23/9/10

Chứng nhân lịch sử Nội chiến Mỹ – Đầu hàng tại Appomattox, 1865

Chứng nhân lịch sử Nội chiến Mỹ – Đầu hàng tại Appomattox, 1865
24/09/2010

Tác giả: Trần Ngọc Cư

Chuyên mục: Lịch sử

Trần Ngọc Cư dịch

Ghi chú của người dịch: Cuộc đầu hàng tại Appomattox, 1865, là một trang sử đầy nhân ái và có tính hòa giải cao, nói lên đạo người quân tử, đóng góp đáng kể cho việc hàn gắn vết thương chiến tranh sau cuộc Nội chiến Mỹ. Người dịch đã sử dụng hai websites: Phần đầu là bản dịch toàn bài “Surrender at Appomattox”, gồm phần lớn những thư trao đổi giữa tướng U.S. Grant (Miền Bắc) và tướng Robert E. Lee (Miền Nam) chuẩn bị cho cuộc đầu hàng của quân Miền Nam, mô tả phong cách của hai vị tướng thuộc hai chiến tuyến đối địch. Phần hai dịch trích đoạn “Incident at Appomattox” từ một tiểu sử ngắn của đại tá Joshua L. Chamberlain, người tổ chức việc tiếp nhận vũ khí của hàng binh và ra lệnh “bồng súng chào” đoàn quân bại trận. Các đường dẫn nằm liền sau mỗi phần của bản dịch. Chú thích trong ngoặc vuông là của người dịch.

___________________


Với đạo quân dưới quyền chỉ huy của mình đang bị bao vây, binh sĩ ốm yếu và mệt lả, tướng Robert E. Lee [Miền Nam] không còn lựa chọn nào khác hơn là phải cân nhắc đến việc cho Đạo quân này đầu hàng tướng U.S. Grant [Miền Bắc]. Sau một loạt thư trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo quân sự, họ đồng ý gặp nhau vào ngày 9 tháng Tư năm 1965, tại nhà ông Wilmer McLean thuộc làng Appomattox Courthouse. Cuộc gặp gỡ kéo dài khoảng 2 tiếng rưỡi đồng hồ và vào cuối buổi họp này, cuộc xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ sắp đến hồi kết thúc.

Những diễn biến dẫn đến sự đầu hàng của quân đội Miền Nam


Ngày 3 tháng Tư, khi Richmond rơi vào tay của quân Liên Bang [Miền Bắc], Robert E. Lee dẫn Đạo quân Bắc Virginia (the North Virginia Army) rút về Miền Tây và liền bị tướng Grant và Đạo quân Potomac (the Potomac Army) của ông truy kích. Cứ mỗi lần một Đạo quân tiến sâu hơn vào Miền Tây trong nỗ lực lấy lợi thế bao vây đối phương hoặc để tránh bị bao vây là một cuộc lưu động chiến lại diễn ra. Cuối cùng, tướng Grant khởi động một loạt văn thư giữa ông và tướng Lee, một nỗ lực đã dẫn đến buổi họp mặt giữa hai vị tư lệnh.

“Kính gửi Đại tướng R.E. Lee, Tư lệnh Quân đội các Bang Liên minh, C.S.A. [Confederate States Army, có khi gọi là Quân đội Miền Nam trong bản dịch này]:

5 giờ sáng, ngày 7 tháng Tư, 1865.

Kết quả của các trận đánh trong tuần qua chắc hẳn đủ sức thuyết phục ông về tình trạng vô vọng của Đạo quân Bắc Virginia nếu còn tiếp tục chiến đấu. Tôi cảm thấy như vậy và thấy có bổn phận phải tránh cho mình cái trách nhiệm gây đổ máu thêm nữa, bằng cách yêu cầu ông giao nộp bộ phận C.S.A. mệnh danh là Đạo quân Bắc Virginia.

U.S. Grant, Trung tướng.”

Văn thư này được đưa qua phòng tuyến của Nam quân và tướng Lee tức khắc trả lời:

“Ngày 7 tháng Tư, 1865.

Thưa Trung tướng: Tôi đã nhận được thư ông đề ngày hôm nay. Mặc dù không hài lòng về ý kiến của ông khi ông nói về tình trạng vô vọng của Đạo quân Bắc Virginia nếu còn tiếp tục kháng cự thêm nữa, nhưng tôi cũng xin đáp lại nguyện vọng của ông là tránh phải đổ máu thêm một cách vô ích, và vì thế tôi xin hỏi về những điều kiện mà ông định đưa ra cho một cuộc đầu hàng của Đạo quân này.

R.E. Lee, Đại tướng.”

Tướng Grant nhận được thư tướng Lee vào quá nửa đêm và trả lời vào sáng sớm hôm sau, đưa ra các điều kiện đầu hàng:

“Ngày 8 tháng Tư, 1865.

Kính gửi Đại tướng R.E. Lee, Tư lệnh C.S.A.:

Thư ông gửi vào chiều qua vừa mới đến với chúng tôi, nhằm trả lời thư đề cùng ngày của tôi, đồng thời hỏi về những điều kiện mà tôi sẽ chấp nhận cho một cuộc đầu hàng của Đạo quân Bắc Virginia. Tôi xin trả lời rằng, vì hòa bình là nguyện vọng to lớn của tôi, chỉ có một điều kiện duy nhất mà tôi đòi hỏi—đó là, tất cả binh lính và sĩ quan được giao nộp sẽ bị tước hết binh quyền (disqualified) vì đã cầm súng chống lại Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ cho đến khi họ được trao đổi một cách thích đáng. Tôi sẽ đích thân gặp ông, hoặc sẽ cử sĩ quan của chúng tôi đến gặp bất cứ sĩ quan nào mà ông muốn chỉ định vì mục đích này, ở bất cứ nơi nào thuận lợi cho ông, để dàn xếp dứt khoát những điều khoản theo đó Đạo quân Bắc Virginia sẽ được tiếp nhận.

U.S. Grant, Trung tướng.

Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn và trên đường rút sâu hơn về Miền Tây, tướng Lee trả lời thư của tướng Grant:

“Ngày 8 tháng Tư, 1865.

Thưa Trung tướng: Tôi nhận được vào cuối ngày lá thư hôm nay của ông. Trong thư hôm qua của tôi, tôi không có ý định đề nghị việc giao nộp Đạo quân Bắc Virginia, nhưng chỉ hỏi để biết rõ những điều khoản của đề nghị ông định đưa ra. Thành thật mà nói, tôi không nghĩ tình hình đã đến độ khẩn trương để đạo quân này phải buông súng đầu hàng, nhưng vì lập lại hòa bình là mục đích duy nhất của tất cả chúng ta, tôi muốn biết rõ là, những đề nghị của ông có dẫn đến mục đích ấy không? Vì thế, tôi không thể gặp ông với mục đích giao nộp Đạo quân Bắc Virginia; nhưng vì đề nghị của ông có thể ảnh hưởng đến các lực lượng C.S.A. nằm dưới quyền tư lệnh của tôi và nhắm tới việc lập lại hòa bình, tôi bằng lòng gặp ông lúc 10 giờ sáng ngày mai trên bang lộ cũ (old state road), con đường dẫn đến Richmond, nằm giữa chiến tuyến của hai đội quân.

R.E. Lee, Đại tướng.”

Mệt lả vì bị căng thẳng và vì cơn đau đầu khá trầm trọng, tướng Grant đã trả lời tướng Lee khoảng 5 giờ sáng ngày 9 tháng Tư.

“Ngày 9 tháng Tư, 1965.

Thưa Đại tướng: Chúng tôi đã nhận được lá thư hôm qua của ông. Tôi không có thẩm quyền xử lý vấn đề lập lại hòa bình. Buổi họp vào lúc 10 giờ ngày mai, như đã đề nghị, có thể sẽ không đi đến đâu. Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng tôi cũng tha thiết hòa bình như ông, và toàn Miền Bắc đều chung một lòng như thế. Mọi người đều biết rõ điều kiện để có hoà bình là gì. Bằng cách buông súng xuống, Miền Nam sẽ nhanh chóng thúc đẩy biến cố tuyệt vời đó, cứu được hàng ngàn sinh mạng, và hàng trăm triệu tài sản chưa bị tàn phá. Tôi thật lòng hi vọng rằng tất cả mọi vấn đề khó khăn của chúng ta có thể được giải quyết mà không tổn thất thêm một sinh mạng nào nữa.

Trân trọng,

U.S. Grant, Trung tướng”.

Vẫn còn bị cơn nhức đầu hành hạ, tướng Grant tiến gần ngã tư đường làng Appomattox Court House thì một người đưa tin mang thư hồi đáp của tướng Lee bắt kịp ông.

“Ngày 9 tháng Tư, 1865.

Thưa Trung tướng: Tôi nhận được thư ông sáng nay ngay tại chiến tuyến, nơi tôi đến để gặp ông và để nắm chắc các điều khoản chứa đựng trong đề nghị ngày hôm qua của ông liên quan đến việc đầu hàng của Đạo quân này. Bây giờ tôi yêu cầu một cuộc trao đổi ý kiến với ông, phù hợp với đề nghị ông đã đưa ra trong lá thư hôm qua, về mục đích ấy [việc đầu hàng].

R.E. Lee, Đại tướng”.

Tướng Grant tức khắc xuống ngựa, ngồi bên vệ đường và biên thư trả lời sau đây cho Tướng Lee.

“Ngày 9 tháng Tư, 1865.

Kính gửi Đại tướng R.E. Lee, Tư lệnh C.S.A.:

Chúng tôi vừa mới nhận được thư ông ngay lúc này (11:50 sáng), có chậm trễ là vì tôi đi từ góc đường Richmond-Lynchburg đến góc đường Farmville-Lynchburg. Chỗ tôi ngồi viết thư này cách Nhà thờ Walker khoảng hơn 6 cây số, và tôi sẽ tiến về phía trước để được gặp ông. Bất cứ thông báo nào gửi cho tôi trên con lộ này, nơi ông muốn cuộc hội kiến diễn ra, chắc chắn sẽ đến với tôi.

U.S. Grant, Trung tướng”.

Cuộc hội kiến Appomattox

Việc trao đổi thư từ này đã khởi đầu cho phiên họp lịch sử tại nhà ông Wilmer McLean. Là người đến trước, tướng Lee ngồi trong một phòng khách rộng lớn ở tầng trệt. Tướng Grant đến liền sau đó và một mình bước vào phòng trong khi ban tham mưu kính cẩn đứng đợi trên sân cỏ trước nhà. Sau một hồi ngắn ngủi, ban tham mưu được gọi vào phòng họp. Tướng Horace Porter [Bắc quân] đã mô tả buổi hội kiến như sau:

“Chúng tôi bước vào, nhìn thấy tướng Grant ngồi ở chiếc bàn có mặt cẩm thạch đặt ngay giữa căn phòng, và tướng Lee ngồi cạnh một chiếc bàn nhỏ hình bầu dục gần cửa sổ phía trước, trong một góc đối diện với cửa chúng tôi đi vào và nhìn về phía tướng Grant. Chúng tôi nhè nhẹ bước vào, rồi lặng lẽ đứng quanh căn phòng, như thể khi ta bước vào một phòng bệnh và biết rằng bệnh nhân đang ở trong tình trạng nguy kịch.

Sự tương phản giữa hai vị tư lệnh thật rõ nét, không thể không thu hút sự chú ý đặc biệt của mọi người, vì họ ngồi cách nhau chừng ba mét, mặt đối mặt. Tướng Grant, lúc bấy giờ mới gần 43 tuổi, cao 1 mét 7, vai hơi cong. Tóc và râu có màu nâu sậm, không một sợi bạc. Ông mang chiếc áo trận không xẻ ngực, may bằng vải flanen xanh đậm, không cài nút phía trước, để lộ áo gi lê ở phần bụng. Ông mang đôi giày cao ống bình thường, quần nhét vào giày, không có đinh thúc ngựa (spurs). Giày và nhiều chỗ trên áo quần ông bết bùn. Tướng Grant không mang kiếm, chỉ có đôi cầu vai nói lên quân hàm của ông. Ngoài một chút biểu hiệu ấy ra, quân phục của ông là quân phục của một người lính trơn.

Trái lại, tướng Lee cao trên 1 mét 8, lưng vẫn còn thẳng đối với một người ở tuổi ông, vì ông lớn hơn tướng Grant đến 16 tuổi. Tóc và râu đều xám bạc và khá rậm, ngoại trừ phía trước trán tóc hơi thưa một chút. Ông mang bộ quân phục xám của Nam quân, nút cài đến tận cổ, và bên hông mang chiếc kiếm dài cực kỳ tinh xảo, chuôi có gắn kim hoàn. Giày cao ống tương đối còn mới và trông như có những đường trang trí bằng lụa đỏ. Cũng giống như quân phục của ông, đôi giày trông sạch một cách kỳ lạ, ít có dấu vết bụi đường. Trên giày có những đinh thúc ngựa với những bánh rộng ở đầu đinh. Chiếc mũ dạ có màu sắc hài hòa với quân phục, và một đôi găng tay dài bằng da hoẵng nằm trên bàn cạnh chỗ ông ngồi.

Tướng Grant mở đầu câu chuyện bằng: ‘Tôi đã gặp ông một lần trước đây, thưa Đại tướng, trong thời gian chúng ta cùng phục vụ tại chiến trường Mexico, khi ông được bộ chỉ huy của tướng Scott cử sang thăm lữ đoàn của Garland, tức đơn vị tôi đang công tác. Tôi luôn luôn nhớ hình ảnh của ông, và tôi thiết tưởng có thể nhận ra ông ở bất cứ nơi nào’.

‘Vâng,’ tướng Lee trả lời, ‘tôi biết tôi đã gặp ông vào dịp đó, và tôi thường nghĩ đến điều ấy; tôi cũng cố gắng nhớ lại hình ảnh của ông, nhưng không thể mường tượng ra một nét nào’.”

Hai vị tướng nói thêm một chút nữa về những trải nghiệm ở Mexico rồi xoay sang bàn thảo những điều kiện đầu hàng, khi Lee yêu cầu Grant viết ra những điều khoản ấy trên giấy tờ:

“’Được,’ tướng Grant trả lời, ‘Tôi sẽ viết ra’. Rồi gọi thuộc hạ mang đến cuốn nhật lệnh loại nhiều bản sao, Grant đặt nó lên bàn ngay trước mặt và bắt đầu viết các điều khoản đầu hàng. Những trang giấy được sắp xếp khéo léo để có thể viết ra ba bản cùng một lúc. Ông viết rất nhanh và viết một mạch cho đến khi ông chấm dứt câu cuối cùng bằng ‘tôi sẽ chỉ định sĩ quan tiếp nhận họ [hàng binh]’. Đoạn, ông nhìn về phía tướng Lee, mắt hình như dừng lại trên thanh kiếm tuyệt đẹp đeo bên hông vị tướng này. Về sau Grant nhìn nhận rằng chính thanh kiếm ấy đã khiến ông nghĩ rằng nếu buộc các sĩ quan phải giao nộp kiếm của họ, đấy là một hành vi sỉ nhục không cần thiết; nếu tước đoạt cả hành lý cá nhân và ngựa của họ nữa, việc này sẽ tạo ra những gian khổ quá lớn, và sau khi ngừng bút suy nghĩ chốc lát, Grant viết câu này: ‘Điều khoản này không bao gồm vũ khí tùy thân của sĩ quan cũng như ngựa và hành lý cá nhân của họ’.

Grant đưa văn bản cho Lee xem. Sau khi duyệt lại, Lee tiết lộ rằng lính Kỵ binh và lính Pháo binh trong Quân đội Miền Nam phải sử dụng ngựa nhà và vì thế ông yêu cầu họ được phép giữ lại ngựa. Grant đồng ý về điểm này và Lee viết một văn thư chính thưc chấp nhận đầu hàng. Sau đó, Lee bước ra khỏi phòng:


“Khoảng chừng 4 giờ chiều tướng Lee bắt tay tướng Grant, cúi chào các sĩ quan khác, rồi cùng đại tá Marshall rời phòng họp. Lần lượt chúng tôi bước theo sau, ra trước hành lang. Lee ra hiệu cho lính cần vụ mang ngựa đến, và trong khi con vật được thắng yên cương, viên tướng đứng trên bậc hành lang thấp nhất, mắt buồn rầu nhìn về thung lũng, mà phía bên kia là nơi Đạo quân của ông đang nằm – bây giờ toàn bộ đạo quân ấy đã trở thành tù binh. Bằng một cử chỉ lơ đãng, tướng Lee phủi tay mấy lần, hình như không hề nhìn thấy toán sĩ quan Bắc quân nãy giờ ngồi trong sân đang đứng dậy kính cẩn chào khi ông bước qua; ông đã mất hết ý thức về mọi vật chung quanh. Tất cả chúng tôi hiểu được nỗi buồn sâu nặng đang trùm phủ lên ông, và ông chiếm được cảm tình của mỗi một cá nhân đang chứng kiến ông trong giây phút thử thách tột cùng này. Con ngựa tiến lại gần cơ hồ đánh thức ông ra khỏi cơn mê, và ông leo nhanh lên mình nó. Bây giờ tướng Grant bước xuống hành lang, đi về phía tướng Lee và nhấc mũ lên chào. Các sĩ quan hiện diện đều làm theo cử chỉ lịch sự này; tướng Lee cũng kính cẩn nhấc mũ chào lại, rồi cỡi ngựa đi báo tin buồn cho những chiến hữu can trường mà ông từng chỉ huy qua bao nhiêu năm tháng”.

Nguồn: “Surrender at Appomattox, 1865”

Vụ việc bất ngờ tại Appomattox

[Đại tá Joshua] Chamberlain đã tạo ra một trong những cảnh tượng cảm động nhất trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ tại cuộc đầu hàng của Đạo quân Bắc Virginia của tướng Lee tại làng Appomattox Court House vào tháng Tư 1865. Tướng Grant giao cho Chamberlain trách nhiệm tiếp nhận vũ khí và quân kỳ của quân Miền Nam. Khi các binh sĩ bại trận đi theo đội ngũ xuống con lộ để giao nộp súng ống và cờ xí, Chamberlain, mặc dù không được lệnh hay được phép của cấp trên, đã chủ động ra lệnh cho binh sĩ mình đứng nghiêm và “bồng súng chào” để tỏ lòng kính trọng đối phương. Chamberlain mô tả những gì diễn ra sau đó:

“[Tướng Miền Nam] John B. Gordon đầy uy nghi, dẫn đầu đội ngũ hàng binh, tỏ ra hơn hẳn chúng tôi về phép lịch sự. Ông ngồi trên mình ngựa, mắt nhìn xuống trĩu buồn, đầy vẻ trầm tư; nhưng khi nghe tiếng bồng súng rào rạt, ông đưa mắt nhìn lên và tức khắc hiểu được ý nghĩa, bèn xoay ngựa một vòng với phong độ tuyệt vời cố hữu của ông, tay hạ mũi kiếm chỉ vào bộ đinh thúc ngựa và ra một mệnh lệnh; liền lúc đó, ngọn cờ hiệu sau ông hạ xuống thấp và các chiến đoàn tơi tả của ông, khi đến bên phải của chúng tôi, đã chào đáp lễ hàng quân “bồng súng”. Trong những giây phút ấy, về phía chúng tôi không hề có một tiếng kèn hay tiếng trống, không một tiếng reo vui, không một lời nói hay một cử động nào, nhưng là một sự tĩnh lặng khủng khiếp, như thể chúng tôi đang nhìn những hồn tử sĩ đi qua”.

Việc Chamberlain ra lệnh dàn chào đội quân Miền Nam bị nhiều người Miền Bắc chỉ trích, nhưng ông đã biện hộ hành vi của mình trong hồi ký The Passing of the Armies (Những binh đoàn lặng lẽ đi qua). Nhiều năm về sau, tướng Miền Nam John Brown Gordon, qua hồi ký, đã gọi Chamberlain là “một trong những chiến sĩ hào hiệp nhất của Quân đội Liên bang”.

Trích dịch từ: “Joshua Lawrence Chamberlain (1828-1914)”

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Ngọc Cư
Bản tiếng Việt © 2010 talawas

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét