Hai ngày qua, dân chúng Mỹ theo dõi tường thuật về
những cái chết của học sinh trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut mà
không thể không xúc động.
Tổng thống Barack Obama, Thống đốc bang Connecticut Dannel Malloy cùng các
phóng viên, cảnh sát và nhiều người khác đã không ngăn nổi dòng lệ vì những cái
chết thảm thương và quá đột ngột của hai mươi em học sinh ở tuổi lên 6, lên 7
cùng sáu thày cô của các em.Sáng hôm đó, trên đường lái xe đi làm thoáng nghe bản tin có kẻ đem súng vào trường bắn loạn xạ. Mình liên tưởng ngay đến Columbine High School ở Colorado, đến Virginia Tech Univeristy cách đây ít năm. Rồi không thấy tin chi tiết.
Lúc đó là bảy giờ sáng ở California, mười giờ ở Connecticut, nơi vụ nổ súng mới xảy ra chừng nửa giờ trước đó.
Vào lớp nghe xôn xao bàn tán về những gì xảy ra làm mình cảm thấy khinh hoàng và xúc động tột cùng vì có nhiều em học sinh mới chỉ lớp Một đã bị kẻ sát nhân hạ sát bằng súng.
Bạo lực bằng súng đạn ở Mỹ xảy hàng ngày ở nhiều nơi, nhưng đối với những trẻ nhỏ hồn nhiên và thánh thiện như thiên thần mà mạng sống bị cướp mất bằng súng đạn là điều khó tin và không chấp nhận được.
Chết vì bạo lực
Mỗi tối, bản tin thường có những tin hàng đầu liên quan đến bắn giết người. Khi nghe mình cảm thấy buồn vì xã hội Mỹ ngày nay có quá nhiều người chết vì bạo lực.
"Nước chúng ta là một quốc gia đặc biệt bạo lực"
Quanh nơi mình ở có ba thành phố lớn. Oakland với nửa triệu dân năm nào cũng có trên một trăm vụ giết người, năm nay đã có cả 100 án mạng, nhiều nạn nhân chết vì súng. San Jose với một triệu dân, trước đây được coi là yên bình, từ đầu năm đến giờ đã có hơn 40 án mạng.
San Francisco cũng thế, con số nạn nhân chết vì bạo lực cũng ngày một nhiều. Nếu kể cả những vụ nổ súng không gây chết người thì tin tức về tội phạm có tiếng súng nổ coi như xảy ra mỗi ngày.
Cách đây vài tuần, một người đang lái xe trên xa lộ gần Sacracmento là thủ phủ của bang California, thấy một xe khác có những hoạt động khả nghi, anh táp vào lề gọi điện thoại khẩn cấp báo cho cảnh sát. Khi đang báo cho cơ quan hữu trách thì bị kẻ lạ bắn chết ngay tại chỗ.
Thống đốc bang Connecticut khi gặp gỡ báo chí sáng Chủ Nhật đã nghẹn ngào vì chính ông là người đưa tin báo tử cho từng gia đình của của 20 em học sinh. Ông than thở: “Nước chúng ta là một quốc gia đặc biệt bạo lực.”.
Nhận xét của ông đúng vì con số người chết vì súng đạn ở Hoa Kỳ không chỉ xảy ra ở những chốn đô thị đông dân sô bồ như New York, Chicago, San Francisco hay Los Angeles.
Newtown, nơi xảy ra vụ thảm sát 20 học sinh chỉ có 27 nghìn dân.
Câu hỏi mọi người đặt ra là: tại sao kẻ giết người lại có hành động dã man như thế?
Đủ loại xe đua, đủ loại trò chơi bắn súng, từ bắn chim, bắn cá, thuyền bè đến trừ gian diệt bạo, giết quân thù. Đời sống giải trí bên ngoài, những trung tâm thương mại, những nơi trẻ em thường lui tới đều có các các ghế đua, súng bắn.
Ngay từ khi biết dùng ổ điều khiển màn hình trên ti vi, rất nhiều trẻ em ở Mỹ đã biết đến những trò chơi đầy tính bạo lực. Dù là giả tưởng, bạo lực đã in vào ký ức nhiều trẻ em Mỹ.
Khi lớn lên, một hôm nào đó, vì bị chọc tức, vì bị bắt nạt hay vì một lý do tâm thần nào đó, trong cả triệu con người chỉ cần có một vài cá nhân bất bình và súng nhan nhản thì hậu quả là những cái chết oan khiên cho nhiều người.
Dân Mỹ được quyền mua súng để phòng thân, theo như Hiến pháp cho phép.
Người dân có thể mua súng nhỏ và cả những súng liên thanh như M-16, AR-15 hay AK-47.
Xã hội Mỹ lại đầy rẫy trò chơi mang tính bạo lực vì thế khi súng đạn lọt vào tay một kẻ gian, một người nổi nóng hay một ai đó với trạng thái tâm lí bất bình thường thì khó có thể tránh được súng đạn bắn vào thường dân vô tội.
Khi nào từng gia đình vất bỏ đi những trò chơi súng đạn, những khu giải trí cũng không còn những trò chơi này nữa, khi đó trẻ em Mỹ sẽ có một tâm lý ít bị ô nhiễm bạo lực. Về lâu về dài, xã hội cũng sẽ bớt đi những cảnh bắn giết như trong phim, trong các trò chơi.
Source : BBC
Tác giả là một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco. Bài viết phản ánh cách nhìn của riêng ông.