoài, tướng Travkine vẫn đứng im sau bàn giấy chứng kiến việc lột lon lột áo, bỗng bước ra và đến gần xiết tay người cách đây mấy phút còn là sĩ quan Hồng quân thuộc cấp và chiến hữu của ông.
Về sau, Soljenitsyne đã viết là cử chỉ của tướng Travkine là cử chỉ hào hùng nhất trong chiến tranh!
*
Tại sao Soljenitsyne bị bắt?
Soljenitsyne kể lại:
“Tôi chỉ bị bắt vì quá ngây thơ, đúng hơn là quá đần độn. Cố nhiên tôi ngu đến nỗi không biết rằng luật lệ nhà binh cấm tiết lộ cái bí mật ở chiến trường qua các thư từ gởi về hậu phương.
Nhưng tôi tưởng rằng được phép nghĩ và trao đổi những cảm nghĩ về Staline, có thể chỉ trích Staline và đã viết tất cả những cảm nghĩ ấy trong một lá thư gởi cho một người bạn văn nghệ – nhưng không nên gọi đích danh ông ta trong lá thư kia.
Từ lâu kia và mãi đến nay, tôi vẫn cho rằng mình có quyền chỉ trích người đã phản lại đường lối của Lénine. Cụ thể, Staline phải chịu trách nhiệm về những tổn thất quá lớn trong giai đoạn đầu của chiến sự. Hơn nữa, tôi cũng không thể nào chịu nổi cái ngôn ngữ và lời lẽ bất chấp văn phạm của ông ta.
Tất cả những điều này được tôi viết đầy đủ vào trong lá thư kia, viết một cách ngây thơ.
Tất cả tội trạng của tôi đều nằm trong lá thư kia. Bị thẩm cung xong, người ta đã nhốt tôi tại nhà lao Lubjanka. Tôi bị nhốt mà tôi không phải bị án, vì một lệnh đặc biệt. Tôi thừa nhận rằng tôi bị giam không oan uổng chút nào vì tôi đã có tội nói lên những điều bị cấm đoán thời bấy giờ.”
3. Con số 232 của định mệnh nhà toán học chỉ có năng khiếu viết văn
Tám năm tù ở Lubjanka không làm cho Alexandre Soljenitsyne chết rục như bao người khác chỉ vì ông giỏi toán.
“Tôi không biết làm các công việc bằng chân tay và sức mạnh. Tôi lại kém về khoa giao thiệp, nghĩa là luồn hót o bế các giám thị và nhân viên nhà lao vì những thái độ như vậy hoàn toàn ngược với nhân sinh quan của tôi. Tưởng là chỉ có chết mà thôi nếu tôi không may mắn có một kiến thức toán học kha khá.
Lúc bấy giờ tôi được chuyển về giam ở Moscou và được cho đi làm thợ tại xưởng thợ của tòa nhà lớn được dùng làm trại tù nơi khu Léningradski Prospekt, bốn phía có chòi canh. Như đã nói, tôi không biết làm công việc chân tay nên vất vả và khổ sở khi làm thợ lao dịch hằng ngày.
Đã gần quỵ xuống thì một ngày đẹp trời kia bỗng nhiên Ban Giám đốc nhà lao ra lệnh cho tù nhân làm lý lịch. Về phần tôi, cố nhiên tôi phải khai tên tuổi và nghề nghiệp chính thức của tôi lúc bấy giờ là khoa học và toán học gia. Nhờ bản lý lịch này mà tôi được đưa vào Trung tâm Nghiên cứu Khoa học của nhà tù.
Tuy thuộc nhà tù nhưng Trung tâm Nghiên cứu Khoa học này có đủ mọi yếu tố để cho các khoa học gia ở ngoài có thể tự hào nếu được tham dự vào công cuộc nghiên cứu của Trung tâm. Tư cách toán học gia đã giúp cho tôi dành được những điều kiện sống và làm việc suốt trong bốn năm liền của tám năm tù! Đành rằng đời sống của tôi bị khép giấu trong những gian phòng cửa sổ có gắn thêm chấn song và bao lưới sắt, mỗi ngày chỉ có mấy phút được đi dạo trong sân nhà tù mà thôi. Bù lại, tôi được ăn no nê vào có việc làm hợp với con người của mình.
Sau bốn năm ở Trung tâm Nghiên cứu Khoa học, tôi lại bị đổi lên một trại tù nhân tại vùng mỏ rộng lớn nhất xứ.
Chính tại đây tôi đã viết cuốn Một ngày trong đời Ivan Denissovitch. Đây là một trại tù đặc biệt, nội quy kỹ thuật sinh hoạt của tù nhân rất gắt gao. Mọi tù nhân của trại này đều phải đính số hiệu trên mũ, trước ngực, sau lưng và trên đầu gối. Số tù của tôi ở trại này là S 232.”
Con số này đã hình như vẫn theo đuổi Alexandre Soljenitsyne mãi không chịu buông tha. Ngay bây giờ, Soljenitsyne cũng vẫn bị con số 232 ám ảnh!
Kể ra thì để cho số tù ghi trên thẻ đính bài trong những ngày còn bị giam cầm ám ảnh là một chuyện kỳ cục; nhưng hình như giữa con số 232 và Soljenitsyne có một tương quan nào đó cũng nên. Dù không thích, Soljenitsyne trong một lần đến Moscou đã đi với một người bạn đến hiệu hạng “luých” ở Moscou uống cà phê. Theo mọi người, Soljenitsyne đã đưa mũ nón ra cho người gác và nhận lấy số hiệu ghi số trước khi bước vào. Con số người gác cửa đưa cho Soljenitsyne là 232. Nhìn tấm bảng số, Soljenitsyne đã mỉm cười buồn bã và nói với bạn:
“Anh thấy chưa? Tôi chạy đâu cũng không thoát con số này mà!”
Nơi trại này, Soljenitsyne đã học được nghề trộn xi măng rồi làm thợ hồ cho đến ngày được trả tự do, một tháng sau khi đã mãn hạn (tháng 2 năm 1953).
“Mãi đến ngày 5 tháng 3, mấy ngày sau khi được trả tự do, tôi mới ló ra mặt phố. Bị trả tự do có nghĩa là hết bị giam mà thôi, còn phải sống biệt xứ.
Không thích gì, nhưng hôm ấy tôi ra phố chỉ để chiều ý bà cụ già bị điếc đã đánh thức tôi dậy sớm để nghe nguồn tin do dài Mạc Tư Khoa loan đi Staline đã qua đời.
Vài hôm sau, sở cảnh sát địa phương gọi tôi đến sở để ký tên vào một văn kiện chấp thuận kỹ thuật biệt xứ vĩnh viễn. Biệt xứ vĩnh viễn không phải là biệt xứ suốt đời. Cố nhiên tôi từ chối, không ký các văn kiện này”.
4. Ven biên vùng đại mạc: đất ươm mầm mống của thiên tài
Được trả tự do năm 1953 nhưng đến năm 1956 Alexandre Soljenitsyne vẫn còn phải chịu kỷ luật biệt xứ. Lúc này ông sống trong một vùng hoang dã phía đông nam Balkash. Nơi ông trú ngụ là bản Koh Teren của dân thiểu số Tartares ở ven biên đại mạc Qua Bích, xa hẳn người Nga đồng bào, xa hẳn mọi dấu vết văn minh.
Nhắc đến thời sống chung với người Tartares, Soljenitsyne nói một cách thành thực:
“Hẳn anh không ngờ rằng tôi rất thích ở vùng hoang vu này với người Tartares. Vì tôi với tư cách là công dân tự do nhưng bị án biệt xứ đâu có dễ kiếm ra việc làm.
Ở bản Koh Teren này, đâu có ai giỏi toán, tôi mới được đi dạy.
Hơn nữa, chính bản dân thiểu số Koh Teren đã cung cấp cho tôi cảm hứng để thai nghén cuốn Ngôi nhà của Matriona. Truyện ra đời năm 1956, không phải năm 1953 như đã ghi trong lần xuất bản thứ nhất.
Cũng chính ở Koh Teren, một trận chiến kịch liệt giữa vi trùng bệnh ung thư và thiên tai đã diễn ra một cách kịch liệt bằng những trận đau thừa sống thiếu chết.
Soljenitsyne đã phải chịu một cuộc giải phẫu trong thời gian ở tù. Các y sĩ giải phẫu đã cho rằng Soljenitsyne bị ung thư nhưng giấu không cho nạn nhân biết!
Quả thật vậy, trong thời gian sống ở bản Koh Teren, Soljenitsyne đã đau chết đi sống lại hàng chục lần vì bị hành. Tuy đau gần chết nhưng kiếm đâu ra y sĩ tại bản?
“Đau gần chết nhưng tôi vẫn phải ráng lết ra đến Takhen để chữa bệnh trong một thời gian khá lâu.
Không ai có thể ngờ rằng tôi có thể lành bệnh. Cục bướu ung thư đã không giết tôi chết. Nó còn biến chất. Và biến hình nữa.”
5. Bi kịch của Ivan Denissovitch: bi kịch sâu xa và ý nghĩa nhất của trường kỳ lịch sử nước Nga
Vốn là một nhà toán học nhưng thấy rõ được năng khiếu của mình, Alexandre Soljenitsyne đã đem hết tâm trí ra học hành, nghiên cứu về Nga ngữ và làm thơ. Nhân loại, trong thời gian bị đày biệt xứ, ông lại viết truyện, viết kịch nhưng tất cả các tác phẩm của ông viết trong thời kỳ này đều bị xếp xó, không được xuất bản…
Alexandre Soljenitsyne sau khi mãn tù, vẫn phải kéo dài kiếp sống lưu đày chỉ vì ông chống lại đường lối suy tôn thần thánh hoá lãnh tụ.
“Được đề cao lên đến độ cuối cùng trong những năm Staline đã xuất hiện như vị chúa tể độc tôn của hai trăm triệu người Nga.”
Là một trong những đề tài sáng tác đồng thời cũng là một trong những kỷ luật mà nhà văn nhà thơ phải chấp hành.
Bị lưu đày phải kéo dài đời sống biệt xứ vì quan niệm sáng tác, các lãnh tụ Đảng trong Đại hội coi là lịch sử vì chủ trương hạ bệ Staline, chống lại sự suy tôn cá nhân – cố nhiên phải trả lại cho Soljenitsyne quyền được sống bình thường để trở về miền Trung nước Nga sau khi án biệt xứ đã “bể”.
Mộng viết văn của ông đã thành sau bao nhiêu năm ở tù và bị lưu đày.
Là nhà văn, Alexandre Soljenitsyne đã nói về việc sáng tác của ông:
“Tôi hiểu rằng viết về mình là một việc có thể nói là giản dị. Viết về số phận của nước Nga mới là vấn đề quan hệ và ý nghĩa hơn.
Nhưng khi muốn viết về nước Nga, tôi cho rằng những bi kịch của Ivan Denissovitch là những bi kịch sâu xa nhất và nhiều ý nghĩa nhất trong những bi kịch mà nước Nga đã nếm trải.
Hồi còn sống ở trong tù, chúng tôi đã nhất quyết phải kể lại, vẽ lại đời sống của một kẻ sống trong nhà lao. Chỉ một ngày giản dị thế thôi.
Tôi đã nói rằng tất cả đời sống của toàn thể Âu châu góp lại suốt trong bao thế kỷ, có thể là nội dung, là đại thể cho một cuốn truyện.
Đồng ý, nhưng tôi muốn nói thêm rằng chỉ một ngày trong cuộc đời nào, bất kỳ người dân nào cũng chẳng kém gì.”
Nghe Soljenitsyne nói, tự nhiên người ta sẽ phải nhớ đến tất cả công phu và say mê của ông trong việc vận dụng và chọn lọc từng chữ một, tính toán cẩn thận từng âm tiết một của ngôn ngữ nước Nga, một ngôn ngữ có nhạc tính hòa hợp với ngôn từ để phản ảnh trung thực giàu sang của ngôn ngữ bình dân Nga.
Ngoài ra cảm tình và nhạc tính của ngôn ngữ đặc biệt của tiếng Nga, con người tác giả lại xuất hiện nơi câu nói thao thao trôi chảy theo một nhịp điệu rõ rệt nhưng len lỏi đi thẳng băng, không quanh co trúc trắc.
Lời lẽ của Soljenitsyne luôn luôn có cái chính xác của một luận lý vững chãi dựa trên một kiến trúc toán học. Nói về quan niệm sáng tác hệ thống ý tưởng của Soljenitsyne xuất hiện thứ tự lớp lang và làm ta nghĩ đến một cái máy, một hệ thống. “Hãy coi chừng! Ánh sáng nơi người thích bóng tối.”
“Hãy coi chừng, ánh sáng nơi ngươi sẽ biến thành bóng tối” (Lời của thánh Luca (11, 35) trong Kinh Thánh).
Đấy là nhan đề một kịch bản mà Soljenitsyne đã viết năm 1954, và cho rằng cuốn này là tác phẩm làm ông tương đối thỏa mãn trong thời kỳ đầu của cuộc đời văn nghệ. Nơi tác phẩm này, Alexandre Soljenitsyne đã gửi gắm tất cả ý nguyện.
“Tôi muốn viết một cái gì xa với chính trị và vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Tất cả mọi tác động của truyện đều diễn ra tại một xứ xa lạ với tất cả, trong một thời gian chưa đến với những nhân vật có tên tuổi xa lạ với mọi người.
Xin đừng tưởng tôi muốn giấu giếm gì, tôi có gì phải giấu đâu?
Sở dĩ tôi muốn đặt vấn đề vào một khung và thời gian xa lạ như vậy dựng nên những nhân vật cũng xa lạ nốt, chỉ vì tôi muốn trình bày nhiều vấn đề của xã hội văn minh mà không phải tránh né và bị ràng buộc, không cần chú trọng đến chế độ xã hội hay tư bản…”
Ý muốn trên đây cũng đã được Soljenitsyne trình bày với các phán quan trong Hội đồng Thẩm phán của Tòa án Quân sự Tối cao – những thính giả đầu tiên được nghe tác giả tuyên đọc cuốn Một ngày trong đời Ivan Denissovitch họp lại để xét về việc phục hồi danh dự công dân cho Soljenitsyne. Đấy là những thẩm phán đầu tiên đã hội diện với nhà văn. Một ngày trong đời của Ivan Denissovitch là một trong ba tác phẩm lớn của Soljenitsyne.
Một cuốn truyện lớn nữa Nhóm thứ nhất được hoàn tất sau ngày đại thánh thất tuần của Staline sau chín năm trời thai nghén. Nhưng thời gian của truyện đó chỉ là một ngày thêm vài giờ trong một đêm tháng 12 năm 1949. Nhân vật gồm có Staline, viên giám đốc một đại hí viện và một số gồm mấy nhân vật tiêu biểu cho giới trí thức và đảng viên hoạt động. Không gian rộng của truyện là Mạc Tư Khoa nhưng sân khấu chính của sự việc diễn biến là Trung tâm Nghiên cứu Khoa học của nhà tù.
Tác phẩm lớn khác nữa của ông là cuốn Trại ung thư (Pavillon des cancéreux), cuốn truyện gây nhiều sóng gió nhất trong đời sống văn học nghệ thuật Nga Sô luôn luôn phẳng lặng, kể cả trường hợp Hội các Nhà văn Nga đứng trước một tình thế tế nhị do giải Nobel tạo ra khi nó được dành cho nhà văn Boris Pasternak vì cuốn Bác sĩ Jivago bởi phản ứng của Pasternak thiên về tiêu cực cá nhân và hướng về thiểu số trí thức, nặng chất trí thức với Soljenitsyne và toàn bộ tác phẩm là nước Nga muôn đời người Nga vì tất cả những gì là Nga với tất cả những gì là nhiệt thành, sôi nổi và tích cực!
Ba tác phẩm nói trên, tuy vậy, vẫn chưa đủ để nói lên vấn đề Soljenitsyne.
Vốn có khuynh hướng kịch nghệ, Soljenitsyne có mấy kịch bản khá lớn, từ bi kịch xưa cho đến thoại kịch mới. Ngay một vở kịch thường của ông chưa được viết lại với tất cả thận trọng dành cho một tác phẩm, chưa được coi là thành công – hơn nữa đã được đem trình diễn tại các Hí viện Vacthangov và Léninsky Komsomol nếu Ban Giám đốc hai hí viện này không gặp một lệnh cấm từ trên cao đưa xuống.
Còn nữa. Còn một loạt truyện ngắn mini từ 16 đến 20 dòng.
Truyện viết bằng tiếng Nga nhưng độc giả Nga lại được đọc bản dịch từ Tây phương đem qua ngoài sự hiểu biết của tác giả. Tạp chí Encounter ở Luân Đôn, đã đăng tải những truyện ngắn này với lời ghi chú như sau: “Bằng phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ, tòa soạn đã đi đến chỗ phát giác ra tác giả những chuyện này có lẽ là, chắc là Alexandre Soljenitsyne.” Nói về những tác phẩm “mini” tuy riêng rẽ từng chuyện một nhưng tất cả lại liên hệ chặt chẽ với nhau, Soljenitsyne nói:
“Nơi mấy chuyện nho nhỏ này, mối quan tâm của tôi là tạo ra một văn pháp mới. Một văn pháp mà tôi hy vọng sẽ tìm ra được nơi một truyện phim đã thai nghén… Nhưng chưa có thể đẻ ra được vì tôi chưa có ý định đưa ra trình bày với độc giả.”
6. Nhà văn sứ mạng và thiên tài
Bên cạnh một tủ sách mà ngoại ngữ gồm có toàn bộ tác phẩm của Anatole France (Pháp) và một số tác phẩm cổ điển Anh do các nhà xuất bản Anh ấn hành nguyên bản giữa các tác phẩm Nga Alexandre Soljenitsyne đã trình bày những ý nghĩa của ông về nhà văn và thiên chức của nhà văn.
Khi nhìn trong bằng cặp mắt nghệ sĩ, nhà văn nhờ vào linh tính sẽ thấy sớm hơn thiên hạ và thấy dưới những hình thức mới mẻ, khá nhiều hiện tượng xã hội. Thấy được hay không và thấy tới đâu là thiên tài. Nhưng quên là thiên tài ấy gắn liền với thiên chức.
Phải trình bày những gì mình thấy với xã hội hay ít nhất cũng phải trình bày những gì mình thấy có hiệu quả đem tai ách đến cho xã hội.
Liếc qua mấy cuốn sách ngoại ngữ, ông thú nhận:
“Rất tiếc là đời sống tôi quá bất thường và nhất là vì tôi ra đời, trưởng thành và được đào luyện trong nền văn chương Nga mà thôi, ít biết đến ngoài nên không đủ sức đào sâu vào văn học sử của nhân loại.
Riêng văn chương Nga tôi quả quyết rằng văn chương chân chính Nga luôn hướng tới những người đau khổ. Tuy thế, ngay ở đây có một số người chủ trương tô vẽ thêm, quét thêm một nước sơn màu hồng để làm cho những gì sắp xảy ra đẹp thêm. Theo tôi, quan niệm này sai lầm vì nó biện minh cho những gì là gian dối và ngụy trá; văn chương phản ảnh bằng loại truyện nói trên chỉ là một thứ ngụy trang mà thôi. Do đó phải đánh dấu tự cải hoá một cách trung thực và can đảm mới có thể đưa ra ngoài ánh sáng những sai lầm và chỉ cho thiên hạ thấy những gì đã xảy ra thực sự.
Bởi vậy nhà văn phải hoàn toàn trung thực với ký ức nghệ sĩ của mình. Để mỗi khi viết về một đề tài nào đó là đưa ra được tất cả những gì mình đã thấy về đề tài, đưa luôn cả cách nhìn đề tài của mình nữa. Bằng không thì thôi, đừng dùng văn chương ngụy trang ra, chỉ có hại mà thôi. Tính thú con người: một đơn vị sinh lý và tinh thần trước khi là phần tử của xã hội.
Xin cho phép tôi được nói rằng tôi không bao giờ coi mình là một nhà nghiên cứu văn chương quốc tế. Tôi chỉ muốn trình bày những ý nghĩ khách quan là văn chương Tây Âu càng nghèo nàn. Lý do? Tôi nghĩ rằng văn chương Tây Ây càng ngày càng nghèo thêm chỉ vì mấy chục năm qua, xã hội Tây Âu thiếu những thay đổi quan trọng.
Nền tảng văn chương, theo tôi là những kinh nghiệm quý giá rút từ các tác động tạo thành tiến trình xã hội.
Đông Âu, kể cả nước Nga của tôi, đã có những đổi thay xảy ra. Đấy là lý do khiến cho tôi hy vọng nhiều nơi tương lai của nhà văn không những theo bổn phận đối với xã hội mà còn theo bổn phận của nhà văn đối với từng người một.
