Aleksander I. Solzhenitsyn
Ngôi nhà của Matriona
Nguyễn Văn Son dịch
Vì đại cuộc
Chương III
Một tiếng rưỡi sau, hầu hết mọi người đều ra đi. Chỉ còn lại các giáo sư và các phụ tá phòng thí nghiệm của họ, có bổn phận sửa soạn các buổi thực tập. Các sinh viên chen nhau ở phòng kế toán nơi ghi tên thuê phòng ở ngoài phố, Lidia Guéorguiévna và ban chấp hành đã thiết lập xong kế hoạch dọn nhà mà ông hiệu trưởng và các trưởng ban đã chấp nhận.
Fédor Mikhéévitch vẫn còn ngồi với ông giám học, bỗng Faina với chiếc khăn phấp phới trên đầu như một lá cờ, bước vào văn phòng và cho hay, trông dáng điệu như sắp sửa thông báo một tin giật gân, là có hai chiếc Volga đã vượt qua đường sắt và đang chạy về hướng này. Ông hiệu trưởng nhìn qua cửa sổ và thấy quả đúng có hai xe Volga, một xanh, một xám, đang chạy đến, lắc lư vì mấy cái mu rùa trên đường.
Không còn nghi ngờ gì nữa, chắc chắn đây là khách cấp cao, và như vậy là ông phải xuống đón tiếp họ. Nhưng vì ông không có hẹn với ai trong giới cao cấp nên ông chỉ đứng ở cửa sổ lầu một nhìn xuống. Những cụm mây trắng lớn cuồn cuộn kéo nhanh ngang trời.
Hai chiếc xe tiến đến tận cổng và dừng lại, từ trên xe bước xuống năm người đàn ông đội nón nỉ: hai cái màu xanh ve chai đang rất thịnh hành trong giới lãnh đạo của thị xã, mấy cái kia màu lợt. Fédor Mikhéévitch nhận ra ngay người đi đầu: Vsélovod Borissovitch Khabalyguine, giám đốc xưởng vật liệu tiếp vận, người "tiếp nhận" ngôi trường mới, ông ta giao thiệp rất rộng và âm mưu nhiều vụ làm ăn lớn hơn những vụ của Fédor Mikhéévitch gấp bội; tuy nhiên ông ta đối xử vớ Fédor Mikhéévitch rất lịch sự. Lúc sáng Fédor Mikhéévitch đã hai lần gọi điện thoại cho Khabalyguine để yêu cầu ông nhượng bộ và cho phép ủy ban lo về xây cất tiếp nhận ngôi trường bằng cách thiết lập danh sách những gì còn thiếu sót.
Liên tiếp hai lần người ta trả lời ông rằng ông giám đốc đi vắng. Fédor hình như đoán ra nên nói với ông giám học cao nhồng và gầy nhom:
"Grgiori à, biết đâu đó không phải là một ủy ban đến quan sát để đốc thúc cho nhanh? Nếu đúng như vậy thì hay quá!".
Và ông vội đi ra đón tiếp quan khách. Ông giám học khắc khổ, đầu óc rất thực tế, được sinh viên nể sợ, nối gót theo sau.
Fédor Mikhéévitch vừa bước xuống được một bậc thang thì năm ông khách đã nối đuôi nhau lên thang lầu tiến về phía ông. Khabalyguine không cao lắm, đi đầu. Ông ta chưa đến sáu mươi nhưng đã béo phệ, vượt quá một trăm mười kí từ lâu, và sự béo phệ đó làm ông ta bực bội không ít. Tóc hai bên thái dương ông ta đã ngả màu bạc.
"Tốt, tốt", ông ta nói và chìa tay cho ông hiệu trưởng, một cách thỏa mãn.
Khi đã lên gần hết cầu thang, ông ta quay lại:
"Đây là một đồng chí ở trên Bộ chúng ta".
Đồng chí ở trên Bộ hơi trẻ hơn một chút nhưng cũng khá mập. Ông ta đưa ba đầu ngón tay trắng và yếu ớt của mình cho Fédor Mikhéévitch cầm một lúc rồi tiếp tục leo lên.
Xin mở dấu ngoặc là Bộ của "chúng ta" từ hơn một năm nay không còn dính líu gì với đây hết, vì từ ngày đó trường kỹ thuật đã thuộc quyền của Hội đồng Kinh tế quốc gia.
"Sáng nay tôi có điện thoại cho ông hai lần", Fédor Mikhéévitch nói với một nụ cười tươi tắn, và ông cầm tay áo của Khabalyguine, "tôi có ý xin ông…"
"Đây là một đồng chí của ủy ban đặc trách những vụ…"
Ông ta kể tên của ủy ban đó, nhưng Fédor Mikhéévitch bị cụt hứng nên không hiểu ông ta nói gì.
Đồng chí của ủy ban đặc trách những vụ... là một nhân vật còn rất trẻ, cao ráo, tướng mạo phong nhã, ăn mặc hợp thời trang đến từng chi tiết nhỏ.
"Và đây", Khabalyguine nói tiếp, "một ông thanh tra về điện tử của…"
Ông ta tiếp tục giải thích là ở đâu, nhưng vì vừa nói ông vừa tiếp tục đi lên nên, thêm một lần nữa, Fédor Mikhéévitch không hiểu là ở đâu.
Ông thanh tra về điện tử là một nhân vật nhỏ thó, nước da sậm, nhưng có vẻ dễ thương, có hàm ria kiểu rất nhỏ, dài không quá bề rộng cái mũi của ông.
Nhân vật cuối cùng là một giáo chức của Sở Kỹ nghệ trong ban chấp hành vùng của đảng. Fédor Mikhéévitch biết rõ người này. Họ chào nhau.
Cả năm người đều đi tay không.
Nơi đầu cầu thang, cạnh lan can, ông giám học khắc khổ đang đứng ở thế thao diễn nghiêm, y hệt một quân nhân. Có người gật nhẹ đầu chào ông, có người thì lờ đi.
Cuối cùng Khabalyguine cũng kéo được tấm thân méo mó vì nhiều mỡ của ông lên khỏi bậc thang cuối cùng. Không có cách nào để đi song song với ông ở cầu thang chật hẹp này, và cũng không thể đi ngược chiều với ông ta. Lên tới nơi là ông ta bắt đầu thở như ống bễ lò rèn. Chỉ có dáng điệu luôn luôn vui tươi và đầy nghị lực của ông ta là khiến ta khỏi thương hại ông ta mỗi khi thấy ông ta khổ sở trong từng bước đi, từng động tác, để chiến đấu với tấm thân sồ sề của mình; đó là chưa kể một phần mỡ thừa xấu xí đã được bác thợ may khéo léo che đậy.
"Chúng ta vào văn phòng tôi nhé!" Fédor Mikhéévitch nói từ trên đầu cầu thang.
"Thôi, ngồi làm gì vô ích", Khabalyguine đáp. "Anh cứ đưa chúng tôi đi một vòng cho chúng tôi thấy anh sống như thế nào ngay đi. Đồng ý không các đồng chí?"
Đồng chí của ủy ban đặc trách những vụ... kéo tay áo mưa ngoại quốc của ông ta lên để nhìn đồng hồ:
"Dĩ nhiên", ông ta đáp.
"Tôi sống?..." Fédor Mikhéévitch thở dài.
Và ông đổi đại danh từ "tôi" ra số nhiều ngay sau đó.
"Chúng tôi không sống, chúng tôi chịu đựng sự hành hạ của kẻ tử vì đạo. Một tốp sáng một tốp chiều. Trong các phòng thí nghiệm không đủ chỗ. Nhiều cuộc tập khác nhau trong cùng một phòng, đôi khi còn phải lấy dụng cụ ở bàn ra để đặt cái khác vô".
Ông nhìn hết người này đến người kia, giọng nói của ông giống như giọng của một người đang chạy tội hay tìm cách xin lỗi.
"Kìa, anh nói gì lạ vậy!" Khabalyguine đáp lại, người rung lên vì một cơn ho, nếu không phải là ông ta đang cười.
Những nếp nhão nhoẹt trên gò má ông ta cũng rung lên như miếng da dưới cổ con trâu.
"Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là anh có thể sống ở đây đến bảy năm!"
Fédor Mikhéévitch nhướng đôi lông mày trắng rậm rạp nằm trên đôi mắt màu lợt:
"Nhưng, Vsévolod Borissovitch, hồi trước đâu có nhiều ban như bây giờ! Và đâu có nhiều trình độ như vầy!"
"Thôi, được rồi, anh cứ đưa chúng tôi đi xem đi, rồi chúng tôi sẽ tính sau!"
Ông hiệu trưởng hất đầu ra hiệu cho ông giám học, có ý bảo ông này phải lo mở tất cả các cửa, và ông bắt đầu hướng dẫn cuộc thăm viếng. Năm ông khách nối gót ông, vẫn mặc áo mưa và đội nón.
Họ bước vào một căn phòng rộng với bốn bức tường đầy những kệ nặng trĩu máy móc. Vị giáo sư, một phụ tá phòng thí nghiệm mặc áo choàng xanh dương, và một sinh viên năm thứ tư, chính là Tchoursanov với cái áo sờn cổ, đang sửa soạn những cuộc thực tập. Căn phòng quay mặt về hướng nam nên tràn ngập ánh nắng.
"Thế nào?" Khabalyguine vui vẻ nói, "anh cho là ở đây không được tốt lắm à? Phòng đẹp như thế này!"
"Nhưng ông phải hiểu", Fédor Mikhéévitch nói, hơi bất bình, "ông phải hiểu là có tất cả ba phòng thí nghiệm chồng chất lên nhau trong gian phòng này: căn bản về kỹ thuật thu thanh và ăng-ten, thiết bị phòng truyền thanh, và máy thu thanh".
"Phải, rồi sao?"
Đồng chí của Bộ quay cái đầu bảnh trai và to tướng lại, ông ta cũng có vẻ bất bình không kém.
"Chắc anh cho là ở trên Bộ, sau ngày cải tổ, bàn làm việc của chúng tôi rộng hơn à? Chật hơn nữa đấy!"
"Nhất là chúng được làm bằng vật liệu rất thường", Khabalyguine rất thỏa mãn, vỗ vai ông hiệu trưởng:
"Anh đừng làm ra vẻ nghèo khổ, anh không đến nỗi nào đâu…"
Fédor Mikhéévitch nhìn ông ta, ngần ngừ.
Thỉnh thoảng, Khabalyguine cử động cặp môi và đôi gò má, như là ông ta vừa nuốt một món gì rất ngon mà chưa xỉa răng được, và có một mảnh nhỏ đồ ăn còn dính trong một góc miệng.
"Còn cái này để làm gì vậy?"
Đồng chí của ủy ban những vụ... đang đứng trước một đôi giày ống bằng cao su, trông rất lạ lùng, cổ giày cao bất tận, như đôi giày bảy dặm vậy, và bẻ ngược xuống, và ông ta lấy mũi giày nhọn của ông ta ấn vào.
"Đó là giày ống cho điện cao thế", vị giáo sư nhỏ nhẹ giải thích.
"Giày ống à?"
"Cho điện cao thế", Tchoursanov la to với sự táo bạo của người không có gì phải sợ hết.
"À!? À phải rồi, hay quá!" Đồng chí của ủy ban những vụ... nói xong nối gót theo mấy người kia.
Viên giáo chức của ban chấp hành vùng là người cuối cùng hỏi Tchoursanov:
"Giày này dùng làm gì?"
"Để mang khi sửa máy phát thanh".
Fédor Mikhéévitch muốn chỉ cho họ xem tất cả các lớp học, nhưng họ chỉ đi ngang qua cửa thôi, rồi cuối cùng bước vào một giảng đường. Trên tường treo đầy những bảng chia động từ và bảng hình vẽ, các kệ tủ chứa đầy những mẫu thể tích và kỹ hà học [1] .
Viên thanh tra điện tử đếm số bàn (có tất cả mười ba cái) đưa hai ngón tay lên vuốt hàm ria lởm chởm:
"Mỗi toán có bao nhiêu đứa", ông ta hỏi, "ba chục không?"
"Vâng, khoảng đó…"
"Vậy thì có bàn không tới ba đứa".
Rồi họ tiếp tục cuộc viếng thăm.
Trong căn phòng nhỏ học về vô tuyến truyền hình, khoảng một chục máy truyền hình hiệu khác nhau, còn mới tinh và được tháo ra nửa chừng, đang nằm trên mấy cái bàn.
"Tất cả đều chạy chớ?" Đồng chí của ủy ban những vụ... hất đầu chỉ những máy TV và hỏi.
"Dạ cái nào cần phải chạy thì chạy". Một phụ tá trẻ tuổi ăn mặc lịch sự nhỏ nhẹ đáp.
Anh mặc một bộ đồ màu cát, có phù hiệu kỹ thuật gia gắn ở ve áo, và đeo một cà vạt màu lòe loẹt.
Nhiều chỉ tiêu công tác nằm chất đống và ông thanh tra lật từng tờ lẩm nhẩm đọc:
"Điều chỉnh máy TV theo "chiếu điểm" [2] . Cách sử dụng máy TV như một máy khuếch đại. Sự cấu tạo những tín hiệu hình ảnh…"
"Đó, anh thấy chưa, ở đây đâu có kệ tủ gì đâu nhưng cũng xong mà". Khabalyguine lưu ý.
Fédor Mikhéévitch càng lúc càng không hiểu phái đoàn này thực sự muốn gì.
"Nhưng tất cả đều ở phòng bên cạnh, Volodia, anh hãy cho quý vị đây xem".
"Sao? Còn một phòng nữa à? Vậy thì sang quá rồi còn gì?"
Cánh cửa văn phòng được làm theo khổ hà tiện, theo kiểu cửa buồng chứa đồ không dùng đến. Anh phụ tá mảnh mai và ăn mặc lịch sự bước vào dễ dàng, đồng chí của Bộ cũng chui vào nhưng khó khăn hơn, và ông ta biết ngay là ông ta không thể bước thêm một bước nào nữa. Mấy ông khách đành thay phiên nhau thò đầu vô nhìn. Đó chỉ là một loại đường hẻm hẹp, nằm giữa hai hàng kệ tủ chồng chất lên cao tới trần nhà. Anh phụ tá phòng thí nghiệm giơ tay lên chỉ từ trên trời xuống dưới, giống như người hướng dẫn đi xem viện bảo tàng.
"Ở đây là vật liệu phòng thí nghiệm vô tuyến truyền hình. Đây là đồ cung cấp điện. Còn đây là đồ dùng trong những cuộc trắc định kỹ thuật phát thanh".
Trên các tấm ván gỗ chất đầy những dụng cụ có kim đồng hồ, những thùng đen ngòm nâu hay vàng.
"Còn cái này, để làm gì vậy?"
Đồng chí của Bộ chỉ tay lên vách tường.
Ông ta vừa nhận ra là viên phụ tá phòng thí nghiệm đã chừa một khoảng trống trên tường và trong khung cửa sổ không bị vướng đồ đạc đó, được ghim một tấm hình màu của một người đàn bà trẻ, cắt trong một tạp chí ra. Vì không có biên đề tựa gì bên cạnh nên không thể biết được người đẹp tội lỗi ấy được lấy ra từ trong một tạp chí Xô Viết hay ngoại quốc: chỉ thấy đó là một cô gái đẹp tóc nâu sậm, mặc áo ngắn thêu chỉ đỏ hình vòng cung kép. Cằm cô ta đặt lên hai bàn tay đan vào nhau, hai cánh tay để trần, đầu hơi nghiêng qua một bên và nhìn viên phụ tá phòng thí nghiệm trẻ tuổi và đồng chí của Bộ với ánh mắt không có gì là kỹ thuật cả.
"Các anh bảo không có chỗ", đồng chí của Bộ càu nhàu và quay đi ra phía cửa một cách khó nhọc, "vậy mà các anh đi dán đầy những thứ gì đâu không".
Ông ta quay nhìn một lần nữa cô gái trên tường rồi bước ra ngoài.
Cái tin có một ủy ban ghê tởm đến viếng đã đồn đi khắp trường, và đó đây, một cái đầu thò ra từ một cánh cửa hé mở, vài khuôn mặt lấp ló ở hành lang.
Lidia Guéorguiévna bỗng nhiên đứng trước mặt ủy ban. Cô tránh sang bên, áp sát lưng và tay vào tường, mắt nhìn theo họ với vẻ lo ngại. Cô không nghe được những gì họ nói trong câu chuyện, nhưng vẻ mặt của ông hiệu trưởng cho cô hiểu là có một cái gì bất thường đã xảy ra.
Fédor Mikhéévitch nắm lấy khuỷu tay của viên giáo chức trong ban chấp hành vùng và, thừa lúc đứng cách xa mấy người kia, ông nói nho nhỏ:
"Ai gởi họ đến vậy? Tại sao không có người nào trong Hội đồng kinh tế quốc gia vậy?"
"Victor Vaviliévitch yêu cầu tôi tháp tùng, tôi không biết gì cả".
Trở về đầu cầu thang khi nãy, Khabalyguine đằng hắng lấy giọng, các nếp nhăn vàng vàng đầy mỡ lại rung rinh dưới cổ ông ta và ông đốt một điếu thuốc.
"Thôi được. Mấy chỗ kia chắc cũng vậy".
Đồng chí của ủy ban những vụ... đưa mắt nhìn đồng hồ đeo tay:
"Đại khái thì tình hình rất rõ rệt".
Viên thanh tra điện tử chỉ đưa hai ngón tay lên vuốt râu mà không hé môi.
"Ngoài căn nhà này, ông còn bao nhiêu căn nữa?" Đồng chí của Bộ hỏi.
"Còn hai căn nữa, nhưng…"
"Ồ, cò...òn tới hai căn nữa à?"
"Vâng, nhưng không tốt! Chỉ là những tầng trệt thôi. Không tiện nghi chút nào hết. Lại cách xa nhau nữa. Mời quý ông đi xem qua".
"Xưởng thợ phải không?"
"Nhưng các ông có thực sự hiểu chúng tôi đang ở trong những điều kiện nào không?" Fédor Mikhéévitch lớn tiếng, đột nhiên vượt ra khỏi những lịch sự tiếp đãi, hay sự kính nể do địa vị cao sang của mấy ông khách… "Đến nỗi nhà ngủ cho sinh viên chúng tôi cũng không có; giờ đây căn nhà này sẽ trở thành học xá của họ. Các nam nữ sinh viên của chúng tôi phải thuê phòng khắp hang cùng ngõ hẻm của thị xã, đôi khi họ phải nghe những lời thô bỉ, phải chung đụng bọn bợm nhậu. Tất cả công trình giáo dục của chúng tôi bị phá hoại, vả lại mấy ông muốn chúng tôi giáo dục ở đâu? Ở tại cầu thang này chắc?"
