Võ Văn TrựcCọng rêu dưới đáy ao
Trong hai năm, Võ Văn Trực, vốn được biết đến như một nhà thơ, liên tiếp ra hai cuốn tiểu thuyết tạo ra những xôn xao lớn trong giới văn chương Việt Nam. Sau Vết sẹo và cái đầu hói (2006), Cọng rêu dưới đáy ao mà chúng tôi giới thiệu kỳ này tiếp tục “được” hưởng một số phận về xuất bản đầy cam go ngay từ khi mới xuất hiện: bị chính NXB quyết định thu hồi sau khi phát hành được gần 1 tháng.
talawas chủ nhật
Võ Văn Trực
Cọng rêu dưới đáy ao
I II III
I. Bóng ngựa phi
Cha mẹ đặt tên anh là Toàn. Sau Cách mạng Tháng tám, chính quyền thôn thấy trong làng có một người nữa tên là Toàn, nên đổi tên anh thành Hiền. Anh thích lắm: được chính quyền cách mạng đặt tên! Gặp người bạn nào anh cũng nói “uỷ ban cách mạng đặt tên tao là Hiền. Từ nay mày đừng gọi tên tao là Toàn mà gọi là Hiền’’. Nhưng một số người cứ quen gọi anh là Toàn. Anh tỏ ý không bằng lòng. Có người đứng từ xa gọi “Toàn ơi! Toàn ơi!’’, anh không trả lời. Chợt hiểu ra, gọi “Hiền ơi!”, anh mới quay lại: “có Hiền đây! Có Hiền đây!”
Năm ấy anh mười tám tuổi. Cả làng đói lăn chiêng. Ai cũng lo đi kiếm miếng ăn hàng ngày. Thế mà bỗng nhiên anh đi biền biệt suốt nửa tháng trời, đêm không ngủ ở nhà. Thỉnh thoảng anh mới về nhà lấy cái quần cái áo, rồi lại đi ngay. Tôi hỏi anh đi đâu, anh không trả lời. Cha mẹ tôi nói với tôi: “Anh đi công việc của anh, con hỏi làm gì. Con đừng nói cho ai biết là anh đi suốt ngày suốt đêm”. Tôi linh cảm thấy có một điều gì hệ trọng.
Một buổi sáng, tôi đang ngủ, mẹ gọi dậy: “Xí ơi! Dậy nhanh đi con! Ra nhà thờ đại tôn nghe bác Chắt Kế hiểu thị!” Tôi chẳng biết “hiểu thị” là gì, nhưng tôi cũng cảm nhận được đây là việc quan trọng. Tôi vùng dậy, chạy ra, thấy người đã đứng đầy cả sân nhà thờ. Chừng hai chục thanh niên sắp hàng ngay dưới gốc cây phượng, một tay cầm dao một tay cầm cờ đỏ sao vàng. Tôi chăm chú nhìn anh Hiền cũng đứng trong đó. Người tôi run lên sung sướng. Một cảm giác thiêng liêng kỳ lạ ập đến choán hết cả tâm trí tôi. Trời, anh Hiền! Anh cũng đi theo bác Chắt Kế làm cách mạng, đuổi Pháp đuổi Nhật, giành độc lập cho đất nước!
Sau khi diễn thuyết, bác Chắt Kế trao cho anh Hiền và anh Tòng lá cờ to. Anh Tòng trèo rất nhanh, cắm lá cờ lên ngọn cây phượng. Anh Hiền cầm dao đứng gác dưới gốc cây.
Dân làng reo lên. Đôi mắt tôi dõi theo anh. Và tôi khóc. Tôi cố mím chặt môi, nhưng nước mắt cứ trào ra… Tiếp sau đó, bác Chắt Kế dẫn đoàn thanh niên đi cắm cờ khắp các làng trong huyện. Tiếng trống nổi lên từ làng này đến làng khác. Cờ đỏ mọc lên từ làng này đến làng khác. Cả người tôi như bồng bềnh trong tiếng trống, tiếng reo hò, trong màu cờ đỏ lựng. Còn gì sung sướng hơn khi được biết anh trai mình theo bác Chắt Kế làm cách mạng.
Gần một năm sau, anh gia nhập quân địa phương huyện. Cả huyện Diễn Châu lúc ấy chỉ có một trung đội. Vì được học ít nhiều chữ quốc ngữ và chữ Tây, nên anh được cấp trên chỉ định làm trung đội trưởng. Cả Huyện đội có hai con ngựa: huyện đội trưởng Cao Xuân Khuê sử dụng một con, anh Hiền sử dụng một con. Trong những cuộc biểu tình trên huyện, nhân dân đứng hai bên đường quốc lộ, ông Cao Xuân Khuê cưỡi ngựa và mang gươm bên hông, đi đi lại lại trên đường, trông rất oai vệ. Đầu ông đội mũ nồi, một tay giơ lên, một tay cầm dây cương. Thỉnh thoảng ông lại giật cương, con ngựa ngẩng đầu và dựng tung bờm. Nhân dân kính cẩn đứng dẹp vào sát vệ đường. Anh Hiền không được cưỡi ngựa đi dọc đoàn biểu tình, mà chỉ được cưỡi ngựa đi lại trước hàng quân. Người làng tôi chỉ trỏ và xì xào: “Ông Khuê làng cấp chỉ huy to nhất huyện. Chú Hiền đứng hàng thứ hai. Làng ta có chú Hiền cũng là vinh dự lắm rồi’’.
Thỉnh thoảng Huyện đội tổ chức tập trận giả. Vũ khí chiến đấu là một cây tre dài chừng ba mét, một đầu đập xơ ra và tẩm bùn. “Kẻ địch” bị đâm thì trên tay áo có dấu bùn, xem như đã chết, không được tiếp tục tham chiến nữa. ác liệt nhất là lúc xáp lá cà, hai bên cầm cành tre đâm nhau, bùn bắn tung toé, có người bị bùn bắn vào mắt, đành phải ôm mặt chạy về.
Những cuộc tập trận giả như thế thường được tổ chức trong toàn huyện. Anh Hiền phi ngựa từ làng này qua làng khác như con thoi để kiểm tra trận địa.
Cuộc tập trận giả năm ấy tổ chức vào đúng mùng ba tết Nguyên đán. Dân quân trong toàn huyện mang vũ khí và bánh tét ra trận. Anh Hiền đang phi ngựa trên đường số bảy, gần đến lên Hai Vai, thì có một ông cụ từ Đan Trung chạy ra, đứng ngáng ngang đường. Anh dừng ngựa. Cụ già vừa chắp tay vái vừa nói như thét vào mặt: “Thưa với ông đội! Trăm nghìn lạy ông đội! Quân hai bên đang đánh nhau trên đồi hung dữ lắm. Hai bên đánh xáp lá cà. Có người gãy tay. Không bên nào chịu bên nào. Trăm nghìn lạy ông đội lên bảo hai bên lui quân. Nếu trận đánh kéo dài, bị thương nhiều không có người cày cấy”. Nghe xong anh Hiền liền cho ngựa phi về phía Đan Trung, xông thẳng vào trận địa. Ngựa phi lên đỉnh đồi. Anh ngồi lẫm liệt trên mình ngựa, hai tay cầm hai lá cờ đuôi nheo, dõng dạc ra lệnh: “Mệnh lệnh quân sự! Hai bên rút quân về hai phía chân đồi, không được đánh nhau nữa! Tất cả đều phải theo lệnh tôi!” Thế là trận đánh ngừng lại. Anh buông dây cương, cho ngựa đi thong dong từ bên này sang bên kia đồi.
Mấy chú dân quân làng Hậu Luật cậy thế anh Hiền là người làng mình, chạy tới:
“Chú Hiền ơi! Chúng tôi đã rút rồi, mà bên địch không cho rút.”
Anh Hiền nghiêm nét mặt:
“Việc quân sự, không chú cháu gì ở đây cả! Tất cả phải theo lệnh của tôi, về vị trí ngay tức khắc!”
Mấy chú dân quân đành rút lui, bàn tán: “Hàng ngày trông chú hiền thế, mà lúc chỉ huy cũng hắc ra phết”.
Không có ô tô đã đành, nhưng đến cái xe đạp cũng không có, đi đâu anh cũng dùng ngựa. Cưỡi ngựa trông lại oai vệ hơn đi xe. Mỗi lần anh về làng, bà con đang làm đồng cũng nhìn theo. Lũ trẻ con hễ thấy bóng ngựa trên đường số bảy là rủ nhau chạy ùa ra: “Ngựa chú Hiền đã về! Ngựa chú Hiền đã về!” Rồi chúng chạy theo ngựa về đến tận nhà tôi. Chúng xúm xít quanh con ngựa, tìm các thứ cho nó ăn: đứa thì vốc một nắm cám, đứa thì xúc một bát thóc lép…
Có lần lợi dụng lúc anh Hiền đang trò chuyện với bà con hàng xóm, lũ trẻ thách nhau cưỡi lên bành ngựa. Lúc đã cưỡi được rồi thì thách nhau phi ngựa. Không đứa nào dám phi cả. Bị nhiều đứa kích dữ quá, thằng Bá bặm môi, nhảy lên lưng ngựa, điều khiển cho ngựa phi ra đường quốc lộ. Lũ trẻ đứa thì reo hò khoái chí, đứa đứng im sợ tái xanh mặt, đứa lại hét toáng lên: “Đừng có liều mạng! Xuống ngay, Bá ơi!” Con ngựa thông minh dường như biết người ngồi trên lưng mình là một chú nhóc ngu ngơ nghịch ngợm, hắn bèn chơi khăm bằng cách nhảy cẫng lên. Thằng Bá sợ tái mặt, nhưng lại cố làm ra vẻ “tao rất dũng cảm”. Bá bặm môi, tay nắm chặt dây cương, hai chân lớ ngớ tìm cái bàn đạp. Con ngựa càng biết thằng nhóc con lần đầu tiên ngồi trên lưng mình càng chơi khăm hơn. Hắn co chân, dựng bờm, nhảy cẫng thật cao. Bá lúng túng sợ hãi nhưng vẫn cố hét toáng lên: “Tao không sợ! Tao không sợ!” Bá ngồi xiêu bên này xiêu bên kia, lao người ra phía trước, ngửa người ra phía sau. Trong chốc lát, bành ngựa rơi hẳn ra một bên… Lũ trẻ chỉ còn một vài thằng reo hò, còn tất cả bắt đầu hốt hoảng. Tôi cuống quýt đi tìm anh Hiền. Anh không kịp lồng chân vào giày, chạy ra. Con ngựa thấy ông chủ thân yêu của mình, bèn đứng im, ngoan ngoãn đi theo ông chủ về đến tận ngõ.
Thằng Bá chạy biến mất. Con ngựa lại hiền từ lim dim đôi mắt nhìn lũ trẻ như muốn nói một lời thân ái: “Phận sự của tôi là đưa ông Hiền đi lo việc quân việc nước, chứ không phải để cho các chú nghịch. Từ nay các chú đừng có đụng vào tôi”.
Chuyện thằng Bá dám liều lĩnh phi ngựa chỉ chốc lát đã loan khắp làng. Các bậc cha mẹ dặn con cái không được nghịch liều như thằng Bá.
Từ hôm ấy mỗi lần anh Hiền phi ngựa về làng, lũ trẻ chỉ dám đứng quanh để xem, chứ không đứa nào dám mó tay vào. Nhưng lúc rong trâu ra đồng, chúng thi nhau trèo lên lưng trâu rồi đánh cho trâu chạy như ngựa. Trâu đứa nào chạy trước là thắng cuộc, và con trâu đó được phong là “tuấn mã”. Không hiểu một bài đồng dao hình thành từ lúc nào mà mỗi lần thúc trâu chạy thì lũ trẻ lại đồng thanh hát:
Nhông nhông ngựa ông đã về
Mang rổ mang mê
Mà đi xúc cám
Bưng ra đầu trạm
Cho ngựa ông ăn
Ngựa ông béo năn
Ngựa ông béo nỉ
Đi đánh giặc quỷ
Đi đánh giặc tây
Ngựa ông béo quay
Ngựa ông béo quắt
Ngựa ông sáng mắt
Ngựa ông sáng tai
Ngựa lớn một
Ngựa lớn hai
Ông Hiền tốt
Ông Hiền tài
Ông đi đánh giặc
Tặc tặc tặc
Nhông nhông ngựa ông đã về …
II. Bạn bè cùng lứa tuổi
Bạn bè trong làng cùng lứa tuổi với anh hồi ấy có mấy người chơi thân với nhau: anh Lộc, anh Huân, anh Hối. Lúc nhỏ các anh được cắp sách đến trường học chữ quốc ngữ, chữ Pháp và một ít chữ Hán. Cho nên khi bác Chắt Kế đại diện cho phong trào Việt Minh về tổ chức cướp chính quyền có gọi các anh vào “Hội kín” để chuẩn bị cho ngày tổng khởi nghĩa trong toàn huyện. Bác giao cho mỗi anh một việc quan trọng. Anh Hiền đứng gác cho anh Tòng trèo lên cây phượng trước nhà thờ đại tôn cắm ngọn cờ đỏ sao vàng. Anh Lộc cầm cây mác đứng bên cạnh bác. Anh Huân dẫn đầu đội thanh niên vũ trang. Anh Hối cầm một tập giấy, thỉnh thoảng lại giở ra xem rồi gấp lại… Dân làng nhìn các anh với con mắt đầy kính phục, và gọi các anh là “người của bác Chắt Kế”. Hễ đi qua ngõ nhà ai, các anh cũng được mời vào ăn củ khoai luộc hoặc bát cơm nếp. Những gia đình được các anh cùng ngồi ăn cảm thấy thích thú và có phần vinh dự. Mấy thằng bạn nhỏ cùng xóm thường chơi với tôi, thỉnh thoảng lại gặp nhau khoe:
“Tối qua bác Chắt Kế với anh Lộc ăn cơm ở nhà tao”.
“Trưa nay chú Hiền với anh Huân ăn khoai ở nhà tao”.
“Hôm nhà tao cúng giỗ, mẹ tao mời bác Chắt Kế với cả bốn anh Hiền, anh Lộc, anh Huân, anh Hối đến uống rượu. Uống xong còn ngủ ở nhà tao”.
Tình yêu thương, kính nể của bà con làng xóm bao bọc các anh như kén bọc tằm. Những ngày tháng sau khi cướp chính quyền chẳng mấy khi các anh ở nhà, càng rất ít khi ăn cơm ở nhà mình. Chỉ riêng anh Huân là chưa lấy vợ. Còn ba anh Lộc, Hối, Hiền đã cưới vợ từ khi mười bảy mười tám tuổi. Nhưng đêm nào các anh cũng ngủ chung với nhau. Lúc thì ngủ ở nhà này, lúc thì ngủ ở nhà khác. Có đêm còn ngủ tập trung với dân quân, tự vệ. Mấy bà vợ ngủ một mình ở nhà, chẳng trách móc gì chồng. Trong các buổi họp chòm xóm, mấy bà chụm đầu nhau trò chuyện: “Các ông ấy là người của xã hội. Xã hội nuôi cho ăn thì phải lo công việc của xã hội”.
Trước kia, anh Hiền thường ở nhà dạy cho tôi học. Lúc rỗi rãi, hai anh em cùng ngồi dán diều hoặc gọt sáo diều. Mấy tháng nay anh đi biền biệt. Tôi cũng đi biền biệt. Chiếc giường tre hai anh em thường nằm ngủ bây giờ bỏ không. Anh thì đi ngủ tập trung với dân quân. Một hôm, tôi rủ thằng Bá, thằng Dần vào nhà tôi ngủ. Quá nửa đêm, bốn anh đi đâu về, lục sục luộc khoai ăn với cà muối, vừa ăn vừa thì thào nói chuyện. Tôi tỉnh giấc. Loáng thoáng nghe các anh nhắc đến tên tôi, tôi càng chăm chú lắng nghe:
“Thằng Dần choắt người, cho đi làm liên lạc. Choắt người càng dễ chui lủi”.
“Thằng Bá gan cóc tía, cho đi làm tình báo. Không may bị giặc bắt, đánh đập mấy nó cũng không khai”.
“Còn thằng Xí?”
“Thằng Xí lầm lì ít nói, kín mồm kín miệng,cũng là thằng gan cóc tía, cho vào đội quân báo”.
“Thằng Xí có học, giỏi chữ nghĩa, cho nó làm thư ký của Bộ chỉ huy”.
Được các anh nhắc đến tên Xí, cân nhắc Xí làm công này việc nọ, tôi mừng run cả người. Thế là tôi nằm thức cho đến sáng, chờ đợi các anh giao cho làm một công tác cách mạng gì đó…
*
Chỉ mấy ngày sau khi cắm ngọn cờ đỏ sao vàng trên cây phượng nhà thờ đại tôn, chính quyền ra lệnh “triệt để chống mê tín dị đoan, xây dựng đời sống mới”.
Công việc đầu tiên chống mê tín dị đoan là bắt ông thầy bói ở chợ Mới cùm trước cổng làng. Nghe nói thầy bói này quê ở Trung Hậu, mù cả hai mắt từ khi lọt lòng mẹ, không vợ con. Từ nhỏ cho đến nay đã ngoài năm mươi tuổi chuyên kiếm ăn bằng nghề bói toán. Ông đến ngồi ở chợ Mới gần mười năm rồi. Ngày thì xem bói. Đêm thì ngủ trong lều chợ. Phiên chợ nào các bà cũng xúm xít vòng trong vòng ngoài, nhờ thầy xem số… Chính quyền ra lệnh cho hai dân quân ra chợ bắt ông kéo về cổng làng, cùm hai chân bằng cùm gỗ. Hai ngày sau, ông đói lả người, bà Thân thương tình đem cơm nguội cho ông ăn. Ông cảm ơn bằng cách xem cho bà một quẻ. Chú dân quân phát hiện được, báo cho chính quyền. Chính quyền ra lệnh bắt cùm cả bà Thân về cái tội “chống chính sách xây dựng đời sống mới” của chính phủ. Thế là ở cái cùm đầu làng cùm chân một ông thầy bói và một bà già. Trông rất buồn cười. Nhiều người đi qua, thấy một ông già một bà già bị cùm gần nhau, bịt miệng phì cười. Bọn trẻ chúng tôi mỗi buổi chiều rong trâu về lại hát nghêu ngao:
Ông già cùm với bà già
Mắt lườm tình tứ thật là xứng đôi
Cơm hẩm ăn với thịt ôi
Nuốt vô khỏi cổ bụng sôi ầm ầm.
Công việc thứ hai “chống mê tín dị đoan” là phá đền ông Lãnh. Ngôi đền nằm trên cồn đất rộng chừng ba sào đất, cây cối um tùm, thân u và linh thiêng. Nghe các cụ truyền lại rằng:
Một nho sĩ nghèo gánh lều chõng đi thi, đến đây bị ốm nặng. Dân làng nấu cháo cho ăn và chăm lo thuốc men nhưng ông không qua khỏi. Trước khi tắt thở, ông nói: “Bà con đã thương ta, tận tình chăm sóc ta, nhưng số ta đến đây là tận. Ta mang ơn bà con nhiều lắm. Sau khi qua đời, ta sẽ trả ơn”. Dân làng tổ chức chôn cất chu đáo và đốt lều chõng bên nấm mộ. Tối hôm ấy cụ tiên chỉ nằm mộng từ ngôi mộ một vị ăn bận mũ áo đại thần bay lên trời. Sáng ra, thấy mộ và tro đã biến mất. Mọi người góp tiền của lập một ngôi miếu thờ. Qua nhiều đời, miếu được tu bổ ngày một lớn thành ngôi đền. Tên của nho sĩ đó là Lãnh cho nên ngôi đền được gọi là “đền Ông Lãnh”.
Sau khi đền xây xong, một bà trong làng bị mất trộm con lợn. Nhà bà nghèo rớt mùng tơi, không chồng con, chi chút góp tiền nuôi con lợn để làm vốn sống qua tuổi già. Lợn đã vỗ béo, sắp đến ngày bán thì bị kẻ trộm bắt mất. Bà mua hương ra đền Ông Lãnh khấn. Đêm, Thần về báo cho bà biết hiện nay con lợn đang ở đâu. Bà nói cho tuần đinh và nhờ tuần đinh bắt được lợn về.
Từ đó, tiếng đồn về đền Ông Lãnh rất thiêng lan ra khắp làng và cả các làng xung quanh. Ai mất trâu, bò, lợn, gà… đến khấn, Thần đều báo mộng cho biết để bắt về. Nạn mất vặt trong làng thưa dần. Bà con được sống yên ổn, ngủ ngon giấc.
Khi nghe lệnh phá đền, các cụ già tìm nhau thì thầm trao đổi chuyện trò tỏ ý bất bình nhưng không ai dám nói to, càng không có ai dám gặp chính quyền để bày tỏ ý kiến của mình. Cho đến buổi sáng dân quân tập trung để phá đền, các cụ chỉ đứng nhìn với gương mặt buồn thỉu buồn thiu. Lắm cụ cúi đầu lau thầm nước mắt… Lúc bác Chắt Kế giơ tay ra lệnh phá đền thì hàng chục nam nữ thanh niên đứng ngẩn người. Bác dõng dạc to tiếng ra lệnh cho anh Lộc, anh Hồi, anh Huân, anh Hiền: bốn người đứng bốn góc đền cầm búa đập nhát đầu tiên. Anh Hiền giơ búa lên đập vờ vào chân tường. Bác Chắt Kế chợt nhìn thấy, tức giận : “Chú Hiền! Đồng chí Hiền! Đồng chí còn thương tiếc cái thành luỹ mê tín dị đoan này à! Nghe lệnh tôi, tất cả thanh niên, tất cả dân quân xông vào phá đền!” Không ai dám chần chừ, mấy chục con gái con trai lực lưỡng giơ búa giơ cuốc đập phá. Tường đổ. Ngói đổ. Án thư đổ. Đồ tế khí cũng đổ ngả nghiêng. Chỉ trong một ngày, ngôi đền uy nghi bỗng trở thành đống gạch vụn.
Sau khi phá đền Ông Lãnh, một chiến dịch rầm rộ tấn công vào mọi di tích văn hoá cổ xưa mà người ta gán cho nó là “mê tín dị đoan”. Đền Bạch Y thờ một vị thần áo trắng đã cứu vua Lê Lợi thoát khỏi tay giặc. Đền Hàng Khoán thờ vị thần núi Hai Vai. Nhà Thánh hàng tổng. Nhà Thánh hàng xã. Chùa Hà. Mộ Hùng lễ bá Võ Phúc Tuy, một vị tướng của Lê Lợi. Mộ đức tổ triệu cơ họ Võ… Tất cả đều bị phá trụi, đều bị san bằng để trồng khoai, trồng mía, xây đống rơm đống rạ. Anh Huân, anh Hồi, anh Lộc, anh Hiền là những người thừa hành chỉ thị của chính quyền, huy động thanh niên và dân quân xông vào cuộc triệt phá này. Suốt hàng tháng trời, áo các anh đẫm mồ hôi.
Hôm phá cổng tam quan đền Bạch Y thần, anh Lộc bị một mảnh gạch văng vào trán chảy loã máu. Mẹ tôi tìm lá thuốc rịt vào và bắt nằm bất động trên giường. Anh Hiền nói đùa: “Anh Lộc bị thần phạt! Phải mua hương vàng ra cúng Thần thì sẽ khỏi ngay!” Không ngờ câu nói đó lọt vào tai bác Chắt Kế. Bác bắt họp Đoàn Thanh niên cứu quốc để kiểm thảo, anh Hiền phải cúi đầu thành khẩn nhận lỗi.
*
Anh Hối là em trai ông Giảng đã từng làm sếp ga thời Pháp. Anh được theo học trường Tây của tổng Thái Xá, rồi trường Tây của huyện Diễn Châu. Ngay sau ngày cướp chính quyền, anh được cử làm thư ký Uỷ ban kháng chiến hành chính xã. Đi đâu anh cũng mang chiếc cặp da đựng đầy ắp các thứ giấy tờ. Chiếc cặp này ông sếp Giảng đã dùng hơn năm năm làm việc ở ga Diễn Châu, tuy đã sờn mép nhưng vẫn còn đẹp chán. Bây giờ anh Hối dùng, nhiều cụ già gặp anh xách cặp đi trên đường làng là cúi đầu chào lễ phép “chào thầy ký ạ”. Anh dừng lại, ôn tồn nói: “Cụ đừng gọi tôi là thầy ký như thời thằng Pháp thằng Nhật. Tôi là cán bộ của nhân dân thì nhân dân cứ gọi tôi là anh Hối, chú Hối”.
Người ta đồn rằng chữ anh Hối đẹp nhất xã Đồng Tâm. Anh viết rất nhanh và khi viết không cần nhìn vào giấy. Bà con lên trình bày với Uỷ ban việc gì, anh Hối có thể tiếp ba người một lúc. Anh vừa nghe vừa ghi vào ba tờ giấy khác nhau.
Lúc thay mặt Uỷ ban viết báo cáo triệu tập hội nghị, anh thường ký tên là “Võ Văn Hối”. Khi dấy lên phong trào Nam tiến, anh mơ trở thành một tráng sĩ, nên thay tên là “Võ Sĩ Hối”. Rồi anh tình nguyện gia nhập đoàn quân Nam tiến, vào chiến đấu ở chiến trường Thừa Thiên.
Anh Lộc là con trai bác Hoe Chu. Năm 1927, bác Chắt Kế tổ chức chi bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Bác Hoe Chu có chân trong hội kín này. Hồi phong trào Mặt trận Bình dân, thanh niên trong làng nô nức tập võ. Bác Hoe Chu mời một võ sĩ dạy riêng cho anh Lộc. Anh trở thành võ sĩ và đã tham gia đấu trên một số vũ đài trong tỉnh… Cách mạng tháng Tám thành công, anh được xem như một thần tượng của thanh niên làng. Tiếng tăm của anh cũng truyền sang các làng khác. Suốt ngày đêm anh dạy võ cho dân quân. Nhiều làng trong huyện cũng mời anh dạy võ. Những cuộc mít tinh, biểu tình có đông đảo bà con tham dự, ban tổ chức thưòng mời anh lên sân khấu biểu diễn một số bài côn. Anh đánh trần, ưỡn ngực, chân tay cuồn cuộn bắp. Mặt anh bình thường đã to quá cỡ, lúc này càng to và dữ như mặt hổ. Anh vung tay và đi những đường côn vun vút như gió rít. Hàng trăm người đứng im phăng phắc, theo dõi và chiêm ngưõng.
Võ sĩ Lộc đã tham gia Vệ quốc đoàn rồi! Cái tin đó truyền đi rất nhanh. Bà con đến nhà chào hỏi.Thường ngày, người ta gọi anh là anh Lộc, bác Lộc, chú Lộc, lúc này từ ngưòi già cho đến trẻ con đều gọi là Võ sĩ Lộc.
“Võ sĩ Lộc chuẩn bị lên đường Nam tiến rồi!”
“Võ sĩ Lộc sắp đi thật à?”
“Võ sĩ Lộc gia nhập Vệ quốc đoàn thì ai dạy võ cho dân quân?”
Gái trai làng túm năm tụm ba bàn tán về việc anh Lộc sắp “thoát ly”. Họ vừa tiếc là làng vắng một võ sĩ, nhưng cũng vừa sung sướng nghĩ rằng: nếu anh Lộc đi lính thì sẽ làm chỉ huy to, bà con làng xóm sẽ rạng mày rạng mặt.
Anh Huân và anh Hiền ngồi bàn với nhau đặt chữ lót cho tên mình:
“Thằng Hối, thằng Lộc đã “võ sĩ” rồi. Hai thằng ta lại “võ sĩ” nữa thì nhiều võ sĩ quá”.
“Thời chinh chiến càng nhiều võ sĩ càng tốt”.
“Nhưng nhiều võ sĩ quá, người ta sẽ gọi nhầm thằng này sang thằng kia”.
“Thôi, hay nhất là “Võ Quang”. Quang là sáng. Dân làng đi theo con đường sáng của cách mạng, ta cũng đi theo con đường sáng của cánh mạng”.
Sau một hồi bàn bạc, hai anh lấy tên mình là Võ Quang Huân, Võ Quang Hiền. Anh Huân được điều lên làm việc ở huyện đội, anh Hiền được điều vào quân địa phương của huyện.
Biết bốn anh thân nhau, mẹ tôi bày biện một bữa cơm để hoan tống anh Hối, anh Lộc vào chiến trường miền Nam và anh Huân, anh Hiền lên huyện. Theo tập tục của bà con làng xóm khi có giỗ chạp hoặc khách quý, gia đình mổ một con gà là sang trọng lắm rồi. Bữa cơm hoan tống này, dĩ nhiên mẹ cũng mổ gà. Thằng Bá và tôi cứ xóng róng bên cạnh các anh cả buổi chiều.
Anh Lộc nói “hai chú em có gì đãi anh không”? Tôi chưa biết trả lời sao thì Bá gật đầu “có chứ” . Thế là nó rủ tôi vác thuổng xách giỏ ra đồng để bắt lươn, tôi làm chân phụ việc cho Bá, chỉ chừng vài tiếng đồng hồ Bá đã bắt được sáu con lươn to.
Bữa cơm tối hôm đó thật là thịnh soạn. Mẹ tôi chia đôi con gà: một nửa luộc, một nửa kho mặn. Còn lươn thì mẹ kho mặn với củ chuối, rắc ớt đỏ lên từng bát lươn. Mẹ để dành một chai nước mắm ngon Vạn Phần, những lúc cần thiết như thế này mẹ mới đem ra dùng. Lươn kho với củ chuối thái từng miếng nhỏ, trộn vào một ít mật mía, ăn mới đằm miệng làm sao.
Sáng mai các anh đã lên đường nhập ngũ, nhưng tối nay không anh nào về nhà, mà ngủ lại nhà tôi. ổ rơm đã lót sẵn ở góc bếp. Cả bốn anh, thằng Bá và tôi nằm khoanh tròn ngủ một giấc ngon lành.
III. Cuốn sổ ảnh
Mỗi lần về nhà, anh cột ngựa ở góc vườn đầu ngõ. Lũ trẻ trong xóm gọi nhau chạy sang: “Ngựa chú Hiền đã về! Ngựa chú Hiền đã về!” Lũ trẻ mê mải xem ngựa. Còn anh thì thủng thẳng đi vào nhà, đầu đội mũ chào mào may bằng vải nâu, mặc bộ quần áo tây cũng bằng vải nâu. Áo có cầu vai và hai túi trước ngực có nắp. Vai mang túi dết. Chân thường đi giày, thỉnh thoảng đi ủng. Lúc đi ủng trông anh có vẻ oai hơn. Hai ống quần nhét vào ủng, dáng bệ vệ.
Tôi sung sướng chạy ra ngõ đón. Anh nhìn vào mắt tôi, cười, chẳng nói gì. Anh rất ít nói. Tôi cầm tay anh, hai anh em đi vào nhà. Tôi vội vàng múc nước chè xanh mời anh uống. Mấy đứa nhỏ hàng xóm chạy sang chào “chú Hiền”, tôi cảm thấy hãnh diện.
Trong túi dết của anh lúc nào cũng có cuốn “Sửa đổi lối làm việc” của X Y Z, cuốn “ Kháng chiến nhất định thắng lợi” của Trường Chinh và ba cuốn tạp chí “Tìm hiểu” - Cơ quan ngôn luận của chi hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác Liên khu IV. Hồi đó tôi rất mê đọc, đem sách ra ngồi đầu hồi nhà đọc ngấu nghiến.Tôi nhớ mãi tên những tác giả viết bài trong tạp chí “Tìm hiểu”: Hải Triều, Hải Thanh, Vĩnh Mai… Tôi tò mò hỏi: “Anh đã bao giờ được gặp những ông này chưa?” Tôi chiêm ngưỡng những tên tuổi ấy và khao khát có dịp được nhìn mặt thì thích biết bao.
Có một lần nhà vắng người, anh rút trong người ra một cuốn sổ to bằng bàn tay, dày chừng một trăm trang, rồi bảo tôi ngồi ngay ngắn trên ghế đẩu, đưa cuốn sổ cho tôi xem. Anh không cho tôi sờ tay vào, mà tự tay anh giở từng trang. Tôi hồi hộp dán mắt vào: Chà, thích quá, toàn ảnh, trang nào cũng dán vài tấm ảnh. Những tấm ảnh thiêng liêng: Các Mác, Ăng- ghen, Lê-nin, Mao Trạch Đông, Sta-lin, Ăng-ve Hốt-gia, Lâm Bưu, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Gốt-van, Ti-tô, Vô-rô-si-lốp, Đi-mi-tơ-rốp, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt… Nhiều ảnh Bác Hồ: Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ bế em bé, Bác Hồ ngồi đặt tay lên trán…
Mỗi lần anh về, cuốn sổ lại dán thêm vài tấm ảnh. Lãnh tụ mười hai nước xã hội chủ nghĩa đều được anh sưu tầm đầy đủ. Dĩ nhiên là tôi chỉ được chiêm ngưỡng các bậc vĩ nhân ấy qua ảnh. Duy có một tấm ảnh trong cuốn sổ ấy mà tôi đã từng gặp người thật nhiều lần: đó là ảnh bác Chắt Kế. Gương mặt bác khôi ngô: trán rộng và vuông, tóc hoa râm chải ngược, mắt đeo kính trắng. Tên thật của bác là Võ Nguyên Hiến, người làng tôi, tham gia hoạt động cách mạng từ thời Thanh niên cách mạng đồng chí hội, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương trong Đại hội Đảng lần thứ nhất ở Ma Cao… Nhìn ảnh bác được dán chung trong sổ cùng với các vị lãnh tụ cộng sản, người tôi cứ rân rân tự hào.
Anh chỉ tôi xem sổ ảnh lúc anh ngồi bên cạnh tôi và tự tay anh giỏ từng trang. Anh không cho tôi cầm sổ và không cho tôi sờ tay lên ảnh. Lúc nào đi thăm bà con trong làng, anh bỏ sổ ảnh vào túi dết và treo lên cột.
Có lần anh vắng nhà, tôi rủ thằng Bá vào chơi. Chúng tôi đóng kín cửa, cùng xem ảnh qua khe hở của cánh cửa đầu hồi. Lúc anh về đến ngõ, tôi luống cuống bỏ cuốn sổ vào túi dết và mở toang cửa rồi chạy đi chơi. Anh không hề biết gì. Nhưng một lát sau, anh gọi chúng tôi về. Bá và tôi lo sợ: chắc là anh biết chúng tôi lấy trộm ảnh ra xem! Anh nghiêm nét mặt, bảo hai đứa chúng tôi ngồi xếp bằng trên nền nhà, đặt chiếc bị cói trước mặt và bảo chúng tôi thò tay vào:
“Có cái gì trong đó, lấy ra!”
Thằng Bá cầm được cuốn sổ ảnh, mặt tái mét. Còn tôi được hai quả ổi, thích quá, vừa chạy ra khỏi cửa vừa reo. Thấy tôi chạy, thằng Bá nhấp nhổm muốn đứng dậy, nhưng hắn sợ, không dám đứng lên. Anh gọi tôi vào, bắt ngồi nguyên vị trí cũ:
“Nhiệm vụ của hai đồng chí là phải ăn hết hai quả ổi, chứ không được tự tiện lấy sổ ảnh ra xem. Khi bỏ vào túi tôi để sổ ở phía trong sao hai đồng chí lại để sổ ra phía ngoài, nếu tôi bắt được lần thứ hai tôi sẽ phạt hai đồng chí hai ngày lao động giữa nắng nhớ chưa?” Nghe giọng nói nửa đùa nửa thật của anh chúng tôi hoàn toàn thoát khỏi nỗi lo sợ. Tôi đưa cho Bá một quả ổi và chạy rất nhanh ra sân.
Một lần khác anh lên núi Hai Vai để xem địa hình bố trí tập trận giả, đoán là anh sẽ đi hết buổi, tôi bảo Bá đứng canh ngoài ngõ, còn tôi giở sổ ảnh vẽ theo ảnh Sta-lin lên một tờ giấy to bằng bút chì màu, tôi hí hoáy vẽ, say mê vẽ từ sáng cho đến trưa thì xong bức ảnh, gọi Bá vào xem. Hai đứa đứng ngắm, rồi sửa, rồi ngắm. Tôi chú ý vẽ bộ râu của Sta-lin thật đẹp, thật oai hùng, sau khi sửa chữa hoàn chỉnh tôi nắn nót đề dưới tấm ảnh dòng chữ “Đại nguyên soái Sta-lin muôn năm”… Bất chợt anh Hiền về, thấy bức ảnh Sta-lin treo trên cột nhà anh hỏi:
“Đứa nào vẽ?”
Tôi trả lời ngay:
“Em vẽ”.
“Em nhìn ảnh nào mà vẽ?”
“Em tưởng tượng…”
Anh chẳng nói gì, lăng lặng rút cuốn sổ trong túi dết, mở ảnh Sta-lin trong sổ đối chiếu với tấm ảnh tôi vẽ. Anh có vẻ hài lòng gật đầu:
“Giống đấy nhưng phải tô lông mày nhíu lên thì mới thể hiện được đức tính cương nghị phi thường của Đại nguyên soái…”
Tôi thấy nhẹ tênh cả người, không những anh không quát mắng mà còn khen, lại góp ý cho tôi vẽ đẹp hơn. Từ hôm ấy mỗi lần về nhà anh lại đưa cuốn sổ ảnh cho tôi: “Em vẽ đi. Nhưng không được sờ lên ảnh”. Tôi hì hục vẽ xong vị lãnh tụ này lại vẽ vị lãnh tụ khác, có ảnh thì vẽ bằng bút chì màu, có ảnh thì vẽ bằng mực nho.
Từ cuốn sổ của anh Hiền tôi đã vẽ ra hàng chục tấm ảnh treo khắp nhà. Bà con trong làng, không những trẻ con mà còn cả người lớn thường đến nhà tôi xem ảnh chỉ trỏ ảnh này, ảnh kia tranh nhau bình luận:
“Bộ râu Đại nguyên soái Sta-lin đẹp quá!”
“Trán Mao chủ tịch trông rất thông minh, như trán một ông thánh.”
Nhiều người nhờ tôi vẽ để đem về treo tại nhà mình, Uỷ ban xã cũng bảo tôi vẽ ảnh Bác Hồ, Bác Mao và Sta-lin để dùng trong những cuộc hội họp. Bác Niêm phụ trách phòng thông tin thôn cũng bảo tôi vẽ mười hai ảnh lãnh tụ của mười hai nước xã hội chủ nghĩa để treo trong phòng.Tôi mê mải vẽ ngày vẽ đêm, nhiều buổi trưa mùa hè nắng chói chang trèo lên chòi gác phòng không nằm vẽ chồm hỗm, mồ hôi nhễ nhại.
IV. Phong trào tòng quân
Cuộc kháng chiến chống pháp đã chuyển từ giai đoạn “phòng ngự” sang giai đoạn “cầm cự” và đang tích cực đẩy mạnh sang “giai đoạn “tổng phản công”. Tin thắng trận từ các chiến trường dồn dập đưa về làm nức lòng dân ở vùng hậu phương lớn Thanh, Nghệ Tĩnh. Tôi có chân trong đội tuyên truyền của xã, có dạo thức trắng từ đêm này qua đêm khác. Lúc thì đi dán ca dao cổ động in li-tô trên các bức tường, lúc thì cầm loa phát thanh tin chiến thắng, lúc lại soi đuốc viết khẩu hiệu lêu nong lên cót dựng khắp các ngả đường... Tôi say mê đi làm công tác tuyên truyền hơn đi học.
Phong trào “dồn sức người sức của ra tiền tuyến” ở làng tôi lên rất mạnh, mặc dầu mất mùa, đói kém, tinh thần của mọi người vẫn lên cao như diều gặp gió. Các cụ già tập trung ở đình làng đan sọt cho dân công, các bà mẹ tất tưởi rủ nhau đi làm nhiệm vụ “hội mẹ chiến sĩ”. Những đêm làng tổ chức hoan tống dân công thật là vui, người ta đua nhau biếu quà cho dân công lên đường: loong gạo, loong muối, niêu tôm kho, bánh thuốc lào... còn tôi thì sáng tác ca vè để đọc trong các buổi hoan tống.
Thanh niên hăng hái hưởng ứng phong trào tòng quân. Anh Hiền phi ngựa đến tận từng nhà để tuyển quân, nhiều người lén lút gặp anh để xin được trúng tuyển.
Hồi đó tôi học ở trường trung học Nguyễn Xuân Ôn, đây là ngôi trường lớn ở Huyện phía Bắc Nghệ An do giáo sư Cao Xuân Huy sáng lập và làm hiệu trưởng. Trường là trung tâm văn hoá của huyện. Thầy giáo là những trí thức nổi tiếng trong tỉnh và một số tri thức từ Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Bình ra. Cán bộ của huyện thường về trường nói chuyện chính trị và thời sự, thỉnh thoảng anh Hiền cũng cưỡi ngựa tới trường nhưng anh không diễn thuyết bao giờ, anh ít nói và không có tài hùng biện. Anh chỉ kiểm tra công tác quân sự của trường, thỉnh thoảng dẫn cán bộ về dạy võ cho học sinh. Lúc rỗi rãi, anh đứng nói chuyện bằng tiếng Pháp với các thầy. Hầu hết giáo viên của trường đều là tú tài, rất giỏi tiếng Pháp. Có lẽ anh cảm thấy trình độ Pháp văn của mình còn non, không dám nói chuyện lâu với các thầy, chỉ nói vui một số câu rồi tìm cớ lảng đi nơi khác. Nhưng nhiều học sinh thì cứ nghĩ bụng: ông cán bộ quân sự này vốn học thức cao, ít ra cũng “tú tài Bắc”. Họ nhìn anh bằng con mắt kính nể.
Phong trào tòng quân làm dấy lên một không khí sôi nổi khắp nơi và tràn vào trường Nguyễn Xuân Ôn. Cứ đến giờ nghỉ là nam nữ học sinh túm tụm từng nhóm bàn tán về việc tòng quân. Họ truyền nhau những tin tức mới lạ. Cử nhân Phan Đương cũng đã tòng ngũ. Ông là cử nhân duy nhất của hai huyện Yên Thành và Diễn Châu, bà con thường gọi một cách tôn kính là “ông cử Đương”. Bây giờ ông cũng xếp bút nghiên theo nghiệp binh đao. Các võ sĩ nổi tiếng như Hoàng Võ, Mạnh Hổ cũng dứt bỏ võ đài và cảnh gia đình giàu sang để xông pha trận mạc. Nghe đâu võ sĩ vô địch Trung Kỳ Châu Giang cũng đã ra chiến trường…
Trong số những nhân vật ấy, họ bàn tán nhiều về tướng Đặng Văn Việt. Chẳng hiểu ông làm cấp chỉ huy gì trong quân đội, nhưng trí thức và cử nhân trong huyện cứ gọi ông là “tướng”. Ông là con trai cụ Đặng Văn Hướng ở xã Nho Lâm, cháu nội hoàng giáp Đặng Văn Thuỵ đã từng làm quan giữ chức tế tửu dưới triều Nguyễn. Thời chính phủ Trần Trọng Kim, cụ Hướng làm tỉnh trưởng Nghệ An. Sau cách mạng tháng Tám, cụ được Bác Hồ mời giữ chức bộ trưởng không dự bộ nào. Tướng Đặng Văn Việt thông minh và sớm giác ngộ cách mạng. Đầu kháng chiến chống Pháp, ông chỉ huy nhiều trận đánh lớn. Giặc Pháp phải gườm ông và gọi ông là “con hùm xám đường số 4”. Cuộc đời ông bắt đầu được thêu dệt đôi nét huyền thoại. Bọn lính thực dân thường bị ám ảnh về cái tài xuất quỷ nhập thần của ông và càng sợ hãi khi cái biệt danh “con hùm xám đường số 4” lan truyền trong hàng ngũ chúng. Một lần, toán lính lê dương đang hành quân trong rừng bỗng một tên hét toáng lên “con hùm xám”, cả lũ hốt hoảng bỏ chạy tán loạn, súng ống vứt lung tung. Du kích ta chạy ra nhặt súng đạn. Một lần khác, bọn chỉ huy đang ngồi trong đồn, chụm đầu trước tấm bản đồ quân sự để bàn kế hoạch tiêu diệt đơn vị vệ quốc đoàn đóng bên kia suối, một tên lính khác nổ súng, hàng chục tên khác cùng nổ súng. Bọn chỉ huy chẳng hiểu đầu đuôi gì, cũng cầm súng bắn vung vãi. Sau lúc nổ súng loạn xạ, chúng định thần lại, tên lính nổ phát súng đầu tiên khai rằng: “Tôi thấy con hùm xám chạy qua trước mặt!’’ Viên chỉ huy tức giận, cầm súng bắn thằng này chết ngay tức khắc…
Họ truyền cho nhau những tin chiến sự. Tin chiến sự trộn lẫn phong vị huyền thoại của thời buổi chinh chiến, tạo ra trong tâm hồn giàu mơ mộng của học sinh nỗi bồn chồn cảnh xông pha trận mạc. Cuốn “Chinh phụ ngâm” của Đoàn Thị Điểm tuyệt đối cấm lưu hành và cấm dạy trong nhà trường, nhưng học sinh lén lút truyền tay nhau đọc. Hình ảnh người chinh phu thấp thoáng trong tâm trí họ.
Anh Hiền vẫn cùng một số cán bộ quân sự về trường động viên phong trào tòng quân. Anh cưỡi con ngựa quen thuộc, nhưng y phục đã thay đổi: đội mũ lưới, mặc áo trấn thủ, đi giày đen, bên hông đeo khẩu súng lục. Quân trang ấy ít nhiều gợi chút lãng mạn tráng sĩ trong một số học sinh, nhất là học sinh con nhà giàu có đã từng đọc sách văn học Pháp. Cái chất lãng mạn ấy thực sự đã góp phần kích thích lòng yêu nước, xả thân vì nền độc lập của Tổ quốc đối với thanh niên. Chúng tôi chép vào sổ tay và thuộc lòng bài thơ “Ngày về” của Chính Hữu, bài “Tây Tiến” của Quang Dũng. Trong một cuộc mít tinh động viên học sinh tòng quân, anh hiệu đoàn trường cao hứng đọc “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Hàng trăm học sinh ngồi im phăng phắc, dỏng tai nghe. Anh Hiền không có tài nghệ múa gươm và múa côn. Cho nên mỗi lần đến trường anh dẫn theo vài chiến sĩ để biểu diễn một số bài võ Tàu và võ dân tộc. Không những các bạn nam mà cả các bạn nữ sinh cũng rất mê xem múa võ bằng côn và đại đao.
Một buổi sáng mùa xuân, nhà trường tổ chức lễ ghi tên tòng quân. Không khí thật là trang nghiêm. Có ảnh Bác Hồ trên bàn thờ Tổ quốc với câu khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết”. Anh Hiền và một số cán bộ Huyện đội về dự. Có cả mấy nhà sư tu ở chùa Sò.
Buổi lễ được thông báo trước một tuần nên các cô giáo thầy giáo đến sớm hơn ngày thường. Nam nữ học sinh hầu như không vắng người nào. Bà con ở gần trường kéo tới khá đông.
Sau nghi lễ thông thường, đến mục ghi tên vào tòng quân. Đây là tiết mục thiêng liêng nhất, hồi hộp nhất. Mọi người im lặng, chờ đợi… Anh hiệu đoàn trường mời thầy hiệu trưởng Cao Xuân Huy lên ghi tên đầu tiên. Hàng trăm cặp mắt chăm chú theo dõi. Thầy mặc áo lương dài, quần trắng, từ từ đứng dậy, rời khỏi ghế, bước thứ nhất, rồi bước thứ hai, chậm chạp từng bước đến chiếc bàn trải khăn trắng và trên bàn đã đặt sẵn một cuốn sổ với cây bút. Anh hiệu đoàn trường trịnh trọng mở cuốn sổ và trao bút cho thầy. Thầy cúi xuống, cầm bút ký tên lên trang giấy… Tiếng vỗ tay hoan hô kéo dài. Thầy lững thững từng bước trở về ghế ngồi. Hàng ngày, thầy luôn đi bộ chậm rãi, gương mặt trầm tư. Dẫu đường xa thầy vẫn đi bộ chậm rãi. Ngày nào thầy cũng đi bộ từ nhà đến trường, từ trường về xa dài gần ba kilômet. Khi có việc thầy vẫn đi bộ từ Diễn Châu ra Cầu Giát dài hai chục kilômet, đi bộ từ Diễn Châu lên Đô Lương dài gần bốn chục kilômet. Học sinh đã quen nhìn thầy đi bộ chậm rãi. Nhưng lúc này, thầy chỉ đi bộ năm mét để ký tên vào cuốn sổ tòng quân, mọi người vẫn rưng rưng xúc động...
Tiếp theo thầy Cao Xuân Huy là nhà sư. Anh hiệu đoàn trường đỡ nhà sư đứng dậy. Nhà sư dáng người mảnh khảnh, mặc áo cà sa, tay chống gậy bước rất chậm. Lúc đến trước bàn có quyển sổ, nhà sư cẩn thận đặt chiếc gậy bên bàn, chắp hai tay vái rồi mới cầm bút ký. Tiếng hoan hô vang dậy. Nhà sư đứng trước mặt các thầy và trước đông đảo học sinh cúi đầu, chắp hai tay trước ngực… Anh Hiền vội vàng bước tới, cầm chiếc gậy đưa cho nhà sư. Nhà sư bất ngờ nhìn thấy anh, một tay cầm gậy trúc, một tay giơ trước ngực. Bên cạnh nhà sư mảnh khảnh là anh Hiền dáng người to cao, bận quân phục, hông đeo khẩu súng lục.
Lần lượt các thầy cô, rồi học sinh lớp đệ tam đệ tứ lên ký tên.
Kết thúc buổi lễ, hiệu đoàn trưởng trao cho anh Hiền cuốn sổ tòng quân. Anh cảm ơn, rồi lên ngựa phi ra giưa đường số Một trở về huyện.
*
Buổi sáng, học sinh vẫn đến trường đông đúc. Các lớp vẫn học đều đặn các giờ văn học, sử học, vật lý, Pháp văn, Anh văn… Thầy Cao Xuân Huy vẫn đi từng bước chậm rãi từ nhà đến trường, từ phòng hiệu trưởng đến lớp, giảng bài cho các thầy giáo học chương trình dự bị đại học. Nhưng trong hàng ngũ giáo viên đã bắt đầu có sự phân hoá về ý thức thời cuộc và nổ ra một số cuộc tranh luận. Đôi lúc các thầy dùng tiếng Pháp cãi nhau quyết liệt. Học sinh xôn xao bàn tán…
Đùng một cái, có giấy của cấp trên gửi về trường gọi một số thầy giáo và học sinh nhập ngũ. Việc tòng quân không còn ý niệm lãng mạn xa xôi mà đã trở thành sự thật. Sự thực là một số thầy giáo, học sinh nhận giấy báo chuẩn bị xếp bút nghiên theo việc đao cung. Ngày chia tay đang đến dần lòng họ bộn rộn chờ đợi một sự thay đổi lớn trong cuộc đời. Có nữ sinh ngồi trong lớp cứ cúi mặt lau nước mắt khóc người yêu sắp đi vào một cuộc chinh chiến trường kỳ.
Trong số người lên đường lần này có thầy Đặng Văn Nhị, anh trai của tướng Đặng Văn Việt, thế là thầy sắp rời mái trường bình yên ở vùng quê tự do, sắp rời học sinh thân yêu, sắp rời tổ ấm gia đình. Hôm nhà trường tổ chức lễ hoan tống anh Hiền có về dự, anh không phát biểu ý kiến chính thức trong buổi lễ mà chỉ cùng với học sinh đứng xung quanh thầy anh nói: “chúc thầy noi gương người em trai là tướng Đặng Văn Việt lập nhiều chiến công làm rạng rỡ gia đình và quê hương”. Nghe nhắc đến tên Đặng Văn Việt thầy Nhị sung sướng ứa nước mắt và cả đám học sinh cũng xôn xao, trên gương mặt họ ánh lên niềm tự hào.
Sau buổi lễ hoan tống, không khí trong nhà trường khác hẳn. Thầy Cao Xuân Huy vẫn chậm rãi từng bước từ nhà đến phòng hiệu trưởng rồi từng bước từ phòng hiệu trưởng vào lớp giảng bài cho học sinh dự bị đại học. Nhưng các lớp đệ tân, đệ tứ đã vắng một số người. Thầy Cao Xuân Hạo tổ chức cho một số nữ sinh tập hát đi biểu diễn ở hội nghị văn nghệ liên khu IV và ở nhiều đơn vị quân đội. Dáng ngưòi thầy nhỏ nhắn, luôn luôn mang chiếc đàn ghi-ta, trở nên hấp dẫn đối với nữ sinh về hình ảnh một chiến sĩ nghệ sĩ trong thời kỳ chiến tranh. Những bài hát do thầy sáng tác mang nội dung kháng chiến, nhưng nhạc thì man mác đượm buồn cho nên rất phổ biến trong các trường học và cả quân đội. Ngoài những buổi biểu diễn trước đông dảo công chúng từng nhóm nữ sinh vẫn thường hát cho nhau nghe: “Có cô thôn nữ giặt áo bên sông miệng cười hiền, hoa dịu lòng trường chinh… bao anh lính măng tơ cùng bà mẹ già cười đón gió lành… đời quân nhân vui như trời xuân…”
Trong tâm trạng chờ đợi đến lượt mình được gọi nhập ngũ, không ít học sinh chểnh mạng việc học hành. Tôi và một số bạn bè học lớp đệ nhất chưa đến tuổi tòng quân cho nên không được ký tên vào cuốn sổ tòng quân. Chúng tôi háo hức mong được mặc áo lính, tự rủ nhau đến những nơi có bộ đội đóng quân xin được khám sức khoẻ để làm liên lạc, mẹ cho vải để may áo, tôi tự đến gặp thợ và bảo: khi may áo nhớ cái cầu vai - chỉ cần áo có cầu vai là ra dáng một người lính. Suốt ngày này qua ngày khác tôi và mấy đứa bạn cùng làng như Trần Tế, Cao Cự Bội, Lương Trọng Yêm, Võ Đình Đấu rủ nhau đi tìm đơn vị bộ đội để khám sức khoẻ. Dĩ nhiên là chúng tôi phải bỏ học, trốn học. Nhiều hôm đi biền biệt suốt ngày đến tối mịt mới về, không dám về nhà ăn cơm mà trong túi lại không có tiền đành ăn chịu phở bà Tuyết ở cầu Đạu, ăn chịu nhiều quá bà Tuyết phải lên tận làng gặp bố mẹ chúng tôi để đòi gạo. Chuyện vỡ lở cha mẹ tôi biết được, buồn rầu, bực tức, mắng chửi tôi. Anh Hiền nghe được, hỏi, tôi trả lời: “em rất muốn đi bộ đội. Tìm khắp trong huyện nơi có bộ đội đóng để xin làm liên lạc đơn vị anh…” Nghe xong anh đứng bần thần nhìn tôi, chỉ nói một câu ngắn ngủi: “tuổi em tuổi học…”
Sang ngày sau, ngày sau nữa, rồi ngày sau nữa chúng tôi vẫn trốn học để xin đi bộ đội. Chiều hôm ấy anh Hiền đi công tác qua làng dừng ngựa trước ngõ rồi rẽ vào nhà. Trong câu chuyện giữa mẹ tôi với anh Hiền tôi nghe loáng thoáng câu anh nói: “thằng Xí thích đi bộ đội cứ cho nó đi, thời buổi chiến tranh mà” tôi sướng rơn cả người…
Hai hôm sau anh tôi lại từ huyện trở về, cho tôi một con dao găm, một cái cung và mấy chục mũi tên. Anh dẫn tôi ra vườn và dạy tôi phóng dao găm vào cây chuối và cầm cung nhằm bắn trái bưởi việc luyện tập của tôi khá thành công. Anh khen “Thằng này có năng khiếu quân sự”… Hồi đó anh Đồng là em trai của anh Hiền và là anh của tôi làm trưởng ban quân báo huyện đội xin cho tôi làm nhân viên tình báo, tôi hoàn toàn thôi học trường Nguyễn Xuân Ôn.
Bắt đầu bước vào nghiệp binh đao, trận thử thách đầu tiên vượt quá sức tưởng tượng của tôi, làm công việc này điều kiện tối thiểu là phải gan dạ không sợ giặc đã đành, càng không được sợ ma. Giặc thì chưa giáp mặt còn ma thì ngay đêm ấy…
Đêm ấy… Huyện đội tổ chức tập trận giả cho dân quân ba xã phía nam sông Bùng. Anh Hiền dẫn tôi đến nghĩa địa làng Xuân Viên, bảo tôi ngồi bên một ngôi mộ, khi nào có người đến liên lạc dẫn đi đâu mới được đi. Tôi phải ngồi xuống và anh lẳng lặng đi về phía lèn Hai Vai.
Trời mưa phùn lâm thâm, rét, bóng tối dày đặc tưởng cắt ra được từng miếng. Thưa thớt trong nghĩa địa có những khóm tre, gió bấc rít từng cơn, tre kẽo kẹt. Trời ơi cái tiếng tre kẽo kẹt sao mà nghe rùng rợn đến thế, lúc thì như tiếng ma đưa võng, lúc thì như tiếng trẻ khóc, lúc thì phát ra âm thanh sắc nhọn như tiếng dao đâm, gươm khua… Tôi cố thu nhỏ người lại nghiến chặt hai hàm răng, hai tay nắm hai hòn đất. Trước mặt tôi hiện ra những bóng đen chập chờn, nhảy nhót bay vút lên trời rồi toả rộng ra trùm lên tôi. Tôi rụt cổ xuống nhắm nghiền mắt định hét lên một tiếng thật to nhưng chợt nhớ mình là nhân viên quân báo hét to sẽ lộ bí mật. Tôi ngồi im thin thít như hòn đất nhắm tịt hai mắt, nhưng mắt càng nhắm trước mặt tôi càng hiện muôn hình thù quỷ quái: hình cụt đầu, hình cụt tay, hình thì cụt chân. Tôi liều mạng vùng chạy được vài ba bước lại ngồi thụp xuống. Kinh hãi quá khiến người tôi toát mồ hôi. Có cách nào, có cách nào thoát khỏi nơi đây? Bốn bề mênh mông nghĩa địa, mồ mả nhấp nhô…
Từ trong vẳng ra tiếng gà gáy, chân trời phía đông dần dần sáng lên. Tôi mừng quá. Sáng rồi. Sao chưa có ai tới báo tin gì cho tôi cả? Đầu kia nghĩa địa có mấy người bước tới, người hay ma? Người hay ma? Người hay ma? Nghe mẹ tôi nói: ban đêm ma rời khỏi mồ để đi kiếm ăn, khi gà gáy sáng thì ma lại trở về mồ của mình. Vậy thì đích thị đây là ma nhưng vì trời hưng hửng sáng nên tôi bớt sợ. Tôi rụt cổ, trố mắt nhìn. Người thật chứ không phải là ma. Mấy người tiến đến gần tôi. A, có anh Hiền, anh Hiền đã ra với tôi, tôi reo oà và giàn giụa nước mắt. Anh ôm chặt lấy tôi: “Em có thấy ma không?” tôi trả lời ra vẻ mạnh bạo: “Chẳng có ma gì cả. Em chỉ nhớ anh. Một đêm ngồi ở đây bằng mười năm xa anh”. Anh giơ tay xoa đầu tôi: “Thằng này có gan làm quân báo”.
Trận thử thách thứ hai còn dữ dội hơn. Ban chỉ huy quân sự huyện đội đột nhiên về đóng ở nhà tôi trong một đêm. Các anh ăn cơm vội vàng rồi họp bàn việc gì rất bí mật. Họp xong anh Hiền gọi tôi vào nhà trong nói nhỏ “Em cầm cái gậy này xuống cắm ở bến đò Oan để làm vật hiệu, cắm gậy xong em cầm nắm thóc này rải dọc bờ sông Bùng quãng bến đò Oan. Nghe ba tiếng “Bến đò Oan” tôi run bắn cả người. Bến đò này đã có nhiều người trẫm mình vì oan ức, con dâu bất hoà với mẹ chồng, anh em cãi vã nhau, láng giềng chửi mắng nhau… uất quá không chịu được đành kết liễu cuộc đời ở đây. Tôi mấp máy môi hỏi “Để làm gì hở anh?” Anh nghiêm nét mặt: “Anh đã dặn em nhiều lần rồi, việc quân cơ cấp trên bảo làm gì thì em cứ làm không được hỏi lại… Gậy đây, nắm thóc đây em đi ngay kẻo chậm giờ”. Trong tình thế cưỡi lưng hổ tôi làm theo lệnh anh như một cái máy, nắm thóc bỏ vào túi.
Một cầm chặt cái gậy, một tay cầm chặt hòn đá. Trời tối như bưng. Trong đầu tôi cứ mường tượng thấy trăm hình ma, bóng quỷ mà bà con làng xóm thường kể cho nhau nghe. Bao nhiêu oan hồn thường hiện lên những lúc vắng vẻ để hiếp đàn bà con gái, xô cụ già ngã xuống sông, bắt trẻ con lôi về địa ngục… Chúng hiện ra đủ hình thù kỳ dị: lúc thì thè lưỡi ra cuốn trẻ em vào miệng, lúc thì há mồm như chiếc gầu dài đỏ rực lửa, lúc thì giơ cánh tay dài ngoẵng từ dưới nước lên ôm choàng cổ con gái dậy thì… Vào lúc chính ngọ và ban đêm không ai dám bén mảng tới bến đò. Thế mà bây giờ tôi dám vác xác tới đó, không những chỉ đến bến đò Oan mà còn phải đi dọc bờ sông có nhiều người tự vẫn. Hay là... hay là rủ thằng Bá cùng đi? Thằng Bá gan cóc tía may ra hắn dám liều. Nhưng Bá lại vắng nhà, đành phải đi một mình thôi, việc quân cơ không được chậm trễ.
Bến đò vắng tanh vắng ngắt chỉ có bóng đêm cùng đom đóm chập chờn. Tiếng cá lóc bóc làm cho không gian càng thêm mênh mông hoang vắng, rùng rợn, tôi lạnh toát cả người. Lạnh từ chân đến óc. Cầm cái gậy thật chặt tôi nói thầm “Ma quỷ đến đây tao đập vỡ mặt”, tôi làm ra vẻ bình tĩnh cắm gậy xuống bùn và ấn sâu xuống rồi bước rất nhanh xuống bờ sông, vừa đi vừa rải nắm thóc… Làm xong hai việc quan trọng là cắm cái gậy và rải thóc tôi phăm phăm tìm đường về… Cống Cửa Thung kia rồi! Ánh đèn lập loè trong mái lều dân chài. Tự nhiên tôi thở mạnh, tim đập dồn dập, chân vừa chạy vừa run, tôi chui vào lều. Thì ra không phải dân chài mà là anh Hiền đang ngồi với ban chỉ huy quân đội địa phương, người tôi nhẹ tênh sung sướng như vừa được sống lại. Tôi ôm chặt lấy anh trào nước mắt, anh mỉm cười: “Em đã hoàn thành nhiệm vụ” - “Vâng em hoàn thành xuất sắc”. Anh xoa tay rất mạnh lên đầu tôi như xoa đầu một đứa trẻ mới lên năm lên sáu.
Anh và ban chỉ huy dẫn tôi đi ngược lại bờ sông, anh soi đen pin xuống bãi để thấy rõ những hạt thóc tôi rải, đến bến đò Oan tôi hăm hở chỉ cái gậy tôi cắm lúc nãy. Anh đến tận nơi nhổ cái gậy lên: “Thế là em đã qua thời kỳ thử thách từ nay em được chính thức là đội viên quân báo”. Lúc này tôi mới hiểu rằng các anh giao cho tôi cắm cái gậy và rải nắm thóc chỉ là để thử gan tôi xem có sợ ma hay không.
V. Ra Việt Bắc
Trên túi dết của anh Hiền có viết hai câu thơ bằng mực nho:
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Anh treo túi lên cột và bao giờ cũng để phía có câu thơ ra ngoài. Mấy đứa bạn của tôi đến chơi học thuộc hai câu thơ đó rồi đọc oang lên. Đi ngoài đường chúng cũng ngân nga: “Đã mang tiếng ở trong trời đất…” Tôi dùng phấn nắn nót viết thơ lên xà nhà, thằng Bá viết vào sổ tay. Chữ của thằng Bá đẹp nên nhiều đứa nhờ viết vào bìa cuốn sổ của mình.
Lần này, từ huyện đội về anh treo túi lên cột rồi bước ngay sang nhà hàng xóm. Anh đi chơi hết nhà này sang nhà kia đến tận trưa, mẹ bảo tôi tìm anh về ăn cơm. Anh ngồi ăn chẳng nói câu nào. Ăn xong lại đi chơi nhà bà con. Trong bữa cơm chiều, bưng bát cơm anh ngập ngừng: “Con sắp ra Việt Bắc rồi”. Im lặng một lát mẹ lại hỏi: “Bao giờ con đi?” Anh trả lời: “Chừng một tuần nữa”. Mẹ nuốt miếng cơm nhìn anh: “Nhiệm vụ cách mạng thì con phải đi. Nhớ viết thư luôn cho mẹ.”
Tôi đem khoe với bọn thằng Bá, thằng Dần, thằng Bội, thằng Yêm… là “Anh Hiền tao sắp ra Việt Bắc”. Chỉ một lát sau chúng nó kéo đến chơi tận khuya mới về. Trong giấc ngủ tôi chập chờn mơ thấy Việt Bắc với núi non trùng điệp và huyền bí, với Bác Hồ mặc quân phục cưỡi ngựa đi chỉ huy chiến dịch, với rầm rập những đoàn bộ đội và dân công ra tiền tuyến, với những địa danh Phai Khắt, Na Ngầm, Nà Phạc… mà tôi được đọc trong các thiên bút ký chiến tranh in đậm vào tâm hồn tôi như những dấu chân thần thoại… Anh Hiền được ra Việt Bắc là được ra với Bác Hồ, với chiến khu cách mạng thần thánh, anh được đặt bàn chân lên những dấu chân thần thoại như bà mẹ Thánh Gióng dẫm lên dấu chân ông Khổng lồ…
Sáng hôm sau anh dẫn tôi xuống thị trấn Diễn Châu để chụp ảnh kỷ niệm. Cả thị trấn và cả huyện chỉ có một hiệu ảnh của ông Tuấn. Ông đậu thành chung, đi dạy học một thời gian rồi mở hiệu ảnh ở Vinh. Sau khi Vinh tiêu thổ kháng chiến, ông tản cư ra Diễn Châu và lại mở hiệu ảnh. Vào thời điểm này hiệu ảnh của ông rất đông khách. Nam nữ thanh niên nông thôn kéo nhau ra chụp ảnh trước khi chia tay để đi dân công hoặc để tòng quân. Thầy giáo và học sinh trường Nguyễn Xuân Ôn là lượng khách đông nhất của ông. Ngày mai đã chia tay rồi. Hoặc ngày kia. Hoặc tháng sau hoặc năm sau… Cứ chụp ảnh sẵn nhỡ ra cấp trên có giấy về điều động đột ngột lại không kịp chụp. Thầy chụp với học trò, cả lớp chụp chung, từng đôi chụp với nhau. Tuổi học trò đầy mơ mộng, khao khát những chuyến đi xa nhưng cũng ngại ngùng nỗi chia ly. Nhiều cô khóc sướt mướt ngay tại hiệu ảnh.
Anh Hiền quen ông Tuấn chủ hiệu, nói đùa với ông mấy câu tiếng Pháp. Ông mời anh em tôi vào chụp trước, không phải chờ đợi. Hôm ấy quả thật tôi buồn lắm. Anh cũng buồn. Đây là lần cuối cùng anh em chụp ảnh kỷ niệm để rồi anh đi xa, đi xa không biết đến bao giờ mới được gặp lại…
Thế là anh Hiền đã ra Việt Bắc. Gia đình tôi có ba anh em trai. Anh Đồng làm trưởng ban quân báo huyện đội lúc mười tám tuổi, giữa tuổi mười chín thì anh mất lúc giặc đổ bộ lên Quỳnh Lưu. Còn lại anh Hiền và tôi bây giờ anh Hiền lại đi xa biền biệt. Tôi nhớ anh vô cùng. Kỷ niệm những ngày gần gũi luôn luôn hiện về với tôi trong giấc ngủ, trong sinh hoạt hàng ngày.
Mỗi lần ra sau nhà nhìn thấy đống rơm tôi lại nhớ cồn cào lúc nhỏ anh đánh trâu đi bắt chuồn chuồn giữa trưa nắng chang chang. Mẹ gọi mãi anh không chịu về. Mẹ ra tận đầu làng kéo anh về đánh một trận rất đau. Cứ mình trần như thế anh bỏ trốn biệt mấy ngày. Thương quá mà chẳng biết anh ăn ở đâu, ngủ ở đâu. Vào lúc xế chiều tôi đang thơ thẩn sau nhà thì nghe có tiếng vỗ tay khe khẽ bên kia đống rơm và kèm theo tiếng gọi rất nhỏ: “Xí ơi!” tôi ngoái nhìn thì thấy anh nấp sau đống rơm: “Em đem ra cho anh một cái áo”. Tôi vào nhà lục tìm áo đem ra, anh ôm áo rồi lại chạy biến mất…
Kỷ niệm đầy ắp gian nhà. Nhà cửa càng trở nên vắng vẻ. Những lúc rỗi rãi cha tôi thường nằm trên giường ngâm Kiều, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm. Mẹ và chị Hiền ngoài buổi làm đồng còn lo công tác hội mẹ chiến sĩ chấp hành phụ nữ xã. Dạo này cha mẹ tôi nhận nuôi một anh thương binh tên là Nguyễn Xuân Đài, quê ở Hải Dương. Anh bị cụt một chân, vừa ngồi chằm nón anh vừa hát cho tôi nghe những bài hát lúc còn ở chiến trường. Nhà có thêm người, thêm tiếng hát vui hơn trước.
Tôi viết thư, anh Hiền biết tin nhà có nuôi một anh thương binh, biết anh Đài ít hơn một tuổi. Anh Hiền viết thư về xưng “anh” và gọi anh Đài là “em”. Tôi cảm thấy vui như anh Đài là con để của mẹ tôi, là anh trai của tôi.
Ngày nào tôi cũng mong nhận được thư anh, vừa nhận được thư hôm trước hôm sau tôi lại chờ thư khác, mỗi lần có thư tôi lại đọc cho cả nhà cùng nghe. Buổi trưa đọc, buổi tối lại đọc. Bà con làng xóm cũng sang nghe. Mọi người vui như đang dự một đám hội. Vui nhất là khi anh gửi về một tấm ảnh cha tôi, mẹ tôi, chị tôi… đều khoe với bà con họ hàng làng xóm. Suốt trong tuần lễ ngày nào cũng có dăm bảy người tụ họp ở nhà tôi để xem ảnh. Người thì khen “Bác Hiền hơi gầy nhưng trông quắc thước hơn trước”. Người thì khen “chú Hiền trông oai hơn hồi ở nhà”…
Có lẽ tôi là người sung sướng nhất khi cầm tấm ảnh. Tôi cảm thấy nó quý giá vô cùng: ảnh chụp ở Việt Bắc - chiến khu thần thánh của cuộc kháng chiến. Tôi bọc kỹ ba bốn lớp giấy, cất cẩn thận vào tráp. Trừ lúc đi vắng, hễ về nhà là tôi đem ảnh ra xem. Đứng ở mọi góc độ để xem: từ trên xuống, từ dưới lên, từ phải sang, từ trái sang, tầm nhìn xa nửa mét, một mét… Tôi tưởng tượng cảnh chiến khu Việt Bắc âm u rừng rậm núi cao, thác tung trắng xoá, đèo lộng gió, đuốc sáng rực những đêm bộ đội và dân công mở chiến dịch. Trên cái khung cảnh hùng tráng ấy là tấm ảnh của anh. Anh đội mũ lưới, mặc áo trấn thủ, mặt hơi ngẩng lên, miệng cười. Chưa bao giờ tôi thấy anh cười khi chụp ảnh, kể cả lúc vui vẻ được học sinh trường Nguyễn Xuân Ôn cùng chụp chung. Đây là tấm ảnh đầu tiên anh cười. Tấm ảnh chụp từ chiến khu Việt Bắc gửi về cho quê hương, cho gia đình, cho tôi.Tôi nhìn theo ảnh để vẽ lên một tờ giấy to, tỉ mẩn tô đi sửa lại, rồi treo lên xà nhà. Còn tấm ảnh thì tôi cất kín, sợ giở ra xem nhiều ảnh sẽ phai màu. Niềm vui từ tấm ảnh cứ lan toả trong tôi từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác…
VI. Mất lập trường giai cấp
Hoà bình lập lại. Tôi học ở trường cấp ba Nghi Lộc, cách nhà gần ba mươi kilômet. Chiều thứ Bảy cuốc bộ về. Chiều Chủ nhật mang gạo, khoai và thức ăn cuốc bộ đến trường.
Năm ấy mất mùa. Đói! Đói khủng khiếp! Cứ cuối buổi học là chúng tôi đói mờ mắt, rất khó tiếp thu bài giảng của thầy. Mười hai giờ trưa tan học chúng tôi còn phải rủ nhau ra đồng hái rau khoai. Hôm nào cũng hái đầy rổ. Bà con nông dân nhìn thấy, chúng tôi ngại quá phải lấy nón úp kín miệng rổ. Ba đứa ở trọ một nhà dân: Ngô Trực Nhã, Trương Viết Vinh và tôi. Chị chủ nhà cho mượn chiếc nồi to, bữa nào chúng tôi cũng bỏ đầy ắp rau khoai, một nắm gạo và một nhúm muối, vừa đun vừa quấy cho nát nhừ, rồi múc ăn. Buổi chiều có lúc sắp tắt nắng chúng tôi vào rừng thông hái củi. Đêm nào cũng thức đến gà gáy canh ba để học bài, làm bài. Đứa nào cũng say mê học. Vinh và Nhã giỏi toán. Tôi giỏi văn. Chúng tôi hướng dẫn nhau, truy bài nhau, đứa này đặt câu hỏi để đứa kia trả lời. Dư âm của cuộc kháng chiến còn vang dội trong tâm hồn lứa tuổi học trò. Đánh giặc xong, đất nước sẽ rất cần trí thức trong công cuộc xây dựng, cho nên phải ráng sức mà học.
Một buổi chiều, Vinh, Nhã và tôi đang hái củi trong rừng thì thằng con bà chủ nhà tìm vào tận nơi báo tin: anh Hiền đang chờ ở nhà! Anh Hiền à? Anh Hiền nào? Chẳng lẽ anh Hiền lại về đột ngột thế? Ba đứa chúng tôi vác ba bó củi co chân co cẳng chạy một mạch.Vừa tới đầu ngõ thì thấy anh đang đứng chờ. Sung sướng quá, tôi nhìn anh và hai gò má anh ướt đẫm. Bao nhiêu năm rồi, anh em mới gặp lại nhau. Không những tôi mừng mà thằng Vinh thằng Nhã và cả gia đình nhà chủ cũng mừng. Mọi người đứng quanh anh hỏi hết chuyện này sang chuyện khác. Anh biếu chị chủ nhà một cái áo chần bông màu gụ, anh chủ nhà một đôi giày vải, ba đứa chúng tôi ba cái “bút nguyên tử”. Chợt thấy trên đầu anh có đính huy hiệu Điện Biên Phủ, tôi hỏi:
“Ơ, anh cũng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ à?”
“Ừ”.
“Sao anh không viết thư về cho cha mẹ và em biết?”
“Viết thư về sợ mọi người lo”.
Hiểu tâm lý chúng tôi, anh gỡ chiếc huy hiệu trao cho tôi. Ba đứa chúng tôi và mọi người trong gia đình chị chủ nhà chụm đầu ngắm nghía một cách say mê.
Từ khi biết anh là chiến sĩ Điện Biên Phủ, ai cũng nhìn anh với con mắt kính nể. Mấy người hàng xóm cũng chạy sang hỏi thăm. Anh lục trong ba lô ra một cái ca-men trắng in hình cờ đỏ “Quyết chiến quyết thắng”, hình anh vệ quốc đoàn đang xông trận và dòng chữ màu đỏ “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”. Mọi người truyền tay nhau xem, nâng niu như cầm một bảo vật.
Anh dẫn tôi ra đường chơi, hai anh em ngồi trên cồn cỏ giữa cánh đồng. Anh nói anh đã làm xong nhiệm vụ đánh thực dân, bây giờ Đảng điều anh tham gia nhiệm vụ đánh phong kiến. Ngày mai anh phải vào Hà Tĩnh cải cách ruộng đất đợt năm. Giọng anh đầy hào hứng “Trận đánh này còn quyết liệt hơn đánh Pháp. Ta chỉ đánh thằng Pháp trong chín năm, nếu cộng thêm tám mươi năm nô lệ thì ta cũng chỉ đánh nó gần một trăm năm. Còn bọn phong kiến địa chủ bóc lột dân ta hàng ngàn năm rồi, đánh nó còn khó hơn đánh Pháp, chúng nó có nhiều mưu ma chước quỷ để chống lại ta. Cải cách ruộng đất là một cuộc cánh mạng long trời lở đất, cày xới đến tận tầng sâu của ý thức con người…” Nghe anh nói mà người tôi thỉnh thoảng lại rung lên một cảm giác kỳ lạ thấp thỏm chờ đợi, hy vọng…
Anh vào Hà Tĩnh còn tôi vẫn cam chịu gian khổ học hành. Mỗi Chủ nhật về nhà một lần, mỗi lần về tôi lại biết thêm một số tin tức làng xóm phát động cải cách ruộng đất. Đột ngột một chiều thứ bẩy tôi từ Nghi Lộc về nhà đã thấy anh Hiền. Tôi đang ngơ ngác nhìn anh thì anh nói: “Anh được về hẳn rồi, anh em không phải xa nhau nữa”.
Dần dà về sau tôi mới biết rõ tại sao anh về hẳn. Tham gia cải cách ruộng đất ở Đức Thọ anh thấy quy sai một gia đình lên địa chủ, một lần họp đội anh nêu ý kiến phản đối, đội không nghe. Anh tỏ thái độ bướng bỉnh, hàng ngày vẫn vào gia đình ấy chơi. Ông đội trưởng trình lên đoàn và đoàn quyết định giao trả anh về Bộ Quốc phòng. Anh lập tức xếp quần áo, mang ba lô chào bà con nông dân quay trở về Hà Nội, không thèm trình bày một câu nào với Đội, với đoàn cải cánh ruộng đất. Bộ Quốc Phòng bèn cho anh đi học đại học Nông nghiệp. Trong quan niệm của cán bộ ta hồi đó chỉ có hoạt động chính trị hoặc quân sự mới có thể tiến thân được. Bị gạt sang làm chuyên môn tức là không được cấp trên tin cậy nữa, cộng thêm bản chất di truyền của ông đồ Nghệ, anh mạnh dạn xin phục viên.
Biết anh về nhà hẳn tôi buồn và thương anh. Bà con trong làng bàn tán với nhau: “Công lao chín năm kháng chiến của ông Hiền đổ xuống sông”. Tôi chẳng biết nói gì thêm với anh. Mỗi Chủ nhật về nhà nhìn thấy anh tha thẩn ra sân lại vào nhà, tôi thương anh. Chẳng lẽ anh theo bác Chắt Kế chuẩn bị khởi nghĩa khi còn bóng tối, hăm hở tòng quân đánh Pháp, say mê lý tưởng, bây giờ tiêu tan hết? Thấy tôi bần thần, anh lựa lời an ủi : “Em thấy đấy, từ những năm đầu kháng chiến, tiếng tăm Tướng Đặng Văn Việt lừng lẫy khắp cả huyện, cả tỉnh, cả nước. Chỉ vì gia đình là địa chủ quan lại mà phải ra khỏi quân đội. Mấy người bạn của anh như anh Lộc, anh Thân, anh Hối cũng lần lượt bỏ về nhà. Vì sao? Anh chưa thể nói với em được. Có lẽ sau này em sẽ hiểu…”
Qua lời của anh tôi nhận ra một sự thực như thế. Lâu nay anh ta vẫn đồn Tướng Đặng Văn Việt “về vườn”, mà tại sao anh Lộc cũng về nhà làm thợ may, anh Thân về nhà làm ruộng. Nghe nói trong cải cách ruộng đất anh Thân làm đội trưởng, bỗng nhiên bị quy là Quốc dân Đảng, ngồi tù một thời gian rồi mang khăn gói lếch thếch về với vợ con. Anh Hối trong kháng chiến làm đại đội trưởng xông xáo trên chiến trường Thừa Thiên nay cũng về sống thui thủi ở Hà Nội. Tại sao nhỉ? Tại sao các anh đã một thời xông pha vào cuộc đấu tranh giành độc lập cho đất nước mà nay bị đẩy ra ngoài rìa của cuộc đấu tranh ấy?...
Tôi tò mò xem cuốn sổ tay của anh chi chít ghi những dòng chữ trong mấy tháng đi cải cách ở Hà Tĩnh. Trang nào cũng khó đọc, ngoặc ra ngoặc vào, ghi ra cả ngoài lề, có chỗ dòng này ghi chồng lên dòng kia, có chỗ ghi rồi lại xoá mực nét bút đè lên rách cả giấy… Tôi cố cầm từng tờ soi ra ánh sáng đọc loáng thoáng được một số câu: “Ông Thìn làm giáo học mà cũng địa chủ, bà Mến biết cái cóc gì mà cũng thường vụ Quốc dân Đảng, địa chủ cả nút thế này thì lấy ai làm nông dân… Chúng nó kích bà con nông dân tố nhau lộn nhào lộn nhút…” Cuối cuốn sổ anh ghi mấy dòng rất dễ đọc: “Nợ máu xương với đời, mình đã trả xong. Thôi thì về nhà vui thú điền viên. Không làm được cây đại thụ chống chọi cùng phong ba thì xin làm cọng rêu dưới đáy ao để được yên thân”. Có lẽ thấy mấy ông công an xã thường hay ra vào cho nên anh đốt cuốn sổ, còn chiếc ca “chiến sĩ Điện Biên Phủ” và chiếc huy hiệu Điện Biên Phủ anh bọc giấy cẩn thận cất vào tủ chè. Một tấm ảnh chụp với đồng đội bên dòng suối Việt Bắc anh lồng vào khung kính treo lên tường.
VII. Vui thú điền viên
Suốt trong vòng nửa tháng anh đi chơi bên ngoại, thăm bạn bè xa gần bên này và bên kia sông Bùng, thăm mấy cụ già trong làng nhất là các cụ đồ nho. Anh đến chơi nhà các dì, các cậu. Đến nhà ai anh cũng có quà hoặc một cái kẹo lạc hoặc vài chiếc kẹo bạc hà, hoặc dăm ba hào bạc… Phong cách tiếp xúc trò chuyện của anh hoàn toàn không có vẻ gì là một người đã từng chỉ huy quân đội, hình như anh mang nặng tâm lý một viên chức thời xưa về hưu. Có lẽ đúng hơn, anh nghĩ rằng mình là một sĩ quan về làng nghỉ ngơi sau một thời gian dài chinh chiến, trong đó có tâm lý một nhà nho xa lánh nơi bon chen ồn ào.
Sau khi đã đi thăm hỏi những nơi cần thiết, hàng ngày anh ở nhà dọn dẹp đồ đạc, kê lại cái tủ chè, đóng lại cái giường, sắm thêm ít đồ tế khí đặt lên bàn thờ… Hồi sau cách mạng tháng Tám anh là một trong những người gương mẫu trong việc “thờ cúng tập thể” tại nhà thờ đại tôn thì nay anh lại là một trong những người đầu tiên lập lại bàn thờ riêng tại gia đình mình. Rồi anh cũng thắp hương cúng giỗ cúng tết. Ngày giỗ ông nội anh bàn với cha mẹ sắm cỗ mời chú bác sang dự, cũng uống rượu và kể lại chuyện từ thời xửa thời xưa mang khăn gói đến đất này lập nghiệp. Những bữa giỗ như vậy anh thích kéo dài tiệc rượu từ trưa cho đến nửa chiều, bà con ai về nhà nấy, anh ngủ một giấc rồi dậy đọc sách. Từ khi phục viên anh mua khá nhiều sách, toàn sách của các học giả thời trước như “Vân Đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn, “Ức Trai thi tập” của Nguyễn Trãi, “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú…
Đặc biệt anh dành nhiều thời gian để tu sửa mảnh vườn trước nhà. Trước kia hơn một sào vườn này quanh năm trồng rau cải, khoai lang… Bây giờ anh chỉ giành hai luống trồng rau. Tất cả đất còn lại anh trồng chanh, cam, quýt. Bốn góc trồng bốn cây hoè. Sáng nào anh cũng dậy sớm ra làm vườn chừng một tiếng đồng hồ rồi vào uống trà ngâm nga đôi ba câu Kiều.
Dọc lối ngõ từ vườn vào đến sân, thuở sinh thời ông tôi trồng một hàng cau, lúc lên sáu lên bảy, chiều nào cũng vậy, khi vừa tắt nắng, chúng tôi thường trải chiếu ngồi giữa sân xem vợ chồng lũ quạ bay lượn và lót tổ trên ngọn cau. Sau ngày cướp chính quyền, người ta coi việc ăn trầu là lạc hậu, chỉ còn một số bà già nhai trầu bỏm bẻm, con gái thì bỏ hẳn, các bà trung niên đua nhau cạo răng trắng. Chính tay anh Hiền đã cầm dao chặt hàng cau, nay anh lại lên tận chợ Bộng, chợ Vẹo tìm mua cau con về trồng.
Ngay trước sân, anh lấy đá ở lèn Hai Vai và tự tay xây hòn non bộ. Anh cất công chui vào hang tìm những hòn đá hình thù kỳ dị, chồng lên nhau, gắn lại bàng xi măng tạo nên một toà thiên nhiên nhỏ bé có suối chảy, có hang động, có cây cối rêu phong. Hầu như không bao giờ anh hài lòng với “công trình” của mình. Ngày nào anh cũng giành một ít thì giờ để hoàn chỉnh thêm. Lúc thì anh làm thêm cái cầu qua suối, lúc thì anh tạo hình một ông tiên buông cần câu… Anh chăm chút và bảo vệ cẩn thận như mười năm trước anh quý trọng giữ gìn cuốn sổ ảnh với những tấm hình mà anh tôn thờ.
Nhưng anh không chỉ lo tôn sửa gian nhà, mảnh vườn. Anh còn chịu khó ra đồng làm việc cùng bà con nông dân. Ngày mùa anh cũng đi gặt.Vụ cày anh cũng đi cày.Vào thì bón phân cho khoai lúa anh cũng đi gánh phân... Bà con khen anh là chín năm cầm súng đánh giặc không quên công việc nhà nông.
Thật ra làm những việc nặng nhọc ấy là quá sức anh. Chẳng qua anh muốn tỏ ra mình đã hoàn thành nhiệm vụ chín năm chinh chiến thì phải thực sự trở về với công việc đồng áng. Không phải như những người lính khác, trước khi nhập ngũ thì thực sự là nông dân; còn anh, trước khi cầm súng anh chỉ quen cầm bút. Lắm lúc nhìn anh lóng ngóng lội bùn tôi chạnh lòng thương. Có những buổi sáng mùa đông tôi dắt trâu đi trước, anh vác cày đi sau. Vừa đi anh vừa cuộn thuốc lá hút. Ra đến ruộng anh cũng cởi quần dài buộc quanh cổ giống như các bác lực điền, mắc ách lên vai trâu, rút hộp thuốc lá sợi xoè bật lửa ngậm trên môi, rồi mới cầm cày giục trâu bước. Chừng được mươi đường cày anh lại dừng trâu, hút điếu khác. Cứ thủng thẳng như vậy cho đến hết buổi. Anh tháo ách, rửa chân tay, ngậm một điếu thuốc, vác cày trở về. Anh cố tạo ra niềm vui trong công việc nặng nhọc.
Anh bắt đầu nghiện thuốc lá từ khi mới gia nhập quân địa phương. Ngồi trò chuyện với bạn bè, cùng hút thuốc lá anh thấy khoái lắm. Phục viên về nhà, bạn tâm đắc ở xa, hễ có bác nông dân láng giềng sang chơi là thế nào anh cũng pha trà, cuộn hai điếu thuốc lá, đưa cho bác một điếu. Anh vừa hút vừa thích thú nhìn điếu thuốc cháy trên môi người đối diện… Những lúc rỗi rãi như vậy, tôi không để ý lắm đến việc anh hút thuốc. Nhưng lúc vác cày vác bừa mà anh ngậm điếu thuốc tôi lại chạnh lòng nhớ anh lúc ngồi trên lưng ngựa, ngậm thuốc lá, buông cương, ngựa thủng thẳng từng bước.
VIII. Với người vợ hiền
Anh lấy vợ từ năm mười bảy tuổi. Cha mẹ dạm hỏi và anh vâng lời nghe theo. Chị quê ở làng Vĩnh Bình, cách Hậu Luật chừng ba kilômét. Nhưng trước khi cưới, lũ em út chúng tôi không hề được biết mặt chị, chỉ nghe các cậu các mợ nói chị là một cô gái đẹp người đẹp nết. Một lần tôi theo mẹ về quê ngoại ăn giỗ, lúc qua cánh đồng làng Vĩnh Bình mẹ chỉ cho tôi thấy chị đang làm ruộng từ xa. Anh cũng chưa một lần gặp mặt chị, càng chưa hề trò chuyện với chị.
Lễ cưới chưa tổ chức được bao lâu thì Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Anh mải mê đi lo việc làng việc xóm, rồi thoát ly gia đình lên công tác ở huyện. Do tiếp xúc nhiều với các cô gái có học hành, nhất là nữ sinh trường Nguyễn Xuân Ôn, anh chểnh mảng với chị, thậm chí không bao giờ anh hỏi chị một câu. Nhỡ ra gặp chị dọc đường làng, anh cố lảng tránh.
Hôm anh rời quê ra Việt Bắc mẹ tôi có dọn một bữa cơm rượu, mời các bác các chú sang dự. Chị thức dậy khi gà chưa gáy canh năm, lo nhóm lửa đồ xôi, làm thịt gà, lụi cụi một mình, chẳng gọi mẹ gọi các em gái dậy cùng lo. Cỗ bàn thật chu tất. Bà con ngồi uống rượu vui vẻ, chúc “bác Hiền”, “chú Hiền” lên chiến khu lập được nhiều công trạng. Chị cặm cụi trong bếp hầu hạ mọi người. Niềm vui lớn nhất của chị lúc này là lo chặt miếng thịt gà cho đẹp, pha bát nước chấm cho ngon, chọn những quả cà trắng xếp vào đĩa. Chị tỉ mẩn lo từng mâm cỗ vừa là để đựơc tiếng là người vợ hiền dâu thảo của gia đình, vừa để vừa lòng chồng trước lúc xa gia đình, xông pha nơi trận mạc. Nhưng anh thì chẳng để ý gì đến chị. Đến lúc mang ba-lô ra đi, anh chào cha mẹ, bà con họ mạc và mọi người trong gia đình, nhưng không hề chào hỏi chị lấy một câu.
Chiều. Rồi xế chiều. Rồi vào đêm. Chị ngồi một mình dưới bếp lau nước mắt. Sắp gà gáy canh ba tôi tỉnh dậy thấy chị vẫn ngồi. Tôi im lặng bước đến và ngồi bên cạnh chị:
“Sao chị chưa ngủ?”
“Chị không buồn ngủ”.
“Sáng mai phải dậy sớm đi cấy, chị không ngủ thì mai ra đồng lội bùn sao được”.
“Chị không buồn ngủ mà. Em lên ngủ đi, kẻo dậy muộn đi học chậm giờ. Sắp sáng rồi, chị thổi cơm để em kịp ăn mà đến trường…”
Suốt thời gian ở Việt Bắc, tất cả những bức thư anh gửi về đều không hỏi thăm chị một câu. Bức thư nào tôi cũng bóc ra, đọc cho cả nhà cùng nghe. Tôi đọc chậm chạp lời chúc sức khoẻ cha mẹ, em Đích, em Xí, em Đáng, em Thoả, chị Chắt Khải, bà con thân thuộc… Đọc đến hết thư tôi hơi bị hẫng… không có tên chị Hiền. Tôi vừa thương chị vừa tự giận mình. Tôi không hiểu. Tôi nẩy ra một ý khôn ngoan, lần sau có thư anh tôi đọc thêm vào một câu: “Em Hướng nhớ giữ gìn sức khoẻ, nhớ chăm sóc cha mẹ…” - tên chị là Hướng. Gương mặt chị sáng lên một niềm vui kín đáo… Tối đến, mọi người đã yên giấc ngủ, chị lục trong túi tôi đem bức thư của anh xuống bếp thắp đèn đọc lại. Bỗng chị gục đầu, nấc lên. Tôi đang ngồi học nghe rõ tiếng nấc của chị, chạy xuống: “Chị ơi! Chị đi ngủ, khuya rồi…” Chị không đáp lại cứ ôm mặt nấc lên từng hồi. Nước mắt là cách duy nhất để chị tự giãi bày. Buồn đau đến mấy chị cũng không tâm sự với ai. Khác với nhiều người phụ nữ, chị chẳng bao giờ ngồi lê la với bà này bà nọ kể chuyện gia đình mình nên không mấy ai biết được sự rạn nứt tình cảm giữa chị và anh.
Những năm xa chồng chị sống nhẫn nhục, lặng lẽ và làm việc không mệt mỏi. Chị được bầu vào Ban chấp hành Hội liên hiệp phụ nữ xã. Có thời kỳ chị làm ủy viên Hội đồng nhân dân xã. Hôm nào bận đi họp, tối về chị trằn sức ra làm bù. Có đêm chị thức rất khuya, xay thóc, giã gạo, rồi ra ao vớt bèo. Mẹ tôi thấy con dâu làm việc nhiều quá, ra tận ao đỡ rổ bèo cho con:
“Bèo lợn thì để mai mẹ lo. Trời rét thế này dầm nước con ốm mất”.
“Mẹ cứ về ngủ đi. Con chỉ làm một lát là xong ngay”.
Cha mẹ tôi sinh được sáu người con. Hai chị lấy chồng ở làng khác. Anh Đồng mất năm 1949. Chị Hiền là con dâu trưởng. Sau chị có tôi và hai em gái. Ba anh em tôi còn nhỏ. Cha mẹ già yếu. Chị cáng đáng tất cả mọi việc nhà, từ bếp núc cho đến đồng áng. Dáng người chị hơi thấp nên lúc cắt hái, gánh rơm gánh rạ trông chị càng có vẻ nhanh nhẹn, xăm xắn. Tết nhất, giỗ chạp các bà cô dắt cháu về, cùng xúm tay giúp chị, nhưng chị gạt ra: “Lâu ngày về ông bà, cô lên tiếp khách, nói chuỵên với các chú các bác. Một mình tôi lo là đủ rồi”. Bà con làng xóm ai cũng khen: “Bà Đoan có người con dâu tốt nết tốt đức thật là phúc”.
Tôi tham gia công tác quân báo một thời gian khá dài, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có từng ấy việc: dự các cuộc tập trận giả, dò xét thái độ những người không chịu đóng thuế nông nghiệp, không chịu đi dân công… Tôi đâm ra chán nản, xin được đi học tiếp. Cha mẹ tôi rất mừng. Không ngờ là chị Hiền cũng rất mừng: “Em đi học là phải. Kháng chiến thành công, đất nước cần những người có học như em”.
Trường học cấp hai xa nhà hơn mười cây số. Hàng ngày vừa tắt nắng, tôi và mấy đứa bạn xách cặp đi học, khoảng mười giờ đêm lại xách đèn về. Ăn vài bát cơm nguội, ngồi vào bàn làm bài. Sáng mai, dắt trâu ra đồng. Chiều tối lại xách đèn đi học. Có hôm, trời mưa, không thắp được đèn, chúng tôi phải chống gậy đi mò trong đêm tối từ trường học vượt qua mấy cánh đồng mới về tới nhà… Thấy tôi lam lũ quá chị chăm sóc tôi từng li từng tí. Đêm nào cũng vậy, biết tôi sắp về, chị đun nóng lại nồi cơm và nồi canh. Có hôm chị luộc sẵn mấy củ khoai hoặc củ sắn từ lúc chiều để tôi mang theo. Mấy tháng sau chị bảo tôi: “Em tìm nhà nào ở gần trường mà ở trọ, mỗi tuần về một lần. Chứ ngày nào cũng đi như thế này thì ốm mất”. Tôi chần chừ… Thời buổi đói kém, gia đình không đủ thóc gạo để ăn, tôi ở trọ thì phải mang gạo mang thức ăn. Ăn chung ở nhà, cây rau củ khoai cũng qua bữa. Thấy tôi có vẻ phân vân, cha mẹ hiểu ý, liền khuyên bảo tôi: “Chị mày nói thế là phải, tháng sau con tìm nhà mà ở trọ”. Thế là tôi ở trọ ngay một gia đình gần trường, mỗi tuần về một lần. Chị càng thêm vất vả, vừa việc nhà vừa việc học của tôi. Cứ chiều chủ nhật, chuẩn bị cắp sách đến trường là chị đã lo sẵn cho tôi một bao ruột tượng gạo, một gói tôm kho mặn với mật mía và muối. Biết tôi phải ăn dè thức ăn trong sáu ngày, để tôm không bị thiu, chị kho kỹ cho con tôm mặn cứng có pha vị ngọt của mật. Con tôm nào cũng dính lổn nhổn muối. Mỗi bát cơm chỉ cần hai con tôm là đủ: gạt muối ra trộn lẫn với cơm, còn tôm thì cắn nhỏ từng miếng, ăn rất đằm miệng… Có những chiều chủ nhật lạnh lẽo, chị trao bao gạo và gói tôm kho, tôi ứa nước mắt bước ra khỏi ngõ với một tâm trạng nặng trĩu.
*
Anh Hiền đột ngột rẽ về nhà trên đường từ ngoài Bắc vào Hà Tĩnh phát động cải cách ruộng đất đợt năm. Tối hôm đó có cuộc họp toàn thôn, anh ra dự và phát biểu ý kiến. Mọi người im lặng khi anh đứng dậy. Ai cũng nghĩ rằng anh sẽ nói rất dài và nói nhiều điều thú vị về tình hình trong nước, tình hình thế giới, kể nhiều chuyện về Bác Hồ ở Việt Bắc… Không ngờ anh chỉ nói chừng năm phút, nội dung thật là đơn giản: “Xin lỗi các đồng chí đảng viên, xin lỗi bà con họ hàng làng xóm về việc lâu nay tôi chê vợ. Tôi đã nhận ra sai lầm của tôi. Người cùng một giai cấp, ta phải đoàn kết chặt chẽ, nông dân không thương nông dân thì đợi địa chủ nó thương nông dân à?...” Khắp cả ba gian nhà thờ tiếng hoan hô nổi lên:
“Trời có mắt mà! Mự Hiền ở hiền gặp lành, chồng chê rồi chồng lại yêu”.
“Ông trời có mắt đem chồng trả lại cho mự Hiền”.
Trong góc nhà, mấy chị xô nhau chọc ghẹo chị Hiền:
“Từ nay thì hết buồn nhá!”
“Đảng lại đem chồng về trả cho mự rồi đó!”
“Mự ăn ở phúc đức thì ông chồng phải tự nguyện quay về!”
Tự nhiên tôi thấy ai đó đã phát hiện ra một điều đơn giản: “Đảng đã đem chồng về trả cho mự”. Qua cải cách ruộng đất, nhiều người đã tự thức tỉnh “ý thức giai cấp” là không chê vợ nông dân, không chê vợ nghèo khổ chân lấm tay bùn. Thậm chí, có thanh niên trí thức ngỏ lời yêu con gái cố nông. Tình yêu của anh Quảng với o Quỳ nẩy nở trong bối cảnh như vậy. Anh là một học sinh từ thời Pháp thuộc, quê ở Quảng Ninh, gia nhập Vệ quốc đoàn, được đề bạt làm đại đội trưởng. Trong thời gian đóng quân tại làng anh đựơc khá nhiều cô thôn nữ xinh đẹp, nhất là nữ sinh lân la tỏ tình. Đùng một cái anh đến nhà cố Đôi chơi. Anh ngồi trên chiếc chiếu rách, gọi o Quỳ tới và ngỏ lời yêu o. O Quỳ chẳng hiều đầu đuôi xuôi ngựơc ra sao, run bắn người, chẳng nói được câu nào. Anh cố gượng gạo để chuyển cách xưng hô: “tôi” thành “anh”, chuyển “O” thành “em”. Tay anh cầm tay o Quỳ: “Em… em… em… trả lời anh đi! Còn lo gì nữa! Em… em… lo con bò trắng răng à!...” Sau cuộc gặp ấy anh Quảng nói với mọi người: “Tôi lấy o Quỳ là để giải phóng giai cấp!”
Cũng với tâm lý bột phát ấy, anh Hiền không những lặng lẽ trở về với vợ mà còn công khai xin lỗi các đồng chí đảng viên và bà con họ hàng làng xóm về việc lâu nay chê vợ.
Chỉ ngủ ở nhà một đêm, hôm sau anh tiếp tục hành trình trở vào Hà Tĩnh. Chị thức dậy khi tờ mờ sáng, nấu một nồi cơm nếp, một nồi cơm tẻ, luộc một con gà bày lên mâm, rồi bê ra nhà ngoài.Trên mâm chị đặt sẵn gói cơm nếp với cái đùi gà, có ý là để anh mang đi đường. Rồi chị tất tưởi sang nhà hàng xóm mua một cút rượu… Cả nhà vui vẻ ăn bữa cơm mừng sự đoàn tụ của vợ chồng anh Hiền.
*
Từ giã đoàn cải cách ruộng đất, từ giã quân ngũ, anh trở về quê, càng gắn bó với chị hơn. Có lẽ không phải vì “tình cảm giai cấp” mà do sự thôi thúc của ý niệm “vui thú điền viên”.
Anh mua cho chị nào dép, nào khăn bịt đầu, nào áo ấm, áo sơ mi, mấy chiếc mùi soa và cả gương lược. Áo mới quá, khăn mới quá. Thời gian đầu chị không dám dùng ban ngày mà chỉ diện vào buổi tối. Đi họp ngoài làng ngoài xã nếu mặc áo mới thì chị trùm đầu bằng khăn cũ. Nếu trùm đầu bằng chiếc khăn mới thì chị mặc áo cũ. Nửa kín nửa hở chị khoe với mọi người “Khăn áo này là do chồng tôi mua”. Tâm hồn chị trẻ trung như hồi mới cưới.
Phòng ngủ được anh trang trí như phòng tân hôn: chiếu mới, màn mới, chăn bông mới. Trên mặt gối còn trải tấm khăn thơm thoang thoảng mùi nước hoa, mỗi sáng ngủ dậy cửa màn được vén ngay ngắn sang hai bên chăn được xếp vuông vắn đặt phía đầu giường, hai chiếc gối được vuốt phẳng phiu… Tôi có cảm giác rằng với giường chiếu ấy anh đã có một sự quyết tâm ghê gớm để trở về với người vợ quê mùa, với hương thôn bản quán. Trong cái quyết tâm trở về ấy có bao hàm cái quyết tâm dứt bỏ hoàn toàn cuộc đua chen trên con đường danh lợi.
Công việc bếp núc anh cũng trực tiếp nhúng tay vào hướng dẫn cho chị làm một số món mang chất thị thành. Các thứ gia vị cần thiết anh đã mua sẵn từ Hà Nội: lọ hồ tiêu, tương ớt, nước cà cuống, ớt bột… Sau bữa ăn mỗi người được ăn một bát chè đậu đen hoặc chè nếp. Trong bát chè có hương vị lạ ai cũng khen ngon. Anh nói: “Có gì lạ đâu cho tí dầu chuối vào là dậy mùi ngay”. Bí quyết thật là đơn giản, chị cũng học theo cách làm ấy, nhưng buồn cười, hôm đầu tiên chị nấu chè mọi ngưòi bưng ăn đều nhăn mặt vì sặc mùi dầu chuối, thì ra chị đổ vào nồi chè gần nửa lọ dầu, anh khó chịu lắc đầu nhưng không cáu gắt mà bình tĩnh hướng dẫn cách dùng: chỉ cần nhỏ vào bát hai giọt dầu chuối. “Tài thật, con người càng ngày càng khôn ngoan”, cha tôi tấm tắc khen…
Đứa con đầu lòng của anh chị sinh từ hồi đầu kháng chiến chống Pháp đến nay dã chín tuổi vẫn chưa có đứa thứ hai. Do chán vợ nên anh chẳng chăm sóc con. Cuộc trở về lần này suốt ngày đêm anh quấn quýt với con. Anh sắm cho con đủ các kiểu giày dép quần áo, bút mực sách vở. Đặc biệt anh chú ý tu sửa mái tóc của con, mỗi ngày một kiểu tóc khác nhau hôm nay thì kiểu tóc buộc vồng lên “kiểu tóc ống khói”, ngày mai lại chải vuốt ra đằng sau có thắt một cái nơ đỏ. Ngoài giờ cắp sách đến trường, anh dạy cho con học toán, học văn, học tiếng Pháp. Anh bắt con học thuộc lòng những bài thơ anh chép vào một cuốn vở. Sáng nào con bé cũng nghêu ngao đọc thật to. Không những cả nhà mà cả hàng xóm đều nghe:
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương…
Anh như một cây tre đã bị uốn cong sang phía bên kia, bây giờ muốn cho thẳng phải uốn cong sang bên này, có cái gì đó trong anh chưa nhuần nhuyễn, còn gượng gạo, thậm chí còn lố bịch, nhưng tất cả những việc anh làm đều biểu hiện sự quyết tâm “trở về”. Nhờ thế anh chị có thêm một đứa con gái thứ hai. Như vậy đứa con đầu cách đứa thứ hai chín tuổi, khi chị sinh cháu đầu lòng anh đi công tác xa nhà, vả lại cái tổ ấm miễn cưỡng hồi ấy không làm cho anh xúc động bao nhiêu lúc cháu bé cất tiếng khóc chào đời. Còn bây giờ anh săn đón, hồi hợp chờ đợi… Anh lục lọi kiến thức trong sách vở để đặt tên cho con, cân đi nhắc lại cuối cùng anh khai sinh cho cháu với tên “Thu”. Chị là “Thảo”, em là “Thu” - “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”, vừa hợp với con gái vừa hợp với tâm trạng hoài cổ của anh.
IX. Tham gia công tác thông tin
Tổ thông tin tuyên truyền công tác của làng tôi hoạt động sôi nổi hàng chục năm nay. Trong tổ, mấy đứa chúng tôi có mặt từ hồi đầu thành lập đến bây giờ vẫn tiếp tục tham gia. Thằng Bá, thằng Dần, thằng Hoàn… ngoài những lúc đi làm đồng và đi học chúng tôi say mê làm tất cả mọi việc để đưa tin chiến thắng và tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng: viết khẩu hiệu, đọc tin, sáng tác ca vè, biểu diễn những hoạt cảnh chèo kịch nói…
Hiện giờ thằng Bá làm tổ trưởng, Bá bàn với tôi:
“Chú Hiền viết chữ đẹp, mời chú vào tổ thông tin để viết khẩu hiệu”.
“Mày thử trực tiếp nói với chú ấy xem sao”.
Bá vừa đề xuất ý kiến, anh Hiền hưởng ứng ngay. Không ngờ anh lại tích cực làm mọi việc do Bá phân công. Hai việc chính của anh là: viết khẩu hiệu trên tấm cót to đặt ở cổng làng và thường xuyên viết tin tức lên bảng tin ở các cổng xóm. Những tấm lá cót dài bốn mét rộng một mét rưỡi luôn được anh thay đổi màu sắc và viết mỗi lần một kiểu chữ khác nhau để người xem đỡ nhàm. Lúc thì anh để mộc rồi viết chữ thường như thầy giáo viết bảng. Lúc thì anh quét vôi trắng lên, viết chữ son đỏ như rồng bay, phượng múa… Trên bảng tin, anh vẽ hình để minh hoạ: cụ già cắp sách đến lớp học bình dân, đôi trai gái tát nước bằng gàu dai, đoàn người gánh thóc đi nộp thuế nông nghiệp… Mỗi lần viết tin anh chuẩn bị rất chu đáo: một bát đựng than, một bát đựng son, một bát đựng hoàng thổ; ba đoạn tre non đập dập đầu để làm bút nhúng vào ba bát “mực”. Đứng trước bảng tin anh tô từng nét chữ, nắn nót từng nét vẽ. Bà con qua lại đều dừng chân xem anh tỉ mỉ uốn lượn bàn tay và thì thầm với nhau: “Từ khi có chú Hiền tham gia tổ thông tin, khẩu hiệu với bảng tin đẹp hẳn lên”.
Hồi còn tại ngũ, anh đã từng trình bày nhiều tờ báo liếp, báo tay của đơn vị. Sau một thời gian gia nhập tổ thông tin, anh đề nghị ra một tờ báo tường treo ở nhà thờ đại tôn để bà con đọc cho vui. Anh tập hợp bài, sửa bài và trình bày. Khổ báo rộng 1m x 1,2m, rực rỡ màu sắc. Trưa mùa hè, người làng ra nhà thờ nghỉ ngơi, hóng gió nồm, xúm xít trước tờ báo, vừa đọc vừa bình luận rôm rả. Anh viết một bài trên báo trong đó có câu: “Không làm được cây đại thụ chống chọi cùng phong ba thì hãy làm một cọng rêu dưới đáy ao để được yên thân”. Theo anh nghĩ, cọng rêu đó không phải là biểu tượng một tâm trạng yếm thế, mà là một sự rút lui về quê quán để lo việc cửa nhà, đồng ruộng và cùng bà con lo việc xóm làng.
*
Uỷ ban hành chính xã triệu tập một cuộc họp quan trọng để nghe đồng chí chủ tịch huyện nói chuyện về xây dựng đất nước sau thời kỳ chiến tranh. Thông thường các cuộc họp do xã hoặc huyện triệu tập Bá thường cử anh Hiền thay mặt tổ thông tin đi dự vì “chú Hiền có trình độ tiếp thu, ghi chép đầy đủ để về phổ biến cho nhân dân nghe “.
Từ hai hôm trước, người ta đã đồn đại là trong cuộc họp này chủ tịch huyện đích thân làm chủ toạ và diễn thuyết, hẳn có nhiều điều hệ trọng. Cho nên từ sáng sớm cán bộ các chòm các thôn đã gọi nhau í ới, vui như trẩy hội. Cả hội trường chật ních người, phải ngồi tràn cả ra thềm. Sau lời giới thiệu của chủ tịch xã, ông chủ tịch huyện đứng lên:
“Thưa toàn thể các đồng chí đảng viên và các đồng chí cán bộ. Ngồi dự hội nghị ở đây là những thành phần cốt cán của xã ta, cho nên tôi nói hết, tôi không giấu giếm một chút gì. Những điều tôi nói toàn là những vấn đề lạc quan cách mạng. Các đồng chí nghe rất sướng tai. Để mở đầu sự lạc quan này, tôi đề nghị các đồng chí vỗ tay hoan hô…”
Cả hội trường nổ ra tiếng vỗ tay và tiếng “Hoan hô… Hoan hô… Hoan hô…” vang dội. Đồng chí chủ tịch giơ cánh tay phải. Hội trường im lặng.
“Chúng ta, toàn dân tộc ta, toàn giai cấp ta, toàn Đảng ta đã lạc quan đánh giặc thắng lợi, bắt địch phải kí với ta hiệp định Genève. Như thế là kẻ địch đã phải công nhận chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là một chính phủ đàng hoàng đứng ngang hàng với tất cả các chính phủ trên thế giới. Lạc quan đánh giặc xong, chính phủ ta, Đảng ta, toàn dân tộc ta, toàn giai cấp ta lại lạc quan xây dựng đất nước không kém gì các cường quốc trên thế giới…”
Mọi người nghển cổ như bị hút vào đồng chí chủ tịch. Thấy gương mặt cử toạ đầy hưng phấn, đồng chí chủ tịch ngừng lại vài phút, rồi tiếp tục:
“Chắc các đồng chí nóng ruột chờ đợi những điều lạc quan tôi phổ biến… Yên chí… Việc gì đến sẽ đến, không phải sốt ruột gì cả… Tôi đề nghị các đồng chí vỗ tay hoan hô để đón nhận những điều lạc quan Cách mạng”.
Cả hội trường lại vỗ tay hoan hô như sấm dậy.
Đồng chí chủ tịch nuốt nước bọt cái ực, giơ cao cánh tay. Hội trường im lặng. Đồng chí nói dài lắm, nhưng có ba điều rất lạc quan, ai cũng nhớ nhập tâm.
“… Bệnh viện Diễn Châu hiện nay sẽ phá sạch sành sạch, phá sạch không còn một dấu vết gì của nghèo nàn lac hậu. Ta sẽ xây dựng một bệnh viện khác gồm nhiều toà nhà mười tầng, mười lăm tầng, trang bị đầy đủ các loại máy khám chữa bệnh cực kỳ hiện đại. Người nào đau ốm bất kỳ ở làng nào, xóm nào, xó xỉnh nào chỉ cần a lô một tiếng là có đường dây đưa ngay tức khắc tới bệnh viện, chứ không làm cái cáng người bệnh từ nhà tới. Cáng võng, đòn võng, dây dợ lằng nhằng vứt sạch, không còn một chút tì vết của nghèo nàn lạc hậu. Tôi chỉ nói một việc thôi, một việc đủ làm các đồng chí kinh ngạc giật nảy người. Các đồng chí có biết việc gì không? Riêng một cái giường của bệnh nhân trị giá tới 9000 đồng. Các đồng chí ngạc nhiên à? Không ngạc nhiên gì cả. Một cái giường bệnh nhân trị giá 9000 đồng. Bệnh nhân nằm trên đó, ăn trên đó, ỉa trên đó… Tất cả đều do máy móc điều khiển…”
“… Thị trấn Diễn Châu hiện nay sẽ phá sạch sành sanh, phá sạch không còn một dấu vết gì của nghèo nàn lạc hậu. Ta sẽ xây dựng một thành phố Diễn Châu to bằng thành phố Mạc Tư Khoa. Liên Xô sẽ giúp ta xây dựng. Thành phố mở rộng phía Tây lên tận lèn Hai Vai, phía Nam đến tận đền Công, phía Bắc đến tận cầu Bùng, phía Đông đến tận mép biển. Đường kẻ ô vuông như bàn cờ. Ô tô chạy như cua bò. Người ra khỏi cửa là lên ô tô, không phải đi bộ một bước. Muốn đi xem xi-nê có ô tô đưa đi. Muốn đi xem tuồng xem chèo có ô tô đưa đi. Muốn đi tắm biển có ô tô đưa đi. Muốn đi dạo mát có ô tô đưa đi…”
“… Nhà của ta ở hiện nay sẽ phá sạch sành sanh, phá sạch không còn một dấu vết gì của nghèo nàn lạc hậu. Tất cả mọi nhà đều xây thành nhà cao tầng. Từ nhà đi ra đồng có ô tô đưa đi. Làm ruộng mệt mỏi thì ngừng tay xem xi-nê… Tôi nói một việc này các đồng chí sẽ vô cùng ngạc nhiên. Các đồng chí có biết việc gì không? Mỗi gia đình trung nông sẽ giàu hơn tài sản thằng Bảo Đại… Tài sản thằng Bảo Đại sẽ thua kém tài sản một trung nông…”
Đồng chí chủ tịch diễn thuyết một cách say sưa, bỗng dừng lại đột ngột:
“Các đồng chí nghe có sướng tai không?”
Mọi người đồng thanh:
“Sướng tai lắm. Đồng chí cứ nói tiếp đi!”
Chủ tịch huyện nói say sưa quá và giơ hai tay choán cả vị trí chủ tịch xã hiện đang điều khiển cuộc họp. Chủ tịch huyện hăng hái làm luôn cả nhiệm vụ chủ toạ:
“Ai có ý kiến gì không?... Không ai có ý kiến gì à?... A, đồng chí Hiền! Chắc đồng chí có nhiều ý kiến hay, nói cho mọi người cùng nghe. Đồng chí Hiền hãy lên tiếng…”
Bị áp đặt một cách gay gắt, anh Hiền đứng dậy:
“Tôi chỉ sợ là đồng chí chủ tịch đem đến cho cử toạ một sự lạc quan tếu chứ không phải lạc quan cách mạng.”
Cả hội trường cười ồ lên. Chủ tịch huyện giơ cao cánh tay, nói như búa bổ:
“Lạc quan tếu là thế nào? Xem chừng tinh thần lạc quan cách mạng của đồng chí đã sa sút rồi đấy. Hồi đầu ta chỉ có gậy tầm vông, bom ba càng mà đánh thắng thằng đế quốc mạnh nhất toàn cầu. Bây giờ ta lại không dùng cày chìa vôi mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được à! Đồng chí thấy thế nào, đồng chí Hiền? Lạc quan tếu hay lạc quan cách mạng, đồng chí cho ý kiến.”
Anh Hiền hơi mỉm cười:
“Không…”
Chủ tịch huyện lại dõng dạc lên tiếng:
“Không à! Không là thế nào! Hơn lúc nào hết chúng ta phải rèn luyện ý chí, nắm chắc cày chìa vôi mà xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng chí Hiền có nhớ mười năm trước đồng chí oai phong ngồi trên mình ngựa cũng chỉ có một thanh kiếm, thế mà đồng chí cũng dám chọi nhau với thằng địch có đủ máy bay, xe tăng đại bác. Bây giờ đồng chí không dám cầm cày chìa vôi để xây dựng chủ nghĩa xã hội à! Đồng chí hãy xem lại cái tinh thần lạc quan cách mạng của đồng chí còn giữ được nữa không? Thế nào, đồng chí Hiền, đồng chí có ý kiến gì không?”
Anh Hiền lại nhếch mép:
“Không…”
*
Nhập nhoạng tối. Tiếng loa gióng giả từ đầu làng đến cuối xóm: “Alô! Alô! Ăn cơm xong mời toàn thể đồng bào tập trung tại nhà thờ đại tôn để nghe đồng chí bí thư Đảng uỷ xã phổ biến nhiều vấn đề quan trọng. Alô! Alô!” Tất cả các tổ viên tổ thông tin phân công nhau đến các cổng xóm để “alô”. Đứa nào cũng tìm vị trí cao để alô cho nhiều người nghe. Đứa thì trèo lên cây ổi. Đứa trèo lên cây phượng. Đứa thì trèo lên bức tường… Tiếng “alô” từ đầu kia đến, từ đầu này lại, đan nhau, oang oang chói tai. Đồng chí bí thư Đảng ủy về nói chuyện chứ đâu phải chuyện thường. Các gia đình vội vã sắp bát đũa ăn tối để kịp giờ đi họp.
Đèn đỏ một chốc, nhà thờ đã đông chật người. Trời rét. Ngồi chen chúc nhau. Các bà già nhai trầu. Các cô gái mỗi người rang một ít thóc bỏ vào túi để cắn chắt. Các ông cao tuổi và thanh niên truyền nhau điếu thuốc lào, tiếng điếu kêu sòng sọc. Sau mỗi buổi họp, nền nhà thờ vương văi nước trầu, bã trầu, vỏ thóc, tàn đóm, ông từ vừa quét dọn vừa càu nhàu: “Càng họp nhiều càng khổ dân đen”.
Trong khi chờ đợi, tiếng trò chuyện ồn ào hoà lẫn với tiếng cắn thóc rang lách tách, tiếng trai gái đùa cợt hoà lẫn tiếng rít điếu thuốc lào. Khói thuốc bay mù cả ba gian nhà. Mấy cụ già hớp phải khói ho sặc sụa… Đồng chí bí thư đã lên rồi kìa! Đồng chí đến muộn vì chiều nay phải dự ba cuộc họp bàn an ninh thôn xóm về việc bà Bửu mất con gà mái đẻ và về việc một tuần đinh ngủ với bà bắt cáy giữa đồng. Vừa bước chân vào hội trường chưa kịp chào hỏi bà con, đồng chí diễn thuyết ngay vì sau cuộc diễn thuyết này đồng chí còn phải dự một cuộc họp bàn về chống âm mưu của kẻ địch trong hoà bình.
“… Tình nghĩa quốc tế của các nước xã hội chủ nghĩa anh em vô cùng cao cả, muốn xoá bỏ cái nghèo nàn lạc hậu đến tận gốc ta phải dựa vào các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Các nước xã hội chủ nghĩa anh em cũng xắn hai ống tay áo giúp ta xoá bỏ cái ngoèn nàn lạc hậu…”
Mấy cô, mấy cậu bịt miệng cười phì phì vì đồng chí bí thư nói ngọng “nghèo nàn” thành “ngoèn nàn”. Một cán bộ đứng dậy “Xì…xì …” để ngăn những tiếng cười bất nhã.
“… Đảng, chính phủ nhân dân Cu Ba xung phong xây cho ta một con đường ngầm to chứ không phải nhỏ như cái cống nước. Con đường ngầm ô tô chạy được, hoả xa chạy được, xe tăng chạy được. Trên đường ngầm nhân dân ta cứ đi lại, cày bừa cấy hái như thường. Như thế là một mũi tên bắn trúng hai đích, đích thứ nhất là bảo đảm bí mật quân sự, đích thứ hai là xoá được cái nghèo nàn, xoá được lạc hậu. Tại sao làm đường hầm mà xoá được cái ngoèn nàn lạc hậu…”
Đồng chí biết mình phát âm ngọng nên cố tránh tiếng nghèo nhưng lại thích dùng cụm từ “xoá nghèo nàn lạc hậu” cho nên lại cứ phải nói “ngoèn nàn lạc hậu” tiếng cười phì phì lại nổi lên.
“… Làm đường ngầm tiết kiệm được diện tích canh tác. Ta có đường đi đàng hoàng mà không mất diện tích canh tác. Nhưng ta thấy Đảng, chính phủ nhân dân Cu Ba mới giành được chính quyền đất nước còn nghèo nên ta không nhận. Ta cảm ơn tấm lòng quốc tế vô sản của Đảng, chính phủ nhân dân Cu Ba...”
“Thằng Pháp cũng giở giọng ủng hộ ta mười lăm tỷ đô la nhưng ta không thèm nhận. Ta không thèm chìa tay nhận của quân đế quốc. Thằng Pháp vừa bị Đảng, chính phủ, quân đội nhân dân ta đánh cho thua liểng xiểng, chúng âm mưu quay lại ve vuốt ta hòng đặt ách cai trị lên vai lên cổ ta một lần nữa. Ta phải cảnh giác thằng đế quốc. Tự hai bàn tay trắng ta phải xoá cái nghèo… xóa lạc hậu… xoá cái nghèo nàn lạc hậu”.
“… Còn cái lèn Hai Vai sờ sờ ra đó ngứa mắt, ngứa mắt. Đảng, chính phủ ta sẽ xây một nhà máy xi măng, vài mươi năm sau đá nung xi măng sẽ hết sạch sành sanh. Lúc đó mọi người đã xây xong nhà ngói, đá cũng vừa hết hòn lèn không còn nữa ta có thêm mấy trăm mẫu đất để sản xuất góp phần đắc lực vào công cuộc xoá nghèo nàn lạc hậu…”
“Đồng ruộng ta phẳng lì thẳng cánh cò bay. Cày bừa cuốc xẻng chồng lại một đống mà đốt, ta dùng toàn máy cày, máy bừa, máy cấy, ta dùng toàn máy móc hiện đại. Các ông không phải cầm cái cày đi theo con trâu, các bà không phải cúi gập lưng cắm mặt xuống bùn. Khắp cả cánh đồng máy chạy như cua bò …”
Vừa hưng phấn vừa vội vàng, đồng chí bí thư nói một mạch, rồi “báo cáo với đồng bào’’ đi dự cuộc họp khác. Dư âm của bài diễn thuyết đầy lạc quan còn níu bà con lại bàn tán:
“Úp mặt mãi xuống đất đã có lúc ngẩng mặt lên trời”.
“Tôi mong nhà nước xây dựng nhà máy xi măng càng sớm càng hay để tôi xây lại nhà, thoát khỏi cái nhà tranh cứ hơi mưa là dột ướt hết cả giường chiếu”.
“Bà Hoe nhà tôi mà đi nghe ông bí thư nói hôm nay thì sướng lắm, thương bà ấy quanh năm mặc áo rách lội bùn”.
“Ôi trời ơi mẹ đĩ nhà tôi mà được ngồi lên máy cày máy bừa thì oai phong lẫm liệt như bà Trưng cưỡi voi ra trận”.
“A! Chú Hiền đến rồi im tiếng thế? Chú Hiền đánh giặc xong về quê lúc này là đúng lúc. Hồi trước chú cưỡi ngựa bây giờ chú lại cươĩ máy cày, lúc nào chú cũng sướng”.
“Chú Hiền đâu rồi. Im tiếng thế. Chú làm thông tin thì chú phải nói cho bà con biết mọi việc để bà con còn phấn khởi”.
Anh Hiền đang cuộn điếu thuốc lá ngồi dựa cột:
“Có tôi đây. Thưa thật với bà con là tôi làm thông tin tôi không dám nói như đồng chí bí thư Đảng ủy”.
“Tại sao?”
“Tại sao thế?”
“Chú nói cho bọn tôi nghe. Chú đi nhiều, hiểu biết nhiều, chú phải nói cho bà con nghe chứ”.
Anh Hiền ngừng tay cuộn thuốc lá, nói chậm rãi:
“Đồng chí bí thư nói Pháp muốn ủng hộ ta mười lăm tỷ đô la tôi không tin. Nói một tỷ đô la tôi có thể tin được, tạm tin được… Đồng chí bí thư nói Cu Ba xung phong làm cho ta một con đường ngầm từ Hà Nội vào Vĩnh Linh cho ô tô xe tăng tàu hoả chạy tôi cũng không tin. Liên Xô giành chính quyền hơn bốn chục năm rồi mà cũng chỉ làm được đường ngầm cho tàu điện chạy loanh quanh trong Mạc Tư Khoa… Đồng chí bí thư nói vài chục năm nữa phá sạch lèn Hai Vai để lấy đất canh tác tôi cũng không tin. Phần nổi của lèn Hai Vai nếu phá hết thì phần chìm của nó phải đến hàng mấy chục đời may ra mới lấy hết đá…”
“Có khi chú Hiền nói đúng”.
“Chú cứ nói nữa đi.”
“Chú nói tiếp đi, chú hiểu biết nhiều hơn. Bà con làng ta chỉ loanh quanh ra đồng rồi vô bếp.”
Anh Hiền rít một hơi thuốc lá, dụi mẩu thuốc xuống đất:
“Thôi… tôi xin nói thế là đủ rồi. Lần trước họp trên xã tôi chỉ nói trái ý ông chủ tịch huyện một câu bị ông ấy ốp cho một trận trước mặt mọi người… Tôi chỉ sợ là các ông cấp trên tếu quá đáng chứ không phải là lạc quan cách mạng.”
Những sự va chạm giữa anh Hiền với cấp lãnh dạo cứ lặp đi lặp lại tuy chẳng có lần nào anh to tiếng. Thậm chí hễ thấy cấp trên hơi nóng mặt là anh im lặng rút lui nhưng cũng không khỏi làm cho cấp trên khó chịu.
Chiều hôm ấy đi tát nước về Bá gặp anh Hiền “nhờ chú viết cho mấy khẩu hiệu thật đẹp ở bảng tin cổng xóm Nam, xóm Tây, xóm Bắc. Lần này không viết tin mà viết ba câu khẩu hiệu thật to”. Anh hí hửng viết bằng son đỏ nắn nót từng nét chữ đến nhập nhoạng tối thì xong. Ba tấm bảng quét vôi trắng toát nổi bật màu son đỏ ba câu khẩu hiệu: “Cương quyết tấn công vào nghèo nàn lạc hậu.”
Sáng hôm sau bà con ra đồng làm việc đến dừng lại trước tấm bảng. Nhưng rất buồn cười, đứa nào nghịch ngợm sửa lại câu khẩu hiệu ở cổng xóm Bắc: “Cương quyết tấn công vào ngoèn nàn lạc hậu”. Bí thư chi bộ biết tin này lập tức bắt tổ thông tin quét vôi xoá trắng hoàn toàn. Và ngay tối hôm đó tổ thông tin họp có bí thư chi bộ dự, kiểm điểm gay gắt anh Hiền. Bá nói: “ Chiều qua tôi đã thấy chú Hiền viết nghèo nàn lạc hậu. Chắc là có đứa nào đó nó nghịch dùng bút son sửa lại”. Những tổ viên khác cũng có ý kiến tương tự như Bá, nhưng bí thư chi bộ cứ gò vào buộc anh Hiền phải nhận là “ý thức trách nhiệm kém”, “có ý xỏ xiên đồng chí bí thư huyện uỷ xã”, “có ý đồ gì đằng sau”. Anh Hiền không chịu nhận…
Mấy ngày sau Bá được Đảng uỷ gọi lên và bảo “Từ nay không để đồng chí Hiền hoạt động trong tổ thông tin nữa”. Bá nói lại: “Đảng uỷ không cho chú Hiền làm thông tin nữa là quyền của Đảng uỷ, tôi chẳng thấy chú Hiền sai gì cả. Tôi phân công việc gì làm chú cũng làm đầy đủ, còn câu khẩu hiệu viết ngoèn nàn lạc hậu là do đứa nào đùa nghịch chứ không phải chú Hiền xỏ xiên hoặc có ý đồ gì đằng sau, cũng chẳng phải âm mưu địch xúi giục chú Hiền như có người quy kết”. Bá vắt áo lên vai phăm phăm ra về.
Tưởng là “dứt bỏ đường công danh”, vui thú điền viên tham gia việc làng việc xóm cho vui, đến bây giờ anh mới nhận thức ra rằng việc làng việc xóm cũng là việc xã hội, mà làm “việc xã hội” là thế nào cũng bị va chạm, xô xát. Anh hoàn toàn giành thì giờ lo việc gia đình nhưng vẫn bị Đảng uỷ để ý, cho là “phần tử bất mãn”, là “cố ý chống đối”… Thì ra cái “cọng rêu dưới đáy ao” mà anh tưởng là “yên thân” như các nhà nho ngày trước, có ngờ đâu cái cọng rêu ấy trong thời buổi này cũng phải đối mặt với mọi biến động của xã hội.
I II III
4/7/07
Cọng rêu dưới đáy ao (I) - Võ Văn Trực
Văn xuôi : 01.07.2007
Võ Văn Trực
Cọng rêu dưới đáy ao
Trong hai năm, Võ Văn Trực, vốn được biết đến như một nhà thơ, liên tiếp ra hai cuốn tiểu thuyết tạo ra những xôn xao lớn trong giới văn chương Việt Nam. Sau Vết sẹo và cái đầu hói (2006), Cọng rêu dưới đáy ao mà chúng tôi giới thiệu kỳ này tiếp tục “được” hưởng một số phận về xuất bản đầy cam go ngay từ khi mới xuất hiện: bị chính NXB quyết định thu hồi sau khi phát hành được gần 1 tháng.
talawas chủ nhật
Võ Văn Trực
Cọng rêu dưới đáy ao
I II III
I. Bóng ngựa phi
Cha mẹ đặt tên anh là Toàn. Sau Cách mạng Tháng tám, chính quyền thôn thấy trong làng có một người nữa tên là Toàn, nên đổi tên anh thành Hiền. Anh thích lắm: được chính quyền cách mạng đặt tên! Gặp người bạn nào anh cũng nói “uỷ ban cách mạng đặt tên tao là Hiền. Từ nay mày đừng gọi tên tao là Toàn mà gọi là Hiền’’. Nhưng một số người cứ quen gọi anh là Toàn. Anh tỏ ý không bằng lòng. Có người đứng từ xa gọi “Toàn ơi! Toàn ơi!’’, anh không trả lời. Chợt hiểu ra, gọi “Hiền ơi!”, anh mới quay lại: “có Hiền đây! Có Hiền đây!”
Năm ấy anh mười tám tuổi. Cả làng đói lăn chiêng. Ai cũng lo đi kiếm miếng ăn hàng ngày. Thế mà bỗng nhiên anh đi biền biệt suốt nửa tháng trời, đêm không ngủ ở nhà. Thỉnh thoảng anh mới về nhà lấy cái quần cái áo, rồi lại đi ngay. Tôi hỏi anh đi đâu, anh không trả lời. Cha mẹ tôi nói với tôi: “Anh đi công việc của anh, con hỏi làm gì. Con đừng nói cho ai biết là anh đi suốt ngày suốt đêm”. Tôi linh cảm thấy có một điều gì hệ trọng.
Một buổi sáng, tôi đang ngủ, mẹ gọi dậy: “Xí ơi! Dậy nhanh đi con! Ra nhà thờ đại tôn nghe bác Chắt Kế hiểu thị!” Tôi chẳng biết “hiểu thị” là gì, nhưng tôi cũng cảm nhận được đây là việc quan trọng. Tôi vùng dậy, chạy ra, thấy người đã đứng đầy cả sân nhà thờ. Chừng hai chục thanh niên sắp hàng ngay dưới gốc cây phượng, một tay cầm dao một tay cầm cờ đỏ sao vàng. Tôi chăm chú nhìn anh Hiền cũng đứng trong đó. Người tôi run lên sung sướng. Một cảm giác thiêng liêng kỳ lạ ập đến choán hết cả tâm trí tôi. Trời, anh Hiền! Anh cũng đi theo bác Chắt Kế làm cách mạng, đuổi Pháp đuổi Nhật, giành độc lập cho đất nước!
Sau khi diễn thuyết, bác Chắt Kế trao cho anh Hiền và anh Tòng lá cờ to. Anh Tòng trèo rất nhanh, cắm lá cờ lên ngọn cây phượng. Anh Hiền cầm dao đứng gác dưới gốc cây.
Dân làng reo lên. Đôi mắt tôi dõi theo anh. Và tôi khóc. Tôi cố mím chặt môi, nhưng nước mắt cứ trào ra… Tiếp sau đó, bác Chắt Kế dẫn đoàn thanh niên đi cắm cờ khắp các làng trong huyện. Tiếng trống nổi lên từ làng này đến làng khác. Cờ đỏ mọc lên từ làng này đến làng khác. Cả người tôi như bồng bềnh trong tiếng trống, tiếng reo hò, trong màu cờ đỏ lựng. Còn gì sung sướng hơn khi được biết anh trai mình theo bác Chắt Kế làm cách mạng.
Gần một năm sau, anh gia nhập quân địa phương huyện. Cả huyện Diễn Châu lúc ấy chỉ có một trung đội. Vì được học ít nhiều chữ quốc ngữ và chữ Tây, nên anh được cấp trên chỉ định làm trung đội trưởng. Cả Huyện đội có hai con ngựa: huyện đội trưởng Cao Xuân Khuê sử dụng một con, anh Hiền sử dụng một con. Trong những cuộc biểu tình trên huyện, nhân dân đứng hai bên đường quốc lộ, ông Cao Xuân Khuê cưỡi ngựa và mang gươm bên hông, đi đi lại lại trên đường, trông rất oai vệ. Đầu ông đội mũ nồi, một tay giơ lên, một tay cầm dây cương. Thỉnh thoảng ông lại giật cương, con ngựa ngẩng đầu và dựng tung bờm. Nhân dân kính cẩn đứng dẹp vào sát vệ đường. Anh Hiền không được cưỡi ngựa đi dọc đoàn biểu tình, mà chỉ được cưỡi ngựa đi lại trước hàng quân. Người làng tôi chỉ trỏ và xì xào: “Ông Khuê làng cấp chỉ huy to nhất huyện. Chú Hiền đứng hàng thứ hai. Làng ta có chú Hiền cũng là vinh dự lắm rồi’’.
Thỉnh thoảng Huyện đội tổ chức tập trận giả. Vũ khí chiến đấu là một cây tre dài chừng ba mét, một đầu đập xơ ra và tẩm bùn. “Kẻ địch” bị đâm thì trên tay áo có dấu bùn, xem như đã chết, không được tiếp tục tham chiến nữa. ác liệt nhất là lúc xáp lá cà, hai bên cầm cành tre đâm nhau, bùn bắn tung toé, có người bị bùn bắn vào mắt, đành phải ôm mặt chạy về.
Những cuộc tập trận giả như thế thường được tổ chức trong toàn huyện. Anh Hiền phi ngựa từ làng này qua làng khác như con thoi để kiểm tra trận địa.
Cuộc tập trận giả năm ấy tổ chức vào đúng mùng ba tết Nguyên đán. Dân quân trong toàn huyện mang vũ khí và bánh tét ra trận. Anh Hiền đang phi ngựa trên đường số bảy, gần đến lên Hai Vai, thì có một ông cụ từ Đan Trung chạy ra, đứng ngáng ngang đường. Anh dừng ngựa. Cụ già vừa chắp tay vái vừa nói như thét vào mặt: “Thưa với ông đội! Trăm nghìn lạy ông đội! Quân hai bên đang đánh nhau trên đồi hung dữ lắm. Hai bên đánh xáp lá cà. Có người gãy tay. Không bên nào chịu bên nào. Trăm nghìn lạy ông đội lên bảo hai bên lui quân. Nếu trận đánh kéo dài, bị thương nhiều không có người cày cấy”. Nghe xong anh Hiền liền cho ngựa phi về phía Đan Trung, xông thẳng vào trận địa. Ngựa phi lên đỉnh đồi. Anh ngồi lẫm liệt trên mình ngựa, hai tay cầm hai lá cờ đuôi nheo, dõng dạc ra lệnh: “Mệnh lệnh quân sự! Hai bên rút quân về hai phía chân đồi, không được đánh nhau nữa! Tất cả đều phải theo lệnh tôi!” Thế là trận đánh ngừng lại. Anh buông dây cương, cho ngựa đi thong dong từ bên này sang bên kia đồi.
Mấy chú dân quân làng Hậu Luật cậy thế anh Hiền là người làng mình, chạy tới:
“Chú Hiền ơi! Chúng tôi đã rút rồi, mà bên địch không cho rút.”
Anh Hiền nghiêm nét mặt:
“Việc quân sự, không chú cháu gì ở đây cả! Tất cả phải theo lệnh của tôi, về vị trí ngay tức khắc!”
Mấy chú dân quân đành rút lui, bàn tán: “Hàng ngày trông chú hiền thế, mà lúc chỉ huy cũng hắc ra phết”.
Không có ô tô đã đành, nhưng đến cái xe đạp cũng không có, đi đâu anh cũng dùng ngựa. Cưỡi ngựa trông lại oai vệ hơn đi xe. Mỗi lần anh về làng, bà con đang làm đồng cũng nhìn theo. Lũ trẻ con hễ thấy bóng ngựa trên đường số bảy là rủ nhau chạy ùa ra: “Ngựa chú Hiền đã về! Ngựa chú Hiền đã về!” Rồi chúng chạy theo ngựa về đến tận nhà tôi. Chúng xúm xít quanh con ngựa, tìm các thứ cho nó ăn: đứa thì vốc một nắm cám, đứa thì xúc một bát thóc lép…
Có lần lợi dụng lúc anh Hiền đang trò chuyện với bà con hàng xóm, lũ trẻ thách nhau cưỡi lên bành ngựa. Lúc đã cưỡi được rồi thì thách nhau phi ngựa. Không đứa nào dám phi cả. Bị nhiều đứa kích dữ quá, thằng Bá bặm môi, nhảy lên lưng ngựa, điều khiển cho ngựa phi ra đường quốc lộ. Lũ trẻ đứa thì reo hò khoái chí, đứa đứng im sợ tái xanh mặt, đứa lại hét toáng lên: “Đừng có liều mạng! Xuống ngay, Bá ơi!” Con ngựa thông minh dường như biết người ngồi trên lưng mình là một chú nhóc ngu ngơ nghịch ngợm, hắn bèn chơi khăm bằng cách nhảy cẫng lên. Thằng Bá sợ tái mặt, nhưng lại cố làm ra vẻ “tao rất dũng cảm”. Bá bặm môi, tay nắm chặt dây cương, hai chân lớ ngớ tìm cái bàn đạp. Con ngựa càng biết thằng nhóc con lần đầu tiên ngồi trên lưng mình càng chơi khăm hơn. Hắn co chân, dựng bờm, nhảy cẫng thật cao. Bá lúng túng sợ hãi nhưng vẫn cố hét toáng lên: “Tao không sợ! Tao không sợ!” Bá ngồi xiêu bên này xiêu bên kia, lao người ra phía trước, ngửa người ra phía sau. Trong chốc lát, bành ngựa rơi hẳn ra một bên… Lũ trẻ chỉ còn một vài thằng reo hò, còn tất cả bắt đầu hốt hoảng. Tôi cuống quýt đi tìm anh Hiền. Anh không kịp lồng chân vào giày, chạy ra. Con ngựa thấy ông chủ thân yêu của mình, bèn đứng im, ngoan ngoãn đi theo ông chủ về đến tận ngõ.
Thằng Bá chạy biến mất. Con ngựa lại hiền từ lim dim đôi mắt nhìn lũ trẻ như muốn nói một lời thân ái: “Phận sự của tôi là đưa ông Hiền đi lo việc quân việc nước, chứ không phải để cho các chú nghịch. Từ nay các chú đừng có đụng vào tôi”.
Chuyện thằng Bá dám liều lĩnh phi ngựa chỉ chốc lát đã loan khắp làng. Các bậc cha mẹ dặn con cái không được nghịch liều như thằng Bá.
Từ hôm ấy mỗi lần anh Hiền phi ngựa về làng, lũ trẻ chỉ dám đứng quanh để xem, chứ không đứa nào dám mó tay vào. Nhưng lúc rong trâu ra đồng, chúng thi nhau trèo lên lưng trâu rồi đánh cho trâu chạy như ngựa. Trâu đứa nào chạy trước là thắng cuộc, và con trâu đó được phong là “tuấn mã”. Không hiểu một bài đồng dao hình thành từ lúc nào mà mỗi lần thúc trâu chạy thì lũ trẻ lại đồng thanh hát:
Nhông nhông ngựa ông đã về
Mang rổ mang mê
Mà đi xúc cám
Bưng ra đầu trạm
Cho ngựa ông ăn
Ngựa ông béo năn
Ngựa ông béo nỉ
Đi đánh giặc quỷ
Đi đánh giặc tây
Ngựa ông béo quay
Ngựa ông béo quắt
Ngựa ông sáng mắt
Ngựa ông sáng tai
Ngựa lớn một
Ngựa lớn hai
Ông Hiền tốt
Ông Hiền tài
Ông đi đánh giặc
Tặc tặc tặc
Nhông nhông ngựa ông đã về …
II. Bạn bè cùng lứa tuổi
Bạn bè trong làng cùng lứa tuổi với anh hồi ấy có mấy người chơi thân với nhau: anh Lộc, anh Huân, anh Hối. Lúc nhỏ các anh được cắp sách đến trường học chữ quốc ngữ, chữ Pháp và một ít chữ Hán. Cho nên khi bác Chắt Kế đại diện cho phong trào Việt Minh về tổ chức cướp chính quyền có gọi các anh vào “Hội kín” để chuẩn bị cho ngày tổng khởi nghĩa trong toàn huyện. Bác giao cho mỗi anh một việc quan trọng. Anh Hiền đứng gác cho anh Tòng trèo lên cây phượng trước nhà thờ đại tôn cắm ngọn cờ đỏ sao vàng. Anh Lộc cầm cây mác đứng bên cạnh bác. Anh Huân dẫn đầu đội thanh niên vũ trang. Anh Hối cầm một tập giấy, thỉnh thoảng lại giở ra xem rồi gấp lại… Dân làng nhìn các anh với con mắt đầy kính phục, và gọi các anh là “người của bác Chắt Kế”. Hễ đi qua ngõ nhà ai, các anh cũng được mời vào ăn củ khoai luộc hoặc bát cơm nếp. Những gia đình được các anh cùng ngồi ăn cảm thấy thích thú và có phần vinh dự. Mấy thằng bạn nhỏ cùng xóm thường chơi với tôi, thỉnh thoảng lại gặp nhau khoe:
“Tối qua bác Chắt Kế với anh Lộc ăn cơm ở nhà tao”.
“Trưa nay chú Hiền với anh Huân ăn khoai ở nhà tao”.
“Hôm nhà tao cúng giỗ, mẹ tao mời bác Chắt Kế với cả bốn anh Hiền, anh Lộc, anh Huân, anh Hối đến uống rượu. Uống xong còn ngủ ở nhà tao”.
Tình yêu thương, kính nể của bà con làng xóm bao bọc các anh như kén bọc tằm. Những ngày tháng sau khi cướp chính quyền chẳng mấy khi các anh ở nhà, càng rất ít khi ăn cơm ở nhà mình. Chỉ riêng anh Huân là chưa lấy vợ. Còn ba anh Lộc, Hối, Hiền đã cưới vợ từ khi mười bảy mười tám tuổi. Nhưng đêm nào các anh cũng ngủ chung với nhau. Lúc thì ngủ ở nhà này, lúc thì ngủ ở nhà khác. Có đêm còn ngủ tập trung với dân quân, tự vệ. Mấy bà vợ ngủ một mình ở nhà, chẳng trách móc gì chồng. Trong các buổi họp chòm xóm, mấy bà chụm đầu nhau trò chuyện: “Các ông ấy là người của xã hội. Xã hội nuôi cho ăn thì phải lo công việc của xã hội”.
Trước kia, anh Hiền thường ở nhà dạy cho tôi học. Lúc rỗi rãi, hai anh em cùng ngồi dán diều hoặc gọt sáo diều. Mấy tháng nay anh đi biền biệt. Tôi cũng đi biền biệt. Chiếc giường tre hai anh em thường nằm ngủ bây giờ bỏ không. Anh thì đi ngủ tập trung với dân quân. Một hôm, tôi rủ thằng Bá, thằng Dần vào nhà tôi ngủ. Quá nửa đêm, bốn anh đi đâu về, lục sục luộc khoai ăn với cà muối, vừa ăn vừa thì thào nói chuyện. Tôi tỉnh giấc. Loáng thoáng nghe các anh nhắc đến tên tôi, tôi càng chăm chú lắng nghe:
“Thằng Dần choắt người, cho đi làm liên lạc. Choắt người càng dễ chui lủi”.
“Thằng Bá gan cóc tía, cho đi làm tình báo. Không may bị giặc bắt, đánh đập mấy nó cũng không khai”.
“Còn thằng Xí?”
“Thằng Xí lầm lì ít nói, kín mồm kín miệng,cũng là thằng gan cóc tía, cho vào đội quân báo”.
“Thằng Xí có học, giỏi chữ nghĩa, cho nó làm thư ký của Bộ chỉ huy”.
Được các anh nhắc đến tên Xí, cân nhắc Xí làm công này việc nọ, tôi mừng run cả người. Thế là tôi nằm thức cho đến sáng, chờ đợi các anh giao cho làm một công tác cách mạng gì đó…
*
Chỉ mấy ngày sau khi cắm ngọn cờ đỏ sao vàng trên cây phượng nhà thờ đại tôn, chính quyền ra lệnh “triệt để chống mê tín dị đoan, xây dựng đời sống mới”.
Công việc đầu tiên chống mê tín dị đoan là bắt ông thầy bói ở chợ Mới cùm trước cổng làng. Nghe nói thầy bói này quê ở Trung Hậu, mù cả hai mắt từ khi lọt lòng mẹ, không vợ con. Từ nhỏ cho đến nay đã ngoài năm mươi tuổi chuyên kiếm ăn bằng nghề bói toán. Ông đến ngồi ở chợ Mới gần mười năm rồi. Ngày thì xem bói. Đêm thì ngủ trong lều chợ. Phiên chợ nào các bà cũng xúm xít vòng trong vòng ngoài, nhờ thầy xem số… Chính quyền ra lệnh cho hai dân quân ra chợ bắt ông kéo về cổng làng, cùm hai chân bằng cùm gỗ. Hai ngày sau, ông đói lả người, bà Thân thương tình đem cơm nguội cho ông ăn. Ông cảm ơn bằng cách xem cho bà một quẻ. Chú dân quân phát hiện được, báo cho chính quyền. Chính quyền ra lệnh bắt cùm cả bà Thân về cái tội “chống chính sách xây dựng đời sống mới” của chính phủ. Thế là ở cái cùm đầu làng cùm chân một ông thầy bói và một bà già. Trông rất buồn cười. Nhiều người đi qua, thấy một ông già một bà già bị cùm gần nhau, bịt miệng phì cười. Bọn trẻ chúng tôi mỗi buổi chiều rong trâu về lại hát nghêu ngao:
Ông già cùm với bà già
Mắt lườm tình tứ thật là xứng đôi
Cơm hẩm ăn với thịt ôi
Nuốt vô khỏi cổ bụng sôi ầm ầm.
Công việc thứ hai “chống mê tín dị đoan” là phá đền ông Lãnh. Ngôi đền nằm trên cồn đất rộng chừng ba sào đất, cây cối um tùm, thân u và linh thiêng. Nghe các cụ truyền lại rằng:
Một nho sĩ nghèo gánh lều chõng đi thi, đến đây bị ốm nặng. Dân làng nấu cháo cho ăn và chăm lo thuốc men nhưng ông không qua khỏi. Trước khi tắt thở, ông nói: “Bà con đã thương ta, tận tình chăm sóc ta, nhưng số ta đến đây là tận. Ta mang ơn bà con nhiều lắm. Sau khi qua đời, ta sẽ trả ơn”. Dân làng tổ chức chôn cất chu đáo và đốt lều chõng bên nấm mộ. Tối hôm ấy cụ tiên chỉ nằm mộng từ ngôi mộ một vị ăn bận mũ áo đại thần bay lên trời. Sáng ra, thấy mộ và tro đã biến mất. Mọi người góp tiền của lập một ngôi miếu thờ. Qua nhiều đời, miếu được tu bổ ngày một lớn thành ngôi đền. Tên của nho sĩ đó là Lãnh cho nên ngôi đền được gọi là “đền Ông Lãnh”.
Sau khi đền xây xong, một bà trong làng bị mất trộm con lợn. Nhà bà nghèo rớt mùng tơi, không chồng con, chi chút góp tiền nuôi con lợn để làm vốn sống qua tuổi già. Lợn đã vỗ béo, sắp đến ngày bán thì bị kẻ trộm bắt mất. Bà mua hương ra đền Ông Lãnh khấn. Đêm, Thần về báo cho bà biết hiện nay con lợn đang ở đâu. Bà nói cho tuần đinh và nhờ tuần đinh bắt được lợn về.
Từ đó, tiếng đồn về đền Ông Lãnh rất thiêng lan ra khắp làng và cả các làng xung quanh. Ai mất trâu, bò, lợn, gà… đến khấn, Thần đều báo mộng cho biết để bắt về. Nạn mất vặt trong làng thưa dần. Bà con được sống yên ổn, ngủ ngon giấc.
Khi nghe lệnh phá đền, các cụ già tìm nhau thì thầm trao đổi chuyện trò tỏ ý bất bình nhưng không ai dám nói to, càng không có ai dám gặp chính quyền để bày tỏ ý kiến của mình. Cho đến buổi sáng dân quân tập trung để phá đền, các cụ chỉ đứng nhìn với gương mặt buồn thỉu buồn thiu. Lắm cụ cúi đầu lau thầm nước mắt… Lúc bác Chắt Kế giơ tay ra lệnh phá đền thì hàng chục nam nữ thanh niên đứng ngẩn người. Bác dõng dạc to tiếng ra lệnh cho anh Lộc, anh Hồi, anh Huân, anh Hiền: bốn người đứng bốn góc đền cầm búa đập nhát đầu tiên. Anh Hiền giơ búa lên đập vờ vào chân tường. Bác Chắt Kế chợt nhìn thấy, tức giận : “Chú Hiền! Đồng chí Hiền! Đồng chí còn thương tiếc cái thành luỹ mê tín dị đoan này à! Nghe lệnh tôi, tất cả thanh niên, tất cả dân quân xông vào phá đền!” Không ai dám chần chừ, mấy chục con gái con trai lực lưỡng giơ búa giơ cuốc đập phá. Tường đổ. Ngói đổ. Án thư đổ. Đồ tế khí cũng đổ ngả nghiêng. Chỉ trong một ngày, ngôi đền uy nghi bỗng trở thành đống gạch vụn.
Sau khi phá đền Ông Lãnh, một chiến dịch rầm rộ tấn công vào mọi di tích văn hoá cổ xưa mà người ta gán cho nó là “mê tín dị đoan”. Đền Bạch Y thờ một vị thần áo trắng đã cứu vua Lê Lợi thoát khỏi tay giặc. Đền Hàng Khoán thờ vị thần núi Hai Vai. Nhà Thánh hàng tổng. Nhà Thánh hàng xã. Chùa Hà. Mộ Hùng lễ bá Võ Phúc Tuy, một vị tướng của Lê Lợi. Mộ đức tổ triệu cơ họ Võ… Tất cả đều bị phá trụi, đều bị san bằng để trồng khoai, trồng mía, xây đống rơm đống rạ. Anh Huân, anh Hồi, anh Lộc, anh Hiền là những người thừa hành chỉ thị của chính quyền, huy động thanh niên và dân quân xông vào cuộc triệt phá này. Suốt hàng tháng trời, áo các anh đẫm mồ hôi.
Hôm phá cổng tam quan đền Bạch Y thần, anh Lộc bị một mảnh gạch văng vào trán chảy loã máu. Mẹ tôi tìm lá thuốc rịt vào và bắt nằm bất động trên giường. Anh Hiền nói đùa: “Anh Lộc bị thần phạt! Phải mua hương vàng ra cúng Thần thì sẽ khỏi ngay!” Không ngờ câu nói đó lọt vào tai bác Chắt Kế. Bác bắt họp Đoàn Thanh niên cứu quốc để kiểm thảo, anh Hiền phải cúi đầu thành khẩn nhận lỗi.
*
Anh Hối là em trai ông Giảng đã từng làm sếp ga thời Pháp. Anh được theo học trường Tây của tổng Thái Xá, rồi trường Tây của huyện Diễn Châu. Ngay sau ngày cướp chính quyền, anh được cử làm thư ký Uỷ ban kháng chiến hành chính xã. Đi đâu anh cũng mang chiếc cặp da đựng đầy ắp các thứ giấy tờ. Chiếc cặp này ông sếp Giảng đã dùng hơn năm năm làm việc ở ga Diễn Châu, tuy đã sờn mép nhưng vẫn còn đẹp chán. Bây giờ anh Hối dùng, nhiều cụ già gặp anh xách cặp đi trên đường làng là cúi đầu chào lễ phép “chào thầy ký ạ”. Anh dừng lại, ôn tồn nói: “Cụ đừng gọi tôi là thầy ký như thời thằng Pháp thằng Nhật. Tôi là cán bộ của nhân dân thì nhân dân cứ gọi tôi là anh Hối, chú Hối”.
Người ta đồn rằng chữ anh Hối đẹp nhất xã Đồng Tâm. Anh viết rất nhanh và khi viết không cần nhìn vào giấy. Bà con lên trình bày với Uỷ ban việc gì, anh Hối có thể tiếp ba người một lúc. Anh vừa nghe vừa ghi vào ba tờ giấy khác nhau.
Lúc thay mặt Uỷ ban viết báo cáo triệu tập hội nghị, anh thường ký tên là “Võ Văn Hối”. Khi dấy lên phong trào Nam tiến, anh mơ trở thành một tráng sĩ, nên thay tên là “Võ Sĩ Hối”. Rồi anh tình nguyện gia nhập đoàn quân Nam tiến, vào chiến đấu ở chiến trường Thừa Thiên.
Anh Lộc là con trai bác Hoe Chu. Năm 1927, bác Chắt Kế tổ chức chi bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Bác Hoe Chu có chân trong hội kín này. Hồi phong trào Mặt trận Bình dân, thanh niên trong làng nô nức tập võ. Bác Hoe Chu mời một võ sĩ dạy riêng cho anh Lộc. Anh trở thành võ sĩ và đã tham gia đấu trên một số vũ đài trong tỉnh… Cách mạng tháng Tám thành công, anh được xem như một thần tượng của thanh niên làng. Tiếng tăm của anh cũng truyền sang các làng khác. Suốt ngày đêm anh dạy võ cho dân quân. Nhiều làng trong huyện cũng mời anh dạy võ. Những cuộc mít tinh, biểu tình có đông đảo bà con tham dự, ban tổ chức thưòng mời anh lên sân khấu biểu diễn một số bài côn. Anh đánh trần, ưỡn ngực, chân tay cuồn cuộn bắp. Mặt anh bình thường đã to quá cỡ, lúc này càng to và dữ như mặt hổ. Anh vung tay và đi những đường côn vun vút như gió rít. Hàng trăm người đứng im phăng phắc, theo dõi và chiêm ngưõng.
Võ sĩ Lộc đã tham gia Vệ quốc đoàn rồi! Cái tin đó truyền đi rất nhanh. Bà con đến nhà chào hỏi.Thường ngày, người ta gọi anh là anh Lộc, bác Lộc, chú Lộc, lúc này từ ngưòi già cho đến trẻ con đều gọi là Võ sĩ Lộc.
“Võ sĩ Lộc chuẩn bị lên đường Nam tiến rồi!”
“Võ sĩ Lộc sắp đi thật à?”
“Võ sĩ Lộc gia nhập Vệ quốc đoàn thì ai dạy võ cho dân quân?”
Gái trai làng túm năm tụm ba bàn tán về việc anh Lộc sắp “thoát ly”. Họ vừa tiếc là làng vắng một võ sĩ, nhưng cũng vừa sung sướng nghĩ rằng: nếu anh Lộc đi lính thì sẽ làm chỉ huy to, bà con làng xóm sẽ rạng mày rạng mặt.
Anh Huân và anh Hiền ngồi bàn với nhau đặt chữ lót cho tên mình:
“Thằng Hối, thằng Lộc đã “võ sĩ” rồi. Hai thằng ta lại “võ sĩ” nữa thì nhiều võ sĩ quá”.
“Thời chinh chiến càng nhiều võ sĩ càng tốt”.
“Nhưng nhiều võ sĩ quá, người ta sẽ gọi nhầm thằng này sang thằng kia”.
“Thôi, hay nhất là “Võ Quang”. Quang là sáng. Dân làng đi theo con đường sáng của cách mạng, ta cũng đi theo con đường sáng của cánh mạng”.
Sau một hồi bàn bạc, hai anh lấy tên mình là Võ Quang Huân, Võ Quang Hiền. Anh Huân được điều lên làm việc ở huyện đội, anh Hiền được điều vào quân địa phương của huyện.
Biết bốn anh thân nhau, mẹ tôi bày biện một bữa cơm để hoan tống anh Hối, anh Lộc vào chiến trường miền Nam và anh Huân, anh Hiền lên huyện. Theo tập tục của bà con làng xóm khi có giỗ chạp hoặc khách quý, gia đình mổ một con gà là sang trọng lắm rồi. Bữa cơm hoan tống này, dĩ nhiên mẹ cũng mổ gà. Thằng Bá và tôi cứ xóng róng bên cạnh các anh cả buổi chiều.
Anh Lộc nói “hai chú em có gì đãi anh không”? Tôi chưa biết trả lời sao thì Bá gật đầu “có chứ” . Thế là nó rủ tôi vác thuổng xách giỏ ra đồng để bắt lươn, tôi làm chân phụ việc cho Bá, chỉ chừng vài tiếng đồng hồ Bá đã bắt được sáu con lươn to.
Bữa cơm tối hôm đó thật là thịnh soạn. Mẹ tôi chia đôi con gà: một nửa luộc, một nửa kho mặn. Còn lươn thì mẹ kho mặn với củ chuối, rắc ớt đỏ lên từng bát lươn. Mẹ để dành một chai nước mắm ngon Vạn Phần, những lúc cần thiết như thế này mẹ mới đem ra dùng. Lươn kho với củ chuối thái từng miếng nhỏ, trộn vào một ít mật mía, ăn mới đằm miệng làm sao.
Sáng mai các anh đã lên đường nhập ngũ, nhưng tối nay không anh nào về nhà, mà ngủ lại nhà tôi. ổ rơm đã lót sẵn ở góc bếp. Cả bốn anh, thằng Bá và tôi nằm khoanh tròn ngủ một giấc ngon lành.
III. Cuốn sổ ảnh
Mỗi lần về nhà, anh cột ngựa ở góc vườn đầu ngõ. Lũ trẻ trong xóm gọi nhau chạy sang: “Ngựa chú Hiền đã về! Ngựa chú Hiền đã về!” Lũ trẻ mê mải xem ngựa. Còn anh thì thủng thẳng đi vào nhà, đầu đội mũ chào mào may bằng vải nâu, mặc bộ quần áo tây cũng bằng vải nâu. Áo có cầu vai và hai túi trước ngực có nắp. Vai mang túi dết. Chân thường đi giày, thỉnh thoảng đi ủng. Lúc đi ủng trông anh có vẻ oai hơn. Hai ống quần nhét vào ủng, dáng bệ vệ.
Tôi sung sướng chạy ra ngõ đón. Anh nhìn vào mắt tôi, cười, chẳng nói gì. Anh rất ít nói. Tôi cầm tay anh, hai anh em đi vào nhà. Tôi vội vàng múc nước chè xanh mời anh uống. Mấy đứa nhỏ hàng xóm chạy sang chào “chú Hiền”, tôi cảm thấy hãnh diện.
Trong túi dết của anh lúc nào cũng có cuốn “Sửa đổi lối làm việc” của X Y Z, cuốn “ Kháng chiến nhất định thắng lợi” của Trường Chinh và ba cuốn tạp chí “Tìm hiểu” - Cơ quan ngôn luận của chi hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác Liên khu IV. Hồi đó tôi rất mê đọc, đem sách ra ngồi đầu hồi nhà đọc ngấu nghiến.Tôi nhớ mãi tên những tác giả viết bài trong tạp chí “Tìm hiểu”: Hải Triều, Hải Thanh, Vĩnh Mai… Tôi tò mò hỏi: “Anh đã bao giờ được gặp những ông này chưa?” Tôi chiêm ngưỡng những tên tuổi ấy và khao khát có dịp được nhìn mặt thì thích biết bao.
Có một lần nhà vắng người, anh rút trong người ra một cuốn sổ to bằng bàn tay, dày chừng một trăm trang, rồi bảo tôi ngồi ngay ngắn trên ghế đẩu, đưa cuốn sổ cho tôi xem. Anh không cho tôi sờ tay vào, mà tự tay anh giở từng trang. Tôi hồi hộp dán mắt vào: Chà, thích quá, toàn ảnh, trang nào cũng dán vài tấm ảnh. Những tấm ảnh thiêng liêng: Các Mác, Ăng- ghen, Lê-nin, Mao Trạch Đông, Sta-lin, Ăng-ve Hốt-gia, Lâm Bưu, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Gốt-van, Ti-tô, Vô-rô-si-lốp, Đi-mi-tơ-rốp, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt… Nhiều ảnh Bác Hồ: Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ bế em bé, Bác Hồ ngồi đặt tay lên trán…
Mỗi lần anh về, cuốn sổ lại dán thêm vài tấm ảnh. Lãnh tụ mười hai nước xã hội chủ nghĩa đều được anh sưu tầm đầy đủ. Dĩ nhiên là tôi chỉ được chiêm ngưỡng các bậc vĩ nhân ấy qua ảnh. Duy có một tấm ảnh trong cuốn sổ ấy mà tôi đã từng gặp người thật nhiều lần: đó là ảnh bác Chắt Kế. Gương mặt bác khôi ngô: trán rộng và vuông, tóc hoa râm chải ngược, mắt đeo kính trắng. Tên thật của bác là Võ Nguyên Hiến, người làng tôi, tham gia hoạt động cách mạng từ thời Thanh niên cách mạng đồng chí hội, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương trong Đại hội Đảng lần thứ nhất ở Ma Cao… Nhìn ảnh bác được dán chung trong sổ cùng với các vị lãnh tụ cộng sản, người tôi cứ rân rân tự hào.
Anh chỉ tôi xem sổ ảnh lúc anh ngồi bên cạnh tôi và tự tay anh giỏ từng trang. Anh không cho tôi cầm sổ và không cho tôi sờ tay lên ảnh. Lúc nào đi thăm bà con trong làng, anh bỏ sổ ảnh vào túi dết và treo lên cột.
Có lần anh vắng nhà, tôi rủ thằng Bá vào chơi. Chúng tôi đóng kín cửa, cùng xem ảnh qua khe hở của cánh cửa đầu hồi. Lúc anh về đến ngõ, tôi luống cuống bỏ cuốn sổ vào túi dết và mở toang cửa rồi chạy đi chơi. Anh không hề biết gì. Nhưng một lát sau, anh gọi chúng tôi về. Bá và tôi lo sợ: chắc là anh biết chúng tôi lấy trộm ảnh ra xem! Anh nghiêm nét mặt, bảo hai đứa chúng tôi ngồi xếp bằng trên nền nhà, đặt chiếc bị cói trước mặt và bảo chúng tôi thò tay vào:
“Có cái gì trong đó, lấy ra!”
Thằng Bá cầm được cuốn sổ ảnh, mặt tái mét. Còn tôi được hai quả ổi, thích quá, vừa chạy ra khỏi cửa vừa reo. Thấy tôi chạy, thằng Bá nhấp nhổm muốn đứng dậy, nhưng hắn sợ, không dám đứng lên. Anh gọi tôi vào, bắt ngồi nguyên vị trí cũ:
“Nhiệm vụ của hai đồng chí là phải ăn hết hai quả ổi, chứ không được tự tiện lấy sổ ảnh ra xem. Khi bỏ vào túi tôi để sổ ở phía trong sao hai đồng chí lại để sổ ra phía ngoài, nếu tôi bắt được lần thứ hai tôi sẽ phạt hai đồng chí hai ngày lao động giữa nắng nhớ chưa?” Nghe giọng nói nửa đùa nửa thật của anh chúng tôi hoàn toàn thoát khỏi nỗi lo sợ. Tôi đưa cho Bá một quả ổi và chạy rất nhanh ra sân.
Một lần khác anh lên núi Hai Vai để xem địa hình bố trí tập trận giả, đoán là anh sẽ đi hết buổi, tôi bảo Bá đứng canh ngoài ngõ, còn tôi giở sổ ảnh vẽ theo ảnh Sta-lin lên một tờ giấy to bằng bút chì màu, tôi hí hoáy vẽ, say mê vẽ từ sáng cho đến trưa thì xong bức ảnh, gọi Bá vào xem. Hai đứa đứng ngắm, rồi sửa, rồi ngắm. Tôi chú ý vẽ bộ râu của Sta-lin thật đẹp, thật oai hùng, sau khi sửa chữa hoàn chỉnh tôi nắn nót đề dưới tấm ảnh dòng chữ “Đại nguyên soái Sta-lin muôn năm”… Bất chợt anh Hiền về, thấy bức ảnh Sta-lin treo trên cột nhà anh hỏi:
“Đứa nào vẽ?”
Tôi trả lời ngay:
“Em vẽ”.
“Em nhìn ảnh nào mà vẽ?”
“Em tưởng tượng…”
Anh chẳng nói gì, lăng lặng rút cuốn sổ trong túi dết, mở ảnh Sta-lin trong sổ đối chiếu với tấm ảnh tôi vẽ. Anh có vẻ hài lòng gật đầu:
“Giống đấy nhưng phải tô lông mày nhíu lên thì mới thể hiện được đức tính cương nghị phi thường của Đại nguyên soái…”
Tôi thấy nhẹ tênh cả người, không những anh không quát mắng mà còn khen, lại góp ý cho tôi vẽ đẹp hơn. Từ hôm ấy mỗi lần về nhà anh lại đưa cuốn sổ ảnh cho tôi: “Em vẽ đi. Nhưng không được sờ lên ảnh”. Tôi hì hục vẽ xong vị lãnh tụ này lại vẽ vị lãnh tụ khác, có ảnh thì vẽ bằng bút chì màu, có ảnh thì vẽ bằng mực nho.
Từ cuốn sổ của anh Hiền tôi đã vẽ ra hàng chục tấm ảnh treo khắp nhà. Bà con trong làng, không những trẻ con mà còn cả người lớn thường đến nhà tôi xem ảnh chỉ trỏ ảnh này, ảnh kia tranh nhau bình luận:
“Bộ râu Đại nguyên soái Sta-lin đẹp quá!”
“Trán Mao chủ tịch trông rất thông minh, như trán một ông thánh.”
Nhiều người nhờ tôi vẽ để đem về treo tại nhà mình, Uỷ ban xã cũng bảo tôi vẽ ảnh Bác Hồ, Bác Mao và Sta-lin để dùng trong những cuộc hội họp. Bác Niêm phụ trách phòng thông tin thôn cũng bảo tôi vẽ mười hai ảnh lãnh tụ của mười hai nước xã hội chủ nghĩa để treo trong phòng.Tôi mê mải vẽ ngày vẽ đêm, nhiều buổi trưa mùa hè nắng chói chang trèo lên chòi gác phòng không nằm vẽ chồm hỗm, mồ hôi nhễ nhại.
IV. Phong trào tòng quân
Cuộc kháng chiến chống pháp đã chuyển từ giai đoạn “phòng ngự” sang giai đoạn “cầm cự” và đang tích cực đẩy mạnh sang “giai đoạn “tổng phản công”. Tin thắng trận từ các chiến trường dồn dập đưa về làm nức lòng dân ở vùng hậu phương lớn Thanh, Nghệ Tĩnh. Tôi có chân trong đội tuyên truyền của xã, có dạo thức trắng từ đêm này qua đêm khác. Lúc thì đi dán ca dao cổ động in li-tô trên các bức tường, lúc thì cầm loa phát thanh tin chiến thắng, lúc lại soi đuốc viết khẩu hiệu lêu nong lên cót dựng khắp các ngả đường... Tôi say mê đi làm công tác tuyên truyền hơn đi học.
Phong trào “dồn sức người sức của ra tiền tuyến” ở làng tôi lên rất mạnh, mặc dầu mất mùa, đói kém, tinh thần của mọi người vẫn lên cao như diều gặp gió. Các cụ già tập trung ở đình làng đan sọt cho dân công, các bà mẹ tất tưởi rủ nhau đi làm nhiệm vụ “hội mẹ chiến sĩ”. Những đêm làng tổ chức hoan tống dân công thật là vui, người ta đua nhau biếu quà cho dân công lên đường: loong gạo, loong muối, niêu tôm kho, bánh thuốc lào... còn tôi thì sáng tác ca vè để đọc trong các buổi hoan tống.
Thanh niên hăng hái hưởng ứng phong trào tòng quân. Anh Hiền phi ngựa đến tận từng nhà để tuyển quân, nhiều người lén lút gặp anh để xin được trúng tuyển.
Hồi đó tôi học ở trường trung học Nguyễn Xuân Ôn, đây là ngôi trường lớn ở Huyện phía Bắc Nghệ An do giáo sư Cao Xuân Huy sáng lập và làm hiệu trưởng. Trường là trung tâm văn hoá của huyện. Thầy giáo là những trí thức nổi tiếng trong tỉnh và một số tri thức từ Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Bình ra. Cán bộ của huyện thường về trường nói chuyện chính trị và thời sự, thỉnh thoảng anh Hiền cũng cưỡi ngựa tới trường nhưng anh không diễn thuyết bao giờ, anh ít nói và không có tài hùng biện. Anh chỉ kiểm tra công tác quân sự của trường, thỉnh thoảng dẫn cán bộ về dạy võ cho học sinh. Lúc rỗi rãi, anh đứng nói chuyện bằng tiếng Pháp với các thầy. Hầu hết giáo viên của trường đều là tú tài, rất giỏi tiếng Pháp. Có lẽ anh cảm thấy trình độ Pháp văn của mình còn non, không dám nói chuyện lâu với các thầy, chỉ nói vui một số câu rồi tìm cớ lảng đi nơi khác. Nhưng nhiều học sinh thì cứ nghĩ bụng: ông cán bộ quân sự này vốn học thức cao, ít ra cũng “tú tài Bắc”. Họ nhìn anh bằng con mắt kính nể.
Phong trào tòng quân làm dấy lên một không khí sôi nổi khắp nơi và tràn vào trường Nguyễn Xuân Ôn. Cứ đến giờ nghỉ là nam nữ học sinh túm tụm từng nhóm bàn tán về việc tòng quân. Họ truyền nhau những tin tức mới lạ. Cử nhân Phan Đương cũng đã tòng ngũ. Ông là cử nhân duy nhất của hai huyện Yên Thành và Diễn Châu, bà con thường gọi một cách tôn kính là “ông cử Đương”. Bây giờ ông cũng xếp bút nghiên theo nghiệp binh đao. Các võ sĩ nổi tiếng như Hoàng Võ, Mạnh Hổ cũng dứt bỏ võ đài và cảnh gia đình giàu sang để xông pha trận mạc. Nghe đâu võ sĩ vô địch Trung Kỳ Châu Giang cũng đã ra chiến trường…
Trong số những nhân vật ấy, họ bàn tán nhiều về tướng Đặng Văn Việt. Chẳng hiểu ông làm cấp chỉ huy gì trong quân đội, nhưng trí thức và cử nhân trong huyện cứ gọi ông là “tướng”. Ông là con trai cụ Đặng Văn Hướng ở xã Nho Lâm, cháu nội hoàng giáp Đặng Văn Thuỵ đã từng làm quan giữ chức tế tửu dưới triều Nguyễn. Thời chính phủ Trần Trọng Kim, cụ Hướng làm tỉnh trưởng Nghệ An. Sau cách mạng tháng Tám, cụ được Bác Hồ mời giữ chức bộ trưởng không dự bộ nào. Tướng Đặng Văn Việt thông minh và sớm giác ngộ cách mạng. Đầu kháng chiến chống Pháp, ông chỉ huy nhiều trận đánh lớn. Giặc Pháp phải gườm ông và gọi ông là “con hùm xám đường số 4”. Cuộc đời ông bắt đầu được thêu dệt đôi nét huyền thoại. Bọn lính thực dân thường bị ám ảnh về cái tài xuất quỷ nhập thần của ông và càng sợ hãi khi cái biệt danh “con hùm xám đường số 4” lan truyền trong hàng ngũ chúng. Một lần, toán lính lê dương đang hành quân trong rừng bỗng một tên hét toáng lên “con hùm xám”, cả lũ hốt hoảng bỏ chạy tán loạn, súng ống vứt lung tung. Du kích ta chạy ra nhặt súng đạn. Một lần khác, bọn chỉ huy đang ngồi trong đồn, chụm đầu trước tấm bản đồ quân sự để bàn kế hoạch tiêu diệt đơn vị vệ quốc đoàn đóng bên kia suối, một tên lính khác nổ súng, hàng chục tên khác cùng nổ súng. Bọn chỉ huy chẳng hiểu đầu đuôi gì, cũng cầm súng bắn vung vãi. Sau lúc nổ súng loạn xạ, chúng định thần lại, tên lính nổ phát súng đầu tiên khai rằng: “Tôi thấy con hùm xám chạy qua trước mặt!’’ Viên chỉ huy tức giận, cầm súng bắn thằng này chết ngay tức khắc…
Họ truyền cho nhau những tin chiến sự. Tin chiến sự trộn lẫn phong vị huyền thoại của thời buổi chinh chiến, tạo ra trong tâm hồn giàu mơ mộng của học sinh nỗi bồn chồn cảnh xông pha trận mạc. Cuốn “Chinh phụ ngâm” của Đoàn Thị Điểm tuyệt đối cấm lưu hành và cấm dạy trong nhà trường, nhưng học sinh lén lút truyền tay nhau đọc. Hình ảnh người chinh phu thấp thoáng trong tâm trí họ.
Anh Hiền vẫn cùng một số cán bộ quân sự về trường động viên phong trào tòng quân. Anh cưỡi con ngựa quen thuộc, nhưng y phục đã thay đổi: đội mũ lưới, mặc áo trấn thủ, đi giày đen, bên hông đeo khẩu súng lục. Quân trang ấy ít nhiều gợi chút lãng mạn tráng sĩ trong một số học sinh, nhất là học sinh con nhà giàu có đã từng đọc sách văn học Pháp. Cái chất lãng mạn ấy thực sự đã góp phần kích thích lòng yêu nước, xả thân vì nền độc lập của Tổ quốc đối với thanh niên. Chúng tôi chép vào sổ tay và thuộc lòng bài thơ “Ngày về” của Chính Hữu, bài “Tây Tiến” của Quang Dũng. Trong một cuộc mít tinh động viên học sinh tòng quân, anh hiệu đoàn trường cao hứng đọc “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Hàng trăm học sinh ngồi im phăng phắc, dỏng tai nghe. Anh Hiền không có tài nghệ múa gươm và múa côn. Cho nên mỗi lần đến trường anh dẫn theo vài chiến sĩ để biểu diễn một số bài võ Tàu và võ dân tộc. Không những các bạn nam mà cả các bạn nữ sinh cũng rất mê xem múa võ bằng côn và đại đao.
Một buổi sáng mùa xuân, nhà trường tổ chức lễ ghi tên tòng quân. Không khí thật là trang nghiêm. Có ảnh Bác Hồ trên bàn thờ Tổ quốc với câu khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết”. Anh Hiền và một số cán bộ Huyện đội về dự. Có cả mấy nhà sư tu ở chùa Sò.
Buổi lễ được thông báo trước một tuần nên các cô giáo thầy giáo đến sớm hơn ngày thường. Nam nữ học sinh hầu như không vắng người nào. Bà con ở gần trường kéo tới khá đông.
Sau nghi lễ thông thường, đến mục ghi tên vào tòng quân. Đây là tiết mục thiêng liêng nhất, hồi hộp nhất. Mọi người im lặng, chờ đợi… Anh hiệu đoàn trường mời thầy hiệu trưởng Cao Xuân Huy lên ghi tên đầu tiên. Hàng trăm cặp mắt chăm chú theo dõi. Thầy mặc áo lương dài, quần trắng, từ từ đứng dậy, rời khỏi ghế, bước thứ nhất, rồi bước thứ hai, chậm chạp từng bước đến chiếc bàn trải khăn trắng và trên bàn đã đặt sẵn một cuốn sổ với cây bút. Anh hiệu đoàn trường trịnh trọng mở cuốn sổ và trao bút cho thầy. Thầy cúi xuống, cầm bút ký tên lên trang giấy… Tiếng vỗ tay hoan hô kéo dài. Thầy lững thững từng bước trở về ghế ngồi. Hàng ngày, thầy luôn đi bộ chậm rãi, gương mặt trầm tư. Dẫu đường xa thầy vẫn đi bộ chậm rãi. Ngày nào thầy cũng đi bộ từ nhà đến trường, từ trường về xa dài gần ba kilômet. Khi có việc thầy vẫn đi bộ từ Diễn Châu ra Cầu Giát dài hai chục kilômet, đi bộ từ Diễn Châu lên Đô Lương dài gần bốn chục kilômet. Học sinh đã quen nhìn thầy đi bộ chậm rãi. Nhưng lúc này, thầy chỉ đi bộ năm mét để ký tên vào cuốn sổ tòng quân, mọi người vẫn rưng rưng xúc động...
Tiếp theo thầy Cao Xuân Huy là nhà sư. Anh hiệu đoàn trường đỡ nhà sư đứng dậy. Nhà sư dáng người mảnh khảnh, mặc áo cà sa, tay chống gậy bước rất chậm. Lúc đến trước bàn có quyển sổ, nhà sư cẩn thận đặt chiếc gậy bên bàn, chắp hai tay vái rồi mới cầm bút ký. Tiếng hoan hô vang dậy. Nhà sư đứng trước mặt các thầy và trước đông đảo học sinh cúi đầu, chắp hai tay trước ngực… Anh Hiền vội vàng bước tới, cầm chiếc gậy đưa cho nhà sư. Nhà sư bất ngờ nhìn thấy anh, một tay cầm gậy trúc, một tay giơ trước ngực. Bên cạnh nhà sư mảnh khảnh là anh Hiền dáng người to cao, bận quân phục, hông đeo khẩu súng lục.
Lần lượt các thầy cô, rồi học sinh lớp đệ tam đệ tứ lên ký tên.
Kết thúc buổi lễ, hiệu đoàn trưởng trao cho anh Hiền cuốn sổ tòng quân. Anh cảm ơn, rồi lên ngựa phi ra giưa đường số Một trở về huyện.
*
Buổi sáng, học sinh vẫn đến trường đông đúc. Các lớp vẫn học đều đặn các giờ văn học, sử học, vật lý, Pháp văn, Anh văn… Thầy Cao Xuân Huy vẫn đi từng bước chậm rãi từ nhà đến trường, từ phòng hiệu trưởng đến lớp, giảng bài cho các thầy giáo học chương trình dự bị đại học. Nhưng trong hàng ngũ giáo viên đã bắt đầu có sự phân hoá về ý thức thời cuộc và nổ ra một số cuộc tranh luận. Đôi lúc các thầy dùng tiếng Pháp cãi nhau quyết liệt. Học sinh xôn xao bàn tán…
Đùng một cái, có giấy của cấp trên gửi về trường gọi một số thầy giáo và học sinh nhập ngũ. Việc tòng quân không còn ý niệm lãng mạn xa xôi mà đã trở thành sự thật. Sự thực là một số thầy giáo, học sinh nhận giấy báo chuẩn bị xếp bút nghiên theo việc đao cung. Ngày chia tay đang đến dần lòng họ bộn rộn chờ đợi một sự thay đổi lớn trong cuộc đời. Có nữ sinh ngồi trong lớp cứ cúi mặt lau nước mắt khóc người yêu sắp đi vào một cuộc chinh chiến trường kỳ.
Trong số người lên đường lần này có thầy Đặng Văn Nhị, anh trai của tướng Đặng Văn Việt, thế là thầy sắp rời mái trường bình yên ở vùng quê tự do, sắp rời học sinh thân yêu, sắp rời tổ ấm gia đình. Hôm nhà trường tổ chức lễ hoan tống anh Hiền có về dự, anh không phát biểu ý kiến chính thức trong buổi lễ mà chỉ cùng với học sinh đứng xung quanh thầy anh nói: “chúc thầy noi gương người em trai là tướng Đặng Văn Việt lập nhiều chiến công làm rạng rỡ gia đình và quê hương”. Nghe nhắc đến tên Đặng Văn Việt thầy Nhị sung sướng ứa nước mắt và cả đám học sinh cũng xôn xao, trên gương mặt họ ánh lên niềm tự hào.
Sau buổi lễ hoan tống, không khí trong nhà trường khác hẳn. Thầy Cao Xuân Huy vẫn chậm rãi từng bước từ nhà đến phòng hiệu trưởng rồi từng bước từ phòng hiệu trưởng vào lớp giảng bài cho học sinh dự bị đại học. Nhưng các lớp đệ tân, đệ tứ đã vắng một số người. Thầy Cao Xuân Hạo tổ chức cho một số nữ sinh tập hát đi biểu diễn ở hội nghị văn nghệ liên khu IV và ở nhiều đơn vị quân đội. Dáng ngưòi thầy nhỏ nhắn, luôn luôn mang chiếc đàn ghi-ta, trở nên hấp dẫn đối với nữ sinh về hình ảnh một chiến sĩ nghệ sĩ trong thời kỳ chiến tranh. Những bài hát do thầy sáng tác mang nội dung kháng chiến, nhưng nhạc thì man mác đượm buồn cho nên rất phổ biến trong các trường học và cả quân đội. Ngoài những buổi biểu diễn trước đông dảo công chúng từng nhóm nữ sinh vẫn thường hát cho nhau nghe: “Có cô thôn nữ giặt áo bên sông miệng cười hiền, hoa dịu lòng trường chinh… bao anh lính măng tơ cùng bà mẹ già cười đón gió lành… đời quân nhân vui như trời xuân…”
Trong tâm trạng chờ đợi đến lượt mình được gọi nhập ngũ, không ít học sinh chểnh mạng việc học hành. Tôi và một số bạn bè học lớp đệ nhất chưa đến tuổi tòng quân cho nên không được ký tên vào cuốn sổ tòng quân. Chúng tôi háo hức mong được mặc áo lính, tự rủ nhau đến những nơi có bộ đội đóng quân xin được khám sức khoẻ để làm liên lạc, mẹ cho vải để may áo, tôi tự đến gặp thợ và bảo: khi may áo nhớ cái cầu vai - chỉ cần áo có cầu vai là ra dáng một người lính. Suốt ngày này qua ngày khác tôi và mấy đứa bạn cùng làng như Trần Tế, Cao Cự Bội, Lương Trọng Yêm, Võ Đình Đấu rủ nhau đi tìm đơn vị bộ đội để khám sức khoẻ. Dĩ nhiên là chúng tôi phải bỏ học, trốn học. Nhiều hôm đi biền biệt suốt ngày đến tối mịt mới về, không dám về nhà ăn cơm mà trong túi lại không có tiền đành ăn chịu phở bà Tuyết ở cầu Đạu, ăn chịu nhiều quá bà Tuyết phải lên tận làng gặp bố mẹ chúng tôi để đòi gạo. Chuyện vỡ lở cha mẹ tôi biết được, buồn rầu, bực tức, mắng chửi tôi. Anh Hiền nghe được, hỏi, tôi trả lời: “em rất muốn đi bộ đội. Tìm khắp trong huyện nơi có bộ đội đóng để xin làm liên lạc đơn vị anh…” Nghe xong anh đứng bần thần nhìn tôi, chỉ nói một câu ngắn ngủi: “tuổi em tuổi học…”
Sang ngày sau, ngày sau nữa, rồi ngày sau nữa chúng tôi vẫn trốn học để xin đi bộ đội. Chiều hôm ấy anh Hiền đi công tác qua làng dừng ngựa trước ngõ rồi rẽ vào nhà. Trong câu chuyện giữa mẹ tôi với anh Hiền tôi nghe loáng thoáng câu anh nói: “thằng Xí thích đi bộ đội cứ cho nó đi, thời buổi chiến tranh mà” tôi sướng rơn cả người…
Hai hôm sau anh tôi lại từ huyện trở về, cho tôi một con dao găm, một cái cung và mấy chục mũi tên. Anh dẫn tôi ra vườn và dạy tôi phóng dao găm vào cây chuối và cầm cung nhằm bắn trái bưởi việc luyện tập của tôi khá thành công. Anh khen “Thằng này có năng khiếu quân sự”… Hồi đó anh Đồng là em trai của anh Hiền và là anh của tôi làm trưởng ban quân báo huyện đội xin cho tôi làm nhân viên tình báo, tôi hoàn toàn thôi học trường Nguyễn Xuân Ôn.
Bắt đầu bước vào nghiệp binh đao, trận thử thách đầu tiên vượt quá sức tưởng tượng của tôi, làm công việc này điều kiện tối thiểu là phải gan dạ không sợ giặc đã đành, càng không được sợ ma. Giặc thì chưa giáp mặt còn ma thì ngay đêm ấy…
Đêm ấy… Huyện đội tổ chức tập trận giả cho dân quân ba xã phía nam sông Bùng. Anh Hiền dẫn tôi đến nghĩa địa làng Xuân Viên, bảo tôi ngồi bên một ngôi mộ, khi nào có người đến liên lạc dẫn đi đâu mới được đi. Tôi phải ngồi xuống và anh lẳng lặng đi về phía lèn Hai Vai.
Trời mưa phùn lâm thâm, rét, bóng tối dày đặc tưởng cắt ra được từng miếng. Thưa thớt trong nghĩa địa có những khóm tre, gió bấc rít từng cơn, tre kẽo kẹt. Trời ơi cái tiếng tre kẽo kẹt sao mà nghe rùng rợn đến thế, lúc thì như tiếng ma đưa võng, lúc thì như tiếng trẻ khóc, lúc thì phát ra âm thanh sắc nhọn như tiếng dao đâm, gươm khua… Tôi cố thu nhỏ người lại nghiến chặt hai hàm răng, hai tay nắm hai hòn đất. Trước mặt tôi hiện ra những bóng đen chập chờn, nhảy nhót bay vút lên trời rồi toả rộng ra trùm lên tôi. Tôi rụt cổ xuống nhắm nghiền mắt định hét lên một tiếng thật to nhưng chợt nhớ mình là nhân viên quân báo hét to sẽ lộ bí mật. Tôi ngồi im thin thít như hòn đất nhắm tịt hai mắt, nhưng mắt càng nhắm trước mặt tôi càng hiện muôn hình thù quỷ quái: hình cụt đầu, hình cụt tay, hình thì cụt chân. Tôi liều mạng vùng chạy được vài ba bước lại ngồi thụp xuống. Kinh hãi quá khiến người tôi toát mồ hôi. Có cách nào, có cách nào thoát khỏi nơi đây? Bốn bề mênh mông nghĩa địa, mồ mả nhấp nhô…
Từ trong vẳng ra tiếng gà gáy, chân trời phía đông dần dần sáng lên. Tôi mừng quá. Sáng rồi. Sao chưa có ai tới báo tin gì cho tôi cả? Đầu kia nghĩa địa có mấy người bước tới, người hay ma? Người hay ma? Người hay ma? Nghe mẹ tôi nói: ban đêm ma rời khỏi mồ để đi kiếm ăn, khi gà gáy sáng thì ma lại trở về mồ của mình. Vậy thì đích thị đây là ma nhưng vì trời hưng hửng sáng nên tôi bớt sợ. Tôi rụt cổ, trố mắt nhìn. Người thật chứ không phải là ma. Mấy người tiến đến gần tôi. A, có anh Hiền, anh Hiền đã ra với tôi, tôi reo oà và giàn giụa nước mắt. Anh ôm chặt lấy tôi: “Em có thấy ma không?” tôi trả lời ra vẻ mạnh bạo: “Chẳng có ma gì cả. Em chỉ nhớ anh. Một đêm ngồi ở đây bằng mười năm xa anh”. Anh giơ tay xoa đầu tôi: “Thằng này có gan làm quân báo”.
Trận thử thách thứ hai còn dữ dội hơn. Ban chỉ huy quân sự huyện đội đột nhiên về đóng ở nhà tôi trong một đêm. Các anh ăn cơm vội vàng rồi họp bàn việc gì rất bí mật. Họp xong anh Hiền gọi tôi vào nhà trong nói nhỏ “Em cầm cái gậy này xuống cắm ở bến đò Oan để làm vật hiệu, cắm gậy xong em cầm nắm thóc này rải dọc bờ sông Bùng quãng bến đò Oan. Nghe ba tiếng “Bến đò Oan” tôi run bắn cả người. Bến đò này đã có nhiều người trẫm mình vì oan ức, con dâu bất hoà với mẹ chồng, anh em cãi vã nhau, láng giềng chửi mắng nhau… uất quá không chịu được đành kết liễu cuộc đời ở đây. Tôi mấp máy môi hỏi “Để làm gì hở anh?” Anh nghiêm nét mặt: “Anh đã dặn em nhiều lần rồi, việc quân cơ cấp trên bảo làm gì thì em cứ làm không được hỏi lại… Gậy đây, nắm thóc đây em đi ngay kẻo chậm giờ”. Trong tình thế cưỡi lưng hổ tôi làm theo lệnh anh như một cái máy, nắm thóc bỏ vào túi.
Một cầm chặt cái gậy, một tay cầm chặt hòn đá. Trời tối như bưng. Trong đầu tôi cứ mường tượng thấy trăm hình ma, bóng quỷ mà bà con làng xóm thường kể cho nhau nghe. Bao nhiêu oan hồn thường hiện lên những lúc vắng vẻ để hiếp đàn bà con gái, xô cụ già ngã xuống sông, bắt trẻ con lôi về địa ngục… Chúng hiện ra đủ hình thù kỳ dị: lúc thì thè lưỡi ra cuốn trẻ em vào miệng, lúc thì há mồm như chiếc gầu dài đỏ rực lửa, lúc thì giơ cánh tay dài ngoẵng từ dưới nước lên ôm choàng cổ con gái dậy thì… Vào lúc chính ngọ và ban đêm không ai dám bén mảng tới bến đò. Thế mà bây giờ tôi dám vác xác tới đó, không những chỉ đến bến đò Oan mà còn phải đi dọc bờ sông có nhiều người tự vẫn. Hay là... hay là rủ thằng Bá cùng đi? Thằng Bá gan cóc tía may ra hắn dám liều. Nhưng Bá lại vắng nhà, đành phải đi một mình thôi, việc quân cơ không được chậm trễ.
Bến đò vắng tanh vắng ngắt chỉ có bóng đêm cùng đom đóm chập chờn. Tiếng cá lóc bóc làm cho không gian càng thêm mênh mông hoang vắng, rùng rợn, tôi lạnh toát cả người. Lạnh từ chân đến óc. Cầm cái gậy thật chặt tôi nói thầm “Ma quỷ đến đây tao đập vỡ mặt”, tôi làm ra vẻ bình tĩnh cắm gậy xuống bùn và ấn sâu xuống rồi bước rất nhanh xuống bờ sông, vừa đi vừa rải nắm thóc… Làm xong hai việc quan trọng là cắm cái gậy và rải thóc tôi phăm phăm tìm đường về… Cống Cửa Thung kia rồi! Ánh đèn lập loè trong mái lều dân chài. Tự nhiên tôi thở mạnh, tim đập dồn dập, chân vừa chạy vừa run, tôi chui vào lều. Thì ra không phải dân chài mà là anh Hiền đang ngồi với ban chỉ huy quân đội địa phương, người tôi nhẹ tênh sung sướng như vừa được sống lại. Tôi ôm chặt lấy anh trào nước mắt, anh mỉm cười: “Em đã hoàn thành nhiệm vụ” - “Vâng em hoàn thành xuất sắc”. Anh xoa tay rất mạnh lên đầu tôi như xoa đầu một đứa trẻ mới lên năm lên sáu.
Anh và ban chỉ huy dẫn tôi đi ngược lại bờ sông, anh soi đen pin xuống bãi để thấy rõ những hạt thóc tôi rải, đến bến đò Oan tôi hăm hở chỉ cái gậy tôi cắm lúc nãy. Anh đến tận nơi nhổ cái gậy lên: “Thế là em đã qua thời kỳ thử thách từ nay em được chính thức là đội viên quân báo”. Lúc này tôi mới hiểu rằng các anh giao cho tôi cắm cái gậy và rải nắm thóc chỉ là để thử gan tôi xem có sợ ma hay không.
V. Ra Việt Bắc
Trên túi dết của anh Hiền có viết hai câu thơ bằng mực nho:
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Anh treo túi lên cột và bao giờ cũng để phía có câu thơ ra ngoài. Mấy đứa bạn của tôi đến chơi học thuộc hai câu thơ đó rồi đọc oang lên. Đi ngoài đường chúng cũng ngân nga: “Đã mang tiếng ở trong trời đất…” Tôi dùng phấn nắn nót viết thơ lên xà nhà, thằng Bá viết vào sổ tay. Chữ của thằng Bá đẹp nên nhiều đứa nhờ viết vào bìa cuốn sổ của mình.
Lần này, từ huyện đội về anh treo túi lên cột rồi bước ngay sang nhà hàng xóm. Anh đi chơi hết nhà này sang nhà kia đến tận trưa, mẹ bảo tôi tìm anh về ăn cơm. Anh ngồi ăn chẳng nói câu nào. Ăn xong lại đi chơi nhà bà con. Trong bữa cơm chiều, bưng bát cơm anh ngập ngừng: “Con sắp ra Việt Bắc rồi”. Im lặng một lát mẹ lại hỏi: “Bao giờ con đi?” Anh trả lời: “Chừng một tuần nữa”. Mẹ nuốt miếng cơm nhìn anh: “Nhiệm vụ cách mạng thì con phải đi. Nhớ viết thư luôn cho mẹ.”
Tôi đem khoe với bọn thằng Bá, thằng Dần, thằng Bội, thằng Yêm… là “Anh Hiền tao sắp ra Việt Bắc”. Chỉ một lát sau chúng nó kéo đến chơi tận khuya mới về. Trong giấc ngủ tôi chập chờn mơ thấy Việt Bắc với núi non trùng điệp và huyền bí, với Bác Hồ mặc quân phục cưỡi ngựa đi chỉ huy chiến dịch, với rầm rập những đoàn bộ đội và dân công ra tiền tuyến, với những địa danh Phai Khắt, Na Ngầm, Nà Phạc… mà tôi được đọc trong các thiên bút ký chiến tranh in đậm vào tâm hồn tôi như những dấu chân thần thoại… Anh Hiền được ra Việt Bắc là được ra với Bác Hồ, với chiến khu cách mạng thần thánh, anh được đặt bàn chân lên những dấu chân thần thoại như bà mẹ Thánh Gióng dẫm lên dấu chân ông Khổng lồ…
Sáng hôm sau anh dẫn tôi xuống thị trấn Diễn Châu để chụp ảnh kỷ niệm. Cả thị trấn và cả huyện chỉ có một hiệu ảnh của ông Tuấn. Ông đậu thành chung, đi dạy học một thời gian rồi mở hiệu ảnh ở Vinh. Sau khi Vinh tiêu thổ kháng chiến, ông tản cư ra Diễn Châu và lại mở hiệu ảnh. Vào thời điểm này hiệu ảnh của ông rất đông khách. Nam nữ thanh niên nông thôn kéo nhau ra chụp ảnh trước khi chia tay để đi dân công hoặc để tòng quân. Thầy giáo và học sinh trường Nguyễn Xuân Ôn là lượng khách đông nhất của ông. Ngày mai đã chia tay rồi. Hoặc ngày kia. Hoặc tháng sau hoặc năm sau… Cứ chụp ảnh sẵn nhỡ ra cấp trên có giấy về điều động đột ngột lại không kịp chụp. Thầy chụp với học trò, cả lớp chụp chung, từng đôi chụp với nhau. Tuổi học trò đầy mơ mộng, khao khát những chuyến đi xa nhưng cũng ngại ngùng nỗi chia ly. Nhiều cô khóc sướt mướt ngay tại hiệu ảnh.
Anh Hiền quen ông Tuấn chủ hiệu, nói đùa với ông mấy câu tiếng Pháp. Ông mời anh em tôi vào chụp trước, không phải chờ đợi. Hôm ấy quả thật tôi buồn lắm. Anh cũng buồn. Đây là lần cuối cùng anh em chụp ảnh kỷ niệm để rồi anh đi xa, đi xa không biết đến bao giờ mới được gặp lại…
Thế là anh Hiền đã ra Việt Bắc. Gia đình tôi có ba anh em trai. Anh Đồng làm trưởng ban quân báo huyện đội lúc mười tám tuổi, giữa tuổi mười chín thì anh mất lúc giặc đổ bộ lên Quỳnh Lưu. Còn lại anh Hiền và tôi bây giờ anh Hiền lại đi xa biền biệt. Tôi nhớ anh vô cùng. Kỷ niệm những ngày gần gũi luôn luôn hiện về với tôi trong giấc ngủ, trong sinh hoạt hàng ngày.
Mỗi lần ra sau nhà nhìn thấy đống rơm tôi lại nhớ cồn cào lúc nhỏ anh đánh trâu đi bắt chuồn chuồn giữa trưa nắng chang chang. Mẹ gọi mãi anh không chịu về. Mẹ ra tận đầu làng kéo anh về đánh một trận rất đau. Cứ mình trần như thế anh bỏ trốn biệt mấy ngày. Thương quá mà chẳng biết anh ăn ở đâu, ngủ ở đâu. Vào lúc xế chiều tôi đang thơ thẩn sau nhà thì nghe có tiếng vỗ tay khe khẽ bên kia đống rơm và kèm theo tiếng gọi rất nhỏ: “Xí ơi!” tôi ngoái nhìn thì thấy anh nấp sau đống rơm: “Em đem ra cho anh một cái áo”. Tôi vào nhà lục tìm áo đem ra, anh ôm áo rồi lại chạy biến mất…
Kỷ niệm đầy ắp gian nhà. Nhà cửa càng trở nên vắng vẻ. Những lúc rỗi rãi cha tôi thường nằm trên giường ngâm Kiều, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm. Mẹ và chị Hiền ngoài buổi làm đồng còn lo công tác hội mẹ chiến sĩ chấp hành phụ nữ xã. Dạo này cha mẹ tôi nhận nuôi một anh thương binh tên là Nguyễn Xuân Đài, quê ở Hải Dương. Anh bị cụt một chân, vừa ngồi chằm nón anh vừa hát cho tôi nghe những bài hát lúc còn ở chiến trường. Nhà có thêm người, thêm tiếng hát vui hơn trước.
Tôi viết thư, anh Hiền biết tin nhà có nuôi một anh thương binh, biết anh Đài ít hơn một tuổi. Anh Hiền viết thư về xưng “anh” và gọi anh Đài là “em”. Tôi cảm thấy vui như anh Đài là con để của mẹ tôi, là anh trai của tôi.
Ngày nào tôi cũng mong nhận được thư anh, vừa nhận được thư hôm trước hôm sau tôi lại chờ thư khác, mỗi lần có thư tôi lại đọc cho cả nhà cùng nghe. Buổi trưa đọc, buổi tối lại đọc. Bà con làng xóm cũng sang nghe. Mọi người vui như đang dự một đám hội. Vui nhất là khi anh gửi về một tấm ảnh cha tôi, mẹ tôi, chị tôi… đều khoe với bà con họ hàng làng xóm. Suốt trong tuần lễ ngày nào cũng có dăm bảy người tụ họp ở nhà tôi để xem ảnh. Người thì khen “Bác Hiền hơi gầy nhưng trông quắc thước hơn trước”. Người thì khen “chú Hiền trông oai hơn hồi ở nhà”…
Có lẽ tôi là người sung sướng nhất khi cầm tấm ảnh. Tôi cảm thấy nó quý giá vô cùng: ảnh chụp ở Việt Bắc - chiến khu thần thánh của cuộc kháng chiến. Tôi bọc kỹ ba bốn lớp giấy, cất cẩn thận vào tráp. Trừ lúc đi vắng, hễ về nhà là tôi đem ảnh ra xem. Đứng ở mọi góc độ để xem: từ trên xuống, từ dưới lên, từ phải sang, từ trái sang, tầm nhìn xa nửa mét, một mét… Tôi tưởng tượng cảnh chiến khu Việt Bắc âm u rừng rậm núi cao, thác tung trắng xoá, đèo lộng gió, đuốc sáng rực những đêm bộ đội và dân công mở chiến dịch. Trên cái khung cảnh hùng tráng ấy là tấm ảnh của anh. Anh đội mũ lưới, mặc áo trấn thủ, mặt hơi ngẩng lên, miệng cười. Chưa bao giờ tôi thấy anh cười khi chụp ảnh, kể cả lúc vui vẻ được học sinh trường Nguyễn Xuân Ôn cùng chụp chung. Đây là tấm ảnh đầu tiên anh cười. Tấm ảnh chụp từ chiến khu Việt Bắc gửi về cho quê hương, cho gia đình, cho tôi.Tôi nhìn theo ảnh để vẽ lên một tờ giấy to, tỉ mẩn tô đi sửa lại, rồi treo lên xà nhà. Còn tấm ảnh thì tôi cất kín, sợ giở ra xem nhiều ảnh sẽ phai màu. Niềm vui từ tấm ảnh cứ lan toả trong tôi từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác…
VI. Mất lập trường giai cấp
Hoà bình lập lại. Tôi học ở trường cấp ba Nghi Lộc, cách nhà gần ba mươi kilômet. Chiều thứ Bảy cuốc bộ về. Chiều Chủ nhật mang gạo, khoai và thức ăn cuốc bộ đến trường.
Năm ấy mất mùa. Đói! Đói khủng khiếp! Cứ cuối buổi học là chúng tôi đói mờ mắt, rất khó tiếp thu bài giảng của thầy. Mười hai giờ trưa tan học chúng tôi còn phải rủ nhau ra đồng hái rau khoai. Hôm nào cũng hái đầy rổ. Bà con nông dân nhìn thấy, chúng tôi ngại quá phải lấy nón úp kín miệng rổ. Ba đứa ở trọ một nhà dân: Ngô Trực Nhã, Trương Viết Vinh và tôi. Chị chủ nhà cho mượn chiếc nồi to, bữa nào chúng tôi cũng bỏ đầy ắp rau khoai, một nắm gạo và một nhúm muối, vừa đun vừa quấy cho nát nhừ, rồi múc ăn. Buổi chiều có lúc sắp tắt nắng chúng tôi vào rừng thông hái củi. Đêm nào cũng thức đến gà gáy canh ba để học bài, làm bài. Đứa nào cũng say mê học. Vinh và Nhã giỏi toán. Tôi giỏi văn. Chúng tôi hướng dẫn nhau, truy bài nhau, đứa này đặt câu hỏi để đứa kia trả lời. Dư âm của cuộc kháng chiến còn vang dội trong tâm hồn lứa tuổi học trò. Đánh giặc xong, đất nước sẽ rất cần trí thức trong công cuộc xây dựng, cho nên phải ráng sức mà học.
Một buổi chiều, Vinh, Nhã và tôi đang hái củi trong rừng thì thằng con bà chủ nhà tìm vào tận nơi báo tin: anh Hiền đang chờ ở nhà! Anh Hiền à? Anh Hiền nào? Chẳng lẽ anh Hiền lại về đột ngột thế? Ba đứa chúng tôi vác ba bó củi co chân co cẳng chạy một mạch.Vừa tới đầu ngõ thì thấy anh đang đứng chờ. Sung sướng quá, tôi nhìn anh và hai gò má anh ướt đẫm. Bao nhiêu năm rồi, anh em mới gặp lại nhau. Không những tôi mừng mà thằng Vinh thằng Nhã và cả gia đình nhà chủ cũng mừng. Mọi người đứng quanh anh hỏi hết chuyện này sang chuyện khác. Anh biếu chị chủ nhà một cái áo chần bông màu gụ, anh chủ nhà một đôi giày vải, ba đứa chúng tôi ba cái “bút nguyên tử”. Chợt thấy trên đầu anh có đính huy hiệu Điện Biên Phủ, tôi hỏi:
“Ơ, anh cũng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ à?”
“Ừ”.
“Sao anh không viết thư về cho cha mẹ và em biết?”
“Viết thư về sợ mọi người lo”.
Hiểu tâm lý chúng tôi, anh gỡ chiếc huy hiệu trao cho tôi. Ba đứa chúng tôi và mọi người trong gia đình chị chủ nhà chụm đầu ngắm nghía một cách say mê.
Từ khi biết anh là chiến sĩ Điện Biên Phủ, ai cũng nhìn anh với con mắt kính nể. Mấy người hàng xóm cũng chạy sang hỏi thăm. Anh lục trong ba lô ra một cái ca-men trắng in hình cờ đỏ “Quyết chiến quyết thắng”, hình anh vệ quốc đoàn đang xông trận và dòng chữ màu đỏ “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”. Mọi người truyền tay nhau xem, nâng niu như cầm một bảo vật.
Anh dẫn tôi ra đường chơi, hai anh em ngồi trên cồn cỏ giữa cánh đồng. Anh nói anh đã làm xong nhiệm vụ đánh thực dân, bây giờ Đảng điều anh tham gia nhiệm vụ đánh phong kiến. Ngày mai anh phải vào Hà Tĩnh cải cách ruộng đất đợt năm. Giọng anh đầy hào hứng “Trận đánh này còn quyết liệt hơn đánh Pháp. Ta chỉ đánh thằng Pháp trong chín năm, nếu cộng thêm tám mươi năm nô lệ thì ta cũng chỉ đánh nó gần một trăm năm. Còn bọn phong kiến địa chủ bóc lột dân ta hàng ngàn năm rồi, đánh nó còn khó hơn đánh Pháp, chúng nó có nhiều mưu ma chước quỷ để chống lại ta. Cải cách ruộng đất là một cuộc cánh mạng long trời lở đất, cày xới đến tận tầng sâu của ý thức con người…” Nghe anh nói mà người tôi thỉnh thoảng lại rung lên một cảm giác kỳ lạ thấp thỏm chờ đợi, hy vọng…
Anh vào Hà Tĩnh còn tôi vẫn cam chịu gian khổ học hành. Mỗi Chủ nhật về nhà một lần, mỗi lần về tôi lại biết thêm một số tin tức làng xóm phát động cải cách ruộng đất. Đột ngột một chiều thứ bẩy tôi từ Nghi Lộc về nhà đã thấy anh Hiền. Tôi đang ngơ ngác nhìn anh thì anh nói: “Anh được về hẳn rồi, anh em không phải xa nhau nữa”.
Dần dà về sau tôi mới biết rõ tại sao anh về hẳn. Tham gia cải cách ruộng đất ở Đức Thọ anh thấy quy sai một gia đình lên địa chủ, một lần họp đội anh nêu ý kiến phản đối, đội không nghe. Anh tỏ thái độ bướng bỉnh, hàng ngày vẫn vào gia đình ấy chơi. Ông đội trưởng trình lên đoàn và đoàn quyết định giao trả anh về Bộ Quốc phòng. Anh lập tức xếp quần áo, mang ba lô chào bà con nông dân quay trở về Hà Nội, không thèm trình bày một câu nào với Đội, với đoàn cải cánh ruộng đất. Bộ Quốc Phòng bèn cho anh đi học đại học Nông nghiệp. Trong quan niệm của cán bộ ta hồi đó chỉ có hoạt động chính trị hoặc quân sự mới có thể tiến thân được. Bị gạt sang làm chuyên môn tức là không được cấp trên tin cậy nữa, cộng thêm bản chất di truyền của ông đồ Nghệ, anh mạnh dạn xin phục viên.
Biết anh về nhà hẳn tôi buồn và thương anh. Bà con trong làng bàn tán với nhau: “Công lao chín năm kháng chiến của ông Hiền đổ xuống sông”. Tôi chẳng biết nói gì thêm với anh. Mỗi Chủ nhật về nhà nhìn thấy anh tha thẩn ra sân lại vào nhà, tôi thương anh. Chẳng lẽ anh theo bác Chắt Kế chuẩn bị khởi nghĩa khi còn bóng tối, hăm hở tòng quân đánh Pháp, say mê lý tưởng, bây giờ tiêu tan hết? Thấy tôi bần thần, anh lựa lời an ủi : “Em thấy đấy, từ những năm đầu kháng chiến, tiếng tăm Tướng Đặng Văn Việt lừng lẫy khắp cả huyện, cả tỉnh, cả nước. Chỉ vì gia đình là địa chủ quan lại mà phải ra khỏi quân đội. Mấy người bạn của anh như anh Lộc, anh Thân, anh Hối cũng lần lượt bỏ về nhà. Vì sao? Anh chưa thể nói với em được. Có lẽ sau này em sẽ hiểu…”
Qua lời của anh tôi nhận ra một sự thực như thế. Lâu nay anh ta vẫn đồn Tướng Đặng Văn Việt “về vườn”, mà tại sao anh Lộc cũng về nhà làm thợ may, anh Thân về nhà làm ruộng. Nghe nói trong cải cách ruộng đất anh Thân làm đội trưởng, bỗng nhiên bị quy là Quốc dân Đảng, ngồi tù một thời gian rồi mang khăn gói lếch thếch về với vợ con. Anh Hối trong kháng chiến làm đại đội trưởng xông xáo trên chiến trường Thừa Thiên nay cũng về sống thui thủi ở Hà Nội. Tại sao nhỉ? Tại sao các anh đã một thời xông pha vào cuộc đấu tranh giành độc lập cho đất nước mà nay bị đẩy ra ngoài rìa của cuộc đấu tranh ấy?...
Tôi tò mò xem cuốn sổ tay của anh chi chít ghi những dòng chữ trong mấy tháng đi cải cách ở Hà Tĩnh. Trang nào cũng khó đọc, ngoặc ra ngoặc vào, ghi ra cả ngoài lề, có chỗ dòng này ghi chồng lên dòng kia, có chỗ ghi rồi lại xoá mực nét bút đè lên rách cả giấy… Tôi cố cầm từng tờ soi ra ánh sáng đọc loáng thoáng được một số câu: “Ông Thìn làm giáo học mà cũng địa chủ, bà Mến biết cái cóc gì mà cũng thường vụ Quốc dân Đảng, địa chủ cả nút thế này thì lấy ai làm nông dân… Chúng nó kích bà con nông dân tố nhau lộn nhào lộn nhút…” Cuối cuốn sổ anh ghi mấy dòng rất dễ đọc: “Nợ máu xương với đời, mình đã trả xong. Thôi thì về nhà vui thú điền viên. Không làm được cây đại thụ chống chọi cùng phong ba thì xin làm cọng rêu dưới đáy ao để được yên thân”. Có lẽ thấy mấy ông công an xã thường hay ra vào cho nên anh đốt cuốn sổ, còn chiếc ca “chiến sĩ Điện Biên Phủ” và chiếc huy hiệu Điện Biên Phủ anh bọc giấy cẩn thận cất vào tủ chè. Một tấm ảnh chụp với đồng đội bên dòng suối Việt Bắc anh lồng vào khung kính treo lên tường.
VII. Vui thú điền viên
Suốt trong vòng nửa tháng anh đi chơi bên ngoại, thăm bạn bè xa gần bên này và bên kia sông Bùng, thăm mấy cụ già trong làng nhất là các cụ đồ nho. Anh đến chơi nhà các dì, các cậu. Đến nhà ai anh cũng có quà hoặc một cái kẹo lạc hoặc vài chiếc kẹo bạc hà, hoặc dăm ba hào bạc… Phong cách tiếp xúc trò chuyện của anh hoàn toàn không có vẻ gì là một người đã từng chỉ huy quân đội, hình như anh mang nặng tâm lý một viên chức thời xưa về hưu. Có lẽ đúng hơn, anh nghĩ rằng mình là một sĩ quan về làng nghỉ ngơi sau một thời gian dài chinh chiến, trong đó có tâm lý một nhà nho xa lánh nơi bon chen ồn ào.
Sau khi đã đi thăm hỏi những nơi cần thiết, hàng ngày anh ở nhà dọn dẹp đồ đạc, kê lại cái tủ chè, đóng lại cái giường, sắm thêm ít đồ tế khí đặt lên bàn thờ… Hồi sau cách mạng tháng Tám anh là một trong những người gương mẫu trong việc “thờ cúng tập thể” tại nhà thờ đại tôn thì nay anh lại là một trong những người đầu tiên lập lại bàn thờ riêng tại gia đình mình. Rồi anh cũng thắp hương cúng giỗ cúng tết. Ngày giỗ ông nội anh bàn với cha mẹ sắm cỗ mời chú bác sang dự, cũng uống rượu và kể lại chuyện từ thời xửa thời xưa mang khăn gói đến đất này lập nghiệp. Những bữa giỗ như vậy anh thích kéo dài tiệc rượu từ trưa cho đến nửa chiều, bà con ai về nhà nấy, anh ngủ một giấc rồi dậy đọc sách. Từ khi phục viên anh mua khá nhiều sách, toàn sách của các học giả thời trước như “Vân Đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn, “Ức Trai thi tập” của Nguyễn Trãi, “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú…
Đặc biệt anh dành nhiều thời gian để tu sửa mảnh vườn trước nhà. Trước kia hơn một sào vườn này quanh năm trồng rau cải, khoai lang… Bây giờ anh chỉ giành hai luống trồng rau. Tất cả đất còn lại anh trồng chanh, cam, quýt. Bốn góc trồng bốn cây hoè. Sáng nào anh cũng dậy sớm ra làm vườn chừng một tiếng đồng hồ rồi vào uống trà ngâm nga đôi ba câu Kiều.
Dọc lối ngõ từ vườn vào đến sân, thuở sinh thời ông tôi trồng một hàng cau, lúc lên sáu lên bảy, chiều nào cũng vậy, khi vừa tắt nắng, chúng tôi thường trải chiếu ngồi giữa sân xem vợ chồng lũ quạ bay lượn và lót tổ trên ngọn cau. Sau ngày cướp chính quyền, người ta coi việc ăn trầu là lạc hậu, chỉ còn một số bà già nhai trầu bỏm bẻm, con gái thì bỏ hẳn, các bà trung niên đua nhau cạo răng trắng. Chính tay anh Hiền đã cầm dao chặt hàng cau, nay anh lại lên tận chợ Bộng, chợ Vẹo tìm mua cau con về trồng.
Ngay trước sân, anh lấy đá ở lèn Hai Vai và tự tay xây hòn non bộ. Anh cất công chui vào hang tìm những hòn đá hình thù kỳ dị, chồng lên nhau, gắn lại bàng xi măng tạo nên một toà thiên nhiên nhỏ bé có suối chảy, có hang động, có cây cối rêu phong. Hầu như không bao giờ anh hài lòng với “công trình” của mình. Ngày nào anh cũng giành một ít thì giờ để hoàn chỉnh thêm. Lúc thì anh làm thêm cái cầu qua suối, lúc thì anh tạo hình một ông tiên buông cần câu… Anh chăm chút và bảo vệ cẩn thận như mười năm trước anh quý trọng giữ gìn cuốn sổ ảnh với những tấm hình mà anh tôn thờ.
Nhưng anh không chỉ lo tôn sửa gian nhà, mảnh vườn. Anh còn chịu khó ra đồng làm việc cùng bà con nông dân. Ngày mùa anh cũng đi gặt.Vụ cày anh cũng đi cày.Vào thì bón phân cho khoai lúa anh cũng đi gánh phân... Bà con khen anh là chín năm cầm súng đánh giặc không quên công việc nhà nông.
Thật ra làm những việc nặng nhọc ấy là quá sức anh. Chẳng qua anh muốn tỏ ra mình đã hoàn thành nhiệm vụ chín năm chinh chiến thì phải thực sự trở về với công việc đồng áng. Không phải như những người lính khác, trước khi nhập ngũ thì thực sự là nông dân; còn anh, trước khi cầm súng anh chỉ quen cầm bút. Lắm lúc nhìn anh lóng ngóng lội bùn tôi chạnh lòng thương. Có những buổi sáng mùa đông tôi dắt trâu đi trước, anh vác cày đi sau. Vừa đi anh vừa cuộn thuốc lá hút. Ra đến ruộng anh cũng cởi quần dài buộc quanh cổ giống như các bác lực điền, mắc ách lên vai trâu, rút hộp thuốc lá sợi xoè bật lửa ngậm trên môi, rồi mới cầm cày giục trâu bước. Chừng được mươi đường cày anh lại dừng trâu, hút điếu khác. Cứ thủng thẳng như vậy cho đến hết buổi. Anh tháo ách, rửa chân tay, ngậm một điếu thuốc, vác cày trở về. Anh cố tạo ra niềm vui trong công việc nặng nhọc.
Anh bắt đầu nghiện thuốc lá từ khi mới gia nhập quân địa phương. Ngồi trò chuyện với bạn bè, cùng hút thuốc lá anh thấy khoái lắm. Phục viên về nhà, bạn tâm đắc ở xa, hễ có bác nông dân láng giềng sang chơi là thế nào anh cũng pha trà, cuộn hai điếu thuốc lá, đưa cho bác một điếu. Anh vừa hút vừa thích thú nhìn điếu thuốc cháy trên môi người đối diện… Những lúc rỗi rãi như vậy, tôi không để ý lắm đến việc anh hút thuốc. Nhưng lúc vác cày vác bừa mà anh ngậm điếu thuốc tôi lại chạnh lòng nhớ anh lúc ngồi trên lưng ngựa, ngậm thuốc lá, buông cương, ngựa thủng thẳng từng bước.
VIII. Với người vợ hiền
Anh lấy vợ từ năm mười bảy tuổi. Cha mẹ dạm hỏi và anh vâng lời nghe theo. Chị quê ở làng Vĩnh Bình, cách Hậu Luật chừng ba kilômét. Nhưng trước khi cưới, lũ em út chúng tôi không hề được biết mặt chị, chỉ nghe các cậu các mợ nói chị là một cô gái đẹp người đẹp nết. Một lần tôi theo mẹ về quê ngoại ăn giỗ, lúc qua cánh đồng làng Vĩnh Bình mẹ chỉ cho tôi thấy chị đang làm ruộng từ xa. Anh cũng chưa một lần gặp mặt chị, càng chưa hề trò chuyện với chị.
Lễ cưới chưa tổ chức được bao lâu thì Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Anh mải mê đi lo việc làng việc xóm, rồi thoát ly gia đình lên công tác ở huyện. Do tiếp xúc nhiều với các cô gái có học hành, nhất là nữ sinh trường Nguyễn Xuân Ôn, anh chểnh mảng với chị, thậm chí không bao giờ anh hỏi chị một câu. Nhỡ ra gặp chị dọc đường làng, anh cố lảng tránh.
Hôm anh rời quê ra Việt Bắc mẹ tôi có dọn một bữa cơm rượu, mời các bác các chú sang dự. Chị thức dậy khi gà chưa gáy canh năm, lo nhóm lửa đồ xôi, làm thịt gà, lụi cụi một mình, chẳng gọi mẹ gọi các em gái dậy cùng lo. Cỗ bàn thật chu tất. Bà con ngồi uống rượu vui vẻ, chúc “bác Hiền”, “chú Hiền” lên chiến khu lập được nhiều công trạng. Chị cặm cụi trong bếp hầu hạ mọi người. Niềm vui lớn nhất của chị lúc này là lo chặt miếng thịt gà cho đẹp, pha bát nước chấm cho ngon, chọn những quả cà trắng xếp vào đĩa. Chị tỉ mẩn lo từng mâm cỗ vừa là để đựơc tiếng là người vợ hiền dâu thảo của gia đình, vừa để vừa lòng chồng trước lúc xa gia đình, xông pha nơi trận mạc. Nhưng anh thì chẳng để ý gì đến chị. Đến lúc mang ba-lô ra đi, anh chào cha mẹ, bà con họ mạc và mọi người trong gia đình, nhưng không hề chào hỏi chị lấy một câu.
Chiều. Rồi xế chiều. Rồi vào đêm. Chị ngồi một mình dưới bếp lau nước mắt. Sắp gà gáy canh ba tôi tỉnh dậy thấy chị vẫn ngồi. Tôi im lặng bước đến và ngồi bên cạnh chị:
“Sao chị chưa ngủ?”
“Chị không buồn ngủ”.
“Sáng mai phải dậy sớm đi cấy, chị không ngủ thì mai ra đồng lội bùn sao được”.
“Chị không buồn ngủ mà. Em lên ngủ đi, kẻo dậy muộn đi học chậm giờ. Sắp sáng rồi, chị thổi cơm để em kịp ăn mà đến trường…”
Suốt thời gian ở Việt Bắc, tất cả những bức thư anh gửi về đều không hỏi thăm chị một câu. Bức thư nào tôi cũng bóc ra, đọc cho cả nhà cùng nghe. Tôi đọc chậm chạp lời chúc sức khoẻ cha mẹ, em Đích, em Xí, em Đáng, em Thoả, chị Chắt Khải, bà con thân thuộc… Đọc đến hết thư tôi hơi bị hẫng… không có tên chị Hiền. Tôi vừa thương chị vừa tự giận mình. Tôi không hiểu. Tôi nẩy ra một ý khôn ngoan, lần sau có thư anh tôi đọc thêm vào một câu: “Em Hướng nhớ giữ gìn sức khoẻ, nhớ chăm sóc cha mẹ…” - tên chị là Hướng. Gương mặt chị sáng lên một niềm vui kín đáo… Tối đến, mọi người đã yên giấc ngủ, chị lục trong túi tôi đem bức thư của anh xuống bếp thắp đèn đọc lại. Bỗng chị gục đầu, nấc lên. Tôi đang ngồi học nghe rõ tiếng nấc của chị, chạy xuống: “Chị ơi! Chị đi ngủ, khuya rồi…” Chị không đáp lại cứ ôm mặt nấc lên từng hồi. Nước mắt là cách duy nhất để chị tự giãi bày. Buồn đau đến mấy chị cũng không tâm sự với ai. Khác với nhiều người phụ nữ, chị chẳng bao giờ ngồi lê la với bà này bà nọ kể chuyện gia đình mình nên không mấy ai biết được sự rạn nứt tình cảm giữa chị và anh.
Những năm xa chồng chị sống nhẫn nhục, lặng lẽ và làm việc không mệt mỏi. Chị được bầu vào Ban chấp hành Hội liên hiệp phụ nữ xã. Có thời kỳ chị làm ủy viên Hội đồng nhân dân xã. Hôm nào bận đi họp, tối về chị trằn sức ra làm bù. Có đêm chị thức rất khuya, xay thóc, giã gạo, rồi ra ao vớt bèo. Mẹ tôi thấy con dâu làm việc nhiều quá, ra tận ao đỡ rổ bèo cho con:
“Bèo lợn thì để mai mẹ lo. Trời rét thế này dầm nước con ốm mất”.
“Mẹ cứ về ngủ đi. Con chỉ làm một lát là xong ngay”.
Cha mẹ tôi sinh được sáu người con. Hai chị lấy chồng ở làng khác. Anh Đồng mất năm 1949. Chị Hiền là con dâu trưởng. Sau chị có tôi và hai em gái. Ba anh em tôi còn nhỏ. Cha mẹ già yếu. Chị cáng đáng tất cả mọi việc nhà, từ bếp núc cho đến đồng áng. Dáng người chị hơi thấp nên lúc cắt hái, gánh rơm gánh rạ trông chị càng có vẻ nhanh nhẹn, xăm xắn. Tết nhất, giỗ chạp các bà cô dắt cháu về, cùng xúm tay giúp chị, nhưng chị gạt ra: “Lâu ngày về ông bà, cô lên tiếp khách, nói chuỵên với các chú các bác. Một mình tôi lo là đủ rồi”. Bà con làng xóm ai cũng khen: “Bà Đoan có người con dâu tốt nết tốt đức thật là phúc”.
Tôi tham gia công tác quân báo một thời gian khá dài, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có từng ấy việc: dự các cuộc tập trận giả, dò xét thái độ những người không chịu đóng thuế nông nghiệp, không chịu đi dân công… Tôi đâm ra chán nản, xin được đi học tiếp. Cha mẹ tôi rất mừng. Không ngờ là chị Hiền cũng rất mừng: “Em đi học là phải. Kháng chiến thành công, đất nước cần những người có học như em”.
Trường học cấp hai xa nhà hơn mười cây số. Hàng ngày vừa tắt nắng, tôi và mấy đứa bạn xách cặp đi học, khoảng mười giờ đêm lại xách đèn về. Ăn vài bát cơm nguội, ngồi vào bàn làm bài. Sáng mai, dắt trâu ra đồng. Chiều tối lại xách đèn đi học. Có hôm, trời mưa, không thắp được đèn, chúng tôi phải chống gậy đi mò trong đêm tối từ trường học vượt qua mấy cánh đồng mới về tới nhà… Thấy tôi lam lũ quá chị chăm sóc tôi từng li từng tí. Đêm nào cũng vậy, biết tôi sắp về, chị đun nóng lại nồi cơm và nồi canh. Có hôm chị luộc sẵn mấy củ khoai hoặc củ sắn từ lúc chiều để tôi mang theo. Mấy tháng sau chị bảo tôi: “Em tìm nhà nào ở gần trường mà ở trọ, mỗi tuần về một lần. Chứ ngày nào cũng đi như thế này thì ốm mất”. Tôi chần chừ… Thời buổi đói kém, gia đình không đủ thóc gạo để ăn, tôi ở trọ thì phải mang gạo mang thức ăn. Ăn chung ở nhà, cây rau củ khoai cũng qua bữa. Thấy tôi có vẻ phân vân, cha mẹ hiểu ý, liền khuyên bảo tôi: “Chị mày nói thế là phải, tháng sau con tìm nhà mà ở trọ”. Thế là tôi ở trọ ngay một gia đình gần trường, mỗi tuần về một lần. Chị càng thêm vất vả, vừa việc nhà vừa việc học của tôi. Cứ chiều chủ nhật, chuẩn bị cắp sách đến trường là chị đã lo sẵn cho tôi một bao ruột tượng gạo, một gói tôm kho mặn với mật mía và muối. Biết tôi phải ăn dè thức ăn trong sáu ngày, để tôm không bị thiu, chị kho kỹ cho con tôm mặn cứng có pha vị ngọt của mật. Con tôm nào cũng dính lổn nhổn muối. Mỗi bát cơm chỉ cần hai con tôm là đủ: gạt muối ra trộn lẫn với cơm, còn tôm thì cắn nhỏ từng miếng, ăn rất đằm miệng… Có những chiều chủ nhật lạnh lẽo, chị trao bao gạo và gói tôm kho, tôi ứa nước mắt bước ra khỏi ngõ với một tâm trạng nặng trĩu.
*
Anh Hiền đột ngột rẽ về nhà trên đường từ ngoài Bắc vào Hà Tĩnh phát động cải cách ruộng đất đợt năm. Tối hôm đó có cuộc họp toàn thôn, anh ra dự và phát biểu ý kiến. Mọi người im lặng khi anh đứng dậy. Ai cũng nghĩ rằng anh sẽ nói rất dài và nói nhiều điều thú vị về tình hình trong nước, tình hình thế giới, kể nhiều chuyện về Bác Hồ ở Việt Bắc… Không ngờ anh chỉ nói chừng năm phút, nội dung thật là đơn giản: “Xin lỗi các đồng chí đảng viên, xin lỗi bà con họ hàng làng xóm về việc lâu nay tôi chê vợ. Tôi đã nhận ra sai lầm của tôi. Người cùng một giai cấp, ta phải đoàn kết chặt chẽ, nông dân không thương nông dân thì đợi địa chủ nó thương nông dân à?...” Khắp cả ba gian nhà thờ tiếng hoan hô nổi lên:
“Trời có mắt mà! Mự Hiền ở hiền gặp lành, chồng chê rồi chồng lại yêu”.
“Ông trời có mắt đem chồng trả lại cho mự Hiền”.
Trong góc nhà, mấy chị xô nhau chọc ghẹo chị Hiền:
“Từ nay thì hết buồn nhá!”
“Đảng lại đem chồng về trả cho mự rồi đó!”
“Mự ăn ở phúc đức thì ông chồng phải tự nguyện quay về!”
Tự nhiên tôi thấy ai đó đã phát hiện ra một điều đơn giản: “Đảng đã đem chồng về trả cho mự”. Qua cải cách ruộng đất, nhiều người đã tự thức tỉnh “ý thức giai cấp” là không chê vợ nông dân, không chê vợ nghèo khổ chân lấm tay bùn. Thậm chí, có thanh niên trí thức ngỏ lời yêu con gái cố nông. Tình yêu của anh Quảng với o Quỳ nẩy nở trong bối cảnh như vậy. Anh là một học sinh từ thời Pháp thuộc, quê ở Quảng Ninh, gia nhập Vệ quốc đoàn, được đề bạt làm đại đội trưởng. Trong thời gian đóng quân tại làng anh đựơc khá nhiều cô thôn nữ xinh đẹp, nhất là nữ sinh lân la tỏ tình. Đùng một cái anh đến nhà cố Đôi chơi. Anh ngồi trên chiếc chiếu rách, gọi o Quỳ tới và ngỏ lời yêu o. O Quỳ chẳng hiều đầu đuôi xuôi ngựơc ra sao, run bắn người, chẳng nói được câu nào. Anh cố gượng gạo để chuyển cách xưng hô: “tôi” thành “anh”, chuyển “O” thành “em”. Tay anh cầm tay o Quỳ: “Em… em… em… trả lời anh đi! Còn lo gì nữa! Em… em… lo con bò trắng răng à!...” Sau cuộc gặp ấy anh Quảng nói với mọi người: “Tôi lấy o Quỳ là để giải phóng giai cấp!”
Cũng với tâm lý bột phát ấy, anh Hiền không những lặng lẽ trở về với vợ mà còn công khai xin lỗi các đồng chí đảng viên và bà con họ hàng làng xóm về việc lâu nay chê vợ.
Chỉ ngủ ở nhà một đêm, hôm sau anh tiếp tục hành trình trở vào Hà Tĩnh. Chị thức dậy khi tờ mờ sáng, nấu một nồi cơm nếp, một nồi cơm tẻ, luộc một con gà bày lên mâm, rồi bê ra nhà ngoài.Trên mâm chị đặt sẵn gói cơm nếp với cái đùi gà, có ý là để anh mang đi đường. Rồi chị tất tưởi sang nhà hàng xóm mua một cút rượu… Cả nhà vui vẻ ăn bữa cơm mừng sự đoàn tụ của vợ chồng anh Hiền.
*
Từ giã đoàn cải cách ruộng đất, từ giã quân ngũ, anh trở về quê, càng gắn bó với chị hơn. Có lẽ không phải vì “tình cảm giai cấp” mà do sự thôi thúc của ý niệm “vui thú điền viên”.
Anh mua cho chị nào dép, nào khăn bịt đầu, nào áo ấm, áo sơ mi, mấy chiếc mùi soa và cả gương lược. Áo mới quá, khăn mới quá. Thời gian đầu chị không dám dùng ban ngày mà chỉ diện vào buổi tối. Đi họp ngoài làng ngoài xã nếu mặc áo mới thì chị trùm đầu bằng khăn cũ. Nếu trùm đầu bằng chiếc khăn mới thì chị mặc áo cũ. Nửa kín nửa hở chị khoe với mọi người “Khăn áo này là do chồng tôi mua”. Tâm hồn chị trẻ trung như hồi mới cưới.
Phòng ngủ được anh trang trí như phòng tân hôn: chiếu mới, màn mới, chăn bông mới. Trên mặt gối còn trải tấm khăn thơm thoang thoảng mùi nước hoa, mỗi sáng ngủ dậy cửa màn được vén ngay ngắn sang hai bên chăn được xếp vuông vắn đặt phía đầu giường, hai chiếc gối được vuốt phẳng phiu… Tôi có cảm giác rằng với giường chiếu ấy anh đã có một sự quyết tâm ghê gớm để trở về với người vợ quê mùa, với hương thôn bản quán. Trong cái quyết tâm trở về ấy có bao hàm cái quyết tâm dứt bỏ hoàn toàn cuộc đua chen trên con đường danh lợi.
Công việc bếp núc anh cũng trực tiếp nhúng tay vào hướng dẫn cho chị làm một số món mang chất thị thành. Các thứ gia vị cần thiết anh đã mua sẵn từ Hà Nội: lọ hồ tiêu, tương ớt, nước cà cuống, ớt bột… Sau bữa ăn mỗi người được ăn một bát chè đậu đen hoặc chè nếp. Trong bát chè có hương vị lạ ai cũng khen ngon. Anh nói: “Có gì lạ đâu cho tí dầu chuối vào là dậy mùi ngay”. Bí quyết thật là đơn giản, chị cũng học theo cách làm ấy, nhưng buồn cười, hôm đầu tiên chị nấu chè mọi ngưòi bưng ăn đều nhăn mặt vì sặc mùi dầu chuối, thì ra chị đổ vào nồi chè gần nửa lọ dầu, anh khó chịu lắc đầu nhưng không cáu gắt mà bình tĩnh hướng dẫn cách dùng: chỉ cần nhỏ vào bát hai giọt dầu chuối. “Tài thật, con người càng ngày càng khôn ngoan”, cha tôi tấm tắc khen…
Đứa con đầu lòng của anh chị sinh từ hồi đầu kháng chiến chống Pháp đến nay dã chín tuổi vẫn chưa có đứa thứ hai. Do chán vợ nên anh chẳng chăm sóc con. Cuộc trở về lần này suốt ngày đêm anh quấn quýt với con. Anh sắm cho con đủ các kiểu giày dép quần áo, bút mực sách vở. Đặc biệt anh chú ý tu sửa mái tóc của con, mỗi ngày một kiểu tóc khác nhau hôm nay thì kiểu tóc buộc vồng lên “kiểu tóc ống khói”, ngày mai lại chải vuốt ra đằng sau có thắt một cái nơ đỏ. Ngoài giờ cắp sách đến trường, anh dạy cho con học toán, học văn, học tiếng Pháp. Anh bắt con học thuộc lòng những bài thơ anh chép vào một cuốn vở. Sáng nào con bé cũng nghêu ngao đọc thật to. Không những cả nhà mà cả hàng xóm đều nghe:
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương…
Anh như một cây tre đã bị uốn cong sang phía bên kia, bây giờ muốn cho thẳng phải uốn cong sang bên này, có cái gì đó trong anh chưa nhuần nhuyễn, còn gượng gạo, thậm chí còn lố bịch, nhưng tất cả những việc anh làm đều biểu hiện sự quyết tâm “trở về”. Nhờ thế anh chị có thêm một đứa con gái thứ hai. Như vậy đứa con đầu cách đứa thứ hai chín tuổi, khi chị sinh cháu đầu lòng anh đi công tác xa nhà, vả lại cái tổ ấm miễn cưỡng hồi ấy không làm cho anh xúc động bao nhiêu lúc cháu bé cất tiếng khóc chào đời. Còn bây giờ anh săn đón, hồi hợp chờ đợi… Anh lục lọi kiến thức trong sách vở để đặt tên cho con, cân đi nhắc lại cuối cùng anh khai sinh cho cháu với tên “Thu”. Chị là “Thảo”, em là “Thu” - “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”, vừa hợp với con gái vừa hợp với tâm trạng hoài cổ của anh.
IX. Tham gia công tác thông tin
Tổ thông tin tuyên truyền công tác của làng tôi hoạt động sôi nổi hàng chục năm nay. Trong tổ, mấy đứa chúng tôi có mặt từ hồi đầu thành lập đến bây giờ vẫn tiếp tục tham gia. Thằng Bá, thằng Dần, thằng Hoàn… ngoài những lúc đi làm đồng và đi học chúng tôi say mê làm tất cả mọi việc để đưa tin chiến thắng và tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng: viết khẩu hiệu, đọc tin, sáng tác ca vè, biểu diễn những hoạt cảnh chèo kịch nói…
Hiện giờ thằng Bá làm tổ trưởng, Bá bàn với tôi:
“Chú Hiền viết chữ đẹp, mời chú vào tổ thông tin để viết khẩu hiệu”.
“Mày thử trực tiếp nói với chú ấy xem sao”.
Bá vừa đề xuất ý kiến, anh Hiền hưởng ứng ngay. Không ngờ anh lại tích cực làm mọi việc do Bá phân công. Hai việc chính của anh là: viết khẩu hiệu trên tấm cót to đặt ở cổng làng và thường xuyên viết tin tức lên bảng tin ở các cổng xóm. Những tấm lá cót dài bốn mét rộng một mét rưỡi luôn được anh thay đổi màu sắc và viết mỗi lần một kiểu chữ khác nhau để người xem đỡ nhàm. Lúc thì anh để mộc rồi viết chữ thường như thầy giáo viết bảng. Lúc thì anh quét vôi trắng lên, viết chữ son đỏ như rồng bay, phượng múa… Trên bảng tin, anh vẽ hình để minh hoạ: cụ già cắp sách đến lớp học bình dân, đôi trai gái tát nước bằng gàu dai, đoàn người gánh thóc đi nộp thuế nông nghiệp… Mỗi lần viết tin anh chuẩn bị rất chu đáo: một bát đựng than, một bát đựng son, một bát đựng hoàng thổ; ba đoạn tre non đập dập đầu để làm bút nhúng vào ba bát “mực”. Đứng trước bảng tin anh tô từng nét chữ, nắn nót từng nét vẽ. Bà con qua lại đều dừng chân xem anh tỉ mỉ uốn lượn bàn tay và thì thầm với nhau: “Từ khi có chú Hiền tham gia tổ thông tin, khẩu hiệu với bảng tin đẹp hẳn lên”.
Hồi còn tại ngũ, anh đã từng trình bày nhiều tờ báo liếp, báo tay của đơn vị. Sau một thời gian gia nhập tổ thông tin, anh đề nghị ra một tờ báo tường treo ở nhà thờ đại tôn để bà con đọc cho vui. Anh tập hợp bài, sửa bài và trình bày. Khổ báo rộng 1m x 1,2m, rực rỡ màu sắc. Trưa mùa hè, người làng ra nhà thờ nghỉ ngơi, hóng gió nồm, xúm xít trước tờ báo, vừa đọc vừa bình luận rôm rả. Anh viết một bài trên báo trong đó có câu: “Không làm được cây đại thụ chống chọi cùng phong ba thì hãy làm một cọng rêu dưới đáy ao để được yên thân”. Theo anh nghĩ, cọng rêu đó không phải là biểu tượng một tâm trạng yếm thế, mà là một sự rút lui về quê quán để lo việc cửa nhà, đồng ruộng và cùng bà con lo việc xóm làng.
*
Uỷ ban hành chính xã triệu tập một cuộc họp quan trọng để nghe đồng chí chủ tịch huyện nói chuyện về xây dựng đất nước sau thời kỳ chiến tranh. Thông thường các cuộc họp do xã hoặc huyện triệu tập Bá thường cử anh Hiền thay mặt tổ thông tin đi dự vì “chú Hiền có trình độ tiếp thu, ghi chép đầy đủ để về phổ biến cho nhân dân nghe “.
Từ hai hôm trước, người ta đã đồn đại là trong cuộc họp này chủ tịch huyện đích thân làm chủ toạ và diễn thuyết, hẳn có nhiều điều hệ trọng. Cho nên từ sáng sớm cán bộ các chòm các thôn đã gọi nhau í ới, vui như trẩy hội. Cả hội trường chật ních người, phải ngồi tràn cả ra thềm. Sau lời giới thiệu của chủ tịch xã, ông chủ tịch huyện đứng lên:
“Thưa toàn thể các đồng chí đảng viên và các đồng chí cán bộ. Ngồi dự hội nghị ở đây là những thành phần cốt cán của xã ta, cho nên tôi nói hết, tôi không giấu giếm một chút gì. Những điều tôi nói toàn là những vấn đề lạc quan cách mạng. Các đồng chí nghe rất sướng tai. Để mở đầu sự lạc quan này, tôi đề nghị các đồng chí vỗ tay hoan hô…”
Cả hội trường nổ ra tiếng vỗ tay và tiếng “Hoan hô… Hoan hô… Hoan hô…” vang dội. Đồng chí chủ tịch giơ cánh tay phải. Hội trường im lặng.
“Chúng ta, toàn dân tộc ta, toàn giai cấp ta, toàn Đảng ta đã lạc quan đánh giặc thắng lợi, bắt địch phải kí với ta hiệp định Genève. Như thế là kẻ địch đã phải công nhận chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là một chính phủ đàng hoàng đứng ngang hàng với tất cả các chính phủ trên thế giới. Lạc quan đánh giặc xong, chính phủ ta, Đảng ta, toàn dân tộc ta, toàn giai cấp ta lại lạc quan xây dựng đất nước không kém gì các cường quốc trên thế giới…”
Mọi người nghển cổ như bị hút vào đồng chí chủ tịch. Thấy gương mặt cử toạ đầy hưng phấn, đồng chí chủ tịch ngừng lại vài phút, rồi tiếp tục:
“Chắc các đồng chí nóng ruột chờ đợi những điều lạc quan tôi phổ biến… Yên chí… Việc gì đến sẽ đến, không phải sốt ruột gì cả… Tôi đề nghị các đồng chí vỗ tay hoan hô để đón nhận những điều lạc quan Cách mạng”.
Cả hội trường lại vỗ tay hoan hô như sấm dậy.
Đồng chí chủ tịch nuốt nước bọt cái ực, giơ cao cánh tay. Hội trường im lặng. Đồng chí nói dài lắm, nhưng có ba điều rất lạc quan, ai cũng nhớ nhập tâm.
“… Bệnh viện Diễn Châu hiện nay sẽ phá sạch sành sạch, phá sạch không còn một dấu vết gì của nghèo nàn lac hậu. Ta sẽ xây dựng một bệnh viện khác gồm nhiều toà nhà mười tầng, mười lăm tầng, trang bị đầy đủ các loại máy khám chữa bệnh cực kỳ hiện đại. Người nào đau ốm bất kỳ ở làng nào, xóm nào, xó xỉnh nào chỉ cần a lô một tiếng là có đường dây đưa ngay tức khắc tới bệnh viện, chứ không làm cái cáng người bệnh từ nhà tới. Cáng võng, đòn võng, dây dợ lằng nhằng vứt sạch, không còn một chút tì vết của nghèo nàn lạc hậu. Tôi chỉ nói một việc thôi, một việc đủ làm các đồng chí kinh ngạc giật nảy người. Các đồng chí có biết việc gì không? Riêng một cái giường của bệnh nhân trị giá tới 9000 đồng. Các đồng chí ngạc nhiên à? Không ngạc nhiên gì cả. Một cái giường bệnh nhân trị giá 9000 đồng. Bệnh nhân nằm trên đó, ăn trên đó, ỉa trên đó… Tất cả đều do máy móc điều khiển…”
“… Thị trấn Diễn Châu hiện nay sẽ phá sạch sành sanh, phá sạch không còn một dấu vết gì của nghèo nàn lạc hậu. Ta sẽ xây dựng một thành phố Diễn Châu to bằng thành phố Mạc Tư Khoa. Liên Xô sẽ giúp ta xây dựng. Thành phố mở rộng phía Tây lên tận lèn Hai Vai, phía Nam đến tận đền Công, phía Bắc đến tận cầu Bùng, phía Đông đến tận mép biển. Đường kẻ ô vuông như bàn cờ. Ô tô chạy như cua bò. Người ra khỏi cửa là lên ô tô, không phải đi bộ một bước. Muốn đi xem xi-nê có ô tô đưa đi. Muốn đi xem tuồng xem chèo có ô tô đưa đi. Muốn đi tắm biển có ô tô đưa đi. Muốn đi dạo mát có ô tô đưa đi…”
“… Nhà của ta ở hiện nay sẽ phá sạch sành sanh, phá sạch không còn một dấu vết gì của nghèo nàn lạc hậu. Tất cả mọi nhà đều xây thành nhà cao tầng. Từ nhà đi ra đồng có ô tô đưa đi. Làm ruộng mệt mỏi thì ngừng tay xem xi-nê… Tôi nói một việc này các đồng chí sẽ vô cùng ngạc nhiên. Các đồng chí có biết việc gì không? Mỗi gia đình trung nông sẽ giàu hơn tài sản thằng Bảo Đại… Tài sản thằng Bảo Đại sẽ thua kém tài sản một trung nông…”
Đồng chí chủ tịch diễn thuyết một cách say sưa, bỗng dừng lại đột ngột:
“Các đồng chí nghe có sướng tai không?”
Mọi người đồng thanh:
“Sướng tai lắm. Đồng chí cứ nói tiếp đi!”
Chủ tịch huyện nói say sưa quá và giơ hai tay choán cả vị trí chủ tịch xã hiện đang điều khiển cuộc họp. Chủ tịch huyện hăng hái làm luôn cả nhiệm vụ chủ toạ:
“Ai có ý kiến gì không?... Không ai có ý kiến gì à?... A, đồng chí Hiền! Chắc đồng chí có nhiều ý kiến hay, nói cho mọi người cùng nghe. Đồng chí Hiền hãy lên tiếng…”
Bị áp đặt một cách gay gắt, anh Hiền đứng dậy:
“Tôi chỉ sợ là đồng chí chủ tịch đem đến cho cử toạ một sự lạc quan tếu chứ không phải lạc quan cách mạng.”
Cả hội trường cười ồ lên. Chủ tịch huyện giơ cao cánh tay, nói như búa bổ:
“Lạc quan tếu là thế nào? Xem chừng tinh thần lạc quan cách mạng của đồng chí đã sa sút rồi đấy. Hồi đầu ta chỉ có gậy tầm vông, bom ba càng mà đánh thắng thằng đế quốc mạnh nhất toàn cầu. Bây giờ ta lại không dùng cày chìa vôi mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được à! Đồng chí thấy thế nào, đồng chí Hiền? Lạc quan tếu hay lạc quan cách mạng, đồng chí cho ý kiến.”
Anh Hiền hơi mỉm cười:
“Không…”
Chủ tịch huyện lại dõng dạc lên tiếng:
“Không à! Không là thế nào! Hơn lúc nào hết chúng ta phải rèn luyện ý chí, nắm chắc cày chìa vôi mà xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng chí Hiền có nhớ mười năm trước đồng chí oai phong ngồi trên mình ngựa cũng chỉ có một thanh kiếm, thế mà đồng chí cũng dám chọi nhau với thằng địch có đủ máy bay, xe tăng đại bác. Bây giờ đồng chí không dám cầm cày chìa vôi để xây dựng chủ nghĩa xã hội à! Đồng chí hãy xem lại cái tinh thần lạc quan cách mạng của đồng chí còn giữ được nữa không? Thế nào, đồng chí Hiền, đồng chí có ý kiến gì không?”
Anh Hiền lại nhếch mép:
“Không…”
*
Nhập nhoạng tối. Tiếng loa gióng giả từ đầu làng đến cuối xóm: “Alô! Alô! Ăn cơm xong mời toàn thể đồng bào tập trung tại nhà thờ đại tôn để nghe đồng chí bí thư Đảng uỷ xã phổ biến nhiều vấn đề quan trọng. Alô! Alô!” Tất cả các tổ viên tổ thông tin phân công nhau đến các cổng xóm để “alô”. Đứa nào cũng tìm vị trí cao để alô cho nhiều người nghe. Đứa thì trèo lên cây ổi. Đứa trèo lên cây phượng. Đứa thì trèo lên bức tường… Tiếng “alô” từ đầu kia đến, từ đầu này lại, đan nhau, oang oang chói tai. Đồng chí bí thư Đảng ủy về nói chuyện chứ đâu phải chuyện thường. Các gia đình vội vã sắp bát đũa ăn tối để kịp giờ đi họp.
Đèn đỏ một chốc, nhà thờ đã đông chật người. Trời rét. Ngồi chen chúc nhau. Các bà già nhai trầu. Các cô gái mỗi người rang một ít thóc bỏ vào túi để cắn chắt. Các ông cao tuổi và thanh niên truyền nhau điếu thuốc lào, tiếng điếu kêu sòng sọc. Sau mỗi buổi họp, nền nhà thờ vương văi nước trầu, bã trầu, vỏ thóc, tàn đóm, ông từ vừa quét dọn vừa càu nhàu: “Càng họp nhiều càng khổ dân đen”.
Trong khi chờ đợi, tiếng trò chuyện ồn ào hoà lẫn với tiếng cắn thóc rang lách tách, tiếng trai gái đùa cợt hoà lẫn tiếng rít điếu thuốc lào. Khói thuốc bay mù cả ba gian nhà. Mấy cụ già hớp phải khói ho sặc sụa… Đồng chí bí thư đã lên rồi kìa! Đồng chí đến muộn vì chiều nay phải dự ba cuộc họp bàn an ninh thôn xóm về việc bà Bửu mất con gà mái đẻ và về việc một tuần đinh ngủ với bà bắt cáy giữa đồng. Vừa bước chân vào hội trường chưa kịp chào hỏi bà con, đồng chí diễn thuyết ngay vì sau cuộc diễn thuyết này đồng chí còn phải dự một cuộc họp bàn về chống âm mưu của kẻ địch trong hoà bình.
“… Tình nghĩa quốc tế của các nước xã hội chủ nghĩa anh em vô cùng cao cả, muốn xoá bỏ cái nghèo nàn lạc hậu đến tận gốc ta phải dựa vào các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Các nước xã hội chủ nghĩa anh em cũng xắn hai ống tay áo giúp ta xoá bỏ cái ngoèn nàn lạc hậu…”
Mấy cô, mấy cậu bịt miệng cười phì phì vì đồng chí bí thư nói ngọng “nghèo nàn” thành “ngoèn nàn”. Một cán bộ đứng dậy “Xì…xì …” để ngăn những tiếng cười bất nhã.
“… Đảng, chính phủ nhân dân Cu Ba xung phong xây cho ta một con đường ngầm to chứ không phải nhỏ như cái cống nước. Con đường ngầm ô tô chạy được, hoả xa chạy được, xe tăng chạy được. Trên đường ngầm nhân dân ta cứ đi lại, cày bừa cấy hái như thường. Như thế là một mũi tên bắn trúng hai đích, đích thứ nhất là bảo đảm bí mật quân sự, đích thứ hai là xoá được cái nghèo nàn, xoá được lạc hậu. Tại sao làm đường hầm mà xoá được cái ngoèn nàn lạc hậu…”
Đồng chí biết mình phát âm ngọng nên cố tránh tiếng nghèo nhưng lại thích dùng cụm từ “xoá nghèo nàn lạc hậu” cho nên lại cứ phải nói “ngoèn nàn lạc hậu” tiếng cười phì phì lại nổi lên.
“… Làm đường ngầm tiết kiệm được diện tích canh tác. Ta có đường đi đàng hoàng mà không mất diện tích canh tác. Nhưng ta thấy Đảng, chính phủ nhân dân Cu Ba mới giành được chính quyền đất nước còn nghèo nên ta không nhận. Ta cảm ơn tấm lòng quốc tế vô sản của Đảng, chính phủ nhân dân Cu Ba...”
“Thằng Pháp cũng giở giọng ủng hộ ta mười lăm tỷ đô la nhưng ta không thèm nhận. Ta không thèm chìa tay nhận của quân đế quốc. Thằng Pháp vừa bị Đảng, chính phủ, quân đội nhân dân ta đánh cho thua liểng xiểng, chúng âm mưu quay lại ve vuốt ta hòng đặt ách cai trị lên vai lên cổ ta một lần nữa. Ta phải cảnh giác thằng đế quốc. Tự hai bàn tay trắng ta phải xoá cái nghèo… xóa lạc hậu… xoá cái nghèo nàn lạc hậu”.
“… Còn cái lèn Hai Vai sờ sờ ra đó ngứa mắt, ngứa mắt. Đảng, chính phủ ta sẽ xây một nhà máy xi măng, vài mươi năm sau đá nung xi măng sẽ hết sạch sành sanh. Lúc đó mọi người đã xây xong nhà ngói, đá cũng vừa hết hòn lèn không còn nữa ta có thêm mấy trăm mẫu đất để sản xuất góp phần đắc lực vào công cuộc xoá nghèo nàn lạc hậu…”
“Đồng ruộng ta phẳng lì thẳng cánh cò bay. Cày bừa cuốc xẻng chồng lại một đống mà đốt, ta dùng toàn máy cày, máy bừa, máy cấy, ta dùng toàn máy móc hiện đại. Các ông không phải cầm cái cày đi theo con trâu, các bà không phải cúi gập lưng cắm mặt xuống bùn. Khắp cả cánh đồng máy chạy như cua bò …”
Vừa hưng phấn vừa vội vàng, đồng chí bí thư nói một mạch, rồi “báo cáo với đồng bào’’ đi dự cuộc họp khác. Dư âm của bài diễn thuyết đầy lạc quan còn níu bà con lại bàn tán:
“Úp mặt mãi xuống đất đã có lúc ngẩng mặt lên trời”.
“Tôi mong nhà nước xây dựng nhà máy xi măng càng sớm càng hay để tôi xây lại nhà, thoát khỏi cái nhà tranh cứ hơi mưa là dột ướt hết cả giường chiếu”.
“Bà Hoe nhà tôi mà đi nghe ông bí thư nói hôm nay thì sướng lắm, thương bà ấy quanh năm mặc áo rách lội bùn”.
“Ôi trời ơi mẹ đĩ nhà tôi mà được ngồi lên máy cày máy bừa thì oai phong lẫm liệt như bà Trưng cưỡi voi ra trận”.
“A! Chú Hiền đến rồi im tiếng thế? Chú Hiền đánh giặc xong về quê lúc này là đúng lúc. Hồi trước chú cưỡi ngựa bây giờ chú lại cươĩ máy cày, lúc nào chú cũng sướng”.
“Chú Hiền đâu rồi. Im tiếng thế. Chú làm thông tin thì chú phải nói cho bà con biết mọi việc để bà con còn phấn khởi”.
Anh Hiền đang cuộn điếu thuốc lá ngồi dựa cột:
“Có tôi đây. Thưa thật với bà con là tôi làm thông tin tôi không dám nói như đồng chí bí thư Đảng ủy”.
“Tại sao?”
“Tại sao thế?”
“Chú nói cho bọn tôi nghe. Chú đi nhiều, hiểu biết nhiều, chú phải nói cho bà con nghe chứ”.
Anh Hiền ngừng tay cuộn thuốc lá, nói chậm rãi:
“Đồng chí bí thư nói Pháp muốn ủng hộ ta mười lăm tỷ đô la tôi không tin. Nói một tỷ đô la tôi có thể tin được, tạm tin được… Đồng chí bí thư nói Cu Ba xung phong làm cho ta một con đường ngầm từ Hà Nội vào Vĩnh Linh cho ô tô xe tăng tàu hoả chạy tôi cũng không tin. Liên Xô giành chính quyền hơn bốn chục năm rồi mà cũng chỉ làm được đường ngầm cho tàu điện chạy loanh quanh trong Mạc Tư Khoa… Đồng chí bí thư nói vài chục năm nữa phá sạch lèn Hai Vai để lấy đất canh tác tôi cũng không tin. Phần nổi của lèn Hai Vai nếu phá hết thì phần chìm của nó phải đến hàng mấy chục đời may ra mới lấy hết đá…”
“Có khi chú Hiền nói đúng”.
“Chú cứ nói nữa đi.”
“Chú nói tiếp đi, chú hiểu biết nhiều hơn. Bà con làng ta chỉ loanh quanh ra đồng rồi vô bếp.”
Anh Hiền rít một hơi thuốc lá, dụi mẩu thuốc xuống đất:
“Thôi… tôi xin nói thế là đủ rồi. Lần trước họp trên xã tôi chỉ nói trái ý ông chủ tịch huyện một câu bị ông ấy ốp cho một trận trước mặt mọi người… Tôi chỉ sợ là các ông cấp trên tếu quá đáng chứ không phải là lạc quan cách mạng.”
Những sự va chạm giữa anh Hiền với cấp lãnh dạo cứ lặp đi lặp lại tuy chẳng có lần nào anh to tiếng. Thậm chí hễ thấy cấp trên hơi nóng mặt là anh im lặng rút lui nhưng cũng không khỏi làm cho cấp trên khó chịu.
Chiều hôm ấy đi tát nước về Bá gặp anh Hiền “nhờ chú viết cho mấy khẩu hiệu thật đẹp ở bảng tin cổng xóm Nam, xóm Tây, xóm Bắc. Lần này không viết tin mà viết ba câu khẩu hiệu thật to”. Anh hí hửng viết bằng son đỏ nắn nót từng nét chữ đến nhập nhoạng tối thì xong. Ba tấm bảng quét vôi trắng toát nổi bật màu son đỏ ba câu khẩu hiệu: “Cương quyết tấn công vào nghèo nàn lạc hậu.”
Sáng hôm sau bà con ra đồng làm việc đến dừng lại trước tấm bảng. Nhưng rất buồn cười, đứa nào nghịch ngợm sửa lại câu khẩu hiệu ở cổng xóm Bắc: “Cương quyết tấn công vào ngoèn nàn lạc hậu”. Bí thư chi bộ biết tin này lập tức bắt tổ thông tin quét vôi xoá trắng hoàn toàn. Và ngay tối hôm đó tổ thông tin họp có bí thư chi bộ dự, kiểm điểm gay gắt anh Hiền. Bá nói: “ Chiều qua tôi đã thấy chú Hiền viết nghèo nàn lạc hậu. Chắc là có đứa nào đó nó nghịch dùng bút son sửa lại”. Những tổ viên khác cũng có ý kiến tương tự như Bá, nhưng bí thư chi bộ cứ gò vào buộc anh Hiền phải nhận là “ý thức trách nhiệm kém”, “có ý xỏ xiên đồng chí bí thư huyện uỷ xã”, “có ý đồ gì đằng sau”. Anh Hiền không chịu nhận…
Mấy ngày sau Bá được Đảng uỷ gọi lên và bảo “Từ nay không để đồng chí Hiền hoạt động trong tổ thông tin nữa”. Bá nói lại: “Đảng uỷ không cho chú Hiền làm thông tin nữa là quyền của Đảng uỷ, tôi chẳng thấy chú Hiền sai gì cả. Tôi phân công việc gì làm chú cũng làm đầy đủ, còn câu khẩu hiệu viết ngoèn nàn lạc hậu là do đứa nào đùa nghịch chứ không phải chú Hiền xỏ xiên hoặc có ý đồ gì đằng sau, cũng chẳng phải âm mưu địch xúi giục chú Hiền như có người quy kết”. Bá vắt áo lên vai phăm phăm ra về.
Tưởng là “dứt bỏ đường công danh”, vui thú điền viên tham gia việc làng việc xóm cho vui, đến bây giờ anh mới nhận thức ra rằng việc làng việc xóm cũng là việc xã hội, mà làm “việc xã hội” là thế nào cũng bị va chạm, xô xát. Anh hoàn toàn giành thì giờ lo việc gia đình nhưng vẫn bị Đảng uỷ để ý, cho là “phần tử bất mãn”, là “cố ý chống đối”… Thì ra cái “cọng rêu dưới đáy ao” mà anh tưởng là “yên thân” như các nhà nho ngày trước, có ngờ đâu cái cọng rêu ấy trong thời buổi này cũng phải đối mặt với mọi biến động của xã hội.
I II III
Các bài liên quan
Tranh cãi lớn quanh tiểu thuyết “Vết sẹo và cái đầu hói”
Thuỵ Khuê: Nói chuyện với nhà văn Võ Văn Trực
Tiểu thuyết “Vết sẹo và cái đầu hói" của nhà văn Võ Văn Trực: Văn chương và ám chỉ
Tác giả Võ Văn Trực (1936) là tác giả của nhiều tập thơ: Ngày hội của rạng đông (1978), Hành khúc mùa xuân (1980), Trăng phù sa (1983), Hương trong vườn bão (1995)..., từng nhận được nhiều giải thưởng, và các tiểu thuyết Chuyện làng ngày ấy, Vết sẹo và cái đầu hói (2006), Cọng rêu dưới đáy ao (2007).
Võ Văn Trực
Cọng rêu dưới đáy ao
Trong hai năm, Võ Văn Trực, vốn được biết đến như một nhà thơ, liên tiếp ra hai cuốn tiểu thuyết tạo ra những xôn xao lớn trong giới văn chương Việt Nam. Sau Vết sẹo và cái đầu hói (2006), Cọng rêu dưới đáy ao mà chúng tôi giới thiệu kỳ này tiếp tục “được” hưởng một số phận về xuất bản đầy cam go ngay từ khi mới xuất hiện: bị chính NXB quyết định thu hồi sau khi phát hành được gần 1 tháng.
talawas chủ nhật
Võ Văn Trực
Cọng rêu dưới đáy ao
I II III
I. Bóng ngựa phi
Cha mẹ đặt tên anh là Toàn. Sau Cách mạng Tháng tám, chính quyền thôn thấy trong làng có một người nữa tên là Toàn, nên đổi tên anh thành Hiền. Anh thích lắm: được chính quyền cách mạng đặt tên! Gặp người bạn nào anh cũng nói “uỷ ban cách mạng đặt tên tao là Hiền. Từ nay mày đừng gọi tên tao là Toàn mà gọi là Hiền’’. Nhưng một số người cứ quen gọi anh là Toàn. Anh tỏ ý không bằng lòng. Có người đứng từ xa gọi “Toàn ơi! Toàn ơi!’’, anh không trả lời. Chợt hiểu ra, gọi “Hiền ơi!”, anh mới quay lại: “có Hiền đây! Có Hiền đây!”
Năm ấy anh mười tám tuổi. Cả làng đói lăn chiêng. Ai cũng lo đi kiếm miếng ăn hàng ngày. Thế mà bỗng nhiên anh đi biền biệt suốt nửa tháng trời, đêm không ngủ ở nhà. Thỉnh thoảng anh mới về nhà lấy cái quần cái áo, rồi lại đi ngay. Tôi hỏi anh đi đâu, anh không trả lời. Cha mẹ tôi nói với tôi: “Anh đi công việc của anh, con hỏi làm gì. Con đừng nói cho ai biết là anh đi suốt ngày suốt đêm”. Tôi linh cảm thấy có một điều gì hệ trọng.
Một buổi sáng, tôi đang ngủ, mẹ gọi dậy: “Xí ơi! Dậy nhanh đi con! Ra nhà thờ đại tôn nghe bác Chắt Kế hiểu thị!” Tôi chẳng biết “hiểu thị” là gì, nhưng tôi cũng cảm nhận được đây là việc quan trọng. Tôi vùng dậy, chạy ra, thấy người đã đứng đầy cả sân nhà thờ. Chừng hai chục thanh niên sắp hàng ngay dưới gốc cây phượng, một tay cầm dao một tay cầm cờ đỏ sao vàng. Tôi chăm chú nhìn anh Hiền cũng đứng trong đó. Người tôi run lên sung sướng. Một cảm giác thiêng liêng kỳ lạ ập đến choán hết cả tâm trí tôi. Trời, anh Hiền! Anh cũng đi theo bác Chắt Kế làm cách mạng, đuổi Pháp đuổi Nhật, giành độc lập cho đất nước!
Sau khi diễn thuyết, bác Chắt Kế trao cho anh Hiền và anh Tòng lá cờ to. Anh Tòng trèo rất nhanh, cắm lá cờ lên ngọn cây phượng. Anh Hiền cầm dao đứng gác dưới gốc cây.
Dân làng reo lên. Đôi mắt tôi dõi theo anh. Và tôi khóc. Tôi cố mím chặt môi, nhưng nước mắt cứ trào ra… Tiếp sau đó, bác Chắt Kế dẫn đoàn thanh niên đi cắm cờ khắp các làng trong huyện. Tiếng trống nổi lên từ làng này đến làng khác. Cờ đỏ mọc lên từ làng này đến làng khác. Cả người tôi như bồng bềnh trong tiếng trống, tiếng reo hò, trong màu cờ đỏ lựng. Còn gì sung sướng hơn khi được biết anh trai mình theo bác Chắt Kế làm cách mạng.
Gần một năm sau, anh gia nhập quân địa phương huyện. Cả huyện Diễn Châu lúc ấy chỉ có một trung đội. Vì được học ít nhiều chữ quốc ngữ và chữ Tây, nên anh được cấp trên chỉ định làm trung đội trưởng. Cả Huyện đội có hai con ngựa: huyện đội trưởng Cao Xuân Khuê sử dụng một con, anh Hiền sử dụng một con. Trong những cuộc biểu tình trên huyện, nhân dân đứng hai bên đường quốc lộ, ông Cao Xuân Khuê cưỡi ngựa và mang gươm bên hông, đi đi lại lại trên đường, trông rất oai vệ. Đầu ông đội mũ nồi, một tay giơ lên, một tay cầm dây cương. Thỉnh thoảng ông lại giật cương, con ngựa ngẩng đầu và dựng tung bờm. Nhân dân kính cẩn đứng dẹp vào sát vệ đường. Anh Hiền không được cưỡi ngựa đi dọc đoàn biểu tình, mà chỉ được cưỡi ngựa đi lại trước hàng quân. Người làng tôi chỉ trỏ và xì xào: “Ông Khuê làng cấp chỉ huy to nhất huyện. Chú Hiền đứng hàng thứ hai. Làng ta có chú Hiền cũng là vinh dự lắm rồi’’.
Thỉnh thoảng Huyện đội tổ chức tập trận giả. Vũ khí chiến đấu là một cây tre dài chừng ba mét, một đầu đập xơ ra và tẩm bùn. “Kẻ địch” bị đâm thì trên tay áo có dấu bùn, xem như đã chết, không được tiếp tục tham chiến nữa. ác liệt nhất là lúc xáp lá cà, hai bên cầm cành tre đâm nhau, bùn bắn tung toé, có người bị bùn bắn vào mắt, đành phải ôm mặt chạy về.
Những cuộc tập trận giả như thế thường được tổ chức trong toàn huyện. Anh Hiền phi ngựa từ làng này qua làng khác như con thoi để kiểm tra trận địa.
Cuộc tập trận giả năm ấy tổ chức vào đúng mùng ba tết Nguyên đán. Dân quân trong toàn huyện mang vũ khí và bánh tét ra trận. Anh Hiền đang phi ngựa trên đường số bảy, gần đến lên Hai Vai, thì có một ông cụ từ Đan Trung chạy ra, đứng ngáng ngang đường. Anh dừng ngựa. Cụ già vừa chắp tay vái vừa nói như thét vào mặt: “Thưa với ông đội! Trăm nghìn lạy ông đội! Quân hai bên đang đánh nhau trên đồi hung dữ lắm. Hai bên đánh xáp lá cà. Có người gãy tay. Không bên nào chịu bên nào. Trăm nghìn lạy ông đội lên bảo hai bên lui quân. Nếu trận đánh kéo dài, bị thương nhiều không có người cày cấy”. Nghe xong anh Hiền liền cho ngựa phi về phía Đan Trung, xông thẳng vào trận địa. Ngựa phi lên đỉnh đồi. Anh ngồi lẫm liệt trên mình ngựa, hai tay cầm hai lá cờ đuôi nheo, dõng dạc ra lệnh: “Mệnh lệnh quân sự! Hai bên rút quân về hai phía chân đồi, không được đánh nhau nữa! Tất cả đều phải theo lệnh tôi!” Thế là trận đánh ngừng lại. Anh buông dây cương, cho ngựa đi thong dong từ bên này sang bên kia đồi.
Mấy chú dân quân làng Hậu Luật cậy thế anh Hiền là người làng mình, chạy tới:
“Chú Hiền ơi! Chúng tôi đã rút rồi, mà bên địch không cho rút.”
Anh Hiền nghiêm nét mặt:
“Việc quân sự, không chú cháu gì ở đây cả! Tất cả phải theo lệnh của tôi, về vị trí ngay tức khắc!”
Mấy chú dân quân đành rút lui, bàn tán: “Hàng ngày trông chú hiền thế, mà lúc chỉ huy cũng hắc ra phết”.
Không có ô tô đã đành, nhưng đến cái xe đạp cũng không có, đi đâu anh cũng dùng ngựa. Cưỡi ngựa trông lại oai vệ hơn đi xe. Mỗi lần anh về làng, bà con đang làm đồng cũng nhìn theo. Lũ trẻ con hễ thấy bóng ngựa trên đường số bảy là rủ nhau chạy ùa ra: “Ngựa chú Hiền đã về! Ngựa chú Hiền đã về!” Rồi chúng chạy theo ngựa về đến tận nhà tôi. Chúng xúm xít quanh con ngựa, tìm các thứ cho nó ăn: đứa thì vốc một nắm cám, đứa thì xúc một bát thóc lép…
Có lần lợi dụng lúc anh Hiền đang trò chuyện với bà con hàng xóm, lũ trẻ thách nhau cưỡi lên bành ngựa. Lúc đã cưỡi được rồi thì thách nhau phi ngựa. Không đứa nào dám phi cả. Bị nhiều đứa kích dữ quá, thằng Bá bặm môi, nhảy lên lưng ngựa, điều khiển cho ngựa phi ra đường quốc lộ. Lũ trẻ đứa thì reo hò khoái chí, đứa đứng im sợ tái xanh mặt, đứa lại hét toáng lên: “Đừng có liều mạng! Xuống ngay, Bá ơi!” Con ngựa thông minh dường như biết người ngồi trên lưng mình là một chú nhóc ngu ngơ nghịch ngợm, hắn bèn chơi khăm bằng cách nhảy cẫng lên. Thằng Bá sợ tái mặt, nhưng lại cố làm ra vẻ “tao rất dũng cảm”. Bá bặm môi, tay nắm chặt dây cương, hai chân lớ ngớ tìm cái bàn đạp. Con ngựa càng biết thằng nhóc con lần đầu tiên ngồi trên lưng mình càng chơi khăm hơn. Hắn co chân, dựng bờm, nhảy cẫng thật cao. Bá lúng túng sợ hãi nhưng vẫn cố hét toáng lên: “Tao không sợ! Tao không sợ!” Bá ngồi xiêu bên này xiêu bên kia, lao người ra phía trước, ngửa người ra phía sau. Trong chốc lát, bành ngựa rơi hẳn ra một bên… Lũ trẻ chỉ còn một vài thằng reo hò, còn tất cả bắt đầu hốt hoảng. Tôi cuống quýt đi tìm anh Hiền. Anh không kịp lồng chân vào giày, chạy ra. Con ngựa thấy ông chủ thân yêu của mình, bèn đứng im, ngoan ngoãn đi theo ông chủ về đến tận ngõ.
Thằng Bá chạy biến mất. Con ngựa lại hiền từ lim dim đôi mắt nhìn lũ trẻ như muốn nói một lời thân ái: “Phận sự của tôi là đưa ông Hiền đi lo việc quân việc nước, chứ không phải để cho các chú nghịch. Từ nay các chú đừng có đụng vào tôi”.
Chuyện thằng Bá dám liều lĩnh phi ngựa chỉ chốc lát đã loan khắp làng. Các bậc cha mẹ dặn con cái không được nghịch liều như thằng Bá.
Từ hôm ấy mỗi lần anh Hiền phi ngựa về làng, lũ trẻ chỉ dám đứng quanh để xem, chứ không đứa nào dám mó tay vào. Nhưng lúc rong trâu ra đồng, chúng thi nhau trèo lên lưng trâu rồi đánh cho trâu chạy như ngựa. Trâu đứa nào chạy trước là thắng cuộc, và con trâu đó được phong là “tuấn mã”. Không hiểu một bài đồng dao hình thành từ lúc nào mà mỗi lần thúc trâu chạy thì lũ trẻ lại đồng thanh hát:
Nhông nhông ngựa ông đã về
Mang rổ mang mê
Mà đi xúc cám
Bưng ra đầu trạm
Cho ngựa ông ăn
Ngựa ông béo năn
Ngựa ông béo nỉ
Đi đánh giặc quỷ
Đi đánh giặc tây
Ngựa ông béo quay
Ngựa ông béo quắt
Ngựa ông sáng mắt
Ngựa ông sáng tai
Ngựa lớn một
Ngựa lớn hai
Ông Hiền tốt
Ông Hiền tài
Ông đi đánh giặc
Tặc tặc tặc
Nhông nhông ngựa ông đã về …
II. Bạn bè cùng lứa tuổi
Bạn bè trong làng cùng lứa tuổi với anh hồi ấy có mấy người chơi thân với nhau: anh Lộc, anh Huân, anh Hối. Lúc nhỏ các anh được cắp sách đến trường học chữ quốc ngữ, chữ Pháp và một ít chữ Hán. Cho nên khi bác Chắt Kế đại diện cho phong trào Việt Minh về tổ chức cướp chính quyền có gọi các anh vào “Hội kín” để chuẩn bị cho ngày tổng khởi nghĩa trong toàn huyện. Bác giao cho mỗi anh một việc quan trọng. Anh Hiền đứng gác cho anh Tòng trèo lên cây phượng trước nhà thờ đại tôn cắm ngọn cờ đỏ sao vàng. Anh Lộc cầm cây mác đứng bên cạnh bác. Anh Huân dẫn đầu đội thanh niên vũ trang. Anh Hối cầm một tập giấy, thỉnh thoảng lại giở ra xem rồi gấp lại… Dân làng nhìn các anh với con mắt đầy kính phục, và gọi các anh là “người của bác Chắt Kế”. Hễ đi qua ngõ nhà ai, các anh cũng được mời vào ăn củ khoai luộc hoặc bát cơm nếp. Những gia đình được các anh cùng ngồi ăn cảm thấy thích thú và có phần vinh dự. Mấy thằng bạn nhỏ cùng xóm thường chơi với tôi, thỉnh thoảng lại gặp nhau khoe:
“Tối qua bác Chắt Kế với anh Lộc ăn cơm ở nhà tao”.
“Trưa nay chú Hiền với anh Huân ăn khoai ở nhà tao”.
“Hôm nhà tao cúng giỗ, mẹ tao mời bác Chắt Kế với cả bốn anh Hiền, anh Lộc, anh Huân, anh Hối đến uống rượu. Uống xong còn ngủ ở nhà tao”.
Tình yêu thương, kính nể của bà con làng xóm bao bọc các anh như kén bọc tằm. Những ngày tháng sau khi cướp chính quyền chẳng mấy khi các anh ở nhà, càng rất ít khi ăn cơm ở nhà mình. Chỉ riêng anh Huân là chưa lấy vợ. Còn ba anh Lộc, Hối, Hiền đã cưới vợ từ khi mười bảy mười tám tuổi. Nhưng đêm nào các anh cũng ngủ chung với nhau. Lúc thì ngủ ở nhà này, lúc thì ngủ ở nhà khác. Có đêm còn ngủ tập trung với dân quân, tự vệ. Mấy bà vợ ngủ một mình ở nhà, chẳng trách móc gì chồng. Trong các buổi họp chòm xóm, mấy bà chụm đầu nhau trò chuyện: “Các ông ấy là người của xã hội. Xã hội nuôi cho ăn thì phải lo công việc của xã hội”.
Trước kia, anh Hiền thường ở nhà dạy cho tôi học. Lúc rỗi rãi, hai anh em cùng ngồi dán diều hoặc gọt sáo diều. Mấy tháng nay anh đi biền biệt. Tôi cũng đi biền biệt. Chiếc giường tre hai anh em thường nằm ngủ bây giờ bỏ không. Anh thì đi ngủ tập trung với dân quân. Một hôm, tôi rủ thằng Bá, thằng Dần vào nhà tôi ngủ. Quá nửa đêm, bốn anh đi đâu về, lục sục luộc khoai ăn với cà muối, vừa ăn vừa thì thào nói chuyện. Tôi tỉnh giấc. Loáng thoáng nghe các anh nhắc đến tên tôi, tôi càng chăm chú lắng nghe:
“Thằng Dần choắt người, cho đi làm liên lạc. Choắt người càng dễ chui lủi”.
“Thằng Bá gan cóc tía, cho đi làm tình báo. Không may bị giặc bắt, đánh đập mấy nó cũng không khai”.
“Còn thằng Xí?”
“Thằng Xí lầm lì ít nói, kín mồm kín miệng,cũng là thằng gan cóc tía, cho vào đội quân báo”.
“Thằng Xí có học, giỏi chữ nghĩa, cho nó làm thư ký của Bộ chỉ huy”.
Được các anh nhắc đến tên Xí, cân nhắc Xí làm công này việc nọ, tôi mừng run cả người. Thế là tôi nằm thức cho đến sáng, chờ đợi các anh giao cho làm một công tác cách mạng gì đó…
*
Chỉ mấy ngày sau khi cắm ngọn cờ đỏ sao vàng trên cây phượng nhà thờ đại tôn, chính quyền ra lệnh “triệt để chống mê tín dị đoan, xây dựng đời sống mới”.
Công việc đầu tiên chống mê tín dị đoan là bắt ông thầy bói ở chợ Mới cùm trước cổng làng. Nghe nói thầy bói này quê ở Trung Hậu, mù cả hai mắt từ khi lọt lòng mẹ, không vợ con. Từ nhỏ cho đến nay đã ngoài năm mươi tuổi chuyên kiếm ăn bằng nghề bói toán. Ông đến ngồi ở chợ Mới gần mười năm rồi. Ngày thì xem bói. Đêm thì ngủ trong lều chợ. Phiên chợ nào các bà cũng xúm xít vòng trong vòng ngoài, nhờ thầy xem số… Chính quyền ra lệnh cho hai dân quân ra chợ bắt ông kéo về cổng làng, cùm hai chân bằng cùm gỗ. Hai ngày sau, ông đói lả người, bà Thân thương tình đem cơm nguội cho ông ăn. Ông cảm ơn bằng cách xem cho bà một quẻ. Chú dân quân phát hiện được, báo cho chính quyền. Chính quyền ra lệnh bắt cùm cả bà Thân về cái tội “chống chính sách xây dựng đời sống mới” của chính phủ. Thế là ở cái cùm đầu làng cùm chân một ông thầy bói và một bà già. Trông rất buồn cười. Nhiều người đi qua, thấy một ông già một bà già bị cùm gần nhau, bịt miệng phì cười. Bọn trẻ chúng tôi mỗi buổi chiều rong trâu về lại hát nghêu ngao:
Ông già cùm với bà già
Mắt lườm tình tứ thật là xứng đôi
Cơm hẩm ăn với thịt ôi
Nuốt vô khỏi cổ bụng sôi ầm ầm.
Công việc thứ hai “chống mê tín dị đoan” là phá đền ông Lãnh. Ngôi đền nằm trên cồn đất rộng chừng ba sào đất, cây cối um tùm, thân u và linh thiêng. Nghe các cụ truyền lại rằng:
Một nho sĩ nghèo gánh lều chõng đi thi, đến đây bị ốm nặng. Dân làng nấu cháo cho ăn và chăm lo thuốc men nhưng ông không qua khỏi. Trước khi tắt thở, ông nói: “Bà con đã thương ta, tận tình chăm sóc ta, nhưng số ta đến đây là tận. Ta mang ơn bà con nhiều lắm. Sau khi qua đời, ta sẽ trả ơn”. Dân làng tổ chức chôn cất chu đáo và đốt lều chõng bên nấm mộ. Tối hôm ấy cụ tiên chỉ nằm mộng từ ngôi mộ một vị ăn bận mũ áo đại thần bay lên trời. Sáng ra, thấy mộ và tro đã biến mất. Mọi người góp tiền của lập một ngôi miếu thờ. Qua nhiều đời, miếu được tu bổ ngày một lớn thành ngôi đền. Tên của nho sĩ đó là Lãnh cho nên ngôi đền được gọi là “đền Ông Lãnh”.
Sau khi đền xây xong, một bà trong làng bị mất trộm con lợn. Nhà bà nghèo rớt mùng tơi, không chồng con, chi chút góp tiền nuôi con lợn để làm vốn sống qua tuổi già. Lợn đã vỗ béo, sắp đến ngày bán thì bị kẻ trộm bắt mất. Bà mua hương ra đền Ông Lãnh khấn. Đêm, Thần về báo cho bà biết hiện nay con lợn đang ở đâu. Bà nói cho tuần đinh và nhờ tuần đinh bắt được lợn về.
Từ đó, tiếng đồn về đền Ông Lãnh rất thiêng lan ra khắp làng và cả các làng xung quanh. Ai mất trâu, bò, lợn, gà… đến khấn, Thần đều báo mộng cho biết để bắt về. Nạn mất vặt trong làng thưa dần. Bà con được sống yên ổn, ngủ ngon giấc.
Khi nghe lệnh phá đền, các cụ già tìm nhau thì thầm trao đổi chuyện trò tỏ ý bất bình nhưng không ai dám nói to, càng không có ai dám gặp chính quyền để bày tỏ ý kiến của mình. Cho đến buổi sáng dân quân tập trung để phá đền, các cụ chỉ đứng nhìn với gương mặt buồn thỉu buồn thiu. Lắm cụ cúi đầu lau thầm nước mắt… Lúc bác Chắt Kế giơ tay ra lệnh phá đền thì hàng chục nam nữ thanh niên đứng ngẩn người. Bác dõng dạc to tiếng ra lệnh cho anh Lộc, anh Hồi, anh Huân, anh Hiền: bốn người đứng bốn góc đền cầm búa đập nhát đầu tiên. Anh Hiền giơ búa lên đập vờ vào chân tường. Bác Chắt Kế chợt nhìn thấy, tức giận : “Chú Hiền! Đồng chí Hiền! Đồng chí còn thương tiếc cái thành luỹ mê tín dị đoan này à! Nghe lệnh tôi, tất cả thanh niên, tất cả dân quân xông vào phá đền!” Không ai dám chần chừ, mấy chục con gái con trai lực lưỡng giơ búa giơ cuốc đập phá. Tường đổ. Ngói đổ. Án thư đổ. Đồ tế khí cũng đổ ngả nghiêng. Chỉ trong một ngày, ngôi đền uy nghi bỗng trở thành đống gạch vụn.
Sau khi phá đền Ông Lãnh, một chiến dịch rầm rộ tấn công vào mọi di tích văn hoá cổ xưa mà người ta gán cho nó là “mê tín dị đoan”. Đền Bạch Y thờ một vị thần áo trắng đã cứu vua Lê Lợi thoát khỏi tay giặc. Đền Hàng Khoán thờ vị thần núi Hai Vai. Nhà Thánh hàng tổng. Nhà Thánh hàng xã. Chùa Hà. Mộ Hùng lễ bá Võ Phúc Tuy, một vị tướng của Lê Lợi. Mộ đức tổ triệu cơ họ Võ… Tất cả đều bị phá trụi, đều bị san bằng để trồng khoai, trồng mía, xây đống rơm đống rạ. Anh Huân, anh Hồi, anh Lộc, anh Hiền là những người thừa hành chỉ thị của chính quyền, huy động thanh niên và dân quân xông vào cuộc triệt phá này. Suốt hàng tháng trời, áo các anh đẫm mồ hôi.
Hôm phá cổng tam quan đền Bạch Y thần, anh Lộc bị một mảnh gạch văng vào trán chảy loã máu. Mẹ tôi tìm lá thuốc rịt vào và bắt nằm bất động trên giường. Anh Hiền nói đùa: “Anh Lộc bị thần phạt! Phải mua hương vàng ra cúng Thần thì sẽ khỏi ngay!” Không ngờ câu nói đó lọt vào tai bác Chắt Kế. Bác bắt họp Đoàn Thanh niên cứu quốc để kiểm thảo, anh Hiền phải cúi đầu thành khẩn nhận lỗi.
*
Anh Hối là em trai ông Giảng đã từng làm sếp ga thời Pháp. Anh được theo học trường Tây của tổng Thái Xá, rồi trường Tây của huyện Diễn Châu. Ngay sau ngày cướp chính quyền, anh được cử làm thư ký Uỷ ban kháng chiến hành chính xã. Đi đâu anh cũng mang chiếc cặp da đựng đầy ắp các thứ giấy tờ. Chiếc cặp này ông sếp Giảng đã dùng hơn năm năm làm việc ở ga Diễn Châu, tuy đã sờn mép nhưng vẫn còn đẹp chán. Bây giờ anh Hối dùng, nhiều cụ già gặp anh xách cặp đi trên đường làng là cúi đầu chào lễ phép “chào thầy ký ạ”. Anh dừng lại, ôn tồn nói: “Cụ đừng gọi tôi là thầy ký như thời thằng Pháp thằng Nhật. Tôi là cán bộ của nhân dân thì nhân dân cứ gọi tôi là anh Hối, chú Hối”.
Người ta đồn rằng chữ anh Hối đẹp nhất xã Đồng Tâm. Anh viết rất nhanh và khi viết không cần nhìn vào giấy. Bà con lên trình bày với Uỷ ban việc gì, anh Hối có thể tiếp ba người một lúc. Anh vừa nghe vừa ghi vào ba tờ giấy khác nhau.
Lúc thay mặt Uỷ ban viết báo cáo triệu tập hội nghị, anh thường ký tên là “Võ Văn Hối”. Khi dấy lên phong trào Nam tiến, anh mơ trở thành một tráng sĩ, nên thay tên là “Võ Sĩ Hối”. Rồi anh tình nguyện gia nhập đoàn quân Nam tiến, vào chiến đấu ở chiến trường Thừa Thiên.
Anh Lộc là con trai bác Hoe Chu. Năm 1927, bác Chắt Kế tổ chức chi bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Bác Hoe Chu có chân trong hội kín này. Hồi phong trào Mặt trận Bình dân, thanh niên trong làng nô nức tập võ. Bác Hoe Chu mời một võ sĩ dạy riêng cho anh Lộc. Anh trở thành võ sĩ và đã tham gia đấu trên một số vũ đài trong tỉnh… Cách mạng tháng Tám thành công, anh được xem như một thần tượng của thanh niên làng. Tiếng tăm của anh cũng truyền sang các làng khác. Suốt ngày đêm anh dạy võ cho dân quân. Nhiều làng trong huyện cũng mời anh dạy võ. Những cuộc mít tinh, biểu tình có đông đảo bà con tham dự, ban tổ chức thưòng mời anh lên sân khấu biểu diễn một số bài côn. Anh đánh trần, ưỡn ngực, chân tay cuồn cuộn bắp. Mặt anh bình thường đã to quá cỡ, lúc này càng to và dữ như mặt hổ. Anh vung tay và đi những đường côn vun vút như gió rít. Hàng trăm người đứng im phăng phắc, theo dõi và chiêm ngưõng.
Võ sĩ Lộc đã tham gia Vệ quốc đoàn rồi! Cái tin đó truyền đi rất nhanh. Bà con đến nhà chào hỏi.Thường ngày, người ta gọi anh là anh Lộc, bác Lộc, chú Lộc, lúc này từ ngưòi già cho đến trẻ con đều gọi là Võ sĩ Lộc.
“Võ sĩ Lộc chuẩn bị lên đường Nam tiến rồi!”
“Võ sĩ Lộc sắp đi thật à?”
“Võ sĩ Lộc gia nhập Vệ quốc đoàn thì ai dạy võ cho dân quân?”
Gái trai làng túm năm tụm ba bàn tán về việc anh Lộc sắp “thoát ly”. Họ vừa tiếc là làng vắng một võ sĩ, nhưng cũng vừa sung sướng nghĩ rằng: nếu anh Lộc đi lính thì sẽ làm chỉ huy to, bà con làng xóm sẽ rạng mày rạng mặt.
Anh Huân và anh Hiền ngồi bàn với nhau đặt chữ lót cho tên mình:
“Thằng Hối, thằng Lộc đã “võ sĩ” rồi. Hai thằng ta lại “võ sĩ” nữa thì nhiều võ sĩ quá”.
“Thời chinh chiến càng nhiều võ sĩ càng tốt”.
“Nhưng nhiều võ sĩ quá, người ta sẽ gọi nhầm thằng này sang thằng kia”.
“Thôi, hay nhất là “Võ Quang”. Quang là sáng. Dân làng đi theo con đường sáng của cách mạng, ta cũng đi theo con đường sáng của cánh mạng”.
Sau một hồi bàn bạc, hai anh lấy tên mình là Võ Quang Huân, Võ Quang Hiền. Anh Huân được điều lên làm việc ở huyện đội, anh Hiền được điều vào quân địa phương của huyện.
Biết bốn anh thân nhau, mẹ tôi bày biện một bữa cơm để hoan tống anh Hối, anh Lộc vào chiến trường miền Nam và anh Huân, anh Hiền lên huyện. Theo tập tục của bà con làng xóm khi có giỗ chạp hoặc khách quý, gia đình mổ một con gà là sang trọng lắm rồi. Bữa cơm hoan tống này, dĩ nhiên mẹ cũng mổ gà. Thằng Bá và tôi cứ xóng róng bên cạnh các anh cả buổi chiều.
Anh Lộc nói “hai chú em có gì đãi anh không”? Tôi chưa biết trả lời sao thì Bá gật đầu “có chứ” . Thế là nó rủ tôi vác thuổng xách giỏ ra đồng để bắt lươn, tôi làm chân phụ việc cho Bá, chỉ chừng vài tiếng đồng hồ Bá đã bắt được sáu con lươn to.
Bữa cơm tối hôm đó thật là thịnh soạn. Mẹ tôi chia đôi con gà: một nửa luộc, một nửa kho mặn. Còn lươn thì mẹ kho mặn với củ chuối, rắc ớt đỏ lên từng bát lươn. Mẹ để dành một chai nước mắm ngon Vạn Phần, những lúc cần thiết như thế này mẹ mới đem ra dùng. Lươn kho với củ chuối thái từng miếng nhỏ, trộn vào một ít mật mía, ăn mới đằm miệng làm sao.
Sáng mai các anh đã lên đường nhập ngũ, nhưng tối nay không anh nào về nhà, mà ngủ lại nhà tôi. ổ rơm đã lót sẵn ở góc bếp. Cả bốn anh, thằng Bá và tôi nằm khoanh tròn ngủ một giấc ngon lành.
III. Cuốn sổ ảnh
Mỗi lần về nhà, anh cột ngựa ở góc vườn đầu ngõ. Lũ trẻ trong xóm gọi nhau chạy sang: “Ngựa chú Hiền đã về! Ngựa chú Hiền đã về!” Lũ trẻ mê mải xem ngựa. Còn anh thì thủng thẳng đi vào nhà, đầu đội mũ chào mào may bằng vải nâu, mặc bộ quần áo tây cũng bằng vải nâu. Áo có cầu vai và hai túi trước ngực có nắp. Vai mang túi dết. Chân thường đi giày, thỉnh thoảng đi ủng. Lúc đi ủng trông anh có vẻ oai hơn. Hai ống quần nhét vào ủng, dáng bệ vệ.
Tôi sung sướng chạy ra ngõ đón. Anh nhìn vào mắt tôi, cười, chẳng nói gì. Anh rất ít nói. Tôi cầm tay anh, hai anh em đi vào nhà. Tôi vội vàng múc nước chè xanh mời anh uống. Mấy đứa nhỏ hàng xóm chạy sang chào “chú Hiền”, tôi cảm thấy hãnh diện.
Trong túi dết của anh lúc nào cũng có cuốn “Sửa đổi lối làm việc” của X Y Z, cuốn “ Kháng chiến nhất định thắng lợi” của Trường Chinh và ba cuốn tạp chí “Tìm hiểu” - Cơ quan ngôn luận của chi hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác Liên khu IV. Hồi đó tôi rất mê đọc, đem sách ra ngồi đầu hồi nhà đọc ngấu nghiến.Tôi nhớ mãi tên những tác giả viết bài trong tạp chí “Tìm hiểu”: Hải Triều, Hải Thanh, Vĩnh Mai… Tôi tò mò hỏi: “Anh đã bao giờ được gặp những ông này chưa?” Tôi chiêm ngưỡng những tên tuổi ấy và khao khát có dịp được nhìn mặt thì thích biết bao.
Có một lần nhà vắng người, anh rút trong người ra một cuốn sổ to bằng bàn tay, dày chừng một trăm trang, rồi bảo tôi ngồi ngay ngắn trên ghế đẩu, đưa cuốn sổ cho tôi xem. Anh không cho tôi sờ tay vào, mà tự tay anh giở từng trang. Tôi hồi hộp dán mắt vào: Chà, thích quá, toàn ảnh, trang nào cũng dán vài tấm ảnh. Những tấm ảnh thiêng liêng: Các Mác, Ăng- ghen, Lê-nin, Mao Trạch Đông, Sta-lin, Ăng-ve Hốt-gia, Lâm Bưu, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Gốt-van, Ti-tô, Vô-rô-si-lốp, Đi-mi-tơ-rốp, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt… Nhiều ảnh Bác Hồ: Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ bế em bé, Bác Hồ ngồi đặt tay lên trán…
Mỗi lần anh về, cuốn sổ lại dán thêm vài tấm ảnh. Lãnh tụ mười hai nước xã hội chủ nghĩa đều được anh sưu tầm đầy đủ. Dĩ nhiên là tôi chỉ được chiêm ngưỡng các bậc vĩ nhân ấy qua ảnh. Duy có một tấm ảnh trong cuốn sổ ấy mà tôi đã từng gặp người thật nhiều lần: đó là ảnh bác Chắt Kế. Gương mặt bác khôi ngô: trán rộng và vuông, tóc hoa râm chải ngược, mắt đeo kính trắng. Tên thật của bác là Võ Nguyên Hiến, người làng tôi, tham gia hoạt động cách mạng từ thời Thanh niên cách mạng đồng chí hội, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương trong Đại hội Đảng lần thứ nhất ở Ma Cao… Nhìn ảnh bác được dán chung trong sổ cùng với các vị lãnh tụ cộng sản, người tôi cứ rân rân tự hào.
Anh chỉ tôi xem sổ ảnh lúc anh ngồi bên cạnh tôi và tự tay anh giỏ từng trang. Anh không cho tôi cầm sổ và không cho tôi sờ tay lên ảnh. Lúc nào đi thăm bà con trong làng, anh bỏ sổ ảnh vào túi dết và treo lên cột.
Có lần anh vắng nhà, tôi rủ thằng Bá vào chơi. Chúng tôi đóng kín cửa, cùng xem ảnh qua khe hở của cánh cửa đầu hồi. Lúc anh về đến ngõ, tôi luống cuống bỏ cuốn sổ vào túi dết và mở toang cửa rồi chạy đi chơi. Anh không hề biết gì. Nhưng một lát sau, anh gọi chúng tôi về. Bá và tôi lo sợ: chắc là anh biết chúng tôi lấy trộm ảnh ra xem! Anh nghiêm nét mặt, bảo hai đứa chúng tôi ngồi xếp bằng trên nền nhà, đặt chiếc bị cói trước mặt và bảo chúng tôi thò tay vào:
“Có cái gì trong đó, lấy ra!”
Thằng Bá cầm được cuốn sổ ảnh, mặt tái mét. Còn tôi được hai quả ổi, thích quá, vừa chạy ra khỏi cửa vừa reo. Thấy tôi chạy, thằng Bá nhấp nhổm muốn đứng dậy, nhưng hắn sợ, không dám đứng lên. Anh gọi tôi vào, bắt ngồi nguyên vị trí cũ:
“Nhiệm vụ của hai đồng chí là phải ăn hết hai quả ổi, chứ không được tự tiện lấy sổ ảnh ra xem. Khi bỏ vào túi tôi để sổ ở phía trong sao hai đồng chí lại để sổ ra phía ngoài, nếu tôi bắt được lần thứ hai tôi sẽ phạt hai đồng chí hai ngày lao động giữa nắng nhớ chưa?” Nghe giọng nói nửa đùa nửa thật của anh chúng tôi hoàn toàn thoát khỏi nỗi lo sợ. Tôi đưa cho Bá một quả ổi và chạy rất nhanh ra sân.
Một lần khác anh lên núi Hai Vai để xem địa hình bố trí tập trận giả, đoán là anh sẽ đi hết buổi, tôi bảo Bá đứng canh ngoài ngõ, còn tôi giở sổ ảnh vẽ theo ảnh Sta-lin lên một tờ giấy to bằng bút chì màu, tôi hí hoáy vẽ, say mê vẽ từ sáng cho đến trưa thì xong bức ảnh, gọi Bá vào xem. Hai đứa đứng ngắm, rồi sửa, rồi ngắm. Tôi chú ý vẽ bộ râu của Sta-lin thật đẹp, thật oai hùng, sau khi sửa chữa hoàn chỉnh tôi nắn nót đề dưới tấm ảnh dòng chữ “Đại nguyên soái Sta-lin muôn năm”… Bất chợt anh Hiền về, thấy bức ảnh Sta-lin treo trên cột nhà anh hỏi:
“Đứa nào vẽ?”
Tôi trả lời ngay:
“Em vẽ”.
“Em nhìn ảnh nào mà vẽ?”
“Em tưởng tượng…”
Anh chẳng nói gì, lăng lặng rút cuốn sổ trong túi dết, mở ảnh Sta-lin trong sổ đối chiếu với tấm ảnh tôi vẽ. Anh có vẻ hài lòng gật đầu:
“Giống đấy nhưng phải tô lông mày nhíu lên thì mới thể hiện được đức tính cương nghị phi thường của Đại nguyên soái…”
Tôi thấy nhẹ tênh cả người, không những anh không quát mắng mà còn khen, lại góp ý cho tôi vẽ đẹp hơn. Từ hôm ấy mỗi lần về nhà anh lại đưa cuốn sổ ảnh cho tôi: “Em vẽ đi. Nhưng không được sờ lên ảnh”. Tôi hì hục vẽ xong vị lãnh tụ này lại vẽ vị lãnh tụ khác, có ảnh thì vẽ bằng bút chì màu, có ảnh thì vẽ bằng mực nho.
Từ cuốn sổ của anh Hiền tôi đã vẽ ra hàng chục tấm ảnh treo khắp nhà. Bà con trong làng, không những trẻ con mà còn cả người lớn thường đến nhà tôi xem ảnh chỉ trỏ ảnh này, ảnh kia tranh nhau bình luận:
“Bộ râu Đại nguyên soái Sta-lin đẹp quá!”
“Trán Mao chủ tịch trông rất thông minh, như trán một ông thánh.”
Nhiều người nhờ tôi vẽ để đem về treo tại nhà mình, Uỷ ban xã cũng bảo tôi vẽ ảnh Bác Hồ, Bác Mao và Sta-lin để dùng trong những cuộc hội họp. Bác Niêm phụ trách phòng thông tin thôn cũng bảo tôi vẽ mười hai ảnh lãnh tụ của mười hai nước xã hội chủ nghĩa để treo trong phòng.Tôi mê mải vẽ ngày vẽ đêm, nhiều buổi trưa mùa hè nắng chói chang trèo lên chòi gác phòng không nằm vẽ chồm hỗm, mồ hôi nhễ nhại.
IV. Phong trào tòng quân
Cuộc kháng chiến chống pháp đã chuyển từ giai đoạn “phòng ngự” sang giai đoạn “cầm cự” và đang tích cực đẩy mạnh sang “giai đoạn “tổng phản công”. Tin thắng trận từ các chiến trường dồn dập đưa về làm nức lòng dân ở vùng hậu phương lớn Thanh, Nghệ Tĩnh. Tôi có chân trong đội tuyên truyền của xã, có dạo thức trắng từ đêm này qua đêm khác. Lúc thì đi dán ca dao cổ động in li-tô trên các bức tường, lúc thì cầm loa phát thanh tin chiến thắng, lúc lại soi đuốc viết khẩu hiệu lêu nong lên cót dựng khắp các ngả đường... Tôi say mê đi làm công tác tuyên truyền hơn đi học.
Phong trào “dồn sức người sức của ra tiền tuyến” ở làng tôi lên rất mạnh, mặc dầu mất mùa, đói kém, tinh thần của mọi người vẫn lên cao như diều gặp gió. Các cụ già tập trung ở đình làng đan sọt cho dân công, các bà mẹ tất tưởi rủ nhau đi làm nhiệm vụ “hội mẹ chiến sĩ”. Những đêm làng tổ chức hoan tống dân công thật là vui, người ta đua nhau biếu quà cho dân công lên đường: loong gạo, loong muối, niêu tôm kho, bánh thuốc lào... còn tôi thì sáng tác ca vè để đọc trong các buổi hoan tống.
Thanh niên hăng hái hưởng ứng phong trào tòng quân. Anh Hiền phi ngựa đến tận từng nhà để tuyển quân, nhiều người lén lút gặp anh để xin được trúng tuyển.
Hồi đó tôi học ở trường trung học Nguyễn Xuân Ôn, đây là ngôi trường lớn ở Huyện phía Bắc Nghệ An do giáo sư Cao Xuân Huy sáng lập và làm hiệu trưởng. Trường là trung tâm văn hoá của huyện. Thầy giáo là những trí thức nổi tiếng trong tỉnh và một số tri thức từ Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Bình ra. Cán bộ của huyện thường về trường nói chuyện chính trị và thời sự, thỉnh thoảng anh Hiền cũng cưỡi ngựa tới trường nhưng anh không diễn thuyết bao giờ, anh ít nói và không có tài hùng biện. Anh chỉ kiểm tra công tác quân sự của trường, thỉnh thoảng dẫn cán bộ về dạy võ cho học sinh. Lúc rỗi rãi, anh đứng nói chuyện bằng tiếng Pháp với các thầy. Hầu hết giáo viên của trường đều là tú tài, rất giỏi tiếng Pháp. Có lẽ anh cảm thấy trình độ Pháp văn của mình còn non, không dám nói chuyện lâu với các thầy, chỉ nói vui một số câu rồi tìm cớ lảng đi nơi khác. Nhưng nhiều học sinh thì cứ nghĩ bụng: ông cán bộ quân sự này vốn học thức cao, ít ra cũng “tú tài Bắc”. Họ nhìn anh bằng con mắt kính nể.
Phong trào tòng quân làm dấy lên một không khí sôi nổi khắp nơi và tràn vào trường Nguyễn Xuân Ôn. Cứ đến giờ nghỉ là nam nữ học sinh túm tụm từng nhóm bàn tán về việc tòng quân. Họ truyền nhau những tin tức mới lạ. Cử nhân Phan Đương cũng đã tòng ngũ. Ông là cử nhân duy nhất của hai huyện Yên Thành và Diễn Châu, bà con thường gọi một cách tôn kính là “ông cử Đương”. Bây giờ ông cũng xếp bút nghiên theo nghiệp binh đao. Các võ sĩ nổi tiếng như Hoàng Võ, Mạnh Hổ cũng dứt bỏ võ đài và cảnh gia đình giàu sang để xông pha trận mạc. Nghe đâu võ sĩ vô địch Trung Kỳ Châu Giang cũng đã ra chiến trường…
Trong số những nhân vật ấy, họ bàn tán nhiều về tướng Đặng Văn Việt. Chẳng hiểu ông làm cấp chỉ huy gì trong quân đội, nhưng trí thức và cử nhân trong huyện cứ gọi ông là “tướng”. Ông là con trai cụ Đặng Văn Hướng ở xã Nho Lâm, cháu nội hoàng giáp Đặng Văn Thuỵ đã từng làm quan giữ chức tế tửu dưới triều Nguyễn. Thời chính phủ Trần Trọng Kim, cụ Hướng làm tỉnh trưởng Nghệ An. Sau cách mạng tháng Tám, cụ được Bác Hồ mời giữ chức bộ trưởng không dự bộ nào. Tướng Đặng Văn Việt thông minh và sớm giác ngộ cách mạng. Đầu kháng chiến chống Pháp, ông chỉ huy nhiều trận đánh lớn. Giặc Pháp phải gườm ông và gọi ông là “con hùm xám đường số 4”. Cuộc đời ông bắt đầu được thêu dệt đôi nét huyền thoại. Bọn lính thực dân thường bị ám ảnh về cái tài xuất quỷ nhập thần của ông và càng sợ hãi khi cái biệt danh “con hùm xám đường số 4” lan truyền trong hàng ngũ chúng. Một lần, toán lính lê dương đang hành quân trong rừng bỗng một tên hét toáng lên “con hùm xám”, cả lũ hốt hoảng bỏ chạy tán loạn, súng ống vứt lung tung. Du kích ta chạy ra nhặt súng đạn. Một lần khác, bọn chỉ huy đang ngồi trong đồn, chụm đầu trước tấm bản đồ quân sự để bàn kế hoạch tiêu diệt đơn vị vệ quốc đoàn đóng bên kia suối, một tên lính khác nổ súng, hàng chục tên khác cùng nổ súng. Bọn chỉ huy chẳng hiểu đầu đuôi gì, cũng cầm súng bắn vung vãi. Sau lúc nổ súng loạn xạ, chúng định thần lại, tên lính nổ phát súng đầu tiên khai rằng: “Tôi thấy con hùm xám chạy qua trước mặt!’’ Viên chỉ huy tức giận, cầm súng bắn thằng này chết ngay tức khắc…
Họ truyền cho nhau những tin chiến sự. Tin chiến sự trộn lẫn phong vị huyền thoại của thời buổi chinh chiến, tạo ra trong tâm hồn giàu mơ mộng của học sinh nỗi bồn chồn cảnh xông pha trận mạc. Cuốn “Chinh phụ ngâm” của Đoàn Thị Điểm tuyệt đối cấm lưu hành và cấm dạy trong nhà trường, nhưng học sinh lén lút truyền tay nhau đọc. Hình ảnh người chinh phu thấp thoáng trong tâm trí họ.
Anh Hiền vẫn cùng một số cán bộ quân sự về trường động viên phong trào tòng quân. Anh cưỡi con ngựa quen thuộc, nhưng y phục đã thay đổi: đội mũ lưới, mặc áo trấn thủ, đi giày đen, bên hông đeo khẩu súng lục. Quân trang ấy ít nhiều gợi chút lãng mạn tráng sĩ trong một số học sinh, nhất là học sinh con nhà giàu có đã từng đọc sách văn học Pháp. Cái chất lãng mạn ấy thực sự đã góp phần kích thích lòng yêu nước, xả thân vì nền độc lập của Tổ quốc đối với thanh niên. Chúng tôi chép vào sổ tay và thuộc lòng bài thơ “Ngày về” của Chính Hữu, bài “Tây Tiến” của Quang Dũng. Trong một cuộc mít tinh động viên học sinh tòng quân, anh hiệu đoàn trường cao hứng đọc “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Hàng trăm học sinh ngồi im phăng phắc, dỏng tai nghe. Anh Hiền không có tài nghệ múa gươm và múa côn. Cho nên mỗi lần đến trường anh dẫn theo vài chiến sĩ để biểu diễn một số bài võ Tàu và võ dân tộc. Không những các bạn nam mà cả các bạn nữ sinh cũng rất mê xem múa võ bằng côn và đại đao.
Một buổi sáng mùa xuân, nhà trường tổ chức lễ ghi tên tòng quân. Không khí thật là trang nghiêm. Có ảnh Bác Hồ trên bàn thờ Tổ quốc với câu khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết”. Anh Hiền và một số cán bộ Huyện đội về dự. Có cả mấy nhà sư tu ở chùa Sò.
Buổi lễ được thông báo trước một tuần nên các cô giáo thầy giáo đến sớm hơn ngày thường. Nam nữ học sinh hầu như không vắng người nào. Bà con ở gần trường kéo tới khá đông.
Sau nghi lễ thông thường, đến mục ghi tên vào tòng quân. Đây là tiết mục thiêng liêng nhất, hồi hộp nhất. Mọi người im lặng, chờ đợi… Anh hiệu đoàn trường mời thầy hiệu trưởng Cao Xuân Huy lên ghi tên đầu tiên. Hàng trăm cặp mắt chăm chú theo dõi. Thầy mặc áo lương dài, quần trắng, từ từ đứng dậy, rời khỏi ghế, bước thứ nhất, rồi bước thứ hai, chậm chạp từng bước đến chiếc bàn trải khăn trắng và trên bàn đã đặt sẵn một cuốn sổ với cây bút. Anh hiệu đoàn trường trịnh trọng mở cuốn sổ và trao bút cho thầy. Thầy cúi xuống, cầm bút ký tên lên trang giấy… Tiếng vỗ tay hoan hô kéo dài. Thầy lững thững từng bước trở về ghế ngồi. Hàng ngày, thầy luôn đi bộ chậm rãi, gương mặt trầm tư. Dẫu đường xa thầy vẫn đi bộ chậm rãi. Ngày nào thầy cũng đi bộ từ nhà đến trường, từ trường về xa dài gần ba kilômet. Khi có việc thầy vẫn đi bộ từ Diễn Châu ra Cầu Giát dài hai chục kilômet, đi bộ từ Diễn Châu lên Đô Lương dài gần bốn chục kilômet. Học sinh đã quen nhìn thầy đi bộ chậm rãi. Nhưng lúc này, thầy chỉ đi bộ năm mét để ký tên vào cuốn sổ tòng quân, mọi người vẫn rưng rưng xúc động...
Tiếp theo thầy Cao Xuân Huy là nhà sư. Anh hiệu đoàn trường đỡ nhà sư đứng dậy. Nhà sư dáng người mảnh khảnh, mặc áo cà sa, tay chống gậy bước rất chậm. Lúc đến trước bàn có quyển sổ, nhà sư cẩn thận đặt chiếc gậy bên bàn, chắp hai tay vái rồi mới cầm bút ký. Tiếng hoan hô vang dậy. Nhà sư đứng trước mặt các thầy và trước đông đảo học sinh cúi đầu, chắp hai tay trước ngực… Anh Hiền vội vàng bước tới, cầm chiếc gậy đưa cho nhà sư. Nhà sư bất ngờ nhìn thấy anh, một tay cầm gậy trúc, một tay giơ trước ngực. Bên cạnh nhà sư mảnh khảnh là anh Hiền dáng người to cao, bận quân phục, hông đeo khẩu súng lục.
Lần lượt các thầy cô, rồi học sinh lớp đệ tam đệ tứ lên ký tên.
Kết thúc buổi lễ, hiệu đoàn trưởng trao cho anh Hiền cuốn sổ tòng quân. Anh cảm ơn, rồi lên ngựa phi ra giưa đường số Một trở về huyện.
*
Buổi sáng, học sinh vẫn đến trường đông đúc. Các lớp vẫn học đều đặn các giờ văn học, sử học, vật lý, Pháp văn, Anh văn… Thầy Cao Xuân Huy vẫn đi từng bước chậm rãi từ nhà đến trường, từ phòng hiệu trưởng đến lớp, giảng bài cho các thầy giáo học chương trình dự bị đại học. Nhưng trong hàng ngũ giáo viên đã bắt đầu có sự phân hoá về ý thức thời cuộc và nổ ra một số cuộc tranh luận. Đôi lúc các thầy dùng tiếng Pháp cãi nhau quyết liệt. Học sinh xôn xao bàn tán…
Đùng một cái, có giấy của cấp trên gửi về trường gọi một số thầy giáo và học sinh nhập ngũ. Việc tòng quân không còn ý niệm lãng mạn xa xôi mà đã trở thành sự thật. Sự thực là một số thầy giáo, học sinh nhận giấy báo chuẩn bị xếp bút nghiên theo việc đao cung. Ngày chia tay đang đến dần lòng họ bộn rộn chờ đợi một sự thay đổi lớn trong cuộc đời. Có nữ sinh ngồi trong lớp cứ cúi mặt lau nước mắt khóc người yêu sắp đi vào một cuộc chinh chiến trường kỳ.
Trong số người lên đường lần này có thầy Đặng Văn Nhị, anh trai của tướng Đặng Văn Việt, thế là thầy sắp rời mái trường bình yên ở vùng quê tự do, sắp rời học sinh thân yêu, sắp rời tổ ấm gia đình. Hôm nhà trường tổ chức lễ hoan tống anh Hiền có về dự, anh không phát biểu ý kiến chính thức trong buổi lễ mà chỉ cùng với học sinh đứng xung quanh thầy anh nói: “chúc thầy noi gương người em trai là tướng Đặng Văn Việt lập nhiều chiến công làm rạng rỡ gia đình và quê hương”. Nghe nhắc đến tên Đặng Văn Việt thầy Nhị sung sướng ứa nước mắt và cả đám học sinh cũng xôn xao, trên gương mặt họ ánh lên niềm tự hào.
Sau buổi lễ hoan tống, không khí trong nhà trường khác hẳn. Thầy Cao Xuân Huy vẫn chậm rãi từng bước từ nhà đến phòng hiệu trưởng rồi từng bước từ phòng hiệu trưởng vào lớp giảng bài cho học sinh dự bị đại học. Nhưng các lớp đệ tân, đệ tứ đã vắng một số người. Thầy Cao Xuân Hạo tổ chức cho một số nữ sinh tập hát đi biểu diễn ở hội nghị văn nghệ liên khu IV và ở nhiều đơn vị quân đội. Dáng ngưòi thầy nhỏ nhắn, luôn luôn mang chiếc đàn ghi-ta, trở nên hấp dẫn đối với nữ sinh về hình ảnh một chiến sĩ nghệ sĩ trong thời kỳ chiến tranh. Những bài hát do thầy sáng tác mang nội dung kháng chiến, nhưng nhạc thì man mác đượm buồn cho nên rất phổ biến trong các trường học và cả quân đội. Ngoài những buổi biểu diễn trước đông dảo công chúng từng nhóm nữ sinh vẫn thường hát cho nhau nghe: “Có cô thôn nữ giặt áo bên sông miệng cười hiền, hoa dịu lòng trường chinh… bao anh lính măng tơ cùng bà mẹ già cười đón gió lành… đời quân nhân vui như trời xuân…”
Trong tâm trạng chờ đợi đến lượt mình được gọi nhập ngũ, không ít học sinh chểnh mạng việc học hành. Tôi và một số bạn bè học lớp đệ nhất chưa đến tuổi tòng quân cho nên không được ký tên vào cuốn sổ tòng quân. Chúng tôi háo hức mong được mặc áo lính, tự rủ nhau đến những nơi có bộ đội đóng quân xin được khám sức khoẻ để làm liên lạc, mẹ cho vải để may áo, tôi tự đến gặp thợ và bảo: khi may áo nhớ cái cầu vai - chỉ cần áo có cầu vai là ra dáng một người lính. Suốt ngày này qua ngày khác tôi và mấy đứa bạn cùng làng như Trần Tế, Cao Cự Bội, Lương Trọng Yêm, Võ Đình Đấu rủ nhau đi tìm đơn vị bộ đội để khám sức khoẻ. Dĩ nhiên là chúng tôi phải bỏ học, trốn học. Nhiều hôm đi biền biệt suốt ngày đến tối mịt mới về, không dám về nhà ăn cơm mà trong túi lại không có tiền đành ăn chịu phở bà Tuyết ở cầu Đạu, ăn chịu nhiều quá bà Tuyết phải lên tận làng gặp bố mẹ chúng tôi để đòi gạo. Chuyện vỡ lở cha mẹ tôi biết được, buồn rầu, bực tức, mắng chửi tôi. Anh Hiền nghe được, hỏi, tôi trả lời: “em rất muốn đi bộ đội. Tìm khắp trong huyện nơi có bộ đội đóng để xin làm liên lạc đơn vị anh…” Nghe xong anh đứng bần thần nhìn tôi, chỉ nói một câu ngắn ngủi: “tuổi em tuổi học…”
Sang ngày sau, ngày sau nữa, rồi ngày sau nữa chúng tôi vẫn trốn học để xin đi bộ đội. Chiều hôm ấy anh Hiền đi công tác qua làng dừng ngựa trước ngõ rồi rẽ vào nhà. Trong câu chuyện giữa mẹ tôi với anh Hiền tôi nghe loáng thoáng câu anh nói: “thằng Xí thích đi bộ đội cứ cho nó đi, thời buổi chiến tranh mà” tôi sướng rơn cả người…
Hai hôm sau anh tôi lại từ huyện trở về, cho tôi một con dao găm, một cái cung và mấy chục mũi tên. Anh dẫn tôi ra vườn và dạy tôi phóng dao găm vào cây chuối và cầm cung nhằm bắn trái bưởi việc luyện tập của tôi khá thành công. Anh khen “Thằng này có năng khiếu quân sự”… Hồi đó anh Đồng là em trai của anh Hiền và là anh của tôi làm trưởng ban quân báo huyện đội xin cho tôi làm nhân viên tình báo, tôi hoàn toàn thôi học trường Nguyễn Xuân Ôn.
Bắt đầu bước vào nghiệp binh đao, trận thử thách đầu tiên vượt quá sức tưởng tượng của tôi, làm công việc này điều kiện tối thiểu là phải gan dạ không sợ giặc đã đành, càng không được sợ ma. Giặc thì chưa giáp mặt còn ma thì ngay đêm ấy…
Đêm ấy… Huyện đội tổ chức tập trận giả cho dân quân ba xã phía nam sông Bùng. Anh Hiền dẫn tôi đến nghĩa địa làng Xuân Viên, bảo tôi ngồi bên một ngôi mộ, khi nào có người đến liên lạc dẫn đi đâu mới được đi. Tôi phải ngồi xuống và anh lẳng lặng đi về phía lèn Hai Vai.
Trời mưa phùn lâm thâm, rét, bóng tối dày đặc tưởng cắt ra được từng miếng. Thưa thớt trong nghĩa địa có những khóm tre, gió bấc rít từng cơn, tre kẽo kẹt. Trời ơi cái tiếng tre kẽo kẹt sao mà nghe rùng rợn đến thế, lúc thì như tiếng ma đưa võng, lúc thì như tiếng trẻ khóc, lúc thì phát ra âm thanh sắc nhọn như tiếng dao đâm, gươm khua… Tôi cố thu nhỏ người lại nghiến chặt hai hàm răng, hai tay nắm hai hòn đất. Trước mặt tôi hiện ra những bóng đen chập chờn, nhảy nhót bay vút lên trời rồi toả rộng ra trùm lên tôi. Tôi rụt cổ xuống nhắm nghiền mắt định hét lên một tiếng thật to nhưng chợt nhớ mình là nhân viên quân báo hét to sẽ lộ bí mật. Tôi ngồi im thin thít như hòn đất nhắm tịt hai mắt, nhưng mắt càng nhắm trước mặt tôi càng hiện muôn hình thù quỷ quái: hình cụt đầu, hình cụt tay, hình thì cụt chân. Tôi liều mạng vùng chạy được vài ba bước lại ngồi thụp xuống. Kinh hãi quá khiến người tôi toát mồ hôi. Có cách nào, có cách nào thoát khỏi nơi đây? Bốn bề mênh mông nghĩa địa, mồ mả nhấp nhô…
Từ trong vẳng ra tiếng gà gáy, chân trời phía đông dần dần sáng lên. Tôi mừng quá. Sáng rồi. Sao chưa có ai tới báo tin gì cho tôi cả? Đầu kia nghĩa địa có mấy người bước tới, người hay ma? Người hay ma? Người hay ma? Nghe mẹ tôi nói: ban đêm ma rời khỏi mồ để đi kiếm ăn, khi gà gáy sáng thì ma lại trở về mồ của mình. Vậy thì đích thị đây là ma nhưng vì trời hưng hửng sáng nên tôi bớt sợ. Tôi rụt cổ, trố mắt nhìn. Người thật chứ không phải là ma. Mấy người tiến đến gần tôi. A, có anh Hiền, anh Hiền đã ra với tôi, tôi reo oà và giàn giụa nước mắt. Anh ôm chặt lấy tôi: “Em có thấy ma không?” tôi trả lời ra vẻ mạnh bạo: “Chẳng có ma gì cả. Em chỉ nhớ anh. Một đêm ngồi ở đây bằng mười năm xa anh”. Anh giơ tay xoa đầu tôi: “Thằng này có gan làm quân báo”.
Trận thử thách thứ hai còn dữ dội hơn. Ban chỉ huy quân sự huyện đội đột nhiên về đóng ở nhà tôi trong một đêm. Các anh ăn cơm vội vàng rồi họp bàn việc gì rất bí mật. Họp xong anh Hiền gọi tôi vào nhà trong nói nhỏ “Em cầm cái gậy này xuống cắm ở bến đò Oan để làm vật hiệu, cắm gậy xong em cầm nắm thóc này rải dọc bờ sông Bùng quãng bến đò Oan. Nghe ba tiếng “Bến đò Oan” tôi run bắn cả người. Bến đò này đã có nhiều người trẫm mình vì oan ức, con dâu bất hoà với mẹ chồng, anh em cãi vã nhau, láng giềng chửi mắng nhau… uất quá không chịu được đành kết liễu cuộc đời ở đây. Tôi mấp máy môi hỏi “Để làm gì hở anh?” Anh nghiêm nét mặt: “Anh đã dặn em nhiều lần rồi, việc quân cơ cấp trên bảo làm gì thì em cứ làm không được hỏi lại… Gậy đây, nắm thóc đây em đi ngay kẻo chậm giờ”. Trong tình thế cưỡi lưng hổ tôi làm theo lệnh anh như một cái máy, nắm thóc bỏ vào túi.
Một cầm chặt cái gậy, một tay cầm chặt hòn đá. Trời tối như bưng. Trong đầu tôi cứ mường tượng thấy trăm hình ma, bóng quỷ mà bà con làng xóm thường kể cho nhau nghe. Bao nhiêu oan hồn thường hiện lên những lúc vắng vẻ để hiếp đàn bà con gái, xô cụ già ngã xuống sông, bắt trẻ con lôi về địa ngục… Chúng hiện ra đủ hình thù kỳ dị: lúc thì thè lưỡi ra cuốn trẻ em vào miệng, lúc thì há mồm như chiếc gầu dài đỏ rực lửa, lúc thì giơ cánh tay dài ngoẵng từ dưới nước lên ôm choàng cổ con gái dậy thì… Vào lúc chính ngọ và ban đêm không ai dám bén mảng tới bến đò. Thế mà bây giờ tôi dám vác xác tới đó, không những chỉ đến bến đò Oan mà còn phải đi dọc bờ sông có nhiều người tự vẫn. Hay là... hay là rủ thằng Bá cùng đi? Thằng Bá gan cóc tía may ra hắn dám liều. Nhưng Bá lại vắng nhà, đành phải đi một mình thôi, việc quân cơ không được chậm trễ.
Bến đò vắng tanh vắng ngắt chỉ có bóng đêm cùng đom đóm chập chờn. Tiếng cá lóc bóc làm cho không gian càng thêm mênh mông hoang vắng, rùng rợn, tôi lạnh toát cả người. Lạnh từ chân đến óc. Cầm cái gậy thật chặt tôi nói thầm “Ma quỷ đến đây tao đập vỡ mặt”, tôi làm ra vẻ bình tĩnh cắm gậy xuống bùn và ấn sâu xuống rồi bước rất nhanh xuống bờ sông, vừa đi vừa rải nắm thóc… Làm xong hai việc quan trọng là cắm cái gậy và rải thóc tôi phăm phăm tìm đường về… Cống Cửa Thung kia rồi! Ánh đèn lập loè trong mái lều dân chài. Tự nhiên tôi thở mạnh, tim đập dồn dập, chân vừa chạy vừa run, tôi chui vào lều. Thì ra không phải dân chài mà là anh Hiền đang ngồi với ban chỉ huy quân đội địa phương, người tôi nhẹ tênh sung sướng như vừa được sống lại. Tôi ôm chặt lấy anh trào nước mắt, anh mỉm cười: “Em đã hoàn thành nhiệm vụ” - “Vâng em hoàn thành xuất sắc”. Anh xoa tay rất mạnh lên đầu tôi như xoa đầu một đứa trẻ mới lên năm lên sáu.
Anh và ban chỉ huy dẫn tôi đi ngược lại bờ sông, anh soi đen pin xuống bãi để thấy rõ những hạt thóc tôi rải, đến bến đò Oan tôi hăm hở chỉ cái gậy tôi cắm lúc nãy. Anh đến tận nơi nhổ cái gậy lên: “Thế là em đã qua thời kỳ thử thách từ nay em được chính thức là đội viên quân báo”. Lúc này tôi mới hiểu rằng các anh giao cho tôi cắm cái gậy và rải nắm thóc chỉ là để thử gan tôi xem có sợ ma hay không.
V. Ra Việt Bắc
Trên túi dết của anh Hiền có viết hai câu thơ bằng mực nho:
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Anh treo túi lên cột và bao giờ cũng để phía có câu thơ ra ngoài. Mấy đứa bạn của tôi đến chơi học thuộc hai câu thơ đó rồi đọc oang lên. Đi ngoài đường chúng cũng ngân nga: “Đã mang tiếng ở trong trời đất…” Tôi dùng phấn nắn nót viết thơ lên xà nhà, thằng Bá viết vào sổ tay. Chữ của thằng Bá đẹp nên nhiều đứa nhờ viết vào bìa cuốn sổ của mình.
Lần này, từ huyện đội về anh treo túi lên cột rồi bước ngay sang nhà hàng xóm. Anh đi chơi hết nhà này sang nhà kia đến tận trưa, mẹ bảo tôi tìm anh về ăn cơm. Anh ngồi ăn chẳng nói câu nào. Ăn xong lại đi chơi nhà bà con. Trong bữa cơm chiều, bưng bát cơm anh ngập ngừng: “Con sắp ra Việt Bắc rồi”. Im lặng một lát mẹ lại hỏi: “Bao giờ con đi?” Anh trả lời: “Chừng một tuần nữa”. Mẹ nuốt miếng cơm nhìn anh: “Nhiệm vụ cách mạng thì con phải đi. Nhớ viết thư luôn cho mẹ.”
Tôi đem khoe với bọn thằng Bá, thằng Dần, thằng Bội, thằng Yêm… là “Anh Hiền tao sắp ra Việt Bắc”. Chỉ một lát sau chúng nó kéo đến chơi tận khuya mới về. Trong giấc ngủ tôi chập chờn mơ thấy Việt Bắc với núi non trùng điệp và huyền bí, với Bác Hồ mặc quân phục cưỡi ngựa đi chỉ huy chiến dịch, với rầm rập những đoàn bộ đội và dân công ra tiền tuyến, với những địa danh Phai Khắt, Na Ngầm, Nà Phạc… mà tôi được đọc trong các thiên bút ký chiến tranh in đậm vào tâm hồn tôi như những dấu chân thần thoại… Anh Hiền được ra Việt Bắc là được ra với Bác Hồ, với chiến khu cách mạng thần thánh, anh được đặt bàn chân lên những dấu chân thần thoại như bà mẹ Thánh Gióng dẫm lên dấu chân ông Khổng lồ…
Sáng hôm sau anh dẫn tôi xuống thị trấn Diễn Châu để chụp ảnh kỷ niệm. Cả thị trấn và cả huyện chỉ có một hiệu ảnh của ông Tuấn. Ông đậu thành chung, đi dạy học một thời gian rồi mở hiệu ảnh ở Vinh. Sau khi Vinh tiêu thổ kháng chiến, ông tản cư ra Diễn Châu và lại mở hiệu ảnh. Vào thời điểm này hiệu ảnh của ông rất đông khách. Nam nữ thanh niên nông thôn kéo nhau ra chụp ảnh trước khi chia tay để đi dân công hoặc để tòng quân. Thầy giáo và học sinh trường Nguyễn Xuân Ôn là lượng khách đông nhất của ông. Ngày mai đã chia tay rồi. Hoặc ngày kia. Hoặc tháng sau hoặc năm sau… Cứ chụp ảnh sẵn nhỡ ra cấp trên có giấy về điều động đột ngột lại không kịp chụp. Thầy chụp với học trò, cả lớp chụp chung, từng đôi chụp với nhau. Tuổi học trò đầy mơ mộng, khao khát những chuyến đi xa nhưng cũng ngại ngùng nỗi chia ly. Nhiều cô khóc sướt mướt ngay tại hiệu ảnh.
Anh Hiền quen ông Tuấn chủ hiệu, nói đùa với ông mấy câu tiếng Pháp. Ông mời anh em tôi vào chụp trước, không phải chờ đợi. Hôm ấy quả thật tôi buồn lắm. Anh cũng buồn. Đây là lần cuối cùng anh em chụp ảnh kỷ niệm để rồi anh đi xa, đi xa không biết đến bao giờ mới được gặp lại…
Thế là anh Hiền đã ra Việt Bắc. Gia đình tôi có ba anh em trai. Anh Đồng làm trưởng ban quân báo huyện đội lúc mười tám tuổi, giữa tuổi mười chín thì anh mất lúc giặc đổ bộ lên Quỳnh Lưu. Còn lại anh Hiền và tôi bây giờ anh Hiền lại đi xa biền biệt. Tôi nhớ anh vô cùng. Kỷ niệm những ngày gần gũi luôn luôn hiện về với tôi trong giấc ngủ, trong sinh hoạt hàng ngày.
Mỗi lần ra sau nhà nhìn thấy đống rơm tôi lại nhớ cồn cào lúc nhỏ anh đánh trâu đi bắt chuồn chuồn giữa trưa nắng chang chang. Mẹ gọi mãi anh không chịu về. Mẹ ra tận đầu làng kéo anh về đánh một trận rất đau. Cứ mình trần như thế anh bỏ trốn biệt mấy ngày. Thương quá mà chẳng biết anh ăn ở đâu, ngủ ở đâu. Vào lúc xế chiều tôi đang thơ thẩn sau nhà thì nghe có tiếng vỗ tay khe khẽ bên kia đống rơm và kèm theo tiếng gọi rất nhỏ: “Xí ơi!” tôi ngoái nhìn thì thấy anh nấp sau đống rơm: “Em đem ra cho anh một cái áo”. Tôi vào nhà lục tìm áo đem ra, anh ôm áo rồi lại chạy biến mất…
Kỷ niệm đầy ắp gian nhà. Nhà cửa càng trở nên vắng vẻ. Những lúc rỗi rãi cha tôi thường nằm trên giường ngâm Kiều, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm. Mẹ và chị Hiền ngoài buổi làm đồng còn lo công tác hội mẹ chiến sĩ chấp hành phụ nữ xã. Dạo này cha mẹ tôi nhận nuôi một anh thương binh tên là Nguyễn Xuân Đài, quê ở Hải Dương. Anh bị cụt một chân, vừa ngồi chằm nón anh vừa hát cho tôi nghe những bài hát lúc còn ở chiến trường. Nhà có thêm người, thêm tiếng hát vui hơn trước.
Tôi viết thư, anh Hiền biết tin nhà có nuôi một anh thương binh, biết anh Đài ít hơn một tuổi. Anh Hiền viết thư về xưng “anh” và gọi anh Đài là “em”. Tôi cảm thấy vui như anh Đài là con để của mẹ tôi, là anh trai của tôi.
Ngày nào tôi cũng mong nhận được thư anh, vừa nhận được thư hôm trước hôm sau tôi lại chờ thư khác, mỗi lần có thư tôi lại đọc cho cả nhà cùng nghe. Buổi trưa đọc, buổi tối lại đọc. Bà con làng xóm cũng sang nghe. Mọi người vui như đang dự một đám hội. Vui nhất là khi anh gửi về một tấm ảnh cha tôi, mẹ tôi, chị tôi… đều khoe với bà con họ hàng làng xóm. Suốt trong tuần lễ ngày nào cũng có dăm bảy người tụ họp ở nhà tôi để xem ảnh. Người thì khen “Bác Hiền hơi gầy nhưng trông quắc thước hơn trước”. Người thì khen “chú Hiền trông oai hơn hồi ở nhà”…
Có lẽ tôi là người sung sướng nhất khi cầm tấm ảnh. Tôi cảm thấy nó quý giá vô cùng: ảnh chụp ở Việt Bắc - chiến khu thần thánh của cuộc kháng chiến. Tôi bọc kỹ ba bốn lớp giấy, cất cẩn thận vào tráp. Trừ lúc đi vắng, hễ về nhà là tôi đem ảnh ra xem. Đứng ở mọi góc độ để xem: từ trên xuống, từ dưới lên, từ phải sang, từ trái sang, tầm nhìn xa nửa mét, một mét… Tôi tưởng tượng cảnh chiến khu Việt Bắc âm u rừng rậm núi cao, thác tung trắng xoá, đèo lộng gió, đuốc sáng rực những đêm bộ đội và dân công mở chiến dịch. Trên cái khung cảnh hùng tráng ấy là tấm ảnh của anh. Anh đội mũ lưới, mặc áo trấn thủ, mặt hơi ngẩng lên, miệng cười. Chưa bao giờ tôi thấy anh cười khi chụp ảnh, kể cả lúc vui vẻ được học sinh trường Nguyễn Xuân Ôn cùng chụp chung. Đây là tấm ảnh đầu tiên anh cười. Tấm ảnh chụp từ chiến khu Việt Bắc gửi về cho quê hương, cho gia đình, cho tôi.Tôi nhìn theo ảnh để vẽ lên một tờ giấy to, tỉ mẩn tô đi sửa lại, rồi treo lên xà nhà. Còn tấm ảnh thì tôi cất kín, sợ giở ra xem nhiều ảnh sẽ phai màu. Niềm vui từ tấm ảnh cứ lan toả trong tôi từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác…
VI. Mất lập trường giai cấp
Hoà bình lập lại. Tôi học ở trường cấp ba Nghi Lộc, cách nhà gần ba mươi kilômet. Chiều thứ Bảy cuốc bộ về. Chiều Chủ nhật mang gạo, khoai và thức ăn cuốc bộ đến trường.
Năm ấy mất mùa. Đói! Đói khủng khiếp! Cứ cuối buổi học là chúng tôi đói mờ mắt, rất khó tiếp thu bài giảng của thầy. Mười hai giờ trưa tan học chúng tôi còn phải rủ nhau ra đồng hái rau khoai. Hôm nào cũng hái đầy rổ. Bà con nông dân nhìn thấy, chúng tôi ngại quá phải lấy nón úp kín miệng rổ. Ba đứa ở trọ một nhà dân: Ngô Trực Nhã, Trương Viết Vinh và tôi. Chị chủ nhà cho mượn chiếc nồi to, bữa nào chúng tôi cũng bỏ đầy ắp rau khoai, một nắm gạo và một nhúm muối, vừa đun vừa quấy cho nát nhừ, rồi múc ăn. Buổi chiều có lúc sắp tắt nắng chúng tôi vào rừng thông hái củi. Đêm nào cũng thức đến gà gáy canh ba để học bài, làm bài. Đứa nào cũng say mê học. Vinh và Nhã giỏi toán. Tôi giỏi văn. Chúng tôi hướng dẫn nhau, truy bài nhau, đứa này đặt câu hỏi để đứa kia trả lời. Dư âm của cuộc kháng chiến còn vang dội trong tâm hồn lứa tuổi học trò. Đánh giặc xong, đất nước sẽ rất cần trí thức trong công cuộc xây dựng, cho nên phải ráng sức mà học.
Một buổi chiều, Vinh, Nhã và tôi đang hái củi trong rừng thì thằng con bà chủ nhà tìm vào tận nơi báo tin: anh Hiền đang chờ ở nhà! Anh Hiền à? Anh Hiền nào? Chẳng lẽ anh Hiền lại về đột ngột thế? Ba đứa chúng tôi vác ba bó củi co chân co cẳng chạy một mạch.Vừa tới đầu ngõ thì thấy anh đang đứng chờ. Sung sướng quá, tôi nhìn anh và hai gò má anh ướt đẫm. Bao nhiêu năm rồi, anh em mới gặp lại nhau. Không những tôi mừng mà thằng Vinh thằng Nhã và cả gia đình nhà chủ cũng mừng. Mọi người đứng quanh anh hỏi hết chuyện này sang chuyện khác. Anh biếu chị chủ nhà một cái áo chần bông màu gụ, anh chủ nhà một đôi giày vải, ba đứa chúng tôi ba cái “bút nguyên tử”. Chợt thấy trên đầu anh có đính huy hiệu Điện Biên Phủ, tôi hỏi:
“Ơ, anh cũng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ à?”
“Ừ”.
“Sao anh không viết thư về cho cha mẹ và em biết?”
“Viết thư về sợ mọi người lo”.
Hiểu tâm lý chúng tôi, anh gỡ chiếc huy hiệu trao cho tôi. Ba đứa chúng tôi và mọi người trong gia đình chị chủ nhà chụm đầu ngắm nghía một cách say mê.
Từ khi biết anh là chiến sĩ Điện Biên Phủ, ai cũng nhìn anh với con mắt kính nể. Mấy người hàng xóm cũng chạy sang hỏi thăm. Anh lục trong ba lô ra một cái ca-men trắng in hình cờ đỏ “Quyết chiến quyết thắng”, hình anh vệ quốc đoàn đang xông trận và dòng chữ màu đỏ “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”. Mọi người truyền tay nhau xem, nâng niu như cầm một bảo vật.
Anh dẫn tôi ra đường chơi, hai anh em ngồi trên cồn cỏ giữa cánh đồng. Anh nói anh đã làm xong nhiệm vụ đánh thực dân, bây giờ Đảng điều anh tham gia nhiệm vụ đánh phong kiến. Ngày mai anh phải vào Hà Tĩnh cải cách ruộng đất đợt năm. Giọng anh đầy hào hứng “Trận đánh này còn quyết liệt hơn đánh Pháp. Ta chỉ đánh thằng Pháp trong chín năm, nếu cộng thêm tám mươi năm nô lệ thì ta cũng chỉ đánh nó gần một trăm năm. Còn bọn phong kiến địa chủ bóc lột dân ta hàng ngàn năm rồi, đánh nó còn khó hơn đánh Pháp, chúng nó có nhiều mưu ma chước quỷ để chống lại ta. Cải cách ruộng đất là một cuộc cánh mạng long trời lở đất, cày xới đến tận tầng sâu của ý thức con người…” Nghe anh nói mà người tôi thỉnh thoảng lại rung lên một cảm giác kỳ lạ thấp thỏm chờ đợi, hy vọng…
Anh vào Hà Tĩnh còn tôi vẫn cam chịu gian khổ học hành. Mỗi Chủ nhật về nhà một lần, mỗi lần về tôi lại biết thêm một số tin tức làng xóm phát động cải cách ruộng đất. Đột ngột một chiều thứ bẩy tôi từ Nghi Lộc về nhà đã thấy anh Hiền. Tôi đang ngơ ngác nhìn anh thì anh nói: “Anh được về hẳn rồi, anh em không phải xa nhau nữa”.
Dần dà về sau tôi mới biết rõ tại sao anh về hẳn. Tham gia cải cách ruộng đất ở Đức Thọ anh thấy quy sai một gia đình lên địa chủ, một lần họp đội anh nêu ý kiến phản đối, đội không nghe. Anh tỏ thái độ bướng bỉnh, hàng ngày vẫn vào gia đình ấy chơi. Ông đội trưởng trình lên đoàn và đoàn quyết định giao trả anh về Bộ Quốc phòng. Anh lập tức xếp quần áo, mang ba lô chào bà con nông dân quay trở về Hà Nội, không thèm trình bày một câu nào với Đội, với đoàn cải cánh ruộng đất. Bộ Quốc Phòng bèn cho anh đi học đại học Nông nghiệp. Trong quan niệm của cán bộ ta hồi đó chỉ có hoạt động chính trị hoặc quân sự mới có thể tiến thân được. Bị gạt sang làm chuyên môn tức là không được cấp trên tin cậy nữa, cộng thêm bản chất di truyền của ông đồ Nghệ, anh mạnh dạn xin phục viên.
Biết anh về nhà hẳn tôi buồn và thương anh. Bà con trong làng bàn tán với nhau: “Công lao chín năm kháng chiến của ông Hiền đổ xuống sông”. Tôi chẳng biết nói gì thêm với anh. Mỗi Chủ nhật về nhà nhìn thấy anh tha thẩn ra sân lại vào nhà, tôi thương anh. Chẳng lẽ anh theo bác Chắt Kế chuẩn bị khởi nghĩa khi còn bóng tối, hăm hở tòng quân đánh Pháp, say mê lý tưởng, bây giờ tiêu tan hết? Thấy tôi bần thần, anh lựa lời an ủi : “Em thấy đấy, từ những năm đầu kháng chiến, tiếng tăm Tướng Đặng Văn Việt lừng lẫy khắp cả huyện, cả tỉnh, cả nước. Chỉ vì gia đình là địa chủ quan lại mà phải ra khỏi quân đội. Mấy người bạn của anh như anh Lộc, anh Thân, anh Hối cũng lần lượt bỏ về nhà. Vì sao? Anh chưa thể nói với em được. Có lẽ sau này em sẽ hiểu…”
Qua lời của anh tôi nhận ra một sự thực như thế. Lâu nay anh ta vẫn đồn Tướng Đặng Văn Việt “về vườn”, mà tại sao anh Lộc cũng về nhà làm thợ may, anh Thân về nhà làm ruộng. Nghe nói trong cải cách ruộng đất anh Thân làm đội trưởng, bỗng nhiên bị quy là Quốc dân Đảng, ngồi tù một thời gian rồi mang khăn gói lếch thếch về với vợ con. Anh Hối trong kháng chiến làm đại đội trưởng xông xáo trên chiến trường Thừa Thiên nay cũng về sống thui thủi ở Hà Nội. Tại sao nhỉ? Tại sao các anh đã một thời xông pha vào cuộc đấu tranh giành độc lập cho đất nước mà nay bị đẩy ra ngoài rìa của cuộc đấu tranh ấy?...
Tôi tò mò xem cuốn sổ tay của anh chi chít ghi những dòng chữ trong mấy tháng đi cải cách ở Hà Tĩnh. Trang nào cũng khó đọc, ngoặc ra ngoặc vào, ghi ra cả ngoài lề, có chỗ dòng này ghi chồng lên dòng kia, có chỗ ghi rồi lại xoá mực nét bút đè lên rách cả giấy… Tôi cố cầm từng tờ soi ra ánh sáng đọc loáng thoáng được một số câu: “Ông Thìn làm giáo học mà cũng địa chủ, bà Mến biết cái cóc gì mà cũng thường vụ Quốc dân Đảng, địa chủ cả nút thế này thì lấy ai làm nông dân… Chúng nó kích bà con nông dân tố nhau lộn nhào lộn nhút…” Cuối cuốn sổ anh ghi mấy dòng rất dễ đọc: “Nợ máu xương với đời, mình đã trả xong. Thôi thì về nhà vui thú điền viên. Không làm được cây đại thụ chống chọi cùng phong ba thì xin làm cọng rêu dưới đáy ao để được yên thân”. Có lẽ thấy mấy ông công an xã thường hay ra vào cho nên anh đốt cuốn sổ, còn chiếc ca “chiến sĩ Điện Biên Phủ” và chiếc huy hiệu Điện Biên Phủ anh bọc giấy cẩn thận cất vào tủ chè. Một tấm ảnh chụp với đồng đội bên dòng suối Việt Bắc anh lồng vào khung kính treo lên tường.
VII. Vui thú điền viên
Suốt trong vòng nửa tháng anh đi chơi bên ngoại, thăm bạn bè xa gần bên này và bên kia sông Bùng, thăm mấy cụ già trong làng nhất là các cụ đồ nho. Anh đến chơi nhà các dì, các cậu. Đến nhà ai anh cũng có quà hoặc một cái kẹo lạc hoặc vài chiếc kẹo bạc hà, hoặc dăm ba hào bạc… Phong cách tiếp xúc trò chuyện của anh hoàn toàn không có vẻ gì là một người đã từng chỉ huy quân đội, hình như anh mang nặng tâm lý một viên chức thời xưa về hưu. Có lẽ đúng hơn, anh nghĩ rằng mình là một sĩ quan về làng nghỉ ngơi sau một thời gian dài chinh chiến, trong đó có tâm lý một nhà nho xa lánh nơi bon chen ồn ào.
Sau khi đã đi thăm hỏi những nơi cần thiết, hàng ngày anh ở nhà dọn dẹp đồ đạc, kê lại cái tủ chè, đóng lại cái giường, sắm thêm ít đồ tế khí đặt lên bàn thờ… Hồi sau cách mạng tháng Tám anh là một trong những người gương mẫu trong việc “thờ cúng tập thể” tại nhà thờ đại tôn thì nay anh lại là một trong những người đầu tiên lập lại bàn thờ riêng tại gia đình mình. Rồi anh cũng thắp hương cúng giỗ cúng tết. Ngày giỗ ông nội anh bàn với cha mẹ sắm cỗ mời chú bác sang dự, cũng uống rượu và kể lại chuyện từ thời xửa thời xưa mang khăn gói đến đất này lập nghiệp. Những bữa giỗ như vậy anh thích kéo dài tiệc rượu từ trưa cho đến nửa chiều, bà con ai về nhà nấy, anh ngủ một giấc rồi dậy đọc sách. Từ khi phục viên anh mua khá nhiều sách, toàn sách của các học giả thời trước như “Vân Đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn, “Ức Trai thi tập” của Nguyễn Trãi, “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú…
Đặc biệt anh dành nhiều thời gian để tu sửa mảnh vườn trước nhà. Trước kia hơn một sào vườn này quanh năm trồng rau cải, khoai lang… Bây giờ anh chỉ giành hai luống trồng rau. Tất cả đất còn lại anh trồng chanh, cam, quýt. Bốn góc trồng bốn cây hoè. Sáng nào anh cũng dậy sớm ra làm vườn chừng một tiếng đồng hồ rồi vào uống trà ngâm nga đôi ba câu Kiều.
Dọc lối ngõ từ vườn vào đến sân, thuở sinh thời ông tôi trồng một hàng cau, lúc lên sáu lên bảy, chiều nào cũng vậy, khi vừa tắt nắng, chúng tôi thường trải chiếu ngồi giữa sân xem vợ chồng lũ quạ bay lượn và lót tổ trên ngọn cau. Sau ngày cướp chính quyền, người ta coi việc ăn trầu là lạc hậu, chỉ còn một số bà già nhai trầu bỏm bẻm, con gái thì bỏ hẳn, các bà trung niên đua nhau cạo răng trắng. Chính tay anh Hiền đã cầm dao chặt hàng cau, nay anh lại lên tận chợ Bộng, chợ Vẹo tìm mua cau con về trồng.
Ngay trước sân, anh lấy đá ở lèn Hai Vai và tự tay xây hòn non bộ. Anh cất công chui vào hang tìm những hòn đá hình thù kỳ dị, chồng lên nhau, gắn lại bàng xi măng tạo nên một toà thiên nhiên nhỏ bé có suối chảy, có hang động, có cây cối rêu phong. Hầu như không bao giờ anh hài lòng với “công trình” của mình. Ngày nào anh cũng giành một ít thì giờ để hoàn chỉnh thêm. Lúc thì anh làm thêm cái cầu qua suối, lúc thì anh tạo hình một ông tiên buông cần câu… Anh chăm chút và bảo vệ cẩn thận như mười năm trước anh quý trọng giữ gìn cuốn sổ ảnh với những tấm hình mà anh tôn thờ.
Nhưng anh không chỉ lo tôn sửa gian nhà, mảnh vườn. Anh còn chịu khó ra đồng làm việc cùng bà con nông dân. Ngày mùa anh cũng đi gặt.Vụ cày anh cũng đi cày.Vào thì bón phân cho khoai lúa anh cũng đi gánh phân... Bà con khen anh là chín năm cầm súng đánh giặc không quên công việc nhà nông.
Thật ra làm những việc nặng nhọc ấy là quá sức anh. Chẳng qua anh muốn tỏ ra mình đã hoàn thành nhiệm vụ chín năm chinh chiến thì phải thực sự trở về với công việc đồng áng. Không phải như những người lính khác, trước khi nhập ngũ thì thực sự là nông dân; còn anh, trước khi cầm súng anh chỉ quen cầm bút. Lắm lúc nhìn anh lóng ngóng lội bùn tôi chạnh lòng thương. Có những buổi sáng mùa đông tôi dắt trâu đi trước, anh vác cày đi sau. Vừa đi anh vừa cuộn thuốc lá hút. Ra đến ruộng anh cũng cởi quần dài buộc quanh cổ giống như các bác lực điền, mắc ách lên vai trâu, rút hộp thuốc lá sợi xoè bật lửa ngậm trên môi, rồi mới cầm cày giục trâu bước. Chừng được mươi đường cày anh lại dừng trâu, hút điếu khác. Cứ thủng thẳng như vậy cho đến hết buổi. Anh tháo ách, rửa chân tay, ngậm một điếu thuốc, vác cày trở về. Anh cố tạo ra niềm vui trong công việc nặng nhọc.
Anh bắt đầu nghiện thuốc lá từ khi mới gia nhập quân địa phương. Ngồi trò chuyện với bạn bè, cùng hút thuốc lá anh thấy khoái lắm. Phục viên về nhà, bạn tâm đắc ở xa, hễ có bác nông dân láng giềng sang chơi là thế nào anh cũng pha trà, cuộn hai điếu thuốc lá, đưa cho bác một điếu. Anh vừa hút vừa thích thú nhìn điếu thuốc cháy trên môi người đối diện… Những lúc rỗi rãi như vậy, tôi không để ý lắm đến việc anh hút thuốc. Nhưng lúc vác cày vác bừa mà anh ngậm điếu thuốc tôi lại chạnh lòng nhớ anh lúc ngồi trên lưng ngựa, ngậm thuốc lá, buông cương, ngựa thủng thẳng từng bước.
VIII. Với người vợ hiền
Anh lấy vợ từ năm mười bảy tuổi. Cha mẹ dạm hỏi và anh vâng lời nghe theo. Chị quê ở làng Vĩnh Bình, cách Hậu Luật chừng ba kilômét. Nhưng trước khi cưới, lũ em út chúng tôi không hề được biết mặt chị, chỉ nghe các cậu các mợ nói chị là một cô gái đẹp người đẹp nết. Một lần tôi theo mẹ về quê ngoại ăn giỗ, lúc qua cánh đồng làng Vĩnh Bình mẹ chỉ cho tôi thấy chị đang làm ruộng từ xa. Anh cũng chưa một lần gặp mặt chị, càng chưa hề trò chuyện với chị.
Lễ cưới chưa tổ chức được bao lâu thì Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Anh mải mê đi lo việc làng việc xóm, rồi thoát ly gia đình lên công tác ở huyện. Do tiếp xúc nhiều với các cô gái có học hành, nhất là nữ sinh trường Nguyễn Xuân Ôn, anh chểnh mảng với chị, thậm chí không bao giờ anh hỏi chị một câu. Nhỡ ra gặp chị dọc đường làng, anh cố lảng tránh.
Hôm anh rời quê ra Việt Bắc mẹ tôi có dọn một bữa cơm rượu, mời các bác các chú sang dự. Chị thức dậy khi gà chưa gáy canh năm, lo nhóm lửa đồ xôi, làm thịt gà, lụi cụi một mình, chẳng gọi mẹ gọi các em gái dậy cùng lo. Cỗ bàn thật chu tất. Bà con ngồi uống rượu vui vẻ, chúc “bác Hiền”, “chú Hiền” lên chiến khu lập được nhiều công trạng. Chị cặm cụi trong bếp hầu hạ mọi người. Niềm vui lớn nhất của chị lúc này là lo chặt miếng thịt gà cho đẹp, pha bát nước chấm cho ngon, chọn những quả cà trắng xếp vào đĩa. Chị tỉ mẩn lo từng mâm cỗ vừa là để đựơc tiếng là người vợ hiền dâu thảo của gia đình, vừa để vừa lòng chồng trước lúc xa gia đình, xông pha nơi trận mạc. Nhưng anh thì chẳng để ý gì đến chị. Đến lúc mang ba-lô ra đi, anh chào cha mẹ, bà con họ mạc và mọi người trong gia đình, nhưng không hề chào hỏi chị lấy một câu.
Chiều. Rồi xế chiều. Rồi vào đêm. Chị ngồi một mình dưới bếp lau nước mắt. Sắp gà gáy canh ba tôi tỉnh dậy thấy chị vẫn ngồi. Tôi im lặng bước đến và ngồi bên cạnh chị:
“Sao chị chưa ngủ?”
“Chị không buồn ngủ”.
“Sáng mai phải dậy sớm đi cấy, chị không ngủ thì mai ra đồng lội bùn sao được”.
“Chị không buồn ngủ mà. Em lên ngủ đi, kẻo dậy muộn đi học chậm giờ. Sắp sáng rồi, chị thổi cơm để em kịp ăn mà đến trường…”
Suốt thời gian ở Việt Bắc, tất cả những bức thư anh gửi về đều không hỏi thăm chị một câu. Bức thư nào tôi cũng bóc ra, đọc cho cả nhà cùng nghe. Tôi đọc chậm chạp lời chúc sức khoẻ cha mẹ, em Đích, em Xí, em Đáng, em Thoả, chị Chắt Khải, bà con thân thuộc… Đọc đến hết thư tôi hơi bị hẫng… không có tên chị Hiền. Tôi vừa thương chị vừa tự giận mình. Tôi không hiểu. Tôi nẩy ra một ý khôn ngoan, lần sau có thư anh tôi đọc thêm vào một câu: “Em Hướng nhớ giữ gìn sức khoẻ, nhớ chăm sóc cha mẹ…” - tên chị là Hướng. Gương mặt chị sáng lên một niềm vui kín đáo… Tối đến, mọi người đã yên giấc ngủ, chị lục trong túi tôi đem bức thư của anh xuống bếp thắp đèn đọc lại. Bỗng chị gục đầu, nấc lên. Tôi đang ngồi học nghe rõ tiếng nấc của chị, chạy xuống: “Chị ơi! Chị đi ngủ, khuya rồi…” Chị không đáp lại cứ ôm mặt nấc lên từng hồi. Nước mắt là cách duy nhất để chị tự giãi bày. Buồn đau đến mấy chị cũng không tâm sự với ai. Khác với nhiều người phụ nữ, chị chẳng bao giờ ngồi lê la với bà này bà nọ kể chuyện gia đình mình nên không mấy ai biết được sự rạn nứt tình cảm giữa chị và anh.
Những năm xa chồng chị sống nhẫn nhục, lặng lẽ và làm việc không mệt mỏi. Chị được bầu vào Ban chấp hành Hội liên hiệp phụ nữ xã. Có thời kỳ chị làm ủy viên Hội đồng nhân dân xã. Hôm nào bận đi họp, tối về chị trằn sức ra làm bù. Có đêm chị thức rất khuya, xay thóc, giã gạo, rồi ra ao vớt bèo. Mẹ tôi thấy con dâu làm việc nhiều quá, ra tận ao đỡ rổ bèo cho con:
“Bèo lợn thì để mai mẹ lo. Trời rét thế này dầm nước con ốm mất”.
“Mẹ cứ về ngủ đi. Con chỉ làm một lát là xong ngay”.
Cha mẹ tôi sinh được sáu người con. Hai chị lấy chồng ở làng khác. Anh Đồng mất năm 1949. Chị Hiền là con dâu trưởng. Sau chị có tôi và hai em gái. Ba anh em tôi còn nhỏ. Cha mẹ già yếu. Chị cáng đáng tất cả mọi việc nhà, từ bếp núc cho đến đồng áng. Dáng người chị hơi thấp nên lúc cắt hái, gánh rơm gánh rạ trông chị càng có vẻ nhanh nhẹn, xăm xắn. Tết nhất, giỗ chạp các bà cô dắt cháu về, cùng xúm tay giúp chị, nhưng chị gạt ra: “Lâu ngày về ông bà, cô lên tiếp khách, nói chuỵên với các chú các bác. Một mình tôi lo là đủ rồi”. Bà con làng xóm ai cũng khen: “Bà Đoan có người con dâu tốt nết tốt đức thật là phúc”.
Tôi tham gia công tác quân báo một thời gian khá dài, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có từng ấy việc: dự các cuộc tập trận giả, dò xét thái độ những người không chịu đóng thuế nông nghiệp, không chịu đi dân công… Tôi đâm ra chán nản, xin được đi học tiếp. Cha mẹ tôi rất mừng. Không ngờ là chị Hiền cũng rất mừng: “Em đi học là phải. Kháng chiến thành công, đất nước cần những người có học như em”.
Trường học cấp hai xa nhà hơn mười cây số. Hàng ngày vừa tắt nắng, tôi và mấy đứa bạn xách cặp đi học, khoảng mười giờ đêm lại xách đèn về. Ăn vài bát cơm nguội, ngồi vào bàn làm bài. Sáng mai, dắt trâu ra đồng. Chiều tối lại xách đèn đi học. Có hôm, trời mưa, không thắp được đèn, chúng tôi phải chống gậy đi mò trong đêm tối từ trường học vượt qua mấy cánh đồng mới về tới nhà… Thấy tôi lam lũ quá chị chăm sóc tôi từng li từng tí. Đêm nào cũng vậy, biết tôi sắp về, chị đun nóng lại nồi cơm và nồi canh. Có hôm chị luộc sẵn mấy củ khoai hoặc củ sắn từ lúc chiều để tôi mang theo. Mấy tháng sau chị bảo tôi: “Em tìm nhà nào ở gần trường mà ở trọ, mỗi tuần về một lần. Chứ ngày nào cũng đi như thế này thì ốm mất”. Tôi chần chừ… Thời buổi đói kém, gia đình không đủ thóc gạo để ăn, tôi ở trọ thì phải mang gạo mang thức ăn. Ăn chung ở nhà, cây rau củ khoai cũng qua bữa. Thấy tôi có vẻ phân vân, cha mẹ hiểu ý, liền khuyên bảo tôi: “Chị mày nói thế là phải, tháng sau con tìm nhà mà ở trọ”. Thế là tôi ở trọ ngay một gia đình gần trường, mỗi tuần về một lần. Chị càng thêm vất vả, vừa việc nhà vừa việc học của tôi. Cứ chiều chủ nhật, chuẩn bị cắp sách đến trường là chị đã lo sẵn cho tôi một bao ruột tượng gạo, một gói tôm kho mặn với mật mía và muối. Biết tôi phải ăn dè thức ăn trong sáu ngày, để tôm không bị thiu, chị kho kỹ cho con tôm mặn cứng có pha vị ngọt của mật. Con tôm nào cũng dính lổn nhổn muối. Mỗi bát cơm chỉ cần hai con tôm là đủ: gạt muối ra trộn lẫn với cơm, còn tôm thì cắn nhỏ từng miếng, ăn rất đằm miệng… Có những chiều chủ nhật lạnh lẽo, chị trao bao gạo và gói tôm kho, tôi ứa nước mắt bước ra khỏi ngõ với một tâm trạng nặng trĩu.
*
Anh Hiền đột ngột rẽ về nhà trên đường từ ngoài Bắc vào Hà Tĩnh phát động cải cách ruộng đất đợt năm. Tối hôm đó có cuộc họp toàn thôn, anh ra dự và phát biểu ý kiến. Mọi người im lặng khi anh đứng dậy. Ai cũng nghĩ rằng anh sẽ nói rất dài và nói nhiều điều thú vị về tình hình trong nước, tình hình thế giới, kể nhiều chuyện về Bác Hồ ở Việt Bắc… Không ngờ anh chỉ nói chừng năm phút, nội dung thật là đơn giản: “Xin lỗi các đồng chí đảng viên, xin lỗi bà con họ hàng làng xóm về việc lâu nay tôi chê vợ. Tôi đã nhận ra sai lầm của tôi. Người cùng một giai cấp, ta phải đoàn kết chặt chẽ, nông dân không thương nông dân thì đợi địa chủ nó thương nông dân à?...” Khắp cả ba gian nhà thờ tiếng hoan hô nổi lên:
“Trời có mắt mà! Mự Hiền ở hiền gặp lành, chồng chê rồi chồng lại yêu”.
“Ông trời có mắt đem chồng trả lại cho mự Hiền”.
Trong góc nhà, mấy chị xô nhau chọc ghẹo chị Hiền:
“Từ nay thì hết buồn nhá!”
“Đảng lại đem chồng về trả cho mự rồi đó!”
“Mự ăn ở phúc đức thì ông chồng phải tự nguyện quay về!”
Tự nhiên tôi thấy ai đó đã phát hiện ra một điều đơn giản: “Đảng đã đem chồng về trả cho mự”. Qua cải cách ruộng đất, nhiều người đã tự thức tỉnh “ý thức giai cấp” là không chê vợ nông dân, không chê vợ nghèo khổ chân lấm tay bùn. Thậm chí, có thanh niên trí thức ngỏ lời yêu con gái cố nông. Tình yêu của anh Quảng với o Quỳ nẩy nở trong bối cảnh như vậy. Anh là một học sinh từ thời Pháp thuộc, quê ở Quảng Ninh, gia nhập Vệ quốc đoàn, được đề bạt làm đại đội trưởng. Trong thời gian đóng quân tại làng anh đựơc khá nhiều cô thôn nữ xinh đẹp, nhất là nữ sinh lân la tỏ tình. Đùng một cái anh đến nhà cố Đôi chơi. Anh ngồi trên chiếc chiếu rách, gọi o Quỳ tới và ngỏ lời yêu o. O Quỳ chẳng hiều đầu đuôi xuôi ngựơc ra sao, run bắn người, chẳng nói được câu nào. Anh cố gượng gạo để chuyển cách xưng hô: “tôi” thành “anh”, chuyển “O” thành “em”. Tay anh cầm tay o Quỳ: “Em… em… em… trả lời anh đi! Còn lo gì nữa! Em… em… lo con bò trắng răng à!...” Sau cuộc gặp ấy anh Quảng nói với mọi người: “Tôi lấy o Quỳ là để giải phóng giai cấp!”
Cũng với tâm lý bột phát ấy, anh Hiền không những lặng lẽ trở về với vợ mà còn công khai xin lỗi các đồng chí đảng viên và bà con họ hàng làng xóm về việc lâu nay chê vợ.
Chỉ ngủ ở nhà một đêm, hôm sau anh tiếp tục hành trình trở vào Hà Tĩnh. Chị thức dậy khi tờ mờ sáng, nấu một nồi cơm nếp, một nồi cơm tẻ, luộc một con gà bày lên mâm, rồi bê ra nhà ngoài.Trên mâm chị đặt sẵn gói cơm nếp với cái đùi gà, có ý là để anh mang đi đường. Rồi chị tất tưởi sang nhà hàng xóm mua một cút rượu… Cả nhà vui vẻ ăn bữa cơm mừng sự đoàn tụ của vợ chồng anh Hiền.
*
Từ giã đoàn cải cách ruộng đất, từ giã quân ngũ, anh trở về quê, càng gắn bó với chị hơn. Có lẽ không phải vì “tình cảm giai cấp” mà do sự thôi thúc của ý niệm “vui thú điền viên”.
Anh mua cho chị nào dép, nào khăn bịt đầu, nào áo ấm, áo sơ mi, mấy chiếc mùi soa và cả gương lược. Áo mới quá, khăn mới quá. Thời gian đầu chị không dám dùng ban ngày mà chỉ diện vào buổi tối. Đi họp ngoài làng ngoài xã nếu mặc áo mới thì chị trùm đầu bằng khăn cũ. Nếu trùm đầu bằng chiếc khăn mới thì chị mặc áo cũ. Nửa kín nửa hở chị khoe với mọi người “Khăn áo này là do chồng tôi mua”. Tâm hồn chị trẻ trung như hồi mới cưới.
Phòng ngủ được anh trang trí như phòng tân hôn: chiếu mới, màn mới, chăn bông mới. Trên mặt gối còn trải tấm khăn thơm thoang thoảng mùi nước hoa, mỗi sáng ngủ dậy cửa màn được vén ngay ngắn sang hai bên chăn được xếp vuông vắn đặt phía đầu giường, hai chiếc gối được vuốt phẳng phiu… Tôi có cảm giác rằng với giường chiếu ấy anh đã có một sự quyết tâm ghê gớm để trở về với người vợ quê mùa, với hương thôn bản quán. Trong cái quyết tâm trở về ấy có bao hàm cái quyết tâm dứt bỏ hoàn toàn cuộc đua chen trên con đường danh lợi.
Công việc bếp núc anh cũng trực tiếp nhúng tay vào hướng dẫn cho chị làm một số món mang chất thị thành. Các thứ gia vị cần thiết anh đã mua sẵn từ Hà Nội: lọ hồ tiêu, tương ớt, nước cà cuống, ớt bột… Sau bữa ăn mỗi người được ăn một bát chè đậu đen hoặc chè nếp. Trong bát chè có hương vị lạ ai cũng khen ngon. Anh nói: “Có gì lạ đâu cho tí dầu chuối vào là dậy mùi ngay”. Bí quyết thật là đơn giản, chị cũng học theo cách làm ấy, nhưng buồn cười, hôm đầu tiên chị nấu chè mọi ngưòi bưng ăn đều nhăn mặt vì sặc mùi dầu chuối, thì ra chị đổ vào nồi chè gần nửa lọ dầu, anh khó chịu lắc đầu nhưng không cáu gắt mà bình tĩnh hướng dẫn cách dùng: chỉ cần nhỏ vào bát hai giọt dầu chuối. “Tài thật, con người càng ngày càng khôn ngoan”, cha tôi tấm tắc khen…
Đứa con đầu lòng của anh chị sinh từ hồi đầu kháng chiến chống Pháp đến nay dã chín tuổi vẫn chưa có đứa thứ hai. Do chán vợ nên anh chẳng chăm sóc con. Cuộc trở về lần này suốt ngày đêm anh quấn quýt với con. Anh sắm cho con đủ các kiểu giày dép quần áo, bút mực sách vở. Đặc biệt anh chú ý tu sửa mái tóc của con, mỗi ngày một kiểu tóc khác nhau hôm nay thì kiểu tóc buộc vồng lên “kiểu tóc ống khói”, ngày mai lại chải vuốt ra đằng sau có thắt một cái nơ đỏ. Ngoài giờ cắp sách đến trường, anh dạy cho con học toán, học văn, học tiếng Pháp. Anh bắt con học thuộc lòng những bài thơ anh chép vào một cuốn vở. Sáng nào con bé cũng nghêu ngao đọc thật to. Không những cả nhà mà cả hàng xóm đều nghe:
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương…
Anh như một cây tre đã bị uốn cong sang phía bên kia, bây giờ muốn cho thẳng phải uốn cong sang bên này, có cái gì đó trong anh chưa nhuần nhuyễn, còn gượng gạo, thậm chí còn lố bịch, nhưng tất cả những việc anh làm đều biểu hiện sự quyết tâm “trở về”. Nhờ thế anh chị có thêm một đứa con gái thứ hai. Như vậy đứa con đầu cách đứa thứ hai chín tuổi, khi chị sinh cháu đầu lòng anh đi công tác xa nhà, vả lại cái tổ ấm miễn cưỡng hồi ấy không làm cho anh xúc động bao nhiêu lúc cháu bé cất tiếng khóc chào đời. Còn bây giờ anh săn đón, hồi hợp chờ đợi… Anh lục lọi kiến thức trong sách vở để đặt tên cho con, cân đi nhắc lại cuối cùng anh khai sinh cho cháu với tên “Thu”. Chị là “Thảo”, em là “Thu” - “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”, vừa hợp với con gái vừa hợp với tâm trạng hoài cổ của anh.
IX. Tham gia công tác thông tin
Tổ thông tin tuyên truyền công tác của làng tôi hoạt động sôi nổi hàng chục năm nay. Trong tổ, mấy đứa chúng tôi có mặt từ hồi đầu thành lập đến bây giờ vẫn tiếp tục tham gia. Thằng Bá, thằng Dần, thằng Hoàn… ngoài những lúc đi làm đồng và đi học chúng tôi say mê làm tất cả mọi việc để đưa tin chiến thắng và tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng: viết khẩu hiệu, đọc tin, sáng tác ca vè, biểu diễn những hoạt cảnh chèo kịch nói…
Hiện giờ thằng Bá làm tổ trưởng, Bá bàn với tôi:
“Chú Hiền viết chữ đẹp, mời chú vào tổ thông tin để viết khẩu hiệu”.
“Mày thử trực tiếp nói với chú ấy xem sao”.
Bá vừa đề xuất ý kiến, anh Hiền hưởng ứng ngay. Không ngờ anh lại tích cực làm mọi việc do Bá phân công. Hai việc chính của anh là: viết khẩu hiệu trên tấm cót to đặt ở cổng làng và thường xuyên viết tin tức lên bảng tin ở các cổng xóm. Những tấm lá cót dài bốn mét rộng một mét rưỡi luôn được anh thay đổi màu sắc và viết mỗi lần một kiểu chữ khác nhau để người xem đỡ nhàm. Lúc thì anh để mộc rồi viết chữ thường như thầy giáo viết bảng. Lúc thì anh quét vôi trắng lên, viết chữ son đỏ như rồng bay, phượng múa… Trên bảng tin, anh vẽ hình để minh hoạ: cụ già cắp sách đến lớp học bình dân, đôi trai gái tát nước bằng gàu dai, đoàn người gánh thóc đi nộp thuế nông nghiệp… Mỗi lần viết tin anh chuẩn bị rất chu đáo: một bát đựng than, một bát đựng son, một bát đựng hoàng thổ; ba đoạn tre non đập dập đầu để làm bút nhúng vào ba bát “mực”. Đứng trước bảng tin anh tô từng nét chữ, nắn nót từng nét vẽ. Bà con qua lại đều dừng chân xem anh tỉ mỉ uốn lượn bàn tay và thì thầm với nhau: “Từ khi có chú Hiền tham gia tổ thông tin, khẩu hiệu với bảng tin đẹp hẳn lên”.
Hồi còn tại ngũ, anh đã từng trình bày nhiều tờ báo liếp, báo tay của đơn vị. Sau một thời gian gia nhập tổ thông tin, anh đề nghị ra một tờ báo tường treo ở nhà thờ đại tôn để bà con đọc cho vui. Anh tập hợp bài, sửa bài và trình bày. Khổ báo rộng 1m x 1,2m, rực rỡ màu sắc. Trưa mùa hè, người làng ra nhà thờ nghỉ ngơi, hóng gió nồm, xúm xít trước tờ báo, vừa đọc vừa bình luận rôm rả. Anh viết một bài trên báo trong đó có câu: “Không làm được cây đại thụ chống chọi cùng phong ba thì hãy làm một cọng rêu dưới đáy ao để được yên thân”. Theo anh nghĩ, cọng rêu đó không phải là biểu tượng một tâm trạng yếm thế, mà là một sự rút lui về quê quán để lo việc cửa nhà, đồng ruộng và cùng bà con lo việc xóm làng.
*
Uỷ ban hành chính xã triệu tập một cuộc họp quan trọng để nghe đồng chí chủ tịch huyện nói chuyện về xây dựng đất nước sau thời kỳ chiến tranh. Thông thường các cuộc họp do xã hoặc huyện triệu tập Bá thường cử anh Hiền thay mặt tổ thông tin đi dự vì “chú Hiền có trình độ tiếp thu, ghi chép đầy đủ để về phổ biến cho nhân dân nghe “.
Từ hai hôm trước, người ta đã đồn đại là trong cuộc họp này chủ tịch huyện đích thân làm chủ toạ và diễn thuyết, hẳn có nhiều điều hệ trọng. Cho nên từ sáng sớm cán bộ các chòm các thôn đã gọi nhau í ới, vui như trẩy hội. Cả hội trường chật ních người, phải ngồi tràn cả ra thềm. Sau lời giới thiệu của chủ tịch xã, ông chủ tịch huyện đứng lên:
“Thưa toàn thể các đồng chí đảng viên và các đồng chí cán bộ. Ngồi dự hội nghị ở đây là những thành phần cốt cán của xã ta, cho nên tôi nói hết, tôi không giấu giếm một chút gì. Những điều tôi nói toàn là những vấn đề lạc quan cách mạng. Các đồng chí nghe rất sướng tai. Để mở đầu sự lạc quan này, tôi đề nghị các đồng chí vỗ tay hoan hô…”
Cả hội trường nổ ra tiếng vỗ tay và tiếng “Hoan hô… Hoan hô… Hoan hô…” vang dội. Đồng chí chủ tịch giơ cánh tay phải. Hội trường im lặng.
“Chúng ta, toàn dân tộc ta, toàn giai cấp ta, toàn Đảng ta đã lạc quan đánh giặc thắng lợi, bắt địch phải kí với ta hiệp định Genève. Như thế là kẻ địch đã phải công nhận chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là một chính phủ đàng hoàng đứng ngang hàng với tất cả các chính phủ trên thế giới. Lạc quan đánh giặc xong, chính phủ ta, Đảng ta, toàn dân tộc ta, toàn giai cấp ta lại lạc quan xây dựng đất nước không kém gì các cường quốc trên thế giới…”
Mọi người nghển cổ như bị hút vào đồng chí chủ tịch. Thấy gương mặt cử toạ đầy hưng phấn, đồng chí chủ tịch ngừng lại vài phút, rồi tiếp tục:
“Chắc các đồng chí nóng ruột chờ đợi những điều lạc quan tôi phổ biến… Yên chí… Việc gì đến sẽ đến, không phải sốt ruột gì cả… Tôi đề nghị các đồng chí vỗ tay hoan hô để đón nhận những điều lạc quan Cách mạng”.
Cả hội trường lại vỗ tay hoan hô như sấm dậy.
Đồng chí chủ tịch nuốt nước bọt cái ực, giơ cao cánh tay. Hội trường im lặng. Đồng chí nói dài lắm, nhưng có ba điều rất lạc quan, ai cũng nhớ nhập tâm.
“… Bệnh viện Diễn Châu hiện nay sẽ phá sạch sành sạch, phá sạch không còn một dấu vết gì của nghèo nàn lac hậu. Ta sẽ xây dựng một bệnh viện khác gồm nhiều toà nhà mười tầng, mười lăm tầng, trang bị đầy đủ các loại máy khám chữa bệnh cực kỳ hiện đại. Người nào đau ốm bất kỳ ở làng nào, xóm nào, xó xỉnh nào chỉ cần a lô một tiếng là có đường dây đưa ngay tức khắc tới bệnh viện, chứ không làm cái cáng người bệnh từ nhà tới. Cáng võng, đòn võng, dây dợ lằng nhằng vứt sạch, không còn một chút tì vết của nghèo nàn lạc hậu. Tôi chỉ nói một việc thôi, một việc đủ làm các đồng chí kinh ngạc giật nảy người. Các đồng chí có biết việc gì không? Riêng một cái giường của bệnh nhân trị giá tới 9000 đồng. Các đồng chí ngạc nhiên à? Không ngạc nhiên gì cả. Một cái giường bệnh nhân trị giá 9000 đồng. Bệnh nhân nằm trên đó, ăn trên đó, ỉa trên đó… Tất cả đều do máy móc điều khiển…”
“… Thị trấn Diễn Châu hiện nay sẽ phá sạch sành sanh, phá sạch không còn một dấu vết gì của nghèo nàn lạc hậu. Ta sẽ xây dựng một thành phố Diễn Châu to bằng thành phố Mạc Tư Khoa. Liên Xô sẽ giúp ta xây dựng. Thành phố mở rộng phía Tây lên tận lèn Hai Vai, phía Nam đến tận đền Công, phía Bắc đến tận cầu Bùng, phía Đông đến tận mép biển. Đường kẻ ô vuông như bàn cờ. Ô tô chạy như cua bò. Người ra khỏi cửa là lên ô tô, không phải đi bộ một bước. Muốn đi xem xi-nê có ô tô đưa đi. Muốn đi xem tuồng xem chèo có ô tô đưa đi. Muốn đi tắm biển có ô tô đưa đi. Muốn đi dạo mát có ô tô đưa đi…”
“… Nhà của ta ở hiện nay sẽ phá sạch sành sanh, phá sạch không còn một dấu vết gì của nghèo nàn lạc hậu. Tất cả mọi nhà đều xây thành nhà cao tầng. Từ nhà đi ra đồng có ô tô đưa đi. Làm ruộng mệt mỏi thì ngừng tay xem xi-nê… Tôi nói một việc này các đồng chí sẽ vô cùng ngạc nhiên. Các đồng chí có biết việc gì không? Mỗi gia đình trung nông sẽ giàu hơn tài sản thằng Bảo Đại… Tài sản thằng Bảo Đại sẽ thua kém tài sản một trung nông…”
Đồng chí chủ tịch diễn thuyết một cách say sưa, bỗng dừng lại đột ngột:
“Các đồng chí nghe có sướng tai không?”
Mọi người đồng thanh:
“Sướng tai lắm. Đồng chí cứ nói tiếp đi!”
Chủ tịch huyện nói say sưa quá và giơ hai tay choán cả vị trí chủ tịch xã hiện đang điều khiển cuộc họp. Chủ tịch huyện hăng hái làm luôn cả nhiệm vụ chủ toạ:
“Ai có ý kiến gì không?... Không ai có ý kiến gì à?... A, đồng chí Hiền! Chắc đồng chí có nhiều ý kiến hay, nói cho mọi người cùng nghe. Đồng chí Hiền hãy lên tiếng…”
Bị áp đặt một cách gay gắt, anh Hiền đứng dậy:
“Tôi chỉ sợ là đồng chí chủ tịch đem đến cho cử toạ một sự lạc quan tếu chứ không phải lạc quan cách mạng.”
Cả hội trường cười ồ lên. Chủ tịch huyện giơ cao cánh tay, nói như búa bổ:
“Lạc quan tếu là thế nào? Xem chừng tinh thần lạc quan cách mạng của đồng chí đã sa sút rồi đấy. Hồi đầu ta chỉ có gậy tầm vông, bom ba càng mà đánh thắng thằng đế quốc mạnh nhất toàn cầu. Bây giờ ta lại không dùng cày chìa vôi mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được à! Đồng chí thấy thế nào, đồng chí Hiền? Lạc quan tếu hay lạc quan cách mạng, đồng chí cho ý kiến.”
Anh Hiền hơi mỉm cười:
“Không…”
Chủ tịch huyện lại dõng dạc lên tiếng:
“Không à! Không là thế nào! Hơn lúc nào hết chúng ta phải rèn luyện ý chí, nắm chắc cày chìa vôi mà xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng chí Hiền có nhớ mười năm trước đồng chí oai phong ngồi trên mình ngựa cũng chỉ có một thanh kiếm, thế mà đồng chí cũng dám chọi nhau với thằng địch có đủ máy bay, xe tăng đại bác. Bây giờ đồng chí không dám cầm cày chìa vôi để xây dựng chủ nghĩa xã hội à! Đồng chí hãy xem lại cái tinh thần lạc quan cách mạng của đồng chí còn giữ được nữa không? Thế nào, đồng chí Hiền, đồng chí có ý kiến gì không?”
Anh Hiền lại nhếch mép:
“Không…”
*
Nhập nhoạng tối. Tiếng loa gióng giả từ đầu làng đến cuối xóm: “Alô! Alô! Ăn cơm xong mời toàn thể đồng bào tập trung tại nhà thờ đại tôn để nghe đồng chí bí thư Đảng uỷ xã phổ biến nhiều vấn đề quan trọng. Alô! Alô!” Tất cả các tổ viên tổ thông tin phân công nhau đến các cổng xóm để “alô”. Đứa nào cũng tìm vị trí cao để alô cho nhiều người nghe. Đứa thì trèo lên cây ổi. Đứa trèo lên cây phượng. Đứa thì trèo lên bức tường… Tiếng “alô” từ đầu kia đến, từ đầu này lại, đan nhau, oang oang chói tai. Đồng chí bí thư Đảng ủy về nói chuyện chứ đâu phải chuyện thường. Các gia đình vội vã sắp bát đũa ăn tối để kịp giờ đi họp.
Đèn đỏ một chốc, nhà thờ đã đông chật người. Trời rét. Ngồi chen chúc nhau. Các bà già nhai trầu. Các cô gái mỗi người rang một ít thóc bỏ vào túi để cắn chắt. Các ông cao tuổi và thanh niên truyền nhau điếu thuốc lào, tiếng điếu kêu sòng sọc. Sau mỗi buổi họp, nền nhà thờ vương văi nước trầu, bã trầu, vỏ thóc, tàn đóm, ông từ vừa quét dọn vừa càu nhàu: “Càng họp nhiều càng khổ dân đen”.
Trong khi chờ đợi, tiếng trò chuyện ồn ào hoà lẫn với tiếng cắn thóc rang lách tách, tiếng trai gái đùa cợt hoà lẫn tiếng rít điếu thuốc lào. Khói thuốc bay mù cả ba gian nhà. Mấy cụ già hớp phải khói ho sặc sụa… Đồng chí bí thư đã lên rồi kìa! Đồng chí đến muộn vì chiều nay phải dự ba cuộc họp bàn an ninh thôn xóm về việc bà Bửu mất con gà mái đẻ và về việc một tuần đinh ngủ với bà bắt cáy giữa đồng. Vừa bước chân vào hội trường chưa kịp chào hỏi bà con, đồng chí diễn thuyết ngay vì sau cuộc diễn thuyết này đồng chí còn phải dự một cuộc họp bàn về chống âm mưu của kẻ địch trong hoà bình.
“… Tình nghĩa quốc tế của các nước xã hội chủ nghĩa anh em vô cùng cao cả, muốn xoá bỏ cái nghèo nàn lạc hậu đến tận gốc ta phải dựa vào các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Các nước xã hội chủ nghĩa anh em cũng xắn hai ống tay áo giúp ta xoá bỏ cái ngoèn nàn lạc hậu…”
Mấy cô, mấy cậu bịt miệng cười phì phì vì đồng chí bí thư nói ngọng “nghèo nàn” thành “ngoèn nàn”. Một cán bộ đứng dậy “Xì…xì …” để ngăn những tiếng cười bất nhã.
“… Đảng, chính phủ nhân dân Cu Ba xung phong xây cho ta một con đường ngầm to chứ không phải nhỏ như cái cống nước. Con đường ngầm ô tô chạy được, hoả xa chạy được, xe tăng chạy được. Trên đường ngầm nhân dân ta cứ đi lại, cày bừa cấy hái như thường. Như thế là một mũi tên bắn trúng hai đích, đích thứ nhất là bảo đảm bí mật quân sự, đích thứ hai là xoá được cái nghèo nàn, xoá được lạc hậu. Tại sao làm đường hầm mà xoá được cái ngoèn nàn lạc hậu…”
Đồng chí biết mình phát âm ngọng nên cố tránh tiếng nghèo nhưng lại thích dùng cụm từ “xoá nghèo nàn lạc hậu” cho nên lại cứ phải nói “ngoèn nàn lạc hậu” tiếng cười phì phì lại nổi lên.
“… Làm đường ngầm tiết kiệm được diện tích canh tác. Ta có đường đi đàng hoàng mà không mất diện tích canh tác. Nhưng ta thấy Đảng, chính phủ nhân dân Cu Ba mới giành được chính quyền đất nước còn nghèo nên ta không nhận. Ta cảm ơn tấm lòng quốc tế vô sản của Đảng, chính phủ nhân dân Cu Ba...”
“Thằng Pháp cũng giở giọng ủng hộ ta mười lăm tỷ đô la nhưng ta không thèm nhận. Ta không thèm chìa tay nhận của quân đế quốc. Thằng Pháp vừa bị Đảng, chính phủ, quân đội nhân dân ta đánh cho thua liểng xiểng, chúng âm mưu quay lại ve vuốt ta hòng đặt ách cai trị lên vai lên cổ ta một lần nữa. Ta phải cảnh giác thằng đế quốc. Tự hai bàn tay trắng ta phải xoá cái nghèo… xóa lạc hậu… xoá cái nghèo nàn lạc hậu”.
“… Còn cái lèn Hai Vai sờ sờ ra đó ngứa mắt, ngứa mắt. Đảng, chính phủ ta sẽ xây một nhà máy xi măng, vài mươi năm sau đá nung xi măng sẽ hết sạch sành sanh. Lúc đó mọi người đã xây xong nhà ngói, đá cũng vừa hết hòn lèn không còn nữa ta có thêm mấy trăm mẫu đất để sản xuất góp phần đắc lực vào công cuộc xoá nghèo nàn lạc hậu…”
“Đồng ruộng ta phẳng lì thẳng cánh cò bay. Cày bừa cuốc xẻng chồng lại một đống mà đốt, ta dùng toàn máy cày, máy bừa, máy cấy, ta dùng toàn máy móc hiện đại. Các ông không phải cầm cái cày đi theo con trâu, các bà không phải cúi gập lưng cắm mặt xuống bùn. Khắp cả cánh đồng máy chạy như cua bò …”
Vừa hưng phấn vừa vội vàng, đồng chí bí thư nói một mạch, rồi “báo cáo với đồng bào’’ đi dự cuộc họp khác. Dư âm của bài diễn thuyết đầy lạc quan còn níu bà con lại bàn tán:
“Úp mặt mãi xuống đất đã có lúc ngẩng mặt lên trời”.
“Tôi mong nhà nước xây dựng nhà máy xi măng càng sớm càng hay để tôi xây lại nhà, thoát khỏi cái nhà tranh cứ hơi mưa là dột ướt hết cả giường chiếu”.
“Bà Hoe nhà tôi mà đi nghe ông bí thư nói hôm nay thì sướng lắm, thương bà ấy quanh năm mặc áo rách lội bùn”.
“Ôi trời ơi mẹ đĩ nhà tôi mà được ngồi lên máy cày máy bừa thì oai phong lẫm liệt như bà Trưng cưỡi voi ra trận”.
“A! Chú Hiền đến rồi im tiếng thế? Chú Hiền đánh giặc xong về quê lúc này là đúng lúc. Hồi trước chú cưỡi ngựa bây giờ chú lại cươĩ máy cày, lúc nào chú cũng sướng”.
“Chú Hiền đâu rồi. Im tiếng thế. Chú làm thông tin thì chú phải nói cho bà con biết mọi việc để bà con còn phấn khởi”.
Anh Hiền đang cuộn điếu thuốc lá ngồi dựa cột:
“Có tôi đây. Thưa thật với bà con là tôi làm thông tin tôi không dám nói như đồng chí bí thư Đảng ủy”.
“Tại sao?”
“Tại sao thế?”
“Chú nói cho bọn tôi nghe. Chú đi nhiều, hiểu biết nhiều, chú phải nói cho bà con nghe chứ”.
Anh Hiền ngừng tay cuộn thuốc lá, nói chậm rãi:
“Đồng chí bí thư nói Pháp muốn ủng hộ ta mười lăm tỷ đô la tôi không tin. Nói một tỷ đô la tôi có thể tin được, tạm tin được… Đồng chí bí thư nói Cu Ba xung phong làm cho ta một con đường ngầm từ Hà Nội vào Vĩnh Linh cho ô tô xe tăng tàu hoả chạy tôi cũng không tin. Liên Xô giành chính quyền hơn bốn chục năm rồi mà cũng chỉ làm được đường ngầm cho tàu điện chạy loanh quanh trong Mạc Tư Khoa… Đồng chí bí thư nói vài chục năm nữa phá sạch lèn Hai Vai để lấy đất canh tác tôi cũng không tin. Phần nổi của lèn Hai Vai nếu phá hết thì phần chìm của nó phải đến hàng mấy chục đời may ra mới lấy hết đá…”
“Có khi chú Hiền nói đúng”.
“Chú cứ nói nữa đi.”
“Chú nói tiếp đi, chú hiểu biết nhiều hơn. Bà con làng ta chỉ loanh quanh ra đồng rồi vô bếp.”
Anh Hiền rít một hơi thuốc lá, dụi mẩu thuốc xuống đất:
“Thôi… tôi xin nói thế là đủ rồi. Lần trước họp trên xã tôi chỉ nói trái ý ông chủ tịch huyện một câu bị ông ấy ốp cho một trận trước mặt mọi người… Tôi chỉ sợ là các ông cấp trên tếu quá đáng chứ không phải là lạc quan cách mạng.”
Những sự va chạm giữa anh Hiền với cấp lãnh dạo cứ lặp đi lặp lại tuy chẳng có lần nào anh to tiếng. Thậm chí hễ thấy cấp trên hơi nóng mặt là anh im lặng rút lui nhưng cũng không khỏi làm cho cấp trên khó chịu.
Chiều hôm ấy đi tát nước về Bá gặp anh Hiền “nhờ chú viết cho mấy khẩu hiệu thật đẹp ở bảng tin cổng xóm Nam, xóm Tây, xóm Bắc. Lần này không viết tin mà viết ba câu khẩu hiệu thật to”. Anh hí hửng viết bằng son đỏ nắn nót từng nét chữ đến nhập nhoạng tối thì xong. Ba tấm bảng quét vôi trắng toát nổi bật màu son đỏ ba câu khẩu hiệu: “Cương quyết tấn công vào nghèo nàn lạc hậu.”
Sáng hôm sau bà con ra đồng làm việc đến dừng lại trước tấm bảng. Nhưng rất buồn cười, đứa nào nghịch ngợm sửa lại câu khẩu hiệu ở cổng xóm Bắc: “Cương quyết tấn công vào ngoèn nàn lạc hậu”. Bí thư chi bộ biết tin này lập tức bắt tổ thông tin quét vôi xoá trắng hoàn toàn. Và ngay tối hôm đó tổ thông tin họp có bí thư chi bộ dự, kiểm điểm gay gắt anh Hiền. Bá nói: “ Chiều qua tôi đã thấy chú Hiền viết nghèo nàn lạc hậu. Chắc là có đứa nào đó nó nghịch dùng bút son sửa lại”. Những tổ viên khác cũng có ý kiến tương tự như Bá, nhưng bí thư chi bộ cứ gò vào buộc anh Hiền phải nhận là “ý thức trách nhiệm kém”, “có ý xỏ xiên đồng chí bí thư huyện uỷ xã”, “có ý đồ gì đằng sau”. Anh Hiền không chịu nhận…
Mấy ngày sau Bá được Đảng uỷ gọi lên và bảo “Từ nay không để đồng chí Hiền hoạt động trong tổ thông tin nữa”. Bá nói lại: “Đảng uỷ không cho chú Hiền làm thông tin nữa là quyền của Đảng uỷ, tôi chẳng thấy chú Hiền sai gì cả. Tôi phân công việc gì làm chú cũng làm đầy đủ, còn câu khẩu hiệu viết ngoèn nàn lạc hậu là do đứa nào đùa nghịch chứ không phải chú Hiền xỏ xiên hoặc có ý đồ gì đằng sau, cũng chẳng phải âm mưu địch xúi giục chú Hiền như có người quy kết”. Bá vắt áo lên vai phăm phăm ra về.
Tưởng là “dứt bỏ đường công danh”, vui thú điền viên tham gia việc làng việc xóm cho vui, đến bây giờ anh mới nhận thức ra rằng việc làng việc xóm cũng là việc xã hội, mà làm “việc xã hội” là thế nào cũng bị va chạm, xô xát. Anh hoàn toàn giành thì giờ lo việc gia đình nhưng vẫn bị Đảng uỷ để ý, cho là “phần tử bất mãn”, là “cố ý chống đối”… Thì ra cái “cọng rêu dưới đáy ao” mà anh tưởng là “yên thân” như các nhà nho ngày trước, có ngờ đâu cái cọng rêu ấy trong thời buổi này cũng phải đối mặt với mọi biến động của xã hội.
I II III
Các bài liên quan
Tranh cãi lớn quanh tiểu thuyết “Vết sẹo và cái đầu hói”
Thuỵ Khuê: Nói chuyện với nhà văn Võ Văn Trực
Tiểu thuyết “Vết sẹo và cái đầu hói" của nhà văn Võ Văn Trực: Văn chương và ám chỉ
Tác giả Võ Văn Trực (1936) là tác giả của nhiều tập thơ: Ngày hội của rạng đông (1978), Hành khúc mùa xuân (1980), Trăng phù sa (1983), Hương trong vườn bão (1995)..., từng nhận được nhiều giải thưởng, và các tiểu thuyết Chuyện làng ngày ấy, Vết sẹo và cái đầu hói (2006), Cọng rêu dưới đáy ao (2007).
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)