10/4/13

TÂM THỨC

 

                    Trần Hồ Dũng.

                  Tặng một tri âm
 


Chỉ cần một nụ cười

Tâm ta  sen hồng   nở

Chỉ cần một ánh nhìn

Lòng ta tràn ánh sáng

Nụ cười em vừa tắt

Tâm ta , cánh hoa khô

Em quay mặt bước đi

Lòng ta đầy bóng tối

Bàn chân em ngây thơ

Bước qua đời rất nhẹ

Sao hồn  ta già cỗi

Hóa sa mạc ưu phiền

Tâm, khát một nụ cười

Hồn , bóng đêm chờ sáng

Ta bước vào cơn mê

Nghe đời trôi rất lạ


Em là ta ngày trước

Ta là em ngày sau

Ta và em là một :

Nở chung đóa vô thường
 
trần hồ dũng. sài gòn. những tháng năm xưa

                     
 
                                    

Nhà nước Chí Phèo



10.04.2013

bởi Nguyễn Hưng Quốc


Nhóm hacker Anonymous đăng hình biếm họa nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.

Nhóm hacker Anonymous đăng hình biếm họa
nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.
 

Tình hình chính trị giữa Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên trong mấy tuần vừa qua có cái gì thật lạ lùng. Nó có khả năng gây nên một thảm kịch nhưng lại có vẻ như một hài kịch. Nó khiến người ta vừa lo sợ vừa thấy buồn cười. Chính quyền của cả Mỹ lẫn Nam Triều Tiên cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực vừa ráo riết chuẩn bị đối phó một cách rất tốn kém lại vừa âm thầm cho là sẽ không có chuyện gì quan trọng xảy ra cả.

Dường như trong lịch sử hiếm có hiện tượng nào quái đản đến vậy. Chính quyền Bắc Triều Tiên tuyên bố đặt nước họ trong “tình trạng chiến tranh”, đe dọa tấn công bằng vũ khí hạt nhân vào cả Nam Triều Tiên lẫn Mỹ, gửi thư yêu cầu các tòa đại sứ cũng như tất cả các nhân viên Liên Hiệp Quốc và người ngoại quốc nói chung nên về nước để tránh tai họa, cấm nhân công Nam Triều Tiên sang làm việc ở khu kỹ nghệ Kaesong - nơi có 124 công ty do người Nam Triều Tiên làm chủ - nằm trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên, tung tin là họ đã di chuyển các hỏa tiễn đến nơi này nơi nọ để chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn, và kêu gọi nhân dân nước họ sẵn sàng cho một trận thư hùng một mất một còn với đế quốc Mỹ và các anh em của họ ở biên giới phía Nam. Mấy chục năm nay, quan hệ giữa Nam và Bắc Triều Tiên trải qua khá nhiều căng thẳng, tuy nhiên, hiếm có lúc nào giới cầm quyền Bắc Triều Tiên lại sử dụng thứ ngôn ngữ mạnh bạo đến như vậy. Nghe, dễ ngỡ như chiến tranh sắp bùng nổ gần như ngay tức khắc.

Mỹ, một mặt, phản ứng khá quyết liệt: tăng cường máy bay ném bom đến Nam Triều Tiên, điều tàu chiến đến bán đảo Triều Tiên, nâng cao hệ thống phòng thủ chống tên lửa không những ở các căn cứ quân sự đóng tại Nam Triều Tiên mà còn cả ở Guam, cách Bắc Triều Tiên hơn 3000 cây số. Một số người, phần lớn là các cựu quan chức, lên tiếng cảnh cáo Bắc Triều Tiên: Việc họ tấn công Mỹ không khác gì một hành động tự sát! Nhưng mặt khác, thái độ của các giới chức đương quyền cũng như ngay của báo giới thì có vẻ như chả có gì ghê gớm sắp xảy ra cả. Phía Nam Triều Tiên cũng vậy. Tổng thống Park Geun-hye tuyên bố cứng rắn: Bà đã ra lệnh cho quân đội Nam Triều Tiên đáp trả mạnh mẽ bất cứ hành động khiêu khích nào của Bắc Triều Tiên; tuy nhiên, quân đội Nam Triều Tiên vẫn bình tĩnh, dường như không có một cuộc tái bố trí ào ạt nào để chuẩn bị cho chiến tranh.

Tại sao?

Robert E. Kelly, trong một bài báo đăng trên The Diplomat ngày 10 tháng Tư năm 2013, ví Bắc Triều Tiên như một thằng bé bị bệnh hoang tưởng, lúc nào cũng tưởng sắp bị chó sói ăn thịt (the boy who cried wolf). Với người Việt Nam, có thể xem Bắc Triều Tiên như một gã Chí Phèo trên sân khấu chính trị thế giới.

Nhớ, trong truyện Chí Phèo, Nam Cao phác họa nhân vật Chí Phèo như một tên vô lại, tối ngày say sưa, chỉ làm được một việc duy nhất là chửi khống và ăn vạ. Về tài chửi của hắn, Nam Cao tả:“Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời. Có hề gì ? Trời có của riêng nhà nào ? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Ðại. Nhưng cả làng Vũ Ðại ai cũng nhủ, "Chắc nó trừ mình ra!" Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Ðã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này ? A ha! Phải đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo.”

Chí Phèo hận Bá Kiến, kẻ làm cho hắn bị bắt và bị ở tù mấy năm, nhưng hắn chẳng dám làm gì Bá Kiến cả. Hắn chỉ biết đập chai rượu rồi cào vào mặt cho máu me chảy ra bê bết rồi nằm lăn ra đường, thoạt đầu, giãy đành đạch rồi sau giả vờ nằm im, thở phều phào như sắp chết. Cuối cùng, Bá Kiến chỉ dỗ dành vài ba tiếng, hắn lại vui vẻ làm tay sai cho Bá Kiến. Bá Kiến cần đòi nợ ai ư? Thì hắn lại tu mấy hớp rượu vào lấy can đảm rồi đến nhà người ấy nằm lăn ra ăn vạ. Cứ như thế. Cho đến lúc chết.

Thái độ của giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên từ nhiều thập niên gần đây không có gì khác Chí Phèo cả. Khi nào dân chúng đói quá hoặc khi có nguy cơ phản kháng trong nội bộ, họ lại đem súng đạn ra dọa. Mỹ, Nam Triều Tiên và quốc tế, để cho yên chuyện, lại rót cho họ ít tiền hoặc ít lương thực, họ lại yên. Cứ thế. Hết lần này đến lần khác.

Lần này, Nam Triều Tiên, Mỹ cũng như quốc tế đã quá chán ngán nên không ai dỗ dành và hứa hẹn gì cả. Người ta mặc kệ. Mặc dù Bắc Triều Tiên đe dọa bắn tên lửa có đầu đạn hạt nhân đến tận nội địa nước Mỹ (chủ yếu là vùng California), Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn im lặng. Các phóng viên báo chí nằng nặc hỏi, ông vẫn im lặng.

Tại sao?

Thứ nhất, không ai tin Bắc Triều Tiên có thể tấn công Mỹ. Bắc Triều Tiên có cả tên lửa lẫn bom nguyên tử. Nhưng họ lại chưa đủ kỹ thuật để chế tạo tên lửa liên lục địa có khả năng chở đầu đạn hạt nhân bắn đến tận nước Mỹ.

Thứ hai, dù ai cũng biết giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên có chút máu khùng, nhưng không ai tin là họ lại khùng đến độ nhảy vào một cuộc chiến tranh mà chính họ cũng biết là họ không thể thắng, hơn nữa, còn bị hủy diệt. Mấy quả bom nguyên tử của Bắc Triều Tiên có thể giết chết cả mấy trăm ngàn, thậm chí, hàng triệu người dân Nam Triều Tiên, nhưng cuối cùng, chắc chắn là họ sẽ bị xóa sạch. Bởi tương quan lực lượng giữa hai miền cách nhau quá lớn. Bắc Triều Tiên chỉ có hai thế mạnh: một là ở quân số (khoảng trên sáu triệu người, nếu tính cả quân dự bị) và hai là vũ khí hạt nhân. Nhưng thế mạnh thứ hai chủ yếu là để dọa chứ không phải để sử dụng. Sử dụng, chỉ có nghĩa là tự mình tiêu diệt mình. Còn lực lượng bộ binh của Bắc Triều Tiên, tuy đông, nhưng lại được trang bị vũ khí rất kém, lại ít luyện tập, nên, từ góc độ chiến tranh hiện đại, chúng rất vô nghĩa. Càng đông càng dễ bị giết nhiều. Vậy thôi. Ngoài thế mạnh tương đối ấy, mọi mặt còn lại, Bắc Triều Tiên đều rất yếu. Yếu về kinh tế. Yếu về đồng minh: Họ chỉ có một đồng minh duy nhất: Trung Quốc; nhưng Trung Quốc càng ngày càng nhìn họ như một gánh nặng, thậm chí là một tai họa, nên chắc chắn cũng sẽ không thể giúp đỡ được gì họ như vào những năm 1950-53.

Điều hầu hết giới bình luận chính trị quốc tế đồng ý là Bắc Triều Tiên chỉ lên gân dọa dẫm với hai mục tiêu chính: Một, dùng chiến tranh để vận động quần chúng tập hợp chung quanh Kim Chính Ân, nói theo chữ của Robert E. Kelly, một “thằng bé bị bệnh hoang tưởng” (the boy cried wolf). Và hai, để mè nheo với thế giới, đặc biệt, với Mỹ để, thứ nhất, có ít tiền viện trợ; và thứ hai, được hợp thức hóa kho nguyên tử của mình.

Người ta tin là không ai thực sự muốn chiến tranh. Bắc Triều Tiên có thể muốn nhưng vì biết chắc chắn không thể thắng nên sẽ không dám. Nam Triều Tiên thì vừa không muốn chiến tranh lại vừa không muốn thắng. Không muốn chiến tranh? Rất dễ hiểu. Nhưng còn không muốn thắng? Đó là sự thật. Một nước Triều Tiên thống nhất, như sự thống nhất giữa Đông Đức và Tây Đức vào tháng 10 năm 1990 sẽ là một gánh nặng đầy tai họa về mọi phương diện, từ kinh tế đến xã hội và chính trị, cho Nam Triều Tiên. Mỹ và cả Trung Quốc nữa cũng đều không muốn chiến tranh và cũng không muốn ai thắng ai trong cuộc chiến tranh giữa Nam và Bắc Triều Tiên: Trung Quốc cần Bắc Triều Tiên làm vùng trái độn để bảo vệ biên giới nước họ và họ cũng không muốn Bắc Triều Tiên chiếm hẳn Nam Triều Tiên để trở thành mạnh mẽ đủ để thoát ra khỏi sự kiềm tỏa của họ. Mỹ cần sự tồn tại của cả hai nước Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên để có lý do đóng quân ở Nam Triều Tiên hầu kiềm chế Trung Quốc.

Không ai muốn chiến tranh xảy ra, tuy nhiên, ai cũng thấy cách hành xử của Bắc Triều Tiên trong mấy tuần qua là một trò chơi nguy hiểm. Giống như đùa với lửa. Thoạt đầu, đùa. Sau, cháy nhà thật.

Ở đây, có hai nguy cơ chính.

Thứ nhất, sau khi đã ăn nói hung hăng như những anh hùng sẵn sàng xả thân “diệt Mỹ cứu nước” với dân chúng suốt mấy tuần lễ vừa qua, giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên không thể lẳng lặng xếp trống xếp dùi. Một việc làm như thế sẽ khiến dân chúng chưng hửng, cụt hứng, từ đó, thất vọng, bất mãn, làm mất uy tín và ảnh hưởng của nhà lãnh đạo mới và trẻ như Kim Chính Ân. Bởi vậy, người ta tiên đoán thế nào Bắc Triều Tiên cũng làm một cái gì đó.

“Cái gì đó” sẽ dẫn đến nguy cơ thứ hai: từ xung đột nhỏ sẽ bùng nổ thành xung đột lớn. Ví dụ, Bắc Triều Tiên sẽ lại mở một cuộc tấn công nhỏ nhắm vào Nam Triều Tiên, giết chết vài chục lính hoặc dân Nam Triều Tiên, như năm 2010. Lần ấy, Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak quyết định tự kiềm chế tối đa trước cả ba lần khiêu khích của Bắc Triều Tiên (vào ngày 26/3 khi một chiếc tàu Nam Triều Tiên bị thủy lôi Bắc Triều Tiên đánh chìm khiến gần 50 thủy thủ bị chết; ngày 29/10 khi hai bên giao tranh nhỏ với nhau ở biên giới; và ngày 23/11 khi Bắc Triều Tiên phóng tên lửa vào một hải đảo nhỏ thuộc Nam Triều Tiên). Nhưng sau lần ấy, Tổng thống Lee Myung-bak lại bị dân chúng chê là yếu đuối. Lần này, Tổng thống Park Geun-hye không có lựa chọn nào khác ngoài sự cứng rắn. Lý do là bà mới thắng cử và mới lên làm Tổng thống, bà cần một hình ảnh của một lãnh tụ cương quyết và quả cảm, dám đương đầu với thử thách. Bởi vậy, bà nhất định sẽ có phản ứng. Người ta hy vọng đó là những phản ứng vừa đủ.

Nhưng vấn đề là: Thế nào là vừa đủ? Ranh giới giữa cái gọi là đủ và không đủ rất mong manh. Chiến tranh lớn có thể bùng nổ từ sợi chỉ mong manh ấy.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc /VOA

Lẩy Kiều, những tuyệt cú



09.04.2013
 
bởi Bùi Tín

Tác phẩm Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm.
 Truyện Kiều

 

Truyện Kiều được truyền miệng trong nhân dân vì có chứa nhiều hoàn cảnh, nhiều nhân tình thế thái phong phú khác nhau, để có thể so sánh, ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày của mỗi gia đình, mỗi thân phận con người. Nhân dân ta thuộc lòng Truyện Kiều, nhiều người có thể trích ra nhiều câu làm châm ngôn, nguyên tắc, quy luật, thể nghiệm của cuộc sống. Có không ít người nghiện việc «lẩy Kiều» như thế.

Gần đây tôi rất ưa 2 câu «lẩy Kiều»

Ma đưa lối quỷ đem đường,
lại tìm những chốn đoạn trường mà đi

Hai câu này nói lên tình trạng của 14 ông «vua tập thể» trong Bộ Chính trị cứ một mực bắt nhân dân phải theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lê nin đã phá sản rõ rệt, trong khi chủ nghĩa Cộng sản, chủ nghĩa xã hội đã bị hầu như toàn thế giới lên án đã phạm tội ác chống nhân loại.

Mới đây ở trong nước đã xuất hiện một bài thơ dài với đầu đề «Liên khúc Hội nghị Trung ương», viết theo lối Kiều lẩy, nhưng rộng hơn, kết hợp cà ca dao với Truyện Kiều cùng Chinh Phụ Ngâm Cung Oán Ngâm Khúc để «lẩy» một cách hài hước, hóm hỉnh về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hay «Trọng Lú», theo cách gọi của dân chúng.

Bài thơ này nói về ý đồ của ông Nguyễn Phú Trọng muốn lập thành tích đối ngoại thật nổi trong chuyến đi Cuba và Brazil hồi tháng 4 năm ngoái để trở về giành thắng lợi đối nội trong Hội nghị Trung ương. Chẳng ngờ cuộc trình diễn ở Cuba bẽ bàng, chuyến đi thăm Brazil bị hủy bỏ vào phút chót, và Hội nghị Trung ương tại Hà Nội ngay sau đó biến thành trò cười cho thiên hạ. Bài thơ mở đầu:

Con kiến mà leo cành đa
Leo phải cành cụt leo ra leo vào
Con kiến mà leo cành đào
Leo phải cành cụt leo vào leo ra

Rồi liều leo tận Cu Ba,
Giảng dăm ba chữ, đồng ra đồng vào
Mác cùn, Lê gãy, chẳng sao!
Phi Đen nghe hết, thở phào, bắt tay,
Rằng hay thì thật là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!
Đâu có phải chuyện tầm phào,
Bài ra thế ấy, vịnh vào thế kia
Cứ trong thực tế mà suy
Lý luận hổ lốn, chẳng ghi được gì.
Thôi thì thôi, cũng chiều lòng,
Cũng cho khỏi lụy trong vòng bước ra
Bảo Ra-un lấy xì gà,
Thay tiền nhuận bút làm quà cho dzui…

Nghĩ đời mà ngán cho đời,
Đa đoan chi lắm cho trời đất ghen
Tiếc thay nước đã đánh phèn
Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần
Bradin bà Tổng ngại ngần
Đã xoay đến thế còn vần chưa tha
Lỡ từ lạc bước bước ra
Cái thân liệu những từ nhà liệu đi
Rằng sao chẳng ý tứ gì ?
Cho tao mất mặt tội thì tại ngươi
May mà có chuyến khứ hồi,
Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma
Phải rằng nắng quáng đèn lòa
Buôn xa một chuyến hóa ra bẽ bàng
Ngỡ rằng Hội nghị Trung ương
Có vốn, có liếng, coi thường được a?

Và sau đây là Hội nghị Trung ương :

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ Sang, chữ Dũng vốn là ghét nhau,
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Lạ gì lợi, ích, riêng, công
Tự phê sao được, phải xông vào đòi,
Mặc cho ông Tổng đôi hồi
Diễn văn, diễn võ, đứng ngồi không yên

Thế rồi :
Mười lăm buổi Trung ương nhóm họp
Đít thì ngồi, trí để đâu đâu
Đường nước bước, sao cho êm ả
Đảng có còn mình mới có ăn
Giấu mình, liều thuốc vạn năng
Hăng lên, cửa nát nhà văng tức thì.
Cứ lắc, gật sao cho đúng phép
Ghế vẫn còn, phép nước tính sau
Trọng, Hùng như Rứa chẳng mau thì chầy!

Về nhân dân thì :

Cuộc thành bại hầu cằn mái tóc,
Lớp cùng thông như thốc buồng gan
Bệnh trần đòi đoạn tân toan
Lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da
Gót danh lợi bùn pha chất xám
Mặt phong trần nắng rám mùi dâu
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến Mê

Nền lý luận nhện giăng cửa mốc
Sách Mác- Lê gián nhấm canh dài
Đất bằng bỗng rắc chông gai
Ai đem nhân ảnh nhuốm mùi tà dương

Mồi phú quý dử làng thoái hóa
Bả vinh hoa lừa gã gian manh
Giấc Nam kha khéo bất bình
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không!

Xanh kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Trọng, Sang, Hùng, Dũng ai sầu hơn ai?

Vài câu kết luận :

Quyền họa phúc chúng tranh mất cả
Chút tiện nghi chẳng trả phần ai!
Cái quay búng sẵn trên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm
Mùi tục lụy đường kia cay đắng
Vui chi mà đeo đẳng cơ duyên
Cái gương nhân sự chiền chiền
Chở thuyền dân đẩy, lật thuyền cũng dân

Thế là mất sạch lòng dân
Bởi chưng kết quả về dần số không
Đa mang chi nữa đèo bòng
Vui gì thế sự mà mong nhân tình!
Thôi thôi ngoảnh mặt làm thinh
Thử xem con tạo gieo mình nơi nao.

«Lẩy Kiều», «lẩy Chinh Phụ Ngâm» và «lẩy Cung Oán Ngâm Khúc» như trên thật là tuyệt. Xin trích rộng rãi để các bạn thưởng thức kẻo phí của giời.

Chỉ đáng tiếc là 2 câu cuối có vẻ bi quan buông xuôi, không sát với tình hình hiện tại, khi ngày càng có nhiều trí thức, luật sư, nhà báo, sinh viên và thanh niên, cũng như nông dân, nhà kinh doanh vừa và nhỏ, tín đồ các tôn giáo … không thể ngoảnh mặt làm thinh, mà dấn thân theo nhiều cách, xuống đường, ký kiến nghị, tuyên bố, tuyên ngôn hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn người nối tiếp.

Bài thơ theo lối «lẩy Kiều» truyền thống kết hợp với ca dao do một hay nhiều tác giả khuyết danh đưa lên mạng này vẫn giữ nguyên giá trị phản ánh một tình hình thời sự đầy kịch tính, có tính chất trào lộng cười ra nước mắt, khi đất nước phải nằm trong tay những tên trọc phú Cộng sản túi càng căng phồng đô la bao nhiêu thì trí tuệ và tâm huyết càng teo lại bấy nhiêu, trước con mặt khinh thị tinh tường của người dân.

B.T.

( source : VOA)

8/4/13

Dòng sông biệt ly




Dòng sông biệt ly


                                    Tặng CT

Dòng sông  rồi cũng  biệt ly

Bến xưa nằm   lại ,  nói gì với tôi

Sông kia    dẫu    đã quên lời

Bờ kia  còn đợi đón đời tôi   qua 

Có gì đâu , một sát- na !

Nước từng soi bóng  tôi và bóng  trăng 

tranhodung. washington  08.04.2013 

                                                              

7/4/13

giang hồ



    THD
giang hồ

Cứ tưởng ra đi ... rồi trở lại 

Quê hương đâu dễ ...chẳng quay về

Cứ tưởng giang hồ dăm bảy bữa 

Hay vài ba tháng, đủ rong chơi

giang hồ - đi  nửa vòng quả đất

Ngó trời xứ lạ, ngắm tuyết rơi

Khi nào thỏa chí ta về lại 

Uống nước sông quê, tắm mưa nguồn

Rau đắng sau hè, ta cứ hái 

Dưa muối  bao đời, đâu dễ quên 

Rượu quê sẵn đó, bao bè bạn 

Mặc sức mà say, thỏa thích cười 

Nào ngờ, năm tháng trôi vun vút  

Biết đến bao giờ  về cố hương ?    

Đường về sao thấy xa thăm thẳm

Mắt mỏi mòn trông , tóc bạc dồn

Mẹ tóc phơ phơ còn đứng đợi  

Bạn bè dăm đứa  bặt tăm hơi

Gió ở bên trời hiu hắt lắm 

Đâu bằng gió lạnh buốt lòng tôi

Chí lớn  vo chưa tròn một nắm

Quăng vào trời tuyết  buốt hư không !

Đành  đưa tay vẫy chào sông núi 

Làm sao kim chỉ vá non sông 

Tuyết lạnh ,trời cao , ly rượu đắng

Mềm môi tê tái  mộng sông hồ

Giữa trời xứ lạ giơ tay  vẫy 

Người ơi chờ nhé, đợi ta về !

tranhodung. washington.usa. .2012-2013

  

      

6/4/13

Chỉ dấu của lòng nhân đạo, hòa giải?

Cập nhật: 13:56 GMT - thứ bảy, 6 tháng 4, 2013
 
 
Nghĩa trang quân đội Biên Hòa cũ
 
Nghĩa trang quân đội Biên Hòa cũ, một trong các dấu tích lịch sử cuộc chiến VN
 
 
Tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn có đến thăm và thắp hương tại đài tưởng niệm bằng đá đen mới được dựng lên trong Nghĩa trang Quân đội Biên Hoà cũ, nơi chôn cất 16 nghìn binh lính Việt Nam Cộng hoà từ binh nhì đến cấp tướng đã tử trận trong cuộc chiến Nam Bắc vào thế kỷ trước.
Đây là lần đầu tiên một quan chức cộng sản Việt Nam bày tỏ nghĩa cử tưởng nhớ đối với tử sĩ Việt Nam Cộng hoà, những chiến binh của phía thua cuộc.
Gần 40 năm đã qua từ ngày chiến tranh chấm dứt với chiến thắng thuộc về phía miền Bắc và đã đem đến biết bao tù ngục, cay đắng, cùng chính sách kỳ thị lý lịch đối với cựu quân cán chính quyền miền Nam mà hệ lụy còn kéo dài đến nay, như thế tại sao lúc này lãnh đạo Hà Nội lại có hành động tưởng niệm những tử sĩ thuộc về phe thua trận? Đây là vấn đề nhân đạo, hòa giải hay chính trị?
Cùng đi thăm nghĩa trang với Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn có ông Nguyễn Đạc Thành, nguyên thiếu tá Quân lực Việt Nam Cộng hoà, cựu tù cải tạo và hiện là chủ tịch hội Vietnamese American Foundation (VAF).
Sau chuyến viếng thăm của quan chức Hà Nội, ông Thành lại tháp tùng phái đoàn của Tổng lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn là ông Lê Thành Ân đến nghĩa trang thắp hương tưởng niệm.
Hai sự kiện này đang gây xôn xao dư luận hải ngoại với những nhận định, phê phán cùng tìm hiểu về mục đích, chủ trương đối với một địa danh mang tính lịch sử của miền Nam và về chính sách hòa giải của nhà nước Việt Nam.
Chuyến thăm viếng trên cho thấy lãnh đạo Hà Nội một lần nữa muốn chứng tỏ với người Việt hải ngoại về chính sách hòa giải được ban hành từ năm 2004 bằng Nghị quyết 36. Nhưng tiến trình đi đến hòa giải đã tiến hành rất chậm.
Từ năm 2004, cùng lúc với Nghị quyết 36 được ban hành, vấn đề Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa đã được một số người Việt đặt ra với ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Phó trưởng Ban văn hoá tư tưởng, trong một dịp ông đến vùng Vịnh San Francisco. Khi nghe được những quan tâm này, ông Bình cho biết lãnh đạo đang bàn đến việc dân sự hoá nghĩa trang.
Cuối năm 2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định chuyển việc quản lý khu đất nghĩa trang từ quân đội sang dân sự.
Trước sự việc này, từ hải ngoại đã có những quan ngại cho tương lai nghĩa trang sẽ không còn thuần túy là nơi an nghỉ của chiến binh Việt Nam Cộng hòa mà sẽ cho phép chôn cất cả dân trong đó để dần sẽ mất đi tính lịch sử của nó.
Điều 7 của Quyết định: “Yêu cầu các Bộ liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương khẩn trương và phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện nội dung của Quyết định này. Báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 7 năm 2007”.

'Khó khăn hơn trước'

"Tuy nhiên việc thăm viếng lại có phần khó khăn hơn trước. Tin riêng từ quê nhà vào đầu năm nay cho biết muốn thăm nghĩa trang phải xác định danh tính tử sĩ thì mới được phép vào"
Có dư luận lo ngại nghĩa trang có thể bị giải tỏa cho mục đích kinh tế vì quyết định ghi rõ là chuyển mục đích “sử dụng 58 ha đất khu nghĩa địa Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương do Quân khu 7, Bộ Quốc phòng quản lý sang sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương”.
Báo cáo và đề nghị của giới chức tỉnh Bình Dương lên trung ương gồm những gì thì không thấy phổ biến.
Từ đó đến nay, sau khi được chuyển giao từ quân đội qua dân sự, nghĩa trang đã được bắt đầu sửa sang và cũng không có người dân nào được chôn cất trong đó. Nơi này nay chính thức có tên “Nghĩa trang Nhân dân Bình An”.
Tuy nhiên việc thăm viếng lại có phần khó khăn hơn trước. Tin riêng từ quê nhà vào đầu năm nay cho biết muốn thăm nghĩa trang phải xác định danh tính tử sĩ thì mới được phép vào.
Sau khi hình ảnh về hai chuyến viếng thăm nghĩa trang của quan chức Việt và Mỹ được hội VAF phổ biến, có dư luận tỏ vẻ hoài nghi về thực tâm của Hà Nội vì những thông tin đó chỉ nhắm vào người Việt hải ngoại. Nếu nghĩa cử của một quan chức là thuần túy nhân đạo thì sao truyền thông trong nước lại không nhắc gì đến.
Từ hơn thập niên qua, hội VAF của ông Nguyễn Đạc Thành đã khởi động việc tìm hài cốt cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa chết trong tù cải tạo để đưa về với gia đình hay để chôn cất cạnh đồng đội trong nghĩa trang quân đội cũ.
VAF đã đưa được hài cốt một số tù cải tạo về với gia đình họ. Nhưng liên quan đến Nghĩa trang Quân đội Biên Hoà cũ thì VAF mới được cho phép trùng tu sơ khởi và việc thực hiện còn nhiều khó khăn vì sự nhạy cảm của vấn đề đối với cả hai phía, chính quyền đương thời của Việt Nam và những cựu binh sĩ Việt Nam Cộng hoà. Có người ủng hộ việc làm của VAF và cũng có người phản đối.

'Nghĩa cử hòa giải?'

Những sự kiện gần đây liên quan đến nghĩa trang, dù được nhấn mạnh là mang tính nhân đạo, có phải là nghĩa cử hòa giải của Hà Nội?
Chuyện hòa giải thường được lãnh đạo Việt Nam nhắc nhở, đặc biệt là với Việt kiều Mỹ. Nhưng lời nói của quan chức thì nhiều hơn những hành động cụ thể.
Nghĩa trang Biên Hòa
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, mặc áo vàng, viếng nghĩa trang Biên Hòa
Từ việc có ý hướng để tiến tới chính sách hòa giải quốc gia còn là một con đường dài. Hòa giải luôn là một nghĩa cử cao đẹp. Nhưng những người có ý hòa giải cần một không gian mở để thể hiện ước vọng của mình. Chẳng hạn như chuyến thăm viếng nghĩa trang của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam được dư luận đón nhận ra sao, đó có phải là điều cần được tôn vinh hay không thì trong nước chưa tạo môi trường thảo luận để ước nguyện đó được thăng tiến.
Với người Việt ở nước ngoài, những ai muốn hòa giải theo tinh thần Nghị quyết 36 thì có người ủng hộ, có người phản đối. Nhưng muốn thực hiện hòa giải chưa chắc đã được lãnh đạo Việt Nam chấp nhận. Nhiều người danh tiếng đã mở rộng con tim, nhưng kết quả được nhà nước đáp lại như thế nào thì đã rõ.
Tướng Kỳ về nước chỉ mong khi chết được chôn cất tại quê hương. Nhưng ước nguyện của ông đã không thành.
Hồi hương từ năm 2005 và thường phát biểu ủng hộ chính sách hòa giải của nhà nước, nhưng cho đến khi ông qua đời vào đầu năm nay phần lớn gia tài âm nhạc của Phạm Duy vẫn chưa được phép hát.
Thiền sư Nhất Hạnh trở về và được lãnh đạo trân trọng đón tiếp. Nhưng chỉ ít năm sau tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng với hằng trăm tăng ni theo thiền sư tu tập đã phải dẹp bỏ.
Vì thế có dư luận bày tỏ nghi ngờ về chuyến thăm viếng Nghĩa trang Quân đội của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn.
Nếu lãnh đạo Việt Nam ngày nay đã thay đổi cách nhìn và thực sự tôn trọng những hy sinh của những người lính Cộng hòa, Hà Nội hãy đẩy nhanh tiến trình hòa giải bằng một quyết định chính thức chọn Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa cũ là di tích lịch sử quốc gia cần được bảo tồn.
Một quyết định như thế là dấu chỉ rất thực về chủ trương và chính sách hòa giải mà nhiều người Việt trong và ngoài nước đang mong đợi.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, hiện giảng dạy đại học cộng đồng và là nhà báo tự do ở vùng Vịnh San Francisco California, Hoa Kỳ.
 
Source : BBC