12/7/13

Hương Máu

Nguyễn Văn Xuân

Hương Máu




Quả như lời viên đại tá, ông Hường có xuất hiện. Và hình như ông xuất hiện cốt để bị bắt chứ không thể để thực hiện một kế hoạch quân sự như viên đại tá hốt hoảng lầm tưởng. Ông tự để bị bắt trong một cái miếu giữa đường Hội An - Ðà Nẵng. Trường hợp của ông thuộc "quân quốc trọng sự" nên phải tống giao ngay cho viện Cơ Mật và Tòa Khâm xét xử. Lính tập Hội An lập tức tăng cường việc canh gác. Người ta tíu tít đóng cũi - một cái cũi khá lớn - để giải ông và người con trai bị bắt trước ông. Cậu này mới khoảng mười lăm, mười sáu . Cả tỉnh đều xôn xao, bàn tán về biến cố quan trọng mà họ không chờ đợi này vì họ vẫn còn nuôi khá nhiều ảo vọng về ông. Tối hôm giải ông ra Huế, ông cử Lê gọi tôi vào mật phòng và trầm ngâm khá lâu trước khi bảo tôi:

- Cậu chắc hiểu được cái cảm tình sâu xa của thầy đối với ông Phan, ông Nguyễn. Bấy giờ, ông Nguyễn bị bắt như thế, thật là mối thương tâm, tuyệt vọng chung cho cả quốc dân. Nhưng thầy không muốn để Triều đình tra tấn ông và không muốn con người cao qúi, anh hùng , cương trực nhường ấy, can đảm nhường ấy phải chết nhục dưới lưỡi gươm của tụi đao phủ hèn kém. Vậy, cậu hãy giúp thầy một việc...

Ông rút từ dưới gối một cái dùi nhọn, bén ngọt, dài chừng hơn một tấc, ở chuôi có cái cán bằng gỗ.

- Cậu hãy tùy nghi giao cái này cho ông để ông tự xử trên đường, khi cậu cùng đi ra Huế với ông.

- Con sẽ đi Huế ?

- Cả thầy, thầy cũng đi mang hồ sơ theo. Nhưng nếu thầy lại gần tù xa thì không tiện vậy chỉ có cậu là lui tới dễ dàng theo sự điều khiển của thầy. Cậu cứ đưa và rủi có chuyện gì, thầy đã có cách.

Tôi lặng lẽ cất cái dùi nhọn trong mình. Trên đường đi, tôi chờ cơ hội thuận tiện. Kể ra cơ hội thuận tiện thật nhiều vì mọi công việc cung cấp thức ăn, nước uống...đều do ông Lê định đoạt. Nhưng tôi vẫn chờ một buổi nào đó mà hành động của tôi không thể bị tiết lộ. Vào một bữa ăn tối, khi mấy người lính được ông Lê gọi lại để cho thuốc hút, tôi kẹp mũi dùi xuống dưới cái mâm gỗ đựng các thức ăn rồi mang lên cho ông Hường. Ông lơ đễnh đỡ cái mân, không nhìn tôi. Tôi đằng hắng cốt để cho ông chú ý rồi đỡ cái mâm lên, đặt mũi dùi chạm tay ông. Ông hiểu ý ngay, ngạc nhiên quay phắt sang nhìn tôi. Trái tim tôi đập thình thịch. Không hiểu vì tôi sợ quá, hãi hùng như chưa bao giờ, hay vì đó là lần đầu, sau ba năm trường ao ước mà không toại nguyện thì bất thần được sở nguyện: Ông nhìn tôi ! Ông nhìn tôi ! Nhưng chỉ một giây, hình như hiểu là không nên để lộ những tình cảm đáng nghi giữa hoàn cảnh này nên ông vội vàng nhận ngay mâm cơm, gật đầu ra vẽ cảm ơn, nhưng rõ ràng là để có cớ nhìn lại tôi . Trong cái nhìn sau này, tôi bắt chợt đôi mắt dịu dàng trái ngược với lối nhìn xẳng xớm, nảy lửa thường ngày. Và trong cái ánh sáng của mắt đó, tôi nghe như ông ngầm báo là hình như ông đã nhận ra tôi, hình như có biết tôi là ai, đã gặp ở đâu rồi và ông rất tin cẩn tôi. Ôi nói làm sao cho hết những xúc động, những xao xuyến rờn rợn trên ót, dưới lòng bàn chân và trên da thịt tôi. Ba năm tranh đấu cũa tôi đâu phải vô ích. Nếu không có ba năm nằm gai mếm mật đó, làm sao giờ phút lớn lao này của lịch sử, tôi được vị anh hùng đó nhìn thông cảm bằng cái nhìn sâu tự đáy lòng. Như thế, đâu có phải là cuộc sống sau này, về lâu về dài, tôi chẳng có cái gì để kể cho lũ con cháu nghe đâu ! Khi ông ăn xong, tôi đến mang cái mâm đi. Ông vờ cầm cây quạt lông lên phe phẩy, úp liền xuống chỗ cái mâm mới đỡ lên rồi đưa tay sữa soạn lại cái khăn đen "chữ nhân" cho nghiêm chỉnh. Tôi bước đi và có cái cảm tưởng cái nhìn đó đang lượn ở phía sau.

Trong đêm ấy, nghĩa là suốt đoạn cuối cuộc hành trình ấy, tôi và ông Lê cùng hồi hộp chờ đợi một vụ án mạng, một vụ tự sát thảm khốc nhưng hết sức oanh liệt. Tôi có cái nôn nao vừa hãi hùng, vừa tự hào của người tạo dựng lịch sử. Tôi chỉ chờ tiếng kêu tiếng thét để trở nên con người gắn liền với lịch sử. Nhưng lạ lùng và chẳng có việc gì xảy ra. Cuối cùng khi rời thuyền lên viện Cơ Mật, người ta bắt gặp cái dùi ấy từ cũi rớt ra ngoài...Người ta đoán là ông đã thủ cái dùi ấy từ trước, muốn dùng nó để tự sát như hầu hết các bậc phi thường trong tưởng tượng và bây giờ bị bại lộ, phải vứt ra ngoài. Lúc tôi mang chén nước lên cho ông lần cuối cùng, ông lại nhìn tôi và khẻ lắc đầu.

Sau này, tôi mới sực nhớ và hiểu tại sao không không tự sát. Quả tự sát là ngu muội hèn nhát, và phản bội. Ngày ở trên Tân Tỉnh, ông đã chuẩn bị cái chết này như một kế hoạch trọng đại vừa bảo toàn sinh mạng các đảng nhân, vừa biểu lộ ý chí cứu quốc công khai, chứ không phải là chọn cái chết hèn mọn, dễ dàng. Chính ông cử Lê sau này cũng thở dài hối hận đã tính một nước cờ trẻ con, đã đem cái chí mỏng cạn của kẻ phàm phu để so với tư tưởng cao cả của nhà lãnh tụ. Vì sau khi dự buổi xét xử tại viện Cơ Mật - buổi ấy tôi không được dự - Ông cử Lê đã nhận thức một cách đầy đủ về hành trạng của ông Hường. Ông Cử Lê cho biết ông Hường đã khẳng khái nhận hết cả những việc ông và tất cả kẻ khác đã làm. Ông cho rằng lấy tư cách là quan phụ đạo của vua, bậc thầy cũ của vua không thể bỏ vua mà không dẫn dắt, lấy tư cách một vị phó bảng, tức là nhà nho ông không thể không đặt chữ trung lên trên và quyết phải sống chết vì giáo điều ấy, lấy tư cách là quan địa phương, ông phải bảo vệ và phải chết với địa phương đã được vua ủy nhiệm . Như thế là ông thừa mệnh vua và bắt tất cả kẻ khác phải theo ông. Kẻ nào không theo, ông xử tử và đốt hết nhà cửa để răn chúng, thị chúng. Tất cả mọi người đều khiếp sợ mà theo, dầu không muốn theo cũng không được. Sau khi trình bày những lý lẽ chắc nịch ấy ông bằng lòng chịu chết vì trách cả trách nhiệm thuộc về ông và chỉ xin các quan là đừng theo dõi và hành hạ trả thù những kẻ khác vì họ chỉ bị động và họ đã quá đau khổ rồi.

Các quan lại ở triều đình nói cho đúng chỉ là bọn vô lý tưởng, chúa nào chúng thờ cũng được, thời nào chúng theo cũng xuôi. Chúng vốn ngầm sợ nhất là Nguyễn Hiệu. Nay bắt được Nguyễn Hiệu tức là phương Nam đã tạm bình định xong, chúng có thể yên tâm về mặt đó. Chặt đầu Nguyễn Hiệu, đó là một thắng lợi quyết định, và người ấy đã tự nhận hết tội lỗi thì cũng đủ lắm rồi. Hơi đâu mà bới bèo ra bọ, không chừng rồi dân chúng lại nổi lên lung tung thì càng thêm khốn. Thế là bản án xử trảm đã lập thành.

Buổi sáng đưa ông ra pháp trường, người ta đặt ông vào một cái cũi khác, lớn hơn cái cũ. Ông ngồi trên một tấm cót tre, bên cạnh có bày sẵn hộp trầu, thuốc và theo yêu cầu của ông, cả một tờ giấy bạch và cây bút lông thượng hạng. Người con trai ông đã được đưa vào đề lao để chờ phát vãng làm lính ở Quảng Ngãi.

Dân chúng nghe tin bắt được đại thủ lĩnh "phiến loạn" và đem hành quyết thì từ nguồn chí biển đều đổ xô về tới tấp. Họ dàn sẵn từ sáng sớm trên con đường tù nhân sẽ đi qua với tất cả nghêm trang của giờ lịch sử trọng đại. Họ chờ một con người như thế nào ? Hình như vóc dáng, kích thước và tư thế một bậc anh hùng phải khác. Vì ở đây, họ chỉ gặp một nhà nho tuấn tú, phương phi, trắng trẻo. Nhà nho đó không nhìn một ai, không một chú ý đến mọi động tĩnh chung quanh của đám dân chúng vốn quen ồn ào giờ bỗng trở nên im lặng, kính cẩn và nhiều kẻ khóe mắt rưng rưng...Ông đang lo nghĩ những vần thơ tuyệt bút và muôn vạn con mắt đều trố nhìn vào ngọn bút lông đứng sựng và thoăn thoắt chạy trên tờ giấy. Ðiều này khiến người ta phải nghĩ là ông lầm tưởng mình đang thảo hịch giữa buổi tinh sương chứ không phải làm thơ tuyệt mệnh trong khi đi đến pháp trường.

Tôi không cần tả lại dông dài cái giờ phút ông chấm dứt những bài thơ tuyệt bút để mỉm cười thọ hình. Nó cũng diễn ra theo cái truyền thống oanh oanh liệt liệt với nụ cười lặng lẽ của các chí sĩ Việt Nam. Cái chết không còn có tính cách bị chặt đầu một cách thảm hại mà cốt đạt cho được bốn chữ " trung dung tựu nghĩa" để gây một xúc động bất tuyệt trong lòng kẻ hậu sinh, cốt truyền tiếp một niềm tin tưởng không bao giờ dứt.

Lòng tin ấy quả không thể dứt được , nhất là khi tôi thấy nó trong đôi mắt ông Cử Lê hôm sau khi ở Viện Cơ Mật về và ông bí mật gọi tôi vào phòng riêng. Ông vừa ứa nước mắt vừa mừng rỡ bảo tôi :

- Quả là vận nước còn may lắm, cậu ạ. Thầy có được xem tận mắt hai bài thơ tuyệt mệnh thi của Nguyễn đại nhân. Chà ! cậu mà được thấy cái nét chữ vững vàng cứng cỏi như viết bằng mũi đinh, mũi thép đó, cậu mới hiểu. Chữ viết đẹp một cách ngang tàng mà không tỏ ra chỗ nào ẩn một nét rối loạn. Tiếc quá ! không biết làm sao cho cậu xem qua, liếc qua một chút thôi cũng được để cho cậu vững lòng tin vào vận nước còn tốt lắm ! tốt lắm ! Nhưng mất cái nọ cậu lại được bù cái kia. Ðây, thầy thuộc lòng hết cả hai bài thơ, cậu lấy giấy bút để thầy đọc cho cậu chép. Nhớ lấy cây bút thầy mới mua và đừng run tay nghe.

Tôi đã chép hai bài thơ và tôi xúc động nhất khi nghe đọc tới bốn câu chót của bài thứ hai và cũng là bài cuối cùng :


Hàn sơn kỷ đắc cô tùng cán
Ðại hạ yên năng nhất mộc chi
Hảo bả đan tâm triều liệt thánh
Trung thu minh nguyệt bạn ngô qui

(Núi lạnh, tùng côi xơ xác đứng
Nhà to, cột một khó ngăn ngừa
Về chầu liệt thánh lòng son đấy
Tháng tám trăng rằm sẵn nhịp đưa
Huỳnh Thúc Kháng dịch )


Tôi có cảm tưởng thấy cây tùng cao vút mọc trên những dãy núi lạnh tôi từng đi qua, từng chiêm ngưỡng bỗng đỗ nhào xuống.

Ðêm ấy , tôi ngủ chiêm bao thấy hàng trăm kỵ sĩ rong ruỗi khắp xóm làng tỉnh Quảng Nam mang theo những lá đại kỳ viết bằng chữ lớn, báo tin thủ lãnh phiến loạn dã chết.

Nhưng đột nhiên những kỹ sĩ rực rỡ sắc màu kia biến mất nhường chỗ cho những người gầy gò xanh xao. Họ chạy qua mặt tôi, lớn tiếng gọi tôi và vẫy tay. Tôi sững sốt chạy lại thì thấy toàn những bộ mặt quen mà tôi đã gặp suốt ba năm trời ở núi rừng. Nhưng khi họ trưng thẳng lá cờ, tôi không thấy hung tín mà chỉ thấy một chữ " Tiệp" rất lớn. Rồi tôi lại thấy đoàn kỵ sĩ áo quần sặc sỡ hiện ra và tất cả cùng đua nhau chạy về phía sương mù.

Nguyễn Văn Xuân

11/7/13

Một bài thơ tình sầu


Cuối cùng cho một tình yêu,
bình và dịch một bài thơ tình sầu


Hàn Thuỷ



Thơ tình yêu hay, ở nước nào cũng nhiều, và mỗi thời mỗi khác. Hãy cứ xin giới hạn trong thơ Việt Nam hiện đại, kể từ phong trào thơ mới, và trong tầm hiểu biết vừa chủ quan vừa hạn hẹp của tại hạ, người viết bài này. Đọc vài câu chắc nhiều người nhớ, để thấy cái khác của mỗi thời.
Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến, mắt như lòng.
Nở bừng ánh sáng. Em đi đến,
Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng.
Huy Cận, Áo trắng
Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu.
Xuân Diệu, Yêu
Thật ra thơ tình yêu của hai ông hoàng thơ mới này, không có gì sâu sắc. Họ nằm trong số những người có đóng góp rất lớn cho ngôn ngữ Việt, về cả cấu trúc câu văn xuôi lẫn bút pháp thơ, kế thừa ngôn ngữ thơ cổ điển của dân tộc và tiếp thu cái mới của thơ Pháp để hình thành một ngôn ngữ đẹp, từ đó biểu lộ được những tình cảm tinh tế... điều này nhiều học giả đã chỉ ra, ở một bài tản mạn này không dám nói nhiều. Nhưng trong tình yêu thì tinh tế chưa đủ, hình ảnh đẹp bóng bẩy cũng chưa đủ. Nhiều khi trong thơ tiền chiến người ta thấy tình yêu chỉ là cái cớ để nhà thơ... làm thơ, thí dụ như :
Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng:
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng,
Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại,
Thăm thẳm nhìn tôi, không nói năng.
Đinh Hùng, Tự tình dưới hoa
Chẳng thà như Nguyễn Bính, rất chân thật :
Cầm tay anh khẽ nói:
-Khóc lóc mà làm chi?
Hôn nhau một lần cuối,
Em về đi, anh đi...
Nguyễn Bính, Hôn nhau lần cuối
Nói sao cho rõ đây ? có lẽ trừ vài bài ngoại lệ như Hai sắc hoa ti-gôn ; còn những bài thơ "tình cảm", hoặc "nói về tình yêu" của thời tiền chiến, rất hay, như Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Ngậm ngùi của Huy Cận, Ngập ngừng của Hồ Dzếnh, Vì sao của Xuân Diệu... với tại hạ, đó không phải là thơ tình yêu, vì trong đó tình yêu chỉ là cái cớ, đối tượng yêu chỉ là cái bóng. Trong nghĩa đó, văn chương của Trương Quỳnh Như và Phạm Thái là những tác phẩm tuyệt vời về tình yêu, từ hơn hai thế kỷ trước.
Tại hạ nghĩ là phải đến sau phong trào thơ mới, thơ tình yêu Việt Nam mới có nhiều bài hay. Hãy ghi nhận trong thời kháng chiến những bài thơ như Màu tím hoa sim... thời chiến, không có thì giờ tô điểm, lời thơ như lời kể chuyện, mà làm ta đau nhói :
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến chinh
Mấy người đi trở lại
(…)
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Hữu Loan, Màu tím hoa sim
Đến đây có lẽ không còn cần thú nhận nữa: một bài thơ tình hay, theo chủ quan của tại hạ, là một bài thơ về mối tình (có thể đơn phương, nhưng) liên quan đến hai con người, toát ra tình yêu chân thành, không lý luận, không lạm dụng những ẩn dụ, những hoa hoè bóng bảy... Thơ hay là những câu làm người ta tê tái như tím chiều hoang biền biệt, hay "hết hồn" luôn, như :
Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang
Trần Dạ Từ, Nụ hôn đầu

*


Ô hay ! tại hạ đang định tán về một bài thơ buồn mà. Vậy xin trở lại chủ đề, nhưng để bắt đầu mời bạn nghe Khánh Ly hát đã :


Bài hát này do Trịnh Công Sơn phổ thơ Trịnh Cung (1958), gần như giữ nguyên văn, trừ câu kết (và thêm cái coda tuyệt vời, nhưng điều ấy chỉ thuộc về bản nhạc), theo lời Đinh Cường:
...Sơn đã phổ nhạc bài thơ 4 chữ "Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu" của Trịnh Cung,
và sửa câu cuối. "Lời ca anh nhỏ, nỗi buồn hôm nay" thành "nỗi lòng anh đây"...
Từ đây xin quên bản nhạc để chỉ nói về bài thơ dưới đây, với câu cuối đã được Trịnh Công Sơn sửa đổi, bởi công chúng đã biết như thế và chắc Trịnh Cung đã chấp nhận, vả lại, bạn bè đề nghị đổi một hai chữ là chuyện tự nhiên.

Ừ thôi em về
Chiều mưa giông tới
Bây giờ anh vui
Hai bàn tay đói
Bây giờ anh vui
Hai bàn chân mỏi

Thời gian nơi đây
Bây giờ anh vui
Một linh hồn rỗi
Tình yêu xứ này

Một lần yêu thương
Một đời bão nổi
Giã từ, giã từ
Chiều mưa giông tới
Em ơi em ơi

Sầu thôi xuống đầy
Làm sao em nhớ
Mưa ngoài sông bay
Lời ca anh nhỏ
Nỗi lòng anh đây





Ừ thôi em về, câu mở đầu là một lời từ biệt quá đỗi bình thường giữa hai người có tình cảm thân thiết với nhau ; câu hai cũng bình thường như thế, tại sao phải về ? đơn giản là vì trời sắp mưa giông, Chiều mưa giông tới chỉ khác ngôn ngữ nói chút xíu, cô đọng cho hợp với khổ thơ. Hai câu thơ giản dị, mà bài thơ độc đáo chính ở sự khởi đầu giản dị đó. Tuy vậy, độc đáo không chắc đã hay ! ở đây cái hay của nó chỉ ngấm dần khi người ta đọc toàn bài với những câu thơ kỳ lạ khác, rồi đọc lại lần nữa... bài thơ này không thể chỉ đọc một lần.
Tại sao ? bài thơ gần như dựa trên một thi pháp duy nhất, sự tỉnh lược (ellipse) ; thi pháp này có thể nói là phổ quát trong thi ca từ Đông sang Tây, từ cổ đến kim. Có hai mức độ tỉnh lược; ở mức thứ nhất nó cho phép bỏ bớt các từ đưa đẩy, miễn là ý đã rõ, đó là sự tỉnh lược văn phạm; ở mức thứ hai, sự tỉnh lược ý tưởng, thì ngay cả các ý tưởng liên hệ giữa các mệnh đề cũng có thể không cần viết ra, khi văn cảnh cho phép hiểu ngầm. Mà văn cảnh là cái không khí toát ra từ toàn bài, cho nên một bài thơ như bài thơ này, dùng cả hai loại tỉnh lược ở mức rất cao, thì không thể đọc nó một cách tuyến tính.
Loại thơ như thế đưa cảm nhận chủ quan của người thưởng thức ngày càng sâu hơn, một khi đồng cảm với tác giả. Bạn đã nghe bài thơ một lần rồi, qua một người phổ nhạc bạn thân của thi sĩ, và qua một giọng ca truyền cảm tinh tế, vậy xin trở lại từ chỗ bắt đầu bài thơ, khung cảnh thời gian và không gian của nó.
Bên bờ sông Hương xứ Huế, cuối những năm 50, người con gái và người con trai ngồi bên nhau. Họ vẫn yêu nhau nhưng phải nói với nhau lời chia tay lần cuối, trời sắp mưa giông và đã đến lúc người con gái phải về nhà.
Thời tiền chiến, sự giao thoa văn hoá Việt Pháp đã thúc đẩy một phần nào trong thanh niên tinh thần tự do luyến ái theo văn minh tây phương. Đã cho con gái đi học đến tú tài hay đại học, thì cấm cửa là không thể. Tuy vậy, từ truyền thống văn hoá, gia đình, xã hội, đến bản thân người thanh niên, đều chỉ chấp nhận một mức độ tự do có giới hạn; có thể gặp, có thể yêu ngoài môn đăng hộ đối (và nếu gia đình biết chuyện thì cuộc sống của người con gái không hề dễ dàng), nhưng thường dừng ở mức thuần khiết (platonique) trước khi người con gái đi lấy chồng. Khi ấy nảy ra bi kịch phải từ tạ nhau tuy vẫn yêu nhau. Không đổ vỡ, không giận dữ, không hy sinh cao cả như khi người con trai ra trận... nhưng vẫn phải chấp nhận tình yêu tan đắm. Dĩ nhiên đây chỉ là nói chung, không mối tình cụ thể nào không có những nét riêng.
Tới thời điểm của bài thơ, có lẽ tình cảnh "tiền chiến" nói trên chỉ còn xẩy ra trong xứ Huế. Miền Nam là vùng khẩn hoang, từ lâu đã thoáng hơn nhiều ; và Hà Nội sau 54 đã nằm trong một không khí khác hẳn rồi.
Khung cảnh xã hội và tâm thức ấy soi sáng bài thơ, và giải thích tại sao sự tỉnh lược của tác giả lại tự nhiên không giả tạo. Không có nó bài thơ trở nên rất khó hiểu, tình cảm của người trong cuộc dễ bị hiểu sai, hoặc bài thơ bị tưởng rằng gồm những lời siêu thực, hiểu sao cũng được.
Đó là lời của người con trai sau khi người yêu nói lời từ tạ cuối, trong lòng rất đau, chỉ thốt ra được những cảm tình mãnh liệt nhất, những điều khác đã chìm sâu để chi phối lời thơ một cách vô thức.
Tại hạ không dám đi sâu vào nhạc điệu của bài thơ vì sợ không tách ra khỏi nhạc của Trịnh Công Sơn được ; nhưng quả tình, như anh Đặng Tiến cho biết, có nhiều điều đáng nói. Đại đa số các câu trong bài thơ có toàn chữ với âm bằng, trừ chữ vần thì lại trắc (thí dụ 8 câu đầu), và dùng toàn vần thông (âm không giống nhau hoàn toàn : tới/đói/mỏi/rỗi/nổi...) ; như một cái gì nhói lên rồi lại nhói lên, nhói lên nữa, trên cái nền trầm buồn của tâm tình. Thơ hay vì thế, rất cô đọng mà truyền cảm, vì nội dung cùng nhạc điệu đều toát ra tâm trạng, và khi cảm thông được với tâm trạng tác giả, ta không còn thấy đâu là sự tỉnh lược nữa.
Ừ, thôi em về (để ý dấu phảy ngầm trong diễn tả của Khánh Ly), '   ' bây giờ là sự chấp nhận trong đau đớn, ' thôi ' hằn lên ý nghĩa của sự gián đoạn thời gian, và ' thôi ' còn là tự ý buông rời. Quá khứ có nhau, tương lai thôi không có nhau. Và câu tiếp theo, chiều mưa giông tới, không đơn giản chỉ là một lý do thời tiết, nó còn là một ẩn dụ.
Đau như vậy, mà sao nói bây giờ anh vui ? Đó chỉ là lời nói dối để xoa dịu người yêu. Người yêu, sau khi nói ra quyết định phải chia tay, sợ người con trai quá buồn. Vì vậy phải trả lời như thế ; trả lời như thế, nhưng lại nói tiếp theo (riêng cho mình ?) hai bàn tay đói. ' Đói ' là sao ? là từ đây đôi tay anh vẫn rất thèm, nhưng không còn được cầm tay em hay ôm vai em nữa – lúc đầu tại hạ dịch là mes mains avides, cám ơn Đỗ Tuyết Khanh đã tặng cho chữ orphelines, quá hay. Lại tiếp tục phủ nhận bây giờ anh vui, và lại tiếp tục phủ nhận cái phủ nhận ấy : hai bàn chân mỏi ; đúng thế, khi tâm tình rung động mãnh liệt thì người ta tự nhiên có cảm tưởng mệt mỏi rã rời. Phủ nhận của phủ nhận, trong tiếng Pháp có chữ ' si ' đầu câu, rất thích hợp.
Ở đoạn hai tác giả mới thực sự tìm cách tự an ủi mình. Vì sống ở đây và lúc này nên không sao, dù tan nát nhưng linh hồn sẽ được cứu rỗi bởi tình yêu xứ Huế hay/và tình yêu của xứ Huế !
Tự an ủi được như thế nên trong đoạn ba, mặc dù bi thiết, tác giả đã có bước lùi xa hơn để nhìn nhận chung về cuộc tình và nói ra được lời từ giã. Một lần yêu thương / một đời bão nổi, tám chữ, mô tả một tình yêu đầy giông tố, không đổ vỡ mà không thành, của thanh niên nam nữ một nơi, một thời.
Câu đầu của đoạn cuối Sầu thôi xuống đầy... thật là... thần sầu. Chỉ cảm được mà khó lòng diễn tả, đừng nói đến dịch được cho hết ý ; không đơn giản là một ghi nhận khẳng định ! nó gợi nhớ câu thơ Kiều, Sầu đong càng lắc càng đầy, chữ ' thôi ' này vừa van xin vừa kháng cự : "Hỡi nỗi sầu, hãy thôi rơi xuống như mưa rơi ngoài kia, để thôi lấp đầy tâm hồn ta, tâm hồn người yêu, và thôi lấp đầy không gian". Để người yêu vừa chia tay sẽ nhớ tâm tình của ta, ở đây, hôm nay, với cơn mưa này. Để tâm tình nàng thấm sâu một lời ca nhỏ.
Nhạc điệu cuối cùng chuyển thoát khỏi các đoạn trước, nó trở nên miên man nhờ ở ba vần bằng đầy/bay/đây lặng lẽ trồi lên khoả lấp cái nhói đau của hai vần trắc nhớ/nhỏ. Không biết bạn có để ý ? đây cũng là vần của đoạn thơ về linh hồn được cứu rỗi.
Sẽ không còn gặp nhau ngoài đời, nhưng vẫn miên man hy vọng gặp nhau trong tâm tưởng.
Thơ hay tự nó không có tính phi thời gian ; nó trở thành phi thời gian, chính vì nó là một tuyệt cú đại diện cho một khoảng thời-không nhất định, trước không có, sau cũng không.

*


Dưới đây là bản dịch tiếng Pháp, hy vọng qua đó nói rõ được hơn với bạn đọc quen tiếng Pháp cảm nhận của người dịch về bài thơ, tuy rằng làm việc này đúng là hơi liều. Tại hạ đã cố sử dụng phong cách tỉnh lược của tác giả, nhưng tiếng Pháp dù sao cũng cần tuân theo logic chặt chẽ của nó ; cho nên vẫn bớt mông lung.
Xin cám ơn anh Đặng Tiến, các bạn Mai Ninh và Phan Huy Đường, đã góp ý ; và nhất là cám ơn Đỗ Tuyết Khanh, đã nhiều lần chỉnh lý tiếng Pháp, cả về từ ngữ, văn phạm và phong cách của mấy phiên bản khác nhau mà người dịch đề nghị.




Cuối cùng
cho một tình yêu



Ừ thôi em về
Chiều mưa giông tới
Bây giờ anh vui
Hai bàn tay đói
Bây giờ anh vui
Hai bàn chân mỏi

Thời gian nơi đây
Bây giờ anh vui
Một linh hồn rỗi
Tình yêu xứ này

Một lần yêu thương
Một đời bão nổi
Giã từ, giã từ
Chiều mưa giông tới
Em ơi em ơi

Sầu thôi xuống đầy
Làm sao em nhớ
Mưa ngoài sông bay
Lời ca anh nhỏ
Nỗi lòng anh đây

Thơ Trịnh Cung


Source : www.diendan.org


Dernières paroles
pour un amour



Oui, il est temps que tu rentres
Ce soir l'orage menace
Si, je suis bien
Mes mains orphelines
Si, je suis bien
Mes pieds las

Vivre en ce lieu et ce temps
Je suis bien maintenant
Mon âme est sauvée
L'affection de cette terre

Une fois un amour
Une vie de tempêtes
Adieu, je te dis adieu
Ce soir l'orage menace
Mon aimée, adieu

Qu'importe ma tristesse
Si tu ne les as pas oubliés
Cette pluie sur la rivière
Ce cœur qui crie tout bas
Ma chanson que voilà

Bản dịch Hàn Thuỷ

10/7/13

VÔ THƯỜNG


VÔ THƯỜNG   
                                                   Trần Hồ Dũng 




Có phải em vầng trăng buồn cổ độ

Để truông ngàn ta đợi mãi thiên thu

Gió hiu hắt mang theo lời mộ địa

Đỉnh non cao còn nhớ mãi suối nguồn

Mầm ly biệt nằm trong ngày hội ngộ

Biển sầu dâng khi ghé nụ hôn đầu

Lá vàng úa khi mùa xuân vừa hết

Ngày vụt tàn khi giọt nắng phai mau

Hoa và bướm , tình yêu và ánh sáng

Cùng tan vào trong ảo ảnh hư không

Thắp một nén hương trầm đêm mộng ảo

Thuở yêu em là biết lẽ vô thường


Rồi em cũng bay xa như hạc trắng

Mây buồn trôi nhớ mãi cánh chim trời


Dòng sông mãi ra đi tìm biển rộng

Để cuối trời ta lạc bước miên du


tranhodung.saigon.1986











8/7/13

cõi tôi




cõi tôi

                                                           trần hồ dũng



Tôi về tìm lại  tôi xưa

Tìm tôi  nơi  chốn  em vùa lãng quên

Nghe trong chiều rớt  bên thềm

Chút hương ngày cũ phơi miền tóc sương

người một phương ,ta một phương

Tìm nhau chỉ thấy một đường : thiên thu

mai sau trong chốn sa mù

Hương xưa còn đọng cánh phù vân trôi ?

gọi nhau , tiếng gọi bồi hồi

Tôi ,  trăng  khuya quạnh    ; em , bờ bến xa

tôi về , lạnh  cõi người ta


7/7/13

Tâm thức




             
daniel f gerhartz26 Beautiful Women Paintings By Daniel F. Gerhartz

                 

                           
Tâm thức

                Trần Hồ Dũng




Chỉ cần một nụ cười

Tâm ta  sen hồng nở 

Chỉ cần một ánh nhìn 

Hồn ta tràn ánh sáng 

Nụ cười em vừa tắt 

Tâm ta , cánh hoa khô 

Em quay mặt bước đi 

Lòng ta đầy bóng tối

Bàn chân em ngây thơ 

Bước qua đời rất nhẹ 

Sao lòng ta già cỗi 

Hóa sa mạc ưu phiền 

Tâm, khát một nụ cười

Hồn , bóng đêm chờ sáng 

Ta bước vào cơn mê

Nghe đời trôi rất lạ 

Em là ta ngày trước 

Ta là em ngày sau 

Ta và em là một 

Nở chung đóa vô thường


tranhodung. saigon 2010 - washington 2013
ROS-woman--Oil-Paintings--






6/7/13

TÂM

Code : TVAY003

TÂM

Tặng C.T.

Tâm ở nơi nào  , tôi mãi  đây

tìm  tâm xa vợi tợ  ngàn mây

 ngập  trong  kinh sách ,   chìm  dâu bể

chợt thấy tâm , qua  một nét mày


tranhodung. washington .usa. 6/7/2013