5/11/11

Ross Terrill - Trung Quốc muốn gì ?

Trung Quốc muốn gì?*
Ross Terrill
Đại học Harvard, Mỹ

Khi Trung Quốc lần đầu tiên làm Mỹ tò mò vào cuối thế kỷ 18, chúng
ta muốn trà và lụa của họ. Các nhà truyền giáo Mỹ và các thương nhân
đến Quảng Châu và các cảng khác chẳng bận tâm nghĩ xem Trung Quốc
có thể muốn gì ở chúng ta - chỉ là phúc âm Kitô giáo, đồ tiêu dùng lặt vặt
và thuốc lá, dường như họ cho là như vậy. Trong nhiều năm kể từ khi ấy
đến nay, người Mỹ ít có dịp để cân nhắc lại câu hỏi này. Khuôn mẫu lịch
sử là nước Mỹ ảnh hưởng đến Trung Quốc, và động lực không ngang
bằng đó đạt đến cao điểm trong liên minh với chính phủ Quốc Dân Đảng
khập khễnh của Tưởng Giới Thạch chống các cường quốc phát xít trong
Thế Chiến thứ II. Trong những năm 1940, người ta nghĩ rằng ước vọng
Trung Quốc đơn giản chỉ là hồi phục từ ách thống trị của Nhật, sự nghèo
đói, mất đoàn kết, và tham nhũng.
Khi “Trung Quốc của chúng ta”(chính quyền Quốc Dân Đảng của
Tưởng Giới Thạch) bị tan thành khói vào cuối thập niên 1940, và những
người Cộng Sản chiếm lấy Bắc Kinh, thì Trung Quốc trở thành một Kẻ
Khác. Trong những năm gay gắt sau chiến thắng của Mao Trạch Đông
vào năm 1949, Trung Quốc đã vượt ra ngoài vùng ảnh hưởng của chúng
ta. Nhưng chúng ta vẫn biết Trung Quốc muốn gì: Mao đã cảnh báo
rằng ông sẽ ”nghiêng về một phía,”và ngay sau đó ông ta tuyên bố,
“Liên Xô hôm nay là ngày mai của Trung Quốc.”Chúng ta là “bọn đế
quốc”, và Mao chống lại chúng ta.
* Phỏng dịch bài “What does China Want?”, Wilson Quarterly, Mùa thu 2005.
†Ross Terrill, chuyên gia nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu Đông Á
Fairbank thuộc Đại học Harvard , là tác giả cuốn Mao (1999), Trung
Quốc trong Thời đại của chúng ta (1992), và Bà Mao (2000). Cuốn sách
gần đây nhất của ông, Đế chế Trung Hoa mới, được giải của Los Angeles
Times Book năm 2004.

Sau khi Moscow và Bắc Kinh xích mích vào đầu những năm 1960 và
chiến tranh Việt Nam leo thang sau đó trong cùng thập kỷ, thì những
mong muốn của Trung Quốc trở nên phức tạp hơn. Trong cái gọi là Cách
mạng Văn hóa của những năm 1960, những lĩnh vực Mao Trạch Đông
quan tâm có vẻ phi lý đối với Mỹ, cũng như đối với Moscow và hầu hết
các nước trên thế giới. Tuy nhiên, vào năm 1971 Bắc Kinh cho Tổng
thống Richard Nixon thấy là họ muốn nghiêng về phía Mỹ để giúp một
nước Mỹ mà họ cho là yếu đi đối trọng với sự nổi lên của Liên Xô.
Ngày nay, một lần nữa, các mục tiêu của Trung Quốc trở nên khó
nhận ra, nhưng sự hiểu biết các mục tiêu này lại bức xúc hơn bao giờ hết.
Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991 và sự lan tràn của dân chủ trên
khắp thế giới, Trung Quốc là một hiện tượng khó hiểu: thành công kinh
tế dưới một chế độ cộng sản. Thế giới biết rõ Hoa Kỳ bênh vực cái gì: đó
là thị trường tự do và dân chủ ở bất cứ nơi nào có thể. Và cũng biết
Osama bin Laden muốn cái gì: đó là sự khôi phục thần quyền của các
giáo chủ đạo Hồi. Mục tiêu của Trung Quốc thì không rõ ràng như thế.
Người Trung Quốc nghĩ đến tiền, trong thời hậu Mao, hậu Liên Xô,
muốn gì? Câu hỏi này làm nhiều người Mỹ thắc mắc - và âu lo.
Mặc dù ảnh hưởng của Trung Quốc đã lên cao trong những năm qua,
Bắc Kinh vẫn còn xu hướng cư xử theo kiểu phản ứng, thay vì theo đuổi
những mục tiêu rõ rệt, ngoài biên giới của họ. (Nhấn mạnh của người
dịch: Bài này được xuất nản năm 2005.) Điều này làm một số người an
lòng, họ cho rằng Trung Quốc là một cường quốc thận trọng, thậm chí
bảo thủ. Và, trong mức độ nào đó, quốc gia ấy quả là vậy. Song đấy
không phải là trọn câu chuyện. Thật ra, Bắc Kinh chỉ cư xử kiểu phòng
thủ trong ba khía cạnh cơ bản: Một là, họ tự thấy mình như đang hồi
phục từ tình trạng lạc hậu kinh tế; hai là, họ đối phó, trong sự nản lòng
thầm lặng, với sự yếu đuối của họ so với sức mạnh của Mỹ, và ba là, họ
tham gia vào nhiều tổ chức quốc tế chỉ với mục đích hạn hẹp là để ngăn
ngừa chương trình nghị sự của các tổ chức này gây phiền toái cho Trung
Quốc. Cách hành xử phòng thủ này có thể cho ấn tượng rằng Bắc Kinh
có sự lưỡng lự: liệu nên tìm cách trở về vị trí đứng đầu châu Á như thời
đế quốc trước đây, thuở “Vương quốc Trung tâm”, hoặc nên tham gia cái
mà những người không phải Trung Quốc gọi là “cộng đồng quốc tế.”Tất
nhiên, có thể chỉ đơn giản là Trung Quốc đang chơi trò chờ thời, che giấu
những ý đồ mà hiện nay dường như quá khó thực hiện.
Không giống như Mỹ hay tuyên bố ầm ĩ các mục tiêu của họ, Trung
Quốc có vẻ muốn giữ các ý định của họ trong bọc kín. Nếu bạn đọc các
bài phát biểu của chủ tịch Hồ Cẩm Đào, cũng là lãnh đạo Đảng Cộng sản
và là người đứng đầu quân đội, hoặc những phát biểu của người tiền
nhiệm của ông là Giang Trạch Dân, thì “hòa bình và phát triển”dường
như là mục tiêu của chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Cụm từ này
đưa thông tin nhưng cũng đánh lạc hướng. Hòa bình và phát triển là
phương tiện chứ không phải là cứu cánh cho chính sách đối ngoại của
Bắc Kinh. Nói rằng chúng là mục tiêu của Trung Quốc thì cũng như nói
rằng mục tiêu ngày mai của Hồ Cẩm Đào là sẽ mặc quần và đánh răng.
Trong thế giới ngày nay, Trung Quốc là khác thường vì họ vừa một
phần là đế chế và một phần là quốc gia hiện đại. Một nhà nước đảng trị
theo chủ nghĩa Mác-Lênin hiện đại hóa đã được thiết lập trên một truyền
thống cai trị thành công rất lâu đời và tinh thần đế quốc nằm trong truyền
thống ấy. Đặc tính này kéo dài đế chế chuyên quyền vào một kỷ nguyên
mà các đế chế thường là đa quốc gia. Đáng kinh ngạc là Cộng sản Trung
Quốc thừa kế biên giới của đế chế nhà Thanh vào thời điểm cực đại, bao
gồm Tây Tạng, nam Mông Cổ, và tây Hồi có thời từng là Đông
Turkestan. Song, một Trung Quốc hiện đại hóa đang bị giằng co: Nên
tiếp tục đế chế vì vinh quang của Trung Quốc? Hay là theo một nền
chính trị hậu đế quốc tự nhiên nảy sinh từ xã hội và nền kinh tế mới như
hình ảnh của Thượng Hải, Quảng Châu, và Bắc Kinh hiện nay?
Lực thúc đẩy chuyển hóa Vương quốc Trung tâm ngày xưa thành một
bá quyền không dựa trên đạo lý Nho giáo nhưng trên quyền lực kinh tế,
là vẫn còn, nhưng gặp hai lực phản. Một là, đến một lúc nào đó, sự tùy
thuộc lẫn nhau giữa các nước về kinh tế và văn hóa trên thế giới sẽ đụng
đến tác phong gia trưởng chính trị. Hai là, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, và
các cường quốc khác có thể sẽ không cho phép có một tân-Vương quốc
Trung tâm như thế.
Vì Trung Quốc là một nhà nước độc tài, ta không thể biết người dân
Trung Quốc muốn gì. Ta lại càng khó định hướng tương lai nền văn
minh Trung Quốc, chẳng hạn khó thể nói rằng nó sẽ “đụng độ”với đạo
Hồi hoặc với nền văn minh phương Tây hay không. Chúng ta có thể trả
lời câu hỏi về các mục tiêu của Trung Quốc chỉ dựa theo các hành động
của nhà nước độc đảng Bắc Kinh hiện nay. Chín ông “kỹ sư”làm nên Uỷ
ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang
tìm kiếm điều gì cho Trung Quốc? Chúng ta có thể nhận ra sáu mục tiêu
trong hành động của họ.

Trung Quốc theo đuổi một chính sách đối ngoại nhằm tối đa hóa sự
ổn định trong nước. Điều này cũng đúng với nhiều quốc gia khác, nhưng
với Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc (CHNDTQ) thì tầm quan trọng của
nó rất cao hơn. Bắc Kinh hậu-1949 ít khi xem việc kiểm soát nhân dân
của họ là việc dễ dàng, cũng như việc này đã không đuợc coi là dễ dàng
bởi các nhà cầm quyền Trung Quốc qua 150 năm bị nước ngoài chèn ép
và những khó khăn trong nước đánh dấu sự suy tàn của triều đại nhà
Thanh. Từ buổi đầu của CHNDTQ cho đến nay, Bắc Kinh luôn cảnh giác
việc bị mất khả năng kiểm soát các vùng xa xôi.

Ba tỉnh lớn nhất của Trung Quốc, Tân Cương, Tây Tạng và Nội
Mông về mặt lịch sử không phải lãnh thổ Trung Quốc, và người dân địa
phương ở đó khác biệt về tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa, và cách sống điển
hình so với người Hán. Đối phó với các nhóm dân thiểu số có thể thích
độc lập hơn là thích bị Trung Quốc thống trị đã khiến Bắc Kinh phải
dùng đến các biện pháp nửa thực dân. Ở Tây Tạng, giáo dục đại học chỉ
dành cho các những ai nói tiếng Hoa, cả vùng phía tây rộng lớn của
Trung Quốc đều theo giờ Bắc Kinh, và dân số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ
(Uyghur) ở Tân Cương đã được cố ý làm loãng ra bằng biện pháp nhập
cư nội bộ của Trung Quốc, đó chỉ là vài ví dụ. Ngoài ra, luận điệu của
ĐCSTQ như là nguồn mạch của sự thật cũng như của quyền lực tạo ra
nhiều khu vực cấm tinh thần phải được theo dõi sát. Bất kỳ khác biệt nào
về triết lý cũng bị xem, có hoặc không có biện minh, như là một mối đe
dọa chính trị đối với ĐCSTQ. Chế độ này tin bạn với tiền của bạn chứ
không tin bạn với đầu óc của bạn.
Năm 1998, trong một chuyến thăm Nhật Bản, Giang Trạch Dân đã
đọc 20 bài diễn văn gây sửng sốt về Thế Chiến thứ II. Trưởng thư ký nội
các Nhật Bản cuối cùng đã nản lòng mà nói rằng “chẳng phải những lỗi
lầm ấy đều đã ở sau lưng chúng ta rồi sao?”. Nhưng tội lỗi của Nhật Bản
trong quá khứ sẽ không bao giờ “ở đàng sau chúng ta”cả, khi nào mà
nhà nước đế quốc ở Bắc Kinh còn cảm thấy nhu cầu chứng tỏ sự chính
đáng của họ với người dân Trung Quốc bằng cách hét to “bọn quân phiệt
Nhật!”. Những bất an kiểu này định hình chính sách ngọai giao của
Trung Quốc. Vì vậy, những giao dịch với Nam Á là nhằm mục đích làm
suy yếu mối liên kết giữa Tây Tạng và chính phủ Tây Tạng lưu vong ở
Ấn Độ -- tương tự, nhiều giao dịch với Trung Á là nhằm làm giảm hy
vọng ly khai của người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) ở Tân Cương. Cũng
chính mục tiêu kiểm sóat trong nước đã chi phối chính sách của Trung
Quốc đối với Mông Cổ, Hàn Quốc, Thái Lan và các nước láng giềng
khác. Tóm lại, CHNDTQ là một bán đế chế đa dạng, với nhiều cư dân có
các liên hệ chủng tộc, tôn giáo, hoặc lịch sử với các dân tộc nằm ngay
bên kia biên giới của Trung Quốc. Và CHNDTQ là một chế độ chuyên
chế mà, dường như để đối phó với những ác mộng mà họ gây cho họ, cư
xử giống như những người cai trị sợ hãi người dân của chính họ.
Như thế, mục tiêu đầu tiên của Trung Quốc là sự ổn định nội bộ.
Mục tiêu thứ hai của chính sách ngoại giao của Bắc Kinh là duy trì
tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Khi chủ nghĩa Mác phai nhạt dần và
không có triết lý công cộng chính thức nào thay thế nó thì một mức sống
được nâng cao và niềm tự hào quốc gia đã chính đáng hóa một chế độ
không bao giờ phải đối mặt với bầu cử. Những thành tựu kinh tế trong
phần tư thế kỷ kể từ khi Đặng Tiểu Bình cầm quyền lãnh đạo trong thời
kỳ hậu-Mao chắc chắn là đáng được giữ gìn. Nền kinh tế đã tăng gấp bốn
lần về kích cỡ, và tốc độ tăng trưởng hàng năm vẫn tiếp tục ở mức 8-9%
(theo số liệu của chính phủ). Ngoại thương nói chung đã tăng gấp 10;
gần đây, khối lượng giao thương với nước ngoài đã tăng lên 25% mỗi
năm. Sự tăng trưởng kinh tế hậu-Mao được đẩy mạnh bởi vốn nước
ngoài, và các khu vực đô thị ven biển được hưởng lợi nhiều nhất từ
thương mại, công nghệ và kỹ năng quản lý mà đầu tư này mang lại.
Nông dân đã khá hơn trong những đợt cải cách đầu tiên, nhưng sau đó thì
đã bị tụt lại phía sau cư dân thành phố một cách thê thảm, chỉ vào khoảng
15% nông dân được hưởng những thứ thường có trong cuộc sống của
tầng lớp trung lưu hiện đại: điện thoại di động, truy cập internet, xe hơi,
sở hữu nhà, và du lịch ra nước ngòai.
Bắc Kinh đang cẩn thận hoạch định một chính sách đối ngoại để duy
trì tăng trưởng kinh tế, nhằm bảo toàn tính chính đáng của chế độ. Đó là
lý do khiến Trung Quốc đã phải chấp nhận các đòi hỏi khắt khe của Mỹ
và những nước khác để được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào
năm 2001, cũng do đó mà Trung Quốc có những hành động tung hứng
tương đối minh bạch về tỉ giá giữa nhân dân tệ và đô la, và cũng do đó có
sự tự kềm chế của Trung Quốc trong tháng sáu vừa qua khi Úc cho phép
một nhà ngoại giao đào thoát của Trung Quốc được quy chế thường trú
tại Úc. (Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào khí thiên nhiên hóa lỏng,
than đá, và quặng sắt của Úc.) Chắc chắn một phần để tránh thiệt hại cho
lượng xuất khẩu khổng lồ của Trung Quốc sang thị trường Mỹ mà Bắc
Kinh đã đình chỉ các vụ thử tên lửa khiêu khích tổ chức ngoài bờ biển
của Đài Loan nhằm biểu lộ sự không hài lòng của Trung Quốc đối với
một ứng cử viên ủng hộ độc lập trong cuộc bầu cử tổng thống của hòn
đảo này năm1996. (Tổng thống Bill Clinton đã phái hai tàu sân bay đến
vùng lân cận.) Và vào năm 2001, sau một vụ va chạm giữa các máy bay
quân sự của Mỹ và của Trung Quốc gần đảo Hải Nam, Bắc Kinh đột
ngột ngưng những lời to tiếng “chống bá quyền”ban đầu của họ và trao
trả toàn bộ nhân viên phi hành Mỹ - một lần nữa để bảo vệ mối quan hệ
song phương cốt lõi cần cho việc đẩy mạnh hiện đại hóa kinh tế của
Trung Quốc.
Mục tiêu thứ ba của chính sách đối ngoại của Bắc Kinh là duy trì một
môi trường hòa bình trong vị trí địa lý phức tạp của Trung Quốc.
CHNDTQ là nước duy nhất trên thế giới phải đối phó với 14 nước láng
giềng tiếp giáp, bảy trong số đó chia sẻ đường biên giới dài hơn 600
dặm, và bốn nước khác gần bên bờ biển quá dài của Trung Quốc. Trong
30 năm đầu của chế độ, CHNDTQ đã tiến hành chiến tranh với tất cả
năm nước cạnh bên sườn của họ. Trong chiến tranh Triều Tiên, họ phải
chịu thiệt hại với hơn một triệu thương vong. Trung Quốc đã đánh nhau
với Ấn Độ vào năm 1959 và 1962. Họ đã gửi 320.000 cán bộ kỹ thuật và
bộ đội phòng không giúp Hồ Chí Minh giành chiến thắng trong chiến
tranh Việt Nam. Năm 1969, hai nước xem là xã hội chủ nghĩa anh em là
Moscow và Bắc Kinh đã vung kiếm đánh nhau ở sông Amur và Ussuri
phía đông bắc. Trong năm 1979, Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình tấn
công Việt Nam để “dạy cho Hà Nội một bài học”.

Đáng khen cho Trung Quốc và đáng làm cho các nước châu Á nhẹ
nhỏm, vào những năm 1980 Bắc Kinh đã theo đuổi một chính sách đối
ngoại mới của “những nụ cười về mọi phía”, mà họ gọi là một “chính
sách hòa bình và độc lập.”Không tiến hành thêm chiến tranh sau năm
1979, Bắc Kinh nhanh chóng làm dịu các mối quan hệ với Liên Xô, hàn
gắn hàng rào bị vỡ với Indonesia, bất ngờ công nhận Hàn Quốc và nhét
khăn vào cổ họng giận dữ của Bắc Triều Tiên, thiết lập và chia sẻ nhiệm
vụ người canh cổng với Moscow ở Trung Á, tham gia sinh hoạt các tổ
chức quốc tế hàng tháng, và cuối cùng trở nên dính chặt với Hoa Kỳ
(ngoại trừ trong mối quan hệ quân sự) hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử
Trung Quốc. Trong một sự thay đổi rất nổi bật từ những cái đã là đúng
đối với hầu hết lịch sử của CHNDTQ, Bắc Kinh ngày nay không có kẻ
thù.
Sự thận trọng chờ thời vẫn đang tiếp tục. Trong các cuộc đàm phán
sáu bên đang diễn ra hiện nay (Bài này đăng năm 2005 - Người dịch) về
bán đảo Triều Tiên, Bắc Kinh với kiểu cách mập mờ, đang theo đuổi một
chính sách (không nằm trong lợi ích của Mỹ) gìn giữ hòa bình bằng cách
bám vào tình trạng hiện hữu. Một đất nước Triều Tiên bị chia cắt, dù
vẫn tiếp tục với những quay cuồng sởn tóc gáy trong chính sách của Bình
Nhưỡng, sẽ tốt cho Trung Quốc hơn là một Triều Tiên thống nhất với
định hướng khó tiên đoán. Ở Trung Á cũng vậy, Bắc Kinh chỉ chọn “các
cuộc đàm phán”về phân định cắm mốc biên giới và về các vấn đề “ly
khai”đùng đẩy các vấn đề xuống dưới thảm và duy trì nguyên trạng.
Khi bước sang thế kỷ 21 thì rõ ràng là Bắc Kinh đã không còn theo
chính sách “những nụ cười về mọi phía”, họ đổi sang đặt định nền móng
cho một phiên bản Trung Quốc của Học thuyết Monroe ở Đông Á. Mục
tiêu thứ tư này của Trung Quốc tất nhiên là không được nói ra. Trung
Quốc cố thay thế Mỹ trong vai trò gây ảnh hưởng chính yếu ở Đông Á.
Thật không may, các dự án do Washington cầm đầu ở Afghanistan và
Iraq có thể đã làm cho chính quyền của Tổng thống Bush và công chúng
Mỹ quên để ý sự chuẩn bị mà Bắc Kinh đang tiến hành cho sự thống trị
trong tương lai. Đáng lẽ Mỹ phải chú tâm sát sao tới những động thái
này.
Mục tiêu thứ tư dựa vào uy tín lên cao của Trung Quốc do không bị
xáo trộn bởi hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998,
và vào sự thành công kinh tế trong hai thập kỷ của nước này. Cụ thể hơn,
dù vẫn là tiêu cực, chủ đích của Trung Quốc trở nên khá rõ ràng. Trên
một ít vấn đề toàn cầu mà các lợi ích Trung Quốc và Mỹ trùng hợp, hoặc
Bắc Kinh không thể chống lại một cách có hiệu quả chính sách của Mỹ,
thì hoặc họ sẽ đi theo Mỹ, hoặc “bỏ phiếu vắng mặt”, hoặc phản đối
Washington một cách yếu ớt. Nhưng ở châu Á, các nhà lãnh đạo Trung
Quốc đang làm nhiều thứ để làm nãn lòng và loại Mỹ ra ngòai. Họ tìm
cách chèn một cây nêm giữa Nhật Bản và Mỹ trong mọi cơ hội. Họ thì
thầm trong tai Australia rằng sẽ tốt cho Canberra hơn nếu chỉ nhìn Châu
Á chứ không nhìn qua bên kia Thái Bình Dương. Trong tháng mười hai
(năm 2005, chú thích của người dịch), một cột mốc quan trọng là ở hội
nghị thượng đỉnh Đông Á họp tại Malaysia mà không có đại diện của
Mỹ, một phần vì áp lực của Trung Quốc. Bắc Kinh coi hội nghị thượng
đỉnh này như một bước tiến tới hình thành một tổ chức khu vực Đông Á
không bao gồm Mỹ.
Trên diễn trường Đông Nam Á, có thể nghe không nhầm lẫn khúc dạo
đầu một Học thuyết Monroe Trung Quốc ở Myanmar và ở nhiều nước
khác. Myanmar nhận được viện trợ đáng kể của Trung Quốc, bao gồm cả
kinh phí cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. Các nhà lãnh đạo
Myanmar lo ngại việc Hán hóa ở miền bắc Myanmar, nơi mà người gốc
Hán sống và buôn bán. Nhưng cũng giống như nước Myanmar chư hầu
ngày xưa phải triều cống cho thiên triều Trung Quốc trong nhiều thế kỷ,
những nụ cười với Bắc Kinh là một chính sách bảo hiểm cho Myanmar.
Kết quả là Myanmar đã bước vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc như
Lào hiện nay. Thái Lan và thậm chí Malaysia có thể là các ứng viên
trong tương lai.
Trong khi ấy, Bắc Kinh vun quén một nhận thức về Trung Quốc như
một nước ngang bằng với Mỹ - mục tiêu quý giá thứ năm. Hãy xem
chuyến viếng thăm Mỹ của Giang Trạch Dân năm 1997. Tờ New York
Times tường thuật “Các nhà đàm phán Mỹ chuẩn bị cho chuyến thăm nói
rằng họ bối rối về cách mà các đối tác Trung Quốc của họ dường như tỏ
ra coi trọng quá mức các chi tiết về nghi thức và biểu tượng.”Những thứ
này bao gồm kích thước và màu sắc của thảm, vị trí trong các bức ảnh sẽ
chụp của ông Giang, của biểu tượng Veritas của Đại học Harvard và
chuông Tự Do của Philadelphia, và kiểu dáng và mẫu mã các cà vạt của
Giang Trạch Dân và Tổng thống Clinton sẽ mang. Tất cả các chi tiết đó
đã được dàn dựng để làm nổi thêm hình ảnh Trung Quốc là ngang hàng
với Mỹ. Sau chuyến viếng thăm, một xã luận của tờ (New York)
Times chắc đã làm phấn khởi Bắc Kinh: “[Ông Giang] đã dùng sự xuất
hiện của ông với ông Clinton để tự thể hiện mình như một chính khách
có thể gặp gỡ một cách ngang hàng với nhà lãnh đạo của quốc gia giàu
nhất và mạnh nhất thế giới.”
Năm sau đó, Clinton đi Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng lặp lại bài bản
tương tự cố đánh ra cú đấm vượt quá hạng cân của mình. Đàm phán
quyết liệt để cho Clinton không ghé qua Nhật trên đường đi - một cách
để cho thấy đó chính là chuyến thăm Trung Quốc chứ không phải nước
nào khác - và kéo dài chuyến thăm này thành tám ngày để nó có thể hơn
bảy ngày lịch sử ma Nixon đã dành ở Trung Quốc vào năm 1972. Trong
một bài phát biểu mật sau chuyến thăm này, Thủ tướng Trung Quốc bày
tỏ sự hài lòng rằng Clinton “không dừng chân tại Nhật Bản trên đường
đến Trung Quốc... với kết quả là Nhật Bản đã bị mất mặt.”Báo chí chính
thức Trung Quốc chộp ngay lấy bất kỳ mảnh bình luận từ bên ngoài
Trung Quốc cho rằng Clinton và Giang Trạch Dân đã gặp nhau như hai
lãnh đạo ngang bằng. Họ tuyên bố rằng “hai nhà lãnh đạo cùng với nhau”
(quên đi châu Âu, Nhật Bản, và Ấn Độ) đã làm Châu Á “ổn định hơn”và
“thế giới hòa bình hơn”.
Mục tiêu thứ sáu của chính sách ngọai giao Trung Quốc là “lấy lại”
những vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh cho là theo đúng lẽ thì thuộc về
CHNDTQ. Danh sách các vùng lãnh thổ mà họ cho là như vậy gồm từ
những khu vực mà họ công khai tuyên bố là của họ cho đến những khu
vực mà họ bí mật hi vọng sẽ có ngày chiếm đọat. Danh sách ấy gồm Đài
Loan và một số lớn các đảo trong vùng biển Hoàng Hải, biển Nam Trung
Hoa (Biển Đông), và Biển Đông Trung Hoa. Trong trường hợp Đài
Loan, Bắc Kinh đang chờ đợi một thời cơ kết hợp diễn biến thuận lợi
(theo Bắc Kinh) trong chính trị nội bộ Đài Loan, sự mệt mỏi của Mỹ do
căng thẳng hỗ trợ Đài Loan, khả năng lớn hơn của Trung Quốc vận
chuyển binh lính và trang thiết bị nhanh chóng vượt qua eo biển Đài
Loan rộng 100 dặm, và một Nhật Bản dễ uốn theo mong muốn của
Trung Quốc hơn hiện nay. Trong trường hợp quần đảoTrường Sa, trải dài
qua các tuyến đường biển rất quan trọng ở Đông Nam Á và có yêu sách
chủ quyền từng phần của sáu quốc gia, Bắc Kinh đang chờ đợi đủ năng
lực hải quân để “khôi phục lại”quyền kiểm soát các đảo về cơ bản là
không có người ở nhưng giàu dầu mỏ và các nguồn tài nguyên khác này.
Không ít người Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan, và Ấn Độ cũng dự kiến
rằng Trung Quốc, khi có thể, sẽ đưa ra đòi hỏi chủ quyền đối với một số
phần của lãnh thổ của họ có lần thuộc Trung Quốc khi xưa.
Về khát vọng của Trung Quốc đối với vùng lãnh thổ trên sườn phía
bắc của họ, Mao đã nói điều này vào năm 1964: “Khu vực phía đông của
hồ Baikal là của chúng ta đã trở thành lãnh thổ của Nga khoảng 100 năm
trước đây và kể từ đó Vladivostok, Khabarovsk, Kamchatka, và các khu
vực khác cũng là lãnh thổ của Liên Xô. Chúng ta chưa đưa ra chứng cứ
của chúng ta về danh sách này. Chúng ta có thể đưa ra chứng cứ khi
đúng lúc.”Đến năm 1973, Mao kéo dài thêm danh sách các vùng lãnh
thổ ông cảm thấy đã bị Moscow đánh cắp. Trong một cuộc trò chuyện về
các chủ đề khác với Ngoại trưởng Henry Kissinger, đột nhiên ông than
phiền “Liên bang Xô viết đã xẻo bớt của Trung Quốc một triệu rưởi
kilomét vuông.”Trong những năm 1960 và 1970, cũng đảng Cộng sản
hiện cầm quyền ở Bắc Kinh đã tuyên bố nhiều phần của Kazakhstan,
Tajikistan và Kyrgyzstan ngày nay là các bộ phận của lãnh thổ Trung
Quốc. Nếu sự nắm giữ của Nga đối với vùng Viễn Đông yếu đi, và sự
qua lại của người Trung Quốc sống và buôn bán trong các khu vực biên
giới tiếp tục, Trung Quốc có thể “đưa ra chứng cứ chủ quyền”đối với
một phần của Siberia.

Chẳng phải lúc nào một cường quốc đang lên cũng đạt được mục tiêu
của mình. Đối với các quốc gia chuyên chế thời hiện đại, những thành
công của họ hầu hết đều ngắn ngủi. Các mục tiêu của cả ba cường quốc
phát xít gây ra Chiến tranh thế giới II, đã đột ngột bị dập tắt năm 1945,
và các mục tiêu đối ngoại của khối Xô Viết cũng đã biến mất không còn
dấu vết sau năm 1991. Tôi tin rằng Trung Quốc có sẽ đạt được sáu mục
tiêu của chính sách đối ngoại của họ hay không là tùy thuộc vào hệ thống
chính trị của họ và vào phản ứng của các cường quốc khác sẽ là thế nàđối
với những tham vọng của nước ấy.
Màn kịch trong tương lai cận kề của Trung Quốc có thể sẽ diễn ra
chẳng phải trong quan hệ đối ngoại nhưng ở trong nước: Đòi hỏi của của
giới trung lưu đối với quyền sở hữu, sự bất mãn ở nông thôn, Internet,
150 triệu người thất nghiệp lang thang giữa làng mạc và thành phố, và
một dân số thình lình lão hóa đang gây ra những căng thẳng tài chính và
xã hội, sẽ kịch tính hoá một số những mâu thuẫn của “chủ nghĩa Lenin
thị trường.”Đi một đường trong kinh tế và một đường khác trong chính
trị gây ra khó khăn trong việc đi tới một điểm đích quy định. Cách thức
mà Trung Quốc giải quyết các mâu thuẫn giữa chính trị và kinh tế của họ
sẽ xác định mức độ mạnh mẽ như thế nào vai trò mà họ sẽ giữ trên thế
giới.
Sự trỗi dậy hiện nay của Trung Quốc, giống như sự nổi lên của Đức
và Nhật cuối thế kỷ 19, thể hiện cao vọng, lòng bất bình, và chủ nghĩa
dân tộc cao độ. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của các quốc gia có nhiều hậu quả
khác nhau. Chẳng hạn Vương quốc Anh cuối cùng chấp nhận một cách
bình thản sự trỗi dậy của Mỹ ở Tây bán cầu. Ngược lại, sự trỗi dậy của
Đức và Nhật Bản kết thúc bằng hai cuộc chiến tranh thế giới và sự hủy
diệt hệ thống chính trị ở hai nước này - thay thế bằng các chính thể hoàn
toàn mới và cách hành xử quốc tế hoàn toàn mới. Dân chủ, chứ không
phải những đặc điểm văn minh hoặc bất kỳ sự khác biệt to lớn về tầm
mức kinh tế quốc gia hiện nay so với những năm 1930, là lý do Đức và
Nhật Bản đã trở thành cường quốc hành xử đàng hoàng trong thời đại
chúng ta. Dù có ảnh hưởng to lớn, cả hai đều không là mối đe dọa cho
các nước khác như trước đây. Vai trò tương lai của Trung Quốc trên thế
giới sẽ được định đọat phần lớn bởi những gì xảy ra với hệ thống chính
trị lỗi thời của nước này trong hai thập kỷ sắp đến
Đôi khi ta quên rằng bất cứ ở đâu, khi nào, việc thăng được lên vị trí
bá chủ mới luôn luôn cần ba yếu tố: Một là ý muốn trở thành số một của
cường quốc đang lên, hai là khả năng đạt được mục tiêu đó, và ba là sự
chấp nhận cường quốc ấy về phía những nước chịu ảnh hưởng. Bắc Kinh
có ý muốn. Khả năng thì chưa rõ là có vượt ngoài tầm của họ hay không.
Nhưng liệu những nước ngòai Trung Quốc có chấp nhận họ chăng?
Đông Á vẫn còn giữ ký ức về Vương triều Trung tâm (Trung Quốc).
Mỗi người Việt Nam và Hàn Quốc đều biết thái độ ngạo mạn lâu đời của
triều đình Trung Quốc đối với các nước láng giềng. Tốt hoặc xấu,
khoảng 60 triệu người Hoa đang cư trú ở Đông Á bên ngoài CHNDTQ,
nhắc nhở Indonesia, Philippines, Malaysia, và các nước chủ nhà khác về
sự ưu việt của văn minh Trung Quốc trong khu vực; trong một số trường
hợp, tình trạng sống chung vẫn còn căng thẳng. Một nửa dân số Đài Loan
chống đối thẳng thừng ý định của Bắc Kinh “tái lập”sự cai trị hòn đảo
của họ, theo các cuộc thăm dò; trong một cuộc khảo sát năm 2002, 38%
coi mình như là người Đài Loan, 8% như người Hoa, 50% như là cả hai.
Trung Quốc đã qua nhiều thập kỷ tự xưng là nạn nhân: “bị cạo khóet
giống như một quả dưa”sau chiến tranh Nha phiến, bị bắt nạt bởi các “đế
quốc”phương Tây, vân vân.... Thành công ban đầu của họ như một nước
bá quyền sẽ nhanh chóng đặt ra những vấn đề về diện mạo của họ cũng
như nhiều hậu quả thực tế. Trung Quốc sẽ phát giác, như Mỹ đã đau đớn
phát giác, rằng một chúa tể mới lên của rừng xanh sẽ bị các vết cắn của
những con thú khác vừa bị đẩy ra ngòai. Một nước Nhật nhìn thấy Trung
Quốc áng Mỹ - một đồng minh chính của Nhật, một nước mà ưu thế
hàng đầu trong khu vực Đông Á đã khiến Nhật kềm chế trong sáu thập
kỷ - chắc chắn sẽ thách thức Trung Quốc. Một lần nữa, như trong năm
thập kỷ sau năm 1894, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ giành giật nhau - và
có thể đánh nhau - để kiểm soát khu vực này.
Một Trung Quốc chuyên chế - lo lắng về khả năng kiểm soát chính
người Trung Quốc và không nắm giữ một cách thoải mái bán đế quốc
“phi Hán”ngay chính trong lãnh thổ của họ - sẽ có thể thiếu sự hấp dẫn
đạo đức để lãnh đạo châu Á. Có thể lý luận rằng đế quốc Trung Quốc
xưa, trong nhiều thế kỷ đã qua, là một thế lực ổn định, nhưng trong thế
kỷ 21, bất kỳ một động thái nào của Trung Quốc nhằm mở rộng đế quốc
của họ, hoặc chỉ để tiếp tục dài lâu các lĩnh vực đa quốc gia hiện tại của
họ, có lắm khả năng gây bất ổn.
Ở Liên Xô, đã có một liên hệ chặt chẽ giữa “đế quốc”và “chuyên
chính cộng sản”. Ở Trung Quốc cũng có một gắn kết tương tự. Cũng
như Nga, Trung Quốc là một mãnh đất rộng không có một đế quốc
nhưng là một đế quốc. Sự tan rã của Liên Xô kết thúc Chiến tranh Lạnh
cũng như làm nứt vở sự độc quyền chính trị của Đảng Cộng sản ở
Moscow. Điều Zbigniew Brzezinski nói về Moscow cũng đúng cho cả
Bắc Kinh: “Nga có thể là một đế quốc hay một nền dân chủ, nhưng
không thể là cả hai.”
Moscow, dưới áp lực, đang xác định lại những lợi ích quốc gia của ho,
khi họ để lại sau lưng nhiều thập kỷ là đế quốc cộng sản. Trung Quốc
hầu như mới chập chững bắt đầu tiến trình này. Các nhà lãnh đạo Trung
Quốc phải tự hỏi xem họ có thể cai trị suông sẻ một xã hội khác biệt với
Trung Quốc như Đài Loan ngày nay hay không. Họ có thể nên cân nhắc
liệu để cho Tây Tạng như là một nhà nước liên kết với Trung Quốc -
chắc chắn là dưới cái bóng của Trung Quốc, nhưng có chủ quyền - có thể
là tốt hơn so với sự căng thẳng dai dẳng giữa Lhasa và Bắc Kinh như nay
hay không. Những câu hỏi này chưa được nêu ra bởi vì Trung Quốc vẫn
còn trong quá trình chuyển đổi từ đế quốc cộng sản sang quốc gia hiện
đại, và còn bị giằng co giữa những gì họ muốn và những gì họ thực sự
cần. Các huyền thoại quốc gia (một “Trung Quốc nạn nhân”) đúng là lý
thú; nhưng sự mời gọi của lợi ích quốc gia (một “Trung Quốc thịnh
vượng”) có vẻ hấp dẫn hơn.
Còn nhiều vấn đề nữa về khả năng của Trung Quốc trở thành một bá
quyền toàn cầu. Bắc Kinh hiện nay không thể phóng sức mạnh của họ ra
xa; trong thảm họa sóng thần tháng 12 năm 2004 họ đã không thể làm
như vậy, ngay cả tới Nam và Đông Nam Á. Nhiều vấn đề chắc chắn sẽ
phát sinh ở châu Phi và châu Mỹ La tinh, bắt đầu với ngôn ngữ và bao
gồm cả chủng tộc và tôn giáo rồi văn hóa, nếu Trung Quốc tìm cách để
có tác động ở những khu vực mà châu Âu và Mỹ đã có ảnh hưởng. Ngoài
ra còn nhiều nghi ngờ rằng liệu Trung Quốc có đủ trang bị về mặt triết lý
cho sự thống trị thế giới theo cách mà nước Anh đã từng hưởng qua sức
mạnh trên biển, hoặc theo cách Mỹ hiện đang hưởng dựa trên các giao
dịch kinh doanh, sức mạnh quân sự, văn hóa đại chúng, và những ý niệm
về thị trường tự do và dân chủ. Ý thức về sức mạnh của chủ nghĩa Mao
chắc chắn là mạnh mẽ, giống như ý thức về “sứ mệnh”của người Anh-
Mỹ phát xuất từ đạo Tin Lành. Nhưng, nếu không có sự bén nhọn của
chủ nghĩa cộng sản thì chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc thiếu một thông
điệp cho thế giới. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush rõ
ràng là có một thông điệp, ngay khi nó hầu như không thuyết phục đuợc
ai không phải là Mỹ. CHNDTQ hiện nay chẳng có thông điệp nào, nhưng
rất chuyên tâm trong việc kiểm soát trong nước và tham vọng có một bầu
ảnh hưởng.
Tôi nói về Trung Quốc như một nước có tham vọng. Nhưng có sẽ tốt
hơn cho Trung Quốc nếu họ là một cường quốc bảo thủ? Mỗi mệnh đề
đều có những người nhiệt tình ủng hộ, nhưng cả hai có một mối quan hệ
âm dương. Các yêu sách bành trướng của Bắc Kinh thì ai cũng thấy rõ
ràng và là độc nhất trong các cường quốc ngày nay. Tuy nhiên, chế độ
Bắc Kinh, tuy là chế độ độc tài, là một chế độ độc tài có lý trí. Họ biết
đếm các con số. Họ thường kiên nhẫn trong việc thực hiện các mục tiêu
của mình. Được trang bị với một lực lượng nòng cốt ngày càng nhiều
quan chức trẻ, được đào tạo bài bản, Bắc Kinh ngày nay không như các
triều đình nhà Minh và nhà Thanh xưa, lừa mị chính mình bằng những
hư cấu đẹp đẽ để che giấu sự cách biệt giữa thực tế và thế giới quan ưa
thích của Trung Quốc. Tóm lại, Trung Quốc là một cường quốc đầy tham
vọng, nếu phải chạm mặt với sức mạnh đối kháng, sẽ hành động thận
trọng trong chiến lược dài hạn của họ. Họ biết chắc có một danh sách
đáng nễ gồm các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ ... có
nhiều lý do để từ chối cho Trung Quốc cơ hội làm Vương quốc Trung
tâm của thế kỷ 21. Trung Quốc không phải là yếu như họ dường như thế
khi còn là “một con bệnh của Châu Á.”Quốc gia này có thể cũng không
mạnh mẽ một cách bền vững như họ có vẻ hiện nay đối với những người
sợ hãi hay chiêm ngưỡng họ.
---------------------------

Compiled by Tran Ho Dung

28/9/11

Xấu xa hơn cả bọn ăn thịt người ( Worse than Cannibals )

Xấu xa hơn cả bọn ăn thịt người
Harry Kreisler phỏng vấn Daniel Ellsberg



Nguyên tác:
Worse than Cannibals
Guernica, tháng 1-2010



Lời giới thiệu của người dịch: Trong một phần tư thế kỉ Mĩ can thiệp ở Việt Nam (1950-1975), nhất là trong những năm quân đội Hoa Kỳ trực tiếp tham gia chiến trận (1965-1973) với hơn 3 triệu binh lính, hàng triệu người Mĩ đã lên tiếng chống lại chính sách chiến tranh, bằng những hình thức và mức độ khác nhau. Họ là những trí thức, sinh viên, thanh niên, mục sư, linh mục, nghệ sĩ… Họ là những người có tên tuổi do sự nghiệp, chức vị, như Martin Luther King, Noam Chomsky, Benjamin Spock, Jane Fonda… hoặc là những người mà dư luận chỉ biết tên qua hành động chống chiến tranh dũng cảm như Angela Davis, hai linh mục anh em Daniel và Philip Berrigan (vào tù vì chống chiến tranh), Norman Morrison (tín đồ Quaker, tự thiêu trước Lầu năm góc)… Đằng sau họ, chung quanh họ là hàng triệu người “vô danh” đã “biểu tình ngồi”, “biểu tình đứng”, “biểu tình đi vòng quanh”, đốt thẻ quân dịch, chấp nhận án tù hay lưu đầy để không tham gia cuộc chiến tranh phi nghĩa.
Trong những con người ấy, Daniell Ellsberg giữ một vị trí đặc biệt. Anh thuộc thế hệ và loại người mà nhà báo Mĩ David Halberstam gọi là “ The Best and the Brightest ” (những con người ưu tú và xuất sắc nhất), những cá nhân giỏi giang được tuyển mộ vào chính quyền Mĩ, trở thành những cộng sự viên đắc lực nhất của tổng thống Hoa Kì. Sinh năm 1931, Daniel Ellsberg là một điển hình của mẫu người “văn võ toàn tài” kiểu Mĩ: tiến sĩ kinh tế học (Trường đại học Harvard, 1962), tốt nghiệp thủ khoa khoá đào tạo 1100 thiếu uý Thuỷ quân lục chiến (Marine Corps Basic School, Quantico, Virginia). Sau hai năm phục vụ trong quân chủng “sừng sỏ” này, Ellsberg vào làm “phân tích viên” của tập đoàn RAND. Từ đó cho đến mùa hè năm 1969, với tư cách là nhân viên của “think tank” này, hay với tư cách là viên chức của chính quyền, ở Lầu năm góc, Việt Nam hay Nhà Trắng, Ellsberg đã làm việc với những cánh tay mặt của các tổng thống (Kennedy, Johnson, Nixon) như Robert McNamara (bộ trưởng quốc phòng của Kennedy và Johnson), Edward Lansdale (CIA, cha đỡ đầu của chế độ Việt Nam cộng hoà), Henry Kissinger (cố vấn an ninh của Nixon).

Là một trong vài ba người đã được đọc toàn bộ 7000 trang tài liệu “mật” mang tên “Hồ sơ Lầu năm góc” (Pentagon Papers) và đã chứng kiến từ bên trong chính sách “nói một đàng làm một nẻo” ở Việt Nam của “5 đời tổng thống” (từ Harry Truman đến Richard Nixon), Ellsberg bắt đầu tham gia những cuộc biểu tình chống chiến tranh, gặp những người sẵn sàng vào tù để lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa và vô vọng. Cuối cùng là quyết định công bố Pentagon Papers, như ông kể lại trong cuộc phỏng vấn này.

Điều mà bài phỏng vấn không đề cập là những gì diễn ra trước và sau khi công bố. Xin nhắc lại vài mốc chính:

* trong suốt năm 1970, D. Ellsberg tìm cách thuyết phục những thượng nghị sĩ phản đối chiến tranh – như J. William Fulbright, chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Thượng viện, George McGovern, người sẽ ra tranh cử với Nixon năm 1972 – hãy công bố Hồ sơ Lầu năm góc ngay tại hội trường Thượng viện, nhưng không người nào dám làm việc này.

* D. Ellsberg đành cung cấp bộ tài liệu mật cho kí giả Neil Sheehan: ngày chủ nhật 13.6.1971, báo The New York Times công bố phần đầu trong 9 phần trích đoạn 7000 trang hồ sơ. Toà án, theo yêu cầu của chính quyền Nixon, ra lệnh cho New York Times phải ngừng công bố. Ellsberg trao hồ sơ cho The Washington Post và 17 nhật báo khác trước khi “rút vào vòng bí mật” vì, tuy The New York Times không tiết lộ danh tính, ông tin rằng chính quyền sẽ biết chính ông là nguồn gốc của sự “rò rỉ” này.

* Ngày 29.6.1971, thượng nghị sĩ Mike Gravel (bang Alaska) cho đăng 4 100 trang Hồ sơ Lầu năm góc vào ấn bản của một tiểu ban Thượng viện. Tài liệu này sau đó được nhà xuất vản Beacon Press phát hành dưới tên gọi “ấn bản Gravel”. (trước đó một ngày, Ellsberg ra trình diện trước công lý, đến tháng 1.1973 mới bị xử -- xem dưới).

* Cuối cùng, Toà án Tối cao xử The New York Times thắng kiện chính quyền liên bang. Nhà Trắng trả thù bằng cách bôi nhọ Ellsberg. John Erlichman, trợ lý nội vụ của tổng thống Nixon, thành lập nhóm “Thợ hàn của Nhà Trắng” (White House Plumbers, hàm ý nhiệm vụ của nhóm này là “bịt kín” những “rò rỉ” hồ sơ mật). Nhóm này đột nhập phòng khám bệnh của Lewis Fielding, bác sĩ tâm thần học của Ellsberg, nhưng không tìm thấy “hồ sơ bệnh lí” của Ellsberg. Từ đó, nhóm “Thợ hàn” tiếp tục được Nhà Trắng sử dụng để bới móc đời tư của các chính khách đối lập như Thượng nghị sĩ Edward Kennedy, và cuối cùng bị bắt quả tang đột nhập trụ sở Uỷ ban tranh cử của Đảng dân chủ tại toà nhà Watergate. Vụ “ bê bối Watergate ” đã dẫn tới việc Nixon phải từ chức năm 1974 để tránh bị truy tố và cách chức.

* Vụ ăn trộm văn phòng của bác sĩ Fielding, mãi đến ngày 3.1.1973 mới được công bố trong phiên toà xử Daniel Ellsberg vì vi phạm “Luật gián điệp 1917”, tại Los Angeles. Cùng với việc này, nhiều hành động phạm pháp khác của Nhà Trắng (nghe trộm các cuộc điện đàm, mua chuộc quan toà…) đã được đưa ra ánh sáng, nêu rõ trách nhiệm của những người thân cận tổng thống (Haldeman, tổng thư kí Nhà Trắng, Mitchell, bộ trưởng bộ tư pháp..) và của chính tổng thống Nixon. Cuối cùng, ngày 11.5.1973, toà án Los Angeles đã bác bỏ tất cả các tội trạng của Daniel Ellsberg và bạn ông là Anthony Russo. Một năm sau, Richard M. Nixon phải từ chức.

Nguyễn Ngọc Giao






Giới thiệu của Tạp chí Guernica: “Phần tử quấy rối” trứ danh nhất của nước Mĩ kể lại chuyện ông chuẩn bị vào tù, chuyện tổng thống dối trá tràn lan, và tại sao chiến tranh kéo dài.

Sang năm 2011 sẽ là 40 năm kể từ ngày Daniel Ellsberg tiết lộ Hồ sơ Lầu năm góc cho nhật báo New York Times. Sự kiện này đã vạch trần sự dối trá của chính quyền trong việc thông tin về chiến tranh Việt Nam và góp phần thúc đẩy việc tổng thống Nixon từ chức. Năm mới cũng có thể chứng kiến việc cuốn phim tài liệu The Most Dangerous Man in America: Daniel Ellsberg and the Pentagon Papers (Người đàn ông nguy hiểm nhất của nước Mĩ: Daniel Ellsberg và Hồ sơ Lầu năm góc) được vào chung kết giải Oscar (nó đã được vào vòng đầu hồi tháng 11.2009). Cuốn phim nói về “ phần tử quấy rối ” có lẽ nổi tiếng nhất nước Mĩ, đồng thời cũng là biểu tượng cho lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm của phong trào phản chiến ngày nay. Ở thời điểm mà đất nước của ông đang dính líu vào hai cuộc chiến tranh gây ra tranh cãi, lời nói của Daniel Ellsberg, năm xưa và bây giờ, vẫn gây tiếng vang lớn.

Tháng giêng năm nay, Hoa Kì bắt đầu triển khai thêm gần ba chục ngàn binh sĩ trong cuộc chiến ở Afghanistan, thì khi Daniel Ellsberg nói về quá trình quyết định của tổng thống, về cách thức mà chính quyền trình bày các quyết định ấy với công chúng, nhất là trong tình huống các cuộc chiến tranh trở thành thứ tâm bệnh di truyền thừa hưởng từ quá khứ, sự mô tả của ông âm hao như một lời tiên tri. Trong cuộc phỏng vấn công bố dưới đây, ông nói: “ Điều mà tôi rút ra từ năm 1969 và từ Hồ sơ Lầu năm góc, là Nixon, người thứ năm trong chuỗi những tổng thống Mĩ (dính líu vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam), đã quyết định kéo dài cuộc chiến tranh vì ông ta hi vọng hão huyền rằng mình có thể đạt được một kết cuộc tốt đẹp hơn là nếu ông ta chấp nhận thương lượng cách nào rút ra êm thấm, và cơ bản có nghĩa là chấp nhận thất bại. Ông ta hy vọng đạt kết quả tốt hơn thế nhiều ” (bài phỏng vấn sẽ được công bố trong cuốn Political Awakening: Conversations with History, nhà xuất bản New Press sẽ ấn hành vào tháng 3.2010).

Cuộc đời của Daniel Ellsberg (năm nay 78 tuổi) là cả một hành trình khác thường. Sinh trưởng ở thành phố Detroit, ông đỗ tiến sĩ kinh tế học ở Harvard trước khi đầu quân vào Thuỷ quân lục chiến. Sau đó vào làm việc cho Rand Corporation. Với cương vị chuyên gia về Việt Nam của công ti này, Ellsberg được Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara yêu cầu tham gia vào một nhóm tuyệt mật có nhiệm vụ nghiên cứu các tài liệu mật về quá trình tiến hành chiến tranh Việt Nam, sau này sẽ được gọi chung là Hồ sơ Lầu năm góc. Hiếm ai có trải nghiệm (và dũng cảm) để có thể khẳng định một cách có thẩm quyền về những tổng thống Mĩ như Ellsberg trong cuộc phỏng vấn dưới đây khi ông nói: “Thật sự là họ chẳng mấy khi ngại nói dối về các vấn đề đó. Trình bày sự việc cho công chúng theo một đường hướng không tương ứng gì với thực tại, đối với họ là “thuận tiện” và có lợi về chính trị”.

Cho nên khi tổng thống Obama nói với sinh quân Học viện West Point (và qua đó, với thế giới) rằng quyết định của ông là do ông “tin tưởng rằng nền an ninh của chúng ta được định đoạt ở Afghanistan và Pakistan”, Ellsberg nhảy chồm lên thì cũng không có gì lạ. Những lí do được nêu ra để giải thích rằng an ninh của Hoa Kì bị đe doạ ở Afghanistan – một chính phủ thối nát, phi nghĩa đối với nhân dân Afghanistan, bầu cử thì gian lận, dân chúng ủng hộ các lực lượng chống đối không phải vì ưa thích đám này, mà vì họ muốn người ngoại quốc (nhất là lính Mĩ) cuốn gói đi – “nghe hệt như chuyện Việt Nam trước đây”, Ellsberg nói.


Daniel Ellsberg

Harry Kreisler phỏng vấn Daniel Ellsberg (năm 1998):

Harry Kreisler: Lần đầu tiên ông dính líu tới Việt Nam là năm nào?

Daniel Ellsberg: Tôi chưa bao giờ nói công khai chuyện này, nhưng sự thật là tôi đã sang Việt Nam năm 1961 với một nhóm đặc nhiệm, tổ nghiên cứu của Bộ quốc phòng thời Kennedy, về nghiên cứu & phát triển chiến tranh hạn chế. Lúc đó tôi đã có một cái nhìn chung về tình hình Việt Nam và tôi đã quyết định là nếu có thể, trên con đường quan lộ, tôi sẽ lánh xa vấn đề này. Trở về Mĩ, tôi tham gia việc soạn thảo bản báo cáo cho RAND. Bản báo cáo chứa đựng những gì tôi biết được trong nhóm nghiên cứu, với khuyến nghị cơ bản là: chớ tìm kiếm tài trợ để nghiên cứu vấn đề Việt Nam, đừng dính liu vào đó, hãy tránh xa ra, sa vào đó nhất định thất bại. Bởi vì ngay từ năm 1961, hay trước đó nữa, rõ ràng là không thể hi vọng rằng phương Tây có thể làm gì được để khuất phục một phong trào đấu tranh cho độc lập quốc gia và chủ quyền dân tộc ở Việt Nam, do Cộng sản lãnh đạo, đã đánh bại người Pháp được người Mĩ ủng hộ mạnh mẽ về tài chính, vật tư và các thứ. Trước mặt chúng ta, cơ bản vẫn là đối phương đó, và khả năng chúng ta làm tốt hơn người Pháp là rất thấp.

Thế là trong nhiệm kì Kennedy làm tổng thống (năm 1961, rồi 1962, 1963), tôi đã tránh xa những cuộc thảo luận về Việt Nam, tôi không muốn sa vào đó. Tôi cho là dính dấp vào đó cũng tương tợ như dính líu vào vụ Vịnh Con Heo, cuộc đổ bộ thảm bại ở Cuba đã làm cho hầu như tất cả những người dính dáng vào đó đã bị thân bại danh liệt.

Harry Kreisler: Nhưng rồi ít năm sau ông vẫn trở lại Việt Nam?

Daniel Ellsberg: Không, tôi bị gửi sang… Có thể nói là tôi miễn cưỡng, bị người ta gửi trở lại Việt Nam. Phần tôi cũng muốn quan sát quá trình hoạch định chính sách của chính phủ từ bên trong, sau mấy năm tìm hiểu quá trình ấy với tư cách một nhà nghiên cứu và tư vấn. Ngày đầu tiên tôi dính líu vào vụ này, là tôi ngồi đọc các “bức điện”, hay như họ thường nói, là “tắm mình” trong dòng chảy của những điện tín gửi từ một vùng đất nhất định. Hầu như tất cả những bức điện đầu tiên tôi đọc hôm ấy đều liên quan tới một vụ có vẻ như là tấn công vào khu trục hạm của ta ở Vịnh Bắc Bộ. Đó là ngày mồng 4 tháng 8 năm 1964. Và tôi ngồi đó, đọc một loạt điện “thượng khẩn”, báo cáo các khu trục hạm của chúng ta lại bị tấn công, dồn dập tới vào khuya hôm đó. Tất cả các điều họ biết chỉ đều là qua radar và sonar.

Nhảy cóc mấy năm sau nhé: mấy năm sau, rõ ràng là không có tấn công gì ráo. Họ đánh nhau với những hình bóng trên màn ảnh radar và sonar dưới nước. Họ bắn loạn xạ vào những bóng ma đó chứ thật ra không hề có ngư lôi nào của đối phương bắn ra cả.

Nhưng trở lại thời điểm đó, họ được báo cáo tường tận là chiến hạm của ta bị tấn công. Rồi, cũng trong ngày đầu tiên ấy, tôi đọc một bức điện nói “Tạm ngưng mọi chuyện”. Viên chỉ huy hai chiến hạm thỉnh cầu chưa hành động phản ứng gì vội, đợi ban ngày họ có cơ hội quan sát mặt biển xung quanh xem có xác tàu đắm, vết dầu loang, người sống sót nào không. Bởi vì họ nghĩ đã đánh đắm tàu địch, tất sẽ phải tìm thấy vài dấu hiệu. Lúc đó có nghi vấn lớn về quy mô cuộc tấn công, và nghi vấn là thật sự có tấn công hay không. Thực khó mà xác nhận điều này. Tuy nhiên, trước lúc nhận được bức điện ấy, thì tổng thống đã quyết định bắt đầu những phi vụ chống Bắc Việt.

Thế là chúng ta đã tung ra 64 phi vụ đánh Bắc Việt. Suốt đêm hôm đó, tôi ở liền trong Lầu năm góc để theo dõi các phi vụ và hậu quả, những sự việc diễn ra ở phía bên kia trái đất, cách 12 thoi giờ, nghĩa là bên ấy là ngày, bên này là đêm.

Rồi trong vài ngày tiếp theo, tổng thống đã được Quốc hội hầu như nhất trí ủng hộ một điều coi như là tương đương với quyết định tuyên chiến: nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, mà tổng thống cho rằng như vậy là Quốc hội ủng hộ chiến tranh, trong khi Quốc hội lại được giải thích để hiểu là không phải như vậy. Và thế là chúng ta đã bước sang giai đoạn Hoa Kì tham gia mạnh mẽ vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Harry Kreisler: Căn cứ vào những gì chính ông thấy tận mắt, lúc đó ông có hoài nghi gì không về những điều mà tổng thống yêu cầu nơi Quốc hội?Công chúng thì ngày ngày bị tổng thống, người phát ngôn của tổng thống và các quan chức lừa dối.

Daniel Ellsberg: Hoàn toàn không thể nghi ngờ. Tổng thống nói với Quốc hội và công chúng rằng chiến hạm nước ta bị tấn công, bằng chứng về điều này hết sức rõ ràng. Nói thế là nói dối. Và tôi, lúc đó tôi biết là nói dối. Trước khi cuộc tấn công bắt đầu, đã có rất nhiều nghi vấn đã được nêu lên, và rõ ràng là tình hình rất mập mờ, không có gì rõ ràng cả. Tôi nghĩ lúc đó tôi chỉ có thể nói, và nhiều người khác nữa cũng chỉ có thể nói thế này thôi: “Có thể đã xảy ra một cuộc tấn công”. Nhưng tổng thống đâu có nói thế với công chúng. Ông đã nói dối với công chúng.

Thứ nữa, giả định là cuộc tấn công có thực, tổng thống còn nói rằng: đó rõ ràng là một cuộc tấn công ở ngoài khơi, vô cớ đánh vào khu trục hạm của chúng ta. Đây cũng là một lời nói dối, theo nghĩa này: trước đó hai ngày, đúng là đã có một cuộc tấn công tiến hành sau khi Mĩ tung ra những cuộc đánh phá Bắc Việt vào đêm hôm trước – những hành động này được tiến hành một cách bí mật, nguỵ trang và nhất mực bị phủ nhận. Tóm lại, có bằng chứng là vụ này do chính chúng ta gây hấn. Thế mà tất cả, McNamara, Rusk, Vance đều giấu nhẹm, không cho Quốc hội biết về các cuộc đánh phá mà Hoa Kì đã tiến hành.

Harry Kreisler: Trong bối cảnh làm việc như vậy của ông ở Lầu năm góc, các tuyên bố công cộng không ăn khớp gì với những điều mà ông và những người khác ở trong hành lang của quyền lực biết được, các ông xử lí ra sao trước sự bất nhất này?

Daniel Ellsberg: Tính từ năm 1959 đến thời điểm đó, tôi đã làm tư vấn cho chính phủ được khoảng 6 năm, từ Eisenhower, qua Kennedy rồi bấy giờ là Johnson. Tính tới lúc đó, tôi đã được đọc hàng vạn trang tài liệu mật, do đó có thể so sánh những gì tôi biết với những gì công chúng được nghe giải thích. Công chúng đã bị tổng thống, các người phát ngôn của ông ta cũng như các viên chức nói dối, nói dối ngày này qua ngày kia. Nếu anh không chế ngự được ý tưởng rằng, vì đủ mọi thứ lí do, tổng thống đã dối trá đối với công chúng, thì anh không thể nào ở yên trong vị trí đó trong chính quyền, là nơi anh buộc phải biết, tuần nào cũng thế, tất cả những điều đó.

Tôi nói điều này vì đôi khi có người suy luận, cho rằng tôi đã trao Hồ sơ Lầu năm góc cho New York Times là để bị bỏ tù. Như Harrison Salisbury của báo New York Times đã nói, “Anh ấy đã không chịu được sự dối trá”. Tuyệt nhiên không phải vậy đâu. Tôi không đâm đầu vào tù chỉ để công bố hồ sơ. Nếu anh không thể chung sống với ý tưởng là tổng thống nói dối, thì anh không thể làm việc với các tổng thống được. Sự thật là hiếm khi nào các tổng thống nói toàn bộ sự thật. Họ không bao giờ nói thật và nói hết là họ toan tính, chờ đợi gì, là họ đang làm gì, họ tin tưởng ở những điều gì và tại sao họ lại đang làm những việc họ làm. Và sự thực là ít khi họ ngần ngại nói dối về những điều này. Nói với công chúng, trình bày sự việc theo một cung cách không đúng với sự thật, đối với họ, rất là tiện lợi, và về mặt chính trị, rất hữu hiệu.

Harry Kreisler: Và cứ như thế, ông ngày càng dấn thân vào cuộc chiến tranh. Sau thời gian này, ông đã sang Việt Nam và làm việc ở đó.

Daniel Ellsberg: Vâng, vào mùa hè 1965, tổng thống đã quyết định leo thang chiến tranh không kì hạn. Từ tháng hai 1965, chúng ta đã ném bom (miền Bắc Việt Nam) và tham chiến mạnh mẽ; lúc đó, chúng ta đã có hơn 100 000 binh sĩ ở Việt Nam. Chúng ta đã “làm chiến tranh”. Và tôi, vốn là một thuỷ quân lục chiến trong thời bình (1954-1957) – tiểu đội trưởng, rồi chỉ huy đại đội – tôi không muốn ngồi yên ở Washington mà theo dõi chiến cuộc. Nên tôi đã tình nguyện sang Việt Nam, làm công tác liên lạc giữa đại sứ quán và phía Việt Nam. Tôi cảm thấy đây là cơ hội để hiểu được cuộc chiến tranh và có thể tránh được những thể loại kết cục xấu nhất.

Phần lớn thời gian tham gia ở Việt Nam, tôi thấy rõ là chúng ta không có triển vọng nào khác là ẩn ức, bế tắc, giết hại và chết chóc. Chẳng có mấy hi vọng đi tới một kết cục thuận lợi hay ít nhất một kết cục tạm gọi là chấp nhận được. Giỏi lắm là khả năng hoặc trì hoãn sự thất bại, hoặc phải thay đổi chính sách.

Tôi là người nghiên cứu duy nhất, ở trong cũng như ở ngoài chính quyền, được phép tham khảo toàn bộ 47 tập khảo sát để thực hiện cuộc nghiên cứu. Tổng cộng là bảy nghìn trang tài liệu, tối mật.

Sau này, khi nghiên cứu trở lại toàn bộ hồ sơ, tôi mới phát hiện ra một điều là: thực ra, các tổng thống chưa bao giờ nhận được những khuyến nghị mang lại hi vọng dứt khoát là sẽ kết cục thành công ở Việt Nam. Mặt khác, họ chỉ thấy nêu ra khả năng trì hoãn được thất bại, hay trì hoãn được tình thế gay go sẽ xảy ra nếu Mĩ rút khỏi Việt Nam, để người Việt Nam quyết định lấy cuộc sống chính trị của họ -- điều ấy có nghĩa, hầu như chắc chắn, là sự bá quyền của cộng sản. Để tránh viễn ảnh ấy, họ chỉ còn một chọn lựa là cái giá phải trả đối với người Mĩ và người Việt ngày mỗi tăng, về sinh mạng, tiền của cũng như sự dính líu. Rốt cuộc là tổng thống nào cũng chọn cách ấy. Kennedy đã chọn như thế, Johnson đã chọn như thế, và đó cũng là chọn lựa của Nixon cho đến ngày ông ra phải từ chức.

Harry Kreisler: Về lại Washington với công việc ở RAND, ông được phép tham khảo những hồ sơ sau này sẽ được họi là “Hồ sơ Lầu năm góc”. Ông hãy cho biết đó là những tài liệu gì.

Daniel Ellsberg: Tôi ở Việt Nam hai năm, từ 1965 đến 1967. Phần lớn thời gian đó tôi có nhiệm vụ đánh giá công cuộc bình định, nên tôi đã đi hầu hết các tỉnh (Nam) Việt Nam. Chính xác là tôi đã đi 38 tỉnh trên tổng số 43. Tuy là dân sự, tôi đã sử dụng sự huấn luyện trong thuỷ quân lục chiến để làm việc với quân đội trong một thời gian, và có lúc tôi đã trải nghiệm chiến đấu thực sự. Do đó, tôi đã thấy “cận cảnh” cuộc chiến tranh, cụ thể là ở cấp độ đại đội bộ binh. Tôi đã bị viêm gan, có lẽ đã nhiễm bệnh trong một cuộc hành quân dã ngoại, trở về Mĩ, ra khỏi cơ quan chính quyền và trở lại hàng ngũ Tập đoàn RAND. Ngay lập tức, tôi được cử tham gia dự án lịch sử mà McNamara đã tiến hành tổ chức ở Lầu năm góc, dưới tên gọi chính thức là “Quá trình lấy quyết định của Hoa Kì ở Việt Nam, 1945-1968”.

Tôi là nhà nghiên cứu duy nhất, ở trong cũng như ở ngoài chính quyền, được tiếp cận toàn bộ 47 tập khảo sát để thực hiện công cuộc nghiên cứu. Tổng cộng là bảy ngàn trang tài liệu “tối mật”. Trong phòng làm việc tôi có hẳn một cái tủ “tuyệt mật” để cất giữ tài liệu, tiến hành công trình nghiên cứu mang tên “Những bài học từ Việt Nam”.

Điều khá lạ lùng: tôi là người duy nhất ăn lương do hợp đồng với chính phủ Hoa Kì để rút ra những bài học về Việt Nam. Có một lúc, cả nước Mĩ chỉ có ba người thực sự đã đọc toàn bộ nghiên cứu, do đó có khả năng rút ra những bài học của thời kì 23 năm, từ 1945 đến 1968.

Harry Kreisler: Những gì đã làm ở Việt Nam thường không có gì là thuận lí, mà chỉ phản ánh một động lực chịu ảnh hưởng nặng nề của chính trị. Thế mà trong nhiều năm, ông đã sống với nó.

Daniel Ellsberg: Cũng phải nói là, đứng ở quan điểm tổng thống, đó là tinh tuý của sự thuận lí: thắng cử và giữ được quyền lực. Ông có thể hợp lí hoá điều đó bằng cách nói rằng điều quan trọng là đảng tôi và bản thân tôi khôn ngoan hơn mấy người khác, quyết định sẽ sáng suốt hơn. Thí dụ: nhất thiết không thể để cho Goldwater thắng cử. Thà rằng phải làm thế này thế nọ, chứ không nên để cho Goldwater thắng. Và tất nhiên, cũng như trong vụ Watergate, người của tổng thống phân bua: “Chúng tôi làm như thế chỉ là để ngăn chặn không cho McGovern trở thành tổng thống; McGovern mà làm tổng thống thì tai hoạ lắm”. Lí lẽ của họ là như vậy. Nếu anh bảo họ “nói thế không hợp lí” thì tôi xin trả lời: đó là lôgic của quyền lực nội trị, lôgic của việc giữ chặt quyền lực, của sự tự trọng, của uy tín tổng thống, những thứ mà các tổng thống và giới thân cận rất dễ đồng hoá với quyền lợi của quốc gia. Họ rất khó phân biệt hai thứ ấy.

Harry Kreisler: Trong nhiều năm, ông ở trong chính quyền, nằm trong một tổ nghiên cứu, sống với những nhân tố của quá trình lấy quyết định. Sau những thất vọng, ẩn ức về tình hình Việt Nam, sau khi đọc các Hồ sơ Lầu năm góc, ông đã thay đổi quan niệm về ranh giới giữa những điều chấp nhận được và những điều không thể chấp nhận, giữa những điều phù hợp với đạo lý và những điều đi ngược đạo lý. Ông hãy giải thích sự thay đổi đó trong suy nghĩ của ông.

Daniel Ellsberg: Ở Việt Nam thực ra tôi cũng không rút ra điều gì thực sự mới về việc không có triển vọng thành công. Song có một điều tôi đã học được: đó là nét mặt của người Việt Nam. Tôi đã biết quan tâm tới số phận của người Việt Nam, điều mà các đồng nghiệp của tôi ở Washington có lẽ không biết. Người Việt Nam, đối với tôi, đã trở thành một hiện thực. Họ không chỉ còn là những con số, những mã số trừu tượng như trong đầu óc của những đồng sự khác.

Điều đặc biệt nhất mà tôi học được, vào năm 1969, và từ Hồ sơ Lầu năm góc, là Nixon, người thứ năm trong chuỗi dài các tổng thống (dính dấp tới Việt Nam) đã chọn lựa quyết định kéo dài cuộc chiến tranh, với hi vọng hão huyền là ông ta có thể đạt tới một kết cuộc tốt đẹp hơn là kết cuộc sẽ có nếu ông ta chịu thương lượng cuộc rút quân, và về thực chất, là chấp nhận thất bại. Ông ta tưởng có thể làm tốt hơn thế nhiều. Ông ta tưởng có thể kiểm soát mãi được Sài Gòn và các vùng đông dân, rằng các vùng này sẽ phục tùng ý chí của chúng ta, chính sách của chúng ta, chứ không do cộng sản cai trị. Và ông ta có thể làm được điều ấy, như Johnson trước đó đã hi vọng, bằng cách đe doạ leo thang chiến tranh. Nixon đã lớn tiếng đe doạ và sẵn sàng thực hiện lời đe doạ của mình.

Tôi không tin rằng những lời đe doạ ấy sẽ mang lại kết quả. Tôi đoán trước là chiến tranh sẽ mở rộng. Mà lúc ấy, công chúng đã không còn chấp nhận tiếp tục chiến tranh nữa, huống chi tới mở rộng chiến tranh. Nhưng Nixon đã thành công trong việc đánh lừa công chúng, bởi vì công chúng không muốn tin rằng tổng thống lại điên rồ và thiển cận (đứng về quyền lợi cá nhân mà nói) đến mức sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân mà còn muốn kéo dài chiến tranh. Thế là một lần nữa, tôi chứng kiến cảnh một tổng thống bí mật đe doạ đối phương, gần như chắc chắn sẽ thực hiện lời đe doạ ấy, đồng thời lại lừa dối công chúng về hành động của mình.

Đọc Hồ sơ Lầu năm góc (mùa thu năm 1969 thì tôi đọc xong), tôi đã có được cái nhìn bao quát về lịch sử đi tới một kết luận mà chắc tôi không thể đạt được nếu không được đọc. Đó là: có rất ít hi vọng làm thay đổi não trạng (của tổng thống) từ bên trong ngành hành pháp – thí dụ như đưa ra cho tổng thống những khuyến nghị đúng đắn, hay cung cấp cho ông những đánh giá hiện thực về tình hình Việt Nam. Bởi vì đọc trong Hồ sơ Lầu năm góc, tôi đã thấy là từ những ngày đầu – thời Truman – tổng thống nào cũng đã nhận được những khuyến nghị như vậy rồi. Và bây giờ, sự thực là Nixon đã lao mình vào một cuộc đua mới, thì so với những tổng thống tiền nhiệm, lại càng ít có khả năng chịu nghe những lời khuyên can.

Như vậy, muốn cho ông ta thay đổi quyết định – và chính vì tôi quan tâm tới Việt Nam và nước ta, tôi lại càng bức xúc mong muốn Hoa Kì phải chấm dứt oanh tạc và chém giết người Việt Nam – thì phải có sức ép từ bên ngoài tác động vào hành pháp. Điều này đòi hỏi là ở bên ngoài cơ quan hành pháp, cụ thể là Quốc hội và công chúng, phải được thông tin tốt hơn về quá khứ cũng như về hiện tại. Nếu tôi có trong tay những tư liệu về các kế hoạch của Nixon thì tôi đã tung ra cho Quốc hội để các nghị sĩ biết việc gì sắp xảy ra. Như thế, tôi chẳng còn phải bận tâm với hàng nghìn trang lịch sử liên quan tới các tổng thống tiền nhiệm; chỉ cần vạch rõ những gì Nixon đang tiến hành. Những tài liệu ấy, tôi không có. Mà ở thời ấy, rất khó làm cho công chúng hiểu ra rằng tổng thống đang đánh lừa họ, để công chúng có hành động thích ứng. Điều này không có trong ý thức của người dân Mĩ. Nội cái việc đưa ra ý kiến đó cũng sẽ được rất ít người đồng ý.

Thành ra, lần đầu tiên, tôi tự hỏi: nếu tôi sẵn sàng vào tù thì tôi có thể làm gì để chấm dứt chiến tranh?

Có lần ra toà để bênh vực những người bị truy tố về tội chống quân dịch, tôi đã tuyên bố tổng thống nói dối. Đó là hồi đầu năm 1971, trước khi Hồ sơ Lầu năm góc được công bố. Ngay lập tức, quan toà ra lệnh ngừng ghi biên bản, gọi luật sư lại gần. “Nếu ông còn đưa ra những nhân chứng như vậy”, quan toà cảnh cáo trạng sư bên bị, “thì sẽ coi là ông lăng nhục, xúc phạm. Tại phòng xử án này, tôi sẽ không bao giờ cho phép ai tuyên bố là tổng thống nói dối”. Đó là phiên toà xét xử những người chống chiến tranh một cách bất bạo động. Và họ không được phép mời những chứng nhân dám nói rằng tổng thống dối trá. Hồ sơ Lầu năm góc đã làm thay đổi hẳn tình trạng này. Bảy nghìn trang tư liệu về sự dối trá của Nhà trắng đã vĩnh viễn vạch rõ – và hai ba năm sau, vụ Watergate đã xác nhận lần nữa – rằng tổng thống nào cũng dối trá.

Harry Kreisler: Những người biểu tình và lập trường đạo lí của họ có tác động tới quyết định đó của ông không?

Daniel Ellsberg: Phải nói thực là tác động của những người biểu tình đối với tôi không lớn bằng tác động của những người mà tôi đã được gặp, là những người đã phải trả cái giá cao hơn nhiều trong cuộc sống của họ để gửi đi một thông điệp mạnh mẽ. Họ sẵn sàng vào tù hơn là đi quân dịch hay sang Việt Nam, hay chạy sang Canada, hay là chọn quy chế “từ chối quân dịch vì lương tâm”, hay là vào đội Vệ quốc. Họ có thể chọn nhiều cách để tránh đi đánh nhau ở Việt Nam, trong đó có cách là chọn quy chế “từ chối quân dịch vì lương tâm” (conscientious objector). Nhưng họ đã chọn cách khẳng định mạnh mẽ nhất thông điệp này: cuộc chiến tranh này là sai trái, phải chấm dứt nó, họ từ chối mọi hình thức hợp tác với chính sách chiến tranh, kể cả việc chấp nhận quy chế “không đi quân dịch vì lương tâm”. Và họ chấp nhận đi tù.

Trong số những người tôi đã gặp như thế, có một người tên là Randall Keeler, mà tôi gặp hồi cuối tháng tám năm 1969. Đến lúc tôi bàng hoàng hiểu ra rằng anh ra sắp sửa phải ra toà vì tội chống quân dịch và chuẩn bị vào tù – và đúng thế, anh ấy đã ở tù hai năm – thì tôi mới ngỡ ngàng, ngộ ra là chúng ta đang ở trong tình thế mà những con người trí tuệ và tận tâm như Randy Keeler phải cảm thấy rằng điều tốt đẹp nhất anh ta có thể làm là chấp nhận đi tù, để đồng bào của mình có thể hiểu rằng đây là vấn đề đạo lý. Keeler đã làm điều phải làm, và hành động của anh cho thấy rõ bản chất tình thế nước Mĩ lúc đó là gì. Thật là kinh khủng! Tôi cảm thấy chúng ta đang ăn thịt thanh niên của chúng ta. Xấu xa hơn cả những kẻ ăn thịt người: chúng ta ăn thịt ngay cả con em mình. Chúng ta dùng con em để trả giá cho việc tìm ra một lối thoát cho cuộc chiến tranh, bằng cách hi sinh tuổi trẻ như là thịt nhồi đại bác trong cuộc chiến tranh. Những con người như Keeler phải được ủng hộ. Mỗi người phải làm bất cứ việc gì có thể, bất bạo động và thành khẩn. Họ đúng là những môn đệ của Gandhi. Trước đó, tôi đã được đọc Gandhi và Martin Luther King. Và bây giờ, tôi được gặp những người đang thật sự sống cuộc sống mà tôi đã đọc trong sách vở. Dưới tiêu chí thành khẩn và bất bạo động, tôi nhận thức rằng, noi gương họ, tôi sẵn sàng làm tất cả những gì có thể, nghĩa là tôi sẵn sàng từ bỏ sự nghiệp, sẵn sàng đi tù.

Cho nên, lần đầu tiên tôi tự hỏi: nếu tôi sẵn sàng ở tù, thì tôi có thể làm gì để góp phần chấm dứt chiến tranh? Tôi tìm cách thu xếp ra điều trần ở Quốc hội. Tôi tìm cách thúc đẩy việc mở ra các cuộc điều trần. Cũng với một số người, tôi viết thư gửi từ RAND. Và tôi cũng sao chụp Hồ sơ Lầu năm góc với hi vọng mang thêm sức mạnh cho các việc làm khác, thí dụ như điều trần ở Quốc hội. Thực ra tôi không tin là việc này có nhiều khả năng làm thay đổi tình thế, nhưng cũng có khả năng nào đó. Tôi đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể, và đó là một điều tôi có thể làm.

Harry Kreisler: Ngoài ra còn có những nhân tố nào khác, giúp chúng tôi hiểu thêm cái động lực nội tâm đã thúc đẩy ông làm điều đó? Đối với bất cứ người nào, đây không phải là một sự chọn lựa dễ dàng.

Daniel Ellsberg: Đọc Hồ sơ Lầu năm góc đã làm tan biến trong tôi cái ý muốn làm việc cho tổng thống. Qua đó, tôi đã thấy liên tiếp năm vị tổng thống lầm lỗi đi theo con đường ngoan cố, vị kỷ, điên rồ, tổng cộng tới lúc đó là hai mươi bốn năm trời.

Từ thuở bé, tôi đã nuôi dưỡng cái ý định, và nhiều người Mĩ cũng như tôi, nuôi dưỡng ý tưởng là có cơ hội phục vụ tổng thống (Chúng ta hay nói tới giấc mơ lớn lên làm tổng thống, Clinton là một ví dụ khá hiếm, nhưng mấy ai như Clinton, từ nhỏ đã thực sự nuôi dưỡng ý tưởng trở thành tổng thống). Tôi thì khi tôi là trung uý thuỷ quân lục chiến, tôi đã nghĩ tới làm việc dưới quyền tổng thống. Theo tôi nghĩ, thuỷ quân lục chiến, hơn các binh chủng khác, tự coi mình là lực lượng phản ứng nhanh mà tổng thống có trong tay, họ tự coi là một thứ quân cận vệ tổng thống, họ có tâm lý tự đề cao mình, xuất phát từ chỗ họ tự đồng nhất với tổng thống. Trong ngành hành pháp, mọi người đều quen miệng nói “Chúng tôi làm thế này, chúng tôi làm thế kia”, điều này cũng biểu lộ sự đồng nhất hoá cao độ của những người, nam cũng như nữ, làm việc dưới trướng tổng thống.

Như thế là năm 1969, tôi là nghiên cứu viên duy nhất của RAND mà lại làm việc trực tiếp cho trợ lí an ninh quốc gia của tổng thống. Tôi làm công tác tham mưu về Việt Nam cho Kissinger ngày từ buổi đầu của chính quyền mới. Đó là một công việc hết sức danh giá và hứng khởi. Bên trong cũng như bên ngoài ngành hành pháp, rất nhiều người cho rằng được làm việc cho cơ quan hành pháp là vinh hạnh lớn nhất mà một người Mĩ có thể kì vọng. Các thứ công việc khác, viết báo, viết sách, cộng tác với một nghị sĩ, trở thành đại biểu quốc hội, chẳng có việc nào sánh bằng công việc cung cấp thông tin cho tổng thống và có ảnh hưởng với tổng thống. Điều này đúng với mọi người làm việc cho Nhà trắng, bất luận đã bỏ phiếu hay không bỏ phiếu ủng hộ tổng thống, đã làm việc nay không làm việc cho đảng của tổng thống. Mỗi thời chỉ có một tổng thống, bất luận ông ấy thuộc đảng nào, có cơ hội tác động tới tổng thống bằng cách báo cáo tin tức hay tham gia hoạch định chính sách là điều quan trọng nhất mà anh có khả năng thực hiện.

Đọc Hồ sơ Lầu năm góc và suy ngẫm về vấn đề Việt Nam làm cho tôi đốn ngộ là dù có được tham vấn đúng đắn tới đâu chăng nữa, các tổng thống đều có thể mắc sai lầm nghiêm trọng. Cho nên, cách tốt nhất để phục vụ đất nước không nhất thiết là giúp tổng thống làm những điều ông ta muốn làm, bởi vì cách tốt nhất có khi lại là ngăn cản không để cho ông ta làm điều ông ta muốn. Muốn làm như vậy thì phải đứng ở bên ngoài giới hành pháp, phải thông qua Quốc hội, qua toà án, qua cử tri, qua công chúng. Đúng thế, ở ngoài ngành hành pháp, anh có thể làm tốt hơn nhiều để giúp nước.

Thứ nữa, cái hào quang bao quanh tổng thống, cái ý tưởng tự đồng nhất với tổng thống, phục vụ tổng thống, trở thành người của tổng thống, một kiểu quan hệ phong kiến, hiệp sĩ, bỗng nhiên mất hết hào quang lấp lánh. Tôi hết muốn là “người của tổng thống”. Sống ở ngoài vòng hành pháp, cái ý này, đối với tôi, trở thành tốt như, tốt hơn là làm việc cho tổng thống. Theo tôi, chưa có đồng nghiệp nào đã đạt tới điểm đó trong đời họ. Họ không thể nào tưởng tượng ra một cuộc sống tốt đẹp hơn ở ngoài vòng hành pháp. Khi đảng của họ rời chính quyền, hay là họ bị sa thải, hoặc là họ từ chức để kiếm được nhiều tiền hơn hoặc vì lí do nào khác, họ vẫn sống trong tâm trạng chờ đợi một cú điện thoại, gọi họ trở lại hoặc hỏi ý kiến họ. Dù cho sự đoạn tuyệt với tổng thống tiền nhiệm còn để lại nỗi đau, họ vẫn sẵn sàng trở lại. Đối với họ, đó là sự nghiệp cao quý nhất. Tự hào, danh giá, hưng phấn, trọng vọng, lại thêm cảm thấy mình đang phục vụ đất nước. Tất cả những thứ đó đã cháy rụi trong tôi sau khi đọc xong bảy nghìn trang tài liệu. Nhờ đó mà tôi có thể hình dung ra một hành động khả dĩ chặn đường tôi từ nay về sau có thể quay lại phục vụ cho bất cứ tổng thống nào. Làm được việc đó rồi, không một quan chức hành pháp nào còn có thể thuê tôi làm việc trở lại nữa. Phần lớn các đồng nghiệp của tôi không thể nào quan niệm một hành động nào khiến cho các tổng thống sau này không còn tin cậy họ, gọi họ ra làm việc trở lại. Mấu chốt vấn đề là ở đó.

Cuối cùng dẫn tới kết cục là tôi làm được một việc mà tôi tin chắc sẽ đưa tôi vào tù. Làm sao được như vậy?

Tôi đã ở trong thuỷ quân lục chiến, đã sang Việt Nam, đã tham gia chiến trận. Ba triệu binh sĩ sang Việt Nam là dấn thân vào tình thế có thể cụt hai chân, mất xác, mất mạng vì mìn nổ, bị bắn tỉa, hay ăn đạn moọc-chê. Họ không được coi là anh hùng hay bị coi là điên rồ chỉ vì họ chấp nhận vai trò ấy. Chẳng ai chẩn đoán bệnh lí tâm thần cho họ, như người ta đã làm cho tôi. Chẳng ai tra hỏi họ xem tại sao họ làm như thế. Họ làm thế vì tổng thống, vì đất nước. Song, tổng thống lại lầm to khi ông quyết định điều gì là ích lợi cho đất nước. Nhưng anh vẫn làm theo lời tổng thống, anh vẫn làm những gì tổng thống muốn anh làm. Làm những chuyện nhạy cảm dù anh có thể chết, dù anh có phải giết người, rốt cuộc là làm những việc phi nghĩa. Phi nghĩa nếu xét theo mọi tiêu chuẩn nào khác hơn là nó do tổng thống chủ trương. Sự thật đó là điều phi nghĩa.

Thành ra rốt cuộc mất mạng và giết người trong một công cuộc phi nghĩa lại được coi là hết sức bình thường. Và tôi cứ thế mà làm. Tôi đã sang bên ấy. Mặc dù tôi tôi không còn tin vào công cuộc mà tôi phục vụ vì tổng thống nữa. Cho đến lúc hành động của Randy Keeler làm cho tôi giác ngộ ra rằng muốn làm theo lương tâm, có những phương cách khác hơn là phục vụ tổng thống. Có những cách dũng cảm khác. Rồi tôi tự hỏi, mình đã như bạn bè, sẵn sàng bỏ mình hay bị bắt làm tù binh ở Việt Nam vì mình ủng hộ hay cam chịu công cuộc chiến tranh, thì nay tại sao không sẵn sàng vào tù, không sẵn sàng hy sinh tự do của mình? Một khi phải đối diện với câu hỏi ấy, thì câu trả lời đến cũng nhanh.

Anh hỏi tôi làm sao tôi có thể đảm đương được cái đó, (xin trả lời) tôi thuộc lớp người đã tự nguyện sang Việt Nam. Tôi không phải là người duy nhất đã làm như vậy. Không phải bất cứ ai, nhưng nhiều người cũng đã làm như vậy. Chỉ có điều là không mấy ai có cơ hội, sau khi tích cực phục vụ tổng thống, lại tích cực dấn thân chống lại ý chí, chống lại đường lối của tổng thống, chống lại việc ông ta muốn làm, chống lại cuộc chiến tranh mà ông ta ra lệnh tiến hành. Lại đặt mình vào vị trí một người phản kháng, hay là vị trí một đại biểu Quốc hội chống lại cuộc chiến tranh.

Có thể nói, từ ngành hành pháp mà chuyển sang giúp việc cho Quốc hội và lộ diện trước công chúng, là cả một cuộc thay đổi. Một sự thay đổi lớn về “căn cước” rất khó làm, cực kỳ khó đối với một viên chức hành pháp. Một thay đổi nữa, tất nhiên, là dọn mình để sẵn sàng vào tù vì những việc mình làm. Mà đó là vì tôi liên hệ với việc bản thân tôi đã làm ở Việt Nam hay trong hàng ngũ thuỷ quân lục chiến. Nhưng sở dĩ tôi làm được cũng là nhờ tấm gương của hàng nghìn người Mĩ. Tháng trước, tạp chí Esquire có gọi tôi. Họ chuẩn bị một số đặc biệt về anh hùng và hỏi tôi có người anh hùng nào mà tôi muốn nêu tên. Tôi đã nêu tên Randy Keeler là người đã làm gương cho tôi, đã thay đổi đời tôi.

Harry Kreisler: Nói vắn tắt, thì trong một chế độ dân chủ, trách nhiệm của một cá nhân trong những vấn đề chiến tranh và hòa bình mà ta đã bàn là như thế nào?



Daniel Ellsberg: Tôi có thể vắn tắt vài câu về quyết định của riêng tôi như tôi vừa kể. Tôi cho rằng bài học mà tôi rút ra về việc phải làm gì có thể áp dụng không những cho thời trước mà cho người ta trong tương lai. Trước hết, chúng ta có cái may là trong Hiến pháp, chịu trách nhiệm về chuyện chiến tranh và hòa bình không chỉ có hành pháp (như hành pháp vẫn tưởng), mà còn có cả Quốc hội: Hiến pháp nước ta quy định rằng Quốc hội có trách nhiệm tuyên chiến, tài trợ, kiểm soát ngân sách, và có rất nhiều phương cách để thực sự kháng cự lại đường lối của hành pháp trong lãnh vực chiến tranh và hòa bình. Và trong nội bộ ngành hành pháp, lại có những quan chức có thể nghĩ tới việc thông báo cho Quốc hội, với sự đồng ý hay không đồng ý của tổng thống. Có nhiều cách làm tránh được trách nhiệm pháp lý. Ngược lại, thường ra họ chỉ cần nói thật chứ không phạm pháp vì khai man như họ thường làm. Nói khác đi, họ chỉ cần tuân thủ pháp luật thay vì vi phạm pháp luật, họ chỉ cần làm theo Hiến pháp. Tóm lại, hợp tác với Quốc hội để thay đổi tình hình. Nhưng điều đó, ít khi nào họ dám nghĩ tới bởi như thế là chéo cẳng ngỗng đối với người đã bổ nhiệm họ. Song, như tôi vẫn thường nói, ra khỏi hàng rào hành pháp, người ta vẫn có thể sống như thường.



Thứ hai, những thanh niên đi quân dịch hay những người tự nguyện nhập ngũ mà họ đưa ra trận mạc, phải chịu những rủi ro như thế nào, thì họ cũng phải hiểu rằng chính họ cũng có bị rủi ro như thế ấy trên con đường hoạn lộ của họ. Nói cách khác, họ có thể suy nghĩ, chấp nhận phải trả giá trong cuộc đời của mình bằng việc nói thực, bằng việc cung cấp thông tin cho công chúng, bằng hành động theo lương tâm, một cách trung thực, ra ngoài ngành hành pháp để nói sự thật, để thông tin cho công chúng. Nghĩa là phải trả một cái giá đắt về sự nghiệp tương lai, nhưng là cái giá mà họ phải sẵn sàng trả. Tóm lại, họ phải thấy rằng nếu họ chịu trả cái giá trong cuộc đời, thì có được một thứ quyền lực lớn hơn mà họ tưởng nhiều lắm.



Bản dịch của Nguyễn Ngọc Giao

© Thời Đại Mới

Những trận không chiến dữ dội nhất lịch sử Thái bình dương

Những trận không chiến dữ dội nhất lịch sử Thái bình dương
(Thứ Hai, 26 Tháng Chín-2011)


Saburō Sakai

Nguyễn Nhược Nghiễm chuyển ngữ







(Trích đoạn hồi ký )

“Hải quân Hoàng gia Nhật dạy cho tôi một nghề nghiệp duy nhất: Phi công khu trục. Hủy diệt những kẻ thù của tổ quốc, bay và bắn. Tôi đã sống như vậy suốt 5 năm, trên những vùng trời Trung Hoa và Thái Bình dương. Tôi không biết đến đời sống nào khác ngoài đời sống của người lính.
Cuộc đầu hàng thảm khốc ném tôi ra khỏi Hải quân. Mang đầy thương tích của những năm chiến tranh nhưng tôi không thể xin bất kỳ một trợ cấp nào. Chúng tôi đã bại trận. Tôi hiểu ra, tiền cấp dưỡng tàn phế dành cho những thương phế binh, cho dù thâm niên quân ngũ, chỉ dành cho binh sĩ của đạo quân chiến thắng.
Chính sách chiếm đóng ngăn cấm tôi làm hoa tiêu, bất kỳ loại phi cơ nào. Trong suốt 7 năm dài, từ 1945 đến 1952, lý lịch phi công khiến tôi bị loại trừ ra khỏi những công việc thuộc phạm vi công chức.
Đối với tôi, hoà bình đồng nghĩa khởi đầu một cuộc chiến mới, dài hơn và tàn bạo hơn nữa. Tôi phải chiến đấu với những kẻ thù mới, tàn khốc bội phần, sự nghèo túng, đói kém, cùng vô số tước đoạt. Thường xuyên, chính quyền chiếm đóng dựng lên trước mặt tôi, một rào cản ngăn cấm tất cả. Lối thoát duy nhất còn lại là lao động tay chân và sinh sống trong ổ chuột.
Cú đấm chót là cái chết của Hatsuyo. Vợ tôi đã sống sót dưới những trận mưa bom và sống sót qua tất cả những hiểm nguy của chiến tranh nhưng cô không thể kháng cự kẻ thù mới, thứ bệnh trầm trọng của đốn mạt vì suy dinh dưỡng.
Sau cùng, sau những năm bị tước đoạt, tôi cũng dành dụm đủ tiền để mở một xưởng in nhỏ. Làm việc từ sáng đến tối, tôi đủ trang trải phí tổn, rồi kiếm thêm chút đỉnh. Không bao lâu sau, tôi tìm ra quả phụ đô đốc Takijiro Onishi qua nhiều tháng lùng kiếm. Phó đô đốc Onishi đã mổ bụng tự sát, ngay ngày đầu hàng đã chọn cái chết thay vì chọn sống; khi các thuộc cấp của ông nhận tử lệnh không bao giờ trở lại, vì chính đô đốc đã xây dựng các Phi đoàn Thần Phong cảm tử lừng danh – đâm bổ tự sát.
Bà Onishi, đối với tôi, hơn một quả phụ đô đốc; bà còn là dì của hải quân trung úy Sasai, một người bạn thiết. Sasai tử vong trên không phận New Guinea trong lúc tôi bị thương nằm bệnh viện. Trong nhiều năm, quả phụ Onishi đã sống khổ cực lây lất, kiếm sống bằng gánh hàng rong. Trông thấy bà quần áo rách rưới kéo lê quang thúng làm dậy lên trong lòng tôi một cơn giận dữ, nhưng lúc đó tôi không có một phương tiện nào để giúp đỡ bà.
Bây giờ, làm chủ một nhà in khiêm tốn, tôi thuyết phục bà làm phụ tá. Không lâu, nhà in phát triển, tôi lại tìm kiếm và thâu nhận thêm nhiều bà goá và thân thuộc của những đồng đội đã hy sinh.
May mắn, thời thế thay đổi. 10 năm đã trôi qua từ khi chấm dứt chiến tranh. Xưởng in chạy việc giúp tất cả chúng tôi tìm lại được một đời sống đầy đủ. Riêng với cá nhân tôi, những năm gần đây đã diễn ra một cách kỳ lạ. Tôi trở thành khách mời danh dự của các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ và nhiều chiến hạm khác. Tôi vô cùng kinh ngạc trước tiến bộ kỹ thuật của những chiến đấu cơ phản lực. Tôi được mời gặp những phi công Đồng Minh. Ngồi cạnh họ, tôi trao đổi tự do và kết bạn. Chính đây mới thật sự là điều ấn tượng: Cũng chính những phi công Hoa Kỳ này mà tôi nhắm bắn, cách đây 10 năm, đã dành cho tôi tình bạn tự nhiên của họ.
Nhiều lần, Tân Không lực Hoàng gia Nhật Bản đề nghị tôi tái ngũ với cấp bậc sĩ quan tại chức. Tôi đều từ chối. Tôi không muốn quay trở lại quân ngũ với quá nhiều quá khứ.
Nhưng lái máy bay cũng giống bơi lội: không thể quên dễ dàng. Tôi đã không rời mặt đất từ 10 năm nay, nhưng chỉ cần tôi nhắm mắt, cần lái của chiến đấu cơ lại nằm trong lòng bàn tay phải, cần ga trong tay trái, và bàn đạp dưới chân. Tôi tìm lại tức khắc cảm giác của sự tự do thuần khiết, của hấp lực mời gọi của vũ trụ đầy mây mà tất cả phi công đều biết đến.
Không, tôi đã chưa bao giờ quên những động tác phi hành. Nếu nước Nhật còn cần đến tôi, nếu một ngày nào đó tổ quốc này bị cộng sản đe dọa, thì tôi sẽ đáp lại lời động viên. Nhưng với tất cả thành tâm, tôi cầu khẩn Trời cho phép tôi cất cánh vì một lý do nào khác.” [1]

Chương XIX ― Iwo Jima, bay và chết

Một lần nữa, tất cả chiến đấu cơ còn lại trên đảo cất cánh. Kết quả tồi tệ hơn dự tính của chúng tôi. Chỉ còn 9 chiếc Zéro trở về để đáp xuống Iwo Jima. Lần này cuộc tấn công của đối phương cũng lập lại y như lần trước. Các cơ sở tan nát, phi đạo đầy dấu bom. Chỉ còn lại 8 oanh tạc cơ được hầm trú ẩn bao che. Hầu hết oanh tạc cơ và chiến đấu cơ khác đang được sửa chữa hoặc giấu trong hầm trú ẩn đều bị hủy diệt.
Sau khi đáp xuống, chúng tôi bước nặng nhọc đến Bộ Chỉ Huy. Không ai còn nghị lực và tinh thần để bàn tán. Chúng tôi lê thân trên mặt đất, mệt mỏi và tuyệt vọng, đưa mắt nhìn binh sĩ chạy tới chạy lui trên phi đạo cố gắng lấp những lỗ bom, dập tắt lửa đang còn hoành hoành trên mấy ngôi nhà gần đó. Mấy phút sau, trung tá Nakajima chậm rãi bước vô Bộ chỉ huy. Chúng tôi đứng nghiêm. Nakajima khoát tay, biểu chúng tôi ngồi xuống. Ông có vẻ khích động, giọng nói nhỏ và do dự. Ông nói với chúng tôi rằng các sĩ quan tham mưu đã thảo luận suốt đêm, và tất cả đều đồng ý với phương cách chống lại người Mỹ mà chúng tôi sẽ phải thực hiện trong tương lai. Một nhóm sĩ quan nhấn mạnh rằng nếu chúng tôi cứ tiếp tục ngăn chặn các cuộc tấn công của đối phương, một vài ngày nữa chúng tôi sẽ không còn một chiếc máy bay nào. Do đó, chỉ còn một hành động duy nhứt mà chúng tôi phải làm là dốc toàn lực đánh trả đối phương. Một trong những trinh sát cơ của chúng tôi đã phát hiện một lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ cách phía Đông Nam của Iwo Jima 450 dặm, và chúng tôi có thể tấn công lực lượng này. Nhóm sĩ quan tham mưu thứ nhì đồng ý kế hoạch tấn công trên nguyên tắc. “Nhưng” họ lý luận, “chỉ với 9 chiến đấu cơ và 8 oanh tạc cơ một máy, chúng ta có thể nào chống lại lực lượng đặc nhiệm của đối phương hay không? Các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ có thể tung hàng nhiều trăm phi cơ nghinh chiến cùng một lúc!” Nên biết lực lượng mà chúng tôi tấn công là lực lượng đã quét sạch tất cả các phi cơ thuộc các hàng không mẫu hạm Nhật ở quần đảo Mariana vào ngày 20 tháng Sáu.
Cuộc thảo luận, Nakajima nói, cuối cùng đã đưa ra kết luận khi chỉ huy căn cứ Iwo, đại tá Kanzo Miura, chấp nhận kế hoạch đánh trả hạm đội Hoa Kỳ. Miura định ngày phát xuất của chúng tôi là trưa ngày 4 tháng Bảy, đúng ngày lễ kỷ niệm Độc Lập của Hoa Kỳ. Chúng tôi không bao giờ thực hiện được kế hoạch dự trù. Các phi công Hoa Kỳ đã hung hăng trở lại Iwo vào sáng ngày 4 và xé nát các cơ sở của hòn đảo thành manh múm. Chúng tôi không sao cất cánh nổi. Các phi đạo đều tê liệt. Sau cuộc không kích chúng tôi ngồi quanh Bộ chỉ huy, trong khi các sĩ quan tham mưu thảo luận bên trong. Đại tá Miura, sau này chúng tôi biết được vẫn không thay đổi kế hoạch. “Chúng ta đang kiệt quệ dần,” ông nói với Bộ tham mưu của ông, “sự kết thúc đã nhìn thấy rõ rệt nếu chúng ta cứ tiếp tục nằm trong thế thủ. Chúng ta sẽ làm gì? Ngồi đây để nhìn chiếc phi cơ cuối cùng bị bắn rơi trong khi hạm đội của đối phương vẫn còn nguyên vẹn? Không! Chúng ta sẽ tấn công, ngay hôm nay! Ngay khi các phi đạo được sữa chữa, tôi muốn tất cả các phi cơ rời khỏi mặt đất.” Trung tá Nakajima đã kể lại chi tiết của buổi họp cho chúng tôi nghe. Ông kết luận: “Tôi ý thức nhiệm vụ mà chúng ta sắp thực hiện. Không có cách nào khác hơn: các anh sẽ bay để chết. Nhưng,” tới đây ông do dự, “quyết định đã được đưa ra. Các anh sẽ phải đi.” Ông nhìn đôi mắt của mỗi người. “Và có lẽ may mắn vẫn theo một bên các anh.” Vị trung tá rút ra một tờ giấy trong túi áo và đọc tên những phi công được chọn để thực hiện phi vụ này, một phi vụ không có lượt về, hình như vậy.
Không hề có một sự phấn khởi nào được nhìn thấy giữa nhóm phi công. Mỗi người nghe đọc tên đã đứng dậy và đưa tay chào. Tên tôi đứng hàng thứ chín trong sanh sách. Tôi sẽ cầm đầu nhóm phi cơ thứ nhứt, gồm 9 chiến đấu cơ Zéro. Muto, phi công ưu tú của không đoàn, cầm đầu nhóm thứ hai. Nakajima chỉ định một vị đại úy cầm đầu cả phi đội. Nakajima bước đến tôi, “hiển nhiên là không mấy vui vẻ”. Ông đặt tay lên vai tôi. “Tôi rất buồn phải để anh đi hôm nay, đồng đội thân thiết lâu năm của tôi.” Ông ấp úng nói. “Nhưng, tôi không thể nào làm khác hơn, Sakai… Tôi… chúc anh gặp may mắn.” Tôi lặng thinh. Tôi đưa tay ra. Chúng tôi nắm lấy tay nhau trong lặng yên, rồi Nakajima quay lưng và bước đi. Chúng tôi giải tán, không ai nói tiếng nào. Các phi công được chọn thực hiện nhiệm vụ bỏ lại hết các vật dụng tuỳ thân. Tôi nhìn một vài thứ mà tôi mang theo đến Iwo. Những vật dụng để lại này sẽ được gởi về cho gia đình. Má tôi sẽ phản ứng ra sao khi người ta trao cho bà những thứ này và kể cho bà nghe câu chuyện đã xảy ra? Thì giờ trôi qua quá mau. Thật mỉa mai, tôi nghĩ, chỉ một đôi ngày trước đây, tôi giành giựt mạng sống với 15 chiếc Hellcat. Muto bước vô căn lều của tôi và hỏi tôi có ý kiến gì về nhiệm vụ này không. Tôi nhìn hắn hồi lâu. “Muto, tôi… tôi không biết. Ý kiến gì? Có ý kiến nào của tôi đâu. Khi chúng ta bay đến chiến hạm địch vào trưa nay, chiến đấu cơ địch sẽ bu lấy chúng ta. Tất cả những gì mà tôi có thể nói là… chúng ta đã nhận lịnh. Chúng ta sẽ đi. Chỉ có thế thôi.”
Tôi cảm thấy buồn cho viên phi công trẻ tuổi này. Cá nhân tôi không còn lợi ích mấy cho xứ sở nữa. Những khó khăn mà tôi đã trải qua trong việc né tránh bọn phi công Mỹ thiếu kinh nghiệm, cho tôi sự xác tín rằng đời sống nửa đui nửa sáng của tôi có kéo dài cũng chỉ kéo dài một ngày một bữa. Nhưng Muto… hắn là sự phối họp của Nishizawa, Ota và Sasai. Một phi công tài ba sáng chói. Hắn không thuộc lớp người của chúng tôi. Quẳng hắn vô một nhiệm vụ vô vọng như thế này quả là ngu xuẩn. Hắn có thể làm hơn nữa trong việc bảo vệ xứ sở. Và hiện thời… hoang phí biết bao. Dĩ nhiên Muto không biết tôi đang suy nghĩ gì. Hắn cười sau lời nói của tôi. “Đúng lắm, Sakai. Tôi biết Nếu Thượng Đế vui vẻ…” hắn nhún vai. “Nói cách khác, xin Thượng Đế hãy để cho chúng ta ít ra là được chết chung với nhau, như những người bạn.”
Một giờ sau, tất cả các phi công được chọn lựa thực hiện nhiệm vụ tấn công xếp hàng ngay ngắn trước Bộ chỉ huy. Phía sau căn lều, là một cây cột cao có treo một lá cờ đuôi nheo màu trắng rộng lớn. Trên nền trắng của lá cờ có kẻ một hàng chữ cổ: “Namu Hachiman Daibosatsu”. Có nghĩa là: “Chúng tôi tin tưởng vào vị thần Chiến Trang quảng đại.” Đây là lá cờ phỏng theo hiệu kỳ của một chiến tướng Nhật ở thế kỷ 16, trong thời kỳ xảy ra hàng loạt nội chiến liên tục khiến cho nước Nhật rối loạn cùng cực. Khi còn ở Lae, chúng tôi không bao giờ chống đỡ tinh thần bằng những “cây nạng” tâm lý như thế này. Đối với tôi, sự phô trương có vẻ kinh tởm này là dấu hiệu của sự yếu đuối, không có ý nghĩa gì khác hơn. Nó chứng tỏ đầu óc thoái hoá của các sĩ quan chúng tôi, những kẻ cố làm nổi bật họ lên bằng ánh lửa và sự dũng mãnh của những thời xa xưa, thời mà hầu hết các cuộc chiến đều được quyết định bởi tài ba và lòng dũng cảm cá nhân. Nhưng đó chỉ là thời xa xưa. Tôi không phải là một sĩ quan tham mưu, tôi không tham dự vào bất kì việc soạn thảo kế hoạch mặt trận nào, tôi cũng không phải là một chiến lược gia tập sự, nhưng tôi biết chắc chắn những gì mà các sĩ quan của tôi đang làm không còn phù hợp nữa. Các sĩ quan của chúng tôi đang làm công việc của một loại phù thủy mới. Họ khua chiêng đánh trống để cổ võ lòng yêu nước, để cố thuyết phục không chỉ riêng thuộc cấp mà còn chính họ nữa. Điều này giống như chúng tôi bù đắp những thiệt hại khủng khiếp bằng cách phô trương và đe doạ: “Bọn Mỹ khốn nạn.” Tại sao những người này lại từ chối công nhận sự thật? Làm cách nào để họ ý thức rằng loại chiến đấu cơ Zéro của chúng tôi, mà từ lâu họ đinh ninh là tốt nhứt thế giới, bấy giờ lỗi thời về mọi phương diện so với loại chiến đấu cơ Hellcat, cũng như nhiều loại phi cơ mới khác của đối phương mà tôi chưa thấy qua.
Tôi nhìn lá cờ. Nó hiện diện ở đó biết bao ngày rồi, nhưng hôm nay, lần đầu tiên, tôi mới thực sự nhìn thấy nó. Có thể nào chúng tôi đặt niềm tin của mình vào một vật tượng trưng sức mạnh siêu phàm này? Nó giúp chúng tôi gặt hái chiến thắng? Nó sẽ chận đứng những tia đạn do mấy chiếc Hellcat bắn ra? Là một phi công chiến đấu, tôi nhận thấy tốt hơn hết là tin vào sức mạnh và sự khéo léo của chính mình để thoát khỏi cái chết chỉ xảy ra trong đường tơ kẽ tóc. Tôi chỉ có thể tin vào các phi công bên cánh của tôi, và nhận sự hỗ trợ của các đồng đội khác. Nếu tôi lâm trận bằng cách chỉ la lớn những câu cổ lỗ ấy, tôi đã chết mục xương từ lâu rồi. Nhưng tất cả đã biến đổi ở hiện tại. Sự khéo léo, tài ba đã từng cứu tôi nhiều lần trở thành vô nghĩa… Không một người nào trong số 17 phi công đang đứng nghiêm trước Bộ chỉ huy có được một mảy may hy vọng nào nhìn thấy lại bạn bè.
Tôi yêu xứ sở của tôi tha thiết, và tôi sẽ không bao giờ ngần ngại một phút giây nào khi phải đổi mạng sống để bảo vệ quê hương. Nhưng giữa việc bảo vệ quê hương đến hơi thở cuối cùng và việc hoang phí mạng sống khác nhau xa lắm.
“Namu Ami Dabutsu!”, “Nam Mô A Di Đà Phật”. Đó là lời thì thầm của những người hấp hối để tìm sự khuây khoả và yên ổn tâm hồn khi sắp ra đi. Tôi tin vào nước Nhật, tôi không tin cái gọi là vị thần chiến tranh khoan dung, quảng đại. Tôi muốn chết cho xứ sở của tôi nhưng chỉ chết với niềm tin của mình, truyền thống Samurai, như là một con người, như là một chiến sĩ. Sự suy tư đã xoa dịu nỗi tức giận trong lòng tôi. Và vào lúc đại tá Miura bước ra khỏi căn lều, tôi hoàn toàn thoải mái. Vị đại tá leo lên một cái bục xếp bằng những thùng đựng bia. Chầm chậm, ông nhìn khắp lượt, có vẻ buồn bã, như nhìn mặt chúng tôi lần cuối cùng.
“Các anh sẽ đánh trả đối phương,” ông cất tiếng, “Những trận đánh tự vệ chấm dứt từ đây trở về sau. Các anh là những phi công chọn lọc của phi đoàn Yokosuka, những phi công danh tiếng nhứt của Nhật Bản. Tôi tin rằng hàng động của các anh hôm nay sẽ gây thêm tên tuổi và truyền thống vẻ vang của không đoàn.” Ông lưỡng lự một lúc. “Để cho danh dự vốn sẵn có của các anh trở nên bất diệt, các anh phải chấp nhận nhiệm vụ mà sĩ quan chỉ huy của các anh đã giao phó cho các anh. Các anh không thể, tôi lập lại, các anh không thể hy vọng tồn tại. Trong đầu óc của các anh chỉ có hai tiếng “tấn công”. Hôm nay, các anh sẽ đâu mặt với một lực lượng địch được bảo vệ, dĩ nhiên bởi hàng nhiều trăm chiến đấu cơ. “Do đó, tấn công cá nhân phải được quên đi. Các anh không thể tấn công vô các mục tiêu từng người một. Các anh phải luôn luôn kết hợp thành một nhóm duy nhứt. Các anh phải đánh mở đường xuyên qua những phi cơ nghinh chiến của địch quân và…” Đại tá Miura đứng thật thẳng. “Các anh phải chúi xuống các hàng không mẫu hạm của địch quân cùng một lúc. Chúi xuống, cùng với thủy lôi, đời sống và linh hồn của các anh.” Tai tôi lùng bùng. Ông ta đang nói gì? Tôi có nghe đúng không? “… một cuộc tấn công thông thường sẽ là vô ích. Ngay nếu các anh thành công trong việc thoát khỏi màng lưới chiến đấu cơ của Hoa Kỳ, các anh cũng sẽ bị bắn rơi trên đường trở về hòn đảo này. Cái chết của các anh không lợi ích gì cho xứ sở. Đời sống của các anh sẽ bị hoang phí đi. Chúng ta không thể cho phép việc này xảy ra.” Tiếng nói của ông làm chúng tôi chấn động. “Khi tiến đến mục tiêu, các phi công chiến đấu cơ sẽ né tránh đánh nhau với phi cơ địch. Không tấn công phi cơ oanh tạc phóng thủy lôi của họ từ trên không xuống. Những gì xảy ra không cần biết, các anh cứ giữ phi cơ của các anh chung nhóm. Cánh sát cánh! Không một trở ngại nào có thể chận đứng các anh thi hành nhiệm vụ. Các anh phải làm sao bổ nhào xuống cùng lúc, để gặt hái sự hữu hiệu. Tôi biết những gì mà tôi nói với các anh không phải dễ làm, nếu không nói là khó thể làm được. Nhưng tôi tin các anh có thể làm được, và các anh sẽ phải làm. Đó là, mọi người trong các anh, cùng chúi xuống một hàng không mẫu hạm địch và đánh chìm nó.” Ông ta nhìn chúng tôi một lát rồi nói mau. “Các anh đã nhận lịnh xong.”
Tôi đứng như trời trồng! Trước đây, chúng tôi đã từng được giao phó những nhiệm vụ ít có cơ may sống sót để trở về. Nhưng ít ra tôi có cơ hội tranh đấu cho sự sống còn của mình! Rõ ràng, đây là lần đầu tiên, một phi công Nhật nhận được lịnh tạo ra một cuộc tấn công tự sát. Trong hải quân của chúng tôi đã có một qui luật bất thành văn. Theo đó, viên phi công có thể bổ nhào xuống một chiến hạm địch một khi chiếc phi cơ của hắn què quặt trên biển cả bao la, không thể nào trở về căn cứ được. Không chỉ có phi công Nhật, nhưng phi công Hoa Kỳ, Anh, Đức… cũng làm như vậy… và sẽ luôn luôn làm như vậy bao lâu mà con người còn bay và còn chiến đấu. Nhưng chưa từng có một vị Chỉ huy trưởng Không quân Nhật nào nói với các phi công của mình: “Hãy ra đi và chết!”. (Bốn tháng sau đó, Phi Đội Tấn Công Đặc Biệt Thần Phong lừng danh được tổ chức bởi Phó Đô Đốc Onishi ở Phi Luật Tân. Trước khi tung ra các phi cơ tự sát, Onishi đã hội ý với các phi công dưới quyền để nhận một sự đảm bảo hoàn toàn rằng họ sẽ hy sinh mạng sống để bảo vệ xứ sở. Các cuộc tấn công Kamikaze trước khi được tung ra phải trải qua nhiều sự sắp xếp phức tạp, nhứt là những phi cơ thi hành nhiệm vụ này đều còn trong tình trạng khả dụng và chất đầy bom cũng như được các chiến đấu cơ hộ tống đến mục tiêu. Các phi công chiến đấu cơ hộ tống nhận chỉ thị đặc biệt quay về căn cứ để báo cáo những kết quả cuộc tấn công do chính mắt họ nhìn thấy. Ở Iwo Jima, việc này hoàn toàn khác hẳn. Ngay cả những chiếc Zéro không mang bom khi thi hành nhiệm vụ hầu như đã đến kỳ phế thải cũng cất cánh. Đại tá Miura, người ban tử lịnh cho chúng tôi, đã chết vì nhiệm vụ, trong khi Phó Đô Đốc Onishi cam tâm mổ bụng sau cuộc đầu hàng của Nhật Bản.)
Những lời nói của Miura đã gây sự xúc động dữ dội cho các phi công đứng tập họp. Trường hợp những người hy sinh đời sống của họ với sự cân nhắc, thì lời nói, dáng vẻ, sự dũng cảm phi thường cũng như kinh nghiệm chiến đấu của đại tá Miura sẽ gây phấn khởi tinh thần cho họ. Nhưng hiện tại lại khác hẳn. Hiện tại, họ biết rằng họ sẽ ra đi không bao giờ trở lại, những người lên không trung lần cuối. Tư tưởng tôi hỗn độn. Tôi không phẫn nộ mà cũng không tuyệt vọng. Tim tôi, trí óc tôi có thể nói là đã đông lạnh. Tôi nhớ lại câu: “Một Samurai sống một đời sống như vậy, hắn phải luôn luôn chuẩn bị để chết.” Tuy nhiên, giáo điều Samurai không bao giờ đòi hỏi một người chuẩn bị liên tục để tự hủy. Có sự khác biệt rất xa giữa sự tự hủy và việc bước vào cuộc chiến đấu với một ý chí chấp nhận tất cả mọi thách thức và gian nan. Trường hợp sau này, cái chết được chấp nhận và, có thể, không hối tiếc. Con người sống với chiếc đầu ngẩng cao, hắn có thể chết với dáng vẻ ấy. Hắn không chôn vùi danh dự của chính mình cũng như xứ sở, và hắn mãn nguyện khi trao cho xứ sở tất cả những gì tốt đẹp nhứt mà hắn có. Bất chấp dầu sôi lửa bỏng, bất chấp kẻ thù vượt trội, hắn vẫn chiến đấu khi cần thiết, hắn tấn công khi bị áp lực. Tất cả những điều này đã hình thành đời sống của một chiến sĩ. Nhưng làm sao một người có thể giữ được trầm tĩnh và khách quan để ra đi tự hủy trong vòng một đôi giờ? Tuy nhiên, lịnh vừa ban ra nhắc nhở chúng tôi biết rằng chúng tôi vẫn còn ở trong Hải Quân, nơi mà lịnh vẫn là lịnh. Một sự yên lặng trùm lấp khi đại tá Miura dứt lời. Chúng tôi đưa tay chào. Ông ta quay lưng và các phi công tụ tập thành nhiều nhóm nhỏ. Tôi nói với hai phi công bên cánh của tôi: “Các bạn đã thấu hiểu lịnh của đại tá?” Họ gật đầu. “Tôi tin các bạn đã sẵn sàng chuẩn bị cho những gì mà chúng ta phải làm. Đây là những chỉ thị của tôi: phải sát cánh với phi cơ của tôi cho đến khi chúng ta đến mục tiêu. Không bao giờ được phá vỡ đội hình. Những gì xảy ra không cần biết, cứ đeo dính phi cơ của tôi.” Muto và hai phi công bên cánh đến nhập bọn với chúng tôi. Muto nhe răng cười và nói đùa: “Này, còn một vài giờ nữa là chúng ta bay vào cõi chết, chúng ta phải nhìn mặt nhau cái đã. Tôi muốn nhớ mấy khuôn mặt quen thuộc này một cách chắc ăn.” Hắn đã phá vỡ sự căng thẳng, chúng tôi cười và ngồi bẹp trên mặt đất. Muto không ngớt cười đùa. Tuy nhiên, một vài phút sau, tiếng cười trở nên gượng gạo và những lời nói đùa trở nên gượng gạo.
Nhiều phi công không có tên trong danh sách thi hành nhiệm vụ đến gặp chúng tôi. Họ mang cho chúng tôi thuốc hút, kẹo và nước ngọt. Dĩ nhiên, họ muốn làm cho chúng tôi vui vẻ, họ nói rằng họ rất tiếc đã không được chọn để ra đi với chúng tôi. Nhưng đôi mắt mở rộng và buồn bã ấy đã nói thêm những lời mà họ không thể nói được. Muto thôi đùa giỡn. Hắn ngồi lặng lẽ, suy tư. Nỗi căng thẳng vừa vỡ lại hiện ra.
Đã đến giờ cất cánh lần cuối cùng.
Ba phi công khác bước ra khỏi căn lều, và tất cả chúng tôi đi ra các chiến đấu cơ. Đứng bên cạnh phi cơ, tôi nhìn túi dù của mình. Thế rồi, khi một người quăng túi dù của hắn xuống đất, chín phi công khác đều làm theo. Phi cơ của tôi máy móc không được tốt vì đã bay chiến đấu ròng rã hai ngày, và năng lực thiết yếu đòi hỏi của các trận không chiến làm cho động cơ của nó gần cháy. Thông thường tôi không bao giờ gượng gạo cất cánh với một chiếc phi cơ trong tình trạng này. Nhưng hiện thời? Tôi lấy làm khó nghĩ. Tôi nhìn các chiến đấu cơ khác. Cơ khí viên đang sửa chữa ít nhứt 4 trong số 8 chiếc phi cơ sắp sửa thực hiện nhiệm vụ. Không phải một mình tôi gặp khó khăn. Nhưng ai lại đi đòi hỏi một chiếc phi cơ hoàn hảo trong nhiệm vụ này? Hãy nhớ, Sakai, đây là phi xuất một chiều. Anh chỉ cần nó lết được 450 dặm, không phải 900 dặm. Anh không trở về từ nhiệm vụ này đâu.
Tám oanh tạc cơ chạy ra phi đạo. Chiếc Zéro đầu tiên nằm trong vị thế cất cánh. Tôi chạy chầm chậm theo sau, tiếp đó là hai phi công bên cánh của tôi. Dọc theo hai bên phi đạo, các cơ khí viên và phi công khác đứng nghiêm chỉnh đầu trần, vẫy khăn khi chúng tôi lướt trên phi đạo và cất cánh. Chúng tôi bay dọc theo đội hình chữ V, và xoay hướng trực chỉ về phía hạm đội của địch quân. Tôi quay đầu, Iwo Jima là một chấm nhỏ ở chân trời, càng lúc càng nhỏ hơn, cho đến khi nó chỉ còn là một mũi kim trên mặt đại dương bao la. Tôi nhìn lại một lần nữa, khó thể thấy Iwo ở đâu. Chân trời lờ mờ và gợn sóng trước mắt tôi. Tôi cảm thấy váng vất. Khuôn mặt của má tôi thấp thoáng khắp nơi trên bầu trời. Một ảo ảnh, nhưng rõ rệt quá đỗi. Bà mỉm cười với tôi. Bà không biết rằng tôi sắp chết bằng cách tự giết mình. Tôi nhìn mặt má tôi trừng trừng. Ảo ảnh tan dần và biến mất. Một nỗi cô đơn vây phủ lấy tôi. Tôi như tan biến hẳn trong biển cả vô tận. Khắp nơi chỉ là trời nước mênh mông. Tôi nhìn những chiến đấu cơ bay phía trước tôi, các oanh tạc cơ bay phía trước nữa và thấp hơn một chút. Chúng hình như không chuyển động, đứng một chỗ giữa không gian, lung lay nhè nhẹ, lên xuống rập rình trên một tấm đệm không khí căng phồng. Mọi thứ có thật không?
Tôi lắc đầu để xua đuổi sự mù mịt trước mắt. Nhạc! Hãy lắng nghe! Tiếng dương cầm. “Khúc nhạc dưới trăng”… Hatsuyo đã đàn một lần cho tôi nghe. Hatsuyo! Khuôn mặt nàng hiện ra… một ảo ảnh? Tiếng nhạc lúc đầu phảng phất, rồi dần dần lớn hơn, phá vỡ hai lỗ tai tôi. Tôi chưa bao giờ nói với nàng “Hatsuyo, anh yêu em.” Tôi hét lớn. “Hatsuyo, anh yêu em!” Không ai hết. Chỉ một mình tôi. Tôi nghĩ về nàng… tôi xoay lại nhìn Iwo Jima. Tôi chỉ thấy biển cả vô tận. Tiếng nhạc biến mất. Bầu trời trong sáng trở lại. Động cơ máy bay đập mạnh vào tai tôi. Mấy chiếc Zéro giữ vững đội hình hoàn hảo, chuẩn xác, cùng nhau lướt về phía định mạng của máu và lửa. Niềm cô đơn cũng tan hẳn. Anh quá bi ai, Sakai. Anh là một phi công. Một Samurai. Nhiệm vụ… hãy làm những gì mà anh phải làm!
Tôi cố gắng sắp xếp kế hoạch cho những phút giây cuối cùng trong không gian, phương pháp nào để chúi xuống một hàng không mẫu hạm hữu hiệu nhứt. Chỗ nào yếu nhứt trên chiếc tàu? Ống khói! Chui xuống ống khói. Ba chiến đấu cơ hè nhau đâm vô vỏ mỏng ở ngay mực nước? Hy vọng trên sàn tàu có nhiều dãy phi cơ, bình của chúng chứa đầy xăng, bên trong chứa đầy bom. Chúi xuống những chiếc phi cơ, bom sẽ nổ, xăng sẽ cháy, biến chiếc tàu thành một địa ngục với hàng ngàn người đẫm trong máu, vang dậy tiếng la hét và ngập tràn sự kinh khiếp.
Đại dương trôi lướt phía dưới tôi. Chớp mắt, nhiều phút trôi qua và tôi nhìn thấy, xa về bên phải, một cột khói lả theo chiều gió, trôi chầm chậm trên mặt nước. Đó là hòn đảo Pagan, nổi trên mặt biển khoảng 90 thước, với một nhóm núi lửa ngầm, toả hơi nghi ngút qua sức nóng lan rộng và luồn sâu dưới nước. Nó nhắc tôi, nhớ lại những hình ảnh trong kinh Phật mà tôi từng coi qua lúc còn nhỏ. Mỉa mau thay, mảnh đất cuối cùng mà tôi được nhìn thấy là một mảnh đất lờ mờ, sôi sụt, bốc lửa và gớm ghê. Bốn mươi phút sau, nhiều đám mây đen xuất hiện ở chân trời, phía trước chúng tôi, cách mặt nước hàng ngàn bộ. Những đám mây ấy đang trút cuồng phong và mưa lũ xuống mặt biển phía dưới. Tôi nhìn bản đồ. Lực lượng đặc nhiệm của địch quân, do trinh sát cơ chỉ điểm, nằm ở một nơi nào đó dưới cơn mưa bão dữ dội này.
Chúng tôi đã ở trong vòng bán kính tuần thám của phi cơ địch, và ra đa trên các chiến hạm chắc chắn đã phát hiện chúng tôi. Tám oanh tạc cơ chúi mũi xuống, chiến đấu cơ chúng tôi theo sát phía sau. Ở 16.000 bộ, chúng tôi rớt vô một đám mây dày đặc, trở thành kẻ đui mù trong nhiều giây, rồi lướt xuyên qua và tiếp tục chúi xuống. Ở cao độ 13.000 bộ, một vật gì nhá sáng trên bầu trời, xa về phía trước, và trên chúng tôi nhiều ngàn bộ. Hiện tượng này lập đi lập lại nhiều lần. Đó có thể là do cánh của một chiếc phi cơ phản chiếu ánh sáng mặt trời. Tôi nhìn thấy chiến đấu cơ đầu tiên. Một chiếc Hellcat, với thân và đôi cánh rộng không thể lầm lẫn được, lướt xuống, xuyên qua những đám mây. Một chiếc khác, và nhiều chiếc nữa. Bao nhiêu chiếc? Để coi! Vẫn lướt xuống xuyên qua những đám mây, chiếc này đến chiếc khác, một dọc dài các chiến đấu cơ hình như vô tận. Tôi bắn một loạt để báo cho các phi công khác. Phi đội trưởng và Muto lắc cánh đáp nhận. Ra đa của Hoa Kỳ đã chỉ điểm vị trí của chúng tôi một cách chính xác. Nhóm chiến đấu cơ địch chúi khỏi các đám mây cách phía trước chúng tôi không đầy một dặm, và cách phía trên chúng tôi chỉ nửa dặm.
Tôi bắt đầu đếm, và chỉ đếm con số mười bảy. Đối phương đã nhìn thấy chúng tôi! Chiếc phi cơ thứ mười bảy, tức chiếc mà tôi có thể đếm, bất ngờ lăn tròn về phía trái và chúi xuống. Lập tức, những chiếc còn lại vung ra hai bên và lướt xuống chúng tôi. Lời nói của Miura văng vẳng bên tai tôi: “Không chấp nhận chiến đấu… giữ vững phi cơ các anh chung nhóm.” Lời nói thật minh bạch. Nhưng làm sao đây? Hãy nhìn những chiến đấu cơ đang lướt đến. Bóng dáng của những chiếc Hellcat thấp thoáng khắp mọi nơi, nhiều chiếc đã lấy thăng bằng sau khi chúi xuống để từ phía dưới đánh ngược lên phi cơ của chúng tôi. Một nhóm hai mươi chiếc Hellcat nhìn hung hăng vồ ba chiếc Zéro của Muto. Còn nhóm khác nữa, hơn ba mươi chiếc, bổ nhào xuống rồi lấy thăng bằng và vượt lên nhanh chóng, tấn công các oanh tạc cơ đang bay phía dưới. Tôi nín thở khi nhóm Hellcat chỉa mũi vô các oanh tạc cơ. Hai tiếng nổ làm mở cả không gian phát ra, chiếc oanh tạc cơ thứ nhứt và thứ nhì biến mất. Thủy lôi mang dưới bụng đã xé nát hai chiếc phi cơ làm muôn ngàn mảnh nhỏ li ti. Bấy giờ những chiếc Hellcat đang nằm trong tầm hoả lực của ba chiếc Zéro do Muto cầm đầu, nhưng cả ba đã tránh né bằng cách lộn nhào theo hình thắt nút dây. Tôi đấm tay vô cửa kiếng một cách bất lực. Muto đã có trong tay một tử điểm. Hắn có thể lăn về bên phải và đẩy hai chiến đấu cơ địch rời khỏi không trung mà không cần một cố gắng nào, nhưng hắn không làm.
Một nhóm Hellcat khác lướt đến ba chiếc Zéro của tôi. Tôi kéo cần điều khiển lại phía sau, vọt tới và xoay trôn ốc thật ngặt với hai phi công bên cánh đeo dính sau đuôi tôi. Chúng tôi lấy thăng bằng để nhìn thấy nhiều chiếc Hellcat khác xông tới với các họng súng ở hai bên cánh rực lửa. Tôi lăn tròn. Thật nhanh. Thêm nhiều chiến đấu cơ xông tới nữa. Lăn tròn nữa. Hai lần. Lăn tròn qua trái. Lấy thăng bằng. Nhiều đối thủ lại xông tới, có tất cả bao nhiêu? “… Không chấp nhận chiến đấu…” Có thể y lịnh mãi được không? Tôi không thể. Không, ngay bây giờ. Với bầu trời dầy đặc chiến đấu cơ địch, tôi tránh né như vậy đã đủ lắm rồi. Tôi xoay như chớp, chỉa mũi vô một chiếc Hellcat đang chúi xuống. Những viên đạn của tôi đẩy bật nó ra lập tức. Chiếc phi cơ lảo đảo dữ dội rồi chúi xuống biển, kéo theo một vệt khói càng lúc càng mau. Không có thời giờ để nhìn theo nạn nhân, tôi nhấn bàn đạp bẻ lái, kéo cần điều khiển thật mạnh. Đúng lúc. Một chiếc Hellcat lướt vụt qua chiếc Zéro của tôi, tiếp theo là những chiếc khác và nhiều chiếc khác nữa. Tôi không có thời giờ để nhả bình xăng phụ dưới bụng. Thế rồi chiếc phi cơ địch cuối cùng lướt qua, chúi thẳng xuống biển, và bắt đầu lấy thăng bằng để quày lại. Tôi nhả bình xăng phụ và đảo ngược. Các phi cơ bên cánh vẫn còn với tôi. Nhờ trời, họ ngoan ngoãn thi hành đúng các chỉ thị của tôi, bám sát một bên tôi, đua tài xoay trở với tôi. Mình mẩy tôi ướt đẫm. Tôi định đưa tay lau mặt. Không kịp. Cả 16 chiến đấu cơ địch lại lướt lên cùng một lúc nhảy xổ vô ba chiến đấu cơ của tôi. Một lần nữa, tôi lại chúi, lộn, đảo và lăn. Cần điều khiển lên, xuống, giữa, phải, trái. Đá bàn đạp lái. Loé sáng, những lằn đạn. Trật, và trật nữa. Bọn phi công Mỹ nhắm yếu. Tôi liếc nhìn nhóm oanh tạc cơ. Đó là một lò sát sinh? Uể oải, chậm chạp, với những trái thủy lôi trong bụng, trôi lờ đờ trong không khí, không được chiến đấu cơ bảo vệ vì mắc bận đánh trối chết với lũ Hellcat. Một trái cầu lửa biến mất trong một tia chớp hừng hực. Một oanh tạc cơ nữa nổ tung… Không đầy một phút, cả bảy oanh tạc cơ đều đi đời. Ngay cả một cái thân hoặc một cái cánh nguyên vẹn cũng không nhìn thấy. Tình trạng của mấy chiếc Zéro cũng không lấy gì làm tốt hơn. Tôi nhìn thấy hai chiếc bao trùm trong lửa đỏ, lăn lộn liên hồi. Không viên phi công nào cố nhảy ra khỏi phi cơ. Họ ở lại và chết cháy. Tôi không nhìn thấy một chiếc Hellcat nào gặp rắc rối, ngoại trừ chiếc bị tôi bắn rơi. Chúng tôi hầu như không thể nào né tránh chiến đấu, bởi đối phương quá nhiều và cứ bu theo chúng tôi. Chiến đấu cơ Hellcat nhanh nhẹn hơn chiến đấu cơ của chúng tôi, tốc lực cũng mau hơn nhiều. Chỉ nhờ sự thiếu kinh nghiệm của bọn phi công địch đã cứu chúng tôi. Nếu họ có kinh nghiệm hơn chút nữa, mỗi chiếc Zéro sẽ bị hạ không đầy một phút. Hiện thời chỉ nhóm của tôi còn hiện diện trên bầu trời. Những chiếc Hellcat đã quét sạch các phi cơ Nhật khác, bấy giờ bâu đến kết hợp với 16 chiến đấu cơ đang tấn công nhóm của tôi.
Những chiếc cánh màu xanh và ngôi sao màu trắng chiếu lấp lánh với các họng súng đều rực lửa, ở trên và ở dưới, bên phải và bên trái chúng tôi. Đâu đâu cũng có bóng dáng Hellcat. Những chiếc Hellcat này nhắc nhở tôi nhớ hồi ở Lae, lúc 12 chiến đấu cơ của chúng tôi cố hạ một oanh tạc cơ đơn độc. Chúng tôi đã xé nát đội hình để tấn công đối thủ một cách nôn nóng. Hiện thời mấy chiếc Hellcat cũng làm giống như vậy. Chúng tôi trở nên hỗn loạn, cố tránh né hoả lực và đụng chạm với đồng bọn hơn là với chúng tôi. Chúng tôi bay chính giữa một nhóm Hellcat đông đảo khủng khiếp, và mặc dù đối phương lâm vào tình cảnh hỗn loạn, chúng tôi cũng không thể nào tìm thấy lối thoát. Chúng tôi đã ở cách Iwo Jima 400 dặm, và vẫn còn cách các hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ đâu khoảng 50 dặm. Lực lượng này chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy và không thể nào đảo mắt tìm kiếm. Cho dù chúng tôi có nhìn thấy đi nữa, làm sao chúng tôi lướt qua khỏi 60 chiếc Hellcat, chiếc nào cũng bay mau hơn chúng tôi? Một cơ may nhỏ đã đến với chúng tôi. Cuộc không chiến di động về phía một đám mây dày đặc treo lơ lửng trên mặt biển.
Một chiếc Hellcat bỗng tách khỏi vòng vây, bỏ lại một khoảng trống. Tôi lăn tròn và đẩy cần điều khiển về phía trước, chúi hết tốc lực vô đám mây. Tôi liếc lại phía sau. Hai phi cơ bên cánh vẫn đeo dính tôi. Trong nhiều phút, tôi không nhìn thấy gì hết. Thế rồi phi cơ chúng tôi lướt ra khỏi đám mây. Tôi nhìn hai chiếc Zéro, xa phía dưới phi cơ của tôi, đang xoay tít dữ dội, nhưng trong một vài giây, chúng tôi lấy lại thăng bằng, và vượt lên. Bầu trời không còn bóng dáng một chiếc Hellcat nào. Chúng tôi bay trong đội hình chữ V và xoay trở về hướng Nam. Chúng tôi thở phào thoát nạn, nhưng tương lai đen tối đang chờ đợi. Những đám mây dầy đặc hơn khi chúng tôi tiến gần đến hạm đội địch. Mây trở nên dầy đặc hơn nữa, bay là là cách mặt biển không đầy 700 bộ. Một cơn mưa mù mịt đổ xuống, mạnh đến nỗi nhiều lần ba chiếc Zéro lâm hiểm. Mưa quật vô cánh phi cơ như một giòng thác. Chúng tôi vẫn phải lướt tới. Mây càng lúc càng sà thấp xuống mặt biển. Chúng tôi chúi xuống dần chỉ còn cách mặt nước 60 bộ, quét cánh trên đầu những cơn sóng dâng cao. Bão nổi lên dữ dội hơn. Tiếng gió át cả tiếng động cơ máy bay. Mưa quật mạnh khủng khiếp trên cánh và trên thân. Chúng tôi không thể bay thấp hơn. Hiện thời chúng tôi trở nên mù hẳn. Tôi chỉ nhìn thấy màn mưa bao quanh. Không nhìn thấy mặt nước, nhưng chúng tôi biết rằng chỉ cần bước thêm bước nữa, tất cả chúng tôi sẽ biến mất trong biển cả. Ba mươi phút trôi qua. Bão vẫn không giảm. Theo bản đồ, tôi phỏng định phi cơ đang hướng thẳng đến lực lượng đặc nhiệm của đối phương. Ngay cả một hạm đội đồ sộ như vậy mà chúng tôi cũng không thể nào tìm thấy.
Bầu trời càng lúc càng u tối. Đã bảy giờ chiều có hơn. Tôi lo lắng. Cho dù chúng tôi lướt khỏi giông bão, trời đang tối nhanh chóng sẽ khiến chúng tôi không thể nhìn thấy hạm đội địch… Tôi liếc nhìn hai chiến đấu cơ bám sát một bên đuôi. Hai phi công trẻ này sẽ ra sao? Họ ngoan ngoãn theo tôi, sẵn sàng chấp nhận bất cứ những gì mà tôi đã chọn. Nếu tôi chúi xuống biển, họ cũng sẽ chúi theo tôi. Làm gì đây? Tôi soát lại la bàn và đảo một vòng thật rộng. Hai chiến đấu cơ vẫn theo sát phía sau tôi. Tôi không định chắc được vị trí của mình, bởi lẽ chúng tôi đã quần thảo với địch quân, chúi vô mây, và sau đó bay thẳng xuyên qua mưa bão. Tôi có thể ở bất cứ một nơi nào đó trên mặt biển… ngay cả một vòng 180 độ vừa rồi có thể đưa chúng tôi về hướng Nam thay vì về Iwo Jima như dự định. Nhưng tôi phải trở về, tôi phải cố gắng! Lời nói cương quyết của đại tá Miura lại vang đến bên tai tôi “… cả nhóm phải chúi xuống các hàng không mẫu hạm địch!”
Tôi hầu như muốn quày phi cơ trở lại để tìm kiếm chiến hạm địch. Tôi vẫn là một sĩ quan hải quân Hoàng Gia, nơi mà mạng lịnh vẫn là cái gì tuyệt đối. Chưa từng nghe nói đến có người đặt câu hỏi, đúng hoặc sai, trước những mạng lịnh được ban ra. Cho dù tôi trở về Iwo Jima được, làm sao tôi có thể đối diện với vị chỉ huy trưởng vừa giao nhiệm vụ cho tôi? Tất cả là một sự dằng co cùng cực trong tôi. Cho đến nhiều năm sau này tôi mới hiểu hành động của mình là một hành động có ý thức. Nhưng ngay lúc đó, qua nhiều năm chịu đựng thứ kỷ luật cứng rắn và tàn nhẫn, sự dằng co của tôi không thể nào tả xiết. Qua những giây phút khủng khiếp trong phòng lái của chiếc Zéro này, tôi đã chiến đấu và đã thành công trong việc phá vỡ hệ thống chỉ huy và truyền thống của hải quân. Cho dù cả ba chúng tôi tìm thấy chiến hạm, cho dù chúng tôi vượt khỏi chiến đấu cơ Hoa Kỳ, cho dù chúng tôi chúi xuống chính xác, chúng tôi sẽ đạt được kết quả gì với ba chiếc phi cơ nhỏ nhoi, không mang bom, chỉ có một số đạn đại bác và đại liên? Hai phi công trẻ tuổi bay theo tôi đã giao phó tính mạng của họ trong tay tôi, họ đã chứng tỏ tài ba tránh né phi thường của họ trong cuộc đụng độ vừa qua. Họ đã không lùi bước khi bay xuyên qua một cơn mưa bão. Mạng sống của họ phải dành một nơi tốt hơn là đâm đầu xuống biển. Họ thuộc về xứ sở, họ phải có dịp may để bay và chiến đấu trở lại. Do đó mà quyết định của tôi đã được tạo ra.
Tôi quay về Iwo Jima. Đại dương đã biến mất trong màn đêm. Tôi tuyệt đối không nhìn thấy một vật gì phía dưới. Tôi chỉ nhìn thấy những vì sao chiếu lấp lánh trên bầu trời. Gần một giờ trôi qua, chúng tôi vẫn lướt tới. Giây phút của định mạng. Nếu tôi bay đúng hướng, bấy giờ Iwo Jima sẽ ở phía dưới tôi. Nếu không… tôi chưa bao giờ cảm thấy nỗi lạnh lẽo nào như nỗi lạnh lẽo của đại dương ôm choàng lấy khi chiếc Zéro đâm đầu xuống. Nhiều phút nữa trôi qua. Tôi hướng mắt về phía chân trời, hy vọng nhìn thấy một vật gì, một chấm màn đêm nổi bật lên bầu trời đầy sao. Vật gì đó đã thấy kia rồi. Nó đen và to lớn khác thường. Iwo Jima! Chúng tôi đã trở về!
Tôi chúi mũi xuống, Shiga và Shirai tiếp theo sau. Iwo bao trùm trong bóng tối khi chúng tôi đảo phía trên. Thế rồi bốn ánh sáng leo lét xuất hiện. Nhưng đó là những ngọn lửa huyền diệu, kì bí đối với tôi. Những ngọn đèn hiệu dọc theo hai phi đạo chánh. Chúng chớp tắt, báo hiệu cho phi cơ đáp xuống. Những người trên đảo đã nhận ra tiếng động cơ của chúng tôi. Một cảm giác nhẹ nhõm tràn ngập trong tôi. Tôi hầu như mềm lả, sự căng thẳng trong suốt ba giờ bay trở về đã bất thần chùng lại.
Bốn ngọn đèn không soi rõ phi đạo. Thường thường chúng tôi xử dụng 20 ngọn, nhưng 16 ngọn đã bị bom phá hủy. Bốn ngọn hay bốn mươi ngọn đèn, đối với tôi cũng vậy thôi. Sau những gì mà chúng tôi đã bỏ lại sau lưng, tôi cảm thấy có thể đáp xuống trong bóng tối. Thế rồi tôi đáp xuống, lướt trên sân bay với hai chiến đấu cơ liên tiếp theo sau. Đèn tắt. Một đám đông phi công và cơ khí viên chạy ra phi cơ của chúng tôi. Khi họ tới, tôi nhìn họ một thoáng. Tôi cảm thấy không được tự nhiên khi đối diện với họ. Tôi nhảy xuống đất và bước đến Bộ Chỉ Huy. Đám đông không ai cố giữ tôi lại. Mọi người đều biết cảm nghĩ của tôi, họ tránh sang một bên khi tôi bước ngang qua phi trường với hai phi công bên cánh theo sau. Trong bóng tối, tôi đụng phải một người. Tôi thụt lùi. “Ai đó?” Tôi hỏi lớn. Không có tiếng trả lời. Tôi bước lại người tôi vừa đụng, hắn ngồi bệt trên mặt đất. Tôi có thể nhận ra bộ đồng phục phi công. Tôi cúi xuống nhìn mặt hắn.
“Muto!”
Viên phi công ngồi củ rũ, đầu gục trên đôi tay.
“Muto, anh bị thương hả?”
Muto ngước nhìn tôi. “Không.” hắn thẫn thờ đáp. “Tôi không bị thương.” Hắn đứng dậy rồi nhìn Shiga và Shirai một cách lạ lùng. “Sakai… anh mang về cả hai phi công bên cánh của anh!” Hắn thở hổn hển. Hắn nhìn xuống đất, bật khóc. “Sakai… bạn hãy chửi rủa vào mặt tôi đi. Hãy phỉ nhổ tôi đi!” Nước mắt hắn đầm đìa trên mặt. “Tôi bắt buộc phải quay về,” hắn hét lên trong sự đau lòng. “Một mình!”. Tôi nắm vai hắn. “Tôi biết cảm nghĩ của anh, Muto. Nhưng bây giờ không thể làm gì hơn nữa. Quá muộn. Tất cả đã trôi qua. Đã là quá khứ.” Tôi lay vai hắn nhè nhẹ, vào chỉ Bộ chỉ huy: “ Muto, chúng ta cùng vô trong đó.” Hắn gật đầu. Chúng tôi không nhìn nhau. Và rồi có một điều gì chận lấy tim tôi. Cơn thịnh nộ trước những gì xảy ra trong cái ngày khủng khiếp này đã nguội lạnh trong tôi bỗng nhiên nổi dậy. Tôi nghĩ những giọt nước mắt của viên phi công trẻ tuổi đầy hứa hẹn này là những giọt nước mắt lo sợ. Lo sợ sẽ là một tên hèn nhát trước một nhiệm vụ ngu xuẩn. Tôi thề rằng, bất kể vấn đề gì xảy ra, nếu một tên sĩ quan nào trút giận lên mình viên phi công trẻ này, tôi sẽ hạ gục hắn. Tôi sẽ nhồi hắn thành bột.
Đại tá Miura ngồi trơ sau bàn làm việc. Ông lắng nghe chăm chú khi tôi trình bày những gì xảy ra. Ông nhìn tôi chăm chú rồi bình thản nói: “Cảm ơn anh, Sakai!”. Chỉ mấy tiếng vậy thôi. Tới phiên Muto trình bày. Dĩ nhiên, những gì hắn trình bày đều xác nhận những lời tôi vừa nói, cũng chỉ có bốn tiếng. “Cảm ơn anh, Muto!” Chúng tôi chào cáo từ. Đại tá Miura vẫn ngồi bất động, gương mặt u tối, đôi mắt bi thiết. Tôi cảm thấy buồn cho ông ta, người đã ra lịnh cho thuộc cấp thi hành một nhiệm vụ thất bại trước khi bắt đầu. Nhưng phải ra lịnh, bởi vì ông ta không còn cách nào khác để chọn, bởi vì đó là cách tốt nhất cho xứ sở của ông. Khi chúng tôi bước ra khỏi bộ chỉ huy, một người chạy theo chúng tôi. Đó là trung tá Nakajima. Ông đưa hay tay nắm lấy vai tôi, khuôn mặt rạng rỡ. “Sakai!” ông kêu lên. “Tôi hết mong anh trở về!” Tôi muốn nói, nhưng Nakajima chận lời: “Anh không cần biện hộ. Tôi đã biết anh quá nhiều, đồng đội của tôi! Ai ở trên hòn đảo này cũng biết những gì đã xảy ra hôm nay, do đó, việc duy nhứt của anh là trở về. Đừng nhăn nhó nữa! chúng ta sẽ còn nhiều cơ hội, chúng ta vẫn còn có thể đánh nữa mà! Anh về được đây là hay lắm rồi!”. Những lời của Nakajima làm tan băng giá trong tim tôi. Tôi không còn cô độc. Nhưng những lời tử tế của ông cũng không thể nào đẩy lui hoàn toàn cơn phẫn nộ trong lòng tôi.
Các phi công khác chạy đến với chúng tôi, tay mang lề mề thuốc hút, kẹo bánh và những thức ăn khác. Chúng tôi chỉ nói cám ơn và từ chối. Tôi không sao nuốt nổi một miếng nào vô họng. Một giờ sau, một liên lạc viên chạy vô phòng tôi: “Một công điện vừa nhận được từ phía Nam Iwo,” hắn la lớn. “Một trong những oanh tạc cơ vừa đáp xuống đó. Phi hành đoàn an toàn!” Viên phi công tuôn hết thủy lôi và quày phi cơ chạy về. Hắn biết rằng dẫu hắn có cố gắng một ngàn năm đi nữa hắn cũng không thể nào chui lọt bức tường lửa do những chiếc Hellcat tạo ra. Tin tức hầu như xoá hết sự căng thẳng. Nó cho thấy rằng không phải chỉ có tôi và Muto đã chặt đứt “sợi dây xích rắn chắc” của truyền thống và mạng lịnh.

Chương XX ― Rời Iwo Jima

Suốt hai ngày, chúng tôi sống chui rúc như chuột, cố vùi mình xuống bụi cát của núi lửa Iwo Jima càng sâu càng tốt. Suốt 48 tiếng đồng hồ, mười sáu chiến hạm Hoa Kỳ chậm rãi chạy lui chạy tới, hai bên hông tím thẫm ánh lửa loà sáng, tuôn ra những khối sắt thép gào, làm rung chuyển từ đầu đến cuối hòn đảo. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình bất lực và nhỏ nhoi như tôi đã cảm thấy trong hai ngày này. Chúng tôi bó tay, không biết cách nào để chống trả. Mọi thứ trên hòn đảo đều bị xé nát thành manh múm. Không một ngôi nhà nào còn đứng vững. Không một căn lều nào thoát khỏi. Cả bốn chiến đấu cơ trở vừa về từ phi xuất cuối cùng cũng bị đạn đại bác nghiền nát. Nhiều trăm binh sĩ bộ binh và hải quân thiệt mạng. Con số bị thương gấp đôi. Iwo nằm bất tỉnh. Mọi người đều ù tai nhức óc dưới hàng nhiều ngàn quả đạn đại pháo rớt không ngưng nghỉ lên hòn đảo nhỏ bé.
Binh sĩ thuộc tiểu đoàn phòng thủ trở nên đần độn, ngù ngờ bởi cuộc pháo kích khủng khiếp mà họ đã chịu đựng. Đầu óc họ rối loạn, họ ăn nói không đâu vô đâu. Nhưng nhóm phi công nhỏ nhoi còn tồn tại đã gây sửng sốt không kém gì trận mưa pháo. Nhỏ nhoi, nhưng nhóm phi công không có phi cơ chúng tôi quyết tâm bảo vệ hòn đảo, chống lại cuộc đổ bộ mà mọi người đều tin tưởng sẽ xảy ra không chóng thì chầy. Chúng tôi tổ chức thành “Đại đội Thủy quân Iwo Jima” thề nguyền đâu lưng với những binh sĩ bộ binh còn sống sót chiến đấu cho đến người cuối cùng. Chúng tôi nhận võ khí và đạn dược. Chắc chắn chúng tôi sẽ bị tiêu diệt cấp kỳ. Nếu người Mỹ chiếm Saipan (việc này hình như đã xảy ra rồi), nếu họ nắm ưu thế tuyệt đối trên không, nếu các tàu chiến của họ khinh thường hạm đội của chúng tôi, chạy qua chạy lại sát Iwo Jima một cách ngạo mạn, thử hỏi họ không thể nào nuốt trôi hệ thống phòng thủ le que của chúng tôi hay không?
Truyền tin Iwo Jima kêu gọi Yokosuka gởi viện binh liên hồi. Chúng tôi xin thêm chiến đấu cơ. Chúng tôi xin bất cứ thứ gì mà chúng tôi có thể bay được! Yokosuka không có gì cả. Ba mươi chiến đấu cơ Zéro theo chúng tôi đến Iwo Jima là những chiến đấu cơ khả dụng cuối cùng. Không có hơn nữa! Rối loạn đang ngự trị tại Bộ Tư Lịnh Tối Cao ở Đông Kinh.
Tiếng la hân hoan, tiếng thét vui mừng đánh thức chúng tôi vào một buổi sáng, không lâu sau cuộc oanh kích tàn khốc. Hải quân không quên chúng tôi. Nhiều quân vận hạm xuất hiện ở chân trời, hướng về hòn đảo. Chúng tôi chạy xuống bờ biển vừa cười vừa la vừa nhìn các quân vận hạm phụt lên những tia lửa và nước, chìm ngay trước mắt chúng tôi. Tiềm thủy đỉnh Mỹ đã tiên đoán một cuộc di chuyển như vậy và chờ đợi để ra tay. Thảm hoạ cuối cùng này là thảm họa quyết định. Nó trở thành hiển nhiên rằng chúng tôi đang thoi thóp, rằng trong vòng một hoặc hai giờ sau cuộc đổ bộ, quân Mỹ sẽ kiểm soát Iwo. Chúng tôi cảm thấy chỉ còn sống sót một đôi ngày. Quân Mỹ không đến. Hết giờ này sang giờ khác, các quan sát viên trên những vọng canh từ đầu đảo đến cuối đảo chăm chăm nhìn ra biển, tìm kiếm hạm đội đổ bộ. Hết lần này đến lần khác, một quan sát viên vì quá căng thẳng tưởng như nhìn thấy một vật gì đó trên mặt biển nên vội vã báo động. Chuông, tù và, trống hay bất cứ thứ gì có thể gây ra tiếng động, đã phá tan sự yên tĩnh của hòn đảo với một âm thanh khiếp hãi. Chúng tôi lăn khỏi giường, mặt mày đanh lại, ghìm võ khí, sẵn sàng chiến đấu. Nhưng không có gì xảy ra.
Dĩ nhiên, chúng tôi không biết hạm đội Mỹ đã quay hướng sang Phi Luật Tân, và cho mãi đến tám tháng sau họ mới quày lại Iwo Jima. Trong suốt tám tháng này, trung tướng Tadamachi Kuribayashi đã đặt chân lên hòn đảo, mang theo 17.500 binh sĩ bộ binh và gần 6.000 binh sĩ hải quân. Ông biến Iwo Jima thành một pháo đài kiên cố, với những công sự nổi và hệ thống phòng thủ ngầm mạnh mẽ. Ông đổ binh sĩ cho đến khi hòn đảo không còn chỗ để chứa. Sau này, nhiều nhân vật lãnh đạo quân sự Nhật Bản cho rằng cuộc chiến sẽ kết thúc sớm hơn nếu người Mỹ tấn công Iwo Jima vào tháng Bảy năm 1944, thay vì chần chờ cho đến tám tháng sau. Theo những nhân vật này, cuộc đổ bộ ở Phi Luật Tân là một cuộc đổ bộ vĩ đại và đắt giá, rất thành công đối với người Mỹ, nhưng lại là một mặt trận vô nghĩa, gây trì trệ sự chiến bại đã nhìn thấy trước mắt của Nhật Bản.
Cuối cùng, cuộc đổ bộ được phỏng đoán từ lâu đã đến vào ngày 19 tháng Hai năm 1945, qui tụ một sức mạnh quân sự vĩ đại. Theo hải quân Hoa Kỳ, lực lượng của cuộc đổ bộ gồm 495 chiến hạm, trong đó có 17 hàng không mẫu hạm. Tin tức chánh thức của chính phủ Hoa Kỳ cho biết thêm về con số phi cơ không thể tưởng tượng đã yểm trợ cho cuộc đổ quân lên Iwo Jima: 1170 chiến đấu cơ và oanh tạc cơ. Tổng số 75.144 binh sĩ chiến đấu Hoa Kỳ đã tham dự vào mặt trận gay go nhứt của toàn thể cuộc chiến này. Khi các trận đánh trên hòn đảo chấm dứt, 5.324 binh sĩ Hoa Kỳ thiệt mạng và 16.000 bị thương. Cho mãi đến ngày 16 tháng Ba, Hoa Kỳ mới công bố đã kiểm soát được hòn đảo hoàn toàn, khi tên quân phòng thủ cuối cùng của Nhật Bản bị giết.
Sau nhiều lần báo động đổ bộ hụt, một công điện từ Yokosuka đã gây kinh ngạc cho chúng tôi. Bộ Tư Lịnh Yokosuka thông báo cho chúng tôi biết tất cả sĩ quan tham mưu và phi công được rút về Nhật bằng phi cơ đưa tin. Những phi cơ này đang trên đường đến Iwo Jima. Việc bất ngờ này đã gây hưng phấn cho bọn phi công chúng tôi. Chúng tôi đã chuẩn bị chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trên mặt đất… và bây giờ mạng sống của chúng tôi được phục hồi. Chúng tôi buông súng và chạy ùa ra phi trường chánh tiếp tay với các cơ khí viên và bộ binh để lấp hàng trăm lỗ thủng do đạn đại pháo địch gây ra. Chúng tôi không bao giờ hy vọng một phép lạ xảy ra do đó không ai nghĩ đến việc sửa chữa phi đạo sau cuộc pháo kích ngày 4 tháng Bảy. Tôi nằm trong số những phi công biến thành cu li, làm việc sốt sắng và hăng say. Dĩ nhiên, không phải tất cả mọi người đều vui vẻ. Còn những người phải ở lại. Chẳng hạn như các nhân viên bảo trì cũng như đơn vị bộ binh phòng ngự. Những người này, không ai thốt một lời phản kháng quyết định bỏ họ ở lại, nhưng có thể nhìn thấy sự đố kỵ và phẫn uất trên nét mặt của họ.
Quá trưa ngày hôm đó, những chiếc phi cơ đưa tin đầu tiên đáp xuống. Đó là những oanh tạc cơ phế thải, lần lượt sà sát mặt nước để tránh ra đa trên các chiến hạm địch quanh quẩn trong khu vực, khám phá. Thật may cho chúng tôi, trong suốt thời gian phi cơ đáp xuống và cất cánh, không có một chiến đấu cơ nào của Hoa Kỳ xuất hiện. Có tất cả 7 oanh tạc cơ hai máy đến chở những người được chọn để trở về Nhật. Ngay cả hệ thống quân giai chặt chẽ đã từng áp dụng cũng trở thành vô hiệu trong tình cảnh tuyệt vọng của chúng tôi ở đây. Mỗi người được di tản lần lượt lên phi cơ theo thứ tự xếp hàng. Nhóm của tôi gồm 11 hạ sĩ quan và binh sĩ phải ở lại vì không đủ chỗ. Chúng tôi nhìn đăm đăm theo chiếc phi cơ cuối cùng lướt trên không trung trực chỉ về Nhật. Ngày hôm sau, một phi cơ duy nhứt quày lại hòn đảo để đón chúng tôi. Tôi mất tin tưởng khi nhìn thấy chiếc phi cơ lảo đảo trên phi đạo. Không chỉ là một chiếc phi cơ phế thải, nhưng còn tồi tệ đến nỗi khó thể tưởng nó có thể bay được. Với 11 người chúng tôi chất lên, chiếc phi cơ xiên xẹo chạy ra phi đạo. Nó không thể nào đạt đủ tốc lực để cất cánh, và một động cơ bốc khói từng cuộn. Viên phi công phải quay lại, và các cơ khí viên bắt tay sửa chữa ròng rã hai tiếng đồng hồ. Hai giờ bằng hai tuần đối với chúng tôi. Chúng tôi cứ dõi mắt lên trời, lo ngại chiến đấu cơ Hellcat xuất hiện rót đạn vô chiếc oanh tạc cơ già nua. Chỉ cần một chiếc Hellcat cũng đủ chôn chân chúng tôi trên hòn đảo.
Cuối cùng công việc sửa chữa hoàn tất. Khi chúng tôi bước lên phi cơ, nhân viên dưới mặt đất nhìn theo với đầy tuyệt vọng cho đến nỗi tôi phải quay lại nói với họ: “Chúng tôi sẽ sớm trở lại. Và sẽ trở lại sớm, với những chiến đấu cơ mới!” Không ai trong số những người ở lại dám mơ tưởng rằng Iwo Jima sẽ được địch quân bỏ quên gần tám thàng ròng rã. Khi chúng tôi bay được mười phút, chiếc phi cơ lắc lư mạnh mẽ. Tôi nhìn ra cửa sổ. Động cơ bên phải của chiếc phi cơ càng lúc càng lung lay dữ dội. Đóng sắt vụn này làm sao nuốt trôi 650 dặm để đưa chúng tôi về Nhật? Phi công phụ, một thanh niên khoảng hai mươi tuổi, bước ra từ phòng lái, “Chuẩn úy Sakai? Thưa chuẩn úy, chuẩn úy có thể bước vô phòng lái để giúp chúng tôi không?” Mặt hắn tái xanh và run còn hơn chiếc phi cơ. Đoán biết hắn muốn gì, tôi đáp trước khi hắn dứt lời. “Quày lại! Với động cơ như vậy chúng ta không thể về tới Nhật đâu. Các anh phải quày phi cơ lại để sửa chữa thêm nữa.” Phi hành đoàn vâng lời lập tức. Trở lại Iwo, lui cui sửa chữa, và phi cơ lại cất cánh. Một giờ sau, chúng tôi chui vô một trận mưa bão cuồng nộ. Mưa đập liên hồi và mạnh mẽ trên thân chiếc phi cơ. Phi cơ dột nát, nước chảy xuống giống như một cái rây. Viên phi công phụ lại quày ra và yêu cầu tôi bước vô phòng lái.
Viên phi công trưởng khoảng hai mươi hai tuổi, hỏi tôi:
“Thưa chuẩn úy, chúng ta nên bay phía trên hay phía dưới lớp mây?”
“Phía dưới!” Tôi ra lịnh.
Mưa bão vẫn tiếp tục, mù mịt đến nỗi nhiều lần mắt chúng tôi như bị bịt kín. Cơn bão này dữ dội hơn cơn bão mà tôi đã gặp mấy ngày trước đây, lúc tôi còn cố tìm kiếm lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ ở gần Saipan. Chiếc oanh tạc cơ trồi lên hụp xuống, và rơi thấp dần cho đến khi bay hớt trên đầu ngọn sóng. Trong cơn tuyệt vọng, phi công trưởng quay khuôn mặt xanh xám sang tôi và hỏi một câu thật bi ai. “Bây giờ, chúng ta ở đâu, thưa chuẩn úy?” Đó là một câu hỏi đần độn nhứt mà tôi được nghe từ miệng một viên phi công. Tôi sửng sốt mất một vài giây, không thốt nên lời. “Xuống đi! Tôi lái cho!”. Tôi hét. Hắn không phí thời giờ, rời khỏi ghế ngồi trao tay lái cho tôi.
Gần chín mươi phút tôi bay như kẻ đui mù, cố đưa chiếc phi cơ què quặt ra khỏi cơn mưa bão. Cuối cùng, bán đảo quen thuộc phía Nam vịnh Đông Kinh hiện ra trong tầm mắt. Tiếng kêu mừng rỡ của phi hành đoàn và hành khách làm rung chuyển chiếc oanh tạc cơ. Chúng tôi đáp xuống căn cứ oanh tạc cơ Kisarazu, nằm phía bên kia vịnh, đối diện Yokosuka. Tôi đảo mắt quanh phi trường rộng lớn. Nhật Bản! Tôi lại đặt chân lên quê hương! Đã bao lần tôi tưởng không bao giờ nhìn thấy lại xứ sở. Chỉ một đôi giờ bay mà giữa đây và Iwo Jima khác biệt biết bao! Đối với tôi, và mười người khác vừa rời bỏ đống tro than của núi Hades trên đảo Iwo lại sau lưng, nước ngọt ngào và trong lành ở Nhật Bản là vật qúi nhứt trên thế gian này. Nước ở đây không có mùi tro than dễ sợ như nước mưa hứng ở Iwo Jima. Tất cả chúng tôi chạy băng qua sân bay để đến một tháp chứa nước. Chúng tôi mở vòi cho nước mát lạnh bắn tung lên. Tôi uống lấy uống để, thưởng thức cảm giác và mùi vị cùng tận của nước ngọt chảy xuống cổ họng mình.
Nhưng Iwo Jima quá gần phía sau tôi. Muto và tôi đã cùng chung ý nghĩ, nên bỗng nhiên chúng tôi không thể nào uống thêm được nữa. Cả hai cùng nghĩ đến những đồng đội, những người đã chết chỉ một đôi ngày trước đây do thương tích của đạn pháo gây ra, kêu gào trong cơn hấp hối: “Nước! Nước!”. Họ xin nước chúng tôi, nhưng không ai còn một giọt nào cả.
Một tháng sau khi tôi trở về Yokosuka, tôi được thăng cấp Thiếu úy. Sau mười một năm, tôi tiến lên địa vị của một sĩ quan chánh thức. Đó là một thành tích vượt bực trong binh chủng hải quân. Có nhiều quân nhân tham dự trận tấn công tiềm thủy đỉnh vô Trân Châu Cảng đã được thăng đến hai cấp, và trong số đó có người bước ngay lên hàng ngũ sĩ quan, mười năm sau khi họ nhập ngũ. Tuy nhiên, việc thăng thưởng của họ giữ đúng truyền thống của hải quân: thăng cấp sau khi qua đời. Tôi là binh sĩ đầu tiên bước lên cấp bậc sĩ quan chánh thức trong vòng 11 năm mà vẫn còn sống sót.
Muto và tôi được tái bổ nhiệm phục vụ ở Liên Không Đoàn Yokosuka. Chúng tôi không bị gởi trở lại Iwo Jima. Bộ Tư Lịnh Tối Cao bắt buộc phải bỏ trống không phận hòn đảo trong nhiều tháng sắp tới vì lý do thiếu phi công và phi cơ. Hiện thời cuộc đổ bộ của địch quân ở Phi Luật Tân đã nhìn thấy rõ rệt, do đó bao nhiêu phi công và phi cơ đều đổ sang để bao che cho lực lượng Nhật trên quần đảo này. Chúng tôi có gặp trung tá Nakajima khi ông lên đường nhận nhiệm vụ mới ở Cebu, Phi Luật Tân.
Nhiệm vụ mới của tôi là một sự thay đổi đáng phấn kích so với những cú đấm bi thảm mà chúng tôi chịu đựng ở Iwo Jima. Nhiệm vụ này bao gồm công việc huấn luyện tân phi công và thí nghiệm phi cơ. Bộ Tư Lịnh Tối Cao ra lịnh sản xuất hàng loạt chiến đấu cơ mới để thay thế loại chiến đấu cơ Zéro. Ngay cả những sĩ quan cố chấp nhứt cũng không thể nào phủ nhận loại chiến đấu cơ Zéro, có lần được xem là mạnh mẽ, hiện thời đã mất khả năng của chúng. Họ cũng phải công nhận các loại chiến đấu cơ mới của đối phương trên chân các loại chiến đấu cơ cũ của chúng tôi nhiều. Ở quần đảo Mariana và ở các cuộc đụng độ hải-không khác, chiến đấu cơ Grumman F6F Hellcat đã chứng tỏ ưu thế đáng nể về mọi mặt. Nhiều báo cáo từ Nam Thái Bình Dương cho biết loại chiến đấu cơ mới Lockheed P.38 Lightning có những cải tiến lớn, vượt hẳn loại chiến đấu cơ cùng loại đã lâm trận hồi cuối năm 1942. Loại P.38 mới này có tốc lực nhanh, bay cao hơn chiến đấu cơ Zéro rất xa, nhứt là khả năng chúi xuống và vượt lên cũng mau lẹ hơn. Phi công P.38 bay ở cao độ như vậy có thể chọn lựa thời gian và không gian để đánh… với kết quả đầy bi thảm cho phi công của chúng tôi. Cũng không thể hồ nghi khả năng loại chiến đấu cơ Change Vought F4U Corsair của Thủy Quân Lục Chiến và Hải Quân Hoa Kỳ, hầu hết đều hoạt động từ các căn cứ trên đất liền. Nhanh nhẹn không bằng loại Hellcat, tuy nhiên loại Corsair có tốc lực nhanh hơn loại Zéro nhiều, và có tốc độ bổ nhào khủng khiếp.
Các phi công Lục quân của chúng tôi ở Miến Điện đã báo cáo đụng độ với nhiều loại phi cơ mới của địch quân, như loại North American P.51 Mustang, vượt trội chiến đấu cơ Zéro về tầm hoạt động xa. P.51 Mustang ra mắt lần đầu tiên khi hộ tống các oanh tạc cơ B.24 Liberator bốn máy dội bom lãnh thổ Nhật hồi tháng 11 năm 1943. Và điều hiển nhiên Nhật Bản hoàn toàn không chuẩn bị để ứng phó với siêu pháo đài bay B.29 lần đầu tiên xuất phát từ các phi trường ở Trung Hoa bay đến thành phố Kyushu. Những chiến đấu cơ Karasu của Lục quân đã bó tay trước loại oanh tạc cơ bay mau, trang bị hùng hậu và bọc thiết giáp này. Nếu loại oanh tạc cơ B.17 đã từng là một đối thủ phi thường thì loại oanh tạc cơ B.29 này là một đối thủ không thể nào thắng nổi.
Những ý niệm phòng thủ thích nghi của Bộ Tư Lịnh Tối Cao Nhật được đưa ra quá muộn, và cũng quá khiếm khuyết. Đa số chiến đấu cơ của chúng tôi là loại Zéro, tỏ ra hữu hiệu trong thế công vào những ngày đầu của cuộc chiến, nhưng tỏ ra vô dụng khi chống lại loại oanh tạc cơ B.29. Hầu hết phi công oanh tạc cơ Nhật vẫn còn bay loại Mitsubishi Betty, hiện thời quá cũ kĩ, quá chậm chạp, và chỉ còn lại đặc điểm duy nhứt là biến thành ngọn đuốc trước hoả lực của đối phương. Sự thất thủ của Saipan đã thúc đẩy việc phá vỡ bất ngờ những mạng nhện nằm trong kế hoạch của Nhật Bản, Bộ Tư Lịnh Tối Cao kêu gào chiến đấu cơ mới, vượt trội hơn loại chiến đấu cơ Zéro. Vào tháng Mười Một, tôi bắt đầu bay thử hai loại chiến đấu cơ mới. Đầu tiên là loại Shiden (Tia chớp), người Mỹ gọi là George, nặng nề và tầm hoạt động kém hơn loại Zéro, nhưng tốc lực mau hơn và được trang bị đến bốn khẩu đại bác 20 ly. Shiden kiến trúc vững chắc, vỏ bọc sắt an toàn cho phi công. Tôi đã phải kinh ngạc về sự nhanh nhẹn trong thân thể nặng nề của loại phi cơ này. Không may, đặc tính của chiến đấu cơ Shiden là hay dở chứng đòi hỏi phải có một phi công đầy đủ kinh nghiệm. Nhiều người đã có dịp bay thử với Shiden, nhưng không có dịp sống sót để lâm trận với nó.
Loại chiến đấu cơ mới thứ hai là Raiden (Sấm sét), người Mỹ gọi là Jack, trù tính chống lại oanh tạc cơ hạng nặng như B.29 chẳng hạn. Vì mục đích này, Raiden được chế tạo rất hoàn hảo, và nhiều phi công Nhật so sánh nó với loại chiến đấu cơ to lớn Focke Wulf Fw 190 của Đức. Bốn đại bác 20 ly đem tới cho Raiden một quả đấm hiệu quả trong việc chống lại các oanh tạc cơ, và với tốc lực hơn 400 dặm một giờ, được coi là phi thường lúc đó, nó vượt xa loại Zéro. Ngay với trang bị và thân bọc thép dày của Raiden, loại chiến đấu cơ Zéro đã không bì kịp rồi. Raiden rất thích hợp để tấn công oanh tạc cơ, nhưng giống như loại Shiden, nó đòi hỏi tài ba của người lái. Bởi lẽ chỉ chú trọng đến tốc lực và trang bị, nên sự xoay trở lanh lẹ của Raiden rất yếu, so với loại Zéro trên phương diện này, Raiden giống như một chiếc xe hơi. Chúng tôi chịu đựng sự mất mát đáng sợ trong khi huấn luyện. Sau này, khi những chiếc Hellcat và Mustang gầm thét trên không phận Nhật Bản, những phi công lái Raiden đụng độ với đối phương mới nhận thấy sự xoay trở yếu kém của nó, nhưng tất cả đều quá muộn.
Nhiệm vụ thí nghiệm phi cơ đã cho tôi cơ hội thăm viếng gia đình người chú họ một lần nữa. Tôi rời Yokosuka vào một sáng sớm Chủ Nhật để đến nhà chú tôi, lộ trình đi ngang qua Đông Kinh. Trong thời gian tôi vắng mặt, thủ đô sa sút hơn. Mặc dù từ năm 1942 không có trận oanh tạc nào xảy ra, nhưng phố xá có vẻ buồn tẻ và mất sinh khí. Hầu hết các tiệm buôn đều đóng cửa. Việc này có ý nghĩa rõ rệt. Không có hàng để bán và các chủ nhân vắng mặt, họ vô làm việc trong các cơ xưởng chiến tranh. Một vài tiệm buôn gượng gạo mở cửa, nhưng không còn sắc thái rộn rịp như tôi đã từng thấy trước đây, chỉ lèo tèo vài món hàng meo mốc. Sự phong toả của Đồng Minh đã làm cho cái bụng của Nhật Bản thắt lại.
Tôi không ngớt đi qua những đám đông công nhân đang phá hủy nhà cửa dọc theo hai bên đường. Hàng mấy trăm người làm công việc này, nhằm dọn những khoảng trống để lửa không bắt qua, phòng ngừa trước các cuộc oanh tạc. Nhiều gia đình bắt buộc ra khỏi nhà, đứng thành từng nhóm nhỏ trên đường, đưa mắt buồn bã nhìn người ta xé nát căn nhà của mình ra mảnh vụn. Tôi đã từng chứng kiến các trận oanh tạc. Đối với tôi công tác phá hủy này là một cố gắng đáng thương hại, một nỗ lực hoang phí, ít có hiệu quả trong việc chống lại loại bom cháy. Hầu hết dân chúng đi trên đường đều mặc đồng phục làm việc, hoặc loại quần án căn bản của thời chiến, na ná như quân phục. Tôi không nhìn thấy một người đàn bà nào mặc y phục “Ngày Chúa Nhật”, những chiếc Kimono màu sặc sỡ thời tiền chiến. Thay vào đó, họ mặc áo “Monpe” màu nâu sậm, và quần vải trơn rộng thùng thình. Mỗi góc phố đều có đàn bà và trẻ con nối đuôi dài ngoằng, kiên nhẫn chờ đợi thức ăn. Mặt mày họ gầy tóp và lạnh lùng, chứng minh hùng hồn tình trạng thiếu thực phẩm đang đè nặng trên đời sống dân chúng.
Không phải mọi thứ đều đổi thay. Mấy chiếc loa phóng thanh đặt ở mỗi góc phố vẫn còn xỉa xói vô tai những lời hò hét, ca ngợi các chiến thắng tưởng tượng. Bích chương tràn ngập thành phố, kêu gọi dân chúng sản xuất mạnh mẽ hơn, chịu đựng thiếu thốn nhiều hơn, cho đến khi Nhật Bản hạ gục đối phương. Tôi cảm thấy bịnh hoạn. Chưa bao giờ tôi tưởng tượng mình sẽ được nhìn thấy nỗi khổ tận cùng hằn sâu trên gương mặt của dân chúng Nhật đến mức ấy. Tôi chờ nhiều phút trước cửa nhà chú tôi. Có người đang dạo dương cầm… người đó là Hatsuyo chứ không ai khác. Tôi lắng nghe trong giây lát, khúc nhạc đầu tiên của nhiều tháng trước đây. Tiếng nhạc ngưng lại khi tôi gõ cửa. Tôi nghe tiếng chân của Hatsuyo chạy. Nụ cười của nàng rạng rỡ như một tia nắng ban mai. “Saburō! Gặp lại anh thật tuyệt diệu!” Nàng kêu lên. Nàng nhìn tôi chăm chú hồi lâu. “Tất cả gia đình đều cầu nguyện cho anh trở về, Saburō,” giọng nàng êm ái. “Mọi người hầu như đều gặp may mắn. Anh trở về rồi đây, và đã trở thành một sĩ quan.”
Ngôi nhà quen thuộc không có gì đổi khác. Đối với tôi, vẫn là ngôi nhà đẹp hơn bất kì ngôi nhà nào khác, bởi ngôi nhà này là của Hatsuyo. “Em càng ngày càng đẹp,” tôi nói “một vật mỹ lệ nhứt mà anh được thấy trong nhiều tháng nay. Nhưng tại sao em ăn mặc như vậy? Em làm anh choá cả mắt,” tôi tỏ vẻ lạ lùng. Nàng mặc một chiếc áo Kimono trang nhã, thẳng nếp và gọn ghẽ trên thân hình mảnh khảnh của nàng. Nàng cười dòn tan. “Saburō, thỉnh thoảng em thấy anh giống như một gã ngù ngờ! Anh không biết đây là một trường hợp thật đặc biệt hay sao? Em mặc áo này là mặc cho anh. Em kiên nhẫn chờ đợi để được mặc áo khi tiếp đón một tân sĩ quan!” Nàng cười. “Đây, hãy nhìn hai cánh tay áo này?” Hai tay áo bị cắt cụt phân nửa! “Chính phủ ra lịnh cho chúng em cắt ngắn tay áo,” nàng cười thích thú, xoay vòng quanh, hai bàn tay đưa về phía trước. “Anh không biết hả,” nàng thì thầm với dáng vẻ nghiêm trọng, “tay áo dài không thích hợp với tình trạng nguy cấp hiện thời.”
Tôi mỉm cười. “Hatsuyo, mọi người đi đâu hết rồi?” Tôi hỏi. “Chú thím không có ở nhà hả?” Nàng lắc đầu. “Chỉ một mình em ở nhà để đón anh, Saburō. Ba em không có ngày nghỉ. Ông tình nguyện tham gia vào công tác bảo vệ quê hương. Ông gia nhập vào Quân Đoàn Trừ Bị Lục Quân và hiện đang thao dược ở một ngôi trường trung học gần đây. Đêm nay Michio sẽ làm việc phụ trội trong cơ xưởng.” Mặt nàng trở nên u ám. “Má em cũng đi khỏi, Saburō. Bà định mua một món gì đặc biệt để tiếp đãi anh ở… ở chợ đen.”
Tôi nhìn Hatsuyo. Nếu thím tôi làm như vậy, bà sẽ gặp rắc rối với cảnh sát. “Tại sao thím lại làm như vậy?” Tôi lo nghĩ. “Thím không biết việc gì có thể xảy ra cho thím hay sao?” “Em biết, em biết, Saburō.” Nhưng bà cứ muốn được tiếp đón anh một cách trang trọng. Tôi lắc đầu. “Hy vọng mọi việc đều êm xuôi. Khi gọi giây nói cho thím, anh có cho thím biết hiện thời không một quân nhân nào đến thăm một gia đình dân sự lại không mang theo phần ăn của mình bao giờ.” Tôi chỉ cho Hatsuyo thấy cái hộp thức ăn tôi mang theo, cũng như nhiều tặng phẩm khác mà tôi đã mua trong Hợp Tác Xã Quân Đội ở Yokosuka. Hatsuyo bối rối. “Cám ơn anh, Saburō, và em… cám ơn anh.” Nàng nói lảng sang vấn đề khác. “Hãy đến ngồi đây, Saburō. Rồi, bây giờ ngồi bên em, anh hãy kể cho em nghe mọi chuyện từ ngày anh ra đi. Những gì đã xảy ra ở Iwo Jima? Gia đình không nghe đài phát thanh đề cập đến, chỉ toàn là tin tức về cuộc chiến đấu khủng khiếp ở Saipan.” Tôi bối rối. Chúng tôi nhận nghiêm lịnh không được tiết lộ những gì đã xảy ra ở Iwo Jima. Thảm họa mà lực lượng chúng tôi chịu đựng ở đó được xếp vào hàng tối mật, và không ai bên ngoài quân đội được biết đến sự thật xảy ra. Tôi xoay vấn đề, kể về chuyện những chiến đấu cơ mới mà tôi đã bay thử. “Nếu chúng ta có đủ những chiến đấu cơ mới này, chúng ta có thể lật ngược tình thế,” tôi nói “Với tốc độ phi thường, võ trang hùng hậu, loại phi cơ mới đủ sức tiêu diệt bất kì loại phi cơ nào của địch quân.” Tôi nói dối, tôi ý thức rõ điều này. Nếu chương trình huấn luyện cứ giữ một mực, với các khoá sinh đâm đầu xuống đất hàng ngày, chúng tôi sẽ chỉ có một vài phi cơ may mắn lên được không trung để không chiến.
Sau nửa giờ nói chuyện quanh quẩn mọi vấn đề, có một vấn đề cần thiết nhứt mà tôi chưa nói. Tôi liếc nhìn dáng ngồi nghiêng của nàng, nhìn điệu bộ khi nàng nói, đôi mắt lóng lánh ngời sáng khi nàng thích thú, đôi má lúm đồng tiền khi nàng cười. Tôi muốn nói với Hatsuyo, nói một mạch không cần suy nghĩ. Tôi yêu nàng. Tôi muốn nàng biết tất cả mọi suy nghĩ của mình. Hai tháng qua, nhưng đối với tôi hình như chỉ vài phút đây thôi, khi tôi quay đầu lại và nhìn thấy Iwo Jima tan biến dần ở chân trời thì hình ảnh của nàng hiện đến. Lúc ấy tôi nguyện với lòng rằng, nếu có một phép lạ nào cho phép tôi sống sót, tôi sẽ kể cho nàng nghe tất cả những cảm nghĩ cùng tình yêu của mình. Bây giờ… tôi không thể nói! Không có gì thay đổi cả! Tôi vẫn là một phi công chiến đấu, cho dù tôi đã bước lên hàng ngũ sĩ quan. Tôi biết, tôi sẽ bay chiến đấu trở lại, và những chiếc Zéro bùng cháy mà tôi đã nhìn thấy rơi xuống trước họng súng của những chiến đấu cơ Hellcat vẫn còn in đậm trong tâm trí của tôi. Tôi biết, chúng tôi phải đương đầu với những đối thủ vượt trội. Nếu chiến đấu trở lại, tôi sẽ đâm đầu xuống đất và chết cháy. Không biết giây phút nào. Bỗng nhiên Hatsuyo làm tôi bừng tỉnh. “Saburō,” nàng dịu dàng nói, “Anh có biết Fujiko đã lấy chồng rồi không?” Tôi không biết. “Sau khi mọi chuyện êm lắng,” nàng nói tiếp, “Fujiko kết hôn với một phi công… Một phi công… Giống như anh.” Nàng thêm, giọng châm chọc. Tôi muốn nói, nhưng nàng tiếp. “Saburō, tại sao anh chưa chịu lập gia đình? Anh không còn trẻ nữa, anh biết rồi. Anh đã hai mươi bảy tuổi rồi. Anh đã nên người. Anh đã là một sĩ quan. Anh nên lo việc hôn nhân.” “Nhưng anh đã nói với em, Hatsuyo, anh không quen biết một cô gái nào hợp với anh cả.” “Anh không yêu Fujiko?” Tôi không biết nói sao. Một nỗi im lặng bối rối vây lấy chúng tôi. Hatsuyo bước đến vặn nút chiếc máy phát thanh, bắt giờ nhạc êm dịu buổi trưa. Âm nhạc phá tan không khí nặng nề.
Nàng quay lại và ngồi xuống bên tôi. “Được rồi,” nàng nói, “dĩ nhiên, Saburō, anh cần phải tìm một người vợ thích hợp với anh mọi mặt.” Hatsuyo càng làm tôi bối rối. Nàng không chịu nhìn nơi khác, mắt của nàng cứ nhìn tôi đăm đăm. Tôi trở nên luống cuống, định nói nhưng miệng cứ ấp úng mãi. Tôi đứng ngay dậy và bước đến cửa sổ, đưa mắt nhìn ra ngoài. Vườn hoa xinh xắn biến mất, thay vào đó là những gốc rau. “Còn nhiều người đẹp hơn Fujiko nữa, Saburō,” Hatsuyo nói. Nàng đã đến bước đến phía sau tôi, và hiện tại hầu như thân thể nàng chạm vào tôi. “Hatsuyo!” Tôi la lớn. “Anh không muốn nói đến chuyện này nữa!” Cơn thịnh nộ của tôi khiến nàng hoảng hốt. “Chúng ta đã nói đi nói lại bao nhiêu lần rồi. Nhưng thực tế không hề thay đổi. Không có gì thay đổi hết. Anh vẫn là một phi công, em biết chớ? Mỗi lần anh cất cánh là có thể anh không bao giờ trở về. Mỗi lần! Điều đó chắc chắn xảy ra, không chóng thì chầy. Không chóng thì chầy!”
Tôi bực bội và phiền não. Tại sao nàng cứ nói đi nói lại về chuyện hôn nhân? Tôi thấy tôi đáng ghét, do những lời lẽ mà tôi đã thốt ra. Tôi thấy tôi đáng ghét, vì không dám nói ra cảm nghĩ của mình cho nàng nghe.
“Hiện tại không có một phi công nào mà không chuẩn bị để chết, Hatsuyo,” tôi giải thích. “May mắn của chúng anh được đặt ra ngoài. Tài ba vô dụng. Việc này…” “Anh nói giống như trẻ con. Saburō!” Đôi mắt nàng bừng lên nỗi giận dỗi. Tiếng nàng trầm xuống đến nỗi tôi phải cố lắng nghe. “Anh cứ nói vòng quanh, và anh không biết những gì anh đang nói. Anh không biết trái tim của một cô gái.” Nàng giơ tay lên trong một dáng điệu giận dữ. “Anh nói về chuyện bay bổng, về chuyện chết chóc, Saburō. Anh không biết nói gì khác hơn! Anh không biết nói về sự sống còn.” Nàng bước đến tắt chiếc máy thâu thanh với một cử động giận dữ. Không thèm để ý đến tôi, nàng ngồi trước chiếc dương cầm, mấy ngón tay uể oải trên phím đàn. Tôi câm miệng. Nhiều phút trôi qua, tôi đứng chôn chân một chỗ, không nói một lời. Cuối cùng, tôi lên tiếng. “Hatsuyo, anh… anh không biết. Có lẽ, nếu… Đó là lỗi của anh. Anh có thể làm gì được một khi chúng ta đang ở vào thời chiến?” Tôi nói lớn. “Tại sao em cứ nói mãi vấn đề này? Gặp em trong ngôi nhà này, như vậy đã là quá đủ đối với anh rồi.” Tôi tiếp. “Anh muốn…, anh không biết,” tôi ấp úng. “Tất cả những gì anh muốn biết, tất cả những gì mà anh ao ước là được thấy em vẫn còn sống sót và hạnh phúc.” Nàng đập mạnh đôi tay lên phím đàn và quay lại. “Em không muốn sống nữa! Sống để làm gì và… và…” Nàng đặt tay lên ngực: “trống rỗng ở đây? Không một ai trong chúng ta, ngay cả một phi công, ngay cả những người trong ngôi nhà này có thể nhìn thấy trước sự sống còn. Anh không hiểu như vậy sao, Saburō?”
Cơn giận của nàng khiến tôi giật mình. “Một người đàn bà chỉ hạnh phúc,” nàng nói thẳng, “một khi nàng được sống với người đàn ông mà nàng yêu thương. Cho dù, cho dù chỉ một đôi ngày cũng được.” Nàng quay khuôn mặt bi thiết đi, dồn hết giận dữ lên chiếc dương cầm. Tôi đứng như trời trồng, không biết nói hoặc làm gì.
[…]

Saburō Sakai, Tokyo 1956
Nguyễn Nhược Nghiễm chuyển ngữ, Nxb Sông Kiên, Sàigòn 1972
[1] Thay lời tựa của Saburō Sakai trong hồi ký Samuraï, Trần Vũ chuyển ngữ từ bản Pháp văn của Robert de Marolles, Nxb Presses de la Cité, 1957. Samuraï có nhiều phiên bản: Bản Anh ngữ của Martin Caidin và Fred Saito. Bản Việt ngữ “Samurai và Những trận không chiến dữ dội nhất lịch sử Thái Bình dương” của Nguyễn Nhược Nghiễm in tại Sài Gòn năm 1972 được cắt ngắn thành 22 chương so với 31 chương trong bản dịch “Samouraï” của Robert de Marolles.