Mấy Tưởng Khúc với/về Phạm Công Thiện
By Bùi Vĩnh Phúc On 14 March 2011
Phạm Công Thiện đã ra đi. Tôi muốn ghi lại ở đây một chút kỷ niệm và gắn bó mà chúng tôi, ở một giai đoạn nào đó, trong đời, đã có với nhau. Những kỷ niệm có thể đơn sơ, nhưng vẫn là những ngọn lửa cháy. Mềm mại đỏ. Và bền bỉ.
Có những chữ vừa viết xong, sau khi biết anh đã lên đường. Có những chữ đã viết, đã chia sẻ với nhau từ thật nhiều năm trước. Tôi gom lại ở đây, như những tưởng khúc, gửi cho chàng tuổi trẻ, một-chàng-tuổi-trẻ-muôn- đời trong trái tim thơ mộng của mình, như một chút chia sẻ cho cuộc lên đường đi theo những bè mây trắng của chàng, hôm nay.
Xin giã biệt.
BVP
(10 tháng III, 2011)
. I .
Phạm Công Thiện thân mến,
Anh lại vừa lên đường rồi, phải không? Lại làm một màn somnambule ballad mà anh từng thách tôi dịch ra tiếng Việt theo thể điệu của Federico García Lorca. Và tôi đã dịch cái tựa đề này thành "Rong khúc mộng du". Bây giở thì chính anh lại đang thực hiện một cuộc đi chơi rong đầy tính cách mộng mị như vậy!
Nhớ những lần chúng ta cùng nhau đi thư viện mượn sách về đọc. Cả hai khệ nệ bê hai chồng sách cao nghệu ra xe, ngất ngưởng đi bộ trên con đường có cỏ mọc um tùm hai bên. Và cũng có mấy con bướm non thơ thẩn tung cánh trên cỏ hoa nữa. Y hệt như chúng mình. Nhưng chúng có thể khôn hơn bọn ta. Chúng đi tìm hoa chứ không đi lục sách như anh và tôi. Không biết chúng nó có thật là "những con bướm non" không? Thôi, hãy cứ nghĩ như thế cho đời có thêm chút thơ và mộng. Thì chúng ta lúc đó cũng đâu còn "non" gì nữa. Thậm chí chúng ta còn hay đùa và gọi nhau là "cụ". (Thoáng cái thế mà đã trên đưới 20 năm rồi!) Nhưng hạnh phúc của mình khi ôm đống sách ấy ra khỏi thư viện thì hẳn là vẫn đầy chất thơ dại. Lòng chúng ta lúc ấy không hề vướng… mùi tục lụy của trần gian, phải không? Buổi chiều ấy nắng vàng như son, sơn phết mềm mại trên những bờ tường thành phố, lên trên những lá cây, vỏ cây, thân cây, lên trên cả những mái nhà đen đủi cổ lỗ bám đầy rêu lục. Và lên cả những trái tim chứa đầy những nỗi niềm thơ mộng thiết tha.
Và rồi mặt trời hôm ấy đã rớt trên hồ nước sóng sánh hơi thu trước mặt anh và tôi ở Newport Beach. A, Le soleil cou coupé.* Anh nói, nhớ lại một câu thơ loang máu hiện đại của Apollinaire. Một câu thơ tàn bạo trong hình ảnh và ấn tượng, và xuất sắc trong diễn tả tâm trạng. Còn tôi thì nói, đó là một thứ "L’Isolé Soleil" ** của Daniel Maximin mang đầy âm điệu jazz ngẫu hứng. Cái tên tiểu thuyết này, "L’Isolé Soleil" cũng tạo một hiệu ứng âm học thật đặc biệt: những âm [l] chòng chành, lung linh sóng sánh, bọc lấy những âm [z] (trong "L’Isolé" ) và [s] (trong "Soleil" ). Nó tạo nên một ấn tượng rung, một hình ảnh nhảy múa sóng sánh của mặt trời. Cuốn sách chứa đựng bi kịch, huyền thoại, lịch sử, chính trị, v.v… của các đảo xứ vùng West Indies. Nhưng, trên hết, đó là âm nhạc. Mặt trời kia, nó đang sóng sánh trên dòng nước đỏ. Đó chính là một sự điên dại dịu dàng. Và chúng ta cùng cười phá lên vì những liên tưởng đầy chất man dại của mình.
Mây vẫn đang bay ngỗ ngược trên trời. Và chim, quá nhiều chim, cũng còn bay xao xác trong mầu chiều hồng thẫm.
Tôi vẫn nhớ có những năm, vào ngày đầu năm mới, từ những chốn xa xôi nào, anh đã gọi điện cho tôi để nói những lời thăm hỏi đầu năm. Cám ơn anh. Chỉ là mấy lời thăm hỏi. Anh không nói gì về những quyển sách cũ của mình. Anh chỉ nói bây giờ tôi là một người làm vườn. Tưới nước, bắt sâu, và chơi với hoa lá. Dù sao, anh lừa tôi sao được! Tôi biết anh yêu cuộc sống mới của mình, anh yêu cả sâu bọ, vườn tược và lá hoa. Nhưng tôi cũng biết là anh vẫn còn thiết tha với những cơn mộng cũ. Lửa than vẫn còn đó, ngun ngún đỏ dưới những tàn tro kia.
Bây giờ, anh lại lên đường một lần nữa. Thật như vậy sao? Tôi nhớ những quyển sách anh tặng tôi. Những quyển sách mà anh đã viết trong những cơn điên dại thơ mộng của mình. Hay đó lại chính là những lúc anh sáng suốt và hạnh phúc nhất. Những quyển sách mà anh đã đưa tận tay cho tôi với chữ ký tặng còn tươi mới, hay những quyển sách được anh gửi đến tận nhà từ những địa chỉ xa xôi. Có những quyển mới viết sau này, nhưng cũng có những quyển cũ đã viết từ những ngày xưa. Dù sao, tôi vẫn thường để chung chúng lại với nhau để, lâu lâu, lấy ra một quyển nào đó, và đọc lại đôi chỗ. Nhất là những quyển sách cũ. Để nhớ lại những ngày hoang tàn lửa khói. Và cũng để nhớ lại dịu dàng những mây gió trong đời.
