27.12.2012
Năm 2012: Năm của ý thức địa - chính trị
Nếu năm 2012 là năm của châu Á, đó cũng đồng thời là năm ý thức địa-chính trị (geopolitics) trở thành ý thức chủ đạo trong các suy nghĩ về chính trị của người Việt.
Cho đến gần đây – và cả hiện nay nữa, với rất đông người, kể cả giới lãnh đạo trong nước – yếu tố chủ đạo trong cách tư duy về chính trị vẫn là ý thức hệ. Người ta phân vùng thế giới theo những khác biệt về ý thức hệ. Người ta phân biệt bạn thù cũng theo ý thức hệ. Trong cái gọi là ý thức hệ ấy, hai luồng chính là chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Sau khi chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Nga và Đông Âu, giới cầm quyền Việt Nam cố níu kéo nó, dù không còn tự tin như trước nữa. Có điều, cách suy nghĩ cũ vẫn còn rất đậm nét trong đầu óc họ. Bất chấp Trung Quốc đối xử với họ thế nào, họ vẫn thấy gần gũi với Trung Quốc hơn hẳn các nước khác. Lý do: cả hai đều theo chủ nghĩa xã hội.
Nhưng đó chỉ là một quan niệm đã lỗi thời. Mở đầu cuốn Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism, xuất bản lần thứ nhất vào năm 1983, Benedict Anderson đã chỉ ra điều đó: Cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Campuchia vào năm 1978 và giữa Việt Nam và Trung Quốc vào đầu năm 1979 là hai cuộc chiến tranh lớn đầu tiên giữa các quốc gia xã hội chủ nghĩa trên thế giới (không kể các cuộc chiến tranh can thiệp vào nội bộ của nhau ở Đông Âu trước đó). Hai cuộc chiến tranh này cho thấy, trong quan hệ quốc tế, ý thức hệ, ngay cả những ý thức hệ được huyền thoại hóa, thậm chí, tôn giáo hóa, như chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, không quan trọng bằng ý thức dân tộc và quyền lợi quốc gia.
Bài học năm 1978 và 1979, một lần nữa, lại lặp lại trong những năm gần đây. Là hai trong năm quốc gia cuối cùng còn theo chủ nghĩa xã hội, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, bất chấp những lời lẽ ngụy biện vụng về của Việt Nam, vẫn là một thứ quan hệ tranh chấp gay gắt. Trung Quốc không ngừng gây hấn và uy hiếp, thậm chí, đã thực sự xâm lược vùng biển của Việt Nam. Campuchia cũng vậy. Trên nguyên tắc, Campuchia không còn là quốc gia xã hội chủ nghĩa, nhưng đảng do Hun Sen lãnh đạo và cũng là đảng đang cầm quyền hiện nay, Đảng Nhân Dân Campuchia, vốn là hậu thân của đảng cộng sản. Bản thân Hun Sen cũng là một người cộng sản, hơn nữa, lại là người được Việt Nam đưa lên nắm quyền. Năm 1984, khi còn là bộ trưởng ngoại giao, Hun Sen đã cho xuất bản cuốn sách lên án Trung Quốc thậm tệ: Tội ác chống Campuchia của giới lãnh đạo Trung Quốc (The Chinese Rulers’ Crimes against Kampuchea). Vậy mà, gần đây, trước sự ve vãn và mua chuộc của Trung Quốc, Hun Sen đã thay đổi hẳn thái độ: Ông và chính phủ của ông sẵn sàng bỏ rơi Việt Nam để ngả theo Trung Quốc, đóng vai một con cờ chính của Trung Quốc trong âm mưu phân hóa khối ASEAN và vô hiệu hóa nỗ lực của Việt Nam dùng khối ASEAN để giảm thiểu áp lực từ Trung Quốc. Tất cả những sự thay đổi ấy đều không liên quan gì đến ý thức hệ cả. Mà chỉ xuất phát từ quyền lợi.
Những chuyện như vậy, hầu như bất cứ người nào tỉnh táo và có suy nghĩ độc lập đều nhận ra.
Nhưng cái gì sẽ thay thế yếu tố ý thức hệ trong các quan hệ chính trị thế giới? Dĩ nhiên vẫn là kinh tế. Lý do liên kết cũng như phân hóa trong quan hệ giữa nước này và nước khác, nghĩ cho cùng, vẫn là do các quyền lợi kinh tế. Bàn cờ chính trị thế giới đang thay đổi và sẽ càng ngày càng thay đổi chủ yếu xuất phát từ sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Trung Quốc âm mưu xâm chiến các vùng biển ở phía nam cũng như phía đông nước họ chủ yếu cũng là để bảo đảm các con đường hàng hải phục vụ cho nền kinh tế nước họ. Các nước khác trong khu vực cương quyết chống lại âm mưu xâm lấn ấy cũng là để bảo vệ quyền lợi kinh tế của họ (bên cạnh vấn đề ý thức dân tộc).
Nhưng kinh tế lại gắn liền với địa lý, do đó, chính trị cũng càng ngày càng gắn liền với địa lý, từ đó, hình thành khái niệm địa-chính trị (geopolitics) để chỉ mối quan hệ tương tác giữa các quyền lợi và chính sách quốc gia, giữa từng quốc gia và khu vực cũng như giữa khu vực và toàn cầu.
Từ góc nhìn địa-chính trị, không có quốc gia nào thực sự cô lập và có khả năng phát triển một cách cô lập. Mỗi quốc gia đều chịu sự tương tác với các quốc gia khác. Colin S. Gray, giáo sư về quan hệ quốc tế và nghiên cứu chiến lược của Mỹ, cho mọi sinh hoạt chính trị, tự bản chất, đều là địa-chính trị vì chính trị nào cũng đều diễn ra trong một bối cảnh địa lý nhất định.
Lâu nay, chúng ta vẫn có thói quen nhìn và giải thích chiến tranh Việt Nam thời 1954-75 từ góc độ tinh thần dân tộc (thống nhất đất nước) và ý thức hệ (phát triển chủ nghĩa xã hội trong cả nước). Thật ra, nguyên nhân chính dẫn đến cuộc chiến tranh ấy, cũng như chiến tranh giữa Việt Nam và Campuchia và Việt Nam và Trung Quốc chính là yếu tố địa-chính trị. Không phải ngẫu nhiên Mỹ chọn miền Nam Việt Nam làm một tiền đồn trong trận tuyến chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản (xin nhớ đến thuyết domino phổ biến thời ấy). Cũng không phải ngẫu nhiên mà, trong thời kỳ đầu của chiến tranh, không phải Liên Xô mà chính Trung Quốc mới là nước giúp đỡ miền Bắc nhiều nhất: Họ cần miền Bắc làm tấm đệm che chắn biên giới của họ. Càng không phải ngẫu nhiên, sau đó, đặc biệt sau 1975, Liên Xô lại tích cực giúp đỡ Việt Nam: Họ cần bao vây Trung Quốc, đối thủ chính của họ.
Những gì xảy ra trong quá khứ càng sẽ lặp lại trong hiện tại bởi, do xu hướng toàn cầu hóa, vai trò của địa-chính trị càng nổi bật. Chính trị Việt Nam sẽ không phải và thực chất không thể chỉ được quyết định bởi người Việt Nam. Việt Nam chỉ là một khâu trên bàn cờ chính trị rộng lớn của thế giới, ở đó, nó có hai chức năng chính: một là tồn tại một cách độc lập; và hai là đóng vai làm quân bình cán cân quyền lực trên thế giới. Không phải lúc nào hai chức năng ấy cũng song hành với nhau. Chỉ cần một chút vụng về hay yếu đuối của giới lãnh đạo, chức năng thứ hai có thể sẽ lấn át hoàn toàn chức năng thứ nhất: trong trường hợp ấy, Việt Nam chỉ còn là một con cờ thí của người khác. Tuy nhiên, không thể nhân danh chức năng thứ nhất để hư vô hóa chức năng thứ hai: Khi thế giới đã là một mạng lưới, không ai có thể thoát khỏi ảnh hưởng của sự tương tác, đặc biệt từ các cường quốc. Ở đây, vấn đề là sự quân bình. Để đạt được sự quân bình ấy, cần hết sức khôn ngoan.
Ý niệm địa chính trị khá phức tạp. Một dịp khác, chúng ta sẽ phân tích tiếp. Ở đây, chỉ xin nhấn mạnh một điểm: Một suy nghĩ mang tính chiến lược cho tương lai Việt Nam không thể không lưu ý đến sự tương tác giữa Việt Nam và các nước trong khu vực cũng như của nền chính trị toàn cầu.
Source : VOA
Cho đến gần đây – và cả hiện nay nữa, với rất đông người, kể cả giới lãnh đạo trong nước – yếu tố chủ đạo trong cách tư duy về chính trị vẫn là ý thức hệ. Người ta phân vùng thế giới theo những khác biệt về ý thức hệ. Người ta phân biệt bạn thù cũng theo ý thức hệ. Trong cái gọi là ý thức hệ ấy, hai luồng chính là chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Sau khi chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Nga và Đông Âu, giới cầm quyền Việt Nam cố níu kéo nó, dù không còn tự tin như trước nữa. Có điều, cách suy nghĩ cũ vẫn còn rất đậm nét trong đầu óc họ. Bất chấp Trung Quốc đối xử với họ thế nào, họ vẫn thấy gần gũi với Trung Quốc hơn hẳn các nước khác. Lý do: cả hai đều theo chủ nghĩa xã hội.
Nhưng đó chỉ là một quan niệm đã lỗi thời. Mở đầu cuốn Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism, xuất bản lần thứ nhất vào năm 1983, Benedict Anderson đã chỉ ra điều đó: Cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Campuchia vào năm 1978 và giữa Việt Nam và Trung Quốc vào đầu năm 1979 là hai cuộc chiến tranh lớn đầu tiên giữa các quốc gia xã hội chủ nghĩa trên thế giới (không kể các cuộc chiến tranh can thiệp vào nội bộ của nhau ở Đông Âu trước đó). Hai cuộc chiến tranh này cho thấy, trong quan hệ quốc tế, ý thức hệ, ngay cả những ý thức hệ được huyền thoại hóa, thậm chí, tôn giáo hóa, như chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, không quan trọng bằng ý thức dân tộc và quyền lợi quốc gia.
Bài học năm 1978 và 1979, một lần nữa, lại lặp lại trong những năm gần đây. Là hai trong năm quốc gia cuối cùng còn theo chủ nghĩa xã hội, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, bất chấp những lời lẽ ngụy biện vụng về của Việt Nam, vẫn là một thứ quan hệ tranh chấp gay gắt. Trung Quốc không ngừng gây hấn và uy hiếp, thậm chí, đã thực sự xâm lược vùng biển của Việt Nam. Campuchia cũng vậy. Trên nguyên tắc, Campuchia không còn là quốc gia xã hội chủ nghĩa, nhưng đảng do Hun Sen lãnh đạo và cũng là đảng đang cầm quyền hiện nay, Đảng Nhân Dân Campuchia, vốn là hậu thân của đảng cộng sản. Bản thân Hun Sen cũng là một người cộng sản, hơn nữa, lại là người được Việt Nam đưa lên nắm quyền. Năm 1984, khi còn là bộ trưởng ngoại giao, Hun Sen đã cho xuất bản cuốn sách lên án Trung Quốc thậm tệ: Tội ác chống Campuchia của giới lãnh đạo Trung Quốc (The Chinese Rulers’ Crimes against Kampuchea). Vậy mà, gần đây, trước sự ve vãn và mua chuộc của Trung Quốc, Hun Sen đã thay đổi hẳn thái độ: Ông và chính phủ của ông sẵn sàng bỏ rơi Việt Nam để ngả theo Trung Quốc, đóng vai một con cờ chính của Trung Quốc trong âm mưu phân hóa khối ASEAN và vô hiệu hóa nỗ lực của Việt Nam dùng khối ASEAN để giảm thiểu áp lực từ Trung Quốc. Tất cả những sự thay đổi ấy đều không liên quan gì đến ý thức hệ cả. Mà chỉ xuất phát từ quyền lợi.
Những chuyện như vậy, hầu như bất cứ người nào tỉnh táo và có suy nghĩ độc lập đều nhận ra.
Nhưng cái gì sẽ thay thế yếu tố ý thức hệ trong các quan hệ chính trị thế giới? Dĩ nhiên vẫn là kinh tế. Lý do liên kết cũng như phân hóa trong quan hệ giữa nước này và nước khác, nghĩ cho cùng, vẫn là do các quyền lợi kinh tế. Bàn cờ chính trị thế giới đang thay đổi và sẽ càng ngày càng thay đổi chủ yếu xuất phát từ sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Trung Quốc âm mưu xâm chiến các vùng biển ở phía nam cũng như phía đông nước họ chủ yếu cũng là để bảo đảm các con đường hàng hải phục vụ cho nền kinh tế nước họ. Các nước khác trong khu vực cương quyết chống lại âm mưu xâm lấn ấy cũng là để bảo vệ quyền lợi kinh tế của họ (bên cạnh vấn đề ý thức dân tộc).
Nhưng kinh tế lại gắn liền với địa lý, do đó, chính trị cũng càng ngày càng gắn liền với địa lý, từ đó, hình thành khái niệm địa-chính trị (geopolitics) để chỉ mối quan hệ tương tác giữa các quyền lợi và chính sách quốc gia, giữa từng quốc gia và khu vực cũng như giữa khu vực và toàn cầu.
Từ góc nhìn địa-chính trị, không có quốc gia nào thực sự cô lập và có khả năng phát triển một cách cô lập. Mỗi quốc gia đều chịu sự tương tác với các quốc gia khác. Colin S. Gray, giáo sư về quan hệ quốc tế và nghiên cứu chiến lược của Mỹ, cho mọi sinh hoạt chính trị, tự bản chất, đều là địa-chính trị vì chính trị nào cũng đều diễn ra trong một bối cảnh địa lý nhất định.
Lâu nay, chúng ta vẫn có thói quen nhìn và giải thích chiến tranh Việt Nam thời 1954-75 từ góc độ tinh thần dân tộc (thống nhất đất nước) và ý thức hệ (phát triển chủ nghĩa xã hội trong cả nước). Thật ra, nguyên nhân chính dẫn đến cuộc chiến tranh ấy, cũng như chiến tranh giữa Việt Nam và Campuchia và Việt Nam và Trung Quốc chính là yếu tố địa-chính trị. Không phải ngẫu nhiên Mỹ chọn miền Nam Việt Nam làm một tiền đồn trong trận tuyến chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản (xin nhớ đến thuyết domino phổ biến thời ấy). Cũng không phải ngẫu nhiên mà, trong thời kỳ đầu của chiến tranh, không phải Liên Xô mà chính Trung Quốc mới là nước giúp đỡ miền Bắc nhiều nhất: Họ cần miền Bắc làm tấm đệm che chắn biên giới của họ. Càng không phải ngẫu nhiên, sau đó, đặc biệt sau 1975, Liên Xô lại tích cực giúp đỡ Việt Nam: Họ cần bao vây Trung Quốc, đối thủ chính của họ.
Những gì xảy ra trong quá khứ càng sẽ lặp lại trong hiện tại bởi, do xu hướng toàn cầu hóa, vai trò của địa-chính trị càng nổi bật. Chính trị Việt Nam sẽ không phải và thực chất không thể chỉ được quyết định bởi người Việt Nam. Việt Nam chỉ là một khâu trên bàn cờ chính trị rộng lớn của thế giới, ở đó, nó có hai chức năng chính: một là tồn tại một cách độc lập; và hai là đóng vai làm quân bình cán cân quyền lực trên thế giới. Không phải lúc nào hai chức năng ấy cũng song hành với nhau. Chỉ cần một chút vụng về hay yếu đuối của giới lãnh đạo, chức năng thứ hai có thể sẽ lấn át hoàn toàn chức năng thứ nhất: trong trường hợp ấy, Việt Nam chỉ còn là một con cờ thí của người khác. Tuy nhiên, không thể nhân danh chức năng thứ nhất để hư vô hóa chức năng thứ hai: Khi thế giới đã là một mạng lưới, không ai có thể thoát khỏi ảnh hưởng của sự tương tác, đặc biệt từ các cường quốc. Ở đây, vấn đề là sự quân bình. Để đạt được sự quân bình ấy, cần hết sức khôn ngoan.
Ý niệm địa chính trị khá phức tạp. Một dịp khác, chúng ta sẽ phân tích tiếp. Ở đây, chỉ xin nhấn mạnh một điểm: Một suy nghĩ mang tính chiến lược cho tương lai Việt Nam không thể không lưu ý đến sự tương tác giữa Việt Nam và các nước trong khu vực cũng như của nền chính trị toàn cầu.
Source : VOA