23/6/11

Thanh Tâm Tuyền - hải đảo & vẫn em

hải đảo & vẫn em

Thanh Tâm Tuyền

Hải Đảo

Trên biển mù sóng cuộn
Ngày lộng tuôn như máu loang khô
Sóng thảng thốt dập vùi hải đảo
Cửa ngàn trùng gió mở toang
Nâng niu máu rỉ cườm tay nhỏ
Thời khắc câm tiếng nỉ non

Hải đảo xa vời em
Trên miền non cao rừng rú
Gió gào giận khốn tù
Trong cõi mộng hung tàn
Một mùa đông dài bão táp
Đêm qua ác điểu đậu cành khuya
Thả rớt trái tim ác độc
Trong một tiếng tang thương
Đêm qua gió cắp mộng lên non trốn chạy
Rồi gió hú van
Trong hành lang tối ám giờ lâm tử

Hải đảo xa vời em
Trời chuyển màu chớp xé
Cánh chim bay cánh chim bay
Vào mùa hư không trôi nổi
Khi hải đảo chìm

1972







Vẫn em

Vẫn em đồi trăng phơi mờ hoặc
Tóc buông giải thẫm xoá đêm thâu
Vẫn em rừng lũng khuya trốt lộng
Ngút đen mắt lạc ruổi tin sương

Vẫn em đồng sông sao trời hạ
Phập phồng tan nát lượng thời gian
Vẫn em dáng cây nghiêng nẻo khuất
Sương muộn ham mê thức lá buồn

Vẫn em ngực thở vùi cơn bão
Trải niềm không, xô xát niềm không
Vẫn em trận mưa giông vách núi
Mở buốt mông lung ngõ đất trời

Vẫn em thoáng trắng mây hiền hậu
Ngẩn ngơ soi mặt biển điêu linh
Vẫn em đoá quỳnh run hoảng nở
Hương thầm choàng riết cõi đêm ta.

2-1973

Thanh Tâm Tuyền

Thanh Tâm Tuyền - Tiếng nói một người

Tiếng nói một người

Thanh Tâm Tuyền







LTS: Theo nhà thơ Vũ Trọng Quang, người đã chuyển bài viết dưới đây đến Da Màu, “Tiếng Nói Một Người” được trích từ tạp chí Vấn Đề số 1 tháng 3 năm 1967, khi Thanh Tâm Tuyền là thư ký tòa soạn. Chúng tôi thấy rằng bài viết, tuy bề mặt là bài giới thiệu về thơ Trần Lê Nguyễn, cũng có thể được coi như một bản tuyên ngôn độc lập về thơ mới của Thanh Tâm Tuyền.

Trần Lê Nguyễn tên thật là Nguyễn Huy Tạo, được số đông văn nghệ sĩ trước 1975 biết đến như một người viết kịch và tiểu thuyết. Ông sinh ngày 4 tháng 8 năm 1924 tại Sơn Tây, Bắc Việt, và vào Nam trước năm 1954. Ông là người đã thuyết phục nhà văn Thanh Nam vào Sàigòn sinh sống vào những năm đầu thập niên 50, vì Sàigòn lúc đó “là một thiên đường.” Theo Võ Phiến trong quyển Văn Học Miền Nam (VHMN), tuy Trần Lê Nguyễn say mê kịch và cải lương, ông không sáng tác nhiều, và những kịch của ông thường chỉ diễn trong nhóm bạn bè hoặc sinh viên và chưa bao giờ được chính thức ra mắt trên sân khấu quần chúng. Vở kịch Ngôi Nhà Trên Đồi Thông của Trần Lê Nguyễn (đăng lại trong VHMN, quyển 6, trang 2633) viết trong thập niên 1960 với bối cảnh thời gian vào một năm “gần hết cuộc chiến” có nhiều ẩn ý chính trị, kêu gọi nhân vật chính “đuổi hết những người chiếm ngụ vô quyền ra khỏi nhà, [rồi] đi về đây mà ở thì nó mới hết là nhà hoang được.”

Trong bài giới thiệu này, có lẽ Thanh Tâm Tuyền đã coi nội dung chính trị trong thơ văn Trần Lê Nguyễn, trong thơ văn của bất kể người viết nào trong thời loạn, như một điều quá hiển nhiên, gần như bẩm sinh, cho nên nhà thơ đã không màng nhắc đến đề tài này qua đoạn thơ dưới đây của Trần Lê Nguyễn:

Đêm cưới em, anh sẽ không ghé câu lạc bộ
mà vào Snack Bar uống rượu thật say
(dĩ nhiên bằng tiền đánh bạc chứ không
phải tiền viết văn)
rồi không ghé đăng–xing (dù biết rằng
sắp bị đóng cửa) mà đi ngược về
đường Duy Tân (một nhà vua cách
mạng) hay dọc theo đại lộ Hai Bà
Trưng (hai nữ anh hùng dân tộc) tìm
gặp một “me” lính Pháp ra đi còn để lại
Để suy ngẫm về cõi đời
và mừng em lấy chồng Mỹ

Trần Lê Nguyễn mất ngày 7 tháng 7 năm 1999 tại Sàigòn.






1. Sự thật không bao giờ là sự thật khách quan. Nhớ lấy những kinh nghiệm thường ngày: cùng một điều việc kẻ này nói, làm được, kẻ khác lại thấy chói tai chướng mắt. Chỉ có sự giả trá hư ngụy mới đội lốt khách quan, sự thật xuất hiện từ con người và sức mạnh làm kẻ khác chấp nhận là của người đã dám phát hiện ra nó. Và trong sự mong manh yếu hèn của kiếp người, nhiều kẻ đã phải mang sự tự do tối hậu duy nhất của một đời là cái chết để bảo đảm cho sự thật của đời mình được thành sự thật với những người khác.

Thơ là tiếng thổn thức của con tim, đó là một sự thật tôi tìm thấy lại qua Trần Lê Nguyễn. Suốt tập thơ, Nguyễn chỉ nói về mình, nói rất nhiều về mình, nói quá nhiều về mình bằng thứ ngôn ngữ xô bồ, đôi lúc rối loạn, lảm nhảm, buồn cười. Và con tim Nguyễn phơi bày nguyên hình dáng, một khối thịt bầy nhầy bóp vào nở ra bất tận. Đó là hình ảnh của đời sống?

Tiếng nói một người hay tiếng nói một đời, một kiếp?

2. Trước hết, thơ là một nỗ lực tinh khiết hóa thực tại. Các nhà thơ cổ điển đã làm công việc này. Bọn lãng mạn lầm tinh khiết hóa thực tại với ruồng bỏ thực tại, dùng nước mắt, tiếng rên la, sự xúc cảm nhầy nhụa làm vẩn đục thực tại, rồi trốn chạy vào ảo tưởng. Thơ ngày nay cũng là một nỗ lực tinh khiết hóa thực tại từ khởi điểm làm hiện hình nó, cái hình dáng thô sơ đã bị bọn lãng mạn mài nhẵn bằng nước mắt nước mũi.

Thơ Nguyễn là cái ánh sáng lộ liễu khô khan chiếu vào thực tại, sự vật nổi lên còn đủ những góc cạnh sần sùi.

Mỗi lần tôi mượn tiền bạn bè là mấy thằng
chó chết chưa hề có con cười hô hố
bảo là tôi lại sắp phịa chuyện đến
nhà thương thăm con mới đẻ.



Nếu anh hiểu được rằng người ta vẫn có thể mộng tỉnh thức chẳng cần phải tìm tới giấc ngủ hôn mê anh sẽ nhận ra Nguyễn đang làm thơ.

Đêm cưới em, anh sẽ không ghé câu lạc bộ
mà vào Snack Bar uống rượu thật say
(dĩ nhiên bằng tiền đánh bạc chứ không
phải tiền viết văn)
rồi không ghé đăng–xing (dù biết rằng
sắp bị đóng cửa) mà đi ngược về
đường Duy Tân (một nhà vua cách
mạng) hay dọc theo đại lộ Hai Bà
Trưng (hai nữ anh hùng dân tộc) tìm
gặp một “me” lính Pháp ra đi còn để lại
Để suy ngẫm về cõi đời
và mừng em lấy chồng Mỹ



Cái thế giởi của thơ Nguyễn là thực tế hàng ngày chúng ta đang sống, quay cuồng, hỗn độn, đầy khát vọng. Tại sao cứ đòi hư vô để mơ mộng? Hãy thử mơ mộng như Nguyễn xem sẽ thấy sự kỳ lạ của thế giới ấy.

Và thơ là gì? Nếu không phải sự khám phá mầu nhiệm bằng ngôn ngữ một thế giới vẫn trốn mặt ở quanh. Sự phơi mở ở thơ cho anh cảm giác tràn đầy hạnh phúc, tâm hồn đã nhập được một phần của sự sống bí ẩn còn thiếu sót. Những phút sâu dài như một đời.

3. Tiếng nói một người là tiếng nói của tình yêu, tình bằng hữu. Trong cô đơn và đêm tối.

4. Người sắp nói là một người bốn mươi tuổi. Người ta thường làm thơ vào những năm hai mươi. Vào tuổi ấy Nguyễn còn muốn viết tiểu thuyết, viết kịch. Hắn chỉ thấy cần làm thơ trong vài năm gần đây.

Việc làm thơ của Nguyễn chứng nhận lời tiên tri của Lautréamont: Thơ không phải để một người làm mà để mọi người làm. Thơ là sự giải phóng, sự tự do, là quyền của mọi người, không bao giờ là đặc quyền của một bọn thi sĩ đầu bù tóc rối trí tưởng tượng như con gián bay quanh đèn, sự cảm xúc như tiếng động của thùng thiếc.

5. Thơ Nguyễn kể lể ồn ào nhưng vẫn nghe đâu sự nín lặng trong cùng.

Hạt nhân nín lặng, khép kín làm mỗi bài thơ tự đầy đủ, phân biệt thơ Nguyễn với thơ Prévert. Hai bên chỉ giống nhau ở điểm tưởng tượng, mơ mộng cùng thực tại. Còn Prévert đòi hỏi những đối tượng ở ngoài để phóng tới.

6. Một người sống đến bốn mươi tuổi không làm thơ để mong thành thi sĩ. Thi sĩ! Thi sĩ! Thằng người đó đã tự sát. Tên của chàng bị cướp bị bôi nhọ. Ngày nay còn toàn một bọn nhái giọng người chết. Mấy tên thư lại luồn cúi nịnh hót cũng là thi sĩ. Mấy tên cán bộ làm thơ như những bản thỉnh nguyện xin tha mạng sống, xin thêm quyền lợi. Mấy tên thanh niên hiến thân làm tấm gối ôm trong khuê phòng.

Nếu anh đọc thơ Nguyễn, anh nghĩ Nguyễn không phải là thi sĩ, anh nghĩ đúng. Nhưng coi chừng, anh đã bị đầu độc bởi bọn giả danh. Tôi nhắc lại: Thi sĩ đã tự sát. Và anh cũng như Nguyễn cũng như tôi được thừa hưởng cái gia sản của chàng cùng với mọi người, trừ bọn tự nhận là con cháu chàng. Chúng ta phải cướp lại tiếng nói sắp muốn tắt; mỗi người đều được quyền làm thơ như Nguyễn, như làm một hành động giải phóng. Đừng để bọn người nào độc chiếm thơ làm phương tiện áp bức.

Một ngày thi sĩ sẽ hồi sinh. Chưa phải bây giờ. Nhưng hãy thổi những hơi thở mới vào mũi chàng, đuổi bớt những uế khí, ám khí, tử khí, đang ướp quanh chàng.

7. Tiếng nói của Nguyễn chỉ là tiếng nói một người—một người hèn mọn như loài giun dế.

Nhưng Nguyễn, như anh, biết rằng một người không có nghĩa là một. Nói một người là nói tới số đông. Mai kia hẳn chết đi, cái chết bất cứ trường hợp nào cũng chỉ là sự lịm tắt của một khát vọng, là chết theo người yêu một đời của hắn, những bạn bè gần gũi, những mộng ước đau đớn, tuyệt vọng, nghĩa là một phần thế giới.

Đọc mà xem, anh sẽ thấy hắn phải nói trong cô đơn để được gần anh.

8. Mỗi bài thơ của Nguyễn là một nỗi đầy cô đơn. Nếu tôi nói hắn sống rất vui trong cô đơn, anh sẽ cười tôi. Bởi anh đã khổ vì cô đơn.

Thực ra tôi phải nói là hắn bằng lòng trong cô đơn, vì nơi đó hắn được sống với anh, trong cái thế giới lạnh lẽo đáng sợ, hắn được chia sẻ với nhiều người, những người không được gặp nhau. Như hắn và người yêu của hắn:

Anh đã yêu cùng cực
đến không còn em
. . . . . .
Anh ôm thật chặt khoảng trống căn nhà hoang
như thấy em cả đời trọn vẹn
nửa đêm nào thức giấc

Như hắn và một người bạn nào:

Và những đêm nhìn trăng sao
dưới mái hiên nhà dây thép tôi nói với anh
về trời đất về ước vọng hai đứa mình ở đời.

9. Đây là tiếng nói của một người nối kết những cô đơn.

10.

Nửa đêm những người yêu nhau nhảy slow
kẻ hút “píp” đi một mình bờ đại lộ
vì không ai yêu mình
hay mình không yêu ai
ngậm tẩu như hồn người đàn bà một đời

Không phải, Nguyễn yêu nhiều người quá
và nghĩ nhiều người đang yêu hẳn.

11. . . . hắn thầm thì, hổn hển, khó nhọc soi sáng những sự thật thầm kín ấy, những sự thật người ta chỉ có thể diễn tả nổi với những cố gắng vô biên—những sự thật hết sức tối tăm, hết sức gian nan—nhưng chính với những sự thật ấy, thế giới phải thay đổi toàn diện, một lần cho xong.
-Virginia Woolf

12. Một sự thật nữa, Hắn đã sống.

Rất có thể ở ngoài đời hắn đã sống giả như chúng ta vậy. Lý do giản dị: cái giả hiện ra trong sự vận động mải miết của sự vật vượt qua mình, hôm nay từ chối hôm qua, và mình vẫn thích ứng tồn tại như không hề có gì xảy ra, tấn thảm kịch biến thành hài kịch. Chúng ta nhìn nhận mọi cảnh ngộ bằng cặp mắt chấp nhận tự nhiên, mỗi bất bình chìm sâu ở đáy thân bị nghiến nát không còn. Khi Nguyễn làm thơ (và nếu anh cũng làm thơ) Nguyễn phát hiện sự sống thực.

Và khi đã sống thực người ta sẽ không hài lòng một chút nào trước cảnh ngộ.

13. PHƯƠNG,

Tập thơ này Nguyễn viết cho em. Em là người yêu của hắn.

Bài mở này anh viết hộ em. Anh viết những điều em biết về hắn nhưng không thể diễn được thành lời. Và em sợ nên em xa hắn.

Thôi cũng xong. Để cho hắn làm thơ.



13 và 14 tháng 8 năm 1962

THANH TÂM TUYỀN



Trích: Thơ Trần Lê Nguyễn



Phương



Anh yêu em không ngủ đêm nay
Từ có em
người đàn bà một đêm yêu trở nên vô nghĩa
Hành động của yêu
qua không gian tiếp nối thời gian
như hơi thở có ngưng không bao giờ dứt
phút sống ngập đầy
ý nghĩa lứa đôi tìm thấy
khi em không còn trong tay
Anh đã yêu cùng cực
đến không còn em
sống với màu xanh quá khứ
sương sớm nắng chiều
bông hoa nở giữa hai ngành héo buổi em đi
hơi thở nghẹn ngào
mi khép ứa giòng nước mắt
Anh ôm thật chặt khoảng trống căn nhà hoang
như thấy em cả đời trọn vẹn
nửa đêm nào thức giấc.

Anh chả bao giờ có em
chỉ có bốn mắt nhìn nhau một chiều súng đạn
Em có nhớ ra anh
Anh có nhớ ra em
Đường nắng không một bóng dừa
một ngã ba hoang vắng
Anh chả bao giờ có em
chỉ có một đêm chớm lạnh
mưa trên sông
nghe tiếng thở dài của kẻ chung đôi
cùng tiếng thở dài của kẻ cô độc
Anh chả có em nụ cười
chỉ có em nước mắt
Anh muốn giết em để đừng thấy lệ em rơi
để đừng bao giờ em bỏ đi
đừng bao giờ em tìm tới

Tiếng em kêu thất thanh đêm nào
Anh nghe chính lời anh hấp hối
Tại sao anh yêu em
Tại sao em yêu anh
Tình yêu rất hiếm một con đường xanh
rất nhiều những con đường lội
Em có nhớ những chiều ngoại ô
buổi sáng ngồi xe thổ mộ
tiệm nước bên dây quan tài
hàng cây trong nghĩa địa
Anh nhớ em gục vào vai anh ướt
nước mắt mặn của môi
chua chua miếng thơm em đem qua nhà giữa trưa rất nắng

Có một hôm anh khen em đẹp
người ta sung sướng nép đầu vào ngực tôi
Em ơi em ơi em ơi em ơi
Anh yêu em không thể nào ngủ được.

1957


--------------------------------------------------------------------
Source : Da Màu

Sơn Nam Xuyên Bờ: Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư ở Đầu Thế Kỷ 21

Sơn Nam Xuyên Bờ: Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư ở Đầu Thế Kỷ 21

Đinh Từ Bích Thúy



Đối với người làm văn chương, lắm khi thân xác còn đó, mạnh khoẻ, nhưng cảm quan đã cằn cỗi, không lột da được. Kinh nghiệm bản thân của tôi là nên "tập dưỡng sinh" cho con tim, cho bộ thần kinh trong suốt thời gian quyết định: Giữa 55 và 60 tuổi. Thấy cho được cái mới, vì đời luôn luôn đổi mới, đồng thời thấy cho được cái cũ đang được sơn phết, tự nhận là cái mới. Tò mò, với nụ cười khoan hoà, không nên luyến tiếc những gì gọi là thơ mộng của thời Trung cổ, đầy rẫy sự áp bức đối với người lao động để đem lại cái địa vị cho kẻ sĩ…."

- Sơn Nam



Sơn Nam (tên thật Phạm Minh Tày) định nghĩa một người viết truyện ngắn như họa sĩ "vẽ tranh tứ bình, vẽ đóa hoa, vài chiếc lá để cho người xem thấy cả một vũ trụ …. hoặc trang trí cho cái chén trà nhỏ, phải gọn, nét rõ rệt và phạm vi hoạt động lại bị hạn chế."[1] Từ cách phân tích tỉ mỉ từng khía cạnh tâm lý của dân miền Nam sinh sống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhà văn đã tạo cho độc giả, trong và ngoài nước, một khái niệm đặc trưng, nhưng bất hủ và đa hóa về con người Việt Nam nói chung. Chính bút hiệu của ông đã lấy họ Sơn từ tên một bà vú người Khmer, là người đã nuôi nấng ông suốt quãng đời ấu thơ. [2]

Trong lúc sinh thời Sơn Nam sáng tác khoảng 300 truyện ngắn, bao gồm tuyển tập Bên Rừng Cù Lao Dung, được đoạt giải nhất trong kỳ thi văn chương Đồng Bằng Sông Cửu Long năm 1951. Một tuyển tập truyện ngắn khác, Tây Đầu Đỏ, cũng đoạt giải văn chương năm 1952. Hương Rừng Cà Mau, có lẽ là tuyển tập truyện ngắn nổi tiếng nhất của Sơn Nam, được xuất bản năm 1962. Hai truyện ngắn trong tập này, "Mùa Len Trâu," và "Một Cuộc Bể Dâu," đuợc kết hợp thành kịch bản cho phim "Mùa Len Trâu" của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, ra mắt năm 2004 và đã đoạt nhiều giải liên hoan phim quốc tế.

Sơn Nam, ngoài nghề viết văn, còn có biệt tài "đi bộ" qua những vùng quê miền Nam và được coi như một học giả chuyên môn về văn hóa miền Nam qua nhiều sách biên khảo: Văn Minh Miệt Vườn; Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam; và Đồng Bằng Sông Cửu Long: Nét Sinh Hoạt Xưa. Nhờ kinh nghiệm phong phú, nhà văn đã được cử làm cố vấn cho phim Người Tình (L’Amant) phỏng từ tiểu thuyết của nhà văn Pháp Marguerite Duras, và ra mắt năm 1984. Trước năm 1975, Sơn Nam cũng xuất hiện trong phim Đất Khổ của đạo diễn Hà Thúc Cần, đóng vai một phóng viên thích ngồi lê đôi mách về những dư luận của Sàigòn trong thời loạn.

Người đọc ở đầu thế kỷ 21 có thể đọc những tác phẩm của Sơn Nam như một cách "khẩn hoang" và định giá lại quá khứ của một thời. Những truyện ngắn của Sơn Nam, như truyện Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư (lần đầu tiên xuất hiện trên tuần báo Nhân Loại vào khoảng năm 1957-1958 và về sau được in lại trong tuyển tập Hương Rừng Cà Mau-một truyện mà Sơn Nam rất thích và tự nhận rằng ông phải "suy nghĩ rất kỹ, nghiền ngẫm mơ hồ để một vài năm sau mới viết ra") nên được đọc lại và thảo luận trong bối cảnh văn chương mạng của ngày hôm nay.

Trong truyện, thầy phái viên nhà báo Chim Trời ở Sài Gòn xuống tận xóm Cà Bây Ngọp ở Rạch Giá tìm ông độc giả Trần Văn Có để tìm hiểu tại sao ông độc giả chưa chịu trả hai đồng sáu cắc rưỡi tiền mua báo dài hạn. Truyện có không khí đằm thắm, nhưng cũng buồn buồn cay đắng. Thầy phái viên thành thị và ông độc giả miệt vườn, thay vì đề cập thẳng đến chuyện trả tiền báo, tạo được mối tương quan đậm đà qua chữ nghĩa và tranh minh họa như được sống dậy từ những tập Quốc Văn Giáo Khoa Thư mà cả hai đã học và nhớ lại từ thời thơ ấu. Cái "buồn buồn cay đắng" là sự tương phản giữa niềm tin trong trắng của ông độc giả nhà quê về sức mạnh của chữ nghĩa và guồng máy thông tin, với quan điểm nửa nhẫn nhục, nửa cynique của thầy phái viên về nghề làm báo mà thời nào cũng bị hạn chế vì thiếu tài chính, nhiên liệu và kỹ thuật:

- Nhà báo Chim Trời đông người không thầy? Chắc là lớn lắm? Làm sao mà thành chữ được?
- Có thợ chuyên môn ráp từ chữ a, chữ b.
- Trời thần ơi! Biết tới chừng nào mới xong, chắc là thợ đông lắm …. Còn mấy ông chủ tiệm, chủ bút, phóng viên …. Chắc làm việc rần rộ ngày đêm.
Thầy phái viên sực nhớ đến tình trạng leo heo của tòa soạn, lại gật đầu lần nữa.[3]

Một đoạn trao đổi súc tích, nhưng vẫn thấm thía cho đến ngày hôm nay. Tôi tưởng tượng, lúc này, thay vì phải chèo thuyền như thầy phái viên đến vùng Rạch Giá Cà Mau để tìm mối tương phùng với độc giả, tôi có thể ngồi trước máy tính, đánh điện thư đến thẳng một độc giả, sống ở một nơi xa xôi hẻo lánh nào đó ở bên kia địa cầu. (Da Màu, với chủ trương văn chương không biên giới, có lẽ cũng như tờ Chim Trời của Sơn Nam bay vào … thế kỷ 21. Tôi không hiểu người độc giả vô hình này có những khái niệm gì về Da Màu: họ có nghĩ, như ông độc giả ngây thơ miệt vườn của Sơn Nam, rằng chúng tôi là những ảo thuật gia thêu dệt những thế giới không tưởng trên mạng, hay họ đã biết tỏng tòng tong rằng chúng tôi chỉ là những con người bị . . . mất ngủ kinh niên, hoặc vẫn mộng du giữa những quãng thời gian hỗn tạp, hàng đêm gõ lạch cạch trên những phím của máy tính để trốn thoát cái khe hẹp của đời sống thường nhật?)

Trở về thời gian của hơn 50 năm trước: vào năm 1956, tờ báo Nhân Loại ra đời, quy tụ nhiều nhà văn có tiếng của miền Nam như Bình Nguyên Lộc, Trang Thế Hy, Ngọc Linh, Lê Vĩnh Hòa, Sơn Nam…. Võ Phiến nhận xét trong quyển Văn Học Miền Nam Tổng Quan:

Vì lý do chính trị, những người trong nhóm Nhân Loại về sau bỏ trốn theo Cộng sản, rồi tờ báo cũng đóng cửa luôn. Như đã nói, chính sách Việt Minh từ liên khu VI vào Nam không giống từ liên khu V trở ra, như vậy thái độ chính trị của đồng bào ta ở hai nơi không giống nhau …. Cái khuynh hướng chính trị của Nhân Loại không thích hợp với không khí của Sàigòn vào độ ấy. Duy Sơn Nam, như Bình Nguyên Lộc, suốt 20 năm trước 75 vẫn giữ sự dè dặt, không đề cập đến chuyện chính trị ….
[Sau khi báo Nhân Loại đóng cửa], cả hai vị cũng không có chủ tâm kỳ thị, đối với bạn bè Trung Bắc rất hòa nhã, thỉnh thoảng vẫn có bài đăng ở các tạp chí do người Bắc chủ trương.[4]

Tôi thích truyện Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư vì ngay trong truyện, từ hơn 50 năm trước, Sơn Nam đã cố trám lại những dị biệt giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ đọc, giữa ngôn ngữ "miền Nam" và ngôn ngữ "miền Bắc," giữa ngôn ngữ thành thị và ngôn ngữ thôn quê, giữa khái niệm "tiền" như một đơn vị đổi chác trong một xã hội văn minh và khái niệm trao đổi dựa trên nền văn hóa nông thôn tràn đầy tình cảm, với những sản phẩm như "cá lóc, rùa, mật ong," hay một bữa cơm ngon với "cá lóc nướng trui và rượu "ông Cọp" mà ông độc giả miệt vườn đã thết đãi nhà báo. Thầy phái viên và ông độc giả, cả hai là người miền Nam, hình như không thấy sự khôi hài mâu thuẫn trong cách gợi nhớ lại đoạn văn …rặt tính chất Bắc Kỳ, trích từ Quốc Văn Giáo Khoa Thư:

Rồi thầy kéo qua những đoạn khác mà thầy nhớ ….
-Hay quá! Nhà báo bây giờ không ai bằng. Văn chương như vậy là cảm động lòng người …. Như cái hình ông già đẩy xe bò lên dốc, có hai đứa học trò kéo dây tiếp sức. Trời nắng to. Đường thì dốc. Một ông lão đẩy cái xe lợn. Trên xe có ba bốn con lợn to, chân trói, bụng phơi và mồm kêu eng éc ….[5]

Đọc xong đoạn trên, tôi tưởng tượng nghe được giọng người Nam hồn nhiên phiên âm chữ "lợn" và "mồm." Tôi tin rằng đây chính là "cái cảm động lòng người, " cũng là cái bùi ngùi ngọt đắng … khi ngôn ngữ "giáo khoa" của miền Bắc không còn là một cản trở cho sự tiếp cận của người miền Nam, khi những mảnh đất khẩn hoang của miền Nam đã được đồng hóa (thống nhất?) và lúc đó, không hiểu ông độc giả nhà quê có còn "ngây thơ trong trắng?" Sơn Nam dừng truyện ngắn ở giây phút lửng lơ của giao cảm (vì trong đời sống thực tại, "miệt vườn" vẫn còn xa "kẻ chợ"):

Thầy phái viên cười dòn, tưởng tượng cái cảnh biệt ly ngày mai. "Ôi, cái cảnh biệt ly ở xóm Cà Bây Ngọp sao mà buồn vậy!" Vĩnh biệt thì đúng hơn. Nghe nó buồn như một giọng hò, một câu rao Vọng Cổ, nhưng thầy chưa muốn nói ra, giờ nầy.[6]

"Tình nghĩa giáo khoa thư" vào thời của Sơn Nam là cái tình tương trợ, đoàn kết của một dân tộc cùng nói một thứ tiếng, cùng chia xẻ một văn hóa, bất kể yếu tố địa lý, giai cấp xã hội hoặc trình độ kiến thức. Tuy nhiên, ngay trong thời điểm này, Sơn Nam đã nhận thức đây là một tình nghĩa được lý tưởng hóa, vì sự tương đắc của thầy phái viên và ông độc giả nhà quê chỉ là mối giao cảm ngắn ngủi, tồn tại không quá một buổi tối. (Ngay trong lúc chia sẻ quan điểm, ông độc giả nhà quê cũng nhận định rằng, "Phần nhiều bài vở của [Chim Trời] viết cao quá.") Sáng ra, mỗi người lại trở về đời sống và nghề nghiệp thường nhật của họ, và có lẽ họ cũng sẽ không bao giờ gặp nhau lại. Mối giao cảm tương phùng đó có thể chỉ là một kỷ niệm đẹp, hay một khát vọng (không khác gì số mệnh ngắn ngủi của tờ báo Nhân Loại do khuynh hướng "nhập bưng" của ban biên tập đã không hòa hợp với không khí thành thị đợt sống mới của người Sàigòn thời đó.)

Vượt thời gian khoảng hơn 30 năm, ở một môi trường hợp chủng, đa văn hóa, cách xa vạn dậm môi trường đồng bằng Cửu Long của Sơn Nam, nhà văn Trần Vũ, trong bài nhận định Những Vòng Tường Ghetto xuất bản năm 1991, tỏ thái độ bi quan trước hiện tượng "sáo" là hiện tượng mà anh cho rằng đã ăn sâu vào dòng "hoài cảm" của nền văn học hải ngoại tự coi mình là "chính thống." Trần Vũ chỉ trích sự tự mãn của dòng văn học này vì nó không chất vấn hay lật đổ những nền nếp cũ, mà còn xây thêm nhiều vòng tường để chôn sống sự sáng tạo, cho đến lúc "người ở trong và kẻ ở ngoài không còn nhìn được thấy nhau. " Theo Trần Vũ, trong thập niên 1990, một số người viết thuộc dòng miệt vườn/hoài cảm, trong tinh thần muốn "về nguồn" (bằng cách "tự lập lại chính mình" trong cách pha chế, hâm nóng lại những bổn xưa, với "ý tứ đơn giản đến độ bần cùng … [và] những câu văn [cố tình] viết sai chính tả, chen nhiều thổ ngữ …[lúc thì] chân chất, lúc bạt mạng …") đã trở thành những anh nhà quê, dù ở trong xứ sở tự do.[7] Ngược lại, những nhà văn trong nước, trong cách viết "bỏng rát, tàn bạo," đã đoạt chức vị tiên phong. Trần Vũ cảm nhận hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp, một nhà văn trước là:

Người giáo viên miền núi, đèo heo hút gió, nơi của những bảng làng tàn tạ xác xơ, không có gì ngoài những ngọn gió Hua Tát. Không sách vở, không thư viện, không trường đại học, lấy đâu để viết những giòng chữ kinh khiếp như Không Có Vua? Thiên tài, thi sĩ, họa sĩ, văn hào là ở bẩm sinh mà có. Không có gì dạy dỗ, nuôi nấng, đào tạo, "vỗ" cho béo được. Viết văn là một hành động tự phát. Sự thức giấc của tiềm thức. [8]

Tuy nhận định của Trần Vũ không hoàn toàn sai, cái nhìn của anh phản ảnh khuôn khổ của một thời đã qua, và cũng có phần lãng mạn hóa những yếu tố đào tạo nên một nhà văn. Viết văn không hẳn là hiện tượng “tự phát,” mà đúng ra là chuyện thai nghén cưu mang qua nhiều năm tháng. Nguyễn Huy Thiệp thật ra cũng có một kiến thức văn hóa giáo dục sâu rộng hơn "những ngọn gió Hua Tát." Theo lời học giả Greg Lockhart, trong thời điểm cải cách ruộng đất ở miền Bắc vào thập niên 1950, dù ở giữa những xáo trộn đói khổ, Nguyễn Huy Thiệp đã được mẹ gửi cho về sống trong một ngôi nhà thờ Thiên Chúa Giáo ở vùng quê. Tại đây ông đã được học đạo và đọc Kinh Thánh trước năm lên mười. Sau đó Nguyễn Huy Thiệp trở về Hà Nội để theo học cấp Trung Học và sau đó đã theo môn sư phạm. Ở đại học, nhà văn đã đọc và thấm nhuần kinh sử Tư Mã Thiên, truyện Tam Quốc Chí, và những tiểu thuyết nổi tiếng của những văn hào người Nga.[9]



Truyền thống văn học của một dân tộc là một quãng đường dài, với nhiều khúc quanh, ngõ rẽ, không phải là một hình chụp nhất thời. Chính Trần Vũ, trong một điện thư gửi ngày 19/8/08 cho người viết, cũng nhận thấy rằng, " nhánh phong tục miệt vườn là một nhánh sáo nhất, và như tiên đoán đã chìm xuống, suy thoái, gần như biến mất trong dòng văn chương di dân bây giờ." Nguyễn Huy Thiệp vào năm 2008 cũng không còn viết những giòng chữ kinh khiếp nữa. (Từ lúc "tiềm thức được đánh thức," hiện giờ nhà văn đang làm gì?)

Tương phản với lời nhận định …hơi thái quá của Trần Vũ về thiên tài bẩm sinh của một văn hào, đoạn văn trong Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư của Sơn Nam có thể áp dụng vào trường hợp của những nhà văn Việt ở ngoài nước, sống mòn mỏi như dã tràng trong những thế giới hụt hẫng, cách biệt:

Không ai bảo ai, hai người lại nằm xuống lim dim. Tuổi của họ đã quá ba mươi! Nước chảy mãi mà sao đá không thấy mòn? Sợi dây cưa mãi, gỗ chưa đứt mà sợi dây sắp đứt trước. Sự nghiệp của họ nào đã có gì: kẻ mến cái thú ở nhà quê, người lận đận với cái thú ở kẻ chợ. [10]

Tuy đoạn văn trên của Sơn Nam vẫn còn là một hình ảnh trung thực về thân phận nhà văn Việt lận đận với chuyện sinh nhai nước người và nghiệp viết văn trong tiếng Việt bên lề nền văn học bản xứ, hình ảnh này không nên được coi là một tình trạng bất di bất dịch. Nếu sợi dây đứt thì chuyện gì sẽ xẩy ra? Trên một hành trình dài …vô tận, biết đâu sợi dây đứt sẽ được thay bằng một sợi dây khác, mới và "tân tiến" hơn, và cứ như thế, lần lượt, hết sợi này đến sợi khác, tiếp nối, cho đến lúc gỗ đứt? Như nước sẽ chảy mãi, cho đến lúc đá mòn? Sơn Nam, cho dù với những nhận xét sâu sắc, cũng không thể tiên đoán được thời đại "văn chương không biên giới," khi mạng lưới thông tin và quá trình di dân đã chất vấn hoặc định nghĩa lại những khái niệm về "thành thị," "thôn quê," trong," "ngoài." Hơn nữa, cái ranh giới giữa thành thị và thôn quê thực ra không nhất thiết chỉ áp dụng cho ranh giới trong và ngoài nước mà ngay cả trong bất cứ một nội địa nào giữa các "vùng" khác nhau.

Đồng thời, các nhận định dựa trên sự cách ly về mặt không gian của những thập niên trước đây không còn thích hợp với tình cảnh trong ngày hôm nay. Liệu chúng ta phải có mặt ở Việt Nam để "về nguồn"? Hoặc những người đang sống ở Việt Nam phải ra khỏi nước để "xuất ngoại"? Liệu khái niệm khẩn hoang của Sơn Nam có thể vượt qua bối cảnh đồng bằng Cửu Long, để áp dụng trực tiếp vào vận mệnh của tiếng Việt, của bất cứ xã hội Việt nào trên hoàn cầu?

Nền văn học trong tiếng Việt, ở đầu thế kỷ 21, cũng cần đến những người trẻ chào đời và lớn lên ở ngoài lãnh thổ nước Việt. Trong một lớp hè tiếng Việt, các em học sinh mặc dù chưa thấm nhuần văn phạm tiếng Việt, chưa vượt qua trình độ sơ đẳng của những sách dạy tiếng Việt sao lại từ chương trình Quốc Văn Giáo Khoa Thư của thế kỷ trước, vẫn tự tin để mơ ước đến một ngày nào đó, tiếng Việt, với những dấu, những âm trầm bổng, sẽ được người Mỹ áp dụng như một cách chữa bệnh. Em Benjamin Nguyễn Minh Khánh, 12 tuổi, học sinh lớp 6 theo học trường hè tiếng Việt ở vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn, đã viết như sau:

Con mong là mai mốt người Mỹ sẽ học tiếng Việt. Tuy học tiếng Việt cũng khó, nhưng nếu người Mỹ già mà học nó thì nó sẽ làm họ suy nghĩ nhiều. Nếu họ suy nghĩ nhiều, thì chính tiếng Việt sẽ giúp họ chống bệnh lú lẫn trí nhớ như bệnh Alzheimer.

Đây là tinh thần tự tin của giới trẻ Mỹ gốc Việt. Được rèn luyện trong một môi trường hợp chủng được ví von như cái nồi "tả pí lù" (melting pot), tinh thần này không có một mặc cảm tự ti về văn hóa Việt, vì thế sẽ mang tiếng Việt, văn chương Việt qua vòng rào ghetto của những thập kỷ trước. Một ngày nào đó trong tương lai, tiếng Việt, văn chương Việt, sẽ không còn ở bên lề văn hóa Hoa kỳ, mà sẽ trở thành một lựa chọn trong giòng văn hóa được coi là "bản xứ." Tệ trạng "sáo mòn" mà Trần Vũ đã coi như một khía cạnh tiêu biểu của nhánh văn chương miệt vườn/hoài cảm, nếu vẫn còn vương vấn trong nền văn học hải ngoại, chỉ hiện hữu ở trong những tác phẩm nửa mùa, không Tây mà cũng chẳng ta, vẫn luyến tiếc thời quá khứ cũng chẳng có gì là vàng son, đượm đầy mặc cảm tự ti của thân phận nàng Kiều. Chính vì tính chất nửa mùa, mặc dù cũng được nhiều dư luận khua động khi ra mắt, thậm chí còn "ăn khách," những tác phẩm này tự chúng sẽ bị tuyệt giống như những con khủng long trong quá trình tiến hóa của nền văn học Việt.

Sơn Nam, khi viết về "tình nghĩa giáo khoa thư" như một khuôn mẫu lý tưởng nhưng trên đà lạc hậu, hình như đã cảm nhận, đồng thời tiên đoán những mất mát khủng khiếp của con người Việt Nam trong những thập niên tiếp nối. Tuy vậy, "tình nghĩa giáo khoa thư" trong ngày hôm nay không nên bị khoanh vùng bởi lăng kính "cổ, sáo," mà cần được định nghĩa lại như hiện thân của sự tự trọng, bao dung, khoáng đạt — một tinh thần được đúc kết từ những giao cảm văn hóa bình đẳng.

Sơn Nam cho biết rằng vào khoảng 1957-1958, ông viết truyện Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư "một mạch tại tòa soạn [Nhân Loại], cỡ 14 trang giấy học trò, với tiền nhuận bút là 200 đồng …. Hồi ấy 200 đồng là nhiều lắm…." [11] Tiền nhuận bút, nói rộng ra là các chi phí và khuyến khích tinh thần dành cho những đầu tư văn hóa, để duy trì một một nền văn học độc lập, vững mạnh, vẫn là những khát vọng cho nhà văn Việt, trong và ngoài nước, ở đầu thế kỷ 21. Sơn Nam đã nằm xuống, nhưng những khát vọng của cả một làng văn mang gánh nặng hậu chiến tranh và hậu thuộc địa, là những khát vọng dai dẳng, vượt thời gian và không gian. Đây dĩ nhiên không phải là những luyến tiếc mà Sơn Nam đã coi như những "thơ mộng của thời Trung cổ, đầy rẫy sự áp bức đối với người lao động để đem lại cái địa vị cho kẻ sĩ…."




Chú Thích:
[1]Sơn Nam, "Quan Niệm về Truyện Ngắn," trích từ lời giới thiệu Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư, tr. 506.
[2]Theo bản tin tiếng Anh của Thanh Niên Daily
[3] Sơn Nam, Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư, trong tuyển tập Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê Hương Chúng Ta (nxb Sóng: 1974), tr. 511.
[4] Võ Phiến, Văn Học Miền Nam Tổng Quan (Văn Nghệ: 2000), tr. 240-241.
[5]Sơn Nam, Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư, tr. 512.
[6] Như trên, tr. 515.
[7] Trần Vũ, Những Vòng Tường Ghetto, Hợp Lưu (số 2 tháng 2, 1991)
[8] Như trên.
[9] Greg Lockhart, “Introduction,” The General Retires and Other Stories (Oxford University Press: 1992), tr. 1-2. Người viết lược dịch.
[10] Sơn Nam, Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư, tr. 513.
[11] Sơn Nam, "Quan Niệm về Truyện Ngắn," trích từ lời giới thiệu Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư, tr. 506.

Đinh Từ Bích Thúy

19 August 2008
• alexis krikorian: việt nam là vấn nạn chưa từng thấy bao giờ- 03.05.2011
• Nguyễn Đức Sơn: Vòng Quay Sinh Tử- 09.02.2011
• Họa sĩ Jorge Colombo sử dụng chức năng Brushes trong iPhone – phần 1- 29.07.2010
• Hành Lý và Giầy- 04.02.2010
• Sa Ngã Nguyên Thủy- 05.11.2009
• Da màu Phỏng Vấn Mục Sư Trần Nguyên Đán- 09.09.2009
• Vài Suy Niệm về Biên Giới và Sứ Mệnh của Da Màu- 23.08.2009
• Hương Thái Cổ, Cánh Chim Trời: Đọc và Dịch Thơ Nguyễn Sỹ Tế- 24.07.2009
• bố già yêu quí: liệu Kim Chính Vân có ít điên hơn bố?- 15.06.2009
• triệu tử dương: con tằm hóa bướm- 25.05.2009
• Oan/Nghiệp: nghệ Thuật Nhiếp Ảnh của Eddie Adams- 30.04.2009
• Chuyến Hành Hương Man Dã- 19.03.2009
• Nâng Cao Xà Nhà, Hỡi Những Nhà Phê Bình Nghệ Thuật: Đọc “Là Con Người” của Lê thị Thấm Vân- 11.03.2009
• "tri thức" về một bài thơ: Nói Chuyện Với Nhà Thơ Nguyễn Đức Nguyên- 12.12.2008
• Em Không Mềm Không Trong Không Thẳng Không Trắng (2/2)- 04.11.2008
• Em Không Mềm Không Trong Không Thẳng Không Trắng (1/2)- 03.11.2008
• Văn Chương Nobel 2008: Chìa Khóa và Nhà Tù- 09.10.2008
• Trung Thu 2008, 1928, 1968- 30.09.2008
• Sơn Nam Xuyên Bờ: Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư ở Đầu Thế Kỷ 21- 19.08.2008
• Băng Qua Tháp Babel: Salman Rushdie và Dã Sử Vượt Biên- 04.07.2008
• café diem- 04.06.2008
• Đinh Từ Bích Thúy: Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài- 19.04.2008
• Phẩm tiết Cung Tích Biền: nhìn thẳng vào mặt trời và cái chết- 26.03.2008
• Những thế giới mù của Đinh Linh- 29.01.2008
• dày dày sẵn đúc một tòa … văn chương- 12.11.2007
• Đập Cổ Kính Ra Tìm Lấy Bóng ...- 19.10.2007
• nữ quyền dép râu- 17.08.2007
• Cạnh Sườn Đế Quốc - 15.07.2007
• Nhã Ca - Một Huy Hoàng Trên Cỏ Mướt - 30.06.2007
• Những Bí Ẩn về chị Nhàn - 15.06.2007
• Gliese 581c - 30.04.2007
• Kurt Vonnegut và Những Thành Phố của Tro Bụi - 18.04.2007
• Hoshomon - 27.01.2007
• Những mảnh vỡ của bài trường ca - 20.01.2007
• Lỗ Vận với Tôi - 13.01.2007
• Toang Hoang Ngoài Phố Chợ - 06.01.2007
• Thức Ăn Dễ Dãi- 30.12.2006
• Giới Thiệu Truyện Thình Lình (Sudden Fiction) - 16.12.2006
• Chả Cá Địa Trung Hải - 16.12.2006
• Virginia Hamilton Adair / Lâm Thị Mỹ Dạ - 09.12.2006
• những chớp đời như vết sẹo - 09.12.2006
• GIỮA HỒI KỊCH TRỐNG MÁI - 02.12.2006
• Siêu Thị và Quái Thai- 09.09.2006
• Những Ngụ Ngôn Miền Đất Hoang- 10.08.2006

--------------------------------------------------------------------------------

Article printed from Tạp chí Da Màu – Văn Chương Không Biên Giới: http://damau.org

URL to article: http://damau.org/archives/18482

Click here to print.

© 2008 damau.org - Damau Literary Portal. All rights reserved.

Nói Chuyện Với Nhà Thơ Nguyễn Đức Nguyên

"tri thức" về một bài thơ: Nói Chuyện Với Nhà Thơ Nguyễn Đức Nguyên

Đinh Từ Bích Thúy









LTS: Nguyễn Đức Nguyên là nhà thơ và thân hữu của Da Màu. Anh đã sáng tác và dịch nhiều thơ và truyện flash trên trang Da Màu. Tiểu sử của anh rất vắn tắt, rất “Thiền:” “Tuổi con khỉ. Sinh tại Saigon. Sinh sống và định cư tại Sydney (Úc đại lợi) từ giữa thập niên 70.” Nhân có chuyên đề dịch thuật, anh nói chuyện với Đinh Từ Bích Thúy qua email về cách đọc và dịch một bài thơ.



Đinh Từ Bích Thúy (DTBT): Anh có thường hay dịch thơ văn sang Việt ngữ, hoặc từ Việt ngữ sang Anh ngữ?

Nguyễn Đức Nguyên (NDN): Câu hỏi này vui là ở chỗ chữ “thường” – “có thường hay dịch”? Nếu thường là một chu kỳ cố định, mỗi tuần dịch một bài thơ, hay hai tuần dịch một chuyện ngắn thì chắc chắn là không “thường”. Lý do rất là giản dị – bận bịu công việc, ít thư giãn, nên ngay cả việc đọc sách cũng bất thường, bữa có bữa không – vì vậy việc dịch thuật cũng bất thường và tùy hứng.

DTBT: Lý do anh đã chọn những bài để dịch?
NDN: Lý do bài tôi chọn dịch thường có hai tiêu chuẩn. Thứ nhất là tôi cảm được chúng. Thứ nhì là chúng ngắn, tôi thường không dịch những bài dài vì ít có thì giờ, và cũng vì cái bệnh lười, thiếu kỷ luật.

DTBT: Khi dịch, anh đã gặp những khó khăn nào, và giải pháp, nếu có, cho những khó khăn trong lúc dịch văn chương..

NDN: Cái khó khăn mà tôi nghĩ là người dịch nào cũng quan tâm đến là bản dịch của họ cần diễn tả được văn bản chính. Cái khó ở đây là người dịch vừa là người đọc và cũng là người “viết”. Tôi cố ý dùng chữ “viết” là vì người dịch sẽ phải lựa chọn, cân nhắc cấu trúc, và từ vựng, ngôn ngữ dùng trong bản dịch để diễn tả đúng văn bản cả “thể” lẫn “chất” qua cảm nhận của họ. Cái cảm nhận này, hay nói một cách khác, cái tương tác giữa tác giả và người dịch, qua văn bản, thường thường là một sự tương tác một chiều, từ tác giả đến người dịch; không phải một sự tương tác song phương, đối thoại hai chiều. Và như vậy, cùng một văn bản, nếu có nhiều người dịch, thì bản dịch của họ sẽ khác nhau, không ít thì nhiều. Kết quả là có bản dịch diễn tả được cái “hồn” của văn bản, có bản không. Thật sự thì việc phán đoán rằng bản dịch này “hay” hay “đúng” hơn bản dịch kia lại rất tùy thuộc vào những nhà phê bình nào đó thông suốt cả hai thứ tiếng, chịu bỏ thì giờ đọc “kỹ” cả văn bản lẫn bản dịch. Chứ còn những độc giả nào chỉ đọc được bản dịch thì làm sao mà họ bình phẩm – họ chỉ có thể thích hay không thích bản dịch mà thôi. Nếu có thể được, người dịch nên gửi bản dịch đến tác giả để tác giả duyệt xét trước khi trình làng – nếu tác giả biết cả hai ngôn ngữ.

DTBT: Tại sao lai là “sự tương tác một chiều”? Vì nếu dịch giả biết tác giả, như nếu anh dịch thơ của nhà thơ Thường Quán hoặc nhà thơ Vi Lãng, anh có thể email một trong hai người này và hỏi họ nếu có những thắc mắc trong nguyên bản, và từ đó sẽ có một đối thoại về cách hiểu/thu nhận một bài thơ của tác giả? Hay là anh nghĩ mình không nên hỏi tác giả, mà nên để cho văn bản “speak for itself” rồi từ đó dịch sang một ngôn ngữ khác?

Nhà thơ Trịnh Cung chắc đã hơi ngạc nhiên vì có một dạo T. đã “đường đột” email hỏi về một thắc mắc trong bài thơ Giá Mà Tuyết Rơi Xuống Bây Giờ về mấy con kiến gió (vì không hiểu kiến gió là kiến gì, và dịch ra tiếng Anh làm sao, winged ants, fire ants, wind ants, v.v. ?—đối với T. –có lẽ là người quá thực tế–những điều thắc mắc trong một văn bản thường là ở những chi tiết hoặc dữ kiện, bối cảnh…), thì anh Trịnh Cung đã cho T. biết là những con kiến gió đó chỉ là những con kiến tình cờ rơi từ trên cây vào ly trà đá của anh khi anh ngồi ở quán nước trong hẻm 47, có lẽ cũng là cách ví von về số phận chấp chới của những nhà thơ Việt trong nước. Rồi anh Trịnh Cung cũng “nhỏ nhẹ” khuyên T. như sau, “Đúng ra thì không nên giải thích, sự liên tưởng của người đọc sẽ mở rộng cảm xúc của bài thơ hơn, nhưng T. hỏi thì anh …phải trả lời”(!)

Thật ra thì có những câu thơ lúc đầu T. đọc lên thì tưởng là bí hiểm, hóa ra nó cũng giản dị thôi. Có một lần T. thắc mắc đến cả tháng trời, không biết dịch hai câu lục bát cuối trong bài “Gặt Đêm” (Night Harvest) của chị Mỹ Dạ ra sao: “Đạn bom rơi chẳng sợ đâu/Chỉ e sương ướt mái đầu lá chanh …” vì không hiểu tại sao người trong thơ lại sợ sương ướt … đầu cây chanh. Cuối cùng chị Dạ phải email giải thích “mái đầu lá chanh” đây là đầu người con gái, mới gội đầu từ nước lá chanh và bồ kết, không muốn bị sương rơi lên đầu, sợ bị cảm, còn đạn bom thì “quen riết rồi, chả sao cả.” Tóm lại là, có lẽ cũng có nhiều tác giả không muốn dịch giả hay ai đó hỏi quá kỹ về ý nghĩa trong những tác phẩm của họ, vì nó xâm phạm một cái gì huyền bí trong quá trình sáng tạo chăng?

NDN: Thật ra thì sự “tương tác một chiều” mà tôi đề cập đến – theo ý kiến chủ quan của tôi – thì trong quá trình sáng tác, khi tác giả đã “finalise” văn bản, sau những sửa đổi hẳn đã có, thì văn bản đó trở thành “a line in the sand”, một dấu mốc, “an imprint”. Dấu mốc này từ đó, lẽ tự nhiên, thuộc về quá khứ. Từ mấu dốc này, đến điểm thời gian mà một người đọc văn bản về sau, trong tương lai, là con đường một chiều. Kể cả chính tác giả, nếu có đọc lại văn bản, như đọc lại nhật ký chẳng hạn, có lẽ cũng chỉ gợi nhớ đến chứ không hẳn là sẽ có lại đúng những cảm xúc, những ý tưởng, những mục tiêu viết của tác giả lúc ấy; tác giả hôm nay không phải là tác giả hôm qua vì đã có những thay đổi nào đó, rất li ti hay rất lớn lao, trong họ. Nói một cách khác, theo Paul Celan, văn bản, một bài viết, một bài thơ có thể được coi như là một “mẩu tin trong lọ/a message in a bottle“;

“A poem, as a manifestation of a language and thus essentially dialogue, can be a message in a bottle, sent out in the – not always greatly hopeful – belief that somewhere and sometime it could wash up on land, on heartland perhaps.”



“Một bài thơ, như là hiện thể của ngôn ngữ và như vậy là đối thoại thiết yếu, có thể là một mẩu tin trong lọ, được thả nổi với niềm tin - không phải lúc nào cũng đầy hi vọng – là một nơi nào đó, vào một lúc nào đó, nó sẽ trôi tạt vào bờ, mong mỏi đó là bờ tâm đắc.”

Như vậy – cái “tương tác một chiều” – từ tác giả, qua văn bản, đến người dịch, là một sự tự nhiên – vì người dịch trước hết chỉ là một người đọc, cần cảm nhận những cảm xúc, những ý tưởng của tác giả muốn truyền đạt qua văn bản. Sự cảm nhận này, có hay không có, sâu đậm hay hờ hững, sẽ khác và tùy thuộc vào mỗi người đọc; mỗi người mỗi khác, với độ nhạy cảm, quan điểm thẩm mỹ và thị hứng khác nhau, không kể là các yếu tố thời gian và không gian đề cập đến ở trên…. Và từ người dịch, qua bản dịch, đến người đọc – sẽ là một “tương tác một chiều” nối tiếp….

Về kinh nghiệm cá nhân tôi, khi tôi dịch những tác giả mà tôi quen biết như Vi Lãng hay Thường Quán, tôi thường dịch hết bài trước khi gửi cho VL hay TQ đọc để xem coi có “lạc đề” nhiều hay ít để sửa chữa nếu sai quá . Nhưng để thảo luận ý kiến về sự thu nhập và hiểu biết về văn bản thì có lẽ không.

Về việc Thúy nghĩ “nhiều tác giả không muốn dịch giả hay ai đó hỏi về ý trong của những tác phẩm của họ, nó violate một cái gì huyền bí trong process sáng tạo chăng?” – tôi không nghĩ là vậy là vì họ, phần lớn, không muốn đề cập đến quá trình sáng tạo của họ, vì quá nhàm chán. Họ có lẽ muốn thảo luận về các tác phẩm, tác giả khác vì chúng là các chủ đề lý thú hơn.

DTBT: Không hiểu mình nên dịch chữ “epistemology” là gì sang tiếng Việt? T. tra tự điển cả buổi hôm qua mà không thấy equivalent trong tiếng Việt. Isn’t the process of translation là một process về epistemology? Kiến thức của người dịch–what he knows or does not know, would surely affect the translation?

Thí dụ, bài thơ Pasaje (Passage) của Octavio Paz. Bài này tương đối “dễ” dịch, vì khái niệm trong bài thơ ở trong thể abstract, đã chưng cất thành tinh túy, essence, cho nên nếu dịch, dù có những bản khác nhau, có lẽ vẫn không thể đi quá xa văn bản:

Passage (pasaje)


More than air (más que aire)

More than water (mas qué agua)

More than lips (más que labios)

Light light (ligera ligera)

Your body is the trace of your body

(Tu cuerpo es la huella de tu cuerpo)

Băng Qua

hơn không khí,

hơn nước,

hơn môi,

thoang thoáng

người em là vết tích của người em.

(bản dịch tiếng Anh của Lysander Kemp, tiếng Việt của DTBT.)

Nhưng một bài thơ lục bát của Nguyễn Duy, với những đề cập cụ thể về địa danh, văn hóa, mặc dù có thể rất quen thuộc đối với những nhà thơ Việt hiện nay, sẽ rất khó dịch thoát mà không cần phần chú thích, và nếu dịch ra tiếng Anh, sẽ được người Mỹ coi như một bài thơ hay, lạ:


Hỏi Thăm

Vừa xa mà đã nghe lâu
hỏi thăm áo tím qua cầu gió bay
Ớt Đông Ba có còn cay
gạo de An Cựu dạo này còn thơm?
Hỏi thăm hoa phượng bên đường
sông Hương mấy bữa mưa nguồn còn trong
quán cơm Âm Phủ còn không
cô gì hôm ây lấy chồng hay chưa? …

Ở trong văn hóa Mỹ ít người biết về “ớt Đông Ba” hay gạo de An Cựu (mà gạo de An Cựu là gạo gì, T. cũng không biết nữa, chỉ nghe thấy hay hay.) Cho nên mình có thể nói kiến thức hoặc khiếm khuyết trong kiến thức người đọc ảnh hưởng sâu đậm đến cách đọc một văn bản, và có thể làm văn bản đó nhàm, hoặc mới lạ, tùy trình độ cảm nhận? Và vị vậy tất cả những chuyện dịch là cách chất vấn kiến thức, “an inquiry into the nature of epistemology?

NDN: Theo từ điển Nguyễn Văn Khôn (NVK) – NXB Khai Trí – thì từ “epistemology” được dịch là “nhận thức luận”. Thúy hỏi “Quá trình dịch thuật có phải chăng là một quá trình về nhận thức luận?” (Isn’t the process of translation là một process về epistemology?) Câu hỏi này khá hóc búa. Triết học thì tôi không biết nhiều, về “nhận thức luận” thì tôi lại càng mù tịt – ngoài việc mới biết rằng câu hỏi chính của “epistemology” là “Kiến thức là gi`? What is knowledge?” – Hay “Tri thức là gì?” hoặc “Học thức là gì?” vì knowledge thường được dịch là kiến thức, tri thức, học thức tùy trường hợp. Như vậy cái nào/khi nào là thấy (kiến), là biết (tri), là hiểu (học) [theo cái hiểu lơ tơ mơ của tôi về chữ Hán Việt]. Sau cái thấy, cái biết, cái hiểu, chắc có còn cái nhận nữa cho nên ông NVK mới dịch là nhận thức luận.

Trước hết về bài Hỏi Thăm của Nguyễn Duy, Thúy có viết “gạo de An Cựu” là gạo gì mà nghe thấy hay hay? Tôi cũng không biết gạo de An Cựu là gì, ớt Đông Ba cay đến cỡ nào, mưa nguồn sông Hương ra sao, hay quán cơm Âm Phủ ở đâu. Nhưng có lẽ khối người gốc Huế, cựu học sinh Quốc Học sẽ thấy bài thơ này hay vì gợi nên một cảm xúc nhớ Huế cũ, Huế xưa, một cảm xúc luyến tiếc (nostalgic emotion) qua những địa danh quen thuộc đặc biệt về Huế, đến màu tím áo dài của các cô nữ sinh Đồng Khánh.

Về phần tôi khi đọc bài này cũng thấy hay hay – một phần là vì cái âm điệu quen của thơ 6/8 Việt, một phần là vì tôi có biết Huế sơ sơ, ghé qua có một lần cách đây vài năm. Có thể nói là tôi chỉ thấy, nhưng không biết hay hiểu Huế, như người Huế. Như vậy, không nói chi đến người Mỹ, người Anh, sự dùng những từ đặc trưng của một miền văn hóa, tuy có thể lôi cuốn người đọc tìm hiểu thêm để biết thêm về miền văn hóa này, cái kiến thức học hỏi, thâu nhập được, cũng sẽ chỉ là kiến thức thỏa mãn cái trí năng (intellect); và cái trí năng đó sẽ không thay thế được sự xúc cảm (emotion) mà bài thơ đưa đến những người thuộc miền văn hóa đó, một lượng nhân khẩu (demography) có giới hạn.

Người dịch bài thơ này do đó sẽ phải lựa chọn giữa việc dịch theo đúng nguyên bản hay lựa chọn một demography nào đó mà người dịch gần gũi để biến thể nó sang ngôn ngữ đích. Hai con đường lựa chọn này đều có cái khó khăn chung – là số người đọc, hiểu, cảm nhận, đánh giá bài thơ là fresh đều sẽ giới hạn. Nhưng chúng không đòi hỏi là người dịch cần phải hoàn toàn thấy, biết và hiểu như người Huế địa phương.

Như vậy, theo tôi cái kiến thức sẵn có/ không sẵn có không phải là điều kiện cần thiết để người dịch tạo mầm sống cho bản dịch – khả năng sáng tạo (creativity) có lẽ cần thiết hơn. Do đó, quá trình dịch thuật không phải luôn là một sự tư duy về bản chất của “nhận thức luận”.

DTBT: Theo anh, một bài thơ “hay” phải có những yếu tố nào để nó được dịch ra một ngôn ngữ khác? Hay nói cách khác, tại sao một bài thơ/văn nên được dịch?

NDN: Thế nào là một bài thơ “hay”? Thế nào là bài thơ “không hay”? Thơ “không hay” thì lẽ tự nhiên không thích đọc hết bài, chỉ đọc vài câu đầu rồi bỏ, hay đọc hết bài mà cũng không có cảm tưởng hay cảm giác gì đến bài thơ – không cảm nhận được cấu trúc, ngôn ngữ, ý tưởng, vần điệu nếu có, mà bài thơ muốn chuyển đạt. Nhưng mà “hay” và “không hay” ở đây rất chủ quan – “thích” và “không thích” thì đúng hơn – vì sẽ có người đọc khác với quan niệm thẩm mỹ khác “thích” bài thơ/bài viết mà tôi “không thích”. Không thích, không cảm thì không dịch – thường thường là như vậy.

DTBT: Có những bài thơ/văn hay nào trong tiếng Việt, hay trong một tiếng nào khác, mà không thể nào, hoặc khó “dịch,” sang một ngôn ngữ mới? Tại sao?

NDN: Có lẽ không có bài thơ/văn nào không thể nào không dịch được sang ngôn ngữ khác – vì muốn dịch thì vẫn dịch được – bản dịch “hay” hay có “hồn” của văn bản lại là một vấn đề khác. Làm sao dịch được một bài thơ lục bát Việt nam sang Anh ngữ và giữ được cái hồn của thơ lục bát . Bản dịch có thể diễn tả được cái ý thơ, nhưng liệu nó có thể tạo nên cái âm điệu, vần bằng trắc đặc thù của thơ lục bát. Ngược lại, dịch một bài thơ Anh ngữ thể thơ villanelle sang Việt ngữ mà vẫn giữ được đặc thù của thể thơ ấy cũng rất đa đoan.

DTBT: Theo Lawrence Rosenwald, trong bài On Not Reading a Translation (Về Chuyện Không Đọc Một Bản Dịch) mà T. đã gửi cho anh cuối tuần trước, thì nếu người đọc có thể đọc một văn bản chính trong ngoại ngữ, thì nên đọc văn bản này, thay vì bản dịch của nó. Ông Rosenwald nghĩ rằng, một người chỉ đọc một bản dịch sẽ không biết được những gì mình đã đánh mất khi đọc bản dịch – cho dù nó có trơn tru hoặc hay cách mấy đi nữa, và cho dù khi đọc bản chính có khó khăn nặng nhọc gấp bội lần đọc bản dịch. Anh có đồng ý với quan điểm này không?

NDN: Phần lớn thì tôi đồng ý với quan điểm này của ông Rosenwald. Là người đọc, đứng trước nguyên bản và bản dịch – như là một khách hàng cần lựa chọn giữa món hàng “thật” và hàng “tương tự” [tôi không dùng chữ “giả” hay “mạo hóa” ở đây vì như vậy rất là coi thường những dịch giả gần xa] đương nhiên đọc được hàng thật vẫn hơn, vì sẽ không phải qua trung gian là bản dịch.

Tuy nhiên, cái sư lựa chọn dễ dàng này, sẽ tùy thuộc một vài yếu tố. Yếu tố chính là khả năng thông thạo ngôn ngữ gốc của người đọc – khả năng này phải có một trình độ nào đó để khỏi phải đọc hai chữ, tra tự điển một chữ. Nếu trình độ thông thạo ngôn ngữ của người đọc chỉ là ở cấp vỡ lòng, thì việc đọc những văn bản qua ngôn ngữ gốc sẽ là … một điều khổ sở… như một người mù chữ mà cứ phải đọc sách. Những cố gắng đọc như vậy nếu có, sẽ là cố gắng học ngoại ngữ, chứ không phải là để thưởng thức văn bản – tuy chúng có thể đưa đến những hứng thú khác cho người đọc, như khi hiểu nghĩa một từ mới chẳng hạn.

Ông Rosenwald cũng có đề cập đến trong bài viết của ông như sau…

…the reading I do in languages other than English isn’t fully competent reading. When I contrast my reading in English with my reading of other languages, I’m acutely aware of my mastery in the former domain, my limitation is in the latter…



… việc tôi đọc những ngôn ngữ khác ngoài Anh ngữ, không phải là việc đọc có trình độ. Khi tôi đối chiếu việc đọc sách tiếng Anh với đọc sách các ngôn ngữ khác, tôi nhận thức rõ ràng là tuy tôi nắm vững việc đọc các văn bản Anh ngữ, về các những ngôn ngữ khác thì sự hiểu biết của tôi có giới hạn…

Như vậy tuy ông ta tránh đọc các bản dịch vì “…there is no way to tell what the translator has done…I can’t bear that sort of uncertainty, do not have that sort of faith …” “… không cách chi mà biết được dịch giả đã thay đổi gì từ văn bản … Tôi không chịu đựng được cái bấp bênh ấy, tôi không có niềm tin loại ấy…” , ông ta đương nhiên có thể hiểu sai văn bản như bất kỳ một người đọc nào khác. Và với cái quy luật mà ông ta tự đặt ra cho mình, ở đây, chỉ có nghĩa là ông ta chấp nhận cái ta hiểu sai, chứ không chấp nhận cái người khác có thể hiểu sai.

Nhưng tôi đồng ý với ông Rosenwald là khi một người khi trình độ hiểu biết một ngôn ngữ đến một mức độ nào đó, khi không phải luôn tra tự điển khi đọc văn bản qua ngôn ngữ gốc thì cái mà ông gọi là “imperfect reading/đọc bất toàn hảo” sẽ đưa đến những hứng thú đặc thù từ ngôn ngữ gốc, những gì mà ngôn ngữ đích dù có dịch thoát đến đâu cũng thiếu sót không diễn tả được, như cái âm điệu vần từ thể thơ 6/8 của ta – như cái khoái khi ta xem phim ngoại quốc [hay] mà không phải đọc phụ đề.J

Yếu tố thứ hai là yếu tố thời gian. Too much to do, too little time. Nhiều chuyện phải làm quá mà không có thì giờ – Một câu nói rập khuôn mà ta thường nghe thấy. Nếu người đọc chỉ muốn đọc các văn bản qua ngôn ngữ gốc thì cần biết bao nhiêu thời giờ, trước là phải học ngôn ngữ cho sành, sau đó thì mới đọc được sách/thơ mình muốn đọc. Khó khăn quá.

Ông Rosenwald là giáo sư Anh Ngữ trường Wellesley College, việc đọc sách và dịch có thể coi là việc làm và quan tâm chính của ông. Còn tôi, và có thể nhiều người đọc khác, thì giờ hiếm hoi, thì làm sao đây. Thôi thì, phần lớn, đành chấp nhận cái người khác có thể hiểu sai vậy.

DTBT: T. thấy những trao đổi về ngôn ngữ và dịch thuật với anh rất thú vị, và qua anh T. cũng học hỏi được khá nhiều về cách “đọc” và “dịch” một văn bản. Thay mặt Da Màu, xin chân thành cám ơn anh Nguyễn Đức Nguyên.

Đinh Từ Bích Thúy

22/6/11

Chân dung Luân Hoán trong bóng chữ

Chân dung Luân Hoán trong bóng chữ

Nguyễn Lệ Uyên On 20 June 2011


Luân Hoán xuất hiện trên văn đàn miền Nam khá sớm. Theo như tự sự của ông thì “năm 11 tuổi đã bắt đầu tập làm thơ do thân phụ ông hướng dẫn”. Ba năm sau, Luân Hoán có thơ đăng trên Tuổi Xanh; sau đó lần lượt đăng trên các tạp chí Gió Mới, Mai ở tuổi 15, 16. Cũng theo ông, thì Ngàn Khơi và Tiểu Thuyết Thứ Bảy đăng thơ thời niên thiếu của ông nhiều nhất . Đến nửa thập niên 60, ông có chân trong Ban Biên Tập tạp chí Văn Học (sau khi nhà văn Dương Kiền chuyển giao Chủ bút cho ông Phan Kim Thịnh). Từ đó thơ ông xuất hiện đều đặn trên Bách Khoa, Phổ Thông, Văn Học, Văn…

Thơ Luân Hoán hướng về đề tài chiến tranh, tình yêu, thân phận tuổi trẻ … như nhiều nhà thơ khác cùng thời (Hẳn nhiên, mỗi người đều có cách nhìn khác nhau về đề tài mình chọn lựa). Sau khi gửi lại một chân nơi chiến trường Mộ Đức 1969, Luân Hoán vẫn tiếp tục làm thơ, như một cái nghiệp trói chặt cuộc đời ông. Có người nói: Luân Hoán đã đứng dậy và làm thơ hay hơn xưa bởi bên cạnh có người vợ hiền, để, tới nay ông đã có trên 10 tập thơ được xuất bản trong và ngoài nước.







Tập đầu tay, Về Trời do Văn Học (?) ấn hành khoảng đầu năm 64. Tập thứ hai Trôi Sông cũng do Văn Học ấn hành. Và tập thứ 3, thứ 4… khốn thay, bây giờ không có mặt trong tủ sách gia đình. Điều này cũng dễ hiểu sau cái ngày đen tối 30.4, thời điểm của phần thư, biếm trích!

Chính vì những điều này, nên tôi chỉ dám nhìn dòng thơ ông như một kẻ cỡi ngựa xem hoa. Âu cũng là vạn bất đắc dĩ, không thể khác được.Tuy nhiên, với hơn 10 tập thơ xuất bản trước sau, thì không thể không nhắc đến thời kỳ ông ở trong quân ngũ.

Cũng chính là người trực tiếp tham dự vào “trò chơi súng đạn” do những tên giảo hoạt dựng lên, nên ít nhiều dòng thơ ông đã xới động lòng người đọc nhiều nhất, buộc ta phải nhăn mặt, phì cười hoặc quặn thắt, đau theo từng câu thơ ông viết từ trái tim, nước mắt và máu.

Tâm trạng của những “chàng tuổi trẻ” nơi chốn sa trường lúc này, khi bật ra thành lời hay giữ kín trong lòng đều khiến người đọc phải thông cảm: Bởi bản thân họ vốn dĩ không mấy “lành lặn” về tâm hồn. Cái sự không “lành lặn” kia, thế tất sẽ dẫn đến sự cẩu thả với ngay chính thân thể mình cũng không có gì khó hiểu. Đó là những anh chàng “Râu lởm chởm tóc rễ tre lộn xộn/ Má hóp môi chì da xếp nhô xương”là hình ảnh chân thật của những chàng Luân Hoán thời chiến. Có thể coi đây như là biểu tượng của những chiến binh trong những năm tháng dài ngoài trận mạc được chăng? Rõ ràng, những nét phác hoạ sơ sài về ngoại hình, vừa là tâm thế của những anh lính trận thuở trước, phần nào cho người đọc thấy rõ hơn về sự nhếch nhác của cuộc chiến tương tàn: 50 con trên núi đánh nhau với 50 con dưới biển, theo sự điều khiển của ngoại bang! Tuy “tóc tai, người ngợm” của Luân Hoán không có vẻ khinh bạc như Nguyễn Bắc Sơn khi kêu lên “Cắt tóc cạo râu là chuyện nhỏ/Ba ngàn thế giới cũng không to,” ngẫm lại, nó lại là nguyên mẫu của người lính chiến từ thời Vương Duy đến Quang Dũng, hay Cao Xuân Huy, Trang Châu… sau này.

Hẳn nhiên, người lính trận thì chẳng có gì gọi là thong dong; trận mạc chẳng phải là nơi đầy hương thơm, cỏ lạ, là nơi chốn bình yên để rong chơi!

Những địa danh ghi lại qua những cuộc hành quân dài ngắn, khác với những nhà thơ cùng thời, là đạn bay, là khói lửa, nhớ nhung về người yêu ở hậu phương, Luân Hoán bắt ở một nhịp khác, rất thật, rất trần trụi, rất có thể không làm hài lòng các bậc túc nho còn sót lại khi ông đưa tính dục vào thơ. Ban đầu, mới chỉ là sự liên tưởng vu vơ, (trong bài Ở ngã tư Ba La) như sự trổi dậy của bản năng gốc, chợt “thức giấc” sau những đêm dài đi kích:


Đêm ngã tư Ba La
Ngào ngạt hương thịt da
Nằm nghe lũ ếch nhái
Vừa làm tình vừa ca.

Cái hiện thực trên kia, Luân Hoán vừa phơi ra có thể giải thích theo Freud từ những ẩn ức thuộc về nhu cầu bình thường của con người bình thường nhất. Nó không xa lạ, không buông thả hay tệ hơn như một thứ nhục dục thấp kém.


Đêm luẩn quẩn đi tuần
Ngày dạo quanh Quán Lát
Trí não bỗng lừng khừng
Buồn nghêu ngao nằm hát
Tám tuần chưa làm tình
Tám tuần chưa hớt tóc

(“Dừng quân ở núi Dẹp”)

Có thật nó trần trụi lắm không khi mà nhà thơ đã phơi trần sự thật không cần phải che đậy? Và liệu như thế thì chất thơ sẽ có giảm di chăng? Điều này xin nhường cho các nhà phê bình văn học phân tích. Riêng tôi, người đã từng đọc nghiến ngấu tập đầu tay Về Trời, thì Luân Hoán không nhân danh một sứ mệnh cao cả nào, như những người lính Bắc phương, mà đơn giản ông nói được điều ông suy nghĩ, ông cảm rồi cuồn cuộn dâng lên, không thể kềm giữ lại. Đó là sự thật.

Vả lại chất “chiến binh” trong hầu hết các nhà thơ miền Nam là sự trong sáng, hồn nhiên đầy ắp trong tâm trí họ, khi nhìn thấy mọi sự vật diễn ra chung quanh mình. Họ hồn nhiên đến nỗi đi hành quân mà tưởng đi picnic như NBS, hay nổi máu giang hồ hảo hán để gật đầu ra lệnh thả mỹ nhân như Linh Phương khi nhìn thấy em VC xinh đẹp như con gái Sài Gòn. Ở Luân Hoán chưa thấy những gò bó, một chiều thẳng đuột đi đúng lề đúng cách như các nhà thơ Bắc phương. Ví như mấy câu sau đây:


Hai mươi tháng Chạp đi lùng giặc
Mộ Đức, Nghĩa Hành lội nhởn nhơ
Súng lận lưng quần cho có chuyện
Mắt đầy cỏ lá, hồn đầy thơ

(“Đệ nhất thiêng liêng là giờ nhớ em”)

Trong khi đi hành quân mà mang cỏ lá vào mắt, mang thơ đầy ắp hồn và súng đạn thì “lận lưng quần cho có chuyện” chỉ có thể có trong cung cách người lính miền Nam, trong thơ ca miền Nam. Đó cũng chính là chất hồn nhiên của Luân Hoán và của tất cả các nhà thơ cùng thời. Ngay cả khi đoàn quân đang tiến chiếm mục tiêu, nhà thơ cũng có những nỗi nhớ bâng khuâng mắt em đưa đẩy hai đầu võng/ ta ngủ giữa lòng em với thơ. Chưa hết, khi mưa đã tạnh, cuộc hành quân vẫn đang tiếp diễn, thay vì làm nhiệm vụ truy kích hay dàn chiến thuật tiến chiếm mục tiêu thì Luân Hoán lại đưa người đọc đến thật gần với hoa với cỏ, làm như đó là cuộc đi dạo, và trước mắt, trong những lùm bụi kia là những người bạn trẻ đang chơi trò cút bắt chứ không phải quân địch?


Hiển linh thay đóa hoa vạn thọ
Một thoáng ta đang ở tại nhà
Bát ngát trời thơm hương sắc xuân
Bỗng quên đang lặn lội hành quân
Ta ngồi huýt sáo mừng cây cỏ
Hứng giọt mưa trong thể rượu mừng

(“Hiên ngang một đóa hoa vạn thọ”)

Trong khi Vũ Hữu Định “thấy cơm sôi chợt nhớ nhà” là cái nhớ của kẻ “giang hồ vặt” như ông đã từng thú nhận, thì Luân Hoán lại có những ý nghĩ rằng mình đang ở quê nhà, khi nhìn thấy đoá hoa vạn thọ, là biểu tượng của mùa xuân trong dân gian nông thôn, là nhìn thấy sự bình yên để quên rằng mình “đang hành quân” . Phải chăng hương sắc xuân là sắc màu mơ ước của Luân Hoán về một chút thanh bình đang giữa mùa chinh chiến?

Phàm chiến tranh thì phải có mất mát, đau thương. Và một lần trong đời của thế hệ chúng tôi, dường như không ai tránh khỏi cảnh chia lìa oan nghiệt với người thân, bạn bè… Số phận ấy cũng không rời Luân Hoán, khi bạn ông, Thiếu uý Nguyễn Nam ngã xuống. Đó là nỗi đau của ông. Và cái cách để tẩy rửa nỗi đau kia không phải là những lời lẽ hằn học, mà là một hành động rất “trẻ thơ”, rất “hồn nhiên tuổi ngọc” (chữ của nhà văn Võ Hồng) đến chảy nước mắt. Thay vì kêu gào trả thù, mà không biết trả thù ai, thì bắn bừa vào chiếc lu sành, như thể chiếc lu kia là kẻ khốn nạn giết chết người bạn thân của mình.


Ta trở lại đồn qua xóm cũ
Rút colt bắn lẫy cái lu sành
Nước tràn, lu vỡ, trời, ta khóc
Bóng bạn chập chờn đóm lệ xanh

Ngày mai nhổ trại lùng Đức Phụng
Đến lượt ta hay đứa nào đây?

(“Bàn giao cho bạn…)

(Mở ngoặc để xin được chắp tay vái Luân Hoán, như lời thơ Quách Thoại ta sụp lạy cúi đầu trong bài Thược Dược, khi ông dùng từ lẫy trong bắn lẫy. Ông đã đưa ngôn ngữ nói của giới bình dân vào hoàn cảnh này là quá xuất thần: bắn lẫy cái lu sành!)

Cuối cùng cái ngày đen tối nhất cũng đã đến với, không chỉ có những chiến binh cầm súng đối đầu, mà còn cả nửa đất nước. Mọi nhân phẩm, giá trị đạo đức làm người tối thiểu nhất bị chà đạp, lăn nhục. Chỉ có kẻ chiến thắng và người thua cuộc. Không có máu mủ, nghĩa đồng bào, tình tự dân tộc nào được xưng tụng, tôn vinh. Chỉ còn lại sự giả trá, hằn học. Và tất cả phải gánh chịu khổ nạn này như một định mệnh tiên thiên:


Các anh là súc vật
Nhân dân hằng căm hờn

(“Trình diện”)

Những ai đã từng ra trình diện trong những ngày đầu quân quản hẳn đã nghe câu nói này của các cán binh. Nó trở thành câu cửa miệng, được tuyên truyền dạy dỗ cẩn thận trước khi tiếp quản. Luân Hoán đã mang cả ngôn ngữ nói đưa vào thơ, không đánh bóng, xi mạ dùng nguyên xi thứ khẩu ngữ thường sử dụng, khiến người đọc càng cảm thấy đau xót khi đọc hai câu thơ trên và nhớ lại những ngày tủi nhục xa xưa kia. Chỉ một câu nói được lặp lại bằng ngôn ngữ thơ làm chúng ta phải chạnh lòng, như tiếng thở dài sau khi xếp lại tập Animal Farm1:


Chúng tôi là súc vật
Hôm nay học làm người

(“Trình diện”)

Đây là giai đoạn mà tất cả mọi người đều phải gánh chịu số phận bi thảm nhất một đời người: Bị tập trung giam giữ trong những trại tù khổng lồ không có bản án, đến 10 năm 20 năm… Nhiều người đã bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc. May mắn trở về thì cũng chỉ là những thân cây còi cọc biết di động, để sau đó lại hứng tiếp cuộc sống đầy nhóc nỗi nhục nhằn. Luân Hoán cũng trở về, và ông ghi lại, một cách nguyệch ngoạc cuộc sống lúc đó:


Ngủ ngồi trên gác tối
Bụng rỗng như bình hoa
Cắm cành cây hy vọng
Xanh sắc nỗi xót xa

(“Gác chiều”)

Và những hy vọng ấy là thực tế phơi bày trước mắt ông:


Chữ thánh hiền không lẽ cũng mang gông
… Càng vùng vẫy ta càng bất lực
Dao ai kề sau cổ, chợt rùng mình

(“Vết thương”)

Rồi ông tự vỗ về, an ủi:


Tuổi chưa lớn nhưng đớn đau quá lớn
Không các con chắc ba đã đầu hàng

(“Theo vết xe lăn”)

Hẳn nhiên đó chỉ là cách ta thán trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Bởi vì sau đó, ông vẫn sống, đứng lên. Đứng lên và sống hết lòng với đời, với thơ, với những khốn luỵ nơi xứ người.


Thêm một ngày, ngày nữa
Lang thang như đi chơi
Cúi đầu chợt nhìn thấy
Bóng ta trên đất người

(“Mỏi chân ngồi bên đường Saint Denis”)

Ông đi đâu đến mỏi chân phải ngồi bên vệ đường xứ người? Hoá ra, trong bài sau, ông cho biết “đi làm cu li” một cách rất yêu đời, vì “ngẫm ra ta cũng ngon/chưa hoàn toàn vô dụng”.

Mấy câu sau mới đọc nghe dung dị, như nói chơi với bạn. Nhưng càng đọc càng thấm, càng đau, càng cảm thông cảnh ngộ với những ai đã bỏ nước ra đi:


Xin được chân cu li
Tại hãng Aronoff
Ngày ngày ta ra đi
Như cán bộ đi họp
Sáng đi như đuổi ma
Chiều về như ma đuổi

(“Đi làm cu li ở đường Iberville”)

Viết tới đây tôi chợt nhớ lại thiên tiểu thuyết Giờ thứ hai lăm của nhà văn Roumanie, C. Virgil Georghiu viết từ năm 1949, mô tả lại cảnh sống tù ngục, đoạ đày của người dân Roumanie, phải bỏ tổ quốc ra xứ người. Nhưng cái thiên đường tự do kia cũng không khá hơn như lòng mong đợi của họ. Hệ quả là những thất vọng, buồn chán… về thân phận của kẻ lưu vong.

Dẫn ra chi tiết này để chúng ta có thể nhận ra rằng, trong cuộc sống nơi xứ người, Luân Hoán và những người như Luân Hoán, vốn dĩ có tâm hồn nhạy cảm, có lẽ cũng cảm thấy thừa thãi, đau đớn bởi sự cách ly về mặt văn hoá, tập quán; những khó khăn nhất định để hoà nhập như một tiền đề khiến tất cả đều cảm thấy cô đơn, lạc lõng:


Hát lên đi hỡi thằng ta
Bài lưu vong đã xót xa chín muồi
…Ngoài trời tuyết tả tơi bay
Trong ta trống rỗng mà quay quắt buồn

…Bia tan dần bọt trong ly
Uống như uống bóng nắng chiều quê hương
Rùng mình mặt chạm mù sương
Bặm môi khói thuốc như vương màu buồn

(“Ngồi lê”)

Cũng có lúc ông tự dằn vặt lương tâm bất định:


Bỗng tưởng chừng như máu tim ta
Đỏ hơn thời tù tội quê nhà
Phải chăng chớm nở mầm vong bản
Nhục nước phai vì bã vinh hoa

(“Nghêu ngao giữa lòng Montréal”)

Tới đây lại có thêm sự liên tưởng khác: Không biết đọc đâu đó một bài thơ của Xuyên Sơn, cũng có tâm trạng giống như Luân Hoán, xin dẫn ra để thấy hết nỗi nhục nhằn, thân phận lưu đày của những người phải bất đắc dĩ bỏ nước ra đi:


Anh có ở lại đây một trăm năm,
Ăn gà tây, uống coca, cũng không thành Mỹ trắng.
Anh có ở lại đây một ngàn năm
Cắt cỏ dang nắng, cũng không thành Mỹ đen.
Tiếng Anh tiếng U nay chắc anh nói cũng đã quen,
Nhưng đến bao giờ mới phai mùi nước mắm.
Anh có muốn ở lại suốt đời ?
Để mỗi lần đi cày về anh tắm,
Chỉ tắm dưới vòi sen?
Những người đồng hương anh vừa quen hôm qua,
Ngày mai có thể trở thành kẻ lạ.
Những người thường làm mặt lạ,
Lại có thể bá cổ hôn anh,
Nếu anh lên nhanh, nếu anh trúng số.
Ôi cái xứ sở xô bồ,
Lắm người qua hơn hai mươi năm
Vẫn còn bị hố.
Hàng xóm, láng giềng, nhà nhà lố nhố,
Nhưng chẳng ai thèm biết tên ai.
Xe của ai nấy đi,
Nhà của ai nấy đóng kín mít….
Tết tây tết ta, lễ tạ ơn tạ nghĩa,
Chẳng hề qua lại hỏi thăm nhau.
Thỉnh thoảng gặp nhau trên đường đi,
Cũng đặt bày làm người lịch sự,
Mấp máy nói hai nói ba, chào nhau,
Như chào cái cột cờ di động.
Đường phố, phi trường, núi rừng, ruộng đồng quá rộng,
Mà lòng con người đa phần tôi gặp,
Lại nhỏ bé đến li ti,
Nhỏ bé đến dị kỳ,
Nhỏ bé còn hơn những gì nhỏ nhất!


Vì sao? Vì sao?

Tâm trạng rã rời chán ngát. Cõi lòng nát tan vì bị xổ đẩy tới nơi chốn tận cùng không ai muốn đến. Đó là những gì Luân Hoán phơi bày, một phần rất nhỏ trong những bài thơ ông sáng tác nơi xứ người.
Đọc ông để chia sẻ chút ngậm ngùi cùng ông, quay quắt cùng ông, đau đớn với ông.

(tháng 6/2011)



1/ George Orwell viết tác phẩm Animal Farm (Trại Súc Vật) từ tháng 11 năm 1943- tháng 2 1944. Bản in đầu tiên phát hành tại Anh ngày 17 tháng 8 năm 1945, được dịch ra 68 thứ tiếng, ấn hành hàng triệu bản trên thế giới.

Nguyễn Lệ Uyên

damau.org

20/6/11

John C. Schafer - Hiện tượng Trịnh Công Sơn ( 4)

John C. Schafer
Hiện tượng Trịnh Công Sơn


Hoài Phi, Vy Huyền dịch


Kết luận

Hiện tượng Trịnh Công Sơn một phần là câu chuyện về quan hệ giữa nghệ sĩ và quyền lực chính trị. Việc người Mỹ tán tỉnh Phạm Duy, việc Việt Nam Cộng hoà cấm nhạc Trịnh, và việc sau chiến tranh, Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lo lắng không biết phải làm gì với Trịnh Công Sơn và các bản nhạc phản chiến của ông trong tập Ca khúc Da vàng cho thấy nhà nước hiện đại nhận thức được rất rõ vai trò của người nghệ sĩ trong việc định hình phản ứng của công chúng đối với chính sách của họ. Việc các bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn bị cấm đoán ở cả Việt Nam Cộng hoà và Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho thấy chính quyền đặc biệt lưu tâm tới những tác phẩm nghệ thuật có thể gây cản trở khả năng tiến hành chiến tranh của họ. Nhưng chính những bài hát phản chiến này, trong đó Trịnh Công Sơn chống lại lòng thù hận và sự giết chóc bất kể đến từ phe nào, dù họ nghĩ phe mình có chính nghĩa thế nào đi nữa – đã mang lại danh tiếng cho người nhạc sĩ luôn phục vụ mục đích nhân văn, chứ không phải cho các mục tiêu chính trị hạn hẹp. Trong một bài tưởng niệm bạn mình, hoạ sĩ Bửu Chỉ, người sống ở Huế cho đến khi qua đời vào năm 2002, viết:

“Có người sẽ cho rằng không phải nói đến những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn nữa, vì chữ thời đã qua rồi. Nghĩa là không còn thời tính nữa… Tôi thì cho rằng, đến ngày nay, qua những trò dâu bể của cuộc thế, thời tính của những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn vẫn còn. Nó còn trong ý nghĩa của tiếng nói lương tâm và nhân ái. Qua tác phẩm của mình chưa từng ai nói đến lương tâm và lòng nhân ái đậm đà như anh. Tiếng nói này còn phải luôn luôn được tôn trọng trước khi ta bắt tay vào một công việc, mà công việc đó sẽ có ảnh hưởng trên hàng vạn, hàng triệu sinh linh.” (2001, 32)

Như ta thấy, Bộ Văn hoá Thông tin đã cố gắng ngăn chặn việc truyền bá và biểu diễn các bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn, nhưng họ cũng đã không ngăn nổi sự trở lại của những bản nhạc tình buồn rất phổ thông ở miền Nam trong thời chiến. “Việc nhạc Việt Nam Cộng Hoà trở lại chiếm một vị trí trung tâm của Việt Nam đương đại [vào thập niên 1990]”, Taylor lập luận, “chứng tỏ mức độ thất bại của các quan chức chính phủ chịu trách nhiệm về văn hoá. Nhịp điệu, hoà âm và giai điệu đầy nhục cảm của các bài hát đó, cộng với chủ đề về tình yêu tan vỡ và những lời than nuối tiếc ngày xưa hiện đang thống trị thế giới âm thanh của công chúng người Việt” (2001, 55). Việc trở lại của loại nhạc này, trong đó có nhạc của Trịnh Công Sơn, có phải phản ánh một nét cơ bản trong tính cách Việt hay chỉ phản ánh tính cách của người Việt sống ở vùng đất trước đây gọi là Việt Nam Cộng hoà? Taylor nêu ra hai sở thích của người miền nam, thích ngoại lai và thích hoài niệm, và hai đề tài này đều đã được phản ánh trong âm nhạc của họ. Theo Taylor, hai sở thích này “bắt nguồn từ một quá trình tiếp xúc lâu dài với nước ngoài, mà người Việt luôn phải chuyển đổi kinh tế và định dạng văn hoá”. Chủ đề hoài niệm, theo Taylor, cung cấp cho người Nam bộ “những chối bỏ hay những con đường thoát tưởng tượng” để trốn khỏi những gẫy vỡ trong cuộc sống của họ (25). Có thể coi những bài hát thuộc loại này của Trịnh Công Sơn là những bản nhạc được sáng tác để phù hợp với người nghe vốn chịu ảnh hưởng của lịch sử và văn hoá miền Nam.

Nhưng người nghe ở phía bắc vĩ tuyến 17 cũng yêu những bài hát của ông. Trong số những bài tưởng niệm cảm động nhất về Trịnh Công Sơn, có nhiều bài do người miền Bắc viết, những người đã từng lén nghe nhạc Trịnh trong thời chiến tranh và bị mê hoặc (Vĩnh Nguyên 2001, Văn Cao 2001/1995, Nguyễn Duy 2001/1987, Nguyễn Văn Thọ 2001). Chủ nghĩa thích ngoại lai và hoài niệm cũng có vẻ được tán thưởng ở miền Bắc vĩ tuyến 17 y như ở miền Nam. Người ta kể là Ðào Duy Anh, một trong những học giả được coi trọng nhất ở Việt Nam – và là một người, cũng như Trịnh Công Sơn, luôn có mối quan hệ không dễ dàng với nhà nước – đã từng nói Trịnh Công Sơn “muốn ôm hết những mâu thuẫn và khát vọng của đất nước vào mình” (trích trong Nguyễn Ðắc Xuân 2003, 123). Các bài hát của Trịnh Công Sơn có thể thành công bởi vì các ý nghĩ mâu thuẫn trong chúng được kết hợp lại thành một tổng thể nghệ thuật dễ nghe. Các bản nhạc của ông buồn và đầy hoài niệm, như Trần Hữu Thục đã nhận xét, nhưng nhà phê bình này cũng nhận ra Trịnh Công Sơn có một quan điểm “nghịch lý” về nhân sinh (2001, 76), một quan điểm được thể hiện ở những câu sau trong bài “Gần như niềm tuyệt vọng”:


Có điều gì gần như niềm tuyệt vọng?
Trong xuân thì nhìn thấy bóng trăm năm.

Những ngàn xưa trôi đến bây giờ,
Sông ra đi hay mới bước về?


Phẩm chất nghịch lý này được gợi lên qua chữ “gần như”: Một điều gì gần như là niềm tuyệt vọng nhưng không phải là hoàn toàn vô vọng. “Có một chút của cái này và một chút của cái kia”, trong rất nhiều bài hát của Trịnh Công Sơn, Cao Huy Thuần viết, và “Có một chút của cái này trong một chút của cái kia” (2001b, 102). Phẩm chất nghịch lý này được thể hiện rõ ràng hơn trong những dòng đối lập giữa tuổi trẻ và vĩnh cửu, giữa quá khứ và hiện tại, giữa đi và đến. Đây rõ ràng là quan niệm Phật giáo về tính vô thường mà tôi đã đề cập ở phần trên. “Vô thường trong Trịnh Công Sơn”, Cao Huy Thuần viết, “không có gì khác hơn là là cái có đi vào cái không ” (2001b, 95). Và ngược lại, dường như hư vô cũng bước vào hữu thể. Phẩm chất nghịch lý này cũng được phản ánh trong thái độ của Trịnh Công Sơn đối với cái chết: Thấy trước cái chết khiến chúng ta yêu cuộc đời hơn; cái chết bước vào cuộc sống và khiến cuộc sống trở nên nồng nàn hơn.

Cách nghĩ “nghịch lý” này được thể hiện rõ rệt trong rất nhiều bài hát của Trịnh Công Sơn đến mức ta ngờ rằng từ thuở còn rất trẻ, người nhạc sĩ này đã nhìn thế giới như vậy. Khi lớn tuổi hơn, và khi sức khoẻ giảm sút, điều này lại càng trở nên rõ rệt hơn. Trong “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”, nhạc sĩ tự nhủ mình đừng tuyệt vọng, nhưng hình ảnh trong bài hát - của lá rơi trong mùa đông, của cánh diều rơi xuống vực – dường như không mang chút an ủi nào. Ðây có phải là hy vọng nhuốm màu tuyệt vọng? Hay tuyệt vọng nhuốm màu hy vọng? Thật khó nói. Vì Trịnh Công Sơn nhận ra rằng nhân sinh là một sự pha trộn giữa khổ đau và hoan lạc, các cặp đối lập trong sáng tác của ông gần với nghịch lý hơn - dường như có vẻ đối lập, nhưng không hẳn là vậy – vì mỗi phần của cặp đối lập – tình yêu/chia lìa, niềm vui/nỗi buồn, cuộc sống/cái chết – phần nào đựng hạt mầm của phần kia. Khi còn là thanh niên ở Huế và chiến tranh bắt đầu leo thang, Hoàng Phủ Ngọc Tường cho biết ông và Trịnh Công Sơn tin rằng “nghệ thuật chỉ là một cách thế đối diện với cái chết” (2004, 57). Suốt đời Trịnh Công Sơn giữ cho mình khỏi tuyệt vọng bằng cách trình bày tính nhị nguyên của kiếp người trong nghệ thuật. Dù ông đã qua đời, nghệ thuật của ông vẫn còn tồn tại. Dường như người Việt trên mọi miền đất nước vẫn tiếp tục say mê nhạc Trịnh vì ông đã nắm bắt được sự mâu thuẫn trong kiếp người – ông đã diễn tả giùm họ nỗi khắc khoải lo âu cũng như những niềm vui chóng tàn của họ.


Phụ lục I
Tên các bài hát

Các bài hát được liệt kê theo thứ tự bảng chữ cái. Tất cả những bài nay đều do Trịnh Công Sơn sáng tác, trừ khi tên một nhạc sĩ khác cũng được đề cập đến. Những bài hát có dấu hoa thị được dịch ở Phụ lục II (của bản tiếng Anh).

“Bài ca dành cho những xác người”
“Bên đời hiu quạnh”
“Biển nhớ”
“Buồn tàn thu” của Văn Cao
“Ca dao mẹ”
“Cát bụi”
“Chiều trên quê hương tôi”
“Chinh phụ ca” của Phạm Duy
“Cho một người nằm xuống”
“Có một ngày như thế”
“Dã tràng ca”
“Diễm xưa”*
“Dựng lại người dựng lại nhà”
“Đại bác ru đêm”*
“Để gió cuốn đi”
“Đêm thấy ta là thác đổ”
“Đoá hoa vô thường”
“Em còn nhớ hay em đã quên”
“Em ở nông trường em ra biên giới”
“Gánh rau ra chợ”
“Gần như niềm tuyệt vọng”
“Gia tài của mẹ”
“Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong
“Gọi tên bốn mùa”
“Gửi gió cho mây ngàn bay” của Đoàn Chuẩn và Từ Linh
“Hát trên những xác người”
“Huế Sài Gòn Hà Nội”
“Huyền thoại mẹ”
“Lời của dòng sông”
“Máy kéo nông trường”
“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”
“Một cõi đi về”*
“Ngẫu nhiên”
“Ngủ đi con”
“Ngụ ngôn của mùa đông”
“Người con gái Việt Nam da vàng”
“Nhớ mùa thu Hà Nội”
“Nhớ người thương binh” của Phạm Duy
“Như hòn bi xanh”
“Như một lời chia tay”
“Nối vòng tay lớn”
“Ở trọ”
“Tiếng hát to” của Phạm Duy
“Tình ca của người mất trí”
“Tình sầu”
“Tôi ơi đừng tuyệt vọng”
“Ướt mi”
“Vết lăn trầm”
“Việt Nam ơi hãy vùng lên”


Phụ lục II

Diễm xưa

Diễm xưa
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu
Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa
Chiều này còn mưa sao em không lại
Nhớ mãi trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau
Hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau
Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau
Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em nhớ những vết chim di
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du
Diễm of the Past
The rain still falls on the old temple
Your long arms, your pale eyes
Autumn leaves fall, the sound of soft steps
I look in the distance, straining to see
The rain still falls on small leaves
In the afternoon rain I sit waiting
In your footsteps leaves quietly fall
Coldness suddenly pervades my soul
This afternoon rain still falls why don't you come
Memories in the midst of pain
How can we be with each other
Marks of pain appear
I beg you to return soon
The rain still falls, life's like a sea storm
How do you know a gravestone feels no pain
Please let the rain pass over this region
In the future even stones will need each other
The rain still falls, life's like a sea storm
How do you remember traces of migrating birds
Please let the rain pass over this region
Let the wanderer forget he's wandering



Đại bác ru đêm

Đại bác ru đêm
Đại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe
Đại bác qua đây đánh thức mẹ dậy
Đại bác qua đây con thơ buồn tủi
Nữa đêm sáng chói hoả châu trên núi
Đại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe
Từng chuyến bay đêm con thơ giật mình
Hầm trú tan hoang ôi da thịt vàng
Từng đêm chong sáng là mắt quê hương
Hằng vạn tấn bom trút xuống đầu làng
Hằng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng
Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn
Hằng vạn chuyến xe Clay-more lựu đạn
Hằng vạn chuyến xe mang vô thị thành
Từng vùng thịt xương có mẹ có em
Đại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe
Đại bác đêm đêm tương lai rụng vàng
Đại bác như kinh không mang lời nguyện
Trẻ thơ quên sống từng đêm nghe ngóng
Đại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe
Đại bác đêm đêm ru da thịt vàng
Đại bác nghe quen như câu dạo buồn
Trẻ con chưa lớn để thấy quê hương
A Lullaby of Cannons for the Night
Every night cannons resound in the town
A street cleaner stops sweeping and listens
The cannons wake up a mother
The cannons disturb a young child
At midnight a flare shines in the mountains
Every night cannons resound in the town
A street cleaner stops sweeping and listens
Each flight of the planes frightens the child
Destroying the shelter, tearing golden skin
Each night the native land's eyes stay open wide
Thousands of bombs rain down on the village
Thousands of bombs rain down on the field
And Vietnamese homes burn bright in the hamlet
Thousands of trucks with Claymores and grenades
Thousands of trucks enter the cities
Carrying the remains of mothers, sisters, brothers
Every night cannons resound in the town
A street cleaner stops sweeping and listens
Every night cannons create a future without life
Cannons like a chant without a prayer
Children forget to live and anxiously wait
Every night cannons resound in the town
A street cleaner stops sweeping and listens
Every night cannons sing a lullaby for golden skin
The cannons sound like a prelude to a familiar sad song
And children are gone before they see their native land



Một cõi đi về

Một cõi đi về
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về
Lời nào của cây lời nào cỏ lạ
Một chiều ngồi say một đời thật nhẹ
ngày qua…
Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ
Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về
chốn xa…
Mây che trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người
Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà
Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tuỵ
Một bờ cỏ non một bờ mộng mị
ngày xưa…
Từng lời tà dương là lời mộ địa
Từng lời bể sông nghe ra từ độ
suối khe
Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì
Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn
Để sớm mai đây lại tiếc xuân thì
A Place for Leaving and Returning
Many years I've wandered
Going in circles, growing tired
On my shoulders the sun and the moon
Lighting a lifetime, a place for leaving and returning
What word from the trees, what word from the grass
An afternoon of pleasure, a life that is light
A day passes
First spring is gone, then summer as well
In early fall one hears horses returning
To a place far away
Clouds overhead and sun on the shoulders
I walk away, the river stays
From the spirit of love comes an unbidden call
And within myself a human shadow appears
This rain reminds me of rain long ago
It falls within me, drop by small drop
Years without end and never a meeting
One doesn't know which place is home
The road goes in circles miserable and sad
On one side new grass, on the other dreams
Of the past
Each sunset's call is also the grave's
In the stream one hears the call
Of the sea
When I return I remember leaving
I climb the high mountain, go down to the wide sea
My arms have not yet covered the world
In the spring of life a desolate wind blows
Today I drink and wake up late
Tomorrow I regret the springtime I've lost




Lời cảm ơn

Vợ tôi, Cao Thị Như-Quỳnh, đã có những giúp đỡ vô giá trong quá trình nghiên cứu và viết bài này. Những người sau đây đã giúp tôi rất nhiều qua những email trả lời các câu hỏi của tôi về một số khía cạnh trong cuộc đời và sáng tác âm nhạc của Trịnh Công Sơn: Cao Huy Thuần, Ðinh Cường, Phạm Văn Ðỉnh, Sâm Thương, Thái Kim Lan và Trần Vân Mai. Tôi cũng muốn được cảm ơn những nhà phê bình ẩn danh (anonymous reviewers) đã đọc và góp ý cho bản thảo trước của bài viết này.


Thư mục tham khảo

Ghi chú thư mục: Các cuốn sách in lại các bài viết trước đây về Trịnh Công Sơn thường không cung cấp thông tin đầy đủ - thậm chí có khi còn không cung cấp chút thông tin nào - về thời điểm và nơi bài viết được đăng lần đầu. Tôi cung cấp toàn bộ những thông tin mà các nhà biên tập đã công bố.

Bùi Bảo Trúc. 2001. “Về Trịnh Công Sơn”. Văn 53 & 54 (tháng 5/6): trang 43-62.

Bửu Chỉ. 2001. “Nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn” Diễn đàn số 110 (tháng 9): trang 29-32.

Bửu Ý. 2003. Trịnh Công Sơn: Một nhạc sĩ thiên tài. Trẻ: Thành phố Hồ Chí Minh.

Cao Huy Thuần. 2001a. Nhận xét khi giới thiệu các bài hát trong “Đêm hoài niệm Trịnh Công Sơn”. Paris. 26 tháng 5.

--------. 2001b. “Buồn bã với những môi hôn”. Trong Trịnh Công Sơn cát bụi lộng lẫy.

--------. 2003a. “Nhạc chống chiến tranh của Trịnh Công Sơn”. Nhận xét khi giới thiệu các bài hát trong “Đêm Trịnh Công Sơn: Hoà Bình và Tình Yêu”. Paris. 3 tháng 5, 2003.

--------. 2003b. “Trịnh Công Sơn, từ bài hát đầu đến bài hát cuối”. Nhận xét khi giới thiệu các bài hát trong “Đêm Trịnh Công Sơn: Hoà Bình và Tình Yêu”. Paris. 3 tháng 5, 2003.

Cổ Ngư. 2001. “Đôi dòng về Trịnh Công Sơn”. Văn học số 186 & 187 (tháng 10/11): trang 7-14.

Đăng Tiến. 2001a. “Trịnh Công Sơn: đời và nhạc”. Văn số 53 & 54 (tháng 5/6): trang 9-23.

--------. 2001b. “Trịnh Công Sơn: Tiếng hát hoà bình”. Văn học số 186 & 187 (tháng 10/11.): trang 176-200.

Đinh Cường. 2001. “Tình bạn, hồi sinh cơn hôn mê”. Trong Trịnh Công Sơn: Cuộc đời, âm nhạc, thơ, hội hoạ, suy tưởng.

Đỗ Ngọc Yến. 1987. “Tâm ca Phạm Duy và phong trào du ca”. Văn học số 21 (tháng 10.): trang 118-126.

Do Vinh Tai, Joseph, and Eric Scigliano. 1997. “Love Songs of a Madman: Poems of Peace and War by Trịnh Công Sơn”. Trong Not a War: American Vietnamese Fiction, Poetry and Essays, edited by Dan Duffy. Việt Nam Forum, no. 16. New Haven, CT: Yale University, Council on Southeast Asia Studies.

Giao Vy. 2002. “Huế lang thang trong tháng tư”. Diễn đàn số 118 (tháng 5): trang 30-32.

Gibbs, Jason. 2002. “Memories of Love”. Vietnam Cultural Window 47 (Feb.): 8-9.

--------. 1998a. “Nhac Tien Chien: The Origins of Vietnamese Popular Song”. http://www.thingsasian.com. Truy cập ngày 6 tháng 3, 2003.

--------. 1998b. “Reform and Tradition in Early Vietnamese Popular Song”. http://www.thingsasian.com. Truy cập ngày 15 tháng 7, 2003.

Hoàng Phủ Ngọc Tường. 1995/1994. “Tuyệt tình cốc”. Hợp lưu số 22 (tháng 4/5): trang 52-58. Trong lần đầu vào năm 1994.

--------. 2001/1995. “Hành tinh tình yêu thương của Hoàng tử Bé”. Trong Trịnh Công Sơn: Một người thơ ca, một cõi đi về. Trong lần đầu trong cột “Nhàn đàm” trên Thanh Niên (Youth).

--------. 2004. Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé. Thành phố Hồ Chí Minh, Trẻ.

Jones, Andrew F. 2001. Yellow Music. Durham: Duke University Press.

Kamm, Henry. 1993. “Vietnamese Poet Sings a Song of Endurance”. New York Times, 6 April.

Khánh Ly. 1988. “Huế, Tình yêu tôi”. Tiếng Sông Hương: trang 15-17.

--------. 2001. “Bên đời hiu quạnh”. Trong Trịnh Công Sơn: Một người thơ ca, một cõi đi về.

--------. 2004. Phỏng vấn với Bùi Văn Phú. “Khánh Ly nói về đời mình, về Trịnh Công Sơn” (Khánh Ly talks about her own life, about Trịnh Công Sơn). Văn (Literature) 92 (August):79-93.

Kierkegaard, SØren. 1941/1846. Concluding Unscientific Postscript. Trans. David Swenson. Princeton, NJ: Princeton University Press.

Lê Hữu. 2003. “Từ ‘Diễm Xưa’ đến ‘Một Cõi Đi Về’”. Văn học số 186 & 187 (tháng 10/11.): trang 226-245.

Muller, René. 1998. Beyond Marginality. Westport, CT: Praeger.

Nguyễn Đắc Xuân. 2001. “Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với 'quê quán tôi xưa'“. Trong Trịnh Công Sơn cát bụi lộng lẫy.

--------. 2003. Trịnh Công Sơn: Có một thời như thế. Thành phố Hồ Chí Minh: Văn Học.

Nguyễn Duy. 2001/1987. “Ngày sau sỏi đá”. Hợp lưu số 59 (tháng 6/7): trang 59-65. Trong lần đầu trong Tôi thích làm vua. Thành phố Hồ Chí Minh: Văn Nghệ, 1987.

Nguyễn Hoàng Văn. 2001. “Trịnh Công Sơn, khép lại một đời”. Hợp lưu số 59 (tháng 6/7): trang 54-58.

Nguyen, Phong T., ed. 1991. New Perspectives on Vietnamese Music. Lac Viet Series, no. 14. New Haven, CT: Yale University, Council on Southeast Asia Studies.

Nguyễn Quang Sáng và Phạm Sĩ Sáu, biên tập. 2001. Trịnh Công Sơn: Người hát rong qua nhiều thế hệ. Thành phố Hồ Chí Minh: Trẻ.

Nguyễn Thanh Ty. 2001. “Về một quãng đời của Trịnh Công Sơn”. Văn học số 186 & 187 (tháng 10/11): trang 208-225.

--------. 2004. Về một quãng đời Trịnh Công Sơn. Không rõ nhà xuất bản và nơi xuất bản. Rõ ràng là do tác giả tự xuất bản.

Nguyễn Trọng Tạo và những người khác, biên tập. 2001. Trịnh Công Sơn: Một người thơ ca, một cõi đi về. Hà Nội: Âm Nhạc.

--------. 2002. “Chatting about Lyrics and Music”. Vietnam Cultural Window 47 (Feb.): 13.

Nguyễn Văn Lục. “30 tháng 4—Đi tìm thời gian đánh mất: phần 5”. http://dactrung.net. Truy cập ngày 15 tháng 5 2006.

Nguyễn Văn Thọ. 2001. “Nhớ Trịnh Công Sơn” (Remembering Trịnh Công Sơn). Trong Trịnh Công Sơn: Một người thơ ca, một cõi đi về.

Nhật Lệ. 2001/1999. “Trịnh Công Sơn và tiềm thức 'thân phận mong manh'“. Trong Trịnh Công Sơn: Một người thơ ca, một cõi đi về. Lần đầu in trong Những người lao động và sáng tạo. Lao Động.

Nhật Tiến. 1989. “Mấy suy nghĩ của người sáng tác”. Văn học số 39 (tháng 4): trang 44-67.

“Nhiều nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn chưa được lưu hành” (2003) [không để tên tác giả]. Express, 19 tháng 4, 2003. http://vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/Am-nhac. Truy cập ngày 14, tháng2, 2005.

Phạm Duy. 1990. Đường về dân ca. Los Alamitos, CA: Xuân Thu.

--------. 1991. Hồi ký: Thời phân chia quốc cộng. Midway City, CA: PDC Musical Productions.

--------. 1993. “Nhạc Văn Cao”. Hợp lưu số 8 (tháng 12/1.): trang 8-21.

--------. 1994. “Những bước đầu trong nửa thế kỷ âm nhạc”. Hợp lưu số 19 (tháng 10/11): trang 70-87.

Rupp, George. 1979. Existentialism and Zen. New York: Oxford University Press.

Sâm Thương. 2004. “Đi tìm thời gian đã mất: phần I”. http://www.tcs-forum.org/resources/articles. Truy cập ngày 24 March 2005.

Schafer, John C. 2007. “Death, Buddhism and Existentialism in the Songs of Trịnh Công Sơn”. Journal of Vietnamese Studies 2 (Winter): 144-186.

Shaplen, Robert. 1985. “Reporter at Large: Return to Vietnam II”. New Yorker, 29 April.

Taylor, Philip. 2001. Fragments of the Present: Searching for Modernity in Vietnam's South. Crows Nest, Australia: Allen and Unwin.

Thái Kim Lan. 2001. “Trịnh Công Sơn, Nơi vùng ưu tư thành tiếng du ca”. Trong Trịnh Công Sơn: Cuộc đời, âm nhạc, thơ, hội hoạ, suy tưởng.

Thanh Hải. 2001. “Anh Trịnh Công Sơn và tôi”. Diễn đàn số 107 (tháng 5): 38-40.

Thu Hà. 2003. “Cái gì đã thuộc về nguyên tắc thì không có ngoại lệ”. Tuổi trẻ, 18 tháng 4, 2003. http://www.tuoitre.com.vn. Truy cập ngày 11 tháng 5 2004.

Tô Vũ. 1976. “Nhạc vàng là gì?” Văn hoá nghệ thuật số 5: trang 43-46.

Trần Hữu Thục. 2003. “Một cái nhìn về ca từ Trịnh Công Sơn”. Văn học số 186 & 187 (tháng 10 & 11.): trang 53-83.

Trần Thuỳ Mai và những người khác, biên tập. 2001. Trịnh Công Sơn cát bụi lộng lẫy. Huế: Thuận Hoá.

Trần Tuyết Hoa. “40 năm hành trình âm nhạc: Trịnh Công Sơn, Thái Hoà và tôi”. http://www.chuyenluan.net. Truy cập ngày 7 tháng 5 2006.

Trịnh Công Sơn. 1972. “Thay lời tựa”. Trong Tự tình khúc. Sài Gòn: Nhân bản. In lại với tên “Tin vào niềm tuyệt vọng” trong Trịnh Công Sơn: Một người thơ ca, một cõi đi về.

--------. 2003/1978. “Nam Thạch Hãn những ngày đầu tháng ba”. Trong Trịnh Công Sơn: Có một thời như thế. Lần đầu in trong Văn nghệ, Bình Trị Thiên: 9 tháng 7, 1978.

--------. 2003/1987a. “Thời kỳ trốn lính”. Trong Trịnh Công Sơn: Có một thời như thế. In lần đầu vào năm 1987.

--------. 2003/1987b. “Nỗi ám ảnh thời thơ ấu”. Trong Trịnh Công Sơn: Có một thời như thế. In lần đầu năm 1987.

--------. 2001/1989. Trong phỏng vấn với Lữ Quỳnh. “Tôi đã tận hưởng những tình cảm nhân loại”. Trong Trịnh Công Sơn: Một người thơ ca, một cõi đi về. In lần đầu trên Cửa sổ văn hoá (tháng 5).

--------. 2001/1990. “Bài hát đầu tiên bài hát cuối cùng”. Trong Trịnh Công Sơn: Cuộc đời, âm nhạc, thơ, hội hoạ, suy tưởng.

--------. 2001/1993. “Nhớ lại”. Trong Trịnh Công Sơn: Người hát rong qua nhiều thế hệ. In lần đầu trên Sài Gòn Giải Phóng (30 tháng 4).

--------. 2001/1997a. “Để bắt đầu một hồi ức”. Trong Trịnh Công Sơn: Một người thơ ca, một cõi đi về. In lần đầu trong Thế giới âm nhạc (tháng 1).

--------. 2001/1997b. “Hồi ức”. Trong Trịnh Công Sơn: Một người thơ ca, một cõi đi về. In lần đầu trong Thế giới âm nhạc (Tháng 3).

--------. 2001/1997c. “Hồi ức về một nhạc phẩm – Hạ trắng”. Trong Trịnh Công Sơn: Cuộc đời, âm nhạc, thơ, hội hoạ, suy tưởng. In lần đầu trong Thế giới âm nhạc (tháng 5).

--------. 2001/1998. Trong phỏng vấn với Văn Cầm Hải. “Kiếp sau tôi vẫn là người nghệ sĩ”. Trong Trịnh Công Sơn: Một người thơ ca, một cõi đi về. Không biết ngày và nơi in lần đầu.

--------. 2001/2000. Phỏng vấn với Hoài Anh. “Trịnh Công Sơn, Góp lá mùa xuân”. Trong Trịnh Công Sơn: Người hát rong qua nhiều thế hệ. In lần đầu trong Báo Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh (Mùa xuân).

--------. 2001/n.d. [a]. “Nhớ về một bài hát”. Trong Trịnh Công Sơn: Một người thơ ca, một cõi đi về. Không biết ngày và nơi in lần đầu.

--------. 2001/n.d. [b]. “Phác thảo chân dung tôi”. Trong Trịnh Công Sơn: Một người thơ ca, một cõi đi về. In lần đầu trong Nhạc và đời (Nhà xuất bản Hậu Giang, n.d.).

--------. 2001/n.d. [c]. Phỏng vấn với Quốc Hưng. “Âm nhạc mùa xuân tình yêu”. Trong Trịnh Công Sơn: Một người thơ ca, một cõi đi về. Ngày và nơi in không rõ.

Trịnh Cung. 2001. “Bi kịch Trịnh Công Sơn”. Văn số 53 & 54 (tháng 5/tháng 6): trang 77-83.

Trịnh Cung và Nguyễn Quốc Thái. 2001. Trịnh Công Sơn: Cuộc đời, âm nhạc, thơ, hội hoạ, suy tưởng. Thành phố Hồ Chí Minh: Văn Nghệ.

Tuấn Huy. 2001. “Trịnh Công Sơn, cỏ xót xa người”. Văn học số 186 & 187 (tháng 10/11): trang 28-38.

Văn Ngọc. 2001. “Trịnh Công Sơn, Khánh Ly & những khúc tình ca một thời”. Diễn đàn số 110 (tháng 9): trang 26-28.

Vĩnh Nguyên. 2001. “Hồi ức về Trịnh Công Sơn”. Trong Trịnh Công Sơn cát bụi lộng lẫy.

Nguồn: The Journal of Asian Studies Vol. 66, No. 3 (August) 2007: 597-643