"Thôi mà, thôi mà!" Các thành phần của ủy ban phản đối.
"Công việc giáo dục nằm trong tay ông!" Với giọng nghiêm nghị, người thanh niên của ủy ban những vụ... xác nhận.
"Anh không cần phải kêu gọi ai làm việc đó giùm anh hết!" Viên giáo chức của ban chấp hành vùng chêm vô.
"Anh không cần phải biện giải gì hết!..." Khabalyguine tiếp theo, giơ hai cánh tay ngắn ngủn lên trời.
Fédor Mikhéévitch quay đầu đi và bất giác nhún vai, có lẽ để khỏi bị châm chọc từ tứ phía, hay có lẽ để thoát ra khỏi cái thế khổ sở của người bị chất vấn. Nếu không phải ông là người đặt câu hỏi thì ông sẽ không bao giờ hiểu và biết thêm được gì cả. Đôi lông mày bạc và rậm nhíu lại gần đụng nhau:
"Xin quý vị vui lòng cho biết ai phái quý vị đến đây và với mục đích gì?"
Đồng chí của Bộ giở nón ra và lau trán. Không có nón ông lại có vẻ trịnh trọng hơn. Những sợi tóc hoa râm rất oai vệ lòa xòa hai bên thái dương ông ta.
"Sao, ông chưa biết à?" Ông ta nói với vẻ ngạc nhiên nhưng giọng bình tĩnh. "Có một nghị định của Bộ và" – ông ta gật đầu ra dấu – "của Ủy ban cho biết là một Viện Khảo cứu quan trọng, thực hiện những cuộc khảo cứu mật, sẽ được mở tại thị xã của ông, và đặt tại những căn nhà mà trước đây định dành cho trường kỹ thuật của ông. Có đúng vậy không, đồng chí Khabalyguine?"
"Vâng, đúng", lão ta xác nhận, đầu đội nón xanh của lão gật lên gật xuống nhiều lần. "Đúng", lão ta lặp lại, mắt nhìn ông Hiệu trưởng đầy thương hại, và đồng thời vỗ vai ông mấy cái với vẻ thân thiện. "Đồng chí thân mến, đồng chí còn có thể ở lại đây hai năm nữa mà, trong thời gian đó người ta sẽ cất cho đồng chí những phòng ốc khác, mới hơn, đẹp hơn! Thế nào cũng phải cất cho đồng chí mà, đừng lo, phải cất chớ, vì đại cuộc mà!"
Thân hình của Fédor Mikhéévitch vốn đã thấp giờ đây còn lún xuống thêm nữa, đôi mắt ông nhìn với một vẻ lạ lùng, như thể ai vừa mới giáng xuống đầu ông một gậy vậy.
"Nhưng, sao được…" rồi lạ lùng thay, ông chợt nhớ đến điều gì rất phụ thuộc… "nhưng chúng tôi chưa sơn xong, chưa sửa lại gì hết mà!".
Mỗi khi Fédor Mikhéévitch bất bình, giọng nói của ông bình thường hơi khàn bị vỡ đến rít lên.
"Thôi, không có gì quan trọng cả!" Khabalyguine an ủi. "Đáng lẽ anh phải sơn xong từ năm ngoái rồi".
Đồng chí của ủy ban những vụ... bước xuống một bậc.
Có nhiều việc phải nói quá nên ông hiệu trưởng không tìm ra lời nữa.
"Nhưng tôi liên hệ gì đến Bộ của các ông?" Ông phản đối với giọng the thé, đồng thời nhường lời cho mấy ông khách. "Chúng tôi trực thuộc Hội đồng Kinh tế quốc gia địa phương. Muốn được sự chuyển nhượng này, các ông phải có nghị định của chính phủ".
"Đúng, cả phái đoàn đồng thanh trả lời và đẩy nhẹ ông sang một bên để bước tới cầu thang. Chúng tôi đang chuẩn bị tất cả tài liệu cần thiết. Trong vòng hai ngày nữa, nghị định sẽ được chuẩn nhận".
Và cả năm người đi xuống thang lầu, trong khi ông hiệu trưởng đứng ì ra như trời trồng, tay vịn vào lan can, mắt nhìn vào khoảng không như kẻ mất hồn.
"Fédor Mikhéévitch!"
Lidia Guéorguiévna từ hành lang đi tới, không hiểu sao hai tay cô ôm lấy cổ, cái cổ sạm nắng ở công trường mà cổ áo bẻ xuống để hở ra.
"Họ nói gì vậy, Fédor Mikhéévitch?"
"Chúng lấy ngôi trường của mình rồi". Ông hiệu trưởng đáp mà không nhìn cô, giọng ông hoàn toàn không còn hồn nữa, yếu ớt như sắp tắt hẳn.
Và ông đi vào văn phòng.
"Sao? Cái gì?" Một lúc sau cô mới thét lên. "Ngôi trường mới hả? Chúng lấy à?"
Cô chạy theo ông và gót giày cao của cô nện xuống sàn. Đến cửa cô đụng vào cô kế toán viên, xô cô ta ra và bước vào theo ông.
Ông chậm chạp tiến về phía bàn giấy.
"Ông nghe này!" Cô nói sau lưng ông với giọng khác thường như hát vậy. "Ông nghe...e nà...ày! Sao lại có sự bất công như vậy? Trời ơi, thật là bất công". Cô nói càng lúc càng to hơn.
Đó là những lời đáng lẽ ông ta phải tạt vào mặt họ, nhưng ông là hiệu trưởng, không phải là một người đàn bà. Và nước mắt ở đâu ra mà ràn rụa cả mặt cô ta như vậy!
"Chúng ta sẽ nói sao với học trò đây? Như vậy là ta đã lừa chúng rồi…"
Hình như chưa bao giờ ông thấy cô khóc cả.
Ông hiệu trưởng ngồi xuống và đặt lên bàn viết trước mặt một cái nhìn trống rỗng. Cả vầng trán ông chi chít những nếp nhăn.
Cô kế toán viên, một người đàn bà trọng tuổi khô đét, mớ tóc thưa chải ra phía sau gáy, vẫn đứng cầm quyển chi phiếu nơi tay.
Cô đã nghe và hiểu hết. Cô sẵn sàng lánh mặt ngay để khỏi làm người ta khó chịu, nhưng cô vừa mới điện thoại ra ngân hàng và được họ cho biết là cô có thể ra gởi tiền. Tấm chi phiếu đã được viết xong, luôn cả số tiền và ngày ký.
Cô tiến đến, đặt cuốn sổ dài đầy những đường gạch xanh lợt lên bàn và tay vẫn không rời ra.
Fédor Mikhéévitch chấm mực, tay trái cầm cườm tay phải, nhưng hai tay đều run rẩy.
Ông ký thử trên một mảnh giấy rời trước. Ngòi bút rạch những nét trông không giống gì hết, soi vào giấy và bắn mực tung tóe.
Fédor Mikhéévitch nhìn lên cô kế toán viên và mỉm cười.
Cô cắn môi, lấy cuốn chi phiếu lại và vội vã bước ra ngoài.
Chương IV
Tất cả xảy đến với ông Hiệu trưởng một cách quá ồ ạt, qua cuộc viếng thăm chớp nhoáng của phái đoàn, đã làm cho ông không kịp tìm ra những lời lẽ thích đáng trước mặt ủy ban, và không thể tìm ra một kế hoạch hoạt động ngay sau khi họ ra về.
Ông điện thoại lên Hội đồng Kinh tế quốc gia, Sở Học chánh. Chính ông là người cho họ hay sự việc vừa xảy ra, họ nổi giận và hứa sẽ làm cho ra lẽ. Điều này đáng lẽ phải làm ông hăng hái hơn.
Nhưng thực sự ông không hăng hái chút nào.
Ủy ban đã có ý định riêng của họ ngay từ đầu…
Fédor Mikhéévitch quá hổ thẹn trước đám sinh viên, ban giáo sư và tất cả những ai ông đã gọi đến làm việc, và hứa với họ là thế nào cũng sẽ dời trường; ông thấy tất cả những gì ông và các cộng sự viên đã hoạch định trong bao năm tháng, sụp đổ quá đột ngột đến nỗi ông cảm thấy sẽ ít đau khổ hơn, nếu ông phải đánh đổi chính căn nhà của mình lấy một căn nhà khác ít tiện nghi hơn, với điều kiện là ngôi trường mới được giao cho trường kỹ thuật của ông.
Đầu óc ông rối bời, ông không còn đủ sức sắp hai ý nghĩ liên hệ vào với nhau.
Ông không nói gì với ai, không đội gì lên đầu, và đi ra ngoài để cho không khí trong lành làm cho đầu óc ông được sáng suốt hơn.
Khi ra khỏi trường, ông đi về phía đường xe lửa mà cũng không hay, đầu óc cứ quay cuồng với hàng chục lợi điểm quan yếu mà trường ông sẽ mất cùng với ngôi trường mới. Cánh cổng xe lửa hạ xuống trước mặt ông. Fédor Mikhéévitch dừng bước. Ông dám bước ngang qua cổng lắm. Một đoàn xe lửa dài chở hàng hiện ra từ xa, từ từ tiến lại, và chạy xuống đoạn đường dốc với một tiếng gầm khủng khiếp. Ý thức của Fédor Mikhéévitch không ghi nhận những sự việc đó. Cổng lại giở lên và ông tiếp tục đi.
Khi ông chợt hiểu là ông đang ở đâu thì ông đã đứng trong sân của ngôi trường mới. Đôi chân ông đã đưa ông đến đó một cách tự nhiên. Cổng chính đã hoàn tất, bóng như gương, được đóng chặt. Ông bèn đi bọc theo cái sân đã được sắp xếp, dọn rửa và chỉnh đốn bởi chính đám sinh viên của ông. Cái sân rộng thật, người ta đã dự định xây một bãi chơi thể thao trên đó.
Một chiếc xe vận tải của nhà thầu xây cất đang đậu trong sân và mấy anh thợ ống nước đang ném lên đó đủ loại giá, ống và đủ thứ đồ khác nghe rầm rầm, nhưng Fédor Mikhéévitch không buồn để ý đến.
Ông tiến vào tòa nhà và khoan khoái nghe bước đi nặng nề của mình khua vang trên nền căn phòng thay áo. Những móc áo hình tam giác di động bằng ống nhôm, và những cái móc nón sáng lấp lánh bỗng nhiên làm lóe lên trong trí ông Hiệu trưởng một ý nghĩ hết sức giản dị mà trước đây ông không hề nghĩ tới, vì ông quá bận tâm đến nhà trường nên không còn đầu óc đâu nghĩ đến chủ nhân của ngôi trường nữa: Viện Khảo cứu sẽ dùng những tòa nhà này vào việc gì? Những cái máng áo này chẳng hạn, chắc phải hủy chúng đi vì sẽ không có tới một trăm nhân viên làm việc ở đây. Và phòng thể dục, đám cây có trái che lấp hết cả tấm biển lớn, những vòng xích đu, trụ cây ngang để xích đu được chôn xuống đất, những cửa sổ có chắn song hay lưới? Vậy là bây giờ phải tháo, nhổ chúng đi hết sao? Còn các xưởng làm việc trang bị đầy những nền bê tông và máy móc? Rồi hệ thống điện năng? Tất cả phòng ốc của ngôi trường? Mấy tấm bảng đen? Rồi đại giảng đường? Phòng tiệc?...
Ngay lúc đó, có hai người thợ sơn đi ngược lại, tiếp theo là hai người thợ nề với dụng cụ của họ, cả bốn đều đi về phía cửa ra.
"Ê, này!" Ông Hiệu trưởng gọi to như vừa chợt tỉnh cơn mê, "các đồng chí!..."
Họ đang đi ra cửa.
"Này, các đồng chí!"
Họ quay lại.
"Đi đâu vậy? Đã hết ngày đâu?"
"Xong hết rồi, ông hiệu trưởng!" Anh thợ nề trẻ nhất vui vẻ nói lớn, trong khi anh kia vẫn tiếp tục đi, nét mặt đăm chiêu. "Chúng tôi ra hít một điếu. Chúng tôi đi luôn đây".
"Đi đâu?"
"Chúng tôi không làm nữa. Có lệnh trên rồi".
"Sao?"
"Ủa, đồng chí chưa biết à? Chúng tôi đi làm việc ở chỗ khác. Chúng tôi phải bắt đầu ngay hôm nay!"
Và vì trước đây họ để ý thấy ông hiệu trưởng tóc bạc hoa râm này không phải là người kiêu căng nên anh ta trở lui vỗ nhẹ tay vào ông:
"Cho chúng tôi xin điếu thuốc, đồng chí hiệu trưởng".
Fédor Mikhéévitch đưa cho họ gói thuốc nhàu nát.
"Anh cai công trường đâu?"
"Anh ấy dông rồi! Dông trước nhất. Anh ta nói thế này: Ngưng đi, không còn là việc của chúng mình nữa, bây giờ thuộc về một cơ quan khác".
"Còn những nơi cần hoàn tất, bây giờ ai lo đây?" Fédor Mikhéévitch nổi cáu. "Anh cười cái gì? Còn phải làm những gì nữa?"
Đôi lông mày nhíu lại làm ông có vẻ giận dữ.
"Ôi", anh thợ nề nói lớn, rít một hơi thuốc và bước theo mấy người bạn. "Đồng chí không hiểu họ làm thế nào à? Họ làm một cuộc thí nghiệm, cho đánh máy, thế là hợp lệ. Thôi chào đồng chí và cảm ơn nhé!"
Fédor Mikhéévitch nhìn theo anh thợ nề vui tánh với bộ đồ lem luốc. Mấy cái đinh của đôi giày ống của anh ta chiếu sáng loáng và anh ta chạy đi, và cả cái Hội đồng Kinh tế quốc gia đã từng đảm trách công trường khốn khổ này, mà công việc đào móng đã trì trệ suốt ba năm trời, cái tổ chức đã làm ngôi nhà này xuất hiện từ lòng đất, đã hoàn thành và đánh bóng nó, cũng ra đi.
Hội đồng Kinh tế quốc gia ấy đang bỏ trốn, nhưng ý nghĩ về những sửa đổi, nhiều vô số và vô lý, đã trả lại ông hiệu trưởng cái sức lực để nổi loạn. Ông hiểu là ông có lý do chính đáng. Và đến lượt ông đi ra như chạy, đến lượt ông nện mạnh gót giày trên nền nhà.
Cái văn phòng có điện thoại đã đóng cửa, Fédor Mikhéévitch chạy bay ra ngoài. Một cơn gió lốc làm tung cát bụi. Chiếc xe vận tải của nhà thầu xây cất đã chạy đến cổng. Anh gác dan đứng ở phía ngoài, ông hiệu trưởng không đi về, ông mò trong túi tìm một đồng mười lăm Kopeck và hướng về phòng điện thoại.
Ông gọi Gratchikov, bí thư của Ban chấp hành thị xã. "Ông ta đang họp", cô thư ký ông ta trả lời ông hiệu trưởng. Ông xưng tên và yêu cầu cô hỏi xem ông ta có thể tiếp ông lúc nào, cô trả lời một giờ nữa.
Fédor Mikhéévitch thả bộ đến trụ sở của Ban chấp hành thị xã. Dọc đường và ngay cả trong phòng đợi, ông mường tượng lại tất cả những tầng lầu, những gian phòng của ngôi trường mới, và ông không thấy có một chỗ nào Viện Khảo cứu có thể phá bỏ hay dựng thêm một bức tường được.
Ông bắt đầu tính trên cuốn sổ tay đại khái giá thành của ngôi trường.
Đối với Fédor Mikhéévitch, Ivan Kapitonovitch không phải chỉ là bí thư của Ban chấp hành thị xã, mà còn là một người bạn đồng ngũ nữa. Họ đã từng chiến đấu bên cạnh nhau trong cùng một sư đoàn, dù không lâu lắm; lúc đó Fédor Mikhéévitch là trưởng ban truyền tin, còn Gratchikov đến sau khi ở bệnh viện ra để thế chỗ một tiểu đoàn trưởng vừa tử trận. Họ nhận ra nhau là người đồng hương, thế nên nhiều đêm không có đánh nhau, họ thường gặp nhau và đôi khi nói chuyện bằng điện thoại để nhắc lại những kỷ niệm ở quê nhà. Sau đó một đại đội trưởng của Gratchikov tử trận. Như mọi khi, người ta lấy sĩ quan tham mưu để lấp chỗ trống, và Fédor Mikhéévitch được tạm thời đưa đến giữ chức vụ đó. Chức vụ "tạm thời" đó được quy định theo nguyên tắc là hai ngày, đến ngày thứ hai thì ông bị thương; khi rời bệnh viện, ông được thuyên chuyển đến một sư đoàn khác.
Giờ đây, trong khi chờ đợi được tiếp, ông tự nhủ là những chuyện xui xẻo toàn đến với ông vào những ngày cuối của tháng Tám: ngày 29 tháng 8, tức ngày hôm qua, là ngày ông bị thương hồi năm 1942, tại đại đội do Gratchikov chỉ huy. Rồi năm 1914, lại cũng là ngày 30 tháng 8.
Đúng là ngày hôm nay.
Có người trong văn phòng ra và gọi Fédor Mikhéévitch.
"Một thảm họa, Ivan Kapitonovitch à!" Ông Hiệu trưởng nói, trước khi bước qua khỏi cửa, với giọng nghẹt nghẹt, khàn khàn. "Một thảm họa!..."
Ông ngồi xuống một chiếc ghế và ông bắt đầu trình bày câu chuyện. Gratchikov đầu chống trên bàn tay, gò má nằm gọn trong lòng bàn tay, chăm chú nghe.
Tạo hóa đã đẽo khuôn mặt của ông bí thư bằng những lát rựa nên để lại trên đó một cặp môi dày, một cái mũi lớn và hai vành tai rộng. Nhưng mặc dù có một chùm tóc vắt ngược, làm cho ông có một vẻ mặt dễ sợ, toàn thể gương mặt ông hiện rõ nét đặc trưng của người Nga cho đến độ dù có mặc quần áo hay đồng phục ngoại quốc đi nữa, cũng biết ngay ông là dân Nga.
"Anh nghĩ xem", ông hiệu trưởng nói, giọng đầy xúc động, "như vậy có ngu không? Tôi không nói đến với nhà trường, nhưng đối với quốc gia có phải là ngu không?"
"Ngu thật", Gratchikov xác nhận một cách quả quyết, nhưng vẫn ngồi yên.
"Anh nghe đây, tôi sẽ nói cho anh nghe những sửa đổi sẽ tốn kém bao nhiêu. Tôi đã tính sơ qua rồi. Cả ngôi trường đáng giá bốn triệu phải không? Nếu sửa đổi, không tới hai triệu thì ít nhất cũng phải một triệu rưỡi, đây anh xem…"
Ông đọc trên quyển sổ tay cả một danh sách những công việc phải làm và giá thành phỏng định. Càng nói ông càng thấy mình có lý.
Gratchikov vẫn ngồi yên, điềm tĩnh, nghe ông nói và suy nghĩ. Có lần ông ta tâm sự với Fédor Mikhéévitch rằng sau cuộc chiến tranh tệ hại đó, ông cảm thấy được giải thoát không phải quyết định một mình và tức khắc nữa; vấn đề muốn biết xem những quyết định đó có đúng hay không, chỉ khi nào sang bên kia thế giới mới biết được. Gratchikov thích giải quyết các vấn đề một cách chậm rãi, sau khi đã suy nghĩ thật chín chắn, thích được nghe ý kiến của người khác. Ông ta rất ghét cái lối kết thúc câu chuyện hay buổi họp bằng những lời truyền lệnh; ông ta cố thuyết phục tới cùng người đối thoại với mình cho đến khi nghe câu: "Phải, rất đúng" hoặc đến khi người ta thuyết phục ngược lại là ông sai. Ngay cả khi có người cãi lại, ông vẫn giữ được giọng ôn hòa và nghiêm nghị. Dĩ nhiên là tất cả những lối đó làm ông mất khá nhiều thì giờ. Knorozov, Đệ nhất bí thư, đã ghi nhận ngay từ đầu cái tật xấu đó, và dùng một trong những công thức vắn tắt và không cầu kỳ, đó là ngón nghề của ông ta, một hôm ông nói với Gratchikov: "Anh chỉ là một người nhu nhược chớ không phải là cấp chỉ huy! Cách làm việc của anh không có tính cách Xô Viết chút nào!". Gratchikov không hề nao núng: "Tại sao? Một con người Xô Viết là một "hội đồng". Tôi làm việc với tinh thần hội đồng. Tôi lấy tất cả ý kiến của dân".
Gratchikov được bầu vào Ban chấp hành trong kỳ hội nghị thị xã vừa qua; nhà máy nơi ông giữ chức vụ trưởng ban quản trị vừa đạt được nhiều thắng lợi cả về phẩm lẫn về lượng.
"Anh có nghe nói đến Viện Khảo cứu đó bao giờ chưa? Nó ở đâu ra vậy?"
"Vâng, tôi có nghe nói".
Gratchikov vẫn để đầu dựa vào lòng bàn tay:
"Chuyện bắt đầu từ hồi mùa xuân. Sau đó cứ dây dưa hoài".
"Vậy sao!" Ông Hiệu trưởng xót xa nói. "Nếu Khabalyguine ký nhận từ trước thì chúng tôi đã dọn đến từ hôm 20 tháng 8 và sau đó không có cách gì để bứng chúng tôi đi được".
Cả hai đều im lặng.
Nhưng trong cái im lặng đó, Fédor Mikhéévitch cảm thấy mặt đất như sụp đổ dưới chân mình. Một triệu rưỡi tiền sửa chữa đã không lay chuyển nổi Đảng, Gratchikov đã không chụp hai tay lên hai máy điện thoại, cũng không nhảy dựng lên, và cũng không chạy đi đâu hết.
"Rồi sao? Bộ Viện Khảo cứu đó quan trọng như vậy sao?"
Fédor Mikhéévitch hỏi với giọng yếu ớt.
Gratchikov thở dài:
"Cái gì của chúng ta cũng quan trọng hết".
Đến lượt ông Hiệu trưởng thở dài.
"Vậy bây giờ chúng ta có thể làm gì, hả Ivan Kapitonovitch? Họ sắp có nghị định của chính phủ, và lúc đó thì hỏng bét hết. Hai ngày nữa họ sẽ được nghị định, đó là thời gian còn lại để chúng ta hành động".
Gratchikov có vẻ suy nghĩ.
Fédor Mikhéévitch quay về phía ông ta thêm một chút nữa, đến độ ông phải ấn đầu gối vào bàn, ông tựa vô bàn và hai tay bợ lấy đầu.
"Anh à! Hay là mình gởi điện văn thẳng lên Hội đồng Bộ trưởng, tôi nghĩ không thể có lúc nào khác hay hơn, sự liên hệ mật thiết của việc giáo dục với cuộc đời… do tôi ký, tôi không sợ gì cả".
Gratchikov chăm chú nhìn ông, trong một phút. Nét mặt nghiêm nghị trong khoảnh khắc biến thành một nụ cười đoàn kết. Gratchikov bắt đầu nói như thể ông ta rất ham nói, với những câu gần như hát, dài dòng và chải chuốt, và đượm một thâm ý niềm nở.
"Fédor Mikhéévitch, anh bạn thân, bạn quý của tôi, anh nghĩ gì về một nghị định của chính phủ? Anh tưởng tượng là cả Hội đồng Bộ trưởng đang ngồi quanh chiếc bàn dài để thảo luận về những gì phải làm với mấy gian nhà của anh à? Và ngay lúc đó, người ta mang vào cho họ bức điện văn của anh?... Một nghị định của chính phủ, chỉ có nghĩa là ông Bộ trưởng hay ông Chủ tịch ủy ban nọ hoặc phải được một trong những ông Phó chủ tịch ký. Ông Bộ trưởng sẽ làm phúc trình với nhiều giấy mực và ông ta sẽ nói thêm: Viện Khảo cứu này có một tầm quan trọng bậc nhất; đã có quyết định đặt nó tại thị xã này và ngay tại đó, hiện có một tòa nhà đã sẵn sàng. Thế là ông Phó chủ tịch hỏi: Tòa nhà đó được xây cho ai vậy? Ông Bộ trưởng trả lời: Cho một trường kỹ thuật, nhưng trường này hiện có phòng ốc khá đàng hoàng, chúng tôi đã gởi một ủy ban đáng tin cậy đến xem, các đồng chí đó đã nghiên cứu vấn đề tại chỗ. Trước khi đặt bút ký, ông Phó chủ tịch còn hỏi: Ban chấp hành vùng có thấy gì trở ngại không? Ban chấp hành vùng của Đảng, anh hiểu thế nào rồi chớ? Bức điện văn của anh sẽ được gởi trả về đây với chỉ thị như sau: "Phối kiểm lại các sự kiện".
Gratchikov chép đôi môi dày.
"Phải giải quyết vấn đề ở cấp vùng mới được, mọi sự đều tùy thuộc vào ban chấp hành vùng".
Bấy giờ ông ta mới đặt tay lên máy điện thoại, nhưng không nhấc máy lên.
"Điều làm tôi khó chịu là anh giáo chức của Ban chấp hành vùng có mặt tại đó mà không có phản ứng gì cả. Nếu Knorozov cũng đã chấp thuận thì kẹt lắm anh à. Anh ta không bao giờ chịu thay đổi quyết định đâu".
Dĩ nhiên là Gratchikov hơi ngán Knorozov, trong vùng này ai lại không ngán ông ta!
Gratchikov nhấc điện thoại lên.
"Konevski đó hả? Gratchikov đây. Có đồng chí Knorozov đó không? Bao giờ ông ấy về? Vậy à! … Nếu ông ấy về trong ngày hôm nay, anh nói giùm là tôi xin ông ấy tiếp tôi ngay nhé… Nếu cần tôi sẽ đến ngay chiều nay…"
Ông ta gác máy và cứ lấy lòng bàn tay vặn lại, xoay tới xoay lui cái máy nằm trên giá. Ông ta ngắm một lúc cái giá điện thoại kim tự tháp đen tuyền, rồi lại quay sang nhìn Fédor Mikhéévitch, lúc bấy giờ đang ngồi hai tay ôm lấy đầu.
"Nói chung thì tôi rất thích các trường kỹ thuật", Gratchikov nói với giọng tâm tình. "Vâng, trường kỹ thuật, tôi thích lắm. Trong nước mình thiên hạ chỉ chạy theo các nhà khoa bảng. Có học có nghĩa phải ít nhất là kỹ sư. Trong khi kỹ nghệ mình cần nhiều nhất những công nhân kỹ thuật. Và các trường kỹ thuật không được ai ngó ngàng tới, không phải chỉ riêng trường anh đâu. Và các anh thu nhận những đứa trẻ lớn như vầy (ông ta đưa bàn tay cao hơn mặt một chút, Fédor Mikhéévitch thật sự chưa bao giờ nhận trẻ con lớn cỡ đó cả), vậy mà bốn năm sau (ông ta đưa ngón tay cái lên trời ra vẻ thán phục) tụi nó trở thành người thợ chuyên môn như vầy. Mùa xuân vừa qua, tôi có dự một buổi trình luận văn tốt nghiệp, anh còn nhớ không?"
"Tôi nhớ", Fédor Mikhéévitch gật đầu buồn bã.
"Trước cái bàn rộng, nơi mà mọi công việc đều được giải quyết trên một tấm thảm nhung và ở đàng đầu có một cái bàn thứ hai được kê ngang thành hình thập tự giá, những lời nói của Ivan Kapitonovitch chan chứa sự hào hiệp cho đến độ những chiếc bàn đó không còn mang một nghiên mực, một giá đựng bút, một cuốn lịch, một đồ chận giấy, những máy điện thoại, một bình nước, một cái khay và một đồ gạt tàn thuốc, mà là những chiếc dĩa đầy những món kho, chiên, xào được dọn ra trên một tấm khăn bàn trắng tinh, và chủ nhà đang mời khách nếm thử các thức ăn đó, thậm chí mang luôn chúng về nhà nữa".
"Một cậu bé mười chín tuổi và có lẽ đó là lần đầu tiên trong đời cậu ta mang cà vạt, mặc áo lớn, không cùng màu với quần – nhưng không biết có phải đó là "mốt" bấy giờ không? – và cậu ta vẽ đủ thứ lược đồ đầy trên bảng, này trên bàn một chiếc máy điều chỉnh - chỉ - và đo khẩu kính [3] mà cậu ta đã tự tay chế lấy, cái máy kêu lách cách, chớp đèn, cậu bé đi qua đi lại, cây thước lui tới trên các hình vẽ, cậu ta làm thật là nhanh và hay quá, tôi thấy phát ghen với cậu ta! Những chữ, những ý niệm, cậu ta dùng như: sự trục trặc hiện tại của máy đo; nguyên tắc vận hành máy của tôi; vấn đề của chúng ta là quan sát sức mạnh của dòng điện a-nốt; những chỉ dẫn của máy thu, năng suất, hệ số sự hòa hợp với những cấu tạo hiện có. Và không biết bao nhiêu thứ khác nữa…"
"Thằng nhỏ tài thật! Còn tôi, ngồi dưới này, tôi thấy giận mình quá. Tôi tự bảo: Mày sống hơn nửa thế kỷ trên trái đất này nhưng nghề của mày là cái khỉ khô gì? Hồi trước tôi cũng đã từng làm chạy được một cái máy tiện. Nhưng mấy cái máy tiện đó người ta bỏ xong từ khuya rồi. Tôi biết lịch sử của đảng và biện chứng pháp Mác-xít. Nhưng bây giờ ai lại không biết những thứ đó! Như vậy thì với sự hiểu biết đó chúng ta không thể tự cho mình hơn người được. Chỉ bao nhiêu đó thôi! Chúng ta sống trong một thời đại mà nếu không có nghề chuyên môn thì không thể nào trở nên cấp lãnh đạo được. Chính những thằng nhỏ như vậy mới thực sự chỉ huy ở nhà máy nơi tôi làm việc trước kia. Tôi phải dùng giọng nói nào để biểu nó gia tăng năng suất chớ? Chính tôi mới là kẻ phải nghe và nhìn cho thật nhiều. A! Nếu tôi trẻ hơn vài tuổi, tôi sẽ vui sướng đi học ở trường anh, học lớp tối…"
Nhận thấy sự tuyệt vọng của ông hiệu trưởng, ông ta cười nói tiếp:
"… trong ngôi trường cũ!’.
Nhưng lời pha trò đó không làm Fédor Mikhéévitch thấy vui chút nào hết. Ông ta lại rút đầu vào hai vai và ngồi thừ như kẻ mất hồn.
Ngay lúc đó cô thư ký bước vào nhắc Gratchikov có một người khách đang đợi ông ta bên ngoài.
--------------------------------------------------------------------------------
[1]Thể tích kỹ hà học: stéréométrie, một loại hình học thực dụng dạy phương pháp đo lường các thể tích.
[2]Chiếu điểm: mire: điểm dùng làm tiêu chuẩn để nhắm.
[3]Máy điều chỉnh – chỉ – và đo khẩu kính: Régulateur – indicateur – calibreur.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét