27/11/08

PHAN KHÔI: Nhân vấn đề quốc học kéo qua vấn đề khác

PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1931

Nhân vấn đề quốc học
kéo qua vấn đề khác



I. SỰ NGAY THẬT CỦA HỌC GIẢ TRONG KHI BIỆN LUẬN

Đáp lại bài Bàn về quốc học của tôi, trong Đông tây từ số 106 đến 108, ông Lê Dư có bài Nước ta có quốc học.

Tôi nói không có quốc học, ông Lê nói có quốc học, ấy là sự tương phản đến cực đoan. “Ông Lê nói có, thì phải đem chứng cớ ra”. Ấy là điều thiết yếu hơn hết mà trong bài trước của tôi, tôi đã nói. Nhưng đọc suốt bài “thanh minh” ông Lê đăng luôn ba số báo, chưa được thấy cái gì là cái chứng cớ đích xác của ông. Vẫn biết những chứng cớ ấy không có thể tỏ ra bằng những bài trên báo, thế nào cũng phải chờ đợi để thấy nó trong Việt Nam văn học sử cùng những Chu An hay là Nguyễn Bỉnh Khiêm, sách của ông sắp xuất bản. Nhưng nếu có thì tóm tắt nó lại trong năm ba hàng, là những chỗ cốt yếu, để chúng tôi thấy sớm một chút cho khoái thì cũng có thể được chứ. Tiếc ông Lê không chịu làm!

Thế thì về vấn đề quốc học có hay không, là sự biện luận giữa chúng tôi, hiện nay chưa giải quyết được. Mà phải đợi đến ngày những sách của ông Lê xuất bản rồi mới giải quyết.

Lại mới rồi, trong Nam phong số 163, ông Phạm Quỳnh cũng có một bài về vấn đề này. Giá như mượn bài ông Phạm làm viện binh cho tôi thì tốt lắm; nhưng tôi không dám! Vì hôm trước, ông Lê đã cho tôi, trong khi dẫn lời ông Phạm Quỳnh và ông Trịnh Đình Rư, là đem cái đảng “nói không” của mình ra để chống cự ông. Nhưng, đừng ỷ đông với ông, ông không sợ đâu! Phải! Tôi dẫn lời hai ông ấy là cốt để tỏ ra cái dư luận phân vân, chứ không có ý viện đảng. Tôi biết, ở trong trường chánh trị thấp thỏi mới trọng ý kiến phần đông; chứ trong học giới, trọng lẽ thật, không trọng phần đông, vì lẽ thật lắm khi không ở bên phần đông vậy. Cũng bởi không muốn mắc cái hiềm nghi viện đảng, rày về sau tôi có đi, tôi đi độc một mình.

Tôi có động lòng là vì trong bài ông Phạm dầu cho cuộc biện luận này là có lý thú, nhưng lại nói: quốc học có hay không, là sự rành rành ra đó, chi đến nỗi người nói có, kẻ nói không? Theo lời ông Phạm, cuộc biện luận giữa hai chúng tôi lý thú đâu không thấy, chứ ý chừng là dư sự!

Bởi vậy mà tôi toan dẹp vấn đề này lại, một có ý chờ xem chứng cớ ông Lê sẽ đem ra sau đây. Nhân đó, tôi kéo qua vấn đề khác, lại tưởng là hữu ích.

Việc mới rồi là một cuộc biện luận. Tôi xin nói về sự ngay thật trong khi biện luận. Tôi muốn độc giả đừng coi bài này và những bài tôi sẽ viết theo đây là phản bác lại ông Lê, nhưng chỉ coi là một vài cái ý kiến tôi đem cống hiến cho độc giả.

Phàm biện luận, theo phép, khi nhắc lại những lời của người mà mình biện luận với, thì phải nhắc cho thật đúng, đừng làm sai lạc cái nguyên ý của họ đi. Ấy là sự ngay thật mà người biện luận buộc mình phải giữ. Người biện luận nếu là đám học giả với nhau, thì lại càng nên giữ gắt hơn nữa. Bởi vì, sự biện luận giữa bọn chánh khách hoặc ký giả nhà báo, có nhiều khi vì lợi mà vất sự ngay thật đi; đến như bọn học giả, chỉ vì lẽ thật mà biện luận, nếu không giữ cho ngay thật thì ra tuồng như mình vì lợi.

Tôi có khi nào lại ngờ cho ông Lê vì lợi trong cuộc biện luận này. Mà trong này có lợi gì đâu! Thế nhưng rủi cho ông Lê vô ý mà làm mất sự ngay thật của học giả đi. Ấy là ông đã nhắc lại những lời của tôi mà phần nhiều sai lạc, làm cho mất cái ý của tôi muốn nói.

Chỗ mở vào bài, ông Lê dẫn lại mấy câu như vầy mà nói của tôi:

“Nước ta từ xưa đến nay không có cái gì đáng gọi là cái học nữa: cái học của ta chỉ ở trong phạm vi cái học của Tàu, thiếu vẻ đặc biệt, không đủ kêu là quốc học; chúng ta phải hô lên cho người ta biết rằng: nước ta không có quốc học”.

Tôi phải lấy làm lạ hết sức! Trong bài Luận về quốc học của tôi không có đoạn văn nào y hệt như đoạn ông dẫn đó!

Theo phép viết, dẫn lời người khác vào bài mình có hai cách. Một là dẫn y: lời họ thế nào, mình lắp lại như thế, đến một cái chấm, cái phết cũng không bỏ; khi như vậy thì có dùng dấu ngoặc “…..”, tỏ ra rằng bao nhiêu lời trong dấu ngoặc ấy là lời của người mình dẫn. Hai là dẫn lược: mình tóm đại ý của người mình muốn dẫn mà đặt thành câu của mình; như vậy thì không dùng dấu ngoặc, vì lời của họ không ở trong đó. Lại cũng theo phép viết nữa, khi dẫn lời ai mà mình lược bớt đi thì phải dùng dấu chấm giây (…) để thay vào chỗ lược bớt ấy.

Trái với phép viết trên đây, ông Lê có dùng dấu ngoặc mà lại không dẫn y lời, lược bớt lời của tôi mà lại không dùng dấu chấm giây.

Độc giả có kẻ phì! Không phì thì xuỵt! … Chi thứ cái đó, có quan hệ với đại thể của vấn đề này đâu mà nói cho thêm rộn? Thế kêu bằng “khắc” vặt!

Ấy không quan hệ lắm chứ! Dẫn mà như ông Lê thì làm cho ý của tôi ra thế khác, cái thế khác ấy ông Lê có thể bẻ bác được. Nếu lời của tôi thật như ông dẫn đó thì ông Lê bẻ bác chẳng là phải đi còn chi!

Nguyên văn của tôi như vầy: “Đừng nói cái học của ta chỉ ở trong phạm vi cái học của Tàu, thiếu vẻ đặc biệt, không đủ gọi là quốc học. Cho đến chịu giống với Tàu đi, là ở nước ta cũng không có một cái học phái nào thành lập hẳn: vậy thì chữ “học” đã chẳng có, chữ “quốc” còn nương dựa vào đâu?”

Trong đoạn đó, tôi trọng tại chữ “đừng nói” và chữ “chịu giống”. Lập ra hai ý, tôi đã bỏ hẳn ý trên mà lấy ý dưới. Vậy mà ông Lê sửa nguyên văn của tôi đi, rồi nhận cho tôi nói như vầy: “Cái học của ta chỉ ở trong phạm vi cái học của Tàu, thiếu vẻ đặc biệt, không đủ kêu là quốc học”. Như vậy té ra cái ý mà tôi đã bỏ, ông trở lấy và cho là của tôi. Như vậy té ra cái mà tôi phủ định, ông lại nhè cho là tôi khẳng định. Thật của tôi trắng mà ông làm ra đen, của tôi cái mà ông làm ra đực!

Ông đã xoay cái ý của tôi ra thế khác rồi lập lên làm luận điểm thì tài chi ông chẳng biện bác được nhiều? Nhiều mà vô vị! Những câu đâm lại tôi: “Phục chế của ta chỉ ở trong phạm vi phục chế của Tàu, thiếu vẻ đặc biệt, không đủ gọi là quốc phục” thật là đâm trật đi đâu hết! Bởi vì cái đó tôi đã bảo rằng “đừng nói” rồi, tôi đã bỏ rồi, tôi đã phủ nhận rồi, như tôi đã lánh đi không ở chỗ đó rồi mà ông còn nhè đó mà bắn, thì có phải là phí đạn không?

Lại một đoạn ông Lê nói: “Ông Phan Khôi nói cái học của ta chỉ ở trong phạm vi cái học của Tàu, thiếu vẻ đặc biệt, không đáng gọi là quốc học, theo như ý ông thì ông phải làm người Tàu, người Hy Lạp, người La Mã, ông mới dám tự nhận là có quốc học”. Một đoạn đó, ông Lê võ đoán đến cái ý của tôi mà không trúng chút nào hết, là bởi cái câu của tôi mà ông đem lập làm luận điểm trên đó đã sai rồi. Lỗi là tại ông đã đào sâu chôn chặt những chữ “đừng nói, chịu giống” của tôi đi mà không dẫn tới!

Tôi soát lại cả bài của ông Lê, những chỗ dẫn lời tôi đều không y nguyên văn mà lại đều dùng dấu ngoặc. Sự ông làm đó trái với phép viết, cũng trái với phép biện luận nữa. Duy những chỗ khác dầu không y mà chẳng đến nỗi làm ra khác ý như chỗ tôi chỉ trích ra trên đây. Chỗ chỉ trích trên đây theo phép biện luận, quả là sự không ngay thật, sự mà nhà học giả coi là điều cấm kỵ.

Ai không ngay thật trong khi biện luận, dẫn lời bên đối phương mà làm sai ý đi, là chỉ để cho mình có chỗ chặn mà nói cho thẳng. Nhưng, về ông Lê, tôi không khi nào ngờ ông có ý ấy. Tôi tin ông vì cực chẳng đã, muốn tỏ sáng lẽ thật, mới viết mà biện luận cùng tôi, chứ ông há lại tranh thắng phụ với tôi làm chi? Ấy là điều, tôi tưởng vì ông vô ý.

Nhưng, ở đây chúng tôi đương bàn về sự học. Vậy thì gặp việc gì có quan hệ với sự học nhiều ít, ta nên bắt lấy mà nói kẻo bỏ uổng. Vì nghĩ vậy, tôi còn nhân đó mà kéo luôn qua mấy vấn đề khác nữa.

PHAN KHÔI

Đông tây, Hà Nội, s.117 (24.10.1931)

II. HAI VĂN HÓA NHẬT VỚI TA

Ông Lê cho rằng hễ đã có nước thì phải có quốc học. Nước lớn thì có hầm khoán (?) quốc học lớn, nước nhỏ thì có hầm khoán quốc học nhỏ. Nước ta, đem diện tích và lịch sử tỉ với Nhật Bản thì không kém họ, cho nên về quốc học cũng không kém.

Tóm lại, trong ý ông Lê cho rằng văn hóa nước ta từ xưa vẫn đối địch ngang với Nhật Bản, chứ mình không thua kém gì họ.

Cái ý ấy, ông Lê nói ra toàn bằng một cách trừu tượng (abstrait) cả; chưa hề thấy một chỗ nào đúng cách cụ thể (concret) mà giãi bày rõ ràng ở trong bài của ông. Thật vậy, ông cứ nói mình bằng họ mình không kém họ, cái chỗ không kém ở đâu, thì khó mà làm cho tôi tin được vậy.

Cái cách khoa trương cho nước mình mà thất thực đi như vậy, tôi tưởng là không ích gì cả mà luống có hại đó thôi. Cũng như trước kia, có một lần ông Lê nói rằng: “Văn học nước ta không kém gì các nước” mà chưa thấy ông dựa vào đâu để lập lời phán đoán ấy cho vững chãi. Thật tôi nghe qua mà lấy làm lo sợ quá!

Lo sợ vì những lời của ông đó nếu không có căn cứ vững vàng mà đụng đâu khoa trương đó, thật cũng đủ bồng cái lòng kiêu phù hư ngụy của quốc dân lên. Cái gì chứ sự kiêu phù hư ngụy ở nước ta không phải là không có đâu, mà ngày nay, ta còn hòng đem hột giống ấy vãi vào cõi tư tưởng nữa.

Trong đám thanh niên, tôi thấy có người đem ông Nguyễn Du nhà ta mà sánh với ông Victor Hugo nước Pháp. Thật họ cả gan quá, và cũng bởi điếc không sợ súng mà ra! Phải chi họ thấy rõ cái học nghiệp ông Nguyễn Du ra sao, họ đã đem ra so sánh từng bài thơ một, từng cuốn sách một, thì họ đâu có nói bướng đến như thế?

Cái thói kiêu phù hư ngụy ấy, tôi muốn rày về sau, chớ để nó còn dính bợn trong óc chúng ta. Toan lấy sự ngay thật làm nền cho cái thực học sau này, nên từ đây, trong sự học, chúng ta phải biết người biết mình cho lắm; mà hễ đã biết thế nào phải nói ra như thế.

Về văn hóa của nước ta với của nước Nhật Bản, bỏ cái khoảng cận đại đây mà chuyên nói về đời cổ, theo tôi xét, là ta cũng chưa chắc bằng họ đâu. Trong bài này tôi muốn lấy ra một đôi điều chứng cớ rất quan hệ trong sử sách mà chỉ vạch chỗ đó cho người ta biết.

Nước nào có cổ văn hóa thì sự tiến hóa của nước ấy vì có gốc mà chóng phát đạt hơn, cũng như nhà nào có di sản của ông bà để lại thì sự làm ăn có phần dễ hơn. Nước ta, nếu cái cổ văn hóa ấy không bằng Nhật Bản thì lại cũng như một nhà thanh bần từ trước, con cháu nhà ấy nên lo làm gấp sức hơn nhà khác cho được bằng người, chứ cái đó chẳng phải là sỉ nhục gì mà giấu giếm.

Đại phàm một dân tộc nào có văn hóa đứng đắn, hồi mới phát tích ra, cũng đều có những thần thoại (mythe) và truyền thuyết (leênde). Những thần thoại truyền thuyết ấy hay kể lể chuyện phát tích của dân tộc ấy và sự sinh hoạt của đám sơ dân họ ra sao. Nền văn học hay là cả đến nền văn hóa của dân tộc ấy về sau toàn là do những thần thoại và truyền thuyết ấy mà vẽ vời ra cả. Ấy là cái công lệ của lịch sử. Bất kỳ nhà làm sử nào muốn chép văn hóa sử của một nước nào, cũng phải truy nguyên đến thần thoại và truyền thuyết của nước ấy.

Đem Nhật Bản đối với nước ta mà giáp với cái công lệ lịch sử ấy thì thấy ta không sánh kịp Nhật Bản rồi.

Nhật Bản có sách Cổ sự ký, biên tập vào độ năm 712 sau Kỷ nguyên, toàn chép những thần thoại về sự lập quốc của họ và những truyền thuyết về lịch đại. Trong đó bao hàm những sự chiến tranh, luyến ái, anh hùng cùng cao dao của thời cổ nữa. Hiện nay các nhà sử học về lịch sử Nhật Bản đều phải coi bộ sách ấy là một cái tài liệu quý vô giá vậy.

Nước ta có cái gì đủ sánh lại với bộ sách ấy không? Quả là không!

Những thần thoại và truyền thuyết của xứ ta, há phải là không có? Như những chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh, chuyện Chử Đồng Tử, chuyện Kim Quy sứ giả… kể cũng cho là đáng chú ý lắm chứ. Nhưng vì nó lẹt đẹt, không có tính cách vĩ đại như của người ta; lại nó rời rạc không có thống hệ, cũng không có được nhiều nữa. Bởi vậy những thần thoại truyền thuyết của ta, bây giờ nếu có ai ra công mà nhóm góp lại hết, cũng không đủ đem so với Nhật Bản được. Huống chi trong thế giới lại còn có những thần thoại rất phong phú như của Hy Lạp, La Mã!

Nhân tôi có đọc nhiều sách triết học sử, tôi thấy ra phàm một dân tộc vĩ đại, dầu buổi mới phát tích, đám sơ dân còn mông muội, cũng có cái vũ trụ quan của họ truyền lại về sau. Bọn sơ dân ấy vì cớ tọc mạch muốn biết, nên hay theo chỗ biết của mình mà giải thích sự bí mật của vũ trụ trời đất. Không kể trúng hay trật, chỉ một chút đó đủ thấy cái tri thức của bọn sơ dân ấy vậy.

Người Việt Nam đến này nay cũng chưa có cái vũ trụ quan của mình thay, huống chi là ngàn năm về trước. Song người Nhật thì đã có.

Nhật Bản lại có sách Nhật Bản ký nữa, làm vào khoảng năm 720 sau kỷ nguyên và cũng sau sách Cổ sự ký của họ 8 năm. Trong sách ấy, thấy ra cái vũ trụ quan của người Nhật đời bấy giờ.

Họ cho rằng đời xưa trời đất chẳng chia, hai cái nguyên tố “đực” và “cái” chưa có, hỗn độn như một cái trứng gà. Trong đó tuy không có cái giới hạn rạch rõi mà có cái mầm mộng đã ngậm sẵn. Sau rồi cái phần khô ráo sạch sẽ bay lên làm trời, cái phần nặng nề dơ đục xuống mà làm đất. Mà bởi vì phần sạch sẽ thì dễ dung hòa, còn phần dơ đục thì khó ngưng kết cho nên mới có trời trước mà có đất sau. Từ đó nẩy sinh ra muôn vật.

Ấy là một phần vũ trụ quan của sơ dân Nhật Bản đó. Thấy trong sách đã có hơn một ngàn rưởi năm nay thì không phải là chuyện đặt điều. Chúng ta thử tìm trong sách nào của Việt Nam cho thấy một cái lý thuyết như thế?

