22/8/14

Chủ Nghĩa Tân Stalin


Friday, August 22, 2014

Chủ Nghĩa Tân Stalin


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo ngày 140821

Chủ nghĩa đế quốc, cộng sản, phát xít và chỗ tựa của Vladimir Putin  

* Tranh tuyên truyền về Josef Stalin * 




Trong cuốn "Đèn Cù" của Trần Đĩnh do Người Việt vừa xuất bản – một cuốn bút ký chúng ta phải đọc – tác giả có một trang "ứa lệ" ở chương bốn.



Kể lại việc lãnh đạo cộng sản, từ Hồ Chí Minh trở xuống, tổ chức học tập cho trí thức vào mùa Thu 1953 trước khi phát động chiến dịch Cải cách Ruộng đất, tác giả Trần Đĩnh nói đến một buổi tối thình lình có kẻng gọi toàn thể lên hội trường. Tề tựu lâu rồi mà trên sân khấu vẫn vắng tanh. Sau đó, Tố Hữu ủ rũ đi vào, theo sau là "Cụ Hồ" và nhiều người khác.



Tố Hữu trình diễn màn nước mắt chan hoà để thông báo một đại tang: Đại nguyên soái Stalin vừa từ trần.



Dưới con mắt tinh tường và văn phong bình thản đến rợn người, Trần Đĩnh ghi lại cho chúng ta một biệt tài của Tố Hữu. "Ông ấy hình như tranh hơn thiên hạ cả ở chỗ được biết hung tin sớm hơn, do đó được ưu tiên đau xót trước và nhân thể lại tranh thủ dịp thị phạm cho lớp trí thức ngồi đây thái độ cách mạng đối với cái chết của lãnh tụ...."
















Cuốn "Đèn Cù" của Trần Đĩnh vừa được tờ Người-Việt xuất bản 



Bối cảnh ứa lệ đó báo trước bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu về lãnh tụ Stalin của Liên Xô ("Yêu biết mấy nghe con tập nói - Tiếng đầu lòng con gọi Sta-lin!... Thương cha thương mẹ thương chồng - Thương mình thương một thương Ông thương mười... Ơn này nhớ để hai vai - Một vai ơn Bác một vai ơn Người")


Còn Bác Hồ, người nghĩ gì về Người?


Trần Đĩnh kể lại: "Trước mặt tôi, Cụ Hồ cũng nức nở. Không ngừng đưa khăn tay màu trắng lên lau nước mắt và nước mắt thì cứ chảy trên hai má Cụ đỏ bóng vì khóc, vì xúc động." Có lẽ vì xúc động, Bác để quên hộp thuốc lá Trung Hoa Bài hình tròn ổ trên ghế khi lập cập về phòng riêng ở sau hội trường. Tác giả Trần Đĩnh là người cầm lấy hộp thuốc đem vào phòng Bác.

Ông thấy gì?


Trần Đĩnh kể lại: "Cụ ngửng lên nhìn và tôi bỗng thấy mình lạc lõng quá, vô duyên quá, tọc mạch quá. Mặt Cụ xưng lên, đầm đìa nước mắt, hai mắt húp lại, những nét tôi chợt thấy chỉ cốt để mình Cụ được biết, một cái gì hết sức bí mật, riêng tư. Cụ ngơ ngẩn nhìn tôi, nhìn hộp thuốc lá như không hiểu tôi vào làm gì, cái hộp kia là gì và của ai..."


Hồ Chí Minh là người có tài đóng kịch, còn hơn giọt nước mắt Tố Hữu trước hội trường. Nhưng dường như là ông khóc thật cho Josef Stalin....


Mà vì sao lại nhắc đến Stalin ở đây? Vì sự hồ hởi của các thị trường tài chánh tuần qua khi có tin là Vladimir Putin có vẻ hòa dịu trong vụ khủng hoảng Ukraine....


***


Nói đến lãnh tụ Josef Stalin hay Iosif Vissarionovich Stalin (sinh ngày 18 Tháng 12 năm 1878 - sau khi nắm quyền từ 1922 thì tự sửa lại là ngày 21 Tháng 12 năm 1879 - mất ngày năm Tháng Ba năm 1953), hậu thế đều nhớ tới chiến dịch tranh trừng đẫm máu nhằm tiêu diệt mọi đối thủ trong đảng. Có một thời, cuộc thanh trừng được gọi trong lịch sử nước Nga là "Khủng bố Stalin".


Thời ấy, các đảng viên có ba ngả chọn lựa: sùng bái Stalin, bị tử hình hay vào trại cải tạo.


Truyện tiếu lâm thông dụng về sau là có ba anh ngồi bắt chấy cho nhau trong tù - và hỏi nhau. Vì sao đồng chí lại vào đây? - Vì tôi chống Molotov. Anh kia gật gù: "Vì tôi ủng hộ Molotov", và họ nhìn người tù thứ ba. "Các đồng chí chẳng nhận ra sao? Tôi là Molotov!"


Cái lô gích quái đản thời ấy là Stalin không chỉ gây cảnh tàn sát trong đảng và cả quân đội bằng những phiên toà bi hài từ 1934 đến 1939. Tên bạo chúa còn nhìn xuống dưới và phất tay cho hai chục triệu thường dân đi vào trại cải tạo, phân nửa thiệt mạng vì đói và bệnh. Stalin cũng mở ra những cuộc di dân cưỡng bách để tiêu diệt khả năng cưỡng chống của các sắc tộc thiểu số, nguyên nhân của những tranh chấp ngày nay.


Sau khi lên cầm quyền, Nikita Krushchev mới nói đến tệ sùng bái cá nhân của Stalin và cho viết lại lịch sử.


Nhưng, y như Đặng Tiểu Bình với Mao Trạch Đông sau này, lịch sử được viết lại từ thời Krushchev mà có chọn lọc. Phần tích cực vẫn lớn hơn tiêu cực. Sai lầm thì có, tội ác thì không. "Cơ bản thì tốt thôi".


Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Vladimir Putin, nước Nga cũng đang viết lại lịch sử và vẽ ra một chân dung màu hồng của Josef Stalin.


Nếu không mủi lòng nức nở như Hồ Chí Minh hay Tố Hữu, ta có thể thấy Stalin có biệt tài thâu tóm bốn chủ nghĩa đáng tởm nhất của thế kỷ 20: chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa quốc gia cực đoan và chủ nghĩa phát xít. Vladimir Putin đang bước lên, hay trôi xuống, bốn dòng thác cách mạng đó. Chung quanh ông, một số phần tử quốc gia cực đoan đang cổ xúy cho chủ nghĩa Đại Nga.


Việc Putin thôn tính bán đảo Crimea và khuynh đảo xứ Ukraine được các phần tử phát xít này nhiệt liệt ca ngợi. Mươi năm về trước, họ chê Putin là thế lực đỡ đầu của bọn tài phiệt nên họ lãnh đòn thù của lãnh tụ. Ngày nay, họ thần phục Putin, như người tiếp nối sự nghiệp Stalin.


Và lịch sử lại được viết lại, với Stalin ở vào vị trí được trọng vọng. Nước Nga đang vùng dậy đẩy lui thế lực Tây phương và nếu có nhen nhóm không khí Chiến tranh lạnh thì cũng tốt thôi!


Trong khi đó, truyền thông Tây phương hồ hởi khi có tin là chuyến xe cứu trợ của cơ quan Hồng thập tự được phép vào Ukraine. Rồi thị trường cổ phiếu tăng vọt khi có lời tiết lộ về một cuộc hòa đàm cho Ukraine....


Khi theo dõi tin tức về các thị trường tài chánh, người viết bèn nhớ lại những vụ xét lại trong lịch sử. Mà rùng mình.


***


Bài viết này khởi  sự với giọt nước mắt họ Hồ trước khi đảng ta phát động cuộc Cải cách Ruộng đất đẫm máu – theo chỉ thị của Trung Quốc. Nói đến bốn dòng thác của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa quốc gia cực đoan và chủ nghĩa phát xít thì cũng là cách mô tả Trung Quốc thời nay. Y như Mao Trạch Đông, Stalin vẫn có vị trí chói lọi trong tâm khảm của nhiều nhà lãnh đạo Bắc Kinh.


Bao giờ Hà Nội mới tự giải ảo?

Source : Việt Báo , dainamax tribune .

TỐ CHẤT NÀO CỦA NGƯỜI HOA?

TỐ CHẤT NÀO CỦA NGƯỜI HOA?

Theo  pro&contra 

Tháng 8 21, 2014
Lưu Du
Phạm Thị Hoài dịch
Nhiều người hẳn biết rằng một số khái niệm đặc sắc trong tiếng Trung rất khó dịch sang tiếng Anh, thí dụ đột kích thủ (突击手) [1]bất chiết đằng (不折腾) [2]tinh thần văn minh (精神文明), ban tử kiến thiết (班子建设) [3]… Ai dịch được huyết nhiễm đích phong thái (血染的风采) [4] thì tôi xin tặng ngay cờ luân lưu. Tố chất (素质) là một trong những từ như thế.
Người Hoa tố chất kém, vì thế Trung Quốc không nên…” Câu này phổ biến tới mức nếu không đi cùng với hai từ kém và người Hoa thì từ tố chất như thể bơ vơ lạc lõng. Nhưng dịch tố chất như thế nào đây? Dịch thành quality có vẻ hợp hơn cả. Tuy nhiên, thử nghĩ kĩ thì câu tiếng Anh “The quality of Chinese people is low, so China should not…” rõ ràng lại không hợp. Vì nếu dịch ngược trở lại tiếng Trung thì câu này sẽ thành “Người Hoa chất lượng kém, vì thế Trung Quốc không nên…” Mà như thế thì rõ là phân biệt chủng tộc và chắc chắn không hợp ý người Hoa nào phát ngôn câu ấy.
Chắc chắn có nhiều lí do khiến một từ nào đó khó dịch sang những ngôn ngữ khác. Một lí do có thể là: bản thân hiện tượng liên quan đến từ đó không thật sự được nắm bắt rõ ràng. Thí dụ từ tố chất. Thực ra tố chất là gì? Trực giác bảo tôi rằng, đó là “trình độ văn hóa”. Nhưng theo thống kê dân số gần đây nhất thì tỉ lệ mù chữ ở Trung Quốc chỉ chiếm 4,08%, tức là thấp hơn nhiều so với mức trung bình trên thế giới. Một nghiên cứu năm 2009 cho thấy rõ là 18,03 % giới trẻ ở Trung Quốc từ 25 đến 30 tuổi có bằng cao học trở lên, như vậy là nhiều hơn cả ở những nước dân chủ như Tiệp (15,05%), Thổ Nhĩ Kì (13,06%) hay Brazil (10%). Vậy trình độ văn hóa của người Trung Quốc không hề thấp.
Thế nếu không phải là trình độ văn hóa thì tố chất cho thấy cái gì? Có lẽ là tinh thần hợp tác. Có thuyết bảo rằng người Trung Quốc như “cát rời trong chậu” (nhất bàn tán sa), một bằng chứng về tố chất kém. Trong xã hội học có khái niệm “vốn xã hội”, biểu thị độ nhớt và mật độ của quan hệ giữa người với người. Một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng để một nền dân chủ có thể vận hành thì vốn xã hội đóng vai trò tương tự như dầu nhớt cho động cơ ô tô. Chưa nói đến việc sau này nhiều nhà nghiên cứu hoài nghi hệ quả chính trị của vốn xã hội, ngay cả khi nó càng nhiều càng tốt (đa đa ích thiện), nhiều người cũng lưu ý rằng cái công thức “cát rời trong chậu” hoàn toàn không đúng với truyền thống Trung Quốc. Làng xã truyền thống có một mạng tương tác xã hội chặt chẽ và tự quản. Khi phải đắp một con đường hay đào một dòng kênh thì mọi nhà họp nhau bàn việc góp quỹ. Nhà này mâu thuẫn với nhà kia thì hương thân phụ lão đứng ra thương lượng theo luật làng. Ở Chinatown tại New York tôi thấy một cộng đồng người Hoa đã tha hương từ trên một thế kỉ vẫn tụ họp múa lân và đánh trống mỗi dịp hội hè. Vì thế khó có thể nói rằng người Hoa vốn không có gen đoàn kết.
Song với sự ra đời của “nhà nước toàn năng” thì cái gọi là “rác rưởi phong kiến” như tông tộc, xã đoàn, miếu hội bị cưỡng bách tiêu diệt. Xã hội ngày càng có xu hướng nguyên tử hóa và chính trị trở thành chết keo duy nhất. Cho đến hôm nay, thể chế chính trị mạnh mẽ vẫn ức chế sự tích lũy vốn xã hội. Những “hạt cát” muốn kết hợp lại, lập nên một nông hội ư? Quá nhạy cảm! Một công đoàn ư? Đã có công đoàn do chính phủ tổ chức rồi mà! Một tổ chức phi chính phủ ư? Được thôi, nhưng phải thông qua 48 thủ tục nhé… Như vậy, sự nguyên tử hóa xã hội Trung Quốc không phải là nguyên nhân mà là kết quả của quyền lực. Như thể tôi vừa trói chân bạn vừa bảo rằng: đấy, mày có chạy được đâu, chứng tỏ mày không biết chạy, hoặc thậm chí mày thiếu tố chất chạy! Cái đó không còn là một “dự báo tự hoàn thành” nữa, mà là một “mệnh lệnh tự xác nhận”.
Và nếu tố chất có nghĩa là ý thức luật pháp thì thế nào nhỉ? Người Hoa không thích xếp hàng và hay vượt đèn đỏ… Những hiện tượng như vậy cho thấy là người Hoa thiếu tố chất, vì thế mà phải để một nhóm tinh hoa kiểm soát, như tuyên bố “dân Trung Quốc cần quản thúc” của Jackie Chan [5] chăng? Cá nhân tôi biết rõ những tật xấu kể trên, nhất là chuyện xếp hàng. Nhiều khi tôi chỉ muốn ở quầy cửa hàng nào cũng có cảnh sát giao thông đứng trấn.
Nhưng tôi cũng từng đến Hồng Kông và Đài Loan, thấy mật độ dân số ở đó cũng rất dày mà người ta vẫn tự giác xếp hàng. Họ cũng là người Hoa, chứng tỏ không phải cứ là người Hoa thì thiếu ý thức luật pháp. Nhưng điều quan trọng hơn là: ngay cả khi người Hoa quả thật kém về mặt này thì từ đó cũng khó mà suy ra tính ưu việt của một thể chế độc tài. Thể chế độc tài hàm ẩn một tiền đề rằng dân chúng tố chất kém thì phải chịu sự giáo huấn và quản thúc của quan chức tố chất cao.
Song nhìn vào hàng ngũ quan chức thì ta phải phát hoảng. Hôm nay mở tờ báo này thấy một vị quan chức vào tù vì tham ô vài triệu, hôm sau mở tờ báo khác thấy một vị nữa vào tù vì tham ô vài chục triệu. Hôm nay nhấp chuột vào trang mạng này thấy chính phủ cưỡng chế dỡ nhà khiến một người dân phải đi kiến nghị, hôm sau nhấp chuột vào trang mạng khác thấy một người dân nữa bị dỡ nhà phải cùng quẫn tự thiêu. Đương nhiên đó không phải là đại diện cho tất cả quan chức, nhưng những việc như vậy là thực tế và diễn ra vô tận. Nó nhắc nhở rằng chúng ta nên lí giải ý thức luật pháp kém của dân chúng như thế nào: khi “kẻ trên” thường xuyên lợi dụng đấu thầu dự án để ăn tay trong, bất tuân luật pháp trong tranh chấp đất đai hay bất chấp lệnh cấm vẫn nhậu nhẹt bằng tiền công quỹ thì làm sao có thể bắt “kẻ dưới” cung kính tôn trọng luật pháp? Kẻ đại tiểu tiện tứ tung làm sao dạy người khác đừng khạc nhổ được.
Vậy ngay cả khi tố chất của người Hoa có vấn đề chăng nữa thì nguyên nhân chủ yếu nằm ở chế độ, mặc dù nó tác động xấu đến chế độ. Tất nhiên tôi không nghĩ rằng cải cách chế độ qua đêm là có thể biến đổi văn hóa, nhưng ít nhất nó có thể tạo ra một không gian sinh hoạt công cộng. Và cũng như việc muốn học chạy thì trước hết phải tháo xích chân, muốn bồi dưỡng năng lực công dân thì trước hết phải có một không gian công cộng. Những ai ưa lặp lại câu “Người Hoa tố chất kém, vì thế Trung Quốc không nên…” có lẽ hãy thử nghĩ xem có nên đổi thành “Người Hoa tố chất kém, chính vì thế mà Trung Quốc càng nên…”
________
NguồnLưu Du (Liu Yu, 1976) bảo vệ luận án tiến sĩ tại Columbia University, từng dạy tại Cambridge và hiện là Phó Giáo sư ngành Chính trị tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh. Bà bắt đầu nổi tiếng ở Trung Quốc với tác phẩm 民主的细节 (Chi tiết của dân chủ) xuất bản năm 2009. Bài viết “素什么质” này đăng trên blog của bà ngày 30/10/2011. Bản tiếng Việt dựa theo bản tiếng Đức đăng trên trang Freitag ngày 19/4/2014.
Bản tiếng Việt © 2014 pro&contra


[1] Dùng theo nghĩa: một người rất hăng hái hoạt động (thường là chính trị)
[2] Dùng theo nghĩa: không bận tâm vào những chuyện vô nghĩa
[3] Dùng theo nghĩa: sắp xếp nhóm lãnh đạo trong các cơ quan của Đảng và chính phủ
[4]血染的风采” vốn là tên một bài hát tưởng niệm lính Trung Quốc chết trận trong Chiến tranh Biên giới 1979 giữa Việt Nam và Trung Quốc, sau này – đặc biệt ở Hồng Kông – được dùng để tưởng niệm nạn nhân của cuộc thảm sát Thiên An Môn 1989.

Source : pro&contra ( Blog Phạm Thị Hoài )

20/8/14

Toàn Cầu Ái Ngại


Wednesday, August 20, 2014

Toàn Cầu Ái Ngại

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 140820
"Diễn đàn Kinh tế"  
 
Trong đại loạn, hãy về với dân...  
 
000_Was7986700-305.jpg
* Hình ảnh minh họa chụp tại Washington DC, Mỹ hôm 10/10/2013. AFP * 


Khi kiểm điểm tình hình toàn cầu, người ta cảm thấy một sự ái ngại chung, dẫn đến nỗi lo ngại cho người dân ở từng khu vực. Sáu năm sau vụ khủng hoảng tài chính bùng nổ từ Hoa Kỳ vào Tháng Chín năm 2008, Diễn đàn Kinh tế sẽ lần lượt nói về sự ái ngại này qua phần phân tích khá bi quan của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Xin quý vị theo dõi cách Vũ Hoàng đặt vấn đề như sau.

Nhiều rủi ro lớn

 

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, khởi đi từ Hoa Kỳ vào Tháng Chín năm 2008 với sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, kinh tế Hoa Kỳ đã có vẻ khả quan hơn, và tương đối khả quan nhất trong khối công nghiệp hóa. Nhưng nước Mỹ ngày nay cũng là nơi mà ông nói rằng mỗi tuần lại có một vụ khủng hoảng, đôi khi vì lý do bất ngờ như động loạn đang xảy ra tại thị trấn Ferguson của bang Missouri. 

Trong khi đó, tình hình của các quốc gia khác lại chẳng khá hơn, như tại Trung Quốc, Nhật Bản và nhất là Âu Châu khi kinh tế và an ninh đang gặp nhiều bài toán lớn với vụ khủng hoảng ở Ukraine, suy trầm tại Đức hoặc giao tranh trên Dải Gaza. Trong khung cảnh đó, thưa ông, có mấy ai còn quan tâm đến những rủi ro ở tại Đông hải hoặc khoản nợ xấu ở tại Việt Nam? 

Chúng tôi xin đề nghị ông rà soát lại tình hình toàn cầu và rút tỉa ra vài kết luận về tương lai.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là qua một bài, ta khó tổng kết về tình hình toàn cầu, nhưng vẫn có thể nhìn ra vài chuyển động lớn sau đây. Trước hết là một cảm giác ái ngại toàn cầu khi ta đứng ở ngoài nhìn vào hoàn cảnh từng nước. Sau đó là nỗi lo ngại khi ta bước vào bên trong từng khu vực để thấy ra nhiều rủi ro lớn.

Vũ Hoàng: Chúng ta sẽ khởi sự từ Hoa Kỳ, quốc gia giàu mạnh nhất và cho đến nay vẫn là nơi đem lại niềm tin về kinh tế hay an ninh cho nhiều xứ khác.

Các nước Liên Âu chẳng thể làm gì nên cứ trông cậy vào một quốc gia có khả năng nhưng hết muốn can thiệp, đó là Hoa Kỳ. Vì thế, quả thật là ái ngại dẫn tới lo ngại. Nguyễn-Xuân Nghĩa


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ Hoa Kỳ đang ở giữa một chu kỳ khủng hoảng chính trị, ban đầu thì tưởng là do kinh tế vì vụ sụp đổ tài chính ông vừa nhắc tới, sau đó là nạn suy trầm kinh tế trong các năm 2008-2009. Khủng hoảng chính trị xảy ra tại Hoa Kỳ là vì lãnh đạo và người dân còn phân vân về các giải pháp kinh tế xã hội bên trong mà tình hình bên ngoài lại đòi hỏi một sự can thiệp tích cực hơn của nước Mỹ, khi đa số người dân lại không muốn như vậy.

- Vì thế, khi cả thế giới mong chờ một sự nhập cuộc dứt khoát hơn của nước Mỹ để giải quyết nhiều vụ khủng hoảng, từ Âu Châu qua Trung Đông tới Đông Á, dân Mỹ lại tranh luận về nhiều vấn đề nội bộ và có thái độ hay hành động khá cực đoan. Vì vậy tôi mới nói rằng Hoa Kỳ là nơi mỗi tuần lại có một cuộc khủng hoảng trong khi tình hình kinh tế lại có vẻ sáng sủa nhất. 

Vũ Hoàng: Kế đó, thưa ông, là tình hình Âu Châu với khối Euro chưa ra khỏi khủng hoảng mà nền kinh tế mạnh nhất khu vực là nước Đức lại có triệu chứng suy yếu với sản lượng bị giảm trong quý hai vừa qua. Thưa ông, ta có thể kết luận gì về các nước Âu Châu?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ ông nói ra rất đúng một chi tiết đáng ngại mà người ta tưởng là rất nhỏ là việc kinh tế Đức bị suy giảm 0,2%.

- Trước hết, vụ khủng hoảng của khối Euro vẫn chưa dứt và khó khăn chung cho các nước đã thành trạng thái bình thường trong sáu năm liền. Trong vụ khủng hoảng đó, các nước đều mong là nền kinh tế vững mạnh nhất của Đức sẽ cứu được toàn khối, sự thật lại không được như vậy.  



064_IS09AJ1EL-250.jpg
Ảnh minh họa. AFP PHOTO.


- Trong cả khối Liên hiệp Âu châu gồm 28 nước, phân nửa dân số lại thuộc về bốn quốc gia tương đối giàu nhất là Anh, Đức, Pháp. Ý. Ngày nay, cả bốn quốc gia đó đều có mức tăng trưởng quá thấp là khoảng 1,25% một năm, mà đấy là con số bình quân nhờ kinh tế của nước Anh. Không kể nước Anh thì kinh tế của ba nước kia không tăng trưởng mà còn giảm, với thất nghiệp trung bình là 8,5%. Mà nước Anh lại là quốc gia đang phân vân do dự về việc có còn nên ở trong khối Liên Âu nữa hay chăng.

- Nhìn ra khỏi bốn nước lớn đó, thì 15 trong 28 thành viên Liên Âu đang bị thất nghiệp trên 10%, có những nước bị thất nghiệp tới 24-25%. Khi kinh tế đình đọng suy trầm và thất nghiệp cao đến mức đó, khả năng tiêu thụ và trả nợ của người dân tất nhiên bị thu hẹp nên khoản nợ xấu thật ra chiếm một tỷ lệ rất cao. Tức là nạn ngân hàng mất nợ vì doanh nghiệp vỡ nợ sẽ còn xảy ra với mức độ nguy ngập chỉ thua Trung Quốc!


Vũ Hoàng: Trong khi đó, thưa ông. Liên Âu lại lâm vào nhiều cuộc khủng hoảng khác tại vùng biên vực như Ukraine và Trung Đông.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi hiểu ra nỗi lo mà ông nhắc đến. Vụ khủng hoảng tại Ukraine đòi hỏi một đối sách chung của các nước Âu Châu trước sức ép và trách nhiệm của Liên bang Nga. Nhưng đối sách ấy cũng có hậu quả, thí dụ như thiệt hại kinh tế khi có biện pháp cấm vận để trừng phạt Chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin. Tôi cho rằng trong vòng hai năm tới, kinh tế Nga sẽ bị khủng hoảng trầm trọng, nhưng các nước Liên Âu thì chưa ra khỏi khủng hoảng từ sáu năm nay và trong nội bộ thì từng nước lại có cái nhìn khác biệt về cách xử lý với nước Nga. Sự thiếu thống nhất này vì quyền lợi kinh tế sẽ chỉ gây thêm khó khăn về an ninh.

- Ra khỏi Âu Châu mà nhìn xuống miền Nam thì giao tranh trên Dải Gaza và vụ khủng hoảng tại Iraq, Syria hay sự bất ổn nói chung kéo dài từ Bắc Phi tới Trung Đông sẽ là những thách đố cho an ninh Âu Châu. Vậy mà các nước Liên Âu chẳng thể làm gì nên cứ trông cậy vào một quốc gia có khả năng nhưng hết muốn can thiệp, đó là Hoa Kỳ. Vì thế, quả thật là ái ngại dẫn tới lo ngại.

Hoàn cảnh của Việt Nam

 

Vũ Hoàng: Tiến theo hướng mặt trời mọc thì dường như tình hình kinh tế Nhật Bản cũng chưa khá hơn trong khi kinh tế Trung Quốc thì trôi dần vào giông bão như diễn đàn này đã từng nói. Thưa ông, ta có thể rút tỉa những kết luận gì từ khu vực Á Châu đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin đề nghị là ta cùng nhìn vào ba nền kinh tế lớn của khu vực này là Trung Quốc, Nhật Bản và cả Ấn Độ là một xứ đông dân chỉ thua Trung Quốc.

Khi thấy toàn cầu đều xoay vần trong những biến động lớn, có lẽ Việt Nam phải trở về thực tế ngàn đời là trông cậy vào người dân của mình. Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Kinh tế Trung Quốc phải trải qua một tiến trình cải cách để chuyển hướng mà lãnh đạo đã thấy từ 12 năm trước nhưng không thể sừa được. Sau hai năm lên cầm quyền từ Đại hội 18, lãnh đạo mới muốn đẩy mạnh hơn việc chuyển hướng đó mà vẫn cứ phải lao vào hướng cũ.

- Việc chiến dịch giải trừ tham nhũng lên tới cấp lãnh đạo chính trị và quân sự còn cho thấy cái chứng tật truyền thống của Trung Hoa là chuyện tranh giành quyền lực giữa trung ương với các thế lực kinh tế chính trị địa phương. Vi thế, khủng hoảng tại Trung Quốc sẽ không thu hẹp trong lĩnh vực kinh tế mà còn có thể đe dọa sự tồn tại hay ít ra là thống nhất của một đảng độc quyền.

- Bước qua Ấn Độ thì ta cũng thấy yêu cầu tương tự là cải cách kinh tế và chỉnh đốn chính trị để phần nào giải trừ nạn tham nhũng bên trong bộ máy hành chính. Nhờ chế độ dân chủ, yêu cầu đó đã giúp xứ này có một chính quyền mới, và tương đối có thế mạnh để tiến hành cải cách. Trong nỗi ái ngại chung như mình vừa nói thì thật ra tình hình Ấn Độ lại có vẻ khá nhất, với hậu quả tương đối tích cực hơn cho các nước đối tác hay các lân bang trong vùng, kể cả Miến Điện.

- Sau cùng ta nói tới Nhật Bản. Cũng chính yêu cầu cải cách như tại Trung Quốc và Ấn Độ và nhờ thể chế dân chủ, Nhật Bản có hệ thống lãnh đạo mới với Thủ tướng Shinzo Abe. Ông ta đang tiến hành cải cách theo ba hướng mà người ta gọi là ba mũi tên. Việc cải cách hệ thống tài chính công quyền với biện pháp tăng thuế vừa qua có gây hậu quả suy trầm nhỏ với đà sản xuất sút giảm trong tháng trước. Nếu nhìn vào ngắn hạn thì mình có thể bi quan, nhưng biết đâu là dân Nhật đang chấp nhận một liều thuốc đắng để ra khỏi sự trì trệ của hơn hai chục năm qua?


000_Hkg9228230-250.jpg
Ảnh minh họa chụp bên bờ sông Sài Gòn ở TPHCM hôm 19/11/2013. AFP PHOTO.
 
 
Vũ Hoàng: Chúng ta đi vào phần tổng kết và chú ý đến hoàn cảnh của Việt Nam. Ông nhận định thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng Việt Nam nói chung đang quan tâm đến tình hình an ninh Đông hải, đây là nỗi lo chính đáng.

- Nhưng tại Đông Á, Trung Quốc hung hăng nhất thì cũng có các vấn đề nghiêm trọng và nguy hiểm nhất ở bên trong mà lại làm nhiều nước lo ngại nhất. Chưa giải quyết được bài toán sinh tử trong nội bộ, lãnh đạo Bắc Kinh lại gây phản ứng phòng thủ chung của nhiều quốc gia, từ khối Đông Nam Á tới Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Hoa Kỳ. Đấy là bối cảnh chung cho Việt Nam và cho thấy một sự thật bất ngờ là Việt Nam không đơn độc. Tuy nhiên, người Việt Nam sẽ sai lầm lớn nếu ôm ấp giấc mơ đang được nói tới là "Thoát Trung - Hướng Mỹ".

Vũ Hoàng: Ông vẫn có thói quen gây sốc với những phát biểu có vẻ nghịch lý ngượng ngạo! Xin đề nghị ông giải thích cho nhận xét đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết là về ngôn từ. Chỉ có Trung Quốc mới nghĩ hay tự xưng là quốc gia "trung tâm thiên hạ". Ta không nên dùng chữ "Trung" của họ mà dùng chữ Hoa đã quen thuộc và chính xác hơn, như Hoa kiều, Tân hoa xã hay "Hoa quân nhập Việt" thởi 1945. Dùng khái niệm của Trung Quốc thì làm sao "thoát Trung" ngay từ trong tiềm thức và tâm lý?

- Thứ hai, Việt Nam dại dột hướng về Trung Hoa từ 90 năm nay, khi người Cộng sản theo Hồ Chí Minh coi Trung Quốc là hậu phương kể từ năm 1924 rồi gặt thành quả 1954 và ngày nay bị Trung Quốc uy hiếp. Chúng ta cần giải ảo và nhìn ra trách nhiệm và sự sai lầm cũ.

- Thứ ba là chuyện "hướng Mỹ". Kinh nghiệm của 60 năm qua, nhất là của sáu năm vừa rồi, phải cho thấy Hoa Kỳ có thể hỗ trợ Việt Nam hay nhiều xứ khác trước hết là vì quyền lợi của nước Mỹ và khi quyền lợi bất đồng thì họ sẵn sàng thay đổi chính sách sau một kỳ bầu cử. Hoa Kỳ nói đến việc chuyển trục về Đông Á mà hiện đang loay hoay chưa biết giải quyết các bài toán bên trong theo hướng nào trong khi vẫn không muốn Trung Quốc bị nội loạn. Họ sẽ không thay mặt người Việt làm nhiệm vụ be bờ ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc trong khi chính người Việt còn thiếu sự nhất trí với nhau, và lãnh đạo ở Hà Nội lại sợ người dân hơn là sợ Trung Quốc!

- Vì vậy, trở lại chuyện thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, người Việt phải trở về đầu nguồn, từ sự xuất hiện và bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản tại Việt Nam. Sự bành trướng đó cũng là sự bành trướng của Trung Quốc. Sau đó là yêu cầu cải cách kinh tế và chính trị Việt Nam để ra khỏi mẫu mực, khuôn khổ mà cũng là ách nô lệ của Trung Quốc.

- Với nền kinh tế tôi gọi là "Bắc thuộc" hiện nay của Việt Nam, Bắc Kinh chẳng mất một viên đạn cũng có thể biến xứ này thành một quận huyện hay một bãi rác để hủy thải phế vật của họ.

- Khi thấy toàn cầu đều xoay vần trong những biến động lớn, có lẽ Việt Nam phải trở về thực tế ngàn đời là trông cậy vào người dân của mình. Nguyên tắc dân chủ có thể phát triển được tiềm lực đó và trước hết, giới hạn được những sai lầm của lãnh đạo.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc tổng kết này.

Source : dainamax tribune ( Blog NXN )

16/7/14

ĐẠI CƯỜNG KHÔNG ĐƯỢC NGHỈ HƯU: THẾ GIỚI SẼ NGUY HIỂM, NẾU MỸ TỪ BỎ VAI TRÒ LÃNH ĐẠO

ĐẠI CƯỜNG KHÔNG ĐƯỢC NGHỈ HƯU: THẾ GIỚI SẼ NGUY HIỂM, NẾU MỸ TỪ BỎ VAI TRÒ LÃNH ĐẠO

Nguồn : pro & contra 
Tháng 7 16, 2014
Robert Kagan
Phạm Việt Vinh dịch
Trước hiểm họa Trung Quốc ngày càng gia tăng, nhiều người Việt đang đặt hy vọng vào sự “chuyển trục” sang châu Á của Mỹ và vai trò của Mỹ tại khu vực này. Tiểu luận sau đây có thể cung cấp một góc nhìn đáng tham khảo.
Tác giả Robert Kagan, 55 tuổi, là một cây bút và cố vấn chính trị người Mỹ. Là một nhân vật tân bảo thủ có thế lực và là một chuyên gia về chính trị quốc tế, ông viết nhiều cuốn sách, trong đó có quyển Sức mạnh và bất lực bảo vệ đường lối ngoại giao của Mỹ dưới thời George W. Busch. Victoria Nuland, vợ ông, làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ chuyên trách các vấn đề Châu Âu và Á-Âu. Gần đây nhất, một cuộc điện đàm giữa bà và Đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine về những diễn biến căng thẳng ở Ukraine và vai trò của phương Tây bị nghe trộm và tung lên YouTube, trong đó bà dùng cụm từ “Fuck the EU” và cho biết Mỹ muốn nhân vật dân chủ nào sẽ đứng đầu chính phủ Ukraine mới. Theo cách phân định thường gặp, Robert Kagan đại diện quan điểm của phe được mệnh danh là “diều hâu” trong đường lối ngoại giao và quân sự Hoa Kỳ.
Người dịch
___________
I.
Các đây gần 70 năm, một trật tự thế giới mới đã hình thành từ đống hoang tàn của Thế chiến thứ hai. Trung tâm của trật tự mới này là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Ngày hôm nay, ở trật tự thế giới đó đã xuất hiện những vết nứt. Thực ra thì những khủng hoảng ví dụ như giữa Nga và Ukraine hay như ở Syria không phải là hy hữu và cũng chẳng phải là không kiểm soát nổi. Ngay cả những phản ứng rụt rè của Liên Hiệp Quốc trước các biến động tại Ukraine, rồi các vụ nổi dậy tại Trung Cận Đông, tại Bắc Phi, các chiến thắng của lực lượng Thánh chiến khủng bố tại Syria và Iraq, sự căng thẳng mang tính quốc gia chủ nghĩa ngày càng gia tăng giữa các cường quốc tại Đông Á hay là sự lấn lướt của toàn trị và sự thoái lui của dân chủ trên khắp thế giới cũng không là điều đặc biệt và bất khả kháng. Nhưng tất cả những điều đó gộp lại cho thấy một cái gì đó đã thay đổi; và sự thay đổi này diễn ra nhanh hơn chúng ta tưởng. Có vẻ như một trật tự thế giới mới đang xuất hiện.
Nếu thật sự là trật tự thế giới cũ sẽ bị sụp đổ, thì nguyên do không nằm ở sự suy giảm thế lực của Mỹ – sự cường thịnh và vai trò của nước Mỹ vẫn đủ lớn để nó có thể giải quyết thành công các thách thức của thế giới hôm nay. Nguyên do này cũng không nằm ở chỗ các vấn đề chính trị toàn cầu hiện nay ngày càng trở nên phức tạp và khó giải quyết hơn. Và nguyên do này cũng không đơn giản nằm ở sự mệt mỏi vì chiến tranh. Điều hy hữu là nguyên do này nằm trong đầu của (người Mỹ) chúng ta, đó là vấn đề về bản ngã và sự quyết đoán của người Mỹ.
Nhiều người Mỹ và các thủ lĩnh chính trị của cả hai đảng (Dân chủ và Cộng hoà), kể cả Tổng thổng Obama đã quên, hoặc lánh xa những cái đã làm nên thành công của ngoại giao Mỹ – trước hết, đó là ý tưởng về một trách nhiệm toàn cầu, trong đó quyền lợi của nước Mỹ được đặt ngang bằng với quyền lợi của nhiều nước khác trên khắp thế giới. Có vẻ như ngày hôm nay nguời ta lại quay về với những khái niệm lợi ích quốc gia được hiểu theo nghĩa hẹp. Điều này nhiều khi được gọi là “chủ nghĩa cô lập”. Nhưng cụm từ này không đúng. Thực chất, nó chính là một nỗ lực tiến tới sự bình thường. Đằng sau sự bức bối của người Mỹ muốn tiếp tục đảm đương vai trò cũ là lòng mong mỏi muốn rũ bỏ những gánh nặng trách nhiệm mà các thế hệ trước đã tự lãnh nhận trong Thế chiến thứ hai và trong toàn bộ tiến trình Chiến tranh Lạnh. Nước Mỹ muốn trở lại thành một quốc gia “bình thường”, muốn quan tâm nhiều hơn tới những nhu cầu riêng và cắt giảm sự chú ý tới những nhu cầu của thế giới.
Để có thể hiểu Mỹ và nhân loại có thể sẽ tiến tới đâu, chúng ta cần phải nhớ lại trong quá khứ  nguời Mỹ đã quyết định như thế nào, và đã tạo ra những biến đổi sâu sắc như thế nào cho thế giới. Cái đã xảy ra trước đây gần 70 năm là một cuộc cách mạng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Trước đó, tức là trước Thế chiến hai, Mỹ luôn từ chối những đóng góp toàn cầu mang tính dài hạn. Đối với phần lớn người Mỹ, đó là sự trả lời hợp lý nhất cho thế giới trong những năm 20 (của thế kỷ trước). Khi đó, hầu như đe dọa không hiển hiện: người ta cho rằng nền Cộng hoà Weimar non yếu rồi sẽ nhanh chóng sụp đổ trước khi nước Đức một lần nữa tìm cách thống trị châu Âu. Nước Nga thì kiệt quệ vì nội chiến và khủng hoảng kinh tế. Và mặc dù đang theo đuổi những ý đồ to lớn thì ở Nhật Bản vẫn có một nền dân chủ mong manh.
Người Mỹ vẫn tiếp tục giữ đường lối bình thường ngay cả khi trật thứ thế giới khi đó bị tẩy xóa và sụp đổ: bắt đầu bằng sự tiến quân của Nhật Bản vào Mãn Châu năm 1931 cho đến khi nước Áo sáp nhập vào nước Đức của Hitler và tiếp theo là sự thâu tóm Tiệp Khắc năm 1938/1939 của nước Đức Quốc xã. Những sự kiện này làm cho người Mỹ kinh hoàng, nhưng họ vẫn không nhìn thấy sự cần thiết phải ra tay.
Ngay cả khi quân Đức tràn vào Ba Lan năm 1939 và Thế chiến hai bùng nổ, những sách lược gia Mỹ vẫn tuyên bố rằng nước Mỹ là bất khả xâm phạm, nước Mỹ được bảo vệ bởi hai đại dương và có trong tay một lực lượng hải quân hùng mạnh. Nhận thức này phổ cập đến mức một vị Tổng thống có đầu óc toàn cầu như Franklin Roosevelt cũng e dè trong ăn nói và phải hứa hẹn rằng nước Mỹ sẽ không tham gia chiến tranh. Trong một diễn văn nổi tiếng vào năm 1936, ông tuyên bố: “Tôi căm ghét  chiến tranh!” Nhưng hai năm sau đó, khi Hiệp ước München được ký kết, ông ta mới phát hoảng và bắt đầu cảm thấy rằng những cường quốc Tây Âu như Anh và Pháp đã mất hết quyết tâm đương đầu với Hitler. Chỉ khi đó Roosevelt mới bắt đầu cảnh báo người Mỹ về một hiểm họa đang bùng phát.
Quyết định tham chiến chỉ diễn ra sau vụ Trân Châu Cảng. Cuộc tấn công năm 1941 của Nhật vào Hạm đội Thái Bình Dương, tuyên bố chiến tranh của Hitler sau đó và cuộc tham chiến toàn diện của Mỹ vào các xung đột tại châu Âu và châu Á là một cú sốc với người Mỹ. Lòng tin của (người Mỹ) chúng ta rằng nước Mỹ vẫn ổn vững giữa một thế giới hỗn loạn đã vỡ vụn trong một ngày. Những sự kiện năm 1941 đòi hỏi phải có một định nghĩa mới cho khái niệm quyền lợi của nước Mỹ. Thêm vào đó, người ta hiểu ra rằng sự thịnh vượng và ngay cả an ninh của nước Mỹ cũng phụ thuộc vào một nền kinh tế toàn cầu lành mạnh.
Với nhận thức rằng nguồn gốc của Thế chiến hai nằm ở sự sụp đổ của trật tự thế giới trên các mặt chính trị, kinh tế và sách lược, ngay sau khi nhảy vào cuộc chiến, chính phủ Mỹ bắt đầu triển khai một trật tự thế giới lâu dài mới. Lần này, nó phải là một trật tự thế giới dựa trên sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự của Mỹ. Người châu Âu đã tự chứng tỏ rằng họ bất lực khi phải gìn giữ hòa bình. Mỹ đứng ra đảm lãnh vai trò quyết định trong việc chiếm đóng và chuyển hóa các nước bại trận. Tại các nước đó, Mỹ tự lãnh trách nhiệm phải tạo ra một chính thể dân chủ nào đó để thay thế chế độ độc tài đã lôi kéo các quốc gia đó vào cuộc chiến. Nước Mỹ phải có một sức mạnh áp đảo về quân sự, và khi cần thiết, phải có khả năng điều một lực lượng chiến đấu cần thiết đi bảo vệ sự ổn định và an ninh tại châu Âu, châu Á và Trung Cận Đông. Trong tính toán của Roosevelt và các cố vấn của ông, vũ lực quân sự đóng một vai trò trung tâm. “Hòa bình phải được gìn giữ bằng vũ lực”, Roosevelt tuyên bố như vậy. Ngoài ra, “không còn con đường nào khác”.
II.
Sách lược tổng thể như trên là một bước ngoặt dứt khoát của Mỹ đối với cái gọi là “sách lược bình thường”. Sách lược này không phải là vô tư hay không vụ lợi. Những người cầm đầu chính phủ Mỹ tin rằng, sách lược trên phục vụ tốt nhất cho quyền lợi của Hợp chúng quốc. Ngoại trưởng Mỹ (từ 1949 đến 1953, ND) Dean Ascheson từng tuyên bố: “Nước Mỹ phải học cách hành xử trong một liên đới trách nhiệm lớn hơn cả lợi ích của bản thân nước Mỹ”. Điều này là một cuộc cách mạng thực sự trong sách lược ngoại giao của Mỹ.
Vào cuối những năm 40 và trong những năm 50, Mỹ đã chi ra hàng tỷ Dollar để tái thiết châu Âu và lập liên minh quân sự với các cựu thù của mình như Đức và Nhật Bản cũng như nhiều nước châu Âu khác mà trước đây Mỹ không mấy tin tưởng. Thậm chí, người Mỹ còn mở rộng lá chắn hạt nhân để ngăn chặn khả năng tấn công thông thường của Liên Xô đối với Tây Âu; bằng cách này, người Mỹ đã tự nguyện đứng ra làm mục tiêu của vũ khí hạt nhân Liên Xô. Trong những năm 50 và 60, nhiều khi Mỹ đã chi ra 10 phần trăm hoặc cao hơn 10 phần trăm tổng thu nhập quốc gia cho quốc phòng. Mỹ cũng tiến hành hai cuộc chiến tốn kém tại Triều Tiên và Việt Nam.
Sau Thế chiến hai, vào những năm 50, Mỹ đã gây dựng và thúc đẩy sự phát triển của một trật tự thế giới tự do;  Mỹ đã tạo ra “thế giới tự do”, trong đó hòa bình và thịnh vượng đã có khả năng ra hoa kết trái ở một thời kỳ có một không hai trong lịch sử thế giới.
Mặc dù sự căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô có những lúc gia tăng đến mức nguy hiểm, nhưng về cơ bản, đây là thời kỳ được đánh dấu bởi nền hòa bình giữa các đại cường. Sự có mặt của Mỹ tại châu Âu và Đông Á kết thúc vòng xoáy chiến tranh đã hủy hoại nặng nề hai vùng đất này kể từ đầu thế kỷ 19. Trên thế giới, số lượng các nền dân chủ tăng lên nhanh chóng. Phần lớn thế giới được thụ hưởng một sự thịnh vượng chưa từng có từ trước tới nay. Mặc dù không thiếu những thảm họa và nguy cơ thảm họa cũng như đã xảy ra hai cuộc chiến tốn kém tại châu Á, nhưng về tổng thể, sách luợc trên đã thành công, và thành công đến mức là Đế chế Xô-viết cuối cùng đã sụp đổ cũng như đã phải tự động thoái lui trước những thành tựu về kinh tế và chính trị của Phương Tây. Tất cả những điều trên là kết quả của nhiều yếu tố, nhưng không một thành tích nào có thể hiển hiện nếu không có ý chí của Mỹ đảm trách vai trò bất bình thường của người gìn giữ và bảo vệ một trật tự thế giới vị tự do.
Sự công nhận rộng khắp thế lực của Mỹ, số lượng đông đảo các nước liên minh và thực tế là không có một cường quốc nào liên kết với Liên Xô để chống lại Mỹ đã tạo ra một tình thế có một không hai, đó là: trong lịch sử thế giới, chưa từng có một quốc gia nào đóng một vai trò toàn cầu to lớn như vậy, và cũng chưa từng có một quốc gia nào có khả năng như vậy. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như Liên bang Xô-viết tan vỡ và sự đe dọa của chủ nghĩa cộng sản tiêu tan?
III.
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều người đã nghĩ rằng, cuối cùng thì nước Mỹ cũng được giải phóng khỏi cái trách nhiệm toàn cầu nặng nề mà nó đã mang vác hơn 40 năm. Thế giới vào đầu những năm 90 có vẻ như khá ổn vững. Liên bang Xô-viết hồi đó đang nằm trong tình trạng phá sản về chính trị và kinh tế; Trung Quốc bị cô lập về kinh tế và ngoại giao sau vụ thảm sát Thiên An Môn. Vậy thì có mối đe dọa nào bắt nước Mỹ phải tiếp tục gánh chịu vai trò bất bình thường trên thế giới? Liệu nước Mỹ có thể quay trở lại làm một quốc gia bình thường với một định nghĩa bình thường về lợi ích quốc gia?
Tháng Chín 1990, Jeane Kirkpatrick, nữ đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, đã tuyên bố một câu trong bài viết “A Normal Nation in a Normal Time”, rằng “không còn có nhu cầu cấp thiết về chủ nghĩa anh hùng và lòng hy sinh” nữa. Kirkpatrick đã nói ra điều mà nhiều người đã nghĩ sau khi bức tường Berlin đổ sụp. Với tiểu luận  “Sự cáo chung của lịch sử”, nhà nghiên cứu chính trị Francis Fukuyama khẳng định rằng, với chiến thắng của dân chủ thì bóng dáng của những thách thức về ý thức hệ và về địa chính trị cũng biến mất. Nỗi nguy hiểm lớn nhất cho tương lai sẽ là cái tẻ nhạt trống rỗng của sự tồn tại trong một chủ nghĩa tự do Tây phương thiếu vắng tinh thần và hủy hoại tâm hồn.
Điều đáng lưu ý là trong hai thập niên đầu  sau Chiến tranh Lạnh, nước Mỹ đã vẫn theo đuổi sách lược ngoại giao tổng thể có từ thời Roosevelt. Tháng Tám 1990, quân đội Iraq của Sadam Hussein tràn vào Kuwait và nuốt trọn xứ này chỉ trong có vài ngày. Cuộc xâm lược đã diễn tiến một cách tàn bạo, nhưng so với những sự kiến chấn động của thế kỷ 20 thì nó vẫn còn khá êm dịu. Mặc dù tiên liệu việc đánh đuổi quân Iraq ra khỏi Kuwait là “hao tốn và bất trắc”, nhưng chính phủ Bush lo rằng nếu được bỏ qua, thì cuộc xâm lăng của Iraq rất có thể sẽ là “một tiền lệ khủng khiếp cho thời đại sau Chiến tranh Lạnh”. Sự tha thứ cho việc lấn chiếm trong một khu vực sẽ kích thích chiến tranh xâm lược tại những khu vực khác. Tổng thống Bush còn nhớ rất rõ những điều này trong các năm 30. Lần này, ông viết trong hồi ký của mình: “Tôi không muốn luôn phải nhượng bộ trước những hành vi bành trướng”.
Vậy là trong vòng 10 năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, nước Mỹ đã tiến hành hàng loạt những chiến dịch quân sự: Panama (1989), Iraq (1991), Somalia (1992), Haiti (1994), Bosnia (1995), Iraq lần thứ hai (1998) và Kosovo (1999). Không một cuộc chiến nào trong số đó là phản ứng trước một cái gọi là đe dọa sống còn đối với lợi ích quốc gia. Tất cả đều nhằm mục đích bảo vệ và mở rộng trật tự thế giới vị tự do thông qua việc lật đổ các chế độ độc tài và dẹp các cuộc đảo chính.
Bill Clinton mở rộng khối Nato tới Ba Lan, Tiệp, và thúc đẩy hợp tác quân sự với các nước vùng Baltic. Với hàng tỷ dollar, ông tìm cách cứu vớt cuộc thí nghiệm dân chủ còn ngất ngư của Boris Yeltsin tại Nga, và tiến hành một chính sách ngăn chặn dứt khoát đối với Bắc Triều Tiên, Iran và Iraq – những nước bị gọi là “các nhà nước bất hảo” do đã khinh bỉ một trật tự thế giới vị tự do. Những xung đột tại các vùng xa xôi và bất ổn không phải là điều vô hại đối với lợi ích của nước Mỹ.
Theo nhận định thông thường thì người Mỹ hôm nay đã mệt mỏi với chiến tranh. Nhưng có lẽ sẽ chính xác hơn nếu cho rằng người Mỹ đã “mệt mỏi với thế giới”. Ngày hôm nay, hơn 50 % người Mỹ nghĩ là “trên trường quốc tế, nước Mỹ chỉ nên quan tâm tới các vấn đề của mình và phó mặc cho các quốc gia khác tự giải quyết công việc của họ” – đó là một tỷ lệ cao chưa từng có trong lịch sử thăm dò dư luận tại Mỹ.
IV.
Các sử gia thường nói đến quá trình trưởng thành của chính sách ngoại giao Mỹ kể từ thế kỷ 19. Nhưng nếu một quốc gia có thể học hỏi dần thì nó cũng có khả năng quên dần. Khi quan sát kỹ hơn đường lối ngoại giao của Mỹ hiện nay và các cuộc tranh luận về nó, dần dần người ta sẽ có cảm giác là những tiền đề của sách lược tổng thể thời Roosevelt đã bị lãng quên. Cũng có lẽ đó là điều không thể tránh khỏi. Ngày nay, Thế chiến hai đối với những người sinh vào thời kỳ chuyển tiếp thiên niên niên kỷ cũng xa xưa như cuộc Nội chiến Mỹ đối với thế hệ những năm 30. Một thế hệ không còn nhớ đến thời Chiến tranh Lạnh và chỉ trải qua các cuộc xung đột tại Iraq và Afghanistan sẽ có một cách nhìn khác về vai trò của Mỹ trên thế giới. Người Mỹ hôm nay không còn là những kẻ cô lập như thời những năm 20. Họ ủng hộ một trật tự thế giới tự do khi nào nó cho họ thấy một nguồn lợi trước mắt. Nhưng họ không còn muốn phải hy sinh nhiều để giữ vững trật tự thế giới đó. Như thần Atlas, người Mỹ đang phải vác nặng thế giới trên đôi vai của mình. Đó là một trách nhiệm vĩ đại. Số tiền khổng lồ  mà họ phải chi ra cho kinh phí quốc phòng lớn hơn tất cả số tiền của các quốc gia khác cộng lại. Vậy thì liệu những đồng minh của họ có thể sẽ có những đóng góp lớn hơn không?
Câu hỏi này đã được đặt ra từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhưng câu trả lời luôn luôn là: Rất có khả năng không! Những nguyên do cho phép nước Mỹ bảo vệ trật tự thế giới tự do cũng lý giải vì sao những đồng minh của Mỹ luôn rụt rè và ít có khả năng làm việc này:  Họ không có sức mạnh và sự an toàn để có thể nhìn vuợt qua lợi ích quốc gia đã bị định nghĩa hẹp của họ và phản ứng một cách thích đáng. Vì thế, chỗ nào mà họ đã thất bại thì họ cũng sẽ lại thất bại. Ngay cả những người châu Âu của thế kỷ 21 với những thành tựu tuyệt vời của họ trong quá trình thống nhất chính trị có vẻ cũng hoàn toàn không có khả năng nắm tay nhau để chống lại một “con thú dữ”, và cũng như trong quá khứ, nếu cần thiết thì họ cũng sẵn sàng ném những kẻ ốm yếu cho “con thú dữ” đó xé xác để cứu vãn sự an toàn (cho túi tiền) của họ.  Đạo đức cũng có giá của nó.
Như phần lớn nhân loại, người Mỹ rất thích tin rằng họ sẽ hành xử đúng và đứng vào phía đúng. Họ cũng mong rằng những hành động của họ là chính nghĩa hay là hợp pháp.
Nhưng trên thế giới không tồn tại một cơ cấu đảm bảo trật tự có tổ chức và theo một luật lệ toàn cầu, đó là chưa nói đến việc nó không thể có một cơ cấu đảm bảo trật tự dân chủ mà tất cả các quốc gia phải tuân theo. Vấn đề chính nghĩa hay phi chính nghĩa không được phân định bởi một tiến trình tìm lẽ phải vô tư, mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự phân chia quyền lực trong hệ thống. Về nguyên tắc, để hợp lý thì ngoài lòng tin của bản thân, người Mỹ phải sử dụng sức mạnh của mình để thực hiện những ý tưởng về chính nghĩa của mình mà không cần thêm sự công nhận của bên ngoài. Đó là một gánh nặng về đạo đức cho một xã hội dân chủ. Ở quốc gia của mình, người Mỹ đã quen với việc chia xẻ đều gánh nặng này cho những đôi vai khác nhau trong xã hội. Người dân tạo ra luật pháp, cảnh sát làm cho pháp luật có giá trị, thẩm phán và bồi thẩm ra phán quyết và nhân viên nhà tù thực thi bản án. Trong khi đó, trên trường quốc tế, nước Mỹ vừa là thẩm phán, bồi thẩm, vừa là cảnh sát, và khi có hành động quân sự thì nó đóng luôn cả vai đao phủ. Cái gì đã cho phép nước Mỹ hàng động nhân danh một trật tự thế giới vị tự do? Thực tế là không có cái gì như thế cả, ngoài lòng tin rằng trật tự thế giới vị tự do là một thực thể chính nghĩa nhất.
Nan đề đạo đức này có thể dễ dàng được bỏ qua vào thời Chiến tranh Lạnh; khi đó mọi hành động, ngay cả khi chúng được tiến hành ở những nơi xa xôi nhất, cũng có thể được biện hộ bởi quyền lợi quốc gia lành mạnh. Ngược lại, những biện pháp bảo vệ trật tự thế giới luôn làm bật ra những câu hỏi phức tạp về đạo đức. Mỹ và châu Âu khẳng định rằng chủ quyền của Ukraine là bất khả xâm phạm và người  Ukraine phải được quyền quyết định rằng họ có nên trở thành một thành viên của Liên minh châu Âu hay không. Vladimir Putin biện hộ việc sáp nhập Krym vào Nga bằng những ràng buộc lịch sử và lý giải sự kiện này là một phản ứng trước  việc Mỹ và châu Âu can thiệp vào một khu vực ảnh hưởng lịch sử của Nga. Vậy ai là người có khả năng vô tư để phân định đúng sai giữa những quan niệm đối chọi nhau về pháp lý như trên? Sẽ vô vọng nếu như mang cách nhìn được coi là có ưu thế về đạo đức của thế kỷ 21 đối chọi với  tiêu chuẩn đạo đức được coi là yếu thế của thế kỷ 19.
Thế kỷ hiện nay của chúng ta cũng chẳng có nhiều hơn cái gọi là đạo đức tuyệt mỹ như những thế kỷ đã qua. Và trong thế kỷ này các đại cường cũng không hề trong trắng hơn khi bị lôi kéo vào những xung đột như trong các thế kỷ khác. Tất cả đều ích kỷ, tất cả đều thoả hiệp về đạo đức. Thực tế là như vậy – một quốc gia càng hùng mạnh bao nhiêu thì càng dễ có xu hướng hành xử chẳng có gì là phù hợp với các giá trị đạo đức của Cơ đốc giáo hay là của thời Khai sáng.
Ai có thể khẳng định được rằng việc bảo vệ trật tự thế giới vị tự do là nhất thiết đúng đắn? Người ta chưa bao giờ cho nhân dân toàn thế giới bỏ phiếu tán thành hay phản đối một trật tự thế giới vị tự do. Trật tự này không phải là do Chúa tạo ra. Nó cũng không phải là điểm kết thúc của tiến bộ loài người. Nó chỉ là một trật tự thế giới tạm thời đáp ứng nhu cầu, lợi ích và trước hết là lý tưởng của một bộ phận đông đảo và hùng mạnh, chứ không nhất thiết phải là đòi hỏi và mong muốn của tất cả mọi người. Chủ nghĩa cộng sản có thể là đã phá sản, nhưng tư tưởng toàn trị và các nhà nước chuyên chế vẫn còn. Và không phải là dân chủ, mà chính sự chuyên chế mới là cái đã từng là thước đo trong lịch sử loài người.
Trong những thập niên vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Mỹ và châu Âu, dân chủ đã có sức mạnh để xây dựng thế giới theo những ý tưởng của mình. Nhưng ai dám nói rằng Chủ nghĩa Putin ở Nga hay là dạng thái đặc biệt của chuyên chế tại Trung Quốc sẽ không có khả năng tồn tại lâu đúng như nền dân chủ châu Âu, cái mà ở ngoài nước Anh ra thì cho đến nay mới có nhỉnh hơn 100 năm tuổi? Đối với một quốc gia mệt mỏi về quyền lực thì điều này là một câu hỏi làm rối trí. Nhà nghiên cứu chính trị Hans Morgenthau có lần đã nhắc nhở rằng người Mỹ có lẽ “sẽ rất thích thú với ảo tưởng là một quốc gia… sẽ thoát khỏi sách lược quyền lực”, rằng sẽ đến lúc “tấm màn kết thúc sẽ được kéo xuống và trò chơi quyền lực sẽ không còn tiếp diễn”. Suy nghĩ trốn tránh thực tế này đã có một đồng vọng rộng lớn vào những năm cuối thời Chiến tranh Lạnh. Năm 1989 Fukuyama tuyên bố với người Mỹ rằng, với sự cáo chung của lịch sử thì “nền dân chủ vị tự do sẽ không còn đối thủ ý thức hệ nào cần phải chú ý”. Tiến bộ dân chủ là không thể tránh khỏi, và vì vậy, người ta không còn cần phải làm bất cứ gì để thúc đẩy và bảo vệ nó. Trong thời đại mới, cái mà nước Mỹ cần là cắt giảm quyền lực cứng (hard power) và tăng cường quyền lực mềm (soft power).
Đó là suy nghĩ chủ đạo, ít nhất là từ cuối thời Chiến tranh Lạnh cho tới năm 2008 và cho tới khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính. Đó là lúc xảy ra sự chuyển đổi mô hình. Bây giờ không phải là hồi kết của lịch sử, mà là hồi kết của nước Mỹ, hồi kết của phương Tây. Khúc khải hoàn đã nhường chỗ cho học thuyết thoái trào. Nếu như trước đó người ta cho rằng việc nước Mỹ dùng sức mạnh của mình để hướng dẫn thế giới vào một trật tự nhất định là không cần thiết, thậm chí là sai trái, thì ngày nay đột nhiên người ta thấy rằng điều đó không còn có khả năng xảy ra, vì Hợp chúng quốc đã không còn đủ sức. Các quan chức cao cấp trong chính phủ Mỹ, đặc biệt là giới trẻ, cho rằng trong cuộc xung đột tại Syria, Mỹ đã bị trói buộc chân tay quá nhiều. Đây là một bài học cho thế hệ của họ, bài học từ Iraq và Afghanistan: rằng Mỹ không còn sức mạnh, không còn sự hiểu biết, và cũng không còn cả khả năng giải quyết các vấn đề của thế giới.
Nhưng chính quan điểm cho rằng những hoạt động quốc tế chỉ là vô bổ lại cất giấu trong lòng nó một huyền thoại. Qua cặp kính màu hồng, chúng ta nhìn lại Chiến tranh Lạnh và tưởng tượng rằng nước Mỹ lúc đó đã dễ dàng thúc đẩy các quốc gia khác làm những gì mà Mỹ muốn. Nhưng nếu bỏ sang một bên những thành công, thì trong Chiến tranh Lạnh, sách lược ngoại giao của Mỹ cũng đã phạm phải hàng loạt những lỗi lầm, những xuẩn ngốc, nhiều tai nạn và cả một số thảm họa theo đúng nghĩa. Ngay từ đầu, các đồng minh của Mỹ đã tự chứng tỏ là họ thích gây rối, hay hờn dỗi và luôn bướng bỉnh. Phải chăng giới chiến lược gia của ngày hôm nay thật sự nghĩ rằng những người tiền nhiệm của họ trong các chính phủ trước đây có nhiều thuận lợi hơn họ?
Đường lối ngoại giao của bất kỳ quốc gia nào cũng thường thất bại nhiều hơn thành công. Ngay cả những cố gắng tác động vào hành xử của dân chúng trong nội địa cũng đã rất khó khăn. Vậy thì việc gây ảnh hưởng lên những dân tộc khác, quốc gia khác mà không lạnh lùng hủy diệt họ đương nhiên phải là một công việc khó khăn nhất của loài người. Điều chắc chắn trong ngoại giao –  nó cũng chắc chắn như sự tồn tại của loài người chúng ta, là tất cả những hành động giải quyết các vấn đề chỉ có thể làm nẩy sinh ra những vấn đề mới. Và điều này có giá trị cho mọi cuộc chiến tranh. Không có một cuộc chiến nào có kết cục hoàn hảo, ngay cả những cuộc chiến có những lý cớ tốt đẹp nhất cũng như vậy. Tiêu chuẩn cho một chiến thắng không nằm ở chỗ là kết quả cuối cùng có đáp ứng 100 % ước vọng ban đầu hay không, mà là liệu kết quả không ưng ý đã đạt được tốt hơn hay xấu hơn so với cái kết quả sẽ có nếu không có hành động. Việc chỉ chú tâm vào những kết quả phục vụ những mục tiêu tối đa với tốn phí tối thiểu là một biểu hiện của tâm thức trốn chạy thực tế.
Thực tế cho thấy người Mỹ ngày nay có vẻ như bị quá tải trước sự phức tạp của thế giới. Họ mong muốn được quay trở lại vị trí “vô tội của người vô trách nhiệm” như nhà thần học Mỹ Reinhold Niebuhr có lần đã nói, hay ít nhất cũng là có được một vị trí bình thường để nước Mỹ có thể giảm thiểu mức độ đóng góp cho thế giới. Với phương cách đó, nước Mỹ có thể sẽ quay trở về không khí của những năm 20. Tuy nhiên, ở đây có một điều khác biệt: Trong những năm 20 người Mỹ tin là Anh quốc và châu Âu có trách nhiệm bảo vệ cái trật tự thế giới mà họ đã tạo ra. Còn bây giờ, liệu người Mỹ có hiểu ra rằng lần này chỉ có họ mới có khả năng giữ vững trật tự thế giới đó?
Khi Tổng thống Obama mới nhậm chức, Peter Baker đã viết trên tờ New York Times rằng Obama muốn “tiếp nhận một thế giới như nó đang hiện hữu chứ không phải như người ta có thể mong muốn”. Đó chính là gốc rễ của cái điệp khúc mà các đại diện của nội các Obama luôn luôn đưa ra để giải thích tại sao Tổng thống lại chống việc tiến hành các hoạt động tại nơi này hay nơi kia trên thế giới để phấn đấu cho một “lý tưởng” đáng mơ ước nhưng khó thực hiện. Có vẻ như càng ngày càng ít người hiểu được rằng, đối với người Mỹ và nhiều người khác, 70 năm qua là một thời hạn ân huệ của chính cái thế giới “đang hiện hữu”.
Giai đoạn hòa bình và thịnh vượng có thể làm cho con người quên mất bản chất thật sự của cái thế giới  “đang hiện hữu”; nó cũng ru ngủ con người với lòng tin là loài người đã đạt đến một cấp bậc sinh tồn cao hơn. Người ta công bố những kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy đã đến “giai đoạn chuyển hóa của các quan hệ quốc tế”, và “sự thay đổi biên giới bằng vũ lực” đã giảm mạnh “kể từ năm 1946″.
Nhưng liệu có phải ngẫu nhiên mà trào lưu đáng phấn khởi như trên đã xuất hiện sau khi trật tự thế giới kiểu Mỹ được tạo dựng sau Thế chiến thứ hai? Thật ra thì thế giới – như nó “đang hiện hữu”, là một nơi đầy nguy hiểm và nhiều khi rất tàn bạo. Hành xử của con người, và cả các quan hệ quốc tế, về cơ bản cũng chẳng có nhiều thay đổi. Ngay cả trong thế kỷ 21, vũ lực vẫn là phương tiện cuối cùng. Vấn đề được đặt ra không phải là các quốc gia có sẵn sàng sử dụng vũ lực hay không, mà là các quốc gia đó nghĩ rằng, nếu sử dụng vũ lực thì họ có bị trừng phạt hay không. Khi Vladimir Putin thấy rằng không thể đạt được những mục tiêu của mình tại Ukraine bằng phương tiện chính trị và kinh tế, ông ta đã dùng đến vũ lực vì tin rằng mình có thể làm như vậy. Chừng nào vẫn còn tin rằng hiệu quả cao hơn cái giá phải trả khi dùng vũ khí, ông ta sẽ tiếp tục sử dụng vũ lực. Suy tính này cũng không có gì đặc biệt. Trong cách nhìn như vậy, liệu Trung Quốc sẽ làm tất cả những gì nếu như họ không bị ngăn cản bởi một hàng rào nhiều cường quốc được sự hỗ trợ của Mỹ? Và cũng trong mối liên quan này: Nhật Bản sẽ làm gì nếu như nó sẽ mạnh lên nhiều và ít phụ thuộc hơn vào nước Mỹ? Hiện tại chúng ta chưa phải tìm trả lời cho câu hỏi này vì với vị thế thống lĩnh của Mỹ, chiếc hộp thần tai họa của Pandora vẫn còn được giữ kín.
Hệ thống thế giới là một đan kết chặt chẽ của các tương quan sức mạnh, trong đó mỗi một quốc gia – từ lớn nhất cho tới nhỏ nhất, luôn phải ghi nhận một cách tinh vi những biến động và quấy rối. Từ 1945, và nhất là từ 1989, mối đan kết này đã được tạo ra để choàng vào nước Mỹ. Các đồng minh quan sát thái độ của Mỹ và tìm cách đánh giá độ tin cậy của nó. Các quốc gia cảm thấy bị Mỹ chèn ép hay đe dọa thì soi tìm những chỉ dấu tăng giảm về sức mạnh và quyết tâm của nó. Và khi nước Mỹ có vẻ như lùi bước, thì các đồng minh của nó an lòng trong khi các quốc gia khác hoan hỉ chờ cơ hội.
Trong những năm qua, thế giới đã tiếp nhận những tín hiệu cho thấy người Mỹ không còn muốn tiếp tục gánh vác trên vai sức nặng của trách nhiệm toàn cầu. Mới đây, khi nói về chuyện tiến quân vào Syria, Tổng thống Obama tuyên bố: “Đó không có nghĩa là việc này không đáng làm. Nhưng sau một thập niên chiến tranh, nước Mỹ đã tiến tới giới hạn của mình.”
Đến hôm nay thì những chỉ dấu sụp đổ của trật tự thế giới đã xuất hiện ở khắp nơi. Khi Nga tiến quân vào Ukraine và thâu tóm Krym, thì đây là lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến hai, một quốc gia châu Âu đã xâm chiếm lãnh thổ của nước khác. Nếu Iran chế tạo bom nguyên tử, các nước khác bắt buộc phải làm theo. Iran, Saudi Arabia và Nga tiến hành chiến tranh uỷ nhiệm tại Syria, giết hại cho đến nay là 150.000 người và làm cho hàng triệu người phải phiêu bạt. Và những sự kiện mới đây tại Syria và Iraq đang làm tăng khả năng hình thành một nhà nước Thánh chiến Hồi giáo tại trung tâm Cận Đông, một nhà nước không chấp nhận biên giới. Nếu trào lưu này tiếp diễn thì trong tương lai gần, chúng ta sẽ có nhiều chiến tranh về lãnh thổ hơn, nhiều bạo lực vì sắc tộc và tôn giáo hơn, và sẽ nhìn thấy một thế giới vị tự do càng ngày càng thu hẹp.
Câu hỏi là nước Mỹ phải phản ứng ra sao. Liệu nước Mỹ sẽ còn sống sót khi Syria vẫn ở trong tay của Assad hay – có khả năng hơn, là Syria sẽ bị phân rã và trong vòng hỗn loạn,  quân Thánh chiến sẽ kiểm soát thêm nhiều vùng đất mới? Liệu nước Mỹ sẽ còn sống sót nếu như Iran có trong tay bom nguyên tử và để đáp lại thì sẽ xuất hiện những quả bom như vậy tại Saudi Arabia, tại Thổ Nhĩ Kỳ và tại Ai Cập? Liệu nước Mỹ sẽ còn sống sót trong một thế giới mà trong đó nước Nga thống lĩnh Đông Âu, không phải chỉ là ở Ukraine, mà ở cả vùng Baltic và có thể là cả Ba Lan?
Tất nhiên là nước Mỹ có thể còn sống sót. Có thể việc can thiệp thực tế là không bức thiết. Nước Mỹ vẫn có thể làm ăn buôn bán với một Trung Quốc nắm quyền thống lĩnh và cũng có thể tìm thấy một phương thức thỏa thuận chung sống với một đế quốc Nga tái hùng cường. Rồi sẽ như trong quá khứ, người Mỹ sẽ là những người cuối cùng phải chịu nỗi đau khi trật tự thế giới sụp đổ. Và khi họ thực sự cảm nhận được nỗi đau đó thì đã là rất muộn.
Nhà nghiên cứu chính trị Mỹ Robert Osgood, có thể được coi là tư tưởng gia chính trị thực tiễn thông minh nhất của thế kỷ vừa qua, khi nhìn lại thời kỳ trước Thế chiến hai đã phát hiện ra một điều kinh hoàng: Những định nghĩa thuần thực dụng về “lợi ích quốc gia” là hoàn toàn không đủ. Điều nghịch lý là chính những “người có lý tưởng” đã là những người phản ứng một cách “đặc biệt nhanh nhậy trước nguy cơ phát-xít đối với văn hóa và văn minh phương Tây”.  Lý tưởng chủ nghĩa là một “động cơ tinh thần không thể bỏ qua để con người có thể nhận ra những đòi hỏi bắt buộc của một chính sách quyền lực”. Điều này cũng chính là thông điệp của Roosevelt khi ông kêu gọi người Mỹ phải đứng lên bảo vệ “không những nhà cửa đất đai, mà cả lòng tin và tình người của họ”.
Có lẽ người ta lại phải khuyến khích người Mỹ làm như vậy ngay cả khi không có sự đe dọa của một Hitler mới. Nhưng lần này nước Mỹ sẽ không có một thời gian dài 20 năm để suy tính và quyết định. Thế giới biến chuyển nhanh hơn sức tưởng tượng của người Mỹ. Và sẽ không có một siêu cường dân chủ nào khác túc trực đằng sau sân khấu để cứu vãn thế giới nếu như nước Mỹ, siêu cường dân chủ duy nhất hiện nay, tỏ ra ngần ngại.
Nguồn: Robert Kagan: ”Die Welt wird zu gefährlichwenn Amerika den Führungsanspruch aufgibt“, Spiegel 26/2014
Theo : PRO& CONTRA

24/6/14

Kinh Tế và Thế Chiến


Kinh Tế và Thế Chiến


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140623
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Chủ nghĩa quốc gia dân tộc trong những sai lầm của thế giới



Nữ lao công chất bom ở hậu phương cho tiền tuyến

Kể từ tuần này và suốt bốn năm tới, giới bình luận thế giới sẽ còn nói về một biến cố xảy ra đúng trăm năm trước, trận "Thế Chiến I", bùng nổ từ ngày 28 Tháng Bảy năm 1914 và chính thức kết thúc ngày 11 Tháng 11 năm 1918. Rất ngắn gọn, bài này sẽ nói về chuyện đó từ giác độ kinh tế, và mở ra thế giới ngày nay.

***
Mọi sự có thể khởi đầu từ một tai nạn nhỏ.

Ngày 28 Tháng Sáu, tại thủ đô Sarajevo của xứ Bosnia nằm giữa Âu Châu, cỗ xe của Đại công tước Áo là Franz Ferdinand đi lạc, và người sẽ lên làm Hoàng đế của Đế quốc Hung Áo cùng bà vợ đã bị ám sát trong ngõ hẻm. Như một lò xo nhỏ xíu, vụ ám sát bật lên chuỗi nổ liên hoàn của hệ thống liên minh giữa Hiệp ước Tam quốc Anh-Pháp-Nga với Đồng minh Trung ương (chủ yếu là ba Đế quốc Đức, Hung-Áo và Ottoman). Một tháng sau thì dẫn tới đại chiến.

Trận đại chiến trở thành Thế chiến khi nhiều nước ngoài Âu Châu cũng bị lôi vào cuộc, kể cả Trung Hoa, Nhật Bản và nhất là Hoa Kỳ. Kết cuộc thì có 10 triệu chiến binh tử vong, bảy tám triệu thường dân mất mạng và năm sáu chục triệu người bị vạ lây....

Bây giờ, ta nói chuyện kinh tế!

Trong bốn năm liền, các đại cường Âu Châu dành phân nửa sản lượng kinh tế cho quân phí và vì không thu đủ thuế nên mới đi vay. Tức là mắc nợ cả kinh tế - lẫn chính trị sau này. Khi chiến tranh kết thúc, nhà nước phải chu cấp cho người dân vì bốn năm khắc khổ nên mở ra chế độ bao cấp và tăng cường bộ máy can thiệp vào kinh tế. Trong cảnh chi thu eo hẹp ấy - vì có đâu lợi tức mà đánh thuế? - người ta tìm đến giải pháp lạm phát. Như chuyện Việt Nam sau 75.

Tiết kiệm của thành phần trung lưu Âu Châu bị loại thuế trá hình đó bào mỏng, cho nên một thế hệ sau vẫn còn khốn đốn, với hậu quả lây lan từ kinh tế sang chính trị.

Về chính trị quốc tế, các Đế quốc Âu Châu như Anh và Pháp đều có thuộc địa. Khi mẫu quốc lâm nguy, họ huy động tài nguyên từ hậu phương lớn của hệ thống thực dân. Tài nguyên đó cũng là con người, là binh lính hay lao công Á, Phi, Úc. Nhờ vậy, chiến binh, lính thợ và nhất là trí thức từ các thuộc địa Á Châu có dịp nhìn thấy tại chỗ sự suy nhược của Âu Châu. Và nêu câu hỏi về chế độ thực dân và nền văn minh da trắng. Trong số này, có những người như Mohandas Gandhi, Chu Ân Lai hay Phan Chu Trinh.... Khi ấy, Hồ Chí Minh khi đó mới là trẻ ranh học lóm.

Sự chuyển dịch về sức nặng Âu Châu, khởi sự từ năm 1492 khi Columbus khám phá Tân Thế Giới, cũng bắt đầu - và đầu tiên là từ đệ nhất cường quốc toàn cầu thời đó: Đế quốc Anh.

Về nội lực, nước Anh mất toi 70 ngàn người và một thế hệ: trong số tốt nghiệp Oxford khóa 1913, có 31% bị tử vong. Đang là cường quốc kinh tế số một của địa cầu, Anh tụt hạng và mắc nợ một cường quốc mới nổi là Hoa Kỳ.

Khi Thế chiến I bùng nổ, Mỹ cố giữ thế trung lập, là chủ nợ của các nước tham chiến trong nhiều năm liền. Cho đến khi thương thuyền hàng hải Mỹ bị Đức tấn công và luồng chuyển vận trên Đại Tây dương bị đe dọa bởi liên minh Đức-Mễ, dư luận Hoa Kỳ xoay chiều và cho phép Quốc hội khai chiến vào đầu Tháng Tư năm 1917. Bảy tháng sau, Hoa Kỳ mới thực sự tham chiến khi ngần ấy nước Âu Châu đã đuối sức. Kết cuộc thì từ vị trí quốc gia mắc nợ nhiều nhất vì cuộc Nội chiến, Hoa Kỳ trở thành đại cường chủ nợ số một của thế giới.

Là tài chủ khắt khe, Mỹ không chịu giảm nợ cho hai đồng minh Anh-Pháp khiến hai đế quốc tàn tạ này thi đua gọt đầu quốc gia bại trận là Đức, qua Hiệp ước Versailles năm 1919. Với dân Đức, quân viễn chinh có bị đánh bại nhưng lãnh thổ vẫn còn nguyên vẹn nên họ không tin rằng Đức thua trận, rồi bất mãn vì phải bóp bụng bồi thường chiến tranh, lại còn mắc nợ cả Mỹ....

Trong chục năm sau đó, từ 1919 đến 1929, hệ thống tài chánh toàn cầu là những món nợ chằng chịt. Tại Đức, chính quyền non yếu tài trợ gánh nợ bằng lạm phát phi mã, dẫn đến tinh thần phẫn uất trả thù, rồi phong trào Đức quốc xã của Hitler. Đấy là khi kinh tế với chính trị lồng làm một.

Trên đà thắng lợi của một đại gia chủ nợ và cường quốc số một trên Đại Tây dương, Hoa Kỳ có lúc hồ hởi sảng, rồi hốt hoảng bậy khi thị trường chứng khoán Wall Street sụt giá vào năm 1929. Biến cố ấy chặn đứng dòng tư bản chảy từ Tây về Đông, khiến Đức vỡ nợ, Đông Âu khủng hoảng và Hitler lên ngôi. Đấy là trận Tổng khủng hoảng 1929-1933, với tai họa về chính sách là chủ trương bảo hộ mậu dịch, theo kiểu "đèn nhà nào nhà ấy rạng và mạng người nào người ấy giữ". Sự bần cùng hóa tập thể cũng là cái mầm sâu xa của một trận đại chiến nữa, Thế chiến II, biến cố nổi danh về số lượng nhân sinh bị tàn sát.

Y như lần trước, Hoa Kỳ cũng lần lữa đứng ngoài và chỉ tham dự rất trễ, tổn thất ít nhất và trở thành siêu cường số một.

Thế còn siêu cường số hai?

Khi Thế chiến I bùng nổ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống đại trí thức Woodrow Wilson, dân Mỹ theo đuổi lý tưởng "dân chủ đại đồng" của một thế giới có thể sống chung hòa bình qua một tổ chức quốc tế là Hội Quốc liên (League of Nations), dĩ nhiên là do Hoa Kỳ giữ vai điều hợp. Bên kia hai đại dương, Liên bang Xô viết mới nổi từ cuộc đảo chính của một lãnh tụ đại trí thức khác là Lenin thì theo đuổi lý tưởng "vô sản vô cương", một thế giới hết biên cương và giai cấp, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, dĩ nhiên là do Nga Xô giữ vai lãnh đạo.

Đấy là siêu cường số hai, được Hoa Kỳ yểm trợ và cứu đói khi vừa thành hình năm 1917. Và hùng cứ được 70 năm thì tàn!

Trong một giai đoạn khá lâu, nhất là qua 40 năm Chiến tranh lạnh, thế giới cứ đong đưa giữa hai ảo tưởng đại đồng và vô sản đó mà không nhìn ra động lực quốc gia. Đầu tiên mà không duy nhất là Hitler, chuyện đã nói.

Từ rất xa, Nhật có tham chiến bên phe đồng minh thì thất vọng vì các nước da trắng không chấp nhận quyền bình đẳng màu da trong hiến chương của Hội Quốc liên nên lui về chủ nghĩa dân tộc cùng chế độ quân phiệt. Là cái mầm sâu xa của trận Trân Châu Cảng năm 1941.

Cũng từ rất xa, Trung Hoa Dân Quốc có góp 10 vạn dân công cho Âu Châu - với hai ngàn người đã chôn xác tại Pháp - nhưng trí thức bất mãn vì các nước Âu Châu không trả lại cho Tầu vùng đất bị Đức chiếm đóng mà trao cho Nhật. Đấy là cái lò xo của phong trào Ngũ Tứ vào Tháng Năm 1919, dẫn tới sự thành lập của đảng Cộng sản Trung Hoa, với sự yểm trợ của Liên Xô.

Trên mảnh vụn của Đế quốc Ottoman, qua mật ước Sykes-Picot trong Thế chiến I, hai nước Anh Pháp đã xé ra và ráp lại vùng đất của các sắc tộc và hệ phái Hồi giáo tại vầng Đông của Địa Trung Hải thành ra một địa dư hình thể mới. Mảng dư đồ ấy đang bị nhiều lực lượng "sắc giáo" – một chữ mới để nói về tôn giáo và sắc tộc - phủ nhận bằng hành vi khủng bố tại Trung Đông.

Động lực ngầm bên dưới không là tư tưởng dân chủ, lý tưởng đại đồng, hay ý thức hệ vô sản, mà là chủ nghĩa dân tộc... Phương pháp có thể là khủng bố, là tập trung quản lý kế hoạch hay kinh tế thị trường có định hướng nhà nước, nhưng trọng tâm vẫn là quyền lợi quốc gia. Chúng ta rơi vào chuyện ngày nay tại Đông Âu, Đông Hải và Trung Đông!

Trong chuyện trăm năm ấy, quyền lợi của quốc gia Việt Nam thì sao? – Xin hỏi người Hà Nội!




NXN



Source : Người Việt . dainamax tribune