3/7/07

SƠ THẢO TIỂU TRUYỆN Bùi Giáng

SƠ THẢO TIỂU TRUYỆN



Bùi Giáng





Sơ thảo, gọi như vậy vì tính cách sơ lược của bài viết.

Vì một số dữ kiện nêu lên, không chắc chắn, dù cho người viết hết lòng tìm căn cứ. Chung quanh Bùi Giáng có nhiều giai thoại, dần dần trở thành huyền thoại, đồng thời với những tư liệu có khi không hợp lý, hay mâu thuẫn, không dễ gì kiểm chứng.

Sơ thảo, vì lối biên tập còn rườm rà, khi chúng tôi cố tình muốn đưa ra nhiều tư liệu, có lúc ngoài lề, để người khác có thể men theo và truy cứu thêm, về chuyện này hay chuyện khác.

Sơ thảo, tóm lại, không phải là lời từ tốn vào đề chiếu lệ, mà là lời mời gọi giới văn học và độc giả cải chính, bổ sung đào sâu hay nâng cao.



Bùi Giáng đứng tên trên khoảng 60 đầu sách, chủ yếu là 14 tập thơ, xen kẽ 19 dịch phẩm, 6 sách giáo khoa đầu tay, phần còn lại là biên khảo về triết học và thơ. Hiện nay còn khoảng 10 tập thơ và nhiều văn bản dịch, chưa in.. Bùi Giáng có vẽ tranh và có để lại tác phẩm, chủ yếu là ký họa.

Trên cơ bản, Bùi Giáng là nhà thơ.

* *

*

Bùi Giáng là tên thật.

Có khi sử dụng nhiều bút danh khác : Vân Mồng, Bùi Bàng Giúi, Bùi Báng Giùi, Báng Giùi, Trung Niên Thi Sĩ, Ðười Ươi Thi Sĩ.

Ông sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926, Bính Dần, tại làng Thanh Châu, nay đổi thành Duy Châu vì thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam [1] .



Thân phụ là Bùi Thuyên, tục danh Cửu Tý, địa chủ giàu có; thân mẫu là Huỳnh thị Kiền, còn tên là Hai. Cụ Bùi Thuyên có hai đời vợ, bà trước là con Phạm Tuấn, là một trong năm tiến sĩ đồng khoa 1898 cùng quê Quảng Nam, gọi là Ngũ Phụng Tề Phi [2]. Bà mất sớm khi hạ sinh người con thứ ba. Bà sau là cháu nội cụ Hoàng văn Bảng, em ruột Hoàng Diệu, phó bảng khoa 1853, Thượng thư Bộ Binh, Tổng Ðốc Hà Ninh, tuẩn tiết tại Hà Nội năm 1882. Bà sinh được hai gái và bảy trai. Bùi Giáng là con thứ năm, kể cả con bà mẹ trước, nên còn tên là Sáu Giáng.



Những chi tiết này chứng tỏ Bùi Giáng xuất thân tự một giòng họ gia thế. Họ này gốc Nghệ An, di dân vào đây từ đời Hồng Ðức [3].



Nhiều người trong giòng họ này nổi tiếng như bác sĩ Bùi Kiêùn Tín, sản xuất dầu khuynh diệp, kỹ sư Bùi Thạnh, hay giáo sư Bùi xuân Bào, gia đình ra lập nghiệp tại Huế.



« Dòng họ Bùi giàu có bậc nhất trong vùng với những sở ruộng « cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi ». Bùi Giáng trong mắt người dân thuở đó là một trang công tử. Dòng họ Bùi gốc ở Vĩnh Trinh lên ngụ cư ở Trung Phước khoảng những năm đầu của thập kỷ 40. Hồi đó, dòng họ có những căn nhà lầu đầu tiên ở xứ này. Trong nhà của họ có rất nhiều nô bộc. Sau này, nhà Quảng Nam học Nguyễn văn Xuân nhận xét rằng những dòng họ giàu có nổi tiếng ở xứ Quảng đều sinh sống dọc hai bên triền sông, tận dụng lợi thế « nhất cận thị, nhị cận giang » [4] .



Sông Thu Bồn quanh năm có lưu lượng cao, nối liền miền Thượng Du với cửa Ðại (Hội An), cửa Hàn (Ðà Nẵng) và cửa Kỳ Hà (Tam Kỳ) qua nhiều sông lớn khác. Do đó, Vương Quốc Chăm đã đóng đô tại vùng Trà Kiệu, bên sông này, khoảng thế kỷ IV.

Nhờ kinh tế phồn thịnh, dân địa phương nhiều người học hành và đỗ đạt.



Bùi Giáng sinh ra và lớn lên giữa « những dãy nhà rộng thênh thang tường xây bằng đá »[5]. Thời niên thiếu giữa một thiên nhiên phong phú, nhiều sắc thái : sông hồ, đồi núi, ruộng nương là một thiên đường mà Bùi Giáng suốt đời hoài vọng, và gọi là cố quận. Trong Ngày Tháng Ngao Du, ông kể : « Hồi nhỏ, tôi được sanh ra và lớn lên trong miền quê hẻo lánh. Chung quanh có ruộng đồng sông núi trùng điệp, những đám cỏ chạy suốt tuổi thơ. Làng tôi xưa kia có nhiều cỏ mọc, cỏ mọc từ trong làng ra ngoài ruộng, tới những cồn, gò, đồi núi thật xanh. Từ đó về sau, tôi tìm kiếm mãi một màu xanh không còn nữa vì những trái bom và hòn đạn khổng lồ ».



Có lẽ vì vậy mà mãi đến tuổi 71 ông mới về quê sau non 50 năm xa cách, qua bài thơ Tâm Sự, 1996, trong Ðêm Ngắm Trăng.



Về học trình của Bùi Giáng, tư liệu chi tiết nhất là bài diễn văn năm 1995 của Bùi văn Vịnh, em ruột : « Thuở nhỏ, anh học trường Bảo An, tại Ðiện Bàn, Quảng Nam. Sau đấy, anh theo Trung học ở trường Thuận Hóa, Huế. Năm 1945, đang lớp đệ tứ thì gặp Ðảo chính Nhật, song anh kịp đậu Thành Chung (Diplôme). Cùng năm, anh lập gia đình riêng – chị qua đời ba năm sau. Việt Minh lên, anh trôi nổi khắp các tỉnh Nam Ngãi Bình Phú của Liên Khu V trong vùng kiểm soát này. Cho đến 1950, khi có kỳ thi Tú tài đặc biệt do Liên Khu V tổ chức (« đặc biệt » vì đề thi do Liên Khu IV gửi vào, thi xong bài thi gửi ra Liên Khu IV chấm), anh đậu Tú tài II Văn Chương, rồi lên đường ra Liên Khu IV, tới Hà Tĩnh, để tiếp tục vào học Ðại Học. Từ Liên Khu V ra Liên Khu IV phải đi bộ theo đường mòn trên núi, hơn một tháng rưỡi trời. Khi ra đến nơi, trong này khai giảng sau khi nghe ông Viện trưởng Ðại học đọc diễn văn, Bùi Giáng quay ngay về Quảng Nam – với một tháng rưỡi đi bộ nữa theo đường mòn trên dãy Trường Sơn. Và anh bắt đầu quãng đời « Mười lăm năm chăn dê ở núi đồi Trung Việt ». Xin mở một ngoặc đơn : con số « 15 » được hiểu với nghĩa tượng trưng của điển « mục dương », và anh chăn dê chứ không bò hay trâu ! Tháng 5-1952, gửi đàn dê lại cho... chuồn chuồn, châu chấu, anh băng qua Huế lấy Tú tài tương đương, để vào Sài Gòn ghi danh theo học Ðại Học Văn khoa. Lần này nữa, sau khi nhìn danh sách các giáo sư sẽ giảng dạy, anh quyết định chấm dứt việc học ở trường của mình tại đây » [6].



Nhiều bài biên khảo sử dụng tư liệu này, vì tư cách của tác giả và những dữ kiện cụ thể được đưa ra. Nhưng cũng có người tự hỏi : Hà Tĩnh thì làm gì có đại học ? Năm 1952, thì Sài gòn làm gì có đại học văn khoa [7] ?



Chúng tôi dò hỏi và đề nghị một học trình khác của Bùi Giáng :

- Tiểu học : Bùi Giáng có học trường Viên Minh, Hội An,



- 1940 ông bắt đầu vào Trung Học, trường Cẩm Bàng, Quy Nhơn. Trường tên như thế vì là tên làng của chủ trường, ông Lâm tô Bông, người Quảng Ngãi.



- 1941-1945 : Bùi Giáng ra Huế, học trường Tư thục Thuận Hóa. Thầy là các vị Hoài Thanh, Ðào duy Anh, Trần đình Ðàn, Lê Trí Viễn... Hai ông sau là cùng quê với Bùi Giáng. Nhà thơ khâm phục và về sau có viết bài ca ngợi các bậc thầy này.



- 1945 : Nhật đảo chính.

Ôâng đỗ bằng Thành Chung, thường gọi là Diplôme, sau khi thi hỏng năm trước, và ở lại lớp Tứ Niên C.



- 1943 : Bùi Giáng đọc trên báo Bạn Ðường, do Hướng Ðạo chủ trương, in tại Thanh Hóa, mấy câu thơ :



Mịt mùng một nẻo quê chung

Người về Cố Quận, muôn trùng ta đi.



Theo Bùi Giáng « đây là một niềm tương ngộ, cuộc trùng phùng, những tao ngộ tình cờ trong một cuộc Hội Thoại ».

Có thể xem như là khởi điểm nguồn sáng tạo văn học của Bùi Giáng, như ông thổ lộ ở phần đầu Lời cố Quận (1972), mà không cho biết tên tác giả câu thơ.

Tuy nhiên trước đó, trong Ði vào Cõi Thơ (1969), Bùi Giáng có trích hai câu này trong một đoạn 4 câu trong bài Cảm Thông (14 câu, 1940) và nói rõ là của Huy Cận. Bài này chưa bao giờ được in ở các thi tập đã xuất bản của Huy Cận.



- 1945 : ông về quê, cưới vợ, dọn lên Trung Phước, một làng Trung Du hẻo lánh.



Vợ ông tên Phạm thị Ninh, trạc tuổi ông, sinh trưởng trong một gia đình công chức khá giả, ông bà Phán Trai, Hội An, ở gần Chùa Cầu, nay còn người em là Phạm văn Hòa, 71 tuổi.



Bà Ninh qua đời năm 1948 vì bệnh dài hạn và đẻ non, đứa con cũng mất, tại làng Trung Phước. Người em, Bùi Công Luân, kể lại rằng khi mất, thì « chị không thấy mặt chồng. Anh Bùi Giáng bấy giờ đang ở Quảng Ngãi, Bình định, Phú Yên gì đó, nghe phong thanh anh đang đi học » [8].



Chúng tôi lần theo, và được biết là giai đoạn này, Bùi Giáng tiếp tục học tại trường Nguyễn Huệ Bồng Sơn, tỉnh Bình định. Trường này không dạy đủ lớp, chỉ dạy hai trên ba năm, bậc Tú Tài, và chỉ dạy chuyên khoa Toán Lý Hóa. Bùi Giáng có ra Hà Tĩnh - bài Kỷ Niệm, trong tập Mưa Nguồn, làm tại Hà Tĩnh, 1951- nhưng có thể để học tiếp ban Tú Tài văn chương, rồi bỏ dở.



Tháng 5-1952, Bùi Giáng về thành [9]. Rồi vào Sài Gòn dạy học.



Học trình Bùi Giáng, chúng tôi chỉ biết có vậy.

Trên cơ bản ông là người tự học và đã đạt tới một kiến thức uyên bác, làm nhiều người ngạc nhiên và kính phục.

Chúng tôi phụ chú thêm ba điểm :



1. Việc hôn nhân : khi trả lời một bài phỏng vấn của báo Thời Văn, 1997, Bùi Giáng có tiết lộ : « phải thuận theo ý cha mẹ lấy cô vợ người thành phố Hội An, suốt đời không biết cày sâu cuốc bẫm là gì » [10]. Người em trai Bùi công Luân có đề cập đến điều này trên báo Khởi Hành số 25 đã dẫn, nói rằng hai bên không yêu nhau, nhưng theo ông Hòa, em bà Ninh, thì đây là một hôn nhân tự nguyện.



2. Việc chăn dê : khoảng 1948, tại Trung Phước, chúng tôi tin vào kỷ niệm của ông Phạm văn Hòa :



« Ôâng anh rể tôi kỳ lạ lắm. Hồi đó ổng mua một đàn dê khoảng 100 con và rủ tôi đi chăn cùng. Buổi sáng ông thường lùa dê vào Giáp Nam, Gò Om, sau đó hai anh em rủ nhau xuống khe (suối) Le ngồi dưới bóng của các lùm tre và… đọc thơ suốt buổi. Có những buổi ổng lang thang lên tận các quả đồi hái hoa, lá kết vòng thơ thẩn đeo vào cổ cho dê… » Ðặc biệt Bùi Giáng rất thương vợ. Sáng nào ông cũng vắt một bát sữa dê đem chưng lên cho vợ uống. Tôi chẳng hiểu hồi đó ông có tâm sự gì nhưng chỉ biết ông nuôi dê để chơi thôi, không thấy bán (vì nhà rất giàu, đâu cần tiền), cũng không hấy giết thịt vì ông rất yêu nhưng con dê. Mỗi con ông đặt cho một cái tên, rất kỳ lạ.

Chuyện Bùi Giáng chăn dê nhiều người còn nhớ. Ðấy là hình ảnh một thanh niên hàng ngày lặng lẽ lùa dê vào núi, trên tay ôm một cuốn sách tiếng Pháp dày cộp.

Quãng đời du mục của Bùi Giáng kéo dài khoảng 3 năm thôi nhưng sau này khi viết Nỗi lòng Tô Vũ, thi sĩ đã đề từ « Kỷ niệm một đoạn đời 15 năm chăn dê núi đồi Trung Việt Nam Ngãi Bình Phú ». Mười lăm năm – nhiều người cho rằng có thể Bùi Giáng lấy thời gian lưu lạc của nàng Kiều để nói về đời mình » [11].



3. Thời kháng chiến : ngày Toàn quốc Kháng Chiến chống Pháp, Bùi Giáng đúng 20 tuổi. Vậy ông làm gì ? chẳng nhẽ chỉ chăn dê và làm thơ ?

Theo nhà thơ Tường Linh, Bùi Giáng trong khoảng một năm, có đi bộ đội, thời đó là Giải Phóng Quân.

Ngoài ra Bùi Giáng trong lúc « vui lòng cởi mở » ở dưỡng trí viện Biên Hòa tháng 5-1969, có kể với các Bác sĩ trong viện : « trong thời trai trẻ, đi kháng chiến, một chiều nọ, mệt, đói, anh đang lê từ bước một với chiếc ba lô khá nặng sau lưng, thì vừa quẹo một đường mòn, anh chợt thấy một thiếu nữ thiểu số đang giặt áo bên bớ suối, anh vừa ngừng chân thì « Bông hoa rừng » nọ cũng vừa ngừng tay giặt, mỉm cười với anh và niềm nở hỏi chào anh. Anh tưởng mình như đang lạc vào suối Ðào-nguyên, và hình ảnh này vẫn không phai trong tâm khảm anh. Ðó là phần Cô em Mọi nhỏ ; còn Hoàng hậu Nam-Phương thì đến với anh trên một bao thư : người mẫu nghi thiên hạ này, sau anh có gặp lại ở Huế – lần này, người thiệt, chớ chẳng phải là một con tem thư – nhưng thực và mộng vẫn không sai biệt. » [12]



Ðoạn văn được trích dài, đêû quy chiếu, về một chi tiết trong tiểu sử mà các tài liệu khác không đề cập, và trong chừng mực nào đó giúp ta hiểu thêm về hình ảnh người đàn bà – rất nhiều đàn bà – trong thơ Bùi Giáng.



* *

*



1952 – 1960 : về vùng « quốc gia », Bùi Giáng vào Sài gòn lập nghiệp, dạy Pháp văn và Việt văn cho nhiều trường Tư Thục : Tân Thịnh, Vương gia Cần … và gửi thơ đăng báo.



Ông cư ngụ tại đường Trương tấn Bửu, nay là Trần huy Liệu, gần chợ Trương minh Giảng, cùng với các em, trong một ngôi nhà giữa vườn cây vú sữa [13]. Võ Phiến, ở gần đó, thường lui tới. Có lần Bùi Giáng chiêu đãi Ðinh Hùng tại nhà, mời ăn Mì Quảng, nhưng tại một căn nhà đường Dixmude, Ðề Thám, theo lời kể của Mặc Thu [14] .

Mì Quảng là món ăn quê hương mà ông tự hào và ưa thích. Có lần tuyên bố : « ta ăn hai ngàn tô mì Quảng nữa ta chết » [15].



Thời gian dạy học, ông đã soạn 6 cuốn sách giáo khoa, do nhà Tân Việt ấn hành, về Bà Huyện Thanh Quan, Lục vân Tiên, Kiều (1957), Tản Ðà, Chu Mạnh Trinh, Tôn Thọ Tường và Phan văn Trị (1959), và một số sách giáo khoa khác, chủ yếu cho học sinh cấp hai.



1960-1975 :

1960 : xuất bản Tư Tưởng Hiện Ðại, biên khảo về tư tưởng phương Tây, chủ yếu là chủ nghĩa hiện sinh đang thời thượng. Có thể xem như là sáng tác đầu tay quan trọng.

Dường như từ thời gian này ông mới học tiếng Ðức, bắt đầu đọc Heidegger, do ảnh hưởng nhóm Phật giáo Vạn Hạnh với Thượng tọa Thích Minh Châu, Tuệ Sĩ, và Phạm công Thiện. Hai cuốn về Heidegger, in 1963, trích nhiều tiếng Ðức.



1962 : xuất bản tập thơ Mưa Nguồn, có bài làm từ 1950, thời chăn dê. Có lẽ Mưa Nguồn là tập thơ đều tay và giá trị nhất của Bùi Giáng. Liên tiếp, năm sau, là 4 thi phẩm : Lá Hoa Cồn, Ngàn Thu Rớt Hột, Màu Hoa Trên Ngàn và Sa Mạc Trường Ca.



Dường như sau đó có thời gian ông về ở chùa Phát Hội, một trung tâm nghiên cứu Phật Học, tiền thân của Ðại Học Vạn Hạnh, với Nhất Hạnh, Tuệ Sĩ, Phạm công Thiện,… .



1965 : chiến tranh leo thang. Cùng với nhóm trí thức : Nhất Hạnh, Hồ hữu Tường, Tam Ích,… Bùi Giáng tham gia kêu goị hòa bình. Dường như đây là hoạt động chính trị chính thức duy nhất trong đời Bùi Giáng. Nhưng lá thư gửi René Char của Bùi Giáng chỉ nói đến hòa bình chung chung.



Thời gian này ông chủ tâm dịch sách, xuất bản 13 dịch phẩm, nhiều nhất là Camus. Kịch bản Ngộ Nhận (le Malentendu) xuất bản 1967, đã đăng trên báo Bách Khoa từ 1963, và Bùi Giáng yêu thích Camus từ lâu. Dường như đôi bên có trao đổi thư từ.



1969 : xuất bản 10 tác phẩm trong một năm, chủ yếu về thơ.

Ðồng thời xảy ra tai nạn lớn : một hỏa tai thiêu rụi căn gác ông ở và chứa sách, trong một ngõ hẻm trên đường Phan thanh Giản, bây giờ là Ðiện Biên Phủ. Căn gác này do tu sĩ Thanh Tuệ, chủ nhà xuất bản An Tiêm, thuê cho Bùi Giáng ở, chứa nhiều tư liệu và rất nhiều sách, Pháp, Anh, Ðức, Hán, có ghi chú. Hỏa hoạn xảy ra khoảng 3 giờ chiều, trước đôi mắt bất lực của Bùi Giáng và Thanh Tuệ, thiêu rụi tư liệu, bản thảo, và sách tặng của Camus, dường như có cả sách tặng của Heidegger.



Bùi Giáng, cuồng nhẹ từ trước, nổi cơn điên, được gia đình đưa vào dưỡng trí viện Biên Hòa đầu tháng 5-1969. Theo các bác sĩ của viện : « Người cầm bút cô độc này, bịnh đã chuyển từ cuồng nhẹ sang cuồng nặng » [16] . Không biết bệnh có di truyền hay không, vì thân sinh ông cũng bị cuồng nhẹ, theo lời người địa phương « thân sinh ông Bùi Giáng là ông Bùi Thuyên, thường gọi là Cửu Tý, Ông Cửu Tý cũng là một người … điên, hàng ngày thường làm bộ cưỡi ngựa bằng mo cau đi từ làng Trung Phước đến làng Cà Tang đọc thơ, làm câu đối và đặc biệt ông này rất thích chọc ghẹo… các cô gái có nhan sắc ! » [17].



Ra khỏi dưỡng trí viện, Bùi Giáng sống lang thang nay đây mai đó. Từ đầu năm 1973, ông dọn về khu nội xá của Ðại Học Vạn Hạnh, đường Trương Minh Giảng, có phòng riêng ở lầu 3. Thời gian này Bùi Giáng thỉnh thoảng có dự những buổi đàm luận chính trị với nhóm trí thức chủ hòa thời đó : Nguyễn đăng Thục, Tuệ Sĩ, Ngô trọng Anh,… Nhưng vẫn ăn ngủ đó đây và biểu diễn nhiều trò lạ mắt trong y phục thùng thình trên hè phố Sài Gòn. Thân hữu và gia đình vẫn ồ ạt xuất bản sách cho ông. Tạp chí Văn đã ra một số đặc biệt Bùi Giáng tháng 5-1973, và Mai Thảo, phụ trách tờ báo giải thích về sau : « Phải làm cái gì về ông. Ðể ghi nhận lại ».

Mai Thảo còn kể tiếp : « chưa biết tìm Bùi Giáng ở đâu, thì thi sĩ bất ngờ ghé thăm tòa soạn. Ông chỉ còn là da bọc xương trong quần áo thùng thình, mái tóc dài đạo sĩ, cái túi vải còn thêm cây gậy (…) Mấy tháng trước biến cố 1975, chỉ thỉnh thoảng nghe thấy ông vẫn lang thang đây đó, một quán này, một bãi hoang kia, ngủ bất cứ ở đâu » [18].



1975-1998 : Sau 1975 bệnh cuồng trầm trọng thêm, dù rằng vẫn có lúc ông sáng suốt. Sống nhờ bạn bè và trợ cấp của gia đình từ nước ngoài. Có lúc ở nhờ chùa Già Lam, xóm Gà, Gia Ðịnh.



Từ 1985, về ở với gia đình người cháu gái, đường Lê Quang Ðịnh, quận Bình Thạnh. Vợ chồng người cháu giúp Bùi Giáng định cư và định tâm, an dưỡng và sáng tác, đến ngày cuối đời. Hiện gia đình này còn giữ nhiều di cảo.



Từ 1992, Tâm trí có phần ổn định, Bùi Giáng làm nhiều thơ trong năm 1993. Sau đó sáng tác cầm chừng, vẫn làm nhiều thơ.



1996 về thăm lại « Cố Quận » Quảng Nam khi đã 71 tuổi.



7-10-1998 (ngày 17 tháng Tám năm Mậu Dần) : Bùi Giáng mất tại Sài Gòn vì bị tai biến mạch máu não.

Ðêm 23-9, ông có uống rượu, trượt té và vào hôn mê sâu. Giải phẩu tối 25-9, nhưng ông vẫn hôn mê, cho đến 14 giờ ngày 7-10 thì qua đời.



Tang lễ được tổ chức trọng thể tại chùa Vĩnh Nghiêm. Khoảng 600 người, phần đông là thanh niên, sinh viên đến canh thức, ngâm thơ. Một đám tang nhẹ nhàng, nhắc lời ông thường nói, để đời : « vui thôi mà ».



11-10-1998 : an táng tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Ðức.



Hiện nay Bùi Giáng còn 10 tập thơ và dịch phẩm chưa in.





Ðặng Tiến

Viết cho ngày tưởng niệm Bùi Giáng

7-10-2003, Sơ Thu Quí Mùi





Des lisières lointaines

les cerfs ont bramé



Từ ven rừng xa

tiếng nai gào gọi

Apollinaire



--------------------------------------------------------------------------------

[1] Du khách đi thăm di tích Chàm ở Mỹ Sơn, từ quốc lộ số 1, lấy tỉnh lộ 610 khoảng 15 km sẽ đi qua làng Duy Châu. Ði thêm 30 km sẽ đến làng Trung Phước, nơi Bùi Giáng chăn dê, nay đổi là Quế Phước vì thuộc huyện Quế Sơn, phía mỏ than Nông Sơn. Cả hai làng đều nằm bên sông Thu Bồn, bờ bên này và bên kia.

[2] Năm người theo thứ tự là : Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn, Ngô Truân và Dương hiển Tiến. Ngoại trừ Phan Quang huyện Quế Sơn, bốn người kia đều thuộc huyện Diên Phước, nay là Ðiện Bàn.

[3] Bùi Tấn, Chớp Biển, Sài Gòn, Anaheim 1996, tr. 35.

[4] Nguyễn Minh Sơn, báo Người Lao Ðộng, số Xuân Quý Mùi 2003, TPHCM.

[5] Bùi Công Luân (em ruột Bùi Giáng), báo Khởi Hành, số 25, tháng 11/1998, tr. 27, California.

[6] Bùi văn Vịnh, trong Chớp Biển, sđ, tr. 90.

[7] Trường Ðại Học Văn Khoa, Sài Gòn, có từ 1958. Trước đó, có lớp Văn dạy tại Ðại Học Sư Phạm, 1956. Khoa trưởng cả hai trường thời đó là G.s Nguyễn huy Bảo, mà Bùi Giáng tỏ lòng ngưỡng mộ, như đã tuyên bố ở trang 17, báo Thời Văn, 6-1997, Sài Gòn.



Tại Khu IV, khoảng 1948, chỉ có lớp dự bị Văn Khoa, 7 sinh viên học với g.s. Ðặng Thai Mai, làng Quần Tín, Thanh Hóa, và g.s. Cao Xuân Huy tại Diễn Châu, Nghệ An. Cụ Huy là thầy Bùi Giáng môn Pháp văn, tại trường Thuận Hóa, Huế.

[8] Bùi Công Luân, trong Chớp Biển, sđd, tr. 15, có đăng lại trên báo Khởi Hành, số 16 tháng 2-1998, tr. 20, California.

[9] Cùng một thời điểm với nhà thơ Tạ Ký 1928-1979. Tạ Ký vào học trường Khải Ðịnh 1952, Huế, học đủ ba năm cấp ba, đậu Tú Tài năm 1955.

Tạ Ký cùng quê, và ở cùng xóm, trong làng Trung Phước với Bùi Giáng. Làng này đã trở thành một đề tài thi ca qua câu thơ Tạ Ký :

Trung Phước ơi, sông sâu dài uốn khúc,

Tình cheo leo cao vút một con đèo.

Trong chiến tranh, một chiều mưa bên bờ sông Vĩnh Ðiện, nhà thơ Tường Linh, quê ngoại ở Trung Phước, học trò Pháp văn của Bùi Giáng, nhìn về Trung Phước, có câu thơ cảm động :

Thấy gì đâu, chỉ thấy núi mây mờ

Lòng gọi mãi tên làng xưa Trung Phước !

Nhà văn Võ Phiến, 1986, có lời bình luận : « Làng Trung Phước, ngày còn ở trong nước tôi chưa đến bao giờ, chính dân làng còn khó về làng huống hồ người xa kẻ lạ. Từ khi xa nước, nghe nói tới Trung Phước càng thấy mơ hồ típ tắp. Tôi đinh ninh đó là một làng đáng tưởng nhớ, đáng mê say : dễ gì một ngôi làng nhỏ bé hẻo lánh, mà có được hai thi sĩ dễ thương ngoan lành như vậy ? Hơn nữa, ngoài Tạ Ký và Tường Linh, làng Trung Phước còn liên hệ dến một thi sĩ thứ ba rất quen thuộc là Bùi Giáng, người đã từng sống với đàn dê tại đây một thời gian thời kháng chiến chống Pháp »

(Võ Phiến, Văn Học Miền Nam – Thơ, nxb Văn Nghệ, tr. 3145, 1999, California.)

Khi mộ Tạ Ký được dời về Gò Dưa, Thủ Ðức, Tường Linh có đọc điếu văn.

Ngày nay cùng nghĩa trang với Bùi Giáng.

[10] Bùi Giáng, tạp chí Thời Văn, số 19, tháng 6-1997, tr. 26, TPHCM.

[11] Nguyễn minh Sơn, báo Người Lao Ðộng, sđd.

Chúng tôi chua thêm hai điều :

a) Mười lăm năm là cái « khớp » trong đời Bùi Giáng : mười lăm tuổi, rời thôn ấp về « thành phố » Huế, mười lăm năm sau, đất nước chia đôi, rồi 1969, vào dưỡng trí viện Biên Hòa, v..v… Ôâng có bài thơ Mười lăm năm :

Mười lăm năm ngọn tử phần

Mù sương cố quận chín tầng tầng rơi

Linh cảm, có thể quan hệ với thân phận Thúy Kiều.

b) Tâm sự u uất : Bùi công Luân xác nhận điều này, khi Bùi Giáng rời gia trang ở Thanh Châu miền trung du Trung Phước chăn dê : « dường như anh muốn xa lánh trốn tránh, thậm chí đoạn tuyệt với một cái gì đó. Có thể là một quá khứ với những kỷ niệm không phai. Có thể là một đoạn đời với nhiều bão giông còn âm ỉ »

Bùi Giáng có thơ :

Người điên mang một mối buồn

Chưa bao giờ biết cỗi nguồn từ đâu

(Một Lần Nàng Tiên)



[12] Thơ Ðiên, nxb Ki-Gob-Jó-Cì, Thái Bình Ðiên Quấc, năm Chó 70, tr. 81, 1970, Sài Gòn.

Sách do các bác sĩ dưỡng trí viện Nguyễn văn Hoài, Biên Hòa, thực hiện, 140 trang khổ 16x24 cm.

[13] Viên Linh, Khởi Hành số 25 bđd, tr. 23.

[14] Mặc Thu, Khởi Hành, số 25, tr. 25.

[15] Trần Hữu Cư, báo Thời Văn, bđd, tr. 71.

[16] Thơ Ðiên, sđd, tr. 80.

Giám đốc dưỡng trí viện là Tô dương Hiệp, con trai nhà văn Bình Nguyên Lộc. Bác sĩ chuyên trị Bùi Giáng và thân thiết, là Nguyễn Tuấn Anh.

[17] Nguyễn minh Sơn, báo Người Lao Ðộng, sđd.

[18] Mai Thảo, tạp chí Văn, số 26, tháng 8-1984, California, in lại trong Hợp Lưu, số 44, tháng 12-1998, tr. 15-16, California.

Shanghai Baby - VỆ TUỆ

VỆ TUỆ
Mạch Nha chuyển ngữ


Cục cưng Thượng Hải

trích tiểu thuyết Shanghai Baby


Lời dịch giả:Cục Cưng Thượng Hải - xâm phạm húy kỵ, thổi thả khiêu khích, độc tính cao - vừa chào đời đã bị tịch thâu, tiêu hủy không thương tiếc ngay tại quê hương tác giả.
Ðề tựa cho cuốn tiểu thuyết, Vệ Tuệ tự nhận đây là một bán tự truyện, trong đó cô mượn hình ảnh Coco, một thiếu nữ sống như thể ngày mai ta không còn thấy nhau kể lại cuộc tình nước - lửa với hai người đàn ông. Một bên là bạn tình Trung Hoa đớn đuối, bất lực; bên kia, nhân tình từ trời Tây tối hảo.
Lấy Thượng Hải làm nền, xác thân làm nguyên liệu, Vệ Tuệ sử dụng lối viết trực tuyến, hỏi – đáp tắp lự, cốt muốn phát biểu. Cô đã phát biểu hết sức minh bạch cảm nhận của bản thân về cuộc sống mà cụ thể ở đây là sự phân cân giữa hai giá trị Ðông – Tây, kết quả chênh lệch ngay những trang đầu. Trẻ trung, xinh đẹp và biển trào. Khát sống, khát tình, khát tự do. Càng bị phủ lấp, cô càng muốn chòi nhú, hơn thế nữa, mãn khai.
Trong một thời gian rất ngắn, Vệ Tuệ chẳng những trở thành hiện tượng quốc gia mà còn được phương Tây kể tên khi liệt kê các nữ văn sỹ trẻ hàng đầu thế giới hôm nay. Cũng bởi, cho đến bây giờ, chưa một nhà văn nào ‘‘quậy bạo’’ như cô tại Hoa Lục. Mà cô nào viết gì lạ lẫm! Tâm tình tuổi trẻ ở đâu, bao giờ chẳng thế: thích khám phá, ham bay nhảy. Chỉ có điều, là một thiếu nữ da vàng, nói toẹt ra những điều ấy, kiểu ấy thì chỉ có từ chết đến bị thương.
Lý do: Vệ Tuệ đã biểu cảm vô cùng xác thực thời đại mình đang sống, giữa một lục địa vừa thức giấc, vừa tái khám phá Tây Phương kể từ chiến tranh Nha Phiến. Một thế hệ thanh niên Trung Hoa không còn biết đến cách mạng văn hoá nhưng muốn thoả mãn cơn khát thế giới. Thành công trước hết của Vệ Tuệ là đã ghi lại đời sống đô thị hậu Cộng Sản.
Cục Cưng Thượng Hải được chuyển ngữ từ bản dịch Pháp văn Shanghai Baby của Cora Whist, Nxb Philippe Piquier.




Tương ngộ


Dora bảo: «Sanh con đi!»
Mẹ và Betsy bảo: «Tìm việc phước thiện mà làm, đi giúp người nghèo khó, tật nguyền, không thì giành thời giờ cho các công tác môi sinh ấy». Vẫn biết, việc tốt muốn làm đầy khối ra, cả một thế giới để mà khám phá. Thế nhưng, hiện tại, chỉ có mỗi một chuyện là quan trọng đối với tôi, tìm người tình mới!

Joni Mitchell



Tôi tên Ni Ke, bạn bè gọi là Coco (vì tôi rất mê Coco Chanel, người phụ nữ Pháp lẫy lừng, qua đời ở tuổi chín mươi, thần tượng thứ hai của tôi, sau Henry Miller.)

Mỗi sáng thức dậy, tôi tự hỏi hôm nay sẽ làm gì cho nổi đình nổi đám. Tham vọng duy nhất của tôi, ý nghĩa duy nhất khiến tôi thấy cuộc đời đáng sống: Bay bốc lêngiữa bầu trời thành phốvà tóe nổ như một quả pháo hoa rực rỡ.

Sống ở Thượng Hải là rất hay. Sương mù, lời ong tiếng ve, cùng với tính tự tôn vĩnh cửu của dân Thượng Hải từ Thời Vàng Son[1]muôn đời bao trùm thành phố. Cái tính khí ấy áp đặt lên tôi, một đứa con gái son trẻ, mẫn cảm và kiêu hãnh. Vừa yêu quý, tôi vừa căm ghét nó.

Gì thì gì, tôi chỉ mới hai mươi lăm. Năm ngoái, vừa cho ra lò một cuốn tiểu thuyết. Lỗ chỏng gọng, bù lại cũng câu được ít nhiều danh tiếng (độc giả phái mạnh viết thư và gửi cho những tấm ảnh rất «máu»). Ba tháng trước, tôi bỏ quách chân phóng viên tạp chí để đi làm tiếp viên váy cũn tại quán bar Ludi.

Có một thanh niên to vóc, đẹp người thường hay ghé quán. Ngồi hết sáng này qua sáng nọ, một tách cà phê, đọc, đọc và đọc. Tôi ngắm không sót từng điệu bộ, cử chỉ của chàng. Thừa biết được kết độ nhưng hắnkhông mở lời. Rồi một hôm, tự dưng chìa ra mảnh giấy ghi «Yêu em», tên và địa chỉ. Bằng bí quyết gì, chàng trai kém tôi một tuổi này (hắn tuổi Mão) chinh phục được tôi dễ dàng như vậy? Hắn đẹp. Một vẻ đẹp được tác tạo từ chứng chán đời kinh niên và nỗi khát tình mãn tính.

Hai chúng tôi là hai cá thể bề ngoài hoàn toàn tương phản. Tôi, tham vọng bát ngát, sinh lực ngút ngàn, thế gian là quả ngọt trái thơm chỉ mong được cắn cho ngập răng. Hắn, trầm mặc và sầu muộn, nhìn đời như cái bánh rắc thạch tín, ăn một miếng ngộ độc một miếng. Ấy vậy mà, hai tính cách khác nhau một trời một vực ấy, như hai cực từ trường, lại khiến chúng tôi hút phụt vào nhau. Yêu nhau ngon lành.

Vừa mới quen, Thiên Thiên đã quyết định kể tôi nghe chuyện gia đình. Bà mẹ sống ở Cadix, một thành phố nhỏ tận bên Tây Ban Nha, với một gã đàn ông bản xứ. Bà mở nhà hàng đặc sản, bán tôm hùm và hoành thánh, kiếm được bộn tiền.

Ông bố mất sớm, bất đắc kỳ tử trong một kỳ nghỉ mát ngắn hạn của gia đình bên cái xứ Y Pha Nho ấy. Giấy báo tử ghi: «Nhồi máu cơ tim». Hài cốt được di hương bằng máy bay vận tải McDonnell, và hình ảnh bà nội đứng chực tại phi trường dưới cái nắng điên người, nhỏ thó, đẫm lệ, kể từ đó không rời khỏitâm trí anh nữa.

- Với nội, đó là một án mạng. Ba chưa bao giờ đau tim. Và vì mẹ lăng nhăng với người khác nên rõ ràng đó là một vụ mưu sát.

Thiên Thiên cứ chằm chằm khảo tôi:

- Em có tin thế không? Anh chưa bao giờ hiểu được sự thật nó là như thế nào. Có thể nội không sai… Ngặt cái, hàng năm mẹ vẫn đều đăïn gửi tiền về, khá lắm, và anh sống bằng số tiền đó.

Anh nhìn tôi, thở hắt. Tôi bị câu chuyện khác thường của anh cuốn hút. Con người tôi vốn dễ mủi lòng trước những chuyện lâm ly bi đát. Thời còn theo học Hán văn tại đại học Phục Ðán, Thượng Hải, tôi muốn trở thành một tiểu thuyết gia chuyên trị truyện tình cảm. Ðiềm dữ, khúc mắc, ung xơ, đâm chém, sân si, độc dược, điên loạn, trăng sao, từng là những đề tài được tôi xào nấu kỹ lưỡng.

Âu yếm, tôi đưa mắt ngắm Thiên Thiên, đẹp đẽ dường vậy, mong manh dường vậy… và tôi nghĩ mình đã hiểu vì sao anh bị khủng hoảng.

- Cái bóng tử thần theo thời gian cứ dày mãi lên, mà vách kính phân ngăn hiện tại với quá khứ của anh thì mãn đời trong suốt.

Nghe tôi nói, mắt anh đẫm ướt, hai tay co quặp.

- Anh đã tìm thấy em, quyết định sẽ tin tưởng và chung sống với em. Nhưng cưng ơi, đừng chỉ vì tò mò mà sống với anh nhé, anh không thích bị em bỏ rơi quá sớm đâu.

Tôi dọn đến ở với Thiên Thiên, vùng ngoại ô phía tây thành phố.

Căn hộ ba buồng rộng rãi, bài trí giản dị nhưng tiện nghi. Một trường kỷ Ikea bọc vải bày dọc tường. Một dương cầm hiệu Strauss. Bên trên treo bức tranh tự họa - một gương mặt gút nước.

Thú thật, tôi không cảm cái khu này mấy. Ðường xá xuống cấp. Hai bên đường, nhà cửa tồi tàn chật hẹp chen chúc nhau, bảng quảng cáo hoen rỉ, rác rưởi hôi thối chất bãi chất đồng, trạm điện thoại mưa xuống nước ngập không thua gì tàu Titanic.

Từ cửa sổ trông ra, chẳng có lấy một bóng cây, không nam thanh nữ tú, chẳng trời xanh, không ngày mai.

Thiên Thiên vẫn nói tương lai là một cuộc mai phục giăng ngay giữa não bộ chúng ta đây. Sau cái chết của ông bố, anh rơi vào tình trạng cấm khẩu hoàn toàn. Dạo ấy, đang học lớp chín, anh quyết định thôi ngang. Lớn lên trong cô đơn, anh sống cứ hư hư vô vô. Bản năng từ khước thế giới bên ngoài, phân nửa đời sống diễn ra trên giường. Ðọc sách, xem phim, hút thuốc, trầm tư mặc tưởng về sự sống và cái chết, hưũ hình và siêu hình, nối mạng, chơi games và ngủ. Thời giờ còn lại, anh vẽ tranh, đi rong với tôi, ăn uống, mua sắm, lang thang từ thư viện qua cửa hàng băng đĩa, lê la cà phê cà pháo, ra ngân hàng và khi cần thì phóng cái phong bì xanh dương xinh xinh của nhà bưu điện cho bà mẹ.

Anh ít khi đi thăm nội. Nhà nội, dạo anh còn tạm trú, giống cái ổ chuột hôi hám bẩn thỉu. Nội sống toòng teng, cõi lòng tan nát, thần xác xạm xịt, thần hồn lơ lửng. Ám ảnh không nguôi bởi cái chết đứa con trai bên Tây Ban Nha. Bao nhiêu năm tháng trôi qua, bà vẫn rúc trong cái hóc bò tó cũ kỹ ấy, rấm rứt khổ đau, không thôi nguyền rủa con dâu, nguyền rủa số phận.

Sáng thứ bảy, trời tuyệt đẹp, nhiệt độ lý tưởng. Tôi trở dậy lúc tám giờ rưỡi đúng. Cạnh bên, Thiên Thiên hé mắt. Hai đứa nhìn nhau, hôn nhau trong thinh lặng. Nụ hôn bình minh dịu mềm như cá lượn. Ðó là thứ chúng tôi trao nhau lúc đầu ngày, cũng là cách thức ái ân duy nhất và… chỉ vậy.

Thiên Thiên bị kẹt đạn trên chiến trường chăn gối. Tôi nghĩ ít nhiều do thảm kịch gia đình. Nhớ lần đầu ôm anh và nhận ra vấn nạn, tôi đã thất vọng cùng cực, thậm chí đã tự hỏi liệu có tiếp tục chung sống với anh hay không.

Anh không vào nổi. Cứ câm tịt nhìn tôi, toàn thân buốt lạnh mồ hôi. Ðó là lần đầu tiên trong đời, ở quá tuổi hai mươi, anh động tay vào đàn bà.

Từ đại học, mớ «lý thuyết về Sex» đã ảnh hưởng đến quan niệm sống của tôi, dù bây giờ, với nhiều việc, tôi đã có cái nhìn khác xưa.

Ðối với nam giới, tốt máy hay không là vấn đề sống chết. Một tí trục trặc cũng có thể khiến người đàn ông đau khổ không chịu được. Thiên Thiên khóc, tôi khóc. Suốt đêm, hai đứa nằm hôn hít, vuốt xoa, rủ rỉ rù rì. Tôi đã vội yêu ngay từng mân mê êm ái, từng nụ hôn mềm mại như cà rem tan trên đầu lưỡi ấy. Với anh, lần đầu tiên tôi hiểu nụ hôn tiềm ẩn linh hồn và lóng lánh sắc màu.

Như một chú cá heo bé bỏng, trìu mến chân thành, anh chinh phục trái tim tôi hoang đàng chi địa. Các khoản khác, rên la và tột khoái, tự ái và cực điểm, tất thảy, trong thoáng chốc thật không còn quan trọng.

Trong «Ðời nhẹ khôn kham»[2], Milan Kundera nói về tình yêu rất đúng: «Tình yêu không phát sinh từ ham muốn làm tình - ham muốn này nhắm đến chán vạn phụ nữ. Tình yêu chỉ phát sinh từ ham muốn chung giấc - ham muốn ấy chỉ hướng về một phụ nữ duy nhất.»

Tôi không nghĩ có ngày bản thân lâm vào tình cảnh này. Nhưng rồi, những chuyện xảy ra sau đó cùng với sự xuất hiện của một người đàn ông khác trong đời đã giúp tôi ngộ ra.

Chín giờ. Thiên Thiên chui vào bồn tắm. Tôi đốt điếu thuốc đầu ngày và chuẩn bị bữa ăn sáng trong gian bếp nhỏ gồm bánh ngô, sữa và trứng. Bên ngoài, nắng ram vàng phố. Những buổi sáng mùa hè thơ mộng như vậy thơm ngon như kẹo mật. Thư giãn, tôi lắng nghe tiếng nước chảy trong buồng tắm.

- Anh có cùng đến đằng Ludi với em không?

Vừa hỏi, tôi vừa bước vào không gian mù mịt hơi nước kia với bát sữa trên tay. Nhắm mắt, Thiên Thiên quai miệng ngáp, như cá.

- Coco, anh có chuyện này muốn nói, anh thấp giọng.

- Chuyện gì?

Tôi kê bát sữa sát vào môi cho anh hớp một ngụm.

- Em bỏ việc đi.

- Rồi làm gì sống?

- Mình đủ tiền xài mà, em nên ở nhà viết tiểu thuyết hơn là cứ nhọc xác ngoài quán.

ý tưởng này đã lởn vởn trong đầu Thiên Thiên từ lâu, anh muốn tôi viết được một cuốn truyện khuấy động văn đàn. Ở tiệm sách bây giờ chỉ toàn những cuốn đến lật bìa cũng chẳng buồn. Rặt chuyện bịa đặt, chán ốm người.

- Từ từ rồi tính. Em muốn làm ở quán thêm ít lâu nữa. Ðó là một chốt quan sát. Biết bao nhiêu loại người hay ho ghé qua đó.

- Tùy em, anh lầm bầm.

«Tùy em» là câu nói cửa miệng của chàng. Tuy để tôi quyết định, Thiên Thiên không đóng hồ sơ.

Hai đứa cùng điểm tâm, xong tôi lo sửa soạn. Ðóng bộ «Ban Mai Xinh Tươi», tôi chộn rộn tới tới lui lui, cuối cùng quảy chiếc xắc da báo, nhổ rễ.

Ngồi trên trường kỷ, với lấy một cuốn sách, Thiên Thiên liếc xéo qua tôi: «Anh sẽ gọi em.»

Thành phố giờ cao điểm. Người, xe đủ loại giao nhập vào nhau. Dòng sống cuộn chảy, cuốn hút vào nó sân si vô hình cùng vô số bí mật. Mặt trời đổ lên phố xá, rọi sáng rừng cao ốc nối đất với trời. Tất cả những sáng chế điên loạn của loài người cùng với ba cái trò tầm phào bá láp của đời sống thường nhật giống như hằng hà sa số bụi bậm đong đưa trong không khí, làm nên mớ đề tài nhàm tẻ của kỷ nguyên công nghiệp.



Tân phố


[…]



Ðối với Thiên Thiên, những kẻ không bình thường, những người bị nhốt trong nhà thương điên là đáng kính hơn cả. Xã hội cho họ bất thường vì không hiểu được kiểu thông minh của họ. Cái đẹp duy nhất đáng kể trong mắt anh là cái đẹp liên can đến bệnh não, tuyệt vọng, thậm chí tội lỗi. Anh hay dẫn: Dostoievski động kinh, Van Gogh tự xẻo tai, Dali bất lực, Allen Ginsberg đồng tính, với cả những người bị xem là gián điệp cộng sản được người Mỹ gài vào trong thời chiến tranh lạnh. Và còn, tiểu thư Farmer, minh tinh màn bạc bị cắt mất tiểu não, ngôi sao nhạc pop Ái Nhĩ Lan Gavin Friday với cách trang điểm quái đản, Henry Miller trong những ngày tháng đói nghèo đã phải chực trước cửa nhà hàng xin vét đĩa, tựa cột đèn ngửa tay ăn mày vé tàu điện ngầm. Tất cả đều là những tuyệt mẫu cuồng ngông, tràn trề sức sống, đã ra đi như từng đến bên đời.

Ðêm mềm.

Tựa vào nhau, hai đứa đổ bộ dọc đại lộ Hòa Hải. Ánh đèn, bóng cây, mái nhà kiểu gothique của thương xá Paris - Le Printemps cùng những bước chân uể oải của lữ khách trong trang phục mùa thu tan cả vào trong đêm Thượng Hải. Thành phố ngan ngát hương phù hoa phiếm lệ. Tôi hít thở những làn hương vô hình ấy như đang nhấm nháp thứ rượu được cất bằng châu ngọc. Cố quên đi cảm giác thù ghét cái xã hội kỳ thị người trẻ để đi lút vào lòng phố như con giòi xâm đục sâu tận cái lõi của một quả táo lớn.

Nghĩ vậy thấy lòng hăng hái hẳn lên. Tôi kéo người yêu nhún nhảy ngay trên đường.

- Lại lãng mạn đột xuất rồi, còn dễ sợ hơn một cơn viêm phúc mạc, Thiên Thiên thì thầm vào tai tôi.

- Ðấy là bản Nhàn Du Paris, điệu fox-trot ruột của em đó, tôi thổ lộ, hết sức nghiêm trang.

Khách qua đường kín đáo đưa mắt nhìn chúng tôi.

Hai đứa tà tà đổ bộ về khu Bund. Ðúng là một góc Thiên đường. Theo mật lộ, leo hẳn lên mái khách sạn Hoà Bình. (Phải mượn ngã cửa mái buồng vệ sinh nữ, luồn theo cầu thang cấp cưú, đã thử nhiều phen, chưa bao giờ bị phát hiện).

Từ đỉnh mái, chúng tôi ngồi ngắm những cao ốc sáng trưng dọc hai bên dòng Hoàng Phổ. Ngọc Phương Ðông, niềm tự hào Thượng Hải được mệnh danh «Á Châu Ðệï Nhất Tháp» trông chẳng khác con cu bằng thép dài ngoằng đang chĩa thẳng lên trời, bằng chứng hiển nhiên của một thành phố sùng bái sự truyền giống.

Ðây ngọn sóng con phà, đây bãi cỏ xanh u, đây ánh đèn sáng choang, đây công trình tuyệt tác. Thành phố phô bày phồn hoa, sản phẩm của nền văn minh vật chất đầy kích thích. Con người thì… sống chết mặc bay. Ông có chầu trời vì tai nạn xe cộ, bà có quy tiên do chứng bệnh nan y, bóng phố xa hoa có một không hai kia vẫn cứtồn tại như vô lượng tinh cầu mãi xoay tròn.

Tôi bỗng thấy mình chẳng qua cũng nhỏ nhoi vô nghĩa như con ong cái kiến. Tuy vậy, ý nghĩ đó không làm hỏng mất cái thú được thượngï ngay trên đỉnh toà công thự chứng tích của quá khứ. Trong tiếng nhạc văng vẳng của nhóm jazzmen già, hai đứa phóng mắt đi khắp xa thành phố. Ở nơi khuất cách, cho nhau tình.

Tôi thích được lơi lả phong phanh, trong đêm, khi ngọn gió Hoàng Phổ ẩm ướt lùa ngang da thịt. Con người tôi hình như cũng «hơi» lẳng lơ rửng mỡ, thèm khoe thích phơi, khoái dục ham dâm, ưa bày trò chế món. Mà phải chi như thế có thể khiến Thiên Thiên động tình.

- Ðừng vậy, anh ngoảnh mặt van vỉ.

Tôi tiếp tục cởi bỏ áo quần như một vũ nữ thoát y chuyên nghiệp. Da thịt bung từng cánh đài xanh, cảm giác khinh khoáikhiến mình bỗng chốc quên hẳn dung nhan, nhân cách, bản sắc mình, tâm thân dồn cả vào việc sáng tạo ra huyền thoại bí ẩn, huyền thoại của một đứa con gái và thằng con trai mà nó yêu thương.

Thằng con trai ngồi tựa lan can, vừa thích thú vừa khổ sở, vừa buồn bã vừa biết ơn. Nó nhìn đứa con gái nhảy múa dưới ánh trăng. Lấp lóa cánh thiên nga, sung mãn sức beo báo. Khi chụm khi chồm, khi tít quay, mỗi xoắn xoay của loài miêu nữ đều toát ra vẻ yêu kiều mang nọcđộc, thổi bùng lên cơn hỏa dục cao áp nhất.

- Thử đi, đến đây với em, ôm em đi, thử lại đi anh.

- Không được, không được, thằng con trai rúm người đáp.

- Thế thì em nhảy vào khoảng không nhé? Ðứa con gái tay bấu lan can, miệng cười ha hả. Thằng con trai chộp lấy người yêu, hôn hôn hít hít. Thèm muốn tả tơi không lối thoát. Tình yêu tạo phép màu, gây ảo ảnh nơi thịt da không sao đón bắt được, nơi âm thần săn đuổi những linh hồn chiến bại nhưng vẫn tở mở reo hò. Tất cả như bụi, ào ào thổi vả, bóp nghẹt hai đứa.

Ba giờ sáng. Tôi nằm co như một cái phôitrên chiếc giường mênh mông mịn. Sát bên, Thiên Thiên ngủ, hay chỉ vờ thế. Căn buồng tĩnh mịch lạ thường. Bức tự họa lơ lửng trên dương cầm. Một gương mặt không chút khiếm khuyết. Làm sao có thể cầm lòng trước một dung diện như thế? Tâm hồn mang nặng tình yêu không thôi cấu cào da thịt.

Nằm cạnh người thương, tôi lại thêmmột lần đưa tay lần xuống cửa mình, rồi cất cánh chao bay vào vũng lầy hoan lạc. Tội lỗi và trừng phạt từ đây đeo ám.





Mộng mị




Gái ngoan lên thiên đàng, gái hư hồn phách lạc.

Jim Steinman



Phụ nữ chọn nghề văn thường là để tạo dựng chỗ đứng trong một xã hội do đàn ông cai quản.

Erica Jong



Tôi là ai? Với ba mẹ, một con ranh bất hiếu bất mục(mới lên năm đã nhông ra đường, trên tay cây kẹo mút) ; Với các thầy cô giáo, các vị sếp và đồng nghiệp cũ, một kẻ tâm thần bất định (riêng mình rành rẽ món mình: Mưa nắng thất thường, xem phim đọc truyện bao giờ cũng đoán trước đoạn kết) ; Với bọn đàn ông con trai, một nụ xuân xinh (mắt to như mắt mấy đứa con gái trong phim hoạt họa Nhật, cổ dài như Coco Chanel). Còn với chính tôi, tôi chẳng là cái thá gì, dù cho một ngày nào đó, tôi rất có thể sẽ « bị » nổi tiếng.
Cố tôi vẫn nói: «Số phận con người ta cũng như sợi dây diều, một đầu dưới đất, đầu kia trên mây. Dưới này hay trên ấy, chạy trời không khỏi nắng.» Cụ còn nói: «Ðời người, khúc nào đáng sống?»

Cố người nhỏ nhắn, tóc trắng phau, giống như một cuộn chỉ trắng, quanh năm suốt tháng ngồi đong đưa trên ghế đu. Như có tài tiên tri, cụ từng dự báo trận động đất cấp 3 ở Thượng Hải năm 1987. Li kì hơn nữa, cụ báo ngày chết của mình cho gia đình biết ba ngày trước khi mất. Ảnh cụ luôn được treo ở nhà ba mẹ. Mọi người tin có cụ theo phù hộ. Cũng lời cụ, tôi sẽ trở thành một nhà văn tài hoa. Này Thiên Khôi Thiên Việt, này Văn Xương Văn Khúc, này Tam Thai Bát Tọa tam hợp mệnh, bụng dạ đầy chữ, rồi có ngày tên treo đầu bảng.

Ở đại học, tôi thường viết thư cho những người trong mộng. Bao nhiêu đam mê dồn cả vào chữ nghĩa, tôi không tin mình không thành công.

Ở tòa soạn, tôi viết lách theo chỉ đạo. Tình tiết éo le, lời lẽ cầu kỳ, biến hiện thực thành viễn tưởng và ngược lại.

Chừng nhận ra mình đang lãng phí tài năng, tôi bỏ béng công việc dù thù lao rất khá. Thế là hy vọng cuối cùng ba mẹ đặt vào tôi tiêu tan. Phải nói là dạo đó, ba tôi đã phải chọc trời khuấy đất để tôi có được một công việc ngon cơm như thế.

- Mày có còn là đứa con gái do mẹ sinh ra không? Chẳng giương móng thì xù gai. Tại sao cứ phải phức tạp thế nhỉ?

Mẹ tôi người vốn yêu kiều, thanh tú nhưng rồi hao mòn cùng năm tháng, cả đời cứ lo chắm chúi ủi áo cho chồng và loay hoay làm sao cho con cái được sung sướng. Bà phản đối quan hệ tình dục trước hôn nhân, không chịu nổi chuyện tôi khoác trên người ba cái thứ áo thun bó sát, không xú chiêng, cốt phô đầu vú.

- Có ngày con sẽ hiểu, điều quan trọng nhất ở đời chính là sự bình ổn. Eileen Chang đã chẳng nói đó sao: «Bình yên là nền tảng đời sống con người.», ba điểm huyệt, ông thừa biết tôi mê Eileen (nhà văn Trung Hoa, 1920 – 1995, người gốc Thượng Hải, di dân sang Mỹ).

Ba dạy sử tại đại học. Lỗi lạc, đậm người, thích xì gà, khoái trò chuyệnvới giới trẻ. Bao giờ ông cũng cưng chiều tôi hết mực. Mới lên ba, tôi đã được ông dạy cách thưởng thức opéra, những vở như «Nàng Du Mục». Ông cứ lo, lớn lên, con gái ông sẽ bị mấy thằng cha cà chớn làm hại. Ông bảo tôi là báu vật của ông, rằng tôi phải cẩn thận với bọn người khác phái mới được, đừng bao giờ thèm nhỏ lệ vì chúng.

Ðáp lời ba, tôi nói: «Ba với con cảm nhận mọi việc không giống nhau. Giữa chúng ta có cái hố cách ngăn to tướng, thôi thì hãy tôn trọng nhau, đừng áp đặt nhau. Ðừng tốn nước bọt vô ích. Con năm nay hai mươi lăm và con sẽ trở thành nhà văn, cho dù cái nghề này đã lỗi thời. Con sẽ dồn sức cho văn chương – văn chương thời đại, văn chương thời thượng.»

Gặp Thiên Thiên, tôi quyết định bỏ nhà ra đi. Chuyện động trời.

Mẹ, rụng rời trước lời lẽ con gái, thể như phải đấm giữa mặt, gần như thét lên:

- Mày chẳng bao giờ biết vâng lời. Thôi muốn làm gì thì làm, đi đâu thì đi cho khuất mắt. Mẹ coi như chưa từng đẻ ra mày…

Ba:

- Con làm mẹ con đau khổ và ba rúng động. Con gái con đứa như vậy, có ngày rồi vỡ mặt. Con từng bảo gia đình thằng đó không giống ai, con từng kể ba nó chết bí hiểm lạ lùng, làm sao con biết được nó có đàng hoàng hay không, có đáng để cho con trông cậy?

- Xin tin tưởng con. Con biết con đang làm gì.

Vừa trả lời ba, tôi vừa thu xếp bàn chải, áo quần, đĩa nhạc và sách vở.

[ … ]



Ðôi tay tôi vung vẩy hắt bóng lên khoảng tường trước mặt. Khúc nến cùn dần trên chiếc bàn nhỏ, nơi Thiên Thiên và tôi ngồi chơi ca-rô.

- Bọn người tài giỏi nhưng mang mầm mống phạm pháp trong đầu còn tệ hại hơn chó dại. Chúng có khả năng cướp nhà băng bằng máy điện toán, phá hủy máy bay và tàu thủy bằng bom điện tử, giết người bằng dao vô hình. Tai họa tày đình cỡ nào chúng cũng chơi được, kể cả việc gieo rắc dịch tả. Nếu như 1999 là năm tận thế, anh bảo đảm với em, cũng là tác phẩm của bọn xuất chúng này.

- Em thua rồi! Anh tới này! Thiên Thiên nghiêm mặt nhắc tôi.

- Trí thông minh và máu điên đều là thiên bẩm, không nên dùng những cái vốn trời cho ấy để tư lợi (tới giờ tôi mở máy). Cũng bởi cứ ham thủ lợi mà những kẻ thông minh mới thường gặp phiền toái hơn các anh đần. Ðộ này, không khí đằng Ludi oải quá. Ðến nỗi người này chớp mắt kẻ khác cũng nghe! Cứ u u ám ám, tịch mịch tờ mờ làm sao ấy.

- Vậy thì nghỉ quách đi, ở nhà mà viết văn, Thiên Thiên nói với vẻ hài lòng.

Anh luôn phát âm từ «nhà» một cách hết sức tự nhiên. Bốn căn buồng ngập ngụa mùi quả thối, tàn thuốc lá, nước hoa Pháp, rượu bia, bầy hầy sách vở, đĩa hát, một góc nhỏ – nơi trôi giạtnhững mơ mòng bất tận, khắn khằn bám vào da thịt chúng tôi như lớp sương mù phả ra từ đám rừng ma thiêng nước độc, một làn hơi vĩnh cửu, không cách gì xua đuổi được. Cái cõi mịt mờ này còn tiền định và hiện thực hơn cả cănnhà. Nơi đây không có tình máu mủ ruột rà nhưng từng chứng kiến nhiều díu dan khăng khít, kết se từ tình yêu, tâm hồn, niềm vui, linh cảm, uy lực quyến rũ, những chuyến đi không đích đến và còn bao nhiêu điều khác nữa.

Về nhà, đã đến lúc phải bắt tay vào việc: Cuốn tiểu thuyết của tôi. Văn chương đem ta đến những đỉnh mơ và khát vọng yêu đương. Ta viết nên những câu chuyện đẹp đẽ toàn hảo. Ta động não đưa ra hàng tá vấn đề, tình tiết, cao trào và hóa giải. Ta vất vả khiêu khích ham mê và, cũng giống như bọn pop-stars càng ngày càng rậm đám, ta ngất ngưởng trên đài danh vọng, cất giọng đàn ca hát xướng.

Những ý nghĩ trên bỗng xâm chiếm đầu óc tôi. Thiên Thiên muốn tôi hứa sẽ gọi Lão Dươngngay ngày mai để xin thôi việc.

- Ðược thôi.

Bỏ việc, đá ai đó, đánh mất một món đồ, tất cả những thất thoát này đối với tôi chỉ là trò chơi trẻ con, một khi đã nhắm tới một cái đích khác, tôi sẽ luôn giữ được thế công và sức bật.

- Ngay lần đầu nhìn thấy em ở Ludi, anh đã biết em có văn tài, Thiên Thiên tán. Em có cái nhìn phức tạp, một giọng nói đầy xúc cảm, đôi mắt không thôi quan sát khách hàng, hơn nữa, anh có nghe thấy đoạn đối thoại giữa em với đồng nghiệp về thuyết hiện sinh cùng ba cái trò phù thủy.

Tôi khẽ xiết anh. Những lời lẽ mơn trớn mê hồn đó, chưa có người đàn ông nào biết nói với tôi. Rất nhiều lần, nghe anh nói, nhìn vào mắt môi anh, tôi cảm thấy phần bụng dưới trào lên làn sóng ấm, ướt mèm tại chỗ. Hôn lên trái tai anh, tôi năn nỉ:

- Rồi sao nữa? Anh nói đi, nói nữa cho em nghe đi.

- Rồi sao nữa? …Em là một con người khó dò. Thế nhưng, có lẽ tất cả các nhà văn đều là nạn nhân của nhân cách đúp… có nghĩa là, không đáng tin cậy.

Kinh ngạc, tôi rời tai Thiên Thiên. «Anh lo ngạichuyện gì?»

Lắc đầu. «Anh yêu em», nói rồi Thiên Thiên ôm lấy tôi, ngả đầu lên vai. Nghe từng sợi mi anh lắt lay nơi hẻm cổ, tôi chìm sâu vào âu yếm nhung mềm. Tay trên người nhau, trực diện, chúng tôi nhìn phản ảnh mình trong gương mắt đối, long lanh bóngnước.

Màu da tươi thắm của hai đứa chìm dần vào bóng tối. Thiên Thiên ngủ, người cong chữ S cho tôi ráp tôi vào, đầu nặng trĩu. Anh níu lấy tôi, thật lạ, bằng tất cả sự ngoan cố và yếu đuối. Bỗng không, tôi thấy mình có trách nhiệm với anh, đồng thời lại cứ như mơ, vắng xa vời vợi.

[…]



Một đêm, tôi dâm mộng. Thấy mình trần truồng trong tay một gã đàn ông bịt mắt. Tứ chi quấn quíu, quằn quại vòi bạch tuột. Ôm nhau nhảy. Mấy sợi lông tơ vàng óng của bạn tình kích thích tôi đến nổi da gà. Rồi khúc jazz buồn dấu yêu chấm dứt, tôi tỉnh giấc.

Cảm thấy hơi xấu hổ vì giấc mơ. Rồi thắc mắc. Thiên Thiên linh cảm điều gì vậy? Anh để tâm đến tác phẩm của tôi còn hơn chính tôi lo cho nó. Kể cũng phiền.

Viết lách liệu có là một liều thuốc kích dục mạnh mẽ, khơi dậy những can hệ khó hiểu và hữu hạn trong tình yêu? Liệu nó có là kẻ thừa hành? Một ân hưởng? Hay ngược hẳn lại… Ai biết được? Trực diện với tất cả những sân si của mình, con người phải lựa chọn. Có khi chọn đúng, có khi không.

Vẩn vơ, tôi quay qua, quàng tay ôm Thiên Thiên. Vừa thức, chạm phải da mặt tôi ẩm ướt nhưng anh không hỏi gì, chỉ lẳng lặng lướt tay yêu khắp lối. Chẳng ai bày mà với kỹ thuật kinh người cuả một kiếm sĩ tài ba, anh đẩy tôi lên mây. Hồn tôi hoa nở. Ðừng khóc. Ðừng nói chuyện chia lìa, tôi muốn bay, chỉ muốn bay đến tận cùng đỉnh đêm. Ðời sống ngắn ngủi đến đau đớn mà những khoảnh khắc tươi đẹp thì vụt một cái đã mất bay mất biến. Ngăn tôi làm gì, để tôi say…



Ngoại nhân


Madonna mời chúng tôi đến dự buổi dạ tiệc hoài niệm mang chủ đề «Hồi sinh đại lộ Joffre». Từ những năm 30, đại lộ Joffre lừng danh, đường Hòa Hải bây giờ, là biểu tượng cho giấc mộng tây phương.

Trong bầu không khí hậu thuộc địa cuối thế kỷ này, con đường gắn liền với những năm tháng vinh thăng tà xườn xám, vinh thăng loại bích chương quảng cáo phô bày các mỹ nhân một thời, vinh thăng xe kéo và nhạc jazz. Nó cuốn hút trở lại sự chú ý của dân chúng như chiếc nơ bươm bướm gắn ngay giữa niềm cảm hoài Thượng Hải.

Thiên Thiên chịu đi cùng tôi dù trong người không mấy phấn chấn. Vậy đó, hai đứa gần như lúc nào cũng bám dính vào nhau, như đôi song sinh, người này là chiếc bóng kẻ kia.

Tôi diện xườn xám còn anh mặc áo dài cổ truyền, cả hai đều được đặt may vừa khít người. Ðang đón thang máy, chúng tôi nghe ai đó ới váng từ xa: «Chờ với!». Thiên Thiên giữ cửa thang. Một thằng Tây lực lưỡng sực nức mùi Calvin Klein ba chân bốn cẳng chạy đến.

Ánh sáng xanh xao trong thang máy hắt xuống yếu ớt. Tôi bị o ép giữa hai người đàn ông. Các con số chỉ tầng nhảy từng nấc một. Trong vài giây im ắng, cứ tưởng như mình bị mất trọng lượng. Ðưa mắt liếc vội cái thằng cha đang ngơ ngơ nghểnh nghểnh kia. Cực kỳ khêu gợi! Ðiệu bộ dân chơi thứ thiệt.

Cửa thang mở, mùi thuốc lá lẫn với mùi gì nồng nồng như mùi cầm thú đón chúng tôi ngay ngưỡng cửa. Cây sào di độngmỉm cười mời tôi bước ra trước. Cùng Thiên Thiên, tôi đi ngang qua tấm bảng nhựa chỉ đại lộ Joffre, đưa tay vén bức màn nhung nặng chịch. Trước mặt chúng tôi, cả một biển người muôn màu muôn sắc đang nhảy nhót với thứ nhạc đồi trụy xưa lắc xưa lơ.

Rực rỡ như thủy sinh lấp lánh lân tinh dưới đáy đại dương, Madonna nhào đến mừng chúng tôi, nhấp nhoá hào quang 2000 oát.

- Ðến rồi hả, mấy cưng… Trời! Mark, khỏe không? Vừa hỏi, đôi tay Madonna vừa dang rộng đón thằng cha cao ngất đứng phía sau.

- Này, đến cả đây, giới thiệu nhé, Mark từ Berlin, còn đây là Thiên Thiên và Coco, bạn rất thân. Coco là nhà văn đấy.

Mark lịch sự chìa tay: «Chào em!». Cánh tay hắn lợp lông, khô, mềm, hay hay. Thiên Thiên chưa chi đã quẳêng người lên đệm kỷ, đốt thuốc, mắt nhìn đâu đố ai biết được.

[…]



Mark mấy lần đưa mắt kín đáo nhìn tôi. Sau một thoáng do dự, hắn bước tới mời: «Em muốn nhảy không?» Tôi liếc qua góc ghế. Thiên Thiên đang cắm cúi vấn thuốc. Trên mình anh lúc nào cũng có một túi ny lông nhỏ đựng vài gam bồ đà. Trước khi chìm đắm vào không gian giam tù đầy nghĩa này lý nọ, bao giờ anh cũng hút những thứ thuốc đó. Tôi thở dài, buông: «Ði!».

Chiếc máy hát rè rè phát ra giọng ca vàng của Châu Xuyên với Khúc Ca Bốn Mùa. Giọng hát dù nhẽo nhão vì chất lượng đĩa nhựa tồi tệ vẫn đầy quyến rũ. Hai mắt lim dim, Mark có vẻ thích thúlắm. Còn Thiên Thiên, cuộn mình giữa lòng ghế tổ chảng, cũng đã khép mắt. Rượu đỏ ghém bồ đà, choáng là cái chắc. Anh hẳn đã ngủ khò. Anh lúc nào cũng ngủ như một đứa bé giữa những chốn ồn ã nhất, nơi ảo mộng trùng phùng ảo giác.

- Phiêu diêu? Mark bất chợt hỏi tôi bằng thứ tiếng Anh nặng giọng Ðức.

- Hở? …Tôi ngơ ngác.

Trong bóng tối, cặp mắt hắn sáng rực như mắt thú ẩn giữa lớp lông rậm khiến tôi điếng dại. Hắn diện kẻng từ đầu tới gót. Với mái tóc chải vừa đủ keo, trông hắn như một chiếc ô mới cáo cạnh. Từ đôi mắt phóng đãng phát ra hấp lực nhân cách, bừng bừng sức sống. Ðôi mắt đích thực của một người đàn ông da trắng.

- Ơ…đang lo nhìn anh bạn.

- Hình như chàng của em ngáo rồi, vừa nói hắn vừa tủm ta tủm tỉm.

Tôi thắc mắc:

- Funny dữ vậy sao?

- Em chắc cầu toàn lắm hả? Hắn vặn ngược.

- Ai mà biết! Làm sao hiểu hết được mình. Tại sao?

- Cách em nhảy làm anh nghĩ vậy.

Mark tỏ rõ hắn là một tay bén nhạy và tự tin. Tôi cười khểnh.

Nhạc chuyển. Chúng tôi đổi qua nhảy fox-trot kiểu jazz. Nhung, lụa, vải hoa, màu xanh đồng phục sinh viên chắp ghép vào nhau, tạo nên bức cổ họa tuyệt mỹ. Chúng tôi bị cuốn dần vào cơn lốc hoan lạc.

Nhạc dứt, mọi người rời sàn nhảy, tôi trở về chỗ cũ, ghế gộ trống không. Thiên Thiên biến đi đâu mất tiêu. Madonna cũng không còn ở đó.





Ðộng


[…]



Con trai của mẹ, con có khỏe không? Trong thư trước, con bảo đang sống với một cô bạn gái nhưng lại không kể gì về cô ấy cả – Thư con viết bao giờ cũng kiệm lời! Luôn vắng tin con – Tuy nhiên, mẹ đoán là con yêu cô ấy lắm. Mẹ biết con mẹ không bao giờ vô cớ gắn bó với ai. Quả là như vậy, cuối cùng, con đã tìm được bạn tình.

…Ngày đầu tháng tới đây, mẹ tái giá, dĩ nhiên với dượng Juan. Sống với nhau đã lâu, dượng và mẹ nghĩ rằng có thể tiếp tục một cách tốt đẹp. Công việc làm ăn ở nhà hàng vẫn rất chạy. Chẳng ai tin được, dượng và mẹ đang tính mở một tiệm ăn ở Thượng Hải, chỉ nay mai đây thôi, bán đặc sản Tây Ban Nha. Mẹ nóng lòng gặp lại con dù không hiểu vì sao con không thích qua Tây Ban Nha và vì sao con lại nghi ngại mẹ. Có cái gì đó ngăn trở hai mẹ con ta, nhưng thời gian trôi nhanh quá, mới đây đã mưòi năm. Con đã lớn và dù gì đi nữa, vẫn là con trai yêu quý của mẹ.

- Vậy có nghĩa là cuối cùng mẹ anh và anh sắp gặp được nhau rồi. Trong vòng mười năm, cả hai mẹ con đều không tìm cách gặp nhau. Kể cũng lạ, tôi liếc nhìn Thiên Thiên – mặt mày đang tái me tái mét. Em không tưởng tượng ra nổi lần tái ngộ tới đây sẽ như thế nào.

- Anh không muốn mẹ đến Thượng Hải, vừa nói Thiên Thiên vừa ngã người xuống chiếc gối mềm. Anh mở to mắt nhìn lên trần nhà trắng toát, màu trắng hút mắt vào khoảng không bất tận.



[…]



Lá thư thứ hai là của Mark. Trong phong bì có hai thiệp mời với vài chữ đính kèm: Tối hôm trước, em đã cho anh một ấn tượng vô cùng đặc biệt. Mong gặp lại.

Tôi huơ hai tấm thiệp trước mặt Thiên Thiên.

- Mình đi xem triển lãm nhé, tên Ðức giữ lời hứa đây này.

- Anh không đi. Em đi một mình đi, Thiên Thiên nhắm mắt đáp, rõ ràng không vui.

- Gì kỳ vậy? Anh thích xem triển lãm lắm mà! Tôi ngạc nhiên.

Không sai, Thiên Thiên thường hay quảy máy ảnh đi đó đi đây xem đủ mọi loại triển lãm, từ tranh ảnh đến tượng, bút họa. Anh đến cả các hội chợ sách, đồ nội thất, xe cộ, cây cảnh, thiết bị công nghiệp… Người ta mọt sách, còn đây mọt… hội chợ triển lãm! Anh thích loanh quanh giữa mớ tạp nhạp toàn những thứ quái gở. Ðó là cách anh nhìn đời, và như bác sĩ tâm lý Vũ Ðại Vệ phân tích, những người hướng nội cũng chính là những kẻ ưa dòm ngó.

- Tôi không thích đến đó, anh đột ngột cất giọng, mắt nhìn thẳng vào mắt tôi. Rồi anh hỏi bằng một giọng mai mỉa: Thằng Ðức này vẫn quen thói đi o bế bạn gái người khác như vậy đó hả?

Tôi đáp trả, chẳng kém chua cay: « Ủa, anh thấy vậy sao? »

Những tình huống như thế này hiếm khi xảy ra giữa chúng tôi. Khi ngờ vực, mắt Thiên Thiên trở nên lạnh như tiền. Tròng trắng lấn tròng đen, trông dễ sợ. Tôi phản pháo chỉ bởi tôi bị điểm huyệt. Ðúng vậy, anh vừa dí tay chỉ trúng nhược điểm tôi.

Lặng im. Thiên Thiên câm như hến, bỏ đi vào buồng bên. Tấm lưng anh không ngớt nhắc nhở: «Ðừng tưởng tôi ngốc nhé. Các người đã dán vào nhau nhảy nhót nguyên đêm, đã thế, hắn lại còn mò tận lên đây.»

Ðến lượt tôi nín thinh.



Cuốn


Ðến ngày, tôi đi xem triển lãm một mình. Khách tham quan đến viện bảo tàng theo đoàn. Xanh đỏ tím vàng lũ la lũ lượt chuyển dịch dưới những ánh spot phòng tranh. Giàu, nghèo, ốm yếu, khỏe mạnh, nghệï sĩ, vô công rỗi nghề, ta, tây, thôi thì đủ cả. Tôi nhìn thấy Mark trước một bức tranh mang tên Chữ U Biến Dạng. Hắn đứng đó, cường, tráng, tóc hoe vàng. «Hi! Coco!» vừa chào hắn vừa đặït tay lên lưng tôi, hôn kiểu Pháp, ôm kiểu ý, hồ hởi ra mặt.

- Anh bạn em không đến à?

Tôi lắc đầu cười cười, vờ chăm chú xem tranh. Mang mùi nước hoa phương xa trên người, hắn tò tò đi theo tôi như ráp bóng. Kiểu cách thản nhiên như không của hắn khiến tôi chột dạ, bọn thợ săn cũng hay có thái độ như thế trước một con mồi lớn. Nghĩ vậy, đâm chột dạ, bao nhiêu tranh ảnh bỗng nhòe nhoẹt sắc màu, hỗn độn đường nét, như một mớ bòng bong. Khách viếng càng lúc càng đông. Hai chúng tôi dính sát vào nhau. Tay hắn, chẳng biết từ lúc nào đã quàng ngang eo ếch. Thình lình, tôi nhìn thấy hai gương mặt rất quen. Ðầu kia, ngay bức tranh thứ ba bên trái, Madonna và Dick nổi bật giữa đám đông. Cả hai lộng lẫy như ông hoàng bà chúa. Mắt kính gọng mảnh hợp thời trang, tóc đánh rối đúng kiểu cách… Hết hồn, tôi lẩn ngay vào nhóm người đi ngược chiều. Mark theo tôi bén gót. Bàn tay hắn dán trên hông mà cứ tưởng như gọng kềm bỏng rãy, cực kỳ nguy hiểm.

Sự xuất hiện bất ngờ của đôi trai gái gợi tình kia đột ngột khơi dậy trong tôi thèm muốn được nhảy dù. Ðã hẳn, dây dù em quàng sẵn từ khuya.

- Hình như Madonna với cha bồ kià, Mark nói, kèm theo nụ cười ám muội nhưng quyến rũ.

- Thấy rồi! Dông thôi! Tôi bật đèn xanh, không chút lập lờ.

Trống lệnh chưa dứt, quân tướng đã ào ào xung trận. Như tên đạo chích chính cống đang thụt két, hắn lôi tôi ra khỏi viện bảo tàng, quẳng xoạch vào trong chiếc Buick. Quá phê vì cử chỉ thô bạo, tôi sút dây cương.

Giá như lúc đó, còn làm chủ được mình, tôi nên lánh xa hắn ra, chuồn khỏi chiếc Buick bóng nhoáng. Sự việc chắc sẽ diễn ra khác đi. Nhưng tôi đã không giữ gìn, mà thật ra tôi có định giữ gìn cái quái gì đâu. Hai mươi lăm tuổi đời, miễn bảo trọng. Lời Dali: Nên hay không, con người chưa bao giờ chùng tay trước bất cứ điều gì.

Trợn mắt nhìn thằng đàn ông đang đáp dần xuống mình, tôi phát giác căn hộ thênh thang u ắng chứa đựng nhiều món đồ vô danh này phảng phất dị hương.

Hắn hôn môi tôi xong ngẩng đầu cười:

- Uống chút gì nhé?

Như con nít, tôi gật lia lịa. Thân lạnh, môi buốt, làm một ly cho dễ chịu. Có rượu hâm, tôi sẽ nồng nàn.

Hắn rời giường, trần như nhộng, tiến tới tủ rượu lấp lánh gương, lôi ra chai rum, rót đầy hai ly.

Cạnh tủ rượu dựng dàn máy hát. Mark đút đĩa vào máy, và tôi nhận ra ngay những khúc nhạc của Tô Châu. Một nữ nghệ sỹ không mấy nổi danh, hát thứ nhạc bằng tiếng địa phương êm êm. Tôi nghe lời không ra nhưng lòng thấy lâng lâng kỳ lạ.

Hắn trờ tới. «Thích không?» Thấy tôi ngập ngừng, hắn trao ly rượu: « Không có gì tuyệt hơn là làm tình với thứ nhạc huyền bí này. » Tôi mắc nghẹn, ho sặc sụa. Hắn vuốt lưng cho. Một thoáng buồn phớt ngang nụ cười đàng điếm.

Thêm một nụ hôn mượt mà khai vị. Chẳng nóng nảy, không vội vàng, thứ từ tốn làm tăng cường độ cơn thèm. Lông Mark mịn màng, lấp lánh như muôn ngàn sợi nắng li ti âu yếm nhấm nháp tôi. Chiếc lưỡi đầm đìa rượu rà nghịch cặp chồi hồng rồi từ từ nam hạ... Cái đằm do rượu mang đến pha với hơi ấm mềm mại của lưỡi đẩy tôi ra khơi. Dâm thủy trào, mũi thuyền lướt tới. Súng ống đại cồ, đau.

- Ðừng! Ðừng! Không được đâu! Tôi hét.

Hắn cứ tiếp tục không thương tiếc, buốt nhói đong đưa, tròng trà tròng trành. Tôi mở mắt nhìn hắn, nửa căm thù nửa mê mẩn. Thân thể hắn lõa lồ khoe trọn màu da ngà nắng dọi, càng nhìn càng hứng. Tôi thả trí tưởng tượng đi rong, thấy trước mặt mình là thằng Nhật-nhĩ-man mắt xanh hung dữ trong bộ quân phục quốc xã, áo da, giày ống. Phăng tưởng có tí thế mà da thịt đã căng nống lên. Chợt nhớ Sylvia Plath, nhà thơ, tự sát bằng cách đút đầu vào lò nướng:

Ðàn bà cứ hay mê phát xít

Thích phải đòn, thích bạo, thích thô

Bạo thô như tim ẩn trong mình



Khép mi, lắng nghe Mark rên. Hắn phun ra hai ba câu nhăng nhít gì đấy bằng tiếng Ðức, hồ như tôi đã nghe qua trong những giấc mơ của mình. Trúng tâm điểm. Tôi như chết rồi, thầm nhủ bây giờ thây kệ, hắn muốn bao nhiêu thì bấy nhiêu. Tới. Kết quả của trận cày bao sân và một lượng bạo dâm vừa đủ. Tiếng tôi rống thét.

Hắn nằm vật ra, đầu đè cả lên tóc tôi. Phô thân giữa gối chăn, chúng tôi làm một điếu. Khói phả đúng lúc khỏa lấp khoảng trống phía trước, cho chúng tôi khỏi phải nói năng gì. Có những lúc như vậy, chẳng thiết động tịnh, chỉ muốn được lẩn trốn sau bức bình phong tĩnh lặng – hàng rào bảo an.

- Sao em? Từ trong khói, tiếng nói hắn ló ra, mong manh, đơn điệu.

Ghì quấn. Áp vào nhau, hai đứa như cặp chìa khóa si tình, tỏa ra thứ ánh sáng kim loại băng lạnh. Ðôi tay to kềnh của Mark ngơi nghỉ trên đồi ngực tôi.

Kiệt sức, tôi cất tiếng:

- Em muốn về.

Hôn lên trái tai tôi, hắn bảo:

- Ðể anh đưa đi.

- Khỏi. Em tự lo được, giọng tôi yếu ớt nhưng cương quyết.

Thế nhưng, lúc mặc quần áo, lòng tôi tan tác như sụp đổ tới nơi. Sốt hấp và tột đỉnh đều đã đủ mặt. Hết phim, khán giả lần lượt ra về, bỏ lại sau lưng tiếng ghế va vập. Tiếng chân đi, tiếng ho khàn. Bao nhiêu nhân vật, tình tiết, âm giai đã biến mất khỏi màn ảnh. Gương mặt Thiên Thiên hiện lên ám ảnh, tôi chẳng cách gì lý giải được.

Không thèm để ý đến tên kia (cũng đang cùng động tác), tôi lo tròng đồ thật nhanh. Cái tướng đàn ông lúc mặc vào bao giờ trông cũng xấu hơn khi cởi ra. Tôi chắc các bà các cô đều công nhận như vậy.

«Lần đầu cũng là lần cuối.» Tôi tự nhủ dù không tự tin lắm. Cái kiểu hứa hão thế nàychỉ có giá trị tức thời. Dốc hết can đảm, tôi rời bỏ căn hộ xinh đẹp đầy quyến rũ. Sau cửa kính tắc xi, Mark ra dấu cho tôi, ý bảo sẽ phôn. Tôi cười nhểnh. «Biết đâu đấy… » Chiếc xe lao đi như đào thoát.

Quên không đem theo tấm gương nhỏ, tôi soi tạm vào kính xe. Mặt mũi kỳ quặc, sượng sùng chõng chõi. Nặn câu đầu tiên sẽ nói với Thiên Thiên. «Buổi triển lãm không đến nỗi nào. Em gặp nhiều người lắm. Có cả Mark, đương nhiên… »

Ðàn bà bẩm sinh điêu toa, huống hồ chi những lúc đang hai tay bắt cá. Tình huống càng phức tạp, xảo trá càng tinh vi. Chưa biết nói đã biết dối cơ mà. Thuở bé, có lần đánh vỡ chiếc bình cổ đắt tiền, tôi đổ ngay cho con mèo.

Khổ nỗi, tôi lại không tài nào phét lác trước đôi mắt trong ngần của Thiên Thiên. Phải làm sao đây?

Sải chân dọc hành lang tăm tối. Mùi hành phi và thịt ram bốc lên thơm lừng từ bếp nhà hàng xóm. Ðã là giờ cơm chiều. Mở cửa, bật đèn, kinh ngạc. Thiên Thiên không có ở nhà. Chẳng một chữ để lại trên bàn.

Ngồi phịch xuống trường kỷ. Ðưa mắt nhìn manh quần thun đen rũ dài theo cặp giò thuôn thõn. Có sợi tóc xoăn vàng sót trên gối trái. Tóc Ðức. Lóng lánh lẻ loi. Lại nhớ Mark, lúc ấy, đầu hắn từ từ cúi xuống, sà lên ngực… Hỏa thiêu sợi tóc bằng đầu thuốc. Còn lại nhúm tro tàn. Mệt nhoài. Cơn đại hồng thủy tàn khốc có sức càn quét cả địa cầu vừa cuốn phứa tôi đi. Bây giờ là bình yên, bây giờ là điềm lặng. Ngã người ra ghế, hai tay chắp lên ngực như nữ tu đang cầu nguyện hay thi thể đã vào cõi vĩnh hằng. Tôi ngủ thiếp.



Bay


Tôi không có ý định làm hiền nội.

Elizabeth Taylor



[… ]



Lập thu. Khí trời khô mát, thoang thoảng mùi xăng và thuốc lá. Bên xuất bản gọi điện hối:

- Viết tới đâu rồi?

- Triển vọng lắm. Có lẽ em cần một dịch vụ, chị ạ.

- Dịch vụ gì đây?

- Một dịch vụ có thể giúp em thực hiện mơ ước và tránh tình trạng tác phẩm bị phăng teo như lần trước.

- Nói rõ hơn xem nào.

- Mơ ước của em cũng chính là mơ ước của những phụ nữ thông minh và tham vọng thời nay. Cuốn tiểu thuyết mới này, em viết là viết cho họ. Phải tổ chức một vòng quảng bá toàn quốc. Em sẽ xuất hiện trong trang phục đen hở hang, đeo mặt nạ cổ quái. Sách thì xé vụn ra, rải khắp mặt đất và nhân quần sẽ dẫm đạp lên đó trong mộtvũ điệu cuồng nhiệt.

- Trời đất! Khùng gì khùng dữ vậy cô em!

- Khả thi mà chị… tôi đáp để phản đối tiếng cười chị ta.

Thế giới văn chương thật ra chẳng có gì đẹp đẽ cả. Nó cũng giống như thế giới võ lâm của Kim Dung. Tốt, xấu đủ cả. Bọn người chọn con đường cầm cân nẩy mực, khoác cái vẻ bề trên, lạilà những kẻ tố người không nương tay.

- …Chỉ cần có tiền và có tài.

- Thôi được. Sắp tới có một buổi sinh hoạt văn học. Trong số người đến dự, có một cô bé lớn hơn em một chút, cô nàng lấy một nhà phê bình nổi tiếng và tận dụng triệt để từng sợi tóc vãi trên sàn nhà của lão phu quân để lấy hứng sáng tác. Không phải thứ vừa. Em nên đến dự. Biết đâu có lợi.

Nói rồi, chị ta cho tôi tên nhà hàng và bảo chị sẽ rán đến.

Tôi rủ Thiên Thiên cùng đi nhưng chàng giả điếc. Phải nói là Thiên kinh đám văn sĩ.

Loay hoay vắt óc chọn trang phục. Trong tủ áo của tôi có hai loại quần áo. Loại thứ nhất trai gái gì bận cũng được, thùng thình, màu nhã, mặc vào trông như vừa bước ra từ một bức tranh thời trung cổ. Loại thứ hai bó sát người, hơi điệu đàng, kiểu các vai James Bond girls thường diện. Bốc thăm, chọn 007.

Quét một lớp son tím, đi màu mắt cùng tông. Thêm cái xắc da báo, thế là hoàn hảo, tôi biến thành cô híp pi của thập niên 60 - thứ thời trang đang rộ lên ầm ĩ trong một vài giới tại Thượng Hải lúc này.

Thằng cha tài xế tắc xi chở tôi đi lòng vòng lèo vèo. Chả mới vô nghề có mấy hôm nên hễ sai một ly, đi luôn một dặm. Quanh quẩn một hồi lại trở về chỗ cũ. Bản thân tôi đường hướng cũng chẳng hơn ai, thế là chỉ biết ngoác mồm hét inh ỏi. Rút cuộc cả hai cùng phát cáu. Nhìn cái công tơ cứ nhảy số liên tục, tôi dọa: «Tôi sẽ kiện chú.» Im re. Tôi lớn tiếng hơn:

- Chú đang làm tổn hại quyền lợi khách hàng.

- Ðược rồi, chị Hai, bất quá tôi không tính tiền chị.

- Ê, dừng lại đây đi!

Chúng tôi vừa chạy ngang một dãy đèn đuốc và cửa kiếng trông rất quen, đàng sau các ô cửa ấy thấp thoáng những mái đầu vàng óng.

- Ừ, chỗ này. Cho tôi xuống đây.

Thấy cái ngữ này khó lòng mò ra nơi mình cần đến, tôi đổi ý, hủy bỏ cuộc họp với đám nhà văn. Thôi thì đi vui vẻ đằng bar của Kenny một tị, quán AD ( Âm Dương ).

Quán AD có hai tầng. Xuôi hết cầu thang là xuống tới vũ trường ở tầng hầm. Không khí sôi nổi. Một hoà quyện tuyệt vời của hơi men, nước dãi, nước hoa, đô la và xác thịt. Cứ ngỡ như đang ở Broadway. Tôi nhận ra Christophe Lee, anh chàng DJ người Hồng Kông mà tôi rất mến mộ. Ðang bận tay xào đĩa, trông thấy tôi, hắn nhăn nhăn cái mặt diễu.

Ðến đây là để nghe house, trip-hop, techno-danse cho máu sôi da bỏng, cho thịt xẻ xương phanh. Ðã đời cơm nguội! Giây phút ngụp ngập lẩn sâu giữa chảo người cuồng nhiệt, đại não tiểu não gì cũng đều nhứ nhừ rúng động, chính là giây phút tuyệt kỳ thú ở đời.

Trong cái động này, nhan nhản những anh tây mắt xanh mũi lõ và các em xẩm phô bày nào rốn nào tóc – mái tóc huyền phương đông, cốt để chài khách. Tất cả các em - yuppies[3] quốc tếhay thiếu nữ con nhà lành, có bằng cấp lận lưng hẳn hòi - đều có vẻ thập thành. Có cô thậm chí từng du học nước ngoài, tự lái xe hơi riêng và giữ vai trò quản lý trong các hãng sở. Các cô là tinh hoa của nữ giới Thượng Hải bao gồm tám triệu công dân. Trên sàn nhảy, cô nào cũng có vẻ đáng đáng ngờ như cô nấy. Bên trong những cái đầu đó, chứa gì?

Trong số, hẳn không thiếu gái làng chơi chuyên nghiệp quốc tế. Có thể nhận diện các em này qua mái tóc siêu dài (bọn ngoại quỷ một khi đã nếm qua mùi Nhất Dạ Ðế Vương thường kháo nhau về những mái tóc này). Loại gái này thường thạo vài ba câu tiếng Anh như one hundred for hand job, two hundreds for blow job, three hundreds for quickie, five hundreds for one night (xào khô một trăm, xào ướt hai trăm, ăn xổi ba trăm, bao đêm năm trăm). Hễ nhắm được đối tượng rồi, các em ưỡn lưỡi liếm môi, cực kỳ khiêu gợi (cứ như đang xem một cuốn phim ăn khách mang tên Những Bờ Môi Trung Hoa, kể về các cuộc phiêu lưu tình ái của đám khách phương Tây trong hằng hà sa số những quán bar tại Thượng Hải. Mới đầu vô là cận cảnh lưỡi trườn trên môi, môi bảy món: mọng, thanh, thâm, bạc, đỏ, tím, bôi trét thứ sản phẩm rẻ tiền hay tô điểm bằng Lancôme, CD… Ðể cho đàn lũ các chị em Thượng Hải mỹ miều ta thủ vai, bảo đảm ăn đứt Chinese Box của Hollywood với Củng Lợi và Jeremy Irons, lọt vào 15 phim top).

[…]

Không còn biết mình đang ở đâu nữa. Mùi bồ đà (hay xì gà) nồng nặc tràn ngập khắp nơi đã tìm được chỗ bám trên vùng tóc tôi, bên phải, phía dưới. Chưa chi, bằng lối nhảy của mình, tôi đã lôi kéo được sự chú ý của ít nhất một anh trai. Uốn uốn éo éo, như ái phi ở chốn cấm cung hay Méduse - con nữ quái đầu xù tóc rắn. Bọn đàn ông đâu đó trong đời cũng có lúc mơ được làm tình với quỷ cái, xong, để mặc cho nó hủy hoại mình đi. Chẳng có đấy sao, giống bò cạp cái mang nọc độc, sau trận mây mưa, không nương tay tàn sát bạn tình?

Rốn tôi xỏ khoen bạc lấp lánh, trong ánh sáng dịu êm, trông như một bông hoa độc hại mọc trên thân xác. Bàn tay ai đó vừa đặt lên người tôi, khoảng eo trần. Ai, đối với tôi, giờ khắc này không quan trọng. Vui vẻ tươi cười, tôi quay lại. Mark! Là Mark, măng mởn mời mọc. Mark, bằng xương bằng thịt!

Hắn chồm tới, dí mặt vào mặt. Hơi thở hôi hổi phà theo nhịp nhạc. Kiểu này chắc đã vào mấy ly James-Bon rồi. Không nghe rõ hắn nói gì nhưng tôi hiểu hắn thèm mình, tại đây, ngay lập tức. Tôi nhìn hắn, hơi bối rối.

- Ở đây? Như … vầy?

Chúng tôi vào buồng vệ sinh nữ ở lầu một. Dơ hày. Tiếng nhạc giờ chỉ còn văng vẳng. Cơ thể tôi từ từ hạ nhiệt. Mắt mở không ra, vẫn cố chặn được bàn tay Mark lại. Cất giọng đáy mồ của một kẻ mộng du, tôi hỏi hắn:

- Làm gì vậy?

- Làm tình.

Không có câu trả lời nào hay hơn. Mặt hắn không lộ chút tà ý. Ngược lại, đôi mắt xanh đầy vẻ chân thành đang phát ra những làn sóng êm ái như điệu nhạc Thiên Nga của Saint-Saens. Chỉ có Trời mới hiểu, cách gì, trong cái cầu tiêu công cộng hôi rình, hai con người này lại có thể chết thèm nhau đến thế.

- Bẩn thỉu quá! Cứ như đầu đường xó chợ… như bọn tử tù chính hiệu không bằng… tôi làu bàu.

- Ít ra, bọn công an không mò vào tận đây. Tin anh đi, chỗ này là nhất.

Hệt một tên vô lại đang mót tháo, hắn ép tôi vào tường, giở váy. Cởi xoẹt cái quần lót CK của tôi ra, vò viên, nhét vào túi quần sau của hắn, nhấc bổng tôi lên, đếch thèm nói tiếng nào, xuống cối, chuẩn xác đẹp mắt. Tôi chẳng thấy gì hơn ngoài cảm giác đang ngồi phải lửa, chết bỏng, nguy hiểm.

- Ðồ chó! Tôi văng tục không kềm giữ, thả tao xuống ngay! Không ra làm sao cả! Thấy mình giống con khỉ cái đang bị trưng mẫu trên tường.

Mark nhìn tôi xâu xỏ, hừng hực nhưng miệng vẫn ngậm tăm. Chúng tôi đổi tư thế. Hắn ngồi xuống bàn cầu, tôi cưỡi lên trên. Tha hồ xoay chuyển, cốt sao lái được vào nhạy địa. Có người gõ cửa. Bên trong, đôi trai gian gái dâm vẫn chưa xong chuyện.

Khoái cảm tột đỉnh tiêu phèo, trong tôi chỉ còn lo sợ và khó chịu. Nhưng rồi một đợt kích mới lại đến, đẩy chúng tôi lên tít cao, dữ dội hơn khi nãy mặc cái mùi buồn nôn và tư thế bất tiện. Ðột ngột, hắn đẩy tôi ra, giựt cầu. Một đống phân trôi theo dòng nước xoáy.

Tôi khóc òa. Tất cả vượt quá sức chịu đựng, tôi đâm hoang mang. Mình chẳng bén gót bọn con gái lành nghề dưới kia. Chúng nó ít ra còn có lương tâm nghề nghiệp chính cống và cứ việc phây phây hành nghề. Còn mình, khi không rơi vào một tình cảnh hết sức chật vật, buộc mình phải tự dữ dội đấu đá với chính mình. Kinh khủng hơn nữa, trong suốt quá trình, tôi vẫn liên tục động não rặn chữ nặn câu. Không dám đối diện với bóng hình mình trong tấm gương WC mờ xỉn nữa. Có cái gì đó lại vừa tuột chảy khỏi tôi. Lỗ đen.

Mark dang tay.

- Tha lỗi cho anh! Sorry, sorry… rối ra rối rít, hắn vừa xin lỗi vừa ôm ghì lấy tôi như đang ôm một hài nhi chết yểu. Kết quả, tôi càng khó chịu hơn.

Rứt mình ra khỏi Mark, tôi lấy lại cái quần lót trong túi quần hắn, xỏ vào, xong kéo váy lại cho thẳng thớm.

- Anh không hiếp tôi. Chẳng ai hiếp tôi được. Cho nên câm đi. Ðừng có «Sorry Sorry» như thế, tục lắm. Tôi khóc vì thấy mình gớm ghiếc quá. Tôi cần khóc, hiểu không?

- Nhưng em đâu có xấu, Mark nói, nghiêm chỉnh đúng vẻ Ðức. Tôi phá ra cười.

- ý em muốn nói là tới ngày tận số, chắc em sẽ chết chẳng yên lành. Bởi em chỉ là một con bé hư thân mất nết, mà lại thích mình như vậy mới chết chứ. Ngặt, trời cao kia không ưa thứ đàn bà con gái như thế.

Lảm nhảm một hơi, tôi lại khóc.

- Không đâu, không đâu, em yêu, em không biết được anh trân trọng em đến mức nào. Thật mà Coco, càng ngày anh càng quý em.

Ánh mắt Mark da diết. Dưới ánh sáng của nhà cầu, sự dịu dàng vô bờ bến ấy hoá thành nỗi buồn vô tận. Chúng tôi xiết lấy nhau và, lại lên cơn.

Có người gõ cửa. Rõ cáu. Tôi sợ xanh mặt. Mark ra dấu bảo im rồi hôn tôi, tỉnh bơ. Tiếng chân bỏ đi xa dần. Tôi đẩy hắn ra.

- Ðừng gặp nhau nữa.

- Hữu duyên tương ngộ. Em thừa biết, Thượng Hải chẳng lớn gì.

Chúng tôi gấp rút ra khỏi nhà cầu.

- Em muốn về, tôi hướng thẳng ra cửa.

Hắn đòi đi theo nhưng bị từ chối thẳng thừng.

- Thôi được, Mark vẫy tắc xi.

Hắn rút ví lấy ra một tờ, đưa cho người tài xế. Mặc kệ hắn muốn làm gì thì làm, tôi chui tọt vào xe.



[…]



Thiên Thiên không ngủ. Ngồi lún trên trường kỷvới con mèo Pelote, thếp giấy trên tay, anh đang viết một lá thư dài cho bà mẹ bên Tây Ban Nha. Tôi ngồi xuống bên anh, Pelote chuồn lẹ. Ðột nhiên, Thiên ngẩng đầu, quét mắt qua tôi. Thắt tim. Anh đã đánh hơi ra mùi thằng tây? Mồ hôi Mark hơi bốc, thoang thoảng thôi nhưng đủ đượm để cho tôi chết mê chết mệt. Không chịu nổi cái nhìn hóa đá của Thiên Thiên, tôi đứng dậy, bồn chồn, trực chỉ nhà tắm. Anh tiếp tục viết thư.

Nước nóng xả tràn. Hơi nước táp dần từng mảng gương. Tôi không nhìn thấy ảnh hình tôi nữa. Lấy hơi, hụp sâu vào dòng ấm cuộn khói, thư giãn. Mỗi khi thấy bất an, tôi luôn tìm vào trốn trong bồn nước ấm. Lũ tóc xòa ra như bông súng đen trôi trên mặt nước, những giây phút tuyệt diệu nhất về đầy trong ký ức.



[…]



Duỗi chân. Nhớ về tuổi thơ tựa như đang quan sát từ xa một đời kiếp khác. Ngoài nỗi dịu êm lan toả, tất cả dường như không thực.

Cửa mở. Thiên Thiên bước vào, mắt đỏ ngầu. Anh bước tới ngồi xổm cạnh bồn tắm.

- Xong thư rồi hở? Tôi nhỏ nhẻ, còn anh chỉ lặng thinh tìm đọc mắt tôi.

- Ừ. Anh khuyên mẹ nên rút lại ý định mở nhà hàng ở Thượng Hải. Nội thì bảo mẹ về đúng lúc lắm, nội đang chờ tính sổ với mẹ… Anh không thích gặp lại mẹ ở đây, chỉ muốn một thân một mình tự xoay sở cho tới chết…

Giọng Thiên não nuột, dứt lời, anh khóc.

- Coco, dù cho có chuyện gì xảy ra đi nữa, đừng bao giờ hươu vượnvới anh. Thiên nhìn thẳng vào mắt tôi. Lưỡi lam vô hình lạng rách lớp hồng bì bao quanh trái tim. Câm lặng, dày đặc và đáng sợ, lan tràn như máu chảy. Phải đối diện với một tình yêu vô vọng, người ta chỉ còn cách chúi nhủi xuống tận đáy ước mơ, ẩn núp sau bức tường dối gian kiên cố.

- Em yêu anh, nói rồi, tôi ôm Thiên.

Nhắm mắt, lệ rơi vào bồn tắm. Nước mỗi lúc một nóng, mỗi lúc một đục, y hệt chảo máu đang hứng lấy tất cả những nức nở cùng hãi sợ của hai đứa.

Ðêm đó, tôi thề không bao giờ hé môi với Thiên Thiên về Mark và những người khác. Tuyệt đối không tiết lộ gì hết. Tôi không muốn Thiên chết vì những hẹn hò trăng hoa kia, không muốn anh chết bởi tại tôi.



VỆ TUỆ
Mạch Nha chuyển ngữ






--------------------------------------------------------------------------------

Chú thích của dịch giả:

[1] Thời Vàng Son: Belle Epoque – những năm Châu Âu thịnh vượng đầu thế kỷ 20.

[2] «L’Insoutenable Légèreté de l’être» cuả nhà văn gốc Tiệp Milan Kundera - Tưạ «Ðời nhẹ khôn kham», dùng lại cuả dịch giả Trịnh Y Thư.

[3] Yuppies: Young Urban Professionals – Thanh niên sống ở thành phố lớn, hiện đại, có bằng cấp cao, kiếm bộn, tiêu hoang.

Thanh Tâm Tuyền

Thanh Tâm Tuyền
bài viết của Đặng Tiến




Nhà thơ, nhà văn Thanh Tâm Tuyền qua đời trưa ngày 22 tháng 3-2006, tại thành phố Saint Paul, Minnesota, Hoa Kỳ, thọ 70 tuổi.



Thanh Tâm Tuyền là một tác gia chính yếu đã làm mới nền văn học Miền Nam, trước 1975, và góp phần tạo nên một khúc quành cho văn học Việt Nam nói chung trong nửa sau thế kỷ 20. Ông đã làm mới câu thơ, bài thơ, ý thơ và quan niệm thi ca Việt Nam. Ông cũng làm mới câu văn xuôi, cách kể chuyện bắt đầu từ truyện Bếp Lửa.



Ông du nhập nghệ thuật phương Tây bằng cách đọc trực tiếp, không kinh qua trường học Pháp thuộc như các nhà văn, nhà thơ lo+p trước. Ảnh hưởng phương Tây do đó có tính cách trực tiếp, tự do và sáng tạo. Ngược lại, ông có khả năng thiết lập quan hệ hữu cơ và mật thiết giữa các bộ môn văn học và nghệ thuật : Thơ, Văn, Nhạc, Họa, như ở các nước phương Tây.



Về nội dung chính yếu, chất liệu trong thơ văn Thanh Tâm Tuyền là ý thức thất bại. Thất bại của con người trước định mệnh nói chung, cụ thể là sự bất lực của giai cấp trí thức tiểu tư sản Việt Nam trước thời cuộc. Viết văn, làm thơ, làm nghệ thuật nói chung, là cố gắng vượt qua sự thất bại đó, biến nó thành nghệ thuật.



Thanh Tâm Tuyền là người sâu sắc, uyên bác, tài hoa, nghiêm túc, tư cách và tiết tháo.





*



Thanh Tâm Tuyền tên thật là Dzư văn Tâm, sinh ngày 13 (có nơi ghi 15) tháng 3 năm 1936, tại Vinh, Nghệ An. Trong bài Thơ Mừng Năm tuổi, làm năm Nhâm Tý 1972, ông đã kể chi tiết tiểu sử [1]. Từ 1952, ông đã đi dạy học, trường Minh Tân, Hà Đông và có truyện đăng báo Thanh Niên, Hà Nội.



Sau đó, 1954 vào Nam hoạt động trong Tổng Hội Sinh Viên Hà Nội di cư , cùng với những người sẽ trở thành bạn văn nghệ về sau : Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp, cùng chủ trương nguyệt san Lửa Việt.

Tại Sài Gòn, 1955, ông viết cho các tuần báo Dân Chủ, Người Việt và nổi tiếng từ những tác phẩm đầu tay, tập thơ Tôi Không còn Cô Độc, 1956, và truyện Bếp Lửa, 1957. Thời điểm này, ông tích cực tham gia biên tập báo Sáng Tạo (1956-1960) do Mai Thảo đứng tên, và ông thường được xếp vào « nhóm » Sáng Tạo, có ảnh hưởng lớn trên văn học Miền Nam suốt một thập niên.

1962, bị động viên vào trường Sĩ quan Thủ Đức, được giải ngũ, rồi tái ngũ trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, phụ trách chủ yếu việc huấn luyện văn hóa,và làm báo quân đội, « tám năm quân ngũ chưa nổ một phát súng với địch » (1972), cấp bực cuối cùng là Đại úy. Sau 1975, bị bắt đi học tập, trong 7 năm, tại traị Long Giao ( Long Khanhs) và nhiều trại cải tạo Miền Bắc. Cuổi cùng sang định cư tại Hoa Kỳ từ 1990. Ông qua đời vì ung thư phổi, tại nơi cư ngụ.



Thanh Tâm Tuyền là tác giả khoảng mười đầu sách ; ba tập thơ : Tôi Không Còn Cô Độc (1956), Liên - Đêm - Mặt Trời Tìm Thấy (1964, Sài Gòn), Thơ ở Đâu Xa (1990, Mỹ). Ba truyện : Bếp Lửa (1957), Khuôn Mặt (1964), Dọc Đường (1967). Bo^n tiểu thuyết : Cát Lầy (1966), Mù Khơi (1970), Tiếng Động (1970) Mot Chủ Nhật Khác (thang 2, 1975). Một vở kịch ngắn : Ba Chị Em (1965). Một phiếm luận Tạp Ghi (1970). Ông còn nhiều tác phẩm chưa xuất bản, như tiểu thuyết Ung Thư đăng nhiều kỳ trên báo Văn, từ 1964, là một tác phẩm quan trọng.



Miền Nam Việt Nam những năm 1955-1960 bừng lên một sinh khí văn hóa. Hằng triệu người từ Bắc di cư vào Nam, những người từ nông thôn bước vào, hay trở về thành thị sau chiến tranh, tình hình an ninh và giá cả ổn định, các trường trung và đại học phát triển, sách báo, điã nhạc, nhập khẩu ào ạt với giá rẻ nhờ ngoại viện. Thơ Thanh Tâm Tuyền xuất hiện trong bối cảnh đó. Ít người mua và cầm trong tay tập thơ Tôi Không Còn Cô Độc, nhưng nhiều người, nhất là giới thanh niên, đọc thơ ông trên tạp chí Sáng Tạo, bên cạnh thơ hiện đại khác của Tô Thùy Yên, Quách Thoại, Nguyên Sa, Trần Thanh Hiệp, Người Sông Thương.



Người đọc theo dõi, tìm hiểu, chứ thật sự yêu thích thì không nhiều ; cũng có người, có bài báo chê trách là thơ lập dị, bí hiểm, hũ nút.

Mười lăm năm sau, tháng 11-1973, khi sự nghiệp thơ văn Thanh Tâm Tuyền đã an vị, báo Văn đã ra một số đặc biệt về đề tài này, ngày nay là tư liệu hiếm quý. Trên báo này, Lê Huy Oanh, nhà biên khảo chuyên về thơ, đã có hai bài : một bài kể lại quá trình tiếp xúc thơ Thanh Tâm Tuyền, từ chỗ ghét bỏ đến yêu thích ; một bài giải thích « lối thơ Thanh Tâm Tuyền » qua bài Phục Sinh nổi tiếng trong sự khen chê, với những câu : Tôi buồn khóc như buồn nôn… Tôi buồn chết như buồn ngủ…



Tôi Không còn Cô Độc có lẽ chỉ là lời tâm nguyện như khi nhà thơ nói ‘tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ’, hay ‘có người cầm súng bắn vào đầu / đạn nổ nhịp ba / không chết’. Người đọc bực mình vì những lời lạ lẫm như thế thì ít, nhưng nhiều người phẫn nộ vì lời thách thức in ở đầu sách :



« Ở đây tôi là hoàng đế đầy đủ quyền uy. Bởi vì người vào trong đất đai của tôi, người hoàn toàn tự do. Để cai trị tôi có những luật lệ tinh thần mà người phải thần phục nếu người muốn nhập lãnh thổ. Người hoàn toàn tự do. Và có thể ném cuốn sách ra cửa sổ ».



Lê Huy Oanh kể lại rằng : « trước đó tôi đã quẳng tập thơ qua cửa sổ, rồi lại nhặt lên, trân trối nhìn nó một hồi lâu trước khi từ từ, rất từ từ ấp nó vào ngực » (báo Văn đã dẫn, tr.8). Dĩ nhiên đây là cách nói tượng trưng.



Trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, Thanh Tâm Tuyền nhất định phải biết câu thơ phá thể thời 1946, như Nhớ Máu của Trần Mai Ninh, Đèo Cả của Hữu Loan, Sáng mát trong như sáng năm xưa của Nguyễn Đình Thi. Nhưng dù phá thể, câu thơ này vẫn còn giữ vần điệu. Thanh Tâm Tuyền phá vỡ cái vỏ ngữ âm của câu, hay bài thơ : loại trừ vần, không theo nhịp của ngôn ngữ, xáo trộn thanh điệu bằng trắc ; muốn như thế, ông phải sắp xếp lại ý tưởng, hình ảnh, để làm mới ngôn ngữ. Thơ xưa đem tư tưởng ra « diễn ca », còn Thanh Tâm Tuyền tháo gỡ guồng máy ngôn ngữ ra từng bộ phận rồi lắp ghép lại thành những chức năng mới, trong văn bản mới.



Dựa trên lời Nietzsche, ông gọi đây là quan niệm nghệ thuật Dionysos đối lập với quan niệm Apollon, « nghệ thuật phá vỡ những hình thức sẵn có hỗn loạn trong những niềm cảm xúc, một nghệ thuật của say sưa, một vẻ đẹp hãi hùng mọi rợ, nghệ thuật bắt nguồn từ một nhân sinh quan bi thảm ».



Câu này trong bài Nỗi Buồn Trong Thơ Hôm Nay, Thanh Tâm Tuyền viết năm 1955 - khi ông 19 tuổi - là một văn kiện cơ bản, trong lý luận về thơ. Trong chừng mực nào đó, nó tiếp nối bài Mấy Ý Nghĩ về Thơ của Nguyễn Đình Thi năm 1949, về nguyên tắc và lý thuyết. Về mặt nội dung và thực tiễn sáng tạo, Thanh Tâm Tuyền đi xa hơn.



Chất hiện đại trong thơ ông một phần do ảnh hưởng thơ thế giới, chủ yếu là thơ Pháp, từ Rimbaud, Lautréamont đến Apollinaire, nhất là thơ Siêu Thực của nhóm Breton, Eluard, mà ông tiếp thu trực tiếp, mà không kinh qua nhà trường Pháp thuộc như thế hệ đi trước. Thanh Tâm Tuyền không học đúng bài bản như Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, cho nên tự do hơn. Xuân Diệu, về già, vẫn mơ ước làm một Ronsard. Thanh Tâm Tuyền thạo tiếng Pháp, ham đọc, nên tiếp xúc được với nhiều tác giả trên thế giới từ Gorki, Plekhanov, Marx, Trosky đến những tác giả mới hơn như Laưrence Durrell hay Soljenitsyne qua tiếng Pháp. Từ đó, thơ ông có chất quốc tế, trong nền Cộng Hòa Thế Giới :

Các anh Cộng Hòa đã chiến đấu cho Tây Ban Nha

Xứ sở Lope de Vega Garcia Lorca

Một Breton tình điên còn nức nở

Mà Hy vọng Malraux còn thổn thức

Và mãi Ernest còn tiếc thương

Andalousie đói quên khiêu vũ

Việt Nam ốm yếu quên ca dao



Câu ‘quốc tế ca’ của Thanh Tâm Tuyền nhiều người thuộc nhất có lẽ là hai câu đầu dùng làm tựa đề cho bài thơ, đăng trên báo Sáng Tạo, số 4 tháng Giêng 1957 :

Hãy cho anh khóc bằng mắt em

Những cuộc tình duyên Budapest



Bài này làm vào tháng 12-1956, một tháng sau khi Hồng Quân Liên Xô, nhân danh khối liên minh quân sự Vác-xô-vi tràn ngâp Hung-ga-ri và thủ đô Bu-đa-pet. Sau đó ông còn làm tiếp Bản Anh Hùng Ca Budapest cũng đăng trên Sáng Tạo.



Thanh Tâm Tuyền chưa bao giờ ra khỏi Việt Nam cho đến ngày sang Hoa Kỳ định cư vĩnh viễn. Nhưng thơ ông đầy những thành phố : Vác-xô-Vi, Béc-Lin, Bình Nhưỡng, Bắc Kinh, Moscou, Praha, Paris, Madrid, Bruxel, Genève. Nhưng không có lũy tre, con đò, bờ dâu, nương sắn. Thơ Thanh Tâm Tuyền là thơ thành phố : thơ Pháp, đến Prevert là hoàn toàn đô thị hóa ; thơ Việt Nam, đến Thanh Tâm Tuyền cũng quành vào đô thị. Xưa kia, Nguyễn Bính đã mơ Phường Chèo làng Đặng ; gần hơn, Đinh Hùng còn nhớ tháng giêng quê bạn hội đêm rằm ; đến Thanh Tâm Tuyền Tôi Không Còn Cô Độc là tên một bài thơ dưới dạng hợp xướng hiện đại, với nhiều giọng hát, và có giọng thi sĩ :

Tôi đã chết nghẹn ngào

ôm tình yêu tự do chật ngực

tôi chết và chối từ

đừng ai gọi tôi là thi sĩ

(…)

Hôm nay tôi dự hội

hôm nay dùng mắt nhìn

hôm nay dùng lời dịu

cô độc phút tan tành

tôi không còn cô độc



Ông già : tôi không còn cô độc

Hợp xướng : tôi không còn cô độc

Em gái : tôi không còn cô độc

Hợp xướng : không ai còn cô độc

không ai còn cô độc



Thơ Thanh Tâm Tuyền khi ngân vang hợp xướng, khi u uẩn tiếng kèn đồng :

Một người da đen một khúc hát đen

Bầu trời đen sâu không cùng

Những giòng nước mắt
Xé nát thân thể bằng tiếng kèn đồng

Bằng giọng của máu của tủy của hờn bắt đầu ngày tháng

Giữa rừng không lối rừng mãi trống không

(…)

Vì blues không xanh, vì điệu blues đen

Trên màu da nức nở

(Đen, Sáng Tạo, số 8, tháng 5-1957)



Thơ Thanh Tâm Tuyền, tự nó, là một thế giới, và đồng thời một không gian nhìn ra thế giới. Đây là đặc tính của thơ Thanh Tâm Tuyền, ở những nhà thơ khác dù rất hiện đại, cũng không có, hoặc không rõ nét. Ví dụ trong thơ Tô Thùy Yên, chủ yếu ta thấy thảm kịch Việt Nam ; thơ Lê Đạt chủ yếu phản ánh tâm cảnh người dân châu thổ Sông Hồng ; thơ Dương Tường đưa vào nhiều tiếng nước ngoài, thảnh thót giọt mưa dương cầm tím mộng scheherazade, vẫn là cái liếc nhìn ra thế giới, không phải là tầm nhìn sâu thẳm, xâu xé, xoáy vào thân phận làm người, chủ yếu là người nhược tiểu. Nói như vậy, không có ngụ ý rằng thơ Thanh Tâm Tuyền nhẹ tính cách dân tộc. Phân biệt dân tộc với nhân loại là phiến diện : trong thế giới có Việt Nam và trong Việt Nam có thế giới. Trong Guernica của Picasso có Bến Tre, trong tranh khắc gỗ đình làng Việt Nam có Picasso. Tôi nói thơ Thanh Tâm Tuyền trong hình thức và nội dung là một bước ngoặt trong nghệ thuật và tâm thức Việt Nam là vậy.



Tuy nhiên cũng phải ghi nhận với ít nhiều tiếc rẻ là lối thơ Thanh Tâm Tuyền không có người thừa kế. Bản thân Thanh Tâm Tuyền về sau, trong tập Thơ ở đâu xa cũng trở về với những thể thơ truyền thống. Nhưng đây là những bài thơ làm trong lao lý, trong những hoàn cảnh đặc biệt, không cho phép chúng ta suy diễn về lý thuyết. Dù sao ông đã mở ra những chân trời mới và cách tân quan niệm thi ca.



*



Câu thơ, bài thơ mới, đọc qua thấy ngay. Câu văn, cuốn truyện mới, khó nhận ra hơn. Người bình luận phải phân biện : mới so với cái gì, và mới ra sao. Nhưng điều cụ thể nhất lại là : người đọc đương thời có nhận ra nét mới ấy không ?



Thưa rằng có. Nhà văn Nguyễn quốc Trụ, 1973, trên báo Văn, số đặc biệt Thanh Tâm Tuyền đã dẫn, có một bài viết căn cơ trình bày giá trị, nghệ thuật và tính chất súc tích của truyện Bếp Lửa, 1957. Ông trích dẫn cặn kẽ nhiều văn bản, nhiều tham khảo, để lại một chứng từ chính xác [2].



Tôi còn một chứng từ riêng : bạn tôi là Đinh Ngọc Mô, nhiều người biết vì có thời hướng dẫn mục Đố Vui Để Học trên truyền hình Sài Gòn, quen nhau từ 1965 tại Đà Lạt, gặp lại nhau 1970 tại Paris. Lúc ấy, Mô sống vất vả, lang bang, đi đàn hát trong các nhà hàng Việt Nam để mưu sinh. Một tối về khuya, dọc Boulevard des Italiens, Mô đã đọc thuộc lòng cho tôi nghe những trích đoạn dài của Bếp Lửa mà anh tâm đắc và cho là tân kỳ. Thuộc thơ Thanh Tâm Tuyền đã là khó, thuộc văn xuôi lại không dễ. Vắng tin nhau khá lâu, có người mách là Mô đã qua đời, đã tự tử bên Canada. Tôi không muốn tin, nhưng mỗi lần mở truyện Bếp Lửa, là tôi tìm lại những đoạn Mô đã đọc, cho đến bây giờ sách đã vàng ố, tả tơi, rách nát như cuộc đời của chúng tôi. Trước khi kể lại chuyện này, tôi rà lại tin tức, thì bè bạn bốn bể năm châu đều xác nhận chuyện buồn. Mà tôi vẫn chưa tin, và muốn hỏi Mô : Mô ơi, thật à ? Cậu ấy vui tính, hay đùa.

Bạn đọc cho là tôi lạc đề. Thân tình thì biết tôi chỉ mới lạc dòng, lạc giọng, mà không lạc đề.



*



Tiềm năng độc giả thời đó là học sinh trung học : sinh viên đại học chưa nhiều. Và chúng tôi thiếu sách để đọc. Văn chương quốc ngữ thời đó, bỏ ra một kỳ nghỉ hè, có thể đọc hết toàn bộ.

Sách Tự Lực, Vũ Trọng Phụng thì đọc cả rồi… Các tác gia ở lại miền Bắc ít được tái bản. Và chúng tôi khao khát cái mới, các truyện ngắn của Doãn Quốc Sỹ, Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo, Thao Trường. Những Chiếu hoa cạp điều, với Hương gió lướt đi. Thậm chí, chúng tôi còn bất công với cái cũ : tạp chí Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh bán chạy được hai số, rồi thôi. Đoán già đoán non : các vị Đinh Ngọc Mô, Nguyễn Quốc Trụ, cũng như tôi, đã đọc Bếp Lửa trên ghế trường trung học, trước khi hư thân mất nết ở nơi khác.



Bếp Lửa là một truyện vừa, vừa một trăm trang. Thanh Tâm Tuyền viết liền mạch, rất nhanh, trong vài tháng, xong tháng 10-1956, đưa đi kiểm duyệt và xuất bản ngay[3]. Không có độ lùi để sửa chữa. Sau này, khi tái bản, ông muốn sửa chữa, nhưng không làm được và viện dẫn Malraux : người ta không viết lại được một cuốn sách. Nhưng có một truyện ngắn Đại Lộ, nội dung na ná, in lại trong tập truyện Khuôn Mặt, 1964.



Truyện được viết từ ngôi thứ nhất ‘tôi’. Người kể, ‘tôi’ tên Tâm, cùng tên với tác giả, đi dạy học tại một trường công giáo tại Bắc Ninh, còn tác giả dạy tư thục ở Hà Đông, khoảng 1952.



Tuy nhiên Bếp Lửa không phải là tự truyện, đại khái như tác phẩm Kẻ Dưng, l’Etranger,1942 của Albert Camus, bắt đầu bằng câu nổi tiếng : hôm nay mẹ tôi mất, nhưng chính bà mẹ Camus lại sống lâu hơn tác giả. Trong Bếp Lửa, Tâm mồ côi bố từ nhỏ, sau đó mồ côi mẹ, trong khi bà cụ tên thật là Thạch thị Kim , ngày nay còn sống, ở Long Khánh. Tính cách mồ côi ở đây là một ẩn dụ, như ở Kẻ Dưng hay Cũng Đành của Dương Nghiễm Mậu sau này.



Không phải là tự truyện, nhưng Bếp Lửa phản ánh tâm trạng tác giả, và một số thanh niên đồng lứa vào thời điểm trước hiệp định Genève, 1954, tại Hà Nội, và vùng phụ cận dưới sự kiểm soát của Pháp. Chủ yếu là những nét chấm phá nhẹ nhàng, nhưng rất sắc về tâm thức chính trị của con người lúc đó qua những nhân vật : ông Chính, đảng viên Quốc Dân Đảng, còn hoạt động ; Bảo có tham dự phong trào Ngũ Xã nhưng nay đã tuyệt vọng ; Đại say đắm chủ nghĩa mác xít và chuẩn bị ra khu ; Hòa nhân viên phòng nhì ; Ngọc hoàn toàn hư vô và chối từ tổ quốc… Giữa họ là những nhân vật nữ, hiền lành, vô tội, như chị em Thanh và Minh, em họ Tâm ; Hạnh ; Thịnh vào ra giữa hai vùng… Còn Tâm ? anh xê dịch giữa đám người đó, không thân không sơ, và nói như Meursault, nhân vật Kẻ Dưng : không biết rõ mình muốn gì, nhưng biết rõ những điều mình không muốn. Khi Tâm bị ông hiệu trưởng cho thôi việc, ngạc nhiên một chút rồi rửng rưng ngay. Tôi không hỏi vì cớ gì ông muốn tôi nghỉ việc cũng như ông đă quên không nói cho tôi biết… Tôi cũng chẳng buồn quan tâm. Tôi nhẹ nhõm vô cùng và ngủ một giấc rất say (tr.90).



Trong thế giới ấy, quan hệ tình cảm cũng mong manh, sắc sắc không không, như giữa Tâm và Thanh, một cô em họ, cũng mồ côi cha mẹ. Đôi khi tôi nghĩ tôi có thể yêu Thanh và che chở cho Thanh, giây thân thích giữa cúng tôi không đáng kể (…) nhưng chưa bao giờ tôi nói ý nghĩ của tôi cả (tr.12).



Quan hệ tính dục cũng nhẹ nhàng thôi. Tâm gặp lại Hạnh, một cô bạn học cũ, đi cùng một chuyến xe chở hàng từ Bắc Ninh về Hà Nội. Đến Hà nội, mưa lớn hơn, chúng tôi cùng đi ăn cơm với nhau. Và đêm ấy tôi ngủ với Hạnh ở khách sạn (tr.72). Chấm dứt chương 4. Bước sang chương 5 :

Tôi có cùng về Hà Nội với Hạnh một vài lần. Gần nhau, tôi nhận thấy chiến tranh – hay chỉ cần sự de dọa của chiến tranh, tổng quát là sự khủng bố tinh thần – đã thổi vào máu Hạnh sự say đắm nhiệt tình trong yêu đương (…). Sau mỗi lần như thế, khi lấy lại bình thường, Hạnh có vẻ ngượng ngùng. Có một lần nằm cạnh tôi, Hạnh nắm tay tôi để lên ngực nàng nói :

- Anh có khinh em không ? (tr.76)



Dĩ nhiên là các vị Nam Tào văn truyện kiêm Bắc Đẩu lịch sử sẽ có người bắt bẻ, hạch hỏi : chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, hay bảo vệ tự do, chỉ có kích thích tính dục người phụ nữ hay sao ? Bếp Lửa là một trước tác nghệ thuật, và Thanh Tâm Tuyền đã có lần nói : « người nghệ sĩ đưa sinh mệnh mình để đảm bảo sự thành thật của tác phẩm », thì ắt không buồn quan tâm đến những vấn nạn ấy. Điều chúng ta ghi nhận là nét hững hờ, lãnh đạm của Tâm đã thổi dạt Bếp Lửa trôi xa, không những với Giòng sông Thanh Thủy của Nhất Linh mà còn xa với Khu Rừng Lau của Doãn Quốc Sỹ hay Thần Tháp Rùa của Vũ Khắc Khoan đồng hội đồng thuyền.



Một thắc mắc, nhỏ thôi : không khí Hà Nội khoảng 1950-1952 nhất định phải khác xa không khí Sài Gòn 1970-1972. Nhưng về cơ bản, tâm lý thanh niên trí thức có khác nhau nhiều không ?



Ngày nay, ngọn lửa chiến tranh vẫn còn tàn phá nhiều nơi trên thế giới ; và giữa tiếng kêu la thất thanh của trẻ con, vẫn có lời vinh danh Thượng Đế. Trong Bếp Lửa, Thanh Tâm Tuyền đã viết « theo tôi có những lúc người ta cần giải quyết giữa người và người và Thượng Đế không nên có mặt ở lúc ấy (…) Thượng Đế đã bị lôi kéo vào tấn thảm kịch riêng tư của loài người và chỉ có thể thoát ra với sự thất bại » (tr.67).



Tại Việt Nam, một giải đất còm cõi đau thương, năm 1956, một thư sinh mặt trắng, 20 tuổi, đã viết dõng dạc được một câu như thế, kể cũng là lời tiên tri lạ lùng và cao siêu đấy chứ ?



*



Về phong cách, Bếp Lửa là một tác phẩm làm mới văn chương chữ nghĩa theo nhận định của Nguyễn Quốc Trụ trong bài đã dẫn. Vậy mới, là so với cái gì, và mới ra sao ?



Trong một bài viết tưởng mộ Nguyễn đức Quỳnh, tác giả Thằng Kình, Thanh Tâm Tuyền 1974 đã viết : « Cùng với Những Ngày Thơ Ấu của Nguyên Hồng, Thằng Kình là quyển tiểu thuyết quan trọng đối với tôi. Đó là quyển sách đã vỡ lòng, đã mở mắt (…) Tôi không phải là người của một vài quyển sách. Trước và sau khi đọc Thằng Kình, Những Ngày Thơ Ấu, tôi đã đọc hầu hết tiểu thuyết Việt Nam, tôi hiểu được giá trị, tôi cảm được cái hay của nhiều tác giả khác nhưng chỉ có hai tác giả Nguyễn đức Quỳnh và Nguyên Hồng gây được ở tôi lòng ngưỡng mộ. Văn chương phát sinh từ lòng ngưỡng mộ. Nên tôi không bao giờ quên ơn người đã khơi dậy lòng ngưỡng mộ nơi tôi » [4].



Một lời tình tự như vậy, ở một người ít tự sự như Thanh Tâm Tuyền là quý hóa, là một chìa khóa đưa ta vào thế giới tiểu thuyết, mối hạnh phúc đau đớn, bắt đầu từ Bếp Lửa, rồi đến Khuôn Mặt, Dọc Đường, Cát Lầy, Ung Thư, Mù Khơi, Tiếng Động…



Đối với Thằng Kình (1942, nxbHàn Thuyên, Hà Nội), niềm ngưỡng mộ có lẽ dừng lại ở nội dung mới lạ của tác phẩm, thêm chút tình riêng với tác giả. Chứ nhân vật Kình, khỏe mạnh, tự tin, tích cực rất xa với nhân vật truyện Thanh Tâm Tuyền ; hành văn rậm rạp của Nguyễn đức Quỳnh cũng xa với lối viết trần trụi trong Bếp Lửa.



Gần nhau hơn là Những Ngày Thơ Ấu, Nguyên Hồng viết năm 1938, khi 20 tuổi, như trường hợp Bếp Lửa, dưới dạng tự truyện ở ngôi thứ nhất. Bằng giọng văn đơn giản, Nguyên Hồng kể lại tuổi thơ cơ cực, một cách thành thực, như chuyện người mẹ ngoại tình bị gia đình nhà chồng hắt hủi mà đứa con một mực yêu thương. Nhưng cơ bản thì hai truyện khác nhau : Những Ngày Thơ Ấu là tự truyện của một người, dĩ nhiên là mang nét xã hội ; Bếp Lửa là truyện một thế hệ thanh niên ưu thời mẫn thế, mang nặng chất trí thức và chính trị. Nguyên Hồng viết đơn giản, nhưng thỉnh thoảng vẫn có những đoạn văn chương, ví dụ ngay ở chương I (Tiếng Kèn) : Những buổi chiều vàng lặng lẽ… Buổi chiều nào cũng vậy…, không hề có trong Bếp Lửa. Và trong một bài báo, Nhân Nghĩ về Hội Họa, 1956, Thanh Tâm Tuyền khước từ lối « văn chương có thể đặt tên là văn chương của bài tập đọc, luận mẫu cho học trò » (Văn 11/1973, tr. 78). Từ đó, đem Bếp Lửa ra giảng dạy ở học đường là việc khó, vì khó tìm ra một vài trích đoạn tiêu biểu gọi là « trích diễm ». Kinh nghiệm của tôi : yêu cầu sinh viên phải đọc toàn bộ tác phẩm, rồi đưa ra những chủ đề tổng hợp, về hình thức, nội dung.Ví dụ lối kể chuyện đơn tuyến, một mạch theo dòng thời gian, không một lần quay lại quá khứ – cho dù có rơi rớt một vài kỷ niệm – về người mẹ và bà ngoại.



Lối dùng từ bình dị, ưu tiên cho từ đơn âm, ít từ kép, càng ít từ hán việt hay thành ngữ.

Lối đặt câu ngắn, có khi cụt ngủn, có khi lược từ. Câu văn cô đúc, có lúc khó hiểu, như là lời nói nén chặt nội tâm : Một bên đường cỏ hoang và núi đóng đồn binh (tr.47). Ngọn núi bắt đầu thấy cứng mình vì nghe nắng sắp về dữ dội (tr. 87). Câu được nhiều người nhắc : Buổi sáng mùa đông ngây ngất vào lối 10 giờ (tr.11). Buổi chiều ngất ngư chưa muốn ngã (tr.28).

Nhưng nét mới quan trọng là không khí chung của toàn truyện Bếp Lửa, không phân biệt nội dung, tư tưởng, hình thức, nghệ thuật và ngữ pháp. Thậm chí người đọc có thể hỏi : Bếp Lửa, bếp lửa nghĩa là gì ?

Với tôi, có lẽ thêm vài kẻ bạn, Bếp Lửa là một bài hát.

Bài hát « chỉ được nghe một lần trong đời. Bài hát xưa lắm, những người thích nó kẻ đã chết, người còn sống thì quên không nhắc lại. Riêng tôi, tôi thường thì thầm với chính mình những phút cô đơn » [5].



Có ai đó đã viết đâu đó về âm hưởng nhạc blues trong thơ Thanh Tâm Tuyền, tôi chỉ biết ông đã thiết lập quan hệ mật thiết giữa các bộ môn nghệ thuật. Điều này, ngày xưa, nhóm Tự Lực đã làm, nhưng còn hời hợt, dù rằng nhà văn Nhất Linh, nhà thơ Thế Lữ, khởi đầu là những sinh viên trường Mỹ Thuật. Thời đó, họ chỉ đặt những tác phẩm nghệ thuật bên cạnh nhau. Họa hoằn lắm mới có bài Nguyễn Tuân về tranh Nguyễn Phan Chánh. Ở Việt Nam, không có nhà thơ sành hội họa như Baudelaire, cũng không có tình bằng hữu giữa các nhà thơ như Aragon, Eluard với họa sĩ Picasso hay Chagall ở Pháp. Thanh Tâm Tuyền thật sự muốn bắc cầu giữa các bộ môn nghệ thuật, nhất là giữa thơ và hội họa, và thân thiết với các họa sĩ Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Duy Thanh, bài Nhân nghĩ về Hội họa viết năm 1956 - hai mươi tuổi - ông đề tặng ba người ấy.



Họa sĩ Thái Tuấn kể lại rằng trong một cuộc triển lãm năm 1958, ông có bức sơn dầu vẽ một người đàn ông đội mũ đeo ống sáo trên vai, chừng mực nào đó, là một chân dung tự họa ; ông không biết đặt tên là gì. Thanh Tâm Tuyền đề nghị gọi là Hóa Thân, Thái Tuấn rất tâm đắc. Ý nhà thơ : anh vẽ cái gì thì cũng là hóa thân vào bức họa, tranh nào rồi cũng thành chân dung họa sĩ. Nghe chuyện, tôi cứ nghĩ Thanh Tâm Tuyền mượn ý từ một tựa đề tiểu thuyết của Kafka. Đọc lại bài báo nói trên, tôi mới vỡ lẽ ông tham chiếu vào một chuyên khảo về nghệ thuật của Malraux Những hóa thân của Apollon – les Métamorphoses d’Apollon, 1951, và ông thường tâm đắc với Malraux.

Ông viết trong bài Nhân nghĩ về Hội họa :



« Tôi công nhận nghệ thuật như một nghề như mọi nghề khác khi tôi hiểu rằng muốn làm được nghệ thuật người ta cũng cần học hỏi, luyện tập như tập sự bất cứ nghề gì. Đến đó thôi. Khi những nhà nghệ sĩ chân chính, để bảo đảm sự thành thực của tác phẩm, đã mang sinh mệnh chính mình ra thách đố, thì lúc ấy nghệ thuật không còn là một nghề nữa, nó là hành động siêu việt của nhân loại trong cuộc tìm kiếm đời sống chính đính » (Văn, số 11- 1973 đã dẫn, tr. 78).

Đoạn trích văn này có thể tóm lược quan niệm và sự nghiệp văn thơ, nghệ thuật của Thanh Tâm Tuyền, và làm kết từ cho bài này.

Chúng tôi gửi thêm vào đó niềm kính trọng và thương tiếc khôn nguôi với một Lòng Suối Trong Xanh đã lẫn sâu vào lòng đất, trở về cõi thủy chung. Một dòng thơ đời đời thao thiết nuôi dưỡng Tình Yêu và Quê Hương trong mỗi chúng ta, cho mỗi chúng ta, trong thân phận làm người, làm người trong hay ngoài đất nước, luôn luôn trong nhân loại.

Trong truyện Bếp Lửa, sáng tác năm hai mươi tuổi, Thanh Tâm Tuyền đã hạ một câu kết, để đời, – khi hiu hắt, khi ngời sáng, trong tâm thức thế hệ chúng tôi :



« Anh yêu quê hương vô cùng và anh yêu em vô cùng ».



Đời người, vô cùng rồi cũng đến vậy thôi.

Vô cùng Thanh Tâm Tuyền.

Thanh. Tâm. Tuyền.

Thanh Tâm

Tuyền.





Đặng Tiến

Ngày giỗ Trịnh công Sơn

Orléans, 01-4-2006





--------------------------------------------------------------------------------

[1] Thanh Tâm Tuyền, Văn, số 199, tháng 4-1972, Sài Gòn.

[2] Văn, số đặc biệt Thanh Tâm Tuyền, tháng 11-1973, Sài Gòn.

Nhóm Thư Ấn Quán của Trần Hoài Thư dự tính in lại nguyên văn số báo để tặng bạn đọc, qua e-mail tranhoaithu@verizon.net. Hoan hô Trần Hoài Thư.

[3] Thanh Tâm Tuyền, Bếp Lửa, nxb Nguyễn đình Vượng, 1957, Sài Gòn, Chúng tôi trích đọan từ bản này.

[4] Thanh Tâm Tuyền, Văn, Giai Phẩm, tháng 6-1974, tr.21-22, Sài Gòn.

[5] Thanh Tâm Tuyền, Buổi sáng Ngoài Bãi Biển, trong Khuôn Mặt, tr.98, nxb Sáng Tạo, 1964, Sài Gòn.