24/6/11

Võ Phiến - Viết lách

Võ Phiến - Viết lách


Loài người lúc nhúc lao nhao đông đảo, nhưng thoạt trông giống ấy sống với nhau “được” lắm. Có nhiều gặp gỡ: Trời xanh ai cũng thấy xanh, mồng gà đỏ chị A thấy đỏ anh B cũng thấy đỏ, đá cứng ai gõ vào đều thấy cứng, cỏ mềm ai sờ đến cũng nhận ra mềm v.v... Làm người, tiếp xúc với thế giới quanh mình xem ra đề huề. Như thế dễ chịu quá. Riết rồi có cảm tưởng: nếu không thế e không thể sống chung với nhau được.

Thế nhưng theo dõi thêm, thấy ở địa hạt khác, thình lình Trời bắt người chịu cảnh ngộ oái oăm. Tôi đang nghĩ về chuyện tiếng nói. Mỗi giống người nói một thứ tiếng. Người Nhật phát lên một tiếng nói, người Việt chẳng nghe ra nghĩa lý gì; người Việt nói lên một câu, trẻ già khắp xứ Congo ngẩn ngơ. Xem tranh nghe đàn không cần đến sắc điển, thanh điển; mà xem sách thì các giống người khác nhau nhất thiết phải dùng tự điển, từ điển. Đối với vạn vật mọi giống, người tha hồ tiếp xúc; nhưng giữa người với người, mỗi giống bị cầm giữ trong một cái ngục cô liêu của ngôn ngữ.

Ngôn ngữ là phương tiện của viết lách.

Trẻ sinh ra đầy năm vẫn có lệ cúng thôi nôi. Hôm cúng thôi nôi trẻ nào quơ tay tóm phải cây bút, lớn lên sẽ loay hoay trong những hoạt động chữ nghĩa, viết lách. Trẻ ấy tha hồ thấm thía cái vạ cô liêu.

Cầm bút là cái cầm bất hạnh?



Bất hạnh hay không bất hạnh, chuyện số kiếp của đứa trẻ nọ hãy để ra một bên. Chúng ta đang nghĩ về những loay loay trong nghề cầm bút.

Sử dụng văn tự là kẻ viết, nhưng không phải cái viết nào cũng là viết văn. Vào những lúc vui miệng nhất vẫn không nên gọi nhà văn Trang Chu, văn sĩ Khổng Khâu. Viết lách đại khái có cái viết của giới suy nghĩ, lấy chỗ đúng, sai, sâu, cạn làm căn cứ; và cái viết của giới sáng tác, lấy sự đẹp đẽ, hay ho làm đích. Cái viết thứ nhất có thể đem ra dịch từ ngôn ngữ này sang các ngôn ngữ khác. Dịch đúng thì ở bất cứ ngôn ngữ nào nội dung của nó cũng có giá trị như nhau. Aristote, Descartes, Trang Tử..., là những bậc thầy quốc tế. Cái viết thứ hai của giới sáng tác khó lòng chuyển dịch mà vẫn giữ được một sức tác động tương đương. Những bản Kim Vân Kiều Pháp văn không mấy ai nghe được ngâm nga ở Pháp. Mỗi ngôn ngữ có một bản sắc riêng, có tiêu chuẩn thẩm mỹ riêng.

Thế rồi trong một giới sáng tác cái sử dụng ngôn ngữ cũng có những hướng khác nhau. Đám làm thơ và viết tùy bút có chỗ hơi gần đấy; các tiểu thuyết gia và kịch tác gia thì họ dùng kỹ thuật khác nhau vào những chủ đích khác nhau.

Tác giả với tác giả đã không giống, độc giả cũng thế. Có độc giả và độc giả. Kẻ đang chúi đầu ngốn ngấu truyện Kim Dung mà bị người đem thơ Nguyễn Bính tới đọc bên tai tất nổi dóa.

Người đọc Kim Dung có thể phục tài năng và kiến thức của tác giả, nhưng không thấy mỗi lúc mỗi gần Kim Dung thêm, đọc nhiều đến đâu vẫn không thấy muốn quàng vai bá cổ người đồng điệu Kim Dung. Trong khi ấy đọc thơ dễ thấy gần với tác giả. Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh..., các mối tình của họ, những say mê và những đau buồn của họ thấm nhập vào lòng kẻ đọc. Đọc họ, ta sống các xúc cảm của họ. Ta tự đồng hóa với họ. Ta là “bạn đọc”? Là “bạn”? Nói thế e chưa đủ, lo gì sàm sỡ.

Các bậc thầy khảo luận, ai nấy tha hồ bái phục sát đất; nhưng như thế càng khó gần gũi. Kẻ đọc họ bất quá là “độc giả”. Không có ai là “bạn đọc” của Mạnh Tử, Lão Tử cả.

Thơ văn đẹp đẽ, đọc nó như thể gần gũi một tâm tình, một cốt cách. Khiến nhớ nhung hoài. Càng lâu càng thấm thía. Rồi thấm nhiễm. Tâm hồn bạn đọc dần dần hòa đồng với tâm hồn bạn viết. Tâm hồn, rồi thân xác, rồi cả mạng sống của nhau...

Chuyện xưa thường vẫn li kỳ hơn chuyện nay. Nhưng hãy lấy một chuyện thật của thời nay cho gần gũi. Thi sĩ Hồ Dzếnh viết, bạn đọc Nguyễn thị Huyền Nhân nghe tin bạn viết lâm bệnh, tìm đến chăm nom. Hai bên yêu nhau, lấy nhau, có với nhau được hai mụn con dại, càng khắng khít. Đến một lúc nọ, vì lý do chính trị, Hồ Dzếnh bị chế độ đối xử tàn nhẫn, ngược xuôi cùng cực vất vả vẫn không nuôi nổi vợ con. Con chết rồi vợ chết. Chính tay ông liệm xác vợ: “Đây không phải là một buổi liệm. Bởi nếu là liệm thì phải tắm rửa, thay quần áo mới. Mẹ tôi không có một mảnh vải nào cả. Để cho người chết đỡ tủi — người chết có tủi không? — cha tôi cởi chiếc áo cánh ướt trên người, đắp lên vợ.”[1]

Chuyện tình của các thi nhân xưa nay không kể xiết, nhưng dẫu đẹp đẽ hấp dẫn đến đâu cũng là chuyện riêng của người, phanh phui không hay gì. Trường hợp này chính do người trong cuộc phân trần nên mới dám đề cập. Để thêm rõ cái nghĩa của tiếng “bạn đọc”

Quan hệ giữa viết với đọc là một mối quan hệ đặc biệt. Trong ngành họa, ngành nhạc, không nghe bảo có “bạn xem”, “bạn nghe”.

Nghề văn hay nghề viết quả kỳ cục. Cổ lai nghề đâu có nghề chỉ nhằm vào một loại khách hàng duy nhất là “bạn”. Phải chăng vì vậy mà nghề ấy lắm khi được gọi tránh ra là cái “nghiệp”?



Nghề viết văn loay hoay một cách... cảm động về khách hàng của mình. Riêng người viết tiếng Việt lại còn mối cảm kích đối với cái ngôn ngữ mình sử dụng.

Trứơc hết phải vội vã phân trần: Ở đây không có ý bảo Việt ngữ của ta là nhất thế giới, hoặc hay nhất, tinh vi nhất, hoặc phong phú nhất, kỳ diệu nhất v.v... Việt ngữ nhất hay bét, cái đó không biết, có lẽ cũng không có ai đang tìm biết.

Có điều kẻ dùng nó thấy dùng thật thích. Kẻ học được nhiều tiếng Việt thì sử dụng thoải mái, đã đành. Người chưa kịp học nhiều cũng có thể dùng tiếng Việt một cách thích thú, và... hay ho. Trong trường hợp nó gặp được một kẻ có tài thì thôi: Khỏi nói!

Hơn sáu mươi năm trước thường hay đọc lang thang, một hôm tôi gặp bài ‘Đợi thơ’ của Hồ Dzếnh. Lời lời hoa mỹ, câu nào câu nấy chật ních những địa danh xa xôi, mơ hồ, mộng ảo; tôi mê tơi, “ngâm” đi “ngâm” lại:

“(...) Tô Châu lớp lớp phù kiều

Trăng đêm Dương Tử mây chiều Giang Nam

Rạc rời vó ngựa quá quan

Cờ treo ý cũ mây dàn mộng xưa

Biển chiều vang tiếng nhân ngư

Non xanh thao thiết trời thu rượi sầu

Nhớ thương bạc nửa mái đầu

Lòng vương quán khách nghe màu tà huân (...)”

Lời không hiểu mấy, ý không rõ mấy, nhưng mặc kệ: tôi thích, mê tơi. Tôi có chú ý đến mấy tiếng “non xanh thao thiết”. “Thao thiết” ám ảnh tôi. Xanh thao thiết là xanh cách nào? Không biết đích xác, nhưng tôi cho đó là một chữ tài tình, đúng với màu núi “nọ”(?) Rồi cách dăm ba năm, bảy tám năm, tình cờ gặp một tác giả nào đó cũng “xanh thao thiết”. Nhưng tôi chưa bắt gặp “thao thiết” trong một cuốn tự điển Việt ngữ nào.

Dần dần thấy ra đó không phải chuyện mới lạ, hiếm hoi. Ông Sơn Nam chẳng hạn, mở cuốn Tuổi già [2] của ông ra đọc, thấy: râu ria “bùm tum” (tr. 22), “lật bật” tới chợ (tr. 29), mất chỗ “đùm đậu” (tr. 32) v.v., những chữ ấy đều không tìm thấy trong bộ Việt Nam tự điển của hội Khai Trí Tiến Đức.

Nhưng viết nhiều tiếng lạ thì nhà văn Sơn Nam không theo kịp nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Trong một cuốn Tạp văn [3] chẳng hạn, bao nhiêu tiếng mới: cằn nhằn cử nhử (tr. 50), lượng sượng không biết nói chuyện gì (tr. 59), những bộ quần áo mới má thắt thẻo chắt mót từng lọn rau bó cải để sắm cho con (tr. 75), mưa bắt đầu xập xoài (tr. 76), đầu chờ vờ như con cá lóc gặp nước mặn (tr. 84), mặt trời lựng bựng lên từ phía chân trời (tr. 84), mình cùm nụm cùm nựu lũ nó (tức lũ vịt con) (tr. 107) v.v... Ối, phong phú không biết bao nhiêu mà kể.

Tôi ngạc nhiên, lấy làm nghĩ ngợi: Sơn Nam và Nguyễn Ngọc Tư ở cuối miền đất mới trong Nam. Đất mới thì đất đai, cây cỏ, chim muông lắm thứ mới, tập tục phải có chỗ mới mẻ, lời ăn tiếng nói địa phương nảy thêm cái mới, phải thôi...

Tôi đang xun xoe về sự khám phá ra lý do địa phương tính trong cái mới ở miền Nam thì chợt nghe bên tai một tiếng cười nghịch ngợm, ngang tàng, của Trần Dần. (Ông Trần sinh ở Nam Định, mất ở Hà Nội, tức sống và chết trên đất Bắc). Bài “Thằng thịt” của ông viết năm 1962:

Như đã nói,
tôi là một cột thịt lực đực
Tư duy nhất
ở phía
đít
(...)
Vũm vĩm toàn bộ phố, đưa đảy đùi chẳng hạn (...)
Một cột thịt vọt đứng ngấn trứng — thồn thỗn ao thịt
(...)
Những trạm nghỉ thịt, nun nút (...) nún xút.
Thút vút vót mực-thịt-đực(...)
Thằng thịt lông lá tẽ mím một vệt thịt (...)[4]

Lực đực, vũm vĩm, thồn thỗn, nún xút, tẽ mím..., cũng như lựng bựng, xập xoài..., e khó bề gặp được trong tự điển. Như vậy thấy tiếng mới lạ mà đoán là do nguồn gốc địa phương Nam Bắc khác nhau, do cách nói dân gian với trí thức khác nhau v.v..., đoán hồ đồ đến thế không tha thứ được. Các vị kể trên đều là những tên tuổi được biết rộng rãi khắp Nam Bắc. Mặt khác, thấy tiếng lạ không có trong tự điển mà cho rằng dùng nó là thất sách, khiến câu văn thành bí hiểm, lạc loài, không có hiệu lực tác động đến độc giả; nghĩ vậy e cũng không đúng hẳn đâu.

Non xanh thao thiết là xanh thế nào? Lời giải đáp tường tận chưa thấy, nhưng hiểu đại khái, cảm xúc mơ hồ, chắc chắn không ít người. Chẳng ăn cái giải gì mà người ta vờ vĩnh, mà không cảm xúc cứ kêu là có. Trước mơ hồ sau rõ rệt, dần dần tiếng này chữ nọ được chấp nhận vào tự điển. Tiếng nói đã đông đảo dần và sẽ đông đảo thêm nữa bằng cách ấy?

Cùm nụm cùm nựu, lực đực, vũm vĩm v.v..., rồi cũng vậy chăng? Không ai dám chắc điều gì. Xưa nay, trong quá trình tiến hóa vẫn có cái được giữ lại, phát triển, lại có những cái bị đào thải, dần dần mất dạng.

Ta không nên tiên tri điều gì. Nên, có lẽ nên mừng cho đức rộng lượng của cái ngôn ngữ mình đang dùng để viết lách. Nếu tuyên bố toáng lên là Việt ngữ hay ho, tinh xảo, tuyệt vời v.v..., e thiên hạ có kẻ che miệng cười rinh rích. Nhưng phải chịu rằng nó có cái độ lượng chấp nhận, khuyến khích, ủng hộ những sáng tạo, làm nẩy ra tiếng mới chữ mới, nó niềm nỡ đối với những cách viết cách nói mới mẻ, táo bạo. Từ khi loài người biết nói đến nay đã có bao nhiêu thứ tiếng nói xấu số tàn rụi, chết đi, rồi mất tích? Tử ngữ la liệt. Trong khi ấy, ngôn ngữ của chúng ta dùng đã mấy nghìn năm vẫn còn mới mẻ, táo bạo, vẫn còn sức sống. Mang trên đầu mấy nghìn tuổi thọ mà vẫn sinh động, vẫn mắn con, sinh nở tới tấp những đứa trẻ kháu khỉnh, vũm vĩm! Thích nhá!

Đến đây chợt nhớ đến người cầm bút Trần Vấn Lệ. Nhớ lõm bõm mấy câu trong bài ‘Chữ nghĩa và tôi’ của ông:

Tôi xem chữ nghĩa như con cái
Có đứa buồn hiu, có đứa vui
Quanh quẩn bên tôi chiều với sớm
Líu lo như thể lũ chim trời

Tôi xem chữ nghĩa như cơm cháo
Khi đói thì ăn, no để dành
Dư ném cho chim nhìn chúng hót,
Thấy trời hẹp bớt chút mông mênh

Tôi xem chữ nghĩa như bè bạn
Kết thả trôi sông chở cả trời (...)
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Tôi xem chữ nghĩa như chăn gối
Khi lạnh thì ôm, nóng bỏ ra
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Chữ nghĩa và tôi đến xứ người
Ngậm ngùi, tan nát giống như tôi...
Sót vài ba chữ ngồi hiên quán
Gặp bạn nâng ly một tiếng cười.

Chữ nghĩa và tôi sẽ xuống mồ
Mai này cỏ mọc sắc xanh mơ
Ai đi ngang để cành hoa xuống
Là cũng cho đời một chút Thơ!

Đọc đi đọc lại, tôi mến thái độ ông Trần quá. Ông thành thực, giản dị, thân mật hơn hẳn mình. Tôi lẩm nhẩm, tưởng đã thuộc làu. Không ngờ lúc định chép ra khoe mới hay bị trí nhớ phản bội nặng nề: Lời thơ chỗ nhớ chỗ quên, cách trình bày tân kỳ quên tuốt hết, bài thơ cất giữ ở đâu cũng quên luôn. Không dám khua khuống ồn ào, tìm hỏi quấy quả bạn bè, cũng không dám diên trì làm cho chính mình cụt hứng nửa vời. Bèn trước hãy nhớ sao ghi vậy, rồi hạ hồi thư thả sẽ chỉnh đốn, sửa sai vậy. Kính mong bạn Trần niệm tình tha thứ. (Trong bài viết này có trích dẫn thơ của hai tác giả — Hồ Dzếnh và Trần Vấn Lệ — thì e sai sót ở đủ cả hai!)

Coi cái tiếng mình nói cái chữ mình viết, coi chúng nó như con cái, như cơm cháo, như bè bạn, như chăn gối... Chao ôi! tự thuở hồng hoang đến giờ, có ai như ông Trần, như người cầm bút đang sống, đang nói cười bên cạnh chúng ta lúc này?



Viết văn là một nghề? Cái nghề mà khách hàng là bạn, bạn có khi chí thiết, trao hết cuộc đời cho mình, cùng sống chết với mình. Cái nghề mà phương tiện hành nghề là con cái, là cơm cháo, là chăn gối v.v... của mình, là những cái những ai sẽ theo mình xuống mồ cùng một lượt!

Gớm, nghề với nghiệp.



Năm 2007

----------------------------------------------------------------------------
(In trong cuốn Cuối Cùng của Võ Phiến, Thế Kỷ 21 xuất bản tại California, USA, 2010)


_________________________

[1]Hồ Dzếnh, Quyển truyện không tên, hồi ký, do Thanh Văn xuất ở California, Hoa Kỳ, năm 1993, trang 86. Những chữ “cha tôi”, “mẹ tôi” chính là chỉ vào Hồ Dzếnh và phu nhân, bởi vì Hồ Dzếnh viết hồi ký này thác lời con mình.

[2] Tuổi già, nhà xuất bản Văn Nghệ, ở Sài Gòn, in năm 2000.

[3] Tạp văn, nhà xuất bản Trẻ và Thời Báo Kinh Tế ở Sài Gòn, tái bản lần thứ 3, năm 2006.

[4] Tuyển tập Tiền Vệ 1, Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn biên tập, Tiền Vệ xuất bản tại Úc, năm 2007, tr. 543-547.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét