31/5/14

Obama Vi Vút Chuyện Vô Vi


Friday, May 30, 2014

Obama Vi Vút Chuyện Vô Vi


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 140529
 
Chủ Thuyết Đối Ngoại Của Obama: "Làm Cái Không Làm, Ấy Đế Vương"


 * Tổng thống Mỹ tại lễ mãn khóa West Point 2014 *



Được rầm rộ quảng cáo trước, bài diễn văn hôm Thứ Tư 28 vừa qua về chánh sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama là một sự rỗng rang. Rỗng mà rang rảng.

Vừa nhậm chức Tổng thống Mỹ, Barack Obama đã lãnh giải Nobel Hoà Bình dù chưa làm cái gì cho hòa bình thế giới. Bây giờ, còn 20 tháng nữa ông mới hoàn tất tám năm lãnh đạo, khi nghe bài diễn văn ông đọc tại lễ mãn khóa của Trường Võ Bị Quốc Gia West Point, người ta thấy ra tương lai của Obama... nằm ở sau lưng.

Nhưng người ta có thể lầm, chuyện ấy sẽ nói sau....

Trước hết, bài diễn văn thiếu nội dung thật ra vẫn có mục đích. Đó là phản bác những công kích của đối lập ở nhà về chính sách đối ngoại của Obama sau hơn năm năm cầm quyền. Ta có thể thông cảm với nhu cầu đó khi mức tín nhiệm của dân Mỹ về đối sách ngoại giao của Tổng thống tuột dốc thê thảm, và sắp bắt kịp tỷ lệ thất vọng về nội chính. 

Nhưng dù thông cảm thì cũng thấy ra nét khiếm nhã.

Nội dung của một bài diễn văn về ngoại giao phải nhắm vào đối tượng quốc tế, để thế giới thấy lãnh đạo Hoa Kỳ nghĩ sao và muốn làm gì, chứ không để biện bạch chuyện nội bộ và dành những lời đanh thép nhất cho đối lập! Cho các nước đối thủ của Mỹ thì Obama lại làm thinh.... Tối! 

Hãy nhắc lại bối cảnh đã: thế giới nghĩ sao về những thách đố trước mắt? Những bài toán ấy là gì?


***

Xin mở tấm bản đồ thời sự và xem lại tờ lịch cũ về đối sách của Obama để thấy ra bảy cái không.... Bốn cái có mà cũng là cái khó thì sẽ nói sau.

Liên bang Nga và vụ khủng hoảng tại Ukraine là mối nguy đang đe dọa nhiều nước Đông Âu, từ Moldovia tới Georgia, Ba Lan và vân vân trên vùng Baltic. Trước bài toán ấy, các nước trong Liên hiệp Âu châu lại tê liệt vì phân hóa quan điểm và quyền lợi. Xuất phát từ chủ trương về quyền lợi hay từ giá trị tinh thần của nền dân chủ Mỹ, Hoa Kỳ có giải pháp nào với hoàn cảnh đó? 

Về tờ lịch cũ, Obama nghĩ sao khi đã đòi cải thiện quan hệ với Liên bang Nga từ năm 2009? Thất bại của chuyện "reset the button" là điều không dám nói. Một không.

Vừa liên kết với Liên bang Nga, Trung Quốc đang tạo ra những thách đố mới tại Châu Á. Mối nguy từ Trung Quốc với các nước Đông Á từ Bắc xuống Nam là chuyện có thật. Là cường quốc Á Châu, đệ nhất siêu cường Hoa Kỳ nghĩ sao và muốn gì trước bài toán đó?

Nói về tờ lịch để nhắc tới chủ trương của Obama thì khi Chính quyền ông vừa nhậm chức năm 2009, Ngoại trưởng Hilary Clinton đã có lời phát biểu lạnh mình vì chửi cha cái giá trị tinh thần mà Hoa Kỳ vẫn đề cao. Đó là "không để chuyện nhân quyền gây trở ngại cho việc làm ăn!" Hơn hai năm sau, cũng Clinton này lại có bài viết và chính quyền Obama có chủ trương mới, về nhu cầu chuyển trục tại Đông Á. Bây giờ, thất bại của ngón "pivot" là điều không dám nói. Hai không!

Nội chiến và nạn tàn sát thường dân tại Syria đã qua năm thứ ba, với số thương vong chất đống. Và sau cuộc đổi đời năm 2011, Libya vẫn chưa ổn định mà sẽ là xuất phát điểm của khủng bố Hồi giáo. Đã thế, lực lượng khủng bố núp dưới phiêu hiệu al-Qaeda lại mở tầm hoạt động từ Trung Đông tới Bắc Phi, từ Đông Phi qua Tây Phi và gieo họa cho xứ Mali, hay Nigeria....

Về tờ lịch của đối sách Obama với những chuyện đó: Tổng thống Mỹ nhiều lần kẻ vạch trên cát những lằn đỏ mà chế độ độc tài hiếu sát của Bashar al-Assad tại Syria không được vượt qua. Kẻ rồi lại xoá, và bán cái cho Liên bang Nga giải quyết mối nguy võ khí hóa học. Không kết quả! Ba không.

Tại Libya, Hoa Kỳ hùng hổ đi vào lật đổ lãnh tụ Muammar Gaddhafi – một kẻ đã biết sợ và đang tìm cách cải thiện quan hệ với Tây phương – rồi để lại vụ tàn sát ở Benghazi hai tháng trước khi dân Mỹ đi bầu, mà Chính quyền Obama cố giấu nhẹm và đánh lạc hướng để lừa cử tri. Vì vậy, bài diễn văn tại West Point không dám nhắc lại. Bốn không!

Tại Trung Đông, mâu thuẫn giữa quốc gia Israel với dân Palestine là ung nhọt lịch sử. Chính quyền Obama coi đây là một ưu tiên của nhiệm kỳ hai. Tiến trình xây dựng hòa bình do Ngoại trưởng John Kerry thi hành đã huy hoàng thất bại. Trong cộng đồng Palestine, mâu thuẫn giữa chính quyền "ôn hoà" của Mahmoud Abbas thuộc cánh Fatah với lực lượng khủng bố Hamas là vấn đề không giải pháp. Vì vậy, bài diễn văn West Point tránh không nhắc tới. Năm không!

Thế giới này bất an vì quá nhiều chế độ hung đồ đang nắm võ khí hạch tâm trong tay để bắt bí thiên hạ. Một trong những chủ trương lớn của Barack Obama từ khi còn đi sách động cộng đồng là giải trừ võ khí hạch tâm cho thế giới. Về tờ lịch thì Obama nhắc lại điều ấy trong bài diễn văn năm 2009 tại thủ đô Praha của Cộng hòa Tiệp, đã tiến hành thỏa ước tài giảm binh bị với Liên bang Nga và đang cố hòa giải với Iran để đạt lời hứa là không tiến hành kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm. 

Thực tế thì Nga đã vi phạm thỏa ước, Iran chưa lùi một bước, Bắc Hàn vẫn tung hứng võ khí tàn sát! Vì vậy, bài diễn văn tại West Point không có đến chữ hạch tâm, atomic. Sáu không!

Trong một chuỗi biến động toàn cầu, từ Âu sang Á, thế giới phân vân trước sự bành trướng của chủ nghĩa dân tộc, của tinh thần quốc gia và quyền lợi kinh tế, với những hậu quả bất lợi cho hòa bình quốc tế. Hiện tượng này được Nga khai thác (Ukraine là thí dụ), gây rối cho Trung Quốc (hồ sơ Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng), biện minh cho khủng hố tại Tây Phi (vụ Boko Haram), đe doạ sự hội nhập của Liên Âu (cuộc bầu cử Nghị viện Âu châu vừa qua, với sự thắng thế của phe cực hữu và khuynh hướng quốc gia quá khích).... 

Trước loại vấn đề quá phức tạp như vậy, Hoa Kỳ là một nước đa văn đa chủng có chủ trương hay giải đáp gì không? Xuất thân từ cõi đa văn đa chủng ấy, Obama có gì đề nghị không? Bảy không.

Kết cuộc thì Barack Obama đã học thơ Vũ Hoàng Chương trong bài "Tương tư thảo": Làm cái không làm, ấy đế vương! Ông muốn... "vô vi nhi trị"?


***
Một cách khách quan thì ta cũng nên hỏi lại, rằng ông có thể làm được những gì và đề nghị những gì trong bài diễn văn?

Đảo ngược quan điểm truyền thống đã từng trình bày trong hai bài diễn văn năm 2009 tại Cairo và Ankarra, bây giờ Tổng thống Mỹ xác nhận rằng Hoa Kỳ là quốc gia xuất chúng nên có trách nhiệm với thế giới về thiên hạ sự. Đấy là chủ trương tích cực và đổi mới của một người vẫn cứ đi vái tứ phương và còn viết hồi ký phê phán nước Mỹ với quan điểm của các nước nghèo hèn hậm hực thuộc Thế giới thứ ba.

Phải mất năm năm ngồi trên ngai, Obama mới học thấy cái sai và sửa lại điều ấy!

Sau khi đặt lại vấn đề, về sự chọn lựa cần thiết hiện nay là nên lui về chủ nghĩa tự cô lập hay nên bung ra can thiệp vào thế giới, Tổng thống Mỹ chọn giải pháp trung dung đến ba bốn phải. Và nói vào dăm ba chuyện cụ thể.


Obambi huê dạng dưới nét hý họa cũa Micheal Ramirez trên tờ IBD ngày 140530!



















Đây là phần "bốn có" mà cũng là khốn khó. Hãy điểm lại những cái có trong bài diễn văn.

Thứ nhất, Hoa Kỳ của Obama vẫn can thiệp vào thế giới, nhưng cùng với các định chế quốc tế như Minh ước NATO hay Liên hiệp quốc và các nước đối tác. Thật ra, xưa nay các Tổng thống Mỹ đều làm như vậy. Gần đây, Bill Clinton vào Kosovo dưới lá cờ NATO, hay George W. Bush hắc ám cũng mở chiến dịch Afghanistan với NATO, và vào Iraq sau mấy chục Nghị quyết của Liên hiệp quốc lên án chế độ Saddam Hussein. Nghị sĩ Hilary Clinton là người ủng hộ việc này. Sau khi nhậm chức, Obama cũng chẳng làm khác tại Libya, với Nghị quyết Liên hiệp quốc và bình phong của các đối tác Âu châu. Nhưng, khi cùng các nước hay các tổ chức can thiệp vào chuyện quốc tế, Hoa Kỳ vẫn thực tế lãnh đạo, và chi tiền mệt nghỉ. 

Nay Obama núp sau thiên hạ để khỏi lãnh đạo!

Thứ hai, Hoa Kỳ điều chỉnh đối sách chống khủng bố với một khảo hướng (approach) lạ: vừa thu hẹp sự hiện diện tại Afghanistan vừa tăng cường sự can thiệp vào Syria qua các nhóm nổi dậy chống chế độ al-Assad. Với Obama, chuyện chiến lược như Afghanistan hay chiến thuật như Syria, Mali hay Nigeria sẽ trở thành đồng hạng: nặng nhẹ như nhau trong một quỹ chung trị giá năm tỷ bạc.

Thay vì kẻ vạch trên cát, nếu Tổng thống Mỹ sớm yểm trợ các tổ chức chống al-Assad tại Syria từ vài năm trước thì biết đâu đã tránh được chuyện ngày nay! Thôi đành, thà trễ còn hơn không! Và việc Mỹ báo trước là duy trì chưa tới vạn quân tại Afghanistan, mà chỉ đến năm 2016 thôi lại là tin vui cho quân khủng bố Taliban. Thời điểm 2016 còn có ý nghĩa thiêng liêng: đó là năm Obama mãn nhiệm. Ông chuẩn bị thành tích hòa bình cho ngày đó!

Thứ ba, trong nỗ lực diệt trừ khủng bố, Hoa Kỳ tận dụng phương pháp "của đi thay người". Chính quyền Obama triệt để dùng máy bay tự động (drones) để hạ sát quân khủng bố và có tiến trình quyết định khá mờ ám khi chọn mục tiêu và đối tượng. Bây giờ, Tổng thống Mỹ hứa hai chuyện mới: một là sẽ chuyển công tác đó từ cơ quan tình báo CIA qua Ngũ giác đài; và hai là sẽ yêu cầu quân đội công khai hóa một số hồ sơ cho công chúng biết. Phương pháp sạch sẽ này có nhược điểm là đôi khi mù quáng mà sát hại dân lành và mặc nhiên vi phạm nhân quyền của người khác.

Giới trí thức thường sợ bẩn tay, Obama là Tổng thống rất trí thức trong trò chơi đó và làm các đồng chí thiên tả và phản chiến của ông thất vọng. Đành vậy chứ sao!

Sáng kiến thứ tư, Hoa Kỳ của Obama khỏi cần xin phép ai khi phải tự vệ và sẽ cương quyết dùng võ lực để tự vệ. Ngon! Nhưng sẽ chỉ làm như vậy khi quyền lợi cốt lõi và sự an toàn của người dân bị đe dọa. Tức là Obama định ra tiêu chuẩn cao hơn và khó hơn cho việc sử dụng quân đội.

Thật ra, sáng kiến ấy là sao bản của "chủ thuyết Caspar Weinberger" (Tổng trưởng Quốc phòng) thời Reagan-Bush: chỉ dụng binh khi quyền lợi sinh tử bị đe dọa, nhưng khi vào thì phải định rõ mục tiêu, phương tiện và định cả ngày hát khúc khải hoàn. Khác với thời xưa, ngày nay Hoa Kỳ không thể phao phí phương tiện quân sự cho một cuộc phiêu lưu không hẹn ngày về. Bội chi ngân sách vì cải tạo xã hội, nhu cầu giảm chi quốc phòng để khỏi vay tiền quá sức trả và nhất sự mệt mỏi của dân Mỹ khiến Tổng thống Hoa Kỳ phải liệu cơm gắp mắm.

Nhưng khi Obama minh định tiêu chuẩn ra quân quá rõ như vậy, các chế độ hung đồ đều yên tâm: "làm gì cũng được, miễn là đừng bắn vào Mỹ!" Còn các nước Đông Âu dưới tầm đạn của Nga, hay các nước Đông Nam Á trong vòng "hải giám" của Trung Quốc đều được Obama thông báo: đừng trông vào Mỹ!

Xin hãy thông cảm, đầu Tháng Ba vừa qua, Phụ tá Tổng trưởng Quốc phòng Đặc trách Tiếp liệu là Katrina McFarland đã nói chuyện tay hòm chìa khóa: "Bây giờ phải xét lại việc chuyển trục." Bà nói thật, rằng vì nhu cầu cắt giảm quân phí, Mỹ không có tiền mua trục để chuyển!

Thành thử, người ta cứ muốn tìm một "chủ thuyết Obama", bài diễn văn tại West Point chẳng đưa ra chủ thuyết nào có giá trị lịch sử. Và những đối sách lặt vặt mà ông đề nghị đều khó thực hiện.


***


Chúng ta hiểu ra vì sao Barack Obama phải vi vút nói chuyện vô vi khi tương lai nằm ở sau lưng. Nhưng nghĩ như vậy vẫn là đánh giá sai con người siêu hạng này.

Vừa nhậm chức Tổng thống một siêu cường thì đã lãnh giải Nobel Hoà Bình. Nếu vậy, Obama còn có bệ nào cao hơn để leo hay để tranh cử nữa không sau khi làm Tổng thống mà mắc ghiền tranh cử? 

Có chứ! Tranh cử làm Tổng thư ký Liên hiệp quốc để cầm súng nước đi bình thiên hạ và phát tiền cứu giúp dân nghèo. Đâm ra chẳng khác gì bài diễn văn tại Đại hội đảng Dân Chủ năm 2004, bài diễn văn West Point 2014 cũng là một chương trình tranh cử mới của Obama sau 2016. Để bước lên một đài vinh quang khác tại New York.

Nơi đó, ông sẽ tiếp tục sự nghiệp chống Mỹ sau tám năm tiêu xài tan hoang! ainamax

Source : Việt Báo . dainamax tribune 

28/5/14

Ngày tàn của trí thức


Ngày tàn của trí thức

 

trach nhiem tri thuc
Tác giả: Nguyễn Hoài Vân – 25/5/2014

(GNA: Cám ơn tác giả về một bài suy luận rất hay. Alan Phan. Những hàng chữ viết nghiêng do GNA soạn)

Thịnh và suy
Tại các quốc gia Tây Phương, khi thế quyền bị tách rời khỏi thần quyền, khi không còn các Đấng Quân Vương trị dân với sự ủy nhiệm của Thiên Chúa, và đương nhiên là theo Thánh Ý Ngài, thì quyền hành bỗng dưng gặp phải một sự thiếu vắng ý nghĩa, một định hướng luân lý, một nền tảng để có thể xây dựng trên đó những giá trị đạo đức. Khi đó, cái « thời » của người trí thức đã đến.
Người trí thức trở thành những kẻ định ra hướng đi của xã hội, vẽ đường cho những cải cách, những cuộc cách mạng, phê phán về tính « xấu » , « tốt » , của những quyết định và chương trình chính trị. Các chủ thuyết lớn ra đời, mang theo những ước vọng, lập ra những khuôn mẫu giáo điều, dựng nên những thần tượng, lấp vào chỗ trống của Thần Quyền. Thời của những chủ thuyết cứu rỗi (messianisme) đã đến, với hàng giáo phẩm không ai khác hơn là tầng lớp trí thức.
Dưới bầu trời phương Đông, không có Thần Quyền, chỉ có « Thiên Mệnh », một phần lệ thuộc « vận khí » của triều đại, nói nôm na là sự may mắn của triều đại ấy (có lẽ thể hiện Ý Trời ?), một phần được quy định bởi « nhân tâm ». Mà « nhân tâm » thì phần lớn được diễn đạt qua tầng lớp trí thức, tức là những kẻ biết nói văn vẻ, biết biện luận theo sách vở kinh điển, và nhất là biết viết.
Đến khi Đông Tây gặp nhau, thì trí thức phương Đông trở thành những người được đào luyện bởi phương Tây, với ít ra là những cung cách bên ngoài rập khuôn theo Tây Phương. Trí thức Đông Phương cũng phần nào được cộng hưởng sự vinh quang của các « đồng nghiệp » của họ bên trời Tây.
Rồi, thời gian trôi … Ngày nay, công kích xỉ vả trí thức trở thành một trò chơi được ham chuộng. Nước ta có Phạm Thị Hoài, qua bài trả lời phỏng vấn về trí thức trên báo Cánh Én, trước đó đã có Hà Sĩ Phu, và một số người nói theo ông ta, dư luận đều đã đề cập đến nhiều nên xin miễn bàn thêm (riêng bài của chị Hoài đã đưa đến một diễn đàn trên web với những đóng góp phong phú suốt nhiều tháng).
Bên nước Đại Pháp, tờ Le Débat, một diễn đàn quan trọng của giới trí thức, ra số kỷ niệm 20 năm với bài tựa của Pierre Nora, nhan đề : « Giã từ trí thức ». Tác giả này cho rằng có lẽ phải từ bỏ danh xưng trí thức, vì nó gắn liền với quá nhiều sai lầm và tội ác. Ông đề nghị nên đem chôn « trí thức » cùng với thế kỷ vừa chấm dứt !
Trong cùng số báo, sử gia Winock đặt câu hỏi : « Đâu là công dụng của trí thức ? » Sirinelli, một sử gia khác, diễn tả về trí thức qua «cảm tưởng mặt trời lặn», một cảm tưởng buồn … Cùng lúc, Régis Debray cho xuất bản một quyển sách tên là « Trí Thức Pháp, tiếp theo và hết ». Debray, văn sĩ tài danh, thủ khoa trường Normale Sup, chiến hữu của Che Guevarra tại bưng biền Nam Mỹ, cố vấn của Tổng Thống Mitterrand, người đã từng tham gia hầu hết các cuộc đấu tranh của trí thức suốt những thập niên vừa qua, thẳng thắn công nhận mình đã lầm đường (« j’ai déconné à plein tubes »), cũng như tầng lớp trí thức nước ông, để rồi cho rằng tầng lớp này đã chết.
« Xác chết của nó còn động đậy, nó còn làm vẻ, làm dáng, nhưng trong thực tế, nó chỉ là một con ma nham nhở » (Eric Conan –Express). Ngược lại, Alain Finkielkraut, triết gia hiện rất được chú ý, cho rằng « thái độ của người trí thức giống như một tuổi trẻ vị thành niên được kéo dài một cách quá đáng ». Tổng hợp hai ý kiến cho ra một thây ma lìa đời vào tuổi vị thành niên, nên còn tiếc nuối bám víu cõi hồng trần …
Những nguyên do của suy tàn
Vì sao hình ảnh của người trí thức lại trở nên tàn tạ như vậy ? Nội dung lập trường gọi là thiên tả của hầu như toàn thể tầng lớp trí thức suốt nhiều thập niên, đã được cảm nhận như một chuỗi sai lầm với nhiều tai hại.
Sở dĩ tôi nói «gọi là » thiên tả vì trong một thời gian dài người trí thức đã cố công bảo vệ những lập trường phản động nhất, theo chính quan điểm Marxiste, kết tụ trong chủ thuyết Staline-Mao. Họ đã bao che chế độ Goulag, miệt thị những nhân chứng phơi trần tính cách phi nhân của CS Liên Sô. Họ đã làm ngơ trước « Trăm Hoa Đua Nở » với « Bước Nhảy Vọt » và tiếp tục thần tượng hóa Mao Trạch Đông. Họ ủng hộ Bắc Việt Nam, ủng hộ Khmer Đỏ, ngay cả khi đã được biết về những cuộc thảm sát gây nên bởi tổ chức này.
Họ cho rằng « muốn ăn trứng thì phải đập vỏ trứng », muốn chiến thắng tư bản thì bằng bất cứ giá nào, phải sát cánh đàng sau các lực lượng « tiến bộ », không được gây tổn hại cho các lực lượng này, không được phân tán lực lượng, lẫn lộn mục tiêu v.v… « Những kẻ chống Cộng là đồ chó !», như lời Sartre. « Thà sai lầm với Sartre còn hơn là có lý với Aaron » là một khẩu hiệu thời thượng khác, cho thấy người trí thức đã chấp nhận thà lầm lẫn (theo Sartre) còn hơn là phản lại « cách mạng » (như Aaron).
Người trí thức Tây Phương đặc biệt là Pháp, vào lúc đó bị ám ảnh bởi quyền hành, bởi viễn tượng cách mạng « một buổi chiều » (le grand soir). Họ sẵn sàng tự tha hóa, sẵn sàng từ bỏ vai trò trí thức thực sự cho cái viễn tượng sẽ cướp được chính quyền ấy. Sự thất bại của cuộc chính biến tháng 5 1968 khiến một số trong họ quay về với những sinh hoạt trí thức thuần túy hơn.
Biến cố Hung Gia Lợi, rồi Tiệp Khắc cũng là những chấn động lớn trong hàng ngũ họ. Sự thật càng ngày càng được phơi bày. Đến khi thảm kịch của thuyền nhân Việt Nam tỵ nạn CS được đem ra trước dư luận, thì người ta thấy Sartre và Aaron bắt tay hòa giải với nhau trên thềm điện Elysée, khi hai người cùng đến vận động cho việc cứu vớt đồng bào ta trên biển Đông. Sartre trở thành biểu tượng của sự dấn thân của thiên tài trí tuệ cho những mục tiêu chính trị sai lầm đến độ ngu xuẩn.
Phải chăng Debray đã có lý khi trích dẫn Proust : « càng ngày tôi đánh giá thấp cái giá trị của trí thông minh » ?
Tại Miền Nam Việt Nam trước 1975 người ta giảng dạy và đề cao không những Marxiste mà cả chủ thuyết Staline Mao trong đại học. Nhà báo thiên cộng đánh phá chính phủ một cách hiệu quả. Văn sĩ, nhạc sĩ thiên cộng gây nhiều ảnh hưởng trong quần chúng. Những nhân vật được coi như trí thức trong hàng ngũ tu sĩ các tôn giáo lớn cũng nêu cao những lập trường hiển nhiên hay mặc nhiên thiên cộng. « Thành phần thứ ba », một tập hợp thể hiện giấc mơ bắt tay với người Staliniste Việt Nam để « hòa hợp hòa giải dân tộc », « xây dựng đất nước » … quy tụ một số đông trí thức hàng đầu của Việt Nam Cộng Hòa.
Tại Miền Bắc Việt Nam, những tinh hoa của trí tuệ dân tộc quy hàng Bác và Đảng, như Trần Đức Thảo, Nguyễn Khắc Viện, v.v… đều nhanh chóng bị cầm giữ trong một hệ thống sắt máu, nhân danh công nghiệp « chống Mỹ cứu nước ». Lý tưởng ban đầu của họ không khác với trí thức Tây phương, nơi họ được đào tạo, và khi họ đã chui đầu vào rọ rồi, thì mọi sự vùng vẫy đều vô ích. Họ trở thành những công cụ của quyền hành, khi may mắn được quyền hành đoái hoài tới …
Trí thức cộng với quyền hành: không còn là trí thức
Thật vậy, khi trí thức bị ràng buộc vào quyền hành, thứ quyền hành mà chúng ta thường biết cho tới nay, bất kể trong tiến trình đang chinh phục quyền hành ấy hay đang cố nắm giữ nó, thì cái tính trí thức kia bắt buộc phải bị lu mờ đi. Khi đó, quyền hành luôn chiếm ưu tiên trên sinh hoạt trí thức. Sáng tạo của trí thức sẽ phải phục vụ quyền hành. Thông thường hơn hết là sáng tạo trí thức phải lu mờ đi, phải bị che phủ bởi tầng mây quyền hành. Mà sinh hoạt trí thức không có sáng tạo, thì là gì ? ích lợi gì ? (câu hỏi của Winock)
Con người trí thức khi nằm trong quyền hành, không còn suy nghĩ như trí thức, cũng không còn nhìn các người trí thức khác với cái nhìn trí thức. Nhà văn Phạm Thị Hoài đã nhận thấy điều đó. Hai ngàn ba trăm năm trước, Lý Tư, tác giả của những bài Khắc Thạch được kể là những áng văn hay, học trò của Tuân Tử, bạn học của Hàn Phi, khi làm tể tướng cho Tần Thủy Hoàng, có phát biểu như sau về trí thức :
« (…) Bây giờ thiên hạ đã định, pháp luật phát xuất tự một nơi, trăm họ thì gắng việc công nông, kẻ sĩ thì học tập (!) những điều nghiêm cấm. (…) Tuy vậy, người ta vẫn cho cái học riêng của mình là hay, để chê những kiến lập của bề trên. Nay bệ hạ gồm thâu thiên hạ, phân biệt trắng đen, ấn định tôn chỉ, thế mà bọn tư học cùng nhau bài bác pháp giáo, nghe lệnh trên ban xuống đều đem sở học ra mà nghị luận. Vào thì chê bai trong lòng, ra thì bàn bạc ngoài ngõ (…).
Vậy mà không cấm, thì ở trên thế vua sẽ phải bị giảm sút, ở dưới loạn đảng sẽ nhóm thành. Cấm đi thì tiện. Xin rằng các sách sử không phải chép về nhà Tần thì đốt đi. (…) Ai dám nói chuyện về Thi Thư thì bắt bỏ chợ. Ai dám khen việc đời xưa mà chê việc đời nay thì giết cả họ. (…) Những sách không bị loại bỏ là sách thuốc, sách bói và sách trồng trọt. Ai muốn học về pháp lệnh thì phải lấy quan lại làm thày.» (theo Trần Trọng San : Văn Học Trung Quốc đời Chu Tần)
Người trí thức Hàn Phi vắn tắt : « Nước của minh chủ không văn chương sử sách, chỉ có pháp luật để dạy, không cần trích dẫn vua trước, cứ lấy quan lại làm thày (dĩ lại vi sư). » (Hàn Phi Tử 19 – thiên 49)
Đơn giản : quyền hành muốn « nuốt » trí thức, kể cả cái « tính trí thức » trong nội tâm của chính người cầm quyền. Nhiều khi vì muốn duy trì cái « tính trí thức » ấy mà có người phải từ bỏ quyền hành, như Đức Khổng Tử.
Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ. Tôi rất thích thú khi thấy bộ trưởng Allegre của Pháp nói chuyện trên đài truyền hình về một quyển sách của ông bàn quanh vấn đề khoa học và niềm tin tôn giáo. Thích thú vì khám phá ra một ngoại lệ. Ít lâu sau ông bộ trưởng trí thức trực ngôn này bị mời về vườn hay đúng hơn là về Đại Học tiếp tục « gõ đầu trẻ ».
Tôi cũng đã mua quyển « anthologie de la poésie francaise » của Tổng Thống Pompidou, chỉ vì tò mò muốn xem một ông tổng thống « làm » trí thức, viết chuyện thơ văn, không chủ đích chính trị. Malraux cũng là một ngoại lệ, Havel cũng vậy. Có lẽ những người trí thức ấy đã không bị tha hóa bởi quyền hành. Malraux, vì sinh hoạt trí thức của ông không có vẻ bị ảnh hưởng bởi thời gian tham chánh, Havel, vì phản ứng rất « trí thức » trước đòi hỏi ly khai của Slovaquie…
Giải pháp để có một tầng lớp trí thức đúng nghĩa
Nếu sự tha hóa của trí thức phần lớn là do liên hệ của tầng lớp này vói quyền hành, thì có lẽ chỉ có hai giải pháp :
1)      Tách trí thức khỏi quyền hành :
Cái khó của một nước như Việt Nam trong quá trình lịch sử là quyền hành thu hút hầu hết trí thức. Bên ngoài quyền hành là các thày đồ (… thày đạc, dạy học dạy hành …), mà « lẽ sống » vẫn là đào tạo học trò đi học làm quan. Hoặc giả có thể trông vào « tính trí thức » tự nhiên của dân gian, dù không có cái sở học khoa bảng ? Tại sao không ? Biết đâu chừng đó chính là yếu tố nền tảng duy trì sinh hoạt trí thức đúng nghĩa, biệt lập với tham vọng quyền hành, suốt dòng lịch sử nước ta ?
Sự sáng suốt của người dân, mầm mống của một nền « dân chủ » bất thành danh của Việt Nam ? « Phép vua thua lệ làng » , một loại « dân chủ trực tiếp » ? Thật ra, ngày nay không còn là lúc để tự thỏa mãn một cách viển vông với những nhận định kiểu này. Nhu cầu có được một tầng lớp trí thức đúng nghĩa là một thúc bách lớn. Nó đòi hỏi một Xã Hội Công Dân, biệt lập với chính quyền, trong đó người trí thức có cơ hội làm nhiệm vụ của mình. Nó đòi hỏi một nền giáo dục độc lập, những cơ cấu văn học nghệ thuật và thông tin độc lập. Nó đòi hỏi thay đổi cấu trúc quyền hành hiện tại của Việt Nam.
Thật ra, kinh nghiệm tại các nước Tây Phương cho thấy điều này chưa đủ. Các xã hội Tây Phương vẫn có một xã hội công dân tương đối phong phú nhưng tầng lớp trí thức của họ, như ta đã thấy ở trên, vẫn bệ rạc. Ở Tây Phương, trí thức còn là nạn nhân của sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng.
Điều này đã đưa người trí thức đến phản xạ chạy theo dư luận, tìm sự ngoạn mục, tuyên bố dao to búa lớn, tranh thủ thời gian và do đó suy tư phiến diện. Thay vì đi vào những vấn đề nền tảng, suy nghĩ trong dài hạn, trong chiều sâu, tìm những khuynh hướng lâu dài trong sự chuyển hóa của các xã hội, phân tích những khái niệm và sự biến dịch của chúng cũng như sự hình thành của những khái niệm mới, thì người trí thức, do ảnh hưởng của truyền thông đại chúng, trở thành những kịch sĩ của một sân khấu thời sự rẻ tiền, hò hét quanh những vấn đề đang được ánh đèn dư luận chiếu đến, trong phút chốc, rồi hối hả quay sang vấn đề khác.
Họ suy tư vội vã, để kịp bao dàn sân khấu, để luôn hiện diện trước một công chúng hay thay đổi thị hiếu, luôn sẵn sàng đào thải họ vào quên lãng. Tại Việt Nam, vấn đề này chưa thực sự đặt ra, và những nhận định quanh nó chỉ đáng được đặt trong ngoạc đơn. Sự phát triển của một tầng lớp trí thức đúng nghĩa biệt lập với quyền hành mới thực sự là vấn đề trước mắt, và không phải dễ thực hiện …
2)      Thay đổi bản chất của quyền hành :
Ít ra là trên phương diện lý thuyết, một câu hỏi cần được nêu lên : có thể nào người trí thức vẫn nằm trong quyền hành mà không bị tha hóa, không mất « tính trí thức » ? Có thể. Nếu bản chất của quyền hành thay đổi, hay nếu năng lực nội tại của người trí thức ấy cho phép. Năng lực nội tại của người trí thức thì không có tính quy luật, không thể trông cậy vào nó. Chỉ còn thay đổi bản chất của quyền hành. Khi đó, phải tự hỏi :
- thay đổi để trở thành như thế nào ?
- làm sao thay đổi ?
- và nhất là ai chủ động thay đổi ?
Từ các xã hội độc tài rõ rệt, đến các quốc gia dân chủ hình thức, quyền hành gần như lúc nào cũng được coi như cứu cánh, như điểm đến của cuộc hành trình chính trị. Suốt cuộc đời chính trị, người ta làm như thế, nói như thế, viết như thế, có những thái độ cử chỉ như thế, thậm chí biểu diễn thổi kèn saxo, đội nón cao bồi, lên truyền hình hát nhạc « sến », v.v… đều với chủ đích nhắm vào quyền hành. Cái nội dung lời nói hay câu viết không quan trọng bằng tác dụng của những thứ ấy trong việc đưa tác giả của chúng đến gần quyền hành, hay bắm chặt quyền hành hơn. Tất cả những gì đưa đến quyền hành thì coi như tốt, còn lại là điều phải cố công loại bỏ.
Đạt đến quyền hành để làm gì ? Chúng ta có cảm tưởng đối với các đấu sĩ chính trị chuyên nghiệp này, đó là điều phụ thuộc ! Đành rằng khi tranh thủ quyền hành, người ta cũng có những chương trình kế hoạch kinh bang tế thế, hưng vượng quốc gia v.v… nhưng khi đã đạt đến quyền hành, họ nhẹ nhàng quay lưng phản lại những lời hứa cũ, nếu nó không thuận lợi cho sự bám lấy quyền hành của họ.
Lãnh tụ Xã Hội Léon Blum trong Hội Nghị thành Tours của Quốc Tế Thợ Thuyền năm 1920 có chất vấn phe CS Đệ Tam : « các ông muốn đạt đến chính quyền để cải tạo xã hội, hay chỉ dùng chiêu bài cải tạo xã hội để nắm chính quyền ? » Thật ra, câu chất vấn này phần nào có thể đặt ra cho hầu hết những kẻ cầm quyền.
Thay đổi bản chất của quyền hành là làm cho quyền hành không còn là điểm đến của cuộc hành trình, mà ngược lại, là điểm khởi đầu. Tức là phải đưa quyền hành xuống đến gần người dân, để những sáng kiến phát xuất từ người dân có được cái « quyền hành » đưa đến thực hiện. Như thế quyền hành sẽ là khởi điểm của cuộc hành trình, thực hiện sáng kiến cải thiện là tự thân cuộc hành trình ấy, và thành quả cải thiện thành công là điểm đến.
Nếu quan niệm được quyền hành như vậy, thì trí thức không những sẽ không bị tha hóa bởi quyền hành, mà ngược lại sẽ tìm thấy nơi quyền hành động cơ để thực hiện những sáng kiến của mình.
Trên phương diện thực tế, quan điểm dân chủ trực tiếp này vấp phải nhiều trở ngại kỹ thuật, nên thường bị coi là không tưởng. Theo tôi, trở ngại kỹ thuật có thể vượt qua (xin bàn đến trong dịp khác). Cái khó vượt qua là phản ứng bám trụ quyền hành của giai cấp chính trị chuyên nghiệp sợ phải đập bể nồi cơm của họ.
Làm sao thay đổi ? Điều vừa nói, cộng với định nghĩa của một thay đổi từ bản chất, từ cấu trúc, cho thấy ngay câu trả lời : đó là một cuộc cách mạng. Mà cách mạng thì tự nó hình thành qua những điều kiện khách quan. Có còn cần phải tự hỏi : « làm sao » ?
Ai chủ động thay đổi ? Nhất định không phải là những kẻ hiện nắm quyền. Một trở ngại không nhỏ là những kẻ đối lập cũng quan niệm quyền hành trong bản chất y hệt như nhóm cầm quyền mà họ muốn thay thế. Tức là đối với những người đối lập này, quyền hành vẫn là điểm đến của cuộc hành trình chính trị của họ. Giả sử họ thay thế được một chính thể độc tài trắng trợn bằng một thể chế dân chủ hình thức, thì tình hình quả có khá hơn, nhưng vấn đề căn bản vẫn chưa được giải quyết.
Tóm lại,
Ít ra là trong trường hợp Việt Nam tôi không thấy cần phải xỉ vả trí thức. Họ làm những gì có thể làm được trong những điều kiện cụ thể ràng buộc họ. Lọt vào quyền hành và bị tha hóa không nhất thiết biến họ thành những người xấu xa, hay dốt nát. Như một tập thể, họ đa dạng như những loài hoa, người thế này, kẻ thế khác…
Vấn đề là môi trường. Nếu môi trường sinh hoạt của họ khác đi, thì ta sẽ thấy một bộ mặt mới của trí thức Việt Nam, và những cánh hoa sẽ nở đẹp trong khu vườn trí thức.


Nguyễn Hoài Vân
Source : Goc nhin Alan 


Phí Tổn Bảo Tiêu


Phí Tổn Bảo Tiêu

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140526

"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Kinh tế học của an ninh toàn cầu



* Nhiều nước có thể khó chịu về sự hùng mạnh của Hoa Kỳ - cho tới khi cần Mỹ * 


Đầu năm 1991, khi "Bão Sa Mạc" nổi lên tại Vịnh Ba Tư, lãnh đạo Bắc Kinh bị chấn động.

Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương khi ấy là Đô đốc Lưu Hoa Thanh đã trình Đặng Tiểu Bình tập băng hình của CNN để xem Hoa Kỳ mở cuộc không tập đánh tan quân đội Iraq như thế nào. Khi ấy, người cầm đầu quân đội Trung Quốc đã báo cáo, rất nghiêm và buồn: "Thưa lão đồng chí, kể từ hôm nay, coi như Trung Quốc hết còn hệ thống phòng thủ!"

Lưu Hoa Thanh là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính Trị, nổi tiếng ở bên trong là người chỉ huy cuộc tàn sát Thiên An Môn năm 1989. Với bên ngoài, ông là vị Đô đốc đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc được đưa lên cầm đầu quân đội và là công trình sư của kế hoạch hiện đại hóa Hải quân của Bắc Kinh. Với kết quả đang thấy ngày nay.

Hai chục năm sau, đầu năm 2011, khi "Mùa Xuân Á Rập" nổi lên tại Bắc Phi và đẩy Libya vào nội chiến, lãnh đạo Bắc Kinh lại bị chấn động nữa.

Giá dầu đã tăng vọt từ tháng trước, rồi bất ổn tại Egypt khiến thế giới e là Kênh đào Suez có thể bị khóa và các nước có thể bị khủng hoảng kinh tế vì thiếu dầu khí Trung Đông. Khi động loạn lan vào Libya thì các giếng dầu của tập đoàn CNPC (China National Petroleum Corporation) tại đây bị đe dọa. Lúc đó, Bắc Kinh làm hai điều có vẻ như mâu thuẫn: 1) vừa vận động bên trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để ngăn Tây phương đừng can thiệp và lật đổ chế độ Muammar Gaddhafi mà mình đã đấm mõm rất kỹ, 2) vừa cấp tốc thuê tầu bè và phi cơ để di tản ba vạn kiều dân ra khỏi Libya.

Có hai bài toán đặt ra ở đây cho các đấng con trời: kinh tế và an ninh. Bài này xin đi vào đề.


***

Về kinh tế, là một xứ đói ăn khát dầu, Trung Quốc cần nguyên nhiên vật liệu cho bộ máy sản xuất vừa mới công nghiệp hóa.

Do bản chất độc tài và lạc hậu – hai chữ đó đồng nghĩa – họ đầu tư vào nhiều quốc gia có vấn đề chính trị, để bảo đảm nguồn cung cấp với giá hời nhưng vì vậy mới hay gặp bất ổn. Mà có được tài nguyên rồi, còn phải đem về Hoa lục. Việc chuyển vận đó đặt ra vấn đề an ninh. Làm sao bảo vệ được tài sản đó trên những lộ trình tỏa rộng ra toàn cầu, từ các nước Á Phi tới Trung Nam Mỹ?

Khi đó, ta cần nhìn vào tấm bản đồ để hiểu ra bài toán địa dư của Thiên triều đỏ.

Dù mua vào hay bán ra với Hoa Kỳ, Âu Châu, Trung Đông, Đông Phi hay Trung Nam Mỹ, thì Trung Quốc vẫn phải ra biển - và vượt qua nhiều yếu hầu. Từ Kênh đào Suez hay eo biển Hormuz tới mỏm Bab al-Mandeb giữa Yemen với Djibouti, hoặc từ kênh đào Panama qua Mũi Hảo vọng hay các eo biển Malacca và Sunda, Lombok, v.v... ngần ấy nơi đều có ý nghĩa sinh tử cho kinh tế Trung Quốc. Quan trọng nhất là Eo biển Malacca trên vùng biển Đông Nam Á nối liền Ấn Độ dương với Thái Bình dương.

Sau Đặng Tiểu Bình, các thế hệ lãnh đạo kế tiếp, từ Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đến Tập Cận Bình, đều thấy ra một nhu cầu tiệm tiến là kiểm soát được vùng biển cận duyên, rồi viễn duyên. Từ xanh lục tới xanh dương, biển xanh phải tô màu đỏ thì mới an toàn.

Giữa năm ngoái, lãnh tụ vừa mới lên là Tập Cận Bình nói ra điều ấy: "quốc gia thịnh vượng phải có quân đội hùng mạnh." Họ nói và làm: từ năm 1990 đến nay, mỗi năm Trung Quốc tăng chi cho quốc phòng 10%, nhân gấp 10 trong 24 năm, để lên tới gần 190 tỷ đô la năm ngoái, bằng 9% quân phí toàn cầu. Nhiều lắm!

Nhưng vẫn chưa đủ.

Nhìn vào trong, ngân sách quốc phòng còn thua ngân sách quốc an, bảo vệ an ninh và trật tự nội địa, với lực lượng Cảnh sát Võ trang là chính. Những vụ tàn sát vừa bùng nổ với dân Hồi giáo thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ phần nào che giấu nhiều nguy cơ động loạn xã hội khác.

Nhìn ra ngoài, ngân sách 190 tỷ có thể là vĩ đại nếu so với 90 tỷ của Liên bang Nga, 50 tỷ của Nhật Bản hay Ấn Độ, mà chưa thể bằng 640 tỷ của Hoa Kỳ. Đó là về lượng, chứ về phẩm thì còn tệ hơn vì chiến cụ lỗi thời và nạn tham ô trong bộ máy tiếp liệu khiến quân đội Trung Quốc vẫn thuộc loại lạc hậu. Mới chỉ xưng hùng xưng bá với các nước Đông Nam Á mà thôi.

Khi đó, ta nhìn về Hoa Kỳ, một quốc gia đang có tranh luận gay gắt về ngân sách và các ưu tiên xã hội khác như Tổng thống Barack Obama sắp nói tại trường Võ bị West Point – bài này viết về "Kinh tế cũng là Chính trị" mà!

***

Từ cả trăm năm nay, từ Thế chiến I, Hoa Kỳ tự cho mình một nhiệm vụ chẳng ai khiến. Đó là bảo đảm quyền tự do vận chuyển trên toàn cầu, với một lực lượng quân sự có thể can thiệp ở khắp mọi nơi.

Các quốc gia thù ghét Mỹ đều nói đến tinh thần Đế quốc của Hoa Kỳ vì khả năng can thiệp ấy. Nhưng xứ nào cũng vậy, kể cả Trung Quốc thời mon men, đều mừng là có Hải quân Mỹ bảo vệ sự an toàn ngoài biển.

Luận về kinh tế thì nước Mỹ mở ra một phiêu cục toàn cầu, lãnh việc bảo tiêu - hộ tống hàng hóa - cho thiên hạ, mà nhiều khi chẳng đòi tiền bảo phí. Nhiều quốc gia được bảo vệ miễn phí mà không hay. Khi hữu sự, bị hải tặc hay thiên tai, thì ai ai cũng trước tiên nhìn vào Hạm đội Mỹ.

Về ngoại giao, xứ nào cũng có thể than phiền về vai trò quá bao biện của nước Mỹ. Về an ninh và kinh tế, mọi người đều yên tâm là có chiến hạm Hoa Kỳ tại Kênh đào Suez, trong Vùng Vịnh, giữa lạch nước Hormuz, bên cạnh Somalia ở Đông Phi hay Nigeria tại Tây Phi, ngoài Ấn Độ dương và trên mặt biển Thái Bình. Nhất là ở Eo biển Malacca.... Khi Hoa Kỳ nói tới phạm vi hoạt động của Hạm đội Thái Bình dương cũng bao trùm lên Ấn Độ dương thì có người lo người mừng. Mừng nhiều hơn lo.

Ngày nay, người dân Mỹ có quyền tự hỏi, họ đã hỏi như ta thấy của các cuộc khảo sát mới nhất: "Mắc mớ chi mà nước Mỹ cứ xía vào chuyện quốc tế?"

Hoa Kỳ có thị trường vĩ đại, là lực đẩy cho nền kinh tế toàn cầu, mà số nhập cảng chỉ bằng 12% số tiêu thụ. Và xuất cảng chưa tới 10% của Tổng sản lượng GDP. Nói cho nôm na thì kinh tế Mỹ có thể cóc cần thiên hạ. Nếu dân Mỹ ý thức được nhu cầu kinh tế và an ninh kiểu đó thì họ có thể rên là vì sao tại tốn 640 tỷ hàng năm để bảo vệ an ninh toàn cầu, rồi nhức đầu vì chuyện thiên hạ!

Người ta cứ nói Hoa Kỳ can thiệp khắp nơi là để tìm dầu khí hay để bán hàng. Khi Mỹ mở ra cuộc cách mạng năng lượng và bớt cần đến dầu khí Trung Đông, thì thiên hạ lại sợ Hoa Kỳ sẽ thả nổi chuyện Hồi giáo hay Syria cho xứ khác! Khi Mỹ đòi chuyển trục về Đông Á, các nước lại sợ rằng lực bất tòng tâm, nước Mỹ không thể dồn 60% lực lượng Hải quân về biển Thái Bình.

Không chỉ có Hoa Kỳ mới hay mâu thuẫn về ngoại giao. Cả thế giới đều mâu thuẫn vì vừa mong vừa sợ Hoa Kỳ về kinh tế.

Riêng có Bắc Kinh thì không!

***


Bắc Kinh cần buôn bán với Hoa Kỳ, nhân dịp còn ăn cắp công nghệ của Mỹ đế. Bắc Kinh cũng rất cần Mỹ khi buôn bán với thiên hạ, vì mọi tầu hàng ngoài biển đều đặt dưới sự bảo tiêu của con ó. Bị hải tặc tại Sừng Phi Châu hay trên Eo biển Malacca thì họ mong con ó xuất hiện.

Nhưng Trung Quốc vẫn sợ Hoa Kỳ, khi Bắc Kinh hiện nguyên hình là Hải tặc! Ngày nay, HD81 hay Hải cảnh, Hải ngư, Hải giám, đều là hải tặc. Thiên hạ đâm lo khi nước Mỹ ngó lơ lên trời....

Source : dainamax tribune

21/5/14

XÃ HỘI DÂN SỰ: NGẦM DƯỚI SÔNG BĂNG

XÃ HỘI DÂN SỰ: NGẦM DƯỚI SÔNG BĂNG

Source : pro&contra
 
Tháng 5 21, 2014
The Economist
Phan Trinh dịch
Giới thiệu của người dịch
Bài này tuy nói về xã hội dân sự Trung Quốc, nhưng cũng gợi ra nhiều điều đáng suy nghĩ về xã hội dân sự Việt Nam. Dù sao, Trung cộng và Việt cộng đều là bạn cùng “tàu”, và có chung nhiều tật.
Chỉ cần nhìn cách Đảng Cộng sản Việt Nam đàn áp dân Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc xâm lược trong nhiều năm, rồi đùng cái cho biểu tình ngày 11/5, rồi đùng cái đàn áp trở lại ngày 18/5 là có thể thấy quan hệ giữa Đảng và dân là một thứ “quan hệ bất trắc, luyến ái phập phồng” (dangerous liaison).
Nhưng, ở Việt Nam lẫn Trung Quốc, phập phồng đến đâu thì Đảng cũng phải ngày càng cần dân, nhất là khi Đảng mở mắt thấy mình ngày càng bất lực.
***
Chuyện xã hội dân sự non trẻ trong lòng chế độ cộng sản già nua rệu rã mở ra nhiều nghịch lý. Có những nghịch lý nghe “nghịch nhĩ” đến khôi hài:
Giới bảo thủ trong Đảng thì xem xã hội dân sự là một phần của “diễn biến hoà bình”, âm mưu xói mòn quyền lực Đảng, lăm le lật đổ chế độ.
Ngược lại, giới thực dụng thì hiểu xã hội dân sự không phải là “hang ổ” của những kẻ chống Đảng. Họ biết tuyệt đại đa số các tổ chức phi chính phủ (NGO), tế bào tạo nên xã hội dân sự, chỉ làm những công việc không hề nhạy cảm chính trị, ngược lại còn góp phần ổn định xã hội, một việc Đảng thèm muốn nhưng bất lực, và qua đó giúp duy trì chế độ.
Người chống Đảng cực đoan thì lại bảo: Sao phải giúp Đảng ổn định xã hội? Sao không để chế độ cộng sản mục ruỗng và sụp đổ trước khi xây dựng dân chủ? Họ muốn đánh đổ trước, xây dựng sau.
Ngược lại, người ôn hoà hơn thì chủ trương xây dựng nền tảng dân chủ trước, mở đường cho cộng sản ra đi, và xã hội dân sự chính là nền tảng dân chủ.
Về phần mình, Đảng cũng lắm chiêu, lúc thì chiều, lúc thì chống NGO. Có hai loại NGO: NGO “dịch vụ xã hội” (social services), và NGO “dấn thân” (advocacy). Đảng dễ thân với các NGO làm dịch vụ xã hội, hoạt động trong lĩnh vực tạm gọi là dân sinh, dân trí. Ngược lại, Đảng vẫn nghi ngại, quấy phá, hoặc đàn áp những NGO dấn thân vì dân tộc, dân quyền, dân chủ.
NGO cũng vậy. Có NGO sẵn sàng thân với chính quyền, “đi với ma”, trong khi có những NGO ngoài luồng chỉ thích “đi với Bụt”. Lại có những NGO đi dây giữa hai bờ vực. Đối lại, Đảng có thể vừa mặc áo cà sa vừa mặc áo giấy, và sẵn sàng rung dây, hất cẳng, “nhập kho” người đi dây.
Cũng có thể nói vui rằng Đảng và xã hội dân sự tuy đều có mộng riêng nhưng đang phải nằm chung giường. Cả hai biết mình nhiều lúc phải dằn lòng, phải thương lượng và thoả hiệp với bên kia để đạt mục tiêu riêng trước mắt, nhưng cả hai đều tin tương lai sẽ thuộc về mình.
Nhưng, thực tại thường không tách bạch trắng đen, nên tuy đồng sàng dị mộng, là đồng bào nhưng không đồng chí, vẫn có một số chỗ để hai bên đồng thuận.
Điều đáng buồn nằm ở chỗ đây vẫn là mối quan hệ bất trắc và phập phồng của một cặp múa đôi không cân xứng: Kẻ ngồi trên pháp luật lúc nào cũng có thể giẫm chân hoặc hạ gục người kia bất cứ lúc nào mình muốn.
Chính vì vậy, để xã hội dân sự đúng nghĩa có thể phát triển trong lòng một chế độ còn độc tài, tối thiểu phải có hai điều kiện: Báo chí tự do và tư pháp độc lập.
***
Những nghịch lý vừa nêu, thực ra, mới chỉ là một cách nhìn về quan hệ giữa Đảng và xã hội dân sự ở Trung Quốc, được các phóng viên tờ The Economist ghi nhận, từ vị trí của người bên ngoài. Cách nhìn của người trong cuộc còn mở ra những nghịch lý khác mà một NGO Việt Nam đang gặp. Trong bài “Tâm tư hôm nay mới trải” (BBC Việt ngữ 26/4/2014), chị Huỳnh Thục Vy, thành viên của Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, cho biết như sau:
“… tôi từng lo sợ rằng: Vì sự an toàn dưới chế độ độc tài, hiện nay các nhóm thuộc đảng phái, phe nhóm chính trị thường hoạt động dưới lớp vỏ xã hội dân sự. Điều này dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm: xã hội dân sự phát triển một cách giả tạo, bị khuynh loát và không có đủ sức đặt nền tảng cho một chế độ dân chủ hậu cộng sản.”
Về tình cảnh trớ trêu, “trên đe dưới búa” của một NGO độc lập tại Việt Nam, chị Vy viết:
“Dư luận viên thì chụp mũ chúng tôi là tổ chức ngoại vi của đảng này đảng khác… Nhiều người đấu tranh khác, vì thiếu thông tin, thì nghĩ chúng tôi là ‘quốc doanh’ vì ‘chưa thấy chúng tôi bị đàn áp gì cả…
Là một tổ chức bảo vệ nhân quyền, chúng tôi bị chính quyền cộng sản thù ghét vì họ nghĩ chúng tôi đang cố tập trung lực lượng xói mòn quyền lực độc tôn của họ. Là một tổ chức độc lập, chúng tôi bị các đảng phái, phe nhóm chính trị đả kích vì chúng tôi không nằm trong phạm vi chi phối và kiểm soát của họ.”
Quả là trong lòng chế độ cộng sản giai đoạn cuối, cả ở Việt Nam lẫn Trung Quốc, chuyện “dân sự” rất dễ bị biến thành “chính sự”, bị chính trị hóa bởi cả Đảng lẫn người ngoài Đảng hay chống Đảng.
Dù bị kiềm kẹp về chính trị, một xã hội dân sự giàu sức sống đang tạo được chỗ đứng
Đối nghịch với các ông trùm nhà máy và các xếp lớn cộng sản, vốn thường kết hợp ăn ý và tướng tá béo tốt, thì Tăng Phi Dương (Zeng Feiyang) chỉ có một thân hình gầy yếu. Năm nay 39 tuổi, anh Tăng làm việc trong một căn phòng bít bùng không cửa sổ ở Phiên Ngung, ngoại ô thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc, nơi anh điều hành một tổ chức phi chính phủ (NGO) có tên là Trung tâm Hỗ trợ Công nhân Nhập cư Phiên Ngung. Hơn chục năm qua, tổ chức của anh đấu tranh cật lực để bảo vệ quyền lợi công nhân các nhà máy ở Quảng Đông. Và cái giá phải trả là anh đã nhiều lần bị tống cổ khỏi nhiều căn phòng khác nhau, điện nước tại chỗ bị cúp, thường xuyên bị quan chức địa phương và bọn côn đồ tay sai quấy nhiễu. Đùng một cái, mùa thu vừa qua, anh nhận được cuộc điện thoại từ một quan chức vẫn quấy nhiễu mình. Anh Tăng kể lại: “Ông ta hỏi tôi có muốn đăng ký hợp thức hóa tổ chức phi chính phủ của tôi không. Tôi nghe mà giật cả mình.”
Trong ba năm qua, nhiều nhà hoạt động khác trong các NGO chưa đăng ký cũng nhận được những cuộc điện thoại của chính quyền mời đăng ký tương tự. Việc đăng ký NGO từng là một đề tài rất nhạy cảm, dù chỉ là điền giấy tờ thuần túy. Cũng vì vậy mà việc nới lỏng luật lệ đăng ký quả là đang báo hiệu một thay đổi lớn lao. Trung Quốc có hơn 500.000 NGO đăng ký hợp pháp. Cũng cần thận trọng với con số này vì nhiều NGO chỉ là những tổ chức bán chính thức hay đội lốt NGO để moi tiền nhà nước. Trong khi đó, những tổ chức có thực chất muốn cải thiện đời sống người dân thì hầu hết đều hoạt động trong các lĩnh vực không hề nhạy cảm về chính trị. Hiện cũng có khoảng 1.500.000 NGO khác chưa đăng ký, và một số, như NGO của anh Tăng, đang hoạt động trong các lĩnh vực mà nhà nước vẫn cho là đáng ngại.
Các NGO chưa đăng ký đang gia tăng về số lượng và tầm ảnh hưởng. Họ là biểu hiện của những lực lượng xã hội đang sôi sục từ bên dưới ngoi lên trong một hệ thống nhà nước máy móc luôn muốn mọi sự phải đi từ trên xuống. Rất có thể, những tổ chức đó chính là con đường để Đảng Cộng sản điều hướng năng lượng và tài nguyên thuộc xã hội dân sự. Ngược lại, cũng rất có thể các tổ chức đó là phương tiện để chính năng lượng kia thử thách quyền lực của Đảng. Cũng vì hai tiềm năng trái ngược này mà tính pháp lý của các NGO được xem là chuyện lớn. Bà Quách Hồng (Guo Hong) thuộc Học viện Khoa học Xã hội Tứ Xuyên, tỉnh Thành Đô, gọi việc nới lỏng luật lệ đăng ký cho NGO là “thực hiện một phần quyền tự do lập hội”. Tương tự như việc nới lỏng kinh tế tự do vào đầu thập niên 1980 đã mang lại những hiệu quả sâu rộng cho đời sống vật chất, bước tiến mới nhất này cũng có thể mang lại những ảnh hưởng sâu sắc về mặt xã hội.
Thiểu số đáng kể
Những quy định mới về đăng ký chỉ được áp dụng cho một số loại NGO, nhất là những NGO làm dịch vụ xã hội, hỗ trợ cho các đối tượng như người nghèo, người già, người khuyết tật. Các NGO dấn thân vào vận động chính trị sẽ tiếp tục bị soi mói nghi ngờ. Các NGO nhân quyền sẽ tiếp tục bị cấm đoán, cũng như các hội đoàn hoạt động vì lý do tôn giáo, sắc tộc, hay vì quyền của người lao động sẽ vẫn bị cấm. Nhưng, những gì vừa diễn ra cho anh Tăng ở Quảng Châu kể trên cho thấy chính quyền đang tìm cách làm việc với ít nhất là một số các tổ chức đang bênh vực công nhân, mà hoạt động trước đây của họ rõ ràng là bị dán nhãn phá hoại.
Mãi cho đến năm 2012, bất kỳ NGO nào muốn đăng ký để có phép hoạt động đều phải có một cơ quan nhà nước đứng ra làm chủ quản, thường là một cơ quan đang hoạt động trong lĩnh vực tương tự như NGO. Điều này đảm bảo cho nhà nước quyền kiểm soát chặt chẽ mọi NGO, mà Đảng thích gọi là các “tổ chức xã hội” hơn (vì trong tiếng Trung, “phi chính phủ” nghe có mùi như “phản chính phủ”).  Các NGO quốc tế cũng chỉ được hoạt động tại Trung Quốc khi tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt.
Điều vừa kể nghe có vẻ khắc nghiệt, nhưng thực ra, đây là một bước cởi mở lớn so với cả một thời kỳ dài trước đó. Năm 1949, khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền, họ đã loại trừ bất cứ những gì chen vào giữa quan hệ nhà nước và cá nhân, bất kể đó là các tôn giáo, nghiệp đoàn, hay tổ chức độc lập các loại – không những thế, Đảng còn tìm cách phá nát giềng mối gia đình truyền thống. Nói cách khác, điều mà các nước khác gọi là xã hội dân sự đã bị loại trừ hoàn toàn khỏi Trung Quốc, ít nhất là cho tới khi Mao Trạch Đông chết năm 1976. Những tổ chức duy nhất được phép hoạt động là những đơn vị giả danh là không thuộc nhà nước. Những tổ chức này có một cái tên nghe rất George Orwell [tác giả tiểu thuyết 1984] là “GONGO” (tổ chức phi-chính-phủ do-chính-phủ điều hành – government-operated non-govermental organizations), như Quỹ Phát triển Thanh niên Trung Quốc, Quỹ Xóa đói Giảm nghèo Trung Quốc.
Rồi sau khi các cuộc biểu tình và đàn áp đẫm máu tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 diễn ra, các lãnh tụ Trung Quốc đã phải mở cho dân một chọn lựa khác: Chỉ cần đứng ngoài chính trị là bạn có thể làm gần như bất cứ gì bạn muốn. Tuy hầu hết những thứ tự do được phép nửa vời kia đều thuộc lĩnh vực kinh tế, nhưng không gian dành cho hoạt động xã hội cũng đã được mở rộng.
Dĩ nhiên, có những cấm kỵ lộ liễu. Sự sụp đổ của khối Xô-viết – mà các nghiệp đoàn, giáo hội và tổ chức dân sự ở Ba Lan, Tiệp Khắc và các nước khác góp phần tạo nên – đã càng củng cố suy nghĩ của giới lãnh đạo Trung Quốc rằng phải cấm các NGO tiếp cận với những vấn đề chính trị, hoặc những thứ có thể trở thành vấn đề chính trị. Tuy vậy, các NGO địa phương, hầu hết là những tổ chức từ thiện với phạm vi hoạt động giới hạn, vẫn được phép lớn mạnh trong một số lĩnh vực, với điều kiện họ phải chấp nhận sự kiểm soát của nhà nước thông qua quy trình đăng ký. Các NGO hoạt động bảo vệ môi trường và phòng chống HIV/AIDS là những NGO trong hai lĩnh vực đầu tiên mà nhà nước có thể chịu đựng được. Tuy trên thực tế, các NGO này đã phải đấu tranh kiên trì mới có được tự do hoạt động như đang có, và nhà nước vẫn tiếp tục có nhiều chiêu trò quấy nhiễu.
Không nới không xong
Sau giai đoạn kể trên, hành trình phát triển của các NGO không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Năm 2005, bị đe dọa bởi các cuộc cách mạng “màu” ở Ukraine, Georgia và Kyrgyzstan, lãnh đạo Trung Quốc đã siết chặt các NGO, đặc biệt là với các NGO hoạt động tích cực hơn cả. Nhưng trong những năm gần đây, một lần nữa kiểm soát chặt chẽ đã được nới lỏng, phần lớn là do xã hội có nhiều khó khăn cần giải quyết. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và một xã hội đa dạng hơn hình thành cũng có nghĩa Đảng không còn khả năng bao cấp cho mọi việc trong đời sống công dân như họ đã từng làm, hoặc nghĩ mình có thể làm. Khi người dân giận dữ vì bất mãn với những chính sách an sinh xã hội bèo bọt thì ổn định xã hội sẽ gặp nguy và chế độ Đảng trị, vốn xây trên ổn định xã hội, cũng sẽ bị thách thức. Việc trung ương đùn đẩy cho địa phương các trách nhiệm chăm lo y tế, giáo dục và các chính sách an sinh xã hội khác cũng chẳng giải quyết được gì, vì chính quyền địa phương không mặn mà hoặc cũng chẳng có tiền để chi trả cho những công việc như thế.
Trong một thập niên vừa qua, sự kiện hàng loạt các NGO chưa đăng ký nở rộ như nấm phải nói là đáng kinh ngạc. Một số được hình thành vì niềm tin tôn giáo: Các bác sĩ theo đạo Thiên Chúa mở phòng khám từ thiện, trám vào lỗ hổng của hệ thống y tế nhà nước, hoặc các nhóm Phật tử đứng ra chăm sóc người già neo đơn. Các nhóm dân sự khác cũng có những hoạt động phong phú, phụ huynh trẻ tự kỷ thì hình thành các hội tương trợ qua internet, người quan tâm đến giáo dục thì mở website đăng địa chỉ trường nghèo trên địa bàn thành phố, và kêu gọi mọi người khi đi qua trường hãy ghé giúp đỡ bằng cách tặng sách vở bút giấy cho học trò. Những hoạt động tự nguyện này cho thấy trong xã hội điều được gọi là “lý tưởng” chưa hề mất đi mà vẫn sống mạnh trong lòng nhiều người, và đó cũng là điều Đảng Cộng sản ngày càng hiểu ra và biết trân trọng. Theo lời kể của ông Hà Kiện Vũ (He Jianyu) tại Trung tâm Nghiên cứu NGO thuộc Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, khi Đảng cử người đi điều tra về hoạt động của các NGO thì họ nhận ra rằng “NGO không phải là hang ổ của những nhà cách mạng muốn đạp đổ Đảng như họ thường nghĩ trước đây”.
Một cú hích quan trọng khiến NGO nảy nở tại Trung Quốc – gấp đôi so với chục năm trước (xem biểu đồ) – dường như chính là cuộc động đất khủng khiếp tại Tứ Xuyên năm 2008, làm chết 70.000 người. Hàng ngàn người thiện nguyện đã tụ về Tứ Xuyên để giúp giải cứu nạn nhân. Người dân bình thường tham gia các hoạt động này nhận ra được hiệu quả của việc họ làm khi tự đứng ra tổ chức và tham gia cứu hộ. Bà Quách Hồng, thuộc Học viện Khoa học Xã hội Tứ Xuyên nhắc đến ở trên, cho biết: “Chúng tôi đều thấy các NGO hoạt động ra sao, và hiểu ra rằng họ làm việc hiệu quả hơn nhiều lần so với chính quyền”. Chính quyền cũng đi đến kết luận tương tự, và nhờ vậy đã cho thêm nhiều NGO đăng ký thông qua các tổ chức nhà nước.
Đàng sau sự nảy nở của các NGO là sự trỗi dậy không thể kiềm chế của tầng lớp trung lưu mới ở Trung Quốc. Giống như Đảng, giới trung lưu muốn có ổn định xã hội. Nhưng một số thành phần trong giới trung lưu cũng thực sự muốn có cơ hội mới để tham gia việc xã hội. Và các lãnh tụ Đảng, hiện không còn bị ý thức hệ cộng sản trói chặt, dần nghiệm ra rằng họ sẽ có lợi nếu biết cách sống chung với những công dân thích hoạt động này, thay vì phải lo trấn áp họ. Giới lãnh đạo Đảng cho rằng: rất có thể việc sống chung sẽ mở đường để xã hội ủng hộ chế độ, một việc mà Đảng dù muốn cũng không còn sức để làm. Vì lý do này, chính quyền đang nới lỏng luật lệ, không chỉ cho phép các NGO đăng ký mà không cần một cơ quan nhà nước làm chủ quản đỡ đầu, mà còn khuyến khích họ ra đăng ký.
Kể từ năm 2011, đã có bốn loại hội đoàn được đăng ký thẳng, không cần đỡ đầu, tại một số tỉnh thành, đó là: các hội đoàn thuộc lĩnh vực công nghiệp, các tổ chức khoa học kỹ thuật, các hội từ thiện và các nhóm làm dịch vụ xã hội. Cuối năm nay, những quy định tương tự được dự kiến sẽ nhân rộng ra trên toàn quốc. Karla Simon, một học giả Mỹ, tác giả cuốnXã hội Dân sự tại Trung Quốc nói rằng số lượng các NGO có thể sẽ còn tăng gấp đôi chỉ trong một hai năm nữa, khi thủ tục đăng ký ngày càng nới lỏng.
Cũng đáng chú ý là những thay đổi này diễn ra vào lúc đàn áp chính trị đang gia tăng cường độ, đàn áp cả những người chỉ đơn thuần kêu gọi Đảng, vốn coi trời bằng vung, phải tuân thủ những điều khoản được ghi trong Hiến pháp Trung Quốc (do chính Đảng Cộng sản Trung Quốc viết ra). Kể từ khi Tập Cận Bình lên làm Tổng Bí thư Đảng năm 2012, nhà nước đã không ngừng đàn áp những người có tư tưởng tự do. Vào cuối tháng 1/2014, việc kết án ông Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), một học giả tầm vóc, án tù giam bốn năm, và các vụ quấy nhiễu liên tục những nhà hoạt động khác cho thấy rằng: dù hoạt động ôn hòa và không chống Đảng quá đáng, những người như ông Hứa vẫn không được Đảng chấp nhận. Sắp tới, việc kiểm soát sẽ còn chặt chẽ hơn, vì ngày kỷ niệm 25 năm cuộc thảm sát Thiên An Môn đang đến gần [4/6/1989-4/6/2014].
Đảng hầu như tin rằng họ có thể thúc đẩy NGO phát triển mà không phải nới lỏng kiểm soát chính trị. Có lẽ niềm tin này là phiên bản mới của một nguyên lý Lênin-nít cũ, một cú đổi màu mới của chú tắc kè toàn trị cũ, một lớp vỏ ngụy trang thông minh được gọi là “chủ nghĩa độc tài có tham khảo ý dân”. Hoặc, nói theo bà Jessica Teets thuộc Học viện Middlebury Mỹ, thì chủ trương kia của Đảng sẽ dẫn đến một thực tế là chỗ cho quyền lực thì còn nguyên, trong khi không gian cho bất đồng thì vẫn bị kiềm hãm.
Nhưng, nhiều người làm việc cho các NGO lại nghĩ ngược lại. Họ cho rằng: càng cho phép các hội đoàn xã hội dân sự được tự do bao nhiêu thì lần hồi Đảng cũng sẽ phải thay đổi từ bên trong bấy nhiêu – đây đích thị là “diễn biến hòa bình” mà các tay trùm bảo thủ trong Đảng ra sức chống đối. Mặc dù những chuyển biến dẫn đến cải cách chính trị đúng nghĩa vẫn chỉ cầm chừng, nhưng  các nhà hoạt động vẫn cho rằng các luật lệ mới về NGO là một phần của những đợt sóng ngầm có tên là đổi thay xã hội đang bắt đầu xói mòn từ bên dưới dòng sông băng nghìn năm.
Từ “Đảng làm” đến “dân làm”
Mãi đến gần đây, Đảng mới nhận ra rằng NGO có một số ưu điểm mà Đảng không hề có, đó là: NGO có ý tưởng phong phú, NGO có sự hiểu biết thấu đáo về những vấn đề cụ thể tại địa phương vì đã trải qua nhiều kinh nghiệm đau thương, và NGO được cộng đồng địa phương ủng hộ. Thật vậy, giờ đây ít ai tin vào Đảng về bất cứ thứ gì, trong khi hầu hết mọi người tin rằng các NGO có khả năng tiếp cận vấn đề với sự hiểu biết và nhạy bén cần thiết. Chẳng hạn, NGO đối xử với những người dùng ma túy hoặc gái giang hồ nhiễm AIDS như những nạn nhân của một vấn đề sức khỏe cần được giải quyết với sự quan tâm thật lòng và tư vấn tế nhị, chứ không xem họ như những kẻ có tội. Một kế hoạch của Đảng được trông đợi từ lâu về đô thị hóa, vừa công bố vào tháng 3/2014 vừa qua, có nhắc đến nhu cầu “kích hoạt năng lượng” của những NGO như vừa nói. Một trí thức Trung Quốc còn nhận xét: Thách thức giờ đây có hai mặt, không mặt nào kém quan trọng hơn mặt nào. Một mặt là làm sao giúp chính quyền biết cách chuyển giao một số lĩnh vực của chính sách xã hội cho các NGO, và mặt kia là làm sao giúp các NGO có thêm năng lực để hoạt động hiệu quả.
Lòng nhân ái đang quay trở lại như một sức mạnh xã hội, khi người dân ngày càng có ý thức cao hơn. Hiện tượng này một phần được lý tưởng tôn giáo thúc đẩy: Phật giáo và Lão giáo đang trong thời kỳ phục hồi mạnh mẽ, hiện cũng có 80 triệu người theo Thiên Chúa giáo ở Trung Quốc, rất nhiều người trong các tôn giáo kia muốn làm việc có ích cho xã hội. Công việc từ thiện và làm việc phi lợi nhuận đang ngày càng trở nên phổ biến. Một biên tập viên người Mỹ của tập san Báo cáo Phát triển Trung Quốc, tập san có trụ sở tại Bắc Kinh chuyên viết về NGO, ông Shawn Shieh, nhận xét rằng: Việc thiện nguyện và lòng nhân ái đã trở thành câu cửa miệng của tầng lớp giàu có.
Dĩ nhiên, xã hội dân sự vừa thành hình còn đường dài phải đi. Vấn đề lớn nhất là tìm được nguồn tiền để hoạt động. Một số chính quyền địa phương đã đài thọ kinh phí trực tiếp cho các NGO. Chính quyền tỉnh Quảng Đông đã cung cấp 466 triệu nhân dân tệ (75 triệu USD) cho các NGO vào năm 2012; tỉnh Vân Nam cũng chi 300 triệu nhân dân tệ. Những con số này dự kiến còn tăng nhiều. Tuy nhiên, mặc dù nhiều hội đoàn không còn cần một cơ quản chủ quản bảo trợ, họ cũng được nhận tiền công chúng đóng góp, nhưng lại không được phép quyên tiền công khai. Việc quyên tiền hiện vẫn phải thông qua một GONGO trung gian phiền phức, điều này cũng có nghĩa chính quyền vẫn kiểm soát được độ vươn xa của một NGO trong quần chúng, và qua đó kiểm soát cả nguồn thu của họ. Tương tự, việc kiểm soát các khoản tài trợ từ nước ngoài gần đây cũng bị thắt chặt hơn.
Càng kiểm soát cũng có nghĩa tham nhũng càng có cơ hội. Một số chính quyền địa phương đã dựng lên các NGO trá hình để bòn rút những khoản ngân sách mới. Trong khi các NGO thực chất lại hiếm khi nào nghe nói đến các cuộc mời thầu cung cấp dịch vụ mà họ có thể tham gia. Những gói thầu kia thường rơi vào những tổ chức tay trong, các tay trong này lại ký hợp đồng triển khai dự án thông qua các công ty con để hưởng huê hồng.
Tuy vậy, cũng như ở các nước, internet đang thay đổi mọi sự. Các trang vi blog tương tự như Twitter ở Trung Quốc cho phép người cùng chí hướng tụ lại với nhau và thu hút quần chúng ủng hộ cho một mục tiêu chung. Hiện nay, người dân có thể khiếu nại về nhiều điều trên mạng mà không bị xem là phá hoại, mặc dù vẫn có những giới hạn cần thận trọng, chẳng hạn: bạn có thể gửi tin nhắn than phiền về nạn không khí ô nhiễm, nhưng bạn sẽ khó phàn nàn về một nhà máy sai phạm, nếu nhà máy có quan hệ mật thiết với một vị lãnh đạo nào đó. Những người khá giả thuộc tầng lớp trung lưu cũng dùng các trang vi blog để bày tỏ sự giận dữ về những vấn nạn như an toàn thực phẩm, khan hiếm nước sạch, cách đối xử với công nhân nhập cư, tình hình giáo dục và y tế – tức những đề tài cốt lõi của NGO. Tương tự, NGO nào dùng mạng internet để giúp quần chúng biết đến công việc của họ thường dễ dàng thu hút những khoản đóng góp đáng kể, dù họ không chủ động gây quỹ.
Giữa Bụt và ma
Câu chuyện xã hội dân sự đang hình thành không đơn thuần là câu chuyện trắng đen tách bạch, mà có màu xám, ranh giới địch ta mờ nhoà và thiện ác múa đôi, bên nào cũng cần thoả hiệp với bên kia để có đất sống. Người hoạt động trong các NGO rất dễ bị cám dỗ thoả hiệp để được nhà nước cấp tiền hoạt động. Ngược lại, một nhà ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh lại cho rằng: nếu chấp nhận đi đôi với hệ thống thì ta có thể làm được nhiều việc hơn nhiều.
Một tổ chức có tên là Chí Thành (Zhicheng), chuyên hỗ trợ pháp luật cho người nghèo, là ví dụ điển hình cho khả năng đi  đôi với hệ thống như vừa nói. Tổ chức này được Đông Lệ Hoa (Tong Lihua), một luật sư xuất thân quê nghèo, thành lập năm 1999, với mục đích ban đầu là bảo vệ quyền lợi cho trẻ em nông thôn. Anh tạo ấn tượng tốt với quan chức địa phương và thuyết phục được họ hỗ trợ. Sau đó, anh Đông chuyển qua tư vấn cho công nhân bị quỵt lương. Anh cho biết: Quan chức chính quyền địa phương vẫn đang để yên cho anh hoạt động, vì mặc dù hoạt động trong một lãnh vực nhạy cảm, anh đang góp phần củng cố, chứ không phá hoại, ổn định xã hội. Anh nói mục tiêu của mình là thúc đẩy những cải cách xã hội và pháp luật từ bên trong hệ thống. Mặc dù đôi khi bị các nhà hoạt động khác chê cười vì quá thân Đảng, anh Đông nói 99,9% việc mình làm là hoàn toàn độc lập. Anh cũng nổi cáu khi được hỏi có phải là tay trong của chính quyền hay không. Anh nói tổ chức Chí Thành đã tư vấn pháp lý miễn phí cho 400.000 người, giúp họ truy lĩnh được những khoản lương còn thiếu và đòi được các khoản bồi thường thương tật lao động, tổng số tiền đòi được lên tới 400 triệu nhân dân tệ [khoảng 64 triệu USD].
Khác với NGO Chí Thành hoạt động trong lòng chế độ, NGO Ích Nhân Bình (Yirenping) lại hoạt động ngoài luồng, đây là một NGO dấn thân, gồm các luật sư tự đảm nhận các ca tố tụng có tính tiền lệ. Một trong những ca gần đây liên quan đến một nữ sinh không được thi trung học toàn quốc chỉ vì em bị mù. Ích Nhân Bình cũng giúp những bệnh nhân viêm gan siêu vi B và AIDS bị mất việc chỉ vì mắc bệnh. Một trong các luật sư của tổ chức, chị Hoàng Nhất Chi (Huang Yizhi) nói có lẽ họ sẽ không tìm cách đăng ký chính thức cho Ích Nhân Bình. Giống như nhiều NGO khác không tìm được cơ quan chủ quản đỡ đầu, hiện tổ chức này đang đăng ký dưới dạng một doanh nghiệp. Cũng theo lời chị Hoàng, nếu đăng ký như một NGO, rất có thể họ sẽ nhận được tiền của chính phủ, nhưng bù lại, họ sẽ phải giới hạn mức độ dấn thân. Sự lưỡng lự này có vẻ phù hợp, vì họ đang rất thận trong khi chọn các ca kiện tụng để theo đuổi, họ cũng chủ trương dấn thân vào những vấn đề lớn hơn, như đòi hỏi công bằng xã hội, một đề tài mà Đảng cho rằng thuộc phạm vi quan tâm của Đảng. Dĩ nhiên, họ phải thận trọng, sao cho không chạm nọc đuôi rồng, không khiến nó nổi đoá quẫy đuôi đập nát.
Không ở trong lòng cũng không nằm ngoài luồng như hai trường hợp trên là anh Mã Quân (Ma Jun). Vốn là nhà báo, năm 1999 anh Mã cho phát hành một cuốn sách rất đáng chú ý về môi trường, cuốn Khủng hoảng nước ở Trung Quốc. Anh Mã điều hành Viện Công vụ và Môi trường (IPE), một tổ chức hợp pháp. Cũng giống như ông Đông nói trên, anh Mã nhìn nhận rằng sự hợp tác với chính quyền là cần thiết. Anh nói “Chúng ta đều đi chung thuyền, và không ai muốn thuyền lật.” Nhưng anh lại không hợp tác nhiều với các GONGO quốc doanh. Khi đang có quá nhiều vụ biểu tình vì vấn đề môi trường, rõ là Đảng hiện ngày càng lo lắng về các cuộc vận động xanh. Trong khi đó, anh Mã lại đang ở vị trí tiên phong trong việc phối hợp hoạt động giữa các NGO liên tỉnh, một điều cấm kỵ khác của Đảng. Đảng luôn e ngại hiện tượng những người cùng chí hướng có cùng một mục tiêu lại có thể liên kết với nhau trên phạm vi cả nước. Vì điều này mà các NGO chưa được phép đăng ký mở chi nhánh tại các tỉnh thành khác nhau. Hiện IPE là một phần của mạng lưới gồm 50 nhóm bảo vệ môi trường được gọi là Liên minh Chọn lựa Xanh, một liên minh có khả năng lên tiếng như một tổ chức duy nhất. Có thể nói anh Mã đang đi dây, điều đáng ngại là dây lơ lửng có thể rung lắc mạnh. Nếu như vài năm trước chính quyền ca ngợi ông Hứa Chí Vĩnh, rồi gần đây kết án ông bốn năm tù như trên đã nói, thì điều gì có thể xảy ra với anh Mã, người bây giờ cũng đang được họ ca tụng?
Một vế khác của câu chuyện là chính quyền cũng đi hàng hai trong cách họ ứng xử với các NGO. Tháng 7/2013, Bộ Môi trường đã tổ chức cuộc hội thảo tại Bắc Kinh và lần đầu tiên có mời những hội đoàn như của anh Mã tham dự. Mười năm trước thì việc này quả là điều không tưởng. Theo lời kể của một người tham dự, và cho rằng đó là một hội thảo gây chấn động, thì quan chức chính quyền đã khuyến khích các NGO mạnh dạn “đối đầu với các thế lực mạnh” – tức những nhóm lợi ích cấu kết chặt chẽ trong vùng. Tuy chấn động như vậy, nhưng cùng lúc, chính quyền vẫn có những nước cờ nhằm hạn chế khả năng của các NGO bảo vệ môi trường trong việc kiện các chính quyền địa phương ra toà. Cũng có một tài liệu Đảng, gọi là Tài liệu Số 9, được phổ biến tới mọi phòng ban các cấp năm 2013, tố cáo các NGO là đang tìm cách làm nảy nở các “lực lượng chống Trung Quốc”. Biên tập viên Shawn Shieh gọi tình trạng này là tình trạng hai mặt kiểu “tâm thần phân liệt”. Ông Tăng Phi Dương, nhà hoạt động bênh vực người lao động nhắc đến ở đầu bài, cũng nói rằng mặc dù được mời đăng ký NGO của mình, ông vẫn bị quấy nhiễu như thường.
Khả năng đi hàng hai của Đảng còn nằm ở chỗ họ có thể siết chặt hoạt động của NGO sau khi cho nới lỏng một thời gian. Giáo sư Trần Kiện Dân (Chan Kin-man) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Dân sự thuộc Đại học Trung văn Hongkong cho rằng các NGO tuy bùng nổ về số lượng nhưng ảnh hưởng lại không nhiều. Ông cũng lập luận rằng phạm vi hoạt động của xã hội dân sự thực ra đang bị thu hẹp. [Giáo sư Dân cũng là nhà hoạt động vì dân chủ cho HK, so với tự do rộng rãi trước năm 1997, khi HK được Anh trả về TQ, không gian dân sự tại HK đúng là đang hẹp dần]. Một số biểu hiện của việc đàn áp chính trị, chẳng hạn như luật chống tung tin đồn, có vẻ như khẳng định lập luận của giáo sư Dân. Tuy nhiên, các quan sát viên khác lại phản biện rằng không nhất thiết cứ phải đối đầu với chính quyền mới có phạm vi hoạt động rộng hơn, mà phạm vi hoạt động rộng hơn có được nhờ thương lượng với chính quyền vẫn là khoản không gian có giá trị. Trong khi đó, nhiều người khác cũng thấy rằng sự phân biệt của Đảng giữa các NGO dịch vụ xã hội và NGO dấn thân sẽ nhoà dần. Một nhân viên NGO nước ngoài ở Bắc Kinh nói “Không thể nào làm dịch vụ xã hội cho người già mà lại không trở nên người dấn thân vận động để đòi những quyền lợi lớn hơn cho người già.”
Đi về đâu, hỡi Hoa?
Một số nhà hoạt động trong các NGO lo rằng khi họ để cho bản thân bị chính quyền điều hướng là họ đang vô tình củng cố quyền lực độc tài của Đảng Cộng sản, vì họ đang góp phần giúp Đảng giải quyết những vấn đề lớn nhất về quản lý xã hội. Vị hội trưởng người Trung Quốc của một NGO, hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm là tài trợ và giúp đỡ những công nhân bị thương tật lao động, kể rằng bạn bè ông bảo: Sao không cứ để cho hệ thống cộng sản “mục ruỗng rồi sụp đổ” thay vì cứu vãn nó. Điều đáng nói là ngay khi NGO của ông được công chúng quan tâm, thông qua bài viết trên các blog, thì chính quyền đã cung cấp vài triệu nhân dân tệ để hỗ trợ công việc họ đang làm. Ông nói “Khi mình tạo được điểm nhấn cho một vấn đề gì đó thì chính quyền sẽ phải nhập cuộc thôi.”
Không rõ là Đảng có thật lòng tin tưởng xã hội dân sự hay không. Nhưng rõ là Đảng xem các NGO như công cụ hữu dụng để đạt mục đích riêng. Nhưng khi chính trị từ trên xuống không giải quyết được những vấn đề xã hội từ dưới lên, và khi có một tầng lớp trung lưu mới muốn tham dự việc xã hội nhiều hơn, thì việc gia tăng vai trò cho xã hội dân sự là điều không thể né tránh. Vì vậy, có thể nói một hợp đồng ngầm đã được hình thành giữa Đảng và xã hội dân sự, trong đó hai bên đều sẵn sàng thoả hiệp để đạt được các mục tiêu ngắn hạn, và cùng lúc cả hai đều hy vọng tương lai sẽ diễn ra theo hướng có lợi cho mình.
Những cấm đoán và bất mãn vẫn còn đầy dẫy. Những thay đổi trong luật lệ đăng ký NGO sẽ chỉ có tác động chậm chạp đối với đời sống hàng ngày của thường dân Trung Quốc. Bên cạnh đó, những vấn đề xã hội và tài chính có thể sẽ còn tăng gấp bội, làm vô hiệu hoá bất cứ nỗ lực nào nhằm xây dựng một xã hội dân sự lớn mạnh hơn. Tuy vậy, bằng cách của mình, các tổ chức phi chính phủ NGO đang bắt đầu trở thành chất keo kết dính xã hội lại với nhau, vào lúc nhà nước thì thoái lui, cấu trúc gia đình thì xáo trộn và những giềng mối quan hệ giữa người với người trong xã hội đang bị giằng xé đến độ có thể rách toạc. Các NGO hiện nay đang được một tầng lớp những người Trung Quốc trung lưu mới ủng hộ, họ là những người có cuộc sống khá giả hơn đại đa số và có ý thức rõ ràng về quyền hạn của mình. Đảng sẽ không thể dễ dàng tiếp tục hất ngược họ trở về đất đen được nữa.
Nguồn: “Beneath the Glacier”, The Economist, 12/4/2014, tường trình từ Bắc Kinh, Thành Đô, Quảng Châu. Các ghi chú trong ngoặc vuông là của người dịch.
Bản tiếng Việt © 2014 Phan Trinh & pro&contra