Tháng 8 18, 2013
Xem kì 1
Chương mở đầu
I. Luật Hiến pháp là môn luật học về Hiến pháp. Mà Hiến pháp là gì? Chúng ta sẽ dành nhiều thì giờ để bàn đến định nghĩa, hình thức cùng nội dung của Hiến pháp. Hiến pháp thường được gọi là luật căn bản. Tại sao căn bản? Vì Hiến pháp là một văn kiện gồm những luật lệ cơ bản qui định cách tổ chức và điều hành những cơ quan căn bản của quốc gia nghĩa là những cơ quan công quyền. Đọc bản Hiến pháp chúng ta biết thế nào là tổ chức chính quyền của một nước.
Luật Hiến pháp là một môn của ngành Công pháp.
Công pháp hay Tư pháp đều là luật lệ cả. Nhưng thường thường người ta chia luật pháp ra làm hai loại: Tư pháp và Công pháp.
Tư pháp: gồm một số môn như Dân luật, luật Thương mại, luật Tố tụng v.v… là tất cả luật lệ mà đối tượng chi phối tư nhân và mối tương quan giữa tư nhân và tư nhân.
Công pháp: gồm một số môn như luật Hiến pháp, luật Hành chính, luật Tài chính v.v… là tất cả luật lệ mà đối tượng chi phối quốc gia và mối tương quan giữa quốc gia và công dân.
Chúng ta không đề cập đến lý do cùng tiêu chuẩn của sự phân loại này. Giáo sư môn Dân luật thường thường trong bài đầu sẽ giải thích rõ ràng. Tuy nhiên các bạn nên ý thức rằng sự phân loại chỉ có một giá trị tương đối và dựa trên tiêu chuẩn kỹ thuật nhiều hơn.
II. Tóm lại, Hiến pháp là một ngành của Công pháp. Và một ngành tối quan trọng của Công pháp.
Vì trong Công pháp – ở đây là Công pháp nội bộ khác với Quốc tế Công pháp – vấn đề chính là tổ chức chính quyền. Tổ chức ra sao, điều khiển thế nào? Ai là người cầm quyền. Họ được chọn lựa ra sao và quyền hành họ như thế nào? v.v…
Đó là những vấn đề căn bản về tổ chức bất cứ một quốc gia nào: vì thế mà môn Hiến pháp giữ một địa vị quan trọng trong Công pháp và cũng vì thế mà luật Hiến pháp được xem là luật cơ bản.
III. Như chúng ta đã trình bày, luật Hiến pháp gồm những luật lệ qui định cách tổ chức và điều hành những cơ quan công quyền. Và trong một phần lớn các quốc gia, các luật lệ ấy được ghi chép trong một văn kiện tối quan trọng gọi là Hiến pháp.
Học luật Hiến pháp tức là nghiên cứu, giải thích và phê bình những qui luật ghi trong Hiến pháp. Tuy nhiên học luật Hiến pháp không phải chỉ nghiên cứu Hiến pháp. Vì Hiến pháp không bao gồm tất cả các luật lệ liên hệ đến tổ chức chính quyền. Hiến pháp chỉ ghi chép những nguyên tắc đại cương, có tính cách căn bản. Và thường thường trong bản Hiến pháp người ta có thấy rằng “một đạo luật sẽ qui định v.v…“. Đó là những đạo luật liên hệ đến tổ chức chính quyền mà chúng ta phải phân tích và để ý.
Nắm vững Hiến pháp cùng các luật liên hệ đến tổ chức chính quyền, đó là một vấn đề quan trọng. Nhưng tôi xin lưu ý các bạn rằng đó là chỉ khía cạnh pháp lý. Một khía cạnh quan trọng nhưng chưa đủ. Vì đôi khi nó không phản ảnh thực trạng của một quốc gia nào đó. Tại sao?
Vì luật lệ nhiều khi bị uốn nắn, làm mất hẳn mục tiêu nguyên thủy của nó.
Vì luật lệ – nhất là về phương diện chính trị – nhiều lúc chỉ là hình thức hóa một sự kiện, một hiện tượng mà chính sự kiện ấy, hay hiện tượng ấy mới là động lực.
Bởi thế cho nên, tôi đề nghị mặc dù chính thức chúng ta gọi luật Hiến pháp, nên hiểu là luật Hiến pháp và Chính trị học.
Ví dụ nếu các bạn nghiên cứu chế độ chính trị của các quốc gia cộng sản và chỉ chiểu theo Hiến pháp, thì các bạn cho là một thiên đường. Nào là tự do này, tự do nọ, nào là bình đẳng của tất cả, nào là Quốc hội, Thủ tướng v.v… Nhưng nếu chúng ta nhìn với bộ mặt thực tế thì cơ quan chính, cơ quan động lực không phải là Quốc hội, Thủ tướng v.v. mà chính là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản.
Trong các nước dân chủ thực sự cũng vậy. Vai trò của chính đảng, vai trò của các đoàn thể áp lực – dù là tôn giáo, quân nhân hay nghiệp đoàn – vai trò của tuyên truyền chính trị v.v…, tất cả những hiện tượng chính trị có một tầm hết sức quan trọng mà chúng ta cần để ý khi đề cập đến chính thể cùng cuộc sinh hoạt chính trị của một quốc gia.
Tóm lại, luật Hiến pháp cần phải được hiểu là “Luật Hiến pháp và Chính trị học”.
Chúng ta không thể học luật Hiến pháp mà không để ý đến những dữ kiện của cuộc sinh hoạt chính trị.
IV. Chúng ta đã dùng danh từ chính trị học. Thế nào là chính trị?
1. NHỮNG ĐỊNH NGHĨA CHỦ QUAN
Chủ quan ở đây tức là bao hàm một ý tưởng phê phán.
a. Có một quan niệm cho rằng chính trị liên quan đến vấn đề đạo đức. Chính trị tức là sửa chữa những sai lầm cho xã hội được ngay thẳng. Chính trị và đạo đức tương quan mật thiết với nhau. Nói đến chính trị là nghĩ đến dùng đạo đức để sửa chữa, làm cho xã hội trở nên lành mạnh. Và đây là quan niệm của triết gia thời thượng cổ.
b. Cũng trong chiều hướng chủ quan – nhưng lại đối chọi với quan niệm trên, chính trị thường được xem là phản đạo đức. Và đây là quan niệm rất phổ thông trong xã hội ngày nay. Vì chính quyền đi đôi với thế lực và lợi lộc, vì chính khách hay dùng thủ đoạn lưu manh, võ lực cùng dối trá để chiếm chính quyền, cho nên đối với đa số công dân ngày nay, cứu cánh của chính trị không khác gì hơn là tranh giành ngôi thứ, là đoạt lợi, là lưu manh, là xôi thịt.
c. Định nghĩa chủ quan trên phản ảnh một phần nào thực tế. Nhìn cuộc sinh hoạt chính trị chúng ta thấy ngay rằng chính trị quả thật bao gồm đạo đức và phản đạo đức.
Trường chính trị thoạt tiên là trường đấu tranh, chiếm quyền hành, tước vị mà kẻ thắng thế chưa hẳn là người tốt. Tuy nhiên đồng thời chính trị chi phối nhân sinh làm cho con người trong một cộng đồng xã hội cấu kết nhau, sống chung nhau dưới một kỷ luật, một nếp sống được xem là đạo lý của cộng đồng ấy.
Đạo đức và phản đạo đức, hai yếu tố này luôn luôn xen lẫn nhau trong cuộc sinh hoạt chính trị.
2. NHỮNG ĐỊNH NGHĨA KHÁCH QUAN
Để có một ý niệm khoa học về chính trị, chúng ta cần gạt bỏ mọi phê phán và nhìn vào nội dung, bản chất của chính trị. Có 3 quan niệm khác nhau về chính trị dựa trên 3 ý niệm: quốc gia, quyền hành và công việc chung.
a. Đối tượng của chính trị là quốc gia
Chính trị học nghiên cứu về quốc gia. Chính trị học là khoa học về sự cai trị các quốc gia, hay là một nghệ thuật cai trị một quốc gia và điều khiển các mối liên lạc với các quốc gia khác.
Quan niệm này bị một số tác giả chỉ trích:
- Vì quan niệm này bị giới hạn trong thời gian.
- Vì quan niệm này đưa đến những phân tích thiếu sót về thái độ chính trị cũng như về cơ cấu và định chế xã hội.
Thật vậy:
1) Danh từ quốc gia hay bị lạm dụng: dùng để chỉ bất cứ tổ chức chính trị nào ngay cho đến những cơ cấu chính trị của những bộ lạc sơ khai.
2) Quốc gia, dù sao chỉ là một thực thể trừu tượng, có tính cách lịch sử. Căn cứ trên thực thể có tính cách lịch sử ấy để nghiên cứu, phân tích thái độ chính trị, cuộc sinh hoạt chính trị hay cơ cấu cùng định chế xã hội không thể đưa đến những nhận xét khách quan, phù hợp với sự tiến triển của khuynh hướng khoa học hiện tại.
b. Đối tượng của chính trị học là quyền hành
Chính trị học là khoa học về quyền hành. Chính trị học nghiên cứu những hiện tượng phát sinh từ quyền hành, hay do uy quyền tạo ra, hiện tượng liên hệ đến cá nhân và đoàn thể đồng thời cũng liên quan đến một đẳng cấp quyền lực trong nội bộ các cộng đồng đông đảo và phức tạp.
Nhưng quyền hành nào? Nếu đối tượng của chính trị là quyền hành của tất cả đoàn thể thì phạm vi của khoa học chính trị rất là rộng rãi. Trái lại nếu hiểu quyền hành theo nghĩa quyền hành quốc gia, quyền hành liên hệ đến quốc gia, thì khoa học chính trị lại được thu hẹp. Theo ý kiến của nhiều nhà xã hội học thì nếu đối tượng của khoa chính trị học là quyền hành trong tất cả các đoàn thể thì khoa này sẽ giẫm chân lên nhiều địa hạt nghiên cứu khác. Bởi vậy họ tách các quyền hành mà họ gọi là «quyền hành chính trị» hay chính quyền và cho nó là đối tượng của chính trị học, còn các hình thức khác của quyền hành thuộc phạm vi các khoa học xã hội, tâm lý xã hội học v.v…
c. Đối tượng của chính trị là công việc chung
Chính trị là công việc chung của rất nhiều người trong cộng đồng xã hội. Theo một tác giả người Pháp, Jean Bodin «chính trị là việc điều khiển thẳng thắn nhiều gia đình và những cái gì chung cho các gia đình ấy, với một quyền lực chủ tể».
Quan niệm này cũng là quan niệm của Tôn Văn. Trong Tam dân chủ nghĩa, Tôn Văn nói: «Chính là việc của chúng nhân, trị là cai quản, điều khiển. Cai quản, điều khiển việc của chúng nhân là chính trị».
Sau khi xem xét qua 3 quan niệm khách quan về chính trị, ta nhận thấy ngay rằng không một quan niệm nào được xem là hoàn toàn đúng hay sai. Ý niệm quốc gia, quyền hành hay công việc chung tự nó không đủ định nghĩa chính trị.
Thật vậy, vẫn biết rằng đơn vị căn bản của thế giới chính trị là Quốc gia, nhưng hiện tượng chính trị không phải chỉ nằm trong quốc gia và có với quốc gia. Chính trị đã có trước quốc gia và vượt hẳn trên quốc gia. Ý niệm quyền hành cũng vậy. Quyền hành rất cần thiết. Nói đến chính trị không thể không nói đến quyền hành. Nhưng phạm vi quyền hành lại quá rộng rãi. Yếu tố quyền hành được đặt ra cho bất cứ một tổ chức nào chứ không riêng cho quốc gia như chúng ta đã thấy. Còn công việc chung thì ý niệm này tổng quát và trừu tượng.
Tóm lại, mỗi ý niệm – quốc gia, quyền hành, công việc chung – tự nó không đủ để định nghĩa chính trị. Nhưng họp lại 3 ý niệm trên phản ánh rõ ràng danh từ chính trị. Chính trị tức là dùng quyền hành chủ tể để điều khiển công việc chung của một số đông người họp nhau thành một tập thể mà hình thức hoàn bị nhất hiện nay là quốc gia.
V. Luật Hiến pháp và Chính trị học là những khoa học thuộc về loại mà người ta thường gọi là các khoa học về xã hội học (Les sciences sociales). Các khoa học về xã hội học gồm: xã hội học, kinh tế học, chủng tộc học, sử học, địa lý nhân văn, tâm lý xã hội học v.v.
Một sự kiện xã hội, một hiện tượng xã hội thường thường là một sự kiện hay hiện tượng toàn bộ tổng hợp mà mỗi khoa học nhìn dưới những khía cạnh khác nhau, khảo sát những phương diện khác nhau cho nên chúng ta mới có những khoa học khác nhau. Trong lúc đối tượng của cái nhìn là một, mỗi khoa học nhìn đối tượng ấy một cách khác nhau vì thế mới sinh ra sự khác biệt giữa các khoa học.
Ví dụ: trong một quốc gia, nhà sử học nhìn với một cặp mắt liên hệ đến thời gian, đến sự thăng trầm của các chế độ hay sự liên tục của một giống nòi. Nhà luật học lại nhìn những định chế pháp lý, những qui tắc, những tập tục tiêu biểu cho một trạng thái tinh thần, một lối sống. Nhà chính trị học chuyên nhìn những cơ cấu quốc gia, những động lực của cuộc đấu tranh chính trị, v.v… Tóm lại, những cái nhìn khác biệt trong lúc đối tượng vẫn là một.
Ý thức nhận xét trên, chúng ta thấy rằng luật Hiến pháp và Chính trị học là hai khoa học bổ túc cho nhau. Trong lúc luật hiến pháp nghiên cứu các qui tắc pháp lý liên hệ đến việc tổ chức và sử dụng quyền chính trị, việc thiết lập các cơ quan công quyền, việc tham dự vào việc thống trị. Chính trị học đi sâu vào các hiện tượng chính trị, nhận lấy các hiện tượng chính trị và tìm hiểu mối tương quan giữa các hiện tượng này.
Môn luật Hiến pháp sẽ được chia làm 2 phần:
Phần thứ nhất: Lý thuyết đại cương
Phần thứ nhì: Thế giới chính trị hiện đại
*
PHẦN THỨ NHẤT: LÝ THUYẾT ĐẠI CƯƠNG
THIÊN THỨ NHẤT: Những khái niệm và nguyên tắc căn bản
CHƯƠNG I: Chính quyền và Quốc gia
Mục I: QUYỀN LỰC, UY QUYỀN VÀ HIỆN TƯỢNG CHÍNH TRỊ
Mỗi người chúng ta thuộc về nhiều đoàn thể xã hội, hoặc vì chúng ta tự ý tham gia (nghiệp đoàn, hiệp hội v.v.) hoặc vì hoàn cảnh (gia đình, giai cấp xã hội v.v…).
Thuộc về một đoàn thể xã hội, tức là thực tế nhìn nhận rằng đoàn thể này có thể đòi hỏi ở chúng ta một vài hành động, một cử chỉ phù hợp với mục tiêu của đoàn thể; tức là chấp nhận rằng đoàn thể có thể bắt buộc chúng ta một vài hy sinh, một vài cố gắng đáng giá.
Thuộc về một đoàn thể xã hội, tức là mỗi người chúng ta phải thực hiện những đòi hỏi của đoàn thể, chấp nhận những hy sinh và cố gắng ấy.
Uy quyền, quyền lực của đoàn thể bắt nguồn từ đó và cũng từ đó sinh ra bổn phận của nhân viên đoàn thể.
Đoạn 1: QUYỀN LỰC VÀ QUYỀN UY
A. THẾ NÀO LÀ QUYỀN LỰC?
Quyền lực là một sự kiện xã hội. Chúng ta chỉ nhìn bất cứ một đoàn thể nào cũng có thể nhận thấy hiện tượng ấy. Vấn đề được đặt ra là thử hỏi vì sao hễ có đoàn thể xã hội là có quyền lực, tại sao không thể có đoàn thể xã hội không quyền lực?
Bất cứ một đoàn thể xã hội nào cũng có quyền lực. Đó là một điều tất yếu. Con người không phải chỉ có lương tri theo lẽ phải và có tính cách hợp quần. Sự sinh tồn của đoàn thể xã hội luôn luôn bị đe dọa bởi những say mê, khát vọng của con người và những đòi hỏi trái ngược của đoàn thể khác; vì thế mà bổn phận và giới hạn xã hội cần phải được đặt ra và đó chỉ là hậu quả tất nhiên của sự tương phản nói trên.
Các nghĩa vụ xã hội chỉ có tính cách cưỡng bách đối với con người qui phục dưới quyền lực, khi nào có sự xung đột giữa bổn phận tương phản hoặc giữa bổn phận và những ham mê, khát vọng của họ.
Tuy nhiên quyền lực – một thực tế xã hội – không phải luôn luôn có nghĩa kìm chế, cưỡng bách đối với con người tham gia vào hoạt động của đoàn thể. Nếu sự tham gia ấy không có tính cách cưỡng bách và không đem lại những xung đột về bổn phận hay quyền lợi thì con người cảm thấy hài lòng thay vì khó chịu. Thực tế cho biết rằng con người có thể tìm thấy một nguồn vui lạ khi tận tụy phục vụ cho chính nghĩa của đoàn thể họ; vì ngay khi cùng chung hành động và cùng tuân thủ một kỷ luật, con người thực hiện những tham vọng và thỏa mãn nhu cầu, kết quả mà họ không thể đạt được nếu hành động lẻ tẻ và riêng biệt.
B. THẾ NÀO LÀ MỘT HIỆN TƯỢNG UY QUYỀN?
Hiện tượng uy quyền là một hiện tượng xã hội phát sinh bất cứ trong nhóm, đoàn thể nào có tổ chức.
Thế nào là một đoàn thể có tổ chức? Trong một đoàn thể có tổ chức, giữa nhân viên có sự liên kết, hàn gắn với nhau bởi một lý tưởng, một mục đích, một hành động chung. Kinh nghiệm xã hội, chính trị cho chúng ta biết rằng ít khi mà chúng ta thấy một nhóm người có thể cùng hành động chung nhau mà không chia sẻ phận sự, mà không có một ý tưởng chỉ đạo định nghĩa rõ ràng ý nghĩa của sự cố gắng và phân chia cố gắng ấy.
Trong một đoàn thể có tổ chức, có chia ra cấp bậc vì không thể có một tổ chức nào mà không có sự phân chia chức vụ, một trật tự ấn định bởi một hệ thống của những người có quyền lực.
Sự phân chia đẳng cấp ấy, sự hiện diện của một uy quyền nghĩa là của một người có quyền quyết định cho kẻ khác, sự kiện ấy chính là hiện tượng uy quyền.
Có hiện tượng uy quyền, khi nào có một sự liên lạc phục tùng, bất bình đẳng giữa những đơn vị của một đoàn thể có tổ chức. Trong một hoàn cảnh mà một nhóm người bắt buộc phải làm sao cho hành động hay thái độ của mình phù hợp với ý chí của kẻ khác. Nói đến uy quyền là phải nghĩ ngay đến mối tương quan giữa cá nhân, mối tương quan trên căn bản bất bình đẳng, là nghĩ ngay đến ưu thế của ý chí kẻ chỉ huy.
Hiện tượng uy quyền có bất cứ trong một tổ chức nào: quân đội, dân chính, nhà trường, chính đảng, tổ chức sinh viên.
C. NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA HIỆN TƯỢNG UY QUYỀN
Hiện tượng uy quyền rất phức tạp, nhiều vấn đề được đặt ra liên hệ đến đẳng cấp, tranh chấp, sử dụng uy quyền.
1) Vấn đề đẳng cấp về uy quyền
Người chỉ huy kẻ khác, chính họ phải tuân lệnh của cấp trên. Và ngược lại người nắm quyền lãnh đạo tối cao không bao giờ sử dụng quyền hành một cách trực tiếp. Giữa những mệnh lệnh bậc nhất và ý chí tuân theo của cấp dưới luôn luôn có những bậc trung gian có thể làm đảo lộn sự thi hành mệnh lệnh.
2) Vấn đề tranh chấp quyền uy
Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt – như quân đội hay tôn giáo – mỗi người chúng ta tham gia rất nhiều đoàn thể tùy theo hoạt động hay sở thích của chúng ta. Những đoàn thể ấy có tổ chức nghĩa là có hệ thống; đẳng cấp uy quyền.
Tham gia nhiều đoàn thể tổ chức, có đẳng cấp nghĩa là có thể xẩy ra cho mỗi người chúng ta những cuộc tranh chấp về uy quyền. Rất dễ hiểu vì một người muốn tham gia nhiều đoàn thể thì chắc chắn rằng nhiều mệnh lệnh bắt nguồn khác nhau có thể chạm nhau.
3) Vấn đề sử dụng uy quyền chỉ huy
Cần phải nhận định rằng ít khi cấp chỉ huy quyết định một cách hoàn toàn độc đoán. Ít khi mà một người có uy quyền có thể dùng uy quyền của mình để bắt buộc kẻ khác phải phục tùng bất cứ lúc nào, cái gì hay cách gì. Thường thường những kẻ sử dụng uy quyền chỉ được vâng lời khi mà uy quyền ấy được nhìn nhận. Uy quyền không phải luôn luôn được nhìn nhận. Trái lại uy quyền luôn luôn được đặt lại. Uy quyền chỉ được nhìn nhận khi nào nó được chứng minh.
Vậy công việc khởi thảo, dự bị những quyết định của cấp chỉ huy luôn luôn – lẽ tất nhiên trong một giới hạn nào – có sự hợp tác của những kẻ bắt buộc phải thi hành hay phục tùng những mệnh lệnh ấy.
Đoạn 2: HIỆN TƯỢNG CHÍNH TRỊ
Trong những đoàn thể, có một đoàn thể đặc biệt, có một tầm quan trọng đặc biệt.
A. Đó là cộng đồng chính trị. Là một đoàn thể khác hẳn các đoàn thể có tổ chức, có hệ thống đẳng cấp khác về hai phương diện: tính cách tối cao và tính cách bao quát.
Tối cao:
- Quyền lực do Nhà nước ủy nhiệm
- Nhà nước được quyền sử dụng lực lượng vật chất
- Tất cả các quyền lực phục tùng uy quyền Nhà nước
Bao quát:
- Nhà nước có xu hướng liên hệ đến tất cả hình thức của hoạt động con người (tất cả những đoàn thể ngoài nhà nước, chỉ họp nhân viên của mình cho một mục đích nhất định, giới hạn, trong một phạm vi liên hệ đến một phần nào hoài bão của họ).
Chúng ta có thể không tham gia vào một đoàn thể, không thuộc một tổ chức, nhưng chúng ta không thể không thuộc một quốc gia.
Tóm lại, cộng đồng chính trị là một tổ chức hết sức đặc biệt. Đặc biệt vì tất cả con người có bổn phận, bắt buộc là công dân của một quốc gia nào đó. Quốc gia ấy, mà nhà nước tượng trưng về mặt pháp lý, là một cộng đồng chính trị.
Bởi thế những hiện tượng uy quyền liên hệ đến quyền lực của Nhà nước – cơ quan chính trị – và công dân là một loại hiện tượng uy quyền đặc biệt khác hẳn uy quyền trong tổ chức khác. Đó là hiện tượng chính trị.
Hiện tượng chính trị: Là hiện tượng uy quyền trong khung cảnh của một cộng đồng chính trị. hiện tượng chính trị (H.T.C.T) biểu lộ dưới hình thức nào?
B. Những hình thức biểu hiện của hiện tượng chính trị
Hành vi pháp lý: Một đạo luật, hành vi chính trị là một hình thức sử dụng quyền lực Nhà nước, và đồng thời là một hiện tượng pháp lý. Đạo luật – các bạn cũng thừa hiểu là kết tinh của một thủ tục nhất định, theo những qui tắc nhất định.
Một quyết định của một Hội đồng xã, một quyết định của Tỉnh trưởng, một biểu quyết của Quốc hội, những quyết định của Chính phủ, tất cả đều là những quyết định công khai, hành vi chính trị. Tất cả là hiện tượng chính trị dưới hình thức hành vi pháp lý. (Sắc luật đặt ngoài vòng pháp luật tư nhân đảng phái, hoạt động tuyên truyền cho chủ trương trung lập.)
Hành vi chính trị: Có những hiện tượng chính trị biểu hiện dưới một hình thức không phải hình thức của một hành vi pháp lý, mà trái lại dưới một hình thức hoàn toàn, trực tiếp một hành vi chính trị.
Một cuộc biểu tình, cuộc mít tinh, những hành vi như phát truyền đơn, hô hào cổ võ chống trung lập, đả đảo hay hoan hô một nhân vật hay cơ quan nào, tất cả những sự kiện ấy rõ ràng đều có một đối tượng, một mục tiêu – là thay đổi điều kiện tham gia hay sử dụng chủ quyền chính trị.
Những hành vi chính trị ấy – cá nhân hay đoàn thể – chúng ta nhận ngay là những hành vi nhằm can thiệp vào mối tương quan của uy quyền nhà nước.
Phát biểu ý kiến: Dư luận là một cái lò nung đúc, phác họa và thay đổi những động lực của cuộc sinh hoạt chính trị, những động lực ấy đụng chạm nhau, hàn gắn nhau để trở thành thái độ chính trị.
Hành vi chính trị của cá nhân hay một đoàn thể thường thường phản ảnh những ý tưởng, hay chính kiến của họ và chính kiến hay ý tưởng ấy tự nó bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố phức tạp, nhiều ảnh hưởng của cuộc sống. Ảnh hưởng hay yếu tố ấy có tác động đối với cá nhân hoặc đoàn thể.
Tại sao lại cho rằng ý kiến là một hiện tượng chính trị, tại sao lại nhấn mạnh tầm quan trọng của phát biểu ý kiến?
Ý kiến của con người chỉ là một ý kiến. Phát biểu một ý kiến không có nghĩa là ý kiến ấy đương nhiên thay đổi một phần nào điều kiện phân phát hay sử dụng quyền lực chính trị. Có những ý kiến – dù rằng được phát biểu – nhưng rồi trong chốc lát tan ra mây khói. Vậy ý kiến không phải luôn luôn và lúc nào cũng có tác dụng chính trị.
Nhưng cần phải nhận định rằng có rất nhiều trường hợp mà ý kiến ấn định một hành vi. Trước khi tôi biểu quyết về một điều gì, tham gia một cuộc biểu tình, ghi tên vào một đoàn thể chính trị, tôi có ý kiến về sự kiện ấy. Ý kiến có tác dụng chính trị là khi nào ý kiến có thể thay đổi hẳn ý kiến và thái độ của kẻ khác.
Một ý kiến không được phát biểu không có một ý nghĩa chính trị gì. Nhưng một ý kiến được phát biểu có thể thay đổi cục diện chính trị, và vì thế là một hiện tượng chính trị quan trọng.
Ngoài những hình thức nói trên, chúng ta còn tìm thấy những hiện tượng chính trị không có tính cách chính trị tự bản chất nó mà chỉ là vì những hậu quả gián tiếp trong cuộc sinh hoạt chính trị.
VẤN ĐỀ KHẢO CỨU NHỮNG HIỆN TƯỢNG CHÍNH TRỊ MỘT CÁCH KHOA HỌC
Thế nào là nghiên cứu một cách khoa học?
Tìm hiểu một cách khoa học, khảo cứu một cách khoa học không có nghĩa là chúng ta đo lường hiện tượng chính trị, sự kiện chính trị một cách tỉ mỉ, từng ly từng phân. Nó cũng không có nghĩa là chúng ta phải theo sát phương pháp của khoa vật lý học. Hiện tượng chính trị và hiện tượng xã hội nói chung là hiện tượng hết sức phức tạp mà yếu tố con người, yếu tố tâm lý chiếm phần quan trọng.
Nói đến nghiên cứu khoa học là chúng ta muốn nói đến vấn đề khách quan trong việc nghiên cứu và sưu tầm. Có nghĩa là chúng ta nên xem hiện tượng chính trị là những sự kiện tự đặt mình ở một vị trí ngoài để nhìn vào sự kiện ấy, và quan niệm một cách rõ ràng rằng sự kiện trước chúng ta là sự kiện chính trị nghĩa là mối tương quan về uy quyền trong một khung cảnh chính trị, mối tương quan giữa cá nhân và Nhà nước hoặc giữa cơ quan công quyền.
Cần phải nhận định rõ là chúng ta đứng trước một sự kiện chính trị, một mối tương quan chính trị. Vì mối tương quan chính trị khác nhiều mối tương quan pháp lý. Trong cuộc sinh hoạt chính trị, có rất nhiều trường hợp mà kẻ có quyền trên mặt pháp lý không nắm quyền thật sự, có rất nhiều trường hợp mà kẻ có thể sử dụng quyền chỉ huy không phải chính là người có quyền trên mặt pháp lý.
Vậy vấn đề lý thú đối với chúng ta trong việc sưu tầm khoa học là thử hỏi ai nắm chủ quyền, sự thật là thế nào và vì lý do gì.
Sự kiện chính trị ấy, hiện tượng uy quyền, hiện tượng chính trị ấy, muốn quan sát một cách khách quan và khoa học, không phải là vấn đề dễ làm.
Không phải chỉ muốn, chỉ nói rằng chúng ta nên có một thái độ khách quan rồi đương nhiên làm được. Mỗi người chúng ta được giáo huấn riêng biệt; có những sở thích không giống nhau, người thì nghiêng về chế độ chính trị này, kẻ khác lại thích một quyết định chính trị như thế kia v.v… Những sự kiện ấy không thể nào mà không có ảnh hưởng đến cách làm việc của chúng ta và nhất là ảnh hưởng đến thái độ khách quan của chúng ta trước hiện tượng chính trị.
Khách quan tức đứng lùi lại để nhìn đối tượng, là chấp nhận – dù đối với những sự việc mật thiết liên quan đến mình – đứng vào vị trí kẻ khác: khách quan tức là không những phán xét theo quan điểm của mình mà còn để ý đến quan điểm của kẻ khác và quyền lợi chung của đoàn thể.
Vậy khó mà nói rằng chúng ta nên có một thái độ hoàn toàn khách quan, nhưng phải quả quyết rằng trong việc sưu tầm, nghiên cứu hiện tượng chính trị, chúng ta nên tiến lần đến một thái độ khách quan, rằng đó là một cố gắng không ngừng.
Mục II: KHÁI NIỆM CHÍNH QUYỀN
Đoạn 1: CHÍNH QUYỀN VÀ CỘNG ĐỒNG CHÍNH TRỊ
Đoạn 2: Ý NIỆM VÀ VAI TRÒ CỦA CHÍNH QUYỀN
Đoạn 3: NHỮNG HÌNH THỨC CỦA CHÍNH QUYỀN
Quyền lực xã hội mà chúng ta đã tìm thấy trong bất cứ tổ chức nào được thể hiện qua nhiều hình thức, nhất là trong một xã hội với một nền văn minh dựa trên sự phân công và sự chuyên môn chức vụ xã hội.
Thần quyền, giáo quyền, quyền kinh tế v.v…, đó là những thí dụ cụ thể. Vì chính quyền cũng chỉ là một hình thức riêng biệt của quyền lực xã hội ấy.
Chính quyền – hay là quyền lực về chính trị – là một loại quyền lực xã hội riêng biệt trong một tổ chức thường được gọi là cộng đồng chính trị. Cộng đồng chính trị là nền tảng của chính quyền.
Đoạn 1: CHÍNH QUYỀN VÀ CỘNG ĐỒNG CHÍNH TRỊ
A. Cộng đồng chính trị nhìn dưới khía cạnh lịch sử, là một toàn bộ xã hội gồm một số đông đoàn thể cùng xen lẫn nhau nhưng không hoàn toàn hỗn hợp. Cộng đồng chính trị là một xã hội toàn diện.
Thật vậy, ngoại trừ trường hợp rất ít của một thị tộc cô lập, giữa người với người, có vô số mối tương quan xã hội khác hẳn, và mọi người – vì thế, thuộc về một số đông đoàn thể. Những đoàn thể này, mặc dù khác nhau về vai trò cũng như về cơ cấu, chung qui gồm một số người tương tự. Mỗi đoàn thể không thể tự túc, tự sống riêng biệt vì hoạt động của nó có tính cách bổ sung. Bởi vậy, giữa đoàn thể có rất nhiều mối tương quan – tiêu cực hoặc tích cực – hỗn hợp trong một hệ thống phức tạp.
Tuy nhiên những đoàn thể xã hội không thể tiến triển và ở trong tình trạng cộng đồng sinh hoạt nếu không có trật tự và thống nhất trong sự giao thiệp hỗ tương.
Chính cái xã hội toàn diện đã được cấu tạo bởi lịch sử và giới hạn trong một địa dư nhất định và bao gồm các đoàn thể khác biệt bổ sung nhau, chính cái xã hội toàn diện ấy là cộng đồng chính trị.
Và vì nhu cầu kết hợp đoàn thể và phối hợp hành động hỗ tương mà nẩy sinh ra một quyền lực đặc biệt: đó là chính quyền.
B. NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA CỘNG ĐỒNG CHÍNH TRỊ
Cộng đồng chính trị là một xã hội đặc biệt vì nó là:
Một xã hội toàn diện
Một xã hội có tổ chức
Cộng đồng chính trị, trước nhất là một xã hội toàn diện, nghĩa là một tổng thể sai biệt, bao gồm số đoàn thể ở trong một tình trạng cộng đồng hoạt động.
Cộng đồng chính trị là sản phẩm của nền văn minh mà sự tiến triển được gắn liền với nguyên tắc phân công và tính cách chuyên môn của chức vụ xã hội.
Là một công dân, tức là tham dự vào cộng đồng chính trị qua sự trung gian của các đoàn thể. Và như chúng ta đã biết con người là một phần tử của nhiều đoàn thể và chính các đoàn thể tạo thành cộng đồng chính trị.
Sự tham gia vào cộng đồng chính trị không có tính cách trực tiếp. Con người chỉ ý thức là một công dân và hành động như thế qua gia đình, mái trường, hiệp hội, chính đảng v.v… Chính những môi giới này đóng một vai trò quan trọng.
Nếu chúng ta không kể những môi giới này, công dân không còn là con người cụ thể, mà trở thành cá nhân trừu tượng, một phần tử phi nhân cách trong quần chúng. Mọi xóa bỏ những đoàn thể trung gian giữa chính quyền và cá nhân luôn luôn là một sự thương tổn con người.
Đó là đặc điểm thứ nhất: cộng đồng chính trị là một tổng hợp phức tạp toàn diện.
C. BA HIỆN TƯỢNG TRONG MỘT XÃ HỘI TOÀN DIỆN
1. Những tương quan xã hội
Tương quan xã hội ở đây là tương quan giữa người và đoàn thể. Tương quan xã hội là những yếu tố có tính cách động lực, những động cơ của mọi biến cải.
Thật vậy, nhất nhất mọi công tác, mọi hành động gì của con người hay của đoàn thể đều thay đổi hoặc cải biến hoàn cảnh của họ. Ngược lại mọi thay đổi cải biến hoàn cảnh khiến họ phải hành động và đặt cho họ nhiều vấn đề mới mẻ.
Bởi vậy, nhìn dưới khía cạnh của một sự tiến triển lịch sử, nền văn minh chung qui chỉ là kết luận của tất cả những hoạt động hỗ tương ấy.
Những tương quan xã hội cấu thành hạ tầng cơ sở của một xã hội.
2. Những đoàn thể xã hội
Thế nào là một đoàn thể xã hội? Đoàn thể không phải là một nhóm người. Sự kiện xã hội của đoàn thể chỉ xuất hiện khi nào những cá nhân – hay những nhóm nhỏ liên kết lại bởi những mối liên hệ có tính cách hỗ tương, bổ sung hoặc tương phản.
Đoàn thể xã hội ở đây cần phải được xem là những mối liên kết, những “nút dây” trong hệ thống phức tạp của mối tương quan xã hội hơn là những cá nhân góp nhặt lại.
Một đoàn thể là tổng hợp của một số tương quan xã hội nhất định giữa con người hoặc giữa những nhóm trong ấy những tương quan tích cực chiếm ưu thế. Những mối tương quan này có thể tạm thời hay vĩnh viễn, tự phát hay có tổ chức. Một đám đông là một đoàn thể, nhưng là một đoàn thể chỉ gồm những tương quan xã hội tạm thời và tự phát. Một hiệp hội, trái lại, là một đoàn thể cấu thành bởi những tương quan xã hội lâu dài và có tổ chức.
3. Những định chế xã hội
Định chế xã hội là tất cả hệ thống về nguyên tắc, nghi lễ, phong tục cũng như truyền thống, hệ thống ấn định việc tổ chức các cơ cấu xã hội.
Định chế xã hội – nói một cách khác, là thượng tầng cấu tạo về mặt ý thức hệ, pháp lý cũng như giáo lý v.v… Sự hiện diện của định chế xã hội là một điều hết sức cần thiết để duy trì một trật tự trong một giai đoạn lịch sử nhất định, nếu không những cơ cấu sẽ sụp đổ ngay hoặc tan rã lần đi.
Nói tóm lại, định chế là một cơ cấu xã hội được chỉnh đốn (có ngăn nắp, thứ tự) để thi hành một chức vụ nhất định, theo những qui tắc được ấn định, hoàn toàn độc lập với ý chí của nhân viên đoàn thể và với những tương quan xã hội tự phát của họ.
Phân tích như thế cho chúng ta biết rằng định chế là những yếu tố trật tự xã hội trong lúc đó những tương quan xã hội đắc lực và bộc phát – tương quan xã hội mà chúng ta gọi là hạ tầng cơ sở – là những yếu tố tiến bộ xã hội.
Mọi cộng đồng chính trị cần phải có hai yếu tố nói trên vì chính nó là điều kiện sinh tồn. Thật vậy, mọi cộng đồng chính trị phải có một trật tự tối thiểu nếu không tình trạng hỗn loạn sẽ đưa đến tan vỡ. Vì thế mà không thể có cộng đồng chính trị không có định chế. Đồng thời một cộng đồng chính trị không thể sống và tiến triển nếu không có gì thúc đẩy để tiến bộ đến mức tối đa. Cộng đồng chính trị sẽ ở trong tình trạng suy đồi nếu những tương quan xã hội không được kích thích và tự do tối cần của đoàn thể không được đảm bảo.
Đoạn 2: Ý NIỆM VÀ VAI TRÒ CỦA CHÍNH QUYỀN
A. Ý NIỆM CHÍNH QUYỀN
Chính quyền tức là mối tương quan giữa người và người trong một cộng đồng chính trị. Mệnh đề này – vừa nghe không mấy gì quan trọng – thật ra chứa đựng một chiến thắng vẻ vang, quí báu – và đồng thời luôn luôn bị đe dọa – của nền văn minh cận đại. Vì chính quyền đã được quan niệm và hành xử trong bao thế kỷ như mối tương quan giữa một người và những người khác, những người này được xem là dụng cụ hay đồng hóa cùng sự vật.
Vì thế mà chúng ta phải luôn luôn nhắc mãi rằng trong cộng đồng chính trị chỉ có con người chứ không có nô lệ. Nói như thế có nghĩa rằng mối tương quan căn bản của chính quyền chính là mối tương quan giữa người và người.
Hành vi thay đổi con người bởi con người có tính cách chính trị khi nào nó nhằm những mục tiêu nhất định và dùng những phương tiện thích ứng cho mục tiêu ấy. Khác với giáo quyền hay quyền lực về tinh thần, chính quyền được định nghĩa bởi mục tiêu và kỹ thuật của nó.
Quyền lực có tính cách chính trị khi nào quyền lực ấy đưa những con người cùng chung sống trong một lãnh thổ nhất định đến những mục tiêu tập thể có tính cách nhất thời và lịch sử.
Thật vậy:
Chính quyền được hành xử trước hết trong một lãnh vực địa dư nhất định. Chúng ta không nên sao lãng yếu tố không gian. Là khung cảnh của chính trị, không gian đồng thời cũng là một trong những phương tiện của chính trị. Vì chính trị, lịch sử và cụ thể – chỉ phát triển bởi không gian và trong không gian.
Chính quyền giúp quốc dân bày tỏ và thực hiện một cách sống chung và đặt những phương tiện để quốc dân – với tính cách một đoàn thể quốc gia – đóng vai trò tích cực và hiệu nghiệm trong sự diễn tiến của đấu tranh và hợp tác giữa các quốc gia.
Mục tiêu của chính quyền luôn luôn có tính cách lịch sử và nhất thời. Chính trị không bao giờ mưu cầu vĩnh phúc cho con người, mà trái lại chỉ nhằm diễn đạt và thực hiện mục tiêu của tập thể – những mục tiêu thuộc về lịch sử này và ở trên trái đất này.
Những phương tiện của chính quyền
Chính quyền hành động qua sự ảnh hưởng, sự uốn nắn, sự bắt buộc.
Ảnh hưởng: Sự thuyết phục hoặc làm duyên. Thuyết phục là hành động của trí khôn chống trí khôn. Làm duyên bao trùm những cái gì có tính cách mỹ thuật trong hoạt động của con người.
Sự uốn nắn: Hành động của con người vào con người qua sự trung gian của sự vật. Mỗi người chúng ta đều được đặt vào một vị trí nhất định, chính giữa một khung cảnh nhất định và chịu hướng dẫn, uốn nắn bởi vũ trụ của sự vật và con người, sự vật và con người mà chính quyền có thể ảnh hưởng trực tiếp.
Sự cưỡng chế (có tính cách vật chất): không có một chính quyền nào có thể bỏ qua việc cưỡng chế.
B. TÍNH CÁCH TỐI CAO CỦA CHÍNH QUYỀN
Như đã hiểu, nếu chính quyền là một quyền lực xã hội riêng biệt cho cộng đồng chính trị và của cộng đồng chính trị – như đã biết là những xã hội toàn diện khác hẳn những đơn vị xã hội khác – người ta nhận thấy ngay rằng chính quyền trội hẳn, vượt hẳn các quyền lực xã hội khác. Chính quyền điều khiển toàn thể cộng đồng chính trị. Và nhiệm vụ của chính quyền là điều động, phối hợp những mối tương quan của vô số đoàn thể khác biệt trong cộng đồng chính trị, điều động và phối hợp hầu giữ được tình trạng cộng đồng sinh hoạt đồng thời đưa xã hội tiến lên theo nhịp cầu lịch sử.
Nói như thế, nhìn nhận vai trò ấy của chính quyền, tức là khẳng định tính cách tối cao của chính quyền.
Chính quyền có tính cách tối cao tức là chính quyền độc lập với mọi quyền lực xã hội nào ngoài cộng đồng chính trị và chính quyền có ưu thế trên mọi quyền lực xã hội trong cộng đồng chính trị.
Khái niệm chính quyền tối cao đã xuất hiện từ đời Thượng cổ và nhất là trong các lý thuyết chính trị vào khoảng thế kỷ XVI và XVII. Một trong những lý thuyết chính trị nổi tiếng nhất về chính quyền tối cao là của Jean Bodin khi ông định nghĩa “Chính trị là việc điều khiển thẳng thắn nhiều gia đình và những cái gì chung cho các gia đình ấy, với một quyền lực chủ tế.” Và chúng ta có thể nói rằng khái niệm chính quyền chủ tế này đã chế ngự tư tưởng chính trị từ thế kỷ XVIII đến nay.
Tuy nhiên xác nhận tính cách tối cao của chính quyền không có nghĩa là khẳng định rằng chính quyền là tuyệt đối hay độc đoán. Bất cứ quyền lực nào cũng bị giới hạn bởi những phản ứng, kháng cự của hoàn cảnh.
C. VAI TRÒ CỦA CHÍNH QUYỀN: TRẬT TỰ VÀ TIẾN BỘ
Cộng đồng chính trị là một xã hội toàn diện – gồm những yếu tố trật tự xã hội mà chúng ta gọi là định chế và mối tương quan xã hội.
Chính quyền là quyền lực đặc biệt, riêng biệt cho cộng đồng chính trị. Bởi thế vai trò của chính quyền phải là duy trì một trật tự tối thiểu và hướng đến một tiến bộ tối đa.
Thật vậy, trong một cộng đồng chính trị, chính quyền có bổn phận bảo vệ và duy trì những định chế được thiết lập, và nhất là áp dụng luật lệ hầu bảo đảm cho công dân cùng đoàn thể những điều kiện tối thiểu để hoạt động và phát triển. Điều kiện tối thiểu ấy là: một hoàn cảnh xã hội tương đối ổn định, liên tục và có an ninh. Không điều kiện ấy – nghĩa là không một trật tự xã hội thì không thể nào làm việc được. Và như thế thì không thể có một mối tương quan xã hội tích cực, không thể có văn minh được.
Tuy nhiên, cần phải nhận thức ngay là không có một trật tự xã hội nào hoàn toàn và vĩnh viễn, vì nếu định chế tồn tại thì mối tương quan xã hội thay đổi luôn. Trật tự được thiết lập luôn luôn là trật tự của một tình trạng văn minh nhất định. Những tiến bộ của văn minh càng phát triển bao nhiêu, thì những qui tắc cùng cơ cấu xã hội càng không hợp với thực tế của tương quan xã hội bấy nhiêu. Hậu quả là một tình trạng bất quân bình giữa hạ tầng và thượng tầng cơ sở trong một cộng đồng chính trị. Bởi thế cho nên, bất cứ một trật tự nào được thiết lập luôn luôn không ít thì nhiều là một “vô trật tự được thiết lập”.
Định chế cần phải không ngừng được chỉnh đốn, đổi mới hoặc đổi thay. Và chỉ có chính quyền mới đầy đủ phương tiện cần thiết để đảm nhiệm vai trò cải tổ ấy.
Tóm lại, một trật tự xã hội thật sự phải là một công trình làm đi làm lại mãi trong thời gian chứ không phải một dữ kiện sẵn có và như thế tồn tại mãi.
Đoạn 3: NHỮNG HÌNH THỨC CỦA CHÍNH QUYỀN
Lịch sử đã chứng minh rằng – trong bất cứ một cộng đồng chính trị nào cũng có một sự biến chuyển về hình thái của chính quyền. Sự biến chuyển ấy được thể hiện trong giai đoạn dài hay ngắn, và dưới hai hình thức đặc biệt: chính quyền có tính cách cá nhân và chính quyền được định chế hóa.
A. CHÍNH QUYỀN CÓ TÍNH CÁCH CÁ NHÂN
1. Đặc tính
Những cơ cấu hình thức chính quyền này thay đổi tùy cộng đồng chính trị và, trong mỗi cộng đồng chính trị tùy theo nhịp độ lịch sử của nó. Tuy nhiên, người ta có thể quả quyết rằng đặc tính chung của các chính quyền có tính cách cá nhân là: chính quyền chiếm bởi một người hay một nhóm người, được hành xử và xem như một quyền sở hữu. Chính quyền ở đây – thuộc về một cá nhân hay một số người – vì những người này có những đức tính hay đặc quyền mà kẻ khác không có: ví dụ như uy quyền tôn giáo, tài binh đao, quyền sở hữu về đất đai v.v…
Có chính quyền là làm chủ chính quyền, là sử dụng như một vật sở hữu. Ai chiếm được chính quyền có thể sử dụng tùy ý thích không phải trả lời cho ai, không cần phải theo thủ tục nào, qui tắc hay nguyên tắc nào. Vì chính quyền là của riêng tư. Vì con người ở cương vị chính quyền không đại diện cho ai, không được ai đề cử và chính họ cũng nhận thức rằng họ nắm chính quyền không phải để bảo vệ ai hay sử dụng cho ai, mà trái lại cho chính quyền lợi của họ.
2. Hậu quả
Qua những đặc tính vừa kể trên của chính quyền cá nhân, chúng ta nhận ngay rằng chính quyền cá nhân là một chính quyền bất ổn định. Thật vậy, nếu chính quyền có thể lọt vào tay tất cả những ai có những cá tính đặc biệt hay những tước vị thì bất cứ ai cũng có thể đòi hỏi chủ quyền khi họ chứng minh được những đức tính hay tước vị đặc biệt ấy.
Bất cứ ai có một chút lực lượng hay uy tín sẽ đòi hỏi chính quyền và giật lấy chính quyền ở tay người khác. Như thế, hậu quả rất dễ đoán trước và lịch sử cũng đã chứng minh hậu quả ấy: chính quyền trở thành một “vật” để tranh giành nhau. Cướp bóc, cưỡng đoạt để làm giàu, chinh phục quân sự để mở rộng đất đai, khủng bố để chứng tỏ sức mạnh của mình v.v… chung qui đó là những phương tiện chính để chiếm chính quyền. Lịch sử thời Trung cổ đã chứng kiến những cuộc tranh giành ghê tởm ấy.
Vì là một chính quyền bất ổn định, chính quyền cá nhân dĩ nhiên được hành xử một cách bất liên tục. Chính quyền từ tay người này qua người khác tùy theo thời cơ, tùy theo những chiến thắng nhất thời. Và những người liên tiếp đoạt chính quyền sẽ thống trị tùy theo ý riêng vì lẽ giản dị là không một định chế nào bắt buộc họ phải tuân theo những nguyên tắc nhất định.
Tóm lại, bởi những lý do trên, chính quyền cá nhân là một hình thức chính quyền dễ bị ảnh hưởng bởi tính hiếu kỳ hay những xúc động tình cảm của kẻ nắm chính quyền. Những quyết định quan trọng của họ không còn thể hiện được những đòi hỏi của trật tự và tiến bộ mà trái lại chỉ là kết quả của một trò chơi tham vọng, âm mưu hay sự tương phản giữa quyền lợi riêng tư.
Chính quyền cá nhân rất là tai hại cho sự thống nhất sự chặt chẽ của đoàn thể xã hội cùng sự thịnh vượng của cộng đồng chính trị.
Bởi thế cho nên đến một giai đoạn nào đó trong cuộc tiến triển của nền văn minh, hình thức chính quyền cá nhân đã trở thành thiếu sót, không đáp ứng với nhu cầu lịch sử. Sự kiện này, những lý thuyết gia cùng những nhà chính trị đều ý thức và vấn đề đặt ra là tìm phương thức để tổ chức một bộ máy chính quyền tương xứng với sự tiến bộ của nền văn minh. Và những suy luận đã đưa đến việc định chế hóa chính quyền.
B. CHÍNH QUYỀN ĐƯỢC ĐỊNH CHẾ HÓA
1. Nguyên nhân
Để đáp ứng nhu cầu hàng ngày càng gia tăng và hay thay đổi trong những xã hội dân số đông đúc và đất đai rộng lớn, chính quyền cần phải tạo ra những cơ cấu chuyên môn (hành chính, tư pháp, quân đội v.v…) và chỉ qua sự trung gian của những cơ cấu này mới hoàn toàn làm tròn sứ mạng được.
Trong những quốc gia càng văn minh và rộng lớn bao nhiêu, thì những cơ cấu chuyên môn này càng phức tạp và bành trướng bấy nhiêu.
“Bộ máy chính quyền” khổng lồ này, với số nhân viên đông đảo, với những cơ sở vật chất hay kỹ thuật to lớn, không thể điều hành được nếu không có sự ổn định, một sự liên lạc cùng một sự liên tục tối thiểu. Từ nhu cầu lịch sử này, phát sinh ra lý tưởng định chế hóa chính quyền.
2. Đặc tính
Một chính quyền được định chế hóa có nghĩa là hình thức chính quyền đặt trong một khuôn khổ nhất định, dựa trên những nguyên tắc pháp lý để có một tính cách chính đáng.
Chính quyền cá nhân là một chính quyền theo thực tế, tùy thuộc bất cứ ai chiếm được nó. Trái lại, chính quyền được định chế hóa là một chính quyền theo pháp lý. Những người nắm chính quyền này không còn là sản chủ nữa với tự do sử dụng theo ý riêng mình, mà trái lại, phải chiếu theo những định chế sẵn có.
Một chính quyền được định chế hóa dựa trên một sự phân chia giữa uy quyền cá nhân và hành xử uy quyền. Nghĩa là chính quyền được chuyển từ cá nhân của những người thống trị đến một định chế – thường thường là định chế Nhà nước. Chính định chế Nhà nước mới là chủ của chính quyền. Như thế không có nghĩa là cá nhân hay những kẻ thống trị không còn một vai trò quan trọng. Nhưng thay vì họ chiếm chính quyền và hành xử chính quyền như một đặc quyền riêng tư thì họ chiếm chính quyền theo những nguyên tắc được ấn định và hành xử chính quyền với tư cách nhân viên thừa hành bởi một uy quyền tối thượng.
Bởi thế cho nên, danh từ chức vụ thường được dùng để ám chỉ hoạt động của những người cầm quyền.
Với một chính quyền được định chế hóa, từ nay uy quyền của những kẻ cầm quyền không cần phải chứng minh bởi những đặc tính hay biệt tài của cá nhân họ vì họ đại diện và hành xử một uy quyền của một định chế. Và sự liên tục cũng như sự vĩnh cửu của chủ quyền được bảo đảm mặc dù có sự thay đổi liên hệ đến nhân vật nắm quyền.
Tóm lại, quan niệm một chính quyền được định chế hóa, tức là ý thức rằng cộng đồng chính trị là một thực tại và có một giá trị trên hẳn mọi cá nhân, luôn cả cá nhân nắm quyền.
Mục III: QUỐC GIA
Đoạn 1: ĐỊNH NGHĨA
Đoạn 2: NHỮNG ĐẶC TÍNH PHÁP LÝ CỦA QUỐC GIA
Đoạn 3: NHỮNG HÌNH THỂ CỦA QUỐC GIA
Quốc gia là hiện tượng chính trị quan trọng nhất. Vẫn biết quốc gia không phải là tất cả chính trị. Trước khi có quốc gia, đã có rồi một cuộc sinh hoạt chính trị. Hơn nữa, có những hiện tượng chính trị vượt hẳn khung cảnh quốc gia. Tuy nhiên để hiểu chính trị cần phải đi từ khái niệm quốc gia vì quốc gia là trọng tâm cuộc sinh hoạt chính trị.
Đoạn 1: ĐỊNH NGHĨA
Khái niệm quốc gia về phương diện xã hội
Khái niệm quốc gia về phương diện pháp lý
Quốc gia, một chính quyền được định chế hóa
A. VỀ PHƯƠNG DIỆN XÃ HỘI
Dưới mắt sử gia và các nhà xã hội học, quốc gia được cấu tạo bởi 3 yếu tố: một dân tộc, một lãnh thổ và một chính quyền.
Một dân tộc
Danh từ dân tộc ám chỉ một đoàn thể đông đúc bao gồm một số người cùng chung sống với nhau, với một tình đoàn kết chặt chẽ thường xuyên qua những sự kiện thực tế mà chúng ta thường thấy đa số quốc gia: một chủng tộc, một tôn giáo, một ngôn ngữ.
Song song với khía cạnh có thể nói là vật chất của danh từ dân tộc, chúng ta cần phải ý thức khía cạnh tinh thần: danh từ dân tộc gợi cho ta ý niệm một số người đã cùng có một dĩ vãng nghĩa là đã cùng có một lý tưởng và một ý chí muốn sống chung, một cách sống riêng biệt.
Một lãnh thổ
Khi các bạn nghe các chính trị gia hô hào nào là: từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mâu… hay là trên dải giang sơn gấm vóc này v.v… đó là ám chỉ lãnh thổ. Lãnh thổ là một dải đất có bờ cõi, biên thùy mà trên đó dân tộc đã và đang cùng chung sống. Không thể có một quốc gia mà không có lãnh thổ. Trường hợp điển hình là nước Do Thái. Dân Do Thái sống rải rác trên thế giới và chỉ thiết lập quốc gia sau khi chiếm được mảnh đất ở Palestine.
Một chính thể
Ở đây là một chế độ chính trị tức là hình thức và cơ cấu tổ chức chính quyền. Như chúng ta đã có dịp nói đến khi đề cập hiện tượng chính trị, khác hẳn các đoàn thể xã hội, tổ chức quốc gia có hai đặc tính: tính cách tối cao và bao quát. Chính những đặc tính ấy đưa đến việc phân công rõ rệt giữa nhà cầm quyền với độc quyền sử dụng lực lượng cảnh bị và quân sự mà những người bị trị bắt buộc phải phục tùng uy quyền quốc gia.
Một dân tộc, một lãnh thổ, một chính thể, đó là 3 yếu tố cấu tạo quốc gia. Tuy nhiên, khi phân tích như thế chúng ta không nên quên rằng:
Hình thức quốc gia không phải luôn luôn đã có trong lịch sử. Trước quốc gia đã có những đoàn thể xã hội khác, như bộ lạc, thị tộc v.v… và chính hiện giờ cũng có một số người, một số dân lang thang và chưa có một quan niệm về quốc gia rõ rệt. Hơn nữa có thể một ngày nào, hình thức quốc gia sẽ lùi vào lịch sử và sẽ được thay thế bởi những hình thức mới mẻ khác. Dù sao chúng ta luôn luôn ý thức rằng hình thức quốc gia tượng trưng cho một giai đoạn lịch sử.
Nhận xét thứ hai là chính ngay trong những quốc gia được thiết lập, có tổ chức, không phải mọi cá nhân đều ý thức sự hiện hữu của quốc gia. Trong nhiều quốc gia vẫn còn những bộ lạc, những miền, những địa phương nơi đó công dân vẫn thiết tha với địa phương, miền của họ và khái niệm Quốc gia chỉ có tính cách quá xa xăm, trừu tượng.
Nhận xét thứ ba là hiện tượng Quốc gia – vì là một hiện tượng lịch sử – có thể biến chuyển theo dòng lịch sử. Thật vậy, lịch sử đã chứng minh rằng từ Á sang Âu, đã có những cộng đồng chính trị vượt lên tới trình độ tổ chức của Quốc gia nhưng rồi sau đó Quốc gia chỉ còn là danh từ, mất hẳn thực chất và nhường bước cho sự lấn áp của địa phương.
Nhận xét thứ tư mà chúng ta không nên quên là: những yếu tố mà các nhà xã hội đã phân tích trên đây không phải cùng xuất hiện một lúc hay chỉ một lần. Những yếu tố tạo thành quốc gia từ từ xuất hiện và, từng hoàn cảnh lịch sử, yếu tố này thể hiện trước yếu tố kia v.v…
B. VỀ PHƯƠNG DIỆN PHÁP LÝ
Dưới mắt các luật gia, quốc gia là một pháp nhân công pháp có chủ quyền.
Một pháp nhân công pháp
Khái niệm pháp nhân là một danh từ giả định rất tiện lợi cho cuộc sống hàng ngày.
Là một pháp nhân, Quốc gia – mặc dù bao gồm những yếu tố phức tạp, rời rạc – được xem là một người về phương diện pháp lý, có nghĩa vụ cũng như quyền lợi, có tài sản, có ý chí v.v…
Vì là một pháp nhân, nên những người cầm quyền trong quốc gia, khi điều hành nhiệm vụ, nhân danh quốc gia, một pháp nhân.
Quốc gia không những là một pháp nhân mà còn là một pháp nhân công pháp. Hai chữ công pháp ở đây là phân biệt vị trí quốc gia trong một lãnh vực nhất định. Tưởng cũng nên nhắc rằng không phải chỉ có quốc gia là pháp nhân công pháp. Có rất nhiều đoàn thể xã hội – hành chính địa phương hay công sở – cũng có tư cách pháp nhân công pháp. Tuy nhiên chỉ có quốc gia là một pháp nhân công pháp tối cao và tổng quát. Và vì đặc tính này mà quốc gia có chủ quyền.
Chủ quyền.
Quan niệm pháp lý về quốc gia đặt nền tảng trên ý niệm chủ quyền. Thế nào là chủ quyền? Người ta thường phân biệt chủ quyền trong quốc gia và chủ quyền của quốc gia.
Chủ quyền trong quốc gia là đặc tính của cơ quan cao nhất trong hệ thống đối với các cơ quan khác. Mọi cơ quan khác đều tùy thuộc cơ quan cao nhất này (ví dụ trong chế độ dân chủ quốc dân hay quốc hội; nhà vua trong chính thể quân chủ).
Chủ quyền của quốc gia nói lên sự kiện là quốc gia được đặt trên hết mọi đoàn thể xã hội. Bởi vậy, trên bình diện quốc tế, quốc gia là một thực thể hoàn toàn độc lập không thể bị hạn chế bởi một cơ quan quốc tế nào. Quốc tế công pháp chỉ có thể do sự thỏa thuận của các quốc gia và sự tôn trọng thỏa thuận đó tùy thuộc vào thiện chí của các quốc gia.
Theo thuyết chủ quyền quốc gia, thì chỉ có quốc gia mới có chủ quyền. Mọi đoàn thể khác đều phải lệ thuộc ít nhiều quốc gia. Mọi đoàn thể khác đều do quốc gia ban cho tư cách pháp lý và các đặc quyền, bởi thế các đoàn thể đều phải tuân phục uy quyền quốc gia.
Lý thuyết quốc gia chủ tể này do các luật gia từ cuối đời Trung cổ đề xướng và được xem là một phản ứng mãnh liệt chống lại sự phân tán quyền hành dưới thời phong kiến và đồng thời cũng chống lại chủ trương của của Thánh quốc cho rằng quyền bính lan rộng khắp các quốc gia. Và vào thế kỷ 19, lý thuyết quốc gia chủ tể này lại càng thêm sức mạnh với phong trào dân tộc tự quyết và chủ nghĩa quốc gia.
Tóm lại, chủ quyền quốc gia có nghĩa là:
Đối nội, quốc gia có toàn quyền ban hành các luật lệ, mệnh lệnh trong công cuộc tổ chức, tóm lại là chính quyền.
Đối ngoại, quốc gia hoàn toàn độc lập, không lệ thuộc một tổ chức, một mệnh lệnh nào bên ngoài. Tất cả những nghĩa vụ cùng những ràng buộc đối với các tổ chức hay quốc gia khác chỉ là những nghĩa vụ tự ý, hay sau một thỏa hiệp tự do chứ không phải bị ép buộc.
Nhận xét:
Định nghĩa pháp lý vừa nêu đã bị chỉ trích rất nhiều bởi những tác giả thuộc hệ phái thực tế.
Về khái niệm pháp nhân công pháp
Họ cho rằng đó chỉ là một giả định vô ích, một không tưởng. Trong một quốc gia chỉ có những cá nhân là những người cầm quyền chứ không có pháp nhân gì cả.
Người ta có thể trả lời rằng đấy là một chỉ trích quá đáng. Vẫn biết rằng khái niệm pháp nhân là một giả định nhưng là một giả định tối cần. Và thật ra trong xã hội phức tạp ngày nay chúng ta hằng ngày sống chung với nhiều giả định. Ngay trong trường hợp cá nhân, xem cá nhân là chủ thể có quyền lợi, nhìn cá nhân với một khía cạnh, xem cá nhân là trọng tâm của một số quyền lợi đáng bênh vực là trừu tượng hóa rồi.
Hơn nữa nếu muốn tránh không dùng khái niệm pháp nhân để chỉ quốc gia thì người ta bắt buộc phải dùng những danh từ khác để ấn định những điều đòi hỏi như quốc gia có tài sản, có nghĩa vụ, quyền hành v.v… Như thế chỉ là một vấn đề thay đổi danh từ.
Về khái niệm chủ quyền
Các học giả lại cho rằng đó là một sai lần nữa vì khái niệm chủ quyền đưa đến hậu quả là:
Quốc gia sẽ đứng trên luật pháp.
Một trở ngại cho việc thiết lập một trật tự quốc tế hữu hiệu.
Thật ra, chỉ trích trên là hậu quả của một sự lầm lẫn hình thức cá nhân của chính quyền và chủ quyền. Người ta muốn nhấn mạnh tính cách ưu thế của luật pháp trong một chính quyền được định chế hóa. Khi mà người ta cho rằng chỉ có cá nhân mới là những chủ thể có quyền và chủ quyền có nghĩa là ý chí độc đoán của một người hay một nhóm người, người ta quên rằng luật pháp chung qui chỉ là một số danh từ không ý nghĩa nếu không có một chính quyền áp dụng và dù cho có đã áp dụng đúng luật pháp, chính quyền vẫn luôn luôn có tính cách tối cao nếu nó độc lập với một quyền lực xã hội ngoài cộng đồng chính trị và có ưu thế trên mọi quyền lực xã hội trong cộng đồng chính trị.
Còn về việc hợp tác hóa quốc tế và thiết lập một trật tự quốc tế hữu hiệu, nguyên tắc chủ quyền không phải là một trở lực không vượt qua được.
C. QUỐC GIA, MỘT CHÍNH QUYỀN ĐƯỢC ĐỊNH CHẾ HÓA
Những nhận xét trên đây của sử gia cùng luật gia cho chúng ta thấy những yếu tố quan trọng của khái niệm quốc gia. Tuy nhiên, hai quan điểm trên không làm nổi bật tinh túy của quốc gia.
Như chúng ta đã thấy; quan điểm của các nhà xã hội học chỉ là một sự phân tích của một sự kiện đã có và quan điểm của luật gia trừu tượng hóa sự kiện ấy. Quốc gia không phải là một thực thể trừu tượng mà trái lại là một thực tại cụ thể được cấu tạo từ một giai đoạn lịch sử và trong những điều kiện xã hội nhất định. Nói đến quốc gia là phải nghĩ đến chính quyền. Vì quốc gia chỉ là một hình thức tổ chức, có hệ thống của chính quyền. Quốc gia là một chính quyền được định chế hóa. Định chế quốc gia thay thế sức mạnh cùng uy lực bởi uy quyền trong việc hành xử chính quyền.
Chính nhờ định chế hóa chính quyền mà chúng ta mới thấy rõ sự phân biệt giữa một sở hữu tập thể (chủ quyền và cộng đồng dân sự) và việc hành xử chủ quyền ấy (vai trò của chính phủ). Nhà cầm quyền có thể đi, nhưng quốc gia luôn tồn tại.
Thống trị, cầm quyền không có nghĩa là một đặc ân hay đặc quyền mà là một nhiệm vụ bị ràng buộc bởi những nguyên tắc hành động, những thủ tục cùng những nghi thức nhất định.
Trong một quốc gia – hay một chính quyền được định chế hóa – ý chí của nhà cầm quyền chỉ có hiệu lực và uy quyền với điều kiện là ý chí ấy nhân danh quốc gia. Và chính qui tắc của định chế ấn định trong điều kiện nào một quyết định của những người ở chính quyền có thể được xem là chính đáng và có giá trị. Chính phủ chỉ còn là đại diện của chính quyền, trong khi chính cộng đồng chính trị là “tác giả”.
Đoạn 2: NHỮNG ĐẶC TÍNH PHÁP LÝ CỦA QUỐC GIA
Sau khi đã phân tích quốc gia và ý thức tầm quan trọng của khái niệm quốc gia một cách tổng quát, bây giờ chúng ta thử xem đâu là những đặc tính của quốc gia cận đại. Vẫn biết rằng mỗi quốc gia được hình thành trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau và những nét tân thời của quốc gia không phải chỉ một lần và cùng chung xuất hiện. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể nêu lên những đặc tính có thể gọi là chung cho cả các quốc gia trên thế giới hiện nay.
A. TÍNH CÁCH THẾ TỤC CỦA QUỐC GIA
Trước hết, tính cách quan trọng nhất của quốc gia cận đại là tính cách thế tục. Quốc gia và luật pháp ngày nay được xem là những hiện tượng riêng biệt, tách rời khỏi tôn giáo.
Tưởng cũng nên nhắc rằng không phải luôn luôn như thế. Trước đây – và hiện giờ này – đã và đang có một chủ thuyết về quốc gia – được gọi là thuyết thần quyền cho rằng chính quyền luôn luôn có một bản chất tôn giáo. Chính Thượng đế đã tạo chính quyền và tấn phong – trong một quốc gia nào đó – một con người hay một triều đại để sử dụng chính quyền. Hoặc có thể cho rằng chính quyền phát sinh từ Thượng đế, những nhà cầm quyền thì do con người đề cử, nhưng luôn luôn dưới sự điều khiển vô hình của Thượng đế.
Thuyết thần quyền vẫn còn tồn tại trong một số lớn những xứ theo đạo Hồi[i].
Tư tưởng thần quyền đã chế ngự tư tưởng chính trị và nền chính trị của hầu hết các quốc gia thời cổ. Và hậu quả tất nhiên là tôn giáo và chính trị hoàn hoàn hợp nhất. Tất cả mọi người đều nhiệt thành tin nơi sự can thiệp trực tiếp của Thần minh hay Thượng đế vào đời sống hàng ngày và chính lòng tin nhiệt thành này làm cho con người tuân theo những giáo điều và phụng sự tôn giáo. Đời sống chính trị dựa vào tôn giáo; tư tưởng thần quyền có một ưu thế rõ rệt.
Với sự tiến triển của nền văn minh vật chất, và nhất là sự xuất hiện những tôn giáo chủ trương xuất thế, vấn đề phân biệt chính trị và tôn giáo được đặt ra. Tôn giáo chủ trương xuất thế: tôn giáo vượt trên khuôn khổ các quốc gia, dân tộc và xem nhân loại như một khối đồng nhất. Mặt khác, nó xem đời sống hiện tại là hư ảo, tạm thời và nhiệm vụ của tôn giáo là cứu rỗi linh hồn. Nó dạy con người tìm sự siêu thoát bằng cách rời bỏ cuộc đời để tu niệm. Do đó có sự phân biệt rõ rệt tôn giáo và chính trị.
Sự xuất hiện các tôn giáo xuất thế đặt một vấn đề: các tôn giáo có một giáo hội đứng ngoài chính quyền. Và mặc dầu phân biệt chính trị và tôn giáo, chính quyền và giáo quyền, nhưng họ chủ trương chính quyền phải phục tùng và phụng sự giáo quyền.
Trong một tình trạng mà xã hội có nhiều tôn giáo khác nhau: các tôn giáo cũ là tôn giáo phụng sự quốc gia trong khi tôn giáo xuất thế lại chủ trương tôn giáo tách rời quốc gia, thì hậu quả khó tránh là va chạm lẫn nhau. Lịch sử đã chứng minh những cuộc chiến tranh tôn giáo cùng những cuộc xung đột tôn giáo đẫm máu và khốc liệt.
Trước viễn ảnh không tốt đẹp ấy, bắt đầu từ thế kỷ 17, nhiều học giả phát động phong trào chủ trương loại tôn giáo ra khỏi trường chính trị. Phong trào ngày càng phát triển và trong đa số quốc gia ngày nay giáo quyền lần lần nhường lãnh vực chính trị lại cho người tục và chỉ lo hướng dẫn tín đồ trên đường đạo đức.
Dù sao, tính cách thế tục của quốc gia – một chiến thắng của nền văn minh cận đại và là hậu quả của việc định chế hóa chính quyền – có nghĩa là việc hành xử chính quyền tùy thuộc vào những nguyên tắc, qui luật hoàn toàn độc lập[ii] với mọi tham chiếu hay chứng minh tôn giáo.
B. TÍNH CÁCH DÂN SỰ CỦA QUỐC GIA
Đặc tính thứ hai là tính cách dân sự. Hai chữ dân sự ở đây đối chiếu với hai chữ quân sự.
Quốc gia có tính cách dân sự có nghĩa là lực lượng quân sự tách rời chính quyền và lệ thuộc chính quyền. Vì rằng quân lực phải luôn luôn là dụng cụ của chính quyền, dù trong thời chiến.
Nói như thế không có nghĩa là quân nhân – nhất là cấp chỉ huy – không thể ở địa vị chính quyền. Tuy nhiên khi ở cương vị chính quyền, họ không còn hành động với tư cách quân nhân mà trái lại với tư cách lãnh đạo chính trị.
C. TÍNH CÁCH TRƯỜNG CỬU CỦA QUỐC GIA
Quốc gia luôn luôn tồn tại, trong khi[iii] nhà cầm quyền có thể thay đổi luôn, đó là hậu quả cuộc định chế hóa chính quyền như chúng ta đã biết. Do đó cần phải phân biệt rõ hai tư cách của những nhà cầm quyền, tính cách riêng tư và tính cách công vụ. Nguyên tắc này đối với chúng ta rất là hợp lý, thông thường và không chối cãi.
Thật vậy, không ai có thể quan niệm rằng Quốc trưởng hay Thủ tướng có thể lầm lẫn trương mục ngân hàng của mình với Ngân khố Quốc gia, hoặc tiếp tục ngự trị ở Dinh Độc Lập khi mãn nhiệm kỳ.
Với sự phân tích trên, chúng ta thấy rằng nhân cách của quốc gia chỉ là một sự cấu tạo tinh thần của trí não, một sự trừu tượng. Nhưng sự cấu tạo tinh thần này, sự trừu tượng này lại thể hiện một thực tại pháp lý. Một dân tộc được siết chặt qua lịch sử và trong một tổ chức duy trì mặc dù dân tộc ấy có thay đổi luôn, cộng đồng ấy vẫn là đơn vị bất diệt và một sự sinh tồn trường cửu. Từ nhận thức ấy người ta thấy rằng cộng đồng là một chủ thể pháp lý bất biến, tổng hợp những ý chí, quyền lợi và bổn phận của cá nhân, công dân. Nói cách khác, Quốc gia – trên phương diện pháp lý – là một pháp nhân có thể hoạt động mãi mãi trong thời gian với tất cả hậu quả pháp lý có thể được. Hơn nữa, chính pháp nhân này thể hiện tập thể thống nhất và được ủy nhiệm tối thượng mà trước kia do một hay nhóm người thụ hưởng.
Tóm lại, Quốc gia là một sự thuần nhất trong không gian vừa là một sự liên tục trong thời gian. Quốc gia thể hiện một cộng đồng mà công dân nhận thức và cảm kích.
Đoạn 3: NHỮNG HÌNH THỂ CỦA QUỐC GIA
Quan sát sự sinh hoạt chính trị trên thế giới, chúng ta phân biệt hai hình thể riêng biệt của Quốc gia:
A. QUỐC GIA ĐƠN THUẦN
Thế nào là một Quốc gia đơn thuần? Chúng ta có thể định nghĩa một cách tiêu cực rằng Quốc gia đơn thuần là một Quốc gia không phải chia ra nhiều Tiểu bang. Trong lúc Quốc gia Liên bang là “Quốc gia của những Quốc gia”, Quốc gia đơn thuần là một Quốc gia.
Hình thể Quốc gia đơn thuần là hình thể đơn giản nhất. Trong một Quốc gia đơn thuần, người ta chỉ thấy có những đơn vị hành chính như tỉnh, quận, xã v.v… Những đơn vị hành chính này có thể có tư cách pháp nhân với những hậu quả như có thể có tài sản riêng, sự tự trị trong việc quản trị v.v… Nhưng đó chỉ là một hình thức tổ chức hành chính nhằm thực hiện dễ dàng việc thống trị của nhà cầm quyền trung ương.
Những tập thể địa phương trong một Quốc gia đơn thuần – dù có tự trị – sẽ là những tập thể hành chính nghĩa là chỉ có thẩm quyền về hành chính, luôn luôn bị chi phối bởi luật pháp quốc gia và chịu sự kiểm soát hành chính của cơ quan trung ương.
B. QUỐC GIA LIÊN BANG
Quốc gia Liên Bang là một Quốc gia của những Quốc gia, nghĩa là bao gồm nhiều Quốc gia nhỏ gọi là Tiểu bang. Chế độ Liên bang có thể định nghĩa là một cơ cấu chính quyền trong ấy quyền lực được phân chia giữa chính quyền trung ương và các đơn vị địa phương. Chế độ Liên bang có những đặc điểm sau đây:
1. Trên phương diện quốc tế, các Tiểu bang không có chủ quyền đối ngoại, nghĩa là không có một Tiểu bang nào có quyền cử hoặc có đại diện ngoại giao, có quyền ký kết hiệp ước quốc tế. Giữa các Tiểu bang với nhau, cũng không có sự bang giao được xem như bang giao quốc tế. Tóm lại, chính quốc gia Liên bang mới được xem là một đơn vị trong cộng đồng quốc tế và đại diện cho toàn thể Tiểu bang trong mọi liên lạc ngoại giao.
2. Trên phương diện quốc nội, giữa Quốc gia Liên bang và các Tiểu bang có một sự phân chia thẩm quyền và các Tiểu bang – vì là những Quốc gia – có một sự tự trị về chính trị lẫn hành chính khá quan trọng.
Sự phân chia thẩm quyền giữa Quốc gia Liên bang và Tiểu bang thường được ấn định trong Hiến pháp Liên bang. Nguyên tắc là tất cả những vấn đề nào mà Hiến pháp không ghi rằng thuộc thẩm quyền Liên bang đều thuộc thẩm quyền của Tiểu bang. Và thẩm quyền các Tiểu bang rất nhiều và rộng rãi. Mỗi tiểu bang có riêng Hiến pháp, Quốc hội và Tòa án. Ngành Hành pháp và các viên chức hành chính đều được giao phó cho đại diện dân cử của Tiểu bang. Tóm lại tổ chức chính trị của một Tiểu bang đúng như một Quốc gia. Tuy nhiên, mỗi Tiểu bang – vì chỉ là một Quốc gia trong một Quốc gia lớn hơn – phải chịu sự chi phối của chính quyền Liên bang. Bởi vậy, thường thường trong một Quốc gia Liên bang, người ta nhìn thấy có hai hệ thống pháp lý cùng áp dụng trong một không gian và chung cho một số người.
Ví dụ bất cứ một công dân Hoa Kỳ nào, bất cứ một lãnh thổ Hoa Kỳ nào cũng bị chi phối bởi Hiến pháp, pháp luật, hành chính, công lý của Quốc gia Liên bang và đồng thời bởi Hiến pháp, pháp luật hành chính, công lý của chính Tiểu bang.
3. Với những nhận xét trên chúng ta thấy rằng Quốc gia Liên bang là một hình thể Quốc gia dung hòa hai hệ thống giá trị: một giá trị địa phương và một giá trị trung ương. Giá trị trung ương tức là tính cách thống nhất của Quốc gia Liên bang được biểu dương bởi cơ quan trung ương, chung cho tất cả Tiểu bang và trên tất cả Tiểu bang. Đặc biệt nhất là về mặt đối ngoại. Giá trị địa phương tức là sự tự trị về nếp sống tinh thần cũng như về phương cách tổ chức của mỗi Tiểu bang.
4. Giải pháp Liên bang thường là một phương tiện để kết hợp nhiều dân tộc không cùng chủng tộc, không cùng ngôn ngữ thành một đơn vị, một Quốc gia nhưng đồng thời vẫn để cho các dân tộc ấy giữ được các đặc tính của họ. Đó là trường hợp của Thụy Sỹ. Giải pháp Liên bang còn là phương tiện thực hiện một nền dân chủ hữu hiệu trong những cộng đồng chính trị quá to lớn, dân cư đông đúc. Thật vậy, trong một quốc gia với hàng trăm triệu dân, quyền bầu cử, sự tham gia chính trị của công dân trở nên quá trừu tượng. Thỉnh thoảng mới có một cuộc bầu cử, nhà cầm quyền trung ương lại đóng đô xa, dân ít biết đến. Trái lại, trong một Quốc gia Liên bang, các Tiểu bang vẫn còn một sự tự trị chính trị và hành chính, người dân có dịp trực tiếp sử dụng quyền công dân và tham gia vào cuộc sinh hoạt chính trị.
(Còn tiếp)
Nguồn: Nguyễn Văn Bông, Luật Hiến pháp và Chính trị học. In lần thứ hai. Sài Gòn 1969. Bản điện tử do pro&contra thực hiện.
[i] Nguyên văn: “đạo Hồi Quốc” (p&c)
[ii] Nguyên văn: “toàn độc lập” (p&c)
[iii] Nguyên văn: “trong lúc ấy” (p&c)
Source : Pro&contra