Bài diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội của Tổng thống Obama
25/02/2009
Tổng thống Barack Obama tuyên bố Hoa Kỳ sẽ trỗi dậy sau giai đoạn kinh tế bất định và sẽ trở nên vững mạnh hơn trước. Trong bài diễn văn đọc trước lưỡng viện Quốc hội tối thứ ba 24/2/2009, Tổng thống Obama giải thích các chính sách kinh tế của ông. Sau đây là bài diễn văn của ông Obama. (Bản dịch của đài VOA)
Tổng thống Obama đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội
Thưa Bà Chủ tịch Hạ viện, thưa Ông Phó Tổng thống, thưa Quí vị đại biểu Quốc hội, và Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ.
Tôi tới đây tối nay không chỉ để ngỏ lời với các quí Ông và quí Bà khả kính ở hội trường vĩ đại này, nhưng cũng để trình bày một cách thẳng thắn và trực tiếp với những người nam cũng như nữ đã cử chúng ta đến nơi đây.
Tôi biết rằng đối với nhiều người Mỹ đang ngồi trước màn ảnh truyền hình ngay lúc này, tình hình kinh tế của chúng ta là một mối lo vượt lên trên tất cả các mối lo khác. Và đó là điều hợp lý. Nếu như bản thân quý vị chưa bị tác động trực tiếp bởi cuộc suy thoái này, có lẽ quý vị cũng có quen biết một ai đó đã bị tác động - một người bạn; một người láng giềng; hay một người trong viên gia đình bạn. Quý vị chẳng cần phải nghe thêm một bảng thống kê khác mới biết rằng nền kinh tế của chúng ta đang bị khủng hoảng, bởi vì quý vị đang sống với nó hằng ngày. Đó là mối khắc khoải quý vị cảm thấy mỗi khi thức giấc và nguyên do của làm quý vị nhiều đêm không ngủ được. Đó là công việc bạn vẫn nghĩ sẽ làm cho đến lúc nghỉ hưu nhưng bây giờ đã mất; là doanh nghiệp trên đó bạn xây đắp những ước mơ mà bây giờ như chỉ mành treo chuông; là lá thư được chấp nhận vào trường đại học mà con bạn đành phải nhét lại vào phong bì. Tác động của cuộc suy thoái này là điều có thật và hiện diện ở mọi nơi.
Thế nhưng mặc dù nền kinh tế của chúng ta suy yếu và niềm tin của chúng ta lung lay, và mặc dù chúng ta sống qua một thời kỳ đầy khó khăn và bất trắc, đêm nay tôi muốn rằng mỗi người Mỹ nên biết rõ điều này.
Chúng ta sẽ xây dựng lại, chúng ta sẽ phục hồi lại, và Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ sẽ trỗi dậy mạnh mẽ hơn trước.
Sức nặng của cuộc khủng hoảng này sẽ không quyết định vận mạng của quốc gia này. Những câu trả lời cho các vấn nạn của chúng ta không nằm ngoài tầm với của chúng ta. Những câu trả lời đó nằm trong các phòng thí nghiệm và các trường đại học của chúng ta; trên những cánh đồng và trong các cơ xưởng của chúng ta; trong trí tưởng tượng của những các nhà doanh nghiệp và trong niềm tự hào của những người lao động cần cù nhất trên Trái đất. Chúng ta vẫn có thừa những phẩm chất đã làm Hoa Kỳ trở nên một sức mạnh to lớn nhất của tiến bộ và thịnh vượng trong lịch sử nhân loại. Điều cần thiết hiện nay cho đất nước này là phải cùng nhau ra sức dũng cảm đối mặt với những thách thức và một lần nữa đảm nhận trách nhiệm về tương lai chúng ta.
Giờ đây, nếu chúng ta thành thực với chính mình, chúng ta phải công nhận rằng trong thời gian quá lâu, chúng ta đã không luôn luôn đáp ứng những trách nhiệm đó – với tư cách là một chính phủ hay một dân tộc. Tôi nói điều này không phải để chê trách hay nhìn lại phía sau, mà bởi vì chỉ bằng cách tìm hiểu vì sao chúng ta đã lâm vào nông nỗi này thì chúng ta mới có thể thoát ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay.
Sự thật là nền kinh tế của chúng ta không phải rơi vào suy thoái trong một sớm một chiều. Cũng không phải tất cả các vấn nạn của chúng ta đã nãy sinh khi thị trường nhà đất suy sụp hoặc khi thị trường chứng khoán hạ giảm. Từ bao nhiêu thập niên chúng ta đã biết rằng sự sống còn của chúng ta tùy thuộc vào việc tìm ra những nguồn năng lượng mới. Vậy mà ngày nay chúng ta đang nhập khẩu nhiều dầu hơn bao giờ hết. Mỗi năm, phí tổn chăm sóc y tế gậm nhấm ngày càng nhiều quĩ tiết kiệm của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn trì hoãn việc cải cách. Con em chúng ta sẽ đua tranh tìm kiếm việc làm trong một bối cảnh kinh tế toàn cầu mà quá nhiều trường học của chúng ta không chuẩn bị cho chúng. Và bất chấp tất cả những thách thức không được giải quyết đó, chúng ta vẫn tìm cách chi tiêu nhiều hơn bao giờ hết, chồng chất nợ nần nhiều hơn bao giờ hết, trên cương vị cá nhân cũng như thông qua chính phủ của chúng ta.
Nói một cách khác, chúng ta đã trải qua một thời đại mà những lợi lộc ngắn hạn quá nhiều khi được đánh giá cao hơn sự thịnh vượng lâu dài; một thời đại mà chúng ta đã không nhìn xa hơn được kỳ lương sắp tới, quí sắp tới, hoặc kỳ tuyển cử sắp tới. Một sự thặng dư trở nên một cái cớ để chuyển giao của cải cho người giàu có, thay vì là một cơ hội để đầu tư cho tương lai. Luật lệ bị phá vỡ nhằm thu được lợi nhuận nhanh chóng bất kể cái hại gây ra cho thị trường lành mạnh. Người ta mua những ngôi nhà họ biết họ không đủ tiền để trả của các ngân hàng và của những kẻ cho vay cứ thông qua những món nợ xấu một cách bất kể người mua có đủ điều kiện hay không. Và trong suốt thời gian đó, những cuộc tranh luận quan trọng và những quyết định khó khăn luôn luôn bị trì hoãn ngày này sang ngày khác.
Vâng, cái ngày phán xét đó đã tới, và cũng đã đến lúc chúng ta phải nhận lãnh trách nhiệm về tương lai của chúng ta.
Đây chính là lúc chúng ta cần hành động dũng cảm và khôn ngoan, không những chỉ để phục hồi nền kinh tế mà còn để xây dựng nền móng mới cho một sự thịnh vượng lâu dài. Đây chính là lúc phải khởi động việc tạo ra công ăn việc làm, khởi sự lại hoạt động cho vay tiền, và đầu tư trong những lãnh vực như năng lượng, chăm sóc y tế, và giáo dục, là những lãnh vực sẽ giúp cho nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng, ngay cả trong lúc chúng ta còn phải có những chọn lựa khó khăn để giảm bớt sự thâm hụt. Đó là những điều mà nghị trình kinh tế của tôi soạn thảo để thực hiện, và cũng là điều tôi muốn nói với quí vị đêm nay.
Đó là một nghị trình khởi sự với công ăn việc làm.
Tổng thống Obama tuyên bố Dự Án Phục Hồi và Tái Ðầu Tư Hoa Kỳ nay đã trở thành luật
Ngay khi tôi nhậm chức, tôi đã đã yêu cầu Quốc hội này gửi cho tôi một kế hoạch phục hồi vào ngày Lễ Tổng thống, một kế hoạch có thể đem mọi người trở lại với công việc của họ và bỏ tiền vào túi họ. Như thế không phải bởi vì tôi tin vào một chính phủ có quyền hạn lớn hơn – không, tôi không nghĩ như vậy. Cũng không phải tôi không nghĩ tới món nợ khổng lồ mà chúng ta đã thừa hưởng – tôi có nghĩ tới. Tôi yêu cầu phải có hành động vì nếu không làm vậy thì những công ăn việc làm sẽ ra đi nhiều hơn và đem tới nhiều gian truân hơn nữa. Sự thực là nếu không có hành động ngay thì sự thâm lạm của chúng ta trong trường kỳ sẽ trở nên tệ hại hơn vì điều đó chắc chắn sẽ làm cho nền kinh tế tăng trưởng một cách yếu ớt trong nhiều năm nữa. Chính vì vậy mà tôi đã thúc đẩy phải hành động nhanh. Và đêm nay, tôi biết ơn sự đáp ứng của Quốc Hội này, và vui mừng tuyên bố Dự Án Phục Hồi và Tái Đầu Tư Hoa Kỳ nay đã trở thành Luật.
Trong hai năm tới đây, kế hoạch này sẽ cứu vãn hoặc tạo ra 3 triệu rưỡi công ăn việc làm. Hơn 90% những việc làm này nằm trong khu vực tư nhân, như công việc tái thiết đường sá cầu cống; xây dựng các tuốc-bin gió và các tấm pin điện mặt trời; lắp đặt các băng thông rộng và mở rộng các phương tiện chuyên chở đại chúng.
Nhờ kế hoạch này, bây giờ đã có những giáo viên có thể giữ được công việc giáo dục con em chúng ta. Những nhà chuyên môn chăm sóc sức khỏe có thể tiếp tục săn sóc người bệnh của chúng ta. Đêm nay, 57 cảnh sát viên vẫn tiếp tục thi hành nhiệm vụ trên đường phố Minneapolis, nhờ kế hoạch này đã ngăn chặn được những vụ sa thải mà cơ quan của họ dự tính thực hiện.
Nhờ kế hoạch này, 95% gia đình lao động Mỹ sẽ nhận được một phần giảm thuế, quý vị sẽ nhìn thấy phần giảm thuế đó trong ngân phiếu trả lương của bạn bắt đầu vào ngày 1 tháng Tư.
Cũng nhờ kế hoạch này, những gia đình phải chật vật để trả học phí của con em sẽ nhận được một khoản giảm thuế 2,500 đô la cho toàn bộ 4 năm đại học đầu tiên. Và những người Mỹ đã bị mất việc làm trong cơn suy thoái này sẽ có thể nhận thêm trợ cấp thất nghiệp và tiếp tục được hưởng sự chăm sóc sức khỏe cho qua cơn sóng gió này.
Tôi biết có một số người trong hội trường này và một số người đang xem TV ở nhà vẫn còn hoài nghi về hiệu quả của kế hoạch này. Tôi hiểu sự hoài nghi đó. Tại Washington đây, mọi người chúng ta đều đã thấy những hảo ý có thể biến thành những lời hứa suông và sự tiêu pha vô ích một cách nhanh chóng như thế nào. Và một kế hoạch với tầm cỡ này có kèm theo một trách nhiệm cực kỳ to lớn phải thực hiện đúng.
Chính vì vậy tôi đã yêu cầu Phó Tổng thống Biden lãnh đạo một nỗ lực giám sát gay gắt và chưa từng thấy, bởi vì không ai có thể làm ăn tắc trách với ông ấy được. Tôi đã nói với mỗi thành viên trong Nội các của tôi cũng như các thị trưởng và thống đốc trên toàn quốc là họ sẽ chịu trách nhiệm trước tôi cũng như trước nhân dân Mỹ về mỗi đôla mà họ chi tiêu. Tôi đã bổ nhiệm một vị Tổng Thanh tra kinh nghiệm và năng nỗ để có thể phát giác mọi trường hợp lãng phí và gian lận. Và chúng tôi cũng tạo ra một trang mạng mới gọi là recovery.gov, hầu mỗi người Mỹ đều có thể thấy tiền của họ được chi tiêu như thế nào và tiêu vào đâu.
Như vậy kế hoạch phục hồi chúng ta đã thông qua là bước đầu tiên để đưa nền kinh tế của chúng ta trở lại đúng hướng. Nhưng đó chỉ là bước đầu tiên. Bởi vì cho dù chúng ta có thể quản lý kế hoạch này một cách toàn hảo đi nữa, cũng sẽ không thực hiện được sự phục hồi thực sự trừ phi chúng ta giải quyết được cuộc khủng hoảng tín dụng đã làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống tài chánh của chúng ta.
Đêm nay, tôi muốn nói một cách thẳng thắn, không úp mở về vấn đề này, bởi vì mọi người Mỹ nên hiểu rằng vấn đề này trực tiếp tác động đến quý vị và sự an vui của gia đình quý vị. Quý vị cũng nên biết rằng số tiền mà quý vị ký thác trong các ngân hàng trên khắp nước Mỹ là an toàn; rằng việc bảo hiểm của quý vị là chắc chắn; và quý vị có thể tin cậy vào sự tiếp tục hoạt động của hệ thống tài chính của chúng ta. Nhưng đó không phải là điều đáng lo.
Điều đáng lo là ở chỗ nếu chúng ta không khởi sự lại việc cho vay trong nước này, sự hồi phục của chúng ta sẽ bị bóp nghẹt trước khi nó bắt đầu.
Quí vị biết đó, lưu thông tín dụng chính là mạch máu của nền kinh tế của chúng ta. Khả năng vay được tiền chính là cách ta tài trợ cho việc mua bán mọi thứ, từ căn nhà, chiếc xe cho tới nền giáo dục đại học; đó là cách các cửa tiệm mua được hàng hóa, các nông trại mua được thiết bị, và các doanh nghiệp có thể trả lương cho công nhân.
Nhưng, tín dụng đã ngưng lưu thông đúng cách. Quá nhiều khoản cho vay xấu từ cuộc khủng hoảng nhà đất đã đi vào sổ sách kế toán của quá nhiều ngân hàng. Với quá nhiều nợ nần và quá ít sự tín nhiệm, những ngân này giờ đây đâm ra sợ hãi, không dám cho các gia đình, các doanh nghiệp, và các ngân hàng khác vay thêm. Khi không có ai cho vay tiền thì các gia đình không còn mua nhà hoặc mua xe được nữa. Thế là các doanh nghiệp bị buộc phải sa thải nhân công. Nền kinh tế của chúng ta còn bị tác hại nhiều hơn, và tín dụng cũng cạn kiệt hơn nữa.
Chính vì lý do đó mà Chính quyền này đã phải hành động một cách nhanh chóng và mạnh mẽ để phá vỡ cái vòng hủy diệt đó, khôi phục lại lòng tin, và khởi sự lại hoạt động cho vay.
Chúng ta sẽ làm như vậy theo nhiều cách. Trước tiên, chúng ta đang tạo ra một quĩ cho vay mới thể hiện cho nỗ lực to lớn nhất từ trước đến nay để giúp cung cấp tiền vay mua xe, vay tiền đóng học phí đại học, cùng những khoản tiền vay dành cho doanh nghiệp nhỏ, cho người tiêu dùng và các nhà kinh doanh, tức là những thành phần giúp cho nền kinh tế hoạt động.
Ông Obama tuyên bố Hoa Kỳ sẽ trỗi dậy sau giai đoạn kinh tế bất định và sẽ trở nên vững mạnh hơn
Điều thứ hai, chúng ta đã phát động một chương trình gia cư nhằm giúp các gia đình có tinh thần trách nhiệm đang đối mặt với nguy cơ bị xiết nhà giảm bớt khoản trả góp hàng tháng và tái tài trợ các khoản thế chấp của họ. Kế hoạch này sẽ không giúp những kẻ đầu cơ hoặc một người hàng xóm nào đó đã mua một ngôi nhà mà họ chẳng bao giờ hy vọng có đủ tiền để trả, nhưng nó sẽ giúp hàng triệu người Mỹ đang vất vã vật lộn vì giá trị căn nhà của họ bị sụt giảm – đó là những người Mỹ mà giờ đây có thể lợi dụng mức lãi suất thấp hơn trước do kế hoạch này đem lại. Sự thật là, một gia đình trung bình hiện nay muốn tái tài trợ có thể tiết kiệm được gần 2,000 đô la mỗi năm về tiền thế chấp của họ.
Thứ ba, chúng ta sẽ hành động với toàn sức mạnh của chính phủ liên bang để đảm bảo rằng các ngân hàng chính mà người Mỹ phải trông cậy vào có đủ niềm tin và đủ tiền để cho vay ngay cả trong những thời kỳ khó khăn hơn nữa. Và khi chúng ta biết được rằng một ngân hàng lớn có những vấn đề nghiêm trọng, chúng ta sẽ buộc những kẻ có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm, bắt buộc phải thực hiện những sự điều chỉnh cần thiết, cung cấp sự hỗ trợ cần thiết để chỉnh đốn bảng quyết toán, và đảm bảo tính liên tục của một định chế vững mạnh, có khả năng tồn tại để phục vụ người dân và nền kinh tế của chúng ta.
Tôi hiểu rằng bất cứ lúc nào các cơ sở tài chính ở Wall Street đều có thể cảm thấy dễ chịu hơn với một chính sách nhằm cung cấp cho các ngân hàng những khoản tiền giải cứu mà không có những điều kiện ràng buộc, không bắt ai phải chịu trách nhiệm về những quyết định thiếu thận trọng của họ. Nhưng một đường lối như vậy sẽ không giải quyết được vấn đề. Và mục tiêu của chúng ta là tiến nhanh đến ngày mà chúng ta có thể cho người Mỹ và doanh nghiệp Mỹ vay mượn trở lại, và chấm dứt vĩnh viễn cuộc khủng hoảng này.
Tôi có ý định buộc các ngân hàng này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự giúp đỡ mà họ được nhận, và lần này, họ sẽ chứng minh rõ ràng bằng cách nào đồng tiền của người thọ thuế sẽ mang lại kết quả là là người thọ thuế sẽ được vay mượn nhiều hơn. Lần này, các giám đốc điều hành công ty sẽ không thể sử dụng tiền của người thọ thuế để tự tăng lương cho mình hay mua sắm những tấm màn đắt giá hoặc biến đi trên một chiếc máy bay phản lực riêng. Thời kỳ đó nay đã qua rồi.
Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ đòi hỏi những nguồn lực đáng kể từ phía Chính phủ liên bang, và, vâng, có lẽ còn nhiều hơn số nguồn lực mà chúng ta đã dành riêng cho mục đích này. Nhưng mặc dù cái giá của hành động sẽ rất cao, tôi có thể bảo đảm với quí vị là cái giá của việc không hành động sẽ còn cao hơn rất nhiều, vì nó có thể đưa đến hậu quả là một nền kinh tế èo uột kéo dài không phải trong vài tháng hay trong vài năm, mà có thể cả một thập niên. Điều đó sẽ tệ hại hơn cho tình trạng thâm hụt của chúng ta, tệ hại hơn cho các hoạt động kinh doanh, tệ hại hơn cho quí vị, và tệ hại hơn cho thế hệ kế tiếp. Và tôi sẽ không để cho điều đó xảy ra.
Tôi hiểu rằng khi Chính quyền trước yêu cầu Quốc hội trợ giúp cho các ngân hàng đâng gặp khó khăn, các các đại biểu của cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa đều giận dữ về cách quản lý sai lầm và những hậu quả của nó. Người thọ thuế Hoa Kỳ cũng giận dữ. Tôi cũng vậy.
Cho nên bây giờ tôi rất hiểu hiện nay việc đi giúp đỡ cho các ngân hàng là một việc ít được lòng dân chúng đến mức nào, nhất là khi mọi người đều cực khổ một phần vì những quyết định sai lầm của các ngân hàng đó. Tôi hứa với các bạn – tôi hiểu điều đó.
Nhưng tôi cũng biết trong một thời kỳ khủng hoảng, chúng ta không thể dùng sự giận dữ để quản lý, hoặc nhường bước cho đường lối chính trị nhất thời. Công việc của tôi - công việc của chúng ta -là phải giải quyết vấn đề. Công việc của chúng ta là quản lý với tinh thần trách nhiệm. Tôi sẽ không tiêu một xu nào cho mục đích tưởng thưởng một giới chức điều hành các cơ sở tài chính ở Wall Street nào, nhưng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể làm được để giúp doanh nghiệp nhỏ nào không thể trả lương cho nhân viên của họ, hay gia đình nào đã dành dụm mà vẫn không kiếm ra được tiền thế chấp.
Vấn đề là như vậy. Đây không phải là vấn đề giúp các ngân hàng, mà là giúp đỡ người dân. Bởi vì khi đã có tín dụng, thì sau cùng một gia đình trẻ tuổi có thể mua một căn nhà mới. Và rồi một công ty sẽ thuê công nhân để xây dựng căn nhà đó. Và rồi các công nhân này sẽ có tiền tiêu, và nếu họ có thể mượn được tiền, có lẽ sau cùng họ sẽ mua một chiếc xe, hay là mở một doanh nghiệp riêng của họ. Các nhà đầu tư sẽ trở lại thị trường, và các gia đình người Mỹ một lần nữa lại thấy quĩ hưu bổng của mình được ổn định. Niềm tin sẽ trở lại, chậm rãi nhưng chắc chắn, và nền kinh tế của chúng ta sẽ hồi phục.
Vì vậy, tôi yêu cầu Quốc hội hãy cùng tôi làm tất cả mọi điều cần thiết. Bởi vì chúng ta không thể phó mặc đất nước chúng ta cho một cuộc suy thoái triền miên. Và để đảm bảo rằng một cuộc suy thoái nghiêm trọng như thế này sẽ không bao giờ tái diễn, tôi thỉnh cầu Quốc hội hãy hành động mau lẹ trong việc xây dựng những luật lệ mà cuối cùng sẽ giúp cải cách hệ thống điều tiết đã lỗi thời của chúng ta. Đã đến lúc phải ban hành những quy tắc hoạt động mới nghiêm khắc, hợp lý để thị trường tài chánh của chúng ta tưởng thưởng cho những nỗ lực và sáng kiến, và trừng phạt những lối làm ăn đi ngang về tắt và thói lạm dụng.
Kế hoạch phục hồi và kế hoạch ổn định tài chánh là những bước cấp thời chúng ta đang áp dụng nhằm phục hồi nền kinh tế của chúng ta trong thời gian trước mắt. Nhưng phương cách duy nhất để phục hồi toàn diện sức mạnh kinh tế Hoa Kỳ là thực hiện những công cuộc đầu tư để tạo ra công ăn việc làm mới, các công nghiệp mới, và một khả năng mới để tranh đua cùng thế giới. Cách duy nhất để cho thế kỷ này sẽ trở thành một thế kỷ Mỹ khác là sau cùng chúng ta chịu trực diện với cái giá phải trả cho sự phụ thuộc của chúng ta vào dầu hỏa và với phí tổn cao của công tác chăm sóc y tế; trực diện với vấn đề những trường học không chuẩn bị cho con em chúng ta để chúng gánh vác số nợ nần cao như núi mà chúng sẽ thừa hưởng. Đó là trách nhiệm của chúng ta.
Trong vài ngày sắp tới, tôi sẽ đệ nạp một ngân sách cho Quốc hội. Rất thường khi chúng ta chỉ xem những tài liệu này đơn giản chỉ là những con số trên một trang giấy hoặc một danh mục những chương trình lặt vặt. Tôi nhìn tài liệu này một cách khác. Tôi nhìn nó như một viễn tượng của Hoa Kỳ, một kế hoạch cho tương lai chúng ta.
Ngân sách của tôi không có tham vọng giải quyết mọi vấn đề. Nó phản ánh thực tế phũ phàng của điều chúng ta đã thừa hưởng - đó là tình trạng thâm hụt 1,000 tỉ đô-la, một cuộc khủng hoảng tài chính, và một cuộc suy thoái hao tiền tốn của.
Với những thực tế đó, tất cả mọi người trong phòng hội này, cho dù thuộc Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa, cũng sẽ phải hy sinh một số dự án ưu tiên vì không có đủ tiền, cho dù đó là những dự án xứng đáng. Cả tôi cũng phải làm như thế.
Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể bỏ qua những thách thức có tính cách dài hạn. Tôi bác bỏ quan điểm cho rằng những vấn đề của chúng ta đơn giản sẽ tự giải quyết lấy; và rằng chính phủ không đóng vai trò nào trong việc đặt nền móng cho sự thịnh vượng chung của chúng ta.
Bởi vì lịch sử đã không diễn ra như thế. Lịch sử nhắc nhở chúng ta rằng mỗi khi kinh tế có biến động đột ngột và thay đổi, quốc gia này đã đáp ứng bằng những hành động dũng cảm và những tư tưởng lớn. Giữa khi xảy ra nội chiến, chúng ta đã đặt một tuyến đường sắt từ duyên hải miền đông sang duyên hải miền tây, và điều đó đã giúp thúc đẩy thương mại và công nghiệp. Giữa cơn rối loạn của cuộc cách mạng công nghiệp, chúng ta đã xây dựng được một hệ thống trường trung học công lập để chuẩn bị cho công dân của chúng ta bước vào một kỷ nguyên mới. Sau khi chiến tranh vàsuy thoái chấm dứt, đạo luật GI Bill đã đưa một thế hệ vào trường đại học và tạo ra một tầng lớp trung lưu lớn nhất trong lịch sử. Và một cuộc đấu tranh cho tự do đã đưa đến một đất nước với những xa lộ, một người Mỹ đặt chân lên mặt trăng, và một cuộc bùng phát của nền công nghệ hiện vẫn còn uốn nắn vóc dáng của thế giới chúng ta.
Trong mỗi trường hợp, chính phủ đều không thay thế được xí nghiệp tư nhân; nhưng chính phủ đã thay đổi doanh nghiệp tư nhân một cách đáng kể. Chính phủ đã tạo điều kiện cho hàng ngàn doanh nhân và xí nghiệp mới để giúp họ thích ứng và phát đạt.
Chúng ta là một đất nước đã nhìn thấy sự hứa hẹn trong nỗi hiểm nghèo, và đã dành được cơ hội trong cơn thử thách. Giờ đây một lần nữa chúng ta phải là một đất nước như thế. Chính vì vậy, ngay cả khi cắt giảm những chương trình mà chúng ta không cần, ngân sách mà tôi đệ nạp sẽ đầu tư vào 3 lãnh vực tuyệt đối cần thiết cho tương lai kinh tế của chúng ta: đó là năng lượng, chăm sóc y tế, và giáo dục.
Hãy khởi sự với năng lượng.
Tổng thống Obama nói 3 lãnh vực tuyệt đối cần thiết cho tương lai kinh tế của Hoa Kỳ là năng lượng, chăm sóc y tế, và giáo dục
Chúng ta biết rằng nước nào khai thác được sức mạnh năng lượng sạch và có thể tái tạo sẽ dẫn đầu trong thế kỷ 21. Vậy mà, chính Trung Quốc đã phát động nỗ lực to lớn nhất trong lịch sử để làm cho nền kinh tế của họ có hiệu suất năng lượng cao. Chúng ta sáng chế ra công nghệ năng lượng mặt trời, nhưng chúng ta đã tụt hậu so với các nước như Đức và Nhật Bản trong việc sản xuất loại năng lượng này. Chúng ta làm ra những xe ô-tô chạy bằng năng lượng kết hợp điện và xăng, nhưng chúng sử dụng những bình điện được chế tạo tại Nam Triều Tiên
Tôi không chấp nhận một tương lai trong đó những công ăn việc làm và ngành công nghiệp của ngày mai bắt nguồn bên ngoài biên giới của chúng ta - tôi biết rằng quý vị cũng vậy. Đã đến lúc Hoa Kỳ phải lãnh đạo trở lại.
Nhờ kế hoạch phục hồi của chúng ta, chúng ta sẽ tăng gấp đôi nguồn năng lượng có thể tái tạo trong vòng 3 năm tới. Chúng ta cũng thực hiện một khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ để tài trợ cho công tác nghiên cứu cơ bản, một cuộc đầu tư sẽ không chỉ giúp thúc đẩy những phát minh phá mới về năng lượng, mà còn giúp thúc đẩy những bước đột phá trong y học, khoa học, và công nghệ.
Không bao lâu nữa chúng ta sẽ đặt hàng ngàn dặm đường dây điện có khả năng chuyển tải năng lượng mới tới các thành phố và thị xã trên khắp đất nước này. Và chúng ta sẽ đem công ăn việc làm đến cho người Mỹ để họ xây dựng nhà cửa và cao ốc của chúng có hiệu quả hơn về năng lượng nhằm tiết kiệm hàng tỉ đô la trong việc mua năng lượng của chúng ta.
Nhưng để thực sự cải tạo nền kinh tế, bảo vệ an ninh, và giúp cho hành tinh của chúng ta tránh khỏi sự tàn phá của nạn khí hậu biến đổi, chung cục chúng ta cần làm cho loại năng lượng sạch, có thể tái tạo được, trở thành lại năng lượng mang lại lợi nhuận. Vậy tôi yêu cầu Quốc hội hãy gửi tới tôi những dự luật nhằm xác định mức trần - căn cứ vào thị trường -cho nạn ô nhiễm do khí cácbon gây ra, và thúc đẩy việc sản xuất thêm nhiều năng lượng có thể tái tạo tại Hoa Kỳ. Và để hậu thuẫn cho sáng kiến đó, chúng ta sẽ đầu tư 15 tỉ đôla một năm để phát triển những công nghệ như là năng lượng gió và năng lượng mặt trời; các loại năng lượng sinh học cao cấp, than sạch, và xe ô-tô và xe tải có hiệu suất năng lượng cao hơn được sản xuất ngay tại nước Mỹ.
Về phần công nghiệp ô-tô, mọi người đều công nhận rằng những quyết định tồi tệ trong nhiều năm qua và sự suy thoái toàn cầu đã đẩy những công ty sản xuất ô-tô của chúng ta đến bờ vực thẳm. Chúng ta không nên và sẽ không bảo vệ những công ty này về những hoạt động yếu kém của họ. Tuy nhiên chúng ta cam kết theo đuổi mục tiêu cấu trúc lại, tạo lại hình ảnh của ngành ô-tô để ngành này có thể cạnh tranh và giành thắng lợi. Hàng triệu việc làm tùy thuộc vào công việc này. Và tôi tin rằng quốc gia đã sáng chế ra ô-tô không thể bỏ rơi ngành này.
Không có việc nào được thực hiện mà không có cái giá của nó và không có gì là dễ dàng cả. Nhưng đây là nước Mỹ. Chúng ta không làm những điều dễ dàng. Chúng ta làm những điều cần thiết để đưa đất nước này tiến lên.
Cũng vì lý do đó, chúng ta cũng phải đề cập đến chi phí rất cao về công tác chăm sóc sức khỏe.
Đây là một loại chi phí đã khiến cho nước Mỹ cứ 30 giây là có một vụ phá sản. Đến cuối năm nay nó có thể làm cho khoảng 1 triệu rưỡi người Mỹ bị mất nhà cửa. Trong vòng 8 năm qua, chi phí bảo hiểm tăng nhanh hơn tiền lương 4 lần. Và trong mỗi năm đó lại có thêm một triệu người Mỹ bị mất bảo hiểm sức khỏe. Đó là một trong những lý do chính yếu khiến những doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa và các công ty đưa việc làm ra nước ngoài. Và đó cũng chính là một trong những khoản gia tăng lớn nhất và nhanh nhất trong ngân sách của chúng ta.
Trước những sự kiện này, chúng ta không thể nào chần chờ trong việc thực hiện cải cách về chăm sóc sức khỏe. Trong 30 ngày qua, chúng ta đã làm được nhiều việc hơn so với trong suốt một thập niên qua để đưa sự nghiệp cải cách công tác bảo hiểm sức khỏe tiến lên. Trong vòng vài ngày sau khi nhóm họp, quốc hội khoá này đã thông qua một dự luật cung cấp và bảo vệ bảo hiểm sức khỏe cho 11 triệu trẻ em Mỹ có cha mẹ làm việc toàn thời gian. Kế hoạch phục hồi của chúng ta sẽ đầu tư vào việc lưu trữ những dữ kiện về sức khỏe bằng phương tiện điện tử và vào những công nghệ mới để giúp giảm bớt những sai lầm, giảm bớt chi phí, bảo đảm tính cách riêng tư và cứu được nhiều sinh mạng. Chương trình này cũng sẽ phát động một nỗ lực mới để chiến thắng một chứng bệnh đã ảnh hưởng đến đời sống của hầu như mọi người Mỹ bằng cách tìm ra phương cách chữa lành bệnh ung thư trong thời đại chúng ta. Và chương trình này đầu tư ngân khoản lớn nhất từ trước tới nay cho công tác phòng bệnh bởi vì đây là một trong những phương cách tốt nhất để giúp cho nhân dân chúng ta có đầy đủ sức khỏe và kiểm soát được chi phí.
Ngân sách này được xây dựng dựa trên những cải cách vừa kể. Điều này bao gồm một sự cam kết có tính cách lịch sử về cải cách bảo hiểm sức khỏe toàn diện - đây ví như là một khoản tiền đặt cọc để thực hiện nguyên tắc là chúng ta cần phải có sự chăm sóc sức khỏe có chất lượng với phí tổn phải chăng cho mỗi người dân Mỹ. Đây là một sự cam kết được đài thọ một phần bằng tính hữu hiệu trong hệ thống của chúng ta mà lẽ ra đã phải được thực hiện từ lâu. Và đây là một bước chúng ta cần phải thực hiện nếu chúng ta hy vọng giảm bớt sự thâm hụt ngân sách trong những năm tới.
Vâng, sẽ có nhiều quan điểm và ý kiến khác nhau về việc phải cải cách như thế nào, và đó là lý do tại sao tôi tập hợp các doanh nghiệp và công nhân, các bác sĩ và công ty bảo hiểm, những người thuộc đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa để bắt đầu làm việc về vấn đề này trong tuần tới.
Tôi không có ảo tưởng đây sẽ là một tiến trình dễ dàng. Đây là một việc khó khăn. Nhưng tôi cũng biết là gần một thế kỷ sau khi Tổng Thống Teddy Roosevelt lần đầu tiên kêu gọi cải cách, chi phí về chăm sóc sức khỏe đã đè nặng lên nền kinh tế của chúng ta cũng như trên lương tâm của đất nước chúng ta đủ lâu rồi. Do đó đừng ai nghi ngờ gì nữa việc cải cách công tác chăm sóc sức khỏe không thể chờ đợi thêm nữa, không được chờ đợi thêm nữa, và nó sẽ không chờ thêm một năm nữa.
Thách thức thứ ba mà chúng ta phải nêu lên ở đây là nhu cầu cấp bách của việc mở rộng tiến cơ hội giáo dục trên nước Mỹ.
Trong một nền kinh tế toàn cầu mà kỹ năng đáng giá nhất mà quý vị có thể đem ra rao bán là kiến thức của quý vị, thì một căn bản giáo dục tốt không còn chỉ là một con đường mở ra những cơ hội cho quý vị mà còn là một điều kiện tiên quyết.
Hiện nay, 3/4 của những ngành nghề đang tăng trưởng nhanh nhất đòi hỏi nhiều hơn là một bằng tốt nghiệp trung học. Vậy mà chỉ có hơn một nửa công dân của chúng ta có trình độ này. Chúng ta là một trong số những quốc gia công nghiệp có tỉ lệ học sinh trung học bỏ học cao nhất. Và một nửa số học sinh vào đại học không hề tốt nghiệp.
Đó là cách chắn chắn để gây ra suy thoái kinh tế, bởi vì chúng ta biết rằng những quốc gia đang vượt qua chúng ta trong sự nghiệp giáo dục ngày nay sẽ vượt qua chúng ta trong lĩnh vực cạnh tranh sau này. Đó là lý do tại sao mục tiêu của chính quyền này là bảo đảm cho mỗi đứa trẻ được hưởng một sự giáo dục hoàn toàn và có khả năng cạnh tranh từ khi lúc mới ra đời cho đến khi bắt đầu đi làm.
Chúng ta đã thực hiện một chương trình đầu tư có tính cách lịch sử cho nền giáo dục của chúng ta thông qua kế hoạch phục hồi kinh tế. Chúng ta đã mạnh mẽ mở rộng công tác giáo dục mầm non và sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng của nền giáo dục này bởi vì chúng ta biết rằng sự giáo dục trong những năm đầu tiên trong đời sống của trẻ em là sự giáo dục có ảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành cá tính của chúng. Chúng ta đã giúp cho thêm gần 7 triệu sinh viên nữa có điều kiện để vào đại học. Và chúng ta cũng cung cấp những nguồn lực cần thiết để tránh việc giảm bớt hay sa thải giáo viên có thể gây trở ngại cho sự tiến bộ của trẻ em.
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng các trường học của chúng ta không chỉ cần thêm nguồn lực. Họ còn cần cải cách thêm. Đó là lý do tại sao ngân sách này tạo ra những biện pháp mới nhằm khuyến khích giáo viên giảng dạy tốt hơn; tạo ra những đường hướng để họ thăng tiến trong nghề nghiệp và để tưởng thưởng cho sự thành công. Chúng ta sẽ đầu tư vào các chương trình có tính cách đổi mới đang giúp các trường học đạt tiêu chuẩn cao và để thu hẹp sự cách biệt trong thành tích giảng dạy giữa các trường. Và chúng ta cũng sẽ mở rộng cam kết tới các trường công lập đặc biệt do tư nhân điều hành.
Trách nhiệm của chúng ta với tư cách là các nhà lập pháp và nhà giáo là phải làm cho hệ thống này vận hành có hiệu quả. Tuy nhiên mọi công dân đều có trách nhiệm tham gia vào công tác này. Và vì vậy, tối nay tôi kêu gọi mọi người Mỹ hãy cam kết theo học ít nhất một năm hay hơn nữa chương trình giáo dục cao đẳng hoặc học nghề. Quý vị có thể học ở đại học cộng đồng hay theo chương trình đại học 4 năm; quý vị có thể theo chương trình dạy nghề hay học việc. Nhưng bất cứ theo chương trình đào tạo nào, mọi người Mỹ đều cần phải có bằng cấp trên trung học. Việc bỏ dở trung học không còn chấp nhận được. Đó không chỉ là hành động bỏ dở đối với bản thân của quý vị mà còn là hành động bỏ dở đối với đất nước, và đất nước này cần tới và coi trọng tài năng của mọi người Mỹ. Đó là lý do tại sao chúng tôi sẽ cung cấp sự hỗ trợ thiết để quí vị hoàn tất bậc đại học và đạt được một mục tiêu mới: đó là trước năm 2020 nước Mỹ sẽ lại một lần nữa là nước có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học cao nhất trên thế giới.
Tôi biết học phí hiện nay cao hơn bao giờ hết, vì thế nếu quí vị sẵn sàng làm tình nguyện viên ở khu vực quí vị cư ngụ hay có đóng góp cho cộng đồng hay phục vụ đất nước, chúng tôi sẽ đảm bảo quí vị sẽ có đủ tiền để trang trải học phí bậc đại học. Và để khuyến khích một tinh thần phục vụ dân tộc mới cho thế hệ này và thế hệ tương lai, tôi yêu cầu Quốc hội chuyển cho tôi dự luật được cả hai đảng ủng hộ mang tên của Thượng nghị sĩ Orrin Hatch và của một người Mỹ chưa bao giờ ngừng hỏi ông có thể làm được gì cho tổ quốc của mình - đó là Thượng nghị sĩ Edward Kennedy.
Những chính sách giáo dục này sẽ mở ra những cánh cửa của cơ hội cho con em chúng ta. Tuy nhiên, những người có thể đảm bảo rằng các em sẽ đi qua những cánh cửa đó là chúng ta. Cuối cùng thì không một chương trình hay chính sách nào có thể thay thế được người cha hay người mẹ, những người sẽ tham dự các cuộc họp giữa phụ huynh và giáo viên, hay giúp con em làm bài tập ở nhà sau bữa cơm tối, hay tắt TV, cất đi các trò chơi video, và đọc sách cho con em họ. Tôi đang nói với quí vị không phải chỉ với tư cách là một Tổng thống, mà còn với tư cách một người cha khi tôi nói rằng trách nhiệm giáo dục con cái chúng ta trước hết phải bắt đầu từ gia đình.
Dĩ nhiên còn có một trách nhiệm khác mà chúng ta phải thực hiện đối với con cái. Và đó là trách nhiệm đảm bảo rằng chúng ta không để lại những khoản nợ nần mà chúng không thể trả nổi. Với khoản thâm hụt ngân sách mà chúng ta đã thừa hưởng, với cái giá của cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang phải đối mặt, và với những thách thức lâu dài mà chúng ta phải khắc phục, thì điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta phải đảm bảo rằng trong khi nền kinh tế của chúng ta đang hồi phục, chúng ta phải làm mọi điều cần thiết để giảm thiểu sự thâm hụt này.
Tôi tự hào rằng chúng ta đã thông qua kế hoạch phục hồi kinh tế mà không có những khoản chi tiêu không cần thiết mà các thành viên quốc hội thường thêm vào dự luật chính. Và tôi muốn thông qua một ngân sách cho năm tới để có thể đảm bảo rằng mỗi một đô-la chúng ta chi tiêu là chi tiêu cho những ưu tiên quan trọng nhất của quốc gia chúng ta.
Tổng thống Obama cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống một nửa trong vòng 4 năm
Ngày hôm qua, tôi đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về tài chính; tại hội nghị đó, đó tôi đã cam kết cắt giảm khoản thâm hụt xuống còn một nửa trước cuối nhiệm kỳ đầu của tôi. Chính quyền của tôi đã bắt đầu kiểm tra từng dòng trong ngân sách liên bang để loại bỏ những chương trình có tính cách lãng phí và không hiệu quả. Như quí vị có thể thấy, đây là một quá trình đòi hỏi phải có thời gian để thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi đang bắt đầu với những khoản ngân sách lớn nhất. Chúng tôi đã xác định được 2 nghìn tỉ đô-la có thể tiết kiệm được trong 10 năm tới.
Trong ngân sách này, chúng tôi sẽ chấm dứt các chương trình giáo dục không hiệu quả và chấm dứt việc trợ cấp trực tiếp cho những công ty nông nghiệp không cần đến những khoản tiền đó. Chúng tôi sẽ loại bỏ các hợp đồng không qua đấu thầu đã gây lãng phí tốn hàng tỉ đô la ở Iraq, và sẽ cải cách ngân sách quốc phòng để chúng ta không phải trả tiền cho những hệ thống vũ khí từ thời Chiến tranh Lạnh mà chúng ta không sử dụng đến. Chúng tôi sẽ tìm kiếm để loại bỏ những khoản lãng phí, những vụ gian lận và lạm dụng trong chương trình chăm sóc y tế Medicare không giúp cho người cao tuổi khoẻ mạnh hơn chút nào, và chúng tôi sẽ phục hồi sự công bằng và cân đối trong luật lệ thuế khóa của chúng ta cuối cùng bằng cách chấm dứt biện pháp giảm thuế cho các công ty đưa việc làm của chúng ta ra nước ngoài.
Để con em chúng ta không phải gánh chịu những khoản nợ nần trong tương lai, chúng tôi cũng sẽ chấm dứt việc cắt giảm thuế cho 2% những người Mỹ giàu có nhất. Nhưng hãy để tôi nói thật rõ, bởi tôi biết là quí vị sẽ nghe thấy những lập luận cũ kỹ rằng việc loại bỏ những khoản giảm thuế này có nghĩa là sẽ có một sự tăng thuế ồ ạt đối với người dân Mỹ: nếu gia đình quí vị mỗi năm có thu nhập dưới 250,000 đô-la, quí vị sẽ không bị tăng thuế một xu nào. Tôi nhắc lại, thuế của quí vị sẽ không tăng một xu. Trên thực tế, kế hoạch phục hồi sẽ có khoản giảm thuế – đúng vậy, giảm thuế cho 95% các gia đình lao động. Và những chi phiếu hoàn thuế đang được gởi tới cho mọi người.
Để duy trì sự lành mạnh về mặt tài chánh về lâu về dài, chúng ta cũng phải giải quyết vấn đề chi phí của các chương trình chăm sóc y tế Medicare và An sinh Xã hội ngày càng gia tăng. Cải cách chăm sóc y tế toàn diện là cách tốt nhất để tăng cường chương trình Medicare cho nhiều năm tới. Và chúng ta cũng phải bắt đầu thảo luận về cách thức để đạt được mục tiêu như vậy đối với chương trình An sinh Xã hội, trong khi tạo ra những tài khoản tiết kiệm phổ cập không bị đánh thuế cho mọi người Mỹ.
Cuối cùng, bởi chúng ta cũng đang bị mất niềm tin, tôi cam kết sẽ phục hồi sự trung thực và ý thức trách nhiệm đối với ngân sách của chúng ta. Đó là lý do tại sao ngân sách này xem xét tới những vấn đề của 10 năm tới và giải thích những khoản chi tiêu bị bỏ sót theo những qui định cũ, và đây là lần đầu tiên, sự giải thích này bao gồm cả toàn bộ chi phí cho cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Chúng ta là đất nước có chiến tranh trong bảy năm qua. Chúng ta sẽ không che dấu cái giá phải trả cho các cuộc chiến đó nữa.
Giờ đây chúng ta sẽ cẩn thận duyệt xét các chính sách của mình đối với cả hai cuộc chiến, và trong nay mai tôi sẽ loan báo cách thức để tiến tới ở Iraq để trao lại nước này cho nhân dân Iraq và chấm dứt cuộc chiến này một cách có trách nhiệm.
Còn đối với bạn bè và đồng minh của chúng ta, chúng ta sẽ xây dựng một chiến lược toàn diện mới cho Afghanistan và Pakistan nhằm đánh bại al Qaida và chống lại chủ nghĩa cực đoan, bởi vì tôi sẽ không cho phép các phần tử khủng bố lập kế hoạch tấn công nhân dân Mỹ từ những nơi trú ẩn an toàn cách chúng ta nửa vòng trái đất.
Trong khi chúng ta gặp nhau ở đây, các quân nhân nam nữ của chúng ta đang canh gác ở nước ngoài và có thêm nhiều người đang chuẩn bị để được triển khai ở nước ngoài. Đối với tất cả những quân nhân này và đối với những gia đình đang âm thầm gánh chịu những gánh nặng của sự vắng mặt của họ, nhân dân Hoa Kỳ đồng tâm nhất trí đưa ra một thông điệp: chúng tôi vinh danh sự phục vụ của các bạn, chúng tôi được cổ vũ bởi sự hy sinh của các bạn, và chúng tôi trước sau như một ủng hộ các bạn. Để giảm bớt sự căng thẳng đối với các lực lượng của chúng ta, ngân sách của tôi gia tăng quân số của các ngành và số binh sĩ Thủy quân Lục chiến. Và để thực hiện sự giao ước thiêng liêng đối với những người phục vụ trong quân ngũ, chúng ta sẽ tăng lương cho họ và dành cho các cựu quân nhân những công tác chăm sóc sức khỏe được nới rộng và những phúc lợi mà họ xứng đáng được hưởng.
Để đánh bại chủ nghĩa cực đoan, chúng ta cũng phải cảnh giác trong việc giữ gìn những giá trị mà các binh sĩ của chúng ta đang bảo vệ – bởi vì không có sức mạnh nào trên thế giới mạnh hơn tấm gương của Hoa kỳ. Đó chính là lý do vì sao tôi đã ra lệnh đóng cửa trung tâm tạm giam ở Vịnh Guantanamo, và sẽ đưa những phần tử khủng bố bị bắt ra trước ánh sáng công lý một cách nhanh chóng và chắc chắn – bởi vì cách sống theo đúng những giá trị của chúng ta không làm cho chúng ta yếu hơn mà làm cho chúng ta an toàn hơn và mạnh mẽ hơn. Và đó là lý do tại sao tôi có thể đứng đây đêm nay và khẳng định một cách dứt khoát và rõ ràng rằng Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ không sử dụng tra tấn.
Trong lời nói và hành động, chúng ta đang chứng tỏ với thế giới rằng một thời đại giao tiếp mới đã bắt đầu, vì chúng ta biết rằng nước Mỹ không thể đơn độc đương đầu với những mối đe dọa của thế kỷ này, nhưng thế giới cũng không thể đương đầu với những mối đe dọa đó mà không có sự góp sức của Hoa kỳ. Chúng ta không thể né tránh đàm phán nhưng cũng không thể làm ngơ đối với những kẻ thù hoặc những thế lực có thể gây nguy hại cho chúng ta. Thay vào đó chúng ta cần phải tiến tới với lòng tự tin và sự thành thật theo đòi hỏi của những thời kỳ nghiêm trọng.
Để mưu tìm có tiến bộ trong việc xây dựng một nền hòa bình vững chắc và lâu bền giữa Israel với các nước láng giềng của quốc gia này, chúng ta đã bổ nhiệm một vị đặc sứ để duy trì nỗ lực của mình. Để đối phó với những thách thức của thế kỷ 21 – từ chủ nghĩa khủng bố tới nạn phổ biến hạt nhân, từ bệnh tật gây ra đại dịch cho tới những mối đe dọa trong không gian ảo cho tới nạn nghèo khó cùng cực, chúng ta sẽ tăng cường các mối quan hệ đồng minh cũ, xây dựng những mối quan hệ đồng minh mới, và sử dụng mọi yếu tố trong sức mạnh của đất nước chúng ta.
Và để đối phó với vụ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chúng ta đang làm việc với các nước trong khối G-20 để khôi phục niềm tin đối với hệ thống tài chánh của chúng ta, để tránh tình trạng những biện pháp bảo hộ mậu dịch có thể leo thang, và để thúc đẩy nhu cầu đối với hàng hóa của Mỹ ở các thị trường trên khắp thế giới, bởi vì thế giới dựa vào chúng ta để có một nền kinh tế vững mạnh, cũng giống như kinh tế chúng ta tùy thuộc vào sự vững mạnh của kinh tế thế giới.
Trong khi chúng ta đang đứng trước ngã ba lịch sử, mọi người của mọi nước lại một lần nữa nhìn vào chúng ta, để xem chúng ta làm gì trong tình huống này và để chờ chúng ta nắm giữ vai trò lãnh đạo.
Tụ hội ở đây đêm nay, chúng ta là những người đã được yêu cầu cai trị trong thời đại bất thường. Đây là một gánh nặng khủng khiếp, nhưng cũng là một đặc quyền to lớn, một đặc quyền chỉ được trao cho một vài thế hệ người Mỹ. Như thế là vì nằm trong tay chúng ta là khả năng làm cho thế giới của mình tốt hơn hoặc xấu đi.
Tôi biết rằng chúng ta dễ quên sự thật này, để trở thành những người có tinh thần hoài nghi quá độ và bị cuốn hút vào những vấn đề nhỏ nhặt.
Nhưng trong đời tôi, tôi cũng đã học được là chúng ta có thể tìm thấy hy vọng từ những nơi tưởng như không còn hy vọng; là sự hứng khởi thường không đến từ những người có nhiều quyền lực nhất hay có tiếng tăm nhất mà đến từ những ước mơ và nguyện vọng của những người Mỹ bình thường.
Tôi nghĩ tới ông Leonard Abess, viên chủ tịch hội đồng quản trị của một ngân hàng ở Miami. Tin tức cho biết ông đã bán đi cổ phần của công ty của ông, nhận một khoản tiền thưởng 60 triệu đô la và mang khoản tiền này chia cho tất cả 339 người làm việc cho ông cùng với 72 người từng làm việc cho ông. Ông không nói cho ai biết về việc làm của ông, nhưng khi một tờ báo ở địa phương phát giác việc này, ông chỉ nói rằng 'Trong những người đó có một số người tôi đã quen biết từ khi lên 7. Tôi sẽ không yên lòng nếu tôi giữ lấy số tiền đó cho riêng mình'.
Tôi nghĩ tới Greensburg, Kansas, một thành phố nhỏ đã bị lốc xoáy phá hủy hoàn toàn, nhưng đang được cư dân xây dựng lại như một tấm gương để mọi người trên khắp thế giới thấy được cách thức mà năng lượng sạch có thể cung cấp điện cho cả một cộng đồng, cách thức mà năng lượng sạch có thể mang lại công ăn việc làm và cơ hội kinh doanh cho một nơi từng là một đống gạch vụn. Đó là một thảm kịch khủng khiếp, một người góp phần tái thiết thị trấn đó đã nói như vậy. Nhưng dân chúng ở đây biết rằng thảm kịch này cũng mang lại một cơ hội vô cùng to lớn.
Và tôi nghĩ tới Ty’Sheoma Bethea, một cô học sinh ở một ngôi trường mà tôi đã đến thăm ở Dillon, Tiểu bang South Carolina, ngôi trường mà trần bị dột, sơn bị tróc, và thầy cô phải ngưng dạy 6 lần mỗi ngày vì tiếng ồn của xe lửa chạy qua. Người ta nói với cô bé này là trường của cô không có hy vọng gì, nhưng một ngày nọ sau khi tan học cô ấy đã tới thư viện công và viết một lá thư cho các vị đang ngồi trong phòng hội này. Thậm chí cô bé này còn phải xin tiền của viên hiệu trưởng để mua tem. Lá thư đó yêu cầu chúng ta giúp đỡ, và trong thư có đoạn nói rằng 'Chúng cháu chỉ là những học sinh muốn trở thành những luật sư, những bác sĩ, những vị đại biểu Quốc hội như quí vị và một ngày nào đó có thể trở thành tổng thống, để chúng cháu có thể tạo ra một sự thay đổi không những cho Tiểu bang South Carolina mà còn cho cả thế giới. Chúng cháu không phải là những người chịu bỏ cuộc.'
Ông Obama nói 'Chúng ta không phải là những người chịu bỏ cuộc'
Chúng ta không phải là những người chịu bỏ cuộc.
Những chữ đó và những câu chuyện đó cho chúng ta thấy được tinh thần của những người đã phái chúng ta tới đây. Nó cho chúng ta thấy rằng ngay cả trong những thời kỳ gian nan nhất, trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, vẫn có một sự hào hiệp, một sự kiên trì, lòng tử tế và một quyết tâm không lay chuyển, một tinh thần sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm cho tương lai của mình và cho các thế hệ mai sau.
Quyết tâm của họ phải là nguồn cảm hứng cho chúng ta. Giải quyết những mối quan tâm của họ phải là sự nghiệp của chúng ta. Và chúng ta phải chứng tỏ với những người này và với mọi người dân của mình là chúng ta có khả năng đảm đương nhiệm vụ trước mắt.
Tôi biết rằng cho tới nay chúng ta chưa đồng ý với nhau về mọi vấn đề, và chắc chắn là trong tương lai sẽ có những lúc chúng ta theo đuổi những con đường khác nhau. Nhưng tôi cũng biết rằng mỗi người Mỹ ngồi đây hôm nay ai nấy đều yêu thương đất nước này và muốn cho đất nước thành công. Đó phải là điểm khởi đầu của mỗi cuộc tranh luận mà chúng ta sẽ thực hiện trong những ngày tháng tới đây, và là nơi mà chúng ta sẽ quay lại sau khi những cuộc tranh luận đó chấm dứt. Đó là nền tảng mà người dân nước Mỹ trông đợi chúng ta dựa vào để xây dựng sự đồng thuận.
Và nếu chúng ta làm được như vậy - nếu chúng ta bắt tay với nhau để đưa đất nước ra khỏi hố sâu của vụ khủng hoảng này; nếu chúng ta đưa dân chúng trở lại với công việc và khởi động lại động cơ của sự thịnh vượng của chúng ta; nếu chúng ta đương đầu với những thách thức của thời đại chúng ta một cách không sợ hãi và huy động tinh thần bền bỉ của một nước Mỹ không chịu bỏ cuộc, thì sẽ có một ngày nào đó trong những năm sau này con cái của chúng ta có thể nói với con cái của chúng rằng đây là lúc mà chúng ta đã làm được một điều gì đáng nhớ, như những hàng chữ được khắc chạm ngay trong phòng họp này đã nói.
Xin cám ơn quí vị. Xin Thượng đế ban phước lành cho quí vị, và xin Thượng đế ban phước lành cho Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
27/2/09
25/2/09
"Nước Mỹ sẽ trỗi dậy mạnh hơn bao giờ hết"
"Nước Mỹ sẽ trỗi dậy mạnh hơn bao giờ hết"
Đúng 9h15 sáng 25/2 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Obama bắt đầu đọc diễn văn trước hai viện của Quốc hội. Ông kêu gọi, người Mỹ đoàn kết với nhau để vực dậy nền kinh tế và trấn an bằng tuyên bố: "Mỹ sẽ trỗi dậy mạnh hơn bao giờ hết".
VietNamNet giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng này:
Trách nhiệm với tương lai
Thưa Chủ tịch Quốc hội, Phó Tổng thống Mỹ, các thành viên của Quốc hội và Đệ nhất phu nhân.
Tôi tới đây tối nay không chỉ phát biểu với những nghị sĩ tôn kính trong phòng họp này, mà còn phát biểu thẳng thắn và trực tiếp trước những cử tri, những người đã cử chúng ta tới đây.
Tôi biết rằng, đối với nhiều người Mỹ đang xem chương trình này, nền kinh tế của chúng ta là một mối quan ngại trên hết. Và đúng như vậy. Nếu các bạn chưa bị ảnh hưởng bởi cuộc suy thoái này, các bạn có lẽ đã biết một vài người bị ảnh hưởng. Đó có thể là một người bạn, một người hàng xóm hay một thành viên trong gia đình.
Các bạn không cần nghe thêm danh sách các số liệu thống kê rằng nền kinh tế Mỹ đang rơi vào khủng hoảng, bởi các bạn đang sống với nó hàng ngày. Đó là lo lắng khi bạn thức dậy và là nguyên nhân mất ngủ hàng đêm. Đó là công việc các bạn nghĩ sẽ phải từ bỏ hoặc giờ đã mất. Công việc mà các bạn đã xây dựng ước mơ trên đó giờ đang treo trên một sợi chỉ mành. Tác động của cuộc suy thoái này là thực và hiện diện ở khắp nơi.
Tuy nhiên, trong khi nền kinh tế của chúng ta có thể bị suy yếu và lòng tin của chúng ta bị lung lay và mặc dù chúng ta đang trải qua thời kỳ khó khăn và bất ổn, tối nay tôi muốn mọi người Mỹ biết điều này:
Chúng ta sẽ tái thiết, sẽ phục hồi và nước Mỹ sẽ nổi lên mạnh hơn bao giờ hết.
Gánh nặng của cuộc khủng hoảng sẽ không phá hủy được vận mệnh của đất nước này. Câu trả lời đối với các vấn đề không vượt quá tầm tay của chúng ta. Chúng tồn tại trong trường đại học và các phòng thí nghiệm của chúng ta, trên cánh đồng và nhà máy của chúng ta, trong trí tưởng tượng của các thương nhân và niềm tự hào của những người lao động cần cù trên Trái đất này.
Những phẩm chất này đã khiến nước Mỹ trở thành động lực tiến bộ và thịnh vượng nhất trong lịch sử nhân loại và chúng ta vẫn sở hữu những phẩm chất đó. Điều cần thiết đối với nước Mỹ hiện nay là chúng ta phải đoàn kết, dũng cảm đối mặt với mọi thách thức và chịu trách nhiệm về tương lai của chúng ta một lần nữa.
Giờ nếu chúng ta trung thực với bản thân, chúng ta sẽ phải thừa nhận rằng, lâu nay chúng ta không phải lúc nào cũng đương đầu với các trách nhiệm đó với tư cách là một chính phủ hoặc một dân tộc. Tôi nói điều này không phải đổ trách nhiệm hoặc soi mói quá khứ mà bởi vì chỉ có hiểu làm sao chúng ta lâm vào tình cảnh này chúng ta mới có thể tự thóat ra.
Thực tế là nền kinh tế của chúng ta không rơi vào suy thoái trong một sớm một chiều. Không phải mọi vấn đề của chúng ta bắt đầu khi thị trường nhà ở sụp đổ hoặc thị trường chứng khoán tụt dốc. Trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã biết rằng, sự sống còn của chúng ta phụ thuộc vào việc tìm kiếm những nguồn năng lượng mới. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta nhập khẩu nhiều dầu mỏ hơn trước.
Chi phí chăm sóc y tế gặm nhấm ngày càng nhiều khoản tiền tiết kiệm hàng năm của chúng ta. Thế nhưng, chúng ta lại trì hoãn cải cách. Con cháu chúng ta sẽ cạnh tranh việc làm trong một nền kinh tế toàn cầu mà quá nhiều trường học chưa chuẩn bị cho họ điều đó. Và mặc dù những thách thức này chưa được giải quyết, chúng ta vẫn tìm cách chi tiêu nhiều hơn và tích tụ nhiều nợ hơn bao giờ hết, cả nợ cá nhân và chính phủ.
Chúng ta đã sống qua một kỷ nguyên khi những lợi ích ngắn hạn được chú trọng hơn sự thịnh vượng lâu dài, khi tầm nhìn của chúng ta không vượt qua được tháng lương tiếp theo, quý tiếp theo hoặc cuộc bầu cử tiếp theo. Thặng dư là cái cớ để chuyển sự giàu có cho người giàu thay vì đầu tư vào tương lai của chúng ta.
Các quy định bị phá hủy từ bên trong vì lợi nhuận nhanh và một thị trường khỏe mạnh phải trả giá bằng sinh mệnh của nó. Mọi người mua những căn nhà mà họ biết là không thể chi trả ngân hàng hoặc những tổ chức tín dụng sẵn sàng cung cấp các khoản vay khó đòi bằng mọi giá. Trong lúc đó, những cuộc tranh luận quan trọng và những quyết định khó khăn bị trì hoãn.
Đã tới ngày xem xét và đã tới lúc chúng ta chịu trách nhiệm về tương lai của chính chúng ta.
"Nước Mỹ sẽ mạnh hơn bao giờ hết", Tổng thống Mỹ nói. (Ảnh: Corbis)
Đã tới lúc phải hành động
Giờ là lúc để hành động một cách táo bạo và khôn khéo. Không chỉ để phục hồi nền kinh tế này, mà còn để xây dựng một nền tảng mới cho sự thịnh vượng lâu dài. Giờ là lúc bắt đầu tạo việc làm, tái khởi động hoạt động cho vay tiền và đầu tư vào những lĩnh vực như năng lượng, chăm sóc y tế và giáo dục.
Đó là một chương trình nghị sự mà bắt đầu bằng việc làm
Ngay khi tôi nhậm chức, tôi đã yêu cầu Quốc hội gửi cho tôi một kế hoạch phục hồi. Kế hoạch đó sẽ giúp mọi người trở lại làm việc và có tiền trong túi. Không phải do tôi tin vào chính phủ lớn hơn. Tôi không tin điều đó. Không phải bởi vì tôi không quan tâm tới khoản nợ khổng lồ mà chúng ta thừa hưởng. Tôi tin chứ.
Tôi đã kêu gọi hành động bởi vì không hành động sẽ khiến nhiều người hơn bị mất việc và gây ra nhiều khó khăn hơn. Thực tế, nếu chúng ta không hành động, có lẽ thâm hụt dài hạn của chúng ta đã tồi tệ hơn. Đó là lý do tôi thúc đẩy Quốc hội nhanh chóng hành động. Và tối nay, tôi lấy làm biết ơn rằng, Quốc hội đã đáp lại lời kêu gọi đó và tôi vui mừng khi nói rằng, chúng ta giờ đã có Luật tái Đầu tư và Phục hồi nước Mỹ.
Trong hai năm tới, kế hoạch này sẽ cứu hoặc tạo ra 3,5 triệu việc làm. Hơn 90% công việc này sẽ ở khu vực tư nhân - công việc tái xây dựng đường và cầu, xây dựng các tua-bin gió và pin mặt trời, đặt băng thông rộng và mở rộng cầu đường.
Với kế hoạch này, có những giáo viên sẽ giữ được việc làm và dạy dỗ con em chúng ta. Các thầy thuốc có thể tiếp tục chăm sóc người ốm. 57 sĩ quan cảnh sát vẫn đang trực trên các khu phố của Minneapolis tối nay bởi kế hoạch này có thể ngăn chặn được khả năng họ bị sa thải.
Với kế hoạch này, 95% gia đình làm công ăn lương ở Mỹ sẽ được giảm thuế - hành động cụ thể mà các bạn sẽ nhìn thấy trên tấm séc của các bạn bắt đầu từ ngày 1/4.
Với kế hoạch này, các gia đình đang vật lộn để trả học phí sẽ nhận được khoản tín dụng thuế trị giá 2.500USD cho tất cả 4 năm học đại học. Và những người Mỹ đã mất việc do khủng hoảng kinh tế sẽ nhận được thêm trợ cấp thất nghiệp và tiếp tục được bảo hiểm y tế để vượt qua cơn bão này.
Những lĩnh vực này sẽ làm nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng, ngay cả khi chúng ta đưa ra những lựa chọn khó khăn là giảm thâm hụt ngân sách. Đó là mục tiêu của chương trình nghị sự kinh tế mà tôi muốn tiến hành và cũng là điều tôi muốn nói hôm nay.
Tôi biết có một số người trong phòng này cũng như một số người đang theo dõi tôi phát biểu ở nhà hoài nghi liệu kế hoạch này có hiệu quả hay không. Tôi hiểu sự hoài nghi đó. Tại Washington này, tất cả chúng ta đã thấy những ý định tốt đẹp có thể biến thành những lời hứa bị phá vỡ và sự chi tiêu lãng phí nhanh tới mức nào. Với một kế hoạch quy mô như thế, trách nhiệm to lớn của chúng ta là phải thực hiện kế hoạch đó đúng đắn.
Đó là lý do tại sao tôi đã yêu cầu Phó Tổng thống Biden đảm trách việc giám sát đầy khó khăn và chưa có tiền lệ. Tôi đã nói với mọi thành viên trong Nội các của tôi cũng như các thị trưởng và thống đốc khắp nước Mỹ rằng, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước tôi và trước nhân dân Mỹ về từng đồng đôla mà họ tiêu. Tội đã bổ nhiệm Tổng thanh tra để xử lý mọi vụ lãng phí và gian lận. Và chúng tôi đã tạo ra một trang web mới tên là recovery.gov để mọi người Mỹ có thể biết tiền đang được tiêu như thế nào và ở đâu.
Do vậy, kế hoạch phục hồi kinh tế mà chúng ta đã thông qua, là bước đi đầu tiên đưa nền kinh tế Mỹ trở lại quỹ đạo. Tuy nhiên, đó chỉ là bước đi đầu tiên. Bởi ngay cả khi chúng ta thực hiện kế hoạch này hoàn toàn thành công, sẽ không có sự phục hồi thực sự trừ khi chúng ta giải quyết được khủng hoảng tín dụng mà đã làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống tài chính của chúng ta.
Tôi muốn nói thẳng thắn về vấn đề này tối nay, bởi mọi người Mỹ nên biết rằng, nó ảnh hưởng trực tiếp tới các bạn và sự thịnh vượng của gia đình các bạn. Các bạn cũng nên biết rằng, tiền mà các bạn gửi ngân hàng khắp nước Mỹ là an toàn, bảo hiểm của các bạn là an toàn và các bạn có thể trông cậy vào sự tiếp tục hoạt động của hệ thống tài chính Mỹ.
Đó không phải là nguồn gốc lo ngại. Lo ngại là nếu chúng ta không tái khởi động việc cho vay tiền ở đất nước này, sự phục hồi của chúng ta sẽ bị bóp nghẹt trước khi nó bắt đầu.
Các bạn thấy đấy, dòng tín dụng là huyết mạch của nền kinh tế. Khả năng vay được tiền là cách các bạn tài trợ cho việc mua mọi thứ, từ nhà cửa cho tới ôtô và học phí, cách các cửa hàng dự trữ, các nông trại mua máy móc và các doanh nghiệp trả lương cho nhân viên.
Tuy nhiên, dòng tín dụng đã ngừng chảy. Quá nhiều nợ xấu từ cuộc khủng hoảng nhà đất đã xuất hiện trong sổ sách của quá nhiều ngân hàng. Với quá nhiều nợ và lại ít lòng tin, những ngân hàng này giờ sợ cho các gia đình và doanh nghiệp vay nhiều tiền hơn nữa cũng như cho nhau vay tiền.
Khi không có hoạt động cho vay, các gia đình không thể có tiền để mua nhà hoặc xe hơi. Các doanh nghiệp buộc phải sa thải nhân công. Nền kinh tế của chúng ta sẽ càng tồi tệ hơn và tín dụng càng ít hơn. Đó là lý do chính quyền này đang hành động nhanh chóng và quyết liệt để phá vỡ chu kỳ hủy diệt này, để phục hồi lòng tin và bắt đầu lại hoạt động cho vay.
"Chúng ta sẽ hành động với quyết tâm cao độ", Obama tuyên bố. (Ảnh: Corbis)
Có nhiều cách để tiến hành
Chúng ta sẽ làm điều đó theo nhiều cách. Trước tiên, chúng ta sẽ tạo ra một quỹ cho vay mới. Quỹ đó là nỗ lực lớn nhất để cung cấp các khoản vay cho ngành công nghiệp ôtô, trường đại học, các doanh nghiệp nhỏ, người tiêu dùng và các thương nhân - những người vận hành nền kinh tế này.
Thứ hai, chúng ta đã bắt đầu thực hiện một kế hoạch nhà ở. Kế hoạch đó sẽ giúp các gia đình có nguy cơ bị tịch thu nhà. Kế hoạch này sẽ không giúp những nhà đầu cơ.
Tuy nhiên, kế hoạch sẽ giúp hàng triệu người Mỹ đang vật lộn với giá nhà suy giảm - những người Mỹ giờ sẽ có thể tận dụng lãi suất thấp mà kế hoạch này mang lại. Trên thực tế, một gia đình trung bình được trợ giúp từ kế hoạch này có thể tiết kiệm gần 2.000USD mỗi năm cho khoản vay thế chấp nhà ở của họ.
Thứ ba, chúng ta sẽ hành động với sự quyết tâm cao độ của chính phủ liên bang để đảm bảo rằng các ngân hàng lớn của Mỹ có đủ lòng tin và đủ tiền để cho vay, ngay cả vào thời điểm khó khăn hơn. Và khi chúng ta biết rằng, một ngân hàng lớn gặp phải vấn đề nghiêm trọng, chúng ta sẽ phải buộc ngân hàng đó chịu trách nhiệm, phải thích ứng để có thể phục vụ người dân và nền kinh tế Mỹ.
Tôi hiểu rằng Phố Wall có thể cảm thấy dễ chịu hơn nếu có một chính sách trợ giúp mà không có điều kiện gắn kèm và chẳng ai phải chịu trách nhiệm về những quyết định hấp tấp của họ. Tuy nhiên, một chính sách như vậy sẽ không giải quyết được vấn đề. Mục tiêu của chúng ta là nhanh chóng tái khởi động hoạt động cho người dân và doanh nghiệp vay tiền, cũng như chấm dứt cuộc khủng hoảng này vĩnh viễn.
Tôi muốn các ngân hàng này chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự hỗ trợ mà họ nhận được và lần này họ sẽ phải làm rõ những đồng tiền thuế của người dân Mỹ được sử dụng như thế nào. Lần này, các giám đốc điều hành sẽ không thể sử dụng bừa bãi tiền thuế của dân. Những ngày như thế đã kết thúc.
Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ đòi hỏi nguồn lực lớn từ Chính phủ Liên bang, và có lẽ là nhiều tiền hơn so với dự định. Mặc dù chi phí để hành động là rất lớn, song tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng, cái giá của việc không hành động sẽ lớn hơn vì nó sẽ làm cho nền kinh tế khập khễnh không phải trong vài tháng hoặc vài năm, mà có lẽ là một thập kỷ. Việc đó sẽ khiến thâm hụt của chúng ta nặng nề hơn, việc kinh doanh tồi tệ hơn, cho các bạn và cho thế hệ kế tiếp. Và tôi quyết không để điều đó xảy ra.
Tôi hiểu rằng, khi chính quyền ông Bush yêu cầu Quốc hội trợ giúp các ngân hàng gặp khó khăn, các nghị sĩ Dân chủ cũng như Cộng hòa tức giận về sự quản lý tồi và những hậu quả tiếp theo. Người đóng thuế ở Mỹ cũng tức giận và tôi cũng tức giận.
Do vậy, tôi biết việc trợ giúp các ngân hàng hiện không được công chúng ủng hộ, đặc biệt là khi mọi người đang phải khổ sở do những quyết định tồi của các ngân hàng. Tôi hứa với các bạn. Tôi hiểu điều đó.
Tuy nhiên, tôi cũng biết rằng, trong thời kỳ khủng hoảng, chúng ta không thể lãnh đạo với sự tức giận hoặc nhượng bộ về chính trị. Công việc của tôi - của chúng ta - là giải quyết vấn đề này. Công việc của chúng ta là lãnh đạo bằng trách nhiệm. Tôi sẽ không chi một xu nào để thưởng cho một giám đốc nào đó ở Phố Wall, mà sẽ làm mọi việc có thể để giúp các doanh nghiệp nhỏ không thể trả lương cho công nhân hoặc giúp những gia đình đã tiết kiệm nhiều song vẫn không thể vay được tiền mua nhà thế chấp.
Khi hoạt động cho vay trở lại, các gia đình trẻ có thể mua một ngôi nhà mới. Các công ty sẽ thuê công nhân để xây dựng ngôi nhà đó. Sau đó, những công nhân này sẽ có tiền để tiêu và nếu họ có thể vay tiền, họ có thể mua ôtô hoặc lập doanh nghiệp. Các nhà đầu tư sẽ trở lại thị trường và các gia đình Mỹ sẽ thấy kế hoạch lương hưu của họ được đảm bảo. Chậm chạp song chắc chắn, lòng tin sẽ trở lại và nền kinh tế của chúng ta sẽ phục hồi.
Do vậy, tôi yêu cầu Quốc hội Mỹ cùng tôi làm mọi việc cần thiết. Bởi chúng ta không thể phó mặc cho đất nước này trước một cuộc suy thoái vô tận. Để đảm bảo cuộc khủng hoảng có quy mô như thế này không tái diễn, tôi yêu cầu Quốc hội nhanh chóng ban hành các đạo luật cải cách hệ thống quản lý đã lạc hậu của chúng ta. Đã đến lúc đưa ra những quy định mới, chặt chẽ hơn để thúc đẩy thị trường tài chính của chúng ta cũng như trừng phạt các hành động lạm dụng và gian lận.
Kế hoạch phục hồi kinh tế và ổn định hệ thống tài chính là những biện pháp trước mắt mà chúng ta đang tiến hành để khôi phục nền kinh tế Mỹ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cách duy nhất để phục hồi hoàn toàn sức mạnh kinh tế Mỹ là đầu tư dài hạn. Đầu tư dài hạn sẽ mang đến việc làm mới, các ngành nghề mới và lấy lại khả năng cạnh tranh với các nước khác trên thế giới.
Cách duy nhất để thế kỷ này sẽ là một thế kỷ nữa của nước Mỹ, là chúng ta phải chống lại sự phụ thuộc vào dầu mỏ, chi phí chăm sóc y tế cao, các trường học không sẵn sàng cho con em của chúng ta và núi nợ nần mà họ thừa hưởng. Đó là trách nhiệm của chúng ta.
"Điều đó không có nghĩa là sẽ phớt lờ những thách thức dài hạn", Obama nói. (Ảnh: Corbis)
Kế hoạch ngân sách
Trong vài ngày tới, tôi sẽ trình dự thảo ngân sách lên Quốc hội. Chúng ta thường coi những tài liệu này chỉ là những con số trên giấy hay danh sách các chương trình. Tôi thì khác. Tôi nhìn nhận dự thảo đó là một tầm nhìn đối với nước Mỹ - một kế hoạch cho tương lai của chúng ta.
Ngân sách của tôi không tìm cách giải quyết mọi vấn đề. Nó phản ánh sự thật phũ phàng về cái chúng ta được thừa hưởng - một khoản thâm hụt hàng nghìn tỷ USD, một cuộc khủng hoảng tài chính và một cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng.
Căn cứ vào những thực tế này, tất cả mọi người trong căn phòng này - cả Dân chủ và Cộng hòa - sẽ phải hy sinh một số lợi ích. Tôi cũng phải hy sinh.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể phớt lờ những thách thức dài hạn của chúng ta. Tôi bác bỏ quan điểm cho rằng, các vấn đề của chúng ta sẽ tự thân giải quyết và Chính phủ không có vai trò gì trong việc đặt nền móng cho sự thịnh vượng chung của chúng ta.
Lịch sử nhắc nhở chúng ta rằng vào mọi lúc biến động kinh tế, quốc gia này đã phản ứng bằng hành động táo bạo và những ý tưởng vĩ đại. Trong cuộc nội chiến, chúng ta đã xây dựng các tuyến đường xe lửa từ bờ biển này tới bờ biển khác để thúc đẩy thương mại và công nghiệp.
Hệ thống trường công ra đời trong lúc biến động của cuộc Cách mạng công nghiệp. Sau chiến tranh và suy thoái, luật GI đã gửi một thế hệ tới các trường đại học và tạo ra giai cấp trung lưu đông đảo nhất trong lịch sử. Và một cuộc đấu tranh vì tự do đã giúp nước Mỹ có các tuyến đường cao tốc, đặt chân lên mặt trăng cũng như tạo ra sự bùng nổ về công nghệ.
Trong mỗi trường hợp, chính phủ không thay thế doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ chỉ tạo xúc tác cho các doanh nghiệp tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng nghìn doanh nghiệp thích ứng và phát triển.
Chúng ta là một quốc gia đã nhìn thấy những hứa hẹn trong nguy hiểm và đã giành lấy cơ hội từ thử thách. Giờ chúng ta phải là quốc gia đó. Đó là tại sao ngân sách mà tôi đệ trình sẽ đầu tư vào ba lĩnh vực cực kỳ quan trọng đối với tương lai kinh tế Mỹ: Năng lượng, chăm sóc y tế và giáo dục.
Tăng gấp đôi nguồn năng lượng tái sinh
Hãy bắt đầu bằng năng lượng. Chúng ta biết đất nước chinh phục được năng lượng sạch, năng lượng tái sinh sẽ đi đầu trong thế kỷ 21. Chính Trung Quốc đã khởi xướng kế hoạch lớn nhất trong lịch sử để làm nền kinh tế của họ hiệu quả về năng lượng.
Chúng ta đã đầu tư vào công nghệ năng lượng mặt trời, song chúng ta lại tụt sau các quốc gia như Đức và Nhật Bản trong việc sản xuất nguồn năng lượng đó. Các nhà máy của chúng ta đã sản xuất các xe hơi chạy động cơ xăng và sinh học hỗn hợp, song những động cơ này phải dựa vào ắc quy sản xuất ở Hàn Quốc.
Tôi không chấp nhận một tương lai mà việc làm và các ngành công nghiệp của ngày mai bò ra ngoài biên giới của chúng ta và tôi biết các bạn cũng không chấp nhận. Đã tới lúc nước Mỹ lại phải vươn lên vị trí dẫn đầu.
Nhờ kế hoạch phục hồi của chúng ta, chúng ta sẽ tăng gấp đôi nguồn năng lượng tái sinh trong ba năm tới. Chúng ta cũng đã có khoản đầu tư lớn nhất cho nghiên cứu cơ bản - việc sẽ thúc đẩy không chỉ những phát kiến mới về năng lượng mà còn cả các đột phá về y học, khoa học và công nghệ.
Chúng ta sẽ sớm xây dựng hàng nghìn kilomet đường đây truyền tải điện để mang nguồn năng lượng mới tới các thành phố và thị trấn khắp nước Mỹ. Chúng ta sẽ thúc đẩy người Mỹ làm cho nhà cửa của họ hiệu quả hơn về năng lượng để họ có thể tiết kiệm hàng tỷ đôla tiền điện.
Tuy nhiên, để cải cách nền kinh tế, bảo vệ an ninh và cứu hành tinh của chúng ta khỏi những thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra, chúng ta cần làm cho năng lượng tái sinh có thể tạo ra lợi nhuận. Do vậy, tôi yêu cầu Quốc hội gửi cho tôi dự luật về hạn chế khí thải nhà kính và thúc đẩy sản xuất nhiều năng lượng sạch hơn tại Mỹ.
Để hỗ trợ cho sự đổi mới đó, chúng ta sẽ đầu tư 15 tỷ USD mỗi năm để phát triển công nghệ chẳng hạn như phong điện và điện mặt trời, nhiên liệu sinh học tiên tiến, than sạch, xe hơi tiết kiệm nhiên liệu được chế tạo ngay tại Mỹ.
Về ngành ôtô của chúng ta, mọi người nhận ra rằng do nhiều năm ra quyết định tồi và suy thoái toàn cầu đã đẩy các nhà sản xuất tời bờ vực phá sản. Chúng ta không nên và sẽ không bảo vệ họ trước những quyết định quản lý tồi mà họ đã thực hiện.
Tuy nhiên, chúng ta giữ vững mục tiêu về một ngành ôtô có thể cạnh tranh và thắng lợi. Hàng triệu việc làm phụ thuộc vào ngành này. Hàng chục cộng đồng phụ thuộc vào nó. Tôi tin rằng, một quốc gia đã phát minh ra ôtô không thể khoanh tay đứng nhìn.
"Không thể trì hoãn việ cải cách hệ thống y tế", Tổng thống Mỹ khẳng định. (Ảnh: Corbis)
Cải cách mạnh mẽ y tế, giáo dục
Không thể làm việc này mà không tốn kém hoặc không gặp khó khăn. Tuy nhiên, đây là nước Mỹ. Chúng ta không làm những việc dễ dàng. Chúng ta cần làm những việc cần thiết để đưa đất nước này tiến lên.
Vì nguyên nhân đó, chúng ta cũng phải giải quyết chi phí chăm sóc y tế tăng vọt.
Đây là chi phí mà cứ 30 giây lại gây ra một vụ phá sản ở Mỹ. Tới cuối năm 2009, nó có thể khiến 1,5 triệu người Mỹ mất nhà ở. Trong 8 năm qua, phí bảo hiểm tăng nhanh hơn tiền lương gấp 4 lần. Cứ mỗi năm lại có thêm 1 triệu người Mỹ mất bảo hiểm y tế.
Đó là một trong những lý do chính tại sao các doanh nghiệp nhỏ đóng cửa và các công ty lớn chuyển việc làm ra nước ngoài. Và đó là một trong những phần tăng nhanh nhất và lớn nhất trong ngân sách của chúng ta. Căn cứ vào thực tế này, chúng ta không thể trì hoãn việc cải cách hệ thống chăm sóc y tế thêm nữa.
Chúng ta đã làm nhiều hơn để thúc đẩy cải cách y tế trong 30 ngày qua so với những gì đã làm trong 10 năm qua. Trước đây, Quốc hội đã thông qua luật cung cấp bảo hiểm y tế cho 11 triệu trẻ em Mỹ có bố mẹ làm việc cả ngày. Kế hoạch phục hồi của chúng ta sẽ đầu tư vào hệ thống y tế điện tử và công nghệ mới nhằm giảm lỗi, hạ chi phí, đảm bảo bí mật và cứu sống nhiều người.
Đó sẽ là một nỗ lực mới nhằm chữa trị ung thư - một căn bệnh động chạm tới cuộc sống của hầu hết mọi người Mỹ. Kế hoạch đó đầu tư lớn nhất vào chăm sóc y tế phòng ngừa, bởi đó là một trong những cách tốt nhất để đảm bảo sự khỏe mạnh của người dân Mỹ và kiểm soát được chi phí.
Ngân sách dựa trên những cuộc cải cách này. Ngân sách bao gồm cam kết mang tính lịch sử về cải cách toàn diện hệ thống chăm sóc y tế dựa trên nguyên tắc chăm sóc y tế chất lượng, phải chăng cho mọi người Mỹ. Đó là bước đi chúng ta phải thực hiện nếu muốn giảm thâm hụt trong những năm tới.
Sẽ có nhiều quan điểm khác nhau về cách tiến hành cải cách và đó là lý do tôi đang tập hợp các doanh nghiệp, công nhân, bác sĩ và những người chăm sóc y tế, những người Dân chủ và Cộng hòa để bắt đầu bàn về vấn đề này vào tuần tới.
Tôi không ảo tưởng đây sẽ là một công việc dễ dàng. Công việc này sẽ khó khăn. Tuy nhiên, tôi cũng biết rằng, gần một thế kỷ sau khi Teddy Roosevelt lần đầu tiên kêu gọi cải cách, chi phí chăm sóc y tế của chúng ta đã đè nặng xuống nền kinh tế bấy lâu cũng như lòng tin của đất nước này. Do vậy không thể trì hoãn cải cách y tế hơn nữa.
Thách thức thứ ba chúng ta phải giải quyết là cần khẩn cấp mở rộng cơ hội giáo dục ở Mỹ.
Trong nền kinh tế toàn cầu, nơi thứ có giá trị nhất mà bạn có thể bán là tri thức của các bạn, một nền giáo dục tốt không chỉ là một cơ hội mà là điều kiện tiên quyết.
Ngay bây giờ, 3/4 nghề nghiệp tăng trưởng nhanh nhất đòi hỏi bằng đại học. Tuy nhiên, chỉ có 50% công dân Mỹ có bằng đại học. Chúng ta có một trong những quốc gia công nghiệp có tỷ lệ bỏ học ở bậc trung học cao nhất và 50% sinh viên không học xong đại học.
Đầu tư cho giáo dục là thuốc kê đơn cho sự suy giảm kinh tế bởi chúng ta biết các quốc gia có nền giáo dục mạnh hơn chúng ta ngày nay sẽ có sức cạnh tranh mạnh hơn ngày mai. Đó là lý do chính quyền mới muốn đảm bảo rằng, mọi trẻ em được tiếp cận với giáo dục cạnh tranh và hoàn chỉnh, từ ngày chúng được sinh ra cho tới ngày bắt đầu làm việc.
Chúng ta đã tiến hành đầu tư mang tính lịch sử vào giáo dục thông qua kế hoạch phục hồi kinh tế này. Chúng ta đã mở rộng mạnh mẽ giáo dục cho trẻ em và sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng vì giáo dục trong những năm đầu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Chúng ta đã giúp thêm gần 7 triệu sinh viên có thể học đại học. Và chúng ta đã cung cấp nguồn lực cần thiết để ngăn chặn việc sa thải hoặc giảm bớt số giáo viên.
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng các trường học không chỉ cần nhiều nguồn lực hơn, mà còn phải cải cách nhiều hơn. Đó là lý do ngân sách này tạo ra những ưu đãi mới đối với thành tích và thành công của giáo viên. Chúng ta sẽ đầu tư vào các chương trình đổi mới, nhằm giúp các trường đáp ứng những tiêu chuẩn cao và giảm bớt khoảng cách về trình độ.
Chính trách nhiệm của chúng ta với tư cách là các nghị sĩ và các nhà giáo dục là làm cho hệ thống này hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, mọi công dân cũng có trách nhiệm tham gia. Do vây, tối nay tôi yêu cầu mọi người Mỹ theo học ít nhất một năm đại học hoặc đào tạo hướng nghiệp. Mọi công dân Mỹ cần có bằng cấp cao hơn bằng tú tài trung học.
Bỏ học trung học không còn là một lựa chọn. Đó không chỉ là sự từ bỏ bản thân, từ bỏ đất nước của các bạn. Đất nước này cần và trọng dụng những tài năng của mọi công dân Mỹ. Đó là lý do chúng ta sẽ sẵn sàng có những hỗ trợ cần thiết để các bạn học xong đại học và đạt mục tiêu mới: Tới năm 2020, nước Mỹ một lần nữa có tỷ lệ cử nhân cao nhất thế giới.
Tôi biết rằng, học phí hiện ở mức cao hơn bao giờ hết. Chúng ta sẽ đảm bảo rằng, các bạn có thể chi trả cho việc học đại học. Để khuyến khích tinh thần phục vụ đất nước của thế hệ này và tương lai, tôi yêu cầu Quốc hội gửi cho tôi dự luật mang tên của Thượng nghị sĩ Orrin Hatch cũng như một người Mỹ không bao giờ ngừng hỏi ông ấy có thể làm gì cho đất nước này. Đó là Thượng nghĩ sĩ Edward Kennedy.
Những chính sách giáo dục này sẽ mang lại cơ hội cho con cháu chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta phải đảm bảo rằng, họ đi qua những cánh cửa cơ hội đó.
Cuối cùng, không có một chương trình hay chính sách nào có thể thay thế một ông bố hoặc bà mẹ, người sẽ tham dự các buổi họp phụ huynh hoặc giúp con cái làm bài tập sau bữa tối, hoặc tắt vô tuyến, cất trò chơi video và thay vào đó là đọc sách cho con nghe. Tôi nói với các bạn không chỉ với danh nghĩa một tổng thống mà còn với tư cách một người cha (của hai cô con gái - PV). Tôi cho rằng, trách nhiệm giáo dục con cái chúng ta phải bắt đầu ở gia đình.
Tất nhiên, chúng ta có một trách nhiệm khác đối với con cái chúng ta. Đó là trách nhiệm đảm bảo rằng, chúng ta không trút gánh nặng nợ nần mà chúng không thể trả. Với khoản thâm hụt ngân sách chúng ta thừa hưởng, cuộc khủng hoảng kinh tế và những thách thức dài hạn phải giải quyết, chúng ta phải đảm bảo rằng khi nền kinh tế Mỹ phục hồi, chúng ta phải làm mọi cách để giảm thâm hụt ngân sách.
Tôi tự hào rằng, chúng tôi đã thông qua kế hoạch phục hồi và tôi muốn thông qua một ngân sách mà đảm bảo rằng mọi đồng đôla chúng ta chi tiêu sẽ phản ánh những ưu tiên quốc gia quan trọng nhất của chúng ta.
Hôm qua, tôi đã tổ chức một cuộc họp tài khóa. Tại đó, tôi đã cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách 50% vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của tôi. Chính quyền của tôi cũng đã bắt đầu từng bước rà soát lại ngân sách liên bang để loại bỏ các chương trình chi tiêu lãng phí và không hiệu quả.
Các vị có thể hình dung đây là một tiến trình mất thời gian. Tuy nhiên, chúng ta đang bắt đầu bằng những dòng lớn nhất. Chúng ta đã xác định được khoản tiền tiết kiệm 2 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới.
Trong dự thảo ngân sách này, chúng ta sẽ chấm dứt các chương trình giáo dục không hiệu quả và dừng các khoản hỗ trợ trực tiếp cho những doanh nghiệp nông nghiệp lớn mà không cần các khoản đó. Chúng ta sẽ loại bỏ các hợp đồng không qua đấu thầu. Những hợp đồng này đã lãng phí hàng tỷ USD tại Iraq.
"Để người dân Iraq chịu trách nhiệm về đất nước họ và chấm dứt cuộc chiến một cách hợp lý", Obama nói. (Ảnh: Corbis)
Vai trò lãnh đạo trong thời kỳ khó khăn
Chúng ta sẽ cải cách lại ngân sách quốc phòng để không phải trả tiền mua những vũ khí thời Chiến tranh Lạnh mà chúng ta không sử dụng. Chúng ta sẽ loại bỏ lãng phí, gian lận và lạm dụng trong chương trình chăm sóc y tế Medicare, vốn không giúp cho những người cao tuổi khỏe mạnh hơn. Chúng ta sẽ phục hồi sự cân bằng và công bằng trong luật thuế bằng cách chấm dứt việc giảm thuế cho các công ty chuyển việc làm ra nước ngoài.
Đó phải là điểm khởi đầu đối với mọi tranh luận của chúng ta trong những tháng tới và là điểm chúng ta trở lại sau khi những cuộc tranh luận này kết thúc. Đó là nền tảng mà nhân dân Mỹ mong đợi chúng ta dựa vào để xây dựng tiếng nói chung.
Cùng với đội ngũ an ninh quốc gia tài giỏi của chúng ta, bây giờ tôi sẽ xem xét lại một cách cẩn thận các chính sách của Mỹ đối với cả hai cuộc chiến. Tôi cũng sẽ sớm công bố một cách thúc đẩy mọi việc tại Iraq, để người dân Iraq chịu trách nhiệm về đất nước họ và chấm dứt cuộc chiến một cách hợp lý.
Cùng với những người bạn và các đồng minh, chúng ta sẽ lập nên một chiến lược mới và toàn diện cho Afghanistan, Pakistan để đánh bại al-Qaeda và chiến đấu chống lực lượng cực đoan. Bởi vì, tôi sẽ không cho phép bọn khủng bố có âm mưu chống lại người dân Mỹ từ khắp các thiên đường an toàn của chúng trên toàn cầu. Chúng ta sẽ không cho phép điều đó.
Khi chúng ta gặp nhau tối nay, nhiều người vận quân phục đang đứng gác ở nước ngoài và có thêm nhiều người nữa đang sẵn sàng để được triển khai. Với mỗi người trong số họ cùng với những gia đình phải hứng chịu gánh nặng thầm lặng do sự vắng mặt của họ, người dân Mỹ đoàn kết gửi đi một thông điệp: "Chúng tôi biết ơn sự phục vụ của các bạn, chúng tôi được truyền cảm hứng từ sự hy sinh của các bạn và các bạn sẽ luôn nhận được sự ủng hộ của chúng tôi".
Để giảm nhẹ căng thẳng đối với lực lượng của chúng ta, tôi cho tăng quân số binh lính và lực lượng lính thuỷ đánh bộ. Và để duy trì sự tin cậy của những ai phục vụ cho quân đội, chúng ta sẽ nâng lương cho họ và mở rộng chăm sóc sức khoẻ cũng như trợ cấp cho các cựu binh.
Để chiến thắng chủ nghĩa cực đoan, chúng ta cũng phải thận trọng trong việc duy trì những giá trị mà các binh sĩ đang bảo vệ vì không có một lực lượng nào mạnh hơn Mỹ. Và đó là lý do tại sao tôi đã yêu cầu đóng cửa trung tâm giam giữ ở Vịnh Guantanamo và sẽ tìm cách thực thi công lý một cách mau lẹ và chính xác cho những kẻ khủng bố bị bắt vì các giá trị không làm chúng ta yếu đi. Nó làm chúng ta an toàn hơn và mạnh mẽ hơn.
Và đó là lý do tại sao tôi có thể đứng đây tối nay và tuyên bố Mỹ sẽ không sử dụng hình thức tra tấn nào, không có ngoại lệ nào cho việc đó. Chúng ta có thể cam kết ngay tối nay.
Bằng lời nói và hành động, chúng ta cho thế giới thấy một kỷ nguyên cam kết đã bắt đầu. Nước Mỹ không thể đối phó với các mối đe doạ trong thế kỷ này một mình, nhưng thế giới cũng không thể đương đầu với đe doạ mà không có Mỹ.
Chúng ta không thể tránh đàm phán cũng như không thể phớt lờ những địch thủ hay những lực lượng có thể gây hại cho nước Mỹ. Thay vào đó, chúng ta kêu gọi thúc đẩy mọi việc với sự tự tin và bộc trực mà những thời khắc khó khăn đòi hỏi.
Để tìm kiếm tiến bộ cho một nền hoà bình lâu dài và đảm bảo giữa Israel và các nước láng giềng, chúng ta đã bổ nhiệm một phái viên để duy trì các nỗ lực. Để đáp ứng các thử thách trong thế kỷ 21, từ khủng bố tới phổ biến hạt nhân, từ bệnh dịch tới những đe dọa trên mạng và đói nghèo, chúng ta sẽ củng cố liên minh cũ, thành lập những liên minh mới và dùng mọi nhân tố trong sức mạnh quốc gia của chúng ta.
Và để đáp lại cuộc khủng hoảng kinh tế đang ở quy mô toàn cầu, chúng ta đang phối hợp với các nước thuộc nhóm G20 để khôi phục lòng tin vào hệ thống tài chính của chúng ta, không để chủ nghĩa bảo hộ leo thang, kích thích nhu cầu đối với hàng hoá Mỹ tại các thị trường trên toàn cầu, vì một thế giới dựa vào Mỹ với tư cách là quốc gia có nền kinh tế mạnh và vì nền kinh tế của chúng ta dựa vào sức mạnh của thế giới.
Vì chúng ta đang trong thời khắc quan trọng của lịch sử, cặp mắt của người dân tất cả các nước đều đổ dồn về chúng ta, xem chúng ta làm gì trong thời điểm này và đợi chúng ta đi đầu.
Những người trong chúng ta có mặt tại quốc hội tối nay được kêu gọi nắm quyền trong thời kỳ đặc biệt. Đó là một gánh nặng to lớn những cũng là một đặc ân lớn, người được nhiều thế hệ ở Mỹ tin tưởng
Chúng ta tập trung ở đây tối nay và được kêu gọi giữ vai trò lãnh đạo trong thời kỳ khó khăn. Đó là một gánh nặng lớn song cũng là một vinh dự lớn, điều mà ít có thế hệ nào được giao phó, vì chúng ta nắm trong tay khả năng định hình thế giới.
Quyết tâm không bỏ cuộc
Tôi biết rất dễ mất đi sự tin tưởng và trở nên hoài nghi, ngờ vực. Tuy nhiên, trong cuộc đời mình, tôi đã học được rằng, hy vọng có thể tìm ở những nơi không nghĩ tới, cảm hứng thường tới không phải từ những người có quyền lực tối cao hay các ngôi sao mà nó tới từ giấc mơ và khát vọng của những người Mỹ bình thường.
"Quyết tâm của họ là cảm hứng của chúng ta, lo ngại của họ phải là động cơ của chúng ta", ông chủ Nhà Trắng tuyên bố. (Ảnh: Corbis)
Tôi nghĩ về Leonard Abess, Chủ tịch Ngân hàng từ Miami, đã nhận một khoản tiền thưởng 60 triệu USD. Ông ấy đã chia khoản tiền này cho tất cả 399 nhân viên, cộng với 72 người khác từng làm việc cho ông ấy. Ông ấy không nói cho bất kỳ ai biết điều này. Khi báo chí đưa tin, ông chỉ nói: "Tôi biết một số người đó từ khi tôi mới 7 tuổi. Tôi cảm thấy không đúng khi giữ toàn bộ số tiền ấy cho bản thân".
Tôi nghĩ về Greensburg ở Kansas, một thị trấn bị lốc xoáy phá hủy hoàn toàn, song đang được các cư dân ở đó tái thiết như một mẫu mực toàn cầu về việc năng lượng sạch có thể cung cấp điện năng cho một cộng đồng, cách năng lượng sạch có thể mang lại việc làm và giúp các doanh nghiệp đứng dậy từ những đống gạch vụn. Một trong những người giúp tái thiết đã nói: "Bi kịch này thật đáng sợ, song người dân nơi đây biết rằng, bi kịch đó cũng mang lại một cơ hội không thể tin được".
Và tôi nghĩ về Ty’Sheoma Bethea, bé gái ở trường học mà tôi đã tới thăm tại Dillon, Nam California, một nơi mà trần nhà bị thấm nước, sơn tường thì bong tróc và giáo viên phải ngừng dạy 6 lần mỗi ngày do tàu đi qua. Người ta nói với cô bé rằng, trường học đó đã hết hy vọng.
Tuy nhiên, hàng ngày bé gái đó đã tới thư viện công cộng và đánh máy một bức thư gửi cho những người đang ngồi trong căn phòng này. Thậm chí, cô bé còn xin tiền ông hiệu trưởng để mua tem thư. Bức thư kêu gọi chúng ta giúp đỡ: "Chúng cháu chỉ là những học sinh muốn trở thành luật sư, bác sĩ, nghị sĩ giống như các ngài và một ngày nào đó là tổng thống. Do vậy, chúng cháu có thể thay đổi không chỉ bang Nam Carolina mà còn cả thế giới. Chúng cháu không phải là những kẻ bỏ cuộc".
Những từ ngữ và câu chuyện này nói với chúng ta một điều gì đó về tinh thần của các cử tri Mỹ. Họ nói với chúng ta rằng, ngay trong thời điểm khó khăn nhất, vẫn có sự rộng lượng, tinh thần kiên cường, quyết tâm theo đuổi, sự sẵn sàng nhận trách nhiệm cho tương lai và cho hậu thế của chúng ta.
Quyết tâm của họ phải là cảm hứng của chúng ta. Những lo ngại của họ phải là động cơ của chúng ta. Chúng ta phải cho họ cũng như tất cả nhân dân Mỹ thấy rằng, chúng ta có thể đảm đương được nhiệm vụ đặt ra trước mắt.
Tôi biết rằng, cho tới nay, chúng ta chưa nhất trí về mọi vấn đề và chắc chắn trong tương lai sẽ còn có nhiều bất đồng. Tuy nhiên, tôi cũng biết rằng mọi người Mỹ, những người đang ngồi tại đây tối nay, yêu mến đất nước này và muốn đất nước này thành công.
Nếu chúng ta làm được điều đó, đoàn kết và đưa quốc gia này thoát khỏi vực sâu của cuộc khủng hoảng này, giúp mọi người lấy lại được việc làm và tái khởi động guồng máy thịnh vượng, dũng cảm đương đầu với thách thức của thời đại và kêu gọi tinh thần bền bỉ của một nước Mỹ không bỏ cuộc, một ngày nào đó con cháu chúng ta có thể nói với hậu duệ của họ rằng: Đây là thời điểm khi chúng ta hành động theo những lời nói vang vọng trong chính căn phòng này - một điều gì đó đáng được ghi nhớ.
Xin cảm ơn quý vị.
Minh Sơn, Hoài Linh (theo CNN)
[In trang]
Bài báo trên VIET NAM NET:
http://vietnamnet.vn/thegioi/2009/02/831989/
Xuất bản lúc: 09:13 25/02/2009
@ VietNamNet
Đúng 9h15 sáng 25/2 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Obama bắt đầu đọc diễn văn trước hai viện của Quốc hội. Ông kêu gọi, người Mỹ đoàn kết với nhau để vực dậy nền kinh tế và trấn an bằng tuyên bố: "Mỹ sẽ trỗi dậy mạnh hơn bao giờ hết".
VietNamNet giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng này:
Trách nhiệm với tương lai
Thưa Chủ tịch Quốc hội, Phó Tổng thống Mỹ, các thành viên của Quốc hội và Đệ nhất phu nhân.
Tôi tới đây tối nay không chỉ phát biểu với những nghị sĩ tôn kính trong phòng họp này, mà còn phát biểu thẳng thắn và trực tiếp trước những cử tri, những người đã cử chúng ta tới đây.
Tôi biết rằng, đối với nhiều người Mỹ đang xem chương trình này, nền kinh tế của chúng ta là một mối quan ngại trên hết. Và đúng như vậy. Nếu các bạn chưa bị ảnh hưởng bởi cuộc suy thoái này, các bạn có lẽ đã biết một vài người bị ảnh hưởng. Đó có thể là một người bạn, một người hàng xóm hay một thành viên trong gia đình.
Các bạn không cần nghe thêm danh sách các số liệu thống kê rằng nền kinh tế Mỹ đang rơi vào khủng hoảng, bởi các bạn đang sống với nó hàng ngày. Đó là lo lắng khi bạn thức dậy và là nguyên nhân mất ngủ hàng đêm. Đó là công việc các bạn nghĩ sẽ phải từ bỏ hoặc giờ đã mất. Công việc mà các bạn đã xây dựng ước mơ trên đó giờ đang treo trên một sợi chỉ mành. Tác động của cuộc suy thoái này là thực và hiện diện ở khắp nơi.
Tuy nhiên, trong khi nền kinh tế của chúng ta có thể bị suy yếu và lòng tin của chúng ta bị lung lay và mặc dù chúng ta đang trải qua thời kỳ khó khăn và bất ổn, tối nay tôi muốn mọi người Mỹ biết điều này:
Chúng ta sẽ tái thiết, sẽ phục hồi và nước Mỹ sẽ nổi lên mạnh hơn bao giờ hết.
Gánh nặng của cuộc khủng hoảng sẽ không phá hủy được vận mệnh của đất nước này. Câu trả lời đối với các vấn đề không vượt quá tầm tay của chúng ta. Chúng tồn tại trong trường đại học và các phòng thí nghiệm của chúng ta, trên cánh đồng và nhà máy của chúng ta, trong trí tưởng tượng của các thương nhân và niềm tự hào của những người lao động cần cù trên Trái đất này.
Những phẩm chất này đã khiến nước Mỹ trở thành động lực tiến bộ và thịnh vượng nhất trong lịch sử nhân loại và chúng ta vẫn sở hữu những phẩm chất đó. Điều cần thiết đối với nước Mỹ hiện nay là chúng ta phải đoàn kết, dũng cảm đối mặt với mọi thách thức và chịu trách nhiệm về tương lai của chúng ta một lần nữa.
Giờ nếu chúng ta trung thực với bản thân, chúng ta sẽ phải thừa nhận rằng, lâu nay chúng ta không phải lúc nào cũng đương đầu với các trách nhiệm đó với tư cách là một chính phủ hoặc một dân tộc. Tôi nói điều này không phải đổ trách nhiệm hoặc soi mói quá khứ mà bởi vì chỉ có hiểu làm sao chúng ta lâm vào tình cảnh này chúng ta mới có thể tự thóat ra.
Thực tế là nền kinh tế của chúng ta không rơi vào suy thoái trong một sớm một chiều. Không phải mọi vấn đề của chúng ta bắt đầu khi thị trường nhà ở sụp đổ hoặc thị trường chứng khoán tụt dốc. Trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã biết rằng, sự sống còn của chúng ta phụ thuộc vào việc tìm kiếm những nguồn năng lượng mới. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta nhập khẩu nhiều dầu mỏ hơn trước.
Chi phí chăm sóc y tế gặm nhấm ngày càng nhiều khoản tiền tiết kiệm hàng năm của chúng ta. Thế nhưng, chúng ta lại trì hoãn cải cách. Con cháu chúng ta sẽ cạnh tranh việc làm trong một nền kinh tế toàn cầu mà quá nhiều trường học chưa chuẩn bị cho họ điều đó. Và mặc dù những thách thức này chưa được giải quyết, chúng ta vẫn tìm cách chi tiêu nhiều hơn và tích tụ nhiều nợ hơn bao giờ hết, cả nợ cá nhân và chính phủ.
Chúng ta đã sống qua một kỷ nguyên khi những lợi ích ngắn hạn được chú trọng hơn sự thịnh vượng lâu dài, khi tầm nhìn của chúng ta không vượt qua được tháng lương tiếp theo, quý tiếp theo hoặc cuộc bầu cử tiếp theo. Thặng dư là cái cớ để chuyển sự giàu có cho người giàu thay vì đầu tư vào tương lai của chúng ta.
Các quy định bị phá hủy từ bên trong vì lợi nhuận nhanh và một thị trường khỏe mạnh phải trả giá bằng sinh mệnh của nó. Mọi người mua những căn nhà mà họ biết là không thể chi trả ngân hàng hoặc những tổ chức tín dụng sẵn sàng cung cấp các khoản vay khó đòi bằng mọi giá. Trong lúc đó, những cuộc tranh luận quan trọng và những quyết định khó khăn bị trì hoãn.
Đã tới ngày xem xét và đã tới lúc chúng ta chịu trách nhiệm về tương lai của chính chúng ta.
"Nước Mỹ sẽ mạnh hơn bao giờ hết", Tổng thống Mỹ nói. (Ảnh: Corbis)
Đã tới lúc phải hành động
Giờ là lúc để hành động một cách táo bạo và khôn khéo. Không chỉ để phục hồi nền kinh tế này, mà còn để xây dựng một nền tảng mới cho sự thịnh vượng lâu dài. Giờ là lúc bắt đầu tạo việc làm, tái khởi động hoạt động cho vay tiền và đầu tư vào những lĩnh vực như năng lượng, chăm sóc y tế và giáo dục.
Đó là một chương trình nghị sự mà bắt đầu bằng việc làm
Ngay khi tôi nhậm chức, tôi đã yêu cầu Quốc hội gửi cho tôi một kế hoạch phục hồi. Kế hoạch đó sẽ giúp mọi người trở lại làm việc và có tiền trong túi. Không phải do tôi tin vào chính phủ lớn hơn. Tôi không tin điều đó. Không phải bởi vì tôi không quan tâm tới khoản nợ khổng lồ mà chúng ta thừa hưởng. Tôi tin chứ.
Tôi đã kêu gọi hành động bởi vì không hành động sẽ khiến nhiều người hơn bị mất việc và gây ra nhiều khó khăn hơn. Thực tế, nếu chúng ta không hành động, có lẽ thâm hụt dài hạn của chúng ta đã tồi tệ hơn. Đó là lý do tôi thúc đẩy Quốc hội nhanh chóng hành động. Và tối nay, tôi lấy làm biết ơn rằng, Quốc hội đã đáp lại lời kêu gọi đó và tôi vui mừng khi nói rằng, chúng ta giờ đã có Luật tái Đầu tư và Phục hồi nước Mỹ.
Trong hai năm tới, kế hoạch này sẽ cứu hoặc tạo ra 3,5 triệu việc làm. Hơn 90% công việc này sẽ ở khu vực tư nhân - công việc tái xây dựng đường và cầu, xây dựng các tua-bin gió và pin mặt trời, đặt băng thông rộng và mở rộng cầu đường.
Với kế hoạch này, có những giáo viên sẽ giữ được việc làm và dạy dỗ con em chúng ta. Các thầy thuốc có thể tiếp tục chăm sóc người ốm. 57 sĩ quan cảnh sát vẫn đang trực trên các khu phố của Minneapolis tối nay bởi kế hoạch này có thể ngăn chặn được khả năng họ bị sa thải.
Với kế hoạch này, 95% gia đình làm công ăn lương ở Mỹ sẽ được giảm thuế - hành động cụ thể mà các bạn sẽ nhìn thấy trên tấm séc của các bạn bắt đầu từ ngày 1/4.
Với kế hoạch này, các gia đình đang vật lộn để trả học phí sẽ nhận được khoản tín dụng thuế trị giá 2.500USD cho tất cả 4 năm học đại học. Và những người Mỹ đã mất việc do khủng hoảng kinh tế sẽ nhận được thêm trợ cấp thất nghiệp và tiếp tục được bảo hiểm y tế để vượt qua cơn bão này.
Những lĩnh vực này sẽ làm nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng, ngay cả khi chúng ta đưa ra những lựa chọn khó khăn là giảm thâm hụt ngân sách. Đó là mục tiêu của chương trình nghị sự kinh tế mà tôi muốn tiến hành và cũng là điều tôi muốn nói hôm nay.
Tôi biết có một số người trong phòng này cũng như một số người đang theo dõi tôi phát biểu ở nhà hoài nghi liệu kế hoạch này có hiệu quả hay không. Tôi hiểu sự hoài nghi đó. Tại Washington này, tất cả chúng ta đã thấy những ý định tốt đẹp có thể biến thành những lời hứa bị phá vỡ và sự chi tiêu lãng phí nhanh tới mức nào. Với một kế hoạch quy mô như thế, trách nhiệm to lớn của chúng ta là phải thực hiện kế hoạch đó đúng đắn.
Đó là lý do tại sao tôi đã yêu cầu Phó Tổng thống Biden đảm trách việc giám sát đầy khó khăn và chưa có tiền lệ. Tôi đã nói với mọi thành viên trong Nội các của tôi cũng như các thị trưởng và thống đốc khắp nước Mỹ rằng, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước tôi và trước nhân dân Mỹ về từng đồng đôla mà họ tiêu. Tội đã bổ nhiệm Tổng thanh tra để xử lý mọi vụ lãng phí và gian lận. Và chúng tôi đã tạo ra một trang web mới tên là recovery.gov để mọi người Mỹ có thể biết tiền đang được tiêu như thế nào và ở đâu.
Do vậy, kế hoạch phục hồi kinh tế mà chúng ta đã thông qua, là bước đi đầu tiên đưa nền kinh tế Mỹ trở lại quỹ đạo. Tuy nhiên, đó chỉ là bước đi đầu tiên. Bởi ngay cả khi chúng ta thực hiện kế hoạch này hoàn toàn thành công, sẽ không có sự phục hồi thực sự trừ khi chúng ta giải quyết được khủng hoảng tín dụng mà đã làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống tài chính của chúng ta.
Tôi muốn nói thẳng thắn về vấn đề này tối nay, bởi mọi người Mỹ nên biết rằng, nó ảnh hưởng trực tiếp tới các bạn và sự thịnh vượng của gia đình các bạn. Các bạn cũng nên biết rằng, tiền mà các bạn gửi ngân hàng khắp nước Mỹ là an toàn, bảo hiểm của các bạn là an toàn và các bạn có thể trông cậy vào sự tiếp tục hoạt động của hệ thống tài chính Mỹ.
Đó không phải là nguồn gốc lo ngại. Lo ngại là nếu chúng ta không tái khởi động việc cho vay tiền ở đất nước này, sự phục hồi của chúng ta sẽ bị bóp nghẹt trước khi nó bắt đầu.
Các bạn thấy đấy, dòng tín dụng là huyết mạch của nền kinh tế. Khả năng vay được tiền là cách các bạn tài trợ cho việc mua mọi thứ, từ nhà cửa cho tới ôtô và học phí, cách các cửa hàng dự trữ, các nông trại mua máy móc và các doanh nghiệp trả lương cho nhân viên.
Tuy nhiên, dòng tín dụng đã ngừng chảy. Quá nhiều nợ xấu từ cuộc khủng hoảng nhà đất đã xuất hiện trong sổ sách của quá nhiều ngân hàng. Với quá nhiều nợ và lại ít lòng tin, những ngân hàng này giờ sợ cho các gia đình và doanh nghiệp vay nhiều tiền hơn nữa cũng như cho nhau vay tiền.
Khi không có hoạt động cho vay, các gia đình không thể có tiền để mua nhà hoặc xe hơi. Các doanh nghiệp buộc phải sa thải nhân công. Nền kinh tế của chúng ta sẽ càng tồi tệ hơn và tín dụng càng ít hơn. Đó là lý do chính quyền này đang hành động nhanh chóng và quyết liệt để phá vỡ chu kỳ hủy diệt này, để phục hồi lòng tin và bắt đầu lại hoạt động cho vay.
"Chúng ta sẽ hành động với quyết tâm cao độ", Obama tuyên bố. (Ảnh: Corbis)
Có nhiều cách để tiến hành
Chúng ta sẽ làm điều đó theo nhiều cách. Trước tiên, chúng ta sẽ tạo ra một quỹ cho vay mới. Quỹ đó là nỗ lực lớn nhất để cung cấp các khoản vay cho ngành công nghiệp ôtô, trường đại học, các doanh nghiệp nhỏ, người tiêu dùng và các thương nhân - những người vận hành nền kinh tế này.
Thứ hai, chúng ta đã bắt đầu thực hiện một kế hoạch nhà ở. Kế hoạch đó sẽ giúp các gia đình có nguy cơ bị tịch thu nhà. Kế hoạch này sẽ không giúp những nhà đầu cơ.
Tuy nhiên, kế hoạch sẽ giúp hàng triệu người Mỹ đang vật lộn với giá nhà suy giảm - những người Mỹ giờ sẽ có thể tận dụng lãi suất thấp mà kế hoạch này mang lại. Trên thực tế, một gia đình trung bình được trợ giúp từ kế hoạch này có thể tiết kiệm gần 2.000USD mỗi năm cho khoản vay thế chấp nhà ở của họ.
Thứ ba, chúng ta sẽ hành động với sự quyết tâm cao độ của chính phủ liên bang để đảm bảo rằng các ngân hàng lớn của Mỹ có đủ lòng tin và đủ tiền để cho vay, ngay cả vào thời điểm khó khăn hơn. Và khi chúng ta biết rằng, một ngân hàng lớn gặp phải vấn đề nghiêm trọng, chúng ta sẽ phải buộc ngân hàng đó chịu trách nhiệm, phải thích ứng để có thể phục vụ người dân và nền kinh tế Mỹ.
Tôi hiểu rằng Phố Wall có thể cảm thấy dễ chịu hơn nếu có một chính sách trợ giúp mà không có điều kiện gắn kèm và chẳng ai phải chịu trách nhiệm về những quyết định hấp tấp của họ. Tuy nhiên, một chính sách như vậy sẽ không giải quyết được vấn đề. Mục tiêu của chúng ta là nhanh chóng tái khởi động hoạt động cho người dân và doanh nghiệp vay tiền, cũng như chấm dứt cuộc khủng hoảng này vĩnh viễn.
Tôi muốn các ngân hàng này chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự hỗ trợ mà họ nhận được và lần này họ sẽ phải làm rõ những đồng tiền thuế của người dân Mỹ được sử dụng như thế nào. Lần này, các giám đốc điều hành sẽ không thể sử dụng bừa bãi tiền thuế của dân. Những ngày như thế đã kết thúc.
Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ đòi hỏi nguồn lực lớn từ Chính phủ Liên bang, và có lẽ là nhiều tiền hơn so với dự định. Mặc dù chi phí để hành động là rất lớn, song tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng, cái giá của việc không hành động sẽ lớn hơn vì nó sẽ làm cho nền kinh tế khập khễnh không phải trong vài tháng hoặc vài năm, mà có lẽ là một thập kỷ. Việc đó sẽ khiến thâm hụt của chúng ta nặng nề hơn, việc kinh doanh tồi tệ hơn, cho các bạn và cho thế hệ kế tiếp. Và tôi quyết không để điều đó xảy ra.
Tôi hiểu rằng, khi chính quyền ông Bush yêu cầu Quốc hội trợ giúp các ngân hàng gặp khó khăn, các nghị sĩ Dân chủ cũng như Cộng hòa tức giận về sự quản lý tồi và những hậu quả tiếp theo. Người đóng thuế ở Mỹ cũng tức giận và tôi cũng tức giận.
Do vậy, tôi biết việc trợ giúp các ngân hàng hiện không được công chúng ủng hộ, đặc biệt là khi mọi người đang phải khổ sở do những quyết định tồi của các ngân hàng. Tôi hứa với các bạn. Tôi hiểu điều đó.
Tuy nhiên, tôi cũng biết rằng, trong thời kỳ khủng hoảng, chúng ta không thể lãnh đạo với sự tức giận hoặc nhượng bộ về chính trị. Công việc của tôi - của chúng ta - là giải quyết vấn đề này. Công việc của chúng ta là lãnh đạo bằng trách nhiệm. Tôi sẽ không chi một xu nào để thưởng cho một giám đốc nào đó ở Phố Wall, mà sẽ làm mọi việc có thể để giúp các doanh nghiệp nhỏ không thể trả lương cho công nhân hoặc giúp những gia đình đã tiết kiệm nhiều song vẫn không thể vay được tiền mua nhà thế chấp.
Khi hoạt động cho vay trở lại, các gia đình trẻ có thể mua một ngôi nhà mới. Các công ty sẽ thuê công nhân để xây dựng ngôi nhà đó. Sau đó, những công nhân này sẽ có tiền để tiêu và nếu họ có thể vay tiền, họ có thể mua ôtô hoặc lập doanh nghiệp. Các nhà đầu tư sẽ trở lại thị trường và các gia đình Mỹ sẽ thấy kế hoạch lương hưu của họ được đảm bảo. Chậm chạp song chắc chắn, lòng tin sẽ trở lại và nền kinh tế của chúng ta sẽ phục hồi.
Do vậy, tôi yêu cầu Quốc hội Mỹ cùng tôi làm mọi việc cần thiết. Bởi chúng ta không thể phó mặc cho đất nước này trước một cuộc suy thoái vô tận. Để đảm bảo cuộc khủng hoảng có quy mô như thế này không tái diễn, tôi yêu cầu Quốc hội nhanh chóng ban hành các đạo luật cải cách hệ thống quản lý đã lạc hậu của chúng ta. Đã đến lúc đưa ra những quy định mới, chặt chẽ hơn để thúc đẩy thị trường tài chính của chúng ta cũng như trừng phạt các hành động lạm dụng và gian lận.
Kế hoạch phục hồi kinh tế và ổn định hệ thống tài chính là những biện pháp trước mắt mà chúng ta đang tiến hành để khôi phục nền kinh tế Mỹ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cách duy nhất để phục hồi hoàn toàn sức mạnh kinh tế Mỹ là đầu tư dài hạn. Đầu tư dài hạn sẽ mang đến việc làm mới, các ngành nghề mới và lấy lại khả năng cạnh tranh với các nước khác trên thế giới.
Cách duy nhất để thế kỷ này sẽ là một thế kỷ nữa của nước Mỹ, là chúng ta phải chống lại sự phụ thuộc vào dầu mỏ, chi phí chăm sóc y tế cao, các trường học không sẵn sàng cho con em của chúng ta và núi nợ nần mà họ thừa hưởng. Đó là trách nhiệm của chúng ta.
"Điều đó không có nghĩa là sẽ phớt lờ những thách thức dài hạn", Obama nói. (Ảnh: Corbis)
Kế hoạch ngân sách
Trong vài ngày tới, tôi sẽ trình dự thảo ngân sách lên Quốc hội. Chúng ta thường coi những tài liệu này chỉ là những con số trên giấy hay danh sách các chương trình. Tôi thì khác. Tôi nhìn nhận dự thảo đó là một tầm nhìn đối với nước Mỹ - một kế hoạch cho tương lai của chúng ta.
Ngân sách của tôi không tìm cách giải quyết mọi vấn đề. Nó phản ánh sự thật phũ phàng về cái chúng ta được thừa hưởng - một khoản thâm hụt hàng nghìn tỷ USD, một cuộc khủng hoảng tài chính và một cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng.
Căn cứ vào những thực tế này, tất cả mọi người trong căn phòng này - cả Dân chủ và Cộng hòa - sẽ phải hy sinh một số lợi ích. Tôi cũng phải hy sinh.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể phớt lờ những thách thức dài hạn của chúng ta. Tôi bác bỏ quan điểm cho rằng, các vấn đề của chúng ta sẽ tự thân giải quyết và Chính phủ không có vai trò gì trong việc đặt nền móng cho sự thịnh vượng chung của chúng ta.
Lịch sử nhắc nhở chúng ta rằng vào mọi lúc biến động kinh tế, quốc gia này đã phản ứng bằng hành động táo bạo và những ý tưởng vĩ đại. Trong cuộc nội chiến, chúng ta đã xây dựng các tuyến đường xe lửa từ bờ biển này tới bờ biển khác để thúc đẩy thương mại và công nghiệp.
Hệ thống trường công ra đời trong lúc biến động của cuộc Cách mạng công nghiệp. Sau chiến tranh và suy thoái, luật GI đã gửi một thế hệ tới các trường đại học và tạo ra giai cấp trung lưu đông đảo nhất trong lịch sử. Và một cuộc đấu tranh vì tự do đã giúp nước Mỹ có các tuyến đường cao tốc, đặt chân lên mặt trăng cũng như tạo ra sự bùng nổ về công nghệ.
Trong mỗi trường hợp, chính phủ không thay thế doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ chỉ tạo xúc tác cho các doanh nghiệp tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng nghìn doanh nghiệp thích ứng và phát triển.
Chúng ta là một quốc gia đã nhìn thấy những hứa hẹn trong nguy hiểm và đã giành lấy cơ hội từ thử thách. Giờ chúng ta phải là quốc gia đó. Đó là tại sao ngân sách mà tôi đệ trình sẽ đầu tư vào ba lĩnh vực cực kỳ quan trọng đối với tương lai kinh tế Mỹ: Năng lượng, chăm sóc y tế và giáo dục.
Tăng gấp đôi nguồn năng lượng tái sinh
Hãy bắt đầu bằng năng lượng. Chúng ta biết đất nước chinh phục được năng lượng sạch, năng lượng tái sinh sẽ đi đầu trong thế kỷ 21. Chính Trung Quốc đã khởi xướng kế hoạch lớn nhất trong lịch sử để làm nền kinh tế của họ hiệu quả về năng lượng.
Chúng ta đã đầu tư vào công nghệ năng lượng mặt trời, song chúng ta lại tụt sau các quốc gia như Đức và Nhật Bản trong việc sản xuất nguồn năng lượng đó. Các nhà máy của chúng ta đã sản xuất các xe hơi chạy động cơ xăng và sinh học hỗn hợp, song những động cơ này phải dựa vào ắc quy sản xuất ở Hàn Quốc.
Tôi không chấp nhận một tương lai mà việc làm và các ngành công nghiệp của ngày mai bò ra ngoài biên giới của chúng ta và tôi biết các bạn cũng không chấp nhận. Đã tới lúc nước Mỹ lại phải vươn lên vị trí dẫn đầu.
Nhờ kế hoạch phục hồi của chúng ta, chúng ta sẽ tăng gấp đôi nguồn năng lượng tái sinh trong ba năm tới. Chúng ta cũng đã có khoản đầu tư lớn nhất cho nghiên cứu cơ bản - việc sẽ thúc đẩy không chỉ những phát kiến mới về năng lượng mà còn cả các đột phá về y học, khoa học và công nghệ.
Chúng ta sẽ sớm xây dựng hàng nghìn kilomet đường đây truyền tải điện để mang nguồn năng lượng mới tới các thành phố và thị trấn khắp nước Mỹ. Chúng ta sẽ thúc đẩy người Mỹ làm cho nhà cửa của họ hiệu quả hơn về năng lượng để họ có thể tiết kiệm hàng tỷ đôla tiền điện.
Tuy nhiên, để cải cách nền kinh tế, bảo vệ an ninh và cứu hành tinh của chúng ta khỏi những thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra, chúng ta cần làm cho năng lượng tái sinh có thể tạo ra lợi nhuận. Do vậy, tôi yêu cầu Quốc hội gửi cho tôi dự luật về hạn chế khí thải nhà kính và thúc đẩy sản xuất nhiều năng lượng sạch hơn tại Mỹ.
Để hỗ trợ cho sự đổi mới đó, chúng ta sẽ đầu tư 15 tỷ USD mỗi năm để phát triển công nghệ chẳng hạn như phong điện và điện mặt trời, nhiên liệu sinh học tiên tiến, than sạch, xe hơi tiết kiệm nhiên liệu được chế tạo ngay tại Mỹ.
Về ngành ôtô của chúng ta, mọi người nhận ra rằng do nhiều năm ra quyết định tồi và suy thoái toàn cầu đã đẩy các nhà sản xuất tời bờ vực phá sản. Chúng ta không nên và sẽ không bảo vệ họ trước những quyết định quản lý tồi mà họ đã thực hiện.
Tuy nhiên, chúng ta giữ vững mục tiêu về một ngành ôtô có thể cạnh tranh và thắng lợi. Hàng triệu việc làm phụ thuộc vào ngành này. Hàng chục cộng đồng phụ thuộc vào nó. Tôi tin rằng, một quốc gia đã phát minh ra ôtô không thể khoanh tay đứng nhìn.
"Không thể trì hoãn việ cải cách hệ thống y tế", Tổng thống Mỹ khẳng định. (Ảnh: Corbis)
Cải cách mạnh mẽ y tế, giáo dục
Không thể làm việc này mà không tốn kém hoặc không gặp khó khăn. Tuy nhiên, đây là nước Mỹ. Chúng ta không làm những việc dễ dàng. Chúng ta cần làm những việc cần thiết để đưa đất nước này tiến lên.
Vì nguyên nhân đó, chúng ta cũng phải giải quyết chi phí chăm sóc y tế tăng vọt.
Đây là chi phí mà cứ 30 giây lại gây ra một vụ phá sản ở Mỹ. Tới cuối năm 2009, nó có thể khiến 1,5 triệu người Mỹ mất nhà ở. Trong 8 năm qua, phí bảo hiểm tăng nhanh hơn tiền lương gấp 4 lần. Cứ mỗi năm lại có thêm 1 triệu người Mỹ mất bảo hiểm y tế.
Đó là một trong những lý do chính tại sao các doanh nghiệp nhỏ đóng cửa và các công ty lớn chuyển việc làm ra nước ngoài. Và đó là một trong những phần tăng nhanh nhất và lớn nhất trong ngân sách của chúng ta. Căn cứ vào thực tế này, chúng ta không thể trì hoãn việc cải cách hệ thống chăm sóc y tế thêm nữa.
Chúng ta đã làm nhiều hơn để thúc đẩy cải cách y tế trong 30 ngày qua so với những gì đã làm trong 10 năm qua. Trước đây, Quốc hội đã thông qua luật cung cấp bảo hiểm y tế cho 11 triệu trẻ em Mỹ có bố mẹ làm việc cả ngày. Kế hoạch phục hồi của chúng ta sẽ đầu tư vào hệ thống y tế điện tử và công nghệ mới nhằm giảm lỗi, hạ chi phí, đảm bảo bí mật và cứu sống nhiều người.
Đó sẽ là một nỗ lực mới nhằm chữa trị ung thư - một căn bệnh động chạm tới cuộc sống của hầu hết mọi người Mỹ. Kế hoạch đó đầu tư lớn nhất vào chăm sóc y tế phòng ngừa, bởi đó là một trong những cách tốt nhất để đảm bảo sự khỏe mạnh của người dân Mỹ và kiểm soát được chi phí.
Ngân sách dựa trên những cuộc cải cách này. Ngân sách bao gồm cam kết mang tính lịch sử về cải cách toàn diện hệ thống chăm sóc y tế dựa trên nguyên tắc chăm sóc y tế chất lượng, phải chăng cho mọi người Mỹ. Đó là bước đi chúng ta phải thực hiện nếu muốn giảm thâm hụt trong những năm tới.
Sẽ có nhiều quan điểm khác nhau về cách tiến hành cải cách và đó là lý do tôi đang tập hợp các doanh nghiệp, công nhân, bác sĩ và những người chăm sóc y tế, những người Dân chủ và Cộng hòa để bắt đầu bàn về vấn đề này vào tuần tới.
Tôi không ảo tưởng đây sẽ là một công việc dễ dàng. Công việc này sẽ khó khăn. Tuy nhiên, tôi cũng biết rằng, gần một thế kỷ sau khi Teddy Roosevelt lần đầu tiên kêu gọi cải cách, chi phí chăm sóc y tế của chúng ta đã đè nặng xuống nền kinh tế bấy lâu cũng như lòng tin của đất nước này. Do vậy không thể trì hoãn cải cách y tế hơn nữa.
Thách thức thứ ba chúng ta phải giải quyết là cần khẩn cấp mở rộng cơ hội giáo dục ở Mỹ.
Trong nền kinh tế toàn cầu, nơi thứ có giá trị nhất mà bạn có thể bán là tri thức của các bạn, một nền giáo dục tốt không chỉ là một cơ hội mà là điều kiện tiên quyết.
Ngay bây giờ, 3/4 nghề nghiệp tăng trưởng nhanh nhất đòi hỏi bằng đại học. Tuy nhiên, chỉ có 50% công dân Mỹ có bằng đại học. Chúng ta có một trong những quốc gia công nghiệp có tỷ lệ bỏ học ở bậc trung học cao nhất và 50% sinh viên không học xong đại học.
Đầu tư cho giáo dục là thuốc kê đơn cho sự suy giảm kinh tế bởi chúng ta biết các quốc gia có nền giáo dục mạnh hơn chúng ta ngày nay sẽ có sức cạnh tranh mạnh hơn ngày mai. Đó là lý do chính quyền mới muốn đảm bảo rằng, mọi trẻ em được tiếp cận với giáo dục cạnh tranh và hoàn chỉnh, từ ngày chúng được sinh ra cho tới ngày bắt đầu làm việc.
Chúng ta đã tiến hành đầu tư mang tính lịch sử vào giáo dục thông qua kế hoạch phục hồi kinh tế này. Chúng ta đã mở rộng mạnh mẽ giáo dục cho trẻ em và sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng vì giáo dục trong những năm đầu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Chúng ta đã giúp thêm gần 7 triệu sinh viên có thể học đại học. Và chúng ta đã cung cấp nguồn lực cần thiết để ngăn chặn việc sa thải hoặc giảm bớt số giáo viên.
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng các trường học không chỉ cần nhiều nguồn lực hơn, mà còn phải cải cách nhiều hơn. Đó là lý do ngân sách này tạo ra những ưu đãi mới đối với thành tích và thành công của giáo viên. Chúng ta sẽ đầu tư vào các chương trình đổi mới, nhằm giúp các trường đáp ứng những tiêu chuẩn cao và giảm bớt khoảng cách về trình độ.
Chính trách nhiệm của chúng ta với tư cách là các nghị sĩ và các nhà giáo dục là làm cho hệ thống này hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, mọi công dân cũng có trách nhiệm tham gia. Do vây, tối nay tôi yêu cầu mọi người Mỹ theo học ít nhất một năm đại học hoặc đào tạo hướng nghiệp. Mọi công dân Mỹ cần có bằng cấp cao hơn bằng tú tài trung học.
Bỏ học trung học không còn là một lựa chọn. Đó không chỉ là sự từ bỏ bản thân, từ bỏ đất nước của các bạn. Đất nước này cần và trọng dụng những tài năng của mọi công dân Mỹ. Đó là lý do chúng ta sẽ sẵn sàng có những hỗ trợ cần thiết để các bạn học xong đại học và đạt mục tiêu mới: Tới năm 2020, nước Mỹ một lần nữa có tỷ lệ cử nhân cao nhất thế giới.
Tôi biết rằng, học phí hiện ở mức cao hơn bao giờ hết. Chúng ta sẽ đảm bảo rằng, các bạn có thể chi trả cho việc học đại học. Để khuyến khích tinh thần phục vụ đất nước của thế hệ này và tương lai, tôi yêu cầu Quốc hội gửi cho tôi dự luật mang tên của Thượng nghị sĩ Orrin Hatch cũng như một người Mỹ không bao giờ ngừng hỏi ông ấy có thể làm gì cho đất nước này. Đó là Thượng nghĩ sĩ Edward Kennedy.
Những chính sách giáo dục này sẽ mang lại cơ hội cho con cháu chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta phải đảm bảo rằng, họ đi qua những cánh cửa cơ hội đó.
Cuối cùng, không có một chương trình hay chính sách nào có thể thay thế một ông bố hoặc bà mẹ, người sẽ tham dự các buổi họp phụ huynh hoặc giúp con cái làm bài tập sau bữa tối, hoặc tắt vô tuyến, cất trò chơi video và thay vào đó là đọc sách cho con nghe. Tôi nói với các bạn không chỉ với danh nghĩa một tổng thống mà còn với tư cách một người cha (của hai cô con gái - PV). Tôi cho rằng, trách nhiệm giáo dục con cái chúng ta phải bắt đầu ở gia đình.
Tất nhiên, chúng ta có một trách nhiệm khác đối với con cái chúng ta. Đó là trách nhiệm đảm bảo rằng, chúng ta không trút gánh nặng nợ nần mà chúng không thể trả. Với khoản thâm hụt ngân sách chúng ta thừa hưởng, cuộc khủng hoảng kinh tế và những thách thức dài hạn phải giải quyết, chúng ta phải đảm bảo rằng khi nền kinh tế Mỹ phục hồi, chúng ta phải làm mọi cách để giảm thâm hụt ngân sách.
Tôi tự hào rằng, chúng tôi đã thông qua kế hoạch phục hồi và tôi muốn thông qua một ngân sách mà đảm bảo rằng mọi đồng đôla chúng ta chi tiêu sẽ phản ánh những ưu tiên quốc gia quan trọng nhất của chúng ta.
Hôm qua, tôi đã tổ chức một cuộc họp tài khóa. Tại đó, tôi đã cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách 50% vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của tôi. Chính quyền của tôi cũng đã bắt đầu từng bước rà soát lại ngân sách liên bang để loại bỏ các chương trình chi tiêu lãng phí và không hiệu quả.
Các vị có thể hình dung đây là một tiến trình mất thời gian. Tuy nhiên, chúng ta đang bắt đầu bằng những dòng lớn nhất. Chúng ta đã xác định được khoản tiền tiết kiệm 2 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới.
Trong dự thảo ngân sách này, chúng ta sẽ chấm dứt các chương trình giáo dục không hiệu quả và dừng các khoản hỗ trợ trực tiếp cho những doanh nghiệp nông nghiệp lớn mà không cần các khoản đó. Chúng ta sẽ loại bỏ các hợp đồng không qua đấu thầu. Những hợp đồng này đã lãng phí hàng tỷ USD tại Iraq.
"Để người dân Iraq chịu trách nhiệm về đất nước họ và chấm dứt cuộc chiến một cách hợp lý", Obama nói. (Ảnh: Corbis)
Vai trò lãnh đạo trong thời kỳ khó khăn
Chúng ta sẽ cải cách lại ngân sách quốc phòng để không phải trả tiền mua những vũ khí thời Chiến tranh Lạnh mà chúng ta không sử dụng. Chúng ta sẽ loại bỏ lãng phí, gian lận và lạm dụng trong chương trình chăm sóc y tế Medicare, vốn không giúp cho những người cao tuổi khỏe mạnh hơn. Chúng ta sẽ phục hồi sự cân bằng và công bằng trong luật thuế bằng cách chấm dứt việc giảm thuế cho các công ty chuyển việc làm ra nước ngoài.
Đó phải là điểm khởi đầu đối với mọi tranh luận của chúng ta trong những tháng tới và là điểm chúng ta trở lại sau khi những cuộc tranh luận này kết thúc. Đó là nền tảng mà nhân dân Mỹ mong đợi chúng ta dựa vào để xây dựng tiếng nói chung.
Cùng với đội ngũ an ninh quốc gia tài giỏi của chúng ta, bây giờ tôi sẽ xem xét lại một cách cẩn thận các chính sách của Mỹ đối với cả hai cuộc chiến. Tôi cũng sẽ sớm công bố một cách thúc đẩy mọi việc tại Iraq, để người dân Iraq chịu trách nhiệm về đất nước họ và chấm dứt cuộc chiến một cách hợp lý.
Cùng với những người bạn và các đồng minh, chúng ta sẽ lập nên một chiến lược mới và toàn diện cho Afghanistan, Pakistan để đánh bại al-Qaeda và chiến đấu chống lực lượng cực đoan. Bởi vì, tôi sẽ không cho phép bọn khủng bố có âm mưu chống lại người dân Mỹ từ khắp các thiên đường an toàn của chúng trên toàn cầu. Chúng ta sẽ không cho phép điều đó.
Khi chúng ta gặp nhau tối nay, nhiều người vận quân phục đang đứng gác ở nước ngoài và có thêm nhiều người nữa đang sẵn sàng để được triển khai. Với mỗi người trong số họ cùng với những gia đình phải hứng chịu gánh nặng thầm lặng do sự vắng mặt của họ, người dân Mỹ đoàn kết gửi đi một thông điệp: "Chúng tôi biết ơn sự phục vụ của các bạn, chúng tôi được truyền cảm hứng từ sự hy sinh của các bạn và các bạn sẽ luôn nhận được sự ủng hộ của chúng tôi".
Để giảm nhẹ căng thẳng đối với lực lượng của chúng ta, tôi cho tăng quân số binh lính và lực lượng lính thuỷ đánh bộ. Và để duy trì sự tin cậy của những ai phục vụ cho quân đội, chúng ta sẽ nâng lương cho họ và mở rộng chăm sóc sức khoẻ cũng như trợ cấp cho các cựu binh.
Để chiến thắng chủ nghĩa cực đoan, chúng ta cũng phải thận trọng trong việc duy trì những giá trị mà các binh sĩ đang bảo vệ vì không có một lực lượng nào mạnh hơn Mỹ. Và đó là lý do tại sao tôi đã yêu cầu đóng cửa trung tâm giam giữ ở Vịnh Guantanamo và sẽ tìm cách thực thi công lý một cách mau lẹ và chính xác cho những kẻ khủng bố bị bắt vì các giá trị không làm chúng ta yếu đi. Nó làm chúng ta an toàn hơn và mạnh mẽ hơn.
Và đó là lý do tại sao tôi có thể đứng đây tối nay và tuyên bố Mỹ sẽ không sử dụng hình thức tra tấn nào, không có ngoại lệ nào cho việc đó. Chúng ta có thể cam kết ngay tối nay.
Bằng lời nói và hành động, chúng ta cho thế giới thấy một kỷ nguyên cam kết đã bắt đầu. Nước Mỹ không thể đối phó với các mối đe doạ trong thế kỷ này một mình, nhưng thế giới cũng không thể đương đầu với đe doạ mà không có Mỹ.
Chúng ta không thể tránh đàm phán cũng như không thể phớt lờ những địch thủ hay những lực lượng có thể gây hại cho nước Mỹ. Thay vào đó, chúng ta kêu gọi thúc đẩy mọi việc với sự tự tin và bộc trực mà những thời khắc khó khăn đòi hỏi.
Để tìm kiếm tiến bộ cho một nền hoà bình lâu dài và đảm bảo giữa Israel và các nước láng giềng, chúng ta đã bổ nhiệm một phái viên để duy trì các nỗ lực. Để đáp ứng các thử thách trong thế kỷ 21, từ khủng bố tới phổ biến hạt nhân, từ bệnh dịch tới những đe dọa trên mạng và đói nghèo, chúng ta sẽ củng cố liên minh cũ, thành lập những liên minh mới và dùng mọi nhân tố trong sức mạnh quốc gia của chúng ta.
Và để đáp lại cuộc khủng hoảng kinh tế đang ở quy mô toàn cầu, chúng ta đang phối hợp với các nước thuộc nhóm G20 để khôi phục lòng tin vào hệ thống tài chính của chúng ta, không để chủ nghĩa bảo hộ leo thang, kích thích nhu cầu đối với hàng hoá Mỹ tại các thị trường trên toàn cầu, vì một thế giới dựa vào Mỹ với tư cách là quốc gia có nền kinh tế mạnh và vì nền kinh tế của chúng ta dựa vào sức mạnh của thế giới.
Vì chúng ta đang trong thời khắc quan trọng của lịch sử, cặp mắt của người dân tất cả các nước đều đổ dồn về chúng ta, xem chúng ta làm gì trong thời điểm này và đợi chúng ta đi đầu.
Những người trong chúng ta có mặt tại quốc hội tối nay được kêu gọi nắm quyền trong thời kỳ đặc biệt. Đó là một gánh nặng to lớn những cũng là một đặc ân lớn, người được nhiều thế hệ ở Mỹ tin tưởng
Chúng ta tập trung ở đây tối nay và được kêu gọi giữ vai trò lãnh đạo trong thời kỳ khó khăn. Đó là một gánh nặng lớn song cũng là một vinh dự lớn, điều mà ít có thế hệ nào được giao phó, vì chúng ta nắm trong tay khả năng định hình thế giới.
Quyết tâm không bỏ cuộc
Tôi biết rất dễ mất đi sự tin tưởng và trở nên hoài nghi, ngờ vực. Tuy nhiên, trong cuộc đời mình, tôi đã học được rằng, hy vọng có thể tìm ở những nơi không nghĩ tới, cảm hứng thường tới không phải từ những người có quyền lực tối cao hay các ngôi sao mà nó tới từ giấc mơ và khát vọng của những người Mỹ bình thường.
"Quyết tâm của họ là cảm hứng của chúng ta, lo ngại của họ phải là động cơ của chúng ta", ông chủ Nhà Trắng tuyên bố. (Ảnh: Corbis)
Tôi nghĩ về Leonard Abess, Chủ tịch Ngân hàng từ Miami, đã nhận một khoản tiền thưởng 60 triệu USD. Ông ấy đã chia khoản tiền này cho tất cả 399 nhân viên, cộng với 72 người khác từng làm việc cho ông ấy. Ông ấy không nói cho bất kỳ ai biết điều này. Khi báo chí đưa tin, ông chỉ nói: "Tôi biết một số người đó từ khi tôi mới 7 tuổi. Tôi cảm thấy không đúng khi giữ toàn bộ số tiền ấy cho bản thân".
Tôi nghĩ về Greensburg ở Kansas, một thị trấn bị lốc xoáy phá hủy hoàn toàn, song đang được các cư dân ở đó tái thiết như một mẫu mực toàn cầu về việc năng lượng sạch có thể cung cấp điện năng cho một cộng đồng, cách năng lượng sạch có thể mang lại việc làm và giúp các doanh nghiệp đứng dậy từ những đống gạch vụn. Một trong những người giúp tái thiết đã nói: "Bi kịch này thật đáng sợ, song người dân nơi đây biết rằng, bi kịch đó cũng mang lại một cơ hội không thể tin được".
Và tôi nghĩ về Ty’Sheoma Bethea, bé gái ở trường học mà tôi đã tới thăm tại Dillon, Nam California, một nơi mà trần nhà bị thấm nước, sơn tường thì bong tróc và giáo viên phải ngừng dạy 6 lần mỗi ngày do tàu đi qua. Người ta nói với cô bé rằng, trường học đó đã hết hy vọng.
Tuy nhiên, hàng ngày bé gái đó đã tới thư viện công cộng và đánh máy một bức thư gửi cho những người đang ngồi trong căn phòng này. Thậm chí, cô bé còn xin tiền ông hiệu trưởng để mua tem thư. Bức thư kêu gọi chúng ta giúp đỡ: "Chúng cháu chỉ là những học sinh muốn trở thành luật sư, bác sĩ, nghị sĩ giống như các ngài và một ngày nào đó là tổng thống. Do vậy, chúng cháu có thể thay đổi không chỉ bang Nam Carolina mà còn cả thế giới. Chúng cháu không phải là những kẻ bỏ cuộc".
Những từ ngữ và câu chuyện này nói với chúng ta một điều gì đó về tinh thần của các cử tri Mỹ. Họ nói với chúng ta rằng, ngay trong thời điểm khó khăn nhất, vẫn có sự rộng lượng, tinh thần kiên cường, quyết tâm theo đuổi, sự sẵn sàng nhận trách nhiệm cho tương lai và cho hậu thế của chúng ta.
Quyết tâm của họ phải là cảm hứng của chúng ta. Những lo ngại của họ phải là động cơ của chúng ta. Chúng ta phải cho họ cũng như tất cả nhân dân Mỹ thấy rằng, chúng ta có thể đảm đương được nhiệm vụ đặt ra trước mắt.
Tôi biết rằng, cho tới nay, chúng ta chưa nhất trí về mọi vấn đề và chắc chắn trong tương lai sẽ còn có nhiều bất đồng. Tuy nhiên, tôi cũng biết rằng mọi người Mỹ, những người đang ngồi tại đây tối nay, yêu mến đất nước này và muốn đất nước này thành công.
Nếu chúng ta làm được điều đó, đoàn kết và đưa quốc gia này thoát khỏi vực sâu của cuộc khủng hoảng này, giúp mọi người lấy lại được việc làm và tái khởi động guồng máy thịnh vượng, dũng cảm đương đầu với thách thức của thời đại và kêu gọi tinh thần bền bỉ của một nước Mỹ không bỏ cuộc, một ngày nào đó con cháu chúng ta có thể nói với hậu duệ của họ rằng: Đây là thời điểm khi chúng ta hành động theo những lời nói vang vọng trong chính căn phòng này - một điều gì đó đáng được ghi nhớ.
Xin cảm ơn quý vị.
Minh Sơn, Hoài Linh (theo CNN)
[In trang]
Bài báo trên VIET NAM NET:
http://vietnamnet.vn/thegioi/2009/02/831989/
Xuất bản lúc: 09:13 25/02/2009
@ VietNamNet
Address to Joint Session of Congress
Address to Joint Session of Congress
Tuesday, February 24th, 2009
Madame Speaker, Mr. Vice President, Members of Congress, and the First Lady of the United States:
I’ve come here tonight not only to address the distinguished men and women in this great chamber, but to speak frankly and directly to the men and women who sent us here.
I know that for many Americans watching right now, the state of our economy is a concern that rises above all others. And rightly so. If you haven’t been personally affected by this recession, you probably know someone who has – a friend; a neighbor; a member of your family. You don’t need to hear another list of statistics to know that our economy is in crisis, because you live it every day. It’s the worry you wake up with and the source of sleepless nights. It’s the job you thought you’d retire from but now have lost; the business you built your dreams upon that’s now hanging by a thread; the college acceptance letter your child had to put back in the envelope. The impact of this recession is real, and it is everywhere.
But while our economy may be weakened and our confidence shaken; though we are living through difficult and uncertain times, tonight I want every American to know this:
We will rebuild, we will recover, and the United States of America will emerge stronger than before.
The weight of this crisis will not determine the destiny of this nation. The answers to our problems don’t lie beyond our reach. They exist in our laboratories and universities; in our fields and our factories; in the imaginations of our entrepreneurs and the pride of the hardest-working people on Earth. Those qualities that have made America the greatest force of progress and prosperity in human history we still possess in ample measure. What is required now is for this country to pull together, confront boldly the challenges we face, and take responsibility for our future once more.
Now, if we’re honest with ourselves, we’ll admit that for too long, we have not always met these responsibilities – as a government or as a people. I say this not to lay blame or look backwards, but because it is only by understanding how we arrived at this moment that we’ll be able to lift ourselves out of this predicament.
The fact is, our economy did not fall into decline overnight. Nor did all of our problems begin when the housing market collapsed or the stock market sank. We have known for decades that our survival depends on finding new sources of energy. Yet we import more oil today than ever before. The cost of health care eats up more and more of our savings each year, yet we keep delaying reform. Our children will compete for jobs in a global economy that too many of our schools do not prepare them for. And though all these challenges went unsolved, we still managed to spend more money and pile up more debt, both as individuals and through our government, than ever before.
In other words, we have lived through an era where too often, short-term gains were prized over long-term prosperity; where we failed to look beyond the next payment, the next quarter, or the next election. A surplus became an excuse to transfer wealth to the wealthy instead of an opportunity to invest in our future. Regulations were gutted for the sake of a quick profit at the expense of a healthy market. People bought homes they knew they couldn’t afford from banks and lenders who pushed those bad loans anyway. And all the while, critical debates and difficult decisions were put off for some other time on some other day.
Well that day of reckoning has arrived, and the time to take charge of our future is here.
Now is the time to act boldly and wisely – to not only revive this economy, but to build a new foundation for lasting prosperity. Now is the time to jumpstart job creation, re-start lending, and invest in areas like energy, health care, and education that will grow our economy, even as we make hard choices to bring our deficit down. That is what my economic agenda is designed to do, and that’s what I’d like to talk to you about tonight.
It’s an agenda that begins with jobs.
As soon as I took office, I asked this Congress to send me a recovery plan by President’s Day that would put people back to work and put money in their pockets. Not because I believe in bigger government – I don’t. Not because I’m not mindful of the massive debt we’ve inherited – I am. I called for action because the failure to do so would have cost more jobs and caused more hardships. In fact, a failure to act would have worsened our long-term deficit by assuring weak economic growth for years. That’s why I pushed for quick action. And tonight, I am grateful that this Congress delivered, and pleased to say that the American Recovery and Reinvestment Act is now law.
Over the next two years, this plan will save or create 3.5 million jobs. More than 90% of these jobs will be in the private sector – jobs rebuilding our roads and bridges; constructing wind turbines and solar panels; laying broadband and expanding mass transit.
Because of this plan, there are teachers who can now keep their jobs and educate our kids. Health care professionals can continue caring for our sick. There are 57 police officers who are still on the streets of Minneapolis tonight because this plan prevented the layoffs their department was about to make.
Because of this plan, 95% of the working households in America will receive a tax cut – a tax cut that you will see in your paychecks beginning on April 1st.
Because of this plan, families who are struggling to pay tuition costs will receive a $2,500 tax credit for all four years of college. And Americans who have lost their jobs in this recession will be able to receive extended unemployment benefits and continued health care coverage to help them weather this storm.
I know there are some in this chamber and watching at home who are skeptical of whether this plan will work. I understand that skepticism. Here in Washington, we’ve all seen how quickly good intentions can turn into broken promises and wasteful spending. And with a plan of this scale comes enormous responsibility to get it right.
That is why I have asked Vice President Biden to lead a tough, unprecedented oversight effort – because nobody messes with Joe. I have told each member of my Cabinet as well as mayors and governors across the country that they will be held accountable by me and the American people for every dollar they spend. I have appointed a proven and aggressive Inspector General to ferret out any and all cases of waste and fraud. And we have created a new website called recovery.gov so that every American can find out how and where their money is being spent.
So the recovery plan we passed is the first step in getting our economy back on track. But it is just the first step. Because even if we manage this plan flawlessly, there will be no real recovery unless we clean up the credit crisis that has severely weakened our financial system.
I want to speak plainly and candidly about this issue tonight, because every American should know that it directly affects you and your family’s well-being. You should also know that the money you’ve deposited in banks across the country is safe; your insurance is secure; and you can rely on the continued operation of our financial system. That is not the source of concern.
The concern is that if we do not re-start lending in this country, our recovery will be choked off before it even begins.
You see, the flow of credit is the lifeblood of our economy. The ability to get a loan is how you finance the purchase of everything from a home to a car to a college education; how stores stock their shelves, farms buy equipment, and businesses make payroll.
But credit has stopped flowing the way it should. Too many bad loans from the housing crisis have made their way onto the books of too many banks. With so much debt and so little confidence, these banks are now fearful of lending out any more money to households, to businesses, or to each other. When there is no lending, families can’t afford to buy homes or cars. So businesses are forced to make layoffs. Our economy suffers even more, and credit dries up even further.
That is why this administration is moving swiftly and aggressively to break this destructive cycle, restore confidence, and re-start lending.
We will do so in several ways. First, we are creating a new lending fund that represents the largest effort ever to help provide auto loans, college loans, and small business loans to the consumers and entrepreneurs who keep this economy running.
Second, we have launched a housing plan that will help responsible families facing the threat of foreclosure lower their monthly payments and re-finance their mortgages. It’s a plan that won’t help speculators or that neighbor down the street who bought a house he could never hope to afford, but it will help millions of Americans who are struggling with declining home values – Americans who will now be able to take advantage of the lower interest rates that this plan has already helped bring about. In fact, the average family who re-finances today can save nearly $2000 per year on their mortgage.
Third, we will act with the full force of the federal government to ensure that the major banks that Americans depend on have enough confidence and enough money to lend even in more difficult times. And when we learn that a major bank has serious problems, we will hold accountable those responsible, force the necessary adjustments, provide the support to clean up their balance sheets, and assure the continuity of a strong, viable institution that can serve our people and our economy.
I understand that on any given day, Wall Street may be more comforted by an approach that gives banks bailouts with no strings attached, and that holds nobody accountable for their reckless decisions. But such an approach won’t solve the problem. And our goal is to quicken the day when we re-start lending to the American people and American business and end this crisis once and for all.
I intend to hold these banks fully accountable for the assistance they receive, and this time, they will have to clearly demonstrate how taxpayer dollars result in more lending for the American taxpayer. This time, CEOs won’t be able to use taxpayer money to pad their paychecks or buy fancy drapes or disappear on a private jet. Those days are over.
Still, this plan will require significant resources from the federal government – and yes, probably more than we’ve already set aside. But while the cost of action will be great, I can assure you that the cost of inaction will be far greater, for it could result in an economy that sputters along for not months or years, but perhaps a decade. That would be worse for our deficit, worse for business, worse for you, and worse for the next generation. And I refuse to let that happen.
I understand that when the last administration asked this Congress to provide assistance for struggling banks, Democrats and Republicans alike were infuriated by the mismanagement and results that followed. So were the American taxpayers. So was I.
So I know how unpopular it is to be seen as helping banks right now, especially when everyone is suffering in part from their bad decisions. I promise you – I get it.
But I also know that in a time of crisis, we cannot afford to govern out of anger, or yield to the politics of the moment. My job – our job – is to solve the problem. Our job is to govern with a sense of responsibility. I will not spend a single penny for the purpose of rewarding a single Wall Street executive, but I will do whatever it takes to help the small business that can’t pay its workers or the family that has saved and still can’t get a mortgage.
That’s what this is about. It’s not about helping banks – it’s about helping people. Because when credit is available again, that young family can finally buy a new home. And then some company will hire workers to build it. And then those workers will have money to spend, and if they can get a loan too, maybe they’ll finally buy that car, or open their own business. Investors will return to the market, and American families will see their retirement secured once more. Slowly, but surely, confidence will return, and our economy will recover.
So I ask this Congress to join me in doing whatever proves necessary. Because we cannot consign our nation to an open-ended recession. And to ensure that a crisis of this magnitude never happens again, I ask Congress to move quickly on legislation that will finally reform our outdated regulatory system. It is time to put in place tough, new common-sense rules of the road so that our financial market rewards drive and innovation, and punishes short-cuts and abuse.
The recovery plan and the financial stability plan are the immediate steps we’re taking to revive our economy in the short-term. But the only way to fully restore America’s economic strength is to make the long-term investments that will lead to new jobs, new industries, and a renewed ability to compete with the rest of the world. The only way this century will be another American century is if we confront at last the price of our dependence on oil and the high cost of health care; the schools that aren’t preparing our children and the mountain of debt they stand to inherit. That is our responsibility.
In the next few days, I will submit a budget to Congress. So often, we have come to view these documents as simply numbers on a page or laundry lists of programs. I see this document differently. I see it as a vision for America – as a blueprint for our future.
My budget does not attempt to solve every problem or address every issue. It reflects the stark reality of what we’ve inherited – a trillion dollar deficit, a financial crisis, and a costly recession.
Given these realities, everyone in this chamber – Democrats and Republicans – will have to sacrifice some worthy priorities for which there are no dollars. And that includes me.
But that does not mean we can afford to ignore our long-term challenges. I reject the view that says our problems will simply take care of themselves; that says government has no role in laying the foundation for our common prosperity.
For history tells a different story. History reminds us that at every moment of economic upheaval and transformation, this nation has responded with bold action and big ideas. In the midst of civil war, we laid railroad tracks from one coast to another that spurred commerce and industry. From the turmoil of the Industrial Revolution came a system of public high schools that prepared our citizens for a new age. In the wake of war and depression, the GI Bill sent a generation to college and created the largest middle-class in history. And a twilight struggle for freedom led to a nation of highways, an American on the moon, and an explosion of technology that still shapes our world.
In each case, government didn’t supplant private enterprise; it catalyzed private enterprise. It created the conditions for thousands of entrepreneurs and new businesses to adapt and to thrive.
We are a nation that has seen promise amid peril, and claimed opportunity from ordeal. Now we must be that nation again. That is why, even as it cuts back on the programs we don’t need, the budget I submit will invest in the three areas that are absolutely critical to our economic future: energy, health care, and education.
It begins with energy.
We know the country that harnesses the power of clean, renewable energy will lead the 21st century. And yet, it is China that has launched the largest effort in history to make their economy energy efficient. We invented solar technology, but we’ve fallen behind countries like Germany and Japan in producing it. New plug-in hybrids roll off our assembly lines, but they will run on batteries made in Korea.
Well I do not accept a future where the jobs and industries of tomorrow take root beyond our borders – and I know you don’t either. It is time for America to lead again.
Thanks to our recovery plan, we will double this nation’s supply of renewable energy in the next three years. We have also made the largest investment in basic research funding in American history – an investment that will spur not only new discoveries in energy, but breakthroughs in medicine, science, and technology.
We will soon lay down thousands of miles of power lines that can carry new energy to cities and towns across this country. And we will put Americans to work making our homes and buildings more efficient so that we can save billions of dollars on our energy bills.
But to truly transform our economy, protect our security, and save our planet from the ravages of climate change, we need to ultimately make clean, renewable energy the profitable kind of energy. So I ask this Congress to send me legislation that places a market-based cap on carbon pollution and drives the production of more renewable energy in America. And to support that innovation, we will invest fifteen billion dollars a year to develop technologies like wind power and solar power; advanced biofuels, clean coal, and more fuel-efficient cars and trucks built right here in America.
As for our auto industry, everyone recognizes that years of bad decision-making and a global recession have pushed our automakers to the brink. We should not, and will not, protect them from their own bad practices. But we are committed to the goal of a re-tooled, re-imagined auto industry that can compete and win. Millions of jobs depend on it. Scores of communities depend on it. And I believe the nation that invented the automobile cannot walk away from it.
None of this will come without cost, nor will it be easy. But this is America. We don’t do what’s easy. We do what is necessary to move this country forward.
For that same reason, we must also address the crushing cost of health care.
This is a cost that now causes a bankruptcy in America every thirty seconds. By the end of the year, it could cause 1.5 million Americans to lose their homes. In the last eight years, premiums have grown four times faster than wages. And in each of these years, one million more Americans have lost their health insurance. It is one of the major reasons why small businesses close their doors and corporations ship jobs overseas. And it’s one of the largest and fastest-growing parts of our budget.
Given these facts, we can no longer afford to put health care reform on hold.
Already, we have done more to advance the cause of health care reform in the last thirty days than we have in the last decade. When it was days old, this Congress passed a law to provide and protect health insurance for eleven million American children whose parents work full-time. Our recovery plan will invest in electronic health records and new technology that will reduce errors, bring down costs, ensure privacy, and save lives. It will launch a new effort to conquer a disease that has touched the life of nearly every American by seeking a cure for cancer in our time. And it makes the largest investment ever in preventive care, because that is one of the best ways to keep our people healthy and our costs under control.
This budget builds on these reforms. It includes an historic commitment to comprehensive health care reform – a down-payment on the principle that we must have quality, affordable health care for every American. It’s a commitment that’s paid for in part by efficiencies in our system that are long overdue. And it’s a step we must take if we hope to bring down our deficit in the years to come.
Now, there will be many different opinions and ideas about how to achieve reform, and that is why I’m bringing together businesses and workers, doctors and health care providers, Democrats and Republicans to begin work on this issue next week.
I suffer no illusions that this will be an easy process. It will be hard. But I also know that nearly a century after Teddy Roosevelt first called for reform, the cost of our health care has weighed down our economy and the conscience of our nation long enough. So let there be no doubt: health care reform cannot wait, it must not wait, and it will not wait another year.
The third challenge we must address is the urgent need to expand the promise of education in America.
In a global economy where the most valuable skill you can sell is your knowledge, a good education is no longer just a pathway to opportunity – it is a pre-requisite.
Right now, three-quarters of the fastest-growing occupations require more than a high school diploma. And yet, just over half of our citizens have that level of education. We have one of the highest high school dropout rates of any industrialized nation. And half of the students who begin college never finish.
This is a prescription for economic decline, because we know the countries that out-teach us today will out-compete us tomorrow. That is why it will be the goal of this administration to ensure that every child has access to a complete and competitive education – from the day they are born to the day they begin a career.
Already, we have made an historic investment in education through the economic recovery plan. We have dramatically expanded early childhood education and will continue to improve its quality, because we know that the most formative learning comes in those first years of life. We have made college affordable for nearly seven million more students. And we have provided the resources necessary to prevent painful cuts and teacher layoffs that would set back our children’s progress.
But we know that our schools don’t just need more resources. They need more reform. That is why this budget creates new incentives for teacher performance; pathways for advancement, and rewards for success. We’ll invest in innovative programs that are already helping schools meet high standards and close achievement gaps. And we will expand our commitment to charter schools.
It is our responsibility as lawmakers and educators to make this system work. But it is the responsibility of every citizen to participate in it. And so tonight, I ask every American to commit to at least one year or more of higher education or career training. This can be community college or a four-year school; vocational training or an apprenticeship. But whatever the training may be, every American will need to get more than a high school diploma. And dropping out of high school is no longer an option. It’s not just quitting on yourself, it’s quitting on your country – and this country needs and values the talents of every American. That is why we will provide the support necessary for you to complete college and meet a new goal: by 2020, America will once again have the highest proportion of college graduates in the world.
I know that the price of tuition is higher than ever, which is why if you are willing to volunteer in your neighborhood or give back to your community or serve your country, we will make sure that you can afford a higher education. And to encourage a renewed spirit of national service for this and future generations, I ask this Congress to send me the bipartisan legislation that bears the name of Senator Orrin Hatch as well as an American who has never stopped asking what he can do for his country – Senator Edward Kennedy.
These education policies will open the doors of opportunity for our children. But it is up to us to ensure they walk through them. In the end, there is no program or policy that can substitute for a mother or father who will attend those parent/teacher conferences, or help with homework after dinner, or turn off the TV, put away the video games, and read to their child. I speak to you not just as a President, but as a father when I say that responsibility for our children's education must begin at home.
There is, of course, another responsibility we have to our children. And that is the responsibility to ensure that we do not pass on to them a debt they cannot pay. With the deficit we inherited, the cost of the crisis we face, and the long-term challenges we must meet, it has never been more important to ensure that as our economy recovers, we do what it takes to bring this deficit down.
I’m proud that we passed the recovery plan free of earmarks, and I want to pass a budget next year that ensures that each dollar we spend reflects only our most important national priorities.
Yesterday, I held a fiscal summit where I pledged to cut the deficit in half by the end of my first term in office. My administration has also begun to go line by line through the federal budget in order to eliminate wasteful and ineffective programs. As you can imagine, this is a process that will take some time. But we’re starting with the biggest lines. We have already identified two trillion dollars in savings over the next decade.
In this budget, we will end education programs that don’t work and end direct payments to large agribusinesses that don’t need them. We’ll eliminate the no-bid contracts that have wasted billions in Iraq, and reform our defense budget so that we’re not paying for Cold War-era weapons systems we don’t use. We will root out the waste, fraud, and abuse in our Medicare program that doesn’t make our seniors any healthier, and we will restore a sense of fairness and balance to our tax code by finally ending the tax breaks for corporations that ship our jobs overseas.
In order to save our children from a future of debt, we will also end the tax breaks for the wealthiest 2% of Americans. But let me perfectly clear, because I know you’ll hear the same old claims that rolling back these tax breaks means a massive tax increase on the American people: if your family earns less than $250,000 a year, you will not see your taxes increased a single dime. I repeat: not one single dime. In fact, the recovery plan provides a tax cut – that’s right, a tax cut – for 95% of working families. And these checks are on the way.
To preserve our long-term fiscal health, we must also address the growing costs in Medicare and Social Security. Comprehensive health care reform is the best way to strengthen Medicare for years to come. And we must also begin a conversation on how to do the same for Social Security, while creating tax-free universal savings accounts for all Americans.
Finally, because we’re also suffering from a deficit of trust, I am committed to restoring a sense of honesty and accountability to our budget. That is why this budget looks ahead ten years and accounts for spending that was left out under the old rules – and for the first time, that includes the full cost of fighting in Iraq and Afghanistan. For seven years, we have been a nation at war. No longer will we hide its price.
We are now carefully reviewing our policies in both wars, and I will soon announce a way forward in Iraq that leaves Iraq to its people and responsibly ends this war.
And with our friends and allies, we will forge a new and comprehensive strategy for Afghanistan and Pakistan to defeat al Qaeda and combat extremism. Because I will not allow terrorists to plot against the American people from safe havens half a world away.
As we meet here tonight, our men and women in uniform stand watch abroad and more are readying to deploy. To each and every one of them, and to the families who bear the quiet burden of their absence, Americans are united in sending one message: we honor your service, we are inspired by your sacrifice, and you have our unyielding support. To relieve the strain on our forces, my budget increases the number of our soldiers and Marines. And to keep our sacred trust with those who serve, we will raise their pay, and give our veterans the expanded health care and benefits that they have earned.
To overcome extremism, we must also be vigilant in upholding the values our troops defend – because there is no force in the world more powerful than the example of America. That is why I have ordered the closing of the detention center at Guantanamo Bay, and will seek swift and certain justice for captured terrorists – because living our values doesn’t make us weaker, it makes us safer and it makes us stronger. And that is why I can stand here tonight and say without exception or equivocation that the United States of America does not torture.
In words and deeds, we are showing the world that a new era of engagement has begun. For we know that America cannot meet the threats of this century alone, but the world cannot meet them without America. We cannot shun the negotiating table, nor ignore the foes or forces that could do us harm. We are instead called to move forward with the sense of confidence and candor that serious times demand.
To seek progress toward a secure and lasting peace between Israel and her neighbors, we have appointed an envoy to sustain our effort. To meet the challenges of the 21st century – from terrorism to nuclear proliferation; from pandemic disease to cyber threats to crushing poverty – we will strengthen old alliances, forge new ones, and use all elements of our national power.
And to respond to an economic crisis that is global in scope, we are working with the nations of the G-20 to restore confidence in our financial system, avoid the possibility of escalating protectionism, and spur demand for American goods in markets across the globe. For the world depends on us to have a strong economy, just as our economy depends on the strength of the world’s.
As we stand at this crossroads of history, the eyes of all people in all nations are once again upon us – watching to see what we do with this moment; waiting for us to lead.
Those of us gathered here tonight have been called to govern in extraordinary times. It is a tremendous burden, but also a great privilege – one that has been entrusted to few generations of Americans. For in our hands lies the ability to shape our world for good or for ill.
I know that it is easy to lose sight of this truth – to become cynical and doubtful; consumed with the petty and the trivial.
But in my life, I have also learned that hope is found in unlikely places; that inspiration often comes not from those with the most power or celebrity, but from the dreams and aspirations of Americans who are anything but ordinary.
I think about Leonard Abess, the bank president from Miami who reportedly cashed out of his company, took a $60 million bonus, and gave it out to all 399 people who worked for him, plus another 72 who used to work for him. He didn’t tell anyone, but when the local newspaper found out, he simply said, ''I knew some of these people since I was 7 years old. I didn't feel right getting the money myself."
I think about Greensburg, Kansas, a town that was completely destroyed by a tornado, but is being rebuilt by its residents as a global example of how clean energy can power an entire community – how it can bring jobs and businesses to a place where piles of bricks and rubble once lay. "The tragedy was terrible," said one of the men who helped them rebuild. "But the folks here know that it also provided an incredible opportunity."
And I think about Ty’Sheoma Bethea, the young girl from that school I visited in Dillon, South Carolina – a place where the ceilings leak, the paint peels off the walls, and they have to stop teaching six times a day because the train barrels by their classroom. She has been told that her school is hopeless, but the other day after class she went to the public library and typed up a letter to the people sitting in this room. She even asked her principal for the money to buy a stamp. The letter asks us for help, and says, "We are just students trying to become lawyers, doctors, congressmen like yourself and one day president, so we can make a change to not just the state of South Carolina but also the world. We are not quitters."
We are not quitters.
These words and these stories tell us something about the spirit of the people who sent us here. They tell us that even in the most trying times, amid the most difficult circumstances, there is a generosity, a resilience, a decency, and a determination that perseveres; a willingness to take responsibility for our future and for posterity.
Their resolve must be our inspiration. Their concerns must be our cause. And we must show them and all our people that we are equal to the task before us.
I know that we haven’t agreed on every issue thus far, and there are surely times in the future when we will part ways. But I also know that every American who is sitting here tonight loves this country and wants it to succeed. That must be the starting point for every debate we have in the coming months, and where we return after those debates are done. That is the foundation on which the American people expect us to build common ground.
And if we do – if we come together and lift this nation from the depths of this crisis; if we put our people back to work and restart the engine of our prosperity; if we confront without fear the challenges of our time and summon that enduring spirit of an America that does not quit, then someday years from now our children can tell their children that this was the time when we performed, in the words that are carved into this very chamber, "something worthy to be remembered." Thank you, God Bless you, and may God Bless the United States of America.
The White House
1600 Pennsylvania Ave NW
Washington, DC 20500
Tuesday, February 24th, 2009
Madame Speaker, Mr. Vice President, Members of Congress, and the First Lady of the United States:
I’ve come here tonight not only to address the distinguished men and women in this great chamber, but to speak frankly and directly to the men and women who sent us here.
I know that for many Americans watching right now, the state of our economy is a concern that rises above all others. And rightly so. If you haven’t been personally affected by this recession, you probably know someone who has – a friend; a neighbor; a member of your family. You don’t need to hear another list of statistics to know that our economy is in crisis, because you live it every day. It’s the worry you wake up with and the source of sleepless nights. It’s the job you thought you’d retire from but now have lost; the business you built your dreams upon that’s now hanging by a thread; the college acceptance letter your child had to put back in the envelope. The impact of this recession is real, and it is everywhere.
But while our economy may be weakened and our confidence shaken; though we are living through difficult and uncertain times, tonight I want every American to know this:
We will rebuild, we will recover, and the United States of America will emerge stronger than before.
The weight of this crisis will not determine the destiny of this nation. The answers to our problems don’t lie beyond our reach. They exist in our laboratories and universities; in our fields and our factories; in the imaginations of our entrepreneurs and the pride of the hardest-working people on Earth. Those qualities that have made America the greatest force of progress and prosperity in human history we still possess in ample measure. What is required now is for this country to pull together, confront boldly the challenges we face, and take responsibility for our future once more.
Now, if we’re honest with ourselves, we’ll admit that for too long, we have not always met these responsibilities – as a government or as a people. I say this not to lay blame or look backwards, but because it is only by understanding how we arrived at this moment that we’ll be able to lift ourselves out of this predicament.
The fact is, our economy did not fall into decline overnight. Nor did all of our problems begin when the housing market collapsed or the stock market sank. We have known for decades that our survival depends on finding new sources of energy. Yet we import more oil today than ever before. The cost of health care eats up more and more of our savings each year, yet we keep delaying reform. Our children will compete for jobs in a global economy that too many of our schools do not prepare them for. And though all these challenges went unsolved, we still managed to spend more money and pile up more debt, both as individuals and through our government, than ever before.
In other words, we have lived through an era where too often, short-term gains were prized over long-term prosperity; where we failed to look beyond the next payment, the next quarter, or the next election. A surplus became an excuse to transfer wealth to the wealthy instead of an opportunity to invest in our future. Regulations were gutted for the sake of a quick profit at the expense of a healthy market. People bought homes they knew they couldn’t afford from banks and lenders who pushed those bad loans anyway. And all the while, critical debates and difficult decisions were put off for some other time on some other day.
Well that day of reckoning has arrived, and the time to take charge of our future is here.
Now is the time to act boldly and wisely – to not only revive this economy, but to build a new foundation for lasting prosperity. Now is the time to jumpstart job creation, re-start lending, and invest in areas like energy, health care, and education that will grow our economy, even as we make hard choices to bring our deficit down. That is what my economic agenda is designed to do, and that’s what I’d like to talk to you about tonight.
It’s an agenda that begins with jobs.
As soon as I took office, I asked this Congress to send me a recovery plan by President’s Day that would put people back to work and put money in their pockets. Not because I believe in bigger government – I don’t. Not because I’m not mindful of the massive debt we’ve inherited – I am. I called for action because the failure to do so would have cost more jobs and caused more hardships. In fact, a failure to act would have worsened our long-term deficit by assuring weak economic growth for years. That’s why I pushed for quick action. And tonight, I am grateful that this Congress delivered, and pleased to say that the American Recovery and Reinvestment Act is now law.
Over the next two years, this plan will save or create 3.5 million jobs. More than 90% of these jobs will be in the private sector – jobs rebuilding our roads and bridges; constructing wind turbines and solar panels; laying broadband and expanding mass transit.
Because of this plan, there are teachers who can now keep their jobs and educate our kids. Health care professionals can continue caring for our sick. There are 57 police officers who are still on the streets of Minneapolis tonight because this plan prevented the layoffs their department was about to make.
Because of this plan, 95% of the working households in America will receive a tax cut – a tax cut that you will see in your paychecks beginning on April 1st.
Because of this plan, families who are struggling to pay tuition costs will receive a $2,500 tax credit for all four years of college. And Americans who have lost their jobs in this recession will be able to receive extended unemployment benefits and continued health care coverage to help them weather this storm.
I know there are some in this chamber and watching at home who are skeptical of whether this plan will work. I understand that skepticism. Here in Washington, we’ve all seen how quickly good intentions can turn into broken promises and wasteful spending. And with a plan of this scale comes enormous responsibility to get it right.
That is why I have asked Vice President Biden to lead a tough, unprecedented oversight effort – because nobody messes with Joe. I have told each member of my Cabinet as well as mayors and governors across the country that they will be held accountable by me and the American people for every dollar they spend. I have appointed a proven and aggressive Inspector General to ferret out any and all cases of waste and fraud. And we have created a new website called recovery.gov so that every American can find out how and where their money is being spent.
So the recovery plan we passed is the first step in getting our economy back on track. But it is just the first step. Because even if we manage this plan flawlessly, there will be no real recovery unless we clean up the credit crisis that has severely weakened our financial system.
I want to speak plainly and candidly about this issue tonight, because every American should know that it directly affects you and your family’s well-being. You should also know that the money you’ve deposited in banks across the country is safe; your insurance is secure; and you can rely on the continued operation of our financial system. That is not the source of concern.
The concern is that if we do not re-start lending in this country, our recovery will be choked off before it even begins.
You see, the flow of credit is the lifeblood of our economy. The ability to get a loan is how you finance the purchase of everything from a home to a car to a college education; how stores stock their shelves, farms buy equipment, and businesses make payroll.
But credit has stopped flowing the way it should. Too many bad loans from the housing crisis have made their way onto the books of too many banks. With so much debt and so little confidence, these banks are now fearful of lending out any more money to households, to businesses, or to each other. When there is no lending, families can’t afford to buy homes or cars. So businesses are forced to make layoffs. Our economy suffers even more, and credit dries up even further.
That is why this administration is moving swiftly and aggressively to break this destructive cycle, restore confidence, and re-start lending.
We will do so in several ways. First, we are creating a new lending fund that represents the largest effort ever to help provide auto loans, college loans, and small business loans to the consumers and entrepreneurs who keep this economy running.
Second, we have launched a housing plan that will help responsible families facing the threat of foreclosure lower their monthly payments and re-finance their mortgages. It’s a plan that won’t help speculators or that neighbor down the street who bought a house he could never hope to afford, but it will help millions of Americans who are struggling with declining home values – Americans who will now be able to take advantage of the lower interest rates that this plan has already helped bring about. In fact, the average family who re-finances today can save nearly $2000 per year on their mortgage.
Third, we will act with the full force of the federal government to ensure that the major banks that Americans depend on have enough confidence and enough money to lend even in more difficult times. And when we learn that a major bank has serious problems, we will hold accountable those responsible, force the necessary adjustments, provide the support to clean up their balance sheets, and assure the continuity of a strong, viable institution that can serve our people and our economy.
I understand that on any given day, Wall Street may be more comforted by an approach that gives banks bailouts with no strings attached, and that holds nobody accountable for their reckless decisions. But such an approach won’t solve the problem. And our goal is to quicken the day when we re-start lending to the American people and American business and end this crisis once and for all.
I intend to hold these banks fully accountable for the assistance they receive, and this time, they will have to clearly demonstrate how taxpayer dollars result in more lending for the American taxpayer. This time, CEOs won’t be able to use taxpayer money to pad their paychecks or buy fancy drapes or disappear on a private jet. Those days are over.
Still, this plan will require significant resources from the federal government – and yes, probably more than we’ve already set aside. But while the cost of action will be great, I can assure you that the cost of inaction will be far greater, for it could result in an economy that sputters along for not months or years, but perhaps a decade. That would be worse for our deficit, worse for business, worse for you, and worse for the next generation. And I refuse to let that happen.
I understand that when the last administration asked this Congress to provide assistance for struggling banks, Democrats and Republicans alike were infuriated by the mismanagement and results that followed. So were the American taxpayers. So was I.
So I know how unpopular it is to be seen as helping banks right now, especially when everyone is suffering in part from their bad decisions. I promise you – I get it.
But I also know that in a time of crisis, we cannot afford to govern out of anger, or yield to the politics of the moment. My job – our job – is to solve the problem. Our job is to govern with a sense of responsibility. I will not spend a single penny for the purpose of rewarding a single Wall Street executive, but I will do whatever it takes to help the small business that can’t pay its workers or the family that has saved and still can’t get a mortgage.
That’s what this is about. It’s not about helping banks – it’s about helping people. Because when credit is available again, that young family can finally buy a new home. And then some company will hire workers to build it. And then those workers will have money to spend, and if they can get a loan too, maybe they’ll finally buy that car, or open their own business. Investors will return to the market, and American families will see their retirement secured once more. Slowly, but surely, confidence will return, and our economy will recover.
So I ask this Congress to join me in doing whatever proves necessary. Because we cannot consign our nation to an open-ended recession. And to ensure that a crisis of this magnitude never happens again, I ask Congress to move quickly on legislation that will finally reform our outdated regulatory system. It is time to put in place tough, new common-sense rules of the road so that our financial market rewards drive and innovation, and punishes short-cuts and abuse.
The recovery plan and the financial stability plan are the immediate steps we’re taking to revive our economy in the short-term. But the only way to fully restore America’s economic strength is to make the long-term investments that will lead to new jobs, new industries, and a renewed ability to compete with the rest of the world. The only way this century will be another American century is if we confront at last the price of our dependence on oil and the high cost of health care; the schools that aren’t preparing our children and the mountain of debt they stand to inherit. That is our responsibility.
In the next few days, I will submit a budget to Congress. So often, we have come to view these documents as simply numbers on a page or laundry lists of programs. I see this document differently. I see it as a vision for America – as a blueprint for our future.
My budget does not attempt to solve every problem or address every issue. It reflects the stark reality of what we’ve inherited – a trillion dollar deficit, a financial crisis, and a costly recession.
Given these realities, everyone in this chamber – Democrats and Republicans – will have to sacrifice some worthy priorities for which there are no dollars. And that includes me.
But that does not mean we can afford to ignore our long-term challenges. I reject the view that says our problems will simply take care of themselves; that says government has no role in laying the foundation for our common prosperity.
For history tells a different story. History reminds us that at every moment of economic upheaval and transformation, this nation has responded with bold action and big ideas. In the midst of civil war, we laid railroad tracks from one coast to another that spurred commerce and industry. From the turmoil of the Industrial Revolution came a system of public high schools that prepared our citizens for a new age. In the wake of war and depression, the GI Bill sent a generation to college and created the largest middle-class in history. And a twilight struggle for freedom led to a nation of highways, an American on the moon, and an explosion of technology that still shapes our world.
In each case, government didn’t supplant private enterprise; it catalyzed private enterprise. It created the conditions for thousands of entrepreneurs and new businesses to adapt and to thrive.
We are a nation that has seen promise amid peril, and claimed opportunity from ordeal. Now we must be that nation again. That is why, even as it cuts back on the programs we don’t need, the budget I submit will invest in the three areas that are absolutely critical to our economic future: energy, health care, and education.
It begins with energy.
We know the country that harnesses the power of clean, renewable energy will lead the 21st century. And yet, it is China that has launched the largest effort in history to make their economy energy efficient. We invented solar technology, but we’ve fallen behind countries like Germany and Japan in producing it. New plug-in hybrids roll off our assembly lines, but they will run on batteries made in Korea.
Well I do not accept a future where the jobs and industries of tomorrow take root beyond our borders – and I know you don’t either. It is time for America to lead again.
Thanks to our recovery plan, we will double this nation’s supply of renewable energy in the next three years. We have also made the largest investment in basic research funding in American history – an investment that will spur not only new discoveries in energy, but breakthroughs in medicine, science, and technology.
We will soon lay down thousands of miles of power lines that can carry new energy to cities and towns across this country. And we will put Americans to work making our homes and buildings more efficient so that we can save billions of dollars on our energy bills.
But to truly transform our economy, protect our security, and save our planet from the ravages of climate change, we need to ultimately make clean, renewable energy the profitable kind of energy. So I ask this Congress to send me legislation that places a market-based cap on carbon pollution and drives the production of more renewable energy in America. And to support that innovation, we will invest fifteen billion dollars a year to develop technologies like wind power and solar power; advanced biofuels, clean coal, and more fuel-efficient cars and trucks built right here in America.
As for our auto industry, everyone recognizes that years of bad decision-making and a global recession have pushed our automakers to the brink. We should not, and will not, protect them from their own bad practices. But we are committed to the goal of a re-tooled, re-imagined auto industry that can compete and win. Millions of jobs depend on it. Scores of communities depend on it. And I believe the nation that invented the automobile cannot walk away from it.
None of this will come without cost, nor will it be easy. But this is America. We don’t do what’s easy. We do what is necessary to move this country forward.
For that same reason, we must also address the crushing cost of health care.
This is a cost that now causes a bankruptcy in America every thirty seconds. By the end of the year, it could cause 1.5 million Americans to lose their homes. In the last eight years, premiums have grown four times faster than wages. And in each of these years, one million more Americans have lost their health insurance. It is one of the major reasons why small businesses close their doors and corporations ship jobs overseas. And it’s one of the largest and fastest-growing parts of our budget.
Given these facts, we can no longer afford to put health care reform on hold.
Already, we have done more to advance the cause of health care reform in the last thirty days than we have in the last decade. When it was days old, this Congress passed a law to provide and protect health insurance for eleven million American children whose parents work full-time. Our recovery plan will invest in electronic health records and new technology that will reduce errors, bring down costs, ensure privacy, and save lives. It will launch a new effort to conquer a disease that has touched the life of nearly every American by seeking a cure for cancer in our time. And it makes the largest investment ever in preventive care, because that is one of the best ways to keep our people healthy and our costs under control.
This budget builds on these reforms. It includes an historic commitment to comprehensive health care reform – a down-payment on the principle that we must have quality, affordable health care for every American. It’s a commitment that’s paid for in part by efficiencies in our system that are long overdue. And it’s a step we must take if we hope to bring down our deficit in the years to come.
Now, there will be many different opinions and ideas about how to achieve reform, and that is why I’m bringing together businesses and workers, doctors and health care providers, Democrats and Republicans to begin work on this issue next week.
I suffer no illusions that this will be an easy process. It will be hard. But I also know that nearly a century after Teddy Roosevelt first called for reform, the cost of our health care has weighed down our economy and the conscience of our nation long enough. So let there be no doubt: health care reform cannot wait, it must not wait, and it will not wait another year.
The third challenge we must address is the urgent need to expand the promise of education in America.
In a global economy where the most valuable skill you can sell is your knowledge, a good education is no longer just a pathway to opportunity – it is a pre-requisite.
Right now, three-quarters of the fastest-growing occupations require more than a high school diploma. And yet, just over half of our citizens have that level of education. We have one of the highest high school dropout rates of any industrialized nation. And half of the students who begin college never finish.
This is a prescription for economic decline, because we know the countries that out-teach us today will out-compete us tomorrow. That is why it will be the goal of this administration to ensure that every child has access to a complete and competitive education – from the day they are born to the day they begin a career.
Already, we have made an historic investment in education through the economic recovery plan. We have dramatically expanded early childhood education and will continue to improve its quality, because we know that the most formative learning comes in those first years of life. We have made college affordable for nearly seven million more students. And we have provided the resources necessary to prevent painful cuts and teacher layoffs that would set back our children’s progress.
But we know that our schools don’t just need more resources. They need more reform. That is why this budget creates new incentives for teacher performance; pathways for advancement, and rewards for success. We’ll invest in innovative programs that are already helping schools meet high standards and close achievement gaps. And we will expand our commitment to charter schools.
It is our responsibility as lawmakers and educators to make this system work. But it is the responsibility of every citizen to participate in it. And so tonight, I ask every American to commit to at least one year or more of higher education or career training. This can be community college or a four-year school; vocational training or an apprenticeship. But whatever the training may be, every American will need to get more than a high school diploma. And dropping out of high school is no longer an option. It’s not just quitting on yourself, it’s quitting on your country – and this country needs and values the talents of every American. That is why we will provide the support necessary for you to complete college and meet a new goal: by 2020, America will once again have the highest proportion of college graduates in the world.
I know that the price of tuition is higher than ever, which is why if you are willing to volunteer in your neighborhood or give back to your community or serve your country, we will make sure that you can afford a higher education. And to encourage a renewed spirit of national service for this and future generations, I ask this Congress to send me the bipartisan legislation that bears the name of Senator Orrin Hatch as well as an American who has never stopped asking what he can do for his country – Senator Edward Kennedy.
These education policies will open the doors of opportunity for our children. But it is up to us to ensure they walk through them. In the end, there is no program or policy that can substitute for a mother or father who will attend those parent/teacher conferences, or help with homework after dinner, or turn off the TV, put away the video games, and read to their child. I speak to you not just as a President, but as a father when I say that responsibility for our children's education must begin at home.
There is, of course, another responsibility we have to our children. And that is the responsibility to ensure that we do not pass on to them a debt they cannot pay. With the deficit we inherited, the cost of the crisis we face, and the long-term challenges we must meet, it has never been more important to ensure that as our economy recovers, we do what it takes to bring this deficit down.
I’m proud that we passed the recovery plan free of earmarks, and I want to pass a budget next year that ensures that each dollar we spend reflects only our most important national priorities.
Yesterday, I held a fiscal summit where I pledged to cut the deficit in half by the end of my first term in office. My administration has also begun to go line by line through the federal budget in order to eliminate wasteful and ineffective programs. As you can imagine, this is a process that will take some time. But we’re starting with the biggest lines. We have already identified two trillion dollars in savings over the next decade.
In this budget, we will end education programs that don’t work and end direct payments to large agribusinesses that don’t need them. We’ll eliminate the no-bid contracts that have wasted billions in Iraq, and reform our defense budget so that we’re not paying for Cold War-era weapons systems we don’t use. We will root out the waste, fraud, and abuse in our Medicare program that doesn’t make our seniors any healthier, and we will restore a sense of fairness and balance to our tax code by finally ending the tax breaks for corporations that ship our jobs overseas.
In order to save our children from a future of debt, we will also end the tax breaks for the wealthiest 2% of Americans. But let me perfectly clear, because I know you’ll hear the same old claims that rolling back these tax breaks means a massive tax increase on the American people: if your family earns less than $250,000 a year, you will not see your taxes increased a single dime. I repeat: not one single dime. In fact, the recovery plan provides a tax cut – that’s right, a tax cut – for 95% of working families. And these checks are on the way.
To preserve our long-term fiscal health, we must also address the growing costs in Medicare and Social Security. Comprehensive health care reform is the best way to strengthen Medicare for years to come. And we must also begin a conversation on how to do the same for Social Security, while creating tax-free universal savings accounts for all Americans.
Finally, because we’re also suffering from a deficit of trust, I am committed to restoring a sense of honesty and accountability to our budget. That is why this budget looks ahead ten years and accounts for spending that was left out under the old rules – and for the first time, that includes the full cost of fighting in Iraq and Afghanistan. For seven years, we have been a nation at war. No longer will we hide its price.
We are now carefully reviewing our policies in both wars, and I will soon announce a way forward in Iraq that leaves Iraq to its people and responsibly ends this war.
And with our friends and allies, we will forge a new and comprehensive strategy for Afghanistan and Pakistan to defeat al Qaeda and combat extremism. Because I will not allow terrorists to plot against the American people from safe havens half a world away.
As we meet here tonight, our men and women in uniform stand watch abroad and more are readying to deploy. To each and every one of them, and to the families who bear the quiet burden of their absence, Americans are united in sending one message: we honor your service, we are inspired by your sacrifice, and you have our unyielding support. To relieve the strain on our forces, my budget increases the number of our soldiers and Marines. And to keep our sacred trust with those who serve, we will raise their pay, and give our veterans the expanded health care and benefits that they have earned.
To overcome extremism, we must also be vigilant in upholding the values our troops defend – because there is no force in the world more powerful than the example of America. That is why I have ordered the closing of the detention center at Guantanamo Bay, and will seek swift and certain justice for captured terrorists – because living our values doesn’t make us weaker, it makes us safer and it makes us stronger. And that is why I can stand here tonight and say without exception or equivocation that the United States of America does not torture.
In words and deeds, we are showing the world that a new era of engagement has begun. For we know that America cannot meet the threats of this century alone, but the world cannot meet them without America. We cannot shun the negotiating table, nor ignore the foes or forces that could do us harm. We are instead called to move forward with the sense of confidence and candor that serious times demand.
To seek progress toward a secure and lasting peace between Israel and her neighbors, we have appointed an envoy to sustain our effort. To meet the challenges of the 21st century – from terrorism to nuclear proliferation; from pandemic disease to cyber threats to crushing poverty – we will strengthen old alliances, forge new ones, and use all elements of our national power.
And to respond to an economic crisis that is global in scope, we are working with the nations of the G-20 to restore confidence in our financial system, avoid the possibility of escalating protectionism, and spur demand for American goods in markets across the globe. For the world depends on us to have a strong economy, just as our economy depends on the strength of the world’s.
As we stand at this crossroads of history, the eyes of all people in all nations are once again upon us – watching to see what we do with this moment; waiting for us to lead.
Those of us gathered here tonight have been called to govern in extraordinary times. It is a tremendous burden, but also a great privilege – one that has been entrusted to few generations of Americans. For in our hands lies the ability to shape our world for good or for ill.
I know that it is easy to lose sight of this truth – to become cynical and doubtful; consumed with the petty and the trivial.
But in my life, I have also learned that hope is found in unlikely places; that inspiration often comes not from those with the most power or celebrity, but from the dreams and aspirations of Americans who are anything but ordinary.
I think about Leonard Abess, the bank president from Miami who reportedly cashed out of his company, took a $60 million bonus, and gave it out to all 399 people who worked for him, plus another 72 who used to work for him. He didn’t tell anyone, but when the local newspaper found out, he simply said, ''I knew some of these people since I was 7 years old. I didn't feel right getting the money myself."
I think about Greensburg, Kansas, a town that was completely destroyed by a tornado, but is being rebuilt by its residents as a global example of how clean energy can power an entire community – how it can bring jobs and businesses to a place where piles of bricks and rubble once lay. "The tragedy was terrible," said one of the men who helped them rebuild. "But the folks here know that it also provided an incredible opportunity."
And I think about Ty’Sheoma Bethea, the young girl from that school I visited in Dillon, South Carolina – a place where the ceilings leak, the paint peels off the walls, and they have to stop teaching six times a day because the train barrels by their classroom. She has been told that her school is hopeless, but the other day after class she went to the public library and typed up a letter to the people sitting in this room. She even asked her principal for the money to buy a stamp. The letter asks us for help, and says, "We are just students trying to become lawyers, doctors, congressmen like yourself and one day president, so we can make a change to not just the state of South Carolina but also the world. We are not quitters."
We are not quitters.
These words and these stories tell us something about the spirit of the people who sent us here. They tell us that even in the most trying times, amid the most difficult circumstances, there is a generosity, a resilience, a decency, and a determination that perseveres; a willingness to take responsibility for our future and for posterity.
Their resolve must be our inspiration. Their concerns must be our cause. And we must show them and all our people that we are equal to the task before us.
I know that we haven’t agreed on every issue thus far, and there are surely times in the future when we will part ways. But I also know that every American who is sitting here tonight loves this country and wants it to succeed. That must be the starting point for every debate we have in the coming months, and where we return after those debates are done. That is the foundation on which the American people expect us to build common ground.
And if we do – if we come together and lift this nation from the depths of this crisis; if we put our people back to work and restart the engine of our prosperity; if we confront without fear the challenges of our time and summon that enduring spirit of an America that does not quit, then someday years from now our children can tell their children that this was the time when we performed, in the words that are carved into this very chamber, "something worthy to be remembered." Thank you, God Bless you, and may God Bless the United States of America.
The White House
1600 Pennsylvania Ave NW
Washington, DC 20500
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)