Tôi xin nhấn mạnh rằng trách nhiệm của nhà văn đối với từng người một mới quan trọng. Cuộc đời của một cá nhân không phải bao giờ cũng phù hợp với đời sống xã hội; không phải tập thể luôn luôn nâng đỡ nhau.
Mỗi một người là một thế giới riêng, có những vấn đề riêng, những ưu tư riêng ngoài thẩm quyền giải quyết của xã hội, không phải tập thể giải quyết được.
Con người là một đơn vị tinh thần và sinh lý độc lập trước khi là phần tử xã hội. Trách nhiệm của nhà văn đối với cá nhân nặng không kém gì đối với xã hội.
Trong thời đại này, đời sống bị kỹ thuật chi phối hoàn toàn, nhu cầu vật chất trở nên quá quan trọng; ảnh hưởng của tôn giáo bị đẩy lui trên mọi mặt và ở khắp mọi nơi; công việc phải làm của nhà văn có vậy, có một tính chất độc đáo. Nhà văn ngày nay, do đó, phải gánh vác công việc của một người phải giữ luôn một chỗ trống.
Bởi vậy, nhà văn phải giữ cho được chỗ đứng ở chính giữa các mối tương quan giữa thời đại chúng ta và muôn đời, ở chính giữa cách đều cả hai bên.
Nếu tác phẩm chỉ là thời sự, chỉ là những vấn đề thời đại thì tác phẩm chỉ có một đời sống, một giá trị hữu hạn ngắn ngủi.
Ngược lại, một nhà văn coi thường hiện tại và hướng tất cả vào thời gian không cùng, tác phẩm sẽ thiếu sinh khí và màu sắc…
Tóm lại, giữa Charybde và Scylla, nhà văn không được xích sang bất kỳ một bên nào và cũng không được ngoảnh mặt sang phía nọ hoặc phía kia.”
Đây là quan niệm của Alexandre Soljenitsyne đối với sứ mạng nhà văn! Kể ra, quan niệm này không độc đáo cho lắm. Điều đáng nói nơi đây chỉ là thái độ chân thành và lý tưởng của Alexandre Soljenitsyne mà thôi. Chính cái chân thành và lý tưởng của Soljenitsyne làm cho cái quan niệm trên dù sao cũng có một cái gì khác với ngôn ngữ sĩ khí của người cầm bút Việt Nam thời đại 1954-1970!
Vậy thì nơi nhà văn Soljenitsyne có một cái gì mới lạ, độc đáo? Về văn phong? Về kỹ thuật?
Chúng tôi không dám nói rằng là chính văn phong của Soljenitsyne một văn phong quen thuộc và gần gũi nhưng thực là xa cách với chúng ta – có tác dụng gì đối với bút pháp, với kỹ thuật hay không?
Nhưng quả thực Soljenitsyne là một nhà văn có một bút pháp tương đối mới:
“Theo tôi, không có nhân vật chính. Trong một tác phẩm chỉ có một nhân vật của truyện – nhà văn. Dù muốn, dù không, nhân vật ngự trị vẫn chiếm một chỗ đứng quá rộng, vẫn dành được mọi chú tâm của tác giả.
Vậy, tôi quan niệm là không có nhân vật chính. Mọi nhân vật lớn hay nhỏ đều là chính, đều làm chủ mọi tác động trong phạm vi của y là liên quan đến y, bên cạnh nhân vật ngự trị khi tất cả phải chịu trách nhiệm đồng đều về tất cả mọi nhân vật do mình dựng nên, hiểu rõ các tác động của mọi nhân vật do mình sắp đặt sai tử, trong khuôn khổ của một sự liên hệ và một tương quan giữa các nhân vật của truyện. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là đừng bao giờ để cho tưởng tượng kéo cả mình cả nhân vật đi quá xa.
Đấy là phương pháp của tôi áp dụng khi viết mấy cuốn truyện và sẽ áp dụng để viết một cuốn đang hình thành…”
Cái phương pháp này như thế nào? Hay hay dở? Chúng tôi không thể đưa ý kiến nơi đây. Nghĩa là không làm cái việc “khen phò mã tốt áo” vừa thừa vừa quê! Chúng tôi chỉ xin nhắc lại chi tiết sau đây: Là Soljenitsyne đã viết những tác phẩm ấy một cách đặc biệt khi trong tay giấy không bút cũng không. Do đó, ông phải sắp xếp gạn lọc bỏ túi tất cả đâu vào đó, từ ý tưởng câu chuyện và nhân vật thực cẩn thận tỉ mỉ… Rồi học thuộc lòng, thuộc như chảy để chờ ngày đưa nó lên mặt giấy…
Vậy phương pháp này có phải là một phương pháp riêng biệt của nhà văn phái sáng tạo một cách đặc biệt? Hay nó là phương pháp mới, sản phẩm của thời đại cần được phổ biến hoá?
Câu trả lời, chúng tôi xin dành cho các cây bút sáng tạo. Chúng tôi chỉ trình bày thêm sự chú trọng khai thác ngôn ngữ của Soljenitsyne:
“Càng ngày, tôi càng thấy rõ là nền văn chương của chúng tôi (cũng như mọi nước) chưa khai thác được cái kho tàng phong phú của tiếng Nga. Nói chung, ngôn ngữ của mọi nước, trong Thiên đàng đều bị ‘đơn vị hoá’ và ‘thống nhất hoá’ nên làm mất đi rất nhiều giá trị cổ truyền.
Bởi vậy, bắt đầu đi sâu vào ngôn ngữ Nga khi mới ở tù, càng ngày, tôi cũng hiểu rằng tiếng Nga có muôn vàn vẻ đẹp về ngữ vựng mà tôi sẽ gắng vận dụng, trước hết là những từ ngữ và mỹ tự gần với tiếng Nga hiện đại.”
*
Toàn bộ tác phẩm đã trình bày sơ lược trên đây là yếu tố hữu tình của sự nghiệp nhà văn đã được Hội Hàn lâm Thụy Điển dựa vào một phần để quyết định dành cho chủ nhân vinh dự của nhà văn được giải thưởng Nobel về văn chương năm 1970! Giải thưởng Nobel còn được tặng cho Soljenitsyne vì những giá trị đạo đức mà ông là người đã quyết tâm bảo vệ và bảo vệ được với một cái giá khá đắt khi Soljenitsyne nhấn mạnh rằng xã hội này là xã hội của kỹ thuật, của nhu cầu hưởng thụ gia tăng mà loài người đang lao vào tranh thủ điều kiện để thỏa mãn…
Giá trị đạo đức ấy cố nhiên phải rất lớn, nhiều mặt và nhiều khía cạnh trong đó có một chi tiết phải nêu ra đây:
Để cho nhà văn làm trọn thiên chức, xã hội phải cung ứng những gì?
Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng nêu ra chi tiết này ở đây và sau đó trình bày lại những ý kiến của Soljenitsyne như một cách chạy trốn của người viết bài này, đúng hơn là một cách chạy tội.
Xã hội phải cung ứng những gì? Nhà văn đã chồng lên mình một núi Thái Sơn trách nhiệm đã nói một cách giản dị:
“Xã hội chỉ cần phê phán nhà văn một cách khách quan.”
Soljenitsyne chỉ đòi hỏi có thế mà cũng không được nhưng ông vẫn không thay đổi vì cho rằng:
“Tôi nghĩ rằng việc xã hội có bất công với một nhà văn đâu có phải là một sai lầm trọng đại? Sai lầm này đâu có phải là không sửa được?
Xã hội không nên chiều đãi các nhà văn quá!
Nhà văn phải coi bất công là những thử thách cần thiết vì chính nơi những bất công này, nơi những nguy cơ phải sẵn sàng chấp nhận, nhà văn mới làm tròn thiên chức.
Định mệnh của một nhà văn đâu phải là tình yêu bằng phẳng.”
*
Tôi nghĩ rằng giá trị đạo đức để làm cho các ông Hàn Thụy Điển khâm phục chắc chắn là cái quan niệm này cụ thể hoá bằng hành động cụ thể trên mặt văn chương!
Giá trị này, quả thực là xứng đáng rồi!
[1]Trong cuốn sách này, tác giả viết tên Alexandre Soljenitsyne theo cách viết trong tiếng Pháp. Các tên riêng khác trong tập sách này cũng như vậy. (talawas)
Nguồn: Trần Tử. Alexandre Soljenitsyne: Tác phẩm – Con người và Cuộc đời. Tủ sách Nhân Loại Mới, 1971. K.D. số 1001, 15.3.71 btt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét