3/7/07

Lê Đạt phê bình thơ Tố Hữu - Tranh luận về tập thơ Việt Bắc

Lê Ðạt

Tranh luận về tập thơ Việt Bắc: Giai cấp tính trong thơ Tố Hữu

Phê bình thơ Tố Hữu có phải để đánh giá một người không? Nếu thế thì chúng ta cũng chẳng phải tranh luận nhiều làm gì.

Yêu cầu của chúng ta lớn hơn. Chúng ta muốn nhân tập thơ Tố Hữu đề cập đến vấn đề hiện thực trong thơ, đến vấn đề đấu tranh cho chủ nghĩa hiện thực mới, nó là một vấn đề sống còn của văn nghệ hiện nay. Cán bộ chúng ta chịu trách nhiệm trước phong trào, cũng như trước quần chúng. Cho nên thích hay không thích cũng phải đứng trên yêu cầu đó. Trong những cái thích hay không thích lẫn lộn, nhiệm vụ của chúng ta là phải rút ra những nguyên tắc, những nhận định căn bản để hướng dẫn dư luận, hướng dẫn cái thích của quần chúng.

Một tác phẩm được hoan nghênh nhất định là có một giá trị nào. Nhưng hoan nghênh như thế không có nghĩa là đã hiện thực, đã tiêu biểu được cho cái mới.

Bây giờ không ai còn "bốc"như Xuân Diệu, ca tụng thơ Tố Hữu là tiêu biểu cho thời đại, là lá cờ dẫn đầu của thi ca Việt Nam nữa rồi. Người ta suy nghĩ chín chắn hơn và bắt đầu dè dặt.

Hoàng Cầm và một số anh em thấy thơ Tố Hữu buồn. Nhưng tại sao buồn? Thực chất của cái buồn đó như thế nào?

Hoàng Yến và một số anh em khác nhận xét tập Việt Bắc không hiện thực, không thể hiện được cuộc sống nhiều mặt của thực tế. Nhưng vì đâu mà không hiện thực?

Căn bản của vấn đề là ở đâu?

Nếu ta cứ trích từng bài hay từng câu, chẻ sợi tóc ra làm tư để phân tích, phê phán thì khó có thể dẫn đến kết quả mong muốn.

Tính chất hiện thực của một nhà thơ không phải chỉ nằm trong một câu hay một bài mà ở toàn bộ những bài thơ, không phải ở một vài chữ, một vài hình ảnh, một vài ý, mà ở toàn bộ điệu thơ nó là điệu tâm hồn của tác giả.

Mà nói đến hiện thực là phải nói đến giai cấp. Căn bản của vấn đề hiện thực là vấn đề giai cấp. Thực chất của cái buồn trong thơ Tố Hữu cũng là vấn đề giai cấp. Tách rời khỏi vấn đề giai cấp sẽ không thể nào bàn đến vấn đề hiện thực một cách sâu sắc và triệt để được. Tách rời khỏi vấn đề giai cấp thì cũng như thầy bói xem voi, người sờ được cái vòi, người sờ được cái tai, mà không hiểu được toàn thể con voi như thế nào.

Ði tìm tính chất giai cấp trong thơ Tố Hữu, ta thấy gì?

Ta thấy tác giả có nhiều cố gắng đi tới công nông, nhưng vì sự thâm nhập thực tế của tác giả còn thiếu sót nên trong thơ của Tố Hữu còn rơi rớt nhiều tính chất tiểu tư sản biểu hiện ở tính chất ngậm ngùi, buồn buồn, ít hành động, nó toát ra từ đại bộ phận những vần thơ của Tố Hữu, nó là cơ sở của điệu tâm hồn Tố Hữu. Cái điệu ngùi ngùi, heo hút ấy nó không phải là thực chất tâm hồn của công nông, tâm hồn yêu đời tự tin của những người chiến thắng, chiến thắng kẻ thù, chiến thắng hết thảy để xây dựng lại xã hội.

Người ta thường ca ngợi thơ Tố Hữu nhiều tình. Hình ảnh của những bà mẹ thật đằm thắm, nhưng ngùi ngùi làm sao! Bà mẹ giữa cảnh "heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn", "chân lội xuống bùn tay cấy mạ non" mong manh buồn tủi quá.

Nói đến bộ đội cũng thế, Tố Hữu nghĩ ngay đến

Người lính trường chinh áo mỏng manh



Bước run bước ngã, bước lầy, bước trơn

Lòng yêu của Tố Hữu làm người bộ đội bé hẳn lại. Tố Hữu mang cái ngậm ngùi, cô đơn tiểu tư sản của mình khoác cho thực tế.

Cái yêu mến của Tố Hữu còn nhiều rơi rớt xót xa của thời đại trước, cái xót xa của con người bất lực trước xã hội, con người chưa nhận thức được đầy đủ sức mạnh của tập thể, chưa khắc phục được cái buồn thương tiểu tư sản. Về bài “Việt Bắc” cũng thế, tác giả đã nhuộm bài thơ trong một màu ly biệt ảm đạm, heo hút:

Mình về rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng măng mai để già.

Ta thấy Việt Bắc nhỏ bé quá. Việt Bắc sướt mướt như một người đàn bà sợ bị tình phụ. Có người nói bài Việt Bắc âm điệu phong phú, hình ảnh đằm thắm nghe hay lắm.

Nhưng kết quả bài thơ dạy ta cái gì, cho ta cái gì? Ðọc xong bài thơ, thương nhớ ngậm ngùi tràn ngập lòng ta.

Bài thơ làm ta rung động. Nhưng thơ có phải chỉ là rung động thuần túy theo cảm tình đâu, thơ còn là tư tưởng, là hành động. Xét một tác phẩm không thể chiều theo những rung cảm chưa được giáo dục kỹ của mình.

Nói như thế không phải chúng ta không chủ trương nói buồn nói nhớ. Trong kháng chiến, trong cuộc đời mới lớn lên của chúng ta có bao nhiêu vui, buồn, nhớ, thương, giận, ghét, nếu bóc hết cả đi thì còn gì là đời sống con người nữa? Phải nói, nói hết, nhưng nói gì thì nói, kết quả cũng phải làm ta thêm yêu, thêm giận, thêm tin tưởng, thêm quyết tâm chiến đấu. Chúng ta chống là chống "tình cảm chủ nghĩa" tiểu tư sản, yếu ớt, cũng như chúng ta chống chủ nghĩa công thức bất cứ bài gì cũng phải nhét các thứ khẩu hiệu vào cho đủ mặt hàng.

Lại có người nói: "Bài ‘Việt Bắc’ phản ảnh được đúng sự nhớ thương của tôi khi tôi rời trên ấy về xuôi". Ðúng. Mới đầu tôi đọc tôi cũng thấy thế. Nhưng vấn đề là cái "tôi" nào? Trong mỗi người, ta không nên quên, đều có hai cái "tôi": cái "tôi" cũ và cái "tôi" mới. Nhiều lần ta cứ nhầm cho rằng cái "tôi" cũ, cái "tôi" tiểu tư sản, đại diện cho mình. Không! Cái "tôi" mới, cái "tôi" của thời đại, của Ðảng, mặc dầu sinh sau đẻ muộn, đôi khi còn non, nhưng cái "tôi" đó mới xứng đáng đại diện cho chúng ta.

Nhiệm vụ của văn nghệ là giáo dục những tình cảm lớn, giúp chế độ đào tạo thêm những anh hùng; nếu thấy gì viết thế, cảm xúc thế nào, viết thế ấy, sẽ rơi vào tự nhiên chủ nghĩa, không những không có lợi mà còn có hại.

Thơ Tố Hữu không những có nhiều rơi rớt tiểu tư sản mà còn nhiều rơi rớt phong kiến nữa.

Không thể quan niệm một cách quá giản đơn như Vũ Ðức Phúc, nhất định cho rằng "một người đã vào sinh ra tử bao nhiêu năm trời như Tố Hữu"... nhất định phải như thế này như thế khác. Suy luận như vậy rất dễ dẫn đến những nhận xét chủ quan sai lầm. Nếu thế thì cần gì phải xem thơ mới phê bình được, chỉ xem tên tác giả hay lý lịch tác giả có lẽ cũng quá đủ rồi.

Ðể dẫn chứng tôi xin phân tích một số tình cảm lớn của thời đại trong thơ Tố Hữu. Tôi sẽ không nói về tình cảm đối với Ðảng vắng mặt một cách quá rõ rệt trong tập thơ (ngoài mấy câu khô khan:

Buồm là Lao động
Gió là Ðảng ta

in ở đầu tập thơ, tình cảm đối với Ðảng còn có gì trong suốt tập thơ?) và tình cảm đối với chế độ cụ thể trong tình cảm đối với nông dân chuyển mình trong cách mạng ruộng đất.

Tôi chỉ đề cập đến vấn đề tình cảm đối với lãnh tụ. Trước hết phải nói ngay trong những bài thơ ca ngợi lãnh tụ của chúng ta những bài thơ của Tố Hữu tương đối là những bài trội nhất.

Nhưng cũng cần phải phê bình nghiêm khắc, vì tôi cho tình cảm trong những bài đó chưa thật đúng với nhân sinh quan mới. Còn nhiều rơi rớt phong kiến quá, chưa thể hiện được đúng bản chất của lãnh tụ cách mạng.

Nói về Bác, Tố Hữu viết trong bài “Việt Bắc”:

Nhớ ông cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường
Nhớ người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo

Ta thấy một ông già tiên phong đạo cốt, nhàn tản đi giữa một cảnh thần tiên, thong dong một cách rất Lão Trang. Từ một người chiến đấu cách mạng kết tinh đến cao độ cái phần sâu sắc nhất của triết học phương đông với cái hành động mau lẹ, sáng suốt, quyết liệt của một người Bôn-sê-vích, tác giả do cái thích thú chủ quan của mình, đã đẩy lùi hình ảnh lãnh tụ vào quá khứ. Một người mới nhất, đẹp nhất, cao quý nhất của dân tộc, qua cái nhìn không đúng của tác giả, trở thành một đạo sĩ tầm thường.

Về bài “Sáng tháng Năm” cũng vậy, trong những câu thơ

Bác ngồi đó lớn mênh mông
Trời xanh biển rộng, ruộng đồng nước non...
Trán mênh mông thanh thản một vùng trời

tác giả truyền cho ta một cảm giác nguy hiểm là ta thấy ta nhỏ bé quá. Hình ảnh lãnh tụ choán hết cả. Lãnh tụ là một trái núi mà ta chỉ là một con kiến nhỏ.

Theo ý kiến tôi, ở đây bài thơ cũng mắc phải cái bệnh tôn sùng lãnh tụ nhuốm nhiều màu sắc thần thánh hóa phong kiến còn rất phổ biến trong chúng ta.

Lãnh tụ của ta và lãnh tụ phong kiến là hai vấn đề khác nhau ở căn bản. Lãnh tụ phong kiến biệt lập với nhân dân quần chúng. Lãnh tụ phong kiến tự tạo cho mình một uy thế dị thường đè bẹp những con người quần chúng. Lãnh tụ là trời, nhân dân là cát bụi, lãnh tụ là tất cả, nhân dân là không cái gì. Còn lãnh tụ của ta khác. Khác một trời một vực. Lãnh tụ với nhân dân là một. Lãnh tụ là cha của dân tộc, nhưng đồng thời cũng là con của dân tộc. Hồ Chủ tịch lớn là do nơi đại diện cho những con người cũng lớn vì có đấu tranh cách mạng. Uy tín của Hồ Chủ tịch là uy tín của quần chúng. Cho nên đề cao Hồ Chủ tịch bằng cách xóa nhòa chúng ta đi, làm bé chúng ta đi, là thu nhỏ hình ảnh Hồ Chủ tịch lại.

Tôi lược dịch ra đây một đoạn thơ của Mai-a-kốp-ski nói về Lê-nin để so sánh cho dễ thấy điều đó.

Nếu trên đầu Lê-nin chúng đặt một vòng
hào quangTôi sợ chúng làm lấp mất
Vầng trán thật của Lê-nin
Vầng trán rộng, nhân đạo và sáng suốt
Tôi sợ những đám rước, những đền đài
Lòng chiêm ngưỡng, những nghi lễ
Sẽ làm chết đuối trong nước phép
Lê-nin và tính giản dị của Người
Có thể nào quan niệm Lê-nin
Như một lãnh tụ nhờ phước lành của thượng đế
Nếu Lê-nin có vẻ vua chúa hay thần thánh
Vô cùng căm phẫn và không giữ gìn nữa
Tôi sẽ chặn ngang đám tang
Và vứt vào bọn chiêm ngưỡng mù quáng
Những lời nguyền rủa [1]

Khoẻ mạnh chân tình và tự hào bao nhiêu! Chúng ta tự hào vì lãnh tụ, nhưng lãnh tụ cũng tự hào vì chúng ta.

Tôi nói về một thiếu sót lớn nữa trong thơ Tố Hữu: tính chất xa thực tế, xa quần chúng.

Thơ Tố Hữu nhiều người thuộc thật đấy, dễ hiểu thật đấy nhưng vẫn xa quần chúng, vì quần chúng tính của một tác phẩm căn bản là có nói lên được đúng những băn khoăn mơ ước hàng ngày của quần chúng hay không. Thơ Tố Hữu mới chỉ một phần nào quần chúng ở hình thức. Nội dung của thơ Tố Hữu chưa theo sát được cuộc đời.

Thơ của Tố Hữu thiếu nhiều hình ảnh mới đương nẩy nở trong cuộc đời mới. Thơ Tố Hữu nhiều nhớ thương hơn là hành động. Thơ Tố Hữu ít hiện tại và ít tương lai. Những câu thơ có nhiều truyền cảm của Tố Hữu là những câu thơ buồn thương và nhớ.

Còn khi Tố Hữu đề cập đến những vấn đề hiện tại thì nhiều chỗ sượng và tầm thường:

Nắng trưa rực rỡ sao vàng
Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công
...Giữ đê, phòng hạn, thu lương
Gửi dao miền ngược, thêm trường các khu

hay

Chúng bay chỉ một đường ra
Một là tiêu diệt hai là tù binh

và đoạn cuối của bài “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên”:

Ở Việt Nam các anh nên nhớ
Chính nghĩa thật là đáng sợ...

Tính chất tiểu tư sản và thiếu thực tế còn ảnh hưởng cả đến hình thức những câu thơ. Lời thơ bàng bạc, đèm đẹp như ở một thời gian xa xa nào, những câu lục bát nhiều dáng dấp của Nguyễn Du hơn là của ca dao:

Trông nhau tủi tủi mừng mừng
Lời thề Ðộc lập vang lừng nước non
....................
Mười năm những mấy ngàn ngày
Nhớ không thấy mặt đợi rầy đợi mai
..................
Bao phen tan cửa nát nhà
Ðầu rơi máu chảy biết là mấy thân

Ðôi chỗ giống hệt những câu sáo nhất của thơ Tản Ðà:

Nước trôi nước có về nguồn,
Mây đi mây có cùng non trở về

Chính sự xa rời cuộc sống làm hơi thơ Tố Hữu càng ngày càng đuối. Tác giả phải tiêu dùng vào vốn cũ nhiều quá nên những bài sau (từ bài “Lại về” trở đi) hơi thơ yếu, điệu thơ và hình ảnh cũ lại xâm nhập vào rất mạnh.

Cứ so sánh những bài đầu tập thơ và những bài cuối tập thơ thì thấy rõ. Khi nào Tố Hữu chịu đi sát thực tế thì tính chất ngậm ngùi tiểu tư sản bớt đi, nhưng càng về sau càng xa thực tế, tính chất tiểu tư sản càng ùa vào. Con đường đi của tập thơ Việt Bắc có thể nói là đi từ chỗ tương đối thực tế, sa dần vào khái niệm trừu tượng. Hiện tại thụt chân vào trong dĩ vãng. Quá khứ tấn công mạnh vào thơ Tố Hữu. Nhiều khi ta thấy như thơ Tố Hữu bất lực trong việc diễn tả hiện tại.

Nói về mười năm trưởng thành của dân tộc, sau khi nhớ thương nhắc đến những ngày gian khổ đã qua trong những câu thơ tê tái xót xa:

Nhớ ngày súng mất đạn không
Mùa hè giặc quét mùa đông giặc về v.v...

Tố Hữu nhắc đến cái vĩ đại phấn khởi của hiện tại:

Lòng ta lại thấy ngày mai
Chân đi mỗi bước nở vài bông hoa
..................
Người đi thác chảy qua rừng
Hoa đâu về nở tưng bừng Thủ đô.

Sao mà vắng lặng và xưa cũ thế!

Nhất là bài “Quê mẹ” (chưa in trong tập Việt Bắc), từ ý thơ đến hình ảnh, đến âm điệu nhiều điểm cũ quá. Có những câu:

Mây núi hiu hiu chiều lẳng lặng
Mưa nguồn gió biển nắng xa khơi
Tiếng hát đâu mà nghe nhớ thương
Mái nhì man mác nước sông Hương
À ơi tiếng mẹ ru nhè nhẹ
Cay đắng bao nhiêu nỗi đoạn trường
..................
Lòng ta như nước Hương Giang ấy.

Ta tưởng đâu như thơ hồi 1936.

Tính chất tiểu tư sản và xa thực tế là hai khuyết điểm căn bản nó cản trở khả năng hiện thực của Tố Hữu. Nó là nguyên nhân của cái buồn, cái công thức, cái hời hợt rải rác trong tập thơ [2] .

Vì thiếu thực tế nên Tố Hữu phải suy luận. Suy luận lại không trải qua lao động sáng tác gian khổ nên bố cục lỏng lẻo, nhiều bài giống nhau, tham ý, tham lời, thiếu tính chất cô đọng sâu sắc và tổ chức chặt chẽ của một tác phẩm nghệ thuật (Xem “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên”, “Lại về”, “Mười năm” và cả “Ta đi tới” nữa).

Thiếu thực tế, thiếu nghiền ngẫm suy nghĩ thật thấu đáo, không sống bài thơ mình một cách thật sâu sắc, không thể tạo được một bài thơ hay.

Chắc có bạn sẽ nói: "Làm thơ khó thế thì còn ai dám làm?"

Tôi thấy đã đến lúc có thể nói thẳng với nhau là làm thơ rất khó, khó và nhọc như bất cứ một công việc lương thiện nào ở trên đời.

Người ta phải học năm mười năm mới thành một người thợ, sao người ta lại muốn "vẩy bút" thành thi sĩ.

Chúng ta làm thơ cũng như người thợ sản xuất, người nông dân cày ruộng, người cán bộ làm chính trị.

Một số anh em làm thơ hay than phiền là bị một số cán bộ các ngành khác coi thường. Theo ý kiến tôi, lỗi tại các cán bộ kia một phần (vì còn mang nặng cái lối đánh giá của thời đại cũ) nhưng một phần cũng lỗi tại chúng ta. Chúng ta còn chưa thật coi trọng nghề nghiệp của mình.

Từ nãy đến giờ tôi nêu ra toàn những khuyết điểm. Tập thơ không có chút ưu điểm nào chăng?

Không phải. Việc tập thơ còn được một số đông trong quần chúng hoan nghênh đủ là một bảo đảm cho giá trị của nó trong giai đoạn hiện tại.

Thơ Tố Hữu, đứng về một phương diện nào mà nói, là thơ có ích. Tố Hữu có nhiều cố gắng phục vụ công tác chính trị. Tố Hữu hơn một số anh em làm thơ ở chỗ giải thích chính sách bằng thơ có rung cảm mặc dầu rung cảm còn vương vất tàn tích tiểu tư sản. Thơ Tố Hữu nhiều chỗ là những bài học về chính sách tốt.

Nhưng là những bài học về chính sách tốt không phải là đã hiện thực, đã công nông. Ý tốt, ý đúng không phải đã là toàn bộ vấn đề nội dung của Thơ. Vấn đề nội dung, tôi nhắc lại, căn bản là vấn đề điệu tâm hồn của tác giả [3] . Tôi thấy mức giá trị của thơ Tố Hữu, của điệu tâm hồn tác giả tỏa ra trong tập thơ là mức tiểu tư sản cách mạng [4] . Ưu điểm của Tố Hữu là ở đó, nhưng khuyết điểm của Tố Hữu cũng là ở đó.

Chắc các bạn cho là tôi đòi hỏi nhiều quá.

Nhiều và không nhiều.

Nếu bạn chỉ đòi hỏi tập thơ xem được, một tập thơ của một người yêu nước trong mặt trận dân tộc thống nhất và so sánh với một vài tập thơ khác để đánh giá thì quả là có nhiều.

Nhưng nếu các bạn muốn đòi hỏi hơn ở thơ Tố Hữu, một nhà thơ hoạt động cách mạng mà bạn tin là còn có nhiều khả năng đóng góp hơn nữa, nếu các bạn muốn đứng vững trên lập trường hiện thực xây dựng một nền thơ Việt Nam chân chính thì chẳng có gì là nhiều cả. Phê bình Tố Hữu cũng là tự phê bình, cũng là phê bình thơ hiện đại nói chung.

Viết đến đây, tôi không thể không nghĩ đến con người Tố Hữu, đến một nhà thơ tương đối được rèn dũa lâu năm trong Cách mạng, tha thiết muốn góp phần tâm hồn của mình vào nền thơ Việt Nam.

Và tôi thấy làm thơ thật là gian khổ. Có khi tư tưởng, trí tuệ mình đã chuyển rồi, mà tình cảm vẫn còn vướng víu ở những đâu! Những rơi rớt của con người cũ bám lấy chúng ta như những kẻ chết đuối vớ được cọc. Ðấu tranh chật vật và gian khổ. Nhưng chúng ta không sợ. Chúng ta là những người làm thơ có lý tưởng tha thiết với Cách mạng, với chủ nghĩa hiện thực như với hơi thở của mình. Và cũng như Cách mạng, hiện thực chính là vấn đề giai cấp, vấn đề công nông. Kiểm điểm lại, ta thấy nhiều khi ta quên mất điều đó trong sáng tác, chúng ta còn để buông ngòi bút chạy theo cảm hứng chủ quan của mình, chưa duyệt lại bản thân một cách nghiêm khắc, lấy tư tưởng, tình cảm của công nông làm một cái sàng, lọc những tình cảm yếu ớt tiểu tư sản ra ngoài. Công việc khó khăn và lâu dài, đòi hỏi chúng ta nhiều cố gắng trau dồi tư tưởng, tình cảm, quyết tâm đi vào công nông, đồng cam cộng khổ với họ. Không phải một lúc đã có thể có những bài thơ hoàn toàn công nông ngay. Nhưng càng khó khăn, càng hăng hái, càng quyết tâm. Không phải khó khăn mà không dám làm thơ. Chúng ta sẽ còn làm thơ và làm thơ nhiều hơn trước. Qua mỗi bài thơ, ta sẽ tôi luyện tâm hồn của mình. Mỗi bài thơ sẽ là một bậc thang nâng chúng ta lên. Chóng hay chầy tùy khả năng, tùy cố gắng của từng người. Nhưng nhất định là tới, nhất định là xây dựng được một nền thơ hiện thực cống hiến cho Cách mạng. Ðó là lẽ sống của chúng ta.

Văn nghệ, số 68 (11.4.1955)



19. Vũ Ðức Phúc

Phản đối cái buồn của Hoàng Cầm khi đọc thơ Tố Hữu

Tôi không phải là người thích tất cả những bài thơ, những câu thơ của Tố Hữu. Nhưng có một điều không ai chối cãi được là từ trước đến nay, Tố Hữu thực tế được đặt lên hàng đầu những nhà thơ cách mạng của ta. Mặc dầu ý kiến mọi người khác nhau, nhưng nếu đặt một câu hỏi cho tất cả những người đã có đọc thơ: "Theo ý kiến anh hay chị, nhà thơ cách mạng nào của nước ta hiện nay đáng đặt lên hàng đầu?" Ai cũng sẽ trả lời: "Tố Hữu! Tố Hữu". Nhiều người lại cho rằng hỏi như thế thật là dớ dẩn, đánh đố trẻ con.

Thời đại ta có thể nhầm lẫn chăng làm cho vàng thau lẫn lộn? Việc thích thơ Tố Hữu có phải là một cái "mốt" chăng? Là do uy tín chính trị chăng? Là do theo đuôi chăng? Văn nghệ, nhất là thơ ta là "hạng bét" cho nên nhà thơ kém như thế cũng được đặt lên hàng đầu chăng? Thực tế không cho phép ta hoài nghi như vậy. Trong thời kỳ giai cấp phản động còn thống trị, ảnh hưởng của nó còn mạnh thì hoài nghi như vậy đối với các nhà văn tên tuổi "sách bán chạy nhất" là được. Nhưng nhân dân cách mạng không thể nhầm lẫn, hoặc có cũng chỉ trong một thời gian rất ngắn, không đợi đến tổng khởi nghĩa thắng lợi, kháng chiến thành công rồi mà tối đại đa số vẫn còn nhầm. Ở Liên Xô, căn cứ vào sự hoan nghênh của quần chúng, người ta đánh giá ngay được các nhà văn nghệ và ngay bây giờ người ta đã gọi A-lếch-xít Tôn-stôi (Alexis Tolstoi) là "văn hào cổ điển của Liên bang Xô Viết". Cũng không phải là do uy tín chính trị của anh. Người ta thích thơ Tố Hữu trước khi biết quá trình hoạt động cách mạng của anh và có đến hàng trăm hàng nghìn nhà cách mạng làm thơ, nhà thơ làm cách mạng, sao không thích ai, lại yêu ngay thơ Tố Hữu nhất? Cũng không phải là do theo đuôi, vì tôi thấy nhiều người, rất nhiều người ghi trong sổ tay một vài bài của Tố Hữu, khi người khác giật lấy sổ mở ra xem, thì họ giật lại như muốn dấu diếm một bức ảnh hay một kỷ niệm gì của người yêu. Hồi đầu kháng chiến, đi đâu cũng thấy "Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế", "Con ơi con ngủ cho ngoan, Sang canh trăng lặn buổi tan mẹ về". Sau đó lại có một dạo nhiều người nghêu ngao: "Cha em đây giữa chiến trường, mặt đen khói đạn chặn đường giặc lui..." Và bây giờ thì: "Ðẹp vô cùng tổ quốc ta ơi!" v.v...

Trong các hội nghị, hễ có giải lao, có ngâm thơ là có thơ Tố Hữu. Và người không ngâm thơ Tố Hữu lại ngâm cái bài thơ khác thì anh chị em thắc mắc, đặt vấn đề: "Sao không ngâm thơ Tố Hữu?"

Còn như nếu đã công nhận thơ Tố Hữu được hoan nghênh nhất, nhưng lại cho là "thùng nước loãng", tất sẽ đi đến kết luận là thơ ca của ta chẳng ra gì. Tôi chắc sẽ không ai dám nói như vậy.

Phải nhận thấy một sự thực nó kêu to đến như thế trước khi đi vào chỉ trích thơ anh là "thùng nước loãng", là "không hiện thực", là "ít chất sống", "là nghe nhiều lần thì chán" nếu chưa đi vào nghiên cứu nguồn gốc, căn nguyên, nội dung, ý nghĩa của sự thực đó thì tốt hơn hết là "kính nhi viễn chi".

Phương pháp phê bình hiện thực đòi hỏi ta phải khách quan như vậy đối với thơ Tố Hữu. Tất nhiên cần phải chú ý đến cảm xúc của bản thân ta, nhưng trong khi đó phải thận trọng phân biệt trong cái "tôi" đó, cái gì là cảm thông, đồng điệu, ăn nhịp với tình cảm tiến bộ của thời đại, cái gì là cái "tôi đáng ghét" lỗi thời.

Tất nhiên khi trưng cầu ý kiến của nhân dân thì mọi người có quyền phát biểu cảm tưởng riêng. Nhưng những cảm tưởng riêng ấy cũng cần phải lọc đi những "cái riêng quá". Còn như đã gọi là phê bình khách quan thì trước tiên phải phản đối cái lối lấy mình làm vốn của quả đất, [5] lấy cảm xúc của mình làm thước đo giá trị văn nghệ. Những câu như: "Ta đã thích tất phải hay, không thích chắc là dở", "Văn thơ tôi ai hiểu thế nào cũng được, tôi có lối hiểu riêng", từng làm nguyên tắc cơ bản cho phương pháp phê bình của một số nhà phê bình đặc xịt cá nhân chủ nghĩa, đã thành ra những luồng gió lạnh lẽo cuối mùa. Hoàng Cầm đã rơi vào một phương pháp rất chủ quan, một chiều như vậy. Cái cảm giác buồn hiu hắt cô đơn của anh khi đọc thơ Tố Hữu mà anh suy luận là tình cảm chung, cái tâm trạng đó tôi xin hô to lên rằng đó chỉ là tâm trạng của một số ít con người.

Mở đầu tập thơ là bài “Cá nước” viết năm 1947. Phân tích một cách khách quan, ta thấy tình cảm chính của nó muốn gây lên trong lòng người đọc là cái khăng khít, đồng tình giữa những con người kháng chiến trong hoàn cảnh gian khổ; cái tình khăng khít đó đi tới sự vồn vã, vui vẻ kể cho nhau nghe những tin thắng lợi một cách phấn khởi nở nang quên mệt nhọc, trong khi ấy mùi lúa chín ở đồng quê thơm phức nổi lên, ở "đầu xóm tre xanh, có bà ru cháu nằm khoanh lòng già" gợi lên một trăm mối giây liên hệ giữa hai người với nhau, giữa hai người với đất nước thân yêu, với con trẻ, bà già, với cảnh chồng đi kháng chiến, vợ ở nhà tăng gia, tất cả quấn quýt lấy nhau trong mối tình cá nước và gây nên một lòng yêu quý đất nước với làng mạc, đồng lúa, vợ con, của ta. Tất cả tình cảm đó có trong bài thơ, tôi không thêm bớt. Ðộc giả thử đọc lại bài thơ. Vậy mà ở đây, Hoàng Cầm đọc xong không chú ý tới tất cả, không thấy "rung động mãnh liệt", lại có những cảm giác bối rối, mơ hồ như thấy "cái không gian của bài thơ choán lấy tâm hồn tôi một lúc, như bóng rợp một đám mây giữa đường trời nắng", lại thấy "hơi gợn buồn" và cuối bài thì thấy "buồn lên cao độ". Tôi không hiểu cái buồn của Hoàng Cầm nguồn gốc sâu xa tự đâu, nhưng nhất định không phải tại cái "hoàn cảnh khách quan" là bài thơ thắm thiết của Tố Hữu. Tôi lại nhớ đến một câu trong Truyện Kiều:

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ

Người đây là Hoàng Cầm mà cảnh đây là thơ Tố Hữu.

Ðến bài thứ hai: “Phá đường”, Hoàng Cầm viết: "Ðến tình cảm bài Phá đường mở đầu bằng "rét" và kết thúc bằng "gió rét trăng lu", còn đoạn giữa tả một cảnh lao động bình thường, cặm cụi trong lúc "trăng non mới hé" tất cả chỉ truyền vào lòng tôi một chút hơi thở nhè nhẹ của công việc phá đường, vẫn đượm một chút hắt hiu". Rồi anh hỏi: "Tại sao lại gió rét? Gió rét ấy có cắt nghĩa được cái gian nan, vất vả của việc phá đường không? Tuyệt nhiên là không! Nó chỉ gợi ra được cái buồn".

Trước hết cái tóm tắt của Hoàng Cầm là cụt đầu cụt đuôi, và không đúng: Mở đầu bài “Phá đường” là "rét" nhưng mấy câu sau đến "rét thì mặc rét". Cuối bài là "gió rét trăng lu" nhưng lại thêm một câu rất nhộn là "Rộn nghe tiếng cuốc chiến khu phá đường". Ở giữa không phải là tả một cảnh lao động bình thường mà nói tới người phụ nữ bận việc, neo bấn, con mọn, nhưng hăng hái theo chồng đi phá đường (mà vẫn không kém thương con), mà không phải phá một cách cực nhọc, mặt nặng như chì, lại phá với một tinh thần thi đua vượt mọi khó khăn thấy vui vẻ trong công việc. Người ta quen với cái "buồn" của Hoàng Cầm rồi, nhưng đến đây thì rất ngạc nhiên! Toàn bài thơ không có tác dụng gì đối với Hoàng Cầm, chỉ có một chữ "rét" làm cho anh buồn đến thế! Có lẽ phải cấm Tố Hữu không được dùng đến gió rét để Hoàng Cầm khỏi ngẩn ngơ hỏi: "Tại sao lại gió rét" và anh đâm ra buồn bã. Kết tội là hai chữ "gió rét" làm cho mình buồn, anh Hoàng Cầm lại đòi hỏi khi tả cảnh phá đường phải tả "cái gian nan vất vả" nghĩa là tả với cái buồn nặng như đá đeo. Chỗ mâu thuẫn to đó, đi sâu vào chỉ thấy cái buồn của Hoàng Cầm ở ngoài thơ Tố Hữu.

Còn cảnh phá đường lần đầu kháng chiến, Hoàng Cầm đã chứng kiến và nhận xét "nặng nhẹ vất vả ở hai cánh tay và ở cả trong lòng người phá đường. Nhưng giặc đã đến đầu ngõ, phải phá ngay, không thì nó đi được nhanh, nó sẽ giết con, đốt nhà mình..." Nói chung là có đúng như Hoàng Cầm nhận xét không? Có một vài trường hợp đặc biệt đúng như thế, có phải là đáng khuyến khích không? Ở một số thôn kém động viên, có hiện trạng đi phá đường và làm các công tác kháng chiến một cách bất đắc dĩ. Có anh đi dân công, đi bộ đội, mặt ủ mày chau, chung quy chỉ do ngại khó và sợ hãi. Nhưng nói chung, đấy là trường hợp cá biệt. Tất cả các công tác kháng chiến người ta đều làm với một tinh thần phấn khởi, mặc dầu vất vả nặng nhọc đến đâu, mà nếu phải tả những anh chỉ thấy gian nan vất vả trong công việc, chỉ vì sợ quá nên phải làm, thì phải phết cho anh ấy những nét thật đích đáng, phải phê bình ra trò. Nhưng việc phá đường, rào làng, đào hầm, nhiều nơi già trẻ trai gái làm tíu tít, thanh niên phụ nữ khúc khích. Có khi họ im lặng lắm nhưng chọc một câu là cười như phá. Cách xa địch thì nào hò, nào hát. Những chuyện như thế sao Hoàng Cầm nhìn đã 10 năm không thấy? Nếu tả theo ý Hoàng Cầm thì không thể giáo dục được người đọc. Người ta sẽ chỉ thấy giao động và gian khổ. Nhận định của Hoàng Cầm có vẻ khách quan, có vẻ dẫn chứng, nhưng thực ra chỉ là lối nhìn chủ quan của một số người. Hoàng Cầm công kích thơ Tố Hữu là "buồn" nhưng nếu tả như Hoàng Cầm thì rất bi quan làm cho người yếu bóng vía thất kinh hồn. Do đó không nên trách thơ Tố Hữu ít chất sống, mà có buồn chỉ tại mình. Cái buồn đó kéo qua bài “Bà bủ nằm ổ chuối khô” cho nên Hoàng Cầm không thấy tình thấm thía xót thương căm giận: "Sao chúng chẳng để cho mụ ta yên hưởng tuổi già" [6] mà Hoàng Cầm chỉ thấy "buồn não nuột".

Ðến bài “Em bé Triều Tiên”, đoạn đầu tả tội ác của giặc đã giết cha mẹ em. Hoàng Cầm đọc đến đoạn ấy "không thấy căm thù, chỉ thấy ghê rợn". Nói về tội ác của giặc, có một số người yếu bóng vía nghe thấy là ghê, thậm chí có anh giở báo ra không dám đọc những bài đó. Nhưng trong nhiều cuốn sách của Liên Xô như cuốn Bão táp của Ê-răng-bua, họ còn tả tỉ mỉ, cặn kẽ hơn nữa. Tại sao lại ghê rợn trước cảnh một em bé chơ vơ lạc lõng trong một hoàn cảnh thương tâm đầy xác chết do địch gây ra, mẹ em bị hiếp và treo cổ, cha em bị chặt đầu cắm cọc? Trong khi đó thì khách bàng quan, trước kia tin tưởng ở đế quốc, như bà Phen-tơn (Monica Felton) khi chứng kiến những tội ác ấy, bỗng trở nên chiến sĩ hòa bình số 1, số 2...? Tôi nhớ khi treo những bức ảnh về tội ác của đế quốc Mỹ ở Triều Tiên, những ảnh như Tố Hữu tả, đa số nhân dân ta nhìn thấy là chửi cha thằng Mỹ, rất ít người có thái độ ghê rợn. Phổ biến là họ nói: "đế quốc dã man". Những giòng thơ của Tố Hữu, ngoài việc tả những cảnh thảm thiết, điển hình, có thực, cũng không có một chữ nào nói quá đi để làm cho người đọc ghê rợn. Ðoạn sau bài thơ mà Hoàng Cầm nói là: "Cố tạo ra cái không khí chiến đấu rộn ràng", đoạn đó có hai câu thơ người đọc đến ít ai quên được:

Cha em đây giữa chiến trường
Mặt đen khói đạn, chặn đường giặc lui.

Tình cảm giả tạo không thể bật ra những câu như vậy được.

Ðến bài “Ðời đời nhớ Ông”, Hoàng Cầm nói là "không phản ảnh được tình cảm thực của nhân dân ta sau cái chết đó" vì rằng nó "buồn". Rồi tiếp: "Xót thương, nhưng rồi băng băng đi dân công, đi gánh thóc thuế, sôi nổi phát động đấu tranh chống giai cấp địa chủ phản động. Trên đường vẫn những tiếng cười nói rộn ràng [7] , tin tưởng..."

Tôi không biết những người "nhân dân" đó, mà Hoàng Cầm bắt gặp, ở đâu. Nhưng tôi đưa ra một dẫn chứng không thể nói là không điển hình: Khi làm lễ truy điệu đồng chí Sta-lin, trên Việt Bắc Hồ Chủ tịch bước vào hội trường, nước mắt dàn dụa. Trước đó anh em đã khóc nhiều ngày và anh chị em còn cho biết rằng đã ba bốn ngày Hồ Chủ tịch đau đớn quên ăn quên ngủ. Sáu trăm cán bộ quân, dân chính suốt từ Nam chí Bắc khi thấy Người vào, bật lên khóc không ai cầm được nước mắt. Hồ Chủ tịch lau nước mắt, nghẹn ngào mãi mới nói được ta phải "biến đau thương thành hành động". Các vị lãnh tụ của ta khóc rất nhiều, ba bốn ngày sau, anh Trường Chinh, khi trình bày sự nghiệp của đồng chí Sta-lin, còn òa lên khóc mãi. Suốt trong mấy ngày tang tóc, không có một tiếng "cười", họa chăng chỉ tưởng tượng ra được nụ cười đểu cáng khả ố của thằng Ai-sen-hao. Không những cán bộ các ngành mà anh chị em công, nông, trí thức cũng khóc. Nỗi đau xót đó, Tố Hữu chưa nói ra được hết trong tiếng thủ thỉ âm thầm của mẹ con trong bài “Ðời đời nhớ Ông”. Những tài liệu phim ảnh về cái chết của đồng chí Lê-nin, đồng chí Ði-mi-tơ-rốp, hàng chục vạn con người khắp các nước, hoặc dự đám tang, hoặc lao động để "biến đau thương thành hành động" cũng không thấy dấu vết một nụ cười.

Hai nữa bài “Ðời đời nhớ Ông” không phải như thiên trường ca khóc Lê-nin của Mai-a-kốp-ski. Nó chỉ nói lên nỗi lòng người mẹ có con thơ, đau xót, căn dặn con đời đời nhớ Ông và:

Thương Ông mẹ nguyện trong lòng
Yêu làng, yêu nước, yêu chồng, yêu con...

Như thế vừa thắm thiết mà cũng không có khuyết điểm gì về tư tưởng. Khách quan mà nói cũng nên thương bằng cách như vậy, cứ gì phải bắt chước Mai-a-kốp-ski. Một bài giữa mẹ con như thế, không thể đùng đùng nhét những thóc thuế hay chuyện phát động quần chúng vào trong đó cho nó thêm lài nhài.

Nhưng có ai trước cái chết đau xót như vậy, trước cái tổn thất không gì đền bù được như vậy lại vẫn "cười nói, rộn ràng"?

Trước cái tàn ác của địch thì ghê rợn, trước cái chết của lãnh tụ thì thương xót nhưng cần phải "cười nói, rộn ràng" cho nó có vẻ "nhân dân". Một người như vậy, chắc Hoàng Cầm cũng rõ là không mắc bệnh về thần kinh cũng mắc bệnh về tư tưởng.

Vì vậy không ai lạ gì khi thấy Hoàng Cầm buồn bã nhớ đến chia ly khi đọc đến một bài đằm thắm, xoắn xít, đầy tin tưởng vào tương lai, vào xây dựng như bài “Việt Bắc”.

Trên là nỗi buồn của Hoàng Cầm. Trong khi viết, tôi đã nghiên cứu trích dẫn cẩn thận, không có dụng ý cắt xén, thêm bớt. Ðộc giả đọc bài của tôi, xin đọc lại bài của Hoàng Cầm.

Ðoạn dưới, Hoàng Cầm nói về những "hình ảnh" trong thơ Tố Hữu: Về "hình ảnh bộ đội", lối phê bình của Hoàng Cầm là nhặt một số câu trong dăm bài nội dung khác nhau, viết vào những thời kỳ khác nhau, cái gì "có thể" chứng minh cho nhận xét thiên lệch của anh thì anh nhặt ra, cái gì không chứng minh cho cái nhận xét đó thì anh cố tình không biết tới. Tôi xin tạm gọi đó là phương pháp phê bình "cố tình". Với phương pháp cố tình đó, anh viết: "Nói chung, hình ảnh bộ đội trong tập thơ Việt Bắc là hình ảnh đẹp một cách mỏng manh, mờ nhạt như dáng dấp một người lẩn trong sương, trong một bức tranh chấm phá. Con người bằng xương bằng thịt, có bao nhiêu tình cảm lúc vui buồn, hờn giận, thương xót, lúc vào bộ đội, khi nhớ quê hương đồng ruộng, cha mẹ vợ con, khi tác chiến anh dũng, khi nhịn đói hành quân, lúc chia sẻ ngọt bùi cay đắng với cán bộ, với đồng đội, tôi chưa tìm thấy trong tập thơ Việt Bắc".

Trước hết, tôi mách thêm Hoàng Cầm là kể rất nhiều như thế cũng chưa đủ về anh bộ đội của ta. Những tác phẩm đã xuất bản mới dựng lên một phần nhỏ. Một vài bài thơ của Tố Hữu, dụng ý chỉ nói về một vấn đề gì, một khía nào, không có ý để Hoàng Cầm tổng kết về "hình ảnh đầy đủ hoàn toàn" của anh bộ đội.

Nhưng ngay trong "ý muốn" của Hoàng Cầm đó, có những cái Tố Hữu đã nói tới, mà nói đạt, một vài đoạn dưới đây phải chăng là không sinh động, đầy đủ buồn, vui, hờn giận, thương xót của một anh Giải phóng quân? Trong bài “Bà mẹ Việt Bắc”:

Bộ nó rõ oai
Vai thì đeo súng
Ngực tréo hai quai
Áo thì thắt bụng

(Bà mẹ ôm lấy con kể lể chuyện nhà cửa và những tàn ác của quân đế quốc, trong khi đó thì hình ảnh người con:)

Mắt nó đỏ nọc
Nó cầm tay tôi
Má ơi đừng khóc
Nước độc lập rồi

(Khi bà cụ nhắc đến chuyện lấy vợ:)

Nó chỉ cười khi
Vợ con gì gấp!
Con còn phải đi
Giữ gìn độc lập!
..................
Ở chơi ít bữa
Nó hát cả ngày
Dọn nhà sửa cửa
Xới vườn luôn tay

Những nét cụ thể như thế, sinh động như thế, sao lại nói là "hình ảnh chung chung"? Nhiều người đã nhắc tới, và trong một thời kỳ bài “Bầm ơi” đã thành bài thơ đáy bị của bộ đội, tại sao lại nói là chưa thấy tình cảm anh bộ đội nhớ mẹ cha trong thơ Tố Hữu?

Cũng với "phương pháp cố tình" Hoàng Cầm không nhìn thấy nội dung chính, tình cảm chính, chỗ rung động nhất của bài “Cá nước” như trên kia tôi đã phân tích, mà chỗ này lại cố đi tìm hình ảnh anh bộ đội. Ði vào khía cạnh như thế, tất nhiên "chỉ thấy anh bộ đội thấp thoáng trên lưng đèo rồi lại đi" nghĩa là Hoàng Cầm chỉ thấy cái đuôi, hoặc cái chân con voi tưởng là con voi. Trong bài “Voi”, Hoàng Cầm lại không nhìn thấy sau cái gian nan vất vả của công việc là cái lạc quan, phấn khởi, tin tưởng của anh bộ đội. Trong bài “Bắn”, anh lại cố tình không nhìn thấy cái tình cảm của người ở ngoài cũng là cái tình cảm của anh bộ đội, cho nên chỉ thấy anh pháo binh như tượng gỗ.

Cái cách cưa đầu xẻ tai các bài thơ, không cần đến nội dung chính, đến chủ ý của tác giả, đến tình cảm chính nó muốn gây nên trong tâm tình người đọc, dùng cái cách đó rồi nhặt lấy những câu, những mẩu vá chắp để chống đỡ cho cái nhận định thiên lệch của mình, thì khen ai cũng được, mà chê ai cũng xuôi. Có thể nói không có một bài nào trong tập Việt Bắc mà Hoàng Cầm không ít nhiều dùng cách đó để chê Tố Hữu.

Về "hình ảnh chú bé liên lạc" Hoàng Cầm xưa nay vẫn chê thơ Tố Hữu là "buồn", thì đến chỗ này lại thấy cái chết của Lượm "đẹp và nhẹ", "cái chết không khác gì một con chim trúng đạn chết ở giữa đồng lúa".

Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng.

Trước hết hình ảnh em bé liên lạc trong bài “Lượm” có phải chỉ là "hình ảnh em lúc chết" không? Cũng như hình ảnh các thanh niên trong cuốn tiểu thuyết Thanh niên cận vệ đội của Pha-đê-ép (Fadéev) có phải chỉ là hình ảnh một bọn người bị giết gần hết không? "Lượm" là điển hình của các em liên lạc, "như con chim chích, nhảy trên đường vàng", tinh nghịch, dí dỏm, không thắc mắc lo ngại gì về cá nhân, lao mình vào chiến đấu không chút giao động, khi bị giết ở giữa đồng lúa thơm mùi sữa, bàn tay vẫn nắm chắc lấy ngọn lúa đang đông sữa như nắm lấy sự sống, chết rồi mà hồn vẫn phảng phất trên đồng lúa, chết rồi mà vẫn "như con chim chích, nhảy trên đường vàng". Tả một em như vậy sao lại không thấy "thân yêu ruột thịt", sao lại không thấy cái chết của em "chua xót, đau đớn, trong trẻo và mạnh mẽ" như Hoàng Cầm nói? Tất cả những đòi hỏi của Hoàng Cầm về một em bé liên lạc đều có trong thơ Tố Hữu. Ðộc giả thử đọc lại bài đó. ở chỗ này thấy rõ chỗ "cố tình" chứ không phải vô tình không nhìn thấy của Hoàng Cầm.

Về hình ảnh Hồ Chủ tịch, Hoàng Cầm muốn người ta phải nói đầy đủ về lãnh tụ: "những giờ Người ra tiền tuyến, đến bên cạnh dân công, bộ đội; Người ở nông thôn, bàn bạc chuyện trò với các cụ phụ lão nông dân, Người ở đâu, đến đâu thì quần chúng thêm mạnh mẽ, phấn khởi". Hoàng Cầm cho như thế là đầy đủ về hình ảnh lãnh tụ ư? Xin nói rằng đó mới là tác phong đi sát, và tác dụng động viên của Người mà thôi. Cả một cuộc đời, hơn một nửa thế kỷ chiến đấu của Người biết bao nhiêu chuyện đáng tả! Cái mà Hoàng Cầm cho là "đủ" đó mới chỉ là bề ngoài, thực là bề ngoài.

Ở nhiều bài thì Hoàng Cầm nói là "rộng quá", trong bài “Sáng tháng Năm” và vài câu trong bài “Việt Bắc” thì lại kêu là "Hồ Chủ tịch không phải chỉ có thế". Cái mâu thuẫn đó bối rối, lủng củng trong bài phê bình của Hoàng Cầm rất nhiều. Người ta có cảm giác là không làm sao chiều anh cho được.

Bài “Sáng tháng Năm” chỉ tả tình cảm một người lên thăm Bác, nghĩa là chủ ý chỉ nói một phần. Nhưng nếu căn cứ vào vài câu như sau:

Người ngồi đó với cây chì đỏ
Chỉ đường đi từng phút từng giờ, v.v...

Rồi đi đến kết luận là tả lãnh tụ "xa xôi cách biệt" như Hoàng Cầm, thì tôi xin hỏi: bài thơ nổi tiếng trên thế giới của Nê-ru-đa (Pablo Neruda) trong đó có mấy câu thế giới dân chủ thường truyền tụng, tại sao lại chỉ là mấy câu tả "ánh sáng đến tận đêm khuya trên cửa sổ điện Krem-lanh"? Có lẽ thế giới dân chủ người ta ngu cả chăng? Hay là bảo đồng chí Sta-lin không được gần gũi với quần chúng? [8]

Và tại sao Hoàng Cầm lại cấm không cho "thần thánh hóa" lãnh tụ? Chính Hoàng Cầm còn nói đến Người với một chữ "Người" mà chữ N viết hoa kia mà. Ở Liên Xô, nhân dân đã thần thánh hóa Lê-nin. Ở Trung Quốc, đã có những "chuyện cổ tích" về Mao Chủ tịch. Ở ta, thử lắng nghe nỗi lòng người dân Nam Bộ! Thử nhớ đến những cảnh trong thời kháng chiến, người dân vùng tạm chiếm ra xem triển lãm vùng du kích, đứng trước ảnh Người, kể lể các nỗi khổ sở của nhân dân dưới ách địch và khóc lên! Thử nhớ lại hôm 1-1-1955 các cụ già thức suốt đêm và đi còm cọm cả ngày, mục đích chỉ để thoáng nhìn thấy Người một cái là thỏa mãn. Ðêm rừng Việt Bắc, anh em từ bốn phương tụ họp học tập, Người đứng lên: râu tóc bạc phơ, mắt sáng, mặt hồng hào, tiếng nói cổ kính, nghe văng vẳng như lời Mác, Ăng-ghen, Lê-nin. Hồ Chủ tịch không tách rời quần chúng, rất giản dị, thân mật, gần gũi, nhưng nhân dân coi Người là Cha của dân tộc, là cứu tinh đất nước, "còn hơn đức thánh Trần". Có gì là lạ đâu mà Hoàng Cầm cấm đoán "thần thánh hóa", bảo như thế là kém hiện thực? là "giống như một đạo sĩ"? [9]

Và trong hai câu thơ sau của Tố Hữu:

Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút.

Hoàng Cầm bảo "không thấy sáng chỗ nào và lớn chỗ nào". Nói như vậy thực là bật cười. Hồ Chủ tịch không thực là "sáng" hay sao? Ta không lấy làm vinh dự, không thấy sáng lên, lớn lên khi có một người sáng như Hồ Chủ tịch làm lãnh tụ dân tộc ta hay sao? Cái sáng của Hồ Chủ tịch không đào tạo ra, nghĩa là làm lớn lên, hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn anh hùng chiến sĩ hay sao? Ở gần Hồ Chủ tịch, tư tưởng, tác phong, đạo đức của mình chẳng được tốt đẹp thêm lên hay sao? Từng ấy chân lý, những anh em tận góc rừng ở Phi châu còn rõ, tại sao Hoàng Cầm không cảm thấy, mà chỉ đòi hỏi mỗi một chuyện Hồ Chủ tịch đi sát để gây nên mạnh mẽ?

Cái "không nhìn thấy" của Hoàng Cầm cao đến một độ khá bi đát là không thể cảm thông được những câu thơ sáng sủa nhất của Tố Hữu.

Ðoạn cuối, sau khi chê thơ Tố Hữu là nhiều bài "rộng quá, tổng hợp quá, chính trị quá"; Hoàng Cầm viết:

"Ở một số bài thơ gần đây của Tố Hữu, tôi thấy như vậy: Ðầu tiên thì nêu lên một vấn đề rồi tiếp đến suy luận bằng những câu văn đèm đẹp. Thành phố đã phá trụi thì nhất định là ngày sau phải tưng bừng. Cha mẹ em bé Triều Tiên chết treo khủng khiếp, em bơ vơ, lạc lõng thì nhất định là có cả một dân tộc ở bên em, săn sóc cho tương lai của em, và nhất định em sẽ sung sướng. Ðã chia ly Việt Bắc thì sau phải nghĩ đến trao đổi hàng hóa với Việt Bắc. Ðiện Biên đã thắng thì nhất định ở Hội nghị Giơ-ne-vơ sẽ thêm điều kiện thuận lợi đấu tranh với kẻ thù. Thật khó mà tìm thấy một khuyết điểm nào về ý nghĩa chính trị. Những bài thơ đó đầy đủ thế, nhưng rất ít chất cuộc sống một dân tộc đã đấu tranh gay go phức tạp và đã giành được thắng lợi hòa bình".

Về cái "cao chê ngỏng, thấp chê lùn" của Hoàng Cầm, tôi đã trình bày trên. Vấn đề không phải là tổng hợp hay phân tách đi sâu, không phải là rộng hay hẹp, không phải là ít hay nhiều chính trị. Cần phải có những bài tổng hợp cũng như cần phải có những khúc "đại hợp xướng". Vấn đề là ở chỗ tình cảm bài thơ có thật hay giả tạo, nó có rung động, xúc động lòng người, giáo dục tình cảm hay không. Vấn đề là ở chỗ cái "chính trị", cái "đường lối chính sách" đã biến thành một cái mà anh Xuân Diệu gọi là "tình cảm cá nhân" của tác giả hay chưa, để có tác dụng truyền cho người đọc. Ở Tố Hữu, cũng có chỗ còn đại lược, còn chưa đạt, còn khô khan (rất ít) nhưng không thể nói là tình cảm giả. Nhiều người đã ngâm nga cái "đường lối xây dựng, kiến thiết đất nước", cái "đoàn kết giữa miền ngược và miền xuôi" ở trong bài “Việt Bắc” một cách khoái trá, dường như mới tìm ra một của quý mới lạ. Toàn bộ bài “Ta đi tới” rung lên lòng yêu nước, chí căm thù. Ở Tố Hữu, chính trị đã biến thành xương thịt, lòng yêu nước đã thành một tình cảm mê say thắm thiết không khác gì ái tình. Ði sâu vào lòng yêu con trẻ, bà già, ngọn lúa, khóm tre cũng có, mà tổng hợp cũng có. Phải chính trị đến đâu ấy chứ!

Và bài “Em bé Triều Tiên” có phải là "cả một mặt dân tộc [10] săn sóc bên em" với cái hiểu của Hoàng Cầm là "chính trị" là "chung chung, đại lược" là "suy luận" đâu? Việc săn sóc đó đã có cụ thể trên thực tế và trong thơ Tố Hữu. Trên thực thế [11] thì không những nhân dân Triều Tiên nuôi nấng những đứa con côi cút của mình mà Liên Xô, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Ba Lan đã cứu vớt săn sóc các em, gây dựng cho các em thành người. Ở trong thơ Tố Hữu thì không phải là "chung chung", "suy luận" mà mẹ của "Em bé Triều Tiên" là người dân công, người nữ cứu thương, cha em là con Bác Mao, là quân chí nguyện, là bộ đội.

Thực tế như vậy, tình cảm trong thơ Tố Hữu như vậy, cái đó an ủi lòng người biết bao nhiêu. Trong tập Việt Bắc, dân tộc ta với các hạng người đất nước yêu dấu của ta xoắn xít lấy nhau trong một mối tình đằm thắm, vùng lên chiến đấu và sản xuất như vậy.

Cũng vì vậy cho nên trong khi Hoàng Cầm kết luận một cách "nhẹ nhàng" rằng thơ Tố Hữu là "vại nước to, đầy tràn, pha loãng một màu sữa", là "ít chất sống", là "mới nghe thì hay, nghe nhiều lần thì chán", thì mười năm nay, thiên hạ người ta vẫn nói chan chát rằng người ta nhớ thơ, yêu thơ Tố Hữu, càng ngày càng nhớ nhiều và càng thêm nhiều người nhớ, mà không phải chỉ nhớ bài mới nhất rồi chán, mà nhớ cả những câu thơ hồi đầu kháng chiến, trong khi hòa bình trở lại, còn nghe văng vẳng tiếng hát “Phá đường”.

Tóm lại, Hoàng Cầm lấy tâm trạng và thái độ lạnh nhạt của mình mà "thưởng thức" thơ Tố Hữu. Ý kiến của anh, về tư tưởng trong văn nghệ thì có sai lầm, về phương pháp phê bình thì không hiện thực. Ở đây không phải tôi chỉ nói riêng anh mà muốn lên án chung cả một bệnh của thời đại trong Văn nghệ.

Gia Lâm, 4-1955
Văn nghệ, số 68 (11.4.1955)



20. Nhân Hồng

Nhân dịp kỷ niệm ngày thi sĩ Mai-a-cốp-ski từ trần: Chúng ta tiếp thu di sản của nhà thơ Xô Viết vĩ đại như thế nào?

Thi sĩ Mai-a-cốp-ski, mất ngày 14-4-1930, cách đây 25 năm, là một thiên tài vĩ đại của thơ văn Liên Xô. Sta-lin đã nói "Mai-a-cốp-ski đáng là và sẽ là nhà thơ hay nhất, vĩ đại nhất của thời đại Xô Viết…"

Không phải đảng viên cộng sản, Mai-a-cốp-ski rất gắn bó tha thiết với Ðảng: "Tôi không xa Ðảng và tôi tự đặt cho tôi nhiệm vụ phải chấp hành tất cả những nghị quyết của Ðảng bôn-sê-vích, dù rằng tôi không có thẻ đảng".
Thấm nhuần ý thức phục vụ cách mạng, Mai-a-cốp-ski còn nói: "Các đồng chí tưởng tượng hình như Mai-a-cốp-ski là nhà thơ và anh ta phải ngồi hết ngày trên cái ghế thơ nhỏ bé của anh ta. Tôi chẳng cần làm nhà thơ. Tôi không phải là nhà thơ: tôi chỉ là một người dùng ngòi bút để phục vụ,- các đồng chí biết rõ đấy chứ,- phục vụ cho thời sự, cho thực tế thực sự và cho những người biểu hiện thực tế là chính quyền Xô Viết và Ðảng".

Mai-a-cốp-ski đã tham gia cách mạng ngay từ lúc còn là một thanh niên học sinh, đã bị Nga hoàng cầm tù, và rất sớm biết dùng tài mình để làm thơ phục vụ cách mạng. Trước cách mạng tháng Mười, Mai-a-cốp-ski đã là một nhà thơ tiến bộ nổi tiếng, nhưng còn chịu nhiều ảnh hưởng của văn học tư sản. Cách mạng tháng Mười thành công đã mở cho nhà thơ một tiền đồ rực rỡ. Năm 1924, bài thơ kiệt tác ca tụng Lê nin ra đời. Mai-a-cốp-ski còn sáng tác bản anh hùng ca bất hủ nhan đề 150 triệu ca tụng nhân dân Liên Xô vĩ đại và bài thơ nổi tiếng “Tốt lắm” trong đó ca tụng sự nghiệp 10 năm cách mạng và nhìn thấy tiền đồ vẻ vang của nhân dân Liên Xô, nhìn xa tưởng như đến mấy chục năm sau này nữa vẫn còn đúng.

Mai-a-cốp-ski đã từng sang Mỹ và đã thấy rõ chế độ thối tha tàn bạo của đế quốc Mỹ. Ở Mỹ về, Mai-a-cốp-ski viết một thiên phóng sự gây tác dụng làm cho "mọi người phải tìm hiểu những chỗ yếu và chỗ mạnh của Mỹ". Cũng trong dịp này, Mai-a-cốp-ski còn sáng tác bài thơ “Giấy thông hành Xô Viết” (lời Mai-a-cốp-ski) nổi tiếng là tượng trưng bằng thơ cho chủ nghĩa ái quốc.

Ðối với dân tộc Việt Nam đang ra sức xây dựng một nền văn nghệ phục vụ nhân dân, Mai-a-cốp-ski là tấm gương sáng của một nhà thơ hiểu rõ "sứ mệnh của thơ ca" và suốt đời đấu tranh để cho mọi nhà thơ hiểu rõ sứ mệnh của thơ ca.

Mỗi người làm văn nghệ Việt Nam cần suy nghĩ kỹ lời nói của Mai-a-cốp-ski: "Nhà văn cách mạng là một người góp phần vào cuộc sống bình thường hàng ngày và vào việc kiến thiết xã hội chủ nghĩa".

… "Tôi không bao giờ từ chối viết một bài thơ và đề tài [12] thời sự dù là đề tài về phú nông, về trường học, hay về những miếng da thỏ con con của mậu dịch quốc doanh".

Thơ của Mai-a-cốp-ski rất giàu tính chiến đấu, không những đối với quân thù mà cả đối với những tư tưởng, tác phong lệch lạc trong hàng ngũ cách mạng. Bài thơ của Mai-a-cốp-ski châm biếm những người cộng sản khai hội liên miên, đã được Lênin khen ngợi rằng: "về chính trị, tôi đảm bảo là hoàn toàn đúng".

Ðặc biệt năm nay kỷ niệm ngày Mai-a-cốp-ski mất giữa lúc chúng ta đang có cuộc vận động phê bình văn học trong đó có phê bình thơ Tố Hữu, chúng ta cần học tập tính chất chính trị sắc bén và tinh thần phục vụ triệt để của nhà thơ Xô Viết Mai-a-cốp-ski. Chúng ta cần hiểu rõ một nền văn nghệ tiên tiến không thể tách rời đảng tính và giai cấp tính. Ðó là tiêu chuẩn mà Mai-a-cốp-ski đã trao lại cho chúng ta để làm thước đo mọi tác phẩm văn nghệ. Tác phẩm của Mai-a-cốp-ski còn nêu cao tác dụng của thơ, văn ca ngợi cái tươi sáng của chúng ta và đập mạnh cái đen tối của quân thù, mài sắc tinh thần phê bình, tự phê bình sắc bén, và gắn chặt nghệ thuật với chính trị.

Kỷ niệm lần thứ 25 ngày Mai-a-cốp-ski mất, chúng ta hãy ra sức học tập Mai-a-cốp-ski, và thiết thực nhất lúc này là đem những bài học mà Mai-a-cốp-ski để lại cho chúng ta áp dụng đúng đắn vào những cuộc phê bình văn nghệ của chúng ta hiện nay.

Nhân dân, 14.4.1955



[1]Trích dịch bài "Lê-nin" một bài thơ trên 3.000 câu của Mai-a-kốp-ski, nhà thơ mà Sta-lin đã cho là lớn nhất của thời đại xô viết (nguyên chú của Lê Ðạt).
[2]Bản gốc: in nét đậm 2 câu này (NST).
[3]Những chỗ này bản gốc in nét đậm (NST).
[4]Những chỗ này bản gốc in nét đậm (NST).
[5]Chỗ này bản gốc in lầm, lẽ ra là “lấy mình là rốn của quả đất” như VÐP sửa lại khi đưa bài này vào tập Trên mặt trận văn học (in sách 1972) của mình (NST).
[6]Y-li-a Ê-răng-bua (nguyên chú của VÐP.). [Lưu ý: chỗ này tác giả VÐP hoặc báo Văn nghệ dẫn sai 1 từ trong câu của Ehrenbourg: đúng ra là “mẹ ta” chứ không phải “mụ ta” (NST)].
[7]Do tôi gạch dưới (in ngả) V.Ð.P. (nguyên chú).
[8]Lưu ý: các đoạn này ở bản gốc (bản đăng báo lần đầu), về sau tác giả VÐP đã cắt bỏ, sửa đổi khi đưa vào tập Trên mặt trận văn học (Nxb. Văn học, H., 1972) của ông. Sưu tập tư liệu Tố Hữu - về tác gia và tác phẩm (Nxb. Giáo dục, 1998; tb. 2001) sử dụng bản VÐP đã sửa (1972) chứ không dùng tư liệu bản gốc đăng báo lần đầu (NST).
[9]nt.
[10]“cả một mặt dân tộc”: có lẽ bản gốc in thừa “mặt” (?)
[11]“Trên thực thế”: có lẽ bản gốc in lầm, đúng ra là “Trên thực tế”.
[12]Có lẽ đúng ra phải là: “về đề tài...”; có thể bản gốc in lầm.

----

"I HAVE A DREAM" (1963)- MARTIN LUTHER KING, JR

MARTIN LUTHER KING, JR
As far as black Americans were concerned, the nation's response to Brown was agonizingly slow, and neither state legislatures nor the Congress seemed willing to help their cause along. Finally, President John F. Kennedy recognized that only a strong civil rights bill would put teeth into the drive to secure equal protection of the laws for African Americans. On June 11, 1963, he proposed such a bill to Congress, asking for legislation that would provide "the kind of equality of treatment which we would want for ourselves." Southern representatives in Congress managed to block the bill in committee, and civil rights leaders sought some way to build political momentum behind the measure.

A. Philip Randolph, a labor leader and longtime civil rights activist, called for a massive march on Washington to dramatize the issue. He welcomed the participation of white groups as well as black in order to demonstrate the multiracial backing for civil rights. The various elements of the civil rights movement, many of which had been wary of one another, agreed to participate. The National Association for the Advancement of Colored People, the Congress of Racial Equality, the Southern Christian Leadership Conference, the Student Non-violent Coordinating Committee and the Urban League all managed to bury their differences and work together. The leaders even agreed to tone down the rhetoric of some of the more militant activists for the sake of unity, and they worked closely with the Kennedy administration, which hoped the march would, in fact, lead to passage of the civil rights bill.

On August 28, 1963, under a nearly cloudless sky, more than 250,000 people, a fifth of them white, gathered near the Lincoln Memorial in Washington to rally for "jobs and freedom." The roster of speakers included speakers from nearly every segment of society -- labor leaders like Walter Reuther, clergy, film stars such as Sidney Poitier and Marlon Brando and folksingers such as Joan Baez. Each of the speakers was allotted fifteen minutes, but the day belonged to the young and charismatic leader of the Southern Christian Leadership Conference.

Dr. Martin Luther King Jr. had originally prepared a short and somewhat formal recitation of the sufferings of African Americans attempting to realize their freedom in a society chained by discrimination. He was about to sit down when gospel singer Mahalia Jackson called out, "Tell them about your dream, Martin! Tell them about the dream!" Encouraged by shouts from the audience, King drew upon some of his past talks, and the result became the landmark statement of civil rights in America -- a dream of all people, of all races and colors and backgrounds, sharing in an America marked by freedom and democracy.

For further reading: Herbert Garfinkel, When Negroes March: The March on Washington...(1969); Taylor Branch, Parting the Waters: America in the King Years, 1954-1963 (1988); Stephen B. Oates, Let the Trumpet Sound: The Life of Martin Luther King Jr. (1982).


--------------------------------------------------------------------------------

"I HAVE A DREAM" (1963)
I am happy to join with you today in what will go down in history as the greatest demonstration for freedom in the history of our nation.

Five score years ago, a great American, in whose symbolic shadow we stand today, signed the Emancipation Proclamation. This momentous decree came as a great beacon light of hope to millions of Negro slaves who had been seared in the flames of withering injustice. It came as a joyous daybreak to end the long night of their captivity.

But 100 years later, the Negro still is not free. One hundred years later, the life of the Negro is still sadly crippled by the manacles of segregation and the chains of discrimination. One hundred years later, the Negro lives on a lonely island of poverty in the midst of a vast ocean of material prosperity. One hundred years later, the Negro is still languished in the corners of American society and finds himself an exile in his own land. And so we've come here today to dramatize a shameful condition.

In a sense we've come to our nation's capital to cash a check. When the architects of our republic wrote the magnificent words of the Constitution and the Declaration of Independence, they were signing a promissory note to which every American was to fall heir. This note was a promise that all men - yes, black men as well as white men - would be guaranteed the unalienable rights of life, liberty, and the pursuit of happiness.

It is obvious today that America has defaulted on this promissory note insofar as her citizens of color are concerned. Instead of honoring this sacred obligation, America has given the Negro people a bad check, a check that has come back marked "insufficient funds."

But we refuse to believe that the bank of justice is bankrupt. We refuse to believe that there are insufficient funds in the great vaults of opportunity of this nation. And so we've come to cash this check, a check that will give us upon demand the riches of freedom and security of justice. We have also come to his hallowed spot to remind America of the fierce urgency of now. This is no time to engage in the luxury of cooling off or to take the tranquilizing drug of gradualism. Now is the time to make real the promises of democracy. Now is the time to rise from the dark and desolate valley of segregation to the sunlit path of racial justice. Now is the time to lift our nation from the quicksands of racial injustice to the solid rock of brotherhood. Now is the time to make justice a reality for all of God's children.

It would be fatal for the nation to overlook the urgency of the moment. This sweltering summer of the Negro's legitimate discontent will not pass until there is an invigorating autumn of freedom and equality. Nineteen sixty-three is not an end but a beginning. Those who hoped that the Negro needed to blow off steam and will now be content will have a rude awakening if the nation returns to business as usual. There will be neither rest nor tranquility in America until the Negro is granted his citizenship rights. The whirlwinds of revolt will continue to shake the foundations of our nation until the bright day of justice emerges.

But there is something that I must say to my people who stand on the warm threshold which leads into the palace of justice. In the process of gaining our rightful place we must not be guilty of wrongful deeds. Let us not seek to satisfy our thirst for freedom by drinking from the cup of bitterness and hatred. We must forever conduct our struggle on the high plane of dignity and discipline. We must not allow our creative protest to degenerate into physical violence. Again and again we must rise to the majestic heights of meeting physical force with soul force. The marvelous new militancy which has engulfed the Negro community must not lead us to a distrust of all white people, for many of our white brothers, as evidenced by their presence here today, have come to realize that their destiny is tied up with our destiny. And they have come to realize that their freedom is inextricably bound to our freedom. We cannot walk alone.

And as we walk, we must make the pledge that we shall always march ahead. We cannot turn back. There are those who are asking the devotees of civil rights, "When will you be satisfied?" We can never be satisfied as long as the Negro is the victim of the unspeakable horrors of police brutality. We can never be satisfied as long as our bodies, heavy with the fatigue of travel, cannot gain lodging in the motels of the highways and the hotels of the cities. We cannot be satisfied as long as the Negro's basic mobility is from a smaller ghetto to a larger one. We can never be satisfied as long as our children are stripped of their selfhood and robbed of their dignity by signs stating "for whites only." We cannot be satisfied as long as a Negro in Mississippi cannot vote and a Negro in New York believes he has nothing for which to vote. No, no we are not satisfied and we will not be satisfied until justice rolls down like waters and righteousness like a mighty stream.

I am not unmindful that some of you have come here out of great trials and tribulations. Some of you have come fresh from narrow jail cells. Some of you have come from areas where your quest for freedom left you battered by storms of persecution and staggered by the winds of police brutality. You have been the veterans of creative suffering. Continue to work with the faith that unearned suffering is redemptive.

Go back to Mississippi, go back to Alabama, go back to South Carolina, go back to Georgia, go back to Louisiana, go back to the slums and ghettos of our northern cities, knowing that somehow this situation can and will be changed.

Let us not wallow in the valley of despair. I say to you today my friends - so even though we face the difficulties of today and tomorrow, I still have a dream. It is a dream deeply rooted in the American dream.

I have a dream that one day this nation will rise up and live out the true meaning of its creed: "We hold these truths to be self-evident, that all men are created equal."

I have a dream that one day on the red hills of Georgia the sons of former slaves and the sons of former slave owners will be able to sit down together at the table of brotherhood.

I have a dream that one day even the state of Mississippi, a state sweltering with the heat of injustice, sweltering with the heat of oppression, will be transformed into an oasis of freedom and justice.

I have a dream that my four little children will one day live in a nation where they will not be judged by the color of their skin but by the content of their character.

I have a dream today.

I have a dream that one day down in Alabama, with its vicious racists, with its governor having his lips dripping with the words of interposition and nullification - one day right there in Alabama little black boys and black girls will be able to join hands with little white boys and white girls as sisters and brothers.

I have a dream today.

I have a dream that one day every valley shall be exalted, and every hill and mountain shall be made low, the rough places will be made plain, and the crooked places will be made straight, and the glory of the Lord shall be revealed and all flesh shall see it together.

This is our hope. This is the faith that I go back to the South with. With this faith we will be able to hew out of the mountain of despair a stone of hope. With this faith we will be able to transform the jangling discords of our nation into a beautiful symphony of brotherhood. With this faith we will be able to work together, to pray together, to struggle together, to go to jail together, to stand up for freedom together, knowing that we will be free one day.

This will be the day, this will be the day when all of God's children will be able to sing with new meaning "My country 'tis of thee, sweet land of liberty, of thee I sing. Land where my father's died, land of the Pilgrim's pride, from every mountainside, let freedom ring!"

And if America is to be a great nation, this must become true. And so let freedom ring from the prodigious hilltops of New Hampshire. Let freedom ring from the mighty mountains of New York. Let freedom ring from the heightening Alleghenies of Pennsylvania.

Let freedom ring from the snow-capped Rockies of Colorado. Let freedom ring from the curvaceous slopes of California.

But not only that; let freedom ring from Stone Mountain of Georgia.

Let freedom ring from Lookout Mountain of Tennessee.

Let freedom ring from every hill and molehill of Mississippi - from every mountainside.

Let freedom ring. And when this happens, and when we allow freedom ring - when we let it ring from every village and every hamlet, from every state and every city, we will be able to speed up that day when all of God's children - black men and white men, Jews and Gentiles, Protestants and Catholics - will be able to join hands and sing in the words of the old Negro spiritual: "Free at last! Free at last! Thank God Almighty, we are free at last!"


--------------------------------------------------------------------------------

Distribution statement: Accepted as part of the Douglass Archives of American Public Address (http://douglass.speech.nwu.edu) on May 26, 1999. Prepared by D. Oetting (http://nonce.com/oetting).

Permission is hereby granted to download, reprint, and/or otherwise redistribute this file, provided this distribution statement is included and appropriate point of origin credit is given to the preparer and Douglass.

Compiled & posted by Tran Ho Dung

Thơ đến từ đâu - Nam Dao

Loạt bài: Thơ đến từ đâu

16.1.2007
Nam Dao
Như khi cởi quần lột yếm trần mình múa trước nhân gian
Nguyễn Đức Tùng thực hiện

1
Nguyễn Đức Tùng:

Hờ hững buốt căm bờ sóng lụy
Cuồng si lửa rụi bến đa tình

Đó là anh viết về Hoàng Cầm. Trong đời, anh có kỷ niệm nào với các nhà thơ lớp trước ở Hà Nội như Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường, Đặng Đình Hưng… hay không ?

Nam Dao: Trong cuốn bút ký Những con người, những bóng ma (NXB Văn Mới, California, 2006) tôi kể mối quan hệ của tôi với Nguyễn Tuân, Văn Cao, Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Cung, Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn. Phần lớn những bài ký này có đăng lại trên website Ăn mày văn chương. Vậy xin thôi không nhắc ở đây.

Xin được bắt đầu từ subject của bức điện thư mà anh gửi cho tôi: Chuyện trò về thơ đêm Giáng Sinh. Hôm nay, ngày 24, tôi nghe đi nghe lại “Ave Maria”. Và như mọi năm, tôi vẫn nao nao hồi tưởng chuyện sau khi Chúa Cứu Thế ra đời thì hàng trăm trẻ con đẻ cùng ngày bị sát hại trong thành Jerusalem. Cứu rỗi nào cũng cần máu đổ ư? Kinh khiếp hơn, lại là máu của những đứa trẻ vô tội! Có người bảo, cũng như Chúa, thơ cứu rỗi. Nhưng thơ ơi, nếu có dính máu thì xin chỉ có chút máu rướm ra từ tâm hồn người làm thơ, máu ở nghĩa bóng, chứ đừng là máu ở nghĩa đen của những đứa trẻ sơ sinh 2000 năm trước. Dẫu như thế, thơ chỉ cứu rỗi người làm thơ thôi thì cũng đủ! Thế giới không cần mùi tanh và sắc đỏ nữa đâu...

Giáng sinh năm 1981 là thời điểm tôi có cơ duyên gặp gỡ nhiều nhà thơ, nhà văn anh kể tên. Thời đó còn “căng’’, và họ là những người “có vấn đề’’, là bọn “Nhân văn’’, “người ta’’ khuyên không nên quan hệ. Chẳng đến nỗi ngây thơ không biết, nhưng tôi tự nhủ, thế cuộc phải đổi thay, hoà bình lập lại rồi, và xã hội trước mặt cần nới khỏi những gút thắt khiên cưỡng một thời đã qua. Tối Giáng sinh 81, anh chị Lân ở phố Hàng Bè mời Nguyễn Tuân, Văn Cao và tôi. Tôi lấy xe đạp đèo chị Băng, vợ anh Văn Cao, đi chợ mua một bó hoa cho chị Sâm, vợ anh Lân, pianist sắp sửa đi Phi châu hợp tác văn hoá - nghĩa là đi dạy duơng cầm kiếm ăn và có dịp... đóng đến 60-70% lợi tức vừa là thuế, vừa là bồi dưỡng cho đồng nghiệp tại chức trong nước. Chị Sâm đón chúng tôi ở chân cầu thang, thấy tôi loay hoay khóa xe đạp, gọi con rồi bảo: “Cứ để đấy, cháu nó trông xe’’. Cháu nó là một thiếu nữ dong dỏng cao, nhan sắc, hai con mắt như cười, nhìn chú nó (chắc thành anh thì mới hợp lẽ trời), ánh mắt tinh quái trêu chọc. Chao ôi, trót thành chú nó thì phải lên gác với các bác, mặc dầu bụng bảo dạ, ở dưới chuyện trò với cháu nó có phải hay không! Biết đâu, cháu ơi, ngày đó chú lì, cứ ở dưới thì đời đã chẳng qua một bước ngoặt... với cháu? Bây giờ, cháu đã thành bà nội bà ngoại chưa? Còn nhớ nhau không? Ối a cái kiếp nòi tình, nghĩ lại xót xa!

Ăn uống một lát thì Nguyên Hồng từ Bắc Giang mới về Hà Nội cũng tới, tóc bạc, mặt cương nghị, đẹp lão nhất trong số các “lão ông’’ viết lách. Câu chuyện xoay quanh cái việc Đảng và Nhà Nước đang mở cuộc thi chọn một bài quốc ca mới thay Tiến quân ca của Văn Cao. Can sự trầm ngâm im lặng. Thình lình mất điện. Cháu nó thắp nến, vụt đến, rồi vụt đi, ném cho chú nó một cái liếc sắc như dao bổ cau. Nhưng không khí đặc quánh sau dăm tiếng thở dài. Nguyên Hồng thình lình đứng phắt lên, tay giơ chào như anh bộ đội cụ Hồ ba mươi năm về trước, ngẩng cao đầu hát Tiến quân ca, nước mắt ròng ròng trên má. Có tiếng nấc. Tiếng thút thít. Điện vẫn mất và lửa dăm ngọn nến chao đảo dưới những cơn gió lùa vào qua khe cửa sổ. Lát sau, anh chị Lân mang ra một cái đĩa hát bằng nhựa đen của những năm 40, muốn nghe phải có kim, to như kim máy khâu. Đó là quà cưới anh chị mà Văn Cao tặng ngày còn trên chiến khu Việt Bắc. Anh chị Lân tặng lại tôi, viết... để nhớ Hà Nội. Nguyên Hồng thì nguệch ngoạc... Tôi đã hát trong lúc rất xúc động. Văn Cao lẳng lặng ra ngồi trước dương cầm. Thình lình, anh chao người, rồi bổ những ngón tay xuống phím. Không ai nói với ai. Văn Cao ngưng, ngón tay anh nhỏ máu ròng ròng, tóc tai rũ rượi. Tôi đèo Văn Cao về nhà ở phố Yết Kiêu. Anh rượu vào, người lại mỏng mảnh. Tôi vòng tay ra sau, sợ anh ngã. Văn Cao lẩm bẩm: “Có đứa nào nó túm áo tôi, ông ạ…’’. Anh lẩm bẩm như thế suốt con đường về, trong tiếng gió xào xạc.

Để nhớ Hà Nội... Vâng, đúng một phần tư thế kỷ sau, tôi vẫn nhớ Hà Nội, như thế, trong gió đông những mùa xa. Và vẫn cứ xúc động, như hôm xưa, cái đêm Giáng sinh có những tiếng khóc ấy.

Nguyễn Đức Tùng: Trong tập bút ký, không thấy Đặng Đình Hưng... nhưng trong thơ thì:

Cầu ao ngồi gió đợi
Ngày xưa chẳng bao giờ
Xõa tóc hong kẻo ướt
Trong khoang một cơn mơ

Đó là anh viết về Đặng Đình Hưng. Trong đời, anh có kỷ niệm nào với Đặng Đình Hưng hay không? Và anh nghĩ sao về thơ của ông?

Nam Dao: Vì chưa viết gì về anh Hưng, nhân anh hỏi, tôi xin gợi lại vài kỷ niệm. Tôi gặp anh Hưng đầu năm 82, đến chơi với anh ở khu tập thể Trung Tự, hội ngộ với những người mến mộ anh, bạn bè đùa gọi là “triều đình’’ Đặng Đình Hưng. Nhà anh, độ đâu 30 mét vuông, tường treo đầy thơ, chiếu trải sàn thi đầy... rượu. Và thật bất ngờ, cô diễn viên trong phim Tội lỗi cuối cùng’ mà tôi đã đến thăm ở dốc Hàng Than có đó, nhưng không ra mặt. Anh Hưng bảo: “Cô ấy đau bụng. Chú vào buồng trong xoa bụng cho cô ấy, người ta chờ đấy...’’. Chao ôi, vào cũng dở, mà không vào thì... hóa ra phụ lòng người ta ư? Và trong cái triều đình lổn nhổn này, 10/10 là có công an, thế nào lại cũng thêm một báo cáo. Thôi, anh hùng bất quá mỹ nhân quan mà! Tôi vào, trong bóng đen chập chùng, chỉ có cặp mắt ấy sáng lên. Đặt tay lên trán (chứ không phải bụng) thấy đầu cô ấy hâm hấp nóng. Chuyện trò một lát, anh Hưng thò đầu vào, nói: “Cho chú ấy ra với anh em, chiếm lấy một mình à?’’. Dĩ nhiên là tôi phải ra thôi. Và cô ấy thì cứ ở trong buồng khiến lòng tôi nổi lửa, lát sau cô giận hờn xuống thang lấy xe đạp về một mình. Chao ôi, lại chao ôi, đường Hà Nội tối mùa đông vừa gập gềnh, vừa giá lạnh. Thế mà tôi chỉ biết tần ngần trông theo, lỡ hẹn với một khúc quanh có ai đó gọi là định mệnh chăng? Kể lại kỷ niệm này, để ta thấy anh Hưng phóng khoáng, không “nghiêm’’ như mấy ông anh thơ khác của tôi!

Trước Tết ít hôm, anh Hưng đến tìm tôi ở khách sạn Hoàn Kiếm. Anh gọi xích lô (như cái xe ba-gác trong Sài Gòn), bắt tôi lên ngồi cạnh, bảo bác xe đánh một vòng Bờ Hồ. Tôi ngượng tím người (thời đó, ngồi xe như thế chướng lắm, chẳng có tính giai cấp gì cả), nhưng chiều anh. Cất cao đầu, anh nhìn trước mặt, không nói năng. Khi xe trờ tới Bưu điện, anh nhẹ giọng, báo tin Đặng Thái Sơn vừa qua một vòng (tôi không nhớ có phải vòng 3 hay không?) trong giải Chopin. Rồi anh lẩm bẩm: “Nó như sao Bắc Đẩu cõi này’’. Rồi như bừng tỉnh, anh quay lại nhìn, giọng chân thành: “Xin lỗi chú, anh nói bậy rồi!”. Lúc đó sao mà anh cô đơn lạ! Nhớ lại, trước đó hơn năm, ngực anh bị một khối u, chẳng hiểu u lành hay u ác. Hoàng Cầm làm “U gì’’, chép cho tôi, ghi để em nhớ chuyện anh Hưng, rất hay nhưng ít phổ biến...

Tôi nhớ: “Bao giờ về quê trong khoanh một cái ao ngồi giặt yếm cả ngày.’’’ Thơ Đặng Đình Hưng đấy. Nhớ, nên trong đoạn thơ tặng anh, tôi cũng ra cầu ao, nhưng biết cái ngày xưa đó qua rồi, và hong tóc để trong khoang mơ không có cái ướt át của những giọt nước mắt. Thơ Đặng Đình Hưng đầy tính nhạc. Đó là phong vị đặc thù khiến anh khác với những “Tư mã’’ bạn anh như các anh Dần, Cầm, Đạt... Tập thơ Bến lạ là một đột phá thơ, óng ánh sắc thiên hà, chắc chắn vẫn đọng lại nhiều dư âm trong những tâm hồn thơ hôm nay.

Nguyễn Đức Tùng: Vài năm trở lại đây, tôi được đọc thơ Lê Đạt (mà trước đây vì hoàn cảnh riêng, tôi chưa có dịp đọc, trừ vài trích đoạn rải rác, lọt giữa một vài bài viết mà thú thật, tôi không nhớ rõ lắm):

Anh muốn gối trăng em
Một tình như duyên lạ
Nhé yêu anh bây giờ
Quên đi anh ngày cũ

Tôi ngạc nhiên. Tôi có cảm giác rằng ở Việt Nam hiện nay, hình như ông là một trong vài người hiếm hoi đến được gần với thơ hơn cả.

Anh có đồng ý thế không?

Ngoài ra, cách đây nhiều năm, nhân sự ra đời của tập thơ Bóng chữ của Lê Đạt, ở Việt Nam và hình như cả hải ngoại, đã có nhiều cuộc tranh luận liên quan đến thơ của những nhà thơ như Lê Đạt, Dương Tường… Theo anh, có những sự khác nhau nào giữa các nhà thơ trên đây? Có thể nói gì về đóng góp của Lê Đạt, Dương Tường… vào sự vận động của thơ Việt Nam hiện đại? Họ có vai trò gì trong dòng chảy thơ Việt Nam của những ngày sắp tới?

Nam Dao: Lê Đạt là phu chữ, như anh tự nhận. Phu thì mệt lắm, nhất là những con chữ nặng nghìn cân khi thành thơ thì bỗng hững đi cứ tưởng như không còn trọng lượng. Thí dụ nhé:

Chia xa rồi anh mới thấy em
Như một thời thơ thiếu nhỏ
Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa
Mây mấy độ thu
...

Câu hững đi, là câu thứ ba: một đời thơ chưa chắc gì ai cũng có. Thơ Lê Đạt hay ở những tuyệt chiêu như vậy.

Ngay sau Đổi mới thì Lê Đạt và Dương Tường in chung những bài thơ tình. Thơ Dương Tường thời đó thuộc khuynh hướng “lyric’’, nhưng nay thì khác. Anh mặc quần áo lòe loẹt (chẳng biết có trát phấn bôi son không) lên múa thơ ở L’Espace Hà Nội, tức là anh ấy đã “vật thể hóa’’ (chosification) chính bản thân để thành thơ như một bày biện có tên là installation. Thể loại bày biện này rất phù du, hay ở chỗ nó tạo ra một cách chống lại sự bất tử mà các vị văn nghệ sĩ xưa nay háo hức (nhưng tinh khôn cất giấu vào đáy lòng, dĩ nhiên trừ cụ Nguyễn Du, “chỉ’’ xin ba trăm năm). Nhưng cái gì phù du thì chỉ thoáng qua thôi, tự nó đã xác định chính nó là thế (và không thể khác được).

Nguyễn Đức Tùng: Còn về những người khác trong nhóm Nhân văn - Giai phẩm, như Hoàng Cầm, Trần Dần...? Anh nghĩ sao về sự khác biệt trong thơ của những nhà thơ ta vừa kể? Họ có còn vai trò nào trong thơ Việt Nam hiện nay và sắp tới?

Nam Dao: Tập Về Kinh Bắc của anh Hoàng Cầm là một tuyệt tác, nhất là những bài “Cây tam cúc”, “Lá diêu bông”, “Về với ta”... Anh Trần Dần với Cổng tỉnh tạo âm vang, nhưng thật ra, đó mới chỉ là một phần nhỏ trong thi nghiệp Trần Dần. Hiện nay, tuyển tập thơ Trần Dần ở dạng bản thảo mà tôi có cơ may được đọc cho thấy anh có lẽ là nhà thơ sáng tạo bậc nhất, rất hiếm hoi trong nền thi ca Việt Nam mình.

Anh hỏi về sự khác biệt trong thơ của họ? Vâng, họ khác nhau, và thơ họ khác nhau mặc dầu họ gần gũi, chung đụng với nhau. Bởi họ là chính họ, chứ chẳng phải ai khác, và thơ họ, cũng thế. Để đáp câu anh hỏi, có lẽ phải một quyển sách, và xin dành cho những người làm văn học sử sau này nghiên cứu nghiêm túc vấn đề.

Nói đến vai trò trong thơ Việt Nam, ta đừng quên một mảng lớn những nhà thơ cũng cỡ tuổi anh em Nhân văn nhưng sống trong miền Nam. Xin kể qua: Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Tô Thùy Yên... Vai trò của họ đối với sự vận động của thơ ca như anh vừa đề cập thì có nhiều điều để nói lắm; mà muốn có cái nhìn thấu đáo, cũng cần phải xem ảnh hưởng của họ ở thế hệ sau như thế nào nữa. Tôi ao ước một ngày kia sẽ được đọc một biên khảo như vừa nói, chứ không chỉ dừng lại ở những cảm nhận kiểu Hoài Thanh, quan trọng thật, nhưng chưa là một công trình có phương pháp luận...


Nguyễn Đức Tùng: Khi đọc thơ, anh làm cách nào để nhận ra một bài thơ dở (để khỏi phải tiếp tục mất thì giờ cho nó nữa)?

Nam Dao: Câu hỏi này cũng cùng loại như những câu hỏi trên nhưng đã bớt cạm bẫy hơn một chút. Không thưa thốt, ắt lần này đúng là trốn tránh kiểu người hùng trong bóng tối, súng lục dao găm chưa rút ra, đợi thơ dở đi ngang là đòm một phát, đâm một nhát (rồi chạy). Thứ nhất, thế nào là một bài thơ? Thơ nằm ở vần, điệu ư? Với tôi, vần điệu có hay không, không thành vấn đề. Nhạc (loại nhạc ứa ra từ âm ngữ) quan trọng hơn, có thì... tốt thôi. Nhưng nhạc không nhất thiết phải hài hoà theo kiểu “bằng bằng trắc bằng bằng trắc bằng”; có thể chơi toàn vần trắc, rất lạ, như thể nhạc jazz vậy, mà lại có khả năng chuyên chở được cái trắc trở nào đó của hiện thực như Thơ ở đâu xa của Thanh Tâm Tuyền chẳng hạn. Hoàn toàn có thể nói đó là thơ hay. Còn thơ dở? Anh hỏi, tôi xin tóm gọn: là loại thơ vần thừa, điệu thứa, nhạc không có, và nhất là thơ làm đỏm siêu hình, thơ triết giả, thơ từ trí tuệ lên gân, thơ tuyên huấn, thơ phát động chiến dịch nuôi heo, võ trang lòng yêu nước, thơ hồ hởi vào WTO, thơ ca ngợi chiến dịch biên giới, thơ thương nhớ thời Tự Lực Văn Đoàn, vân vân... Loại dở nhất tôi gọi là thơ huỵch toẹt, có gì nói nấy, nói hoài không mỏi, nói đến độ khả năng liên tưởng của người đọc bị triệt tiêu... Nó ở cực hoàn toàn đối nghịch với cách tôi cảm nhận thơ. Với tôi, thơ nằm ở lằn mức mỏng mảnh giữa ngôn từ và sự im lặng triền miên của cõi vô ngôn, anh ạ!

Nguyễn Đức Tùng: Như thế là anh đã nêu ra mấy loại thơ dở:

 Không có nhạc

 Làm đỏm, làm dáng

 Thơ phục vụ chính trị


 Thơ hoài niệm

 Thơ không kín đáo
Có đúng thế không thưa anh? Nhưng tôi không hiểu rõ mấy chữ “vần thừa, điệu thứa” cụ thể là thế nào?

Nam Dao: Loại cuối anh gọi là thơ không kín đáo nhưng tôi thì bảo là thứ thơ huỵch toẹt, ý cũng ngoại mà ngôn cũng ngoại. Dưới dạng vần điệu nào đi chăng nữa, những loại thơ anh vừa kê tôi cho là vè, chứ không phải là thơ. Vè thì vần thừa điệu thứa cụ thể nhiều lắm. Vần điệu nghe cho êm tai thì đánh đàn, thổi sáo... chắc hiệu quả hơn, cứ gì phải dùng đến những con chữ! Còn thơ phục vụ này nọ, cứ chăng khẩu hiệu lên, việc chi phải gieo vần cho mệt. Riêng về loại anh gọi là “thơ hoài niệm” thì tôi không đồng ý với hai “chữ hoài niệm”. Có lẽ đúng hơn là loại thơ khuôn sáo, cứ bản cũ sao lại với cái ngày xưa ấy và ba cái “sáng tạo’’ như gỉ mắt lúc sáng dậy còn nhập nhòa chữ nghĩa nhưng rửa mặt xong thì trôi vèo đi.

Nguyễn Đức Tùng: James Wright đã từng tâm sự: Cực kỳ đau khổ vì một tập thơ dở, tôi thả bộ xuống đồng cỏ hoang, rủ chuồn chuồn châu chấu bay theo (“Depressed by a book of bad poetry, I walked toward the pasture, invite insects to join me”) (Đây là cái nhan đề dài của một bài thơ, chép theo trí nhớ). Thì ra không phải chỉ có hai chúng ta là phải đau khổ vì chuyện này. Để tránh bị depressed như trên, tôi thường có cách riêng của mình. Đó là thói quen đọc một hay hai câu thơ đầu tiên cuả bài thơ. Khi bắt gặp những câu mở đầu như thế này:

And will the flowers die?
And will the people die?
(Bendan Kennelly)


I’d like to live a slower life
(John Newlove)

You do not do, you do not do
Anymore, black shoe
(Sylvia Plath)

tôi không thể bỏ ngang, gấp sách lại để làm việc khác được. “Phương pháp” riêng của tôi không biết có bỏ sót nhiều bài thơ hay hay không?

Nam Dao: Nói thật nhé, bà Chúa rất kỵ phương pháp, anh ạ. Với thơ, vô chiêu thắng hữu chiêu. Ngắn gọn thế thôi!

Nguyễn Đức Tùng: Anh viết:

Quán bia ôm
Ôm đi!
Cho mãi đêm dài
Như dằng dặc những tháng năm qua
Khẩu hiệu xưa trên bức tường nhà
Đang tróc thịt lột da
Chữ cái chữ con lổn nhổn
“ yêu ước nghĩ ...à ...êu xã ... ội chủ…ĩa ”

Em ôm
tôi là tượng đá
Tôi ôm một vòng khẳng khiu
Như cành khô trụi lá

Em kêu một ly chanh đá
Miệng ly vệt son nhạt nhòa
...

Người ta vào bia ôm để… ôm. Còn anh thì làm thơ. Ngoài đời, anh Nam Dao khô khan đến thế sao?

Nam Dao: Ấy ấy, dzậy mà không phải chỉ dzậy đâu! Đời tôi đi bia ôm ba lần. Lần đầu, vừa đỗ Tú Tài I, bạn bè rủ đi đến một cái quán cạnh rạp ciné Văn Hoa bên Gia Định. Thời đó, xa lắm rồi, chưa có từ “bia ôm’’, tôi thì mới được 16 tuổi, vừa tò mò, vừa nây nẩy sức sống, nhưng nhát nên chẳng dám... làm gì!

Lần thứ nhì, rất ấn tượng. Đó là năm 88, tôi về Hà Nội sau 6 năm biệt xứ vì “hoàn cảnh’’ lắm, và được một người bạn dẫn đi xem Hà Nội “đổi mới’’ trong một quán bia ở trên phố Bà Triệu. Giữa bàn với bàn kia, người ta quây cót, giữ cho khách “vô tư’’ trong hoàn cảnh đất chật người đông và khi “đất nước ta còn nghèo’’, câu đầu lưỡi biện minh cho tút tụt mọi chuyện tạm chưa đáp ứng được. Vừa ngồi xuống ghế (đẩu), hai nàng kiều nữ sáp lại cười cợt, hỏi han, dĩ nhiên là kêu ngay đồ uồng, rất tự nhiên gọi cả cho mình, hoan hỉ bảo “các anh muốn phục vụ thế nào chúng em cũng sẽ phấn đấu tốt...’’. Nhìn quanh là đèn dầu (tối hôm ấy điện bị cúp), ánh sáng mờ mờ ảo ảo. Nhạc thì vẫn đỏ, ò è phát từ một chiếc cát-sét chạy bằng pin, rè rè kêu “... tôi đi giữa trời Hà Nội rực rỡ mến yêu. Đường tôi đi, Ba Đình lịch sử...’’. Cót bên trái, tiếng thở khò khè đứt quãng. Rồi văng vẳng tiếng ấm ức như từ họng nuốt xuống bụng, không ra khóc, không ra cười. Đưa mắt hỏi, cô phục vụ nháy, nói ối a yêu nhau cởi áo cho nhau í mà... Cô gầy ngoẳng, đưa cánh tay khẳng khiu lên choàng vai tôi, môi tô son đỏ chót, răng nhe ra cười, trắng nhởn. Tay cầm ly chanh đá, miệng ly có vệt son, nước đá đọng trên thành ly ứa ra nhìn như vết máu ứa, cô thản nhiên bảo, uống nhanh rồi lại “chỗ’’ em, thân mật, kín đáo, an toàn, bảo đảm. Tôi lắc đầu, bụng chợt thắt lại... Ra đến ngoài, tai tôi vẫn bị cái thanh âm ấm ức không ra khóc, không ra cười đuổi theo, nhìn sang bên kia đường thì mắt thấy một cái khẩu hiệu trải nắng mưa nên chữ còn chữ mất... “yêu ước nghĩ ...à ...êu xã ... ội chủ…ĩa ”

Còn lần thứ ba, mới hè đây thôi. Tôi xuống Vĩnh Long, tối lại được chèo kéo đi karaokê. Thì đi, biết đâu tôi lại phát hiện ra tố chất ca sĩ của mình. Thế là, hốp, sà vào một cái quán sân trong đầy những bóng hồng, bóng xanh, quần bò, váy cũn, áo trên rốn... của thời hội nhập. Bà chủ mở cửa một căn phòng, ghế bọc ni-lông mầu đo đỏ, đèn xanh xanh, ở giữa phòng là giàn karaokê cồng kềnh, đen trùi trũi như một con trâu đang ngủ. Một nàng tiến đến, cúi xuống vỗ về thế nào mà con trâu rú lên, tiếng loa eng éc, nhưng chỉ lát sau là được điều chỉnh lại cho hài hòa hội nhập với nếp sống văn minh. Chúng tôi chưa ngồi thì ba bốn két Heineken đã an tọa, và tiếng mở nút chai lốp đốp như pháo chuột... “Dzô đi các anh!”, một em lên tiếng, giọng miền Nam sao mà dễ thương truyền cảm đến thế! Rồi... “Nhạc chi đây? Cải lương hay tân nhạc, anh?” Cô bé mắt đen lay láy sà vào lòng tôi, tay nâng ly áp vào miệng tôi, hỏi nhưng chẳng đợi tôi đáp, xuống ngay một câu vọng cổ thật mùi. Tôi cảm thấy bàn tay nàng đang vân vê, nhẹ nhàng, tế nhị chứ không có cái kiểu trấn lột cảm giác theo qui luật thị trường, có định hướng gì thì cũng chỉ thuận mua vừa bán. Nhìn sâu vào mắt nàng, tôi cố xem hình bóng tôi? Và tôi ôm vai nàng (đấy nhé, có khô khan đâu), tự hỏi tôi có phải là một người hiệp sĩ đang vào hang hùm để cứu cô gái “chữ trinh còn một chút này” ra khỏi cái vòng áo cơm ngặt nghèo? Tiếng nhạc xình xình đến nhức óc khiến lát sau tôi gỡ tay nàng, mở cửa bước ra ngoài hít thở một chút lấy sức. Nàng theo ra. Chúng tôi trò chuyện. Đại khái, tôi hỏi em bao nhiêu tuổi, tên thật là gì, trước đây làm chi, nay kiếm ăn bằng karaokê được nhiêu một tháng. Nghĩa là tôi hỏi tất tật những câu hỏi vô duyên không đợi bất cứ lời đáp nào. Ậm ừ, nàng nói nhưng tôi đâu có nghe. Lát sau, nàng sẽ sàng, em ca riêng cho anh, anh cho em boa nghe. Rồi tay đánh nhịp, miệng nàng ca, tỉ tê... Và tôi bỗng lạnh sống lưng, nghe một câu. Câu ấy, như thế này: “Anh có học thức mà lại đàng hoàng!” Chu choa, tay nào nghĩ ra câu ca nghe độc vậy cà? Hai từ mà sao thấy nhức nhối lạ! Nhưng từ khi nghe câu ca đó, tôi đâm ra ngần ngại, cứ lúng túng, vẩn vơ, biết mình không là anh hiệp sĩ có dáng dấp nhân vật của Cervantes. Nàng bất ngờ hỏi: “Anh dzề Sè Gòn cho em theo với?”. “Theo anh làm chi?” “Thì sống như mọi người, em ở nhà, nấu cơm chờ anh đi làm về, chớ sống như em thế này cơ cực tủi nhục lắm!” “Tại sao em muốn theo anh?” “Vì anh có học thức mà lại đàng hoàng.” “Sao em biết anh có học thức?” “Anh mang kiếng trắng!” “Sao em biết anh đàng hoàng?” “Vì... anh hổng có... làm tới như mấy người. Em biết mà!” Thế là tôi chỉ còn biết cười - loại cười màu vàng - rủ nàng vô phòng. Lại xập xình kèn trống. Lại dzô, dzô... một trăm phần trăm. Con trâu đen thỉnh thoảng phát khùng rú rít với cái họng 200 watts. Lát sau, tôi lỉnh đi, lên xe, ra băng sau chiếc xe 12 chỗ, lủi thủi nằm một mình. Khi bạn bè ra hỏi, tôi kêu nhức đầu. Và khi xe chạy, tôi ngoái lại nhìn, nàng đang ngơ ngác như đi tìm một cái gì để níu lại, dẫu chỉ có thể là niềm vô vọng...

Kể anh nghe dài dòng để anh hiểu tôi đâu có vào bia ôm để làm thơ! Thơ đến từ đâu? Tôi đoan chắc: Thơ không đến từ những quán bia ôm. Nhưng thơ có thể đến từ cuộc đời của những con người trong những quán bia ôm mà ta có cơ duyên cảm nhận được… Bài thơ “Đêm chợ” anh vừa chép ra tôi làm năm 89. Đến năm 2005, hình như đêm ngày một chợ, đêm hoài, đêm mãi... mình “mà lại đàng hoàng” thì, anh biết đấy, cực kỳ hâm... nhất là khi vào bia ôm!

Nguyễn Đức Tùng:

Gió ơi xin quét cho sạch đất
Cho ngày phanh ngực bước thênh thang

Thơ anh có những bài đầy nhiệt huyết với cuộc đời. Sau nhiều năm tháng, thăng trầm, bầu nhiệt huyết ấy giờ đây ra sao?

Nam Dao: Cũng vậy thôi, trời sinh tính, dung tích máu me trong người vẫn bằng ấy. Còn độ lạnh nóng thì tùy mùa, nhưng nói chung tôi vẫn giữ được thân nhiệt ổn định, kể cả khi mùa đông ở Quebec nhiệt độ có khi xuống đến -30 độ C. Với năm tháng, thay đổi dễ nhận nhất là tóc tôi bạc đi, và tôi ít lạc quan tếu hơn xưa. Chỉ có điều đáng buồn là thỉnh thoảng tôi bị nhức vai trong những độ chuyển mùa, có lẽ là phong thấp, phải không bác sĩ?

Nguyễn Đức Tùng: Rồi chúng ta cũng phải quen đi với những thay đổi thôi. Mới đầu bị đau nhức, bị bệnh, ai cũng buồn, lo, thất vọng, thậm chí tức giận, nhưng rồi nếu biết dịu xuống, biết lắng nghe, thì một tiếng nói khác sẽ tới, và chúng ta sẽ học được nhiều điều từ tiếng nói thì thầm ấy. Cách đây nhiều năm, tôi đã từng đau như thế sau khi bị ngã té từ trên cao xuống, nằm dán mình trên mặt đất cả giờ trong đêm khuya, không biết mình bị gãy xương sườn.

Nam Dao: Đùa bác sĩ tí mà... Nhức vai thì nhằm nhò chi. Anh bị ngã chứ còn tôi, hơn hai mươi năm về trước tôi... (thú thật nhé) đã định chết... cơ đấy! Đó là thuở tôi mất hết: gia đình, quê hương, người yêu...và sắp mất luôn cả nghề nghiệp. Kinh hoàng ghê lắm, đêm không ngủ, mở mắt thì ngày cũng là những trũng sâu không chút ánh sáng. Nhà tôi trên dốc, tuyết phủ, đường trơn trượt như đi trên mỡ. Và tôi, cứ đi lên rồi đi xuống, trong cái lạnh -20 độ, gió lên thì xuống đến -30, mặt mũi cứng lại, tim đông lạnh, ý thức thì đóng băng vào cách chết, chết thế nào cho nhanh, cho gọn... Gần nhà tôi, có Cecilia S, người Chili, từng dịch thơ tôi sang tiếng Tây Ban Nha ngày chúng tôi cùng chống lại cuộc chiến ở Salvador. Tôi về, Cecilia không biết từ lúc nào đến ngồi trên cầu thang lên tầng appartment tôi ở. Cầm một bông hồng, nàng trao vào tay tôi, nói vỏn vẹn “...là một nhà thơ thì không chết được!’’... Bông hồng đó đã cứu tôi! Bất chấp nghịch cảnh, bông hồng vẫn đó, ở trong ta...

Nguyễn Đức Tùng: Anh lãng mạn lắm. Nhưng điều đáng mừng là có một thứ gì đó trong chúng ta không thay đổi. Đó là thứ gì thì mỗi người có thể khác nhau.

Milosz đã từng viết: “The purpose of poetry is to remind us how difficult it is to remain just one person, for our house is open, there are no keys at the doors.” (Mục đích của thơ là nhắc nhở chúng ta rằng thật khó biết bao giữ cho được mình vẫn là mình, bởi vì căn nhà của chúng ta cửa mở, và không hề có chìa khoá.)

Với Nam Dao, điều không thay đổi ấy có phải là nỗi thôi thúc đi tìm sự thực của lịch sử không? Hay tôi lại đoán trật nữa rồi? Lịch sử đầy gió và lửa có phải là gánh nặng trên vai anh không?

Nam Dao: Không, điều không thay đổi ấy là bông hồng của Cecilia S. một buổi tối mùa đông đã sưởi lại đời tôi thời đóng đá. Tôi sống, và hơn mười năm sau tôi mới viết tiểu thuyết lịch sử Gió lửa. Không có bông hồng đó, chỉ còn tro tàn, làm gì có gió, có lửa, phải không anh? Nói về lịch sử, nếu là những sự kiện thuộc quá khứ, không đổi được, tự thân nó không là gánh nặng. Nhưng khi những quá khứ không đáng lập lại vậy mà vẫn cứ tồn tại, chẳng những ở hiện tại mà còn có khả năng đeo đẳng trong cả tương lai thì quả là gánh nặng khó đèo bòng cho hơn năm mươi ký xương da tôi. Nhưng đó là vấn đề văn hóa, không phải thuần lịch sử nữa. Trong lời ngỏ Gió lửa, tôi đã viết:
“... Những trang sử Việt Nam trên dưới năm trăm năm qua phơi trải chiều dài một cuộc nội chiến vẫn ám ảnh đâu đó như một thứ ác nghiệp đang còn rình rập ẩn náu chỉ đợi cơ hội là lại làm cho lệ rơi máu đổ. Tại sao? Dĩ nhiên, yếu tố tình cờ có, yếu tố khách quan có. Nhưng lịch sử vẫn là, nói cho cùng, sản phẩm của những con người suy tư và hành động trong một mẫu hình văn hoá nhất định. Vậy thì yếu tố nào trong mẫu hình kia là nguồn căn của những cuộc nội chiến mà ta là nạn nhân của chính ta ? Nặn đất sét làm tượng Thành Hoàng, phải chăng chúng ta đã quì lậy thì thụp đến độ mê mụ để trở thành nạn nhân của những quyền lực do chính chúng ta cùng dựng lên, một khi, theo qui luật tồn tại, những quyền lực đó xung đột với nhau? Tránh cho cảnh lệ lại rơi máu lại đổ, không thể không đặt cả cái mẫu hình văn hoá đó lên bàn giải phẫu để suy ngẫm, hội chẩn và rồi cắt bỏ những phần nhiễm độc trong tâm thức. Chỉ có như vậy, tương lai mới phần nào rõ nét ngõ hầu hiện tại cưu mang được hy vọng để tiếp tục sống còn’’.

Nguyễn Đức Tùng: Anh viết nhiều vở kịch. Kịch và thơ giống nhau ra sao?

Nam Dao: Đông cũng như Tây, xưa kịch là thơ. Ở ta, chèo miền Bắc chẳng hạn, hay cải lương miền Nam, đều đậm vần điệu - tố chất của thơ. Kịch nói (văn xuôi) xuất hiện sau và mới chỉ chiếm chỗ kịch – thơ trong thế kỷ qua. Anh đọc, chắc thấy kịch của tôi như Treo đầu dây Quan họ thì có quan họ, như Sân đền thì có những bài hát chầu văn còn trong Kịch câm thì đủ, có cả ca vọng cổ, chèo... Nhưng dẫu sử dụng thơ thì vẫn kịch khác thơ nhiều lắm. Thơ là sự kết tinh giữa ngôn ngữ và xúc cảm. Kịch phải dàn trải, tính diễn giải nhiều, và phải dụng thoại, tức là cái động giữa những con người với nhau. Anh nói chuyện kịch, tôi lại nhớ đến kịch thơ Kiều Loan của anh Cầm. Trong kịch anh ấy có những câu xuất thần: “Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc. Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông”. Những câu như thế trong kịch thì đúng là thơ, thơ thứ thiệt!

Bộ môn thoại kịch của chúng ta rất... mỏng. Nhưng mong tương lai sẽ khác!

Nguyễn Đức Tùng: Là một trí thức, nổi tiếng trong lĩnh vực toán kinh tế, tham gia hăng hái vào phong trào “yêu nước” trước đây, anh có những suy nghiệm nào về lẽ thành bại ở đời? Và của một dân tộc? Bài học nào anh muốn kể lại cho con cháu của mình?

Nam Dao: Thứ nhất, miễn cho tôi hai chữ “trí thức” mà tôi càng ngày càng dị ứng. May mắn được đi học, tôi có học thức và cố làm sao mà lại đàng hoàng, thế thôi. Còn sự thành bại của riêng mình? Giả thử có cái phép lạ cho phép tôi xóa bài làm lại từ đầu, thì... tôi cũng sẽ làm y chang như tôi đã làm. Tôi sẽ chọn lựa và hành động như đã từng, mặc dầu những điều tôi ấp ủ thì 10 điều có đến 8, 9 không thành hiện thực, tức là tôi bại. Nhưng bại mà tôi vẫn lại cứ chọn thì có người cho là thành, bởi trong một hoàn cảnh lịch sử ngoài tầm với của mỗi cá nhân, tôi đã sống trọn vẹn và chân thật, chẳng có gì để hối tiếc mà than thân trách phận. Còn thành bại của một dân tộc? Phải về những vùng sâu vùng xa mới thấy cái gốc của những con người Việt Nam, dẻo dai và biết thích ứng nhưng vẫn giữ được mình. Sống giữa hai nền văn minh khổng lồ là Hoa và Ấn mà còn là người Việt, muốn tiếp tục là người Việt, không phải là lẽ dĩ nhiên đâu. Thành bại của một dân tộc là văn hóa của dân tộc đó. Hiện nay, có những điều đáng buồn, đáng lo. Nhưng dăm ba chục năm trong lịch sử một dân tộc không dài hơn tiếng muỗi vo ve bên tai. Tôi không bi quan, và săn tay nặn óc làm những gì tôi làm được để góp tay vun trồng cái nền văn hóa đó.

Nguyễn Đức Tùng: Tôi nghĩ thế này: không một người trí thức Việt Nam nào, nhất là khi người ấy là nhà thơ, trong giai đoạn hiện nay, lại không tự đặt cho mình nhiệm vụ chính yếu của cuộc đời là đi tìm sự thật bị chôn vùi dưới các tầng đất, sự thật của cuộc chiến tranh vừa qua và các tội ác đối với dân tộc, các hài kịch và bi kịch của từng gia đình, đi tìm bài học từ những thất bại và thành công của chính bản thân họ, thoát ra khỏi nhà tù mà tự họ xây lên cho mình, và đi kể lại cho các thế hệ sau về những ngã đường phải tránh và gieo thêm những niềm hi vọng mới.

Suy nghĩ như thế, tôi có phần thất vọng trước tình hình văn học và thơ ca Việt Nam như hiện nay. Anh nghĩ sao, thưa anh?

Nam Dao: Chớ... chớ bi quan với cái tình hình văn học buổi giao thời! Tôi cho là thời gian sẽ gạn đục khơi trong, và một khi nước lắng xuống, lòng sông của chúng ta sẽ phơi ra những sự đẹp đẽ khuất sau lớp bùn thời sự.

Nguyễn Đức Tùng: Anh là một trong những người viết chính của website Ăn mày văn chương, xin anh nói về trang báo văn học mới lạ này? Hình như nó có khuynh hướng khép kín?

Nam Dao: Chuyện đơn giản thế này. Gặp gỡ nhau ở Paris, bạn bè rủ nhau làm một cái trạm văn, ai viết gì thấy được hay ai đọc được văn thấy bản nào hay thì giới thiệu với độc giả bốn phương trời mười phương Phật nay được Bill Gate chắp cho đôi cánh internet. Tại sao lại gọi là ăn mày? Ăn mày là ăn mày thời giờ của người đọc văn chương, bởi lẽ viết ra thì mong có người đọc chứ không trốn vào cái kiểu “tôi viết cho tôi ấy mà’’ hay “em chã’’... Ăn mày văn chương không “khép’’ như anh nghĩ, nhưng không phải là một tờ báo tháng tháng đăng bài văn hữu gửi tới và cũng chẳng hề có chủ trương, tuyên ngôn gì... Vui, và thấy có chút hữu ích trên cái mạng toàn cầu rắc rối gấp triệu lần mạng nhện, khiến độc giả rất mất thời giờ đi tìm... cái đáng để bố thí thời gian. Thế thôi, anh ạ!

Nguyễn Đức Tùng: Là người sống lâu năm ở Quebec, Canada, anh có đọc các nhà thơ Canada hiện nay như Avison, Atwood, Cohen, Page, Souster, Friesen, Amabile, Newlove, Moore…? Anh nghĩ gì về họ? Thơ của các nhà thơ Canada có ảnh hưởng gì đến cách viết của anh không? hay anh hoàn toàn không quan tâm đến họ?

Nam Dao: Thú thật trình độ tiếng Anh của tôi chỉ dùng vào việc chuyên môn và giao tiếp, nên tôi chưa nắm bắt được cái “hay’’ trong văn chương. Có đọc, tôi đọc tiếng Pháp, và cảm nhận được đôi phần văn chương Pháp, hoặc các bản dịch sang tiếng Pháp. Đấy, tôi bị giới hạn như thế. Nhưng xin qua một vấn đề khác, có dính líu đến câu anh hỏi. Mỗi ngôn ngữ ít nhất cũng là một “ngữ cảnh văn hoá”. Làm sao thơ tiếng Anh hay tiếng Pháp hay tiếng gì đi chăng nữa có thể ảnh hưởng lên việc sáng tác bằng tiếng Việt? Nếu có, ảnh hưởng ấy ở mức độ nào? Câu hỏi dĩ nhiên không chấp nhận cách trả lời kiểu “mỹ phẩm thì có tô lên mặt người Âu người Á cũng OK hết, miễn là đẹp (lại rất chủ quan về cái đẹp đấy)’’. Và câu hỏi lại càng cấp bách, nhức nhối khi ta đề cập đến sáng tác thơ, Chúa của ngôn ngữ, là lý tưởng để với tới của mọi thể loại dùng con chữ diễn tả và biểu hiện cái phần “hồn’’ khởi từ linh thức vi diệu và kỳ bí... Hiện nay, đọc nhiều bài thơ cách tân, tôi có cảm tưởng như đọc thơ dịch, khó vào lắm!

Nguyễn Đức Tùng: Riêng tôi thì tin chắc rằng sự tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các ngôn ngữ trên thế giới là rất lớn. Tuy nhiên ngôn ngữ thơ là một hiện tượng đặc biệt khác. Vậy xin anh nói thêm về vấn đề này.

Nam Dao: Thơ là gì, thơ và đến từ đâu? Câu trả lời, nếu có, tôi nghĩ không đến từ định nghĩa thơ mà là từ ý thức về cứu cánh của thơ nói riêng, của nghệ thuật nói chung. Đi tìm một định nghĩa phổ quát là bó chặt thơ vào một hệ thống qui luật. Nàng thơ vốn yêu tự do, không chịu đựng được những trói buộc, nhưng có lẽ vẫn độ lượng cười mỉm bảo chúng ta rằng bất cứ lời nào thăng hoa được kiếp nhân gian nàng đều trân trọng, chiu chắt. Như hình tượng tôi đã nguệch ngoạc ra, nhà thơ quậy lớp bùn vô thức và có cơ duyên nhặt được một cái gì lấp lánh của ánh sao rơi từ thưở thời gian chỉ là một chấm điểm khởi đi. Từ cái lấp lánh nhặt được, nhà thơ thốt lời như thế cách đem cái ánh sáng trở về bầu trời trên cao hun hút, với ước vọng trả lại cái lấp lánh cho vì sao xa xưa, hay kỳ diệu hơn, tạo ra một tinh tú mới. Khi những con người trên mặt đất nhìn lại được ánh lấp lánh kia trên trời, họ kêu lên, ô hay đẹp thế, thật thế... mà sao đến nay ta mới nhìn thấy. Thì hóa ra những ánh lấp lánh kia đã sẵn có trong tâm linh mọi người, và lời đánh thức cái đẹp, cái thật, cái tốt, kéo chúng từ trạng thái tiềm ẩn ra mặt trời cho sự sống nẩy hoa, là thơ. Nhân đây, tôi trích đoạn chương cuối của cuốn Bể dâu mà tôi vừa hoàn thành trong bộ tam tiểu thuyết lịch sử Đất trời-Gió lửa-Bể dâu. Đối thoại giữa một vị bác sĩ chữa bệnh “điên’’ cho một cựu chiến binh:

“... Và không thể kìm mình, tôi mặc cho nước mắt tôi đổ ra. Tôi cũng khóc, khóc cho hả. Dân ôm lấy vai tôi nức nở. Đám bác sĩ, y tá và bệnh nhân trong nhà thương ùa ra xem. Ai đời, anh bác sĩ trẻ ôm con bệnh của mình cùng khóc. Tôi cố nén:

‘Anh Dân ơi! Bây giờ ai cũng bảo là chúng mình cùng điên…’

Nhìn tôi, Dân đưa tay quệt mắt. Tôi nghẹn giọng :

‘Thế giới này điên, điên... điên đến độ kẻ tưởng mình không điên chính là người điên nhất!’

Dân mỉm cười. Một lúc sau, Dân nói, giọng độ lượng:

‘ Mặc, ai nói gì mặc ai! Vô tư đi thôi!’

Ngẫm nghĩ, Dân chậm rãi hỏi:

‘... nhưng cái gì cứu được chúng ta bây giờ, bác sĩ?’

‘Cái Đẹp! Tôi quả quyết.’

‘Có phải bác sĩ bảo là một trong ba cái Chân-Thiện-Mỹ?’

‘Không, tôi đáp, ba cái đó là một. Cái gì đúng, cái gì tốt, thì tự thân đều đẹp cả. Cái đẹp của Tâm Hồn... Một cái Đẹp toàn diện là thế! Thế giới chỉ có thể thay đổi bằng cái Đẹp ấy... Và chỉ cái Đẹp mới giữ được trí nhớ!’

‘Không, giữ trí nhớ là những trang sử, ai cũng nói vậy!’

Tôi lắc đầu, ngậm ngùi:

‘Sử do người chiến thắng viết, và họ chỉ nói già ra là một nửa sự thật. Còn nửa kia, dối trá cả, chẳng đáng tin. Bây giờ làm gì có người yêu sự thật lịch sử đến độ bị thiến như ông Tư Mã Thiên đâu!’

Dân ngẫm nghĩ, rồi khẩn khoản:

‘Tôi phải làm gì?’

Tôi buột miệng:

‘ Làm thơ…’

Dân bật cười:

‘Người điên làm thơ?’

Tôi nói, giọng chắc như đóng đinh:

‘Chứ sao! Điên làm thơ, thơ mới hay. Còn tỉnh, người ta làm tiền bằng đủ cách, cách hiển nhiên là chiếm chức trọng quyền cao. Bây giờ họ thế cả!’ ...’’

Đánh bạo thưa thốt dài lời như vậy, tôi vẫn hiểu rằng... Và cẩn thận kèm vào những điều vừa nói, theo thiển ý... thì rất chủ quan. Và mong được các bậc cao nhân thứ cho cái lỗi đánh trống qua cửa nhà sấm, vui lòng chỉ ra những bất cập.

Nguyễn Đức Tùng: Cám ơn anh Nam Dao về cuộc trò chuyện hào hứng và những tâm sự cảm động của anh. Trước khi tạm biệt vào dịp cuối năm cũ đầu năm mới, tôi xin chép tặng anh mấy câu thơ của Irving Layton, nhà thơ nổi tiếng Canada, rất có hương vị mùa xuân. Tôi chỉ chép đoạn mở đầu, vì bài thơ dài.

Who is that in the tall grasses singing
By herself near the water
I can not see her
But can it be her
Than whom the grasses so tall
Are taller,
My daughter,
My lovely daughter?

(Ai hát ngoài kia trong cỏ xa
Cỏ cao cao khuất. Chỉ lời ca
Vang bên bờ nước. Kìa ai đó?
Ai hát kia? ngoài con gái ta?)

Chúc anh một năm mới nhiều sức khỏe, may mắn, và có dịp gặp lại những người đẹp của anh.

31.12. 2006

© 2007 talawas

Di truyền thời… trộm cắp - Phạm Lưu Vũ

Phạm Lưu Vũ

Di truyền thời… trộm cắp

Ông anh họ tôi, mặt lúc nào cũng sưng húp như vừa bị đánh. Được cái hào hoa, quan hệ rộng, lại chuyên làm thơ hay. Một bận nghe anh đọc thơ, tôi bảo:

“Thơ mà đến như bác thì loài cú phải diệt chủng.”

“Thế nào là loài cú phải diệt chủng?” - Anh hỏi

“Nghĩa là không còn con cú nào sống sót. Như thế gọi là... tuyệt cú” - Tôi trả lời.

Lẩn mẩn thế nào anh lại bỏ ngang thơ, đi học tiến sĩ. Thấy thế, tôi lại bảo:

"Thơ bác bây giờ mới đạt đến tuyệt tác”.

"Thế nào là tuyệt tác?" - Anh lại hỏi.

"Nghĩa là bác đã... tuyệt đường sáng tác, bác không ‘tác’ thơ nữa" - Tôi trả lời.

Nhưng cũng phải ngoài năm mươi tuổi, anh mới đỗ tiến sĩ. Bấy giờ lại sinh chứng rầu rĩ, mặt lúc nào cũng như người vừa bị mất của. Gặp tôi, anh túm lấy khóc hu hu. Ngạc nhiên quá, tôi hỏi:

"Bác đã đậu đến tiến sĩ, đời này thế là hiếm lắm, cả nước may ra mới được... vài chục triệu, phải sướng mới đúng. Sao lại khóc lóc thế này?"

Vị tân tiến sĩ già lau nước mắt, vừa sụt sịt, vừa kể lể:

"Chính thế mới vừa đau, vừa tiếc đấy chú ơi. Chú xem. Ở đời quý nhất là di truyền lại được cái giỏi giang, sành sõi của mình cho con cái. Thế mà tôi có ba thằng con giai, lại trót đẻ trước cả mất rồi, đẻ từ cái hồi tôi còn ngu lắm. Bây giờ mình thành tiến sĩ, dẫu có giỏi, có thông minh ra mấy cũng không còn cơ hội di truyền lại cho con nữa. Cái gien di truyền đang nằm trong người chúng lại là cái gien ngu của tôi ngày trước. Giá bây giờ hẵng đẻ chúng ra, có phải chúng được thừa hưởng cái gien tiến sĩ này hay không?"

Té ra vị tiến sĩ của tôi “nhiễm” Tây học nặng quá. Tôi nghĩ hay là đem thuyết di truyền của phương Đông ra trình bày thử xem. Bèn bảo:

"Thế bác không biết câu chuyện tuyệt giáo ngày trước hay sao?"

"Cái gì là tuyệt giáo?, tôi chưa nghe thấy bao giờ." - Vị tiến sĩ trố mắt.

Tôi bèn kể chuyện “tuyệt giáo” cho tiến sĩ nghe. Đầu đuôi câu chuyện như sau:

Có một ông thầy giỏi bách nghệ. Nghề nào cũng đạt tới chỗ tinh tuý, thâm diệu không ai lường được. Từ những nghề vặt vãnh, tầm thường như làm ruộng, làm nhà, đến những nghề khó nhọc, cao quý như làm thầy, làm quan, cả những nghề viết sách, viết sử, làm thơ, đi buôn, làm ra âm nhạc... Ai cũng tưởng những nghề ấy tồn tại trong thiên hạ là chuyện bình thường, đời nào chẳng có. Thế mà qua kiến thức của ông thầy, mới biết nghề nào cũng có chỗ cao thâm, tinh diệu của nó. Người ta sống ở đời, biết việc gì, làm nghề gì, cứ tưởng đến thế thì thôi, gặp chăng hay chớ. Nhưng nếu biết được cái chỗ tinh diệu cuối cùng của nghề nghiệp, thì bất cứ nghề nào cũng mang lại hiệu quả không thể đo đếm nổi. Ví dụ nghề làm ruộng chẳng hạn. Đừng có tưởng nghề này đơn giản, chỉ dành cho những kẻ chân cu bụng bị. Làm ruộng mà đạt tới mức thâm diệu thì nhàn nhã như thể thóc lúa tự tìm về nhà, gọi là làm ruộng như thần. Hay là nghề làm thơ. Những kẻ làm thơ mà nhăn trán cau mày, vò tóc bứt tai rồi chân cẳng múa may, mồm ngâm ông ổng là làm thơ hạng xoàng. Làm thơ mà đạt tới trình độ thâm diệu thì nhàn nhã như không, nhìn cái gì cũng ra thơ, làm nhảm cũng thành thơ, ngủ mê cũng thành thơ...

Ông thầy đi khắp thiên hạ để truyền nghề, ai thích nghề gì truyền nghề ấy. Có người chỉ học được một phần, có người học được ba bẩy phần. Cũng có người học đến hết sách, nghĩa là đạt tới cái chỗ tinh tuý cuối cùng của nghề nghiệp. Nhưng lạ một điều, bất cứ ông dạy nghề gì, những kẻ học được ít thì không nói, hễ kẻ nào học đến cái chỗ cuối cùng ấy thì thay vì hành nghề cho tử tế, lại xoay sang... ăn cắp. Giỏi nghề nào, ăn cắp kiểu nghề ấy. Cứ gọi là muôn hình vạn trạng, ăn cắp từ thô thiển đến tinh vi, từ ngẫu hứng đến bài bản, ăn cắp từ tiền bạc, của cải đến cả ý nghĩ của người khác, thậm chí ăn cắp vặt... Trăm người như một, nếu chưa học được đến tận cùng thì còn tử tế đàng hoàng, hễ cứ học đến hết sách là y như rằng lại biến thành... kẻ cắp.

Hiện tượng này các nhà Đức giả gọi là “thoái hoá” hay “biến chất” gì đấy. Nó đúng trong mọi trường hợp, nó không chừa một hạng người nào. Nó làm cho ông thầy thất vọng lắm. Chẳng lẽ đi truyền nghề hoá ra lại gieo rắc kẻ cắp khắp thiên hạ. Từ đó ông thề không dạy đến hết nghề nữa. Gặp ai ông cũng chỉ dạy có chừng có mực, dạy cho thạo việc thì thôi. Nghề nào cũng vậy, dù kẻ theo học có giỏi đến đâu, ông cũng giữ lại cái chỗ thâm diệu cuối cùng của nó mà không truyền cho nữa. Nhưng oái oăm thay cái nghiệp làm thầy, biết trò giỏi mà không được truyền cho đến hết nghề thì không đau đớn nào bằng. Ông thầy luôn phải day dứt, vật vã giữa hai ngả, nghiệp làm thầy và trách nhiệm với cuộc đời như thế.

Bấy giờ có một vị học trò giỏi lắm, đã theo học ông thầy suốt ba chục năm trời, nay đã ngoài sáu mươi tuổi, con cháu đầy đàn. Không biết học phải nghề gì, chỉ biết rằng trình độ đã gần đạt tới cái chỗ cuối cùng, tinh vi của nghề ấy. Tất nhiên ông thầy kiên quyết giữ lại, không truyền hết cho nữa. Bất ngờ người học trò mắc phải bạo bệnh, lên cơn hấp hối, sắp ngoẻo đến nơi. Ông ta chết mà có nguy cơ không nhắm được mắt, vì vẫn tiếc là chưa được thầy truyền đến hết nghề cho mình. Thật là một tinh thần ham học hiếm có. Con cháu vị học trò kéo đến van ông thầy rủ lòng thương. Ông thầy nghĩ đến tình nghĩa thầy trò, vả lại vị học trò cũng sắp toi rồi, có truyền hết nghề cho thì chắc cũng chẳng sao, làm gì còn cơ hội mà trở thành kẻ cắp nữa. Bèn tạm gác lời thề, đến ghé tai người học trò già, thì thầm truyền nốt cái bài cuối cùng ấy. Vị học trò lúc này đã chỉ còn thở hắt ra, vậy mà vẫn tỏ ra sung sướng, mãn nguyện khi nghe thầy giảng, ánh mắt vẫn sáng lên những tia sáng cuối cùng. Bài học vừa kết thúc, thì cũng là lúc vị học trò lìa khỏi cõi trần, mang theo cả cái tinh tuý nghề nghiệp vừa học được về nơi chín suối.

Ông thầy sau lần được truyền hết nghề cho vị học trò kia thì khoan khoái như giải được nỗi niềm ấm ách bấy lâu. Lại yên chí rằng không phải vì việc ấy mà thiên hạ sinh thêm một kẻ ăn cắp. Ông vẫn tiếp tục đi khắp nơi để truyền đủ các loại nghề. Tất nhiên lời thề không truyền cái bài học cuối cùng thì ông vẫn giữ. Bất ngờ một thời gian sau, vị học trò kia không biết đã mồ yên mả đẹp cỡ nào, mà từ đó, đám con cháu ông ta lại nhất loạt chuyển sang... ăn cắp. Ăn cắp nổi tiếng cả một vùng, ăn cắp y như những kẻ cũng được ông thầy truyền hết nghề trước kia. Chẳng những thế, cái sự ăn cắp của đám con cháu nhà này còn tỏ ra... có mả hẳn hoi. Chúng không những chỉ ăn cắp được của cải ở đời này, mà còn ăn cắp tận mấy đời sau, không những chỉ ăn cắp của một vài nhà, mà còn ăn cắp của rất nhiều nhà... Không nghi ngờ gì nữa, chung quy cũng tại cái bài học cuối cùng kia. Ông thầy đã tính toán sai, cứ tưởng truyền hết nghề cho một kẻ sắp chết, thì kẻ đó dù có muốn biến thành kẻ cắp cũng không còn cơ hội nữa. Ai ngờ xuống dưới mả rồi mà nó vẫn truyền lại được cho con cháu, để rồi sinh ra cả một ổ ăn cắp tuyệt đỉnh thế này... Khỏi phải nói ông thầy tuyệt vọng, đau đớn biết chừng nào. Từ đó ông đóng cửa nằm nhà, treo bảng viết hai chữ “tuyệt giáo” ngay trước ngõ, thề từ nay không dạy cho bất cứ ai nữa.

Vị tiến sĩ nghe tôi kể đến đây, mặt vẫn có vẻ băn khoăn chưa thỏa mãn. Tôi bèn kết luận:

"Di truyền bằng cái gien mà bác lo ấy là của Tây học, người ta nhìn bằng kính hiển vi. Còn cái thứ di truyền bằng mồ mả, bằng hồn vía này là thuyết của phương Đông, khoa học không giải thích được, kính hiển vi làm sao nhìn ra nổi. Bác thấy đấy. Người ta xuống mả rồi mà vẫn còn di truyền lại được cho con cháu cái nghề ăn cắp tuyệt đỉnh khôn ngoan, đời đời kính nể ấy. Huống chi bác còn sống lâu chán, lo gì..."



© 2007 talawas

Thi ca xứ này -Trần Ngọc Cư

Trần Ngọc Cư

Thi ca xứ này

Chúng ta thường nghĩ rằng ở trong mỗi tâm hồn Việt Nam đều có một thi sĩ, hay nói cách khác, người Việt Nam sinh ra và lớn lên trong bầu khí văn hoá ra-ngõ-gặp-thi-nhân. Đầu đời là những câu ca dao mẹ hát ru con, cuối đời là câu kinh tiếng kệ, những lời nguyện cầu, đều là thơ cả. Làm thơ và thưởng thức thơ là một sinh hoạt trí thức phổ biến trong nếp sống văn hóa Việt Nam. Người Việt ta khi ra định cư ở nước ngoài cũng mang theo ít nhiều hành trang văn hoá này, mặc dầu hiện nay lòng yêu thích thi ca chỉ còn được biểu hiện rõ nét ở những người lớn tuổi, nói chung là những người khi rời quê hương cũng đã được trang bị một ít vốn liếng Việt văn, tiếp thu được từ chương trình trung học, khả dĩ cảm nhận thấm thía khi nghe câu hát "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời..." của nhạc sĩ Phạm Duy. Nhan nhản trong các tạp chí bày bán hoặc tặng biếu ở các khu thương mại hoặc trên các báo điện tử của người Việt đều có trang thơ. Trong các cộng đồng người Việt rải rác trên đất Mỹ, nếu chịu tò mò một chút chúng ta cũng có thể phát hiện một số hội thơ. Nắm bắt được tấm thịnh tình người Việt dành cho thi ca, Bill Clinton đã chịu khó soạn bài trước khi sang thăm nước ta vào năm 2000 và ông đã nhắc đến nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong một bài diễn văn đọc trong chuyến công du này.

Với tình yêu thi ca của một tâm hồn Việt Nam, liệu chúng ta có thể "suy bụng ta ra bụng người" được không? Trong bài này chúng tôi sẽ điểm qua tình hình thi ca hiện nay tại Mỹ, hay đặt vấn đề một cách khác: Người Mỹ có còn thích đọc thơ hay không?

Nói ra thì nghe thật bẽ bàng, nhưng đối với người Mỹ, dù là người ở ngoài đường phố hay là một trí thức chuyên gia, thi ca là một loại hình văn chương đang trên đường đi tới chỗ diệt vong. Nàng Thơ đang vào cõi chết, nhưng chẳng mấy ai “sẵn mối động tâm”. Khó mà tưởng tượng được người Mỹ có thể sống trong một thế giới không có phim ảnh, kịch nghệ, hài, tiểu thuyết và âm nhạc; nhưng nếu phải ở trong một thế giới thiếu vắng thi ca thì họ vẫn điềm nhiên theo đuổi hạnh phúc trần thế, chẳng có gì băn khoăn thắc mắc. Sau khi rời ghế nhà trường, là nơi bị cưỡng chế phải học thơ văn, cả hàng chục năm trong cuộc đời trưởng thành của một người Mỹ chưa chắc đã có mấy ai chịu cầm lấy một tập thơ hay một bài thơ để “thưởng thức”. Họ ngại phải động não để giải mã những biểu tượng (symbols) hay ám từ (allusion) rải rác trong một bài thơ. Từ người lao động đến các nhà khoa bảng, chẳng mấy ai có đủ tự tin để kể được tên một thi sĩ lớn hiện đang còn sống, mặc dù ai cũng có thể nói vanh vách tên các cầu thủ, các tài tử điện ảnh, các tỉ phú, các tiểu thuyết gia mà họ hâm mộ. Trong phép ứng xử với giới trẻ, ta lại càng không nên đem thi ca ra mà luận bàn với họ. Xin đừng vội nghĩ người Mỹ không thích đọc sách, mà nên nghĩ ngược lại. Trên ghế đá công viên, trên máy bay, trên các phương tiện di chuyển công cộng, số người có quyển sách trên tay vẫn là con số đáng kể. (Mỗi lần đi xa bằng phương tiện máy bay hay xe lửa, tôi luôn luôn có ấn tượng về không khí yên ắng chung quanh, trong đó đa số hành khách chăm chú đọc sách chứ không chuyện trò trao đổi ồn ào với người ngồi bên cạnh.) Trong tuần báo Newsweek, số ra ngày 5 tháng 5, 2003, Bruce Hexter đã bày tỏ nỗi bức xúc với các nhà thơ: "Là một người đam mê đọc sách, tôi thậm ghét việc đọc thơ. Mỗi lần phải cày qua các ngụ từ, các biểu tượng [trong một bài thơ] là một lần tôi lại thắc mắc là tại sao các ông thi sĩ mắc dịch (the damn poets) không nói huỵch toẹt cái điều họ muốn nói ra.”

Sự chuyển biến trong đời sống văn hóa của xã hội Mỹ trong mấy thập niên qua không có gì thuận lợi cho thi ca. Đã xa rồi cái thời người ta trải chiếu hoa cho các nhà thơ. Hình ảnh thi sĩ Robert Frost được mời đọc thơ trong ngày John F. Kennedy nhậm chức Tổng thống đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của nỗ lực "chiêu hiền đãi sĩ," xiển dương văn hóa, khoa học kỹ thuật, hướng về một “tân biên cương”, qui tụ dưới trướng cuả mình những "bộ óc ưu việt" (“the best and the brightest"). Người Mỹ thường gọi thời kỳ của Kennedy là Camelot, theo tên triều đình Camelot của vua Arthur trong huyền sử nước Anh, với thẩm mỹ và giác ngộ trí tuệ được đề cao và lý tưởng hoá. (Thi ca được coi là một loại hình nghệ thuật đòi hỏi sự vận dụng của một tri thức tổng hợp, theo đó người thưởng thức thi ca phải có trình độ nắm bắt những biểu tượng, hiểu được các điển tích, ngụ từ, nhằm giải mã thông điệp của một bài thơ.)

Nhưng bước qua hai thập niên 70 và 80, văn hoá Mỹ trở nên chân phương (prosaic) hẳn ra so với thời kỳ hào nhoáng và đỏm dáng của J. F. Kennedy. Tính hàm hồ, phức tạp và nghịch lý bị thất sủng; trong khi sự trong sáng giản dị được đề cao trong lãnh vực truyền thông. Đây là thời kỳ mà văn hoá Mỹ ôm lấy nghĩa đen hơn là chạy theo nghĩa bóng (the literalization of America). Người ta đâm ra dị ứng với quan niệm “ý tại ngôn ngoại, ý tưởng nằm ngoài ngôn ngữ,” một thuộc tính của thi ca mà trước đây từng được nhiều nhà thơ raogiảng. Như ý kiến của William Butler Yeats (1965-1939), “Những gì có thể giải thích thì không còn là thi ca” (What can be explained is not poetry) hay phát biểu của Archibald MacLeish (1892-1982), “Một bài thơ phải không có lời/ Như là đường bay của chim" (A poem should be wordless/ As the flight of birds). Lối tư duy này của thi ca không phục vụ cho yêu cầu truyền thông đại chúng. Không mấy chính trị gia trong thời kỳ này còn trích dẫn thơ của các thi sĩ đương thời trong diễn văn của mình và một thiểu số rất nhỏ các thi sĩ thành danh cũng dần dần khuất núi hay vắng bóng trên văn đàn. Thật ra thập niên 60 đã chứng kiến sự ra đi của ba nhà thơ lớn là Robert Frost (1874-1963), Carl Sandburg (1878-1967) và Langston Hughes (1921-1967); tiếng chuông chiêu hồn của những vị này cũng là hồi chuông báo tử cho thi ca Mỹ.

Vào khoảng thập niên 90, Nàng Thơ coi như đã trút xong hơi thở cuối cùng trên xứ Cờ Hoa. Độc giả yêu thơ, như phần lớn người Việt ta, chắc sẽ bàng hoàng và cho đây là một phát biểu ngoa ngụy. Dẫu nói thế nào đi nữa, không ai có thể bắt người khác phải tin vào một điều gì mà không cần thực chứng. Thực chứng đó là: trong các loại hình văn học nghệ thuật hiện nay ở Mỹ, thi ca có lẽ là loại hình có số người viết vượt quá xa số người chịu bỏ thì giờ ra để đọc. Có lẽ bất cứ ai cũng viết được một bài thơ "con cóc". Nhưng muốn thưởng thức một bài thơ hay, như đã trình bày ở trên, người đọc phải có một trình độ tri thức tổng hợp và phải có đủ đam mê. Trong thời đại thông tin internet này, không ai có đủ kiên trì để ngồi đọc một bài thơ đến hàng chục lần trước khi âm điệu thấm vào cảm quan và ý nghĩa đi vào tâm thức. Không ai muốn những con chữ đến với mình như nước đổ lá môn; người ta đòi hỏi ý nghĩa một bài thơ phải triển khai mạch lạc, vừa rõ ràng vừa nhanh nhạy. Người đọc muốn một thể văn có tính tự sự (narrative-driven), một loại hình nghệ thuật tự lập (stand-alone art), không đòi hỏi người thưởng ngọan phải có trình độ để nắm bắt một văn cảnh quá rộng lớn như thi ca.

Cuộc sống ngày càng đa dạng và con người bị phân tán mỏng bởi nhiều lực hấp dẫn khác nhau, ngay cả trong sinh hoạt văn nghệ. Điện ảnh, âm nhạc, tiểu thuyết, kịch nghệ, thông tin internet và sự nở rộ các phương tiện truyền thông bằng văn nói đã giành mất chỗ đứng của thi ca. Đối với tuyệt đại đa số độc giả Mỹ, có lẽ thi ca đã làm xong vai trò lịch sử của nó và đang đi vào màn đêm của dĩ vãng. Thi ca được thiết kế cho một thời đại trong đó người ta có đủ nhàn tản và đam mê để trau chuốt, nâng niu, nhâm nhi từng con chữ, mà nhiên hậu đã đưa nghệ thuật này đến dạng thức cao nhất của văn viết. "Thi ca là nghệ thuật lựa chọn và sắp đặt những biểu tượng theo một cách thế có thể kích thích trí tưởng tượng mạnh mẽ và kỳ thú nhất", như William Current Bryant đã nói. Thi ca trên hết là nơi tập trung sức mạnh của ngôn ngữ, có khả năng diễn đạt mối quan hệ thiết tha nhất giữa nội tâm và ngoại giới. Nếu đọc những bài thơ giá trị được viết ra trong thời vàng son của thi ca, nhiều người vẫn cảm nhận sức mạnh đích thực của thi ca - những bài thơ có khả năng đánh động tim óc của người đọc trong những cách thế mà các nhà làm phim hiện nay chỉ biết mơ tưởng mà thôi. Thi ca là phương tiện chuyển tải con người đến những tầng cao của cảm thức, cao hơn bất cứ một loại hình nghệ thuật nào có thể làm được trong chức năng này. Nhưng chính trên đỉnh cao, thi ca trở nên cô đơn và đánh mất người thưởng thức, vì thi ca đòi hỏi quá nhiều ở người làm thơ cũng như người đọc thơ.

Nàng Thơ (Mỹ) đã chết, nhưng chẳng phải là với “cảnh hương tàn bàn lạnh” đâu. Trong môn văn ở trung học vẫn còn một mục mà học sinh không mấy ưa, đó là thi ca. Trong văn giới vẫn còn lác đác một số nỗ lực, dù vô vọng, nhằm giành lại chỗ đứng cho thi ca trên bầu trời nghệ thuật Mỹ. Tháng 11 năm 2003 bà tỉ phú Ruth Lilly, 87 tuổi, người thừa hưởng gia tài kếch sù của nhà đại tư bản ngành dược Eli Lilly, đã làm một nghĩa cử vô tiền khoáng hậu là trao tặng 100 triệu đô-la cho nguyệt san Thi Ca (Poetry Magazine), một tờ báo có uy tín nhưng đã từ chối đăng thơ của bà suốt nhiều năm. Nhưng bà không lấy đó làm điều, mục đích của bà là phục sinh một loại hình nghệ thuật đã mất hậu thuẫn và sự quan tâm của quần chúng. Trước khi có được quà tặng này, tờ báo trả nhuận bút mỗi dòng thơ được đăng là 2 đô-la, dù tác giả là một nhà thơ từng được giải Nobel đi nữa. Sự thù lao này quả đã phản ánh lời than thở của thi sĩ Tản Đà ở đầu thế kỷ trước, "Văn chương hạ giới rẻ như bèo." Dù có những tấm lòng vàng như bà Lilly, nhưng không mấy ai tin tưởng tiền bạc có thể thay đổi bộ mặt của một loại hình nghệ thuật không đáp ứng yêu cầu thưởng thức của đại chúng.

Trần Ngọc Cư
12/2006
© 2006 talawas