PHƯƠNG TÂY KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN VN
NHỮNG SỬ LIỆU TÂY PHƯƠNG MINH CHỨNG CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM VÀ QUẦN ĐẢO HOÀNG SA - TRƯỜNG SA TỪ THỜI PHÁP THUỘC ĐẾN NAY
Thái Văn Kiểm
I - MINH CHỨNG CỦA NGƯỜI NGOẠI QUỐC
Ngoài những tài liệu sử địa của Việt Nam, chúng ta còn có thể dẫn chứng nhiều tài liệu khác của người ngoại quốc, xác nhận chủ quyền củ ta trên quần đảo Hoàng Sa, chẳng hạn như :
1-Tài liệu của người Hòa Lan.
Căn cứ vào ký sự Batavia (Journal de Batavia) của Công ty Hòa Lan Đông Ấn (Compagnie hollandaise des Indes orientales), ấn hành trong những năm 1631-1634-1636, chúng ta được biết một sự kiện liên hệ tới quần đảo Hoàng Sa và Xứ Đàng Trong như sau:
Ngày 20-7-1634, dưới thời Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635), ba chiếc tàu Hòa Lan tên Veehuizen, Schagen và Grootebroek, từ Batavia (Nam Dương) đến Touron cùng nhổ neo đi Formose (Đài Loan).
Ngày 21 thì gặp bão ngoài khơi, nên lạc nhau. Chiếc tầu Veen-huizen tới Formose ngày 2 tháng 8, chiếc Schagen ngày 10 cùng tháng. Riêng chiếc Grootebroek bị đắm gần quần đảo Paracels, ngang với bắc vĩ tuyến 17. Trong số hàng hóa trị giá 153 690 florins, thủy thủ chỉ cứu được một số trị giá 82 995 florins, kỳ dư bị chìm đắm kể cả chiếc tầu và 9 người bị mất tích.
Số hàng hóa cứu được, họ cất dấu nơi an toàn tại đảo Paracels. Thuyền trưởng Huijich Jansen và 12 thủy thủ đi bằng thuyền nhỏ vào duyên hải xứ Đàng Trong. Họ hy vọng sẽ tìm được một thuyền lớn để ra cứu 50 thủy thủ còn ở lại trên đảo. Thuyền trưởng đem theo 5 thùng bạc và 3.570 réaux đựng trong 17 bao. Khi họ vào tới đất liền, họ không được đối đãi như ý muốn. Tất cả bạc và tiền bị tịch thâu bởi viên chức đặc trách hải môn và thương thuyền, mà người Hòa Lan gọi là Ongangmij.
Sau đó, họ được phép trở lại Paracels trên một chiếc tầu Nhật Bản tên Kiko, mà họ mua đứt, để đón 50 thủy thủ còn nơi đảo và lấy 4 thùng bạc còn lại. Tất cả đều được 3 chiếc tàu khác tên là Bommel, Goa và Zeeburg (cũng bị bão mà vào núp miền duyên hải xứ Đàng Trong) chở về Batavia. Tại đây viên thuyền trưởng Jansen làm báo trình về việc thuyền Grootebroek bị đắm tại Paracels và sự tịch thâu 23 580 réaux bởi nhà chức trách xứ Đàng Trong.
Hai năm sau, dưới thời Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan (1635-1648), ngày 6 tháng 3 năm 1636, hai chiếc tầu Hòa Lan khác tới Touron. Thương gia Abraham Duijeker tiến về Faifo để gặp quan Trấn thủ ; sau đó ông ta đi Thuận hóa (Senoa) yết kiến Chúa Thượng, để xin giao thương, đặt thương điếm vá đòi số tiền 23 580 réaux đã bị tịch thâu năm kia.
Còn Thượng Vương tiếp đón Duijeker rất trọng hậu ; nhưng Ngài truyền rằng : « Những việc khiếu nại đó đã xảy ra dưới thời Vua cha, nay Chúa không hề hay biết ; vả lại viên chức thuế quan Ongangmij (?) đã bị cách chức, tịch thu gia sản (vì tội đã ăn hối lộ tới 340 000 lượng bạc trong thời kỳ tại chức), đã bị xử trảm và phanh thây rồi ». Chúa Thượng xét rằng Ngài đã xử sự công minh lắm; nay chớ nhắc lại làm chi. Ngài cũng cam đoan từ nay pháp luật rất nghiêm minh và sẽ không bao giờ xảy ra những việc đáng tiếc như vậy nữa.
Để bù vào sự thiệt thòi đó, Chúa Thượng chấp thuận cho người Hòa Lan được tự do giao thương với xứ Đàng Trong, và miễn cho họ sắc thuế neo bến và các tặng phẩm, (II accordait aux Hollandais le droit de libre échange dans le pays, les exemptait pour l’avenir des droit d’ancrage et des présent usuels).
Vì lẽ đó mà từ năm 1636, một thương điếm (comptoir commercial) của người Hòa Lan đã được thiết lập tại Hội-An (Faifo) do Abraham Duijeker làm Trưởng điếm.
(Trích trong biên khảo « La Compagnie des Indes Néerlandaises et l’Indochine » bởi W.J.M Buch, đăng trong Bulletin de l’Ecole Française d’Extrême Orient, quyển XXXVI, năm 1936, trang 134.)
2. Jean Badiste Chaigneau (1769-1825) đã viết trong quyển « Mémoire sur la Cochinchine » như sau :
« Topographie : Division physique.- La Cochinchine dont le souverain porte aujourd’hui le titre d’Empereur, comprend la Cochinchine proprement dite, le Tonquin…, quelques îles habitées peu éloignées de la côte et l’archipel de Paracels, composé d’ilôts, d’écueils et de rochers inhabités. C’est seulement en 1816, que l’Empereur actuel a pris possession de de cet archipel. » (Le Mémoire sur la Cochinchine de Jean Eaptiste Chagneau, publié et annoté par A. Salles, Inspecteur des Colonies en retraite, Bulletin des Amis du Vieux Hue N°2, Avrit-Juin 1923).
Có nghĩa là :
Địa thế : Xứ Cochinchine, mà Quốc Vương ngày nay đã xưng đế hiệu, gồm có xứ Đàng Trong, Bắc Hà (Tonquin)… vài đảo gần bờ biển, có dân cư, và quần đảo Paracels, gồm có nhiều đảo và mỏm đá thiếu dân. Vào năm 1816 vị Hoàng đế đương kim đã tiếp nhận quần đảo này.
3. Đức Giám mục Taberd đã trong quyển « Univers, histoire et description de tous les peuples, de leurs religions, mœurs et coutumes », xuất bản năm 1833, những dòng sau đây :
“Nous n’entrerons pas dans l’énumération des principales îles dépendantes de la Cochinchine; nous ferons seulement observer que depuis de 34 ans l’archipel des Paracels nommé par les Annamites Cát Vàng ou Hoàng Sa (sable jaune) véritable labyrinthe de petits ilôts de rocs et de bancs de sable justement redoutés des navigateurs a été occupé pas les Cochinchinois.
Nous ignorons s’ils y ont fondé un établissement, mais il est certain que l’empereur Gia Long a tenu à ajouter ce singulier fleuron à couronne, car il jugea à propos d’en aller prendre possession en personne, et ce fut en l’année 1816 qu’il y arbore solenellement le drapeau cochinchinois. »
Tạm dịch như sau:
« Chúng tôi không đi vào việc kê khai những hòn đảo chính yếu của xứ Cochinchine. Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng từ hơn 34 năm nay, quần đảo Paracels - mà người Việt gọi là Cát Vàng (Hoàng Sa), gồm rất nhiều hòn dảo chằng chịt với nhau, lởm chởm những đá nhô lên giữa những bãi cát, làm cho những người đi biển rất e ngại – đã được chiếm cứ bởi người Việt xứ Đàng Trong.
Chúng tôi không rõ họ có thiết lập một cơ sở nào tại đó không; nhưng có điều chúng tôi biết chắc là Hoàng đế Gia Long đã chủ tâm thêm cái đóa hoa kì lạ đó vào vương miện của Ngài, vì vậy mà Ngài xét thấy đúng lúc phải thân chinh vượt biển để tiếp thâu quần đảo Hoàng Sa, và chính là vào năm 1816, mà Ngài đã long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong. »
Những tài liệu quốc sử và ngoại sừ trên kia chứng minh một cách hùng hồn và bất khả kháng chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
4. Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội nghị San Francisco.
Theo Hiệp ước đình chỉ kí kết tại San Francisco, vào tháng 9 năm 1951, khoản 2, nước Nhật Bản phải rút lui khỏi các nơi mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đóng trong thời đệ nhị chiến, lẽ tất nhiên là trong đó có hai quần đảo Paracels và Spratley.
Tại Hội nghị San Francisco, ngày 07/09/1951, Thủ Tướng Chính Phủ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam, đã long trọng tuyên bố như sau :
« Et comme il faut franchement profiter de toutes occasion pour étouffer les germes de discorde, nous afirmons nos droits sur les îles Spratley et Paracels qui, de tout temps, ont fait partie du Viet Nam ».
Xin tạm dịch là :
« Và vì chưng phải lợi dụng tất cả mọi cơ hội để chặn đứng những mầm xung đột, chúng tôi xác nhận chủ quyền của chúng tôi trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đã luôn luôn từ xưa thuộc lãnh thổ Việt Nam. »
Lời tuyên bố đó đã được Hội nghị San Francisco long trọng ghi vào biên bản và trong tất cả 51 phái đoàn phó hội, không có một phái đoàn nào phản đối gì cả.
II - HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA QUA THỜI PHÁP THUỘC ĐẾN NAY
1. Danh từ Paracels xuất hiện từ bao giờ.
Danh từ Paracels xuất hiện lần đầu tiên trên một bản đồ Bán Đảo Đông Dương (Carte de la Péninsule Indochinoise) do Frère Van Langren, người Hòa Lan, ấn hành năm 1595.
Bản đồ này phác họa nhờ những tài liệu của người Bồ Đào Nha, nối gót nhà hàng hải Vasco de Gama, đã tiên phong đông du tìm kiếm xứ Ấn Độ bằng đường biển (route maritime des Indes) bằng cách đi vòng mũi Hảo Vọng (Cap de Bonne Espérance) năm 1497. Nhiều tàu thủy Bồ Đào Nha đã tới Malacca từ năm 1509, Xiêm La từ năm 1511, vào năm 1516 thì Fernando Perez d’Andrade đến cửa biển sông Mekong.
Theo giáo sư Pierre Yves Manguin, danh từ Ilhas do Parcel (Paracels) do người Bồ Đào Nha đặt ra. Trong từ ngữ của họ, danh từ Parcel có nghĩa là « đá ngầm » (récif), cao tảng (haut-fond). (Xem biên khảo « Les Portugais sur les côtes du Vietnam et du Campa » đăng trong Bulletin de l’Ecole Française d’Extrême Orient, năm 1972, page 74).
Nhưng theo giáo sư A. Brébion, Paracels do tên một chiếc tàu của công ty Hòa Lan Đông Ấn, tên Paracelsse, bị chìm đắm tại quần đảo này hồi thế kỷ XVI. (Xem « Dictionnaire de bio-bibliographie générale, ancienne et moderne, de l’Indochine Francaise », 1935, Société d’Edrons Géographiques, maritimes et Coloniales, 17 Rue Jacob, Paris Vle).
Riêng về danh từ Trường Sa, chúng ta đã thấy trong Hồng Đức Bản Đồ phác họa từ thời Lê Thánh Tôn (1470-1498), vào ngày mồng 6 tháng 4 năm Hồng Đức thứ 21 (25/04/1490); bản đồ có ghi nơi đất liền « Trường Sa nhất nhật trình », tất nhiên đây không phải là quần đảo, mà là bờ biển chạy dài từ cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) cho tới Phá Tam Giang (Thừa Thiên) qua các cửa Tùng Luật và Việt Yên (Quảng Trị). Bờ biển đầy cát trắng mênh mông, phải đi mất một ngày (nhất nhật trình). Trong bộ Đại Nam Nhất Thống Chí, những quyển nói về Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên đều có nói về dãy Trường Sa này, cũng có tên là Động Trường Sa, Động Bạch Sa (xưa gọi là Đại Trường Sa). Sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An (1555) cũng có nhắc tới Trường Sa đã chỉ định dải cát trắng dài dằng dặc chạy suốt duyên hải Bình Trị Thiên.
2. Hoàng Sa dưới thời Pháp.
Dưới thời Pháp, quần đảo Paracels luôn luôn được nhà cầm quyền lưu ý tới. Từ năm 1920, Nha Thương chánh (Douanes) đã tổ chức những cuộc tuần du chung quanh đảo Hoàng Sa, để ngăn ngừa buôn lậu. Năm 1925, Hải học viện Nha Trang có gửi một phái đoàn bác học, đi trên tàu De Lanessan, ra Hoàng Sa để nghiên cứu tường tận tại chỗ. Phái đoàn nhận thấy quần đảo này chứa đựng rất nhiều phốt phát. Phái đoàn cũng khảo sát nhiều bằng chứng rằng quần đảo Paracels nằm trên một cao nguyên chìm dưới biển và dính liền với lục địa Việt Nam.
Nhiều công ty Nhật Bản đã xin phép chính quyền Pháp tại Đông Dương, để khai thác phốt phát và họ đã xây một con đê bằng đá phốt phát (jetée en blocs de phosphate) và chiếc cầu sắt dài 300 thước nơi đảo Robert, để tiện việc chuyên chở phốt phát lên tàu thủy.
Vì có sự giao thiệp với ngoại nhân nơi đảo này, nên chi nhà cầm quyền hồi đó đã ký một nghị định ngày 15/06/1932, thiết lập quần đảo Hoàng Sa thành một đại lý hành chánh (délégation administrative), gọi là Délégation administrative des Paracels, sáp nhập với tỉnh Thừa Thiên. Đến năm 1939, mới chia làm hai, lấy tên là « Délégation du Croissant et dépendances » và « Délégation de l’Amphitrite et dépendances. »
Cũng vào năm đó, khi trận đệ nhị thế chiến bùng nổ, quân đội Thiên Hoàng Nhật Bản ngang nhiên chiếm đóng quần đảo, lập tại đây một căn cứ quân sự, cho đến khi họ đầu hàng Đồng Minh.
3. Trường Sa dưới thời Pháp thuộc.
Người Trung Hoa gọi quần đảo này là Nam Sa (Nansha), đại khái chỉ định một cách mập mờ tất cả những hòn đảo rải rác phía dưới quần đảo Hoàng Sa.
Năm 1927, chiếc tàu De Lanessan đã tới tận nơi để khảo sát, sau khi đã khảo sát tại Paracels. Sau đó, năm 1930, chính quyền Pháp tại Đông Dương đã chính thức cử một phái đoàn ra cắm cờ tại quần đảo Spratley. Phái đoàn đi trên chiếc tàu La Malicieuse. Đến năm 1933, họ lại cử ba chiếc tàu khác là : Alerte, Astrobale và De Lanessan, ra tận nơi để cắm cờ trên những hòn đảo khác, rải rác chung quanh đảo chính Spratley.
Công việc thâu nhận từng hòn đảo bắt đầu từ ngày 13 tháng 4 năm 1930, với đảo Spratley; tiếp theo là đảo Caye d’amboine thâu nhận ngày 10/04/1933, nhóm Hải Đảo (Groupe des deux îles) thâu nhận ngày 10/04/1933 ; đảo Loaita thâu nhận ngày 11/04/1933; đảo Thi Tu thâu nhận ngày 12/04/1933.
Công việc thâu nhận từng hòn đảo (prise de possession) này bao gồm tất cả những hòn đảo con con rải rác chung quanh những hòn đảo chính đã kể trên kia. Một bản thông báo chính thức đã được đăng tải trong Công báo Đông Dương (Journal Officiel de l’Indochine ngày 25/09/1933, trang 7784).
Quần đảo Trường Sa đã được sáp nhập vào tỉnh Bà Rịa (Nam Việt) do nghị định của Toàn Quyền Đông Dương, ký ngày 21 juillet 1933.
Chúng ta cũng nên ghi thêm rằng từ năm 1920, có nhiều công ty Nhật Bản đến đây khai thác phốt phát. Thỉnh thoảng cũng có một số ngư phủ Trung Hoa chèo ghe từ Hải Nam, Quảng Đông tới đây để đánh cá, làm ăn trong mấy tháng rồi trở về quê quán.
Sau hết, chúng ta cũng nên ghi rằng năm 1938, Nhà Khí Tượng Đông Dương (Service Météorologique de l’Indochine) có thiết lập tại đảo Itu Aba, một cơ sở khí tượng bao trùm tất cả miền duyên hải Đông Dương.
Trước ngày khai chiến, chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố ngày 30/03/1939 rằng quần đảo Spratley từ nay sẽ đặt dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản. Viên Đại sứ Pháp tại Đông Kinh liền gửi thư phản kháng ngày 21/04/1939, và tuyên bố phủ nhận quyết định đơn phương của chính phủ Thiên Hoàng. Rồi chúng ta phải đợi tới ngày đình chiến, để chứng kiến việc quân đội Nhật rút khỏi Trường Sa, cũng như do Hiệp ước đình chiến San Francisco, chính phủ Nhật Bản đã long trọng từ bỏ chủ quyền của họ trên hải đảo Paracels và Spratley (1951).
Sau đó, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã nhiều lần xác nhận long trọng chủ quyền của mình trên hai quần đảo nói trên.
4. Công cuộc thực hiện chủ quyền của Việt Nam trong thời cận đại
a) Thời tiền chiến.
Các công tác thực hiện chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa gồm có:
Năm 1920, Quan thuế Pháp gửi quan thuyền đến tuần tiễu thường xuyên quần đảo Hoàng Sa.
Từ năm 1926 đến 1933, chính phủ Pháp đã cử chiến hạm và phái đoàn thám sát hai quần đảo này.
Từ 1931 đến 1939, Pháp gửi binh sĩ tới trú đóng tại Hoàng Sa.
Năm 1947, Pháp thiết lập đài vô tuyến tại đảo Pattle để đảm bảo an ninh thủy vận cho vùng Nam Hải. Về phương diện hành chánh, trong thời kỳ đó nhà cầm quyền Pháp và Việt đã có những quyết định như sau:
Nghị định số 156-SC ngày 15-6-1932 của Toàn Quyền Đông Dương đặt quần đảo Hoàng Sa đăng trong Công báo của chính phủ Pháp số 173 ngày 26/07/1933 trang 7839.
Nghị định số 4762 ngày 21/12/1933 của Thống đốc Nam Kỳ sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa.
Dụ số 10 ngày 30/03/1933 năm Bảo Đại thứ 13 đặt quần đảo Hoàng Sa trực thuộc tỉnh Thừa Thiên.
Nghị định số 3282 ngày 05/05/1939 của Toàn Quyền Đông Dương sửa đổi nghị định trên và chia địa hạt trên ra làm hai nhóm : Nhóm Nguyệt Thiềm (Délégation du Croissant et dépendances) và Nhóm Tuyên Đức (Délégation de l’Amphitrite et dépendances). Trụ sở của hai vị đại diện Pháp được đặt tại đảo San Hồ (Pattle) và đảo Phú Lâm (Ile boisée).
b) Thời Cộng Hòa.
Dưới thời đệ nhất (1956-1963) và đệ nhị Cộng Hòa (từ 1964…), chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã có nhiều công tác và quyết định hành chánh liên hệ tới Hoàng Sa và Trường Sa:
Từ 1956, Hải quân VNCH thường xuyên thám sát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Từ đó một trung đội Địa Phương Quân tỉnh Quảng Nam, gồm 40 người, do 1 sĩ quan cấp úy chỉ huy trú đóng tại đảo Hoàng Sa.
Các văn kiện hành chánh căn bản gồm có:
Sắc lệnh số 143/NV ngày 22/10/1956, Nghị định số 76/BNV/HC/ND ngày 20/03/1958 và Sắc Lệnh số 34/NV ngày 29/01/1959 sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa).
Sắc lệnh số 174/NV ngày 13/07/1961 của Tổng Thống VNCH đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam (thay vì thuộc tỉnh Thừa Thiên) và thành lập quần đảo này thành xã Định Hải, thuộc quận Hòa Vang.
Do sắc lệnh số 709/BNV/HC ngày 21/10/1969 của thủ tướng Chính Phủ VNCH, xã Định Hải được xác nhập với xã Hòa Long, cùng thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.
KẾT LUẬN
Căn cứ vào các dữ kiện lịch sử và hành chánh thượng dẫn, ta có thể khẳng định chủ quyền bất khả xâm của Viêt Nam Cộng Hòa, trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong cả bốn phương diện:lịch sử, địa lý, pháp lý và thực tế.
Các Chúa và Vua nhà Nguyễn đã thiết lập với các hải đảo những liên lạc thường xuyên có tính cách hành chánh, quân sự và quan thuế, chưa kể việc xây dựng quân trại,miếu vũ, mộ bia, v.v…đã trở thành những di tích lịch sử.
Nhìn lại quá trình lịch sử, chúng ta thấy một số sự kiện lịch sử và địa lý quan trọng đáng ghi nhớ là:
- Năm 1634, một chiếc tàu Hòa lan bị chìm đắm tại Hoàng Sa (Paracels),viên thuyền trưởng và đoàn thủy thủ lâm nạn đã được quan chức Quảng Nam, dưới thời Chúa Sãi, giúp đỡ cho trở về xứ Batavia.
- Năm 1702, dưới thời Chúa Minh Nguyễn Phước Chu, và từ đó về sau, sử sách đã nói tới Đội Hoàng Sa có nhiệm vụ tuần tiễu hải phận xứ Đàng Trong, kiểm soát các thương thuyền và đặc biệt thâu lượm được nhiều hàng hóa và kim khí, vật dụng tại quần đảo Hoàng Sa, đem về nộp cho Phủ Chúa tại Phú Xuân.
- Năm 1802 (đầu niên hiệu Gia Long), « cũng phỏng theo chế độ cũ, đặt Đội Hoàng Sa” (theo Đại Nam Nhất Thống Chí. »
- Năm 1816, Vua Gia Long thân chinh tiếp nhận quần đảo Hoàng Sa và thượng quốc kỳ trên đảo (theo Jean Baptiste Chaigneau và Giám mục Taberd).
- Năm 1820 (đầu niên hiệu Minh Mạng) « thường sai thuyền công đến nơi dò xét hải trình… » (theo Đại Nam Nhất Thống Chí).
- Năm 1835, Vua Minh Mạng truyền lập miếu Hoàng Sa dựng bia đá và tấm bình phong.
- Năm 1951, tại Hội nghị San Francisco, Thủ tướng Chính Phủ, Trưởng Phái đoàn, đã công khia vả long trọng tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà chẳng có một nước nào (trong số 51 nước tham dự hội nghị) phản đối cả.
Như vậy là chúng ta đã hội đủ những bằng chứng cụ thể tỏ rõ rằng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của mình (animus) và mình đang khai thác (corpus) các hải sản, hải sâm, phân chim, ốc, xà cừ, phốt phát, đồi mồi, cát trắng, cát vàng,v.v… chứ không phải là hoang đảo (res derelicta) mặc cho ai muốn chiếm thì chiếm.
Trải mấy ngàn năm lịch sử, tổ tiên chúng ta đã tranh giành từng tấc đất ngọn rau trong cuộc bành trướng lãnh thổ khắp ba mặt : Nam tiến, Tây tiến, và Đông tiến, lấy Trường Sơn, sông Cửu Long và Nam Hải lảm địa bàn sinh hoạt, như muốn thi gan đấu sức với núi cao bể cả, nói lên ý chí quật cường của một dạn tộc chưa bao giờ chịu lùi bước trước nguy nan.
Ngày nay, đương đầu với những thử thách lớn lao, chúng ta chỉ có một con đường là trường kỳ chiến đấu trên mọi mặt : quân sự, chính trị, ngoại giao, để bảo vệ chủ quyền và sự vẹn toàn lãnh thổ, lãnh hải quốc gia Việt Nam.
.
Nguồn: Tập san SỬ ĐỊA số 29 (3.1975).
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét