29/12/13

Vinalines: Án tử hình rồi sao nữa?

Vinalines: Án tử hình rồi sao nữa?

Cập nhật: 11:41 GMT - chủ nhật, 29 tháng 12, 2013
Phiên tòa Vinalines
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có án tử hình tham nhũng kể từ năm 1950.
Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc bị tuyên án tử hình. Tiếng nức nở của vài gia đình lạc lõng trong tiếng hoan hô của muôn vạn người khác!
Dẫu sao cũng mạng người. Trước hết tôi xin chia sẻ nỗi đau thương với người thân hai tử tội.

Nghĩ đến người dân quanh năm suốt tháng làm lụng đầu tắt mặt tối, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, chắt bóp cả đời cũng không bằng được một mẩu móng tay mà Dương Chí Dũng và đồng bọn sung sướng hưởng thụ ai mà không sôi máu?
Mạng người hết sức quý giá. Nhưng kỷ cương của đất nước, sự nghiêm minh của pháp luật, lẽ công bằng của Trời Đất còn quý hơn nhiều.
Nghĩ đến vùng sâu trăm ngàn thiếu thốn, dân nghèo cơm chưa đủ ăn, người bệnh nặng không tiền mua thuốc, công nhân viên chức giật gấu vá vai, đồng bào thiên tai thiếu tiền cứu trợ còn họ tiêu hoang hàng trăm tỷ ai mà chẳng ứa gan?
Thế nên bản án phán ra biết bao người vui lòng hả dạ.

Tin được không?

Ông Nguyễn Bá Thanh
Ông Nguyễn Bá Thanh đã đích thân đến theo dõi phiên tòa xử Dương Chí Dũng
Có một thực tế là án tử hình ở Việt Nam năm nào cũng có nhưng tử hình vì tham nhũng thì phải đến sau 63 năm mới có!
Mà đâu phải Việt Nam là xứ sở thanh liêm gì cho cam mà 'nhung nhúc một bầy sâu', 'ăn không chừa cái gì của dân' như lời các vị lãnh đạo đã thừa nhận.
Dễ hiểu vì sao không ít người cho rằng sẽ có 'phúc thẩm, giảm án', sẽ được 'ngồi tù, ân xá', rồi sẽ sớm 'về nhà, hưởng thụ'.
Có người còn nói ngày nào còn Dương Chí Dũng thì họ còn chưa tin có chuyện tử hình.
Cá nhân tôi tin rằng Đảng đang thật sự có quyết tâm chống tham nhũng, ít nhất cũng vì sự tồn vong của Đảng vào lúc này.
Tham nhũng tràn lan - lòng dân phẫn nộ thế nào chắc chính quyền hiểu rõ, cho nên hai mạng người vào lúc này quả rất đúng lúc để xoa dịu lòng dân đang sục sôi.
Có người cho rằng chính quyền đang dùng kế 'Tào Tháo mượn đầu Vương Hậu'. Tôi thì không nghĩ như vậy.
Đây là chuyển biến lớn từ sau khi công cuộc chống tham nhũng của Đảng đi vào quy củ: Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tái cơ cấu, Ban Nội chính tái lập, Nguyễn Bá Thanh ra Ba Đình.
Tám 'đại án' đã được khoanh vùng. Vinalines mới chỉ là mở màn. Sẽ còn nhiều màn nữa. Sẽ có nhân vật từng là ủy viên Trung ương Đảng như ông Trần Xuân Giá ra công đường. Hứa hẹn sẽ có nhiều gay cấn để mọi người theo dõi.
Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Bá Thanh đi Trung Quốc tiếp xúc với Ban kỷ luật và Ban Chính pháp của nước này trong lúc họ đang có chiến dịch đánh cả 'ruồi và hổ' - nghe phong thanh đụng đến cả cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.

'Phiên tòa của Đảng'

Ụ nổi 83M
Đến nay cái ụ nổi này được cho là đã làm tiêu tan của Nhà nước trên 500 tỷ đồng
Rõ ràng Đảng đang hành động. Tôi cho rằng đây là nỗ lực đáng hoan nghênh và khích lệ.
Xét hệ thống ở Việt Nam 'tam quyền như một', quyền nào cũng là quyền của Đảng, thì chắc chắn trong vụ án to như Vinalines không tránh khỏi bàn tay chỉ đạo của Đảng.
Ông Nguyễn Bá Thanh đã đến dự Tòa. Chứng tỏ Đảng giám sát rất sát sao. Đảng đã quan tâm sát sao mà không chìa tay vào mới lạ.
Cho nên bản án không hoàn toàn khách quan mà ít nhiều thể hiện ý chí của Đảng. Tòa chỉ xử những gì Đảng muốn xử và dân chỉ biết những gì Đảng muốn cho dân biết.
Có những điều tôi muốn biết rõ hơn nhưng theo dõi phiên tòa tôi cảm thấy tù mù hơn.
Đầu dây mối nhợ của tất cả mọi việc 'tham ô' và 'làm trái' là cái ụ nổi 83M.
Nhưng căn nguyên của ụ nổi này là Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Phải có dự án này thì mới được nhập về ụ nổi dùng trong việc sửa chữa tàu thuyền.
Dự án này từ đâu mà có? Các cấp có thẩm quyền có biết, có phê duyệt hay không?
Có hai điểm cần lưu ý trong lời khai của Dương Chí Dũng về dự án này.
Dương Chí Dũng
Dương Chí Dũng cho là mình đã bị cấp dưới 'qua mặt' trong thương vụ ụ nổi 83M
Trong lời nói cuối cùng trước Tòa được báo Tuổi Trẻ dẫn lại, Dương Chí Dũng nói: "do nhận thức của Hội đồng quản trị Vinalines hiểu về dự án đầu tư nhà máy sửa chửa tàu biển Phía Nam đã được Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đồng ý".
Bị cáo Dũng và toàn thể hội đồng quản trị đều hiểu là dự án đã được đồng ý. Vậy thì có căn cứ gì để họ 'tưởng là' như thế? Vấn đề này Tòa chưa làm rõ.
Thứ hai, trong một lời khai của bị cáo Dũng trong phiên xử đầu tiên được báo chí trong nước dẫn lại rộng rãi, ông nói 'có sai nhưng nay mới biết'.
Cái 'sai' mà bị cáo nói ở đây là mua ụ nổi khi dự án nhà máy 'vẫn chưa được phê duyệt'.
Lẽ nào một công chức cao cấp như ông Dũng cùng toàn thể Hội đồng quản trị lúc đó lại không thấy cái 'sai' này - cái 'sai' mà các điều tra viên đều biết?
Ông Dũng cũng được Tuổi Trẻ dẫn lời nói là đã 'báo cáo về dự án nhà máy sửa tàu với Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải'. Đã báo cáo nhưng phản hồi thế nào? Nếu cấp trên không gật đầu với dự án thì Hội đồng Quản trị Vinalines có dám xúc tiến mua ụ nổi không?
Cho 'có sai nhưng nay mới biết' là một câu nói đầy ẩn ý của Dương Chí Dũng khiến người khác không khỏi nghi ngờ.

Ụ nổi và mớ rau

Ông Dương Chí Dũng được đưa lên ghế cục trưởng khi Vinalines bắt đầu bị thanh tra.
Một điểm khác cũng khiến tôi nghi ngờ là tại sao Tòa lại tranh cãi quyết liệt về chuyện cái 83M ấy là ụ nổi hay tàu biển.
Ở đây cần nhắc lại là Thủ tướng Chính phủ từng có nghị định không cho phép nhập về tàu biển quá 15 tuổi. Nếu 83M là tàu biển thì rõ ràng ban lãnh đạo Vinalines cùng toàn bộ đăng kiểm và hải quan đã làm trái lệnh thủ tướng.
Theo tường thuật của báo chí trong nước thì việc định nghĩa 83M thế nào là một điểm tranh luận gay gắt nhất tại tòa mà cả hai bên xử và bên bị xử không ai nhượng bộ.
Tôi không hiểu về chuyên môn hàng hải nên không dám có ý kiến, nhưng tôi thấy lạ là những người nắm rõ nhất về vấn đề này là những chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải, đăng kiểm, hải quan mà vẫn không cãi lại quan Tòa!
Tôi không có mặt tại tòa nên không biết được Tòa định nghĩa 83M là tàu biển thì có dẫn ra các yếu tố kỹ thuật gì để giải thích hay không chứ không thể nói một cách chắc nịch nhưng hồ đồ là 'ụ nổi 83 M không phải là tàu biển thì là mớ rau à?'.
Về phía đăng kiểm và hải quan, tôi hồ nghi là họ gây án vì động cơ gì? Cáo trạng không hề nhắc đến việc họ có nhận được cắc bạc nào không. Họ thừa biết nhập ụ nổi đó về sẽ gây thiệt hại lớn cho tài sản quốc gia mà vẫn cho qua không vì tư lợi gì cả thì thật khó hiểu!
Một điểm nghi vấn nữa là giải thích như thế nào về dáng vẻ bình thản, ung dung tự tại của Dương Chí Dũng trong suốt phiên tòa?
Rõ ràng khi bị nghị án và tuyên án tử hình thì ông ta vẫn dửng dưng như không, không hề mảy may xúc động. Ông ta là người sắt đá chăng?
Tử hình thì không sợ, vậy tại sao chỉ mới nghe sẽ bị truy tố và bị bắt thì đã 'lo sợ, hoảng loạn' rồi bỏ chạy như lời ông ta khai trước Tòa?

Nhân vật bí ẩn

Dương Tự Trọng
Dương Tự Trọng sắp ra tòa vị tội tổ chức cho anh trai trốn ra nước ngoài
Một vấn đề quan trọng nhưng tiếc là chỉ được đề cập thoáng qua là 'ai là người mật báo tin cho Dương Chí Dũng bỏ trốn?'
Bị cáo Dũng quyết không khai nhưng nói là đã khai với cơ quan điều tra rồi. 'Đã khai rồi' nhưng đến giờ này khi chuẩn bị xét xử vụ 'tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn' mà vẫn chưa chính thức truy tố ai về tội 'tiết lộ bí mật' thì hơi lạ.
Dù không biết người mật báo cho ông Dũng là ai, nhưng tôi tin rằng người bí ẩn này phải là người có chức trách cao nên mới nắm được thông tin mật như thế. Hơn nữa người này biết rõ Dương Chí Dũng phạm tội và muốn ông ta bỏ trốn.
Rõ ràng khi báo tin này người báo tin đang mạo hiểm phạm một tội lớn. Nếu ai đó nghĩ rằng ông Dũng vô tội thì họ sẽ không mạo hiểm như vậy.
Nhưng có thể bạn bè thân hữu hoặc ai đó chịu ơn nhà họ Dương 'vì nghĩa diệt thân' chăng? Nhưng một lần nữa, để báo tin này thì người đó phải biết ông Dũng có tội, tức là phải rất gần gũi với ông ta. Người gần gũi với bị cáo thì có thể tiếp cận thông tin điều tra hay không?
Việc bị cáo bỏ trốn khác nào đã thừa nhận tội trạng, nhất là một người có trình độ tiến sỹ như ông Dũng sao lại không hiểu điều đó?
Dù bị cáo Dũng có kêu oan như thế nào đi nữa thì tôi vẫn tin rằng ông ta có tội. Không phải vì quá trình xét xử của Tòa mà những chứng cứ rõ ràng trước mắt.
Cái ụ nổi hay tàu biển gì đó còn sờ sờ ra đó và vẫn tiếp tục 'bốc mùi hôi thối', hai căn hộ cao cấp trị giá 10 tỷ bị cáo Dũng mua cho bồ nhí bằng tiền mà vợ ông nhận là của mình mà khó có thể tin được có người vợ tốt đến mức đã không ghen lại còn bỏ số tiền lớn như vậy để mua cho vợ bé của chồng không những một mà hai căn hộ.
Các bị cáo Trần Hải Sơn và Trần Hữu Chiều cũng đã bán tài sản đền cho Nhà nước. Nếu không tham ô thì họ có bỏ tiền túi ra đền không? Bị cáo Chiều chỉ có vai trò nhỏ trong thương vụ 83M còn được chia thì các ông Dũng, Phúc có phần không?

Không hợp vai?

Dương Chí Dũng từng là một trong những đại biểu đi dự Đại hội Đảng lần thứ XI
Rõ ràng, trong vụ án Vinalines, thông qua Tòa án, Đảng đang đóng vai Bao Công bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật.
Thế nhưng, xét kỹ ra thì vị 'Bao Công' này không thể vô can mà đứng ra đảm bảo công bình cho được.
Đảng không thể xét xử một sai lầm mà chính Đảng cũng góp phần tạo ra sai lầm đó. Đảng xử tội Dương Chí Dũng thì ai xét lỗi của Đảng đây?
Ở đây tôi muốn nhắc lại câu nói mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng trả lời trước Quốc hội khi được hỏi về việc từ chức: "Nhiệm vụ là do Đảng giao phó".
Vậy khi Dương Chí Dũng bị xử tội, ông ấy cũng có thể nói là 'do Đảng giao' được vậy?
"Trách Dương Chí Dũng tham thì cũng phải trách cái cơ chế đã tạo điều kiện cho cái tham đó hoành hành thì mới công bằng"
Trước hết, phải khẳng định rằng Dương Chí Dũng phạm tội thì trước hết là do chính bản thân ông ấy. Ông chỉ có thể tự trách mình tham lam mà thôi.
Tuy nhiên, một người sinh ra và lớn lên trong hệ thống của Đảng, được Đảng đào tạo, đề bạt, cất nhắc và còn đại diện đảng viên dự Đại hội Đảng lại phạm sai lầm nghiêm trọng thì Đảng không tránh khỏi trách nhiệm.
Dương Chí Dũng có thật sự tham ô hay không hay chỉ là 'không biết, không quan tâm, không can thiệp' trong vụ ụ nổi như lời ông ta kêu oan trước tòa thì cũng vẫn đáng thương cho tài sản của nhân dân: hoặc là bị bu vào xâu xé hoặc là bị mặc kệ chẳng ai ngó ngàng!
Ở đây tôi muốn đặt hai dấu hỏi lớn.
Mai Văn Phúc
Mai Văn Phúc nói ông ăn chia gì trong vụ mua ụ nổi 83M
Nếu như ông Dũng không là chủ tịch doanh nghiệp Nhà nước mà là một công ty tư nhân hay cổ phần thì ông ta có sẵn sàng trả 9 triệu để mua món hàng 5 triệu hay không trong khi số tiền đó hoặc là của ông ta hoặc là của các cổ đông khác?
Nếu như không phải Dương Chí Dũng mà là một ai khác trong trường hợp ông ta thì của cải để như thế, lấy bỏ vào túi dễ như thế trong khi đồng lương công chức đời nào sắm được nhà đẹp xe sang thì có tham ô hay không?
Cái đó còn tùy vào mỗi người. Nhưng vụ hôi bia ở Biên Hòa cho thấy lòng tham là bản năng trong mỗi con người. Nó trỗi dậy trước khi chúng ta dùng lý trí để kiềm chế.
Mà của cải của Nhà nước, đồng tiền xương máu của nhân dân không thể đặt vào yếu tố may rủi - trông chờ vào liêm sỉ của người được giao giữ của được mà đến 99% là rủi.
Cho nên trách Dương Chí Dũng tham thì cũng phải trách cái cơ chế đã tạo điều kiện cho cái tham đó hoành hành thì mới công bằng.

Lỗ hổng nghiêm trọng

"Tôi thì nghĩ cha ông hy sinh gây dựng chính quyền không có nghĩa con cháu được quyền dựa vào chính quyền đó mà hưởng thụ chứ đừng nói là ăn tàn phá hại."
Nhưng nếu nói 'Đảng không hợp vai' để xử Dương Chí Dũng thì chả lẽ ở các nước khác quan chức tham ô thì chính quyền cũng không thể đứng ra xử được sao?
Hệ thống tư pháp của người ta độc lập không có sự can thiệp của chính quyền. Bản thân Đảng cầm quyền mà cán bộ họ có lỗi nặng như vậy thì tất sẽ không yên với đảng đối lập ở Quốc hội và cũng sẽ không yên với người dân trong lần bầu cử sau.
Cứ nhìn vào các câu trả lời của đại diện các bộ chúng ta sẽ thấy hệ thống doanh nghiệp Nhà nước của chính quyền có lỗ hổng nghiêm trọng đến mức nào.
Khi Tòa hỏi Bộ Tài chính có kiểm tra hoạt động của Vinalines không thì đại diện bộ này được dẫn lời nói là 'không nắm được, không phát hiện và cũng không nhận được báo cáo'.
Thật không còn có câu trả lời nào có trách nhiệm hơn!
Bộ Giao thông-Vận tải cũng chẳng thua kém khi đại diện của họ nói 'họ không có quyền giám sát trực tiếp' mà phải là Thanh tra Chính phủ. Huề vốn!
Tàu thủy của Vinalines
Vinalines từng được trông đợi là trụ cột trong chiến lược kinh tế biển của Việt Nam
Vậy thì cơ quan nào có trách nhiệm quản lý số tiền hàng ngàn tỷ của dân đây? Tiếc là Thanh tra Chính phủ không có mặt tại Tòa để coi câu trả lời của họ đi đến đâu.
Mà nếu thật sự như Bộ Giao thông nói, một cơ quan quản lý ngành dọc của Vinalines mà không có trách nhiệm giám sát họ khó tránh khỏi các lãnh đạo Vinalines có thể thò tay lấy tài sản của Nhà nước dễ như lấy đồ vật trong túi!
Nhưng lỗ hổng lớn không chỉ có một.
Trong lời nói cuối trước Tòa, bị cáo nào cũng kể gia đình có công hay nhân thân tốt. Riêng Dương Chí Dũng thì 'gia đình nội ngoại hai bên đều là cách mạng'.
Tôi không rõ là khi những bị cáo này đem sự hy sinh của ông cha ra hòng gỡ gạc chút ít tội lỗi thì họ có xấu hổ không?
Tôi thì nghĩ cha ông hy sinh gây dựng chính quyền không có nghĩa con cháu được quyền dựa vào chính quyền đó mà hưởng thụ chứ đừng nói là ăn tàn phá hại.
Các bị cáo Vinalines đều có gốc gác. Các doanh nghiệp Nhà nước cũng đầy những người có gốc gác như thế. Mà đây là thành phần dễ sinh hư hỏng vì đa phần sẵn có tâm lý ỷ lại vào công lao tiền nhân.

Bổ nhiệm ra sao?

Tổng công ty hàng hải Việt Nam
Các lãnh đạo ở Vinalines được tuyển chọn như thế nào?
Dựa vào thành tích gì mà Dương Chí Dũng lên làm người lãnh đạo cao nhất tại Vinalines, nắm số vốn mấy ngàn tỉ, nhân lực mấy ngàn người cùng mấy chục công ty?
Ông ta có dày dạn thương trường không? Có đề ra được chiến lược kinh doanh trước khi lên nắm quyền không? Có cạnh tranh với ứng viên khác không?
Các tập đoàn lớn trên thế giới đều tuyển dụng giám đốc điều hành (CEO) một cách công khai, minh bạch và cạnh tranh để chọn được người giỏi nhất, thậm chí cả người nước ngoài, để yên tâm trao gửi tài sản. Người được chọn phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất vì nếu anh làm không xong sẽ bị sa thải.
Còn lãnh đạo các tập đoàn, các tổng công ty ở Việt Nam hiện nay có bao nhiêu người xuất thân từ quan chức bàn giấy? Quá trình bổ nhiệm họ dựa vào tiêu chuẩn và quy trình thế nào có ai biết không? Trong khi những vị trí đấy đều béo bở không ít người thèm thuồng.
"Hoặc là Đảng bất lực trước nạn tham nhũng tràn lan để ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, hoặc là Đảng phải xử lý nặng tay với nhiều án tử hình cho cán bộ của mình. Đằng nào Đảng cũng đau đớn cả!"
Nói tóm lại nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ, không có cơ chế tuyển chọn người công bằng thì các doanh nghiệp nhà nước không khác nào những cái ổ đầy tiền giao vào tay con ông cháu cha tha hồ kiếm chác.
Cứ cách dùng người như thế thì ngoài kia còn bao nhiêu Dương Chí Dũng nữa trong hệ thống? Cứ ăn tiền dễ như thế thì bao nhiêu tiền của dân đã bị ăn hết rồi?
Đất nước còn nghèo muốn chi tiêu thêm cái gì cũng khó trong khi các doanh nghiệp nhà nước đã sai từa lưa lại còn phá nát tiền của dân mà Đảng không những không bỏ mà còn cho giữ vai trò chủ đạo và còn nói là dân muốn thế thì thật sự tôi không thể nào hiểu nổi.
Nếu còn duy trì hệ thống như hiện nay thì chắc chắn sẽ còn nhiều Dương Chí Dũng nữa. Hoặc là Đảng bất lực trước nạn tham nhũng tràn lan để ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, hoặc là Đảng phải xử lý nặng tay với nhiều án tử hình cho cán bộ của mình. Đằng nào Đảng cũng đau đớn cả!

Source : BBC

'Chính Mao đã quyết định đánh Hoàng Sa'


BBC

'Chính Mao đã quyết định đánh Hoàng Sa'


Cập nhật: 17:24 GMT - thứ bảy, 28 tháng 12, 2013
Áp phích Mao Trạch Đông
Mao là người chủ xướng cuộc tấn chiếm Hoàng Sa, theo nhà nghiên cứu VN.
Mao Trạch Đông là người 'quyết định' tấn chiếm Hoàng Sa từ tay của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và chính quyền của ông Mao chưa bao giờ giúp đỡ Việt Nam 'bất vụ lợi', theo một nhà nghiên cứu từ Việt Nam.
Trao đổi với BBC về di sản của Mao Trạch Đông trong quan hệ Trung - Việt trong dịp đánh dấu 120 năm sinh của ông Mao, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy từ Hà Nội cho rằng chính quyền Mao chưa bao giờ 'vô tư' giúp Việt Nam và luôn có 'mưu đồ' trên Biển Đông.

Về sự kiện Trung Quốc tấn chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hòa, ông Dy nói:
Cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu giai đoạn từ 1993-1996 khẳng định Trung Quốc chỉ giúp Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh do thấy Việt Nam 'là một món hàng tốt' có lợi cho vị thế và bang giao quốc tế của Trung Quốc, có thể giúp ích cho Bắc Kinh trước nguy cơ của người Mỹ ở khu vực.
"Việc đánh chiếm Hoàng Sa lần thứ hai ngày 17/1/1974, đánh chiếm một nửa Hoàng Sa của Việt Nam, nói thẳng là Mao Trạch Đông là người quyết định đánh,"
"Mao Trạch Đông là người quyết định đánh... Chu Ân Lai chính là người vạch ra kế hoạch, Diệp Kiếm Anh là người đôn đốc thi hành, và Đặng Tiểu Bình lúc đó mới được phục hồi ra cũng đi sang Cục Tác chiến của Trung Quốc để áp trận."
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy
"Tôi có tài liệu, Chu Ân Lai chính là người vạch ra kế hoạch, Diệp Kiếm Anh là người đôn đốc thi hành và Đặng Tiểu Bình lúc đó mới được phục hồi ra cũng đi sang Cục Tác chiến của Trung Quốc để áp trận."
Nhà nghiên cứu nói quyết định này của Mao, cũng như các chính quyền kế thừa của ông về sau, phản ánh tính 'nhất quán' trong điều mà ông gọi là 'mưu đồ' của Trung Quốc trên Biển Đông.
"Cái đó là âm mưu nhất quán của Trung Quốc trong vấn đề bành trướng, chiếm cứ trên đảo thôi, nó không có gì lạ cả," ông Dy nói.
Nhà ngoại giao kỳ cựu cũng nói thêm hành động của Bắc Kinh chỉ có thể tiến hành được do có sự 'bật đèn xanh' và một thái độ được cho là 'không đứng đắn' của Washington mà khi đó đang là một đồng minh của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở Sài Gòn.
"Phải nói thẳng đây là một hành động không đứng đắn của người Mỹ...
"Thua mất mặt ở Việt Nam, họ xấu hổ, nên nhà cầm quyền Mỹ lúc bấy giờ bật đèn xanh để cho Trung Quốc đánh chiếm Việt Nam."

'Việt Nam là một món hàng'

Ông Dương Danh Dy nêu quan điểm cho rằng sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với chính quyền cộng sản Việt Nam trong các cuộc chiến với người Pháp và người Mỹ là có tính toán.
Nhả nghiên cứu Trung Quốc này nói: "Trung Quốc từ xưa tới nay chưa bao giờ vô tư viện trợ Việt Nam như họ vẫn nói đâu, mà họ viện trợ cho Việt Nam đều nhằm mục đích trục lợi trên cái đó.
"Bắt đầu từ Hội nghị Geneve về Đông Dương, Trung Quốc thấy Việt Nam là một món hàng tốt, nhờ có Việt Nam mà Trung Quốc mới được mời đến tham dự Hội nghị Geneve năm 1954 về Đông Dương, với tư cách một nước lớn ở khu vực có liên quan...
Tàu hải quân Trung Quốc tấn công Hoàng Sa
Tàu hải quân Trung Quốc tham gia tấn công Hoàng Sa tháng 1/1974.
"Trong quá trình diễn biến của Hội nghị Geneve, Trung Quốc càng thấy rõ Việt Nam là món hàng có thể dùng nó để trao đổi với Anh, với Pháp, sau này cả với cả Mỹ, trong quan hệ."
Theo cựu quan chức ngoại giao này, Trung Quốc đã giúp Bắc Việt 'chống Mỹ' vì quan ngại miền Bắc Việt Nam rơi vào tay người Mỹ, thì Trung Quốc 'sẽ không được yên' và không thể làm được cuộc 'cách mạng văn hóa'.
Tuy nhiên, ông Dy cũng thừa nhận Việt Nam đã nhận được những sự giúp đỡ 'to lớn' và 'quan trọng' của Trung Quốc trong các cuộc chiến tranh mà ông xem đó là sự 'nhường cơm, sẻ áo' của 'nhân dân Trung Quốc'.
Ông nói: "Xưa nay khẳng định đúng là nhân dân Trung Quốc nhường cơm, sẻ áo, giúp đỡ chúng tôi"
"Nhưng ban lãnh đạo Bắc Kinh đã lợi dụng những tình cảm đó của người dân Trung Quốc để dùng vào mục đích không cao đẹp tí nào cả."
Cuối cùng, đánh giá về việc chính Trung Quốc đợt này chỉ kỷ niệm sinh nhật Mao Trạch Đông 'có chừng mực', nhà nghiên cứu nhận định điều này là do phe không muốn 'đề cao' ông Mao một cách rầm rộ trong nội bộ Trung Quốc đang 'tạm thời thắng thế'.
Source  :  BBC

28/12/13

Phác họa 12 bức tranh ảm đạm của Việt Nam 2013


THỨ BẢY, NGÀY 28 THÁNG MƯỜI HAI NĂM 2013

Phác họa 12 bức tranh ảm đạm của Việt Nam 2013

Phạm Văn Hải


NQL: Có thể nhiều người khó chịu với 12 bức tranh u ám này, nhưng phàm  đã là sự thật thì khó chịu cũng đành phải chịu chứ biết làm thế nào, hu hu.

1. Đầu năm ăn bánh vẽ cuối năm húp cháo lừa

Phát động từ ngày 2/1/2013, bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 “được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân”. Tuy nhiên, chiêu bài dân chủ cuội này là một nước đi sai lầm của nhà cầm quyền. Ngày 19/1/2013, bảy mươi hai nhân sĩ trí thức cùng đứng tên trong bản “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992” (gọi tắt là kiến nghị 72), đã đến trao trực tiếp cho Văn phòng Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Nội dung bản kiến nghị gồm 6 điểm chính:
- Loại bỏ Điều 4 HP để thực sự trao quyền cho nhân dân Việt Nam

- Yêu cầu tôn trọng các giá trị Nhân quyền phổ quát theo đúng tinh thần của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền năm 1948 và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia

- Sở hữu đất đai toàn dân là khái niệm mơ hồ tạo điều kiện cho quan chức các cấp chính quyền tham nhũng, lộng quyền, bắt tay với nhiều tư nhân, doanh nghiệp cùng trục lợi, gây thiệt hại cho nhân dân, đặc biệt là nông dân

- Thực thi tam quyền phân lập để xây dựng một nhà nước pháp trị

- Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc, nhân dân (không phải trung thành với bất cứ đảng phái chính trị nào)

- Đòi hỏi một cuộc trưng cầu dân ý công khai đối với bản Hiến pháp sửa đổi.

Dự kiến thời hạn góp ý sửa đổi ban đầu là ngày 31/3/2013 phải dời đến cuối năm. Ngày 28/11/2013, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua bản Hiến pháp sửa đổi 2013 với tỷ lệ hơn 97%!!! Về tổng thể nội dung, không có gì thay đổi mang tính đột phá so với quy mô huy động trí tuệ 90 triệu dân trải dài trong hơn 11 tháng ròng rã, đó là một kết quả đáng hổ thẹn. Về mặt hình thức, hành văn của bản Hiến pháp sửa đổi còn nhiều chỗ luộm thuộm, rườm rà, thậm chí còn chưa rõ nghĩa gây hiểu nhầm. Điều này chứng tỏ đội ngũ gần 500 người tham gia bỏ phiếu (bấm nút) trực tiếp chưa phải là thành phần tinh hoa của dân tộc Việt.

2. Bóng tối và Ánh sáng

Khi ánh sáng sự thật được soi tỏ bởi ngọn đèn truyền thông sử dụng nguồn lực Internet được chiếu rọi khắp nơi nơi, quyền lực bóng tối bắt đầu rung rinh. Nỗi lo sợ ánh sáng buộc nhà cầm quyền phải gia tăng đàn áp tiếng nói trái chiều.

Mở đầu là quyết định buộc thôi việc đối với nhà báo Nguyễn Đắc Kiên vào cuối tháng 2/2013. Lý do chỉ vì nhà báo này đã bày tỏ công khai việc phản đối quan điểm coi thường ý kiến nhân dân của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (Ông Nguyễn Phú Trọng đã chụp mũ "suy thoái" cho các nhân sĩ trí thức đòi loại bỏ Điều 4-HP và sự độc quyền lãnh đạo của Đảng CSVN).

Tiếp đến là các quyết định "bắt khẩn cấp" đối với hai nhà báo tự do Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào. Mong muốn gieo rắc nỗi sợ hãi tù tội cho giới cầm bút theo tư tưởng phóng khoáng đã bất thành khi ngay sau các sự việc đó, nhóm Công dân Tự do ký các bản Tuyên bố ủng hộ PV Nguyễn Đắc Kiên, nhóm Blogger Tự do ra Tuyên bố 258 để phản đối Điều 258 - Bộ luật Hình sự dùng làm cớ bắt giam tùy tiện người cầm bút.

Phong trào lập hội nhóm cũng được phát triển mạnh mẽ, với sự ra đời của Mạng lưới Blogger Việt Nam và Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam vào ngày 10/12/2013. Các đội banh No-U (phản đối đường lưỡi bò của Trung cộng) ban đầu chỉ có ở Sài gòn và Hà nội, nay cũng đã xuất hiện ở các tỉnh miền Trung. Các hội nhóm như Hội Anh Em Dân Chủ, Hội Bầu Bí Tương Thân, phong trào Xã Hội Dân Sự cũng bắt đầu định hình.

Sự phản kháng ôn hòa không chỉ diễn ra bên ngoài xã hội mà còn phát triển ở sau chấn song nhà tù. Các vụ tuyệt thực của TS Cù Huy Hà Vũ, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, LS Lê Quốc Quân, Thanh niên Công giáo Paul Trần Minh Nhật... để phản đối tình trạng xâm phạm nhân quyền trong các trại giam.

Trong các phiên tòa sơ và phúc thẩm ở Long An, sinh viên Nguyễn Phương Uyên đã công kích thẳng vào sự nhập nhằng của các quan tòa khi đánh đồng Đảng Cộng sản với Nhà nước và dân tộc Việt Nam.

Phiên tòa phúc thẩm ở Phú Yên đã y án sơ thẩm ông Ngô Hào 15 tù và 5 năm quản chế vì "hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân. Tuy nhiên, các chứng cớ chỉ là "tàng trữ, viết bài, phát tán và chuyển tiếp nhiều tài liệu có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc chế độ, nói xấu lãnh tụ ..."

Tình trạng dân oan khiếu kiện vẫn không dứt trước các cơ quan công quyền, tiếp sau vụ anh em ông Đoàn Văn Vươn là chuyện người thanh niên Đặng Ngọc Viết dùng súng bắn chết một người trong đội cưỡng chế đất rồi sau đó tự sát.

Thế giới vẫn theo sát thực trạng của xã hội Việt Nam và có những hành động cụ thể ủng hộ xu hướng Tự do Dân chủ và Nhân quyền:

- Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2013, Hoa Kỳ đã vinh danh blogger Tạ Phong Tần cùng 8 phụ nữ khác là trên thế giới vì lòng can đảm và khả năng lãnh đạo xuất chúng trong việc cổ vũ cho các quyền của phụ nữ và Nhân quyền nói chung.

- Cũng trong tháng 3/2013, Tổ chức Phóng viên không biên giới RSF và Google đã trao giải Công dân Mạng Netizen 2013 cho blogger Huỳnh Ngọc Chênh tại Paris, Pháp.

- Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 65, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã vinh danh LS Lê Quốc Quân, nhà dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức, và nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi công nhân Nguyễn Hoàng Quốc Hùng.

3. Lương y như phù thủy

Nghề y bốc thuốc cứu người xưa nay được xem là ngành nghề cao quý nhất trong xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản quang vinh suốt 68 năm ở miền Bắc và 38 năm trên toàn cõi Việt Nam, những ung nhọt trong ngành này đang bùng phát như một thứ bệnh dịch nguy hiểm. Ngoài vấn nạn chung là thiếu thốn giường bệnh, phong bì hối lộ, bảo hiểm y tế bất cập... thì năm 2013 có ba khối u ác tính nổi cộm:

- Nhiều trẻ sơ sinh chết oan sau khi tiêm ngừa, đến nay vẫn chưa được xử lý làm rõ.

- Nhân bản kết quả xét nghiệm ở BV Đa khoa Hoài Đức dấy lên hoài nghi liệu còn cơ sở y tế nào chưa bị lộ việc "nhân bản" này hay không?

- Thẩm mỹ viện Cát Tường giải phẫu làm bệnh nhân tử vong rồi phi tang luôn xác, cơ quan điều tra tự hào "giỏi bậc nhất thế giới" bó tay không tìm được tung tích.

4. Tư pháp và hành pháp cùng thi thố trên đường đua vô pháp

Tòa án và cơ quan điều tra Công an Bắc Giang đã cùng nhau tạo nên kỳ án oan sai có một không hai trong lịch sử. Ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án tử hình, sau đó giảm xuống chung thân với cáo buộc giết người. Trong các phiên xét xử và suốt thời gian thụ án 10 năm, ông Chấn và gia đình liên tục kêu oan, nhưng mọi nỗ lực đều vô vọng cho đến khi hung thủ ra đầu thú! Ông Chấn khai vì đã bị ép cung và nhục hình trong quá trình điều tra nên đã nhận tội giết người.

Thế giới bất bình trước việc tòa án xử LS Lê Quốc Quân 30 tháng tù giam về tội "trốn thuế", thực chất đó chỉ là cái cớ để đàn áp tiếng nói trái chiều.

Phiên tòa xử Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc trong vụ án tham nhũng thì các phóng viên báo chí chỉ được xem qua màn hình TV. Và án tử hình được cho là quá vội vã trong khi nhiều tình tiết và nhân chứng có liên đới vẫn chưa được đưa ra ánh sáng.

Việc tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Trúc - kẻ cầm đầu băng cướp chuyên chém người (chưa có án mạng) - đã gây nên cảnh hỗn loạn trước sân tòa.

Tình trạng công dân tử vong trong trụ sở công an vẫn tiếp diễn và gia tăng với 7 vụ được biết đến trong năm 2013:

- Nạn nhân Trần Thị Hải Yến chết tại nhà tạm giữ Công an huyện Tuy An, Phú Yên (7/10/2013)

- Nạn nhân Cao Văn Tuyên chết tại Công an xã Khánh Trung, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa (5/7/2013)

- Nạn nhân Y Két Byă chết tại Công an xã Ea Bhốk, Cư Kuin, Daklak (27/11/2013)

- Nạn nhân Hoàng Văn Ngài chết tại Công an Thị xã Gia Nghĩa, DakNong (22/3/2013)

- Nạn nhân Trần Văn Tân chết tại trụ sở UBND xã Kim Xuyên, Kim Thành, Hải Dương (2/1/2013)

- Nạn nhân Đinh Ngọc H. chết tại Công an phường Tân Đông Hiệp, Dĩ An, Bình Dương (21/12/2013)

- Nạn nhân Đỗ Duy Việt chết tại phòng tạm giam Công an huyện Thường Xuân, Thanh Hóa (25/12/2013)

Ngoài ra, chuyện nhân viên công lực lạm dụng quyền hạn để bạo hành người dân cũng gia tăng. Vụ điển hình là 9 nhân viên TTĐT + Dân phòng cùng hùa vào đánh hội đồng người bán hàng rong Trịnh Xuân Tình tại phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM.

Vụ nổ súng do mâu thuẫn cá nhân tại trạm CSGT Suối Tre ngày 26/9/2013 khiến một CSGT chết và 2 CSGT khác bị thương nặng.

5. Đạo đức băng hoại, xã hội suy đồi

Có thể nói Việt Nam là đất nước của khẩu hiệu đạo đức lối sống, nào là "Sống, Chiến đấu, Lao động và Học tập theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại", "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM"... Nhưng thực tế xã hội ngày càng điên đảo với những câu chuyện quặn lòng hoặc cười ra nước mắt:

- Cuồng sát, loạn sát: Cuồng yêu đâm và thiêu chết bạn gái, vợ giận chồng ném con xuống sông, đâm chết bạn nhậu vì sàm sỡ bạn gái, tỏ tình thất bại rút dao đâm thủng tim thiếu nữ 18, chồng giận vợ thiêu luôn 2 đứa con nhỏ...

- Bạo hành trẻ thơ: Bảo mẫu giẫm đạp chết cháu bé 18 tháng tuổi, clip quay được cảnh 2 bảo mẫu bạo hành nhiều cháu bé ở trường mầm non tư thục...

- Mạt pháp: "Sư" đem tượng mình vào chùa, "sư" ăn mặn uống bia hại đời thiếu nữ 16 tuổi đến có bầu, "sư" giết người tình yểm bùa rồi chôn xác phi tang...

- Cướp cạn: kề dao vào cổ cháu bé 2 tuổi để kiếm tiền tiêu, trấn lột lão ăn xin 86 tuổi...

- Văn hóa nơi công cộng: Chen lấn xô đẩy để ăn sushi miễn phí, hôi bia bị rơi xuống đường...

- Nhảm nhí: Mr. Đàm hôn sư thầy, bà Tưng tung clip gây sốt cộng đồng mạng, Ký sự "Xách ba lô lên và đi" với quảng cáo 100% "sự thật" của Huyền Chíp...

6. 'Kẻ chuyên phóng hỏa đứng đầu Sở cứu hỏa'

Với hồ sơ Nhân quyền tệ hại, Việt Nam vẫn được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu rất cao. Bình luận về nghịch lý này, Tổ chức UN Watch có trụ sở ở Geneva, cơ quan theo dõi các hoạt động toàn diện của LHQ, nói kết nạp các quốc gia vi phạm nhân quyền có tiếng như Việt Nam, Trung Quốc làm thành viên Hội đồng Nhân quyền chẳng khác nào cho ‘kẻ chuyên phóng hỏa đứng đầu sở cứu hỏa’.

Ngay trong dịp kỷ niệm 65 ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12/2013, các hoạt động đàn áp, sách nhiễu giới blogger đã xảy ra ở TPHCM, Hà nội, Đà nẵng, Nghệ an... dưới nhiều hình thức khác nhau, kể cả việc sử dụng côn đồ và an ninh mặc thường phục gây sự đánh đập gây thương tích cho các thành viên của MLBVN.

Mặt khác, còn ra quyết định xử phạt hành chính 35 triệu đồng đối với công dân Đỗ Anh Tuấn vì "hành vi tàng trữ trái phép các bản in Tuyên ngôn Nhân quyền LHQ và Hiến pháp 1992".

7. Xả lũ đúng quy trình, dân chết sai quy cách!

Tháng 11/2013, miền Trung Việt Nam may mắn thoát hiểm khi cơn cuồng phong Haiyan đổi hướng chạy dọc bờ biển theo hướng Bắc. Tuy nhiên, những trận mưa lớn khiến các hồ thủy điện xả lũ đồng loạt. Cao điểm nhất vào ngày Thứ Bảy 16/11/2013 đã có tới 15 hồ thủy điện tại miền Trung và Tây Nguyên đồng loạt xả tràn, với 9 hồ xả có lưu lượng lớn từ trên 650 m³/giây tới 2.500 m³/giây, trong đó có các hồ, đập như Bình Điền, Hương Điền ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, Sông Tranh 2 (Quảng Nam), Sông Ba Hạ (Phú Yên – Gia Lai), PlaiKrông (Kon Tum)...

Hậu quả: Bình Định là tỉnh có số người thiệt mạng nhiều nhất với 14 nạn nhân; tiếp đến là các địa phương Quảng Ngãi với 13 người, Quảng Nam 5 người, Phú Yên 2 người, Gia Lai 2 người; Kon Tum 1 người mất tích. Hàng ngàn nhà cửa, gia súc gia cầm bị cuốn trôi.

Tuy nhiên, các quan chức có liên đới đã phát biểu hết sức vô trách nhiệm rằng, việc xả lũ là đúng quy trình!

8. Cơ đồ sắp hưng?

Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thọ 103 tuổi) được xem là lớn nhất từ trước đến nay đã diễn ra trên phạm vi toàn quốc. Hàng chục ngàn người đã xếp hàng dài nhiều giờ đồng hồ bên ngoài tư gia của Tướng Giáp tại trung tâm Hà Nội chờ đến lượt vào viếng ông và bày tỏ lòng thương tiếc một trong những vị anh hùng được kính trọng nhất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, bên lề sự kiện này cũng có những chi tiết đáng chú ý.

- Thứ nhất, là câu hỏi vì sao một vị công thần tầm cỡ như vậy lại bị giới cầm quyền gạt bỏ ngoài tai về những lời can ngăn tiến hành dự án khai thác Bauxit Tây Nguyên?

- Thứ hai, trong khi lễ hạ quan còn đang tiến hành ở Quảng bình thì tại Hà nội, cờ rủ được hạ xuống để treo cờ nghinh đón Thủ tướng Trung Quốc. Với quy mô của một lễ đại tang, người ta có thể đánh giá vị thế và mối quan hệ cũng như ứng xử ngoại giao của hai quốc gia vẫn tự tán xưng nhau là "anh em láng giềng" này!

- Cuối cùng, câu sấm truyền trong dân gian đem lại chút ít niềm tin cho những ai theo xu hướng thay đổi:

Bao giờ Đồng cạn Hồ khô,
Chinh rơi Giáp rớt cơ đồ sẽ hưng!

9. Nhà ngoại cảm và xương động vật

Tháng 10/2013, sau khi tiến hành giám định hài cốt liệt sĩ do "nhà ngoại cảm" tìm thấy, Viện Pháp y Quân đội xác định là răng lợn, xương động vật và đất đá.... Một sự thật phũ phàng bị lật tẩy gây rúng động dư luận. Điểm lại các sự kiện có liên quan, người ta giật mình khi thấy Việt Nam sở hữu một lượng rất lớn (vài chục người) có khả năng "ngoại cảm", đồng thời thành tích phát hiện ra hài cốt của họ cũng cao ở mức khủng khiếp. Niềm tin tâm linh của các gia đình liệt sĩ càng bị khủng hoảng mạnh khi một tiết lộ cho hay các "chương trình đi tìm hài cốt" (với sự trợ giúp của "nhà ngoại cảm") có quy mô lớn thực chất chỉ là giải pháp tình thế để xoa dịu nỗi đau của quá nhiều gia đình không tìm được tông tích người thân. Chưa hết, một vị luật sư đã trưng ra các bằng chứng để tố cáo việc ngụy tạo khi làm chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" được phát sóng nhiều kỳ trên VTV.

Khả năng của các "nhà ngoại cảm" càng thực sự phơi bày khi hàng loạt "thầy/bà ngoại cảm" chỉ sai vị trí thi thể của nạn nhân trong vụ TMV Cát Tường.

10. Con voi chui lọt lỗ kim

Chuyện 600 bánh heroin (229 kg) đi trót lọt qua cửa khẩu TSN đến tận Đài Loan đặt một dấu hỏi to tướng về thực trạng an ninh hàng không và công tác phòng chống ma túy. Hiện tại vẫn chưa có ai chịu trách nhiệm về sự việc này.

11. Xu hướng bỏ Đảng (Cộng sản) và một chuyện muốn vào Đảng hy hữu

Ngày 5/12/2013, luật gia Lê Hiếu Đằng, một đảng viên kỳ cựu, tuyên bố từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam để phản đối sự suy thoái biến chất của đảng đang nắm quyền lãnh đạo đất nước mà ông gọi là lực cản cho sự phát triển của dân tộc.

Cùng ngày, nhà báo Độc lập Phạm Chí Dũng - xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, được đào tạo từ môi trường quân đội và nhiều năm công tác trong hệ thống chính quyền - cũng tuyên bố ra khỏi đảng. Ông viết: 'Tất cả những gì mà Đảng Cộng sản thể hiện vai trò “lãnh đạo toàn diện” trong ít nhất một phần tư thế kỷ qua đã khiến cho tôi, cũng như nhiều đảng viên khác, đi từ thất vọng đến tuyệt vọng về lý trí lẫn tình cảm'.

Trong khi đó, doanh nhân Lê Thăng Long, một trong những sáng lập viên của phong trào Con Đường Việt Nam, lại muốn xin vào đảng với ý định "để giúp cho ĐCSVN tiếp tục cải cách, cải cách triệt để, cải cách toàn diện để giúp cho ĐCSVN cống hiến được nhiều lợi ích cho dân tộc Việt Nam".

12. Đỉnh cao phát ngôn ấn tượng 2013

Người cộng sản Việt Nam thường tự hào là "đỉnh cao trí tuệ" loài người. Trong giai đoạn xế chiều này, những phát ngôn của họ càng khẳng định rõ "tầm cao" ấy:

- Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giành ngôi quán quân với 3 phát ngôn ấn tượng: "Tăng viện phí là thành tựu y tế"

"Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin; lỗi do người tiêm thì xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật"

"Bệnh nhân nào cũng là bệnh nhân, không có bệnh nhân thì không có bác sỹ. Bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT) càng phải thương họ hơn vì họ không có tiền"

- Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng giành ngôi á quân với 2 phát ngôn ấn tượng: "Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa."

"Đường Tăng khi xưa đi lấy kinh sang đất Phật cũng phải hối lộ mới lấy được kinh. Cho nên chúng ta phải xem xét bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt. Phải có cái nhìn khoa học, biện chứng về tham nhũng."

- Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền: "Cơ quan điều tra Việt Nam giỏi nhất thế giới"

- Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Nguyễn Thanh Tịnh: "Các trường hợp án oan như của ông Nguyễn Thanh Chấn muốn được bồi thường phải chứng minh được thiệt hại thực tế."

- Đại biểu quốc hội Lê Như Tiến lo ngại trước tình trạng lãnh đạo các địa phương “vận động” đại biểu QH trước mỗi kỳ họp: "Có thể chất vấn, nói về bất cứ vấn đề gì, trừ tham nhũng ra, bởi việc đó chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng."

- Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang Lý Quang Thái: "Những người đó có tội thì rõ rồi. Nhưng vì... đại cục, vì cái to lớn hơn nên hai ngành kiểm sát, công an đã họp, thống nhất không khởi tố hình sự như chúng tôi đã đề nghị"

- Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: "Đây là quy hoạch của cả nước chứ không riêng của Chính phủ, hay của Bộ Công Thương. Chúng ta đang nói về chúng ta, chứ không phải nói về Chính phủ hay về bộ ngành này, bộ ngành khác."

Theo Blog HNC


Mười sự kiện nổi bật về chính trị - xã hội của Việt Nam trong năm 2013 ...


29/12/2013



Mười sự kiện nổi bật về chính trị - xã hội của Việt Nam trong năm 2013 do Bauxite Việt Nam chọn


1. Diễn đàn Xã hội dân sự ra đời.

2. Mạng lưới Blogger Việt Nam xuất hiện.

3. Dự thảo Hiến pháp vẫn được thông qua với chỉ hai phiếu trắng, không có phiếu phản đối, bất chấp ý kiến phản biện mạnh mẽ của nhiều tầng lớp xã hội, tiêu biểu là Kiến nghị 72 (với gần 15 ngàn chữ ký ủng hộ, trong đó có nhiều người là nông dân) và bản nhận định và góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

4. Các đảng viên Lê Hiếu Đằng, tiếp đó Phạm Chí Dũng và Nguyễn Đắc Diên công khai từ bỏ đảng tịch.


5. Nguyễn Phương Uyên được trả tự do tại tòa dù đã dõng dạc công khai tuyên bố trước tòa: "Tôi yêu Tổ quốc, nhưng xin đừng đánh đồng với Đảng".

6. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thú nhận "đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa".

7. Dân oan mất đất các miền kéo về thủ đô và TP HCM tập trung biểu tình và đến các cơ quan trung ương đưa đơn khiếu kiện, tố cáo cán bộ tham nhũng, trù dập và tiếp tục cướp đất của người dân. Một dân oan là anh Đặng Ngọc Viết nổ súng vào quan chức giải phóng mặt bằng rồi tự sát.

8. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần.

9. Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng được ban hành, bị tố cáo là nhằm tăng cường trấn áp bất đồng và kiểm duyệt internet.

10. Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ngay sau đó đàn áp mạnh mẽ phong trào đòi nhân quyền trong nước khắp từ Nam đến Bắc.


BVN


Cách nay 40 năm, « Quần đảo ngục tù » của Soljenitsyne được xuất bản ở phương Tây


Cách nay 40 năm, « Quần đảo ngục tù » của Soljenitsyne được xuất bản ở phương Tây

Nhà văn Alexandre Soljenitsyne tại Matxcơva, 12/1998 (RIA Novosti)
Nhà văn Alexandre Soljenitsyne tại Matxcơva, 12/1998 (RIA Novosti)

RFI
Ngày 28/12/1973, « Quần đảo ngục tù – L’Archipel du Goulag » của nhà văn Nga Alexandre Soljenitsyne, đã được xuất bản tại Paris và được đánh giá là cuốn sách lớn của thế kỷ 20. Tuyển tập về nỗi kinh hoàng dưới chế độ Staline đã làm thay đổi nhãn quan của phương Tây về Liên bang Xô Viết.

Các tiết lộ về quy mô các đợt trấn áp dưới thời Staline đã gây sốc mạnh trong công luận phương Tây : Hàng trăm ngàn người bị hành quyết thẳng tay, chính quyền chủ ý gây ra nạn đói, hàng triệu người bị cầm tù, nhiều cộng đồng bị đầy ải, hàng triệu người chết …
Được xuất bản trước tiên bằng tiếng Nga bởi YMCA-Press, một nhà xuất bản của cộng đồng nhập cư, cuốn sách sau đó được dịch ra khoảng bốn chục thứ tiếng và được phát hành với khoảng mười triệu ấn bản trên thế giới. Cũng từ đó, Goulag (từ viết tắt của Ban Lãnh đạo chính các trại lao động khổ sai) đã đi vào ngôn ngữ thông thường.
Theo ông Claude Durand, phụ trách xuất bản sách văn học của Soljenitsyne, « nếu đánh giá theo các tiêu chí hiệu quả của một tác phẩm đối với tiến trình lịch sử thế giới, thì chắc chắn đây là cuốn sách có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20 ».
Chính quyền Kremlin đã có phản ứng mau lẹ : Hai tháng sau khi cuốn sách được xuất bản ở phương Tây, nhà văn Soljenitsyne bị bắt, tước quốc tịch Liên Xô và bị trục xuất. Ông chỉ có thể trở lại Nga vào năm 1994, sau 20 năm sống lưu vong.
Các ấn bản in bằng tiếng Nga tại Paris đã được bí mật đưa vào Liên Xô và được truyền tay, đánh máy lại hoặc chụp ảnh lại.
Nhà ly khai nổi tiếng, giải Nobel Hòa Bình Andrei Sakharov, đã viết trong Hồi ký của ông : «Cuốn sách của Soljenitsyne đã gây một cú sốc cho chúng tôi. Ngay từ những trang đầu, đã hiện lên một thế giới độc địa với các trại lao động khổ sai xám xịt có hàng rào dây thép gai quấn quanh, các phòng tra tấn… ».
Vào thời đó, có cuốn sách của Soljenitsyne trong nhà hoặc cho bạn bè mượn có thể bị đưa đi lao động khổ sai, với tội danh « phổ biến tuyên truyền chống Liên Xô ». Năm 1978, nhà ly khai Balys Gaiauskas đã bị kết án 10 năm tù giam vì đã dịch cuốn sách này sang tiếng Litva.
Nhà văn Soljenitsyne đã viết cuốn « Quần đảo ngục tù » với sự giúp đỡ của nhiều cựu tù nhân mà ông đã liên lạc, sau khi công bố cuốn « Một ngày của Ivan Denissovitch » năm 1962.
« Quần đảo ngục tù » là cuốn sách đầu tiên tại Liên Xô nói về các trại giam dưới thời Staline. Soljenitsyne đã khai thác các ký ức về bẩy năm bị đày đọa trong ngục tù của ông.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn năm 2007, vài tháng trước khi qua đời, Soljenitsyne cho biết : « Hàng ngàn cựu tù nhân đã viết thư cho tôi sau khi xuất bản cuốn Một ngày của Ivan Denissovitch. Lúc đó, tôi đã hiểu rằng số phận đã trao cho tôi thứ mà tôi cần. Tôi đã có được các chất liệu để viết Quần đảo ngục tù là nhờ có họ ».
Các lời chứng này đã làm cho nội dung cuốn sách trở nên rất phong phú : Các công trường khổng lồ trong các trại lao động khổ sai, các hình phạt tra tấn đối với những người bị nghi ngờ, các khu trại lao động khổ sai ở vùng Kolyma, các cuộc nổi dậy, trốn trại trong rừng taiga, chết đói, lạnh, lao động khổ sai trong cái rét khủng khiếp – 50° ở Siberi…
Soljenitsyne đã bí mật viết cuốn sách trong vòng 10 năm, vì thời kỳ bài Staline ngắn ngủi đã chấm dứt. Ông là đối tượng bị nghi ngờ, bị KGB theo dõi.
Một mạng lưới các bạn bè trung thành mà ông gọi là « những người vô hình », đã giúp ông tìm kiếm tài liệu, đánh máy, cất dấu bản thảo, chụp thu nhỏ lại và cuối cùng là chuyển các bản thảo sang phương Tây.
Bà Elena Tchoukovskaia, một trong « những người vô hình », kể lại : « Ông ấy làm việc trong các điều kiện rất khó khăn. Ông luôn luôn phải trù tính sẽ cất dấu các bản thảo ở đâu. Ông viết mà không bao giờ có trước mặt tất cả các bản thảo đã viết trước đó. Ông ghi vào trong các cuốn sổ : Đưa các bản thảo này vào chương này, rồi chương này thì cất dấu ở Estonia, chương kia cất dấu ở Matxcơva… ».
Soljenitsyne đã dành toàn bộ số tiền bản quyền cuốn « Quần đảo ngục tù » để giúp đỡ các tù nhân chính trị tại Liên Xô cho đến tận ngày chế độ Cộng sản sụp đổ.

Source : RFI

Thái Lan : Sẽ có một cuộc đảo chánh tư pháp ?

RFI

28/12/13


Thái Lan : Sẽ có một cuộc đảo chánh tư pháp ?

Trong những ngày qua, biểu tình chống chính phủ đã làm hai người chết, kể cả cảnh sát  - REUTERS /Kerek Wongsa
Trong những ngày qua, biểu tình chống chính phủ đã làm hai người chết, kể cả cảnh sát - REUTERS /Kerek Wongsa

Arnaud Dubus / Trọng Nghĩa
Thái Lan trong những ngày qua đã rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị. Hôm nay, 28/12/2013, một kẻ lạ mặt đã bắn vào người biểu tình chống chính phủ tại Bangkok làm một người chết. Cách nay hai ngày, hôm 26/12, xô xát giữa người biểu tình chống chính phủ và nhân viên công lực đã làm một cảnh sát thiệt mạng và gần một trăm người bị thương.

Bạo động đã đặt lại vấn đề cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn dự kiến vào ngày 02/22/2014. Tình hình như vậy đã trở nên vô cùng rối ren, và nguy cơ bạo động bùng lên càng ngày càng cao. Thông tín viên Arnaud Dubus tại Bangkok đã nêu bật một trong những vấn đề nan giải hiện nay : Đó là cuộc bầu cử Quốc hội Thái Lan trước thời hạn vào đầu năm tới mà chính Ủy ban Bầu cử nước này đã khuyến cáo là nên dời lại.
Arnaud Dubus : Ngay sau khi xẩy ra vụ bạo động hôm thứ Năm, 26/12, Ủy ban Bầu cử đã khuyên chính phủ dời lại cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn. Ủy ban đánh giá rằng có rất nhiều nguy cơ xẩy ra bạo động trong các giai đoạn khác nhau của cuộc bầu cử, từ lúc vận động tranh cử cho đến khi kiểm phiếu, và dĩ nhiên là ngay trong ngày bỏ phiếu. Đó là chưa kể đến việc chuyển các thùng phiếu đến nơi kiểm.
Quyết định dời ngày bỏ phiếu thuộc thẩm quyền chính phủ, nhưng chính quyền của bà Yingluck lại cho rằng không có một luật nào cho phép việc dời cuộc bỏ phiếu như thế. Chính quyền cũng nói rằng không có gì chứng minh là việc dời ngày bầu cử sẽ làm giảm căng thẳng.
Tuy nhiên 5 thành viên của Ủy ban Bầu cử đã cho thấy là họ sẵn sàng vượt quá quyền hạn của họ, sẵn sàng từ chức để ngăn chặn cuộc bầu cử, và điều đó sẽ mặc nhiên hủy bỏ cuộc bỏ phiếu.
Họ còn cho biết là họ có thể tự ý cho dời ngày bầu cử, một việc làm mà theo luật pháp không nằm trong trách nhiệm của họ. Nhưng Ủy ban này đánh giá là việc ngăn chặn nguy cơ bạo động quan trọng hơn là tôn trọng luật pháp một cách sát sao. Rõ ràng đây là một chiều hướng rất nguy hiểm.
Người ta có thể tự hỏi nguyên nhân vì sao mà Ủy ban bầu cử lại có một thái độ như vậy ? Họ tỏ ra rất lo ngại về nguy cơ bạo động, một mối lo ngại chính đáng thôi, nhưng mặt khác, thái độ của họ nhằm ‘thưởng công’ cho những người gây ra bạo động hôm thứ Năm, không khỏi tạo ra hoài nghi.
RFI : Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan kéo dài từ đầu tháng 11. Chưa thấy được ánh sáng cuối đường hầm. Vậy cái gì cơ thể tháo gỡ tình hình xem ra ngày càng rối ren như vậy ?
Arnaud Dubus : Trong loại tình hình như thế này, thì giải pháp truyền thống là đảo chính. Nhưng lần này thì quân đội tỏ ra rất dè dặt trước việc can thiệp trực tiếp. Một phần thì họ bị chia rẽ trước tình hình chính trị hiện nay. Mặt khác thì cuộc đảo chính năm 2006, tức cuộc đảo chính gần đây nhất, đã làm xấu đi rất nhiều hình ảnh Thái Lan trên quốc tế.
Đó là lý do khiến quân đội Thái khá bối rối và cho đến giờ chỉ đóng vai trò trung gian hòa giải nhưng không mấy thành công.
Trong quá khứ thì còn có khả năng can thiệp của nhà vua như trong các cuộc khủng hoảng 1973 và 1992. Tuy nhiên, Quốc vương Thái Lan lại không ở Bangkok, mà ở Hua Hin, ở miền Nam. Năm nay quốc vương Thái đã 86 tuổi, sức khỏe yếu kém, và cũng không rõ ông có thực sự nắm tình hình ở Bangkok hay không. Người ta cũng có cảm nhận là nội bộ Hoàng cung khá chia rẽ trước tình hình chính trị hiện nay, giữa các hoàng tử, công chúa, các tôi thần...
Giải pháp còn lại là đảo chính tư pháp. Giải pháp này ngày càng rõ nét. Ủy ban Bài trừ Tham nhũng hiện đang xem xét một đơn kiện lạm quyền do phe đối lập trình lên, nhắm vào các dân biểu đảng Peua Thai và cả thủ tướng Yingluck, bị cho là đã vi phạm quy định của Quốc hội trong cuộc bỏ phiếu một điều khoản tu chính Hiến pháp trong tháng qua.
Rất có thể Ủy ban chống tham nhũng thân đối lập sẽ phạt các dân biểu đảng Puea Thai, và như thế có thể khiến chính quyền bà Yingluck sụp đổ.
RFI : Trong những ngày qua, không thấy phe Áo đỏ, tức phe thân chính quyền và cựu Thủ tướng Thaksin, anh của đương kim Thủ tướng Yingluck, có động tĩnh gì. Có thể giải thích ra sao về sự ‘vắng mặt’ này ?
Arnaud Dubus : Sau những sự cố dẫn đến cái chết của nhiều sinh viên vào đầu tháng, phe Áo đỏ đã quyết định rời Bangkok. Họ không muốn gây thêm khó khăn cho công việc của cảnh sát và chính phủ khi tạo thêm những điểm nóng mới ở thủ đô. Từ lúc đó họ không lộ diện công khai, nhưng theo dõi sát tình hình chính trị.
Tôi đã ở nhiều ngày tại một thành phố nhỏ bên bờ vịnh Thái Lan, nơi mà người thuộc phe Áo đỏ rất đông. Nói chuyện với lãnh đạo của họ, tôi hiểu được rằng họ đã trong tư thế sẵn sàng huy động lực lượng đến Bangkok nếu cuộc bầu cử ngày mùng 2/02/2014 bị xét lại. Đây lại chính là điều đang diễn ra.
Không nên quên là phe Áo đỏ có thể huy động lực lượng đông hơn gấp 2 hay 3 lần số người biểu tình chống chính phủ. Nếu sự kiện này diễn ra thì tình hình sẽ rất khó lường.
RFI : Xin cảm ơn Thông tín viên Arnaud Dubus tại Thái Lan.

Source : RFI