Nếu đem cho hết chứng cớ ra để tỏ rằng văn hóa cổ xứ ta là kém Nhật, thì còn biết bao nhiêu. Song một bài báo này không có thể làm vậy được, chỉ nói mấy điều đại khái đó là điều căn bản của văn hóa mà ta không có.

Ông Lê nói những sách vở của ta bị người Minh lấy đi, bị những cuộc biến loạn tan nát hết, hoặc bị một đôi nghề sinh hoạt của mình làm tiêu diệt đi (như nghề làm giấy làm quạt ở làng Bưởi, làng Phú Đôn), cho nên khó mà tìm ra những tang chứng về quốc học. Những cái cớ ấy vẫn có. Song nếu nền quốc học ta xưa quả được rực rỡ như người, thì dầu có bị những cớ ấy đi nữa cũng không đến mất cả đi mà không có dấu vết?

Còn như cái cớ vì nghề sinh hoạt làm hại đến sách vở, thì trong cái cớ ấy lại đủ tỏ ra dân mình là dân kém về văn hóa. Dân nước văn minh bao giờ cũng coi sách vở là quý trọng. Người mình vì nghề bồi liễn bồi quạt mà phá sách đi không tiếc, càng chứng tỏ là dân không biết học vậy.

Tóm lại, văn hóa – hay là nói quốc học – của nước ta từ xưa, so với Nhật Bản cũng còn thua. Ta phải biết vậy mà cố gắng lên cho bằng họ, chớ không nên coi điều đó là sỉ nhục.

PHAN KHÔI

Đông tây, Hà Nội, s.119 (31.10.1931)

III. LẠI THẤY LUẬN LÝ HỌC LÀ CẦN CÓ

Vì thấy trong nhiều cuộc biện luận của người mình không theo phép tắc nào hết, nên mấy năm nay, tôi hay đem luận lý học ra để nhắc nhỏm người ta. Có kẻ lấy việc đó mà chế nhạo tôi, thậm chí họ vu cho tôi tự xưng là “luận lý học giả” (logicien), rồi kiếm lời mà trêu ghẹo; những người như vậy chẳng qua là người “phá đám”.

Tôi không khi nào tự phụ là đã tinh thông cái học ấy; duy tôi thấy nó là có ích cho học giới ta, là phương thuốc hay, có thể trị được bệnh người mình, tôi đem mà mách miệng cho ai nấy đó thôi.

Có nhiều kẻ lại phản đối bằng cách khác. Như ông Vũ Xuân Lâm, ông Chu Quế Long cùng ông gì đó mà giấu tên đi trong báo Tiếng dân. Trong đám phản đối đó phải kể ông Trần Trọng Kim, trong cuộc luận chiến về Nho giáo, ông cho luận lý học là hẹp hòi, không đủ tìm thấy chân lý.

Như vậy thì té ra các ông không nhìn rõ cái công dụng của luận lý học. Luận lý học chẳng phải là cái học cho ta dựa theo nó để tìm chân lý. Cái công dụng của nó đã chẳng ở đó mà các ông lại nhè lấy chỗ đó trách nó là oan.

Ông Mill (1806-1873), người Anh, là nhà luận lý học có tiếng khắp thế giới, đã luận về cái công dụng của luận lý học rõ ràng lắm. Theo như ông thì luận lý học tuy thuộc về cái phạm vi triết học, nhưng nó khác với chính mình triết học. Cái việc của triết học làm, không phải là việc của luận lý học làm. Triết học ví cũng như kẻ có ra tay làm công nọ việc kia, còn luận lý học chỉ là kẻ ngồi mà xử đoán. Thử nói rõ ra một việc như: nhà triết học phải tìm tòi chứng cớ để án nghiệm cho cái thuyết của mình, thì nhà luận lý học không phải làm như vậy, mà chỉ soát lại xem cái chứng cớ ấy là phải hay quấy mà thôi.

Bởi vậy, sự tìm thấy chân lý là việc của triết học làm, chứ không phải việc của luận lý học làm. Những vấn đề tụ tụng xưa nay, như tâm và vật, hữu và vô, là vấn đề của triết học chứ không phải vấn đề luận lý học. Duy có những cái chứng cớ để án nghiệm cho tâm và vật, hữu và vô ấy, thì thế nào cũng phải trải qua sự xử đoán của luận lý học, rồi mới thành lập được. Chính cái công dụng của nó là ở sự xử đoán ấy(1).

Vậy thì luận lý học chỉ bày bảo sự đắc thất cho ta trong vòng “lập ngôn” mà thôi, chứ chưa nói đến sự “minh lý”. Sự minh lý phải để phần cho triết học.

Tuy vậy, lập ngôn mà không theo phép tắc thì nó cũng đủ làm trở ngại cho sự minh lý. Bởi vậy xưa nay học giới nước nào cũng phải cần tới luận lý học.

Trong cuộc luận biện về quốc học vừa rồi, nếu ông Lê Dư cũng giữ trong phạm vi luận lý học mà biện luận, thì ông đã không có những cái luận chứng (argument) quá ly kỳ như tôi cho là không bao giờ thành lập được.

Một đoạn ông đem sự “nước ta không có quốc phục” mà vặn lại tôi, tôi đã gạt đi trong bài trước. Nhưng sau đó, ông kết luận rằng: “phục chế của ta ngày nay chính là quốc phục, mà đã công nhận phục chế của ta là quốc phục được, thì quốc học của ta từ xưa đến nay cũng nhận là quốc học được, vì cái học của ta từ xưa đến nay cũng có một cái vẻ đặc biệt, nhiều chỗ không giống nước nào cả”.

Như vậy có phải ông cho: hễ nhận có quốc phục được tức là nhận có quốc học được không? Có lý sự đâu mà ly kỳ như thế?

Khi đem so sánh với quốc văn, quốc sử, đạo nghĩa mà ông nói là ba khoa quốc học của Nhật Bản, ông chỉ đem ra có một khoa quốc văn của ta là chữ Nôm. Chỗ này thấy rõ ông túng quá! Phải như thứ chữ Nôm ấy mà thành lập được là một thứ văn tự, thì thôi, bây giờ chúng ta có bỏ đi mà dùng chữ Quốc ngữ La tinh làm gì? “Nôm na cha mánh khoé”, chỉ dùng tạm trong một thời rồi chung quy phải bị đào thải, thế mà ông cũng đem ra làm luận chứng! Luận lý học không cho ai dựng lên những cái luận chứng mong manh như vậy.

Lại tóm tắt ý trong bài của ông, thấy ra ông kết luận rằng hễ có nước thì có quốc học; Nhật Bản cũng là một nước như ta, có lịch sử và diện tích bằng ta, cho nên hễ Nhật Bản có quốc học thì ta cũng có quốc học. Cái luận điệu này cũng một thứ với đoạn nói về quốc phục mà tôi đã chỉ ra trên kia. Vả nhận có quốc phục mà không nhận có quốc học, lại chẳng được hay sao? Cũng như Nhật Bản là một nước, nhưng họ có quốc học, còn ta cũng là một nước, nhưng ta không có quốc học, lại chẳng được hay sao?

Cái không đủ đem làm luận chứng mà sao lại đem làm luận chứng? Nếu đem nhiều điều luật của luận lý học mà ghép vào những đoạn văn này, thật nó sai bét đi hết.

Đến như trong bài Luận về quốc học của tôi, chỗ lược phân giới hạn văn học và quốc học, tôi có dùng những chữ hồ nghi, không dám quả quyết, mà bị ông bác đi, nói rằng:

“Ông (Phan Khôi) thanh minh lên rằng ông lược phân cái giới hạn văn học và quốc học mà ông phân biệt một cách mập mờ. Đáng phân biệt thế nào thì nói ngay, hà tất phải dùng những chữ “như”, “chăng”, “không chắc cho lắm”, “nhưng hình như”, thật là một giọng nói hồ đồ, ai nghe còn dám chắc thế nào được!

Ông đã từng tự phụ là một tay sở trường luận lý học thì nghị luận câu nào phải chắc chắc nấy, phải nói một cách quả quyết… cho người ta tin… có đâu mập mờ như vậy?”

Tôi không tự phụ sở trường về luận lý học, nhưng tôi rất trọng thị luận lý học, bất kỳ trong khi tôi nghị luận điều gì, tôi cũng phải đoán lại đến nó hết. Chỗ tôi lược phân giới hạn văn học và quốc học trên đây mà tôi nói một cách hồ nghi, không dám quả quyết, chính là theo luận lý học đó.

Trong luận lý học, có phép phân loại (classification) là thật khó. Khó còn hơn sự lập giới thuyết (defi nition) nữa. Khi phân loại về sự vật gì, dầu tay tinh tế cho mấy cũng phải sợ sai lầm. Việc tôi làm đó là gồm cả phân loại và lập giới thuyết, cho nên tôi thận trọng là phải. Cho đến tôi không dám dùng một chữ “phân” hẳn, mà phải để chữ “lược” lên trên, tỏ ra cái ý chỉ phân sơ sơ mà thôi.

Thế mà ông Lê lại trách tôi! Trong bài của ông, tôi nhìn có đoạn này là chỗ ông đã thất ngôn lắm đó; mà cái cớ là bởi ông không thèm ngó đến luận lý học vậy.

Nhân đây, tôi thấy luận lý học là cần có cho kẻ học nước ta ngày nay, cũng như trước kia, tôi đã thấy rồi. Mà những người như ông Lê đương khảo cứu quốc học, tưởng lại còn cần nó lắm.

PHAN KHÔI

Đông tây, Hà Nội, s.121 (7.11.1931)

IV. CHÚNG TA PHẢI CÓ ÍT NHIỀU SỬ HỌC KIM THỜI

Nước ta xưa nay chỉ có sử gia mà không có sử học. Tôi nói vậy, xin chớ ai vội trách. Bởi vì sự nghiên cứu lịch sử không thành ra một cái học ở nước ta, và nhất ban nhân chúng cũng không hề có cái quan niệm về lịch sử. Nhưng sử gia thì vẫn có, là như các ông Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Ngô Thời Sĩ… đó.

Không có sử học thì sao lại làm sử được mà có sử gia? Đặt câu hỏi ấy ra cho hết lẽ, chứ trả lời cũng không khó. Bởi vì sự làm sử với sử học khác nhau. Có sử học mà làm sử, càng hay; còn như không sử học mà làm sử, cũng được.

Nói vậy, không phải bảo sử gia của ta ngày xưa là không có sử học, nhưng để thêm rõ nước ta là không có sử học. Dầu cho các ông làm sử đó có sử học đi nữa, mà cái học ấy không thành ra một khoa, không có ảnh hưởng đến nhân chúng, thì có bảo rằng nước ta có sử học được đâu?

Bởi nước ta không có sử học cho nên sự tri thức ấy ở nước ta rất lù mù; lù mù cho đến người có học. Hiện thời đây, cõi học trên thế giới lại có thứ sử học đối với ta là mới nữa, nó khác nhau với sử học cũ, nếu mình không nhận rõ, sẽ lầm lẫn cái nọ với cái kia. Mà theo như hiện trạng học giới các nước, thì thứ sử học cũ đã bị đào thải; cho nên tôi nói: chúng ta phải có ít nhiều sử học kim thời, ấy là chỉ vào sử học mới vậy.

Trong bài Luận về quốc học, tôi có một đoạn nói rằng:

“Đại để, phàm làm sách, thuật ra một cái hiện trạng gì từ xưa đến nay hoặc về một thời kỳ nào, mà có nói rõ cái hiện trạng ấy thay đổi ra sao, cho đến cái nhân và cái quả của nó ra sao, thì mới gọi là sử được”.

Tiếp đó, giải nghĩa chữ văn học sử, tôi nói:

“Văn học sử của một nước nào, tức là những sự sáng tạo, biến thiên, ảnh hưởng, tóm lại là sự quan hệ về nhân quả của văn học nước ấy. Bởi vậy, một cuốn văn học sử, đầu đuôi phải tiếp tục nhau mà không được rời rạc ra từng bài; vả lại, văn học sử nước nào thì phải suy tìm đến cái ảnh hưởng về sự sinh hoạt của xã hội nước ấy, hoặc nhiều hoặc ít, chứ không thể bỏ qua”.

Những lời trên đó, về sử hoặc về văn học sử, tôi cũng đều cứ theo cái quan niệm của sử học mới mà nói. Cái quan niệm ấy là trọng về nhân quả.

Còn sử học cũ, tôi nói đó, là tôi muốn chỉ về sử học của người Tàu ngày xưa. Cái sử học này vẫn có nhiều thể thức rộn ràng, nhưng có điều sở đoản, là cái quan niệm về lịch sử không được chân xác, lại cái phạm vi của sử cũng hẹp hòi lắm nữa.

Ngày nay mà nói văn học sử, thì phàm ai có tri thức về sử học kim thời đứng đắn, cũng phải hiểu nó như nghĩa tôi đã giải trên kia. Nói văn học sử cũng như nói triết học sử, kinh tế sử, hay là cách mệnh sử; trong mỗi một thứ sử đó phải theo cái tên nó mà giải rõ sự nhân quả. Cái lối sử này, sử học cũ chưa có và cũng chưa đặt ra thể thức gì về nó, thì có lẽ nào nay ta lại lấy thể thức cũ mà ghép vào cho nó được ư?

Cuốn Nữ lưu văn học sử của ông Lê Dư đã đặt tên là văn học sử mà làm không theo khuôn phép tôi nói trên đây, nhân tiện tôi chỉ trích tới nó. Ông Lê lại cãi rằng sử có hai thể, kỷ truyện và biên niên, cái khuôn phép tôi nói về văn học sử đó là theo thể biên niên, còn cuốn Nữ lưu văn học sử của ông là về thể kỷ truyện, cho nên làm như ông là phải, còn tôi chỉ trích là sai.

Như thế là ông đem thể thức của sử học cũ gắn vào sử học mới, thật chẳng ăn thua gì hết.

Quả có hai thể sử kỷ truyện và biên niên thật, song những thể thức đó không thể đem mà nói vào lối sử ngày nay. Bởi vì cái thể thức ấy cũ quá, không hợp với sử học đời này, trong sử học giới hiện thời không còn dùng đến nó nữa.

Hai cái thể ông nói đó chỉ riêng về cách chép sử của người Tàu mà có từ hơn hai ngàn năm trước. Như sách Xuân thu của Khổng Tử, mỗi năm có xảy ra việc gì thì biên, ấy là biên niên. Còn như sách Sử ký của Tư Mã Thiên, riêng từng việc từng người mà lập ra một kỷ hoặc một truyện, ấy là kỷ truyện. Theo các nhà sử học Trung Hoa công nhận thì thể biên niên, vì theo từng năm mà việc không xâu suốt được, vì nhiều khi chỉ có một việc mà phải rời rạc thấy ra trong nhiều năm, thật là xa với cái nguyên tắc cầu nhân quả; nhưng thể kỷ truyện, thu mỗi việc lại trong một kỷ một truyện riêng, thì gần với cái nguyên tắc ấy hơn. Vậy mà ông Lê lại cho cái kiểu văn học sử như tôi nói đó là “vào cái phạm vi thể sử biên niên”, thật là sai đến ngàn dặm!

Kỳ thực thì kiểu văn học sử tôi nói đó không theo thể biên niên và cũng không theo thể kỷ truyện. Mà không những văn học sử mới như thế, dầu đến sử gì, hai thể ấy cũng không còn dùng được trong ngày nay. Sử ngày nay, bất kỳ là sử gì, đại khái đều dùng thể “chia thời đại”. Bởi vì chia ra từng thời đại thì tiện cho sự cầu nhân quả.

Còn về cuốn Nữ lưu văn học sử của ông, ông cho là thuộc về thể sử kỷ truyện; ông lại nói theo tiếng ta mà kêu là “sử văn học của bọn nữ lưu”. Nói như ông, ngang quá! Lấy lẽ gì mà cấm người ta kêu nó là “sử văn học của bọn nữ lưu” và bắt kêu là “sử nữ lưu văn hóa”?

Không, hễ là “văn học sử” thì phải kể nó là một danh từ. Bất luận ở trên nó có để những chữ gì, nó phải liền một ý nghĩa. Nữ lưu văn học sử, phải cắt nghĩa là “sử văn học của bọn nữ lưu”, cũng như Pháp quốc văn học sử là “sử văn học nước Pháp”.

Chữ sử 史 của Tàu có nghĩa là truyện 傳, là cố sự 故事?, cũng như chữ “Histoire” của Pháp vẫn có nghĩa ấy. Cuốn Nhật Bản duy tân khẳng khái sử là lấy nghĩa chữ sử này. Nữ lưu văn học sử của ông, ông muốn viện theo nghĩa ấy, nhưng không được, là bởi ông có ba chữ “văn học sử” là một danh từ, theo sử học đời nay, nó phải có thể thức của nó, nó không cho ông làm như truyện hay là cố sự đâu.

Ông Lê lại nói phàm làm một cuốn sách mà chia ra từng thời kỳ kể rõ nhân và quả thì phải dùng thể biên niên. Mấy lời đó tôi rất lấy làm quái lạ? Bất kỳ thứ sử gì, đời nay họ cũng làm như lời ông nói đó hết, mà có hề dùng thể biên niên bao giờ? Thật thế, đời nay không hề có ai dùng thể biên niên mà chép sử nữa, không còn có thứ sử nào như sách Xuân thu nữa, vì nó, theo con mắt nhà sử học ngày nay, chỉ là thể nhật ký, chứ không phải sử.

Vì vấn đề quốc học mà tôi viết bốn bài này, không cốt để cãi cho hơn ông Lê, song để giãi bày một vài điều cho độc giả Đông tây, là những điều mà tôi tưởng cho ông Lê đã có thể làm lầm độc giả.

PHAN KHÔI

Đông tây, Hà Nội, s.123 (14.11.1931)










(1) Đoạn trên này tôi lấy đại ý ở sách System of Logic của Mill mà là bản dịch chữ nho của Nghiêm Phục (nguyên chú của PK).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét