17/8/13

Nguyễn Văn Bông – Luật Hiến pháp và Chính trị học (1)

Tháng 8 17, 2013
Lời giới thiệu của pro&contra
Cuốn sách này sẽ còn phải chờ một thời gian dài, trước khi lại được xuất bản tại Việt Nam. Vì hai lẽ:
Thứ nhất, vì bản thân nội dung của nó. Ra đời gần một nửa thế kỉ trước tại miền Nam Việt Nam thời Đệ nhị Cộng hòa, nền tảng lí thuyết tổ chức một nhà nước dân chủ và pháp quyền mà nó trình bày đối lập sâu sắc với mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa với độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản trước sau vẫn tồn tại trong thực tế và vẫn chế ngự tư duy chính thống.
Thứ hai, tác giả của nó không phải ai khác, chính là Giáo sư Nguyễn Văn Bông, người bị chính quyền cách mạng ám sát ngày 10-11-1971. Lí do để ở thời điểm ấy, Hà Nội quyết định duyệt lệnh giết một giáo sư luật, Viện trưởng Viện Quốc gia Hành chánh tại Sài Gòn, gần đây được bạch hóa trên báo chí Việt Nam với một sự thản nhiên đến lạnh người. Một trong hai người trực tiếp tiến hành và tiến hành thành công vụ ám sát, ông Vũ Quang Hùng kể: “Theo tin tức tình báo, G.33 (tức ông Nguyễn Văn Bông) đang chuẩn bị lên nắm ghế thủ tướng. Nếu G.33 đã nắm chức, sẽ rất khó hành động vì khi ấy việc bảo vệ ông ta sẽ khác hẳn. Và nếu tình huống này xảy ra, cách mạng có thể gặp khó khăn hơn bởi Nguyễn Văn Bông là một trí thức có uy tín và chính quyền ngụy chuyển từ quân sự sangdân sự mọi diễn tiến sẽ có lợi cho địch”. Trong một loạt bài vinh danh “chiến công vang dội của An ninh T4″, báo Công an cho biết thêm: “Nguyễn Văn Bông bị tiêu diệt không chỉ làm ‘đổ bể kế hoạch thay đổi nhân sự của ngụy quyền Sài Gòn mà còn làm cho nội bộ địch nghi ngờ lẫn nhau“.
Trong danh sách những nhân vật xuất chúng bị chính quyền cộng sản ám sát hoặc trừ khử trong bóng tối, Nguyễn Văn Bông có nhiều điểm tương đồng với Phạm Quỳnh. Họ đều là những trí tuệ hiếm có, những trí thức có tầm vóc và ảnh hưởng lớn, dấn thân trong trường chính trị cho một nước Việt Nam mới, song họ đều khước từ lựa chọn chủ nghĩa cộng sản. Gần 70 năm sau cái chết của Phạm Quỳnh, tên tuổi ông ở Việt Nam ngày nay không còn là cấm kị, một số tác phẩm của ông đã được tái xuất bản và ngày càng có thêm những công trình nghiên cứu về ông. Lịch sử đã dần bình tĩnh trở lại, tuy nỗi đau từ những tương tàn của cuộc chiến hệ tư tưởng vẫn giày vò các thế hệ đến sau. Còn Nguyễn Văn Bông? Trong cao trào thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp vài tháng trước, Luật Hiến pháp và Chính trị học, tác phẩm chính của ông, cũng được một số người nhắc đến trong phần cước chú hay tài liệu tham khảo, song toàn văn cuốn sách này cho đến nay nằm ngoài khả năng tiếp cận của phần lớn giới độc giả hàn lâm Việt Nam.
Bản điện tử sau đây được thực hiện từ bản chụp của một trong những ấn bản hiếm hoi còn sót lại của cuốn sách này, trong đó một số trang đã bị mất. Để thuận lợi cho độc giả hôm nay, chúng tôi quyết định biên tập theo một số chuẩn mực phổ biến trong tiếng Việt hiện đại. Sự can thiệp này chỉ thuần túy mang tính kĩ thuật, chủ yếu liên quan đến chính tả, tuyệt đối không chạm vào nội dung văn bản. Bên cạnh đó chúng tôi cũng sẽ công bố bản điện tử được thực hiện trung thành với bản in, để truyền đạt nguyên vẹn ấn tượng và cảm xúc về một văn bản mang đậm dấu ấn văn hóa và lịch sử của một quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam hiện không còn tồn tại. Nguyên sách có làm mục lục chuyên đề (Index) để dễ dàng tra cứu, trong bản điện tử chúng tôi không thực hiện. Các chú thích có kèm dấu (p&c) là do pro&contra thực hiện. Tất cả còn lại là chú thích của tác giả Nguyễn Văn Bông.
_________________

MỤC LỤC
Lời tựa
Lời nói đầu cho bản in lần thứ hai
Chương mở đầu
Phần thứ nhất: Lý thuyết đại cương
Thiên thứ nhất : Những khái niệm và nguyên tắc căn bản
Chương I: Chính quyền và quốc gia
Mục I: Quyền lực, uy quyền và hiện tượng chính trị
  1. Quyền lực và quyền uy
  2. Hiện tượng chính trị
Mục II: Khái niệm chính quyền
  1. Chính quyền và cộng đồng chính trị
  2. Ý niệm và vai trò của chính quyền
  3. Những hình thức của chính quyền
Mục III: Quốc gia
  1. Định nghĩa
  2. Những đặc tính pháp lí của quốc gia
  3. Những hình thể của quốc gia
Chương II: Hiến pháp
Mục I: Thế nào là một hiến pháp?
  1. Định nghĩa thực chất và định nghĩa hình thức
  2. Hiến pháp tục lệ và hiến pháp thành văn
  3. Hiến pháp nhu tính và hiến pháp cương tính
Mục II: Thiết lập hiến pháp
  1. Quyền lập hiến
  2. Những phương thức thiết lập hiến pháp
Mục III: Tu chính hiến pháp
  1. Nhận xét tổng quát
  2. Ai có quyền đề nghị tu chính hiến pháp?
  3. Những phương thức tu chính hiến pháp
Mục IV: Bảo vệ hiến pháp
  1. Đặt vấn đề
  2. Những hình thức kiểm soát sự hợp hiến
  3. Giá trị pháp lý của “Lời nói đầu”
Chương III: Nguyên tắc dân chủ
Mục I: Khái niệm chính đáng
  1. Hợp pháp và chính đáng
  2. Nguyên tắc dân chủ: Nguyên tắc chính đáng trong xã hội cận đại
Mục II: Khái niệm dân chủ
  1. Định nghĩa
  2. Chủ quyền
Mục III: Đại cương về chế độ chính trị
  1. Định nghĩa về chế độ chính trị
  2. Phân loại các chế độ chính trị
  3. Chế độ dân chủ và không dân chủ
  4. Những hình thức dân chủ
Thiên thứ hai: Tổ chức chính quyền
Chương I: Những cơ quan công quyền
Mục I: Chính phủ
  1. Cá nhân điều khiển
  2. Tập thể điều khiển
  3. Cá nhân và tập thể điều khiển
Mục II: Quốc hội
  1. Vấn đề lưỡng viện
  2. Tổ chức và điều hành Quốc hội
Chương II: Những hình thức tổ chức chính quyền
Mục I: Chế độ phân quyền
  1. Nguyên tắc phân quyền
  2. Tổng thống chế: chế độ áp dụng nguyên tắc phân quyền
Mục II: Chế độ hợp quyền
  1. Khái niệm hợp quyền
  2. Chế độ nghị viện hay nội các chế
Mục III: Chế độ tập quyền
  1. Những hình thức tập quyền cổ điển
  2. Một hình thức mới, chế độ độc đảng
Chương III: Những định luật căn bản của nền dân chủ hiện đại
Mục I: Những hình thức tổ chức chính quyền cổ điển và thực tại chính trị ngày nay
  1. Những biến chuyển của chế độ nghị viện
  2. Những biến chuyển của chế độ tổng thống
  3. Sự thay đổi toàn điện điều kiện sinh hoạt xã hội ngày nay
Mục III: Một vài định luật căn bản
  1. Chính phủ, cơ quan đầu não của quốc gia
  2. Một hệ thống quyết định, tấn phong và trách nhiệm quốc gia
  3. Một hệ thống đối thoại tự do
Thiên thứ ba: Sự tham gia chính trị của công dân trong chế độ dân chủ
Chương I: Tuyển cử
Mục I: Chế độ tuyển cử và đặc tính của đầu phiếu
  1. Chế độ tuyển cử
  2. Những đặc tính của đầu phiếu
Mục II: Thể thức đầu phiếu
  1. Một vài quy tắc tổ chức
  2. Đầu phiếu theo đa số và đầu phiếu theo tỷ lệ
Mục III: Vấn đề bất tham gia cuộc đầu phiếu
  1. Mực độ bất tham gia
  2. Nguyên do của sự bất tham gia
Chương II: Những hình thức tham gia chính trị
Mục I: Công dân chú trọng đến các vấn đề chính trị
  1. Tìm hiểu chính trị
  2. Lập trường chính trị
Mục II: Công dân chú trọng đến các tổ chức chính trị
  1. Chính đảng
  2. Những tổ chức không mục tiêu chính trị
Chương III: Tham gia và bất tham gia
Mục I: Thái độ phi chính trị
  1. Phủ nhận tính cách chính trị trong hoạt động
  2. Đề cao thái độ thụ động của công dân đối với thời cuộc
Mục II: Lập trường Mác-xít: Sự tham gia trong chế độ dân chủ là một trò bịp bợm
  1. Nội dung của lập trường
  2. Nhận xét
Chương IV: Đối lập chính trị
Mục I: Định nghĩa và các quan niệm về đối lập
  1. Định nghĩa
  2. Đối lập được quan niệm như thế nào?
Mục II: Vai trò của đối lập
  1. Vai trò hạn chế và kiểm soát chính quyền
  2. Vai trò cộng tác với chính quyền
Mục III: Quy chế của đối lập
  1. Những quyền hạn của đối lập
  2. Những nghĩa vụ của đối lập
Mục IV: Đối lập trong các quốc gia chậm tiến
Phần thứ hai: Thế giới chính trị hiện đại
Thiên thứ nhất: Những chế độ dân chủ cổ điển
Chương I: Chế độ chính trị Hoa Kỳ
Mục I: Khung cảnh pháp lý
  1. Một quốc gia liên bang
  2. Một hiến pháp cương tính
  3. Một chế độ tổng thống
Mục II: Thực tại chính trị
  1. Một hệ thống chính đảng duy nhất
  2. Một chính thể đại nghị trá hình
  3. Một nền dân chủ đại diện bởi một cá nhân
Chương II: Chế độ chính trị Anh Quốc  
Mục I: Khung cảnh pháp lý
  1. Một xã hội cổ truyền thời Trung cổ
  2. Một chính thể quân chủ lập hiến
Mục II: Thực tại chính trị
  1. Một hệ thống lưỡng đảng
  2. Một chính quyền thuần nhất và một trách nhiệm quốc gia
  3. Một đối lập hữu hiệu
Thiên thứ hai: Những chế độ chuyên chế
Chương I: Chế độ chính trị Nga Sô
Mục I: Chủ nghĩa Mác-xít
  1. Căn bản triết lý
  2. Chủ thuyết kinh tế
  3. Chủ thuyết chính trị
Mục II: Những định chế chính trị Nga Sô
  1. Tóm tắt lịch sử
  2. Nhà nước Nga Sô
Mục III: Đảng Cộng sản
  1. Đặc tính và tổ chức
  2. Vai trò
Thiên thứ ba: Những chế độ cùng Đông Nam Á
Chương I: Chế độ chính trị Đại Hàn
Mục I: Lược sử chính trị Đại Hàn
  1. Từ 1945 đến 1960
  2. Từ 1960 đến cuộc đảo chính ngày 16-5-1961
  3. Sau cuộc đảo chính
Mục II: Hiến pháp Đại Hàn
  1. Quốc hội
  2. Chính phủ
  3. Pháp viện tối cao
Chương II: Việt Nam
Mục I: Từ đế quốc đến chính thể cộng hòa
  1. Khuynh hướng cộng sản
  2. Khuynh hướng quốc gia
Mục II: Chế độ Ngô Đình Diệm
  1. Phân tích Hiến pháp 26-10-1956
  2. Nhận xét
Mục III: Việt Nam sau Cánh mạng 1-11-1963
  1. Sự hình thành Quốc hội Lập hiến
  2. Quốc hội Lập hiến 1966
Chương III: Nền Đệ nhị Cộng hòa
Mục I: Lời mở đầu và nguyên tắc căn bản
  1. Lời mở đầu
  2. Những nguyên tắc căn bản
Mục II: Quyền lập pháp
  1. Quốc hội, cơ quan lập pháp
  2. Thẩm quyền Quốc hội
Mục III: Quyền hành pháp
  1. Cơ cấu hành pháp trung ương
  2. Nền hành chánh địa phương
Mục IV: Quyền tư pháp
  1. Vấn đề bảo vệ sự độc lập của thẩm phán xử án
  2. Tối cao Pháp viện
Mục V: Các định chế đặc biệt
  1. Đặc biệt Pháp viện
  2. Giám sát Viện
  3. Các cơ quan tư vấn
Mục VI: Tu chính Hiến pháp
  1. Ai có quyền đề nghị tu chính?
  2. Thủ tục tu chính
Tài liệu cần tham khảo
Phụ bản
  1. Hiến pháp của Hiệp chúng Quốc ngày 4-3-1789
  2. Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa ngày 26-10-1956
  3. Hiến ước Tạm thời số 1 ngày 4-11-1963
  4. Hiến ước Tạm thời số 2 ngảy 7-2-1964
  5. Hiến chương Việt Nam Cộng hòa ngày 16-8-1964
  6. Hiến chương Lâm thời ngày 20-10-1964
  7. Ước pháp Tạm thời ngày 19-6-1965
  8. Hiến pháp 1-4-1967
________________________
LỜI TỰA
 Chính trị có được xem là bệnh dịch hạch hay là địa hạt của những xảo trá, xôi thịt, hoặc được quan niệm như cái gì chỉ liên quan đến chính đảng, đến đấu tranh về ý thức hệ, con người không thể thoát vòng kềm tỏa của chính trị.
Dù cố ý sống trong tháp ngà hay vô tình lánh xa xã hội, khung cảnh cũng như trật tự pháp lý và những vấn đề chính trị vẫn chi phối và quấy nhiễu chúng ta.
Ưu thế và tầm quan trọng của chính trị không thể chối cãi.
Trong chiều hướng ấy, quyển sách này nhằm giúp sinh viên một tài liệu học hỏi và đồng thời những ai mong mỏi mở rộng kiến thức về qui tắc căn bản Quốc gia và điều kiện thực tiễn của cuộc sinh hoạt chính trị. Chúng tôi chỉ muốn lưu ý hai điểm:
1. Khi đề cập đến luật Hiến pháp hay Chính trị học, độc giả không nên quên rằng các vấn đề pháp lý hay chính trị không thể tách rời lịch sử tổng quát, rằng Hiến pháp không phải là sáng tác của óc tưởng tượng mà trước hết là sản phẩm của hoàn cảnh, của xã hội, của biến cố;
2. Nghiên cứu cuộc sinh hoạt chính trị hay các vấn đề hiến tính, phần thứ nhất về “Lý thuyết đại cương” có một tầm quan trọng đặc biệt. Chính trong phần này sinh viên tìm thấy những yếu tố ích lợi để có những nhận định khách quan và thực tiễn về các vấn đề trọng đại của Quốc gia, vấn đề mà sự hiểu biết rất cần thiết không những để học và thi mà còn để có dịp bày tỏ lập trường – với tư cách công dân tự do – trong cuộc tham gia vào sinh hoạt chính trị.
Saigon, ngày 10 tháng 3 năm 1967
NGUYỄN VĂN BÔNG
_______________
LỜI NÓI ĐẦU (CHO BẢN IN LẦN THỨ HAI)
Quyển sách này đã được xuất bản lần thứ nhất trong lúc Quốc hội Lập hiến đang thảo luận khung cảnh pháp lý tương lai cho Việt Nam.
Hôm nay, Hiến pháp của nền Đệ nhị Cộng hòa đã được ban hành và những định chế chính trị, dựa trên đạo luật căn bản ấy tuần tự được thiết lập. Nhìn lại quá khứ, khoảng thời gian của giao thời, chuyển tiếp, hỗn loạn, người quốc gia không khỏi hãnh diện đã xây dựng được một cái gì trong hoàn cảnh khó khăn của một cuộc chiến tranh bất qui ước. Mặc dầu kiến trúc có thể có vài khiếm khuyết, sự khai sinh nền Đệ nhị Cộng hòa đánh dấu bước đầu của ổn định và tạo khung cảnh cho một nếp sinh hoạt chính trị dân chủ tương lai.
Tuy nhiên định chế  con người là hai yếu tố hoàn toàn khác biệt. Không định chế, hoạt động của con người thoát vòng kềm tỏa của pháp luật, và chúng ta trở lùi lại thời kỳ của chính quyền cá nhân để bị ảnh hưởng bởi tính hiếu kỳ hay những xúc động tình cảm của kẻ nắm chính quyền. Trái lại, những định chế, tự nó chỉ là khung cảnh, là nguyên tắc điều hướng mà sự thực hiện sống động tùy thuộc vào hoạt động của con người.
Con người có thể – vô tình hay cố ý, giết hẳn tinh thần của định chế và nguy thay – giết luôn cả sự tin tưởng của quốc dân vào định chế.
Đó là mối lo ngại lớn lao trong năm đầu tiên của nền Đệ nhị Cộng hòa. Thái độ của Quốc hội khi bàn đến vấn đề phụ cấp, tinh thần vô trách nhiệm của một số vị đại diện khi phát biểu cũng như khi vắng mặt ở nghị trường, những chuyến du lịch quanh năm trong lúc địch dồn dập tấn công, những vụ tranh chấp giữa Hành pháp và Lập pháp về một số vấn đề pháp lý mà tầm quan trọng là con số không so với sự sống còn của đất nước, một quan niệm lệch lạc về phương cách tổ chức cơ quan Hành pháp… Tất cả sự kiện vừa nêu làm giảm giá trị của định chế quốc gia và – nếu còn tiếp tục – sẽ có hậu quả không hay cho tương lai nền dân chủ.
*
Với việc tái bản lần thứ hai, ngoài việc sửa chữa và cập nhật hóa thường lệ, tác giả còn dành một phần quan trọng cho việc phân tích và phê bình Hiến pháp ngày 1-4-1967. Nhân dịp, tác giả xin chân thành cảm tạ các phụ giáo tại Học viện Quốc gia Hành chánh, đặc biệt là bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, ông Cung Đình Thanh và Lê Công Truyền đã góp phần vào việc soạn thảo quyền Luật Hiến pháp và Chính trị học này.
Saigon, ngày 10 tháng 3 năm 1969
NGUYỄN VĂN BÔNG
(Còn tiếp)
Nguồn: Nguyễn Văn Bông, Luật Hiến pháp và Chính trị học. In lần thứ hai. Sài Gòn 1969. Bản điện tử do pro&contra thực hiện.
 

16/8/13

KHÓC MẸ





Khóc mẹ





( Viết thay nỗi niềm blogger Tạ Phong Tần ,  một người chưa quen , khi đọc tin T.P.T. đang trong vòng lao lý ,
 hay tin mẹ mất ,mà không thể về chịu tang mẹ . THD  )  

  


KHÓC MẸ  


Vàng bay !
 
Vàng bay !
 
Mẹ ơi hãy ngủ
 
Cho quên kiếp người
 
Lửa  thiêu thân mẹ
 
Lửa đốt lòng con
 
Đừng đau lòng nữa
 
Mẹ ơi !
 
Mẹ ơi !
 
Con còn phải sống
 
đấu tranh  với  đời

Tim con lửa cháy
 

Ruột gan bời bời
 

Con quỳ khóc mẹ
 

Chảy máu con ngươi

Được tin mẹ mất
 

con  chẳng được về
 

đội tang cho mẹ
 

con chẳng được nhìn
 

một lần sau cuối
 

dù thân xác mẹ
 

thiêu  đốt thành  than

Quỳ trong bóng tối
 

Con niệm bài kinh
 

Nguyện cầu cho mẹ
 

Siêu thoát linh hồn
 

Về nơi chốn khác
 

Nơi không còn buồn
 

không còn hiu hắt
 

như là quê hương

Trong chốn lao tù
 

Con quỳ khóc mẹ
 

Dạy con làm người
 

Thân này đâu thể
 

Làm kẻ vong thân
 

Không thể sống quỳ
 

Kiếp đời  nô lệ
 

Mẹ cho thân này
 

Để con sống thẳng
 

làm NGƯỜI TỰ DO
 

mẹ thành ngọn đuốc
 

Soi chốn ngục tù
 

Mẹ thành ngọn lửa
 

Đốt cháy đêm   đen

 

Mẹ bỏ con đi
 

thân con tù tội
 

Mẹ về nơi ấy
 

biết buồn hay vui ?

 

Con quỳ khóc mẹ
 

Cho con làm NGƯỜI
 

Thân này dù nát
 

Niềm tin chẳng sờn :
 

Làm NGƯỜI phải được
 

Sống đời TỰ DO ! 

tranhodung. washington.usa. 30/7/ 2012 
                            
            

NHỚ MẸ












NHỚ MẸ

Con cúi xuống giữa chập chùng bóng tối
 
Nhớ mẹ già hiu hắt những canh thâu
 
Đã bao năm mẹ thao thức nguyện cầu
 
Đếm ngày tháng mong ngày con trở lại

Con quỳ đây, bốn phương trời cúi lạy
 
Mong mẹ già khoan là trái chín cây
 
Để đứa con cách biệt mẹ bao ngày
 
Được nghe lại tiếng ru hời ngày ấy


Con nhớ mẹ những chiều sương khói phủ
 
Tóc mẹ già trắng quá một màu mây
 
Có hay con phiêu bạt chốn quê người
 
Vẫn đau đáu nhớ về hình bóng mẹ


Con quỳ đây giữa hư không vắng lặng
 
Lạy Đất Trời cho Mẹ được bình yên
 
Để đứa con lưu lạc kịp quay về
 
Bên cạnh Mẹ , như sông về với biển


Trần Hồ Dũng  .  Những mùa Vu Lan viễn  xứ (2010-2013 )

15/8/13

MẸ


 


” Tặng những ai đang diễm phúc còn Mẹ
&  những ai từng diễm phúc có Mẹ “

THD




Này bạn , nếu đang còn có mẹ

Bạn - người hạnh phúc nhất trên đời

Ta xin tặng bạn hoa hồng thắm

Cài  lên ngực áo , phía tim mình




Này bạn , nếu đang còn có mẹ

Hãy nghe nhịp đập trái tim mình

Và nghe nhịp đập trong tim mẹ

Hòa cùng một nhịp giữa nhân gian




Từ khi khôn lớn, xa lìa mẹ

Bạn có bao giờ biết ngóng trông

Một vòng tay mẹ ,như trời biển

Che chở con , từ thuở lọt lòng




Từ khi rời khỏi vòng tay mẹ

Vỗ cánh chim bằng , mơ biển khơi

Bạn có bao giờ ngồi nhớ lại
 
Tiếng ru hời của mẹ ta  xưa



Mẹ ở quê nhà xa lắc đó

Ngày đêm mòn mỏi ngóng con về

Vòng tay mở rộng  chờ ta ghé
 
Sao chẳng quay về bên tiếng ru ?




Nếu như mai mốt không còn mẹ

Ai nhốt dùm ta những nỗi buồn

Ai người xoa dịu lòng ta xót

Ai đón ta về, nương náu tâm




Bạn hỡi , nếu như không còn mẹ

Ai khuyên ta sống thẳng trên đời

Quê hương  ,  chốn mẹ chờ ta đó

Hơi ấm bên trời , đâu phải quê


 

Này bạn , nếu như không còn mẹ
 

Ta , kiếp lạc lòai, phận  cút côi
 

Nâng chén rượu buồn như nước mắt
 

Hiểu mình , chỉ có Mẹ ta thôi !
 

Mây trắng sẽ là khăn tang trắng
 

Ta  , kẻ mồ côi đội dưới trời
 

Dâng chén rượu tràn , thay nước mắt
 

Rót gửi càn khôn ,  tạ lỗi Người



tranhodung . Mùa Vu Lan 2012-2013
                                                                                             
      

14/8/13

Bến bờ viễn xứ




Trên đỉnh thời gian mây trắng (*)
Cỏ cây rồi có hao gầy ?
sóng vỗ xanh xao bờ vực
Cuồng vân hóa kiếp ngôn từ
Trót theo mây về viễn xứ
Tư lương ngạo nghễ trời xanh
Cỏ cây đất đá trời mây
Tổ tiên hồn thiêng sông núi
Hoang vu sử lịch tiêu điều
mắt rưng rưng chiều ngấn lệ
Vời trông nhạn xoãi cánh bay
Sầu bi thiên thu viễn mộng
Tịch dương cô mộng trùng trùng
Sắp sẵn cơn say vô tận
Về đâu
Duyên khởi trùng trùng
Cuồng từ ! Cuồng Từ
Trong một sát - na
Buồn vô lượng kiếp
Hồn bay bay mãi
Chưa hết hoang vu

---------------

(*) :  Chiều nay mượn chữ Cuồng Từ
về thu xếp lại ,gửi mù sa bay . THD . 

13/8/13

Nguyễn Hưng Quốc - Tự do trong nhà tù

 
13.08.2013bởi Nguyễn Hưng Quốc

Trong mấy tuần vừa qua, giới quan sát Việt Nam cũng như quốc tế đã bàn luận khá nhiều về Nghị định 72 với nội dung “quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng” do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 15/7 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 9 năm 2013.

Trong nghị định, các trang thông tin điện tử được chia thành bốn loại: Một, trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có chức năng cung cấp thông tin tổng hợp; hai, trang thông tin điện tử nội bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp với chức năng cung cấp thông tin trong phạm vi cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp của mình; ba, trang thông tin điện tử cá nhân với chức năng cung cấp và trao đổi thông tin của chính cá nhân ấy; và bốn, trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành với chức năng cung cấp thông tin trong phạm vi chuyên ngành của mình.

Điều khiến dư luận chú ý nhất là điều 20.4 với nội dung như sau:  “Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp.”

Trong điều khoản ấy, nhà cầm quyền Việt Nam nêu lên hai giới hạn cho các trang thông tin điện tử cá nhân: Một, không đại diện cho ai khác; và hai, không đăng tải các loại “thông tin tổng hợp”. Giới hạn đầu tiên dễ hiểu. Ở đâu cũng vậy. Ngay trong blog này của tôi,  ở cuối mỗi bài viết, bạn đọc đều thấy câu này: “Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.” Điều đáng nói là giới hạn thứ hai: Không được “cung cấp thông tin tổng hợp”. Vậy “thông tin tổng hợp” là gì? Điều 3.19 giải thích như sau: “Thông tin tổng hợp là thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, nhiều loại hình thông tin về một hoặc nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.”

Bất cứ người bình thường nào cũng thấy sự cấm đoán ấy là phi lý.

Thứ nhất, tại sao người ta không có quyền tổng hợp các thông tin chính thức trên báo chí? Một số cán bộ Việt Nam giải thích: vì để tôn trọng vấn đề bản quyền. Nhưng tổng hợp khác với việc in lại. Tổng hợp là chỉ lấy ý hoặc, cùng lắm, trích dẫn ý từ các bài viết khác. Không có luật bản quyền nào cấm trích dẫn một số câu cho việc phân tích và phê bình cả. Khi những câu ấy xuất phát từ giới lãnh đạo chính trị hoặc những nhân vật được xem là người của quần chúng (public figure) thì lại càng không thể cấm đoán.

Thứ hai, cái gọi là “thông tin của chính cá nhân đó” hoàn toàn không mâu thuẫn với loại “thông tin tổng hợp”. “Thông tin của chính cá nhân” không phải chỉ là những thông tin liên quan đến đời riêng, đến vợ/chồng, con cái, nhà cửa, xe cộ, quần áo, bạn bè, ăn nhậu, yêu thương, chơi bời, v.v. mà còn bao gồm cả những điều cá nhân ấy suy nghĩ, thao thức, dằn vặt. Và những điều khiến người ta suy nghĩ, thao thức, dằn vặt không thể chỉ giới hạn trong phạm vi cá nhân hoặc quan hệ liên-cá nhân: Đó có thể là những vấn đề liên quan đến xã hội, văn hóa, chính trị của một nước hoặc ở phạm vi thế giới. Ví dụ, khi tôi bàn đến các chuyện chính trị ở Trung Quốc, đúng là các sự kiện xa xôi ấy đều nằm ngoài “cá nhân” tôi, nhưng sự quan tâm và các suy nghĩ trình bày trong bài viết thì thuộc về tôi. Là một phần của tôi.

Biết phi lý, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn cứ ra lệnh. Tại sao? Đã có nhiều người bình luận: Để hạn chế quyền tự do ngôn luận của các công dân Việt Nam trên mạng lưới internet. Thật ra, theo tôi, vấn đề không phải chỉ là hạn chế quyền tự do ngôn luận. Vấn đề chính là âm mưu tái lập chế độ toàn trị trong lãnh vực tư tưởng ở Việt Nam.

Âm mưu ấy được thể hiện ở ba điểm:

Thứ nhất, chỉ có các cơ quan thông tin và truyền thông chính thống của đảng và nhà nước mới  được bàn đến các chuyện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa... nghĩa là về chuyện quốc sự. Nói cách khác, với các vấn đề này, nhà nước hoàn toàn độc quyền. Độc quyền thông tin.

Thứ hai, khi cấm các trang thông tin điện tử cá nhân không được “cung cấp thông tin tổng hợp”, người ta không nhắm đến quyền thông tin mà chủ yếu là nhắm đến quyền diễn dịch tin. Nhân dân, nếu muốn, có thể đọc các tin tức do nhà nước cung cấp, nhưng không được tự mình diễn dịch các tin tức ấy và công bố các sự diễn dịch ấy. Nói cách khác, ở đây, nhà nước muốn độc quyền trong cả lãnh vực diễn dịch tin tức.

Thứ ba, quan trọng hơn, qua những giới hạn ấy, nhà cầm quyền Việt Nam muốn thu hẹp ý nghĩa của khái niệm cá nhân: Đó là một cái gì hoàn toàn bị cô lập với xã hội. Cá nhân không được bàn, không được phát biểu bất cứ điều gì không thuộc về mình. Nghĩa là sao? Nghĩa là, họ muốn mọi người sống như những con vật. Nhớ, cuối bộ phim tài liệu Chuyện tử tế (1985), đạo diễn Trần Văn Thủy có trích một câu nói nổi tiếng của Karl Marx: “Chỉ có loài súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người, và chăm lo riêng cho bộ da của mình.”

Nhắc đến Karl Marx, lại sực nhớ đến một ý khác: “Lịch sử thường lặp lại, trước là bi kịch, sau là hài kịch.” Khi viết câu ấy, ông đang nghĩ đến cuộc cách mạng năm 1848, thoạt đầu, ở Pháp, sau đó, lan rộng sang nhiều nước khác ở châu Âu và thế giới, nhưng cuối cùng, riêng ở Pháp, mấy năm sau, nó kết thúc bằng việc tái lập đế chế quân chủ và độc tài dưới quyền của Louis-Napoleon (còn gọi là Napoleon đệ tam). Kiểu lịch sử ấy đang tái diễn ở Việt Nam. Trước, bao nhiêu xương máu người Việt đã đổ ra để xây dựng chế độ “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” và “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” với hai lý tưởng chính: cộng hoà và dân chủ, bây giờ, cái họ nhận được là sự phục hồi của sự độc tài và tàn bạo.

Trong thời đại của hài kịch, bao giờ cũng lố nhố những tên hề. Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, là một trong những tên hề ấy khi cố gắng biện hộ là Nghị định 72 không hạn chế quyền tự do ngôn luận. Ông nói: "Về mặt hình thức có vẻ ràng buộc. Nhưng theo tôi, khi pháp luật quy định đầy đủ nhất là khi chúng ta tự do nhất. Tôi biết tôi được làm gì và không được làm gì. Chứ làm mà không biết mình đang làm cái gì, đúng hay sai thì còn nguy hiểm hơn.”

Ông nói đúng: Những người đang ở tù không hề bị hạn chế tự do. Bởi luật pháp đã quy định như vậy và mọi người đều biết toàn bộ không gian ăn, ngủ, đái,..., của họ là trong bốn bức tường kiên cố và kín mít ấy.

Chả trách gì bà Nguyễn Thị Doan, Phó chủ tịch nước Việt Nam, đã có lần dõng dạc tuyên bố: Dân chủ của Việt Nam “cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản.”

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

 
Source : VOA