25/6/11

Đặng Tiến - Anh đưa em về sông Đuống


Anh đưa em về sông Đuống


Đặng Tiến


Hoàng Cầm là người làm thơ có ý thức rất rõ và rất cao về thiên chức của mình. Thơ phải nâng cao tình người và làm đẹp cuộc sống. Ngoài ra anh không phục vụ một ý đồ nào khác cho bản thân hay cho thời thế.



Thơ Hoàng Cầm, Truyền thống và Hiện đại (II)


Anh đưa em về sông Đuống




Đặng Tiến



Đến với một nhà thơ, hành trình không phải lúc nào cũng đơn giản, cho dù rằng nhà thơ ấy, với mình đã là thân thuộc. Như trường hợp tôi tìm đến Hoàng Cầm. Tôi thuộc thơ Hoàng Cầm từ bài Bên kia sông Đuống làm thời Kháng chiến chống Pháp. Câu thơ Hoàng Cầm được trích dẫn nhiều nhất có lẽ là:

Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

Lời thơ đẹp, trong sáng, hùng hồn ngợi ca màu sắc quê hương, trong một giai đoạn kháng chiến gian nan, l948. Chúng ta yêu câu thơ vì giá trị văn chương, nhưng cũng vì nó lồng trong tình dân tộc nồng nàn đang bị bức bách và thử thách; về sau, đọc lại, vẫn yêu, vì câu thơ đã hoà màu vào kỷ niệm để làm máu thịt của cuộc sống. Nhưng nếu tách lìa ra khỏi bối cảnh lịch sử và tâm cảm, thì không biết câu thơ còn giữ trọn vẹn hương sắc hay không? Tuy nhiên Hoàng Cầm, suốt thời kháng chiến, là thời hoa niên, chỉ làm vài ba bài thơ như thế. Thơ anh sau này khác đi, tân kỳ hơn, tình tứ hơn và phi thời đại hơn:

Chị đi một chuyến chơi xanh cỏ
Quay bánh linh xa miết triệu vòng
Nhặt sợi-vô-cùng thêu áo gối
Mau về mừng cưới ...
(nhớ Em không?)

(Chị Em xanh - 1970 - BKSĐ, tr. 57)

Đoạn thơ chỉ có một chữ khó: linh xa, là bánh xe linh hiển của thời gian, giữa không gian vô cùng, trong đó hạnh phúc con người mong manh tơ mỏng. Ngôn ngữ và tư tưởng Hoàng Cầm mới mẻ, nhưng vẫn tiếp với truyền thống của thơ mới, và nhắc chúng ta nhớ Vũ Trụ ca của Huy Cận:

Lá biếc đưa thoi xuyên vĩnh viễn
Gió là sợi thắm của thời gian

( Áo xuân, 1942)

Ngồi xe nhật nguyệt cùng thiên nhiên
Làm bạn đi đường về vô định

(Xuân hành, 1943)

Đến những câu này của Hoàng Cầm thì thật là sáng tạo:

Ta con bê vàng lạc dáng chiều xanh
đi mãi tìm sim chẳng chín

(Về với ta, 1960, BKSĐ, tr. 135)

Câu thơ long lanh những thanh sắc gọi về tuổi thơ hoàng kim và bích ngọc, lấp lánh vàng xanh qua một loạt nguyên âm mở (a, ang...) ngây ngất, chao đảo dưới trời chiều, rồi thu vào màu sim tím gian truân rón rén sau những nguyên âm khép (i, im...). Buổi chiều xanh không biết tự thời nào:

Một chiều xanh, một chiều xanh huyền hoặc

(Hàn Mạc Tử)

Hay bầu trời Rimbaud:

Par les soirs bleus d’été j’irai par les sentiers

(Chiều hạ xanh những lối mòn chân nhỏ...)

Những dấu chân chim sẽ đưa ta về với ca dao:

Đói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng bát nước đi tìm người thương

Thơ Hoàng Cầm ghé đến lòng đời, tình đã nhỡ một mùa sim.

Người đọc có thể ngạc nhiên vì hình ảnh con bê vàng – tuổi thơ của tác giả – hình tượng bất ngờ, thậm chí không thuận lý, nhưng cú pháp, từ pháp hợp lý. Hoàng Cầm táo bạo trong cấu trúc hình ảnh mà không vi phạm quy luật ngôn ngữ, nhờ đó mà thơ anh, dù cầu kỳ, vẫn gần người đọc, và tính hiện đại vẫn tiếp nối truyền thống – chưa kể là nhạc điệu phong phú, dìu dặt, dắt dìu độc giả đi sâu vào rung cảm và tưởng tượng.

Cũng có người cho rằng thơ anh bí hiểm. Hình ảnh bê vàng và sim tím nhắc tôi một đoạn khai tâm về thơ của Bùi Giáng: “Đi vào cõi thơ... thế nghĩa là gì? Anh lùa bò vào đồi sim trái chín? Một mặt anh lưu tâm trái chín rừng sim? Một mặt anh cũng lưu tâm chiếu cố cho những con bò, đừng để chúng lạc lối vào sâu trong rú rậm rồi mất lối trở ra (...). Ta ngồi dưới gốc cây sim lắng tai nghe bò đương gặm cỏ, thong dong đưa tay với một cành, hái một trái chín ăn chơi... Bỗng dưng? Bỗng dưng nảy ra một sự tình kỳ bí: bàn tay ta vừa chạm tới một trái sim riêng lẻ, thì suốt dãy rừng, toàn thể ngàn sim lục bỗng chấn động vang lừng. Đó là bí quyết lạ lùng. Một bí quyết bất khả truyền (Đi vào cõi thơ). Cuộc kỳ ngộ bằng hình ảnh giữa hai nhà thơ chỉ là tình cờ, nhưng cũng phản ánh những rung cảm chung trong một thế hệ thi ca. Người này, vô tình, giải thích người kia.

Tuy nhiên, những câu thơ lạc dáng chiều xanh “kỳ bí” như thế không nhiều trong thơ Hoàng Cầm và nói chung, chúng ta đều có thể phân tích, giảng giải được. Ngược lại, khó giải thích những câu đơn giản mà chúng ta đã gặp, đã phân tích:

Đường đê chợ Trầm sang mùa tu hú

(Vợ liệt sĩ)

Kỹ thuật không có gì. Những từ ngữ quyện vào nhau và tự tạo lên sức gợi cảm. Sự đơn giản đi gần tới văn xuôi – mà vẫn không phải là văn xuôi. Một số nhà nghiên cứu về thơ như Roger Caillois, đã nêu lên đặc tính này của thơ hiện đại.

Giản dị hơn nữa là câu thơ nhiều người thuộc:

Anh đưa em về sông Đuống

(Bên kia sông Đuống, 1948, BKSĐ, tr. 29)

Có gì mà câu thơ bình dị ấy cứ vương vấn mãi trong lòng ta? Bình dị, nhưng dịu dàng, đằm thắm,thiết tha: anh đưa em về. Cõi về đó là quê hương, là an bình, là kỷ niệm, là hạnh phúc. Thơ, và tình yêu, là một cõi về. Về một dòng sông. Sông Đuống: âm vang nghe cách trở, truân chuyên, mà thiết tha khẩn khoản.

Thơ Hoàng Cầm, sáng tác qua năm mươi năm, lấp lánh muôn màu ngàn vẻ, nhưng đều đồng quy về một chữ VỀ. Về sông Đuống, về Kinh Bắc, về cõi Em, về với anh, về với ta. Có tập thơ mang tên Mưa Thuận T hành, một cơn mưa về nguồn, như hình ảnh của Tản Đà, nước non nặng một lời thề, hay thơ Hoàng Cầm:

Giọt mưa phương Nam có về Kinh Bắc
Mưa đi về Anh mưa đi về nguồn

(Giọt mưa phương Nam, 1991, BKSĐ, tr. 121)

Tuyển tập Bên kia sông Đuống gồm có 56 bài, trong đó 35 bài mang chữ VỀ. Bản thân bài BKSĐ được cấu trúc trên điệp khúc: Bây giờ đi đâu? Về đâu? Thơ Hoàng Cầm là một lối về, một cõi về, một cõi mơ về, một tiếng gọi về:

Dóng dả gọi về đồng sương
đôi ba người lận đận.

(Về với ta, 1960, BKSĐ, tr. 135)

Có thể đây là một phản ánh trọn vẹn của thơ Hoàng Cầm, nổi tiếng từ vở kịch thơ Kiều Loan khởi thảo từ 1942. Kiều Loan, cô gái điên, là kẻ lạc mất đường về. Điên là đánh mất cõi về. Nhân vật chính, trước khi chết, đã cầu khẩn tình yêu:

Tôi chỉ xin nàng đôi giọt lệ
Cài lên lá cỏ... phía quê hương

(Kiều Loan, 1942)

Quê hương, là Thuận Thành, là Kinh Bắc, nhưng còn là cõi mênh mông. Từ 1942, Hoàng Cầm hai mươi tuổi, đã có những câu linh cảm, báo trước toàn bộ thi phẩm của mình:

Níu tay cười xuống hoàng hôn cũ
Vớt mắ t em về bến hoá sinh

(Lại gặp, 1942, BKSĐ, tr. 24)

Tập thơ cuối cùng Hoàng Cầm thông báo sẽ in, sẽ mang cái tên tiêu biểu: Về Cõi Thật Người. Thơ Hoàng Cầm đậm đà tình dân tộc, nhưng không phải là thơ địa phương. Từ bến quê hương, Hoàng Cầm tìm về cõi người chính xác – Cõi Thật Người – do đó, thơ anh, từ những màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp, vươn lên tình người, rất rộng, rất cao.

Cuộc sống hiện đại là một dòng sông ngày mỗi xa nguồn. Khái niệm và ý thức quê hương ngày một nhạt phai trong tâm tưởng con người hiện đại, con người đô thị.

Lìa nguồn là quy luật của tiến hoá. Nhưng con người cảm nhận ly cách đó mỗi nơi, mỗi lúc, mỗi người, một cách khác nhau. Thế hệ Hoàng Cầm – bản thân Hoàng Cầm (sinh năm 1922) – chứng kiến sự tan rã, tàn phá của một nền văn hoá trên một đất nước mất chủ quyền, rồi triền miên đắm chìm trong lửa khói. Hai cuộc chiến tranh dân tộc chồng lên trận tranh chấp lớn lao giữa hai nền văn minh, mới và cũ, Đông và Tây. Dân tộc có chiến thắng, vẫn để mất đi ít nhiều bản sắc văn hoá, như con chim thắng trận đã phải mất lông mất cánh. Anh chiến sĩ trong Hoàng Cầm chóng quên hào quang chiến thắng để lặng nghe những tàn phai, tan tác, rồi tự hỏi về cuộc đời, về con người, về bản thân

Anh đứng đây là đâu
Em cười như lá mỏng

(Anh đứng đây là đâu , 1988, BKSĐ, tr. 62)

Đơn giản và hàm súc. Câu hỏi hiện đại và hiện sinh, là niềm hoang mang lớn lao của nhân loại; con người đã tìm ra chỗ đứng, nhưng mất toạ độ trước những biến chuyển vật đổi sao dời, nhanh chóng và toàn bộ, có phần tự nhiên, có phần áp đặt.

Trong hỗn mang của thời đại và hoang mang của tâm linh, nụ cười, tia hạnh phúc, bỗng mong manh Em cười như lá mỏng. Có cái gì đó vô cùng quý giá, nhưng hết sức đơn giản, rất mực phôi pha, làm cho con người hoang mang trở thành hoảng hốt. Hoàng Cầm, những lúc sống thật với lòng mình, từ chiều sâu thăm thẳm của tâm thức, thỉnh thoảng bật ra những câu thơ, những hình ảnh bình dị mà hàm súc như vậy. Một câu hỏi lớn của loài người vừa vụt chao nghiêng tia nắng trên tờ lá mỏng: thơ Hoàng Cầm là ngọn gió lạc mùa, bất chợt thổi tạt qua trần gian, một ngày thu muộn màng và hiu hắt.

Bên kia sông Đuống, quê hương Hoàng Cầm long lanh quá khứ, với những buồn vui ngày ngày tháng tháng, trong khung cảnh đồng quê thân thuộc, tầm thường: tre luỹ, bèo ao, đê quai, bến Sấm. Có tiếng ếch cõng mưa rào, tiếng chào mào khát nắng. Và tiếng tu hú gọi mùa. Làm thơ, bao giờ cũng tô son điểm phấn ít nhiều lên cuộc sống, như cô gái bất hạnh:

Mua son đắt rẻ tuỳ phiên chợ

Đời sống trong thơ Hoàng Cầm vui ít, buồn nhiều, và thường xuyên vất vả. Việc đồng áng xen lẫn với quai gánh bán buôn. Đặc biệt về thủ công nghiệp, nghề gốm Bát Tràng chiếm trọn tập thơ Men Đá Vàng (1973) trong khi Tiếng Hát Quan Họ (1956) làm nền cho một tập thơ khác (1956). Lao động chuẩn bị những hội hè đình đám, niềm vui chẳng qua không lấp được bao nhiêu lận đận gieo neo. Chỉ thấy cảnh trai tài gái sắc giao duyên qua lời ca tiếng hát, mà không nghe được những uất nghẹn, tan tác, thì chưa cảm nhận đầy đủ tâm cảnh của Hoàng Cầm.

Ám ảnh lớn của Hoàng Cầm là niềm cô đơn trơ trọi, thể hiện rất sớm qua hình tượng cô gái điên hay mẹ con đàn lợn âm dương – chia lìa đôi ngả (1948) sẽ trở lại với con bê vàng lạc dáng chiều xanh – Đêm nay mẹ chẳng về chuồng (1960). Nhà thơ, ở bất cứ tuổi nào, vẫn mang tâm tình đứa trẻ con hoang mang đợi mẹ. Thơ Hoàng Cầm là một lối khấn thầm:

Khấn thầm như mẹ lỡ đò ngang
Miệng hé hạt na nhoà bến vắng...
Bao giờ mẹ về
Buộc yếm đào phai vỗ hát ru

(Đợi mùa, BKSĐ, tr. 48)

Giữa những tang thương, dường như cảnh chia lìa làm nhà thơ đau đớn nhất. Anh vẫn tin ở cuộc đời, và niềm tin thiết tha sâu sắc nhất, có lẽ là tình cảm dành cho tuổi trẻ mai sau:

Ta ru em
Lớn lên em đừng tìm mẹ phía cơn mưa

(Về với ta, 1960, BKSĐ, tr. 136)

Hình ảnh người chị trở đi trở lại, là bóng dáng người mẹ nối dài. Trong bài Đợi mùa, hai hình ảnh lồng vào nhau trên đường về chợ:

Tưởng như mẹ về
Vai áo toạc ba vá chằng tơ dứa
Tưởng như Chị về
Tơ tóc đêm xưa giờ rễ tre
Bao giờ Chị về...
Bao giờ mẹ về...
Không
Đã hết năm tu hú gọi rừng già

Hình ảnh người chị trẻ trung và gần gũi hơn, nên gợi cảm gợi tình hơn, hàm chứa nhiều rung cảm đa nghĩa, tạo ra được những câu thơ đẹp hồn nhiên, nghịch ngợm:

Cách nhau ba bước vào vườn ổi
Chị xoạc cành ngang
Em gốc cây

(Quả vườn ổi, BKSĐ, tr. 39)

Làm thơ, vói Hoàng Cầm, trong chừng mực nào đó, là giữ chân tuổi thơ dưới một gốc cây. Chờ mong và mơ mộng.

Người mẹ đẩy con ra đời, người chị đưa em vào đời:

Em mười hai tuổi tìm th eo Chị
Qua cầu bà Sấm bến cô Mưa
Đi...
ngày tháng lụi
tìm không thấy
Dải yếm lòng trai mải phất cờ

(Quả vườn ổi, BKSĐ, tr. 39)

Hình ảnh người chị từ phái tính đưa đến dục tính, tế nhị, kín đáo, thi vị: Hai đứa lung linh lơi yếm áo. Có lúc người em còn ước mơ cưới Chị xanh thiêm thiếp (Chị Em xanh, 1970). Ta nên hiểu đây là giấc mơ hạnh phúc bao la trước vũ trụ mà người đàn bà là biểu tượng. Hoàng Cầm đi sâu vào lòng đời theo bước chân người chị. Bao nhiêu âm hao của sống, tiếng tu hú trên quai đê, tiếng bạc má trên cành chanh, tiếng chào mào trên cành nhãn đã đến với anh theo giọng lảnh lót của người chị. Những bài thơ hay nhất, bạo nhất về chị, Hoàng Cầm đã làm ba mươi năm sau – lúc đã ngoài bốn mươi năm mươi tuổi – đã quá tuổi thơ ngây để ngủ lại giấc mơ dang dở ( Đêm Mộc, 1959). Ngoài thơ ra, con người làm sao có thể ngủ lại giấc mơ? Nên hiểu thơ Hoàng Cầm trên chiều hướng đó; và trong giới hạn thu hẹp lại, những bài thơ về chị Trúc của Nguyễn Bính cũng nên hiểu như vậy, thay vì đặt những câu hỏi vớ vẩn và dung tục.

Dục tính là một yếu tố quan trọng trong thơ Hoàng Cầm vì nó là thành tố cơ bản, sâu xa của cuộc sống và đồng thời cũng là hương sắc của trần gian. Bản năng thiết yếu lồng vào nhu cầu thẩm mỹ. Những hình ảnh thiêng liêng nhất của quê hương cũng lâng lâng mùi da thịt:

Chùa Phật Tích ruỗi trong màn lụa bạch
Tượng Quan âm má ửng bồ quân
Chuông chiều cởi yếm...

(Đêm Thuỷ, 1959 – BKSĐ, tr. 15)

Dục tính trong thơ Hoàng Cầm, từ bản năng thiên nhiên, đã trở thành một yếu tố văn hoá trong xã hội cổ truyền, giống trong tranh tượng dân gian. Nó không phải là tự nhiên chủ nghĩa, không phải là Người gái thiên nhiên như trong thơ Đinh Hùng:

Ngoài thiên nhiên nở bừng thân mỹ nữ
(...) Làm đôi người cô độc thuở sơ khai

(Mê Hồn Ca)

Thỉnh thoảng cũng có hình ảnh tự nhiên, nhưng không nhiều:

Ngoài hồ cô giặt lụa
Vỗ vào lưng đêm giăng
Nước lạnh chấm hai đầu vú

(Cô gái giặt lụa)

Thân thể người đàn bà căng đầy nhựa sống nhưng giới hạn trong những điều kiện xã hội và văn hoá nhất định:

Chũm cau căng nứt mạch tằm
Yếm may ba ngày mẹ vá lại
Khuya nghe buồng động bóng đêm rằm

(Đêm Mộc - 1959 - BKSĐ, tr. 19)

Ngành dân tộc học ngày nay đã trưng nhiều tư liệu về những lễ lạc, hội hè trong hình thái xã hội cổ sơ, giải phóng con người ra khỏi những cấm kỵ, ràng buộc. Hoàng Cầm gợi lại cảm giác trước cuộc Thi đánh đu:

Luồn tay ôm say
giấc bay lay đỉnh núi
Tuột hàng khuy lơi yếm tóc buông mành
Đùi chảy búp dài thon nhún vội
Bàng hoàng tia chớp liệng nghiêng xanh.

Dục tính được nhà thơ làm nổi bật và thi vị hoá, vừa cô đọng vừa tan loãng trong một không gian ngất ngây, lảo đảo nhờ những âm thanh, hình ảnh và chuyển động trong thơ. Hoàng Cầm đẩy tưởng tượng – tôi tạm gọi dự cảm huyễn dục – đến huyền sử một Hội yếm bay với nhiều cô gái, vốn là tiên nữ bị đày xuống trần gian, cùng cởi bỏ xiêm y:

Ngũ sắc chen nhau cầu lễ hội
Nuột nà cởi bỏ áo khoa khôi
Em không buộc thắt lưng thon nữa
Thả búp tròn căng nuột ấy...ơi!
Nguồn sống tuôn thơm nhựa ứ đầy
Một chiều khổ cực bốn chiều say
Đã phanh yếm mỏng thì quăng hết
Những nếp xiêm hờ giả bộ ngây

(tập Lá Diêu Bông, tr. 76)

Trong dự cảm huyễn dục, Hoàng Cầm cao hứng:

Lệnh tám cõi tốc xiêm y chới với
Sững mình em vùn vụt hút lên xanh

(tập Lá Diêu Bông, tr. 83)

Dục tính trong thơ Hoàng Cầm táo bạo lắm, thì cũng đến vậy thôi. Không có cái rạo rực dồn nén như trong Gái Quê của Hàn Mạc Tử; nhục cảm ở đây, có lúc chỉ là phương tiện cho Hoàng Cầm làm một câu thơ hay và lạ. Dù ý có suồng sã, lời vẫn trau chuốt, có khi trang trọng, chứ không có ý bông đùa như Bùi Giáng. Về mặt này, tôi đã trích dẫn nhiều thơ anh mà ít bình luận – vì thơ anh tự nói lên được phong cách và nội dung. Lời bàn – về dục tính – e rằng dung tục một cách không cần thiết.

Hoàng Cầm là người làm thơ có ý thức rất rõ và rất cao về thiên chức của mình. Thơ phải nâng cao tình người và làm đẹp cuộc sống. Ngoài ra anh không phục vụ một ý đồ nào khác cho bản thân hay cho thời thế. Nếu một lúc nào đó có bài nọ bài kia phù hợp với một giai đoạn lịch sử, thì bất quá chỉ là những bước không hò hẹn, đã bước trùng nhau một ngả đường như lời thơ Huy Cận.

Hoàng Cầm làm thơ liên tục nhưng rời rạc trong hơn năm mươi năm. Những bài thơ xiêu lạc như những chiếc lá lìa cành:

Rồi lại chiều mai lại sớm kia
Lá không in dấu phận xa lìa
Cứ lang thang phố nhờ cơn gió
Nhè nhẹ sang hè rẽ lối khuya

(tập Lá Diêu Bông - tr. 77)

Với anh tôi muốn làm cơn gió
Lùa những lưu ly lại Cội Về
Lá bao nhiêu lá mai về đất
Đường Mê thân gió vẫn tê tê.

Đặng Tiến


07/05/2010

( Còn tiếp: Mùa Thu Toả Nắng )






--------------------------------------------------------------------------------

Copyright © 2006 by Dien Dan Forum, BP 50, 92340 Bourg-La-Reine, France
diendan@diendan.org - Contributeurs

24/6/11

Võ Phiến - Cách mấy hơi thở

truyện / tuỳ bút

Võ Phiến Cách mấy hơi thở


Vẫn biết tự dưng một kẻ vớ vẩn cất tiếng ong óng ca ngợi Lý Bạch thì rất lố bịch, nhưng tôi không cầm lòng được: Tôi mến ông cụ quá. Không phải mến vì thơ ông hay. Hay thì xưa nay thiên hạ đã khen hết lời; những người giỏi giang nhất, thông hiểu nhất, đã nói tới nơi tới chốn rồi. Giờ cứ lải nhải nói hoài về cái hay của thơ Lý Bạch — nhất định ra rả không chịu ngừng — thì đó là một tai hoạ cho đời. Vậy xin phân bua ngay: Sẽ xin không có chuyện thơ văn, chỉ có chuyện con người thôi.

— Ấy mới là chỗ đáng thắc mắc. Lý Bạch đã sống và đã chết cách nay hơn nghìn năm. Ngót nghìn rưởi năm. Thơ văn ông còn đó để làm căn cứ khen chê; chứ con người họ Lý đã tan rã từ khuya, lấy gì làm đối tượng để yêu với mến?

— Ở nơi con người, chết rồi thì thân xác tan rã, chứ cái cốt cách không tan rã theo...

— Cốt cách là món gì? Thôi, không nên cù cưa. Bạn có ý gì kha khá, nói phứt ra nghe chơi.

— Này nhé. Lý Bạch với Đỗ Phủ vẫn thân thiết, gặp nhau là ríu rít câu qua câu lại, trao đổi hào hứng. Nhưng mỗi bên một phong cách. Lý phơi phới, vung bút lên là viết phăng phăng; Đỗ tính tình thận trọng, cân nhắc từng lời. Một hôm Lý tình cờ gặp Đỗ trên núi, đang ngồi ăn bữa trưa. Trông bạn gầy ốm, Lý có bốn câu chế giễu, đại ý: Người mà gầy guộc thế kia là vì cặm cụi làm thơ kỹ quá thôi chứ gì.[1]

— Đất Tàu mênh mông, ngày xưa không có máy bay không có xe hơi, phương tiện giao thông hiếm hoi, bạn bè ít có dịp gặp gỡ, một hôm trèo núi bất ngờ gặp được ông bạn, trông bạn gầy yếu, đầu đội chiếc nón lá, ngồi ăn dưới trời nắng chang chang; thế mà không ân cần hỏi han, lại cười cợt nhạo báng: Tôi không ngờ Lý Bạch là người như thế. Bạn khéo chọn người để mến...

— Đời nhà Đường thi sĩ đông đảo. Trong số ấy người đời thấy có bốn cặp bạn thân thiết nhất: Lý Bạch với Đỗ Phủ là một trong bốn cặp ấy.[2] Vậy bạn có thể yên tâm: Lý ghẹo qua, Đỗ có bài ghẹo lại ngay, mắng Lý suốt ngày say mèm hát nhảm.[3] Họ vui với nhau, không ai giận ai. Bạn khỏi lo.

— Cổ nhân, mình vẫn hình dung các cụ ai nấy râu ria đạo mạo. Cảnh các cụ nghịch ngợm, đùa cợt hồn nhiên, cảnh ấy ngộ đa.

— Đùa với bạn trên núi chưa phải cái hay nhất. Ai khác thì không dám biết, riêng cụ Lý Bạch có những trường hợp “hồn nhiên” đáng hãi. Ra vào chỗ cung cấm mà có lúc cụ say bí tỉ, phải có người khiêng vào; khiêng vào vẫn cứ li bì thiêm thiếp, vua cho lấy khăn ướt đắp vào mặt mới tỉnh dậy mà làm thơ; lại có lúc nghe trong cung có nàng Sủng Thư người cực đẹp hát cực hay, vẫn được cưng giấu như của quí, cụ Lý yêu cầu cho nghe chính Sủng Thư ra hát, Ninh Vương cũng đành chiều ý. Rồi thấy Cao Lực Sĩ xun xoe đáng ghét, một hôm giữa yến tiệc cụ Lý giả vờ say, đưa chân ra đòi Cao Lực Sĩ cởi giày v.v...

— Ông bạn mến những cái ấy?

— Bạn đừng bắt chẹt tôi. Cụ Lý đã trả giá cho những cử chỉ ngang tàng nọ. Nghe lời gièm pha bất lợi, nhà vua bớt yêu cụ Lý. Cụ hiểu ý, xin cáo quan, vua chấp thuận lẹ làng. Cụ Lý tung cánh giang hồ: Đông Tây Nam Bắc, danh lam thắng cảnh, bạn bè yến tiệc, thơ phú rượu trà... Hơn mười năm trời, cụ tha hồ... Cụ đi luôn một mạch, tới chết.

— Ông bạn mến cái ngang bướng, và mến luôn cái phóng túng lêu lổng?

— Bạn dùng chữ bạo quá. Chẳng qua tôi lớn lên ở chỗ thôn dã, không quen với những kiểu cách tao nhã kiêu kỳ trong giới trí thức cao sang nơi phồn hoa đô thị. Lý Bạch dòng dõi Hưng Khánh hoàng đế (Lý Cảo), lại chữ nghĩa tuyệt vời, danh vọng lẫy lừng, vậy mà cụ xử thế giản dị, tự nhiên. Thậm chí gần như hồn nhiên. Tôi liên tưởng đến các cụ già bình dân xưa kia từng sống với mình ở xóm làng quê hương cũ...

— Ối! Ở làng bạn có ông cụ hồn nhiên nào trông thấy mặt trăng phản chiếu dưới sông mà nhảy xuống ôm trăng chơi không?

— Chuyện bịa, nói đến làm chi. Sự thực trong cái chết của Lý Bạch có chỗ... Chính vì chỗ ấy mà hôm nay tôi muốn nói chuyện với bạn đây...

— Ủa! Tôi thì có gì dính líu vào cái chết của Lý Bạch? Bạn định đặt điều vu cáo gì đấy? Hả?

— Không có gì sôi nổi. Bạn đừng nóng tính. Lý Bạch danh vang rộng rãi, quen biết khắp nơi, lên núi cao có, xuống sông sâu cũng có, nhưng dại dột nhảy sông bắt trăng thì không làm gì có. Năm 62 tuổi, cụ đến chơi tỉnh An Huy; ở đó có người bà con họ hàng là Lý Dương Băng làm huyện lệnh huyện Đương Đồ. Cụ Lý thọ bệnh nằm tại nhà người này. Bệnh trở nên trầm trọng. Lúc lâm nguy, biết không qua khỏi, cụ trao một tập thơ nhờ lo việc in ấn, lại dặn dò muốn Lý Dương Băng đề cho bài tựa. Trối trăn xong, cụ ra đi vĩnh viễn.

— Không có vụ nhảy xuống sông, không có vụ bắt trăng ôm trăng nào cả?

— Tại huyện Đương Đồ cũng có con sông, tức sông Thái Thạch. Lý Bạch qua đời được chôn ở một ngôi mộ bên sông Thái Thạch. Người đời sau có dựng đài kỷ niệm, đặt tên là Tróc Nguyệt đài. Ấy là dựa theo chuyện bịa được truyền tụng trong dân gian thôi. Còn việc cụ Lý lâm bệnh và từ trần thực sự ra sao thì chính ông Lý Dương Băng đã kể trong bài tựa tập di cảo của cụ.

— A!

— Hình như bạn đang có điều suy nghĩ?

— Có. Tôi lấy làm nghĩ ngợi về bạn. Bạn chịu Lý Bạch...

— Tôi chưa từ trần, bạn đã biến dạng tôi. “Chịu” Lý Bạch là thế nào? Chịu, gần có nghĩa là phục. Tôi đã nói rõ: Thơ Lý hay tới đâu tôi không dám có ý kiến; ý kiến về thơ cụ tất phải là phục sát đất. Đàng này tôi chỉ nói về con người cụ Lý: người ấy, tôi mến (không phải phục).

— Thì mến. Mến chỗ nào?

— Đã kiệt quệ, cụ còn thều thào về việc in thơ, về cái tựa cho tập thơ...

— ?

— Bạn nghĩ coi: Thuở sinh thời Lý Bạch phóng khoáng, xem trời bằng vung. Danh vọng là cái gì vậy? Ngay cả cuộc đời cũng chẳng ra cái thá gì, chẳng qua một giấc mộng; tội gì phải nhọc thân vì đời. Suốt ngày cứ say rồi lăn kềnh ra ngủ ngay trước thềm nhà, quên luôn ngày tháng. Tỉnh dậy nghe tiếng chim, hỏi là ngày nào? Có kẻ bảo là ngày xuân đấy. Bèn lại uống rượu nữa, hát nghêu ngao. Hát xong quên tuốt mọi sự.[4]

Lý Bạch là như thế. Người như thế mà đến lúc sát kề cái chết, mấp mé Hư Vô... Xin lỗi. Tôi không dám nghĩ ta chết xong sẽ để lại cái gì: linh hồn linh hiếc, kiếp nọ kiếp kia chẳng hạn... Tôi không dám nghĩ tới cõi này cõi nọ nào cả. Nói gọn: chết là hết. Vậy cụ Lý, tới lúc chỉ cách Hư Vô có mấy hơi thở mà cụ còn lều phều nói về chuyện in sách với tựa sách! Chao ôi.

— Tôi hiểu: Bạn mến cụ Lý vì cụ là đấng tốt lành, thiết tha thương hại hậu thế, lo rằng đám sanh sau đẻ muộn không tìm được thơ hay mà đọc thì tội nghiệp lắm, nên cụ...

— Ý ấy cao thượng đa. Tôi rất ngần ngại, nhưng cũng xin có chút nghĩ ngợi thô thiển. Tôi mạo muội nhận thấy thơ văn có nhiều đọc nhiều, có ít đọc ít, không mấy ai — bất cứ tiền nhân hay hậu thế — vì thiếu thơ văn mà thèm khát khổ sở. Cụ Lý từng sống tất từng biết: Cái niềm vui chung, vui lớn, của chúng nhân, không phải là thơ, mà là... rượu.

— A ha!

— Cụ Lý từng uống bao nhiêu rượu, từng thấm thía cái “hay” của rượu. Thực lòng yêu hậu sinh thì mỗi lần yến tiệc linh đình, cụ nén dành lại một vò rượu ngon, lén chôn giấu đâu đó, hoặc cuối góc vườn hoặc ngoài đồng vắng. Cụ đã lê bước giang hồ khắp nơi; nếu khắp nơi đều có rải rác những vò rượu quí, càng lâu càng quí thêm...

— Bạn vừa thốt ra mấy tiếng “thực lòng yêu hậu sinh thì...”, thế để lại thơ là chưa thực lòng? Vậy bạn mến cụ... A ha! Tôi hiểu...

— ?

— Ha ha! Tôi hiểu, tôi hiểu...

— Bạn hiểu cái gì?

— Tôi hiểu cụ Lý Bạch. Tôi hiểu bạn...

— ?

— Lý Bạch ngông nghênh chê đời như giấc mộng, bất cần mọi sự, ấy là khi còn hưởng đời dài dài...

— Nhưng cụ Lý là cụ Lý, tôi là tôi. Bạn nhập nhằng...

— Thư thả, thư thả. Tôi còn định mở rộng thêm một tí. Cụ Lý, bạn, và tất cả mọi người cầm bút... Hễ ai có viết là có cái túi; túi thơ, túi văn. Đi đến đâu xách túi theo đến đó. Càng lớn tuổi càng khư khư: Lúc trẻ mất túi này còn hi vọng gây dựng túi khác. Đến cuối đời thì người đâu túi đó: ôm chặt cứng. Văn (thi) nhân giữ túi văn (hay túi thơ), như lão Harpagon [5] giữ túi tiền. Tôi hiểu vì sao bạn mến cụ Lý. Tôi cũng đâm ra mến bạn. Những ai có chỗ yếu đuối đều đáng mến. Nhưng... nhưng...

— Gì nữa đấy?

— Cụ Lý, nên mến gấp đôi. Trước, mến vì cái hồn nhiên; sau, thêm mến vì cái lo mất túi. Còn bạn: trước, hình như chưa mấy ai kịp để ý đến tính hồn nhiên (của bạn); sau, bạn chưa đến lúc gấp lo mất túi...

— Chưa đến lúc? Cụ Lý bấy giờ mới lục tuần, chúng ta hiện giờ là đã muộn quá chứ lại. Cụ Lý nằm bệnh ở nhà bà con, chúng ta trôi giạt lêu bêu...

— Cụ Lý phóng khoáng vậy, lúc sắp mất ví đâm khủng hoảng, lo cuống quít: cụ cũng một người như mọi người. Chúng ta lêu bêu trôi giạt, mọi người như một, cùng lo mất ví, vội vàng in ấn tới tấp.

Thôi được: Đáng mến cả.



Tháng 6 – 2007


(In trong cuốn Cuối Cùng của Võ Phiến, Thế Kỷ 21 xuất bản tại California, USA, 2010)


_________________________

[1]Nguyên tác:

Phạn khoả sơn đầu phùng Đỗ Phủ
Đầu đái lạp tử nhật trác ngọ
Tá vấn nhân hà thái sấu sinh
Chỉ vị tòng lai tác thi khổ.

Bản dịch của Bùi Khánh Đản (trong cuốn Đường thi trích dịch, nhà xuất bản Văn Học in năm 2006 ở Việt Nam):

Gặp Đỗ ăn cơm bên ngọn núi
Trên đầu đội nón đã trưa rồi
Cớ chi thân thể trông gầy guộc
Chỉ vị làm thơ khổ khắc thôi.
[2]Ba cặp bạn thơ thân thiết khác là: Mạnh Hạo Nhiên với Vương Duy, Liễu Tôn Nguyên với Hàn Dũ, và Bạch Cư Dị với Nguyên Chẩn.

[3]Nguyên tác:

Thu lai tương cố thượng phiêu bồng
Vị tựu đan sa quí Cát Hồng
Thống ẩm cuồng ca không độ nhật
Phi dương bạt hộ vị thùy hùng.

Bản dịch của Bùi Khánh Đản:

Trông ông phiêu bạt tựa thu bồng
Chưa luyện đan sa thẹn Cát Hồng
Suốt buổi say nhè rồi hát nhảm
Với ai hăng hái dở trò ngông.
[4]Nguyên tác: “Xuân nhật túy khởi ngôn chí”

Xử thế nhược đại mộng
Hồ vi lao kỳ sinh
Sở dĩ chung nhật túy
Đồi nhiên ngọa tiền doanh
Nhất điểu hoa gian minh
Tá vấn thử hà nhật
Xuân phong ngữ lưu oanh
Cảm chi dục thán tức
Đối tửu hoàn tự khuynh
Hạo ca đãi minh nguyệt
Khúc tận dĩ vong tình.

Bản dịch của Bùi Khánh Đản: “Ngày xuân uống rượu say dậy nói chí mình”

Đã biết kiếp người là mộng lớn
Sao còn lận đận mãi chưa thôi
Suốt ngày nghiêng ngả ta say khướt
Mê mệt nằm lăn ngủ cửa ngoài
Tỉnh giấc trông ra sân phía trước
Thấy con chim hót giữa hoa tươi
Hỏi nay tháng mấy ngày nào nhỉ
Canh đón xuân sang ríu rít hoài
Ngẫm chuyện xưa nay khơi mối cảm
Rượu ngon lại rót tự mình mời
Nghêu ngao hát mãi chờ trăng sáng
Dứt khúc đà quên hết cả rồi.
[5]Harpagon là nhân vật keo kiệt trong một vở hài kịch của Molière (Pháp, thế kỷ XVII).

Võ Phiến - Thẫn thờ

Tuỳ bút


Võ Phiến - Thẫn thờ


Mình viết lách từ hồi nào? Được bao lâu rồi nhỉ? Mằn mò nghĩ ngợi cho ra, e khó. Tí toáy tập tành, viết lèm nhèm, thì làm sao nhớ được từ năm tháng nào. Viết được ra trò, được cái đáng kể, thì biết cái nào là cái đáng kể mà ấn định lúc bắt đầu?

Vậy hãy phỏng chừng từ độ tuổi đôi mươi đến giờ: Sáu mươi năm. Trong chừng ấy thời gian, được gì nào?

Hai tiếng “được gì” hàm ý chọn lựa. Thế nào là “được”. Thế nào là chưa “được”. Khó thay. Tự nó, cái viết có giá trị gì, có tầm quan trọng nào chăng? Cũng khó nói quyết.

Viết, đạị khái có cái sáng tác, cái suy tưởng. Sáng tác, như thơ, truyện, tuỳ bút thuộc về một phía. Còn suy tưởng, tra cứu, biên khảo, thuộc phía khác. Một bên là nghệ thuật, một bên là học thuật; nên tách riêng mà nói.



Đồ dùng và đồ chơi

Chuyện sáng tác có gì đáng nói? Hồi nhỏ, tự dưng náo nức viết; rồi theo đà cứ viết hoài. Đó không phải là lý do chính đáng làm cho cái viết thành quan trọng.

Phàm đồ làm ra, xét về mục đích sản xuất, có một thứ là đồ dùng, một thứ là đồ chơi. Cái có công dụng gọi là đồ dùng; dù nhỏ bé như cái kim, sợi chỉ, như cái tăm xỉa răng, cái que ráy tai, v. v... đều là đồ dùng. Còn những cái làm ra không có sở dụng thực tế, chẳng hạn con diều giấy, thì dẫu có to lớn bằng cái nong cũng gọi là đồ chơi. Đồ dùng thô sơ như cái búa, cái gối, cái đòn ngồi, vẫn là đồ dùng. Đồ chơi thì tinh xảo như chiếc phi cơ, gắn cục pin vào có thể bay tít lên cao cũng gọi đồ chơi thôi. Đồ dùng thì một viên thuốc nhỏ bằng hạt tiêu, đen sì, nằm lăn lóc, vẫn là để dùng một cách thận trọng. Còn đồ chơi thì dù cái pháo đốt kêu ầm ĩ, cây pháo bông toả sáng huy hoàng cả một góc trời, cũng đồ chơi thôi.

Tôi e những món thơ thẩn với tuỳ bút nọ kia đều phải xếp về phía đồ chơi. Những cái mình miệt mài bấy lâu, khi đầu bạc nhìn lại là đồ chơi cả. Không riêng mình, bao nhiêu người miệt mài vẽ tranh, soạn nhạc, hát xướng, bao nhiêu hình vẽ ở các hang động tiền sử, các tranh dân gian (nào gà lợn, nào đô vật, nào đánh đu), các câu ca dao, hát ví, quan họ... một thời, các món nghệ thuật là cùng chơi thôi.

Nói thế mà dám nói, không phải là liều. Thực ra xưa nay đời vẫn giữ một sự phân biệt như thế. Thế thường vẫn nói: chơi nhạc, chơi đàn, chơi tranh, v.v... May cái áo cái quần, đóng đôi giày đôi guốc, là làm; còn tấu lên bản đàn là chơi nhạc, treo cái tranh để ngắm thì bảo là chơi tranh, v.v... Cách nói ấy thông dụng trong ngôn ngữ dân tộc. Ta nói theo là tiếp tục một truyền thống nhận định.

Vả lại nhận định ấy cũng không riêng phản ảnh trong tiếng nói của ta. Chúng ta không cô đơn, không kỳ quặc. Nói về việc chơi đàn, người Pháp dùng chữ jouer, Anh, Mỹ gọi là play. Tôi tiếc không biết được bao nhiêu ngoại ngữ; giả sử có thể kiểm tra tiếng nói mọi giống người, không chừng còn nhiều gặp gỡ.

Ở nước láng giềng của ta, người Tàu liệt bốn món đàn hát, đánh cờ, làm thơ (!), với vẽ tranh (cầm, kỳ, thi, hoạ) vào loại món chơi cả. Thi hào Nguyễn Du của ta nhân đó tỏ thái độ minh bạch: đưa thẳng cái đàn địch vào cuộc truy hoan:

Khi hương sớm khi trà trưa

Bàn vây điểm nước, đường tơ hoạ đàn

Miệt mài trong cuộc truy hoan.

(Truyện Kiều, câu 1295-1298)
Cụ liệt trò chơi đàn ngang hàng với trò chơi rượu:

Chưa xong cuộc rượu lại bày trò chơi

Rằng hoa nô đủ mọi tài

Bản đàn thử dạo một bài chàng nghe.

(Câu 1848-1950)
Trò chơi ấy, cụ Nguyễn để Kiều xếp vào hạng nghề mọn. Nghề mọn ấy được đánh giá phũ phàng. “Sá chi”

Thưa rằng tiện kỹ sá chi,

Đã lòng dạy đến, dạy thì phải vâng.

(Câu 465-466)
Mặt khác cũng nên để ý rằng cách nói ấy không bao trùm khắp các bộ môn nghệ thuật. Ta không nói: Thạch Lam giỏi chơi truyện ngắn, Hồ Biểu Chánh thường chơi món truyện dài, Nguyễn Tuân lại sành chơi tuỳ bút, v.v... Nói chơi đàn mà không nói chơi truyện. Truyện được nể nang, có lẽ vì xưa kia nó từng mang sứ mệnh dạy dỗ. Những truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện truyền kỳ, truyện huyền thoại, chuyện hăm bốn gương hiếu thảo, chuyện trăm trứng... ở ta, ở bên Tàu, bên Tây... thảy đều phục vụ, xây dựng tinh thần, đạo đức, đều vì hảo ý cả, đâu phải... chơi!

Mãi đến thời Đồ Chiểu gần đây, kể truyện Lục Vân Tiên cụ còn lớn tiếng hăm he: “Ai ơi lẳng lặng mà nghe.” Cụ trịnh trọng vì cụ đang dùng truyện để dạy đạo làm người: trai phải trung phải hiếu, gái phải giữ tiết nghĩa. Xưa trong truyện thường có bên lành bên dữ, bên thiện bên ác, bên trung bên nịnh, bên tốt bên xấu; truyện đặt ra có dụng ý tốt, không ai dám “chơi truyện”. Sau này đám hậu sinh nảy ra nhiều quan niệm mới về truyện, về tiểu thuyết, mạnh tay vất bỏ chủ đích phục vụ, nhưng không can thiệp được vào cái ngôn ngữ đã thành hình muôn đời của dân tộc, cho nên chúng ta tiếp tục nói chơi đàn mà không nói chơi truyện. Sự thể có vậy chăng?



Có chơi và chơi

Thực ra, không phải cái chơi nào cũng giống cái chơi nào.

Khi Gustave Flaubert cho xuất bản cuốn Madame Bovary, Sainte-Beuve kêu là sách thiếu hẳn cái tốt, không một nhân vật nào đưa ra được khía cạnh đẹp đẽ có thể đem lại cho người đọc sự thoải mái. Sau đó George Sand còn viết thư phiền trách Flaubert tại sao toàn chỉ trích, chê bai, toàn làm cho độc giả nản lòng mà không nghĩ tới việc an ủi những kẻ đọc mình? Gustave Flaubert trả lời: ông chưa bao giờ có ý muốn chỉ trích muốn chê bai gì cả, ông không viết để nêu lên một sự phán đoán nào cả. Ông chỉ có một ý định thiết tha: “Tôi lúc nào cũng cố gắng đi vào cái hồn của tạo vật...” (Je me suis toujours efforcé d’aller dans l’âme des choses...)

Flaubert khách quan, đứng đắn, nghiêm chỉnh, thành tâm. Ông nói vậy, ta nên tin vậy... Nhưng quả tình khó tưởng tượng ra cái cảnh một ông Flaubert lò mò rình rập, nén hơi, chờ cơ hội nhảy xổ ra vồ được, tóm được quả tang cái linh hồn tạo vật hớ hênh nào đó. E rằng cái linh hồn tạo vật mà ông bắt được cũng chỉ là cái ông cảm thông được qua tâm hồn của chính ông thôi.

Đời sau có truyền tụng một câu của Flaubert: “Bà Bovary, chính là tôi.” (Madame Bovary, c’est moi). Câu ấy hoặc do Flaubert viết ra đâu đấy, hoặc chỉ do bà Amélie Bosquet nghe nói rồi thuật lại, thì cái nhân vật Bovary trong cuốn truyện cũng vẫn mang ở tính tình, ở cảm xúc, ở tâm sự bà phần đóng góp lớn lao của Flaubert. Ông đã bảo mình đi vào hồn tạo vật thì tâm hồn của nhân vật nào lại không có ông xâm nhập?

Bà huyện Thanh Quan qua đèo Ngang dừng chân ngắm nghía, thấy:

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà.

Giả sử có vị quan lớn nào đó do vua Quang Trung phái ra trấn nhậm ngoài Bắc chẳng hạn. Vị quan người miền Nam vẫn tưởng tượng một cảnh đìu hiu hiểm trở; lần đầu đến đèo Ngang trông thấy chợ búa họp bên sông, thấy tiều phu ngư phủ làm ăn sinh sống an lành dưới thời thịnh trị, sau cuộc bình định của nhà Tây Sơn. Quan ông vung bút đề thơ:

“Lăng xăng dưới núi tiều hồ hởi

Xúm xít bên sông chợ nhộn nhàng.”

Cảnh vẫn cảnh ấy, bà kia ông nọ bắt gặp hai cái hồn khác hoắc. Hồn tạo vật được cảm thông như thế chăng? E rằng cả ông lẫn bà đều lấy cái hồn riêng của mình đem trùm lên, phủ lên sự vật.

Trò chơi gởi hồn vào sự vật không riêng của giới cầm bút; thực ra trong các giới ca nhạc, giới hội hoạ, giới điêu khắc, các giới cầm búa, cầm kèn, cầm cọ, cầm đục v.v..., ở đâu cũng có chuyện ấy. Kẻ gửi trao hồn mình cho con sông Danube xanh, người chụp hồn mình lên nụ cười mơ hồ của một người đẹp bí ẩn, kẻ nhúi hồn mình vào triết nhân trần trụi ngồi trầm tư, người thổi hồn mình vào lũ tôm tung tăng trong nước, vào tiếng sáo đêm khuya, vào giọt mưa rả rích suốt canh trường..., gửi vào lời thơ, tiếng nhạc, nét vẽ, màu sơn, tượng đồng, tượng đá v.v...

Gởi hồn như thế chẳng nhằm sản xuất món đồ vật dùng vào việc gì. Không là đồ dùng, chỉ là đồ chơi. Chơi cho khoái thôi. Cho thoả thích mê tơi thôi.

Là chơi cả. Nhưng cái chơi này khác cái chơi kia. Đốt cái pháo nổ đùng một tiếng rầm trời, đám trẻ reo cười rồi cho qua. Nghe nhạc sông Danube xanh, ngắm nụ cười bí ẩn La Joconde..., cảm xúc âm ỉ ám ảnh ta, tác động đến tâm tình ta sâu xa. Bài nhạc ấy tồn tại lâu dài, bức hoạ nọ tồn tại lâu dài, ảnh hưởng bền bĩ, từ thời này qua thời nọ.



Hữu dụng và hữu ích

Vì chỗ khác ấy — mỗi nghệ phẩm mang một chút hồn người, mà đồ dùng thì không có hồn — người làm thứ máy tinh xảo nhất vẫn không ký tên mình vào từng chiếc máy, mà tác giả một câu đối, vài câu lục bát, bốn câu thơ tứ tuyệt... đều có lưu tên dính vào tác phẩm.

Đây không còn là chuyện phân biệt đồ dùng với đồ chơi, mà là đối chiếu khoa học với văn học, kỹ thuật với nghệ thuật. Phát minh khoa học liên hệ đến kiến thức, đến lý trí; sáng tạo nghệ thuật liên hệ đến tâm hồn, đến xúc cảm, đến cá tính, bẩm chất từng người.

Khi nhu cầu xã hội cần đến, khi trình độ kiến thức đạt tới, thì nẩy ra sự phát minh. Lúc bấy giờ, ở nhiều nơi khác nhau, nhiều giống người khác nhau cùng có kẻ phát minh ra cái búa, cái cày, lưỡi dao, cây cuốc... Những món này không có cá tính.

Câu thơ, bản nhạc... liên hệ với từng cá nhân. Vào thời điểm này ở xứ nọ — thời kỳ lãng mạn ở Việt Nam chẳng hạn — Xuân Diệu lãng mạn cách này, Huy Cận lãng mạn lối kia; không có Chế Lan Viên thì không ai nhất thiết lên tiếng khóc thương dân Chàm kiểu ấy, không có Hàn Mạc Tử không ai chơi giữa mùa trăng như Hàn cùng chơi với người chị, không ai rủ rê “em” về chơi thôn Vỹ thiết tha như lời lẽ kiểu cách của Hàn...

Nghệ thuật liên hệ đến tâm hồn, đến xúc cảm. Trong lãnh vực nghệ thuật, mỗi thời mỗi khác, mỗi xứ mỗi khác, mỗi người mỗi khác, mỗi tác phẩm một nét khác nhau. Milan Kundera nói:

“Nếu Edison không phát minh ra chiếc bóng điện thì một người khác cũng phát minh ra thôi. Nhưng nếu Laurence Sterne không có cái ý kiến ngông cuồng là viết ra một thứ tiểu thuyết không có chuyện gì xảy ra cả, thì sẽ không có ai thay thế ông mà làm công việc ấy và lịch sử của ngành tiểu thuyết sẽ không giống như ta thấy hiện nay.”[*]
Sterne là thế, Kundera cũng vậy, không kém: không có Kundera thì chẳng làm gì có những cuốn hệt như Risibles amours, La vie est ailleurs, v.v...

Nghệ thuật mật thiết với tâm hồn, với cá nhân, với xã hội, với thời đại, cho nên muốn tìm hiểu về loài người, muốn theo dõi diễn tiến của tâm tư người, các tác phẩm nghệ thuật có phần đóng góp của nó.

Muốn biết hình dạng, kích thước của người đã thay đổi như thế nào từ cổ sơ đến ngày nay, thì những bộ xương, những mảnh xương bắt gặp ở các ngôi cổ mộ cung cấp tài liệu. Muốn biết tâm hồn người mỗi thời mỗi xứ khác nhau thế nào thì hỏi tác phẩm nghệ thuật.

Gửi lại xương cốt hay gửi lại cho hậu thế cái hồn mình trong thơ, nhạc, cùng là đóng góp. Xương cốt với tâm hồn không phải là những cái khả dụng. Không ai dùng tâm hồn làm ra cái gì cả. Hồn bất khả dụng, hồn vô sở dụng; nhưng là cái sở cứ. Có thể căn cứ vào nó để hiểu người xưa. Nghệ phẩm là những tài liệu, những chứng tích, chứng liệu. Nghệ phẩm không hữu dụng, nó hữu ích.

A, nghệ thuật!

Nhớ bà Trùng Dương từng có cuốn sách tên Vừa đi vừa ngước nhìn. Tôi không còn nhớ rõ sách ấy viết gì. Đại khái, chỉ nghĩ rằng đi như thế là một cách đi lý thú; vừa đi vừa ngước nhìn, chắc chắn là một cái đi hớn hở. Tôi đoán trong suốt mấy chục năm trước đây, lúc bắt đầu cầm bút, tôi cũng hứng chí lắm, như kẻ vừa đi vừa ngước nhìn. Nghĩa là đi cách xun xoe, hớn hở.

Bây giờ, gần cuối đời, nếu còn lích nhích bước, thì phải là vừa đi vừa cúi nhìn. Tức thị một cái đi... thẫn thờ.

Đi thế thì còn đi làm gì cho nó chán mắt thiên hạ? Cho nó khiến thiên hạ ngao ngán?



Kỷ niệm

Nói vậy e là cách nói bạc bẽo. Cổ nhân đóng góp từng bộ xương không để tiếng phàn nàn, mình chưa chắc đã được dự góp khúc xương tâm hồn nào đã chê ỏng chê eo, ra giọng khinh bạc. Làm công việc gì lại chẳng có phía hay phía dở. Bộ viết hoài không gặp lúc khoái sao? không gặp được một kỷ niệm nào đáng ghi nhớ sao?

— Phải. Có. Cuối năm 1998, trên một số báo Văn Học, ở đoạn cuối bài viết của Nguyễn Hưng Quốc, tôi đọc thấy một câu:

“Tôi[**] giật mình: hay là... hay là... tại trong lúc viết cuốn Thơ v.v. và v.v., ngoài việc đọc thơ, các sách lý luận về thơ, tôi còn phải đọc đi đọc lại nhiều lần các tác phẩm của Võ Phiến? Chả lẽ cái cười cợt của ông nhiễm vào trong tôi lúc nào tôi không biết? Chả lẽ?”
Xin thú thật, tôi khoái quá chừng. Nhưng trong bảy năm, tôi chưa dám nói gì, với ai. Nói, hoá ra khoe: kỳ quá. Chuyện không phải chuyện đáng khoe: Cười cợt thì hay ho gì? Nhiễm cái cười cợt đâu phải vì thấy nó đẹp đẽ mà noi theo? Giả sử ông Nguyễn đọc thấy tôi có tư tưởng cao siêu, có lời văn lộng lẫy mà theo, thì tôi mới nên dè dặt, nín miệng. Đàng này cái ông vô tình nhiễm phải chỉ là cười cợt. Cười cợt: chẳng qua một thái độ, một nét tâm tính, không tốt và có thể cũng không xấu. Có ai cố tình học hỏi bắt chước làm chi một “cái” như thế! Chẳng qua vô tình “nhiễm” phải. “Nhiễm” không có nghĩa noi gương. Cái nhiễm phải, nếu không là cái xấu đã may mắn, đâu phải cái tốt? Còn tôi biết vậy mà lấy làm khoái thích, tất nhiên cũng không do hãnh diện. Thực ra là một cảm thông. Ngấm ngầm, sâu xa.

Nghịch ngợm, ranh mãnh, hay trầm ngâm chững chạc, chẳng qua nết riêng từng người, “trời sinh” ra vậy. Nết trời sinh ẩn trong nét mặt, cử chỉ, lời ăn tiếng nói, trong phong cách con người. Tất nhiên trong cả phong cách văn chương. Nó có sẵn, chẳng qua có khi tiềm tàng, khi hiển lộ. Kẻ đồng điệu gặp phải, chạm phải, tự dưng đánh thức cái “điệu” ẩn tàng nơi kẻ ấy, nó vùng dậy, phát lộ. Thế thôi. Ông Nguyễn Hưng Quốc, ông ấy đọc rộng bao la, đọc khắp sách vở các nơi mà chưa gặp, tự dưng tình cờ gặp tôi, vô tình chạm phải cái ẩn tật nơi tôi, làm cho ẩn tình nơi ông bật thức giấc... Tôi thích thú biết mấy.

Chuyện đọc sách lang thang mà chạm, mà cọ phải nhau như thế, tôi cũng từng gặp. Tôi cũng nhiễm đây đó cái này cái nọ, sao cho khỏi. Nhưng tôi không có cơ hội thông báo cho người truyền nhiễm. Chuyện ông Nguyễn Hưng Quốc, tôi lấy làm một kỷ niệm lý thú, cái thú đã nín giữ bấy lâu. Đây tưởng là dịp nên tỏ bày sự biết ơn ông về cái thú ấy, nếu không e muộn. Nay mai, sang thế giới khác, mình có muốn nhắn gửi về trần gian bằng e-meo, bằng cách lên lưới lên mạng điều gì, biết có đến không?



Quận Cam, tháng 2–2006


(In trong cuốn Cuối Cùng của Võ Phiến, Thế Kỷ 21 xuất bản tại California, USA, 2010)


_________________________

[*]Milan Kundera, Le rideau, Gallimard xuất bản, 2005.

[**]Tức ông Nguyễn Hưng Quốc.




-----------------------
Source : Tiền Vệ

Võ Phiến - Viết lách

Võ Phiến - Viết lách


Loài người lúc nhúc lao nhao đông đảo, nhưng thoạt trông giống ấy sống với nhau “được” lắm. Có nhiều gặp gỡ: Trời xanh ai cũng thấy xanh, mồng gà đỏ chị A thấy đỏ anh B cũng thấy đỏ, đá cứng ai gõ vào đều thấy cứng, cỏ mềm ai sờ đến cũng nhận ra mềm v.v... Làm người, tiếp xúc với thế giới quanh mình xem ra đề huề. Như thế dễ chịu quá. Riết rồi có cảm tưởng: nếu không thế e không thể sống chung với nhau được.

Thế nhưng theo dõi thêm, thấy ở địa hạt khác, thình lình Trời bắt người chịu cảnh ngộ oái oăm. Tôi đang nghĩ về chuyện tiếng nói. Mỗi giống người nói một thứ tiếng. Người Nhật phát lên một tiếng nói, người Việt chẳng nghe ra nghĩa lý gì; người Việt nói lên một câu, trẻ già khắp xứ Congo ngẩn ngơ. Xem tranh nghe đàn không cần đến sắc điển, thanh điển; mà xem sách thì các giống người khác nhau nhất thiết phải dùng tự điển, từ điển. Đối với vạn vật mọi giống, người tha hồ tiếp xúc; nhưng giữa người với người, mỗi giống bị cầm giữ trong một cái ngục cô liêu của ngôn ngữ.

Ngôn ngữ là phương tiện của viết lách.

Trẻ sinh ra đầy năm vẫn có lệ cúng thôi nôi. Hôm cúng thôi nôi trẻ nào quơ tay tóm phải cây bút, lớn lên sẽ loay hoay trong những hoạt động chữ nghĩa, viết lách. Trẻ ấy tha hồ thấm thía cái vạ cô liêu.

Cầm bút là cái cầm bất hạnh?



Bất hạnh hay không bất hạnh, chuyện số kiếp của đứa trẻ nọ hãy để ra một bên. Chúng ta đang nghĩ về những loay loay trong nghề cầm bút.

Sử dụng văn tự là kẻ viết, nhưng không phải cái viết nào cũng là viết văn. Vào những lúc vui miệng nhất vẫn không nên gọi nhà văn Trang Chu, văn sĩ Khổng Khâu. Viết lách đại khái có cái viết của giới suy nghĩ, lấy chỗ đúng, sai, sâu, cạn làm căn cứ; và cái viết của giới sáng tác, lấy sự đẹp đẽ, hay ho làm đích. Cái viết thứ nhất có thể đem ra dịch từ ngôn ngữ này sang các ngôn ngữ khác. Dịch đúng thì ở bất cứ ngôn ngữ nào nội dung của nó cũng có giá trị như nhau. Aristote, Descartes, Trang Tử..., là những bậc thầy quốc tế. Cái viết thứ hai của giới sáng tác khó lòng chuyển dịch mà vẫn giữ được một sức tác động tương đương. Những bản Kim Vân Kiều Pháp văn không mấy ai nghe được ngâm nga ở Pháp. Mỗi ngôn ngữ có một bản sắc riêng, có tiêu chuẩn thẩm mỹ riêng.

Thế rồi trong một giới sáng tác cái sử dụng ngôn ngữ cũng có những hướng khác nhau. Đám làm thơ và viết tùy bút có chỗ hơi gần đấy; các tiểu thuyết gia và kịch tác gia thì họ dùng kỹ thuật khác nhau vào những chủ đích khác nhau.

Tác giả với tác giả đã không giống, độc giả cũng thế. Có độc giả và độc giả. Kẻ đang chúi đầu ngốn ngấu truyện Kim Dung mà bị người đem thơ Nguyễn Bính tới đọc bên tai tất nổi dóa.

Người đọc Kim Dung có thể phục tài năng và kiến thức của tác giả, nhưng không thấy mỗi lúc mỗi gần Kim Dung thêm, đọc nhiều đến đâu vẫn không thấy muốn quàng vai bá cổ người đồng điệu Kim Dung. Trong khi ấy đọc thơ dễ thấy gần với tác giả. Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh..., các mối tình của họ, những say mê và những đau buồn của họ thấm nhập vào lòng kẻ đọc. Đọc họ, ta sống các xúc cảm của họ. Ta tự đồng hóa với họ. Ta là “bạn đọc”? Là “bạn”? Nói thế e chưa đủ, lo gì sàm sỡ.

Các bậc thầy khảo luận, ai nấy tha hồ bái phục sát đất; nhưng như thế càng khó gần gũi. Kẻ đọc họ bất quá là “độc giả”. Không có ai là “bạn đọc” của Mạnh Tử, Lão Tử cả.

Thơ văn đẹp đẽ, đọc nó như thể gần gũi một tâm tình, một cốt cách. Khiến nhớ nhung hoài. Càng lâu càng thấm thía. Rồi thấm nhiễm. Tâm hồn bạn đọc dần dần hòa đồng với tâm hồn bạn viết. Tâm hồn, rồi thân xác, rồi cả mạng sống của nhau...

Chuyện xưa thường vẫn li kỳ hơn chuyện nay. Nhưng hãy lấy một chuyện thật của thời nay cho gần gũi. Thi sĩ Hồ Dzếnh viết, bạn đọc Nguyễn thị Huyền Nhân nghe tin bạn viết lâm bệnh, tìm đến chăm nom. Hai bên yêu nhau, lấy nhau, có với nhau được hai mụn con dại, càng khắng khít. Đến một lúc nọ, vì lý do chính trị, Hồ Dzếnh bị chế độ đối xử tàn nhẫn, ngược xuôi cùng cực vất vả vẫn không nuôi nổi vợ con. Con chết rồi vợ chết. Chính tay ông liệm xác vợ: “Đây không phải là một buổi liệm. Bởi nếu là liệm thì phải tắm rửa, thay quần áo mới. Mẹ tôi không có một mảnh vải nào cả. Để cho người chết đỡ tủi — người chết có tủi không? — cha tôi cởi chiếc áo cánh ướt trên người, đắp lên vợ.”[1]

Chuyện tình của các thi nhân xưa nay không kể xiết, nhưng dẫu đẹp đẽ hấp dẫn đến đâu cũng là chuyện riêng của người, phanh phui không hay gì. Trường hợp này chính do người trong cuộc phân trần nên mới dám đề cập. Để thêm rõ cái nghĩa của tiếng “bạn đọc”

Quan hệ giữa viết với đọc là một mối quan hệ đặc biệt. Trong ngành họa, ngành nhạc, không nghe bảo có “bạn xem”, “bạn nghe”.

Nghề văn hay nghề viết quả kỳ cục. Cổ lai nghề đâu có nghề chỉ nhằm vào một loại khách hàng duy nhất là “bạn”. Phải chăng vì vậy mà nghề ấy lắm khi được gọi tránh ra là cái “nghiệp”?



Nghề viết văn loay hoay một cách... cảm động về khách hàng của mình. Riêng người viết tiếng Việt lại còn mối cảm kích đối với cái ngôn ngữ mình sử dụng.

Trứơc hết phải vội vã phân trần: Ở đây không có ý bảo Việt ngữ của ta là nhất thế giới, hoặc hay nhất, tinh vi nhất, hoặc phong phú nhất, kỳ diệu nhất v.v... Việt ngữ nhất hay bét, cái đó không biết, có lẽ cũng không có ai đang tìm biết.

Có điều kẻ dùng nó thấy dùng thật thích. Kẻ học được nhiều tiếng Việt thì sử dụng thoải mái, đã đành. Người chưa kịp học nhiều cũng có thể dùng tiếng Việt một cách thích thú, và... hay ho. Trong trường hợp nó gặp được một kẻ có tài thì thôi: Khỏi nói!

Hơn sáu mươi năm trước thường hay đọc lang thang, một hôm tôi gặp bài ‘Đợi thơ’ của Hồ Dzếnh. Lời lời hoa mỹ, câu nào câu nấy chật ních những địa danh xa xôi, mơ hồ, mộng ảo; tôi mê tơi, “ngâm” đi “ngâm” lại:

“(...) Tô Châu lớp lớp phù kiều

Trăng đêm Dương Tử mây chiều Giang Nam

Rạc rời vó ngựa quá quan

Cờ treo ý cũ mây dàn mộng xưa

Biển chiều vang tiếng nhân ngư

Non xanh thao thiết trời thu rượi sầu

Nhớ thương bạc nửa mái đầu

Lòng vương quán khách nghe màu tà huân (...)”

Lời không hiểu mấy, ý không rõ mấy, nhưng mặc kệ: tôi thích, mê tơi. Tôi có chú ý đến mấy tiếng “non xanh thao thiết”. “Thao thiết” ám ảnh tôi. Xanh thao thiết là xanh cách nào? Không biết đích xác, nhưng tôi cho đó là một chữ tài tình, đúng với màu núi “nọ”(?) Rồi cách dăm ba năm, bảy tám năm, tình cờ gặp một tác giả nào đó cũng “xanh thao thiết”. Nhưng tôi chưa bắt gặp “thao thiết” trong một cuốn tự điển Việt ngữ nào.

Dần dần thấy ra đó không phải chuyện mới lạ, hiếm hoi. Ông Sơn Nam chẳng hạn, mở cuốn Tuổi già [2] của ông ra đọc, thấy: râu ria “bùm tum” (tr. 22), “lật bật” tới chợ (tr. 29), mất chỗ “đùm đậu” (tr. 32) v.v., những chữ ấy đều không tìm thấy trong bộ Việt Nam tự điển của hội Khai Trí Tiến Đức.

Nhưng viết nhiều tiếng lạ thì nhà văn Sơn Nam không theo kịp nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Trong một cuốn Tạp văn [3] chẳng hạn, bao nhiêu tiếng mới: cằn nhằn cử nhử (tr. 50), lượng sượng không biết nói chuyện gì (tr. 59), những bộ quần áo mới má thắt thẻo chắt mót từng lọn rau bó cải để sắm cho con (tr. 75), mưa bắt đầu xập xoài (tr. 76), đầu chờ vờ như con cá lóc gặp nước mặn (tr. 84), mặt trời lựng bựng lên từ phía chân trời (tr. 84), mình cùm nụm cùm nựu lũ nó (tức lũ vịt con) (tr. 107) v.v... Ối, phong phú không biết bao nhiêu mà kể.

Tôi ngạc nhiên, lấy làm nghĩ ngợi: Sơn Nam và Nguyễn Ngọc Tư ở cuối miền đất mới trong Nam. Đất mới thì đất đai, cây cỏ, chim muông lắm thứ mới, tập tục phải có chỗ mới mẻ, lời ăn tiếng nói địa phương nảy thêm cái mới, phải thôi...

Tôi đang xun xoe về sự khám phá ra lý do địa phương tính trong cái mới ở miền Nam thì chợt nghe bên tai một tiếng cười nghịch ngợm, ngang tàng, của Trần Dần. (Ông Trần sinh ở Nam Định, mất ở Hà Nội, tức sống và chết trên đất Bắc). Bài “Thằng thịt” của ông viết năm 1962:

Như đã nói,
tôi là một cột thịt lực đực
Tư duy nhất
ở phía
đít
(...)
Vũm vĩm toàn bộ phố, đưa đảy đùi chẳng hạn (...)
Một cột thịt vọt đứng ngấn trứng — thồn thỗn ao thịt
(...)
Những trạm nghỉ thịt, nun nút (...) nún xút.
Thút vút vót mực-thịt-đực(...)
Thằng thịt lông lá tẽ mím một vệt thịt (...)[4]

Lực đực, vũm vĩm, thồn thỗn, nún xút, tẽ mím..., cũng như lựng bựng, xập xoài..., e khó bề gặp được trong tự điển. Như vậy thấy tiếng mới lạ mà đoán là do nguồn gốc địa phương Nam Bắc khác nhau, do cách nói dân gian với trí thức khác nhau v.v..., đoán hồ đồ đến thế không tha thứ được. Các vị kể trên đều là những tên tuổi được biết rộng rãi khắp Nam Bắc. Mặt khác, thấy tiếng lạ không có trong tự điển mà cho rằng dùng nó là thất sách, khiến câu văn thành bí hiểm, lạc loài, không có hiệu lực tác động đến độc giả; nghĩ vậy e cũng không đúng hẳn đâu.

Non xanh thao thiết là xanh thế nào? Lời giải đáp tường tận chưa thấy, nhưng hiểu đại khái, cảm xúc mơ hồ, chắc chắn không ít người. Chẳng ăn cái giải gì mà người ta vờ vĩnh, mà không cảm xúc cứ kêu là có. Trước mơ hồ sau rõ rệt, dần dần tiếng này chữ nọ được chấp nhận vào tự điển. Tiếng nói đã đông đảo dần và sẽ đông đảo thêm nữa bằng cách ấy?

Cùm nụm cùm nựu, lực đực, vũm vĩm v.v..., rồi cũng vậy chăng? Không ai dám chắc điều gì. Xưa nay, trong quá trình tiến hóa vẫn có cái được giữ lại, phát triển, lại có những cái bị đào thải, dần dần mất dạng.

Ta không nên tiên tri điều gì. Nên, có lẽ nên mừng cho đức rộng lượng của cái ngôn ngữ mình đang dùng để viết lách. Nếu tuyên bố toáng lên là Việt ngữ hay ho, tinh xảo, tuyệt vời v.v..., e thiên hạ có kẻ che miệng cười rinh rích. Nhưng phải chịu rằng nó có cái độ lượng chấp nhận, khuyến khích, ủng hộ những sáng tạo, làm nẩy ra tiếng mới chữ mới, nó niềm nỡ đối với những cách viết cách nói mới mẻ, táo bạo. Từ khi loài người biết nói đến nay đã có bao nhiêu thứ tiếng nói xấu số tàn rụi, chết đi, rồi mất tích? Tử ngữ la liệt. Trong khi ấy, ngôn ngữ của chúng ta dùng đã mấy nghìn năm vẫn còn mới mẻ, táo bạo, vẫn còn sức sống. Mang trên đầu mấy nghìn tuổi thọ mà vẫn sinh động, vẫn mắn con, sinh nở tới tấp những đứa trẻ kháu khỉnh, vũm vĩm! Thích nhá!

Đến đây chợt nhớ đến người cầm bút Trần Vấn Lệ. Nhớ lõm bõm mấy câu trong bài ‘Chữ nghĩa và tôi’ của ông:

Tôi xem chữ nghĩa như con cái
Có đứa buồn hiu, có đứa vui
Quanh quẩn bên tôi chiều với sớm
Líu lo như thể lũ chim trời

Tôi xem chữ nghĩa như cơm cháo
Khi đói thì ăn, no để dành
Dư ném cho chim nhìn chúng hót,
Thấy trời hẹp bớt chút mông mênh

Tôi xem chữ nghĩa như bè bạn
Kết thả trôi sông chở cả trời (...)
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Tôi xem chữ nghĩa như chăn gối
Khi lạnh thì ôm, nóng bỏ ra
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Chữ nghĩa và tôi đến xứ người
Ngậm ngùi, tan nát giống như tôi...
Sót vài ba chữ ngồi hiên quán
Gặp bạn nâng ly một tiếng cười.

Chữ nghĩa và tôi sẽ xuống mồ
Mai này cỏ mọc sắc xanh mơ
Ai đi ngang để cành hoa xuống
Là cũng cho đời một chút Thơ!

Đọc đi đọc lại, tôi mến thái độ ông Trần quá. Ông thành thực, giản dị, thân mật hơn hẳn mình. Tôi lẩm nhẩm, tưởng đã thuộc làu. Không ngờ lúc định chép ra khoe mới hay bị trí nhớ phản bội nặng nề: Lời thơ chỗ nhớ chỗ quên, cách trình bày tân kỳ quên tuốt hết, bài thơ cất giữ ở đâu cũng quên luôn. Không dám khua khuống ồn ào, tìm hỏi quấy quả bạn bè, cũng không dám diên trì làm cho chính mình cụt hứng nửa vời. Bèn trước hãy nhớ sao ghi vậy, rồi hạ hồi thư thả sẽ chỉnh đốn, sửa sai vậy. Kính mong bạn Trần niệm tình tha thứ. (Trong bài viết này có trích dẫn thơ của hai tác giả — Hồ Dzếnh và Trần Vấn Lệ — thì e sai sót ở đủ cả hai!)

Coi cái tiếng mình nói cái chữ mình viết, coi chúng nó như con cái, như cơm cháo, như bè bạn, như chăn gối... Chao ôi! tự thuở hồng hoang đến giờ, có ai như ông Trần, như người cầm bút đang sống, đang nói cười bên cạnh chúng ta lúc này?



Viết văn là một nghề? Cái nghề mà khách hàng là bạn, bạn có khi chí thiết, trao hết cuộc đời cho mình, cùng sống chết với mình. Cái nghề mà phương tiện hành nghề là con cái, là cơm cháo, là chăn gối v.v... của mình, là những cái những ai sẽ theo mình xuống mồ cùng một lượt!

Gớm, nghề với nghiệp.



Năm 2007

----------------------------------------------------------------------------
(In trong cuốn Cuối Cùng của Võ Phiến, Thế Kỷ 21 xuất bản tại California, USA, 2010)


_________________________

[1]Hồ Dzếnh, Quyển truyện không tên, hồi ký, do Thanh Văn xuất ở California, Hoa Kỳ, năm 1993, trang 86. Những chữ “cha tôi”, “mẹ tôi” chính là chỉ vào Hồ Dzếnh và phu nhân, bởi vì Hồ Dzếnh viết hồi ký này thác lời con mình.

[2] Tuổi già, nhà xuất bản Văn Nghệ, ở Sài Gòn, in năm 2000.

[3] Tạp văn, nhà xuất bản Trẻ và Thời Báo Kinh Tế ở Sài Gòn, tái bản lần thứ 3, năm 2006.

[4] Tuyển tập Tiền Vệ 1, Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn biên tập, Tiền Vệ xuất bản tại Úc, năm 2007, tr. 543-547.

BAN MAI - LÒNG ÁI QUỐC! TẠI SAO KHÔNG?

LÒNG ÁI QUỐC! TẠI SAO KHÔNG?




LÒNG ÁI QUỐC! TẠI SAO KHÔNG?
(Thứ Bảy, 4 Tháng Sáu-2011) (Xem: 716)

Tác giả : BAN MAI








Thà làm qủy nước Nam

Còn hơn làm vương đất Bắc

(Trần Bình Trọng)



Câu nói nổi tiếng của danh tướng nhà Trần đã trở thành một trong những biểu tượng của tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc Việt, bất cứ một học sinh nào khi tuổi còn thơ cũng cảm thấy tự hào khi học trang sử đó. Chính các thầy cô đã dạy dỗ chúng tôi lòng yêu nước, chính các bậc cha mẹ đã giáo huấn chúng tôi lòng yêu nước, chính các bậc tiền nhân đã hun đúc chúng tôi lòng yêu nước. Vậy, hôm nay tại sao không?



Hãy lật lại lịch sử Việt Nam 4000 năm qua.



Năm Quý Mão 43, Hai Bà Trưng khởi binh chống lại quân Hán, lập ra một quốc gia với kinh đô tại Mê Linh và tự phong là nữ vương. Sau khi khởi nghĩa bị quân Hán của Mã Viện đánh bại, tương truyền vì không muốn bị làm nhục, Hai Bà đã nhảy xuống Hát Giang tự tử.

Đó là sự thật.


Năm 248, Bà Triệu lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống xâm lược của quân Đông Ngô, do Lục Dận, thứ sử Giao Châu chỉ huy. Nhiều nghĩa binh đã tử trận vào năm đó. Theo sử sách, bà chống đỡ với quân Đông Ngô được 5-6 tháng thì phải lui về xã Bồ Điền và cùng đường tự tử. Khi ấy Triệu Thị Trinh mới 23 tuổi. Cúng giống Trưng Trắc và Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh quyết không để bị khuất phục. Chết, nhưng không nhục.

“Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, cởi ách nô lệ chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta!" Câu nói bất hủ của người con gái anh hùng của dân tộc Việt đã tỏ chí khí mà ngàn sau dân Việt mãi còn kính phục.



Năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng, kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc của Việt Nam.

Đó là sự thật.

Năm 1075-1077 , Lý Thường Kiệt đánh bại quân nhà Tống, viêt nên bài “Thơ Thần” bất hủ nói rõ chủ quyền bất khả xâm phạm của đất nước:


Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Đó là sự thật.

Thế kỷ thứ 13, Trần Hưng Đạo ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông. Tháng 12 năm Giáp Thân 1284, hiệu Thiệu Bảo năm thứ 6, đời Trần Nhân-Tông, đại binh Thoát Hoan tiến đánh Chi Lăng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lui quân về Vạn Kiếp. Vua Nhân-Tông thấy thế giặc mạnh, cho mời Hưng Đạo Vương về Hải Dương mà phán rằng "Thế giặc to như vậy, mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân?" Vương tâu: "Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng Tôn-Miếu Xã-Tắc thì sao? Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đã!”

Đó là sự thật.

Thế kỷ 15 , Lê Lợi chiến thắng quân Minh. Triều đình nhà Minh, vốn rất muốn xâm lăng Đại Việt, đã nhân cơ hội Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần để đưa quân tràn vào đất Việt năm 1407. Hồ Quý Ly liên tục thất bại và đến tháng 6 năm 1407, thì bị bắt cùng các con trai là Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương. Vương triều Đại Ngu sụp đổ. Nhà Minh thực hiện chính sách xoá bỏ nền văn minh sông Hồng bằng các cách như đốt, phá và chở về Yên Kinh tất cả các loại sách, văn bia có nói về dân Việt, của dân Việt tạo lập, thiến hoạn đàn ông người Việt, khiến cư dân Việt rất uất ức và căm giận.

Mùa xuân năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi đã cùng những hào kiệt, đồng chí hướng phất cờ khởi nghĩa. Tự xưng là Bình Định Vương và kêu gọi dân Việt đồng lòng đứng lên đánh quân xâm lược nhà Minh cứu nước. Lê Lợi chiến thắng quân Minh, trở thành vị vua đầu tiên của nhà hậu Lê. Bản thiên cổ hùng văn “ Bình Ngô Đại cáo” của đại thần Nguyễn Trãi đã thể hiện rõ ý chí độc lập, tự cường của dân tộc Việt.



Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác



Đó là sự thật.

Thế kỷ 18, Vua Quang Trung đại phá quân Thanh.

Cuối năm 1788, vua Thanh Càn Long sai Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy 29 vạn quân, huy động từ lưỡng Quảng, Vân Nam, Quý Châu hộ tống Lê Chiêu Thống về Việt Nam với danh nghĩa phù Lê, vào chiếm đóng Thăng Long.

Nghe tin báo, ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22 tháng 12 năm 1788), Nguyễn Huệ xuất quân tiến ra Bắc Hà. Để lấy danh nghĩa chính thống, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung, chỉ trong vòng 6 ngày, quân Tây Sơn đập tan hơn 20 vạn quân Thanh, Sầm Nghi Đống thắt cổ tự vẫn sau thảm bại trận Ngọc Hồi, Tôn Sĩ Nghị phải bỏ ấn tín cuốn cờ mà chạy.

Đó là sự thật.

Thế kỷ 20 , năm 1979, Trung Quốc xâm chiếm biên giới phía Bắc, quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh bật âm mưu bành trướng bá quyền của Bắc Kinh.

Đó là sự thật.

Những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21

Ngày 30-12-1999, Hiệp định ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc đã làm nóng lòng hầu hết những người Việt Nam còn nghĩ đến quê hương đất tổ khi Ải Nam Quan không còn trên lãnh thổ Việt Nam.

Những ngày đầu tháng 12-2007, Quốc vụ Viện Trung Quốc phê chuẩn việc lập thành phố Tam Sa, nhằm trực tiếp quản lý các quần đảo trên Biển Đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đứng trước việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và Trường Sa, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao “nói lên tình hữu nghị”, ngày 9-12 dân chúng Việt Nam biểu tình phàn đối việc xâm chiếm Trường Sa, Hoàng Sa, đại diện chính quyền sợ hãi thanh minh “đó là tự phát, nhà nước chưa cho phép”.



Còn hôm nay, những ngày tháng của năm 2011 ngư dân Việt bị Tàu Trung Quốc bắn giết chính trên hải địa của mình, tàu dầu khí Việt Nam bị cắt thiết bị chính ngay trong thềm lục địa Việt Nam, lẽ nào chúng ta cũng chỉ im lặng cúi đầu?



Sự thật là: Trong thế kỷ 20, 21 chúng ta đã nhiều lần lùi bước, Trung Quốc nhiều lần lấn lướt coi khinh, phần đất của dân tộc mà cha ông ta đã đổ bao xương máu gìn giữ nay có nguy cơ không còn nữa.

Đó là sự thật.

Đã đến lúc chúng ta không thể khuất phục.

800 năm trước, Trần Quốc Tuấn đã từng viết nên bài “Hịch tướng sĩ" khuyên răn các binh lính học tập, rèn luyện võ nghệ, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến Nguyên Mông lần thứ 2, nội dung áng hùng thư đó, ngày nay đọc lại sao vẫn còn nhiều điều cho ta suy nghĩ: “… ta cùng các ngươi sinh ở thời nhiễu nhương, gặp phải buổi gian nan, trông thấy những ngụy sứ đi lại rầm rập ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tổ phụ… Ta đây, ngày quên ăn, đêm quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức rằng chưa được xả thịt lột da của quân giặc, dẫu thân này phơi ngoài nội cỏ, xác này gói trong da ngựa, thì cũng đành lòng… Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc, mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến ngụy sứ, mà không biết căm…”

Ngày nay, nước ta có phải vậy không?

Bài viết này, không phải hô hào dân ta ngay lập tức phải xông pha chiến đấu giành lại Hoàng Sa - Trường Sa, đó là việc lâu dài, cần có thời gian xây dựng binh lực hùng cường. Đất nước là chung của mọi người, không của riêng ai.


Bài viết này, chỉ mong góp thêm tiếng nói ủng hộ hành động yêu nước của tuổi trẻ Việt Nam. Lịch sử 4000 năm đã minh chứng, ta mạnh địch lùi, ta lùi địch sẽ lấn lướt. Vậy tại sao chúng ta không biểu tình ôn hòa phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc, tai sao không rầm rộ kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý, đem Biển Đông ra đàm phán trước Liên Hiệp Quốc. Và quan trọng nữa, phải cho Trung Quốc biết ý chí quyết tâm giữ mỗi thước đất, mỗi thước biển của 90 triệu dân Việt.

Hãy để tuổi trẻ Việt Nam nói lên tiếng nói tự trọng của một dân tộc, cho dù yếu sức cũng không đớn hèn.



Đừng để chúng tôi hổ thẹn với tiền nhân.

“Đánh cho để dài tóc

Đánh cho để đen răng

Đánh cho nó chích luân bất phản

Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn

Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”



(Chiếu xuất quân - Quang Trung – Nguyễn Huệ)

BAN MAI

2/6/2011

(Bài viết này chỉnh sửa lại từ bài viết Hổ thẹn với tiền nhân viết ngày 14/12/2007)



---------------------------
hopluu.net

Phạm Công Thiện - Thấp thoáng bóng huỳnh trên con sông tàn bạo

Phạm Công Thiện Thấp thoáng bóng huỳnh trên con sông tàn bạo






THẤP THOÁNG BÓNG HUỲNH TRÊN CON SÔNG TÀN BẠO



1



Con sông ấy đã đầu độc tuổi thơ tôi. Những mùa nước lớn có những chiếc bè, những đám lục bình, những con chó chết trôi lềnh bềnh. Người lớn và con nít gọi những xác chết trôi là “thằng chổng chết trôi”. Thường khi mưa đổ liên hồi trên mặt sông, làm nước tràn lên tận bờ. Mùa nước ròng tôi thường đi chân xuống bờ sông để tìm những con còng bé nhỏ.

Mười lăm năm đầu tiên trong đời tôi, tôi đã bị con sông đầu độc một cách tàn nhẫn, man rợ, vô phương cứu chữa. Nếu tôi sinh ra đời trên một đồi cao, hay một khu rừng bao la hoặc một bãi biển đìu hiu thì cuộc đời tôi sẽ khác hẳn đi. Biển, đối với tôi, không thể tác động gì cả. Núi lại càng xa lạ, những ngọn đồi cao, tôi lại dửng dưng. Những thành phố không sông chảy băng qua thì chỉ có thể là những thành phố dành riêng cho những con rùa và những con quạ; còn những thành phố được dựng lên dọc theo con sông thì thì sớm hay muộn gì cũng nằm dưới sức hút kỳ dị của mặt trăng. Con sông sẽ nuốt thành phố ấy, nuốt tất cả những mộng mơ hoài vọng của những đứa con lớn khôn trong thành phố. Rồi những đứa bé ngây thơ vô tội sẽ bỏ dở trọn cả đời mình để chạy đuổi những con sông chảy xiết. Một ngày nào đó, chúng sẽ kinh hoàng bắt nhận được một sự thật khủng khiếp mà từ nhỏ chúng vẫn thấy hồn nhiên: những “thằng chổng” chết trôi kia là những khối bập bềnh vô phương định hướng của chính thân thể hắn thả nổi trên con sông cuộc đời. Thỉnh thoảng tận đằng xa, đó đây một cánh buồm trắng hoặc vàng lất phất qua đời hắn, xa, quá xa tầm với, rồi đi mất.

Có những buổi chiều, tôi đạp xe ra tận cầu tàu, dựng xe vào gốc thuỳ dương, dựa lưng vào kè đá, thòng hai chân xuống, ngó nhìn ra tận đằng xa ở ngã rẽ của dòng sông ra hướng biển, bên tôi là con sông to rộng, xa xa tận cuối chân trời, người ta cho tôi biết là biển. Lần đầu tiên, nghe tiếng BIỂN thì tôi chỉ thấy cái gì xa quá, không thấy được, mờ mờ, bạc nắng, bí mật, xa hút tận cuối chân trời. Biển từ đó có nghĩa là cái gì không với tới được và quá im lặng, vì cái gì quá xa thì phải im lặng, hiển nhiên. Sau đó vài ba năm, khoảng chừng mười tuổi, tôi được người nhà dẫn ra biển. Lần đầu tiên thấy biển, tôi rùng mình sợ hãi; một nỗi sợ rợn tóc gáy dường như man mác một thoáng tiên cảm gì đó về số kiếp của con người, kẻ bị đày đoạ suốt đời chỉ nhìn tới một cái gì bao la, rộng lớn, xa hút, bí mật; bị đày đoạ đứng nhìn thôi và không làm gì với tới được, vì đó là sự chết.

Sông đầu độc, nhưng biển thì giết. Đầu cuộc đời tôi là con sông, cuối cuộc đời tôi là biển; đó đây ở giữa cuộc đời là ao tù, hồ, mương, cống, rãnh, thỉnh thoảng vài ba cái thác đổ ầm, một trăm con suối chảy ngầm trong tim. Rồi một bầy chim kêu gọi nhau giữa trời, giữa những đoá hoa huỳnh mọc ngay giữa trời. Lúc ấy, chỉ còn có một việc phải làm là nhắm mắt lại và nhìn tới cái chết. Một nghĩa trang, một con sông, đó là hai cánh cửa mở vào thành phố đời người. Những đám ma đi dọc theo bờ sông và trở về nơi cố định. Một bầy con nít đang tắm dưới sông, vỗ tay, đập nước, sung sướng chỉ chỏ, nhìn ngắm đám ma đi qua. Tiếp theo là tiếng đò máy nổ vói xuống nước, vọng lên đà nước sóng sánh lắc lư của chân cầu. Tiếng mẹ ơi ới gọi con bên kia cồn vọng lại, nắng loé lên rồi tắt. Một con ong vo ve rồi bay mất vào trí nhớ.



2



- Mi, mi đã làm gì đời mi?

Tôi lắc đầu, đứng ngó về mặt sông chảy rộng thênh thang. Trời đổ mặt trời xuống nước, khói nấu cơm thổi bay lên mấy chiếc xuồng, chiếc thuyền. Hai ba bẹ chuối trôi bập bềnh, đằng xa là một băng đen dài âm u ở cuối cửa sông. Trời chạng vạng.

Tôi muốn trốn thoát khỏi thành phố và con sông này. Tôi mơ mộng những chuyến đi dài băng qua những đất lạ quê người. Khó quá, khó quá. Có lẽ tôi sẽ chết mất tại nơi tôi ra đời và con chim nào đã bị bắn rơi lông lá.

Tôi dẫn xe đạp về nhà, cha tôi đứng nơi cửa: “Mầy đi đâu chơi mới về đó? Tụ bè kết đảng đi chơi suốt ngày, không nhờ vả gì được cả.” Tôi lầm lầm bước ra nhà sau, rửa mặt, rồi đi thẳng lên phòng riêng trên lầu. Đóng kín cửa phòng lại, lấy những địa đồ năm châu bốn bể ra và nhìn ngó mơ mộng liên tục trong mấy tiếng đồng hồ, đến lúc mấy chị ở gọi vọng lên “Cậu ba, cậu ba xuống ăn cơm, bà đợi kìa.” Tôi lại lẳng lặng xuống lầu, ngồi vào bàn ăn, ăn rất nhanh, vì tôi không chịu nổi chiến tranh lạnh đang dàn mặt trận trên bàn ăn giữa mẹ tôi và cha tôi. Buổi chiều tối, tôi leo tận nóc nhà ở mút tầng lầu thứ tư và ngó xuống con sông đang chảy đen ở dưới kia, trên cao là từng đám mây chiều, mây đêm, dưới phố vọng lên tiếng trẻ con nô giỡn. Tôi ngồi trên nóc nhà và tưởng tượng một ngày nào trong tương lai tôi sẽ thoát được căn nhà hoả ngục này, thành phố đìu hiu và con sông quá buồn này, để sống ở một thành phố xa lạ nào đó tận bên kia chân trời, có bến tàu chung thuỷ và tôi sẽ được sống âm thầm trơ trọi nghèo nàn trong một căn phòng hôtel tồi tàn, và ngoài những giờ làm việc lao công ở bến tàu tôi sẽ dành trọn buổi chiều cô độc trong phòng nhỏ để viết suốt đêm, viết những quyển tiểu thuyết mà nhân vật chính làm gì đi nữa rồi cũng tự tử. Tôi quen làm cuộc tự tử tưởng tượng trên nóc nhà ấy. Chín giờ tối, lúc từng bầy chim én đã bắt đầu thôi động đậy, tôi leo tuột xuống phòng riêng, chong đèn thức suốt đêm để học tiếng ngoại quốc hoặc học thuộc lòng tên những con đường của những thành phố ngoại quốc. Rồi tôi ngủ gục trên bàn. Sáng bừng dậy, tôi vẫn còn thấy mình đang lang thang trong những đường hẻm lót gạch của những thành phố xa xôi tận cuối chân trời.

Đôi lúc cha mẹ tôi bớt giao tranh nhau. Thỉnh thoảng mẹ tôi vụt hỏi: “Mầy định làn gì, khi lớn lên mầy định làm gì? Sao không lo học hành đàng hoàng cứ đọc sách gì đâu không, sao không chịu học lấy bằng cấp để làm tao với thằng cha mầy được nở mày nở mặt với hàng xóm? Học có giỏi thành trời đi nữa mà không lấy bằng cấp thì có gì chứng minh rằng mầy giỏi? Cứ huênh hoang kiêu ngạo, lầm lầm lì lì, ăn cho no rồi chửi tiền chửi bạc. Tao mà không giàu có lấy đâu mà ăn ở không suốt ngày rồi khinh chê tiền bạc. Chừng nào mầy ăn mắm với muối thì mới biết tiền bạc là cái gì?” Dạo đó, tôi vừa được mười bốn tuổi, tôi đã bỏ học trường từ lâu. Mẹ tôi bị ông sư huynh hiệu trưởng mời vô trường và than phiền về hạnh kiểm của tôi, ông ấy nói với mẹ tôi rằng tôi đòi giỏi hơn thầy dạy tôi. Mẹ tôi kể lại: “Tao phải cãi lại ông ấy, tao nói: tôi biết thằng con tôi lắm, nó hiền lành, đứng đắn, đàng hoàng, ít nói, không chơi nghịch gì hết, chỉ biết đọc sách suốt đêm ngày, tôi tốn tiền sách cho nó gần cả một sản nghiệp; tôi mà không giàu có thì cũng không nuôi con tôi học nổi. Tại ông thầy dạy nó mà lại dở hơn nó thì nó mới khó chịu, nó mới như vậy. Nó giỏi hơn thầy nó mà.” Về cái việc bênh con thì mẹ tôi đáng đứng vào hạng quán quân. Phải hay trái gì cũng bênh con, vì “chỉ có con tôi là tôi hiểu”; đó là lý luận rất độc tài của mẹ tôi. Tính độc tài ấy, tôi được thừa hưởng khi lớn lên với cuộc đời.

Nhưng thực sự mẹ tôi đâu có hiểu rằng con sông đã đầu độc tôi như thế nào. Con sông đã tàn bạo, đã đánh đòn tôi còn tàn nhẫn hơn những lúc cha tôi lấy dây luộc buộc chân tôi vào chân giường vì cái tội trốn học. Cả khu phố, cả hàng xóm ở nơi nhà tôi đều nghe tiếng tôi, cái tiếng tăm mà dạo ấy tôi bị hành hạ liên tục: “thằng trốn học”. Ngoài cái tội trốn học, tôi lại có đủ tật xấu: ham đánh lộn, đánh bài, ăn ở dơ dáy, ít hớt tóc, ít khi tắm, đến nỗi mẹ tôi cứ nhắc: “Mầy hôi trâu quá. Đi tắm ngay đi!”. Dạo đó tôi được mười ba tuổi. Rồi cũng vì bị con sông đầu độc, quá bất ngờ, quá bất ngờ, thực quá bất ngờ, năm mười bốn tuổi, từ một đứa con nít ham chơi, ham đánh lộn với trẻ con hàng xóm, tôi bỗng trở thành một con người mới, đóng cửa ở suốt trong phòng, lầm lì suốt ngày, không vui cười với ai nữa cả, thỉnh thoảng đạp xe ra cầu tàu, đứng buồn ngó con sông, rồi âm thầm trở về nhà, lẳng lặng như một bóng ma, người tôi bắt đầu ốm gầy hẳn đi, mặt xanh xao như bị yêu tinh hốt hồn, tóc bồng rối quên chải, đôi mắt ngó về một chốn nào không với tới, đôi mắt có quầng đen vì ba mươi đêm không ngủ. Từ ngày ấy trở đi, cha tôi và mẹ tôi đâu có biết rằng tôi không còn là đứa con của hai người nữa. Cái nhau đã được chôn hẳn rồi, cái rốn đã được cắt lìa hẳn rồi. Tôi không còn là một con người có cha, có mẹ, có anh em, hàng xóm, quê hương. Tôi ở trên trời rơi xuống, đi, đứng lạ lùng giữa trời đất lạ lùng. Tôi không còn biết hỏi: tôi từ đâu đến và tôi sẽ đi về đâu. Không, không, hoàn toàn không. Tôi không còn hỏi gì hết. Tôi chỉ biết đi và đi tới cái gì đằng kia, rộng quá, âm u và bí mật, buồn vì quá tối nghĩa?



3



Bên này là nghĩa địa và bên kia là con sông, ở chính giữa là thành phố. Bên này là buổi sáng và bên kia là buổi chiều, ở chính giữa là cơn bệnh của mặt trời. Tất cả mặt trời đều tàn bạo, tất cả mặt trăng đều cay đắng.[*] Người nói được câu này phải là kẻ đau đớn mà tuổi thơ bị chẻ đôi giữa thành phố và con sông, giữa buổi chiều và một chùm mộng rụng. Rimbaud và con sông Meuse.



4



- Mi, mi đã làm gì cho đời mi?

Buổi chiều xuống nhẹ trên thành phố với tiếng gió đẩy cửa sổ nghe kẽo kẹt. Tôi không biết mình đã tự hỏi như vậy bao ngàn lần rồi?

- Không, không, mi không thể làm bất cứ việc gì nữa. dòng sông đã đầu độc đời mi rồi. Độc đã thấm vào máu rồi...

Một đêm khuya lúc hai giờ sáng, tôi chợt hiểu được như vậy và tôi không còn muốn tự tử nữa. Đứng trên cầu Pont Neuf ở Paris, tôi ngó xuống con sông Seine; cả một đời trẻ thơ, cả một đời con trai của tôi trôi qua vùn vụt dưới kia, mặc dù nước sông rất bình thản, quá đen, đen. Suốt đêm đó, tôi để cho nước đày đoạ tôi, đánh đập tôi, hành hạ tôi. Ôi, sao nước quá tàn nhẫn. Tôi có tội tình gì? Sao nước lại tàn bạo thế, sao nước lại nhẫn tâm thế? Nước, nước, hãy tha tôi, hãy cho tôi sống. Nước, xin đừng quá tàn nhẫn.

Một đêm tối khác vào mùa đông, khi chuyến xe lửa ngoại ô băng dọc qua sông Marne, tôi ngồi run lạnh trong chuyến tàu khuya cuối cùng, rồi nhắm mắt ngủ quên và khi xe lửa ngừng lại một ga tỉnh nhỏ, tôi mới giựt mình biết rằng xe lửa đã chạy lố qua nơi ngoại ô tôi ở gần đến hai chục cây số. Lúc ấy, tôi sống trong một phòng ngủ nghèo nàn ở Saint-Maur-des-Fossés, vùng ngoại ô của Paris; phòng của tôi mở ra đối mặt với nhà ga bên kia đường, mỗi chiều đứng bên cửa sổ, ngó nhìn những chiếc xe lửa từ Paris đổ về với những vòng khói bay toả lên trời chiều, tôi tự hỏi và chỉ tự hỏi và không bao giờ trả lời được. Đêm tối mùa đông ấy, nhờ chuyến xe lửa chạy lố qua Saint-Maur-des-Fossés, tôi mới nhận được câu trả lời do dòng sông Marne gửi lại. Tôi đã bước đi trong tuyết lạnh gần hai mươi cây số, trong đêm khuya, để trở về phòng ngủ ở Saint-Maur-des-Fossés. Trước tối đen, tôi bước đi lê lết dọc theo bờ sông Marne, tôi nện đôi giày ống xuống tuyết, trượt lên té xuống đôi ba lần, tôi cố gắng lết cho qua dặm đường dài hai chục cây số giữa đêm đen tuyết lạnh và cơn đói cồn cào. Sông Marne chảy nhẹ nhàng. Sông vẫn có mặt bên bước chân tôi. A, tôi hiểu rồi, tôi đã được trả lời rồi. Nếu đêm đông lạnh lẽo ấy, đang lúc tôi lạc đường và lộn đường trở về mà không có con sông chảy nhẹ nhàng bên cạnh thì liệu tôi còn sức để trở về hay phải kiệt lực dọc đường? Sông đã đầu độc tôi, đã tàn phá cơ thể và tâm hồn tôi, nhưng vào những lúc quyết định bất ngờ nhất, cũng chính con sông trở thành một thứ ma lực lạ lùng, vô hình, kín đáo, trợ lực giúp đỡ tôi đi tới, bước về Saint-Maur-des-Fossés. Chữ Saint Maur đọc nghe như Sainte Mort.



5



Tôi đã đến Vienne để chỉ ngó sông Danube một lần, rồi bị đau nặng tưởng chết tại một hôtel ở Vienne. Nửa đêm, người ta chở tôi vào nhà thương.

Ngày hôm sau, vì không có tiền để trả nhà thương ở Vienne, cho nên ông bác sĩ người Áo lấy vé máy bay cho tôi đi gấp qua Frankfurt ở Đức; tôi ngồi gục đầu và nằm dài muốn ngất xỉu tại phi trường Frankfurt, tôi cố gắng vận dụng mọi tinh thần để đủ sáng suốt còn lại mà biết rằng Frankfurt là thành phố của Goethe và Schopenhauer. Dòng sông Danube ở Vienne chỉ chấp nhận cho tôi nhìn thấy có một lần, chỉ một lần, một lần thôi, einmal, nur einmal... [**]

Một buổi sáng sớm đứng giữa thành phố đẹp nhất thế giới, Florence, Firenze của Ý-đại-lợi, tôi đã đứng ngó sông Arno, sông cạn nước. Lúc tôi đến dòng Arno thì nước đã cạn. Đời sống tôi lúc đó đã cạn đến tận đáy. Nước không chảy thì đời tôi cũng nghẽn theo luôn, dù tôi đang sống giữa Florence, thành phố thơ mộng nhất và huyễn hoặc nhất của thế giới. Dante và Michelangelo đã sống nơi đó. Chắc chắn là con sông Arno đã nuốt thiên tài họ, đã làm họ chết mười lần, chết một trăm lần trước khi cái chết thực sự hiện đến dập tắt lửa nóng của mặt trời.

Tôi trốn bỏ thành phố Florence và đi đến Rome, rồi bị giam trong một hôtel suốt cả tháng, không còn đồng xu trong túi, tôi phải nhờ người bồi hôtel đánh điện tín qua Mỹ để xin tiền Henry Miller, rồi đánh điện qua Anh, qua Pháp để xin tiền bạn bè. Từ ngày này kéo dài qua ngày nọ, tôi nằm trong phòng hôtel và đọc Kinh Kim Cang, một cuốn kinh nhàu nát, duy nhất, phong sương mà tôi đã giữ kỹ trong cái bị giang hồ.



6



Có ai biết rằng dòng sông Hằng đã chạy qua Kinh Kim Cang?

Và đức Phật ngồi bên dòng sông, ngó ngôi sao mai, thành Phật.



7



Bây giờ tôi muốn uống một tách cà phê, nhưng chạy đâu ra tiền để uống ngay phút này? Sông đã cạn. Những gì còn lại, xin Phong Lữ Thảo hãy viết tiếp giùm tôi. Sông đã cạn. Sông đã cạn.



----------------------------------------------------------------------------
Trong cuốn Bay đi những cơn mưa phùn của Phạm Công Thiện
(Sài Gòn: nxb Phạm Hoàng, 1970)


_________________________

Phụ chú của Hoàng Ngọc-Tuấn:

[*]Đây là câu thơ thứ 90 trong bài “Le bateau ivre” [“Con thuyền say”] của Arthur Rimbaud, nhưng Phạm Công Thiện đã nhớ nhầm thứ tự của mặt trăng và mặt trời. Đúng ra, câu thơ là: Tất cả mặt trăng đều tàn bạo và tất cả mặt trời đều cay đắng (Toute lune est atroce et tout soleil amer). Rimbaud đã viết bài thơ “Le bateau ivre” dài 100 câu trong mùa hè năm 1871, lúc ông mới 16 tuổi.

[**]Khi dùng những chữ tiếng Đức “einmal, nur einmal” (một lần, chỉ một lần thôi), Phạm Công Thiện muốn gợi ý đến bài “Die neunte Elegie” [“Sầu ca thứ chín”] trong tập Duineser Elegien [Những bài sầu ca ở lâu đài Duino] của Rainer Maria Rilke. Trong bài “Die neunte Elegie”, ở đoạn thứ ba, Rilke đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần những chữ này.




Source : Tiền Vệ