10-02-2014
Vô đề cho năm mới
Trần Thanh Vân
Sáng Mồng Chín Tết, trời Hà Nội hơi se lạnh, tôi hồi hộp mở trang Bauxite Việt Nam số đầu Xuân Giáp Ngọ, sau 9 ngày nghỉ Tết, một đợt nghỉ Tết dài chưa từng có.
Đọc rất nhanh bài “Trung Quốc giúp Hoa Kỳ chi trả chương trình Y tế, tàu sân bay Mỹ như thế nào?” của tác giả Rick Newman do Trần Ngọc Cư dịch, và như một phản xạ bản năng, tôi thấy cần thiết phải gửi đến bạn đọc Bauxite VN bài viết dưới đây, một bài viết tôi chuẩn bị đã lâu, nhưng vì cảm thấy chưa đầy đủ nên chưa muốn vội vã đưa ra
Đầu tiên, tôi đọc lời phi lộ của Bauxite VN và muốn tỏ ý đồng tình với lời khuyên rằng chớ nên quá tin tưởng dựa dẫm vào chú Sam mà phải nên tự mình trước, rồi sau đó hãy nhờ cậy bạn bè.
Những ngày cuối năm vừa qua, người Việt khắp thế giới sôi sục lên vì lễ kỷ niệm 40 năm TQ cưỡng chiếm Hoàng Sa. Ở Đức, ở Nhật thì sôi động, nhưng ở Hà Nội, ở Đà Nẵng, TP HCM thì lẻ tẻ, im lìm và chính quyền Hà Nội làm những trò thật hèn nhát trước vườn hoa Lý Thái Tổ, khiến nhân dân cả nước thấy xấu hổ và thương cho phận đớn hèn của họ.
Tại cuộc "Gặp gỡ bàn tròn Berlin - Washington DC - Boston", tôi biết ở Washington DC, GS Ngô Vĩnh Long cũng bức xúc và rất buồn vì bị lạc lõng khi những người gọi là bạn hờ hững với mình.
Vậy hôm nay, tôi muốn nói một cách hết sức nghiêm túc về câu chuyện Biển Đông và trách nhiệm của chúng ta trước vận mệnh của đất nước.
Đầu tiên tôi muốn lý giải BIỂN ĐÔNG là gì?
Chúng ta quan tâm đến BIỂN ĐÔNG, vậy chúng ta đã thực hiểu BIỂN ĐÔNG chưa?
Là một KTS Cảnh quan, từng du học ở một nơi rất Á Đông là Trung Quốc và nơi nữa rất Phương Tây là nước Đức, tuy kiến thức trong tôi có pha trộn, nhưng tôi vẫn tập trung về cái đích là Địa lý cảnh quan của đất nước, của Đông Nam Á, của Châu Á, đặc biệt tôi tìm hiểu khá kỹ về "dòng chảy của địa hình trong quá trình kiến tạo vỏ trái đất" và hôm nay tôi muốn nói đến vấn đề chính trị thế giới từ góc nhìn của một phụ nữ đã nhiều năm nghiền ngẫm tìm kiếm, suy tư về phong thủy theo đề tài này.
Trở về với cụm từ "Dòng chảy địa hình".
Xét về mặt Địa lý tự nhiên
Cách đây 10 năm, tôi bắt gặp và quan tâm đến một bài viết ngắn về Chiến tranh phong thủy và âm mưu ngàn năm của người Hán cùng tấm bản đồ cắt từ Wikimapia ra, hiện rõ lên một hình "Con Rồng" dài khoảng 7000 km, ôm trọn dãy núi Himalaya hùng vĩ đi từ đỉnh Everest cao trên 8800 m, qua Cao nguyên Tây Tạng và bờ Nam là Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Mianmar... qua cao nguyên Vân Nam, rồi đến đỉnh Phan-xi-pang, qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, qua đỉnh Ba Vì Hà Nội... rồi trải xuống đồng bằng Bắc Bộ nước ta để đi xuống vịnh Hạ Long và cuối cùng kết thúc ở Vịnh Mindanao Philippines sâu 11000 m (xin xem bản đồ Địa mạch đính kèm).
Từ hình con Rồng này, tôi hiểu mạch đất cổ xưa nhất đi từ nóc nhà thế giới là đỉnh Everest xuống đáy sâu vịnh Mindanao, chênh nhau 20 km, là cột xương sống vô cùng rắn chắc, giữ cho hình hài trái đất không bị biến dạng.
Điều đó cũng cho biết các quốc gia ngoài biển đảo như Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore.... là phần nổi của đuôi con Rồng, cái đuôi có ổn định hay liên tiếp có động đất? Sóng thần? Đảo ngầm mọc lên? Hoặc có thành phố có dân cư bị chìm sâu xuống biển?.... Ít nhiều đều phụ thuộc vào đường xương sống thân con Rồng này.
Rõ ràng, tấm bản đồ World Map thì của thời nay mới có, nhưng cái tên Vịnh Hạ Long, Bạch Long Vĩ và nhiều đảo nhỏ có tên Long, Rồng... thì đã có từ thời xa xưa, điều đó chứng tỏ từ thời rất xa xưa con người đã biết về tầm quan trọng của Mạch đất này.
Hôm nay chúng ta đang đau đầu về hình lưỡi bò 9 đoạn của TQ vẽ ra và thái độ hung hăng trơ tráo của họ trên Biển Đông. Chúng ta cũng đang lo ngại quan hệ cộng sinh (Symbiosis) Mỹ - Trung Quốc... Nhưng chúng ta có nghĩ rằng đó chính là vì "Cái đuôi Rồng" đang bị xâm phạm nên nó đang quẫy rất mạnh?
Vậy muốn cho tất cả ổn định, muốn cho cái đuôi không quẫy nữa, chúng ta có cần củng cố "Thân con Rồng" hay không?
Vậy thân con Rồng đóng vai trò gì?
Rõ ràng về mặt địa lý, BIỂN ĐÔNG là một mục tiêu quan trọng mà cả thế giới đang quan tâm, nhưng đáng quan tâm không kém, theo sự hiểu biết của tôi, là cộng đồng dân cư trên 1 tỷ 500 triệu người sống trải dài trên thân con Rồng, trong đó phần đi qua nước VN ngót 500 km và dân số nước ta là 93 triệu người.
Xét về mặt dân tộc học
Lịch sử đã ghi nhận các dân tộc ở Bắc Á như các triều đại vua chúa của người Hán, người Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn và ngay cả dân tộc Mãn Châu nhỏ bé khi xưa... đều nuôi ý đồ bá quyền, muốn thôn tính các dân tộc Phương Nam, nhưng hễ gặp "gò cao" của thân con Rồng (tức dãy Himalaya và mạch chảy vùng hạ lưu) họ đều gặp sự chống trả quyết liệt và họ đều phải dừng lại.
TQ có cái mạnh và cái yếu gì?
Thật quái lạ, đặc điểm của chữ Hán tượng hình, đã giúp cho một số dân tộc có tiếng nói khác nhau, phong tục và gốc gác văn hóa khác nhau, đều có thể hiểu nhau nhờ chữ viết. Bởi vậy, 2000 năm trước, nhà Tần đã thống nhất được nước Trung Hoa rộng lớn, lúc đó người Hán thực chất không đông và cũng không mạnh. Trên quốc gia này, nội chiến luôn luôn xảy ra, họ từng bị đế quốc Nguyên Mông ở sa mạc xâm lược, rồi còn bị cả một dân tộc nhỏ bé là Mãn Thanh cai trị mấy thế kỷ liền, nhưng chữ Hán trở thành chữ viết của Triều Nguyên, rồi Triều Thanh, thậm chí vua Càn Long đã có lúc tưởng mình là người dân tộc Hán. Ngay cả mấy trăm triệu người sống trên dải đất bao la phía Nam sông Trường Giang từ tỉnh Vân Nam ở cực Tây, ra đến Thượng Hải ở cực Đông... thì đều là dân gốc Bách Việt bị họ gọi là người Hán Phương Nam.
Tôi còn nhớ những năm tháng sống ở Thượng Hải, đôi lúc tôi còn làm phiên dịch cho sinh viên mới đến từ Bắc Kinh. Người Thượng Hải dùng Hán văn và hiểu tiếng phổ thông (Bắc Kinh) nhưng có tiếng nói riêng, họ rất tự hào về cuộc sống văn minh của họ. Họ gọi người Bắc Kinh và các tỉnh phương bắc là "oai ty" (ngoại địa). Sau này tôi mới biết người các tỉnh Chiết Giang, Giang Tô, Hàng Châu, Quảng Châu và Hồng Kông... cũng có tâm lý đó.
Những vùng dân cư gốc Bách Việt này giàu có, thông minh, sản xuất ra nhiều của cải nuôi sống người phương Bắc. Nhưng cho đến tận bây giờ, những vùng dân cư gốc Bách Việt luôn có mầm mống cát cứ, muốn thoát ra khỏi sự thao túng của Bắc Kinh.
Còn cao nguyên Tây Tạng rộng lớn và đầy huyền bí ở phía Tây Bắc, và dân tộc Tân Cương nữa? Họ có chữ viết riêng, họ quyết không bị đồng hóa và họ luôn luôn cách biệt với người Hán.
Đầu thế kỷ 20, vào thời kỳ cách mạng Tân Hợi (1911), Tây Tạng vẫn là một quốc gia độc lập rất mạnh và họ không coi TQ là gì cả.
Chỉ từ khi nước CHNDTH thành lập, Mao Trạch Đông mới quyết tâm chiếm Tây Tạng và trên danh nghĩa, Tây Tạng chính thức trở thành một phần lãnh thổ của TQ từ năm 1959.
Nhưng, suốt nửa thế nay, Tây Tạng có thực sự quy phục TQ không?
Hiển nhiên là không.
Chính phủ lưu vong của Dalai Latma vẫn còn, vẫn có uy tín và dân Tây Tạng vẫn quyết tâm giành lại độc lập cho mình.
Gần như hàng năm, các cuộc đụng độ giữa Tây Tạng và Bắc Kinh vẫn luôn luôn xảy ra. Cạnh Tây Tạng, một khu tự trị Tân Cương rộng tới 1,6 triệu km2 cũng là một vùng đất bất kham, năm nào cũng xảy ra sự phản kháng và các cuộc đàn áp, khiến nhà nước TQ vẫn đang hết sức mệt mỏi đối phó.
Tôi cứ luôn luôn đặt câu hỏi: Tại sao ĐCS TQ sợ người Tây Tạng -Tân Cương? Tại sao họ tìm mọi cách khủng bố đàn áp những dân tộc đó? Thậm chí chỉ một nhóm người nhỏ nhoi đi tu Thiền gọi là phép Luân Công, họ cũng sợ và cũng quyết tiêu diệt?
Chỉ có thể nói: đất nước Trung Hoa lâu nay nay rất không ổn định và lúc này cũng sợ bị tan vỡ.
Trong bài "Tôi biết gì về Trung Quốc" viết năm 2009 mà Bauxite đã đăng, tôi đã phân tích:
- Về mặt Kinh dịch, nước TQ có hình một quẻ Chấn, quẻ sấm sét, nó có thể nổ tung bất cứ lúc nào.
- Về mặt hình thể, các con sông chạy ngang, xếp các lớp đất đai và sông ngòi theo hình một chiếc bánh sandwich, đó là một cấu trúc không bền vững, rất dễ bị trôi trượt.
Vậy bao giờ quẻ chấn này nổ tung?
Thật vui, trong mục thư giãn cuối tuần trên Bauxite, ngày 15/8/2010, bài "Giấc mộng báo điềm gì?" tôi dự đoán đó là vào năm 2014, khi con ngựa vàng Sa Trung Kim bay xuống thì con ngựa gỗ Dương liễu mộc ứng với chủ nghĩa Hồ Cẩm Đào sẽ đổ xuống Đập Tam Hiệp và bị dòng nước cuốn trôi đi.
Tất nhiên tôi đã dùng cách diễn đạt "vui đùa" này, nhằm làm giảm tính nghiêm trọng và tính huyền bí của trò bói toán.
Nhưng về mặt khoa học, đây là một thực tế khách quan, không một ý chí nào, không một tham vọng nào có thể thay đổi được. Tất nhiên về thời gian, không ai khẳng định được, nhưng sớm muộn thì ngày đó sẽ đến.
Và quan trọng hơn cả, chủ nghĩa bá quyền Mao Trạch Đông đẻ ra quái thai là Đảng Cộng Sản TQ thì nó chỉ lôi kéo được quần chúng trong thời giành độc lập, nay thời kỳ đó đã qua, thì dù có ngụy trang bằng bất cứ thứ bánh vẽ nào, nó cũng thối rữa và tan nát mà thôi.
Tóm lại ta có thể nghĩ từ lâu người Mỹ đã gặp khó khăn và nợ nần TQ, nên họ đã có thái độ nước đôi hòa hoãn với TQ, để cho VNCH mất Hoàng Sa năm 1974 cũng vì khó khăn đó. TQ giống như tên địa chủ Hoàng Thế Nhân của phim Bạch Mao Nữ khi xưa, một tên địa chủ rất giàu có nhưng bản thân hắn vẫn sống thiếu thôn, người thân và gia nhân của hắn vẫn đói rách.
Các nước láng giềng ở phía Tây Nam dãy Himalaya như Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Mianmar... Nhà nước TQ tuy đã hết sức nỗ lực, nhưng chưa bao giờ TQ làm chủ được sườn núi phía Nam này và ngày càng thấy họ đang bất lực trong mọi âm mưu thôn tính.
Ngay cả tại Myanmar, một nước nghèo và rất lạc hậu, thì nay bỗng nhiên họ đã thức dậy sau một giấc ngủ dài, khi ông tổng thống độc tài Thein Sen và bà chủ tịch đảng đối lập Aung San Suu Kyi bắt tay nhau.
Điều đó chứng tỏ lực lượng tiềm ẩn ở khu vực này vô cùng lớn. Tổng dân số của các quốc gia này hiện đã đông hơn TQ và đang áp đảo TQ, chỉ riêng Ấn độ hiện có 1.241 triệu dân và Pakistan có gần 200 triệu.
Họ mạnh nhưng họ không ngạo mạn hung hăng như TQ.
Còn dân tộc VN chúng ta?
Lịch sử đã ghi lại bao cuộc xâm lăng không ngừng nghỉ và quá trình đồng hóa các dân tộc Bách Việt ở phía Nam sông Trường Giang, của người Hán, nhưng khi đến Đồng bằng Bắc Bộ nước ta, có thể họ có thành công đôi lúc, đôi nơi, nhưng cuối cùng họ đều thất bại.
Trong thế kỷ 20, chủ nghĩa Karl Marx không tưởng và nhà nước Xô Viết của Lenin là cái bánh vẽ đã lừa được một số nhà yêu nước người VN để họ lập ra ĐCS, nhưng đến nay, khi Liên Xô đã tan tành, thì tôi nghĩ ở VN cũng sẽ như TQ, chẳng bao lâu nữa ĐCS sẽ biến mất. Điều đó khẳng định sự biến đổi lớn sẽ đến với VN, chưa nói tới sự xuất hiện chữ Quốc ngữ đang được hoàn chỉnh trong thế kỷ thứ 20 sẽ không bao giờ tạo điều kiện cho TQ thực hiện được âm mưu xấu nào nữa.
Nhưng ta không thể để cho nước chảy bèo trôi.
Ta phải làm gì?
TA CẦN KHAI THÁC LỢI THẾ CỦA THÂN DƯỚI CON RỒNG ĐI QUA VIỆT NAM, TRƯỚC KHI ĐI XUỐNG BIỂN.
Đây là phần quan trọng nhất mà tôi muốn nói hôm nay.
Con đường đi từ đỉnh Phan-si-pang, qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, đến Hà Nội, Hải Phòng Quảng Ninh rồi đến Vịnh Hạ Long, tổng chiều dài hơn 500 km, con đường này khi xưa đi lại rất chật vật, khó khăn, nhưng các dân tộc ở đây đã qua lại giao lưu, cụ thể là tại Loà Cai, Yên Bái, thậm chí ngay tại Ba Vì đã có người gốc Tây Tạng sinh sống lâu đời.
Hôm nay con đường Cao tốc Xuyên Á đi từ Vân Nam xuống Hải Phòng đã sắp hoàn thành, rút ngắn thời gian đi lại chỉ còn chưa đầy một nửa (xem sơ đồ trục giao thông).
Đây là một con dao hai lưỡi.
Có người lo ngại cho rằng lợi dụng con đường này TQ thực hiện âm mưu tấn công Việt Nam nhanh hơn? Có thể là vậy.
Nhưng mặt khác, ta cần hiểu rằng, hằng ngàn năm trước, các dân tộc sống dọc triền núi này đã có liên lạc qua lại với nhau, thì nay nếu ta nối giao thông giữa các dân tộc này lại, họ bắt tay nhau dễ dàng, họ ra Biển Đông dễ dàng, giá trị tích cực sẽ tăng lên rất lớn.
Về một giá trị phong thủy huyền bí
Trong cả năm 2013, tôi bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu Hồ Thác Bà ở hai huyện Lục Yên và Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Cái hồ này dài 80 km, rộng trên 10 km, diện tích 23.400 ha, được gọi là Vịnh Hạ Long giữa rừng đại ngàn.
Từ xưa người trong nước và khách thương nước ngoài đã biết đây là kho vô tận của đá quý - Đá Rubi còn gọi là đá Phong thủy để chữa bệnh. Hiện có rất nhiều người đến đây mua những hòn đá đắt tới tiền triệu USD.
Điều mà tôi quan tâm hơn cả là bên bờ hồ có núi Cao Biền.
Kỳ lạ là trong cuốn Tấu thư địa lý kiểu tự mà Cao Biền gửi về trình vua Đường Trung Tôn từ thế kỷ thứ 9, thì không có một địa danh nào Cao Biền nhắc đến vị trí này. Nhưng tên NÚI CAO BIỀN thì lại được ghi trong bản đồ địa hình quốc gia.
Tôi cử người đến Bộ Tài nguyên Môi trường mua 7 mảnh bản đồ địa hình. Và sau một năm mày mò, tôi có các tư liệu cần tìm.
Núi Cao Biền cao 508,7 m ở phía bắc Nhà máy Thủy điện chừng 10 km.
Ngày 10/10/2013, đoàn khảo sát do tôi cử đến nhờ người dẫn đường leo lên đỉnh ngọn núi này. Dưới chân núi là bản làng dân tộc Cao Lan. Cả huyện Yên Bình chỉ có 7000 dân sinh sống. Tôi không rõ nhóm dân cư này sống ở đây từ bao giờ và tại sao họ lại lấy tên là Cao Lan? Họ sống khá văn minh, có chữ viết và họ thờ ông Cao Biền như thờ cụ Tổ nhà mình.
Khi đoàn khảo sát của chúng tôi đến, họ đón tiếp tử tế, cho ngủ lại một đêm, sáng hôm sau họ chuẩn bị sẵn xôi gà và trái cây, hương hoa đồ lễ. Đường đi có bậc đá, nhưng bị cây cối phủ kín, họ cử 2 thanh niên đi phạt núi mở đường.
Họ dẫn đoàn khảo sát lên đỉnh núi, đó là một bãi đất phẳng, đặt đồ lễ ngay tại bờ giếng nước nơi ông Cao Biền đã từng sống và đã sử dụng nước trong giếng này.
Sơ bộ, chúng tôi có thể tạm kết luận rằng nơi này vẫn được giữ nguyên trạng như 1200 năm trước. Có điều, Cao Biền không báo cáo vùng thung lũng này với vua Đường, nhưng lại giao nhiệm vụ cho người của mình trông nom bảo vệ.
Người dân Cao Lan này không phải người gốc Việt mà được Cao Biền đưa từ Tây Bắc về. Điều đó chứng tỏ nơi này đã được Cao Biền chọn cho riêng mình và giấu vua Đường như một số sách cổ đã ghi.
Phát hiện mới ra đề xuất mới?
Trong sử sách, Cao Biền được phái sang đất ta đi tìm các huyệt quý để yểm, hòng tiêu diệt hiền tài của nước ta. Ông ta đã tìm ra 632 huyệt chính, huyệt phát vương và 1517 huyệt bàng, huyệt phát quan và đã cố yểm nhưng không yểm được. Đến đời nhà Minh, Hoàng Phúc lại được Minh Thành Tổ sai mang cuốn Tấu thư đó sang ta để tiếp tục yểm phá hòng biến nước ta thành quận huyện của họ, nhưng không thành.
Vậy tại sao Cao Biền coi trọng huyệt quý này? Chắc là vì "huyệt" này là một cái thung lũng quá lớn, đá rubi giá hàng triệu USD mà người ta vẫn trao đổi mua bán chỉ là những viên "đá vụn" rời ra khỏi khối nham thạch cổ kéo dài hàng chục km theo triền dòng sông Chảy. Biết không thể phá được thì ông ta giữ lại làm vương quốc cho mình.
Từ phát hiện đó, tôi nghĩ phải khai thác lợi thế nơi đây trong công việc đào tạo con người mới, để thoát ra khỏi những luẩn quẩn, đã ám ảnh mấy thế hệ dân ta từ hàng ngàn năm nay.
Đã 3 lần chúng tôi đã mời những chuyên gia khác nhau đến khảo sát về Trường lực Địa khí của nơi này. Kết quả thu được khá khả quan:
- Đỉnh núi, nơi Cao Biền đã ở, đo được 20.000 Bovis,
- Hàng nghìn hòn đảo phía đối diện đạt 14.000 đến 17.000 Movis.
Tôi cũng đã dẫn các Thiền sư từng tu nghiệp ở Tây Tạng và Ấn Độ nhiều năm và cả một số Thiền sư Tây Tạng, đến để khảo sát trực diện về Thiền và cũng kết luận rằng vùng hồ này có khả năng rất tốt cho hoạt động Thiền chữa bệnh, Thiền du lịch, các hoạt động nghiên cứu phát triển não bộ và trí tuệ...
Ai đã đọc các tài liệu nói về ngành Y khoa bổ sung: MBSR (Mindfulness Based Stress Reduction) mà thế giới hiện đại, đặc biệt là Mỹ đang rất coi trọng thì hiểu rõ vấn đề này.
Đây là ngành khoa học cổ Phương Đông, nhưng ở Phương Tây đã được Cullen nói đến vào năm 1776 và tới năm 1936 thì GS Hens Selye Canada, người sáng lập Viện chống stress ở Montreal chính thức nhắc tới và đến năm 1970. Ở Mỹ, tại Đại học Massachusettes, GS Jon Kabat - Zinn chính thức ứng dụng và hiện đang rất coi trọng.
Song, cái mà tôi muốn nói về Hồ Thác Bà rộng 23.400 ha với 1300 hòn đảo , có chiều dài 80 km và chiều rộng trung bình gần 30 km không phải chỉ là lợi thế về phong thủy cho các hoạt động y khoa, chữa bệnh, du lịch và kinh tế chung chung... Điều tôi muốn nói là "Thung lũng rộng lớn như một Vịnh Hạ Long giữa rừng đại ngàn" này là một vùng trũng tụ khí của Dòng chảy địa mạch đi từ nóc nhà thế giới là đỉnh Everest xuống, trước khi ra Vịnh Hạ Long để xuống Biển Đông.
Tôi nghĩ đến một nơi tụ tập, một đại bản doanh của cộng đồng Đông Nam Á bàn về chiến lược phát triển.
Nếu tính cả Đông Nam Á thì trên 1,6 tỷ đã nói ở trên, còn có thêm 500 triệu người các quốc gia ngoài hải đảo như Nhật, Philippines, Malaysia, Indonesia...
Cộng gộp lại, nếu có giải pháp để nắm tay nhau, có đại bản doanh để ra tiếng nói chung, nếu có một cơ quan đại diện như một ASIAN INSTITUTE chẳng hạn, thì cộng đồng dân cư trên 2 tỷ người trong đất liền và ngoài khơi này có mạnh và có đáng sợ hay không? Và lúc đó Mỹ có còn e sợ Trung Quốc nữa không? Chắc là không đâu.
Ngày 1/7/2013 chúng tôi đã đến làm việc với ông Phạm Duy Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái và tôi đã trình bày ý tưởng Dự Án có tên THÁC BÀ- VƯỜN TRI THỨC VÙNG TÂY BẮC và ngày 24/7/2013 chúng tôi đã nhận được văn bản trả lời của ông chủ tịch ký, ủng hộ đề xuất của chúng tôi và đề nghị chúng tôi chủ động nghiên cứu và tìm nhà đầu tư.
Tất nhiên, để có các nhà đầu tư vào cuộc là phải có thời gian và phải có những thay đổi về cơ chế mới thu hút được người có tiền chịu chi tiền vào đây.
Việt Nam hiện nay đang rất không được tin cậy trên trường quốc tế, nhưng vị trí này của VN lại rất quan trọng, nên tôi vẫn muốn khéo léo khơi gợi công việc lên, dù là nhỏ.
1- Một việc nhỏ nhưng có tính thời sự là khi ông Phó TT Nguyễn Xuân Phúc từ Mỹ về hồi cuối tháng 8/2013, tôi gợi ý với tỉnh Yên Bái xin nâng cấp Trại cai nghiện Ma túy của Yên Bái đã có trên Hồ lên thành trại cấp quốc gia để nhận sự giúp đỡ của Mỹ.
Tỉnh Yên Bái đã đề nghị, đã được chấp nhận và hiện đang thi công mở rộng.
Đây là công trình chữa bệnh não và giáo dục tuổi trẻ, vừa nhân đạo, vừa có giá trị kinh doanh
2 - Đề xuất xây dựng Đại bản doanh có tên ASIAN INSTITUTE ?
Vào một ngày cuối năm 2013, nhân 40 năm kỷ niệm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, anh Nguyễn Phú Bình, nguyên Đại sứ VN tại Nhật, phối hợp với ông Ogawa Hiroyuki, Tổng thư ký Hội hữu nghị Nhật Việt, người đã đến VN 45 lần trong 12 năm qua, cùng tổ chức một Hội thảo KH về Dự đoán tương lai - Future Prospect do GS Nhật Sakae Tanaka trình bày.
Trong bữa cơm chiều hôm đó, tôi nói với 2 ông Ogawa và Tanaka về tầm quan trọng của Con Rồng Châu Á liên quan đến sự ổn định của các nước ngoài đảo khơi như Nhật, như Philippines... và sự cần thiết có một vị trí thích đáng nằm trên Hồ Thác Bà để những người cùng có mối quan tâm đến Đông Nam Á, có thể ngồi lại với nhau để ra những chủ trương có tầm chiến lược phát triển cho Đông Nam Á.
Tôi nói quan hệ 40 năm VN - Nhật Bản chỉ là mở đầu để xóa sạch hận thù xưa, quan hệ sắp tới sẽ quan trọng hơn mà Hồ Thác Bà của chúng tôi sẽ là nơi chúng ta ngồi bên nhau bàn về chiến lược phát triển, đồng thời nơi đây là một địa điểm quý cho các chuyên gia Nhật phát triển những thành tựu về khoa học thực phẩm và y tế.
Trong tất cả các mối quan hệ liên quan đến cộng đồng quốc tế, tôi nghĩ đến mối liên minh Châu Á và Đông Nam Á nhiều nhất, trong đó đặc biệt tôi nghĩ đến quan hệ Việt Nam và Nhật Bản, gần 70 năm kết thúc hình ảnh "Phát xít Nhật phá lúa trồng đay" và 40 năm quan hệ ngoại giao chắc đã đủ cho nhân dân hai nước thấy sự cần thiết bắt tay nhau thật chặt để bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau?
T.T.V.