24/11/08

Sphinx và văn hóa Việt Nam thời toàn cầu hóa

Lời mào đầu : Về truyện chàng Œdipe, con Sphinx, phức cảm « hài tử đối dị tính phụ mẫu nhất phương đính luyến tình kết », và cái chân thứ bốn trong thần thoại Việt Nam.


Sphinx và văn hóa Việt Nam thời toàn cầu hóa

Bùi Trọng Liễu


Trước hết, tôi xin nhắc lại Sphinx là cái quái gì : Sphinx, một thú thần thoại, mình sư tử đầu người trong thần thoại Ai-cập – tượng trưng cho thần mặt trời Hamarkhis được « thể hiện » qua tượng đá khổng lồ gần Kim tự tháp của vua Ai-cập (pharaon) Khephren ; có thuyết cho rằng mặt của tượng Sphinx của mặt của chính vua Khephren. (Trong thần thoại Ai-cập còn nhiều loại sphinx khác, thí dụ như ở các đền Karnak, Louqsor, có những sphinx mình sư tử đầu cừu đực sừng cong, vv.). Tôi dùng từ sư tử theo nghĩa tiếng Việt ngày nay, nghĩa là con thú bốn chân (lion), chứ không theo nghĩa thời Lý, có lẽ chỉ con cá sấu (theo bác Hoàng Xuân Hãn trong cuốn « Lý Thường Kiệt »). Tôi không muốn dài dòng thêm.

Sphinx nhập vào văn hóa Hy-lạp, được chế biến thành con quái thần thoại đầu phụ nữ mình thú, là một quái vật phá hoại mùa màng và thích ăn thịt người, ngồi trên tảng đá cao, chất vấn khách qua đường bằng câu đố :
Vật gì sáng bốn chân đi,
Trưa hai chân đứng, chiều thì lại ba.
Ai không trả lời được thì bị ăn thịt. Cho đến một ngày, chàng Œdipe đi qua, bị hỏi câu đó, chàng trả lời : « Đó là con người : lúc còn nhỏ, chỉ biết bò nên dùng bốn chân tay ; lúc nhớn lên, đi bằng hai chân ; lúc già yếu phải chống gậy nên có ba chân ». Con quái nữ Sphinx tức giận vì có người trả lời được câu đố của mình, mới nhảy từ trên cao xuống đất tự tử chết. [Nhưng có thuyết cho rằng Sphinx còn hỏi Œdipe thêm một câu nữa : « Có hai chị em, nối tiếp sinh ra nhau. Ai vậy ? ». Œdipe trả lời : « Ngày và đêm ». Lúc ấy con quái mới nổi giận, nhảy từ trên cao xuống tự tử chết].

Chuyện câu đố này tôi có học trong sách giáo khoa ta thuở nhỏ, hình như lớp « đồng ấu », vào khoảng năm 1942; cứ tưởng là chuyện Việt Nam, lúc ấy còn thuộc Pháp, chưa có chuyện toàn cầu hóa. Sau này mới biết là chuyện thần thoại Hy-lạp !

Nhân nói đến chàng Œdipe, cũng xin kể tiếp thêm một chút : Vua xứ Thèbes chậm có con nối, mới đi cầu xin lời sấm (oracle) của thánh thần nơi Delphes. Lời sấm phán rằng sẽ có con trai, nhưng nó sẽ giết cha và lấy mẹ. Khi đứa con trai đẻ ra, hoàng hậu Jocaste sợ lời sấm, nhưng không nỡ giết con, mới đem bỏ đứa bé vào trong núi. Mấy người chăn cừu nhặt được, cứu đứa bé và dâng cho vua xứ Corinthe. Vua này và hoàng hậu không có con, nuôi Œdipe như con đẻ của mình. Lớn lên, Œdipe mới biết có lời sấm đó, chàng sợ hãi và vẫn tưởng rằng vua và hoàng hậu Corinthe là cha mẹ đẻ của mình, vội vã bỏ đi. Dọc đường, tình cờ gặp vua Thèbes, nhưng không biết là bố đẻ của mình ; do có sự gây gổ lục đục, Œdipe giết ông này, rồi đi tiếp. Rồi gặp con quái nữ Sphinx, như đã kể trên, và diệt được nó. Dân xứ Thèbes cảm ơn chàng đã trừ được con quái, mới tôn chàng làm vua, và chàng lấy hoàng hậu Jocaste mà không biết là mẹ đẻ của mình, và đẻ ra mấy con. Vài năm sau, bệnh dịch phát ra, một lời sấm khác phán rằng phải đuổi kẻ giết vua trước đi ; một thày bói mới tiết lộ sự thật trước đây. Hoàng hậu Jocaste tự treo cổ chết, Œdipe tự đâm mù hai mắt, bỏ đi và chết nơi khác. Ngày nay, trong ngành phân tích tâm lý (psychanalyse), có cụm từ « complexe d’Œdipe » [« phức cảm » Œdipe, do Sigmund Freud tạo ra năm 1910 để chỉ một giai đoạn phát triển tâm lý của trẻ em : sự gắn bó tình cảm mật thiết của nó đối với người cha/mẹ khác giới (sexe opposé) của nó. Nhân dịp cũng xin cám ơn anh bác sỹ V.Q. mách cho biết là Trung quốc có người dịch là « hài tử đối dị tính phụ mẫu nhất phương đính luyến tình kết ». Hy vọng là tôi không chép nhầm].

Mới đây, có bài « Đáp lời Sphinx hay cội nguồn sáng tạo thơ Xuân Diệu » của nhà nghiên cứu văn học Đỗ Lai Thúy đăng trên báo mạng http://vietnamnet.vn/vanhoa/2007/10/747345/ , mục Văn hóa, tôi thấy trong phần mở đầu có dẫn câu đố của Sphinx như sau : « Con gì sáng bốn chân, trưa hai chân, tối bốn chân ? ». Sao tối lại lòi ra cái chân thứ « bốn » thế này ? Chân chứ không phải đuôi đâu nhé. Tôi không hiểu, hay chưa hiểu. Nhập vào thần thoại Việt Nam thời toàn cầu hóa, được cải tiến thêm một cái chân ; kỹ thuật tiên tiến nên chống hai nạng, chứ không phải chống gậy như thuở còn nghèo ? Hay là nhầm, in nhầm ? Tôi không biết nên đành đoán mò như vậy, vì vào thời hội nhập toàn cầu, thiếu gì thứ nhập. Nhầm một chút cũng chẳng sao, sai thì sửa. Thiếu gì thứ sai rồi sửa, càng sửa lại càng sai. Còn đây là chuyện vui văn hóa, có gì quan trọng lắm đâu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét