16/6/11

Phạm Công Thiện - Hố thẳm của tư tưởng ( 2 )

Phạm Công Thiện
Hố thẳm của tư tưởng
(Đặt lại căn nguyên tư tưởng hôm nay - Thể và tính)


Chương hai - Tượng và tính
Đặt lại tính thể ngôn ngữ và tư tưởng


1.

Hölderlin là thi sĩ của thi sĩ, đó là lý do tại sao Heidegger đã chú trọng đặc biệt đến Hölderlin để làm khởi điểm cho cuộc song thoại giữa thi ca và triết lý; khởi điểm ấy cũng là đầu đường đi về tính thể của ngôn ngữ và đồng thời trở về nguyên ngôn để vén mở nguyên tính (Sein).

Triết lý nói Nguyên Tính (das Sein)

Thi ca gọi Linh tánh (das Heilige)

Quan hệ tương giao giữa Nguyên Tính và Linh Tính là quan hệ tương giao giữa Tính với Bản Tính (das Sein selbst).


2.

Tính (hay tánh)?

Đặt lên câu hỏi ấy là bắt đầu đi tìm mạch nước ngầm mà tư tưởng Trung Hoa đã được nuôi dưỡng xanh tươi trong những thời đại thơ mộng thuở xưa.

Trong Trung dung, Tính như thế nào? Thế nào là xuất tính?

Tại sao Vương Dương Minh gọi Tính là bản thể của Tâm?

Tại sao Lục tổ Huệ Năng gọi Tính là vua (tính thị vương) trong quyết nghi phẩm của Pháp bảo Đàn kinh?

Tại sao Bát nhã học trong Phật giáo gọi Không là vô tự tính?

Vô tự tính của Bát nhã học và tự tính của Thiền học có khác nhau không?

Huyền (hay Thái huyền của Dương Hùng là gì?).

Những câu hỏi trên là những câu hỏi về tính (gọi là tính vấn).

Những câu hỏi trên sẽ là khởi điểm cho cuộc song thoại giữa tư tưởng Á Đông và tư tưởng Âu châu và nước Việt Nam là mảnh đất hiện nay có đủ tính kiện để cho cuộc song thoại trên được tựu thành. Tựu thành là gì?

Đối thoại tựu thành song thoại.
Song thoại tựu thành độc thoại.
Độc thoại tựu thành vô thoại.
Vô thoại tựu thành vô ngôn.
Vô ngôn tựu thành nguyên ngôn.
Nguyên ngôn tựu thành nguyên tính.
Nguyên tính tựu thành tính.
Tính tựu thành vô tính
Vô tính tựu thành không.
Không tựu thành Huyền.
Huyền tựu thành tự tính.

Tôi đã đùa chữ; nhưng đùa chữ là hoạt dụng của tự tính, gọi là hoạt dụng của Thiền.

Hãy để ý:

Thiền?

Thiền là gì?

Câu hỏi thứ nhất là hoạt dụng của Thiền.

Câu hỏi thứ hai là hoạt động của sơ Thiền.

Hoạt dụng của Thiền là:?

Sơ thiền là: là gì?

? là dấu hỏi.

Là gì là biểu tượng cho dấu hỏi.

Biểu tượng và dấu hiệu hoàn toàn khác nhau (tôi đã giải thích sự khác nhau ấy trong chương nhất).

Huệ Năng là dấu hiệu.

Thần Tú là biểu tượng.

Dấu hiệu và biểu tượng khác nhau thế nào, sau đây tôi sẽ suy tưởng bằng cách lấy ánh sáng Thiền chiếu rọi vào thơ của Hölderlin.


3.

Trong Mnemosyne (Zweite Fassung, ed. 7, Beissner, Stuttgart, Bd. II, p. 204). chúng ta thấy Hölderlin viết:

Ein Zeichen sind wir, deutungslos
Schmerzlos sind wir und haben fast
Die Sprache in der Fremde verloren.

dịch là:

Chúng ta là một dấu hiệu, không ý nghĩa.
Chúng ta không là sự đau khổ và gần như đánh mất ngôn ngữ trong cõi lưu đày.

Heidegger đã nhiều lần giải thích ba câu thơ trên trong tác phẩm triết học của ông.

Bây giờ tôi muốn giải thích khác Heidegger. Tôi muốn giải thích vượt lên trên Heidegger; đi lên hay đi xuống cũng chỉ là một nghĩa. Đi xuống (untergehen) có nghĩa là đi lên (übergehen).

Khi tôi nói vượt lên trên Heidegger thì có nghĩa là vượt lên theo nghĩa Nietzsche, nghĩa là đi lên xuống (đi xuống hố thẳm Heidegger).

Do đó, vượt lên có nghĩa là tựu thành.

Tựu thành ở đây không có nghĩa là làm xong, không có nghĩa Đức ngữ là vollenden, ausführen, vollführen v.v.

Tựu thành ở đây có nghĩa là tựu lại cái tinh thành (garder… dans son essence), tinh thành ở đây là tinh thể của tinh thể, gọi là tinh túy (essence); do đó, tựu thành có nghĩa là se ménager mà chữ Đức của Heidegger gọi là schonen.

Con người chờ đợi tính, nghĩa là giữ bốn nghi (thiên, địa, thánh, nhân) trong tinh thành. Nói như Heidegger là giữ cái hình vuông (le carré) trong tinh thể (dans son essence) nghĩa là “schonen”.

Như thế, vượt lên trên Heidegger có nghĩa là tựu thành Heidegger.

Tựu thành Heidegger có nghĩa là giữ Heidegger trong tinh thành. Chỉ có thế.


4.

Ein Zeichen sind wir, deutungslos
Schmerzlos sind wir und haben fast
Die Sprache in der Fremde verloren.

nghĩa là:

Chúng ta là một dấu hiệu không ý nghĩa
Chúng ta không đau khổ
Và chúng ta dường như đánh mất ngôn ngữ nơi cõi lạ.

Heidegger đã giải thích ba câu thơ trên trong tính phận của tính thể; con người mất trí nhớ, quên tính (Vergessenheit des Seins); do đó, con người gần như đánh mất ngôn ngữ trong cõi lạ. Do đó mới có sự sụp đổ đau thương của nhân loại hiện nay. Muốn sống cho ra hồn, con người phải tìm lại tính.


5.

Nếu dùng ánh sáng Thiền tông để chiếu rọi vào lối giải thoát của Heidegger về câu thơ của Hölderlin thì ta có thể gọi lối giải thích ấy là lối tri tính tiệm ngộ theo điệu của thiền sư Thần Tú.

Tư tưởng Heidegger rất giống và gần Thần Tú.

Thần Tú là biểu tượng

Mà Huệ Năng lại là dấu hiệu.

Biểu tượng rất có ích lợi và quan trọng. Biểu tượng đưa đến nền văn minh cao độ của nhân loại hiện nay, nhưng biểu tượng vốn là dấu hiệu, thế mà biểu tượng đã không kiến tự tính, vì thế mặc dù biểu tượng muốn giải thoát, nhưng giải thoát khỏi biểu tượng vẫn là biểu tượng. Đó là sự thất bại của Heidegger. Đó cũng là sự thất bại của Thần Tú.

NHƯNG SỰ THẤT BẠI NÀY RẤT CẦN THIẾT.

Và chính sự thất bại này tựu thành sự xuất hiện của Lục tổ Huệ Năng.


6.

Thần Tú là: “là gì?”

Huệ Năng là: “?”

Trong “là gì”, chúng ta thấy có dấu “?”.

Bốn chữ “là gì” là dấu hiệu thay thế cho dấu hiệu “?”.

Dấu hiệu không thể thay thế cho dấu hiệu.

Bởi thế ta gọi bốn chữ “là gì” là biểu tượng.

Thần Tú là biểu tượng.

Huệ Năng là dấu hiệu.

Không thể cho rằng Thần Tú đã sai.

Bởi vì trong biểu tượng có dấu hiệu rồi, trong “là gì?” đã có dấu “?”.

Thần Tú đã thất bại vì Thần Tú đã dạy đạo quá sáng sủa rõ ràng, chính sự sáng sủa rõ ràng đã xua đuổi bóng tối, mà khi bóng tối bị xua đuổi, tức là Huyền đã bị xua đuổi, Huyền tựu thành tự tính, tự tính tựu thành mặt trăng; giáo thuyết của Thần Tú là ánh đèn; con người thường nhìn ánh đèn mà quên mặt trăng.

“là gì” là ánh đèn.

“?” là bóng tối.

Trong “là gì”, ánh đèn đứng bên bóng tối. Bóng tối là dấu hiệu báo cho biết sự có mặt của tính.

Ánh đèn là biểu tượng nói về sự vắng mặt của tính.


7.

Thần Tú là biểu tượng.

Huệ Năng là dấu hiệu.

Trong ngôn ngữ Đức, “dấu hiệu” được gọi là das Zeichen như trong câu thơ của Hölderlin:

Ein Zeichen sind wir…

nghĩa là

Chúng ta là một dấu hiệu.

Tại sao Hölderlin nói rằng chúng ta là một dấu hiệu?

Dấu hiệu khác biểu tượng chỗ nào?

Ngôn ngữ Đức gọi “biểu tượng” là “das Sinnbild”. “Das Sinnbild” (biểu tượng) và “das Zeichen” (dấu hiệu) khác nhau rất rõ ràng trong cách cấu tạo chữ nghĩa.


8.

“Das Sinnbild” (biểu tượng) gồm có chữ “Bild” và chữ “Sinn”.

“Sinn” là ý nghĩa.

“Bild” là hình tượng, hình dung.

Tượng hình ý nghĩa cho dấu hiệu thì gọi là “biểu tượng” (das Sinnbild).

Dấu hiệu không có ý nghĩa; vì dấu hiệu mà có ý nghĩa thì gọi là “biểu tượng”. Bởi thế tính chất của biểu tượng là có ý nghĩa, còn tính chất của dấu hiệu là không có ý nghĩa. Do đó, chúng ta thấy Hölderlin viết câu đầu của bài thơ như vầy:

Ein Zeichen sind wir, deutungslos

nghĩa là:

Chúng ta là một dấu hiệu, không có ý nghĩa.

Không có ý nghĩa tức là không lý do; không lý do tức là không lý trí; không lý trí là không giải thích (deutungslos cũng có nghĩa là “không có sự giải thích”).

Hölderlin là bạn thân của Hegel; hai người đã từng sống chung nhau một thời gian nhưng sau này hai người bất đồng ý nhau và cùng xa lìa nhau.

Câu thơ của Hölderlin:

Ein Zeichen sind wir, deutungslos
(Chúng ta là một dấu hiệu, không có ý nghĩa).

bỗng làm mờ tối sự tương đồng tâm ý giữa Hölderlin và Hegel; bởi vì đối với Hegel, mọi sự đều có ý nghĩa trong hệ thống suy tưởng của ông.


9.

Schmerzlos sind wir…

có nghĩa là:

Chúng ta không đau khổ, vì chúng ta là một dấu hiệu không ý nghĩa, chúng ta không đau khổ.

Đau khổ chỉ xuất hiện với ý nghĩa. Con người sống trong ý nghĩa là con người sống trong đau khổ: mà sống trong đau khổ có nghĩa là sống trong sự tượng hình ý nghĩa (das Sinnbild), tức là sống trong biểu tượng.

Mỗi con người đều sống trong hai thế giới:

thế giới dấu hiệu;


thế giới biểu tượng.

Sống với dấu hiệu là sống với hình vuông tính học (carré ontologique) gồm có bốn nghi (trời, đất, thần, người). Sống với dấu hiệu là sống hồn nhiên giữa tiết điệu thơ mộng của vũ trụ.

Còn thế giới biểu tượng là một thế giới hình ảnh; sống với biểu tượng là sống với mộng mị ảo tưởng; sống với biểu tượng là xa lìa tự tính.

Sự đau khổ chỉ xuất hiện với ý nghĩa mà khi chúng ta là dấu hiệu không có ý nghĩa (deutungslos) thì chúng ta không đau khổ:

Schmerzlos sind wir…

Hölderlin lại viết tiếp:

und haben fast
Die Sprache in der Fremde verloren.

Nghĩa là:

Và chúng ta đã gần như đánh mất ngôn ngữ nơi cõi lạ…

Sự đau khổ chỉ xuất hiện với ngôn ngữ nhưng khi chúng ta đánh mất ngôn ngữ nơi cõi lạ, thì sự đau khổ cũng tiêu ma đi. Nhưng chúng ta hãy để ý mà đọc lại câu thơ cuối của Hölderlin:

und haben fast
Die Sprache in der Fremde verloren.

Trong câu thơ trên, chữ quan trọng nhất là trạng từ “fast”; trạng từ “fast” có nghĩa là “dường như, hầu như, gần như”.

Chính do chữ fast này mà tất cả ý nghĩa của ba câu thơ đã đổi khác; bây giờ chúng ta đọc lại trọn ba câu thơ và nhất là đọc nhấn mạnh nơi chữ fast để lắng nghe ý nghĩa đổi khác như thế nào:

Ein Zeichen sind wir, deutungslos
Schmerzlos sind wir und haben fast
Die Sprache in der Fremde verloren.

Nghĩa là:

Chúng là một dấu vết, vô nghĩa.
Chúng ta vô giác trì độn và gần như đã quên mất tiếng nói nơi lưu đày.

Chính chữ FAST đã xoay hẳn ý nghĩa của bài thơ; chữ fast làm “dấu hiệu” trở thành “dấu vết” làm “không ý nghĩa” trở thành “vô nghĩa”, “không đau khổ” trở thành “vô giác trơ trơ trì độn”, làm “đánh mất ngôn ngữ” thành “quên mất tiếng nói”, làm “nơi cõi lạ” thành ra “nơi lưu đày”. Và chúng ta hiểu tại sao Hölderlin đặt tên bài thơ là “Mnemosyne” (Trí nhớ, ký ức); chính câu thơ:

und haben fast
Die Sprache in der Fremde verloren. (gần như quên mất tiếng nói nơi cõi lưu đày).

Chính câu thơ này giải thích nhau đề “Mnemosyne” vì “gần như quên mất tiếng nói” chính là “gần như quên mất trí nhớ”.

Chính chữ “fast” đã khiến mọi sự đảo lộn, thế giới dấu hiệu biến thành thế giới biểu tượng, thế rồi con người bị đi đày giữa cõi sa mạc lớn rộng này (die Wust wachst).

“Gần như” (FAST) có nghĩa là “chưa trọn” mà “chưa trọn” chỉ có nghĩa là “ở giữa” (chữ Pháp gọi là “Entre”).

Con người ở giữa thú vật và thần linh; con người ở giữa thời khì “thần linh đi mất” và thời kỳ “thần linh sắp hiện”.

Ở GIỮA tức là không gian của biểu tượng.

Dấu hiệu không phải Ở GIỮA mà là Ở NƠI.


10.

Ánh sáng Thiền tông xuất hiện.

Con người giải thoát là không còn ở giữa.

Con người giải thoát không “gần như” theo nghĩa “gần như” của chữ “fast”.

Con người giải thoát không sống trong thế giới biểu tượng, nghĩa là không tạo, không tượng ý nghĩa (das Sinnbild).

Con người giải thoát không ý nghĩa (deutungslos), như vậy không ý nghĩa là không đau khổ (Schmerzlos); không đau khổ là tiêu diệt đánh mất ngôn ngữ (haben die Sprache verloren); tiêu diệt đánh mất ngôn ngữ là vì ở cõi xa lạ (in der Fremde).

Cõi xa lạ (in der Fremde) là Niết bàn là Tây phương Tịnh độ; nhưng chính cõi xa lạ ấy là ở nơi cõi này, ở nơi cõi trần gian này.

Con người giác ngộ là con người ở mà không ở, trú mà không trú, danh từ nhà Phật gọi là “VÔ TRÚ”, vô trú là trú ở cõi xa lạ (in der Fremde), tức không trú nơi cõi mình trú.

Lục tổ Huệ Năng lấy “vô niệm” làm tông, lấy “vô tướng” làm thể, lấy “vô trụ” làm gốc.

Như thế, nếu bỏ chữ FAST trong ba câu thơ Hölderlin thì con người giác ngộ là con người dấu hiệu:

Ein Zeichen sind wir, deutungslos
Schmerzlos sind wir und haben
Die Sprache in der Fremde verloren.

tức là:

Chúng ta là một dấu hiệu, không ý nghĩa.
Chúng ta không đau khổ và đánh mất
Ngôn ngữ nơi cõi lạ.

Câu thơ trên không có chữ “FAST” (gần như). Chúng ta hãy để ý rằng chính chữ FAST đã gạch ra biên giới giữa vô minh và giác ngộ.

Giác ngộ là “nhất thiết vạn pháp bất ly tự tính”; do đó, Thiền tông vượt lên trên Heidegger vì Heidegger cho rằng con người hiện nay đã “ly tự tính”, (tính là Sein); đối với Thiền tông, con người “bất ly tự tính”, do đó “Bồ đề tự tính bản lai thanh tịnh”.
Nếu bỏ chữ “FAST” trong ba câu thơ của Hölderlin thì ta thấy ba câu thơ ấy nằm dưới ánh sáng Thiền tông như vầy:

Tông → vô niệm: haben die Sprache verloren;

Thể → vô tướng: Schmerzlos; deutungslos;

Gốc → vô trụ: in der Fremde.

Vì thế, con người giác ngộ là dấu hiệu (Zeichen) cho bát nhã, chân tính, nguyên tính, chân như, v.v.

Bây giờ, ba câu thơ của Hölderlin bỗng loé lên ánh sáng tuyệt vời của nguyệt bạch:

Ein Zeichen sind wir, deutungslos
Schmerzlos sind wir und haben fast
Die Sprache in der Fremde verloren.

Nghĩa là:

Chúng ta là một dấu vết, vô nghĩa
vô tri vô giác trì độn và gần như
quên mất tiếng nói nơi cõi lưu đày.

Dưới ánh sáng Thiền tông, ba câu thơ trên nói lên bi kịch của con người sống trong vô minh, “deutungslos” biến nghĩa thành ra “vô nghĩa”, “Schmerzlos” có nghĩa là “không đau khổ” nhưng biến nghĩa thành ra “vô giác vô tri”; do đó “không đau khổ” trở thành đau khổ, nỗi khổ của một kẻ không còn biết khổ (“vô giác”). Nhưng bây giờ, nếu chúng ta bỏ chữ “gần như” (FAST) trong ba câu thơ trên:

Ein Zeichen sind wir, deutungslos
Schmerzlos sind wir und haben
Die Sprache in der Fremde verloren.

thì ý nghĩa lại đổi khác:

Chúng ta là một dấu hiệu, không có ý nghĩa, chúng ta không đau khổ và đã đánh mất ngôn ngữ nơi cõi lạ.

“Đánh mất ngôn ngữ” ấy là “vô ngôn”, và cõi lạ ấy là cõi mà mọi người chúng ta đều muốn quay về để tìm lại mái nhà xưa.


Chương ba - Ái và tính
Đi về thể tính của siêu hình học và tư tưởng


1.

Những lực lượng vô hình đã tàn phá nước Việt Nam. Đó là những lực lượng nào? Và tại sao gọi là vô hình? Và thái độ của con người thời đại đối với vô hình như thế nào? Người ta thường bĩu môi chối bỏ vô hình vì cho rằng đó là một cái gì trừu tượng, không cụ thể, không thực tiễn. Vậy thì trừu tượng, không cụ thể, không thực tiễn có phải là xấu không? Và xấu là gì? Và khi đặt lên câu hỏi “xấu là gì” là tự nhiên chúng ta đã bị đưa vào thế giới trừu tượng, không cụ thể, không thực tiễn, nói tóm lại là thế giới vô hình. Tại sao con người thời đại đều quý trọng đến hữu hình, xác thực, thực tế, cụ thể? Tinh thần ấy là tinh thần gì? Ngay cả một số Phật tử đã vô tình hiểu sai dụng ý của đức Phật và cứ cố gắng trích mãi một câu chuyện ngụ ngôn của đức Phật về chuyện một người bị tên, vấn đề đặt ra không phải là cấp bách cứu người bị tên bắn. Đó là “bon sens”. Vấn đề cấp bách là phải biết mũi tên đã được bắn từ đâu? Từ cõi nào, từ hướng nào mà không thấy hình tượng trong hiện cảnh; như vậy cõi ấy ở ngoài hình ảnh một người bị tên bắn hiện nay, mà trong danh từ triết học thì được gọi là cõi siêu hình. [1]

Như thế muốn giải quyết trận chiến tranh hiện nay ở Việt Nam, không thể chỉ giải quyết bằng bom đạn, bằng vũ lực hoặc bằng cái đối nghịch lại… Phải đặt lại một nền tảng siêu hình và từ nền tảng ấy mới có thể thiết lập lại cõi hữu hình, tức là tình cảnh bi đát của nước Việt Nam hiện nay?

Và nền tảng siêu hình ấy là nền tảng nào? Tôi xin nêu ra câu hỏi và chờ đợi song thoại tính ngôn. Tôi đã có dịp làm sáng tỏ vấn đề trên trong việc tố cáo sự thao túng của thể điệu tiền tượng – “représentation” (mà Heidegger gọi là “das Vorstellen”) trong một bài tôi viết bằng Anh ngữ cho tập Dialogue (nxb LB 1964) nhan đề là “The Ontological Background of the Present War in Vietnam” và trong một bài khác cũng bằng Anh ngữ đăng trên tạp chí Tư tưởng xuất bản tại Paris, bài này nhan đề là “Meditation upon the Vietnamese War”.


2.

Khi đặt tên câu hỏi về sự tác dụng của siêu hình học, v.v., là đã bị lôi vào một bối cảnh siêu hình đặc biệt nào đó rồi.

Tại sao lại bắt buộc phải hỏi về tác dụng của – thay gì về vô tác dụng của – tại sao không thể có thứ passion de l’inutile của Jean Giono hay service inutile của Henry de Montherlant?


3.

Tình yêu ban đầu có thể coi – phải được coi như là việc sáng tạo ý nghĩa (danh từ triết Đức gọi là Sinn); lần đầu tiên, người con trai (hay con gái) yêu đương là lần đầu tiên họ bắt đầu bị đánh lạc vào thế giới ý nghĩa (S.I. Hayakawa gọi thế giới này là “the verbal world”) một cách mãnh liệt và bi đát nhất. Hắn tự tạo ra một ý nghĩa và hắn đặt sự tương quan “thiên nhiên” giữa ý nghĩa (tức là lời) và người yêu (tức là thực thể hay thực tính; nói một cách khác, người yêu ý nghĩa, chứ không phải yêu người yêu; nói một cách khác nữa, người con trai yêu thực tính thể (yêu lời – nói theo Heidegger thì có nghĩa là bị rơi vào bavardage, mà chữ Đức gọi là Gerede).

Hai người yêu đi đến với nhau không phải bằng “Tính ngôn” hay “Nguyên ngôn” (Ursprache) mà bằng “hình ngôn” hay “thể ngôn” (Sprache). Do đó sự tính cảm đã bị đánh mất. Đó cũng là lý do để cắt nghĩa tại sao tất cả những mối tình đầu đều đổ vỡ từ Tính nguyên – fondement (Grund), vì không có sự Nối liền (Fugen giữa Ngôn ngữ và Tính – Mất fondement, Heidegger gọi là Bodenlosigkeit.

Sự nối liền ấy, Heidegger gọi là Fugen đứng trên bình diện Sein; còn Jaspers gọi là Verbindlichkeit, đó cũng là vai trò cốt yếu của Lý tính (Vernunft) theo nghĩa của Jaspers (cf. K. Jaspers (Von der Wahrheit, Piper 1947, pp. 113, 114, 115, 131) hay (cf. K. Jaspers, Philosophie 2e ed. Springer, 1948, p. 275).

Chất tính của Tình yêu là đợi. Tình yêu có hai loại: tình yêu mong đợi và tình yêu chờ đợi. Tình yêu chờ đợi là tình yêu nối liền, còn tình yêu mong đợi là tình yêu mất sự nối liền. Tình yêu chờ đợi là tình yêu về Tính (tức tính ái); còn tình yêu mong đợi là tình yêu về thể (tức là thể ái). Chờ đợi là không chờ đợi cái gì cả; còn mong đợi là mong đợi một cái gì rõ ràng hay mơ hồ; mong đợi có đối tượng; còn chờ đợi không có đối tượng, vì chính đối tượng của nó đã là sự chờ đợi rồi. Tình yêu mong đợi mất tính nguyên; còn tình yêu chờ đợi nằm trên tính nguyên (Grund). Nhưng vượt lên trên cả hai thứ tình yêu này là tình yêu không chờ không mong; tình yêu này là tình yêu giải thoát hay giải thoát tình yêu: tình yêu này hủy diệt Éros và Agapê; tình yêu không mong không chờ là tình yêu vượt lên trên thể ái và tính ái.

thể ái: quên mất tính nguyên.


tính ái: tìm lại tính nguyên (Grund).

Còn tình yêu vượt lên trên thể ái và tính ái thì gọi là vô ái.

Vô ái phái hủy Tính nguyên và nhảy vào Uyên nguyên. Nói theo danh từ triết học Đức thì phá hủy Grund để nhảy vào Abgrund.

Triết lý của Heidegger đánh dấu sự tìm về Tính nguyên; Heidegger tiêu diệt hai ngàn năm triết lý Tây phương để chuẩn bị cho ngày mai xuất hiện.

NGÀY MAI ẤY SẼ KHÔNG BAO GIỜ XUẤT HIỆN.

Do đó, triết lý của chúng ta phải là Triết lý về Hố thẳm.

Hố thẳm tiêu diệt Tính và Thời.

Hay nói khác đi thì Hố thẳm (Abgrund) tiêu diệt Sein und Zeit của Heidegger.

Vô ái sẽ xuất hiện cùng lúc với Vô ưu và Vô ưu cùng lúc với Vô tâm cùng lúc với Vô trước; đồng loạt, Vô trước cũng có nghĩa là Vô ngôn.

Và bởi vì Vô ngôn cho nên những tư tưởng siêu hình học chấm dứt nơi chương này, và phương trời của Vô ngôn sẽ chỉ còn là Thơ và Hoạ.


Chương tư - Thơ và tính
Nhìn lại tính thể của thi ca và tư tưởng

Hôm nay, khi anh muốn hỏi tôi: “Ai là thi sĩ vĩ đại nhất của Việt Nam hiện giờ?”. Tôi trả lời: “Quách Tấn là thi sĩ vĩ đại nhất của Việt Nam hiện giờ; Quách Tấn là người đã đánh dấu thi ca tiền chiến và thành tựu thi ca hậu chiến qua hai tập thơ Đọng bóng chiều và Mộng ngân sơn”. Nói như thế hãy còn chưa nói được gì hết, tôi muốn nói thêm xem anh có phản ứng thế nào: “Quách Tấn là một thi sĩ duy nhất của Việt Nam, đã thành tựu tất cả những gì mà Nguyễn Du còn để dở dang; còn tất cả những thi sĩ khác, kể cả Hàn Mặc Tử, kể cả Xuân Diệu, Huy Cận, v.v. đều là những thi sĩ thiên tài, nhưng không có đủ tất cả tính kiện hay kiện tính trong thơ họ để tính dưỡng và thành tựu thi cuộc mà Nguyễn Du đã mở đầu cho thi ca Việt Nam”.

Anh hiểu tôi muốn nói gì không, hỡi người thơ trẻ tuổi của nước Việt Nam hiện nay?

Anh khoảng từ 16 đến 20 hay 30 tuổi, anh nuôi trong tim anh hào khí nhân loại, anh làm thơ vì anh là thi sĩ hay nói ngược lại cũng được. Tôi đã đọc thơ các anh làm trong những tạp chí văn nghệ ở Sài Gòn như Bách Khoa, Văn, Sáng Tạo Văn Nghệ, v.v. Anh có thể khiêm nhường, anh có thể kiêu ngạo vênh váo: điều ấy không quan trọng đối với tôi. Chỉ có một điều vô cùng quan trọng đối với tôi là đọc những bài thơ của anh làm và đăng trong những tạp chí ấy, tôi thấy ngay sự nghèo nàn của tâm hồn anh, sự quờ quạng lúng túng, sự lặp đi lặp lại vô ý thức hay có ý thức, lòng sợ hãi rụt rè, một đám tình cảm sướt mướt lải nhải, niềm mơn trớn vuốt ve đau khổ chung hay riêng, trí thức mười lăm xu, ái quốc nhân đạo ba mươi lăm xu, triết lý tôn giáo bốn mươi lăm xu.

Văn nghệ đã chết.

Ngay cả Rimbaud, người đã giết văn nghệ, ngay cả Rimbaud cũng đã chết. Anh hay tôi phải yêu Rimbaud, phải đọc Rimbaud, hãy đồng hoá với Rimbaud, phượng thờ Rimbaud và hãy chôn vùi Rimbaud xuống năm chục tấc đất.

Rimbaud đã chết từ lâu; mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây, tôi phải giết Rimbaud, Dostoievsky, Nietzsche trong mỗi một lời mỗi một cử chỉ, mỗi một cái nhìn, mỗi một hơi thở, mỗi một bước đi, mỗi một cái búng tay.

Tôi biết rằng anh đã sợ hãi, anh sợ hãi vì anh chỉ muốn bắt chước thiên tài, chứ không muốn làm thiên tài; anh sợ hãi vì anh làm thiên tài, chứ không là thiên tài: anh sợ hãi vì anh tầm thường, chứ không chịu sâu sắc: anh sợ hãi vì anh chịu sâu sắc, chứ không chịu im lặng; anh sợ hãi vì anh chịu im lặng, chứ không dám ồn ào; anh sợ hãi vì anh chỉ dám ồn ào; chứ không dám làm thơ; anh sợ hãi vì anh làm thơ, chứ không để thơ làm anh; anh sợ hãi vì anh để lời làm anh, chứ anh không làm lời. Lời đi từ Ngôn; Ngôn đi từ Vô ngôn; Vô ngôn đi từ Huyền, mà Huyền thì “huyền chi hựu huyền”.

Thi ca đã chết.

Giở ra những tập thơ của Lưu Trọng Lưu, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, v.v. tôi có cảm giác là phải bị đem nhốt trong một xà lim để chờ ngày tử hình và những thi sĩ ấy là những ông cố đạo, họ bước vào xà lim tôi, họ ba hoa rủ tôi vào đạo, rủ rê tôi phải chịu rửa tội. Tôi muốn mửa máu độc vào người họ.

Đó là chưa nói đến những nhà thơ cách mạng, tôi muốn để họ yên, vì họ cũng bị nhốt trong xà lim, họ khác tôi là họ bị nhốt, mà không phản đối hay đã phản đối, họ khác tôi là họ bị nhốt mà không biết bị nhốt, họ là Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Pablo Neruda, Paul Eluard, Aragon, v.v.

Hỡi các anh làm cách mạng, anh phá một xã hội định thể để rồi bị nhốt vào một xã hội định thể khác. Tôi đã bị nhốt trong xà lim, tôi không phá, tôi không hy vọng, tôi không chịu rửa tội vì tôi hoàn toàn vô tội; tôi đã bị nhốt trong xà lim, nhưng tôi có thể nhốt xà lim lại, xà lim sẽ bị tôi nhốt tù.

Như một ông thánh vô tội, tôi quì xuống trong xà lim và ca một bài ca mới; bài ca mới ấy là bài ca không lời, bài ca ấy là số 1, số 2, số 3, số 4. Số một là Thái cực hay Đạo, số hai là Lưỡng nghi, số ba là Tam tính và số bốn là Tứ tượng. Cứ thế rồi tôi lại tiếp tục ca hát lại từ số 1 cho đến số 4; cái khoảng Chuyển thời từ số 4 đến số 1 là Phi thời, gọi là Vô cực.

Tôi quì xuống trong nhà ngục xà lim đen tối, tôi để cho số 1 đi vào lỗ mũi, cho số 2 đi ra hai lỗ mũi, cho số 3 đi vào hai lỗ mũi, cho số 4 đi ra hai lỗ mũi. Tôi cứ để cho bốn số ấy đi vòng vũ trụ cho đến khi nào tiếng đập tim tôi đi thành 1, thành 2, thành 3, thành 4 và bốn số ấy là 4 tiếng đập tim của tôi.

Tôi quì xuống xà lim đen tối và tịch nhiên bất động: Tôi bình thản chờ đợi 4 số chuyển động theo đồng loạt với 4 tiếng đập tim. Một tiếng sét sẽ đánh mạnh vào đầu tôi, đi xuống tim tôi và sẽ nổ tung lên và sẽ phá tan cả ba trăm ba chục ngàn vũ trụ. Vô cực xuất hiện!

Lúc bấy giờ, các anh là những thi sĩ ở Việt Nam, các anh sẽ chạy tìm thi sĩ Quách Tấn, các anh muốn quì lạy trước thiên tài Quách Tấn, thi tài bị bỏ quên của Việt Nam, nhưng một tấn bi kịch Hy Lạp lại tái diễn; lúc ấy, Quách Tấn đã chết rồi, vì lúc ấy có lẽ là 2.000 năm sau Thiên Chúa giáng sinh.

Còn tôi, các anh không thể tìm ra tôi nữa, vì tôi đã xuất tính rồi: tôi biến thành lửa của những vũ trụ mới.

Thơ đã chết.

Ngày 10 tháng 8 năm 1966, tôi đã gặp Henry Miller tại California ở Mỹ quốc. Tôi có hai người bạn vong niên trong đời: một người tên là Quách Tấn, người Việt Nam; còn người kia là Henry Miller, người Mỹ. Quách Tấn gần 60 tuổi. Henry Miller gần 80 tuổi. Tôi đã quen hai người gần 10 năm rồi; năm nay tôi gần đúng 25 tuổi; tôi đã quen họ từ lúc khoảng 15 tuổi. Hồi còn ở Việt Nam, tôi thường gặp Quách Tấn, nhưng đối với Henry Miller, mãi đến lúc tôi xuất ngoại, tôi mới gặp lại. Tôi đã chuẩn bị 10 năm trời để gặp Henry Miller và tôi đã gặp Henry Miller tại Pacific Palisades ở California.

Giấc mộng đã thành tựu, tôi liền lang thang ở Greenwich Village tại New York để gặp một thi sĩ rất trẻ, một người em kiếp trước của tôi, tên là Eduardo Zalamea, quê ở xứ Colombie thuộc Mỹ châu La Tinh, người mà Henry Miller cho rằng “đã nếm Vô cực”; gặp xong Eduardo Zalamea rồi; hai đứa tôi rủ rê nhau lang thang qua Hà Lan để rồi trở về Paris vào mùa xuân; thế rồi lúc đó, tôi thấy mỗi đứa nên tìm cách đi riêng, một người bạn Do Thái ở Los Angeles cho tiền máy bay và ngày hôm sau tôi ngồi uống cà phê đen tại quán Flore và Les Deux Magots ở Saint Germain des Prés để ngửi cho tận cùng những thứ triết lý ba chục xu của Jean Paul Sartre và Simone de Beauvoir; khi ngồi uống cà phê ở Flore và nhìn mưa rơi trên đường phố Saint Germain des Prés, tôi đã thấy hết mọi lý luận rẻ tiền của triết lý hiện sinh, tôi muốn mửa máu đen trên những người làm văn nghệ ở Paris như Jean Paul Sartre, André Malraux, Simone de Beauvoir, François Mauriac, Michel Butor, Samuel Beckett, Ionesco, Nathalie Sarraute, André Breton, Jacques Prévert, Paul Eluard, Henry Michaux, René Char, Jean Genet, Roger Caillois.

Ngồi tại quán cà phê ở Flore ở Paris vào lúc mùa thu, ngày cuối thu mưa rơi, ngày 16 tháng 11 năm 1966, ngồi đó như một người hành khách ngồi trong nhà đợi tại một ga hẻo lánh nào trong miền thôn quê của cõi chết, tôi sực nghĩ ngợi tìm thử coi có một con người nào ở nước Pháp này mà tôi muốn gặp không; khi tự hỏi như vậy, tôi mới biết rằng chỉ có hai người: Blaise Cendrars và Simone Weil: nhưng vui sướng biết bao là Blaise Cendrars và Simone Weil đã chết rồi, như thế thì chẳng còn ai để đáng được gặp. Còn về Jean Paul Sartre và Simone de Beauvoir, nếu họ muốn xin gặp tôi, tôi sẽ không cho gặp mà có lẽ sẽ chửi vào mặt họ.

Tư tưởng đã chết.

Có một lần tôi định qua Đức và có một anh bạn hỏi tôi có muốn gặp Heidegger không, tôi trả lời: “Không muốn gặp”. Heidegger đã biết rằng Tư tưởng đã chết; Heidegger nói chuyện rù rì với Hölderlin, Rilke, Van Gogh, George Tralk. Heidegger cũng sẽ nói chuyện rù rì với tôi trên con đường của “tịch nhiên bất động”; tôi đã nói chuyện rù rì với tôi quá nhiều rồi; như thế cũng đủ rồi, tôi không muốn sang Đức để gặp Heidegger, tôi để Heidegger tự đào mộ chôn Heidegger; và mười năm sau, từ Ấn Độ và Tây Tạng, tôi sẽ đi qua tân Đức quốc để đặt Heidegger một vòng hoa phương Đông mà tôi để cho đoá hoa “suất tính” (Seinlassen) và lúc đó dù đã chết, Heidegger cũng sẽ mỉm cười toại nguyện.

Ngồi uống cà phê tại quán Flore ở Saint Germain de Prés, tôi lo nghĩ vớ vẩn mà quên Quách Tấn, tôi đã nghĩ đến cuộc song thoại giữa thơ và tính, giữa thi ca và tư tưởng, rồi sau đó tôi lặng hồn, chìm hồn, du hồn té ngửa vào trận mưa cuối thu ở Paris và nhìn những chiếc lá long bong theo đường mưa. Một câu văn của Céline bỗng giáng trần và đập mạnh vào đầu tôi như một nhát búa: “Je boudrais que le printemps revienne jamais”. Tôi cũng muốn hét theo Céline: “TÔI MONG RẰNG MÙA XUÂN KHÔNG TRỞ VỀ, KHÔNG BAO GIỜ TRỞ VỀ NỮA”. Tôi vừa đọc xong của Céline thì bỗng nhiên tôi ứa nước mắt; nước mắt làm ướt cả bầu trời Paris: “Tôi mong rằng mùa xuân không bao giờ trở về nữa”.

Người duy nhất trong đời tôi muốn gặp là Henry Miller, người duy nhất trong đời tôi thờ phượng là Henry Miller, Henry Miller mà Lawrence Durrell đã đặt ngang hàng với Whitman và William Blake, mà nhóm Beat Generation gọi là “ông Phật sống”, mà thi sĩ Karl Shapiro gọi là “nhà văn vĩ đại nhất của nhân loại, mà đang còn sống”, tôi muốn đặt Henry Miller ngang hàng với Milarepa (mà Henry Miller bái phục), ngang hàng Lão Tử (mà Henry Miller thần phục), tôi muốn đặt Henry Miller vượt lên trên Whitman (mà Henry Miller kính phục), vượt lên trên Elie Faure (mà Henry Miller mến phục), vượt lên trên Nietzsche (mà Henry Miller quí phục).

Tôi đã gặp Henry Miller và Henry Miller đã ôm tôi, ghì ôm lấy tôi khi tôi nói: “Tôi sẽ giết Henry Miller”, sau khi tôi đã ghi lên vách phòng Henry Miller mấy câu này: “Gặp Phật, giết Phật! Phùng Phật sát Phật!”. Henry Miller đã nhờ tôi viết lên vách câu ấy và khi tôi viết xong, tôi nhìn thẳng vào mắt Henry Miller mà nói: “Tôi sẽ giết anh, hỡi Henry Miller!”. Anh cảm động muốn khóc và ôm lấy tôi, ghì ôm tôi thực chặt; lúc ấy trong vũ trụ có người thấy hai ngôi sao nhập nhau làm một, và một làm ra hai, hai làm ra ba, rồi ba làm ra bốn, và cả muôn triệu tỉ vũ trụ thành hình xoay chuyển chung quanh chữ A, chữ B và chữ C, viết bằng mẫu tự La tinh, nhưng suất tính theo mẫu tự Phạn ngữ và mẫu tự Tàu thời Phục Hy và mẫu tự Hy Lạp thời Anaximandre.

Người mà Henry Miller phục nhất đời là Arthur Rimbaud; Henry Miller nói rằng mỗi khi đọc Arthur Rimbaud thì Henry Miller “run lên như chiếc lá”; trong buổi gặp gỡ lạ lùng tại California ấy, Henry Miller gọi tôi là Arthur Rimbaud, là hậu kiếp của Arthur Rimbaud, là Rimbaud đầu thai ở thế kỷ XX; Henry Miller có viết những câu đại loại như vậy khi đề tặng quyển The Time of the Assassins cho tôi (tôi đã gửi quyển ấy về cho Hoài Khanh ở Biên Hoà do nhà Bưu điện của trường đại học Columbia chuyển đi).

Văn nghệ đã chết
Thi ca đã chết.
Thơ đã chết.
Tư Tưởng đã chết.
Heidegger đang tự đào mộ để tự chôn.
Arthur Rimbaud cũng đã chết.
Henry Miller thấy rằng Arthur Rimbaud đã đầu thai trong tôi.
Tôi giựt mình và nói: “Tôi sẽ giết ông”.
Tôi đòi giết luôn cả Henry Miller.

Và Henry Miller tặng tôi một quyển sách nhan đề “Thời giết người” (The Time of Assassins).

Và Céline đòi giết luôn cả mùa xuân: “Tôi mong rằng mùa xuân sẽ không bao giờ trở lại”.

KHI TẤT CẢ ĐỀU BỊ GIẾT HẾT RỒI, CHÚNG TA CÒN GÌ?

Chúng ta còn tiếng gọi đò.

Tiếng gọi đò của Quách Tấn, tiếng kêu đò của một thi hào vĩ đại nhất hiện nay của Việt Nam, người đã thành tựu thi cuộc “quải thu phong” của Nguyễn Du.

Quách Tấn sống trong im lặng, trong tịch nhiên bất động giữa những huyên náo của thời đại, người đã cô đơn độc đạo một mình ôm hết cả trời Đông để bình tâm nhìn vào những tàn phá của giây kẽm gai, của máy phát thanh, của tàu bay, của đèn nê ông, của muôn ngàn hệ lụy ly tính trong lòng đời.

Đời nửa khói mây chìm bóng mộng
Gọi đò một tiếng lạnh hư không.

Hai câu thơ của Quách Tấn là điểm đầu, đỉnh núi đầu để từ đó tôi tìm về thể tính của Thi Ca và Tư Tưởng, của Thơ và Tính, của Vô cực trong Uyên Nguyên Bát Bất.



----------------------------------------------------------------------------[1]“Siêu hình” và “Siêu hình học” là những tiếng đã bị bôi nhọ. Hơn nữa dịch “métaphysique” là “siêu hình” hay “siêu hình học” là dịch ép, vì chính chữ “hình” đã là “siêu hình”, vì “hình” là siêu thực (danh từ Đức gọi là Bild. Xin đọc cuốn Holzwege của Heidegger, chương Die Zeit des Weltbildes). Tôi xin đề nghị dịch chữ “Métaphysique” là “Siêu thể học”, nghĩa là vượt lên trên thể và tính thể để trở về Tính (Sein) của Heidegger hay Chân Ngôn (Logos) của Hécralite (mà Heidegger gọi là Ontologie: theo nghĩa uyên nguyên là nối liền đồng hoá Sein với Logos, vì thế ontologique nên dịch là tính ngôn; chữ Hy Lạp to on: tính, logos: ngôn).

Phạm Công Thiện - Hố thẳm của tư tưởng ( 1 )

Phạm Công Thiện
Hố thẳm của tư tưởng
(Đặt lại căn nguyên tư tưởng hôm nay - Thể và tính)


Mục lục


Mở đầu - Đặt lại căn nguyên tư tưởng hôm nay

Chương nhất - Triết và Tính

Chương hai - Tượng và Tính

Chương ba - Ái và Tính

Chương tư - Thơ và Tính

Chương năm - Hoạ và Tính

Kết luận - Mở ra sứ mệnh của Hố thẳm

Phụ lục


Đi vòng quanh Hố thẳm

Dịch Hoá Pháp về Hố thẳm trong tư tưởng Trung Quán Luận

Hố thẳm của Ý thức mớI

Biểu tượng về Hố thẳm trong tư tưởng Nâgârjuna

Bóng tối của Hố thẳm

Hố thẳm của chiến tranh quê hương

Hố thẳm của chân lý

Henry Miller



Hố thẳm Siêu hình học phá hủy tư tưởng Heidegger
Mở đầu

Hố thẳm Siêu hình học

Chính nghĩa của sự phá hủy

Lời mở đầu về lần tái bản thứ ba

Quyển Hố thẳm của tư tưởng này đã đánh dấu một giai đoạn của người viết, một giai đoạn phủ nhận triệt để. Sau sự phủ nhận triệt để này là Sự im lặng của Hố thẳm.

Không thể nào đọc Hố thẳm của tư tưởng mà không đọc Im lặng hố thẳm mà không thấy Hố thẳm của tư tưởng.

Lần tái bản thứ ba này, người viết đã tự tiện xoá bỏ bài viết về luận án tiến sĩ của Nguyễn Văn Trung vì bài ấy chỉ có tính cách giai đoạn và nhất là chỉ có tính cách tượng trưng. Sau sự tượng trưng là Thực Tại viết hoa và Thực Tại bắt chéo.


Vỗ cánh bay chín từng trời cao ngất.
(Hàn Mặc Tử)


Tôi mở đầu Hố thẳm của tư tưởng với Hàn Mặc Tử. Đáng lẽ Hàn Mặc Tử viết quyển này, vì Hàn Mặc Tử là người duy nhất đã sống trong Hố thẳm của Tư tưởng bằng chính hơi thở, máu, nước mắt, thân thể và linh hồn. Thơ của Hàn Mặc Tử là Tư tưởng của Hố thẳm; thi ca và tư tưởng đều bắt đầu và chấm dứt nơi Hố thẳm; thi ca bay về Hố thẳm bằng cánh phượng hoàng; Tư tưởng bay về Hố thẳm bằng cánh chim ưng. Chim ưng và chim phượng hoàng bay lượn vòng nhau, giao cấu nhau giữa mống cầu vồng bảy sắc và khai sinh ra một bồ câu màu đen chưa từng xuất hiện trên đời.

Phạm Công Thiện
Paris, ngày 22/VI/1966


Mở đầu
Đặt lại căn nguyên tư tưởng hôm nay

Hố thẳm của tư tưởng là Uyên tư. Tư tưởng hôm nay và tư tưởng ngày mai phải là tư tưởng về Hố thẳm. Con đường đi đến Hố thẳm là con đường của Thể và Tính; tính thể của thể tính là thể dụng; thể dụng là triết, tượng, ái, thơ và hoạ, phương trời của thể dụng là Hố thẳm, vì tư tưởng phải hủy tư tưởng, thể dụng phải phá hủy thể dụng để đi về thể tính của Hố thẳm, tức là uyên mặc, có nghĩa là niềm im lặng của Hố thẳm; đó cũng là con đường của tư tưởng Việt Nam mà Tính mệnh đã bừng sáng từ thời Lý qua những thiền sư Việt Nam cho đến Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du và Trần Cao Vân; nhất là đến bây giờ, tính mệnh ấy đã hực sáng một cách bi tráng với máu lửa ngút trời của quê hương, mở phương trời cam go đi đến Hố thẳm, Hố thẳm của triều dương hay tịch dương: một câu hỏi đã được đặt ra và tất cả câu trả lời đã nằm trong niềm im lặng mênh mang của Tính mệnh.


Chương nhất - Triết và tính
Trở lại tính thể của triết lý và tư tưởng

1.

Triết lý là gì? Chính câu hỏi này là một câu hỏi về một câu hỏi; bởi vì triết lý là một câu hỏi và khi nói “Triết lý là gì?” thì đã hiện lên một câu hỏi thứ hai rõ ràng hơn: “là gì?”.

“Là gì?” là câu hỏi làm sáng tỏ câu hỏi ẩn tiềm trong “triết lý”. Trong “triết lý” chứa đựng một câu hỏi đen tối. Câu hỏi đen tối là câu hỏi nằm trong bóng tối như một người nằm trong gian phòng tối mà không bật đèn. Câu hỏi sáng là bóng đèn, nghĩa là ánh sáng; ánh sáng làm sáng tỏ những gì nằm trong tối. Chữ “triết lý” trong câu hỏi “triết lý là gì?” là bóng đèn, là ánh sáng khi nó đứng và hiện diện trong những chữ khác, trong tất cả những chữ khác; nhưng khi chữ “triết lý” đứng chung với chữ “là gì?” như câu hỏi “triết lý là gì?” thì lập tức chữ “triết lý” trở thành đen tối và chữ “là gì?” hiện diện với tất cả huy hoàng sáng rực của ánh điện. Trong câu hỏi “triết lý là gì?”, chữ “triết lý” là câu hỏi đen tối; còn chữ “là gì?” là câu hỏi sáng tỏ; câu hỏi “là gì?” làm sáng tỏ ý nghĩa đen tối của danh từ “triết lý”: ý nghĩa đen tối của danh từ “triết lý” là câu hỏi; “làm triết lý” là làm câu hỏi; “học triết lý” (gọi tắt là triết học) là học câu hỏi hay học đặt câu hỏi; “triết gia”, “triết nhân”, “nhà triết học” “con người triết học” là những danh từ để gọi con người mà thể tính của họ là đặt câu hỏi – nói một cách khác là tra vấn và cật vấn. Người làm triết lý là người hỏi cung, người tra khảo. Người làm triết lý là con người chỉ biết hành hạ tra tấn. Tra tấn, đánh đập, đổ nước vào mũi, đâm kim vào đầu ngón tay là những hình thức tế nhị của một câu hỏi.

Triết lý xuất hiện từ lúc nào? Từ lúc bắt đầu có ngôn ngữ. Con người chỉ được gọi là người khi nào con người biết nói; con người biết nói là con người biết nghe (câm thì phải điếc, mặc dù điếc không bắt buộc phải câm). Nói là nghe; nói là hỏi; hỏi là trả lời. Lúc con người biết nói là lúc triết lý xuất hiện; vì biết nói là biết hỏi; hỏi là triết lý. Đứng trước sự vật, con người nguyên thủy bắt đầu ngạc nhiên. Chính sự ngạc nhiên tạo ra ngôn ngữ, thi ca và triết học; chính sự ngạc nhiên sinh ra tư tưởng (Aristote đã ý thức được sự ngạc nhiên là câu hỏi. Sự ngạc nhiên xuất hiện cùng lúc với ý thức và ý thức có nghĩa là hỏi. Hỏi thì phải hỏi về; vì nếu không hỏi về thì không phải là hỏi, nghĩa là không phải là ý thức. Hỏi là triết lý; hỏi về sự hỏi này là triết học; triết học là hỏi về triết lý, mà nói gọn là “Triết lý là gì?”. “Triết lý là gì?” là hỏi về sự hỏi, nghĩa là cái “LÀ GÌ? ấy là gì?” nói gọn là “LÀ GÌ? là gì?”. Như vậy ý thức quay lộn lại ý thức; ý thức về ý thức hãy là ý thức tự hỏi ý thức. Nói khác, triết lý là ngạc nhiên; triết học là ngạc nhiên về sự ngạc nhiên này.

Triết lý là hỏi; triết học là hỏi về hỏi; trong chữ triết khi chiết tự, ta thấy có chữ khẩu; khẩu là miệng, miệng dùng để nói; nói là hỏi (và trả lời). Không bao giờ trả lời nếu không ai hỏi. Chỉ trả lời là khi có hỏi đi trước. Triết lý là hỏi; khoa học là trả lời. Khoa học là gì? Đây là câu hỏi: khoa học không thể trả lời câu hỏi này, bởi vì đây là câu hỏi về khoa học; mà bản chất của khoa học là chỉ trả lời; mà trả lời thì chỉ trả lời khi người khác hỏi; khoa học không thể hỏi khoa học, vì hỏi khoa học là phản bội khoa học, là không phải khoa học. Phận sự triết lý là hỏi; phận sự khoa học là trả lời. Người ta thường nói: Hỏi tức là trả lời. Câu ấy có nghĩa là triết lý bao trùm cả khoa học. Triết lý là bóng tối; khoa học là một ngọn đèn cầy yếu ớt; bóng tối vây phủ ngọn đèn, nhưng bóng đèn leo lét bắt đầu chiếu rọi ánh sáng yếu ớt lên không gian. Ánh sáng trả lời bóng tối. Bóng tối kêu gọi ánh sáng; bóng tối hỏi, ánh sáng liền trả lời. Ánh sáng chỉ là ánh sáng là nhờ vào bóng tối; ngược lại, bóng tối không thể nhờ vào ánh sáng; vì nếu bóng tối là nhờ vào ánh sáng thì ánh sáng sẽ phá hủy bóng tối và bóng tối sẽ không còn gọi là bóng tối nữa. Bóng tối là bóng tối, nhưng ánh sáng chỉ là ánh sáng là nhờ bóng tối; mặt trời chỉ là mặt trời là nhờ nằm trong không gian đen tối vô tận.

Triết lý là hỏi.

Triết học là hỏi về hỏi.

Khoa học là trả lời câu hỏi của triết lý, nhưng không thể trả lời về câu hỏi về câu hỏi; vì nếu trả lời về câu hỏi về câu hỏi, thì sẽ bị triết lý hỏi về câu trả lời của khoa học về câu hỏi về câu hỏi; lúc bấy giờ khoa học lại trả lời nữa; nhưng câu trả lời này lại bị hỏi nữa. Cứ như thế mà đi mãi, từ hỏi đến trả lời, từ trả lời đến hỏi, cho đến vô tận, vô cùng không bao giờ dứt được, áp dụng infinitum.

Như thế cả triết lý và khoa học đều rơi vào ngõ cụt, ngõ bí, không lối thoát.

Nhưng triết lý vẫn cao hơn khoa học là có thể đặt lên một câu hỏi về chính ngõ cụt này, về chỗ sơn cùng thủy tận này; triết lý đặt câu hỏi về Hố thẳm vô cùng này. Lúc bấy giờ khoa học không thể trả lời được nữa và đành chịu thất bại đầu hàng; đang lúc đó, triết lý đặt lên câu hỏi, chờ mãi mà không thấy khoa học trả lời được; đau đớn tuyệt vọng quá đến nỗi chịu không nổi, triết lý liền im lặng và nhảy xuống Hố thẳm, lúc bấy giờ chính là lúc giải thoát. Khi giải thoát rồi có còn trả lời hay không, thì con người không được biết, vì chỉ khi nào đã giải thoát rồi thì mới biết được.

Nhưng giải thoát thì im lặng; tất cả những con người giải thoát đều là những con người im lặng. Vì thế câu hỏi tối hậu của triết lý không còn được trả lời; thế cho nên triết lý mới quay lại hỏi chính sự hiện diện của mình; triết lý quay lại hỏi triết lý, hỏi về chính câu hỏi của mình, khi đó thì triết học xuất hiện; vì triết học là hỏi về triết lý. “Triết lý là gì” là một câu hỏi của triết học. Nhưng khi hỏi: “Triết học là gì?”; câu này có nghĩa là: câu hỏi triết lý là gì là gì vậy? Như thế, triết học có nghĩa là sự ngạc nhiên của chính triết lý; còn bây giờ sự ngạc nhiên của chính triết học thì gọi tên là gì? Có thể gọi là tôn giáo.

Triết lý là sự ngạc nhiên;

Triết học là ngạc nhiên về sự ngạc nhiên trên;

Tôn giáo là ngạc nhiên về sự ngạc nhiên của triết học về sự ngạc nhiên của triết lý.

Như trên chúng ta thấy mức thang giá trị đi từ dưới lên trên, thấp nhất là triết lý, bậc thang thứ hai là triết học và bậc thang thứ ba là tôn giáo; do đó tạm kết luận là tôn giáo cao hơn triết học và triết học cao hơn triết lý.

Nhưng sự thực không phải dễ dàng như đã trình bày. Bởi vì triết lý là sự ngạc nhiên; vì thế triết lý lại có thể ngạc nhiên về sự có mặt của tôn giáo nghĩa là triết lý có thể đặt câu hỏi, và câu hỏi của triết lý về tôn giáo chính là sự ngạc nhiên của tương lai về sự ngạc nhiên tôn giáo về sự ngạc nhiên của triết học về sự ngạc nhiên của triết lý. Do đó, từ mức thang thấp nhất là bậc thang thứ nhất, triết lý lại leo lên bậc thang thứ tư, nghĩa là bậc thang cao hơn bậc thang thứ ba là tôn giáo. Trong giai đoạn này, mặc dù triết lý ở nơi bậc thang cao nhất là bậc thang thứ tư, nhưng chưa hẳn là mọi sự đã thanh toán xong, vì triết học lại bước lên bậc thang thứ năm và ngạc nhiên về triết lý, như thế nói cho rõ nghĩa là ở bậc thang thứ năm này triết học là sự ngạc nhiên của triết lý về sự ngạc nhiên của triết học về sự ngạc nhiên của triết lý.

Đến đây, tôn giáo lại vội leo lên bậc sáu và ngạc nhiên về sự ngạc nhiên của triết học bậc năm; do đó có thể định nghĩa dài dòng tôn giáo là sự ngạc nhiên về sự ngạc nhiên của triết học về sự ngạc nhiên của triết lý về sự ngạc nhiên của tôn giáo về sự ngạc nhiên của triết học về sự ngạc nhiên của triết lý.

Như thế, chúng ta thấy sự ngạc nhiên đi từ tôn giáo đến triết học rồi đến triết lý rồi từ triết lý lại ngược lại tôn giáo đến triết học rồi lại đến triết lý, vân vân.

Nói theo toán học thì:

Triết lý là sự ngạc nhiên

Triết học là sự ngạc nhiên 2

Tôn giáo là sự ngạc nhiên 3

Đó là giai đoạn biện chứng thứ nhứt; đến giai đoạn biện chứng thứ hai:

Triết lý là sự ngạc nhiên 4

Triết học là sự ngạc nhiên 5

Tôn giáo là sự ngạc nhiên 6

Rồi đến giai đoạn biện chứng thứ ba:

Triết lý là sự ngạc nhiên 7

Triết học là sự ngạc nhiên 8

Tôn giáo là sự ngạc nhiên 9

Nếu gọi tắt 3 giai đoạn biện chứng pháp là A, B, C và gọi tắt triết lý là T L; triết học là T H; tôn giáo là T G và sự ngạc nhiên là N N thì ta có những phương trình như sau:

1. Giai đoạn biện chứng A:
TLa = NN THa = NN2 TGa = NN3

2. Giai đoạn biện chứng B:
TLb = NN4 THb = NN5 TGb = NN6

3. Giai đoạn biện chứng C:
TLc = NN7 THc = NN8 TGc = NN9

Triết lý là hỏi.
Triết học là hỏi về hỏi.
Tôn giáo là hỏi về hỏi về hỏi.

Không hỏi tức là im lặng; im lặng có nghĩa là tiêu hủy triết lý, triết học, tôn giáo và nhảy tung xuống Hố thẳm để giải thoát.

Chỉ khi con người không còn nói nữa, không còn hỏi nữa và cũng không còn trả lời nữa thì con người mới giải phóng được giới hạn của thể phận làm người để siêu hoá bản thể.

Hỏi có nghĩa là siêu hoá thú tính trong con người: nhưng từ hỏi đến im lặng thì chính sự im lặng ấy siêu hoá nhân tính. Con người đi từ man rợ để đến nhân bản, nhưng từ nhân bản con người bước đến siêu nhân bản. Siêu nhân bản là im lặng. Nhưng siêu nhân bản tự hỏi chính bản vị của siêu nhân thì lúc bấy giờ siêu nhân bản đã tự siêu hoá để đến thần bản và cứ thế mãi, hỏi rồi im lặng, im lặng rồi hỏi, để rồi đi đến sự im lặng tuyệt đối. Sự im lặng tuyệt đối ấy là Đạo trong Thiền tông và Lão Trang.

Những dòng trên cũng đồng thời làm sáng tỏ ý nghĩa đen tối của câu này trong quyển Also sprach Zarathustra của Nietzsche: “Con người là cái gì phải được vượt lên”.

Khi Wittgenstein nói rằng: “Phải im lặng những gì người ta không thể nói được” (Wovon man nicht sprechen kann, darüber muss man schweigen) (cf. Ludwig Wittgenstein, Logisch-philosophische Abhandlung, 1921).

Khi nói thế thì Wittgenstein đã hủy diệt nội dung và bản chất của triết lý và triết học và tôn giáo – như thế con người không còn ngạc nhiên nữa, mà phải im lặng và chính sự im lặng này dọn đường đưa đến sự thể nhập bên trong sự ngạc nhiên: lúc bấy giờ con người không còn đứng trước sự ngạc nhiên như là đứng trước một đối vật (hiểu theo nghĩa Gegenstand); lúc bấy giờ con người và sự ngạc nhiên không còn khác nhau, con người trở về sự ngạc nhiên, con người là ngạc nhiên. Sự ngạc nhiên trở lại nguyên thể và không còn gọi là ngạc nhiên nữa mà là Đạo, tức là Nguyên nguyên (Ursprung) mà sự ngạc nhiên đã thoát ra để xuất hiện trên đời. Chữ da trong Dasein của Heidegger chính là sự ngạc nhiên, ngạc nhiên vì thấy mình ở đó (Befindlichkeit).

Con người chợt thấy mình là Dasein và sự vật chung quanh là Zuhandensein hay Vorhandensein. Không có sự ngạc nhiên sẽ không có sự hốt hoảng quằn quại xao xuyến (Angst) và không có Angst thì sẽ không tìm được dấu vết để lần mò quờ quạng trở về Sein, tạm dịch ra chữ Việt là Tính (nghĩa của chữ Tính này nằm trong chân trời tư tưởng Trung Hoa).

Khi hỏi thì phải trả lời.

Mà khi trả lời thì chỉ trả lời bằng 4 phạm trù:

Trả lời

Không trả lời

Vừa trả lời vừa không trả lời

Không trả lời mà cũng không không trả lời.

Nội dung của mỗi câu trả lời đều nằm trong những phạm trù này:

hiếu kỳ

xác tín

dò xét

kêu gọi

van xin

giải trí

mỗi một câu hỏi đều chứa đựng một Weltanschauung (thế giới quan) mà người hỏi thường khi không ý thức được ý thức hệ của chính mình.

Âm nhạc không phải là hỏi và trả lời mà là nói ngôn ngữ nguyên thủy (Ursprache). Tất cả nghệ thuật cao siêu đều nói ngôn ngữ ban đầu.

Con người hay đặt câu hỏi là con người muốn chạy trốn giới hạn tính cảnh (những Grenzsituationen, như là sự chết, sự đau khổ, sự chiến đấu, v.v.). Nhưng không hỏi thì không còn là người. Heidegger nói: “L’essence du Dasein réside son existence” (Das Wesen des Daseins liegt in seiner Existenz). Phải nói như vầy mới tối hơn và trung tính hơn: “Das Wesen des Daseins liegt in seiner Frage”.

Bản chất của hiện hữu là hỏi, vì thế hỏi tức là siêu hoá.

Questinner, c’est transcender

Seinterroger, c’est se surmonter, se dépasser, se transcender.
K. Jaspers: “Philosopher, c’est transcender” (cf. Rechenschaft und Ausblick, Munich, 1951).

Mỗi một câu hỏi đều là sự tiềm ẩn, che giấu, giữ kín, hàm ý, hàm súc (implication) mà con người bị hỏi phải mở phương trời bằng cách giải thích (explication) đem ra ngoài (EX) cho được rõ ràng.

Sein của Heidegger ẩn náu trong một câu hỏi thông thường hằng ngày của mọi người; nhưng nếu con người biết phóng ra ngoài đi tới đằng trước mình theo nghĩa EX trong chữ Existenz của Heidegger thì có thể đưa Sein ra ngoài sự tiềm ẩn – mở màn, Alethein, để cho SEIN lột truồng ra.

Những câu hỏi thông thường hằng ngày đã đi xa và quên lãng Sein bởi vì con người bị ràng buộc trong nghề nghiệp, bận tâm lo lắng (Besorge) cho cuộc sống.

BIẾT CÁCH HỎI thì Sein mới xuất hiện được trong câu trả lời. CON NGƯỜI HIỆN NAY CHƯA BIẾT CÁCH HỎI. Đó là thảm kịch lớn lao của nhân loại.

Phải để ý triệt để đến chữ VỀ (dịch ra chữ Anh là about); chữ VỀ là trung tâm điểm, là tinh túy, bản chất, thể chất của triết lý. Không có chữ VỀ thì sẽ không có triết lý và triết học.

Hiểu được ý nghĩa tiềm ẩn của chữ VỀ là nắm biết được cơ cấu, động cơ sinh hoạt của triết lý và triết học.

Biểu tượng, hình tượng là VỀ.

Biểu tượng, hình tượng xuất hiện lúc chữ VỀ xuất hiện; biên giới để phân biệt con người và thú vật là biên giới được gạch bằng chữ VỀ. Con người hỏi là con người nói về. Thú vật không biết hỏi là vì thú vật chỉ biết kêu, chứ không biết kêu về hay nói về.

Hỏi có nghĩa là nói về.

Người ta chỉ hỏi bằng biểu tượng.

Sự ngạc nhiên từ trên trời đi xuống trần để nhập thể (incarnation) mà làm biểu tượng (symbole), thế là câu hỏi xuất hiện bằng và với biểu tượng.

Câu hỏi chính là biểu tượng, biểu tượng cho sự ngạc nhiên.

Ngạc nhiên về ngạc nhiên là biểu tượng về biểu tượng, chẳng hạn Y biểu tượng cho biểu tượng X.

Triết học về ngạc nhiên VỀ sự ngạc nhiên của triết lý VỀ sự ngạc nhiên của tôn giáo VỀ sự ngạc nhiên của triết học VỀ sự ngạc nhiên của triết lý.

Nói theo quá trình biểu tượng thì triết học là biểu tượng 5 về biểu tượng 4 về biểu tượng 3 về biểu tượng 2 về biểu tượng 1.

Tác dụng đặc biệt của biểu tượng là có thể biểu tượng cho biểu tượng và cũng có thể biểu tượng cho biểu tượng cho biểu tượng và cứ thế đi mãi cho đến vô hạn.

Toán học là biểu tượng. Vậy toán học có thể thoát ra ngoài thể dụng của biểu tượng không? Nhứt định không. Toán học cao nhất và triết lý cao nhất sẽ gặp nhau trong cùng một thể cảnh giới hạn: một nhà toán học giải thoát là một nhà thần bí, một vị thánh hay một bậc giác ngộ.


2.

Có thể ý niệm về vô hạn? Tác dụng của VỀ đã là biểu tượng. Ý niệm nằm trong quá trình hữu hạn: hữu hạn dùng làm biểu tượng cho vô hạn thì lại chỉ là vô hạn của hữu hạn, vô hạn của hữu hạn chỉ là vô hạn trong tương đối hay hữu hạn tự phóng đại.

Vô hạn của toán học là hữu hạn tự phóng đại. Biểu tượng về biểu tượng về biểu tượng, cứ như thế cho đến vô hạn.

Vô hạn ở câu trên là vô hạn của toán học, tức là một thứ tiến trình không thể đếm được mà chữ Sanskrit gọi là a – samkhyam (vô hạn ở đây là vô số), – samkhyam: số: a-samkhyam: vô số), nói một cách khác vô hạn là lượng (chữ Phạn gọi là a-parimitam) (cf. Rev. H. O. Mascarenhas, St Thomas Aquinas and the Mediaeval schlastics, H of Ph. E. and W., vol. 11, tr. 157); chữ Phạn “vô hạn” (anantam) hoàn toàn khác hẳn vô hạn trong nghĩa “vô số” (asamkhyam) và “vô lượng” (a-parimitam); “vô hạn” của St. Thomas d’Aquin gần gần đến “anantam” của triết học Ấn Độ; (e. g. Taittiriya Upanisads, 2-1). Thomas d’Aquin đã cho ta thấy rằng vô hạn tương đối, infinitum secundum quid (cf.
Summa Theologica, 1, q. 7, a. 2, c).


3.

Sự ngạc nhiên là sự chuyển động (movement). Theo định nghĩa này chúng ta có thể định nghĩa triết học ở bậc thang thứ năm là:

Triết học là sự chuyển động về sự chuyển động của triết lý về sự chuyển động của tôn giáo về sự chuyển động của triết học về sự chuyển động của triết lý.

Và tôn giáo ở cấp bậc sáu thì:

Tôn giáo là sự chuyển động về sự chuyển động của triết học về sự chuyển động của triết lý về sự chuyển động của tôn giáo về sự chuyển động của triết học về sự chuyển động của triết lý.

Theo thánh Thomas d’Aquin “không có gì có thể đưa tiềm thể (potentialité) đến hiện thể (actualité) nếu không có một thực thể mà chính nó đang ở trong hiện thể”.

Và trước câu nói trên, thánh Thomas d’Aquin đã định nghĩa sự chuyển động (motion) chỉ là đem một sự vật từ tiềm thể đến hiện thể (cf. Summa Theologica 1, q, 2, a, 3, c).

Như thế theo định nghĩa tôn giáo ở cấp bậc 6 thì:

Tôn giáo được hiện diện do sức chuyển động của triết lý gây ra do sức chuyển động của triết học, và sức chuyển động của triết học này lại phát sinh từ tôn giáo, và tôn giáo từ triết lý từ triết học, v.v.

Từ potentia đến actus rồi bỗng nhiên ngừng lại Actus Purus, phải chăng thánh Thomas d’Aquin đã cưỡng bức và tiêu diệt Potentia Purus? Không có Potentia Purus thì làm gì có Actus Purus, nhưng ở đâu lại có Potentia Purus? Lại do Actus Purus sao? Như thế chúng ta lại tiếp tục tiến trình vô hạn của sự ngạc nhiên trong triết học, triết lý và tôn giáo; mặc dù, sự ngạc nhiên ấy rất sơ đẳng mà bất cứ một đứa con nít nào cũng có thể hỏi và những triết gia cao siêu nhất cũng không thể trả lời được.

Trong triết học Ấn Độ chúng ta cũng thấy từ prakrti đến purusa rồi lại ngừng lại nơi Ultama Purusa (tức là Isvara), mỗi một con người sinh hoạt là do sự biến thể từ potentia đến actus và sức sinh hoạt hay sự biến thể này được hàm dưỡng trong Actus Purus (theo thánh Thomas d’Aquin)

Do đó, theo định nghĩa về sự chuyển động trong Summa Theologica 1, q. 2, a. 3, c: “Vì vậy cái gì được chuyển động thì phải được chuyển động do một cái khác nữa”, và cái khác này được chuyển động cho cái khác nữa, v.v. cho đến vô hạn. Nhưng thánh Thomas d’Aquin nói rằng như thế thì không được: “Phải cần đi đến chuyển động đầu tiên, không do sức chuyển động nào khác thúc đẩy và mọi người đều hiểu đó là Thượng đế” (Summa Theologica 1, q. 2, a. 3, c).

Như thế vô hạn của thánh Thomas d’Aquin chính là vô hạn của hữu hạn và sức chuyển động liên tục ấy phải ngừng lại nơi suối nguồn phát ra sức chuyển động mà nếu không có suối nguồn này thì tất cả sức chuyển động liên tục đều ngừng lại.

Như thế vô hạn của thánh Thomas d’Aquin có gì khác vô hạn của Aristote? Và lại còn thấp hơn vô hạn của toán học (nghĩa là vô số và vô lượng – a-samkhya và a-parimitam của Phạn ngữ”. Đó là lý do cắt nghĩa tại sao trước khi giã từ cõi đời, thánh Thomas d’Aquin đã phủ nhận trọn sự nghiệp thần học của mình.


4.

Trong L’être le Néant, chúng ta thường thấy Sartre nói: “L’être est ce qu’il n’est pas et il n’est pas ce qu’il est”.

Nói như thế thì Sartre lại cũng chưa vượt khỏi thánh Thomas d’Aquin; sau đây ta hãy đem những biểu tượng (symboles) của J. P. Sartre đổi thành những biểu tượng của thánh Thomas d’Aquin:

est ce qu’il n’est pas = actus + potentia
n’est pas ce qu’il est = potentia + actus

Khi dùng biểu tượng trên phải nhớ rằng sức chuyển động được liên tục là nhờ actus và potentia có liên quan dính liền nhau → tượng trưng bằng dấu +.

Sartre nói rằng không có Thượng đế nhưng Sartre thế lại bằng Néant: nhưng dù Sartre đã cố tình phủ nhận, nhưng Néant đã mang đủ đặc tính của một Thượng đế trong Thần học của thánh Thomas d’Aquin. Như thế Sartre đã thất bại trong việc phủ nhận Thượng đế của thần học, vì chỉ phủ nhận một danh từ để gọi một danh từ khác, thay vì gọi là con bò chúng ta gọi là con trâu; nhưng dù gọi là trâu hay bò thì con vật đó vẫn hiện diện.

Trong tiến trình potentia + actus + potentia + actus + potentia + actus + potentia v.v., đáng lẽ bài toán cộng này đi đến vô hạn, thay vì thế thánh Thomas d’Aquin ngừng lại không cộng nữa mà lại trừ potentia ra khỏi tiến trình lũy tiến của bài toán cộng potentia + actus + potentia + actus v.v.

Sở dĩ actus mà thành hình được là nhờ có potentia trong nó, như thế trong actus có potentia, trong potentia có actus; khi thánh Thomas d’Aquin hủy bỏ potentia thì lúc đó actus không còn một tí potentia nào nữa, mà trở thành actus purus; nhưng nếu là actus purus thì làm gì có được một tí potentia trong nó để có thể làm ra sức chuyển động theo tiến trình lũy tiến potentia + actus hay potentia → actus, như thế làm gì có sinh vật và kẻ sáng tạo? Làm gì có Thượng đế? Vì chỉ có Thượng đế là khi có loài người. Mà muốn có loài người thì phải có potentia trong Actus Purus – mà nếu có potentia trong Actus Purus thì Actus Purus không thể gọi là Purus thì Actus Purus chỉ có thể gọi là Actus; như thế Thượng đế không còn là Thượng đế mà bị lôi cuốn trong dòng luân chuyển của biện chứng pháp. Có thể nói triết lý Sartre bằng danh từ Thần học của Thomas d’Aquin như sau:

Pour-soi = potentia
En-soi = actus
Néant = potentia purus
Etre = actus purus

Như thế, sở dĩ có Actus Purus là vì có potentia purus; sở dĩ có potentia purus là vì có actus purus, có sat là vì có Asat; có Asat là vì có sat.

Vì thế có thể kết luận Thượng đế của thánh Thomas d’Aquin và Hư vô của Jean Paul Sartre chỉ là MỘT và hoàn toàn giống nhau. Như thế chúng ta thấy hư vô (Néant) của Jean Paul Sartre khác hẳn Hư vô (Nichts) của Heidegger; vì chính Heidegger đã ý thức cùng với Hegel rằng “Etre pur” và “Néant pur” đều là một và giống nhau. Còn chữ “KHÔNG” (Sunyata) của Nagarjuna (Long Thọ) thì hoàn toàn khác nữa, bởi vì Sunyata không phải là Néant pur mà cũng không phải là Etre pur, không sat cũng không Asat.


5.

Dấu hiệu không thể thay thế dấu hiệu.

Biểu tượng này có thể thay thế một biểu tượng.

Nếu dấu hiệu có thể thay thế dấu hiệu (thì ta gọi dấu hiệu đó là biểu tượng, chứ không gọi là dấu hiệu nữa).

Dấu hiệu báo cho biết sự có mặt.

Biểu tượng NÓI VỀ sự có mặt hay vắng mặt.

TRƯỚC là dấu hiệu; VỀ là biểu tượng.

Suzanne K. Langer đã phân biệt giữa In face of (trước mặt) và About (về) (cf. S.K. Langer, The Language Line…).


6.

Quyển L’etre et le Néant của Sartre chỉ là một bài toán công phu mà vẫn còn phụ thuộc phạm vi toán học sơ đẳng cộng trừ – bởi vì thực ra Pour-soi chỉ là dấu trừ (-) và En soi là dấu cộng (+), chỉ có thế thôi.


7.

Phật giáo có nhận rằng Thượng đế hay không? Thượng đế là một danh từ mang nhiều ý nghĩa khác nhau, Thượng đế của Thánh kinh (Cựu ước và Tân ước), Thượng đế của Meister Eckhart là Thượng đế của St. Thomas d’Aquin (Thượng đế của St. Thomas d’Aquin khi viết Somme và Thượng đế của St. Thomas d’Aquin trước khi ông từ trần đều là hai Thượng đế hoàn toàn khác nhau).

Phật giáo không nhận có hay không có một Thượng đế, đó là điều thông thường hiển nhiên ai cũng có thể thấy được, nhưng phải hiểu tư tưởng Phật giáo bao trùm thống quát hết mọi trạng thái của cuộc đời (bao trùm cả das Umgreifende của K. Jaspers); vì thế, nếu đứng trên một vị trí giới hạn, ta sẽ thấy Chân như (Bồ đề) v.v. là một sức chuyển động đầu tiên hiểu theo nghĩa Thượng đế của St. Thomas d’Aquin.

Đứng trên một vị trí thứ hai, ta sẽ thấy Chân như, Bồ đề, v.v. là một sự bất động chuyển động, hiểu theo nghĩa Thượng đế của Meister Eckhart.

Đứng trên một vị trí thứ ba, sẽ thấy Chân như, Bồ đề, v.v. không có và không không có, theo nghĩa “bổn lai vô nhất vật” của Lục tổ Huệ Năng.


8.

Chỉ có một câu hỏi duy nhất (Frage) là câu hỏi về SEIN (L’être). Đó là tất cả ý nghĩa của triết lý Heidegger và cả Jaspers, mặc dù SEIN của Jaspers có nghĩa là Transcendenz và khác ý nghĩa của Heidegger; cả ý nghĩa của Existenz trong triết lý Jaspers cũng khác Existenz của Heidegger).

Heidegger đã đánh dấu một biến cố quan trọng trong triết học khi đem SEIN ra khỏi sự lãng quên của triết học Tây phương từ Socrate, Platon, Aristote cho đến nay.

Nhưng chúng ta – những tư tưởng gia ở thế hệ này phải vượt Heidegger bằng cách đồng hoá Frage với Sein – FRAGE chính là SEIN – Triết lý không hỏi về Sein, mà chỉ hỏi, chỉ nhảy thẳng vào Frage.

Vượt Heidegger không có nghĩa là đi cao hơn Heidegger mà chỉ có nghĩa lôi ra ánh sáng (explication, éclairement; Jaspers: Erhellung) những gì mà Heidegger còn để nằm trong tối (implication)


9.

Tôi chết, không phải vì không thể trả lời một câu hỏi, mà bởi vì đã có thể trả lời quá nhiều.

Hỏi là mystère, là méta-problematique trong tư tưởng Gabriel Marcel.

Trả lời là prolème.

Hỏi là Être.

Trả lời là Avoir.


10.

Muốn giải thoát, không phải tiêu diệt sự nô lệ mà là HIỂU sự nô lệ.

Hiểu là hỏi.

Bi kịch không phải vì HỎI mà không thể trả lời được; bi kịch chỉ là không hỏi (và hỏi có nghĩa là ngạc nhiên). Tôi không thể CÓ sự ngạc nhiên. Tôi LÀ ngạc nhiên.


11.

Tất cả những quyển sách của Krishnamurti đều là những câu hỏi. Thường khi Krishnamurti chỉ trả lời bằng cách hỏi lại hoặc trả lời mà không trả lời gì cả. Tôi đoán rằng Krishnamurti đã giải thoát khỏi tiến trình biểu tượng.


12.

Réduction eidétique của Husserl là quyết định làm thế giới xuất hiện trước khi suy tưởng VỀ. Nói cách khác là THẾ GIỚI, chứ không phải là VỀ thế giới. Nói đến sự hiện hữu hay không hiện hữu của Thượng đế. Nói đến Niết bàn và Vô minh đều là những suy đoán VỀ.


13.

Mở đầu quyển Critique de la raison pure, ngay dòng đầu của lời mở đầu: “La raison humaine a celle destinée singulière, dans un genre de ses connaissainces, d’être accablée de questions qu’elle ne saurait éviter, car elles lui sont imposées par sa nature même; mais auxquelles elle ne peut résoudre parce qu’elles dépassent totalement le pouvoir de la raison humaine” (Préface de la première édition 1781, Trad. par A. Tremesayges et B. Pacaud).

Câu này của Kant đặt nền tảng cho một nền triết học mới và là tiêu chuẩn cho cả nền triết học Tây phương.

Trong câu nói này ta thấy tiềm ẩn những câu hỏi:

Vận mệnh của lý trí con người là thế nào?

Vận mệnh này có phải là vận mệnh của lý trí trong một loại tri thức của nó thôi hay trong tất cả?

Bản chất của lý trí con người?

Quyền hạn của lý trí con người?

Siêu việt tính của câu hỏi là gì?

14.

Nền tảng của suy tư mai sau phải bắt đầu xây dựng trên căn nguyên tính tưởng của Heidegger trong “ngôn sở ngôn” (das Gesagte dieses Satzes) sau đây:

“Dieses Seiende, das wir selbst je sind und das unter anderem die Seinsmöglichkeit des FRAGENS hat, fassen wir terminologisch als Dasein”. (Sein und Zeit, p.7, b).

Xin dịch lại bằng “ngôn sở ngôn” của Nguyên Ngôn (Logos) của Việt Nam:

“Tính thể này được phú bẩm – ngoài những tiềm thể khác – tiềm tính TÍNH VẤN mà chúng ta gọi là Dasein, tức là hiện tính thể.”


15.

Sự thất bại của triết lý và triết học:

Jaspers: “Das Scheitern ist das Letzte” (L’échec est la fin suprême).

Sự khác nhau giữa tư tưởng Heidegger và triết lý Jaspers là sự khác nhau giữa sự thất bại và VỀ sự thất bại!

Cf. Kant: “Son oeuvre doit toujours rester inachevée, puisque les questions n’ont jamais de fin” (Préface de la 1ère édition 1781 – C.d.l.R. Pure).

Cf. Kant: “Le terrain (Kampfplatz) où se livrent ces combats sans fin se nomme la MÉTAPHISIQUE” (Préface de la 1ère édition, 1781).


16.

Nếu dùng theo thuật ngữ Kant thì tất cả những câu hỏi khoa học đều là Analytique và những câu hỏi triết học thì Synthétique.

Dùng theo thuật ngữ Karl Jaspers thì triết lý không có đối tượng còn khoa học thì có đối tượng (cf. Rechenschaft und Ausblick), nhưng Kant gọi les jugements géométriques là synthétique, vậy thì Kant đã đánh dấu sự cáo chung của hình học Euclide và đồng thời đưa ra hình học theo viễn tượng của Lobatschevski và Reimann.


17.

Làm thế nào khi suy tưởng, tránh ở đây mà không vướng vào bên kia bởi vì bên kia và ở đây cũng chỉ là một mà thôi.

Tránh Huệ Năng gặp Thần Tú, tránh Thần Tú gặp Huệ Năng; thực là nguy hiểm.

Làm sao tránh mà không vướng.

Làm sao tránh mà không gặp ai hết hoặc không gặp bất cứ ai?


18.

Trong quyển Psychological Types, C. G. Jung phân chia hai loại: Introverted type và Extraverted type: trong mấy chương đầu C. G. Jung đưa ra mấy ví dụ để chứng minh tư tưởng tâm lý học của ông: Jung đem trường hợp của Tertullian và Origen:

Tertulian: sacrificium intellectus.

Còn Origen thì sacrificium phalli.

C.G. Jung cho rằng sacrificum intellectus là thuộc introverted type; và sacrificium phalli là extraverted type.

Nhưng có thể nói ngược lại không?

Chính sacrificium intellectus mới là extraverted type và sacrificium phalli mới là introvered type.

C.G. Jung đã sai; chính Origen mới là introverted, còn Tertullian chỉ là extraverted.

Freud đã phạm một sai lầm rất lớn trong thoả thuận nhân loại; nhưng sự lầm của Freud rất dễ thương và một sự sai lầm rất thông minh.

Còn sự sai lầm của C.G. Jung quả thật là ngu xuẩn.

Sự phân chia con người ra làm hai hạng, hai mẫu (introverted và extraverted) là một thái độ trước sự vật theo phạm trù lý tính.

Lý tính tức là đã diệt tính.

Làm thế nào để biết được biên giới của IN- và EX-?

Nếu IN- và EX- đều có thể cùng lúc nói chung cho một THỂ thì sự phân hạng của C.G. Jung mất raison d’être.

Dù rằng không ai là hoàn toàn IN- và không ai hoàn toàn EX-; mà trong mẫu người IN- luôn luôn có một chút chất EX- trong mẫu người EX- luôn luôn có một chút chất IN- (như chính C.G. Jung đã từng thấy như vậy), nhưng tôi vẫn muốn đặt lại vấn đề từ NGUYÊN TÁNH:

– Sự phân hạng của C.G. Jung đã LÝ TÍNH, vì đã đưa TÍNH rơi vào SỐ LƯỢNG.

Khi nói trong mẫu người EX có một phần EX- là rơi vào số đếm.

Bây giờ không cần phê phán C.G. Jung trong nguyên tính nữa.

Tôi chỉ xin phê phán trên cương vị thường tính. Tôi sẽ dùng số đếm để phá hủy tư tưởng số đếm của C.G. Jung; tôi xin dùng toán học của hai nhà toán học Đức nổi danh khắp thế giới là George Cantor và David Hilbert.

Số học của George Cantor và David Hilbert là “số học vô số học”: theo phương pháp đo vô số theo điệu song chuyển của George Cantor, chẳng hạn như đo số thường (chẵn và lẻ) và số chẵn để xem coi loại số nào nhiều hơn.



Theo lối so sánh vô số như trên thì ta thấy sự vô số (infinity) của những số chẵn (evennumber) thì cũng bằng, cũng nhiều ngang như sự vô số (infinity) của tất cả các số học (cả chẵn lẫn lẻ).

Bởi vì theo “số học của vô số học” (arithmethic of infinity) thì một phần bằng toàn thể hay nói rõ hơn: một phần của toàn thể lớn bằng ngang chính toàn thể ấy.

Trong tư tưởng tâm lý học của C. G. Jung tiềm ẩn tư tưởng số lượng hay tư tưởng số đếm; nhưng tư tưởng số học của C. G. Jung còn quá non kém, chưa tiến triễn đến số học của vô số học, thành ra C. G. Jung đã thấy lệch vấn đề rất xa.

C. G. Jung nói rằng khi phân loại mẫu người thì sở dĩ gọi là mẫu người IN- là vì trong người ấy chất IN- nhiều hơn chất EX-; và sở dĩ gọi là mẫu người EX- là vì trong người EX- ấy, chất EX- nhiều hơn chất IN-; nói một cách khác, trong EX- có IN-, trong IN- có EX-; nhưng sở dĩ gọi là EX- hay gọi IN- là tùy theo trường hợp số lượng của EX- hay IN- nhiều hơn hay ít hơn.

Lý luận của C. G. Jung là thứ lý luận sơ đẳng.

Nếu chúng ta có học qua “số học vô số” thì chúng ta thấy rằng một phần EX cũng bằng và nhiều ngang như toàn thể IN hay một phần IN cũng bằng hoặc nhiều ngang như toàn thể EX chẳng hạn như tôi có thể đo theo lối song chuyển của nhà đại toán học George Cantor:



2 in, 4 in, 6 in vân vân thay thế cho một phần IN- vì 2, 4, 6 là những số chẵn, tức là chỉ một phần của toàn số (toàn số gồm số chẵn và số lẻ).

Còn 1 ex, 2 ex, 3 ex, vân vân thay thế cho toàn thể EX, vì 1, 2, 3, 4, đều là toàn số.

Như thế một phần IN bằng và nhiều ngang nhau với toàn thể EX trong một mẫu người. Vậy làm sao có thể gọi một người nào đó thuộc loại Extraversion khi một chút chất Introversion trong người ấy cũng nhiều nang như Extraversion! Trường hợp này áp dụng cho tất cả mọi người.

Như thế, Tertulain vừa là Extraverted type vừa là Introverted type (mỗi type này đều là 100%) và trường hợp Origen cũng giống như vậy.

Thế là tôi đã phá hủy tâm lý học của C. G. Jung từ căn bản và đánh dấu sự cáo chung của tâm lý học Tây phương.

Nguồn: Phạm Công Thiện. Hố thẳm của tư tưởng - Đặt lại căn nguyên tư tưởng hôm nay-Thể và Tính. Tái bản lần thứ ba (Có thêm bớt đôi chút). Phạm Hoàng xuất bản, Sài Gòn 1970. /
Bản điện tử :  Talawas .

Kahlil Gibran - Trầm tưởng (4)

Kahlil Gibran
Trầm tưởng
Đăng Quang dịch



Câu chuyện của một người bạn

I.

Tôi đã quen chàng hồi chàng còn là một thiếu niên bị lạc lõng trên các nẻo đường đời, bị sức xung động man dại quất vụt đi tới và theo chân thần chết để chạy đuổi theo dục vọng. Tôi đã quen chàng hồi chàng còn là một đoá hoa mềm yếu được những ngọn gió cuồng chở tới biển dục tình.

Tôi đã biết chàng trong ngôi làng đó hồi chàng còn là một cậu bé tính tình hung hãn dữ dằn, hai bàn tay độc ác thường hay xé nát tổ chim và bóp chết chim non, và lấy chân giẫm nát những bông hoa mỹ miều.

Tôi đã biết chàng ở trường học hồi chàng còn là một thiếu niên ghét học hành, kiêu căng, và kẻ thù của bình an.

Tôi đã biết chàng trong thành phố hồi chàng còn là một thanh niên bán rẻ danh dự cha ông trong các thị trường tối ám, phung phí tiền của cha ông trong các ngôi nhà xú danh, và đầu hàng trí tuệ trước rượu nồng.

Ấy nhưng, tôi lại yêu mến chàng. Và tình yêu mến của tôi đối với chàng là một pha trộn của sầu khổ với cảm tình. Tôi đã yêu mến chàng bởi lẽ những tội lỗi của chàng chẳng phải xuất sinh từ một tinh thần nhỏ bé, mà là hành vi của một tâm hồn lạc lõng và tuyệt vọng.

Tinh thần, hỡi nhân dân yêu quí của tôi, đi lạc khỏi con đường mẫn tuệ một cách không cố ý, nhưng quay trở về nó một cách cố ý. Khi những trận cuồng phong của tuổi trẻ thổi thốc lên cát bụi, thì đôi mắt ta bị mù loà trong giây phút.

Tôi đã yêu mến người thanh niên đó là bởi vì tôi nhìn thấy con bồ câu của lương tri chàng đang vật lộn với con diều hâu của lòng độc ác của chàng. Và tôi đã nhìn thấy rằng bồ câu bị khắc phục chẳng bởi lòng hèn nhát của chính nó mà bởi sức mạnh của kẻ thù nó.

Lương tri chỉ là một pháp quan yếu đuối. Sự yếu đuối khiến cho nó bất lực đặng có thể thi hành sự phán quyết của nó.

Tôi nói tôi yêu mến chàng. Và tình mến yêu có nhiều dạng thức. Đôi khi nó là trí khôn ngoan; đôi lúc nó là công lý; và thường khi nó lại là hy vọng. Tình tôi yêu mến chàng nuôi dưỡng lòng tôi hy vọng được trông thấy ánh sáng nơi chàng thắng lợi bóng tối. Nhưng tôi đã chẳng biết khi nào và ở đâu vết ô uế nơi chàng sẽ hoá thành tinh khiết, lòng tàn bạo nơi chàng sẽ biến thành tính nhu mì, sự phóng đãng nơi chàng sẽ biến thành trí mẫn tuệ. Con người không biết được linh hồn tự giải thoát khỏi kiếp nô lệ của vật chất bằng cách nào cho đến khi nó được giải thoát. Con người cũng chẳng biết được loài hoa mỉm cười ra sao trừ khi sớm mai đã đến.


II.

Ngày lại ngày, rồi đêm lại đêm, và tôi nhớ đến người thanh niên mà luống những thở dài; tôi nhắc đến tên chàng đầy âu yếm làm trái tim rỏ máu. Thế rồi ngày hôm qua một cánh thư của chàng bay đến tay tôi:

“Hãy đến với tôi, hỡi bạn, vì tôi muốn kết hợp anh với một người trẻ tuổi mà tim anh sẽ hân hoan khi được gặp, và hồn anh sẽ tươi mát khi được biết.”

Tôi nói: “Đau đớn chưa! Hắn lại muốn pha trộn tình bằng hữu buồn thảm của hắn với một tình bằng hữu tương tự nữa hay sao? Riêng hắn không đủ là một tấm gương về thế giới sai lầm và tội lỗi ư? Giờ đây hắn còn muốn làm tăng cường những hành vi nhơ nhuốc của hắn với những hành vi của bạn đồng hành đặng tôi có thể gặp cả hai lần bóng tối chăng?”

Và rồi tôi thầm nhủ, “Ta phải đi; có thể tâm hồn mẫn tuệ sẽ gặt hái được trái ngon bụi rậm, và trái tim thương yêu sẽ lấy ra ánh sáng từ bóng tối, biết đâu?”

Lúc đêm đến tôi thấy chàng có một mình trong phòng đang đọc một cuốn thơ.

“Người bạn mới đâu rồi?” Tôi hỏi, và chàng đáp:

“Tôi là hắn đó.”

Và chàng tỏ lộ một sự trầm tĩnh chưa bao giờ tôi hề thấy nơi chàng. Trong đôi mắt chàng bây giờ tôi có thể trông thấy một ánh sáng lạ kỳ nó xuyên thủng trái tim. Đôi mắt mà ngày xưa tôi đã nhìn thấy lòng tàn bạo, thì bây giờ toả ra một ánh sáng nhân từ. Rồi bằng một giọng nói tôi tưởng như phát xuất từ một kẻ khác, chàng nói:

“Chàng trẻ tuổi mà anh đã biết từ hồi ấu thơ và cùng đi tới trường học đó, đã chết rồi. Từ cái chết của chàng tôi đã xuất sinh. Tôi là người bạn mới của anh; hãy nắm lấy tay tôi.”

Lúc nắm tay chàng tôi cảm thẩy sự hiện hữu của một linh hồn hiền hoà lưu chuyển trong dòng máu. Bàn tay sắt đá của chàng xưa kia đã trở nên mềm mại và hiền từ. Những ngón tay chàng xưa kia cào xé như vuốt hổ, bây giờ mơn trớn trái tim.

Rồi tôi lại nói:

“Bạn là ai, và những gì đã xảy đến cho bạn tôi? Làm sao mà bạn đã biến thành loài người này? Có phải Thánh Thần đã thâm nhập trái tim bạn và thần thánh hoá tâm hồn bạn? Hay bạn chỉ đóng một vai trò, điều tưởng tượng của một nhà thi sĩ?”

Và chàng nói:

“Bạn ơi, đúng như thế, thần linh đã đậu xuống hồn tôi và ban cho tôi phép lành, một tình yêu lớn đã biến trái tim tôi thành một tế đài tinh khiết. Chính một người đàn bà, bạn ạ - người đàn bà mà xưa kia tôi đã chỉ tưởng là một đồ chơi trong tay đàn ông – chính một người đàn bà đã giải thoát tôi từ vùng bóng tối địa ngục và mở ra trước mắt tôi những cánh cổng Thiên Đàng, nơi tôi đã bước chân vô. Một người đàn bà đích thực đã dắt tay tôi đến dòng sông Jordan của lòng nàng tình ái và rửa tội cho tôi. Người đàn bà có một người em gái mà vì lòng ngu tối tôi đã khinh rẻ, chính người đàn bà đó đã xưng tụng tôi lên đến ngai vàng vinh quang. Người đàn bà mà có hồi tôi đã độc ác khinh bỉ, không thèm giao du với, nay đã làm tinh khiết trái tim tôi bằng những âu yếm của nàng. Người đàn bà thuộc cái loại tôi đã bắt làm nô lệ bằng vàng của cha tôi đó nay đã giải thoát tôi bằng vẻ đẹp của nàng. Người đàn bà mà bằng mãnh lực, ý chí đã khiến cho Ađam bị đuổi khỏi Thiên Đàng đó, nay đã khôi phục tôi trở lại Thiên Đàng bằng trái tim hiền dịu của nàng và bằng sự vâng lời của tôi.”


Những người khổng lồ

Chúng ta sống trong một kỷ nguyên mà những con người nhỏ nhoi nhất cũng đang trở thành vĩ hơn cả những con người vĩ đại nhất của các thời đại trước. Những gì đã có một hồi làm trí óc ta bận rộn thì bây giờ chẳng có nghĩa lý gì. Tấm màn thờ ơ hiện đang phủ kín nó đi. Những giấc mộng đẹp đã có một hồi bay lượn xôn xao trong ý thức ta thì bây giờ đã bị làm phân tán đi như sương mù. Thay thế chỗ của họ bây giờ là những con người khổng lồ di chuyển như giông tố, gầm thét như đại dương, và hô hấp như núi lửa.

Liệu số mệnh nào những con người khổng lồ sẽ mang lại cho thế giới lúc tàn cuộc đấu tranh?

Liệu nhà nông có sẽ quay trở lại đồng lúa gieo hạt nơi mà Tử Thần đã cấy xương người chết?

Liệu mục tử có sẽ chăn bầy cừu trên những cánh đồng cỏ đã bị thanh gươm sát phạt?

Liệu bầy cừu có sẽ uống từ những dòng suối nước đã nhuộm máu?

Liệu kẻ sùng bái có sẽ quỳ trong ngôi đền phàm tục mà nơi tế đài quỷ Xa-tăng đã nhảy múa?

Liệu thi sĩ có sẽ làm thơ dưới những vì sao bao trùm trong khói súng?

Liệu nhạc sĩ có sẽ gẩy đàn trong một đêm mà niềm tịch mịch đã bị khủng bố hãm hiếp?

Liệu người mẹ ngồi bên nôi hài nhi, đang tư lự về những hiểm nghèo của ngày mai, còn có thể lớn tiếng ru con?

Liệu các tình nhân còn có thể gặp nhau và hôn nhau trên bãi chiến trường còn sặc mùi bom đạn?

Liệu Nisan [1] có sẽ bao giờ quay trở lại trái đất và lấy xiêm y nàng băng bọc vết thương của trái đất?



*


Số mệnh nước anh và nước tôi sẽ ra sao? Người khổng lồ nào sẽ chiếm lấy các ngọn núi các cánh đồi đã sinh sản ra ta và nuôi nấng ta và khiến cho chúng ta trở thành người đằng trước mặt trời?

Liệu Xyri có sẽ vẫn nằm giữa hang sói và chuồng lợn? Hay nó sẽ di chuyển với giông bão tới động sư tử hay bay vút lên hang ổ phượng hoàng?

Liệu rạng đông của một Thời Gian mới có sẽ bao giờ xuất hiện trên đỉnh ngọn núi Liban?

Mỗi lúc tôi cô đơn tôi thường hỏi linh hồn tôi những câu hỏi đó. Nhưng linh hồn tôi thì câm nín như Số Mệnh.

Có ai trong các anh, hỡi dân tộc, không ngẫm nghĩ ngày đêm về số phận của thế giới dưới quyền cai trị của những con người khổng lồ đã say sưa vì những giọt lệ của goá phụ và cô nhi?

Tôi là một trong những kẻ tin vào Qui Luật Tiến Hoá; tôi tin rằng những thực thể lý tưởng có tiến hoá, như loài man thú; tôi tin rằng các tôn giáo và chính phủ được nâng lên các bình diện cao hơn.

Luật tiến hoá có một khuôn mặt nghiêm khắc và áp chế và những kẻ có trí óc giới hạn hoặc sợ hãi thường kinh khiếp nó; nhưng các nguyên lý của nó thì công chính, và những ai khảo cứu chúng sẽ được soi sáng. Qua Lý Trí của nó mà loài người được nâng lên trên cao chính mình và có thể vượt tới điều trác tuyệt.

Khắp chung quanh tôi là những thằng lùn đang trông thấy người khổng lồ xuất hiện; và những thằng lùn kêu ì ộp như ễnh ương:

“Thế giới đã quay trở lại về thời man thú. Những gì mà khoa học và giáo dục đã tạo nên thì hiện đang bị phá huỷ bởi những loài sơ khai mới. Chúng ta bây giờ giống như những kẻ sống trong hang đời tiền sử. Chẳng có gì phân biệt giữa chúng ta và chúng, ngoại trừ cơ khí phá huỷ và những kỹ thuật tàn sát được cải thiện của ta.”

Những kẻ đo lường ý thức thế giới bằng ý thức của chúng nói như thế. Chúng đo lường tầm hạn của mọi Hiện Hữu bằng hạn độ nhỏ xíu của cá nhân chúng. In tuồng như mặt trời đã chẳng có mặt để làm gì khác ngoại trừ sưởi ấm cho chúng, như biển cả đã được sáng tạo đặng rửa chân cho chúng.



*


Từ trung tâm đời sống, từ đáy thẳm vũ trụ nơi trữ kín những bí mật của Sáng Tạo, những người khổng lồ nổi dậy như vũ bão và phóng lên như mây trời, và tụ tập như núi non. Trong các cuộc đấu tranh của họ, những vấn đề muôn thuở đang được giải đáp.

Nhưng con người, bất chấp mọi kiến thức và tài cán của hắn, và bất kể tình yêu và tình ghét trong tim hắn, và những nỗi đau hắn chịu đựng, chỉ là một công cụ trong tay những người khổng lồ, để với tới mục đích cho họ và thành đạt mục tiêu cao cả tất hữu của họ.

Những dòng suối máu sẽ một ngày nào trở thành những dòng sông rượu; và những giọt lệ phủ sương cho trái đất sẽ làm mọc dậy những loài hoa ngát hương; và những linh hồn đã bỏ nơi trú ngụ sẽ quây quần và xuất hiện từ phía sau chân trời mới thành Sớm Mai tinh khôi. Và rồi con người sẽ nhận thức ra rằng hắn đã mua Công Lý và Lý Trí trong chợ nô lệ. Hắn sẽ hiểu rằng kẻ nào làm việc và tiêu pha vì Lẽ Phải sẽ chẳng bao giờ thua thiệt.

Nisan sẽ tới, nhưng kẻ nào đi kiếm Nisan mà không nhờ đến Mùa Đông, sẽ chẳng bao giờ tìm thấy nàng.


Ngoài trái đất

Cuồng nộ và hung bạo trái đất ra ngoài trái đất;

Và duyên dáng và uy nghiêm trái đất bước đi trên trái đất.

Trái đất xây lên từ trái đất những cung điện và dựng lầu tháp và đền đài,

Và trái đất thêu dệt trên trái đất những truyền kỳ, những chủ thuyết, những luật lê.

Và rồi trái đất chán ngán những thành quả của trái đất và lấy quầng sáng bện thành những vòng hoa giấc mơ và mộng tưởng.

Và rồi đôi mắt trái đất bị giấc ngủ trái đất đánh lừa vào giấc an nghỉ đời đời. Và trái đất kêu gọi trái đất:

“Ta là lòng mẹ và mộ phần cho tới khi nào các hành tinh không còn nữa và mặt trời tan thành tro bụi.”


Ô đêm

Ô Đêm của tình nhân, linh cảm của nòi thơ và nòi ca kỹ,

Ô Đêm của hồn ma, của thần linh và mộng ảo,

Ô Đêm của đợi chờ, của hy vọng và kỷ niệm,

Ngươi giống như một người khổng lồ đè chụp xuống áng mây chiều và sừng sững trên rạng đông.

Bằng ngọn gươm hãi sợ ngươi được vũ trang, và bằng ánh trăng ngươi được gia miện, và bằng êm ả và tịch mịch ngươi được phủ kín.

Bằng một ngàn đôi mắt ngươi xuyên thấu vực sâu cuộc đời,

Bằng một ngàn đôi tai ngươi nghe tiếng than van của sự chết và vô sinh.

Ánh sáng thiên đàng chiếu qua màn tối của ngươi,
Bởi ngày chỉ là ánh sáng tràn ngập chúng ta bằng khoảng mù đen của trái đất.

Trước vẻ kinh hoàng của vĩnh cửu ngươi mở mắt ta và cho ta niềm hy vọng, Bởi Ngày là kẻ lừa dối làm ta mù loà bằng hạn trình và số lượng.

Ngươi là sự yên lặng toàn hảo phát hiện ra những bí ẩn của thần linh thức tỉnh trên thiên đàng,

Nhưng ngày là tiếng gầm thét làm chấn động hồn nằm giữa vó câu mục đích và diệu kỳ.

Ngươi là Công Lý mang đến những giấc mộng của kẻ yếu, để chúng có thể kết hợp với hy vọng của kẻ mạnh.

Ngươi là vị hoàng đế quảng đại với những ngón tay thần diệu khép lại đôi mắt của kẻ khốn khổ, và đưa trái tim họ về xứ êm đềm.

Linh hồn các tình nhân tìm nơi an nghỉ giữa các nếp xiêm áo biếc xanh của ngươi,

Và trên đôi bàn chân ngươi ướt đẫm sương mai, kẻ tuyệt vọng tìm tới nhỏ lệ.

Trong lòng bàn tay ngươi, nơi thoảng ngát hương thơm đồi núi, kẻ lạ mặt tìm thấy niềm an ủi vỗ về cho lòng họ chờ mong.

Ngươi là khách đồng hành của những tình nhân; ngươi an ủi kẻ sầu khổ; ngươi che chở khách lạ và kẻ cô đơn. Trong bóng tối của ngươi tình cảm người thi sĩ an nghỉ, và trái tim người tiên tri thức giấc.

Và dưới vương miện của ngươi năng trí nhà tư tưởng thành hình.

Ngươi là nguồn linh cảm cho thi sĩ; ngươi mang khải thị đến cho tiên tri; ngươi giảng huấn cho triết gia.

Khi hồn ta chán chường nhân loại, khi mắt ta chán nhìn khuôn mặt của ban ngày,

Ta đi lang thang nơi các hồn ma của thời xưa đi ngủ.

Nơi đó ta ngừng chân trước một bóng hình mờ ảo với một ngàn bước chân chạy trên trái đất, làm trái đất chấn động.

Nơi đó ta ngó vào đôi mắt bóng tối, và lắng nghe tiếng những đôi cánh vô hình xào xạc, và cảm thấy vạt xiêm y vô hình của yên lặng động hờ, và khứng chịu tối đen khủng bố.

Nơi đó ta trông thấy ngươi, hỡi Đêm, khủng khiếp và mỹ miều, lưng chừng giữa trời và trái đất, phủ kín sương mù, choàng kín trong mây, ngạo nghễ cười mặt trời, nhạo báng ban ngày, nguyền rủa những tên nô lệ đang không ngủ mà sùng bái thần tượng.

Ta thấy ngươi giận dữ với các vua chúa đang ngủ trên nhung lụa;

Ta thấy bọn kẻ cắp lẩn trốn dưới đôi mắt cảnh giác khi ngươi canh giữ bầy hài nhi trong giấc ngủ;

Ta thấy ngươi nhỏ lệ xuống những nụ cười gượng gạo của gái giang hồ và mỉm cười trên những giọt lệ của tình nhân đắm say;

Ta thấy tay mặt ngươi nâng lên người thiện và chân ngươi dầy xéo kẻ ác.

Nơi đó, ta thấy ngươi và ngươi thấy ta, Ô Đêm.

Và dẫu rằng khủng khiếp, ngươi giống như một người cha,

Và trong cơn mộng mị, ta tưởng ta là đứa con ngươi.

Tấm màn hồ nghi đã được tháo gỡ giữa đôi ta, và ngươi hé lộ cho ta thấy những bí ẩn và những ý đồ của ngươi.

Và ta tiết lộ cho ngươi lòng ta hy vọng và dục vọng.

Những khủng khiếp của ngươi đã biến thành một giai điệu ngọt ngào hơn và mơn trớn trái tim hơn là tiếng thì thầm của loài hoa cỏ.

Nỗi âu lo của ta biến mất và lòng ta êm ả hơn loài chim.

Ngươi đã nâng bổng ta lên và ôm ấp ta trong cánh tay, và dạy mắt ta ngắm nhìn, tai ta lắng nghe, môi ta nói, tim ta yêu mến những gì kẻ khác ghét bỏ, và ghét bỏ những gì kẻ khác mến yêu.

Bằng các ngón tay êm đềm ngươi mơn trớn tâm tư ta, và dòng mặc tưởng ta chảy xiết như một con suối mạnh.

Bằng đôi môi cháy bỏng ngươi ghim một cánh hôn trên môi tâm hồn ta và làm nó cháy bùng như ngọn đuốc.

Ta đã theo bước ngươi đi, Ô Đêm, và giõi bóng ngươi đến khi nào ta với ngươi hoà một.

Ta yêu ngươi cho đến khi nào bản thể ta trở thành một hình ảnh thu nhỏ của bản thể ngươi.

Trong bản ngã u tối của ta những vì sao nhấp nháy được cảm xúc ta rắc rải. Và trong tim ta vằng vặc một bóng trăng chiếu sáng bước diễn hành của những giấc ta mộng mị.

Trong tâm hồn không ngủ của ta một màn yên lặng hé lộ những bí ẩn của tình nhân và vọng lại tiếng cầu kinh của kẻ sùng bái,

Và khuôn mặt ta khoác một mặt nạ thần kỳ.

Mặt nạ bị cơn hấp hối xé rách, nó được vá víu bằng những khúc hát của tuổi xuân.

Hai ta giống nhau như bóng với hình, Đêm hỡi.

Liệu con người có coi ta là khoe khoang nếu ta ví von ta với ngươi?

Con người chẳng khoe khoang hắn giống như ban ngày đó ư?

Ta quả giống ngươi, hỡi Đêm, và cả hai ta đều bị buộc tội những gì ta không có.

Ta quả giống ngươi dẫu rằng hoàng hôn chẳng lấy áng mây vàng đội cho ta làm vương miện.

Ta quả giống ngươi dẫu rằng sớm mai chẳng tô điểm gấu áo ta bằng những tia nắng hồng.

Ta quả giống ngươi dẫu rằng ta chẳng được dải Ngân Hà vây quanh.

Ta là đêm vô cùng và bình lặng; niềm u tối của ta chẳng có khởi đầu, và vực sâu của ta chẳng có chấm dứt.

Khi nào các linh hồn vươn lên ánh sáng hoan lạc, linh hồn ta lên cao được bóng tối u sầu tán tụng.

Ta quả giống ngươi, hỡi Đêm! Và khi sớm mai của ta tới, thì giờ của ta sẽ điểm.


Trái đất

Ngươi mỹ lệ làm sao, hỡi Trái Đất, và tuyệt trác làm sao!

Hoàn hảo làm sao là sự ngươi vâng lời ánh sáng, và cao quí làm sao là sự ngươi phục thuận mặt trời!

Dễ thương thay khuôn mặt ngươi phủ sau màn bóng tối, và đáng yêu thay khuôn mặt ngươi che kín bằng màn đêm.

Êm ái làm sao là khúc hát bình minh của ngươi, và chát chúa làm sao là những lời ngươi ca ngợi ban chiều!

Hoàn hảo làm sao, hỡi Trái Đất, và oai vệ làm sao!

Ta đã từng bước đi trên những cánh đồng của ngươi, ta đã từng leo lên những núi đá của ngươi;

Ta đã từng thả xuống lưng đồi;

Ta đã từng bước vô hang động.

Ngoài đồng, ta tìm thấy lòng ngươi kiêu hãnh; dưới đồi ta chứng kiến lòng ngươi bình lặng; trên núi đá ngươi quyết tâm; trong hang động ngươi bí mật.

Ngươi yếu đuối và dũng mãnh, và khiêm từ và kiêu căng.

Ngươi mềm dẻo và cứng rắn, và trong sáng và bí ẩn.

Ta đã từng cưỡi trên lưng sóng của ngươi và dò dưới sông ngòi và theo chân suối lạch.

Ta nghe thấy Thiên Thu nói qua ngọn thuỷ triều, và các thời đại vẳng lại những khúc ca của ngươi trong đồi nương.

Ta lắng nghe cuộc sống kêu gọi cuộc sống trong hẻm núi trên triền non.

Ngươi là miệng là môi Vĩnh Cửu, là dây đàn là ngón tay Thời Gian, là lẽ mầu nhiệm là lời giải đáp Cuộc Đời.

Mùa Xuân ngươi đã gọi ta dậy và dẫn ta ra ngoài đồng nội, nơi hơi thở thơm tho của ngươi bay lên trời như trầm hương.

Ta đã thấy Mùa Hạ ngươi ươm trái.

Mùa Thu trong cánh đồng nho ta thấy máu ngươi chan hoà như rượu.

Mùa Đông khênh ta vào giường ngươi, nơi tuyết trắng chứng giám lòng ngươi trinh khiết.

Xuân đến ngươi là hương thơm; Hè lại ngươi đôn hậu; Thu về ngươi phong nhiêu.

Một đêm thanh vắng ta mở toang mọi cửa ngõ hồn ta và bước ra ngoài gặp ngươi, tim ta căng nén dục tình và thèm muốn.

Và ta thấy ngươi ngắm nhìn sao trời đang mỉm cười với ngươi. Cho nên ta giật tung mọi xiềng xích, bởi ta thấy rằng nơi trú ngụ của tâm hồn là ở trong không gian ngươi.

Dục tình của nó lớn trong dục tình của ngươi; lòng bình an của nó nằm trong lòng bình an của ngươi; và hạnh phúc của nó vẩn trong bụi vàng mà sao trời gieo rắc xuống thân thể ngươi đó.

Một đêm, khi các vùng trời chuyển xám, và hồn ta chán chường và âu lo, ta bước ra ngoài gặp ngươi.

Và ngươi hiện trước mắt ta như vật khổng lồ, vũ trang bằng giông bão cuồng nộ, lấy hiện tại đấu tranh quá khứ, lấy mới thay cũ, và để cho kẻ mạnh dẹp tan kẻ yếu.

Từ đó ta học biết rằng qui luật của dân tộc là qui luật của ngươi.

Ta học biết rằng kẻ nào chẳng bẻ gãy cành khô của mình bằng cơn giông bão sẽ chết đi héo hắt,

Và kẻ nào chẳng dùng cách mạng, đặng tuốt trần lá khô của mình xuống, sẽ từ từ suy vong.

Đôn hậu thay, hỡi Trái Đất, và mạnh mẽ thay là lòng ngươi mong ngóng những đứa con ngươi mất đi giữa những gì chúng đã thành đạt và những gì chúng chưa thể với tới.

Ta la hét và ngươi mỉm cười; ta phóng tới và ngươi ở lại.

Ta xúc phạm và ngươi vinh tôn.

Ta ô nhục hoá và ngươi thần thánh hoá.

Ta ngủ không một giấc mơ; nhưng ngươi mơ mộng trong cơn thức tỉnh muôn đời.

Ta đâm ngực ngươi bằng đao bằng kiếm,

Và ngươi bọc vết thương ta bằng dầu cây bằng nhựa hương.

Ta cấy xuống đồng ngươi những xương những sọ, và từ đó ngươi trồng lên những rặng trắc
bá những hàng thuỳ liễu.

Ta đổ phế vật ta vào lòng ngươi, và ngươi đổ đầy xàn xay thóc của ta những bó lúa mì, và chứa đầy máy ép rượu ta những chùm nho tươi.

Ta lấy các nguyên tố của ngươi để tạo thành trọng pháo và bom đạn, nhưng từ những nguyên tố của ta ngươi tạo nên hoa huệ hoa hồng.

Kiên nhẫn làm sao, hỡi Trái Đất, và quảng đại làm sao!

Phải chăng ngươi là một hạt bụi được gót chân Thượng Đế đạp mù lên khi Người du hành từ đông sang tây Vũ Trụ?

Hay ngươi là một tia lửa bắn văng ra từ lò luyện của Vĩnh Cửu?

Phải chăng ngươi là một hạt giống rớt xuống cánh đồng thanh không đặng trở thành cây của Thượng Đế vươn lên thiên đàng những cành cây thiên giới? Hay ngươi là một giọt máu trong huyết quản vật khổng lồ của những vật khổng lồ, hay giọt mồ hôi trên trán hắn?

Có phải ngươi là một trái cây ươm chín bởi mặt trời?

Có phải ngươi lớn lên từ cây Tri Thức Tuyệt Đối, mà rễ cây vươn tới Vĩnh Cửu, và cành cây vươn đến Vô Cùng?

Có phải ngươi là một hạt ngọc mà Thần Thời Gian đã đặt trong bàn tay Thần Không Gian?

Ngươi là ai, bớ Trái Đất, và ngươi là gì?

Ngươi chính là ta vậy, hỡi Trái Đất!

Ngươi là nhãn quan là biện biệt của ta.

Ngươi là tri thức là giấc mơ của ta.

Ngươi là cơn ta đói là cơn ta khát.

Ngươi là niềm ta hân hoan là niềm ta sầu khổ.

Ngươi là vô thức là cảnh giác.

Ngươi là vẻ đẹp sống trong mắt, niềm ngóng đợi trong tim, cuộc sống mãi mãi trong hồn ta.

Ngươi là ta đó vậy, hỡi Trái Đất.

Nếu chẳng vì bản thể ta, thì chắc ngươi đã chẳng hề có mặt.


Tro tàn thời đại và ngọn lửa vô cùng

I.

Mùa xuân năm 116 t.t.c

Đêm và tịch mịch đã rơi xuống. Thành Mặt Trời [2] đang say ngủ. Đèn đã tắt hết trong những khu gia cư nằm giữa những đền đài uy nghi đứng xừng xững trong những rặng cây ô-liu và nguyệt quế. Ánh trăng sáng bạc dội chan hoà trên những cột trụ bàng cẩm thạch đứng như những lích gác khổng lồ trước những ngôi nhà của thần thánh.

Vào giờ đó, trong lúc mọi linh hồn đã quy hàng trước giấc ngủ, thì Nathan, con trai của viên Đại Tư Tế, bước vào Đền Ishtar, với một ngọn đuốc cầm trong tay run rẩy. Chàng thắp đền và đốt nhang, và chỉ trong giây lát mùi thơm xực nức của mộc dược và trầm hương bay tản mát khắp các ngõ ngách. Rồi chàng quỳ xuống trước tế đài khảm ngà và vàng, giơ hai tay về phía Ishtar29, và bằng một giọng nghẹn ngào chàng nói lớn tiếng:

“Hãy rủ lòng thương tôi, Ô Ishtar sáng láng, nữ thần Tình Ái và Mỹ Lệ. Hãy rủ lòng quảng đại và ngăn cản đôi bàn tay Thần chết khỏi bắt đi người yêu dấu của tôi, kẻ mà tâm hồn tôi đã lựa chọn do ý muốn của Người. Mọi liều thuốc của các y sĩ và mọi lời thần chú của các pháp sư đều vô hiệu. Không còn gì cả ngoại trừ ý muốn thánh thần của Người. Người là kẻ chỉ đạo và phù trợ của tôi. Hãy ngó nhìn trái tim nát vỡ và tâm hồn đớn đau của tôi với lòng thương xót, và cho tôi như nguyện. hãy níu lại cuộc đời của người tôi yêu dấu để nàng với tôi cùng thờ phụng Người bằng nghi lễ của tình yêu và hiến dâng Người tuổi thanh xuân và vẻ kiều diễm của chúng tôi.”

“Nathan, kẻ tôi tớ của Nữ Thần đây, con trai của thầy Đại Tư Tế Hiram, đã yêu một nàng trinh nữ đẹp tuyệt vời và đã kết duyên với nàng. Nhưng có một con yêu ma đã ghen ghét vẻ đẹp của nàng cùng mối tình say đắm của tôi và thổi vào thân thể nàng một bệnh dịch hiểm nghèo, và giờ đây sứ thần của Thần chết đang đứng cạnh giường nàng, trải rộng đôi cánh đen choàng phía trên nàng, và đang giương ra các vuốt sắt của nó. Hãy rủ lòng thương chúng tôi, tôi thành khẩn cầu cứu Nữ Thần. Hãy níu vớt lại một đoá hoa chưa hề được tận hưởng mùa hạ của nó.30”

“Hãy cứu nàng khỏi tay Thần Chết đặng chúng tôi có thể ca hát những khúc Thánh ca tán tụng Người và đốt trầm hương vinh tôn Người và cúng hiến lễ vật trước tế đài của Người và đổ đầy các bình hoa của Người bằng dầu thơm và rải rắc hoa hồng cùng hoa đổng thảo trên trụ lang trước điện Người. Hãy để cho Tình Ái thắng Tử Thần trong cuộc phân tranh giữa Hân Hoan và Sầu khổ này.”

Và Nathan, kiệt sức, không thể nói gì thêm nữa.

Ngay đúng lúc đó thì tên nô lệ của chàng bước vào đền, chạy vội đến chàng, và thì thầm bên tai chàng:

“Bẩm chủ Ông, nàng cho gọi Ngài.”

Nathan bèn chạy về dinh thự và bước vào phòng người yêu. Chàng cúi nghiêng xuống giường nàng, nắm lấy bàn tay mong manh của nàng, và hôn đôi môi nàng in tuồng như cố thổi hơi thở đời sống của chàng vào thân thể nàng. từ từ nàng mở mắt, và trên môi thoáng hiện một nụ cười yếu ớt, sứ thần của nhịp tim đập cuối cùng. Bằng một giọng yếu ớt, nàng nói:

“Nữ thần đang gọi em, ô Cuộc Đời của Linh Hồn em! Đầy tớ của Người là Tử Thần đã đến. ý muốn của nữ thần rất thiêng liêng, và bầy tôi của Thần Chết công bình. Em đi đây, và em nghe thấy tiếng xào xạc của vùng trắng xoá đang buông xuống. Nhưng những bôi Ái Tình và Tuổi Trẻ hãy còn trên tay đôi ta, và những con đường trải hoa của Cuộc Đời đẹp đẽ vẫn vươn tới trước mặt đôi ta. Em đi đây, hỡi Anh Yêu Dấu, em bước lên thuyền thần linh, nhưng em sẽ trở lại với anh; bởi Thần Nữ Ishtar sẽ hoàn phục các tâm hồn của tình nhân chưa được hưởng cái phần Tình Ái ngọt ngào và Tuổi Thanh Xuân hoan lạc của họ.”

Nathan rớm lệ cúi xuống hôn nàng và thấy đôi môi nàng đã lạnh. Chàng oà khóc và bắt đầu xé rách hết y phục của mình, và tiếng kêu khóc than van của chàng đánh thức mọi người tỉnh dậy. Vào lúc tảng sáng, nhiều người đến dinh của Nathan chia buồn với chàng. Nhưng Nathan đã biến mất. Sau hai tuần lễ, người đứng đầu một đoàn xe thương đội vừa mới tới kể lại rằng hắn có trông thấy Nathan trong vùng sa mạc xa xôi, đi lang thang giữa một bầy hươu nai.

Qua đi các thời đại. Thay vào chỗ của Ishtar, nữ Thần Tình Ái và Mỹ Lệ, là một nữ thần huỷ hoại đang ngự trị. Nàng đã kéo sập những đền đài nguy nga trong Thành Mặt Trời; nàng đã phá huỷ những cung điện mỹ lệ ở đó. Nàng đã phá dập những vườn trái cây và ruộng đồng. Khắp nơi ngổn ngang những phế tích.


II.

Mùa xuân năm 1890 s.t.c

Mặt trời đã thu về những tia nắng vàng của nó khỏi cánh đồng cỏ trong thành Baalbek. Ali El Hosseini [3] lùa bầy cừu của chàng về lều giữa đống phế tích của các đền đài. Chàng ngồi giữa các cột trụ cổ xưa đó và thổi sáo cho bầy cừu chàng nghe.

Nửa đêm đến và vầng trời gieo rắc những hạt giống của ngày hôm sau xuống những luống sâu của bóng tối. Đôi mắt Ali trở nên nặng nề, và giấc ngủ bỗng tới chiếm cứ các giác quan chàng. Chàng gặp được cái bản ngã vô hình của chàng, trú ngụ trên một lãnh vực cao hơn, và tầm nhãn quan của chàng mở rộng ra, khiến cho những điều bí mật ẩn giấu của Đời Sống hiện ra trước mắt chàng. Linh hồn chàng đứng tách riêng ra khỏi Thời Gian đang xô cuống về cõi hư vô; nó đứng giữa những tư tưởng đối xứng và những ý niệm pha-lê. Lần đầu tiên trong đời chàng, Ali trở nên ý thức được những nguyên nhân của cơn đói khát tinh thần của tuổi thanh xuân của chàng, ý thức được nỗi ngóng trông mà vinh quang trên thế giới này, cũng như thời gian cuốn trôi chẳng thể làm chàng quên nguôi. Ali cảm thấy mối đau thương của một Ký Ức già nua hàng thế kỷ, nhen lên như cây nhang đặt trên những bó bùi nhùi cháy đỏ. Một mối thương yêu kỳ diệu động hờ trái tim chàng như những ngón tay mềm mại của người nhạc sĩ chạm trên các dây đàn rung rung.

Ali ngó nhìn các phế tích và rồi, như một người mù bỗng nhiên lại được trông thấy ánh sáng, chàng nhớ lại những ngọn đèn và những lư trầm bằng bạc đằng trước ngôi đền của một thần nữ… Chàng nhớ lại những đồ hiến tế đặt tại một tế đài bằng vàng và ngà… Chàng lại nhìn thấy các trinh nữ đang nhảy múa, các người khua trống nhỏ, các ca sĩ đang hợp xướng các khúc thánh ca tán tụng nữ thần Tình Ái… và Mỹ Lệ… Nhưng làm sao mà những kỷ niệm đó có thể còn sống trong trái tim một kẻ mục đồng chất phác sinh ra trong lều một kẻ du mục?

Bỗng nhiên các kỷ niệm xé toang màn quên lãng, và chàng đứng dậy và bước tới ngôi đền. Tới trước lối vào hang động chàng dừng lại in tuồng như có một từ lực đã hút lấy chân chàng. Ngó xuống, chàng trông thấy một pho tượng đã bị đập vỡ nằm dưới đất, và cảnh tượng này khiến tâm hồn chàng tuôn trào những dòng lệ chảy ra như máu ứa từ một vết thương sâu. Chàng cũng cảm thấy một nỗi cô đơn đâm khía vào chàng như dao nhọn, và một nỗi nhớ nhung xa vời như một vực thẳm nằm giữa trái tim chàng và trái tim mà chàng đã cách xa hồi trước khi nhập thể.

“Ngươi là ai, Ali lớn tiếng la trong nỗi thảm sầu, ngươi là ai đang đứng xát cạnh tim ta mà mắt ta lại không trông thấy? Phải chăng ngươi là một bóng ma từ Vĩnh Cửu đến trỏ cho ta thấy niềm mộng ảo của kiếp Nhân Sinh và sự yếu đuối của nhân loại? Hay là hồn vía của một loài quỷ thoát ra từ các kẽ nẻ của trái đất tới bắt ta làm nô lệ và lấy ta làm vật để bêu riếu? Cái uy quyền kỳ lạ nào của ngươi đó khiến trái tim ta ủ rũ mà đồng thời lại làm nó phấn khởi như thế? Ta là ai, và cái bản thể dị kỳ nào đó mà ta gọi là “Bản Ngã Ta”? Có phải ngụm Nước Cuộc Đời ta uống đó đã biến ta thành một thiên thần đang giao ứng thanh khí với vũ trụ và những bí ẩn của nó? Hay chính đó là thứ rượu mê say nó làm ta mù loà trong bản ngã ta?”

“Ôi, những gì linh hồn phát lộ thì đêm tối che kín… Ôi, thần linh mỹ miều đang bay lượn trên bầu trời giấc mộng của ta, hãy hiện lên với ta nếu ngươi là loài người, hay ra lệnh cho Giấc Ngủ khép mắt ta lại để ta có thể chiêm ngưỡng cái bao la thánh thần của ngươi. Nếu là loài người, thì hãy cho ta sờ mó được ngươi; hãy cho ta nghe được tiếng ngươi. Hãy xé toang tấm màn nó phủ kín ngươi khỏi ta. Nếu ta quả xứng đáng, thì hãy đặt tay ngươi lên tim ta và mê hoặc ta.”

Một giờ qua đi như thế, Ali trào lệ và lên tiếng cầu xin.

Và rồi Rạng Đông hiện ra và ngọn gió mát sớm mai xao động. Chim muông lìa tổ và ca hót những khúc kinh cầu buổi sớm.

Ali đặt nắm tay khum lại trên trán. Giống như Ađam lúc Thượng Đế thổi hơi thở sáng tạo mở mắt hắn ra, Ali trông thấy vạn vật mới tinh khôi, lạ kỳ và thần diệu. Chàng lên tiếng kêu bầy cừu và bầy cừu lặng lẽ theo chân chàng đi về phía đồng cỏ. Lúc chàng dẫn chúng đi, chàng cảm thấy như một triết gia có năng lực thấu hiểu những bí mật của Vũ Trụ. Chàng đi tới một con suối mà tiếng kêu róc rách, thì thầm khiến tâm hồn chàng thấy êm ái, và ngồi dưới một cây liễu mà cành lá rũ xuống nước in tuông như đang cúi uống từ các vực nước mát tươi.

Nơi đây Ali cảm thấy nhịp tim đập của chàng là một hơi rung mạnh mẽ, hầu như trông thấy được, đang chấn động. Chàng đứng bật dậy như một người mẹ thốt nhiên tỉnh giấc vì tiếng la của đứa con mình, và đôi mắt chàng như bị từ lực thu hút khi trông thấy một nàng trinh nữ mỹ miều đang tiến lại phía chàng từ hướng đối diện, trên vai mạng một bình nước. Lúc nàng nghiêng xuống lấy nước, thì mắt nàng và mắt Ali gặp nhau. Nàng la lên thất thanh, đánh rớt bình nước, và chạy đi, những còn ngó lại với đầy vẻ nghi ngờ đau khổ.

Ali, dường như bị một huyền lực nào xô tới, bèn nhảy qua con suối, chạy theo bắt kịp nàng trinh nữ và ôm choàng lấy nàng và hôn. Dường như sự vuốt ve mơn trớn này đã làm dịu nghị lực của nàng, cho nên nàng không kháng cự hay chạy đi, mà cung thuận cho chàng như hương nhài phục tòng cơn gió thoảng qua. Đôi trai gái cảm thấy như sự đoàn tụ các linh hồn đã lâu ngày bị trái đất làm chia ly và giờ đây được Thượng Đế cho xích lại gần nhau.

Đôi trai gái mắc trong lưới tình bước đi giữa các hang thuỳ liễu, và sự hoà hợp của hai bản ngã là một cái lưỡi đang cất tiếng nói cho hai người; một cặp mắt đặng chiêm ngưỡng vẻ huy hoàng của hạnh Phúc; một đôi tai lắng nghe trong yên lặng điều khải thị vô cùng của Tình Yêu.

Bầy cừu gặm cỏ; chim muông trên trời bay lượn trên đầu họ; mặt trời trải rộng tấm áo vàng trên các đồi non; và đôi tình nhân ngồi bên bờ đá tảng, nơi đám hoa sim đang giấu mặt mỉm cười e lệ. Nàng trinh nữ ngó vào đôi mắt đen láy của Ali trong lúc ngọn gió mát trong mơn trớn tóc nàng, in tuồng như những mớ tóc lay động là những ngón tay đang thèm muốn nụ hôn. Rồi nàng nói:

“Hỡi anh yêu dấu, nữ thần Ishtar đã khôi phục hai tâm hồn ta vào cõi đời này từ một cõi đời khác, để cho ta sẽ khỏi bị chối từ niềm hoan lạc của Tình Yêu và vẻ huy hoàng của Tuổi Trẻ.”

Ali khép mắt lại, dường như tiếng nói du dương của nàng đã mang về cho chàng những hình ảnh một giấc mơ xưa. Những đôi cánh vô hình chở chàng tới một căn phòng kỳ lạ, nơi mà thể xác một trinh nữ đang nằm trên giường chết, nàng trinh nữ mà sắc đẹp đã bị Tử Thần tới cướp đi. Chàng thốt lên một tiếng kêu hãi sợ, rồi mở mắt ra và thấy nàng trinh nữ đang ngồi bên cạnh chàng, trên môi nở một nụ cười và trong mắt sáng ngời những tia sáng Cuộc Đời. Và rồi tim chàng tươi mát lại, và bóng ma ảo ảnh của chàng lui khuất, và qua khứ cùng những nỗi kinh hoàng của nó biến mất. Đôi tình nhân ôm lấy nhau và cùng uống thứ rượu thơm tho từ những ly hôn ngọt ngào. Họ ôm choàng và nằm ngủ mê say trong cánh tay nhau cho đến khi vùng tối cuối cùng được Quyền Năng Vĩnh Cửu làm tan biến đi hết và làm họ tỉnh dậy.



--------------------------------------------------------------------------------
[1]7 Tên đặt cho tháng Tư (L.N.D.)
[2]8 Baalbek, hoặc còn gọi là Thành Baal, thần mặt trời của xứ Xyri cổ; trong các thời Hy-La tên nó được đổi thành Heliopolis, tiếng Hy-Lạp có nghĩa là Thành Mặt Trời. Thành này hồi xưa được coi là thành phố đẹp nhất tại vùng Trung Đông cổ. Các phế tích ở đây hầu hết là của người La-mã (L.N.D.)
29 Ishtar, nữ thần của dân Phê-ních, được sùng bái trong các thành Tyre, Sidon, Sur, Djabeil và Baalbek, còn được gọi là Người Đốt Đuốc Đời sống, và Thần Hộ Mệnh Tuổi Trẻ. Nàng tương ứng với Aphrodite, nữ thần Tình Ái và Mỹ Lệ của người Hy-lạp, và Venus, - Thần Vệ Nữ - của người La-mã. (L.N.D.)
30 Trong “Kỷ Nguyên Ngu Tối” (thời đại trước khi Mohammed xuất hiện), người Ả-rập tin rằng nếu một nữ quỉ (djin) mà yêu một người con trai, thì nó sẽ ngăn cản không cho chàng lấy vợ, và nếu người con trai lấy vợ, thì nó sẽ nhập hồn tân nương và làm cho nàng chết. Điều dị đoan này ngay nay vẫn còn trong các làng hẻo lánh ở Liban. (L.N.D.)
[3]9 Người Hosseini là một bộ lạc Ả-rập, sống trong các lều căng trên các đồng cỏ bao quanh các phế tích ở Baalbek. (L.N.D.)

Nguồn: Trầm tưởng (Thoughts And Meditations) của Kahlil Gibran do Đăng Quang dịch, tranh bìa của Nguyên Khai. Nguồn Sáng xuất bản lần thứ nhứt 1970 tại Sài gòn.