Merle L. Pribbenow II – Tướng Võ Nguyên Giáp và tiến trình bí ẩn của kế hoạch tấn công Tết Mậu Thân (1968): phần 2
28/04/2010 | 5:26 sáng | Chưa có phản hồi.
Tác giả: Nguyễn Việt
Chuyên mục: Lịch sử, Nhìn lại cuộc chiến 1954-1975
Thẻ: Lê Duẩn > Nguyễn Chí Thanh > Tết Mậu Thân > Văn Tiến Dũng > Võ Nguyên Giáp
Xem phần 1
Nguyễn Việt dịch
Đe dọa và thách thức – đòi hỏi về một thắng lợi mang tính quyết định
Vào khoảng mùa hè năm 1966, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở vào tình thế một cuộc phòng thủ chiến lược trong ít nhất là một năm khi nó phải nỗ lực một cách tuyệt vọng để cung cấp quân lính và quân trang vào miền Nam nhằm không bị thua kém với cuộc đổ quân ồ ạt của các lực lượng chiến đấu Mỹ vào Việt Nam Cộng hòa. Đây không phải là một tình hình dễ chịu cho những người cộng sản Việt Nam, những người, cũng giống như tất cả các nhà Mác xít chân chính, tin rằng điều cốt yếu là phải giữ vững được lập trường ban đầu và luôn không ngừng tấn công. Điều không tránh khỏi là họ sẽ phải cố gắng giành lại thế tấn công ban đầu.
Giữa tháng Sáu năm 1966, tiểu ban của Bộ Chính trị chuyên trách cuộc chiến tranh ở miền Nam do Lê Duẩn đứng đầu và có thêm Nguyễn Chí Thanh (người có mặt ở Hà Nội cho công việc tham vấn), gặp Quân ủy Trung ương tại Hà Nội để bàn bạc về kế hoạch Bộ Tổng Tham mưu cho chiến dịch “đông-xuân” 1966-1967. Mục đích của chiến dịch ghi trên kế hoạch là “giành một thắng lợi mang tính quyết định” trước Việt Nam Cộng hòa trong năm 1967. Một cuốn sách của Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu tóm tắt kế hoạch như sau: “[Chúng ta sẽ] sử dụng 4 khối chủ lực tiến công địch trên 4 chiến trường: Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Khu 5, Trị Thiên; kết hợp với tiến công và khởi nghĩa ở 3 thành phố lớn Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, tiêu diệt và đánh tan rã chủ lực quân ngụy, đánh thiệt hại nặng quân Mỹ, giành thắng lợi quyết định trên chiến trường miền Nam trong năm 1967[1].”
Theo các ghi chép từ cuộc gặp, Nguyễn Chí Thanh ủng hộ ý tưởng tìm kiếm một “thắng lợi mang tính quyết định” trong năm 1967 nhưng thận trọng vì trong dịp đông-xuân sắp tới các lực lượng Trung ương Cục miền Nam tại miền Nam sẽ phải tập trung vào các hoạt động phòng thủ nhằm đánh thắng “cuộc phản công chiến lược” mùa khô 1966-1967 của Mỹ. Điều đó có nghĩa là các lực lượng cộng sản sẽ phải tiếp tục chiến đấu trong mùa hè thay vì có đợt ngưng như thường lệ để nghỉ ngơi và củng cố lực lượng. Trong cuộc gặp, tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với việc tiến hành “những trận đánh lớn” nhằm giành một thắng lợi, nhưng nhấn mạnh rằng những cuộc tấn công vào các thành phố cần được khởi đầu bằng những tấn công quân sự nhỏ và chỉ dần dần tiến tới bước “nổi dậy” tại một số vùng và thành phố đặc thù, khi mà các lực lượng cộng sản đã chiếm được quyền kiểm soát ở những vùng đó[2].
Cuộc thảo luận tháng Sáu năm 1966 về kế hoạch cho một “thắng lợi mang tính quyết định” hẳn đã chịu ảnh hưởng từ các cuộc nổi dậy của Phật giáo và biến động miền Trung nửa đầu của năm 1966, những gì mà phe cộng sản hẳn đã coi như là các dấu hiệu cho thấy quân đội Việt Nam Cộng hòa và chính phủ miền Nam bắt đầu sụp đổ. Tuy nhiên, có vẻ như là sẽ đúng hơn nếu nói nó phản ánh một quyết định về chính sách ban đầu của Bộ Chính trị cuối cùng được chính thức hóa vào tháng Giêng 1967, khi Trung ương Đảng Cộng sản thông qua Nghị quyết hội nghị mười ba, kêu gọi việc thực hiện một chiến lược “vừa đánh vừa đàm” và khởi đầu các cuộc thương thuyết với Mỹ.
Trong các trình bày riêng biệt trong cuộc tranh luận về Nghị quyết 13, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh và Tổng Tham mưu trưởng, tướng Văn Tiến Dũng, nói với các đại biểu của Trung ương rằng vì hai phía trong cuộc chiến tranh đều đang rất bế tắc, người Mỹ đang phải đối diện với một lựa chọn giữa ba chiến lược có thể có cho tương lai: (1) mở rộng chiến tranh thông qua mở rộng ném bom và xâm lấn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, (2) gửi thêm rất nhiều quân và quân trang để chiến đấu và tìm cách chiến thắng trong một cuộc chiến kéo dài tại miền Nam, hoặc (3) nỗ lực để giành một thắng lợi quân sự quan trọng trong năm 1968 rồi sử dụng thắng lợi đó thương thuyết một giải pháp chính trị từ một vị thế có sức mạnh, một giải pháp có thể vẫn cho phép giữ lại chính quyền “tân thực dân” ở Việt Nam Cộng hòa.
Những lựa chọn đó mang lại cho người cộng sản Việt Nam không chỉ một mối đe dọa nguy hiểm mà cả một cơ hội nữa. Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh nói với Trung ương rằng bởi có bất ổn ngay trong lòng nước Mỹ, và đặc biệt là bởi có tác động mà cuộc chiến hẳn sẽ có lên kỳ tranh cử tổng thống năm 1968, một cuộc tranh luận nảy lửa đang nổ ra bên trong giới chức Mỹ giữa phe “diều hâu”, những kẻ ủng hộ hành động mạnh mẽ hơn chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và phe “bồ câu”, những người ủng hộ thương thuyết để chấm dứt chiến tranh nhưng vẫn giữ lại một miền Nam Việt Nam độc lập. Vị bộ trưởng ngoại giao nói rằng Tổng thống Lyndon B. Johnson đang không chắc sẽ phải làm gì nhưng nghiêng về giải pháp thứ ba, tìm kiếm một dạng thành công nhanh chóng về quân sự với liền tiếp theo là một thỏa thuận thông qua thương thuyết trước khi diễn ra bầu cử, nhằm được tiếp tục tại vị[3].
Nguyễn Duy Trinh khuyên Trung ương thông qua chiến lược do Bộ Chính trị đề ra, sử dụng “củ cà rốt” thương thuyết và một “chiến lược vừa đánh vừa đàm” nhằm khai thác mong muốn của Johnson trong việc thực hiện được một thỏa thuận thông qua thương thuyết trước kỳ bầu cử 1968. Nguyễn Duy Trinh nói rằng Bộ Chính trị đã đặt ra hai mục tiêu chính cho các thương thuyết. Mục tiêu thứ nhất là làm cho nước Mỹ ngừng ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và mục tiêu thứ hai là buộc Mỹ rút quân khỏi miền Nam.
Ý tưởng sử dụng chiến lược vừa đánh vừa đàm không phải là điều gì mới mẻ. Tổng bí thư Lê Duẩn từng bàn về ý tưởng này trong một bài phát biểu vào dịp Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào tháng Mười hai 1965. Trong bài phát biểu, ông nói rõ rằng có nhiều ý kiến khác nhau ngay trong phe xã hội chủ nghĩa về việc sử dụng “vừa đánh vừa đàm”, và ông đã chỉ ra các điều kiện cần thiết trước khi một chiến lược như vậy có thể được sử dụng: trước hết Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải giành được “những thắng lợi to lớn và giòn giã hơn nữa” và phải đạt được sự nhất trí ở mức độ nào đó “trong các đảng, các nước xã hội chủ nghĩa anh em… về ý tưởng vừa đánh vừa đàm[4].”
Nhiệm vụ có được một sự nhất trí nào đó với “các nước xã hội chủ nghĩa anh em” trong việc sử dụng ý tưởng vừa đánh vừa đàm thuộc về các nhà ngoại giao và lãnh tụ chính trị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Liên Xô đang mạnh mẽ thúc đẩy giới lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bước vào đàm phán, trong khi Trung Quốc kịch liệt phản đối mọi thương thuyết với Mỹ[5]. Tuy nhiên, trước khi các đàm phán có thể bắt đầu, trước hết Quân đội Nhân dân Việt Nam cần giành được một thắng lợi quan trọng ở mặt trận nhằm cung cấp cho các nhà ngoại giao của họ thế mạnh đối với người Mỹ tại bàn đàm phán. Như Nguyễn Duy Trinh trình bày trong báo cáo của ông tại hội nghị Trung ương, “khi chưa giành được thắng lợi đó thì trên bàn hội nghị cũng chưa giành được thắng lợi.”[6]
Để hỗ trợ cho chiến lược vừa đánh vừa đàm, Nghị quyết 13 của Trung ương kêu gọi một “cố gắng cao độ… giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn”. Một “thắng lợi quyết định” được định nghĩa như là thắng lợi gây ra tổn thất nặng nề cho quân Mỹ, tiêu diệt một lực lượng lớn của quân đội Việt Nam Cộng hòa nhằm làm cho quân đội đó trở nên tê liệt, và tạo ra một cuộc “tổng công kích-tổng khởi nghĩa” tại các thành phố và các vùng nông thôn. Mục đích tối hậu là làm cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ và thay thế nó bằng một chính quyền liên hiệp không cộng sản rộng rãi, sẽ kiên quyết đàm phán một thỏa thuận cho phép Mỹ rời khỏi Việt Nam mà không bị mất mặt[7]. Tuy nhiên, nghị quyết cũng rất rõ ràng ở điểm cuộc tổng công kích-tổng khởi nghĩa sẽ chỉ được tiến hành vào thời điểm cuối của một tiến trình dần dần, từng bước một: “Kết hợp với đấu tranh chính trị, [chúng ta phải] xây dựng thực lực, từng bước giành quyền làm chủ của ta ở các đô thị, làm yếu sự kiểm soát của địch, đẩy mạnh phong trào đô thị, tạo điều kiện tiến lên tổng công kích và tổng khởi nghĩa[8].” Chưa hề có một ý nghĩ nào về việc tung ra một cuộc tổng công kích-tổng khởi nghĩa một mất một còn tại các thành phố trước khi các lực lượng quân sự của kẻ thù đã bị nghiền nát.
Trong vòng hơn một năm, trọn vẹn năm 1966 và tới nửa đầu năm 1967, Nguyễn Chí Thanh và Võ Nguyên Giáp tiến hành một “cuộc chiến lời lẽ” trên các tờ báo và tạp chí lý luận cộng sản về tương quan đúng đắn giữa “những trận đánh lớn” và chiến tranh du kích. Rất nhiều điều đã được viết ra về những lý lẽ ấy, và ở đây cũng sẽ không có gì nhiều để thêm vào[9]. Tôi tin rằng việc những lý lẽ hết sức công khai đó nghiêm túc đến mức độ nào xứng đáng là chủ đề của một tranh luận. Trong Bộ Chính trị của Việt Nam thời chiến, cũng như trong phần lớn các tổ chức độc tài, lý lẽ càng nghiêm túc thì nó càng được giữ bí mật hơn – Bộ Chính trị không thích vạch áo cho người xem lưng.
Dẫu cho tầm quan trọng thực thụ của cuộc đối đầu tay đôi của các bài báo Nguyễn Chí Thanh-Võ Nguyên Giáp có là như thế nào, thì Nghị quyết 13 cũng rất rõ ràng về việc lãnh đạo đảng đã quyết định áp dụng một chiến lược hỗn hợp quân sự-chính trị-ngoại giao hướng tới đạt được một thỏa thuận qua đàm phán với các điều khoản thuận lợi cho người cộng sản nhưng điều này không gây ra một thất bại rõ ràng và làm người Mỹ bị nhục nhã. Quyết định này có nghĩa là lý lẽ “những cuộc chiến lớn” đã chiến thắng, bởi chiến lược mới đòi hỏi một thành công quân sự nhanh chóng và có tầm vóc lớn theo một cách nào đó nhằm mang lại cho các nhà ngoại giao phe cộng sản lợi thế mà họ cần để đàm phán một giải pháp chấp nhận được.
Quyết định của đảng có thể dự đoán theo hai nhận định sau đây: (1) Các đánh giá về mặt chính trị trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 1968 có thể khiến cho người Mỹ hướng theo một thỏa thuận như vậy, và (2) nếu người cộng sản không nhanh chóng có động thái, người Mỹ có thể tự có quyết định trước trong việc sử dụng một dạng hành động quân sự lớn nào đó (chẳng hạn tấn công ồ ạt miền Bắc Việt Nam hoặc tấn công sang Lào để cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh) nhằm phá vỡ thế bế tắc và kết thúc chiến tranh với lợi thế thuộc về Mỹ trước kỳ bầu cử.
Tháng Tư năm 1967, lãnh đạo cấp cao của Bộ Tổng Tham mưu gặp nhau để thảo luận về các đường hướng cho một kế hoạch nhằm giành một “thắng lợi quyết định” trong chiến dịch “đông-xuân” 1967-1968. Các lãnh đạo nhấn mạnh mối đe dọa, cho rằng các lực lượng cộng sản phải thọc sâu thật nhanh, trong khi Mỹ vẫn đang xem xét việc thay đổi chiến lược. (Chính vào lúc này tướng William Westmoreland vừa mới gửi một yêu cầu tới Washington đòi tăng thêm hai trăm nghìn quân, các lực lượng có thể được sử dụng cho các cuộc tấn công trên bộ vào Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoặc Lào)[10]. Lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu miêu tả tình thế như sau: “Nếu mùa hè 1967 ta không tạo được chuyển biến để giành thắng lợi thì cả hai miền Nam-Bắc sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 1968[11].”
Các sĩ quan cao cấp của Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho những người chịu trách nhiệm lên kế hoạch là trong khi làm dự thảo kế hoạch, họ cần tính đến các “yếu tố chính trị” – cuộc bầu cử tổng thống tại Việt Nam Cộng hòa vào tháng Chín năm 1967 và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng Mười một năm 1968. Ban lãnh đạo đặt ra các mục tiêu cần đạt được nhằm giành thắng lợi mong muốn: (1) “tiêu diệt” 150.000 lính Mỹ, bao gồm cả việc tiêu diệt ba trên năm lữ đoàn Mỹ, (2) “tiêu diệt” 300.000 quân Việt Nam Cộng hòa, bao gồm cả việc tiêu diệt từ sáu đến bảy sư đoàn, (3) “giải phóng” từ 5 đến 8 triệu người dân miền Nam và (4) “giải phóng” các thành phố Đông Hà và Quảng Trị, tiêu diệt các căn cứ địch tại Ban Mê Thuột và Kon Tum, và tiến hành các đợt tấn công vào Huế, Sài Gòn, cũng như thủ phủ của nhiều tỉnh[12].
Tiểu ban của Bộ Chính trị chuyên trách chiến tranh tại miền Nam gặp nhau nhiều lần trong khoảng thời gian từ cuối tháng Tư tới tháng Sáu năm 1967 nhằm xem xét kế hoạch do Bộ Tổng Tham mưu vạch ra. Ngay cả Tổng Tham mưu trưởng, tướng Văn Tiến Dũng, cũng không hài lòng với kế hoạch. Nhiều năm sau Văn Tiến Dũng sẽ nhớ lại:
“Kế hoạch đã được trình lên Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, nhưng càng nghĩ về nó, chúng tôi càng cảm thấy bất an. Kế hoạch giống như kế hoạch của chúng ta cho chiến dịch đông-xuân trước đó, khác biệt duy nhất là các mục đích cao hơn. Các mục tiêu và các chiến thuật, phương pháp đánh trận, đều vẫn giống như những gì chúng ta đã thực hiện năm trước đó, nhưng thực tế mặt trận cho thấy chúng ta sẽ không thể đạt được các mục tiêu ấy.”[13]
Theo một bộ sách của Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng Tham mưu, khi những mối quan ngại được trình bày về các khiếm khuyết của kế hoạch, tướng Nguyễn Chí Thanh, người ở Hà Nội từ đầu năm 1967, chỉ trả lời rất đơn giản bằng cách yêu cầu Cục Tác chiến tiếp tục nghiên cứu các ý đồ chiến lược với mục đích sao cho các lực lượng cộng sản có thể được đưa tới điểm nơi có thể hoàn thành các mục tiêu đã định[14].
Vấn đề có vẻ như là không thể giải quyết. Một cuốn sách của bên cộng sản Việt Nam cho biết vào thời điểm kết luận của cuộc họp Bộ Chính trị tháng Sáu năm 1967 nhằm xem xét kế hoạch của Bộ Tổng Tham mưu cho cuộc tấn công 1968, “Bộ Chính trị không thể hình dung được là một thắng lợi mang tính quyết định có thể đạt được trong năm 1968 thông qua các trận đánh quy mô lớn… Sau hai năm trực tiếp chiến đấu chống lại quân đội Mỹ… Việt Nam nhận ra rằng việc tiêu diệt hoàn toàn một đơn vị cấp đại đội hoặc tiểu đoàn… là rất khó[15].” Trong các cuộc họp của Bộ Chính trị, Lê Duẩn nhấn mạnh mối nguy của hành động quân sự mang tính quyết định có thể có từ phía Mỹ nếu không tìm ra được một giải pháp cho vấn đề giành được một thắng lợi quân sự mạnh mẽ nhanh chóng. Lê Duẩn nói, “Mỹ không còn con đường nào khác là phát huy sức mạnh quân sự. Đối phó với âm mưu này của Mỹ, ta phải đưa hoạt động quân sự lên một bước mới, đến mức Mỹ không chịu nổi và phải chấp nhận thất bại về quân sự, cô lập về chính trị. Nếu ta thực hiện được, Mỹ sẽ phải rút khỏi miền Nam[16].”
(còn tiếp)
Nguồn: Journal of Vietnamese Studies, Volume 3, Number 2, Summer 2008
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
[1] Cục Tác chiến, Lịch sử cục tác chiến 1945-2000 (xem chú thích số 12).
[2] Sđd.
[3] Trần Tình, bs., Văn kiện đảng toàn tập Tập 28, 1967 (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 2003), 112, 119-120.
[4] Phạm Thị Vinh, bs., Văn kiện đảng toàn tập Tập 26, 1965 (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 2003), 594-595.
[5] Đại tá Hồ Kháng, “Mục tiêu chiến lược của đòn Tết Mậu Thân 1968” (xem chú thích số 1). Cũng xem Qiang Zhai, Beijing and the Vietnam Peace Talks, 1965-1968: New Evidence from Chinese Sources (Washington, DC: Cold War History International Project, Woodrow Wilson Center, 1997), 19-22.
[6] Trần Tình, bs., Văn kiện đảng 1967, 125.
[7] Sđd., 147.
[8] Sđd., 153-154.
[9] Có thể xem tóm tắt về những tranh luận giữa Nguyễn Chí Thanh và Võ Nguyên Giáp trên báo chí trong tướng Phillip Davidson, Vietnam at War, 418-422, và Nguyễn, “The War Politburo,” 22.
[10] Tướng William Westmoreland, A Soldier Reports (New York: Dell Publishing, 1980), 298-299.
[11] Cục Tác chiến, Lịch sử cục tác chiến 1945-2000, phần 8.
[12] Sđd.
[13] Tướng Văn Tiến Dũng, trích từ “Tạo một bước ngoặt trong kháng chiến chống Mỹ,” Quân Đội Nhân Dân, 3/12/2004, www.quandoinhandan.org.vn/sknc/?id=1108&subject=7, (truy cập 2/1/2005), hiện nay có ở http://202.151.160.173/webqdndcu/sknc/?id=1587&subject=8. Trong bài báo này Văn Tiến Dũng cho biết các mục tiêu của kế hoạch ban đầu của Bộ Tổng Tham mưu là tiêu diệt từ ba đến năm lữ đoàn lĩnh Mỹ và từ ba đến năm sư đoàn quân đội Việt Nam Cộng hòa, giải phóng từ tám đến mười triệu người, và “tăng cường” đấu tranh chính trị tại các khu vực thành thị.
[14] Cục Tác chiến, Lịch sử cục tác chiến 1945-2000, phần 8.
[15] Hồ Kháng, The Tet Mau Than 1968 Event in South Vietnam (Hà Nội: Thế Giới Publishers, 2001), 28-29.
[16] Cục Tác chiến, Lịch sử cục tác chiến 1945-2000.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét