28/6/07

Giai phẩm mùa Thu 1956 - Tập II

Giai phẩm mùa Thu 1956 - Tập II

Quang Dũng
Những cô hàng xén
(Một bài thơ về quê hương cũ)

Rặng vải ven sông Đáy
Um tùm bóng cuối xuân
Sông cạn phơi lòng cát trắng
Người qua nâng gánh ôm quần
Những gánh hàng xén bồ căng
Má hồng thôn nữ.
Thoảng mùi thơm quê mùa
Hơi thở ấm trầu răng đen rưng rức
Mẹ già nón nhẹ bay tua.

Rặng vải um tùm quả chín
Mòng mọng căng lên sức sống chan hoà
Cuối xuân mây lạnh
Đầu hạ gió đưa
Tu hú phương nào bịn rịn

Tu hú tu hú
Mùa vải ven bờ
Nơi quê hương trời xưa ấu thơ
Mái tóc em vừa vương hương bưởi
Chân nhẹ nhàng còn dính phấn hoa
Thôn nào cô mới đi qua
Gà vừa gáy sáng
Thắt lưng đào bên sông yên lặng
Kĩu kịt đôi bồ
Các cô hàng xén ngày xưa.

Các cô hàng xén ngày xưa
Gương tròn bỏ túi, tóc dắt hoa nhài
Hay ngậm ngùi xem Nhị độ mai
Gấp trang sách lại thương đời Cúc Hoa
Trong bồ đủ loại Tây Du
Chinh Đông-Chinh Tây
Bia sơn dầu gáy mốc
Đôi cuốn Thạch Sanh
Một chồng Trê Cóc
Khi gió mùa xuân
Xanh cành tươi lộc
Bói trang Kiều xem chuyện nhân duyên.

Tiếng trống trường xa đã điểm
Đường về trường huyện xôn xao
Các cô đôi má ửng đào
Mấy anh lớp nhất lối nào vừa qua
Hàng các cô:
Ngòi bút “ba la”
Giấy Tây, phẩm tín
Mươi bó quản bút
Thước kẻ tẩy chì
Các anh sắp đến mùa thi
Lúa đồng cũng sắp đến kỳ vàng hoe.

Rặng vải quanh đường về
Quả ngả màu hoàng hôn đỏ sẫm
Sông hiu hiu chiều
Gió mát ven đê
Các cô hàng xén gánh về
Tiếng cười khúc khích
Tu hú im rồi
Vàng nghiêng nắng chếch
Các cô về qua sông
Sông Đáy xuôi dải cồn cát mênh mông
Làng bên bờ xanh mía
Thoảng mùi hoa lan hoa nhài nhè nhẹ
Tiếng nói xa dần
Chiều tím cuối mùa xuân
Sông nước trong xanh
Những bước chân tròn cát mịn

Hàng cau chiều phất phơ
Diều sáo vang lên trăng sáng tỏ
Ngõ làng rộn tiếng cười reo
Chó sủa
Hoa lan vào ngõ tối còn thơm
Các cô hàng xén về làng,

Các cô hàng xén về làng
Mai lại đi từ tối đất
Cần cù nuôi mẹ nuôi em
Những cô hàng xén tên xinh
Đẹp như ca dao nước Việt


*


Phan Khôi
Ông bình vôi

Khắp nước Việt Nam có tục ăn trầu, cho nên ở đâu cũng có bình vôi.

Theo như tôi biết, ở vùng quê chúng tôi, có hai thứ bình vôi. Đều bằng đất nung cả, mà một thứ giống như cái hũ nhỏ, duy cổ eo, miệng loa, cho nhà trung thường dùng; một thứ hình tròn mà đít bằng, trên có quai xách, miệng ở về một bên, toàn thân tô màu lục hoặc màu vàng, cho nhà sang dùng. Cả hai đều để đựng vôi trong lòng nó. Nhưng mỗi khi cho vôi vào, người ta lại cũng dùng vôi đắp cái miệng nó cho cao lên.

Nhà tôi, hồi bà nội tôi còn sống, có một cái bình vôi hạng sang ấy. Mỗi khi mua vôi ở chợ về, bà tôi ngồi tỉ mỉ lấy cái chìa quệt vôi nhét vào miệng nó, gọi là “cho ông bình ăn”. Và lâu lâu đắp thêm cái miệng nó một lần, hoá nên cái miệng càng ngày càng chêu vêu ra.

Thứ bình vôi thường, dùng chìa bằng tre: nhưng thứ bình vôi sang, bao giờ cũng dùng chìa bằng sắt, ở thân cái chìa, đôi khi lại có đeo một lưỡi dao để rọc trầu.

Nhà khác thế nào tôi không biết, còn nhà tôi, tối lại, bà tôi cứ nhớ rút cái chìa ra để ra một nơi khác. Làm như thế, bà tôi cắt nghĩa rằng “ông bình” linh lắm, đêm hôm có kẻ trộm đạo, “ông” sẽ mách cho mình, mà nếu để cái chìa lấp cái miệng thì không mách được.

Tôi nói “nhà tôi có một cái bình vôi”, không đúng. Nói đúng là từ hôi tôi còn nhỏ cho đến năm tôi hai mươi lăm tuổi, bà tôi chết, nhà tôi có ba cái bình vôi kế vị nhau. Bởi vì dùng lâu ngày, trong lòng đầy vôi khô cứng, miệng nó vì cứ đắp nên tum húm lại, không dùng được nữa, phải mua cái khác.

Lúc đó nhà tôi có một cái tran thờ Tam vị: ở giữa là Phúc đức chính thần, hai bên là Thổ công và Táo quân. Hễ cái bình vôi nào bị thải ra thì bà tôi bảo đem đặt lên cái tran ấy, thờ nhân thể.

Sự thờ phượng như thế, không phải chỉ riêng một nhà tôi đâu. Cả làng, nhà nào có bình vôi thải ra, cũng đều đem đặt trên các tường thành đình hoặc chùa; như thế, người ta cho rằng thờ “ông bình” đó.

Cái bình vôi, tại sao lại gọi bằng “ông”, đọc từ đầu đến đây, bạn đọc đã biết. Ở vùng quê chúng tôi, mà có lẽ cả nước Việt Nam cũng vậy, vật gì nó có thể làm hại mình được thì gọi bằng “ông”, vật gì nó to hay sống lâu năm thì cũng gọi bằng “ông”.

Con cọp ăn thịt mình được, gọi bằng ông Cọp, con khỉ phá hoại hoa màu của mình được, gọi bằng ông Trưởng; con chuột, cắn quần áo của mình được, gọi bằng ông Tí. Cái đầu rau, dùng năm mười năm mới thay cái khác, gọi bằng ông Núc; cái che, to, đường kính của nó có khi gần đến một mét, gọi bằng ông Che [1] . Người Việt Nam về sau thế nào chưa biết, chứ về trước, hễ vật gì làm hại được hoặc lớn hoặc nhỏ, vật gì sống lâu và to xác thì đều gọi bằng “ông” để tỏ lòng tôn kính, sùng bái.

Tôi có phạm một cái tội hồi mới mười tám tuổi, bây giờ tôi xin tự kiểm thảo và thú nhận.

Năm tôi mười tám tuổi, tôi không tin như bà nội tôi tin nữa. Một đêm mùa hè, gió nam như bão, sáng trăng mờ mờ [2] , tôi rủ mấy thằng bạn lứa tuổi với tôi đi dọc đường cái làng, đi qua đình vào chùa, bao nhiêu “ông bình vôi” thờ trên tường thành, chúng tôi đều hất một loạt xuống đất cả. Sao lại làm như thế? Chúng tôi cứ làm như thế, không cần có lý luận. Nhưng, vài hôm sau, trở lại xem, không biết là do tay ai, thấy đều đặt lại tề chỉnh trên tường thành.

Tuy vậy, đó không phải cái tội riêng một mình tôi. Bấy giờ bọn thiếu niên chúng tôi hầu như đứa nào cũng có thể làm thế cả. Nếu ngày nay tôi phải tự kiểm thảo thì lũ thiếu niên ấy, bạc đầu rồi, cũng phải tự kiểm thảo như tôi.

Tóm lại, cái bình vôi, vì nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bít lại, ngồi cũ rũ trên tran hoặc trên tường thành, cũng như pho tượng đất hoặc gỗ không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn thờ sùng bái mà gọi bằng ông.

Tôi viết cái bài khảo cứu nhỏ nầy cốt để cắt nghĩa mấy câu thơ của Lê Đạt:

Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Y như một cái bình vôi
Càng sống càng tồi,
Càng sống càng bé lại.


*


Trần Duy

Những người khổng lồ
(Gửi những người cộng sản chân chính)

Tôi xin kể các bạn nghe một câu chuyện cổ. Ngày xưa quả đất chưa có người ở, chỉ toàn là cây cỏ núi đá, sông, hồ biển rộng mênh mông. Thú dữ rất nhiều và ma vương quỷ dữ cũng nhiều. Lúc Thượng đế cho những con người đầu tiên xuống, con người hết sức khổ sở. Đời sống ở quả đất bấy giờ chỉ toàn là nước mắt và oán thán. Tiếng khóc tụ lại thành khí, nước mắt bốc lên thành mây dâng lên tận thiên đình. Ngọc Hoàng lo lắng, đau xót vô cùng. Thiên đình lo âu chẳng kém. Một vì sao tâu:

“Sức người có hạn, mà ma quỷ thì uy lực vô cùng, vậy nên phái thêm người nhà trời về giúp sức.”

Ngọc Hoàng bèn triệu tập hội nghị Thiên đình, ra chỉ nặn thêm một đoàn khổng lồ cho xuống hạ giới giúp sức loài người.

Thế là chẳng bao lâu, nặn xong lũ khổng lồ, mình cao trăm trượng, tay chân to lớn, sức lực vô địch. Ngọc Hoàng hà hơi sống, lũ khổng lồ cử động, Thiên đình mừng rỡ… Chỉ nay mai hạ giới sẽ chẳng còn tiếng khóc và nước mắt.

Đoàn khổng lồ xuống hạ giới: bạt rừng lấp bể, nhổ cây vớt rong, bóp vụn đã như nghịch bột, long trời chuyển đất. Đoàn khổng lồ vui sướng và tin chắc đã làm vừa lòng trời và thuận lòng người.

Nhưng một hôm Ngọc Hoàng mở cửa nhìn về hạ giới… Cớ sao tiếng khóc vẫn còn?

Ngọc Hoàng phán hỏi Thiên đình, Thiên đình ngơ ngác nhìn nhau. Có vì sao tâu:

“Việc hạ giới nên triệu Táo quân về đầu đuôi sẽ rõ.”

Mấy hôm sau Táo quân về. Vừa bước tới sân chầu, Táo quân đã vập đầu xuống bệ khóc nức nở. Ngọc Hoàng hỏi:

“Táo thần chưa tâu báo, đã khóc lóc, làm loạn cả quần tiên là cớ làm sao?”

Táo quân vẫn khóc. Ngọc Hoàng nói:

“Táo quân quên rằng quần tiên không có tiếng khóc, và Thiên đình chỉ có tiếng cười và vũ nhạc hay sao?”

Táo quân tâu:

“Hạ thần vẫn muốn như vậy, nhưng trọng trách của Ngọc Hoàng giao cho hạ thần là sống với loài người, chia vui sẻ buồn với họ, thần nỡ lòng nào cười múa lúc loài người còn tiếng khóc và oán hờn?”

Ngọc Hoàng hốt hoảng:

“Thế người khổng lồ hạ giới chẳng làm nên gì ư?”

Táo quân tâu:

“Người khổng lồ đã làm đầy đủ sứ mệnh của Thiên đình giao cho là sát phạt ma vương hổ báo, rẫy rừng, khai sông, lấp bể…”

Ngọc Hoàng hớn hở:

“Thật là tin vui… Nhưng cớ sao khanh còn khóc?"

"Tâu Ngọc Hoàng, tại vì loài người còn khóc."

Ngọc Hoàng chép miệng:

"Nhân thế sinh kiếp trầm luân có khác! Buồn cũng khóc, mà vui cũng khóc, ta biết làm thế nào?”

Táo quân tâu:

“Tâu Ngọc Hoàng, buồn thì phải khóc, nhưng mấy khi vui mà lại khóc?”

“Thế hạ giới chưa vui ư? Ma quỷ tan rồi, hùm beo quét sạch, rừng núi san bằng, loài người thảnh thơi, chỉ khác Thiên đình ở chỗ chưa được mùa xuân muôn thuở, tràng sinh bất tử mà thôi.”

Táo quân trả lời:

“Quả thật nhân thế nhờ người nhà trời mà thôi khóc cái hoạn nạn do ma vương quỷ dữ gây ra, nhưng chưa kịp cất lên tiếng cười thì nhân thế lại bắt đầu buồn về một ít hoạn nạn mới do…”

Ngọc Hoàng sốt ruột hỏi:

“Do ai gây ra?”

“Tâu Ngọc Hoàng… Do chính người nhà trời gây ra.”

Ngọc Hoàng và Thiên đình sửng sốt:

“Cớ sao?”

“Vì người nhà trời bạt núi, khai sông, quên mất loài người bé nhỏ sống gần sông và cạnh núi. Những bản tình ca vừa chớm nở, những hoa bướm, những đôi lứa trẻ mới yêu nhau, những tình thương nỗi nhớ vừa nhen nhúm, có một số người khổng lồ trông thấy đã xéo bừa lên, giày nát…”

Một vì sao hỏi:

“Loài người sống chính nhờ cơm, gạo, khí trời, chứ nhờ đâu tình ca, và hoa bướm.”

Ngọc Hoàng phán:

“Khi ta tạo con người, ta đã thổi vào người chúng cùng với khí nóng và máu, tình thương nỗi nhớ, oán ghét giận hờn, tiếng cười và nước mắt… Những thứ ấy sẽ sống đời đời kiếp kiếp với con người. Không tôn trọng những thứ ấy trong con người là không tôn trọng con người…”

Táo quân lại tâu:

“Vẫn cái số người khổng lồ ấy, không nghe được tiếng khóc, và tiếng cười; Họ nhổ vụt cây chết ma vương hổ báo, nhưng trong khi đánh vung vãi sướng tay, loài người cũng chết lây. Xác hoa bướm nằm cạnh xác ma vương hổ báo và xác người!”

Ngọc Hoàng đau xót nhìn Thiên đình. Thiên đình im lặng.

Một vì sao tâu:

"Nên cho đoàn khổng lồ về để biết tường gốc ngọn."

Đoàn khổng lồ về bái yết. Ngọc Hoàng thịnh nộ:

"Các người công ít tội nhiều, cớ sao đạp xéo cả lên tính mạng con người?"

Đoàn khổng lồ một số ngơ ngác nhìn nhau.

Ngọc Hoàng đập bàn:

"Sao dám đạp cả lên tâm hồn và cuộc sống con người?"

Số khổng lồ ấy càng ngơ ngác nhìn nhau.

Ngọc Hoàng vẫn chưa nguôi:

"Sao giẫm cả lên lời ca, tiếng cười và hoa bướm dưới trần thế?"

Số khổng lồ ấy lại càng ngơ ngác nhìn nhau.

Ngọc Hoàng nhìn đoàn khổng lồ:

"Và các người không đau xót ư?"

Vẫn số khổng lồ ấy ngơ ngác nhìn nhau, nhìn Ngọc Hoàng và Thiên đình… Nhất là những giọt nước mắt của Táo quân.

Sao Thái Bạch bước ra tâu:

"Cứ xem khí mạo, thì biết trong số khổng lồ có những người có thể mà không có tâm, không biết tiếng cười và tiếng khóc, thần e rằng phủ tạng họ thiếu một thứ gì."

Ngọc Hoàng truy hỏi. Nam tào Bắc đẩu cùng với La hầu và Kim tinh xét lại các sổ, đứng ra tâu:

"Đoàn khổng lồ lúc được chỉ nặn ra, chỉ cốt lấy to, nên hết nguyên liệu để nặn tim, cho nên trong đoàn khổng lồ phái xuống hạ giới có một bọn không tim."

Ngọc Hoàng biến thần sắc:

Một vì sao hỏi:

"Thiết nghĩ đoàn khổng lồ chỉ đánh ma vương quỷ dữ cần gì tim?"

Ngọc Hoàng trả lời:

"Nhưng ta tạo nên con người, con người đã có óc phải có tim. Loài người của ta cần sống giữa hoa đẹp hương thơm."

Vì sao lại tâu:

"Nhưng bộ óc to, cánh tay lớn chẳng đủ rồi ư?"

Ngọc Hoàng phán:

"Nhưng cánh tay lớn của một người không tim sẽ đập nát công trình của bộ óc hắn xây dựng."

Khi nhìn về hạ giới, nghe tiếng khóc và nước mắt vẫn còn, Ngọc Hoàng chép miệng phán bảo với đoàn khổng lồ:

"Hạ giới vẫn còn cần các ngươi, vì quỷ dữ ma vương vẫn còn hoành hành; Nhưng các ngươi phải biết yêu quý con người, tôn trọng quyền sống của họ. Quả đất là của con người, và sửa sang quả đất cũng là để cho con người. Làm công việc gì mà con người phải khổ, còn khổ thì dù công việc ấy có thành công cầm cũng như là thất bại. Chỉ có trí óc mà không có tim thì không thể sống được với loài người."

Sau lời chỉ giáo ấy, đoàn khổng lồ lại kéo nhau về hạ giới, lại như cũ, phá núi ngăn sông, tát bể, làm hì hục kỳ cho quả đất quang đãng mới thôi.

Ngọc Hoàng lại mở cửa nhìn về hạ giới: Cớ sao hãy còn tiếng khóc? Ngọc Hoàng phán hỏi Thiên đình. Có vì sao tâu:

"Lại xin cho triệu Táo quân về."

Táo quân lại lên chầu trời.

Ngọc Hoàng hỏi:

"Tiếng khóc vẫn còn ở hạ giới ư?"

Táo thần tâu:

"Nhân thế biết lượng lớn của Thiên đình, ăn chay nằm đất để tạ ơn Thượng đế, nhưng vẫn còn nước mắt!"

Ngọc Hoàng nói:

"Ta muốn ngăn những giọt nước mắt ở hạ giới phải làm thế nào?"

Táo quân tâu:

"Muốn ngăn được nước mắt ở thế gian, thì trước hết phải biết thu phục được lòng người."

Một vì sao hỏi:

"Thế nào là thu phục được lòng người?"

Táo thần đáp:

"Thu phục được lòng người là phải yêu người. Yêu người là biết được cái vui mà thật vui chung với người, đau xót trước cái đau xót của thiên hạ. Việc đáng vui nhưng thiên hạ chưa vui được cũng chớ bắt phải cười. Việc đáng khen, nhưng thiên hạ chưa rõ được cũng chớ bắt phải khen. Dù là ý trời, nhưng chưa được lòng người, ý trời vẫn sai; dù chưa phải ý trời, nhưng thuận lòng người thì vẫn cứ xem đó có là ý trời. Dù việc có hay nhưng cũng đừng cưỡng nhân tâm lúc nhân tâm chưa thuận. Lòng người lúc đã thuận rồi, không bảo vẫn cứ nghe, muôn người như một xô núi cũng đổ, tát bể cũng cạn dù có cấm hát cấm cười, người đời vẫn cứ cười cứ hát… Lúc bấy giờ nước mắt tự nó nó sẽ tan đi."

Ngọc Hoàng nhìn các vì sao. Vì sao ban nãy lại hỏi:

"Thế nào là cưỡng nhân tâm? Táo thần không hay rằng dụ chỉ của Thiên đình đã xoá bỏ những bất công ở hạ giới?"

Táo quân đáp:

"Cưỡng nhân tâm không cứ dùng gươm tên mà uy nạt mới cho là cưỡng. Bất công ở hạ giới như nước mạch thấm vào lòng đất đời đời kiếp kiếp, chẳng phải phút chốc vì một dụ chỉ mà nó tan đi. Bất công ở hạ giới là con quỷ già luyện kiếp, thiên hình vạn trạng, lúc ẩn lúc hiện, lúc to lúc nhỏ, lúc trắng lúc đen, lúc mặc áo cà sa, lúc mặc áo giấy, cười nói như người. Lúc người suy tôn thần thánh thì nó thành thần thành thánh để được suy tôn, lúc người khiếp sợ ma vương thì nó thành ma vương để uy nát, không chừng nó còn diện cả hia ngọc, hốt vàng đứng lẫn giữa các vì sao đây cũng có. Nếu Thiên đình còn cho rằng chỉ vì một dụ chỉ của Thiên đình mà hạ giới xoá bỏ được bất công, thì tiếng khóc và nước mắt ở hạ giới vẫn cứ còn đời đời kiếp kiếp."

Ngọc Hoàng nói:

"Nhưng ta đã phái người của Thiên đình xuống."

Táo quân đáp:


"Tâu Ngọc Hoàng, người của Thiên đình phái xuống có kẻ có óc có tim, thì họ ở đâu hoa thơm và tiếng cười ở đấy. Nhưng cũng có những người thiếu tim!"

Các vì sao hỏi:

"Như vậy sẽ có hại gì?"

"Thì số người nhà trời thiếu tim ấy sẽ chẳng được lòng người, ngược lại lòng thiên hạ, sẽ cưỡng nhân tâm, và sinh linh còn đồ thán, hờn oán Thiên đình."

Táo quân lại tiếp:

"Nước mắt do ma vương quỷ dữ gây ra thì loài người hợp sức với người nhà trời sẽ diệt được ma vương quỷ dữ. Nhưng nước mắt do người nhà trời gây ra, lẽ đâu loài người lại dám xúc phạm đến Thiên đình mà đụng đến người nhà trời ư? Do đó nước mắt lại ngấm ngầm chảy, tiếng khóc lại càng thầm lặng rền rĩ hơn. Nhưng đáng thương hơn cả vẫn là cái số khổng lồ không tim ấy vẫn tưởng mình đã hoàn toàn mang lại tiếng cười và niềm vui cho hạ giới!"

Ngọc Hoàng thở dài:

"Ta đã mấy lần phủ dụ…"

Táo quân đáp:

"Không biết thì dạy bảo sẽ biết. Không thấy thì chỉ giáo sẽ thấy. Không quen thì làm mãi sẽ quen… Nhưng không tim thì sách vở nào, lời lẽ nào, chỉ dụ nào có tạo nên tình cảm được!"

Ngọc Hoàng bóp trán suy nghĩ. Các vì sao im lặng. Ngọc Hoàng quay hỏi Thiên đình.

"Chư khanh nghĩ thế nào?"

Các vì sao tâu:

"Đoàn khổng lồ là đạo lính của Thiên đình phái về giúp loài người, nhất thiết không bỏ được; Máu thịt để nặn thành tim cho số khổng lồ ấy cũng chẳng còn. Hay là Thiên đình tạo thêm cho hạ giới thật nhiều hoa, nhiều bướm, nhiều tiếng hát, tiếng cười!"

Một số khổng lồ bước ra tâu:

"Nếu chúng ta làm như vậy chẳng khác nào chúng ta tạo thêm hoa thêm bướm tiếng hát và tiếng cười để cho lũ không tim ấy giẫm nát."

Ngọc Hoàng hỏi Táo quân:

„Vậy theo ý khanh nên như thế nào?"

Táo quân đáp:

"Nên làm thêm tim cho số khổng lồ ấy."

Thiên đình đồng thanh:

“Nhưng cạn sạch nguyên liệu.”

Táo quân trả lời:

“Nếu có những người khổng lồ đủ tim đủ óc thì đó là một điều hay, bằng không thà nặn những người nhà trời chỉ bằng con người hạ giới thôi, mà quả tim thật to; Bàn tay tuy có nhỏ, sức khoẻ tuy có yếu, bước đi tuy có ngắn, nhưng nếu nó có tim, nó sẽ sống cùng điệu với loài người, nghe được tiếng thở dài, và thấy được cái mỉm cười của họ, lúc bấy giờ bàn tay nó sẽ không bóp chết loài người cùng mà quỷ, sức khoẻ nó sẽ không đè chết loài người cùng hổ báo núi cây, bước chân nó sẽ không giầy xéo lên con người cùng với tình yêu và hoa bướm. Làm được như thế là thuận được với lòng người, thiên hạ hỗ trợ, thì mới trọn được ý trời; Và lúc bấy giờ hạ giới sẽ là nơi Thiên đình thứ hai, đầy tiếng cười và vũ nhạc…”

Ngọc Hoàng gật gù, nhìn Thiên đình cùng cho lời của Táo quân là phải…

Số khổng lồ có tim cũng gật gù nhìn thương hại lũ khổng lồ không tim.

Còn hạ giới thì hoan hỉ chờ mong ngày Ngọc Hoàng làm thêm tim cho số khổng lồ ấy, nhất là những người mới bắt đầu biết yêu nhau!!...



[1]Che, dùng để dạp mía, ở Bắc gọi là đội hàn.
[2]Gió nam là thứ gió nóng ở Trung bộ, đêm có gió nam thì trăng kém sáng.
Nguồn: Giai phẩm mùa Thu 1956 -Tập II, với sự cộng tác của Hoàng Cầm, Trần Công, Trần Duy, Quang Dũng, Hoàng Huế, Phan Khôi, Hồng Lực, Hữu Loan, Sỹ Ngọc, Bùi Xuân Phái, Phùng Quán, Trương Tửu, Lê Đại Thanh, Tô Vũ, Trần Lê Văn. Tranh khắc gỗ trong hầm mỏ của Bùi Xuân Phái, in tại nhà in Quảng Nghi do Ngô Quang Thịnh trông nom. Bìa của Sỹ Ngọc, in tại nhà in Minh Đức, do Nguyễn Viết Thưởng trông nom. Bản khắc của nhà Tiến Mỹ, Minh Đức xuất bản, in tại nhà in Sông Lô, Hà Nội, hoàn thành ngày 30-9-1956, khổ 16 x 24, 72 trang số in 318, số xuất bản 49, số sách in… Nộp lưu chiểu tháng 9-1956 tại Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét