Có
người hỏi ta rằng: Thuý Kiều có phải là người thật hay không? Ta đáp
rằng: Không biết. Người ta lại hỏi rằng: Thế thì làm sao mà lại có
truyện Thuý Kiều? Ta đáp lại rằng: Từ lúc mờ mịt chưa có gì, đến lúc có
thái cực, có lưỡng nghi, có tứ tượng, rồi tự nhiên biến hoá không ai dò
được manh mối tự đâu. Trong khoảng ấy có rét, có nóng, có âm, có dương,
lúc sinh ra, lúc mòn đi, lúc đầy lên, lúc vơi xuống, không thể nào giữ
mãi được mực thường. Đã không giữ được mực thường thì tất có cuộc biến.
Vì thế hoặc năm sáu trăm năm, hoặc ba bốn trăm năm, hoặc năm sáu mươi
năm, cũng phải có một lần biến. Cái biến ấy đã khác với cái thường, thì
phàm ai gặp phải thời ấy, bước vào cái cảnh ấy,ngổn ngang những biến cố ở tình cảm ắt, chồng chất những khối lỗi ở trong lòng, mới
phải mượn đến bút mực để chép ra, như những truyện anh hùng, truyện
phong tình, truyện trung thần, liệt nữ, truyện đạo sĩ ni cô, chẳng qua
là mượn ngòi bút, tờ giấy để chép những cái cảnh ngộ lịch duyệt của bản
thân mà thôi. Truyện Thuý Kiều có lẽ cũng là một thứ sách như thế cả.
Phong Tuyết, Chủ nhân Thập Thanh Thị:
… nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả ngàn đời thì tài nào có cái bút lực ấy.
Tiên Phong, Mộng Liên Đường chủ nhân:
Giữa
những đêm tối vô cùng, sự thao thức kiếm tìm giấc ngủ bình yên dìm đắm ý
thức vào một luồng chập chờn hư vô bất tận. Chợt trong khoảnh khắc nào
đó, con mắt bỗng nhận ra đang nhìn đêm tối; như tia chớp lòe lên, ý thức
bỗng sáng rõ nhìn suốt thấy mình. Đó là lúc ngoại giới tan biến mất,
chỉ còn ý thức đối diện với chính nó theo một nhịp quằn quại triền miên,
đó là lúc ý thức muốn nhận định hình dáng của chính nó trong tự thân
không chịu để mất mình ở ngoại giới; đó là lúc đau đớn nhất của ý thức,
cưỡng lại sức cuốn hút của ngoại giới nó tự giam mình vào nỗi cô quạnh
chỉ ở nó.
Nỗi cô quạnh hãi hùng đầy ý thức vào thật sâu trong
nó, trở ngược về quá khứ, gặp lại cái dòng sống đã trôi qua, cái dòng
sống đã từng hiện hữu, lối giải thoát độc nhất và nguy hiểm cho ý thức.
Độc nhất vì hiện tại lúc này cũng chập chờn và tù túng như ý thức, nguy
hiểm vì có thể quá khứ là một vật không hồn chết cứng mà ý thức chỉ lởn
vởn xung quanh than khóc thương tiếc. Phút linh diệu bắt đầu khi ý thức
mở được cửa quá khứ thoát ra cùng ngoại giới trông suốt trong một cái
nhìn cả cuộc đời huyền bí: Ý thức nhập thể vào tác phẩm. Một tác phẩm
chỉ làm bằng những cái đã qua, không làm bằng những cái sắp tới.
Mộng
Liên Đường chủ nhân đã viết: Người đời sau thương người đời nay, người
đời nay thương người đời xưa, cũng chỉ là một – Giải thoát cái ý thức tù
túng, Nguyễn Du đã trở ngược quá khứ gặp nàng
Kiều, mở cửa nhìn ra đời bằng
Đoạn trường tân thanh; chúng ta tìm về Nguyễn Du nơi tác phẩm của người cũng bằng con đường ấy: con đường độc đạo của nghệ thuật.
*
Thiên
tài vốn dĩ là cô đơn. Phải hiểu nghĩa câu ấy cho chân xác. Đó không
phải là sự cô đơn tầm thường khoảnh khắc, sự cô đơn của kẻ bỗng chốc
thấy mình chia lìa cùng cuộc đời. Cái ý thức quằn quại giây lát là những
phút cô đơn của người đời, khi nó trở vào sâu tìm kiếm hình dáng một
cách bướng bỉnh và không ra thoát là nỗi cô đơn của kẻ lạc loài, chỉ khi
nào cái ý thức nhập một vào tác phẩm lúc ấy mới là nỗi cô đơn của thiên
tài. Đó là nỗi cô đơn rộng lớn lắm vì ý thức đã trở về với đời và ôm
lấy cuộc đời một mình, người đời buông cho ngoại vật ôm lấy ý thức, kẻ
lạc loài là ý thức ôm lấy ý thức.
Cái ý thức của thiên tài không
thể bảo là cô đơn theo nghĩa thông thường vì nó không là sự cách biệt
tối tăm, nó là luồng sáng trong khoảng nhất định nào của cái ý thức bao
trùm – ý thức thời đại – soi rọi vào đời sống. Đó là nỗi cô đơn sâu thẳm
bởi thiên tài đã "nhìn thấu sáu cõi, trông suốt nghìn đời".
Cái
đêm tối khi Nguyễn Du tỉnh giấc đã kéo dài ba trăm năm, cơn khủng hoảng
xã hội bắt đầu từ thế kỷ XVI khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê vẫn chưa dứt.
Trước Nguyễn Du, không phải là sự mê muội hoàn toàn, đã có những sự
thức tỉnh không đáng kể. Ở Nguyễn Du là sự thành hình của cái ý thức đã
quằn quại quá lâu. "Bất tri tam bách dư niên hậu…" tại sao Nguyễn Du lại
chờ đợi tri âm ở người ba trăm năm sau, nếu không phải là người đã
thương kẻ ở ba trăm năm trước? Kẻ ba trăm năm trước tại sao người ta chỉ
nghĩ là một nàng Kiều ở chân trời mơ mộng nào đó mà không phải là những
kiếp người đày đoạ có thật trong suốt ba trăm năm lịch sử mà Nguyễn Du
đã sống? (Nguyễn Du đã sống vài chục năm trong khoảng ba trăm năm, nhưng
ý thức của người đã thâu nhận, chịu đựng hết cả ba trăm năm ấy). Tiếng
kêu đoạn trường này sao người ta không nghe thấy là tiếng kêu ba trăm
năm? Sao người ta chỉ nghe là tiếng kêu của tâm sự cá nhân, của một thời
đại ngắn ngủi bằng kiếp sống của thiên tài?
Bởi thế muốn hiểu
cho nổi Nguyễn Du, người ta phải trông rõ cái ý thức trước khi nhập vào
Nguyễn Du đã thế nào, người ta còn phải định lại những ý niệm cho chính
xác tương ứng với những danh từ quá quen thuộc mà người ta vẫn hiểu cạn
hẹp nên sai lệch khi nhắc đến Nguyễn Du. Đọc lại những bài viết về Tố
Như của kẻ đồng thời, tôi thấy người ta hiểu Tố Như hơn những kẻ sinh
sau.
*
Trong suốt ba trăm năm tối tăm nhất trong lịch
sử, cái ý thức chỉ tỉnh được ở lúc khởi đầu và lúc tận cùng, còn lại là
mê muội hoảng hốt. Khởi đầu là sự sáng suốt rất gần với Đạo của Nguyễn
Bỉnh Khiêm. Nhà thi sĩ đồng thời là tiên tri ấy trông trước được cái
bước đường sắp tới của thời cuộc, nhận định rõ cơn khủng hoảng trầm
trọng của lịch sử, chọn lấy cái an nhiên của đạo sĩ. Cái an nhiên trong
đời sống nhất là trong thi ca của Bạch Vân sau này không thể nào tìm lại
được, có thể bảo Bạch Vân tiêu biểu xứng đáng nhất cho tư tưởng của Lão
tử trong văn chương của chúng ta. Không kể đến cái cốt cách lẽ đạo của
Nguyễn Bỉnh Khiêm thực hiện được là bởi người sống trong cái thế kỷ đầu
tiên của thời kỳ, áp lực của ngoại giới chưa đủ sức nặng giam giữ ý
thức.
Sau đó không bao giờ chúng ta còn gặp lại cái con người hồn nhiên yêu đời thảnh thơi như thế nữa:
Chín mươi thì kể xuân đà muộn,
Xuân ấy qua rồi xuân khác còn.
Cái
thế kỷ XVII là một sự im lặng, lạnh lẽo, cuộc chiến tranh Nam Bắc thực
sự khai diễn từ 1627 đến 1672. Mãi đến đầu thế kỷ XVIII, ý thức mới bắt
đầu trở mình. Tiếng nói đầu tiên là lời ca thán: Khúc
Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn
, tác phẩm được các danh sĩ đương thời tán tụng.
Chinh phụ ngâm tuy
mới là sự nhận thức khách quan một hoàn cảnh chưa có gì là bi thảm
tuyệt vọng, một tác phẩm còn yên ổn lắm, nhưng nó đã báo hiệu được sự
quay về của ý thức với đời sống. Chưa đi sâu vào tư tưởng triết lý nhưng
cũng không đứng lại ở luân lý đạo đức,
Chinh phụ ngâm chỉ là
tác phẩm tự tình, nghĩa là hoàn toàn nhân đạo. Nó không chủ ngợi ca cái
khí phách anh hùng của chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt, cái đức hạnh
gương mẫu của người chinh phụ chờ chồng, nó không là khúc anh hùng ca,
nó là một khúc bi ca về thân phận của "khách má hồng" trong "cơn gió
bụi". Người ta đã nghe thấy thấp thoáng đâu đây cái tiếng nói thành thật
của nhân loại muốn đòi thấy hạnh phúc của mình:
Đành muôn kiếp chữ tình đã vậy,
Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau,
Thiếp xin chàng chớ bạc đầu,
Thiếp thì giữ mãi lấy màu trẻ trung.
Một thứ hạnh phúc gần gũi với hiện tại, hết sức tầm thường và thế tục. Tại sao lại không như thế?
Và
một khi ý thức đã tỉnh dậy thì nó chỉ còn một đường là mỗi ngày mỗi vào
sâu trong nó, khắc khoải hơn cho đến khi nào giải phóng được hoàn toàn.
Tới
Cung oán ngâm khúc, tiếng kêu đòi hạnh phúc rõ ràng hơn,
thúc bách hơn, tầm thường hơn, não nùng tuyệt vọng hơn và cũng bi thảm
hơn bao giờ. Ngoài ba trăm câu thơ suy nghĩ những nỗi khao khát thèm
thuồng cực lực sự vuốt ve ôm ấp của hạnh phúc (ở đây các nhà đạo đức hãy
ngoảnh mặt tránh xa, không phải chỗ của họ nữa) mà chỉ là hạnh phúc vật
dục thôi. Sự thèm khát cuồng bạo ấy đã sinh ra một thứ nghệ thuật độc
đáo: Nghệ thuật chú trọng vào cảm xúc giác quan; tác phẩm đầy dẫy người
hình ảnh thô bạo, những cảm giác táo tợn vui tới độ tan hoang thần
phách, buồn tới độ chết lịm thịt da:
Cung đàn, càng địch, càng mê,
Càng gay gắt điệu, càng tê tái lòng.
...
Giết nhau bằng cái Lưu Cầu,
Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa.
Sự nhận thức của
Cung oán ngâm khúc không dưng lại trong một cảnh ngộ riêng, nó muốn mở rộng bao lấy cái kiếp nhân sinh này,
Cung oán ngâm khúc là
một tác phẩm triết lý. Triết lý bi thảm quá mức, kiếp sống có nghĩa là
khổ đau như là một lò lửa lớn, con người không còn một chút tự do nào
hết và bi phẫn tới độ nếu có thể dám chống lại Định mệnh:
Đang tay muốn dứt tơ hồng,
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra.
Với
Cung oán ngâm khúc, con
người bị dồn vào thế tuyệt vọng cô độc hoàn toàn không một sự giúp đỡ,
không một nguồn an ủi. Tiếng ca thán cất lên trong đêm thu lạnh lẽo,
trong cung quế vắng ngắt, không bóng dáng đồng loại. Một thế giới thê
lương hiu quạnh chưa từng thấy.
Có ai nghe thấy tiếng oán than
ấy trong cái thế kỷ hỗn loạn mê hoảng là thế kỷ XVIII? Cái ý thức quằn
quại bắt đầu thành hình ở Nguyễn Gia Thiều
, cái con người đã phải giả điên ở cuối đời mình để cô đơn ôm lấy ý nghĩa của kiếp sống tìm thấy.
*
Năm
1798, Nguyễn Gia Thiều mất trong cảnh ẩn dật ở Tây Hồ. Vào lúc ấy
Nguyễn Du cũng đã sống hết cuộc đời của người, cuộc đời suy nghĩ, trở về
nương náu ở quê nhà. Bên dòng Lam Giang, trên đỉnh Hồng Lĩnh, trong
cảnh cô đơn, cái ý thức của người sáng dần lên rực rỡ khi quay nhìn lại
bao nhiêu biến cố đã trải qua, những mộng ước cùng hoài bão đã tan tành.
Ba mươi tuổi đầu tóc bạc trắng, vì lo lắng phiền muộn, vì cảnh đói khổ
lang thang mười năm ở đất Bắc sau cuộc Cần Vương thất bại, vì bệnh tật
không thuốc thang, thân thể thì gầy mòn, tinh thần thì "đóng cửa gối cao
nằm khểnh chơi, mắt xem việc đời như phù vân, lưng đeo kiếm dài trước
gió thu"
[1] .
Có thể lấy lời của Nguyễn Gia Thiều mà chỉ Nguyễn Du – tôi coi Nguyễn
Gia Thiều và Nguyễn Du đồng thời với nhau và so sánh tác phẩm của hai
người để soi sáng lẫn cho nhau:
Hình thì còn bụng chết đòi nan,
...
Cuộc thành bại hầu cằn mái tóc,
Lớp cùng thông như đốt buồng gan.
Bệnh trần đòi đoạn tâm can,
Lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da
Gót danh lợi bùn pha sắc xám,
Mặt phong trần nắng rám mùi dâu
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê…
Có
thế mới hiểu cái thái độ của Nguyễn Du khi miễn cưỡng nhận lời mời của
Gia Long, cái hình bóng vất vưởng của Nguyễn Du trong sân triều nhà
Nguyễn, cái lời nói cuối cùng của người khi từ biệt cõi thế. Cho nên
phải nhận định trong mười năm của triều Nguyễn, người có đó mà sự thật
người đã xa lìa cái thế giới ấy rồi.
Nhưng vượt hơn Nguyễn Gia
Thiều, trong cuộc hành trình tìm về đời sống, ý thức của Nguyễn Du không
chỉ ôm lấy cái đau khổ riêng tư để suy lý về kiếp nhân sinh trừu tượng,
trong ý thức của Nguyễn Du còn thấp nhập những nguồn đau khổ gớm ghê
của kẻ khác, thập loại chúng sinh, những người có thật trong một kiếp
sống chồng chất những thảm sầu từ ba trăm năm. Bởi thế cái thế giới của
Nguyễn Du cũng thê thảm, cũng bi đát như thế giới của Nguyễn Gia Thiều
nhưng chưa đến nỗi tuyệt vọng như Nguyễn Gia Thiều. Cơ cứu khổ vẫn còn,
những oan hồn lẩn quất tìm được lượng từ bi của Phật tổ, nàng Kiều sạch
nợ ở bến sông Tiền Đường vì "thiện tâm" của nàng.
Diễn trình ý
thức ở Nguyễn Gia Thiều đi đến tự hủy, ở Nguyễn Du đi đến hồi sinh. Và
thiên tài Nguyễn Du xuất hiện từ chỗ đó. Bỏ cái thế giới lạnh lẽo rợn
rùng của Nguyễn Gia Thiều, người ta bước sang cái thế giới có những lẽ
an ủi, những hơi thở ấm gần gũi của đồng loại.
*
Toàn
thể tác phẩm của một thiên tài là một sự thống nhất hiển nhiên không thể
phủ nhận. Với thiên tài gần như mỗi tác phẩm chỉ là một lần theo đuổi
tìm kiếm soi sáng cái ám ảnh chẳng bao giờ dời đổi trong tâm khảm. Cả
cuộc đời rộng lớn phức tạp, thiên tài triệt tiêu hết để chỉ nhìn thấy
một phía, phóng lớn phía ấy, cho nó bao lấy hết cuộc đời, đào sâu phía
ấy để tìm vào đến bản thể của sự vật, nhưng bao giờ cũng bắt được đúng
cái phía sinh tử của vật thể – Nói như một nhà thơ
[2] là
"Tôi không hiểu là tôi đang nhìn một bầu trời sao hay đang ngắm một giọt nước qua kính hiển vi". Vì
tác phẩm chỉ là sự thể hiện của ý thức, mà ý thức khi nhập vào tác phẩm
đã phải tìm thấy cho nó một hình thể, dù đó là một hình thể tơi tả sau
cơn khủng hoảng quằn quại.
Người ta không thể thấu hiểu Nguyễn Du, hay rất dễ sai lạc khi nhận định, nếu người ta chỉ chú ý đến
Đoạn trường tân thanh mà thôi.
Đoạn trường tân thanh là tác phẩm chính của Tố Như. Nhưng bên cạnh
Đoạn trường tân thanh, còn có
Văn tế thập loại chúng sinh, hai tác phẩm của một ý thức, chúng soi sáng lẫn cho nhau. Bởi vậy muốn hiểu
Đoạn trường tân thanh, sự thể hiện hết sức phức tạp của ý thức Nguyễn Du, người ta hãy hiểu
Văn tế thập loại chúng sinh đã, ở đấy sự thể hiện còn đơn giản minh bạch.
Chúng ta sẽ phải tìm được cái mối ám ảnh chính của
Tố Như qua
hai tác phẩm của người rồi từ đó vượt lên mà bắt gặp ý thức của người.
Để hiểu một thiên tài, những điều kiện xã hội và đời sống là cần thiết
nhưng phụ, tài liệu quan trọng hơn hết là tác phẩm. Tác phẩm làm phát
hiện một thế giới riêng phản ảnh của ý thức.
Văn tế thập loại chúng sinh giống như một
Divine Conmédie thu
nhỏ, ở đây Nguyễn Du là thi sĩ dẫn đường đưa chúng ta vào cõi âm. Theo
chân người chúng ta gặp những oan hồn vất vưởng không nơi nương tựa, từ
những kẻ "chí những chăm cướp gánh non sông" chỉ còn là "quỷ không đầu
van khóc đêm mưa", "những kẻ màn lăn chướng huệ" "mà khi nhắm mắt không
người nhặt xương", "những kẻ mũ cao áo rộng" bây giờ thì "mang oan khôn
nhẽ tìm đường hoá sinh", "những kẻ bài binh bố trận" "bãi sa trường thịt
nát máu rơi", những kẻ tri phú chết trong cảnh "hòm gỗ đa bỏ đóm đưa
đêm", những kẻ mưu cầu công danh thì lìa cửa lìa nhà khi chết, "vững
vàng liệm sấp chôn nghiêng" không người thân thích, đến một lũ dân
thường kẻ thì "thân chôn dấp vào lòng kính nghê", kẻ mắc vào khoá lính
mà "buổi chiến trận mạng người như rác", kẻ buôn nguyệt bán hoa, kẻ hành
khất ngược xuôi, kẻ mắc đoàn tù rạc, những tiểu nhi "lỗi giờ sinh lìa
mẹ lìa cha", kẻ chìm sông lạc suối, kẻ gieo giếng thắt dây, kẻ trôi nước
lũ lây lửa thành, tất cả đám oan hồn ấy bồng bế dắt díu nhau trong
"trường dạ tối tăm trời đất" lánh ẩn bóng mặt trời lang thang nơi "điếm
cỏ bóng cây", "đầu chợ cuối sông", tất cả là:
Sống đã chịu mọi bề thảm thiết,
Ruột héo khô, dạ rét căm căm,
Dãi dầu trong mấy mươi năm,
Thở than dưới đất, ăn nằm trên xương.
Cái
cảnh địa ngục lẩn khuất ở trần gian ấy phải chăng nó chỉ mới có trong
thế kỷ mười tám? Không, những oan hồn mà chúng ta gặp đó, chúng kêu khóc
đã từ ba trăm năm rồi (có thể là hơn thế nữa) và bây giờ mới có một
người nghe thấy chúng. Cũng như Dante, Nguyễn Du đã dẫn chúng ta vào cõi
âm để nhìn cho rõ bộ mặt thật của xã hội, của kiếp sống. Cái địa ngục
lẩn lút quanh trần gian trong
Chiêu hồn ca cho ta trông lên cái trần gian địa ngục mà người đã sống.
Tác phẩm
của Nguyễn Du không
thu hẹp, giới hạn trong một vài hoàn cảnh, một vài hạng người, nó bao
trùm toàn thể xã hội cuộc đời. Nhưng Nguyễn Du không chủ nhắm vẽ lại bức
hoạ lớn của một xã hội, một cuộc đời, con mắt nhìn bao trùm lấy toàn
thể ấy để giúp cho người nhận định rõ cái ý nghĩa của đời sống được hoàn
toàn. Cũng như Nguyễn Gia Thiều, ý nghĩa đời sống đối với Nguyễn Gia
Thiều cái kiếp tang thương khiến cho con người cô đơn tuyệt vọng bi phẫn
đòi chống lại Định mệnh một cách bướng bỉnh vô ích, thì ở Nguyễn Du là
một sự chấp nhận lặng lẽ và can đảm tìm về một chút hy vọng gần gũi ở
kiếp sống dù mong manh. Bởi thế ở
Văn tế thập loại chúng sinh, đám oan hồn còn gặp được lòng thương của thi sĩ bên cạnh nguồn từ bi của Phật tổ. Trong
Đoạn trường tân thanh,nàng
Đạm Tiên thay vì bị ném xác ra ngoài suối còn gặp được mối tình của
người khách viễn phương tình cờ, nàng Kiều gặp Mã Kiều ở lầu xanh, gặp
mụ quản gia ở nhà họ Hoạn. Mối an ủi, nguồn hy vọng hết sức nhỏ bé so
với nỗi "đoạn trường" nhưng đó là những hơi thở ấm yếu ớt quý báu của
đồng loại trong cơn băng giá, những đốm lửa yếu lập lòe trong đêm địa
ngục, đó là tính cách nhân đạo trong tác phẩm của Nguyễn Du. Thế giới
của Nguyễn Du là một thế giới chưa tuyệt vọng, còn có thể sống được dù
số kiếp đoạn trường.
Phải nhận định được rằng lòng nhân đạo mới chính là nguồn động lực khiến Nguyễn Du viết
Đoạn trường tân thanh cũng như
Văn tế thập loại chúng sinh. Và
Đoạn trường tân thanh chỉ là sự phóng lớn của
Văn tế thập loại chúng sinh mà
thôi. Tôi không thể hiểu tại sao người ta lại cho rằng Nguyễn Du viết
hơn ba ngàn câu thơ Kiều để ký thác tâm sự – cái tâm sự của kẻ tôi trung
phải thờ hai chúa (?), của kẻ chiến bại, đâu phải dài dòng như thế, một
bài tứ tuyệt là quá đủ (cả trong trường hợp Nguyễn Gia Thiều nữa) – trừ
phi người ta hiểu tâm sự có nghĩa là ấm ức vì "ngổn ngang những biến cố
ở trước mắt, chồng chất những khối lỗi ở trong lòng" như Phong tuyết
chủ nhân Thập Thanh Thị đã nói. Cái đau khổ riêng tư có thể làm nên
những nhà văn tài mọn, không làm ra thiên tài; với thiên tài mối đau khổ
riêng chỉ mở đường cho người vào gặp cái mối đau khổ rộng lớn, tâm sự
cá nhân phải trở thành tâm sự thời đại, ý thức cá nhân phải vào gặp ý
thức thời đại và hơn nữa muôn thuở. Muốn đạt tới chóp đỉnh nghệ thuật
trong
Đoạn trường tân thanh, ngòi bút của Nguyễn Du phải đang
đuổi theo một hình bóng gì to lớn hơn chính mình, cái hình bóng ấy chính
là một cuộc đời đoạn trường bạc mệnh không phải là của người.
Vậy
Đoạn trường tân thanh là
tiếng kêu đứt ruột của một giấc tỉnh sau ba trăm năm. Ý thức ấy tìm về
cuộc đời đem vào một chút hy vọng cho những số kiếp đày đoạ không còn
thiết sống, đó là một ý thức muốn hồi sinh, ý thức của thiên tài. Vào
Đoạn trường tân thanh bằng cửa ngõ ấy, người ta mới mong gặp Nguyễn Du trong thế giới của người, thế giới chân thật có đời sống và nghệ thuật.
*
Việt Tử
Minh oan cho Kiều
Đứng trên phương diện văn chương,
Đoạn trường tân thanh là
một tác phẩm tuyệt bích! Xưa nay không ai chối cãi điều đó, nhưng về
phương diện luân lý các cụ đồ nho đã không tiếc lời thoá mạ.
Nguyễn
Công Trứ chê bai đời sống dâm bôn của Kiều trong mười lăm năm luân lạc,
ám chỉ đến những mối tình Kiều – Sở Khanh, Kiều – Thúc Sinh và Kiều –
Từ Hải:
Đã biết má hồng thời phận bạc,
Trách Kiều nhi chưa vẹn tấm lòng vàng.
Chiếc quạt thoa đành phụ nghĩa với Kim lang,
Nặng vì hiếu, nhẹ vì tình thời cũng phải.
Từ Mã Giám Sinh cho đến chàng Từ Hải,
Cánh hoa tàn đem bán lại chốn thanh lâu.
Bây giờ Kiều còn hiếu vào đâu,
Mà bướm chán ong chường cho đến thế!
Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa,
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm.
Bán mình trong bấy nhiêu năm,
Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai.
Nghĩ đời mà chán cho đời!
Tản
Đà Nguyễn Khắc Hiếu chỉ trích Kiều chưa tống táng chồng xong đã ngồi
gảy đàn, hầu tiệc rượu nhất là tiệc rượu ăn mừng cuộc chiến thắng đã
giết chết chính người chồng anh hùng mà quá tin đó:
Tiếng sấm ân tình bốn mặt ran,
Tướng quân chi tiếc cánh hoa tàn.
Đôi hàng nước mắt, đôi làn sóng,
Nửa đám ma chồng, nửa tiệc quan.
Tổng đốc có thương người mệnh bạc,
Tiền Đường chưa chắc mả hồng nhan.
Trơ trơ nắm đất bờ sông nọ,
Hồn có xa nghe thấy tiếng đàn.
Nguyễn Khuyến giữ một thái độ khách quan nhân hậu, rộng lượng bao dung mà cũng không tránh được nụ cười mai mỉa:
Kiều nhi giấc mộng thật nực cười,
Tỉnh dậy xuân xanh quá nửa rồi.
Số kiếp bởi đâu mà lận đận,
Sắc tài cho lắm cũng lôi thôi.
Cánh hoa vườn Thuý duyên còn bén,
Ngọn nước sông Tiền nợ chẳng xuôi.
Không trách chàng Kim đeo đẳng mãi,
Khăng khăng vớt lấy một phần đuôi.
Đến như đối với Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng thì Kiều là đồ bỏ đi, đủ cả
ai, dâm, sầu, oán, đạo, dục, tăng, bi. Kiều,
theo hai cụ chỉ là con đĩ, không có lý gì mà người Việt sùng bái. Đứng ở
quan điểm của các cụ, không những văn chương tuyệt tác không gỡ được
tội Kiều lại còn làm tăng thêm di hại. Văn chương hấp dẫn là cái bả càng
mầu nhiệm để gieo rắc tội lỗi: "Một cái hộp sơn son thếp vàng, trổ rồng
chạm phượng; về mặt mật thiết, rõ là của tốt mà ở trong đựng những vật
có chất độc: ai khen cái hộp ấy tốt mặc ai, chớ những người chỉ nó mà
nói với công chúng rằng: Trong có chất độc ấy có hại – thật không có
chút gì là tàn nhẫn mà khi nào cũng là chính đáng cả".
Những người bênh vực Kiều đã đổ lỗi cho các cụ trên phê bình với thiên kiến không khách quan.
Nguyễn
Công Trứ con Đức Ngạn Hầu cũng là dòng dõi cựu thần nhà Lê, sống dưới
đời Minh Mạng đa nghi nên không thể "đồng điệu, đồng thuyền" với Nguyễn
Du. Vả chưng con người hoài bão phác hoạ điển hình cho thanh niên mai
hậu
"miền hương đảng đã khen rằng hiếu nghị" lại
"phù thế giáo một vài câu thanh nghị" không
thể chấp thuận một hạng "trên bộc, trong dâu" vì dù sao Kiều là "cành
hoa hạnh cũng đã xuất ngoài tường". Nguyễn Công Trứ không thành công
chính vì ông không tự khe khắt với mình (ông 16 vợ và đa tình đến thoả
mãn nhục dục ở giữa đồng với cô đầu Thư:
"Giang sơn một gánh giữa đồng, Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng?") mà lại rất khe khắt với người.
Tuy
nhiên trong trường hợp Kiều, Nguyễn Công Trứ đã dùng thể hát nói với
giọng tuy chê bai mà vẫn đú đỡn, bỡn cợt chứ không gay gắt.
Cùng
giọng mỉa mai nhẹ nhàng bỡn cợt, người ta cảm thấy Tản Đà tìm – và đã
thành công – một tứ đặc biệt cho thi ca hơn là chê trách – Tản Đà gay
gắt với Hồ Tôn Hiến là khía cạnh khoan dung với Kiều. Hình như nhà thơ
núi Tản ôm hoài vọng "bồi" lại bức "dư đồ rách" giễu cợt người con gái
vì bản tính đa tình nhưng không thèm chấp nhất.
Ngô Đức Kế và
Huỳnh Thúc Kháng là hai chiến sĩ tranh đấu cách mạng nên luôn luôn quá
khích – câu tuyên ngôn của Phạm Quỳnh: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn,
tiếng ta còn nước ta còn" cùng với lồng son "Khai trí kiến đức", tờ Nam
phong "phun bạc đánh đuổi Đức tặc" là những phương tiện phản bội dân tộc
nên lòng nhiệt huyết của hai nhà chí sĩ đã dùng Kiều để sỉ vả con "chim
hoạ mi" họ Phạm và dã tâm của thực dân. Cả tràng chữ nguyền rủa,
ai, dâm, sầu, oán, đạo, dục, tăng, bi dội lên đầu bất cứ kẻ nào vì danh lợi riêng tư mà coi rẻ giống nòi Việt.
Con
người bào chữa cho Kiều nhiều nhất, tha thiết nhất là nhà thơ họ Chu.
Theo ông thì Kiều hiếu nghĩa đủ đường "bông hoa hạnh nở ngoài tường chưa
để đàn ong qua tới". Kiều đủ tài sắc nên bị gian truân chỉ vì "kiếp hoa
không lẩm cẩm" chứ không phải lỗi tại Kiều – Giọng văn họ Chu tha thiết
quá, tính chất lãng mạn
"cũng nói tình thương người đồng điệu" bộc
lộ quá, nên dù ông tuyên bố không ham "phấn hương thừa", dù ông làm cho
người ta cảm động sâu sắc nhưng không làm thoả mãn người trên phương
diện lý luận chặt chẽ và xác đáng. Bênh vực Kiều, giải oan cho Nguyễn Du
cần phải có lý luận chặt chẽ dựa trên bằng chứng xác thực chứ không thể
bằng tình cảm chan chứa.
Truyện Kiều rất phổ thông trong dân
chúng. Ảnh hưởng Kiều rất lớn đối với dân tộc Việt cho nên minh định một
thái độ đối với Kiều, với đời sống nàng Kiều là một điều tối cần thiết.
Nhất là từ hơn một thế kỷ nay, tất cả dân tộc ta vừa được ru ngủ bởi
truyện Kiều lại vừa rêu rao:
Đàn ông chớ đọc Phan Trần,
Đàn bà chớ kể Thuý Vân Thuý Kiều,
Đó
là một điểm mâu thuẫn trong tâm tình dân tộc Việt – Thiết tưởng đã đến
lúc ta nên tìm nguyên nhân sâu sắc trong vô thức quần chúng Việt để làm
sáng rõ vấn đề. Hai phe chê khen như trên đã trình bày chưa phe nào có
đủ lý lẽ tối hậu.
Nếu ta theo phương pháp Tây phương để định giá
trị luân lý một cuốn truyện, ta lại càng do dự. Thật vậy, Tây phương
chia tác phẩm ra làm ba hạng: Hạng tác phẩm hoàn toàn phù hợp với luân
lý, hạng tác phẩm tương đối phù hợp với luân lý và hạng tác phẩm vô
luân.
Trong tác phẩm hoàn toàn phù hợp với luân lý, đường lối
tổng quát của tác phẩm hợp với chân, thiện, mỹ gây cho ta một thứ cảm
kích. Khi cảm kích đến ngay với ta thì tác phẩm gây được hoà điệu bậc
cao, khi cảm kích đến chậm làm ta phải suy nghĩ, ngạc nhiên, phải cần
đến sự phán đoán thì tác phẩm gây hoà điệu bậc thấp. Trong tác phẩm, khi
tác giả tả về say mê, tác giả phải chỉ định quyền uy của con người làm
chủ hay sự nguy hại khi con người nô lệ cho say mê.
Ở những tác
phẩm tương đối phù hợp với chân lý, cảm kích bị gián đoạn hay ngừng trệ
để lại một mối tình cảm lờ mờ bất định. Đây là những tác phẩm theo thời
thượng, có thành kiến, có tệ xấu.
Tác phẩm vô luân là tác phẩm
mơn trớn bản năng tình cảm thấp hèn, tán tụng những tư tưởng hỗn loạn
của tâm hồn làm đồi bại luân lý, phá hoại lương luật. Tác phẩm đó làm
cho độc giả cảm thấy bất lực, sa ngã, bại hoại về trí thức và luân lý,
gây cho ta sự chán chường khô khan hay sự thù hằn phá hoại.
Vậy
thì với con mắt Tây phương ta thử phân tích truyện Kiều. Kiều bán mình
chuộc cha, bảo Thúc Sinh về nói với Hoạn Thư chịu phận cát đằng, đổi
duyên cầm sắt ra duyên cầm kỳ gây cho chúng ta cảm kích hoà điệu bậc
cao. Những cảnh khổ của Kiều vừa chớm yêu đương đã bị chia rẽ, gian nan
hai lần thanh lâu, hai lần thanh y, 3 lần bị đánh đập tàn nhẫn làm ta
xót thương, tiêu cực gây cho ta cảm kích hoà điệu bậc thấp, có thể làm
ta vì thương mà quyết tâm theo phải cũng có thể vì gương xấu nêu lên mà
ta ghét đời trở thành độc ác gian dối. Đến như những đoạn Mã Giám Sinh
so đo để "mở lối động đào" khi Kiều trốn chạy với Sở Khanh rồi về với Tú
bà xin chừa trinh bạch, khi Kiều tắm trước mắt Thúc Sinh, Kiều ăn cắp
chuông vàng khánh bạc, trả ân oán thì hành động có thể dễ dàng thúc đẩy
thanh thiếu niên vào tội lỗi.
Cho nên cuốn Kiều nếu được ưu điểm
vạch đúng xã hội đủ gian, ngay, tốt, xấu, thì cũng lại là cuốn truyện
phức tạp không biết nên liệt vào hạng nào.
Dù sao đó là vấn đề
bàn cãi của người trí thức phân tích tỉ mỉ, còn dân chúng thường được
thấm nhuần bởi quan niệm phổ thông: Nam nữ thụ thụ bất thân, đã đồng
thanh trách Kiều khi còn con gái dám lẻn sang với Kim Trọng. Đời Kiều
sau khi đã bị bán đối với quần chúng là đời nô lệ phải làm đủ điều theo
người khác nên không còn có gì đáng chê trách. Và người ta vẫn không
hiểu tại sao một nhà nho Nguyễn Du dù đa tình đến đâu cũng không thể
quên "văn dĩ tải đạo", cũng không thể để Kiều tự do rạch dậu sang thăm
Kim Trọng – ngôn tình như Hoa Tiên mà Nguyễn Huy Tự cũng phải đắn đo
dùng nhiều thủ đoạn mới cho trai gái gặp nhau. Lương Sinh ngẫu nhiên gặp
được Giao Tiên đánh cờ, phải nhờ nữ tì Vân Hương lừa cho Giao Tiên đi
dạo ra vườn để tỏ tình. Cuộc chuyện trò cũng chấm dứt ở đó, không đi quá
trớn…
Vậy thì tại sao nhà nho Nguyễn Du lại đi một mức vượt quá
lễ giáo đến bậc ấy! Và tại sao quần chúng vừa chê trách lại vừa như
khoan dung tha thứ? Muốn hiểu cho thấu đáo, ta phải phân tích tâm linh
con người Việt – vô thức con người Việt không đơn thuần có hai phần vừa
hỗn hợp vừa kèn cựa để bộc lộ tùy trường hợp thắng hay bại – đúng như
tính cách thắng bại của Gène trong luật tắc truyền thống của Mendel
(caractère dominant et récessif du gène dans la théorie génétique de
l’hérédite du moine Mendel): Ý thức hệ Việt và Nho. Ý thức hệ Việt là
căn bản nhưng bị ảnh hưởng hàng ngàn năm đô hộ bị ý thức hệ Nho chà đạp
nên có lúc bộc lộ, có lúc tiềm ẩn trong tâm não như không vong. Nhà Nho
Nguyễn Du sống vào thời đại Quang Trung là thời đại phục hưng Việt nên
nhân sinh quan Việt bộc lộ tuy vẫn bị giáo dục Nho giáo kèn cựa. Trong
Kiều về vấn đề triết lý đã có một phần lớn quan niệm trời, trả ân trả
oán của người Việt. Về vấn đề ái tình cũng thế.
Nhà Nho Nguyễn
Du quan niệm "nam nữ thụ thụ bất thân" đã phải nhường bước cho Nguyễn Du
bản chất Việt. Thật thế, quan niệm nam nữ thụ thụ bất thân là đặc biệt
của người Trung Quốc. Người Việt từ ngàn xưa vẫn cho phép trai gái được
gặp gỡ và hiểu biết nhau – Bà Trưng chỉ cần một lời hiệu triệu mà toàn
quốc vâng theo đánh đuổi Tàu, đến khi thành công lại đồng lòng suy tôn
lên ngôi quốc chủ là một bằng chứng hùng hồn chứng minh rằng người Việt
trọng đàn bà – coi đàn bà là bình đẳng với đàn ông – miễn là có tài –
Người đàn bà có thể làm mọi việc dù việc đó đòi hỏi phải giao thiệp với
đàn ông.
Tục lệ hiện tồn tại ở những hội hè, còn là bằng chứng
nữa. Thật vậy, ở thôn quê, hàng năm cứ vào khoảng tháng Giêng, tháng
Hai, ở những nơi đất cũ như Bắc Ninh, Bắc Giang, trong những ngày ấy,
con trai con gái được tự do trò chuyện. Dân làng còn lập ra hát đúm,
hành trình quan họ, hát đối để họ thả cửa tỏ lộ trước mọi người những
ước vọng thầm kín, cũng như chí khí và tài ba để nhận xét nhau mà thầm
trao duyên, gắn bó.
Tục đánh cờ người, tế nữ quan đều là những
cơ hội để con gái đi ra khỏi nhà gặp gỡ người bạn lòng. Chính cũng vì lẽ
đó mà dân tộc Việt khi gặp gỡ Tây phương đã đồng hoá phong tục cho trai
gái tự do giao dịch một cách rất nhanh chóng. Ngày nay ít người Việt
còn cố chấp bắt con gái cấm cung – như ở Ấn Độ, Trung Hoa, Mã Lai, v.v.
Tuy nhiên ta phải nhận rằng phong tục Việt và phong tục Tây phương có
đại đồng tiểu dị. Trai gái Việt gặp gỡ nhau trao đổi tình duyên ở trước
mặt mọi người nghĩa là được xã hội bảo chưởng trong sạch. Còn Tây phương
theo chủ nghĩa cá nhân nên để cho họ tự do. Đó là nguồn gốc tội lỗi, ở
xã hội Tây phương, ta còn tìm thấy bằng chứng cụ thể xác thực hơn ở trên
Mường. Các nhà nhân chủng học đã đồng thanh công nhận rằng người Mường
là người Việt còn thuần tuý – Sử cũng nhắc lại rằng khi Tần Thủy Hoàng
thống nhất xong Trung Quốc, cho Đồ Thư sang đất Giao Chỉ, người Bách
Việt chạy lên rừng ẩn náu để kháng chiến. Những người ấy, tức là người
Mường vậy. Ở trên Mường chữ quan lang còn nhắc cho ta tổ chức lang với
Lạc hầu, Lạc tướng dưới thời Hùng Vương. Vậy thì ta có thể không nhầm
lẫn kết luận rằng những tập tục Mường là những tục lệ của người Việt đời
Hồng Bàng. Về vấn đề nam nữ ở Mường có chế độ Bộ Mong. Đó là một chế độ
đặc biệt cho trai gái tới tuần cập kê được đi lại nói chuyện với nhau,
tìm hiểu nhau và khi nào đồng ý thì xin cha mẹ cưới xin. Cha mẹ đợi thời
gian thử thách xem mối tình có bền chặt rồi bắt buộc phải làm vừa lòng
con trẻ. Điểm đặc biệt của tục lệ này ở chỗ trong khi giao dịch, có khi
thời gian rất lâu dài, thanh niên nam nữ phải có đồng bạn chứng kiến.
Người con gái có thể đi quá mức bá cổ người con trai, nhưng người con
trai nhất thiết phải gìn giữ không được cử động. Sự nghiêm trang đứng
đắn phải giữ gìn mãi đến sau đám cưới. Người con trai nào đi quá mức
không những sẽ bị từ hôn mà còn phải phạt vạ làng.
Vì những tục
lệ ấy tồn tại nên ta có lý do nhận rằng trai gái giao thiệp với nhau như
Kiều – Kim, dù trái Nho giáo nhưng không tổn hại đến tục lệ Việt.
Nguyễn Du đã dám để cho đôi trẻ tự do vì nhân sinh quan Việt trong vô
thức trỗi dậy bộc lộ ra. Và cũng vì vô thức điều khiển cho nên dù lý trí
theo Nho giáo kết án, nhưng trong tâm hồn người Việt, ai cũng không cho
câu chuyện đó là quan hệ. Đó là một nguyên nhân đã cảm luyến, quyện lấy
tâm hồn độc giả. Sức gắn bó còn tăng thêm vì Nguyễn Du dùng văn lục bát
là thể thơ thể hiện nhịp điệu của tâm hồn Việt và nhất là vì trong sự
giao thiệp của Kim – Kiều, những lời đối thoại mềm mỏng, khéo léo, duyên
dáng không kém ca dao. Ta thử trích và so sánh những bài ca dao với
đoạn văn đối thoại sau này của Nguyễn Du ta cũng nhận được tất cả sức
quyến rũ của truyện Kiều.
Đây là ca dao:
Sáng ngày tôi đi hái dâu,
Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn.
Hai anh đứng dậy hỏi han,
Hỏi rằng cô ấy vội vàng đi đâu?
Thưa rằng: Tôi đi hái dâu,
Hai anh mở túi đưa trầu cho ăn.
Thưa rằng: "Bác mẹ tôi răn,
Làm thân con gái chớ ăn trầu người".
...
Vào vườn hái quả cau xanh,
Bổ ra làm chín mời anh xơi trầu.
Trầu này têm những vôi Tàu,
Giữa đệm cát cánh, hai đầu quế cay.
Trầu này ăn thật là say,
Dù mặn, dù nhạt, dù cay, dù nồng,
Dù chẳng nên đạo vợ chồng,
Xơi năm ba miếng kêu lòng nhớ thương.
...
Hôm qua tát nước đầu đình,
Để quên chiếc áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà.
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu,
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Khâu rồi anh sẽ trả công,
Đến lúc lấy chồng anh sẽ giúp cho.
Giúp em một thúng xôi vò,
Một con lợn béo một vò rượu tăm.
Giúp em đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi chằm em đeo.
Giúp em quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.
Mua cau thì chọn cau tươi,
Mua trầu chọn lấy hai trăm lá vàng.
...
Và đây là cuộc đối thoại giữa Kim – Kiều:
Kim Trọng:
Rằng: "Từ ngày ngẫu nhĩ gặp nhau,
Thầm trông trộm nhớ bấy lâu đã chồn.
Sương mai, tính đã thâu mòn,
Lần lừa ai biết hãy còn hôm nay!
Tháng tròn như gửi cung mây,
Trần trần một phận, ấp cây đã liền!
Tiện đây xin một hai điều,
Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng?".
Kiều:
Ngẩn ngơ nàng mới thưa rằng:
"Thói nhà băng tuyết, chất hằng phi phong.
Dù khi lá thắm, chỉ hồng,
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.
Nặng lòng xót liễu vì hoa,
Trẻ thơ đã biết đâu mà dám theo!".
Đến như cách tả nỗi tương tư trong cảnh đêm trăng thì thiết tưởng Nguyễn Du đã nhập thần những câu ca dao.
Ca dao:
Ngày ngày em đứng em trông,
Trông non, non ngất, trông sông, sông dài,
Trông mây, mây kéo ngang trời,
Trông trăng, trăng khuyết, trông người, người xa…
...
Sáng trăng suông vằng vặc cái đêm hôm rằm,
Nửa đêm về sáng, trăng bằng ngọn tre.
Em trót yêu anh cho trọn một bề,
Để anh thấp thoáng ngồi kề bóng trăng.
Cái sự tình này ai thấu cho chăng,
Để anh ngồi tựa bóng ông trăng trăng chịu sầu.
Cái gánh tương tư một dịp đôi ba cầu,
Bắc Nam đôi ngả, chịu sầu đôi ba nơi.
Con chim không chết mệt vì mồi,
Nó kêu réo rắt ghẹo người tình chung,
Hai chút ta vấn vít sợi tơ hồng.
...
Kiều:
Kiều từ trở gót trướng hoa,
Mặt trời tới đất, chiêng đà thu không,
Gương nga chênh chếch dòm song,
Vàng gieo ngấn nước, cây lồng bóng sân.
Hải đường lá ngọn đông lân,
Giọt sương chĩu nặng cành xuân la đà.
Một mình lặng ngắm bóng nga,
Rộn đường gần với nỗi xa bời bời.
Vài
thí dụ ấy cho ta bằng chứng để kết luận là Nguyễn Du nhà Nho đã quên
mình nhiều lần để cho Nguyễn Du thuần Việt tác dụng khi viết Kiều.
Tìm
được nguyên nhân ấy ta còn cắt nghĩa được nhiều điều khác trong truyện
Kiều. Kiều ở với chồng sung sướng (Thúc Sinh), đủ danh vọng (Từ Hải) mà
vẫn tha thiết muốn trở về quê hương, đến nỗi vì lòng khát khao đó mà xui
Từ Hải ra hàng là đặc tính Việt.
Kiều dặn Thuý Vân thay Kiều;
Kim Trọng ở với Thuý Vân có con mà vẫn không có tình, tình hoàn toàn gửi
gắm ở Kiều cũng là đặc tính Việt. Người Việt rất thực tiễn, cần người
nối dõi tông đường nên lấy vợ lẽ cho chồng mà không lạt tình yêu chồng.
Trong thâm tâm người đàn bà, công việc giữa chồng và vợ lẻ chỉ là thi
hành một bổn phận chớ chính người vợ cả mới nắm tình yêu. Thống nhất tam
giáo ở bà Đạo cô là tinh thần bao dung rộng rãi của người Việt. Báo ân,
báo oán nhãn tiền một cách máy móc cũng là tín ngưỡng của người Việt đã
giản dị, thực tế hoá luật nhân quả phiền toái của đạo Phật. Công nhận
có một ông Trời nhân tính hoá cầm cân nẩy mực:
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần.
thế
mà chính cái ông Trời ấy lại phải do người mới thể hiện được ý chí (có
trời mà cũng có ta) cũng đều là quan niệm siêu hình mà rất thực tiễn phổ
thông của người Việt. Giải quyết vấn đề mâu thuẫn tài mệnh, vấn đề
nghiệp báo bằng cái tâm, cách ăn ở hợp đạo cũng là tín điều thông thường
của người Việt. Giải quyết vấn đề mâu thuẫn tài mệnh, vấn đề nghiệp báo
bằng cái tâm, cách ăn ở hợp đạo cũng là tín điều thông thường của Việt
Nam mà Nguyễn Du đã sử dụng và hệ thống hoá. Đến như nguyên lý đạo đức
mà bà sư Tam Hợp đã nói:
Sư rằng: Phúc hoạ đạo trời,
Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra.
Có trời mà cũng có ta,
Tu là cõi phúc, tình là dây oan.
là do triết lý vô nguyên đặc biệt của người Việt.
Vậy
thì sở dĩ truyện Kiều rung cảm toàn dân chính vì truyện Kiều đã kết
tinh cao độ tất cả nhân sinh quan và triết lý của người Việt, đã thu hút
tất cả yếu tố hay của Nho, Thích, Đạo – Ngoài giá trị về văn chương ta
còn tìm thấy giá trị triết lý cả hình nhi thượng và hình nhi hạ độc đáo
của người Việt. Phải là người Việt, đọc hiểu bằng giác quan Việt mới cảm
thông hết cái hay của truyện Kiều, mới hiểu được Nguyễn Du và tìm thấy
cả giá trị luân lý, cái nền luân lý rộng rãi bao dung độc đáo Việt. Và
như thế sẽ chấm dứt tất cả những bàn cãi từ xưa đến nay về giá trị luân
lý truyện Kiều.
*
Nguyễn Thị Sâm
Người em vườn Thuý
Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời,
Tôi sẽ nạm vàng muôn khổ cực,
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.
(H.D.)
Trong
Đoạn trường tân thanh,
nhân vật Thuý Kiều nổi bật lên vô cùng lộng lẫy. Người cha đẻ tạo thành
đã ít nhiều thiên lệch khi thảo bút phác hoạ tài hoa người đẹp của Dư
Hoài xa xưa, qua vần điệu, âm thanh.
Làn thu thủy nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.
Một mai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai.
Rồi
hơn trăm năm sau, vì lòng "cảm cựu", vì não lòng tâm sự Tố Như, tao
nhân mặc khách giẫm mòn lối cũ; hình ảnh nàng Kiều càng đậm nét vàng
son. Và người xưa đến người nay, vô tình hay cố ý, cạnh Kiều, mà xoá đi
bao hình bóng. Tôi muốn nói người ta quên rồi người em vườn Thuý: Thuý
Vân. Nghĩa là tôi quyết đề cập đến Thuý Vân trong thiên khảo luận hôm
nay, gọi là tròn bổn phận phải phá tan một trong nghìn bất công nhân
thế, mà cũng gọi là tròn bổn phận kẻ
"trót giàu cảm luỵ" dù biết cuộc đời nhiều phi lý, vẫn cố tìm hoa đẹp để làm thắm mãi cuộc đời, cho cuộc đời có nghĩa thêm lên.
Thuý Vân
Để
trọn vai trò, chỉ dành riêng cho mươi dòng chữ trong toàn tác phẩm: vô
cùng khiêm tốn vô cùng kín đáo, muôn vàn thầm lặng! Cái thầm lặng, cái
kín đáo ấy không phải là tất cả hình ảnh người đàn bà gương mẫu Việt Nam
trong lịch sử, trong cuộc sống nghìn đời hay sao?
Này vẻ đẹp!
Vẻ đẹp cổ kính mà thùy mị, mà phúc hậu:
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.
Có
bao giờ rực rỡ huy hoàng! Nhưng bảo rằng không đẹp thì nghìn lần vô lý!
Đẹp như chiếc áo tứ thân miền Bắc, chiếc áo cụt miền Trung, hay chiếc
áo bà ba miền "mưa nắng hai mùa", thô sơ mà vĩnh cửu.
Này tâm tình!
"Vô tri đến độ không tình cảm" thế nhân thường bảo khi phải nhắc nhở Thuý Vân. Có đúng không bao lời phê phán?
Buộc miệng lên lời:
Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa.
quả cũng ít nhiều thờ ơ lãnh đạm trong khi Kiều đã
đầm đầm châu sa, nhưng nếu nghĩ người nằm dưới đáy mồ hoang tàn không tình quen biết, thì khóc than van vái đề thơ, cũng thật đáng
nực cườinếu
không muốn nói rằng bệnh hoạn. Bản tính bình dị nhiều thiết thực, không
mơ mộng hão huyền, không ước vọng cao xa của con người Việt, nhất là
của người đàn bà Việt Nam lề lối đáng khen nào đáng trách!
Nhiều tình cảm nhưng bao giờ cũng đặt tình cảm trong lẽ phải chẳng là một đức tính người đời thường ca tụng, nhờ đấy nước Việt còn bền vững tận ngày nay.
Thế sao còn vì ai mà nặng lời người em vườn Thuý và quên đi bao cao cả của một tâm hồn?
Tôi nói cao cả không là quá đáng. Vì thiếu Thuý Vân, Kiều có vẹn ân toàn nghĩa với chàng Kim?
Khen
tặng Kiều sao lại nỡ quên Vân? Ngoài ra, đã là người lẽ tất nhiên nàng
vẫn có tình cảm riêng tư cá biệt. Nàng cũng có thể biết yêu và đã yêu.
Gán ép nàng cho Kim Trọng, Kiều và cả gia đình Vương ngoại đã chà đạp
một tâm hồn, gián tiếp đem nàng làm một con vật hy sinh. Thế mà nàng có
phản đối đâu, thế mà nàng có khóc than tru trếu
bên tình bên hiếu như Kiều đâu? Lẳng lặng quên mình vì người. Hành động quá âm thầm nhưng và cùng tế nhị. Hành động chỉ do thúc đẩy của tấm lòng.
Tôi
lại nhớ mẹ tôi, những ngày khói lửa! Cuộc tản cư kéo dài mãi, từ làng
này chúng tôi phải vượt qua làng khác triền miên. Ngày về vô định, mà
tiền bạc chẳng còn. Viễn ảnh chồng con sắp chết đói có lẽ làm đau lòng
mẹ tôi biết mấy! Vì thế người có ý định vào vùng chiếm đóng tìm lại mớ
nữ trang chôn giấu dưới nền nhà (độ một lượng vàng quá ít so với một
sinh mệnh!). Tôi hồi tưởng lại khoảng đường mẹ vượt qua mà rùng mình ghê
sợ. Máu toàn là máu. Mỗi đoạn đường ngăn ngắn là một tháp canh, là
những tên lính ngoại quốc chực hờm. Ai có biết qua Gò Công mùa kháng
chiến, thì hiểu rằng vào thành lúc ấy là một chuyện nguy hiểm nhất cho
người đàn bà. Và từ đấy, hơn mười năm trôi qua, mẹ tôi chẳng bao giờ
nhắc lại hành động trên. Chắc người cho rằng, chỉ là một việc dĩ nhiên
phải làm.
Nhưng tôi, tôi lại nhớ nhiều. Hình ảnh mẹ tôi bao lần
khiến tôi giữ ý nghĩ cuộc đời không hoàn toàn xấu xa nhơ nhớp! Cũng như
tôi vẫn mến Thuý Vân nhiều hơn Kiều, ở đoạn này và những đoạn kế truyện
Kiều.
Một kẻ đến sau trong tình ái! Nàng không bao giờ biết mà
làm gì? Là một chiếc bóng âm thầm bên cạnh người chồng hờ (Kim Trọng có
phút giây nào nghĩ đến Thuý Vân đâu?) nàng cũng chẳng than thân, vẫn
tròn bổn phận. Ấy mới gan, ấy mới tài, mới nhiều khả kính. Cắn chặt
răng, nén đau thương để mưu hạnh phúc cho người thân, còn gì cao đẹp cho
bằng? Lại vì chồng, đồng chung ý nghĩ tìm người chị thân yêu, mà cũng
là người tình địch. Chứng cớ đoạn thơ sau:
Phòng xuân trướng rủ hoa đào
Nàng Vân nằm bỗng chiêm bao thấy nàng.
Tỉnh ra mới rỉ cùng chàng,
Nghĩ lời chàng cũng hai đường tin nghi.
thì thật nàng vẫn đã quá hơn người!
Rồi đến phần tái hợp Kim – Kiều. Bao tầm mắt hướng về cô em gái. Không phụ lòng mong mỏi, đoán trước ý muốn của người thân:
Đứng lên, Vân mới giãi bày…
Rằng trong tác hợp cơ trời
Hai bên gặp gỡ một lời kết giao,
Gặp cơn bình địa ba đào
Vậy đem duyên chị buộc vào cho em,
Cũng là phận cái duyên kim,
Cũng là máu chảy ruột mềm có sao?
Những là nay ước mai ao,
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình.
Bây giờ gương vỡ lại lành,
Khôn thiêng lừa lọc đã đành có nơi.
Còn duyên nay lại còn người,
Còn vầng trăng bạc còn lời nguyền xưa.
Quả mai ba bảy đường vừa,
Đào non sớm liệu se tơ kịp thì.
Thật chí tình!
Thuý
Vân chỉ nghĩ đến kẻ mười lăm năm luân lạc truân chuyên, nghĩ đến tình
ai chung thủy. Nghẹn ngào cho người em ấy? Khách quan ngậm ngùi cho kẻ
chỉ luôn vì người, vì người tất cả trong cuộc đời. Nhưng nàng thì chỉ
cho là một việc tất nhiên (đọc lại mấy dòng thơ trên, ta sẽ thấy quá dịu
dàng, quá chân thành không một lời mai mỉa).
Trách một điều
chàng Kim nàng Thuý cũng đành lòng cho đấy là một việc tất nhiên; trước
mặt người em đau thương – làm sao tránh khỏi, nàng là một con người kia
mà – còn trao đổi những lời thân giao ân ái:
Dẫu rằng vật đổi sao dời
Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh.
Duyên kia có phụ chi tình,
Mà toan chia gánh chung tình làm hai.
Và từ chối cuộc hôn nhân cũng chẳng phải vì nàng Vân mà vì:
Chữ trinh còn một chút này
Chẳng cầm cho vững lại dày cho tan.
hay là:
Thương nhau sinh tử đã liều,
Gặp nhau còn chút bấy nhiêu là tình.
Gương trong chẳng chút bụi trần,
Một lời quyết hẳn muốn phần kính thêm.
nghĩa là họ chỉ vì nhau, thế thôi!
Nát lòng không người em gái!
Thế
mà không một tiếng vang, không một phản ứng: nàng trở về kiếp sống âm
thầm, khi bổn phận đã tròn. Mặc lời phẩm bình, mặc thế nhân.
Ngày
xưa, cũng một cảnh đời na ná, bà Phan Bội Châu, vì cha chồng, vì chồng,
tìm kế thất cho ông để tránh cho ông cái tội "đại bất hiếu" không con
nối dõi tông đường. Bà Phan Bội Châu còn được nhà cách mạng lão thành ca
tụng trong bài văn tế, nghìn năm nêu gương hiền phụ. Chỉ tội cho nàng
Vân, muôn thuở bị lãng quên.
Thuý Vân, thế là hết một vai trò!
Giở xong trang chót truyện Kiều, tôi cũng biết rằng, nàng cũng như mẹ
tôi, cũng như bao người đàn bà gương mẫu khác trên toàn đất Việt, không
cần tôi nhắc đến. Tôi cũng có ý niệm rằng vũ trụ bao la vốn dĩ đẹp muôn
đời là vì nó câm lặng vô biên. Nhưng tôi vẫn trở về với nàng, với những
hình ảnh thân yêu xa xưa, có lẽ chỉ để ấm lòng đôi chút giữa một xã hội
xô bồ mà có đẹp chăng chỉ là những giả tạo bên ngoài! Mà cũng có lẽ để
làm ngát hương đời trong giây phút – mặc cuộc đời không cần hành động
của riêng tôi – với người em gái Thuý Vân, một đoá hoa nhiều hương sắc
dù không lộng lẫy huy hoàng.
[1]Thanh hiên thi tập tài liệu trong
Khảo luận về Kim Vân Kiều, của Đào Duy Anh
[2]Blaise Cendrars