Mây gió đã chảy qua đời ta, và khói lửa đã đốt sạch hết rồi những ngày tháng cũ. Cháy và Chảy, phải không? Cháy và Chảy đi tất cả những mộng mị, những thiết tha, những điên cuồng, những thơ dại của biết bao ngày tháng cũ. Cháy và Chảy đi tất cả những cánh chim và những bóng mây, những bông hoa thơ dại và những con bướm trắng, những bình minh vụt nở và những đêm tối lụi tàn. Cháy và Chảy đi đôi mắt lấp lóa nhìn đời để thấy đời sống chỉ là những gì nằm trong một chiếc kính vạn hoa vĩ đại. Và Cháy và Chảy đi trái tim lúc nào cũng ngun ngún những ngọn lửa say đời.
Bây giờ, tất cả sẽ chỉ là một chút tịch mịch hồng còn sót lại.
Hãy lên đường, Phạm Công Thiện, như anh vẫn thường muốn ra đi như thế. Rồi chúng ta, mọi người và mỗi người, tất cả chúng ta đều sẽ có lúc phải nói với nhau những lời chia biệt. Nhưng chia biệt cũng chính là để gặp gỡ lại một ngày.
Bạn ơi,
Hãy lên đường với nụ cười hồn nhiên.
Và hãy nhớ mang theo với mình một chùm mây trắng.
bvp
* "Mặt trời bị cắt cổ": câu cuối trong bài Zone của Apollinaire.
** "Mặt trời đơn độc" (bản dịch tiếng Anh là Lone Sun) của Daniel Maximin, một nhà thơ, một tác giả tiểu thuyết và một tiểu luận gia, sinh tại Saint-Claude, Guadeloupe, vào năm 1947. Cùng gia đình di cư sang Pháp, học ở Sorbonne. Từ 1980 đến 1989 làm chủ biên văn học tạp chí Présence Africaine. Trở về Guadeloupe vào năm 1989, làm Giám Đốc Vùng về Văn hóa, và được phong tước hiệp sĩ Légion d’honneur vào năm 1993.
. II .
Bài bên dưới được viết cách đây 22 năm. Phạm Công Thiện lúc đó còn đang ở tại thành phố Garden Grove, thuộc Nam California của nước Mỹ. Garden Grove, mà ông ví von giống như cái cái holy grove linh hiện ở làng Colonus, quê hương của thiên tài Hy Lạp Sophocles, "cái grove linh hiện, linh địa, nơi ông vua mù mắt ăn mày Oedipus được thần linh phù trợ tiếp dẫn đưa đi mất, không dấu vết, lìa bỏ cõi đời hiu quạnh." Biệt xứ và sang sống tại Pháp, từ đó cho đến khi làm cuộc ra đi vĩnh viễn, Phạm Công Thiện đã liên tục xê dịch và sống tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở Úc và Mỹ. Là một người không bao giờ lái xe, không bắt điện thoại, không dùng computer, và, dĩ nhiên, không sử dụng e-mail, trước khi mất, ông sống tại một tiểu bang ở nước Mỹ, hạnh phúc với việc làm vườn và đọc sách. Một thế sống cách ly với “xã hội văn minh” của loài người như thế làm cho ta nghĩ đến trường hợp của J. D. Salinger, tác giả của The Catcher in The Rye (Bắt trẻ đồng xanh).
Yeachin Tsai, Splash Ink Landscape (Mực Tóe (thành) Phong Cảnh)
Khi viết bài dưới đây lúc 22 năm trước, cũng như bây giờ, tôi nhớ lại những lần Phạm Công Thiện và tôi ngồi nói chuyện văn chương với nhau, những lần đi chơi chung, nhất là lần Phạm Công Thiện, Nguyễn Trọng Khôi (hoạ sĩ) và tôi ngồi trong một quán cà phê lúc gần hai giờ khuya cùng ca hát hạnh phúc. Quán gần như chỉ còn có ba chúng tôi. Nguyễn Trọng Khôi vừa đàn vừa hát. Anh hát thật hay và có thể lực. Anh hát Trịnh Công Sơn, như đã có những lần anh cùng đi hát với Trịnh Công Sơn như thế, “Lòng ta có khi tựa như vắng ai. Nhiều khi đã vui cười, nhiều khi đứng riêng ngoài. Nhiều đêm muốn đi về con phố xa. Nhiều đêm muốn quay về xoè diêm đốt mái nhà” (chữ nghiêng là do Nguyễn Trọng Khôi tự sửa ca từ của Trịnh Công Sơn: “Nhiều đêm muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà”). Phạm Công Thiện thì lâu lâu hứng chí chỉ “hực lên” một vài câu, của một vài bài nào đó, theo cái kiểu của riêng ông… Bài này đã được viết trong những hồi tưởng đáng yêu đó. Về bạn bè. Nó cũng được viết với một số hồi ức thật đẹp mà tôi còn giữ được về tuổi trẻ của mình những ngày còn sống hạnh phúc và thiết tha tại Việt Nam. Khi viết Ði cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất, Phạm Công Thiện ở vào tuổi 47. Khi viết bài dưới đây về Phạm Công Thiện và quyển sách này của ông, tôi cũng chỉ mới 36. Rất nhiều nước đã trôi dưới chân cầu và rất nhiều đám mây đã trôi qua đời ta. Khi bài này được đăng lần đầu trên tạp chí Văn Học ở Mỹ, Phạm Công Thiện đọc được và nói với tôi theo giọng của ông, “Bài này là một thứ fire for fire”. Rồi ông dịch luôn, “lửa đáp lửa”. Và ông bảo đây là bài viết của “một thi sĩ viết cho một thi sĩ” (sic). Nhiều năm sau gặp lại, ông vẫn nói là bài viết này đã giúp ông hiểu chính mình hơn. Ðó là lối nói rất đáng yêu của tác giả Ý thức mới trong văn nghệ và triết học.
Tôi cho đăng lại bài này như một lời tưởng niệm Phạm Công Thiện và như một sự chia sẻ với độc giả khắp nơi về sự ra đi của nhà thơ. Tôi xin cám ơn các độc giả nếu, trong sự rộng lượng của mình, quý vị cũng đồng ý với Phạm Công Thiện cho phép tôi được làm “thi sĩ” chứ không phải làm một nhà phê bình trong bài viết này. Cho dù, ở một số góc cạnh nào đó, bài viết này cũng không đi ra khỏi cái nhìn phê bình của nó.
. III .
Ðêm và ngày, và Phạm Công Thiện, và bốn mươi bảy năm trôi qua trên mặt đất
(Ðọc và nhìn lại Phạm Công Thiện qua "Ði cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất")
1.
Trước hết là màu đen. Màu đen của khu vườn đêm trĩu những hoa và trái kỳ lạ. Hương thơm của chúng chín như mật ong làm choáng những bước chân. Những bước chân thả hoang vào thiên điạ đắm hoang mang. Ði. Ði như một con tàu say. Con tàu hụ vào đêm sương những bước đi chuếnh choáng của giông gió cuộc đời. Ði. Ði hút vào đêm đen theo một tiếng gọi kỳ lạ như Céline đã đi. Voyage au bout de la nuit. Ði vào một mùa Xuân đen, một printemps noir (black spring) tàn bạo và ngây ngất thần trí như Henry Miller. Ði cho rách những đêm hoang, những đêm hoang rách rưới nhưng thơ mộng như những bài thơ rách nát rút ra từ đời sống. Những bài thơ như những cánh chim thả vào đêm tối những hải đảo hoang vu của Xuân Hạ Thu Ðông. Những cánh chim bỗng lóe hồng theo một dòng mặt trời vừa mọc. Ánh sáng đã ra đời.
Cánh cửa sổ dựng đứng một cây cam, trái vàng cây, trái đỏ lá (…) Một người đang ngồi viết. Ánh sáng California đang tưới qua trang giấy trắng. Trang giấy trắng nằm trên cái bàn viết; cái bàn viết đứng bốn chân trước mặt cửa sổ có một cây cam say gió mai, sai quả nặng trĩu như ngày hôm nay thơ mộng đầy phù chú hiển hiện từ trời cao đổ giộc trút xuống gian phòng… (trang 13), một gian phòng có cây cam sai trái mọc hỏng chân trên khung cửa sổ.
Serson, Spirit – Freedom (Hồn -Tự Do)
Hình ảnh ban đêm là hình ảnh của tôi. Hình ảnh ban ngày với cây cam sai trái là hình ảnh của Phạm Công Thiện. Cây cam ấy đứng hỏng chân trên khung cửa sổ. Và khung cửa sổ mở ra mở vào phất phơ cái đời sống ngút say như khói của Phạm Công Thiện. Khung cửa sổ làm mở ra trên ba trăm trang sách thơ mộng như những con kiến đi ra đi vào một cái lỗ nhỏ nào đó trên một cành cây mùa Xuân mùa Thu mùa Ðông mùa Hạ. Những dòng chữ là những con kiến đen di động và gật đầu chào nhau giữa cuộc đời. Những dòng chữ nói lên cả một đời người hay là chẳng nói lên một điều gì cả. Ðiều đó không cần thiết. Cái đáng nhớ là có một sự di động. Từ sự di động đó, mọi thứ gặp gỡ và chào hỏi nhau và tất cả làm ra sự sống.
Ði cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất là một cuốn sách viết về sự sống. Sự sống di động và thở ra thở vào như những lá cây mùa xuân. Ðây là một quyển sách Phạm Công Thiện làm ngạc nhiên nhiều người vì tính chất gần gũi với đời sống của nó. Nhưng thật ra, chính là đời sống làm ngạc nhiên. Nó làm ngạc nhiên chúng ta mỗi giây mỗi phút. Chúng ta không ai làm ngạc nhiên ai mà chỉ chứng kiến đời sống làm ngạc nhiên mỗi người và mọi người.
Ði cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất là cuốn sách mới của Phạm Công Thiện. Không kể một số bài viết không đều đặn của tác giả, có một số nét đặc biệt riêng nhưng không tạo được một hơi thở chung, đã xuất hiện rải rác trên một số báo từ 1975 đến nay (và phần lớn trên nguyệt san Quê Mẹ tại Pháp do nhà thơ Thi Vũ chăm sóc), đây là cuốn sách đầu tiên của Phạm Công Thiện, viết “sau 17 năm trời bỏ viết tiếng Việt”, với một dòng văn nhất quán, một hơi thở liên tục, được xuất bản tại Hoa Kỳ vào tháng 5, 1988.
Cuốn sách gồm 37 chương dài ngắn khác nhau, và một chương kết, được viết bên một cây cam sai trái (trái vàng cây, trái đỏ lá), với hình ảnh xuất hiện nhiều lần của một bầy quạ đen (có vài con trọc đầu) đi chuếnh choáng (có khi trượt chân té). Và tiếng lóc cóc của những chiếc xe thổ mộ được dùng làm nhạc đệm. Trong khung cảnh đó, người ta ngửi được mùi thơm (có khi thơm ủng) của những trái cam, người ta thấy được một khoảng trời xanh (có cây cam mọc hỏng chân), những con quạ đi đi lại lại (như tìm kiếm một ý nghĩa nào đó của đời sống?), trượt té (bắt gặp chân lý?), người ta nghe thấy tiếng gõ lóc cóc của cuộc đời (cuộc đời trong ta hay cuộc đời ngoài kia?). Và cũng có những khi người ta bắt gặp bóng dáng của một người nữ, một con loan, một con phượng mái. Một con phượng mái rù rì nhỏ nhẹ thiên thanh. Và những khe nước róc rách chảy. Và những búi cỏ dại hoang mang phơ phất trong đêm. Rồi có một con quạ làm bộ ho khan dăm tiếng vào đời sống. Tất cả những hình ảnh âm thanh màu sắc hương vị đó trộn lại với nhau làm ra ý nghĩa của cuộc đời. Ngửi một mùi thơm, người ta nhớ lại bao nhiêu cảnh đời đã sống, bao nhiêu xuân xanh đã vụt qua, bao nhiêu mộng tưởng đã bay thành khói chiều. Và những con người, những quyển sách, những ngày tháng đã đi qua, những nơi chốn đã trở thành ký ức, những rượu mạnh của tuổi trẻ, những nhiệt hứng của những ngày chân đạp trên gió sớm để bước vào đời. Tất cả những mùi vị những trái cây những rượu ngon của cuộc đời đó bỗng bây giờ trở lại khi người ta hơn bốn mươi bảy tuổi, người ta ngồi bên khung cửa sổ nhìn ra cây cam sai trái và những con quạ trọc đầu trượt chân té lên té xuống và tiếng lóc cóc của những con ngựa gõ vào trí nhớ. Người ta ngồi và viết ra những con kiến nhỏ của cuộc đời. Những con kiến đi vào mọi thứ ngõ ngách, mọi thứ lỗ hổng của đời sống. Những con kiến hồn nhiên, vui tươi, say mê, thô tục, lãng mạn, phất phơ, ngờ nghệch, thông minh, sáng sủa, u tối, mệt mỏi, ngạo mạn, tự chế, tự phúng, tự hào, tự mãn, tự ái, tự kiêu, tự hạ, tự tri, tự túc. Những con kiến hay có ý nghĩ tự tử nhưng luôn luôn tự triển hạn. Những con kiến, cũng như những dòng chữ kia, chưa muốn tự xoá. Chúng vẫn còn tiếp tục muốn đi trên những cành cây xuân hạ thu đông lưu dấu cuộc đời. Ði, như là một hành động để tìm kiếm ý nghĩa đích thực của sự sống.
Ði cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất có một nhịp thở khác với những nhịp thở mà Phạm Công Thiện đã thở ra thở vô (đôi khi thở mạnh, thở gấp tạo thành những cơn ho vào đời sống; hoặc đôi khi chỉ là những tiếng ho khan cho vui) trong suốt cuộc đời của ông. Ðây là một hơi thở dịu dàng khỏe mạnh có pha mùi chuếnh choáng thơ mộng đáng yêu của một người vừa uống xong một ly rượu nho. Hay chính hắn là một ly rượu nho, ai biết? Một ly rượu nho màu đỏ bordeaux có mùi vị say sưa mềm mại của nắng thơm màu hổ phách, có mùi gió biển ngất ngây của những hải ngạn xa xôi, có những đêm sâu ủ mùi nguyệt bạch. Tịch mịch hồng. Và có mặt trời (nếu mặt trời có thực) quay lông lốc theo vòng thiên địa. Ực một hớp rượu ấy vào người, nếu người ta đang yêu đời, đang yêu những cây trái trần gian, người ta sẽ thấy là đời có thêm vị ngọt. Nhưng nếu người ta đang chán nản, mệt mỏi, và đang muốn chấm dứt một sự di động hay những sự di động, người ta sẽ dễ bị cái hớp rượu kia làm hoang mang thần trí và, vì thế, có thể càng làm cho người ta thấy mông lung hơn khi người ta đang muốn tìm một chỗ để bám víu vào đời sống.
Ðây là cuốn sách mà, tôi nghĩ, tác giả tự phơi bày mình một cách chân thật nhất so với tất cả những cuốn sách mà ông đã viết. Phạm Công Thiện của tuổi mười chín, hai mươi và những năm trong tuổi hai mươi có cái say, cái bốc, cái hào, cái ngông, cái sáng của một người tuổi trẻ. Một người tuổi trẻ từng nhiều lần nhận mình là thiên tài (Phạm Công Thiện cho in quyển Anh ngữ tinh âm từ điển năm 16 tuổi làm học giả Nguyễn Hiến Lê phải ngạc nhiên; viết Ý thức mới trong văn nghệ và triết học ở tuổi trên dưới hai mươi). Tất cả những nét sắc cạnh, bùng bốc ấy như một ngọn lửa cháy. Bén và sắc và bùng và như có lân tinh. Nó đẹp và dễ làm cho tuổi trẻ say mê. Cùng lúc, nó như có tính cách phá hủy. Mà không phá hủy sao được khi người ta hai mươi tuổi, khi bốn trời thì hoang tàn lửa khói mà người cứu chữa thì hầu như chẳng có một ai. Phá hủy (nếu có thể nói được như vậy), chỉ là một lối tự biểu hiện khả năng tự tồn, tự cứu trước cuộc đời hoang tàn khói lửa. Có khi người ta phải đốt cả một cánh rừng để chặn một cơn bão lửa đang tràn đến. Trong ý thức, người ta đốt. Trong vô thức, người ta đốt. Hành động đốt, làm bốc lửa ấy, ý thức hay không ý thức, biết hay không biết, nhiều khi chỉ là một phản ứng của đời sống vào chính đời sống. Con người chỉ là kẻ chứng kiến sự phản ứng ấy mà thôi. Tôi yêu những ngọn lửa cháy vì tôi hiểu chính chúng là những phản ứng của cuộc đời đối với chính nó. Chính những ngọn lửa làm đời sống tiếp tục đổi mới và sinh thành. Nhưng tiếng lửa nổ, sự cháy, sự nóng và sự sáng hung hãn có thể làm nhiều người không thích. Sự phản ứng của họ trước ngọn lửa lại là một phản ứng khác của cuộc đời với chính cuộc đời. Và phản ứng ấy cũng góp phần tạo nên đời sống theo nghĩa biện chứng của nó.
Phạm Công Thiện tuổi của những năm cuối bốn mươi không phải là một ngọn lửa cháy trong một môi trường vật lý và làm tạo ra những tác dụng có tính cách vật lý như sự nổ, hơi nóng, sự sáng và, có thể, sức đốt, sức phá hủy. Tôi nghĩ không phải ông không còn khả năng để tiếp tục sống-một-sự-cháy-vật-lý, một sự cháy nhiều lúc cho thấy có sự nhảy múa của những tia lửa, những ánh lửa. Một sự nhảy múa làm nhiều khi người ta tưởng rằng ngọn lửa không có thực (như cái mặt trời choáng váng thiên địa kia). Tôi nghĩ ông đã (hoặc đang muốn) bắt tay chào biệt với sự cháy ấy. Cái làm cho nóng, cháy, say sưa, bùng bốc ngưòi khác, bây giờ, trong chữ viết và ý tưởng của Phạm Công Thiện, là cái mềm mại chuếnh choáng ấm nóng của nắng, của gió, của những hải ngạn xa xôi, là cái hung bạo ngọt ngào của những mùa đêm ủ sâu mùi nguyệt bạch. Ðó là cái hớp rượu, cái sự cháy làm nóng lên lồng ngực, là cái chuếnh choáng ngất ngư bốc người ta bay lên, đẩy người ta đi mãi vào những đêm dài vô tận của chữ nghĩa, văn chương và của những hồi tưởng réo gọi ôm vẫy quấn quít.
Cả cuốn sách Ði cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất của Phạm Công Thiện là một hơi rượu dài, làm choáng váng ngất ngây thần trí trong những hồi tưởng liên tiếp miên man như một cơn mộng chưa muốn bay thoát về trời. Ðó là một tiếng chuông đánh mãi vào trong những giấc mơ của đời sống, làm lên men tất cả những mộng tưởng xa và gần của một người (hay của những người) lúc nào cũng thấy cháy bập bùng trong quả tim mình những ánh lửa trần gian. Ðây là cuốn sách của một kẻ thơ mộng muốn đi ngược về những khoảng trời mây trắng cũ, và muốn đi xuôi, đi tới về những nẻo đường trần gian ít ai chịu lai vãng. Có phải vì thế mà, nhiều khi, thi sĩ chính là những kẻ chịu nhận kiếp lưu đầy. Phải thế không, hỡi kẻ thi sĩ kia?
2.
Ði cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất có cái chủ đề quán xuyến (motif) là hình ảnh của cây cam sai trái mọc hỏng chân trên cái cửa sổ mở ra những tiếng lóc cóc của cuộc đời, là những con quạ trọc đầu đi té lên té xuống hết từ trang sách này qua trang sách khác (thử đếm một ít trang: 22, 23, 24, 25, 49, 82, 105, 119, 260…), là con phượng mái hoá thành cô con gái Huế đi làm năm ngày một tuần từ sáu giờ sáng đến bốn giờ chiều để cho một con quạ ngồi ở nhà ho phất phơ vào đời sống, là trí nhớ dan díu với đời sống lãng mạn biến ra những cuộc mộng du vòng quanh trái đất và vòng quanh văn chương chữ nghĩa của con người. Những hình ảnh vừa nói, làm nên cái nhạc tố kỳ lạ này trong cuốn sách (như một thứ trường khúc) của Phạm Công Thiện, đã giống như những ánh lửa ngọt ngào mê muội cháy lóe lên và cứ bập bùng đâu đó, như thế, trong suốt cuộc du hành của tác giả vào trong lòng đêm tối hoang vu kia. Những con quạ, và những bước chân trật té của chúng, và tiếng kêu khô giọng ngắn sắc của chúng vào trong cái không gian yên tĩnh của ban mai, sự lặp đi lặp lại hình ảnh những con quạ thơ mộng huyền bí làm ta bỗng nhớ đến những con quạ đầu đen và những con chim gõ mõ nổi tiếng của Carl Sandburg (1878-1967) trong bài “Những con đường sông nước”:
Hãy cứ để cho lũ quạ bay qua với những tiếng kêu quạ quạ của chúng
Chúng đã bơi qua những đêm tối mịt mùng của những mỏ than đâu đó
mơ hồ
Hãy cứ để cho chúng kêu lên những tiếng quạ quạ hoang vu
Hãy cứ để cho con chim gõ kiến mổ bung bung vào gốc cây hồ đào
Nó đã bơi qua những hồ đỏ những hồ xanh đâu đó cả những trăm năm
Và màu xanh đã bay lên cánh nó, còn màu đỏ thì bay lên đầu
Hãy cứ để cho cái đầu đỏ kia đập hoài những tiếng bung bung
…
(“River Roads”, Bùi Vĩnh Phúc tạm dịch)
Ði cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất, theo tôi, có một giọng văn, một hơi văn vừa hiên ngang, đầy sinh lực và ngổ ngáo của Henry Miller trong Printemps noir (Mùa Xuân đen), lại vừa có cái hơi thở say sưa, mộng mị và cái sức cuốn hút vào một thứ chiều sâu không đáy của đêm dài kỳ bí trong Voyage au bout de la nuit (tạm dịch, Du hành vào đêm tối không cùng) của Céline. Nó lại có cái giọng tự thuật, tự quán chiếu hết sức thơ mộng và đắm đuối và tha thiết và bừng nhụy đơm hoa của Rainer Maria Rilke trong Die Aufzeichnungen des Malte Laurids Brigge (Hồi ký của Malte Laurids Brigge). Cái chất thơ mộng rất Rilke khi nhìn vào đời sống ấy đã được Phạm Công Thiện thở ra khi ông viết Mặt trời không bao giờ có thực khoảng hai mươi năm trước. Với những men nồng và ngây ngất vừa kể, cộng với một sắc thái đặc biệt rất riêng tư, rất Việt Nam, rất Phạm Công Thiện, Ði cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất cho thấy Phạm Công Thiện với một hơi thở mãnh liệt hơn, thơ mộng hơn, và đắm đuối say sưa, hồn nhiên, thông minh, đáng mến… hơn Phạm Công Thiện ở những cuốn sách của một hai thập niên trước… Ngọn lửa bây giờ đã cháy đằm, cháy ngọt. Và nhiều khi, cùng với sức nóng mềm mại ấm áp của ngọn lửa mà người ta cảm thấy nó để lại trên da thịt mình, người ta còn ngửi thấy, trong ngọn lửa, mùi thơm hoang dại ngất ngây của gió đời. Trong mùi thơm trộn lẫn của gió đời và lửa ấm ấy, người ta ngửi được mùi của những bến tàu ướt lạnh trong đêm, những náo nức của từng ban mai bừng nhụy nơi những thành phố gió (những thành phố cũ mà người ta đã đi qua và đã để rơi lại trong ký ức vẩn vơ của người ta), những hiu quạnh thiết tha của đời sống đã từng nắm lấy và quấn chặt trái tim người ta bằng những sợi dây dịu dàng điêu đứng…
Có người có thể cho rằng Phạm Công Thiện sẽ không thể viết được nếu ông không đụng vào một tác giả, một cuốn sách, một tư tưởng nào đó của một người nào đó, và tất cả những điều này kéo ông đi mãi vào những suy nghĩ chằng chịt của chính mình. Ðiều này, nhìn ở một góc cạnh nào đó, có thể đúng. Sức đọc của Phạm Công Thiện mạnh, sức nhạy cảm và rung động cũng như tấm lòng thiết tha muốn chia sẻ nơi ông quá mãnh liệt và quá sắc. Chính cái bản chất đó, ngọn lửa đó nơi con người ông đã làm cho ông đi (và dẫn chúng ta đi) vào cuộc du hành của chữ nghĩa và ý tưởng.
Nhưng, tất cả văn chương, tư tưởng, triết lý, suy nghĩ, mộng mị… của con người đã chẳng là một sự đụng chạm, đụng vào, đụng đến… đó sao? Sẽ không có một quyển sách nào ra đời nếu, trước đó, tác giả của nó đã không đụng vào một dòng chữ, một suy nghĩ nào đó, của một người nào đó sống trước ông ta hoặc cùng thời với ông ta. Sẽ chẳng có một quyển sách nào ra đời nếu, trước đó, tác giả của nó đã không đụng vào một kinh nghiệm sống riêng tư của ông ta như một con người trong cuộc đời. Một con người sống thật trong cuộc đời là một con người sẵn sàng đứng giữa để cho mọi thứ chung quanh đụng chạm vào mình. Ðó cũng là một con người không hề sợ sệt khi phải đụng chạm, sờ mó vào mọi thứ quanh mình để có thể rung động, khóc cười, đau khổ, hạnh phúc, hèn yếu, mạnh mẽ, hiên ngang, bi thiết… và sống một cách đích thực. Marcel Proust đụng vào tách trà, và thế là mấy ngàn trang sách được bôi đen kịt kia trở thành một kiệt tác của nhân loại. À la recherche du temps perdu. Ði tìm thời gian đã mất. Cả một cuộc đời sống dậy. Ngôi làng xa xưa cùng với nhà cửa cây cối vườn tược con người chim chóc hoa lá mặt trời dần dần nở lại như những mầu nhiệm của đời sống được tái hiện, được sống lại một lần nữa, trong cõi thời gian xa lạc kia. Tolstoy đụng vào lịch sử, đụng vào con người, và mấy ngàn trang sách Chiến tranh và Hoà bình mở ra. Mở ra cùng với nó là đời sống hôi hổi nhiều mặt của con người muôn thuở và muôn nơi; là ý nghĩa của sự sống, của cái chết con người; là những tình cảm tế vi nhất của con người trong mọi sắc độ, mọi gam màu của nó. Anais Nin đụng vào cuộc sống và vài ngàn trang sách của năm cuốn nhật ký (với những rung động, những nhận xét sâu sắc, đầy tính khai thị về đời sống, về giá trị của đời sống, về thẩm mỹ của đời sống) ra đời. Có thể nói nhật ký của Anais Nin là một trong vài cuốn nhật ký có giá trị văn chương nhất của con người hiện đại.
Phạm Công Thiện đã đụng chạm, đã sờ mó vào những tư tưởng, những chữ nghĩa thơ mộng thắm thiết đầy sức cuốn hút kỳ diệu của văn chương nhân loại. Nhiều người đã nhìn Phạm Công Thiện như một triết gia. Và họ có cái lý của họ. Chính Phạm Công Thiện, trong một giai đoạn nào đó của đời sống, hay trong những góc cạnh nào đó của đời sống, cũng đã để hé lộ và hiển lộ ra cái cách thế hiện sinh này của mình. (Hiển hay hé đều là những dụng ý của Phạm Công Thiện, và chính là chấp vào những cái dụng ý này, người ta đã khen hoặc chê Phạm Công Thiện hết lời). Ðối với tôi, tôi không nghĩ ông là một triết gia (theo thể điệu triết lý của Parménide chứ không phải theo nhịp suy tư của Héraclite) mặc dù chắc chắn ông cũng là một người yêu mê triết và đã từng ăn nằm với triết. Cả Ðông lẫn Tây. Nếu hỏi, “Phạm Công Thiện LÀ gì?” thì câu trả lời vắn gọn “LÀ triết gia”, nhìn theo lối lý giải của Héraclite, thì sự hiện sinh như là một triết gia ấy của Phạm Công Thiện là một dịch thể. Nhưng nếu nhìn theo nhịp thở của Parménide, thì sự hiện sinh ấy là một thường thể (là thể tính). Vậy, tùy theo cách nhìn dịch hay thường, ta sẽ thấy Phạm Công Thiện có là triết gia hay không. Thật ra, hai nhịp nhảy của Héraclite và Parménide cũng chỉ giống như hai nhịp đập của trái tim mà thôi. Thường hay dịch thì cũng trở về với Anaximandre, nghĩa là trở về với Tính (Song thể – dịch và thường – nằm trong Tính nghĩa).
Ðể trở lại với Phạm Công Thiện, tôi muốn nhìn ông như một nhà văn, một nhà thơ (hết sức cuồn cuộn và phá vỡ và thơ mộng và đắm đuối và thiết tha) theo cái nhìn thường thể của Parménide. Thể tính hay thường thể của con người Phạm Công Thiện chính yếu nằm trong năm tính từ chỉ định vừa kể (thêm nữa cũng được, nhưng cũng chỉ dan díu vào đó mà thôi). Còn con người triết gia của ông, theo nhịp nhảy của Héraclite, theo tôi, là dịch thể. Cái thể này thay đổi, biến hóa, và, tôi nghĩ, không phải là cái phần hồn thật sự của Phạm Công Thiện, mặc dù nó cũng là ông theo một nhịp nhảy múa nào đó như vừa phân tích. Qua Ði cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất, Phạm Công Thiện đã sống hết con người của ông, chính yếu, như một nhà thơ, một nhà văn. Dĩ nhiên, ta không thấy thiếu những suy tư có tính triết lý được bóp vụn ra như thủy tinh (hay như lân tinh?) chiếu sáng lấp lánh chập chờn quyến rũ trong suốt cuộc hành trình vào (hay qua?) đêm tối của ông. Nhưng tất cả những suy tư ấy đều được diễn ra bằng một hơi thở cuả Thơ, bằng một cái nhìn thơ mộng lãng mạn tha thiết đắm đuối hồn nhiên mở mắt vào đời. Chính cái đặc tính kỳ lạ này nơi quyển sách của Phạm Công Thiện đã khiến cho bài viết của tôi không thể trở thành một bài phê bình theo kiểu bình thường với những lý luận, phân tích, bình giải tăm tắp theo đường thẳng. Làm sao người ta có thể phân tích và phê bình một cặp mắt (và một tâm hồn) thơ mộng đắm đuối thiết tha lãng mạn hồn nhiên chan chứa nhìn vào cuộc đời. Có thể nói Phạm Công Thiện đã bỏ cả đời để yêu thương chan chứa lãng mạn hồn nhiên (và cũng có những lúc ngây thơ) với cuộc đời như thế. Ðiều đó đáng yêu chứ. Và điều đó đã thể hiện hết sức rõ rệt qua quyển sách này.
Tôi yêu biết bao cái hình ảnh của thanh niên Phạm Công Thiện, của chàng thi sĩ mơ mộng 23, 24 tuổi ngày nào cùng với người bạn trẻ trạc tuổi, Eduardo Zalamea – một thi sĩ châu Mỹ Latinh – đi lang thang trong khu phố Greenwich Village tại thành phố New York để bán những bài thơ mình làm trong các quán cà phê từ công trường Washington Square đến Sheridan Square. Ôi, mỗi bài thơ bán chỉ có một dollar cốt đủ tiền để mua sữa tươi và gà nướng ăn qua đêm. Vậy mà nhiều lúc không ai thèm mua thơ, để hai kẻ đắm đuối thơ mộng phải ngồi run lạnh dưới đèn đường. Và rồi hai thằng bán thơ bước đi lầy lội trong những con đường khuya tuyết rã (trang 127)!
Tôi cũng yêu những câu thơ của các thi sĩ châu Mỹ Latinh được Phạm Công Thiện trích dẫn và dịch ra. Ðọc những câu thơ, những bài thơ này, tự nhiên trái tim tôi nhói đau như khi mình bất chợt đụng chạm vào những hạnh phúc mỏng manh xa xăm vời vợi. Những bài thơ mình đã đọc trong những đêm tuổi trẻ nào của quá khứ đã mịt mùng, của quê nhà đã trùng trùng chia cách, bây giờ, bất chợt sống lại. Những bài thơ mình đã đọc trong những đêm tối gió thổi và mưa rơi lắc rắc trên sân thượng của căn nhà cũ và mùi hoa ngọc lan lẫn hoa huệ trắng cùng đủ loại hoa dại phất phơ và tha thiết trong bóng tối của tuổi mười tám, hai mươi, bây giờ, cũng như những đóa hoa, lại khe khẽ mở nhẹ từng cánh nõn nà sương đêm. Ôi, những bài thơ đã làm cho ta nhói đau. Trái tim. Trái tim như một mặt hồ vỡ ánh trăng non xanh mướt. Nó run lên, vỡ ra dịu dàng chan chứa, cùng với những bài thơ. Hãy đọc lại Federico García Lorca. Xanh lá cây, ta muốn em xanh lá cây. Cơn gió xanh lá cây. Cành cây xanh xanh. Con thuyền trên biển và con ngựa trên đỉnh non cao… (Verde que te quiero verde./ Verde viento. Verde ramas./ El barco sobre la mar/ y el caballo en la montana…) ("Rong khúc mộng du"/ Somnambule Ballad). Phạm Công Thiện chỉ trích dẫn ngần ấy thơ của bài thơ này và tôi đã không thể không lấy tuyển tập thơ của García Lorca (The Selected Poems of Federico García Lorca) ra để đọc lại và để nhớ, để mộng về những ngày tuổi trẻ hoang dại của mình. Bài thơ vừa trích, rất dài và rất thơ mộng bi thiết, có thể nói là một trong những bài thơ hay nhất của García Lorca. Hãy đọc thêm vài câu nữa. Với bóng mờ ngang eo, Nàng đứng mơ mộng trên ban công. Da thịt nàng xanh mướt và tóc nàng xanh xanh. Và đôi mắt thì màu bạc lạnh. Xanh lá cây, ta muốn em xanh lá cây. Dưới ánh trăng gipsy lang bạc, mọi vật đều nhìn ngắm nàng. Nhưng nàng chẳng hề thấy chúng… (Con la sombra en la cintura/ ella suena en su baranda, / Verde carne, pelo verde, / con ojos de fría plate / Verde que te quiero verde./ Bajo la luna gitana, / las cosas están mirando / y ella no puede mirarlas…) Cuối cùng, vì cuộc tình nào mà nàng chết? Một trụ băng làm bằng ánh trăng lạnh giá đã nâng thân mình nàng lên khỏi mặt nước. Ðêm trở nên thân mật vỗ về như một hình vuông nhỏ… Em ơi, xanh lá cây, ta muốn em xanh lá cây.
Tôi cũng rất yêu những đoạn Phạm Công Thiện nói về chữ nghĩa Việt Nam (chương 17, trang 151), về cô con gái Huế, về con phượng mái rù rì nhỏ nhẹ thiên thanh (ở nhiều chỗ), về sách vở chữ nghĩa nói chung (trang 70), về thi sĩ (trang 71, 72)… Có rất nhiều đoạn đáng yêu trong cuốn sách, và đoạn này lôi kéo bồng bế dan díu với đoạn kia khiến cuốn sách trở thành một sự liên tưởng thơ mộng kéo dài chằng chịt miên man vào đêm tối của trí nhớ hoang vu. Có một chương (chương 32, trang 279), Phạm Công Thiện chỉ viết toàn những câu 4 chữ (chừng hơn 200 câu) mà kể được gần hết cái đời sống tịch mịch hồng và náo loạn của mình. Chương này, cùng với chương 8 (trang 75) là chương Phạm Công Thiện chỉ đặt những câu hỏi Tại sao? (chừng vài trăm câu hỏi thơ mộng và bùng vỡ), đã nói được hết cả cuộc đời, con người, và nỗi đam mê của chính tác giả. Ðây là hai chương kỳ dị nhưng rất nên thơ và đầy tính phá phách, đi lạc và đi lệch của họ Phạm.
Ngoài ra, chương sách nói về miền quê Mỹ Tho, nơi tác giả sinh trưởng (chương 23, trang 207) cũng là một chương hết sức đáng yêu. Mỹ Tho, với tất cả những dáng vẻ hồn hậu và thơ mộng của nó, được vẽ lại chen kẽ với những suy tư đầy tính lang thang và triết lý và đắm đuối thiết tha của Phạm Công Thiện. Trong đoạn này, có một câu tả cầu tàu Mỹ Tho rất đẹp. Và buồn, thật buồn.
Có những buổi chiều cầu tàu Mỹ Tho vắng bóng người, trời đỏ hồng bên kia cù lao Rồng, nó ngồi đọc Leopardi, “Bây giờ mi có thể an nghỉ vĩnh viễn, hỡi trái tim mệt mỏi của ta. Ảo vọng cuối cùng đã chết… An nghỉ vĩnh viễn đi. Mi đã thoi thóp nhiều rồi…”
Ðoạn quê nhà Mỹ Tho sông nước này làm tôi nhớ đến lá thư của một người bạn văn nghệ tài hoa (mà tôi tình cờ quen biết trong một cuộc lữ hết sức bất ngờ). Người bạn ở Mỹ mười mấy năm mà vẫn chỉ dằng dặc một nỗi nhớ nhà. Trong thư gửi cho tôi, kể chuyện đi thăm vườn cây cảnh quốc gia National Arboretum ở Washington D.C. bốn mùa Xuân Hạ Thu Ðông, ở đoạn mùa Hạ, chàng viết:
Có năm tôi thấy trồng một giò huệ trắng nõn, đẹp và thơm như mùi thơm năm xưa vào những ngày rằm có cúng giỗ. Tất cả kỷ niệm cũ xô đẩy trở về qua mùi hương bông huệ trắng; nước mắt bỗng chảy ngược trở lại trong lòng. Trời nóng mà phải lau mặt bằng nước mắt khô của ngày cũ. Năm sau, cũng vào một ngày hè, tôi trở lại tìm giò huệ mọc chỗ này năm ngoái. Huệ cũ không thấy, mắt rán tìm chỉ thấy một đìu hiu. Ðìu hiu ta hãy một đìu hiu. Ngày xưa tôi đã đi khắp xứ Mỹ và không thấy đâu trồng bông huệ. Chẳng biết bây giờ ở California / Florida đã có người Việt nào gây giống trồng bông huệ chưa? Có những mùi hương hay làm rộn trí nhớ như hương của mái tóc gội bồ kết hay xức dầu dừa, hương của mùi mồ hôi chất mái trên chiếc áo gối nhồi bông gòn, của hơi thở một thiếu nữ ngồi cùng chuyến đò chật, ngang trên nhánh sông ở Sa Ðéc, vào ngày lộng gió. Tay nàng cầm một bó huệ trắng.
(Phạm Hiếu, thư riêng, viết vào những ngày đầu Xuân 1988 khi hoa kim hương vàng bắt đầu nở.)
3.
Ðể kết luận bài viết về Phạm Công Thiện, một phần nào dựa vào cuốn sách mới ra Ði cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất của tác giả, tôi muốn nói, trước hết, rằng, Phạm Công Thiện là một nhà thơ, một nhà thơ với đúng nghĩa thơ mộng đẹp đẽ và đáng yêu đáng mến của danh vị này. Dù viết lách ở lãnh vực nào, qua chữ nghĩa và cách diễn tả, Phạm Công Thiện, như tôi nhìn thấy, vẫn nổi bật và đẹp nhất như một nhà thơ trọn nghĩa. Ðây là một người Việt Nam đã từng ăn nằm với chữ nghĩa một cách hết sức chung thủy mà tôi được biết, và bởi thế, Phạm Công Thiện, theo cách nhìn của tôi, là một trong ít người sử dụng chữ nghĩa Việt một cách tinh tế, sâu sắc và hết sức điêu luyện. Ông có viết trong quyển sách là ông đang học lại tiếng Việt. Một cách nào đó, điều này đúng. Chỉ có những người luôn luôn tìm tòi, học hỏi, học mãi mới có thể làm tinh tế cái nghệ thuật mà họ theo đuổi. Tôi nghĩ Phạm Công Thiện đã coi chữ nghĩa nói chung và, đặc biệt, chữ nghĩa Việt Nam nói riêng là một nghệ thuật để ông trau giồi suốt đời. Bởi thế, tôi không lấy làm lạ khi nhận ra rằng ông có tài dùng chữ Việt Nam một cách tuyệt diệu. Hãy nhìn lại điều đó trong tất cả những cuốn sách mà ông đã viết. Chính điều này làm cho tôi yêu mến Phạm Công Thiện hơn bất cứ một điều nào khác nơi con người của ông.
Cuốn sách, không kể một vài thay đổi nhỏ trong hướng nhìn triết lý của tác giả Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (chẳng hạn trong nhịp suy tư của tác giả về “Hư vô chủ nghĩa” khi cho nó nhập cuộc với đời sống thiết thân trong giai đoạn hiện tại của chính mình. Có giống như Hemingway trước và sau For Whom the Bell Tolls?), tác giả vẫn cho người đọc thấy một Phạm Công Thiện đắm đuối, thiết tha và bùng vỡ. Tuy nhiên, tất cả những tính chất này đã được làm cho lên men (làm dậy lên và say ngất và mềm ngọt đi) sau 47 năm tác giả đã tự để mình trôi qua trên mặt đất. Dùng đại danh từ “nó” suốt cuốn sách để nói về mình, tác giả như đã dự định làm một cuộc “tự xoá” qua một lối nhảy lui từ ngôi thứ nhất xuống… ngôi thứ ba (!). Hay đấy chỉ là một lối nhảy lui hai bước để nhảy tới ba bước khác theo một thứ tu từ pháp mới? Có những đoạn tác giả đã tự cật vấn chính thái độ sống của mình bằng một cái nhìn phúng thích có tính cách tự trào. Sự cật vấn này, dù ở mức độ nào, sắc thái nào, dù được vẽ với gam màu nào, hoặc có khi chỉ là một sự ngụy luận, ngụy trào đi chăng nữa, cũng đã cho thấy một Phạm Công Thiện thiết tha và dịu dàng, hiểu biết với mình với người hơn. Tôi thật sự cảm thấy ông đáng yêu nhiều sau khi tôi buông quyển sách xuống. Quyển sách ông viết vào năm bốn mươi bảy tuổi.
Bốn mươi bảy năm như khói chiều trôi qua lãng đãng. Còn lại, chỉ là một dòng mây tha thiết phất phơ. Chớ hỏi đám mây kia sẽ trôi về đâu. Hãy để lòng ta trôi xa đi cùng mây trắng, rồi, một mai, rơi xuống muôn nẻo đời xa lạ, gặp gỡ chạm mặt mọi vui buồn của cuộc sống, khóc cười đôi chút với cuộc đời, rồi lại bốc hơi bay đi. Bay đi man mác vào những đêm tối hoang vu của trần gian thi thiết.
Hãy cứ để những dòng mây trôi đi thi thiết trên cuộc đời tóc trắng này.
Mồng 3 Tết Kỷ Tỵ, 1989
Bùi Vĩnh Phúc
Tustin Ranch, Calif.
10. III. 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét