1/12/13

'VN sẽ thay đổi nhưng chưa phải lúc này'

'VN sẽ thay đổi nhưng chưa phải lúc này'

Cập nhật: 15:52 GMT - chủ nhật, 1 tháng 12, 2013
Quốc hội Việt Nam họp thông qua Hiến pháp sửa đổi
Với đa số gần 98%, Quốc hội VN đã thông qua Hiến pháp sửa đổi 2013
Việt Nam có thể sẽ thay đổi về luật pháp đối với hệ thống, cấu trúc chính trị nhưng chưa phải vào thời điểm hiện nay theo một chuyên gia cố vấn của Đảng Cộng sản.
Giáo sư Đỗ Quang Hưng là thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cơ quan tư vấn về đường lối, sách lược chính trị cho Ban chấp hành Trung ương và Bộ chính trị Đảng Cộng sản.

Về tương lai soạn thảo luật về đảng phái, mà nếu có, sẽ quy định, điều chỉnh hành vi, hoạt động, trách nhiệm của các đảng chính trị như Đảng cộng sản Việt Nam, Giáo sư Đỗ Quang Hưng, người đang là Chủ nhiệm Bộ môn Chính trị Quốc tế, Khoa Khoa học Chính trị, thuộc Đại học Xã hội & Nhân vă, Đại học Quốc gia Hà Nội, hôm cuối tuần nói với BBC:
Theo ông, về lâu dài Việt Nam có thể cứu xét việc điều chỉnh, sửa đổi, soạn thảo một số luật pháp, thể chế như luật về đảng phái, cũng như hội đoàn và điều chỉnh quan hệ giữa hệ thống chính trị của nhà nước với các thực thể mà ông gọi là xã hội nhân dân, cộng đồng v.v... nhằm thừa nhận nhiều quyền và quyền lực của các thể chế này.
"Về lô-gic chính trị, có tính của thời đại nữa, tôi nghĩ rằng sẽ đến một lúc nào đó, tôi chưa biết là lúc nào, thì chắc chắn phải nghĩ đến điều đó, cũng như luật về hội..."
"Chưa cho báo tư nhân chẳng hạn, tôi nghĩ cũng có cái hợp lý của nó. Đến một lúc nào đó người ta không phản ứng cái lô-gíc đó thì đến lúc nào đó nó sẽ có."
GS Đỗ Quang Hưng, Hội đồng Lý luận Trung ương
"...Như chưa cho báo tư nhân chẳng hạn, tôi nghĩ cũng có cái hợp lý của nó. Đến một lúc nào đó người ta không phản ứng cái lô-gíc đó thì đến lúc nào đó nó sẽ có, nhưng câu chuyện có thể là của sắp tới chẳng hạn, tương tự như vậy với các vấn đề khác."
Về quy định quân đội và các lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng cộng sản cầm quyền trong Hiến pháp, Giáo sư Hưng nói:
"Ở Việt Nam không dùng chữ thể chế chính trị, mà quen gọi là hệ thống chính trị. Với cấu trúc quyền lực như thế này, người Việt Nam vẫn chấp nhận cấu trúc quyền lực như thế này, thì việc liên quan đến quân đội như thế cũng dễ hiểu."
Nhà lý luận nhấn mạnh việc quy định này là tuân theo đặc thù chế độ chính trị ở Việt Nam, tuy nhiên ông cũng đề cập tới mô hình khác biệt sẽ có thể tồn tại ở một không gian khác như một điều đương nhiên.
"Còn khi đặt vấn đề về quân đội trong vai trò tương quan đối với Đảng, thì có thể ở một thể chế chính trị khác, nó đương nhiên nó lại không phải như vậy," ông Hưng nói tiếp,
Giáo sư Đỗ Quang Hưng
Giáo sư Hưng cho rằng VN có thể sẽ thay đổi về thể chế, chính trị, nhưng chưa phải hiện nay
"Nhưng mà trong cấu trúc quyền lực cũng như đặc tính của thể chế chính trị của Việt Nam, người ta đã chấp nhận cái đó, thì cái hệ luận của nó là vẫn là như thế thôi, vẫn phải chịu như thế, vẫn phải chịu một sự lãnh đạo."

'Sự hài hòa quyền lực?'

Nhà tư vấn tư tưởng cho Đảng cho rằng điều này thể hiện "một sự hài hòa" như một hệ quả của điều mà ông gọi là "quyền lực chính trị" và "hệ thống chính trị" hiện nay ở Việt Nam.
Quan chức nghiên cứu nhận xét Hiến pháp mới thông qua chứa đựng những bước tiến mà ông gọi là 'tiến bộ' trong nhiều vấn đề, từ thể hiện đáp ứng nhu cầu, trình độ phát triển của xã hội cho tới vận dụng sáng tạo trong tình hình cụ thể đặc thù của chế độ chính trị.
Tuy nhiên, trao đổi với BBC từ Hà Nội, một nhà nghiên cứu xã hội học từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Nhân văn VN cho rằng bản Hiến pháp sửa đổi vừa mới được Quốc hội thông qua thể hiện một sự hạn chế cố hữu trong nhận thức và tư duy của những người soạn thảo Hiến pháp và lãnh đạo nhà nước khi tiếp tục 'tự hạn chế mình' với hệ tư tưởng Mác - Lênin.
Tiến sỹ Đỗ Thiên Kính, Trưởng phòng Xã hội học Nông thôn, Viện Xã hội học bình luận với BBC hôm thứ Năm về kết quả và cách thức của Hiến pháp mới được thông qua và cho rằng 'số đông chưa hẳn đã là chân lý.'
"Chủ nghĩa Mác - Lênin nói số đông cũng không phải là chân lý, thì tôi nghĩ rằng cái số đông bỏ phiếu tán thành hiện nay cũng không phải là chân lý. Khi mà đã hiểu như thế rằng số đông không phải là chân lý, thì đó cũng là điều bình thường."
Trả lời câu hỏi làm thế nào giới lãnh đạo Đảng và Nhà nước có thể thay đổi một chủ thuyết mà lâu nay họ vẫn sử dụng để biện minh cho đường lối, chính sách, quyền lực và vị thế của mình, Tiến sỹ Kính nói:
"Do vậy mà chính bản thân các Đại biểu Quốc hội, chính bản thân những người cầm quyền phải thay đổi về nhận thức khoa học, anh phải có đầu óc suy nghĩ khoa học, một cách khách quan để anh đánh giá nó là anh cho nó là nền tảng tư tưởng là đúng hay không đúng...,
"Ngoài chủ nghĩa Mác - Lênin còn có cá loại chủ nghĩa khác cũng rất khoa học, anh không vượt, bỏ được cái nhận thức của anh, tự anh cầm tù trong lý luận, do vậy làm thế nào vượt, bỏ được nó là hơi khó"
Tiến sỹ Đỗ Thiên Kính, Viện Xã hội học
"Ngoài chủ nghĩa Mác - Lênin còn có các loại chủ nghĩa khác cũng rất khoa học, anh không vượt, bỏ được cái nhận thức của anh, tự anh cầm tù trong lý luận, do vậy làm thế nào vượt, bỏ được nó là hơi khó, cả một cuộc đấu tranh hay tranh luận khoa học, môi trường khoa học (phải) rất là rộng mở, rất là tự do, dân chủ, thì nó cũng phải dần dần như thế, mới thay đổi được."

'Mâu thuẫn ý thức hệ'

Hôm thứ Năm, một kinh tế gia, nguyên thành viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) nói với BBC rằng bản Hiến pháp mới sửa đổi hàm chứa những mâu thuẫn đáng quan ngại mà theo ông có xuất phát điểm, nguyên nhân từ việc Hiến pháp quá bị chi phối bởi 'ý thức hệ' của đảng cầm quyền.
Tiến sỹ Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các nhà Quản trị các Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ của Việt Nam lấy ví dụ từ việc Hiến pháp tiếp tục quy định kinh tế nhà nước 'đóng vai trò chủ đạo' trong nền kinh tế quốc dân để minh chứng điều này như một 'mâu thuẫn nổi bật' về tư duy của những nhà chủ trương Hiến pháp.
Ông nói: 'Các thành phần là bình đẳng, nhưng mà bình đẳng lại có một anh chủ đạo... Vì vậy cái khái niệm bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật mà lại đặt bên cạnh chữ 'chủ đạo' thì không thể nào mà không mâu thuẫn được."
Ông Tiến giải thích nguồn gốc của mâu thuẫn trong tư duy này: "Tôi nghĩ có nhiều lý do, có thể có một lý do mà từ trước đến nay vẫn được giải thích là ý thức hệ, cái nền 'kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa' là phải được gắn liền với khái niệm 'kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.'"
Lãnh đạo Việt Nam thông qua Hiến pháp
Các lãnh đạo Việt Nam và đa số Đại biểu Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi hôm 28/11
Nhà kinh tế cho rằng yếu tố ý thức hệ này đã chi phối ngay cả những chương đầu, từ diễn ngôn mở đầu của Hiến pháp, trong đó ghi rõ Hiến pháp để "thể chế hóa cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội," được hiểu là "cương lĩnh của Đảng cộng sản."
Và điều này chi phối toàn bộ tinh thần, nội dung Hiến pháp, không chỉ hạn chế ở tái khẳng định vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước, hay việc không thừa nhận hình thức sở hữu tư nhân về đất đai.
Hôm thứ Sáu, Đại biểu Dương Trung Quốc nói với BBC ông thấy không khí bàn thảo về sửa đổi Hiến pháp diễn ra dân chủ, Hiến pháp mới cũng có "những điều sửa đổi" và "quyền con người được nhấn mạnh hơn" và có nhiều điểm khác được điều chỉnh.
Tuy thế, vị đại biểu đã xác nhận không bấm nút biểu quyết thông qua bản Hiến pháp sửa đổi mới, cho biết: "Cuộc thảo luậ̣n đã vượt qua phạm vi cương lĩnh của Đảng nên họ đã kéo lại."

'Bảo thủ đến cực đoan'

Hôm 29/11, nhà báo tự do, Tiến sỹ kinh tế BấmPhạm Chí Dũng bình luận với BBC về bản Hiến pháp mới.
Ông nói từ Sài Gòn: "Nhiều người hiểu biết và băn khoăn với đất nước thì họ thực sự thất vọng vì đã không có một nội dung nào được thay đổi so với Hiến pháp 1992, và đặc biệt cũng không có một nội dung nào có thể thỏa mãn được nguyện vọng của đại đa số nhân dân và trí thức đã được Kiến nghị 72 hay một số kiến nghị khác mô tả."
Theo ông Dũng bản Hiến pháp lẽ ra ít nhất phải xem xét lại 'sự chủ đạo của kinh tế nhà nước' mà theo ông trái lại, phải 'thừa nhận vai trò chủ đạo của kinh tế tư nhân chứ không phải kinh tế nhà nước' và do đó 'phải giảm độc quyền của kinh tế nhà nước và 'giảm sự lỗ lã, hoạt động kém hiệu quả lan truyền của các doanh nghiệp nhà nước.'
Vẫn theo ông Dũng, Hiến pháp mới đã không hề đề cập và cũng không có thay đổi gì đối với quy định 'thu hồi đất nói chung và thu hồi đất nói riêng đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội' mà theo ông lâu nay là nguyên nhân của một vấn đề 'rất nóng' và gây ra 'nhiều cuộc biểu tình' của người dân.
"Hiến pháp lần này đã giữ nguyên và như vậy là quá bảo thủ, bảo thủ đến mức cực đoan. Theo quy luật biện chứng lịch sử thì bất kỳ một sự bảo thủ chuyền dẫn đến cực đoan nào cũng sẽ dẫn đến sự sụp đổ và sụp đổ nhanh chóng hơn"
Nhà báo tự do, TS Phạm Chí Dũng
"Hiến pháp lần này đã giữ nguyên và như vậy là quá bảo thủ, bảo thủ đến mức cực đoan. Theo quy luật biện chứng lịch sử thì bất kỳ một sự bảo thủ chuyền dẫn đến cực đoan nào cũng sẽ dẫn đến sự sụp đổ và sụp đổ nhanh chóng hơn," ông Dũng dẫn ý kiến của một số người về Hiến pháp mới và bình luận.
Tuy nhiên, trong diễn văn bế mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Sinh Hùng đã đánh giá tích cực về kết quả thông qua bản Hiến pháp mới sửa đổi, coi đây là một thành tựu phản ánh được nguyện vọng của người dân, ý chí của Đảng.
Ông nói: "Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) lần này đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân; khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng ta, đồng thời thể hiện niềm tin, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân với Đảng."
Về phần mình, Giáo sư Đỗ Quang Hưng, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho hay ông tán thành với Bản Hiến pháp và cho rằng tỷ lệ biểu quyết thông qua cao tới xấp xỉ 98% là 'khách quan'.
"Xưa nay những ý nguyện, những vấn đề lớn ở trong toàn dân như thế này, trong tình hình như thế này, thì sự đồng thuận với tỷ lệ cao như thế, cũng là phản ánh khách quan về cách suy nghĩ ở trong Quốc hội và của các Đại biểu Quốc hội," ông nói với BBC.

Source : BBC

Cần xử lý nghiêm khắc


02-12-2013

Cần xử lý nghiêm khắc

Han Times
Các phần tử thù địch chống đối Đảng, Nhà nước - Chính quyền nhân dân, Chế độ Xã hội chủ nghĩa càng ngày càng nhiều, nhiều đến nỗi nhà Tù (tất nhiên là phải có những điều luật tống bỏn vào Tù) không thể chứa hết được bọn, Chính phủ buộc phải đánh thuế phản động (tức là cái Nghị định 174 sắp ban hành).
Theo Nghị định, tất cả bọn phản động, thế lực thù địch trong và ngoài nước âm mưu chống phá chính quyền nhân dân, bẻ cong lịch sử vân vân đều phải đối diện với việc bị phạt tới 100 triệu đồng. 100 triệu đồng này sẽ được nộp vào kho bạc để làm tăng ngân sách quốc gia hay chí ý là trả nợ cho các Tập đoàn Tổng công ty nhà nước để họ tiếp tục "giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN".
Điều nguy hiểm là không rõ vì lý do tại mà một số kẻ đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình để tiếp tay cho các phần tử thù địch, chống phá lại Đảng, Nhà nước và chế độ ưu việt. Bọn này hình như lại càng không sợ mức thuế 100 triệu nói trên???
6h.00 ngày Chủ nhật 1/12, trên báo An Ninh Thủ đô đăng tải bài viết: Vi phạm các quy định pháp luật về lập hội sẽ bị xử lý nghiêm trước pháp luật. Khi đọc qua thì bài viết này chứa đầy nhiệt tâm hừng hực của tác giả Ngô Trần trong việc chống lại các phần tử thù địch, chống diễn biến hòa bình. Nhưng khi đọc kỹ thì đây là một bài báo cực kỳ nguy hiểm.

Hình chụp bài báo của Ngô Trần đăng trên An Ninh Thủ đô
Xin trích (một đoạn khi lên án về Diễn đàn Xã Hội Dân Sự (DĐXHDS), Ngô Trần tác giả bài báo cho rằng: "Các ông đòi quyền không tuân thủ pháp luật Việt Nam để tuân theo những những cái gọi là luật quốc tế. Nhưng các ông không hiểu rằng những văn bản luật quốc tế, đặc biệt là luật về quyền con người chỉ là các văn bản định khung, còn chi tiết để thi hành luật sẽ được định ra tùy theo điều kiện, tùy theo văn hóa của mỗi dân tộc".

Hình chụp đoạn Ngô Trần cho rằng các văn bản Luật quốc tế đặc biệt là luật về quyền con người chỉ là các văn bản định khung, Việt Nam không cần thiết tuân thủ nghiêm túc
Như chúng ta đã biết Việt Nam vừa đảm đương chiếc nghế trong Hội đồng Nhân Quyền LHQ, cũng đã ký kết 14 cam kết với cộng đồng quốc tế về việc bảo đảm các quyền tự do dân chủ, quyền con người trong nước. Văn bản này đã được Liên Hợp Quốc công nhận, được cả thế giới biết đến, nó giá trị như một lời hứa, một lời cam đoan của Đảng và Nhà nước ta trước cộng đồng quốc tế về việc bảo đảm các quyền con người, đồng thời thúc đẩy việc bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới.
Vậy mà tác giả Ngô Trần lại cho rằng "những văn bản luật quốc tế, đặc biệt là luật về quyền con người chỉ là các văn bản định khung, còn chi tiết để thi hành luật sẽ được định ra tùy theo điều kiện, tùy theo văn hóa của mỗi dân tộc". Ngô Trần như vậy có khác gì bảo: Chúng tôi (Việt Nam) ký thì cứ ký, còn thực hiện hay không thì là quyền chúng tôi, cam kết với quốc tế chả có giá trị gì cả bởi vì …điều kiện văn hóa dân tộc tôi nó thế.
Các phần tử chống đối sẽ nhân cơ hội này bảo Đảng và Nhà nước ta lật lọng với Liên Hợp Quốc, phản bội lại chiếc ghế Hội Đồng Nhân Quyền LHQ mà ngành ngoại giao cũng như cả hệ thống chính trị phải rất nỗ lực mới có được. Khiến Liên Hợp Quốc và các quốc gia trên thế giới mất đi niềm tin vào những cam kết của Đảng và Nhà nước ta?
Có hay chăng chính Ngô Trần đang tiếp tay, tạo cái cớ, hay "nêu bóng" cho các phần tử phản động có cớ để bôi nhọ Chế độ?
Việc thứ 2 là Ngô Trần hoàn toàn không phải là chánh án tòa án Nhân dân, không có trách nhiệm, không có năng lực, không có thẩm quyền ra án, hay kết án với bất cứ một ai. Ngô Trần cũng không phải là Luật sư hay nhà tư vấn Luật, cũng không thèm thao khảo ý kiến Luật gia nhưng lại phán quyết như đinh đóng cột rằng DĐXHDS: "đã vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật và phải bị nghiêm trị. Mức độ xử lý đã được quy định ở điều 45 NĐ 45/2010/NĐ-CP".
Điều này gây nên một hiểu lầm tai hại rằng cứ là báo An Ninh thì có thể làm thay việc của quan tòa. Thế thì có khác gì bảo hệ thống Tư pháp của nước ta nên dẹp đi để cho mấy ông phóng viên báo An Ninh điều tra rồi kết án cũng xong?
Thực sự là rất nguy hiểm.
Hay là Ngô Trần nghĩ rằng mình viết với ngôn từ mạnh mẽ như thế nhóm DĐXHDS sẽ tức cười quá đứt ruột ra mà chết? Nhưng chính độc giả khi đọc cũng thấy tức cười quá phải nhập viện thì sao đây?
Tôi đề nghị báo An Ninh Thủ Đô xem xét lại bài viết cũng như cá nhân tác giả Ngô Trần. Không nên tạo cớ để các thế lực thù địch lợi dụng, thóa mạ, bôi xấu thành quả ngoại giao và nhân quyền của nước ta. Không nên để thế lực thù địch lợi dụng vu vạ cho Đảng và Nhà nước ta là cam kết với LHQ cũng như lời hứa gió bay. Đặc biệt không nên khiến cho nhân dân, độc giả của báo đọc xong buồn cười quá mà phải nhập viện.


MỘT THẮT, MỘT MỞ - CON ĐƯỜNG VẪN THÊNH THANG !


CHỦ NHẬT, NGÀY 01 THÁNG MƯỜI HAI NĂM 2013


MỘT THẮT, MỘT MỞ - CON ĐƯỜNG VẪN THÊNH THANG !



Hạ đình Nguyên.
Một thắt, hay là sự đắp chiếu.

Ngày 28-11-2013, là ngày mà Đảng CSVN ghi thêm một dấu chấm khá đậm nét vào lịch sử của mình, vì đã lãnh đạo Quốc Hội VN biểu quyết thông qua thành công một “Hiến Pháp” mới sửa. Cái mới lớn nhất của Hiến Pháp ấy, là sự công khai xác định của TBT Nguyễn Phú Trọng, Hiến pháp là văn bản hạng hai sau Cương lĩnh của đảng CS, đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò “thế thiên hành đạo” của ĐCSVN đối với nhân dân VN vô thời hạn qua Điều 4. Từ hai tiền đề nầy xác định rằng Hiến pháp là của đảng, không phải là của dân, vì không do dân, nên cũng không vì dân.


Có thể nói đó là “Hiến pháp của ý thức hệ” của ĐCSVN, nó không phải là Hiến pháp của một quốc gia theo ý nghĩa phổ quát nhất. ĐCSVN đã cùng toàn dân đánh đổ hệ thống chính trị dựa trên giá trị thần quyền của thời phong kiến, thì nay lại xây dựng cho mình một mô hình “thần quyền” trá hình trong vỏ bọc của chủ nghĩa vô thần, và đảng là trên hết, thay cho khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết” của một thời đã ghi dấu trên nửa đất nước Việt Nam.

Dư luận dân chúng không ngạc nhiên vì sự thông qua văn kiện gọi là Hiến pháp nầy, bởi lời dẫn trước của TBT : “Tôi tán thành”, và ra thông báo chấm dứt sự thảo luận. Thật dễ hiểu, có ngay sự tán thành !.
Nhưng người ta ngạc nhiên về sự tán thành với tỉ lệ cao gần như tuyệt đối, mà cái tuyệt đối thì ít có thật trên thế gian : 97,59%. Người ta nghĩ nhầm rằng nó sẽ được thông qua với đa số tương đối, vì ít nhất cũng có những ý nghĩ và tiếng nói khác, với một sự dũng cảm nào đó của những người mang sứ mạng là đại diện cho dân, và một phần trí tuệ của thời đại. Thế mà không ! Hiếm có một vùng đất nào lại chỉ có bò và cừu mà không có con người sống chung ! Vậy cái gì đã xảy ra để có sự nhất trí cao đến thế ?

Trước đó, trong dư luận xã hôi, cũng như trên nhiều diễn đàn, và cả diễn đàn Quốc hội, đã có nhiều bàn cãi gay gắt về Điều 4, về quyền sở hửu đất đai, về sự trung thành với ai của quân đội Nhân Dân VN, về sự xuống cấp toàn diện của xã hội, về vai trò chủ đạo be bét của nền kinh tế, và đặc biệt,  sự tham những và xung đột phe phái lợi ích của tầng lớp lãnh đạo, lại trước sự đe dọa chủ quyền đất nước và một phần lãnh thổ đang bị nước ngoài chiếm đóng.

Bức tranh ấy đã minh họa sắc nét sự lãnh đạo toàn diện của ĐCSVN, mà đảng ấy đã tự khẳng định một cách hợp lý, là đang suy thoái toàn diện : “Tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống”.

Trong bối cảnh nhàu nát bấy nhầy như trên, không thể có một “đột phá” nào, thậm chí không có chỗ để bắt đầu. Thay vì dựa vào lòng yêu nước và sức mạnh trí tuệ của nhân dân, họ chọn giải pháp tăng thêm quyền lực cho mình, gồng lên mạnh nhất vào cái lúc thoái hóa nhất, để bảo vệ hệ thống quyền lợi của mình !

Biểu lộ sự thoái hóa ấy thông qua thách đố của bạo lực đang gia tăng. Đó là sự công khai xác định vai trò Hiến pháp chỉ là “văn bản triển khai” cương lĩnh của ĐCS, nó làm tăng lên độ phân giải càng rõ hơn dưới ánh sáng trắng về bản chất của đảng, trong đó bao gồm cả sự tán thành 97,59% của những khuôn mặt trên các chiếc ghế trong Quốc hội. 

Đó là một nổ lực “thắt lại” để tránh sự bung chảy vở òa vô định. Vì thế, sự “ổn định” trở nên cần thiết và cấp bách hơn bất cứ điều gì khác. Nó đồng nhất với sự “đắp chiếu” để nằm đó. Đó là một cách hiểu theo cách không bình thường đề lý giải về sự “thống nhất cao” bất thường của bộ phận đảng trong vai Quốc hội. Đúng thế, cần nhanh chóng đắp lại hơn là dở ra…

Động cơ của nổ lực “đắp lại” nầy không phải vì sứ mạng của quốc gia, mà chỉ vì sinh mệnh của mình, đã trót đầu tư theo con tàu định hướng ? Rõ ràng, ĐCSVN dưới sự lãnh đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng đang cố leo lên thêm một nấc nữa, để đến một đỉnh cao ảo, cực kỳ nguy hiểm. Chính ông TBT, người đã “có công” trong thế bị động để mở nút cho một trào lưu phê phán sự bất cập toàn diện trong ĐCS suốt hai năm nay để cứu đảng, và chính ông đã hốt hoảng đóng nút lại, bằng cái văn bản hạng hai, gọi là Hiến Pháp, vừa được bấm “nút tán thành”.

TBT rất hân hoan tuyên bố “hí hửng” (1) xem đây là một thắng lợi. Tiếc thay, chỉ là thắng lợi của riêng ông và nhóm ông. Bởi lẽ, nhiều người cho đó là sự thất bại, vì nó chì là bàn tay “bụm lại” để tạm chận cơn ho mãn tính. Việc thông qua phiên bản Hiến Pháp 2013 chỉ có ý nghĩa là một bài toán cộng trong phạm vi nội bộ, nhưng lại là bài toán trừ trong thế co cụm đối với cộng đồng rộng lớn. Vì hai năm qua, tâm thế dân tộc đã đổi khác. Tư tưởng của một bộ phận (đảng) có thể suy thoái, nhưng tư tưởng của cái “toàn thể” (nhân dân) thì không thể suy thoái. Những gì ông và đồng sự đồng mưu của ông đã gieo thì sẽ tự gặt. Sư ra đời của phiên bản HP 2013 vừa là một tai họa, vừa là một sức ép đầy thách thức, thúc đẩy lòng dân hướng tới nhân quyền và dân chủ càng hối hả hơn.

Một mở, con đường thênh thang.

Lịch sử VN cứ diễn ra như một cuộc chơi éo le của tạo hóa, mâu thuẩn chập chờn, thắt mở kề nhau. Không sung sướng gì về sự cọ xác của những vật thể cứng, phát lên những tiếng rít đanh mà những mảnh vở của nó cũng rơi hết vào lòng dân tộc.

Bên cạnh cái nút thắt tôn vinh đỉnh cao độc quyền thiêng liêng của đảng, thì đại lộ nhân quyền thênh thang khai phóng : VN đã đứng vai vào HĐNQ LHQ, cái điều như nằm mơ, với hồ sơ ứng cử có tính tự giác tự nguyện rất cao: 16 cam kết thực thi nhân quyền. Không ai nghĩ rằng đây chỉ là chuyện nói giởn chơi. Hai đã trở thành một, là một thách thức tự thân, không thề là sự xạo xự như một trò chơi chữ, hay huyền hoặc như cuộc đấu đô vật về khái niệm. Một thắt, Hiến Pháp độc quyền cao vòi vọi ; một mở, con đường nhân quyền thênh thang hứa hẹn. Sự đối ngẩu xoắn lấy nhau đặc biệt như điển hình chưa từng có của thời đại.

Sẽ là điều kỳ diệu nếu không phải cái này nuốt cái nọ, mà cùng nhau “win win” khó tưởng tượng, giả định như cả hai đều sẽ tồn tại thật.

Nếu không phải là kỳ diệu, thì điều gì sẽ xảy ra trong tình thế “hòa mà không tan” ? Lò lửa độc quyền sẽ đun sôi nướng chín chảo nhân quyền, hay lò lửa nhân quyền làm bốc hơi chảo độc quyền ?

Nếu không hiểu theo cách “đắp chiếu”, thì “Hiến pháp” mới tân trang, là một lớp thép bọc thêm đề củng cố vai trò của Đảng; còn nhân quyền thì như sóng gió đại dương trong lòng dân không phút ngưng gào thét.                                                                                          Với phương châm của đảng, theo một cách hiểu,  thì bí mật nằm ở hai nơi, một là ở “ý Đảng”, hai là ở “lòng Dân”.

“Ý đảng” tuy là khó hiểu, nhưng có cái gì cao hơn để che chắn cho cái rất thấp, là cái ý thức hệ vốn làm thân phận “tấm chăn” bao phủ quyền lợi và vai trò của đảng mình ? (Cover every thing, but hide not thing = áo dài VN)

“Lòng dân” thì không cần gì bí mật: nhân quyền, dân chủ và đất nước phồn vinh ( = Độc lập-Tự do-Hạnh phúc = HP 1946). Họ mãi mãi là chủ thể của đất nước, chứ không phải bất cứ đảng phái nào, hay một ý thức hệ rắc rối nào, dù đôi khi bị rơi vào tình trạng vô thức vì các thứ ấy, bởi một cơn ngủ mê, để khi thức dậy đáng tiếc với nổi trải nghiệm đau thương của cơn ác mộng.

Họ chỉ muốn một điều đơn giản, nhưng nghiêm trọng như một lời nguyền của định mệnh :

“Hiến pháp” mới tân trang, sẽ được thay bằng một Hiến pháp mới, bởi chính nhân dân Việt Nam, vào một lúc nào đó, không phải hôm nay thì sáng mai vậy !./.

HĐN

29-11-2013

(1) TBT đã dùng từ nầy ở bài diễn văn tại Cuba chỉ những người đấu tranh dân chủ ở trong nước mình.

Source : Blog HNC 

30/11/13

VÔ MINH NHẬT

Tại sao có tên gọi  ngày " Thứ Sáu Đen " (Black Friday) ở Mỹ  ?


Tạm hiểu , theo  wikipedia , thì :
[ Thứ Sáu Đen (tiếng Anh: Black Friday) là "ngày vàng mua sắm" của người dân Mỹ với hàng chục ngàn mặt hàng giảm giá cực lớn.

Thứ Sáu Đen là ngày thứ sáu ngay sau Lễ Tạ Ơn (ngày Lễ Tạ Ơn rơi vào ngày Thứ Năm lần thứ 4 trong tháng 11 ở Hoa Kỳ, cho nên Thứ Sáu đen rơi vào khoảng ngày 23-29 tháng 11) và được coi là ngày mở hàng cho mùa mua sắm tấp nập nhất ở Hoa Kỳ. Ngày đặc biệt này có xuất xứ từ tình trạng tắc nghẽn giao thông xảy ra vào ngày thứ sáu sau Lễ Tạ Ơn năm 1965 ở Philadelphia, khi hàng trăm nghìn người Mỹ chen chúc nhau ở các con phố, vỉa hè đi mua sắm để sửa soạn cho Lễ Noel sắp đến, và theo truyền thống được xem là ngày bắt đầu mùa mua sắm Giáng sinh, tương tự như Boxing Day ở nhiều quốc gia Khối thịnh vượng chung.]



Vào ngày Thứ Sáu Đen, phần lớn cơ sở bán lẻ lớn đều mở cửa từ sớm, 4 giờ sáng hay sớm hơn. Thứ Sáu Đen không phải là ngày lễ nhưng nhiều chủ không phải là các cơ sở bán lẻ cho nhân viên của mình nghỉ làm để mua sắm.

Ngay lập tức, giới kinh doanh Hoa Kỳ cho quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng và đồng loạt khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng.

Trong tiếng Anh có thuật ngữ "in the black" chỉ tình trạng doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận. Tương phản với "in the black" là "in the red" chỉ tình trạng kinh doanh thua lỗ, buôn bán thất bát. Ngày xưa, để tiện phân biệt và theo dõi sổ sách, kế toán thường ghi số lợi nhuận bằng mực đen, số lỗ bằng mực đỏ. Từ đó, người ta đặt tên ngày mua sắm lớn nhất trong năm là Black Friday, ngụ ý rằng đây là ngày ăn nên làm ra của các doanh nghiệp
... ]


          "VÔ MINH NHẬT"  

Vậy mà mấy nhà báo (đời ) lề phải thời ..."thổ tả " xứ miềng lại mạnh dạn giật tít  " ngày thứ Sáu đen tối " ????? rồi ....cà kê dê ngỗng đủ chuyện về cái "ngày  đen tối" này ( hic hic ! ).
 Chắc chắn cái màu "đen " này hổng có bà con bên nội ,ngoại gì ráo  với   gam màu "đen tối "  trong  "đen  như cái tiền đồ của Chị Dậu"  trong  Tắt  Đèn của  Ngô Tất Tố viết hồi trước  CM Tháng Tám 45, và lại càng không " đen ...tối " như cái tiền đồ thời  " hậu Hiến Pháp sửa  đổi " vừa được "Quấc Hội " đằng miềng thông qua với tỷ lệ khủng trên 97,...% . Mà "cái ngày QH  ú ớ ...bấm nút  ấy " ...là ngày thứ mấy nhỉ ?  Hình như ngày ấy mới thực sự đáng gọi tên là "Ngày đen tối "
( hổng phải Black Day mà là "Day of Darkness ") !!!!!!

P.S. : Hay nói  theo ngôn ngữ nhà Phật , thì   đó là "ngày  vô minh " hay là " Vô minh nhật "  . He he, từ ngữ nhà Phật không gọi là " sự ngu dốt " , "sự tối tăm " ( ignorance ) mà gọi tên "nó "  rất nhẹ nhàng là...  VÔ MINH  ! 

( Thời đại "vô minh" , CP  "vô minh" , QH cũng ..."vô minh " nốt ! "Vô minh" tất tần tật !  

Cái xứ sở tòan gặp những chuyện " vô minh " gọi là " vô minh xứ " . 

Cái Nhà nước  mà tòan bộ sậu đều " vô minh " thì có tên gọi là ...." vô minh quốc "  !   ) 

Nên chăng ?

         

Kết quả biểu quyết được truyền hình trực tiếp

                                   " VÔ MINH NHẬT"


THD .

29/11/13

TQ 'tạo kẻ thù' để ổn định nội bộ ?


TQ 'tạo kẻ thù' để ổn định nội bộ?

Cập nhật: 02:27 GMT - thứ bảy, 30 tháng 11, 2013
Chính phủ Trung Quốc nói máy bay đi qua Vùng nhận dạng phòng không đều bị giám sát chặt
Việc Trung Quốc thành lập 'vùng nhận dạng phòng không' ở Biển Hoa Đông làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á và sau đó là thái độ chừng mực trước phản ứng của nước đối với hành động phản ứng của các nước láng giềng và Hoa Kỳ đã bị dân mạng Trung Quốc "ném đá" chế giễu.

Vào ngày 28/11, Nhật Bản và Hàn Quốc đều cho máy bay chiến đấu bay vào vùng này.
Tuy nhiên đây có thể là một chiêu bài nữa của chính phủ nhằm tạo kẻ thù, không phải là để gây chiến mà nhằm ổn định xã hội trong nước.
Trước đó hôm 26/11, Hoa Kỳ cũng đã điều hai pháo đài bay B-52 bay qua, như một dấu hiệu chứng tỏ sự ủng hộ đồng minh Nhật Bản.
Tất cả các máy bay chiến đấu trên đều không báo cho Bắc Kinh trước khi bay vào 'vùng nhận dạng phòng không '.

Chỉ trích từ trong nước

Cuối tuần trước, Trung Quốc đã thông báo là các máy bay nước ngoài bay vào vùng nhận dạng phòng không do Bắc Kinh tự ý quy định, kể cả các máy bay dân dụng, phải báo trước cho chính quyền Trung Quốc.
"Nếu thiếu sự thù hận đối với thế lực bên ngoài, người dân trong nước không bị bao phủ bởi bầu không khí sợ hãi, không sinh sống trong bầu không khí sợ hãi này, tự nhiên là không cần tới sự bảo vệ của chế độ độc tài. "
Nếu không chúng sẽ gặp phải các biện pháp ngăn chặn từ máy bay quân sự của Trung Quốc.
Vùng phòng không này bao phủ cả khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo quản lý nhưng Bắc Kinh yêu sách chủ quyền.
Tuy nhiên máy bay của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều không gặp phải hành động ngăn chặn hay hỏi han từ phía Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã cố lấy lại thể diện trong một thông cáo phát trên mạng vào ngày 27/11, khẳng định đã nhận biết và "liên tục giám sát" chuyến bay của hai pháo đài bay Mỹ.
Thông cáo này còn bổ sung thêm rằng "không quân Trung Quốc đang được đặt trong tình trạng báo động, và sẽ sử dụng các biện pháp để đối phó với các mối đe dọa trên không khác nhau, nhằm đảm bảo chắc chắn sự an toàn của không phận đất nước ".
Trước sự phản ứng và giải thích của chính phủ Trung Quốc về sự việc trên đã nhận được hàng núi "đá" từ dân mạng Trung Quốc ( có lẽ đủ để xây vài cái sân bay).
Theo tìm hiểu, đa số những lời chỉ trích của dân mạng đến từ phía những người phản đối chiến tranh chứ không phải là đội ngũ "Ngũ Mao Đảng" như những lần trước.

'Hổ giấy'

Ngày 27/11, khi trả lời câu hỏi của các phóng viên rằng sau khi phía Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản không công nhận khu vực nhận dạng phòng không thì những biện pháp mà Trung Quốc đưa ra liệu có trở thành " Con hổ giấy" hay không, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã trả lời:
"Cụm từ 'Hổ giấy' này có hàm ý đặc biệt. Anh có thể tìm hiểu lại, năm đó chủ tịch Mao Trạch Đông nói 'hổ giấy' là để ám chỉ cái gì. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chính phủ Trung Quốc có đầy đủ quyết tâm và năng lực để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia.
Chúng tôi cũng có năng lực để thực thi quản lý hữu hiệu khu vực nhận dạng phòng không ở Đông Hải."
Cũng vì tình hình căng thẳng ở biển Hoa Đông mà biên đội tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đang trong đợt diễn tập đi xuống vùng biển Đông đã chọn con đường đi qua eo biển Đài Loan để đi xuống phía Nam.
Để đi vào Biển Đông, biên đội do tàu sân bay Liêu Ninh dẫn đầu có hai đường là đi qua eo biển Bashi nằm giữa Philippines và Đài Loan hoặc đi qua eo biển Đài Loan nằm giữa Trung Quốc Đại Lục và Đài Loan. Trong trường hợp đi qua eo biển Bashi, biên đội tàu Liêu Ninh sẽ phải đi qua vùng biển gần Nhật Bản. Do vậy, biên đội tàu Liêu Ninh đã chọn con đường qua eo biển Đài Loan để tránh đối đầu Nhật Bản.
Ảnh trên trang Baidu minh họa cờ Trung Quốc cắm trên đảo Điếu Ngư (Senkaku)

'Tạo kẻ thù để tồn tại'

Trong những năm gần đây, những cụm từ được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc sử dụng trong các trường hợp liên quan tới ngoại giao như "nghiêm khắc cảnh cáo", " kiên quyết phản đối" đều bị dân mạng chỉ trích.
Họ mang ra so sánh những hành động đối nội nhằm duy trì ổn định xã hội và những hành động đối ngoại mang tính chất "chỉ nói mà không làm" và cho rằng chính phủ chỉ toàn "phun nước bọt lên trời và không có cái gì mang tính chất gọi là "bảo vệ chủ quyền", càng không có ý định chuẩn bị "khai chiến dạy cho bè lũ xâm lược một bài học" cả, hoàn toàn là vì nhu cầu "giữ ổn định xã hội".
Chính phủ Trung Quốc chỉ có cách là không ngừng tạo ra kẻ thù, không ngừng chiến đấu không nghỉ thì mới kéo dài được hơi thở của mình.
Với nhu cầu trọng yếu là đảm bảo ổn định xã hội, họ dùng con bài kích động chủ nghĩa dân tộc trong những mối quan hệ quốc tế nhằm mục đích lợi dụng cho việc duy trì chế độ Đảng trị".
Điều này có nghĩa là Trung Quốc hiện tại không có năng lực lẫn không có ý định đánh nhau với nước ngoài, nhưng có nhu cầu dùng kẻ thù ở bên ngoài để gia tăng sự thống trị đối với trong nước.
Chính quyền độc tài đảng trị thường sử dụng chiêu bài quen thuộc nhằm kéo dài sự thống trị của mình: Nuôi dưỡng sự thù địch đối với bên ngoài, tạo thành một kẻ thù lâu dài, sử dụng lịch sử để phát triển thù hận, lợi dụng chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa yêu nước mù quáng.
"Nếu thiếu sự thù hận đối với thế lực bên ngoài, người dân trong nước không bị bao phủ bởi bầu không khí sợ hãi, không sinh sống trong bầu không khí sợ hãi này, tự nhiên là không cần tới sự bảo vệ của chế độ độc tài."
Nếu thiếu sự thù hận đối với thế lực bên ngoài, người dân trong nước không bị bao phủ bởi bầu không khí sợ hãi, không sinh sống trong bầu không khí sợ hãi này, tự nhiên là không cần tới sự bảo vệ của chế độ độc tài.
Sự sợ hãi, sự dối trá và lòng thù hận là mục đích duy nhất của giáo dục.
Tác giả Naomi Wolf từng viết về chế độ phát xít: "Tạo nên kẻ thù, xây dựng hệ thống giám sát nằm ngoài luật pháp, lập nên những đoàn thể vũ trang riêng, độc quyền kiểm soát báo chí, làm giả tin tức truyền thông, đem những phần tử tiến bộ xử án với tội phản quốc, đem thành phần phê bình chế độ xử tội làm gián điệp" ....
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Biển Đông, Đài Loan, Pháp Luân Công, Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông, các nhà hoạt động dân chủ, giáo hội Công giáo, các tầng lớp dân oan , các tổ chức phi chính phủ NGO.... nhiều kẻ thù như vậy, việc thành lập ủy ban an ninh quốc gia vừa rồi có thể vừa vặn đem những kẻ thù này mang lên truyền thông, chứng tỏ chính quyền rất có khả năng trong việc giữ an toàn cho người dân.
Nền chính trị Trung Quốc quả đang muốn tạo ra nhiều kẻ thù.
Bài phản ánh quan điểm riêng và văn phong của tác giả, hiện sống tại Sài Gòn.

Source : BBC

Luật đất đai: 'Sự khôn lỏi của nhà nước'


Luật đất đai: 'Sự khôn lỏi của nhà nước'

Cập nhật: 10:23 GMT - thứ sáu, 29 tháng 11, 2013
Luật đất đai sửa đổi được Quốc hội thông qua với tỷ lệ phiếu tán thành áp đảo
Sáng 29/11, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật đất đai sửa đổi với tỷ lệ phiếu tán thành là 448 trong số 473 đại biểu tham gia, đạt gần 89,9%.

Luật mới cũng quy định định kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm và không quy định tầm nhìn 20 năm.
Điều 4 của luật mới quy định: "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của luật này," báo trong nước đưa tin.
Về vấn đề thu hồi đất, luật mới tiếp tục quy định nhà nước được phép thu hồi đất để "phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng" trong các trường hợp:
  • Thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư
  • Thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư
  • Thực hiện các dự án do hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận
BBC đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS và là một trong 72 nhân sỹ trí thức ký tên trong bản kiến nghị thay đổi hiến pháp được biết đến với tên gọi Kiến nghị 72, về sự kiện này.
BBC: Ông nhận xét gì về những khác biệt cơ bản giữa Luật đất đai sửa đổi mới được thông qua, so với luật cũ?
TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ rằng nó không có tiến bộ gì so với cái cũ cả.
Nó có thể có một số câu từ làm cho việc thu hồi đất chặt chẽ hơn trước một chút và giảm bớt được sự tùy tiện của chính quyền địa phương khi họ thu hồi đất và đền bù thu hồi đất.
Đấy là ở tầm câu chữ chung của Luật đất đai sửa đổi lần này.
Còn cái vấn đề mà người ta bàn luận rất nhiều trong thời gian vừa qua thì thực sự được ngã ngũ từ hôm qua, khi Quốc hội thông qua hiến pháp với nội dung đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
Hiến pháp thông qua ngày hôm qua còn hợp hiến hóa cho việc thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế xã hội.
Những dự án cho xã hội kinh tế như thế trong luật đất đai trước kia là quy định vi hiến so với hiến pháp năm 1992.
Dù biết đó là quy định vi hiến, hôm qua, 29/11, các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua một hiến pháp giúp hợp hiến hóa cho điều này.

'Nhà nước khôn lỏi'

"Khi họ bỏ phiếu thì họ không phải bỏ với tư cách cá nhân, mà là với tư cách là một phần của Đảng."
Tiến sỹ Nguyễn Quang A
BBC: Ông nghĩ thế nào về quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý trong bối cảnh ngày nay?
TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ đây là một sự sao chép hết sức mù quáng những sai trái của hiến Pháp Liên Xô những năm 80.
Khái niệm 'sở hữu toàn dân' là một khái niệm không đầy đủ.
Khái niệm 'toàn dân' là khái niệm dùng để đánh tráo một khái niệm chính xác hơn, lẽ ra phải gọi là 'sở hữu công', hoặc 'sở hữu nhà nước', có một chủ thể, một pháp nhân cụ thể, đó là chính phủ hay một UBND tỉnh nào đấy vì cơ quan đó có tư cách pháp nhân, là chủ sở hữu của một lô đất nào đó cụ thể. Có như thế mới gọi là chủ sở hữu.
Còn 'toàn dân' không thể là một khái niệm kinh tế cụ thể để thực thể đó có thể sở hữu gì cả.
Quan trọng nhất là chủ sở hữu phải tham gia vào quan hệ dân sự - mua bán chuyển nhượng quyền ở hữu của mình, và trong một số trường hợp là phải ra tòa nếu hai bên không thống nhất.
Một cá nhân, một doanh nghiệp, một tổ chức có tư cách pháp nhân, chính phủ, UBND tỉnh có thể bị kiện ra tòa. Thế nhưng toàn dân thì không ai vớ được cái ông toàn dân để đưa ra tòa.
Một đối tương mông lung như vậy, không phải là một đối tượng cụ thể nào cả mà bảo rằng nó là chủ sở hữu. Rồi nhà nước lại là đại diện để sử dụng quyền chủ sở hữu mà quản lý đất.
Thực sự là nhà nước rất khôn, trốn tránh trách nhiệm chủ sở hữu để không ai kiện được nhà nước về đất đai với tư cách là chủ sở hữu. Nhà nước lại đùn cho một ông vô hình dung gọi là 'ông toàn dân'.
Đó là một sự vô trách nhiệm của nhà nước, khôn lỏi của nhà nước, chỉ hưởng, chỉ có quyền mà không chịu trách nhiệm. Đó là một khái niệm mà không một từ xấu xa nào mô tả được.
Rất đáng tiếc đó là một khái niệm vay mượn của một chế độ mà sau khi vay mượn thì chỉ chưa đầy 10 năm sau, chế độ đó đã bị xóa sổ.
Thế mà sang thế kỷ 21, những người tự nhận là trí tuệ, đại diện của Việt Nam lại không chịu lắng nghe, để rồi nhắm mắt thông qua hiến pháp với luật quy định sở hữu toàn dân thì tôi không thể hiểu được.
Ông Nguyễn Quang A nói các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu với tư cách Đảng viên

'Bỏ phiếu với tư cách Đảng viên'

BBC: Nếu ông là đại biểu quốc hội có mặt trong phiên biểu quyết về Hiến pháp sửa đổi và Luật đất đai sửa đổi, ông sẽ lựa chọn như thế nào? Tán thành, không tán thành, hay không biểu quyết?
TS Nguyễn Quang A: Chắc chắn là không tán thành chứ làm gì có chuyện không biểu quyết.
Tất nhiên là những người không biểu quyết thì cũng tỏ thái độ của người ta. Nhưng tôi nghĩ thái độ đấy vẫn còn là thái độ lừng khừng.
Theo những gì tôi nghe được từ một số người khi họ nói ở bên ngoài thì tôi biết được số không tán thành không phải là ít.
Nhưng vì người ta phải chịu kỷ luật rất khắt khe của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ là Đảng viên và khi Lãnh đạo Đảng đã bảo rằng Đảng đã quyết định, phải chấp hành thì họ cứ như cái máy mà ấn nút thôi.
Khi họ bỏ phiếu thì họ không phải bỏ với tư cách cá nhân, mà là với tư cách là một phần của Đảng.

Source : BBC