Martin Heidegger
Triết lý là gì?
Phạm Công Thiện dịch
Với câu hỏi này chúng ta đang động đến một chủ luận rất rộng, nghĩa là dàn trải rộng ra, cho nên nó vẫn mơ hồ, bất định. Vì nó bất định cho nên chúng ta có thể đối trị chủ luận từ những quan điểm dị biệt nhất. Nhờ vậy mà chúng ta sẽ rơi vào một cái gì đó khả dĩ gọi là chính xác. Nhưng khi đối trị chủ luận thênh thang này, vì tất cả những ý kiến khả dụng đều dễ vướng mắc chằng chịt nhau cho nên chúng ta dễ mắc nỗi nguy hiểm là cuộc tương thoại của chúng ta vẫn mất đi tính cách thu phối thích ứng.
Vì lẽ đó, chúng ta phải cố gắng tìm cách xác định câu hỏi một cách chính xác hơn. Nhờ cách này, chúng ta điều khiển cuộc tương thoại vào trong một đường lối cố định. Nhờ thế, cuộc tương thoại sẽ đưa vào trong một con đường. Nói thế chúng ta nhìn nhận rằng con đường này chắc chắn không phải là con đường độc nhất. Ngay đây vấn đề vẫn còn phải mở ngỏ là xem coi con đường mà tôi muốn chỉ sau đây sự thực có là con đường khả dĩ để chúng ta được đặt lên câu hỏi và được trả lời câu hỏi.
Nếu cho rằng chúng ta có thể tìm ra một con đường để xác định câu hỏi một cách chính xác hơn thì lúc ấy lập tức phát khởi một sự phản đối nghiêm trọng đối với chủ luận cuộc tương thoại của chúng ta. Khi chúng ta hỏi "Triết lý là gì?” lúc ấy chúng ta đang nói về triết lý. Khi hỏi bằng đường lối này, hiển nhiên là chúng ta vẫn còn đang đứng vị thế ở trên, nghĩa là, bên ngoài triết lý. Nhưng chủ đích câu hỏi của chúng ta là đi vào trong triết lý, lân la trú ngụ trong đó, xử sự ăn ở trong đường lối ấy, nghĩa là. “làm triết lý”, “sống triết lý”, “ăn ở triết lý”. Do đó, con đường của sự tương thoại với chúng ta chẳng phải có những con đường hướng rõ ràng, mà đường hướng này đồng thời phải bảo đảm cho chúng ta đang di động trong lòng triết lý; chứ không phải bên ngoài triết lý và chung quanh triết lý.
Như thế con đường của sự tương thoại chúng ta phải thuộc về một loại mà đường hướng nào đó khả dĩ khiến cho cái điều mà triết lý xướng nghị phải là điều kiện liên hệ chặt chẽ với bản thân chúng ta, và nhất thiết phải chạm mó chúng ta trong tận nơi bản tính của chúng ta.
Nhưng thế thì phải chăng triết lý trở thành một sự việc của cảm năng tính, của những cảm xúc và những tình cảm?
“Với những tình cảm đẹp đẽ, người ta chỉ tạo ra thứ văn chương rẻ tiền”. Nhưng lời nói này của André Gide [1] chẳng những áp dụng đúng hơn nữa cho triết lý. Những tình cảm, ngay cả những tình cảm đẹp nhất, không thuộc về triết lý. Người ta thường bảo những tình cảm là một cái gì có tính cách phi lý. Trái lại, triết lý chẳng những là một cái gì hữu lý mà lại còn là điều quản nhiệm thủ vai chủ nhân thực thụ cho lý trí. Khi khẳng định như vậy bất ngờ chúng ta đã đến một sự quyết định nào đó có liên hệ tới bản tính của triết lý. Chúng ta đã vội vàng trả lời trước câu hỏi chúng ta rồi còn gì. Bất cứ ai đều coi lời quyết đoán vừa rồi là đúng, nghĩa là quyết đoán rằng triết lý là một sự việc của lý trí. Tuy nhiên, lời phán quyết này có lẽ là một câu trả lời vội vàng hấp tấp về câu hỏi, "triết lý là gì?” bởi lẽ rằng chúng ta vẫn có thể lập tức đưa ra những câu hỏi mới để đối kháng lại câu trả lời này. Lý trí là gì? Ở đâu và do chi mà lý trí đã tự hội thành bản thể mình bằng vai trò làm chủ triết lý? Nếu thế thì do quyền gì? Nếu không thế thì do đâu mà lý trí có được sứ mệnh và vai trò của nó? Nếu cái điều được coi là lý trí chính là điều đã chỉ định được quy định đầu tiên do bởi triết lý và do bên trong sự thiên diễn của lịch sử triết lý là sự việc của lý trí không thể nào là sự góp ý đúng đắn được. Tuy nhiên vừa lúc chúng ta đưa ra sự ngờ vực về việc phẩm định triết lý như là tư thế thể thái hữu lý thì lúc ấy, cùng đồng một cách lối như thế, vấn đề cũng trở nên ngờ vực khi tìm xem triết lý có thuộc về lãnh vực của sự phi lý. Vì bất cứ ai muốn chỉ định rằng triết lý có tính cách phi lý thì người ấy phải lấy hữu lý làm tiêu chuẩn hoạch định giới hạn và tráo lại thì việc làm ấy chỉ rốt cục kẹt vào lối nhìn nhận một cách đương nhiên rằng triết lý là gì rồi.
Nếu trái lại, chúng ta chỉ tỏ khả tính rằng cái điều mà chính triết lý tự cưu mang là điều có can hệ chặt chẽ với chúng ta, những nhân thể trong tận nơi nhân tính chính yếu của chúng ta, điều ấy đang âm hưởng ba động xúc chạm đến chúng ta thì lúc ấy có thể là điều âm huởng xúc động kia không có dính dính líu gì cả với những thứ mà người ta thường gọi là những cảm giác và những tình cảm, tóm lại, những gì là phi lý.
Từ những gì đã trình bày ở trên, chúng ta có thể đúc kết trước tiên hết điều duy nhất này: chúng ta cần phải ưu tư cẩn thận nhiều hơn nữa nếu chúng ta đánh liều khơi mào cuộc tương thoại mang nhan đề “Triết lý là gì?”.
Việc đầu tiên chúng ta cần làm là đưa dẫn câu hỏi đi tới một con đường có đường hướng rõ rệt để cho chúng ta khỏi phải la cà lang thang quanh quẩn trong những tiền tượng thể những quan niệm tuỳ thích tự ý hoặc ngẫu phát về triết lý. Nhưng làm thế nào chúng ta tìm ra được một con đường nhờ đó mà chúng ta có thể xác định câu hỏi chúng ta một cách đáng tin cậy? Con đường tôi hiện muốn chỉ tỏ đang nằm trực tiếp trứơc chúng ta. Và chỉ vì đó là cái gì gần gũi nhất bên cạnh, cho nên nó trở nên khó tìm. Và dù khi chúng ta đã tìm ra nó, thì chúng ta vẫn còn phải di động trên nó một cách vụng về. Chúng ta hỏi, “Triết lý là gì?” Chúng ta đã từng nói lên tiếng “Triết lý” nhiều lần luôn. Tuy thế, nếu chúng ta dùng tiếng “triết lý” và không còn dùng tiếng ấy như một tên cũ rích, nếu thay vì thế chúng ta lại nghe tiếng “triết lý” phát ra từ tận suối nguồn uyên nguyên của nó, thì lúc đó, tiếng ấy phát thanh nên như vầy: philosophia. Bây giờ tiếng “triết lý” đang nói tiếng Hy lạp ấy vì, là tiếng Hy lap cho nên chính tiếng ấy là một con đường. Một đẳng, con đường đang nằm ra đằng trước chúng ta, vì tiếng ấy từ lâu đã được nói trước chúng ta nghĩa là được dự phát ra trước chúng ta. Một đẳng khác, con đường đã nằm đàng sau chúng ta rồi, vì chúng ta đã thường nghe và nói tiếng này. Thế thì tiếng Hy lạp philosophia là một con đường mà chúng ta đang du hành dọc theo đó. Tuy vậy, chúng ta chỉ có một kiến giải rất tạp nhạp mơ hồ về con đường này mặc dù chúng ta có thể thu đạt và có thể phô trải ra lan tràn bao nhiêu kiến thức có tính cách sử học về triết lý Hy lạp.
Tiếng philosophia nói cho chúng ta biết rằng triết lý trước hết là sự thể đã xác định hiện hữu (sinh tính) của thế giới Hy lạp. Chẳng những thế - philosophia cũng xác định sắc thái vận hành từ tính căn, (biến trình căn để) nội tại nhất của tính sử Tây phương – Âu châu. Từ ngữ chúng ta thường được nghe luôn “Triết lý Tây phương – Âu châu” sự thực ra là một trùng phức ngữ. Tại sao? Bởi vì triết lý vốn là Hy lạp tận ngay bản tính (thể tính) của nó; ở đây. Hy lạp có nghĩa là: ngay nơi nguồn gốc (uyên nguyên) bản tính (thể tính) của triết lý thuộc về loại tính đã thoạt tiên thỉnh cầu thiết nguyện thế giới Hy lạp và chỉ có Hy lạp thôi, để mà phơi bày triển khai ra.
Tuy nhiên bản tính (thể tính) nguyên thuỷ (uyên nguyên) Hy lạp của triết lý, vào kỷ nguyên thống trị của Âu châu cận đại thì bản tính ấy đã bị hướng dẫn và cai trị bởi những tiền thượng thể (quan niệm) Thiên Chúa giáo. Sự thống trị của những quan niệm này (tiền tượng thể) đã được chuyên chở qua không gian (trung giao) của thời Trung Cổ ở Âu châu. Tuy thế, người ta không thể nói rằng do đó mà triết lý trở thành một sự thể của đức tin vào sự mặc khải vào thần quyền của Giáo hội. Ngôn thể phát biểu rằng (hay đúng hơn: cái nhảy vọt: Satz) triết lý, trong tự bản tính (thể tính), là Hy lạp, không muốn phát biểu gì khác hơn là nói nên rằng Tây phương và Âu châu, trong sự vận hành diễn biến nội tại của tính sử nó, nguyên thuỷ (uyên nguyên) vốn “có tính cách triết lý”. Điều này đã được chứng thể qua sự phát khởi và sự ngự trị của những nền khoa học. Bởi vì những nền khoa học phát xuất từ tận dòng diễn biến nội tại nhất của tính sử Tây phương Âu châu, nghĩa là phát từ tính cách triết lý, cho nên nhờ thế mà những nền khoa học ấy ngày nay có khả năng in lên một dấu ấn đặc biệt trên tính sử nhân loại ở khắp toàn thể trái đất.
Chúng ta hãy thẩm xét một khoảnh khắc xem ý nghĩa của một kỷ nguyên trong tính sử nhân loại được đặc trưng là “thời đại nguyên tử”. Tinh lực nguyên tử đã được khám phá và giải phóng nhờ những nền khoa học, tinh lực nguyên tử ấy đã được dùng biểu trưng cho thứ thế lực phải dùng để xác định sự vận hành của tính sử. Thực thế, không có những nền khoa học gì cả, nếu triết lý đã không đi trước và phát xuất ra trước những nền khoa học. Nhưng triết lý là cái philosophia. Tiếng Hy lạp này cột buộc cuộc tương thoại chúng ta vào trong một truyền thống tính sử. Vì truyền thống này vẫn thuộc về một loại tính độc nhất, cho nên nó cũng mang ý nghĩa độc nhất. Cái truyền thống mà tiếng Hy lạp philosophia gọi tên cho chúng ta, cái truyền thống một tiếng có tính cách lịch sử mà philosophia gọi tên, truyền thống ấy đã giải toả chiều hướng của một con đường mà trên đó chúng ta hỏi “Triết lý là gì?”. Truyền thống không truyền chúng ta tới sự câu thúc bức bách bởi những gì vãng khứ và bất khả phục hồi. Truyền là giải, giải phóng dẫn độ tới sự tự do của cuộc song thoại với những gì đã xảy ra từ quá khứ (mà vẫn lưu diễn tới hiện tại và tương lai). Nếu chúng ta thực sự nghe tiếng ấy và suy tưởng về những gì chúng ta đang nghe thì danh từ “triết lý“ triêu hồi chúng ta vào trong tính sử về xuất xứ Hy lạp của triết lý. Tiếng philosophia phát sinh đồng lúc, nếu có thể nói thế, cùng với tờ giấy chứng khai sanh của lịch sử (tính sử) của chính chúng ta; chúng ta cũng có thể nói ngay cả rằng nó hiện lên trên tờ giấy chứng khai sanh của thời kỳ hiện đại của lịch sử thế giới được gọi tên là thời đại nguyên tử. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể hỏi câu hỏi, “riết lý là gì?” và chỉ có thể hỏi thế khi chúng ta đi vào một cuộc song thoại với tư tuởng của thế giới Hy lạp.
Nhưng chẳng những cái gì ấy đang được đặt thành câu hỏi - tức là triết lý – vốn xuất xứ là Hy lạp, mà cả cách hỏi thế nào của chúng ta, ngay đến thể cách mà chúng tôi hỏi ngày nay cũng là Hy lạp nốt.
Chúng ta hỏi, “cái đó là cái gì?”. Trong tiếng Hy lạp điều này phát thanh như vầy ti estin (nó là gì?). Câu hỏi về cái gì là gì đó, tuy thế, vẫn có nhiều ý nghĩa, chúng ta có thể hỏi, ”cái đó ở đằng xa kia là cái gì?”. Chúng ta nhận được câu trả lời. "Một cái cây”. Câu trả lời nằm trong sự việc rằng chúng ta đặt cái tên cho một vật thể mà chúng ta không tri nhận rõ ràng.
Tuy thế, chúng ta vẫn có thể hỏi khác nữa, cái mà chúng ta gọi tên là một "cái cây” là cái gì?. Khi đã đặt câu hỏi này như vậy thì chúng đang đi vào cận tính của tiếng Hy lạp ti estin rồi (ti estin: nó là gì?). Chính hình thể đặt câu hỏi này mà Socrate, Platon và Aristote đã khai triển. Chẳng hạn như họ hỏi, “Cái đẹp là gì? Kiến thức là gì? Thiên nhiên là gì? Sự chuyển động là gì?”
Tuy vậy, chúng ta hãy tỏ ra lưu tâm cẩn thận trong những câu hỏi vừa nêu ra, chẳng những người ta đã tìm cách hoạch định chính xác hơn về những bản thân của thiên nhiên, của sự chuyển động hoặc của cái đẹp mà cũng đồng thời diễn nghĩa luôn về “cái gì” ấy có nghĩa là gì, phải hiểu chữ ti (cái gì trong ý nghĩa ấy. Cái mà “Cái gì” ấy có nghĩa là gì thì được gọi là quid est, chữ Hy lạp to, tức “cái”, quid, cái thể tính, tính chất của sự thể tính, tính chất của “cái gì” ấy. Tuy thế, cái thể tính đã được xác định nhiều cách khác nhau trong những giai đoạn khác nhau của triết lý. Vì vậy, chẳng hạn, triết lý của Platon là một sự thông diễn đặc biệt về “cái gì” ấy có nghĩa là gì. Đó có nghĩa là idea mỗi khi chúng ta hỏi về ti và quid không thể coi như việc hiển nhiên được. Aristote đưa ra một sự diễn nghĩa về ti khác hẳn với platon. Kant đưa ra một sự diễn khác về ti. Hegel lại cũng đưa ra một lối diễn nghĩa khác nữa. Cái điều mà mỗi lần được hỏi qua sự dẫn khởi về ti, quid, tức là “cái gì” ấy là điều mỗi lần vẫn được xác định lại mới luôn. Đối với triết lý, trong mỗi một trường hợp, mỗi khi chúng ta hỏi “cái đó là cái gì?” thì lúc đó chúng ta đang hỏi một câu uyên nguyên Hy lạp.
Chúng ta hãy lưu ý cẩn thận rằng cả chủ luận câu hỏi chúng ta – “triết lý” – và cả thể cách chúng ta hỏi “cái đó là cái gì…?” cả hai đều có xuất xứ từ Hy lạp. Chính chúng ta cũng thuộc về xuất xứ căn nguyên này, ngay cả khi chúng ta không hề nhắc tới tiếng “triết lý”. Chúng ta đã đặc biệt được triệu hồi trở về với căn nguyên này và được hồi triệu thu phục cho nó và bởi nó chẳng những vừa lúc phát ra những tiếng của câu hỏi, ”triết lý là gì?”, mà cả khi suy nghĩ về ý nghĩa của nó. (Câu hỏi “triết lý là gì?” không phải là một câu hỏi điều khiển một loại kiến thức quay về tự thể (triết lý của triết lý). Đó cũng không phải một câu hỏi có tính cách lịch sử chỉ chú tâm đến việc xác định cái được gọi là “triết lý” đã bắt đầu và đã phát triển thế nào. Câu hỏi ấy là một câu hỏi có tính cách tính sử nghĩa là câu hỏi tính mệnh. Hơn thế nữa, đó không phải là một mà chính là câu hỏi duy nhất có tính cách tính sử của hiện thể Tây phương Âu châu).
Nếu chúng ta đi vào trong ý nghĩa trọn vẹn và uyên nguyên của câu hỏi, “triết lý là gì?” thì lúc ấy câu hỏi của chúng ta, qua căn nguyên tính sử của nó, tìm ra được hướng đi tới một tương lai có tính cách tính sử. Chúng ta đã tìm ra một con đường. Chính câu hỏi là một con đường rồi.
Con đường ấy đưa dẫn từ hiện thể thế giới của Hy lạp cho đến chúng ta, nếu không muốn nói là vượt qua chúng ta. Chúng ta đang đi - nếu chúng ta kiên trì trong câu hỏi này – chúng ta đang đi trên con đường đã vạch ra rõ ràng. Tuy thế chúng ta vẫn chưa có bảo đảm rằng chúng ta có khả năng tức khắc đeo đuổi con đường này trong đường lối thích đáng. Chúng ta không thể xác định ngay lập tức ở nơi địa điểm nào trên con đường mà ngày nay chúng ta đang đứng. Từ lâu rồi chúng ta đã quen xác nhận đặc tính câu hỏi về cái gì của sự thể nào đó là một câu hỏi về bản tính (thể tính) của nó. Câu hỏi về bản tính của sự thể nào đó phát khởi vào những lúc sự thể mà bản tính (thể tính) đang được hỏi đã trở nên tối tăm và rắc rối mờ mịt, khi mà đúng lúc mối giao hệ cùa con người với điều đang được hỏi đã trở nên vô định mơ hồ hoặc đã bị lay chuyển rã rời.
Câu hỏi của cuộc tương thoại chúng ta có liên hệ với bản tính (thể tính) của triết lý. Nếu câu hỏi này phát khởi từ một sự nguy cấp nhu yếu và không còn độc nhất là một câu hỏi giả định cho mục đích đàm đạo thì lúc ấy triết lý như là triết lý phải trở nên đáng được đặt câu hỏi. Có đúng thế? Nếu đúng thế thì triết lý đáng được đặt thành câu hỏi đến độ nào? Cố nhiên chúng ta chỉ có thể tỏ bày điều này nếu chúng ta đã hướng cái nhìn vào trong triết lý rồi. Muốn làm việc này chúng ta phải biết trước triết lý là gì. Do đó, trong một đường lối lạ lùng, chúng ta đang bị đuổi chạy chung quanh một vòng tròn. Chính triết lý phát hiện dường như là cái vòng tròn này. Giả thiết rằng chúng ta không thể thoát khỏi lập tức ra ngoài đường tròn của vòng tròn này thì chúng ta vẫn có nhìn vào vòng tròn. Cái nhìn của chúng ta phải quay về đường hướng nào? Tiếng Hy lạp philosophia chỉ tỏ đường hướng.
Nơi đây đòi hỏi một sự chú ý có tính cách căn nguyên. Nếu bây giờ và sau này chúng ta lắng nghe những tiếng của ngôn ngữ Hy lạp thì lúc ấy chúng ta di động vào trong một lĩnh vực đặc biệt ưu hạng. Dần dần thoáng hiện trong sự suy tưởng của chúng ta rằng ngôn ngữ Hy lạp không phải chỉ là một ngôn ngữ như bất cứ những ngôn ngữ Âu châu nào mà chúng ta đã quen biết. Ngôn ngữ Hy lạp và độc nhất chỉ có ngôn ngữ Hy lạp mới là logos. Chúng ta sẽ có dịp nói đến điều này tỉ mỉ hơn nữa trong những cuộc tương thoại của chúng ta. Bây giờ chúng ta xin tạm gợi ý rằng trong ngôn ngữ Hy lạp cái điều được nói trong đó là đồng thời cái mà điều sở ngôn gọi tên một cách đặc thù tuyệt hảo. Nếu chúng ta nghe một tiếng Hy lạp với một lỗ tai Hy lạp thì chúng ta đi theo cái legein (cái lời đang nói của nó), cái sự trình bày trực tiếp của nó. Cái điều nó trình diện là cái nằm ngay lập tức trước chúng ta. Qua tiếng Hy lạp có thể nghe theo tinh thần Hy lạp, chúng ta được trực tiếp đặt trong sự hiện diện của chính sự thể, chứ không phải thoạt tiên chỉ được đặt trước sự hiện diện của một ý nghĩa ký hiệu ngôn từ thôi .
Tiếng Hy lạp philosophia đưa trở về tiếng philosophos. Tiếng này nguyên vốn là một tĩnh từ như tiếng philarguros, ưa thích bạc, như tiếng philotomos, ưa thích danh dự. Tiếng philosophos dường như do Héraclite tạo ra. Điều này tỏ bày rằng đối với Héraclite thì philosophia vẫn chưa hiện hữu. Một Aner philosophos không phải là một con người “triết lý”. Tiếng tĩnh từ Hy lạp philosophos diễn tả một điều hoàn toàn khác hẳn ý nghĩa tiếng tĩnh từ triết lý. Một aner philosophos là hos philei to sophon, kẻ yêu thương cái sophon: philein, yêu thương ở đây có nghĩa là Héraclite là homolegein, nói như Logos nói, tức là tiếng với Logos. Sự tương ứng này được thuận theo cái sophon. Sự tương thuận là harmonia. Cái điều khiến cho một sự thể tương đồng hợp nhất với một sự thể khác, khiến cho cả hai đều vốn nguyên thuỷ được nhất trí kết hợp với nhau vì chúng được phú sẵn hướng cảm cho nhau – cái điều harmonia này là sắc thái đặc biệt của philein, của “yêu thương” trong ý nghĩa theo Héraclite.
Cái aner philosophos yêu thương cái sophon. Điều này tiếng này muốn nói, đối với Héraclite. Là điều gì thực khó diễn dịch. Nhưng chúng ta có thể diễn giản điều ấy tuỳ theo chính sự diễn nghĩa của Héraclite. Theo sự diễn giải này thì sophon có nghĩa là Hen panta “Một (là) tất cả”. “Tất cả” ở đây có nghĩa là panta to onta tất cả những sự thể hịên hữu, toàn thể, toàn thể tính của, hiện thể. Hen, có nghĩa, cái một, nhất tính, cái độc nhất, cái liên kết thống nhất tất cả. Nhưng tất cả hiện thể thì được thống nhất kết hợp lại nơi tính thể. Cái sophon nói - tất cả hiện thể là nơi tính thể. Diễn tả một cách sắc sảo hơn - hiện thể là tính thể. Trong trường hợp này cái “là” nói theo nghĩa tha động từ (transitiv) và có nghĩa gần như vầy “thu góp chung lại”, “thu hái, thu gọn”. Tính thể thu góp hiện thể lại mội khi thể là hiện thể. Tính thể là sự thu góp, thu nhiếp chung lại – Logos [2] .
Tất cả hiện thể là nơi tính thể. Nghe một điều như thế có vẻ như tầm phào nhảm nhí đối với lỗ tai chúng ta, nếu không muốn nói là khó nghe vì không ai cần bận tâm đến cái sự kiện rằng hiện thể thuộc về trong tính thể. Tất cả thiên hạ người đời đều biết rằng hiện thể là cái đang là. Còn gì khác nữa nếu hiện thể không phải là: cái là? Tuy thế, chính sự kiện rằng hiện thể được thu góp dung nhập trong tính thể, rằng hiện thể phát hiện trong sự phát hiện của tính thể, chính những điều ấy khiến cho người Hy lạp ngạc nhiên và thoạt đầu làm cho họ ngạc nhiên và chỉ có họ ngạc nhiên thôi. Hiện thể nơi tính thể - điều này đã trở nên điều ngạc nhiên nhất đối với những người Hy lạp.
Tuy vậy, ngay đến những người Hy lạp cũng phải giữ lại và che chở tính cách ngạc nhiên của điều ngạc nhiên nhất này để chống đối lại sự tấn công của lý luận quỉ biện luôn luôn sẵn sàng có đủ câu trả lời cho tất cả mọi sự mà bất cứ ai cũng có thể hiểu được và mang ra để ở thị trường. Sự lưu giữ bảo tồn cái điều ngạc nhiên nhất này - hiện thể nơi Tính thể - đã được thành tựu nhờ vài ba người khởi hành đi về chiều hường của điều ngạc nhiên nhất này, tức là, cái sophon, khi khởi hành như vậy, họ trở thành những kẻ tranh thủ giương về cái sophon và nhờ sự nỗ lực tranh thủ căng thẳng của họ mà lòng khát vọng nhớ nhung ngưỡng về sophon đã được đánh thức dậy và nuôi dưỡng trong những kẻ khác. Sự yêu thương cái sophon, cái điều tương thuận vừa nêu ở trên, tương thuận với cái sophon, cái harmonia, do đó trở thành cái orexis (sự ngưỡng vọng khao khát), sự nỗ lực, sự căng thẳng gắng sức giương tới cái sophon. Cái sophon - hiện thể nơi Tính thể - bây giờ được truy tìm một cách đặc biệt. Vì yêu thương không còn là một sự tương thuận nguyên thuỷ với cái sophon mà chỉ là một sự khát vọng tìm kiếm thu ngưỡng tới hướng về cái sophon, cho nên sự yêu thương cái sophon trở thành “philosophia”. Sự miệt mài, căng thẳng gắng sức ngưỡng vọng này được xác định bởi Eros.
Sự truy tìm khao khát căng thẳng ngưỡng tới cái sophon, tới “một là tất cả” tới hiện thể nơi Tính thể, bây giờ lại trở thành câu hỏi, “hiện thể là cái gì, mỗi khi mà nó đang là?” Chỉ lúc này thì tư tưởng trở thành “triết lý”. Héraclite và Parménide vẫn chưa phải là những “triết gia”. Tại sao không? Vì họ đã là những tư tưởng gia vĩ đại hơn cả. “Vĩ đại hơn” ở đây không có nghĩa là sự đánh giá về một thành tích mà tỏ bày một khai vực khác hẳn của tư tưởng. Héraclite và Parménide đã “vĩ đại hơn” trong ý nghĩa rằng họ vẫn còn tương thuận với Logos, tức là, với cái ”Một (là) tất cả”. Cái bước hướng về “triết lý”, được phái quỉ biện chuẩn bị, được thành tựu đầu tiên do Socrate và Platon. Rồi gần hai thế kỷ sau Héraclite, chính Aristote đã xác định đặc tính bước đi này bằng câu sau đây: “và, hơn nữa, cái điều mà ngày trước và ngày nay vẫn được truy tìm và vẫn mãi mãi không tìm được là: hiện thể là gì.“ (Met. Z1,1028 b 2sqq). Khi diễn dịch lại có thể hiểu như vầy; “và như thế, như ở thời quá khứ, ở ngày nay và ngay cả ở tương lai nữa, cái điều mà triết lý đang lên đường di động hướng về mà vẫn luôn luôn không với tới được, đó là (là cái điều được đặt thành câu hỏi) – hiện thể là cái gì? (ti to on)”
Triết lý tìm kiếm hiện thể là cái gì, mỗi khi mà nó đang làm. Triết lý lên đường đi tới Tính Thể của hiện thể, nghĩa là, đi tới hiện thể được hướng nơi Tính thể của nó. Aristote cắt nghĩa điều này bằng cách thêm vào câu đã dẫn trên nơi câu hỏi, hiện thể là gì? Thêm vào đó là lời giải thích: “Đây là cái mà thể tính là”; diễn dịch ra là: “Đây (nghĩa là, ti to on) có nghĩa, Hiện thể tính của hiện thể là gì?” Tính thể của hiện thể nằm ở nơi Hiện thể tính. Nhưng cái này – cái ousia – (Hiện tính thể) được Platon xác định là idea và Aristote xác định là energeia (hiện thực tính, hiện tính thể). Ngay lúc này chưa cần phải giải thích một cách chính xác hơn ý nghĩa của Aristote và energeia và thế nào mà ousia (hiện thể tính) được xác định là energeia (hiện thưc tính). Bây giờ điều quan trọng chúng ta phải lưu ý là cách thế mà Aristote viên hạn triết lý trong bản tính (thể tính) của nó. Trong cuốn đầu tiên của quyển Métaphysique (Met. A2, 982, b 9sq). Ông viết như vầy: Triết lý là kiến thức suy lý về những nguyên lý và những nguyên do đầu tiên. Epistêmê thường được diễn dịch là “khoa học”. Đây là sự sai lạc lầm lẫn bởi vì chúng ta dễ bị quan niệm cận đại về “khoa học”, xen vào đây. Dịch “epistêmê” là “khoa học” thì cũng sai lầm nếu chúng ta hiểu “khoa học” trong ý nghĩa triết lý của Fichte, Schelling và Hegel. Tiếng epistêmê là phát xuất từ phân từ epistamenos (kẻ biết cách nào, thế nào). Đó là cách gọi một người nào có khả năng về một việc gì đó (có tài hiểu theo nghĩa appartenmance(sở đắc sở thuộc). Triết lý là epistêmê tis, một loại sở đắc sở thuộc, theôrêtikê, có khả năng về theôrein (suy lý, suy tưởng), nghĩa là việc tìm kiếm về điều gì đó và nắm giữ và ôm lấy trong cái nhìn của mình cái điều mà mình ngó tìm. Do đó, triết lý là epistêmê theôrêtikê (kiến thức suy lý, suy tưởng). Những điều mà nó nắm lấy trong cái nhìn của nó là điều gì?
Aristote nói cho biết cái điệu ấy là cái gì khi ông gọi tên là prôtai archai kai aitiai. Câu này có thể dịch là “những nguyên lý và những nguyên do đầu tiên” tức là của hiện thể. Do đó, những nguyên lý và những nguyên do đầu tiên làm Tính thể của hiện thể. Sau hai ngàn năm trăm năm bây giờ dường như đúng lúc để khảo xét lại xem Tính thể của hiện thể có can hệ gì với những sự thể như là “nguyên lý” và những “nguyên do”.
Trong ý nghĩa gì mà Tính thể được tư niệm để mà những sự thể như là “nguyên lý” và “nguyên do” được đủ tư cách để đóng dấu của chúng cùng để chiếm hữu những hiện thể tính thể của hiện thể?
Nhưng bây giờ chúng ta lại để ý một điều khác nữa. Câu văn của Aristote trích dẫn ở trên đã cho chúng ta biết được chiều hướng của cái được gọi là “triết lý” kể từ Platon đang lên đường đi về hướng nào, câu ấy chỉ cho biết về bản tính của triết lý. Triết lý là một loại sở đắc sở thuộc làm cho có khả năng nhìn thấy hiện thể hướng về tới cái nó là gì khi mà nó hiện thể.
Câu hỏi đưa cuộc tương thoại chúng ta vào sự di động và sự bất an phong phú và trình bày chiều hướng cần phải theo, đó là câu hỏi “Triết lý là gì” Aristote đã trả lời rồi. Do đó, cuộc tương thoại của chúng ta không còn cần thiết. Cuộc tương thoại kết thúc trương khi nó bắt đầu. Câu trả lời lập tức về điều này sẽ là thế này: lời phát biểu của Aristote về bản tính của triết lý không thể chỉ là câu trả lời duy nhất cho câu hỏi của chúng ta. Nói cho thích đáng hơn đó chỉ là một câu trả lời trong nhiều câu trả lời khác. Nhờ sự trợ lực của lối xác định về bản tính triết lý theo Aristote chắc chắn mình có thể tiền tượng thể (thể niệm) và diễn giải cả được tư tưởng trứơc thời Aristote và Platon, cũng như cả triết lý sau thời Aristote. Tuy nhiên điều dễ tỏ bày: chính triết lý và đường lối mà triết lý thể niệm về bản tính của mình, triết lý và đường lối ấy đã từng thay đổi thường xuyên trong hai ngàn năm kế tiếp. Ai có thể phủ nhận điều này? Đồng thời, chúng ta, tuy vậy, cũng không nên bỏ quên sự kiện: triết lý từ Aristote cho đến Nietzsche, trên căn thể của sự biến thể suốt dòng tiến triển, vẫn còn giữ được đồng nhất giống như nhau. Vì những sự biến thể là sự bảo đảm lưu tồn cho tính cách liên hệ thân tộc trong thể đồng nhất.
Khi nói như thế chúng tôi không muốn nói rằng định nghĩa về triết lý của Aristote vẫn có giá trị hữu hiệu một cách tuyệt đối. Ngay trong lòng tính sử tư tưởng Hy lạp, đó chỉ là một lối diễn nghĩa đặc biệt về tư tưởng Hy lạp và về trách vụ mà nó phải đảm nhận gánh vác. Định tính của Aristote về triết lý không thể nào được thuyên chuyển trở về tư tưởng của Héraclite và Parménide dù trong bất cứ trường hợp nào. Trái lại, điều chắc chắn, định nghĩa của Aristote là triết lý là hậu quả kế tục tự tại của tư tưởng nguyên thuỷ và làm thành sự kết thúc của nó. Tôi nói “hậu quả kế tục tự tại” bởi vì không thể nào nhận thấy rằng những nền triết lý cá biệt và những thời đại triết lý đã sinh khởi lẫn nhau trong ý nghĩa hiểu theo sự tất yếu của một iến trình biện chứng pháp.
Mình đã gặt được kết quả gì từ những gì đã nói nãy giờ đối với sự cố gắng của chúng ta trong cuộc tương thoại đối trị với câu hỏi, “Triết lý là gì?” Trước tiên hết chỉ một điều: chúng ta không chỉ nên đeo vịn vào định nghĩa của Aristote. Từ điều này chúng ta suy diễn đến điểm thứ hai: chúng ta phải ý thức về những định nghĩa nguyên thuỷ và hậu thời về triết lý. Và rồi sao? Rồi nhờ sự trừu lược tỷ giáo, chúng ta sẽ giản lược những định nghĩa ấy vào chung tố của tất cả những định nghĩa. Và rồi sao? Rồi chúng ta sẽ đi đến một phương trình rỗng tuếch khả dĩ xứng hợp cho tất cả loại triết lý. Và rồi sao? Rồi chúng ta sẽ cùng lại đi xa hơn nữa, tách lìa xa hơn nữa với câu trả lời cho câu hỏi của chúng ta. Tại sao cơ sự xảy ra như vậy? Bởi vì khi tiến hành như thế thì chúng ta chỉ thu gặt bằng phuơng pháp luận có tính cách sử học những định nghĩa có sẵn bên tay và giải tán chúng vào trong một phương trình tổng quát. Tất cả những sự việc này có thể thực hiện suôn sẻ nhờ sự học vấn uyên bác và nhờ sự trợ lực của những kiểm chứng đứng đắn. Làm như thế chúng ta chẳng cần phải đi vào trong triết lý làm gì nữa trong một đường lối khả dĩ suy tưởng được bản tính của triết lý. Khi chúng ta làm như lối trên thì chúng ta sẽ thu được mớ kiến thức đa dạng, toàn triệt và hữu ích nữa, về cách lối mà triết lý đã được trình bày trong dòng diễn biến của tính sử. Nhưng trên con đường này chúng ta không bao giờ đi tới được một câu trả lời trung thực hợp thúc trước câu hỏi “Triết lý là gì?” Câu trả lời chỉ có thể là câu trả lời hiện đang “làm triết lý” ngay nơi tự thể của triết lý: Nhưng chúng ta phải hiểu lời phát biểu này (cái nhảy) như thế nào? Với đường lối mà câu trả lời, nhất là khi nó là một sự đáp ứng, đang làm triết lý? Bây giờ tôi xin tạm thời giãi bày sáng sủa điêu này với đôi điều gợi ý. Cái điều muốn được nói sẽ quấy rầy cuộc tương thoại của chúng ta nhiều lần nữa. Nó sẽ là tiêu chuẩn (đá thử vàng) để xác định xem buổi tương thoại của chúng ta thực sự có tính cách triết lý không. Đây không phải là điều nằm trong quyền lực của chúng ta.
Khi nào câu trả lời về câu hỏi, “Triết lý là gì?” là một âu trả lời đang làm triết lý? Khi nào chúng ta “làm triết lý”, “sống triết lý”? Hiển nhiên chỉ khi nào chúng ta đi vào cuộc song thoại với những triết gia. Điều ấy mang ngụ ý rằng chúng ta nói cho tới nơi với họ về những gì họ nói. Sự nói chuyện với nhau cho tới nơi với họ về những gì vẫn luôn luôn mới lạ là điều can hệ đặc biệt với những triết gia, đó chính là về cái Như vậy, Như tính nghĩa là nói, legein, trong ý nghiã của diale-gethai (đối thoại), nói như là nói với nhau, đối thoại, song thoại. Sự song thoại ấy có cần thiết mang tính cách biện chứng, nếu có thế không và khi nào thế, chúng tôi xin để vấn để mở ngõ.
Xác định và mô tả những ý kiến của những triết gia là một việc. Nói cho thấu đáo với họ những gì họ đang nói, nghĩa là cái điều mà họ nói về, đó là một việc hoàn toàn khác hẳn.
Do đó, nếu chúng ta thiết nhận rằng Tính thể của hiện thể tự hiệu triệu cho những triết gia để mà họ phát biểu hiện thể là gì mỗi khi hiện thể là thế thì lúc ấy cuộc song thoại của ta với những triết gia cũng phải được hiệu triệu bởi Tính thể của hiện thể. Lúc ấy, chính chúng ta, qua tư tưởng của chúng ta, phải đến gặp gỡ triết lý trên con đường (unterwegs) mà triết lý đang du hành. Lời chúng ta đang nói phải tương ứng với điều đang hiệu triệu những triết gia. Nếu sự tương ứng này được thành công đối với chúng ta thì lúc ấy trong ý nghĩa trung thực trung tính của tiếng nói, chúng ta đáp ứng được câu hỏi. “Triết lý là gì”. Tiếng Đức antworten (trả lời cho) thực ra có nghĩa giống entsprechen (đáp ứng). Câu trả lời cho câu hỏi của chúng ta không được tát cạn trong một sự khẳng định trả lời cho câu hỏi bằng cách xác định chúng ta phải hiểu nội dung của ý niệm “triết lý” là gì. Câu trả lời không phải là sự bồi đáp, câu trả lời đúng hơn là sự tương ứng (die Entsprechung: la correspondance), đáp ứng với tính thể của hiện thể. Tuy nhiên, đồng thời chúng tôi muốn biết cái gì kết thành sắc thái đặc biệt của câu trả lời trong ý nghĩa của sự tương ứng. Nhưng tất cả mọi sự trứơc hết đều tuỳ thuộc vào một điều mà chúng ta đạt tới một sự tương ứng trước khi chúng ta thiết lập một lý thuyết về nó.
Câu trả lời cho câu hỏi “triết lý là gì?” nằm nơi sự tương ứng của chúng ta với cái điều mà triết lý đang lên đường hướng về. Và đó là –Tính thể của hiện thể. Trong sự tương ứng như thế chúng ta lắng nghe từ ban dầu cái điều mà triết lý đã nói rồi cho chúng ta, triết lý, nghĩa là philosophia hiểu theo ý nghĩa Hy lạp. Đó là lý do cho ta hiểu tại sao chúng ta đạt tới sự tương ứng, nghĩa là, một sự trả lời cho câu hỏi của chúng ta, chỉ khi nào chúng ta vẫn còn song thoại với điều mà truyền thống của triết lý giải tỏa cho chúng ta, nghĩa là giải phóng cho chúng ta. Chúng ta tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi, “triết lý là gì?” không phải nhờ những quyết đoán có tính cách sử học về những định nghĩa của triết lý mà phải nhờ vào sự song thoại với điều đã được trao truyền lại cho chúng ta như là Tính thể của hiện thể.
Con đường đi đến câu trả lời cho câu hỏi của chúng ta không phải là một sự cắt đứt tuyệt giao với tính sử, phủ nhận chối từ tính sử mà là nuôi nhận thuận ứng chuyển tính những gì đã được trao gửi lại cho chúng ta. Sự nuôi nhận thuận ứng tính sử ấy là ý nghĩa của chữ “phá huỷ”. Ý nghĩa của tiếng này đã được viên diễn rõ ràng trong quyển Sein und Zeit (tiết mục 6). Sự phá huỷ không có nghĩa là phá hoại tiêu diệt mà có nghĩa là phá vỡ nát, dọn dẹp, thanh toán; đẩy lùi ra một bên những quyết đoán xác định chỉ có tính cách sử học về tính sử của triết lý. Sự phá huỷ có nghĩa là - mở những lỗ tai của chúng ta, làm cho chúng ta được tự do đón nhận cái điều đang nói cho chúng ta trong truyền thống như là Tính thể của hiện thể. Khi lắng nghe sự hiệu triệu này thì chúng ta đạt tới sự tương ứng.
Nhưng khi chúng ta nói như vậy, một mối ngờ vực đã ăn ngấm vào đầu óc, chúng ta có cần phải nhất thiết nỗ lực để đạt tới sự tương ứng với Tính thể của hiện thể? Có phải chúng ta, những nhân thể, chẳng phải chúng ta đã vẫn luôn luôn ở trong sự tương ứng như thế rồi sao, và hơn thê nữa, chẳng phải sự kiện đã hiển nhiên là vậy mà ngay đến bản tính của chúng ta cũng là thế rồi? Không phải sự tương ứng này kết thành đường nét căn thể của bản tính (thể tính) chúng ta sao?
Thật ra trường hợp của chúng ta quả là như thế. Nhưng nếu trường hợp là thế, vậy thì chúng ta không thể còn nói rằng chúng ta trước hết phải cần đạt tới sự tương ứng này. Quả là chúng ta có lý khi nói như thế. Vì điều chắc chắn là dù chúng ta vẫn luôn luôn và khắp nơi hãy còn trong tương ứng với Tính thể của hiện thể, tuy thế chúng ta ít khi để ý tới tiếng gọi của Tính thể. Sự tương ứng với Tính thể của hiện thể chắc chắn vẫn là nơi lưu trú của chúng ta. Nhưng chỉ thỉnh thoảng nó mới trở thành tư thế thể thái khai mở phơi bày đã được chúng ta đặc biệt cưu mang nuôi giữ. Chỉ khi nào điều này xảy ra thì chúng ta mới thực sự tương ứng với điều liên hệ mật thiết với triết lý trên con đường hướng tới tính thể của hiện thể. Triết lý la sự tương ứng với Tính thể của hiện thể nhưng chỉ khi nào sự tương ứng này được thể hiện trọn vẹn thực sự và nhờ đó tự mở bày và giàn trải ra sự mở bày này. Sự tương ứng này xảy đến trong những đường lối khác nhau tuỳ vào cách kêu gọi trong tiếng nói của tính thể, tuỳ thuộc vào tiếng nói ấy có được nghe hay không, và tuỳ thuộc vào điều được nghe kia có được nói hay chỉ được giữ im lặng. Cuộc tương thoại của chúng ta đưa tới những cơ hội để suy tưởng về điểm nầy.
Bây giờ tôi sẽ chỉ xin cố gắng phát biểu lời mở đầu về cuộc tương thoại này. Tôi muốn đưa cuộc tương thoại này trở về điều mà chúng ta đã chạm mó tới khi nhắc lại lời nói của André Gide về những “tình cảm đẹp đẽ”. Philosophia là sự tương ứng được tựu thành một cách trung thực và sự tương ứng ấy đang nói vào mỗi lúc mà nó để ý tiếng nói của Tính thể của hiện thể. Sự tương ứng này lắng nghe tiếng nói của sự kêu gọi. Điều kêu gọi chúng ta như là tiếng nói của Tính thể đã triệu tâp sự tương ứng của chúng ta. “Sự tương ứng” lúc ấy có nghĩa: được triệu tập xác định, bày ra ngoài bởi điều xuất phát từ tính thể của hiện thể. Bày ra ngoài ở đây có nghĩa đen là phân ra ngoài, làm sáng tỏ, và nhờ đó, được đặt trong tương giao với cái đang là hiện thể. Hiện thể như là thế quy định lời nói đên nỗi khiến cho ngôn ngữ được âm hưởng tương thuận với Tính thể của hiện thể. Sự tương ứng là điều cần thiết và vẫn luôn luôn được tương thuận âm hưởng, không phải ngẫu nhiên và thỉnh thoảng thôi. Đó là một sự thuận hưởng hoà thanh đồng khí. Và chỉ trên căn bản của sự hoà thanh cảm hướng thuận hưởng đồng khí ấy mà ngôn ngữ của sự tương ứng mới cần được sự minh xác của nó, đồng thanh đồng khí của nó.
Vì là một sự thể được đồng thanh âm hưởng và đồng khí qui hưởng, cho nên sự tương ứng được hiện hữu thực sự trong một sự ứng cảm thế hướng. Nhờ sự ứng cảm thế hương ấy mà tư thế thể thái của chúng ta được thích ứng đôi lúc với cái này, đôi lúc với cái khác. Sự đồng thanh ứng cảm thế hứơng được hiểu trong nghiã ấy không phải là âm nhạc của những cảm giác đột phát chỉ phụ hoà nhịp theo sau sự tương ứng. Nếu chúng ta xác định bản tính của triết lý như là sự tương ứng được thuận hưởng đồng thanh thì lúc ấy chúng ta không hề muốn buông bỏ tư tưởng cho những đổi thay ngẫu nhiên và những lao xao dao động bất thường của những tình cảm. Đúng hơn đó chỉ là một việc tỏ bày ra rằng tất cả mọi sự minh bạch khúc triết của ngôn thể đều đặt trong một căn tính trong một sự cảm hướng đồng khí của sự tương ứng, tôi xác định, trong việc lưu ý đến tiếng gọi.
Tuy thế, trước tiên hết, việc đề cập sự cảm hướng đồng khí chính yếu của sự tương ứng không phải là một sự phát minh ở thời cận đại. Những tư tưởng gia Hy lạp, Platon và Aristote, đã gợi sự chú ý về sự kiện rằng triết lý và việc "làm triết lý, sống triết lý”, thuộc về khai vực kích thước của con người mà chúng ta gọi là sự đồng thanh ứng cảm thế hướng (trong ý nghĩa của sự đồng thanh âm hưởng và đồng khí qui hưởng).
Platon nói (Theatet, 155 d): “Vì đây chính là pathos (cảm tính) của một triết gia: được ngạc nhiên. Vì không có sự bắt đầu nào khác cho philosophia hơn là điều này”. “Thực đây chính là pathos của một triết gia, tức là được ngạc nhiên; vì không có khởi điểm quyết định nào cho triết lý bằng điều này”. Sự ngạc nhiên, như là pathos, là archê (khởi đầu) của triết lý. Chúng ta phải hiểu tiếng Hy lạp archê (sự khởi đầu) trong trọn vẹn ý nghĩa của nó. Tiếng này gọi cái điều mà từ đó sự thể nào đó khởi phát. Và cái “từ đó khởi phát” không bị bỏ lại đằng sau trong tiến trình xuất phát ra, nhưng đúng hơn sự bắt đầu trở thành cái điều mà động từ archêin phát biểu, tức là điều cai trị, làm chủ, điều động. Cái pathos của sự ngạc nhiên do đó không những chỉ đứng như sự rửa tay đi trước sự mổ xẻ cua y sĩ giải phẫu. Sự ngạc nhiên chuyên chở và chủ định thấu suốt khắp cả triết lý.
Aristote cũng nói như vậy (Met. A 2,982 b 12sq): “vì nhờ sự ngạc nhiên là loài người đã bắt đầu làm triết lý cả vào thời đại của chúng ta và vào lúc khởi đầu”. "Nhờ sự ngạc nhiên con người đã tới được con đường quyết định của việc làm triết lý bây giờ cũng như lúc ban đầu” (cái mà sự làm triết lý khởi phát và cái mà sự vận hành diễn tiến của việc làm triết lý được quy định toàn triệt).
Thực là hời hợt và nhất là phi Hy lạp nếu chúng ta ngỡ rằng Platon và Aristote chỉ xác định nơi đây rằng ngạc nhiên là nguyên do của việc làm triết lý. Nếu họ có ý kiến này, đó có nghĩa là vào một thời nào đó hoặc một thời khác nào đó con người đã ngạc nhiên đặc biệt về hiện thể và rằng hiện thể đang làm thế và đang làm gì thế. Thúc đẩy bởi sự ngạc nhiên này, họ bắt đầu làm việc triết lý. Nhưng khi triết lý vừa tiến triển thì sự ngạc nhiên trở nên thừa thãi, không còn là một nguyên động lực thúc đẩy đến độ sự ngạc nhiên ấy đã biến mất đi. Nó có thể biến mất vì nó chỉ là một sức hút thúc đẩy. Tuy nhiên, sự ngạc nhiên là archê, nghĩa là sự ngạc nhiên lan tràn chủ định tất cả mỗi bước đi của triết lý. Sự ngạc nhiên là Pathos. Chúng ta thường dịch pathos là đam mê, lan tràn sôi sục xúc động ào ạt. Nhưng pathos có dính líu với paschein, nghĩa là đau đớn, chịu đựng kiên trì trải qua, bị lôi cuốn bởi, bị quy định bởi. Thực là liều lĩnh táo bạo trong những trường hợp như thế này nếu chúng ta dịch pathos là sự ứng cảm thế hướng (Stimmung) nghĩa là đồng thanh âm hưởng với đồng khí qui hưởng. Nhưng chúng ta đánh liều dịch như vậy vì chỉ có cách dịch này mới che chở chúng ta khỏi tiền tượng thể (thể niệm) pathos theo ý nghĩa tâm lý học cận đại. Chỉ khi nào chúng ta hiểu pathos như là sự ứng cảm thế hướng thì chúng ta mới có thể xác định chính xác hơn thaumazein là sự ngạc nhiên. Trong sự ngạc nhiên chúng ta ghì trân mình lại, đứng sững lại. Chúng ta bước lùi lại, nếu có thể nói thế, bước lùi lại trứơc hiện thể, trước sự kiện rằng hiện thể là thê như nó là thế vì không là thế khác. Và sự ngạc nhiên không phải tiêu cạn đi trong sự thụt lùi trước Tính thể của hiện thể, nhưng là vì sự thụt lùi và sự tự kiềm chế, cho nên sự ngạc nhiên đồng thời bị lôi kéo mạnh mẽ và được giữ chặt bởi cái điều mà nó lùi trốn. Do đó, sự ngạc nhiên là sự cảm ứng thế hướng mà trong đó và vì đó Tính thể của hiện thể phơi bày giàn trải ra. Sự ngạc nhiên là sự ứng cảm thế hướng mà trong đó những triết gia Hy lạp đã được thuận ứng cho sự tương ứng với Tính thể của hiện thể.
Có sự ứng cảm thế hướng thuộc loại khác khiến cho tư tưởng quyết định hỏi một cách mới lạ câu hỏi truyền thống và hiện thể là gì mỗi khi hiện thể là thế, và nhờ đó bắt đầu khởi phát một kỷ nguyên mới của triết lý. Trong tập Médilations, Descartes không phải chỉ và không phải hỏi trước tiên là ti to on, hiện thể là gì, mỗi khi hiện thể là thế. Descartes hỏi hiện thể là thực sự hiện thể gì trong ý nghĩa của ens certum. Đối với Descartes, bản tính (thể tính) của certitudo đã thay đổi trong giai đoạn vì ở thời trung cổ certitudo không có nghĩa là xác tính mà sự viên hạn cố định về một hiện thể trong cái điều đang là thế. Certitudo ở đây vẫn còn đồng nghĩa với essentia. Trái lại, đối với Descartes cái điều là thực, thực sự là thì được đo lường bằng một cách khác. Đối với ông ta, sự nghi ngờ trở thành sự ứng cảm thế hướng mà trong đó sự đồng thanh âm hưởng (cơ cấu của sự qui hưởng) rung động ứng nhịp với cái ens certum, tức là hiện thể trong xác tính. Certitudo trở thành sự cố định của ens qua ens kết thành từ tính cách bất khả vấn của cogito (ergo) sum cho nhân ngã. Từ đó, bản ngã (ego) trở thành sub – jectum ưu liệt và do đó bản tính (thể tính) của con người lần đầu tiên đi vào lãnh vực của chủ thể tính trong ý nghĩa của bản ngã tính. Từ sự đồng thanh âm hưởng với certitudo mà ngôn ngữ của Descartes đạt được sự đồng khí qui hưởng của một clare et dis tincte percipere. Sự ứng cảm thế hướng của sự nghi ngờ là sự đồng khí tích cực trong sự xác tính. Từ đó, tính cách đích xác trở thành hình thức quyết định tiêu chuẩn của chân lý. Sự ứng cảm thế hướng của sự tín nhiệm vào sự xác tính tuyệt đối của kiến thức mà con người mọi lúc có thể đạt tới được chính là pathos và, do đó, là archê của triết lý cận đại.
Tuy nhiên, sự thành tựu của triết lý, telos, tuỳ thuộc vào cái gì, nếu chúng ta có thể nói đến nó? Có phải sự cáo chung chấm dứt này được qui hưởng bởi một sự cảm ứng thế hướng khác? Chúng ta phải tìm kiếm sự thành tựu của triết lý cận đại ở đâu? Ở Hegel hay cho mãi đến triết lý ở giai đoạn cuối của Schelling? Còn về Marx và Nietzsche thì thế nào? Có phải Marx và Nietzsche đã bước lộn ra ngoài dòng lưu chuyển của triết lý cận đại? Nếu không thế thì làm thế nào chúng ta có thể xác định vị trí của họ?
Dường như là chúng ta chỉ đặt ra những câu hỏi có tính cách sử học thôi. Nhưng sự thật thì chúng ta đang suy tưởng bản tính (thể tính) tương lai của triết lý. Chúng ta đang cố gắng lắng nghe tiếng nói (thanh hưởng) của Tính thể: Điều này đưa loại ứng cảm thế hứơng nào cho tư tưởng hiện đại? Câu hỏi khó có thể trả lời một cách dứt khoát. Dường như một sự ứng cảm thế hướng căn bản (căn tính) đang thống ngự khắp cả. Tuy nhiên sự ứng cảm thế hướng ấy vẫn còn ẩn trốn giấu kín khỏi chúng ta. Điều này là dấu hiệu tỏ bày rằng tư tưởng hiện đại của chúng ta vẫn chưa tìm thấy con đường dứt khoát của nó. Điều chúng ta gặp gỡ chỉ là điều này – Có nhiều sự ứng cảm thế hướng khác nhau của tư tưởng. Sự nghi ngờ và sự thất vọng, một đằng, sự ám ảnh hưởng hữu mù quáng với những nguyên lý vô bằng, đằng khác, cả hai va chạm xung đột với nhau. Sự sợ hãi và xao xuyến hoà lẫn với sự hy vọng và niềm tin tưởng. Thường khi, một cách rộng rãi, dường như tư tưởng chỉ là một loại tiền tượng thể (quan niệm) lý luận và tính toán thoát ra khỏi bất cứ loại ứng cảm thế hướng nào cả. Nhưng ngay đến tính cách lạnh lùng của sự tính toán, ngay đến vẻ tỉnh táo nhạt nhẽo của sự sắp đặt kế hoạch cũng là những nét của một sự đồng thanh âm hưởng. Chẳng những thế - ngay cả lý trí, cái đã tự thoát ra ngoài tất cả ảnh hưởng cũng như đam mê, thực ra, vì là lý trí, cho nên cũng được đồng thanh âm hưởng vào lòng tin cậy nơi khả năng toán học luận lý chặt chẽ của những nguyên lý và những nguyên tắc của nó.
Sự tương ứng được tự phơi bày ra và được cưu mang thu nhận một cách trung thực, sự tương ứng ấy tương ứng với tiếng gọi của Tính thể của hiện thể, đó là triết lý. Chúng ta được đi vào và quen biết với bản tính của triết lý và chỉ khi nào chúng ta học tính cách nó là thế nào, trong thể cách nào. Nó theo thể cách của sự tương ứng được thuận hưởng theo tiếng nói của Tính thể của hiện thể. Việc tương ứng này là một hiện ngôn, một ngôn thể. Nó phụng sự cho ngôn ngữ. Điều này có nghĩa là gì thực là khó hiểu đối với chúng ta ngày nay vì những quan niệm (tiền tượng thể) thông thường của chúng ta về ngôn ngữ đã trải qua những biến thiên lạ kỳ. Do hậu quả ấy mà ngôn nhữ xuất hiện như là một dụng cụ của sự diễn đạt. Do đó người ta cho là đúng lẽ hơn khi nói rằng ngôn ngữ phụng sự cho tư tưởng, thay vì nói tư tưởng, như là sự tương ứng, phụng sự cho ngôn ngữ. Trươc hết, tiền tượng thể (quan niệm) thông thường về ngôn ngữ đã tách lìa xa hẳn kinh nghiệm Hy lạp về ngôn ngữ. Đối với người Hy lạp, bản tính (thể tính) của ngôn ngữ được khai thể qua logos. Nhưng logos và legein có nghĩa là gì? chỉ có ngày nay chúng ta mới chầm chậm bắt đầu thoáng thấy bản tính (thể tính) Hy lạp nguyên thuỷ của nó nhờ cách diễn giải đa dạng về logos. Tuy nhiên chúng ta không bao giờ trở lại bản tính của ngôn ngữ và cũng không thể chỉ thu nhận nó lại thôi là được. Trái lại, có lẽ chúng ta phải đi vào cuộc song thoại với kinh nghiệm Hy lạp về ngôn ngữ như là logos. Tại sao? Bởi vì không có sự suy tưởng khả quan về ngôn ngữ, chúng ta không bao giờ thực sự biết triết lý là gì, triết lý như sự tương ứng ưu liệt, và cũng không biết triết lý là gì, triết lý như một thể cách ưu liệt của ngôn thể.
Nhưng bởi vì thi ca, nếu chúng ta so sánh thi ca với tư tưởng, thi ca cũng phụng sự ngôn ngữ trong một đường lối ưu liệt hoàn toàn khác hẳn, khi cuộc tương thoại chúng ta suy tưởng theo triết lý thì tất nhiên phải đưa dẫn tới một cuộc thảo luận về mối tương thể giao tính giữa tư tưởng và sự sáng tác thi ca. Giữa hai bên đều có sự liên hệ huyết thống ẩn kín vì trong việc phụng sự cho ngôn ngữ cả hai tự tận tụy dâng hiến tiêu phí trao tính trọn vẹn. Tuy nhiên giữa hai bên đồng thời có một hố thẳm ngăn cách, vì cả hai “đều trú ngụ trên những ngọn núi cách biệt hẳn hoàn toàn”.
Bây giờ người ta có thể đòi hỏi cuộc tương thoại của chúng ta phải được giới hạn vào câu hỏi về triết lý, yêu sách này quả là hoàn toàn xác đáng hợp lý. Sự giới hạn này chỉ có thể có được và cần thiết nữa khi nào trong cuộc tương thoại chúng ta được đưa đên sự nhìn nhận rằng triết lý không phải là cái điều đã được diễn giải là: một sự tương ứng đưa dẫn tiếng gọi của Tính thể của hiện thể đến cho ngôn ngữ.
Nói khác đi - cuộc tương thoại của chúng ta không tự nhận trách nhiệm thảo vạch bày ra một chương trình cố định. Nhưng cuộc tương thoại này muốn chuẩn bị đưa tất cả những người nào đang tham dự vào một sự thu phối hội tính trong đó cái mà chúng ta gọi là Tính thể của hiện thể lên tiếng liên triệu chúng ta.
Khi gọi tên điều y, chúng ta đang suy tư cái mà Aristote đã nói: “Tính thể - hiện thể thể hiện qua nhiều thể cách” [3] .
[1]André Gide, Dostoievsky – Paris 1932; p. 247.
[2]Cf. Vortraegeund Aufsaetze, 1954, pp. 207 - 229
[3]cf Sein und Zeit, phần 7B
Nguồn: Triết lý là gì? của Martin Heidegger do Phạm Công Thiện dịch, An Tiêm xuất bản lần thứ nhất, Sài Gòn mùa xuân 1969, in 5.000 quyển, ngoài những bản thường còn in thêm 20 bản đặc biệt trên giấy đẹp dành riêng cho dịch giả, Nxb và thân hữu. Ấn loát tại Đăng Quang, 734A Phan Thanh Giản, Sài Gòn. Nguyên tác tiếng Đức: Was ist das – die Philosophie?, Nxb G. Neske, Pfullingen, 1956.
15/6/11
Đặng Tiến - Vũ trụ thơ ( 7 )
Đặng Tiến
Vũ trụ thơ
Nguyễn Du, Bà huyện Thanh Quan, Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng
Tôi muốn đo thể tích của dĩ vãng trong thơ Đinh Hùng. Con người có ba dĩ vãng. Dĩ vãng của tôi hôm nay là thời thơ ấu; dĩ vãng thơ ấu là tiền sinh, và của tiền sinh là tiền sử. Thơ Đinh Hùng là hôn phối của một hiện tại và ba dĩ vãng.
Chúng ta sẽ không dừng lại lâu ở Độ em còn trèo cây khế hay ở Khi mới lớn tuổi mười lăm mười bảy của Đinh Hùng; những bài thơ đó đã nói lên đầy đủ vị trí của mình. Chúng ta cũng chỉ cần nhắc lại dung lượng quan trọng của nước đã phân tích ở đoạn trên cũng đủ thấy dấu vết trong tiềm thức của thời tiền sinh, thời kỳ trứng nước của bào thai. Tôi chỉ khai triển hư cấu thời tiền sử trong thơ Đinh Hùng, vì cho có một tầm quan yếu đặc biệt:
Nàng lớn lên giữa mùa xuân hoa cỏ
Nửa linh hồn u ám bóng non xanh
Ngoài thiên nhiên nở bừng thân mỹ nữ
Nàng yêu ta huyền hoặc mối kỳ tình…
… Chúng tôi gặp nhau trên dòng suối ngọt
Làm đôi người cô độc thuở sơ khai
Nàng bâng khuâng đốt lửa những đêm dài
Ta từng buổi bơ vơ tìm bộ lạc
Nàng là Gái-Muôn-Đời không đổi khác
Bộ ngực tròn nuôi cuộc sống đang xuân
Ta đến đây làm chủ hội phong trần
Lấy hoa lá kết nên tình Thái Cổ…
(MHC, tr. 25)
Xuân hoa cỏ. Thuở sơ khai. Gái muôn đời. Tình Thái Cổ. Ngần ấy hình ảnh gợi đủ tương quan giữa người và vũ trụ tiền sử, vũ trụ vĩnh cửu vận động. Cuộc sống của loài người thay đổi trên một mặt đất không thay đổi. Con người là hiện thân một phản trắc lớn lao, mỗi lúc một xa lời thề với thiên nhiên. Đinh Hùng muốn dựng lại thiên nhiên đó, vì nó đáp đúng với những khát vọng của thi nhân. Thiên nhiên tiền sử là một thế giới bình đẳng giữa người và ngoại vật, thời muôn chim còn biết nói tiếng người, thời sông núi, cây cỏ đều là thần linh. Thời đó loài người trực tiếp với thiên nhiên, đối thoại với tạo vật, lo cái lo của cỏ cây, vui cái vui của mưa nắng. Thời mà Đinh Hùng gọi là Sông Núi Giao Thần loài người chưa đối diện với thiên nhiên, còn chung sống với cỏ cây. Đã đành là trong thực tế, vũ trụ vẫn ác nghiệt với người tiền sử, nhưng trong hư cấu của Đinh Hùng, vũ trụ đã mất hết nanh vuốt, chỉ còn lại đôi mắt hiền từ. Tình người con-gái-muôn-đời chỉ là khát vọng một thế giới bất biến, một thực tại hằng hữu, Đinh Hùng chọn Buổi Sơ Khai vì đấy là sự chọn lựa hợp lý nhất, đồng thời Buổi Sơ Khai chính là hình ảnh của thi giới Đinh Hùng, một thế giới chưa có mâu thuẫn. Thời đó, cái tiểu ngã còn loãng trong đại ngã, ý thức dị biệt chưa thành hình một cách đầy đủ để thành một ý thức đối kháng:
Quên đi em hãy sống đời cây cỏ
Từng linh hồn dan díu với hương hoa
(MHC, tr. 25)
Nhưng con người nhớ dễ hơn quên. Trở về ngơ ngác:
Ta lạc hồn giữa lâu đài kỳ dị
Suốt muôn đời không hiểu dãy hành lang
Dưới hiên tây từng thế kỷ điêu tàn
Gạch ngói cũ nghe hoa thềm rụng cánh
(MHC, tr. 50)
Khi về tới thời Thái Cổ - quê hương thật sự - con người ngơ ngác bỗng đâm hốt hoảng. Trong Mê Hồn Ca có những vần thơ quằn quại không có trong Đường Vào Tình Sử. Người đọc cảm tưởng Mê Hồn Ca là một cơn mê sảng, điên loạn, kỳ thật đó chỉ là những phản ứng của con người bình thường nhất lúc trở về quê hương tuyệt đối, vì chúng ta chỉ là:
…Một lũ người vong bản
Mất tinh thần từ những thuở xa xưa.
(MHC)
Dường như vẫn còn một nghi vấn trong thơ Đinh Hùng tôi chưa giải đáp cặn kẽ. Tôi đưa ra chủ đề: thi giới Đinh Hùng không có mâu thuẫn vì mọi hiện tượng đều được hoà giải. Như thế vì đâu mà có cơn hoảng hốt trong Mê Hồn Ca ? Tôi nghĩ là cơn mê sảng trong tập thơ đầu của Đinh Hùng chính là sự hoảng hốt của con người trong thực tại, khiến thi nhân phải tạo một thi giới, một hư cấu khác để thay vào thực tại đầy rẫy những mâu thuẫn. Thay vì đi tìm cách khắc phục một thực tại chống đối, nhà thơ tạo ra một thực tại hư ảo khác để lẩn trốn sự chống đối. Nghệ thuật nói chung, trong đó có Thơ, là sản phẩm của sự lười biếng, xét dưới một khía cạnh nào đó. Thực tại là một cũi sắt, và nhà thơ là con hổ nhớ cảnh sơn lâm, giải quyết bế tắc bằng cách sống với bóng cả cây già trong tưởng tượng. Chung quy, thi giới của Đinh Hùng là một cảnh tưởng tượng nhưng nó đạt tới những nguyên lý cơ động thuần nhất nên tôi gọi là một hư cấu:
Ôi kiến trúc một chiêm bao thần bí…
(MHC)
Hư cấu, giấc chiêm bao cố tình ấy, đoạn trên đã trình bày là một không gian trong không gian. Riêng trong Mê Hồn Ca, đó là một không gian; trong thời gian cơn mê sảng Mê Hồn Ca là sự Hỗn Độn, hiểu theo nghĩa Kinh Dịch, nói cụ thể hơn, là thời gian hỗn độn. Chỉ có một cách xáo trộn trật tự của thời gian là đẩy hiện tại hoặc về quá khứ, hoặc về tương lai. Mà tuyệt đối của quá khứ là thời Thái-cổ, còn tuyệt đối của tương lai? Là cõi chết.
Trời cuối thu rồi - Em ở đâu?
Nằm trong đất lạnh chắc em sầu?
Thu ơi! đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu
(MHC, tr. 37)
Thi giới Đinh Hùng kết tinh bằng Thiên Nhiên huyền bí, bằng dị thảo, kỳ hoa, biển Giáp, non Thần, bằng xuân phương thảo cũng như xuân tùng bách, nuôi dưỡng bằng một mạch sống mãnh liệt – hay mạch sầu bất diệt – đã nở thành những đoá hoa đẹp nhất trong lịch sử thi ca Việt Nam. Cõi chết – Cõi Rùng Mình tuyệt đối – cũng tuyệt diễm như một Bồng Lai Mới:
Nàng nằm mộng một đêm hè dưới nguyệt
Nụ cười buồn lay động ánh trăng sao
Xa nấm mộ chúng ta cuồng dại hết
Để yêu tà về khóc dưới trăng sao
(MHC, tr. 41)
Thậm chí đến những vật vô tri nhất cũng thăng hoa thành những lâu đài diễm ảo:
Biết chăng ai trong giấc ngủ hoang tàn
Hồn gỗ đá nặng nề vừa tỉnh giấc
(MHC, tr. 51)
Đinh Hùng đánh thức các vật vô tri, đưa chúng vào vòng tuần hoàn bất tận và Dựng Mê Cung để ru ngủ các vật hữu tri. Thi giới Đinh Hùng là trạng thái nhập nhoè của vật thể và bản ngã. Giá trị của một nhà thơ là giá trị của hư cấu do nhà thơ dựng lên từ ngôn ngữ và linh thị. Hư cấu có thể có hay không có tương quan với thực tại. Nếu có, thì tương quan thay đổi tùy theo mỗi nhà thơ, người đọc phải có nhiều chìa khoá khác nhau nếu muốn đi vào thi giới của nhiều thi sĩ. Một người yêu thơ tầm thường chỉ có thể yêu một thi sĩ trong đời mình cũng như chỉ có thể yêu thật sự một người đàn bà. Những người đàn bà khác chỉ là bóng dáng của Người Đàn Bà Tuyệt Đối. Hoài Thanh và Hoài Chân không thích thơ Đinh Hùng âu đó cũng là một vinh hạnh cho Đinh Hùng, chứ không phải là một điều bất hạnh như nhiều người – trong đó tôi nghe anh Trần Phong Giao nói có cả chính thi sĩ - thường tưởng. Tôi không dám nghĩ là Hoài Thanh và Hoài Chân dốt thơ, nhưng các ông ấy có ít chìa khoá quá - nếu không phải chỉ có một chìa khoá passe–partout – vì cuốn Thi nhân Việt Nam viết trong một giai đoạn mà ý thức thi ca của văn giới Việt Nam còn phôi thai.
Chúng ta trở lại với thi giới Đinh Hùng. Kỳ ảo biết bao nhiêu.
Chiều tái tạo bâng khuâng từng ngọn cỏ
(MHC)
Trong thi giới đại đồng không có khác biệt giữa hữu thể và vô thể, tiểu ngã và đại ngã đó, tình yêu mang một sắc thái đặc biệt. Vì Đinh Hùng bị cái ám ảnh gần như mặc cảm thơ ông chỉ là loại thơ tình cho nên chúng ta dành riêng một phần bài này cho chủ đề tình yêu.
Trong thực tại tình yêu dù say đắm đến đâu, cũng bị giới hạn trong mực thước. Giới hạn cụ thể nhất là Người Yêu, hiện thể của tha nhân; người yêu là một đối tượng cần chinh phục, thoả mãn, gìn giữ, nó đối diện với tôi, đôi khi chống lại tôi. Và tôi chỉ có thể yêu một phần của cô ấy, có thể chiếm đoạt một phần người của cô ấy, phần còn lại vẫn thuộc về cô, thuộc về xã hội.
Người yêu là một khách thể, là một giới hạn. Ngay chủ thể cũng bị giới hạn: trong bản thể, tôi có cái tôi của tôi và cái tôi của kẻ khác, như xã hội, ngoại giới. Tôi không thể xử dụng toàn hữu thể để yêu đương. Trái lại trong hư cấu do tôi dựng lên, chỉ có cái tôi của tôi, tôi làm chủ toàn diện cái tôi, nên tôi có thể yêu đương hết mình. Chỉ trong điều kiện chủ quan đó, tôi mới có thể yêu mãnh liệt, tự đồng hoá trong tình yêu tàn khốc:
Một chiều nào tắt thở giữa môi hôn
(MHC)
Tình nhân nào mà không muốn chết trên môi người yêu? Nhưng ít ai chết như thế, trước hết vì người mình yêu chưa đáng cho mình chết, sau nữa vì những hệ lụy khác không cho mình chết như vậy. Trong hư cấu, tình yêu hội đủ điều kiện để biến thành khốc liệt:
Ôi cám dỗ! Cả mình em băng tuyết,
Rợn xuân tình trên bộ ngực thanh tân
Ta gần em, mê từ ngón bàn chân,
Mắt nhắm lại để lòng nguôi gió bão.
Khi sùng bái ta quỳ nâng nếp áo,
Nhưng cúi đầu trước vè đẹp trang nghiêm
Ta khẩn cầu từng sớm lại từng đêm,
Chưa tội lỗi đã thấy tràn hối hận.
Em đài các, lòng cũng thoa son phấn,
Hai bàn chân kiêu ngạo dẫm lên thơ
Ôi vô lương! trong một phút không ngờ,
Ta muốn trở nên người vô đạo
(MHC, tr. 30)
Một mối tình thật chỉ có thể thực hiện bằng cái tôi không thật, hướng về một người đàn bà không thật trong một thế giới không thật; tôi không thể quan niệm được một người đàn bà lý tưởng mà vẫn còn những nhu cầu bẩn thỉu như đại tiện, tiểu tiện hay kinh nguyệt; nếu ở một chân trời nào đó có một người vừa đẹp vừa thông minh – hai đức tính ít khi đi đôi – thì người đó cũng không cho tôi cơ hội si mê đến đắm đuối. Có thể trong một lứa tuổi nào đó, tôi có lần si mê điên dại, nhưng chính là lúc tôi choàng quanh người đàn bà một làn sương ảo mộng.
Chỉ trong thế giới mộng tưởng mới có những mối tình ác liệt. Nếu ngoài đời thỉnh thoảng có những mối tình ác liệt, thì chỉ vì tôi phản chiếu đến người yêu thật hình ảnh người yêu tôi mơ tưởng, phản chiếu vào thực tại thế giới tôi ước muốn. Vì thế giới Đinh Hùng thuần túy là cõi mộng, nên tình yêu đã đạt tới cường độ mãnh liệt chưa từng thấy ở một thi sĩ nào khác, và tạo nên những câu thơ tình đắm đuối nhất, tha thiết nhất:
Em đến hôm nào như hoa bay,
Tình không độc được mà đắng cay
Mùa thu tàn nhẫn từ đôi mắt
Mùi hương sát nhân từ ngón tay
Em đến hôm nào như mây bay
Gió mưa triền miên chìm nét mày
Đường vào lòng nhau toàn sạn đạo
Bước chân tha hương từ dấu dày
…Thương nhau gói trọn hồn trong áo
Mất nhau từ trong tà lụa bay…
(ĐVTS)
Thơ đẹp vì tình không thật. Tình không thật nên thơ tình của Đinh Hùng chỉ dành cho người đọc ở ngoài vòng tình yêu. Còn tuổi trẻ bồng bột yêu đương thật sự, sẽ tìm đọc những tác giả đại khái như Nhất Tuấn, Lệ Khánh, v. v… Nói là trong Đinh Hùng tình không thật, e chưa đúng; phải nói là tình thật trong một thế giới không thật. Ngày xưa Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính… vẽ mộng để tô điểm thực tại, làm cho thực tại thơ mộng hơn; trái lại Đinh Hùng vẽ sự thật lên mộng, để mộng có vẻ gần thực tại hơn. Cho nên thơ Đinh Hùng có những đề tài như Bao giờ em lấy chồng, Gặp nhau lần cuối, Tự tình dưới hoa…, để thực-tại-hoá phần nào hư cấu mộng tưởng.
Nổi tiếng về thơ tình tại Việt nam có lẽ không ai hơn Xuân Diệu, nhờ những câu hết sức lẩn thẩn kiểu Yêu là chết… Làm sao cắt nghĩa… Thơ đã là Mộng, nghĩa là Đẹp; tình yêu trong thơ Đinh Hùng là mơ trong một giấc mơ, thơ Đinh Hùng chính là thứ bướm hai lần mộng, cho nên xa cách với người đọc hơn là thơ Xuân Diệu.
Tình yêu hư ảo, vậy người ra sao? Đó là một thứ Nhan Sắc không có Chân Dung, Đinh Hùng có khi gọi bằng những tên mơ hồ như Huyền Diệu, Nữ Chúa Sầu… có khi gọi là Diệu Thư, Diệu Hương, Tần Hương, tức là những danh từ đang bốc thành hơi, tan thành khói. Người tình đó, tôi cho chỉ là vóc dáng của vô thể.
Vì trên khuôn mặt của Nàng, nhà thơ chỉ gặp những nét của nội tâm: tóc, mắt, nụ cười. Đó là nhân diện hay tâm trạng?
Mắt em ngây ngất khói hoàng hôn
Mái tóc còn vương một chút hồn…
Và là tâm trạng của ai? của Nàng hay của thi nhân? Ở đây, tôi trở lại với chủ đề đã đưa ra: trong thi giới Đinh Hùng không có dị biệt giữa nội tâm và ngoại giới, giữa bản ngã và tha nhân. Bóng dáng con người – đây là người tình - mờ nhạt, nhoà lẫn vào nhau, tan biến vào không gian. Tình yêu là vẻ đẹp của không gian, là lời quyến rũ của cuộc sống. Tình yêu lấp bằng cả thời gian, phối ngẫu nguyên thủy và cực chung trong một ánh trăng:
Em tự ngàn xưa chuyển bước về
Thuyền trên sóng mắt dẫn trăng đi
Những dòng chữ lạ buồn không nói
Nét lửa bay dài giấc ngủ mê.
Em đến mong manh vóc ngọc chìm
Tàn canh hồn nhập bóng trăng im
Ta van từng đoá sao thùy lệ
Nghe ý thơ sầu vút cánh chim
(ĐVTS)
Em là ánh trăng, là tiếng dương cầm, là cơn mưa, là một làn hương quý, là ly rượu Trường Sinh: em là ngũ quan của tôi, em là tôi-trong-không-gian mà cũng là không-gian-trong-tôi. Tôi yêu em như tôi yêu tôi và tôi yêu cuộc đời. Em đến như mây em vào cùng gió, cùng mưa. Tôi nhìn quanh. Không còn phân biệt đâu là Em và đâu không phải là Em:
Thu về em đã gặp thu chưa
Giải nước trường giang lạnh mấy bờ
Thoảng bóng hoa buồn in lối cũ
Dặm đường mơ tưởng bước em xưa
(ĐVTS)
Vũ trụ trong những câu thơ có nhiều trùng âm (diphtongues) như uơ, oa, uô, ưa, cơ hồ mềm nhũn lại, các đường thẳng, các góc cạnh bị uốn cong, vật giới dịu dàng và tha thướt, không còn là những thực thể tự tại (être-en soi) mà thành thực thể bằng tơ (être-en soie); trong Pháp, chữ e câm ở đây thật kỳ diệu, hoàn toàn thừa thãi vô ích, vì câm (e muet) nhưng biến đổi cả bản chất của vật thể.
Em gặp mùa thu hay chính em là mùa thu? Thu là người hay là cảnh? Trong câu đầu, chữ thu sau không viết hoa, là mùa thu; còn chữ thu đầu? Khó phân biệt quá. Thu về em đã gặp thu chưa? Tôi có thể nói. Em về thu đã gặp em chưa? được không? Và nói Dặm đường mơ tưởng bước thu xưa được không?
Chúng ta đi tới vấn đề cuối cùng là ngữ pháp trong thơ Đinh Hùng. Chúng ta đã thấy có thể hoán chuyển chữ trong một câu, câu thơ chẳng những vẫn có nghĩa, mà nghĩa ấy lại không xa nguyên ý bao nhiêu. Là vì từng câu thơ, từng bài thơ, cũng như toàn thi phẩm không có một cơ cấu cứng rắn; trong một bài, tôi có thể lấy đoạn đầu bỏ xuống dưới hay xen vào giữa, bài thơ vẫn thế; hoặc lấy một đoạn trong bài này đem sang bài khác cũng không sao. Bạn đọc tò mò, thử chọn mười bài thất ngôn trong Đường Vào Tình Sử, mỗi bài lấy ra một đoạn, sắp chung lại, sẽ có một bài thất ngôn mười đoạn… vẫn hay. Dĩ nhiên là điều này không đáng khen cũng không đáng chê, không hay không dở, nhưng có đặc điểm là phản ảnh trung thực hư cấu tôi đề cập ở đoạn trên. Chỉ có một thi phẩm vô cấu (non – structurée) mới phản ảnh được một thế giới vô cơ (inorganique), một thế giới không dị biệt, không mâu thuẫn, trong đó các hữu thể đã được huyền đồng để hoà giải với vô thể.
Chẳng những thi phẩm Đinh Hùng không có khớp xương, mà ngay ngôn ngữ ông dùng cũng là một hủy thể. Theo văn phạm âu tây, ngày nay ta phân biệt các danh từ, động từ, v. v… mà ngày xưa các cụ tóm lược thành ba loại: thực từ, bán thực từ và hư từ. Danh từ là một chất rắn, chiếm một thể tích nhất định trong câu nói, chỉ định những vật thể rõ rệt trong không gian; mỗi danh từ đều có những vách tường, những biên giới để xác định, tĩnh từ, động từ trái lại không có kích thước, mà chỉ co giãn theo những ý niệm mà chúng phụ thuộc, đó là những bán thực từ. Đinh Hùng ảo hoá ngôn ngữ - một trong những cách ảo hoá thực tại nói ở đoạn trên - bằng cách biến thực từ thành bán thực từ, biến chất đặc của danh từ thành chất lỏng của động từ hay chất hơi của tĩnh từ. Một ví dụ danh từ biến thành tĩnh từ:
Giữa đêm lòng bỗng hoang vu
Gối chăn nghe cũng tình cờ quan san
Bước thu chừng sớm lìa ngàn
Nhớ dây nguyệt lạnh cung đàn thương hoa
Em về tóc rũ mưa sa
Năm canh chuốt ngón tỳ bà khói hương
(ĐVTS, tr. 24)
Cách xử dụng liên tự, giới tự của Đinh Hùng cũng có nhiều điểm cần được khai triển. Nhiều động từ dùng bất ngờ:
Hoa quay đầu, cánh bướm cũng vu quy
Cả một mùa thu đã quá giang.
Cần được tổng hợp và phân tích. Nhưng tôi ngờ rằng một cuộc mạn đàm quá dài, không dám lạm dụng sự kiên nhẫn của độc giả và độ lượng của anh Trần.
Vả lại tôi cũng đã trình bày khá đầy đủ những ý chính muốn nói: thi giới Đinh Hùng là một hư cấu biệt lập sáng tạo bằng ngôn ngữ chuyển động bằng nhiệt lượng linh thị của nhà thơ. Thế giới đó huyền giải - hiểu theo nghĩa của Trang Tử - tất cả dị biệt và mâu thuẫn thường có thực tại, giữa hữu thể và vô thể, giữa tiểu ngã và vô ngã; thế giới đó có những đặc tính là một vũ trụ mở và đầy, mở để đón tôi, đầy để tôi tiếp xúc; thành tố đặc trưng là mưa, một khiếm thể môi giới giữa tôi và không gian, giữa không gian và chân trời; theo mưa là nước, nước của sông biển hay hồ ao, là môi giới của thời gian. Trong thế giới thân mật vì lỏng lẻo đó, tình yêu đạt tới cường độ mãnh liệt nhất, vì không có mâu thuẫn, không có ngăn trở; người yêu không phải là một khách thể chủ động, mà chỉ là một chủ thể phân tán trong không gian. Muốn dựng nên không gian đó, Đinh Hùng đã xử dụng một phương pháp tạo hình tu từ độc đáo. Yêu thơ Đinh Hùng là:
Thương Nước vô danh, người mộng ảo
Một câu trong Mê Hồn Ca tóm tắt đầy đủ những đặc tính trong thi giới Đinh Hùng, những đặc tính tôi đã lược trình một cách dài dòng, đôi khi tối tăm, luộm thuộm.
Kích thước một nhà thơ là kích thước thi giới do người ấy sáng tạo. Hư ảo, kỳ diệu, diễm tuyệt thi giới Đinh Hùng vĩ đại.
Biết đâu bên kia cuộc sống, giờ này nhà thơ đã chẳng đạt tới thi giới đó?
Berne, Trọng thu năm Mùi
(17-8-67)
Nguồn: Vũ trụ thơ, tiểu luận của Đặng Tiến, bìa Văn Thanh, Giao Điểm xuất bản lần thứ nhất. In xong ngày 24 tháng 6 năm 1972. Số thứ tự của nhà xuất bản: 32/72. Nạp bồn: đệ tam cá nguyệt 1972. Giấy phép xuất bản số 982-BTT/PHNT, Sài Gòn ngày 30 tháng 3 năm 1972. Tổng phát hành: Nhà sách Đời Mới 278-280 đường Vĩnh Viễn, Sài Gòn.
Vũ trụ thơ
Nguyễn Du, Bà huyện Thanh Quan, Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng
Tôi muốn đo thể tích của dĩ vãng trong thơ Đinh Hùng. Con người có ba dĩ vãng. Dĩ vãng của tôi hôm nay là thời thơ ấu; dĩ vãng thơ ấu là tiền sinh, và của tiền sinh là tiền sử. Thơ Đinh Hùng là hôn phối của một hiện tại và ba dĩ vãng.
Chúng ta sẽ không dừng lại lâu ở Độ em còn trèo cây khế hay ở Khi mới lớn tuổi mười lăm mười bảy của Đinh Hùng; những bài thơ đó đã nói lên đầy đủ vị trí của mình. Chúng ta cũng chỉ cần nhắc lại dung lượng quan trọng của nước đã phân tích ở đoạn trên cũng đủ thấy dấu vết trong tiềm thức của thời tiền sinh, thời kỳ trứng nước của bào thai. Tôi chỉ khai triển hư cấu thời tiền sử trong thơ Đinh Hùng, vì cho có một tầm quan yếu đặc biệt:
Nàng lớn lên giữa mùa xuân hoa cỏ
Nửa linh hồn u ám bóng non xanh
Ngoài thiên nhiên nở bừng thân mỹ nữ
Nàng yêu ta huyền hoặc mối kỳ tình…
… Chúng tôi gặp nhau trên dòng suối ngọt
Làm đôi người cô độc thuở sơ khai
Nàng bâng khuâng đốt lửa những đêm dài
Ta từng buổi bơ vơ tìm bộ lạc
Nàng là Gái-Muôn-Đời không đổi khác
Bộ ngực tròn nuôi cuộc sống đang xuân
Ta đến đây làm chủ hội phong trần
Lấy hoa lá kết nên tình Thái Cổ…
(MHC, tr. 25)
Xuân hoa cỏ. Thuở sơ khai. Gái muôn đời. Tình Thái Cổ. Ngần ấy hình ảnh gợi đủ tương quan giữa người và vũ trụ tiền sử, vũ trụ vĩnh cửu vận động. Cuộc sống của loài người thay đổi trên một mặt đất không thay đổi. Con người là hiện thân một phản trắc lớn lao, mỗi lúc một xa lời thề với thiên nhiên. Đinh Hùng muốn dựng lại thiên nhiên đó, vì nó đáp đúng với những khát vọng của thi nhân. Thiên nhiên tiền sử là một thế giới bình đẳng giữa người và ngoại vật, thời muôn chim còn biết nói tiếng người, thời sông núi, cây cỏ đều là thần linh. Thời đó loài người trực tiếp với thiên nhiên, đối thoại với tạo vật, lo cái lo của cỏ cây, vui cái vui của mưa nắng. Thời mà Đinh Hùng gọi là Sông Núi Giao Thần loài người chưa đối diện với thiên nhiên, còn chung sống với cỏ cây. Đã đành là trong thực tế, vũ trụ vẫn ác nghiệt với người tiền sử, nhưng trong hư cấu của Đinh Hùng, vũ trụ đã mất hết nanh vuốt, chỉ còn lại đôi mắt hiền từ. Tình người con-gái-muôn-đời chỉ là khát vọng một thế giới bất biến, một thực tại hằng hữu, Đinh Hùng chọn Buổi Sơ Khai vì đấy là sự chọn lựa hợp lý nhất, đồng thời Buổi Sơ Khai chính là hình ảnh của thi giới Đinh Hùng, một thế giới chưa có mâu thuẫn. Thời đó, cái tiểu ngã còn loãng trong đại ngã, ý thức dị biệt chưa thành hình một cách đầy đủ để thành một ý thức đối kháng:
Quên đi em hãy sống đời cây cỏ
Từng linh hồn dan díu với hương hoa
(MHC, tr. 25)
Nhưng con người nhớ dễ hơn quên. Trở về ngơ ngác:
Ta lạc hồn giữa lâu đài kỳ dị
Suốt muôn đời không hiểu dãy hành lang
Dưới hiên tây từng thế kỷ điêu tàn
Gạch ngói cũ nghe hoa thềm rụng cánh
(MHC, tr. 50)
Khi về tới thời Thái Cổ - quê hương thật sự - con người ngơ ngác bỗng đâm hốt hoảng. Trong Mê Hồn Ca có những vần thơ quằn quại không có trong Đường Vào Tình Sử. Người đọc cảm tưởng Mê Hồn Ca là một cơn mê sảng, điên loạn, kỳ thật đó chỉ là những phản ứng của con người bình thường nhất lúc trở về quê hương tuyệt đối, vì chúng ta chỉ là:
…Một lũ người vong bản
Mất tinh thần từ những thuở xa xưa.
(MHC)
Dường như vẫn còn một nghi vấn trong thơ Đinh Hùng tôi chưa giải đáp cặn kẽ. Tôi đưa ra chủ đề: thi giới Đinh Hùng không có mâu thuẫn vì mọi hiện tượng đều được hoà giải. Như thế vì đâu mà có cơn hoảng hốt trong Mê Hồn Ca ? Tôi nghĩ là cơn mê sảng trong tập thơ đầu của Đinh Hùng chính là sự hoảng hốt của con người trong thực tại, khiến thi nhân phải tạo một thi giới, một hư cấu khác để thay vào thực tại đầy rẫy những mâu thuẫn. Thay vì đi tìm cách khắc phục một thực tại chống đối, nhà thơ tạo ra một thực tại hư ảo khác để lẩn trốn sự chống đối. Nghệ thuật nói chung, trong đó có Thơ, là sản phẩm của sự lười biếng, xét dưới một khía cạnh nào đó. Thực tại là một cũi sắt, và nhà thơ là con hổ nhớ cảnh sơn lâm, giải quyết bế tắc bằng cách sống với bóng cả cây già trong tưởng tượng. Chung quy, thi giới của Đinh Hùng là một cảnh tưởng tượng nhưng nó đạt tới những nguyên lý cơ động thuần nhất nên tôi gọi là một hư cấu:
Ôi kiến trúc một chiêm bao thần bí…
(MHC)
Hư cấu, giấc chiêm bao cố tình ấy, đoạn trên đã trình bày là một không gian trong không gian. Riêng trong Mê Hồn Ca, đó là một không gian; trong thời gian cơn mê sảng Mê Hồn Ca là sự Hỗn Độn, hiểu theo nghĩa Kinh Dịch, nói cụ thể hơn, là thời gian hỗn độn. Chỉ có một cách xáo trộn trật tự của thời gian là đẩy hiện tại hoặc về quá khứ, hoặc về tương lai. Mà tuyệt đối của quá khứ là thời Thái-cổ, còn tuyệt đối của tương lai? Là cõi chết.
Trời cuối thu rồi - Em ở đâu?
Nằm trong đất lạnh chắc em sầu?
Thu ơi! đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu
(MHC, tr. 37)
Thi giới Đinh Hùng kết tinh bằng Thiên Nhiên huyền bí, bằng dị thảo, kỳ hoa, biển Giáp, non Thần, bằng xuân phương thảo cũng như xuân tùng bách, nuôi dưỡng bằng một mạch sống mãnh liệt – hay mạch sầu bất diệt – đã nở thành những đoá hoa đẹp nhất trong lịch sử thi ca Việt Nam. Cõi chết – Cõi Rùng Mình tuyệt đối – cũng tuyệt diễm như một Bồng Lai Mới:
Nàng nằm mộng một đêm hè dưới nguyệt
Nụ cười buồn lay động ánh trăng sao
Xa nấm mộ chúng ta cuồng dại hết
Để yêu tà về khóc dưới trăng sao
(MHC, tr. 41)
Thậm chí đến những vật vô tri nhất cũng thăng hoa thành những lâu đài diễm ảo:
Biết chăng ai trong giấc ngủ hoang tàn
Hồn gỗ đá nặng nề vừa tỉnh giấc
(MHC, tr. 51)
Đinh Hùng đánh thức các vật vô tri, đưa chúng vào vòng tuần hoàn bất tận và Dựng Mê Cung để ru ngủ các vật hữu tri. Thi giới Đinh Hùng là trạng thái nhập nhoè của vật thể và bản ngã. Giá trị của một nhà thơ là giá trị của hư cấu do nhà thơ dựng lên từ ngôn ngữ và linh thị. Hư cấu có thể có hay không có tương quan với thực tại. Nếu có, thì tương quan thay đổi tùy theo mỗi nhà thơ, người đọc phải có nhiều chìa khoá khác nhau nếu muốn đi vào thi giới của nhiều thi sĩ. Một người yêu thơ tầm thường chỉ có thể yêu một thi sĩ trong đời mình cũng như chỉ có thể yêu thật sự một người đàn bà. Những người đàn bà khác chỉ là bóng dáng của Người Đàn Bà Tuyệt Đối. Hoài Thanh và Hoài Chân không thích thơ Đinh Hùng âu đó cũng là một vinh hạnh cho Đinh Hùng, chứ không phải là một điều bất hạnh như nhiều người – trong đó tôi nghe anh Trần Phong Giao nói có cả chính thi sĩ - thường tưởng. Tôi không dám nghĩ là Hoài Thanh và Hoài Chân dốt thơ, nhưng các ông ấy có ít chìa khoá quá - nếu không phải chỉ có một chìa khoá passe–partout – vì cuốn Thi nhân Việt Nam viết trong một giai đoạn mà ý thức thi ca của văn giới Việt Nam còn phôi thai.
Chúng ta trở lại với thi giới Đinh Hùng. Kỳ ảo biết bao nhiêu.
Chiều tái tạo bâng khuâng từng ngọn cỏ
(MHC)
Trong thi giới đại đồng không có khác biệt giữa hữu thể và vô thể, tiểu ngã và đại ngã đó, tình yêu mang một sắc thái đặc biệt. Vì Đinh Hùng bị cái ám ảnh gần như mặc cảm thơ ông chỉ là loại thơ tình cho nên chúng ta dành riêng một phần bài này cho chủ đề tình yêu.
Trong thực tại tình yêu dù say đắm đến đâu, cũng bị giới hạn trong mực thước. Giới hạn cụ thể nhất là Người Yêu, hiện thể của tha nhân; người yêu là một đối tượng cần chinh phục, thoả mãn, gìn giữ, nó đối diện với tôi, đôi khi chống lại tôi. Và tôi chỉ có thể yêu một phần của cô ấy, có thể chiếm đoạt một phần người của cô ấy, phần còn lại vẫn thuộc về cô, thuộc về xã hội.
Người yêu là một khách thể, là một giới hạn. Ngay chủ thể cũng bị giới hạn: trong bản thể, tôi có cái tôi của tôi và cái tôi của kẻ khác, như xã hội, ngoại giới. Tôi không thể xử dụng toàn hữu thể để yêu đương. Trái lại trong hư cấu do tôi dựng lên, chỉ có cái tôi của tôi, tôi làm chủ toàn diện cái tôi, nên tôi có thể yêu đương hết mình. Chỉ trong điều kiện chủ quan đó, tôi mới có thể yêu mãnh liệt, tự đồng hoá trong tình yêu tàn khốc:
Một chiều nào tắt thở giữa môi hôn
(MHC)
Tình nhân nào mà không muốn chết trên môi người yêu? Nhưng ít ai chết như thế, trước hết vì người mình yêu chưa đáng cho mình chết, sau nữa vì những hệ lụy khác không cho mình chết như vậy. Trong hư cấu, tình yêu hội đủ điều kiện để biến thành khốc liệt:
Ôi cám dỗ! Cả mình em băng tuyết,
Rợn xuân tình trên bộ ngực thanh tân
Ta gần em, mê từ ngón bàn chân,
Mắt nhắm lại để lòng nguôi gió bão.
Khi sùng bái ta quỳ nâng nếp áo,
Nhưng cúi đầu trước vè đẹp trang nghiêm
Ta khẩn cầu từng sớm lại từng đêm,
Chưa tội lỗi đã thấy tràn hối hận.
Em đài các, lòng cũng thoa son phấn,
Hai bàn chân kiêu ngạo dẫm lên thơ
Ôi vô lương! trong một phút không ngờ,
Ta muốn trở nên người vô đạo
(MHC, tr. 30)
Một mối tình thật chỉ có thể thực hiện bằng cái tôi không thật, hướng về một người đàn bà không thật trong một thế giới không thật; tôi không thể quan niệm được một người đàn bà lý tưởng mà vẫn còn những nhu cầu bẩn thỉu như đại tiện, tiểu tiện hay kinh nguyệt; nếu ở một chân trời nào đó có một người vừa đẹp vừa thông minh – hai đức tính ít khi đi đôi – thì người đó cũng không cho tôi cơ hội si mê đến đắm đuối. Có thể trong một lứa tuổi nào đó, tôi có lần si mê điên dại, nhưng chính là lúc tôi choàng quanh người đàn bà một làn sương ảo mộng.
Chỉ trong thế giới mộng tưởng mới có những mối tình ác liệt. Nếu ngoài đời thỉnh thoảng có những mối tình ác liệt, thì chỉ vì tôi phản chiếu đến người yêu thật hình ảnh người yêu tôi mơ tưởng, phản chiếu vào thực tại thế giới tôi ước muốn. Vì thế giới Đinh Hùng thuần túy là cõi mộng, nên tình yêu đã đạt tới cường độ mãnh liệt chưa từng thấy ở một thi sĩ nào khác, và tạo nên những câu thơ tình đắm đuối nhất, tha thiết nhất:
Em đến hôm nào như hoa bay,
Tình không độc được mà đắng cay
Mùa thu tàn nhẫn từ đôi mắt
Mùi hương sát nhân từ ngón tay
Em đến hôm nào như mây bay
Gió mưa triền miên chìm nét mày
Đường vào lòng nhau toàn sạn đạo
Bước chân tha hương từ dấu dày
…Thương nhau gói trọn hồn trong áo
Mất nhau từ trong tà lụa bay…
(ĐVTS)
Thơ đẹp vì tình không thật. Tình không thật nên thơ tình của Đinh Hùng chỉ dành cho người đọc ở ngoài vòng tình yêu. Còn tuổi trẻ bồng bột yêu đương thật sự, sẽ tìm đọc những tác giả đại khái như Nhất Tuấn, Lệ Khánh, v. v… Nói là trong Đinh Hùng tình không thật, e chưa đúng; phải nói là tình thật trong một thế giới không thật. Ngày xưa Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính… vẽ mộng để tô điểm thực tại, làm cho thực tại thơ mộng hơn; trái lại Đinh Hùng vẽ sự thật lên mộng, để mộng có vẻ gần thực tại hơn. Cho nên thơ Đinh Hùng có những đề tài như Bao giờ em lấy chồng, Gặp nhau lần cuối, Tự tình dưới hoa…, để thực-tại-hoá phần nào hư cấu mộng tưởng.
Nổi tiếng về thơ tình tại Việt nam có lẽ không ai hơn Xuân Diệu, nhờ những câu hết sức lẩn thẩn kiểu Yêu là chết… Làm sao cắt nghĩa… Thơ đã là Mộng, nghĩa là Đẹp; tình yêu trong thơ Đinh Hùng là mơ trong một giấc mơ, thơ Đinh Hùng chính là thứ bướm hai lần mộng, cho nên xa cách với người đọc hơn là thơ Xuân Diệu.
Tình yêu hư ảo, vậy người ra sao? Đó là một thứ Nhan Sắc không có Chân Dung, Đinh Hùng có khi gọi bằng những tên mơ hồ như Huyền Diệu, Nữ Chúa Sầu… có khi gọi là Diệu Thư, Diệu Hương, Tần Hương, tức là những danh từ đang bốc thành hơi, tan thành khói. Người tình đó, tôi cho chỉ là vóc dáng của vô thể.
Vì trên khuôn mặt của Nàng, nhà thơ chỉ gặp những nét của nội tâm: tóc, mắt, nụ cười. Đó là nhân diện hay tâm trạng?
Mắt em ngây ngất khói hoàng hôn
Mái tóc còn vương một chút hồn…
Và là tâm trạng của ai? của Nàng hay của thi nhân? Ở đây, tôi trở lại với chủ đề đã đưa ra: trong thi giới Đinh Hùng không có dị biệt giữa nội tâm và ngoại giới, giữa bản ngã và tha nhân. Bóng dáng con người – đây là người tình - mờ nhạt, nhoà lẫn vào nhau, tan biến vào không gian. Tình yêu là vẻ đẹp của không gian, là lời quyến rũ của cuộc sống. Tình yêu lấp bằng cả thời gian, phối ngẫu nguyên thủy và cực chung trong một ánh trăng:
Em tự ngàn xưa chuyển bước về
Thuyền trên sóng mắt dẫn trăng đi
Những dòng chữ lạ buồn không nói
Nét lửa bay dài giấc ngủ mê.
Em đến mong manh vóc ngọc chìm
Tàn canh hồn nhập bóng trăng im
Ta van từng đoá sao thùy lệ
Nghe ý thơ sầu vút cánh chim
(ĐVTS)
Em là ánh trăng, là tiếng dương cầm, là cơn mưa, là một làn hương quý, là ly rượu Trường Sinh: em là ngũ quan của tôi, em là tôi-trong-không-gian mà cũng là không-gian-trong-tôi. Tôi yêu em như tôi yêu tôi và tôi yêu cuộc đời. Em đến như mây em vào cùng gió, cùng mưa. Tôi nhìn quanh. Không còn phân biệt đâu là Em và đâu không phải là Em:
Thu về em đã gặp thu chưa
Giải nước trường giang lạnh mấy bờ
Thoảng bóng hoa buồn in lối cũ
Dặm đường mơ tưởng bước em xưa
(ĐVTS)
Vũ trụ trong những câu thơ có nhiều trùng âm (diphtongues) như uơ, oa, uô, ưa, cơ hồ mềm nhũn lại, các đường thẳng, các góc cạnh bị uốn cong, vật giới dịu dàng và tha thướt, không còn là những thực thể tự tại (être-en soi) mà thành thực thể bằng tơ (être-en soie); trong Pháp, chữ e câm ở đây thật kỳ diệu, hoàn toàn thừa thãi vô ích, vì câm (e muet) nhưng biến đổi cả bản chất của vật thể.
Em gặp mùa thu hay chính em là mùa thu? Thu là người hay là cảnh? Trong câu đầu, chữ thu sau không viết hoa, là mùa thu; còn chữ thu đầu? Khó phân biệt quá. Thu về em đã gặp thu chưa? Tôi có thể nói. Em về thu đã gặp em chưa? được không? Và nói Dặm đường mơ tưởng bước thu xưa được không?
Chúng ta đi tới vấn đề cuối cùng là ngữ pháp trong thơ Đinh Hùng. Chúng ta đã thấy có thể hoán chuyển chữ trong một câu, câu thơ chẳng những vẫn có nghĩa, mà nghĩa ấy lại không xa nguyên ý bao nhiêu. Là vì từng câu thơ, từng bài thơ, cũng như toàn thi phẩm không có một cơ cấu cứng rắn; trong một bài, tôi có thể lấy đoạn đầu bỏ xuống dưới hay xen vào giữa, bài thơ vẫn thế; hoặc lấy một đoạn trong bài này đem sang bài khác cũng không sao. Bạn đọc tò mò, thử chọn mười bài thất ngôn trong Đường Vào Tình Sử, mỗi bài lấy ra một đoạn, sắp chung lại, sẽ có một bài thất ngôn mười đoạn… vẫn hay. Dĩ nhiên là điều này không đáng khen cũng không đáng chê, không hay không dở, nhưng có đặc điểm là phản ảnh trung thực hư cấu tôi đề cập ở đoạn trên. Chỉ có một thi phẩm vô cấu (non – structurée) mới phản ảnh được một thế giới vô cơ (inorganique), một thế giới không dị biệt, không mâu thuẫn, trong đó các hữu thể đã được huyền đồng để hoà giải với vô thể.
Chẳng những thi phẩm Đinh Hùng không có khớp xương, mà ngay ngôn ngữ ông dùng cũng là một hủy thể. Theo văn phạm âu tây, ngày nay ta phân biệt các danh từ, động từ, v. v… mà ngày xưa các cụ tóm lược thành ba loại: thực từ, bán thực từ và hư từ. Danh từ là một chất rắn, chiếm một thể tích nhất định trong câu nói, chỉ định những vật thể rõ rệt trong không gian; mỗi danh từ đều có những vách tường, những biên giới để xác định, tĩnh từ, động từ trái lại không có kích thước, mà chỉ co giãn theo những ý niệm mà chúng phụ thuộc, đó là những bán thực từ. Đinh Hùng ảo hoá ngôn ngữ - một trong những cách ảo hoá thực tại nói ở đoạn trên - bằng cách biến thực từ thành bán thực từ, biến chất đặc của danh từ thành chất lỏng của động từ hay chất hơi của tĩnh từ. Một ví dụ danh từ biến thành tĩnh từ:
Giữa đêm lòng bỗng hoang vu
Gối chăn nghe cũng tình cờ quan san
Bước thu chừng sớm lìa ngàn
Nhớ dây nguyệt lạnh cung đàn thương hoa
Em về tóc rũ mưa sa
Năm canh chuốt ngón tỳ bà khói hương
(ĐVTS, tr. 24)
Cách xử dụng liên tự, giới tự của Đinh Hùng cũng có nhiều điểm cần được khai triển. Nhiều động từ dùng bất ngờ:
Hoa quay đầu, cánh bướm cũng vu quy
Cả một mùa thu đã quá giang.
Cần được tổng hợp và phân tích. Nhưng tôi ngờ rằng một cuộc mạn đàm quá dài, không dám lạm dụng sự kiên nhẫn của độc giả và độ lượng của anh Trần.
Vả lại tôi cũng đã trình bày khá đầy đủ những ý chính muốn nói: thi giới Đinh Hùng là một hư cấu biệt lập sáng tạo bằng ngôn ngữ chuyển động bằng nhiệt lượng linh thị của nhà thơ. Thế giới đó huyền giải - hiểu theo nghĩa của Trang Tử - tất cả dị biệt và mâu thuẫn thường có thực tại, giữa hữu thể và vô thể, giữa tiểu ngã và vô ngã; thế giới đó có những đặc tính là một vũ trụ mở và đầy, mở để đón tôi, đầy để tôi tiếp xúc; thành tố đặc trưng là mưa, một khiếm thể môi giới giữa tôi và không gian, giữa không gian và chân trời; theo mưa là nước, nước của sông biển hay hồ ao, là môi giới của thời gian. Trong thế giới thân mật vì lỏng lẻo đó, tình yêu đạt tới cường độ mãnh liệt nhất, vì không có mâu thuẫn, không có ngăn trở; người yêu không phải là một khách thể chủ động, mà chỉ là một chủ thể phân tán trong không gian. Muốn dựng nên không gian đó, Đinh Hùng đã xử dụng một phương pháp tạo hình tu từ độc đáo. Yêu thơ Đinh Hùng là:
Thương Nước vô danh, người mộng ảo
Một câu trong Mê Hồn Ca tóm tắt đầy đủ những đặc tính trong thi giới Đinh Hùng, những đặc tính tôi đã lược trình một cách dài dòng, đôi khi tối tăm, luộm thuộm.
Kích thước một nhà thơ là kích thước thi giới do người ấy sáng tạo. Hư ảo, kỳ diệu, diễm tuyệt thi giới Đinh Hùng vĩ đại.
Biết đâu bên kia cuộc sống, giờ này nhà thơ đã chẳng đạt tới thi giới đó?
Berne, Trọng thu năm Mùi
(17-8-67)
Nguồn: Vũ trụ thơ, tiểu luận của Đặng Tiến, bìa Văn Thanh, Giao Điểm xuất bản lần thứ nhất. In xong ngày 24 tháng 6 năm 1972. Số thứ tự của nhà xuất bản: 32/72. Nạp bồn: đệ tam cá nguyệt 1972. Giấy phép xuất bản số 982-BTT/PHNT, Sài Gòn ngày 30 tháng 3 năm 1972. Tổng phát hành: Nhà sách Đời Mới 278-280 đường Vĩnh Viễn, Sài Gòn.
Đặng Tiến - Vũ trụ thơ (6 )
Đặng Tiến
Vũ trụ thơ
Nguyễn Du, Bà huyện Thanh Quan, Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng
Thi giới Đinh Hùng
ĐINH HÙNG sinh ngày 3 tháng 7 năm 1920 tại làng Trung Phụng, ngoại vi thành Hà Nội (chánh quán làng Phượng Dực, tỉnh Hà Đông), Bắc Việt.
Thuở nhỏ, học trường Sinh Từ. Đậu tú tài khi học xong trường Bưởi, Hà Nội.
Tham gia sinh hoạt văn nghệ từ rất sớm, từ trước 1945, nhưng chỉ chính thức sống bằng nghề văn báo ít lâu trước khi di cư vô Nam (1952-54). Tại Sài Gòn, ông viết truyện dài dã sử (ký Hoài Điệp, Thứ Lang), làm thơ trào phúng (ký Thần Đăng), vẽ tranh, soạn kịch thơ và phụ trách mục thi ca Tao Đàn trên các luồng sóng phát thanh. Năm 1962, ông được trao tặng giải thưởng Văn chương Toàn quốc (về Thơ).
Ông từ trần ngày 24 tháng 8 năm 1967 tại Bệnh viện Bình-dân Sài Gòn, sau một cơn đau ung thư bao tử, để lại một vợ ba con cùng một sự nghiệp còn dang dở.
Tác phẩm đã ấn hành: Mê hồn ca (thơ, Tiếng Đông phương, Hà Nội, 1954); Đường vào tình sử (thơ, Nam Chi Tùng thư, Sài Gòn, 1961); Ngày đó có em (thuật ký, Giao điểm, 1967), Đốt lò hương cũ (hồi ký, Lửa Thiêng, 1971) cùng vài cuốn truyện dài dã sử do Nguyễn Đình Vượng xuất bản khoảng 1959-60.
Đinh Hùng tạo được cho riêng ông một thi giới rất lạ, tựa như một con suối chảy từ trữ tình đến tượng trưng sang siêu thực, mang theo dòng những hình ảnh giàu có, một ngôn ngữ cá biệt và một tâm hồn lạ lùng của miền núi rừng hoang vu, bí ẩn, nguyên sơ…
*
Những cánh thủy tiên nở muộn sau một cơn mưa, dọc con đường quanh chưa kịp ráo mùi cỏ dại. Tôi muốn dừng lại bên cạnh một cành hoa nhỏ - loài hoa nở muộn lạc loài. Thơ Đinh Hùng. Từ lâu, tôi có vài ý, muốn viết về ông; tôi từng hỏi ý đó với các anh em; gần đây anh Trần Phong Giao có thư cho tôi bảo: Đinh Hùng bị ung thư dạ dày, chắc chết. Cậu có ý gì thì nên viết ngay cho anh được đọc trước khi nhắm mắt. Tôi lần lữa mãi cho đến khi tôi bắt đầu viết thì được tin Đinh Hùng mất. Tôi rất ân hận. Tôi không dám nghĩ là mình có lỗi với người đã khuất vì tôi chưa được quen biết với Đinh Hùng, và nghĩ như thế là một lối tự mãn mà tôi tự xét không xứng đáng, nhưng ít nhất tôi cũng có lỗi với các anh em, nhất là anh Trần, người đã nhắc nhở tôi không phải một lần, mà nhiều lần.
Tôi đọc lại Mê Hồn Ca và Đường Vào Tình Sử với rất nhiều ân hận. Đinh Hùng là một trong vài nhà thơ lớn nhất của nền thi ca Việt Nam hiện đại, và trước khi lìa đời không được đọc một tác phẩm phê bình nào cho đàng hoàng dành cho thơ mình, cho cuộc đời mình dành trọn cho Thơ. Trong lịch sử văn học thế giới, một người viết tiểu thuyết hay kịch, có thể tự xác định vị trí, nhưng một nhà thơ khó mà quan niệm được chỗ đứng nếu không có môi giới của ngành lý luận văn nghệ. Cái buồn của Đinh Hùng âu cũng là chung cho các thi sĩ Việt Nam, chỉ khác ở chỗ là Đinh Hùng đã mất sớm.
Đinh Hùng làm thơ và nổi tiếng từ thời tiền chiến; thời đó, thơ ông đã đạt tới một vóc dáng đặc biệt, chứng tỏ khả năng sáng tạo độc đáo, dựng được một thế giới thi ca mới mẻ, khác biệt với dòng thơ tình tự lãng mạn đã cạn nguồn. Trong những tài liệu hiếm hoi còn giữ được trên bước đường lưu lạc, tôi đọc thấy “Bài ca man rợ” đang trên giai phẩm Đời Nay năm 1943, sau này xuất bản trong Mê Hồn Ca (1954), “Liên tưởng” đăng trong Thơ Văn Mùa Xuân của Đại La, năm 1943, mãi đến 1961 mới gặp trong Đường Vào Tình Sử - những năm hồi cư, về soạn thi Tiểu học, tôi còn nhớ đã đọc thơ Đinh Hùng đăng rải rác trên các tuần báo Hồ Gươm, Giang Sơn… xuất bản tại Hà Nội vào khoảng 52-53; tôi thuộc những câu Khi miếu đường kia phá bỏ rồi và Ôi những người em đi viễn phương từ thời đó. Mười năm sau khi cho ra mắt độc giả những bài thơ hay nhất của thi nghiệp, Đinh Hùng vẫn là một hành tinh lẻ loi. Tập Mê Hồn Ca xuất bản mấy tháng trước Hiệp định Gienève ít người đọc, ít người còn giữ. Sau khi di cư nhờ giữ mục Tao Đàn, Đinh Hùng được nhiều người biết hơn, nhưng vẫn gây cảm giác như là đi bên lề sinh hoạt văn nghệ của miền Nam.
Những bài thơ cuối cùng, Đinh Hùng vẫn còn giữ mực thước những tác phẩm đầu tiên, hình thức thơ cũ. Bạn đọc trẻ cho là xưa quá; người đọc đứng tuổi cho rằng không truyền cảm bằng thơ Xuân Diệu, Huy Cận. Sự thật không đúng như vậy; so với các nhà thơ tiền chiến, nghệ thuật cấu tứ và tạo hình của Đinh Hùng vượt rất xa, đã dựng được một thế giới thi ca thuần nhất, song song với thực tế trong khi những Xuân Diệu, Huy Cận chỉ mới tô điểm thực tế bằng văn vần. So với các nhà thơ tự do còn đang dò dẫm, thơ Đinh Hùng là một hư cấu đã trưởng thành, một năng lực sáng tạo đã vượt khỏi thực tại. Tôi e rằng một số đông người yêu và không yêu thơ Đinh Hùng, cũng đều vì những ngộ nhận. Hai mươi năm sau khi đăng thơ trên báo của nhóm Tự Lực, Đinh Hùng ký tên trên tạp chí Sáng Tạo: một chi tiết này cũng đủ gợi giá trị hằng cửu của thơ Đinh Hùng, giá trị mà chúng ta sẽ tìm hiểu.
Muốn đi vào thi giới của Mê Hồn ca và Đường Vào Tình Sử, trước hết, phải tách rời nó ra khỏi thực tại. Tách rời hẳn ra. Vì thi giới đó, không phải là một phản ánh thơ mộng của thực tại như ta lầm tưởng. Thi giới đó là một hư cấu, hoàn toàn độc lập với thực tại, nếu có tương quan thì tương quan đó chỉ là tác giả và người đọc, những nhân sự khởi đi từ trần lụy để tìm đến một vũ trụ khác.
Hai chủ đề chính trong thơ Đinh Hùng là thiên nhiên và tình yêu, cần đặt lại trong một thế giới hư ảo. Cần nhớ Đinh Hùng – cũng như bất cứ một thi sĩ lớn nào – sáng tạo thế giới chứ không tái tạo. Dĩ nhiên là phải sáng tạo từ những vật liệu sẵn có - những yếu tố của thực tại, ở đây vật liệu chỉ thuần là ngôn ngữ. Những từ ngữ cũ kiến trúc một thế giới mới, tôi gọi Đinh Hùng là thi sĩ với tất cả ý nghĩa của danh từ.
Đặc tính của thế giới Đinh Hùng là một thành tố đều, được hoà giải; khí hậu tình tự giải toả những mâu thuẫn biện chứng, không còn sự khác biệt giữa người-nhìn-vũ-trụ và vũ-trụ-được-nhìn, giữa tâm giới và ngoại giới, giữa bản ngã và vô ngã, giữa thực thể và vô thể, giữa tôi và tha nhân, giữa tình yêu và tình nhân; trong thế giới đó, tôi là rừng núi, rừng núi là tình yêu, tình yêu là Em, Em là mùa Thu, mùa Thu là cơn mưa, cơn mưa là một dòng chữ, dòng chữ là tôi. Chữ tôi đã bao hàm cái không phải tôi, nhưng chủ thể không mâu thuẫn với khách thể vì tất cả chưa đạt tới những hình thể đủ cứng rắn để va chạm. Trong hư cấu của Đinh Hùng, sự vật là những nhu hình tương giao với nhau, thu hút vào nhau trong từ trường ngôn ngữ. Một hư cấu nằm ngoài vận chuyển biện chứng.
Chúng ta có thể chọn bất cứ đoạn thơ nào của Đinh Hùng cũng nhận diện được thi giới đó. Ví dụ những câu thơ đầu của Đường Vào Tình Sử
Trên đường ta đi.
Những đoá hoa nở mặt trời xích đạo
Những làn hương mang giông tố bình sa
Những sắc cầu vồng nghiêng cánh chim sa
Và dĩ vãng ngủ trong hồ cẩm thạch
Của đôi mắt sáng màu trăng mặc khách
Thời gian qua trên một nét mi dài
Núi mùa thu buồn gợn sóng hai vai
Dòng sông lạ trôi sâu vào tâm sự.
Mặt trời nở trong một đoá hoa, giông tố nép mình theo một làn hương nhẹ, vũ trụ đổi toạ độ, chuyển mình theo một thái dương hệ mới, theo đó, mọi sự vật luân hoán thành một trật tự mới, trở thành bình đẳng và hỗ tương liên hệ. Trong thực tại, giữa mặt trời và hoa chỉ có tương quan một chiều, mặt trời di chuyển trên thế chủ động, hoa nở trên một vùng thuộc địa, trong hư cấu của thơ Đinh Hùng, tương quan chạy hai chiều, bình đẳng và thân ái. Hoa nở theo mặt trời; nhưng đồng thời tạo ý nghĩa cho mặt trời; không có khoa, không có sinh vật, thì mặt trời chỉ là một thực thể vô nghĩa, vì không có tương quan; từ đó, ta hiểu mặt trời đã tái sinh trong một đoá hoa.
Thời gian cẩm thạch ngủ trong đôi mắt sau hành trình qua một nét mi: dĩ vãng không phải là thời gian đã mất, mà thời gian chiếm được, thời gian tư-hữu-hoá. Đinh Hùng hoà giải được phút đã qua và phút sắp đến, ở một đoạn sau, chúng cũng như đã phối ngẫu cái tôi với ngoại cảnh, với sông núi mùa thu, tâm giới với dòng sông lạ.
Thi giới Đinh Hùng là một thế giới mở. Mở để đón sự vật, trong khi chính sự vật cũng mở lòng đợi nhau. Không gian không có giới hạn, dòng sông không bờ, cánh hoa không viền, con đường không lề, căn nhà không vách. Làm sao tạo được một thế giới không cửa, một khi chữ “cửa” đã là một ngăn đón? Đinh Hùng đã bôi xoá ý niệm ngăn đón trong chữ “cửa”, bằng cách tạo những cánh cửa hư ảo:
Em đến từ trong giấc hỗn mang…
Lời ca không mở cửa thiên đàng
(ĐVTS)
Em đi rồi then khoá cả chiêm bao
Gầy vóc mộng gói tròn manh áo nhớ
(ĐVTS)
Then không thể khoá được chiêm bao, lời ca không thể mở cửa được, nếu, nếu đó là then, là khoá, là cửa thật. Vậy thì cửa phải là cửa không thật. Ngược lại, nếu chiêm bao có cửa thật, thì mọi cái cửa thật đều trở thành hư ảo, tức là mất hẳn tác dụng ngăn đón. Thế giới Đinh Hùng để ngỏ là vì vậy. Không gian là một lời mời, con người là tiếng gọi; giữa cảnh và người là sự đón đưa vĩnh viễn. Không một cánh cửa nào ngăn được tôi vì:
Hồn tôi bay theo khói kinh thành
Mộng ngoài sơn hải làm mây trắng
(ĐVTS)
Tôi là mây, là khói, là mộng, tôi vào không gian, tôi trở thành không gian, tôi đầy không gian, tôi là không gian: không còn lằn mức giữa chủ thể và khách thể. Thi giới Đinh Hùng đầy sương đầy khói [1] . Khói là trạng thái đặc đang biến thành hơi, sương là hơi đang đọng thành nước: những thành tố đang biến trạng. Sự vật trong thi giới Đinh Hùng không có cạnh, không có góc, nên không va chạm; không có mâu thuẫn giữa các yếu tố, vì đây chỉ mới là những khiếm thể (moinsétre) đang vươn tới hữu thể (étre) hoặc vô thể (non-étre). Thi giới Đinh Hùng là miền giao thoa giữa người và vật, giữa vật và cảnh, một niềm giao động thường xuyên, giữa giờ phút:
Những đám tinh vân sắp sửa chia ly.
(ĐVTS)
tức là giờ phút Thái cực không còn là Lý nữa, nhưng chưa rõ thành Lưỡng nghi, giờ phút Âm, Dương mới sắp sửa thành hình trong giai đoạn khiếm thể. Chúng ta nghe những xao xuyến rộn ràng
Hôm nay có phải là thu?
Mây năm xưa đã phiêu du trở về.
Cảm vì em bước chân đi,
Nước nghiêng mặt ngọc lưu ly phớt buồn.
Ai về xa mãi cô thôn
Một mình trông khói hoàng hôn nhớ nhà?
Ngày em mới bước chân ra.
Tuy rằng cách mặt lòng ta chưa sầu.
Nắng trôi vàng chảy về đâu…
(MHC và ĐVTS)
Thế giới Đinh Hùng nghe như lúc nào cũng xôn xao; thiên nhiên đợi đổi mùa, tình yêu đến giờ gặp gỡ hay lúc chia phôi, nắng chiều đợi tàn phai, tiếng dương cầm hắt hiu lời vĩnh biệt, hoặc vàng thu sắp sửa làm thương nhớ, Gió mùa thu sớm bao dư vị, Soi màu trăng cũ lẫn vào đêm.
Vì là một thế giới mở, nên cũng đồng thời là một thế giới đầy. Đầy sương, đầy khói, và đầy:
Nụ cười phiêu lãng giữa không gian
Người đọc có cảm giác là một không gian hạnh phúc:
… Nụ cười Em giữ thiên thu lại…
hoặc:
…Nụ cười Em gửi gió thu bay…
Hạnh phúc vì tràn đầy tâm giới; trong thơ Đinh Hùng nội giới và ngoại giới là một, nên vũ trụ cũng đầy tình cảm và nhan sắc:
Mảng nhớ thương Em rừng đã vàng
Dáng chiều giục giã cửa đài trang
Cảm thương nhan sắc mờ thu thuỷ
Phơ phất trùng dương khói ải quan.
Im lặng, thời gian… cũng đầy, nghĩa là vươn tới một sự trọn vẹn. Dung tích của im lặng là một dung tích chất chứa, trong khi thời gian là một sự tích lũy tình cảm. Cho nên không khí trong thơ Đinh Hùng thân mật từ đầu ngọn cỏ, từ phiến đá tình si, từ vì sao cũ, đoá hoa xưa. Nhưng đặc điểm lớn nhất của vũ trụ đầy là một vũ trụ thường chìm trong mưa, hay bóng tối. Hai nhà thơ Việt nam thường đưa mưa vào tác phẩm là Huy Cận và Đinh Hùng. Ở Huy Cận cơn mưa choàng lên thế giới một tấm màn sầu mộng, tạo cho nhà thơ cảm giác bình an và êm dịu, mưa cướp mất không gian của Huy Cận. Đêm mưa làm nhớ không gian. Nhưng sự mất mát êm ả, vì chỉ khi mất không gian mới biết là có không gian, cũng như bao nhiêu ý thức sở hữu chỉ nảy sinh như những vật sở hữu đã bị thất lạc. Ở Đinh Hùng, cơn mưa cũng êm ả, nhưng êm ả một cách khác. Trên tôi đã nói thế giới Đinh Hùng không phân biệt hữu thể và vô thể. Mưa chính là một khiếm thể môi giới: mưa lấp đầy khoảng trống của không gian, khoảng trống vốn là hình ảnh của vô thể; mưa lấp đầy vô thể bằng một hữu thể bằng một hữu thể nhu nhuyễn, một hữu thể có thể vượt qua được, mưa ngập không gian nhưng không phải vì thế mà không gian bế tắc. Mưa tạo chiều dày cho vũ trụ, mưa làm môi giới cho ba chiều của vũ trụ, con người sống giữa chiều dày đó mà không bị mặt phẳng nào ngăn cản, mưa là một thể tích không có diện tích. Mưa làm cho vũ trụ mềm lại, nhưng cũng làm cho tôi mềm lại nữa. Mưa bọc cái nhìn của tôi bằng tấm màn lụa, nhãn tuyến tôi bị mòn đi, không còn đâm thủng không gian để chinh phục; phản tuyến tôi không còn gây hấn, nhưng cũng không khuất phục như khuất phục trước những mặt phẳng khi trời nắng: tôi vẫn nhìn qua màn mưa, màn mưa xoá nhoà các góc cạnh, cái nhìn len lỏi giữa những sợi tơ đan ẩm đục, đi tới, đi tới mãi, nhưng đi tới một cách nhu hoà, chậm chạp. Mưa hoà giải thị dục của tôi với kháng lực của ngoại cảnh. Mưa làm tan rã các mâu thuẫn giữa bản ngã và vô ngã. Mưa lấp khoảng trống đồng thời cũng lấp khoảng cách. Mưa là môi giới giữa tôi và chân trời, giữa ý niệm và đối tượng của ý niệm. Mưa giăng từ tôi đến chân trời tôi mơ ước, bản ngã tôi loãng trong khoảng ẩm đục giữa tôi và chân trời mơ ước đó, tình yêu tôi thấm vào không gian đi tới người tôi yêu. Khoảng cách mâu thuẫn giữa chủ thể và khách thể, mưa lấp đầy khoảng cách đó: tôi nói thi giới Đinh Hùng không phân biệt chủ thể và khách thể là như thế:
Dĩ vãng dầm mưa lén bước về
Áo trùng, mây tỏ, mặt sầu che
Run tay ấp nửa bàn chân lạnh
Thương những con đường mưa cuốn đi
Lác đác trong mê rụng tiếng đàn
Hồn ai khóc rợn bốn giây oan
Gót chân thuở ấy vào mưa gió
Còn thoảng hơi sương đậu cánh màn
Đường Vào Tình Sử nhoè nhoẹt mưa bay. Thơ Đinh Hùng là một tâm sự vào mưa gió. Hiện tượng mưa cấu tạo chung quanh những hình ảnh liên hệ như bóng tối, lửa, ánh đèn… đều là những hư cấu cần phải được phân tích cặn kẽ; khuôn khổ một bài tiểu luận chỉ cho phép tôi dừng lại ở hiện tượng chính.
Tôi chỉ cần nói thêm sơ lược về thành tố nước trong thơ Đinh Hùng. Bạn đọc chắc đã từng để ý đến rất nhiều suối, sông, hồ, ao, và biển trong thơ Đinh Hùng. Thơ Đinh Hùng rất ướt át. Dường như hầu hết những câu thơ hay đều có nước hoặc có hình ảnh liên quan đến nước, một cách trực tiếp hay gián tiếp; tôi trích hai đoạn thơ câu nào cũng có hình ảnh trực tiếp của nước:
Giấc mộng đêm nào cũng gió mưa
Gối chăn như hải đảo vô bờ
Sóng dâng bốn vách sầu nghiêng bóng
Thoáng ngọn đèn trôi ánh mắt xưa
(ĐVTS)
Mộng ơi! thuyền có trao đầu sóng
Xin nở tươi màu hoa đại dương
Biển biếc, củ lao dài ánh mắt
Ngàn khơi xa bóng nguyệt hoang đường
(ĐVTS)
Nước có đặc tính hoà giải: nước là hiện tượng liên tục, tiệm tiến của vũ trụ; nước là Nguyên thuỷ mà cũng là mạch sống, nước tạo sinh vật và nuôi sinh vật, nước là sự hiện diện của vũ trụ trong thời gian. Nước là chiều sâu mà cũng là chiều rộng của vũ trụ, đồng thời cũng là của thời gian. Nước mời mọc, làm giảm trọng lực của tôi, tạo cho tôi các cảm giác tiếp xúc với ngoại giới. Trong nước, tôi cảm giác tôi gắn liền với vũ trụ, tôi thân mật với vũ trụ. Nước dày, nhưng không đặc, tôi có thể xuyên qua; nước nhu nhuyễn, nhưng không thể mờ như hơi, tôi có thể sờ. Nước nuôi tôi bằng những giấc mơ. Nước liên tục, nhưng vẫn có thể cắt xén. Mọi vật thể đều có sở-hữu-chủ, chỉ có nước là của tôi, đồng thời cũng là của mọi người.
Suối là nguồn sống, Sông là cuộc sống trong thời gian. Còn hồ ao?
Tôi lây chung buồn của hồ ao…
(ĐVTS)
Hồ ao là sự sống lắng đọng ngoài thời gian có cái tôi trong thời gian, bơ vơ như dòng sông, bâng khuâng khua lái:
Dòng sông bơ vơ tìm dĩ vãng
Thuyền trôi bâng khuâng về tương lai
(ĐVTS)
Có cái tôi ngoài thời gian, bình an, tĩnh mịch, như cảnh Tây Hồ:
Sen bạch, sen hồng của chúng ta
Mà bông chưa nở, cánh chưa già
Trong vùng gió đợi, hương chờ ấy
Lòng tưởng cùng ai đã dạo qua
(ĐVTS)
Còn biển, trùng dương, đại dương? Gió từ sông lại mưa từ biển? Biển là sự hoá thân của sông, lời hẹn tuyệt đối, sự hoà giải vĩnh viễn của vật thể; nhà thơ chứng kiến điểm trở về giữa vòng luân hồi trường cửu. Còn Lòng nhớ sông hồ gửi đại dương? Đại dương là Nước vô danh, sự sống vô kỷ, vô thuỷ, vô chung, nơi vong thân của những vòng cuồng lưu lảo đảo. Và Phơ phất trùng dương khỏi ải quan: trùng dương là khởi điểm của vô hạn, giờ bắt đầu của chân trời, đặc điểm của trùng dương là một chân trời tôi có thể tiếp xúc được, tôi có thể với tới, tôi có thể cư ngụ. Tóm tắt thì biển, đại dương, trùng dương đều là một hợp đề của vũ trụ, một trạng thái đón đợi để ôm ấp, để chuyển hoá. Biển là sự hoà đồng trong thế giới Đinh Hùng, thế giới không có mâu thuẫn như tôi đã nói. Nhân phân biệt các danh từ đồng nghĩa với biển, tôi thấy cần lưu ý độc giả ở những danh từ đồng nghĩa nhưng có tác dụng khác nhau thường gặp trong thơ ông, như những chữ suối và nguồn, sông và trường giang, giăng, và nguyệt.
Nước, trạng thái trung gian, còn là một yếu tố môi giới giữa người và cảnh, giữa các vật thể với nhau. Tác giả dùng rất nhiều hình ảnh như cỏ, rong rêu… và những trạng thái như trôi, nổi, chìm, ướt, thấm, dần,… những ý niệm cần khai triển rộng rãi. Tôi chỉ gợi ý môi giới của nước trong lòng vũ trụ:
Ôi nắng cũ nhạt mùi hương dã thảo
Lạnh mùi rêu tảng đá nhớ chân đi
(ĐVTS, tr. 62)
Rêu là nước của đá, làm môi giới với bàn chân; nước là tình của vật thể vô tri, nhưng cũng là tình của vật thể hữu tri; nói một cách phàm tục hơn cho dễ hiểu thì cực điểm của nhiệt lượng tình yêu giữa người đàn ông và đàn bà là một chất nước.
Nước là Nguồn Sống, là Nghĩa Mẹ. Cho nên không riêng gì trong thơ Đinh Hùng, mà trong các thi phẩm bất cứ nước nào, nước vẫn chiếm một diện tích quan trọng, vì thi sĩ là kẻ đi tìm nguồn. Đường Vào Tình Sử là đường về tiền sử.
[1]Tôi được biết Đinh Hùng nghiện nha phiến, nên thơ ông chắc cũng bị ảnh hưởng, qua những hình ảnh như: khói, ngọn đèn, phòng nhỏ, gối chăn, thường gặp trong thơ. Lưu ý đến khía cạnh này, tôi tìm đọc những nhà thơ đồng thời như C. Baudelaire, Th. Gautier, H. Michaux, J. Cocteau, A. Huxley cũng gặp lại cùng một lối tạo hình. Tôi từng có ý định khai thác đề tài theo đường hướng này, nhưng thấy vô ích. Nha phiến quan trọng đối với Đinh Hùng nhưng thơ ông quan trọng đối với độc giả. Phê bình nghệ thuật, tôi chỉ tìm hiểu tác phẩm; còn việc tìm hiểu tác giả thực hiện tác phẩm ra sao, là việc làm của người viết văn học sử.
Vũ trụ thơ
Nguyễn Du, Bà huyện Thanh Quan, Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng
Thi giới Đinh Hùng
ĐINH HÙNG sinh ngày 3 tháng 7 năm 1920 tại làng Trung Phụng, ngoại vi thành Hà Nội (chánh quán làng Phượng Dực, tỉnh Hà Đông), Bắc Việt.
Thuở nhỏ, học trường Sinh Từ. Đậu tú tài khi học xong trường Bưởi, Hà Nội.
Tham gia sinh hoạt văn nghệ từ rất sớm, từ trước 1945, nhưng chỉ chính thức sống bằng nghề văn báo ít lâu trước khi di cư vô Nam (1952-54). Tại Sài Gòn, ông viết truyện dài dã sử (ký Hoài Điệp, Thứ Lang), làm thơ trào phúng (ký Thần Đăng), vẽ tranh, soạn kịch thơ và phụ trách mục thi ca Tao Đàn trên các luồng sóng phát thanh. Năm 1962, ông được trao tặng giải thưởng Văn chương Toàn quốc (về Thơ).
Ông từ trần ngày 24 tháng 8 năm 1967 tại Bệnh viện Bình-dân Sài Gòn, sau một cơn đau ung thư bao tử, để lại một vợ ba con cùng một sự nghiệp còn dang dở.
Tác phẩm đã ấn hành: Mê hồn ca (thơ, Tiếng Đông phương, Hà Nội, 1954); Đường vào tình sử (thơ, Nam Chi Tùng thư, Sài Gòn, 1961); Ngày đó có em (thuật ký, Giao điểm, 1967), Đốt lò hương cũ (hồi ký, Lửa Thiêng, 1971) cùng vài cuốn truyện dài dã sử do Nguyễn Đình Vượng xuất bản khoảng 1959-60.
Đinh Hùng tạo được cho riêng ông một thi giới rất lạ, tựa như một con suối chảy từ trữ tình đến tượng trưng sang siêu thực, mang theo dòng những hình ảnh giàu có, một ngôn ngữ cá biệt và một tâm hồn lạ lùng của miền núi rừng hoang vu, bí ẩn, nguyên sơ…
*
Những cánh thủy tiên nở muộn sau một cơn mưa, dọc con đường quanh chưa kịp ráo mùi cỏ dại. Tôi muốn dừng lại bên cạnh một cành hoa nhỏ - loài hoa nở muộn lạc loài. Thơ Đinh Hùng. Từ lâu, tôi có vài ý, muốn viết về ông; tôi từng hỏi ý đó với các anh em; gần đây anh Trần Phong Giao có thư cho tôi bảo: Đinh Hùng bị ung thư dạ dày, chắc chết. Cậu có ý gì thì nên viết ngay cho anh được đọc trước khi nhắm mắt. Tôi lần lữa mãi cho đến khi tôi bắt đầu viết thì được tin Đinh Hùng mất. Tôi rất ân hận. Tôi không dám nghĩ là mình có lỗi với người đã khuất vì tôi chưa được quen biết với Đinh Hùng, và nghĩ như thế là một lối tự mãn mà tôi tự xét không xứng đáng, nhưng ít nhất tôi cũng có lỗi với các anh em, nhất là anh Trần, người đã nhắc nhở tôi không phải một lần, mà nhiều lần.
Tôi đọc lại Mê Hồn Ca và Đường Vào Tình Sử với rất nhiều ân hận. Đinh Hùng là một trong vài nhà thơ lớn nhất của nền thi ca Việt Nam hiện đại, và trước khi lìa đời không được đọc một tác phẩm phê bình nào cho đàng hoàng dành cho thơ mình, cho cuộc đời mình dành trọn cho Thơ. Trong lịch sử văn học thế giới, một người viết tiểu thuyết hay kịch, có thể tự xác định vị trí, nhưng một nhà thơ khó mà quan niệm được chỗ đứng nếu không có môi giới của ngành lý luận văn nghệ. Cái buồn của Đinh Hùng âu cũng là chung cho các thi sĩ Việt Nam, chỉ khác ở chỗ là Đinh Hùng đã mất sớm.
Đinh Hùng làm thơ và nổi tiếng từ thời tiền chiến; thời đó, thơ ông đã đạt tới một vóc dáng đặc biệt, chứng tỏ khả năng sáng tạo độc đáo, dựng được một thế giới thi ca mới mẻ, khác biệt với dòng thơ tình tự lãng mạn đã cạn nguồn. Trong những tài liệu hiếm hoi còn giữ được trên bước đường lưu lạc, tôi đọc thấy “Bài ca man rợ” đang trên giai phẩm Đời Nay năm 1943, sau này xuất bản trong Mê Hồn Ca (1954), “Liên tưởng” đăng trong Thơ Văn Mùa Xuân của Đại La, năm 1943, mãi đến 1961 mới gặp trong Đường Vào Tình Sử - những năm hồi cư, về soạn thi Tiểu học, tôi còn nhớ đã đọc thơ Đinh Hùng đăng rải rác trên các tuần báo Hồ Gươm, Giang Sơn… xuất bản tại Hà Nội vào khoảng 52-53; tôi thuộc những câu Khi miếu đường kia phá bỏ rồi và Ôi những người em đi viễn phương từ thời đó. Mười năm sau khi cho ra mắt độc giả những bài thơ hay nhất của thi nghiệp, Đinh Hùng vẫn là một hành tinh lẻ loi. Tập Mê Hồn Ca xuất bản mấy tháng trước Hiệp định Gienève ít người đọc, ít người còn giữ. Sau khi di cư nhờ giữ mục Tao Đàn, Đinh Hùng được nhiều người biết hơn, nhưng vẫn gây cảm giác như là đi bên lề sinh hoạt văn nghệ của miền Nam.
Những bài thơ cuối cùng, Đinh Hùng vẫn còn giữ mực thước những tác phẩm đầu tiên, hình thức thơ cũ. Bạn đọc trẻ cho là xưa quá; người đọc đứng tuổi cho rằng không truyền cảm bằng thơ Xuân Diệu, Huy Cận. Sự thật không đúng như vậy; so với các nhà thơ tiền chiến, nghệ thuật cấu tứ và tạo hình của Đinh Hùng vượt rất xa, đã dựng được một thế giới thi ca thuần nhất, song song với thực tế trong khi những Xuân Diệu, Huy Cận chỉ mới tô điểm thực tế bằng văn vần. So với các nhà thơ tự do còn đang dò dẫm, thơ Đinh Hùng là một hư cấu đã trưởng thành, một năng lực sáng tạo đã vượt khỏi thực tại. Tôi e rằng một số đông người yêu và không yêu thơ Đinh Hùng, cũng đều vì những ngộ nhận. Hai mươi năm sau khi đăng thơ trên báo của nhóm Tự Lực, Đinh Hùng ký tên trên tạp chí Sáng Tạo: một chi tiết này cũng đủ gợi giá trị hằng cửu của thơ Đinh Hùng, giá trị mà chúng ta sẽ tìm hiểu.
Muốn đi vào thi giới của Mê Hồn ca và Đường Vào Tình Sử, trước hết, phải tách rời nó ra khỏi thực tại. Tách rời hẳn ra. Vì thi giới đó, không phải là một phản ánh thơ mộng của thực tại như ta lầm tưởng. Thi giới đó là một hư cấu, hoàn toàn độc lập với thực tại, nếu có tương quan thì tương quan đó chỉ là tác giả và người đọc, những nhân sự khởi đi từ trần lụy để tìm đến một vũ trụ khác.
Hai chủ đề chính trong thơ Đinh Hùng là thiên nhiên và tình yêu, cần đặt lại trong một thế giới hư ảo. Cần nhớ Đinh Hùng – cũng như bất cứ một thi sĩ lớn nào – sáng tạo thế giới chứ không tái tạo. Dĩ nhiên là phải sáng tạo từ những vật liệu sẵn có - những yếu tố của thực tại, ở đây vật liệu chỉ thuần là ngôn ngữ. Những từ ngữ cũ kiến trúc một thế giới mới, tôi gọi Đinh Hùng là thi sĩ với tất cả ý nghĩa của danh từ.
Đặc tính của thế giới Đinh Hùng là một thành tố đều, được hoà giải; khí hậu tình tự giải toả những mâu thuẫn biện chứng, không còn sự khác biệt giữa người-nhìn-vũ-trụ và vũ-trụ-được-nhìn, giữa tâm giới và ngoại giới, giữa bản ngã và vô ngã, giữa thực thể và vô thể, giữa tôi và tha nhân, giữa tình yêu và tình nhân; trong thế giới đó, tôi là rừng núi, rừng núi là tình yêu, tình yêu là Em, Em là mùa Thu, mùa Thu là cơn mưa, cơn mưa là một dòng chữ, dòng chữ là tôi. Chữ tôi đã bao hàm cái không phải tôi, nhưng chủ thể không mâu thuẫn với khách thể vì tất cả chưa đạt tới những hình thể đủ cứng rắn để va chạm. Trong hư cấu của Đinh Hùng, sự vật là những nhu hình tương giao với nhau, thu hút vào nhau trong từ trường ngôn ngữ. Một hư cấu nằm ngoài vận chuyển biện chứng.
Chúng ta có thể chọn bất cứ đoạn thơ nào của Đinh Hùng cũng nhận diện được thi giới đó. Ví dụ những câu thơ đầu của Đường Vào Tình Sử
Trên đường ta đi.
Những đoá hoa nở mặt trời xích đạo
Những làn hương mang giông tố bình sa
Những sắc cầu vồng nghiêng cánh chim sa
Và dĩ vãng ngủ trong hồ cẩm thạch
Của đôi mắt sáng màu trăng mặc khách
Thời gian qua trên một nét mi dài
Núi mùa thu buồn gợn sóng hai vai
Dòng sông lạ trôi sâu vào tâm sự.
Mặt trời nở trong một đoá hoa, giông tố nép mình theo một làn hương nhẹ, vũ trụ đổi toạ độ, chuyển mình theo một thái dương hệ mới, theo đó, mọi sự vật luân hoán thành một trật tự mới, trở thành bình đẳng và hỗ tương liên hệ. Trong thực tại, giữa mặt trời và hoa chỉ có tương quan một chiều, mặt trời di chuyển trên thế chủ động, hoa nở trên một vùng thuộc địa, trong hư cấu của thơ Đinh Hùng, tương quan chạy hai chiều, bình đẳng và thân ái. Hoa nở theo mặt trời; nhưng đồng thời tạo ý nghĩa cho mặt trời; không có khoa, không có sinh vật, thì mặt trời chỉ là một thực thể vô nghĩa, vì không có tương quan; từ đó, ta hiểu mặt trời đã tái sinh trong một đoá hoa.
Thời gian cẩm thạch ngủ trong đôi mắt sau hành trình qua một nét mi: dĩ vãng không phải là thời gian đã mất, mà thời gian chiếm được, thời gian tư-hữu-hoá. Đinh Hùng hoà giải được phút đã qua và phút sắp đến, ở một đoạn sau, chúng cũng như đã phối ngẫu cái tôi với ngoại cảnh, với sông núi mùa thu, tâm giới với dòng sông lạ.
Thi giới Đinh Hùng là một thế giới mở. Mở để đón sự vật, trong khi chính sự vật cũng mở lòng đợi nhau. Không gian không có giới hạn, dòng sông không bờ, cánh hoa không viền, con đường không lề, căn nhà không vách. Làm sao tạo được một thế giới không cửa, một khi chữ “cửa” đã là một ngăn đón? Đinh Hùng đã bôi xoá ý niệm ngăn đón trong chữ “cửa”, bằng cách tạo những cánh cửa hư ảo:
Em đến từ trong giấc hỗn mang…
Lời ca không mở cửa thiên đàng
(ĐVTS)
Em đi rồi then khoá cả chiêm bao
Gầy vóc mộng gói tròn manh áo nhớ
(ĐVTS)
Then không thể khoá được chiêm bao, lời ca không thể mở cửa được, nếu, nếu đó là then, là khoá, là cửa thật. Vậy thì cửa phải là cửa không thật. Ngược lại, nếu chiêm bao có cửa thật, thì mọi cái cửa thật đều trở thành hư ảo, tức là mất hẳn tác dụng ngăn đón. Thế giới Đinh Hùng để ngỏ là vì vậy. Không gian là một lời mời, con người là tiếng gọi; giữa cảnh và người là sự đón đưa vĩnh viễn. Không một cánh cửa nào ngăn được tôi vì:
Hồn tôi bay theo khói kinh thành
Mộng ngoài sơn hải làm mây trắng
(ĐVTS)
Tôi là mây, là khói, là mộng, tôi vào không gian, tôi trở thành không gian, tôi đầy không gian, tôi là không gian: không còn lằn mức giữa chủ thể và khách thể. Thi giới Đinh Hùng đầy sương đầy khói [1] . Khói là trạng thái đặc đang biến thành hơi, sương là hơi đang đọng thành nước: những thành tố đang biến trạng. Sự vật trong thi giới Đinh Hùng không có cạnh, không có góc, nên không va chạm; không có mâu thuẫn giữa các yếu tố, vì đây chỉ mới là những khiếm thể (moinsétre) đang vươn tới hữu thể (étre) hoặc vô thể (non-étre). Thi giới Đinh Hùng là miền giao thoa giữa người và vật, giữa vật và cảnh, một niềm giao động thường xuyên, giữa giờ phút:
Những đám tinh vân sắp sửa chia ly.
(ĐVTS)
tức là giờ phút Thái cực không còn là Lý nữa, nhưng chưa rõ thành Lưỡng nghi, giờ phút Âm, Dương mới sắp sửa thành hình trong giai đoạn khiếm thể. Chúng ta nghe những xao xuyến rộn ràng
Hôm nay có phải là thu?
Mây năm xưa đã phiêu du trở về.
Cảm vì em bước chân đi,
Nước nghiêng mặt ngọc lưu ly phớt buồn.
Ai về xa mãi cô thôn
Một mình trông khói hoàng hôn nhớ nhà?
Ngày em mới bước chân ra.
Tuy rằng cách mặt lòng ta chưa sầu.
Nắng trôi vàng chảy về đâu…
(MHC và ĐVTS)
Thế giới Đinh Hùng nghe như lúc nào cũng xôn xao; thiên nhiên đợi đổi mùa, tình yêu đến giờ gặp gỡ hay lúc chia phôi, nắng chiều đợi tàn phai, tiếng dương cầm hắt hiu lời vĩnh biệt, hoặc vàng thu sắp sửa làm thương nhớ, Gió mùa thu sớm bao dư vị, Soi màu trăng cũ lẫn vào đêm.
Vì là một thế giới mở, nên cũng đồng thời là một thế giới đầy. Đầy sương, đầy khói, và đầy:
Nụ cười phiêu lãng giữa không gian
Người đọc có cảm giác là một không gian hạnh phúc:
… Nụ cười Em giữ thiên thu lại…
hoặc:
…Nụ cười Em gửi gió thu bay…
Hạnh phúc vì tràn đầy tâm giới; trong thơ Đinh Hùng nội giới và ngoại giới là một, nên vũ trụ cũng đầy tình cảm và nhan sắc:
Mảng nhớ thương Em rừng đã vàng
Dáng chiều giục giã cửa đài trang
Cảm thương nhan sắc mờ thu thuỷ
Phơ phất trùng dương khói ải quan.
Im lặng, thời gian… cũng đầy, nghĩa là vươn tới một sự trọn vẹn. Dung tích của im lặng là một dung tích chất chứa, trong khi thời gian là một sự tích lũy tình cảm. Cho nên không khí trong thơ Đinh Hùng thân mật từ đầu ngọn cỏ, từ phiến đá tình si, từ vì sao cũ, đoá hoa xưa. Nhưng đặc điểm lớn nhất của vũ trụ đầy là một vũ trụ thường chìm trong mưa, hay bóng tối. Hai nhà thơ Việt nam thường đưa mưa vào tác phẩm là Huy Cận và Đinh Hùng. Ở Huy Cận cơn mưa choàng lên thế giới một tấm màn sầu mộng, tạo cho nhà thơ cảm giác bình an và êm dịu, mưa cướp mất không gian của Huy Cận. Đêm mưa làm nhớ không gian. Nhưng sự mất mát êm ả, vì chỉ khi mất không gian mới biết là có không gian, cũng như bao nhiêu ý thức sở hữu chỉ nảy sinh như những vật sở hữu đã bị thất lạc. Ở Đinh Hùng, cơn mưa cũng êm ả, nhưng êm ả một cách khác. Trên tôi đã nói thế giới Đinh Hùng không phân biệt hữu thể và vô thể. Mưa chính là một khiếm thể môi giới: mưa lấp đầy khoảng trống của không gian, khoảng trống vốn là hình ảnh của vô thể; mưa lấp đầy vô thể bằng một hữu thể bằng một hữu thể nhu nhuyễn, một hữu thể có thể vượt qua được, mưa ngập không gian nhưng không phải vì thế mà không gian bế tắc. Mưa tạo chiều dày cho vũ trụ, mưa làm môi giới cho ba chiều của vũ trụ, con người sống giữa chiều dày đó mà không bị mặt phẳng nào ngăn cản, mưa là một thể tích không có diện tích. Mưa làm cho vũ trụ mềm lại, nhưng cũng làm cho tôi mềm lại nữa. Mưa bọc cái nhìn của tôi bằng tấm màn lụa, nhãn tuyến tôi bị mòn đi, không còn đâm thủng không gian để chinh phục; phản tuyến tôi không còn gây hấn, nhưng cũng không khuất phục như khuất phục trước những mặt phẳng khi trời nắng: tôi vẫn nhìn qua màn mưa, màn mưa xoá nhoà các góc cạnh, cái nhìn len lỏi giữa những sợi tơ đan ẩm đục, đi tới, đi tới mãi, nhưng đi tới một cách nhu hoà, chậm chạp. Mưa hoà giải thị dục của tôi với kháng lực của ngoại cảnh. Mưa làm tan rã các mâu thuẫn giữa bản ngã và vô ngã. Mưa lấp khoảng trống đồng thời cũng lấp khoảng cách. Mưa là môi giới giữa tôi và chân trời, giữa ý niệm và đối tượng của ý niệm. Mưa giăng từ tôi đến chân trời tôi mơ ước, bản ngã tôi loãng trong khoảng ẩm đục giữa tôi và chân trời mơ ước đó, tình yêu tôi thấm vào không gian đi tới người tôi yêu. Khoảng cách mâu thuẫn giữa chủ thể và khách thể, mưa lấp đầy khoảng cách đó: tôi nói thi giới Đinh Hùng không phân biệt chủ thể và khách thể là như thế:
Dĩ vãng dầm mưa lén bước về
Áo trùng, mây tỏ, mặt sầu che
Run tay ấp nửa bàn chân lạnh
Thương những con đường mưa cuốn đi
Lác đác trong mê rụng tiếng đàn
Hồn ai khóc rợn bốn giây oan
Gót chân thuở ấy vào mưa gió
Còn thoảng hơi sương đậu cánh màn
Đường Vào Tình Sử nhoè nhoẹt mưa bay. Thơ Đinh Hùng là một tâm sự vào mưa gió. Hiện tượng mưa cấu tạo chung quanh những hình ảnh liên hệ như bóng tối, lửa, ánh đèn… đều là những hư cấu cần phải được phân tích cặn kẽ; khuôn khổ một bài tiểu luận chỉ cho phép tôi dừng lại ở hiện tượng chính.
Tôi chỉ cần nói thêm sơ lược về thành tố nước trong thơ Đinh Hùng. Bạn đọc chắc đã từng để ý đến rất nhiều suối, sông, hồ, ao, và biển trong thơ Đinh Hùng. Thơ Đinh Hùng rất ướt át. Dường như hầu hết những câu thơ hay đều có nước hoặc có hình ảnh liên quan đến nước, một cách trực tiếp hay gián tiếp; tôi trích hai đoạn thơ câu nào cũng có hình ảnh trực tiếp của nước:
Giấc mộng đêm nào cũng gió mưa
Gối chăn như hải đảo vô bờ
Sóng dâng bốn vách sầu nghiêng bóng
Thoáng ngọn đèn trôi ánh mắt xưa
(ĐVTS)
Mộng ơi! thuyền có trao đầu sóng
Xin nở tươi màu hoa đại dương
Biển biếc, củ lao dài ánh mắt
Ngàn khơi xa bóng nguyệt hoang đường
(ĐVTS)
Nước có đặc tính hoà giải: nước là hiện tượng liên tục, tiệm tiến của vũ trụ; nước là Nguyên thuỷ mà cũng là mạch sống, nước tạo sinh vật và nuôi sinh vật, nước là sự hiện diện của vũ trụ trong thời gian. Nước là chiều sâu mà cũng là chiều rộng của vũ trụ, đồng thời cũng là của thời gian. Nước mời mọc, làm giảm trọng lực của tôi, tạo cho tôi các cảm giác tiếp xúc với ngoại giới. Trong nước, tôi cảm giác tôi gắn liền với vũ trụ, tôi thân mật với vũ trụ. Nước dày, nhưng không đặc, tôi có thể xuyên qua; nước nhu nhuyễn, nhưng không thể mờ như hơi, tôi có thể sờ. Nước nuôi tôi bằng những giấc mơ. Nước liên tục, nhưng vẫn có thể cắt xén. Mọi vật thể đều có sở-hữu-chủ, chỉ có nước là của tôi, đồng thời cũng là của mọi người.
Suối là nguồn sống, Sông là cuộc sống trong thời gian. Còn hồ ao?
Tôi lây chung buồn của hồ ao…
(ĐVTS)
Hồ ao là sự sống lắng đọng ngoài thời gian có cái tôi trong thời gian, bơ vơ như dòng sông, bâng khuâng khua lái:
Dòng sông bơ vơ tìm dĩ vãng
Thuyền trôi bâng khuâng về tương lai
(ĐVTS)
Có cái tôi ngoài thời gian, bình an, tĩnh mịch, như cảnh Tây Hồ:
Sen bạch, sen hồng của chúng ta
Mà bông chưa nở, cánh chưa già
Trong vùng gió đợi, hương chờ ấy
Lòng tưởng cùng ai đã dạo qua
(ĐVTS)
Còn biển, trùng dương, đại dương? Gió từ sông lại mưa từ biển? Biển là sự hoá thân của sông, lời hẹn tuyệt đối, sự hoà giải vĩnh viễn của vật thể; nhà thơ chứng kiến điểm trở về giữa vòng luân hồi trường cửu. Còn Lòng nhớ sông hồ gửi đại dương? Đại dương là Nước vô danh, sự sống vô kỷ, vô thuỷ, vô chung, nơi vong thân của những vòng cuồng lưu lảo đảo. Và Phơ phất trùng dương khỏi ải quan: trùng dương là khởi điểm của vô hạn, giờ bắt đầu của chân trời, đặc điểm của trùng dương là một chân trời tôi có thể tiếp xúc được, tôi có thể với tới, tôi có thể cư ngụ. Tóm tắt thì biển, đại dương, trùng dương đều là một hợp đề của vũ trụ, một trạng thái đón đợi để ôm ấp, để chuyển hoá. Biển là sự hoà đồng trong thế giới Đinh Hùng, thế giới không có mâu thuẫn như tôi đã nói. Nhân phân biệt các danh từ đồng nghĩa với biển, tôi thấy cần lưu ý độc giả ở những danh từ đồng nghĩa nhưng có tác dụng khác nhau thường gặp trong thơ ông, như những chữ suối và nguồn, sông và trường giang, giăng, và nguyệt.
Nước, trạng thái trung gian, còn là một yếu tố môi giới giữa người và cảnh, giữa các vật thể với nhau. Tác giả dùng rất nhiều hình ảnh như cỏ, rong rêu… và những trạng thái như trôi, nổi, chìm, ướt, thấm, dần,… những ý niệm cần khai triển rộng rãi. Tôi chỉ gợi ý môi giới của nước trong lòng vũ trụ:
Ôi nắng cũ nhạt mùi hương dã thảo
Lạnh mùi rêu tảng đá nhớ chân đi
(ĐVTS, tr. 62)
Rêu là nước của đá, làm môi giới với bàn chân; nước là tình của vật thể vô tri, nhưng cũng là tình của vật thể hữu tri; nói một cách phàm tục hơn cho dễ hiểu thì cực điểm của nhiệt lượng tình yêu giữa người đàn ông và đàn bà là một chất nước.
Nước là Nguồn Sống, là Nghĩa Mẹ. Cho nên không riêng gì trong thơ Đinh Hùng, mà trong các thi phẩm bất cứ nước nào, nước vẫn chiếm một diện tích quan trọng, vì thi sĩ là kẻ đi tìm nguồn. Đường Vào Tình Sử là đường về tiền sử.
[1]Tôi được biết Đinh Hùng nghiện nha phiến, nên thơ ông chắc cũng bị ảnh hưởng, qua những hình ảnh như: khói, ngọn đèn, phòng nhỏ, gối chăn, thường gặp trong thơ. Lưu ý đến khía cạnh này, tôi tìm đọc những nhà thơ đồng thời như C. Baudelaire, Th. Gautier, H. Michaux, J. Cocteau, A. Huxley cũng gặp lại cùng một lối tạo hình. Tôi từng có ý định khai thác đề tài theo đường hướng này, nhưng thấy vô ích. Nha phiến quan trọng đối với Đinh Hùng nhưng thơ ông quan trọng đối với độc giả. Phê bình nghệ thuật, tôi chỉ tìm hiểu tác phẩm; còn việc tìm hiểu tác giả thực hiện tác phẩm ra sao, là việc làm của người viết văn học sử.
Đặng Tiến - Vũ trụ thơ ( 5 )
Đặng Tiến
Vũ trụ thơ
Nguyễn Du, Bà huyện Thanh Quan, Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng
Khi đề cập đến kinh nghiệm đau thương của Hàn Mặc Tử tôi tiếc chưa được đọc bài của Võ Long Tê, một chuyên gia về văn chương Thiên Chúa giáo về vấn đề này; nghe nói bài sắp sửa đăng báo, tôi đợi hoài chưa thấy. Tôi cần nói thêm: Không riêng gì Phúc Âm, những tín ngưỡng khác của người Á Đông cũng tìm một giải đáp cho đau thương; Phật giáo thì cho đó là những đợt sóng triền miên của Mê hà hay Khổ hải; Lão giáo thì cho đó là định luật của Vô Tri. Cái can trường của nhà thơ là do đức tin vững chắc ở Đấng Cứu Thế, và đức tin đó đã được bồi dưỡng trong cái Dũng của triết lý Đông phương lẫn cái kiên trì trong lòng dân tộc. Nói đến xác tín của Hàn Mặc Tử không phải tôi không biết (hay tệ hơn nữa, tôi không nhớ) đến những giá trị bằng hữu kia. Khi suy nghĩ về khổ lụy của nhân sinh, tôi đọc lại kinh Coran của Hồi giáo thì có cảm giác như là họ không chấp nhận Khổ đau như người Ki-tô giáo hay người Á Đông, vì họ cho là do sự hành hạ của Thượng Đế. Vậy trong Hàn Mặc Tử có sự giao hoà giữa một đức tin sung mãn và một tâm hồn niềm nở, tạo ra một nguồn thơ hết sức sâu xa.
Trong tinh thần Phúc Âm, Hàn Mặc Tử đã sống trọn vẹn Đau Thương của hiện thế, trước hết vì đó là phương tiện Chúa đã dùng để Cứu Thế, thứ đến để chuẩn bị cho vinh hiển mai sau, như lời giảng trên núi, sửa soạn cho Ngày sống lại với Đấng hằng Sống, hằng Ngự Trị. Nhưng trên bình diện sáng tạo, quan niệm Đau Thương đó đã thể hiện ra sao? Tôi tiếc là không được đọc bài báo của Lê Tuyên về những chủ đề trong thơ Hàn Mặc Tử, đăng trên tạp chí Đại học Sư phạm cách đây bảy tám năm gì đó. Nay tôi lại đề cập vài hình tượng quen thuộc trong thơ Hàn Mặc Tử như Trăng, Máu, và Hồn.
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
Đó là điệp khúc độc điệu của một ngư phủ, theo lời kể của Quách Tấn. Đó cũng là khúc nhạc lòng của nhà thơ. Trăng là một thứ ánh sáng vừa của nội tâm, vừa của ngoại giới. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập tới tương quan giữa những hình ảnh thi ca và đức tin.
Ảnh hưởng của đêm trăng đối với bệnh phong đã được ông Trần Thanh Mại triển khai đầy đủ. Còn nét quyến rũ muôn đời của ánh trăng đối với thi nhân thì viết bao nhiêu pho sách cũng còn điều chưa nói. Nhưng không thể nói thơ Hàn Mặc Tử mà không đề cập tới trăng, vì theo Trần Thanh Mại thì hai phần ba của tập Đau Thương nói về trăng, nửa phần còn lại nói về hồn. [1]
Trăng, trước hết là ánh sáng tràn ngập cả vũ trụ Hàn Mặc Tử
Gió ùa ánh sáng vô trong bãi
Trăng ngậm đầy sông chảy láng lai (tr. 54)
Trăng là thứ ánh sáng êm dịu, mầu nhiệm phủ ban đêm, đối với ánh sáng chói chan bỏng rát của mặt trời nhiệt đới; Trăng tạo thi vị cho bóng tối tại những vùng nông nghiệp có sinh hoạt về đêm, và như Xuân Diệu kể, thì có “trăng của tình duyên, trăng của xa xôi, trăng của hão huyền” và trăng của “những đền đài mỏng thoáng”. Văn học của chúng ta từ xưa đến nay, vẫn le lói những ánh trăng bất tận. Tôi không dài dòng về địa hạt rộng rinh không bến này, chỉ muốn đề cập đến khía cạnh tượng trưng của ánh trăng trong giáo lý.
Trăng trước hết là Ánh Sáng, một chủ đề rọi suốt mặc khải Kinh Thánh, từ ngày thứ nhất của sáng thế, khi đức Chúa Trời phân định ánh sáng và bóng tối, (“Gen” I, 3-4), cho đến chương cuối cùng của “Khải Huyền”, khi con người, trong trời đất mới, hưởng được một ánh sáng miên viễn (“Ap.” XXII, 5). Như vậy thế giới di chuyển từ một vùng ánh sáng tương đối, ánh sáng vật chất đối với bóng tối ban đêm, đến một ánh sáng tuyệt đối, ánh sáng vĩnh cửu ngay trong châu thân Thiên Chúa, vì “Ngài là Sự Sống mà Sự Sống là Ánh Sáng” (“Jean” I, 4). Và quá trình từ tương đối nọ đến tuyệt đối kia là sự phấn đấu không ngừng giữa ánh sáng và bóng tối, tựa hồ như một cuộc phấn đấu giữa nguồn sống và cõi chết. Ở Hàn Mặc Tử, ánh trăng là một thứ Ánh Sáng đang tương tranh cùng Bóng Tối, trong một tư thế bi thảm, khác với mặt trời là chiến thắng – dù là tạm thời - của Ánh Sáng
Ánh trăng mỏng quá không che nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ
Những nét buồn buồn tơ liễu rủ
Những lời năn nỉ của hư vô (tr. 30)
Mâu thuẫn tâm cảm của nhà thơ là vừa yêu bóng đêm - vũ trụ Hàn Mặc Tử là một vũ trụ về đêm - vừa yêu ánh sáng, và vươn tới một nguồn chói lọi
Ta ước ao đội mũ triều thiên
Và tắm gội trong nguồn ánh sáng (tr. 59)
Sự thật mâu thuẫn đó nằm trong những hình ảnh đa nghĩa của Kinh Thánh, vì bóng tối cũng là một sáng tạo của đức Chúa Trời. (“Gen” I, 1-2) Từ điển Giáo lý Kinh Thánh khai triển điểm tế nhị đó như sau: “Bóng tối tượng trưng cho một kinh nghiệm kép: hoặc nó xác nhận không có ánh sáng, hoặc bao hàm sự hiện hữu của ánh sáng. Con người muốn có ánh sáng tràn đầy nhưng tìm đến bóng tối; Chúa là ánh sáng, là lửa bỏng, mà cũng là bóng mát. Kinh Thánh lý theo sự đa nghĩa đó” [2] . Chúng tôi muốn đề nghị một ý nghĩa mới cho ánh trăng. Ở Hàn Mặc Tử trăng là một sự tương tranh đồng thời tương ứng giữa ánh sáng và bóng tối, vừa tương khắc vừa tương sinh. Trăng là Bóng Tối hết là Bóng Tối và Ánh Sáng chưa đủ là Ánh Sáng. Trong biện chứng Sáng - Tối đó, tâm hồn Hàn Mặc Tử vẫn được xác định bằng Ánh Sáng, tức là “con của Ánh Sáng” khác với con của bóng tối hay “con của Hiện Thế” (“Luc”, XVI, 8). Vậy nhà thơ là Ánh Trăng, vì chàng là con của Ánh Sáng
Không gian đầy đặc toàn trăng cả
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng (tr. 30)
Vì, bên dưới bình diện siêu hình, về mặt đạo đức, vẫn phải có sự phân biệt giữa bóng tối và ánh sáng (“II Co VI”, 14) giữa ánh sáng chân chính và giả trá (“II Co XI”, 14)
Và tình ta sáng láng như trăng thanh. (tr. 55)
Thỉnh thoảng Hàn Mặc Tử không ngại mượn một vài hình ảnh của Kinh Thánh để tả trăng, như
Người trăng ăn vận toàn trăng cả
Gò má riêng thôi lại đỏ hường
(Trần Thanh Mại, tr. 55)
Chúng ta liên tưởng ngay đến một câu của “Thi Thiên” (104, 2) “Chúa bao phủ mình bằng ánh sáng như cái áo”.
Trăng trong Hàn Mặc Tử không những là một thứ ánh sáng ảo huyền và hiu hắt. Nó có hình có trạng, như một vật cụ thể khả xúc. Có khi là một món hàng – ai mua trăng ta bán trăng cho – có khi là châu báu, là hơi nước chảy, hay là một người đàn bà, mà tôi mường tượng phải đẹp lắm trong nhan sắc làm bằng Ánh Sáng và Im Lặng
Tôi lần cho Trăng một tràng chuỗi
Trăng mới là Trăng của Rạng Ngời
(Trần Thanh Mại, tr. 64)
Và nói chung, trăng là hồn, là máu của bóng đêm: tôi có nói đến ba chủ đề, kỳ thật chỉ là ba tiết diện của một thế giới:
Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra
(Trần Thanh Mại, tr. 63)
Hình ảnh máu hoặc nhỏ từng giọt, hoặc ọc từng búng, hoặc đọng thành vũng, hoặc chảy thành sông, có lẽ là dấu hiệu của bệnh lý. Ý nghĩa của máu là cuộc sống vì máu mang sinh lực đến cho mỗi tế bào, mà đồng thời cũng là cõi chết, khi đã khô, đã đọng thành vũng máu đào trong ác lặn. (27) Về hình ảnh máu vẫn thường gặp trong thơ Baudelaire, Jean-Piere Richard viết: “Sự xuất huyết thiêng liêng ở chỗ nó hội tụ cuộc sống hiển nhiên và cái chết tàn nhẫn.” [3] Máu là cuộc sống đang chết, hay là cái chết tiềm ẩn trong cuộc sống. Máu là hồn của thể xác mà cũng là xác của linh hồn, nói khác đi máu là thơ:
Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng trong máu vọt
Cho mê man chết điếng cả làn da
Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết
Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh
Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết
Cả lòng ai trong mớ chữ rung rinh
(Trần Thanh Mại, tr. 58)
Máu, cũng như thế, vừa là một hành hạ, vừa là một giải thoát. Chúng ta vẫn thường gặp những hình ảnh máu trong Kinh Thánh: máu là nguyên lý sự sống, nhưng khác với linh hồn ở chỗ máu là thành phần hư nát của cơ thể, còn linh hồn vẫn tồn tại đợi ngày Phục Sinh [4] . Từ máu Cứu Thế trên Thánh Giá đến máu chiên con, hình ảnh của đau đớn, của hư nát lại là hình ảnh của Hy Vọng; máu của chúng sinh tuy không vào được nước đức Chúa Trời (I, XV, 50) vẫn là một môi giới, một phương tiện, một ánh sáng, một thẩm mĩ:
Và ai gánh máu đi trên tuyết
Mảnh áo da cừu ngắm nở nang (tr. 38)
Trong bài “Biển hồn ta” (tr. 52) bắt đầu bằng câu Máu tim ta tuôn ra làm biển cả…, người đọc có cảm giác như máu và hồn là một, hay máu là hồn của xác thịt còn thể phách là hồn của toàn cơ thể, vì chính nhà thơ cũng phân biệt hồn ngoài và hồn trong:
Hồn hãy thoát ly ra ngoài tâm tưởng
Là hồn đừng nghĩ ngợi đến hồn trong
Cứ để mặc hồn ngoài bay lưởng vưởng
Ngao du cùng khắp cõi trí mênh mông
… Rồi hồn ngắm tử thi hồn tan rã
Bốc thành âm khí loãng nguyệt cầu xa…
Đã là hồn rồi mà còn có tử thi nữa sao? Lại còn ngắm được tử thi của mình nữa sao? Ở đây, ngoài sự phân biệt “hồn” và xác cố hữu trong tiềm thức người Việt nam, ta còn phải ghi nhận thêm ảnh hưởng phong thổ vùng từ Qui-nhơn đến Phan-thiết nơi Hàn Mặc Tử sống, vùng đất của người Chàm. Nhà thơ thế nào cũng nghe chuyện ma Hời đêm đêm lìa khỏi xác đi chơi hay ăn đêm, và đã nhớ đến những chuyện đó trong cơn mê sảng bệnh hoạn. Nhưng trong Thánh Kinh, nhất là Cựu Ước, chúng ta còn bắt gặp dấu tích sự phân biệt đó, bắt nguồn từ tư tưởng Do-thái giáo, Thân thể, tiếng hébreu (do thái) gọi là basar, dịch ra la-tinh là caro, thành tiếng Pháp là chair. Xác thịt, nếu không có sinh khí, chỉ là một “tử thi”. Hơi thở của Jahweh đã hà sinh khí vào xác thịt, nhưng chỉ tạo nên một quân bình mong manh: “thần khí của ta sẽ không lưu lại mãi trong loài người, vì loài người chỉ là thân xác” (“Gen VI”, 3); vậy trong tư tưởng Do-thái giáo, chẳng những hồn và xác khác biệt nhau, mà hồn là thần khí mà Đức Chúa Trời ký thác vào thân xác con người đó thôi, chứ không hẳn của con người. Do đó, trước khi chết, Chúa Jésus đã nói “Thưa Cha, trong tay Cha con trả lại linh hồn”, (“Luc XXIII”, 46) và Huy Cận đã nhắc lại trong câu Lạy Thượng Đế tôi cúi đầu trả lại, Linh hồn tôi… Linh hồn đó, là cái thần khí của Jahweh nay trở về với Jahweh, chứ không phải là cái hồn lìa khỏi xác của Hàn Mặc Tử. Hồn này lại là một chuyện khác, một biểu hiệu của sự sống; hồn này có thể chết, có thể hư nát như thịt xương (“Ps”, 78, 50) lang thang xuống âm ty sống đời khổ ải, cho đến ngày Thượng Đế cho lịnh hồi sinh những đống xương tản mác [5] . Trong những lời truyền dạy của Thánh Tự, Hàn Mặc Tử đã nhớ những chi tiết phù hợp với tâm hồn hay bệnh trạng mình nhất, nghĩa là sự phân biệt giữa hồn và xác, trong khi giáo lý Thiên Chúa về vấn đề này, phức tạp hơn nhiều.
Vì nhà thơ, trong cơn hành hạ của bệnh lý dĩ nhiên là tìm cách giải thoát, dù chỉ bằng mê sảng
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên
Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm
Cho trăng ngập dần lên tới ngực (tr. 53)
Ở đây, ta bắt gặp hình tượng Trăng, Hồn và Máu dồn dập lại trong tương quan chặt chẽ: nhà thơ khạc hồn ra khỏi miệng, hay điên cuồng mửa máu ra, hay ngậm cả miệng ta trăng là trăng, cả ba hình ảnh đều oà vỡ từ thân xác, và từ thân xác Đau Thương. Hàn Mặc Tử đã dùng thơ để sống trọn vẹn tín lý của mình. Chàng đã thấy hồn mình trong máu vọt, và hồn mình chính là máu đang tuôn trào lênh láng; chàng đã ghi lại những cảm giác rùng rợn đó, bằng những hình ảnh ta đã gặp trong Cựu Ước: hồn trong máu (“Lv XVII”, 10) hồn là máu (“Lv XVII”, 14), một thứ máu luôn luôn vươn đến ánh sáng, như hình ảnh đức Chúa Trời chói chan trong tấm áo dệt bằng ánh sáng trong “Thi Thiên” (104, 2) và đẫm máu chiên con trong “Khải Huyền” (XIX, 13). Máu chiên con trở thành Ánh Sáng, và chiên con là ngọn đèn bất diệt của Jérusalem mới. Do đó, tôi nói Hồn, Máu và Trăng chỉ là ba màu sắc chiết quang của một Ánh Sáng Duy Nhất. Người đi trong Mơ Ước. Trong mơ ước, Hàn Mặc Tử đã gọi Ánh Sáng Khải Huyền đó là Xuân Như Ý.
Cho mau lên! dồn ánh nguyệt vào đây…
Đưa ra, nào là nhạc thơm, hương gấm, mộng ngọc và hoa trinh bạch, đàn ly tao, tranh tuyệt phẩm…
Vẫn là chưa bưa, chưa đã, chưa nguôi được chí muôn sao!...
Phải mời cho được XUÂN THIÊN ra đời (tr. 65)
Như vậy Xuân Thiên ở đây phải là một mùa xuân khác. Không còn là mùa xuân phảng phất ngày xưa trong làn nắng ửng khói mơ tan. Tuy là trời hạo nhiên trong thế giới đợi chờ của Gái Quê cũng là một công trình châu báu, do phép tắc màu nhiệm của đấng Vô thỉ Vô chung, nhưng là một thế giới hư nát, sẽ vỡ lở, sẽ chấm dứt. Vì công trình châu báu của Thượng Đế, sau khi con người tự dấn thân vào tội ác, cũng đồng thời là một sự phẫn nộ của Thượng Đế; mặt đất, nguyên là Quê Hương của loài người đã trở thành một Lưu Đày, không còn là vườn Địa Đàng long lanh nhũ hương và bích ngọc, cũng không phải là Đất Hứa óng ánh sữa thơm và mật ngọt; trên mặt đất, lúa tốt còn mọc lẫn với cỏ hoang, trái lành ửng chín trong gai bụi, và lương thực loài người còn trộn lẫn cát bụi với mồ hôi; Và con người không những thịt da sượng sần và tê điếng mà còn nứt nẻ như muốn tan rã ra cùng vũ trụ, làm cho mê lẫn máu và hồn ta là ta hay không phải ta. Thế giới hiện tại, tuy vẫn có thanh sắc, nhũ hương, vẫn mang sẵn mục nát trong mầm sống. Và mầm sống đó, có sung mãn đến đâu, thì nhà thơ vẫn lòng thương chưa đã mến chưa bưa, nên phải mời cho được Xuân Thiên.
Chúng ta chưa quên được Người đang say sưa đi trong Mơ Ước đã gặp ở trang đầu. Vậy Xuân Thiên đây là niềm mơ ước ở sự tồn sinh sau cõi chết, sẽ được phục hồi trong cảnh trời mới đất mới, rạng ngời trong danh Cha cả sáng. Những thi phẩm cuối cùng của Hàn Mặc Tử như Xuân Như Ý gom góp xong đầu năm 1939, Thượng Thanh Khí đầu năm 1940, gồm hai vở kịch thơ Duyên Kỳ Ngộ và Quần Tiên Hội viết dở dang, đều nói lên niềm Mơ Ước đó. Trong bài này, tôi tạm xếp ba tác phẩm trên cùng những bài cuối tập Đau Thương vào chủ đề Xuân Như Ý, cho gọn, và như một giai đoạn trong thi trình Hàn Mặc Tử.
Mùa Xuân Thượng Thanh, đó ra sao? Về chủ đề mơ ước trong Thánh Kinh, một chuyên gia về giáo lý Thiên Chúa nhận xét: “Cuộc sống vĩnh viễn được xác nhận rõ rệt bao nhiêu, thì những đường nét của nó lại mờ nhạt bấy nhiêu. Không những mờ nhạt, mà đôi khi còn thiếu sót. Sự tồn sinh không được mô tả, dù dưới những hình ảnh khải huyền”. [6]
Lẫn trong mơ hồ đó, nhà thơ tha hồ mà tưởng tượng quang cảnh trời đất mới. Nếu Xuân Như Ý còn nhiều hình ảnh dựa theo tín lý Thiên Chúa, thì Cẩm Châu Duyên lại gần với huyền tượng của dân gian phảng phất không khí thần tiên của Đạo giáo - một thứ Đạo giáo bình dân, không ăn thua gì đến cái “đạo khả đạo” của Lão Tử. Vì vậy Hoài Thanh cho rằng Hàn Mặc Tử “chốc chốc lạc vào thế giới đồng bóng.” Thật ra trong cái hoa hoè của dự tưởng, nội dung nòng cốt của Xuân Như Ý vẫn là một tín điều Thiên Chúa giáo.
Trước hết đó là một mùa Xuân. Nghĩa là một thế giới mới, một khung cảnh tái tạo, như cảnh thành Jérusalem mới được thánh Jean rao truyền ở chương cuối Phúc Âm, Trời mới đất mới được dựng lên trên cảnh trộn trạo, tán loạn của ngày tận thế
Cả vũ trụ tàn theo ngày Phán xét
Là khủng khiếp cả Trời Đất tiêu diệt (tr. 60)
Mùa Xuân đó ở xa. Ở thật xa nếu nhìn từ thế giới hồn nhiên của Gái Quê
Cửu Trùng là chốn xa xôi ấy
Chim én làm sao bay đến nơi (tr. 37)
Nhưng kinh nghiệm Đau Thương, kinh nghiệm của xác tín trong khổ não, đã chắp lên thân xác nứt nẻ của nhà thơ đôi cánh phượng hoàng. Bằng những bất hạnh, Hàn Mặc Tử đã đến gần với Chúa và gần với mùa xuân Mơ Ước hơn là cánh én bơ vơ:
Phượng trì! Phượng trì! Phượng trì! Phượng trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu
Hồn tôi bay đến bây giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang (tr. 37)
Trong bài “Thánh nữ Đồng Trinh Maria” này, với nguồn rung cảm mãnh liệt của đức tin, nhà thơ đã sống cả thế giới hiện tại lẫn mùa xuân dự tưởng, đã nói đến cơn lậm luỵ đã trải qua dưới thế như là một quá khứ. Và trong đức tin đó, nhà thơ đã vẽ cho ta địa hình của Đất Mới, trong bài tựa tập Xuân Như Ý:
Vì chưng muôn xuân là lương thực ngon ngọt, mĩ vì, ánh xuân là nguồn tơ tưởng thơm tho tinh khiết, khí xuân là mạch trường sinh bất tử, tình xuân là cung cầm nguyệt mê ly, tuổi xuân là NGỌC NHƯ Ý, tên xuân là DẠ LAN HƯƠNG.
Và xuân là phong vị thái hoà của năm muôn năm, trời muôn trời, chân lưu trên thượng tầng không khí, bàng bạc cả giải Hà Sa, chen lấn vô tận hồn tạo vật…
Loài người hãy tận hưởng một hơi cho đã ngán và cao rao danh Cha cả sáng… (tr. 66)
Chúng ta thử khai triển vài nét chính của Xuân Như Ý. Chúng ta đã thấy đó là mùa xuân hồi sinh, sau khi “Trời thứ nhất, đất thứ nhất tan biến.” (“Ap. XXI”, 2) Như đặc biệt mùa xuân này nảy lộc từ mùa đông, nhưng sẽ không bao giờ chuyển sang mùa hạ Mai nầy thiên hạ mới tinh khôi… Và sẽ còn tinh khôi mãi mãi, vì đã đi vào cõi tứ thời xuân non nước. Trong Cầm Châu Duyên nhà thơ gọi là Xuân vô cùng đến ngàn năm ơn phước và mô tả như một tia sáng triền miên:
Liên hồ đây bốn mùa xuân cả bốn
Ngát hương đưa trong gió sớm chơi vơi
Làm nước mát và chưa bao giờ gợn
Vết phong trần đưa lại ở xa khơi
(Trần Thanh Mại, tr. 147)
Đoạn cuối “Khải Huyền” truyền giảng rõ ràng. Đất Mới đây, là châu thân Thiên Chúa; mùa xuân của Hàn Mặc Tử (trường sinh bất tử năm của muôn năm, vì ở “Khải Huyền”, Chúa đã kết luận: “Ta làm mới mọi vật. Ta là Alpha và Oméga, là nguyên lý và cực chung.” (“Ap. XXI”, 5-6)
Xuân Như Ý tiếp đến là một vũ trụ thơm tho và tinh khiết vì là càn khôn mới dựng lên. Ở đây, nhà thơ như rợn ngợp trong trinh nguyên của Đất Mới, mà tượng trưng là con chiên con vô tật và vô tội, làm ngọn đèn trinh bạch rọi sáng cả hoàng thành. Thi sĩ vội nguyện cầu gội rửa:
Tôi van lơn thầm gọi Chúa Giê Su
Ban ơn xuống cho mùa Xuân hôn phối
Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng (tr. 74)
Và để ngợi ca vinh hiển của Nguồn thơm, nhà thơ đã cao ngâm giọng long lanh, thanh thoát:
Ta cho ra một dòng thơ rất mát
Mới tinh khôi và thanh sạch bằng hương (tr. 70)
Theo Hoài Thanh - người may mắn hơn chúng ta, được đọc toàn bộ thi phẩm – thì Cẩm Châu Duyên, thi phẩm cuối cùng, là “trong trẻo hơn cả” [7] . Âu cũng là chuyện lạ. Gái Quê, từ ban sơ, đã là một dòng suối rừng vẩn đục, rồi chảy qua một cuộc đời khổ ải, chuyên chở không biết bao nhiêu trần lụy, ấy mà dần dà lại gạn lọc hết phù trầm, để đổ ra đại dương bằng một giải Cẩm Châu trong vắt. Thật là một đặc điểm trong thẩm mĩ thi ca.
Đất Mới còn là một xứ rực rỡ, cao sang, vì xuân mang tên một loài Ngọc:
Ánh hào quang chan chói ngắt lưu ly
Ôi! Cao sang khôn vi, trọng ai bi
Trên nước cả có vô vàn châu báu (tr. 67)
Những hình ảnh tráng lệ như gấm, ngọc, trân, châu, thất bảo, nhũ hương, mộc dược đều muốn gợi lên một vinh hiển, như khi sứ đồ tả thành Jérusalem mới trong “Khải Huyền”: “Thành ấy chói sáng như một viên bửu thạch, như bích ngọc rạng ngời… Tường thì xây bằng bích ngọc, thành thì xây bằng vàng ròng, tợ như thuỷ tinh trong vắt. Mười hai cửa thì làm bằng mười hai hột châu.” (“Ap.” XXI, 11, 18 và 21) Dựa theo “Khải Huyền”, tôi cho rằng những đền đài dự tưởng trong Hàn Mặc Tử là một phóng thể của đức tin Thiên Chúa, vì cảnh Bồng Lai của Á Đông, cảnh thần tiên của Đạo gia không có cái huy hoàng rực rỡ đó.
Cuối cùng Xuân Như Ý là một thái hoà tuyệt đối, trong không gian và thời gian, thái hoà của năm muôn năm, trời muôn trời. Ở đó, trời thì bình an như nguyệt bạch, còn người thì hoan hảo, no nê nhờ trái cây bằng ngọc, vỏ bằng gấm. Còn nói chung:
Thiên hạ thái bình và trời tuôn ơn phước
Như triều thiên vờn lượn khắp không gian (tr. 71)
Ở đây, sầu đau chìm trong quên lãng. Đất Mới không còn cảnh “chết chóc, than khóc, kêu ca hay đau đớn nữa”) (“Ap”, XXI, 4) vì những lậm luỵ dưới thế đã qua. Ở đây tất cả đều là ánh sáng. Và ánh sáng là linh thị cuối cùng bao trùm trọn vẹn thi trình Xuân Như Ý, đồng thời rọi lại toàn bộ tác phẩm Hàn Mặc Tử như một Thánh thể kết tinh triền miên vươn tới Ánh Sáng, vươn tới Ánh hào quang chan chói ngất lưu ly. Hay trở về Ánh Sáng. Ở đây, chúng ta đi sâu vào ngõ ngách cối cùng trong đức tin Hàn Mặc Tử:
Ta ước ao đầu đội mũ triều thiên
Và tắm gội ở trong nguồn ánh sáng
Tôi sẽ dừng lại ở đây, dừng lại ở hình ảnh Nguồn Ánh Sáng, vừa là một vươn tới, vừa là một trở về, Mùa Xuân Như Ý đẹp trước hết vì là Xuân thứ đến vì nó là Như Ý, nó đưa con người về với Chúa, về với Nguồn. Vậy Nguồn Ánh Sáng ở đây là Alpha và là Oméga, vừa là cội rễ vừa là cứu cánh con người. Và cơ cấu thơ Hàn Mặc Tử do đó gói ghém cả mặc khải Thánh Tự lẫn lịch trình Cứu Rỗi. Tôi có cảm giác đã làm xong một bài luận mạch lạc. Bây giờ là kết.
Tham vọng của tôi trong bài này là đề nghị một lối nhìn nhất quán vào tác phẩm Hàn Mặc Tử trong giới hạn những bài thơ còn lưu truyền, nghĩa là trên một sự nghiệp bị thời gian cắt xén. Khai quật cơ cấu nội tại của sự nghiệp đó, chúng tôi lại còn mong ước rọi sáng những bài, những câu thơ mà các nhà phê bình xưa nay, từ Trần Thanh Mại đến Vũ Ngọc Phan, cả thi sĩ Quách Tấn đều cho là khúc mắc. Theo chúng tôi, hiểu tất cả các câu thơ, các bài thơ trong một tập thơ, chưa hẳn đã là hiểu toàn bộ tập thơ, ít nhất cũng đối với người viết phê bình. Chúng ta còn phải hiểu liên hệ nội tại trong mỗi tập thơ để nắm vững cơ cấu sáng tạo của thi sĩ – ít ra cũng trong chủ quan người đọc.
Liên hệ nội tại đó, tôi đặt trên đức tin của Hàn Mặc Tử. Tôi cũng có thể đề nghị một nền tảng khác; tôi chọn chủ đề này với một dụng ý: giải thích những nhận xét cố hữu của các nhà phê bình tiền bối vẫn cho Hàn Mặc Tử là nhà thơ Thiên Chúa giáo, mà không nói rõ, nói đầy đủ, tại sao. Các vị đó thường trích dẫn những bài thơ hay câu thơ có âm vang tôn giáo, có hình thức tín ngưỡng như Maria linh hồn tôi… rồi kết luận; theo tôi, thì chưa đủ, vì một người không có đức tin cũng có thể kể rất nhiều tên Thánh, làm thơ ca tụng đấng Tối Linh, như ngày xưa các cụ Nguyễn Hữu Tiến hay Tản Đà nhắc đến Thượng Đế trong Quả Dưa Đỏ hay Giấc Mộng Con. Theo tôi, chúng ta chỉ có thể nói đến tín lý trong một tác phẩm khi toàn bộ tác phẩm đó tiềm ẩn đức tin trong cơ cấu. Nói khác đi, một người Thiên Chúa giáo chưa hẳn là kẻ đọc kinh vanh vách, mà là người đem trọn cuộc đời mình đáp lại lời gọi của ơn Trên, và một thi sĩ Thiên Chúa giáo không hẳn là kẻ tự xưng là thi sĩ của đạo quân Thánh giá (tr. 71) như Hàn Mặc Tử đã tự nhận, mà là kẻ đem cả sự nghiệp thi ca của mình âm vọng lại tiếng gọi của Thượng Đế. Và dĩ nhiên không phải là kẻ “dùng thơ để truyền bá tôn giáo của mình” như Quách Tấn nhận định ở trang 118 số Văn thượng dẫn. Do đó mà tôi cố gắng chứng minh toàn tập thi phẩm Hàn Mặc Tử là một tiếng vọng của Thánh Tự.
Dĩ nhiên, trong tác phẩm Hàn Mặc Tử còn nhiều vết tích của một nhân bản Việt Nam. Tín ngưỡng Thiên Chúa đã nảy mầm trên một nhân bản phiếm thần và đa giáo, thì hồn thơ Hàn Mặc Tử không khỏi làm một lăng kính hội tụ rồi phát huy nhiều nguồn sáng khác nhau, và hỗ tương lẫn nhau, như Giáo hoàng Paul VI đã tuyên bố trên đài phát thanh Véritas chủ nhật 29-11 vừa qua, nhân chuyến công du sang Á Đông: “Chúng ta đang ở một vùng đất mà những tư trào cổ kính của Đông phương và những trào lưu mới mẻ hơn Tây phương đã kết hợp lại và làm giàu cho nhau” [8]
Và bạn đọc sẽ hoan hỉ nếu Quách Tiên sinh thủ lời hứa “nói về đạo Từ bi trong thơ Tử” vì sẽ hiểu thêm một khía cạnh của thi phẩm, qua kiến thức uyên bác của tiên sinh về phương diện Phật lý cũng như tác phẩm Hàn Mặc Tử.
Cuối cùng, viết bài này tôi cũng có hai hậu ý riêng tư. Trước là để giải một lời hứa với anh Trần Phong Giao từ hai năm nay; một đề tài bao quát và hệ trọng như vầy đòi hỏi một suy nghĩ dài hạn, khiến anh Trần Phong Giao cứ trách tôi là “thề cá trê chui ống”.
Thứ đến là hồi đầu năm nay, tôi có viết một bài điểm sách, về vở kịch Ngộ Nhận của Vũ Khắc Khoan. Bài đó đã gây nhiều hiểu lầm, nhất là trong những người thân của tôi, cho là tôi bất kính đối với đức tin Thiên Chúa; và tôi rất khổ tâm; nếu có hiểu lầm đó, dĩ nhiên lỗi về phần tôi, viết không khéo, nói không trọn, lời không thanh, ý không minh. Vậy bài này viết vào mùa Giáng sinh, sẽ là một bổ chính cho bài trước, và cũng là lời tạ lỗi thành khẩn của tôi.
Lòng thành khẩn đó, của riêng tôi, nhân mùa Hy Vọng, còn là cánh hoa huệ một lưu vực xa xôi gửi về cho Quê hương Yêu dấu.
Val de Loire, 12-1970
[1]Trần Thanh Mại, sđd, tr. 61
[2]Vocabulaire de Théologie Biblique, Edit, du Cerf, Paris 1962, tr. 714
[3]Jean - Pierre Richard, Poésie et Profondeur, Seuil, Paris 1955
[4]P. Dhorme, Revue Biblique. Số 4 tháng 10 – 1920 tr. 473 – 474. Loại bài “l’Emploi métaphorique dans la Bible”, chuyên về hình ảnh của thân xác, rất cần cho việc tìm hiểu thơ H.M.T.
[5]Vocabulaire de Théologie Biblique, sđd, tr. 31
[6]Jacques Quillet, tủ sách giáo lý, Thèmes Bibliques, Aubier, 1950, tr. 175
[7]Hoài Thanh và Hoài Chân, sđd, tr. 214
[8]Le Monde, ngày 1 tháng 12-1970, tr. 8, cột 1
Vũ trụ thơ
Nguyễn Du, Bà huyện Thanh Quan, Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng
Khi đề cập đến kinh nghiệm đau thương của Hàn Mặc Tử tôi tiếc chưa được đọc bài của Võ Long Tê, một chuyên gia về văn chương Thiên Chúa giáo về vấn đề này; nghe nói bài sắp sửa đăng báo, tôi đợi hoài chưa thấy. Tôi cần nói thêm: Không riêng gì Phúc Âm, những tín ngưỡng khác của người Á Đông cũng tìm một giải đáp cho đau thương; Phật giáo thì cho đó là những đợt sóng triền miên của Mê hà hay Khổ hải; Lão giáo thì cho đó là định luật của Vô Tri. Cái can trường của nhà thơ là do đức tin vững chắc ở Đấng Cứu Thế, và đức tin đó đã được bồi dưỡng trong cái Dũng của triết lý Đông phương lẫn cái kiên trì trong lòng dân tộc. Nói đến xác tín của Hàn Mặc Tử không phải tôi không biết (hay tệ hơn nữa, tôi không nhớ) đến những giá trị bằng hữu kia. Khi suy nghĩ về khổ lụy của nhân sinh, tôi đọc lại kinh Coran của Hồi giáo thì có cảm giác như là họ không chấp nhận Khổ đau như người Ki-tô giáo hay người Á Đông, vì họ cho là do sự hành hạ của Thượng Đế. Vậy trong Hàn Mặc Tử có sự giao hoà giữa một đức tin sung mãn và một tâm hồn niềm nở, tạo ra một nguồn thơ hết sức sâu xa.
Trong tinh thần Phúc Âm, Hàn Mặc Tử đã sống trọn vẹn Đau Thương của hiện thế, trước hết vì đó là phương tiện Chúa đã dùng để Cứu Thế, thứ đến để chuẩn bị cho vinh hiển mai sau, như lời giảng trên núi, sửa soạn cho Ngày sống lại với Đấng hằng Sống, hằng Ngự Trị. Nhưng trên bình diện sáng tạo, quan niệm Đau Thương đó đã thể hiện ra sao? Tôi tiếc là không được đọc bài báo của Lê Tuyên về những chủ đề trong thơ Hàn Mặc Tử, đăng trên tạp chí Đại học Sư phạm cách đây bảy tám năm gì đó. Nay tôi lại đề cập vài hình tượng quen thuộc trong thơ Hàn Mặc Tử như Trăng, Máu, và Hồn.
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
Đó là điệp khúc độc điệu của một ngư phủ, theo lời kể của Quách Tấn. Đó cũng là khúc nhạc lòng của nhà thơ. Trăng là một thứ ánh sáng vừa của nội tâm, vừa của ngoại giới. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập tới tương quan giữa những hình ảnh thi ca và đức tin.
Ảnh hưởng của đêm trăng đối với bệnh phong đã được ông Trần Thanh Mại triển khai đầy đủ. Còn nét quyến rũ muôn đời của ánh trăng đối với thi nhân thì viết bao nhiêu pho sách cũng còn điều chưa nói. Nhưng không thể nói thơ Hàn Mặc Tử mà không đề cập tới trăng, vì theo Trần Thanh Mại thì hai phần ba của tập Đau Thương nói về trăng, nửa phần còn lại nói về hồn. [1]
Trăng, trước hết là ánh sáng tràn ngập cả vũ trụ Hàn Mặc Tử
Gió ùa ánh sáng vô trong bãi
Trăng ngậm đầy sông chảy láng lai (tr. 54)
Trăng là thứ ánh sáng êm dịu, mầu nhiệm phủ ban đêm, đối với ánh sáng chói chan bỏng rát của mặt trời nhiệt đới; Trăng tạo thi vị cho bóng tối tại những vùng nông nghiệp có sinh hoạt về đêm, và như Xuân Diệu kể, thì có “trăng của tình duyên, trăng của xa xôi, trăng của hão huyền” và trăng của “những đền đài mỏng thoáng”. Văn học của chúng ta từ xưa đến nay, vẫn le lói những ánh trăng bất tận. Tôi không dài dòng về địa hạt rộng rinh không bến này, chỉ muốn đề cập đến khía cạnh tượng trưng của ánh trăng trong giáo lý.
Trăng trước hết là Ánh Sáng, một chủ đề rọi suốt mặc khải Kinh Thánh, từ ngày thứ nhất của sáng thế, khi đức Chúa Trời phân định ánh sáng và bóng tối, (“Gen” I, 3-4), cho đến chương cuối cùng của “Khải Huyền”, khi con người, trong trời đất mới, hưởng được một ánh sáng miên viễn (“Ap.” XXII, 5). Như vậy thế giới di chuyển từ một vùng ánh sáng tương đối, ánh sáng vật chất đối với bóng tối ban đêm, đến một ánh sáng tuyệt đối, ánh sáng vĩnh cửu ngay trong châu thân Thiên Chúa, vì “Ngài là Sự Sống mà Sự Sống là Ánh Sáng” (“Jean” I, 4). Và quá trình từ tương đối nọ đến tuyệt đối kia là sự phấn đấu không ngừng giữa ánh sáng và bóng tối, tựa hồ như một cuộc phấn đấu giữa nguồn sống và cõi chết. Ở Hàn Mặc Tử, ánh trăng là một thứ Ánh Sáng đang tương tranh cùng Bóng Tối, trong một tư thế bi thảm, khác với mặt trời là chiến thắng – dù là tạm thời - của Ánh Sáng
Ánh trăng mỏng quá không che nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ
Những nét buồn buồn tơ liễu rủ
Những lời năn nỉ của hư vô (tr. 30)
Mâu thuẫn tâm cảm của nhà thơ là vừa yêu bóng đêm - vũ trụ Hàn Mặc Tử là một vũ trụ về đêm - vừa yêu ánh sáng, và vươn tới một nguồn chói lọi
Ta ước ao đội mũ triều thiên
Và tắm gội trong nguồn ánh sáng (tr. 59)
Sự thật mâu thuẫn đó nằm trong những hình ảnh đa nghĩa của Kinh Thánh, vì bóng tối cũng là một sáng tạo của đức Chúa Trời. (“Gen” I, 1-2) Từ điển Giáo lý Kinh Thánh khai triển điểm tế nhị đó như sau: “Bóng tối tượng trưng cho một kinh nghiệm kép: hoặc nó xác nhận không có ánh sáng, hoặc bao hàm sự hiện hữu của ánh sáng. Con người muốn có ánh sáng tràn đầy nhưng tìm đến bóng tối; Chúa là ánh sáng, là lửa bỏng, mà cũng là bóng mát. Kinh Thánh lý theo sự đa nghĩa đó” [2] . Chúng tôi muốn đề nghị một ý nghĩa mới cho ánh trăng. Ở Hàn Mặc Tử trăng là một sự tương tranh đồng thời tương ứng giữa ánh sáng và bóng tối, vừa tương khắc vừa tương sinh. Trăng là Bóng Tối hết là Bóng Tối và Ánh Sáng chưa đủ là Ánh Sáng. Trong biện chứng Sáng - Tối đó, tâm hồn Hàn Mặc Tử vẫn được xác định bằng Ánh Sáng, tức là “con của Ánh Sáng” khác với con của bóng tối hay “con của Hiện Thế” (“Luc”, XVI, 8). Vậy nhà thơ là Ánh Trăng, vì chàng là con của Ánh Sáng
Không gian đầy đặc toàn trăng cả
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng (tr. 30)
Vì, bên dưới bình diện siêu hình, về mặt đạo đức, vẫn phải có sự phân biệt giữa bóng tối và ánh sáng (“II Co VI”, 14) giữa ánh sáng chân chính và giả trá (“II Co XI”, 14)
Và tình ta sáng láng như trăng thanh. (tr. 55)
Thỉnh thoảng Hàn Mặc Tử không ngại mượn một vài hình ảnh của Kinh Thánh để tả trăng, như
Người trăng ăn vận toàn trăng cả
Gò má riêng thôi lại đỏ hường
(Trần Thanh Mại, tr. 55)
Chúng ta liên tưởng ngay đến một câu của “Thi Thiên” (104, 2) “Chúa bao phủ mình bằng ánh sáng như cái áo”.
Trăng trong Hàn Mặc Tử không những là một thứ ánh sáng ảo huyền và hiu hắt. Nó có hình có trạng, như một vật cụ thể khả xúc. Có khi là một món hàng – ai mua trăng ta bán trăng cho – có khi là châu báu, là hơi nước chảy, hay là một người đàn bà, mà tôi mường tượng phải đẹp lắm trong nhan sắc làm bằng Ánh Sáng và Im Lặng
Tôi lần cho Trăng một tràng chuỗi
Trăng mới là Trăng của Rạng Ngời
(Trần Thanh Mại, tr. 64)
Và nói chung, trăng là hồn, là máu của bóng đêm: tôi có nói đến ba chủ đề, kỳ thật chỉ là ba tiết diện của một thế giới:
Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra
(Trần Thanh Mại, tr. 63)
Hình ảnh máu hoặc nhỏ từng giọt, hoặc ọc từng búng, hoặc đọng thành vũng, hoặc chảy thành sông, có lẽ là dấu hiệu của bệnh lý. Ý nghĩa của máu là cuộc sống vì máu mang sinh lực đến cho mỗi tế bào, mà đồng thời cũng là cõi chết, khi đã khô, đã đọng thành vũng máu đào trong ác lặn. (27) Về hình ảnh máu vẫn thường gặp trong thơ Baudelaire, Jean-Piere Richard viết: “Sự xuất huyết thiêng liêng ở chỗ nó hội tụ cuộc sống hiển nhiên và cái chết tàn nhẫn.” [3] Máu là cuộc sống đang chết, hay là cái chết tiềm ẩn trong cuộc sống. Máu là hồn của thể xác mà cũng là xác của linh hồn, nói khác đi máu là thơ:
Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng trong máu vọt
Cho mê man chết điếng cả làn da
Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết
Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh
Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết
Cả lòng ai trong mớ chữ rung rinh
(Trần Thanh Mại, tr. 58)
Máu, cũng như thế, vừa là một hành hạ, vừa là một giải thoát. Chúng ta vẫn thường gặp những hình ảnh máu trong Kinh Thánh: máu là nguyên lý sự sống, nhưng khác với linh hồn ở chỗ máu là thành phần hư nát của cơ thể, còn linh hồn vẫn tồn tại đợi ngày Phục Sinh [4] . Từ máu Cứu Thế trên Thánh Giá đến máu chiên con, hình ảnh của đau đớn, của hư nát lại là hình ảnh của Hy Vọng; máu của chúng sinh tuy không vào được nước đức Chúa Trời (I, XV, 50) vẫn là một môi giới, một phương tiện, một ánh sáng, một thẩm mĩ:
Và ai gánh máu đi trên tuyết
Mảnh áo da cừu ngắm nở nang (tr. 38)
Trong bài “Biển hồn ta” (tr. 52) bắt đầu bằng câu Máu tim ta tuôn ra làm biển cả…, người đọc có cảm giác như máu và hồn là một, hay máu là hồn của xác thịt còn thể phách là hồn của toàn cơ thể, vì chính nhà thơ cũng phân biệt hồn ngoài và hồn trong:
Hồn hãy thoát ly ra ngoài tâm tưởng
Là hồn đừng nghĩ ngợi đến hồn trong
Cứ để mặc hồn ngoài bay lưởng vưởng
Ngao du cùng khắp cõi trí mênh mông
… Rồi hồn ngắm tử thi hồn tan rã
Bốc thành âm khí loãng nguyệt cầu xa…
Đã là hồn rồi mà còn có tử thi nữa sao? Lại còn ngắm được tử thi của mình nữa sao? Ở đây, ngoài sự phân biệt “hồn” và xác cố hữu trong tiềm thức người Việt nam, ta còn phải ghi nhận thêm ảnh hưởng phong thổ vùng từ Qui-nhơn đến Phan-thiết nơi Hàn Mặc Tử sống, vùng đất của người Chàm. Nhà thơ thế nào cũng nghe chuyện ma Hời đêm đêm lìa khỏi xác đi chơi hay ăn đêm, và đã nhớ đến những chuyện đó trong cơn mê sảng bệnh hoạn. Nhưng trong Thánh Kinh, nhất là Cựu Ước, chúng ta còn bắt gặp dấu tích sự phân biệt đó, bắt nguồn từ tư tưởng Do-thái giáo, Thân thể, tiếng hébreu (do thái) gọi là basar, dịch ra la-tinh là caro, thành tiếng Pháp là chair. Xác thịt, nếu không có sinh khí, chỉ là một “tử thi”. Hơi thở của Jahweh đã hà sinh khí vào xác thịt, nhưng chỉ tạo nên một quân bình mong manh: “thần khí của ta sẽ không lưu lại mãi trong loài người, vì loài người chỉ là thân xác” (“Gen VI”, 3); vậy trong tư tưởng Do-thái giáo, chẳng những hồn và xác khác biệt nhau, mà hồn là thần khí mà Đức Chúa Trời ký thác vào thân xác con người đó thôi, chứ không hẳn của con người. Do đó, trước khi chết, Chúa Jésus đã nói “Thưa Cha, trong tay Cha con trả lại linh hồn”, (“Luc XXIII”, 46) và Huy Cận đã nhắc lại trong câu Lạy Thượng Đế tôi cúi đầu trả lại, Linh hồn tôi… Linh hồn đó, là cái thần khí của Jahweh nay trở về với Jahweh, chứ không phải là cái hồn lìa khỏi xác của Hàn Mặc Tử. Hồn này lại là một chuyện khác, một biểu hiệu của sự sống; hồn này có thể chết, có thể hư nát như thịt xương (“Ps”, 78, 50) lang thang xuống âm ty sống đời khổ ải, cho đến ngày Thượng Đế cho lịnh hồi sinh những đống xương tản mác [5] . Trong những lời truyền dạy của Thánh Tự, Hàn Mặc Tử đã nhớ những chi tiết phù hợp với tâm hồn hay bệnh trạng mình nhất, nghĩa là sự phân biệt giữa hồn và xác, trong khi giáo lý Thiên Chúa về vấn đề này, phức tạp hơn nhiều.
Vì nhà thơ, trong cơn hành hạ của bệnh lý dĩ nhiên là tìm cách giải thoát, dù chỉ bằng mê sảng
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên
Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm
Cho trăng ngập dần lên tới ngực (tr. 53)
Ở đây, ta bắt gặp hình tượng Trăng, Hồn và Máu dồn dập lại trong tương quan chặt chẽ: nhà thơ khạc hồn ra khỏi miệng, hay điên cuồng mửa máu ra, hay ngậm cả miệng ta trăng là trăng, cả ba hình ảnh đều oà vỡ từ thân xác, và từ thân xác Đau Thương. Hàn Mặc Tử đã dùng thơ để sống trọn vẹn tín lý của mình. Chàng đã thấy hồn mình trong máu vọt, và hồn mình chính là máu đang tuôn trào lênh láng; chàng đã ghi lại những cảm giác rùng rợn đó, bằng những hình ảnh ta đã gặp trong Cựu Ước: hồn trong máu (“Lv XVII”, 10) hồn là máu (“Lv XVII”, 14), một thứ máu luôn luôn vươn đến ánh sáng, như hình ảnh đức Chúa Trời chói chan trong tấm áo dệt bằng ánh sáng trong “Thi Thiên” (104, 2) và đẫm máu chiên con trong “Khải Huyền” (XIX, 13). Máu chiên con trở thành Ánh Sáng, và chiên con là ngọn đèn bất diệt của Jérusalem mới. Do đó, tôi nói Hồn, Máu và Trăng chỉ là ba màu sắc chiết quang của một Ánh Sáng Duy Nhất. Người đi trong Mơ Ước. Trong mơ ước, Hàn Mặc Tử đã gọi Ánh Sáng Khải Huyền đó là Xuân Như Ý.
Cho mau lên! dồn ánh nguyệt vào đây…
Đưa ra, nào là nhạc thơm, hương gấm, mộng ngọc và hoa trinh bạch, đàn ly tao, tranh tuyệt phẩm…
Vẫn là chưa bưa, chưa đã, chưa nguôi được chí muôn sao!...
Phải mời cho được XUÂN THIÊN ra đời (tr. 65)
Như vậy Xuân Thiên ở đây phải là một mùa xuân khác. Không còn là mùa xuân phảng phất ngày xưa trong làn nắng ửng khói mơ tan. Tuy là trời hạo nhiên trong thế giới đợi chờ của Gái Quê cũng là một công trình châu báu, do phép tắc màu nhiệm của đấng Vô thỉ Vô chung, nhưng là một thế giới hư nát, sẽ vỡ lở, sẽ chấm dứt. Vì công trình châu báu của Thượng Đế, sau khi con người tự dấn thân vào tội ác, cũng đồng thời là một sự phẫn nộ của Thượng Đế; mặt đất, nguyên là Quê Hương của loài người đã trở thành một Lưu Đày, không còn là vườn Địa Đàng long lanh nhũ hương và bích ngọc, cũng không phải là Đất Hứa óng ánh sữa thơm và mật ngọt; trên mặt đất, lúa tốt còn mọc lẫn với cỏ hoang, trái lành ửng chín trong gai bụi, và lương thực loài người còn trộn lẫn cát bụi với mồ hôi; Và con người không những thịt da sượng sần và tê điếng mà còn nứt nẻ như muốn tan rã ra cùng vũ trụ, làm cho mê lẫn máu và hồn ta là ta hay không phải ta. Thế giới hiện tại, tuy vẫn có thanh sắc, nhũ hương, vẫn mang sẵn mục nát trong mầm sống. Và mầm sống đó, có sung mãn đến đâu, thì nhà thơ vẫn lòng thương chưa đã mến chưa bưa, nên phải mời cho được Xuân Thiên.
Chúng ta chưa quên được Người đang say sưa đi trong Mơ Ước đã gặp ở trang đầu. Vậy Xuân Thiên đây là niềm mơ ước ở sự tồn sinh sau cõi chết, sẽ được phục hồi trong cảnh trời mới đất mới, rạng ngời trong danh Cha cả sáng. Những thi phẩm cuối cùng của Hàn Mặc Tử như Xuân Như Ý gom góp xong đầu năm 1939, Thượng Thanh Khí đầu năm 1940, gồm hai vở kịch thơ Duyên Kỳ Ngộ và Quần Tiên Hội viết dở dang, đều nói lên niềm Mơ Ước đó. Trong bài này, tôi tạm xếp ba tác phẩm trên cùng những bài cuối tập Đau Thương vào chủ đề Xuân Như Ý, cho gọn, và như một giai đoạn trong thi trình Hàn Mặc Tử.
Mùa Xuân Thượng Thanh, đó ra sao? Về chủ đề mơ ước trong Thánh Kinh, một chuyên gia về giáo lý Thiên Chúa nhận xét: “Cuộc sống vĩnh viễn được xác nhận rõ rệt bao nhiêu, thì những đường nét của nó lại mờ nhạt bấy nhiêu. Không những mờ nhạt, mà đôi khi còn thiếu sót. Sự tồn sinh không được mô tả, dù dưới những hình ảnh khải huyền”. [6]
Lẫn trong mơ hồ đó, nhà thơ tha hồ mà tưởng tượng quang cảnh trời đất mới. Nếu Xuân Như Ý còn nhiều hình ảnh dựa theo tín lý Thiên Chúa, thì Cẩm Châu Duyên lại gần với huyền tượng của dân gian phảng phất không khí thần tiên của Đạo giáo - một thứ Đạo giáo bình dân, không ăn thua gì đến cái “đạo khả đạo” của Lão Tử. Vì vậy Hoài Thanh cho rằng Hàn Mặc Tử “chốc chốc lạc vào thế giới đồng bóng.” Thật ra trong cái hoa hoè của dự tưởng, nội dung nòng cốt của Xuân Như Ý vẫn là một tín điều Thiên Chúa giáo.
Trước hết đó là một mùa Xuân. Nghĩa là một thế giới mới, một khung cảnh tái tạo, như cảnh thành Jérusalem mới được thánh Jean rao truyền ở chương cuối Phúc Âm, Trời mới đất mới được dựng lên trên cảnh trộn trạo, tán loạn của ngày tận thế
Cả vũ trụ tàn theo ngày Phán xét
Là khủng khiếp cả Trời Đất tiêu diệt (tr. 60)
Mùa Xuân đó ở xa. Ở thật xa nếu nhìn từ thế giới hồn nhiên của Gái Quê
Cửu Trùng là chốn xa xôi ấy
Chim én làm sao bay đến nơi (tr. 37)
Nhưng kinh nghiệm Đau Thương, kinh nghiệm của xác tín trong khổ não, đã chắp lên thân xác nứt nẻ của nhà thơ đôi cánh phượng hoàng. Bằng những bất hạnh, Hàn Mặc Tử đã đến gần với Chúa và gần với mùa xuân Mơ Ước hơn là cánh én bơ vơ:
Phượng trì! Phượng trì! Phượng trì! Phượng trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu
Hồn tôi bay đến bây giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang (tr. 37)
Trong bài “Thánh nữ Đồng Trinh Maria” này, với nguồn rung cảm mãnh liệt của đức tin, nhà thơ đã sống cả thế giới hiện tại lẫn mùa xuân dự tưởng, đã nói đến cơn lậm luỵ đã trải qua dưới thế như là một quá khứ. Và trong đức tin đó, nhà thơ đã vẽ cho ta địa hình của Đất Mới, trong bài tựa tập Xuân Như Ý:
Vì chưng muôn xuân là lương thực ngon ngọt, mĩ vì, ánh xuân là nguồn tơ tưởng thơm tho tinh khiết, khí xuân là mạch trường sinh bất tử, tình xuân là cung cầm nguyệt mê ly, tuổi xuân là NGỌC NHƯ Ý, tên xuân là DẠ LAN HƯƠNG.
Và xuân là phong vị thái hoà của năm muôn năm, trời muôn trời, chân lưu trên thượng tầng không khí, bàng bạc cả giải Hà Sa, chen lấn vô tận hồn tạo vật…
Loài người hãy tận hưởng một hơi cho đã ngán và cao rao danh Cha cả sáng… (tr. 66)
Chúng ta thử khai triển vài nét chính của Xuân Như Ý. Chúng ta đã thấy đó là mùa xuân hồi sinh, sau khi “Trời thứ nhất, đất thứ nhất tan biến.” (“Ap. XXI”, 2) Như đặc biệt mùa xuân này nảy lộc từ mùa đông, nhưng sẽ không bao giờ chuyển sang mùa hạ Mai nầy thiên hạ mới tinh khôi… Và sẽ còn tinh khôi mãi mãi, vì đã đi vào cõi tứ thời xuân non nước. Trong Cầm Châu Duyên nhà thơ gọi là Xuân vô cùng đến ngàn năm ơn phước và mô tả như một tia sáng triền miên:
Liên hồ đây bốn mùa xuân cả bốn
Ngát hương đưa trong gió sớm chơi vơi
Làm nước mát và chưa bao giờ gợn
Vết phong trần đưa lại ở xa khơi
(Trần Thanh Mại, tr. 147)
Đoạn cuối “Khải Huyền” truyền giảng rõ ràng. Đất Mới đây, là châu thân Thiên Chúa; mùa xuân của Hàn Mặc Tử (trường sinh bất tử năm của muôn năm, vì ở “Khải Huyền”, Chúa đã kết luận: “Ta làm mới mọi vật. Ta là Alpha và Oméga, là nguyên lý và cực chung.” (“Ap. XXI”, 5-6)
Xuân Như Ý tiếp đến là một vũ trụ thơm tho và tinh khiết vì là càn khôn mới dựng lên. Ở đây, nhà thơ như rợn ngợp trong trinh nguyên của Đất Mới, mà tượng trưng là con chiên con vô tật và vô tội, làm ngọn đèn trinh bạch rọi sáng cả hoàng thành. Thi sĩ vội nguyện cầu gội rửa:
Tôi van lơn thầm gọi Chúa Giê Su
Ban ơn xuống cho mùa Xuân hôn phối
Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng (tr. 74)
Và để ngợi ca vinh hiển của Nguồn thơm, nhà thơ đã cao ngâm giọng long lanh, thanh thoát:
Ta cho ra một dòng thơ rất mát
Mới tinh khôi và thanh sạch bằng hương (tr. 70)
Theo Hoài Thanh - người may mắn hơn chúng ta, được đọc toàn bộ thi phẩm – thì Cẩm Châu Duyên, thi phẩm cuối cùng, là “trong trẻo hơn cả” [7] . Âu cũng là chuyện lạ. Gái Quê, từ ban sơ, đã là một dòng suối rừng vẩn đục, rồi chảy qua một cuộc đời khổ ải, chuyên chở không biết bao nhiêu trần lụy, ấy mà dần dà lại gạn lọc hết phù trầm, để đổ ra đại dương bằng một giải Cẩm Châu trong vắt. Thật là một đặc điểm trong thẩm mĩ thi ca.
Đất Mới còn là một xứ rực rỡ, cao sang, vì xuân mang tên một loài Ngọc:
Ánh hào quang chan chói ngắt lưu ly
Ôi! Cao sang khôn vi, trọng ai bi
Trên nước cả có vô vàn châu báu (tr. 67)
Những hình ảnh tráng lệ như gấm, ngọc, trân, châu, thất bảo, nhũ hương, mộc dược đều muốn gợi lên một vinh hiển, như khi sứ đồ tả thành Jérusalem mới trong “Khải Huyền”: “Thành ấy chói sáng như một viên bửu thạch, như bích ngọc rạng ngời… Tường thì xây bằng bích ngọc, thành thì xây bằng vàng ròng, tợ như thuỷ tinh trong vắt. Mười hai cửa thì làm bằng mười hai hột châu.” (“Ap.” XXI, 11, 18 và 21) Dựa theo “Khải Huyền”, tôi cho rằng những đền đài dự tưởng trong Hàn Mặc Tử là một phóng thể của đức tin Thiên Chúa, vì cảnh Bồng Lai của Á Đông, cảnh thần tiên của Đạo gia không có cái huy hoàng rực rỡ đó.
Cuối cùng Xuân Như Ý là một thái hoà tuyệt đối, trong không gian và thời gian, thái hoà của năm muôn năm, trời muôn trời. Ở đó, trời thì bình an như nguyệt bạch, còn người thì hoan hảo, no nê nhờ trái cây bằng ngọc, vỏ bằng gấm. Còn nói chung:
Thiên hạ thái bình và trời tuôn ơn phước
Như triều thiên vờn lượn khắp không gian (tr. 71)
Ở đây, sầu đau chìm trong quên lãng. Đất Mới không còn cảnh “chết chóc, than khóc, kêu ca hay đau đớn nữa”) (“Ap”, XXI, 4) vì những lậm luỵ dưới thế đã qua. Ở đây tất cả đều là ánh sáng. Và ánh sáng là linh thị cuối cùng bao trùm trọn vẹn thi trình Xuân Như Ý, đồng thời rọi lại toàn bộ tác phẩm Hàn Mặc Tử như một Thánh thể kết tinh triền miên vươn tới Ánh Sáng, vươn tới Ánh hào quang chan chói ngất lưu ly. Hay trở về Ánh Sáng. Ở đây, chúng ta đi sâu vào ngõ ngách cối cùng trong đức tin Hàn Mặc Tử:
Ta ước ao đầu đội mũ triều thiên
Và tắm gội ở trong nguồn ánh sáng
Tôi sẽ dừng lại ở đây, dừng lại ở hình ảnh Nguồn Ánh Sáng, vừa là một vươn tới, vừa là một trở về, Mùa Xuân Như Ý đẹp trước hết vì là Xuân thứ đến vì nó là Như Ý, nó đưa con người về với Chúa, về với Nguồn. Vậy Nguồn Ánh Sáng ở đây là Alpha và là Oméga, vừa là cội rễ vừa là cứu cánh con người. Và cơ cấu thơ Hàn Mặc Tử do đó gói ghém cả mặc khải Thánh Tự lẫn lịch trình Cứu Rỗi. Tôi có cảm giác đã làm xong một bài luận mạch lạc. Bây giờ là kết.
Tham vọng của tôi trong bài này là đề nghị một lối nhìn nhất quán vào tác phẩm Hàn Mặc Tử trong giới hạn những bài thơ còn lưu truyền, nghĩa là trên một sự nghiệp bị thời gian cắt xén. Khai quật cơ cấu nội tại của sự nghiệp đó, chúng tôi lại còn mong ước rọi sáng những bài, những câu thơ mà các nhà phê bình xưa nay, từ Trần Thanh Mại đến Vũ Ngọc Phan, cả thi sĩ Quách Tấn đều cho là khúc mắc. Theo chúng tôi, hiểu tất cả các câu thơ, các bài thơ trong một tập thơ, chưa hẳn đã là hiểu toàn bộ tập thơ, ít nhất cũng đối với người viết phê bình. Chúng ta còn phải hiểu liên hệ nội tại trong mỗi tập thơ để nắm vững cơ cấu sáng tạo của thi sĩ – ít ra cũng trong chủ quan người đọc.
Liên hệ nội tại đó, tôi đặt trên đức tin của Hàn Mặc Tử. Tôi cũng có thể đề nghị một nền tảng khác; tôi chọn chủ đề này với một dụng ý: giải thích những nhận xét cố hữu của các nhà phê bình tiền bối vẫn cho Hàn Mặc Tử là nhà thơ Thiên Chúa giáo, mà không nói rõ, nói đầy đủ, tại sao. Các vị đó thường trích dẫn những bài thơ hay câu thơ có âm vang tôn giáo, có hình thức tín ngưỡng như Maria linh hồn tôi… rồi kết luận; theo tôi, thì chưa đủ, vì một người không có đức tin cũng có thể kể rất nhiều tên Thánh, làm thơ ca tụng đấng Tối Linh, như ngày xưa các cụ Nguyễn Hữu Tiến hay Tản Đà nhắc đến Thượng Đế trong Quả Dưa Đỏ hay Giấc Mộng Con. Theo tôi, chúng ta chỉ có thể nói đến tín lý trong một tác phẩm khi toàn bộ tác phẩm đó tiềm ẩn đức tin trong cơ cấu. Nói khác đi, một người Thiên Chúa giáo chưa hẳn là kẻ đọc kinh vanh vách, mà là người đem trọn cuộc đời mình đáp lại lời gọi của ơn Trên, và một thi sĩ Thiên Chúa giáo không hẳn là kẻ tự xưng là thi sĩ của đạo quân Thánh giá (tr. 71) như Hàn Mặc Tử đã tự nhận, mà là kẻ đem cả sự nghiệp thi ca của mình âm vọng lại tiếng gọi của Thượng Đế. Và dĩ nhiên không phải là kẻ “dùng thơ để truyền bá tôn giáo của mình” như Quách Tấn nhận định ở trang 118 số Văn thượng dẫn. Do đó mà tôi cố gắng chứng minh toàn tập thi phẩm Hàn Mặc Tử là một tiếng vọng của Thánh Tự.
Dĩ nhiên, trong tác phẩm Hàn Mặc Tử còn nhiều vết tích của một nhân bản Việt Nam. Tín ngưỡng Thiên Chúa đã nảy mầm trên một nhân bản phiếm thần và đa giáo, thì hồn thơ Hàn Mặc Tử không khỏi làm một lăng kính hội tụ rồi phát huy nhiều nguồn sáng khác nhau, và hỗ tương lẫn nhau, như Giáo hoàng Paul VI đã tuyên bố trên đài phát thanh Véritas chủ nhật 29-11 vừa qua, nhân chuyến công du sang Á Đông: “Chúng ta đang ở một vùng đất mà những tư trào cổ kính của Đông phương và những trào lưu mới mẻ hơn Tây phương đã kết hợp lại và làm giàu cho nhau” [8]
Và bạn đọc sẽ hoan hỉ nếu Quách Tiên sinh thủ lời hứa “nói về đạo Từ bi trong thơ Tử” vì sẽ hiểu thêm một khía cạnh của thi phẩm, qua kiến thức uyên bác của tiên sinh về phương diện Phật lý cũng như tác phẩm Hàn Mặc Tử.
Cuối cùng, viết bài này tôi cũng có hai hậu ý riêng tư. Trước là để giải một lời hứa với anh Trần Phong Giao từ hai năm nay; một đề tài bao quát và hệ trọng như vầy đòi hỏi một suy nghĩ dài hạn, khiến anh Trần Phong Giao cứ trách tôi là “thề cá trê chui ống”.
Thứ đến là hồi đầu năm nay, tôi có viết một bài điểm sách, về vở kịch Ngộ Nhận của Vũ Khắc Khoan. Bài đó đã gây nhiều hiểu lầm, nhất là trong những người thân của tôi, cho là tôi bất kính đối với đức tin Thiên Chúa; và tôi rất khổ tâm; nếu có hiểu lầm đó, dĩ nhiên lỗi về phần tôi, viết không khéo, nói không trọn, lời không thanh, ý không minh. Vậy bài này viết vào mùa Giáng sinh, sẽ là một bổ chính cho bài trước, và cũng là lời tạ lỗi thành khẩn của tôi.
Lòng thành khẩn đó, của riêng tôi, nhân mùa Hy Vọng, còn là cánh hoa huệ một lưu vực xa xôi gửi về cho Quê hương Yêu dấu.
Val de Loire, 12-1970
[1]Trần Thanh Mại, sđd, tr. 61
[2]Vocabulaire de Théologie Biblique, Edit, du Cerf, Paris 1962, tr. 714
[3]Jean - Pierre Richard, Poésie et Profondeur, Seuil, Paris 1955
[4]P. Dhorme, Revue Biblique. Số 4 tháng 10 – 1920 tr. 473 – 474. Loại bài “l’Emploi métaphorique dans la Bible”, chuyên về hình ảnh của thân xác, rất cần cho việc tìm hiểu thơ H.M.T.
[5]Vocabulaire de Théologie Biblique, sđd, tr. 31
[6]Jacques Quillet, tủ sách giáo lý, Thèmes Bibliques, Aubier, 1950, tr. 175
[7]Hoài Thanh và Hoài Chân, sđd, tr. 214
[8]Le Monde, ngày 1 tháng 12-1970, tr. 8, cột 1
Đặng Tiến - Vũ trụ thơ (4 )
Đặng Tiến
Vũ trụ thơ
Nguyễn Du, Bà huyện Thanh Quan, Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng
Đức tin trong hồn thơ Hàn Mặc Tử
HÀN MẶC TỬ tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22 tháng 9 năm 1912, tại Lệ Mỹ, tỉnh Đồng Hới, Trung Việt.
Học tại Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Huế, tới năm thứ ba ban Thành chung. Làm sở đạc điền được ít lâu, sau bị bịnh, bỏ sở. Vô Nam, làm báo một thời gian rồi bỏ về Qui Nhơn.
Bắt đầu làm thơ Đường từ năm mười lăm tuổi (ký nhiều bút hiệu: Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh…). Đã đăng thơ trên các báo Phụ nữ Tân văn, Sàigòn, Trong Khuê phòng, Đông Dương Tuần báo, Tân thời, Người mới… Chứng bịnh phong cùi hiểm nghèo đã đem đến cho Hàn Mặc Tử nhiều thi tứ cao siêu, thanh thoát, như một vùng trú ẩn cần thiết cho cõi linh hồn đau khổ triền miên.
Tác phẩm của ông đã được xuất bản, có: Gái quê (Tân Dân Hà Nội, 1936, tựa của Phạm văn Ký); Thơ Hàn Mặc Tử (Đông Phương, Hà Nội, 1942, tranh vẽ của Phạm Tú).
Tại trại hủi Qui Hoà, tỉnh Qui Nhơn, Hàn Mặc Tử trút linh hồn ngày 11 tháng 11 năm 1940, hưởng dương 28 tuổi. Cái chết yểu của ông là một thiệt thòi lớn cho nền văn học đất nước, vì ông được coi như một nguồn thơ tinh khôi và kỳ lạ bậc nhất trong thi sử hiện đại.
*
Hàn Mặc Tử mất ngày 11 tháng 11 năm 1940. Từ 1942, Vũ Ngọc Phan đã nhận xét: “Từ ngày Hàn Mặc Tử từ trần đến nay, mới trong khoảng hai năm trời, mà người ta đã người ta đã nói rất nhiều, viết rất nhiều về Hàn Mặc Tử…” [1]
Và đến nay, bao nhiêu giấy mực đã được dành cho nhà thơ bạc mệnh. Có lẽ ở miền Nam, Hàn Mặc Tử là thi sĩ được nhắc nhở nhiều nhất. Tôi chỉ e rằng dù vậy sự hiểu biết của chúng ta về thi tài đó vẫn không tiến bộ được bao nhiêu. Có lẽ lại lùi lại nữa là khác. Năm 1941, Hoài Thanh muốn nói đến Hàn Mặc Tử đã hỏi mượn thơ do Trần Thanh Địch giữ [2] . Cùng năm đó, khi viết cuốn Hàn Mặc Tử, có lẽ Trần Thanh Mại cũng dùng nguồn tài liệu đó, tức là của em mình. Ngày nay, ngoài tập Thơ Hàn Mặc Tử mỏng manh của nhà xuất bản Tân Việt, chúng ta không còn thi liệu nào khác. Chính Quách Tấn, bạn thân, ân nhân, người đã được nhà thơ ký thác trọn vẹn tác phẩm, cũng tỏ vẻ không có nhiều tài liệu hơn chúng ta. Trong bài nói về nhà thơ quá cố đăng trên Văn, Quách Tiên sinh, khi trích thơ Hàn Mặc Tử đã làm một việc mà ai cũng làm được, như Vũ Ngọc Phan đã làm, nghĩa là trích từ tập thơ thiếu sót kia, hay trích lại của Trần Thanh Mại và Hoài Thanh - trừ vài bài tứ tuyệt không mấy quan trọng. Lý do rất giản dị: chiến tranh đã làm thất lạc hết tài liệu, mặc dù Quách Tấn giữ gìn cẩn thận, sao nhiều bản gửi Bộ Giáo dục Nam triều thời đó và tất cả bạn bè của Tử [3] . Như vậy trong mọi hành trình vào tác phẩm Hàn Mặc Tử, chúng ta sẽ giẫm chân tại chỗ, đua nhau kể cuộc đời ái tình và sự nghiệp của nhà thơ – dĩ nhiên là éo le gay cấn, nhưng không giúp hiểu thêm nhà thơ bao nhiêu - trừ một vài bài quan trọng; như của Quách Tấn trên số Văn thượng dẫn; ngoài việc đưa ra một số sự kiện chung quanh việc sáng tạo của Hàn Mặc Tử còn bổ chính nhiều điều do Trần Thanh Mại kể trong cuốn biên khảo về Hàn Mặc Tử [4] xưa nay vốn là tài liệu tham khảo căn bản cho mọi người về cuộc tranh tụng giữa hai họ Quách và Trần năm 1942, thì chúng tôi không có ý kiến gì. Nhưng xin tán đồng Quách Tấn về hai điểm: thứ nhất là Trần Thanh Mại ẩu, thứ hai là ông không hiểu thơ, và cứ ưa phê bình thơ, và Vũ Ngọc Phan cũng đồng ý như vậy [5] . Tuy nhiên, nếu không có cái ẩu, cái trích dẫn bừa bãi của họ Trần, thì các nhà nghiên cứu - kể cả Quách Tấn - lấy đâu ra thơ Hàn Mặc Tử để tham khảo, sau khi người giữ bản quyền để thất lạc hết di thảo? Tưởng khi nhắc đến chuyện ba mươi năm về trước, Quách Tiên sinh không nên chua cay mới công bình [6] .
Chúng tôi trình bày những khó khăn về tài liệu đó là có ý rào đón những thiếu sót trong bài này, khi đề cập đến một đề tài hệ trọng và bao quát: đức tin Thiên Chúa giáo trong thơ Hàn Mặc Tử. Chúng tôi không khám phá ra điều gì mới mẻ, mà chỉ khai triển một nhận xét của ông Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh… cách đây mấy mươi năm. Chúng tôi chỉ đào sâu thêm tác phẩm để có một cái nhìn nhất quán trên toàn thể thi phẩm. Thay vì trích dẫn những câu có hình thức Thiên Chúa giáo như Maria, linh hồn tôi… thì tôi cố chứng minh là kiến trúc toàn bộ của thơ Hàn Mặc Tử đều vang dội lời truyền giảng của Phúc Âm. Bài báo chia làm năm phần:
Nhận định tổng quát
Gái quê: Thế giới đợi chờ
Đau thương: con người sáng tạo và mơ ước
Xuân như ý: Thế giới khải huyền.
“Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn… Thôi mời cô cứ vào… Ánh sáng tạ trong thơ tôi…” [7] (tr.8)
Đối với Hàn Mặc Tử thơ và đời sống là một bất khả phân, nhất là khi lâm trọng bệnh. Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú (tr.8). Tác phẩm của Hàn mang tên Đau Thương vì nó là Đau thương, nó là “kinh nghiệm trước hết của một con người, một thực tại con người ngay trong thân phận” [8] . Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Có lẽ ông là người Việt nam ca ngợi Thánh nữ Đồng trinh Maria và Chúa Jésus bằng thơ trước nhất. Ông ca tụng đạo Gia-tô rất chân thành. Lần này cũng là lần đầu, thi ca VN thấy được một nguồn hứng mới” [9] . Hoài Thanh nới rộng đến vấn đề tương quan giữa tôn giáo và dân tộc, “Thơ Hàn Mặc Tử ra đời, điều ấy chứng tỏ đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra cái không khí có thể kết tinh lại thành thơ. Tôi tin rằng chỉ những tình cảm có thể diễn ra thơ mới thiệt là những tình cảm đã thấm tận đáy hồn đoàn thể”. Nhận xét này của một kẻ “thiếu lòng tin, du khách bỡ ngỡ” [10] là Hoài Thanh mang một ý nghĩa đặc biệt, trong Gia-tô giáo Việt Nam niềm tin Thiên Chúa đã trở thành một niềm tin thuần túy Việt Nam. Và thơ Hàn Mặc Tử đã chứng thực điều đó: một đức tin Việt Nam ở Thiên Chúa, diễn đạt bằng một ngôn ngữ Việt nam: ngôn ngữ của thi ca. Đó là điều tôi muốn trình bày qua một dàn bài bình dị. Tôi chỉ khai triển thêm một câu của Hàn Mặc Tử trong lời “Tựa”: Người đang say sưa đi trong Mơ Ước, trong Huyền Diệu, trong Sáng Láng và vượt hẳn ra ngoài Hư Linh… (tr.7) trong đó người đọc gặp lại những chủ đề cương lĩnh của Kinh Thánh: một vũ trụ ngây thơ đổ vỡ vì nguyên tội; những khổ hạnh của thân xác như một kinh nghiệm của Mơ Ước và Huyền Diệu; để vươn tới một thế giới khác sáng láng ngoài Hư linh, thế giới của Phục Sinh, của Khải Huyền. Ba giai đoạn đó là cơ cấu của đời thơ Hàn Mặc Tử. Vũ trụ Gái Quê đã sụp đổ trong Đau Thương mà nhà thơ đã chịu đựng để đợi sống lại một mùa Xuân Như Ý.
Ai nói vườn trăng là nói vườn mơ. Ai nói bến mộng là bến tình. Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo. Trên đầu người là cao cả, vô biên và vô lượng; chung quan người là mơn mớn với yêu đương…
Những dòng mở tác phẩm không khỏi làm ta nhớ đến thiên “Sáng Thế Ký” mở đầu Cựu Ước. Nhưng vườn, đây không nằm ở hướng đông như vườn Eden (“Gen II.8”), mà chỉ là một vườn mơ, bến mộng, niềm nhớ nhung đằng đẵng về một hạnh phúc nguyên thủy. Hạnh phúc của nguồn trong trẻo mà loài người phải từ giã ra đi, và bị cấm cản đường về (“Gen III, 24”). Nguồn ở đây là dòng sông trước khi chia làm 4 nhánh, tưới vườn Eden bằng tình yêu cao cả, vô biên và vô lượng, chưa bị giới hạn vì nguyên tội, khi con người chưa khó nhọc, chưa đổ mồ hôi, chưa biết chông gai và mùi cát bụi (“Gen III 17, 18 và 19”). Bài tựa của Hàn Mặc Tử đã mơ ước khôi phục lại mùa xuân trinh nguyên của ngày sáng thế, đầy thinh sắc, tinh hoa và châu báu, như nhũ hương và bích ngọc bên bờ nhánh sông thứ nhất (“Gen II, 12”). Thơ Hàn, cũng như lòng lê thứ, nói như Pascal, là niềm hoài vọng bất lực về một hạnh phúc sơ khai, một tráng lệ đã phôi pha
Còn đâu tráng lệ những thời xanh
Mùi vị thơm tho một ái tình
Đố kiếm cho ra trong lớp bụi
Ít nhiều hơi hám của kiên trinh (tr. 32)
Sau khi phạm trái cấm, loài người không mang nguyên tội ra khỏi địa đàng rồi dựng lại một bình an khác. Với tội kiêu căng, loài người phải chịu bao nhiêu hưng phế: từ Hồng Thủy cho đến cơn thịnh nộ của Thiên Chúa hủy hoại tháp Babel, thành Sodome và Gomorrhe, bao nhiêu lớp bụi phế hưng đã lấp mất cánh đồng xanh lẫn hơi hám của kiên trinh
Hồn xưa tự ấy không về nữa
Ở cõi hư vô dấu đã chìm (tr. 32)
Dân Do-thái, lưu linh còn hy vọng có ngày tìm về đất Hứa, còn con người đã vĩnh viễn đánh mất tất cả tráng lệ của thời xanh. Nhưng thơ Hàn Mặc Tử vẫn là một mơ ước, một đón đợi, như Cựu Ước là sự chờ đón đấng Cứu Thế. Trong Gái Quê và những bài đầu Đau Thương, thơ là niềm mong đợi
Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về (tr. 21)
Ngày xuân mong đợi đó còn thuần lương, còn là một mùa xuân ngoại đạo - một thứ printemps païen - hồn nhiên và vô tư lự, như tất cả những hội hè của mùa xuân Việt Nam.
Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý – Bóng xuân sang
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.
Cái hồn hậu đó, như Hoài Thanh đã nói “chỉ là một mùa xuân đầu năm” [11] , tôi nói thêm là một u minh đợi chờ để nở lên một mùa xuân sáng thế “hồi trời đất mới dựng lên” hay mùa xuân tái tạo “ra đời một lần với chúa Jesus” 11.
Khác biệt đó không có gì mâu thuẫn và Hoài Thanh cũng không cần ngại người đồng đạo với nhà thơ sẽ “khó dễ vì một hai dấu tích Phật giáo còn sót lại”10. Quách Tấn còn cực đoan hơn: “Tôi nhận thấy vang bóng của đạo Phật có phần đậm hơn đạo Thiên Chúa” [12] . Sự phân lượng e rằng khó chính xác nhưng vết tích Phật giáo và ngay cả Lão giáo, Khổng giáo trong thơ Hàn Mặc Tử đậm đà, từ trong rung cảm đến ngôn ngữ. Điều đó không có gì là nghịch lý cả; hạt mầm Thiên Chúa, khi nảy nở trên đất Việt nam thì tự nhiên thích ứng với khí hậu, phong thổ. Gần đây, tôi có đọc tác phẩm của linh mục Jacques Dournes nói về việc truyền giáo tại bộ lạc Jorai, Cao nguyên Trung phần. Sách có nhiều điểm tế nhị và sâu sắc, nhắm bảo vệ truyền thống một chủng tộc: “Cơ quan hành chánh phát cho dân Jorai hạt giống bông vải gốc Phi châu, năng suất cao hơn giống địa phương; dân Jorai đã gieo hái, nhưng chỉ một lần thôi rồi không tiếp tục. Lý do là họ phải nhuộm chỉ trước khi dệt, và thuốc nhuộm làm bằng lá cây của họ không ăn vào chỉ bông nhập cảng. Họ lại trở lại với giống bông cũ. Từ đó tôi không quên bài học bông vải” [13] . Và tôi lại càng không dám quên khi viết bài này. Theo Quách Tấn, gia đình Hàn Mặc Tử (dường như) theo Thiên Chúa từ đời nội tổ Tử, tên Phạm Bồi, vì liên can quốc sự nên đổi theo họ mẹ; rồi được một linh mục Pháp đỡ đầu, rồi lập nghiệp tại Thừa Thiên, thân sinh Hàn Mặc Tử là Nguyễn Văn Toản học Đại Chủng viện Huế, đến chức Thầy Tư rồi bỏ ra đời [14] . Ông sinh hạ được năm người con và đặt tên là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín và Hiếu. Tôi dài dòng như vậy để trình bày không khí và giáo dục gia đình nhà thơ, một mảnh đất mới đang hấp thụ đức tin, đang dần dần thấm nhuần ơn trìu mến.
Tôi là trăng cổ độ
Lượng trời rộng bao la.
Phải, lòng chàng là bến đợi. Trong những kích thước mông mênh; có thể là một trời thu man mác; có thể là một hàng cau nắng mới lên; thường thường là một đêm trăng sao đắm đuối. Vâng, như đón từ xa. Như đợi từ xa:
Cho ta nhận lấy không đền đáp
Ơn trọng thiêng liêng xuống bởi trời. (tr 44)
Nhưng chàng đã đến đáp. Bằng tất cả. Đau thương: tiếng Thơ và cuộc Sống. Chàng đã đem đến cuộc đời để trả lời ơn phước cả đang ngân vang trong màu nhiệm phủ ban đêm, một tiếng gọi của thượng tầng không khí. Từ lúc nhận điềm có tiên tri thì vũ trụ trong Gái Quê và những bài Đau Thương đầu tiên nhuốm cái ý thức nguyên tội, người lương sẽ gọi là mặc cảm tội lỗi. Những bài đó gợi cảm giác có tội trước khi phạm lỗi. Vũ Ngọc Phan và Hoài Thanh đồng ý rằng tập Gái Quê thiên về dục tình; có lẽ ta cần minh định thêm về khuynh hướng ấy. Một người chỉ xin hoa đền ngự và lòng ni cô thì dục tình… đi tới đâu? Tôi xin giải thích thêm về điểm này:
Mới lớn lên trăng đã thẹn thò
Thơm như tình ái của ni cô (tr. 29)
Tại sao trăng lại phải thẹn thò? Thẹn thò là cảm giác của Adam và vợ khi đóng khố che thân lánh mặt Đức Chúa Trời (“Gen III, 7-8”) sau khi ăn trái cấm. Adam thẹn thò vì đã phạm tội. Còn trăng việc gì mà phải thẹn thò nhất là khi mới lớn lên? Sự thẹn thò của thân thể đó, chúng ta đã thừa kế của Adam, cho nên tôi mới nói không khí rạo rực trong Gái Quê là di sản của nguyên tội. Những câu thơ Vũ Ngọc Phan cho là “gợi tình, thiên về xác thịt” [15] là một dục vọng, nhưng đồng thời cũng là một cấm đoán, một ghẻ lạnh:
Da thịt trời ơi trắng rợn mình.
Hàn Mặc Tử nhắc đến tình ái của ni cô, hay da thịt nàng dâu để gợi lên cái vô tội của mình trong một thế giới đã hư hỏng vì nguyên tội, mà mình phải gánh chịu. Ngay trong giáo lý, dục tình, tự nó, không phải là tội lỗi: “Đó là một căn bệnh, chứ không phải là tội lỗi. Tuy nhiên căn bệnh đó là hình phạt của một tội lỗi” [16] – tác giả muốn nói đó là nguyên tội; và “dục tình, bản năng sinh lý như ta thường thấy là tiếng gào phản kháng của một hình hài bị thương tổn” [17] .
Nhà thơ dự phóng những rạo rực của bản năng ra ngoài vũ trụ; cái nhìn của chàng vuốt ve, mơn trớn với yêu đương, tất cả tạo vật. Từ ánh trăng, đến cành liễu, mặt hồ, cơn gió, cho đến bài thơ của người yêu, tất cả đều có nhiều độ nồng nàn của da thịt, tất cả đều tương giao trong nguồn ái ân bởi trăm giây quyến luyến:
Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Cây lá ngây tình không muốn động
Lòng Em hồi hộp, chị Hằng ơi! (tr. 32)
Dục tình trong đoạn thơ nằm trước hết trong cách chọn chữ gợi tình, khi đi đôi với nhau như trăng và gió, trong thành ngữ phong nguyệt hay gió giăng. Hoặc trăng và hoa, hoặc liễu và hoa; trong những hình ảnh nguyệt hoa hay ghẹo nguyệt trêu hoa, hay liễu ngõ hoa tường. Đoạn thơ lại khêu gợi bằng những hình ảnh táo bạo đến suồng sã như nằm sóng soải, lả lơi, ngây tình; cuối cùng cơn mê đắm còn biểu lộ trong những ý tưởng lộ liễu đến sỗ sàng. Tất cả những chữ, những hình ảnh, những ẩn dụ, những ý tưởng đó giao thoa thành một không khí lơi lả, vừa cợt nhả vừa tinh tế, tuy có suồng sã nhưng không phải là không khéo léo. Thơ gợi tình của Hàn Mặc Tử có lẽ táo bạo vào bậc nhất trong thi ca mới; cái tài tình của ông là táo bạo đến đâu vẫn còn ý nhị. Một lối suồng sã mà không sống sượng, như ở Xuân Diệu chẳng hạn:
Hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực…
một cử chỉ, câu nói sống sượng khi tự nó, nó nói hết những điều muốn nói, và đôi khi còn nói luôn những điều không muốn nói. Ở Hàn Mặc Tử - ít ra ở những bài còn lưu truyền đến ngày nay- dù hở hang đến đâu, vẫn còn cái úp mở của một ngôn ngữ ý nhị và tính từ. Chúng ta không còn những bài thơ như Hát Giã Gạo trong tập Gái Quê đã làm cho Vũ Ngọc Phan “lợm giọng”, nhưng dù muốn dù không, ta phải công nhận nhà thơ có một quan niệm luyến ái thánh thiện, lành mạnh đến bệnh hoạn:
Cho nên tôi tưởng tối tân hôn
Chưa tới, còn xa để được buồn
Để sống trong niềm thương nhớ đã
Để còn mường tượng đến giai nhân (tr. 28)
Đọc Hàn Mặc Tử ta có cảm giác một sự giằng co giữa con người phóng túng và con người khắc khổ? Cái giọng tình của ông, dù có cợt nhả đến đâu, cũng chỉ tả một thứ tình hàm thụ, một lối ái ân không tưởng, một môi giới giữa nhân sinh và tạo vật. Nói gọn hơn, nó không thể tự mãn, trong một thế giới không tự mãn.
Vì vẫn còn là một thế giới đợi chờ, trong im lặng linh thiêng, bằng tất cả trực giác của trăm sao đắm đuối
Không một tiếng gì nghe động chạm
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng (tr. 27)
Một đêm thao thức đợi chờ Điềm Lạ, trong lòng vũ trụ còn say chìm nơi bất giác, nhưng đã được các tiên tri chuẩn bị để đón mừng Ngôi Hai.
Hàn Mặc Tử mô tả thế giới đợi chờ trước hết bằng di sản hồn nhiên của một nền văn hoá ngoại đạo nhưng niềm nở và hướng thượng, thứ đến bằng đức tin nuôi dưỡng trong Phúc Âm; hai phụ lưu sung mãn đó đã đổ vào hồn thơ Hàn Mặc Tử, như một dòng sông vừa nhận được cơn nước nguồn thác lũ bỗng phải vượt qua một địa thế hiểm nghèo: bệnh phong nan y đã biến hồn thơ hồn hậu đó thành một cuồng lưu khốc liệt, nếu không phải là một vũng nước xoáy.
Đau Thương. Tên một tập thơ, và tên một định mệnh. Hay tiếng gầm của một cuồng lưu lâm vào tuyệt địa. Chúng ta nói qua sự đau thương trong cuộc đời. Rồi trong thơ.
Hàn Mặc Tử nhuốm bệnh từ năm 1936. Hăm bốn tuổi, tuổi anh hoa đang phát tiết. “Khi biết mình mang bệnh hiểm nghèo, Tử hết sức đau đớn, đau đớn đến phát điên. Thường ngày những cơn thác loạn nổi dậy, khi nhiều khi ít. Nhưng ngày rồi ngày, nỗi đau khổ hết phát hiện ra ngoài một cách bồng bột, thì lại ăn sâu vào tâm hồn ngấm ngầm nung nấu nạn nhân, nung nấu đến tột độ” [18] . Hàn Mặc Tử nhiều lần mô tả những đớn đau của thân xác:
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên (tr. 53)
Bên cạnh những hành hạ của bệnh trạng, Hàn Mặc Tử còn phải đương đầu với hai hậu quả khác của hoàn cảnh: nghèo túng và tuyệt vọng vì tình. “Hiện nay Trí về ở tạm nhà. Cái nguyên nhân là không tiền uống thuốc.” “Bữa nay Trí xuống nhà bà thầy thuốc rồi. Có một mái nắng dọi nhiều quá. Cả chiều nếu ở trong nhà thì phải đội mũ” [19] . Chúng ta còn có nhiều tài liệu khác về nỗi cùng khốn của nhà thơ, qua những bức thư gửi Trần Thanh Địch. Về cuộc tình duyên đau khổ với Mộng Cầm, chúng ta cũng có nhiều tài liệu. Đại khái hai bên yêu nhau khăng khít, thề bồi dữ dội lắm, hẹn hò nhau từ Phan Thiết ra đến Qui Nhơn; khi Hàn Mặc Tử chịu tang cho anh, thì Mộng Cầm tự xin phép được “thành tâm cư tang cho ông anh một năm cũng như anh, nghe anh” vì “người cầm bút biên mấy hàng trên đây là người em dâu chắc chắn, nhất định của ông anh rồi. Vậy ông anh nên phù hộ cho chúng em thương nhau cho đến bạc đầu” [20] . Khi biết chàng lâm trọng bệnh, thì nàng “thề” bồi lại một lần nữa đậm đà hơn.”20 Để rồi sáu tháng sau nàng đi lấy chồng. Trần Thanh Mại cho rằng nàng không đáng trách. “Duy có cái nàng lấy chồng hơi gấp đấy thôi.” [21] Quách Tấn cũng cho biết là thái độ của Mộng Cầm đã gây ra cho nhà thơ “một nỗi buồn thương vô hạn”, “một phản ứng mãnh liệt”, những tiếng kêu rên thống thiết”. [22]
Trời hỡi nhờ ai cho khỏi đói?
Gió trăng có sẵn làm sao ăn?
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phũ phàng?
(Trần Thanh Mại, tr. 95)
Tiếng kêu trầm thống đó chất chứa cả kiếp cùng khốn vật chất lẫn tinh thần, cho đến ngày bị con bệnh tàn phá đến thảm thê, theo thư một người bạn thân, cùng bị hủi, kể lại “hai mắt nằm lọt vào sâu hai lỗ hũm sâu hóm, đến không còn mở ra được. Thân hình chỉ còn có da bọc lấy xương, chân tay thì co rút lại, mà đầu tóc bù xù rối trết lại từng về, trong ấy nhô nhúc những chí là chí” (thư của ông N. V. Xê, đề tại Quy Hoà ngày 25-6-1941) [23] . Tôi tưởng không có gì thê thảm hơn tình trạng băng hoại đó. Ấy thế mà Hàn Mặc Tử can đảm chịu đựng cái cảnh làm ta phải rùng mình, vui vẻ chịu đựng nữa là khác: Tuy cực khổ thế mà tôi vẫn an vui, ngày nào cũng có cười cả. Nếu không cười với ai, thì cười một mình, xem ra thú vị không biết mấy [24] . Niềm an vui đó, Trần Thanh Mại, người biết cuộc đời thật của nhà thơ cho là “yêu quái” là “kinh dị”. Còn Vũ Ngọc Phan chỉ biết Hàn Mặc Tử qua một số thi phẩm cũng không khỏi ngạc nhiên: “một người mang bệnh rất đau đớn mà có một tâm thần thư thái, bình tĩnh như thế, thật cũng lạ” [25] . An vui của Hàn Mặc Tử không phải là cay đắng, gượng gạo, có khi nổ tung ra trong những câu thơ hớn hở:
Hôm nay vui quá Anh Phùng ơi
Buồn xa không đến, lệ không rơi
Buồn không thắt ruột, tình không lại
Cười nói làm sao cho hả hơi?
(Trần Thanh Mại, tr. 122)
Họ Trần phê bình là: “Đau thương giam cầm không kỹ, thoát lọt ra trong một biến thể mới, dị kỳ, quái gở, thật đáng rùng mình”. Sở dĩ ông không hiểu can đảm của bệnh nhân, theo tôi, là vì ông không hiểu được sức mạnh của đức tin trong con người Hàn Mặc Tử. Khi đề cập đến vấn đề này, Hoài Thanh, cũng là người ngoại đạo, nhưng tinh tường hơn Trần Thanh Mại, thừa nhận ngay “Thiếu lòng tin tôi chỉ là du khách bỡ ngỡ” [26] còn họ Trần thì cứ phán đoán ầm ĩ cả lên. Nhưng nhờ có ông mà chúng ta được một dữ kiện về đời sống tín ngưỡng của nhà thơ: “Trong khi sưu tầm tài liệu về nhà thi sĩ, tôi có tìm thấy trong một nhà trọ của chàng, một mẩu báo dán trên khung cửa sổ tre, đã nhàu nát vàng vọt, và nhìn lối in chữ và hình ảnh tôi biết ngay là báo Vì Chúa. Đoạn bài đăng trên mẩu báo ấy nói về nguồn an ủi trong bệnh tật cho rằng sự đau ốm là do đức Chúa Trời ban xuống cho ta, để thử lòng ta, nên chẳng những là ta phải chịu một cách nhẫn nhịn mà còn nên vui vẻ bằng lòng nữa.” [27] Căn cứ trên đoạn này tôi cho rằng tác giả không mấy thông thạo giáo lý Gia-tô giáo. Nếu bài báo ấy có thật – Vì họ Trần mãi cho đến ngày nay ở Hà Nội vẫn có cái cố tật rất bậy là ưa bịa đặt tài liệu. [28] – thì chúng ta rất tiếc rằng họ Trần không trích dẫn chính xác, cho biết rõ xuất xứ, tìm xem báo Vì Chúa số mấy, ngày mấy…, hoặc ít nhất cũng cho ta nguyên văn. Vì theo kiến thức thô thiển của tôi, thì không có kinh sách nào dạy rằng “sự đau ốm là do đức Chúa Trời ban” và chúng ta phải “vui vẻ bằng lòng”. Nhưng vấn đề ở đây không phải là cãi nhau về giáo lý, vừa ngoài phạm vi bài viết và thẩm quyền của tôi. Vấn đề là, như Trần Thanh Mại đã nói, đức tin “đã có ảnh hưởng tốt đẹp đối với chàng”. Quách Tấn xác nhận điều này: “Tử tìm được nguồn an ủi lớn nhất trong nguồn Đạo. Khi đã sống cùng Đạo thì tâm hồn Tử hết bị ray rứt dày vò” [29] . Chính nhà thơ đã kể lại một ngày bệnh tật của mình: “Lại đọc kinh, lại ngâm thơ, lại làm thơ, lại nhớ, lại nằm. Buổi tối khi ăn xong, cũng vừa đi bách bộ vừa ngâm thơ một cách sung sướng nhất đời. Cả ngày chỉ ngâm thơ và đọc kinh là nhiều hơn cả. Ngày nào cũng như ngày ấy, không thấy buồn lắm, và ngày nào cũng mong mỏi một cái gì…” [30] Đối với Hàn Mặc Tử, Thơ là Đạo và Đạo là Thơ, Thơ đã đạt tới Đạo và Đạt để đi tới Thơ, hoặc như Hoài Thanh đã nhận xét chí lí: “Thơ chẳng những để ca tụng Thượng Đế mà cũng để nối liền người ta với Thượng Đế.” [31]
Thơ đưa về Đạo, là nẻo đường đưa đến Con Đường. Thơ là giải pháp tạm thời của Đau Thương, trong khi chờ đợi Đạo và Cứu Rỗi miên viễn. Ngày nào cũng mong mỏi một cái gì. Nếu Gái Quê, như tôi đã trình bày ở đoạn trên, là thế giới đợi chờ Điềm Lạ, đợi chờ chúa Ra đời thì Đau Thương làm một tâm hồn mong mỏi Ngày Chúa trở lại (“Mt” 24-42) Hàn Mặc Tử chấp nhận bệnh tật không phải là vì “do đức Chúa Trời ban xuống” như Trần Thanh Mại đã nói nhưng trước hết vì nó là hậu quả tất nhiên của nguyên tội và thứ đến vì nó là phương tiện thân xác mà Chúa đã dùng để cứu thế. Linh mục Charles Journet, giáo sư Đại Chủng Viện Fribourg đã trình bày vấn đề một cách mạch lạc và nhất quán trong tác phẩm về thống khổ: “Chúng ta xem khổ ải của thân xác như một mãnh lực hợp-cứu-thế vì chúng ta tham dự vào đau đớn và huyết mạch của Chúa Kitô. Vậy không có vấn đề đau đớn mà chỉ có huyền nhiệm đau đớn của Chúa Kitô và trong sự tham dự của chúng ta. Như vậy không nên nói đến chấp nhận Đau Thương mà chỉ nên nói đến gia nhập vào công đức cứu rỗi chúng ta không chấp nhận (accepter) vì nó là một định luật của thể xác; chúng ta thu nhận (adopter) vì nó nối liền bản thân Thiên-Chúa-hiện-làm-người.” [32]
Đoạn trên rọi sáng lời truyền dạy của sứ đồ Saint Paul trong thư gởi cho người La-mã: “Những đau khổ hiện tại không có nghĩa lý gì so với những vinh hiển phải được thể hiện trong mỗi chúng ta. Mỗi hình hài chờ đợi là một khát vọng sự thể hiện con cái đức Chúa Trời, với Mơ Ước được giải thoát ra khỏi hư nát, và đạt tới tự do vinh hiển của con cái đức Chúa Trời. Vì chúng ta biết rằng hình hài, đến nay vẫn rên xiết trong công trình thai nghén” (“Rom”, VIII, 18-32). Đau Thương hôm nay là thai nghén cho ngày mai, thai nghén một mùa Xuân Như Ý, Người đi trong Mơ Ước… Người Ki tô giáo quan niệm đau thương như một huyền nhiệm, nhưng hữu hạn, trước Thượng Đế là một huyền nhiệm,vô hạn. Tôi thành thật nghĩ rằng Hàn Mặc Tử đã an vui được trong Đau Thương - một hoàn cảnh thể xác, vật chất và tinh thần làm chúng ta phải rùng mình - là nhờ huyền nhiệm đó, nhờ sức mạnh của xác tín. Có lẽ xác tín đó, cộng với bệnh trạng, đã tạo một linh thị cho nhà thơ. Trần Thanh Mại và Quách Tấn đồng ý “là mỗi lần chàng chết đi sống lại (trong mấy năm bệnh chàng bị chết đi sống lại đến bốn năm lần) là chàng đều cảm thấy có bà Thánh Nữ Đồng Trinh Maria đến cứu” [33] . Theo Quách Tấn thì bài thơ trứ danh “Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh” được viết khi Tử sống lại, trong cảnh đó [34] .
Dù cho rằng mộng mị chỉ là một biến thể của bệnh trạng, thì dưới ánh sáng của khoa phân tâm, ta có thể đi đến cội rễ của mộng mị, dù xa lạ đến đâu. Cội rễ ở đây, là xác tín trong tâm hồn Hàn Mặc Tử, người đã cam chịu hư nát để chuẩn bị một vinh hiển. Thật ra, niềm tin vào cuộc sinh tồn mai hậu, của linh hồn, ở một thế giới khác, không phải đặc biệt của Thiên Chúa giáo. Trong hầu hết các tín ngưỡng tự nhiên của dân gian, nước nào cũng vậy, đều có mầm hy vọng ở một đời sống khác. Chỉ nói đến vòng đai tôn giáo chung quanh Thiên Chúa, chúng ta đã có thể kể đến tư tưởng Assyrien, Babylonien, và nhất là Ai-cập, đều có niềm tin đó, như muốn Ra không gian và vượt hẳn thượng tầng. Đức tin của Hàn Mặc Tử không phải ở chỗ mong hồn tới tấp ở ngoài kia vũ trụ, mà ở chỗ tìm gặp Một Người ở cõi quá thinh gian; Hàn Mặc Tử tìm tới chốn chiêm bao ngoài sự thực không phải vì chiêm bao đẹp hơn sự thực vì ứ đầy hơi khoái lạc mà chỉ vì:
Vì có đấng hằng Sống, hằng Ngự Trị
Nhạc thiêng liêng dồn trổi khắp hư linh (tr. 59)
Bài “Ngoài Vũ Trụ”, mà tôi đã trích các câu trên, tiếp theo hai bài “Hồn lìa khỏi xác” và “Siêu thoát” soi sáng ý nghĩa của những bài Đau Thương và báo hiệu cho Quần Tiên Hội, Cẩm Châu Duyên và Xuân Như Ý. Vậy ta có thể đề cập đến một kiến trúc trong thi phẩm của Hàn Mặc Tử không? Đặt dấu hỏi vì tôi ngờ rằng sự sắp xếp thứ lớp trong tập thơ không phải do thi sĩ, mà những người phụ trách tái bản thơ ông, tức là Quách Tấn hay Hoàng Trọng Miên gì đó. Do đó, tôi không dám dựa trên trật tự cụ thể của tập thơ để nói đến kiến trúc, như Marcel Ruf đã nói về “Architecture Secrète” khi trình bày nhất quán thi phẩm Les Fleurs du Mal của Baudelaire. Tôi vẫn theo lối sắp xếp trong ấn bản Tân Việt, vì nó phản ảnh thứ tự biên niên trong quá trình sáng tác; tôi nghĩ ai bác bỏ thuyết cho rằng Gái Quê sáng tác trước Đau Thương; và Cẩm Châu Duyên, Duyên Kỳ Ngộ sáng tác sau cùng thời kỳ nhà thơ biết Thương Thương. Nhưng dù sao tôi cũng dè dặt mong các nhà biên khảo sau này có nhiều sử liệu đích xác hơn tôi, sẽ đào sâu cơ cấu mạch lạc của vũ trụ Hàn Mặc Tử, trên bình diện này hay bình diện khác, hoặc trong nguồn sáng tạo toàn diện thì càng đẹp.
[1]Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, III, 1942 - ấn bản 1951, n.x.b Vĩnh Thịnh, Hà Nội, tr. 325.
[2]Hoài Thanh và Hoài Chân, Thi Nhân V.N., Thiều Quang tái bản, Sài Gòn. 1967, tr. 204.
[3]Văn, số đặc biệt H.M. Truyện Kiều, 73-74, ngày 7-1-1967, tr. 139.
[4]Trần Thanh Mại, Hàn Mặc Tử, Tân Việt tái bản, Sài Gòn, 1957.
[5]Vũ Ngọc Phan, sđd, tr. 63-83.
[6]Quách Tấn, Văn, sđd, tr.141-148
[7]Thơ Hàn Mặc Tử đều trích từ ấn bản Tân Việt, Sài Gòn, 1959 - ấn bản này không đánh số trang, tôi dựa theo mục lục mà ghi số trang, để bạn đọc dễ kiểm chứng.
[8]Huỳnh Phan Anh, Văn số 73-74 đã dẫn
[9]Vũ Ngọc Phan, sđd, tr. 332
[10]Hoài Thanh và Hoài Chân, sđd, tr. 212
[11]Hoài Thanh và Hoài Chân, sđd, tr. 211
[12]Văn, số đặc biệt HMT, đã dẫn, tr. 120
[13]Jacques Dournes, Dieu Aime les Paiens, Aubier, 1963, tr. 149
[14]Văn, sđd, tr. 47
[15]Vũ Ngọc Phan, sđd, tr. 326
[16]J. E. KERNS. S. J, Les Chrétiens, Le Mariage et la Sexualité. Edit du Cerf, 1966, Paris, tr. 93
[17]J. E. KERNS, S.J, sđd, tr. 94
[18] Quách Tấn, Văn, sđd, tr. 81
[19]Trần Thanh Mại, sđd, tr. 73
[20]Thư MC, do Trần Thanh Mại trích, sđd, tr. 94
[21]Trần Thanh Mại, sđd, tr. 95
[22]Quách Tấn, Văn, sđd, tr. 88
[23]Trần Thanh Mại, sđd, tr. 193
[24]Trần Thanh Mại, sđd, tr. 121
[25]Vũ Ngọc Phan, sđd, tr. 330
[26]Hoài Thanh và Hoài Chân, sđd, tr. 212
[27]Trần Thanh Mại, sđd, tr. 120.
[28]Nguyễn Công Hoan, tạp chí Văn Nghệ Hà Nội số 67, Tháng 12-1962 và 68 tháng 1-1963 về Tú Xương. Tôi có thể đề cập tới trong Bns Văn số 163 ngày 1-10-1970.
[29]Quách Tấn, Văn, sđd, tr. 120
[30]Trần Thanh Mại trích, sđd, tr. 120
[31]Hoài Thanh và Hoài Chân, sđd, tr. 211
[32]Charles Journet, Le Mal, essai théologique, tủ sách giáo lý, Descleé de Brouwer, Bruges, tr. 271
[33]Trần Thanh Mại, sđd, tr. 130
[34]Quách Tấn, Văn, sđd, tr. 75
Vũ trụ thơ
Nguyễn Du, Bà huyện Thanh Quan, Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng
Đức tin trong hồn thơ Hàn Mặc Tử
HÀN MẶC TỬ tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22 tháng 9 năm 1912, tại Lệ Mỹ, tỉnh Đồng Hới, Trung Việt.
Học tại Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Huế, tới năm thứ ba ban Thành chung. Làm sở đạc điền được ít lâu, sau bị bịnh, bỏ sở. Vô Nam, làm báo một thời gian rồi bỏ về Qui Nhơn.
Bắt đầu làm thơ Đường từ năm mười lăm tuổi (ký nhiều bút hiệu: Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh…). Đã đăng thơ trên các báo Phụ nữ Tân văn, Sàigòn, Trong Khuê phòng, Đông Dương Tuần báo, Tân thời, Người mới… Chứng bịnh phong cùi hiểm nghèo đã đem đến cho Hàn Mặc Tử nhiều thi tứ cao siêu, thanh thoát, như một vùng trú ẩn cần thiết cho cõi linh hồn đau khổ triền miên.
Tác phẩm của ông đã được xuất bản, có: Gái quê (Tân Dân Hà Nội, 1936, tựa của Phạm văn Ký); Thơ Hàn Mặc Tử (Đông Phương, Hà Nội, 1942, tranh vẽ của Phạm Tú).
Tại trại hủi Qui Hoà, tỉnh Qui Nhơn, Hàn Mặc Tử trút linh hồn ngày 11 tháng 11 năm 1940, hưởng dương 28 tuổi. Cái chết yểu của ông là một thiệt thòi lớn cho nền văn học đất nước, vì ông được coi như một nguồn thơ tinh khôi và kỳ lạ bậc nhất trong thi sử hiện đại.
*
Hàn Mặc Tử mất ngày 11 tháng 11 năm 1940. Từ 1942, Vũ Ngọc Phan đã nhận xét: “Từ ngày Hàn Mặc Tử từ trần đến nay, mới trong khoảng hai năm trời, mà người ta đã người ta đã nói rất nhiều, viết rất nhiều về Hàn Mặc Tử…” [1]
Và đến nay, bao nhiêu giấy mực đã được dành cho nhà thơ bạc mệnh. Có lẽ ở miền Nam, Hàn Mặc Tử là thi sĩ được nhắc nhở nhiều nhất. Tôi chỉ e rằng dù vậy sự hiểu biết của chúng ta về thi tài đó vẫn không tiến bộ được bao nhiêu. Có lẽ lại lùi lại nữa là khác. Năm 1941, Hoài Thanh muốn nói đến Hàn Mặc Tử đã hỏi mượn thơ do Trần Thanh Địch giữ [2] . Cùng năm đó, khi viết cuốn Hàn Mặc Tử, có lẽ Trần Thanh Mại cũng dùng nguồn tài liệu đó, tức là của em mình. Ngày nay, ngoài tập Thơ Hàn Mặc Tử mỏng manh của nhà xuất bản Tân Việt, chúng ta không còn thi liệu nào khác. Chính Quách Tấn, bạn thân, ân nhân, người đã được nhà thơ ký thác trọn vẹn tác phẩm, cũng tỏ vẻ không có nhiều tài liệu hơn chúng ta. Trong bài nói về nhà thơ quá cố đăng trên Văn, Quách Tiên sinh, khi trích thơ Hàn Mặc Tử đã làm một việc mà ai cũng làm được, như Vũ Ngọc Phan đã làm, nghĩa là trích từ tập thơ thiếu sót kia, hay trích lại của Trần Thanh Mại và Hoài Thanh - trừ vài bài tứ tuyệt không mấy quan trọng. Lý do rất giản dị: chiến tranh đã làm thất lạc hết tài liệu, mặc dù Quách Tấn giữ gìn cẩn thận, sao nhiều bản gửi Bộ Giáo dục Nam triều thời đó và tất cả bạn bè của Tử [3] . Như vậy trong mọi hành trình vào tác phẩm Hàn Mặc Tử, chúng ta sẽ giẫm chân tại chỗ, đua nhau kể cuộc đời ái tình và sự nghiệp của nhà thơ – dĩ nhiên là éo le gay cấn, nhưng không giúp hiểu thêm nhà thơ bao nhiêu - trừ một vài bài quan trọng; như của Quách Tấn trên số Văn thượng dẫn; ngoài việc đưa ra một số sự kiện chung quanh việc sáng tạo của Hàn Mặc Tử còn bổ chính nhiều điều do Trần Thanh Mại kể trong cuốn biên khảo về Hàn Mặc Tử [4] xưa nay vốn là tài liệu tham khảo căn bản cho mọi người về cuộc tranh tụng giữa hai họ Quách và Trần năm 1942, thì chúng tôi không có ý kiến gì. Nhưng xin tán đồng Quách Tấn về hai điểm: thứ nhất là Trần Thanh Mại ẩu, thứ hai là ông không hiểu thơ, và cứ ưa phê bình thơ, và Vũ Ngọc Phan cũng đồng ý như vậy [5] . Tuy nhiên, nếu không có cái ẩu, cái trích dẫn bừa bãi của họ Trần, thì các nhà nghiên cứu - kể cả Quách Tấn - lấy đâu ra thơ Hàn Mặc Tử để tham khảo, sau khi người giữ bản quyền để thất lạc hết di thảo? Tưởng khi nhắc đến chuyện ba mươi năm về trước, Quách Tiên sinh không nên chua cay mới công bình [6] .
Chúng tôi trình bày những khó khăn về tài liệu đó là có ý rào đón những thiếu sót trong bài này, khi đề cập đến một đề tài hệ trọng và bao quát: đức tin Thiên Chúa giáo trong thơ Hàn Mặc Tử. Chúng tôi không khám phá ra điều gì mới mẻ, mà chỉ khai triển một nhận xét của ông Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh… cách đây mấy mươi năm. Chúng tôi chỉ đào sâu thêm tác phẩm để có một cái nhìn nhất quán trên toàn thể thi phẩm. Thay vì trích dẫn những câu có hình thức Thiên Chúa giáo như Maria, linh hồn tôi… thì tôi cố chứng minh là kiến trúc toàn bộ của thơ Hàn Mặc Tử đều vang dội lời truyền giảng của Phúc Âm. Bài báo chia làm năm phần:
Nhận định tổng quát
Gái quê: Thế giới đợi chờ
Đau thương: con người sáng tạo và mơ ước
Xuân như ý: Thế giới khải huyền.
“Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn… Thôi mời cô cứ vào… Ánh sáng tạ trong thơ tôi…” [7] (tr.8)
Đối với Hàn Mặc Tử thơ và đời sống là một bất khả phân, nhất là khi lâm trọng bệnh. Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú (tr.8). Tác phẩm của Hàn mang tên Đau Thương vì nó là Đau thương, nó là “kinh nghiệm trước hết của một con người, một thực tại con người ngay trong thân phận” [8] . Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Có lẽ ông là người Việt nam ca ngợi Thánh nữ Đồng trinh Maria và Chúa Jésus bằng thơ trước nhất. Ông ca tụng đạo Gia-tô rất chân thành. Lần này cũng là lần đầu, thi ca VN thấy được một nguồn hứng mới” [9] . Hoài Thanh nới rộng đến vấn đề tương quan giữa tôn giáo và dân tộc, “Thơ Hàn Mặc Tử ra đời, điều ấy chứng tỏ đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra cái không khí có thể kết tinh lại thành thơ. Tôi tin rằng chỉ những tình cảm có thể diễn ra thơ mới thiệt là những tình cảm đã thấm tận đáy hồn đoàn thể”. Nhận xét này của một kẻ “thiếu lòng tin, du khách bỡ ngỡ” [10] là Hoài Thanh mang một ý nghĩa đặc biệt, trong Gia-tô giáo Việt Nam niềm tin Thiên Chúa đã trở thành một niềm tin thuần túy Việt Nam. Và thơ Hàn Mặc Tử đã chứng thực điều đó: một đức tin Việt Nam ở Thiên Chúa, diễn đạt bằng một ngôn ngữ Việt nam: ngôn ngữ của thi ca. Đó là điều tôi muốn trình bày qua một dàn bài bình dị. Tôi chỉ khai triển thêm một câu của Hàn Mặc Tử trong lời “Tựa”: Người đang say sưa đi trong Mơ Ước, trong Huyền Diệu, trong Sáng Láng và vượt hẳn ra ngoài Hư Linh… (tr.7) trong đó người đọc gặp lại những chủ đề cương lĩnh của Kinh Thánh: một vũ trụ ngây thơ đổ vỡ vì nguyên tội; những khổ hạnh của thân xác như một kinh nghiệm của Mơ Ước và Huyền Diệu; để vươn tới một thế giới khác sáng láng ngoài Hư linh, thế giới của Phục Sinh, của Khải Huyền. Ba giai đoạn đó là cơ cấu của đời thơ Hàn Mặc Tử. Vũ trụ Gái Quê đã sụp đổ trong Đau Thương mà nhà thơ đã chịu đựng để đợi sống lại một mùa Xuân Như Ý.
Ai nói vườn trăng là nói vườn mơ. Ai nói bến mộng là bến tình. Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo. Trên đầu người là cao cả, vô biên và vô lượng; chung quan người là mơn mớn với yêu đương…
Những dòng mở tác phẩm không khỏi làm ta nhớ đến thiên “Sáng Thế Ký” mở đầu Cựu Ước. Nhưng vườn, đây không nằm ở hướng đông như vườn Eden (“Gen II.8”), mà chỉ là một vườn mơ, bến mộng, niềm nhớ nhung đằng đẵng về một hạnh phúc nguyên thủy. Hạnh phúc của nguồn trong trẻo mà loài người phải từ giã ra đi, và bị cấm cản đường về (“Gen III, 24”). Nguồn ở đây là dòng sông trước khi chia làm 4 nhánh, tưới vườn Eden bằng tình yêu cao cả, vô biên và vô lượng, chưa bị giới hạn vì nguyên tội, khi con người chưa khó nhọc, chưa đổ mồ hôi, chưa biết chông gai và mùi cát bụi (“Gen III 17, 18 và 19”). Bài tựa của Hàn Mặc Tử đã mơ ước khôi phục lại mùa xuân trinh nguyên của ngày sáng thế, đầy thinh sắc, tinh hoa và châu báu, như nhũ hương và bích ngọc bên bờ nhánh sông thứ nhất (“Gen II, 12”). Thơ Hàn, cũng như lòng lê thứ, nói như Pascal, là niềm hoài vọng bất lực về một hạnh phúc sơ khai, một tráng lệ đã phôi pha
Còn đâu tráng lệ những thời xanh
Mùi vị thơm tho một ái tình
Đố kiếm cho ra trong lớp bụi
Ít nhiều hơi hám của kiên trinh (tr. 32)
Sau khi phạm trái cấm, loài người không mang nguyên tội ra khỏi địa đàng rồi dựng lại một bình an khác. Với tội kiêu căng, loài người phải chịu bao nhiêu hưng phế: từ Hồng Thủy cho đến cơn thịnh nộ của Thiên Chúa hủy hoại tháp Babel, thành Sodome và Gomorrhe, bao nhiêu lớp bụi phế hưng đã lấp mất cánh đồng xanh lẫn hơi hám của kiên trinh
Hồn xưa tự ấy không về nữa
Ở cõi hư vô dấu đã chìm (tr. 32)
Dân Do-thái, lưu linh còn hy vọng có ngày tìm về đất Hứa, còn con người đã vĩnh viễn đánh mất tất cả tráng lệ của thời xanh. Nhưng thơ Hàn Mặc Tử vẫn là một mơ ước, một đón đợi, như Cựu Ước là sự chờ đón đấng Cứu Thế. Trong Gái Quê và những bài đầu Đau Thương, thơ là niềm mong đợi
Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về (tr. 21)
Ngày xuân mong đợi đó còn thuần lương, còn là một mùa xuân ngoại đạo - một thứ printemps païen - hồn nhiên và vô tư lự, như tất cả những hội hè của mùa xuân Việt Nam.
Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý – Bóng xuân sang
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.
Cái hồn hậu đó, như Hoài Thanh đã nói “chỉ là một mùa xuân đầu năm” [11] , tôi nói thêm là một u minh đợi chờ để nở lên một mùa xuân sáng thế “hồi trời đất mới dựng lên” hay mùa xuân tái tạo “ra đời một lần với chúa Jesus” 11.
Khác biệt đó không có gì mâu thuẫn và Hoài Thanh cũng không cần ngại người đồng đạo với nhà thơ sẽ “khó dễ vì một hai dấu tích Phật giáo còn sót lại”10. Quách Tấn còn cực đoan hơn: “Tôi nhận thấy vang bóng của đạo Phật có phần đậm hơn đạo Thiên Chúa” [12] . Sự phân lượng e rằng khó chính xác nhưng vết tích Phật giáo và ngay cả Lão giáo, Khổng giáo trong thơ Hàn Mặc Tử đậm đà, từ trong rung cảm đến ngôn ngữ. Điều đó không có gì là nghịch lý cả; hạt mầm Thiên Chúa, khi nảy nở trên đất Việt nam thì tự nhiên thích ứng với khí hậu, phong thổ. Gần đây, tôi có đọc tác phẩm của linh mục Jacques Dournes nói về việc truyền giáo tại bộ lạc Jorai, Cao nguyên Trung phần. Sách có nhiều điểm tế nhị và sâu sắc, nhắm bảo vệ truyền thống một chủng tộc: “Cơ quan hành chánh phát cho dân Jorai hạt giống bông vải gốc Phi châu, năng suất cao hơn giống địa phương; dân Jorai đã gieo hái, nhưng chỉ một lần thôi rồi không tiếp tục. Lý do là họ phải nhuộm chỉ trước khi dệt, và thuốc nhuộm làm bằng lá cây của họ không ăn vào chỉ bông nhập cảng. Họ lại trở lại với giống bông cũ. Từ đó tôi không quên bài học bông vải” [13] . Và tôi lại càng không dám quên khi viết bài này. Theo Quách Tấn, gia đình Hàn Mặc Tử (dường như) theo Thiên Chúa từ đời nội tổ Tử, tên Phạm Bồi, vì liên can quốc sự nên đổi theo họ mẹ; rồi được một linh mục Pháp đỡ đầu, rồi lập nghiệp tại Thừa Thiên, thân sinh Hàn Mặc Tử là Nguyễn Văn Toản học Đại Chủng viện Huế, đến chức Thầy Tư rồi bỏ ra đời [14] . Ông sinh hạ được năm người con và đặt tên là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín và Hiếu. Tôi dài dòng như vậy để trình bày không khí và giáo dục gia đình nhà thơ, một mảnh đất mới đang hấp thụ đức tin, đang dần dần thấm nhuần ơn trìu mến.
Tôi là trăng cổ độ
Lượng trời rộng bao la.
Phải, lòng chàng là bến đợi. Trong những kích thước mông mênh; có thể là một trời thu man mác; có thể là một hàng cau nắng mới lên; thường thường là một đêm trăng sao đắm đuối. Vâng, như đón từ xa. Như đợi từ xa:
Cho ta nhận lấy không đền đáp
Ơn trọng thiêng liêng xuống bởi trời. (tr 44)
Nhưng chàng đã đến đáp. Bằng tất cả. Đau thương: tiếng Thơ và cuộc Sống. Chàng đã đem đến cuộc đời để trả lời ơn phước cả đang ngân vang trong màu nhiệm phủ ban đêm, một tiếng gọi của thượng tầng không khí. Từ lúc nhận điềm có tiên tri thì vũ trụ trong Gái Quê và những bài Đau Thương đầu tiên nhuốm cái ý thức nguyên tội, người lương sẽ gọi là mặc cảm tội lỗi. Những bài đó gợi cảm giác có tội trước khi phạm lỗi. Vũ Ngọc Phan và Hoài Thanh đồng ý rằng tập Gái Quê thiên về dục tình; có lẽ ta cần minh định thêm về khuynh hướng ấy. Một người chỉ xin hoa đền ngự và lòng ni cô thì dục tình… đi tới đâu? Tôi xin giải thích thêm về điểm này:
Mới lớn lên trăng đã thẹn thò
Thơm như tình ái của ni cô (tr. 29)
Tại sao trăng lại phải thẹn thò? Thẹn thò là cảm giác của Adam và vợ khi đóng khố che thân lánh mặt Đức Chúa Trời (“Gen III, 7-8”) sau khi ăn trái cấm. Adam thẹn thò vì đã phạm tội. Còn trăng việc gì mà phải thẹn thò nhất là khi mới lớn lên? Sự thẹn thò của thân thể đó, chúng ta đã thừa kế của Adam, cho nên tôi mới nói không khí rạo rực trong Gái Quê là di sản của nguyên tội. Những câu thơ Vũ Ngọc Phan cho là “gợi tình, thiên về xác thịt” [15] là một dục vọng, nhưng đồng thời cũng là một cấm đoán, một ghẻ lạnh:
Da thịt trời ơi trắng rợn mình.
Hàn Mặc Tử nhắc đến tình ái của ni cô, hay da thịt nàng dâu để gợi lên cái vô tội của mình trong một thế giới đã hư hỏng vì nguyên tội, mà mình phải gánh chịu. Ngay trong giáo lý, dục tình, tự nó, không phải là tội lỗi: “Đó là một căn bệnh, chứ không phải là tội lỗi. Tuy nhiên căn bệnh đó là hình phạt của một tội lỗi” [16] – tác giả muốn nói đó là nguyên tội; và “dục tình, bản năng sinh lý như ta thường thấy là tiếng gào phản kháng của một hình hài bị thương tổn” [17] .
Nhà thơ dự phóng những rạo rực của bản năng ra ngoài vũ trụ; cái nhìn của chàng vuốt ve, mơn trớn với yêu đương, tất cả tạo vật. Từ ánh trăng, đến cành liễu, mặt hồ, cơn gió, cho đến bài thơ của người yêu, tất cả đều có nhiều độ nồng nàn của da thịt, tất cả đều tương giao trong nguồn ái ân bởi trăm giây quyến luyến:
Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Cây lá ngây tình không muốn động
Lòng Em hồi hộp, chị Hằng ơi! (tr. 32)
Dục tình trong đoạn thơ nằm trước hết trong cách chọn chữ gợi tình, khi đi đôi với nhau như trăng và gió, trong thành ngữ phong nguyệt hay gió giăng. Hoặc trăng và hoa, hoặc liễu và hoa; trong những hình ảnh nguyệt hoa hay ghẹo nguyệt trêu hoa, hay liễu ngõ hoa tường. Đoạn thơ lại khêu gợi bằng những hình ảnh táo bạo đến suồng sã như nằm sóng soải, lả lơi, ngây tình; cuối cùng cơn mê đắm còn biểu lộ trong những ý tưởng lộ liễu đến sỗ sàng. Tất cả những chữ, những hình ảnh, những ẩn dụ, những ý tưởng đó giao thoa thành một không khí lơi lả, vừa cợt nhả vừa tinh tế, tuy có suồng sã nhưng không phải là không khéo léo. Thơ gợi tình của Hàn Mặc Tử có lẽ táo bạo vào bậc nhất trong thi ca mới; cái tài tình của ông là táo bạo đến đâu vẫn còn ý nhị. Một lối suồng sã mà không sống sượng, như ở Xuân Diệu chẳng hạn:
Hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực…
một cử chỉ, câu nói sống sượng khi tự nó, nó nói hết những điều muốn nói, và đôi khi còn nói luôn những điều không muốn nói. Ở Hàn Mặc Tử - ít ra ở những bài còn lưu truyền đến ngày nay- dù hở hang đến đâu, vẫn còn cái úp mở của một ngôn ngữ ý nhị và tính từ. Chúng ta không còn những bài thơ như Hát Giã Gạo trong tập Gái Quê đã làm cho Vũ Ngọc Phan “lợm giọng”, nhưng dù muốn dù không, ta phải công nhận nhà thơ có một quan niệm luyến ái thánh thiện, lành mạnh đến bệnh hoạn:
Cho nên tôi tưởng tối tân hôn
Chưa tới, còn xa để được buồn
Để sống trong niềm thương nhớ đã
Để còn mường tượng đến giai nhân (tr. 28)
Đọc Hàn Mặc Tử ta có cảm giác một sự giằng co giữa con người phóng túng và con người khắc khổ? Cái giọng tình của ông, dù có cợt nhả đến đâu, cũng chỉ tả một thứ tình hàm thụ, một lối ái ân không tưởng, một môi giới giữa nhân sinh và tạo vật. Nói gọn hơn, nó không thể tự mãn, trong một thế giới không tự mãn.
Vì vẫn còn là một thế giới đợi chờ, trong im lặng linh thiêng, bằng tất cả trực giác của trăm sao đắm đuối
Không một tiếng gì nghe động chạm
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng (tr. 27)
Một đêm thao thức đợi chờ Điềm Lạ, trong lòng vũ trụ còn say chìm nơi bất giác, nhưng đã được các tiên tri chuẩn bị để đón mừng Ngôi Hai.
Hàn Mặc Tử mô tả thế giới đợi chờ trước hết bằng di sản hồn nhiên của một nền văn hoá ngoại đạo nhưng niềm nở và hướng thượng, thứ đến bằng đức tin nuôi dưỡng trong Phúc Âm; hai phụ lưu sung mãn đó đã đổ vào hồn thơ Hàn Mặc Tử, như một dòng sông vừa nhận được cơn nước nguồn thác lũ bỗng phải vượt qua một địa thế hiểm nghèo: bệnh phong nan y đã biến hồn thơ hồn hậu đó thành một cuồng lưu khốc liệt, nếu không phải là một vũng nước xoáy.
Đau Thương. Tên một tập thơ, và tên một định mệnh. Hay tiếng gầm của một cuồng lưu lâm vào tuyệt địa. Chúng ta nói qua sự đau thương trong cuộc đời. Rồi trong thơ.
Hàn Mặc Tử nhuốm bệnh từ năm 1936. Hăm bốn tuổi, tuổi anh hoa đang phát tiết. “Khi biết mình mang bệnh hiểm nghèo, Tử hết sức đau đớn, đau đớn đến phát điên. Thường ngày những cơn thác loạn nổi dậy, khi nhiều khi ít. Nhưng ngày rồi ngày, nỗi đau khổ hết phát hiện ra ngoài một cách bồng bột, thì lại ăn sâu vào tâm hồn ngấm ngầm nung nấu nạn nhân, nung nấu đến tột độ” [18] . Hàn Mặc Tử nhiều lần mô tả những đớn đau của thân xác:
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên (tr. 53)
Bên cạnh những hành hạ của bệnh trạng, Hàn Mặc Tử còn phải đương đầu với hai hậu quả khác của hoàn cảnh: nghèo túng và tuyệt vọng vì tình. “Hiện nay Trí về ở tạm nhà. Cái nguyên nhân là không tiền uống thuốc.” “Bữa nay Trí xuống nhà bà thầy thuốc rồi. Có một mái nắng dọi nhiều quá. Cả chiều nếu ở trong nhà thì phải đội mũ” [19] . Chúng ta còn có nhiều tài liệu khác về nỗi cùng khốn của nhà thơ, qua những bức thư gửi Trần Thanh Địch. Về cuộc tình duyên đau khổ với Mộng Cầm, chúng ta cũng có nhiều tài liệu. Đại khái hai bên yêu nhau khăng khít, thề bồi dữ dội lắm, hẹn hò nhau từ Phan Thiết ra đến Qui Nhơn; khi Hàn Mặc Tử chịu tang cho anh, thì Mộng Cầm tự xin phép được “thành tâm cư tang cho ông anh một năm cũng như anh, nghe anh” vì “người cầm bút biên mấy hàng trên đây là người em dâu chắc chắn, nhất định của ông anh rồi. Vậy ông anh nên phù hộ cho chúng em thương nhau cho đến bạc đầu” [20] . Khi biết chàng lâm trọng bệnh, thì nàng “thề” bồi lại một lần nữa đậm đà hơn.”20 Để rồi sáu tháng sau nàng đi lấy chồng. Trần Thanh Mại cho rằng nàng không đáng trách. “Duy có cái nàng lấy chồng hơi gấp đấy thôi.” [21] Quách Tấn cũng cho biết là thái độ của Mộng Cầm đã gây ra cho nhà thơ “một nỗi buồn thương vô hạn”, “một phản ứng mãnh liệt”, những tiếng kêu rên thống thiết”. [22]
Trời hỡi nhờ ai cho khỏi đói?
Gió trăng có sẵn làm sao ăn?
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phũ phàng?
(Trần Thanh Mại, tr. 95)
Tiếng kêu trầm thống đó chất chứa cả kiếp cùng khốn vật chất lẫn tinh thần, cho đến ngày bị con bệnh tàn phá đến thảm thê, theo thư một người bạn thân, cùng bị hủi, kể lại “hai mắt nằm lọt vào sâu hai lỗ hũm sâu hóm, đến không còn mở ra được. Thân hình chỉ còn có da bọc lấy xương, chân tay thì co rút lại, mà đầu tóc bù xù rối trết lại từng về, trong ấy nhô nhúc những chí là chí” (thư của ông N. V. Xê, đề tại Quy Hoà ngày 25-6-1941) [23] . Tôi tưởng không có gì thê thảm hơn tình trạng băng hoại đó. Ấy thế mà Hàn Mặc Tử can đảm chịu đựng cái cảnh làm ta phải rùng mình, vui vẻ chịu đựng nữa là khác: Tuy cực khổ thế mà tôi vẫn an vui, ngày nào cũng có cười cả. Nếu không cười với ai, thì cười một mình, xem ra thú vị không biết mấy [24] . Niềm an vui đó, Trần Thanh Mại, người biết cuộc đời thật của nhà thơ cho là “yêu quái” là “kinh dị”. Còn Vũ Ngọc Phan chỉ biết Hàn Mặc Tử qua một số thi phẩm cũng không khỏi ngạc nhiên: “một người mang bệnh rất đau đớn mà có một tâm thần thư thái, bình tĩnh như thế, thật cũng lạ” [25] . An vui của Hàn Mặc Tử không phải là cay đắng, gượng gạo, có khi nổ tung ra trong những câu thơ hớn hở:
Hôm nay vui quá Anh Phùng ơi
Buồn xa không đến, lệ không rơi
Buồn không thắt ruột, tình không lại
Cười nói làm sao cho hả hơi?
(Trần Thanh Mại, tr. 122)
Họ Trần phê bình là: “Đau thương giam cầm không kỹ, thoát lọt ra trong một biến thể mới, dị kỳ, quái gở, thật đáng rùng mình”. Sở dĩ ông không hiểu can đảm của bệnh nhân, theo tôi, là vì ông không hiểu được sức mạnh của đức tin trong con người Hàn Mặc Tử. Khi đề cập đến vấn đề này, Hoài Thanh, cũng là người ngoại đạo, nhưng tinh tường hơn Trần Thanh Mại, thừa nhận ngay “Thiếu lòng tin tôi chỉ là du khách bỡ ngỡ” [26] còn họ Trần thì cứ phán đoán ầm ĩ cả lên. Nhưng nhờ có ông mà chúng ta được một dữ kiện về đời sống tín ngưỡng của nhà thơ: “Trong khi sưu tầm tài liệu về nhà thi sĩ, tôi có tìm thấy trong một nhà trọ của chàng, một mẩu báo dán trên khung cửa sổ tre, đã nhàu nát vàng vọt, và nhìn lối in chữ và hình ảnh tôi biết ngay là báo Vì Chúa. Đoạn bài đăng trên mẩu báo ấy nói về nguồn an ủi trong bệnh tật cho rằng sự đau ốm là do đức Chúa Trời ban xuống cho ta, để thử lòng ta, nên chẳng những là ta phải chịu một cách nhẫn nhịn mà còn nên vui vẻ bằng lòng nữa.” [27] Căn cứ trên đoạn này tôi cho rằng tác giả không mấy thông thạo giáo lý Gia-tô giáo. Nếu bài báo ấy có thật – Vì họ Trần mãi cho đến ngày nay ở Hà Nội vẫn có cái cố tật rất bậy là ưa bịa đặt tài liệu. [28] – thì chúng ta rất tiếc rằng họ Trần không trích dẫn chính xác, cho biết rõ xuất xứ, tìm xem báo Vì Chúa số mấy, ngày mấy…, hoặc ít nhất cũng cho ta nguyên văn. Vì theo kiến thức thô thiển của tôi, thì không có kinh sách nào dạy rằng “sự đau ốm là do đức Chúa Trời ban” và chúng ta phải “vui vẻ bằng lòng”. Nhưng vấn đề ở đây không phải là cãi nhau về giáo lý, vừa ngoài phạm vi bài viết và thẩm quyền của tôi. Vấn đề là, như Trần Thanh Mại đã nói, đức tin “đã có ảnh hưởng tốt đẹp đối với chàng”. Quách Tấn xác nhận điều này: “Tử tìm được nguồn an ủi lớn nhất trong nguồn Đạo. Khi đã sống cùng Đạo thì tâm hồn Tử hết bị ray rứt dày vò” [29] . Chính nhà thơ đã kể lại một ngày bệnh tật của mình: “Lại đọc kinh, lại ngâm thơ, lại làm thơ, lại nhớ, lại nằm. Buổi tối khi ăn xong, cũng vừa đi bách bộ vừa ngâm thơ một cách sung sướng nhất đời. Cả ngày chỉ ngâm thơ và đọc kinh là nhiều hơn cả. Ngày nào cũng như ngày ấy, không thấy buồn lắm, và ngày nào cũng mong mỏi một cái gì…” [30] Đối với Hàn Mặc Tử, Thơ là Đạo và Đạo là Thơ, Thơ đã đạt tới Đạo và Đạt để đi tới Thơ, hoặc như Hoài Thanh đã nhận xét chí lí: “Thơ chẳng những để ca tụng Thượng Đế mà cũng để nối liền người ta với Thượng Đế.” [31]
Thơ đưa về Đạo, là nẻo đường đưa đến Con Đường. Thơ là giải pháp tạm thời của Đau Thương, trong khi chờ đợi Đạo và Cứu Rỗi miên viễn. Ngày nào cũng mong mỏi một cái gì. Nếu Gái Quê, như tôi đã trình bày ở đoạn trên, là thế giới đợi chờ Điềm Lạ, đợi chờ chúa Ra đời thì Đau Thương làm một tâm hồn mong mỏi Ngày Chúa trở lại (“Mt” 24-42) Hàn Mặc Tử chấp nhận bệnh tật không phải là vì “do đức Chúa Trời ban xuống” như Trần Thanh Mại đã nói nhưng trước hết vì nó là hậu quả tất nhiên của nguyên tội và thứ đến vì nó là phương tiện thân xác mà Chúa đã dùng để cứu thế. Linh mục Charles Journet, giáo sư Đại Chủng Viện Fribourg đã trình bày vấn đề một cách mạch lạc và nhất quán trong tác phẩm về thống khổ: “Chúng ta xem khổ ải của thân xác như một mãnh lực hợp-cứu-thế vì chúng ta tham dự vào đau đớn và huyết mạch của Chúa Kitô. Vậy không có vấn đề đau đớn mà chỉ có huyền nhiệm đau đớn của Chúa Kitô và trong sự tham dự của chúng ta. Như vậy không nên nói đến chấp nhận Đau Thương mà chỉ nên nói đến gia nhập vào công đức cứu rỗi chúng ta không chấp nhận (accepter) vì nó là một định luật của thể xác; chúng ta thu nhận (adopter) vì nó nối liền bản thân Thiên-Chúa-hiện-làm-người.” [32]
Đoạn trên rọi sáng lời truyền dạy của sứ đồ Saint Paul trong thư gởi cho người La-mã: “Những đau khổ hiện tại không có nghĩa lý gì so với những vinh hiển phải được thể hiện trong mỗi chúng ta. Mỗi hình hài chờ đợi là một khát vọng sự thể hiện con cái đức Chúa Trời, với Mơ Ước được giải thoát ra khỏi hư nát, và đạt tới tự do vinh hiển của con cái đức Chúa Trời. Vì chúng ta biết rằng hình hài, đến nay vẫn rên xiết trong công trình thai nghén” (“Rom”, VIII, 18-32). Đau Thương hôm nay là thai nghén cho ngày mai, thai nghén một mùa Xuân Như Ý, Người đi trong Mơ Ước… Người Ki tô giáo quan niệm đau thương như một huyền nhiệm, nhưng hữu hạn, trước Thượng Đế là một huyền nhiệm,vô hạn. Tôi thành thật nghĩ rằng Hàn Mặc Tử đã an vui được trong Đau Thương - một hoàn cảnh thể xác, vật chất và tinh thần làm chúng ta phải rùng mình - là nhờ huyền nhiệm đó, nhờ sức mạnh của xác tín. Có lẽ xác tín đó, cộng với bệnh trạng, đã tạo một linh thị cho nhà thơ. Trần Thanh Mại và Quách Tấn đồng ý “là mỗi lần chàng chết đi sống lại (trong mấy năm bệnh chàng bị chết đi sống lại đến bốn năm lần) là chàng đều cảm thấy có bà Thánh Nữ Đồng Trinh Maria đến cứu” [33] . Theo Quách Tấn thì bài thơ trứ danh “Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh” được viết khi Tử sống lại, trong cảnh đó [34] .
Dù cho rằng mộng mị chỉ là một biến thể của bệnh trạng, thì dưới ánh sáng của khoa phân tâm, ta có thể đi đến cội rễ của mộng mị, dù xa lạ đến đâu. Cội rễ ở đây, là xác tín trong tâm hồn Hàn Mặc Tử, người đã cam chịu hư nát để chuẩn bị một vinh hiển. Thật ra, niềm tin vào cuộc sinh tồn mai hậu, của linh hồn, ở một thế giới khác, không phải đặc biệt của Thiên Chúa giáo. Trong hầu hết các tín ngưỡng tự nhiên của dân gian, nước nào cũng vậy, đều có mầm hy vọng ở một đời sống khác. Chỉ nói đến vòng đai tôn giáo chung quanh Thiên Chúa, chúng ta đã có thể kể đến tư tưởng Assyrien, Babylonien, và nhất là Ai-cập, đều có niềm tin đó, như muốn Ra không gian và vượt hẳn thượng tầng. Đức tin của Hàn Mặc Tử không phải ở chỗ mong hồn tới tấp ở ngoài kia vũ trụ, mà ở chỗ tìm gặp Một Người ở cõi quá thinh gian; Hàn Mặc Tử tìm tới chốn chiêm bao ngoài sự thực không phải vì chiêm bao đẹp hơn sự thực vì ứ đầy hơi khoái lạc mà chỉ vì:
Vì có đấng hằng Sống, hằng Ngự Trị
Nhạc thiêng liêng dồn trổi khắp hư linh (tr. 59)
Bài “Ngoài Vũ Trụ”, mà tôi đã trích các câu trên, tiếp theo hai bài “Hồn lìa khỏi xác” và “Siêu thoát” soi sáng ý nghĩa của những bài Đau Thương và báo hiệu cho Quần Tiên Hội, Cẩm Châu Duyên và Xuân Như Ý. Vậy ta có thể đề cập đến một kiến trúc trong thi phẩm của Hàn Mặc Tử không? Đặt dấu hỏi vì tôi ngờ rằng sự sắp xếp thứ lớp trong tập thơ không phải do thi sĩ, mà những người phụ trách tái bản thơ ông, tức là Quách Tấn hay Hoàng Trọng Miên gì đó. Do đó, tôi không dám dựa trên trật tự cụ thể của tập thơ để nói đến kiến trúc, như Marcel Ruf đã nói về “Architecture Secrète” khi trình bày nhất quán thi phẩm Les Fleurs du Mal của Baudelaire. Tôi vẫn theo lối sắp xếp trong ấn bản Tân Việt, vì nó phản ảnh thứ tự biên niên trong quá trình sáng tác; tôi nghĩ ai bác bỏ thuyết cho rằng Gái Quê sáng tác trước Đau Thương; và Cẩm Châu Duyên, Duyên Kỳ Ngộ sáng tác sau cùng thời kỳ nhà thơ biết Thương Thương. Nhưng dù sao tôi cũng dè dặt mong các nhà biên khảo sau này có nhiều sử liệu đích xác hơn tôi, sẽ đào sâu cơ cấu mạch lạc của vũ trụ Hàn Mặc Tử, trên bình diện này hay bình diện khác, hoặc trong nguồn sáng tạo toàn diện thì càng đẹp.
[1]Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, III, 1942 - ấn bản 1951, n.x.b Vĩnh Thịnh, Hà Nội, tr. 325.
[2]Hoài Thanh và Hoài Chân, Thi Nhân V.N., Thiều Quang tái bản, Sài Gòn. 1967, tr. 204.
[3]Văn, số đặc biệt H.M. Truyện Kiều, 73-74, ngày 7-1-1967, tr. 139.
[4]Trần Thanh Mại, Hàn Mặc Tử, Tân Việt tái bản, Sài Gòn, 1957.
[5]Vũ Ngọc Phan, sđd, tr. 63-83.
[6]Quách Tấn, Văn, sđd, tr.141-148
[7]Thơ Hàn Mặc Tử đều trích từ ấn bản Tân Việt, Sài Gòn, 1959 - ấn bản này không đánh số trang, tôi dựa theo mục lục mà ghi số trang, để bạn đọc dễ kiểm chứng.
[8]Huỳnh Phan Anh, Văn số 73-74 đã dẫn
[9]Vũ Ngọc Phan, sđd, tr. 332
[10]Hoài Thanh và Hoài Chân, sđd, tr. 212
[11]Hoài Thanh và Hoài Chân, sđd, tr. 211
[12]Văn, số đặc biệt HMT, đã dẫn, tr. 120
[13]Jacques Dournes, Dieu Aime les Paiens, Aubier, 1963, tr. 149
[14]Văn, sđd, tr. 47
[15]Vũ Ngọc Phan, sđd, tr. 326
[16]J. E. KERNS. S. J, Les Chrétiens, Le Mariage et la Sexualité. Edit du Cerf, 1966, Paris, tr. 93
[17]J. E. KERNS, S.J, sđd, tr. 94
[18] Quách Tấn, Văn, sđd, tr. 81
[19]Trần Thanh Mại, sđd, tr. 73
[20]Thư MC, do Trần Thanh Mại trích, sđd, tr. 94
[21]Trần Thanh Mại, sđd, tr. 95
[22]Quách Tấn, Văn, sđd, tr. 88
[23]Trần Thanh Mại, sđd, tr. 193
[24]Trần Thanh Mại, sđd, tr. 121
[25]Vũ Ngọc Phan, sđd, tr. 330
[26]Hoài Thanh và Hoài Chân, sđd, tr. 212
[27]Trần Thanh Mại, sđd, tr. 120.
[28]Nguyễn Công Hoan, tạp chí Văn Nghệ Hà Nội số 67, Tháng 12-1962 và 68 tháng 1-1963 về Tú Xương. Tôi có thể đề cập tới trong Bns Văn số 163 ngày 1-10-1970.
[29]Quách Tấn, Văn, sđd, tr. 120
[30]Trần Thanh Mại trích, sđd, tr. 120
[31]Hoài Thanh và Hoài Chân, sđd, tr. 211
[32]Charles Journet, Le Mal, essai théologique, tủ sách giáo lý, Descleé de Brouwer, Bruges, tr. 271
[33]Trần Thanh Mại, sđd, tr. 130
[34]Quách Tấn, Văn, sđd, tr. 75
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)