24/8/13

VƯƠNG-TRÍ-NHÀN - Chuyện văn nghệ Hà Nội nghe ở Moskva 1987


 

 
19-5
        Gặp nhau tại Yug-zapatnoe , Ng Khải điểm qua tình hình văn nghệ:
         -  Lão Nguyễn Đình Thi phen này mà mất việc đi Tây, thì cứ gọi là con mẹ Tuệ Minh nó bỏ ngay. Mà không hiểu sao, xứ mình sinh ra cái lão lẩm cẩm loại đó.
      Bây giờ cứ thấy mấy người đang đứng trò chuyện là lão ấy  nhảy xổ đến, lão ấy giảng cho mình về văn học, văn học nó phải như thế này, nó phải như thế kia. Làm như là không ai đọc cả ấy. Lúc nào cũng chê anh em bây giờ nó không biết gì. Vâng, các ông được Tây nó dạy cho tí tiếng Pháp, nhưng anh em bây giờ nó đã có tiếng Nga, chắc ai đã đọc hơn ai.

     Lại còn bố Nguyễn Tuân nữa. Bố ấy cứ tưởng bố ấy là một quyền lực, ai cũng phải sợ, loại như tôi bây giờ muốn làm gì phải đến chào, đến xin ý kiến. Tôi thử không đến, xem đã chết  ai chưa nào. Trông thấy ông ấy ở đâu, mình chỉ chào bác ạ một câu, rồi chuồn ngay, chả mặn mà gì.
    Có lần, mình đang đứng đấy, bố ấy lại vươn người qua mặt mình, để bắt tay người khác. Thì mình lùi ra để cụ ấy làm việc ấy cho tự nhiên, cần gì.
- Sao ông Tuân vừa rồi lại còn nói có vẻ thân ông Tố Hữu thế?
- Nói cho sang thôi, ra điều người ta xuống, mình vẫn nể. Cũng là một cách làm phách.
        

         - Loại như Nguyễn Văn Bổng thích ra làm lại báo Văn nghệ lắm! Nhưng tôi chả dại, chả dùng làm gì, đập mình đập mẩy cũng mặc.
          - Ấy, hồi trước mình rút lui cũng không được hay lắm, nên phen này phải tính kế rút từ sớm mới được.
     Nhớ hồi  làm bản đề dẫn hội nghị Đảng viên, một hôm họp ở Đảng Đoàn, ông Hoàng Trung Nho cứ bắt nọn rằng anh Nguyên Ngọc trong sáng lắm, không thể viết như thế này được. Tôi mới phải bảo ngay là các anh ngờ cho tôi chứ gì? Nhưng khôn ngoan như tôi đời nào viết thế, để các anh bắt vạ à?
     Anh Đức với Nguyên Ngọc giống hệt nhau nhưng chính vì vậy, Anh Đức không muốn Nguyên Ngọc ra phụ trách báo Văn nghệ. Thằng ấy mà ra, tính nó là hay thù vặt lắm, sẽ rất chuyên quyền, sẽ trị bọn Nam bộ chúng tôi cho mà xem. Tôi phải nói ngay là anh cứ để nguyên, tôi đến tôi bảo anh Nguyên Ngọc. Mà này, mỗi ngày một ít, Nguyên Ngọc nó cũng nghe ra đấy. Không ra mà làm bây giờ thì ở nhà làm gì.
    - Tội nhất bây giờ là anh Tố Lành nhà ta. Từ trong Sài Gòn ra, tôi với Anh Đức bàn nhau đến chơi ngay. Cũng là để an ủi người mà cũng là để cốt xem bề trên của mình khi thất bại thì thế nào. Quả thật, cho tôi viết về hình ảnh ông ta thì cũng ra cả cuộc cách mạng của mình. Nghĩa là người vẫn béo thế, nhưng ngơ ngác, ngớ ngẩn, đúng là một đống đổ nát. Lại còn hỏi tôi là báo Văn nghệ nó dùng bài của mình viết về anh Ba, nó có cắt cái gì đi không. Rồi ra về, lại còn khuyên mình viết cẩn thận, viết không cẩn thận bây giờ là cắt cổ.
    -- Từ hôm mới ra, tôi đã nghe ông Kim Lân kể ngay sau khi nghe tin ông Tố Hữu mất chức, mình đến chơi ngay. Ôi thôi, người anh em vừa trông thấy nhau từ xa, đã dàn dụa cả nước mắt
     Nhàn :
     -- Tôi ngờ, ông ấy còn làm thơ nữa
     --  Không, muốn làm được, phải bình thản lắm cơ. Thơ đâu phải chuyện muốn là được.
     Nhớ hồi lão còn khoẻ, có lần mình đến, lão vỗ vai mình một cái, mà sụn cả lưng. Bọn Việt kiều về, gặp lão xong, nhiều thằng nó kể rằng ông ấy cứ vuốt tay mình "yêu nước nhé" " yêu nước nhé",  dề dà như ma nói vậy.

     - Cấp trên thì có ông Lành, cấp dưới thì có ông Chí Trung. Thằng ấy cứ đâu có mặt trận thì nó phải đi bằng được. Vừa rồi lão sang C, bị thương vào tay. Đến nhà tôi chơi. Hàng xóm láng giềng nghe nói có người mới bị thương, không ai tin. Vì đối với người ta, chiến tranh đã lùi hẳn về xa rồi.
Thằng Châu nó bình luận: Đúng là người của chíến tranh, luôn luôn  muốn nộp mạng cho chiến tranh mà cái chết còn chưa nhận cho. Thật thằng này mà lại quay về sống bình thường với vợ con, thì không làm sao hiểu nổi.
    ( Hôm nọ Nguyễn Khoa Điềm kể một câu chuyện nghe được bên Nga: một nhân vật , từ chiến trường trở về, tối không nằm với vợ, mà lại  trải đệm ra nằm ở một góc nhà!)   
    
   - Ở VNQĐ bây giờ, một lũ đại tá ngồi lúc nào cũng bàn về tử vi. Ông Oánh cũng xem tử vi. Xem về tôi, rồi bảo thằng này còn lên to nữa. Còn xem chính hắn thì buồn lắm. "Số tôi là số thằng ăn mày ông ạ. Chỉ may có mấy ngôi sao văn học".
  
    Khải nói tiếp chuyện đổi mới bên nhà
    Hồi hội nghị Đảng viên, gớm, cả VNQĐ lúc nào cũng chong đèn. Nơi này nhận định Nguyễn Đình Thi cơ hội, nơi kia có ý kiến phải cảnh giác với lớp trẻ làm loạn, quay cờ v.v… Ông Nguyễn Chí Trung có lần bước ra ngoài sân, vỗ vỗ vào đầu:
   -    Trời ơi, sao tôi nhiều việc thế này.
     Làm như sẽ có một cuộc chiến đấu, mà một bên là ông Tố Hữu, một bên là ông Nguyên Ngọc, oai ra phết.
     Trong khi ấy, phía bên kia, các ông ấy chả động tĩnh gì, chỉ chờ đến ngày đến tháng là đét vào đít.
    - Lại nói về Tố Hữu. Ông ấy bảo mình. Này cậu có viết, cũng chỉ nói về tiểu thôi. Đừng viết về sư thúc, sư  bá, họ cứa cổ.
    Đối chiếu với những gì ông ta dạy mình từ trước tới nay, thấy ngược hẳn.
   - Loại người như tôi, thế hệ tôi, đáng nhẽ phải ra từ 10 nay rồi. Nhưng vì năm ấy bố Ngọc bố ấy loay hoay gỡ không ra, nên hỏng.
   Tôi nhìn việc mình làm, lại so sánh mình với cánh Anh Đức, Bằng Việt, thấy bao giờ mình cũng còn thừa một cái gì đấy.
     - Họ (lớp trẻ) nhìn mình bao giờ cũng như mình nhìn loại Nguyễn Đình Thi, tức là có gì đó văn hoa quá, không cần thiết.

    Lão Thi kỳ vừa rồi, vẫn bị ngờ. Đến là khách mời của đại hội Đảng cũng không được. "Tâm không sáng lắm". Lê Đức Thọ bảo vậy.
   Lão Chế Lan Viên tuy thế, vẫn có những việc mà không ai thay thế nổi. Nghĩa là cần nói cái gì thì cứ thế dốc tuột cả ra. Gần đây, nhiều lần, lão chỉ vào những Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh. "Thế nào, các uỷ viên thư ký này, các anh nói đi chứ? Sao lại cứ để tôi nói cả ?"
    Ngày xưa lão từng nói trước buổi họp. Anh Tô Hoài gọi tôi ra “Thằng Nguyễn Đình Thi học trò rát lắm, cho nó thôi đi, tôi với anh cùng làm". Rồi lại đến anh Nguyễn Đình Thi bảo tôi "Thằng thợ thủ công Tô Hoài khôn như ranh, tôi không thể chịu được, tôi với anh cùng làm". Có đúng thế không nào?  Các anh có coi nhau ra gì không?
    Hai lão kia phải im.
    Tôi cũng đã từng bị hố với lão một trận. Tôi cũng tâm sự thành thật: “Làm việc với Nguyên Ngọc không phải dễ đâu, nó cũng độc đoán lắm, gia trưởng lắm.” Ông ấy cũng nói tuột ra giữa đám đông, có chết mình không chứ!
    Từ nay, mới rút kinh nghiệm. Cứ muốn nói gì với mọi người, chỉ cần rót vào tai Chế Lan Viên, thế là đến với hết thảy mọi người.
    Này, phải công nhận là chúng ta chán cái đám già lắm, nhưng cũng nên biết là nhờ họ, văn học cách mạng mới còn là văn học.
    Cứ lấy thế này mà so sánh thì biết. Lão Nguyên Ngọc vừa lên một cái là lùa anh em đi thực tế. Nguyễn Đình Thi thì không, bần cùng lắm mới tổ chức một chuyến làm phép.
   Cả Tố Hữu và Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Văn Bổng , Hoàng Trung Thông và Chế Lan Viên, họ đều có quyền tự hào là họ đã giữ văn học khỏi để cho các lão cán bộ chính trị biến văn học thành tuyên truyền. Có thể là họ lươn lẹo, có lúc hèn hạ đầu hàng, nhưng mỗi người một tí, người này chán có người kia, họ có tham gia vào việc giữ gìn đó.
   Thử nhìn lại, mấy chục năm nay thì thấy,  ngoài văn học có được cái gì đâu!

    Nguyễn Khải kể mấy hôm trước, Ng Văn Hạnh lệnh Từ Sơn gọi tôi lên, hình như có việc gì quan trọng lắm. Tôi mới nghĩ, khéo mình lại biến thành mật vụ của Đảng mất.
   -- Tôi phải hỏi thẳng với các anh, thế này là thế nào? Chả gì tôi cũng là một nhà văn danh tiếng. Có việc gì riêng, các anh phải đến với tôi. Còn như công việc chung ở đây đã có anh Nguyễn Đình Thi, anh Chính Hữu. Các anh có cần gọi thì gọi cả ba chúng tôi lên, hoặc nếu không thì gọi mình anh Thi lên mới đúng. Chứ tôi đang là Phó tổng thư ký, tôi không vượt mặt cấp trên của chúng tôi được. Còn nếu như các anh không dùng anh Thi nữa, đấy lại là chuyện khác!
   Hôm sau, ông Hạnh phải xuống, sượng sùng xin lỗi.

   - Lão Tô Hoài  nửa đùa nửa thật bảo mình mà làm chủ tịch, Khải mà làm tổng thư ký, chắc rất hay. Sẽ đúng là một hội Ba Giai -Tú Xuất. Nghĩa là chả có gì quan trọng cả. Chỉ chia những chuyến đi nước ngoài cho công bằng, thế là chả ai làm gì được cả.
     Nhàn:
    -- Nhưng mà có gì gọi là quyền lợi của người phụ trách  lão ấy sẽ qươ hết.

29-5
    Lại Nguyên Ân mới sang. Về không khí chung, Ân nói mấy ý:
   - Ông Khải không sấn sổ nhảy ra làm các việc, mà có vẻ từ từ, tuyên bố để anh Thi đấy, tuyên bố đưa Điềm ra v.v
    Làm thế chẳng qua là để giữ giá. Sau này, có bầu lão chức gì, thì cũng là do tài của lão, chứ không phải do cấp trên áp đặt.
    - Chính ra, cũng có phương án lập một Ban trù bị, bên cạnh Ban thư ký (ban trù bị đại hội, gồm Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Nguyễn Kiên v.v..). Ban trù bị lo chung về Đại hội. Nhưng khi đưa ra hội nghị Ban chấp hành thì thấy không nên. Mà người cho ý kiến lập Ban trù bị nốc ao, đó là Bằng Việt.
    Trong buổi họp BCH, Bằng Việt bảo: 
     -- Tôi thấy ta hay tuỳ tiện lập ra những tổ chức vớ vẩn. Thế nay mai anh Nguyễn Khải lập ra tổ chức nào đấy, anh mời tôi, tôi không nhận thì sao. Tóm lại là không được.
     Thế là thôi.
    Ý Nhi giải thích Bằng Việt vẫn cay từ hồi đại hội trước. Nguyễn Khoa Điềm được vào Ban thư ký mà Bằng Việt không. Cho nên, hắn chẳng hưởng ứng gì cả .
     Tôi nghĩ: Có lẽ Bằng Việt  nghĩ  tự hắn mới thay đổi được tình hình chăng?


   Cuộc đấu tranh già trẻ, còn căng thẳng lắm.
   Ví dụ, vừa rồi có chuyện Hội đồng dịch. Ai sẽ làm? Cuối cùng là ông Nguyễn Xuân Sanh. Vì ông Sanh là ủy viên Ban chấp hành mà những người khác, không phải uỷ viên BCH.
   Phan Hồng Giang cáu lắm. Một lão Hữu Mai  bốn ngày nữa, ra khỏi Ban thư ký mà hôm nay, còn ngồi quyết định cái chuyện về hội đồng dịch, như thế nghĩa là thế nào?
    Tóm lại, không thể chơi tử tế với lớp già được!

     Còn chuyện đấu tranh cũ mới.
 Theo chữ của Nguyễn Khải ,“bọn TW” bây giờ ăn nói với nhau cứ như hàng tôm hàng cá. Hà Xuân Trường bảo báo Văn nghệ các anh phải cẩn thận. Các anh làm sao họ nói cho, họ kiện; mà họ đã kiện là chết, cóc có ai xử cho anh đâu!
   Tại hội nghị BCH, ông ta lại nói rằng chúng ta phải đề phòng, gần đây tình hình Hội, tình hình văn học, như có một luồng gió đen. Thế là Vũ Tú Nam phải đứng lên. "Tôi là bí thư Đảng uỷ ở đây, tôi không hề thấy có một luồng gió đen nào cả?”
  Ân kể: sau này, đến tai ông ông Linh, ông Linh tỏ ý không bằng lòng.

   Một ví dụ về sự tan nát của Hội Nhà văn - báo Văn nghệ:
    Ông Đào Vũ lung lay lắm rồi. Định đưa cánh Ngô Ngọc Bội lên, nhưng hỏng. Cánh Ngọc Trai, Võ Văn Trực chống lại. Nhiều tin đồn là Nguyên Ngọc sẽ về. Đào Vũ đi lên trên vận động chỗ bà Mai (vụ phó vụ báo chí ) để tại vị. Lúc đầu tưởng đã xong, ông Lê Xuân Đồng đã đồng ý. Nhưng ông Độ không chịu, Hội Nhà văn không chịu.
   Đúng lúc này, đẻ ra một tình hình mới. Báo Văn nghệ đề nghị tăng giá. Bưu điện họ không bằng lòng. Mà nếu bán theo giá cũ, thì mỗi số, báo Văn nghệ lỗ 1 triệu. Tháng lỗ 4 triệu. Thế là Đào Vũ làm đơn xin đình bản báo và  bỏ đi Sài Gòn.  Nguyên Ngọc có về, thì cũng là về trong hoàn cảnh rất khó.
     Về Tạp chí mới (Tác phẩm văn học ) ông Chính Hữu, bà Tú nhận định: Nguyễn Đình Thi thấy có thể mất tổng thư ký, nên  chạy về làm. Và ông Thi dựng ê kíp của mình, Hoàng Trung Thông, Thợ Rèn v.v..
    Bùi Bình Thi chỉ còn là người đi thu bài. Ngọc Tú không có quyền gì. Ông Thi bảo tôi ở nhà, tôi duyệt bài. Nếu tôi đi vắng, anh Thông, anh Kim Lân sẽ duyệt. Như vậy, lại khác rồi.
   Lại Nguyên Ân bình luận: Đây là một thứ tạp chí của các cựu chiến binh và trưởng lão, nó sẽ là tạp chí thương phế binh.

  Bài của tôi (VTN)  về Thời xa vắng gửi báo Văn nghệ, ông Đào Vũ không đăng, bảo chúng ta không trở lại vấn đề này nữa. Ở Tác phẩm văn học, ông Bùi Bình Thi cầm về xong cũng không đăng (chỉ giản đơn là nhắc nhiều đến Lê Lựu nhiều quá đã là không hay rồi!)
   Nhà xuất bản của tôi đang ra cuốn mới của Nguyễn Minh Châu.
   Ban đầu, ông Châu lo lên đại tá ở bộ đội, lại lo bộ đội đánh, nên phải tranh thủ đưa truyện viết về  bộ đội vào, và cuốn sách chỉ đề tên là Chiếc thuyền ngoài xa
    Bởi vậy lời giới thiệu của Lại Nguyên Ân không đăng được, cơ quan  giải thích rằng không có trang và Nguyễn Minh Châu sợ lôi thôi!
   Đến khi Nguyễn Minh Châu lên đại tá rồi, thì lại muốn đề là Truyện ngắn Nguyễn Minh Châu và muốn dùng bài Ân - nhưng đã đưa bản thảo đi rồi.
     Ân  đưa sang báo Văn nghệ cũng không đăng.
   Tóm lại, tất cả tình hình văn học bây giờ đang loạn, và mọi sự cứ rối mù, cứ xoắn xuýt vào nhau
   Người nào cũng lo quyền lợi của mình. Lo việc trước mắt không xong còn lấy đâu mà lo làm những việc lâu dài. Không thể có đồng lòng nhất trí , cho nên chắc chả làm gì được.

18-7
   Tế Hanh bữa nọ kể về Tố Hữu nhà bây giờ vắng vẻ lắm. Ông thư ký ngồi ngáp, bảo là không có việc gì.
   Ngày trước, Tế Hanh muốn đến gặp không được. Hàng rào công việc của Tố Hữu đã ngăn cách tất cả. Lúc nào cũng có điện thoại. Bây giờ ông Tố Hữu phóng ô tô đi các nơi, đến gặp Lưu Trọng Lư, Tế Hanh. Và ông đòi đăng từng bài báo nhỏ, ở báo Văn nghệ. Nghe nói trong Sài Gòn, nó còn cắt cả bài của ông ta nữa, khi thấy có chuyện lướng vướng nào đó (chuyện bạn thơ gì đấy).
   Năm nay 1987, là kỷ niệm 50 năm tuổi đảng và tuổi thơ của Tố Hữu. Đề nghị NXB Văn học làm cho một tuyển 50 bài, sau lại thay bằng một tuyển 100 bài. Không hiểu NXB Văn học có chịu không. Mọi khi, còn chưa có ý định, nó đã bảo ông làm rồi…
  Báo Thể Thao & Văn hóa một số giữa năm có đăng kỷ niệm về  Nazim Hikmet và mấy bản dịch mới của Tố Hữu. Cũng chẳng ra sao cả.

    Tế Hanh hé ra một việc lớn khác: Nghe nói, phen này, phe ông Thi rất muốn trì hoãn đại hội nhà văn, vì sợ sẽ bị lật nhào.

29-9
   Lê Lựu kể:
   Trong một bài viết về tình hình văn học ( có cái ý “sống bây giờ đáng ngại nhất lại là đồng chí đồng đội mình“), người đại tá mà tôi nói ở đây, chính là Tố Hữu.
Chẳng phải, tại hội nghị đảng viên, ông Tố Hữu đã sầm mặt lại, khi nghe nói đến các tiêu cực. Thế mà bây giờ, ông ta nói với ông Khải đầy giọng kích động. Khải hiểu ngay:"Lão lại muốn mình làm tên lính tiên phong trong mọi việc mà". Đáng sợ.

  Lê Lựu nói tiếp:
  - Ông Khải cư xử có mấy cái tài. Thứ nhất là đưa được Ngọc ra làm Tổng biên tập báo Văn nghệ. Tại hội nghị ban thư ký, Nguyễn Khải nói như thế này: “Bạn với anh Ngọc thì tôi không bạn được. Đấy các anh xem, tôi với anh Ngọc có chơi với nhau được lâu bao giờ đâu. Nhưng làm tổng biên tập, thì lúc này, không ai bằng Nguyên Ngọc.”
  Thứ hai là đưa Hữu Mai ra khỏi Ban thư ký. Vì việc này có xong, thì việc trên mới lọt được. Bây giờ, ông Nguyễn Khải ấy cứ phất phơ như thế mới hay, làm không làm nhiều mà bỏ cũng không bỏ hẳn. Ai muốn bình luận thế nào thì bình luận. Nhưng việc chính, đừng hòng qua khỏi mắt hắn.
   
   
8-11
     Chuyện do Trần Đình Sử kể:
    Vừa rồi (7/10) cuộc họp của ông Linh với giới văn nghệ sĩ (100 người tiêu biểu). Giới phê bình chỉ có Nguyễn Đăng Mạnh được mời. Ông Mạnh nói nhiều, trong đó có cái ý sau này mọi người hay trích dẫn "Đảng không thèm nghe ai, chỉ giảng giải, coi khinh văn nghệ sĩ v.v…"
    Cuộc họp đó, không báo nào thèm nói tới, kỳ lạ thế. Nguyên Ngọc phải chạy đi hỏi, rồi cho đăng bài tường thuật, do chính Nguyên Ngọc viết (báo Văn nghệ chỉ có mình Nguyên Ngọc được mời họp).
     Từ Sơn trên Ban văn hóa văn nghệ tự thân đến báo Nhân Dân đề nghị đăng tin. Có những người như Hoàng Trung Thông, không được mời đến dự họp, tức lắm, đứng ở ngoài chửi ầm lên "Tại sao lại làm cái lối ấy?”
    Nguyễn Đình Thi có nói một câu (được Nguyên Ngọc đưa lên báo), đại ý nói có mở rộng dân chủ cũng nên mở vừa vừa thôi, kẻo rất phiền. Câu ấy đăng lên, ông Thi đâm hố, đi đâu cũng phải thanh minh (chính Nguyễn Đình Thi, trong những kỳ họp ở Hội nhà văn mấy hôm sau  cũng không nhắc gì đến buổi họp với ông Linh cả).

    Sau buổi họp với giới văn nghệ, có việc Bộ Chính trị thông qua một nghị quyết về văn nghệ. Toàn Bộ Chính trị dự và tán thành. Cả ba ông cố vấn dự cũng tán thành. Ông Trường Chinh thêm vài điểm, ông Lê Đức Thọ nói dài nhất, hơn một tiếng đồng hồ, có cái ý nói rằng chính ông ta cũng thấy thế này từ lâu rồi, nhưng Hà Xuân Trường không làm được, giờ Trần Độ mới làm được. Rồi gì gì nữa. Thế là ông Phạm Văn Đồng vặc, chúng tôi biết cả rồi, thôi anh đừng giảng nữa. Rồi ông Phạm Văn Đồng lại nói một lúc nữa, chả ai hiểu ông muốn nói gì, nhưng hình như không được ưng lắm (thì vị trí độc tôn của ông ấy trước đây mất rồi còn gì!).
     Về phản ứng của giới thủ cựu trước khi có nghị quyết, đi đâu Phan Cự Đệ cũng bảo ông Linh đang là phe thiểu số, đừng tưởng ai cũng nghĩ thế cả đâu. Có thấy người ta để Tổng bí thư ký không. Đấy là họ bắt Nguyễn Văn Linh chịu trách nhiệm.

    Liên quan đến phê bình một chút là chuyện sau đây. Một lần, tại hội nghị giới phê bình trẻ, ông Đệ cho  Phạm Xuân Nguyên lên phát biểu, đá ông Mạnh mấy câu (bài viết về phê bình ở báo Văn nghệ), đá Lại Nguyên Ân mấy câu (bài trên báo QĐND), đá Trần Đình Sử ( cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu). Xong, lại xoay ra hỏi:
  - Tôi nói thế này, có làm mếch lòng mấy vị cố vấn báo Văn nghệ.
   Rồi doạ gửi bài cho báo.
  Dĩ nhiên Sử Ân không nói gì. Tình hình căng tới mức ông Khải định dàn hoà, cho Đức Đệ  gặp Mạnh Ân nhưng Mạnh  Ân… không chịu.
    Mạnh đang thời đắc ý của mình. Vũ Trọng Phụng tuyển tập đã được in ra. Mạnh còn tự hào, hôm gặp ông Linh ở Nhà hát lớn, Mạnh ngồi ăn phở ngay trước mặt ông Linh.

   … Cuộc đời cũng chả phải là đáng vui đâu. Cái mới, không do ta mang lại, mà là do cấp trên mang lại.
     Nghe nói, Hội nhà văn+ Hội văn nghệ Hà Nội có một cuộc gặp mặt, nhân ý kiến về báo chí của ông Linh. Một số phát biểu rất hăng. Vũ Bão nói rằng sẽ đi kiện Hoàng Tùng về chuyện phê bình Sắp cưới  trước đây, bảo như thế là vu khống về chính trị (tội cũng nặng như cưỡng dâm trẻ con), không khí cứ loạn xì ngầu cả lên. Nguyễn Khải phải nhận sự việc đã  ra ngoài ý muốn của ông ấy.
   Nguyễn Khải chỉ bình luận thêm một khía cạnh về việc phục hồi hôm nay:
  - In lại tác phẩm lại là cái đáng sợ nhất. Nếu bảo Trần Dần in lại Người ngưới lớp lớp thì chính ông ta cũng bảo đừng, đừng làm thế.

21/8/2013
 
 
Source : Blog VƯƠNG-TRÍ-NHÀN




 

Viên Linh - NGUYỄN XUÂN HOÀNG, từ THƠ đến “VĂN”

 
 
24.08.2013


NxHoang-and-Van-Magazine
 
Lời Nói ÐầuDa màu ) : 
Bài viết dưới đây: “Nguyễn Xuân Hoàng, từ Thơ đến “Văn” – chữ “Văn” trong ngoặc kép, vừa là văn chương, vừa là tên Tạp chí Văn mà Nguyễn Xuân Hoàng làm Thư ký Tòa soạn khi ở Việt Nam từ 1972 tới 1974, và làm chủ nhiệm khi tờ báo tục bản ở Hoa Kỳ. Bài này mở đầu chủ đề đặc biệt của Tạp chí Khởi Hành số đôi 187-188, tháng 5 và 6, năm 2012. Tạp chí Khởi Hành do nhà thơ Viên Linh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, xuất bản từ 1996 tại California, ra hàng tháng, hiện đã ra tới số 201, chủ đề Quang Dũng, tháng 7.2013. Hiện diện tại Hải ngoại 17 năm qua, Khởi Hành hiện nay là tờ tạp chí văn học ra hàng tháng duy nhất xuất bản từ Thế kỷ XX còn tồn tại và tới tháng 11.2013, sẽ bước qua năm thứ 18. Với chủ trương bảo tồn Văn hóa Văn học Truyền thống, đặc biệt là Văn học Miền Nam 1954-1975, Khởi Hành đã qui tự hầu hết những cây bút nổi tiếng của Miền Nam từ đó đến nay. Thư ký Tòa soạn của tờ báo là cây bút nữ Nguyễn Tà Cúc. Bài về Nguyễn Xuân Hoàng mở đầu cho loạt bài “Chân Dung Văn Học Việt Nam: mỗi nhà văn một tạp chí” của Khởi Hành dự trù sẽ gồm 9 bài, nhưng do suy nghĩ thêm, và do độc giả đề nghị, sẽ phải thêm hai ba bài nữa. Loạt bài này chủ yếu viết về những nhà văn mà sự nghiệp gắn liền với một tờ báo, như đã loan tin từ lúc đầu:

1. NGUYỄN XUÂN HOÀNG (tạp chí Văn, từ 1972-hải ngoại),
2. NGUIỄN NGU Í (tạp chí Bách Khoa),
3. NGUYÊN SA (tạp chí Hiện Ðại)
4. TUỆ SỸ (tạp chí Tư Tưởng-Vạn Hạnh)
5. NGUYỄN MẠNH CÔN (tạp chí Chỉ Ðạo)
6. MAI THẢO (tạp chí Sáng Tạo)
7. NGUYỄN KHẮC HOẠCH (tạp chí Thế Kỷ 20)
8. MẶC ÐỖ (tạp chí Phổ Thông Hà Nội, Quan Ðiểm)
9. VIÊN LINH (tạp chí Thời Tập-Khởi Hành) [...]
(Sau này do suy nghĩ thêm, và do độc giả đề nghị, danh sách đã ghi thêm:)
10. NGUYỄN VỸ (tạp chí Phổ Thông)
11. TRẦN PHONG GIAO (tạp chí Văn, nguyên thủy 1964-1972, số 1-210)
12. THẾ NGUYÊN (tạp chí Trình bày –bày không viết hoa-, Ðất Nước).
13. TAM ÍCH (tạp chí Nhân Loại, nhà văn Miền Nam)
Nhận định của nhà thơ Viên Linh là khác với những nước có tình thế ổn định lâu dài, nền văn học của họ trụ vào sách vở đã xuất bản; Việt Nam luôn luôn xáo trộn, phân ly, văn học trụ vào các tạp chí, nền văn học tạp chí đóng vai trò tiên phong và nòng cốt, sau mới đến xuất bản và sách vở. Ông nói rằng cứ nhìn vào các tạp chí ghi ở trên, người ta thấy được từng nhóm với các tên tuổi và khuynh hướng khác biệt. Ðiều này đã được ông viết ra nhiều lần, kể từ năm 1976, trong tập biên khảo được viết do học bổng The Ford Foundation tài trợ: “Những Khuynh Hướng Trong Văn Học Miền Nam, 1954-1975” (chưa xuất bản). Vì thế, viết về chân dung, hành trạng các nhà văn nói trên, cũng phải viết về những tạp chí do họ chủ trương, thực hiện. Tâm tư của họ ở trong các tạp chí họ làm, nhiều phần là đậm nét hơn trong các tác phẩm của họ, tác phẩm là viết lại, thêm bớt, vị nghệ thuật nhiều hơn là tạp chí, viết ngay, nói ý mình, bám sát sinh hoạt thời thế xung quanh. Bài dưới đây về Nguyễn Xuân Hoàng cho thấy vài nét về nhận định ấy.

1. Trong cuộc sống, đọc thơ văn sách báo của cổ nhân là điều tất phải có đối với kẻ từng có dịp ngồi trên ghế nhà trường; và chiêm nghiệm thanh sắc đương thời cũng là điều hẳn sẽ tới với kẻ biết nghe biết nhìn giữa cuộc hành trình. Chưa kể có kẻ đã kín đáo thổ lộ với bà tiên hiện ra trong giấc mộng ba điều ước của cuộc đời, mà không hề nghi ngờ rằng bà tiên đó đôi khi là một mụ phù thủy hóa trang, mụ sẽ nhân đó bày ra một lộ trình trắc trở cho kẻ mơ mòng. Không còn nhớ lúc niên thiếu kẻ viết bài này đã ước ao gì, nhưng cô bạn học lớp nhất trường làng – không phải là cô thôn nữ cùng quê, mà là dân Hà Nội tản cư về trú ngụ ở chùa Ðồng Văn – trong lúc nghe sáo diều vi vu vẳng lại từ con đê cuối thôn, đã vạch ngực áo tôi ra, đập nhẹ bàn tay trắng muốt lên ngực tôi, và chỉ bảo cho tôi làm ngược lại trên ngực nàng, nói rằng “về thể chất, mình cũng xứng đôi lắm;” tôi đã ngây thơ hỏi lại: “thể chất” là gì?
Khi nàng đứng trên mặt bàn lớp học, ở trên ngọn đồi đình làng, nhún nhảy xòe chiếc váy hoa ra, hát và múa theo bài “One Day” của Johanne Strauss [qua lời Việt của Phạm Duy], và dạy tôi hát theo; nàng nói: “Gia đình Xuân sẽ về Hà Nội. Sau này anh nhớ lên Hà Nội cho sớm. Em dạy mình hát, mình sẽ cùng nhau thành danh ca nức tiếng Hà thành;” tôi cho là không cần, nên nói rằng: “Chỉ cần Xuân hát cho anh nghe là được rồi.”
Nàng tiên ấy còn dạy tôi một điều thứ ba nữa, sau hai điều về thể chất và danh vọng, ấy là tiền tài. Nay nhớ lại, dường như lần nào nàng cũng lừ mắt lộ vẻ gì đó như chán nản, khiến sau này nghĩ đến, có lẽ vì thế mà đến ngày nàng theo gia đình “dinh tê” [rentrer] về thủ đô, vào khoảng năm 1949, nàng không thèm từ biệt tôi chăng? Nhưng không hẳn thế, vì nàng vẫn nhét vào túi quần soóc của tôi một chiếc khăn mùi soa thêu thùa trắng tinh, và một bánh xà phòng “Dove” mãi khi đi Mỹ tôi mới thấy lại, hẳn là có điều gì đầy hứa hẹn chứ? Chị tôi khi thấy hai kỷ vật “của cái con bé ranh Hà Nội tản cư,” đã cười rằng: “Ðó là quà của con ông Quan thuế bắt hàng lậu có khác, chứ ý tứ gì!” làm tôi tức lắm. Xuân đẹp và chân thành. Xuân không thể là người như chị tôi phán, hay như cái anh giáo sư Triết học nọ sau này phán: “Người ta nói sắc đẹp vốn là bạn đồng hành của dối trá và phản bội.” (1)
2. Năm 1959, trong một lúc sa xảy với nghề báo, tôi theo bạn lên dạy học tư ở Ban Mê Thuột. Rời Sài Gòn tạm một thời gian, sách vở đồ đạc nặng gửi lại nhà một đồng nghiệp, thình lình một hôm nhà giáo dạy cùng trường Bạch Ðằng đưa cho tôi xem tờ Tạp chí Hiện Ðại. Trên cùng một trang báo có bài thơ Phượng Liên của tôi đăng dưới bài Mang Mang của Hoang Vu. Tôi không gửi thơ cho Hiện Ðại, mà do người bạn nơi tôi để lại đồ đạc sách vở, đã lấy bài thơ tôi viết cho em Phượng Liên ở Huế, cũng là bạn chung, và là bạn thư từ với tôi, đưa cho Nguyên Sa. Như Võ Phiến nhớ đúng khi anh viết đã đọc thơ phiếm của Thần Ðăng (Ðinh Hùng) và thơ tôi trên nhật báo Ngôn Luận (giai đoạn 1954). (2) Tới năm 1960 tôi đã có vài chục bài thơ đăng trên các tạp chí Văn Nghệ, Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Gió Mới, nhưng Nguyên Sa viết như đây là những cây bút lần đầu xuất hiện, mặc dù anh có thòng một câu kiểu búa lớn: “Có phải nỗi buồn tập hợp trên mắt những người trẻ tuổi ấy phảng phất niềm đau của thế kỷ bây giờ?” (3) Tôi đã leo lên lầu cao ốc Mai Loan nơi đặt tòa soạn tạp chí Hiện Ðại để chất vấn, vì không ai chọn thơ của người đã có thơ in từ sáu năm trước, với một anh in thơ lần đầu, nhưng chỉ gặp Thái Thủy, trị sự tòa soạn, trong khi tôi chỉ muốn gặp Nguyên Sa, chủ nhiệm.
Hoang Vu chính là Nguyễn Xuân Hoàng. Và thơ Nguyễn Xuân Hoàng hay không thua gì văn Nguyễn Xuân Hoàng; (khác với trường hợp Mai Thảo: thơ Mai Thảo hay hơn và thật hơn văn Mai Thảo.) (4)
Tôi sao lục bài thơ ấy nguyên văn như sau, chỉ chú thích thêm tên của thi sĩ:
MANG MANG

 
từ xa phố chợ đến giờ
 
chân quen bỏ lệ gõ bờ lộ quen
 
hoang vu chín đến độ thèm
lạnh tàn nhẫn rót vào đêm lên đường
mùa sương phố núi mù sương
nhịp buồn hút gió hồn nương sao rừng
 
chuyện linh hồn với bản thân
 
bàn tay thượng đế mộ phần chiêm bao

đồi thông xanh tóc nghẹn ngào
 
ngập ngừng lạnh xuống từ bao lâu rồi
 
còn tôi, còn chỉ mình tôi
 
mây bay đầu núi kéo trời lên xa
 
bàn tay thoáng nổi da gà       
 thẳm sâu lòng đất nhà ga luân hồi

HOANG VU (tức Nguyễn Xuân Hoàng)


NXH-MangMang-tho
Bản chép tay “Mang Mang”
do độc giả Luna gửi tặng chuyên đề NXH

Bài thơ không viết hoa ở đầu câu, không dấu chấm xuống dòng, từ ngữ hay thi ngữ, đậm đặc nét thơ của giai đoạn ’60: “linh hồn, thượng đế, luân hồi, bản thân, mây kéo trời lên xa và mộ phần chiêm bao, lạnh tàn nhẫn…”. Tiếc thay cái tên Hoang Vu không xuất hiện nữa, vì nếu Nguyễn Xuân Hoàng còn làm thơ, bàu trời thi ca Việt Nam sẽ thêm một vì sao sáng.
Bài này cũng như bài Phượng Liên của tôi nằm cùng một trang báo, mà hai tác giả của hai bài thơ trước sau có chung những khó khăn tương tự, những rắc rối tan tác thì đúng hơn, đều rất bi thương. Nguyên Sa vơ vào hai tên trên cùng một trang báo, như sự tình cờ run rủi hai toa tàu xuôi ngược ráp tạm nơi một sân ga xép. Hoàng đậu tú tài xong, thi tuyển thành công vào Quốc Gia Hành Chánh, song bỏ. Ðang học Y khoa – vì bà mẹ muốn con trai thành bác sĩ — thì nhận lời thách đố của bạn học Hà Thúc Nhơn, — viên bác sĩ quân y ở Nha Trang sau này chống tham nhũng bằng súng đạn và chết vì súng đạn — chơi trò nghịch ngợm lỗ mãng của con trai thời mới lớn, nên một mặt thắng cuộc thách đố, (Hà Thúc Nhơn thua, sẽ phải trả tiền đãi bạn học ăn phở cả tháng), song Hoàng phải rời Y khoa vì trò dại dột. Cuối cùng anh đi học Sư Phạm, ra làm giáo sư Triết, một nghề anh từng xác định: “Giáo dục không phải ngành thích hợp của tôi. Từ tiểu học, qua trung học, lên đại học, các ông thày bà cô nhìn tôi như môt đối tượng để trút lên đó những bực dọc của cuộc đời khốn nạn của họ. Tôi là tấm bia để họ bắn vào đó những mũi tên mặc cảm.” (5)

Ðây là lời nói thật của Nguyễn Xuân Hoàng, kẻ đã cùng tôi “Ði thật xa với …” trên báo Văn.* Nhìn Hoàng tôi biết con người của bạn không phải con người của khuôn thước, vâng dạ, mòn sáo, lễ phép vì xã giao, vì một nghề nghiệp phải gương mẫu, có kẻ ra đường thấy ai cũng cúi đầu nhũn nhặn chào hỏi, mà miệng thì lầm bầm bài bác người ta. Tôi từng phải đi dạy học tư một thời gian, không phải giam thân vào nghề mô phạm như chàng thi sĩ Hoang Vu, nhưng tôi cũng không thích nghề dạy học, nghề nghiệp sau này của các bạn cùng lớp với tôi thời Trung học: các giáo sư Nguyễn Nhật Duật, Hà Mai Phương, và của hầu hết các bạn văn nghệ cùng thời: Huỳnh Phan Anh, Ðặng Phùng Quân, Nguyễn Ðông Ngạc, Nguyễn Văn Sâm, Cao Thoại Châu, Nguyễn Ðịnh, v.v… vì nhiều lý do.
Một trong những lý do “nhãn tiền” là thù lao quá ít ỏi. Không thể sống quá kham khổ, gò bó, hệ lụy: kham khổ về vật chất cũng như kham khổ về thời gian; gò bó hệ lụy về giao tế cũng như về phương cách sống. Người nghệ sĩ sáng tạo mà theo nghề dạy học thì khó thành công, dễ mang tiếng, vì cung cách nghệ sĩ là tự do diễn đạt, tự do phát biểu, … Tôi thật sự không nhìn thấy ở thi sĩ Hoang Vu, hay ở nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, một nhà giáo khuôn mẫu. Như tôi cũng thật sự không bao giờ nhìn thấy ở các bạn nhà giáo của tôi một phong cách duy nhiên tự do phóng khoáng cởi mở thành thật hồn hậu khôn ngoan thân hữu phục thiện giản dị tinh tế như ở Nguyễn Xuân Hoàng. Làm gì lại có một nhà giáo hiếm hoi như thế, mà chỉ có một nhà văn như thế đi làm nhà giáo mà thôi.
Thuở còn niên thiếu chắc hẳn Nguyễn Xuân Hoàng đã nói ra ba điều ước với một mụ phù thủy mà chàng ta ngỡ là nàng tiên, nên mụ liền thiết kế cho chàng một mê cung, một nẻo đường chông gai trắc trở, gài tác giả Người Ði Trên Mây vào đáy tầng địa đạo, Bụi và Rác, châm chọc Orphee đa tình và chất phác ngứa cổ quay lui, khiến cho Eurydice thân tâm hóa đá (+), tếch nẻo tây phương, hành hạ người cha thương con yêu dấu ngàn trùng xa cách, trừng phạt tấm lòng hồn hậu phải đeo mặt nạ vô tâm vô tình và bạc bẽo. Không, người đời cứ ngỡ Phan An Tống Ngọc khôi ngô kỳ vĩ thì hẳn đương nhiên hạnh phúc trong chốn tình trường, có biết đâu họ cũng tâm tư nhàu nát, mắt lệ nhiều khi, đêm đêm một mình một bóng chờ đợi người Bích Câu mái tóc bạch kim, hay xuân hạ thu đông cũng nhiều lần nương tai nghe tiếng mãn gào trên mái bỏng?
Bài thơ “Mang mang” của Hoang Vu mở đường văn chương cho họ Nguyễn năm 1960, thì bài “Phượng Liên” khiến trung niên thi sĩ Bùi Giáng lù lù hiện ra, ôm lấy tôi, ồn ào nói:
“Ông đừng làm thơ tự do nữa nhá, chỉ làm thơ lục bát thôi nhá! Lần đầu tiên thơ lục bát Việt Nam đem tên người yêu vào trong thơ một cách bề thế nghiêm trang số dách là ông đấy nhá. Huy Cận hắn đọc lục bát của ông là hắn sẽ đi tìm ông đấy.”** Từ đó mà tôi có thêm một người bạn thơ, và không chỉ có một hành lang vây sầu, mà hành lang nào cũng vây sầu cả. Sau này một cô gái Huế cười như nắc nẻ, cho tôi biết Phượng Liên là ai… Dù thế nào, nàng cũng đã ở Chín Suối rồi.
3. Tháng trước Khởi Hành dọn tòa soạn, kéo dài nhiều ngày, mỗi ngày ít nhất là một chuyến xe pick up sách vở chở đi, mang về địa điểm mới, chở vào kho, và vất vào thùng rác. Ông già chở sách báo mỗi chiều sau phận sự, lại chở đi một xe giấy báo sách vở đã xé bìa, đem bán. Chúng tôi nói rằng ngoài thù lao nhất định mỗi ngày, sách vở giấy báo cũ đem bán cân ông được quyền giữ lấy. Ông cho biết đã bán 6 xu một pound giấy, và mỗi ngày kiếm được thêm 20 đồng, có ngày tệ nhất được 15 đồng. Tôi đã cho đi hầu hếtû các tập san lưu giữ mấy chục năm nay: Văn Học, Văn, Hợp Lưu, vì cuối cùng, không định viết gì về báo chí văn học hải ngoại nữa, mà sẽ chỉ viết về Văn học Miền Nam 1954-1975 mà thôi. Tôi cũng đã cho đi khoảng gần trăm số báo Văn Học và tuần báo Văn nghệ của Hà Nội, mà hồi đặt mua từ nhà phát hành ở New York, phải trả 5mk một tờ báo có gáy vuông (Văn Học, Nghiên Cứu Lịch Sử, Khảo Cổ Học), và 3mk cho một tờ báo đóng gáy yên ngựa: (Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà Văn, …)
Trong thị trường xuất bản hải ngoại, các tạp chí văn chương hữu ích hơn các thi phẩm, truyện dài truyện ngắn, vì chính ở đó là công trình tập thể của từng nhóm, tâm tư trao đổi của tuổi trẻ lưu vong, và dấu tích làm báo tập thể của tờ báo; — chẳng hạn tờ Văn Học sẽ cho thấy đó là tờ báo của nhiều ông chủ nhiệm kiêm chủ bút nhất; năm trước có ông chủ nhiệm Võ Phiến thì năm sau có ông chủ nhiệm Nguyễn Mộng Giác; ông nào có tiền in báo thì lên làm chủ nhiệm một thời gian, hết tiền thì đi ra và lại có ông C ông D lên làm chủ nhiệm kế tục. Thành ra Văn Học là tờ báo có tới 5, 6 chủ nhiệm, ông nào có gan thì làm chủ nhiệm lâu hơn, ông nào có con là bác sĩ luật sư thì tờ báo dày hơn là ông độc thân, v.v…
Tờ Văn thì khác, ở trong nước đầu tiên thì Trần Phong Giao làm Thư ký Tòa Soạn, tới giai đoạn sau thì trước là Nguyễn Xuân Hoàng làm Thư ký Tòa Soạn, sau chót lại là Mai Thảo; ra hải ngoại thì đổi lại, Mai Thảo ra đi, để tờ báo lại cho Nguyễn Xuân Hoàng tiếp tục, cả hai kiên thủ thành trì được tổng cộng trên 250 số, công lao khá lớn. Nguyễn Xuân Hoàng làm tờ Văn từ tháng 12.1996, vất vả hơn Mai Thảo hồi ‘80, vì người trước được đàn em hỗ trợ, lấy cho rất nhiều quảng cáo, nếu chỉ tính 100 mk một trang, tờ Văn của tác giả “Cùng đi một đường” lấy quảng cáo một số có thể in ba số báo cho ba tháng, còn tờ Văn của tác giả “Người đi trên mây” ít quảng cáo hơn nhiều, nên khó khăn gấp bội.
Cuối năm 1996 Mai Thảo không có ý định trao lại báo Văn cho Nguyễn Xuân Hoàng, mà đã ngỏ ý giao cho người khác, song người này vốn luôn luôn thất bại khi làm báo, nên ý định của Mai Thảo thay đổi vào phút chót. Mai Thảo nói với tôi như thế khi anh còn ở trong chung cư độc thân Christian Home trên đường Bolsa, khoảng tháng 9 năm 1996.
Ðời làm báo của Nguyễn Xuân Hoàng không chỉ qua tờ Văn, mà còn trên 10 năm làm báo cho công ty Người Việt, và khoảng 5 năm làm tờ Việt Mercury ở San Jose. Và hiện nay còn đang làm tờ Việt Tribune cho bà Trương Gia Vy, cũng ở thành phố Bắc Cali đó. Trong khi đó hàng tuần anh còn viết bài cho cái blog do anh phụ trách trên diễn đàn của đài Tiếng nói Hoa Kỳ. Chủ nhiệm báo Văn là ông Nguyễn Ðình Vượng rất ưu ái nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, song một hôm vì tôi tới báo Văn gạ chuyện mà ông gọi anh và tôi là hai gã playboys. Lúc ấy có mặt Mai Thảo, chắc Hoàng còn nhớ.
Vốn là cuối tháng 4 đầu tháng 5.1969, nơi trang 80 trong số Văn chủ đề tưởng niệm Y Uyên mới gục ngã trên trận địa gần đồi Nora Phan Thiết, Thư ký Tòa soạn Trần Phong Giao đã sơ ý phát biểu một lời xúc phạm tới phụ nữ Huế.
Trần Phong Giao đã – lạ thay, – quá tự tin ở sự phán đoán của mình khi khuyên một nhà văn trẻ đừng lấy gái Huế “…ái tình […] thì được, còn cái mục xây dựng thì đừng, ấy là dựa theo kinh nghiệm bản thân cũng là đúc kết kinh nghiệm của một vài anh em có vợ Huế khác […]…”(6) Hai nhà văn nữ gốc Huế là Túy Hồng, Nhã Ca đã gửi lá thư cho trang Văn học Nghệ thuật Nhật báo Tiền Tuyến, do Thanh Tâm Tuyền phụ trách, một lá thư ngỏ kể tội Trần Phong Giao khinh nhờn xứ Huế, “cào xước quê hương xứ Huế” và tuyên bố chấm dứt cộng tác với báo Văn.
Thời gian ấy tôi nhận lời mời của Ðại tá Anh Việt Trần Văn Trọng, chủ tịch Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Ðội, làm Thư ký Tòa soạn Tuần báo Khởi Hành mới được 3 tuần, nhưng từ 1966 tới lúc ấy vẫn đang là Thư ký Tòa Soạn Nhật báo Tiền Tuyến của Tổng cục Chiến Tranh Chính trị. Khi kiểm soát bài vở tôi khựng lại ở trang Văn nghệ, rồi đề nghị với Thanh Tâm Tuyền: Ðể cho có hiệu quả, thư của các nữ sĩ này phải đăng lên Khởi Hành, là báo Văn học Nghệ thuật. Tôi trả nhuận bút lá thư 500 đồng, nhờ anh gửi cho hai bà ấy.
Từ Cục Tâm Lý Chiến trên đường Hồng Thập Tự, tôi chạy ra Khởi Hành trên đường Phạm Ngũ Lão, đục bỏ một bài đã đổ khuôn chì, cho xắp chữ thay thế bằng lá thư của hai nữ sĩ. Thư đề “Kính gửi Anh Trần Phong Giao, TKTS báo Văn” nhưng tôi đã đặt lại tựa, in chữ lớn ngoài bìa báo: “Túy Hồng, Nhã Ca lên tiếng về một nhận định của báo Văn đối với gái Huế.”
Hôm sau báo phát hành, đó là Khởi Hành số 3, ra ngày 15.5.1969, và bài in nơi trang 2, chạy qua trang 3. Vào Tiền Tuyến Thanh Tâm Tuyền đưa trả tôi 500 và đòi lại lá thư, tôi đưa anh tờ Khởi Hành còn thơm mùi mực in, nói anh quên hôm nay là Thứ 5 rồi à? Báo đã phát hành sáng nay rồi. Thanh Tâm Tuyền có vẻ hối tiếc: “Tôi quên là tôi cũng viết báo Văn, ông Vượng (chủ nhiệm báo Văn) rất quí tôi, lẽ ra tôi không nên đưa cho bạn lá thư đó. Nhưng mà làm báo như bạn… mới là làm báo!”
Bài báo trên Khởi Hành gây chấn động dư luận cả nước, làn sóng phản đối báo Văn lan rộng, mấy ông bà dân biểu (trong có Kiều Mộng Thu địa hạt Huế) họp báo tại Quốc Hội kết tội và đòi báo Văn phải xin lỗi phụ nữ Huế.
Ít lâu sau từ Khởi Hành tôi qua báo Văn, cả hai tờ báo cùng tọa lạc trên đường Phạm Ngũ Lão, để xem phản ứng của anh em báo Văn ra sao. Không thấy Trần Phong Giao, chỉ thấy ông chủ nhiệm Nguyễn Ðình Vượng, Mai Thảo và bạn Nguyễn Xuân Hoàng.
Thấy tôi, ông Vượng cà khịa ngay: “Thư người ta gửi cho Trần Phong Giao, phản đối hắn chứ có gửi cho báo Văn đâu mà anh viết là gửi cho báo Văn?” “Ðành là thế, nhưng mà tội là của Trần Phong Giao, còn trách nhiệm là của báo Văn chứ?” “Mẹ, anh đánh anh em, anh đánh tôi. Chờ đó.” Ông lầm bầm nói với Mai Thảo ngồi viết ở cái bàn bên cạnh, nhưng cũng có ý để tôi nghe thấy: “Tôi mà đi giày săng-đá, tôi đá nó rồi.” Tôi nghe, trả lời: “Thì tôi vẫn ở đây mà.”
Mai Thảo tuy vẫn cắm cúi viết, nhưng khuôn mặt tươi rói, rồi cười rung cả hai vai. Tôi biết ý nghĩa phản ứng ấy của Mai Thảo. Năm 1965 Mai Thảo là chủ nhiệm Tuần báo Nghệ Thuật, tôi là tthư ký tòa soạn, làm việc nhiều năm bên nhau. Chúng tôi vốn biết ông Nguyễn Ðình Vượng xưa kia đi lính, đeo lon Thượng sĩ trong Quân đội Liên hiệp Pháp, đương nhiên ông quen đi giày đinh. Nguyễn Xuân Hoàng và tôi nhìn nhau cười vui vẻ, coi như chuyện phải thế thôi. Ông Nguyễn Ðình Vượng nói với Mai Thảo, mà như nói với cả Hoàng và tôi: “Mẹ, coi hai tên Thư ký Tòa Soạn hai tờ báo văn nghệ kìa! Trông như playboys với nhau. Thế thì văn nghệ khá làm sao được. Hừ…” Tôi nghe đúng như thế, dù mãi 1972 Hoàng mới chính thức làm Thư ký Tòa soạn báo Văn.
Chuyện văn nghệ xảy ra như thế là thường, sau này quan hệ giữa chúng tôi vẫn tốt đẹp. Trước đó ba năm ông Vượng đã xuất bản Thị Trấn Miền Ðông cho tôi, các năm sau còn xuất bản ba cuốn nữa cho tôi: Mã Lộ (1970), Một Mùa Mê Hoặc, Tình Nước Mặn 1973). Trần Phong Giao còn kể với tôi nhà văn nào đã tới bảo ông Vượng sau khi số Văn “đặc biệt về Thơ” lại phỏng vấn tôi dài đến 17 trang, sao (vẫn nhà văn này, vừa ra mắt sách ở Quận Cam) nhà xuất bản Nguyễn Ðình Vượng lại xuất bản Một Mùa Mê Hoặc cho tôi làm gì!
Sau đó ít lâu có xáo trộn trong báo Văn, Trần Phong Giao bị nghỉ việc, Nguyễn Xuân Hoàng thay thế. Rồi chẳng bao lâu Mai Thảo thay thế Nguyễn Xuân Hoàng. Báo Văn xuống dốc, có thể vì độc giả vẫn hâm mộ Trần Phong Giao, không chấp nhận việc anh bị sa thải một cách quá công khai, tàn nhẫn, sau hơn mười năm gây dựng tờ tạp chí từ chỗ bắt đầu, số không, tới khi nó trở thành tờ báo văn chương bán chạy nhất, thì người “có công hãn mã”phải bước ra đường.
Năm 1973 tôi mời Trần Phong Giao làm Tổng thư ký Tòa soạn cho tờ tạp chí Thời Tập của tôi, ngay lúc ra mắt đã rất đông đảo độc giả dài hạn. Chuyện rất giản dị là ngay số 1 bài vở của Thời Tập ký tên những người sau đây: Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Nguyễn Hiến Lê, Mặc Ðỗ, Nguyễn Sỹ Tế, Vũ Thành An, Trần Tuấn Kiết, Cung Trầm Tưởng, Võ Phiến, Túy Hồng, Nguyễn Ðức Sơn, Thanh Tâm Tuyền.
Nhưng Trần Phong Giao từ chối, chỉ nhận cộng tác thường xuyên bằng cách giữ mục “Giải đáp Thắc mắc Văn học” (ký tên Thư Trung), là mục ăn khách nhất của báo Văn, và tiếp tục trên Thời Tập cho tới tháng Tư 1975. Anh còn viết một bài rất giá trị và cần thiết cho những ai muốn trở thành chủ nhiệm hay Thư ký Tòa soạn một tờ tạp chí văn chương. (7) Sau này tôi mới biết Trần Phong Giao đã vĩnh viễn rời báo Văn, xung quanh chuyện mua một ngôi nhà, anh gặp khó khăn về tài chánh mà ông chủ nhiệm lại không giúp. Nguyễn Xuân Hoàng chính thức làm Thư ký Tòa Soạn báo Văn từ 1972, nhưng chỉ khoảng một năm, Mai Thảo thay thế Hoàng, làm báo Văn cho tới 1975. Làm thơ, viết văn, làm báo, là làm tất cả những gì bấp bênh, vô định. Giai đoạn làm báo của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng vui ít buồn nhiều, nhất là thời kỳ làm báo ở Little Saigon, từ Người Việt tới Thế Kỷ 21. Chính anh viết:
“Tôi và con đường Moran của Quận Cam dính vào nhau gần 12 năm trước khi chia tay. Mười hai năm, tôi đã sống và thở với nó. Mùa nắng mùa mưa. mùa nước mắt và mùa hạnh phúc. Sống giữa những bản tin, sống giữa những ngày dài, sống giữa những đêm đen. Con đường Moran như con đường Phạm Ngũ Lão Sài gòn, nó là dòng sông chảy mãi trong tôi như ở quê tôi, con sông chảy dưới chân cầu Hà Ra ngó lên một đỉnh tháp…” (8)
“Những bản in phải bỏ dấu bằng tay trước khi lay-out [trình bày], và những buổi tối dán từng trang trên bản vỗ để mỗi đêm trên đường trở về trời đã mịt đen, đói và lạnh. Và sao mà cô đơn.
“Mười hai năm là thời gian dài gấp rưỡi thời gian tôi đã ở lại Việt Nam sau Tháng Tư 75, và gần gấp ba thời gian tôi ở San Jose làm việc cho một tờ báo mới. … Nó đã ghi vào nhật ký tôi những trang tràn ngập niềm vui sau ngày rời trại tị nạn Bataan, Phi Luật Tân, và không ít những trang ướt nhòe những vết mực đen. Hình như đời sống con người được đo bằng khốn khó hơn là đo bằng những phút giây hạnh phúc. Phải rồi, chiều dày của nhân cách nào mà chẳng tính bằng sự mất mát hơn là sự thu nhập…
“Nó nuôi tôi và hủy diệt tôi nó cho tôi tình bạn, tình yêu nhưng nó cũng cho tôi nỗi bất hạnh và sự phản bội. …
“… và tôi khám phá ra cái ánh sáng của nó: con đường Phạm Ngũ Lão ngày xưa đang thở trong tôi.” (9)
Những trang viết trên chỉ là sơ khởi cho một chương của cuốn Hồi Ký, tôi viết trước ra nhân lấy tiêu điểm từ một bài thơ ít ai biết của Nguyễn Xuân Hoàng. Tặng bạn.
[Những đoạn dự thảo trong Hồi ký 60 Năm Làm Thơ Viết Văn Làm Báo, 5.2012.ª

CHÚ THÍCH
1. Nguyễn Xuân Hoàng, Người Ði Trên Mây, Người Việt 1987, trang 27.
2.Võ Phiến, Văn học Miền Nam, tổng quan, Văn Nghệ 1986, tr.180.
3. Nguyên Sa, tạp chí Hiện Ðại số 2, 5.1960, tr.102. [Cảm ơn thi sĩ Thành Tôn đã cho mượn tờ Hiện Ðại.]
4. Viên Linh, nói với Mai Thảo tại quán ăn của thân nhân thiếu tá Hùng Sùi ở San Jose, hôm ấy quanh bàn ăn có mặt nhiều văn nghệ sĩ, nếu tôi nhớ không lầm có Khánh Trường, Phan Thị Trọng Tuyến, …
5. Nguyễn Xuân Hoàng, Người Ði Trên Mây, 19.
*. Một mục của tờ L’Express Hoàng đã đề nghị với tôi, và chúng tôi đã đồng ý nói hết, nói thật, nói thẳng, trong bài “Ði thật xa với Viên Linh” của báo Văn chủ đề Thơ ở Việt Nam năm 1972.
+. Thần thoại Hy Lạp: Orpheus là một thi sĩ, con trai của Apollo và nữ thần Calliope, khi chàng hát thì không phải ai cũng mê say, mà muông thú cũng phải lắng nghe và cỏ cây, thậm chí mấy hòn đá, cũng phải rung đôïng. Vợ chàng là Eurydice, chết vì nọc rắn. Orpheus đau khổ xuống âm phủ tìm vợ, lấy cây đàn lyre (đàn dây của Hy Lạp) gẩy cho Thần chết Hades nghe. Dĩ nhiên, đến sắt cũng phải nhỏ lệ vì thơ nhạc Orpheus, nên y bằng lòng cho Eurydice theo chồng trở về dương thế, với một điều kiện: trên đường ra cửa ngục, cấm quay đầu nhìn lại. Hai vợ chồng được thả ra, Orpheus đi trước. Khi sắp bước qua ngưỡng cửa Dương thế, như mọi thi sĩ ở đời, Orpheus hoài nghi quay đầu nhìn lại, xem quả thật có vợ đi theo sau không? Eurydice liền hóa đá.
** Bài Phượng Liên kết bằng hai câu:
Thôi còn giấc ngủ canh thâu
Một hành lang rộng vây sầu Phượng Liên.

6. Túy Hồng-Nhã Ca, “Lên tiếng về một nhận định của báo Văn đối với gái Huế,” Khởi Hành số 3, 15.5.1969, tr.2-3 [Chúng tôi chỉ lược chữ lấy ý, không đăng nguyên văn có mấy chữ rất xúc phạm.]
7. Trần Phong Giao, “Ðộc giả và những người làm một tạp chí văn chương,” Thời Tập xuân Ất mão, 18+19, 1+2.1975, trang 75-80.
8. Nguyễn Xuân Hoàng, “Con đường mang tên Moran,” Viễn Ðông, 2004.
9. Như trên.ª

 Viên Linh

Source : damau.org
 

23/8/13

Nguyễn Xuân Hoàng - Tự truyện một người vô tích sự

 
Trong đời sống, mất mát nhiều hơn là thu nhận.
Cây lúa sẽ không trổ bông, nếu trước đó nó không chết đi.
Hãy sinh động một cách không mệt mỏi, nhìn về tương lai
và nuôi dưỡng bằng những nguồn dự trữ sống chất chứa
từ trí nhớ và sự lãng quên.
—Boris Pasternak

Nguyen Xuan Hoang - by QL
Tôi là đứa con thứ mười hai trong một gia đình mười ba anh chị em. Mười ba người con trong một gia đình, con số ấy đâu có nhỏ, phải không? Nhưng biết làm sao! Có ai trên đời này được quyền chọn nơi chốn, gia đình hay dân tộc để chào đời đâu. Tóm lại, tôi là một người Việt Nam ra đời ở miền Trung, trong thời chiến, dưới một mái nhà “đông dân” và “kinh tế gia cảnh” đang hồi sa sút.
Phải nói là nhà tôi đông người quá, đông đến nỗi tôi không thể nào nhớ hết tất cả những anh chị em của tôi. Cha tôi, má tôi, đôi ba ông anh, đôi ba bà chị, một vài cô em… chỉ chừng đó người thôi cũng đủ nằm chật trong ký ức tôi rồi.
Vậy thì, có lẽ, tôi chỉ xin nói trước một đôi điều về đôi ba người trong gia đình tôi thôi. Tôi nghĩ rằng khi vẽ lại chân dung những người thân thích ruột thịt của mình, tôi cũng đã tự vẽ phần nào chân dung mình. Tuy có hơi nhợt nhạt, nhưng chắc là sẽ không xa sự thực lắm đâu!
Cha tôi, tất nhiên đó là người mà tôi muốn nhắc đến trước nhất trong bản tự truyện này. Ông cao lớn, quắc thước, vạm vỡ. Ngay giờ đây, khi hồi tưởng lại hình ảnh của ông, điều mà tôi có thể nhìn thấy lại trước nhất và rõ nhất là đôi mắt của ông. Đôi mắt ấy đầy thần lực, hơi lạnh và có một vẻ gì như tàn nhẫn. Khi nhìn ai, đôi mắt kia như phát ra một mệnh lệnh buộc họ phải phục tùng. Rất nhiều màu nâu đen, rất ít lòng trắng, đôi mắt ấy khá gần với loài hổ báo. Cũng có khi tôi tưởng đôi mắt ấy là con dao cau phạt ngang, có thể cắt đứt cổ tôi như chơi.
Tôi rất sợ cha tôi. Và tôi không biết rõ lòng mình là có bao giờ tôi yêu ông không.
Má tôi thường nói cha tôi là một con sâu rượu. Quả thật, ông uống như hũ chìm và không bao giờ tôi thấy ông say. “Tao mà say rượu à, rượu say tao thì có!” Cha tôi nhiều lần nói như vậy.
Mỗi ngày bốn bận, cha tôi uống rượu theo chu kỳ “sáng – trưa – chiều – tối”. Sáng uống theo lối sáng, chiều uống theo kiểu chiều. Sáng đánh răng súc miệng, uống ít thôi. Tối cần giấc ngủ, uống khá khá được. Trưa, chiều thì tùy hứng.
Má tôi nói rượu là độc được. Cha tôi nói rượu là thuốc an thần. Cha tôi tích trữ rượu. Má tôi giấu rượu. Cha tôi ít nói khi đã uống nhiều. Và má tôi không phải là loại đàn bà lắm lời.
Nói chung, gia đình tôi đông, nhưng buồn và lạnh. Chúng tôi cử động, ăn uống, đi lại, học hành, trò chuyện như những người khách trọ trong một căn nhà nấu cơm tháng.
Có một thời gian, tuy hơi bất ngờ, nhưng mà cũng ngắn thôi, tôi thấy cha tôi không uống rượu nữa. “Sáng – trưa – chiều – tối” ông chỉ uống trà. Cái thói quen mà ông không thay đổi, đó là bao giờ cũng thức dậy sớm hơn tất cả mọi người trong nhà. Ông nấu nước trong một chiếc ấm màu đen quánh, pha trà trong một bình đất nung màu đỏ gạch cua bóng lưỡng, và uống trong một cái chén nhỏ cũng bằng đất nung da màu lông thỏ đỏ. Cái chén ấy ông trang trọng gọi nó là Thố Hào Trản. Cha tôi rất quý cái chén này. Có lúc tôi nghĩ là ông quý nó còn hơn đứa con của ông là tôi nữa. Ông thường đem khoe với mấy người bạn của ông cái chén đất và nói rằng nó xưa lắm, “bảy trăm năm tuổi đấy!”. Nếu đời sống con người chỉ kéo dài có năm mươi năm thôi thì cái chén này đã áp vào môi của mười bốn đời người. Nó “chạm” đến bảy thế kỷ của nhân loại. Có lần tôi hỏi ông tại sao cha biết cái chén này xưa tới bảy trăm năm. Ông nói chính một ông bạn làm quản thủ công nhựt ở viện bảo tàng vườn Bách Thảo Sài Gòn nói như vậy.
“Cha à! Ông ta căn cứ vào đâu mà nói như vậy?”
“Tao không biết, nhưng tao tin ông ấy. Ông ta là một nhà chơi đồ cổ lừng danh. Lời ông ông ấy rất có giá trị.”
“Nhưng tại sao bảy trăm năm thì quý?”
“Cái gì trên cõi đời này mà lâu đời đều quý cả.”
Tôi biết cha tôi trả lời lấy lệ. Và tôi vẫn không tin là hễ cái gì lâu đời cũng đều quý cả.
Nhưng đột nhiên, cũng bất ngờ như lần chừa rượu, ông bỏ trà không một lời báo hiệu. Tôi nhìn thấy cái chén đất nung, da màu lông thỏ đỏ, nằm lăn lóc dưới gầm tủ; bình trà bỏ ở góc nhà; còn cái ấm đất màu đen quánh nằm ở chái hiên.
Ông uống rượu trở lại.
Thời gian sau đó rất tình cờ có lần tôi nghe ông nói “mấy cái thằng ăn không ngồi rồi, dư tiền dư của, bày đặt chén Tiểu Tống với Đại Tống, Thán Hào Trổ với Thố Hào Trản!” Theo ông, rượu tốt hơn trà, và cái quan trọng chính là “nội dung” chứ không phải là cái “hình thức”. Chén nào cũng được, rượu là đủ.
Tôi không giống cha tôi về mặt này.
Tôi uống rượu nhưng không mê rượu.
*
Má tôi là một phụ nữ có cái chiều cao “hơi cao” so với chiều cao trung bình của một phụ nữ Việt Nam. Da trắng, tóc đốm màu bạch kim, mũi cao nhỏ, mắt xanh hơi nghịch ngợm, cái vẻ bề ngoài của bà nổi bật giữa những người phụ nữ Việt Nam. Những buổi đi học về, tôi thường chui xuống bếp với má tôi và đôi khi cả bà chị kế tôi cũng xuống bếp theo. Thỉnh thoảng, bà kể cho chúng tôi nghe về những mảnh đời của cha tôi. Chấp vá lại những câu chuyện hở đầu hụt đuôi của bà, tôi hình dung ra cuộc đời của ông, bằng cách thêm mắm dặm muối cho nó liền lạc.
Là thủy thủ của những thương thuyền, cha tôi trôi nổi từ hải cảng này sang thương cảng khác. Nay Hồng Kông mai Tân Gia Ba, mốt Marseille, bữa kia Amsterdam… ông như một con cá mập giang hồ vẫy vùng giữa trời và nước. Những hình xâm xanh lè còn đầy trên chiếc ngực vạm vỡ và lông lá của ông, cùng với dòng chữ lăn quăn trên hai cánh tay ông, làm chứng cho những lời nói của má tôi. Trước khi lấy bà, cha tôi đã có một đời vợ. Mẹ trước tôi là một phụ nữ Pháp, tên Suzanne, sinh trưởng ở Marseille, thành phố mà đã có thời cha tôi tưởng chừng sẽ chôn chân vĩnh viễn lại đó như quê hương thứ hai. Nhưng cũng theo lời má tôi kể, ông phải bỏ đi vì một chuyện “lỡ tay” của ông. Một hôm ông bước vào quán rượu quen, gọi thức uống như thường lệ, nhưng chờ mãi vẫn không thấy người bồi mang lại, trong khi đó thì tên chủ quán người Pháp cứ đi ra đi vào ngó ông khinh khỉnh. Ông sốt ruột, nắm cổ áo hắn hỏi tại sao. Hắn nói ở đây không có chỗ cho một dân “Mít”. Ông giận điên lên, quật tên chủ quán xuống sàn nhà và tấn công hắn bằng một thế võ cực kỳ hiểm độc. Tên chủ quán chết không kịp lời trối trăn. Để trốn tránh pháp luật, ông dắt bà Suzanne chạy lên Paris. Paris đâu phải đất sống của ông. Ông quẩy đuôi trở lại sông hồ, bỏ lại thành phố ánh sáng lộng lẫy kia người đàn bà với một giọt máu của ông. Sau này, vẫn theo lời kể của má tôi, có lần bà Suzanne gửi thư cho cha tôi nói về giọt máu rơi của ông nay đã là một thiếu nữ tên Marthe. Má tôi muốn tự tay biên thư cho bà Suzanne, nhưng cha tôi không bằng lòng. Ông nói đó là chuyện của ông, má tôi không được xen vào. Chị Marthe của tôi có thời nổi tiếng là một trong số những người mẫu lừng danh của Paris. Người ta gọi chị là Marthe Nuyen (lẽ ra phải viết là Marthe Nguyễn mới đúng, nhưng chuyện này đâu có ăn nhằm gì). Tôi biết chi tiết này vì lúc hơi lớn một chút có lần tình cờ tôi nhìn thấy trong cuốn nhật ký của bà chị kế tôi có một tấm ảnh in hình một cô gái Pháp ăn mặc thật đẹp như một tài tử điện ảnh. Sau lưng tấm ảnh là lời đề tặng cho cha tôi có chữ ký rất rõ là Marthe Nuyen. Nhật ký của chị nói rằng Marthe làm nghề người mẫu. Và cha tôi biên thư phản đối bà Suzanne tại sao để con tự do làm nghề này. Nghề người mẫu thì đâu có gì là xấu, nhưng tôi không hiểu tại sao cha tôi nói vậy. Cho đến bây giờ, thật tình mà nói, tôi không biết gì nhiều hơn về người chị có cùng chung với tôi một người cha này. Bỏ Paris, cha tôi đi Hương Cảng, lại theo một số tàu buôn khác, lại giang hồ kỳ hiệp, nay thương cảng này, mai hải cảng kia. Đó là thời gian cha tôi gặp má tôi.
*
Bà là người Trung Hoa, nhưng có dòng máu của dân Hồng Mao. Bà thường nhắc đến ông ngoại tôi một cách kính cẩn như nhắc đến một vị thần đầy quyền lực: “Ông ngoại con không phải là người phàm. Ổng là con nhà quý tộc chớ không phải dân giang hồ tứ chiếng như cha mày đâu.”
“Má, con nhà quý tộc thì sao?” Tôi hỏi.
“Dân quý tộc không lấy con nhà thường dân.”
“Vậy sao má chịu lấy cha?”
“Không biết! Đừng nhiều chuyện! Nhưng má thích tụi con ăn học đàng hoàng, hơn là lang bạt kỳ hồ.”
Bà không muốn chúng tôi giống cái thời tuổi trẻ của cha. Ước muốn của bà, sau này, tôi thấy hình như không đạt được bao nhiêu phần trăm.
Ông ngoại tôi người Bắc Kinh, con một gia đình quyền quý có chức phận, được gởi sang Anh du học. Ông lấy một phụ nữ người Anh và sinh ra má tôi. Không hiểu vì sao ông bỏ bà ngoại tôi ở lại Luân Đôn, về nước chỉ mang theo cô con gái là má tôi. Nhưng rồi, ông cũng không nuôi má tôi. Ông đem gửi bà cho một gia đình người Hoa khác ở Hương Cảng, cung cấp ít tiền bạc và thỉnh thoảng mới đến thăm bà. Cuộc tình duyên giữa má tôi và cha tôi ra sao, không ai trong đám con cái chúng tôi biết. Mà má tôi cũng không bao giờ hé môi nói rõ tại sao một thiếu nữ “con nhà quan xinh đẹp thế kia” (tôi vẫn luôn luôn nghĩ má tôi là người đàn bà đẹp nhất mà tôi đã gặp trong đời) lại đi phải lòng một người đàn ông giang hồ như cha tôi. Dù sao khi tôi bắt đầu nhận ra mình là đứa con của một gia đình đông đảo, tôi có thể nói má tôi là ngưòi đàn bà tần tảo lo cho chồng cho con trong cái xã hội bình thường của chúng ta. Quần quật suốt ngày với con cái nhà cửa, chạy ăn từng bữa, tất tả, ngược xuôi, đắp cái này, vá cái kia, nhưng không bao giờ thấy bà hé răng kêu một lời than thở. Về ngôn ngữ, tôi không biết nói sao cho đúng. Má tôi nói tiếng Hoa cũng sõi như tiếng Việt. Phần tôi, tôi chỉ ăn cắp được của má tôi và cha tôi một chút chiều cao của thân thể, nhưng tiếc thay, tôi không lấy được một tí nào về sự chịu đựng lớn lao của bà và cái cang cường dũng cảm của cha.
Tuy vậy hình như tôi là một đứa con được má nuông chiều quá đáng trong một gia đình đông đúc. Cha tôi lạnh lùng. Anh chị em tôi dửng dưng. Nhiều khi tôi có cảm tưởng như chẳng có sợi dây gia tộc nào ràng buộc được chúng tôi lại với nhau.
Nói nào ngay, mấy ông anh bà chị tôi không ai ghét bỏ tôi, nhưng hình như cũng không ai yêu tôi. Riêng tôi, tôi nghĩ là mình thù ghét tất cả mọi người, trừ một người, tất nhiên, đó là má tôi. Tôi đâu có cần gì phải làm ra vẻ lạnh lùng. Tôi có thừa sự nhạt nhẽo để có thể chia xẻ cho tất cả mọi người. Cái phần ấm áp, tôi chỉ dành riêng cho mỗi một mình má tôi.
Thật ra, chị Thảo tôi, mà tôi có lần nói rất giống má tôi, là người mà tôi cũng yêu lắm, gần bằng tình yêu mà tôi đã dành cho má tôi. Nhưng giữa chị và tôi có một khoảng cách vô hình. Không bao giờ hai chị em tôi nói với nhau quá câu thứ hai mà không cãi nhau. Đúng với cái tên mà má tôi đã đặt cho chị, chị là một thứ cỏ hoang mọc trên một vùng đất khô cằn là cái gia đình tàn tạ của chúng tôi. Và cái sắc đẹp man dại của chị làm cho má tôi lo lắng buồn bã hơn là làm cho bà hãnh diện mừng vui. Chị Thảo là một kết hợp kỳ lạ giữa cha tôi và má tôi. Chị có cái nhan sắc của má tôi và cũng có cái lạnh lùng đôi khi tàn nhẫn của cha tôi.
Năm mười bảy tuổi, chị bị một tên thanh niên con nhà giàu trên tỉnh theo đuổi. Hắn mang tặng chị hết món này đến thứ khác, toàn là loại đắt tiền. Lúc đầu chị cười cợt, coi như trò đùa. Về sau chị vất tất cả những thứ ấy ra cửa. Hắn tên là T. và theo chủ quan tôi, lúc ấy hắn là một thanh niên khá đẹp trai. Cao lớn, để ria mép, ăn mặc chải chuốt, hắn đẹp theo kiểu một công tử. Hắn khôn khéo, tìm mọi cách để chiều lòng mọi người trong nhà tôi. Kín đáo mang rượu đến cho cha tôi mỗi tuần, tặng vải vóc cho má tôi, đồ chơi cho tôi và các em tôi. T. đi lòng vòng chung quanh trước khi chinh phục tâm điểm là chị Thảo tôi. Tôi có cảm tưởng như nếu bắt hắn phải quỳ xuống để xin chị Thảo chút tình yêu, chắc hắn cũng sẵn sàng không do dự. Nhưng chị Thảo nhất mực không hề cảm động hay thương hại hắn nói gì đến thương yêu. Tôi không biết là lúc đó chị có đang yêu người nào không. Hình như là không. Thật ra tôi cũng không chắc lắm. Nhưng rõ ràng là chị vất cái thứ tình yêu đầy quy lụy, say đắm và mù quáng của T. xuống cống rãnh. Nhiều buổi chiều, tôi thấy T. đứng bứt rứt bên kia đường, dưới gốc cây muồng hoa vàng nghệ, ngó chăm vào nhà tôi. Hắn đau khổ thấy rõ. Và thú thật, tôi có thương hại hắn. Tôi thấy chị Thảo tàn nhẫn. Cha tôi không giờ uống một giọt rượu của T. Còn má tôi vào những ngày năm cùng tháng tận, cần mua sắm ít vải may quần áo mới cho chúng tôi, vậy mà bà cũng nhất quyết gói gửi trả tất cả vải vóc lại cho T. Một lần cha tôi cho gọi T. vào nhà, rót rượu cho hắn uống. T. nói không biết uống rượu. Cha tôi bảo “Nam vô tửu như kỳ vô phong” đàn ông không uống rượu như cờ không gió. Hắn nhìn cha tôi như cầu khẩn. Cha tôi cụng ly. T. bưng lên nốc cạn một hơi. “Khá!” cha tôi nói, và rót tiếp một ly thứ hai. Cứ thế hết ly này đến ly khác. Khi cha tôi đứng dậy, T. ói thóc ói tháo, đầu gục xuống bàn, người mềm như sợi bún.
Khi người Pháp trở lại Việt Nam sau cuộc chiến, T. làm thông ngôn trong một tiểu đoàn Lê dương. Hắn lúc bấy giờ nổi tiếng như một hung thần. Nhiều người đã chết dưới tay hắn. T. háo sắc đến độ gần như vùng nào mà tiểu đoàn hắn đi qua đều có vài ba thiếu nữ là nạn nhân của hắn. Đi bên cạnh T. luôn luôn có hai tên lính người Ma Rốc rạch mặt. Nhiều cô gái sau khi bị hãm hiếp, còn bị tên Ma Rốc dùng dao cắt vú và đâm nát cửa mình.
Thời gian này gia đình tôi đã tan thành nhiều mảnh. Tôi theo cha tôi chạy lên Hòn Lớn, một địa danh ở miền Trung, nằm dưới chân một ngọn núi khô cằn, nhà cửa giống như những căn chòi cất vội vàng trên một nền đất chưa được phẳng. Tiếng súng còn khá xa chỗ ở của cha con tôi.
Lúc đó, tiểu đoàn của T. đang bố ráp càn quét ở một vùng quê khác, nơi má tôi và chị Thảo đang ẩn náu. Sau này má tôi kể lại: Một buổi tối T. xông vào nhà với hai tên lính Ma Rốc rạch mặt. Hắn ung dung ngồi hút thuốc để hai tên Ma Rốc đè chị Thảo ra cột lên giường và trói má tôi chặt vào cột nhà. Ở thôn quê hồi đó, phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn chỉ là một. Má tôi hãi sợ lắm. Hắn hỏi chị Thảo:
“Em có bằng lòng lấy tôi không?”
“Không!” Chị trả lời.
“Tại sao?”
“Không tại sao gì cả.”
“Chừng nào mới chịu lấy tôi?”
“Không chừng nào hết!”
“Sợ tôi không?”
“Tại sao phải sợ?” Chị Thảo hỏi lại ương ngạnh.
T. rút khẩu súng ngắn đeo ở thắt lưng ra, kê vào đầu chị, nhắc lại một lần nữa. Chị Thảo không nhìn hắn. Má tôi la lên, sợ T. bắn thật. Hắn tát vào mặt má tôi. Xong hắn xé quần áo chị Thảo ra, hãm hiếp chị ngay trước mắt chừng ấy con người. Lúc đó, má tôi nói, hắn như một con thú say mồi. Má tôi phát bệnh nặng sau khi chứng kiến cái cảnh tượng hãi hùng giáng xuống đời chị Thảo. Chị Thảo, sau tai nạn khủng khiếp kia, âm thầm bỏ má tôi đi biệt vô âm tín. Mặc dù chỉ nghe lời kể của má tôi về những hành động dã man của tên T., tôi không bao giờ quên hắn. Tôi sẽ nhắc hắn ở đoạn sau.
Phần tôi, kể từ khi bắt đầu va chạm cuộc sống, tôi khám phá ra rằng con người ta không thể nào sống mà thiếu người khác được. Tôi thấy tôi là kẻ đói tình thương trong một gia đình thừa mứa những liên hệ ruột thịt. Nói giản dị, khi tôi nhận thấy mình cần một bà chị như kiểu chị Thảo để yêu mến thì chị ấy không còn trong gia đình nữa. Có lẽ là chị ấy vẫn còn sống đâu đó mà không muốn trở về gia đình chăng, tôi không rõ.
Tôi giữ lại trong trái tim mình hai người anh. Một ông anh cả và một người anh kế.
*
Anh cả tôi bỏ nhà đi giang hồ khi mới mười bốn tuổi. Năm đó tôi chưa chào đời. Má tôi nói anh đi Sài Gòn. Sau đó là Cà Mau, Rạch Giá, Năm Căn, Cần Thơ, Châu Đốc… Có lần trong bữa cơm má tôi nói anh mày ở Vạn tượng bên Lào mới gửi thư và tiền về cho má. Lần khác trả lời câu hỏi của chị Thảo, má nói anh cả đang ở Savanakhet. Khi cha tôi bỏ trà, liệng lăn lóc cái Thố Hào Trản, là lúc ông nói anh đang ở đồn điền Chup bên Nam Vang, Căm bốt. Nói chung là tôi rất lơ mơ về nơi ăn chốn ở của anh ấy. Còn mặt mũi của anh ra sao thì mãi lâu về sau tôi mới có dịp nhìn thấy.
Người anh kế tôi, tuy cao lớn, nhưng dáng người thanh nhã. Ấy vậy mà khi vừa đậu xong cái bằng tú tài toán anh đã chọn đời lính như một nghề nghiệp. Anh thi vào trường Võ Bị Đà Lạt nhưng khi ra trường chuyển sang binh chủng Không Quân. Khi Sài Gòn thất thủ, anh đang mang lon trung tá, bị bắt đi học tập cải tạo và chết trong lao tù Cộng Sản. Anh là người lính ưa văn chương chữ nghĩa. Anh có nhiều bạn là nhà văn nhà thơ, mặc dù anh không hề viết một truyện ngắn hay làm một bài thơ nào. Sở dĩ tôi có biết mặt quen tên một ông nhà văn, một bà nhà thơ nào đó, chẳng qua cũng là do ông anh tôi dắt về nhà thôi. Anh che chở cho một nhạc sĩ trốn lính, bỏ tiền trợ cấp cho một bà ca sĩ có bầu “với ai đó”. Anh luôn luôn hào hoa rộng lượng. Tôi thích nhìn anh trong bộ đồ bay, chữ Tổ Quốc Không Gian trên ngực áo, chiếc nón lưỡi trai che ngang cặp kính Ray Ban rất là thời thượng. Anh có nhiều bạn gái, phần lớn là ca sĩ phòng trà, và anh không yêu một cô nào quá lâu. Anh nói với tôi anh không có tình yêu. Mãi đến năm Bảy Hai, sau mùa hè đỏ lửa, trước ngày má tôi qua đời, anh báo tin cho tôi biết là anh quyết định lấy vợ. Chị là một cô giáo dạy Vạn Vật và là người rất xa lạ với thế giới đầy buông thả của anh. Nếu cái vẻ hào hoa phong nhã của anh là thứ vũ khí sắc bén chinh phục các cô ca sĩ thì khi gặp chị, vũ khí ấy trở thành thừa thãi, vô hiệu. Chị nói chị lấy anh vì tánh thật thà của anh, chứ không phải vì “cái mã bề ngoài” của anh. Hôn nhân đã ép anh vào một khuôn khổ, không kẽ hở. Nhà cửa, vợ con, gia đình, hàng xóm đâu ra đấy. Anh không còn luông tuồng như xưa nữa. “Tình yêu có thật!” Anh vẫn nói với tôi như vậy khi đã có với chị một đứa con. Tuy vậy mỗi khi có dịp về Sài Gòn, anh như một con cá gặp nước. Bạn bè, ăn nhậu, nhẩy nhót như điên. Vũ nữ, ca sĩ, phòng trà, âm nhạc, rượu chè… anh sống vội vã như thể ngày mai trái đất này sẽ trở thành tro bụi. Tuy vậy có lần anh nghiêm chỉnh nói với tôi rằng không biết cuộc chiến tranh này rồi sẽ đi về đâu. Có nhiều điều anh không hiểu. Tình hình chính trị ngày càng xấu. Các thành phố lớn có vẻ như co rúm lại. Chiến tranh đâu chỉ có ở một mặt trận, nó nằm cùng khắp đất nước thành thị, thôn quê, ruộng vườn rừng núi. Ngay trong hơi thở ta, trên da thịt ta, trong thành phố hiền lành chiến tranh cũng đầy chật. Anh nói đến những ánh đèn nhấp nháy của nhà cửa làng mạc, nói đến rừng núi sông ngòi… những nơi anh đã bay qua. Anh nói đến những đám mây như những tảng bông trắng xốp, đến bầu trời xanh lơ mênh mông. Anh thích nhà văn phi công người Pháp, ông Saint Exupéry trong tác phẩm Terre Des Hommes. Và câu nói của một nhân vật trong cuốn sách này ám ảnh anh là: “Cái mà mình đã làm, mình nói thật, không một con vật nào làm được.” Anh muốn có cái cơ hội thử thách điều đó.
Khi hay tin anh chết trong lao tù cải tạo, nhớ đến lời nói của anh, tôi tự nghĩ không biết anh đã chiêm nghiệm ra điều ấy hay chưa.
Nghĩ cũng hay, một gia đình đông đảo đến là như thế mà chiến tranh đến, chiến tranh đi, vô tình cướp mất của tôi lúc này một ít ông anh, lúc kia một ít bà chị, để rồi rút cục con rắn dài mười ba khúc chỉ còn lại có khúc đầu, khúc giữa và khúc đuôi.
Tôi muốn giới thiệu về ông anh cả tôi trước khi nói tiếp về ông anh trung tá.
*
Cũng giống như cha tôi, anh cả tôi cao lớn vạm vỡ khác thường. Anh có một khuôn mặt bạnh, chân mày rậm xếch, mũi to, miệng rộng, cằm vuông, râu quai nón, đen sạm. Một vết sẹo dài chạy từ khóe mắt đến mang tai. Mắt anh không lớn nhưng lì lợm và dữ dằn như mắt cha tôi. Tóc anh xoắn chảy xuống gần phía ót một chùm mịn quăn tít. Cổ anh tròn cứng, vai ngang, hai bàn tay to lớn phốp pháp. Trên khuôn mặt anh, người ta có thể nhìn thấy một sự kết hợp kỳ lạ, mâu thuẫn đến tuyệt vời giữa sự cứng rắn và mềm mại, dễ ghét và dễ thương, hận thù và thân ái… Tất cả những hình nét mà tôi có thể vẽ được về anh chỉ là nhờ vào những tấm ảnh anh gửi về cho má tôi. Tôi còn nhớ Tết Nguyên Đán một năm nào đó, lần đầu tiên tôi giáp mặt anh. Tôi thấy những đường nét mà tôi đã hình dung về anh là không xa lắm. Hồi đó tôi mới bốn tuổi, má tôi bắt tôi ra mừng anh ở xa mới về. Tôi đứng nép bên má nhìn anh, thấy anh tưởng như một người đã quen nhau từ lâu lắm. Nhưng tôi không chào anh. Anh là người quen trong trí tưởng tôi, hơn là người anh có mặt trong đời sống thực tôi. Anh ở nhà không lâu và lại ra đi hồi nào tôi cũng không nhớ. Tôi chỉ biết thời gian đó gia đình tôi tạm coi như sum họp nhất, mặc dù lạnh lẽo vẫn là khí hậu chính của mọi người. In hình như là trong nhà ai cũng linh cảm sắp có một điều chi đó xảy ra, như chờ đợi một cơn bão vậy. Và tôi thấy người anh cả tôi lúc ấy rất quan tâm đến chị Thảo. Anh nói chuyện khá lâu với chị và loáng thoáng tôi nghe nhắc đến tên T., người thanh niên vẫn theo đuổi chị. Một buổi tối, cả nhà ngồi quanh bàn ăn, cha tôi gợi chuyện để anh cả tôi kể những biến cố đời anh. Anh cười, hàm râu quai nón giãn ra như một ông tây con. Anh nói ít, cũng như má tôi vậy, về nơi ăn chốn ở của anh: rừng cao su, những người phu được mộ từ miền Bắc, những tên chủ đồn điền người Pháp hách dịch phách lối, cách tra tấn dã man những người trốn việc mà bọn cai vẫn thường đối xử với đám phu phen… Anh kể chậm rãi về nhiều người, nhiều việc, nhưng không ai biết chút gì thêm về đời tư của anh. Khi anh đứng dậy thì thầm với chị Thảo điều gì đó, cha tôi tuyên bố một câu khó hiểu: “Thằng này giống tao!” Về sau tôi biết là anh đã “làm thịt” một tên cai phu tàn ác vì hắn hành hạ dã man một người phu đồn điền.
Một năm sau, Cách mạng Tháng Tám bùng nổ trên toàn quốc, anh tôi bị con lốc thời cuộc cuốn theo, thổi bay từ núi rừng này sang núi rừng khác, mặt trận, chiến khu, và biệt tích biệt tăm, cho đến sau tai nạn buồn thảm của chị Thảo tôi.
Tôi quên nói là sau khi trái lựu đạn nội hóa đầu tiên nổ tung trong một ngày mùa Thu ngay trước cửa nhà tôi thì gia đình tôi giống như một tổ ong bị vỡ. Chúng tôi, những con ong bay tán loạn, tơi tả, lạc loài, vô định. Má tôi và chị Thảo một đàng, các ông anh bà chị khác một ngõ. Chỉ có riêng mình tôi, theo cha chạy qua những làng xa tận cùng một chân núi. Tôi biết những cánh đồng xanh lá mạ, những vườn xoài vườn mận, những hệ thống dẫn thủy nhập điền thô lậu, những con sông dài phơi mình ngái ngủ giữa trưa hay trôi lặng lẽ dưới bóng trăng đêm… Tôi được thấy những đàn bò gậm cỏ buồn nản, những con trâu lười biếng trầm mình dưới đầm nước tù ngầu đục… Nhưng cuộc chiến ngày một đuổi nà những người thành phố. Tiếng súng lúc đầu còn xa, càng về sau càng gần hơn. Trước mặt chúng tôi là ruộng vườn, thôn xóm. Sau lưng chúng tôi là núi đá, rừng cây. Cùng đường rồi, chạy đi đâu nữa. Cha tôi nói như vậy. Và ông vừa làm tiều phu, vừa làm nhà nông. Cha tôi nói đất đai chỉ nuôi sống che chở những ai yêu nó, sống với nó, làm việc với nó. Cha tôi là một người tháo vát. Ông nói tận trong máu huyết của mỗi người Việt Nam đều có chứa đựng dòng máu của một nông dân. Đây là thời gian cha tôi trở lại với ấm trà và chén đất. Không còn cái Thố Hào Trản của thời Đại Tống Tiểu Tống gì đó, mà một ông bạn già của cha tôi từng nói. Chén đất nung thứ thiệt màu đỏ gạch cua, cha tôi làm lấy. Ông vẫn là người dậy sớm, nấu ấm trà. Và tôi trở thành người bạn hiền bé nhỏ đối ẩm cùng ông. Cuộc sống của hai cha con tôi nơi sơn cùng thủy tận hạnh phúc một cách bắt buộc. Cha tôi nhắc má tôi và chị Thảo ít hơn là nhắc đến hai ông anh tôi. Cho đến một hôm, một người liên lạc đến báo cho cha tôi biết anh cả tôi ở chiến khu về muốn gặp ông. Tôi mừng lắm. Nhưng cha tôi trầm ngâm không nói chi. Tôi còn nhớ cuộc gặp gỡ của chúng tôi diễn ra dưới chái hiên của căn chòi lợp lá phên. Buổi chiều ở núi lạnh tê. Anh tôi đứng trước sân căn chòi. Vẫn cao lớn, hơi gầy, râu cạo nhẵn, tóc vẫn xoăn tít bám sát da đầu. Vết sẹo dài từ khóe mắt trái đến mang tai. Cha tôi và tôi đứng dưới dàn bầu nậm. Tôi hết nhìn anh lại nhìn cha. Anh gầy càng giống cha nhiều hơn. Hai người đàn ông đứng im sững như hai người thợ săn đang rình mồi, nhìn ngó nhau trân trân. Tôi thấy những đốm sáng cuối cùng của ngày lóng lánh trong đôi mắt anh. Sau cùng, tôi nghe thấy tiếng cha tôi kêu tên anh trai tôi. Tối hôm đó, ba chúng tôi ăn cơm chung bên bếp lửa. Cơm trộn bắp chan nước mắm bằng nước muối pha đường thẻ. Bữa cơm rất ngon miệng, mặc dù tôi đã quá ngấy với những hột bắp nhiều hơn gạo trong chén cơm. Anh ôm tôi vào lòng, lấy khẩu súng ngắn ở thắt lưng ra, tháo đạn, cho tôi mượn. Anh đọc cho tôi nghe một bài thơ của một tác giả mà sau này tôi biết là Quang Dũng:

Mẹ tôi em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng

Đó là những câu thơ mà tôi sẽ còn nhớ mãi. Một lúc, anh ngập ngừng nói với cha:
“Con đã gặp thằng T.!”
“Thằng T.?” Cha tôi hỏi gặng. “Mà ở đâu?”
“Ở Tân Hưng. Gần Gò Quít, cha nhớ không?”
“Nhớ. Rồi sao?”
“Con hỏi nó có biết con là ai không? Nó nói biết. Con hỏi nó sợ không? Nó nói không…”
Anh ngừng lại, trầm ngâm.
“Cha biết con đã làm điều gì phải làm cho em Thảo.”
Cha tôi im lặng rót trà vào chén đất, uống một hơi cạn.
Sáng hôm sau, khi tôi thức dậy, anh đã ra đi từ hồi nào. Cả cha tôi nữa, ông cũng đã vào rừng đốn cây làm thêm phên cửa, sửa vách và dành củi cho mùa đông.
Người anh sinh trước tôi vài năm, cũng như tôi, lớn lên khi cuộc chiến tranh Việt Nam đi vào một khúc quanh khác. Người Pháp đã ra đi sau khi thất thủ Điện Biên Phủ. Người Mỹ vừa đến, Quốc trưởng Bảo Đại bị truất phế, Tổng Thống Ngô Đình Diệm và nền Đệ Nhất Cộng Hòa thành lập. Gia đình mười ba anh em chúng tôi chỉ còn cô út ở nhà với má tôi. Anh cả tôi cũng như chị Thảo đều biệt tăm. Ông anh kế của tôi theo học trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Còn tôi, sau đó vào Quang Trung rồi đi Thủ Đức. Chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ. Các tướng lãnh thay nhau cầm quyền. Cha tôi qua đời đúng vào dịp Tết Mậu Thân. Bốn năm sau má tôi cũng “đi theo”, khi một tay nhà báo Pháp viết về “đại lộ kinh hoàng” ở Quảng Trị, nơi người bạn Thủy Quân Lục Chiến của tôi làm bài thơ Cổ Thành tặng tôi trước khi hy sinh. Cô em gái út nhà tôi lấy chồng. Ngôi nhà tôi ở đã bán. Tôi là người lính sống ở văn phòng nhiều hơn chiến trường. Tôi luôn luôn là kẻ được nuông chiều trong một xã hội không phải ai cũng may mắn được như thế. Ông anh Không Quân của tôi tuy vẫn hào hoa bay bướm, nhưng là một người cha gương mẫu, một người chồng tốt. Anh được bạn bè đồng đội quý mến và quả tình anh cũng rất yêu mến con đường anh đi. Một lần chúng tôi gặp nhau ở Sài Gòn, anh nhắc tên người anh lớn và chị Thảo của chúng tôi. Không biết bây giờ anh chị ấy ở đâu, ra sao. Sống chết thế nào. Anh nói chiến tranh ghê tởm và anh hỏi tôi nghĩ sao. Tôi nghĩ sao? Tôi là một người vô tích sự. Nhưng bây giờ hiểu ra, tôi yêu tất cả mọi người. Tôi không thù ghét ai. Người anh Không Quân của tôi cũng nói vậy. Anh chờ đợi và mong muốn hòa bình. Anh nói anh không phải là một nhà chính trị, nhưng anh tin rằng anh chiến đấu cho tự do của dân tộc. Anh nói anh không hề mù quáng nghĩ rằng anh đang sống trong một xã hội tốt đẹp, nhưng anh tin rằng anh đang chiến đấu trong một xã hội để làm cho nó tốt hơn cái hiện có.
*
Tháng Tư Bảy Lăm, Sài Gòn thất thủ, trong “những người chiến thắng” trở về có ông anh cả tôi, nay là một cán bộ chức sắc, một thứ công thần. Anh có tìm gặp tôi trước ngày tôi bị gọi đi học tập cải tạo. Tôi thấy anh khác xưa nhiều. Vết sẹo trên mặt có vẻ như nhạt đi, những bắp thịt gân guốc đã mất. Anh gầy và trầm ngâm. Anh không gặp người anh Không Quân của tôi. Tôi không nghe anh giải thích tại sao. Cô em út của chúng tôi đã theo chồng rời bỏ Sài Gòn trong một ngày áp chót của cuộc chiến. Tôi không hiểu tại sao có phương tiện trong tay mà người anh Không Quân của tôi không ra đi. Cũng như những sĩ quan thua trận cấp úy khác, tôi thu xếp ít quần áo và lương thực cho mười ngày học tập. Nói là mười ngày, nhưng ba năm sau tôi mới được trở về, khi ông anh Không Quân của tôi vẫn còn ở lại trong một trại cải tạo ngoài Bắc. Ra tù tôi sống lang thang làm đủ thứ nghề, đi khắp mọi nơi, nhưng tôi vẫn không gặp và không nghe chút tin tức gì về chị Thảo tôi. Làm như chị là một người không có thực trong gia đình tôi.
Ông anh cả tôi sau đó có đến thăm tôi trên một lần nữa, sau khi tôi vượt biên bị bắt ở Rạch Giá vừa được thả về. Ông nói đừng làm chuyện bá láp, vượt biên là phản quốc. Đó là thời gian chế độ mới đánh tư sản, đổi tiền. Ông nói học tập cải tạo là rất tốt cho những đầu óc vô tích sự như tôi. Phải như thế thì tôi mới “sáng mắt sáng lòng” ra được. Mãi đến năm thứ mười sau ngày Sài Gòn thất thủ tôi mới vượt biên thông suốt. Tôi đến được Pulau Bidong, trong một chuyến đi không đến nỗi bi thảm như những người khác. Tôi luôn luôn là một người may mắn. Một năm sau nhờ sự bảo lãnh của cô em út, tôi được Mỹ nhận cho định cư.
Khi còn ở đảo tôi hay tin người anh lính Không Quân đã chết trong trại giam. Ông anh cả tôi cũng không còn nữa. Một lá thư từ bên nhà gửi qua cho biết ông ấy chết hơi khác thường: tự tử bằng một viên đạn bắn qua đầu. Qua thư từ tôi biết thêm sau khi ông đi thăm người anh lính Không Quân bị bệnh nặng nằm chờ chết trở về, ông đã chọn cái chết của chính mình như một cách nói lời tuyệt vọng. Mười năm sau khi lấn chiếm miền Nam, đất nước ngày càng tan nát, đời sống người dân ngày càng xuống thấp, trong khi máu mủ ruột thịt bỏ đi xa hay vẫn còn nằm trong lao tù của chế độ mà mình phục vụ, có lẽ đã là động cơ thúc đẩy họng súng quay về phía ông. Đôi khi tôi nghĩ cái lẽ sống mới quan trọng hơn sự sống. Có phải vì thế mà ông anh cả tôi hành động kiểu đó chăng? Đó là tôi suy nghĩ vậy, chớ tôi không chắc lắm đâu.
Hôm qua tôi vừa được thư bà chị dâu từ Cabramatta Úc Đại Lợi gửi sang cho hay chị đã lập gia đình. Người chồng chị hiện nay cũng là một người Việt Nam. Hai vợ chồng mở một tiệm ăn. Cả hai mời tôi có dịp sang chơi, sẽ đài thọ vé máy bay và nơi ăn chốn ở.
Tôi không biên thư trả lời. Tôi gọi điện thoại viễn liên chúc mừng chị. Tôi nói muốn đón các cháu sang Mỹ chơi. Chị hứa.
Đời sống ở Mỹ thật tiện nghi. Tôi đủ ăn đủ mặc và tôi giàu tự do. Tuy nhiên vào những buổi sáng cuối tuần, đi bách bộ trong khu công viên Mile Square Park ở Quận Cam, tôi như thấy mình đang trở lại thời sống với cha ở một vùng núi miền Trung, và văng vẳng bên tai vẫn như còn nghe lời cha nói: “Thằng này đúng là đồ vô tích sự!”
Buổi sáng sớm rừng còn đầy sương mù, gió thổi luồn qua những vòm cây lạnh. Trên những ngọn cây cao, tôi nghe tiếng chim kêu từng hồi. Giẫm trên những ngọn cỏ ướt sương, bập bập điếu thuốc lá chưa kịp khô, tôi thấy mình già hẳn. Như giờ đây, gần bốn mươi năm sau tôi thấy tôi mới già bằng thuở đó.

California, Tháng Bảy, 1987
Biên tập lại tháng Mười Một, 2009

Nguyễn Xuân Hoàng


Source : damau
 

Nguyễn Hưng Quốc - Bài học Ai Cập






 

22.08.2013

 

Ai Cập đang trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của thế giới. Tin tức dồn dập xuất hiện trên báo chí ở khắp nơi. Chỉ riêng Thứ Tư ngày 14/8, đã có khoảng 300 người bị giết chết trong các cuộc bạo động trên đường phố rải rác trong khắp cả nước. Đó được xem là một ngày đẫm máu nhất kể từ cuộc nổi dậy đầu năm 2011 nhằm lật đổ nhà độc tài Hosni Mubarak. Ngoài những người bị giết chết, có cả hàng trăm người khác bị bắt. Chính phủ quân sự thay thế Mohamad Morsi cho biết có 43 cảnh sát bị giết chết và ban hành thiết quân luật trên toàn quốc.

Những ngày sau đó, bạo loạn tiếp tục xảy ra. Những người chống đối chính phủ quân sự lâm thời tiếp tục biểu tình, cảnh sát và quân đội tiếp tục trấn áp. Và máu tiếp tục chảy. Trên màn ảnh ti vi, xác chết nằm la liệt. Dân chúng có. Cảnh sát có.

Sự hỗn độn trên chính trường cũng như cảnh đẫm máu trên đường phố khiến người ta không thể không nhớ lại sự “hồ hởi” phấn khởi vào những tháng đầu năm 2011, thời điểm người ta gọi là “cách mạng” hoặc “Mùa xuân Ả Rập”. Hơn hai năm trước, người ta hân hoan tin tưởng bao nhiêu; bây giờ, người ta hãi hùng và thất vọng bấy nhiêu. Không ít người đi đến kết luận: Lật đổ một nhà độc tài thì dễ nhưng để xây dựng được một chế độ dân chủ, hòa bình và phát triển thực sự thì lại là một điều khó. Cực khó. Trước cái khó ấy, không ít quốc gia thất bại. Một số người đang nghĩ là Ai Cập đang thất bại trong nỗ lực dân chủ hóa.

Ấn tượng cho việc lật đổ độc tài dễ vì ở Ai Cập đầu năm 2011, mọi việc diễn ra một cách quá nhanh chóng. Ngày 25 tháng giêng, dân chúng ào ạt đổ xuống đường biểu tình. Sự xô xát giữa người biểu tình và cảnh sát làm cho trên 800 người chết và hàng ngàn người khác bị thương. Dân chúng vẫn không khiếp sợ. Họ vẫn tràn xuống đường. Thoạt đầu vài ngàn người, sau, hàng chục ngàn người, cuối cùng, có lúc đến cả triệu người. Ngày 11 tháng 2, tức chỉ hơn nửa tháng sau, Hosni Mubarak tuyên bố từ chức sau 30 năm cầm quyền (1981-2011) một cách gần như tuyệt đối. Cuộc cách mạng, với vai trò tích cực của các mạng lưới xã hội trên internet, coi như thành công rực rỡ.

Nhưng những gì xảy ra tại Ai Cập sau đó lại không như sự chờ đợi của mọi người.

Trước hết là sự xung đột giữa người Hồi giáo và người theo Thiên Chúa giáo, có lúc, như trong ngày 9/10/2011, làm cho mấy chục người chết. Sau đó là cuộc bầu cử Quốc Hội với chiến thắng vang dội của những người Hồi giáo, kế tiếp là cuộc bầu cử Tổng thống khá gay cấn, nhưng cuối cùng, chiến thắng thuộc về Mohamed Morsi, lãnh đạo phong trào Huynh Đệ Hồi giáo, với 51.7% số phiếu bầu. Chỉ có điều, từ khi lên làm Tổng thống, thay vì nỗ lực xây dựng một chế độ dân chủ, Morsi lại tìm mọi cách để củng cố quyền lực không những cho cá nhân ông mà còn cho cả lực lượng Hồi giáo nói chung. Ông thay đổi Hiến pháp theo tinh thần Hồi giáo. Dân chúng lại xuống đường biểu tình, thoạt đầu, quy tụ hàng chục ngàn, rồi hàng trăm ngàn, và có lúc, cả triệu người. Chính phủ lại ra tay đàn áp. Kinh tế bị xuống dốc trầm trọng. Đời sống dân chúng càng lúc càng khốn cùng.

Cuối cùng, mọi chuyện kết thúc bằng một cuộc đảo chính vào ngày 3 tháng 7 năm 2013 khi tướng Abdul Fatah al-Sisi tuyên bố tước quyền của Morsi và bãi bỏ hiến pháp mới được Morsi thông qua. Dân chúng lại đổ xuống đường biểu tình. Có đoàn biểu tình nhằm ủng hộ Morsi và yêu sách tướng Sisi phải từ bỏ quyền lực và trả lại quyền lãnh đạo đất nước cho Morsi. Lại có đoàn biểu tình ủng hộ cuộc đảo chính, lên án Morsi. Hai nhóm người, với những chủ trương khác nhau, thường xuyên đụng độ nhau. Lại có người chết, lúc bên này, lúc bên kia. Máu lại đổ đầy trên các đường phố.

Quan sát những gì hiện đang xảy ra tại Ai Cập, thế giới không khỏi lo lắng. Người ta sợ hai viễn cảnh có thể xảy ra: Một, Ai Cập sẽ lâm vào tình trạng nội chiến thảm khốc như Syria hiện nay; và hai, giới quân phiệt lại lên cầm quyền và lại độc tài như chế độ Hosni Mubarak trước đây.

Nhưng dù lo lắng, các cường quốc trên thế giới, kể cả Mỹ và châu Âu, vẫn loay hoay chưa biết đối phó thế nào cả. Thứ nhất, khả năng can thiệp vào cuộc đấu đá nội bộ giữa các lực lượng chính trị tại Ai Cập rất giới hạn; và thứ hai, sự lựa chọn của họ không hề đơn giản: Một mặt, Mohamed Morsi là một tổng thống dân cử; đảo chính ông, do đó, là một hành động vi phạm dân chủ; nhưng mặt khác, Morsi, dù mới cầm quyền, lại nhen nhúm xu hướng độc tài, và, quan trọng nhất, muốn biến Ai Cập thành một quốc gia Hồi giáo. Chỉ riêng điều đó đã hứa hẹn rất nhiều bất ổn trong khu vực. Nhưng ủng hộ tướng Sisi cũng khó không kém: Nó đồng nghĩa với việc ủng hộ một hành động phản dân chủ, ủng hộ việc dùng quân đội để đàn áp dân chúng, và, đặc biệt hơn nữa, không ai dám chắc Sisi sẽ không biến thành một nhà độc tài quân phiệt mới.

Chỉ có hai điều hầu như mọi người đều đồng ý với nhau: Một, tình hình chính trị Ai Cập đang bị khủng hoảng nghiêm trọng, và hai, con đường dân chủ hóa của họ còn rất nhiều chông gai. Không ai biết họ sẽ đi về đâu.

Giáo sư Shibley Telhami, một chuyên gia về Trung Đông, cho sự khủng hoảng tại Ai Cập hiện nay chủ yếu xuất phát từ sự khủng hoảng về bản sắc (identity crisis). Theo ông, dân chúng Ai Cập có hai đặc điểm nổi bật. Thứ nhất, phần lớn người Ai Cập tự xem họ là người Hồi giáo và Ả Rập hơn là người Ai Cập; và thứ hai, họ thường tự hào họ là những người sùng đạo nhất trên thế giới.

Giáo sư Mansoor Moaddel cũng đồng ý như vậy. Theo ông, trong cả hai cuộc điều tra năm 2001 và năm 2007, chỉ có 8% người Ai Cập xem họ, trước hết, là người Ai Cập, trong khi đó có đến 81% lại xem họ, trước hết, là người Hồi giáo. Sau cuộc cách mạng năm 2011, số người tự xem họ trước hết là người Ai Cập tăng lên đến 50%. Số người muốn biến luật quốc gia thành luật Hồi giáo cũng giảm xuống. Tuy nhiên, những con số này cũng rất bấp bênh. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận vẫn khác với kết quả các cuộc bỏ phiếu tại Ai Cập sau đó.

Nói cách khác, ở Ai Cập, ý thức tôn giáo mạnh và sâu hơn hẳn ý thức dân tộc. Hậu quả là, với đại đa số dân chúng, vẫn chưa có sự tách biệt giữa tôn giáo và chính trị, giữa thần quyền và thế quyền. Bởi vậy, khi có quyền trong tay, điều họ nhắm tới, trước hết, không phải là dân chủ hóa - dân chủ cho mọi người, bất kể tôn giáo - mà là khẳng định vị thế thống trị của Hồi giáo. Suốt hơn hai năm qua, mô hình chính trị được xem là lý tưởng đối với phần lớn người Ai Cập không phải là các chế độ dân chủ giàu mạnh ở Tây phương mà chính là Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia dân chủ theo kiểu Hồi giáo, do một đảng Hồi giáo cai trị.

Những thử thách mà người Ai Cập đang đối diện, do đó, cũng là những thử thách của hầu hết các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông và Bắc Phi hiện nay. Một mặt, việc kết hợp giữa Hồi giáo và dân chủ chưa có truyền thống mạnh để người ta có thể dễ dàng bắt chước. Mặt khác, kể từ sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001, phần lớn người Hồi giáo đều bị mặc cảm là bị Tây phương ghét bỏ và nghi kỵ, từ đó, họ dễ có tâm lý kháng cự tại Tây phương vốn được xây dựng trên bảng giá trị có tính chất thế tục và dân chủ. Khi kháng cự như vậy, người ta dễ có xu hướng bảo thủ và cực đoan trong cách suy nghĩ dựa trên thần quyền và tinh thần loại trừ những người có niềm tin khác mình.

Như vậy, hai vấn đề mà người Ai Cập cũng như phần lớn người Ả Rập phải khắc phục trước hết là, một, đồng ý việc tách thần quyền ra khỏi thế quyền, và hai, xây dựng các xã hội dân sự dựa trên tinh thần bình đẳng, cởi mở và hợp tác. Có như vậy, một nền dân chủ thực sự mới có thể được xây dựng và vững mạnh.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.