PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1930
ĐỘC THƯ TÙY BÚT
LỜI DẪN CỦA NGƯỜI SƯU TẦM: Trên nhật báo Phổ thông ở Hà Nội, từ tháng 9.1930 thấy xuất hiện một trang gọi là Phần tòa soạn ở Nam Kỳ, trong đó có mục “Học nghệ”, dành đăng các bài Độc thư tùy bút do Phan Khôi viết.
Có thể do khó khăn về giao dịch bài vở (tòa soạn Phổ thông ở Hà Nội, Phan Khôi ở Sài Gòn) nên mục này tồn tại không lâu. Tôi sưu tầm được 7 kỳ in lại dưới đây.
L.N.A.
CÓ VÀ KHÔNG
Quốc Biểu đại huynh từ khi Tây Ninh xuống Sài Gòn, ghé thăm tôi tại nhà trọ đường Paul Blanchy. Mới vừa đặt bàn toạ lên ghế, tôi hỏi:
- Anh mạnh giỏi không?
- Không, - anh ấy vừa cười vừa đáp.
- Ở trển, anh có làm việc gì không?
- Không.
- Vợ có đẻ không?
- Không.
- Thế ra cái gì anh cũng không cả, là nghĩa làm sao?
Tôi miệng hỏi như vậy mà tay thì soạn ấm chén ra pha nước uống.
- Cái không là cái đầu hết mọi sự. Cái không là cái ứng dụng ra rất lớn. - Quốc Biểu vừa nói vừa cầm cái chén trà lên mà cắt nghĩa, - nếu cái chén này mà trong lòng nó có vật gì thì chỗ đâu mà đựng nước?
Bấy giờ tôi mau miệng nói rằng:
- Đã biết vậy, mà nếu không có cái chén thì lấy cái không ấy ở đâu mà dùng? Muốn nói ngược lại anh, tôi nói cái có là cái đầu hết mọi sự; cái có là cái ứng dụng ra rất lớn.
Hai bên trông mặt nhau rồi cả cười.
Quốc Biểu lâu nay chuyên trị Phật học, do con đường bằng tiếng Pháp mà tìm tới cõi Nát-bàn. Tôi từng nghe anh va thuyết pháp một vài lần. Lần này anh cũng đem triết lý của Phật mà rót vào tai tôi. Tôi nghe được, song le còn có chỗ cãi thì cãi đã.
Nguyên cái thuyết hư vô có từ Lão Tử. Đạo đức kinh chương I nói: “Cái không, đặt tên cho sự mở đầu của trời đất”. Chương I nói: “Thiên hạ muôn vật sanh bởi có, có sanh bởi không”. Chương XI nói: “Ba chục cái rẻ quạt chung cái bánh xe, nhằm chỗ không của nó mới có sự dùng của cái xe; quay đất sét làm đồ gốm, nhằm chỗ không của nó, mới có sự dùng của đồ gồm; làm nhà, soi cửa sổ nhằm chỗ không của nó, mới có sự dùng của cái nhà. Cho nên có đó lấy làm lợi, không đó lấy làm dùng”.
Có nhiều chỗ của Phật tương thông với Lão. Quốc Biểu lấy ví dụ về cái chén trà thì cũng như những cái ví dụ về bánh xe, đồ gốm, cửa sổ của Đạo đức kinh.
Một hôm đọc sách thấy bài Lão Tử luận của Vương An Thạch thì tôi hoảng nhiên, té ra người đời xưa đã nói trước mình rồi. Bài ấy có một đoạn rằng:
“Lão Tử biết cái không là cái làm sự dùng của cái xe, cái không là cái làm sự dùng của thiên hạ, song không biết sở dĩ nó làm dùng được là tại đâu. Cái không mà làm dùng của cái xe được, là nhờ có bánh xe và rẻ quạt; cái không mà làm dùng của thiên hạ được, là nhờ có lễ nhạc hình chánh. Ví bằng bỏ bánh và rẻ quạt của cái xe, bỏ lễ nhạc hình chánh của thiên hạ mà ngồi đó để mong sự dùng của cái không, thì cũng gần như ngu rồi!”
Cho nên tôi nói rằng: cái có với cái không giúp nhau mà sau mới sanh ra sự dùng. Một cái không mà thôi, đâu có được? Nói về hình nhi thượng thì hoặc giả cái không là đầu hết mọi sự như lời Lão Tử; song nói về hình nhi hạ, đã có cái quan niệm về sự ứng dụng, thì phải kể cái có là trước mới thông, còn như kể nội cái không thì thành ra bất thông và theo họ Vương thì cho là ngu vậy.
PHAN KHÔI
Phổ thông, Hà Nội, s.52 (2.9.1930)
HỌC GIẢ Ở ĐỜI LOẠN
Kẻ sĩ ở đời loạn mà ham học, chứa sách nhiều, không chịu mầy mà với đời, cũng là một điều nguy cho mình, chớ đừng nói tới ra mà chống báng với đời nữa. Sự đó từ xưa đã vậy.
Khổng Phụ, con cháu họ Khổng ở Khúc Phụ, sinh nhằm đời nhà Tần. Giữa khi đốt sách, chôn học trò, mà Phụ dám chứa nhiều sách của tiên nhân để lại. Trần Dư thấy vậy, lấy làm nguy cho va. Song le, Phụ ra dáng vững vàng lắm nói với Trần Dư rằng: “Tôi đeo đuổi cái học vô dụng mà chơi, ai biết tôi thì làm bạn; nhà Tần chẳng phải bạn của tôi, có nguy gì cho tôi đâu mà tôi lo?” Chuyện này thấy trong sách Tư trị thông giám của Tư Mã Quang.
Vương Thuyền Sơn, tên là Phu Chi(*), người nhà Thanh có làm một bộ sách phê bình sách của Tư Mã Quang đó, kêu là Độc Thông giám luận; về điều trên đây, họ Vương bàn rằng:
“Ôi! người mà biết làm cái học vô dụng để mở rộng lòng mình và dong chơi hồi đời loạn, người ấy nếu chẳng phải là bè bạn của thánh nhân thì đâu được thế ư?”
Kinh Thi nói rằng: “Ac túc xuất bốc, tự hà năng cốc!” (nghĩa là: Nắm thóc ra đi bói, từ đâu cho được sự an lành! Có ý là: ở vào đời loạn, đụng ra chỗ nào cũng là cái nguy cơ hết). Song le, xét cho kỹ, an lành cũng chẳng an lành, sự đó quyền ở ta mà thôi, cần phải bói làm chi?
Mình uốn cong cái đạo của mình để dọc theo một chiều với thiên hạ, thì vẫn được lợi mà cái hại cũng nấp sẵn một bên; còn đem cái đạo mình ra mà chống báng với thiên hạ, thì cái thân mình phải nguy mà đạo cũng chẳng làm ra được. Duy có giấu chứa sự đại dụng của thiên hạ mà chẳng cầu thiên hạ dùng; ai biết thì biết, ai chẳng biết mà cho là vô dụng cũng mặc ai, thế mới là quân tử. Bởi vậy Khổng thánh nhân mới khen cái ngu của Ninh Vũ tử là chẳng ai có thể bằng. Đời thế nào đó mặc đời, ta cứ giữ đạo để an mình, ghín sự giao du để lánh tục, mặc dầu ở trong vòng đạo tặc cầm thú mà cũng như ở vào đời Đường, Ngu, Tam Đại, đâu lại chẳng an lành được mà cần phải bói làm chi?”.
(Đoạn trên đó thấy trong sách Vương Thuyền Sơn: Độc Thông giám luận cuốn I, trang đầu).
Vương Phu Chi là một nhà học giả trứ danh ở vào đầu đời Mãn Thanh. Cái hoài bão của họ Vương cũng từa tựa như của Khổng Phụ ở vào hồi nhà Tần: học vấn rộng trứ thuật(1) nhiều, mà không chịu làm bạn với kẻ mình không muốn làm bạn; cho nên khi bàn tới chuyện Khổng Phụ, nói ra những lời rất tha thiết mà tỏ ý cao siêu, chẳng khác nào mượn chuyện Khổng Phụ để nói chuyện mình.
Ở đời nào mặc lòng, kẻ sĩ nếu đã biết cái học là gì thì chẳng có khi nào là vô dụng. Vô dụng, ấy là hai chữ của người không biết đã đem tặng cho; chớ còn tự kẻ sĩ ấy, tự kẻ biết học ấy, chẳng khi nào dám phỉ bạc cái thân mình và cái học của mình.
Bộ Độc Thông giám luận của Vương Thuyền Sơn đã bị cấm đi ngót hai trăm năm, đến Tăng Quốc Phiên bắt đầu in ra, thiên hạ tranh nhau mà đọc, ngày nay cũng vẫn còn có giá trị, đủ biết cái học của họ Vương chẳng phải là vô dụng đâu.
PHAN KHÔI
Phổ thông, Hà Nội, s.56 (6.9.1930)
(*) Vương Phu Chi (1619 - 92).
(1) Trứ thuật: phải đọc là trứ thuật, không phải “trước thuật” (nguyên chú của Phan Khôi).
SỰ NGAY THẬT CỦA HỌC GIẢ
Người ta ở đời chẳng có cái đức gì tốt mà đáng quý hơn là sự ngay thật. Học giả lại còn cần cái đức ấy hơn người thường. Sự ngay thật là cái cửa do đó học giả đi vào cõi thánh hiền.
Tôi thấy xưa nay có Khổng thánh là ngay thật hơn ai hết. Bất kỳ trăm sự ở đời, sự gì ngài đã tin chắc mình làm được thì nói ra một cách quả quyết; còn sự gì ngài còn chưa dám lấy làm tự tín, thì cũng khai thiệt ra, chẳng hề dối ai.
Có sao nói vậy như ngài, thế mới là ngay thật. Vẫn biết tự khiêm là một cái nết tốt, song làm người có sự tự tin thì mới ra người. Cái chỗ mình đã tự tin rồi mà nói ra không dám tỏ ý quả quyết thì lại thành ra giả dối, mất sự ngay thật đi.
Vậy mà mấy ông Tống nho giải nhời của Khổng Tử, giải sai đi hết làm mất sự ngay thật của ngài làm ngài ra giả dối. Tôi đọc sách, thấy những chỗ ấy giận lắm.
Người nước mình đã giả dối có tiếng, mà trong đám học thức, cũng lại giả dối quá người thường. Thật bụng thì kiêu căng tự phụ, coi người ta nửa con mắt, mà nói ra làm bộ khiêm nhường, theo lời tục nói, ở nhà như con tép. Cái sự tự khiêm giả dối ấy mỗi ngày một thêm lên, làm cho sự tự tín mất đi; dần dần chẳng có ai dám chịu trách nhiệm trong việc gì hết, mà ai ai cũng thành ra hiền nhân quân tử hết vì chỗ tự khiêm đó. Đó là cái bịnh di truyền mà Tống nho đã để lại.
Khổng Tử nói rằng: “Ta mười lăm tuổi mà chăm học; ba mươi mà tự lập; bốn mươi mà chẳng lầm; năm mươi mà biết mạng trời; sáu mươi mà tai thuận; bẩy mươi mà theo cái điều lòng ta muốn, chẳng hề vượt ra ngoài phép tắc”.
Ngài nói vậy là cứ thực mà lịch tự(*) sự tiến đức của mình, tuổi càng cao thì đức càng tới. Cái sự duyệt lịch của ngài đem mà nói ra, thật đáng cho chúng ta tin.
Vậy mà Trình Tử lại giải rằng: “Khổng Tử là đấng sanh ra mà biết, thế mà ngài cũng nói rằng bởi học mà đến, là để khuyến miễn người sau”.
Giải như vậy là nghĩa gì? Sao Khổng Tử nói thật sự mình, lại không chịu mà làm cho ra ngài nói dối? Cái học của ngài là cái học “vị kỷ”, ngài lo việc mình đó mà chưa xong, biết đâu người sau mà khuyến miễn? Lại còn vu cho ngài là “sanh tri”, cái đó mới quá là nói dối. Bởi vì có lần ngài đã thú thật mà rằng: “Ta chẳng phải sanh ra mà biết, bèn là kẻ hiếu cổ và siêng tìm tòi”. Ngài đã không nhận mình là sanh tri, sao lại còn vu cho ngài là sanh tri.
Trong Luận ngữ còn có nhiều chỗ ngài nói thật nữa. Như ngài nhận rằng mình chưa làm được quân tử, không dám đương cái địa vị(*) thánh và nhân, ấy bởi ngài thấy khó nên ngài nói như vậy. Thế mà những chỗ ấy, Tống nho đều giải rằng ngài làm dù được, song nói khiêm để dạy đời sau, thì tôi chẳng biết căn cứ vào đâu! Cho nên tôi có tin thì tin Khổng Tử, chớ chẳng tin Tống nho chút nào hết.
Tùy việc đáng tự nhiệm thì tự khiêm, nghĩa là ngài thấy mình làm chưa chắc được mà tự khiêm; còn việc gì ngài đã tin chắc mình được thì không còn tự khiêm nữa. Như ngài nói: “Như có ai dùng ta, giáp năm thì thấy khá, ba năm thì nên”, và rằng: “Như có ai dùng ta, ta sẽ làm nên nhà Chu ở phương Đông”. Lại có khi ngài tự phụ rằng cả đời chẳng có ai biết mình hết, chỉ có trời biết. Những chỗ ấy cũng chẳng qua là chỗ ngài nói thật, tỏ ra sự ngay thật của ngài.
Trong óc Tống nho cứ yên trí rằng Khổng Tử là thánh, rồi chỗ nào ngài cũng tự tín thì thôi còn chỗ nào ngài chưa tự tín thì lại cho là ngài nói khiêm. Cái thánh của ngài hà tất phải như vậy? Mà có lẽ ngài nên thánh là nhờ ở sự ngay thật.
PHAN KHÔI
Phổ thông, Hà Nội, s.60 (11.9.1930)
(*) lịch tự: (chưa rõ nghĩa).
(*) bản gốc là “đại vị”, ở đây tạm sửa là “địa vị”.
HẠNG QUÂN TỬ GIẢ DỐI
Người quân tử trong lý tưởng của Khổng môn thế nào, đừng tìm tòi cho lắm, chỉ đọc cuốn Idéal du sage(*) của ông Phạm Quỳnh cũng đủ thấy. Cái nhân cách của quân tử lớn lắm, chớ chẳng phải bo bo giữ lấy một vài điều vụn vặt của đạo đức mà đã làm nên quân tử đâu.
Rút bớt cái nhân cách quân tử cho nhỏ lại, ấy là từ Tống nho. Tống nho dạy người ta cũng làm như mình, thứ nhất là phải thúc thân quả quá, nghĩa là phải bó mình cho ít lỗi chừng nào thì hay chừng nấy. Tôi cho chỉ vậy mà thôi, chẳng đủ làm quân tử.
Chớ ai tưởng rằng tôi khuyên người ta nên phạm tội lỗi cho nhiều. Song tôi chỉ có ý nói rằng bó mình ít lỗi, cái đó không đủ làm quân tử, bởi vì muốn làm quân tử thì phải khuynh hướng về mặt tích cực, chớ còn nệ một mặt tiêu cực mà thôi, không đủ.
Hạng người quân tử ở nước ta mà tôi thấy, thì hầu hết là ở trong cái phạm vi của Tống nho. Họ chỉ giữ mình đừng đánh bạc, đừng uống rượu, đừng mang tiếng xấu, ấy là họ kể chắc là mình làm quân tử rồi.
Thế nhưng có phải họ giữ mình thật được như vậy đâu. Trong đám họ có nhiều người giả hình lắm. Tôi biết chán. Tức như ông Mỗ, ban ngày làm bộ đạo mạo, mà tối thì lại đi kiếm gái cả đêm. Họ thích gái thì đi kiếm gái, cái đó tôi không trách; trách là trách đã vậy sao còn làm bộ đạo mạo.
Tôi ghét họ một điều thứ nhứt là “sợ mang tiếng”. Chỗ đó thật tỏ ra là tiểu nhân đặc. Cho nên tôi đoán họ sở dĩ giữ mình như vậy là chỉ sợ mang tiếng mà thôi; nếu khi họ thấy là không ai biết việc mình làm, mình chắc khỏi mang tiếng, thì việc bậy gì họ chả làm? Ban đêm đi kiếm gái, ấy là việc mà họ tưởng rằng không ai biết, họ sẽ không mang tiếng đâu, cho nên họ làm. Ấy là hạng quân tử giả dối.
Người quân tử thật, thì giữ ở chỗ một mình mình biết theo thánh nhân, gọi là “thân đọc”. Việc gì cho là không đáng, cho là trái với lương tâm thì dầu không ai biết không mang tiếng, cũng không làm.
Tôi tưởng, hết thảy mọi sự chơi bời, nếu trên đời chẳng có thì thôi, đã có thì mình nhúng vào, cũng chẳng hại chi, miễn là không chìm đắm ; cái hạng người vào đâu bị đắm đó, thôi còn nói chi nữa. Chớ còn cố mà tuyệt mọi sự ấy, không dám lại gần, tôi cho là người non gan, tầm thường, sợ thì giữ gìn như vậy cũng phải, nhưng nội bấy nhiêu mà đòi làm quân tử thì đâu được? Quân tử đâu có dễ như vậy? Khổng Tử, ngài còn coi mọi sự ấy như không. Ngài có kể ra mấy cái đức ngài không có mà một là “không bị rượu làm khốn”. Lại học trò ngài cũng nói thật rằng ngài uống rượu không biết mấy mà kể, duy chẳng đến nỗi say mà bậy bạ. Đừng bậy bạ thì thôi, chớ sau thì Khổng Tử cũng say. “Duy tửu vô lương, bất cập loạn”.
Đại triết Hy Lạp là Socrates cũng vậy. Ngài ăn ở cực kỳ là kham khổ, ấy là cái tánh ngài tự nhiên, chứ không phải cố ý. Socrates chẳng hề khi nào đi kiếm rượu thịt, song gặp mà từ chối không được, thì cũng lại ăn lại uống như người thường. Ấy là theo trong bổn truyện ngài có chép.
Nhân tôi đọc truyện Socrates, lại nhớ đến trong Luận ngữ có chép về mấy điều Khổng Tử đối với sự uống rượu đã dẫn như trên, mà tôi thấy ra các bực thánh triết đời xưa không có bó mình trong những cái tiểu tiết như Tống nho, như người quân tử đời bây giờ. Sự bó mình đó tôi không phản đối; tôi phản đối những người nào chỉ biết bó mình hoặc làm bộ bó mình mà dám tự cao mình là quân tử.
PHAN KHÔI
Phổ thông, Hà Nội, s.64 (16.9.1930)
(*) Tên sách đầy đủ: L’ Idéal du sage dans la philosophie confucéenne (Lý tưởng hiền nhân trong triết học Khổng giáo, 1928).
NÓI THẾ NÀO LÀ KHIẾM NHÃ
Tục ta, trong khi nói chuyện hay viết văn, phải giữ từng lời từng chữ, hớ ra một chút thì kẻ nghe đã cho là “khiếm nhã”. Hai chữ “khiếm nhã” thật chẳng biết lấy đâu làm giới hạn; vậy thế nào là “khiếm nhã”?
Khi nói hay viết mà thật có ý dùng lời thô bỉ thì cho là khiếm nhã cũng còn có thể được. Chứ như người nói, nói một đường, kẻ nghe, nghe ra một ngả, lấy cái ý xỏ xiên mà hiểu cái lời ngay thẳng, rồi cho là khiếm nhã thì thật là kỳ quái.
Về triều Tự Đức, thi hương tại Huế, khi nào phúc hạch, trong quyển người kia có một câu là “vi thiên tử chi ấp” bị quan trường đánh “khiếm nhã”, rồi người ấy rớt bay.
“Vi thiên tử chi ấp”, tác giả có ý chỉ tỉnh Thanh Hóa là làng của vua, như vậy có hại gì đâu? Vậy mà quan trường hiểu ra nghĩa khác, hiểu rằng “ là người ôm ấp” của thiên tử (!) nên mới đánh là khiếm nhã. Nói vô lý như thế mà làm cho người ta hỏng đi, ác quá!
Lại như ở Nam kỳ, người ta không kêu bằng “các thầy” mà kêu bằng “mấy thầy”, cũng là sợ khiếm nhã mà kêu như thế. Người ta biểu rằng “các thầy” mà nói lái lại “cầy thác”; cầy thác tức là chó chết, vậy nói “các thầy” cũng như nói “chó chết”, cho nên người ta tránh đi mà không nói.
Các thầy mà nói ra mấy thầy thì sai nghĩa, vì mấy thầy chỉ là một phần trong các thầy mà thôi, cũng như trong tiếng Pháp, khi nói “les maitres” với khi nói “des maitres” có nghĩa khác nhau, thế mà người ta chỉ sợ sự khiếm nhã chớ không sợ sự sai nghĩa!
Cái cách hiểu như vậy là do sự xấu bụng mà ra. Mình có bụng xấu trước, rồi mới ngờ vực hay là thêu dệt lời người ta ra cho xấu như bụng mình. Nếu cứ theo cách bới móc của người xấu bụng đó thì lời của thánh hiền đời xưa, thành ra khiếm nhã hết, nhứt là của Khổng Tử!
“Tử Du hỏi hiếu.
Thầy rằng: đời nay mà kêu là hiếu, ấy là chỉ kẻ hay nuôi cha mẹ. Vả cho đến chó và ngựa nữa mà mình cũng còn nuôi nó được thay; vậy nếu nuôi cha mẹ mà chẳng kính, thì lấy gì để khác với nuôi chó, ngựa?” (Luận ngữ, vi chánh).
Đó, giá trong chúng ta đây có ai nói như Khổng Tử đó kẻ nghe đã nhao nhao lên cho là khiếm nhã rồi. Mà câu này có lẽ lại phạm tội gì nặng hơn tội khiếm nhã nữa, vì đã rõ ràng đem sự nuôi cha mẹ mà sánh với sự nuôi chó ngựa, ấy tức là đem cha mẹ sánh với chó ngựa!
Lại một chỗ nữa, có mấy người ẩn sĩ trách ngài sao có đi lăng xăng lo cứu đời làm chi. Khổng Tử ngậm ngùi mà nói rằng: “Duy có chim muông thì mới không bầy bạn với chúng nó được; chớ còn dân này, nếu ta không cùng ở với họ thì với ai?” (Luận ngữ, vi tử).
Mấy nhời ngài nói đó nếu nói ra giữa xã hội này thì chắc sẽ bị đồng bào ồ lên mà quở trách. Đồng bào sẽ nói rằng: sao lại đem điểu thú mà nói chung với một dân tộc? Sao lấy con gà, con chó mà nói xấp nhập với anh em con Rồng cháu Tiên? Quở trách như vậy rồi đồng bào sẽ nổi lên mà “tẩy chay” người nói đó, làm cho điêu đứng đi, làm cho phải rúc vào núi vào rừng mà ở với chim muông thực sự, để phạt cái tội nói khiếm nhã! Cho nên, thật ăn chung ở lộn giữa dòng dõi vua Hùng Vương này mà nói năng có dễ chi!
Lại còn Khổng Tử ngài cũng có nói “hiếu đức như hiếu sắc”. Thế là ngài cũng nhận cho sự hiếu sắc là cái thiên tánh của người ta, làm đàn ông thì ai cũng ưa sắc đẹp của đàn bà. Nhưng mà, theo các ông quân tử của chúng ta thì nói như vậy là tiết áp, là giọng phong tình, người quân tử không hề nói.
PHAN KHÔI
Phổ thông, Hà Nội, s.72 (26.9.1930)
TỪ ĐÂU NGƯỜI MÌNH KÊU NGƯỜI TÀU LÀ “CHỆT”?
Người Việt Nam ta thường kêu người Trung Hoa bằng người Tàu, người Khách, lại cũng kêu bằng Khách Ngô, các chú; những danh từ ấy đều có lai lịch, đều có thể cắt nghĩa cho thông được hết. Duy có tiếng “Chệt” hay là “chiệt”(*), người mình cũng có dùng để kêu họ nữa, tiếng nầy thì chẳng biết từ đâu ra, có nghĩa chi.
Có người nói rằng chữ “Chệt” hay là chữ “Chiệt” đó có lẽ do chữ “Chiết” mà ra. Bên Tàu có tỉnh Chiết Giang từ xưa người tỉnh ấy hay sang xứ ta, nên ta kêu người Chiết mà trái ra là “Chệt” hay “Chiệt”.
Đó là nói ước chừng, chẳng có dựa vào bằng chứng đâu cả. Mà cứ theo sự thực lại không đúng. Vì tỉnh Chiết Giang ở gần Thượng Hải về miền bắc Trung Hoa, người tỉnh ấy ít qua xứ ta lắm; người Tàu sang xứ ta nhiều nhứt là người Quảng Đông và Phúc Kiến, vậy thì nếu ta có lấy tên tỉnh mà kêu chung người Trung Quốc thì sao không lấy tên hai tỉnh này mà lấy tên Chiết Giang?
Người cái thuyết ước chừng mà không có thể nghe được ấy, chưa thấy ai giải thêm một nghĩa nào khác.
Tôi đọc bộ sách Đông Dương sử, thấy có một chỗ nói về cái tên người Tây dùng mà kêu người Tàu đời xưa, thì tôi sực nhớ lại chữ “Chệt” hay là “Chiệt” ấy, dường như hai đàng có quan hệ với nhau thì phải. Tôi bèn viết ra đây để làm một cái tài liệu cho nhà sử học dựa theo mà nghiên cứu nếu lời của tôi có ít nhiều giá trị.
Tôi phỏng định rằng tiếng “Chệt” hay là “Chiệt” ta dùng mà kêu người Tàu ấy, là do tiếng Tây mà ra. Chữ “tiếng Tây” tôi dùng đây, là chỉ về tiếng của một nước trong Âu châu đời xưa, không biết rõ là nước nào, có lẽ là nước La Mã (Rome).
Sách Đông Dương sử nói rằng: Nguyên bên Tàu đời xưa hồi La Mã đế quốc thì những hàng tơ lụa của Trung Quốc đã được đem vào Âu châu. Người Tây kêu thứ hàng tơ lụa ấy bằng “serge”. Nhân đó họ kêu đất Trung Quốc là “Serica” và kêu người Trung Quốc là “Seres”.
Trong chữ “serge” đó, phần nửa trên, “ser”, là do chữ “tăng nhi” của Tàu mà ra; phần nửa dưới, “ge” là cái ngữ vĩ (terminaison) của Tây thêm vào. Còn “Serica” nghĩa là xứ đất sanh sản ra thứ “ser” ấy vậy.
(Tiếng Pháp bây giờ cũng có chữ “serge” để kêu một thứ hàng dệt, song hàng này bằng lông, không phải tơ).
Nếu vậy thì đời xưa vào khoảng trước và sau Gia-tô giáng sanh người phương Tây kêu người Trung Hoa là “Seres” chớ không kêu bằng “Chinois” như bây giờ. Chữ “Seres” ấy mà đọc mau thì gần như “xẹt” trong tiếng ta và “xẹt” thì có thể chuyển sang “Chệt” và “Chiệt” dễ lắm.
Lại tại làm sao mà chữ “Seres” của Tây dùng mà kêu người Tàu đó lại truyền sang xứ ta? Cũng cứ theo sách Đông Dương sử có chép những sự tích như vầy:
Năm 162 theo Tây lịch, người La Mã chiếm được miếng đất chỗ vịnh Ba Tư bèn do đó đi vòng Ấn Độ Dương thẳng đến biển Trung Quốc. Vị sứ thần của La Mã sai qua đó đi đã mấy năm mới đến Giao Chỉ. Theo như Hán thư chép, thì năm thứ 9 hiệu Duyên Hy, đời vua Hán Hoàn đế, vua nước Đại Tần sai sứ đến Nhật Nam dâng những ngà voi, u tây và đồi mồi. Âu châu với Á Châu mà giao thông với nhau bằng đường biển là bắt đầu từ đó (Đại Tần tức là La Mã).
Sau đó vào đời Tam Quốc, năm thứ 5 hiệu Hoàng Vũ nhà Ngô (227) cũng có người lái buôn nước Đại Tần đến Giao Chỉ.
Coi đó thì đời xưa người Tây người Tàu giao thông với nhau là lấy nước ta làm đường đi băng. Bởi vì, cứ như sử chép đó, Giao Chỉ tức là đất thuộc về Bắc kỳ ta bây giờ, còn Nhật Nam tức là đất thuộc về Trung kỳ ta bây giờ vào đâu đỗi Quảng Nam và Huế. Mà đời bấy giờ nước ta làm thuộc địa Tàu, cho nên Tàu với Tây cứ việc tự do lấy các phụ đầu(*) của nước ta làm chỗ giao thông, khỏi phải nộp món thuế kinh quá(**) lôi thôi như bây giờ vậy.
Người Tây đời bấy giờ đã do đất ta mà giao thông với Tàu, và bấy giờ họ lại kêu người Tàu là “Seres”, vậy thì trong khi họ lưu trú ở đây, ta cũng bắt chước tiếng của họ mà kêu người Tàu là “xẹt” rồi lâu trại bẹ, thành ra “Chết” hay là “Chiệt”, ấy là sự có thể lắm.
Nếu quả vậy thì tiếng “Chệt” của ta có lâu lắm; có gần đến hai ngàn năm nay.
PHAN KHÔI
Phổ thông, Hà Nội, s.80 (5 và 6.10.1930)
(*) nói theo giọng đồng bằng Bắc Bộ là Chiệc.
(*) phụ đầu: bến sông, cảng biển.
(**) kinh quá: đi qua.
LUẬN NGỮ CỦA TỐNG NHO
Từ các ông Tống nho đem các kinh truyện của thánh hiền ra mà chú thích lại hết, về sau các nhà vua bắt học trò phải theo đó mà học; bên Tàu cũng vậy, bên ta cũng vậy. Cho nên, cứ như con mắt kẻ học ở nước ta hồi trước, thì lời thánh nhân khó hiểu, phải nhờ tiên nho đưa đường dắt lối cho mới hiểu được. Mắt thấy thế nào, óc tin thế ấy, ai ai đều nghĩ rằng lời tiên nho tức là lời thánh nhân. Song le, đó là khi mình còn làm nô lệ người đời xưa thì tin cho là như vậy; nếu khi tư tưởng mình đã được độc lập, đối với mọi sự ở thế gian mình biết mở cái mối hoài nghi và tự do nghiên cứu, thì cái tia sáng của chơn lý sẽ bày ra trước mắt mình.
Tức như một sách Luận ngữ, kể nội bài cái mà thôi, thì là sách Luận ngữ của thầy trò Khổng thị; còn kể cả bài con, theo như Chu Hy chương cú, thì phải nói ấy là sách Luận ngữ của Tống nho. Vì những bài con của họ Chu dùng mà giải bài cái đó, thấy ra có nhiều chỗ quyết là không đúng với ý bài cái.
Gần nay tôi bắt đầu đọc lại bộ Luận ngữ từ đầu đến cuối, sau khi tôi lấy nội những bài cái đem so sánh nhau, rồi tôi mới dám đoán quả là như thế.
Chương đầu hết, Khổng Tử nói “Học nhi thời tập chi”. Chu Hy giải rằng: “Học chi vi ngôn hiệu dã hậu giác giả hiệu tiên giác chi sở vi dã”. Nói nôm ra là: “Chữ “học” nghĩa là bắt chước, kẻ biết sau bắt chước cái điều mà kẻ biết trước đã làm”.
Chữ “học” mà cắt nghĩa ra như vậy, nghe thật mênh mông quá. Bắt chước là bắt chước cách làm sao? Làm như thế nào thì kêu bằng “bắt chước”?
Tôi bèn lấy hết thảy những lời thánh nhân nói trong Luận ngữ, những chỗ có quan hệ với sự học, đem ra mà đối chiếu, thì thấy ra ngài kêu bằng “học” đó, không phải là “bắt chước” như lời chú thích của Chu Hy.
Đây chỉ lấy chứng cớ ra một ít mà thôi cũng đủ. Có chỗ Khổng Tử nói: “Hưng ư Thi, lập ư Lễ, thành ư Nhạc”; lại nói: “Chí ư đạo, cư ư đức, y ư nhân, du ư nghệ”; lại nói: “Nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ… hành hữu dư lục, tắc dĩ học văn”; lại có lần ngài bảo con trai của ngài phải học kinh Thi và kinh Lễ. Ta lấy những lời ngài đó mà hội thống lại, có thể cấp cho chữ “học” một cái định nghĩa như vầy: “Học, tức là làm các việc theo bổn phận mình phải làm và nhứt là phải đọc sách”.
Có lẽ sự học hồi Khổng Tử cũng chẳng khác sự học ngày nay là bao nhiêu, nghĩa là lấy sự đọc sách làm một phần lớn trong công phu học vấn. Cái giả thuyết (hypothèse) đó có một câu trong Luận ngữ đem làm chứng vững vàng được, là câu Tử Lộ nói: “Hà tất độc thư, nhiên hậu vi học?” Nội một câu đó tỏ ra rằng đời bấy giờ dầu trong cửa Khổng đi nữa, người ta cũng cho sự đọc sách tức là học đó, nên Tử Lộ mới bác đi mà nói như vậy chớ. Vậy mà giải nghĩa “học” là “bắt chước” thì thật chẳng biết họ Chu căn cứ vào đâu mà nói thế?
Đến như câu ngài nói: “Xảo ngôn, lệnh sắc, tiển hĩ nhân”, ý ngài thật là rõ ràng lắm. Chẳng qua ngài nói rằng: trong những người có lời nói khéo léo, đáng mặt hiền lành, thì ít có kẻ nhân. Trong đám đó, hoặc có kẻ nhân, chửa biết chừng; nhưng dầu có cũng có ít lắm. Chỗ khác ngài nói: “Cương nghị mộc nột cận nhân”. Mộc nột nghĩa là thật thà chất phác. Bởi những người thật thà chất phác gần với nhân, cho nên trong đám người xảo ngôn lệnh sắc ít kẻ nhân là phải. Bên này ngài nói ít, chớ không phải tuyệt nhiên không có, cũng như bên kia ngài nói gần, chớ không nói mộc nột tức là nhân.
Vậy mà dưới chương đó, Chu tử giải rằng: “chuyên ngôn tiển, tắc tuyệt vô khả tri”, nói nôm là “Tuy ngài chỉ nói ít mà thôi song có thể biết rằng tức là không trơn vậy”. Giải như vậy thì kỳ quái quá! Sao Khổng Tử chỉ nói ít mà thầy Chu lại nhè bẻ hầu vặn họng ngài, bắt phải nói “không trơn”?
Lời thánh hiền đời xưa nói ra có mực có thước, thấy tới chừng nào thì nói chừng nấy, ấy là cái chỗ ngay thật của thánh hiền, mà Tống nho lại làm cho mất sự ngay thật ấy đi, là nghĩa làm sao?
Cứ trong một sách Luận ngữ, chỗ nào thấy là ít thì nói tiển hĩ. Như: “Dân tiển năng cữu hĩ” và “Dĩ ước thất chi giả tiển thì”, những chỗ ấy cũng đồng một ý như trong chương nầy, vì ngài thấy là ít thì ngài nói ít.
Cũng theo Luận ngữ, có một chỗ chỉ rõ ra rằng hễ ít thì nói tiển hĩ, còn không trơn thì phải nói “vị chi hữu dã”, nghĩa là chưa hề có. Tức như Hữu Tử nói: “Kỳ vi nhân dã hiếu đễ, nhi hiếu phạm thượng giả tiển hĩ; bất hiếu phạm thượng nhi hiếu tác loạn giả vị chi hữu dã”. Câu ấy chỉ ra rằng: Trong hạng người hiếu đễ, hoặc giả còn có kẻ ưa phạm thượng chăng, nhưng mà ít lắm; chớ còn đã chẳng ưa phạm thượng mà lại ưa tác loạn thì hạng người ấy thật là không trơn, chưa hề có bao giờ.
Vậy nếu đức Khổng ngài nghĩ rằng trong hạng người xảo ngôn lệnh sắc, tuyệt nhiên không có kẻ nhân ở trong, thì thế nào ngài cũng phải nói rằng: “Xảo ngôn lệnh sắc nhi nhân giả, vị chi hữu dã” mới phải. Nay ngài đã nói tiển hĩ, mà nhà chú thích lại cắt nghĩa là tuyệt vô, thì thật là ngang quá ghẹ!
Cho nên tôi nói rằng sách Luận ngữ có Chu Hy chương cú đó là Luận ngữ của Tống nho. Nếu theo sách ấy mà tìm đạo Khổng thì e rằng khó mà thấy đạo Khổng chân thật.
PHAN KHÔI
Phổ thông, Hà Nội, s.81 (7.10.1930)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét