19/6/13

Những Ngày Mưa … Chó Mèo




Những ngày mưa…chó mèo


Người Mỹ có câu thành ngữ thông dụng…raining cats and dogs…mưa quá to, giông bão tơi bời vì quá nhiều sự việc dồn dập. Ở Việt Nam, mưa thực sự đem theo rất nhiều chó và mèo.
Trước hết, một bài báo có nhiều người đọc từ BBC nói về một nhân vật từ Úc, bà Michele Brown, thuộc hội bảo vệ súc vật. Khi làm một phóng sự về tệ nạn ăn thịt chó của người Việt, bà và người tài xế bị rượt đánh suýt chết. Bà này có làm một cuốn phim tài liệu trình chiếu tại hội phim Cannes về nạn ăn thịt chó mèo của người Trung Quốc và người Việt. Phim tạo một truyền cảm ghê rợn cho khán giả và gây ra một tai hại rất lớn cho những “cảm tình” mà các trí thức Âu Mỹ dành cho người Tàu và người Việt.
Chúng ta phải hiểu về phong tục và văn hóa của các dân tộc da trắng Âu Mỹ (Caucasian). Trong bậc xếp hạng về vị trí vai vế trong xã hội, thú vật nuôi trong nhà (pets) đứng sau trẻ em và đàn bà nhưng trước đàn ông. Mỗi năm, tiền chi tiêu mua sắm cho các pets tại Mỹ nhiều hơn ngân sách của toàn thể chánh phủ Phi Châu. Có thể vì sợi giây gia đình không bền chặt nên người Âu Mỹ thân thiết với các pets hơn các mối liên hệ xã hội khác. Dù thế nào, giết pets ở Mỹ là tội hình sự; và người ăn thịt chó mèo được xem như là man rợ, rừng rú và đáng khinh bỉ.
Điều quan trọng ở đây là chuyện của bà Brown không phải là tít lớn duy nhất trên các mạng truyền thông Âu Mỹ. Gần đây, nhiều phóng sự bài vở với góc nhìn rất tệ hại về Việt Nam lan tràn khắp nơi. Chuyện ăn thịt chó mèo, chuyện tội phạm Việt trồng ma túy cần sa khắp Canada, Anh và Mỹ, chuyện đại gia Việt phá rừng ở Lào và Kampuchia, chuyện buôn người ở Đông Âu, chuyện rửa tiền và tham nhũng, chuyện bắt giữ các bloggers, chuyện khách du lịch bị chặt chém và lừa bịp, chuyện ngăn chận Facebook…Nói tóm lại, các mạng truyền thông thế giới đã trở thành “thế lực thù địch” lớn nhất của chế độ hiện nay.
Tôi còn nhớ trước 1975, khi Mỹ muốn thay đổi chính sách ở Việt Nam sau khi đi đêm với Trung Quốc (qua cuộc viếng thăm lịch sử của Nixon ở Tàu vào 1972), các giới truyền thông Âu Mỹ tấn công mạnh mẽ vào chánh quyền Thiệu và quân đội VNCH. Bọn họ moi móc và ngụy tạo không biết bao nhiêu là bài vở rất tệ hại cho hình ảnh miền Nam VN. Với sự góp tay của các trí thức khuynh tả, đây thực sự là một chiến dịch PR điều khiển từ White House để chuẩn bị dư luận. Vì lá phiều của cử tri vô cùng thiết yếu cho sự sinh tồn của các chính trị gia Âu Mỹ, “chuẩn bị dư luận” luôn luôn là một báo hiệu cho những bước đi kế tiếp.
Xin nói rõ tôi không biết một điều gì khác ngoài việc “đọc và suy ngẫm” những thông tin đã xuất bản. Nhưng từ các sự kiện trên, tôi tự hỏi “các trận mưa…chó mèo này đang muốn nhắc nhở tôi về một điều gì?”
Alan Phan

SOURCE : BLOG TS ALAN PHAN 




Nhớ Thế Uyên (1935-2013)


17.06.2013

bởi Nguyễn Hưng Quốc




Nhà văn Thế Uyên (1935-2013)


Sáng Thứ Tư, 12/6/2013 (giờ Úc), tôi nhận được email của nhà văn Phạm Phú Minh từ California cho biết nhà văn Thế Uyên vừa mới từ trần cách đó mấy tiếng tại tiểu bang Washington, Mỹ. Đọc email xong, tôi cứ ngồi thừ bần thần suốt cả buổi sáng không làm được gì cả.

Thật ra, tôi chưa gặp Thế Uyên ngoài đời bao giờ. Tôi chỉ “gặp” ông, thoạt đầu, qua các cuốn sách và các bài báo của ông; sau đó, qua một số bức thư ông gửi cho tôi.

Trước năm 1975, lúc ông đang dạy học, viết lách và loăng quăng hoạt động trong nhóm Thái Độ với giấc mộng thúc đẩy một cuộc cách-mạng-xã-hội-không-quốc-gia-không-cộng-sản ở Sài Gòn thì tôi vẫn ngơ ngơ ngác ngác trong các trường tiểu học rồi trung học ở Quảng Nam - Đà Nẵng; sau 1975, khi tôi vào Sài Gòn thì ông nằm trong các trại cải tạo; sau đó, vượt biên, tôi sang Pháp rồi qua Úc, còn ông thì từ Việt Nam được bảo lãnh sang Mỹ. Năm 1998, viết thư cho tôi, ông xin mấy tấm hình của tôi với lý do “để sau này dễ nhận ra nhau khi gặp gỡ”. Thú thực, lâu quá, tôi không nhớ là có gửi hình cho ông không. Có điều, sau đó, tôi có dịp đi Mỹ khá nhiều lần nhưng chưa bao giờ ghé đến tiểu bang Washington, nơi ông ở, còn ông, sau lần bị stroke vào tháng 3 năm 1999, thì, nói theo lời ông trong bức thiệp chúc tết gửi tôi vào đầu năm 2001, “vẫn chống gậy lịch kịch đi gần gần và viết bằng tay trái”, chắc không thể đi đâu xa được. Vậy là cho đến lúc ông qua đời, tôi vẫn chưa được gặp ông lần nào cả.

Cũng không có gì đáng tiếc. Với nhà văn, có khi gặp trên trang sách là đã đủ. Kinh nghiệm cho tôi thấy việc gặp gỡ ngoài đời ít khi thực sự có ích cho việc đọc văn của nhau. Những nhà văn ngoài đời lớn và đẹp hơn tác phẩm của chính họ thường, phần lớn, là các nhà văn loại xoàng. Những nhà văn lớn, thực sự lớn, thì thường lớn trong tác phẩm hơn là trong cuộc sống, do đó, những cái chúng ta thấy ngoài đời thường nhàn nhạt, có khi, thậm chí, nhạt thếch, so với những gì chúng ta đọc trên trang giấy. Dĩ nhiên, tôi không hoàn toàn phủ nhận tác dụng của các cuộc tiếp xúc. Chúng có thể làm nảy nở tình bạn hoặc gợi ra một số khía cạnh nào đó khi đọc. Nhưng chúng cũng đầy bất trắc.

Bởi vậy, nghĩ đến Thế Uyên, tôi không tiếc lắm về việc không gặp được ông mà mừng vì đã đọc ông từ rất sớm, có lẽ từ những năm đầu tiên của trung học. Và đọc khá nhiều, từ truyện ngắn đến truyện dài, tùy bút, biên khảo, dịch thuật, và cả các cuốn sách giáo khoa văn học do ông biên soạn. Thích. Dù phải nói thật là không thích lắm. Có lẽ vì phần lớn các tác phẩm của ông, đặc biệt tùy bút và nghị luận, thường xoáy vào các vấn đề thời sự, những thao thức về thời cuộc, tất cả, với một đứa trẻ mới lớn như tôi lúc ấy, thật xa vời, hơn nữa, xa lạ. Điều tôi thích ở ông lúc ấy, và cả sau này nữa, không phải ở tư tưởng, mà là ở thái độ, một thái độ thành thực và thẳng thắn, hay nói toạc ra những gì mình nghĩ, dù về chuyện tình dục hay chuyện chính trị, bất kể phản ứng của người đọc hay người đối thoại. Đằng sau thái độ ấy, có lẽ đúng như Võ Phiến nhận định, là một “cá tính mạnh”. Tôi thích những người có cá tính mạnh. Nhất là trong viết lách.

Nhờ cá tính mạnh như thế, Thế Uyên, trong các tác phẩm xuất bản ở Sài Gòn trước 1975, đã có một số những đóng góp khá có ý nghĩa: Thứ nhất, ông bình thường hóa yếu tố tình dục trong các quan hệ nam nữ; thứ hai, ông cũng bình thường hóa những cách nói vốn dễ bị xem là thô lỗ và sỗ sàng liên quan đến thể xác; thứ ba, ông cung cấp nhiều chi tiết và đánh giá thú vị về Tự Lực văn đoàn từ cái nhìn của một người vừa ở trong vừa ở ngoài gia đình, với rất nhiều kính trọng nhưng lại không sa vào sùng bái và xu hướng huyền thoại hóa; và thứ tư, ông tự biến thành một hình ảnh tiêu biểu ít nhất của một số khá đông trí thức văn nghệ sĩ ở miền Nam trước năm 1975: vừa có tham vọng lại vừa ngây thơ, vừa dấn thân lại vừa lãng đãng mơ mộng, vừa sáng suốt lại vừa mù quáng…

Ở hai đóng góp đầu, tôi dùng chữ “bình thường hóa”. Ở cả hai, Thế Uyên không phải là người có công phát hiện. Ông chỉ có “công” đề cập đến chuyện tình dục và sử dụng loại ngôn ngữ liên quan đến thể xác với một tần số thật cao và, đặc biệt, với một giọng điệu thật hồn nhiên và tự nhiên khiến dần dần, người đọc thấy mọi thứ đều bình thường, bình thường đến độ, sau đó, gặp lại những chuyện ấy cũng như những cách nói ấy, không ai còn thấy sốc nữa. Thế Uyên bị phê phán, nhưng nhờ ông, những người cầm bút về sau, khi viết như ông hoặc táo bạo hơn ông, cũng thấy nhẹ nhàng hơn hẳn.

Tuy nhiên, điều tôi nghĩ ngợi nhiều nhất về Thế Uyên trong mấy ngày này không phải là chuyện viết lách của ông. Chuyện ấy, Võ Phiến đã có một bài viết thật sâu sắc và công bình trong cuốn Văn học miền Nam (truyện, tập 3, nxb Văn Nghệ, California, 1999, tr. 1461-1489). Tôi nghĩ nhiều hơn đến tính cách của Thế Uyên. Không phải tính cách như nó được phản ánh qua trang viết như điều Võ Phiến đã phân tích. Cũng không phải qua thư từ riêng tư ông gửi tôi. Mà qua những lần tranh cãi giữa ông với tôi và Hoàng Ngọc-Tuấn trên báo, chủ yếu là trên tờ Văn Học của Nguyễn Mộng Giác ở California.

Có hai lần tranh cãi.

Lần đầu, trong cuộc tranh luận chung quanh bài “Đọc… chơi vài bài ca dao” của tôi vốn đăng trên tạp chí Việt số 1 ra vào đầu năm 1998, sau đó, in lại trên Văn Học của Nguyễn Mộng Giác ở California (số 141&142, 1998). Trong bài viết, tôi đề cập đến nhiều bài ca dao, từ bài “Mình nói dối ta mình hãy còn son” đến bài “Trèo lên cây bưởi hái hoa” hay “Em như cục c.. trôi sông”, nhưng chi tiết bị nhiều người phản đối nhất là cách tôi diễn dịch câu “Vân Tiên ngồi dưới gốc môn / Chờ cho trăng lặn bóp l. Nguyệt Nga” như một “cách đọc truyện Lục Vân Tiên” và cũng là một cách phê phán Nguyễn Đình Chiểu của quần chúng. Cuộc tranh luận kéo dài trên nhiều số Văn Học. Trong số những người phản đối tôi có Thế Uyên với bài “Bàn thêm về Lục Vân Tiên và ca dao với Nguyễn Hưng Quốc” (Văn Học số 143, tháng 3, 1998, tr. 23-31). Lần ấy, tôi không trả lời ai cả.

Lần thứ hai, do chính Thế Uyên khởi xướng, trong bài “Đàm luận với Nam bán cầu” đăng trên tờ Văn Học (số 155, tháng 3/1999), ở đó, Thế Uyên trích một số câu trong bài “Sống và viết như những người lưu vong” đăng trên Việt số 2 của tôi để phản bác. Hơn nữa, ông cũng trích một số câu trong thư tôi gửi riêng ông để gọi là “đàm luận”. Tôi chỉ viết bài “Vài lời minh oan”, đăng trên cùng số báo, để…minh oan vì tôi cho là Thế Uyên hiểu sai ý của tôi. Trên Văn Học số kế tiếp, 156 (tháng 4/1999), Hoàng Ngọc-Tuấn cho đăng bài “Thử bàn về một số vấn đề ‘kinh điển’ trong lý luận văn học nhân đọc bài viết của nhà văn Thế Uyên”, trong đó, với một lượng kiến thức đồ sộ từ sách vở Đông Tây kim cổ và với khả năng phân tích sắc bén, anh vạch trần từng điểm, từng điểm sai lầm trong cả kiến thức lẫn nhận thức của Thế Uyên. Sự uyên bác của Hoàng Ngọc-Tuấn rõ ràng đè bẹp cái cảm tính của Thế Uyên. Điều đó khiến Nguyễn Mộng Giác đâm ra băn khoăn ngập ngừng lưỡng lự trước khi quyết định cho đăng. Nói chuyện với tôi, anh cho biết: anh thấy tội nghiệp cho Thế Uyên.

Tôi tham gia sinh hoạt văn học đủ lâu để biết tâm lý của phần lớn giới cầm bút Việt Nam: Không khen nhau đã mệt, huống gì lại chê nhau; chê nhau bằng miệng đã chuốc oán huống gì là chê nhau trên mặt báo. Sau những lần đụng độ công khai, quan hệ bao giờ cũng bị đổ vỡ, hoặc ít nhất, rạn nứt. Có người thù suốt cả đời. Nhưng Thế Uyên thì không. Sau đó, ông vẫn viết thư cho tôi. Vẫn thân mật. Vẫn khen tạp chí Việt và một số bài viết của tôi. Tháng 9 năm 2002, không biết là Việt đã đình bản, ông hỏi: “Tôi hiện vẫn một tay và một chân rưỡi. Nhưng đã hồi phục đủ để thấy thích viết văn trở lại. Do đó, chủ đề số tới là gì vậy, xem tôi có thể đóng góp được không (nếu Việt chịu được lối viết của tôi, giản dị và ít dẫn chứng ông Ov bà Ef, lại đôi khi để cái ‘tạng’ nó chi phối!).” Khi biết Việt bị đình bản, ông vẫn gửi bài đăng trên Tiền Vệ, tờ báo mạng do Hoàng Ngọc-Tuấn và tôi chủ trương. Hồi ký “Tự thuật văn học” kéo dài 19 kỳ của ông, ông gửi đăng trên Tiền Vệ chứ không phải ở bất cứ đâu khác.

Thái độ của Thế Uyên, rất người lớn và cũng rất chuyên nghiệp, tôi nghĩ, rất hiếm có trong giới cầm bút. Nó khiến tôi kính phục ông.

Nghe tin ông mất, nghĩ về ông, điều ám ảnh tôi nhất chính là cái thái độ ấy. Và chợt thoáng lên chút tiếc nuối: Phải chi được gặp ông để cụng với ông một ly rượu. Coi những chuyện cãi cọ cũ như “chiếc lá bay”, như “hạt bụi”, hoặc cùng lắm, như “hơi rượu say”.

Source :  VOA /Blog NHQ.

17/6/13

Thế Uyên - Những ý nghĩ của bọt biển

Thế Uyên
Những ý nghĩ của bọt biển
(Thái độ II)

1   

Tất cả những đoạn văn sau đây chỉ là những ý nghĩ biểu lộ thái độ của một người trẻ tuổi chấp nhận cuộc chiến tranh hiện tại cùng tất cả những khốn khổ của thân phận làm dân một nước nhược tiểu. Hắn không hề nghĩ rằng những ý nghĩ cùng thái độ của hắn là đúng nhất bởi hắn không phải là một nhà đạo đức hay một quan tòa. Cùng lắm, hắn cho rằng bất quá hắn đã chỉ làm công việc của một chứng nhân – một chứng nhân trong cuộc.
Thế Uyên
Mục lục
Ý nghĩ vẩn vơ
Lời giảng chót gửi học trò cũ
Những bàn tay không
Những người bơ vơ
Trương Vô Kỵ
Mười năm văn hóa kiểm duyệt miền Nam
Văn hóa trong chiến tranh Việt Nam
Quảng Ngãi tháng Mười
Lương đống
Hiện tượng chậm tiến trong bộ máy nhà nước
Trở lại miền Trung
Hai thái độ

Ý nghĩ vẩn vơ

Từ nhiều năm nay, ít khi tôi suy nghĩ tới một điều gì xa quá một năm trong tương lai bởi vì vị trí của một người dân trong xã hội miền Nam đầy biến chuyển bất trắc này không cho phép. Nhưng rồi cũng có một buổi sáng trời không có nắng, không khí hiu hắt làm tâm hồn lắng xuống làm xuất hiện một câu hỏi vẩn vơ nhưng day dứt, một câu hỏi giản dị đến ngây ngô: Thế nào là một người Việt Nam?

Tôi là người Việt Nam – hiển nhiên là vậy. Nhưng có chắc thật thế không? Trước tầm nhìn của tôi là hàng rào kẽm gai, khung cửa sổ, vách tường, bàn ghế. Những vật này không biện minh được gì: kẽm gai từ Tây phương nhập cảng, kiểu cửa sổ, lối xây tường, kiểu bàn ghế, v.v. đều là của Tây phương. Trên mình tôi, kiểu tóc, quần áo, thắt lưng, ví đựng tiền, giầy vớ, v.v. Tôi châm một điếu thuốc hút, thấy điếu thuốc bật lửa cũng là của Tây phương nốt. Tôi ngừng cuộc tìm kiếm qua sự vật và khung cảnh bao quanh vì hiển nhiên chúng không thể chứng minh tôi là người Việt Nam. Căn cứ vào chúng, tôi sẽ có thể là Tàu Chợ Lớn, Tàu Đài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai, v.v. cũng như có thể là Pháp, Ý, v.v. Có lẽ tôi có thể xác định tôi là người Việt Nam căn cứ vào hành động và sinh hoạt chăng? Trước kia tôi làm giáo sư, chương trình giáo dục, lối dậy học trò, lối chấm bài, gần đây nhập ngũ, thể thức động viên, cách tổ chức quân trường, phương thức huấn luyện quân sự, lối chào kính, quân kỷ, v.v. đều là của Tây phương. Nửa giờ nữa, có kẻng hết giờ làm việc ấn định theo thời khắc Tây phương, tôi ra về bằng phương tiện nào cũng vậy, phải là do Tây phương mang tới. Tôi đọc một tờ nhật báo, một tờ tuần báo, tôi đọc sách, tôi đi xem xi-nê, tôi đi phòng trà nghe nhạc, khiêu vũ, khuya về đi ngủ vặn đồng hồ, v.v. Chẳng có một vật gì, điều gì chứng tỏ tôi là người Việt Nam, và đến khi ân ái với đàn bà, phương pháp Ogino-Knaus, phương pháp nhiệt độ, v.v. tôi cũng chỉ làm như một người Pháp, người Mỹ, người Ba Tây cùng thành phần xã hội.

Tôi biết tôi là người Việt Nam, hiển nhiên là vậy. Nhưng cái gì chứng tỏ? Nhiều cụ già khả kính nói đến TRUYỀN THỐNG. Bắt chước một đại tướng đã mở một cuộc “truy tầm hạnh phúc”, tôi mở một cuộc truy tầm truyền thống. Tôi tìm mãi, tìm hoài, mở hết trang sách này đến trang sách khác, cầu cứu tới cả các cụ Nguyễn Gia Tường, Hồ Hữu Tường, v.v. cũng không thấy nó đâu. Mặc áo bà ba hút thuốc lá rê thuốc lào là truyền thống chăng? Tôn trọng tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức, nam nữ thọ thọ bất thân là truyền thống chăng? Ở nhà tranh vách đất, bàn ghế kiểu cổ, nhuộm răng đen đi guốc gỗ là truyền thống chăng? Càng tìm kiếm tôi càng ngỡ ngàng. Thiên hạ không hiểu tại sao ai cũng tìm thấy ngay TRUYỀN THỐNG dân tộc, bốn ngàn năm văn hiến mà tôi thì “truy tầm” nó mãi không ra. Tôi chỉ tìm thấy hệ thống giáo lý Khổng Mạnh của Tàu, đồ đạc cung điện kiểu Tàu, Tàu Tàu và Tàu… chỗ nào cũng thế sau khi gạt hết lớp bụi phủ. Theo các nhà khảo cổ học và nhân chủng học lên tít mù trong bụi thế gian, tôi cũng chỉ thấy cái trống đồng Đông Sơn – mà các vị bác học khả kính lại kết luận là “lai Tàu”. Sau cùng tôi kết luận rằng muốn theo cho thật đúng truyền thống, hợp lý nhất là nhập Hoa tịch cho rồi. Nhưng thế cũng không ổn vì chính thế hệ trẻ Trung Hoa Chợ Lớn và Đài Loan cũng đang đốt đuốc lên coi lại cái truyền thống của họ xem nó ra làm sao.

Cuộc truy tầm ở ngoại giới không đưa đến đâu, tôi quay về tra hỏi bản thân. Hoàn cảnh sinh hoạt, khung cảnh quanh tôi là Tây phương dĩ nhiên rồi. Nhưng tệ hơn nữa là tôi suy nghĩ theo cùng phương pháp với sinh viên Sorbonne, Harvard, Oxford. Tôi thích khiêu vũ, ăn uống, xem chiếu bóng y hệt một anh chàng trí thức cùng tuổi bên Tây bên Mỹ. Như vậy, xét đến ý thích, khuynh hướng cá nhân, tôi cũng không tìm thấy gì chứng tỏ tôi là người Việt Nam.

Vẫn bắt chước vị đại tướng, sau khi “truy tầm” không có kết quả, tôi phải sang một giai đoạn khác là tra hỏi. Tra hỏi không ra thì phải “tra tấn”, tôi tra tấn ý thức, tư tưởng tôi đến cùng thì thấy rằng tôi là người Việt Nam có lẽ chỉ vì khi còn nằm nôi, tôi nghe mẹ ru cho ngủ bằng những câu ca dao cổ kính, khi đã biết đi biết chạy, tôi đi tôi chạy giữa các ruộng lúa nhà tranh ao bèo giếng nước, tôi cưỡi trâu, cưỡi bò, nghe sáo diều kêu văng vẳng trên không gian buổi chiều. Tôi là người Việt Nam chỉ vì tuổi ấu thời yêu nước sông đỏ phù sa, tuổi niên thiếu yêu những người con gái có áo dài lả lướt, yêu Tết Nguyên đán có bánh chưng, trầm hương, hoa và lễ chùa, yêu rằm Trung thu có đèn kéo quân, đèn xếp, đèn ngôi sao làm đen lánh cặp mắt người con gái tôi yêu. Tôi là người Việt Nam, sau cùng có lẽ chỉ vì trong tâm hồn có dấu vết chồng chất của bao nỗi đau buồn vui sướng quá khứ, những đau buồn vui sướng tôi đã cùng trải qua cùng anh em bố mẹ họ hàng, cùng các bạn đồng lứa còn sống, cùng những người già đã chết… Tôi là người Việt Nam vì những điều như thế, bắc có Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nam có Việt Nam Cộng hòa.

Đôi khi tôi còn nghĩ vẩn vơ rằng nước Việt Nam của chúng ta chỉ có thể thống nhất, chỉ có thể hòa bình khi nào từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, từ Chủ tịch, cán bộ, Quốc trưởng đến công dân, ai cũng nhớ rằng mình chính thực ra là người Việt Nam trước khi là bất cứ cái gì khác. Và chúng ta, những người miền Nam, chỉ nên nghĩ đến giải phóng miền Bắc khi nào quan niệm nó như một công trình khôi phục con người Việt Nam.


Lời giảng chót gửi học trò cũ

“Đi lính ba năm, trở về thăm trường cũ, thầy cảm thấy gì?”

Mỗi lần có em hỏi tôi câu trên, tôi không khỏi muốn mỉm cười vì liên tưởng tới những đề luận loại: “Trò vừa được dự một cuộc diễn binh (một buổi lễ chào cờ hay một đám tang), hãy thuật lại và cho biết cảm tưởng”, tôi thường ra cho học sinh nhiều năm về trước. Tuy muốn mỉm cười nhưng tôi vẫn làm một bài luận cho các em với lời giao ước không phải là bài luận mẫu. Đứng trên thềm nhìn sân đất đỏ lầy ướt nước mưa, những cây trứng cá xanh um lá, tôi đã nói với các em những gì, tôi không nhớ rõ. Hình như tôi nói tới một thứ tình cảm vui nhẹ khi được trở về khoảng đồi quen thuộc, niềm thích thú khi biết những học trò cũng đã biến đổi ra sao, em nào đi lính như thầy, em nào ra trường học đâu, em nào đỗ em nào trượt trung học phổ thông, Tú tài, và nhất là những nữ sinh xinh xắn, cô nào đã lấy chồng cô nào còn tuyển phu.

Sau buổi gặp gỡ lần đầu, tôi trở về nhà với một thoải mái dễ chịu. Giả thử công tác phải thi hành hoàn tất một ngày, tôi rời thị trấn cao nguyên có nhà trường mái tôn xanh đỏ này sáng hôm sau, chắc tôi trở về với đời lính, với doanh trại mang theo thoải mái dễ chịu. Nhưng tôi đã phải ở lại thêm một tuần, và vì thế tôi đã hối hận. Hối hận vì đã trở lại thăm trường, đã làm bài luận: Thầy đi lính ba năm, trở về thăm trường cũ, thầy cảm thấy gì? Tôi đã lầm ở một điểm: vấn đề tư cách trở về và thái độ. Khi trở về thăm trường, tôi tới với tư cách người lính nhiều hơn với tư cách ông thầy và các em coi tôi như ông thầy nhiều hơn là người lính. Chính vì thế các em tiếp tục hỏi tôi những vấn đề về học vấn, về đời sống, về tương lai như ngày xưa. Trước những câu hỏi, nếu tôi chỉ là một ông thầy vào loại như các giáo sư mới lớn đang phụ trách dạy các em kia, chắc tôi sẽ giải đáp tất cả những thắc mắc đủ loại với một giọng quả quyết, tin tưởng mình nắm vững chân lý - những lời giải đáp sách giáo khoa in sẵn. Bây giờ, tôi không thể còn thái độ ấy. Nhưng tôi còn giữ quan niệm một ông thầy không thể nói dối học trò, không thể bảo một thứ đen xì ngoài đời là màu đỏ cho những kẻ ngồi trong lớp học. Bởi thế tôi đã ngập ngừng trước các câu hỏi của các em, tôi đã ngập ngừng rất nhiều.

Một em học đệ nhất hỏi tôi: “Có nên tiếp tục học nữa không thầy? Em muốn nhập ngũ cho rồi!” Thoáng trong một giây, do một chút thói quen nghề nghiệp cũ, tôi đã toan thốt ra một tràng ngôn từ cổ điển đại loại: Phải tiếp tục học tới cùng. Học để mở mang trí tuệ, để trở thành một công dân hữu ích cho xã hội mai sau, v.v. Cũng may tôi ngừng kịp, nếu không, chắc sẽ thấy trong đôi mắt thiếu niên mười bảy tuổi trước mặt những ánh mắt chẽ giễu, không tin. Mở mang trí tuệ, trở thành công dân hữu ích cho xã hội, v.v. dĩ nhiên là thành quả của học vấn rồi, nhưng người học trò cũ này đâu có tìm đến tôi để hỏi một ông thầy đã nhập ngũ, không phải chỉ để nghe những lời Công dân Giáo dục “đã được Bộ Quốc gia Giáo dục duyệt y”, có phải đúng như thế không các em?

Tôi đã trả lời em đó một cách thật thực tế: “Em hãy cố gắng thi đỗ Tú tài II, hãy cố gắng học thêm được tới đâu hay tới đó trước khi tới tuổi nhập ngũ. Cuộc chiến tranh này không phải là vĩnh viễn, xã hội này là xã hội của cấp bằng, những bằng cấp em có sẽ giúp ích rất nhiều cho em về sau này… Chưa nói xong, tôi đã cảm thấy rõ rệt đó không phải là của một người chiến binh lớn tuổi. Trả lời như vậy sẽ không làm hài lòng ai hết. Các em đang hoang mang trước chiến tranh, mất tin tưởng ở tương lai, đang mong mỏi được nghe một lời khẳng định về giá trị của học vấn. Tôi đã thoái thác. Nha Chiến tranh Tâm lý Quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng không hài lòng, họ chờ đợi ở tôi một câu trả lời đại loại: Hãy tình nguyện nhập ngũ ngay để bảo vệ non sông. Hãy hy sinh xương máu ngoài chiến trường cho tổ quốc! Còn tôi, chính tôi cũng không hài lòng nốt, vì đã ba mươi tuổi, bốn năm dạy học ba năm đi lính, mà không trả lời thẳng và dứt khoát được một câu hỏi giản dị như thế.

Buổi tối, tôi tới dự đêm văn nghệ trường tổ chức. Ngồi nghe các em múa hát, đóng kịch, một phần tâm hồn tôi chìm lắng trong không khí trẻ thơ, ngắm các em gái ba năm về trước còn là những cô bé chuyên ăn vụng mận, me trong giờ học bây giờ trở thành những thiếu nữ tuổi yêu đương, tôi chợt hiểu buổi sáng trả lời như vậy là hơn cả. Thà trả lời với tư cách người lính còn hơn im lặng hay nói dối. Mọi sự sẽ ra sao nếu tôi khuyên: “Hãy tình nguyện nhập ngũ để bảo vệ tổ quốc!” và được nghe các em hỏi thêm: “Có thực thế không thầy?”. Có thực thế không? Có thực là chiến đấu cho tổ quốc không, hay là chiến đấu cho những chính khách phòng trà có hậu cứ an ninh làm chính trị xôi thịt hay là chiến đấu cho các con ông cháu cha xuất ngoại trốn quân dịch, những người công du mang theo từng phần gia sản của dân tộc Việt Nam nghèo khổ… Cuộc chiến này tự nó có một ý nghĩa: chống cộng để cho những người miền Nam sông Bến Hải được tự do sống theo ý mình, được yêu người mình yêu, được lấy người mình yêu. Nhưng mười năm liên tiếp, chính nghĩa đó đã bị lợi dụng, bôi nhọ, trát bùn nhơ nhớp rồi… Chẳng lẽ tôi lại nói điều đó với các em, những kẻ sắp vào đời. Nhưng không nói thì im lặng, câm nín sao? Dù thế nào tôi cũng vẫn là một người trí thức.

Tôi chỉ nói tới trí thức, người lính, không nói tới ông thầy. Không phải vì “chiến tranh đã giết chết ông thầy” như tôi đã nói với một em gái có đôi mắt như hai vì sao cao nguyên, cũng không phải tại vì tôi đã từ bỏ tư cách ông thầy, mà vì tôi đã nhận thấy tôi đã sai lầm.

Tôi, chúng tôi, đã dạy các em những gì nhỉ? Nào chí làm trai nam bắc đông tây, lên đông đông tĩnh lên đoài đoài yên, chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt, làm trai phải chết chốn sa trường da ngựa bọc thây, v.v. Tôi, chúng tôi còn dạy các em những gì nữa? Danh dự, khí tiết, liêm khiết, trinh bạch, bổn phận đối với tổ quốc, đối với xã hội, v.v. Toàn những thứ các em vào đời, đốt đuốc đi tìm bảy ngày bảy đêm liên tiếp cũng không thấy, để rồi sau đó chua chát thất vọng, để rồi sau đó đưa tâm hồn mình vào tình trạng mất hết tin tưởng.

Rời cao nguyên vào buổi tối, khi nhìn đô thị Sài Gòn hiện hình như một cánh đồng cỏ màu sắc và ánh đèn, tôi thấy vấn đề cũng không phải là đến chỗ tuyệt vọng. Tôi còn có những lời giảng, những lời giảng chót, để nói với các em, những học trò đã tản mát khắp nước cũng như còn ở thị trấn buồn muôn thuở. Tôi thấy tôi còn là một ông thầy, vì buổi tối, sau khi suy xét kỹ, tôi thấy còn có thể nói rằng: người thầy ngày trước không lừa dối các em khi nói tới một thế giới đẹp đẽ trong đó mọi cư xử đều y như các ông thầy đã tả trong các giờ học. Chỉ có cần bổ túc là thế giới ấy không phải có sẵn chờ đợi những người vừa rời bỏ ghế nhà trường và tuổi thiếu thời, mà nó nhờ chính những người này, những người mang lý tưởng ôm ấp từ lớp học tới xây dựng, hình thành. Tôi đã có lầm lẫn ngày trước là đã để các em ngộ nhận. Nhưng lầm lẫn này, những ông thầy cũ và tôi đã trả giá thay cho các em bằng cách chịu đựng một nỗi chua chát xao động thường xuyên trong tâm hồn.


Những bàn tay không

Nhiều người thường cho rằng lớp trí thức trẻ hiện nay “nổi loạn”, thích tung phá đạp đổ nên bạ ai cũng chê cũng đả kích. Sự thật không hẳn như vậy. Tự xét bản thân và căn cứ vào tâm trạng bạn bè tôi thấy rằng thế hệ trẻ hiện nay rất bơ vơ – họ muốn tin cậy ở người lớn lắm nhưng không tìm ra ai mà tin. Hệ thống tổ chức xã hội và nền giáo lý cũ không còn thích hợp với nếp sinh hoạt và biến chuyển mới của dân tộc và đất nước: các thanh niên rất cần người hướng dẫn, rất cần người già để kính, để nương tựa về tinh thần. Nhưng vấn đề là ở chỗ, họ, chúng tôi không tìm thấy ai. Thanh niên nào cũng đã hơn một lần muốn bám víu vào một cái gì gương mẫu để giữ vững tinh thần trong dòng hỗn loạn hiện đại, nhưng rồi cũng hơn một lần thất vọng chua chát.

Thanh niên hiện nay gần như chỉ có hai bàn tay không và công việc phải làm nhiều vô hạn – trong khi đó vẫn gánh chịu trực tiếp cuộc chiến tranh tàn khốc không do họ gây ra. Nếu Camus đã nhắc tới một câu nói người xưa mong được sinh vào một thời đại không đáng chú ý, thì nhiều thanh niên Việt Nam cũng đã tiếc rằng đã đầu thai nhầm thế hệ. Nhưng tiếc thì tiếc vậy nhưng họ biết không thể từ chối thân phận mình, họ biết phải làm gì và nhận rằng nếu thế hệ năm mươi tuổi đã từ chối trách nhiệm về một nửa nước Việt thì họ, thế hệ trên dưới ba mươi sẽ chịu trách nhiệm với con cháu sau này, với lịch sử về số phận một nửa phần còn lại.

Khi khóa 14 sĩ quan trừ bị Thủ Đức mãn khóa, ông Diệm không tới, cử ông Trương Công Cừu làm đại diện. Tôi thuộc đại diện khóa sinh đa số là trí thức và vì thân cao thước bảy nên phải đứng hàng đầu hàng quân – sự kiện này có nghĩa là không hy vọng gì cựa quậy cho đỡ mỏi. Mồ hôi đã bắt đầu chảy dọc gáy tôi cũng như người cầm cờ phía trước khi ông Cừu tới duyệt hàng quân. Đúng lúc phái đoàn quan khách đi ngang đại đội, một tiếng nói từ phía sau hàng quân cất lên tuy nhỏ nhưng nghe rõ tới hàng đầu, nhắc lại câu nói của những người giác đấu nói với quan khách trên khán đài trước khi bắt đầu cuộc tử chiến: “Ceux qui vont mourrir te saluent!” [1] … Tuy toàn thân tê cứng trong nỗ lực giữ đúng tư thế chào, tôi cảm thấy như có một chuyển động rì rào phía sau. Có lẽ tôi bị óc tưởng tượng đánh lừa? Có thể là vậy nhưng câu nói cuối cùng của những người giác đấu thời xưa ấy, tôi nghe thật rõ như một tiếng thở dài. Ông Cừu đã lên vị trí chủ tọa buổi lễ trên khán đài cao, dáng điệu ông trịnh trọng và trang nghiêm. Lũ chúng tôi mồ hôi đầy người quỳ xuống trước mặt ông thề trung thành với tổ quốc và nhận cấp bậc nhỏ nhất trong hàng sĩ quan. Vẫn trịnh trọng và trang nghiêm, đại diện cho tổng thống, cho Quốc gia Miền Nam, ông Cừu khuyên chúng tôi nhiều điều… Ceux qui vont mourrir te saluent, tôi không hề được biết anh đồng khóa nào đã thốt ra câu ấy để tìm hiểu xem hiện nay anh đang ở phương nào. Nhưng tôi biết chắc anh hẳn là người buồn nhất buổi sáng ngày hôm ấy khi quỳ xuống trước mặt ông Cừu – nỗi buồn của anh chắc chắn phải bằng hay hơn nỗi buồn của tôi khi viết đến dòng này.


Ý nghĩ người lính trong thành phố - Những người bơ vơ

Một sinh viên bạn tôi trong năm vừa qua, nhờ thế lực chính trị và khả năng tài chính của gia đình, đã được phép xuất ngoại đi Pháp học. Đó là một thanh niên biết suy nghĩ nên việc du học này đã đặt anh trước nhiều vấn đề. Nếu anh xuất ngoại, anh sẽ có thể đỗ tiến sĩ và trở về nước sau này làm giám đốc, tổng trưởng. Nhưng sự xuất ngoại này không do một tuyển chọn công bằng, không do tài năng. Vậy vấn đề đặt ra cho anh là chấp nhận hay không chấp nhận xuất ngoại này. Nếu không đi, ở lại, anh sẽ phải nhập ngũ một thời gian dài ngắn không biết rõ là bao nhiêu. Nhập ngũ là chiến đấu. Anh không sợ khổ cực của đời lính, anh có thể hy sinh mạng sống – nhưng cho ai? Anh ngó quanh, nhìn những người bạn đã nhập ngũ, nhìn chính quyền, nhìn xã hội, anh thấy rằng chưa biết chừng những người bạn ấy đã vô tình chiến đấu để bảo vệ cho những thương gia Ba Tàu, các xí nghiệp ngoại quốc, các tham quan ô lại, các tướng lãnh bê bối, v.v. Vậy anh chọn đường nào, đi hay không đi? Chọn đường nào cũng có lý và chẳng đường nào hợp lý. Anh thấy anh là một con người bơ vơ.

Một giáo sư trẻ bạn tôi ở tỉnh nhỏ được một nữ sinh bày tỏ tình yêu. Anh tự hỏi nên hay không nên nhận tình yêu này. Ông Hiệu trưởng, ông bạn già đồng nghiệp bảo không nên nhận vì như vậy là trái nghĩa sư đệ. Nghĩa sư đệ? Nó là cái gì vậy? Nghe có vẻ Tàu Tàu, anh mở sách cổ ra đọc, tìm xem người xưa nói làm sao về việc thầy trò yêu nhau. Dĩ nhiên anh không tìm thấy vì thời trước không có học trò con gái, lấy đâu ra việc yêu đương. Và nếu tìm thấy, chắc cũng không có được giải pháp nào bởi vì ông thầy đồ có nhiệm vụ thay cha dạy học trò thành người. Nếu thầy trò yêu nhau có lẽ có thể coi như một hành động loạn luân. Nhưng anh bạn tôi là một giáo sư ở hậu bán thế kỷ hai mươi, và nhiệm vụ của anh là truyền bá cho cô gái này các kiến thức về khoa học và văn hóa, chứ đâu phải dạy nàng thành hiền phụ hay gái chính chuyên – mở tất cả các cuốn chương trình kể từ khi người Pháp hủy bỏ nền học cổ truyền thay bằng nền học chánh mới cho tới hiện nay, anh không thấy có điều khoản nào ghi giáo sư phải rèn luyện, đào tạo học trò thành người cả. Anh chỉ biết rằng cho tới giờ, chương trình giáo dục được gọi là nhân bản, khai phóng, v.v. Thế thôi. Ông giáo sư già nhất trong trường nhận xét: “Dù sao chúng ta cũng có dạy nó thành người qua những lời khuyên răn và kỷ luật áp dụng trong những giờ học trò tới trường…”. Anh bạn tôi không đồng ý vì cho rằng một huấn luyện viên quân sự của các khóa đào tạo nữ quân nhân, cũng khuyên răn, cũng áp dụng kỷ luật, cũng truyền bá những kiến thức. Và nếu một trung úy huấn luyện viên và một khóa sinh yêu nhau rồi lấy nhau thì đó lại được coi là một tình duyên thông thường, không ai buồn thắc mắc – trừ những tình địch của hai kẻ này. Vậy tại sao anh và nữ sinh của anh lại không được yêu nhau tự do – như mọi người? Hơn nữa nếu cấm lấy nữ sinh thì các giáo sư biết lấy ai làm vợ. Đa số các cô bây giờ đều được đi học, do đó đều là học trò không của giáo sư này thì của giáo sư khác… Tôi chen vào, góp ý kiến: “Con gái vị thành niên chưa được coi là đủ óc suy xét, ông thầy lại tiếp xúc luôn, có được yêu thì tình yêu đó chưa được coi là chín chắn. Hơn nữa, lôi thôi với gái vị thành niên có hai cái nguy: thứ nhất là Bộ biết, sẽ bị đổi đến những nơi hổ về gậm gãy cột cờ, trăn bò vào nằm trên bục; thứ hai là nếu bố mẹ cô nàng kiện thì đi ở tù!” Nói như thế không giải quyết được gì cho vấn đề, anh bạn nhận xét, vấn đề ở chỗ là tìm xem thầy trò yêu nhau có gì là tội lỗi như mọi người thường quan niệm hay không. Đây là một vấn đề tinh thần, một vấn đề luân lý. Vụ tranh luận đến đây là ngừng, và khi tôi rời trường, anh bạn tôi vẫn chưa biết nên chọn thái độ nào. Anh cũng là một người bơ vơ.

Một anh bạn đồng môn cũ, mới thuyên chuyển đến ngành Cảnh sát Công an, sau ba tuần nhận chức, nói với tôi: “Tao nghĩ hoài không biết có nên tổ chức tảo thanh gái điếm hay không. Tao chưa vợ, vẫn thường đi tìm đĩ để giải quyết sinh lý, thấy làm như vậy là tự nhiên. Đàn bà làm đĩ, tao nhân danh cái gì để cản, để đi bắt? Đối với gái vị thành niên còn có thể bảo là chưa biết suy nghĩ nên bắt trở về đời sống lương thiện hơn, nhưng còn đàn bà trưởng thành tự nguyện chọn làm nghề này?” Dĩ nhiên, về phương diện tinh thần, anh bạn này không biết nhân danh cái gì để kết án gái đĩ. Anh bơ vơ rồi.

Sau 1-11-1963, cả chính phủ lúng túng trong việc tìm một tiêu chuẩn để xác định thế nào là thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội. Các người ham chuộng loại phim thoát y đã thấy rõ sự lúng túng này ở những người tự-cho-có-nhiệm-vụ bảo vệ đạo đức xã hội. Có thời kỳ, các nhà kiểm duyệt cho rằng cởi nịt vú nhưng giữ xi-líp, được kể như không làm thương tổn đến thuần phong mỹ tục của “nước A Nam ta”. Có thời kỳ cho rằng để lộ ngực cũng làm hại đến đạo đức của dân Đại Cồ Việt. Có thời kỳ cho rằng nhảy twist vô hại, có thời kỳ lại cấm vì cho rằng twist sẽ văng mất bốn ngàn năm văn hiến Giao Chỉ ra ngoài. Nói giản dị, các nhà đạo đức trong chính quyền không còn biết vị trí, giới hạn của đạo đức ở-chỗ-nào-nữa. Họ là những người bơ vơ rồi.

Cái gì cũng phải có một kết thúc, kể cả những bơ vơ. Anh bạn sinh viên đã đi Pháp học nhưng viết thư về nói rằng: “Lắm lúc nghĩ, tôi tự hỏi tôi đi thế này hơn hay ở lại đi lính để cùng liên đới chịu đựng cái phận khốn khổ của dân mình…”. Anh bạn giáo sư tỉnh nhỏ viết thư về báo tin: “Tao sẽ phải nhập trường Thủ Đức khóa tới, và con bé học trò ấy vừa đủ 21 tuổi tuần trước. Vấn đề đã được đi đến cùng, nhưng tao vẫn thấy…”. Anh bạn trong ngành kiểm tục tuyên bố: “Tao vẫn thứ bảy đi kiếm poule và khi nào có lệnh thượng cấp, vẫn đi bố ráp gái điếm…”. Còn về công tác bảo vệ thuần phong mỹ tục dân nước Việt Nam Cộng hòa, ông đô trưởng vừa trịnh trọng minh định đại khái như sau: “Mặc nịt vú và xi-líp sẵn sàng bước ra múa là không hại đạo đức, nếu mặc quần áo rồi vừa múa vừa cởi cho đến khi còn nịt vú và xi-líp là một hành động công xúc tu sỉ…”. (Tôi tự hỏi như vậy có phải đạo đức và không đạo đức chỉ khác nhau ở chỗ “có sẵn” và “cởi dần” hay không?).

Tại sao, vì cớ gì, người dân Việt đệ tứ cộng hòa (đệ nhất cộng hòa là của ông Diệm, đệ nhị cộng hòa là của DIDOXI – Đính Đôn Xuân công ty, đệ tam cộng hòa là của Chủ tịch Nguyễn Khánh) lại lâm vào tình trạng bơ vơ như vậy? Và làm thế nào để cho những người hiện tại, nhất là thế hệ mai sau khỏi bơ vơ như thế?

Đó là hai vấn đề căn bản phải giải quyết cho xã hội miền Nam. Tất cả những vấn đề khác về chế độ, về luật pháp, v.v. chỉ là những cái đến sau. Nếu giải quyết được hai vấn đề căn bản này, người sinh viên sẽ biết nên đi Pháp học hay ở lại đi lính với những bạn đồng môn nghèo hèn, người giáo sư sẽ biết nên nhận tình yêu học trò hay từ chối, viên chức kiểm tục biết nên kết án hay dung dưỡng gái điếm, nhà kiểm duyệt biết sử dụng chính xác cái kéo không cần phải coi lại các chỉ thị co giãn tùy thời, người lính nên biết hay không nên hy sinh tính mạng của mình. Có hết bơ vơ, viên chức thanh liêm mới tin rằng thái độ của mình là đúng là đáng khen chứ không phải là “dại” là “ngu”, người thanh niên thiện chí phục vụ xã hội mới tin rằng mình không phải là quân tử Tàu, người biết giữ liêm sỉ mới tin là mình không lỗi thời hay chậm tiến. Không đưa được mọi người ra khỏi tình trạng bơ vơ, mọi sự sẽ tiếp tục như hiện nay – nghĩa là mỗi người đều tiếp tục đóng vai trò riêng trên một sân khấu riêng: Giáo sư đóng kịch trên bục vì dạy học trò “không nên rượu chè, cờ bạc, trai gái, nghiện hút” nhưng vẫn đi chơi gái, đánh bạc và uống rượu, những nhân viên kiểm duyệt sẽ bề ngoài nhăn nhó khi cắt những đoạn phim “đồi phong bại tục” và những câu văn khiêu dâm, tả chân, nhưng rất thích thú khi được coi Sexy show, Sexy girl nguyên bản, khi đọc Mémoire d’une chanteuse allemande…

Một xã hội khi nào chỉ xây dựng trên những con người giả hình như vậy là một xã hội đang đi đến chỗ tan rã chắc chắn.


Ý nghĩ của người lính thành phố - Trương Vô Kỵ

Trong tuổi thiếu thời, về phương diện đọc sách, tôi là một đứa trẻ bình thường, nghĩa là đương nhiên phải mê đọc truyện kiếm hiệp. Mê đến độ những hôm không có tiền đặt cọc, tôi tới thuê sách ngồi đọc ngay tại hiệu. Tôi còn nhớ những phút say mê theo dõi Giang Đông tam hiệp, Long Hình quái khách, lo âu cho những tráng sĩ nghĩa hiệp lao vào những ổ ác tăng cứu nguy cho người đẹp, và ở cái tuổi còn tin rằng em trai ở trong nách mẹ chui ra và đàn ông đàn bà cứ ngủ chung giường là tự động có con, tôi đã hồi hộp và rung động trước những hoàn cảnh hiểm nghèo của những nữ hiệp khi sa vào tay dâm tặc. Lớn hơn, khi bắt đầu thích mối tình Hồn bướm mơ tiên, những nhân vật kiếm hiệp tan biến vào dĩ vãng ấu thời, không còn di tích. Năm ngoái khi Thi với tôi ở một doanh trại miền Trung, nàng nằn nì tôi thuê cho bằng được Cô gái đồ long để nàng đọc trong những lúc vắng tôi. Không những không chịu chiều ý, tôi còn cười chế giễu. Gần đây trong một buổi gặp gỡ thân mật, tôi thấy các nhà văn, có người sắp tới tuổi tứ thập nhi bất hoặc, bàn một cách hăng hái về những Chu Chỉ Nhược, Vô Kỵ, Triệu Minh, Đao Đồ Long, Nhất Dương chỉ, v.v. và những chưởng những ám khí quay lộn, đánh bật tất cả những Sartre, Camus, Hemingway cùng các đề tài văn nghệ thông thường ra bụi mía trong vườn nhà mẹ tôi. Đến đây, dĩ nhiên là tôi chỉ có thể làm một việc: đi tìm kiếm hiệp đọc để xem nó ra làm sao mà đã có thể gây cả một phong trào đọc sôi nổi như vậy.

Để bắt đầu, tôi đọc cuốn kiếm hiệp đã được xếp vào loại “cổ điển” là cuốn Cô gái đồ long. Qua được vài chục trang, tôi đã bị lôi luôn vào vòng chưởng lực của các nhân vật. Và tiếp đó, dĩ nhiên bình thường như bao người, tôi đọc hết cuốn này đến cuốn khác của Kim Dung, và cũng chỉ thích đọc có một tác giả này mà thôi. Bây giờ đã khá quen thuộc với các võ công thượng thừa của các phái Thiếu Lâm, Nga Mi, Võ Đang, v.v. tôi hiểu tại sao mọi người – trong đó có tôi, say mê đọc loại văn này. Lý do quan trọng nhất là kiếm hiệp đã được Kim Dung viết với nhiều nghệ thuật. Các nhân vật linh động, nhiều cá tính, nhiều tâm trạng không như các nhân vật thông thường: loại gian tà và anh hùng hào kiệt. Gian tà bao giờ cũng gian ác và đáng giết, anh hùng bao giờ cũng quang minh chính đại đáng kính. Thiện ác phân minh. Các nhân vật của Kim Dung không như thế. Trừ một số ít, còn chẳng có ai là thiên thần, chẳng có ai là ác quỷ. Tạ Tốn có tàn ác, Chu Chỉ Nhược có giảo quyệt nhẫn tâm, không hẳn là tự thâm tâm họ muốn hành động như vậy nếu không có những nỗi đau đớn, những vò xé bên trong. Họ có vẻ người hơn, do đó gần gũi với chúng ta hơn. Về tả cảnh, những đoạn như Đoàn Dự bị bắt dẫn đi trên thuyền đến nhà Cô Tô Mộ Dung trên hồ, có thể coi là một đoạn văn đẹp. Các võ công được trình bày liên quan chặt chẽ với y lý Đông phương và triết lý Dịch, Đạo cùng giáo lý đạo Phật làm người đọc trưởng thành có được một thứ ảo giác sự thật. Đó là những lý do “nội tại” làm truyện kiếm hiệp Kim Dung trở thành lôi cuốn. Nhưng lý do không phải chỉ có thế. Mọi người ở trong xã hội này, bao nhiêu năm rồi, thấy những kẻ ác bao giờ cũng được hưởng xe hơi nhà lầu, những kẻ thiện cứ úp mặt xuống hít khói và bụi. Nhưng nhu cầu muốn công bằng được thực hiện, ác giả ác báo vẫn tiềm tàng trong tâm hồn nên mọi người vui thú tìm sự thể hiện những ước vọng đó trong kiếm hiệp.

Trong tất cả những nhân vật của Kim Dung, Trương Vô Kỵ được người đọc chú ý hơn cả. Gần đây, trên một tờ báo sinh viên, tôi đã thấy một bài chê trách Vô Kỵ mải ngồi kẻ lông mày cho Triệu Minh quên cả sự hiện diện của quân Mông Cổ trên đất nước. Đã từ lâu, khi còn làm thầy đồ miền núi, tôi hay tự hỏi nền giáo dục hiện đại sẽ đưa thanh niên tới đâu. Mỗi một nền giáo dục đều bao hàm chủ đích đào tạo thanh niên thành người theo một mẫu nào đó – tôi tạm gọi là mẫu người lý tưởng. Trước kia người lý tưởng Việt Nam là kẻ sĩ. Người Pháp, vì nhu cầu thống trị, đã phá hủy giai tầng kẻ sĩ, phá hủy hệ thống giáo dục cũ, thay thế bằng một hệ thống giáo dục nhằm đào tạo những viên chức thừa hành và những trí thức quên gốc. Thu hồi lại độc lập từ 1954, những người cầm quyền miền Nam chưa ai có một ý niệm rõ rệt về một mẫu người lý tưởng mới để cho các nhà giáo dục lấy làm tiêu chuẩn soạn thảo chương trình và dạy dỗ học sinh. Trong khi ấy, cộng sản chĩa mũi dùi tấn công vào những kẻ sĩ biến thể, chê họ là anh hùng cá nhân, là trí thức tiểu tư sản, v.v. Tất cả những sự kiện đó làm tôi chú ý nhiều tới Trương Vô Kỵ, một thứ người hùng đặc biệt, Vô Kỵ võ giỏi nhưng không hiếu sát, không đánh kẻ ngã ngựa, không thù hận và tàn nhẫn quá độ với kẻ thù. Đứng đầu Minh giáo, Vô Kỵ cư xử hết lòng với thầy, tin cậy ở thiện tính của bằng hữu và thuộc hạ, không bao giờ chịu dùng những thủ đoạn xấu dù có lợi cho chính nghĩa và thà để người phụ mình còn hơn mình phụ người. Về tình cảm, Vô Kỵ yêu chân thành không để ý đến chủng tộc, giai cấp, môn phái. Yêu một cách rất tiểu tư sản: khi chưa yêu ai thực sự, muốn lấy cả Tiểu Siêu, Hân Ly, Chu Chỉ Nhược, Triệu Minh làm vợ (độc giả nào đọc Cô gái đồ long mà không ước ao lấy cả bốn cô gái kể trên thì người đó một là liệt dương, hai là đã trên 77 tuổi, ba là cán bộ cấp huyện ủy trở lên). Khi đã yêu thực sự Triệu Minh thì thôi, tất cả vũ trụ trở thành vắng ngắt. Về chính trị, tới thời kỳ sắp thành công, mọi lãnh tụ bắt đầu mở cuộc tranh giành quyền lực. Vô Kỵ từ bỏ tất cả ra đi.

Thái độ sống, quan niệm xuất xử của Vô Kỵ, tôi thấy bắt nguồn từ lâu lắm, từ Phạm Lãi treo ấn từ quan mang Tây Thi đi du ngoạn Ngũ Hồ, Trương Lương nhàn cư dưỡng tính. Tôi thiết tưởng Vô Kỵ không đáng trách khi trao ngôi Minh chủ cho Dương Tiêu, để kệ Chu Nguyên Chương giữ binh quyền thực hiện việc đuổi quân Mông Cổ trong giai đoạn chót. Bổn phận đối với dân tộc đã làm xong, bổn phận đối với đồ đệ, với nghĩa vụ, với thầy, với bằng hữu, đã thi hành trọn vẹn. Bây giờ rũ áo, mang đao Đồ Long ra đi cùng Triệu Minh, Vô Kỵ đã làm một hành động đẹp nhất đời, chàng theo quan điểm của tôi – một người trí thức tiểu tư sản.

Đọc trang cuối Cô gái đồ long, khi thấy Vô Kỵ cầm bút vẽ lông mày cho người yêu, tôi chợt khám phá ra một điều: tôi đã có lý khi chọn thái độ chống Cộng bởi vì các chính ủy ngoài bắc đã đốt hết sách Tự Lực Văn Đoàn để diệt người hùng tiểu tư sản thì tất sẽ đốt hết sách kiếm hiệp của Kim Dung, tôi cũng đã có lý khi chọn thái độ chống Cộng vì tuy lông mày người yêu tôi khá đậm không cần vẽ thêm, nhưng tôi vẫn muốn mãi mãi giữ được quyền tự do điểm nốt ruồi lên má nàng bất cứ lúc nào tôi muốn…


[1]“Những kẻ sẽ chết chào Ngài”: công thức của những tay giác đấu thời La Mã chào hoàng đế trước khi vào đấu trường. (Chú thích của talawas)
-------------------------------------
Nguồn: In xong tại nhà in Nam Sơn, 36 Nguyễn An Ninh, Sài Gòn, ngày 10-5-1966. Nam Sơn xuất bản. Giao dịch với nhà xuất bản: Trịnh Viết Đức, 36 Nguyễn An Ninh, Sài Gòn, ĐT: 21-026.
Bản điện tử do talawas thực hiện.


16/6/13

Nguyễn Tường Thiết - Tiễn biệt Thế Uyên



at 6/16/2013 12:05:00 PM
Nguyễn Tường Thiết

Cháu Di,

Mấy hôm trước, ngay sau ngày bố cháu mất, cháu có nói với chú: “Chú Thiết ơi! Cháu muốn chú nói đôi lời về bố cháu trong ngày tang lễ bố cháu”. Chú đã phân vân. Không phải là chú ngại điều chi. Lời mời của cháu là một vinh dự cho chú. Chú phân vân vì chú   đang suy nghĩ: “Mình không biết nên nói về bố thằng Di với tư cách một người họ hàng rất gần, hay nên nói về bố nó như một người bạn rất thân”. Chú phân vân vì cả hai đều đúng và đều nặng ký như nhau.






Về vai vế trong họ thì chú là hàng anh, nhưng về tuổi tác thì chú thua bố cháu những 5 tuổi. Hơn nữa, bố cháu từ xưa chơi thân với anh Thạch của chú, nên chú luôn luôn xem bố như một người anh. Chính trong cái tinh thần đó mà chú cảm thấy rất thoải mái khi các cháu gọi chú bằng cái tên thân thương “chú Thiết” trong khi các cháu gọi anh của chú là “bác Thạch”.

Hôm nay trên đường lái xe đi thăm bố cháu, trên xa lộ I-5 hướng về phía bắc, lúc đến exit 183 chú đã lỏng chân ga, toan rẽ vào Bothell thăm bố như thói quen đã có từ mười năm nay, nhưng chú lại nhấn ga đi thẳng để vào exit 192, vì chú chợt nghĩ ra là bố cháu đã thay đổi địa chỉ, bố cháu đã có một chỗ ở mới, một chỗ ở tuy vĩnh viễn nhưng chắc là chú sẽ không ghi vào trong sổ địa chỉ của chú đâu, vì đó là nghĩa trang Evergreen, thuộc thành phố Everett.

Trên đường lái xe chú đã nghĩ đến không biết bao nhiêu những địa chỉ, những căn nhà mà bố cháu đã ở và chú đã đến thăm, từ cái ngày rất xa xưa ở Hà Nội khi mẹ của bố cháu còn ở chung nhà với chú Thạch Lam bên hồ Tây của Hà Nội. Từ căn nhà ấy đến đến căn nhà sau cùng bố cháu ở này là chiều dài 78 năm của một đời người.

Trong lúc lái xe tự nhiên một tiếng nói bên trong bảo với chú rằng: bố cháu mong muốn ngày hôm nay và mai hậu chú sẽ nghĩ, sẽ nói, và sẽ tưởng nhớ đến bố cháu như một người bạn văn, một cố tri, hơn là một người anh họ, bởi vì tình bạn giữa bố cháu và chú nó thâm sâu hơn tình họ hàng, máu mủ.

Tình bạn ấy không phải một sớm một chiều mà có được. Nó có được là do cái cơ duyên hãn hữu này: năm 1987 bố cháu và gia đình đã chọn tiểu bang Washington để định cư, tiểu bang mà gia đình chú đã chọn làm quê hương thứ hai từ năm 1975. Như là nhan đề một cuốn sách nổi tiếng của Leon Uris mà bố cháu đã dịch ra tiếng Việt, khi bố cháu chọn “về miền đất hứa” này, bố cháu đã là người duy nhất trong họ nhà ta định cư ở tiểu bang Washington, ngoài chú. Và chính vì sự gần gũi nhau trong suốt 26 năm trường mà hai người anh em họ đã trở nên đôi bạn tri kỷ. Ngoại trừ khoảng thời gian 12 năm sau biến cố 1975, khi bố cháu ở lại Việt Nam, khi chú định cư ở Hoa Kỳ, thì trong suốt cuộc đời bố cháu và chú đã luôn luôn ở bên cạnh nhau, tính ra trên 60 năm. Đây là một điều rất quí  báu vì chưa chắc đã có những cặp vợ chồng, những người anh em ruột thịt có được một thời gian gần gũi lâu dài như thế.

Bố cháu và chú là những người viết văn nên thường ví đời người như một cuốn sách. Cuốn sách ấy dầy hay mỏng là tùy tuổi thọ của đời người. Xem ra thì cuốn sách đời của bố cháu dầy lắm, những 78 chương, nếu tính mỗi năm là một chương sách. Chú hân hạnh là đã được đi chung với bố cháu trong suốt hơn 60 chương của cuốn sách này. Bố cháu và chú chỉ “lạc” nhau từ chương 75 đến chương 87 của cuốn sách, khi bố cháu đi tù cải tạo và khắc khoải sống trong cuộc đổi đời, còn chú thì vật lộn với cuộc sống mới trong những năm đầu tha hương.

Cháu Di ơi,

Hôm nọ, trong lúc chú giúp cháu soạn bản cáo phó cho bố, chú đề nghị trên cáo phó chỉ  đề tên Thế Uyên Nguyễn Kim Dũng là đủ. Nhưng cháu lại có ý kiến rất hay và rất đúng là thêm vào mấy chữ “nhà văn, nhà giáo”. Quả thật mấy tiếng đơn giản đó đã gói ghém tiểu sử của bố cháu.



Chú sẽ không dài dòng giới thiệu về nhà văn Thế Uyên hay nhà giáo Nguyễn Kim Dũng. Về văn nghiệp bố cháu đã cho ra đời 21 cuốn sách ở miền Nam trước 1975 và 10 cuốn sách ở hải ngoài, tổng cộng 31 cuốn thuộc đủ loại khác nhau: truyện, tuỳ bút, biên khảo, sách dịch và cả sách giáo khoa. Với chú, tên tuổi Thế Uyên đã nổi bật ngay trong truyện ngắn đầu tiên “Mưa trong sương” đăng trên nguyệt san Tân Phong năm 1959. Cái nhan đề “mưa trong sương” cực tả không khí lãng đãng sương mù của thành phố Đà Lạt, nó đã ám ảnh chú trong rất nhiều năm sau này, mỗi khi chú cùng bố cháu đi dạo chơi ở thành phố Olympia, ở Seattle, mà cảnh vật ở đây là phiên ảnh của một thành phố Đà Lạt năm xưa, với rất nhiều những ngày “mưa trong sương” như thế. Về nhà giáo, bố cháu tốt nghiệp Đại học Văn Khoa và Sư Phạm, trở thành giáo sư Việt văn dậy tại nhiều trường trung học công lập ở miền Nam.

Cả về văn nghiệp lẫn nghề giáo, bố cháu là người đi trước thiên hạ trong một số lãnh vực. Chẳng hạn như bố cháu là một trong số rất ít nhà văn tiền phong khi viết về vấn đề tình dục trong văn chương, một vấn đề mà trong thế kỷ 20 vừa qua dường như vào thời ấy người ta còn coi như cấm kỵ. Về nghề giáo, bố cháu là người tiền phong trong việc đổi mới sách giáo khoa môn Việt văn ở bậc trung học, là người đầu tiên và duy nhất đã soạn những mẫu văn từ các tác giả đương thời như Thanh Tâm Tuyền, Dương Nhiễm Mậu, Mai Thảo, Duy Lam, Thế Uyên thay vì trích các mẫu văn từ các tác phẩm thời tiền chiến, thời Tự Lực Văn Đoàn, như tất cả các sách giáo khoa Việt văn khác của thời ấy.

Về con người bố cháu là một người thẳng thắn. Đây là một đức tính quý báu. Tuy nhiên sự thẳng thắn nào cũng có cái giá phải trả. Là một người bình thường sự thẳng thắn chỉ đưa đến mất lòng của một số người. Nhưng là nhà văn thẳng thắn, thì đức tính ấy lại cần có thêm một đức tính nữa, đó là sự can đảm, và trong bao nhiêu năm trường sống bên cạnh bố cháu như một người bạn tri kỷ, chú đã nhìn thấy sự can đảm ấy trong con người bố cháu, trong sự chịu đựng rất lặng lẽ và hết sức cô đơn chống trọi với tất cả những ngộ nhận do kết quả của những gì bố cháu viết ra, cái can đảm của một nhà văn dám là mình, dám viết những điều mà bố cháu tin tưởng.

Ngay sau khi tin bố cháu mất được loan tải chú đã nhận được rất nhiều lời chia buồn từ khắp nơi trên thế giới, và lòng của chú dịu đi, khi nghĩ rằng đã có rất nhiều người cũng tin tưởng về những gì mà bố cháu đã tin tưởng, và đó là nguồn an ủi lớn lao cho một người đã cống hiến cả một đời cho nghiệp bút như bố cháu.

Hôm nay, ngày chủ nhật 16 tháng 6 năm 2013, ngày tiễn biệt bố cháu lại tình cờ rơi vào ngày “vinh danh bố” (Father Day).

***

Tôi xin được thay mặt chị Thúy Sơn và các cháu để ngỏ lời với với anh Thế Uyên. Tôi muốn nói với anh về cái tình của chị và của các cháu đối với anh trong suốt mấy tháng nay. Tôi đã chứng kiến chị hàng giờ vuốt ve bàn tay anh trong lúc anh nằm thiếp ngủ trên giường bệnh, tôi đã xúc động nhiều lần khi chị và các cháu ôm lấy vai tôi khóc. Tất cả những giọt nước mắt mà tôi chứng kiến bây giờ thật ra chỉ là phần nhỏ nhô lên của tảng băng thạch mà phần chìm của nó là những giọt nước mắt lặng lẽ mà vợ con anh đã và sẽ nhỏ xuống trong bóng đêm, bây giờ và mãi mãi mai sau.

Với tư cách người bạn tâm giao của anh Thế Uyên tôi cũng xin được nói với chị Thuý Sơn và các cháu như thế này: anh Thế Uyên thực tình không muốn nhìn thấy những cảnh như thế, anh ấy thiết tha mong muốn chị và các cháu sống vui, bởi vì “life is for the living” như anh ấy có lần nói với tôi.

Tôi xin kể một câu chuyện vui. Câu chuyện ghi dấu câu nói sau cùng của anh với tôi: Cách đây mấy tháng, sau khi bị “stroke” lần thứ hai, anh bị mất tiếng nói. Chúng tôi đến thăm anh ở viện phục hồi. Lúc này người ta đang tập cho anh nói, nhưng thường thì anh chỉ nói ú ớ rất khó nghe, chúng tôi phải nhờ chị Thuý Sơn thông ngôn mới hiểu được ý anh muốn nói gì. Một bữa kia có một bà Mỹ, cũng là bệnh nhân trong viện phục hồi, bà ta buồn nên đi khắp các phòng lê la hỏi chuyện. Sau khi đến phòng Thế Uyên bà ta nói líu lo vài lời rồi đi ra. Anh nhìn tôi nói mấy lần tôi mới hiểu: “bà ấy là ai?”. Tôi nói đùa với anh: “Bà ấy đến thăm ông đấy!”. Sợ anh không nghe được, chị Thúy Sơn phải ghé sát nói to bên tai anh. Thế Uyên hơi nhỏm dậy, có gắng phát âm: “Rất... tiếc... tiếc.. là bà ta... không... đẹp!”.

Đấy là lần cuối cùng tôi được nghe anh nói.

Nguyễn Tường Thiết


Source : Diễn Ðàn Thế Kỷ

NGUYỄN ĐỨC TÙNG - Ngày Lễ Cha: Những Vì Sao


Tác giả : Nguyễn Đức Tùng

Nhân Ngày Lễ Cha Chủ nhật 16 tháng 6:

Một giờ sáng, bác sĩ nội trú gọi điện thoại báo tin bệnh nhân D. yếu dần, chắc không qua khỏi, hỏi tôi có đến không. Tôi có thể đợi đến sáng mới vào nhưng lần này tôi vội đi ngay. Dãy lầu dành riêng cho bệnh nhân già yếu im vắng, tôi vẫn đến thăm ông vài ngày một lần. Tôi nhớ lại tiểu sử: 87 tuổi, gốc châu Âu, góa vợ, thiếu máu động mạch tim, sick sinus, rung nhĩ, máy tạo nhịp, ung thư tiêu hóa. Hồ sơ bệnh nhân có chữ no code, đó là một người bệnh không muốn cấp cứu giai đoạn cuối, muốn ra đi yên bình. Khi tôi đến thăm, bao giờ đầu giường cũng thấy hai bức ảnh của hai chàng trung niên, một người mang kính, nghiêm nghị, một người trán hói tươi cười, cả hai đều đẹp trai. Đó là hai người con của ông đang ở Hoa Kỳ. Mặc dù kín đáo, khi được hỏi, mặt ông tươi lên và kể chi tiết về các con. Cả hai đều là những nhà thiên văn học, say mê các vì sao từ khi còn học trung học ở Canada, nay đều đã có vợ con, và rất nổi tiếng. Ông kể cả hai có công phát hiện những tinh tú mới và tên của họ được đặt tên cho hai vì sao. Thỉnh thoảng vài năm các con và cháu cũng bay về thăm ông, và thỉnh thoảng gọi điện thoại. Ba năm gần đây họ không về nữa, điện thoại thưa dần, vì công việc bận rộn. Như thế cũng vô tình nhưng không tệ lắm so với nhiều gia đình khác, tôi thầm nghĩ.

Khi tôi đến, ông nằm im trên giường, màn hình monitor nhấp nháy các chỉ số mạch hô hấp huyết áp dưỡng khí. Tôi ngồi xuống. Ông nhắm mắt, thở nặng nhọc. Tôi bắt mạch, giữ tay ông trong tay mình một lúc rồi đứng lên. Khi tôi bước đi, có tiếng gọi khẽ, tôi quay lại, thấy ông mở mắt, bắt gặp tia nhìn sáng lên, tinh anh khác thường. Mấp máy môi. Tôi tiến lại gần, cúi xuống. Bỗng nghe ông nói tiếng nhỏ nhưng rõ ràng: con trai của ba?

Tôi giật mình. Ông hỏi lại lần nữa, nhỏ như nói thầm, nhưng từng tiếng: con trai của ba? Họng tôi nghẹn lại. Tôi ngồi hẳn xuống giường, cầm tay, cúi mặt xuống, trả lời: dạ, con trai của ba đã về. Ông lắng nghe, không phản ứng gì. Tôi nhắc lại. Rồi lần thứ ba. Lần này ông nghe được, khẽ gật đầu ra dấu, mặt thoáng nụ cười mỏng, rồi nhắm mắt lại. Ngọn đèn tàn bấc đã cháy bừng lên một lúc.

Tôi gọi nhiều lần nữa, có lúc ông mở mắt, nhưng tia nhìn đã hết tinh anh, rồi mờ dần. Bốn giờ sau, ông mất. Khi tôi được gọi trở lại để làm các thủ tục như tìm phản xạ đồng tử, và làm pronouncement, đã năm giờ sáng. Tôi điện thoại cho gia đình, không liên lạc được. Tôi chậm chạp vuốt mắt cho ông lần cuối, như thói quen của tôi những khi có thể.

Sau khi đã chết rồi, người ta vẫn còn tổn thương. Những việc làm như báo tin, vuốt mắt, khai tử, cầu nguyện, tang lễ, không phải chỉ là các thủ tục. Đối với tôi, đó là các nghi lễ. Nghi lễ mở đường cho sự chữa lành vết thương, làm chúng hồi phục.

Đi theo sau chiếc giường phủ drap trắng của ông một đoạn, rồi rẽ lối khác tới khu vực đậu xe, tôi bước thong thả dọc hành lang treo những ngọn đèn vàng đục nhỏ, trong không khí xanh, loãng, tối, lạnh, mơ hồ, trên bầu trời sắp sáng lác đác vài ngôi sao tít tắp, nghĩ đến bài thơ mới đọc. Có một niềm day dứt và nỗi nhớ thương vô hạn trong bài thơ ấy.

Tôi dừng bên cửa sổ, nhìn lên cao kỹ hơn, không, trên trời đêm nay không phải có vài vì sao, mà chỉ có hai vì sao thôi, nhấp nháy, gần nhau. Tôi nghĩ đến những người ở xa giờ này chưa biết tin, nhưng chắc họ đang có linh cảm nào đó, và nếu đang ngủ thì giấc ngủ bồn chồn. Tôi nghĩ đến ngày cha tôi mất, khi tôi vừa rời xa đất nước, không ở bên cạnh. Ông ở trong vòng tay của mẹ tôi, các chị tôi, em gái tôi. Nhưng đứa con trai thì ở xa. Ngày ấy, nhiều người như tôi ra đi không kịp nghĩ đến dịp trở về. Trên thế gian này, bao nhiêu người may mắn được ngồi bên cạnh giường của cha hay mẹ mình phút cuối. Và bao nhiêu người khác nữa vào giây phút ấy lặn lội nơi xa, đang cầu nguyện hay cãi vã, đang săn đuổi  hay bị săn đuổi, đang sai và nghĩ mình đúng, đang đúng và nghĩ mình sai, đang hạnh phúc hay buồn rầu. Tất cả những người ấy nên đọc bài thơ của Robert Hayden.


Những Chủ Nhật Mùa Đông

Cha tôi dậy sớm ngay cả ngày chủ nhật

Thay áo quần trong tối lạnh xanh mờ

Bàn tay cha nứt nẻ vì công việc

Nhóm lửa lò cháy rực. Nhưng chẳng ai



Từng biết cám ơn. Tôi thức giấc, than hồng

Lách tách, bếp ấm dần, cha mới gọi tôi

Dậy mặc áo quần, nhưng tôi ngần ngại

Căn nhà xiêu cột kèo kêu giận dữ



Tôi cũng chuyện trò ấm ớ với cha tôi

Ông dậy sớm không phải vì tôi sao?

Và đánh bóng những đôi giày, cũng thế

Nhưng tôi có để ý gì đâu? Nào biết gì đâu?

Mưa nắng dãi dầu, tình yêu khổ hạnh



Those Winter Sundays


Sundays too my father got up early
and put his clothes on in the blueblack cold,
then with cracked hands that ached
from labor in the weekday weather made
banked fires blaze. No one ever thanked him.

I'd wake and hear the cold splintering, breaking.
When the rooms were warm, he'd call,
and slowly I would rise and dress,
fearing the chronic angers of that house,

Speaking indifferently to him,
who had driven out the cold
and polished my good shoes as well.
What did I know, what did I know
of love's austere and lonely offices?  
Đang mê mải đi trên đường, đôi khi bạn nghe tiếng gọi từ phía sau. Bạn quay lại: không có ai cả. Tiếc thương không phải là cảm xúc u buồn trầm uất, trái lại nó có thể làm tình yêu trở nên sâu thẳm vững bền. Tiếc thương là một hành động, là tấm gương chiếu rọi bất ngờ, thách thức, vỗ về, nối kết, làm đầy một tình yêu chưa trọn vẹn.

Nguyễn Đức Tùng

(trích Nhật Ký)


Source : Blog Du Tu Le

15/6/13

Huy Đức- Chia tay nước Mỹ.


by Osin HuyDuc (Notes) on Saturday, June 15, 2013 at 6:01pm...


Huy Đức


Khi khép cánh cửa 21 Shepard, nhận ra mình sẽ không còn quay lại căn nhà này, bàn tay của tôi hơi sững lại, cảm giác như khi chia tay một người thân mà biết rồi sẽ không gặp nhau.

Thời tiết Cambridge đang ở thì đẹp nhất.

Tôi đã ở đây một năm.
Tháng 8-2005, tôi được một gia đình Mỹ ở vùng Washington, DC tình nguyện cho tạm trú trong nhà. Lúc đầu tưởng chỉ ở một tuần nhưng sau do việc bố trí nhà ở của trường có trục trặc nên tôi đã ở lại gia đình này ba tuần.

Jeff, tên người chồng, là một đầu bếp. Anh rất hiếu khách, bữa thì Jeff làm cá hồi đút lò, bữa thì steak. Tôi ăn uống rất nhiệt tình và tự bảo đồ Mỹ không ngán như mình tưởng. Cho đến ngày Vicky, tên người vợ, chở tôi đến trường. Khi xe chạy qua một khu mua sắm nhỏ, tôi nhìn thấy... "Phở 75". Những bảng hiệu sặc sỡ khác bỗng chốc lu mờ. Bụng không đói mà tự nhiên cồn cào, tất cả các giác quan của tôi đều rạo rực. Tôi bảo Vicky dừng xe.


Vicky ngồi đợi tôi. Chị lịch sự cầm tờ báo cao lên, dán mắt vào đó để tôi tự nhiên. Không biết chị có đọc được chữ nào trong khi tôi xì xoạp húp. Không phải bao giờ cũng có dịp để nhận ra, một giọt nước mắm cũng khiến ta nôn nao, một câu hát cũng có thể chạm vào nơi yếu nhất.

Không như mấy thập niên trước, nước Mỹ bây giờ gần như vùng nào cũng có một cộng đồng Việt Nam, ở đâu cũng không quá khó khăn để kiếm phở và nước mắm. Anh Thái, một nhà báo ở khu quận Cam nói đùa: "Chỉ khi ra khỏi Mỹ tôi mới phải nói tiếng Anh".

Đang chạy xe trên "freeway" anh Thái thừa nhận: "Mình cũng đã từng quay quắt làm đủ thứ để trở về nhưng ở đây 5 năm, 10 năm, 20 năm... rồi cũng quen, rồi yêu nó lúc nào không hay Huy Đức ạ". Tôi biết anh nói thực lòng. Không phải tự nhiên mà năm nào cũng có cả triệu người xếp hàng chờ thẻ xanh, nước Mỹ là một trong những nơi có nhiều người muốn đến.


Thẻ xanh!

Ngày nay, những người yêu Việt Nam không nhất thiết phải ở Việt Nam mà nên ở nơi họ cống hiến được nhiều hơn. Một nhà khoa học mà về Việt Nam có khi lại lãng phí hơn là ở lại nơi họ có môi trường để góp phần tạo ra những thành tựu mới cho khoa học. Chưa biết bao giờ Việt Nam trở thành quốc gia có thể đóng góp cho thế giới những giá trị mới. Nhưng người Việt trong nước vẫn đi lại bằng Airbus, Boeing và nhiều bạn trẻ vẫn có trên tay những chiếc I-phone gần như đồng thời với thanh niên Mỹ.

Nhưng có những người được chuẩn bị để có thể tạo ra những giá trị toàn cầu trong khi nhiều người khác lại chỉ có thể làm những công việc hoàn toàn nội địa. Có những người muốn thay đổi thế giới trong khi có những người lại chỉ muốn chăm sóc vườn tược của mình. Có những người thích cầm ly Starbucks bước vào những building trong khi có người chỉ thấy thoải mái khi ngôi bệt bên hàng chè chén.

Giữa thập niên 1990, anh Khanh, một người bạn, lần đầu về lại Sài Gòn, một trong những việc anh muốn làm là... ăn lại tô phở Quyền. Bạn bè tiếp nối bạn bè nên mãi đến khi trên đường ra sân bay anh mới có thời gian tạt vào quán phở. Nhưng, tô phở anh ăn không phải là tô phở mà anh chờ đợi. Trong suốt gần hai mươi năm rời Việt Nam, "phở Cali" đã xác lập chuẩn mực ẩm thực mới cho anh. Cho dù tô phở Quyền vẫn là phở Quyền nó cũng không thể khớp với tô "phở Quyền" của anh trong ký ức.

Năm 1983, khi vào Sài Gòn, tôi giật mình thấy mấy phụ nữ lớn tuổi ở Xóm Mới khăn đóng, răng đen, "Bắc Kỳ" hơn những người phụ nữ cùng thế hệ đang sống trên miền Bắc. Nếu như những người ra đi thường nỗ lực để bảo tồn những giá trị văn hóa mà họ mang theo ngày rời quê hương thì những người ở lại khá hồn nhiên tiếp thu thêm nhiều cái mới, họ để cuộc sống tiếp diễn một cách sống động thay vì biến nó thành bảo tàng.

Không chỉ có Việt Kiều ra đi mà cộng đồng trong nước cũng "đi". Đôi bên đã đi về những hướng rất xa và tới những vùng rất khác nhau. Người Việt ở nước ngoài không chỉ sống với phần Việt mang theo mà còn tiếp nhận những giá trị mới để "hội nhập" với con cháu mình và cộng đồng sở tại.

Tôi nằm trong số những người được sinh ra để làm những việc "local", những người biết hương vị Starbucks nhưng đã quá thân quen với hàng chè chén.

Tôi không muốn bắt đầu một hành trình có thể đẩy mình đi quá xa với nơi mà mình yêu thương.



Source :  Osin Huy Đức/facebook