Nhân quyền ở đâu trong ngoại giao Mỹ?
Bùi Văn Phú
Gửi cho BBC từ San Jose
Cập nhật: 16:14 GMT - thứ sáu, 20 tháng 12, 2013
Trong hai thập niên qua, mỗi chuyến đi của giới chức cao cấp Mỹ đến Việt Nam đều được Hà Nội và Bắc Kinh quan tâm đánh giá cũng như diễn giải theo quan điểm của Đảng Cộng sản hai nước.
Hà Nội xem những chuyến viếng thăm là dấu chỉ Hoa Kỳ và Việt Nam đã bỏ lại sau lưng quá khứ thù nghịch để hướng đến tương lai hợp tác và phát triển. Bắc Kinh thì canh chừng xem quan hệ Việt-Mỹ sẽ tiến xa đến mức nào.
Nhưng không ngờ chỉ vài năm sau cục diện chính trị trong vùng lại có những xung đột giữa hai nước cộng sản anh em một thời khăng khít với nhau như “môi hở răng lạnh”.Sự trở lại của Mỹ được chú ý vì năm 1975 cộng sản Việt Nam, với sự trợ giúp của Liên Xô và Trung Quốc, đã chiến thắng và hất cẳng được người Mỹ ra khỏi Đông Dương.
Năm 1979 nổ ra cuộc chiến biên giới Việt-Trung. Năm 1988 có đụng độ trên biển trong vùng quần đảo Trường Sa.
Trong hơn một thập niên đó thì quan hệ Mỹ-Trung ngày càng phát triển, nhất là trong lãnh vực kinh tế và giáo dục với hàng hoá và sinh viên từ Trung Quốc ào ạt đổ vào Mỹ.
Vì thế trước xung đột Việt-Trung, Hoa Kỳ không quan tâm lắm vì không muốn làm mất lòng đối tác thương mại khổng lồ là Trung Quốc.
Cùng lúc, Hoa Kỳ rút lui quân sự ra khỏi Đông Nam Á để chứng tỏ sự ôn hòa, tránh đối đầu. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Mỹ không còn sử dụng cảng Cam Ranh, các căn cứ không quân ở Thái Lan đóng cửa, sau cùng là căn cứ hải quân ở Subic Bay cũng trả lại cho Philippines.
Nhưng Hoa Kỳ đã giật mình tỉnh giấc khi Trung Quốc khoanh vùng bao phủ gần hết biển của Việt Nam, Philippines và xuống đến tận Malaysia, gọi là đường lưỡi bò. Gần đây Trung Quốc lại khoanh cả không gian ở Đông Bắc Á.
Hoa Kỳ làm mới chính sách
Trước bành trướng ảnh hưởng của Bắc Kinh, Tổng thống Barack Obama có chính sách xoay trục – gọi là tái cân bằng – đưa Hoa Kỳ trở lại Đông Nam Á.
Vì thế, những chuyến viếng thăm của giới chức Mỹ đến các quốc gia trong vùng được đặc biệt chú ý để tìm ra những dấu chỉ trong chính sách mới của Hoa Kỳ.
Đối với Việt Nam, hơn một thập niên qua đã đón các Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush (Con), các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng, thương mại của Mỹ. Cùng lúc Việt Nam cho chiến hạm Mỹ ghé cảng trên đường công tác ở Thái Bình Dương.
Hoa Kỳ xoay trục, nhưng ngày nay cục diện chính trị trong vùng cũng không khác xưa là bao.
Hơn nửa thế kỷ trước, lãnh đạo Mỹ từ Tổng thống Ike Eisenhower, John F. Kennedy đã muốn bảo vệ vùng đất này bằng việc giúp các nước Malaysia, Philippines, Thái Lan và Nam Việt Nam chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản, từ Trung Quốc và Liên Xô, mà Việt Nam đã là chiến trường sôi động nhất với hơn nửa triệu lính Mỹ chiến đấu.
Nay Nhật, Nam Hàn, Philippines, Thái Lan vẫn là đồng minh của Hoa Kỳ. Việt Nam thống nhất nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi cộng sản Trung Quốc, như khi cuộc chiến diễn ra trong thập niên 1960.
Khác chăng là cuộc đối đầu của Washington với Bắc Kinh nay không còn là cuộc chiến súng đạn mà là chiến tranh kinh tế.
Với việc Mỹ xoay trục, Hà Nội lại vẫn chơi trò ngoại giao đu dây, gọi là làm bạn với mọi nước trong tinh thần tôn trọng chủ quyền độc lập và lãnh thổ của nhau. Không như trước đây là giữa Liên Xô và Trung Quốc, nay Hà Nội đang đu dây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai cường quốc rất khác nhau về cơ chế chính trị, một bên là tự do dân chủ một bên là cộng sản độc tài.
Nhìn bản đồ địa chính trị, Đông Á chỉ còn Lào, Bắc Hàn và Việt Nam chịu ảnh hưởng từ Bắc Kinh và đều là các nước cộng sản. Nam Hàn, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, Singapore là những đồng minh lâu đời của Mỹ; Indonesia và Malaysia là bạn của Hoa Kỳ vì đã là những quốc gia dân chủ, hay cũng đang tiến đến dân chủ như Campuchia và Myanmar.
Trước dấu chỉ Trung Quốc cũng sẽ khoanh cả không gian trên biển Đông Nam Á nên chuyến đi tuần qua của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đến Việt Nam và Philippines đã được dư luận đặc biệt chú ý.
Đã đến Việt Nam hơn chục lần trước đây để điều tra về POW-MIA trước khi khuyến cáo Tổng thống Bill Clinton thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 1995, đây là chuyến đi đầu tiên của ông trong vai trò bộ trưởng ngoại giao.
"Nếu tập trung đúng vào sự cởi mở và tự do của xã hội, tôn trọng đúng đắn con người và quyền của họ (Việt Nam) sẽ thành công to lớn"
John Kerry
Đặc biệt Ngoại trưởng Kerry mang theo những khoản trợ giúp tài chánh, tuy chỉ hơn 50 triệu đô-la nhưng là những dấu chỉ Hoa Kỳ muốn giúp Việt Nam nhiều hơn.
Đó là ngân khoản dành cải thiện môi sinh ở Đồng bằng sông Cửu Long do ảnh hưởng bởi thay đổi khí hậu và việc Trung Quốc xây đập trên thượng nguồn, đó là tiền mua những tàu tuần tra biển, tiền đầu tư giúp Việt Nam hoàn tất những bước tiến trong đàm phán TPP để nâng phát triển kinh tế cho Việt Nam.
Không như chính sách đối với Cuba, là một trong số năm nước cộng sản còn lại và đến nay vẫn bị Hoa Kỳ cấm vận và không bang giao, những nhà làm chính sách Mỹ chủ trương can dự và bắt tay với Việt Nam để đem lại những thay đổi cho đất nước này.
Trong hai thập niên qua Hoa Kỳ đã giúp Việt Nam nhiều trong kinh tế và giáo dục. Hàng Việt nhập vào Mỹ nay đã lên đến hơn 20 tỉ đô-la trong năm nay và số du sinh Việt tại các đại học Hoa Kỳ là 16 nghìn.
Nhân quyền như cái gai
Tuy nhiên, trong quan hệ Việt-Mỹ vấn đề nhân quyền vẫn là một chiếc gai.
Ngoại trưởng John Kerry khi còn ở Thượng viện đã nhiều lần ngăn chặn không cho dự luật nhân quyền Việt Nam được đưa ra thảo luận dù đã được đại đa số hạ nghị sĩ chấp thuận.
Nay trong tư cách nhà ngoại giao cao cấp nhất của Mỹ ông không thể thờ ơ với nhân quyền được nữa.
Trước ngày lên đường ông đã nhận được thư của 47 hạ nghị sĩ đồng ký tên yêu cầu liên kết việc Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) với những cải tiến về nhân quyền.
Lá thư với 47 chữ ký là con số đông nhất từ trước đến nay và có nhiều đại diện từ những khu vực đông người Việt ở California như Quận Cam với các dân biểu Loretta Sanchez, Linda Sanchez, Alan Lowenthal; vùng San Jose và Vịnh San Francisco với Zoe Lofgren, Mike Honda, Barbara Lee, George Miller.
Nhật báo Washington Post ngày 13-12-2013 cũng có bài xã luận yêu cầu Ngoại trưởng John Kerry đặt ưu tiên nhân quyền trong thảo luận.
Ban biên tập đã tiếp xúc với thân nhân của một số tù nhân đang bị giam vì phát biểu quan điểm của mình. Tờ báo nhắc đến trường hợp anh em luật sư Lê Quốc Quân, Lê Đình Quản và yêu cầu đặt vấn đề trả tự do cho họ với lãnh đạo Hà Nội.
Vì thế Ngoại trưởng John Kerry đã thẳng thắn nêu vấn đề nhân quyền với lãnh đạo Việt Nam và yêu cầu trả tự do cho một số tù nhân lương tâm cụ thể.
Tại buổi gặp gỡ với Hiệp hội Thương mại Mỹ và Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Sài Gòn, Ngoại trưởng Kerry cũng đã nhắc đến một xã hội cởi mở hơn, người dân được tự do hơn sẽ giúp Việt Nam phát triển.
Ông phát biểu:
“Tôi nghĩ rằng cơ hội cho tương lai là to lớn. Nếu tập trung đúng vào sự cởi mở và tự do của xã hội, tôn trọng đúng đắn con người và quyền của họ, tập trung đúng đắn vào tăng trưởng và giáo dục, tôi sẽ chẳng hề có nghi ngờ rằng tất cả những năng lượng và nỗ lực đó dùng vào việc cố gắng định ra một phương hướng mới, nó sẽ mang lại thành công to lớn.”
Đây chẳng phải là điều gì mới với trong chính sách ngoại giao của Mỹ, vì nó như một chiếc kiềng với ba chân mới được vững vàng. Đó là vị trí chiến lược, quyền lợi kinh tế là những lý tưởng dân chủ tự do.
Tầm nhìn, cách tiếp cận khái niệm về nhân quyền phổ quát trong vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc, cùng đáp ứng trước yêu cầu của Mỹ sẽ cho thấy khoảng cách trong quan hệ hai nước ngày càng gần lại hay vẫn còn khoảng cách.
Bài viết phản ánh cách nhìn riêng của tác giả là một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California.
BBC