16/6/11

Aleksander I. Solzhenitsyn -Ngôi nhà của Matriona ( 5 )

Aleksander I. Solzhenitsyn
Ngôi nhà của Matriona

Nguyễn Văn Son dịch

Vì đại cuộc
Chương V

Không ai thông báo cho sinh viên biết gì hết, tuy nhiên sáng hôm sau tất cả đều biết chuyện.

Sáng hôm ấy, trời ảm đạm, gió thổi như sắp mưa.

Những đứa đi học tụ tập ở bên ngoài, nhưng ở đó rất lạnh. Tất cả các lớp đều cấm vào, các sinh viên làm tạp dịch đang chùi rửa, các phòng thí nghiệm tuyệt nhiên không được ai lai vãng vì người ta đang trang bị các phòng đó, và các sinh viên, một lần nữa, tụ họp, chen chúc nhau ở cầu thang.

Tiếng nói chuyện càng lúc càng ồn ào. Mấy cô gái cứ thở dài và than vãn không ngớt. Chỉ nghe toàn chuyện ngôi trường mới, học xá, phòng cho thuê. Michka Zimine, một sinh viên thấp người, nhưng nở nang, nổi tiếng nhờ những kỷ lục đào đất, cứ la hét không ngừng.

"Thế nào, các bạn nghĩ sao? Bộ làm mọi không công hả? Đúng là không công rồi! Đúng không Gior? Anh cắt nghĩa thế nào bây giờ đây?"

Gior, nhân viên của ban chấp hành, cậu bé da đen sạm mặc áo sơ-mi ô vuông nâu đỏ đã thiết lập danh sách các nhóm phụ trách việc dọn các phòng thí nghiệm, đang đứng trên đầu cầu thang, dáng điệu đầy vẻ hối hận.

"Anh hãy đợi một chút đi, để hỏi lại xem đã…"

"Ai hỏi?"

"Thì tụi tôi chớ ai… Có lẽ phải gởi thơ hỏi ở đâu đó xem".

"Ý kiến đó được đó mấy chị", một cô bé nói với giọng cương quyết. "Chúng ta hãy gởi một đơn khiếu nại lên Moscou đi. Các chị có nghĩ là chúng ta sẽ được thỏa mãn không?"

Mọi khi đó là một cô bé ngoan ngoãn, hiền từ, nhưng giờ đây cô hết chịu đựng nổi nữa, cô sẵn sàng bỏ học: cô không thể tiếp tục lấy ra bảy chục rúp từ số tiền học bổng để thuê một chiếc giường xếp.

"Phải viết một cái thơ mới được!" Một cô bạn của cô ta nói, tay vỗ vỗ lên thành cầu thang, một cô bé rất xinh có mái tóc đen tuyền mặc một chiếc áo nỉ ngắn, rộng, kiểu thể thao. "Và tất cả chín trăm người chúng ta sẽ ký tên vào".

"Hay!..."

"Rất đúng!"

"Trước hết các bạn hỏi kỹ xem mình có thể thu được bao nhiêu chữ ký". Từ góc bên kia vọng sang một giọng nói muốn hãm bớt sự cuồng nhiệt của họ.

Valia Rogozkine, người giỏi nhất về môn điền kinh, vô địch một trăm và bốn trăm thước, vô địch nhảy cao, vua la lối, đang nằm dài trên thành cầu thang: một chân đặt lên một bậc thang, một chân bỏ qua phía bên kia thành cầu thang nơi cậu ta áp ngực lên, hai cánh tay cũng bám chặt vào thành, cằm đặt trên hai bàn tay, và không thèm đếm xỉa đến những tiếng "suỵt" của mấy cô gái, nằm nguyên trong tư thế đó, hai chân dang ra, cậu ta hướng mắt nhìn lên Gior, trong khi Valia Gougouev, một nam sinh rất trầm tĩnh, nước da sạm nắng, có đôi vai rộng, đang đứng ngay góc thành cầu thang một cách hết sức dạn dĩ và xem thường sáu thước trống không đàng sau lưng.

"Các bạn nghe đây!" Valia Rogozkine nói lớn giọng lanh lảnh. "Tất cả những chuyện đó là đồ giỡn chơi hết. Tốt hơn là ngày mai mình đừng đi học, muôn người như một đi!"

"Mình ra sân vận động đi!" Nhiều giọng cùng la lên.

"Ai cho phép các anh?" Gior hỏi, dè dặt.

"Cần gì phép của ai?" Rogozkine trợn tròn mắt đáp. "Nhất định là không có phép rồi. Nhưng chúng ta sẽ không đi học! Các anh cứ yên chí đi", anh ta hét to hơn, rồi nói tiếp bằng một giọng mạnh hơn, "Vài ngày nữa, sẽ có một ủy ban khác đến đây, bằng tàu bay, họ sẽ trả tòa nhà lại cho chúng ta và còn cho thêm một tòa nhà phụ nữa".

Một sự náo loạn bắt đầu diễn ra.

"Họ sẽ không lấy lại học bổng chớ?"

"Làm vậy hơi lố!"

"Coi chừng bị đuổi cả đám bây giờ!"

"Đó không phải là một phương pháp!" Gior hét to, át hết tiếng mọi người. "Đó không phải là phương pháp của chúng ta! Hãy bỏ ý kiến đó đi!"

Tiếng ồn ào khiến họ không thấy bà cụ Doussia đang đi lên, tay xách thùng nước bằng sắt tráng kẽm. Lên đến ngay chỗ Rogozkine, bà đổi cái thùng qua tay kia, vung cánh tay này lên và sẵn sàng ấn năm ngón tay vào thắt lưng cậu ta nếu cậu không thấy kịp và nhảy xuống các bậc thang, vì vậy mà bàn tay của bà chỉ phớt nhẹ lên người cậu ta.

"Ê, ê, cụ Doussia!". Cậu rú lên.

Cậu đưa mấy ngón tay lên, theo kiểu đùa thoi.

"Chơi kỳ vậy, lần sau tôi …!"

"Lần sau thử nằm vậy xem!" Đến lượt bà đưa tay lên dọa và nói. "Tao sẽ thoi vô mặt một cái là hết dậy nổi luôn! Thành cầu thang có biết để làm gì không, nói thử xem!"

Mọi người đều phì cười. Ở trong trường ai cũng thích bà cụ Doussia vì tính cương trực của bà.

Bà leo lên các bậc thang, rẽ đám sinh viên sang hai bên. Khuôn mặt nhăn nheo của bà rất linh hoạt và cái cằm rất cương quyết. Lẽ ra bà phải xứng đáng làm một công việc khá hơn công việc hiện được giao phó.

"Cụ Doussia đùa dai quá!".

Michka Zimine làm bà dừng chân, với câu nói thịnh hành trong giới sinh viên đó.

"Bà cho tụi cháu biết xem tại sao họ lấy ngôi trường của chúng mình vậy?"

"Mày không biết à?" Bà giả vờ. "Tại vì nó có nhiều sàn gạch quá. Nếu chùi cho bóng hết thì chắc phải khùng luôn".

Rồi bà tiếp tục đi trong tiếng leng keng của cái thùng sắt.

Tất cả đồng cười vang.

"É-ô, Valia! Có tài gì trổ cho tụi này xem đi". Đám con trai đứng trên cao nói với Gougouev khi thấy một bọn con gái khác vừa đi tới. "Có Lucia tới kìa!".

Valia Gougouev nhảy xuống khỏi góc thành cầu thang, đẩy mấy đứa bạn đứng gần đó sang một bên, đứng yên một cách rất nghiêm nghị trước khúc thành cầu thang phía trên bên phải, hai tay vịn vào thành, thủ thế, siết chặt hai bàn tay hơn nữa, và thoắt khẽ nhún chân búng thân hình mềm mại lên không và, với một động tác nhẹ nhàng và chắc chắn, cậu ta thực hiện một màn giữ thăng bằng lộn ngược trên khoảng không, hai tay chống xuống thành cầu thang, chân đưa thẳng lên trời.

Đó là một lối chơi có thể chết người như không.

Cả cầu thang im bặt, tất cả ngửa đầu lên nhìn, bọn con trai nhìn cậu ta đầy vẻ thán phục, mấy cô gái sững sờ đứng im không nhúc nhích, sợ đến lạnh người.

Cô bé Lucia, nguyên nhân của cuộc biểu diễn đó, vừa bước lên vài bậc, xoay người lại và đôi mắt xanh mở to nhìn lên cậu sinh viên, đầu trút xuống, cậu ta có thể té xuống gãy cổ ngay chỗ cô đứng trên sàn gạch nhưng cậu không rơi! Người cậu ta hơi lung lay nhưng nhìn từ xa vẫn thấy bất động, giữ thăng bằng phía trên cầu thang và không mảy may có ý định chấm dứt ngay trò chơi đó. Vả lại cậu ta quay cái lưng không được bảo vệ về phía khoảng trống, đôi chân khép sát lại chĩa thẳng lên và hơi nghiêng về phía khoảng trống như muốn thách thức, và đầu cậu ta, ở dưới cùng hết, cũng lật ngược ra phía lưng, do đó mà Valia có thể nhìn thấy Lucia, mảnh khảnh và bé nhỏ, người bó sát trong chiếc áo mưa ngắn màu lợt không có nón, và rất thích hợp với cô, với mái tóc vàng hoe, ướt nước mưa.

Nhưng cô có nhận ra được cậu ta không? Trong cái tranh tối tranh sáng của cầu thang, người ta cũng thấy được là cổ và đầu của anh chàng mãi võ sơn đông gan lì sưng lên vì máu tụ xuống.

Bỗng nhiên tiếng cảnh cáo vang lên, thì thào:

"Coi chừng! Coi chừng!".

Tức khắc Gougouev nhảy lộn trở xuống, đáp nhẹ xuống cầu thang trên đôi chân mềm mại và đứng chống cùi chỏ lên thành cầu, vẻ mặt tỉnh táo như không.

Với sự trình diễn kiểu đó, cậu ta có thể mất học bổng, cũng như có lần cậu ta để chuông reo khắp trong trường suốt mười phút trước giờ tan học (vì chúng sợ trễ giờ đi xem chớp bóng).

Grgiori Lavrentiévitch, ông giám học, cao lổng khổng như cây tre miễu, vẻ mặt quạu quọ, đang đi lên cầu thang trong lúc sự náo nhiệt vẫn chưa tái hồi và các sinh viên nhường chỗ cho ông một cách ngoan ngoãn.

Ông đã nghe tiếng "coi chừng", ông dư biết là chúng báo động một sự nguy hiểm gần kề và sự im lặng đang tiếp đón ông có một cái gì bất thường. Nhưng ông không đoán được ai là thủ phạm.

Vả lại Rogozkine, lúc nào cũng là kẻ đầu tiên mỗi khi phải mở màn một cuộc tranh luận, đã đánh tan sự im lặng đó:

"Grgiori Lavrentiévitch", anh ta hỏi to cho cả cầu thang đều nghe. "Tại sao ông cho họ lấy ngôi trường mới của mình vậy? Chính tay chúng ta cất lên mà!"

Và trong khi chờ đợi một câu trả lời, anh ta quẹo đầu sang một bên, nhái kiểu một thằng đại ngốc. Trước kia anh ta đến đây từ trường tiểu học với điệu bộ đó để chọc cười mọi người, nhất là trong giờ học.

Tất cả đều giữ im lặng và đợi ông giám học trả lời.

Trong việc giáo dục luôn luôn là như vậy: lúc nào cũng phải tỏ ra lanh trí, một mình trước mặt tất cả mọi người, và mỗi lúc mỗi khác nhau.

Grgiori Lavrentiévitch nhìn Rogozkine đầy soi mói, và anh ta vẫn không nao núng, cứ tiếp tục nhìn thẳng vào mắt ông, đầu vẫn quẹo sang bên.

"Này nhé", ông giám học đáp một cách chậm rãi. "Chú mày sẽ học cho đến khi ra trường. Hứ… hừ. Tao không chắc điều đó lắm!"

"Thầy muốn ám chỉ những cuộc tranh giải?" Rogozkine hỏi ngay.

(Mùa xuân và mùa thu nào anh ta cũng phải bỏ học một thời gian để đi dự những cuộc tranh giải, có lần ở cấp vùng có lần ở cấp toàn quốc. Tuy nhiên sau đó, anh ta cũng tiếp tục học và luôn luôn có điểm trung bình).

"Thầy có lý! Và nếu thầy muốn biết, thì xin thưa là chúng đang chín muồi trong này này (cậu ta xoah xoay ngón tay chỗ thái dương một cách khôi hài), những ý kiến về dự định tốt nghiệp ấy mà!"

"Thật hả? Vậy thì tốt quá! Giỏi, nhưng khi học xong, chú mày sẽ đi làm việc ở đâu?"

"Nơi nào họ đưa em đến". Cậu ta nói eo éo với vẻ thích chí gượng gạo, đầu thẳng, người thẳng, như một binh sĩ đang nói với cấp sĩ quan.

"Có thể là họ sẽ gởi chú mày đến tòa nhà đó. Hay bất cứ những đứa nào khác, đến làm việc ở đó. Vậy là các anh các chị đã không phí công làm việc. Rốt cuộc rồi tất cả sẽ lại thuộc về các anh các chị hết".

"Ồ, vậy thì vui quá! Em đồng ý hoàn toàn! Cám ơn!" Rogozkine nói, vẻ thỏa mãn, nhưng không thỏa mãn.

Ông giám học tiếp tục bước lên. Nhưng ông chưa đến hành lang thì Rogozkine lại đổi ý đột ngột:

"Nhưng mà không. Grgiori Lavrentiévitch! Em đổi ý rồi. Em không muốn đến đó nữa".

"Vậy chú mày muốn đi đâu?"

"Đến những vùng xôi đậu!" Rogozkine nói lớn.

"Vậy thì làm đơn đi!" Ông giám học trả lời với nụ cười mỉm.

Và ông vô hành lang để đến văn phòng ông hiệu trưởng.

Fédor Mikhéévitch vắng mặt. Hôm qua ông không được ban chấp hành vùng tiếp nên hôm nay ông phải trở lại. Một vài giáo sư, đang đợi cú điện thoại của ông, đã mất hết hy vọng.

Đây đó những giọt mưa gõ vào cửa kiếng. Miếng đất nằm giữa ngôi trường và đường xe lửa đã thấm sự ẩm ướt và đượm một màu u ám.

Các giáo sư trưởng ban đang lom khom cúi xuống những thời khóa biểu, chuyền nhau những cây viết chì màu và những cục gôm, họ đang điều chỉnh cách phân phối các lớp học, giờ giấc và nhân viên. Iakov Anaiévitch, bí thư của đảng, ngồi ở chiếc bàn nhỏ cạnh cửa sổ và cái tủ sắt của ông, đang bận rộn với đống hồ sơ của ông. Lidia Guéorguiévna đang đứng bên khung cửa sổ đó. Đàn bà rất dễ thay đổi tính tình. Mới hôm qua đây cô rất vui tươi, lanh lẹ, hôm nay trông cô có vẻ già đi, đau ốm. Cô không còn mặc màu xanh nữa mà lại mặc màu sậm.

Iakov Anaiévitch không cao lắm, hói trán, nhưng ăn mặc rất tươm tất, râu nhẵn nhụi, làn da ở gò má hồng hào, vừa nói chuyện vừa tiếp tục làm việc: ông cẩn thận lật từng trang giấy để chúng khỏi nhàu, như thể chúng là những sinh vật, và mỗi khi ông cầm một tờ giấy mỏng, cử chỉ của ông gần như là trìu mến vậy.

Ông có một giọng nói rất êm ái, yếu ớt, đồng thời rất nghiêm nghị:

"Không, các đồng chí à! Không! Không có họp hội đồng. Chúng ta sẽ không hội họp từng ban hay từng cấp, cũng không từng lớp. Làm như vậy sẽ gây chú ý quá lố. Không có lý do gì để gây sự chú ý. Còn vấn đề thông báo, lúc nào chúng cũng được thông báo hết, bằng cách nghe phong thanh…

"Nhưng chúng đã biết hết rồi", ông giám học lưu ý, "chúng chỉ muốn được giải thích".

"Như vậy thì", Iakov điềm nhiên đáp, "không cho đó là một sự chống đối, đồng chí có thể trả lời chúng trong những cuộc nói chuyện không chính thức, điều đó không thể tránh được. Trả lời thế nào à? Phải nói như thế này: Đó là một viện khảo cứu có tầm quan trọng lớn lao đối với quốc gia. Ngành chuyên môn của nó cũng giống như của mình; trong kỹ thuật, không ai có thể gây trở ngại cho công cuộc khảo cứu đó cả, trái lại phải dành mọi sự dễ dãi cho nó".

Tiếp theo là một sự im lặng toàn diện và Iakov Anaiévitch lật thêm vài trang giấy nữa mà vẫn chưa thấy được cái ông muốn tìm.

"Vả lại, chúng ta có thể tránh được những câu trả lời như vậy, chỉ cần nói một cách tóm tắt: Viện khảo cứu đó quan yếu cho quốc gia và chúng ta không phải là những người có quyền suy xét lý do của sự thực hiện đó".

Ông lật thêm vài trang giấy nữa, gấp tờ mà ông đang tìm và một lần nữa ngước đôi mắt trong sáng lên:

"Những cuộc hội họp à? Nghiên cứu đặc biệt vấn đề đó à? Không, như vậy sẽ mắc phải một lỗi lầm chính trị. Hơn thế nữa, nếu các sinh viên hay ban chấp hành Komsomol cố nài để tổ chức những cuộc họp thì ta tìm cách lái họ ra khỏi ý định đó".

"Tôi không đồng ý!" Lidia Guéorguiévna kêu lên và quay phắt lại phía ông, mái tóc cắt sát gáy chải ngược về phía sau rung nhẹ.

Iakov Anaiévitch nhìn cô với đôi mắt tự tin, và vẫn với giọng nói tế nhị, ông hỏi:

"Nhưng đồng chí không đồng ý ở điểm nào, Lidia Guéorguiévna?"

"Trước hết, ở điểm" – cô chồm người tới, cả bàn tay và đầu cô cũng đưa về phía trước – "ở điểm trước hết… Là giọng nói của anh! Không những anh chịu nhẫn nhịn mà anh còn có vẻ tự mãn nữa! Phải, quá tự mãn nên bị người ta cướp hết nhà cửa!"

Iakov dang hai bàn tay ra, chỉ hai bàn tay thôi chớ không phải hai cánh tay.

"Coi kìa, Lidia Guéorguiévna, nếu đó là một điều cần thiết có tầm mức quốc gia thì tại sao đồng chí không cho tôi thỏa mãn?"

"Và nhất là tôi không đồng ý với nguyên tắc của anh. Chính cái nguyên tắc của anh đó!"

Không thể đứng yên một chỗ được nữa", cô bắt đầu đi qua đi lại trong căn phòng chật hẹp, vung tay vung chân không ngừng.

"Trong chúng ta đây, không có ai sống với bọn trẻ nhiều bằng tôi, vì suốt từ sáng tới chiều, tôi ở với tụi Komsomol. Thế nên tôi thấy rõ chúng sẽ phản ứng thế nào về những điều mà các anh chị cổ xúy. Chúng sẽ phán xét – và sẽ có lý hoàn toàn – và sẽ cho chúng ta là sợ sự thật! Được chúng mến phục có làm chúng ta sung sướng không?... Do đó, mỗi khi chúng ta có điều gì hay, chúng ta thông báo cùng hết, dán trên tường, nói trên đài phát thanh, đúng vậy không? Nhưng đến khi có chuyện gì xấu hay không được vui thì chúng chỉ có thể biết được qua những lời bàn tán xì xầm với nhau thôi. Không thể như vậy được!"

Giọng cô vang dội, nhưng than ôi! Lần thứ nhì trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ, cô lại sắp khóc.

"Không! Chúng ta không thể hành động như vậy được! Nhất là đối với tụi tre. Lénine đã từng nói: "Không nên ngại công bố sự thật! Đó là một lưỡi gươm cứu thế!"

Nước mắt làm cô nghẹn họng không đúng lúc, và cô vội vã đi ra ngoài để khỏi phải bật khóc.

Iakov Anaiévitch ngậm ngùi nhìn theo cô, và mắt nhắm lại, vẻ đau xót, ông lắc đầu.

Lidia Guéorguiévna bước nhanh trong ánh sáng lờ mờ của hành lang, siết chặt trong tay chiếc khăn tay đã vò cục. Đây đó sinh viên đang dọn rửa, mang đi những tấm bằng của năm vừa rồi dán đầy những thành tích biểu thi đua của đảng, những bức hí họa, những tờ bích báo.

Hành lang mở rộng ra trước một cái kho nhỏ chứa ngổn ngang những thùng đựng ống; và nơi đó có hai nam sinh viên năm thứ ba đang gọi cô; chúng vừa tìm thấy cái ma-két và không biết dùng nó vào việc gì, cái ma-két quý báu mà chúng thường mang đi đầu, trên ngọn bốn cây sào, vào những dịp đi diễn hành trong ngày lễ kỷ niệm cuộc Cách mạng Tháng Mười và ngày lễ Lao động.

Ngôi trường mới đó nằm trên mấy cái thùng, chúng thuộc làu và yêu thương từng chi tiết nhỏ nhặt của ngôi trường, và giờ đây nó nằm đó, đang sống trước mắt chúng, trắng xóa, sơn xanh những chỗ cần thiết: với hai cái tháp nhỏ rất đặc biệt, xây trên những trụ vuông; hai cái cổng, một lớn, một nhỏ, những hàng cửa kiếng rộng thênh thang của phòng hội, và con số rõ ràng của những khung cửa sổ thường của ba tầng lầu, mỗi khung cửa được dành riêng cho đứa này hoặc đứa kia rồi.

"Có lẽ phải…" một trong hai đứa hỏi, nhưng tránh nhìn vào mắt cô, đứng lắc qua lắc lại với vẻ tội lỗi "…có lẽ phải thủ tiêu nó? Ở đây mình không đủ chỗ để xoay mình nữa…"


Chương VI

Ivan Kapitonovitch Gratchikov không thích những kỷ niệm chiến tranh, nhất là những kỷ niệm của chính ông, lý do là trong thời chiến, ông vui thì ít mà buồn thì nhiều. Vì mỗi một ngày qua, mỗi bước đi gợi lên trong tâm tư viên Thiếu tá bộ binh toàn những nỗi khổ đau, những nạn nhân, sự chết chóc của không biết bao nhiêu là chiến sĩ.

Và ông cũng không thích một điều nữa, là mười năm sau khi cuộc chiến chấm dứt, người ta vẫn dùng bừa bãi những danh từ quân sự. Ở nhà máy, ông không bao giờ nói, và ông tập cho những người khác đừng nói: "Trên mặt trận tấn công để bành trướng kỹ thuật tiền tuyến… ném vào lỗ hở quân địch… đánh thủng tuyến phòng thủ… cho đám trừ bị tiến lên…"

Ông cho rằng những cách nói gợi sự chiến tranh trong thời bình làm cho người ta ngao ngán. Tiếng Nga có thể tránh dùng những cách nói đó một cách dễ dàng kia mà.

…Tuy nhiên, hôm nay ông lại làm một biệt lệ đối với lập trường ấy. Ông đang cùng với ông hiệu trưởng ngồi chờ trong phòng đợi của ông Đệ nhất bí thư của ban chấp hành vùng (và trong lúc bao nhiêu người khác đang ngồi chờ trong chính phòng đợi của ông). Gratchikov đang bực bội, ông bắt đầu gọi điện thoại cho cô thư ký của ông, sau đó hút liền hai điếu thuốc.

Ông quan sát cái đầu của Fédor Mikhéévitch đang buồn bã rụt vào vai, và ông có cảm tưởng vừa mới khám phá ra là những sợi tóc bạc hôm qua chỉ chiếm có phân nửa đầu ông ta, hôm nay lại chiếm nốt phân nửa còn lại.

Và để cho ông khuây khỏa niềm đau khổ, Gratchikov bắt đầu kể một câu chuyện vui đã xảy ra với một vài người bạn mà cả hai cùng quen, trong những ngày ngắn ngủi mà sư đoàn của họ đang nghỉ dưỡng sức ở hậu cứ. Chuyện xảy ra năm 1943, sau khi Fédor Mikhéévitch bị thương.

Ông tốn công vô ích. Fédor Mikhéévitch không cười. Ông vẫn dư hiểu là đáng lẽ không nên khơi lại những kỷ niệm thời chiến. Dần dần ông nhớ lại tất cả chuyện xảy ra ngày hôm sau, khi sư đoàn của ông nhận được lệnh phải vượt sông Soj gấp và phải dàn quân ngay.

Cây cầu đã bị giật sập. Tối hôm đó, công binh đã sửa xong và Gratchikov, đứng gác ở đầu cầu, đã được lệnh không cho ai qua trước khi cả sư đoàn vượt qua. Cầu rất hẹp, hai bên thành đã rệu, ván cầu gập ghềnh, muốn đi qua phải chạy cách quãng xa vì những chiếc khu trục Junker một động cơ từ trong rừng đã đến lảng vảng hai lần trên cầu và đã thả bom xuống… sông. Cuộc vượt cầu bắt đầu lúc tảng sáng đến trưa vẫn chưa xong. Nhiều đơn vị khác cũng muốn qua nhưng bị dồn cục lại, và họ đợi đến lượt mình trong cánh rừng thông thưa. Bỗng nhiên xuất hiện mấy chiếc xe đậy mui ("che giấu" theo lời viên hầu cận của Gratchikov) chạy nối đuôi nhau và qua mặt đoàn xe đang đậu để lên cầu. "Đứng lại!", Gratchikov giận dữ quát về phía anh tài xế đi đầu, và anh chạy đến chận đầu xe lại. Nhưng tên kia cứ tiếp tục tiến tới. Tay của Gratchikov toan chụp bao súng lục và có lẽ anh đã chụp thật. Ngay lúc đó, một sĩ quan già, áo tơi khoác trên lưng, mở cửa chiếc xe đầu tiên và cũng lớn giọng: "Chỉ huy trưởng đây, dang ra!", và với một động tác của đôi vai, ông hất chiếc áo tơi ra phía sau để hở cho thấy cấp bậc hàng tướng của ông ta. Gratchikov chạy đến, hơi chột dạ. "Anh tính rút súng hả?". Ông tướng hỏi, giọng đầy hăm dọa. "Muốn đi hầu tòa phải không? Dang xe ra cho tôi qua!". Nếu ông ta đừng ra lệnh như vậy thì Gratchikov đã sẵn sàng giải thích cặn kẽ và êm thắm; nếu ông ta không la lối thì anh đã cho đi rồi. Nhưng khi công lý và bất công va chạm nhau (và Tạo hóa đã phú cho sự bất công một cái đầu cứng hơn), đôi chân Gratchikov đột nhiên như mọc rễ và anh cảm thấy bất cần cho số phận của mình. Đứng thế nghiêm ngay ngắn, tay đặt ngang mày để chào, anh tuyên bố: "Nhưng tôi không cho đồng chí tướng qua". "Sao?". Ông tướng hét lên và bước xuống bực xe: "Tên anh là gì?". "Thiếu tá Gratchikov, thưa đồng chí tướng. Xin lỗi đồng chí cho tôi biết quý danh?". "Mai anh sẽ biết, lúc đó anh sẽ ở tiểu đoàn kỷ luật!". Ông ta gầm lên. "Được lắm, hôm nay là phiên của ông!". Gratchikov xỏ ngọt, anh đứng ì ra trước đầu xe, anh cảm thấy cổ và đầu mình bị máu dồn lên đến tím mặt, nhưng anh cũng biết là anh sẽ không chịu thua. Ông tướng cố nén giận, suy nghĩ một lúc, đóng cửa xe lại và sáu chiếc xe của ông đành phải quay đầu lại…

Cuối cùng một nhóm vài ba người bước ra từ văn phòng Knorozov, những thành viên của nha nông nghiệp và ban nông vụ của ban chấp hành vùng. Konevski viên thư ký của Knorozov (anh ta có dáng điệu quá kiêu căng, và bàn giấy của anh quá bề bộn nên bất cứ ai không biết đều tưởng chính anh là ông bí thư của ban chấp hành vùng), bước vào căn phòng rồi trở ra ngay.

"Đồng chí Knorozov sẽ tiếp một mình ông", anh ta trịnh trọng tuyên bố.

Gratchikov nháy mắt với Fédor Mikhéévitch và bước vào căn phòng.

Ông trưởng chuyên viên về động vật học vẫn còn đứng cạnh Knorozov. Cổ ông ta vặn hết cỡ qua một bên, cả thân hình cũng vặn theo như thể xương ông ta co giãn được, ông ta dán mắt nhìn vào một tờ giấy lớn trải trước mặt Knorozov vẽ đầy những biểu đồ ngộ nghĩnh và những con số đủ màu sắc.

Gratchikov chào họ.

Knorozov người cao, trán hói, không quay lại phía ông, chỉ liếc mắt nhìn xéo:

"Anh không dính dáng gì với nông nghiệp hết! Vậy mà cứ đến làm rộn tôi! Anh nên ở yên một chỗ là hơn".

Đã nhiều lần ông ta thường nói với Gratchikov như vậy để đề cao nông nghiệp, làm như kỹ nghệ không đáng được trọng dụng. Gratchikov biết là hiện giờ ông ta đang đặt trọng tâm vào sinh hoạt nông nghiệp, và còn muốn làm cho mình được nổi tiếng.

"Đấy", Knorozov nói với ông trưởng chuyên viên về động vật học, với một cử chỉ chậm chạp hạ năm ngón tay dài cong lại một cách trịnh trọng, như những cây cung, xuống tờ giấy, giống như ông đóng một con dấu khổng lồ lên đó vậy.

Ông ta ngồi rất thẳng, không cần phải tựa vào lưng ghế, những đường nét rõ rệt, cứng cỏi làm nổi bật dáng người của ông ta, dù nhìn thẳng hay nhìn nghiêng.

"Đấy, ông ta lặp lại. Bây giờ tôi nói cho anh điều anh cần. Và điều anh cần là những gì tôi nói với anh".

"Tốt lắm, thưa đồng chí Knorozov", ông trưởng chuyên viên về động vật học vừa nói vừa nghiêng mình về phía trước.

"Cầm đi".

Knorozov buông tờ giấy xuống.

Nhà động vật học cẩn thận nhặt tờ giấy bằng hai tay, cuốn tròn lại, và đầu cúi xuống, trán hói đi trước, băng qua cái văn phòng mênh mông, đầy những ghế, được thiết lập cho một cử tọa đông đảo.

Tưởng mình sẽ còn phải chạy ra kiếm ông hiệu trưởng, Gratchikov chưa ngồi xuống, chỉ tựa vào thành chiếc ghế bọc da.

Dù đang ngồi sau bàn làm việc, Knorozov vẫn còn vẻ uy nghi nhờ dáng vóc vạm vỡ của ông ta. Cái đầu dài càng làm cho ông thêm vẻ to lớn. Dù đã trọng tuổi, cái trán hói không làm cho ông già đi, mà lại còn làm ông có vẻ trẻ hơn là khác. Không bao giờ ông làm một cử động vô ích, da mặt ông không động đậy nếu không có sự cần thiết tuyệt đối, đến độ khuôn mặt ông như được đúc ra như vậy, không biến đổi và không diễn tả những cảm tưởng nhất thời. Khuôn mặt đó chỉ cần đặt một nụ cười vào là sẽ mất ngay sự hòa hợp, toàn hảo của nó ngay.

"Đồng chí Knorozov", Gratchikov nói rõ từng tiếng một.

Giọng nói véo von của ông như thỉnh cầu sự khoan dung của người đối diện.

"Tôi sẽ không làm rộn đồng chí lâu đâu. Ông hiệu trưởng và tôi đến đây về vấn đề cái trường điện tử. Một ủy ban từ Moscou đến có tuyên bố là những căn nhà mới sắp sửa được giao cho một Viện Khảo cứu. Đồng chí hay chuyện đó chưa?"

Knorozov vẫn không nhìn Gratchikov, ông hướng mắt về một chân trời xa xăm trước mặt: ông ta khẽ hở đôi môi, chỉ vừa đủ để trả lời với một giọng sắc bén:

"Có".

Tiếng "có" đó đã chấm dứt câu chuyện.

"Có?"

"Có".

Knorozov cho rằng một quyết định bất di bất dịch là cả một vấn đề danh dự. Cũng như lời nói của Staline ngày xưa ở Moscou, lời nói của Knorozov ngày nay ở trong vùng không bao giờ có sự thay đổi hay một phản lệnh. Staline đã mất từ lâu. Nhưng Knorozov vẫn còn đó. Ông là một trong những người đại diện cho "phương thức chỉ huy cứng rắn", và ông coi nguyên tắc đó như là thành tích căn bản của mình. Ông không quan niệm là người ta có thể chỉ huy bằng một phương pháp nào khác hơn.

Gratchikov cảm thấy dâng lên niềm xúc động và ông cố lấy giọng càng lúc càng lễ độ, càng thân thiện.

"Nhưng, thưa đồng chí Knorozov, tại sao họ không chịu cất một tòa nhà đặc biệt thích hợp với những nhu cầu của họ? Nội những sửa chữa bên trong cũng…"

"Thì giờ?" Knorozov ngắt lời. "Họ đã nhận được những kế hoạch nghiên cứu. Công việc phải bắt đầu ngay".

"Nhưng như vậy có giải thích được tại sao lại sửa chữa không? Và…" Ông nói nhanh vì sợ Knorozov chấm dứt câu chuyện. "…và nhất là khía cạnh giáo dục của vấn đề! Các học sinh của trường đã làm việc cả một năm trời mà không được một thù lao nào, với tất cả nhiệt tâm của chúng…"

Knorozov quay đầu lại phía Gratchikov, chỉ quay đầu chớ không quay hai vai, và với giọng đanh thép:

"Tôi không hiểu nổi. Anh là bí thư của ban chấp hành thị xã, không lẽ tôi lại đi giải thích cho anh là anh phải tranh đấu cách nào để bảo vệ danh dự của thị xã à? Không có, chưa bao giờ có một viện khảo cứu nào trong thị xã của chúng ta hết. Các đại diện của chúng ta phải khổ cực lắm mới đạt được danh dự đó. Mình phải đập sắt lúc còn nóng, trước khi Bộ đổi ý. Điều đó sẽ đặt chúng ta vào một vị trí cao hơn, ngang hàng với những thành phố như Gorki, Sverdlovsk".

Ông ta nheo mắt. Phải chăng ông ta đang thấy thành phố của ông ta biến thể thành Sverdlovsk? Hay ông ta đang mường tượng đến những chức vụ cao hơn?

Nhưng những câu nói nặng như cốt sắt đang rơi ấy không thuyết phục và làm rối trí Gratchikov; trái lại ông cảm thấy đó là những giây phút quyết liệt của cuộc đời, giây phút mà chân đã bị đóng xuống đất, không thể lùi bước được nữa.

Vì công lý và bất công đang đối nghịch nhau trước mắt ông.

"Đồng chí Knorozov!"

Ông không nói mà gằn từng tiếng một như Knorozov vừa rồi, mạnh bạo hơn là ông muốn.

"Chúng ta không phải là những nam tước của thời Trung cổ chỉ biết nghĩ đến cách tô điểm cho huy chương của chúng ta. Danh dự của thị xã chúng ta nằm ở chỗ các học sinh đó đã cất được ngôi trường của chúng, chúng đã làm trong sự vui vẻ, và chúng ta có bổn phận phải giúp đỡ chúng! Nếu ta để người khác cướp ngôi trường đó đi, chúng sẽ suốt đời giữ mãi ý nghĩ là đã bị lừa bịp. Chuyện gì xảy ra một lần có thể xảy ra lần thứ hai!"

"Chúng ta khỏi phải cãi nhau!" Và lần này cây cốt sắt lớn gấp đôi vừa bổ xuống. "Mọi sự đã quyết định rồi".

Một tia sáng vàng cam lóe lên trong mắt Gratchikov. Cổ và mặt ông bị máu dồn lên đến bầm tím.

"Nhưng rốt cục ta xem trọng cái gì? Những viên đá hay con người? Tại sao chúng ta lại bủn xỉn vì những viên đá đó?"

Knorozov đứng thẳng người lên và ông ta hiện ra như một con người đúc bằng thép sừng sững, cứng đờ.

"Mị dân!" Ông ta gầm lên trên đầu kẻ phiến động.

Ý chí, sức mạnh của ông ta có vẻ như là ông chỉ cần vung cánh tay mặt ra là đầu của Gratchikov sẽ lăn lông lốc dưới đất ngay.

Nói hay im, điều đó chỉ còn tùy thuộc Gratchikov. Ông không còn cách hành động nào khác hơn.

"Không phải với những cục đá, mà là với những con người chúng ta mới kiến tạo được chính sách cộng sản", ông say sưa nói. "Dĩ nhiên là lâu hơn, khó hơn! Dù cho chúng ta có thể xây nên mọi thứ từ những hòn đá đó đi nữa, đó cũng chưa phải là cộng sản!"

Cả hai cùng im lặng.

Cả hai đều đứng bất động.

Gratchikov bỗng thấy đau ở mấy ngón tay. Đó là vì ông bấu mạnh vào thành ghế. Ông bèn buông ra.

"Anh chưa xứng đáng với chức vụ hiện thời của anh", Knorozov nói nhỏ nhẹ. "Chúng tôi đã không thấy được điều đó".

"Vậy thì tôi đi! Càng khỏe!" Gratchikov đáp, nhẹ nhõm, vì ông đã nói lên điều chính yếu. "Tôi sẽ tìm được việc làm".

"Việc gì?" Knorozov hỏi, dè dặt.

"Thợ nề quèn! Ông hãy ráng thương chúng tôi, những thằng thợ quèn!" Gratchikov hét lớn.

Sự thật thì ông đã chán ngấy cái cách làm việc đó rồi. Họ không hỏi ý kiến ông, họ không nghiên cứu vấn đề, mà chỉ truyền lệnh từ trên xuống. Ở nhà máy đâu có làm như vậy được.

Knorozov nghiến răng chặt lại, để thoát ra một tiếng rít thở dài.

Ông ta đặt tay lên máy điện thoại.

Nhấc máy lên.

Ngồi xuống.

"Sacha. Cho tôi Khabalyguine".

Khabalyguine ở đầu dây.

Trong căn phòng lúc này không ai nói gì hết.

"Khabalyguine! Anh tính lấy tòa nhà đó để làm gì vậy? Nó không được thiết trí gì cả".

(Ủa, chính Khabalyguine là người sẽ "dùng làm" à?).

"Sao lại không quan trọng? Rất quan trọng. Thời hạn, cái đó đúng, tôi hiểu… hiện giờ anh phải bù đầu vì một cái nhà, như vậy cũng đủ cho anh…"

("Cho anh?").

"Còn cái kia, tôi sẽ không cho anh đâu! Anh sẽ cho cất cái khác đẹp hơn!"

Ông ta gác máy.

"Được rồi, ra gọi ông hiệu trưởng đi".

Gratchikov vừa đi ra vừa nghĩ đến một việc mới lạ: Khabalyguine sẽ được thuyên chuyển về Viện Khảo cứu chăng?

Ông trở vô với ông Hiệu trưởng.

Fédor Mikhéévitch đứng thẳng người lại và nhìn chằm chặp vào mặt ông bí thư ban chấp hành vùng. Ông thích ông ta. Ông luôn luôn thán phục ông ta. Ông sung sướng mỗi khi được dự một buổi họp với ông ta, vì những lúc ấy ông được học hỏi, bắt chước cái ý chí, cái năng lực uyên bác của Knorozov. Và sau buổi họp đó, cho đến buổi họp tiếp theo, ông ta rất vui vẻ thi hành các công việc do buổi họp hôm trước ấn định: nâng cao trình độ các lớp học, đào khoai hay đi nhặt sắt vụn. Điều mà Fédor Mikhéévitch thích nhất là với Knorozov, được có nghĩa là được, không có nghĩa là không. Biện chứng pháp là một việc, nhưng cũng giống như bao người khác, Fédor Mikhéévitch thích những quyết định chắc chắn và rõ ràng.

Và giờ phút này ông đến để nghe sự phán quyết hơn là để tranh luận.

"Thế nào, tụi nó phá anh quá hả?" Knorozov hỏi.

Fédor Mikhéévitch mỉm cười yếu ớt.

"Cứng rắn lên chớ!" Knorozov nói với giọng êm ái nhưng cứng cỏi. "Anh mất trí khôn vì những việc lẩm cẩm đó sao?"

"Tôi không mất trí khôn". Fédor Mikhéévitch trả lời với giọng khàn và ông đằng hắng.

"Học xá đã bắt đầu xây bên cạnh rồi phải không? Vậy thì khi nào cất xong, anh sẽ được ngôi trường mới, hiểu chưa?"

"Vâng, tôi hiểu rồi". Fédor Mikhéévitch đáp.

Nhưng lần này thì hết thuốc chữa. Ông không thấy hăng hái thêm chút nào hết. Nhiều ý nghĩ đang quay cuồng trong đầu óc ông: mùa đông sắp đến rồi, còn một niên học nữa trong ngôi trường cũ, ngôi trường mới sẽ không có phòng thể dục và phòng tiệc; sẽ không có học xá.

"Vâng, tuy nhiên…" Fédor Mikhéévitch đánh bạo nói lớn, sắc mặt đầy ưu tư. "Lại phải sửa đổi lại hết các đồ án. Tất cả các phòng ngủ đều nhỏ quá, toàn những phòng đủ cho bốn giường thôi, lại phải biến chúng thành lớp học, thành phòng thí nghiệm".

"Anh sẽ thu xê...ếp những việc đó!" Knorozov vừa nói vừa khoác tay, ngụ ý chấm dứt buổi nói chuyện. Ít nhất cũng đừng bắt ông ta phải nghe những chi tiết nhỏ nhặt như vậy.

Trong lúc đi ra phòng để áo, Gratchikov vỗ vai ông hiệu trưởng:

"Thấy chưa, cũng đâu có tệ lắm đâu anh. Anh sẽ tự cất trường của anh!"

"Rồi còn phải đắp thêm trần của mấy cái hầm cho chắc nữa", Fédor Mikhéévitch nói, nặng trĩu ưu tư. "Tại mấy cái máy. Do đó còn phải phá hết tầng dưới chớ không thể để như người ta đã xây".

"Ừa…" Gratchikov nói. "Anh cứ tưởng tượng là người ta đã cho anh một miếng đất ở chỗ tốt, móng đã đào xong. Anh có thể tin chắc là mùa xuân tới ngôi trường sẽ xây xong và anh ở trong đó, chúng tôi sẽ giúp anh một tay, ban chấp hành và Hội đồng Kinh tế quốc gia. Anh có thể tự khen là ít nhất cũng đã dành được tòa nhà thứ hai đó".

Họ đi ra đường, cả hai đều mặc áo mưa và đội kết sậm. Một ngọn gió lành lạnh nhưng dễ chịu thổi qua, mang đến nhiều giọt nước mát rượi.

"Này anh", Gratchikov hỏi, nét mặt dàu dàu, "anh biết cái thế của Khabalyguine ở trên Bộ như thế nào không?"

"Thằng ấy à! Khỏi nói! Hắn được trọng vọng lắm! Từ lâu hắn thường bảo với tôi là hắn có rất nhiều thế lực ở đó. Anh có nghĩ là hắn giúp được mình không?" Fédor Mikhéévitch hỏi, phấn khởi.

Nhưng ông nói ngược lại ngay:

"Không. Nếu hắn giúp được thì hắn đã nói cho mình một tiếng trong lúc ủy ban đến viếng rồi. Trái lại hắn đã đồng ý…"

Gratchikov đứng dạng thẳng chân và nhìn con đường dài. Ông lại hỏi:

"Hắn làm gì? Có chuyên môn gì không?"

"Hắn mà chuyên môn gì, còn lâu! Không, hắn chỉ là một người có kinh nghiệm hành chánh".

"Vậy anh có hiểu tại sao hắn ở trong ủy ban không?"

"À nhỉ…"

Câu hỏi này vừa mới nảy ra trong đầu óc ưu sầu của ông từ hôm qua.

"Tại sao?"

"Thôi đi nhé!" Gratchikov nói với một tiếng thở dài.

Ông chìa tay thẳng ra và siết chặt tay Fédor Mikhéévitch.

Trên đường về nhà, ông không ngớt nghĩ đến Khabalyguine. Một viện khảo cứu như vậy không ăn thua gì tới ngành chuyên môn của ông ta, nhưng lại có nghĩa một sự đãi ngộ khác, những vinh dự khác, và ít lắm cũng có thể được một Giải thưởng Quốc gia.

Gratchikov đã đi đến kết luận cứng rắn là không bao giờ nên chờ cho một đảng viên nào của đảng vi phạm luật lệ. Phải khai trừ tức khắc những ai, dù không có xây cất nhà cửa, dinh thự nguy nga, nhưng tìm cách trục lợi trong bất cứ một công việc nhỏ nhặt nào trong chức vụ và sự giao thiệp của mình… Không cần phải quở phạt họ, hay công khai khiển trách họ, việc duy nhất phải làm là khai trừ họ, bởi đó không phải chỉ là một hành vi đáng trách, một lỗi lầm hay một sự yếu lòng, mà là cả một ý thức hoàn toàn xa lạ, một đầu óc tư bản.

Người ta đã khám phá và tố cáo trên báo chí địa phương một cặp vợ chồng, chồng tài xế, vợ giáo viên, đã trồng hoa trong vườn của họ để đem ra chợ bán.

Phải, nhưng làm sao tóm được Khabalyguine đây?

Về phần Fédor Mikhéévitch, ông chậm rãi đi bộ cho đầu óc được thanh thản. Cả đêm không ngủ, hai liều thuốc an thần, và tất cả những nỗi lo lắng đã làm cho ông khổ sở trong suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ vừa qua, đã để lại trong thâm tâm ông một sự hãi hùng, một cái gì độc hại; giờ đây, nhờ ngọn gió thoảng mát rượi, những điều đó đã dần dần bay ra khỏi con người ông từng mảnh nhỏ một.

Được rồi, ông nghĩ, đến nước này thì chỉ còn cách bắt đầu lại từ số không vậy. Mình sẽ tập họp lại hết chín trăm học sinh để giải thích: chúng ta không còn gì nữa hết, các con à. Phải xây lại. Với sự đóng góp của chúng ta công việc sẽ mau hơn.

Lúc đầu sẽ có một vài tiếng nghiến răng.

Sau đó, chúng sẽ say mê công việc lần thứ hai, vì công việc nào cũng làm cho say mê hết.

Chúng sẽ tin ông.

Và chúng sẽ dấn thân vào nhiệm vụ mới.

Được rồi, mình sẽ ở lại thêm một năm trong ngôi trường cũ.

… Và mải suy nghĩ, ông không hay là mình đang đứng trước ngôi trường mới, kim khí và kiếng cửa sáng lấp lánh.

Ngôi trường thứ hai, dưới chân ngôi trường mới, chỉ mới thấy lú lên khỏi mặt đất, phía trên phủ đầy cát và đất sét.

Những câu hỏi của Gratchikov về Khabalyguine đã làm nhảy múa trong đầu óc thật thà của ông những sợi dây đứt khúc, rời rạc, và bỗng chốc những đầu dây đó được nối lại với nhau: cái cách gây sự bê trễ cho việc tiếp nhận ngôi trường mới cho đến tháng Tám, vẻ hí hửng của ông ta trong cuộc thăm viếng.

Và lạ thay, kẻ gây cho ông những mối ngờ vực dọc đường chính là người đầu tiên ông trông thấy trong cái sân lớn, phía sau cổng trường mới: Vsévolod Borissovitch Khabalyguine đang đứng ở đó, đầu đội nón xanh ve chai và mình mặc áo măng-tô nâu, ông ta giẫm bừa lên đất bùn ẩm ướt mà không sợ làm dơ giày, đang ra lệnh cho mấy người thợ, dĩ nhiên là thợ của ông ta. Hai người thợ và anh tài xế đang vác từ trên xe xuống những cây trụ đã bạc màu, dù vừa mới được sơn lại, và có lẽ đã được xài ở đâu trước rồi, bằng chứng là các đầu trụ mục nát đã được cắt bỏ. Hai người thợ khác đang lom khom làm một việc gì đó, đúng theo sự chỉ dẫn của Khabalyguine, ông ta vừa nói vừa ra dấu với hai cánh tay ngắn ngủn của mình.

Fédor Mikhéévitch tiến đến gần hơn và thấy họ đang đóng cọc xuống đất, nhưng họ đang gian lận, thay vì đóng thẳng hàng, họ đóng lấn qua miếng đất bên cạnh, với mục đích chiếm đất tối đa cho Viện Khảo cứu và chừa lại tối thiểu cho trường kỹ thuật.

"Vsévolod Borissovitch! Xin anh lương thiện cho! Anh làm gì kỳ vậy?" Ông hiệu trưởng quát lên khi thấy mình bị bóc lột như vậy. "Những đứa trẻ con mười lăm, mười sáu tuổi, chúng cần thở, cần nô đùa chớ! Như vầy trong giờ chơi chúng đi đâu?"

Khabalyguine vừa mới đứng vững trên một điểm chiến lược ấn định lằn mức rẽ cuối cùng của cái hàng rào gian lận. Hai chân soạc ra hai bên ranh giới tương lai, ông ta vừa đưa tay lên thì nghe Fédor Mikhéévitch đang chạy đến sát ông ta và nói những lời trên. Và trong tư thế đó, bàn tay chĩa thẳng lên trời, Khabalyguine xoay đầu lại một chút (vả lại cổ và gáy ông ta quá mập nên dù ông ta có muốn xoay nhiều hơn nữa cũng không thể được), ông ta chỉ hơi nhếch mép để lòi hai chiếc răng nanh ra, giọng càu nhàu:

"Cái gì? Gì...gì?"

Không đợi câu trả lời, ông ta quay lại, điều chỉnh lại đường ranh, bằng cách đưa thẳng tay tới trước mặt, sửa lại chỗ đứng của một trong những người thợ bằng cách hạ bốn ngón tay xuống, và vung cánh tay ngắn ngủn lên, rạch một đường trong không khí.

Có thể nói ông ta không phải chỉ rạch không khí thôi, mà rạch cả mặt đất nữa. Không, không phải ông ta đang rạch đất. Ông ta đang làm cử chỉ của người đang vạch một con đường rộng nào đó, một tướng lãnh của thời thượng cổ đang chỉ đường cho đoàn quân của mình, của vị thuyền trưởng đầu tiên hướng con tàu lên miền Bắc cực.

Chỉ sau khi thi hành xong công tác đó, ông ta mới quay hẳn sang Fédor Mikhéévitch để giải thích:

"Phải như vậy mới được, đồng chí à".

"Sao lại phải như vậy mới được?" Fédor Mikhéévitch hét lên, sự tức giận đã lên đến cùng tột và ông lắc đầu. "Lại vì đại cuộc nữa chớ gì? Đúng không? Cứ đợi xem". Ông la lớn hơn, hai tay nắm chặt.

Và, không thể nói gì hơn, ông quay người lại, bước nhanh ra đường cái, miệng lẩm bẩm:

"Cứ đợi xem, đồ chó chết! Cứ đợi xem, đồ heo!"

Thợ thuyền vẫn tiếp tục khiêng trụ đến.

Nguồn: Alexandre Soljénitsyne, Ngôi nhà của Matriona, nguyên tác La Maison de Matriona, bản dịch Nguyễn Văn Son , bìa Nguyễn Đồng. Ấn phẩm thứ 36 của Nhà xuất bản Trẻ, ấn hành lần thứ nhất 1.000 bản tại nhà in Ngọc Thảo của nhà xuất bản, không có bản đặc biệt. Ngày phát hành: 8.6.1974. Giấy phép số 2572/74/BDVCH/KSALP/TP ngày 25.5.1974.

Aleksander I. Solzhenitsyn -Ngôi nhà của Matriona ( 4 )

Aleksander I. Solzhenitsyn
Ngôi nhà của Matriona


Nguyễn Văn Son dịch

Vì đại cuộc
Chương III

Một tiếng rưỡi sau, hầu hết mọi người đều ra đi. Chỉ còn lại các giáo sư và các phụ tá phòng thí nghiệm của họ, có bổn phận sửa soạn các buổi thực tập. Các sinh viên chen nhau ở phòng kế toán nơi ghi tên thuê phòng ở ngoài phố, Lidia Guéorguiévna và ban chấp hành đã thiết lập xong kế hoạch dọn nhà mà ông hiệu trưởng và các trưởng ban đã chấp nhận.

Fédor Mikhéévitch vẫn còn ngồi với ông giám học, bỗng Faina với chiếc khăn phấp phới trên đầu như một lá cờ, bước vào văn phòng và cho hay, trông dáng điệu như sắp sửa thông báo một tin giật gân, là có hai chiếc Volga đã vượt qua đường sắt và đang chạy về hướng này. Ông hiệu trưởng nhìn qua cửa sổ và thấy quả đúng có hai xe Volga, một xanh, một xám, đang chạy đến, lắc lư vì mấy cái mu rùa trên đường.

Không còn nghi ngờ gì nữa, chắc chắn đây là khách cấp cao, và như vậy là ông phải xuống đón tiếp họ. Nhưng vì ông không có hẹn với ai trong giới cao cấp nên ông chỉ đứng ở cửa sổ lầu một nhìn xuống. Những cụm mây trắng lớn cuồn cuộn kéo nhanh ngang trời.

Hai chiếc xe tiến đến tận cổng và dừng lại, từ trên xe bước xuống năm người đàn ông đội nón nỉ: hai cái màu xanh ve chai đang rất thịnh hành trong giới lãnh đạo của thị xã, mấy cái kia màu lợt. Fédor Mikhéévitch nhận ra ngay người đi đầu: Vsélovod Borissovitch Khabalyguine, giám đốc xưởng vật liệu tiếp vận, người "tiếp nhận" ngôi trường mới, ông ta giao thiệp rất rộng và âm mưu nhiều vụ làm ăn lớn hơn những vụ của Fédor Mikhéévitch gấp bội; tuy nhiên ông ta đối xử vớ Fédor Mikhéévitch rất lịch sự. Lúc sáng Fédor Mikhéévitch đã hai lần gọi điện thoại cho Khabalyguine để yêu cầu ông nhượng bộ và cho phép ủy ban lo về xây cất tiếp nhận ngôi trường bằng cách thiết lập danh sách những gì còn thiếu sót.

Liên tiếp hai lần người ta trả lời ông rằng ông giám đốc đi vắng. Fédor hình như đoán ra nên nói với ông giám học cao nhồng và gầy nhom:

"Grgiori à, biết đâu đó không phải là một ủy ban đến quan sát để đốc thúc cho nhanh? Nếu đúng như vậy thì hay quá!".

Và ông vội đi ra đón tiếp quan khách. Ông giám học khắc khổ, đầu óc rất thực tế, được sinh viên nể sợ, nối gót theo sau.

Fédor Mikhéévitch vừa bước xuống được một bậc thang thì năm ông khách đã nối đuôi nhau lên thang lầu tiến về phía ông. Khabalyguine không cao lắm, đi đầu. Ông ta chưa đến sáu mươi nhưng đã béo phệ, vượt quá một trăm mười kí từ lâu, và sự béo phệ đó làm ông ta bực bội không ít. Tóc hai bên thái dương ông ta đã ngả màu bạc.

"Tốt, tốt", ông ta nói và chìa tay cho ông hiệu trưởng, một cách thỏa mãn.

Khi đã lên gần hết cầu thang, ông ta quay lại:

"Đây là một đồng chí ở trên Bộ chúng ta".

Đồng chí ở trên Bộ hơi trẻ hơn một chút nhưng cũng khá mập. Ông ta đưa ba đầu ngón tay trắng và yếu ớt của mình cho Fédor Mikhéévitch cầm một lúc rồi tiếp tục leo lên.

Xin mở dấu ngoặc là Bộ của "chúng ta" từ hơn một năm nay không còn dính líu gì với đây hết, vì từ ngày đó trường kỹ thuật đã thuộc quyền của Hội đồng Kinh tế quốc gia.

"Sáng nay tôi có điện thoại cho ông hai lần", Fédor Mikhéévitch nói với một nụ cười tươi tắn, và ông cầm tay áo của Khabalyguine, "tôi có ý xin ông…"

"Đây là một đồng chí của ủy ban đặc trách những vụ…"

Ông ta kể tên của ủy ban đó, nhưng Fédor Mikhéévitch bị cụt hứng nên không hiểu ông ta nói gì.

Đồng chí của ủy ban đặc trách những vụ... là một nhân vật còn rất trẻ, cao ráo, tướng mạo phong nhã, ăn mặc hợp thời trang đến từng chi tiết nhỏ.

"Và đây", Khabalyguine nói tiếp, "một ông thanh tra về điện tử của…"

Ông ta tiếp tục giải thích là ở đâu, nhưng vì vừa nói ông vừa tiếp tục đi lên nên, thêm một lần nữa, Fédor Mikhéévitch không hiểu là ở đâu.

Ông thanh tra về điện tử là một nhân vật nhỏ thó, nước da sậm, nhưng có vẻ dễ thương, có hàm ria kiểu rất nhỏ, dài không quá bề rộng cái mũi của ông.

Nhân vật cuối cùng là một giáo chức của Sở Kỹ nghệ trong ban chấp hành vùng của đảng. Fédor Mikhéévitch biết rõ người này. Họ chào nhau.

Cả năm người đều đi tay không.

Nơi đầu cầu thang, cạnh lan can, ông giám học khắc khổ đang đứng ở thế thao diễn nghiêm, y hệt một quân nhân. Có người gật nhẹ đầu chào ông, có người thì lờ đi.

Cuối cùng Khabalyguine cũng kéo được tấm thân méo mó vì nhiều mỡ của ông lên khỏi bậc thang cuối cùng. Không có cách nào để đi song song với ông ở cầu thang chật hẹp này, và cũng không thể đi ngược chiều với ông ta. Lên tới nơi là ông ta bắt đầu thở như ống bễ lò rèn. Chỉ có dáng điệu luôn luôn vui tươi và đầy nghị lực của ông ta là khiến ta khỏi thương hại ông ta mỗi khi thấy ông ta khổ sở trong từng bước đi, từng động tác, để chiến đấu với tấm thân sồ sề của mình; đó là chưa kể một phần mỡ thừa xấu xí đã được bác thợ may khéo léo che đậy.

"Chúng ta vào văn phòng tôi nhé!" Fédor Mikhéévitch nói từ trên đầu cầu thang.

"Thôi, ngồi làm gì vô ích", Khabalyguine đáp. "Anh cứ đưa chúng tôi đi một vòng cho chúng tôi thấy anh sống như thế nào ngay đi. Đồng ý không các đồng chí?"

Đồng chí của ủy ban đặc trách những vụ... kéo tay áo mưa ngoại quốc của ông ta lên để nhìn đồng hồ:

"Dĩ nhiên", ông ta đáp.

"Tôi sống?..." Fédor Mikhéévitch thở dài.

Và ông đổi đại danh từ "tôi" ra số nhiều ngay sau đó.

"Chúng tôi không sống, chúng tôi chịu đựng sự hành hạ của kẻ tử vì đạo. Một tốp sáng một tốp chiều. Trong các phòng thí nghiệm không đủ chỗ. Nhiều cuộc tập khác nhau trong cùng một phòng, đôi khi còn phải lấy dụng cụ ở bàn ra để đặt cái khác vô".

Ông nhìn hết người này đến người kia, giọng nói của ông giống như giọng của một người đang chạy tội hay tìm cách xin lỗi.

"Kìa, anh nói gì lạ vậy!" Khabalyguine đáp lại, người rung lên vì một cơn ho, nếu không phải là ông ta đang cười.

Những nếp nhão nhoẹt trên gò má ông ta cũng rung lên như miếng da dưới cổ con trâu.

"Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là anh có thể sống ở đây đến bảy năm!"

Fédor Mikhéévitch nhướng đôi lông mày trắng rậm rạp nằm trên đôi mắt màu lợt:

"Nhưng, Vsévolod Borissovitch, hồi trước đâu có nhiều ban như bây giờ! Và đâu có nhiều trình độ như vầy!"

"Thôi, được rồi, anh cứ đưa chúng tôi đi xem đi, rồi chúng tôi sẽ tính sau!"

Ông hiệu trưởng hất đầu ra hiệu cho ông giám học, có ý bảo ông này phải lo mở tất cả các cửa, và ông bắt đầu hướng dẫn cuộc thăm viếng. Năm ông khách nối gót ông, vẫn mặc áo mưa và đội nón.

Họ bước vào một căn phòng rộng với bốn bức tường đầy những kệ nặng trĩu máy móc. Vị giáo sư, một phụ tá phòng thí nghiệm mặc áo choàng xanh dương, và một sinh viên năm thứ tư, chính là Tchoursanov với cái áo sờn cổ, đang sửa soạn những cuộc thực tập. Căn phòng quay mặt về hướng nam nên tràn ngập ánh nắng.

"Thế nào?" Khabalyguine vui vẻ nói, "anh cho là ở đây không được tốt lắm à? Phòng đẹp như thế này!"

"Nhưng ông phải hiểu", Fédor Mikhéévitch nói, hơi bất bình, "ông phải hiểu là có tất cả ba phòng thí nghiệm chồng chất lên nhau trong gian phòng này: căn bản về kỹ thuật thu thanh và ăng-ten, thiết bị phòng truyền thanh, và máy thu thanh".

"Phải, rồi sao?"

Đồng chí của Bộ quay cái đầu bảnh trai và to tướng lại, ông ta cũng có vẻ bất bình không kém.

"Chắc anh cho là ở trên Bộ, sau ngày cải tổ, bàn làm việc của chúng tôi rộng hơn à? Chật hơn nữa đấy!"

"Nhất là chúng được làm bằng vật liệu rất thường", Khabalyguine rất thỏa mãn, vỗ vai ông hiệu trưởng:

"Anh đừng làm ra vẻ nghèo khổ, anh không đến nỗi nào đâu…"

Fédor Mikhéévitch nhìn ông ta, ngần ngừ.

Thỉnh thoảng, Khabalyguine cử động cặp môi và đôi gò má, như là ông ta vừa nuốt một món gì rất ngon mà chưa xỉa răng được, và có một mảnh nhỏ đồ ăn còn dính trong một góc miệng.

"Còn cái này để làm gì vậy?"

Đồng chí của ủy ban những vụ... đang đứng trước một đôi giày ống bằng cao su, trông rất lạ lùng, cổ giày cao bất tận, như đôi giày bảy dặm vậy, và bẻ ngược xuống, và ông ta lấy mũi giày nhọn của ông ta ấn vào.

"Đó là giày ống cho điện cao thế", vị giáo sư nhỏ nhẹ giải thích.

"Giày ống à?"

"Cho điện cao thế", Tchoursanov la to với sự táo bạo của người không có gì phải sợ hết.

"À!? À phải rồi, hay quá!" Đồng chí của ủy ban những vụ... nói xong nối gót theo mấy người kia.

Viên giáo chức của ban chấp hành vùng là người cuối cùng hỏi Tchoursanov:

"Giày này dùng làm gì?"

"Để mang khi sửa máy phát thanh".

Fédor Mikhéévitch muốn chỉ cho họ xem tất cả các lớp học, nhưng họ chỉ đi ngang qua cửa thôi, rồi cuối cùng bước vào một giảng đường. Trên tường treo đầy những bảng chia động từ và bảng hình vẽ, các kệ tủ chứa đầy những mẫu thể tích và kỹ hà học [1] .

Viên thanh tra điện tử đếm số bàn (có tất cả mười ba cái) đưa hai ngón tay lên vuốt hàm ria lởm chởm:

"Mỗi toán có bao nhiêu đứa", ông ta hỏi, "ba chục không?"

"Vâng, khoảng đó…"

"Vậy thì có bàn không tới ba đứa".

Rồi họ tiếp tục cuộc viếng thăm.

Trong căn phòng nhỏ học về vô tuyến truyền hình, khoảng một chục máy truyền hình hiệu khác nhau, còn mới tinh và được tháo ra nửa chừng, đang nằm trên mấy cái bàn.

"Tất cả đều chạy chớ?" Đồng chí của ủy ban những vụ... hất đầu chỉ những máy TV và hỏi.

"Dạ cái nào cần phải chạy thì chạy". Một phụ tá trẻ tuổi ăn mặc lịch sự nhỏ nhẹ đáp.

Anh mặc một bộ đồ màu cát, có phù hiệu kỹ thuật gia gắn ở ve áo, và đeo một cà vạt màu lòe loẹt.

Nhiều chỉ tiêu công tác nằm chất đống và ông thanh tra lật từng tờ lẩm nhẩm đọc:

"Điều chỉnh máy TV theo "chiếu điểm" [2] . Cách sử dụng máy TV như một máy khuếch đại. Sự cấu tạo những tín hiệu hình ảnh…"

"Đó, anh thấy chưa, ở đây đâu có kệ tủ gì đâu nhưng cũng xong mà". Khabalyguine lưu ý.

Fédor Mikhéévitch càng lúc càng không hiểu phái đoàn này thực sự muốn gì.

"Nhưng tất cả đều ở phòng bên cạnh, Volodia, anh hãy cho quý vị đây xem".

"Sao? Còn một phòng nữa à? Vậy thì sang quá rồi còn gì?"

Cánh cửa văn phòng được làm theo khổ hà tiện, theo kiểu cửa buồng chứa đồ không dùng đến. Anh phụ tá mảnh mai và ăn mặc lịch sự bước vào dễ dàng, đồng chí của Bộ cũng chui vào nhưng khó khăn hơn, và ông ta biết ngay là ông ta không thể bước thêm một bước nào nữa. Mấy ông khách đành thay phiên nhau thò đầu vô nhìn. Đó chỉ là một loại đường hẻm hẹp, nằm giữa hai hàng kệ tủ chồng chất lên cao tới trần nhà. Anh phụ tá phòng thí nghiệm giơ tay lên chỉ từ trên trời xuống dưới, giống như người hướng dẫn đi xem viện bảo tàng.

"Ở đây là vật liệu phòng thí nghiệm vô tuyến truyền hình. Đây là đồ cung cấp điện. Còn đây là đồ dùng trong những cuộc trắc định kỹ thuật phát thanh".

Trên các tấm ván gỗ chất đầy những dụng cụ có kim đồng hồ, những thùng đen ngòm nâu hay vàng.

"Còn cái này, để làm gì vậy?"

Đồng chí của Bộ chỉ tay lên vách tường.

Ông ta vừa nhận ra là viên phụ tá phòng thí nghiệm đã chừa một khoảng trống trên tường và trong khung cửa sổ không bị vướng đồ đạc đó, được ghim một tấm hình màu của một người đàn bà trẻ, cắt trong một tạp chí ra. Vì không có biên đề tựa gì bên cạnh nên không thể biết được người đẹp tội lỗi ấy được lấy ra từ trong một tạp chí Xô Viết hay ngoại quốc: chỉ thấy đó là một cô gái đẹp tóc nâu sậm, mặc áo ngắn thêu chỉ đỏ hình vòng cung kép. Cằm cô ta đặt lên hai bàn tay đan vào nhau, hai cánh tay để trần, đầu hơi nghiêng qua một bên và nhìn viên phụ tá phòng thí nghiệm trẻ tuổi và đồng chí của Bộ với ánh mắt không có gì là kỹ thuật cả.

"Các anh bảo không có chỗ", đồng chí của Bộ càu nhàu và quay đi ra phía cửa một cách khó nhọc, "vậy mà các anh đi dán đầy những thứ gì đâu không".

Ông ta quay nhìn một lần nữa cô gái trên tường rồi bước ra ngoài.

Cái tin có một ủy ban ghê tởm đến viếng đã đồn đi khắp trường, và đó đây, một cái đầu thò ra từ một cánh cửa hé mở, vài khuôn mặt lấp ló ở hành lang.

Lidia Guéorguiévna bỗng nhiên đứng trước mặt ủy ban. Cô tránh sang bên, áp sát lưng và tay vào tường, mắt nhìn theo họ với vẻ lo ngại. Cô không nghe được những gì họ nói trong câu chuyện, nhưng vẻ mặt của ông hiệu trưởng cho cô hiểu là có một cái gì bất thường đã xảy ra.

Fédor Mikhéévitch nắm lấy khuỷu tay của viên giáo chức trong ban chấp hành vùng và, thừa lúc đứng cách xa mấy người kia, ông nói nho nhỏ:

"Ai gởi họ đến vậy? Tại sao không có người nào trong Hội đồng kinh tế quốc gia vậy?"

"Victor Vaviliévitch yêu cầu tôi tháp tùng, tôi không biết gì cả".

Trở về đầu cầu thang khi nãy, Khabalyguine đằng hắng lấy giọng, các nếp nhăn vàng vàng đầy mỡ lại rung rinh dưới cổ ông ta và ông đốt một điếu thuốc.

"Thôi được. Mấy chỗ kia chắc cũng vậy".

Đồng chí của ủy ban những vụ... đưa mắt nhìn đồng hồ đeo tay:

"Đại khái thì tình hình rất rõ rệt".

Viên thanh tra điện tử chỉ đưa hai ngón tay lên vuốt râu mà không hé môi.

"Ngoài căn nhà này, ông còn bao nhiêu căn nữa?" Đồng chí của Bộ hỏi.

"Còn hai căn nữa, nhưng…"

"Ồ, cò...òn tới hai căn nữa à?"

"Vâng, nhưng không tốt! Chỉ là những tầng trệt thôi. Không tiện nghi chút nào hết. Lại cách xa nhau nữa. Mời quý ông đi xem qua".

"Xưởng thợ phải không?"

"Nhưng các ông có thực sự hiểu chúng tôi đang ở trong những điều kiện nào không?" Fédor Mikhéévitch lớn tiếng, đột nhiên vượt ra khỏi những lịch sự tiếp đãi, hay sự kính nể do địa vị cao sang của mấy ông khách… "Đến nỗi nhà ngủ cho sinh viên chúng tôi cũng không có; giờ đây căn nhà này sẽ trở thành học xá của họ. Các nam nữ sinh viên của chúng tôi phải thuê phòng khắp hang cùng ngõ hẻm của thị xã, đôi khi họ phải nghe những lời thô bỉ, phải chung đụng bọn bợm nhậu. Tất cả công trình giáo dục của chúng tôi bị phá hoại, vả lại mấy ông muốn chúng tôi giáo dục ở đâu? Ở tại cầu thang này chắc?"

"Thôi mà, thôi mà!" Các thành phần của ủy ban phản đối.

"Công việc giáo dục nằm trong tay ông!" Với giọng nghiêm nghị, người thanh niên của ủy ban những vụ... xác nhận.

"Anh không cần phải kêu gọi ai làm việc đó giùm anh hết!" Viên giáo chức của ban chấp hành vùng chêm vô.

"Anh không cần phải biện giải gì hết!..." Khabalyguine tiếp theo, giơ hai cánh tay ngắn ngủn lên trời.

Fédor Mikhéévitch quay đầu đi và bất giác nhún vai, có lẽ để khỏi bị châm chọc từ tứ phía, hay có lẽ để thoát ra khỏi cái thế khổ sở của người bị chất vấn. Nếu không phải ông là người đặt câu hỏi thì ông sẽ không bao giờ hiểu và biết thêm được gì cả. Đôi lông mày bạc và rậm nhíu lại gần đụng nhau:

"Xin quý vị vui lòng cho biết ai phái quý vị đến đây và với mục đích gì?"

Đồng chí của Bộ giở nón ra và lau trán. Không có nón ông lại có vẻ trịnh trọng hơn. Những sợi tóc hoa râm rất oai vệ lòa xòa hai bên thái dương ông ta.

"Sao, ông chưa biết à?" Ông ta nói với vẻ ngạc nhiên nhưng giọng bình tĩnh. "Có một nghị định của Bộ và" – ông ta gật đầu ra dấu – "của Ủy ban cho biết là một Viện Khảo cứu quan trọng, thực hiện những cuộc khảo cứu mật, sẽ được mở tại thị xã của ông, và đặt tại những căn nhà mà trước đây định dành cho trường kỹ thuật của ông. Có đúng vậy không, đồng chí Khabalyguine?"

"Vâng, đúng", lão ta xác nhận, đầu đội nón xanh của lão gật lên gật xuống nhiều lần. "Đúng", lão ta lặp lại, mắt nhìn ông Hiệu trưởng đầy thương hại, và đồng thời vỗ vai ông mấy cái với vẻ thân thiện. "Đồng chí thân mến, đồng chí còn có thể ở lại đây hai năm nữa mà, trong thời gian đó người ta sẽ cất cho đồng chí những phòng ốc khác, mới hơn, đẹp hơn! Thế nào cũng phải cất cho đồng chí mà, đừng lo, phải cất chớ, vì đại cuộc mà!"

Thân hình của Fédor Mikhéévitch vốn đã thấp giờ đây còn lún xuống thêm nữa, đôi mắt ông nhìn với một vẻ lạ lùng, như thể ai vừa mới giáng xuống đầu ông một gậy vậy.

"Nhưng, sao được…" rồi lạ lùng thay, ông chợt nhớ đến điều gì rất phụ thuộc… "nhưng chúng tôi chưa sơn xong, chưa sửa lại gì hết mà!".

Mỗi khi Fédor Mikhéévitch bất bình, giọng nói của ông bình thường hơi khàn bị vỡ đến rít lên.

"Thôi, không có gì quan trọng cả!" Khabalyguine an ủi. "Đáng lẽ anh phải sơn xong từ năm ngoái rồi".

Đồng chí của ủy ban những vụ... bước xuống một bậc.

Có nhiều việc phải nói quá nên ông hiệu trưởng không tìm ra lời nữa.

"Nhưng tôi liên hệ gì đến Bộ của các ông?" Ông phản đối với giọng the thé, đồng thời nhường lời cho mấy ông khách. "Chúng tôi trực thuộc Hội đồng Kinh tế quốc gia địa phương. Muốn được sự chuyển nhượng này, các ông phải có nghị định của chính phủ".

"Đúng, cả phái đoàn đồng thanh trả lời và đẩy nhẹ ông sang một bên để bước tới cầu thang. Chúng tôi đang chuẩn bị tất cả tài liệu cần thiết. Trong vòng hai ngày nữa, nghị định sẽ được chuẩn nhận".

Và cả năm người đi xuống thang lầu, trong khi ông hiệu trưởng đứng ì ra như trời trồng, tay vịn vào lan can, mắt nhìn vào khoảng không như kẻ mất hồn.

"Fédor Mikhéévitch!"

Lidia Guéorguiévna từ hành lang đi tới, không hiểu sao hai tay cô ôm lấy cổ, cái cổ sạm nắng ở công trường mà cổ áo bẻ xuống để hở ra.

"Họ nói gì vậy, Fédor Mikhéévitch?"

"Chúng lấy ngôi trường của mình rồi". Ông hiệu trưởng đáp mà không nhìn cô, giọng ông hoàn toàn không còn hồn nữa, yếu ớt như sắp tắt hẳn.

Và ông đi vào văn phòng.

"Sao? Cái gì?" Một lúc sau cô mới thét lên. "Ngôi trường mới hả? Chúng lấy à?"

Cô chạy theo ông và gót giày cao của cô nện xuống sàn. Đến cửa cô đụng vào cô kế toán viên, xô cô ta ra và bước vào theo ông.

Ông chậm chạp tiến về phía bàn giấy.

"Ông nghe này!" Cô nói sau lưng ông với giọng khác thường như hát vậy. "Ông nghe...e nà...ày! Sao lại có sự bất công như vậy? Trời ơi, thật là bất công". Cô nói càng lúc càng to hơn.

Đó là những lời đáng lẽ ông ta phải tạt vào mặt họ, nhưng ông là hiệu trưởng, không phải là một người đàn bà. Và nước mắt ở đâu ra mà ràn rụa cả mặt cô ta như vậy!

"Chúng ta sẽ nói sao với học trò đây? Như vậy là ta đã lừa chúng rồi…"

Hình như chưa bao giờ ông thấy cô khóc cả.

Ông hiệu trưởng ngồi xuống và đặt lên bàn viết trước mặt một cái nhìn trống rỗng. Cả vầng trán ông chi chít những nếp nhăn.

Cô kế toán viên, một người đàn bà trọng tuổi khô đét, mớ tóc thưa chải ra phía sau gáy, vẫn đứng cầm quyển chi phiếu nơi tay.

Cô đã nghe và hiểu hết. Cô sẵn sàng lánh mặt ngay để khỏi làm người ta khó chịu, nhưng cô vừa mới điện thoại ra ngân hàng và được họ cho biết là cô có thể ra gởi tiền. Tấm chi phiếu đã được viết xong, luôn cả số tiền và ngày ký.

Cô tiến đến, đặt cuốn sổ dài đầy những đường gạch xanh lợt lên bàn và tay vẫn không rời ra.

Fédor Mikhéévitch chấm mực, tay trái cầm cườm tay phải, nhưng hai tay đều run rẩy.

Ông ký thử trên một mảnh giấy rời trước. Ngòi bút rạch những nét trông không giống gì hết, soi vào giấy và bắn mực tung tóe.

Fédor Mikhéévitch nhìn lên cô kế toán viên và mỉm cười.

Cô cắn môi, lấy cuốn chi phiếu lại và vội vã bước ra ngoài.


Chương IV

Tất cả xảy đến với ông Hiệu trưởng một cách quá ồ ạt, qua cuộc viếng thăm chớp nhoáng của phái đoàn, đã làm cho ông không kịp tìm ra những lời lẽ thích đáng trước mặt ủy ban, và không thể tìm ra một kế hoạch hoạt động ngay sau khi họ ra về.

Ông điện thoại lên Hội đồng Kinh tế quốc gia, Sở Học chánh. Chính ông là người cho họ hay sự việc vừa xảy ra, họ nổi giận và hứa sẽ làm cho ra lẽ. Điều này đáng lẽ phải làm ông hăng hái hơn.

Nhưng thực sự ông không hăng hái chút nào.

Ủy ban đã có ý định riêng của họ ngay từ đầu…

Fédor Mikhéévitch quá hổ thẹn trước đám sinh viên, ban giáo sư và tất cả những ai ông đã gọi đến làm việc, và hứa với họ là thế nào cũng sẽ dời trường; ông thấy tất cả những gì ông và các cộng sự viên đã hoạch định trong bao năm tháng, sụp đổ quá đột ngột đến nỗi ông cảm thấy sẽ ít đau khổ hơn, nếu ông phải đánh đổi chính căn nhà của mình lấy một căn nhà khác ít tiện nghi hơn, với điều kiện là ngôi trường mới được giao cho trường kỹ thuật của ông.
Đầu óc ông rối bời, ông không còn đủ sức sắp hai ý nghĩ liên hệ vào với nhau.

Ông không nói gì với ai, không đội gì lên đầu, và đi ra ngoài để cho không khí trong lành làm cho đầu óc ông được sáng suốt hơn.

Khi ra khỏi trường, ông đi về phía đường xe lửa mà cũng không hay, đầu óc cứ quay cuồng với hàng chục lợi điểm quan yếu mà trường ông sẽ mất cùng với ngôi trường mới. Cánh cổng xe lửa hạ xuống trước mặt ông. Fédor Mikhéévitch dừng bước. Ông dám bước ngang qua cổng lắm. Một đoàn xe lửa dài chở hàng hiện ra từ xa, từ từ tiến lại, và chạy xuống đoạn đường dốc với một tiếng gầm khủng khiếp. Ý thức của Fédor Mikhéévitch không ghi nhận những sự việc đó. Cổng lại giở lên và ông tiếp tục đi.
Khi ông chợt hiểu là ông đang ở đâu thì ông đã đứng trong sân của ngôi trường mới. Đôi chân ông đã đưa ông đến đó một cách tự nhiên. Cổng chính đã hoàn tất, bóng như gương, được đóng chặt. Ông bèn đi bọc theo cái sân đã được sắp xếp, dọn rửa và chỉnh đốn bởi chính đám sinh viên của ông. Cái sân rộng thật, người ta đã dự định xây một bãi chơi thể thao trên đó.

Một chiếc xe vận tải của nhà thầu xây cất đang đậu trong sân và mấy anh thợ ống nước đang ném lên đó đủ loại giá, ống và đủ thứ đồ khác nghe rầm rầm, nhưng Fédor Mikhéévitch không buồn để ý đến.

Ông tiến vào tòa nhà và khoan khoái nghe bước đi nặng nề của mình khua vang trên nền căn phòng thay áo. Những móc áo hình tam giác di động bằng ống nhôm, và những cái móc nón sáng lấp lánh bỗng nhiên làm lóe lên trong trí ông Hiệu trưởng một ý nghĩ hết sức giản dị mà trước đây ông không hề nghĩ tới, vì ông quá bận tâm đến nhà trường nên không còn đầu óc đâu nghĩ đến chủ nhân của ngôi trường nữa: Viện Khảo cứu sẽ dùng những tòa nhà này vào việc gì? Những cái máng áo này chẳng hạn, chắc phải hủy chúng đi vì sẽ không có tới một trăm nhân viên làm việc ở đây. Và phòng thể dục, đám cây có trái che lấp hết cả tấm biển lớn, những vòng xích đu, trụ cây ngang để xích đu được chôn xuống đất, những cửa sổ có chắn song hay lưới? Vậy là bây giờ phải tháo, nhổ chúng đi hết sao? Còn các xưởng làm việc trang bị đầy những nền bê tông và máy móc? Rồi hệ thống điện năng? Tất cả phòng ốc của ngôi trường? Mấy tấm bảng đen? Rồi đại giảng đường? Phòng tiệc?...

Ngay lúc đó, có hai người thợ sơn đi ngược lại, tiếp theo là hai người thợ nề với dụng cụ của họ, cả bốn đều đi về phía cửa ra.

"Ê, này!" Ông Hiệu trưởng gọi to như vừa chợt tỉnh cơn mê, "các đồng chí!..."

Họ đang đi ra cửa.

"Này, các đồng chí!"

Họ quay lại.

"Đi đâu vậy? Đã hết ngày đâu?"

"Xong hết rồi, ông hiệu trưởng!" Anh thợ nề trẻ nhất vui vẻ nói lớn, trong khi anh kia vẫn tiếp tục đi, nét mặt đăm chiêu. "Chúng tôi ra hít một điếu. Chúng tôi đi luôn đây".

"Đi đâu?"

"Chúng tôi không làm nữa. Có lệnh trên rồi".

"Sao?"

"Ủa, đồng chí chưa biết à? Chúng tôi đi làm việc ở chỗ khác. Chúng tôi phải bắt đầu ngay hôm nay!"

Và vì trước đây họ để ý thấy ông hiệu trưởng tóc bạc hoa râm này không phải là người kiêu căng nên anh ta trở lui vỗ nhẹ tay vào ông:

"Cho chúng tôi xin điếu thuốc, đồng chí hiệu trưởng".

Fédor Mikhéévitch đưa cho họ gói thuốc nhàu nát.

"Anh cai công trường đâu?"

"Anh ấy dông rồi! Dông trước nhất. Anh ta nói thế này: Ngưng đi, không còn là việc của chúng mình nữa, bây giờ thuộc về một cơ quan khác".

"Còn những nơi cần hoàn tất, bây giờ ai lo đây?" Fédor Mikhéévitch nổi cáu. "Anh cười cái gì? Còn phải làm những gì nữa?"

Đôi lông mày nhíu lại làm ông có vẻ giận dữ.

"Ôi", anh thợ nề nói lớn, rít một hơi thuốc và bước theo mấy người bạn. "Đồng chí không hiểu họ làm thế nào à? Họ làm một cuộc thí nghiệm, cho đánh máy, thế là hợp lệ. Thôi chào đồng chí và cảm ơn nhé!"

Fédor Mikhéévitch nhìn theo anh thợ nề vui tánh với bộ đồ lem luốc. Mấy cái đinh của đôi giày ống của anh ta chiếu sáng loáng và anh ta chạy đi, và cả cái Hội đồng Kinh tế quốc gia đã từng đảm trách công trường khốn khổ này, mà công việc đào móng đã trì trệ suốt ba năm trời, cái tổ chức đã làm ngôi nhà này xuất hiện từ lòng đất, đã hoàn thành và đánh bóng nó, cũng ra đi.

Hội đồng Kinh tế quốc gia ấy đang bỏ trốn, nhưng ý nghĩ về những sửa đổi, nhiều vô số và vô lý, đã trả lại ông hiệu trưởng cái sức lực để nổi loạn. Ông hiểu là ông có lý do chính đáng. Và đến lượt ông đi ra như chạy, đến lượt ông nện mạnh gót giày trên nền nhà.

Cái văn phòng có điện thoại đã đóng cửa, Fédor Mikhéévitch chạy bay ra ngoài. Một cơn gió lốc làm tung cát bụi. Chiếc xe vận tải của nhà thầu xây cất đã chạy đến cổng. Anh gác dan đứng ở phía ngoài, ông hiệu trưởng không đi về, ông mò trong túi tìm một đồng mười lăm Kopeck và hướng về phòng điện thoại.

Ông gọi Gratchikov, bí thư của Ban chấp hành thị xã. "Ông ta đang họp", cô thư ký ông ta trả lời ông hiệu trưởng. Ông xưng tên và yêu cầu cô hỏi xem ông ta có thể tiếp ông lúc nào, cô trả lời một giờ nữa.

Fédor Mikhéévitch thả bộ đến trụ sở của Ban chấp hành thị xã. Dọc đường và ngay cả trong phòng đợi, ông mường tượng lại tất cả những tầng lầu, những gian phòng của ngôi trường mới, và ông không thấy có một chỗ nào Viện Khảo cứu có thể phá bỏ hay dựng thêm một bức tường được.

Ông bắt đầu tính trên cuốn sổ tay đại khái giá thành của ngôi trường.

Đối với Fédor Mikhéévitch, Ivan Kapitonovitch không phải chỉ là bí thư của Ban chấp hành thị xã, mà còn là một người bạn đồng ngũ nữa. Họ đã từng chiến đấu bên cạnh nhau trong cùng một sư đoàn, dù không lâu lắm; lúc đó Fédor Mikhéévitch là trưởng ban truyền tin, còn Gratchikov đến sau khi ở bệnh viện ra để thế chỗ một tiểu đoàn trưởng vừa tử trận. Họ nhận ra nhau là người đồng hương, thế nên nhiều đêm không có đánh nhau, họ thường gặp nhau và đôi khi nói chuyện bằng điện thoại để nhắc lại những kỷ niệm ở quê nhà. Sau đó một đại đội trưởng của Gratchikov tử trận. Như mọi khi, người ta lấy sĩ quan tham mưu để lấp chỗ trống, và Fédor Mikhéévitch được tạm thời đưa đến giữ chức vụ đó. Chức vụ "tạm thời" đó được quy định theo nguyên tắc là hai ngày, đến ngày thứ hai thì ông bị thương; khi rời bệnh viện, ông được thuyên chuyển đến một sư đoàn khác.

Giờ đây, trong khi chờ đợi được tiếp, ông tự nhủ là những chuyện xui xẻo toàn đến với ông vào những ngày cuối của tháng Tám: ngày 29 tháng 8, tức ngày hôm qua, là ngày ông bị thương hồi năm 1942, tại đại đội do Gratchikov chỉ huy. Rồi năm 1914, lại cũng là ngày 30 tháng 8.

Đúng là ngày hôm nay.

Có người trong văn phòng ra và gọi Fédor Mikhéévitch.

"Một thảm họa, Ivan Kapitonovitch à!" Ông Hiệu trưởng nói, trước khi bước qua khỏi cửa, với giọng nghẹt nghẹt, khàn khàn. "Một thảm họa!..."

Ông ngồi xuống một chiếc ghế và ông bắt đầu trình bày câu chuyện. Gratchikov đầu chống trên bàn tay, gò má nằm gọn trong lòng bàn tay, chăm chú nghe.

Tạo hóa đã đẽo khuôn mặt của ông bí thư bằng những lát rựa nên để lại trên đó một cặp môi dày, một cái mũi lớn và hai vành tai rộng. Nhưng mặc dù có một chùm tóc vắt ngược, làm cho ông có một vẻ mặt dễ sợ, toàn thể gương mặt ông hiện rõ nét đặc trưng của người Nga cho đến độ dù có mặc quần áo hay đồng phục ngoại quốc đi nữa, cũng biết ngay ông là dân Nga.

"Anh nghĩ xem", ông hiệu trưởng nói, giọng đầy xúc động, "như vậy có ngu không? Tôi không nói đến với nhà trường, nhưng đối với quốc gia có phải là ngu không?"

"Ngu thật", Gratchikov xác nhận một cách quả quyết, nhưng vẫn ngồi yên.

"Anh nghe đây, tôi sẽ nói cho anh nghe những sửa đổi sẽ tốn kém bao nhiêu. Tôi đã tính sơ qua rồi. Cả ngôi trường đáng giá bốn triệu phải không? Nếu sửa đổi, không tới hai triệu thì ít nhất cũng phải một triệu rưỡi, đây anh xem…"

Ông đọc trên quyển sổ tay cả một danh sách những công việc phải làm và giá thành phỏng định. Càng nói ông càng thấy mình có lý.

Gratchikov vẫn ngồi yên, điềm tĩnh, nghe ông nói và suy nghĩ. Có lần ông ta tâm sự với Fédor Mikhéévitch rằng sau cuộc chiến tranh tệ hại đó, ông cảm thấy được giải thoát không phải quyết định một mình và tức khắc nữa; vấn đề muốn biết xem những quyết định đó có đúng hay không, chỉ khi nào sang bên kia thế giới mới biết được. Gratchikov thích giải quyết các vấn đề một cách chậm rãi, sau khi đã suy nghĩ thật chín chắn, thích được nghe ý kiến của người khác. Ông ta rất ghét cái lối kết thúc câu chuyện hay buổi họp bằng những lời truyền lệnh; ông ta cố thuyết phục tới cùng người đối thoại với mình cho đến khi nghe câu: "Phải, rất đúng" hoặc đến khi người ta thuyết phục ngược lại là ông sai. Ngay cả khi có người cãi lại, ông vẫn giữ được giọng ôn hòa và nghiêm nghị. Dĩ nhiên là tất cả những lối đó làm ông mất khá nhiều thì giờ. Knorozov, Đệ nhất bí thư, đã ghi nhận ngay từ đầu cái tật xấu đó, và dùng một trong những công thức vắn tắt và không cầu kỳ, đó là ngón nghề của ông ta, một hôm ông nói với Gratchikov: "Anh chỉ là một người nhu nhược chớ không phải là cấp chỉ huy! Cách làm việc của anh không có tính cách Xô Viết chút nào!". Gratchikov không hề nao núng: "Tại sao? Một con người Xô Viết là một "hội đồng". Tôi làm việc với tinh thần hội đồng. Tôi lấy tất cả ý kiến của dân".

Gratchikov được bầu vào Ban chấp hành trong kỳ hội nghị thị xã vừa qua; nhà máy nơi ông giữ chức vụ trưởng ban quản trị vừa đạt được nhiều thắng lợi cả về phẩm lẫn về lượng.

"Anh có nghe nói đến Viện Khảo cứu đó bao giờ chưa? Nó ở đâu ra vậy?"

"Vâng, tôi có nghe nói".

Gratchikov vẫn để đầu dựa vào lòng bàn tay:

"Chuyện bắt đầu từ hồi mùa xuân. Sau đó cứ dây dưa hoài".

"Vậy sao!" Ông Hiệu trưởng xót xa nói. "Nếu Khabalyguine ký nhận từ trước thì chúng tôi đã dọn đến từ hôm 20 tháng 8 và sau đó không có cách gì để bứng chúng tôi đi được".

Cả hai đều im lặng.

Nhưng trong cái im lặng đó, Fédor Mikhéévitch cảm thấy mặt đất như sụp đổ dưới chân mình. Một triệu rưỡi tiền sửa chữa đã không lay chuyển nổi Đảng, Gratchikov đã không chụp hai tay lên hai máy điện thoại, cũng không nhảy dựng lên, và cũng không chạy đi đâu hết.

"Rồi sao? Bộ Viện Khảo cứu đó quan trọng như vậy sao?"

Fédor Mikhéévitch hỏi với giọng yếu ớt.

Gratchikov thở dài:

"Cái gì của chúng ta cũng quan trọng hết".

Đến lượt ông Hiệu trưởng thở dài.

"Vậy bây giờ chúng ta có thể làm gì, hả Ivan Kapitonovitch? Họ sắp có nghị định của chính phủ, và lúc đó thì hỏng bét hết. Hai ngày nữa họ sẽ được nghị định, đó là thời gian còn lại để chúng ta hành động".

Gratchikov có vẻ suy nghĩ.

Fédor Mikhéévitch quay về phía ông ta thêm một chút nữa, đến độ ông phải ấn đầu gối vào bàn, ông tựa vô bàn và hai tay bợ lấy đầu.

"Anh à! Hay là mình gởi điện văn thẳng lên Hội đồng Bộ trưởng, tôi nghĩ không thể có lúc nào khác hay hơn, sự liên hệ mật thiết của việc giáo dục với cuộc đời… do tôi ký, tôi không sợ gì cả".

Gratchikov chăm chú nhìn ông, trong một phút. Nét mặt nghiêm nghị trong khoảnh khắc biến thành một nụ cười đoàn kết. Gratchikov bắt đầu nói như thể ông ta rất ham nói, với những câu gần như hát, dài dòng và chải chuốt, và đượm một thâm ý niềm nở.

"Fédor Mikhéévitch, anh bạn thân, bạn quý của tôi, anh nghĩ gì về một nghị định của chính phủ? Anh tưởng tượng là cả Hội đồng Bộ trưởng đang ngồi quanh chiếc bàn dài để thảo luận về những gì phải làm với mấy gian nhà của anh à? Và ngay lúc đó, người ta mang vào cho họ bức điện văn của anh?... Một nghị định của chính phủ, chỉ có nghĩa là ông Bộ trưởng hay ông Chủ tịch ủy ban nọ hoặc phải được một trong những ông Phó chủ tịch ký. Ông Bộ trưởng sẽ làm phúc trình với nhiều giấy mực và ông ta sẽ nói thêm: Viện Khảo cứu này có một tầm quan trọng bậc nhất; đã có quyết định đặt nó tại thị xã này và ngay tại đó, hiện có một tòa nhà đã sẵn sàng. Thế là ông Phó chủ tịch hỏi: Tòa nhà đó được xây cho ai vậy? Ông Bộ trưởng trả lời: Cho một trường kỹ thuật, nhưng trường này hiện có phòng ốc khá đàng hoàng, chúng tôi đã gởi một ủy ban đáng tin cậy đến xem, các đồng chí đó đã nghiên cứu vấn đề tại chỗ. Trước khi đặt bút ký, ông Phó chủ tịch còn hỏi: Ban chấp hành vùng có thấy gì trở ngại không? Ban chấp hành vùng của Đảng, anh hiểu thế nào rồi chớ? Bức điện văn của anh sẽ được gởi trả về đây với chỉ thị như sau: "Phối kiểm lại các sự kiện".

Gratchikov chép đôi môi dày.

"Phải giải quyết vấn đề ở cấp vùng mới được, mọi sự đều tùy thuộc vào ban chấp hành vùng".

Bấy giờ ông ta mới đặt tay lên máy điện thoại, nhưng không nhấc máy lên.

"Điều làm tôi khó chịu là anh giáo chức của Ban chấp hành vùng có mặt tại đó mà không có phản ứng gì cả. Nếu Knorozov cũng đã chấp thuận thì kẹt lắm anh à. Anh ta không bao giờ chịu thay đổi quyết định đâu".

Dĩ nhiên là Gratchikov hơi ngán Knorozov, trong vùng này ai lại không ngán ông ta!

Gratchikov nhấc điện thoại lên.

"Konevski đó hả? Gratchikov đây. Có đồng chí Knorozov đó không? Bao giờ ông ấy về? Vậy à! … Nếu ông ấy về trong ngày hôm nay, anh nói giùm là tôi xin ông ấy tiếp tôi ngay nhé… Nếu cần tôi sẽ đến ngay chiều nay…"

Ông ta gác máy và cứ lấy lòng bàn tay vặn lại, xoay tới xoay lui cái máy nằm trên giá. Ông ta ngắm một lúc cái giá điện thoại kim tự tháp đen tuyền, rồi lại quay sang nhìn Fédor Mikhéévitch, lúc bấy giờ đang ngồi hai tay ôm lấy đầu.

"Nói chung thì tôi rất thích các trường kỹ thuật", Gratchikov nói với giọng tâm tình. "Vâng, trường kỹ thuật, tôi thích lắm. Trong nước mình thiên hạ chỉ chạy theo các nhà khoa bảng. Có học có nghĩa phải ít nhất là kỹ sư. Trong khi kỹ nghệ mình cần nhiều nhất những công nhân kỹ thuật. Và các trường kỹ thuật không được ai ngó ngàng tới, không phải chỉ riêng trường anh đâu. Và các anh thu nhận những đứa trẻ lớn như vầy (ông ta đưa bàn tay cao hơn mặt một chút, Fédor Mikhéévitch thật sự chưa bao giờ nhận trẻ con lớn cỡ đó cả), vậy mà bốn năm sau (ông ta đưa ngón tay cái lên trời ra vẻ thán phục) tụi nó trở thành người thợ chuyên môn như vầy. Mùa xuân vừa qua, tôi có dự một buổi trình luận văn tốt nghiệp, anh còn nhớ không?"

"Tôi nhớ", Fédor Mikhéévitch gật đầu buồn bã.

"Trước cái bàn rộng, nơi mà mọi công việc đều được giải quyết trên một tấm thảm nhung và ở đàng đầu có một cái bàn thứ hai được kê ngang thành hình thập tự giá, những lời nói của Ivan Kapitonovitch chan chứa sự hào hiệp cho đến độ những chiếc bàn đó không còn mang một nghiên mực, một giá đựng bút, một cuốn lịch, một đồ chận giấy, những máy điện thoại, một bình nước, một cái khay và một đồ gạt tàn thuốc, mà là những chiếc dĩa đầy những món kho, chiên, xào được dọn ra trên một tấm khăn bàn trắng tinh, và chủ nhà đang mời khách nếm thử các thức ăn đó, thậm chí mang luôn chúng về nhà nữa".

"Một cậu bé mười chín tuổi và có lẽ đó là lần đầu tiên trong đời cậu ta mang cà vạt, mặc áo lớn, không cùng màu với quần – nhưng không biết có phải đó là "mốt" bấy giờ không? – và cậu ta vẽ đủ thứ lược đồ đầy trên bảng, này trên bàn một chiếc máy điều chỉnh - chỉ - và đo khẩu kính [3] mà cậu ta đã tự tay chế lấy, cái máy kêu lách cách, chớp đèn, cậu bé đi qua đi lại, cây thước lui tới trên các hình vẽ, cậu ta làm thật là nhanh và hay quá, tôi thấy phát ghen với cậu ta! Những chữ, những ý niệm, cậu ta dùng như: sự trục trặc hiện tại của máy đo; nguyên tắc vận hành máy của tôi; vấn đề của chúng ta là quan sát sức mạnh của dòng điện a-nốt; những chỉ dẫn của máy thu, năng suất, hệ số sự hòa hợp với những cấu tạo hiện có. Và không biết bao nhiêu thứ khác nữa…"

"Thằng nhỏ tài thật! Còn tôi, ngồi dưới này, tôi thấy giận mình quá. Tôi tự bảo: Mày sống hơn nửa thế kỷ trên trái đất này nhưng nghề của mày là cái khỉ khô gì? Hồi trước tôi cũng đã từng làm chạy được một cái máy tiện. Nhưng mấy cái máy tiện đó người ta bỏ xong từ khuya rồi. Tôi biết lịch sử của đảng và biện chứng pháp Mác-xít. Nhưng bây giờ ai lại không biết những thứ đó! Như vậy thì với sự hiểu biết đó chúng ta không thể tự cho mình hơn người được. Chỉ bao nhiêu đó thôi! Chúng ta sống trong một thời đại mà nếu không có nghề chuyên môn thì không thể nào trở nên cấp lãnh đạo được. Chính những thằng nhỏ như vậy mới thực sự chỉ huy ở nhà máy nơi tôi làm việc trước kia. Tôi phải dùng giọng nói nào để biểu nó gia tăng năng suất chớ? Chính tôi mới là kẻ phải nghe và nhìn cho thật nhiều. A! Nếu tôi trẻ hơn vài tuổi, tôi sẽ vui sướng đi học ở trường anh, học lớp tối…"

Nhận thấy sự tuyệt vọng của ông hiệu trưởng, ông ta cười nói tiếp:

"… trong ngôi trường cũ!’.

Nhưng lời pha trò đó không làm Fédor Mikhéévitch thấy vui chút nào hết. Ông ta lại rút đầu vào hai vai và ngồi thừ như kẻ mất hồn.

Ngay lúc đó cô thư ký bước vào nhắc Gratchikov có một người khách đang đợi ông ta bên ngoài.



--------------------------------------------------------------------------------
[1]Thể tích kỹ hà học: stéréométrie, một loại hình học thực dụng dạy phương pháp đo lường các thể tích.
[2]Chiếu điểm: mire: điểm dùng làm tiêu chuẩn để nhắm.
[3]Máy điều chỉnh – chỉ – và đo khẩu kính: Régulateur – indicateur – calibreur.

Aleksander I. Solzhenitsyn -Ngôi nhà của Matriona ( 3 )

Aleksander I. Solzhenitsyn
Ngôi nhà của Matriona
Nguyễn Văn Son dịch


Vì đại cuộc
Chương I

"Faina này, muốn xin thời khóa biểu môn điện học thì hỏi ai?"

"Để làm gì? Anh là giáo sư phụ trách vô tuyến mà!"

"Faina Valé rionovna, thềm thính quan nằm dưới cả hai mươi đề-xi-ben [1] . Đây là một người bạn mới. Tôi hỏi cho anh ta".

"Xin lỗi nhé! Anh dạy môn gì?"

"Điện cụ dùng cho dòng điện mạnh. Và lý thuyết của sự truyền điện".

"Sao mà ồn quá thế này, nói không nghe gì hết! Thế mà chúng mình là giáo sư đấy! Thời khóa biểu ở đằng góc kia kìa, các bạn đến đó xem".

"Suzanna Samoilovna! Chào bạn!"

"Lidia Guéorguiévna? Trời ơi, cô bạn thân của tôi! Sao mà đẹp quá vậy? Hè vừa rồi bạn ở đâu?"

"Bạn muốn biết à? Cả tháng Bảy ở công trường!"

"Ở công trường? Thế bạn không được nghỉ phép à?"

"Cứ cho là không. Ba tuần thay vì tám. Tuy nhiên tôi không tiếc gì cả. Còn bạn, hơi mệt đấy nhé!"

"Grigori Lavrentiévitch! Môn điện học có gì bạn? Thời khóa biểu cho hai ngày hả?"

"Ban nào cũng vậy, nhưng chỉ tạm thời cho đến mồng Hai tháng Chín thôi. Này các đồng chí, ai đang ra ngoài vậy? Các đồng chí hãy nghe đây! Hãy giữ im lặng! Tôi nhắc lại: Fédor Mikhéévitch có dặn là không ai được đi đâu hết".

"Nhưng ông ấy đâu?"

"Ở bên khu nhà mới. Ông ấy sắp về! Chúng ta sắp dọn nhà rồi".

"Nhưng phải làm ngay đi chớ! Sinh viên ở các tỉnh khác đang kéo đến! Không lẽ để họ ra thuê phòng ngoài phố à? Họ sẽ có câu lạc bộ không?"

"Ai mà biết! Họ cứ tà tà… Không bao giờ làm gì cho kịp lúc hết!"

"Về phần tôi, Maria Diômidovna, ở nhà trường mới tôi sẽ có đến hai phòng để chứa dụng cụ! Như vậy đủ rồi! Một cái cho những đồ căn bản lý thuyết về điện tử, một cái cho những đồ đo điện năng".

"Tôi cũng vậy: một phòng dành cho dụng cụ điện tử và điện ion, chỉ còn mấy cái đồ cách điện là phải dùng với môn học về ánh sáng thôi".

"Tôi mừng cho anh nhiều nhất; tất cả những gì anh hiện có không phải là một phòng thí nghiệm mà chỉ là một cái kho chai bể".

"Với cái đống thùng ở hành lang và dưới hầm thật là một cơn ác mộng! Bây giờ chúng ta đã có ngăn tủ hết rồi: i nhi trong ngăn riêng, ti ra trong ngăn riêng, bóng đèn điện tử…"

"Thôi, đừng hút thuốc nữa, Vitali! Khi nào muốn hút phải xin phép các bà chớ!"

"Tôi xin giới thiệu một đồng nghiệp mới, Anatoli Guermanovitch, kỹ sư Suzanna Samoilovna, giáo sư toán".

"Anh này, chỉ được cái giễu dở, coi chừng tôi có ngày đấy! Tôi mà là giáo sư hả?"

"Thôi được, vậy thì chủ tịch ủy ban các môn giảng huấn trong chương trình vậy. Có khác gì chức giáo sư đâu? Khác chăng là bạn không được hưởng lương thôi. Đây xin giới thiệu luôn Lidia Guéorguiévna, nhân vật rất nổi bật của trường kỹ thuật mình đấy!"

"Các bạn đừng tin anh ấy. Ngược lại thì đúng hơn. Đây này, anh đây này, anh còn nổi bật hơn tôi nữa, và ngay từ buổi đầu".

"Tại chị thấy cái mã của tôi nên nói vậy chớ gì? Chắc chắn là tại cặp kính đeo mắt của tôi phải không?"

"Không, tại vì anh là kỹ sư, và phụ trách một môn học nhất định. Còn tôi thì đâu có khó thay thế; ở đây tôi là "kẻ thừa".

"Chị phụ trách môn gì?"

"Nga văn. Ngôn ngữ và văn học sử".

"Khi nhìn nụ cười của Lidia Guéorguiévna, các bạn hẳn phải đoán là chị ấy không tự cho mình là kẻ thừa ở đây đâu. Trước hết mình phải nói là chị ấy lãnh đạo giới trẻ đó".

"Thế à, thế à… Và họ đã bầu chị à?"

"Không, tôi được Đảng chỉ định. Đặc trách tổ chức thanh niên Komsomol [2] ".

"Thôi, cái cô bé Lidia này, cứ giả vờ khiêm nhượng! Chính mấy sếp trong Komsomol đòi chị ấy trong suốt bốn năm liên tiếp đó…"

"Tôi phải nói thêm là theo ý kiến riêng của tôi nếu ngôi trường mới được cất lên, đó là nhờ công của Lidia Guéorguiévna hết phân nửa đó…"

"À, bây giờ ngạo tôi đấy hả?"

"Tôi vẫn chưa hiểu ai đã xây ngôi trường mới. Hay là do chị. Không phải tổ hợp cất sao?"

"Tổ hợp và chúng tôi, chuyện dài lắm".

"Vậy thì kể nghe đi, Lidia Guéorguiévna. Dù sao cũng đáng cho chúng tôi nghe mà".

"Được rồi, họ bảo chúng tôi như thế này: "Năm nay tổ hợp không đủ ngân khoản để thực hiện toàn diện công tác. Phải hai năm nữa họ mới hoàn tất được. Vậy chúng tôi có giúp được các ông không? Vâng, được. Và các bạn sẽ có tất cả các phòng ốc vào đầu tháng chín". Thế là chúng tôi chụp ngay cơ hội. Chúng tôi đã tổ chức một đại hội Komsomol…"

"Tổ chức ở đâu, ở đây à?"

"Chúng tôi đặt máy phóng thanh ở hành lang và thang lầu. Dĩ nhiên là trong những lớp học như thế này phòng nào cũng có loa phóng thanh hết… Thế là chúng tôi mở một phiên họp. Chúng ta làm nhé? Đồng ý! Chúng tôi thành lập nhiều tổ. Nhưng bọn học trò nói với chúng tôi là: không cần thiết, tụi em sẽ lo lấy. Tôi phải nhìn nhận là chúng tôi đã hết sức lo ngại cho những đứa trẻ nhất, mấy đứa vừa ở tiểu học lên ấy mà, toàn tụi bé con mười bốn, mười lăm tuổi. Chúng có thể dại dột đến đứng dưới cần trục, hoặc có thể ngã từ trên cao xuống. Cuối cùng chúng tôi phải cho bọn học trò lớn canh chừng chúng, nhưng bọn lớn không chịu cho tụi nhỏ làm việc chung".

"Có xảy ra những cuộc hỗn loạn vô ích không?"

"Chúng tôi đã cố hết sức tránh không cho những chuyện ấy xảy ra. Viên trưởng công trường nộp cho Văn phòng Đảng đồ án hàng tuần ấn định số người phụ tá của từng đoàn thể, chúng tôi đã thành lập một loại ban tham mưu để chỉ định các tổ, những tổ này đi làm việc luôn cả những ngày trong tuần, có tổ thì làm trước giờ học, có tổ thì sau. Trường chúng tôi chia ra hai nhóm để điều hành, một nhóm sáng, một nhóm chiều. Những ngày Chủ nhật chúng tôi làm việc tơi bời. Chúng tôi đã đi đến quyết định là mỗi người phải bỏ ra hai tuần lễ nghỉ hè của mình. Những ai không ở tại thị xã thì đương nhiên phải tìm cách làm trong những ngày đầu hay cuối của thời gian nghỉ hè, nhưng những ai phải làm việc giữa mùa hè thì phải cắt kỳ nghỉ hè của mình làm đôi".

"Thế thì tuyệt rồi!"

"Khoan, chưa hết. Tuyệt ở chỗ là chúng tôi không bao giờ phải phạt học trò. Có thể nói chúng đã thay đổi hoàn toàn. Hơn nữa, chúng tôi không phải là những người duy nhất ngạc nhiên trước điều đó, mà cả thợ xây nhà cũng vậy; họ đến bảo với chúng tôi: phải công nhận là chúng tôi không làm giỏi bằng chúng".

"Kinh thật!"

"Không tin à? Anh có thể hỏi bất cứ ai!"

"Không, không phải là tôi không tin… Mình nên nghĩ là lòng nhiệt thành là một trạng thái tự nhiên của con người, nó còn là trạng thái tốt đẹp nhất nữa. Nhưng danh từ đó, chúng ta đã, phải nói thế nào nhỉ, chúng ta đã dùng nó một cách cẩu thả, chúng ta đã làm mất ý nghĩa cao đẹp của nó, chẳng hạn như tụi ở đài phát thanh; ở nhà máy thì nghe toàn những câu làm việc này tôi sẽ lãnh được bao nhiêu tiền? Giá biểu thế nào? Xin cho tôi một bản kê khai. Không có gì lạ cả: quyền lợi vật chất, một chuyện rất thường".

"Ngoài ra, anh có biết chúng tôi còn làm gì nữa không? Chúng tôi đã đồ lại đồ án của ngôi trường, làm thành một "ma-két" nhỏ để làm biểu tượng cho nhóm công tác của chúng tôi mang đi hàng đầu trong những cuộc diễn hành".

"Lidia Guéorguiévna đã bắt đầu bằng khía cạnh tình cảm của vấn đề, nhưng nếu muốn hiểu rõ thì có lẽ phải bắt đầu bằng khía cạnh thực tế. Trường kỹ thuật của chúng ta đã có từ bảy năm nay, và từ lúc chúng tôi được ngôi nhà này, nằm ở phía bên kia con đường sắt (lúc bấy giờ ở ngoại ô), chúng tôi bị sa lầy ở đây. Sau đó người ta đã cất lên một chi điếm ở tầng dưới để làm xưởng, rồi cho chúng tôi một gian phòng phụ trội ở cách đây năm trăm thước; nhưng mặc dù vậy cũng không đủ. Mikhéévitch xin được một miếng đất để cất trường trong thị xã… Trên miếng đất có mấy cái chòi nhỏ, chúng tôi phải phá đi…"

"Và dĩ nhiên là các bạn chỉ làm trong nháy mắt?"

"Mấy cái máy đào đất đã đào công trường và hai cái nền cho hai ngôi nhà được đắp cạnh nhau, một cho trường học, một cho cư xá. Chúng tôi bắt đầu làm tầng dưới và từ đó mọi công việc đều lỡ dở. Liên tiếp trong ba năm, không có ngân khoản, và lúc nào cũng không có đủ ngân khoản. Có lần họ lại còn quên chúng tôi trong danh sách nữa, một lần khác các Bộ bị phân tán rồi sau đó kết hợp lại, họ cứ đẩy chúng tôi hết bộ này đến bộ khác và trong khoảng thời gian đó, mưa tuyết cứ trút xuống, rồi tuyết tan, rồi nước mưa, tất cả những thứ đó cứ nằm ì ra đó. Vừa rồi họ có thành lập những hội đồng kinh tế quốc gia (Sovnarkhozc) chúng tôi lại được hội đồng này chi phối, nhờ đó mà ngân sách chúng tôi mới được tháo khoán đầu tháng Bảy năm ngoái, lúc đó thì…"

"Chị Doussia ơi, đi mở cánh cửa sổ ra giùm đi, mấy ông này cứ hút thuốc lia lịa, không thở được nữa".

"Không lẽ mỗi lần hút một điếu thuốc lại phải đi ra ngoài?"

"Phòng giáo sư đâu phải để hút thuốc?"

"Vậy các bạn đã làm được những công tác gì?"

"Ôi chao, nhiều lắm. Đào móng đặt ống nước, từ nồi đun nước…"

"Đại khái là tất cả các mống! Cho dây điện, cho… tự tay chúng tôi bắt lấy hết!"

"Sau đó chúng tôi đem gạch xuống, chồng chất vào trong lồng của máy trục. Đem đất dưới hầm lên".

"Và lấy giỏ đựng đất khiêng lên mỗi tầng lầu để san cho bằng. Mang máy sưởi vào từng phòng. Ống nước! Sàn nhà! Chúng tôi phải cạo rửa sạch sẽ hết!"

"Tóm lại là nhà thầu chỉ gởi chuyên viên đến chớ không có gởi nhân công".

"Sau đó các chuyên viên mới dạy nghề cho các phụ tá. Chúng tôi có thành lập hai tổ, một là tổ tập sự thợ hồ, một tập sự thợ sơn. Phải thấy họ làm việc mới biết họ tháo vát đến mức nào! Nhìn họ làm là cả một sự thích thú".

"Xin lỗi, nghe như từ ngoài đường vậy? Ở đâu vậy?"

"Không, ta không muốn ngồi rũ rượi
Bên ánh lửa trại hay ánh nến
Ta sẽ sản xuất, sản xuất
Nào những đèn hai chấu,
Nào những đèn ba chấu,
Nào những đèn bốn chấu,
Nào những đèn năm chấu!
Và rất nhiều đèn siêu tầng số".

"Có phải sinh viên của các bạn hát đó không? Họ hát gì vậy?"

"Khỏi cần đứng cửa sổ nhìn xuống cũng biết đó là bọn sinh viên năm thứ ba".

"Mấy thằng quỷ, chúng hát hay thật! Không cách chi nhìn thấy chúng! Từ cửa sổ này có thấy chúng không?"

"Nào, đến xem… Này, chị Marianna Casimirovna, chị cho phép tôi xoay cái ghế của chị một chút nhé!"

"Các bạn nói gì vậy? Lúc này áo đầm kiểu thùng rượu hợp thời trang nhất đấy, các bạn chưa thấy sao? Eo thật nhỏ, phía dưới phùng ra và có nếp xếp nhỏ, dưới gấu thật chật dài đến lưng chừng bắp chân…"

"Đi xa hơn một chút, phía bên kia con sông Tu Sĩ, tôi biết một cái hồ nhỏ: Phải chi các bạn thấy được mấy con cá chép mà tôi đã câu được!"

"Lidia, đi đâu vậy? Thiên hạ còn đang ngồi mà".

"Đến đây xem, Anatoli Guermanovitch. Đây, bạn chồm xuống một chút đi. Đó, bạn thấy đám con trai con gái lẫn lộn đó không?"

"Trên hỏa tiễn, trên máy bay,
Trong mọi nhà ta ở đây
Đèn máy thu thanh chớp nhanh
Trên thế gian trên cung trăng
Hỡi điện tử, ánh sáng long lanh
Cho ta khám phá bao tài năng!".

"Hăng hái thật! Phải công nhận chúng đầy nhiệt huyết!"

"Đó là niềm hãnh diện lớn lao của chúng. Bài ca của những người điện tử, đó là lý do khiến chúng có một cách hát đặc biệt như vậy. Cũng nhờ sự hăng hái đó mà chúng đã đoạt được giải nhì kỳ thi tuyển do thị xã tổ chức. Bạn để ý xem, chỉ nghe mấy đứa con gái hát thôi, bọn con trai không có giọng, trong kỳ thi tuyển mấy anh chàng chỉ lên làm cảnh thôi. Nhưng ở điệp khúc chúng hét inh tai: "Đè…n", "Tài năng…ăng".

"Nếu tôi quan sát chúng một cách không được bạo dạn lắm là vì tôi chỉ quen sống với người lớn. Có lần tôi đến trường thằng con trai tôi để thuyết trình về đề tài "Những thắng lợi của khoa học và kỹ thuật", tôi mắc cỡ muốn chết trước mặt thằng con của tôi, bọn trẻ không nghe tôi nói gì cả, chúng chỉ làm những gì thoáng qua trong đầu chúng lúc đó. Ông giám học cứ đập tay lên bàn rầm rầm, chúng cũng mặc, không thèm nghe cả ông nữa. Sau đó con tôi mới giải thích là cửa phòng bị khóa lại và không ai được phép ra ngoài hết, như thường xảy ra mỗi khi có phái đoàn đến, hoặc trong trường có sinh hoạt văn hóa. Thế là bọn học trò nói chuyện ồn ào để trả thù".

"Không thể so sánh một trường kỹ thuật với một trường phổ thông được, không khí ở đây khác hẳn. Ở đây không có mấy thằng lười biếng chỉ ngồi thộn ra đợi cho năm tháng trôi qua. Ở đây, ông hiệu trưởng có cho những đặc quyền khác: học bổng, học xá… Về vấn đề học xá thì từ bảy năm nay, chúng tôi không tổ chức được, bọn học trò phải ra trọ ở ngoài".

"Chi phí do trường đài thọ chớ?"

"Trường cấp cho mỗi sinh viên ba mươi rúp, theo bảng cấp số thì như vậy cũng được coi là đủ. Nhưng tiền mướn một cái giường nhỏ mỗi tháng là một trăm rúp, nếu muốn khá hơn thì phải một trăm năm mươi rúp. Vì vậy mà nhiều khi chúng phải chung nhau hai đứa thuê một giường. Sau nhiều năm như vậy chúng đâm ra nản, đương nhiên. Anh có vẻ nghi ngờ thực chất của sự hăng hái của chúng tôi; không có gì đáng nghi ngờ cả: chúng tôi đã chán cái cảnh sống trong những điều kiện tồi tàn rồi, chúng tôi muốn có một cuộc sống bình thường! Phải chăng vì vậy mà nhất thiết cho ra đời những ngày Thứ bảy Cộng sản? [3] "

"Rất đúng".

"Đối với chúng tôi cũng vậy. Đây bạn hãy nghiêng mình qua cửa sổ xem".

"Rất nhiều đèn siêu tần số".

"Theo anh thì từ đây đến chỗ có đường sắt cắt ngang con lộ khoảng bao nhiêu thước?"

"Khoảng sáu trăm thước".

"Vấn đề là sáu trăm thước ta phải lội bộ. Và nhiều người mỗi ngày phải cuốc bộ hai bận đi hai bận về. Bây giờ là mùa hè, đã ba ngày rồi không mưa, vậy mà cũng phải nhảy qua mấy vũng nước. Thành thử không có chuyện ăn mặc chỉnh tề được, lúc nào cũng phải mang giày ống. Ở trên phố đã hết mưa từ lâu, thế mà mỗi lần chúng tôi ra đến đó thì người cứ lấm đầy sình".

"Đè…n".

"Thế rồi chúng tôi tổ chức một buổi họp và đã bàn cãi sôi nổi: chúng ta còn phải chịu đựng hình phạt này bao lâu nữa? Chỗ chúng tôi dạy không phải là lớp học mà là những cái tủ dính trong tường. Muốn tổ chức một buổi dạ hội không có cách gì khác hơn là đi thuê phòng, và dạ hội là cái mà chúng thiếu thốn nhất ở đây".

"Tài năng...ăng!".

"Lidia Guéorguiévna ơi! Lidia Guéorguiévna!"

"Dạ".

"Có mấy đứa học trò đòi gặp chị. Có ra được không?"

"Được, được! Tôi ra đây! Xin lỗi…"

"Vô trái đó hay thiệt! Hắn đứng quay lưng vô lưới, người khom xuống nhưng trái banh bay qua đầu, ngay góc sân đang sửa và bay sát dưới xà ngang".

"Nón của chị hả? Thôi, đội hết được rồi! Xưa quá! Bây giờ người ta chỉ đội kiểu binh nông úp xuống không hà!"

"Marianna Casimirovna, xin lỗi tôi làm phiền chị…"

"Tôi tính xin một phần ở dưới hầm để làm xạ trường, tôi đã hứa với học trò rồi…"

"Tôi không đi đâu hết, Grgiori Lovrentiévritch, tôi đang ở thang lầu…"


Chương II

"Nào, ai hỏi tôi đâu? Chào các em, chào em, chào em, chào tất cả các em".

"Hay quá, mình thằng rồi, Lidia Guéorguiévna!"

"… Lidia Guéorguiévna!"

"… Guéorguiévna!"

"Giỏi lắm! Tôi xin khen các em, các em trai cũng như các em gái! Mỗi người đều có dự phần hết!"

Lidia Guéorguiévna đưa tay cao khỏi đầu để cho mọi người đều thấy và ngoe nguẩy mấy ngón tay.

"Các em đã tỏ ra rất xứng đáng! Khen các em và hoan hô niên học mới! Trong ngôi trường mới của chúng ta!"

"Hoan hô!"

"Cô bé nào từ nãy giờ cứ núp hoài vậy? Lina đó phải không? Em cắt bím rồi sao? Uổng quá vậy?"

"Thưa cô, bây giờ người ta không thắt bím nữa!"

"Ối chà, lại thời trang nữa, khổ cho mấy cô học trò bé nhỏ của tôi chưa!"

Mặc áo và váy cùng màu xanh hơi ngả sang lục, cổ áo sơ-mi màu đen bẻ xuống, dáng người dong dỏng, thân hình cân đối, khuôn mặt tươi tắn, Lidia Guéorguiévna đứng trên đầu cầu thang, trước cánh cửa phòng giáo sư và mắt hướng về phía đám học trò kéo đến từ ba phía: từ hai dãy hành lang chật hẹp, ở phía dưới. Chỗ này mọi khi tối lắm, nhưng hôm nay trời đẹp và có nắng nên cũng đủ sáng để phân biệt các màu; và tất cả các màu sắc khác nhau hình như được thể hiện trên những vành khăn buộc tóc, những chiếc khăn vuông, những chiếc áo ngắn, áo dài, những chiếc sơ-mi ô vuông kiểu Tô Cách Lan, trắng, vàng, hồng, đỏ, xanh da trời, xanh lá cây và nâu, bông lốm đốm, thêu hoa lá, sọc, ô vuông và trơn.

Mấy cô con gái cố tránh đứng sát con trai, nhưng con gái với con gái, hay con trai với con trai thì đứng sát vào nhau, ôm nhau, cằm gác lên vai người đứng trước, chồm lên người họ để thấy rõ hơn, và tất cả tạo thành một tập thể sống động, vui tươi, ồn ào như thế đang chờ đợi một cái gì ở Lidia Guéorguiévna.

Cô đảo mắt nhìn qua một lượt và ghi nhận những tiến bộ thể hiện qua những kiểu tóc mới của các nữ sinh viên. Thật ra thì cũng còn thấp thoáng một vài sợi bím nhỏ bé thơ ngây buộc dải băng màu, những đường ngôi ngay ngắn và những chòm tóc buông thõng kém ngoan ngoãn hơn, hay vài lọn tóc hai bên tai, nhưng nhiều hơn hết là mấy bụi tóc bờm xờm như bất cần, theo kiểu muốn mọc sao thì mọc, và rối bời, song trên thực tế được săn sóc rất tỉ mỉ, thành những bụi dây gai, bụi lúa mạch, lúa mì, hay đen huyền. Về phía con trai, cao lỏng khỏng hay thấp lè tè, gầy nhom hay tròn trùng trục, tất cả đều đồng loạt mặc một loại sơ mi sặc sỡ, tất cả đều để hở cổ, có đứa thì để tóc lòa xòa trước trán cho có vẻ tình tứ, lại có đứa chải ngược ra sau bóng loáng, hoặc để lởm chởm như bàn chải.

Trong đám đó, không có bọn lớp nhỏ (lớp nhỏ là những đứa bé tí), còn bọn học sinh của các lớp lớn đang đứng chen chúc nhau ở đây còn ở tuổi để dạy và ngoan ngoãn, cái tuổi còn có thể hướng dẫn trên con đường của cái hay và cái đẹp. Điều đó thấy rõ lúc này.

Bước ra khỏi phòng giáo sư, Lidia Guéorguiévna, vì nhận thấy ngay điều đó và bị lôi cuốn bởi những cái nhìn và những nụ cười đầy tin tưởng, bỗng cảm thấy dâng lên một niềm xúc động, vì phần thưởng cao quý nhất của một nhà giáo là thấy mình được chờ đợi, được vây quanh như vậy.

Chúng nó thì chắc không diễn đạt được những gì chúng thấy ở cô. Tuy nhiên, với bản tính tự nhiên của tuổi trẻ, chúng thích tất cả những gì thành thật, và mỗi đứa đọc được dễ dàng trên khuôn mặt cô là những gì cô nói phản ảnh trung thực ý nghĩ của cô. Đặc biệt là chúng chỉ vừa thấy hiểu và thương cô mấy tháng sau này, ở công trường, nơi cô xuất hiện luôn luôn trong một bộ đồ sậm, chớ không bao giờ mặc quần áo lòe loẹt, đầu đội một chiếc khăn chéo, và cô không đến với tư cách giám sát những công việc đã hoàn tất như người ta thường nói: cô xấu hổ khi gởi người khác đến một nơi mà chính cô sẽ không đến được. Cùng với mấy cô học trò, cô quét dọn, rửa nhà và phân phát vật liệu.

Mặc dù đã gần ba mươi, đã có gia đình và có một đứa con gái hai tuổi, tất cả các sinh viên đều gọi cô, dĩ nhiên là không để lọt vào tai cô, bằng tên tắt là Lidotchka. Bọn con trai rất hãnh diện chạy đi thi hành nhiệm vụ cô giao phó qua một cử chỉ nhẹ nhàng nhưng đầy quyền uy của bàn tay cô, và đôi khi bằng mấy ngón tay ấn nhẹ lên vai, một dấu hiệu của sự tín nhiệm, hay đặc biệt hơn, của niềm hy vọng.

"Thế nào, Lidia Guéorguiévna, bao giờ dọn nhà?"

"Chừng nào dọn?"

"Chúng ta đã từng chờ đợi lâu hơn vầy. Chúng ta hãy đợi thêm hai mươi phút nữa. Fédor Mikhéévitch sắp về ngay bây giờ".

"Nhưng tại sao chúng ta chưa dọn nhà?"

"Tại vì… còn một vài việc đang trong thời kỳ hoàn tất".

"Cứ… ư… hoàn tất hoài!"

"Vậy thì để chúng em làm lấy vậy, cho chúng em đi đi!"

Anh sinh viên mảnh khảnh của ban chấp hành Komsomol, mặc chiếc áo ô vuông nâu và đỏ, người lúc nãy cho gọi Lidia Guéorguiévna ở phòng giáo sư, bèn hỏi:

"Lidia Guéorguiévna! Phải nghĩ cách mình dọn nhà như thế nào. Phải biết mỗi người sẽ làm gì".

"Tôi có ý kiến, các em nghe đây…"

"Im lặng coi mấy bồ, đồ vịt!"

"Đây là ý kiến của tôi: Chúng ta sẽ có hai hoặc ba xe vận tải, đương nhiên, chúng sẽ chở máy móc dụng cụ và tất cả những món nặng nề. Phần còn lại, chúng ta sẽ mang đi theo kiểu mấy con kiến vậy! Các bạn tí hon của tôi nghĩ sao? À, mà từ đây tới đó bao xa?"

"Một cây số rưỡi".

"Một cây số bốn trăm thước đó thôi, tôi đo rồi mà!"

"Bằng cách nào?"

"Bằng đồng hồ của xe gắn máy".

"Thế mình có phải đợi xe vận tải suốt cả tuần không? Với chín trăm mạng mình không làm xong nổi trong một ngày sao?"

"Chúng ta sẽ làm xong!"

"Chúng ta… a sẽ làm… àm xong!"

"Phải bắt đầu sớm chừng nào hay chừng nấy, sau đó mình còn phải thiết lập học xá ở đây nữa chớ!"

"Làm nhanh lên kẻo trời lại mưa xuống thì khốn!"

"Gior, nghe này…"

Bằng một cử chỉ đầy uy quyền, Lidia Guéorguiévna ấn mấy ngón tay chụm lại lên ngực anh thanh niên mặc áo ô vuông nâu đỏ (cử chỉ của cô giống hệt như một tướng lãnh đang rút từ từ trong túi áo ra một miếng huy chương và ghim vào ngực anh binh sĩ với đầy vẻ tự tin).

"Hiện có bao nhiêu nhân viên của ban chấp hành đang hiện diện?"

"Hầu hết đều có mặt, lại còn thêm vài anh ở ngoài nữa!"

"Tốt! Các em tập họp ngay đi. Thiết lập ngay danh sách các toán, nhưng phải coi chừng nghe! Viết làm sao cho người ta đọc được ấy! Chỉ định cho mỗi người số người cần dùng và ghi rõ người nào lo dọn phòng thí nghiệm nào, cái nào nặng nhất, cái nào nhẹ nhất. Phải trông coi thế nào cho học sinh luôn luôn theo sát quý vị giáo sư hướng dẫn, và nhất là phải làm thế nào cho công việc giao phó phải vừa sức từng người. Sau đó chúng ta sẽ đi gặp Fédor Mikhéévitch để xin ông chấp thuận kế hoạch này và kể từ lúc đó, mỗi toán sẽ được đặt dưới quyền sử dụng của người hướng dẫn của mình".

"Vâng", Gior vừa trả lời vừa đứng thẳng người lên. "Vậy hôm nay là buổi họp cuối cùng của chúng ta ở hành lang, ở bên ấy chúng ta sẽ có một phòng họp. Ố ô! Ban chấp hành đâu? Guenka! Rita! Mình họp ở đâu bây giờ đây?"

"Tụi mình ra ngoài đi! Lidia Guéorguiévna gọi với giọng trong như pha-lê. Như vậy mình sẽ gặp Fédor Mikhéévitch sớm hơn".

Cả bọn ùa nhau chạy xuống và đi ra, cầu thang lại trống.

Trước cửa trường, còn có khoảng hai trăm học sinh nữa đang đứng lóng ngóng trên bãi đất trống đã mọc đầy những cây nhỏ. Bọn học sinh năm thứ ba vẫn đứng sát vào nhau thành một đám, mấy cô nữ sinh thì cứ quấn quít từng cặp, mắt nhìn nhau và vẫn tiếp tục:

"Rất nhiều đèn siêu tần số!".

Mấy đứa học trò nhỏ thì chơi rượt bắt, mỗi khi bắt được đứa nào thì "khện" một phát vào lưng.

"Tại sao mày đánh vào lưng nó?" Một cô bé tròn trĩnh giận dữ hét lên.

"Không phải ở lưng, ở xương sống". Một cậu bé đội chiếc nón lưỡi trai dẹp lép sửa lưng cô ta, lưng quần kẹp một cái ruột banh để chơi bóng chuyền.

Nhưng khi thấy ngón tay của Lidia Guéorguiévna chĩa về phía cậu ta đầy hăm dọa, cậu ta phì cười và chạy trốn.

Bọn nhóc, tức học sinh mới vừa ở trường tiểu học lên, tụm nhau từng nhóm nhỏ, ăn mặc sạch sẽ, rụt rè, rảo mắt tứ phía với dáng điệu tò mò.

Vài nam sinh đi học bằng xe đạp kêu mấy đứa con gái lên ngồi ở thanh sắt phía trước xe để chúng chở đi vài vòng chơi.

Vài cụm mây trắng nhẹ như bông tuyết bay lơ lửng, thỉnh thoảng che lấp ánh mặt trời.

"Đừng có mưa nghe ông Trời!". Mấy cô gái chép miệng.

Ba học sinh năm thứ tư môn kỹ thuật phát thanh, hai nữ mặc áo ngắn, một nam mặc sơ-mi, phấp phới trên váy hay quần, đứng thành một nhóm riêng biệt. Mấy chiếc áo ngắn thì chỉ sọc thường, nhưng chiếc sơ-mi màu vàng lòe loẹt lại điểm thêm đầy những hình vẽ dị hợm: cây dừa, tàu bè lung tung loạn xạ. Lidia Guéorguiévna ghi nhận sự khác biệt và một nhận xét từ lâu đã làm cô ngạc nhiên lại trở về với ký ức cô: ngày xưa các anh cô, và sau đó thanh niên ở lứa tuổi cô ăn mặc rất giản dị, toàn là đồng phục; tất cả những thứ màu mè, đồ trang sức và kiểu cách được đương nhiên xem là của phụ nữ. Nhưng mới một vài năm nay, người ta thấy xuất hiện một sự tranh chấp ngược ngạo; con trai lo đến quần áo nhiều hơn, ăn mặc màu mè sặc sỡ hơn con gái, cả đến đôi vớ cũng lòe loẹt, tưởng như không phải chúng tán tỉnh con gái nữa mà ngược lại; càng ngày càng thấy chúng ít nắm tay con gái hơn, chính các cô lại cầm tay con trai nhiều hơn. Những lối đó làm cho Lidia Guéorguiévna khó chịu, cô e ngại cho bọn con trai là sẽ có một cái gì quan trọng ở bản thể chúng do đó mà bị hủy diệt đi.

"Thế nào, Valeri", cô hỏi anh chàng mặc áo vàng tàu bè. "Từ hè qua em có thấy thông minh hơn không?"

Valéri cười cả nể:

"Thưa cô Lidia Guéorguiévna, cô phải hiểu là em rất thiếu phương tiện, nhất định là em phải trở nên ngu hơn rồi".

"Và điều đó không làm em lo ngại sao? Bởi vì bạn gái của em sẽ hết mến phục em".

"Dạ có!"

Nhìn dáng điệu hai cô bạn gái, thấy rõ là câu nói đầy vẻ tự tin của cậu ta không phải là không có lý.

"Trong dịp nghỉ hè, em đã đọc những sách gì?"

"Gần như là không đọc gì cả, Lidia Guéorguiévna", Valéri trả lời cũng với giọng nói đó. Anh ta có vẻ không muốn kéo dài câu chuyện.

"Tại sao vậy?" Lidia Guéorguiévna hỏi với vẻ bất bình. "Tôi tự hỏi tại sao em lại theo học lớp tôi".

"Có lẽ tại chương trình ấn định như vậy". Valéri trả lời.

"Nếu cứ đọc sách thì sẽ không có thì giờ xem chiếu bóng hay truyền hình!... Thì giờ đâu mà làm bao nhiêu chuyện khác?" Hai cô gái đồng thanh buột miệng. "Truyền hình thì không lúc nào nên bỏ hết".

Vài học sinh cùng lớp tiến đến gần.

Lidia Guéorguiévna nhăn mặt. Mớ tóc vàng được chải ra phía sau, để lộ vầng trán với tất cả những nỗi khổ tâm và sự lúng túng của cô.

"Đương nhiên các em, không lẽ ở trường chúng ta học về truyền hình mà tôi lại đi tuyên truyền với các em chống lại vô tuyến truyền hình. Các em có thể xem truyền hình bất cứ lúc nào các em thích nhưng cũng phải… có lúc nghỉ chớ. Dù sao… các em cũng không nên để tất cả mọi thứ nằm trên cùng một bình diện. Một buổi phát hình không khác gì một con thiêu thân, nó chỉ sống được một ngày thôi…"

"Vâng, nhưng khác một cái là nó hấp dẫn hơn, sống động hơn!" Các học sinh cố cãi. "Những điệu vũ…"

"Rồi trượt tuyết, nhất là khi họ bay!..."

"Và đua xe máy dầu!…"

"Còn sách, nó không sống à! Nó sống hàng thế kỷ!" Lidia Guéorguiévna kêu lên với giọng nghiêm khắc, nhưng vẫn giữ nụ cười trên môi.

"Sách ấy à? Nó cũng chỉ sống một ngày thôi!" Một nam sinh trả lời, dáng điệu anh ta có vẻ trịnh trọng, lưng cong gần như gù.

"Em tìm đâu ra ý kiến đó vậy?" Lidia Guéorguiévna bắt đầu nổi giận.

"Này nhé, cô cứ đi dạo thử một vòng ở tiệm sách thì cô sẽ thấy ngay", anh chàng lưng cong đáp. "Có vô số tiểu thuyết cứ nằm ỳ trong tủ kiếng và thi nhau ngả sang màu vàng, tất cả các kệ đều đầy ăm ắp những loại sách ấy. Năm sau nếu cô trở lại, cô cũng sẽ thấy chúng nằm nguyên chỗ cũ. Ở trước sân nhà em, có một tiệm sách, em biết người ta làm sao rồi: họ gói lại và đem đi. Ông tài xế bảo em là chúng đi đến nhà buôn giấy cũ. Thế thì in chúng ra làm gì?"

Niên học trước, mấy học sinh này vừa học xong năm thứ hai và chưa khi nào chúng dám nói với người lớn những câu như vậy! Lúc bấy giờ chúng chỉ trả lời một cách đầy thiện chí những gì người ta hỏi, và luôn luôn được điểm cao.

Giờ đây, một cuộc tranh luận đáng lẽ không nên xảy ra lại diễn ra nơi đây, tất cả đang đứng ở cổng vào, giữa những tiếng ồn ào. Nhưng cô không muốn bỏ cuộc, không, cô không có quyền.

"Phải, nhưng cũng nên biết người ta mang đi những sách nào!"

"Vâng, em có nhìn qua, và em có thể nói cho cô biết loại sách gì", cậu bé lưng cong cố cãi, và một đường nhăn đầy thông minh hiện chéo ngang vầng trán cậu ta.

"Có nhiều cuốn đã được báo chí đón nhận một cách nồng nhiệt…"

Nhưng mấy đứa khác tranh nhau nói ý kiến của chúng và cuối cùng cướp lời nó luôn. Anikine, một trong những đứa giỏi về tất cả mọi môn học, một cậu bé thấp người nhưng chắc nịch, một chiếc máy ảnh tòng teng trước ngực, rẽ đám đông đến nói (mỗi lần cậu ta nói thì ai cũng nghe):

"Lidia Guéorguiévna cho phép chúng em nói chuyện một cách thẳng thắn nghe. Trước khi chia tay, cô có cho chúng em một bản danh sách dài lê thê những tên sách cần phải đọc. Cuốn nào cũng dày cộm không dưới năm trăm trang. Phải mất bao lâu mới đọc xong một cuốn? Hai tháng. Chưa kể là đôi khi còn gặp những thiên anh hùng ca, những bản kịch gồm ba bốn tập, và cứ mỗi lần đọc xong một tập lại phải đọc tập tiếp theo. Người ta phát hành mấy cuốn sách đó cho ai, xin cô cho biết?"

"Cho các phê bình gia chớ ai!" Nhiều giọng khác đồng thanh đáp.

"Để làm tiền".

"Có thể như vậy lắm!" Anikine gật đầu. "Bởi vì một kỹ thuật gia, và đó là thành phần chiếm đa số trong nước mình, một kỹ thuật gia phải có thì giờ để đọc những tác phẩm liên hệ đến nghề chuyên môn của mình, chưa kể các tạp chí, nếu không thì anh ta sẽ trở thành một thằng cù lần và sẽ bị đuổi, nhưng chưa chắc là lỗi của anh ta".

"Đúng!" Bọn con trai la ó lên. "Còn mấy tập san thể thao, bao giờ mình mới đọc?"

"Và Màn ảnh Xô Viết?"

"Lidia Guéorguiévna", được đà Anikine nói tiếp, "vào thời đại chúng ta mà viết những cuốn tiểu thuyết tràng giang đại hải, theo em nghĩ là một sự bất chính của các nhà văn! Tại sao chúng ta đây luôn luôn tìm một giải đáp ít tốn kém nhất trên lược đồ của chúng ta? Mỗi lần một sinh viên trình một dự án cho bằng cấp của mình – như em đã có lần mục kích năm ngoái – người ta cứ không ngớt ngắt lời anh: anh không thể nói gọn hơn sao? Không thể giản dị hơn à? Rẻ hơn có được không? Vậy người ta viết cái gì trong "Literarournia Gazeta"? Nhân vật thì hết sức giản lược, bố cục mập mờ, nhưng chỉ toàn là những ý kiến được phóng đại! Cũng giống như ta nói: dòng điện không chạy, máy không hoạt động, nhưng bạn đã chọn các bộ phận tụ điện hay quá! Tại sao người ta không dám nói cuốn tiểu thuyết có đáng lẽ phải thu ngắn lại mười lần! Một quyển sách có đáng cho chúng ta mệt óc không?"

"Về vấn đề gọn ghẽ, tôi hoàn toàn đồng ý", Lidia Guéorguiévna ngắt lời với một giọng cương quyết, vung tay về phía trước.

Đám đông càng lúc càng lớn dần vây quanh cô liền hú lên, tỏ ý thỏa mãn. Đó là một trong những lý do làm cho học trò yêu cô: cô không bao giờ nói láo, nếu cô bảo đồng ý thì cô đồng ý thật sự.

"Nhưng các em phải hiểu một điều! Sách cho ta một hình ảnh của những con người hiện đại, của chính chúng ta và của những thực hiện to tát của ta…"

"Thì cũng như ký ức vậy!" Tiếng la phát ra từ hàng thứ ba, một nam sinh mang kiếng cận, tóc cắt theo kiểu bàn chải dựng đứng dị hợm. "Chỉ cần sống đến năm mươi tuổi là tự cho mình có bổn phận phải viết những tập ký ức: tôi sanh ra như thế nào, tôi lập gia đình cách nào; như vậy thằng ngốc nhất cũng có thể viết được!"

"Tất cả tùy thuộc ở cách mình viết", giọng cô giáo sư Nga văn lanh lảnh. "Với điều kiện là mình nói về thời đại của mình và về chính bản thân mình!"

"Có cái gì mà họ không viết!" Cậu bé mang kiếng cận nổi cáu. "Tôi bị lên cơn sốt! Tôi ra tỉnh, khách sạn hết phòng…".

Các bạn của anh đẩy anh ta ra và át giọng anh ta.

"Hãy cho em nói, Lidia Guéorguiévna, em muốn nói về sự gọn ghẽ!"

Và cậu học trò có vẻ như giơ tay lên:

"Cho em nói về các tác giả cổ điển!…"

Và anh này cũng muốn giơ tay lên.

Nhìn gương mặt hậm hực của chúng, Lidia nở một nụ cười sung sướng. Cứ để chúng hăng hái quan tâm đến vấn đề, cứ để chúng nài nỉ, trong khi tranh luận vẫn có thể thuyết phục được chúng. Chỉ có sự lãnh đạm của tuổi trẻ là làm cho cô e ngại nhất.

"Em nói đi".

Cô chỉ cậu học sinh muốn nói về sự gọn ghẽ.

Đó là Tchoursanov, một cậu bé với chùm tóc rối bời, mặc áo xám, cổ đã sờn và dựng đứng lên. Cha đã mất, mẹ là một bà gác cổng nghèo, còn phải nuôi mấy đứa em của cậu ta nữa, nên cậu ta phải vào trường kỹ thuật sau lớp 7. Về môn Nga văn và Văn chương Nga, cậu ta ráng giữ ở mức trung bình, nhưng từ khi gia nhập đám tiền phong, cậu ta biết ráp máy và ở trường cậu ta được xem là một thiên tài về máy thu thanh: cậu có khiếu biết định chỗ bị hư mà không cần xem lược đồ, y như là cậu ta cảm thấy được vậy.

"Các bạn nghe đây", Tchoursanov phát biểu với giọng cứng cỏi. "Anikine có lý! Mình không có nhiều thì giờ, phải biết tiết kiệm. Như tôi đây, tôi không bao giờ đọc văn chương cả".

Mọi người cười rộ lên.

"Bồ xin nói về sự gọn ghẽ kia mà!"

"Chớ tôi đang nói gì đây?" Tchoursanov ngạc nhiên. "Tôi mở máy thu thanh, Bản tin cuối cùng, Vòng chân trời chính trị, tôi vừa nghe vừa mặc quần áo, vừa ăng sáng hoặc tay đang ráp một cái gì đó trong nhà, đó tôi tiết kiệm thì giờ như vậy đó".

Mọi người lại cười.

"Cái gì mà các bạn cười dữ vậy?" Tchoursanov lại ngạc nhiên.

"Không có gì đáng cười cả!" Martha Ptochennykh chống đỡ cho cậu ta, cô có dáng người mạnh khỏe và một gương mặt dày rất xấu xí, hai đầu bím tóc đen to tướng đã bung ra. "Lidia Guéorguiévna, cô không đồng ý hay sao? Khi nào thì một quyển sách được gọi là hấp dẫn cho mình đọc? Khi nào ta có thể học trong đó những gì ta không thể học ở bất cứ chỗ nào khác, và chỉ trong quyển đó thôi. Nhưng nếu ta chỉ thấy trong đó những điều ta có thể nghe ở đài phát thanh, hay đọc trong báo, thì quyển sách ấy không ích lợi gì cả. Trong báo luôn luôn rõ ràng hơn, ngắn hơn".

"Và đúng hơn! Bởi vì báo chí không bao giờ sai lầm!" Nhiều giọng khác hô to.

"Còn hình thức thì làm sao? Bộ trong báo hình thức dở lắm hả?"

"Hình thức vă...ăn chư...ương!" Cô bé hồng hào trả lời, vừa nhấn mạnh từng vần vừa gật đầu.

"Hình thức là cái gì chớ?" Tchoursanov hỏi. "Là có một người si tình một người khác, có phải cô muốn nói như vậy không?"

"Coi kìa, nào các bạn, coi kìa, nhất định là phải có hình thức chớ!"

Đến lượt Lidia Guéorguiévna hăng tiết lên, và cô chụm mấy đầu ngón tay lại chỉ vào ngực mình, cử chỉ này, hình như cô thích dùng nhất để thuyết phục.

"Một quyển sách cho ta một tâm lý sâu sắc, giải thích cho ta những sự tinh tế…"

Nhưng chúng đã tấn công cô khắp mọi mặt, có đứa không thèm nghe cô nữa mà thảo luận hoặc nói chuyện gẫu với nhau.

Gương mặt Lidia Guéorguiévna trở nên đỏ gay.

"Khoan, khoan đã!" Cô kêu lớn để làm nguôi bọn nổi loạn, "vấn đề chưa giải quyết xong! Bây giờ, ta sẽ có một phòng họp lớn, bắt đầu từ tháng Chín chúng ta sẽ tổ chức một buổi thảo luận, và tôi" – cô oai vệ đặt tay lên vai Anikine và Potchennykh – "tôi sẽ lôi lên diễn đàn tất cả những người đã phát biểu ý kiến hôm nay, và các em…"

"Ông ấy tới! Tới rồi! Ông ấy tới rồi!" Mấy đứa nhóc la lên và được bọn lớn phụ họa.

Tụi nhóc bắt đầu nối đuôi nhau chạy càng lúc càng nhanh; bọn lớn dãn ra và quay lưng về phía sau. Các giáo sư và sinh viên thò đầu ra cửa sổ lầu một nhìn xuống.

Chiếc "Gazik" [4] của trường với cái giàn thùng móp méo xuất hiện ở nơi giao lộ đường sắt, lắc lư, xóc lên xóc xuống một cách khổ sở vì mu rùa, bánh xe thỉnh thoảng lại tóe nước từ những vũng trên mặt đường. Người ta đã thoáng thấy ông hiệu trưởng và anh tài xế phía sau lớp kiếng trước, cả hai cứ thi nhau lắc lư không ngừng. Mấy đứa học trò chạy dẫn đầu, vừa chạy vừa la để đón mừng ông hiệu trưởng, là những đứa đầu tiên, vì một lý do thầm kín nào đó, đã để ý thấy gương mặt của Fédor Mikhéévitch không được vui lắm.

Và chúng im bặt.

Chúng hộ tống hai bên hông xe cho đến khi ngừng hẳn. Fédor Mikhéévitch mặc một bộ đồ lớn màu xám đã cũ, hơi béo và thấp, đầu bạc hoa râm để trần, ông bước xuống xe đảo mắt nhìn quanh một vòng. Ông phải đi về phía cổng vào, nhưng con đường thẳng hẹp đưa đến cổng đã bị bít lại, các học sinh chen chúc nhau vây quanh ông theo hình móng ngựa, mắt nhìn chòng chọc vào ông, chờ đợi. Những câu hỏi được đặt ra từ cửa miệng của mấy đứa sốt ruột nhất, thoạt tiên với giọng nho nhỏ:

"Thế nào? Thầy Fédor Mikhéévitch?"

"Bao giờ?"

"Bao giờ?"

Sau đó từ những hàng cuối, to hơn:

"Có dọn nhà không?"

"Bao giờ ta dọn nhà?"

Ông rảo mắt một lượt qua những cái nhìn chờ đợi và đầy chất vấn. Không, ông đã thấy rõ, ông không thể mang câu trả lời lên đến lầu một được; ông phải trả lời ngay tại đây. "Bao giờ?". "Bao giờ ta dọn nhà?". Suốt trong mùa xuân và cả mùa hè, học sinh cứ hỏi ông những câu đó. Ông và các giáo sư hướng dẫn chỉ biết trả lời: "Điều đó tùy thuộc ở các em. Tùy theo cách các em làm việc". Nhưng giờ đây, Fédor Mikhéévitch chỉ còn biết thở dài, và nói mà không che giấu nổi sự bực tức:

"Các em à, phải đợi thêm một thời gian ngắn nữa. Nhà thầu chưa làm xong hết".

Giọng ông vẫn luôn luôn nghẹt nghẹt như thể ông bị cảm.

Cả đám sinh viên đều thở dài.

"Lại chờ với đợi!"

"Lại chưa xong…"

"Nhưng ngày mai là mồng một tháng Chín rồi…"

"Rồi sao đây? Lại phải đi thuê phòng nữa à?"

Anh chàng mặc áo vàng tàu bè cười khẩy và nói với hai cô bạn gái:

"Tôi nói với mấy bồ làm sao? Y như rằng! Chưa hết đâu, để rồi xem!"

Chúng bắt đầu la ó:

"Chúng ta không thể tự làm lấy sao, Fédor Mikhéévitch?"

Ông hiệu trưởng mỉm cười:

"Ủa? Mấy em đã thấy thích làm rồi à? Không, lần này không thể làm được".

Mấy cô gái đứng ở hàng đầu cố hết sức để khuyến dụ ông:

"Fédor Mikhéévitch! Chúng ta cứ dọn đại đi, thầy nghĩ sao? Còn phải làm gì nữa?"

Ông hiệu trưởng, với vầng trán rộng, tướng dềnh dàng, nhìn chúng đầy vẻ băn khoăn:

"Biết làm sao bây giờ, xem ra các em muốn tôi giải thích tất cả hay sao?... Có những chỗ sàn gỗ chưa khô…"

"Mình đừng giẫm lên những chỗ ấy…"

"Mình đặt ván lên trên!"

"Rất nhiều cửa còn thiếu then cài…"

"Ối! Ăn thua gì, mùa hè mà!"

"Còn phải thử hệ thống lò sưởi nữa…"

"Đúng… Nhưng mùa đông ta mới cần!"

"… Còn nhiều thứ lặt vặt khác nữa…"

Fédor Mikhéévitch chỉ còn biết giơ hai tay lên trời. Những nếp nhăn chằng chịt vắt ngang trán ông. Không lẽ ông cho chúng biết là phải có một bằng khoán của ngôi trường; là bằng khoán đó phải do nhà thầu và khách hàng ký tên; nhà thầu thì lúc nào cũng sẵn sàng ký rồi, họ không muốn gì hơn là giao ngôi trường sớm chừng nào hay chừng nấy. Riêng phần Fédor Mikhéévitch thì vì thời giờ của ông quá ư quý báu nên ông cũng mong được ký cho xong, với điều kiện là trường kỹ thuật là khách hàng; nhưng trường không thể là khách hàng được, lý do là nhà trường không có nhân viên đủ tư cách pháp lý để kiểm soát phẩm chất của sự kiến trúc và kỹ thuật của ngôi trường, do đó mà việc đặt hàng đã được ủy ban lo về những việc xây cất mới của xưởng chế tạo dụng cụ thay thế thực hiện cho ông, xưởng này tuyệt nhiên không có lý do để đốt giai đoạn hay vi phạm luật lệ. Khabalyguine, giám đốc xưởng, đã từng hứa với Fédor Mikhéévitch trong suốt mùa hè qua, là ông sẽ nhận được ngôi trường trong tháng Mười, dù có việc gì xảy ra chăng nữa, mới đây lại tuyên bố: "À, cái đó thì không được rồi! Khi nào mà con ốc cuối cùng chưa bắt vào thì chúng tôi chưa thể ký được". Trên nguyên tắc ông ta hoàn toàn có lý.

Mấy cô gái lại nói với giọng than thở:

"Trời ơi! Tụi em thèm dọn nhà quá, Fédor Mikhéévitch ơi! Tụi em chỉ lo có bao nhiêu đó thôi à!"

"Tại sao vậy?" Tchoursanov hỏi vặn mấy cô bé với giọng gay gắt. Cậu ta đã leo lên đứng trên mô đất và nhìn thấy rõ tất cả mọi người. "Dù sao chúng ta cũng phải đến làm việc tại công xã nhân dân trong một tháng, can hệ gì chuyện chúng ta sẽ xuất phát từ ngôi trường này hay từ ngôi trường mới chớ?"

"À! Phải, đúng rồi, công xã… Mấy đứa khác như chợt nhớ ra. Chúng ta đã quên bẵng điều đó, vì suốt mùa hè chỉ biết mải mê làm việc ở công trường xây cất".

"Năm nay chúng ta không đến công xã!" Bằng giọng cả quyết, Lidia Guéorguiévna tuyên bố từ hàng cuối.

Lúc bấy giờ Fédor Mikhéévitch mới biết là cô cũng có mặt ở đó.

"Tại sao chúng ta lại không đi, Lidia Guéorguiévna, tại sao?" Có người hỏi cô.

"Đáng lẽ các em phải đọc báo của vùng, họ có viết một bài".

"Một bài?"

"Ta cứ đi như thường…"

Fédor Mikhéévitch rẽ đám sinh viên và tiến về phía cổng. Lidia Guéorguiévna chạy theo ông đến thang lầu. Thang lầu này lại chỉ cho phép có hai người đi song song.

"Fédor Mikhéévitch! Họ sẽ cho chúng ta ngôi trường vào tháng Chín chớ?"

"Phải", ông trả lời với giọng xa xôi.

"Chúng tôi có một ý kiến rất hay là sẽ dọn hết trong khoảng từ trưa thứ Bảy đến chiều Chủ nhật. Như vậy chúng ta sẽ không mất một buổi học nào. Chúng ta sẽ giao mỗi nhóm một phòng thí nghiệm. Ban chấp hành đang thiết lập dự án".

"Tốt lắm". Ông Hiệu trưởng vừa trả lời vừa gật đầu, nhưng vẫn tiếp tục đeo đuổi những suy tư của mình.

Điều làm ông lo nghĩ là những sự hoàn tất cuối cùng thật ra không đáng gì cả, xưởng có thể tiên đoán được những chuyện đó sớm hơn hai ba tuần, và như vậy, rất có thể thôi thúc cùng cho nhanh hơn hầu nhận ngôi trường đúng thời hạn. Tuy nhiên, có nhiều chi tiết nhỏ nhặt gây ấn tượng là xưởng cố ý kéo dài thì giờ để tạo sự bê trễ.

"Còn chuyện này nữa, Fédor Mikhéévitch! Chúng tôi đã xét trường hợp của Engalytchev ở ban chấp hành, nó đã hứa danh dự với chúng tôi, và chúng tôi xin bảo đảm cho nó. Xin ông tái cấp học bổng cho nó kể từ ngày một tháng Chín".

Ánh mắt của Lidia Guéorguiévna hết sức khẩn khoản và đầy tin tưởng.

"Cô thì lúc nào cũng đi xin cho người khác", ông hiệu trưởng vừa nói vừa gật đầu, và đôi mắt xanh biếc của ông nhìn thẳng vào cô. "Nhưng nếu nó tái phạm?"

"Không, không đâu!" Cô trả lời một cách chắc chắn vừa lúc cả hai lên hết cầu thang và đối diện các giáo sư khác cùng cô thơ ký.

"Thôi được".

Ông bước vào văn phòng chật hẹp, sau khi cho gọi ông giám học và các giáo sư trưởng ban. Ông muốn nghe chính họ nói, để được yên tâm, là họ sẵn sàng bắt đầu niên học mới, dù có chuyện gì xảy đến đi nữa, và mọi sự cần thiết đã được giải quyết xong trong khi ông vắng mặt.

Qua bao năm dài lèo lái ngôi trường, Fédor Mikhéévitch luôn luôn cố gắng quản trị theo một phương pháp sao cho mọi việc có thể chạy đều mà không nhất thiết phải có mặt ông, và cho người ta cần đến quyết định cá nhân của ông càng ít càng hay. Tốt nghiệp trường truyền tin trước Thế chiến, ông không thể học hỏi thêm về tất cả các ngành chuyên môn mới của một nền kỹ thuật biến chuyển nhanh như vậy, ông cũng không thể nào thông minh hơn các kỹ sư. Tính ông hiền hòa và ít tham vọng; theo ý ông, vai trò một hiệu trưởng không phải là bắt người khác theo những ý kiến bất định của mình, trái lại là một điểm tập trung, góp nhặt những người chịu tin tưởng lẫn nhau và quen làm việc trong tinh thần tập thể.

Faina, cô thư ký, một người đàn bà đứng tuổi, cử chỉ khoan thai, một chiếc khăn màu buộc dưới cằm, góc kia bay lất phất phía sau mang tai, tương tự như lá cờ phấp phới theo nhịp đi nhanh nhẹn của cô, đến đặt trước mặt ông hiệu trưởng một văn bằng đã điền xong, và mở nắp một lọ mực tàu.

"Cái gì vậy?" Fédor Mikhéévitch hỏi, chưa hiểu.

"Văn bằng của Gomozina, vì lý do sức khỏe nên cô xin đệ trình trước.."

"Thôi được, được rồi…"

Ông thử lại ngòi bút, chấm mực rồi đưa mấy ngón tay của bàn tay trái sang nắm cườm tay phải như thể đeo một chiếc vòng và sau đó ông mới bắt đầu ký.

Vết thương thứ nhì của ông, bị ở Transylvanie, không những đã làm gãy xương vai của ông, đến nay vẫn chưa lành hẳn, mà còn gây cho ông một sự xáo trộn nặng nề. Thính giác ông bị giảm sút, tay ông vẫn còn run, do đó mà ông không dám để bàn tay mặt làm việc một mình mỗi khi ông ký một chữ ký quan trọng.



--------------------------------------------------------------------------------
[1]Décibel: một phần mười của bel, đơn vị đo lường cường độ âm thanh, một giọng nói mạnh tương đương với 20 décibels (người dịch).
[2]Komsomol: một tổ chức sinh hoạt thanh niên.
[3]Năm 1919, đáp lại lời kêu gọi của Lênin, thợ thuyền Nga tự nguyện làm việc không lương trong những ngày nghỉ để cứu quốc gia ra khỏi nguy cơ kinh tế.
[4]Gazik: một loại xe vận tải nhẹ .