3/1/13

Mùa xuân Ả rập và mùa xuân Myanmar’ ... biến mất !

 



“Mùa xuân Ả rập và mùa xuân Myanmar’ ....vừa biến mất !
Không phải biến mất  trên đất nước họ , mà "biến mất " khỏi
trang báo Vietnamnet.net  vừa được đăng vài hôm trước !
Ôi :

            "Những   Mùa xuân " trên giấy  
              Vừa  thấy đã.... vội phai !!!!!    .
                                                    THD .  
----------------------------

BBC

Gỡ bài 'Mùa xuân Ả rập và Myanmar'

Cập nhật: 12:14 GMT - thứ năm, 3 tháng 1, 2013

Mùa xuân Ả rập là một cuộc cách mạng mang tính thế hệ
Một bài báo hiếm gặp trên truyền thông Việt Nam đã bị gỡ bỏ, với nội dung khen ngợi tiến trình đi lên con đường đa đảng, dân chủ ở các nước Ả rập và Miến Điện.
Bài “Mùa xuân Ả rập và mùa xuân Myanmar’ của tác giả Hồng Ngọc, nhìn lại đổi thay chính trị trong thế giới Ả rập và tại Miến Điện, đã “biến mất” khỏi trang Bấm VietNamNet và phụ san của trang này, Bấm Tuần Việt Nam.
Tác giả bài viết được nói là một người làm việc tại tòa soạn của VietNamNet.
Những người quản lý truyền thông tại Việt Nam luôn khẳng định không có chủ trương kiểm duyệt báo chí.
Nhưng dường như nội dung bài viết trên VietNamNet đã bị xem là ngầm ủng hộ đa nguyên, đa đảng, một chủ đề cấm kỵ, mặc dù bài viết không trực tiếp nhắc đến Việt Nam.
"Một loạt chế độ tại Ả rập - từng ưỡn ngực với sự 'đặc thù' của văn hóa Hồi giáo mà từ chối nền dân chủ - đã đồng loạt đi đến hồi kết. Tất cả được châm mồi với chỉ một đốm lửa ở Tunisia hai năm trước," bài báo viết.
"Những cuộc nổi dậy của "Mùa xuân Ả rập" đã lột tả bản chất của sự "tín nhiệm cao" chính là sự sợ hãi của dân chúng, chứ không phải vì đó là chính quyền của nhân dân như các nhà độc tài vẫn tự xưng."
"Nhưng sự cai trị bằng nỗi sợ hãi của dân chúng cũng tạo ra sự căm phẫn âm ỉ, và nó sẽ bùng lên khi tích tụ đủ mạnh và có một mồi lửa ném vào."
Hậu quả của một chế độ độc tài, theo tác giả, không chỉ dừng lại ở "sự kiệt quệ của người dân do sự bòn rút của họ (chính quyền)", mà còn gây nên "sự hèn đụt và tính thụ động của dân chúng do sự đe dọa của họ" và sự "khủng hoảng lòng tin và đạo đức của dân chúng"
Tác giả cũng cho rằng những cuộc nổi dậy như một "vết thương được làm loét thêm, do tâm lý trả thù không chỉ nhằm vào nhà độc tài mà còn hướng cả vào những người từng tham gia hệ thống ấy, và những người được lợi nhờ hệ thống ấy, tạo ra một xã hội bị chia rẽ."
Tuy nhiên báo chí chính thống của Việt Nam lại có vẻ như có một cái nhìn khác về 'Mùa xuân Ả rập'.
Sự ủng hộ phe đối lập trong cuộc chiến ở Lybia, theo Báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bài viết ngày 04/11/2011, là sự tấn công của Mỹ và các nước đồng minh vào "quốc gia có chủ quyền", bằng cách "núp bóng nghị quyết Liên hiệp quốc".
Tờ báo điện tử của Đảng Cộng sản cũng lên án sự can thiệp của Phương Tây vào Libya đã "khiến hàng nghìn người thiệt mạng; hàng chục nghìn người bị thương; hàng trăm nghìn người mất nhà cửa phải đi tha phương cầu thực, đồng thời kêu gọi "loài người phải tỉnh táo, không thể mơ hồ trước sự giả nhân, giả nghĩa của những thế lực hiếu chiến."

Mùa xuân Miến Điện


Mỹ đã mở rộng cánh cửa ngoại giao hơn với Miến Điện kể từ ngày chính phủ ông Thein Sein có nhiều cải cách lớn
Miến Điện, cũng là một nước bị cai trị nhiều năm dưới chính quyền quân sự từ năm 1962, với các lãnh đạo quân sự nắm lượng lớn số ghế trong Quốc hội.
Tác giả bài viết trên VietNamNet gọi đây là chế độ 'độc tài nhóm', một "hình thức tinh vi hơn của độc tài cá nhân," với điểm giống nhau là "dù tinh vi tới đâu thì bản chất của mọi chế độ độc tài đều là cai trị đất nước để phục vụ cho quyền lợi của những kẻ cai trị, thay vì để phụng sự nhân dân và đất nước."
Miến Điện đã phải chịu trừng phạt kinh tế từ nhiều chính phủ trên thế giới và bị nhiều tổ chức khác liên tục tố cáo sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng có hệ thống của nước này, trong đó có ám sát, hãm hiếp , buôn người, bóp nghẹt tự do ngôn luận.
Nhưng từ 2011, sau khi Tổng thống Thein Sein nhậm chức, Miến Điện đã có nhiều thay đổi như công nhận đảng đối lập, trả tự do cho các nhà bất đồng chính kiến, bãi bỏ kiểm duyệt báo chí.
Từ đó đến nay, nước này đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ quốc tế, trong đó có việc tháo gỡ cấm vận và chuyến thăm của tổng thống Mỹ Obama năm ngoái.
Tác giả bài đầu năm trên VietnamNet cho rằng lãnh đạo Miến Điện đã có những thay đổi "kịp thời" và "ngoạn mục" khi phải "đứng trước nguy cơ bị lệ thuộc vào 'cường quốc láng giềng'", mặc dù không chỉ rõ là nước nào.
Quá trình dân chủ của Miến Điện, theo tác giả, là giải pháp cho nhiều vấn đề, bởi đó là "lối thoát duy nhất cho một quốc gia muốn phát triển", và "cũng là lối thoát duy nhất cho nhà độc tài để tránh bị xét xử hay bị giết hại khi dân chúng nổi dậy và trả thù, như đã diễn ra với Mùa xuân Ả rập".

Việt Nam và 'diễn biến hòa bình'

"Trong lúc Miến Điện đang trong giai đoạn đi lên, Việt Nam lại ngày càng lún sau vào vũng lầy, về cả kinh tế và nhân quyền"
Phil Robertson, phó giám đốc Human Rights Watch khu vực Châu Á
Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, trong chuyến thăm Miến Điện hồi năm 2010 đã kêu gọi nước này triển khai hiệu quả lộ trình dân chủ vì hòa bình và hòa hợp dân tộc, tổ chức bầu cử công bằng, dân chủ với sự tham gia của tất cả các đảng phái, qua đó sớm tập trung ổn định để phát triển đất nước.
Tuy nhiên chính tại Việt Nam, quá trình xóa bỏ chế độ độc đảng bằng con đường phi bạo lực, hay còn gọi là 'diễn biến hòa bình' ở nước này thường bị coi là âm mưu chống lại chính quyền nhân dân, gây mất đoàn kết dân tộc, làm rối loạn trật tự xã hội.
Phó giám đốc Human Rights Watch tại Châu Á, ông Phil Robertson, trong bài viết đăng trên trang web của tổ chức này vào tháng 11 năm ngoái nhận xét Miến Điện và Việt Nam đang đi theo hai hướng khác nhau, ám chỉ sự tiến triển của Miến Điện và tụt hậu của Việt Nam về nhân quyền.
"Trong lúc Miến Điện đang trong giai đoạn đi lên, Việt Nam lại ngày càng lún sau vào vũng lầy, về cả kinh tế và nhân quyền", ông Robertson viết.
Tại một hội thảo cuối tháng 12/2012 ở Hà Nội, ông Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận của Đảng cho rằng đấu tranh chống ‘diễn biến hòa bình’ có mối liên hệ với đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu.
Ông Phúc cũng cảnh báo về việc các "thành phần nội bộ ở mọi nơi, mọi lúc, mọi cấp" đang có nguy cơ rơi vào trong tình trạng ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ về tư tưởng, lối sống.


Điều 88 Bộ Luật Hình sự bị các tổ chức nhân quyền cáo buộc là phương tiện nhằm bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của chính phủ Việt Nam
 
Trước đó, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cũng có bài đăng trên tạp chí Quốc phòng Toàn dân, lên án ‘diễn biến hòa bình’ và cho rằng đây là "hoạt động tạo cơ hội cho nước nào đó từ bên ngoài phát động chiến tranh chống lại Việt Nam."
Hiện nay, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia xếp hạng thấp nhất thế giới về nhân quyền cũng như tự do báo chí, tự do ngôn luận, qua đánh giá của nhiều tổ chức cố vấn của Liên Hiệp Quốc như Human Rights Watch và Phóng viên không biên giới.

Nhiều năm trở lại đây, các tổ chức này đã nhiều lần cáo buộc việc chính phủ bỏ tù hàng loạt các nhân vật bất đồng chính kiến, bloggers với lý do vi phạm Điều 88 Bộ Luật hình sự là nỗ lực 'bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận', vi phạm nghiêm trọng các điều khoản trong hiến pháp về nhân quyền mà Việt Nam đã ký.
Trong năm 2012, Phóng viên không biên giới đã đưa Việt Nam vào danh sách những nước 'thù địch với Internet' và xếp thứ ba trong danh sách các nước bắt bớ nhiều bloggers và bất đồng chính kiến nhất, chỉ sau Trung Quốc và Iran.
Source : BBC

Thêm về tin này
Các bài liên quan ( BBC )
.......

2/1/13

Mùa Xuân Không Trở Lại

ImagineStudio.Etsy.com  Love her work!

Mùa Xuân Không Trở Lại

Lê Sơn Thạch

Rồi từ đó mùa xuân không trở lại,
Ta mất em là mất cả quê hương;
Như hòn cuội lăn khắp vạn nẻo đường,
Bao năm tháng ta là tên du mục.

Cánh mai vàng nở hoài trong ký ức,
Mà mùa đông thì cứ mãi lê thê;
Rượu giang hồ đã bao lần say khướt,
Trời bao la sao chim én không về?

Ta từng có bạn bè đăm bảy đứa,
Từng bao phen "tuý ngoạ sa trường" (*)
Đêm giao thừa nghe tiếng vạc kêu sương,
Lòng rạo rực nghe mùa xuân chậm bước.

Rồi từ đó theo dòng sông lưu lạc,
Đi lang thang nghe biển gọi ta về;
Để đêm đêm nghe tiếng sóng vỗ bờ,
Ta chợt thấy tình yêu như bọt biển!

Em ra đi, mang mùa xuân đi mất,
Ta còn đây chiếc lá úa ven đường,
Ta còn đây một hạt bụi vô thường,
Bay vất vưởng giữa đời hiu hắt!

Rồi từ đó theo đàn chim biệt xứ,
Ta mãi bay vào tháng năm mù sương;
Ta lắng nghe từng mùa đi rất lạ,
Mà trong ta sao chẳng thấy mùa xuân !!!
------------
(*) ...Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi 

( Vương Hàn )





Nhớ

       Lê Sơn Thạch

Ta bỗng nhớ em như rừng nhớ gió,
Như con nai vàng nhớ bãi cỏ non,
Như con dế mèn ngóng đợi hoàng hôn,
Và ta nhớ những mùa trăng cũ.

Con chích choè còn tự hào có tổ,
Cớ sao ta sứ mãi lang thang,
Ngất ngưỡng say trên cuộc điêu tàn,
Cười nghiêng ngả trên dòng hoang phế!
Ta ngồi đấy nghĩ buồn Thượng Đế,
Bỏ ta một mình mòn mỏi đợi em.

Trăng thao thức đợi rừng đêm trở giấc,
Rừng lặng im như ngậm mối căm hờn.
Ta với rừng là hai kẻ cô đơn,
Không hẹn ước mà thành tri kỷ.

Rừng với ta là muôn điều kỳ bí,
Còn với em ta có vạn cổ sầu.
Em xa rồi mà ta có hay đâu,
Chợt thấy nhớ mới biết mình chia cách.

Rừng Mã Đà - 1982




Khi Những Lưu Dân Trở Về

Lê Sơn Thạch




Phải xưa ta là rừng
Nên hồn ta xanh ngát,
Em bơ vơ cánh vạc
Về hát mãi trong sương.

Ta đi tìm đau thương,
Mang vào đời chất ngất,
Bao cánh hồng héo hắt,
Rụng dần trong lãng quên.

Con oanh về ngủ yên,
Trên tình xưa đã chết.
Ta về đây đốt hết,
Những năm tháng cuồng điên.

Ta như những lưu dân,
Tìm quê hương đã mất.
Trên đường chiều hiu hắt,
Chuông giáo đường ngân vang.

Chuông gieo nỗi bình yên,
Cửa Thiên Đường đã mở.
Ta sấp mình sám hối,
Xin làm con chiên ngoan…

( Trích trong thi tập Vàng Phai Mấy Độ của nhà thơ Lê Sơn Thạch )
 

'Mùa xuân Ả rập' và Mùa xuân Myanmar

                 

Cập nhật lúc 02/01/2013 01:00:00 AM (GMT+7)

Cùng thuộc về một làn sóng dân chủ hóa trên thế giới, nhưng "Mùa xuân Ả rập" để lại những vết thương sâu sắc chưa hứa hẹn ngày lành, thì Mùa xuân Myanmar cũng chính là quá trình làm lành vết thương của thời kỳ độc tài.

Mùa xuân bão táp ở Ả rập
Một loạt chế độ tại Ả rập - từng ưỡn ngực với sự "đặc thù" của văn hóa Hồi giáo mà từ chối nền dân chủ - đã đồng loạt đi đến hồi kết. Tất cả được châm mồi với chỉ một đốm lửa ở Tunisia hai năm trước.
...Trong Mùa xuân Ả rập, cựu Tổng thống Yemen Ali Saleh đã ra đi theo một cách êm ả nhất có thể: ông từ chức sau 33 năm cầm quyền và sang Mỹ đổi lại quyền miễn tố, để lại một Yemen kiệt quệ và đối mặt với các cuộc nổi dậy và nội chiến.
Hầu hết trong số đó đều tiếp tục nhiệm kỳ của mình sau các cuộc "bầu cử" không có ứng cử viên đối lập và chiến thắng với tỷ lệ phiếu bầu cực cao. Nhưng sự "tín nhiệm cao" đó không che giấu được những vấn đề trầm trọng của dân chúng và khối tài sản kếch xù của những nhà cầm quyền.
Và những cuộc nổi dậy của "Mùa xuân Ả rập" đã lột tả bản chất của sự "tín nhiệm cao" chính là sự sợ hãi của dân chúng, chứ không phải vì đó là chính quyền của nhân dân như các nhà độc tài vẫn tự xưng.
Nhưng sự cai trị bằng nỗi sợ hãi của dân chúng cũng tạo ra sự căm phẫn âm ỉ, và nó sẽ bùng lên khi tích tụ đủ mạnh và có một mồi lửa ném vào.
Cái giá mà đất nước họ phải trả còn lớn hơn thế. Là sự kiệt quệ của dân chúng do sự bòn rút của họ. Là sự hèn đụt và tính thụ động của dân chúng do sự đe dọa của họ. Là sự khủng hoảng lòng tin và đạo đức của dân chúng, do sự cai trị vô đạo đức và chia rẽ dân chúng của họ. Và cuộc nổi dậy như một vết thương được làm loét thêm, do tâm lý trả thù không chỉ nhằm vào nhà độc tài mà còn hướng cả vào những người từng tham gia hệ thống ấy, và những người được lợi nhờ hệ thống ấy, tạo ra một xã hội bị chia rẽ.
Mùa xuân ấm áp với Myanmar
Myanmar, giành độc lập năm 1948, bị hết thống tướng này đến thống tướng khác cai trị sau cuộc đảo chính quân sự năm 1962. Trong ngôn ngữ của chính trị học, đó là chế độ Qủa đầu (độc tài nhóm), một hình thức tinh vi hơn của độc tài cá nhân.
Dù tinh vi tới đâu thì bản chất của mọi chế độ độc tài đều là cai trị đất nước để phục vụ cho quyền lợi của những kẻ cai trị, thay vì để phụng sự nhân dân và đất nước. Đó là nguyên nhân Myanmar từ vị thế là một đất nước phát triển hàng đầu châu Á đầu thập kỷ 1960 đã tụt hậu và kiệt quệ thành một nước lạc hậu nhất ở Đông Nam Á những năm qua.
Đứng trước nguy cơ bị lệ thuộc vào cường quốc láng giềng, giới lãnh đạo Myanmar đã có những thay đổi kịp thời và ngoạn mục.
Cuộc bầu cử dân sự năm 2010 tưởng như chỉ là mang tính hình thức để hợp thức hóa sự cai trị của những tướng lĩnh cũ, mà Tổng thống được bầu vào Mùa xuân 2011 Thein Sein nằm trong số này. Lần đầu tiên nắm quyền cao nhất ở Myanmar, vị tướng cũ đã từ bỏ đường lối cai trị độc tài, bằng cách chấm dứt những dự án của cường quốc láng giềng gây nguy hại cho Myanmar, công nhận đảng đối lập và tổ chức cuộc bầu cử bổ sung tự do vào Mùa xuân 2012, phóng thích hàng loạt tù nhân lương tâm, và cho phép tự do báo chí.
Myanmar còn có một nhân vật vĩ đại nữa làm biểu tượng cho quá trình dân chủ hóa: Aung San Suu Kyi, người đã để lại gia đình của mình ở nước Anh để trở về nước vận động dân chủ năm 1988 bất chấp bị đàn áp, đe dọa, bắt bớ, cấm tranh cử, rồi bị giam lỏng trong thời gian bầu cử năm 1990. Kết quả: bà chiến thắng áp đảo cùng Đảng của mình (82% số phiếu) nhưng bị từ chối chuyển giao quyền lực và tiếp tục bị giam lỏng, và bà từ chối rời khỏi đất nước để tiếp tục cuộc đấu tranh cho dân chủ. Ngày đó đã đến như mong mỏi của bà và nhân dân Myanmar, cho dù Đảng của bà chỉ tranh cử ở cuộc bầu cử bổ sung 45/664 ghế.
Một người từ bỏ quyền lực độc tài để đưa đất nước đến với dân chủ, và ca ngợi đối thủ từng bị phe mình giam giữ. Một người đã chiến thắng trong cuộc bầu cử dân chủ nhưng chấp nhận sự cai trị của chính phe phái từng tước đoạt quyền lực của mình, thậm chí vận động quốc tế xóa bỏ cấm vận với chính quyền đương nhiệm, để tìm kiếm sự khởi đầu mới cho quá trình dân chủ hóa đất nước. Qúa trình dân chủ hóa của Myanmar, nhờ vậy, đồng thời là quá trình hòa giải dân tộc, giúp Myanmar không chỉ giữ được hòa bình mà còn giảm nguy cơ bị chia rẽ.
Đó là lý do cả hai được xếp hàng đầu trong danh sách 100 nhà tư tưởng của thế giới năm 2012 do Tạp chí Foreign Policy (Mỹ) lựa chọn. Riêng Thein Sein được tờ Straits Time (Singapore) bình chọn là Nhân vật châu Á của năm 2012. Vì từ bỏ độc tài quyền lực để trả quyền lực về cho nhân dân luôn là lựa chọn vô cùng khó khăn của mọi chế độ độc tài trong lịch sử.
Nhưng đó là lối thoát duy nhất cho một quốc gia muốn phát triển, và ngay lập tức đầu tư nước ngoài đã xếp hàng vào Myanmar. Và cũng là lối thoát duy nhất cho nhà độc tài để tránh bị xét xử hay bị giết hại khi dân chúng nổi dậy và trả thù, như đã diễn ra với "Mùa xuân Ả rập".
Ba ngàn năm trước, nhà tư tưởng chính trị Khương Tử Nha đã thấu hiểu điều đó khi nhắc nhở Chu Văn Vương rằng: Thiên hạ không của riêng ai, thiên hạ là của cả thiên hạ, chung lợi ích với thiên hạ thì được thiên hạ, đoạt lợi ích của thiên hạ thì mất thiên hạ. Nhờ tư tưởng đó, nhà Chu tồn tại tới tám trăm năm, và là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất về tư tưởng, triết học, binh pháp, kỹ thuật của Trung Quốc cổ và trung đại.
Ngày nay, không cần phải thông thái như Khương Tử Nha cũng biết điều đó. Quá nửa quốc gia trên thế giới là những nền dân chủ, thể chế buộc chính quyền phải chung lợi ích với thiên hạ, thay vì chờ đợi chính quyền tự nguyện như triều đại nhà Chu. Nhờ thế, những quốc gia thịnh vượng nhất, văn minh nhất đều là những nền dân chủ.

  • Hồng Ngọc



Vietnamnet
 Nguồn : "VietNamNet"

1/1/13

Xuân …yêu thương

Xuân …yêu thương
 
Trần Hồ Dũng

 





 

?

Xuân yêu thương


Hẹn nhé  ! Một ngày tôi trở lại 


Quê hương ngày ấy chắc yên vui

Mẹ  không buồn nữa vì cơn bấc

Em  má hồng tươi đón gió xuân

Ngọn lửa hồng thơm hương nếp mới


Anh em về lại với nhau rồi

Giọt máu đào xưa , giờ thắm lại

"Núi sông này là của các con chung

Không ai ngăn được lòng thương nước


Dân Việt ngàn năm ...vẫn Lạc Hồng "

( Mẹ nói :  Anh em bây thật lạ


Cuối đời, bạc tóc, biết thương nhau ! ) 

Tranhodung. Những mùa Xuân tha hương 2011-2013. 
richard s. johnson

31/12/12

Âm Xưa

Âm Xưa

Âm Xưa

Người khắc nỗi buồn lên đá
Vàng bay quạnh gốc thông già
Người chép nỗi buồn lên giấy
Mai sau còn chút tàn phai

Người gửi nỗi buồn theo gió

Niềm xưa trĩu cánh hạc gầy
Người có khi nào qua đó
Đường xưa nay ngút ngàn xa
Bước chân ai về trước ngõ
Âm xưa buốt ngón tay ngà

Có chiếc lá vàng trong gió

Quay về tìm cội nguồn xa
Có tiếng chim nào đang hót
Hồn ai đậu trước hiên nhà 

Tran Ho Dung.
Washington. USA. 2012

29/12/12

CUỒNG TỪ



CUỒNG TỪ
                             Tranhodung
                           Dedicated to LSCT

“Nước mấy ngàn năm hồn chửa tỉnh
Người bao nhiêu triệu giấc còn say” (1)

Để mây còn thẩn thờ ngang núi
Nhìn nước tang thương chảy quặn dòng
Có đứa con xa lìa tổ quốc
Khóc kẻ lưu đày trên quê hương
Rót chén rượu cuồng , ta nhớ bạn
Thôi thì , đất nước cũng rưng rưng
Hãy cạn cùng ta thêm chén nữa
Mộng cuồng , xô đổ cả trăng sao
Cuồng tửu , cuồng từ , thôi hãy cạn !
Đời đục rồi , ai giữ tấc lòng trong ?

Đất nước ngả nghiêng cơn sóng dữ

Khí thiêng sông núi ở đâu rồi  ?

Sử lịch tiêu điều ,  lòng ly  tán

Ai người  tiếc nhớ  những  đường gươm

[ Đường gươm tiên tổ ngăn xâm lược
Giữ vững giang sơn  ,dựng nước nhà !
Biết đến bao giờ ta thấy lại
Đường gươm oai dũng trấn  non sông
Để oai danh Việt lừng bốn cõi
có đâu  hèn  mạt cúi lưng chầu


Hỡi lũ Bắc triều ngươi còn nhớ
Đông A hào khí , chém    đầu bây
Chi Lăng vùi xác quân xâm lược
Vó ngựa  Quang Trung , hãi thiên triều

Ơi ! Hồn sông núi vể đây nhé  !
Truyền lại đường gươm , cứu nước nhà !]
  ]


-----------------
(1) excerpt from a poem ...
Tranhodung.Washington .USA. Tàn Đông 2012
Image