Kahlil Gibran
Trầm tưởng
Đăng Quang dịch
3
Dưới ánh mặt trời
Ta đã nhìn thấy mọi sự việc xảy ra dưới ánh mặt trời;
và kìa, thảy đều là hư ảo và khổ não.
Các giáo sĩ [1]
Ô linh hồn Salomon đang bay phảng phất trên miền thinh không; người, ném sang bên bộ trang phục rách tả tơi của vật chất, đã để lại đằng sau người những lời nói đó, xuất sinh từ yếu đuối và khổ đau, những lời nói làm ngã lòng những kẻ còn bị giam hãm trong xác thể.
Nhưng người biết rằng có một ý nghĩa trên đời này mà Tử Thần không che giấu. Nhưng làm cách nào mà nhân loại có thể vươn tới một kiến thức nó chỉ có thể đến chừng nào linh hồn được giải thoát khỏi những trói buộc của trần gian?
Giờ đây người nhận ra rằng cuộc đời chẳng là khổ não; rằng những sự việc xảy ra dưới ánh mặt trời chẳng phải thảy là hư ảo; rằng bằng cách nào đó mọi vật xưa và nay vẫn bước về và sẽ vẫn bước về hướng Chân Lý. Chúng tôi những sinh vật thống khổ đã bám mình vào những lời dạy dưới trần của người như những lời nói thông thái tuyệt đời. Nhưng chúng là những cánh cửa sổ làm tối mù trí tuệ và tiêu ma hy vọng.
Giờ đây người hiểu rõ rằng ngu muội, độc ác, và chuyên chế đều có nguyên do của chúng; và rằng Sự Đẹp là điều phát lộ của trí năng, sản phẩm của đức tính và thành quả của công lý.
Giờ đây người biết rằng nỗi thống khổ và cảnh nghèo nàn làm thanh khiết trái tim con người; dù rằng trí óc khiếp nhược của ta chẳng thấy gì có giá trị trong vũ trụ ngoại trừ an lạc và hạnh phúc.
Giờ đây người thấy rằng tinh thần vẫn tiến về hướng ánh sáng bất chấp những gian khổ trên trần. Ấy nhưng chúng tôi nhắc lại những lời nói của người dạy rằng con người chỉ là một đồ chơi trong bàn tay của bất tri.
Người đã hối tiếc việc người cấy trong tim chúng tôi lòng khiếp nhược đối với kiếp sống trong thế giới và lòng ngờ vực với kiếp sống mai sau. Ấy nhưng chúng tôi vẫn còn lắng nghe những lời dạy trên trần của người.
Ô linh hồn Salomon đang ngụ nơi Vĩnh Cửu, hãy hiện về với những kẻ yêu trí năng và dạy cho họ đừng đi con đường tà giáo và khốn cùng. May ra đó sẽ là một cách chuộc lại một lỗi lầm không cố ý.
Một thoáng nhìn về tương lai
Từ phía sau bức tường Hiện Tại tôi nghe thấy tiếng những khúc thánh ca nhân loại. Tôi nghe thấy tiếng chuông đổ báo hiệu lúc bắt đầu buổi cầu nguyện trong đền Sự Đẹp. Chuông đền được đúc bằng khuôn xúc cảm và treo đu đưa phía trên thánh đài – trái tim loài người.
Từ phía sau Tương Lai tôi trông thấy tầng tầng lớp lớp đang sùng bái trong lòng Thiên Nhiên, mặt hướng về Đông Phương và chờ đợi ánh sáng ban mai ngập lụt – ban mai của Chân Lý.
Tôi trông thấy thành phố trong hoang phế và chẳng còn lại đặng nói với con người về sự thất bại của Ngu Tối và vinh quang của Ánh Sáng.
Tôi trông thấy những bậc lão niên ngồi dưới bóng cây bá hương và thuỳ liễu, bao vây bởi các thanh niên đang lắng nghe họ kể truyện cổ tích thời xưa.
Tôi trông thấy các thanh niên đang gảy đàn và thổi sáo và các thiếu nữ đang xoã tóc nhảy múa dưới bóng cây nhài.
Tôi trông thấy các nông phu đang gặt lúa, và vợ họ đang đi lượm những bó lúa thơm và véo von những khúc ca vui sướng.
Tôi thấy một thiếu phụ đang vấn một vòng hoa huệ trắng quanh đầu và một vòng đai lá xanh quanh lưng.
Tôi thấy Tình Bằng Hữu được khăng khít thêm giữa con người và tất cả các sinh vật, và các loài chim và các loài bướm, tin tưởng và bình an, đang bay về những dòng suối.
Tôi không thấy cảnh nghèo khổ; mà cũng chẳng hề gặp cảnh giàu thái quá. Tôi thấy tình huynh đệ và bình đẳng đắc thắng giữa loài người.
Tôi không thấy một người thày thuốc nào hết, bởi lẽ mỗi người đã đều có phương tiện và kiến thức tự chữa cho mình khỏi bệnh.
Tôi không thấy mục sư, bởi lẽ thiện tâm đã trở thành thày Đại Tư Tế. Tôi cũng chẳng hề trông thấy luật sư, bởi lẽ Thiên Nhiên đã đến thay thế các pháp đình, và các điều ước giao hảo và đồng hành đang có hiệu lực.
Tôi thấy rằng con người đã biết được mình là nền tảng của sáng tạo, rằng hắn đã tự nâng mình lên khỏi sự nhỏ nhen và hèn hạ và đã tháo gỡ ra tấm màn u mê khỏi đôi mắt linh hồn; linh hồn này giờ đây đọc biết được những gì các đám mây viết trên nền trời và những gì ngọn gió thoảng vẽ trên mặt nước; giờ đây hiểu được ý nghĩa hơi thở của loài hoa và những nhịp điệu của loài hoạ mi.
Từ phía sau bức tường Hiện Tại, trên sân khấu những kỷ nguyên sắp tới, tôi trông thấy Sự Đẹp là tân lang và tinh thần là tân nương, và Cuộc Đời là Đêm lễ Kedre. [2]
Nữ thần mộng tưởng
Và sau một cuộc hành trình mệt nhọc tôi tới phế tích thành Palmyre [3] . Nơi đây, kiệt sức, tôi ngã gục trên thảm cỏ mọc giữa những hàng cột trụ mà các thời đại đã làm đổ vỡ và san bằng. Chúng trông giống như những mảnh vụn do các đạo quân xâm chiếm bỏ lại.
Đêm rơi, và khi màn yên lặng đã phủ kín vạn vật, tôi tỉnh dậy và ngửi thấy một mùi hương lạ trong không khí. Mùi hương thơm ngát như trầm nhưng lại làm ngây ngất như rượu nho. Linh hồn tôi há miệng hớp lấy thứ rượu tiên thanh khiết này. Thế rồi một bàn tay ẩn giấu nào dường như đè nặng lên các giác quan tôi và mí mắt tôi bỗng thấy nặng nề, trong khi tinh thần tôi cảm thấy được giải thoát khỏi mọi xiềng xích.
Và rồi mặt đất chuyển động dưới chân tôi và phía trên tôi bầu trời rung chuyển; ngay lúc đó tôi bỗng nhảy lên cao dường như là được một thần lực nào nhấc bổng lên. Và rồi tôi thấy tôi ở trong một đồng cỏ, một đồng cỏ mà chưa một con người nào đã có thể tưởng tượng ra nổi. Tôi thấy tôi đứng giữa một bầy thiếu nữ đồng trinh chẳng hề bận lấy một mảnh xiêm y nào khác ngoài cái vẻ đẹp mà Thượng Đế đã ban cho họ. Bầy trinh nữ bước quanh tôi, nhưng chân họ không chạm đến đất. Họ xướng lên những khúc ca biểu tỏ những giấc mộng tình yêu. Mỗi thiếu nữ gẩy một cây đàn làm bằng ngà và có căng dây bằng vàng.
Tôi bước tới một khoảng trống ở giữa, trên đó có một ngai vàng nạm đá quí và được soi sáng bởi những tia cầu vồng Các trinh nữ đứng hai bên, cất cao tiếng hát và hướng mặt về phía thoảng lại hương trầm và hương mộc dược. Mọi loài cây đều đang nở hoa, và giữa các cành cây nặng trĩu những đoá hoa thì một nữ hoàng uy nghi bước về phía ngai vàng. Khi nữ hoàng đã ngồi xuống, thì một bầy chim bồ câu, trắng như tuyết, bay sà xuống và đậu chung quanh chân Nàng và tạo thành một hình bán nguyệt, trong khi đó các trinh nữ hát những khúc thánh ca vinh tôn. Tôi đứng đó ngắm nhìn những gì mà chưa mắt con người nào hề được nhìn, lắng nghe những gì mà chưa tai con người nào hề được nghe.
Rồi Nữ Hoàng giơ tay ra hiệu, và mọi vật im phăng phắc. Và bằng một giọng khiến cho hồn ta rung động như các dây đàn rung dưới ngón tay kẻ chơi đàn, Nàng nói:
“Ta đã cho vời người đến, hỡi con người, bởi ta là Nữ Thần Mộng Tưởng. Ta đã ban cho ngươi cái vinh dự đứng trước mặt ta, Nữ Hoàng của xứ mộng. Hãy lắng nghe mệnh lệnh của ta, bởi ta chỉ định cho ngươi về thuyết giảng cho toàn thể giống người: hãy giải nghĩa cho loài người rằng cõi mộng là một đám cưới, ở cửa có một vị thần hộ pháp đứng canh giữ. Không một ai được phép bước vô trừ khi có bận một bộ quần áo cưới. Hãy bảo cho họ biết rằng cõi mộng này là một thiên đàng mà kẻ đứng canh giữ là thiên thần Tình Yêu, và không một con người nào được quyền ngó đến ngoại trừ kẻ nào trên trán có ghi dấu hiệu của Tình Yêu. Hãy tả cho họ nghe những cánh đồng mỹ miều nơi đây mà những dòng suối chảy mật hoa và rượu tiên, mà chim muông bay giong lả trên các tầng trời và ca hót với các thiên thần. Hãy tả cho họ nghe mùi thương thơm hoa cỏ xứ mộng và bảo cho họ biết rằng chỉ có Người Con Xứ Mộng mới được phép dẫm chân trên thảm cỏ êm đềm đó.”
“Hãy nói rằng ta đã ban cho con người ly rượu hoan lạc; nhưng con người, trong cơn mê muội, đã đổ nó đi. Và rồi các thiên thần của Bóng Tối đã rót đầy ly bằng thứ rượu Thảm Sầu và con người đã uống phải và đã say ngất ngây.”
“Hãy nói rằng chẳng một ai có thể chơi cây đàn thất huyền Đời Sống cho nổi trừ khi các ngón tay hắn đã được tay ta ban phép lành và đôi mắt hắn đã được ngai vàng ta thánh hoá.”
“I-zai [4] đã sáng tác những lời nói thông thái như một chuỗi vòng đeo cổ làm bằng đá quí treo trên dây vàng của tình yêu ta. Thánh Giăng [5] đã thuật lại sự thấy Đức Chúa Trời dùm cho ta. Và Đante [6] chẳng thể khám phá nổi nơi ẩn trú của các linh hồn ngoại trừ do ta hướng dẫn. Ta là sự ám dụ ôm lấy thực tại, và thực tại phát lộ cái duy nhất xác nhận hành vi của các thánh thần.”
“Quả thật ta nói với người rằng tư tưởng có một nơi trú ngụ cao cả hơn là thế giới hữu hình, và các tầng trời của nó chẳng được mây mù dục vọng che phủ. Trí tưởng tượng tìm ra một con đường đưa tới thiên quốc, và nơi đó con người có thể ngó thấy những gì sẽ xảy đến sau khi linh hồn được giải thoát khỏi thế giới vật chất.”
Và rồi Nữ Hoàng Mộng Tưởng kéo tôi lại phía Nàng bằng cái nhìn đầy thần diệu, ma ảo, và gắn một cánh hôn lên đôi môi đang cháy bỏng của tôi, và nói:
“Hãy bảo với họ rằng ai không sống trong xứ mộng là nô lệ của tháng ngày.”
Tới lúc đó thì tiếng bầy trinh nữ lại cất lên cao và cột khỏi trầm hương bốc lên cuồn cuộn. Và rồi mặt đất lại bắt đầu chuyển động và bầu trời lại bắt đầu rung chuyển; và bỗng nhiên tôi lại thấy tôi đang nằm giữa đồng phế tích buồn thảm của thành Palmyre.
Bình Minh mỉm cười đã ló rạng, và giữa lưỡi tôi và đôi môi tôi còn lại những lời nói này: “Ai không sống trong xứ mộng là nô lệ của tháng ngày.”
Lịch sử và dân tộc
Bên một dòng suối nhỏ lượn quanh những tảng đá dưới chân núi Liban, một cô bé chăn cừu ngồi giữa một bầy cừu gầy ốm đang gặm chút cỏ còn lại đã khô cằn. Nàng nhìn về phía hoàng hôn xa tắp như thể là tương lai đang diễn qua trước mắt nàng. Những giọt lệ đã đeo ngọc trên đôi mắt nàng như những giọt sương tô điểm những cánh hoa. Niềm sầu thảm đã khiến môi nàng hé mở để nó có thể xuyên vào và xâm chiếm trái tim đang thở dài phiền muộn của nàng.
Sau lúc mặt trời lặn, khi những cánh đồi non đã thu mình trong bóng tối, thì Lịch Sử hiện ra trước người trinh nữ. Đó là một cụ già râu tóc bạc phơ như tuyết xoã xuống ngực và trên đôi vai, và bên tay mặt cầm một lưỡi liềm sắc bén. Bằng một giọng như biển gầm, cụ già nói:
“Cầu chúc Xyri được an bình [7] ”
Nàng trinh nữ đứng lên, run sợ mà hỏi rằng:
“Lão trượng cầu chúc gì cho con, hỡi Lịch Sử? Và rồi nàng trỏ bầy cừu của nàng và nói tiếp: Đây là tất cả những gì còn lại từ một bầy cừu mạnh khoẻ đã một hồi làm đông đảo khu thung lũng này. Đây là tất cả những gì mà lòng tham lam của Lão Trượng đã bỏ lại cho con. Lão Trượng bây giờ còn tới đây để thoả mãn lòng tham một lần nữa hay sao đây?”
“Những cánh đồng đã có một hồi rất là phì nhiêu này đã bị những bàn chân của Người dẫm nát thành bụi khô cằn. Đàn bò của con có hồi đã gặm cỏ hoa và sản xuất nhiều sữa béo tốt, bây giờ chúng chỉ nhấm được cỏ gai, cho nên chúng thành gầy còm và khô héo.”
“Hãy hãi sợ thượng Đế, ô Lịch Sử, và đứng tác hại nữa! Cứ chỉ nhìn thấy bóng dáng Lão Trượng cũng đã khiến cho con ghê tởm đời sống, và sự bạo tàn của lưỡi liềm Lão Trượng đã khiến cho con yêu mến Tử Thần.”
“Hãy bỏ mặc con trong nỗi cô đơn để con uống cạn ly đau khổ - thứ rượu nho ngon nhất. Hãy đi đi, hỡi Lịch Sử, ra hội cưới của Cuộc Đời. Nơi đây, xin Lão Trượng hãy để cho con than vãn niềm cô quạnh tiêu điều mà Lão Trượng đã sữa soạn cho con”.
Giấu đi lưỡi liềm dưới vạt áo, Lịch Sử ngó nhìn nàng như một người cha yêu quí nhìn đứa con mình, và nói:
“Ô Xyri, những gì ta lấy lại của ngươi chính là những tặng vật của ta đó. Nên biết rằng các dân tộc anh em của ngươi có quyền được hưởng một phần vinh quang của ngươi. Ta phải ban cho họ những gì ta đã ban cho ngươi. Niềm đau của ngươi cũng giống như niềm đau của Ai Cập, Ba-tư, và Hy-Lạp, bởi mỗi nước này đều cũng đang có một bầy cừu ốm yếu và một đồng cỏ khô cằn. Ô Xyri, điều mà ngươi gọi là băng hoại chỉ là một giấc ngủ cần thiết đặng cho ngươi lấy lại sức lực mà thôi. Đoá hoa chẳng thể quay trở lại cuộc đời ngoại trừ qua sự chết, và tình yêu chẳng thể trưởng thành ngoại trừ sau lúc chia ly.”
Cụ già bước đến gần nàng trinh nữ, chìa bàn tay ra và nói:
“Hãy bắt tay ta, Ô Người Con Gái của những nhà Tiên Tri.”
Và nàng nắm lấy tay cụ già và ngó cụ đằng sau tấm màn nước mắt, và nói:
“Vĩnh biệt, Lịch Sử, xin vĩnh biệt!”
Và cụ già đáp:
“Cho đến khi nào ta gặp lại nhau, Xyri, cho đến khi nào ta gặp lại nhau.”
Và cụ già vụt biến đi mất như một tia chớp xoẹt, và cô gái chăn cừu cất tiếng gọi bầy cừu của nàng và bắt đầu lên đường trở về, trong lòng thầm nhủ: “Liệu sẽ còn một cuộc gặp gỡ nữa hay sao?”
Loài thú không tiếng nói
Trong cái nhìn của loài thú không tiếng nói có một câu chuyện
mà chỉ linh hồn triết nhân mới có thể thực sự hiểu biết.
(Một thi sĩ Ấn Độ)
Trong giờ phút hoàng hôn của một ngày đẹp, khi mà mộng tưởng đã chế ngự hồn tôi, tôi bước ra ngoài thành phố và đứng nán lại đằng trước một căn nhà bỏ trống đã sụp đổ, chỉ còn lại một đống phế tàn.
Trong đống phế tàn tôi trong thấy một con chó nằm trên đống rác rưởi và tro tàn. Lông nó mang đầy vết thương, và bệnh tật hoành hành cơ thể yếu ốm của nó. Thỉnh thoảng ngó nhìn ánh mặt trời đang dần khuất, đôi mắt sầu thảm của nó biểu lộ lòng khiêm nhường, tuyệt vọng, và đau khổ.
Tôi chậm rãi bước về phía nó, ước ao rằng tôi biết nói tiếng loài vật đặng tôi có thể an ủi nó với lòng thương xót của tôi. Nhưng sự tôi đến gần chỉ làm cho nó khiếp đảm, và nó cố đứng dậy trên bốn chân tê liệt của nó.
Ngã khuỵu xuống, nó ném cho tôi một cái nhìn vừa giận dữ vừa van lơn. Trong cái nhìn đó tôi thấy có nhiều lời nói sáng suốt hơn tiếng nói người đàn ông và cảm động hơn những giọt lệ của một người đàn bà. Đây là những gì tôi hiểu nó muốn nói:
“Hỡi người, tôi đã chịu đau đớn vì bệnh tật do lòng độc ác và sự hành hạ của các người gây ra.”
“Tôi đã chạy trốn khỏi cái bàn chân gây thương tích của các người và ẩn trốn nơi đây, vì cát bụi và tro tàn còn êm đềm hơn là tim người, vì những phế tích còn ít buồn thảm hơn lòng người. Hãy đi khỏi nơi đây, hỡi khách lạ từ thế giới bất công và bất trị.”
“Tôi là người của Ađam rất mực trung thành và tín cẩn. Tôi là người bạn đường chung thuỷ của con người, tôi canh giữ con người ngày, đêm. Tôi đau buồn trong lúc con người vắng mặt và hớn hở đón mừng khi hắn trở về. Tôi hài lòng với những mảnh vụn bánh rơi rớt trừ trên bàn của hắn, và vui sướng với những mẩu xương mà răng hắn đã xé ra. Nhưng lúc tôi về già và đau ốm, thì con người đuổi tôi khỏi nhà và bỏ mặc tôi cho lũ trẻ ngõ hẻm không thương xót.”
“Hỡi người con của Ađam, tôi thấy sự tương đồng giữa tôi và kẻ đồng loại của người khi mà tuổi già đã làm tàn phế họ. Có những người lính trong lúc thanh xuân đã chiến đấu cho tổ quốc họ, và về sau trở về xới đất. Nhưng giờ đây khi mùa đông trong đời họ đã tới và họ không còn hữu dụng nữa thì họ bị gạt sang một bên.”
“Tôi cũng thấy sự giống nhau giữa phận của tôi với phận của một người đàn bà mà, trong những ngày đào tơ mơn mởn, đã làm rộn rã trái tim một người thanh niên; rồi lúc là người mẹ đã tận tuỵ hy sinh cả cuộc đời cho con cái. Nhưng giờ đây, trở về già, nàng đã bị lãng quên và tránh xa. Ôi, người con của Ađam, ngươi áp chế làm sao, ngươi độc ác làm sao!”
Con vật không tiếng nói đã nói như thế, và đó là những điều tim tôi đã nghe hiểu.
Thi sĩ và thi ca
Nếu các bạn thi sĩ của tôi đã tưởng rằng những chuỗi ngọc thơ mà họ sáng tác, và những khổ thơ mà vần điệu họ đã làm cho mạnh lên và nối lại với nhau, một ngày nào đó sẽ hoá thành những dây cương giữ lại thi tài của họ, thì chắc họ đã xé bản thảo của họ đi rồi.
Nếu Al-Mutanabbi [8] , nhà tiên tri, đã tiên tri, và nếu Al-Farid [9] , người đoán trước tương lai, đã đoán trước thấy rằng những gì họ đã viết sẽ trở thành một nguồn suối cạn và một hướng đạo bó buộc cho các thi sĩ ngày nay chúng ta, thì chắc họ đã đổ mực của họ xuống giếng Lãng Quên, và bẻ bút họ đi bằng đôi bàn tay Sơ Hốt.
Nếu như tâm hồn của Al-Maary [10] , Hôme [11] , Virgil [12] , và Milton [13] đã biết rằng thi ca sẽ trở thành một đồ chơi của người giàu, thì chắc hẳn họ sẽ lìa bỏ cái thế giới mà sự việc này có thể xảy ra.
Tôi đau buồn mà nghe thấy cái ngôn ngữ của linh hồn lại bị lưỡi của kẻ ngu tối nói lắp chắp. Hồn tôi xẻ ra khi thấy rượu của nàng thơ lại chảy xuống ngòi bút của kẻ giả mạo.
Chẳng phải có mình tôi trong thung lũng Hiềm Oán. Hãy nói rằng tôi là một trong nhiều người trông thấy con nhái thổi phồng đặng bắt chước con trâu.
Thi ca, hỡi các bạn quí của tôi, là một hiện thân thiêng liêng của một nụ cười. Thi ca là một thần linh trú ngụ trong tâm hồn, mà thực phẩm là trái tim và rượu là tình thương cảm. Thi ca mà không tới trong hình thức này ắt là một nguỵ chúa cứu thế.
Ô thần linh của thi sĩ đang ngắm nhìn chúng tôi từ thiên đàng Vĩnh Cửu, chúng tôi quì trước tế đàn mà các người đã tô điểm bằng những hạt ngọc trai của tư tưởng và những viên ngọc thạch của tâm hồn người, bởi lẽ tiếng sắt thép khua vang, tiếng công xưởng huyên náo đang áp chế chúng tôi. Cho nên những bài thơ của chúng tôi nặng nề như xe lửa và khó chịu như tiếng còi máy hơi nước.
Và hỡi các anh, những nhà thi sĩ đích thực, hãy tha tội cho chúng tôi. Chúng tôi thuộc vào Tân Thế Giới, nơi mà con người chạy theo vật chất phàm tục; và thi ca ngày nay cũng chỉ là một hoá vật, chẳng phải một hơi thở của Vô Cùng.
Giữa nơi phế tích
Mặt trăng giải xoã tấm khăn voile lên khắp các mảnh vườn trong Kinh Thành Mặt Trời [14] , và yên lặng bao trùm vạn vật. Các hoàng cung đổ nát trông đe doạ như những quái vật đang gầm ghè.
Vào giờ phút đó có hai bóng ma, giống như hơi nước bốc lên tự đáy hồ nước xanh biêng biếc, ngồi trên một cột trụ cẩm thạch ngắm nhìn cảnh vật lúc bấy giờ trông như một xứ thần diệu, ma ảo. Một bóng ma ngẩng đầu lên, và bằng một giọng khiến cho những tiếng vang phản hưởng lại oang oang, nói:
“Đây là những gì còn lại từ những đền đài ta đã xây cho khanh, hỡi người yêu dấu, và đây là phế tích của một hoàng cung ta đã dựng lên cho khanh thưởng ngoạn. Chẳng gì còn lại đặng nói với các dân tộc về cái vinh quang mà ta đã dâng hiến trọn đời, và về cái tráng lệ nó khiến ta đã khai thác kẻ yếu.”
“Hãy suy ngẫm, hỡi khanh yêu dấu, đến những nguyên lực đã đắc thắng kinh thành ta, đến Thời Gian đã coi thường nỗ lực của ta.”
“Sự Quên Lãng đã làm đắm chìm đế quốc mà ta đã xây dựng nên, và chẳng còn lại gì ngoại trừ một ít hạt tình yêu mà sắc đẹp của khanh đã sáng tạo, và những hiệu lực của sắc đẹp mà tình yêu của khanh đã mang lại sinh khí.”
“Ta đã dựng lên một ngôi đền ở Giêruxalem và những giáo sĩ đã thánh hoá nó, nhưng thời gian đã tiêu huỷ nó. Nhưng trong trái tim ta thì cái tế đài ta xây cho Tình Yêu đã được Thượng Đế làm phép và duy trì chống lại mọi lực huỷ hoại.”
“Loài người nói về ta: “Quả là một vị minh quân!” Các thiên thần nói về ta: “Quả là minh trí hắn tầm thường!” Nhưng thiên thần hân hoan khi ta tìm thấy khanh, hỡi người yêu dấu, và ca cho khanh nghe khúc ca Tình Ái và mong đợi; dẫu rằng loài người chẳng được nghe một tiếng nào trong khúc thành ca của ta…”
“Những ngày tại ngôi đã ngăn không cho ta hiểu ý nghĩa của Tình Yêu và cái đẹp của cuộc đời, nhưng lúc ta trông thấy khanh, thì Tình Yêu thức giấc và đạp đổ những rào ngăn đó xuống, và ta than tiếc cuộc đời ta đã sống qua, coi mọi sự vật dưới ánh mặt trời thảy là hư ảo.”
“Khi Tình Yêu đã soi sáng cho ta, thì ta trở nên khiêm nhường trước những bộ lạc đã một hồi kiếp hãi vũ lực của ta, và khiêm nhường trước dân ta.
“Nhưng khi Thần chết tới nơi, nó chôn vùi vũ khí chết người của ta dưới đất và chở mối tình của ta lên Thượng Đế.”
Và rồi bóng ma kia nói:
“Giống như loài hoa lấy đời sống và hương thơm từ quả đất, linh hồn rút ra khôn ngoan và sức mạnh từ vật chất.”
Và hai bóng ma nhập làm một, rồi cùng bước đi, nói:
“Vĩnh Cửu chẳng giữ lại gì ngoài Tình Yêu, Bởi Tình Yêu giống như Vĩnh Cửu”.
Trước cửa đền
Tôi làm thanh khiết đôi môi tôi bằng ngọn lửa thiêng, để nói về Tình Yêu, nhưng chẳng kiếm được lời.
Khi tôi đã hiểu được Tình Yêu, thì các lời nói tan thành hơi thở nhẹ, và khúc hát trong tim tôi thành niềm yên lặng sâu.
Ô những kẻ đã đến hỏi tôi về Tình Yêu, những kẻ mà tôi đã thuyết phục về những bí ẩn và thần kỳ của Tình Yêu, giờ đây bởi lẽ Tình Yêu đã bao trùm tôi trong màn khăn của nó, tôi tới hỏi các anh về hành trình và công dụng của Tình Yêu.
Ai có thể trả lời câu hỏi của tôi? Tôi hỏi về cái điều nó đang ở trong tôi; tôi muốn được trỏ cho biết về chính tôi.
Ai trong các anh có thể phát hiện cái bản thể của tôi cho chính bản thể tôi và linh hồn tôi cho linh hồn tôi?
Hãy vì Tình Yêu mà bảo cho tôi biết ngọn lửa đó là gì mà đang cháy rực trong tim tôi và ngấu nghiến sức lực tôi và phá hoại ý chí tôi như thế?
Những bàn tay ẩn giấu nào mềm mại và sần sùi đang bấu chặt lấy linh hồn tôi đó; rượu nào pha lẫn niềm vui đắng cay và niềm đau ngọt ngào đang tràn ngập tim tôi đó?
Những đôi cánh nào đang bay lượn phía trên gối tôi trong giờ phút yên lặng của Tối Đêm, và làm cho tôi thức tỉnh, chờ ngóng điều gì không một ai hay biết đó?
Vật nào là vật vô hình mà tôi đang đăm đăm ngó đó, là điều bất khả tri nào tôi đang suy ngẫm đó, là cảm giác nào chẳng thể cảm thấy đó?
Trong những tiếng thở dài của tôi có nỗi buồn đau còn đẹp hơn tiếng vọng của tràng cười và ngây ngất hơn cả niềm vui.
Tại sao tôi đầu hàng một uy quyền vô danh đến giết tôi chết đi và làm tôi sống lại cho đến lúc Bình Minh nhô dậy và tràn ngập phòng tôi ánh sáng?
Những bóng ma thức giấc rún rẩy giữa hàng mi khô héo của tôi, và những ảo hình mộng mị bay lượn phía trên tấm giường đá của tôi.
Điều nào đó mà ta gọi là Tình Yêu? Hãy nói tôi nghe, niềm bí mật nào ẩn giấu trong thiên thu mà thấm nhuần mọi ý thức đó?
Ý thức nào đó vừa là nhân vừa là quả của mọi sự vật?
Cơn chằn chọc nào đó thêu dệt từ Cuộc Đời và Sự Chết thành một giấc mơ, dị kỳ hơn Cuộc Đời và sâu sắc hơn Sự Chết?
Hãy nói tôi nghe, ôi những người bạn của tôi, có ai mà không tỉnh dậy khỏi giấc ngủ mê của Cuộc Đời nếu Tình Yêu khẽ mơn man linh hồn ta?
Có ai trong các anh mà chẳng từ biệt người cha và người mẹ mình khi có tiếng gọi của nàng trinh nữ mà trái tim mình đang yêu dấu?
Có ai trong các anh mà chẳng dong buồm đi khắp đại dương, vượt khắp sa mạc, leo lên chót đỉnh núi cao để gặp người thiếu phụ mà tâm hồn ta đã hằng chọn lựa?
Trái tim người trẻ tuổi nào mà sẽ chẳng theo đi tới tận cuối chân mây người thiếu nữ mà hơi thở thơm tho, giọng nói ngọt ngào, đôi bàn tay nõn nà kỳ diệu đã làm hồn mình đắm say ngây ngất?
Kẻ nào sẽ chẳng đốt cháy tim mình như trầm hương trước một vị thần lắng nghe những lời ta cầu đảo và ban ân cho lời ta khẩn nguyện?
Ngày hôm qua tôi đứng nơi cửa đền hỏi thăm những khách qua lại về điều bí ẩn và giá trị của Tình Yêu.
Và trước mặt tôi bước đi một ông già có khuôn mặt tiều tuỵ và buồn thảm; ông già thở dài, đoạn nói:
“Tình Yêu là sự suy nhược thiên nhiên mà người thứ nhất trên trần đã ban cấp cho ta.”
Nhưng một thanh niên cường tráng cãi lại:
“Tình Yêu nối liền hiện tại của ta với tương lai và quá khứ.”
Rồi một thiếu phụ với khuôn mặt bi đát thở dài và nói:
“Tình Yêu là một nọc độc chết người của loài rắn đen, chúng bò lên từ những hang động địa ngục. Chất độc trông tuồng tươi mát như sương mai và tâm hồn khao khát miết mê nốc uống; nhưng sau cơn say ngất đầu tiên kẻ uống nó sẽ lên cơn đau và chết một cái chết từ tốn.”
Rồi một thiếu nữ mỹ miều, má đỏ au, mỉm cười nói:
“Tình Yêu là rượu thắm do bầy tân nương Bình Minh dâng lên môi ta uống làm mạnh thêm những linh hồn đã mạnh và khiến chúng bay bổng được lên những vì sao.”
Phía sau nàng, một người đàn ông khoác áo dài đen, có râu hàm rậm, bước tới chau mày nói:
“Tình Yêu là sự ngu muội mù loà mà tuổi xanh bắt đầu và chấm dứt.”
Một kẻ khác, mỉm cười, dõng dạc:
“Tình Yêu là tri thức thần linh khiến cho loài người nhìn thấy được nhiềư như thần thánh.”
Rồi một người mù khua gậy bước tới nói:
“Tình Yêu là lớp sương mù che mắt đặng linh hồn khỏi biện biệt được niềm bí ẩn của hiện sinh, đặng trái tim chỉ nhìn thấy những bóng ma run rẩy của dục vọng giữa các vùng đồi nương, và chỉ nghe thấy những tiếng vọng của những tiếng kêu la từ các thung lũng không tiếng nói.”
Một chàng thanh niên, gảy cây đàn thất huyền, ca hát:
“Tình Yêu là một tia sáng ảo diệu từ đáy thẳm của tâm hồn đang bốc cháy và chiếu sáng vùng đất chung quanh. Nó khiến cho ta nhận thức được Cuộc Đời như một cơn mộng đẹp giữa một cơn thức tỉnh này và một cơn thức tỉnh khác.”
Và một lão nhân yếu đuối, lê lết đôi chân như hai miếng giẻ, nói giọng run run:
“Tình Yêu là sự ngơi nghỉ của thể xác trong cái yên tịnh của nấm mồ, sự bình an của linh hồn trong vực sâu của Vĩnh Cửu.”
Và một đứa bé năm tuổi bước đằng sau lão nói cười ha hả:
“Tình Yêu là cha và mẹ của em, và không ai hiểu được Tình Yêu ngoại trừ cha và mẹ em.”
Và cứ như thế, những người đi qua nói đến Tình Yêu như hình ảnh của chính những ước vọng, những dằn vặt của họ, và để nó lại còn nguyên là một niềm bí ẩn như lúc trước.
Rồi tôi nghe thấy một tiếng nói vọng từ trong đền:
“Cuộc đời được chia thành hai nửa, một nửa đã đóng băng, một nửa thì bừng cháy; nửa đang bốc cháy ấy là Tình Yêu vậy.”
Nghe thấy thế, tôi liền bước chân vào đền, quỳ xuống, hớn hở và nguyện cầu:
“Hãy biến tôi, Ô Chúa trên Trời, thành thực phẩm cho ngọn lửa đang bừng cháy…”
“Hãy biến tôi, Ô Thượng Đế, thành thức ăn cho ngọn lửa thiêng… Amen!”
Thuốc ma tuý và dao giải phẫu
“Ông thái quá và cuồng tín đến cái độ điên loạn. Mặc dù ông là một nhà lý tưởng chủ nghĩa, nhưng mục tiêu văn chương của ông là đầu độc trí óc thanh niên… Giá mọi người mà theo lời khuyên nhủ của Gibran về hôn nhân, thì các sợi dây ràng buộc gia đình sẽ đứt, xã hội sẽ suy sụp, và thế giới sẽ trở thành một hoả ngục đầy quỉ thần và ác ma…”
“Lối hành văn của ông đẹp một cách quyến rũ, khiến làm khuếch đại mối nguy hại của kẻ thù nhân loại thâm căn này. Lời khuyên của chúng tôi cho dân chúng thuộc phần Núi được giáng phúc này (Núi Liban) là hãy bác bỏ những lời giảng dạy quỉ quyệt của kẻ vô chính phủ và bội giáo này và đốt hết sách của ông đi, để các chủ thuyết của ông khỏi dẫn người vô tội đi lầm đường. Chúng tôi đã đọc cuốn Uyên ương gãy cánh và thấy nó là thứ chất độc pha bằng mật ong.”
Đó là những điều người ta nói về tôi và họ nói đúng, vì quả thực tôi là một kẻ cuồng tín và tôi có khuynh hướng phá huỷ cũng như xây dựng. Trong trái tim tôi có niềm thù ghét những gì mà những kẻ gièm pha tôi thần thánh hoá, và có sự yêu quí những gì mà họ gạt bỏ. Và nếu tôi có thể làm bật gốc một số tập tục, tín điều, và truyền thống của mọi người, thì tôi sẽ làm như thế không ngại ngần. Khi họ nói sách của tôi là thuốc độc, thì họ đã nói sự thật về chính họ, bởi những điều tôi nói chính là thuốc độc cho họ. Nhưng họ đã nguỵ tạo khi họ nói rằng tôi đã pha mật ong vào thuốc độc, bởi tôi pha nguyên vẹn độc dược và đổ nó ra từ một ly trong suốt. Những kẻ gọi tôi là một nhà lý tưởng nằm yên ổn trên tầng mây chính là những kẻ quay mặt đi khỏi cái ly trong suốt mà họ gọi là độc dược đó, biết rằng dạ dầy họ chẳng thể tiêu hoá nó nổi.
Điều này nghe có vẻ tàn nhẫn, nhưng liệu tàn nhẫn chẳng còn hơn là sự mạo nhận quyến rũ ư?
Người Đông Phương [15] đòi hỏi rằng nhà văn phải giống như một con ong lúc nào cũng làm mật. Họ thèm uống mật và thích nó hơn mọi thức ăn khác.
Người Đông Phương muốn nhà thi sĩ của họ tự đốt cháy mình như trầm hương trước mặt những Sultan của họ. Những vầng trời phía Đông đã ngợp ngụa hương trầm ấy mà người Đông Phương vẫn chưa nư đã.
Họ đòi thế giới phải học lịch sử họ, khảo cứu những đồ cổ, tập tục và truyền thống họ, và nói được ngôn ngữ họ. Họ cũng muốn rằng những ai biết về họ đừng lập lại những lời nói của Triết gia Baidaba, Ben Rished, Ephraim Al-Syriani, và Giăng thánh Đamascus.
Nói ngắn đi, người Đông Phương muốn lấy quá khứ họ làm một biện minh và một tấm giường êm ả. Họ trốn tránh tư tưởng thực chứng và những lời thuyết giảng tích cực và bất cứ tri thức nào về thực tại có thể châm chích họ và làm họ bừng tỉnh khỏi giấc ngủ say sưa của họ.
Đông Phương hiện đang đau, nhưng nó đã trở thành chai đá về những tật nguyền của nó đến cái độ coi chúng là những phẩm chất thiên nhiên và còn quí phái là khác, những phẩm chất phân biệt họ ở trên những kẻ khác. Họ coi ai thiếu những phẩm chất như thế là bất túc và không xứng với cái tặng vật toàn thiện hảo của thần linh.
Có vô số những thày thuốc xã hội tại Đông Phương, và cũng có rất nhiều bệnh nhân của họ chưa khỏi nhưng trông như đỡ đau là vì họ chịu tác dụng của những chất ma tuý xã hội. Nhưng những an thần dược này chỉ che giấu đi triệu chứng mà thôi.
Những chất ma tuý đó được tinh luyện từ nhiều nguồn gốc nhưng nguồn gốc chính là cái triết lý Đông Phương về sự khuất phục Số Mệnh (hành vi của Thượng Đế). Một nguồn gốc nữa là sự hèn nhát của các thày thuốc xã hội sợ làm tăng cơn đau nếu cho uống thuốc mạnh.
Đây là một số thuốc an thần xã hội.
Một cặp vợ chồng, vì nhiều lý do, thấy rằng tình ghét đã đến thay thế tình yêu giữa hai người. Sau một thời kỳ lâu dài hành hạ nhau, họ chia ly. Ngay lập tức cha mẹ đôi bên gặp nhau giàn xếp thế nào cho đôi vợ chồng ly gián đó hoà giải với nhau. Mới đầu họ dùng những lời lừa dối người vợ, rồi họ lại dùng những mánh khoé gạt gẫm tương tự với người chồng. Cả hai người chẳng ai chịu thuyết phục, nhưng rồi vì xấu hổ mà hai người phải nguỵ hoà với nhau. Sự việc này chẳng thể kéo dài; chẳng bao lâu tác dụng của thuốc ma tuý xã hội tan đi, và cặp vợ chông đau khổ lại phải trở lại uống nhiều liều mạnh hơn nữa.
Hoặc một đoàn hay một đảng nổi lên chống lại một chính phủ độc tài và cổ suý các cuộc cải cách chính trị đặng giải thoát những kẻ bị áp chế khỏi xiềng xích. Họ phân phát những bản tuyên ngôn và tung ra những bài diễn văn nảy lửa và đăng tải những bài báo châm chọc. Nhưng một tháng sau, ta nghe thấy rằng chính phủ hoặc đã bỏ tù người lãnh đạo hoặc đã làm cho hắn im tiếng bằng cách ban cho hắn một địa vị quan trọng. Và thế là chẳng ai nghe thấy gì thêm nữa.
Hoặc một giáo phái nổi tiếng lên chống lại vị lãnh đạo tôn giáo của mình, lên án người này có những hành vi sai lầm và doạ đi theo một tôn giáo khác, con người hơn và không có những điều mê tín dị đoan. Nhưng rồi ta nghe thấy rằng những người khôn ngoan trong nước đã hoà giải kẻ chăn cừu và đàn cừu, bằng cách cho uống những chất ma tuý xã hội.
Khi một kẻ yếu than van là bị kẻ mạnh hà hiếp, thì người hàng xóm sẽ uỷ lạo hắn: “Thôi, thôi, nguôi đi, mắt kẻ nhìn cứng đầu sẽ chẳng chịu nổi sức lao của ngọn dáo đâu.”
Khi một dân làng nghi ngờ về thánh tính của mục sư, thì người ta sẽ bảo hắn: “Hãy chỉ nghe lời giảng đạo của ông ta và chớ kể gì đến những khuyết điểm hay hành vi sai lầm của ông ta.”
Khi một thầy giáo quở mắng một học trò, ông ta sẽ nói: “Những cái cớ mà một thiếu niên lười biếng bịa ra thường còn tệ hơn cả cái tội.”
Nếu một người con gái không chịu theo những tập tục của mẹ nàng, thì bà mẹ sẽ nói: “Con không bao giờ biết hơn mẹ; nó phải bước theo dấu chân của mẹ mình.”
Giá như một thanh niên xin một người giảng đạo soi sáng cho hắn về một nghi thức cổ xưa nào đó, thì người giảng đạo sẽ trách hắn: “Con ơi, kẻ nào mà không nhìn tôn giáo với đôi mắt của Đức Tin sẽ chẳng thấy gì ngoại trừ sương mờ và khói ảo.”
Ấy nên Đông Phương đang nằm trên một cái giường êm. Người ngủ tỉnh dậy chốc lát khi bị rệp đốt, rồi lại tiếp tục giấc ngủ ma tuý của mình.
Ai mà đến đánh thức hắn dậy sẽ bị coi là kẻ thô lỗ chẳng đi ngủ mà cũng chẳng để cho ai ngủ. Nhắm mắt lại một lần nữa, họ nói thầm vào tai linh hồn họ: “Hắn là mộ kẻ dị giáo đầu độc trí óc thanh niên và phá ngầm nền tảng của các thời đại.”
Có nhiều lần tôi đã hỏi linh hồn tôi: “Có phải tôi là một trong số người nổi loạn thức tỉnh bác bỏ chất ma tuý chăng?” nhưng hồn tôi trả lời với những lời bí hiểm. Nhưng khi nghe thấy tên tuổi và nguyên lý của tôi bị bêu riếu thì tôi đã đoán chắc rằng tôi đã thức tỉnh và có thể kể trong số những kẻ không đầu hàng những mộng mị ma tuý, rằng tôi thuộc vào những kẻ vững tim đang bước đi trên những con đường nhỏ hẹp và đầy gai nhọn, nơi muôn loài hoa nở, trong tiếng sói hú và chim họa mi hót.
Giá như thức tỉnh là một đức tính, ắt hẳn lòng khiêm tốn sẽ ngăn cản tôi nhận lấy nó. Ấy nhưng nó chẳng phải là một đức tính, mà là một thực tại, nó xuất hiện bất ngờ cho những kẻ nào có sức mạnh nhỏm lên. Khiêm tốn khi nói sự thật là giả đạo đức. Than ôi, ấy lại là điều người Đông Phương gọi là giáo dục.
Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu các “nhà tư tưởng” nói về tôi rằng: “Hắn là một con người quá độ chỉ nhìn đến cái khía cạnh nhớp nhúa của đời sống và không báo cáo gì hết ngoài điều sầu thảm và than van.”
Với những người đó tôi xin tuyên bố:
“Tôi xót xa cho cái lòng thèm trốn tránh thực tại suy nhược và đau khổ của người Đông Phương chúng ta.”
Tôi đau buồn rằng đất nước yêu dấu của chúng tôi không ca hát trong mừng vui mà là để làm yên đi những xao động của lòng sợ hãi.
Khi chiến đấu chống lại sự ác, thì quá độ là điều tốt; bởi kẻ nào ôn hoà khi loan báo sự thật thì chỉ trình bày có nửa sự thật. Là kẻ giấu đi nửa kia vì sợ hãi sự giận dữ của mọi người.
Tôi thù ghét trí óc của thây ma; mùi hôi thối của nó làm tôi buồn mửa. Tôi sẽ không dâng hiến nó kẹo ngọt và rượu nồng.
Ấy nhưng tôi sẽ vui lòng đánh đổi những lời la hét của tôi lấy tràng cười vui tươi, nói những lời tán tụng thay vì lên án, thay thế quá độ bằng ôn hoà, nếu như các người trỏ cho tôi thấy một người cai trị công chính, một luật gia thanh liêm, một vị lãnh đạo tôn giáo thực hành những điều mình thuyết giảng, một người chồng nhìn người vợ mình với cùng một cặp mắt khi hắn nhìn mình.
Nếu các người muốn cho tôi nhảy múa, gióng kèn đồng và đập trống thì hãy mời tôi tới một bữa tiệc cưới và dẫn tôi ra khỏi nghĩa trang.
Toàn thiện mỹ
Anh hỏi tôi khi nào con người vươn tới toàn thiện mỹ. Hãy nghe tôi trả lời:
Con người vươn tới hoàn thiện mỹ khi hắn cảm thấy mình là một không gian vô hạn và một biển cả vô bờ,
Một ngọn lửa vô cùng, một ánh sáng chẳng thể dập tắt.
Một ngọn gió êm hay một cơn giông cuồng nộ, một vùng trời sấm sét hay một khoảng trời mưa rơi.
Một ngọn suối hát ca hay một dòng lạch than vãn, một đại thụ bừng hoa Mùa Xuân, hay một cây non trần truồng Mùa Thu,
Một ngọn núi dướn lên hay một cánh đồi thoải xuống,
Một cánh đồng phì nhiêu hay một bãi sa mạc khô cằn.
Khi cảm được thấy tất cả những điều đó, con người đã vượt được nửa đường tới thoàn thiện.
Muốn tới đích hắn sẽ phải nhận được rằng hắn là một đứa trẻ nít tuỳ thuộc vào người mẹ, một người cha có trách nhiệm với gia đình,
Một thanh niên ngơ ngác trong tình yêu,
Một ông lão vật lộn với quá khứ,
Một kẻ sùng bái trong đền, một kẻ tội phạm trong nhà lao.
Một học giả vùi trong mớ bản thảo,
Một linh hồn ngu tối vấp ngã giữa khoảng tối đen ban đêm và khoảng u ám ban ngày,
Một nữ tu đau khổ giữa những đoá hoa của lòng tin và đám cỏ gai của niềm cô độc,
Một gái giang hồ bị cấu xé giữa những nanh nhọn của lòng yếu đuối và vuốt sắc của nhu cầu,
Một người nghèo bị sập bẫy giữa chua xót và khuất phục,
Một người giàu giữa lòng tham và lương tâm,
Một nhà thơ giữa màn sương mù sẩm tối và những tia sáng bình minh.
Anh thấy không, ai có thể kinh nghiệm và hiểu thấu sự vật này sẽ vươn tới được toàn thiện mỹ và trở thành một bóng hình của Bóng Hình Thượng Đế.
Hôm qua, hôm nay, và ngày mai
Tôi nói với bạn tôi,
“Thấy không nàng đang tựa vào tay hắn?
Hôm qua nàng đã tựa vào tay tôi.”
Và chàng nói:
“Ngày mai nàng sẽ tựa vào tay tôi.”
Và tôi nói,
“Thấy không nàng đang ngồi bên hắn?
Và hôm qua nàng đã ngồi bên tôi.”
Và chàng nói:
“Ngày mai nàng sẽ ngồi bên tôi.”
Và tôi nói,
“Thấy không nàng đang uống từ ly hắn?
Và hôm qua nàng đã uống từ ly tôi.”
Và chàng nói:
“Ngày mai nàng sẽ uống từ ly tôi.”
Và tôi nói,
“Hãy ngó xem đôi mắt nàng liếc nhìn hắn đầy ân ái!
Và cũng ngần ấy ân ái, hôm qua nàng đã liếc nhìn tôi.”
Và chàng nói:
“Ngày mai nàng sẽ liếc nhìn tôi như thế.”
Và tôi nói,
“Hãy lắng nghe nàng đang thì thầm những khúc ca tình tứ bên tai hắn.
Và hôm qua nàng đã thì thầm cũng những khúc ca đó bên tai tôi.”
Và chàng nói:
“Ngày mai nàng sẽ thì thầm bên tai tôi.”
Và tôi nói,
“Hãy ngó xem nàng đang ôm hôn hắn;
Và hôm qua nàng đã ôm hôn tôi.”
Và chàng nói:
“Ngày mai nàng sẽ nằm trong tay tôi.”
Và tôi nói,
“Ôi người con gái dị kỳ!”
Và chàng nói:
“Nàng là Cuộc Đời đó vậy.”
--------------------------------------------------------------------------------
[1]2 1:14. Dịch theo bản tiếng Anh (“Kinh James” Holy Bible, Oxford University Press.) Tuy nhiên, so sánh bản dịch mới đây của L.M. Trần Đức Huân (Ra Khơi, Thánh Kinh Thiện Bản, Saigon, 1970: “Ta đã nhìn rõ mọi truyện xảy ra dưới mặt trời: kìa thảy đều hư vô như gió thổi.” (L.N.D.)
[2]Một đêm đặc biệt trong Mùa Chay Hồi Giáo; đêm đó người theo đạo tin rằng Thượng Đế sẽ thoả mãn mọi nguyện cầu của kẻ sùng đạo. (L.N.D.)
[3]Một ngôi thành cổ ở Trung Xyri, nay là làng Tamor, phía Đông Bắc Damas, (Thủ đô Xyri) tục truyền là do Salomon xây lên. Đã một thời là một thành phố rất mạnh dưới triều nữ hoàng Zénobie; về sau bị quân La Mã chinh phục năm 272 và bị hoàng đế Aurélien phá huỷ. Ở đây có nhiều phế tích quan trọng. (L.N.D)
[4]Isaie hay Isaich, người thứ nhất trong bốn nhà Đại Tiên Tri của thế kỷ thứ VIII T.T.C., tác giả cuốn Thánh Kinh mang cùng tên, nổi tiếng về chất thơ của nó. (L.N.D.)
[5]Thánh Jean l’Evangéliste, một trong mười hai sứ đồ, môn đồ yêu quí của Giê-xu, tác giả tập Mật Khải và một trong bốn Kinh Tân Ước. (L.N.D.)
[6]Dante Alighieri (1265-1321), đại thi hào Ý-đại-lợi, tác giả kiệt phẩm Divina Comedia, (L.N.D.)
[7]Lúc bài này được viết, thì Liban và Xyri vẫn còn là một nước gọi là Xyri.
[8]Chữ Al-Mutanabbi có nghĩa là người tiên đoán. Ông là một nhà thơ Ả-rập nổi tiếng, có nhiều thơ đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. (A.R.Ferris).
[9]Một thi sĩ và triết gia Ả-rập lừng danh (A.R.F).
[10]Một thi sĩ A-rập hồi thế kỷ thứ chín, bị mù lúc mới lên bốn, được coi là một thiên tài. (A.R.F).
[11]Homer, đại thi hào anh hùng ca Hy-lạp hồI thế kỷ thứ VIII trước T.C., tác giả Iliad và Ôđyxê. (L.N.D.)
[12]Virgil, đại thi hào La-mã hồi thế kỷ thứ I trước T.C., tác giả thiên anh hùng ca Ênêid (L.N.D.)
[13]Milton, đại hào Anh hồi thế kỷ thứ XVII, tác giả tập Thiên Đàng Đã Mất. (L.N.D.)
[14]Thành Baalbik, đã hoang phế. (L.N.D.)
[15]6 Ở đây trỏ người các nước phía Đông và Đông-Nam Địa Trung Hải. (L.N.D.)
16/6/11
Kahlil Gibran - Trầm tưởng (2 )
Kahlil Gibran
Trầm tưởng
Đăng Quang dịch
2
Trong đêm tối
Viết hồi Đệ nhất Thế chiến trong vụ đói ở Liban
Trong đêm tối ta gọi tên nhau và cầu cứu lẫn nhau, trong khi bóng ma Thần Chết đứng giữa xoè đôi cánh đen trên đầu ta và, với đôi bàn tay sắt, xô linh hồn ta xuống vực thẳm.
Trong đêm tối Thần Chết bước đi những bước dài và ta theo sau gã run sợ và rên xiết. Chẳng một kẻ nào trong chúng ta có thể chặn đứng đoàn diễu hành định mệnh hoặc ngay đến cả nuôi dưỡng một hy vọng là nó sẽ chấm dứt.
Trong đêm tối Thần Chết bước đi và ta bước theo đằng sau gã. Và khi gã ngoảnh lại nhìn, thì hàng trăm linh hồn ngã gục xuống hai ven đường. và kẻ nào ngã xuống sẽ nằm ngủ và chẳng bao giờ trở dậy. Và kẻ nào còn đứng vững sẽ tiếp tục bước đi trong niềm tin chắc hãi sợ rằng sẽ gục ngã sau này và bắt kịp những kẻ đã phó thác cho Thần Chết và đi vào giấc ngủ vĩnh viễn. Nhưng Thần Chết cứ bước đi, đôi mắt ngó nhìn Hoàng Hôn xa xôi.
Trong đêm tối người anh gọi người em, người cha gọi người con, người mẹ gọi đàn con; nhưng cơn đói dằn vặt và hành hạ chúng ta bằng nhau.
Nhưng Thần Chết chẳng đói và chẳng khát. Gã nhai nuốt linh hồn và thể xác ta ngấu nghiến, và uống máu và lệ ta và chẳng bao giờ no đã.
Canh một đêm khuya đứa con kêu người mẹ, “Mẹ ơi, con đói”, và người mẹ trả lời, “Chờ một lát, hỡi con.”
Canh hai đêm khuya đứa con nhắc lại, “Con đói, mẹ ơi, cho con chút bánh”, và người mẹ trả lời, “Mẹ không có bánh, hỡi con yêu dấu.”
Canh ba đêm khuya Thần Chết tới nơi và vụt ngã cả mẹ lẫn con bằng đôi cánh gã và cả hai nằm ngủ muôn đời dọc ven đường. Và Thần Chết cứ bước đi, đôi mắt ngó nhìn Hoàng Hôn xa xôi.
Sáng dậy người chồng ra đồng kiếm thức ăn, nhưng chẳng thấy gì ngoại trừ cát bụi và sỏi đá.
Trưa đến hắn trở về với vợ và con, tái ngoét, yếu run và tay không.
Và buổi chiều Thần Chết tới nơi và người chồng, người vợ và bầy con nằm xuống ngủ muôn đời. Và gã cả cười và bước đi về phía Hoàng Hôn xa xôi.
Sáng dậy người nông phu rời lều đi ra tỉnh, mang theo trong túi nữ trang của bà mẹ của người em gái để đổi lấy bánh. Chiều về hắn quay trở lại chẳng có bánh và chẳng có đồ nữ trang, thấy bà mẹ và người em gái nằm vùi trong giấc ngủ ngàn năm, đôi mắt trừng trừng ngó nhìn cõi hư vô. Tức thì hắn giơ hai cánh tay lên trời và ngã gục như một cánh chim trúng đạn của một xạ thủ không xót thương.
Và Thần Chết, thấy người nông phu, bà mẹ và người em gái bị thiên thần độc ác dụ hoặc vào trong giấc ngủ muôn đời, thì lại cả cười và cứ bước đi về phía Hoàng Hôn xa xôi.
Ôi, những kẻ bước đi trong ánh sáng ban ngày, chúng tôi gọi các người từ khoảng vô cùng của đêm tối. Các người có nghe tiếng kêu thương của chúng tôi?
Ta đã gửi đến các vong linh của những kẻ trong chúng ta đã chết đi làm sứ đồ của ta. Các người có lắng nghe lời nói của sứ đồ?
Ta đã chất nặng lên ngọn gió đông những hơi thởi cuối cùng. Ngọn gió có vượt đến những ven bờ xa vời mà làm vơi đi gánh nặng xuống bàn tay các người? Các người có biết đến niềm thống khổ của chúng tôi? Các người có nghĩ đến cách cưu mang chúng tôi? Hay các người chỉ ôm ấp lấy niềm an lạc và hoà bình mà nói, “Người con của ánh sáng làm gì được cho người con của bóng tối? Hãy để người chết chôn người chết, và chu toàn Thiên ý.”
Vâng, hãy chu toàn Thiên ý. Nhưng các người chẳng thể nâng cao mình lên trên mình đặng Thượng Đế lấy các người làm công cụ cho ý của người và dùng các người để cứu vớt chúng tôi ư?
Trong đêm tối chúng ta gọi tên nhau.
Người anh gọi người em, người mẹ gọi người con gái, người chồng kêu người vợ, và tình nhân kêu người yêu dấu.
Và khi tiếng gọi của chúng ta hoà với nhau và với lên trái tim vầng trời, thì Thần Chết dừng lại và cả cười, rồi nhạo báng ta và lại bước đi, đôi mắt ngó nhìn Hoàng Hôn xa xôi.
*
Cục phấn mạ bạc
Silman Effandi là một người ăn mặc lịch thiệp, cao và đẹp trai, ba mươi lăm tuổi. Chàng thường hay vê xoắn bộ ria mép của mình và vận bít tất lụa và đi giầy da bóng. Nơi bàn tay mềm mại và thanh tú chàng mang một chiếc ba-toong đầu vàng và nạm ngọc. Chàng ăn tại những hiệu ăn đắt tiền, nơi tụ họp của giới thanh nhã lịch sự. Trên chiếc xe ngựa lộng lẫy, do những chiếc ngựa nòi kéo đi, chàng thường dạo qua các đại lộ thượng lưu.
Tài sản của Simal Effandi chẳng phải được thừa kế của người cha, một người (xin cầu cho hồn ông an nghỉ) rất nghèo. Cũng chẳng phải Silman Effandi thu thập tài sản bằng những hoạt động thương mại linh lợi và kiên trì. Chàng rất lười biếng và ghét làm việc, coi bất cứ hình thức lao động nào cũng là đồi bại cả.
Có lần tôi nghe chàng nói:
“Cơ thể và tính khí của tôi không thích hợp với việc làm; việc làm chỉ dành cho những kẻ tính tình trì độn và thể xác phàm phu.”
Thế thì Silman đã giàu có bằng cách nào? Bằng ảo thuật nào mà những thứ dơ bẩn trong bàn tay chàng lại hoá thành vàng, thành bạc? Đây là cái bí quyết giấu kín trong cục phấn mạ bạc mà Azrael [1] , thiên sứ của Thần Chết, đã tiết lộ cho chúng tôi. Và chúng tôi lại xin tiết lộ hầu quí vị:
Năm năm trước đây, Silman Effandi kết hôn với bà Faheema, goá phụ của Betros Namaan, nổi tiếng về lòng ngay thẳng, tính nhẫn nại, và đức cần lao.
Hồi đó Faheema đã bốn mươi lăm tuổi, nhưng chỉ trẻ trung trong trí tưởng và tác phong mà thôi. Bây giờ bà ta nhuộm tóc và dùng phấn son tô điểm đặng tự lừa dối là mình vẫn còn trẻ trung, mỹ miều. Bà không thường gặp Silman, người chồng trẻ của bà, ngoại trừ quá nửa đêm, lúc chàng hạ cố ném cho một cái nhìn khinh bỉ, và dùng những lời lẽ thô tục và chửi rủa mà nói chuyện. Như thế đặng chàng có quyền, chàng tin cậy, tiêu pha cái tài sản mà người chồng trước của bà đã kiếm bằng mồ hôi và nước mắt.
Adeeb Effandi là một người thanh niên, tuổi chừng hai mươi bảy, có cái mũi bự, đôi mắt nhỏ, khuôn mặt bẩn thỉu và bàn tay vấy mực với những móng tay trét đầy đất. Áo quần chàng được tô điểm bằng vết dầu, vết mỡ và vết cà-phê.
Vẻ bên ngoài xấu xí của Adeeb Effandi chẳng do ở tình cảnh nghèo nàn của chàng, mà do ở sự bận rộn với những ý tưởng tâm linh và thần học. Chàng thường viện dẫn câu của Ameen El Jundy nói rằng một vị học giả chẳng thể vừa sạch sẽ lại vừa thông minh.
Trong khi nói chuyện huyên thiên và không ngừng Adeeb Effandi chẳng có gì để nói ngoại trừ phê phán kẻ khác. Khi điều tra, chúng tôi mới khám phá ra rằng Adeeb Effandi đã học hai năm khoa hùng biện học tại một trường ở Beirut. Chàng làm thơ, viết khảo luận, tham luận, nhưng chúng chẳng bao giờ được in ra. Lý do chàng không cho xuất bản là tình trạng suy đồi của giới báo chí Ả-rập và sự ngu dốt của giới độc giả Ả-rập.
Mới đây Adeeb Effandi lại bận rộn nghiên cứu triết học mới và cũ. Chàng khâm phục Socrate và Nietzsche, và khoái trá với những câu nói của Thánh Augustine cũng như của Voltaire và Rousseau. Trong một bữa tiệc cưới chúng tôi nghe thấy chàng đang thảo luận về Hamlet; nhưng cuộc nói chuyện của chàng là một cuộc đối thoại, bởi những người khác thích uống rượu và ca hát hơn.
Một dịp khác, trong một đám tang, chủ đề của câu chuyện chàng nói là các bài thơ tình của Ben Al Farid và chủ nghĩa duy tửu của Abi Nawaas. Nhưng những kẻ đưa ma chẳng để ý đến chàng, vì họ còn đang đau buồn.
Tại sao, chúng tôi thường tự hỏi, Adeeb Effandi lại có mặt trên đời này? Sách mục và giấy nát của chàng dùng để làm gì khi rớt xuống cát bụi? Đi tậu lấy một con lừa và trở thành một người xà ích mạnh khoẻ và hữu dụng có phải hay hơn không?
Đây là cái bí quyết giấu kín trong cục phấn mạ bạc được Baal-Zabul tiết lộ, và chúng tôi lại xin tiết lộ hầu quí vị:
Ba năm trước đây, Adeeb Effandi làm một bài thơ ca ngợi Đức Giám Mục [2] Joseph Shamoun. Đức Giám Mục đặt tay lên vai Adeeb Effandi, mỉm cười mà nói:
“Hoan hô, mong Chúa ban phép lành cho con ta! Ta không còn hồ nghi gì nữa về trí thông minh của con; một ngày kia con sẽ là một trong số những vĩ nhân của Đông phương.”
Farees Bey Davis là một tiên sinh tuổi trạc tứ tuần, dong dỏng cao, đầu nhỏ và miệng to, trán hẹp và đỉnh hói. Ông ta bước đi với dáng điệu ngênh ngang long trọng, ưỡn phồng ngực và vươn cổ dài như con lạc đà.
Cứ nghe tiếng nói lớn và điệu bộ dương dương tự đắc của ông ta quí vị có thể tưởng ông ta (miễn là quí vị chưa hề gặp ông ta bao giờ) là một vị tổng trưởng một đế quốc lớn, đang mải chú tâm vào công việc nhà nước.
Nhưng Fareed chẳng có việc gì làm cả ngoại trừ kể lể và xưng tụng sự nghiệp của ông cha mình. Ông ta khoái kể lại công nghiệp của những người có tiếng tăm, và sự nghiệp của những anh hùng như Napoléon và Antar. Ông ta sưu tập các vũ khí ông chưa hề học cách sử dụng bao giờ.
Một trong các câu ông thường hay nói là Thượng Đế đã tạo ra hai dạng người: kẻ lãnh đạo và kẻ phục vụ họ. Một câu khác là: con người giống như loài lừa bướng bỉnh, chẳng chịu động đậy trừ khi lấy roi quất vào xác chúng. Một câu khác nữa: ngòi bút dành cho kẻ yếu và ngọn gươm dành cho kẻ mạnh.
Điều gì khiến Fareed khoe khoang tổ tiên ông ta và xử sự như vậy? Đó là một bí quyết được giấu kín trong cục phấn mạ bạc đã được Satanael tiết lộ cho chúng ta, và chúng tôi lại xin tiết lộ hầu quí vị:
Trong thập niên thứ ba, thế kỷ thứ mười chín, khi đức Vương Hầu Basheer, vị đại Đô Đốc Núi Liban, cùng với đoàn tuỳ tùng đi qua các thung lũng Liban, họ tới gần ngôi làng trong đó Mansour Davis, người ông nội của Fareed, trú ngụ. Đó là một ngày vô cùng nóng nực, và đức Vương Hầu xuống ngựa và ra lệnh cho đoàn tuỳ tùng ngồi nghỉ dưới bóng mát một cây sồi.
Mansour Davis, khám phá thấy trước tiên sự có mặt của Vương Hầu, bèn đi kêu các nông gia kế cận, và tin lành truyền đi khắp xóm làng. Rồi thì dân trong làng, do Mansour dẫn đường, bèn mang nhiều giỏ nho giỏ chà là, hũ mật, hũ rượu nho và bình sữa đến cho đức Vương Hầu. Khi họ tới chỗ cây sồi, Mansour quì xuống trước mặt đức Vương Hầu và hôn gấu áo của ngài. Rồi ông ta đứng dậy và giết một con cừu để tỏ lòng tôn kính ngài, rồi nói:
“Con cừu này là do ở đức đại lượng của Ngài mà có, ôi Hoàng Tử và người bảo vệ nhân mạng chúng tôi!”
Đức Vương Hầu lấy làm đẹp ý về lòng hiếu khách như thế, bèn nói:
“Từ nay xấp tới, ngươi sẽ là lý trưởng làng này, và ta sẽ tha cho làng nhà ngươi một năm khỏi đóng thuế.”
Đêm hôm đó, sau khi đức Vương Hầu đã rời khỏi, dân làng tụ tập tại nhà “quan Tù Trưởng” [3] Mansour Davis và thề nguyện trung thành với quan Tù Trưởng tân nhiệm này. Xin Thượng Đế ban ân cho vong linh họ.
Có bao nhiêu là điều bí mật được giấu kín trong cục phấn mạ bạc, đếm ra không xiết. Ác quỉ và satan tiết lộ một số cho ta hàng ngày hàng đêm, mà chúng tôi sẽ chia sẻ với quí vị trước khi thiên sứ của thần chết bao bọc chúng tôi dưới đôi cánh nó và mang chúng tôi đi về nơi Bên Kia Vĩ Đại.
Thôi, đêm tàn hầu nửa và mắt nặng dần rồi, hãy cho phép chúng tôi đầu hàng Giấc Ngủ và có lẽ tân nương mỹ miều của mộng mị sẽ chở linh hồn chúng tôi vào một thế giới trong sạch hơn thế giới này, ai biết đâu.
*
Ông tán gẫu
Tôi chán ngấy những kẻ tán gẫu và sự tán gẫu của họ; linh hồn tôi ghê tởm họ.
Khi tôi thức dậy buổi sáng đọc thư từ và báo chí cạnh giường, tôi thấy trong đó đầy những truyện tán gẫu; tôi chỉ thấy rặt là chuyện tầm phào rỗng tuếch ý nghĩa nhưng lại chứa đầy đạo đức giả.
Khi tôi ngồi bên cạnh cửa sổ để hạ thấp tấm màn ngủ xuống khỏi đôi mắt tôi và nhấm nháp cà phê Thổ Nhĩ Kỳ, ông Tán Gẫu đã hiện ra trước mặt tôi, vừa nhảy vừa la vừa lẩm bẩm. Ông ta còn hạ cố nhấm nháp cà-phê và hút thuốc lá của tôi.
Khi tôi đi làm, Ông Tán Gẫu đi theo, nói thì thào vào tai tôi và cù léc bộ não nhạy cảm của tôi. Khi tôi thử đuổi nhẹ ông ta đi thì ông ta cười khúc khích và chỉ được một lát là lại trôi giữa dòng nước lũ chuyện trò vô ý nghĩa.
Khi tôi đi ra chợ, Ông Tán Gẫu đứng ngay giữa cửa mỗi hiệu bán hàng bình phẩm mọi người. Tôi còn trông thấy ông ta ngay cả trên nét mặt những người yên lặng vì ông ta cũng mang họ đi theo nữa. Họ không biết đến sự có mặt của ông ta, thế nhưng ông ta vẫn quấy rầy họ như thường.
Tôi ngồi xuống với một người bạn, thì ông Tán Gẫu, chẳng hề được mời, cũng ngồi xuống làm người thứ ba. Nếu tôi muốn tránh ông ta, thì ông ta tìm cách ngồi sát gần đến nỗi âm hưởng của giọng nói ông ta làm tôi bực dọc và làm dạ dày tôi khó chịu như đã ăn phải thịt ôi.
Khi tôi viếng thăm các toà án và các cơ sở học vấn, tôi thấy ông ta và cha và mẹ ông ta đang khoác cho Hư Nguỵ những tấm y phục nhung lụa và khoác cho Giả Đạo Đức một tấm áo choàng diễm lệ và một khăn quấn đầu đẹp đẽ.
Khi tôi thăm viếng các cơ xưởng, ở đó - ngạc nhiên thay - tôi cũng thấy ông Tán Gẫu, trong đám mẹ, cô và ông nội của ông ta, đang mải mê nói chuyện và lắp chắp cặp môi dầy. Và gia quyến ông vỗ tay hoan hô ông và nhạo báng tôi.
Khi thăm viếng các đền đài và nơi thời cúng, tôi đã thấy ông ở đó rồi, đang ngồi trên ngai, đầu mang vương miện và tay cầm vương trượng sáng loé.
Buổi chiều trở về nhà, tôi cũng lại thấy ông ta ở đó nữa. Từ trần nhà ông treo mình như một con rắn; hoặc bò sát như một con trăn khắp bốn góc nhà tôi.
Tóm lại, ông Tán Gẫu có thể tìm thấy khắp nơi; phía bên này và phía bên kia trời, trên bộ và dưới đất, trên đôi cánh thượng tầng không khí hay trên ngọn sóng biển khơi, trong rừng, trong hang, và trên đỉnh núi.
Người yêu yên lặng và bình an có thể tìm được an nghỉ tại nơi nào không có mặt ông ta? Liệu Thượng Đế sẽ có bao giờ ban phước cho hồn tôi và ban cho tôi cái ân sủng trở thành câm nín để tôi có thể trú ngụ trong thiên đàng Yên Lặng?
*
Martha
I.
Cha nàng chết đi khi nàng hãy còn trong nôi, và nàng mồ côi mẹ trước khi lên mười. Là một đứa gái mồ côi, Martha ở trong nhà một người nông dân nghèo với người vợ và đàn con của ông ta, và nàng được coi như đứa tớ gái trong gia đình. Họ sống trong một thôn hẻo lánh trên một triền núi đẹp ở phía bắc Liban.
Lúc chết đi, người cha đẻ để lại cho gia đình ông ta có mỗi cái tên tốt của mình và một túp lều nghèo nàn đứng trơ trọi giữa rặng hồ đào và thuỳ liễu. Mẹ nàng chết đi để lại cho nàng có niềm đau và những giọt lệ và tình cảnh mồ côi. Trái tim nàng rỗng tuênh chẳng gì lấp đầy nổi. Nàng trở thành một kẻ xa lạ ngay giữa nơi chôn nhau cắt rốn. Ngày ngày, nàng bước chân đất dẫn một con bò ra đồng cỏ. Trong lúc bò đang ăn cỏ thì nàng ngồi dưới một gốc cây, ca hát với loài chim muông, khóc lóc với dòng suối, hờn ghen với con bò về niềm thanh thản, và ngắm nhìn hoa cỏ và những đàn bướm bay lượn bên trên.
Lúc mặt trời lặn, nàng quay trở về nhà với một bữa cơm đơn sơ, có bánh ngô, trái khô và đậu trắng ngâm trong dấm và dầu ô-liu. Nàng ngủ trên một ổ rơm, lấy hai cánh tay làm gối; và nàng cầu nguyện rằng ước sao cả cuộc đời nàng sẽ được là một giấc ngủ đến vô cùng. Khi mặt trời mọc, người chủ đánh thức nàng dậy cho nàng làm việc nhà trước khi dẫn bò ra đồng cỏ. Nàng chỉ biết run rẩy và tuân lời.
Và như thế những năm dài buồn thảm và hỗn độn qua đi, và Martha lớn lên như một cây non. Trong tim nàng nhen nhúm một cái gì mà chính nàng cũng không hay biết… như hương thơm sinh ra trong lòng một đoá hoa. Nàng theo chân cơn mộng đi như bày cừu đi theo một dòng suối để làm dịu cơn khát. Trí nàng giống như vùng đất trinh nguyên nơi mà tri thức chưa hề gieo hạt và nơi mà chưa bàn chân nào hề dẫm tới.
Những kẻ như chúng ta sống trong những xô bồ náo động của thành phố chẳng biết gì về đời sống của dân làng miền núi. Ta bị cuốn trôi trong dòng đời đô thị, cho đến khi ta quên đi mất những nhịp hiền hoà của cuộc đời đơn sơ nơi thôn dã - một cuộc đời mỉm cười trong mùa xuân, cần lao trong mùa hạ, gặt hái trong mùa thu, và ngơi nghỉ trong mùa đông, bắt chước thiên nhiên trong tất cả các chu kỳ của nó. Ta giàu có hơn dân que về vàng về bạc, nhưng họ giàu có hơn ta về tâm hồn. Những gì ta gieo ta chẳng hái; họ hái những gì họ gieo. Ta là nô lệ của lòng thèm khát, và họ là con đẻ của lòng thích chí. Hớp nước ta uống từ lòng tách cuộc đời thì pha trộn với nỗi đắng cay và tuyệt vọng, niềm sợ hãi và chán chường; nhưng họ uống nước mật tinh khiết của sự toàn thắng giữa cuộc đời.
Và tuổi mười sáu, tâm hồn Martha giống như một tấm gương trong phản ánh một cảnh đẹp tuyệt vời; trái tim nàng như một đồi nương âm hưởng mọi tiếng nói.
Một ngày mùa thu nàng ngồi bên bờ suối, ngắm nhìn mơ mộng những cánh là vàng rơi rụng, những cánh lá vàng đã bị bứt khỏi những hàng cây bởi một ngọn gió lùa qua cành cây như thể thần chết lùa qua hồn người. Nàng ngó trông những đoá hoa tàn mà tim đã kéo khô và hạt giống đã tìm nơi ẩn trú trong lòng đất như thể những kẻ đào vong đang kiếm tìm một cuộc đời mới.
Đang mải mê như thế, thì nàng nghe thấy tiếng vó ngựa dồn trên mặt đất. Ngoảnh lại, nàng trông thấy một chàng kỵ mã đang tiến về hướng nàng. Khi tới con suối, chàng xuống ngựa và chào hỏi nàng bằng lời lẽ êm ái mà nàng chưa từng nghe thấy nơi một người đàn ông nào khác. Rồi chàng nói tiếp:
“Thưa cô nương, tôi đã bị lạc đường. Xin cô làm ơn chỉ cho tôi con đường ra bờ biển.”
Đứng bên bờ suối, trông nàng như một cành cây non yếu, nàng đáp:
“Thưa ông, em không thể hướng dẫn cho ông được, bởi vì em chưa bao giờ xa nhà cả. Nhưng nếu ông hỏi ông chủ em, em chắc ông chủ em sẽ có thể giúp đỡ ông được.”
Mặt nàng ửng hồng trong lúc nàng nói khiến cho nàng trông càng nhu mì, càng mỹ miều hơn. Lúc nàng bắt đầu quay gót bước đi, thì người kỵ mã vội giơ tay ngăn lại. Nét mặt chàng bỗng nhiên dịu dàng, và chàng nói:
“Xin cô đừng đi…”
Và tiếng nói người đàn ông có một sức lực gì lạ lùng khiến cho nàng bất động. Khi lén ngó mặt chàng thì nàng thấy chàng đang ngó nàng mải miết. Nàng chẳng hiểu nổi lòng sùng bái lặng thinh của chàng.
Chàng ngắm nghía đôi bàn chân trơn mỹ miều của nàng, đôi cánh tay duyên dáng và cái cổ nõn nà và làn tóc óng ả. Bằng một cách âu yếm và bàng hoàng ngất ngây chàng ngó nhìn đôi má ửng nắng và những đường nét điêu trác của nàng. Nàng không thốt ra được một lời hay nhúc nhích được một thớ thịt.
Buổi chiều hôm đó con bò trở về chuồng một mình. Người chủ của Martha đi lùng kiếm khắp cùng vùng đồi nương mà chẳng thấy bóng dáng nàng đâu. Vợ ông ta đêm ấy khóc sướt mướt suốt đêm. Sáng hôm sau bà ta nói, “Đêm qua thiếp thấy con Martha trong giấc mơ; nó đang nằm giữa hai chân một con thú dữ đã quyến rũ nó đi; con thú đang sắp sửa ăn thịt con Martha, nhưng nó chỉ mỉm cười.”
II.
Vào mùa thu năm 1900, sau một mùa nghỉ hè tại miền Bắc Liban, tôi quay trở về Beyrouth. Trước khi tựu trường, suốt một tuần lễ tôi xục xạo lang thang khắp thành phố với các bạn cùng lớp của tôi. Chúng tôi giống như đàn chim sổ lồng, muốn đi muốn về tuỳ thích.
Tuổi xanh là một giấc mộng đẹp mà sách vở phủ kín một lớp bụi mù trên vẻ trong sáng của nó. Liệu sẽ có ngày nào mà kẻ thông thái đem nối lại cái niềm vui của tri thức với giấc mộng của tuổi xanh được chăng? Liệu sẽ có ngày nào mà Thiên Nhiên trở thành người thày của con người, nhân loại trở thành trường học của hắn được chăng? Cái đích hân hoan của tuổi trẻ chẳng thể hoàn thành chừng nào cái ngày đó chưa đến. Cuộc hành trình của ta tới hướng cao thượng tinh thần thật quá chậm chạp, bởi lẽ ta dùng quá ít cái nhiệt tâm của tuổi trẻ.
Một buổi chiều kia, trong lúc tôi đang ngồi ngắm nhìn những đám đông xô đẩy, chen lấn nhau ngoài phố ở Beyrouth, và tai như bị điếc đi về những tiếng la hét huyên náo của những người bán hàng ngoài phố, tôi bỗng chú ý đến một đứa con trai rách rưới chừng năm tuổi đang bưng một khay hoa. Bằng một giọng thảm sầu nó hỏi tôi:
“Thưa cậu có mua hoa không?”
Miệng nó hơi hé mở, giống như và vọng lại một vết thương thật sâu trong tâm hồn. Đôi cánh tay nó gầy gò và để trần, và thân xác yếu đuối của nó cúi gập xuống khay hoa như một cành hồng đang tàn úa.
Đáp lời, tôi cố tránh không để cho giọng nói của tôi có vẻ gì là thương hại nó hết.
Tôi mua vài bông hoa nhưng mục đích chính của tôi là để nói chuyện với nó. Tôi cảm thấy rằng trái tim nó mà một sân khấu trên đó đang diễn ra một tấn bi kịch liên tục đầy đau khổ.
Trước những lời nói cẩn thận và tế nhị của tôi, nó bắt đầu cảm thấy yên tâm, và một nụ cười chói sáng khuôn mặt đứa nhỏ. Nó tỏ vẻ ngạc nhiên khi được nghe những lời nói êm đềm, vì như mọi kẻ nghèo hèn nó đã quen với sự hà khắc. Tôi hỏi tên nó – tên nó là Fu’ad – và rồi:
“Em là con ai?”
Nó đáp:
“Em là con của Martha.”
“Còn bố em là ai?” Tôi hỏi.
Nó lắc đầu, tỏ vẻ sửng sốt, dường như là không biết được cái ý nghĩa của chữ đó.
Tôi hỏi tiếp:
“Thế mẹ em bây giờ đâu rồi, “Fu’ad”?”
Nó khóc lóc trả lời:
“Mẹ em đau, ở nhà.”
Bỗng nhiên ký ức hiện hình trong óc tôi. Martha – mà câu chuyện bỏ dở về nàng tôi đã được nghe từ một ông lão trong làng – đang nằm đau gần đâu đây. Người thiếu nữ mới hôm qua đây còn đang chạy khắp đồi nương và hưởng cái vẻ đẹp của thiên nhiên đó hiện giờ đang chịu một niềm đau cùng khốn; đứa gái mồ côi mà sớm trong đời đã sống trong lòng Thiên Nhiên đó nay bỗng đang chịu đựng những nỗi hành hạ mà sự tinh xảo của thành phố hiện mang đến cho kẻ ngây thơ.
Lúc đứa nhỏ bắt đầu rời chân đi, tôi bèn nắm lấy tay nó, nói:
“Em dẫn anh tới gặp má em đi. Anh muốn đến gặp má em.”
Nó yên lặng dẫn tôi đi, đôi lúc ngoảnh lại ngó xem tôi có theo chân nó không.
Qua những con phố nhỏ hẹp, dơ dáy, với một mùi tử thần vương vất trên không, và giữa những căn nhà ăn chơi, ầm ĩ những tiếng động của tội lỗi, tôi bước đi đằng sau Fu’ad, thầm cảm phục lòng can đảm trong bước chân dài của nó. Cần phải có can đảm mới bước đi được trong các xóm ổ chuột này, nơi mà bạo lực, trọng tội, và bệnh dịch chế nhạo vẻ huy hoàng của thành phố, được kêu bằng “Tân Nương của Xyri” và “Hạt Ngọc trên Vương Miện của đức Sultan”.
Khi chúng tôi bước chân vào một khu đặc biệt nhơ nhớp khốn cùng, đứa bé trai trỏ cho tôi thấy một căn lều mà tường của nó dường như đang sụp đổ. Tim tôi đập dồn và tôi theo chân Fu’ad vào một căn buồng không có đồ đạc ngoại trừ một cây đèn dầu và một tấm phản, trên đó Martha đang nằm, mặt nàng quay vào tường như là muốn trốn tránh sự áp chế của thành phố. Fu’ad mó vào vai nàng, nói:
“Má ơi.”
Lúc nàng quay lại, vẻ đau đớn, thì đứa trai nhỏ trỏ vào mặt tôi. Nàng cựa quậy thân thể yếu đuối của nàng dưới tấm mền đã rách nát, và bằng một giọng tuyệt vọng nói:
“Khách lạ cớ làm sao tới đây? Người muốn gì? Có phải người đến đây để mua nốt cái mảnh hồn thừa cuối cùng của tôi và nhiễm độc nó bằng dục vọng của người không? Hãy đi khỏi nơi đây; ngoài phố kia đầy ra đàn bà bán thân của họ. Những gì còn lại từ mảnh hồn đã vỡ của tôi thần chết sẽ mua. Hãy đi khỏi tôi và đứa con trai tôi.”
Mấy câu nói ngắn ngúi đó đã kể hết câu chuyện đau thương của nàng. Tôi nói:
“Martha, đừng có sợ tôi; tôi đến đây chẳng phải làm một kẻ ăn sống nuốt tươi, mà là một kẻ đồng chịu đau khổ. Tôi là một người Liban đã sống gần cánh đồi bên những hàng cây bá hương Liban của cô đó. Chớ có sợ hãi.”
Lúc nhận ra rằng những lời nói của tôi đã thoát ra tự đáy lòng biết cảm xúc, nàng run rẩy như một cành cây ốm yếu trước một trận gió mạnh, và nàng giơ hai bàn tay ôm lấy mặt, như là cố che giấu đi cái ký ức kinh hoàng và đẹp đẽ mà vị ngọt của nó đã bị vị đắng cay tàn phá.
Thế rồi, bằng một giọng dõng dạc lạ lùng, ấy nhưng tuyệt vọng, nàng nói:
“Khách đã đến đây như một ân nhân, và cầu xin Thượng Đế đền công cho người; thế nhưng tôi van khách nên rời nơi đây, vì sự có mặt của khách ở đây sẽ mang lại cho người ô nhục. Hãy tránh để đừng cho ai nhận diện. Trái tim thương cảm của khách chẳng hoàn phục đức tính của tôi; nó cũng chẳng xoá nhoà sự hổ thẹn của tôi, cũng chẳng che chở tôi khỏi bàn tay thần chết. Tội lỗi của chính tôi đã mang lại cho tôi niềm đau khổ này; đừng để cho lòng thương của khách mang lại cho khách sự hổ thẹn. Tôi giống như một người hủi cần phải được tránh cho xa. Hãy đi đi, kẻo khách bị nhiễm độc! Chớ có nhắc đến tên tôi ở miền Bắc Liban. Con chiên ghẻ phải bị kẻ mục đồng huỷ hoại, sợ răng nó sẽ truyền nhiễm các con chiên khác. Nếu có nói về tôi, xin khách hãy bảo rằng tôi đã chết.”
Và rồi nàng ôm choàng lấy đứa con trai nhỏ và nói:
“Người ta sẽ nhạo báng con trai tôi, bảo nó là quả của tội lỗi; con trai con Martha thông dâm; con Martha giang hồ. Bởi vì họ mù loà, đâu có thấy rằng chính mẹ nó đã cho nó đời sống bằng đau khổ. Tôi sẽ chết đi và bỏ nó lại làm một đứa trẻ mồ côi trong đám con trẻ khác, và ký ức của nó về tôi sẽ khiến nó hổ thẹn. Nhưng khi nó khôn lớn thành người, nó sẽ giúp ông xanh chấm dứt những gì đã mang lại cho tôi; và khi nó chết đi trong cạm bẫy thời gian, nó sẽ thấy tôi đang chờ đợi nó trong vĩnh cửu, nơi trú ngụ của ánh sáng và an bình.”
Trái tim sầu thảm, tôi nói:
“Martha hỡi, cô chẳng phải là một người hủi. Cô sống trong nhà mồ, ấy nhưng cô thanh khiết. Cái dơ bẩn của thể xác chẳng thể làm gợn tâm hồn trong trắng của cô.”
Nghe những lời nói cảm động của tôi, khuôn mặt Martha sáng lên. Nhưng rõ ràng là cái chết của nàng đã đến gần. Mới hôm qua đây, nàng còn chạy nhảy khắp các cánh đồng Liban; mà hôm nay đây, đau yếu và buồn thảm, nàng đã đang chờ được giải thoát khỏi những xiềng xích của cuộc đời. Cố thu hết những mảnh vụn cuối cùng của tàn lực, nàng thì thầm:
“Khách muốn cho tôi là thế nào cũng được dù là chính sự yếu đuối của tôi mang đến cho tôi cái vận cùng… chàng kỵ sĩ tới… chàng ăn nói lịch sự và khôn khéo… chàng hôn tôi… tôi không biết gì hết và tin tưởng ở lời chàng nói. Chàng mang tôi đi xa và những lời nói đẹp và những nụ cười hoa đã che giấu đi những dục vọng xấu xa của chàng. Sau khi hoàn thành niềm nhơ nhuốc cho tôi, chàng rời bỏ tôi. Chàng chẻ cuộc đời tôi làm hai mảnh - một phần tôi không nơi nương tựa, và đứa con tôi. Mẹ con tôi rét lạnh…. mẹ con tôi bơ vơ chịu khổ…. Vì thương con cho nên tôi đã chìa tay ra nhận lấy vàng của những kẻ đến mua thể xác tôi. Đã có nhiều lần tôi toan tự vẫn. Giờ đây đã đến lúc rồi, và thần chết dấu yêu đã tới để ôm choàng tôi dưới đôi cánh che chở của nó…”
Và rồi, bỗng nhiên, bằng một giọng cương quyết nhưng bình tĩnh, nàng nói tiếp: “Ô Công Lý, ẩn trốn đằng sau những hình ảnh khủng khiếp kia, hãy lắng nghe tiếng rú của linh hồn tôi đang bay đi và tiếng kêu la cúa trái tim tôi đã vỡ! Hãy thương xót lấy tôi mà cứu vớt đứa con tôi, và hãy mang tôi đi xa!”
Hơi thở nàng yếu dần. Nàng buồn thảm và âu yếm ngó đưa con trai nàng và nói thì thầm: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời, nguyện danh Cha được tôn thánh. Nước Cha được đến. Ý Cha được nên ở đất như ở trời…. Tha tội chúng tôi vì chính chúng tôi cũng….”
Tiếng nói nàng nhỏ dần đi rồi biến mất nhưng đôi môi nàng vẫn mấp máy. Thế rồi nàng trút hơi thở cuối cùng trên trái đất, mắt nàng vẫn mở ngó như là đang ngó vào một vật nào vô hình.
Khi bình minh đến, xác Martha được hai người nghèo khiêng đi đến một nghĩa trang trong một cỗ quan thô sơ. Họ khiêng xác nàng đi xa thật xa khỏi thành Beyrouth. Các mục sư từ chối không chịu cầu nguyện cho nàng, và cấm không cho chôn nàng trong đất thánh. Và không có một ai theo Martha tới chốn an nghỉ của nàng ngoại trừ đứa con trai tuổi tên Fu’ad và một thiếu niên mà cuộc đời đã dạy cho lòng xót thương và tử tế.
*
Ảo ảnh
Khi Đêm đến và Giấc Ngủ trải rộng bộ xiêm y của nó trên mặt đất, tôi nhỏm dậy khỏi giường và bước đi ra hướng biển, lòng nhủ thầm: “Biển không bao giờ đi ngủ, và trong cơn thức của nó có niềm an ủi vỗ về cho một tâm hồn vắng ngủ”.
Lúc ra tới bờ biển, sương mù từ các ngọn núi đã giăng mắc bao phủ cả một vùng trời như một giải khăn trùm tô điểm khuôn mặt một thiếu phụ. Tôi ngắm nhìn những lớp sóng trùng điệp và lắng nghe tiếng chúng ngợi ca Thượng Đế và ngẫm nghĩ về cái sức mạnh vĩnh cửu tiềm ẩn bên trong lòng sóng – cái sức mạnh đi theo cùng giông bão và phóng lên với núi lửa và mỉm cười qua những cánh môi loài hoa hồng và ca hát cùng với các dòng suối.
Thế rồi tôi trông thấy ba bóng ma ngồi trên một tảng đá. Tôi lật đật bước về hướng chúng dường như có một sức mạnh nào lôi kéo tôi đi, dứt tôi khỏi ý lực của mình.
Chỉ cách các bóng ma chừng vài bước, tôi dừng chân dường như có một huyền lực đã ngăn giữ tôi lại. Ngay đúng lúc đó thì một trong các bóng ma đứng lên, và bằng một giọng nói dường như nhô lên từ đáy thẳm của biển khơi, nó nói:
“Cuộc Đời không Tình Yêu thì giống như một cây không hoa, không trái. Và Tình Yêu không Sự Đẹp thì giống như hoa không hương thơm và như trái cây không hạt giống… Cuộc Đời, Tình Yêu và Sự Đẹp là ba người làm một, chẳng thể tách rời mà cũng chẳng thể đổi thay.”
Bóng ma thứ hai lên tiếng bằng một giọng nói gầm thét như thác đổ:
“Cuộc Đời không Nổi Loạn thì giống như thời tiết không Mùa Xuân. Và Nổi Loạn không Quyền Lợi thì giống như Mùa Xuân trong một vùng sa mạc khô cằn… Cuộc Đời, Nổi Loạn, và Quyền Lợi là ba người làm một, chẳng thể đổi thay mà cũng chẳng thể tách rời.”
Rồi bóng ma thứ ba, bằng một giọng vang vang như sét nổ, lên tiếng:
“Cuộc Đời không Tự Do thì giống như một thể xác không linh hồn, và Tự Do không Tư Tưởng thì giống như một linh hồn bối rối… Cuộc Đời, Tự Do và Tư Tưởng là ba người làm một, sống mãi đến vô cùng và chẳng bao giờ tan biến.”
Và rồi cả ba bóng ma cùng đứng dậy, và bằng một giọng vang gầm sang sảng nói:
“Điều mà Tự Do sinh sản
Điều mà Nổi Loạn tạo ra
Điều mà Tự Do nuôi dựng,
Là ba biểu hiện của Thượng Đế.
Và Thượng Đế là biểu hiện
Của Vũ Trụ trí minh”.
Lúc đó Yên Lặng pha hoà với tiếng xào xạc của những đôi cánh vô hình và tiếng rún rẩy của những thân thể bằng thinh không; và rồi Yên Lặng bao trùm.
Tôi nhắm mắt lại và lắng nghe âm hưởng của những lời tôi vừa mới nghe thấy, và đến khi mở mắt ra tôi chẳng trông thấy gì ngoại trừ biển khơi trùm kín trong sương mù. Tôi bước về phía tảng đá nơi ba bóng ma vừa ngồi, nhưng tôi chẳng trông thấy gì ngoại trừ một cột trầm hương đang cuồn cuộn bốc lên trời.
*
Thanh khí tương giao
“Hãy thức dậy, em yêu, hãy thức dậy! Bởi hồn anh kêu gọi em từ phía bên kia đại dương, và đem dâng tặng em đôi cánh bay bổng trên trùng sóng cuồng nộ.”
Hãy thức dậy, bởi yên lặng đã làm ngưng tiếng vó câu dập dồn và tiếng huyên náo của khách bộ hành.
Giấc ngủ đã ôm choàng lấy hồn loài người, nhưng riêng mình anh còn thức; nỗi nhớ nhung nâng anh ra khỏi cơn ngủ bao trùm.
Cuộc tình mang anh sát lại gần em, nhưng mối ưu phiền kéo anh đi xa rất xa.
Anh đã rời khỏi giường anh, hỡi em yêu, bởi sợ rằng hồn ma quên lãng ẩn trốn trong mền bông.
Anh đã ném sách anh sang bên, bởi những tiếng thở dài anh đã làm câm nín lời nói và bỏ những trang sách trống trơn trước mắt!
Hãy thức dậy, hãy thức dậy, bớ em yêu, và lắng nghe lời anh nói.
“Em lắng nghe anh đây, hỡi anh yêu dấu! Em đã nghe lời anh kêu gọi từ phía bên kia đại dương và cảm thấy thoáng nhẹ nhàng của đôi cánh hồn anh; em đã rời khỏi giường em và bước đi trên cỏ và sương đêm đã làm ướt chân và gấu xiêm em. Em đang đứng đây dưới những chùm hoa hạnh nhân, lắng nghe tiếng gọi của hồn anh.”
“Hãy nói anh nghe, bớ em yêu, và để cho hơi thở em cưỡi trên lưng ngọn gió đang bay đến với anh từ những cánh đồi Liban. Hãy nói đi em. Chẳng một ai nghe thấy ngoại trừ anh. Nàng Đêm đã quyến rũ mọi người khác tới nơi yên nghỉ của họ.”
“Trời đã dệt một dải khăn che bằng ánh trăng và kéo nó phủ kín khắp Liban, hỡi anh yêu dấu.”
“Trời đã lấy bóng đêm dệt thành một tấm áo choàng và viền tấm áo bằng những cột khói xưởng thợ và hơi thở của Thần Chết, và đặt nó trên khung thành phố, bớ em yêu.”
“Dân làng đã đầu hàng Giấc Ngủ trong lều của họ giữa những rặng hồ đào và thuỳ liễu. Hồn của họ đã bay lướt về xứ mộng, hỡi anh yêu dấu.”
“Mọi người bị cong lưng dưới sức nặng của vàng bạc, và con đường dốc cỏ xanh làm yếu đầu gối họ. Đôi mắt họ nặng ưu phiền và chán chường, và họ ngã xuống giường, bớ em yêu, như thể đi trống khỏi Hồn Ma Sợ Hãi và Tuyệt Vọng.”
“Hồn ma của những thời xa xưa đang bước đi trong những vùng thung lũng, và linh hồn vua chúa và nhà tiên tri đang bay lượn trên khắp vùng đồi nương. Và tư tưởng em, do ký ức dệt thành, trỏ cho em thấy mãnh lực của dân Calđê [4] , vẻ huy hoàng của dân Axyri [5] , và nét quí phái của dân Ả-rập.”
“Trong những ngõ hẻm tối tăm đang bước đi những ác hồn đạo tặc u ám; những đầu rắn lục của tà dâm xuất hiện từ những kẽ hở của thành quách; và cơn sốt bệnh hoạn, pha trộn với phút hấp hối của tử thần, rùng mình qua các con phố. Trí nhớ đã tháo gỡ dải khăn quên lãng khỏi mắt anh và trỏ cho anh thấy cái nhớp nhơ của thành Xôđôm và những tội lỗi của thành Gômorơ. [6] ”
“Những cành cây nghiêng ngả, hỡi anh yêu dấu, và tiếng xào xạc của chúng hoà với tiếng thì thầm róc rách của dòng suối nhỏ trong thung lũng, vẳng lại bên tai ta những khúc thánh ca của Salomon, những tiếng thụ cầm nhặt khoan của David, và những bài ca của Ishak al-Mausili.”
“Những linh hồn con trẻ đói rét đang run rẩy trong lều tối; tiếng thở dài của những người mẹ đang lăn lộn trên giường thống khổ, và tuyệt vọng đã với thấu tận trời; và ác mộng đã làm rạn vỡ tim kẻ tàn tật. Anh đang nghe thấy tiếng than van đắng cay của họ.”
“Hương thơm sực nức các loài hoa đã trộn lẫn hơi thở nồng ngát của loài bá hương. Được mang trên cánh gió nô đùa qua những ngọn đồi, nó tràn ngập hồn ta bằng thương cảm và lòng thèm nhớ bay xa.”
“Nhưng chướng khí cũng dâng lên từ đồng lầy, bốc hơi bệnh hoạn. Như những mũi tên nhọn bí mật chúng đã xuyên thấu các giác quan và làm độc khí trời.”
“Sáng đã tới rồi, hỡi anh yêu dấu, và những ngón tay êm đềm của thức tỉnh đang mơn trớn đôi mắt kẻ mơ màng. Những tia sáng làm bật tung các cửa sổ và phát lộ mối quyết tâm và vẻ rực rỡ của Cuộc Đời. Các làng mạc đang nằm nghỉ trong bình an và tịch mịch trên những vai đồi, thức giấc; tiếng chuông nhà thờ ngân nga khắp không trung những lời mời đi lễ sớm. Tiếng chuông được các hang động đằng xa vọng lại, dường như Thiên Nhiên cũng cùng ta nguyện cầu. Đàn bê đã rời chuồng, đàn cừu và đàn dê đã rời lều đi gặm cỏ lóng lánh sương mai. Bầy mục tử thổi sáo đi đằng trước; và đằng sau bước theo bầy thôn nữ ca hát đón chào ban mai như đàn chim sớm.”
“Và giờ đây bàn tay thô kệch của Ban Ngày đang đè nặng lên thành phố. Màn cửa sổ đã vén, cửa ra vào đã mở. Nhưng đôi mắt mệt nhọc và những khuôn mặt hốc hác của thợ thuyền đã xuất hiện trong các công xưởng. Họ cảm thấy Tử Thần đang tới gần đời họ, và trên khuôn mặt nhăn nhúm của họ Sợ Hãi và Tuyệt vọng đã hiện ra. Đường phố ngập lụt những tâm hồn tham lam đang vội vã; và khắp nơi vang dội tiếng sắp đập, tiếng xe chuyển, và tiếng còi huýt của máy hơi. Thành phố đã biến thành một bãi chiến trường, nơi mà kẻ mạnh vật ngã kẻ yếu và kẻ giàu khai thác và áp chế kẻ nghèo.”
“Cuộc đời đẹp biết bao, hỡi anh yêu dấu; cuộc đời như trái tim nhà thi sĩ, chứa đầy ánh sáng và êm đềm.”
“Và cuộc đời cũng tàn nhẫn biết bao, bớ em yêu; cuộc đời như trái tim kẻ trọng tội, đập dồn tệ bệnh và sợ hãi.”
--------------------------------------------------------------------------------
[1]Theo thiên thần học Do Thái giáo và Hồi giáo, Azrael là thiên thần phân cách linh hồn lìa khỏI thể xác lúc lâm chung. (L.N.D)
[2]Đạo Thiên Chúa (L.N.D.)
[3]Sheik
[4]Chaldéen: Một dân tộc thuộc dòng cổ Xêmitích tạo thành thành phần lớn nhất tại đế quốc Babylôni xưa (2800–1750 T.TC) tại Tây Nam Á Châu (L. N.D.)
[5]Assyrien: Một dân tộc thuộc đế quốc Assyrie hồi thế kỷ thứ VII T.T.C. (L.N.D.)
[6]Hai thành phố cổ của Palestine bị lửa trời thiêu rụi vì dâm loạn hoành hành (L.N.D.)
Trầm tưởng
Đăng Quang dịch
2
Trong đêm tối
Viết hồi Đệ nhất Thế chiến trong vụ đói ở Liban
Trong đêm tối ta gọi tên nhau và cầu cứu lẫn nhau, trong khi bóng ma Thần Chết đứng giữa xoè đôi cánh đen trên đầu ta và, với đôi bàn tay sắt, xô linh hồn ta xuống vực thẳm.
Trong đêm tối Thần Chết bước đi những bước dài và ta theo sau gã run sợ và rên xiết. Chẳng một kẻ nào trong chúng ta có thể chặn đứng đoàn diễu hành định mệnh hoặc ngay đến cả nuôi dưỡng một hy vọng là nó sẽ chấm dứt.
Trong đêm tối Thần Chết bước đi và ta bước theo đằng sau gã. Và khi gã ngoảnh lại nhìn, thì hàng trăm linh hồn ngã gục xuống hai ven đường. và kẻ nào ngã xuống sẽ nằm ngủ và chẳng bao giờ trở dậy. Và kẻ nào còn đứng vững sẽ tiếp tục bước đi trong niềm tin chắc hãi sợ rằng sẽ gục ngã sau này và bắt kịp những kẻ đã phó thác cho Thần Chết và đi vào giấc ngủ vĩnh viễn. Nhưng Thần Chết cứ bước đi, đôi mắt ngó nhìn Hoàng Hôn xa xôi.
Trong đêm tối người anh gọi người em, người cha gọi người con, người mẹ gọi đàn con; nhưng cơn đói dằn vặt và hành hạ chúng ta bằng nhau.
Nhưng Thần Chết chẳng đói và chẳng khát. Gã nhai nuốt linh hồn và thể xác ta ngấu nghiến, và uống máu và lệ ta và chẳng bao giờ no đã.
Canh một đêm khuya đứa con kêu người mẹ, “Mẹ ơi, con đói”, và người mẹ trả lời, “Chờ một lát, hỡi con.”
Canh hai đêm khuya đứa con nhắc lại, “Con đói, mẹ ơi, cho con chút bánh”, và người mẹ trả lời, “Mẹ không có bánh, hỡi con yêu dấu.”
Canh ba đêm khuya Thần Chết tới nơi và vụt ngã cả mẹ lẫn con bằng đôi cánh gã và cả hai nằm ngủ muôn đời dọc ven đường. Và Thần Chết cứ bước đi, đôi mắt ngó nhìn Hoàng Hôn xa xôi.
Sáng dậy người chồng ra đồng kiếm thức ăn, nhưng chẳng thấy gì ngoại trừ cát bụi và sỏi đá.
Trưa đến hắn trở về với vợ và con, tái ngoét, yếu run và tay không.
Và buổi chiều Thần Chết tới nơi và người chồng, người vợ và bầy con nằm xuống ngủ muôn đời. Và gã cả cười và bước đi về phía Hoàng Hôn xa xôi.
Sáng dậy người nông phu rời lều đi ra tỉnh, mang theo trong túi nữ trang của bà mẹ của người em gái để đổi lấy bánh. Chiều về hắn quay trở lại chẳng có bánh và chẳng có đồ nữ trang, thấy bà mẹ và người em gái nằm vùi trong giấc ngủ ngàn năm, đôi mắt trừng trừng ngó nhìn cõi hư vô. Tức thì hắn giơ hai cánh tay lên trời và ngã gục như một cánh chim trúng đạn của một xạ thủ không xót thương.
Và Thần Chết, thấy người nông phu, bà mẹ và người em gái bị thiên thần độc ác dụ hoặc vào trong giấc ngủ muôn đời, thì lại cả cười và cứ bước đi về phía Hoàng Hôn xa xôi.
Ôi, những kẻ bước đi trong ánh sáng ban ngày, chúng tôi gọi các người từ khoảng vô cùng của đêm tối. Các người có nghe tiếng kêu thương của chúng tôi?
Ta đã gửi đến các vong linh của những kẻ trong chúng ta đã chết đi làm sứ đồ của ta. Các người có lắng nghe lời nói của sứ đồ?
Ta đã chất nặng lên ngọn gió đông những hơi thởi cuối cùng. Ngọn gió có vượt đến những ven bờ xa vời mà làm vơi đi gánh nặng xuống bàn tay các người? Các người có biết đến niềm thống khổ của chúng tôi? Các người có nghĩ đến cách cưu mang chúng tôi? Hay các người chỉ ôm ấp lấy niềm an lạc và hoà bình mà nói, “Người con của ánh sáng làm gì được cho người con của bóng tối? Hãy để người chết chôn người chết, và chu toàn Thiên ý.”
Vâng, hãy chu toàn Thiên ý. Nhưng các người chẳng thể nâng cao mình lên trên mình đặng Thượng Đế lấy các người làm công cụ cho ý của người và dùng các người để cứu vớt chúng tôi ư?
Trong đêm tối chúng ta gọi tên nhau.
Người anh gọi người em, người mẹ gọi người con gái, người chồng kêu người vợ, và tình nhân kêu người yêu dấu.
Và khi tiếng gọi của chúng ta hoà với nhau và với lên trái tim vầng trời, thì Thần Chết dừng lại và cả cười, rồi nhạo báng ta và lại bước đi, đôi mắt ngó nhìn Hoàng Hôn xa xôi.
*
Cục phấn mạ bạc
Silman Effandi là một người ăn mặc lịch thiệp, cao và đẹp trai, ba mươi lăm tuổi. Chàng thường hay vê xoắn bộ ria mép của mình và vận bít tất lụa và đi giầy da bóng. Nơi bàn tay mềm mại và thanh tú chàng mang một chiếc ba-toong đầu vàng và nạm ngọc. Chàng ăn tại những hiệu ăn đắt tiền, nơi tụ họp của giới thanh nhã lịch sự. Trên chiếc xe ngựa lộng lẫy, do những chiếc ngựa nòi kéo đi, chàng thường dạo qua các đại lộ thượng lưu.
Tài sản của Simal Effandi chẳng phải được thừa kế của người cha, một người (xin cầu cho hồn ông an nghỉ) rất nghèo. Cũng chẳng phải Silman Effandi thu thập tài sản bằng những hoạt động thương mại linh lợi và kiên trì. Chàng rất lười biếng và ghét làm việc, coi bất cứ hình thức lao động nào cũng là đồi bại cả.
Có lần tôi nghe chàng nói:
“Cơ thể và tính khí của tôi không thích hợp với việc làm; việc làm chỉ dành cho những kẻ tính tình trì độn và thể xác phàm phu.”
Thế thì Silman đã giàu có bằng cách nào? Bằng ảo thuật nào mà những thứ dơ bẩn trong bàn tay chàng lại hoá thành vàng, thành bạc? Đây là cái bí quyết giấu kín trong cục phấn mạ bạc mà Azrael [1] , thiên sứ của Thần Chết, đã tiết lộ cho chúng tôi. Và chúng tôi lại xin tiết lộ hầu quí vị:
Năm năm trước đây, Silman Effandi kết hôn với bà Faheema, goá phụ của Betros Namaan, nổi tiếng về lòng ngay thẳng, tính nhẫn nại, và đức cần lao.
Hồi đó Faheema đã bốn mươi lăm tuổi, nhưng chỉ trẻ trung trong trí tưởng và tác phong mà thôi. Bây giờ bà ta nhuộm tóc và dùng phấn son tô điểm đặng tự lừa dối là mình vẫn còn trẻ trung, mỹ miều. Bà không thường gặp Silman, người chồng trẻ của bà, ngoại trừ quá nửa đêm, lúc chàng hạ cố ném cho một cái nhìn khinh bỉ, và dùng những lời lẽ thô tục và chửi rủa mà nói chuyện. Như thế đặng chàng có quyền, chàng tin cậy, tiêu pha cái tài sản mà người chồng trước của bà đã kiếm bằng mồ hôi và nước mắt.
Adeeb Effandi là một người thanh niên, tuổi chừng hai mươi bảy, có cái mũi bự, đôi mắt nhỏ, khuôn mặt bẩn thỉu và bàn tay vấy mực với những móng tay trét đầy đất. Áo quần chàng được tô điểm bằng vết dầu, vết mỡ và vết cà-phê.
Vẻ bên ngoài xấu xí của Adeeb Effandi chẳng do ở tình cảnh nghèo nàn của chàng, mà do ở sự bận rộn với những ý tưởng tâm linh và thần học. Chàng thường viện dẫn câu của Ameen El Jundy nói rằng một vị học giả chẳng thể vừa sạch sẽ lại vừa thông minh.
Trong khi nói chuyện huyên thiên và không ngừng Adeeb Effandi chẳng có gì để nói ngoại trừ phê phán kẻ khác. Khi điều tra, chúng tôi mới khám phá ra rằng Adeeb Effandi đã học hai năm khoa hùng biện học tại một trường ở Beirut. Chàng làm thơ, viết khảo luận, tham luận, nhưng chúng chẳng bao giờ được in ra. Lý do chàng không cho xuất bản là tình trạng suy đồi của giới báo chí Ả-rập và sự ngu dốt của giới độc giả Ả-rập.
Mới đây Adeeb Effandi lại bận rộn nghiên cứu triết học mới và cũ. Chàng khâm phục Socrate và Nietzsche, và khoái trá với những câu nói của Thánh Augustine cũng như của Voltaire và Rousseau. Trong một bữa tiệc cưới chúng tôi nghe thấy chàng đang thảo luận về Hamlet; nhưng cuộc nói chuyện của chàng là một cuộc đối thoại, bởi những người khác thích uống rượu và ca hát hơn.
Một dịp khác, trong một đám tang, chủ đề của câu chuyện chàng nói là các bài thơ tình của Ben Al Farid và chủ nghĩa duy tửu của Abi Nawaas. Nhưng những kẻ đưa ma chẳng để ý đến chàng, vì họ còn đang đau buồn.
Tại sao, chúng tôi thường tự hỏi, Adeeb Effandi lại có mặt trên đời này? Sách mục và giấy nát của chàng dùng để làm gì khi rớt xuống cát bụi? Đi tậu lấy một con lừa và trở thành một người xà ích mạnh khoẻ và hữu dụng có phải hay hơn không?
Đây là cái bí quyết giấu kín trong cục phấn mạ bạc được Baal-Zabul tiết lộ, và chúng tôi lại xin tiết lộ hầu quí vị:
Ba năm trước đây, Adeeb Effandi làm một bài thơ ca ngợi Đức Giám Mục [2] Joseph Shamoun. Đức Giám Mục đặt tay lên vai Adeeb Effandi, mỉm cười mà nói:
“Hoan hô, mong Chúa ban phép lành cho con ta! Ta không còn hồ nghi gì nữa về trí thông minh của con; một ngày kia con sẽ là một trong số những vĩ nhân của Đông phương.”
Farees Bey Davis là một tiên sinh tuổi trạc tứ tuần, dong dỏng cao, đầu nhỏ và miệng to, trán hẹp và đỉnh hói. Ông ta bước đi với dáng điệu ngênh ngang long trọng, ưỡn phồng ngực và vươn cổ dài như con lạc đà.
Cứ nghe tiếng nói lớn và điệu bộ dương dương tự đắc của ông ta quí vị có thể tưởng ông ta (miễn là quí vị chưa hề gặp ông ta bao giờ) là một vị tổng trưởng một đế quốc lớn, đang mải chú tâm vào công việc nhà nước.
Nhưng Fareed chẳng có việc gì làm cả ngoại trừ kể lể và xưng tụng sự nghiệp của ông cha mình. Ông ta khoái kể lại công nghiệp của những người có tiếng tăm, và sự nghiệp của những anh hùng như Napoléon và Antar. Ông ta sưu tập các vũ khí ông chưa hề học cách sử dụng bao giờ.
Một trong các câu ông thường hay nói là Thượng Đế đã tạo ra hai dạng người: kẻ lãnh đạo và kẻ phục vụ họ. Một câu khác là: con người giống như loài lừa bướng bỉnh, chẳng chịu động đậy trừ khi lấy roi quất vào xác chúng. Một câu khác nữa: ngòi bút dành cho kẻ yếu và ngọn gươm dành cho kẻ mạnh.
Điều gì khiến Fareed khoe khoang tổ tiên ông ta và xử sự như vậy? Đó là một bí quyết được giấu kín trong cục phấn mạ bạc đã được Satanael tiết lộ cho chúng ta, và chúng tôi lại xin tiết lộ hầu quí vị:
Trong thập niên thứ ba, thế kỷ thứ mười chín, khi đức Vương Hầu Basheer, vị đại Đô Đốc Núi Liban, cùng với đoàn tuỳ tùng đi qua các thung lũng Liban, họ tới gần ngôi làng trong đó Mansour Davis, người ông nội của Fareed, trú ngụ. Đó là một ngày vô cùng nóng nực, và đức Vương Hầu xuống ngựa và ra lệnh cho đoàn tuỳ tùng ngồi nghỉ dưới bóng mát một cây sồi.
Mansour Davis, khám phá thấy trước tiên sự có mặt của Vương Hầu, bèn đi kêu các nông gia kế cận, và tin lành truyền đi khắp xóm làng. Rồi thì dân trong làng, do Mansour dẫn đường, bèn mang nhiều giỏ nho giỏ chà là, hũ mật, hũ rượu nho và bình sữa đến cho đức Vương Hầu. Khi họ tới chỗ cây sồi, Mansour quì xuống trước mặt đức Vương Hầu và hôn gấu áo của ngài. Rồi ông ta đứng dậy và giết một con cừu để tỏ lòng tôn kính ngài, rồi nói:
“Con cừu này là do ở đức đại lượng của Ngài mà có, ôi Hoàng Tử và người bảo vệ nhân mạng chúng tôi!”
Đức Vương Hầu lấy làm đẹp ý về lòng hiếu khách như thế, bèn nói:
“Từ nay xấp tới, ngươi sẽ là lý trưởng làng này, và ta sẽ tha cho làng nhà ngươi một năm khỏi đóng thuế.”
Đêm hôm đó, sau khi đức Vương Hầu đã rời khỏi, dân làng tụ tập tại nhà “quan Tù Trưởng” [3] Mansour Davis và thề nguyện trung thành với quan Tù Trưởng tân nhiệm này. Xin Thượng Đế ban ân cho vong linh họ.
Có bao nhiêu là điều bí mật được giấu kín trong cục phấn mạ bạc, đếm ra không xiết. Ác quỉ và satan tiết lộ một số cho ta hàng ngày hàng đêm, mà chúng tôi sẽ chia sẻ với quí vị trước khi thiên sứ của thần chết bao bọc chúng tôi dưới đôi cánh nó và mang chúng tôi đi về nơi Bên Kia Vĩ Đại.
Thôi, đêm tàn hầu nửa và mắt nặng dần rồi, hãy cho phép chúng tôi đầu hàng Giấc Ngủ và có lẽ tân nương mỹ miều của mộng mị sẽ chở linh hồn chúng tôi vào một thế giới trong sạch hơn thế giới này, ai biết đâu.
*
Ông tán gẫu
Tôi chán ngấy những kẻ tán gẫu và sự tán gẫu của họ; linh hồn tôi ghê tởm họ.
Khi tôi thức dậy buổi sáng đọc thư từ và báo chí cạnh giường, tôi thấy trong đó đầy những truyện tán gẫu; tôi chỉ thấy rặt là chuyện tầm phào rỗng tuếch ý nghĩa nhưng lại chứa đầy đạo đức giả.
Khi tôi ngồi bên cạnh cửa sổ để hạ thấp tấm màn ngủ xuống khỏi đôi mắt tôi và nhấm nháp cà phê Thổ Nhĩ Kỳ, ông Tán Gẫu đã hiện ra trước mặt tôi, vừa nhảy vừa la vừa lẩm bẩm. Ông ta còn hạ cố nhấm nháp cà-phê và hút thuốc lá của tôi.
Khi tôi đi làm, Ông Tán Gẫu đi theo, nói thì thào vào tai tôi và cù léc bộ não nhạy cảm của tôi. Khi tôi thử đuổi nhẹ ông ta đi thì ông ta cười khúc khích và chỉ được một lát là lại trôi giữa dòng nước lũ chuyện trò vô ý nghĩa.
Khi tôi đi ra chợ, Ông Tán Gẫu đứng ngay giữa cửa mỗi hiệu bán hàng bình phẩm mọi người. Tôi còn trông thấy ông ta ngay cả trên nét mặt những người yên lặng vì ông ta cũng mang họ đi theo nữa. Họ không biết đến sự có mặt của ông ta, thế nhưng ông ta vẫn quấy rầy họ như thường.
Tôi ngồi xuống với một người bạn, thì ông Tán Gẫu, chẳng hề được mời, cũng ngồi xuống làm người thứ ba. Nếu tôi muốn tránh ông ta, thì ông ta tìm cách ngồi sát gần đến nỗi âm hưởng của giọng nói ông ta làm tôi bực dọc và làm dạ dày tôi khó chịu như đã ăn phải thịt ôi.
Khi tôi viếng thăm các toà án và các cơ sở học vấn, tôi thấy ông ta và cha và mẹ ông ta đang khoác cho Hư Nguỵ những tấm y phục nhung lụa và khoác cho Giả Đạo Đức một tấm áo choàng diễm lệ và một khăn quấn đầu đẹp đẽ.
Khi tôi thăm viếng các cơ xưởng, ở đó - ngạc nhiên thay - tôi cũng thấy ông Tán Gẫu, trong đám mẹ, cô và ông nội của ông ta, đang mải mê nói chuyện và lắp chắp cặp môi dầy. Và gia quyến ông vỗ tay hoan hô ông và nhạo báng tôi.
Khi thăm viếng các đền đài và nơi thời cúng, tôi đã thấy ông ở đó rồi, đang ngồi trên ngai, đầu mang vương miện và tay cầm vương trượng sáng loé.
Buổi chiều trở về nhà, tôi cũng lại thấy ông ta ở đó nữa. Từ trần nhà ông treo mình như một con rắn; hoặc bò sát như một con trăn khắp bốn góc nhà tôi.
Tóm lại, ông Tán Gẫu có thể tìm thấy khắp nơi; phía bên này và phía bên kia trời, trên bộ và dưới đất, trên đôi cánh thượng tầng không khí hay trên ngọn sóng biển khơi, trong rừng, trong hang, và trên đỉnh núi.
Người yêu yên lặng và bình an có thể tìm được an nghỉ tại nơi nào không có mặt ông ta? Liệu Thượng Đế sẽ có bao giờ ban phước cho hồn tôi và ban cho tôi cái ân sủng trở thành câm nín để tôi có thể trú ngụ trong thiên đàng Yên Lặng?
*
Martha
I.
Cha nàng chết đi khi nàng hãy còn trong nôi, và nàng mồ côi mẹ trước khi lên mười. Là một đứa gái mồ côi, Martha ở trong nhà một người nông dân nghèo với người vợ và đàn con của ông ta, và nàng được coi như đứa tớ gái trong gia đình. Họ sống trong một thôn hẻo lánh trên một triền núi đẹp ở phía bắc Liban.
Lúc chết đi, người cha đẻ để lại cho gia đình ông ta có mỗi cái tên tốt của mình và một túp lều nghèo nàn đứng trơ trọi giữa rặng hồ đào và thuỳ liễu. Mẹ nàng chết đi để lại cho nàng có niềm đau và những giọt lệ và tình cảnh mồ côi. Trái tim nàng rỗng tuênh chẳng gì lấp đầy nổi. Nàng trở thành một kẻ xa lạ ngay giữa nơi chôn nhau cắt rốn. Ngày ngày, nàng bước chân đất dẫn một con bò ra đồng cỏ. Trong lúc bò đang ăn cỏ thì nàng ngồi dưới một gốc cây, ca hát với loài chim muông, khóc lóc với dòng suối, hờn ghen với con bò về niềm thanh thản, và ngắm nhìn hoa cỏ và những đàn bướm bay lượn bên trên.
Lúc mặt trời lặn, nàng quay trở về nhà với một bữa cơm đơn sơ, có bánh ngô, trái khô và đậu trắng ngâm trong dấm và dầu ô-liu. Nàng ngủ trên một ổ rơm, lấy hai cánh tay làm gối; và nàng cầu nguyện rằng ước sao cả cuộc đời nàng sẽ được là một giấc ngủ đến vô cùng. Khi mặt trời mọc, người chủ đánh thức nàng dậy cho nàng làm việc nhà trước khi dẫn bò ra đồng cỏ. Nàng chỉ biết run rẩy và tuân lời.
Và như thế những năm dài buồn thảm và hỗn độn qua đi, và Martha lớn lên như một cây non. Trong tim nàng nhen nhúm một cái gì mà chính nàng cũng không hay biết… như hương thơm sinh ra trong lòng một đoá hoa. Nàng theo chân cơn mộng đi như bày cừu đi theo một dòng suối để làm dịu cơn khát. Trí nàng giống như vùng đất trinh nguyên nơi mà tri thức chưa hề gieo hạt và nơi mà chưa bàn chân nào hề dẫm tới.
Những kẻ như chúng ta sống trong những xô bồ náo động của thành phố chẳng biết gì về đời sống của dân làng miền núi. Ta bị cuốn trôi trong dòng đời đô thị, cho đến khi ta quên đi mất những nhịp hiền hoà của cuộc đời đơn sơ nơi thôn dã - một cuộc đời mỉm cười trong mùa xuân, cần lao trong mùa hạ, gặt hái trong mùa thu, và ngơi nghỉ trong mùa đông, bắt chước thiên nhiên trong tất cả các chu kỳ của nó. Ta giàu có hơn dân que về vàng về bạc, nhưng họ giàu có hơn ta về tâm hồn. Những gì ta gieo ta chẳng hái; họ hái những gì họ gieo. Ta là nô lệ của lòng thèm khát, và họ là con đẻ của lòng thích chí. Hớp nước ta uống từ lòng tách cuộc đời thì pha trộn với nỗi đắng cay và tuyệt vọng, niềm sợ hãi và chán chường; nhưng họ uống nước mật tinh khiết của sự toàn thắng giữa cuộc đời.
Và tuổi mười sáu, tâm hồn Martha giống như một tấm gương trong phản ánh một cảnh đẹp tuyệt vời; trái tim nàng như một đồi nương âm hưởng mọi tiếng nói.
Một ngày mùa thu nàng ngồi bên bờ suối, ngắm nhìn mơ mộng những cánh là vàng rơi rụng, những cánh lá vàng đã bị bứt khỏi những hàng cây bởi một ngọn gió lùa qua cành cây như thể thần chết lùa qua hồn người. Nàng ngó trông những đoá hoa tàn mà tim đã kéo khô và hạt giống đã tìm nơi ẩn trú trong lòng đất như thể những kẻ đào vong đang kiếm tìm một cuộc đời mới.
Đang mải mê như thế, thì nàng nghe thấy tiếng vó ngựa dồn trên mặt đất. Ngoảnh lại, nàng trông thấy một chàng kỵ mã đang tiến về hướng nàng. Khi tới con suối, chàng xuống ngựa và chào hỏi nàng bằng lời lẽ êm ái mà nàng chưa từng nghe thấy nơi một người đàn ông nào khác. Rồi chàng nói tiếp:
“Thưa cô nương, tôi đã bị lạc đường. Xin cô làm ơn chỉ cho tôi con đường ra bờ biển.”
Đứng bên bờ suối, trông nàng như một cành cây non yếu, nàng đáp:
“Thưa ông, em không thể hướng dẫn cho ông được, bởi vì em chưa bao giờ xa nhà cả. Nhưng nếu ông hỏi ông chủ em, em chắc ông chủ em sẽ có thể giúp đỡ ông được.”
Mặt nàng ửng hồng trong lúc nàng nói khiến cho nàng trông càng nhu mì, càng mỹ miều hơn. Lúc nàng bắt đầu quay gót bước đi, thì người kỵ mã vội giơ tay ngăn lại. Nét mặt chàng bỗng nhiên dịu dàng, và chàng nói:
“Xin cô đừng đi…”
Và tiếng nói người đàn ông có một sức lực gì lạ lùng khiến cho nàng bất động. Khi lén ngó mặt chàng thì nàng thấy chàng đang ngó nàng mải miết. Nàng chẳng hiểu nổi lòng sùng bái lặng thinh của chàng.
Chàng ngắm nghía đôi bàn chân trơn mỹ miều của nàng, đôi cánh tay duyên dáng và cái cổ nõn nà và làn tóc óng ả. Bằng một cách âu yếm và bàng hoàng ngất ngây chàng ngó nhìn đôi má ửng nắng và những đường nét điêu trác của nàng. Nàng không thốt ra được một lời hay nhúc nhích được một thớ thịt.
Buổi chiều hôm đó con bò trở về chuồng một mình. Người chủ của Martha đi lùng kiếm khắp cùng vùng đồi nương mà chẳng thấy bóng dáng nàng đâu. Vợ ông ta đêm ấy khóc sướt mướt suốt đêm. Sáng hôm sau bà ta nói, “Đêm qua thiếp thấy con Martha trong giấc mơ; nó đang nằm giữa hai chân một con thú dữ đã quyến rũ nó đi; con thú đang sắp sửa ăn thịt con Martha, nhưng nó chỉ mỉm cười.”
II.
Vào mùa thu năm 1900, sau một mùa nghỉ hè tại miền Bắc Liban, tôi quay trở về Beyrouth. Trước khi tựu trường, suốt một tuần lễ tôi xục xạo lang thang khắp thành phố với các bạn cùng lớp của tôi. Chúng tôi giống như đàn chim sổ lồng, muốn đi muốn về tuỳ thích.
Tuổi xanh là một giấc mộng đẹp mà sách vở phủ kín một lớp bụi mù trên vẻ trong sáng của nó. Liệu sẽ có ngày nào mà kẻ thông thái đem nối lại cái niềm vui của tri thức với giấc mộng của tuổi xanh được chăng? Liệu sẽ có ngày nào mà Thiên Nhiên trở thành người thày của con người, nhân loại trở thành trường học của hắn được chăng? Cái đích hân hoan của tuổi trẻ chẳng thể hoàn thành chừng nào cái ngày đó chưa đến. Cuộc hành trình của ta tới hướng cao thượng tinh thần thật quá chậm chạp, bởi lẽ ta dùng quá ít cái nhiệt tâm của tuổi trẻ.
Một buổi chiều kia, trong lúc tôi đang ngồi ngắm nhìn những đám đông xô đẩy, chen lấn nhau ngoài phố ở Beyrouth, và tai như bị điếc đi về những tiếng la hét huyên náo của những người bán hàng ngoài phố, tôi bỗng chú ý đến một đứa con trai rách rưới chừng năm tuổi đang bưng một khay hoa. Bằng một giọng thảm sầu nó hỏi tôi:
“Thưa cậu có mua hoa không?”
Miệng nó hơi hé mở, giống như và vọng lại một vết thương thật sâu trong tâm hồn. Đôi cánh tay nó gầy gò và để trần, và thân xác yếu đuối của nó cúi gập xuống khay hoa như một cành hồng đang tàn úa.
Đáp lời, tôi cố tránh không để cho giọng nói của tôi có vẻ gì là thương hại nó hết.
Tôi mua vài bông hoa nhưng mục đích chính của tôi là để nói chuyện với nó. Tôi cảm thấy rằng trái tim nó mà một sân khấu trên đó đang diễn ra một tấn bi kịch liên tục đầy đau khổ.
Trước những lời nói cẩn thận và tế nhị của tôi, nó bắt đầu cảm thấy yên tâm, và một nụ cười chói sáng khuôn mặt đứa nhỏ. Nó tỏ vẻ ngạc nhiên khi được nghe những lời nói êm đềm, vì như mọi kẻ nghèo hèn nó đã quen với sự hà khắc. Tôi hỏi tên nó – tên nó là Fu’ad – và rồi:
“Em là con ai?”
Nó đáp:
“Em là con của Martha.”
“Còn bố em là ai?” Tôi hỏi.
Nó lắc đầu, tỏ vẻ sửng sốt, dường như là không biết được cái ý nghĩa của chữ đó.
Tôi hỏi tiếp:
“Thế mẹ em bây giờ đâu rồi, “Fu’ad”?”
Nó khóc lóc trả lời:
“Mẹ em đau, ở nhà.”
Bỗng nhiên ký ức hiện hình trong óc tôi. Martha – mà câu chuyện bỏ dở về nàng tôi đã được nghe từ một ông lão trong làng – đang nằm đau gần đâu đây. Người thiếu nữ mới hôm qua đây còn đang chạy khắp đồi nương và hưởng cái vẻ đẹp của thiên nhiên đó hiện giờ đang chịu một niềm đau cùng khốn; đứa gái mồ côi mà sớm trong đời đã sống trong lòng Thiên Nhiên đó nay bỗng đang chịu đựng những nỗi hành hạ mà sự tinh xảo của thành phố hiện mang đến cho kẻ ngây thơ.
Lúc đứa nhỏ bắt đầu rời chân đi, tôi bèn nắm lấy tay nó, nói:
“Em dẫn anh tới gặp má em đi. Anh muốn đến gặp má em.”
Nó yên lặng dẫn tôi đi, đôi lúc ngoảnh lại ngó xem tôi có theo chân nó không.
Qua những con phố nhỏ hẹp, dơ dáy, với một mùi tử thần vương vất trên không, và giữa những căn nhà ăn chơi, ầm ĩ những tiếng động của tội lỗi, tôi bước đi đằng sau Fu’ad, thầm cảm phục lòng can đảm trong bước chân dài của nó. Cần phải có can đảm mới bước đi được trong các xóm ổ chuột này, nơi mà bạo lực, trọng tội, và bệnh dịch chế nhạo vẻ huy hoàng của thành phố, được kêu bằng “Tân Nương của Xyri” và “Hạt Ngọc trên Vương Miện của đức Sultan”.
Khi chúng tôi bước chân vào một khu đặc biệt nhơ nhớp khốn cùng, đứa bé trai trỏ cho tôi thấy một căn lều mà tường của nó dường như đang sụp đổ. Tim tôi đập dồn và tôi theo chân Fu’ad vào một căn buồng không có đồ đạc ngoại trừ một cây đèn dầu và một tấm phản, trên đó Martha đang nằm, mặt nàng quay vào tường như là muốn trốn tránh sự áp chế của thành phố. Fu’ad mó vào vai nàng, nói:
“Má ơi.”
Lúc nàng quay lại, vẻ đau đớn, thì đứa trai nhỏ trỏ vào mặt tôi. Nàng cựa quậy thân thể yếu đuối của nàng dưới tấm mền đã rách nát, và bằng một giọng tuyệt vọng nói:
“Khách lạ cớ làm sao tới đây? Người muốn gì? Có phải người đến đây để mua nốt cái mảnh hồn thừa cuối cùng của tôi và nhiễm độc nó bằng dục vọng của người không? Hãy đi khỏi nơi đây; ngoài phố kia đầy ra đàn bà bán thân của họ. Những gì còn lại từ mảnh hồn đã vỡ của tôi thần chết sẽ mua. Hãy đi khỏi tôi và đứa con trai tôi.”
Mấy câu nói ngắn ngúi đó đã kể hết câu chuyện đau thương của nàng. Tôi nói:
“Martha, đừng có sợ tôi; tôi đến đây chẳng phải làm một kẻ ăn sống nuốt tươi, mà là một kẻ đồng chịu đau khổ. Tôi là một người Liban đã sống gần cánh đồi bên những hàng cây bá hương Liban của cô đó. Chớ có sợ hãi.”
Lúc nhận ra rằng những lời nói của tôi đã thoát ra tự đáy lòng biết cảm xúc, nàng run rẩy như một cành cây ốm yếu trước một trận gió mạnh, và nàng giơ hai bàn tay ôm lấy mặt, như là cố che giấu đi cái ký ức kinh hoàng và đẹp đẽ mà vị ngọt của nó đã bị vị đắng cay tàn phá.
Thế rồi, bằng một giọng dõng dạc lạ lùng, ấy nhưng tuyệt vọng, nàng nói:
“Khách đã đến đây như một ân nhân, và cầu xin Thượng Đế đền công cho người; thế nhưng tôi van khách nên rời nơi đây, vì sự có mặt của khách ở đây sẽ mang lại cho người ô nhục. Hãy tránh để đừng cho ai nhận diện. Trái tim thương cảm của khách chẳng hoàn phục đức tính của tôi; nó cũng chẳng xoá nhoà sự hổ thẹn của tôi, cũng chẳng che chở tôi khỏi bàn tay thần chết. Tội lỗi của chính tôi đã mang lại cho tôi niềm đau khổ này; đừng để cho lòng thương của khách mang lại cho khách sự hổ thẹn. Tôi giống như một người hủi cần phải được tránh cho xa. Hãy đi đi, kẻo khách bị nhiễm độc! Chớ có nhắc đến tên tôi ở miền Bắc Liban. Con chiên ghẻ phải bị kẻ mục đồng huỷ hoại, sợ răng nó sẽ truyền nhiễm các con chiên khác. Nếu có nói về tôi, xin khách hãy bảo rằng tôi đã chết.”
Và rồi nàng ôm choàng lấy đứa con trai nhỏ và nói:
“Người ta sẽ nhạo báng con trai tôi, bảo nó là quả của tội lỗi; con trai con Martha thông dâm; con Martha giang hồ. Bởi vì họ mù loà, đâu có thấy rằng chính mẹ nó đã cho nó đời sống bằng đau khổ. Tôi sẽ chết đi và bỏ nó lại làm một đứa trẻ mồ côi trong đám con trẻ khác, và ký ức của nó về tôi sẽ khiến nó hổ thẹn. Nhưng khi nó khôn lớn thành người, nó sẽ giúp ông xanh chấm dứt những gì đã mang lại cho tôi; và khi nó chết đi trong cạm bẫy thời gian, nó sẽ thấy tôi đang chờ đợi nó trong vĩnh cửu, nơi trú ngụ của ánh sáng và an bình.”
Trái tim sầu thảm, tôi nói:
“Martha hỡi, cô chẳng phải là một người hủi. Cô sống trong nhà mồ, ấy nhưng cô thanh khiết. Cái dơ bẩn của thể xác chẳng thể làm gợn tâm hồn trong trắng của cô.”
Nghe những lời nói cảm động của tôi, khuôn mặt Martha sáng lên. Nhưng rõ ràng là cái chết của nàng đã đến gần. Mới hôm qua đây, nàng còn chạy nhảy khắp các cánh đồng Liban; mà hôm nay đây, đau yếu và buồn thảm, nàng đã đang chờ được giải thoát khỏi những xiềng xích của cuộc đời. Cố thu hết những mảnh vụn cuối cùng của tàn lực, nàng thì thầm:
“Khách muốn cho tôi là thế nào cũng được dù là chính sự yếu đuối của tôi mang đến cho tôi cái vận cùng… chàng kỵ sĩ tới… chàng ăn nói lịch sự và khôn khéo… chàng hôn tôi… tôi không biết gì hết và tin tưởng ở lời chàng nói. Chàng mang tôi đi xa và những lời nói đẹp và những nụ cười hoa đã che giấu đi những dục vọng xấu xa của chàng. Sau khi hoàn thành niềm nhơ nhuốc cho tôi, chàng rời bỏ tôi. Chàng chẻ cuộc đời tôi làm hai mảnh - một phần tôi không nơi nương tựa, và đứa con tôi. Mẹ con tôi rét lạnh…. mẹ con tôi bơ vơ chịu khổ…. Vì thương con cho nên tôi đã chìa tay ra nhận lấy vàng của những kẻ đến mua thể xác tôi. Đã có nhiều lần tôi toan tự vẫn. Giờ đây đã đến lúc rồi, và thần chết dấu yêu đã tới để ôm choàng tôi dưới đôi cánh che chở của nó…”
Và rồi, bỗng nhiên, bằng một giọng cương quyết nhưng bình tĩnh, nàng nói tiếp: “Ô Công Lý, ẩn trốn đằng sau những hình ảnh khủng khiếp kia, hãy lắng nghe tiếng rú của linh hồn tôi đang bay đi và tiếng kêu la cúa trái tim tôi đã vỡ! Hãy thương xót lấy tôi mà cứu vớt đứa con tôi, và hãy mang tôi đi xa!”
Hơi thở nàng yếu dần. Nàng buồn thảm và âu yếm ngó đưa con trai nàng và nói thì thầm: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời, nguyện danh Cha được tôn thánh. Nước Cha được đến. Ý Cha được nên ở đất như ở trời…. Tha tội chúng tôi vì chính chúng tôi cũng….”
Tiếng nói nàng nhỏ dần đi rồi biến mất nhưng đôi môi nàng vẫn mấp máy. Thế rồi nàng trút hơi thở cuối cùng trên trái đất, mắt nàng vẫn mở ngó như là đang ngó vào một vật nào vô hình.
Khi bình minh đến, xác Martha được hai người nghèo khiêng đi đến một nghĩa trang trong một cỗ quan thô sơ. Họ khiêng xác nàng đi xa thật xa khỏi thành Beyrouth. Các mục sư từ chối không chịu cầu nguyện cho nàng, và cấm không cho chôn nàng trong đất thánh. Và không có một ai theo Martha tới chốn an nghỉ của nàng ngoại trừ đứa con trai tuổi tên Fu’ad và một thiếu niên mà cuộc đời đã dạy cho lòng xót thương và tử tế.
*
Ảo ảnh
Khi Đêm đến và Giấc Ngủ trải rộng bộ xiêm y của nó trên mặt đất, tôi nhỏm dậy khỏi giường và bước đi ra hướng biển, lòng nhủ thầm: “Biển không bao giờ đi ngủ, và trong cơn thức của nó có niềm an ủi vỗ về cho một tâm hồn vắng ngủ”.
Lúc ra tới bờ biển, sương mù từ các ngọn núi đã giăng mắc bao phủ cả một vùng trời như một giải khăn trùm tô điểm khuôn mặt một thiếu phụ. Tôi ngắm nhìn những lớp sóng trùng điệp và lắng nghe tiếng chúng ngợi ca Thượng Đế và ngẫm nghĩ về cái sức mạnh vĩnh cửu tiềm ẩn bên trong lòng sóng – cái sức mạnh đi theo cùng giông bão và phóng lên với núi lửa và mỉm cười qua những cánh môi loài hoa hồng và ca hát cùng với các dòng suối.
Thế rồi tôi trông thấy ba bóng ma ngồi trên một tảng đá. Tôi lật đật bước về hướng chúng dường như có một sức mạnh nào lôi kéo tôi đi, dứt tôi khỏi ý lực của mình.
Chỉ cách các bóng ma chừng vài bước, tôi dừng chân dường như có một huyền lực đã ngăn giữ tôi lại. Ngay đúng lúc đó thì một trong các bóng ma đứng lên, và bằng một giọng nói dường như nhô lên từ đáy thẳm của biển khơi, nó nói:
“Cuộc Đời không Tình Yêu thì giống như một cây không hoa, không trái. Và Tình Yêu không Sự Đẹp thì giống như hoa không hương thơm và như trái cây không hạt giống… Cuộc Đời, Tình Yêu và Sự Đẹp là ba người làm một, chẳng thể tách rời mà cũng chẳng thể đổi thay.”
Bóng ma thứ hai lên tiếng bằng một giọng nói gầm thét như thác đổ:
“Cuộc Đời không Nổi Loạn thì giống như thời tiết không Mùa Xuân. Và Nổi Loạn không Quyền Lợi thì giống như Mùa Xuân trong một vùng sa mạc khô cằn… Cuộc Đời, Nổi Loạn, và Quyền Lợi là ba người làm một, chẳng thể đổi thay mà cũng chẳng thể tách rời.”
Rồi bóng ma thứ ba, bằng một giọng vang vang như sét nổ, lên tiếng:
“Cuộc Đời không Tự Do thì giống như một thể xác không linh hồn, và Tự Do không Tư Tưởng thì giống như một linh hồn bối rối… Cuộc Đời, Tự Do và Tư Tưởng là ba người làm một, sống mãi đến vô cùng và chẳng bao giờ tan biến.”
Và rồi cả ba bóng ma cùng đứng dậy, và bằng một giọng vang gầm sang sảng nói:
“Điều mà Tự Do sinh sản
Điều mà Nổi Loạn tạo ra
Điều mà Tự Do nuôi dựng,
Là ba biểu hiện của Thượng Đế.
Và Thượng Đế là biểu hiện
Của Vũ Trụ trí minh”.
Lúc đó Yên Lặng pha hoà với tiếng xào xạc của những đôi cánh vô hình và tiếng rún rẩy của những thân thể bằng thinh không; và rồi Yên Lặng bao trùm.
Tôi nhắm mắt lại và lắng nghe âm hưởng của những lời tôi vừa mới nghe thấy, và đến khi mở mắt ra tôi chẳng trông thấy gì ngoại trừ biển khơi trùm kín trong sương mù. Tôi bước về phía tảng đá nơi ba bóng ma vừa ngồi, nhưng tôi chẳng trông thấy gì ngoại trừ một cột trầm hương đang cuồn cuộn bốc lên trời.
*
Thanh khí tương giao
“Hãy thức dậy, em yêu, hãy thức dậy! Bởi hồn anh kêu gọi em từ phía bên kia đại dương, và đem dâng tặng em đôi cánh bay bổng trên trùng sóng cuồng nộ.”
Hãy thức dậy, bởi yên lặng đã làm ngưng tiếng vó câu dập dồn và tiếng huyên náo của khách bộ hành.
Giấc ngủ đã ôm choàng lấy hồn loài người, nhưng riêng mình anh còn thức; nỗi nhớ nhung nâng anh ra khỏi cơn ngủ bao trùm.
Cuộc tình mang anh sát lại gần em, nhưng mối ưu phiền kéo anh đi xa rất xa.
Anh đã rời khỏi giường anh, hỡi em yêu, bởi sợ rằng hồn ma quên lãng ẩn trốn trong mền bông.
Anh đã ném sách anh sang bên, bởi những tiếng thở dài anh đã làm câm nín lời nói và bỏ những trang sách trống trơn trước mắt!
Hãy thức dậy, hãy thức dậy, bớ em yêu, và lắng nghe lời anh nói.
“Em lắng nghe anh đây, hỡi anh yêu dấu! Em đã nghe lời anh kêu gọi từ phía bên kia đại dương và cảm thấy thoáng nhẹ nhàng của đôi cánh hồn anh; em đã rời khỏi giường em và bước đi trên cỏ và sương đêm đã làm ướt chân và gấu xiêm em. Em đang đứng đây dưới những chùm hoa hạnh nhân, lắng nghe tiếng gọi của hồn anh.”
“Hãy nói anh nghe, bớ em yêu, và để cho hơi thở em cưỡi trên lưng ngọn gió đang bay đến với anh từ những cánh đồi Liban. Hãy nói đi em. Chẳng một ai nghe thấy ngoại trừ anh. Nàng Đêm đã quyến rũ mọi người khác tới nơi yên nghỉ của họ.”
“Trời đã dệt một dải khăn che bằng ánh trăng và kéo nó phủ kín khắp Liban, hỡi anh yêu dấu.”
“Trời đã lấy bóng đêm dệt thành một tấm áo choàng và viền tấm áo bằng những cột khói xưởng thợ và hơi thở của Thần Chết, và đặt nó trên khung thành phố, bớ em yêu.”
“Dân làng đã đầu hàng Giấc Ngủ trong lều của họ giữa những rặng hồ đào và thuỳ liễu. Hồn của họ đã bay lướt về xứ mộng, hỡi anh yêu dấu.”
“Mọi người bị cong lưng dưới sức nặng của vàng bạc, và con đường dốc cỏ xanh làm yếu đầu gối họ. Đôi mắt họ nặng ưu phiền và chán chường, và họ ngã xuống giường, bớ em yêu, như thể đi trống khỏi Hồn Ma Sợ Hãi và Tuyệt Vọng.”
“Hồn ma của những thời xa xưa đang bước đi trong những vùng thung lũng, và linh hồn vua chúa và nhà tiên tri đang bay lượn trên khắp vùng đồi nương. Và tư tưởng em, do ký ức dệt thành, trỏ cho em thấy mãnh lực của dân Calđê [4] , vẻ huy hoàng của dân Axyri [5] , và nét quí phái của dân Ả-rập.”
“Trong những ngõ hẻm tối tăm đang bước đi những ác hồn đạo tặc u ám; những đầu rắn lục của tà dâm xuất hiện từ những kẽ hở của thành quách; và cơn sốt bệnh hoạn, pha trộn với phút hấp hối của tử thần, rùng mình qua các con phố. Trí nhớ đã tháo gỡ dải khăn quên lãng khỏi mắt anh và trỏ cho anh thấy cái nhớp nhơ của thành Xôđôm và những tội lỗi của thành Gômorơ. [6] ”
“Những cành cây nghiêng ngả, hỡi anh yêu dấu, và tiếng xào xạc của chúng hoà với tiếng thì thầm róc rách của dòng suối nhỏ trong thung lũng, vẳng lại bên tai ta những khúc thánh ca của Salomon, những tiếng thụ cầm nhặt khoan của David, và những bài ca của Ishak al-Mausili.”
“Những linh hồn con trẻ đói rét đang run rẩy trong lều tối; tiếng thở dài của những người mẹ đang lăn lộn trên giường thống khổ, và tuyệt vọng đã với thấu tận trời; và ác mộng đã làm rạn vỡ tim kẻ tàn tật. Anh đang nghe thấy tiếng than van đắng cay của họ.”
“Hương thơm sực nức các loài hoa đã trộn lẫn hơi thở nồng ngát của loài bá hương. Được mang trên cánh gió nô đùa qua những ngọn đồi, nó tràn ngập hồn ta bằng thương cảm và lòng thèm nhớ bay xa.”
“Nhưng chướng khí cũng dâng lên từ đồng lầy, bốc hơi bệnh hoạn. Như những mũi tên nhọn bí mật chúng đã xuyên thấu các giác quan và làm độc khí trời.”
“Sáng đã tới rồi, hỡi anh yêu dấu, và những ngón tay êm đềm của thức tỉnh đang mơn trớn đôi mắt kẻ mơ màng. Những tia sáng làm bật tung các cửa sổ và phát lộ mối quyết tâm và vẻ rực rỡ của Cuộc Đời. Các làng mạc đang nằm nghỉ trong bình an và tịch mịch trên những vai đồi, thức giấc; tiếng chuông nhà thờ ngân nga khắp không trung những lời mời đi lễ sớm. Tiếng chuông được các hang động đằng xa vọng lại, dường như Thiên Nhiên cũng cùng ta nguyện cầu. Đàn bê đã rời chuồng, đàn cừu và đàn dê đã rời lều đi gặm cỏ lóng lánh sương mai. Bầy mục tử thổi sáo đi đằng trước; và đằng sau bước theo bầy thôn nữ ca hát đón chào ban mai như đàn chim sớm.”
“Và giờ đây bàn tay thô kệch của Ban Ngày đang đè nặng lên thành phố. Màn cửa sổ đã vén, cửa ra vào đã mở. Nhưng đôi mắt mệt nhọc và những khuôn mặt hốc hác của thợ thuyền đã xuất hiện trong các công xưởng. Họ cảm thấy Tử Thần đang tới gần đời họ, và trên khuôn mặt nhăn nhúm của họ Sợ Hãi và Tuyệt vọng đã hiện ra. Đường phố ngập lụt những tâm hồn tham lam đang vội vã; và khắp nơi vang dội tiếng sắp đập, tiếng xe chuyển, và tiếng còi huýt của máy hơi. Thành phố đã biến thành một bãi chiến trường, nơi mà kẻ mạnh vật ngã kẻ yếu và kẻ giàu khai thác và áp chế kẻ nghèo.”
“Cuộc đời đẹp biết bao, hỡi anh yêu dấu; cuộc đời như trái tim nhà thi sĩ, chứa đầy ánh sáng và êm đềm.”
“Và cuộc đời cũng tàn nhẫn biết bao, bớ em yêu; cuộc đời như trái tim kẻ trọng tội, đập dồn tệ bệnh và sợ hãi.”
--------------------------------------------------------------------------------
[1]Theo thiên thần học Do Thái giáo và Hồi giáo, Azrael là thiên thần phân cách linh hồn lìa khỏI thể xác lúc lâm chung. (L.N.D)
[2]Đạo Thiên Chúa (L.N.D.)
[3]Sheik
[4]Chaldéen: Một dân tộc thuộc dòng cổ Xêmitích tạo thành thành phần lớn nhất tại đế quốc Babylôni xưa (2800–1750 T.TC) tại Tây Nam Á Châu (L. N.D.)
[5]Assyrien: Một dân tộc thuộc đế quốc Assyrie hồi thế kỷ thứ VII T.T.C. (L.N.D.)
[6]Hai thành phố cổ của Palestine bị lửa trời thiêu rụi vì dâm loạn hoành hành (L.N.D.)
Kahlil Gibran - Trầm tưởng (1 )
Kahlil Gibran
Trầm tưởng
Đăng Quang dịch
1
Mục lục
Lời dịch giả
Nhà thi sĩ Baalbeck
Nhà thi sĩ Baalbeck năm 1912 ttc
Ngày trở về của người yêu dấu
Kết hôn
Linh hồn tôi đã dạy cho tôi
Hậu duệ thần nữ
Răng sâu
Trong đêm tối
Cục phấn mạ bạc
Ông tán gẫu
Martha
Ảo ảnh
Thanh khí tương giao
Dưới ánh mặt trời
Một thoáng nhìn về tương lai
Nữ thần mộng tưởng
Lịch sử và dân tộc
Loài thú không tiếng nói
Thi sĩ và thi ca
Giữa nơi phế tích
Trước cửa đền
Thuốc ma tuý và dao giải phẫu
Toàn thiện mỹ
Hôm qua, hôm nay và ngày mai
Câu truyện của một người bạn
Những người khổng lồ
Ngoài trái đất
Ô đêm
Trái đất
Tro tàn thời đại và ngọn lửa vô cùng
*
Lời dịch giả
Trầm tưởng sưu tập những dòng tư tưởng và phút giây trầm mặc của nhà thi sĩ và tiên tri Kahlil Gibran, người gốc Liban, nguuyên tác Ả-rập ngữ, được chọn và dịch bởi Anthony R. Ferris dưới nhan đề Thoughts and Meditation (The Citadel Press, New York, tái bản lần thứ tư, 1969). Bản dịch sang Việt ngữ này đã dựa vào bản Anh dịch nói trên, ngoại trừ truyện ngắn “Martha” đã được so với bản Anh dịch của H. M. Nahmad, trong cuốn nhan đề Nymphs of the Valley của Gibran (Alfred A. Knopf. Inc. New York, tái bản lần thứ mười ba, 1969).
Đăng Quang
*
Nhà thi sĩ Baalbeck
Sarkis Effandi, một trong những người bạn thân nhất của Gibran, được giới trí thức Li-băng vô cùng kính phục. Ông đã từng đứng chủ một nhà xuất bản và một nhật báo Ả-rập ngữ có tên là Li-San-Ul-Hal. Năm 1912, Liên minh Tiến bộ Ả-rập, tổ chức nhằm phát huy sự thống nhất và nền văn hoá Ả-rập, quyết định vinh tôn nhà đại thi hào Li-băng là Kahlil Effandi Mutran.
Vì Sarkis đứng đầu uỷ ban tổ chức buổi lễ vinh tôn, cho nên ông đã gửi thơ mời Gibran, lúc bấy giờ đã di cư sang Nữu Ước, trở về họp mặt tại Beirut nhân dịp này. Gibran không thể tới được, nhưng gửi Sarkis một tiểu truyện và dặn là đọc hộ truyện này trước mặt nhà thi sĩ. Trong truyện tán dương nhà thi sĩ, Gibran biểu lộ lòng tin tưởng vào hiện tượng luân hồi và ngợi ca linh hồn vĩ đại đã được tái sinh vào nhà thi sĩ. [1]
Nhà thi sĩ Baalbeck
Tại thành Baalbeck năm 112 t.t.c.
Đức Vương Hầu ngồi trên ngai vàng, chung quanh đèn đuốc sáng rực và lư trầm mạ vàng nghi ngút. Hương thơm của trầm sực nức cung điện. Bên phải và bên trái của Ngài là các vị đại tư tế và thủ trưởng; các toán nô lệ và vệ binh đứng bất động trước mặt Ngài như những pho tượng đồng dựng trước mặt trời.
Sau khi các ca thủ giáo lễ đã xướng lên những khúc thánh ca vang dội, thì một vị trưởng lão đại thần đứng dậy trước mặt Vương Hầu, và bằng một giọng ngân nga êm đềm của tuổi sương hôm, cất tiếng nói:
“Ô Đại vương đầy lòng quảng đại, ngày hôm qua có một bậc hiền nhân từ Ấn Độ tới thành ta. Bậc hiền nhân này tin vào sự đa tạp của các tôn giáo và nói nhiều điều lạ lùng khó hiểu. Ông ta đi truyền bá một chủ thuyết luân hồi và sự hoá thân của những linh hồn di chuyển từ thế hệ này sang thế hệ kia, đi kiếm tìm những cuộc hoá thân càng ngày càng hoàn hảo, cho đến khi nào biến hoá thành thần thánh. Bậc hiền nhân này muốn bệ kiến Đại vương để giải thích chủ thuyết của ông ta.”
Đức Vương Hầu khẽ lắc đầu, mỉm cười và nói:
“Nhiều điều lạ lùng và kỳ diệu từ Ấn Độ mà đến. Hãy gọi kẻ hiền nhân vào để ta có thể nghe những lời hiền triết của ông ta.”
Vừa dứt lời, thì một ông lão da ngăm đen uy nghiêm bước vào và đứng trước mặt đức Vương Hầu. Đôi mắt lớn màu nâu của ông ta nói lên những niềm bí ẩn sâu xa. Ông lão cúi đầu lạy, ngẩng mặt lên, đôi mắt long lanh, và bắt đầu nói.
Ông ta cắt nghĩa cách thức những linh hồn đi từ một cơ thể này sang cơ thể kia ra sao, được nâng lên cao bởi những hành vi tốt của vật trung gian mà những linh hồn đã chọn lựa, và chịu ảnh hưởng của kinh nghiệm trải qua trong mỗi kiếp sống; khao khát vươn lên một hào quang nó khiến cho linh hồn phấn khởi và phát triển bằng Tình Yêu, khiến cho linh hồn vừa sung sướng vừa đau khổ…
Rồi nhà hiền triết nói đến cách thức những linh hồn di chuyển từ nơi này sang nơi khác đi tìm sự toàn hảo ra sao, đền tội trong hiện tại vì những tội ác đã phạm trong quá khứ, và gặp trong kiếp này những gì đã gieo trong kiếp trước.
Nhận thấy những dấu hiệu bất an và mệt mỏi trên dung nhan đức Vương Hầu, vị trưởng lão đại thần thì thầm vào tai nhà hiền triết:
“Giờ ngài đã thuyết giáo đủ rồi; xin hoãn bài diễn giảng cho đến kỳ gặp sau.”
Nghe đến đây nhà hiền triết cúi đầu cáo lui và đến ngồi giữa các nhóm tư tế và thủ trưởng, mắt nhắm nghiền lại dường như mệt mỏi vì đã mải nhìn vào những miền thâm u của Hiện Hữu.
Sau giây lát yên lặng sâu xa, giống như trong trạng thái xuất thần của một nhà tiên tri, đức Vương Hầu ngó sang bên tả rồi sang bên hữu, và hỏi:
“Nhà thi sĩ của ta hôm nay đâu rồi? Đã mấy hôm nay ta không thấy ông ta đâu cả. Có gì đã xảy đến cho ông ấy? Ông ấy vẫn thường có mặt trong các cuộc họp mặt của ta mà.”
Một vị giáo sĩ đáp:
“Một tuần trước đây thần có trông thấy ông ta ngồi trên trụ lang ở đền Ishtar, đôi mắt xa xôi và buồn thảm ngó ra tít khoảng hoàng hôn mù khơi y như là đã đánh lạc mất bài thơ của ông ta trên chín tầng mây xanh rồi ấy.”
Và một vị thủ lãnh nói thêm:
“Hôm qua thần cũng có trông thấy ông ta đứng dưới bóng cây liễu và cây trắc bá. Thần có chào hỏi ông ta, nhưng ông ta chẳng để ý gì đến lời hỏi thăm của thần cả, mà cứ vẫn chìm đắm trong biển trầm tư mặc tưởng.”
Đến lượt vị đại quan Thái Giám lên tiếng:
“Hôm nay thần có trông thấy ông ta trong thượng uyển, nét mặt tái ngắt và bơ phờ, thở dài sướt mướt, và đôi mắt đầy lệ.”
Đức Vương Hầu lập tức phán rằng:
“Hãy cho đi tìm ngay linh hồn bất hạnh đó đến đây, vì sự vắng mặt của nhà thi sĩ làm phiền lòng ta không ít.”
Được lệnh truyền, bọn nô lệ và vệ binh rời vương điện để đi tìm nhà thi sĩ, trong khi đó đức Vương Hầu cùng các giáo sĩ và thủ lãnh ở lại trong nghị điện chờ họ trở về. Dường như tâm hồn họ đều đã cảm thấy sự hiện diện vô hình của thi sĩ quanh quất đâu đây.
Chẳng bao lâu vị đại quan Thái Giám quay trở lại và phủ phục khấu đầu dưới chân đức Vương Hầu nhanh thoắt như một con chim trúng tên.
Thấy vậy đức Vương Hầu quát lớn:
“Làm sao… ngươi có điều gì nói ta nghe?”
Tên nô lệ ngẩng đầu lên và giọng run rẩy thưa:
“Muôn tâu Đại vương… chúng con thấy nhà thi sĩ nằm chết trong vườn thượng uyển…”
Đức Vương Hầu liền đứng dậy và vội vã, buồn thảm bước ra ngoài thượng uyển, dẫn trước là toán người cầm đuốc và theo sau là toán giáo sĩ và thủ lãnh. Ở đằng cuối vườn gần hàng cây hạnh nhân và thạch lựu, ánh sáng vàng của các ngọn đuốc soi sáng người thanh niên đã chết. Xác hắn nằm trên thảm cỏ xanh như một đoá hồng đã héo khô.
Một trong số cận thần của đức Vương Hầu nói:
“Ngó kìa, nhà thi sĩ ôm chiếc thất huyền cầm như là hai tình nhân ước hẹn chết cùng nhau kìa!”
Một người khác nói:
“Chàng vẫn đăm đăm ngó vào trung tâm không gian như lúc còn sống; chàng vẫn còn có vẻ như đang theo dõi những chuyển động vô hình của một vị thần vô danh giữa các hành tinh.”
Và vị đại giáo sĩ tâu với đức Vương Hầu:
“Muôn tâu Đại vương, ngày mai ta hãy chôn chàng dưới bóng đền Ishtar như một đại thi hào, và cho phép dân trong thành cử hành tang lễ chàng, trong khi đó có các thanh niên ngâm vịnh thơ chàng và các trinh nữ rải rắc hoa trên phần mộ chàng. Với thiên tài của chàng, hãy cử hành một lễ kỷ niệm cho xứng đáng.”
Đức Vương Hầu gật đầu mà mắt vẫn không rời khuôn mặt nhà thi sĩ trẻ tuổi lúc này đã tái ngắt sau màn che của Thần Chết.
“Ta đã xao lãng tâm hồn thanh khiết này hồi chàng còn trên dương thế, hồi chàng còn đang lấp đầy Vũ Trụ bằng trái cây trí tuệ sáng ngời của chàng và toả khắp không gian hương thơm tâm hồn chàng. Nếu giờ ta không vinh tôn chàng, thì ta ắt sẽ bị chê cười và lăng nhục bởi các thánh thần và các thần nữ ngoài thảo dã và sơn cốc.”
“Hãy mai táng nhà thi sĩ ở nơi đây, nơi chàng đã trút hơi thở cuối cùng, và hãy cứ để cho cây đàn thất huyền nằm giữa hai cánh tay chàng. Nếu các ngươi muốn tôn vinh chàng và tỏ lòng kính mến với chàng, thì hãy nói với con cháu các ngươi rằng Vương Hầu đã xao lãng nhà thi sĩ và đã là nguyên nhân cho cái chết đau khổ và cô đơn của chàng.”
Và rồi đức Vương Hầu hỏi:
“Thế còn nhà hiền triết từ Ấn Độ kia đâu rồi?”
Và nhà hiền triết bước tới và nói:
“Muôn tâu Đại vương, bầy tôi đây.”
Và đức Vương Hầu cất tiếng hỏi:
“Hãy nói cho ta nghe, hỡi hiền nhân, liệu các thánh thần có bao giờ sẽ hồi phục ta trở lại thế giới này làm một hoàng tử và làm phục sinh nhà thi sĩ đã mãn phần này không? Liệu rằng linh hồn ta có sẽ được hoá thân trong thể xác người con trai một đại hoàng đế, và liệu linh hồn thi sĩ có sẽ luân hồi vào thể xác một thiên tài khác hay không? Liệu rằng Thánh Pháp có sẽ làm cho chàng đứng trước mặt Vĩnh Cửu để chàng làm thơ về Cuộc Đời hay không? Liệu chàng có sẽ được phục sinh để cho ta có thể vinh tôn và tỏ lòng kính mến bằng cách trút tưới cho chàng những tặng phẩm và phần thưởng quí giá khiến cho tim chàng được phấn khởi và tâm hồn chàng được nhiều linh cảm, hay không?”
Và nhà hiền triết đáp đức Vương Hầu:
“Bất cứ điều gì mà tâm hồn mong muốn, sẽ đạt được bằng tinh thần.”
Hãy nhớ rằng, ô Đại vương, Thánh Pháp phục hồi sự trác tuyệt của Mùa Xuân sau khi Mùa Đông đi qua sẽ phục hưng Đại vương làm một hoàng tử và chàng làm một thi sĩ thiên tài.
Niềm hy vọng của Đức Vương hầu được làm sống lại và trên dung nhan ngài đã hiện ra những dấu hiệu vui tươi. Ngài bước về phía vương điện, nghĩ lại và suy ngẫm các lời nói của nhà hiền triết: “Bất cứ điều gì mà tâm hồn mong muốn, sẽ đạt được bằng tinh thần.”
Nhà thi sĩ Baalbeck
Tại Cairo, Ai Cập vào năm 1912 s.t.c.
Vầng trăng tròn vạnh đã hiện ra và trải rộng tấm áo bạc của nàng trên thành phố. Vị Hoàng Tử đứng trên bao lơn hoàng điện ngắm nhìn bầu trời trong vắt và suy nghĩ mông lung về những thời đại đã trôi qua dọc trên bờ sông Nile. Ngài dường như đang duyệt qua những đám rước của các dân tộc đã bước đi, cùng với Thời Gian, từ Kim Tự Tháp đến hoàng điện Abedine.
Khi vòng tròn tư tưởng của Hoàng Tử đã mở rộng ra và vươn tới lãnh vực mộng mơ của Ngài, Ngài bèn ngó sang kẻ bầu bạn ngồi bên cạnh và nói:
“Đêm nay tâm hồn ta khao khát; hãy ngâm ta nghe một bài thơ.”
Và người bầu bạn cúi đầu lĩnh ý và bắt đầu một bài thơ tiền – Hồi giáo. Nhưng trước khi hắn ngâm vịnh được nhiều khổ, thì vị Hoàng tử bèn cắt ngang mà nói:
“Cho nghe một bài thơ hiện đại… một bài thơ mới đây.”
Và rồi, cúi đầu lĩnh ý, người bầu bạn bắt đầu ngâm các vần thơ của một thi sĩ miền Hadhramaut [2] . Vị Hoàng tử lại ngắt lời hắn lần nữa, nói:
“Mới hơn nữa… một bài thơ mới đây hơn nữa.”
Kẻ ngâm thơ bèn giơ tay đặt lên trán, dường như để nhớ lại tất cả các bài thơ do các thi sĩ hiện đại viết. Rồi đôi mắt hắn sáng ngời, khuôn mặt rạng rỡ, và hắn bắt đầu ngâm những vần thơ yêu kiều bằng một nhịp êm ái, đầy kỳ diệu.
Say sưa và dường như cảm thấy có một bàn tay vô hình vẫy gọi Ngài rời hoàng cung đi tới một miền xa xôi, Hoàng Tử sốt sắng thăm hỏi:
“Ai đã viết những dòng thơ này?”
Và người ngâm thơ đáp:
“Nhà thi sĩ từ Baalbek.”
Nhà thi sĩ Baalbek từ là một tên cổ xưa, và nói gợi lại trong ký ức Hoàng Tử những hình ảnh ngày qua. Nó đánh thức dậy trong tận cùng trái tim Ngài những bóng ma kỷ niệm, và nó vẽ ra trước mắt Ngài, bằng những đường nét do sương mù tạo nên, một bức tranh hoạ một thanh niên đã chết đang ôm chiếc đàn thất huyền và được bao vây bởi các giáo sĩ, thủ lãnh và các quan đại thần.
Như các giấc mơ bị ánh sáng Ban Mai làm tiêu tán, ảo ảnh dần dần rời đôi mắt Hoàng Tử. Ngài đứng lên và bước về phía hoàng cung, hai cánh tay khoanh trước ngực, Ngài nhắc lại những lời nói của Mohamed: “Mi đã chết và Người đã mang mi trở lại cuộc sống, và Người sẽ trả mi về sự chết và rồi phục hồi mi lại cuộc sống. Rồi sau đó mi mới trở về với Người”.
Rồi Ngài nhìn người bầu bạn đi bên và nói:
“Ta may mắn có được nhà Thi Sĩ từ Baalbek trên đất ta, và sẽ phải coi như một bổn phận tuyệt đỉnh mà vinh tôn và kết bạn với chàng.”
Sau giây lát yên lặng và tôn kính xứng đáng, Hoàng Tử khẽ nói thêm:
“Thi sĩ là một loại chim nhiều tính khí lạ lùng. Hắn bay sà xuống từ vùng thanh cao và trú chân giữa chúng ta, ca hát; nếu ta không vinh tôn hắn, thì hắn sẽ tung cánh bay trở về nơi hắn ở.”
Đêm tàn, và các vùng trời trút gỡ xuống các bộ áo nạm đầy sao của chúng, và khoác lên mình một bộ áo dệt bằng những tia nắng khoẻ của Ban Mai. Và tâm hồn Hoàng Tử chênh vênh, đu đưa giữa những thần diệu và lạ kỳ của Hiện Hữu và những điều bí ẩn phủ kín của Đời Sống.
Ngày trở về của người yêu dấu
Lúc đêm xuống thì quân thù bỏ trốn với những nhát gươm và vết giáo đầy lưng. Những người anh hùng của chúng ta phất cờ khải hoàn và ca khúc chiến thắng theo nhịp vó ngựa nổi trống dồn trên triền đá sỏi sườn đồi.
Trăng đã lên từ phía sau dặng núi Fam el Mizab. Những tảng đá khổng lồ và thanh tú dường như cũng dâng lên cao với tinh thần nhân dân, và rừng cây bá hương nằm dài như một huy chương danh dự trên ngực nước Liban.
Họ tiếp tục bước chân dồn dập và ánh trăng chiếu sáng loáng vũ khí họ. Những hang động phía xa dội lại tiếng ca chiến thắng và tung hô của họ cho đến khi họ tới chân một triền núi. Nơi đây họ bị chận khựng lại bởi tiếng hí một chiếc ngựa đang đứng giữa những tảng đá xanh y như là đã được đẽo ra từ chúng.
Gần chiếc ngựa họ thấy một xác chết, và khoảng đất nơi chàng nằm đẫm đầy máu. Kể dẫn đầu toán binh hô lớn, “Đưa cho ta xem gươm người ấy và ta sẽ cho các ngươi biết ai là chủ nó.”
Vài tên kỵ sĩ xuống ngựa và xúm quanh xác chết, và rồi một người nói với viên thủ lãnh, “Các ngón ta của hắn nắm chật vào cán gươm quá. Gỡ ra thì hổ thẹn lắm.”
Một người khác nói, “Thanh gươm đã bị đời sống chôn đi bao lại rồi cho nên không còn trông thấy kim khí nữa”.
Một người thứ ba nói thêm, “Máu đã đông đặc cả cườm tay lẫn cán gươm và trông như là một ấy.”
Tức thì viên thủ lãnh xuống ngựa và bước lại phía xác chết và nói, “Nâng đầu hắn lên và để ánh trăng soi vào mặt hắn cho ta nhận diện”. Bọn người làm theo lệnh, và khuôn mặt của kẻ tử trận hiện ra đằng sau màn che của Tử Thần cho thấy những dấu vết dũng cảm và quí phái. Đó là khuôn mặt của một tên kỵ sĩ mạnh mẽ, và nó nói lên nam khí ngời ngời. Đó là khuôn mặt của một con người đau khổ và hân hoan; khuôn mặt của một người đã anh dũng đối diện kẻ thù và mỉm cười ngó mặt thần chết; khuôn mặt của một người anh hùng Liban mà, hôm đó, đã chứng kiến phút khải hoàn nhưng đã chẳng được sống để bước đi và ca hát và ăn mừng chiến thắng với đồng chí của mình.
Lúc họ đã gỡ tấm khăn lụa quấn đầu và phủi sạch lớp bụi chiến trường trên khuôn mặt tái xanh của chàng rồi, thì viên thủ lãnh la lên bằng một giọng đầy thương xót:
“Đây là con trai của Assaaby. Quả là một thiệt hại lớn!”
Bọn người nhắc lại cái tên ấy, thở dài. Rồi thảy đều yên lặng, và trái tim họ, lúc trước đã say men chiến thắng, bây giờ tỉnh lại. Bởi họ đã trông thấy một điều gì lớn hơn sự vinh quang của khải hoàn, trong sự mất đi một người anh hùng.
Như những pho tượng bằng cẩm thạch họ đứng yên trong cảnh khiếp hãi đó, và lưỡi họ câm cứng, chẳng hề thốt được một lời. Sự chết làm cho tâm hồn kẻ anh hùng như thế đó. Khóc lóc và than van là dành cho đàn bà; rên xiết và la khóc là dành cho con nít. Chẳng có gì thích hợp với nỗi đau buồn của con người cung kiếm ngoại trừ niềm yên lặng, nó nắm chặt lấy trái tim mạnh mẽ như là hai chân chim đại bàng nắm chặt lấy cổ họng một con mồi. Chính sự yên lặng này nó vượt lên trên nước mắt và la khóc, một sự yên lặng mà trong vẻ uy nghiêm của nó đã tăng thêm khiếp đảm và ưu phiền cho nỗi bất hạnh; một sự yên lặng nó khiến cho linh hồn rơi từ đỉnh núi cao xuống đáy vực thẳm. Đó là sự yên lặng nó xướng lên cơn giông sắp đến. Và khi cơn giông chưa xuất hiện, thì đó là sự yên lặng còn lớn hơn cả giông tố.
Họ cởi áo người anh hùng trẻ tuổi để xem thần chết đã cắm vuốt sắt của nó ở chỗ nào. Và các vết thương xuất hiện trên ngực chàng như những đôi môi cử động tuyên bố trong ban đêm yên tĩnh lòng can đảm của con người.
Viên thủ lãnh đến gần xác chết và quì sụp xuống. Ghé mắt nhìn gần kẻ tử sĩ, hắn tìm thấy một dải khăn quàng thêu bằng chỉ vàng quấn chung quanh cánh tay chàng. Hắn nhận ra cái bàn tay đã dệt tấm lụa và những ngón tay đã thêu chỉ trên dải khăn quàng. Hắn giấu nó dưới áo và kéo nó ra từ từ, bàn tay run rẩy che khuôn mặt khiếp đảm của mình đi. Vậy mà bàn tay run rẩy này, với sức mạnh của nó, đã làm rụng biết bao nhiêu đầu quân thù. Giờ đây nó run rẩy vì nó đã chạm phải khăn quàng do những ngón tay thân yêu buộc chung quanh cánh tay người anh hùng đã chết, và chàng sẽ quay trở về với nàng trên vai những kẻ đồng đội, một thây xác không hồn.
Trong lúc tinh thần viên thủ lãnh đang dao động, hoang mang nghĩ đến sự áp chết của thần chết và những niềm bí ẩn của tình yêu, thì một người trong họ đề nghị:
“Ta nên đào một nấm mộ cho chàng dưới bóng cây sồi kia để cho rễ nó uống được máu chàng và cành lá nó được nuôi dưỡng bằng thân xác chàng. Cây sồi sẽ được sức mạnh và trở thành bất tử và đứng làm một dấu hiệu tuyên ngôn với những đồi những thung lũng kia lòng can đảm và sức mạnh của chàng.”
Một kẻ khác nói:
“Ta nên mang chàng vào rừng bá hương và chôn chàng gần giáo đường. Nơi đó xương chàng sẽ được bóng cây Thánh Giá bảo vệ đến vĩnh cửu.”
Và một kẻ khác nói:
“Chôn chàng tại đây, nơi máu chàng đã hoà với đất. Và cứ để thanh gươm của chàng nằm nguyên trong bàn tay mặt đó; cắm ngọn dáo của chàng bên cạnh và giết chết con ngựa chàng trên mộ và để cho vũ khí của chàng giúp cho chàng vui trong lúc quạnh hiu.”
Nhưng một kẻ khác phản đối:
“Đừng nên chôn thanh gươm đã vấy máu quân thù, cũng đừng giết chết ngựa quí đã chống cự được thần chết trên chiến trường. Đừng để lại trong cõi hoang vu những vũ khí đã quen với hành động và sức mạnh, mà mang chúng về cho thân quyến của chàng làm di sản lớn lao và quí báu.”
“Hãy quì xuống cạnh chàng và đọc những lời cầu nguyện của dân thành Nazareth rằng Thượng Đế sẽ tha tội cho chàng và giáng phúc cho chiến thắng của ta!” Một kẻ khác nói thế.
“Hãy vác chàng trên vai chúng ta và lấy mộc lấy thương của ta làm linh cữu cho chàng và lại đi quanh vùng thung lũng chiến thắng của chúng ta một lần nữa ca hát những khúc khải hoàn đặng những cặp môi của vết thương chàng được mỉm cười trước khi chúng bị đất mồ phủ đi câm kín”, một người đồng đội nói thế.
Và một người khác:
“Hãy xốc chàng lên con chiến mã của chàng và đỡ chàng bằng những chiếc đầu lâu quân thù và đeo cho chàng thanh dáo và chở chàng về làng làm một kẻ chiến thắng. Chàng chẳng bao giờ hề chịu khuất phục tử thần cho tới chừng nào đã chất nặng lên nó những hồn địch quân.”
Một người khác nói:
“Thôi, ta nên chôn chàng tại chân núi này. Tiếng vọng của các hang động sẽ làm bầu bạn cho chàng và tiếng róc rách thì thầm của con suối sẽ làm kẻ du ca. Xương của chàng sẽ an nghỉ trong một vùng hoang vu nơi mà tiếng chân bước đi của đêm khuya tịch mịch sẽ nhẹ nhàng và êm ái.”
Một người khác phản đối:
“Không. Đừng bỏ chàng ở lại chốn này, vì chốn này là nơi trú ngụ của tẻ nhạt và quạnh hiu. Nhưng ta hãy mang chàng về nơi táng địa trong làng. Hồn thiêng của tổ tiên ta sẽ làm bầu bạn chàng và sẽ nói chuyện với chàng trong đêm thanh vắng và kể cho chàng nghe những câu chuyện chiến tranh cùng những cổ tích vinh quang của họ.”
Rồi viên thủ lãnh bước vào giữa và ra hiệu cho họ nín lặng. Hắn thở dài và nói:
“Thôi đừng làm chàng phiền muộn với những kỷ niệm chiến tranh hay nhắc nhở bên tai linh hồn chàng đang bay lượn quanh ta những câu chuyện gươm đao làm chi nữa. Nhưng ta nên bình tĩnh và yên lặng khiêng chàng về nơi chôn nhau cắt rốn của chàng, nơi mà một tâm hồn yêu thương đang ngóng đợi ngày chàng trở về… tâm hồn một trinh nữ đang chờ đón chàng quay về từ chiến địa. Ta hãy trả chàng về cho nàng để nàng được trông thấy mặt chàng và hôn lên vầng trán chàng một lần chót.”
Thế là họ vác chàng trên vai và lặng lẽ bước đi, đầu cúi xuống và mắt nhìn xuống đất. Chiếc ngựa buồn thảm của chàng bước nặng nề đằng sau, kéo lướt thướt dây cương trên mặt đất, thỉnh thoảng hí lên một tiếng ảo não, và tiếng hí được các hang động vọng trở lại in tuồng như các hang động cũng có trái tim và chia sẻ mối sầu thương của họ.
Qua con đường trũng lòng đồi đầy gai nhọn có ánh trăng tròn chiếu sáng, đoàn diễn hành chiến thắng bước đằng sau kỵ đội của Tử Thần và tinh thần của Tình Yêu dẫn đường kéo theo sau đôi cánh đã gãy.
Kết hôn
Trong bài thơ này dương như nhà tiên tri xứ Liban
đã tiên kiến sự hợp nhất giữa Ai Cập và Xyri.
Khi đêm đã tô điểm tấm áo của vòm trời bằng những hạt ngọc tinh tú, thì có một nàng tiên nữ hiện lên từ lưu vực sông Nile và bay lượn trên trời trên đôi cánh vô hình. Nàng ngồi trên một ngọc toà làm bằng sương mù treo giữa trời và biển. Phía trước nàng có một bầy thiên thần đồng ca: “Ôi thánh thiện, ôi thánh thiện, ôi thánh thiện là người con gái Ai Cập, mà lòng cao thượng tràn khắp hoàn cầu”.
Rồi trên đỉnh ngọn Fam el Mizab, có rừng bá hương quấn chung quanh, một chàng thanh niên hư ảo được bàn tay thiên xứ nâng lên, và chàng ngồi trên ngọc toà bên cạnh nàng tiên nữ. Các thần linh bay lượn chung quanh họ ca hát: “Ôi thánh thiện, ôi thánh thiện, ôi thánh thiện thay là người thanh niên Liban, mà vẻ hoa lệ đầy ắp thiên thu”.
Và khi kẻ cầu hôn nắm tay người yêu và ngó tận vào mắt nàng, thì sóng và gió loan truyền đi khắp vũ trụ những lời họ tâm sự:
Ôi hào quang em rực rỡ làm sao, Hỡi người con gái thần nữ Isis [3] , và lòng anh sùng bái em biết ngần nào!
Ôi dáng dấp anh phong nhã làm sao trong đám thanh niên, hỡi người con trai nữ thần Astarte [4] , và lòng em khao khát anh biết ngần nào!
Tình anh mạnh mẽ như những ngọn Kim Tự Tháp xứ em, và thiên thu cũng sẽ chẳng phá huỷ nó cho được.
Tình em bền vững như loài Ba Hương Thánh Thiện xứ anh, và bốn mùa sẽ chẳng thắng nổi nó.
Hiền nhân mọi dân tộc từ Đông chí Tây đều tới để biện biệt trí năng và giải đoán những điềm triệu của em.
Học giả khắp thế giới từ mọi triều đình đều tới để say sưa với mật hoa từ vẻ anh kiều diễm và nét thần diệu của giọng anh nói.
Lòng bàn tay em là những giếng nước phong nhiêu.
Cánh tay anh là những suối nước trong, và hơi anh thở là một ngọn gió mát.
Những cung, điện của dòng Nile biểu thị sự vinh quang, và con Sphinx [5] kể lại sự vĩ đại của em.
Những ngọn bá hương trên ngực anh như một huy chương danh dự, và những tháp đài quanh anh nói lên lòng dũng cảm và cường lực của anh.
Ôi ngọt ngào làm sao là tình em yêu và kỳ diệu làm sao là niềm hy vọng em gieo rắc.
Ôi đại lượng làm sao hỡi người đồng điệu và chung thuỷ làm sao hỡi người phối ngẫu. Trác tuyệt thay là những tặng vật, và quí báu thay là sự hy sinh!
Em gửi đến cho anh những chàng trai trẻ tuổi giống như một cơn thức tỉnh sau một giấc ngủ miên man. Em đã ban cho anh những con người dũng cảm đặng chinh phục lòng yếu hèn của dân tộc anh, và những học giả đặng phấn khởi họ, và những thiên tài đặng làm phong phú quyền năng họ.
Từ những hạt giống em gửi đến anh anh đã trẩy hoa; từ những cây non anh đã dựng thành đại thụ. Bởi anh là một đồng cỏ trinh nguyên nơi đó hoa hồng và hoa huệ mọc và cây trắc bá và bá hương nhô lên.
Anh thấy sầu đau thoáng trong mắt em, hỡi người yêu dấu: ngồi bên anh, em buồn chăng?
Em có những người con trai và con gái đã rời sang phía bên kia biển và bỏ mặc em ở lại khóc than và mong ngóng ngày chúng trở về.
Em có sợ hãi chăng, hỡi nàng con gái dòng Nile, và dân tộc quí mến nhất?
Em sợ một đấng bạo quân đến gần bên em với một giọng nói ngọt ngào để có thể sau này ngự trị em với sức mạnh đôi cánh tay.
Cuộc đời các dân tộc, em yêu dấu, cũng giống như cuộc đời các cá nhân; một cuộc đời được phấn khởi bởi Hy Vọng và kết hôn với Sợ Hãi, ám ảnh bởi những Dục Tình và ủ ê trong niềm Tuyệt Vọng.
Và hai tình nhân ôm lấy nhau và hôn nhau và uống từ những ly tình rượu ngọt của thiên thu; và bầy thần linh ca ngợi: “Ôi thánh thiện, ôi thánh thiện, ôi thánh thiện, hào quang của Tình Yêu toả tràn khắp thiên đàng và hạ giới!”
Linh hồn tôi đã dạy cho tôi…
Linh hồn tôi đã thuyết giảng và dạy cho tôi yêu những gì mọi người kinh tởm và kết bạn với những kẻ mà họ sỉ nhục.
Linh hồn tôi đã trỏ cho tôi thấy rằng Tình Yêu tự mãn chẳng những trong người yêu, mà còn trong cả kẻ được yêu.
Trước kia linh hồn tôi đã giảng cho tôi rằng Tình Yêu nằm trong tim tôi như một sợi chỉ mong manh buộc giữa hai đầu chốt.
Nhưng giờ đây Tình Yêu đã trở thành một quầng sáng mà chỗ bắt đầu là nơi chấm dứt, và nơi chấm dứt là chỗ bắt đầu. Nó bao vây từng bản thể và từ từ trải rộng ra ôm ấp lấy tất cả những gì sẽ trở nên.
Linh hồn tôi đã khuyên nhủ tôi và dạy tôi nhận thức cái vẻ đẹp đã phủ kín của làn da, hình dáng và sắc màu. Nàng đã dạy cho tôi suy ngẫm về những gì mọi ngưòi gọi là xấu cho đến khi nào vẻ mỹ miều và khoái cảm đích thực của nó hiện lên.
Trước kia linh hồn tôi đã bảo tôi ngắm nhìn Sự Đẹp như một ngọn đuốc rung rinh giữa những cột khói. Giờ đây khói đã bay tan, tôi chẳng thấy gì ngoại trừ ngọn lửa.
Linh hồn tôi đã thuyết giảng và dạy cho tôi lắng nghe những tiếng nói mà lưỡi và họng và môi chẳng thốt thành lời.
Trước kia linh hồn tôi đã giảng cho tôi, tôi chẳng hề nghe thấy gì ngoại trừ tiếng la hét và rên xiết. Nhưng giờ đây tôi nóng lòng lắng nghe niềm Yên Lặng và nghe thấy những ban hợp xướng của nó ca những khúc thánh ca muôn đời và những khúc hát vùng thanh không báo hiệu những điều bí ẩn của Vô Hình.
Linh hồn tôi đã thuyết giảng và dạy cho tôi uống thứ rượu nho chẳng thể ép thành và chẳng thể rót ra từ những chén mà tay có thể nâng lên và môi có thể đụng tới.
Trước kia linh hồn tôi đã giảng cho tôi, sự thèm khát của tôi giống như một tia lửa ẩn giấu trong đám tro tàn có thể dập tắt được bằng một ngụm nước uống.
Nhưng giờ đây lòng khao khát của tôi đã biến thành cái chén, tình cảm tôi thành rượu và niềm cô độc của tôi thành thú say sưa; thế nhưng, trong sự thèm khát chưa phỉ này có một niềm vui vĩnh cửu.
Linh hồn tôi đã dạy cho tôi sờ mó những gì chưa thành nhục hoá; linh hồn tôi đã hé lộ cho tôi thấy rằng bất cứ gì ta sờ mó tới là phần ta dục vọng.
Nhưng giờ đây những ngón tay tôi đã hoá thành sương mù thấu nhập những thể hữu hình trong vũ trụ và hỗn hợp với những thể vô hình.
Linh hồn tôi đã dạy cho tôi hô hấp hương thơm mà chẳng loài nhạn-lai-hồng hay trầm hương nào xông toả. Trước kia linh hồn tôi đã thuyết giảng cho tôi thèm khát hương khí trong vườn hay trong lư trầm hay trong bình hương.
Nhưng giờ đây tôi có thể khoái hưởng hương thơm chẳng được đốt để dâng hiến hay hy sinh. Và tôi hít đầy lồng ngực một hương thơm đã chẳng bao giờ được ngọn gió không gian đùa cợt thoảng đi.
Linh hồn tôi đã thuyết giảng và dạy cho tôi nói, “Tôi đã sẵn sàng” khi điều Vị Tri và Nguy Cơ thăm viếng tôi.
Trước kia linh hồn tôi đã giảng cho tôi rằng tôi chớ trả lời tiếng gọi nào ngoại trừ tiếng gọi của người tôi biết, và chớ bước chân trên con đường nào ngoại trừ con đường dễ đi và con đường trơn miết.
Giờ đây điều Vị Tri đã trở thành một con thần mã tôi có thể cưỡi lên đặng vượt tới Vị Tri; và cánh đồng đã hoá thành một cây thang tôi trèo lên tuyệt đỉnh.
Linh hồn đã gọi tôi mà nói, “Chớ có đo lường Thời Gian vì, đã có hôm qua, là sẽ có ngày mai”.
Và trước kia linh hồn tôi đã nói với tôi rằng tôi tưởng tượng quá khứ như một thời đại chẳng bao giờ trở lại, và Vị Lai như một thời đại chẳng bao giờ với tới.
Giờ đây tôi nhận ra rằng phút giây hiện tại chứa đựng tất cả thời gian và trong đó là tất cả những gì ta có thể hy vọng, thi hành và thực hiện.
Linh hồn tôi đã thuyết giảng tôi, khuyến dụ tôi đừng giới hạn không gian mà nói, “Nơi đây, nơi kia, nơi nọ”.
Trước kia linh hồn tôi đã giảng cho tôi, tôi cảm thấy rằng bất cứ nơi nào tôi bước đi là cách xa bất cứ không gian nào khác.
Giờ đây tôi nhận ra rằng bất cứ nơi nào tôi hiện hữu thì chứa đựng tất cả không gian; và khoảng cách tôi bước đi ôm lấy mọi khoảng cách.
Linh hồn tôi đã dạy cho tôi và khuyên nhủ tôi thức khi kẻ khác ngủ. Và đầu hàng giấc ngủ khi kẻ khác trở dậy.
Trước kia linh hồn tôi đã giảng cho tôi rằng tôi chớ nên mơ giấc mơ của họ khi tôi ngủ, và họ cũng chẳng thấy được ảo ảnh của tôi.
Giờ đây tôi chẳng bao giờ giống cánh buồm mơ của tôi trừ khi họ ngắm, và họ chẳng bao giờ cất cánh vụt lên đỉnh trời ảo ảnh của họ trừ khi tôi hân hoan trong niềm họ tự do.
Linh hồn tôi đã giảng cho tôi và nói, “Chớ có vui vì lời khen, và chớ có buồn vì lời chê”.
Trước kia linh hồn tôi đã khuyên nhủ tôi, rằng tôi hoài nghi giá trị của sức cần lao.
Bây giờ tôi nhận ra rằng cây cỏ nở hoa Mùa Xuân và mang trái Mùa Hạ mà chẳng hề đi kiếm lời khen; và chúng rụng lá Mùa Thu và trần truồng Mùa Đông mà chẳng hề e sợ lời chê.
Linh hồn tôi đã thuyết giảng và trỏ cho tôi biết rằng tôi chẳng hơn gì người lùn nhỏ mà cũng chẳng kém gì người khổng lồ.
Trước kia linh hồn tôi đã giảng cho tôi, rằng tôi ngắm nhìn nhân loại như hai người: một kẻ yếu thì tôi thương hại, và một kẻ mạnh thì tôi đi theo hay thách đố chống đối.
Nhưng giờ đây tôi đã học được rằng tôi giống như cả hai và được tạo cùng những thành tố. Khởi nguyên tôi là khởi nguyên họ, ý thức của tôi là ý thức họ, cuộc tranh đấu của tôi là tranh đấu của họ, và hành trình của tôi là hành trình của họ.
Nếu họ phạm tội, thì tôi cũng là một kẻ phạm tội. Nếu họ làm tốt, thì tôi hãnh diện trong sự họ làm tốt. Nếu họ nhỏm dậy thì tôi nhỏm dậy với họ. Nếu họ nằm lỳ, thì tôi chia sẻ sự biếng nhác của họ.
Linh hồn tôi đã nói với tôi, “Ngọn đuốc mi mang theo chẳng phải của mi, và khúc ca mi đang hát đã chẳng được sáng tác trong trái tim mi, bởi lẽ cho dù mi mang ngọn đuốc, nhưng mi chẳng phải là ánh sáng, và cho dù mi là một chiếc đàn nhiều dây, nhưng mi chẳng phải là kẻ chơi đàn”.
Linh hồn tôi đã thuyết giảng cho tôi, hỡi người huynh đệ, và dạy cho tôi nhiều điều. Và linh hồn anh cũng đã thuyết giảng và dạy cho anh cũng nhiều như thế. Bởi anh và tôi là một, và chẳng có gì khác biệt giữa chúng ta ngoại trừ tôi khẩn thiết tuyên ngôn những gì tận cùng bản thể của tôi, còn anh giữ bí ẩn những gì ở trong anh. Nhưng trong niềm bí ẩn đó cũng có điều hay.
Hậu duệ thần nữ và hậu duệ viên hầu
Kỳ dị thay là Thời gian, và khác thường thay là chúng ta! Thời gian quá thực đã thay đổi, và ô kìa, nó cũng đổi thay chúng ta nữa. Nó bước tới một bước, gỡ tấm khăn che mặt ra, làm ta hoảng hốt và làm ta đắm say.
Mới hôm qua đây ta than phiền về Thời Gian và run rẩy trước những khủng bố của nó. Mà hôm nay đây ta đã học cách yêu mến nó và kính trọng nó, bởi vì giờ đây ta hiểu được ý định, khí chất thiên nhiên, niềm bí ẩn và lẽ nhiệm mầu của nó.
Mới hôm qua đây ta bò sát rón rén như những bóng ma run rẩy giữa những hãi sợ của đêm tối và đe doạ của ban ngày. Mà hôm nay đây ta bước đi hoan lạc tới đỉnh núi, nơi trú ngụ của bão tố và nơi sinh trưởng của thiên lôi.
Ngày hôm qua ta ăn bánh nhào với máu, và uống nước pha bằng lệ. Nhưng ngày hôm nay ta nhận lãnh lương thực từ những bàn tay tân nương của sớm mai và uống bồ đào mỹ tửu ngát hương hơi thở của Mùa Xuân ngọt ngào.
Ngày hôm qua ta bị Vận Mệnh đoạ đày. Nhưng ngày hôm nay Vận Mệnh đã tỉnh khỏi cơn say để nô để cười để bước đi cùng ta. Ta chẳng theo nàng mà nàng theo ta.
Hôm qua ta đốt nhang trầm trước thần tượng và hiến tế hy sinh cho thành thần giận dữ. Nhưng hôm nay ta đốt nhang trầm và hiến tế hy sinh cho chính bản thể ta, bởi lẽ vị thánh thần vĩ đại nhất và mỹ miều nhất đã dựng đền đài trong trái tim ta.
Hôm qua ta phủ phục trước hoàng đế và khấu đầu trước sultan. Nhưng hôm nay ta chẳng kính lễ ai ngoại trừ Lẽ Phải và ta chẳng theo ai ngoại trừ Sự Đẹp và Tình Yêu.
Ngày hôm qua ta tôn thờ nguỵ tiên tri và phù thuỷ. Nhưng ngày hôm nay Thời Gian đã thay đổi, và ô kìa, nó cũng đã thay đổi cả ta nữa. Giờ đây ta có thể ngó thẳng bào mặt trời và lắng nghe đại dương ca hát, và chẳng gì có thể làm ta rung chuyển ngoại trừ bão lốc.
Ngày hôm qua ta đạp đổ những đền đài trong linh hồn ta và từ đống hoang tàn ta xây lên những phần mộ cho tổ tiên ta. Nhưng ngày hôm nay linh hồn ta đã hoá thành những hương án thiêng liêng mà hồn ma của Quá Khứ chẳng thể tới gần, mà những ngón tay không còn thịt của kẻ chết chẳng thể đụng tới.
Ta đã là một tư tưởng yên lặng ẩn giấu trong góc Lãng Quên. Hôm nay ta là một tiếng nói vạm vỡ có thể làm rung chuyển vầng trời.
Ta đã là một tia lửa nhỏ chôn dưới tro tàn. Hôm nay ta là một ngọn lửa cháy bùng dữ dội nơi đầu núi.
Ta đã thức trắng nhiều đêm, lấy đất làm gối và lấy tuyết làm chăn.
Như bầy cừu không mục tử ta đã quây quần với nhau nhiều đêm gặm nhấm tâm tư, và nhai lại cảm xúc; thế nhưng ta vẫn còn đói còn khát.
Thường khi ta đứng giữa khoảng một ngày đang qua và một đêm đang tới than van tuổi xuân đang tàn lụi và ngóng đợi một kẻ chưa hề biết, và ngắm nhìn khoảng hư không và bầu trời đen tối mà lắng nghe tiếng than thở của Yên Lặng và tiếng gào thét của hư vô.
Những thời đó qua đi như bầy sói nhảy giữa các nấm mồ. Nhưng hôm nay trời trong sáng, và ta có thể an nghỉ trên những minh sàng và mừng đón tâm tư và mộng mị của ta, và ôm vào lòng những dục vọng. Nắm chặt những ngọn đuốc đang đu đưa quanh ta bằng những ngón tay không run rẩy, ta có thể nói chuyện với quỉ thần minh bạch. Khi bầy hợp xướng thiên thần đi qua, chúng bỗng say sưa tuý luý vì niềm mong đợi trong tim và những khúc thánh ca trong hồn ta.
Ngày hôm qua ta đã, ngày hôm nay ta còn! Đây là di mệnh của nữ thần trong bầy hậu duệ của thần nữ. Di mệnh của người là chi hỡi bầy hậu duệ của viên hầu? Ngươi đã hề bước tới bước nào chưa từ khi ngươi thoát ra từ kẽ nẻ trong lòng đất? Ngươi đã hề nhìn ngắm thiên đàng chưa từ khi Satan mở mắt ngươi ra? Ngươi đã hề nói được một lời nào chưa từ cuốn sách Lẽ Phải từ khi loài rắn độc hôn môi ngươi? Hay ngươi đã hề giây phút nào lắng nghe khúc ca của Đời Sống kể từ khi Thần Chết bịt tai ngươi?
Bảy mươi ngàn năm trước kia ta đã đi qua và thấy ngươi chuyển động như loài côn trùng trong hang động; và bảy phút trước đây ta thoáng nhìn ngươi qua tấm kính pha lê của sổ ta và thấy ngươi bước đi qua những lối đi như bầy nô lệ trong lúc đôi cánh Thần Chết bay lượn trên đầu. Ngày hôm nay ngươi cũng giống như ngày hôm qua; và ngày mai nữa, ngươi sẽ giống như lúc ta ngó thấy ngươi tự thuở ban đầu.
Hôm qua chúng ta đã, hôm nay chúng ta còn! Đây là di mệnh của nữ thần trong bầy hậu duệ của thần nữ; di mệnh của ngươi là chi, hỡi bầy hậu duệ của viên hầu?
Răng sâu
Có lần tôi có một chiếc răng sâu trong miệng. Nó phiền hà tôi vô kể. Ban ngày thì nó ngủ yên. Nhưng cứ vào lúc đêm khuya thanh vắng, khi mà các nha sĩ đi ngủ hết và các hiệu thuốc đóng cửa hết, là nó bắt đầu làm đau.
Một hôm, sốt ruột, tôi bèn đến nha sĩ và bảo ông ta nhổ cái răng khốn nạn nó làm tôi khổ sở và lấy đi mất cái thú ngủ của tôi, biến cái yên lặng của ban đêm thành ra những tiếng rên xiết và la lối.
Vị nha sĩ lắc đầu, nói: “Nhổ răng làm gì, dại lắm, khi mà có thể chữa cho nó khỏi”.
Thế là ông ta bắt đầu khoan phía bên cạnh chiếc răng, rửa sạch các lỗ sâu, và dùng mọi phương tiện để phục hồi nó và làm cho nó khỏi sâu. Lúc khoan xong, ông ta lấy vàng y trám đầy chiếc răng và nói khoe khoang, “Cái răng xấu của ông bây giờ còn khoẻ và vững chắc hơn cả các răng tốt của ông nữa là đằng khác”. Tôi tin lời ông ta và trả tiền rồi ra về.
Nhưng chưa được một tuần, cái răng khốn kiếp đó lại quay trở lại cái tình trạng bệnh hoạn của nó, và sự hành hạ nó gây ra đã làm cho những khúc ca đẹp trong hồn tôi biến thành tiếng kêu gào thảm thiết.
Vì thế tôi đi đến một nha sĩ khác và nói với ông ta, “Ông cứ nhổ phăng cái răng khốn nạn này đi, đừng có hỏi han gì cả, bởi vì người bị roi đánh không có giống người đứng đếm số roi đâu.”
Tuân lời, ông ta bèn nhổ chiếc răng đi. Nhìn nó một hồi, ông ta nói, “Nhổ cái răng thối này đi là phải lắm.”
Trong miệng Xã Hội có nhiều chiếc răng bệnh hoạn, sâu ruỗng đến tận xương hàm. Nhưng Xã Hội chẳng chịu cho nhổ chúng đi và làm cho khỏi đau. Nó chỉ lấy làm hể hả khi được trám vàng. Nhiều vị nha sĩ cũng chữa răng sâu của Xã Hội bằng vàng óng ánh.
Có rất nhiều người chịu xiêu lòng vì những lừa phỉnh của những hạng người cải tạo đó, và đau đớn, bệnh hoạn và sự chết là số phận của họ.
Trong miệng quốc gia Xyri có nhiều chiếc răng thối đen, bẩn thỉu, chúng làm độc và thối hoăng. Các bác sĩ đã cố chữa chạy bằng cách trám vàng thay vì nhổ chúng đi và bệnh sâu vẫn còn.
Một quốc gia có răng sâu ắt sẽ bị đau dạ dày. Nhiều quốc gia mắc phải bệnh khó tiêu như thế.
Nếu anh muốn xem răng sâu của Xyri, anh cứ việc đến thăm viếng các trường học, nơi mà con trai con gái hôm nay đang chuẩn bị để trở thành đàn ông đàn bà của ngày mai.
Hãy đi thăm viếng các toà án và chứng kiến hành vi của những kẻ ban cấp công lý quắt quéo và tham nhũng. Hãy ngắm nhìn cách họ đùa với tư tưởng và trí óc của người dân chất phác như là mèo vờn chuột.
Hãy đi thăm nhà những kẻ giàu có, nơi mà lòng tự phụ, giả dối và giả đạo đức ngự trị.
Rồi đi thăm những vị nha sĩ dẻo tay, có nhiều dụng cụ tinh xảo, thạch cao trám răng và thuốc an thần, suốt ngày trám đầy những lỗ răng sâu của quốc gia để che giấu đi sự hư thối.
Hãy nói chuyện với những con người cải tạo tự kêu bằng giới trí thức của dân tộc Xyri và đứng ra tổ chức xã hội, hội họp, và đọc diễn văn đó. Khi anh nói chuyện với họ, anh sẽ nghe thấy những giọng điệu có lẽ nghe cao siêu hơn cả tiếng mài đá cối xay, và quí phái hơn cả tiếng ễnh ương kêu trong một đêm Tháng Sáu.
Khi anh bảo họ rằng dân tộc Xyri đang nhai nghiền bánh bằng răng sâu và mỗi miếng bánh họ nhai là có pha trộn với nước miếng mang độc, làm lan tràn bệnh hoạn vào dạ dày của dân tộc, thì họ đáp, “Đúng, nhưng chúng tôi đang kiếm chất trám răng tốt hơn và loại thuốc an thần công hiệu hơn.”
Và nếu anh đề nghị với họ “nhổ răng”, thì họ cười vào mặt anh bởi vì anh chưa học gì về cái nghệ thuật nha khoa quí phái đó, nó che giấu bệnh sâu răng đi.
Giá anh cứ năn nỉ cho họ bằng được, thì họ sẽ chuồn đi và tránh mặt anh, tự nghĩ:
“Trên đời này thật là nhiều kẻ lý tưởng, và giấc mơ của họ yếu đuối làm sao.”
----------------------------------------------------------------------------
[1]A. R. Ferris
[2]Một miền dọc theo vùng duyên hải phía Nam bán đảo Ả-rập (L. N. D.)
[3]Thần thoại Ai-cập, nữ thần phong nhiêu, thường được tượng trưng bằng một người có cặp sừng bò với mặt trời ở giữa. (L.N.D.)
[4]Trong thần thoại dân Semite cổ, nữ thần phong nhiêu và sinh sản. (L.N.D.)
[5]Nhân sự. Trong thần thoại Ai-cập, hình sư tử đầu người. (L.N.D.)
Nguồn: Trầm tưởng (Thoughts And Meditations) của Kahlil Gibran do Đăng Quang dịch, tranh bìa của Nguyên Khai. Nguồn Sáng xuất bản lần thứ nhứt 1970 tại Sài gòn.
Trầm tưởng
Đăng Quang dịch
1
Mục lục
Lời dịch giả
Nhà thi sĩ Baalbeck
Nhà thi sĩ Baalbeck năm 1912 ttc
Ngày trở về của người yêu dấu
Kết hôn
Linh hồn tôi đã dạy cho tôi
Hậu duệ thần nữ
Răng sâu
Trong đêm tối
Cục phấn mạ bạc
Ông tán gẫu
Martha
Ảo ảnh
Thanh khí tương giao
Dưới ánh mặt trời
Một thoáng nhìn về tương lai
Nữ thần mộng tưởng
Lịch sử và dân tộc
Loài thú không tiếng nói
Thi sĩ và thi ca
Giữa nơi phế tích
Trước cửa đền
Thuốc ma tuý và dao giải phẫu
Toàn thiện mỹ
Hôm qua, hôm nay và ngày mai
Câu truyện của một người bạn
Những người khổng lồ
Ngoài trái đất
Ô đêm
Trái đất
Tro tàn thời đại và ngọn lửa vô cùng
*
Lời dịch giả
Trầm tưởng sưu tập những dòng tư tưởng và phút giây trầm mặc của nhà thi sĩ và tiên tri Kahlil Gibran, người gốc Liban, nguuyên tác Ả-rập ngữ, được chọn và dịch bởi Anthony R. Ferris dưới nhan đề Thoughts and Meditation (The Citadel Press, New York, tái bản lần thứ tư, 1969). Bản dịch sang Việt ngữ này đã dựa vào bản Anh dịch nói trên, ngoại trừ truyện ngắn “Martha” đã được so với bản Anh dịch của H. M. Nahmad, trong cuốn nhan đề Nymphs of the Valley của Gibran (Alfred A. Knopf. Inc. New York, tái bản lần thứ mười ba, 1969).
Đăng Quang
*
Nhà thi sĩ Baalbeck
Sarkis Effandi, một trong những người bạn thân nhất của Gibran, được giới trí thức Li-băng vô cùng kính phục. Ông đã từng đứng chủ một nhà xuất bản và một nhật báo Ả-rập ngữ có tên là Li-San-Ul-Hal. Năm 1912, Liên minh Tiến bộ Ả-rập, tổ chức nhằm phát huy sự thống nhất và nền văn hoá Ả-rập, quyết định vinh tôn nhà đại thi hào Li-băng là Kahlil Effandi Mutran.
Vì Sarkis đứng đầu uỷ ban tổ chức buổi lễ vinh tôn, cho nên ông đã gửi thơ mời Gibran, lúc bấy giờ đã di cư sang Nữu Ước, trở về họp mặt tại Beirut nhân dịp này. Gibran không thể tới được, nhưng gửi Sarkis một tiểu truyện và dặn là đọc hộ truyện này trước mặt nhà thi sĩ. Trong truyện tán dương nhà thi sĩ, Gibran biểu lộ lòng tin tưởng vào hiện tượng luân hồi và ngợi ca linh hồn vĩ đại đã được tái sinh vào nhà thi sĩ. [1]
Nhà thi sĩ Baalbeck
Tại thành Baalbeck năm 112 t.t.c.
Đức Vương Hầu ngồi trên ngai vàng, chung quanh đèn đuốc sáng rực và lư trầm mạ vàng nghi ngút. Hương thơm của trầm sực nức cung điện. Bên phải và bên trái của Ngài là các vị đại tư tế và thủ trưởng; các toán nô lệ và vệ binh đứng bất động trước mặt Ngài như những pho tượng đồng dựng trước mặt trời.
Sau khi các ca thủ giáo lễ đã xướng lên những khúc thánh ca vang dội, thì một vị trưởng lão đại thần đứng dậy trước mặt Vương Hầu, và bằng một giọng ngân nga êm đềm của tuổi sương hôm, cất tiếng nói:
“Ô Đại vương đầy lòng quảng đại, ngày hôm qua có một bậc hiền nhân từ Ấn Độ tới thành ta. Bậc hiền nhân này tin vào sự đa tạp của các tôn giáo và nói nhiều điều lạ lùng khó hiểu. Ông ta đi truyền bá một chủ thuyết luân hồi và sự hoá thân của những linh hồn di chuyển từ thế hệ này sang thế hệ kia, đi kiếm tìm những cuộc hoá thân càng ngày càng hoàn hảo, cho đến khi nào biến hoá thành thần thánh. Bậc hiền nhân này muốn bệ kiến Đại vương để giải thích chủ thuyết của ông ta.”
Đức Vương Hầu khẽ lắc đầu, mỉm cười và nói:
“Nhiều điều lạ lùng và kỳ diệu từ Ấn Độ mà đến. Hãy gọi kẻ hiền nhân vào để ta có thể nghe những lời hiền triết của ông ta.”
Vừa dứt lời, thì một ông lão da ngăm đen uy nghiêm bước vào và đứng trước mặt đức Vương Hầu. Đôi mắt lớn màu nâu của ông ta nói lên những niềm bí ẩn sâu xa. Ông lão cúi đầu lạy, ngẩng mặt lên, đôi mắt long lanh, và bắt đầu nói.
Ông ta cắt nghĩa cách thức những linh hồn đi từ một cơ thể này sang cơ thể kia ra sao, được nâng lên cao bởi những hành vi tốt của vật trung gian mà những linh hồn đã chọn lựa, và chịu ảnh hưởng của kinh nghiệm trải qua trong mỗi kiếp sống; khao khát vươn lên một hào quang nó khiến cho linh hồn phấn khởi và phát triển bằng Tình Yêu, khiến cho linh hồn vừa sung sướng vừa đau khổ…
Rồi nhà hiền triết nói đến cách thức những linh hồn di chuyển từ nơi này sang nơi khác đi tìm sự toàn hảo ra sao, đền tội trong hiện tại vì những tội ác đã phạm trong quá khứ, và gặp trong kiếp này những gì đã gieo trong kiếp trước.
Nhận thấy những dấu hiệu bất an và mệt mỏi trên dung nhan đức Vương Hầu, vị trưởng lão đại thần thì thầm vào tai nhà hiền triết:
“Giờ ngài đã thuyết giáo đủ rồi; xin hoãn bài diễn giảng cho đến kỳ gặp sau.”
Nghe đến đây nhà hiền triết cúi đầu cáo lui và đến ngồi giữa các nhóm tư tế và thủ trưởng, mắt nhắm nghiền lại dường như mệt mỏi vì đã mải nhìn vào những miền thâm u của Hiện Hữu.
Sau giây lát yên lặng sâu xa, giống như trong trạng thái xuất thần của một nhà tiên tri, đức Vương Hầu ngó sang bên tả rồi sang bên hữu, và hỏi:
“Nhà thi sĩ của ta hôm nay đâu rồi? Đã mấy hôm nay ta không thấy ông ta đâu cả. Có gì đã xảy đến cho ông ấy? Ông ấy vẫn thường có mặt trong các cuộc họp mặt của ta mà.”
Một vị giáo sĩ đáp:
“Một tuần trước đây thần có trông thấy ông ta ngồi trên trụ lang ở đền Ishtar, đôi mắt xa xôi và buồn thảm ngó ra tít khoảng hoàng hôn mù khơi y như là đã đánh lạc mất bài thơ của ông ta trên chín tầng mây xanh rồi ấy.”
Và một vị thủ lãnh nói thêm:
“Hôm qua thần cũng có trông thấy ông ta đứng dưới bóng cây liễu và cây trắc bá. Thần có chào hỏi ông ta, nhưng ông ta chẳng để ý gì đến lời hỏi thăm của thần cả, mà cứ vẫn chìm đắm trong biển trầm tư mặc tưởng.”
Đến lượt vị đại quan Thái Giám lên tiếng:
“Hôm nay thần có trông thấy ông ta trong thượng uyển, nét mặt tái ngắt và bơ phờ, thở dài sướt mướt, và đôi mắt đầy lệ.”
Đức Vương Hầu lập tức phán rằng:
“Hãy cho đi tìm ngay linh hồn bất hạnh đó đến đây, vì sự vắng mặt của nhà thi sĩ làm phiền lòng ta không ít.”
Được lệnh truyền, bọn nô lệ và vệ binh rời vương điện để đi tìm nhà thi sĩ, trong khi đó đức Vương Hầu cùng các giáo sĩ và thủ lãnh ở lại trong nghị điện chờ họ trở về. Dường như tâm hồn họ đều đã cảm thấy sự hiện diện vô hình của thi sĩ quanh quất đâu đây.
Chẳng bao lâu vị đại quan Thái Giám quay trở lại và phủ phục khấu đầu dưới chân đức Vương Hầu nhanh thoắt như một con chim trúng tên.
Thấy vậy đức Vương Hầu quát lớn:
“Làm sao… ngươi có điều gì nói ta nghe?”
Tên nô lệ ngẩng đầu lên và giọng run rẩy thưa:
“Muôn tâu Đại vương… chúng con thấy nhà thi sĩ nằm chết trong vườn thượng uyển…”
Đức Vương Hầu liền đứng dậy và vội vã, buồn thảm bước ra ngoài thượng uyển, dẫn trước là toán người cầm đuốc và theo sau là toán giáo sĩ và thủ lãnh. Ở đằng cuối vườn gần hàng cây hạnh nhân và thạch lựu, ánh sáng vàng của các ngọn đuốc soi sáng người thanh niên đã chết. Xác hắn nằm trên thảm cỏ xanh như một đoá hồng đã héo khô.
Một trong số cận thần của đức Vương Hầu nói:
“Ngó kìa, nhà thi sĩ ôm chiếc thất huyền cầm như là hai tình nhân ước hẹn chết cùng nhau kìa!”
Một người khác nói:
“Chàng vẫn đăm đăm ngó vào trung tâm không gian như lúc còn sống; chàng vẫn còn có vẻ như đang theo dõi những chuyển động vô hình của một vị thần vô danh giữa các hành tinh.”
Và vị đại giáo sĩ tâu với đức Vương Hầu:
“Muôn tâu Đại vương, ngày mai ta hãy chôn chàng dưới bóng đền Ishtar như một đại thi hào, và cho phép dân trong thành cử hành tang lễ chàng, trong khi đó có các thanh niên ngâm vịnh thơ chàng và các trinh nữ rải rắc hoa trên phần mộ chàng. Với thiên tài của chàng, hãy cử hành một lễ kỷ niệm cho xứng đáng.”
Đức Vương Hầu gật đầu mà mắt vẫn không rời khuôn mặt nhà thi sĩ trẻ tuổi lúc này đã tái ngắt sau màn che của Thần Chết.
“Ta đã xao lãng tâm hồn thanh khiết này hồi chàng còn trên dương thế, hồi chàng còn đang lấp đầy Vũ Trụ bằng trái cây trí tuệ sáng ngời của chàng và toả khắp không gian hương thơm tâm hồn chàng. Nếu giờ ta không vinh tôn chàng, thì ta ắt sẽ bị chê cười và lăng nhục bởi các thánh thần và các thần nữ ngoài thảo dã và sơn cốc.”
“Hãy mai táng nhà thi sĩ ở nơi đây, nơi chàng đã trút hơi thở cuối cùng, và hãy cứ để cho cây đàn thất huyền nằm giữa hai cánh tay chàng. Nếu các ngươi muốn tôn vinh chàng và tỏ lòng kính mến với chàng, thì hãy nói với con cháu các ngươi rằng Vương Hầu đã xao lãng nhà thi sĩ và đã là nguyên nhân cho cái chết đau khổ và cô đơn của chàng.”
Và rồi đức Vương Hầu hỏi:
“Thế còn nhà hiền triết từ Ấn Độ kia đâu rồi?”
Và nhà hiền triết bước tới và nói:
“Muôn tâu Đại vương, bầy tôi đây.”
Và đức Vương Hầu cất tiếng hỏi:
“Hãy nói cho ta nghe, hỡi hiền nhân, liệu các thánh thần có bao giờ sẽ hồi phục ta trở lại thế giới này làm một hoàng tử và làm phục sinh nhà thi sĩ đã mãn phần này không? Liệu rằng linh hồn ta có sẽ được hoá thân trong thể xác người con trai một đại hoàng đế, và liệu linh hồn thi sĩ có sẽ luân hồi vào thể xác một thiên tài khác hay không? Liệu rằng Thánh Pháp có sẽ làm cho chàng đứng trước mặt Vĩnh Cửu để chàng làm thơ về Cuộc Đời hay không? Liệu chàng có sẽ được phục sinh để cho ta có thể vinh tôn và tỏ lòng kính mến bằng cách trút tưới cho chàng những tặng phẩm và phần thưởng quí giá khiến cho tim chàng được phấn khởi và tâm hồn chàng được nhiều linh cảm, hay không?”
Và nhà hiền triết đáp đức Vương Hầu:
“Bất cứ điều gì mà tâm hồn mong muốn, sẽ đạt được bằng tinh thần.”
Hãy nhớ rằng, ô Đại vương, Thánh Pháp phục hồi sự trác tuyệt của Mùa Xuân sau khi Mùa Đông đi qua sẽ phục hưng Đại vương làm một hoàng tử và chàng làm một thi sĩ thiên tài.
Niềm hy vọng của Đức Vương hầu được làm sống lại và trên dung nhan ngài đã hiện ra những dấu hiệu vui tươi. Ngài bước về phía vương điện, nghĩ lại và suy ngẫm các lời nói của nhà hiền triết: “Bất cứ điều gì mà tâm hồn mong muốn, sẽ đạt được bằng tinh thần.”
Nhà thi sĩ Baalbeck
Tại Cairo, Ai Cập vào năm 1912 s.t.c.
Vầng trăng tròn vạnh đã hiện ra và trải rộng tấm áo bạc của nàng trên thành phố. Vị Hoàng Tử đứng trên bao lơn hoàng điện ngắm nhìn bầu trời trong vắt và suy nghĩ mông lung về những thời đại đã trôi qua dọc trên bờ sông Nile. Ngài dường như đang duyệt qua những đám rước của các dân tộc đã bước đi, cùng với Thời Gian, từ Kim Tự Tháp đến hoàng điện Abedine.
Khi vòng tròn tư tưởng của Hoàng Tử đã mở rộng ra và vươn tới lãnh vực mộng mơ của Ngài, Ngài bèn ngó sang kẻ bầu bạn ngồi bên cạnh và nói:
“Đêm nay tâm hồn ta khao khát; hãy ngâm ta nghe một bài thơ.”
Và người bầu bạn cúi đầu lĩnh ý và bắt đầu một bài thơ tiền – Hồi giáo. Nhưng trước khi hắn ngâm vịnh được nhiều khổ, thì vị Hoàng tử bèn cắt ngang mà nói:
“Cho nghe một bài thơ hiện đại… một bài thơ mới đây.”
Và rồi, cúi đầu lĩnh ý, người bầu bạn bắt đầu ngâm các vần thơ của một thi sĩ miền Hadhramaut [2] . Vị Hoàng tử lại ngắt lời hắn lần nữa, nói:
“Mới hơn nữa… một bài thơ mới đây hơn nữa.”
Kẻ ngâm thơ bèn giơ tay đặt lên trán, dường như để nhớ lại tất cả các bài thơ do các thi sĩ hiện đại viết. Rồi đôi mắt hắn sáng ngời, khuôn mặt rạng rỡ, và hắn bắt đầu ngâm những vần thơ yêu kiều bằng một nhịp êm ái, đầy kỳ diệu.
Say sưa và dường như cảm thấy có một bàn tay vô hình vẫy gọi Ngài rời hoàng cung đi tới một miền xa xôi, Hoàng Tử sốt sắng thăm hỏi:
“Ai đã viết những dòng thơ này?”
Và người ngâm thơ đáp:
“Nhà thi sĩ từ Baalbek.”
Nhà thi sĩ Baalbek từ là một tên cổ xưa, và nói gợi lại trong ký ức Hoàng Tử những hình ảnh ngày qua. Nó đánh thức dậy trong tận cùng trái tim Ngài những bóng ma kỷ niệm, và nó vẽ ra trước mắt Ngài, bằng những đường nét do sương mù tạo nên, một bức tranh hoạ một thanh niên đã chết đang ôm chiếc đàn thất huyền và được bao vây bởi các giáo sĩ, thủ lãnh và các quan đại thần.
Như các giấc mơ bị ánh sáng Ban Mai làm tiêu tán, ảo ảnh dần dần rời đôi mắt Hoàng Tử. Ngài đứng lên và bước về phía hoàng cung, hai cánh tay khoanh trước ngực, Ngài nhắc lại những lời nói của Mohamed: “Mi đã chết và Người đã mang mi trở lại cuộc sống, và Người sẽ trả mi về sự chết và rồi phục hồi mi lại cuộc sống. Rồi sau đó mi mới trở về với Người”.
Rồi Ngài nhìn người bầu bạn đi bên và nói:
“Ta may mắn có được nhà Thi Sĩ từ Baalbek trên đất ta, và sẽ phải coi như một bổn phận tuyệt đỉnh mà vinh tôn và kết bạn với chàng.”
Sau giây lát yên lặng và tôn kính xứng đáng, Hoàng Tử khẽ nói thêm:
“Thi sĩ là một loại chim nhiều tính khí lạ lùng. Hắn bay sà xuống từ vùng thanh cao và trú chân giữa chúng ta, ca hát; nếu ta không vinh tôn hắn, thì hắn sẽ tung cánh bay trở về nơi hắn ở.”
Đêm tàn, và các vùng trời trút gỡ xuống các bộ áo nạm đầy sao của chúng, và khoác lên mình một bộ áo dệt bằng những tia nắng khoẻ của Ban Mai. Và tâm hồn Hoàng Tử chênh vênh, đu đưa giữa những thần diệu và lạ kỳ của Hiện Hữu và những điều bí ẩn phủ kín của Đời Sống.
Ngày trở về của người yêu dấu
Lúc đêm xuống thì quân thù bỏ trốn với những nhát gươm và vết giáo đầy lưng. Những người anh hùng của chúng ta phất cờ khải hoàn và ca khúc chiến thắng theo nhịp vó ngựa nổi trống dồn trên triền đá sỏi sườn đồi.
Trăng đã lên từ phía sau dặng núi Fam el Mizab. Những tảng đá khổng lồ và thanh tú dường như cũng dâng lên cao với tinh thần nhân dân, và rừng cây bá hương nằm dài như một huy chương danh dự trên ngực nước Liban.
Họ tiếp tục bước chân dồn dập và ánh trăng chiếu sáng loáng vũ khí họ. Những hang động phía xa dội lại tiếng ca chiến thắng và tung hô của họ cho đến khi họ tới chân một triền núi. Nơi đây họ bị chận khựng lại bởi tiếng hí một chiếc ngựa đang đứng giữa những tảng đá xanh y như là đã được đẽo ra từ chúng.
Gần chiếc ngựa họ thấy một xác chết, và khoảng đất nơi chàng nằm đẫm đầy máu. Kể dẫn đầu toán binh hô lớn, “Đưa cho ta xem gươm người ấy và ta sẽ cho các ngươi biết ai là chủ nó.”
Vài tên kỵ sĩ xuống ngựa và xúm quanh xác chết, và rồi một người nói với viên thủ lãnh, “Các ngón ta của hắn nắm chật vào cán gươm quá. Gỡ ra thì hổ thẹn lắm.”
Một người khác nói, “Thanh gươm đã bị đời sống chôn đi bao lại rồi cho nên không còn trông thấy kim khí nữa”.
Một người thứ ba nói thêm, “Máu đã đông đặc cả cườm tay lẫn cán gươm và trông như là một ấy.”
Tức thì viên thủ lãnh xuống ngựa và bước lại phía xác chết và nói, “Nâng đầu hắn lên và để ánh trăng soi vào mặt hắn cho ta nhận diện”. Bọn người làm theo lệnh, và khuôn mặt của kẻ tử trận hiện ra đằng sau màn che của Tử Thần cho thấy những dấu vết dũng cảm và quí phái. Đó là khuôn mặt của một tên kỵ sĩ mạnh mẽ, và nó nói lên nam khí ngời ngời. Đó là khuôn mặt của một con người đau khổ và hân hoan; khuôn mặt của một người đã anh dũng đối diện kẻ thù và mỉm cười ngó mặt thần chết; khuôn mặt của một người anh hùng Liban mà, hôm đó, đã chứng kiến phút khải hoàn nhưng đã chẳng được sống để bước đi và ca hát và ăn mừng chiến thắng với đồng chí của mình.
Lúc họ đã gỡ tấm khăn lụa quấn đầu và phủi sạch lớp bụi chiến trường trên khuôn mặt tái xanh của chàng rồi, thì viên thủ lãnh la lên bằng một giọng đầy thương xót:
“Đây là con trai của Assaaby. Quả là một thiệt hại lớn!”
Bọn người nhắc lại cái tên ấy, thở dài. Rồi thảy đều yên lặng, và trái tim họ, lúc trước đã say men chiến thắng, bây giờ tỉnh lại. Bởi họ đã trông thấy một điều gì lớn hơn sự vinh quang của khải hoàn, trong sự mất đi một người anh hùng.
Như những pho tượng bằng cẩm thạch họ đứng yên trong cảnh khiếp hãi đó, và lưỡi họ câm cứng, chẳng hề thốt được một lời. Sự chết làm cho tâm hồn kẻ anh hùng như thế đó. Khóc lóc và than van là dành cho đàn bà; rên xiết và la khóc là dành cho con nít. Chẳng có gì thích hợp với nỗi đau buồn của con người cung kiếm ngoại trừ niềm yên lặng, nó nắm chặt lấy trái tim mạnh mẽ như là hai chân chim đại bàng nắm chặt lấy cổ họng một con mồi. Chính sự yên lặng này nó vượt lên trên nước mắt và la khóc, một sự yên lặng mà trong vẻ uy nghiêm của nó đã tăng thêm khiếp đảm và ưu phiền cho nỗi bất hạnh; một sự yên lặng nó khiến cho linh hồn rơi từ đỉnh núi cao xuống đáy vực thẳm. Đó là sự yên lặng nó xướng lên cơn giông sắp đến. Và khi cơn giông chưa xuất hiện, thì đó là sự yên lặng còn lớn hơn cả giông tố.
Họ cởi áo người anh hùng trẻ tuổi để xem thần chết đã cắm vuốt sắt của nó ở chỗ nào. Và các vết thương xuất hiện trên ngực chàng như những đôi môi cử động tuyên bố trong ban đêm yên tĩnh lòng can đảm của con người.
Viên thủ lãnh đến gần xác chết và quì sụp xuống. Ghé mắt nhìn gần kẻ tử sĩ, hắn tìm thấy một dải khăn quàng thêu bằng chỉ vàng quấn chung quanh cánh tay chàng. Hắn nhận ra cái bàn tay đã dệt tấm lụa và những ngón tay đã thêu chỉ trên dải khăn quàng. Hắn giấu nó dưới áo và kéo nó ra từ từ, bàn tay run rẩy che khuôn mặt khiếp đảm của mình đi. Vậy mà bàn tay run rẩy này, với sức mạnh của nó, đã làm rụng biết bao nhiêu đầu quân thù. Giờ đây nó run rẩy vì nó đã chạm phải khăn quàng do những ngón tay thân yêu buộc chung quanh cánh tay người anh hùng đã chết, và chàng sẽ quay trở về với nàng trên vai những kẻ đồng đội, một thây xác không hồn.
Trong lúc tinh thần viên thủ lãnh đang dao động, hoang mang nghĩ đến sự áp chết của thần chết và những niềm bí ẩn của tình yêu, thì một người trong họ đề nghị:
“Ta nên đào một nấm mộ cho chàng dưới bóng cây sồi kia để cho rễ nó uống được máu chàng và cành lá nó được nuôi dưỡng bằng thân xác chàng. Cây sồi sẽ được sức mạnh và trở thành bất tử và đứng làm một dấu hiệu tuyên ngôn với những đồi những thung lũng kia lòng can đảm và sức mạnh của chàng.”
Một kẻ khác nói:
“Ta nên mang chàng vào rừng bá hương và chôn chàng gần giáo đường. Nơi đó xương chàng sẽ được bóng cây Thánh Giá bảo vệ đến vĩnh cửu.”
Và một kẻ khác nói:
“Chôn chàng tại đây, nơi máu chàng đã hoà với đất. Và cứ để thanh gươm của chàng nằm nguyên trong bàn tay mặt đó; cắm ngọn dáo của chàng bên cạnh và giết chết con ngựa chàng trên mộ và để cho vũ khí của chàng giúp cho chàng vui trong lúc quạnh hiu.”
Nhưng một kẻ khác phản đối:
“Đừng nên chôn thanh gươm đã vấy máu quân thù, cũng đừng giết chết ngựa quí đã chống cự được thần chết trên chiến trường. Đừng để lại trong cõi hoang vu những vũ khí đã quen với hành động và sức mạnh, mà mang chúng về cho thân quyến của chàng làm di sản lớn lao và quí báu.”
“Hãy quì xuống cạnh chàng và đọc những lời cầu nguyện của dân thành Nazareth rằng Thượng Đế sẽ tha tội cho chàng và giáng phúc cho chiến thắng của ta!” Một kẻ khác nói thế.
“Hãy vác chàng trên vai chúng ta và lấy mộc lấy thương của ta làm linh cữu cho chàng và lại đi quanh vùng thung lũng chiến thắng của chúng ta một lần nữa ca hát những khúc khải hoàn đặng những cặp môi của vết thương chàng được mỉm cười trước khi chúng bị đất mồ phủ đi câm kín”, một người đồng đội nói thế.
Và một người khác:
“Hãy xốc chàng lên con chiến mã của chàng và đỡ chàng bằng những chiếc đầu lâu quân thù và đeo cho chàng thanh dáo và chở chàng về làng làm một kẻ chiến thắng. Chàng chẳng bao giờ hề chịu khuất phục tử thần cho tới chừng nào đã chất nặng lên nó những hồn địch quân.”
Một người khác nói:
“Thôi, ta nên chôn chàng tại chân núi này. Tiếng vọng của các hang động sẽ làm bầu bạn cho chàng và tiếng róc rách thì thầm của con suối sẽ làm kẻ du ca. Xương của chàng sẽ an nghỉ trong một vùng hoang vu nơi mà tiếng chân bước đi của đêm khuya tịch mịch sẽ nhẹ nhàng và êm ái.”
Một người khác phản đối:
“Không. Đừng bỏ chàng ở lại chốn này, vì chốn này là nơi trú ngụ của tẻ nhạt và quạnh hiu. Nhưng ta hãy mang chàng về nơi táng địa trong làng. Hồn thiêng của tổ tiên ta sẽ làm bầu bạn chàng và sẽ nói chuyện với chàng trong đêm thanh vắng và kể cho chàng nghe những câu chuyện chiến tranh cùng những cổ tích vinh quang của họ.”
Rồi viên thủ lãnh bước vào giữa và ra hiệu cho họ nín lặng. Hắn thở dài và nói:
“Thôi đừng làm chàng phiền muộn với những kỷ niệm chiến tranh hay nhắc nhở bên tai linh hồn chàng đang bay lượn quanh ta những câu chuyện gươm đao làm chi nữa. Nhưng ta nên bình tĩnh và yên lặng khiêng chàng về nơi chôn nhau cắt rốn của chàng, nơi mà một tâm hồn yêu thương đang ngóng đợi ngày chàng trở về… tâm hồn một trinh nữ đang chờ đón chàng quay về từ chiến địa. Ta hãy trả chàng về cho nàng để nàng được trông thấy mặt chàng và hôn lên vầng trán chàng một lần chót.”
Thế là họ vác chàng trên vai và lặng lẽ bước đi, đầu cúi xuống và mắt nhìn xuống đất. Chiếc ngựa buồn thảm của chàng bước nặng nề đằng sau, kéo lướt thướt dây cương trên mặt đất, thỉnh thoảng hí lên một tiếng ảo não, và tiếng hí được các hang động vọng trở lại in tuồng như các hang động cũng có trái tim và chia sẻ mối sầu thương của họ.
Qua con đường trũng lòng đồi đầy gai nhọn có ánh trăng tròn chiếu sáng, đoàn diễn hành chiến thắng bước đằng sau kỵ đội của Tử Thần và tinh thần của Tình Yêu dẫn đường kéo theo sau đôi cánh đã gãy.
Kết hôn
Trong bài thơ này dương như nhà tiên tri xứ Liban
đã tiên kiến sự hợp nhất giữa Ai Cập và Xyri.
Khi đêm đã tô điểm tấm áo của vòm trời bằng những hạt ngọc tinh tú, thì có một nàng tiên nữ hiện lên từ lưu vực sông Nile và bay lượn trên trời trên đôi cánh vô hình. Nàng ngồi trên một ngọc toà làm bằng sương mù treo giữa trời và biển. Phía trước nàng có một bầy thiên thần đồng ca: “Ôi thánh thiện, ôi thánh thiện, ôi thánh thiện là người con gái Ai Cập, mà lòng cao thượng tràn khắp hoàn cầu”.
Rồi trên đỉnh ngọn Fam el Mizab, có rừng bá hương quấn chung quanh, một chàng thanh niên hư ảo được bàn tay thiên xứ nâng lên, và chàng ngồi trên ngọc toà bên cạnh nàng tiên nữ. Các thần linh bay lượn chung quanh họ ca hát: “Ôi thánh thiện, ôi thánh thiện, ôi thánh thiện thay là người thanh niên Liban, mà vẻ hoa lệ đầy ắp thiên thu”.
Và khi kẻ cầu hôn nắm tay người yêu và ngó tận vào mắt nàng, thì sóng và gió loan truyền đi khắp vũ trụ những lời họ tâm sự:
Ôi hào quang em rực rỡ làm sao, Hỡi người con gái thần nữ Isis [3] , và lòng anh sùng bái em biết ngần nào!
Ôi dáng dấp anh phong nhã làm sao trong đám thanh niên, hỡi người con trai nữ thần Astarte [4] , và lòng em khao khát anh biết ngần nào!
Tình anh mạnh mẽ như những ngọn Kim Tự Tháp xứ em, và thiên thu cũng sẽ chẳng phá huỷ nó cho được.
Tình em bền vững như loài Ba Hương Thánh Thiện xứ anh, và bốn mùa sẽ chẳng thắng nổi nó.
Hiền nhân mọi dân tộc từ Đông chí Tây đều tới để biện biệt trí năng và giải đoán những điềm triệu của em.
Học giả khắp thế giới từ mọi triều đình đều tới để say sưa với mật hoa từ vẻ anh kiều diễm và nét thần diệu của giọng anh nói.
Lòng bàn tay em là những giếng nước phong nhiêu.
Cánh tay anh là những suối nước trong, và hơi anh thở là một ngọn gió mát.
Những cung, điện của dòng Nile biểu thị sự vinh quang, và con Sphinx [5] kể lại sự vĩ đại của em.
Những ngọn bá hương trên ngực anh như một huy chương danh dự, và những tháp đài quanh anh nói lên lòng dũng cảm và cường lực của anh.
Ôi ngọt ngào làm sao là tình em yêu và kỳ diệu làm sao là niềm hy vọng em gieo rắc.
Ôi đại lượng làm sao hỡi người đồng điệu và chung thuỷ làm sao hỡi người phối ngẫu. Trác tuyệt thay là những tặng vật, và quí báu thay là sự hy sinh!
Em gửi đến cho anh những chàng trai trẻ tuổi giống như một cơn thức tỉnh sau một giấc ngủ miên man. Em đã ban cho anh những con người dũng cảm đặng chinh phục lòng yếu hèn của dân tộc anh, và những học giả đặng phấn khởi họ, và những thiên tài đặng làm phong phú quyền năng họ.
Từ những hạt giống em gửi đến anh anh đã trẩy hoa; từ những cây non anh đã dựng thành đại thụ. Bởi anh là một đồng cỏ trinh nguyên nơi đó hoa hồng và hoa huệ mọc và cây trắc bá và bá hương nhô lên.
Anh thấy sầu đau thoáng trong mắt em, hỡi người yêu dấu: ngồi bên anh, em buồn chăng?
Em có những người con trai và con gái đã rời sang phía bên kia biển và bỏ mặc em ở lại khóc than và mong ngóng ngày chúng trở về.
Em có sợ hãi chăng, hỡi nàng con gái dòng Nile, và dân tộc quí mến nhất?
Em sợ một đấng bạo quân đến gần bên em với một giọng nói ngọt ngào để có thể sau này ngự trị em với sức mạnh đôi cánh tay.
Cuộc đời các dân tộc, em yêu dấu, cũng giống như cuộc đời các cá nhân; một cuộc đời được phấn khởi bởi Hy Vọng và kết hôn với Sợ Hãi, ám ảnh bởi những Dục Tình và ủ ê trong niềm Tuyệt Vọng.
Và hai tình nhân ôm lấy nhau và hôn nhau và uống từ những ly tình rượu ngọt của thiên thu; và bầy thần linh ca ngợi: “Ôi thánh thiện, ôi thánh thiện, ôi thánh thiện, hào quang của Tình Yêu toả tràn khắp thiên đàng và hạ giới!”
Linh hồn tôi đã dạy cho tôi…
Linh hồn tôi đã thuyết giảng và dạy cho tôi yêu những gì mọi người kinh tởm và kết bạn với những kẻ mà họ sỉ nhục.
Linh hồn tôi đã trỏ cho tôi thấy rằng Tình Yêu tự mãn chẳng những trong người yêu, mà còn trong cả kẻ được yêu.
Trước kia linh hồn tôi đã giảng cho tôi rằng Tình Yêu nằm trong tim tôi như một sợi chỉ mong manh buộc giữa hai đầu chốt.
Nhưng giờ đây Tình Yêu đã trở thành một quầng sáng mà chỗ bắt đầu là nơi chấm dứt, và nơi chấm dứt là chỗ bắt đầu. Nó bao vây từng bản thể và từ từ trải rộng ra ôm ấp lấy tất cả những gì sẽ trở nên.
Linh hồn tôi đã khuyên nhủ tôi và dạy tôi nhận thức cái vẻ đẹp đã phủ kín của làn da, hình dáng và sắc màu. Nàng đã dạy cho tôi suy ngẫm về những gì mọi ngưòi gọi là xấu cho đến khi nào vẻ mỹ miều và khoái cảm đích thực của nó hiện lên.
Trước kia linh hồn tôi đã bảo tôi ngắm nhìn Sự Đẹp như một ngọn đuốc rung rinh giữa những cột khói. Giờ đây khói đã bay tan, tôi chẳng thấy gì ngoại trừ ngọn lửa.
Linh hồn tôi đã thuyết giảng và dạy cho tôi lắng nghe những tiếng nói mà lưỡi và họng và môi chẳng thốt thành lời.
Trước kia linh hồn tôi đã giảng cho tôi, tôi chẳng hề nghe thấy gì ngoại trừ tiếng la hét và rên xiết. Nhưng giờ đây tôi nóng lòng lắng nghe niềm Yên Lặng và nghe thấy những ban hợp xướng của nó ca những khúc thánh ca muôn đời và những khúc hát vùng thanh không báo hiệu những điều bí ẩn của Vô Hình.
Linh hồn tôi đã thuyết giảng và dạy cho tôi uống thứ rượu nho chẳng thể ép thành và chẳng thể rót ra từ những chén mà tay có thể nâng lên và môi có thể đụng tới.
Trước kia linh hồn tôi đã giảng cho tôi, sự thèm khát của tôi giống như một tia lửa ẩn giấu trong đám tro tàn có thể dập tắt được bằng một ngụm nước uống.
Nhưng giờ đây lòng khao khát của tôi đã biến thành cái chén, tình cảm tôi thành rượu và niềm cô độc của tôi thành thú say sưa; thế nhưng, trong sự thèm khát chưa phỉ này có một niềm vui vĩnh cửu.
Linh hồn tôi đã dạy cho tôi sờ mó những gì chưa thành nhục hoá; linh hồn tôi đã hé lộ cho tôi thấy rằng bất cứ gì ta sờ mó tới là phần ta dục vọng.
Nhưng giờ đây những ngón tay tôi đã hoá thành sương mù thấu nhập những thể hữu hình trong vũ trụ và hỗn hợp với những thể vô hình.
Linh hồn tôi đã dạy cho tôi hô hấp hương thơm mà chẳng loài nhạn-lai-hồng hay trầm hương nào xông toả. Trước kia linh hồn tôi đã thuyết giảng cho tôi thèm khát hương khí trong vườn hay trong lư trầm hay trong bình hương.
Nhưng giờ đây tôi có thể khoái hưởng hương thơm chẳng được đốt để dâng hiến hay hy sinh. Và tôi hít đầy lồng ngực một hương thơm đã chẳng bao giờ được ngọn gió không gian đùa cợt thoảng đi.
Linh hồn tôi đã thuyết giảng và dạy cho tôi nói, “Tôi đã sẵn sàng” khi điều Vị Tri và Nguy Cơ thăm viếng tôi.
Trước kia linh hồn tôi đã giảng cho tôi rằng tôi chớ trả lời tiếng gọi nào ngoại trừ tiếng gọi của người tôi biết, và chớ bước chân trên con đường nào ngoại trừ con đường dễ đi và con đường trơn miết.
Giờ đây điều Vị Tri đã trở thành một con thần mã tôi có thể cưỡi lên đặng vượt tới Vị Tri; và cánh đồng đã hoá thành một cây thang tôi trèo lên tuyệt đỉnh.
Linh hồn đã gọi tôi mà nói, “Chớ có đo lường Thời Gian vì, đã có hôm qua, là sẽ có ngày mai”.
Và trước kia linh hồn tôi đã nói với tôi rằng tôi tưởng tượng quá khứ như một thời đại chẳng bao giờ trở lại, và Vị Lai như một thời đại chẳng bao giờ với tới.
Giờ đây tôi nhận ra rằng phút giây hiện tại chứa đựng tất cả thời gian và trong đó là tất cả những gì ta có thể hy vọng, thi hành và thực hiện.
Linh hồn tôi đã thuyết giảng tôi, khuyến dụ tôi đừng giới hạn không gian mà nói, “Nơi đây, nơi kia, nơi nọ”.
Trước kia linh hồn tôi đã giảng cho tôi, tôi cảm thấy rằng bất cứ nơi nào tôi bước đi là cách xa bất cứ không gian nào khác.
Giờ đây tôi nhận ra rằng bất cứ nơi nào tôi hiện hữu thì chứa đựng tất cả không gian; và khoảng cách tôi bước đi ôm lấy mọi khoảng cách.
Linh hồn tôi đã dạy cho tôi và khuyên nhủ tôi thức khi kẻ khác ngủ. Và đầu hàng giấc ngủ khi kẻ khác trở dậy.
Trước kia linh hồn tôi đã giảng cho tôi rằng tôi chớ nên mơ giấc mơ của họ khi tôi ngủ, và họ cũng chẳng thấy được ảo ảnh của tôi.
Giờ đây tôi chẳng bao giờ giống cánh buồm mơ của tôi trừ khi họ ngắm, và họ chẳng bao giờ cất cánh vụt lên đỉnh trời ảo ảnh của họ trừ khi tôi hân hoan trong niềm họ tự do.
Linh hồn tôi đã giảng cho tôi và nói, “Chớ có vui vì lời khen, và chớ có buồn vì lời chê”.
Trước kia linh hồn tôi đã khuyên nhủ tôi, rằng tôi hoài nghi giá trị của sức cần lao.
Bây giờ tôi nhận ra rằng cây cỏ nở hoa Mùa Xuân và mang trái Mùa Hạ mà chẳng hề đi kiếm lời khen; và chúng rụng lá Mùa Thu và trần truồng Mùa Đông mà chẳng hề e sợ lời chê.
Linh hồn tôi đã thuyết giảng và trỏ cho tôi biết rằng tôi chẳng hơn gì người lùn nhỏ mà cũng chẳng kém gì người khổng lồ.
Trước kia linh hồn tôi đã giảng cho tôi, rằng tôi ngắm nhìn nhân loại như hai người: một kẻ yếu thì tôi thương hại, và một kẻ mạnh thì tôi đi theo hay thách đố chống đối.
Nhưng giờ đây tôi đã học được rằng tôi giống như cả hai và được tạo cùng những thành tố. Khởi nguyên tôi là khởi nguyên họ, ý thức của tôi là ý thức họ, cuộc tranh đấu của tôi là tranh đấu của họ, và hành trình của tôi là hành trình của họ.
Nếu họ phạm tội, thì tôi cũng là một kẻ phạm tội. Nếu họ làm tốt, thì tôi hãnh diện trong sự họ làm tốt. Nếu họ nhỏm dậy thì tôi nhỏm dậy với họ. Nếu họ nằm lỳ, thì tôi chia sẻ sự biếng nhác của họ.
Linh hồn tôi đã nói với tôi, “Ngọn đuốc mi mang theo chẳng phải của mi, và khúc ca mi đang hát đã chẳng được sáng tác trong trái tim mi, bởi lẽ cho dù mi mang ngọn đuốc, nhưng mi chẳng phải là ánh sáng, và cho dù mi là một chiếc đàn nhiều dây, nhưng mi chẳng phải là kẻ chơi đàn”.
Linh hồn tôi đã thuyết giảng cho tôi, hỡi người huynh đệ, và dạy cho tôi nhiều điều. Và linh hồn anh cũng đã thuyết giảng và dạy cho anh cũng nhiều như thế. Bởi anh và tôi là một, và chẳng có gì khác biệt giữa chúng ta ngoại trừ tôi khẩn thiết tuyên ngôn những gì tận cùng bản thể của tôi, còn anh giữ bí ẩn những gì ở trong anh. Nhưng trong niềm bí ẩn đó cũng có điều hay.
Hậu duệ thần nữ và hậu duệ viên hầu
Kỳ dị thay là Thời gian, và khác thường thay là chúng ta! Thời gian quá thực đã thay đổi, và ô kìa, nó cũng đổi thay chúng ta nữa. Nó bước tới một bước, gỡ tấm khăn che mặt ra, làm ta hoảng hốt và làm ta đắm say.
Mới hôm qua đây ta than phiền về Thời Gian và run rẩy trước những khủng bố của nó. Mà hôm nay đây ta đã học cách yêu mến nó và kính trọng nó, bởi vì giờ đây ta hiểu được ý định, khí chất thiên nhiên, niềm bí ẩn và lẽ nhiệm mầu của nó.
Mới hôm qua đây ta bò sát rón rén như những bóng ma run rẩy giữa những hãi sợ của đêm tối và đe doạ của ban ngày. Mà hôm nay đây ta bước đi hoan lạc tới đỉnh núi, nơi trú ngụ của bão tố và nơi sinh trưởng của thiên lôi.
Ngày hôm qua ta ăn bánh nhào với máu, và uống nước pha bằng lệ. Nhưng ngày hôm nay ta nhận lãnh lương thực từ những bàn tay tân nương của sớm mai và uống bồ đào mỹ tửu ngát hương hơi thở của Mùa Xuân ngọt ngào.
Ngày hôm qua ta bị Vận Mệnh đoạ đày. Nhưng ngày hôm nay Vận Mệnh đã tỉnh khỏi cơn say để nô để cười để bước đi cùng ta. Ta chẳng theo nàng mà nàng theo ta.
Hôm qua ta đốt nhang trầm trước thần tượng và hiến tế hy sinh cho thành thần giận dữ. Nhưng hôm nay ta đốt nhang trầm và hiến tế hy sinh cho chính bản thể ta, bởi lẽ vị thánh thần vĩ đại nhất và mỹ miều nhất đã dựng đền đài trong trái tim ta.
Hôm qua ta phủ phục trước hoàng đế và khấu đầu trước sultan. Nhưng hôm nay ta chẳng kính lễ ai ngoại trừ Lẽ Phải và ta chẳng theo ai ngoại trừ Sự Đẹp và Tình Yêu.
Ngày hôm qua ta tôn thờ nguỵ tiên tri và phù thuỷ. Nhưng ngày hôm nay Thời Gian đã thay đổi, và ô kìa, nó cũng đã thay đổi cả ta nữa. Giờ đây ta có thể ngó thẳng bào mặt trời và lắng nghe đại dương ca hát, và chẳng gì có thể làm ta rung chuyển ngoại trừ bão lốc.
Ngày hôm qua ta đạp đổ những đền đài trong linh hồn ta và từ đống hoang tàn ta xây lên những phần mộ cho tổ tiên ta. Nhưng ngày hôm nay linh hồn ta đã hoá thành những hương án thiêng liêng mà hồn ma của Quá Khứ chẳng thể tới gần, mà những ngón tay không còn thịt của kẻ chết chẳng thể đụng tới.
Ta đã là một tư tưởng yên lặng ẩn giấu trong góc Lãng Quên. Hôm nay ta là một tiếng nói vạm vỡ có thể làm rung chuyển vầng trời.
Ta đã là một tia lửa nhỏ chôn dưới tro tàn. Hôm nay ta là một ngọn lửa cháy bùng dữ dội nơi đầu núi.
Ta đã thức trắng nhiều đêm, lấy đất làm gối và lấy tuyết làm chăn.
Như bầy cừu không mục tử ta đã quây quần với nhau nhiều đêm gặm nhấm tâm tư, và nhai lại cảm xúc; thế nhưng ta vẫn còn đói còn khát.
Thường khi ta đứng giữa khoảng một ngày đang qua và một đêm đang tới than van tuổi xuân đang tàn lụi và ngóng đợi một kẻ chưa hề biết, và ngắm nhìn khoảng hư không và bầu trời đen tối mà lắng nghe tiếng than thở của Yên Lặng và tiếng gào thét của hư vô.
Những thời đó qua đi như bầy sói nhảy giữa các nấm mồ. Nhưng hôm nay trời trong sáng, và ta có thể an nghỉ trên những minh sàng và mừng đón tâm tư và mộng mị của ta, và ôm vào lòng những dục vọng. Nắm chặt những ngọn đuốc đang đu đưa quanh ta bằng những ngón tay không run rẩy, ta có thể nói chuyện với quỉ thần minh bạch. Khi bầy hợp xướng thiên thần đi qua, chúng bỗng say sưa tuý luý vì niềm mong đợi trong tim và những khúc thánh ca trong hồn ta.
Ngày hôm qua ta đã, ngày hôm nay ta còn! Đây là di mệnh của nữ thần trong bầy hậu duệ của thần nữ. Di mệnh của người là chi hỡi bầy hậu duệ của viên hầu? Ngươi đã hề bước tới bước nào chưa từ khi ngươi thoát ra từ kẽ nẻ trong lòng đất? Ngươi đã hề nhìn ngắm thiên đàng chưa từ khi Satan mở mắt ngươi ra? Ngươi đã hề nói được một lời nào chưa từ cuốn sách Lẽ Phải từ khi loài rắn độc hôn môi ngươi? Hay ngươi đã hề giây phút nào lắng nghe khúc ca của Đời Sống kể từ khi Thần Chết bịt tai ngươi?
Bảy mươi ngàn năm trước kia ta đã đi qua và thấy ngươi chuyển động như loài côn trùng trong hang động; và bảy phút trước đây ta thoáng nhìn ngươi qua tấm kính pha lê của sổ ta và thấy ngươi bước đi qua những lối đi như bầy nô lệ trong lúc đôi cánh Thần Chết bay lượn trên đầu. Ngày hôm nay ngươi cũng giống như ngày hôm qua; và ngày mai nữa, ngươi sẽ giống như lúc ta ngó thấy ngươi tự thuở ban đầu.
Hôm qua chúng ta đã, hôm nay chúng ta còn! Đây là di mệnh của nữ thần trong bầy hậu duệ của thần nữ; di mệnh của ngươi là chi, hỡi bầy hậu duệ của viên hầu?
Răng sâu
Có lần tôi có một chiếc răng sâu trong miệng. Nó phiền hà tôi vô kể. Ban ngày thì nó ngủ yên. Nhưng cứ vào lúc đêm khuya thanh vắng, khi mà các nha sĩ đi ngủ hết và các hiệu thuốc đóng cửa hết, là nó bắt đầu làm đau.
Một hôm, sốt ruột, tôi bèn đến nha sĩ và bảo ông ta nhổ cái răng khốn nạn nó làm tôi khổ sở và lấy đi mất cái thú ngủ của tôi, biến cái yên lặng của ban đêm thành ra những tiếng rên xiết và la lối.
Vị nha sĩ lắc đầu, nói: “Nhổ răng làm gì, dại lắm, khi mà có thể chữa cho nó khỏi”.
Thế là ông ta bắt đầu khoan phía bên cạnh chiếc răng, rửa sạch các lỗ sâu, và dùng mọi phương tiện để phục hồi nó và làm cho nó khỏi sâu. Lúc khoan xong, ông ta lấy vàng y trám đầy chiếc răng và nói khoe khoang, “Cái răng xấu của ông bây giờ còn khoẻ và vững chắc hơn cả các răng tốt của ông nữa là đằng khác”. Tôi tin lời ông ta và trả tiền rồi ra về.
Nhưng chưa được một tuần, cái răng khốn kiếp đó lại quay trở lại cái tình trạng bệnh hoạn của nó, và sự hành hạ nó gây ra đã làm cho những khúc ca đẹp trong hồn tôi biến thành tiếng kêu gào thảm thiết.
Vì thế tôi đi đến một nha sĩ khác và nói với ông ta, “Ông cứ nhổ phăng cái răng khốn nạn này đi, đừng có hỏi han gì cả, bởi vì người bị roi đánh không có giống người đứng đếm số roi đâu.”
Tuân lời, ông ta bèn nhổ chiếc răng đi. Nhìn nó một hồi, ông ta nói, “Nhổ cái răng thối này đi là phải lắm.”
Trong miệng Xã Hội có nhiều chiếc răng bệnh hoạn, sâu ruỗng đến tận xương hàm. Nhưng Xã Hội chẳng chịu cho nhổ chúng đi và làm cho khỏi đau. Nó chỉ lấy làm hể hả khi được trám vàng. Nhiều vị nha sĩ cũng chữa răng sâu của Xã Hội bằng vàng óng ánh.
Có rất nhiều người chịu xiêu lòng vì những lừa phỉnh của những hạng người cải tạo đó, và đau đớn, bệnh hoạn và sự chết là số phận của họ.
Trong miệng quốc gia Xyri có nhiều chiếc răng thối đen, bẩn thỉu, chúng làm độc và thối hoăng. Các bác sĩ đã cố chữa chạy bằng cách trám vàng thay vì nhổ chúng đi và bệnh sâu vẫn còn.
Một quốc gia có răng sâu ắt sẽ bị đau dạ dày. Nhiều quốc gia mắc phải bệnh khó tiêu như thế.
Nếu anh muốn xem răng sâu của Xyri, anh cứ việc đến thăm viếng các trường học, nơi mà con trai con gái hôm nay đang chuẩn bị để trở thành đàn ông đàn bà của ngày mai.
Hãy đi thăm viếng các toà án và chứng kiến hành vi của những kẻ ban cấp công lý quắt quéo và tham nhũng. Hãy ngắm nhìn cách họ đùa với tư tưởng và trí óc của người dân chất phác như là mèo vờn chuột.
Hãy đi thăm nhà những kẻ giàu có, nơi mà lòng tự phụ, giả dối và giả đạo đức ngự trị.
Rồi đi thăm những vị nha sĩ dẻo tay, có nhiều dụng cụ tinh xảo, thạch cao trám răng và thuốc an thần, suốt ngày trám đầy những lỗ răng sâu của quốc gia để che giấu đi sự hư thối.
Hãy nói chuyện với những con người cải tạo tự kêu bằng giới trí thức của dân tộc Xyri và đứng ra tổ chức xã hội, hội họp, và đọc diễn văn đó. Khi anh nói chuyện với họ, anh sẽ nghe thấy những giọng điệu có lẽ nghe cao siêu hơn cả tiếng mài đá cối xay, và quí phái hơn cả tiếng ễnh ương kêu trong một đêm Tháng Sáu.
Khi anh bảo họ rằng dân tộc Xyri đang nhai nghiền bánh bằng răng sâu và mỗi miếng bánh họ nhai là có pha trộn với nước miếng mang độc, làm lan tràn bệnh hoạn vào dạ dày của dân tộc, thì họ đáp, “Đúng, nhưng chúng tôi đang kiếm chất trám răng tốt hơn và loại thuốc an thần công hiệu hơn.”
Và nếu anh đề nghị với họ “nhổ răng”, thì họ cười vào mặt anh bởi vì anh chưa học gì về cái nghệ thuật nha khoa quí phái đó, nó che giấu bệnh sâu răng đi.
Giá anh cứ năn nỉ cho họ bằng được, thì họ sẽ chuồn đi và tránh mặt anh, tự nghĩ:
“Trên đời này thật là nhiều kẻ lý tưởng, và giấc mơ của họ yếu đuối làm sao.”
----------------------------------------------------------------------------
[1]A. R. Ferris
[2]Một miền dọc theo vùng duyên hải phía Nam bán đảo Ả-rập (L. N. D.)
[3]Thần thoại Ai-cập, nữ thần phong nhiêu, thường được tượng trưng bằng một người có cặp sừng bò với mặt trời ở giữa. (L.N.D.)
[4]Trong thần thoại dân Semite cổ, nữ thần phong nhiêu và sinh sản. (L.N.D.)
[5]Nhân sự. Trong thần thoại Ai-cập, hình sư tử đầu người. (L.N.D.)
Nguồn: Trầm tưởng (Thoughts And Meditations) của Kahlil Gibran do Đăng Quang dịch, tranh bìa của Nguyên Khai. Nguồn Sáng xuất bản lần thứ nhứt 1970 tại Sài gòn.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)