Học hành tục ngữ, ngôn ngữ
Đặng Tiến Chia sẻ với bạn bè♦ 3 bình luận ♦ 20.10.2009 .
Bài này viết cho mạng Da Màu, trả lời thắc mắc của vài bạn đọc Da Màu về ngôn ngữ. Nó chỉ có nội dung ngôn ngữ học thuần túy, từ tốn đóng khung trong việc chữ nghĩa. Vô bổ cho nhiều người.
Có bạn hỏi về hai câu :
1.có học phải có hạnh
2.có học phải có hành
Thứ tự a, b là theo tiến trình của câu hỏi, không phải là trật tự ưu tiên.
Thắc mắc là: hai câu này có phải là tục ngữ? Là tục ngữ thì câu nào phái sinh câu nào, thậm chí có quan hệ cấu trúc hay không? Nếu không phải là tục ngữ, thì chúng nó ở đâu ra?
Xin lý giải như sau:
1.1 Tục ngữ là câu nói ngắn, thông dụng, súc tích, thu gọn một ý tưởng hay nhận xét về xã hội hay con người. Tục ngữ là câu nói quen tai, quen miệng; khi người sử dụng xem nó là tục ngữ thì nó là tục ngữ.
Người viết lý luận kỹ càng hơn, thường kiểm tra lại câu mà mình cho là tục ngữ, xem nó có trong sách vở hay không, chủ yếu là các bộ sưu tập, như Tục ngữ Phong Dao, 1928 của Nguyễn văn Ngọc, tái bản nhiều lần; có lúc họ dựa trên trí nhớ văn học: « Ở bầu thì tròn » chẳng hạn, nhất định là tục ngữ, vì đã có trong thơ Nguyễn Trãi, từ đầu thế kỷ XV.
Khi không tìm thấy trong văn liệu, thì một là bỏ qua không nhắc tới, hai là đặt nghi vấn.
1.2 Có học phải có hạnh không hiện hình trong các sưu tập, văn liệu mà tôi có dưới tay. Tham khảo các chuyên gia về ngữ học, thì không ai biết, nhưng có người nhớ mài mại là có nghe đâu đó.
Cuối cùng, tìm mãi cũng phải ra: trong Quốc Văn Giáo khoa Thư, lớp Sơ Đẳng (lớp ba thời trước), câu Có học phải có hạnh là đầu đề bài số18, trích dẫn một câu nói của Sài Thế Viễn nhân vật trong bài, dịch từ chữ Hán (tr. 23). Sách trong loạt Việt Nam, tiểu học tùng thư, do các nhà giáo Trần trọng Kim, Đỗ Thận, Nguyễn văn Ngọc và Đặng đình Phúc soạn thảo, khoảng 1920, do nha học chính Đông Pháp phát hành dưới danh nghĩa Rectorat de l’Université Indochine (Viện Đại Học Đông Dương) và phổ biến ở các trường tiểu học toàn quốc. Bản tôi sử dụng, tái bản 1948, nhưng từ 1935 đã in lại lần thứ 8. Không biết ấn bản đầu tiên là năm nào.
Phụ bản 1: Quốc Văn Giáo khoa Thư, lớp Sơ Đẳng (lớp ba thời trước).
Đầu đề bài số 18: Có học phải có hạnh
Phụ bản 2: Bìa sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư – ấn bản 1948
Câu này, các thầy, cô giáo thường nắn nót chép lên bảng, phía trên cao, trước giờ vào lớp. Lâu ngày nó thành cách ngôn. Xem nó là tục ngữ hay không thì tùy người. Đại từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý, Hà Nội, 1999, có câu a này. Nhưng không có câu b sau.
1.3 Câu b, có học phải có hành, là tục ngữ, hiện hình trong nhiều sách, cơ bản là các sách chuyên đề: Tục Ngữ Việt Nam [1], 1975, tr. 309, tái bản 1993, tr. 323, của nhóm Chu Xuân Diên, hay sách cùng tên 1995, tr. 118 của nhóm Nguyễn Xuân Kính [2]. Họ đều là chuyên gia hàng đầu về văn học dân gian. Hai sách chuyên khảo này không ghi câu a. Sưu tập cơ bản của Nguyễn văn Ngọc, 1928, không ghi cả hai câu a lẫn câu b.
2.1 Vấn đề tiếp theo: hai câu a và b có quan hệ không? Theo tôi thì không, chúng nảy sinh và phát triển theo hai mô hình ngôn ngữ khác nhau. Vì không biết câu nào có trước nên không nói được là câu nọ sinh câu kia. Câu b có học có hành thấy trong sưu tập 1975, thì phải xuất hiện trước đó, không biết từ bao giờ. Có học có hạnh có thể xuất hiện từ thập niên 1920, có thể lá sáng kiến của người làm sách giáo khoa, nên không được các chuyên gia xem như tục ngữ, ví dụ và kể cả Nguyễn văn Ngọc là người đồng soạn Quốc văn giáo khoa Thư. Hoặc các tác giả Từ điển Khai Trí Tiến Đức, 1931, cùng ở trong nhóm tu thư này.
Không biết, thì nói là không biết.
2.2 Có học có hành có thể phát triển qua từ kép học hành, vừa láy âm vừa quan hệ nghĩa, thông dụng từ lâu, vì có trong từ điển A.de Rhodes 1651. Hay ca dao :
Làm thơ mà dán gốc chanh,
Trai bỏ học hành, gái bỏ bán buôn
Gái bỏ bán buôn, gái còn lịch sự
Trai bỏ học hành, một chữ năm roi
Có học có hành phát triển theo quy luật từ kép nhân đôi. Ví dụ «có tật có tài», «có tiếng có miếng», tạo ra tục ngữ, thành ngữ tứ tự, bốn chữ, thường gặp trong các ngôn ngữ đơn âm, như tiếng Việt, tiếng Hoa…
Về mặt ý tưởng, khái niệm «học hành» gặp tư tưởng «tri hành» ngày xưa, «biết dễ, làm khó» (tri dị hành nan). Tôn Văn đổi lại: «biết khó, làm dễ» để khuyến học. Sau này lại gặp tư tưởng phương tây: lý thuyết (học) nên đi đôi với thực hành, một phương châm đắc dụng trong trường học ngày nay.
2.3 Câu «có học phải có hạnh» cũng có thể phát xuất từ hai khái niệm học và hạnh, dù rằng tiếng Việt không có từ kép «học hạnh», có lẽ vì chữ học là động từ, chữ hạnh là danh từ. Nhưng về âm vang, thì hai từ này đôi lứa xứng đôi.
Trong truyện Kiều, đoạn Thúy Kiều bị Thúc Ông truy tố, và được quan tòa tha, câu 1469, vì:
«Thương vì hạnh, trọng vì tài».
Hạnh đây là nết na, và tài là tài làm thơ của cô gái lầu xanh. Có thể câu thơ đi từ tục ngữ «hữu tài vô hạnh» được ghi trong Từ điển Khai Trí. Từ vô hạnh khá thông dụng.
Nết na, là một quan tâm của nhà nho xưa. Khi bước vào trường quốc ngữ đầu thế kỷ 20 thì họ chuyển vào sách giáo khoa: «có học phải có hạnh», phát huy ý tưởng đạo đức, hạnh kiểm, vào cách ngôn êm tai : học – hạnh.
2.4 Xin đề xuất thêm một giả thuyết. Việt Nam bước vào thế kỷ XX, Âu hóa và canh tân, giống như Âu Châu khi bước vào thời Phục Hưng, với những tiến bộ tư tưởng và khoa học. Các nhà nho cuối mùa làm Quốc văn Giáo khoa Thư, vào lúc giao thời, là những nhà tân học đầu mùa; họ còn nặng ảnh hưởng văn hóa cổ truyền, mà lại nồng nhiệt với trào lưu khoa học mới, nên tâm đắc với câu nói của Rabelais, thời Phục Hưng, mà khi đi học, họ phải học thuộc lòng.
Và phải bình giảng trong luận văn: Science sans conscience n’est que ruine de l’âme (Tri thức không có lương thức chỉ là tàn tạ của tâm hồn). Các cụ rất khoái những câu như thế này, văn Tây mà ngân nga như tứ thư, ngũ kinh: cũng đối ngẫu, cũng luyến láy, cũng hình tượng và cũng đạo lý như…Ta! Hay không kém gì Ta!
Kết quả: tri thức mà không có lương thức… trong ý thức hay vô thức, nó sinh ra một cái gì đó, na ná, xêm xêm, như… có học phải có hạnh.
Nhưng đây là giả thuyết của tôi, chỉ đáng giá đúng cái giá của nó. Nghĩa là không bao lăm.
Đặng Tiến
16-10-2009
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Tục ngữ Việt Nam, Chu Xuân Diên, Lương văn Đang, Phương Tri, nxb Khoa Học Xã Hội, 1975, và 1993, Hà Nội
[2] Tục ngữ Việt Nam, Nguyễn Xuân Kính, Phan Hồng Sơn, nxb Văn Hóa, 1995, Hà Nội.
------------
3 bình luận »
đứa bé viết:
Lại cũng là dấu nặng lắc lơ lâu lâu rồi. Đứa bé kính gởi đến Học giả Đặng Tiến mấy lời :
1) Có học phải có hạnh : câu này không bền bĩ và ít người biết có lẽ vì 2 lý do :
a) Về đồng nghĩa, câu này không mang sức nặng và chiều sâu tư tưởng bằng câu Tiên học lễ hậu học văn.
b) Chữ HẠNH rất mông lung, mông lung cả trong cái đạo Công dung ngôn hạnh, càng mông lung hơn trong câu Kiều 1469 : Thương vì hạnh trong vì tài. Hạnh của Kiều là hạnh gì ? Hạnh làm sao ? Cần phải bàn lại.
2) Ngay trong câu chuyện của Sài Thế Viễn, không ai không nhận ra 2 chữ Học – Hành đã được sử dụng. Chữ Hạnh chỉ là nói tắt của Phẩm hạnh. Lại phải nói rõ chút nữa :
a) Hạnh không thể xứng đôi vừa lứa với Học để thành 1 câu lưu đời được. Trong nội hàm chữ Học đã có chữ Hạnh. Học ăn học nói học gói học mở. Học kĩ thuật, học kinh thư, học đạo đức, học yêu đương… Như vậy, nôm na, Hạnh cũng chỉ là một môn học.
b) Học đi đôi với hành : đúng như Học giả Đặng Tiến xét, 2 từ này mới thực sự tạo nên một trường nghĩa bền lâu và có giá trị.
Đứa bé nôm na non nớt vậy thôi.
.- 20.10.2009 vào lúc 9:10 pm
Lê Hữu viết:
Phần lý giải và truy tầm gốc gác hai câu “Có học phải có hạnh” và “Có học phải có hành”.
của anh Đặng Tiến rất đạt tình đạt lý, lại có trưng dẫn tài liệu rất “có sức thuyết phục”.
Phải phục cung cách làm việc rất cẩn trọng của anh Đặng Tiến, đã soi sáng thêm về… “ngôn ngữ”, “tục ngữ”.
Về tài liệu “Quốc văn giáo khoa thư” ấy, tôi cũng đọc được trên online trước đây thưa anh, nay được xem bản chụp của anh, càng thêm mức khả tín.
Một tài liệu tương tự, sách “Luân-lý Giáo-khoa thư” lớp Sơ-đẳng, cũng do các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn, Nha Học-chính Đông-pháp xuất bản (1941, in lần thứ 13), cũng có câu ấy, “Có học phải có hạnh” (trang 24), được minh họa bằng chuyện kể về Phạm Đình Trọng và Nguyễn Hữu Cầu. Bên dưới là một trong các link dẫn vào trang web chụp lại một số trang của tài liệu này. Anh có thể vào xem cho vui:
http://vietnamlibrary.informe.com/lunon-ln-ginoo-khoa-th-vtddam-trang-1-50-dt2500.html
Thân kính,
.- 21.10.2009 vào lúc 8:28 am
Đặng Tiến viết:
Nết na trả lời anh Đứa Bé:
1.Trong câu Kiều 1469, chữ hạnh nghĩa là nết na, chủ yếu là của người phụ nữ; đây cũng là nội hàm chính của chữ ấy.
Đào duy Anh có lý khi giải thích dứt khoát như vậy.
Kiều, cô gái lầu xanh , khi ấy đã trả lời quan phủ, bằng câu 1423, để đời:
“Đục trong thân cũng là thân”.
Nhà thơ Vũ hoàng Chương, giai đoạn cuối,1976, khẳng định tư cách của mình với câu này.
2.Trên cơ bản, anh không phản biện, mà đã cũng cố thêm quan điểm của tôi. Chỉ sợ mất lòng người khác.
Thôi,bỏ qua đi,phiên phiến thôi.
Nói sang chuyện khác.
Đặng Tiến
.- 21.10.2009 vào lúc 9:34 am
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét