Nsúng nơi công cộng ở Mỹ

Vụ bắn giết kinh hoàng tại trường Sandy Hook ở Newtown thuộc bang Connecticut vừa qua khiến 26 người thiệt mạng đã làm chấn động cả thế giới. Trong số nhiều lý do, sự kiện này đặc biệt gây đau thương vì có tới 20 nạn nhân là các cháu nhỏ.

Đây là vụ nổ súng nơi công cộng thứ 7 ở nước Mỹ trong năm 2012, nâng tổng số nạn nhân thiệt mạng từ các vụ này lên tới 61 người trong năm, không kể những người bị thương, theo số liệu của NewsMax.

Số các vụ nổ súng và số nạn nhân thiệt mạng ở Mỹ tính theo năm
​​

Theo thống kê của NewsMax dựa vào các nguồn lấy từ Reuters và The Telegraph, số lượng các vụ nổ súng nơi công cộng cũng như số nạn nhân bị giết hại đang tăng lên đáng kể trong những năm vừa qua. Kể từ vụ nổ súng ở trường Columbine High School ở Littleton (Colorado) khiến 12 học sinh và 1 giáo viên bị thiệt mạng hồi tháng 4, 1999, đã có các vụ nổ súng gần như không đáng kể trong các năm từ 2000 đến 2006.

Từ năm 2007 trở lại đây, số lượng các vụ nổ súng tăng lên nhiều, trừ hai năm 2010 và 2011. Năm 2007 có 51 người bị giết hại trong 4 vụ. Năm 2008 có 25 người thiệt mạng trong 4 vụ. Năm 2009 số vụ tăng lên 6 và số nạn nhân tăng lên 56. Năm 2012 có tới 7 vụ và số nạn nhân lên tới 61, cao nhất trong 14 năm trở lại đây.


Nsúng ở trường học

Tính riêng các vụ nổ súng ở trường học, Teen Violent Statistics trích nguồn từ một công trình nghiên cứu của Cơ quan Mật vụ Mỹ cho thấy trong giai đoạn từ 1974 đến 2000 có 37 vụ nổ súng ở trường học và số vụ trong mỗi thập kỷ đều tăng lên. Nghiên cứu này cho rằng trong thập kỷ 90, xác suất một học sinh trung học ở Mỹ trở thành nạn nhân và bị giết trong một vụ nổ súng bất kỳ ở trường học nào của Mỹ là 1 trên 1 triệu.

Teen Violent Statistics cũng cho rằng không có một khuôn mẫu chung nào cho các sát thủ trường học. Chúng đến từ đủ loại chủng tộc, gia cảnh, nhóm xã hội, và năng lực học vấn ở trường. Nhiều người trong số các tay súng này là thành viên của các nhóm xã hội chính thống và có điểm số rất tốt; phần lớn chưa bao giờ gây rắc rối ở trường, không có tiền án tiền sự, hay chưa từng có hành vi bạo động từ trước. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ trong số các sát thủ này là đã được chẩn đoán có vấn đề về tâm lý trước khi gây án. Tuy nhiên, chúng có một số điểm chung như:

Tất cả các thủ phạm đều là nam giới, tuổi từ 11 đến 21, trong đó đa phần là từ 13 đến 18 tuổi.
Tới 98% thủ phạm từng bị thất bại hoặc mất mát trước khi gây án, thí dụ quan hệ xã hội (như yêu đương), mất mặt, mất việc làm, hoặc mất người thân…;
Nhiều thủ phạm bị bạn học cùng trường bắt nạt (bullying), cảm thấy bị tổn thương hoặc bị ngược đãi. Trong một số trường hợp, chuyện bị bằt nạt là rất nghiêm trọng, và là lý do dẫn tới một số vụ nổ súng;
Phần lớn thủ phạm có thể tiếp cận được với súng đạn và đã từng dùng súng;
Phần lớn là các học sinh đang học tại trường, một số là học sinh cũ;
Phần lớn không cho thấy kết quả học hành kém cỏi đi trước vụ tấn công, thậm chí còn học hành tốt hơn.
Một phần tư số thủ phạm từng nghiện rượu hoặc các chất kích thích khác;
Quá nửa số thủ phạm có tỏ ra yêu thích bạo lực qua sách báo, phim ảnh, trò chơi điện tử, hoặc, đặc biệt là các tác phẩm sáng tạo của chúng như truyện hoặc thi ca;
Phần lớn thủ phạm có nhiều động cơ gây án khác nhau, bao gồm báo thù, muốn được chú ý hoặc được nhìn nhận, cố sửa chữa một vấn đề gì đó, hoặc tự tử.

Ngăn chặn được hay không

Tai nạn kinh hoàng tại trường tiểu học Sandy Hook (Newtown, Connecticut) một lần nữa làm dấy lên các tranh cãi về quyền sở hữu vũ khí của công chúng Mỹ. Theo CNN, có khoảng 270 triệu khẩu súng các loại đang nằm trong tay thường dân Mỹ, biến nước này thành quốc gia có mức độ trang bị vũ khí của thường dân cao nhất thế giới. Yemen, một quốc gia bộ lạc chưa bao giờ có một nhà nước trung ương mạnh và một hệ thống luật pháp được tôn trọng, xếp thứ hai từ rất xa.

CNN cho rằng theo các kết quả điều tra của CNN và Gallup trong nhiều năm, tỷ lệ những người ủng hộ các luật lệ về kiểm soát súng đạn hiện nay luôn luôn ngang với tỷ lệ những người muốn có các luật lệ kiểm soát chặt chẽ hơn. Điều này cho thấy dù các cuộc tranh luận có sôi nổi hơn khi các vụ nổ súng này diễn ra, khả năng loại bỏ quyền sở hữu vũ khí của công dân ở Mỹ là chuyện xa vời.

Tiếp cận được với vũ khí là lý do quan trọng dẫn tới các vụ nổ súng. Teen Violent Statistics trích nguồn từ một công trình nghiên cứu của Cơ quan Mật vụ Mỹ hồi năm 2002 cho rằng học sinh phải được biết rằng súng đạn không được chấp nhận ở trường, và người lớn phải có kế hoạch sẵn sàng để xử lý tình huống súng ống được mang đến trường. Người lớn cũng phải biết rằng học sinh thích tìm cách lấy vũ khí, và phụ huynh phải hạn chế việc con em mình tiếp cận với vũ khí ở nhà (thí dụ không tàng trữ nữa hoặc phải khoá chặt để con em mình không thể tiếp cận được).

Ngoài ra, người lớn cần quan tâm tới hành vi của trẻ để ngăn chặn kịp thời tình trạng trẻ bị đẩy vào tình trạng cảm thấy bị cô lập nghiêm trọng hoặc bị quấy rối, bắt nạt tới mức không thể chịu nổi. Trong số nhiều học sinh bị phải thất bại và mất mát, chỉ có một số nhỏ trở thành mối đe doạ cho người khác. Các nhà giáo dục phải được đào tạo để nhận ra các học sinh không có khả năng chịu đựng tốt trước các thất bại trong cuộc sống. Người lớn, bao gồm cả cha mẹ và các nhà giáo, cần phải giúp ngăn chặn tệ nạn học sinh bắt nạt bạn học vì nạn bắt nạt (bullying) là một lý do trong nhiều vụ nổ súng. Phụ huynh cũng cần phải biết những ai có ảnh hưởng đến con cái mình, vì bạn bè thường là một yếu tố trong việc lên kế hoạch tấn công.

 TS Trần Vinh Dự
Source : VOA