ĐƯỜNG ĐI CỦA TÂM
CHIA SẺ VỚI TĂNG NI PHẬT TỬ CHÙA TÂY THIÊN HUẾ
Tháng 06.2008 - Tâm Thiện Diệu & Tâm Thiện Ngộ phiên tả & biên tập:
Pháp thoại của Sư ông Làng Mai ngày 18.05 tại chùa Tây Thiên - Huế.
Âm thanh MP3 : Phần 1 - Phần 2
Kính thưa quý vị Tôn Đức, các Thầy, các Sư cô, các Phật tử cư sĩ.
Cách đây mấy chục năm, tôi có viết một cuốn sách rất mỏng với nhan đề là: Tương lai Thiền học Việt Nam. Tôi không nhớ là cuốn sách đó viết vào năm nào, chỉ nhớ sách được viết dưới hình thức một bức thư cho Hòa thượng Thanh Từ. Nội dung bức thư với lời văn rất nồng ấm thân hữu. Nếu quý vị có thuận duyên hãy tìm đọc cuốn sách đó vì bây giờ rất hiếm có. Năm ngoái về Việt Nam, tôi có cơ hội đến thăm Hòa thượng Thanh Từ ở thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, ngày hôm đó rất vui. Chúng tôi đã được Hòa thượng dẫn đi thăm các nơi, cảnh trí trong chùa.
Pháp lữ đồng môn
Năm nay về lại Việt Nam là để tham dự lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc.
Trong thời gian lưu trú tại chùa Bát Nhã, chúng tôi sẽ tìm cơ hội đi thiền viện Trúc Lâm để thăm Hòa thượng Thanh Từ lần nữa, vì biết đâu chừng đây là cơ hội cuối cùng gặp lại nhau. Tôi biết Ngài từ khi còn trẻ, từ Trà Ôn lên với Hòa thượng Thích Thiện Hoa tại chùa Ấn Quang. Lúc đó Hòa thượng bắt đầu lưu ý đến thiền học, và tôi cũng đã có dịch một số các bài kệ của các thiền sư đời Lý, Trần từ chữ Hán ra chữ Việt và đưa Hòa thượng xem, Ngài rất tâm đắc. Năm 1966 tôi phải rời quê hương để đi kêu gọi hòa bình và không được về nước. Từ đó trở về sau, trong nhiều thập niên tôi phải làm việc ở hải ngoại. Hòa thượng Thanh Từ ở lại trong nước, hai bên đều cùng nhau cố gắng chấn hưng thiền học. Ngài viết và dịch những cuốn sách về thiền và cuối cùng chú tâm vào phái thiền Trúc Lâm Yên Tử. Ngài lo chuyện thiền ở trong nước, còn tôi thì lại ra lo chuyện thiền ở ngoài nước. Ở nước ngoài, tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều tông phái Phật giáo, nhất là Phật giáo Theravada (Phật giáo Nguyên thủy). Tôi đã có dịp nghiên cứu trở lại và đi sâu hơn những tác phẩm kinh thiền Nguyên thủy như kinh Niệm Xứ, kinh An Ban Thủ Ý, kinh Người Biết Sống Một Mình. Môn thiền mà chúng tôi giảng dạy, hướng dẫn và thực tập ở nước ngoài có gốc rễ Việt Nam, cũng là dịp trở về với dòng Thiền Nguyên thủy.
Kết tập kinh điển
Vì vậy những kinh như: Tứ Niệm Xứ. An Ban Thủ Ý rất là quan trọng. Quý vị nên nhớ thời Thế Tôn còn tại thế thầy nào cũng thuộc kinh Niệm Xứ, kinh An Ban Thủ Ý. Vì đó là những “bản kinh gối đầu” của các thầy vào thời ấy. Nói vậy thôi, chứ thời đó kinh chưa được viết lại, in ra giấy. Mà chỉ theo phương pháp học “truyền miệng” nên các thầy, cô phải nhớ nằm lòng. Và giờ đây cũng có nhiều thầy, sư cô trong Nam Tông cũng học thuộc lòng kinh Niệm Xứ và kinh An Ban Thủ Ý. Vì vậy mà khi chúng tôi cùng quý thầy, quý sư cô Làng Mai biên tập quyển Nhật Tụng Thiền Môn Năm 2000, chúng tôi cố tâm đưa kinh Niệm Xứ và kinh An Ban Thủ Ý tức là kinh Quán Niệm Hơi Thở vào. Thiền tập ở Tây phương mà chúng tôi hướng dẫn có quan hệ mật thiết đến kinh An Ban Thủ Ý và kinh Niệm Xứ. Có thể nói rằng nếu mình không biết nghệ thuật thở, nếu không nắm bắt được phương pháp thở thì mình không thể thực tập được thiền. Kinh An Ban Thủ Ý phối hợp với kinh Niệm Xứ thành một hệ thống, một phương pháp rất vững chải và có hiệu năng.
Chăm sóc thân và tâm
Kinh Niệm Xứ: Cho chúng ta biết rằng có bốn lãnh vực mà mình phải nắm cho được. Trước hết là lãnh vực của thân: gọi là niệm thân. Lãnh vực thứ hai là mình phải nắm cho được, quán chiếu cho được là niệm thọ, thọ là những cảm thọ (feelings) của mình, phải biết cách sử dụng hơi thở để chăm sóc cái thân của mình, sử dụng hơi thở để chăm sóc cái thọ của mình. Những cảm thọ dễ chịu hoặc khó chịu và những cảm thọ trung tính, mình đều phải nhận diện và chăm sóc nó. Những cái vui, buồn, khổ đau, những cảm xúc như yêu, ghét, giận hờn, tuyệt vọng mỗi khi phát hiện là mình phải có khả năng nhận diện và chăm sóc, và cuối cùng chuyển hóa nó. Đứng về phương diện thân niệm thân thì phải biết rằng trong thân mình có những cái đau nhức, dồn nén, căng thẳng, và nhất là con người hiện đại có nhiều căng thẳng, bức xúc trong thân (bây giờ dùng chữ Stress), và con người của thời đại mới làm việc và lo lắng rất nhiều nên cứ tiếp tục dồn chứa rất nhiều căng thẳng trong thân.
Dồn chứa như vậy, lâu ngày sẽ sinh nhiều thứ bệnh trước là về thân và sau là về tâm. Cho nên sử dụng hơi thở để buông thư tất cả những cái căng thẳng trong thân là một phương pháp rất cần thiết trong thiền, không phải cho các vị xuất gia thôi, mà còn cho cả các vị tại gia nữa. Trong kinh An Ban Thủ Ý có bài tập thứ ba: Thở vào tôi có ý thức về toàn thân. Khi thở vào mình buông bỏ hết mọi suy nghĩ. Nương vào hơi thở để trở về và nhận diện sự có mặt của cái hình hài thân thể nầy. Thở vào ý thức toàn thân, làm quen với thân mình và biết rằng trong thân nầy có những đau nhức, dồn nén căng thẳng. Khi thở ra mình áp dụng phương pháp bài tập thứ tư trong An Ban Thủ Ý của đức Thế Tôn là: Khi thở ra tôi buông thư toàn thân, buông bỏ tất cả những căng thẳng trong toàn thân. Nguyên văn chữ Hán là an tĩnh thân hành (buông bỏ những căng thẳng). Buông bỏ để làm an tĩnh lại thân mình. Trong tư thế ngồi hay nằm mình đều có thể thực tập để nhận diện sự căng thẳng của toàn thân, phải thực tập để những căng thẳng được buông thư. Chưa thực tập được điều đó thì chưa có thể đi xa được.
Phương pháp trị liệu
Khi buông bỏ đuợc những căng thẳng trong thân rồi, nắm được nghệ thuật, phương pháp đó rồi thì toàn thân đạt tới trạng thái gọi là khinh an (nhẹ nhàng thư thới). Khinh an là một trong bảy yếu tố giải thoát, giác ngộ, và thất bồ đề phần là 7 yếu tố đưa đến giác ngộ. Sự nhẹ nhàng trong thân và tâm là một yếu tố rất quan trọng. Người tu hành mà không có nhẹ nhàng thanh thoát trong thân và tâm, không thấy an thì người đó không thể giải thoát được. Cho nên nếu mình cảm thấy trong thân và tâm chưa có sự nhẹ nhàng thì phải suy nghĩ lại để làm sao cho có. Nếu chưa có thì phải làm sao có được trong vài ba ngày.
Vì có sự nhẹ nhàng rồi thì bệnh tật tiêu trừ rất mau. Chỉ cần buông bỏ những căng thẳng trong thân tâm thì bệnh tật cũng không nảy sinh, và nếu có sẽ được tiêu trừ. Thành ra thiền có công năng phòng hộ và trị liệu rất lớn. Trong khi bệnh, có thể mình đang uống thuốc Bắc, thuốc Nam hay thuốc Tây, nhưng mình đừng nên tin tưởng hoàn toàn vào thuốc. Vì thuốc chỉ giúp một phần mà bên cạnh đó mình cần phải tu, phải buông bỏ những dồn nén, căng thẳng trong thân và tâm, thì từ từ mình có thể chữa trị được. Có những người mang chứng bệnh hiểm nghèo như: sida, ung thư nhưng mà có thể sống thêm vài chục năm là vì họ buông bỏ được những sự căng thẳng trong thân và tâm. Nhất là những người có quá nhiều công việc bận rộn trong xã hội thì phép tu thiền nầy sẽ giúp ích rất nhiều. Trong khi mình lái xe, tưới rau, rửa bát, quét nhà đều có thể tu được, nghĩa là làm sao để có yếu tố khinh an, nhẹ nhàng trong cuộc sống hàng ngày. Vậy thì lãnh vực, yếu tố đầu tiên mà mình phải đi vào là thân, gọi là niệm thân, chửa trị và chăm sóc cho thân.
Nhận diện cảm thọ
Lãnh vực thứ hai mà mình phải đi vào là thụ (tức là cảm thọ feelings). Người tu phải biết trở về và nhận diện cái cảm thụ của mình, nếu là vui thì biết đây là lạc thụ, khổ thì biết đây là khổ thụ, xã thì biết đây là xã thụ. Một cảm giác đau đớn, khó chịu nhức nhối thì mình phải có mặt đó để nhận diện nó, thở vào tôi biết đây là cảm giác đau đớn, khó chịu đó là bài tập thứ bảy trong kinh An Ban Thủ Ý. Khi mình có cảm xúc như sợ hải, lo lắng, ganh tị, tuyệt vọng thì mình phải có mặt để nhận diện, ôm ấp nó làm cho nó nhẹ ra gọi là an tĩnh tâm hành. Thân hành là hiện tượng sinh lý, và tâm hành là hiện tượng tâm lý. Bài tập thứ tư trong kinh An Ban Thủ Ý là an tĩnh thân hành. Còn bài tập thứ tám trong kinh An ban Thủ Ý là an tĩnh tâm hành (feelings là cái cảm thọ, cảm xúc của mình). Người tu phải có khả năng buông bỏ để cho mình nhẹ ra gọi là an tĩnh thân hành. Tôi thở vào an tĩnh thân hành, phải làm cho được thì mới là đấng trượng phu.
Lãnh vực tu học nguyên văn chữ Hán gọi là niệm xứ. Niệm là quán niệm, có mặt đó để quan sát. Niệm thân là có mặt đó để quan sát cái thân của mình. Niệm thụ là có mặt đó để nhận diện và quan sát những cái cảm thụ của mình và làm cho nó nhẹ đi rất là khoa học, rất là thực tế mà người tu phải nắm cho được. Hiện giờ tại các trường y khoa Tây phương đã lợi dụng kinh An Ban Thủ Ý. Các bác sĩ cũng như y tá đã tìm cách áp dụng các bài tập đó để chữa trị cho các bệnh nhân và giúp bệnh nhân điều trị được mau chóng.
Lãnh vực thứ ba (niệm xứ thứ 3) là quán tâm trong tâm, vì tâm không phải chỉ có cảm thọ, cảm xúc mà còn có tri giác và bao nhiêu hiện tượng tâm lý khác. Trong đạo Phật chúng ta có nhiều trạng thái tâm lý như là tâm sở hay tâm hành. Các thầy các sư cô khi còn học tiểu học Phật giáo thì phải học thuộc lòng những tâm hành tốt như: tín, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si, cần, khinh an, bất phóng dật, v.v... đó là những tâm sở, tâm hành tốt và những tâm hành xấu như: tham, sân, si, mạng, nghi, kiến, vô tàm, vô quý v.v…
Nhận diện tâm hành
Có tất cả 51 Tâm hành như thế, khi chưa phát hiện thì gọi nó là chủng tử hay hạt giống. Khi phát hiện thành năng lượng thì gọi là tâm hành. Thành ra người tu khi mà tâm hành phát hiện, thì mình phải có mặt để nhận diện để chăm sóc, và cuối cùng chuyển hóa nó. Đó là lãnh vực thứ ba quán tâm trong tâm, lãnh vực thứ hai là quán thọ trong thọ, lãnh vực thứ nhất là quán thân trong thân, và lãnh vực thứ tư là quán pháp trong pháp. Pháp tức là đối tượng của sự nhận thức; cái bình nước nóng là một pháp; cái ly, cái bàn, núi non, cây thông v.v.. đều là pháp. Khi mình thấy cái gì thì cái mình thấy đó là pháp. Đối tượng của nhận thức thuộc về phạm vi tri giác. Tri giác tiếng phiên âm là tưởng, tưởng tức là nhận thức và tưởng là 1 trong 51 tâm sở: biến hành, xúc, tác ý, tưởng, tư v.v… Tưởng đứng thứ 4 trong lãnh vực của pháp, là đối tượng của các pháp, nên mình phải quán chiếu các pháp. Tất cả các pháp đều là đối tượng nhận thức, pháp là đối tượng của tri giác, của tâm. Mình phải quán chiếu các pháp để biết các pháp là vô thường, vô ngã, là duyên sinh, là không, là tương tức. Rồi đi sâu hơn nữa sẽ thấy các pháp đều vô sinh, là bất diệt. Ban đầu mình tưởng chúng nó là có sinh có diệt, nhưng đi sâu vào thì sẽ thấy nó là vô sinh, bất diệt. Đi từ từ, từ thấp đến cao, từ cạn đến sâu.
Kinh Niệm Xứ đưa ra 4 lãnh vực tu học mà mình phải đi vào và nắm cho được. Hơi thở có chánh niệm là một dụng cụ rất hay khi đi vào trong 4 lãnh vực đó nếu mình đem theo được hơi thở có ý thức thì mình nhận diện, quan sát và chuyển hóa được. Vì vậy kinh Quán Niệm Hơi Thở đi đôi với kinh Niệm Xứ một cách rất là tuyệt hảo. Kinh nầy bổ túc cho kinh kia. Mong rằng các học viện Phật giáo Việt Nam, các thầy, các sư cô trẻ có cơ hội học lại nhiều lần nữa kinh Niệm Xứ và kinh Quán Niệm Hơi Thở. Những kinh nầy hiện giờ nguyên bản còn tiếng Pali, mà cũng có bản chữ Hán trong Hán tạng. Tôi đã tìm ra 3 kinh trong A Hàm, trong Tạp A Hàm. Kinh nầy đem ghép lại thì tương đương với kinh Quán Niệm Hơi Thở trong Tạng kinh Pali. Thành ra chúng ta phải cám ơn chư Tổ đã gìn giữ các Pháp của đức Thế Tôn cho chúng ta. Và Nam tông cũng như Bắc tông cũng còn giữ lại được 2 kinh đó (kinh Niệm Xứ và kinh Quán Niệm Hơi Thở).
Thói quen và tập khí
Trong chúng ta có những thói quen và tập khí nó làm chủ, mình tưởng mình là chủ ai dè không phải. Mà chính những tập khí đó làm chủ và vì những tập khí đó quá mạnh, nhiều khi mạnh hơn mình nên nó xúi mình nói, mình làm những điều mà mình không muốn. Đây là những nguyên nhân gây ra đổ vỡ, đau khổ trong bản thân mình và với những người thân. Sau khi mình nói một câu hay một hành động như thế rồi, gây đổ vỡ rồi thì lúc đó mình hối hận và nói: trời ơi mình đã biết trước là đừng nói như thế, đừng làm như thế, vậy mà tại sao mình đã nói và làm. Tại vì cái tập khí nó mạnh hơn mình. Do đó việc làm của người tu là phải nhận diện những cái tập khí, thói quen đó của mình. Cái thói quen đó có thể là do ông bà cha mẹ truyền lại, nếu mình chuyển hóa được, thì ông bà cha mẹ trong mình rất hạnh phúc. Cái mà ông bà cha mẹ chưa làm được, bây giờ con tu hành và làm được là người con có hiếu nhất. Những cái tập khí, thói xấu của nhiều đời nhiều kiếp còn di truyền lại. Một dân tộc cũng vậy, cũng có những cái phong tục tập quán hay, nhưng cũng có những thói hư tật xấu của dân tộc đó truyền từ đời nầy sang đời khác. Nếu quán chiếu và nhận diện được nó, thì mình sẽ từ từ thay đổi được chính mình và xã hội..
Kỳ nầy về nước tôi có thấy một cuốn sách có nhan đề là: Người Việt Phẩm Chất - Thói Hư và Tật Xấu. Mình có phẩm chất, nhưng mình cũng có thói hư tật xấu. Mình phải nhận diện được những thói hư tật xấu của mình để chuyển hóa cho mình, cho dân tộc và đất nước mình. Vì nếu chuyển hóa được thì hạnh phúc sẽ lớn hơn nhiều. Nếu chúng ta sang Đức thì sẽ thấy người Đức học được một thói quen rất tốt đó là giữ gìn thành phố, công viên của họ rất sạch sẻ, tinh thần trách nhiệm của họ rất cao. Khi về Việt Nam mình thấy người Việt dỡ hơn người Đức quá nhiều về phương diện đó. Và mình giác ngộ sẽ thấy rằng mình có tập khí vô trách nhiệm đối với xã hội. Cách lái xe của mình bây giờ tại các thành phố cũng vậy, rất hối hả chạy bạt mạng. Mình vượt ẩu, mình liều lĩnh trong khi lái xe đó là một thói xấu. Ngày xưa hình như chưa có thói xấu đó, nhưng mình làm ăn như thế nào mà trong những thập niên qua mình đã hình thành cái thói xấu đó rất hối hả, bạt mạng. Không biết trân quý sinh mạng của chính mình, cũng như sinh mạng của người khác. Đó là một trong những thói hư tật xấu của tập thể mà mình phải giác ngộ, phải thay đổi. Pháp luật chỉ là một phần thôi, chứ pháp luật không thể thay đổi được tập khí của mình được, mà phải tu thôi.
Truyền thừa kinh nghiệm
Các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, các thầy và các sư cô phải đóng góp nhiều vào trong sự giáo hóa. Không những bằng miệng thôi mà phải bằng hành động giáo dục của mình (gọi là thân giáo). Để mình có thể cùng nhau sửa đổi, chuyển hóa những thói hư tật xấu đó. Vì những thói hư tật xấu đã giết hại không biết bao nhiêu là sinh mạng; đã tổn hại không biết bao nhiêu là tiền bạc, gây ra không biết bao nhiêu là khổ đau. Sau khi mình đã nói những lời ác ôn, những hành động đổ vỡ đó, mình đã học được những bài học và sẽ nói: trời ơi sao mình ngu quá, lẽ ra không nên nói như thế; không nên làm như thế, mà mình lại vừa nói và làm như thế, là vì những tập khí mạnh hơn thiện chí của mình. Cho nên tu là phải trở về với hơi thở để nhận diện tập khí. Mỗi khi tập khí đó bắt đầu trào lên, thì ngay lập tức mình phải trở về với hơi thở của mình. Thở vào tôi biết tập khí của tôi đang ló đầu ra và tôi biết rằng kỳ nầy tập khí không làm gì được tôi đâu. Với hơi thở có ý thức mình sẽ nắm được tập khí đó và không cho nó xuất hiện. Phương pháp không phải đánh lộn với tập khí, mà là nhận diện tập khí. Nhận diện một cách đơn thuần rằng mình đang hiện diện, và ý thức được tập khí đang ló đầu ra và nó sẽ gây tác hại, cái đó gọi là giác ngộ. Khi mà giác ngộ đó đủ sáng thì mình có đủ sức mạnh không để cho những tập khí đó kéo mình đi. Sau khi mình đã làm cái lầm lỡ, gây đổ vỡ rồi thì mình đến trước bàn Phật, bàn thờ Ông Bà và phát nguyện rằng: con xin hứa rằng từ đây về sau con sẽ không làm, không nói như thế nữa. Nhưng vì mình không chịu tu nên lần sau mỗi khi tập khí đó trào lên, thì nó lại làm chủ, mình sẽ nói lại những câu nói, hay hành động gây nên khổ đau, rồi mình lại sẽ hối hận. Cho nên người tu phải biết nhận diện tập khí, thói quen của mình. Mà năng lượng có thể nhận diện được những thói quen đó là niệm: chánh niệm. Niệm tức là khả năng nhận diện những cái đang xẩy ra trong đó có tập khí.
Liệng sợi tơ sen trói mãnh hổ
Ngày xưa có một vị thiền sư cư sĩ tên là Tuệ Trung đời Trần, ông là cư sĩ nhưng tu thiền rất giỏi. Và ông đã để lại Ngữ Lục gọi là Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục. Vị nầy tên là Trần Quốc Tung anh ruột của Tướng Trần Hưng Đạo là người đã từng đánh bại quân Nguyên. Trong những bài kệ của ngài có câu thơ rất hay là: Liệng sợi tơ sen trói mãnh hổ. (Phóng trước liên ti phược hổ nhi). Nghĩa là chỉ một sợi giây mỏng manh như tơ sen, mà có thể trói được một con cọp hung dữ. Đó là sự luyện tập của thiền, hơi thở của mình nhẹ như một sợi tơ sen, ấy vậy mà nếu mình luyện tập nó, thì cái hơi thở luyện tập đó sẽ nhận diện được cái tập khí rất hung dữ như con cọp. Và chính bằng sợi tơ chánh niệm của hơi thở mà mình trói được con cọp đó, để nó nằm yên, không cho nó tác oai tác quái. Liệng sợi tơ sen trói mãnh hổ, và người tu cần phải luyện và dùng sợi tơ sen đó để trói cái tập khí của mình. Đó là khả năng nhận thức bất cứ những gì xẩy ra nơi thân và tâm của mình.
Các phương pháp của thiền
Thiền không phải chỉ là thực tập khi ngồi, vì ngồi lâu sẽ mệt (tọa cựu thành lao) ai cũng biết như vậy. Trong khi đi, mình cũng thiền, đứng cũng thiền, nằm cũng thiền, trong khi rửa bát hay lúc uống trà cũng phải thiền. Thiền 24 giờ mỗi ngày mới được, nếu ngồi không thì đâu có đủ, vì ngồi lâu thì mệt. Cho nên có thiền tọa, thiền hành, thiền trà v.v… đủ thứ thiền. Khi mình lạy xuống thì cũng thiền. Nghĩa là khi nào mình cũng có mặt thật sự: thân và tâm nhất như. Có mặt trong giây phút hiện tại để biết những gì xẩy ra cho thân và tâm thì những lúc đó đều là thiền cả, dù không phải trong tư thế ngồi. Khi ăn cơm, cái đầu của mình có thể suy nghĩ về quá khứ hay tương lai, hoặc đang nghĩ đến chuyện sau khi ăn xong! Thì trong khi ăn như vậy mình không có mặt, không có thiền; trong khi một người ngồi bên cạnh ăn cơm không nghĩ đến quá khứ, tương lai người đó thực sự có mặt cho bửa ăn và cho tăng thân đang ngồi chung quanh, người đó có hạnh phúc, nhẹ nhàng trong bửa ăn thì người đó có thiền. Mình cũng mặc cái áo màu đó, ngồi sát cạnh người đó, tuổi tu của mình lớn hơn người đó, nhưng nếu mình không có mặt trong khi ăn, thì mình không có thiền. Mình có thiền hay không có thiền là do mình có mặt hay không có mặt trong bửa ăn. Mình có làm chủ được thân và tâm của mình trong giây phút đó không? Hay là mình để cho quá khứ, tương lai kéo mình đi. Cái nầy dễ lắm vì trong giây phút hiện tại mình có thiền hay không là do chính mình biết thôi đâu cần ai nói cho mình biết. Cho nên khi lái xe mình cũng có thể thiền. Lái xe có an lạc, có chú tâm thì mình có hạnh phúc và có an ninh. Ít gây tai nạn, nếu có là do người khác gây nên. Khi mình rửa bát (các ông ít ưa rửa bát, hay để các bà rửa vì nghĩ rằng rửa bát không có hạnh phúc!). Mà kỳ thực các ông muốn học thiền, thì khi rửa bát các ông cũng sẽ có hạnh phúc. Mình đứng đó có xà phòng, có nước, có hơi thở và đứng thoải mái thực tập thở vào thở ra, thấy được rằng mình đang còn sống, đang còn có mặt cho những người thân, là cột trụ cho gia đình của mình (mình không bệnh nặng, không nằm liệt giường liệt chiếu). Trong khi rửa bát mình ý thức được những điều đó thì mình sẽ có hạnh phúc. Và khi rửa bát thì nghĩ rằng như mình đang tắm cho một đức Phật còn sơ sinh. Thành ra rửa bát cũng hay lắm. Ngày xưa đức Thế Tôn cũng tự mình rửa cái bát sau khi ăn cơm và cố nhiên là khi đức Thế Tôn rửa bát thì có an lạc. Mình là đệ tử của Ngài thì trong khi rửa bát mình tự hỏi mình có an lạc hay không? Dầu mình phải rửa đến 100 cái bát (vì trong chùa có đến 100 Thầy, hay 100 vị khách) thì việc rữa đó có an lạc hay không là do mình thôi; là do cách sống của mình trong giây phút đó. Chuyện nầy mình có thể làm được liền lập tức, không cần đợi đến ngày mai. Khi đi thì mình đi thiền, không cần phải làm bộ là ta đây đang đi thiền. Chỉ cần đi tmột cách tự nhiên”t. Xin tặng 4 chữ để quý vị đi thiền ngày hôm nay (xem phần cuối), vì ngày mai sẽ có rất đông người từ chùa Trúc Lâm đến, khó mà đi được thiền như thế. Còn tôi thì đạt được đến trình độ khi có 10.000 người tôi cũng đi được như thường. Tôi vẫn đi được những bước chân vững chải thảnh thơi, không bị số đông áp đảo. Khi mình thở vào mình có thể bước 2 bước và nói: mỗi bước chân, khi thở ra mình cũng bước hai bước và nói: là sự sống.
Tiếp xúc với sự sống
Mỗi bước chân là sự sống. Đi như thế nào để mỗi bước chân mình có thể tiếp xúc đuợc với sự sống. Rất là mầu nhiệm, vì vậy trong 5 giới (ngũ giới), giới thứ nhất là bảo vệ sự sống. Tại sao phải bảo vệ sự sống? Bởi vì sự sống hết sức mầu nhiệm, vô giá và khi tiếp xúc được với sự sống, thì sự sống đó có trong thân và tâm cũng như chung quanh mình. Sự sống đầy sự mầu nhiệm, con mắt mình là sự mầu nhiệm, trái tim của mình là sự mầu nhiệm, hai lá phổi của mình là sự mầu nhiệm. Các nhà sinh học nghiên cứu cơ thể con người và thấy cái gì cũng mầu nhiệm hết. Mỗi một tế bào trong cơ thể mình nó tuyệt vời lắm và chung quanh mình cũng thế. Từ một hạt cát, hạt sỏi cho đến một bông hoa, một bóng mây, ánh mặt trời đều là mầu nhiệm. Các nhà khoa học nghiên cứu cho thấy những sự mầu nhiệm đó trong từng hiện tượng. Còn khi mình đi thì cứ lo nghĩ chuyện nầy đến chuyện kia, quá khứ đến tương lai. Buồn giận và lo lắng và mình đánh mất mình trong sự buồn giận lo lắng đó. Không hề tiếp xúc được với sự sống. Nói rằng mình đang sống thì không đúng lắm, mà phải nói là mình đang sống nhưng không tiếp xúc được với sự sống mầu nhiệm. Nhà văn Pháp Albert Camus* nói rằng: có những người đang sống như là chết; thấy họ giống như sống vậy nhưng mà là như chết, bởi vì họ không tiếp xúc được với tất cả những cái mầu nhiệm của nó. Mình là người tu, mỗi bước chân mình phải tiếp xúc được với sự sống mầu nhiệm. Đừng có đi trên mây, trong lo lắng, trong giấc mơ (hay đừng mộng du). Đừng đánh mất mình trong sự tiếc nuối, lo lắng và sợ hãi.
Bước chân dẫm lên thực tại
Mỗi bước chân phải dẫm lên mảnh đất của sự sống thực tại. Vua Trần Thái Tông nói: bộ bộ đạp trước thực địa (Mỗi bước chân của tôi phải dẫm lên mảnh đất của thực tại). Anh đi trong giấc mơ, còn tôi thì đi trong tỉnh thức. Bộ bộ đạp trước thực địa, có nghĩa là mỗi bước chân giúp cho chúng ta xúc chạm vào cái mầu nhiệm của sự sống. Cho nên mình là thiền sinh, mỗi bước chân là sự sống. Mình tiếp xúc được với sự sống mầu nhiệm là mình thành công. Mình đừng tuyên bố suông rằng mỗi bước chân là sự sống bằng miệng, trong khi cái đầu của mình vẫn lo lắng, suy nghĩ đến chuyện quá khứ và tương lai thì mình là một con vẹt chứ không phải là thiền sinh. Mỗi bước chân là sự sống, đi vài ba phút thì phải làm sao bàn chân mình phải tiếp xúc được với sự sống của mình, mỗi bước chân có chánh niệm. Bước chân có năng lượng của niệm và định thì mới tiếp xúc được với sự sống, còn nếu không có niệm và định thì mình là một bóng ma, mình đang mộng du. Mình đang đi trên trái đất xinh đẹp nầy mà mình không biết thì rất uổng, vì đi như thế mỗi bước chân là một phép thần thông, vì mỗi bước chân là một phép lạ. Mình đang còn sống, hai chân còn khỏe và mỗi bước tiếp xúc được với trời đất, với sự sống mầu nhiệm thì mỗi bước chân của mình là một phép lạ rồi. Tưởng tượng rằng mình đang đau liệt giường liệt chiếu, chỉ còn vài ngày nữa mình sẽ chết, thì lúc bấy giờ mình muốn đứng dậy bước đi một bước thôi cũng không được.
Địa hành thần thông
Mỗi bước chân là vô giá, bước trong sự tỉnh thức, trong tiệm và định thì sẽ giúp cho mình một sự sống mầu nhiệm. Thế thì mỗi bước chân là phép lạ, phép lạ không phải là đi trên than hồng hay trên mặt nước, phép lạ là đi trên mặt đất. Đây là chữ của thiền sư Lâm Tế Địa hành thần thông, trong Lâm Tế Lục. Mình là người tu thì phải làm phép lạ trong khi đi. Mỗi bước chân thì phải tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm và nó đem lại hạnh phúc liền theo đó, là địa hành thần thông. Ai nói mình không làm phép thần thông được, chỉ cần một ít niệm và định là mình có thể đi như một con người tự do. Tự do nghĩa là không có lo lắng, sầu khổ chiếm cứ lấy mình. Mình đi như một con người tự do, tự do trong mỗi bước chân mà không là sự đam mê, hận thù, ganh tị. Đó là sự thực tập của thiền sư Lâm Tế: địa hành thần thông là như vậy. Mỗi bước chân là sự sống, quý vị có làm được không? Mỗi bước chân là phép lạ, phép lạ là đi trên mặt đất chứ không phải đi trên than hồng, trên mây. Nếu mình quyết tâm thì mình làm được, khi thành công rồi mỗi bước chân của mình sẽ có một giá trị vô biên, không thể mua được bằng bất cứ một số tiền nào. Vì vậy mỗi bước chân là vô giá, là thế đó. Mỗi bước chân có năng lượng của hạnh phúc vững chãi và thảnh thơi. Nếu mình đi không được như vậy thì mình thất bại. Mỗi bước chân là sự sống, mỗi bước chân là phép lạ. Đi như vậy thì con người mình sẽ thanh thoát và nhẹ nhàng, bởi vì không có phiền não, đi rất thảnh thơi. Thế nên mỗi bước chân như thế sẽ là một phương tiện trị liệu làm cho tật bệnh tiêu trừ. Không cần uống thuốc, chỉ cần đi cho có thảnh thơi, vậy thì mỗi bước chân như thế dẫm vào sự thực tại, tiếp xúc được với những gì lành mạnh, tươi mát, mầu nhiệm có tác dụng trị liệu và chuyển hóa.
Thảnh thơi là trị liệu
Mỗi bước chân là trị liệu, mình đang đi và biết rằng việc trị liệu đang xẩy ra trong từng bước chân, nếu mình có bệnh gì và nếu biết đi như thế thì những bệnh đó sẽ từ từ thuyên giảm. Ai trong chúng ta cũng có một ít bệnh và thiền đi là một trong những phương pháp trị liệu thân và tâm. Thiền thở, thiền buông thư, thiền ngồi v.v… cũng như vậy. Trong khi ngồi thiền mình không có những thứ đó, thì cái ngồi của mình sẽ trống rỗng, ngồi trong hầm tối. Và chữ cuối cùng tôi muốn nói là: mỗi bước chân là thảnh thơi, có nghĩa là không vướng mắc vào những thứ gì khác. Mình có công việc phật sự phải làm, cố nhiên mình là phật tử thì phải có nhiều công việc phật sự, nhưng tại sao phải lo? Làm thì làm tại sao lo? Mình cũng có thể có hạnh phúc trong khi làm. Nếu đợi đến khi làm xong rồi mới thảnh thơi thì đến tết Congo mình cũng không có thảnh thơi được. Cho nên phải thảnh thơi ngay bây giờ, trong khi làm mình vẫn có thảnh thơi, không cần phải đợi. Mỗi bước chân là thảnh thơi, không lo không sợ không ghen tị, và con người nếu có thảnh thơi như thế thì sẽ có hạnh phúc ngay lập tức. Ngay cái chuyện tập đi thôi đã mang lại hạnh phúc và trị liệu cho mình rồi.
Giá trị bước chân chánh niệm
Mỗi bước chân là sự sống, mình có thể đi rất chậm, chỉ cần bước thôi là mình đã tiếp xúc được với sự sống và nếu không tiếp xúc được với sự sống thì đừng đi nữa, đứng im tại chỗ, đợi đến khi thực sự tiếp xúc được với sự sống, thì với một nụ cười đắc thắng chúng ta bước thêm bước nữa.
Mỗi bước chân là phép lạ, thấy rõ ràng khi chưa có phép lạ thì đừng đi nữa, đợi cho đến khi thấy rằng mình đang làm phép thần thông thì lúc đó mình mới đi tiếp.
Mỗi bước chân là trị liệu, đi như thế nào mà thân và tâm cảm thấy nhẹ nhàng và đang trị liệu, thì biết rằng mình đang làm đúng. Còn đi như bị ma đuổi thì lúc đó mình không phải là thiền sư, thiền sinh, không phải là sự nối tiếp của đấng Thế Tôn.
Đây là những phương pháp rất hay, không bao giờ buồn ngủ hết. Cũng có những phép ngồi thiền mà nếu mình quán chiếu như thế nào để cảm thấy là vui, hạnh phúc thì mình cũng không buồn ngủ. Làm sao cho sự thực tập của mình đem lại an lạc, chứ không phải là những cái buồn chán hàng ngày. Làm sao cho việc ngồi thiền thành ra một lễ hội, không cần nói gì, chỉ cần ngồi với nhau thôi đã có rất nhiều niềm vui rồi. Trong khi đi thiền như là một lễ hội, không ca hát nhưng từng bước chân đem lại hạnh phúc. Ngày xưa tăng đoàn đã từng được đi với Thế Tôn như thế; đã từng được ngồi với Thế Tôn như thế hạnh phúc rất lớn. Giờ đây, phật sự nhiều quá không đi được như đức Thế Tôn, không ngồi được như đức Thế Tôn thì mình chưa tiếp nối được sự nghiệp của đức Thế Tôn.
Xin kính chúc chư Tôn Đức, quý Phật tử một ngày Phật Đản vui tươi hạnh phúc.
Bốn chữ hôm nay tôi trao truyền lại cho quý vị, coi như là một món quà:
Sự sống - Phép lạ.
Trị liệu - Thảnh thơi
*Albert Camus 1913-1960 : nhà văn, nhà báo và là kịch tác gia người Pháp.
(Phù Sa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét