9/11/09

Bùi Vĩnh Phúc : Thuật Ngôn Ngữ Trong Ca Từ của Trịnh Công Sơn

Thuật Ngôn Ngữ Trong Ca Từ của Trịnh Công Sơn
Bùi Vĩnh Phúc

Không ai nghe nhạc Trịnh Công Sơn mà lại không thấy những nét kỳ ảo trong ngôn ngữ của người nhạc sĩ . Những nét kỳ ảo trong thế giới của anh đã khiến cho cái thế giới ấy trở nên, có khi, đẹp đẽ, lung linh nhiều mầu sắc, có khi, nhòe nhạt thấp thoáng những nét nghệ thuật hơn. Nó là một thế giới tuy không xa nhưng cũng không thật gần với cuộc đời này, giống như chút tình mà Trịnh Công Sơn đã nhắc đến trong một câu hát của bài Như Một Lời Chia Tay, “Tình không xa nhưng không thật gần”. Trong một câu hát khác của bài Đời Cho Ta Thế, anh viết, “Không xa bờ và cũng không xa mịt mù (…) / Không xa trời và cũng không xa phận người”.

Đúng như thế, trong thế giới của anh, ngôn ngữ làm ra tất cả. Chính ngôn ngữ đã tạo ra một thế giới mới, trong đó, anh và bạn bè bằng hữu cũng như những người con gái đáng yêu trong cuộc sống anh hay trong cuộc đời này đã đi lại, nói cười và tan đi như bóng nắng chết trên sông dài, hay như khói trời tan loãng trong mênh mông phù du hư ảnh. Đó là một thế giới có thật hay là một thế giới chỉ có trong tưởng tượng? Có lẽ là cả hai. Có lẽ thế giới này đã xâm thực, chiếm lĩnh và hòa tan làm một cùng thế giới kia. Chính vì thế mà thế giới của Trịnh Công Sơn trở nên nhòe nhạt, lung linh hư ảo. Nó là một thế giới “lai”: lai giữa hiện thực và mộng tưởng, lai giữa hiện tại chớp mắt và thiên thu mịt mù, lai giữa hồng và xám, giữa xanh và đỏ, giữa trắng và đen, giữa vàng và tím, lai giữa “một phố hồng một phố hư không” và “giữa tường trắng lặng câm” u tối.

Ngôn ngữ sinh ra thế giới. “Ngôn ngữ là căn nhà của hiện hữu”, là “chỗ An cư của Tính thể”, nói như Heidegger. Câu nói này càng đúng hơn nữa với Trịnh Công Sơn. Người ta thường cho rằng những lời ca của anh là thơ. Thì đúng là như vậy. Chúng là những lời thơ thả bay cho gió cuốn. Chúng là những hình ảnh, những biểu tượng bất chợt. Như những hình ảnh bất chợt hiện ra lạ lùng, kỳ bí và đầy hư ảo trong những giấc mơ của ta. Chúng bay rải rác và rồi đột nhiên xếp lại thành những bức tranh lạ lùng mang đầy tính huyền ảo. Đó là những lời thơ của một người thường thấy mình mộng du ngay trong đời sống, và thấy đời sống trở về trong những giấc mộng của mình. Đó là những câu thơ nhặt được trong đời. Hay trong mơ. Có khi Trịnh Công Sơn xếp đặt nó theo một thứ vần điệu nào đó dễ nhận ra, qua những hình thức của thi ca mà chúng ta đã quen biết; có những khi, chúng giống như những câu thơ tự do, những câu thơ dài ngắn không đều, như những mảnh giấy mà trẻ con xé nghịch thả bay cùng trời đất. Có lẽ đa số những câu hát của anh nằm trong dạng thức đó. Những câu thơ tự do, như những mảnh giấy nhỏ nhiều màu sắc thả bay trong trời. Nhưng, bây giờ, ta hãy thử xét một số bài hát được Trịnh Công Sơn viết dưới dạng quen thuộc của những bài thơ (hoặc một phần lớn của bài hát được viết như thế). Những bài thơ mà khi được đặt trên khuông nhạc của anh, ít người nhớ lại là, tự khởi đầu, chúng đã ra đời như những bài thơ toàn vẹn.



Những Bài Thơ

* Thơ 4 chữ:


Cũng Sẽ Chìm Trôi (*)

Nhật nguyệt trên cao
Ta ngồi dưới thấp
Một dòng trong veo
Sao lòng còn đục
Bầy vạc bay qua
Kêu mòn tịch lặng
Đường đời không xa
Sao chồn gối chân (…)



(*) Bài này chia làm 2 đoạn, mỗi đoạn 8 câu.

Tuổi Đá Buồn
(…)
Trời còn làm mưa
Mưa rơi thênh thang
Từng gót chân trần
Em quên em quên
Ôi miền giáo đường
Ngày chủ nhật buồn
Còn ai còn ai
Đóa hoa hồng __
Tàn hôn lên môi
Em gầy ngón dài
Lời ru miệt mài (…)


* Thơ 5 chữ:


Nguyệt Ca


Từ khi trăng là nguyệt
Đèn thắp sáng trong tôi
Từ khi trăng là nguyệt
Em mang tim bối rối (…)


Vì Tôi Cần Thấy Em Yêu Đời


Tôi xin làm mưa bay
Trong vườn em mùa hạ
Tôi xin làm chút gió
Mát thêm những bờ vai (…)
Tôi xin làm sao đêm
Hay làm cây đèn nhỏ
Em bên đèn sẽ nhớ
Nắng trên những đường quen
Tôi xin làm mây êm
Trôi vào trang nhật ký
Hay tôi làm mực hồng
Chờ em giữa trang thư (…)



* Thơ 7 Chữ:


Em Đi Bỏ Lại Con Đường
(…)
Bỏ mặc mưa về bỏ chiều phai
Bỏ mặc hư vô bỏ ngậm ngùi
Bỏ đêm chưa qua ngày chưa tới
Bỏ mặc tay buồn không bàn tay (…)
Bỏ tôi hoang vu và nhỏ bé
Bỏ mặc tôi ngồi giữa đời tôi



Hai Mươi Mùa Nắng Lạ
(…)
Em hai mươi tuổi như bài thơ
Sài Gòn nắng mưa em chợt đến
Làm lời mộng mị giữa thiên thu
Em hai mươi tuổi em đâu ngờ
Năm xưa vui buồn chút phù du
Sài Gòn xua tan nghìn dấu lệ
Cho em bây giờ mắt tình đưa

* Thơ Tám chữ:


Một Cõi Đi Về


Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về (…)


* Thơ Lục Bát:


Mưa Mùa Hạ
(…)
Mưa như từng giọt rượu hờ
Đêm trong thành phố ai chờ chờ ai
Mưa thưa tựa áo lụa trời
Ôm quanh da thịt chân người người qua

Lời Ở Phố Về (*)

Đêm xưa ra phố với người
Giờ đây xuống phố với ngày vô vi (…)
Hôm nay ra phố với người
Chợt trong phố xá những lời phân ưu (…)
Bên kia sông nước vô bờ
Hồng nhan em có bao giờ bâng khuâng
Nụ cười trong gió mong manh
Một trời riêng đó bước chân ta về.


(*) Bài này chia làm 2 đoạn đối xứng nhau, mỗi đoạn 12 câu lục bát.

* Một Trường Hợp Đặc Biệt: Đoá Hoa Vô Thường

Bài Đóa Hoa Vô Thường là một khúc ca thiền, một giao hưởng thơ (symphonic poem), thay đổi với nhiều giọng điệu. Chính vì thế, ở đây, ta có thể tìm thấy Trịnh Công Sơn đã không những công phu với từng phần, từng đoạn nhạc để diễn tả những ý tình khác nhau qua những khúc thức đầy những nhịp điệu tiết tấu biến đổi, mà anh còn dụng công rất nhiều trong những thể thơ khác nhau, dành cho những phần nhạc khác nhau ấy, để diễn tả những cảm xúc chảy suốt khúc giao hưởng này. Ta thấy dòng thơ 4 chữ làm thành những bước đi thong dong khởi đầu của khúc nhạc:

Tìm em tôi tìm
Mình hạc xương mai
Tìm trên non ngàn
Một cành hoa khôi
Nụ cười mong manh
Một hồn yếu đuối
Một bờ môi thơm
Một hồn giấy mới…

Khi tìm thấy em, đưa tình về, nhịp hớn hở và dìu dặt tha thiết của lục bát:

Từ nay tôi đã có người
Có em đi đứng bên đời líu lo (…)
Từ em tôi đã đắp bồi
Có tôi trong dáng em ngồi trước sân (…)
Từ nay anh đã có nàng
Biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca
Mùa xuân trên những mái nhà
Có con chim hót tên là ái ân.

Sau đó, lại chuyển sang thể thơ 4 chữ để diễn tả tâm trạng bốn mùa yêu nhau. Rồi giọng thơ trở nên hiu hắt khi cuộc tình bước sang một giai đoạn chuyển tiếp khác. Bây giờ là thơ 6 chữ:

Một chiều em đứng cuối sông
Gió mùa thu rất ân cần
Chở lời kinh đến núi non
Những lời tình em trối trăn
Một thời yêu dấu đã qua
Gót hồng em muốn quay về
Dù trần gian có xót xa
Cũng đành về với quê nhà.

Sau đó, nhạc chuyển sang dồn dập và mênh mông, thơ 5 chữ:

Từ đó trong vườn khuya
Ôi áo xưa em là
Một chút mây phù du
Đã thoáng qua đời ta….

Khi khúc giao hưởng mềm và êm dịu trở lại để kết thúc, lời thơ 5 chữ lại trở về cho đến hết bài.

Đóa Hoa Vô Thường là một tác phẩm mà Trịnh Công Sơn đã để nhiều công phu trong đó. Ở đây, ta chỉ tạm nói qua về các thể thơ mà anh đã đưa vào tác phẩm đẹp đẽ này.


Những Hình Ảnh Tỉnh Lược (Ellipsis)

Một nét thú vị trong ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn là những nét tỉnh lược trong ca từ của anh. Ngôn ngữ thơ là một loại ngôn ngữ đặc thù. Nó không nhất thiết phải tuân thủ những quy luật của ngữ pháp văn xuôi. Dù sao, những sự lệch biến này, nếu đẩy tới một độ nào đó, và nếu xuất hiện liên tục ở một tần số nào đó, có thể làm cho câu thơ và làm cho nhà thơ trở nên bí hiểm. Nhà thơ, như thế, sẽ trở nên khó hiểu và có khả năng tự làm cho mình xa rời người thưởng ngoạn. Một nhà thơ giỏi, nếu không đưa ra hẳn được một cách nhìn mới, một lối diễn tả mới, hay không phải là người thích làm cách mạng trong thi ca bằng ngôn ngữ sáng tạo của mình, có thể vẫn là một người dùng chữ nghĩa dung dị, nhưng sự dung dị đó vẫn tỏa ra những nét mới. Ngôn ngữ Trịnh Công Sơn dung dị, nhưng được làm mới bằng nhiều cách. Có thể nói là chúng ta đã tìm hiểu phong cách ngôn ngữ nghệ thuật của anh qua suốt chuyên luận này trong tất cả những phân tích về những ám ảnh cũng như về thời gian và không gian nghệ thuật của Trịnh Công Sơn. Tất cả những ám ảnh cũng như những xây dựng thời gian và không gian trong thế giới anh đều đã được thực hiện bằng chất liệu ngôn ngữ. Dù sao, trong phần này, cũng như trong một số lý giải tiếp theo sau, chúng ta sẽ thử nhìn kỹ hơn nữa phong cách nghệ thuật xét trên mặt ngôn ngữ của anh.

Trong nghệ thuật tỉnh lược, những hình ảnh (cũng có nghĩa là những từ ngữ) trong câu bị cắt đi mất một vài thành phần, có khi chúng còn bị sắp xếp theo một trật tự không bình thường nữa, khiến cho câu văn và hình ảnh mất đi tính mòn, và trở nên mới, nhờ sự lắp ghép lại trong chính trí tưởng tượng của người thưởng ngoạn. Biện pháp này thành công nhờ gắn chặt với những thao tác nghệ thuật được tiến hành dưới sự soi chiếu của tâm lý hoàn hình Gestalt, vốn đã nằm sẵn trong bản năng của người thưởng ngoạn, cho dù người này có biết hay không biết điều ấy.

* Em đi về cầu mưa ướt áo
Đường phượng bay mù không lối vào
Hàng cây lá xanh gần với nhau


(Mưa Hồng) (1)

Câu đầu, “Em đi về cầu mưa ướt áo”, có ý nghĩa như thế nào? Ngữ pháp, ở đây, bị cắt bỏ đến mức tối đa. Mọi hình ảnh trở nên rất mơ hồ, giống như bị nhòa nhạt trong mưa. Có thể dựng nên hình ảnh em đi qua cầu, trời mưa và gió bay rào rạt, em một tay che đầu một tay giữ áo để gió và mưa khỏi đánh tốc vạt áo lên. Dáng em bước vội vã nhưng cơn mưa vẫn nhanh hơn. Hình ảnh em, và mưa, và cây cầu, trở nên nhoà nhạt. Có thể cho cơn mưa đổ xuống nhẹ hơn, và những giọt mưa bám vương vào áo em chỉ đủ làm ướt hờ một bờ vai hồng và một tà áo trắng. Vân vân. Người thưởng ngoạn, chạm vào sự tỉnh lược này, có tự do, ở một mức độ nào đó, để hoàn tất và làm rõ hình ảnh em đi qua cầu trong cơn mưa. Hình ảnh cắt thiếu nét này đẹp. Vì nét cắt khéo. Và cũng vì nó được đóng khung trong một bối cảnh thật đẹp và thơ.

* Hồ Tây chiều thu
Mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi
Màu sương thương nhớ
Bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời

(Nhớ Mùa Thu Hà Nội)

“Vỗ cánh mặt trời” là thế nào? Hình như tác giả đã cắt đi một nét chính yếu giữa động tác “vỗ cánh” của bầy chim sâm cầm và hình ảnh “mặt trời”. Có thể là bầy chim vỗ cánh bay về hướng mặt trời. Có thể là vỗ cánh bay dưới bóng mặt trời. Có thể là bầy chim vỗ cánh bay đi trong ánh mặt trời đang xuống loang đỏ mặt nước của Hồ Tây buổi chiều thu. Đó có thể là một vài lý giải của người thưởng ngoạn để làm cho bức tranh có đầy đủ nét hơn. Nhưng, thật sự, đủ nét để làm gì? Bức ảnh thiếu nét như thế lại hay. Vì nó tạo nên một hiệu ứng nhòe. Khiến cho buổi chiều ấy như thấm đẫm một màu sương. Nếu bức ảnh đầy đủ mọi nét, “màu sương thương nhớ” kia sẽ không còn chỗ để phát huy hết tác dụng của nó nữa.

* Trời còn làm mưa mưa rơi thênh thang
Từng gót chân trần em quên em quên
Ôi miền giáo đường
Ngày chủ nhật buồn còn ai còn ai
Đóa hoa hồng tàn hôn lên môi
Em gầy ngón dài lời ru miệt mài…

(Tuổi Đá Buồn)

Một hình ảnh thiếu nét: đóa hoa hồng tàn hôn lên môi. Người thiếu nữ đưa đóa hoa hồng, mãi bị vùi quên trong tay, bây giờ đã tàn đã héo, lên môi hôn? Hình ảnh có pha chút xót xa. Trời mưa. Những gót chân trần. Một ngày chủ nhật. Nỗi buồn. Ngọn tháp giáo đường trơ vơ. Một đóa hồng tàn. Một người con gái mong manh. Và những tiếng ru. Tất cả những hình ảnh đó gọi về một cái gì mong manh, buồn bã. Tất cả mọi nét đều hầu như tĩnh lặng. Kể cả cơn mưa cũng rất tĩnh lặng trong buổi chiều buồn. Chỉ có những gót chân bước đi. Và, đặc biệt, động tác đưa đóa hồng tàn lên môi hôn. Đóa hoa hồng tàn hôn lên môi: đâu là chủ từ của động từ “hôn”? Người con gái hôn đóa hoa, hay chính đóa hoa là chủ thể của nụ hôn ấy? Nó hôn lên đôi môi ướt lạnh, nhòe nhạt và buồn đau của người con gái đang buông những gót chân trần trong mưa kia. Tôi nghĩ là Trịnh Công Sơn đã để một nét thiếu tuyệt đẹp trong bức tranh mưa của mình.

Chúng ta có thể tiếp tục thử phân tích như thế với những câu “Cây sang thu lá úa rơi mù” trong bài Tạ Ơn, “Mưa phố vai mưa mềm” trong bài Mưa Mùa Hạ… Tất cả những nét thiếu trong những câu như thế của Trịnh Công Sơn là những nét thiếu rất nghệ thuật. Thiếu mà lại tràn đầy. Vì nó kích thích trí tưởng tượng của ta. Nó bắt ta phải, bằng vào kinh nghiệm và những cảm thức thẩm mỹ của mình, bổ túc cho bức tranh được hoàn chỉnh và có ý nghĩa hơn. Nói Trịnh Công Sơn là người có tài sai sử ngôn ngữ cũng là ở những chỗ như thế.

Những Câu Bỏ Lửng

Trịnh Công Sơn cũng có những lúc sử dụng những câu bỏ lửng, chưa toàn vẹn ý ở một mức độ nào đó. Có thể những câu loại này không hẳn là hay hoặc thật hay, nhưng chắc chắn chúng tạo nên một nét lạ. Và trong nghệ thuật, ai là người tránh khỏi sức hấp dẫn của những điều lạ, nếu ta đủ lòng tin rằng mình là người có khả năng để tạo ra chúng.

Chúng ta thử xem những câu dưới đây:

* Có chút bồi hồi trong phút chia ly
Có những mặt người không yêu là vì
Có những cuộc đời hết sức ngây ngô ….


Câu hai, “không yêu là vì”. Là vì sao? Không thấy Trịnh Công Sơn trả lời. Có lẽ cũng giống như trong tiếng Mỹ, nhiều khi để trả lời một câu hỏi, người ta không thể cho biết đích xác lý do của hành động mà câu hỏi đã đặt ra. Người ta, bởi thế, chỉ trả lời, “Because…”, hay là “Just because…” Ta không thể hiểu rõ là “because what ?”, “because” cái gì.

* Từ khi em là nguyệt
cho tôi bóng mát thật là.

“Bóng mát thật là mát”, hay là “bóng mát thật là hạnh phúc”… Chúng ta không rõ. Trịnh Công Sơn chỉ nói lửng lơ như vậy thôi. Cho tôi bóng mát thật là.

* Người tình kia mất con đường về
Và trời kia mất em từ độ.

Từ độ nào? Chúng ta có thể hỏi. Nhưng người nhạc sĩ chỉ nói vậy. Là đủ. Nếu người thưởng ngoạn muốn hiểu là “từ độ ấy” thì chắc cũng đúng. Nhưng hình như người nhạc sĩ như muốn hỏi rằng, “Nói ra quá rõ như thế để làm gì?”

Trong những lời ca của Trịnh Công Sơn, người ta còn có thể tìm ra nhiều câu bỏ lửng theo cung cách như vậy. Chẳng hạn:

* Trăm năm ở đậu ngàn năm
Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn
Ngàn năm (í a)
Buồn như (í a).

* Chiều trên quê hương tôi / có bao nhiêu điều đã trôi qua
Có riêng em cuộc đời vẫn nhớ
Nét quê hương nghìn năm vẫn là.

* Trời còn làm mưa mưa rơi thênh thang
Từng gót chân trần em quên em quên
Ôi miền giáo đường ngày chủ nhật buồn…
* Tìm em tôi tìm
Nhủ lòng tôi ơi
Tìm đêm chưa từng
Tìm ngày tinh khôi
Tìm chim trong đàn ngậm hạt sương bay
Tìm lại trên sông những dấu hài
* Có điều gì gần như niềm tuyệt vọng
Trong xuân thì hay bóng trăm năm
Bỗng một hôm qua phố hoang tàn
Tôi quen như tôi đã có lần.

Cách nói bỏ lửng như thế, trong những câu tôi vừa thử nêu ra, có đặc sắc hay không là tùy nơi cảm quan của người thưởng ngoạn. Nhưng có một điều chắc chắn là nó lạ. Nó làm cho người nhạc sĩ đứng tách ra. Và nó làm cho chúng ta nhớ anh. Và, đó cũng là một phong cách nghệ thuật.

Những Cách Nói Lạ

Ngoài lối nói tỉnh lược, cắt bỏ nét trong câu trong hình, ngoài lối nói bỏ lửng, cắt bỏ một nét cuối câu, Trịnh Công Sơn còn có một phong cách sử dụng từ rất lạ, biến chúng thành một nét riêng của anh, không nhòe lẫn với bất cứ ai.

Trước hết là từ “hư hao”. Từ này, trong cuộc sống văn xuôi, có một nghĩa thật tầm thường. Nó đi quá gần đời sống. Nó gần với câu văn nói và không mang một nét thơ nào cả, chẳng hạn khi người ta nói về đồ đạc hay nhà cửa hư hao. Trong Trịnh Công Sơn, anh cho nó những thuộc tính, những phẩm tính mới:

Ngọn gió hư hao thổi suốt chiêm bao
Rồi tình trong im tiếng
Rồi tình ngoài hư hao
Về đây thân xác hư hao
Đêm đêm nằm nghe lá
than van chút niềm đau ngọt ngào.

“Hư hao”, từ đó, đã đi vào thi ca.

Thứ nhì là trạng từ “vừa”. Ý nghĩa bình thường của nó là “đủ”, “không thừa, không thiếu”, như trong “cầu dừa (vừa) đủ xài (xoài)”. Ở Trịnh Công Sơn, nó được lắp ghép một cách đặc biệt vào những tính từ thường không gắn bó với nó, như:

Một lời tình cuối vu vơ
Một ngày tình xót xa vừa,

hay tất cả gắn bó với nhau trong một thi ảnh lạ:

Chìm dưới cơn mưa
Một ngàn năm trước
Mây qua mây qua
Môi em hồng nhạt
Chìm dưới cơn mưa
Một ngàn năm nữa
Mây qua mây qua
Môi em hồng vừa.

Có khi anh cho trạng từ “vừa” này bám vào một danh từ, khiến cho nó được dùng như một tính từ:

Ngàn mây xám chiều nay về đây treo lững lờ
Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vừa.

“Vừa”, như thế, mang một nét mới của Trịnh Công Sơn.

Ngoài những từ vừa kể, Trịnh Công Sơn còn nhiều cách nói khác làm cho người nghe khó quên anh. Những cách nói đó bao gồm những từ ngữ không nằm trong cách lắp ghép bình thường của mọi người. Có thể kể:

Từ nay tôi đã có tình

Có em yêu dấu lẫy lừng nói thưa


Miệng môi kia ốm o lời thề


Trái tim cho ta nơi về nương náu

Được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều


Một ngày đã có em xa nơi này

Một ngày với vắng tôi

Nào dễ chóng phai trong lòng nỗi nhớ

Ngày tháng trôi qua cơn đau mịt mù…


Những cách nói như thế, những cách dùng chữ như thế, góp phần làm cho thế giới của Trịnh Công Sơn tách xa khỏi cuộc sống bình thường một chút nữa. Chúng tạo nên một độ chênh để người thưởng ngoạn nhận rõ hơn đó là thế giới của Trịnh Công Sơn. Từ đó, con người tác giả cũng hiện ra dưới mắt họ trong một góc độ đặc biệt hơn.


Cuộc Hôn Phối Của Những Hình Ảnh:

Những Biện Pháp Tu Từ

Qua suốt bài này, chúng ta thấy rõ rằng ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn bao gồm đa số những từ, những chữ bình thường, nhưng cách anh sử dụng chúng, cách anh tạo ra những hình ảnh nơi chúng, thì quả là khác thường. Những hình ảnh của anh khác thường, như đã nói, có lẽ vì chúng “không xa nhưng không thật gần” đời sống. Hình ảnh “Trời ươm nắng cho mây hồng” chẳng hạn, là một hình ảnh lạ, và đẹp. Đó chỉ là một trong rất nhiều những hình ảnh mà Trịnh Công Sơn đã đưa vào thế giới của mình, và làm cho thế giới của anh trở nên mới và lạ hẳn. Một quy luật của sự sáng tạo thi ca là làm “lạ hóa” (defamiliarization) những cảnh, những vật bình thường, cho chúng một khuôn mặt và một vóc dáng khác. Đặt chúng vào trong những không gian mới. Dìm chúng vào một bầu khí quyển mới. Trịnh Công Sơn thường xuyên làm được điều đó, và làm một cách tài hoa, trong việc viết những ca từ của mình. Ngoài việc tạo ra những hình ảnh mới, Trịnh Công Sơn còn tạo được sự khác thường nơi thế giới mình bằng cách sắp đặt các ý tưởng, các hình ảnh bên nhau một cách bất ngờ, không theo sự mong đợi của người nghe anh. Cái tài của anh là tạo ra những cuộc hôn phối kỳ lạ của chữ nghĩa, của hình ảnh. Những cuộc hôn phối ấy thường được thực hiện bằng những biện pháp tu từ (figures of speech). Và có lẽ Trịnh Công Sơn là một trong ít người tài hoa đã thực hiện một cách tốt đẹp và ban phép lành cho những cuộc hôn phối này, khiến, nhiều lúc, người xem tưởng như chứng kiến một phép lạ. Đó là những phép lạ ngôn ngữ. Và, để nhắc lại, ngôn ngữ cũng là một vật liệu để sáng tạo ra trần gian này.

Sau đây, chúng ta hãy thử xét một số biện pháp tu từ mà Trịnh Công Sơn thường dùng. Qua đó, chúng ta cũng gặp gỡ lại một số những hình ảnh mang đầy tính “hiện thực kỳ ảo” trong thế giới ý tưởng của người nhạc sĩ. Trong một số trường hợp, những hình ảnh của Trịnh Công Sơn bao gồm những biện pháp tu từ có tính chập đôi hay trùng phức; qua đó, chúng mang trong mình một lúc hai hoặc ba biện pháp chập lại. Trong trường hợp ấy, hình ảnh thường trở nên có chiều sâu hơn và đưa đến, cùng lúc, nhiều sự liên tưởng.

Một vài thí dụ: Trong bài Thương Một Người, câu “Từng đêm qua ngõ tối / Bàn chân âm thầm nói” có thể được hiểu như một hình ảnh với những biện pháp tu từ có tính trùng phức. Ở một mức độ thấp và đơn giản nhất, có thể xem đây là biện pháp nhân hóa: tác giả gán cho bàn chân một thuộc tính của người, là “nói”. Cao hơn nữa, có thể xem nó là ẩn dụ: bàn chân tượng trưng cho người con gái; một người con gái âm thầm đi về trong đêm. Bàn chân âm thầm ấy nói lên những tâm sự buồn và u uẩn. Cao hơn nữa, có thể xem nó là hoán dụ: lấy bàn chân, là một phần của con người, để chỉ toàn thể con người: người con gái với bước chân âm thầm đi trong đêm tối, tấm lòng ôm giấu một nỗi buồn riêng tư, không muốn ngỏ cùng ai.

Trong bài Ru Ta Ngậm Ngùi, câu “Có sợi tóc nào bay / Trong trí nhớ nhỏ

nhoi” cũng có thể đã mang trong nó một hình ảnh có tính trùng phức. Sợi tóc có thể là một ẩn dụ chỉ người con gái, một bóng dáng thân yêu đã khuất xa trong cuộc đời người nhạc sĩ. Nó cũng có thể mang tính hoán dụ: tác giả dùng một sợi tóc để chỉ cả một mái tóc, và dùng một mái tóc—một phần của con người—để chỉ cả một con người. Người con gái ấy đã có thể trở về trong tâm trí tác giả, trước hết, qua hình ảnh một sợi tóc. Một sợi tóc bay ngang một vành môi hồng ướt chẳng hạn. Điều ấy đáng nhớ lắm chứ!

Một số hình ảnh được liệt kê dưới đây đã rơi vào những trường hợp trùng phức như thế. Thật sự, chúng có thể được xét cùng một lúc như những biện pháp tu từ khác nhau.

* Nhân hóa (Personification):

Một biện pháp tu từ gán cho thú vật, những ý tưởng, những sự trừu tượng, và những đồ vật vô tri giác cái dạng thể, tính cách hay những cảm giác của con người; hoặc là gán cho loài vật hay những thứ gì đó được tưởng tượng ra những nét thông minh hoặc những đặc tính và cảm xúc của con người.

Khi tình đã vội quên
Tim lăn trên đường mòn
Trên giọt máu cuồng điên
Con chim đứng lặng câm

Con gió ở trọ bao la đất trời
(…) Mây kia ở đậu từng không
Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người
(…) Trăm năm ở đậu nghìn năm
Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn

Biển sóng biển sóng đừng xô tôi
Đừng xô tôi ngã giữa tim người
Biển sóng biển sóng đừng âm u
Đừng nuôi trong ấy trái tim thù

Tình khâu môi cười
Tình thắp cơn sầu
Tình dìu qua hố sâu, tình vời lên núi cao
Rồi trong cơn yêu dấu tình đày tình xa nhau

Từng đêm qua ngõ tối
Bàn chân âm thầm nói

Trời làm cơn mưa xanh dưới những hàng me
Bao đường phố em qua nắng lên đứng chờ

Bống nhảy lên bờ bống đi chơi phố
Nắng vàng ủng hộ cho bống căn nhà

Một dòng sông chở ngày hấp hối

Ngày thu đông phố xưa nằm bệnh
Đàn chim non réo bên vườn hoang
Người ra đi bến sông nằm lạnh
Này nhân gian có nghe đời nghiêng

Lời cỏ cây hát trên da người

Xuân đến bên kia đồi trời mở ra cánh én
Em đến bên tôi ngồi đời mở ra cuộc tình

Đàn chim non lần hạt
Cho câu kinh bước tới

Chiều đã đi vào vườn mắt em
Ngàn cây thắp nến lên hai hàng…

Đời vẽ tôi tên mục đồng
Rồi vẽ thêm con ngựa hồng
Từ đó lên đường rong chơi…
Đời vẽ tóc em thật dài
Rồi vẽ môi thơm nụ cười
Từ đó thiên hạ vui tươi…

* So sánh (Simile):

Biện pháp tu từ trong đó sự tương tự hoặc giống nhau giữa hai đối tượng được trực tiếp trưng ra. Giữa hai đối tượng được so sánh thường có một liên từ so sánh như như, tựa để nối kết chúng. Trong biện pháp này, hai đối tượng được so sánh, trong bản chất, thường thuộc những thể loại rất khác nhau, trong những phạm trù khác nhau, nhưng lại có một điểm hay một khía cạnh nào đó bất ngờ đem lại một sự liên tưởng khiến chúng trở nên giống nhau.

Mặt trời như trái cây tuyệt vọng
Rơi trong đêm rơi trong đời nàng

Đời sao im vắng
Như đồng lúa gặt xong
Như rừng núi bỏ hoang

Đời sẽ buồn như một vết thương
Tình sẽ buồn như là nấm hoang

Đôi khi thấy trăm vết thương rồi như đá ngây ngô

Tôi như ngọn đèn từng đêm vơi cạn
lửa lên thắp một niềm riêng
Tôi như nụ hồng nhiều khi ưu phiền
nhìn tôi rã cánh một lần

Đâu ngờ tình như lá úa
khiến tôi chia lìa từng giấc mơ

Những bước chân mềm mại đã đi vào đời người
như từng viên đá cuội rớt vào lòng biển khơi

Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ
(…) Tình ta như núi rừng cúi đầu

Tình yêu như trái phá con tim mù lòa
Tình yêu như nỗi chết, cơn đau thật dài
Tình yêu như vết cháy trên da thịt người
Tình xa như trời,
tình gần như khói mây,
tình trầm như bóng cây,
tình reo vui như nắng
tình buồn làm cơn say
Tình yêu như trái chín trên cây rụng rời

Hồn mình như vá khâu,
buồn mình như lũng sâu

Bờ vai như giấy mới

Mình như đá, đá lăn vết lăn buồn
Như trùng dương đêm mắt thâm còn nghe ngóng

Có người lòng như khăn mới thêu
Có người lòng như nắng qua đèo

Dù ta như con đường dài vắng người
Nhìn người đi như mây vô danh

Mưa như từng giọt rượu hờ

Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời
Như một lời chia tay

Thằng bé xinh xinh ra đồng giữa ngọ
Miệng môi hồng đỏ như đóa hoa vông…

* Ẩn dụ (Metaphor):

Biện pháp tu từ đưa ra một sự so sánh ngầm qua đó một đối tượng được đưa ra so sánh một cách đầy bất ngờ, qua những hình ảnh mang đầy nét tưởng tượng, với một đối tượng khác. Đối tượng thứ nhất được gán cho một hay nhiều đặc tính của đối tượng thứ hai; hoặc đối tượng đầu được gán cho những đặc tính mang nét xúc cảm hay tưởng tượng có liên hệ với đối tượng thứ hai. Cũng giống như trong so sánh, hai đối tượng được đề cập thường là khác xa nhau trong bản chất hoặc trong phạm trù suy niệm, thế nhưng, một nét bất ngờ nào đó, từ tia lửa nhận thức loé lên trong tâm hồn và cái nhìn của con người sáng tạo, hai đối tượng được đem lại đặt gần bên nhau, và nét giống nhau giữa chúng được bật lên. Cái thú vị của ẩn dụ nằm ở chỗ đây là một sự so sánh ngầm. Sẽ không có một liên từ so sánh nào được sử dụng để nối kết hai đối tượng lại. Có khi, sự nối kết này lại được thể hiện thẳng băng và bất ngờ qua hệ từ là. Trong những trường hợp khác, người thưởng ngoạn, với sự tưởng tượng nhanh nhạy của mình, phải tự làm công việc liên kết hai đối tượng được so sánh lại. Sự thú vị được tạo ra cũng từ đó.

Ngoài phố mùa đông
Đôi môi em là đốm lửa hồng


(Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ)
Ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa


Đôi khi trên mái tình ta nghe những giọt mưa

Nhìn lại mình đời đã xanh rêu

Từng bước em là từng mũi đinh cuồng điên


Tình khâu môi cười

Có con đò chở mưa nắng đi

Cuộc đời cho tôi cho tôi trái cấm trên đôi môi em
Cuộc đời cho thêm cho em có cánh bay đi vội vàng

Môi em hồng như lá hư không


Lòng ta trăm con hạc gầy vút bay

Dù trong ta đêm thì thầm tiếng buồn


Em là phấn thơm cho rừng chút hương
Là lời hát ca cho trần gian

Có sợi tóc nào bay
Trong trí nhớ nhỏ nhoi

Con sông là thuyền, mây xa là buồm


Dòng nước mắt sẽ bay trong trời
Làm cơn mưa rớt trên chăn gối

Có còn trong em những đêm gió lộng
Có còn trong em những cây nến hồng

Tên em là vết thương khô

Từng câu nói là từng cánh buồm giong cuối trời

Chiều nay em ra phố về, thấy đời mình là những chuyến xe
(…) Thấy đời mình là những đám đông
(…) Thấy đời mình là những quán không
(…) Thấy đời mình là con nước trôi

Môi nào hãy còn thơm
Cho ta phơi cuộc tình


Đời ta có khi là đốm lửa
Một hôm nhóm trong vườn khuya…

* Hoán dụ (Metonymy / Synecdoche):

Biện pháp tu từ dùng sự thay thế. Nó sử dụng một từ mang chứa một hình ảnh nào đó gần gũi với hình ảnh được nghĩ đến trong tâm hồn và đầu óc kẻ sáng tạo để đưa đến một sự nhận thức gián tiếp về hình ảnh đó. Chẳng hạn, khi nói, “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi ra mới có tấm bánh mà ăn”, thì “mồ hôi” ở đây chỉ “sự lao động cực nhọc”. Hay khi dùng hình ảnh “ngai vàng” hoặc “bệ rồng” để chỉ “nhà vua”. Nó cũng là biện pháp lấy một phần để chỉ toàn phần, hay, đôi khi, ngược lại, lấy toàn phần để chỉ một phần. “Đó là một tay thợ lành nghề”, “Nếu anh không làm rõ mọi chuyện, đừng vác mặt đến gặp tôi nữa”, hay “Cả thành phố đổ xuống đường đi đưa tiễn người nhạc sĩ tài hoa”… là những thí dụ cho biện pháp này. Để tạo sự thích đáng và mang lại hiệu ứng thẩm mỹ cần thiết, phần được chọn để thay thế cho tổng thể sẽ phải là một phần quan trọng của tổng thể đó và phần được chọn ra để thay thế ấy thường phải là phần có liên hệ trực tiếp đến cái toàn phần kia.

Một cuộc tình nhỏ bé
Bên đôi môi hồng đào

Có sợi tóc nào bay
Trong trí nhớ nhỏ nhoi

Những bước chân mềm mại
Đã đi vào đời người

Tôi tìm thấy tôi theo từng gót xa
(…) Hãy còn bước đi cho bình minh lên sớm
Cho đời chút ơn biết tà áo nọ

Bước chân em xin về mau

Từng đêm qua ngõ tối
Bàn chân âm thầm nói

Bàn tay chăn gió mưa sang

Tay hư vô đốt nến
Chiều chơi vơi lên cao
Tay hư vô che giấu
Chiều qua truông mây sâu

Bàn tay nghe ngóng tin sang

Vì một bàn tay không ngần ngại
Tặng hết cho tôi một phố chờ

Mùa thu mưa bay cho tay mềm
(…) Bàn tay xôn xao đón ưu phiền

Nghe bao nỗi đau trên một bàn tay

Một chiều tay người đã thả mây bay cho đường dài…

* Câu Hỏi Tu Từ (Rhetorical question):

Biện pháp tu từ dùng một (hay những) câu hỏi để nhấn mạnh một ý tưởng hay một tình cảm nào đó. Đây không phải là một câu nghi vấn đòi hỏi hoặc cần đến một câu trả lời. Câu hỏi tu từ thường được dùng để thuyết phục hoặc để tạo ấn tượng về mặt hùng biện. Nguyên lý chính cho sự sử dụng câu hỏi tu từ là, vì câu trả lời đã quá hiển nhiên và thường câu hỏi chỉ có một lời đáp duy nhất khả hữu và thích đáng, nên, để tạo ấn tượng sâu lắng hơn trong tâm hồn người nghe, người đặt câu hỏi tìm đến biện pháp tu từ này hơn là đưa ra một lời tuyên bố bình thường hay một câu xác định trực tiếp. (2)

Làm sao em biết bia đá không đau?

Đường nào quạnh hiu tôi đã đi qua?
Đường nào dìu tôi đi đến cơn say?

Nắng vàng, em đi đâu mà vội mà vội ?
Nắng vàng, nắng vàng ơi!

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy?
(…) Ôi, cát bụi mệt nhoài.
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi?
(…) Vết mực nào xóa bỏ không hay?

Người đâu mất người?
(…) Điệu kèn ai buốt trong tôi?

Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này?
Còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người?
Còn bao lâu tôi xa em xa anh xa tôi?

Một dòng (í a) trong veo.
Sao lòng (í a) còn đục?
Đường đời (í a) không xa.
Sao chồn (í a) gối chân?

Sầu thôi xuống đầy.
Làm sao em nhớ?

Không có em, còn tôi với ai?
(…) Không có em, buồn vui với ai?
(…) Ai đã chia người mãi xa người?
Ai giết đi tình đang lứa đôi?

Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may?
Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài?
Tuổi nào ngồi khóc tình đã nghìn thu?
Tuổi nào mơ kết mây trong sương mù?

Sau một lần đến bên người
Khép lại tấm lòng nghìn năm nhớ ai?

Anh đi đâu, về đâu?
Có nhớ trong em từng ngày yêu dấu?
Có biết trong em tình mãi bền lâu?
Trong em mặt trời khô héo?
Trong em ngày ấy vực sâu một đời?

Trời đất kia có hay ta về?
(…) Này nhân gian, có nghe đời nghiêng?

Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ?

Nhớ gì mà nắng vàng cánh rừng?
Thương ai mà sương khuya vội vàng buông?

Nơi em về ngày vui không em?
Nơi em về trời xanh không em?
Ta nghe nghìn giọt lệ
Rớt xuống thành hồ nước long lanh.


Qua một số hình ảnh được lấy ra trong thế giới của Trịnh Công Sơn như đã trình bày ở trên, ta thấy là Trịnh Công Sơn, để xây dựng những hình ảnh và cả một thế giới của mình, đã sử dụng rất nhiều những biện pháp tu từ. Tất cả làm cho những hình ảnh của anh long lanh, lấp lánh, lung linh, hay tạo ra những hiệu ứng nhoè hư hư thực thực. Chúng là những nét nhoè nghệ thuật một cách cố ý. Những biện pháp này, được sử dụng với phong thái riêng của Trịnh Công Sơn, đã biến thế giới của anh thành một thế giới đặc thù, không thể nhầm lẫn với bất kỳ sáng tạo của bất kỳ một nghệ sĩ nào khác. Ngoài những biện pháp tu từ vừa kể, chắc chắn Trịnh Công Sơn còn sử dụng thêm những biện pháp khác. Nhưng, một là vì chúng khá phổ biến, như cách nói cường điệu hóa của thi ca và văn chương (mà chúng ta cũng thấy trong ca từ của anh), hay cách sử dụng biện pháp trùng lặp (điệp từ, điệp ngữ, v.v…) để tạo sự nhấn mạnh, hay đối xứng (mà ta sẽ xét tiếp theo phần này); hai là vì chúng không xảy ra thường xuyên ở một tần số nào đó, như cách sử dụng biện pháp đảo trang, uyển ngữ, v.v…, nên tôi không liệt kê chúng hết cả ra đây. Dù sao, trong những biện pháp mà Trịnh Công Sơn đã sử dụng, hoán dụ có lẽ là một biện pháp mang một vài hình ảnh đặc biệt mà chúng ta nên nói thêm.

Có thể nói, ngoài một vài trường hợp rõ rệt, hầu như tất cả những hình ảnh về bàn tay mà Trịnh Công Sơn đưa vào trong thế giới của mình đều là những bàn tay lạ. Những bàn tay mở ra và đưa đón giữa trời. Những bàn tay tách khỏi chủ thể, hoặc nếu có gắn bó với một chủ thể nào đó thì đó là một chủ thể giấu mặt, có tính rất phiếm chỉ. Chẳng hạn như, “tay hư vô đốt nến”, “bàn tay chăn gió mưa sang”, “bàn tay nghe ngóng tin sang”, “nghe bao nỗi đau trên một bàn tay”, “tay người đã thả mây bay cho đường dài”, vân vân. Tôi tạm xếp loại chúng vào biện pháp hoán dụ, vì nếu lý luận cho đến rốt ráo thì những bàn tay đó đều dẫn đến, và đại diện cho, một chủ thể nào đó. Hoặc một chủ thể có tính vô hình, như hư vô, như trời đất, hoặc một thực thể có tính hữu hình, như tôi, như em, như người, những tôi, em, người rất phiếm định vì sự vắng mặt hay giấu mặt của nó. Nhưng, thật ra, chúng có nên được xếp vào hình loại “hoán dụ” hay không, hay là nên xem chúng như những ẩn dụ mang một khuôn mặt lạ. Hay chúng là những hình loại trùng phức, vừa hoán dụ vừa ẩn dụ. Đấy là một trong những nét “hiện thực kỳ ảo” trong thế giới Trịnh Công Sơn.

Những Nét Đối Xứng

Trong thế giới và trong những thi ảnh của Trịnh Công Sơn, người ta thường thấy một sự hài hòa mang đậm nét mỹ học được thực hiện bằng biện pháp đối xứng. Đối xứng thật ra đã là một quy luật về mỹ học từ thời xa xưa, khi con người hiểu rằng chính đối xứng đã tạo ra sự cân bằng hòa đối, nâng cao khoái cảm thẩm mỹ nơi con người. Luật đối xứng, trong thời hiện đại và hậu hiện đại, với sự soi chiếu của những tương quan văn hóa mới, những nền mỹ học mới, có thể đang gặp một số những thử thách, trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Dù sao, có thể nó sẽ chấp nhận một cuộc sống chung, trong một mức độ và trong một tương quan nào đó, với luật bất cân xứng, để tạo nên một thế giới đa dạng và nhiều màu sắc hơn. Nhưng chắc chắn nó sẽ không thể bị loại bỏ khỏi mắt nhìn nghệ thuật của con người. Bởi lẽ, tất cả thiên nhiên và vũ trụ này, thật sự, đã được tạo dựng ra trong sự đối xứng đó. (3)

Ta hãy thử xét thế giới của Trịnh Công Sơn qua cấu trúc đối xứng này trong nhiều mức độ khác nhau. Cấu trúc đối xứng này cũng có thể là song song hay thuận nghịch. Trước hết là những hình ảnh đối xứng trong một câu:

Đây là đối xứng mùa màng:

Yêu đầy mùa nắng / mùa mưa

Còn đây là đối xứng tình cảm. Con người được treo giữa hai đầu cân lên xuống, giữa đớn đau chảy máu và hạnh phúc hoan lạc:

Mỗi vết thương lành / một nỗi vui

Đối xứng về thời gian, thời gian vật lý hay thời gian tâm tưởng:

Ngày nào vừa đến đã xa muôn trùng…
Đôi khi thấy trên lá khô một dòng suối

Đối xứng không gian, xa và gần, thân thuộc và lạ mặt:

Không xa bờ và cũng không xa mịt mù /
Không xa cửa nhà và cũng không xa ngục tù…


Những ý tưởng và hình ảnh đối xứng dưới đây được diễn ra trong một cặp song song.

Đây là đối xứng yêu:

Tôi đã yêu em bao ngày nắng / Tôi đã yêu em bao ngày mưa… //
Một người về đỉnh cao / Một người về vực sâu… //

Còn đây là đối xứng nhìn:

(Con mắt còn lại nhìn một thành hai)
Nhìn em yêu thương / Nhìn em thú dữ //
(Con mắt còn lại nhìn cuộc đời tôi)
Nhìn tôi lên cao / Nhìn tôi xuống thấp //
(Con mắt còn lại nhìn đời là không)
Nhìn em hư vô / Nhìn em bóng nắng

Sau đây là đối xứng trong từng cặp ý tưởng.

Đối xứng đi/về, bao la/gần gũi:

Người ngỡ đã xa xưa nhưng người bỗng lại về /
Tình ngỡ sóng xa đưa nhưng còn quá bao la


Đối xứng những giá trị con người, những giá trị trần gian:

Đường máu xương chờ lau hết dấu vinh quang

Đối xứng mất/còn, xa vắng/thiết tha. Có phải đó cũng là đối xứng yêu?

Tình trong hai tay / một hôm biến mất
Con mắt còn lại là đêm tối tăm / con mắt còn lại là đêm nồng nàn //
(Lòng ta có khi tựa như vắng ai)
Nhiều khi đã vui cười / Nhiều khi đứng riêng ngoài //
Nhiều khi muốn đi về con phố xa /
Nhiều khi muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà

Đối xứng biển:

Tình yêu như biển, biển rộng hai vai /
Tình yêu như biển, biển hẹp tay người

Đối xứng gió/lá, nắng/mưa. Đối xứng tôi:

Đôi khi thấy trong gió bay lời em nói /
Đôi khi thấy trên lá cây ngày em đã xa tôi //
Đôi khi nắng qua phố xưa làm tôi nhớ /
Đôi khi có mưa giữa khuya hồn tôi bỗng vu vơ


Đối xứng hạnh phúc/khổ đau như hệ quả của “một ngày tình cờ biết em”. Cuộc tiếp cận với khổ đau của người nhạc sĩ giữa trần gian này đôi khi đã được thực hiện thông qua hình ảnh và trái tim của một người nữ:

Đời vẽ tóc em thật dài /
Rồi vẽ môi thơm nụ cười
Từ đó thiên hạ vui tươi //
Đời vẽ tim em lạ kỳ /
Tình có trong em nhiều mùa
Từ đó thiên hạ quá ưu tư…


Một dạng đối xứng khác là đối xứng trong kết hợp hai câu với nhau. Hai câu đối nhau, đã đành; nhưng những ý tưởng và hình ảnh trong từng câu một cũng đối nhau.

Đối xứng khô/mát, sáng/tối, trong/mờ:

Đôi khi thấy trên lá khô một dòng suối /
Đôi khi nhớ trong mắt em một bóng tối nhỏ nhoi…


Đối xứng đời và đối xứng tình. Đối xứng ấm và đối xứng lạnh:

Không xa tình và cũng không xa thù hận /
Không xa nồng nàn và cũng không xa lạnh lùng

Cũng có khi là đối xứng trong kết hợp bốn câu hai vế (mỗi vế hai câu). Hai vế đối nhau, và các phần tử trong mỗi vế cũng đối nhau. Các ý tưởng và hình ảnh trong mỗi câu của từng vế cũng đối nhau.

Đối xứng trăm năm và hạnh ngộ. Lạnh lùng và thiết tha. Tàn tạ và rực rỡ:

Đã có nghìn trùng trên môi người tình /
Đã giấu nụ tàn bên trong nụ hồng //
Có chớm lạnh lùng trên môi nồng nàn /
Có thoáng gập ghềnh trên con đường mòn //



Có khi là sự đối xứng liên tục trong một kết hợp chuỗi. Chuỗi đó là một chuỗi tình:

Tình xa như trời / tình gần như khói mây / tình trầm như bóng cây / tình reo vui như nắng / tình buồn làm cơn say

Tình thắp cơn sầu / Tình dìu qua hố sâu / tình vời lên núi cao / rồi trong cơn yêu dấu tình đầy tình xa nhau


Có khi là đối xứng trong cấu trúc của cả một bài. Vì vấn đề mỹ thuật, tôi không thể chép cả bài ra đây, nhưng Tình Sầu (xin xem toàn bài trong phần Phụ Lục) là một trong những bài hát được cấu trúc chủ yếu trên nét đẹp cân đối một cách hết sức thơ mộng của Trịnh Công Sơn. Cả bài, ngoài một đoạn giữa gồm có năm câu hát ngắn, coi như một thứ coda, được dùng để nối kết trong sự trở đi trở về của nó với cấu trúc của toàn bài, Cuộc tình lên cao vút / như chim mỏi cánh rồi / như chim xa lìa trời / như chim xa lìa bầy / như chim bỏ đường bay, tất cả phần còn lại được xây dựng trên tám đoạn ngắn để diễn tả cuộc tình sầu. Cấu trúc của tám đoạn đó là một cấu trúc đối xứng. Đối xứng về câu, đối xứng về ý, đối xứng về hình. Đối xứng hình ảnh trong một câu hát: tình gần như khói / mây; vội vàng / nhưng chóng quên // rộn ràng / nhưng biến nhanh… Đối xứng trong hai câu song song: hình hài xưa đã thay / mặn nồng xưa cũng phai // hồn mình như vá khâu / buồn mình như lũng sâu // nghìn trùng như vết sương / lạnh lùng như dấu chim… Đối xứng trong một chuỗi: Tình xa như trời / tình gần như khói mây… // Tình thắp cơn sầu / tình dìu qua hố sâu… (hai đoạn này đã dẫn ở trên). Tóm lại, Tình Sầu mang trong nó một cấu trúc đối xứng, ở nhiều cấp độ, trên một quy mô lớn là một bài hát hoàn chỉnh. Đây cũng là một trong những bài hát của Trịnh Công Sơn mà những biện pháp tu từ được sử dụng đến mức tối đa.

Chúng ta hãy hát lại Tình Sầu, cũng như những bài Quét Lá Mùa Xuân, Đời Cho Ta Thế, Rồi Như Đá Ngây Ngô, Tôi Ru Em Ngủ…, ta sẽ thấy cấu trúc đối xứng đã được Trịnh Công Sơn sử dụng một cách nhuần nhuyễn, thật thơ và đẹp như thế nào. Chính nó, cái cấu trúc ấy, đã là một hòa điệu đầy nét thẩm mỹ trong cái nghe, cái nhìn, cái cảm của con người. Cùng với những hình ảnh lạ và đẹp của người nhạc sĩ, nó mang chúng ta vào một thế giới không mòn, với những cánh cửa mãi mở ra, tiếp tục dẫn chúng ta đi tới. Trịnh Công Sơn đã nhìn ra những nét sống muôn đời của thiên nhiên ấy và ôm lấy chúng trong cuộc hành trình mình. Mâu/thuẫn, trắng/đen, khóc/cười, buồn/vui, xa/gần, ấm/lạnh, v.v…, tất cả những điều ấy là cuộc đời. Là con người. Là điều kiện của cuộc sống con người. La condition humaine, nói như Malraux. Tất cả nằm lẫn trong nhau, nằm trong lòng nhau. Tất cả đều sinh ra nhau. Nếu đã hát Có điều gì gần như niềm tuyệt vọng / rơi rất gần rơi xuống trong tôi, thì cũng hãy hát Đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng. Nếu đã hát Đã giấu nụ tàn bên trong nụ hồng và Đóa hoa hồng vùi quên trong tay, thì cũng hãy hát Quỳnh thơm hay môi em thơm và Cuộc đời cho tôi trái cấm trên đôi môi em. Bởi lẽ, em là tôi và tôi cũng là em. Và tất cả cuộc đời này là những điều đắp đổi, gắn bó, nằm trong lòng nhau và xoay chuyển bốn mùa.



bùi vĩnh phúc

(trích trong Trịnh Công Sơn / Ngôn Ngữ & Những Ám Ảnh Nghệ Thuật, California: Văn Mới, 2005/Sài gòn: Văn hoá Sài Gòn, 2008—sắp xếp lại và bổ sung cho bản đăng trên Da Màu, 4/2009)

_____________________


Chú thích:

(1) Tựa đề bài hát là “Mưa hồng”. Có lẽ trên cuộc đời này, Trịnh Công Sơn là người duy nhất giữ

được mầu nắng hồng trong mây và giữ được mầu mưa hồng trong nắng. Thật ra, khoảng gần năm trăm năm trước, Thang Hiển Tổ, một kịch tác gia vĩ đại của Trung Quốc thế kỷ XVI, đã nói đến hình ảnh mưa hồng (“hồng vũ hạ”). Ông bảo là “đi vào tình yêu giống như đi dưới mưa hồng”. Cách ví von thật đẹp. Nhưng có lẽ cái mưa hồng mà Thang Hiển Tổ thấy ở đây là cái mưa trong tâm lý nhiều hơn. Khi đang yêu, con người thấy thế giới chung quanh toàn một mầu hồng, “la vie en rose”. Cái thú vị là sao Thang Hiển Tổ không nói đến “cái hồng” nào khác giữa cuộc đời này dưới mắt những người đang yêu, mà lại nói đến “mưa hồng”. Và Trịnh Công Sơn, người nhìn thấy “mưa hồng”, có thật đã nhìn thấy cái mầu hồng ấy một cách “vật lý”, từ nắng, từ mây, đến cơn mưa đổ chụp lên thành phố khi hai người yêu vừa nắm tay nhau vừa chạy trốn cơn mưa? Hay đã nhìn thấy mầu mưa bay chéo trong ánh phượng? “Em đi về cầu mưa ướt áo / Đường phượng bay mù không lối vào / Hàng cây lá xanh gần với nhau”? Bâng khuâng, ta tự hỏi, “Ngày xưa, bên Tàu, thời Thang Hiển Tổ, không biết có những cây hoa phượng hay không?” (cho dù, một cách ý thức, ta biết rằng cây hoa phượng, còn được gọi là cây hoa soan Tây, do người Pháp đem vào Việt Nam. Nó có tên khoa học là “Delonix regia”, gốc ở Madagascar; còn được gọi là “flamboyant flower” hay “Royal Poinciana” trong tiếng Anh, để nhớ vị thống đốc Pháp, Phillipe de Longviliers de Poincy, người đã có công đem nó vào châu Mỹ, qua ngả Caribbean, vào thế kỷ XVII.)

(2) Thế giới của Trịnh Công Sơn là một thế giới thơ, không phải là thế giới của văn xuôi hay của cuộc sống đời thường; bởi thế, gần như bất cứ câu hỏi nào mà Trịnh Công Sơn đặt ra trong thế giới của mình cũng là một câu hỏi tu từ. Nó là một câu hỏi để nhấn mạnh tâm ý của tác giả. Nó không cần một câu trả lời theo thể điệu bình thường của cuộc sống văn xuôi.

(3) Xem Heinz R. Pagels, Perfect Symmetry / The Search for the Beginning of Time. New York: Simon and Schuster, 1985.

Bùi Vĩnh Phúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét